Ngày 24-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:49 24/09/2019

43. Đức khiêm tốn là nhận ra địa vị vốn có của mình, là nhìn nhận mình rất đáng khinh dễ.

(Thánh Laurence)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:52 24/09/2019
21. CAN GIÁN NGỖNG VỊT

Nam Tống Cao Tôn Triệu Cấu gặp gỡ hạ quan, có một quan gián nghị tên Đổng Môn kiến nghị với Cao Tôn:

- “Sắp tới đây xin đừng giết heo dê làm thịt, việc ấy rất hợp với thánh đức, nhưng đối với ngỗng vịt cũng cấm như thế”.

Vừa nói xong, đột nhiên có người báo:

- “Quân Kim xâm phạm phía nam, có người mang số một là “long hổ đại vương” rất dũng mãnh rất khó mà chống cự”.

Cao Tôn nhất thời trầm mặc không nói.

Quan thị lang đứng bên thượng tấu nói:

- “Đại vương bất tất phải lo âu, ở đây có một quan “can gián ngỗng vịt” đủ để đối đầu với “long hổ đại vương rồi !”

(Cỗ kim tiếu sử)

Suy tư 21:

Can gián nhà vua làm chuyện hại dân hại nước là đúng với chức năng của quan gián nghị, nhưng đề nghị nhà vua ra lệnh cấm bá tánh không được giết heo dê để làm thịt và cũng không được giết ngỗng vịt để ăn, thì quả là quá lạm dụng chức quyền…

Có người chỉ biết can gián anh em và giận dữ khi anh em tái phạm chứ không biết giúp anh em sửa đổi khuyết điểm, nên vẫn còn có những điều đáng tiếc xảy ra giữa anh em với nhau.

Can gián anh em chị em làm điều xấu là nhiệm vụ của mọi người, nhưng can gián không có nghĩa là mình làm bề trên hay làm anh hai chị hai của anh chị em mình, nhưng là người bạn tốt của nhau…

Chỉ thấy khuyết điểm của tha nhân mà can gián chứ không thấy ưu điểm của họ để khuyến khích, thì chẳng khác chi nói với họ rằng:

- “Anh (chị) là người ‘hết thuốc chữa’ vậy !”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Quan tâm phục vụ những người bất hạnh
Lm Đan Vinh
06:28 24/09/2019
Chúa Nhật 26 Thường Niên C
Am 6,1a.4-7 ; 1 Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,19-31

(19) Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham. Xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi. Còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con. (28) Vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Áp-ra-ham đáp: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi La-da-rô có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: La-da-rô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ cùng cực trong hỏa ngục.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-21: + Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo. + Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô: Đối nghịch với hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh La-da-rô nghèo khó khốn khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô thân. La-da-rô hay Ê-lê-a-da-rô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. + Mụn nhọt đầy mình... Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn (x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và “chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của La-da-rô và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.
- C 21-24: + Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy La-da-rô trong lòng tổ phụ: “Ngồi trong lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Áp-ra-ham chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gio-an cũng được vinh dự “tựa đầu vào lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con”...: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.
- C 25-26: + “Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ; Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn”...: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.
- C 27-31: + “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của cha ông. + “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ”...: Sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em còn sống. + “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Mô-sê và lời các ngôn sứ không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin, nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44). Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x. Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga 14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).

4. CÂU HỎI:

1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của người nghèo khó La-da-rô ?
2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào ?
3) Phải chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau ?
4) Câu nào cho thấy tổ phụ Áp-ra-ham không cho phép La-da-rô hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu ? Tại sao ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16,19-20).

2. CÂU CHUYỆN:

1) PHIM "NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ" :

Một cô gái quê lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ ốm đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh như một mụ điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường và thay nhau hò hét đấm đá... Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.

Còn chúng ta thì sao ? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn vào hùa với kẻ gian ác để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói gặp phải giữa đời thường hay không ?

2) CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN:

Ngày nọ, một cậu bé dòng dõi quí tộc đang đi chung với một người giám hộ dọc theo bờ ruộng của gia đình, trong thửa ruộng đó, có một bác nông dân đang làm việc cày bừa cho nhà cậu. Bác tá điền đã để đôi giày ủng trên bờ ruộng. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi giày ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Bấy giờ người giám hộ đã khuyên bảo cậu bé rằng: "Con đừng làm cho người tá điền nghèo khổ kia buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta vui mừng thì tốt hơn. Thầy khuyên con thay vì giấu giày đi thì con hãy bỏ tiền vào trong mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ đến núp trong đám bụi cây đằng kia để xem phản ứng của người nông dân thế nào?" Cậu bé liền làm theo lời thầy dạy. Chờ tới lúc người nông dân quay lưng đi chỗ khác, cậu đã lén đến gần đôi ủng và bỏ vào trong mỗi chiếc một quan tiền.

Một lát sau, khi đến giờ nghỉ trưa, người nông dân đến gần đôi giày và xỏ chân vào giày, ông ta vui mừng khi khám phá ra có hai quan tiền trong đôi giày ủng của ông. Ông ta đã qùy gối ngước mắt lên trời dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương cứu giúp gia đình ông qua cơn túng cực vợ đang đau nặng phải nằm liệt giường. Ông cũng cầu Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh đã cho tiền.

Chứng kiến niềm vui và nghe được những lời cầu nguyện của người nông dân, cậu bé cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời cậu cảm thấy hạnh phúc khi làm cho người khác được vui theo lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

3) ƯỚC GÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN NHƯ THẾ:

Một nhà doanh nghiệp đậu chiếc xe đời mới của ông vào bên lề đường để đi làm một vài công việc. Khi ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan sát chiếc xe với đôi mắt thán phục và thèm muốn.
- Thưa ông, đây có phải là chiếc xe của ông không ? - Cậu bé hỏi.
- Phải.- Ông đáp.
- Nó đẹp quá. Ông mua chiếc xe này hết bao nhiêu tiền ?
- Nói thật với chú bé là tôi không biết. Đây là một món quà mà bạn tôi đã tặng cho tôi.
- Như vậy chiếc xe là do bạn ông tặng và ông không phải bỏ ra đồng nào để mua?
- Đúng thế!
- Ước gì tôi…
Nhà doanh nghiệp tin chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Ước gì tôi có một người bạn có lòng quảng đại như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Ước gì tôi là một người bạn có lòng quảng đại như thế”.
Và ông ta kết luận: “Tôi là người mặc áo quần bảnh bao và đang là sở hữu một chiếc xe hơi đời mới rất mắc tiền. Còn cậu bé kia ăn mặc rách rưới và thuộc tầng lớp nghèo đói trong xã hội. Tuy nhiên tâm hồn cậu bé lại có nhiều tình thương hơn tôi, nên cậu thực sự là người giàu sang hơn tôi”…
Sau đó tôi đã dùng chiếc xe hơi này chở cậu bé và anh bạn chân tay bị co quắp do bệnh sốt tê liệt gây ra. Anh cho 2 người này ngồi lên xe đi một vòng. Có thể nói: đây chính là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi !”.

4) CẢM THÔNG TRỢ GIÚP NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH :

Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.

Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé lớn lên trở thành một vị bác sĩ nổi tiếng về lòng nhân hậu và cậu đã được mọi người chung quanh yêu thương và kính trọng.

3. SUY NIỆM:

1) Thực trạng giàu nghèo trên thế giới hiện nay:

Hiện nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài. Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo đang sống tại đô thị và vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “La-da-rô” đang lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “La-da-rô” đang bệnh tật mà không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ các bàn tiệc của những người giàu có. Dửng dưng trước sự đau khổ của người khác cũng chính là một tội ác lớn lao.

2) Thế nào là sự giàu có và nghèo khó thực sự ?:

Sự giàu có đích thật được đo không phải bởi những thứ người ta ích kỷ thu tích, mà bởi những thứ người ta quảng đại cho đi.
Người giàu đích thật là người biết cho đi, còn người nghèo thật sự lại là người chỉ biết mở tay đón nhận.
Người giàu đích thật là người có ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đầy đủ, đang khi người nghèo thật sự lại có quá nhiều nhu cầu cần được thỏa mãn nên lúc nào họ cũng cảm thấy thiếu thốn. Sự giàu đáng giá nhất là giàu có tâm hồn. Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống (McCarthy). Khi một người chỉ biết tìm kiếm cho mình thật nhiều tiền, thì con mắt của họ sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhận ra Thiên Chúa đang hiện thân nơi tha nhân đang sống bên cạnh.

3) Phải tránh thái độ ích kỷ: Tội làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân:

Có người nói: Ông phú hộ trong bài Tin Mừng không đáng bị phạt trong hỏa ngục: Ông ta đâu có gian tham trộm cắp, đâu có bóc lột người nghèo… Cuộc sống của ông ta chỉ là ngày ngày ăn nhậu tiệc tùng dư thừa. Nhưng hưởng thụ những gì thuộc về mình thì đâu phải là tội? …

Thực ra tội của ông phú hộ không phải là sự giàu có, mà ở chỗ đã tỏ ra ích kỷ khi làm ngơ, không quan tâm đến anh La-da-rô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà ông ta. Ở liền kề bên nhau mà không nhìn thấy, không giúp đỡ thì quả là một con người bất nhân thất đức. Tội ích kỷ làm ngơ của ông phú hộ đã trở thành tội ác khi do không chịu ra tay giúp đỡ kịp thời, khiến anh La-da-rô bị kiệt sức và chết, nên ông ta đáng bị Chúa trừng phạt trong lửa hỏa ngục! Tương tự như: khi thấy một người sắp bị chết đuối đang kêu cứu mà ta không cấp thời cứu giúp, lại lấy điện thoại ra quay phim chụp hình làm tư liệu cảnh một người đang bị chết đuối !!! như đã xảy ra nơi một số giới trẻ sinh viên học sinh; Thấy nhà hàng xóm bốc cháy mà vẫn bình chân như vại, không cấp thời báo đông dập lửa; Thấy một người khuyết tật mù và điếc sắp bị xe lửa cán chết mà không cấp thời ra tay cứu họ tránh bị tai nạn...

Bác sĩ AN-BỚT SUÝT-DƠ (Albert Schweitzer), người đã bán hết gia tài to lớn để xây dựng một bệnh viện cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: "Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác đang bị đau khổ ở chung quanh ta ?".

4) Phải bắt đầu từ đâu? :

- phải bắt đầu từ gia đình mình trước: Mẹ Tê-rê-sa CAN-QUÝT-TA nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát bên cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm việc bác ái ồn ào”.
-Tình thương phải thực hiện từ một cá nhân cụ thể: Muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc trực tiếp với người đó, gần gũi với người đó. Mẹ Tê-rê-sa kể tiếp: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bom-bay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này đã phải bị chết đói !".
-Tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Tê-rê-sa: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu mất nhiều giọt nước khác".
-Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động trường Yăng-ki (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đều là anh em của các bạn trong Chúa Ki-tô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ đó, các bạn có thể giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải đối xử với họ như những vị khách quí trong gia đình các bạn nữa”.

4. THẢO LUẬN:

1) Một văn sĩ nổi tiếng đã nói: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hoàn thành, mỗi hỏa tiễn được bắn ra... Xét cho cùng, chính là một lần ăn trộm của những kẻ đói khát vì không được nuôi dưỡng, của những kẻ bị lạnh lẽo vì thiếu quần áo che thân !”. Bạn có đồng ý với lời đó hay không ? Tại sao ?
2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết... ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho con nhìn thấy những La-da-rô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác... Như vậy chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Ông nhà giàu và Lazarô nghèo khó
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:36 24/09/2019
Chúa Nhật XXVI Thường Niên, năm C
Lc 16,19 – 31

Tin Mừng của Đức Giêsu là những bài học sống động dạy bảo con người.Lời của Chúa là ngọn đèn soi, hướng dẫn con người, nuôi dưỡng loài người. Những dụ ngôn, những ví dụ Chúa Giêsu đưa ra nhằm sửa đổi, răn dạy con người, luôn có một sức mạnh lớn lao biến đổi con người. Những trang Tin Mừng của thánh Luca là những trang tuyệt đẹp, gây ấn tượng vô cùng khó quên cho con người, cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Hôm nay, thánh Luca trình bầy dụ ngôn :” Ông Phú hộ giầu và Lazarô nghèo khó” là hình ảnh sống động, rất thực tế để răn dạy mỗi người chúng ta.

Chúa Nhật tuần trước dụ ngôn nói về “ Người quản gia bất lương “giúp chúng ta hiểu rất rõ đoạn Tin Mừng của thánh Luca :” Ông nhà giầu và Lazarô nghèo khó “. Hình ảnh thật tương phản giữa nhà Phú hộ giầu và Lazarô nghèo khó nói lên sự bi đát, tương phản mà chúng ta thường gặp trong xã hội con người.Đây là câu chuyện sống động, rất hiện thực trong thế giới muôn thời.

Ông Phú hộ giầu sang phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình rất tương phản với anh Lazarô quần áo, lem nhem, rách rưới,mình đầy lở chốc Sự tương phản này nói lên sự bất công của con người, giữa người giầu và người nghèo. Người giầu của cải đầy dư, kho lẫm lúc nào cũng đầy lương thực dự trữ, còn người nghèo, anh Lazarô không có lấy mụn bánh để ăn cho đỡ đói chứ đừng nói tới ăn no, ăn đầy bụng. Hình ảnh này làm chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn “ Người con hoang đàng “. Tin Mừng viết:” khi phung phí hết tiền của “, người con đi hoang mới tự nhủ :” ở nhà Cha của anh thì giầu có, lương thực đầy dư, con anh ta phải chết đói ở đây, muốn có chút lương thực cho heo ăn mà thốn cho đầy bụng cũng chẳng ai cho “. Hình ảnh sống động, câu chuyện thực là bài học để đời cho mọi người.

Ông Phú hộ và Lazarô nghèo khó là dụ ngôn thực, đầy nét nhân văn giúp chúng ta hiểu được những mảnh đời gian nan, đau khổ, vất vả ở một cáiđời. Ông Phú hộ giầu có cứ tưởng ông sẽ sống mãi mãi, sẽ hưởng thụ suốt đời này qua đời khác.ông tưởng thế gian là vĩnh cửu, trường tôn. Ông tưởng sự giầu có là vĩnh viễn.Ông không hiểu mọi sự là tạm bợ, mau qua giống như hoa phù dung sớm nở chiều tàn. Ông không biết “ Cuộc đời là hư vô, tất cả đều là hư vô”.

Đùng một cái ông Phú hộ giầu và anh Lazarô nghèo khổ cũng lăn ra chết. Ông Phú hộ phải trầm luân nơi hỏa ngục đời đời, ông kêu van, khóc lóc nhưng tất cả đều quá muộn màng.Tội của ông là tội vô tâm, ông đóng cửa lòng trước những người nghèo.Ông làm ngơ trước nỗi đau của người khác, trước nỗi khổ nhục của tha nhân, không biết chia sẻ cho tha nhân, cho người khác.Lazarô được ngồi trong lòng Abraham. Anh đã được Thiên Chúa thưởng công.

Vâng, Lazarô đã phải chịu nỗi cay đắng, đau khổ của cuộc đời.Anh đã chấp nhận đời sống với tất cả đức tin, với tất cả sự cậy trông phó thác của mình. Tin Mừng của thánh Luca viết thực mỉa mai :” …Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no…”( Lc 16, 21). Thật mỉa mai, thật đau khổ. Nhưng Lazarô đã được các thiên thần đem vào lòng tổ phụ Abraham.

Câu chuyện, còn mỉa mai hơn, khi ông Phú hộ giàu nài nỉ để có người chết về báo cho 05 đứa em của ông đang sung sướng như ông ở trần gian, nhưng lời kêu cầu đó thất bại vì họ đã có Lời Chúa và lời giáo huấn của Giáo Hội.

Câu chuyện sống động, nhưng cũng rất mỉa mai đối với những ai cậy mình giàu có mà quên đi những người nghèo khó.Chúa không bao giờ bần cùng hóa con người, làm nghèo xã hội nhưng Chúa dạy con người, chúng ta phải biết xót thương, quảng đại, chia sẻ. Bo bo giữ của, chỉ biết làm giầu cho bản thân mả vô tâm, đóng kín lòng trước người nghèo, không quảng đại, chia sẻ mà tưởng cuộc đời này sẽ trường tồn mãi mãi để họ một mình hưởng thụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng quảng đại, cảm thông, chia sẻ để chúng con luôn biết sống khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang theo dầu. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tội của ông Phú hộ giàu là gì ?
2.Lazarô là người thế nào ?
3.Trên thế giới này tài nguyên có được phân bổ đồng đều không ?
4.Chúng ta phải có thái độ nào đối với những người nghèo ?
5.Làm ngơ với người nghèo có tội không ?

 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 26C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:59 24/09/2019
Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 16: 19-31)
BỐ THÍ


Nhà cao cửa rộng thênh thang,
Một ông phú hộ, giầu sang tiệc tùng.
Mặc toàn gấm vóc vải nhung,
Ngày ngày yến tiệc, hưởng dùng thỏa thuê.
Trước nhà hành khất bò lê,
Mình đầy ghẻ chốc, ê chề tấm thân.
La-za-rô sống thanh bần,
Hằng ngày đói khổ, thân trần gớm ghê.
Chó con liếm ghẻ cận kề,
Mong tìm bánh vụn, kéo lê cuộc đời.
Lang thang vất vưởng một thời,
Kết cùng cuộc sống, một đời khổ đau.
Thiên thần đón tiếp mai sau,
Ông già phú hộ, trước sau cũng dời.
Ra đi tay trắng không lời,
Vào nơi khổ ải, lửa khơi bừng bừng.
Cực hình quằn quại không ngừng,
Thương thay số kiếp, vui mừng đã qua.
Không màng thương giúp người ta,
Sự lành đã hưởng, phôi pha tháng ngày.

Bài Phúc âm thánh Luca đặt chúng ta trước một cảnh thương tâm. Một người giầu có ăn mặc gấm vóc lụa là, yến tiệc linh đình và một người hành khất nghèo đói lả không nơi nương tựa. Hai người ở trong hai hoàn cảnh khác nhau. Sau khi mãn phần, phận số đời sau cũng khác nhau. Người nghèo nàn bệnh tật thì không do lỗi ở người giầu. Người phú hộ cũng không xử tệ, không xua đuổi và không làm hại chi người hành khất. Vấn đề là người phú hộ có mắt mà không nhìn thấu, ông đã không biết chia xẻ của ăn và tình thương với người khốn khổ. Đó chính là lỗi mà ông phải gánh chịu.

Sự chia xẻ cho người nghèo là hình thức bác ái tốt nhất. Bố thí thì chưa đủ, vì khi bố thí, chúng ta như thương hại họ và cho chút dư thừa. Trong cuộc sống chúng ta thường nói đến công bằng và bác ái. Công bằng là điều buộc chúng ta phải làm. Không giữ đức công bằng là có lỗi. Bác ái là điều không buộc, tùy lòng hảo tâm của chúng ta.

Truyện kể: Có một cô giáo dạy học bên trường sang gặp cha sở, cô kể một cách ngạc nhiên vì chuyện xảy ra trong lớp giáo lý. Khi dạy về công bằng và bác ái, cô cho các em thực tập qua câu hỏi: Người tín hữu có thể làm gì cho người hành khất, không nhà không cửa. Em thứ nhất trả lời: Chúng ta không phải làm gì cho người hành khất vì lỗi tại họ lười biếng. Bố em nói là tại lỗi của họ nên họ bị như thế. Em thứ hai nói: Mẹ em dặn, con phải sống xa những người sống bên lề đường, bởi vì họ hay bắt trẻ con và làm việc xấu. Em thứ ba tiếp lời: Bất cứ khi nào em đi với mẹ của em, mẹ luôn nhắc em nhìn sang phía khác và giả vờ như không nhìn thấy người ăn xin vệ đường. Không có một em nào trả lời một cách tích cực giúp đỡ người nghèo. Đó chính là ảnh hưởng của giáo dục gia đình.

Thường thì sự giầu có làm cho chúng ta xa dần với hoàn cảnh khổ của những người chung quanh. Khi chúng ta có tiền bạc thì chúng ta muốn tìm chỗ yên thân để hưởng thụ. Chúng ta không muốn bị người khác quấy rầy, nên xây tường cao và cổng kín. Đây cũng chính là tâm trạng chung của nhiều người. Chúng ta tìm nhiều lý do để khỏi phải giúp đỡ người khác.

Cho thì quý hơn nhận. Chúng ta cần cho khi chúng ta còn nhận. Một người giầu có cảm thấy buồn về lời dạy của Chúa về việc bố thí. Ông cầu nguyện để có thể chấp nhận sự dậy dỗ này. Càng cầu nguyện, ông càng buồn. Một hôm thiên thần đến an ủi, hỏi sao ông buồn thế? Ông trả lời: Tôi buồn vì lời dạy của Chúa về sự bố thí. Xem ra tôi phải bố thí suốt đời. Thiên thần nói: Không phải thế đâu. Ông chỉ cho khi Chúa còn cho ông. Nếu Chúa ngưng cho ông, ông sẽ không phải tiếp tục cho nữa.

Lạy Chúa, từng giây phút trong đời chúng con nhận lãnh hồng ân của Chúa. Xin cho chúng con biết tiếp tục chia xẻ ân huệ Chúa ban cho với anh chị em kém may mắn của chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 46-50).
CAO TRỌNG


Người nào trọng nhất Nước Trời,
Trẻ em bé nhỏ, sống đời đơn sơ.
Chúa thương đón nhận trẻ thơ,
Vòng tay âu yếm, vô bờ mến yêu.
Kẻ nào bé nhỏ yêu kiều,
Là người trọng nhất, thiên triều xứng danh.
Tâm hồn thanh khiết xinh lành,
Tin yêu phó thác, thực hành ái nhân.
Gio-an lên tiếng phân trần,
Người kia trừ quỷ, ở gần chúng ta.
Chúng con ngăn cản người ta,
Chúa rằng đừng cấm, vị tha xóa nhòa.
Họ không chống nghịch thiên tòa,
Đồng tâm trọn ý, thuận hòa kết giao.
Chúa ban ân phúc trời cao,
Sinh hoa kết qủa, biết bao phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 51-56).
CỨU CHỮA


Thời gian sắp mãn trong đời,
Lên đường cương quyết, Con Người phải đi.
Dân làng không tiếp khinh khi,
Tông đồ nổi giận, sinh nghi lòng người.
Thưa Thầy khiến lửa bởi trời,
Cháy lan thiêu hủy, những người cứng tin.
Chúa quay quở trách khẽ nhìn,
Tính tình ghen tị, niềm tin yếu hèn.
Thần nào xúi giục đua chen,
Ân tình đáp trả, muối men ướp đời.
Kiên tâm đối xử với người,
Rộng lòng tha thứ, cao vời biết bao.
Chúa sang làng khác truyền rao,
Cải tà qui chánh, dẫn vào đường ngay.
Chu toàn sứ mệnh hôm nay,
Ngày mai phó thác, hăng say cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 57-62).
THEO THẦY


Trên đường rao giảng tin mừng,
Một người quyết chí, không ngừng bước theo.
Dù rằng núi đá cheo leo,
Khó khăn muôn lối, dù nghèo lang thang.
Chúa rằng con cáo có hang,
Con chim có tổ, kho tàng ẩn thân.
Con Người không chỗ náu thân,
Gối đầu chẳng có, tinh thần thảnh thơi.
Có người theo Chúa xu thời,
Lo toan công việc, giữa đời khó khăn.
Đáp ơn cha mẹ cản ngăn,
Chôn cha trước đã, lưu danh ở đời.
Theo Thầy đáp tiếng gọi mời,
Rời cha xa mẹ, tuyệt vời tu thân.
Cầm cầy ngó lại đường trần,
Thì không xứng đáng, dấn thân theo Thầy.

THỨ NĂM, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 1-12).
SAI ĐI


Môn đồ Chúa chọn sai đi,
Từng hai người một, xá gì gian nan.
Đồng hành nâng đỡ ủi an,
Thi hành bác ái, sẻ san tình người.
Bảy mươi hai vị vào đời,
Truyền rao chân lý, gọi mời canh tân.
Đầy đồng lúa chín vô ngần,
Cánh đồng bát ngát, rất cần thợ chuyên.
Vào đời dấn bước rao truyền,
Như chiên giữa sói, lời khuyên thanh bần.
Đừng mang tiền bạc phụ thân,
Không đem bao bị, tinh thần thảnh thơi.
Bình an cầu chúc mọi nơi,
Gia đình xứng đáng, ban lời cầu an.
Nước Trời đã đến trần gian,
Mở lòng đón nhận, Chúa ban phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 13-16).
SÁM HỐI


Kêu mời cải qúa tự tân,
Đổi đời sám hối, canh tân lòng người.
Tiên tri sai đến trong đời,
Răn đe dạy bảo, gọi mời đổi thay.
Thực hành phép lạ tỏ bày,
Tâm hồn chai cứng, chẳng hay đổi đời.
Cô-rô-zai hỡi một thời,
Beth-sai-đa nữa, bao lời truyền rao.
Khốn cho dân chúng biết bao,
Dửng dưng vui sống, tự cao dân lành.
Ca-pha-na-úm tranh dành,
Đua đòi thỏa mãn, công danh chức quyền.
Không màng tuân giữ luật truyền,
Thờ ơ khinh dể, lời khuyên trở về.
Tự cao tự đại tư bề,
Sa chìm thấp xuống, ê chề thảm thương.

THỨ BẢY, TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 17-24).
GHI DANH

Vui mừng vinh thắng trở về,
Quỷ ma vâng phục, mọi bề an cư.
Thầy ban quyền phép riêng tư,
Kẻ thù rắn rết, miễn trừ cứu nguy.
Đừng vui thần phục lụy tùy,
Vui mừng Nước Chúa, khắc ghi tên mình.
Chúa đầy hoan lạc Thánh Linh,
Ngợi khen ca tụng, uy linh Chúa Trời.
Khôn ngoan thông thái ở đời,
Kiêu căng ngạo mạn, xa vời khó thương.
Đơn sơ thanh khiết tựa nương,
Nhiệm mầu dấu kín, khiêm nhường trao ban.
Chúa Con mạc khải thiên nhan,
Các con hạnh phúc, ngập tràn tin yêu
Ý Cha thể hiện cao siêu,
Tỏ bày mọi sự, thiên triều quang lâm.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lòng đạo phi thường của người Ba Lan: 60,000 người phạt tạ những xúc phạm đến Chúa và Đức Mẹ
Đặng Tự Do
00:17 24/09/2019
Hơn 60,000 người đã tham gia vào buổi gặp gỡ cầu nguyện với chủ đề “Ba Lan Dưới Chân Thánh Giá” vào cuối tuần qua. Đây là một sự kiện được tổ chức bởi cộng đồng Solo Dios Basta và giáo phận Włocławek ở miền trung Ba Lan.

Hai bạn trẻ Maciej Bodasiński và Lech Dokowicz, cùng với một nhóm nhỏ, đã tổ chức một buổi cầu nguyện với quy mô của Ngày Giới trẻ Thế giới, bao gồm 60,000 người tham gia tại sân bay Włocławek với những người Công Giáo đến từ hơn một trăm giáo phận ở Ba Lan và cả các giáo phận ở các quốc gia láng giềng. Ngoài ra, còn có hơn một triệu người xem trên đài TVP – là một đài truyền hình của chính phủ Ba Lan - để cầu nguyện cho Giáo hội tại quốc gia này.

Trọng tâm của sự kiện là các buổi đi Thánh giá để phạt tạ vì những xúc phạm đến Chúa và Đức Mẹ. Từ trung tuần tháng Sáu vừa qua, lần đầu tiên, sau khi cộng sản sụp đổ trên toàn cõi Âu châu, các tín hữu Ba Lan lại thấy niềm tin Kitô của mình bị công khai xúc phạm trên các đường phố. Liên tiếp trong nhiều tuần lễ, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Có nơi chỉ một vài trăm người, nhưng cũng không thiếu các trường hợp quy tụ được cả chục ngàn người, đặc biệt là người trẻ.

Các nhà hoạt động đồng tính diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.

Người Công Giáo tại Ba Lan cảm thấy ngỡ ngàng và lúng túng trước một diễn biến quá bất ngờ như vậy. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ Bộ Nội Vụ Ba Lan, khoảng 40,000 người nước ngoài đã vào Ba Lan trong khoảng thời gian này. Các nhóm hoạt động đồng tính trên thế giới đã bỏ hàng chục triệu Mỹ Kim vào các cuộc tuần hành biểu dương lực lượng ngaay tại đất nước được coi là thành trì của Công Giáo.

Ít nhất một linh mục bị đâm và một linh mục khác bị đánh trọng thương. Cả hai trường hợp đều do những người hoạt động đồng tính gây ra trong khuôn viên các nhà thờ.

“Kitô hữu chúng ta đang bị khủng bố về thể xác và tâm lý trên toàn cầu và ngay cả tại Ba Lan; chúng ta đang trải nghiệm một đồi Golgotha thực sự. Có quá nhiều điều xấu xa trên thế giới đến nỗi không còn gì khác để hướng đến ngoài thập giá của Chúa chúng ta,” Dokowicz nói.

Bên cạnh các buổi đi đàng thánh giá, các tham dự viên đã lắng nghe chứng từ của 11 người nói rằng Thánh giá đã cứu họ khỏi bóng tối, bao gồm các gia đình đối phó với bệnh ung thư, những người từng phá thai và gia đình của các nạn nhân bị giết.

Một bà mẹ đã phá thai cho biết chỉ sau khi cô sinh ra đời một đứa con khỏe mạnh, những ám ảnh sau lần phá thai trước đó mới bắt đầu nguôi ngoai nhưng vẫn còn là một chấn thương trầm trọng.

“Ban đêm tôi vẫn liên tục cảm thấy sợ rằng có ai đó sẽ mang đứa bé đi mất khỏi vòng tay của tôi. Tôi dọn đến ở gần một ngôi nhà thờ, bởi vì đó là nơi duy nhất tôi cảm thấy an toàn,” cô nói.

Một người mẹ khác kể về cái chết thương tâm của cô con gái 13 tuổi của mình. Cô đã bị sát hại sau khi bị hãm hiếp chỉ cách nhà có 300 mét.”Cô rán lết về đến nhà và gục chết khi nhìn vào cửa sổ phòng mình. Khi tôi nhận ra cháu bé đã chết và nâng xác chết của cháu bé lên tôi cảm nhận được nỗi thống khổ tột cùng của Đức Maria khi nâng xác con vừa được đưa xuống khỏi Thập giá,”

Mặc dù Włocławek không phải là thành phố nổi tiếng nhất ở Ba Lan, nhưng Đức Giám Mục Wiesław Mering đã đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ này diễn ra vào ngày 14 tháng 9, là ngày vào năm 1935, Thánh Faustina Kowalska đã nhận được chỉ dẫn về nhà nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Ngày 14 tháng Chín, cũng đánh dấu ngày sinh nhật của Cha Jerzy Popiełuszko - người đã bị bọn cầm quyền Cộng sản sát hại và ném xuống sông Vistula gần Włocławek năm 1984.

Khoảnh khắc nổi bật nhất trong buổi gặp gỡ cầu nguyện với chủ đề “Ba Lan Dưới Chân Thánh Giá” là sau Thánh lễ sáng. Mười nghìn người đã ở đó cầu nguyện trong cái lạnh cóng lúc 5 giờ sáng.


Source:Crux
 
Chuyện không tin cũng xảy ra: Các nhà thờ gỡ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời xuống đưa những điều Bác Tập dạy lên
Đặng Tự Do
16:24 24/09/2019
Các nhà thờ Kitô Giáo ở Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng những lời dạy của Đại Đế Tập Cận Bình.

Theo Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, các nhà thờ Tam Tự của Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.

[Từ tháng 7, 1950, các mục sư quốc doanh Trung Quốc thảo ra một hiến chương Kitô Giáo với sự cố vấn của Chu Ân Lai nhằm cổ vũ cho 3 chính sách là Tự Trị (自治、), Tự Cường (自养、) và Tự Truyền (truyền giáo, truyền chức..) (自传). Năm 1954, 138 nhà lãnh đạo Tin Lành thành lập ra giáo hội Tin Lành Tam Tự tại Trung Quốc. Các nhà thờ của giáo hội quốc doanh này gọi là nhà thờ Tam Tự - chú thích của người dịch].

Phúc trình của Bitter Winter cho biết, ban đầu, các nhà thờ được yêu cầu gỡ bỏ Điều răn thứ nhất, “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi…Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20:3) Lý do là vì “Bác Tập” không đồng ý với câu đó.

Báo cáo cho biết những người từ chối loại bỏ một vài Điều Răn hoặc tất cả Mười Điều Răn đã bị cầm tù. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và các tín hữu tiếp tục bị quấy rối ngay cả trong các nhà thờ đã tuân thủ yêu cầu này.

Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nói với cộng đoàn tại một nhà thờ Tam Tự ở thành phố Lạc Dương (Luoyang - 洛阳市) hồi cuối tháng 6 vừa qua rằng “Đảng phải được tuân thủ về mọi khía cạnh. Bạn phải làm bất cứ điều gì mà Đảng bảo bạn làm. Nếu bạn chống lại, nhà thờ của bạn sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.”

Nhà thờ Tin Lành tại thành phố Lạc Dương đã phải gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời sau những áp lực liên tục từ bọn cầm quyền Trung Quốc.

Các nhà thờ Tam Tự chưa gỡ bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã bị đóng cửa, cùng chung số phận với một số nhà thờ tại gia bị bọn cầm quyền coi là bất hợp pháp. Các tín hữu ở các nhà thờ chống đối chính sách này bị đe dọa thường xuyên, bị cho nghỉ việc, và ngay cả con cái họ cũng bị cấm đến trường.

Thay vì Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, các nhà thờ Tam Tự đưa lên các trích dẫn thúc đẩy chủ nghĩa xã hội và cảnh báo chống lại ảnh hưởng của phương Tây đối với Trung Quốc.

Một trong những "điều răn mới" được viết như sau:

“Các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và văn hóa Trung Quốc sẽ giúp hội nhập các tôn giáo đa dạng của Trung Quốc, sẽ hỗ trợ cộng đồng tôn giáo bằng cách diễn giải triết lý tôn giáo, đạo lý và các giáo huấn một cách phù hợp với nhu cầu tiến bộ của thời đại. Kiên quyết chống lại sự xâm nhập của hệ tư tưởng phương Tây và tăng cường ý thức chống lại ảnh hưởng của các tư tưởng cực đoan”.

"Điều răn" này được trích từ một bài phát biểu của Tập Cận Bình tại một cuộc họp của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc vào tháng 5/2015.

Một mục sư trong nhà thờ Tam Tự nói với Bitter Winter rằng ông ta sợ bọn cầm quyền Trung Quốc đang cố gắng thần thánh hóa bọn lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.

“Bước đầu tiên của nhà cầm quyền là cấm các bài thơ tôn giáo. Sau đó, nó tháo dỡ các thánh giá và bắt đầu thực hiện chiến dịch bốn yêu cầu trong đó có việc treo cờ nước và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trong các nhà thờ. Camera giám sát để theo dõi các tín hữu và các hoạt động tôn giáo sau đó được lắp đặt. Bước cuối cùng là thay thế Mười Điều Răn Đức Chúa Trời bằng các bài phát biểu của Tập Cận Bình,” ông nói.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh phải “Trung Quốc hóa” tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, đó là một động thái mà Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gọi là Chiến lược sâu rộng để kiểm soát, cai trị và thao túng mọi khía cạnh của niềm tin vào một khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa theo ‘đặc điểm Trung Quốc’.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch ngũ niên nhằm “Trung Quốc hóa” Hồi giáo, một tôn giáo đã phải đối mặt với các cuộc đàn áp gia tăng ở nước này với ít nhất 800,000 người Hồi giáo tại Tân Cương (Uyghur, 新疆) bị giam giữ trong các trại giam.

“Trung Quốc hóa” Công Giáo là một trong các chủ đề được thảo luận nhiều trong quá trình đi đến một thỏa thuận chính thức giữa Vatican và Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Trước đây, các giám mục liên kết với Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc, đã được tấn phong bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông.

Các điều khoản đầy đủ của thỏa thuận Vatican-Trung Quốc tới nay vẫn chưa được công bố.


Source:Catholic News Agency
 
Mạo danh Hồng Y và Tổng Giám Mục lừa đảo trên quy mô lớn ở New York và Miami
Đặng Tự Do
16:35 24/09/2019
Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng Giáo Phận New York đã ra một tuyên bố vào hôm Thứ Hai để làm rõ rằng ngài sẽ không và chưa bao giờ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu bất cứ đóng góp riêng tư nào. Đức Hồng Y đã đưa ra tuyên bố trên để đối phó với một loạt các hoạt động lừa đảo trực tuyến đang được thực hiện bằng cách lợi dụng danh nghĩa của ngài để lừa đảo.

“Tôi đã nghe tin từ một số anh chị em là những người đã nhận được tin nhắn trên Facebook hoặc Twitter từ một tài khoản giả danh là của tôi,” Đức Hồng Y cho biết qua Twitter như trên vào ngày 16 tháng Chín. Xin vui lòng biết rằng tôi sẽ không bao giờ liên hệ riêng tư trên các phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu quyên góp.”

Đức Hồng Y Dolan khuyến khích bất cứ ai được yêu cầu quyên góp trên các mạng xã hội như Twitter hay Facebook hãy báo cáo với tổng giáo phận.

Phát ngôn viên của Tổng giáo phận New York nói với CNA rằng tổng giáo phận đã nhận được một số báo cáo về những người mạo danh Đức Hồng Y Dolan để xin tiền mọi người cho những mục đích có vẻ là từ thiện. Tổng giáo phận nhấn mạnh rằng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này.

“Thật đáng buồn, chúng ta đã thấy trò lừa đảo này được sử dụng trong vài tháng qua. Các nhân vật tôn giáo khác như các cha sở, các linh mục, và các giáo sĩ khác đã bị mạo danh, và vì vậy chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng Đức Hồng Y Dolan sẽ không bao giờ quyên góp theo cách này,” ông Joseph Zwilling, giám đốc truyền thông của tổng giáo phận, nói.

Ông Zwilling nói thêm rằng, trong khi Internet và phương tiện truyền thông xã hội có thể là công cụ truyền giáo tuyệt vời, chúng cũng có thể được sử dụng bởi những cá nhân vô đạo đức đang tìm cách moi tiền các tín hữu quảng đại và dễ tin.

“Thận trọng luôn luôn là một ý tưởng tốt, và nên kiểm tra gấp đôi hoặc gấp ba, đặc biệt là đối với các hoạt động trực tuyến để xem câu chuyện có phải là thật hay không?”

Những kiểu lừa đảo này được gọi là “phishing”, tức là “lừa đảo trên mạng” và tương đối phổ biến. Một kẻ lừa đảo trực tuyến sẽ mạo nhận mình là một người được nhiều người biết đến, đáng tin cậy hoặc làm một trang web giả giống như trang web thật để xin tiền, hay để lấy mật khẩu hoặc các thông tin cá nhân quan yếu. Thông thường, những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra các email và địa chỉ giả mạo giống như email thật từ một tổ chức hoặc những người có thế giá để thu thập mật khẩu và thông tin thẻ tín dụng từ các nạn nhân mất cảnh giác.

Trong khi đó, Tổng giáo phận Miami cũng ra thông báo cảnh báo người Công Giáo chống lại một nhóm linh mục giả đang lừa đảo giáo dân để lấy tiền và Gift Card cho các mục đích bác ái giả mạo.

Vấn đề đã xảy ra ở nhiều giáo xứ trong khu vực, tổng giáo phận nói với CBS News.

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski nói với CBS rằng ngài bảo đảm với người Công Giáo rằng các giáo sĩ Công Giáo trong tổng giáo phận Miami chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu cầu các giáo dân tặng các Gift Card.

Trong một số vụ lừa đảo, những kẻ lừa đảo giả danh thành một nhóm linh mục đưa ra các tuyên bố nhân danh Đức Tổng Giám Mục Wenski, hoặc các Giám Mục Phụ Tá của Miami, với các chữ ký giả. Một bản tuyên bố do CBSNews bắt được có đoạn viết như sau: “Tôi cần anh chị em tặng Gift Card của iTunes cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư trong bệnh viện mà tôi đã hứa với từng bệnh nhân nhưng tôi không thể làm điều này ngay bây giờ vì tổng giáo phận thiếu hụt ngân sách. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Tổng Giám Mục Thomas Wenski” Dưới bản tuyên bố này là chữ ký giả được cho là củaa Đức Tổng Giám Mục.

“Tôi cảm thấy buồn khi tên mình bị lợi dụng cho những trò lừa đảo này,” Đức Tổng Giám Mục Wenski nói với CBS. “Tôi cảm thấy khó chịu, và cảm thấy bị xúc phạm cũng như cảm thấy không có gì là an toàn.”

Một giáo dân đã mất khoảng 1,500 Mỹ kim vì các vụ lừa đảo này.

Các giáo xứ trong tổng giáo phận Miami đã đưa ra các cảnh báo trong các Thánh lễ và trong các bản tin sau khi nhiều anh chị em giáo dân cho biết họ nhận được email hoặc tin nhắn từ các linh mục xin tiền hoặc Gift Card.

Vấn đề giả danh các linh mục mở rộng ra cả bên ngoài Florida. Tuần trước, Giáo phận Scranton đã đưa ra cảnh báo sau khi hai nhân viên giáo phận nhận được tin nhắn từ các linh mục giả xin tiền và Gift Card.

Giáo phận Scranton nhắc nhở mọi người hãy xác minh các tuyên bố trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.

Trong một trường hợp được giáo phận Scranton báo cáo, một người đã mạo danh một linh mục yêu cầu mỗi người mua 500 Mỹ Kim Gift Card cho các bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối.


Source:Catholic News Agency

 
Phán Quyết Của Chánh Án Weinberg Về Kháng Cáo Của Đức Hồng Y Pell: ‘Các trở ngại chắc chắn’ chống kết án, trở ngại 14-15
Vũ Văn An
19:09 24/09/2019
(14) Nếu chuyện xảy ra thực sự đã xẩy ra, người khiếu nại và cậu bé kia phải thảo luận với nhau về nó

844 Ông Richter đã đệ trình rằng, dựa trên tình bạn thân thiết của họ vào thời điểm đó, nhu cầu của các cậu bé muốn biết liệu một trong số họ có nói bất cứ điều gì về vấn đề này hẳn có nghĩa chắc chắn họ sẽ thảo luận với nhau về vấn đề này vào một lúc nào đó. Hơn nữa, sau biến cố thứ hai, người ta nói rằng người khiếu nại không nói cho cậu bé kia biết chuyện gì đã xảy ra.

Trả lời của công tố - đệ trình của đương đơn nên bị bác bỏ

845 Trong lịch trình chứng cớ của mình, công tố đã không đề cập đến đệ trình đặc thù này. Tuy nhiên, trong tranh luận bằng miệng, ông Boyce có đề cập đến nó. Ít nhất một cách mặc nhiên, công tố dựa trên một khó khăn pháp lý liên quan đến đệ trình cụ thể này.

846 Điều 4A (2) của Đạo luật Hướng dẫn Bồi thẩm đoàn năm 2015 (JDA,) dự liệu rằng trong các trường hợp kháng cáo theo CPA, lý lẽ của Tòa án này phải nhất quán với cách bồi thẩm đoàn được chỉ đạo theo JDA. Thành thử, một số dự liệu chủ chốt của Đạo luật đó, xử lý bằng chứng vi phạm tình dục, có thể được áp dụng cho Tòa án này khi xem xét liệu những bản án này có được phép đứng vững hay không.

847 Điều 51 của JDA đưa ra một loạt các tuyên bố bị cấm và các đề xuất, liên quan đến sự chậm trễ, và không đáng dựa vào, về phía người khiếu nại trong các vụ lạm dụng tình dục. Điều 52 quy định rằng nơi nào có sự chậm trễ trong việc khiếu nại, thẩm phán xét xử phải thông báo cho bồi thẩm đoàn rằng kinh nghiệm cho thấy người ta có thể phản ứng khác nhau đối với các hành vi phạm tội tình dục, và không có phản ứng đặc trưng, đúng đắn hoặc bình thường nào đối với các tội đó.

848 Thẩm phán xét xử cũng phải thông báo cho bồi thẩm đoàn rằng một số người có thể khiếu nại ngay lập tức, trong khi những người khác có thể không làm như vậy trong một thời gian. Lại có những người khác có thể không bao giờ khiếu nại. Bồi thẩm đoàn cũng nên được nói rằng sự chậm trễ trong việc đưa ra một khiếu nại trong những trường hợp như vậy là một trường hợp phổ biến.

849 Điều 53 dự liệu rằng, nếu công tố yêu cầu làm như vậy, thẩm phán xét xử trong những trường hợp đó có thể chỉ đạo bồi thẩm đoàn rằng có thể có những lý do tại sao một người không khiếu nại, hoặc có thể trì hoãn việc khiếu nại.

850 Dưới ánh sáng những điều dự liệu này (mà tôi sẽ sớm quay trở lại), bằng chứng của người khiếu nại rằng ông ta không bao giờ, trong bất kỳ giai đoạn nào, thảo luận về vấn đề lạm dụng tình dục với cậu bé kia, và những lý do đã nêu của ông ta về việc không làm như vậy , khó có thể tự nó cung cấp một 'trở ngại vững chắc' đối với bản án. Cùng lắm, nó sẽ chỉ là một nhân tố nhỏ cần phải tính trong việc đánh giá tính hợp lý của bản án.

851 Dù sao, và không cần phải nại đến các điều dự liệu này, tôi sẽ lưỡng lự rất lâu và rất nhiều trước khi đưa ra suy diễn (inference) rằng việc người khiếu nại không nói với cậu bé kia về những gì ông ta cho đã được thực hiện với cả hai cậu, tự nó, có nghĩa rằng bằng chứng của người khiếu nại nên bị bác bỏ. Theo đệ trình của ông Richter, về phương diện này, theo quan điểm của tôi, là không có sức thuyết phục một cách độc đáo.

(15) Biến cố thứ hai không thể diễn ra mà không bị chú ý

852 Người khiếu nại nói rằng, cũng như biến cố đầu tiên, biến cố thứ hai diễn ra ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Ban đầu, ông nói với cảnh sát rằng Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật đặc biệt đã được Đức Tổng Giám Mục Pell ‘nói’.

853 Bằng chứng của người khiếu nại trước bồi thẩm đoàn là toàn bộ ca đoàn đang rời khỏi Nhà Hội Chính tòa, trên đường đến phòng ca đoàn, khi ông ta bất ngờ, và không có lý do rõ ràng, bị đương đơn đẩy mạnh vào một bức tường. Trong trình thuật của mình, ông ta đồng ý rằng đám rước ngày hôm đó sẽ phải là một đám rước ở bên trong. Ông chấp nhận rằng trật tự bình thường của đám rước ca đoàn được tuân theo. Điều đó có nghĩa là các cậu bé hơn, chẳng hạn như ông ta, sẽ đứng ở phía trước. Sau đó, họ được tiếp nối bởi các ca viên lớn hơn, bao gồm cả một số người trưởng thành, và cuối cùng, các người giúp lễ.

854 Người khiếu nại nói rằng có một ‘ổ’ cậu bé ca viên, cảm thấy nhẹ nhõm sau khi kết thúc Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, vội vã chạy qua hành lang phòng áo để đến phòng mặc áo khi biến cố thứ hai xảy ra.

855 Ông Richter nói với người khiếu nại rằng đương đơn luôn đi cùng với ai đó khi ông quay trở lại phòng áo, để cởi áo lễ, sau Thánh lễ. Tuy nhiên, trình thuật của người khiếu nại về biến cố thứ hai lại nói đương đớn bằng cách nào đó, ở một mình và không được tháp tùng, ở giữa ca đoàn, thay vì ở vị trí thông thường của ông ở phía sau đoàn rước. Ở giai đoạn đó, theo người khiếu nại, không cảnh báo, đương đơn đã lưu ý riêng người khiếu nại và mở một cuộc tấn công mạnh mẽ vào ông ta.

856 Mô tả của người khiếu nại về hành vi phạm tội này như sau:

ÔNG RICHTER: Vâng. Và không biết từ đâu, Tổng Giám mục tấn công thể lý ông. Có phải đó là điều ông nói?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Vâng.

ÔNG RICHTER: Trước tất cả những người đó?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng.
...
ÔNG RICHTER: Ồ, nhưng có những người ở đó đã thấy một Tổng Giám mục đầy đủ áo lễ xô một cậu bé ca viên vào tường - - -?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đó là - - -

ÔNG RICHTER: - - - bởi vì đó là những gì ông mô tả?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng. Và nó đã xảy ra như thế. Đó là một điều nhanh chóng, ừm, nhanh chóng và lạnh lùng, một loại việc nhẫn tâm đã xảy ra. Nó đã - nó đã kết thúc trước khi nó bắt đầu và nó đã - tôi bị cô lập trong một góc trong vài giây theo nghĩa đen. Ừm, có những người thỉnh thoảng đi dọc hành lang và ừm, rõ ràng là tôi không bị nhìn vào lúc đó, bởi vì (nếu có) một ai đó hẳn sẽ, hy vọng thế, sẽ báo cáo điều đó.
...

ÔNG RICHTER: Vậy Tổng Giám mục mặc đầy đủ - à ông nói và, tất nhiên, ca đoàn có đến, gì nhỉ, khoảng 50 người?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Tôi xin nói như vậy.

ÔNG RICHTER: Và ở giữa đó, số người đó, Tổng Giám mục trong lễ phục trang trọng của mình đã đẩy ông vào tường một cách dữ dội, đúng không?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Đúng.

ÔNG RICHTER: Ông ấy đã dùng tay nào?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Tôi không chắc chắn.

ÔNG RICHTER: À, ông ấy đã giữ chặt ông vào tường bằng tay nào?

NGƯỜI KHIẾU NẠI Tôi không - Tôi không chắc tay nào.

ÔNG RICHTER: Ông ấy nắm lấy tinh hoàn và dương vật của ông bằng tay nào?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Tôi không chắc chắn.

ÔNG RICHTER: Nhưng ông ấy bóp ông đau đớn?

NGƯỜI KHIẾU NẠI: Ông ấy đã bóp tôi đau đớn, vâng.

857 Ông Richter đã đệ trình rằng trình thuật của người khiếu nại về biến cố thứ hai này rất khó có thể đúng sự thật để có thể được chấp nhận. Ý tưởng cho rằng một Tổng Giám mục mặc áo lễ cao đến sáu ‘feet’ bốn ‘inch’, trước sự hiện diện của một số ca viên, bao gồm ít nhất một số người lớn, cũng như một số linh mục đồng tế, lại tấn công một ca viên trẻ ở nơi công cộng, đẩy cậu ta một cách bạo lực vào tường, túm lấy tinh hoàn của cậu ta và siết chặt trong vài giây, đến mức gây ra nỗi đau đáng kể cho người khiếu nại, được cho là giáp ranh với óc tưởng tượng.

Trả lời của công tố viên - có thể có việc biến cố thứ hai không bị chú ý

858 Theo lịch trình chứng cớ của công tố, đính kèm lý lẽ bằng văn bản trước Tòa án này, trình thuật của người khiếu nại đã để ngỏ khả thể ít nhất là biến cố thứ hai (nếu không phải cả biến cố đầu tiên) xảy ra vào một ngày khi đương đơn không thực sự cử hành thánh lễ. Chẳng hạn, điều đó có nghĩa là ông có thể chỉ chủ trì thánh lễ vào ngày đó. Việc tái cấu trúc các bằng chứng của người khiếu nại này, cuối cùng, đã dẫn đến đệ trình trước Tòa án này rằng biến cố thứ hai, có nhiều xác suất, xảy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 1997.

859 Công tố viên lưu ý rằng người khiếu nại đã không bị đối chất về màu sắc thực sự của áo choàng của đương đơn vào ngày xảy ra biến cố thứ hai. Chẳng hạn, người ta đã không nói với ông ấy rằng, đương đơn mặc áo choàng sẽ mặc một loại áo choàng hoàn toàn khác nếu ông ta chỉ đơn thuần chủ trì, khác với việc cử hành Thánh lễ.

860 Công tố viên lưu ý rằng người khiếu nại chỉ bị hỏi bởi ông Richter, liệu Tổng Giám mục có ‘mặc áo lễ đầy đủ’ vào ngày xảy ra biến cố thứ hai hay không. Ông ta đồng ý rằng điều này là như thế. Công tố đã đệ trình:

Khẳng định rằng [người khiếu nại] đã đồng ý (khi được cho xem một bức ảnh của áo anba và áo lễ do đương đơn mặc khi ông ta ‘đọc Thánh Lễ’) và xác nhận rằng chúng là lễ phục đầy đủ của ông ta là có phần sai lệch. Cách diễn đạt ‘đọc Thánh Lễ’ được sử dụng trong Lịch trình của đương đơn như thể bằng chứng của ông ta đề cập đến những dịp ông ta có mặt nhưng không chủ trì [206].

861 Nhật ký Connor đã xác định ngày 23 tháng 2 năm 1997 là ngày mà đương đơn đã chủ trì Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Connor lưu ý rằng người chủ tế vào ngày đó là Cha Brendan Egan. Portelli, tất nhiên, nhớ rằng ông đã có mặt với Đức Tổng Giám Mục trong Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật hôm đó. Ông nhớ nó như một biến cố bất thường.

862 Trở lại trình thuật của người khiếu nại về biến cố thứ hai cách trực tiếp hơn, công tố đã đệ trình rằng, theo người khiếu nại, toàn bộ tình tiết chỉ chiếm một vài giây. Người khiếu nại đã chỉ đơn thuần nói rằng đương đơn ‘mặc áo choàng’. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là áo choàng của một Tổng Giám mục nói hay cử hành Thánh lễ.

863 Công tố viên lưu ý rằng người khiếu nại chưa bao giờ gợi ý rằng, đương đơn ở ‘một mình’, tại thời điểm xảy ra biến cố thứ hai, nhưng chỉ đơn thuần nói rằng ông ta ‘tự lo cho chính mình’ (on his own), muốn hiểu sao thì hiểu. Việc phòng áo của Tổng Giám mục có thể không có sẵn để sử dụng vào thời điểm đó không có nghĩa là đương đơn không đi dọc hành lang phòng áo, qua phòng áo của các linh mục.

864 Công tố đệ trình rằng mặc dù thực sự có thể có một số người có mặt trong hành lang phòng áo vào thời điểm xảy ra biến cố thứ hai, nhưng việc ‘hoàn toàn có thể’ là không ai trong số họ thực sự chứng kiến vụ tấn công người khiếu nại. Chính ông ta đã nói ‘Tôi không nghĩ có ai bất cứ đã trông thấy’. Tầm quan trọng cần dành cho bằng chứng của ông ta về điểm đó chủ yếu là một vấn đề cho bồi thẩm đoàn.

865 Công tố đã đệ trình rằng không điều gì bất lợi đối với sự khả tín hay đáng dựa vào của người khiếu nại có thể được rút ra từ sự sai sót của cảnh sát không phỏng vấn Cha Egan, hoặc lấy một tuyên bố từ ông ta. Điều đó là như vậy, bất chấp sự kiện này: trong tư cách chủ tế vào ngày 23 tháng 2 năm 1997, có xác suất cao ông ta sẽ ở cùng đương đơn, trong cuộc rước, sau khi Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật đã kết thúc. Thành thử, ông ta ở trong một vị trí có thể thấy những gì, nếu có, diễn ra trong hành lang phòng áo.

Kỳ tới: Các trở ngại 16 và 17
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Giáo Phận với Anh Chị Em Di Dân Hạt Hố Nai trong ngày họp mặt
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
08:14 24/09/2019
Trong tâm tình hướng về Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn sẽ diễn ra vào Chúa Nhật 29/9/2019, cũng như hưởng ứng Chủ đề Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”, Cha Đặc Trách Di Dân Giáo Hạt Hố Nai – Linh mục Augustino Nguyễn Văn Chiến, cũng là Cha Chánh xứ Giáo xứ Gia Cốc đã tổ chức Ngày họp mặt cho anh chị em di dân đang sinh sống trong địa bàn Giáo Hạt vào chiều Chúa Nhật 22/9/2019, tại Giáo xứ Gia Cốc, Hố Nai – Biên Hòa.

Xem Hình

Trong ngày họp mặt này đã có khoảng gần 1500 Anh Chị Em Di dân đang sinh sống và làm việc tại khu vực Hạt Hố Nai đến tham dự. Không chỉ là những anh chị em di dân Công Giáo được mời tham dự, nhưng còn có rất đông anh chị em di dân thuộc các tôn giáo bạn, và cả những anh chị em di dân người dân tộc Khơmer cũng được mời đến để cùng chung với niềm vui, sống những phút giây hạnh phúc của tình yêu cho đi và nhận lãnh. Bên cạnh việc đón tiếp anh chị em di dân, ban tổ chức cũng đón tiếpcác chủ công ty, xí nghiệp, nhà trọ, và đặc biệt có Chủ tịch Tập đoàn Công Ty Chang Shin, Ông Whanil Jeong – là người Công Giáo- và cùng một số vị trong ban giám đốc Công Ty cùng tham dự.

Chương trình được bắt đầu từ 16g30, với phần đón tiếp anh chị em di dân, từ người già, trung niên đến người trẻ và cả những em thiếu nhi di dân đi cùng cha mẹ. Phần đón tiếp, và những tiếng hát, nụ cười phần nào đã làm cho anh chị em di dân, nhất là những người di dân thuộc tôn giáo bạn, cảm nhận một sự gần gũi, thân tình và dần hòa nhập vào trong bầu khí yêu thương của ngày họp mặt.

Sau những giây phút cùng kết thân, gặp gỡ giữa những anh chị em di dân, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đã đến và ở giữa họ. Ngài không chỉ hiện diện bày tỏ sự quan tâm, nhưng còn gửi trao những tâm tình yêu thương dành cho những anh chị em đang phải xa quê, xa nhà vì cuộc sống mưu sinh.

Với tâm tình của một vị mục tử, Đức Cha Giáo phận bày tỏ niềm vui vì được hiện diện giữa anh chị em di dân, các chủ công ty, nhà trọ trong ngày họp mặt đặc biệt này. Ngài vui và hạnh phúc bởi nhận ra nơi đây đang có một sự gắn kết, xích lại gần nhau của biết bao người dù không quen biết, dù không cùng tôn giáo, hay dù không cùng địa vị, nhưng tất cả đã cùng đến đây để có thể nắm tay nhau tạo nên một vòng tròn yêu thương, đồng chia sẻ.

Chia sẻ và nhắn gửi với những vị đang là chủ tịch tập đoàn, giám đốc, chủ nhà trọ…, ngoài những lời cám ơn, Đức Cha Giáo phận mong muốn họ “hãy coi những anh chị em di dân không chỉ là những công nhân, người thuê nhà trọ của mình…nhưng đặc biệt hơn hết, họ là những người Chúa gửi đến cho anh chị em, thay mặt Chúa để yêu thương họ…Đồng thời, tìm cách tạo nên môi trường yêu thương trong công ty, xí nghiệp, nơi nhà trọ, để anh chị em di dân có được hạnh phúc vì cảm thấy mình được yêu thương. Và như vậy, quý vị cũng được hạnh phúc vì đã làm cho anh chị em di dân được hạnh phúc.”

Riêng với anh chị em di dân, Đức Cha Giáo phận mời gọi họ hãy coi nơi Giáo phận Xuân Lộc là nhà của mình, cho dù họ đến từ bất cứ nơi đâu. Đồng thời, “xin anh chị em cũng coi công ty, xưởng…là của mình, để rồi, mình sẽ làm việc siêng năng, cố gắng và có trách nhiệm. Xin hãy coi những nhà trọ cũng là nhà của mình, hãy nhìn những người đồng trọ là anh chị em của mình… để kiến tạo nên một bầu khí, môi trường yêu thương, và nhờ vậy, anh chị em được hạnh phúc và người khác cũng hạnh phúc.” Đức Cha cũng lưu ý với anh chị em di dân, đừng chỉ là những người nhận lãnh yêu thương, nhưng hãy trở nên những người chia sẻ, cho đi tình yêu thương với những anh chị em di dân khác nữa.

Với những giáo dân, Đức Cha mong muốn họ hãy coi anh chị em di dân là những anh chị em của mình, nhờ đó, những người di dân cảm thấy bình an và hạnh phúc. Đồng thời, họ cũng phải nhạy bén với những nhu cầu của anh chị em di dân, và giúp đỡ họ trong khả năng có thể vì tình yêu thương. Có như thế, sau này, những người Ki tô hữu, những người Công Giáo sống trong Hạt Hố Nai, được Chúa ban ân thưởng vì đã đỡ nâng anh chị em di dân, như giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25, 35-36).

Những lời nhắn nhủ, chia sẻ đầy yêu thương này, cũng được Đức Cha nhắc lại một lần nữa trong phần huấn từ trước khi ban phép lành cuối lễ. Điều này cho thấy rằng, huấn từ và niềm mong ước của Đức Cha Giáo phận với mọi thành phần trong ngày họp mặt di dân cần được mọi người lưu tâm và sống, là những cách thức làm cho thế giới ngày càng được hun nóng bởi tình yêu, đỡ nâng đời sống anh chị em di dân.

Sau phần gặp gỡ, Đức Cha Giuse đã chủ sự Thánh Lễ Chúa Nhật XXV thường niên với ý lễ cầu nguyện cho anh chị em di dân, tạ ơn Chúa vì tình thương Ngài đã tuôn đổ trên anh chị em di dân, cũng như mời gợi mọi người cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thế giới. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ với Đức Cha Giáo phận có Cha Giuse Phạm Sơn Lâm - Quản Hạt Hố Nai, Cha Giuse Phạm Đình Hiền, Đặc Trách Di dân Giáo phận, Cha Augustino Nguyễn Văn Chiến, Chánh xứ Gia Cốc cùng quý Cha trong Hạt.

Trong bài giảng Thánh Lễ, dựa vào sứ điệp Lời Chúa trong Tin Mừng, Đức Cha Giáo phận đã đề cập đến nội dung chính sứ điệp “Chúa dạy chúng ta phải biết cách sử dụng tiền bạc như là một phương tiện, công vụ để làm sáng danh Chúa và để phục vụ tha nhân với tình bác ái.” Từ đó, Đức Cha đi vào thực tế cuộc sống của mỗi người, nhấn mạnh rằng, cho dẫu những khó khăn, lo lắng cho cuộc sống, về tiền bạc…nhưng hãy đặt những gánh nặng đó, những lo toan đó vào tay Chúa, bởi cuộc đời mỗi người đều nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Và vì thế, vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa giữa những phong ba, bế tắc của cuộc sống phải là điều tiên quyết và giữ lấy. Thứ đến, không chỉ là tiền bạc, Đức Cha Giuse còn nói đến việc sử dụng cuộc đời như thế nào để trở nên món quà cho tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa. Điều kiện để làm cho cuộc đời mình trở thành món quà cho người khác,, chính là phải có tình yêu với tha nhân, ngay cả với những người ghét hoặc không ưa mình. Và tình yêu này chỉ có thể bắt nguồn từ tình yêu mà họ đã cảm nhận được Chúa yêu mình, để rồi họ sẽ sống như Chúa yêu họ, dễ đón nhận, dễ tha thứ và bổ túc cho nhau.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Giáo phận đã cầu xin Đức Maria chuyển cầu, đỡ nâng để mọi người có được đời sống hạnh phúc, tạo nên một môi trường yêu thương giữa những người công nhân và những lãnh đạo, quản lý, giữa những công nhân với công nhân, giữa những người trọ và chủ nhà trọ và giữa những người đồng trọ với nhau.

Sau Thánh Lễ, Đức Cha Giáo phận đã có một cuộc gặp gỡ ngắn nhưng rất thân tình với Chủ tịch Tập đoàn Công ty Chang Shin và ban Giám đốc Công Ty như lời ngỏ ý từ phía Chủ tịch jeong Whanil.

Chương trình văn nghệ phục vụ anh chị em di dân trong bữa tối do phía công ty Chang Shin đảm nhận đóng góp quả thật ý nghĩa bởi nội dung xuyên suốt dựa trên chủ đề “Tình người di dân dâng Chúa”, cho thấy có một sự liên kết chặt chẽ trong tổ chức giữa Cha Đặc Trách Di Dân Hạt và công ty Chang Shin,cũng như thấy được hồn tông đồ của vị chủ tịch công ty này với anh chị em di dân, là những công nhân của họ hay là những anh chị em di dân khác.

Ngày họp mặtanh chị em di dân Hạt Hố Nai đã đạt đến những kết quả như mong ước, nhờ vào sự quan tâm của Đức Cha Giáo phận, cũng như sự liên đới trong tổ chức giữa Cha Đặc Trách Di Dân Giáo phận, cùng với Cha Đặc trách Di Dân Hạt Hố Nai, Cha Quản Hạt và quý Cha trong hạt, cũng như sự cộng tác nhiệt tình của cộng đoàn Giáo xứ Gia Cốc, cũng như nhiều đóng góp âm thầm của bao người.

Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:41 24/09/2019
Chúa Nhật 26 Thường Niên C

Bài đọc 1 Chúa Nhật tuần này tiếp nối lời ngôn sứ Amos công kích người giàu có mà sống vô cảm, dửng dưng, không có tình thương. Với lối nói cay độc chua chát, Amos đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau.

Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận. Địa ngục là do con người tự tạo ra từ đời này.

1. Khoảng trống không thể kết nối

Tác giả Ron Rolheiser viết: Chúa Giêsu dạy rằng có địa ngục và ai cũng có khả năng sa vào đó. Nhưng địa ngục mà Chúa Giêsu nói không phải là một nơi chốn hay tình trạng, lúc người ta nài xin một cơ hội cuối cùng, chỉ xin thêm một phút trong đời để làm một hành động ăn năn hối hận, nhưng Thiên Chúa lại khước từ. Thiên Chúa hiện thể và mặc khải trong Chúa Giêsu, là Thiên Chúa luôn mãi mở ra cho sự ăn năn, luôn mãi chờ đợi chúng ta trở về từ những nẻo đường hoang đàng.

Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ hết cơ hội. Bạn có thể hình dung Thiên Chúa nhìn một con người ăn năn, mà nói rằng: ‘Xin lỗi! Với con, đã quá muộn rồi! Con đã có cơ hội! Đừng xin thêm nữa!’ Chúa Cha không như thế.

Nhưng các Phúc âm lại có thể khiến chúng ta có ấn tượng như thế. Ví dụ như, dụ ngôn về người giàu làm ngơ người nghèo trước cửa nhà mình, rồi ông chết và vào hỏa ngục, còn người nghèo Lazarô giờ ở trên thiên đàng trong lòng của Abraham. Giày vò trong địa ngục, người giàu xin Abraham sai Lazarô cho ông ít nước, nhưng Abraham trả lời rằng có một khoảng trống không thế kết nối giữa thiên đàng và địa ngục, và không ai từ bên này qua bên kia được. Đoạn này cùng với lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong dụ ngôn tiệc cưới, là một sự chấm dứt bất di bất dịch, khiến dẫn đến một hiểu lầm chung rằng, có một điểm một đi không trở về, một khi vào địa ngục là quá trễ để ăn năn.

Nhưng đó không phải là lời dạy trong những đoạn văn này cũng như trong những lời Chúa Giêsu cảnh báo phải ăn năn sám hối. Khoảng trống không thể kết nối mà dụ ngôn người giàu và Ladarô, là một khoảng trống không bao giờ kết nối trong đời này giữa người giàu và người nghèo. Và nó vẫn còn không thể kết nối, là bởi sự ngoan cố, không biết động lòng, thiếu ăn năn, chứ không phải bởi Thiên Chúa hết kiên nhẫn mà nói rằng: ‘Đủ rồi! Không còn cơ hội nào nữa!’ Nó vẫn không thể kết nối là bởi, chúng ta theo lề thói mà bám chặt vào những đường lối không thể thay đổi tâm hồn và có sự ăn năn thật.

Dụ ngôn người giàu và Ladarô thực sự rút ra từ một câu chuyện Do Thái cổ hơn nữa, minh họa sự ngoan cố này: Trong dụ ngôn Do Thái, Thiên Chúa nghe lời kêu xin của người giàu từ địa ngục xin một cơ hội thứ hai, rồi ban cho ông toại nguyện. Người giàu, giờ có những giải pháp mới, trở lại cuộc đời, và đi thẳng đến chợ, mua thức ăn chất đầy xe. Trên đường về nhà, ông gặp Ladarô. Ladarô xin người giàu một ổ bánh. Người giàu nhảy khỏi xe và đưa cho Lazarô một ổ, nhưng bởi đó là một ổ bánh lớn, nên cái tôi cũ của ông bắt đầu phản ứng. Ông bắt đầu suy nghĩ. ‘Người này không cần cả ổ bánh lớn! Tại sao không đưa cho nó một phần thôi! Và tại sao lại đưa bánh mì mới, ta có thể cho nó bánh mì khô mà!’ Ngay lập tức, người giàu thấy mình rơi xuống hỏa ngục. Ông ta không thể kết nối qua được khoảng trống đó. (J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ “Our Fear of Hell”).

Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một khoảng trống không thể kết nối ở đời này và đời sau.

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Abraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.

2. Tình thương phải là căn tính.

Xét cho cùng, ông phú hộ bị trầm luân địa ngục vì tội vô tâm, hững hờ, sống dửng dưng trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Ông không có tình thương.

Vì Tình thương là căn tính của con người, nên thiếu Tình thương là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì" (1Cr 13, 2). Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những nhóm lợi ích, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.

Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình thương này là hàng triệu và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ. Họ đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất Ladarô không được chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.

Bài đọc một và bài Tin mừng đều mở một cuộc xét xử những người giàu có. Tội của những người giàu là sống trong dư dật mà không biết nghĩ đến những người túng quẫn. Sự giàu sang thừa thãi làm cho người ta không còn nhạy cảm với những đau khổ của những con người sống bên cạnh họ, làm cho người ta thành đui mù điếc lác trước nhu cầu của người khác

Cả hai hạng người thiếu tình thương nói trên đều đáng thương. Thế giới hôm nay, giàu về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua sắm vũ khí. Có những chính phủ đốt hằng ngàn tỷ đồng để xây “tượng đài nghìn tỷ”, xây cất cơ quan dinh thự xa hoa, trong khi người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học sinh đi học phải đu dây qua sông, người nghèo chết phải bó xác chở về nhà bằng xe honda...Chỉ mới hai ông Danh và Thanh thôi mà đã gây thất thoát cả 10 ngàn tỷ đồng (Ngày 9-9-2016, Tòa án nhân dân TPHCM đã kết án ông Phạm Công Danh 30 năm tù vì làm thất thoát của nhà nước 9.000 tỷ đồng. Tối 16-9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC với tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế, thân thế 5 c (con cháu các cụ cả) và những người cô thân cô thế. Nền văn minh xã hội cần được xây dựng không phải trên của cải vật chất, mà trên tình thương: Nền Văn Minh Tình Thương.

3. Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?

Một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy. Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường… Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra : phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.

Mẹ ThánhTêrêsa Calcutta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố… Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân : muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Ngài còn kể : "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực : làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Ngài nói tiếp : "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".

Người giàu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ, người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn.

Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.

Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.

Siêng năng đến với Chúa Giêsu nhận lãnh tình thương để chúng ta chân thành trao ban tình thương mỗi ngày cho anh em.


 
Thánh Đường đầu tiên của người Việt Công Giáo xây dựng trên đất Úc
Ban Thông Tin CĐCGVN-Nam Úc
23:29 24/09/2019
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc được thành lập vào năm 1979 với một nhóm người Công Giáo nhỏ bé phần đông là thuyền nhân tỵ nạn. Những năm sau đó, Cộng Đồng đã có những chương trình phát triển và thờ phượng để đáp ứng nhu cầu của làn sóng tỵ nạn và chương trình đoàn tụ gia đình đến định cư tại Nam Úc. Vào những năm của giữa thập niên 80, Cộng Đồng đã mua được một miếng đất và xây dựng những cơ sở cần thiết căn bản cho việc sinh hoạt của một cộng đồng lớn mạnh. Bắt đầu từ năm 2014, Cộng Đồng khởi xướng một chương trình xây dựng quy mô để có một hội trường dành cho các sinh hoạt xã hội không có tính cách thờ phượng và cùng một lúc, tu bổ lại hội trường cũ thành nhà thờ làm nơi thờ phượng Chúa Trời. Nhà thờ này được chính thức mang tên “Nhà Thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân”.

Chương trình xây dựng hiện đang sắp sửa hoàn tất. Được sự chấp thuận của Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, chương trình Khánh Thành nhà thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân và hội trường sẽ được diễn ra vào Chúa Nhật ngày 29/9/2019 tại trung tâm Công Giáo Việt Nam, Nam Úc, số 29 South Terrace, Pooraka, SA 5095. Chương trình sẽ được bắt đầu từ 1.30 trưa cho đến hết ngày. Trong đó sẽ có những nghi thức như:

Cắt băng khánh thành (Đức Giám Mục Greg O’Kelly SJ, Giám Quản Tông Tòa, Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, Quản Nhiệm và ông Anphongsô Nguyễn Quang Bình, Chủ Tịch).
Đức Giám Mục Greg O’Kelly sẽ Làm phép hội trường, đồng thời Mở tấm plaque khánh.
Đức Ông Phao-lô Nguyễn Minh-Tâm sẽ Mở cửa Nhà Thờ Đức Mẹ Thuyền Nhân.
Đức Giám Mục Greg O’Kelly chủ sự nghi thức Thánh Hiến Nhà Thờ.
Tiếp đến là Thánh Lễ.
Sau đó là chương trình văn nghệ rất đặc sắc.

Thánh Hiến Nhà Thờ (Đức Giám Mục Greg O’Kelly SJ, Giám Quản Tông Tòa)
Địa điểm: The Vietnamese Catholic Community in South Australia Inc.
29 South Terrace, Pooraka SA 5095




Vài nét sơ lược về Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc

Trung Tâm Sinh Hoạt của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc với tên thường được gọi là "Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân" đặt trụ sở tại Pooraka, một vùng phía bắc của thủ phủ tiểu bang Nam Úc, thành phố Adelaide. Đây là một vùng có nhiều lợi điểm, vì chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 cây số và lại là một nơi xem như giao điểm của các vùng có đông người Việt sinh sống.

Mỗi ngày (trừ thứ Hai) đều có thánh lễ tiếng Việt tại Trung Tâm. Sinh hoạt của Cộng Đồng nhộn nhịp hơn vào những ngày cuối tuần với năm thánh lễ ở ngay Trung Tâm.

Cơ sở vật chất gồm một khu đất rộng hơn 5.2 hecta, với một Hội Trường Thánh Giuse mới xây cất vào năm 2018. Hội Trường đa dụng đủ sức chứa hơn 1200 người và hiện đang được sử dụng làm Nhà Thờ tạm thời trong khi chờ đợi việc chỉnh trang Hội Trường cũ thành Thánh Đường ĐMTN. Thánh Đường ĐMTN sẽ chính thức được cung hiến bởi Đức Giám Quản Tông Tòa TGP Adelaide, Giám Mục Greory O’Kelly vào ngày 29/9/2019.

Gần ngay bên phải cổng vào Trung Tâm là một khu Nhà Chung gồm nhiều phòng dành cho việc hành chánh, hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể thuộc Cộng Đồng. Gần đây, trong năm 2017, Quán Việt Hương xưa kia nay được chỉnh trang và trở thành Nhà Nadarét dành cho mọi đoàn thể sử dụng để hội họp, nấu nướng và tiệc mừng. Thêm nữa, trong năm 2018, được chính phủ tài trợ, Cộng Đồng còn có chương trình xây dựng một Mái “Bêlem” bên cạnh Nhà Nadarét để các em Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa có chỗ sinh hoạt và các đoàn thể đông người có đủ chỗ hội họp hay mở tiệc mừng bổn mạng. Thêm vào đó, kế bên Nhà Thờ là khu vực Cánh Buồm rộng rãi, thoáng mát, là nơi dành cho các giáo dân có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện uống cà phê với nhau sau Thánh Lễ. Gần Hội Trường Thánh Giuse là Gian Hàng Rau mới được tân trang với phòng ốc rộng rãi tươm tất. Ngoài ra còn có các bãi đậu xe khang trang, rộng rãi đủ chỗ cho hơn 500 chiếc xe.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc được thành lập bởi Cha Cố Âu Tinh Nguyễn Đức Thụ thuộc Dòng Tên cách đây 40 năm. Hiện nay, Cộng Đồng do Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm chịu trách nhiệm quản trị và chăm sóc mục vụ. Trợ giúp công việc mục vụ cho Đức Ông Quản Nhiệm là hai Sơ Phụ Tá Mục Vụ: Nữ Tu Cecilia Nguyễn Thị Mạnh Đễ OP, Dòng Đa Minh và Nữ Tu Maria Trần Thị Thu Trang RSM, Dòng Mercy.

Về bản chất và cơ cấu tổ chức, Cộng Đồng là một tập thể Công Giáo sắc tộc, trực thuộc Tổng Giáo Phận Adelaide. Ngoài ra, Cộng Đồng cũng có một bản quy chế hiệp hội được đăng ký với chính phủ và được Tòa Giám Mục Adelaide phê chuẩn. Theo đó, Cộng Đồng được điều hành bởi Ban Tuyên Uý gồm Đức Ông Quản Nhiệm và hai Sơ Phụ Tá Mục Vụ, cùng Ban Mục Vụ gồm 9 thành viên: Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Nội Vụ, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Tổng Thư Ký, Tổng Thủ Quỹ và 4 phụ tá cho từng chức vụ. Ban Mục Vụ là Ban Chấp Hành của Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV) được tín nhiệm và bầu ra bởi khoảng 40 thành viên HĐMV là những vị đại diện của các đoàn thể trong Cộng Đồng. Vị Chủ Tịch HĐMV đương thời là Ông Anphongsô Nguyễn Quang Bình.

Căn cứ theo địa hình của những nơi có đông tín hữu cư ngụ, Cộng Đồng được chia thành 4 họ đạo, đó là: Fatima, Mông Triệu, Phao Lô và Thánh Tâm. Nét sinh hoạt đa dạng và thường xuyên của các đoàn thể là điểm khiến cho những ai đến thăm Cộng Đồng cũng đều phải chú ý. Cho đến nay, có trên 39 nhóm sinh hoạt đều đặn hằng tuần hay hằng tháng gồm có: các hội đoàn, phong trào, nhóm và ban ngành… trực thuộc Cộng Đồng Cộng Giáo Việt Nam-Nam Úc.

Ngoài bốn Họ Đạo, các đoàn thể đang sinh hoạt trong Cộng Đồng bao gồm: Hội Cao Niên, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae), Đoàn Liên Minh Song Tâm, Huynh Đoàn Tôma Đệ. Ngoài ra còn có các phong trào như: Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, Phong Trào Cursillo và Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (Xứ Đoàn Têrêsa). Để phục vụ các công tác chung, Cộng Đồng còn có một số ban ngành như: Ban Phòng Thánh, Phụng Đoàn, Ban Phụng Vụ, Ban Thừa Tác Viên Thánh Thể Ngoại Thường, Gian Hàng Rau …

Một trong những điểm phong phú của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc là mặc dù không phải là một Cộng Đồng lớn về dân số, nhưng đã có tới ba Ca Đoàn thường xuyên sinh hoạt hằng tuần: Ca Đoàn PhaoLô Lộc, Ca Đoàn Philipphê Minh và Ca Đoàn Việt Linh, đó là chưa kể đến những ‘ca đoàn riêng’ của từng đoàn thể thí dụ như Ca Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa phụ trách Thánh Lễ Chúa Nhật đầu tháng. Trong Năm 2017, do nhu cầu mục vụ, lại có thêm Nhóm Thánh Ca Cộng Đồng để phụ giúp Thánh Nhạc trong một số Thánh Lễ khi Quản Nhiệm cần tới, hay khi các ca đoàn chính không thể hát lễ.

Những sinh hoạt của Cộng Đồng thay đổi tùy theo từng thời điểm và nhu cầu, nên có một số hội đoàn, họ đạo hoặc đã biến mất, hoặc không còn sinh hoạt thường xuyên, chẳng hạn như Họ Đạo Vô Nhiễm, Đoàn Thanh Niên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Bên cạnh đó, lại có những ban ngành hay nhóm mới được thiết lập trong thập niên gần đây, chẳng hạn như: Ban Trật Tự, Ban Cây Xanh & Cắt Cỏ Làm Vườn và Bảo Trì, Ban Ẩm Thực và Lễ Tân, Ban Vệ Sinh, Ban Thông Tin, Nhóm Chăm Sóc Mục Vụ Raphael, Nhóm Lòng Chúa Thương Xót-Đức Mẹ Thuyền Nhân, Uỷ Viên Police Check, Ủy Viên Liên Lạc An Toàn Trẻ Em, Ủy Viên Thánh Nhạc … Các buổi tôn vương gia đình được tổ chức cho từng họ đạo vào những ngày trong tuần và có những nhóm sinh hoạt thuần túy có tính cách học hỏi cầu nguyện thiêng liêng như: Nhóm Linh Thao và Nhóm Lòng Chúa Thương Xót v.v...

Là những thuyền nhân Việt tỵ nạn, những người Công Giáo Việt Nam tại Cộng Đồng cũng đã chọn Đức Mẹ Thuyền Nhân là bổn mạng, vì ý thức rằng chính Đức Mẹ đã che chở, phù trì đưa họ đến bến bờ bình an sau cuộc hành trình vượt biển đầy gian nguy và nhiều sóng gió. Lễ Bổn Mạng Cộng Đồng được tổ chức hằng năm vào Chúa Nhật đầu tháng 5, cũng là tháng hoa kính Đức Mẹ.

Sinh hoạt thiêng liêng phải gắn liền với những sinh hoạt xã hội, bằng cách đem đạo vào đời, mang Chúa Kitô đến cho người khác như Chúa Giêsu đã truyền dạy: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân" (Mc 16,15-20);“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13). Ý thức được nhiệm vụ quan trọng này cũng như trách nhiệm bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ, Cộng Đồng đã thành lập Trường Việt Ngữ Đắc Lộ với mục đích giúp con em Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, có cơ hội duy trì tiếng mẹ đẻ. Cho đến nay, sau hơn 30 năm thành lập, con số ghi danh ở Trường Việt Ngữ Đắc Lộ hiện giờ khoảng 1,000 em học sinh và có 3 chi nhánh khác nhau, với một đội ngũ giáo chức trên 50 người và một chương trình giảng dạy có quy củ, chặt chẽ. Một nét son của Trường Việt Ngữ Đắc Lộ là chương trình công dân đức dục, do Đức Ông Quản Nhiệm Phaolô Nguyễn Minh-Tâm đề xướng, đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp lớp (từ lớp 3 đến lớp 12). Quyển sách Công Dân Đức Dục này đã được Ban Chuyên Môn soạn thảo và nhà trường đã in ấn để phát cho các học sinh của trường.

Đi xa hơn nữa, Cộng Đồng cũng có một số công tác có tính cách công ích xã hội, như các chương trình hỗ trợ bác ái cho Hội Thánh Vinh Sơn. Cộng Đồng cũng thường xuyên hằng năm quyên góp để hỗ trợ cho các chương trình bác ái của Tổng Giáo Phận Adelaide cũng như cho những người nghèo đói ở khắp nơi khi cần tới, không phân biệt nơi chốn, màu da ... Trích theo Kỷ Yếu Đức Mẹ Thuyền Nhân (Số 2-2018), tính khoảng chưa tới 10 năm, từ năm 2008 cho đến năm 2016, Cộng Đồng đã quyên góp khoảng hơn $986,000 Úc Kim cho các công tác bác ái nêu trên.

Về đối ngoại, Cộng Đồng có một liên hệ tốt đẹp với các tôn giáo và đoàn thể người Việt ở Adelaide, cụ thể là Giáo Hội Phật Giáo và Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc. Đối với giáo quyền và chính quyền, Cộng Đồng luôn sẵn sàng hỗ trợ Tổng Giáo Phận Adelaide khi được nhờ tới, cũng như luôn hợp tác tích cực và là gạch nối cho những sinh hoạt có tính cách đa văn hóa của Tiểu Bang Nam Úc.

Các đoàn thể với nhiều sinh hoạt đa dạng của Cộng Đồng đã và đang có những đóng góp tích cực cho Giáo Hội điạ phương và chính quyền tiểu bang cũng như liên bang, về nhiều phương diện, chẳng hạn như công việc thực thi bác ái cũng như những đóng góp về văn hóa. Một trong những sinh hoạt đậm nét hài hòa giữa tôn giáo và văn hóa không thể thiếu được là Ngày Hội Ngộ, được xem như là Ngày Tết Cộng Đồng, được tổ chức vào đầu mùa Xuân, thường là vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Chín hằng năm. Đây là dịp thu hút đông đảo mọi giáo dân trong lẫn ngoài Cộng Đồng cùng tham dự. Ngoài ra, hằng năm Cộng Đồng có tổ chức chương trình gói Bánh Chưng để mọi thành viên có cơ hội tề tựu, cùng nhau mừng xuân theo truyền thông văn hóa người Việt Nam, đồng thời để gây quỹ cho chương trình xây dựng Thánh Đường ĐMTN. Hơn nữa, Cộng Đồng còn tổ chức Bữa Cơm Gây Quỹ để mọi thành phần giáo dân có cơ hội đóng góp tài năng và cùng chung tay góp sức vào việc xây dựng Cộng Đồng.

Những thành tựu trên đây không thể có được nếu đã không trải qua một quá trình xây dựng lâu dài, với việc đóng góp tâm sức liên lỉ của nhiều thành phần khác nhau trong Cộng Đồng, từ các linh mục, tu sĩ nam nữ đến các giáo dân Việt Nam trong mọi thời điểm. Quá trình ấy đã khởi sự từ gần 40 năm trước đây, ngay vào những ngày mà người Việt tỵ nạn Công Giáo đầu tiên có mặt tại Nam Úc và cho đến nay vẫn liên tục được vun quén, bồi đắp ngày một tốt đẹp hơn.

Ngày nay với những nếp sinh hoạt hết sức đa dạng và quy củ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc là nơi mà những người Việt có dịp tề tựu về đây để gặp gỡ, sinh hoạt, sưởi ấm tình đồng hương, duy trì văn hoá Việt, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là để cùng nhau giữ vững đức tin Công Giáo trong một xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng tục hóa và cá nhân chủ nghĩa. Như thế, từ lúc hình thành cho tới nay, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc luôn nỗ lực không ngừng để có thể duy trì căn tính của mình là một Cộng Đồng Công Giáo Sắc Tộc Việt Nam, đồng thời vẫn luôn thăng tiến để có thể đóng góp tích cực cho xã hội đa văn hóa Úc Đại Lợi, về cả hai mặt đạo lẫn đời.

Nhìn lại 40 năm qua, người giáo dân của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam- Nam Úc ngày càng xác tín hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng Nước Chúa, là phải can đảm dấn thân noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam và trở nên chứng tá sống động cho Đức Kitô trong xã hội Úc mà mình đang sinh sống.

Trong hoàn cảnh suy thoái về niềm tin tôn giáo của xã hội tây phương nói riêng và những biến động tiêu cực gần đây trong Giáo Hội hoàn vũ hiện nay, Cộng Đồng được xem như là một mái ấm gia đình thiêng liêng để nâng đỡ đức tin và như là một đốm lửa để sưởi ấm và soi sáng tâm hồn người tín hữu. Đặc biệt với danh hiệu Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân, Cộng Đồng được ví như là một ‘con thuyền’ quy tụ mọi tín hữu Công Giáo sống tại Nam Úc để cùng đồng hành với nhau giữa những phong ba, bão táp của biển đời. Chính việc hiệp thông với nhau và trong Chúa, cùng với sự hướng dẫn của vị Quản Nhiệm Chủ Chăn, mọi tín hữu cảm thấy ấm áp tình người và được an toàn trong con thuyền giáo hội của mình, cũng như nhờ hợp tác với ơn Chúa để giúp Quản Nhiệm cùng nhau chèo chống con thuyền ‘Tiểu Giáo Hội CĐCGVN-NU’. Thật vậy, hướng đi của Cộng Đồng được phân định từ bài học lịch sử của chính Cộng Đồng và Giáo Hội cũng như từ nhiều nguồn cội khôn ngoan trong Giáo Hội và xã hội sẵn có, như là một sự đáp trả cho những quan ngại của Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức như sau: "Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác-xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy tâm huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa hỗn tạp, v.v " (Đức Giáo Hoàng Benêdictô- Bài giảng cho tuần khai mạc Mật Viện Hồng Y bầu Giáo Hoàng, ngày 18.4.2005). Trước những hỗn tạp như thế, Cộng Đồng như là một cái nôi để nuôi dưỡng, vun quén đức tin Công Giáo và như là một vườn ươm cây đức tin cho các thế hệ sau này, là tương lai của Giáo Hội.

Nhìn lại lịch sử Cộng Đồng với một hành trình thăng trầm trong 40 năm qua, không ai có thể phủ nhận và đều luôn xác tín về tình thương, sự quan phòng và nâng đỡ của Thiên Chúa dành cho Cộng Đồng. Chính vì thế, chủ đề cho Ngày Khánh Thành Cung Hiến DMTN và làm phép HT Thánh Giuse cũng như mừng 40 năm thành lập Cộng Đồng chính là “Hiệp thông trong Chúa”. Quả vậy, có ‘hiệp thông trong Chúa’ thì mọi người mới nhận được ân sủng dư đầy để hiệp thông với nhau, cùng nhau chung vai góp sức để xây dựng, bồi đắp Nước Chúa qua Cộng Đồng và Giáo Hội, rồi lan tỏa hương thơm tiếng tốt ra xã hội mình sống.

Chúng con xin ngợi khen, chúc tụng và tri ân lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, qua 40 năm trên biển đời, con thuyền Cộng Đồng vẫn luôn được Đức Mẹ Thuyền Nhân là “ngôi sao sáng” hướng dẫn, che chở vượt qua mọi sóng gió, biến động, vì thế toàn thể Cộng Đồng luôn trân quý, tri ân và hướng về Mẹ với niềm tín thác sâu xa và luôn vững tin rằng: có Mẹ đồng hành Cộng Đồng chúng con không còn phải sợ hãi và quyết một lòng hiệp thông với Chúa, với Mẹ Maria và với nhau trong công việc xây dựng Nước Chúa, bắt đầu từ ngay trong mái gia đình là Cộng Đồng bé nhỏ của chúng con. Amen.

Nguồn: Trang Mạng Cộng Đồng – CĐCGVNNU

Cập Nhật Hóa bởi Ban Thông Tin CĐCGVN-NU
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có cần rung chuông khi Truyền phép không?
Nguyễn Trọng Đa
07:58 24/09/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Việc rung chuông khi linh mục nâng Mình Thánh Máu Thánh trong Truyền phép giờ đây đã bỏ; lý do được đưa ra là vì Thánh lễ hiện nay được cử hành bằng ngôn ngữ của giáo dân, họ biết những gì đang xảy ra trên bàn thờ, và do đó không cần tiếng chuông để nhắc họ nữa. Liệu việc rung chuông khi cha nâng Mình Thánh Máu Thánh không thu hút sự chú ý vào biến cố quan trọng đang diễn ra trên bàn thờ sao? - E. H., Williamsford, Ontario, Canada.


Đáp: Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) đề cập đến việc rung chuông trong số 150: "Một lát trước khi truyền phép, nếu thuận tiện, người giúp lễ sẽ rung chuông nhắc nhở giáo dân. Cũng rung chuông mỗi lần dâng Mình Thánh, Máu Thánh lên, tùy theo thói quen mỗi địa phương” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Văn bản nói rõ rằng việc rung chuông khi linh mục Truyền phép là một tùy chọn, không phải là buộc.

Bởi vì giả định của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là Thánh lễ được cử hành theo tiếng địa phương, nên việc sử dụng tiếng địa phương, bản thân nó, không thể được sử dụng như một lý do cho việc bãi bỏ việc rung chuông. Có thể có các lý do tốt khác, nhưng chúng nên được cân nhắc cẩn thận. Một phong tục lâu đời không nên bị bãi bỏ, trừ khi sự bãi bỏ có lợi nhiều hơn là duy trì nó.

Sự ra đời của tập tục rung chuông khi linh mục truyền phép, có lẽ trong thế kỷ XIII, có liên quan nhiều đến việc đọc lễ quy bằng giọng thấp hơn so với giọng bình thường trong Thánh lễ.

Nó cũng có thể được cảm hứng từ các thay đổi trong kiến trúc nhà thờ, mà trong đó giáo dân được tách xa ra khỏi bàn thờ bởi cung thánh - và trong một số trường hợp, một số lượng đáng kể tín hữu đã bị cản trở trong việc nhìn thấy bàn thờ nữa. Vì thế việc rung chuông trở nên cần thiết.

Một vài thế kỷ sau, tiếng chuông cũng vang lên vào vài thời điểm khác, như kinh Thánh Thánh Thánh (Sanctus) và trước khi Rước lễ.

Chắc chắn các lý do thực tế cho việc rung chuông đã biến mất. Tuy nhiên, nó vẫn có thể phục vụ một mục đích, như là một sự trợ giúp thêm để kêu gọi sự chú ý đến thời điểm Truyền phép, như một cú hích để đánh thức các người đang chia trí, và là một công cụ huấn giáo hữu ích cho trẻ em và cả người lớn.

Trong một thời đại mà mọi người ngày càng thích sử dụng các phương tiện nghe nhìn và ít chú ý đến diễn ngôn trừu tượng, có vẻ là lạ lùng khi chúng ta loại bỏ các phương tiện đó, vốn tạo thành một phần của truyền thống của chúng ta, có thể chứng minh là hiệu quả nhất trong truyền tải một sứ điệp đức tin. Một lập luận tương tự cũng có thể được đưa ra liên quan đến sự suy giảm trong các thực hành, chẳng hạn việc xông hương trong Thánh lễ.

Tòa Thánh đã duy trì việc thực hành rung chuông khi linh mục truyền phép ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, mặc dù Vương Cung Thánh Đường này có một hệ thống âm thanh tuyệt vời. Tôi cũng đã có kinh nghiệm của một giáo xứ, vốn khôi phục việc sử dụng chuông báo hiệu giờ lễ, sau nhiều năm không sử dụng nó. Không chỉ không ai khiếu nại việc này, mà phản ứng chung còn rất tích cực từ tất cả người thuộc các nhóm tuổi. (Zenit.org 24-8-2005)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Xay Lúa
Tấn Đạt
21:30 24/09/2019
XAY LÚA
Ảnh của Tấn Đạt

Ù ì cút kít,
Xay lúa lấy gạo ăn mai,
Có một thợ cấy với hai thợ cày...
Thợ cấy mà lấy thợ cày,
Ðể cho thợ mạ khóc ngày khóc đêm!
(Ca dao)