Ngày 25-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:17 25/09/2019

44. Để trở thành người của Đức Chúa Giê-su thì cần phải trở nên bé nhỏ, vả lại nhỏ như hạt sương móc vậy.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:19 25/09/2019
22. “HIẾU KINH” LUI BINH

Năm cuối thời Đông Hán đảng khăn vàng khởi nghĩa. Hướng Hủ hiến kế cho triều đình, nói:

- “Tôi có một kế không cần phải dấy binh cũng khiến cho đảng khăn vàng lui binh”.

Có người hỏi:

- “Kế ấy ra sao xin nói mau cho”.

Hướng Hủ trả lời:

- “Chỉ cần phái người đến bên sông Hoàng Hà, mặt hướng về phía bắc đọc “hiếu kinh”, binh nước Kim tự nhiên lui”.

Có người hỏi lại:

- “Ngài nói như thế có gì làm chứng cớ ?”

Hướng Hủ cười nói:

- “Lẽ nào ngài không nghe qua sao ? Triệu Phổ chỉ dùng có nửa bộ (luận ngữ) thì định cả thiên hạ, huống gì là cả một bộ “hiếu kinh” lại không thể làm lui đảng khăn vàng sao ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 22:

Có một vài người Ki-tô hữu thường xuyên đi tham dự thánh lễ ngày thứ sáu đầu tháng để được Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su chúc phúc lành, còn những ngày khác trong tuần thì họ nằm…phơi râu hoặc nhậu nhẹt với bạn bè hàng xóm, dù cho vợ con hay cha mẹ nhắc nhở, dù cho nhà thờ sát bên nách, họ tưởng rằng chỉ cần đi tham dự một thánh lễ thứ sáu đầu tháng là được lên thiên đàng ngay tức khắc mà không cần phải hy sinh đền tội, không cần phải lãnh nhận thường xuyên các bí tích..

Thứ Sáu đầu tháng hay là bất cứ lời hứa nào của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a là một phần thưởng mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta vì lòng thương xót của Ngài, để chúng ta càng thêm tin tưởng và yêu mến Thánh Tâm của Chúa hơn, chứ không phải là gia tăng sự lười biếng và ỷ lại nơi chúng ta, bởi vì có một điều chắc chắn là sẽ không có một người lười biếng nào vào được thiên đàng…

Chỉ cần một nửa bộ “luận ngữ” của Khổng tử mà bình được cả thiên hạ, nhưng muốn được sự sống đời đời trong Nước Trời thì phải cần toàn bộ đời sống bác ái yêu thương và tuân giữ Lời Chúa nơi chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 26 Mùa Quanh Năm C 29.9.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:22 25/09/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chủ đề của các bài đọc hôm nay hướng cộng đoàn tín hữu về tuơng lai đời sau theo tinh thần Chúa dạy. Nếu chúng ta biết coi thường danh, lợi, thú, mà sống tinh thần Chúa dạy thì hạnh phúc sau nầy sẽ thật tuyệt vời.

Đời sống của người tín hữu đúng nghĩa là người luôn biết chia sẻ hơn là chiếm hữu cho bản thân. Đa số trong chúng ta phải vật lộn với đời, với nghề nghiệp, trao đổi biết mồ hôi, thời giờ và có khi cả nưóc mắt nữa mớ có một cuộc sống khá tương đối..

Nhìn vào gương người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay và người ăn xin ngồi chờ những mẩu bánh vụn từ bàn ăn của người phú hộ rơi xuống, chúng ta hãy tưởng tượng còn biết bao Lazarô trên thế giới cũng đang chờ lòng hảo tâm của từng ngưòi trong chúng ta là những người may mắn hơn họ trng kiếp sống làm người như họ.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Amos kết án những người giau sang thời của ông, Chúa đã phạt họ vì những sự phú quý thừa thãi trong những yến tiệc linh đình của họ.

TRƯỚC BÀI II:
Chúng ta mang trên người nhãn hiệu Kitô hữu - những ngưòi có Chúa Kitô trong mình thì phải sống Tin Mừng Đức Kitô rao giảng cách trung thành.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Câu chuyện người phú hộ với người ăn mày, được thánh sử Luca trình bày cách độc đáo. Hãy đón nhận đoạn Tin Mừng nầy và áp dụng vào cuộc sống cách cụ thể.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cầu xin Chúa, qua sự quảng đại của nhiều người, nhiều quốc gia giàu tài nguyên, trong xứ sở của họ, giúp đỡ những ngưòi nghèo đói kém may mắn trên thế giới hiện nay:

1. Xin cho các quốc gia có điều kiện về thực phẩm, tài nguyên trên thế giới, biết dung những gì Chúa ban cứu trợ những quốc gia nghèo đói trên thế giới. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta với tâm hồn quảng đại, biết chia sẻ của cải vật chất trong tình tương thân tương ái với tha nhân. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta biết xử dụng của cải đời nầy, trong cách tiêu xài, ăn uống nơi gia đình trong tinh thần luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Vì qua báo chí, truyền thanh truyền hình, chúng ta thấy còn quá nhiều Lazarô nghèo đói, đang cần chúng ta chia sẻ những hồng ân mà chúng ta may mắn hơn họ. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho giới trẻ; luôn ý thức trong cách tiêu xài hằng ngày, bằng một cuộc sống giản dị và luôn nghĩ đến tha nhân. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, đặc biệt những người có cuộc sống kém may mắn khi ở trần gian, giờ đây hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong nhà Chúa muôn đời.
Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Xin cho chúng con biết đón nhận sứ điệp của Chúa gởi đế chúng con hôm nay. Với tinh thần tông đồ, chúng con đem áp dụng Tin Mừng của Chúa vào cuộc sống hằng ngày.Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Vô cảm với nguời nghèo là một tội ác
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
17:44 25/09/2019
Chúa Nhật XXVI Thường Niên C
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

Mùa hè năm 2016, nhiều trang mạng đăng tải hình ảnh thương tâm của một bệnh nhân ở Sơn La chết, vì quá nghèo nên người nhà phải bó chiếu chở xe máy về quê. Hình ảnh đó khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có ai đó đã tài khéo ghép tượng đài Hồ Chí Minh 1.400 tỷ ở tỉnh Sơn La với cảnh “người chết bó chiếu.” Bức ảnh này phản ảnh thực trạng bất công của xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội mà người ta có thể xây dựng “những tượng đài nghìn tỷ, nhưng sinh mạng con người thì như chiếc móng tay” (Cô giáo Trần Thị Lam).

1- Số phận nhà phú hộ và Ladarô

Bức ảnh trên cũng có gì đó tương tự với dụ ngôn về nhà phú hộ và anh Ladarô được Chúa Giêsu kể hôm nay. Hai nhân vật có cuộc sống hoàn toàn tương phản: nhà phú hộ thì một đời “lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình,” còn Ladarô thì một đời nghèo khó, mình đầy mụt nhọt, khố rách áo ôm, ăn mày trước cửa đại gia. Tuy nhiên, số phận của hai người bị đảo ngược sau cái chết: nhà phú hộ phải chịu kiếp trầm luân; còn Ladarô được vào lòng Ápbraham hưởng hạnh phúc đời đời.

Dụ ngôn này được xếp vào loại “dụ ngôn nói về khủng hoảng đạo đức” trong xã hội. Trong đó, sự bất công, hố sâu phân cách giữa người giàu và người nghèo là quá lớn mà hậu quả người nghèo bao giờ cũng là những nạn nhân của xã hội. Thánh Luca muốn hướng tới một cuộc hoán cải bên trong để thay đổi cấu trúc xã hội nhằm mang lại sự bình đẳng cho con người. Chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của dụ ngôn. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý muốn nói rằng: tất cả mọi người giàu có đều bị kết án và đáng phạt trong hỏa ngục, còn tất cả những ai nghèo khó thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Chúa Giêsu cũng không lên án của cải và sự giàu có. Kitô giáo không cổ xúy cho sự bần cùng hóa con người và kết án những ai giàu có trong xã hội.

Trái lại, như chúng ta biết, của cải tự thân là ân sủng Chúa ban để giúp chúng ta sống đúng nhân phẩm của mình. Triết gia Công Giáo Blaise Pascal nói đến ba bậc của sự cao cả trong cuộc sống: bậc I thuộc giá trị vật chất và thể lý: của cải, sức khỏe, sắc đẹp tự thân nó có một giá trị không ai phủ nhận, ai cũng mong ước. Bậc II thuộc giá trị tài năng mà các nhà tư tưởng, các nghệ nhân, các thiên tài nắm giữ... tài năng họ khiến mọi người nể phục và ước ao. Nhưng đó chưa phải là bậc cao nhất. Bậc III thuộc giá trị tình yêu và ân sủng. Đây là bậc cao nhất, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo không thêm không bớt gì nơi một vị thánh. Thánh thiện cao cả hơn tài năng và giàu có, khỏe mạnh.

Chúa Giêsu không lên án của cải vật chất và tài năng, nhưng Người tiếp nối truyền thống các tiên tri, lên án thái độ của những người chỉ biết hưởng thụ ích kỷ nhưng lại dửng dưng, vô cảm đối với người nghèo. Đó là một tội ác.

Trong bài đọc I, tiên tri Amốt lên án những người chỉ biết hưởng thụ, xa hoa mà không biết thương xót những người khốn khổ và tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho họ.
Trong dụ ngôn, người phú hộ bị trầm luân không phải vì một tội nào như tham nhũng, buôn lậu, hay bóc lột. Nhưng vì ông đã dửng dưng vô cảm đối với Ladarô nghèo khó. Như thế, dụ ngôn muốn gửi tới chúng ta thông điệp: Cuối cùng, Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên những gì chúng ta thực thi cho người nghèo khó. Điều này được Tin Mừng thánh Mátthêu làm rõ trong tường thuật về ngày phán xét chung (Mt 25,35-45): “Những gì các ngươi làm cho những người bé mọn nhất, là các người làm cho chính Ta.”

Theo nghĩa này, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Không chia sớt của cải cho người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải là của riêng chúng ta, mà là của họ” (trích lại trong Evangelii Gaudium, số 57).

2- Người giàu và người nghèo hôm nay

Câu chuyện người phú hộ và anh Ladarô nghèo cho phép chúng ta liên tưởng đến bức tranh toàn cảnh thế giới hôm nay. Có lẽ hơn bao giờ hết, con người ngày nay có nhiều của cải vật chất, nhưng lại thiếu tình thương liên đới với nhau, của cải chỉ tập trung vào một số nước và một số người. Cơ chế kinh tế thị trường hôm nay càng tạo ra hố sâu ngăn cách ngày càng sâu giữa nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Chúng ta chứng kiến cảnh những ngôi nhà chọc trời bên cạnh những khu nhà ổ chuột và những người khố rách áo ôm, buôn thúng bán mẹt; cảnh những đại gia chi tiêu hàng chục triệu mua một chai rượu cho một bữa tiệc, trong khi đó có biết bao người ngày hai bữa ăn cũng không có; cảnh các quan chức có những cái bắt tay hàng tỷ bạc, trong khi có rất nhiều người đổ mồ hôi sôi nước mắt suốt ngày mà không đủ sống.

Nguyên nhân của sự bất công, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo là do sự ích kỷ, vô cảm và tệ nạn tham nhũng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng về “thái độ vô cảm toàn cầu” này, đó là thái độ vô cảm vô can trước đau khổ và khó khăn của tha nhân. Giáo Hội chọn đứng về phía người nghèo để bênh vực và đồng hành với họ.

Sống trong một xã hội như thế, dụ ngôn hôm nay như lời thức tỉnh lương tâm ngái ngủ chúng ta trước thảm cảnh nghèo đói. Chúng ta được mời gọi cởi mở tâm hồn đối với những ai đau khổ, nghèo đói, bị thương tổn để giúp đỡ họ. Chúng ta hãy để cho dụ ngôn này đào luyện lương tâm mình để chúng ta có những cảm thức và nhạy bén với nỗi thống khổ của người nghèo giống Chúa Giêsu, cũng như biết đứng về phía họ để phục vụ theo đức ái Kitô giáo. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/



 
Yêu thương là truyền giáo
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
17:46 25/09/2019
Chúa Nhật XXVI Thường Niên C
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô dành cho Timôthê và cả cho chúng ta những lời khuyên từ đáy lòng ngài. Trên hết mọi sự, thánh Phaolô khuyên “phải tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách” (1 Tm 6,14). Ngài chỉ nói về một giới răn. Điều này có nghĩa là ngài muốn chúng ta phải tập trung vào điều chính yếu của đức tin. Mọi điều khác xoay xung quanh tâm điểm này, đó là lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua: “Chúa Giêsu sống lại, Người yêu mến và hiến mình cho bạn.” Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Chúng ta hãy loan báo về sứ điệp tình yêu mới mẻ này: “Chúa Giêsu thực sự yêu mến bạn. Bạn hãy dành cho Người cơ hội để yêu bạn. Người không thất vọng về bạn dù bạn có những bất toàn.”

Giới răn mà thánh Phaolô đang nói ở đây là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Khi yêu thương nhau, chúng ta sẽ loan báo cho thế giới biết Thiên Chúa là tình yêu, không phải nhờ sức mạnh của tài hùng biện, càng không phải do việc áp đặt chân lý, hay tuân giữ tốt các luật đạo đức, nhưng là nhờ đời sống bác ái đối với tha nhân. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa nhờ việc gặp gỡ tha nhân, bằng sự quan tâm, tận tụi, đồng hành và lắng nghe họ để phục vụ. Bởi vì Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, nhưng là một Ngôi Vị sống động: sứ điệp của Người được truyền bá nhờ chứng tá khiêm tốn và phục vụ, nhờ việc lắng nghe và hiếu khách, với niềm vui lan tỏa ra bên ngoài. Chúng ta không thể làm chứng một cách hiệu quả về Chúa Giêsu khi chúng ta mang một khuôn mặt buồn rầu, ảm đạm; chúng ta không thể chuyển tải vẻ đẹp của Thiên Chúa chỉ với những lời nói suông hay chỉ nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa bằng việc thể hiện tình yêu Tin Mừng trong giây phút hiện tại đối với mọi người, bằng những cách thế mới, nhiệt tâm mới và phương pháp mới.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật này giúp chúng ta hiểu bác ái là gì và nhất là tránh những thái độ vô cảm và vô can đối với người nghèo. Trong dụ ngôn, nhà phú hộ đã không để ý gì tới Ladarô, một người nghèo ở trước cổng nhà ông (Lc 16,20). Dụ ngôn không nói nhà phú hộ này đã thực sự phạm tội gì đối với mọi người, không có gì để nói rằng ông ta là một người xấu. Nhưng ông có một căn bệnh lớn hơn cả căn bệnh của Ladarô, người “ghẻ chốc đầy mình,” đó là căn bệnh mù lòa, vì ông không nhìn thấy gì khác ngoài thế giới của ông, thế giới của “ngày ngày yến tiệc linh đình và lụa là gấm vóc.” Ông không nhìn thấy ngoài cửa nhà mình có Ladarô đang nằm ở đó, những gì xảy ra ở ngoài thì ông không quan tâm. Ông không nhìn thấy những cảnh đời đáng thương bên cạnh ông, bởi vì trái tim ông không biết rung cảm trước nỗi đau của người khác. Tâm hồn ông đã trở nên chai đá bởi vì sự thơ ơ vô cảm đã ngự trị trong ông. Sự dững dưng vô cảm này đã xóa bỏ lòng bác ái nơi ông, chỉ thích hưởng thụ cách ích kỷ. Và như thế ông không còn quan tâm đến người khác, trở nên dửng dưng với mọi người. Những người như thế thường dễ có thái độ “lệch lạc”: thích nổi danh, thích chơi sang, thích được mọi người ca tụng, nhưng vô cảm đối với những nghèo khổ.

Sự vô cảm của con người hôm nay là nguyên nhân tạo ra những hố sâu khác biệt rộng lớn như biển cả giữa người giàu và người nghèo. Sự dửng dưng, ích kỷ và tinh thần trần tục xâm nhập con người như những thứ bệnh nan y và truyền kiếp. Giá như con người biết thương yêu nhau hơn thì cuộc đời này bớt khổ hơn, ít nước mắt hơn.

Nhưng Thiên Chúa nhìn đến những ai thiếu thốn và bị loại trừ ra ngoài xã hội. Ladarô là một người duy nhất được nói trong dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tên của anh có nghĩa là “Thiên Chúa cứu.” Thiên Chúa không quên anh, Người sẽ đón tiếp anh vào bàn tiệc Nước Trời, cùng với Ápbraham, trong sự hiệp thông với tất cả những ai đau khổ.

Người giàu có trong dụ ngôn thì ngược lại, ông không có tên; cuộc sống của ông qua đi và bị quên lãng, bởi vì bất cứ ai chỉ sống cho mình thì không viết nên lịch sử đời mình. Mỗi người Kitô hữu phải viết nên lịch sử đời mình nhờ sống theo Tin Mừng. Chúng ta phải ra khỏi chính mình, để viết nên lịch sử đời mình để không sống như nhà phú hộ kia. Bởi lẽ, rốt cuộc, mọi sự sẽ qua đi, sức khỏe, sắc đẹp, tiền của không thể ở lại với chúng ta mãi mãi, nhưng cái còn lại mãi mãi là gì nếu không phải là lòng nhân ái và tình người.

Có một chi tiết khác trong dụ ngôn rất tương phản. Cuộc sống sang trọng của nhà phú hộ này được miêu tả như một thế giới sung túc, hoành tráng, tất cả là vì ông, nhưng khi chết, ông lại trắng tay, phải xin xỏ để có được một ân huệ nho nhỏ nào đó. Ngược lại, cuộc sống của Ladarô thì quá nghèo, nhưng sự nghèo khó đó gắn liền với một phẩm giá cao cả. Anh không hề mở miệng phàn nàn, hoặc phản đối, hay có những lời kinh bỉ. Đây là bài học rất giá trị: như những sứ giả của Lời Chúa, chúng ta được mời gọi đừng có phô trương vẻ bên ngoài và cũng đừng tìm kiếm vinh quang cho mình, đừng tỏ ra buồn phiền hay cứ luôn phàn nàn tiêu cực. Chúng ta đừng là những ngôn sứ buồn bã, tiêu cực, người chỉ thích xoi mói những chuyện xấu hay những sai lầm của người khác. Chúng ta đừng là những người chỉ biết thu mình trong thế giới riêng, rồi có những xét đoán tiêu cực về xã hội, về Giáo Hội, về mọi thứ cũng như về mọi người, làm ô nhiễm môi trường đang sống chỉ vì thái độ tiêu cực đó. Chủ nghĩa hoài nghi quá đáng không phù hợp với những người rao giảng Lời của Thiên Chúa.

Bất cứ ai loan báo niềm Tin Mừng Chúa Giêsu phải là người mang niềm vui, là người nhìn thấy chân trời rộng mở ở phía trước mà không một bức tường nào ngăn cản. Đồng thời, họ cảm thấy rất gần gũi với những người xung quanh và nhạy bén với những khát vọng của người khác. Chúa đang đòi hỏi điều này nơi chúng ta hôm nay: trước những Ladarô thời đại, chúng ta dám chấp nhận bị quấy rầy và bất ổn để tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ họ, mà không thoái thác cho người khác khi nói: “Ngày mai, tôi sẽ giúp anh, vì hôm nay tôi không có giờ.” Theo Tin Mừng, không giúp đỡ người khác là một tội trọng. Thời gian dùng để giúp người khác là thời gian dành cho Chúa Giêsu. Lòng bác ái sẽ tồn tại mãi. Gia tài của chúng ta ở trên trời, nhưng chúng ta phải tìm kiếm phần thưởng thiên đàng ở dưới đất, nơi những người nghèo.

Vậy, chúng ta hãy nguyện xin Chúa ban ân sủng để làm mới lại mỗi ngày niềm vui loan báo Tin Mừng: “Chúa Giêsu chết và phục sinh. Chúa Giêsu yêu bạn!” Ước gì Người ban cho chúng ta sức mạnh để thực hành giới răn yêu thương, vượt thắng sự mù lòa tâm linh và tinh thần thế tục. Ước gì Người làm cho chúng ta biết nhạy bén với những nỗi đau của người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Jorge Urosa người Venezuela nhận định: Tài liệu Thượng Hội đồng mạnh về sinh thái, yếu về giáo hội
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:39 25/09/2019
Theo Đức Hồng Y Jorge Urosa người Venezuela, tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Vatican về khu vực Amazon là “thiếu sót, yếu kém” vì Chúa Kitô bị trình bầy sai lạc. Theo Urosa, cựu Tổng giám mục của Caracas, tài liệu được gọi là tài liệu làm việc (instrumentum laboris) là sai lầm khi đề cập đến Chúa Giêsu Kitô là “người Samaritanô nhân hậu.”

Chúa Giêsu Kitô không bao giờ thể hiện mình là người Samaritanô nhân hậu, ĐHY Urosa nói với Crux ngày 23 tháng 9 rằng: “Người Samaritanô nhân hậu là người chúng ta phải bắt chước bằng cách giúp đỡ người khác. Chúa Giêsu Kitô giới thiệu mình là Đấng Cứu chuộc, là Đường, Sự thật và Sự sống, là Phục sinh, như Ánh sáng của Thế giới. Đây là một lỗ hổng, một điểm yếu của tài liệu làm việc.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Urosa đã nhấn mạnh “hai mục tiêu chính” của Hội nghị Giám mục ngày 6-27 tháng 10 về khu vực Pan-Amazon: “Thứ nhất là thúc đẩy một hệ sinh thái không thể thiếu cho khu vực Amazon. Và thứ hai là đề xuất những con đường mới cho Giáo hội trong khu vực đó.”

Sự bảo vệ của Amazon là rất quan trọng, ĐHY Urosa nói, “tạ ơn Chúa, Giáo hội đã thực hiện một sáng kiến rất có giá trị để bảo vệ nó.” “Tuy nhiên, vấn đề của Amazon theo quan điểm giáo hội vẫn chưa được trình bầy tốt.”thê

Hơn nữa, ngài lập luận rằng hầu hết những người nói về Hội nghị “chỉ chạm vào các khía cạnh sinh thái và văn hóa xã hội, và rất ít về các khía cạnh giáo hội và mục vụ. Có một sự mất cân bằng, bởi vì công việc chính của Giáo hội là truyền giáo, đưa Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến với thế giới, đến tất cả dân tộc.”

ĐHY Urosa sẽ không tham gia vào hội nghị. Tuy nhiên, tám vị Giáo chủ đến từ Venezuela sẽ tham dự, bao gồm Đức Hồng Y Baltazar Porras, người kế vị ĐHY Urosa, với tư cách là tổng giám mục của Caracas. ĐHY Porras đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm là một trong ba chủ tịch ủy nhiệm của Thượng Hội đồng Giám mục. Đây không phải là lần đầu tiên ĐHY Urosa lên tiếng về một hội nghị. Trở lại năm 2015, ngài là một trong những Hồng Y đã ký một bức thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu lên những câu hỏi liên quan đến các vấn đề được thảo luận trong Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình.

Nguồn: Crux
 
Tòa Thánh thiếu hụt ngân sách trầm trọng phải dựa vào Đức Hồng Y Reinhard Marx
Đặng Tự Do
17:38 25/09/2019
Hôm 3 tháng Chín, ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal chuyên về kinh tế tài chánh đưa tin: “Tình trạng ngân sách của Tòa Thánh tiếp tục bị thiếu hụt và Đức Thánh Cha mong muốn giải quyết tình trạng này”.

Thâm hụt của Tòa Thánh đã tăng gấp đôi trong năm 2018 lên khoảng 70 triệu euro (tương đương 76,7 triệu Mỹ Kim). Ngân sách điều hành của Tòa Thánh là khoảng 300 triệu euro hàng năm. Tình trạng thâm thủng đã lên đến mức báo động sau khi tổng trưởng Kinh Tế của Tòa Thánh, là Đức Hồng Y George Pell, phải trở về Úc vì các cáo gian cho rằng ngài đã lạm dụng tình dục 2 thiếu niên trong ca đoàn nhà thờ chính tòa St. Patrick.

Trong thư gửi Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, và cũng là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha viết: “Tôi xin Đức Hồng Y nghiên cứu tất cả các biện pháp cần thiết để cứu vãn tương lai kinh tế của Tòa Thánh và làm sao để các biện pháp ấy bắt đầu có hiệu lực càng sớm càng tốt”.

Đức Hồng Y Marx thuộc số 6 vị Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha và Hội đồng Kinh Tế do ngài làm chủ tịch gồm có 8 Hồng Y và 7 giáo dân chuyên gia.

Ngân sách của Tòa Thánh vào khoảng 300 triệu Euro, thực ra chỉ bằng 1 phần 3 ngân sách tổng giáo phận Munich của Đức Hồng Y Marx.

Trong thư gửi Đức Hồng Y Marx, Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y thông báo cho các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh về tình trạng tài chánh trầm trọng hiện nay và gấp rút tìm các phương thế giải quyết.

Các viên chức Vatican e rằng tình trạng thiếu hụt ngân sách kéo dài hiện nay có thể làm giảm nguồn tài chánh dự trữ của Tòa Thánh, làm thương tổn đến sứ mạng của Đức Giáo Hoàng trong các lãnh vực đòi nhiều tài nguyên như các quan hệ ngoại giao, việc bảo trì các dinh thự và đền đài lịch sử cũng như các kho tàng nghệ thuật của Vatican, và những chi phí thiết yếu khác như tiền hưu bổng của các nhân viên.

Sự lệ thuộc của Tòa Thánh vào Đức Hồng Y Marx có thể giúp giải thích thái độ của các Giám Mục nước này khi bác bỏ một đề nghị được Đức Thánh Cha đưa ra hồi tháng Sáu năm nay.

Trong những năm gần đây, có một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, và như thế khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội. Tình hình tương tự cũng xảy ra với Giáo Hội Tin Lành và còn trầm trọng hơn. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức cho biết 216,078 tín hữu Công Giáo đã bỏ đạo trong năm 2018.

Đức Hồng Y Reinhard Marx và nhiều Giám Mục Đức cho rằng vấn đề là ở cơ chế và đạo lý của Giáo Hội. Cụ thể các ngài thấy cần thay đổi hàng loạt vấn đề liên quan đến kỷ luật và các giáo huấn của Giáo Hội tiêu biểu là luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, thay đổi giáo huấn về tính dục.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này đều liên hệ đến Giáo Hội Hoàn Vũ chứ không riêng gì Giáo Hội tại Đức. Hội Đồng Giám Mục Đức không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của một Hội Đồng Giám Mục địa phương.

Trong lá thư gởi cho các tín hữu Đức hồi tháng 6, Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Ngài cảnh báo các Giám Mục Đức: “Mỗi lần các cộng đồng giáo hội đã cố gắng để giải quyết vấn đề của nó một mình, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào lực lượng của nó hoặc các phương pháp của nó, sự thông minh của nó, ý chí hoặc uy tín của mình, cuối cùng nó chỉ làm gia tăng và kéo dài tệ nạn nó đã cố gắng giải quyết.”

Tuy nhiên, với tỷ số áp đảo 21-3, các Giám Mục Đức đã bác bỏ đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô và quyết liệt tiến hành tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” vào đầu mùa Vọng này.

Bản dự thảo tháng 8 của Hội Đồng Giám Mục Đức quy định rằng các Giám Mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) có số tham dự viên bằng nhau và có quyền bình đẳng trong bàn bạc và biểu quyết.

Ngay cả trước khi bản dự thảo tháng 8 được thông qua, Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã cử ra một danh sách những người có một hồ sơ rất dài các phát biểu công khai chống lại các giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ, xóa bỏ luật độc thân linh mục và đạo lý về tính dục.

Trong một lá thư đề ngày 4 tháng 9 gửi cho Đức Hồng Y Marx, Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, nói rằng kế hoạch tiến hành tiến trình công nghị tại Đức phải tuân theo các hướng dẫn do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào tháng Sáu. Vị Hồng Y người Canada đặc biệt nhấn mạnh rằng một tiến trình công nghị ở Đức không thể thay đổi giáo huấn hoặc kỷ luật phổ quát của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Ouellet cũng gửi cho Đức Hồng Y Marx một bản đánh giá pháp lý dài bốn trang về các dự thảo của các Giám Mục Đức.

Bản đánh giá, được ký bởi người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật của Vatican, nói rằng kế hoạch của các Giám Mục Đức vi phạm các nguyên tắc giáo luật và trên thực tế, được đặt ra nhằm thay đổi các chuẩn mực và giáo lý phổ quát của Giáo Hội.

“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội?”, Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật viết.

Trước các chỉ trích của Vatican, Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã sang Rôma triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô và gặp gỡ Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, về kế hoạch thực hiện tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” của các Giám Mục Đức.

Các cuộc họp, được tổ chức tại Rome ngày 19 tháng 9, theo sau một cuộc trao đổi công khai giữa Vatican và hàng giáo phẩm Đức về dự thảo quy định tiến hành một tiến trình công nghị giữa các Giám Mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức.

Trong một thông cáo báo chí do Hội Đồng Giám Mục Đức công bố hôm thứ Sáu 20 tháng 9, Đức Hồng Y Marx đã gọi các cuộc họp là “có tính xây dựng”, nhưng không đưa ra chi tiết nào cụ thể nào về các chỉ dẫn Đức Thánh Cha hoặc giáo triều Rôma đưa ra liên quan đến các kế hoạch của giáo hội.


Source:Wall Street Journal
 
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: ‘Các trở ngại chắc chắn’ chống kết án, trở ngại 16-17
Vũ Văn An
19:10 25/09/2019
(16) Biến cố thứ hai hoàn toàn không thể xảy ra, hoặc xẩy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 1997

866 Ngoài những lời chỉ trích đã được nêu ở trên, do ông Richter, nhắm vào các chi tiết trong trình thuật của người khiếu nại về biến cố thứ hai, người ta cho hay còn có những vấn đề khác đối với bằng chứng liên quan đến vấn đề này.

867 Thí dụ, bồi thẩm đoàn được yêu cầu xem xét lý do tại sao cảnh sát chưa bao giờ điều tra đúng đắn ngày 23 tháng 2 năm 1997. Trước Tòa này, ông Walker đã trình bầy rất hay về việc Cha Egan, vị linh mục được ghi nhận trong nhật ký của Connor đã cử hành Thánh lễ vào ngày hôm đó, chưa từng một lần được cảnh sát phỏng vấn. Chuyện là như vậy, mặc dù họ đã được cung cấp cuốn nhật ký của Connor từ tháng 9 năm 2018. Nghĩa là trước phiên xử thứ hai khá lâu.

868 Khi được hỏi về lý do tại sao Cha Egan chưa bao giờ được phỏng vấn, Thám tử Reed không thể đưa ra lời giải thích, và chắc chắn không có lời giải thích thỏa đáng nào. Như đã nói, đã có đệ trình rằng nếu Cha Egan thực sự đã cử hành Thánh lễ vào ngày được đề cập, thì chắc chắn ông ở cùng với đương đơn, ngay sau khi Thánh lễ kết thúc.

869 Bằng chứng hỗ trợ cho đệ trình đặc thù đó đã được đưa ra, ít nhất một phần, bởi Connor:

ÔNG RICHTER: Tình huống với Cha Egan, thực hành, thực hành bất biến - à, nó không thể là một thực hành bất biến.

QUAN TÒA: Nó không thể.

ÔNG RICHTER: Thực hành bất biến là để vị đọc Thánh Lễ, bất kể là ai, quay trở lại phòng áo của linh mục để cởi áo lễ vào năm ‘96?

CONNOR: Đúng.

ÔNG RICHTER: Và vào đầu năm 97?

CONNOR: Đúng.

ÔNG RICHTER: Ông không có ký ức chính xác nào về Đức Tổng Giám Mục trong dịp đó, rồi trở ra?

CONNOR: Không.

ÔNG RICHTER: Há việc ngài không trở ra với người đọc Thánh Lễ là điều mà ông đã lưu ý - chú ý, tôi nên nói thế, sao?

CONNOR: Tôi nghĩ vậy, nhưng tôi có thể nói có.

870 Vào thời điểm công tố kết thúc lý lẽ tại phiên tòa, dường như ít nhất ông Gibson đã chấp nhận ngầm rằng biến cố thứ hai, nếu nó xẩy ra, có lẽ đã xảy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 1997. Không có ngày nào sau đó rơi vào trong các điều khoản của bản cáo trạng, như dự thảo.

871 Ông Walker, trong lập luận miệng trước Tòa án này, đã đệ trình rằng không có một mảy may bằng chứng xác thực nào để liên kết điều được coi là biến cố thứ hai vào ngày chuyên biệt đó, như là khác với bất cứ ngày nào khác trong năm 1997.

872 Sau khi đã trở nên rõ ràng, như cuối cùng nó là, rằng biến cố đầu tiên chỉ có thể xảy ra vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, công tố đã phần nào phải dựng lại lý lẽ của mình cho phù hợp với bằng chứng của người khiếu nại, tốt nhất bao nhiêu có thể. Họ đã làm như vậy bằng cách chỉ định một ngày mà theo đó biến cố thứ hai có thể xảy ra.

873 Dựa trên nhật ký của Connor, ngày 23 tháng 2 năm 1997 rõ ràng là một ngày mà đương đơn đã chủ trì Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa. Tuy nhiên, ông không đọc, hoặc cử hành Thánh lễ vào ngày đó. Ông Walker đã đệ trình rằng công tố phải chọn ngày đó làm ngày xảy ra biến cố thứ hai vì nó tình cờ là lần kế tiếp, sau ngày 22 tháng 12 năm 1996, mà đương đơn đã có mặt tại Nhà thờ Chính tòa vào Chúa Nhật, 'có liên hệ với' Thánh lễ.

874 Các phần trong nhật ký của Connor đã được đệ trình không đi quá tháng 2 năm 1997. Điều này có nghĩa là không có sự xem xét nào dành cho việc liệu biến cố thứ hai, nếu nó xảy ra, có thể xảy ra vào tháng 3, tháng 4 hay thậm chí tháng 5 năm 1997. Nếu bất cứ ngày nào trong số những ngày đó được chỉ định, thì có thể có bất cứ số câu trả lời nào cho một lý lẽ, mới được đặc thù hóa, liên quan đến việc vi phạm loại tội được mô tả trong cáo buộc 5.

875 Như đã lưu ý trước đây, Portelli đã đưa ra bằng chứng khá chuyên biệt liên quan đến ngày 23 tháng 2 năm 1997. Ông nói rằng ông nhớ đã từng ở với Tổng Giám mục vào ngày đó. Đó là một dịp đáng nhớ vì đây là lần đầu tiên, đương đơn chủ trì thánh lễ được cử hành bởi một linh mục khác. Dù sao, đây cũng là một dịp hiếm hoi.

876 Connor cũng nhớ ngày 23 tháng 2 năm 1997. Ông nhấn mạnh rằng thực hành bình thường đã được tuân thủ vào ngày hôm đó. Bằng chứng của ông như sau:

ÔNG RICHTER: Vào ngày 23 tháng 2, ông có ký ức về dịp trong đó Đức Hồng Y chủ trì không?

KẾT NỐI: Có.

ÔNG RICHTER: Đó là một dịp hiếm hoi?

CONNOR: Đúng.

ÔNG RICHTER: Và nhân dịp đó ông nhớ có tuân theo thông lệ bình thường?

CONNOR: Vâng.

877 Theo 'thông lệ bình thường', Connor muốn nói là dù có thể có một đám rước ở bên trong vào ngày hôm đó, đương đơn vẫn sẽ ở gần các bậc thềm phía trước của Nhà thờ Chính Tòa, gặp gỡ các giáo dân dự lễ, ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Theo Connor, đương đơn sẽ tuân theo thông lệ đó, ngay cả khi trời mưa. Bằng chứng của Connor như sau:

ÔNG GIBSON: Nếu đó là một đám rước ở bên trong, chuyện gì sẽ xảy ra? Ông đến - tốt, ông nói với chúng tôi?

CONNOR: Sau khi Thánh Lễ kết thúc, chúng tôi tiến xuống giữa Nhà thờ Chính tòa. Chúng tôi sẽ - Tổng Giám mục hoặc linh mục sẽ dừng lại ở cửa lớn phía tây. Nếu thời tiết khắc nghiệt, họ sẽ chào đón mọi người ở bên trong cánh cửa Nhà thờ Chính Tòa hoặc trên hiên nhà, nhưng Nhà thờ Chính toà - nhưng đám rước của các người giúp lễ và ca đoàn lúc ấy vẫn cứ tiến xuống phía cạnh của Nhà thờ Chính Tòa và sau đó đến các phòng áo qua Gian phía Nam.

878 Connor nói rằng ngay cả khi Tổng Giám mục chỉ chủ trì, thay vì cử hành Thánh lễ, ngài vẫn ở trong vị trí thông thường của mình, ở phía sau đoàn rước.

879 Portelli đồng ý, nhấn mạnh rằng Tổng Giám mục sẽ luôn ở phía sau đoàn rước và luôn đi cùng với Portelli. Ông nói:

Nghi thức là người cao cấp nhất luôn là người cuối cùng trong đoàn rước. Nên, vì thế, nếu là Tổng Giám mục, ngài luôn là người cuối cùng, bất kể ngài cử hành Thánh lễ hay chỉ chủ trì trong Thánh lễ, ngài luôn là người cuối cùng.

880 Bằng chứng của Portelli, là vào tháng 2 năm 1997, phòng áo của Tổng Giám mục vẫn chưa được sử dụng. Thành thử, ông Richter đã đệ trình như thế, sẽ không có lý do gì để đương đơn ở bất cứ nơi nào gần điểm đặc thù trong hành lang phòng áo mà tại đó người khiếu nại cho rằng biến cố thứ hai đã xảy ra [207].Vị trí đó nằm ngoài phòng áo của các Linh mục, và giữa nó và phòng áo của Tổng Giám mục. Nếu Đức Tổng Giám Mục phải cởi áo lễ, thì ngài đã làm như vậy trong phòng áo của các Linh mục, chứ không di chuyển quá nó.

881 Đã có đệ trình thêm rằng không có lý do nào bất cứ để Tổng Giám mục phải đặc biệt vội vàng trong ngày hôm đó. Hồ sơ cho thấy ông có Thánh lễ 3giờ 00 tại Maidstone chiều hôm đó. Tuy nhiên, đó chưa đầy 30 phút lái xe.

Trả lời của công tố - có thể biến cố thứ hai xảy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 1997

882 Công tố đã dựa vào bằng chứng của Potter và Portelli để cho rằng đương đơn đã chủ trì, chứ không cử hành, Thánh lễ vào ngày chuyên biệt đó. Điều ấy ít nhất cũng xác lập rằng ông ta đã có mặt tại Nhà thờ Chính tòa vào ngày được nêu ra.

(17) Ngay cả cậu bé kia cũng nói rằng biến cố đầu tiên không bao giờ xảy ra

883 Thám tử Reed đã đưa ra bằng chứng rằng, trong một tuyên bố với cảnh sát, mẹ của cậu bé kia, nói rằng bà đã hỏi con trai mình vào năm 2001 về việc liệu cậu ta có từng bị lạm dụng tình dục khi ở trong ca đoàn không. Cậu đã nói với bà rằng cậu chưa bao giờ bị lạm dụng như vậy.

884 Bằng chứng đó, tất nhiên, chỉ là nghe đồn. Tuy nhiên, không những không có sự phản đối nào đối với nó, mà công tố còn sẵn sàng, và một cách hợp tình hợp lý, chấp nhận rằng bồi thẩm đoàn nên được biết về nó. Tuy nhiên, sẽ luôn có vấn đề nên dành cho nó mức quan trọng nào, nếu có.

885 Ông Boyce thừa nhận rằng việc bác bỏ của cậu bé kia về việc từng bị lạm dụng tình dục theo cách mà người khiếu nại mô tả là một vấn đề cần được Tòa án này xem xét một cách đúng đắn khi xem xét liệu Cơ sở 1 có được xác lập hay không.

886 Ông Richter đệ trình rằng không có lý do gì lời bác bỏ của cậu bé kia với mẹ mình về việc đã từng bị lạm dụng như vậy lại không nên dành cho một tầm quan trọng đầy đủ và bình thường của nó. Xét cùng với tất cả các bằng chứng khác được đưa ra trong phiên tòa, nó đại diện cho một trở ngại vững chắc nữa đối với bản án.

Trả lời của công tố - có liên quan nhưng ít quan trọng

887 Trong lý lẽ viết của mình, công tố đã không đề cập đến đệ trình của đương đơn liên quan đến việc cậu bé kia bác bỏ việc bị lạm dụng. Như đã chỉ ra, ông Boyce chấp nhận rằng đây là vấn đề mà bồi thẩm đoàn đã được yêu cầu phải xem xét. Một cách hiển nhiên, đó cũng là một vấn đề cần được Tòa án này xem xét trong việc xử lý cơ sở kháng cáo này.

888 Tuy nhiên, Ông Boyce đã đệ trình rằng bằng chứng về việc cậu bé kia bác bỏ với mẹ mình về việc bị lạm dụng tình dục nên được dành cho một tầm quan trọng rất ít. Ông đệ trình rằng điều chúng ta bây giờ biết về hành vi đặc trưng của các nạn nhân bị xâm phạm tình dục, và việc họ không muốn nói về những trải nghiệm của họ có nghĩa việc bác bỏ của cậu bé kia nên hoàn toàn bị gạt sang một bên.

Tổng quan về ‘17 trở ngại vững chắc’ của Ông Richter đối với bản án

889 Ông Richter đã đệ trình rằng mặc dù không phải mỗi một trong số 17 trở ngại vững chắc của ông đối với bản án đều có thể có cùng một tầm quan trọng như nhau, ít nhất, khi được xem xét một cách tích tụ (cumulatively) với nhau, chúng phải tạo nên một nghi ngờ hợp lý.

890 Ông Richter đệ trình rằng điều này phải như vậy, ngay cả khi, trái với lập luận chính của ông trước bồi thẩm đoàn, họ cho rằng người khiếu nại đang cố hết sức để đúng với sự thật. Ông nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng ngay cả những nhân chứng trung thực nhất, khi kể lại các biến cố từ lâu, có thể trí nhớ của họ bị bóp méo. Ông chính xác lưu ý rằng có một số trường hợp đã được chứng minh, theo đó các nhân chứng đã ‘nhớ’ những điều không bao giờ thực sự xảy ra, mặc dù họ thực sự tin rằng chúng đã xẩy ra, và mô tả chúng trong chi tiết một cách thuyết phục. Chính trong bối cảnh đó, ông Richter đã sử dụng thuật ngữ ‘fantasist’ (có óc tưởng tượng).

891 Ông Richter đệ trình rằng cách duy nhất trong đó có thể nói rằng ít nhất một số 'trở ngại vững chắc’ này, xét chung với nhau, đã không nêu ra được, như một 'khả thể hợp lý' rằng trình thuật của người khiếu nại có thể không đáng dựa vào, sẽ là nếu Bồi thẩm đoàn, phần nào, coi ông ta hoàn toàn đáng tin và đáng dựa vào đến nỗi có thể vượt qua tất cả những 'trở ngại' này.

892 Ông Richter tại phiên tòa (và ông Walker trước Tòa án này), đã đệ trình rằng biết có nhiều sự bất nhất trong trình thuật của người khiếu nại (một số ít nhất được cho là rất có ý nghĩa), và sự kiện không có hỗ trợ độc lập dưới bất cứ hình thức nào đối với các cáo buộc của ông ta, mà vẫn không rõ ràng để bồi thẩm đoàn, hành động hợp lý, được thuyết phục quá sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của đương đơn.

893 Sau khi được đương đơn yêu cầu nhận thấy rằng những phán quyết này là không hợp lý, hoặc chúng không thể được hỗ trợ, liên quan đến bằng chứng, phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ M đòi Tòa án này tự hỏi liệu nó có nghĩ hay không, dựa vào toàn bộ bằng chứng, rằng điều rõ ràng một cách hợp lý đối với bồi thẩm đoàn là quyết định vượt quá sự nghi ngờ hợp lý rằng đương đơn đã phạm tội. Chính trong ý nghĩa này, Tòa án này phải tự hỏi liệu bồi thẩm đoàn, khi hành động cách hợp lý, có hẳn ‘phải’ nghi ngờ như vậy hay không.

894 Đương đơn đã phát động một cuộc tấn công đa hướng vào tính hợp lý và khả năng hỗ trợ của những lời kết án này. Ông dựa vào hai đệ trình chính để hỗ trợ cuộc tấn công này.

895 Thứ nhất, ông nói rằng bằng chứng của người khiếu nại, tự nó, không đủ đáng tin, cũng như đáng dựa vào, khiến bồi thẩm đoàn, khi hành động hợp lý, được thuyết phục về tội lỗi của ông. Thứ hai, ông nói rằng các bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa đã trình bầy ‘một số trở ngại vững chắc’ mà, ít nhất nếu được xét cùng với nhau, sẽ cản trở con đường kết án.

Kỳ tới: Đánh giá bằng chứng của người khiếu nại
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Vị trí của Nhà tạm. Nói thêm về Nhà tạm có cửa đôi
Nguyễn Trọng Đa
08:36 25/09/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giáo xứ của chúng con khoảng 25 năm trước, cha xứ đã quyết định tách Nhà tạm khỏi bàn thờ chính. Ngài cho đặt Nhà tạm ở một bàn thờ phụ. Trong 40 năm, đã có một bàn thờ (bàn đơn giản) với linh mục đối diện với mọi người. Một thành viên của tiểu ban phụng vụ muốn cha xứ chuyển Nhà tạm từ bàn thờ cạnh đến bàn thờ chính, như trước năm 1960. Bởi vì con có bằng cấp về thần học, nên người ấy xin con tìm các lập luận và văn bản chính thức từ Toà Thánh, hoặc từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoặc Pháp, để giúp biện minh sự thay đổi này. Thưa cha, có văn bản chính thức nào đưa ra một quy định cho vị trí của Nhà tạm không? Đâu là các lợi điểm và điều buộc từ quan điểm thiêng liêng hoặc phụng vụ cho sự thay đổi này? - J. L., Ottawa, Ontario, Canada.


Đáp: Đối với vị trí đặt Nhà tạm, tài liệu mới nhất là Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Bản dịch tiếng Anh năm 2011 có một số sửa đổi nhỏ so với các phiên bản trước:

“Chỗ lưu giữ Mình Thánh Chúa

“314. Tùy theo cấu trúc của thánh đường và thể theo các tục lệ chính đáng địa phương, Mình Thánh Chúa được lưu giữ trong nhà tạm, nơi phần trang trọng của thánh đường, có dấu nhận biết, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.

“Theo thói quen, chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu vững chắc, không trong suốt, và phải đóng kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh. Nên làm phép nhà tạm trước khi dùng trong phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong Nghi thức Rôma.

“315. Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ.

“Do đó, tuỳ theo quyết định của Giám Mục giáo phận, nên đặt nhà tạm

“a. Hoặc trong cung thánh, ngoài bàn thờ dâng lễ, miễn là tương hợp với hình dáng và nơi chốn, không loại trừ trên bàn thờ cũ không còn được dùng để cử hành.

“b. Hoặc trong một phòng thích hợp cho sự thờ phượng riêng và cầu nguyện của tín hữu, dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân.”

Vị trí nhà tạm cũng được nói đến trong tương quan với ghế của vị chủ tế.

“310. Ghế của vị chủ tế phải nói lên vai trò chủ toạ cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Do đó, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác không cho phép, ví dụ: khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa vị tư tế và giáo dân trở nên khó khăn, hoặc vì nhà tạm chiếm chỗ giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh mọi thứ ngai toà. Nên làm phép ghế, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức trong sách Nghi Thức Rôma” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Cũng có giá trị là các hướng dẫn được ban hành bởi tài liệu “Built of Living Stones, Dựng xây từ những viên đá sống động” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Tài liệu này đi vào chi tiết hơn “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma” (GIRM) và đưa ra một số gợi ý thiết thực. Về vị trí Nhà tạm, tài liệu nói:

“Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Dấu hiệu và Biểu tượng

“§22. Trong cộng đoàn phụng vụ, sự hiện diện của Chúa Kitô được hiện thực hóa trong tất cả các người được rửa tội quy tụ nhân danh Ngài, trong Lời Chúa được công bố trong cộng đoàn, trong con người của linh mục, mà qua ngài Chúa Kitô tự hiến cho Chúa Cha và tập hợp cộng đoàn, trong các nghi thức bí tích, và đặc biệt, trong Bí tích Thánh Thể. Trong việc xây dựng một ngôi nhà cho Hội Thánh, vốn cũng là ngôi nhà của Thiên Chúa trên trái đất, tất cả các biểu hiện của sự hiện diện của Chúa Kitô đều có sự nổi bật của địa điểm, vốn phản ánh đúng bản chất của chúng. Trong số này, hai Hình Bánh Rượu được xem là nổi bật nhất. Ngay từ khi bắt đầu quá trình lập kế hoạch và thiết kế nhà thờ, các giáo xứ sẽ muốn phản ánh mối quan hệ của bàn thờ, giảng đài, nhà tạm, ghế của linh mục chủ tế và không gian của cộng đoàn. […]

“§64. 'Chỗ thích hợp nhất của ghế linh mục chủ tế là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác [chẳng hạn khoảng cách xa hoặc vị trí nhà tạm] không cho phép’. Ghế này không được sử dụng bởi một giáo dân chủ sự trong buổi phụng vụ Lời Chúa và Rước lễ, hoặc trong cử hành phụng vụ Chúa Nhật khi không có linh mục. (Xem Thánh Bộ Phượng Tự, Hướng dẫn cho các cử hành phụng vụ Chúa Nhật khi không có linh mục [1988], số 40.) […]

“§71. Công đồng chung Vatican II đã dẫn Hội Thánh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa sự hiện diện của Chúa trong việc cử hành Thánh lễ và trong Thánh Thể được lưu giữ, và trách nhiệm của các tín hữu là cho kẻ đói ăn và chăm sóc người nghèo khổ. Khi các người đã rửa tội lớn lên để hiểu sự tham gia tích cực của họ vào Thánh lễ, họ sẽ được lôi kéo để dành nhiều thời gian hơn cho cầu nguyện thinh lặng trước Thánh Thể được lưu giữ trong Nhà tạm, và được thôi thúc để sống mối quan hệ của họ trong lòng bác ái tích cực. Khi cầu nguyện tôn kính trước Thánh Thể, các tín hữu dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa Kitô vì hồng ân vô giá đã cứu chuộc họ, và vì lương thực thần linh gìn giữ họ trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây họ học cách yêu mến quyền lợi và trách nhiệm của họ, để tham gia dâng hiến đời sống của mình vào sự hy sinh tuyệt vời của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, và được dẫn dắt đến sự nhìn nhận Chúa Kitô lớn hơn trong họ và trong các người khác, đặc biệt là nơi người nghèo khổ và người túng thiếu. Việc dành một nơi thích hợp cho việc lưu Mình Thánh là sự xem xét nghiêm túc trong bất kỳ dự án nhà cửa hoặc ngôi nhà tân trang nào.

“§72. Luật chung của Hội Thánh cung cấp các chuẩn mực liên quan đến Nhà tạm và nơi lưu giữ Mình Thánh, vốn thể hiện tầm quan trọng mà các Kitô hữu đặt ra cho sự hiện diện của Thánh Thể. Bộ Giáo Luật chỉ đạo rằng Thánh Thể được ‘đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện’. Bộ Giáo luật nói thường chỉ có ‘một nhà tạm’ trong nhà thờ. Nhà tạm này là phải xứng đáng với Thánh Thể - được thiết kế đẹp và hài hòa với lối trang trí tổng thể của phần còn lại của nhà thờ. Để tạo sự an toàn cho Thánh Thể, Nhà tạm cần phải là “bất di dịch”, “làm bằng chất liệu vững chắc”, “không nhìn qua được”, và “phải khóa cẩn thận”. Nhà tạm có thể nằm trên một cột hoặc bệ cố định, hoặc nó có thể được gắn vào hoặc dính chặt vào một bức tường. Một ngọn đèn dầu đặc biệt, hoặc một cây nến có sáp, được thắp sáng liên tục gần Nhà tạm, như là một dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa Kitô.

“§73. Nơi lưu giữ Mình Thánh phải là một không gian dành riêng cho Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, và được thiết kế như thế nào để cho sự chú ý của người cầu nguyện được thu hút đến Nhà tạm, là nơi có sự hiện diện của Chúa. Biểu tượng có thể được chọn từ kho tàng phong phú của ý nghĩa biểu tượng, vốn được liên kết với Thánh Thể.

“Vị trí của Nhà tạm:

“§74. Có thể một số không gian là phù hợp cho việc lưu giữ Mình Thánh. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) nói rằng thật là thích hợp hơn khi “không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ”. Giám mục phải xác định nơi đâu đặt Nhà tạm và đưa ra thêm các hướng dẫn. Giám mục có thể quyết định rằng Nhà tạm được đặt trong cung thánh, tách rời bàn thờ cử hành Thánh lễ, hoặc trong một nhà nguyện riêng thích hợp cho việc chầu Thánh Thể, và cho tín hữu cầu nguyện riêng. Khi quyết định, Giám mục cần xem xét tầm quan trọng khả năng của cộng đoàn về tập trung vào hành động thờ lạy Thánh Thể, lòng mộ đạo của tín hữu, và phong tục của địa phương. Vị trí cũng nên cho phép người ngồi xe lăn và người khuyết tật khác dễ dàng tiếp cận được nữa.

“§75. Khi thực thi trách nhiệm của mình cho đời sống phụng vụ của giáo phận, Giám mục giáo phận có thể ban hành thêm các chỉ thị liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh. Trước khi các giáo xứ và các tư vấn phụng vụ của họ bắt đầu nội dung giáo dục và quá trình thảo luận, điều quan trọng là tất cả các người liên quan phải biết rõ các chỉ thị nào, hoặc hướng dẫn đặc biệt nào, mà Giám mục giáo phận đã công bố. Sự giao tiếp tốt ở giai đoạn đầu của quá trình sẽ giúp tránh nhầm lẫn hoặc xung đột giữa các kỳ vọng của giáo xứ, kinh nghiệm của nhà tư vấn và các chỉ thị giáo phận.

“§76. Cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, và ủy ban xây dựng nên kiểm tra các nguyên tắc nằm dưới mỗi sự lựa chọn ấy, xem xét các lợi thế phụng vụ của từng khả năng, và phản ánh về tập tục và lòng đạo của giáo dân. Nhiều văn phòng phượng tự giáo phận hỗ trợ giáo xứ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu và thảo luận với giáo xứ. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà tư vấn phụng vụ có thể giúp đỡ nhiều cho giáo xứ.

“Nhà nguyện lưu giữ Mình Thánh

“§77. Giám mục giáo phận có thể chỉ đạo giáo xứ lưu giữ Mình Thánh trong một nhà nguyện tách biệt khỏi lòng nhà thờ và cung thánh, nhưng “dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân”. Vị trí và thiết kế nhà nguyện này có thể củng cố sự tôn kính, cung cấp sự yên tĩnh và sự tập trung cần thiết cho cầu nguyện cá nhân, và nó cần có ghế quỳ và ghế ngồi cho người đến cầu nguyện.

“§78. Một số giáo xứ đã khởi xướng việc chầu Thánh Thể liên tục. Nếu, vì một lý do tốt nào đó, sự đặt Mình Thánh cho việc chầu liên tục phải diễn ra trong một nhà thờ giáo xứ, Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã chỉ đạo rằng việc này phải diễn ra trong một nhà nguyện riêng biệt, 'tách biệt khỏi nhà thờ, sao cho không can thiệp vào các hoạt động bình thường của giáo xứ, hoặc việc cử hành phụng vụ hàng ngày'.

“Nhà tạm trong Cung thánh

“§79. Một khu vực đặc biệt có thể được thiết kế trong cung thánh. Cần lập kế hoạch cẩn thận, sao cho vị trí được chọn không thu hút sự chú ý của các tín hữu khi tham dự Thánh lễ, và không chú ý đến các thành phần của Nhà tạm ấy. Ngoài ra, vị trí phải cho phép người ta tập trung vào Nhà tạm cho các thời kỳ cầu nguyện thinh lặng, ngoài giờ tham dự Thánh lễ.

“§80. Thông thường, thật là hữu ích khi có một khoảng cách giữa Nhà tạm và Bàn thờ. Khi một Nhà tạm nằm trực tiếp ngay sau bàn thờ, cần cân nhắc việc sử dụng khoảng cách, ánh sáng, hoặc một số thiết bị kiến trúc khác, nhằm tách biệt Nhà tạm và khu vực lưu giữ Mình Thánh, nhưng cho phép Nhà tạm được nhìn thấy rõ ràng bởi cộng đoàn thờ phượng, khi phụng vụ Thánh Thể không được cử hành.”

Bởi vì các tài liệu trên là khá rõ ràng, tôi chỉ cần đưa ra các gợi ý sau cho bạn đọc này.

Do Giám mục có toàn bộ thẩm quyền trong vấn đề này, trước tiên bạn nên tìm hiểu liệu có quy định chính thức nào của giáo phận về vấn đề này không. Bất kỳ quy định nào được ban hành chính thức bởi một Giám mục trước đây vẫn còn giữ tư cách pháp lý của chúng, trừ khi chúng bị Giám mục hiện tại thu hồi. Giám mục hiện tại cũng có thể đưa ra các ngoại lệ ad hoc (đặc cử) đối với bất kỳ quy định nào trong số này.

Trong những năm gần đây, đã có một phong trào muốn đưa lại vị trí trung tâm cho Nhà tạm, và một số Giám mục đã ban hành các sắc lệnh về vấn đề này. Sở thích cá nhân của tôi là dành cho một Nhà tạm nằm ở trung tâm trong hầu hết các cơ sở giáo xứ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng các lý do được đưa ra trong các tài liệu chính thức về các địa điểm khác có thể là rõ ràng, và trong một số trường hợp là đang ưa thích hơn.

Thí dụ, việc phục hồi một Nhà tạm trung tâm cho một cung thánh nhỏ hiện có một bàn thờ có thể là dành đủ chỗ trong các hành động nghi thức trong Thánh lễ, và dẫn đến việc cử hành Thánh lễ ở đó.

Tôi cũng rất khuyến khích bạn rằng nếu đã có một chiếc bàn đơn giản trong 40 năm, thì bất kỳ đề xuất nào để khôi phục Nhà tạm cho cung thánh nên được gắn với một sự đổi mới toàn bộ cung thánh, vốn sẽ có một bàn thờ vĩnh viễn và thật đẹp.

Sau khi tôi trả lời câu hỏi “cần bao nhiều ngọn nến cho giờ chầu Thánh Thể” ngày 23-7-2019, một bạn đọc đã đưa ra các nhận xét như sau:

“Trong khi hỏi câu này, người hỏi muốn thật sự tìm hiểu về tình trạng mà trong đó nhà tạm cửa đôi được dùng. Câu trả lời của cha giả định tính hợp pháp của nhà tạm như vậy, vốn là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận trong giáo hạt của chúng con. Mặc dù con rất hiểu rằng ‘chỉ vì việc họ tạo ra nó như thế, không có nghĩa là nó được cho phép’ (thí dụ áo lễ với dây các phép bên ngoài, bánh lễ bằng bột gạo và không có gluten), con tin rằng các Nhà tạm như thế là được phép.

“Một số người bạn của con cho rằng sự mô tả về Nhà tạm là 'mờ và không thể phá vỡ' được tìm thấy trong Tài liệu “Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ số 10 ('Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc. Nó phải là mờ và không thể phá vỡ... ') và 'rắn chắc, bất khả xâm phạm' trong Huấn thị Eucharisticum Mysterium số 54 (''Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc và bất khả xâm phạm... ') loại trừ việc sử dụng nhà tạm hai cửa như được mô tả trong câu hỏi ngày 23-7.

“Theo con hiểu, các tài liệu vừa được trích dẫn có ý định đăng ký sử dụng các Nhà tạm mỏng manh hoặc vách kính, nhưng không phải với cửa sổ nhỏ được che chắn khi cần thiết bằng cửa kim loại hoặc cửa gỗ. Con tin rằng đây là cách Đức Ông (nay là Giám mục) Peter Elliott hiểu, khi ngài viết trong cuốn ‘Ceromonies of the Modern Roman Rite, Nghi thức của Nghi lễ Rôma hiện đại’ số 13: “Tuy nhiên, với sự cho phép của Giám mục, một số Nhà tạm được thiết kế để sử dụng chầu Thánh Thể; hoặc với một cánh cửa bên trong thứ hai, có hình thức của một Mặt nhật, hoặc một Mặt nhật được giữ trong Nhà tạm có thể được nhìn thấy, khi Nhà tạm được mở hoặc xoay ra. Nhưng cánh cửa bên ngoài của nhà tạm không bao giờ là trong suốt, vì điều này sẽ tạo thành một hình thức bất hợp pháp của việc chầu Thánh Thể.’

“Có vẻ như một số quy định giáo phận đặc biệt cấm các Nhà tạm như vậy (thí dụ ở New York), nhưng các quy định của tổng giáo phận chúng con là không rõ ràng, chỉ đơn giản là nhắc lại Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 314: ' Theo thói quen, chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu vững chắc, không trong suốt, và phải đóng kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh’ (Bản dịch, như trên). Thiếu luật đặc biệt chống lại, câu trả lời của cha cho câu hỏi ngày 23-7-2019 (và ngày 8-9-2009) chấp nhận rằng việc sử dụng các Nhà tạm như vậy là được cho phép. Cha biết có tài liệu có thẩm quyền nào về khả năng áp dụng phổ quát (hoặc khả năng áp dụng cho quốc gia như Hoa Kỳ) vốn cho phép tích cực các Nhà tạm như thế không?

“Thứ hai, có điều gì ngăn cản Nhà tạm hai cửa như vậy được làm ban đầu chủ yếu bằng gỗ và kính dày (một lần nữa, vắng mặt luật đặc biệt cho sự ngược lại) không? Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 317 chỉ ra rằng 'Ðừng quên các điều khác do luật quy định về việc lưu giữ Mình Thánh Chúa’, và chú thích của nó nhắc đến Huấn thị Nullo umquam tempore, vốn nói rằng ‘[a] theo luật phụng vụ, vật liệu có thể là gỗ hoặc đá cẩm thạch hoặc kim loại' (4a). Liệu một Nhà tạm bằng gỗ có được phép có một cửa sổ bằng kính dày ‘không thể phá vỡ’ (có thể làm cho thấy một Mặt nhật nhỏ), nếu cửa sổ đó có thể được che bởi cửa lớn bằng gỗ không? Nếu nó làm ra một sự khác biệt, Nhà tạm nên được đặt vào tường.

“Cảm ơn cha xem xét các câu hỏi này. Câu trả lời của cha thể giúp chấm dứt cuộc thảo luận trong giáo hạt của con, và hướng dẫn việc ra quyết định tại một số giáo xứ. Con cũng hỏi vị đặc trách phượng tự của Tổng giáo phận, nhưng ngài chỉ mới làm công tác này (và mới được truyền chức linh mục), và con nghi ngờ phải mất một thời gian trước khi con nhận được câu trả lời, khi ngài ổn định công việc đã”.

Tôi muốn cảm ơn bạn thật nhiều về các hiểu biết có giá trị của bạn, mà tôi hoàn toàn đồng ý.

Tuy nhiên, do sự mô tả Nhà tạm mà bạn đọc trước đây nêu ra trong câu hỏi ban đẩu, tôi không cho rằng nó rơi vào danh mục đã bị cấm rõ ràng.

Nhà tạm mô tả cánh cửa thứ hai nằm sau cánh cửa Nhà tạm, và do đó mờ đục và bất khả xâm phạm ngoại trừ khi chầu Thánh Thể. Điều bị cấm, như tôi muốn đề xuất, là một tấm kính được lắp đặt trong chính cửa Nhà tạm (có lẽ với nắp đơn giản), và do đó không hoàn toàn bất khả xâm phạm cũng không mờ đục.

Theo cách này, tôi đã xem xét rằng nó là tương tự như các Nhà tạm quay, được tìm thấy trong nhiều nhà thờ và nhà nguyện châu Âu, vốn chứa một phần dành phần lưu giữ Mình Thánh Chúa và một phần khác có Mặt nhật đã được trưng ra. (Zenit.org 24-9-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/liturgy-qa-location-of-tabernacle/
 
Văn Hóa
Mênh mông tuổi đời
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
17:50 25/09/2019
Hai phần ba thời gian trôi qua đời người. Ta tự thấy tuổi đời đã mênh mông. Mênh mông một cánh đồng thời gian. Mênh mông những chắt chiu lẽ sống. Mênh mông sự tồn tại của thân phận người. Mênh mông chút dạn dày gió sương. Mênh mong cho những trải nghiệm của hai phần ba đời người. Mênh mông những ngọt lành xen lẫn trong tê buốt chẳng khác những hạt đường trong cốc cà phê đắng luôn có màu của những đêm ba mươi. Mênh mông chút kinh nghiệm sống để nhận diện mình và đánh giá lòng người. Mênh mông cho một sự hiểu biết rằng, không phải ai làm lớn đều có tấm lòng lớn, và cũng không phải kẻ phận hèn lại có tấm lòng chật chội...

Mênh mông tuổi đời. Ta biết mình đã kết thúc thời gian lên dốc. Đúng hơn, nẻo đường mà ta đang bước tới là phía bên kia lưng dốc cuộc đời. Hoàng hôn của buổi xế chiều đang nhẹ nhàn tiến tới. Ta cũng đang nhẹ nhàn đón nhận buổi hoàng hôn đời mình như điều tất yếu phải đến, nếu Chúa muốn ta tiếp tục sống.

Nhủ lòng mình, từng ngày trôi qua là quỹ thời gian vơi cạn. Ta quyết giữ tâm hồn thanh thản, không nao núng, không khiếp hãi, không lo lắng. Ta quyết đi hết cuộc đời này bằng nụ cười vừa ý, đón nhận, bao dung, ngẩng đầu cao mà tiến bước trong sự tự tin vào ơn Chúa, dâng trào nỗi yêu cảm thông, nỗi thương chia sớt...

Mênh mông cho một mớ lớn thời gian trôi xa phận người. Để rồi nhìn thực tế ngắn ngủi của đời người, tưởng như chỉ là bi đát, thì sự soi rọi của lời Thiên Chúa sẽ là bản trường ca của sự phó thác, cho ta niềm an ủi hôm nay mà hướng về hạnh phúc mai sau.

Ta đọc Thánh vịnh 39 mà lòng trào tràn sự thôi thúc cần phải ngã mình vào nôi tình thương của Chúa, bởi ta biết, Người mãi đợi chờ ta:

"Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng.
Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa,
hy vọng của con đặt ở nơi Ngài"
(Tv 39, 6-8).

Lời Chúa thôi thúc ta, càng dày thời gian trong đời, càng phải biết "đặt hy vọng vào Chúa", càng phải đặt Chúa luôn là điểm tựa để lòng ta hân hoan mà chân nhận: Trong cuộc đời, ngoài Chúa, không còn có bất cứ điều gì trở thành vĩnh cửu, không còn điều gì đáng yêu, đáng sống mà vững bước trong đời.

Chỉ sợ sự đời, hay mọi vẻ đẹp ảo trong đời khiến ta, vốn bất toàn, yếu đuối, dễ nghiêng chiều sự tối, dễ phản trắc, sẽ đi xa điều mình quyết tâm với Chúa, với lý tưởng thiêng liêng của đời mình.

Mênh mông những tháng ngày trong một kiếp sống. Chuẩn bị cho lòng mình đón nhận mọi sự, mọi hoàn cảnh, sao ta cảm nhận niềm vui, vì tin rằng, ta không lạc loài, không đơn côi.
Mấy mươi năm trong đời, Chúa dẫn dắt, Chúa dìu đưa đúng theo ý Người muốn. Chúa là tất cả, là nỗi sướng, niềm vui trọn kiếp. Người là bình an mà biết bao lần phải đối diện cùng khổ đau, mỏi mệt, đối diện cùng thử thách, hoan mang..., ta dựa vào mà tìm thấy sinh lực, mà tiếp tục bước đi theo lối yêu do chính Người hoạch định.

Mênh mông lắm tuổi đời ơi. Ý thức ngày đời ta dần ngắn lại, ta càng nung nấu ý muốn làm sao để sống có ích nhất, ý nghĩa nhất, tươi sáng nhất. Ta chưa bao giờ chấp nhận cho những ước vọng đời mình lịm tắt. Ta chưa bao giờ có ý dừng lại cho thời gian trôi mà không mang lại bất cứ điều gì có nghĩa, dù nhỏ nhất.

Tuổi đời mênh mông. Không bằng lòng với lối sống nhàn cư, một kiểu sống "được chăng hay chớ", ta khám phá chính mình: Dẫu quá khứ có thấm những bể dâu, dẫu đã quá nhiều những đòi đoạn thắt se, hay bây giờ mắc nhiều trắc trở hơn về bước đi dáng đứng của độ dày thời gian, dẫu dễ thấm mệt trong những công việc đòi gắng sức của tuổi đời chồng chất..., thì hôm nay, dù đang đứng trên đỉnh của hai phần ba thời gian trôi xa đời mình, ta vẫn thấy tuổi đời của ta còn nhiều vẻ đẹp, nhiều hoài bão, nhiều ham muốn sống tích cực cho người, cho đời, cho cha mẹ, cho người thân, cho chính bản thân...

Một khi hiểu rõ, thời gian không còn nhiều ở phía trước và cũng không thể mang đi những gì bản thân đã có được, ta yêu lắm cặp động từ "nhận - cho", để những năm - tháng - ngày - giờ còn lại của đời ta, ta sẽ sống là sống vui, sống khỏe, sống thoải mái và hạnh phúc.

Ta muốn nhận thật nhiều từ mọi người, mọi vật những nghĩa cử, những lời nói, những quan tâm, và cũng ao ước cho vô vàn những chân lý, những lẽ sống, những phụng sự , những phục vụ...
Ta tin rằng, khi cho và nhận, lý tưởng sống của đời ta ngày càng phú túc, ngày càng tô những nét đẹp tạc vào cõi tâm. Xác tín "cho - nhận" là cặp động từ làm nên tin yêu của đời người, ta ao ước, không chỉ bản thân, mà cả nhân loại cùng sống mãnh liệt những cách "cho" và "nhận". Nhờ đó, khắp nơi an hòa, đáng sống biết bao nhiêu. Người với người sẽ tràn tin, ngập yêu biết bao nhiêu.

Hai phần ba thời gian đi xa. Tuổi đời đã mênh mông. Với chính mình, ta thấy mọi sự đã tốt đẹp. Ta vừa lòng tất cả. Vì thế, vẫn chỉ một ham muốn lớn như đã từng ham muốn từ khi ta ý thức về chính mình, đó là sống và hành động như mình là mình, như chính những điều mà tâm trí mách bảo là đúng, là phù hợp, không cần theo ai, giống ai, hòa trộn cùng ai. Đã từ lâu, ta dẹp bỏ thói so sánh mình với một ai, để ta sống thanh thản và đầy tự do như cơn gió bay qua bầu trời lồng lộng.

Vì thế, nếu có kiếp sau trở lại trần gian, ta vẫn sẽ là chính ta, như đã từng là chính ta. Ta bằng lòng tất cả để mỗi một ngày được ơn Chúa ban cho được sống thêm, ta sẽ càng tiến sâu vào nỗi tự tin vào bản thân mà chính Người soi sáng cho ta. Ta tin chẳng bao giờ đôi mắt Chúa rời xa ta, nên niềm tự tin để sống, để thể hiện mình của ta là niềm tự tin trong Chúa.

Ngồi một mình đối diện với thời gian trôi miên man, tuột dài trong kiếp người đến cả một phần của thế kỷ, ta muốn nói lời cám ơn hơn là nói tiếng oán, tiếng hờn. Ta muốn giữ mãi những ân tình, những đằm thắm, những hồn hậu của nhân của ngãi, những tươi vui, những lành mạnh, những vỡ òa của bao nhiêu lần xúc cảm trào dâng.

Ta cám ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã không để ta không đời đời nhưng Người yêu thương gọi ta vào đời, cho ta sống và cứu chuộc bằng cách đưa ta vào đời vĩnh cửu.

Cám ơn hai Đấng Sinh thành, cám ơn mọi người thân yêu, cám ơn bạn bè, cám ơn những nhà đào tạo, đã cho ta cuộc đời, cho ta mọi điều cần thiết để được là chính ta hôm nay.

Cám ơn dòng họ, bạn bè, mọi người thân thương khác, mọi ân nhân đã sát cánh bên nhau, giúp nhau, động viên nhau tiến bước. Ta cũng nằm trong bao nhiêu người nhận được ân huệ tiến bước này, để vượt qua bao nhiêu thách thức tưởng chừng không thể vượt, tưởng chừng đổ gục, để có thể lớn lên và trưởng thành.

Ta gởi lời cám ơn cả đến những anh chị em, dù vô tình hay cố ý, gây nên những khổ đau mà ta phải một mình chấp nhận, có khi rát buốt. Nhưng chính nhờ những nỗi đau trong đời ấy, ta vững chãi hơn, sâu lắng hơn, thâm trầm hơn.

Nhìn lại tuổi đời đã mênh mông, ta muốn sống chính lời của Đấng Cứu Độ, lúc Người trăn trở trên thánh giá: "Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha". Bởi ta xác tín rằng, phải có sự phó thác đời mình cho Thiên Chúa như Chúa Giêsu, phải đặt mình luôn trong tầm mắt Chúa, ngay từ hôm nay, để Người chở che, giữ gìn, bảo bọc ta dưới cánh tay Người, theo ý Người muốn.
Cuộc đời ta không phải của riêng ta. Nhưng là ân sủng, là gia sản của Chúa. Người cho ta làm người để ta trung thành thờ phượng Người, trung thành sống cho thật đáng sống với mọi anh em loài người và với muôn loài trong trật tự mà Người hằng yêu thương chăm sóc.

Ta biết sứ mệnh của ta. Ta biết mọi đòi hỏi của bổn phận trong cuộc đời mà ta phải có. Xin dâng Thiên Chúa tuổi đời mênh mông.

Xin dâng Thiên Chúa phần lớn thế kỷ đáng yêu, đáng quý vừa trôi qua. Xin tiến dâng Thiên Chúa thời gian còn lại của đời người. Xin đặt vào tay Chúa cả kiếp sống như tặng phẩm, mà ngoài nó ra, ta chỉ là thụ tạo, chẳng còn có bất cứ điều gì để dâng...
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta hãy vững lòng trông cậy vì lòng trắc ẩn là ngôn ngữ của Thiên Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:11 25/09/2019
Lòng trắc ẩn giống như “lăng kính của trái tim” giúp chúng ta hiểu được các chiều kích của thực tại. Đó cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa, còn nhiều khi ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong Thánh lễ sáng thứ Ba, 17 tháng Chín, tại nhà nguyện Santa Marta.

Hãy mở con tim cho lòng thương xót và đừng khép mình lại trong sự thờ ơ. Đây là lời mời rất mạnh mẽ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói sáng nay trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Lòng trắc ẩn đưa ta đến với nẻo đường “công chính thực sự”, và giải thoát ta khỏi việc khép kín nơi chính mình.

Đức Thánh Cha bắt đầu những suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 7: 11-17), kể về Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với bà góa thành Nain. Bà đang khóc thương vì đứa con trai duy nhất của mình đã chết và đang được đưa đến huyệt mộ. Tác giả Tin Mừng không nói rằng Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn nhưng ngài nói “Lòng trắc ẩn đã chộp lấy Đức Giêsu”, như thể nói rằng “Người là nạn nhân của lòng thương xót vậy.” Có cả một đám đông theo Người, lại cũng có một đoàn người đi cùng bà ấy nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy thực tại của bà: từ hôm nay, bà chỉ còn ở một mình, cô đơn và lẻ loi cho đến cuối đời, bà đã là một goá phụ mà nay lại mất đứa con duy nhất. Chính lòng trắc ẩn và thương xót giúp người ta hiểu thực tại cách sâu sắc.

Lòng trắc ẩn giúp ta nhìn thực tại như chúng là; lòng trắc ẩn giống như lăng kính của trái tim vậy. Nó giúp ta thực sự hiểu được các chiều kích của cuộc sống. Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu thường hành động theo lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Không phải chỉ với Chúa Giêsu, Kinh Thánh mới bắt đầu nói về lòng thương xót. Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã nói với Mô-sê: “Ta thấy nỗi đau khổ của dân Ta” (Xh 3: 7); Đó chính là lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng sai Môsê đến cứu dân Người. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu. Chúng ta có thể nói rằng đó là điểm yếu của Thiên Chúa, nhưng cũng là sức mạnh của Người. Đó chính là điều tốt nhất dành cho chúng ta: vì chính lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Người gửi Ngôi Hai đến với chúng ta. Lòng thương xót chính là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Thương xót “không phải là cảm giác đau đớn”, ví dụ, khi người ta nhìn thấy một con chó chết trên đường: “thật tội nghiệp, chúng ta cảm thấy hơi nhức nhối”. Nhưng thương xót là “liên đới với vấn đề của người khác, và đó là liều mình với cuộc sống”. Trong thực tế, Thiên Chúa liều mình với cuộc đời và đi đến đó.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lấy một ví dụ khác rút ra từ Tin Mừng về việc hoá bánh ra nhiều. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy cho dân chúng ăn, trong khi các môn đệ lại muốn đuổi họ đi. Đúng là các môn đệ rất thận trọng. Nhưng khi xét đến câu trả lời của Người: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, tôi tin rằng ngay tại thời điểm đó, tận thâm tâm, hẳn Chúa Giêsu đã giận lắm.

Người mời gọi các ông hãy chịu trách nhiệm với dân chúng, chứ đừng nghĩ rằng sau một ngày như thế họ có thể đi tới các làng để mua bánh. Bản văn Tin Mừng thuật lại: Chúa động lòng thương vì Người thấy dân chúng như đoàn chiên không người chăn dắt. Trái ngược với cử chỉ và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu là thái độ ích kỷ của các môn đệ, chỉ tìm giải pháp chứ không muốn nhúng tay vào, như thể nói rằng dân chúng tự sắp xếp lấy vậy.

Ở đây có thể thấy, nếu ngôn ngữ của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn, thì thường khi, ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Chỉ chịu trách nhiệm đến đây thôi, chứ không nghĩ điều gì khác nữa. Đó chính là thói thờ ơ. Một trong những nhiếp ảnh gia của chúng tôi tại tờ Quan sát viên Roma đã chụp được một bức ảnh hiện đang ở Sở Từ Thiện, được gọi là “Sự thờ ơ”. Tôi đã nói về điều này một vài lần rồi. Vào một đêm đông, trước một nhà hàng sang trọng, một người phụ nữ sống bên vệ đường chìa tay ra hướng tới một người phụ nữ khác đang bước ra khỏi nhà hàng. Người phụ nữ ấy ăn mặc rất ấm áp, che chắn rất kỹ càng nhưng lại ngoảnh đi phía khác. Đó chính là sự thờ ơ, sự thờ ơ của chúng ta. Đã bao lần chúng ta ngoảnh mặt, nhìn đi hướng khác ... Và thế là chúng ta đóng cánh cửa đối với lòng thương xót và trắc ẩn. Chúng ta có thể làm một cuộc xét mình xem: tôi có hay ngoảnh nhìn đi hướng khác không? Hay tôi để Chúa Thánh Thần dẫn bước tôi đi trên con đường thương xót? Đó là một đức tính của Thiên Chúa

Để kết luận, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài rất cảm động vì một lời trong đoạn Tin mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói với người mẹ này: “Đừng khóc”. Đó là một sự âu yếm và trìu mến của lòng trắc ẩn. Chúa Giêsu chạm vào quan tài, và bảo cậu bé đứng dậy. Sau đó, cậu bé đã ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến đoạn cuối khi Chúa Giêsu “trao cậu lại cho mẹ của cậu.”

Đó là một hành động của công lý và chính trực. Từ “trao lại” này được sử dụng trong công lý. Lòng trắc ẩn đưa chúng ta đến con đường của công lý thực sự. Chúng ta phải luôn trao lại cho người khác một quyền lợi nhất định. Điều này sẽ luôn giải gỡ chúng ta khỏi sự ích kỷ, thờ ơ và khép kín nơi chính mình. Chúng ta tiếp tục thánh lễ hôm nay bằng lời này: “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn”. Ước gì Người cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với mỗi chúng ta: chúng ta cần điều ấy.
 
Vifdeo: Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước những giảng dạy lầm lạc của linh mục Dòng Tên James Martin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:35 25/09/2019
Sẽ có thời người ta không chịu nghe đạo lý chân chính nữa, trái lại họ sẽ nghe theo những bọn người khéo nói làm cho họ vui tai và thoả mãn tư dục, họ sẽ bịt tai không nghe chân lý mà xoay hướng về những chuyện hão huyền” (2Tm 4,3-4)

Ngày 17 tháng Chín, cha James Martin, một linh mục Dòng Tên đã có một buổi nói chuyện tại Đại học Thánh Giuse của Philadelphia. Trước các phản ứng về buổi nói chuyện này, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã viết trên CathPhilly, cổng thông tin của Tổng giáo phận Philadelphia, một bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ những giảng dạy lầm lạc của cha Martin. Các Giám Mục Hoa Kỳ khác cũng lên tiếng về vấn đề này.

Thông tấn xã Catholic News Agency có bài tường thuật nhan đề “After Chaput warning, bishops weigh in on Fr. James Martin” – “Sau lời cảnh báo của Đức Tổng Giám Mục Chaput, các Giám Mục tham gia vào chuyện Cha James Martin.” Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia kêu gọi thận trọng trước các thông điệp của cha James Martin, một linh mục Dòng Tên, các Giám Mục khác tại Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng cảnh giác anh chị em tín hữu cần thận trọng trước các thông điệp của cha Martin liên quan đến đồng tính luyến ái và đạo Công Giáo, trong khi cuộc tranh luận giữa cha Martin và Đức Tổng Giám Mục Chaput về vấn đề này vẫn còn đang tiếp diễn.

“Thông điệp công khai của Cha Martin tạo ra sự nhầm lẫn nơi các tín hữu và phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo Hội khi cổ vũ cho một cảm thức sai lầm rằng hành vi tình dục vô đạo đức đó là có thể chấp nhận được theo luật của Thiên Chúa,” Đức Cha Thomas Paprocki Giám Mục Springfield, Illinois, viết hôm 19 tháng 9.

“Những người chịu hấp lực đồng giới thực sự được Chúa tạo dựng và yêu thương và được hoan nghênh trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng sứ mệnh của Giáo Hội đối với các anh chị em này cũng giống như đối với tất cả các tín hữu khác là hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ mỗi người chúng ta trong cố gắng của người Kitô hữu vươn đến các nhân đức, sự thánh thiện, và thanh sạch,” Đức Cha Thomas Paprocki nói thêm.

Tuyên bố của Đức Cha Paprocki được đưa ra để nhấn mạnh thêm ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput kêu gọi thận trọng về “một chuỗi những mơ hồ có hệ thống” trong các bài viết và những lời giảng dạy của linh mục Martin.

Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra mối quan ngại của ngài rằng “Cha Martin – không nghi ngờ gì đã vô tình - truyền cảm hứng cho hy vọng rằng giáo huấn của Giáo Hội về tình dục con người có thể thay đổi.”

Linh mục Martin là tác giả của cuốn “Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity”, nghĩa là “Xây dựng một nhịp cầu: Làm thế nào Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tiến vào một mối quan hệ Tôn trọng, Cảm thông, và Nhạy Cảm”, và thường xuyên nói về các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái và đạo Công Giáo. Ngài đã nói chuyện tại Đại học Thánh Giuse của Philadelphia vào ngày 17 tháng 9.

“Trước sự lầm lạc gây ra bởi các tuyên bố và các hoạt động của ngài liên quan đến những vấn đề về LGBT, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng cha Martin không thể nói với thẩm quyền thay mặt cho Giáo Hội, và cảnh báo các tín hữu về một số khẳng định của ngài,” Đức Tổng Giám Mục Chaput viết.

Đức Cha Paprocki nhận xét rằng:

“Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra một cảnh báo hữu ích cho người Công Giáo đối với cha James Martin. Một mặt, cha Martin bày tỏ chính xác tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, nhưng mặt khác, ngài khuyến khích hoặc không sửa chữa hành vi ngăn cách con người với chính tình yêu đó. Điều này là tai tiếng sâu sắc theo nghĩa là nó dẫn dắt mọi người đến chỗ tin rằng hành vi sai trái này không phải là tội lỗi.”

“Vấn đề này không phải là chuyện ta có thể đưa ra ý kiến được, đó là giáo huấn của chính Chúa chúng ta, khi chúng ta nghe trong Tin Mừng Thánh Luca: ‘Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em mình phạm lỗi, hãy trách phạt, và nếu người ấy ăn năn, hãy tha thứ.” (Lc 17:3)

Đức Cha Rick Stika, Giám mục Knoxville cũng tham gia góp thêm ý kiến.

Trên Twiter, Đức Cha Stika ca ngợi bài xã luận của Đức Tổng Giám Mục Chaput “về các sai lầm thần học và luân lý của cha Martin. Ngài ca ngợi nỗ lực vươn tới [với những người đồng tính của linh mục Martin] nhưng thách thức những tư tưởng đạo đức và thần học [của linh mục này]. Đức Tổng Giám Mục cũng minh định rõ rằng đó là một tội lỗi nghiêm trọng. Dù có người cảm thấy đau khổ vì điều này, tôi vẫn cần nói thêm rằng về phương diện đạo đức đó là điều Giáo Hội không bao giờ chấp nhận được. Đức Tổng Giám Mục cũng nói thêm rằng các cuộc tấn công tàn độc nhắm vào vị linh mục này là sai trái và tội lỗi. Đó là một điều tôi cũng không đồng ý nhưng có một điều khác là cần phải mạnh mẽ trước mưu toan lợi dụng để che dấu những điều xấu xa”.

Chính cha Martin đã trả lời chuyên mục của Đức Tổng Giám Mục Chaput trong một bài cậy đăng trên CathPhilly, cổng thông tin của Tổng giáo phận Philadelphia.

“Tôi nghĩ rằng câu trả lời chính của tôi đối với bài xã luận của ngài là rất khó để đáp trả trước những lời phê bình rằng tôi ‘ngụ ý’ những gì về giáo huấn của Giáo Hội, khi mà trong các tác phẩm và các cuộc nói chuyện của mình tôi kiên quyết không thách thức Giáo Hội về các vấn đề đạo đức tình dục (hoặc bất cứ điều gì tôi cho là liên quan đến vấn đề đó).”

“Một trong những lý do mà tôi không tập trung vào [các giáo huấn liên quan đến] các mối quan hệ đồng tính và hôn nhân đồng tính, mà tôi biết đều là không được phép (và vô luân) theo giáo huấn của Hội Thánh, là vì các người LGBT Công Giáo đã nghe điều này nhiều lần. Trên thực tế, thường đó là điều duy nhất mà họ nghe được từ Giáo Hội của họ,” linh mục Martin viết.

“Thay vào đó, những gì tôi đang cố gắng làm là khuyến khích người Công Giáo xem những người LGBT nhiều hơn chỉ là một hữu thể dục tính, xem họ trong tổng thể của họ, như Chúa Giêsu từng đối xử với những người sống bên lề, những người cũng được coi là ‘người khác’ trong thời đại của ngài,” vị linh mục nói thêm.

“Tôi vẫn biết ơn Đức Tổng Giám Mục yêu cầu mọi người đừng tham gia vào những cuộc tấn công ‘ad hominem’ [nhắm vào cá nhân thay vì nhắm vào quan điểm tranh cãi - chú thích của người dịch], và tôi đánh giá cao phong thái cẩn thận trong lá thư của ngài và luôn luôn đánh giá cao những trao đổi rất nhã nhặn của ngài đối với tôi,” cha Martin kết luận.

Đáp lại những ý kiến này của cha Martin, trong chuyên mục của ngài, Đức Tổng Giám Mục Chaput viết:

“Tôi đánh giá cao những lời bình phẩm rất lịch sự của cha Martin, phù hợp với phong thái của người đàn ông này,” Chaput viết.

“Tuy nhiên, những lời này không vì thế mà thay đổi nhu cầu phải có bài xã luận của tôi. Tôi chắc rằng cha Martin sẽ đồng ý rằng trái ngược với một số hệ thống niềm tin và thực hành không chính thức, và hoang tưởng, giáo huấn ‘chính thức’ của Giáo Hội đơn thuần là những gì Giáo Hội tin tưởng dựa trên Lời Chúa và hàng thế kỷ kinh nghiệm với tình trạng của con người.”

“Hơn nữa, điều quan trọng không phải là ‘không thách thức’ những gì Giáo Hội tin tưởng về tình dục con người, nhưng là phải rao giảng và dạy dỗ những giáo huấn ấy với sự tự tin, niềm vui và lòng nhiệt thành. Chân lý Thánh Kinh giải phóng [chúng ta]; chân lý ấy không bao giờ là nguyên nhân cho sự ngượng ngùng,” Đức Tổng Giám Mục Chaput nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục đã nói rằng ngài và cha Martin đều đồng ý rằng “những người có hấp lực đồng giới cũng là con cái của Thiên Chúa và cũng được Ngài yêu thương. Vì vậy, họ xứng đáng được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm. Giáo Hội phải tha thiết tìm cách làm điều đó trong khi vẫn giữ đúng niềm tin của mình.”

“Nhưng rõ ràng không đúng khi cho rằng ‘điều duy nhất’ mà những người Công Giáo chịu hấp lực đồng giới nghe từ Giáo Hội của họ là một thông điệp từ chối. Hoặc nếu có như thế, có lẽ trách nhiệm là ở người nghe nhiều hơn là ở Giáo Hội. Mỗi chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn. Lắng nghe, cũng như giảng dạy, là một hành động của ý chí.”


Source:Catholic News Agency