Ngày 23-09-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc bàn về sự biến đổi khí hậu
Thanh Quảng sdb
18:07 23/09/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc bàn về sự biến đổi khí hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video tới những người tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh bàn về Khí hậu biến đổi của Liên Hợp Quốc đã diễn ra tại New York vào ngày 23 tháng 9 năm 2019.
Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha như sau:
Tôi xin chào mừng tất cả mọi đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh bàn về Khí hậu biến đổi của Liên Hợp Quốc 2019.
Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, đã triệu tập cuộc họp này lôi cuốn đượcv sự thu hút và quan tâm của nhiều nguyên thủ quốc gia - và toàn bộ cộng đồng quốc tế và dư luận thế giới – trước một vấn đề nan giải về một hiện tượng đáng lo ngại của thời đại chúng ta là: sự biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những thách đố quan yếu mà chúng ta phải đối diện. Để thực hiện được điều này đòi buộc toàn thế giới phải trau dồi ba phẩm chất đạo đức: lòng trung thực, trách nhiệm và can đảm.
Đối với Hiệp ước đã được đồng thuận tại Đại hội ở Paris ngày 12 tháng 12 năm 2015, cộng đồng quốc tế đã nhận thức được sự cấp bách và đề ra một giải đáp nhằm giúp duy trì ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, sau bốn năm Hiệp ước đồng thuận lịch sử đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng các cam kết mà các quốc gia đề ra vẫn còn rất "yếu", nghĩa là chưa được thực hiện và còn lâu lắm mới đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Cùng với rất nhiều sáng kiến, không phải chỉ bởi các chính phủ đề ra mà được toàn thể xã hội dân sự quan tâm đề xuất, Đại hội cần phải học hỏi các kiến nghị, ưu tư đó để tận dụng nguồn lực con người, tài chính và công nghệ lớn hơn hầu có thể làm giảm thiểu đi những tác động tiêu cực trước sự biến đổi khí hậu, hầu nâng đỡ những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất là những nạn nhân đang phải gánh chịu nhiều nhất sự biến đổi này!
Trước tình huống không mấy tốt đẹp và hành tinh chúng ta đang sống bị ảnh hưởng nhưng cánh cửa của một vận mệnh mới vẫn còn đang rộng mở cho chúng ta!
Bất chấp tất cả! Chúng ta đừng làm mất cơ hội đó. Chúng ta hãy tiến vào với một quyết tâm mà chúng ta quyết nuôi dưỡng nó với sự phát triển toàn diện của con người, để đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp này có thể được nhớ đến với nhiều người vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, tuy nhiên chúng ta vẫn còn lý do để hy vọng rằng nhân loại ở vào buổi bình minh của thế kỷ hai mươi mốt này sẽ được nhớ đến vì đã nỗ lực chu toàn cái trọng trách nghiêm trọng của mình. "
Với lòng trung thực, trách nhiệm và can đảm, chúng ta phải dùng khả năng thông minh của mình mà "phục vụ cho một cái gì tiến bộ, lành mạnh và nhân bản hơn, một xã hội cao đẹp và thích hợp hơn", dùng nguồn mạch kinh tế mà phục vụ con người, dựng xây hòa bình và bảo vệ môi trường sống.
Vấn đề biến đổi khí hậu có liên quan đến các vấn đề đạo đức, công bằng xã hội. Tình trạng suy thoái môi trường hiện nay có liên quan đến sự xuống cấp của con người, tới sự suy đồi đạo đức và băng hoại xã hội mà chúng ta đang phải đối diện hàng ngày. Điều đó đòi buộc chúng ta phải học hỏi và suy tư về các hình thức tiêu thụ và sản xuất của chúng ta, về quá trình giáo dục và nhận thức, để làm sao cho chúng phù hợp với phẩm giá con người.
Chúng ta đang đối diện với một "thách đố của nền văn minh" nhắm vào lợi ích chung. Điều này đã quá rõ ràng, thì chúng ta phải tìm ra những giải pháp nằm lòng trong tầm tay với của mọi người, ở cấp độ cá nhân cũng như tập thể xã hội, bằng một lối sống trung thực, can đảm và trách nhiệm.
Tôi mong muốn ba danh từ - trung thực, can đảm và trách nhiệm – phải là trọng tâm cho những công việc mà các bạn đang bàn thảo hôm nay và đưa vào hành động cho tương lai ngày mai…
Chân thành cám ơn các bạn.
Giáo hoàng Phanxicô
Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-09/pope-francis-videomessage-climate-action-summit-united-nations.html#play
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại Hồng Ân Thánh Hiến
Kim Vân
11:32 23/09/2019
"Thiên Chúa đã thương ban cho 11 anh em, thuộc Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại hôm nay Cam Kết lần đầu. Cùng với Chúa Giêsu, nguyện xin Chúa Cha giàu lòng thương xót ban muôn ơn phúc cho chúng ta, cách riêng cho các Khấn Sinh".

Đó là lời của Cha Phêrô Nguyễn Văn Phương - Phó Tổng Phụ Trách Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại – chia sẻ trước thánh lễ Cam Kết lần đầu cho 11 Khấn Sinh. Thánh lễ do ngài chủ sự được cử hành lúc 16g30 thứ sáu, ngày 20-09-2019 tại nhà thờ Giáo Xứ Sao Mai – Giáo Hạt Chí Hòa.

Xem Hình

Đồng tế thánh lễ có cha Cố Louis Bertrand Cao Đức Thuận, S.S.P. - Vị sáng lập Hiệp Hội và hiện nay ngài là Tổng Phụ Trách Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại; Đức Viện Phụ Gioan Maria Vianney Nguyễn Tri Phương - nguyên Đan Viện Phụ - Đan Viện Xitô Châu Sơn - Đà Lạt; Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quốc Thư C.M. - Giám Tập; Cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Nhất O.P – Linh Hướng Tập Viện Thánh Louis Bertrand; Cha Giuse Phạm Quốc Văn, O.P. - Giám Đốc Học Viện Liên Dòng; Cha Đa Minh Đinh Văn Vãng - chánh xứ Sao Mai - Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu, và hơn 20 linh mục đồng tế. Đến tham dự thánh lễ ngoài các Khấn Sinh còn có các thầy Phó Tế, các Tu Sĩ nam nữ, quý Ông Bà Cố, quý n Nhân, Thân Nhân, Quý Khách và Cộng Đoàn dân Chúa.

Trong tâm tình hiệp dâng, Cộng Đoàn sốt sắng bước vào Thánh Lễ.

Trong phần giảng lễ, Cha Phó Tổng Phụ Trách chia sẻ: 11 anh em Cam Kết lần đầu hôm nay và tất cả chúng ta, ai cũng mong được hạnh phúc. Những dịp đầu năm, những dịp đám cưới người ta chúc cho nhau được hạnh phúc.

Hôm nay, các thành viên Hiệp Hội có đi tìm hạnh phúc không? Đây cũng là một câu hỏi được đặt ra cho các Khấn Sinh và hạnh phúc là gì? Phần đông chúng ta được hạnh phúc ở trần gian này, nhưng khi chết chúng ta không mang theo được. Vì vậy Chúa Giêsu nói với chúng ta, ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực, chúng ta được nhận biết Chúa qua nỗi khao khát của con người, khao khát có Đấng quyền năng vô biên và sáng tạo. Đoạn cuối trong Bản Hiến Chương Nước Trời chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó". Tại sao nghèo lại là phúc? Thưa, vì nghèo họ không bám vào đâu được, họ chạy đến Chúa vì Chúa là hạnh phúc đích thực, là hạnh phúc Nước Trời. Đọc Tin Mừng của thánh Luca chúng ta thấy môn đệ của Chúa Giêsu phải có tinh thần nghèo khó, cũng như các Khấn Sinh đây sắp sửa Cam Kết với Chúa trong tinh thần khó nghèo. Xin Chúa ban ơn cần thiết cho tất cả chúng ta và cho những anh em hôm nay Cam Kết lần đầu.

Nghi thức Cam Kết lần đầu gồm bốn phần:

- Phần giới thiệu và thẩm vấn: Cha Giám Tập đọc tên và giới thiệu 11 Khấn Sinh Cam Kết lần đầu:

1- Thầy Đaminh Nguyễn Văn Cường

2- Thầy Marrtinô Phan Văn Hậu

3- Thầy Giuse Phạm Văn Lập

4- Thầy Phêrrô Trần Văn Quỳnh

5- Thầy Giuse Đinh Khắc Tín

6- Thầy Micae Nguyễn Đình Thắng

7- Thầy Phêrrô Hồ Viết Trung

8- Thầy Giuse Nguyễn Phú Văn

9- Thầy Phêrrô Lê Đỗ Tuấn

10- Thầy Phó Tế Fx. Nguyễn Văn Truyền

11- Lm. Giuse Nguyễn Quang Văn

Phần lời nguyện thánh hiến khấn sinh: Các Khấn Sinh nói lên sự quyết tâm của mình và Cộng Đoàn hiệp ý trong lời cầu nguyện thánh hiến.

Phần đọc lời Cam Kết: Các Khấn Sinh lần lượt tiến lên trước mặt cha Tổng Phụ Trách, đọc lời Cam Kết và đặt tay mình trong tay Cha Tổng Phụ Trách hứa Vâng Phục, Khiết Tịnh Và Khó Nghèo cũng như sẵn sàng vâng lời triệt để khi có lệnh sai đi loan báo Tin Mừng theo theo Hiến Pháp của Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại.

Phần trao huy hiệu: Cha Tổng Phụ Trách trao huy hiệu cho các Khấn Sinh với biểu tượng của Hiệp Hội, và mời gọi các Khấn Sinh noi gương Thánh Phaolô, dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và lên đường loan báo Tin Mừng.

Sau nghi thức, cha Tổng Phụ Trách tuyên bố nhận những Khấn Sinh vừa Cam Kết lần đầu, là thành viên của Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại. Sau đó, quý cha lên bắt tay chúc mừng các Khấn Sinh vừa Cam Kết.

Cuối Thánh Lễ, đại diện các Khấn Sinh nói lên lòng tri ân đến toàn thể mọi người đã dành thời gian quý báu đến hiệp dâng thánh lễ Cam Kết lần đầu của các Khấn Sinh. Để tỏ lòng tri ân, các Khấn Sinh dâng lên quý cha những bó hoa tươi thắm với lòng thành kính.

Thánh Lễ kết thúc lúc 18g00, các Khấn Sinh cùng cộng đoàn ca vang bài ca tạ lễ.

Sau đó, Quý Cha đồng tế và các Khấn Sinh cùng chụp hình lưu niệm và liên hoan tiệc mừng.

Tác giả: Kim Vân - Quang Hoàng

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần II: Chứng từ của các bản văn Tân Ước , các thư Thánh Phaolô
Vũ Văn An
18:50 23/09/2019
3.4. Các thư của Thánh Tông đồ Phaolô

91. Các trước tác của Thánh Phaolô là trước tác cổ nhất của Tân Ước. Chúng đề cập đến sự thật mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Israel, và là sự thật, qua việc sai Con Thiên Chúa đến, đã được đem đến hoàn tất của nó, và được công bố vượt ra ngoài ranh giới của dân được chọn, đến nỗi không còn “Do Thái hay Hy Lạp "(Ga 3,28) nữa. Không giống như các Tin mừng, là các sách thẩy đều có sau các thư của ngài, Thánh Phaolô không xem xét quá khứ cho bằng củng cố cuộc sống hiện tại và tương lai trong Chúa Kitô của các cộng đồng Kitô giáo, do ngài hoặc người khác sáng lập, nhưng tất cả đều hợp nhất trong cùng một đáp ứng đức tin và tình yêu.



Các yếu tố lịch sử có thể được các thư của Thánh Phaolô khởi xuất rất hạn chế. Người ta cũng có thể thấy các tước hiệu được các tin mừng gia gán cho Chúa Giêsu trần thế (thầy, giáo sĩ [rabbi], tiên tri, con vua Đavít, Con người) không có mặt trong các trước tác của ngài; trong khi các tước hiệu trực tiếp chỉ đặc điểm của Đấng Phục sinh được sử dụng, như tước hiệu "Chúa" (Pl 2:11), và nhiều tước hiệu khác; Chúa Kitô (với khuynh hướng sử dụng thuật ngữ này như tên riêng của Chúa Giêsu, (xem Rm 5:6.8, v.v.); Con Thiên Chúa (Rm 1:4; Ga 4:4, v.v ...); hình ảnh Thiên Chúa (xem 2 Cr 4:4). Cái chết và sự phục sinh của Chúa, và các hiệu quả cứu độ của chúng, tập chú hầu như chuyên nhất vào quan tâm bản thân và mục vụ của Thánh Phaolô. Ngài sống "trong đức tin vào Con Thiên Chúa", Đấng yêu ngài "và hiến mạng” vì ngài (Gl 2:20). Đó là lý do tại sao ngài đã chiến đấu mãnh liệt chống lại tất cả những ai xuyên tạc "sự thật của Tin Mừng" này (Ga 2:5) và thậm chí chống đối cả Thánh Phêrô (xem Gl 2:11). Một cách nào đó, Thánh Phaolô bắt đầu công trình của ngài ở chỗ các Tin mừng kết thúc.

Chúng ta sẽ trình bầy chứng từ của Thánh Phaolô về Thiên Chúa và sự cứu rỗi trong bốn phần sau đây: a. Thánh Phaolô được hưởng sự mặc khải về chính ơn gọi của ngài và Truyền thống của Giáo hội; b. Thiên Chúa tự mặc khải mình trong Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh; c. Ơn cứu rỗi được tiếp nhận và sống trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô; d. Sự viên mãn của ơn cứu rỗi hệ ở sự phục sinh của Chúa Kitô.

a. Thánh Phaolô được hưởng sự mặc khải về chính ơn gọi của ngài và Truyền thống của Giáo hội

92. Liên kết ơn gọi đặc thù của mình với những gì đã được rao giảng và sống trong Giáo hội - một Giáo hội mà trước đây ngài đã khủng bố dữ dội (1 Cr 15:9; Gl 1:13; Pl 3:6) - Thánh Phaolô đặt mình vào thế tiếp nối với truyền thống như với đức tin chung của các Giáo Hội. Ý thức mình được thừa hưởng một cuộc thông đạt độc đáo và đích thân về sự thật của Tin Mừng (x. Gl 1:11-17; 1 Cr 15:8), Thánh Phaolô vẫn cảm thấy sự cần thiết phải liên kết nó với tất cả các cộng đồng Kitô giáo khác. Mối liên hệ của Thánh Phaolô với những người tin vào Chúa Kitô không chỉ là mối liên hệ của một người cha cho đi (1 Cr 4:15; Gl 4:19), mà còn là và trên hết là mối liên hệ của một người mắc nợ những người đi trước đã chìa bàn tay nắm lấy tay ngài (xem Gl 2:9). Giữa thời Chúa Giêsu và hoạt động tông đồ của Thánh Phaolô là khoảng hai mươi năm sinh hoạt của một Giáo hội đang phát triển ở Giêrusalem, Samaria, Đamát và Antiôkia của Syria. Chính trong thời kỳ này, đức tin vào Chúa Giêsu đã được củng cố một cách luôn sâu sắc hơn trong tinh thần và trong tâm hồn các Kitô hữu tiên khởi, với đặc điểm một bản sắc tin tưởng độc đáo được cấu trúc nhanh chóng và nhận được sự soi sáng liên tiếp. Thánh Phaolô chịu ơn đối với các phát triển tín lý do các Giáo hội đầu tiên mang đến. Do đó, sau khi mạnh mẽ nhấn mạnh rằng Ơn gọi đã được Chúa Kitô trực tiếp mặc khải cho ngài đã đủ để chứng thực Tin Mừng của ngài, không cần phải chờ đợi sự chấp thuận của các Tông đồ trước ngài (xem Gl 1:11-17). Ngài cảm thấy không kém cấp bách phải liên kết sự mặc khải mà ngài đã nhận được với di sản chung bằng cách gặp Thánh Phêrô (xem Gl 1:18) và trình bày lời rao giảng của mình, để không "vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích"(Gl 2:2). Cùng một cách như vậy, để nhấn mạnh ưu thế công việc Tông đồ của mình ("tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác" 1Cr 15:10), Thánh Phaolô vội vã tuyên bố: "Dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy"(1 Cr 15:11).

Đó là lý do tại sao ngài bác bỏ bất cứ hình thức ly khai địa phương nào, một điều sẽ dẫn đến việc tự tách rời khỏi các giáo hội khác và ngài hỏi người Côrintô: " Lời Thiên Chúa có phát xuất từ anh em không ? Hay lời ấy chỉ đến với một mình anh em mà thôi? "(1 Cr 14:36). Có rất nhiều sự chia rẽ trong Giáo hội này! : các nhóm nhỏ xíu cũng tự xưng có những cá tính giáo hội khác nhau một cách đầy bút chiến (xem 1 Cr 1-4); các cử hành "kiểu duy ưu tuyển” (elitiste) Bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11:11-34); ghen đua vì các đặc sủng nổi bật nhất (xem 1 Cr 12-14). Một tình huống như vậy giải thích tầm rộng rãi của lời chào đầu tiên của Thánh Phaolô: "Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta”. (1 Cr 1:2). Nói cho chính xác, cộng đồng này, vốn bị đe dọa gặp rất nhiều nguy cơ tan rã, được Thánh Phaolô khuyên nhủ phải luôn ghi nhớ nhiều yếu tố hợp nhất: Chúa Kitô không thể chia cắt được (x. 1Cr 1:13); phép rửa trong một Chúa Thánh Thần duy nhất (x. 1Cr 12:13); Bí tích Thánh Thể (x. 1 Cr 10:14-17; 11:23-24); tình yêu (xem 1 Cr 8:1; 13:16,24).

b. Thiên Chúa tự mặc khải trong Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại

93. Cái chết trên thập giá của Con Thiên Chúa là tâm điểm của sự thật mặc khải, được Thánh Phaolô công bố (1Cr 2:1-2). Nó là "ngôn ngữ của thập giá" (1 Cr 1:18), chống lại sự cao ngạo của người Do Thái và người Hy Lạp (1 Cr 1:22-23). Đối với sự kiêu căng của người Hy Lạp, tự hào về "sự khôn ngoan" của họ, Thánh Phaolô phản chứng bằng "sự điên rồ" của thập giá (1 Cr 1:23). Thánh Phaolô cũng phản ứng đối với chủ nghĩa pháp lý của người Galát: không thể thêm gì cho Chúa Kitô, ngay cả Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban hành như một yếu tố chuẩn bị và được Chúa Kitô đem đến hoàn thành và được vượt qua.



Thật vậy, thật đáng ngạc nhiên khi Thánh Phaolô, để đáp lại sự bảo đảm mà người Côrintô đã làm chứng, không dùng đến lý lẽ phục sinh, một điều tương ứng hoàn toàn với tai tiếng liên quan đến thập giá. Mặc dù phục sinh có một tầm quan trọng độc đáo trong Tin Mừng của ngài (việc rao giảng và đức tin sẽ vô ích nếu không có sự phục sinh: 1 Cr 15:14), trái với đầu óc hiếu thắng của người Côrintô, Thánh Phaolô muốn nhắc nhở rằng không ai đến được Phục sinh, mà không đi qua đồi Gôngôtha. Ở đây, cần lưu ý rằng, khi đề cập đến Đấng chịu đóng đinh, ngài sử dụng phân từ hoàn hảo (participle parfait: estauromenos: 1 Cr 1:23; 2:2; Gl 3:1), như thế có ý nói, cho đến ngày hôm nay, Chúa Kitô, mặc dù được tôn vinh, vẫn tiếp tục là người chịu đóng đinh. Do đó, hiển nhiên Thiên Chúa tự biểu lộ chính Người bằng tai tiếng thập giá của Chúa Kitô, tự mặc khải như vị Thiên Chúa của ơn thánh, cho thấy sự ưa thích của Người đối với kẻ yếu, kẻ tội lỗi, những người bị cách xa. Người hiện diện và hành động ở nơi người ta không thể tưởng tượng được: trong Chúa Giêsu thành Nadarét, bị kết án tử hình trên thập giá.

Nhưng "sự chết không có quyền lực đối với Người" (Rm 6: 9). Ở đây chúng ta phải lưu ý một lần nữa rằng Thánh Phaolô không bao giờ trình bày phục sinh mà không nói tới thập giá. Có một sự đồng nhất tuyệt đối giữa Đấng chịu đóng đinh và Đấng sống lại, điều đó có nghĩa là không có sự gián đoạn liên tục nào giữa Đấng "tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” và là Đấng Người “đã siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:8-9.11) đó là “Chúa”. Nếu người ta chỉ nhìn vào Đấng chịu đóng đinh, thì không có sự khác biệt nào giữa Chúa Giêsu và hai kẻ bất lương cùng bị kết án với Người, cũng không có bất cứ khác biệt nào giữa Người và anh hùng Spartacus cũng bị đóng đinh. Mặt khác, nếu người ta chỉ xem xét sự phục sinh, họ sẽ gặp một tôn giáo trừu tượng, tha hóa (aliénante), quên đi con đường (thánh giá) mà trước tiên họ phải bước đi trước khi đạt đến vinh quang. Dù sao, chính một mình cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết, đã làm cho Thánh Phaolô hiểu cách thức nhờ đó Đấng chịu đóng đinh đã trở thành Đấng đem lại sự sống. Điều này sở dĩ đã trở thành khả hữu, một mặt vì kinh nghiệm bản thân của Thánh Tông đồ (x. Gl 1:15-16; 1 Cr 9:1; 15:8) và mặt khác vì sự trung gian của Giáo hội (x. 1Cr: 11:23; 15:3: "Tôi đã truyền điều này cho anh em, điều mà chính tôi đã nhận được").

c. Ơn cứu rỗi được tiếp nhận và sống trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô

94. Sự hòa hợp đặc biệt của các cộng đồng Kitô giáo và sự hiệp nhất của họ vượt ra ngoài sự đa dạng đã khiến Thánh Phaolô sử dụng siêu ẩn dụ "thân thể" để đào sâu các mầu nhiệm của Giáo hội Chúa Kitô. Ngài đề cập đến một chủ đề mà, trong Tân Ước, chỉ có Thánh Phaolô mới bàn đến (xem 1 Cr 12:12-27; Rm 12:4-5). Chủ đề này đã được khai triển đáng kể trong thư gửi tín hữu Côlôxê (xem Cl 1:18.22.24; 2:9-19) và trong thư gửi tín hữu Êphêsô (xem Eph 2:15-16: 4:4.12-16; 5: 28-33), một thư mà đối với nhiều người phát xuất từ "trường phái Phaolô” sau này.

Nói về các Kitô hữu như "Nhiệm thể Chúa Kitô", Thánh Phaolô vượt xa sự so sánh đơn giản: các chi thể của Chúa Kitô, cùng với Người, tạo thành một thực tại duy nhất; Giáo hội là một thân thể "trong Người". Giáo Hội không phải là kết quả của việc các cá nhân cộng lại, cũng không phải là việc các hợp tác của họ cộng lại, vì Giáo Hội có trước sự tích hợp từng mỗi chi thể lập thành Giáo Hội. Đó là lý do tại sao, Giáo hội không phải là một điều gì đó trung lập (hen - số "một" trung tính) - mà là một thực tại có bản vị (heis - số "một" nam tính): "Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một (heis) trong Chúa Giêsu Kitô” ( Gl 3:28).

Do đó, đoạn này dạy rằng "Tất cả chúng ta [...] đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12:13). Tất cả diễn ra như thể Thánh Phaolô, khi công bố sử dụng ẩn dụ này, đã nhấn mạnh nguồn gốc ban đầu của sự hợp nhất này: "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người"(1 Cr 12:4-6). Ở đây, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các khác biệt, được hài hòa trong bối cảnh hợp nhất của Giáo hội, cũng phản ảnh sự hợp nhất nguyên ủy của Thiên Chúa mà từ đó chúng bắt nguồn. Lời chúc lành cuối cùng ở 2 Cr 13:13 cũng làm ngài hiểu: " Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần”. Những lời chúc lành này của Thánh Phaolô không bắt đầu với Thiên Chúa Cha, nhưng với Chúa Giêsu Kitô, vì một mình Người dẫn chúng ta vào mầu nhiệm Ba Ngôi (Rm 8: 39). Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý tới sứ mệnh của Chúa Thánh Thần: tạo ra sự hiệp thông, theo nghĩa Người có vai trò thực hiện công trình cứu rỗi qua các thế kỷ: "để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Ápraham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (Gl 3:14). Do đó, tất cả đã chịu "phép rửa" bởi cùng một Thần Khí (1 Cr 12:13) và tạo thành một cộng đồng huynh đệ, đa dạng, nhưng nhất trí. Hồng phúc hợp nhất vô giá này, một hồng phúc, cuối cùng, đã chiếm ưu thế so với sự chia rẽ cũ giữa "Người Do Thái và người Hy Lạp" (Rm 10:12; 1 Cr 1:24; 12:13; Gl 3:28), buộc ta phải "sống một cuộc sống mới "(Rm 6:4),"cuộc sống của Thần Khí" (Rm 7:6), để nếu "ai ở trong Chúa Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi"(2 Cr 5:17).

d. Sự viên mãn của ơn cứu rỗi hệ ở sự phục sinh của Chúa Kitô



95. Sự kết hợp với Chúa Kitô, mang ra sống với các Kitô hữu khác trong Nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo hội, không giới hạn vào cuộc sống trần gian. Trái lại, Thánh Phaolô nói: " Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1 Cr 15:19). Trong chương dài nhất trong tất cả các thư của ngài (1 Cr 15: 1-5), ngài tìm cách đặt cơ sở và giải thích sự phục sinh của các Kitô hữu, một sự phục sinh vốn phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Kitô. Ngài mạnh mẽ quả quyết rằng: "Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu... mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15:20.22). Đức tin vào sự phục sinh với Chúa Kitô, trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Người và với Chúa Cha, tạo nên nền tảng và chân trời của lời rao giảng của Thánh Phaolô. Đức tin này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trần gian hiện tại, khiến nó có thể chịu đựng những khó khăn và nỗi đau buồn, vì biết rằng nỗi đau "trong Chúa" nỗi đau mà người ta chấp nhận "không vô ích" (1Cr 15:58). Trong lá thư cổ xưa nhất của mình, Thánh Tông đồ giải thích cho người Texalônica: "Những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Chúa Giêsu" (1 Tx 4:14); "hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4:13).

Thánh Phaolô không đưa ra mô tả nào về cuộc sống này, nhưng chỉ đơn giản quả quyết: “Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4:17, xem 2 Cr 5:8). Ngài nhận ra trong đức tin và hy vọng này một sức mạnh to lớn có sức khuyến khích và an ủi, và, ở cuối đoạn văn, ngài nói với các Kitô hữu của Texalônica: "Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau" (1 Th 4:18). Trở lại với viễn cảnh cái chết của chính mình, Thánh Phaolô nói: "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1:23). Do đó, sự viên mãn của ơn cứu rỗi có thể được hiểu như sự kiện được ở với Chúa Kitô, Đấng vốn ở với Chúa Cha, nghĩa là, sống hiệp thông trong cuộc sống hoàn hảo và dứt khoát với Người, và, trong Người với mọi chi thể của nhiệm thể Người (x. 1 Cr 15:28; xem Ga 17:3.24).

Kỳ tới: Sách Khải Huyền
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 23/9/2019: ĐTC nhắc nhở các bác sĩ lời thề tôn trọng sự sống.
VietCatholic TV
08:07 23/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 22/9/2019.
2- Đức Thánh Cha đến thăm giáo phận Albano, Italia.
3- Chức Tư Tế là một món quà chứ không phải là một công việc.
4- Đức Thánh Cha nhắc nhở các bác sĩ lời thề tôn trọng sự sống.
5- Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Thiên Chúa là một kinh nghiệm yêu thương.
6- Đức Hồng Y Xaviê Nguyễn Văn Thuận là con người của cầu nguyện.
7- Đức Thánh Cha tiếp Tổ chức Chăm sóc Cộng đồng New York, Hoa Kỳ.
8- Việc bảo vệ trẻ vị t hành niên phải được đưa vào đời sống Giáo hội trên toàn cầu.
9- Giáo hội Philippines và dự luật ly hôn.
10- Đôi Bạn trẻ trong Đức Tin và Chính trị ở Hồng Kông.
11- Giới thiệu Thánh Ca: Khúc Cảm Tạ
 
Chiếc áo Đức Bà – Brown Scapular - cứu một linh mục thoát chết như thế nào?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:46 23/09/2019
Sau kỳ nghỉ hè dài hai tháng được tiếp nối với chuyến tông du thứ 31 đến Mozambique, Madagascar, và Mauritius, hôm thứ Hai 16 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tái tục lại các thánh lễ ban sáng nhà nguyện Santa Marta. Vì thế, Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô lại được tái tục với quý vị và anh chị em.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu các đề tài sau:

• Các Giám Mục và linh mục phải gần gũi với dân Chúa

• Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa

• Hãy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để họ biết cầu nguyện cho dân của mình

Bên cạnh đó là Câu Chuyện Chiếc áo Đức Bà cứu một linh mục thoát chết như thế nào?

1. Các Giám Mục và linh mục phải gần gũi với dân Chúa

Thừa tác vụ tư tế là một đặc sủng và quà tặng của Thiên Chúa, Đấng nhìn chúng ta và gọi: Hãy theo thầy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm thứ Năm, 19 tháng 9, trước sự hiện diện của rất nhiều giám mục và linh mục đồng tế. Trong bài giảng, ngài cũng nhắc đến lễ kỷ niệm của những ai mừng ngân khánh, 25 năm linh mục và Đức Hồng Y Edoardo, tổng giám mục Ancona, trong dịp ngài tròn 80 tuổi. Đức Thánh Cha mời mọi người, và ngay cả chính ngài, suy ngẫm về Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Ti-mô-thê trong phụng vụ hôm nay. Ngài tập trung vào chữ “đặc sủng và quà tặng”, về thừa tác vụ như một món quà để chiêm ngẫm, theo lời khuyên của thánh Phao-lô dành cho Timôthê - người môn đệ trẻ: “Đừng thờ ơ với đặc sủng và món quà đang có nơi anh”.

Thừa tác vụ không phải là một hợp đồng lao động: tôi có nhiệm vụ này, tôi phải làm việc kia … Công việc ở hàng thứ hai thôi. Tôi phải biết đón nhận đặc sủng ấy và giữ gìn nó như quà tặng. Và rồi mọi sự bắt nguồn từ đó, trong việc chiêm ngắm đặc sủng ấy. Khi quên điều này, chúng ta chiếm hữu đặc sủng ấy, biến nó thành một dịch vụ, đánh mất trọng tâm của thừa tác vụ và không còn sống dưới ánh nhìn của thầy Giêsu – Đấng đã nhìn tất cả chúng ta và gọi: hãy theo Thầy. Chúng ta đánh mất luôn tính nhưng không của quà tặng và ơn kêu gọi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Vì thế, có một nguy cơ mà chúng ta cần đề phòng:

Thiếu chiêm ngắm đặc sủng thừa tác vụ hoặc không còn xem thừa tác vụ ấy là quà tặng sẽ dẫn tới những lệch lạc mà ta đã biết, đi từ những điều tồi tệ nhất, khủng khiếp nhất đến những điều bình thường nhất. Nó khiến ta tự đặt mình làm trung tâm của thừa tác vụ, không còn lòng biết ơn vì ân sủng và tình yêu của Đấng đã ban tặng cho chúng ta món quà ấy, món quà của thừa tác vụ.

Đặc sủng mà Thánh Phaolô nói đến là đặc sủng Thiên Chúa đã ban nhờ lời ngôn sứ, cùng với việc đặt tay của hàng kỳ mục cũng có giá trị đối với các giám mục và với tất cả các linh mục. Điều quan trọng là biết chiêm ngắm thừa tác vụ ấy như một đặc sủng, chứ không như một dịch vụ. Chúng ta phải làm điều mình phải làm với ý hướng ngay lành, với sự sáng suốt, dù có cả mánh khoé, nhưng luôn để bảo vệ đặc sủng này.

Việc quên mất trung tâm tính của một đặc sủng, một món quà là điều rất đỗi bình thường của một con người, như ông Pha-ri-siêu trong Tin mừng thánh Luca chẳng hạn. Ông mời Chúa Giêsu đến nhà mình, mà lại không quan tâm đến “rất nhiều quy tắc chào đón”. Ông bỏ qua những món quà. Chúa Giêsu chỉ cho ông thấy điều đó khi Người chỉ ra rằng người phụ nữ đã trao tặng tất cả những gì ông đã quên dành cho vị khách của mình: nước để rửa chân, một nụ hôn chào đón, và cả dầu ô-liu xức trên đầu.

Ông ấy là người tốt, một người Pha-ri-siêu tốt bụng, nhưng ông đã quên mất món quà của sự tử tế và lịch sự, món quà của sự chung sống cũng là một món quà. Những món quà luôn bị lãng quên khi có một lợi ích đằng sau, khi tôi muốn làm điều này, làm điều kia… Chúng ta, những linh mục phải làm nhiều việc, nhưng việc đầu tiên là loan báo Tin Mừng, nhưng chúng ta cần phải giữ đặc sủng và quà tặng nhưng không mà Chúa ban cho chúng ta như là trung tâm và nguồn gốc mà sứ vụ này phát xuất.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện:

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta gìn giữ đặc sủng ấy để nhìn sứ vụ của mình trước hết như một món quà, và rồi như một việc phục vụ. Đừng phá huỷ nó và đừng biến mình thành những người thầu khoán, những kẻ lái buôn thừa tác vụ. Có nhiều thứ làm chúng ta rời xa việc chiêm ngắm đặc sủng và rời xa cả Thiên Chúa, Đấng đã ban đặc sủng thừa tác ấy cho chúng ta. Xin Chúa thương ban điều ấy cho tất cả chúng ta, nhất là những ai mừng lễ kỷ niệm 25 năm linh mục hôm nay.

2. Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa

Lòng trắc ẩn giống như “lăng kính của trái tim” giúp chúng ta hiểu được các chiều kích của thực tại. Đó cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa, còn nhiều khi ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong Thánh lễ sáng thứ Ba, 17 tháng Chín, tại nhà nguyện Santa Marta.

Hãy mở con tim cho lòng thương xót và đừng khép mình lại trong sự thờ ơ. Đây là lời mời rất mạnh mẽ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói sáng nay trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Lòng trắc ẩn đưa ta đến với nẻo đường “công chính thực sự”, và giải thoát ta khỏi việc khép kín nơi chính mình.

Đức Thánh Cha bắt đầu những suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 7: 11-17), kể về Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với bà góa thành Nain. Bà đang khóc thương vì đứa con trai duy nhất của mình đã chết và đang được đưa đến huyệt mộ. Tác giả Tin Mừng không nói rằng Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn nhưng ngài nói “Lòng trắc ẩn đã chộp lấy Đức Giêsu”, như thể nói rằng “Người là nạn nhân của lòng thương xót vậy.” Có cả một đám đông theo Người, lại cũng có một đoàn người đi cùng bà ấy nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy thực tại của bà: từ hôm nay, bà chỉ còn ở một mình, cô đơn và lẻ loi cho đến cuối đời, bà đã là một goá phụ mà nay lại mất đứa con duy nhất. Chính lòng trắc ẩn và thương xót giúp người ta hiểu thực tại cách sâu sắc.

Lòng trắc ẩn giúp ta nhìn thực tại như chúng là; lòng trắc ẩn giống như lăng kính của trái tim vậy. Nó giúp ta thực sự hiểu được các chiều kích của cuộc sống. Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu thường hành động theo lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Không phải chỉ với Chúa Giêsu, Kinh Thánh mới bắt đầu nói về lòng thương xót. Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã nói với Mô-sê: “Ta thấy nỗi đau khổ của dân Ta” (Xh 3: 7); Đó chính là lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng sai Môsê đến cứu dân Người. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu. Chúng ta có thể nói rằng đó là điểm yếu của Thiên Chúa, nhưng cũng là sức mạnh của Người. Đó chính là điều tốt nhất dành cho chúng ta: vì chính lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Người gửi Ngôi Hai đến với chúng ta. Lòng thương xót chính là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Thương xót “không phải là cảm giác đau đớn”, ví dụ, khi người ta nhìn thấy một con chó chết trên đường: “thật tội nghiệp, chúng ta cảm thấy hơi nhức nhối”. Nhưng thương xót là “liên đới với vấn đề của người khác, và đó là liều mình với cuộc sống”. Trong thực tế, Thiên Chúa liều mình với cuộc đời và đi đến đó.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lấy một ví dụ khác rút ra từ Tin Mừng về việc hoá bánh ra nhiều. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy cho dân chúng ăn, trong khi các môn đệ lại muốn đuổi họ đi. Đúng là các môn đệ rất thận trọng. Nhưng khi xét đến câu trả lời của Người: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, tôi tin rằng ngay tại thời điểm đó, tận thâm tâm, hẳn Chúa Giêsu đã giận lắm.

Người mời gọi các ông hãy chịu trách nhiệm với dân chúng, chứ đừng nghĩ rằng sau một ngày như thế họ có thể đi tới các làng để mua bánh. Bản văn Tin Mừng thuật lại: Chúa động lòng thương vì Người thấy dân chúng như đoàn chiên không người chăn dắt. Trái ngược với cử chỉ và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu là thái độ ích kỷ của các môn đệ, chỉ tìm giải pháp chứ không muốn nhúng tay vào, như thể nói rằng dân chúng tự sắp xếp lấy vậy.

Ở đây có thể thấy, nếu ngôn ngữ của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn, thì thường khi, ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Chỉ chịu trách nhiệm đến đây thôi, chứ không nghĩ điều gì khác nữa. Đó chính là thói thờ ơ. Một trong những nhiếp ảnh gia của chúng tôi tại tờ Quan sát viên Roma đã chụp được một bức ảnh hiện đang ở Sở Từ Thiện, được gọi là “Sự thờ ơ”. Tôi đã nói về điều này một vài lần rồi. Vào một đêm đông, trước một nhà hàng sang trọng, một người phụ nữ sống bên vệ đường chìa tay ra hướng tới một người phụ nữ khác đang bước ra khỏi nhà hàng. Người phụ nữ ấy ăn mặc rất ấm áp, che chắn rất kỹ càng nhưng lại ngoảnh đi phía khác. Đó chính là sự thờ ơ, sự thờ ơ của chúng ta. Đã bao lần chúng ta ngoảnh mặt, nhìn đi hướng khác. .. Và thế là chúng ta đóng cánh cửa đối với lòng thương xót và trắc ẩn. Chúng ta có thể làm một cuộc xét mình xem: tôi có hay ngoảnh nhìn đi hướng khác không? Hay tôi để Chúa Thánh Thần dẫn bước tôi đi trên con đường thương xót? Đó là một đức tính của Thiên Chúa

Để kết luận, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài rất cảm động vì một lời trong đoạn Tin mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói với người mẹ này: “Đừng khóc”. Đó là một sự âu yếm và trìu mến của lòng trắc ẩn. Chúa Giêsu chạm vào quan tài, và bảo cậu bé đứng dậy. Sau đó, cậu bé đã ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến đoạn cuối khi Chúa Giêsu “trao cậu lại cho mẹ của cậu.”

Đó là một hành động của công lý và chính trực. Từ “trao lại” này được sử dụng trong công lý. Lòng trắc ẩn đưa chúng ta đến con đường của công lý thực sự. Chúng ta phải luôn trao lại cho người khác một quyền lợi nhất định. Điều này sẽ luôn giải gỡ chúng ta khỏi sự ích kỷ, thờ ơ và khép kín nơi chính mình. Chúng ta tiếp tục thánh lễ hôm nay bằng lời này: “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn”. Ước gì Người cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với mỗi chúng ta: chúng ta cần điều ấy.

3. Câu Chuyện Chiếc áo Đức Bà cứu một linh mục thoát chết như thế nào?

Tác giả Philip Kosloski của tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý Tỏ tường, có kể lại một câu chuyện với tựa đề “This priest was saved from a bullet by wearing his Brown Scapular” – “Một linh mục được cứu mạng nhờ mặc áo Đức Bà.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời kể của Như Ý.

Một sát thủ đã cố ý bắn chết một linh mục ở cự ly rất gần trong khi ngài đang cử hành thánh lễ, nhưng một điều gì đó đã xảy ra khiến mọi người đều kinh ngạc.

Đôi khi, Chúa cứu chúng ta một cách kỳ diệu khỏi cái chết, và điều này có thể xảy ra theo bất kỳ cách nào. Ngài làm như theo thánh ý của mình và thường là để làm nổi bật đức tin của một cá nhân.

Một câu chuyện được tìm thấy trong tập sách Garment of Grace – Y phục mang đến ân sủng, đã kể lại trường hợp một linh mục được Chúa cứu thoát nhờ mặc áo Đức Bà. Đó là một dải ru băng có hai hình vuông bằng vải màu nâu, một bên in hình Chúa, một bên in hình Đức Mẹ, và được nhiều vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo khuyến khích các tín hữu đeo trên vai.

Một ngày nọ, một linh mục người Pháp đang đi bộ đến nhà thờ địa phương để cử hành thánh lễ. Khi đến gần nhà thờ, vị linh mục nhận ra mình đã quên một điều gì đó.

Trong khi mặc quần áo vào buổi sáng, vị linh mục đã quên mất chiếc áo Đức Bà thường đeo bên dưới lớp áo của mình.

Điều này làm ngài băn khoăn. Ngài không nghĩ đến việc có thể dâng thánh lễ mà không tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria với Áo Đức Bà. Tuy nhiên, ngài sẽ bị trễ lễ nếu trở về chỗ ở của mình.

Cuối cùng, vị linh mục quyết định chạy về nhà và choàng lên vai chiếc Áo Đức Bà, trước khi hối hả chạy đến nhà thờ.

Cuốn Garment of Grace thuật lại những gì xảy ra tiếp theo như sau.

Sau đó, khi ngài đang dâng Thánh lễ, một người đàn ông trẻ tiến đến bàn thờ, rút súng ra và bắn vào lưng linh mục.

Xin được chú thích thêm cho dễ hiểu là vào thời đó các linh mục vẫn cử hành thánh lễ trong tư thế Ad orientem. Ad orientem là tiếng Latinh, nếu dịch sát theo tiếng Việt thì có nghĩa là “hướng về phía Đông”. Thánh Clêmentê thành Alexandia từng viết: “Vì bình minh là hình ảnh của một ngày mới, và từ thời điểm đó, ánh sáng ban đầu tỏa ra từ bóng tối dần xua tan màn đêm, chiếu tỏa trên những ai đang sống trong bóng tối một ngày mới hiểu biết về chân lý. Tương ứng với cách thức mặt trời mọc, những lời cầu nguyện nên được thực hiện hướng về phía đông.” Ngày nay, từ Ad orientem có một nghĩa rộng hơn ý nghĩa địa lý ban đầu và có nghĩa là quay lưng về phía giáo dân, hướng nhìn lên bàn thờ, hướng nhìn về Chúa.

Trở lại câu chuyện này.

Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, vị linh mục tiếp tục Kinh Nguyện Thánh Thể như không có gì xảy ra. Lúc đầu, người ta cho rằng viên đạn đã bỏ lỡ mục tiêu một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, khi kiểm tra, viên đạn đã được tìm thấy dính ngay trên chiếc áo Đức Bà của vị linh mục.

Đây không phải là lần đầu tiên một người nào đó được cứu khỏi một viên đạn nhờ một vật thánh mà họ đang mang trên người. Một người lính trong Thế chiến thứ nhất đã được cứu mạng nhờ cuốn Kinh thánh trong túi là một ví dụ.

Những câu chuyện như thế không nhằm đưa ra một bảo đảm rằng cứ mang những mặc vật thánh trên người là chắc chắn sẽ tránh được những nguy hiểm, nhưng những câu chuyện ấy củng cố thêm nhu cầu có một niềm tin đích thực vào Chúa, tin rằng Ngài sẽ bảo vệ chúng ta trong những thời khắc hiểm nguy. Thật thế, nếu chúng ta có một niềm tin đích thực vào Chúa, bất cứ điều gì cũng có thể.

4. Hãy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để họ biết cầu nguyện cho dân của mình

Sau kỳ hè, Đức Thánh Cha tiếp tục những bài giảng của mình trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Được gợi hứng từ bài đọc thứ nhất của thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Timôthê trong phụng vụ hôm thứ Hai 16 tháng 9, Đức Thánh Cha khuyến khích việc cầu nguyện cả cho các cấp chính quyền, cho những người cai trị đất nước. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt hỏi người dân Ý, những người đang phải sống trong cuộc khủng hoảng chính trị rằng họ đã cầu nguyện cho những ai được kêu gọi để lãnh đạo đất nước hay chưa. Cuối cùng ngài khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện cho các chính trị gia, những nhà cầm quyền, để họ có thể thực hiện ơn gọi phù hợp với phẩm giá của mình.

Suy ngẫm về đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Ti-mô-thê, Đức Thánh Cha đề cập đến cách thánh Phaolô thúc giục tất cả dân Chúa cầu nguyện, một lời cầu nguyện mang tính phổ quát: đừng oán hờn và cạnh tranh, nhưng hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người, cả cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, những nhà cầm quyền để họ được sống bằng yên, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch, xứng hợp và sốt sắng.

Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến lời chuyển cầu khi ngài nói: “anh chị em hãy cầu nguyện cho mọi người, để chúng ta có thể sống một cuộc sống bình an, trong trang nghiêm và sốt sắng”. Cầu nguyện để điều này có thể xảy ra. Nhưng có một điều tôi muốn dừng lại thêm. Thánh Phaolô nói: “Lời cầu nguyện dành cho tất cả mọi người”, rồi ngài lại thêm vào: “cho cả các vị vua và cho tất cả những bậc vị vọng, những người nắm quyền”. Vì thế, đó là lời cầu nguyện cho những người cai trị, cho các chính trị gia, cho những người có trách nhiệm điều hành một thể chế chính trị, một quốc gia, hay một tỉnh thành.

Ngay cả với những người có suy nghĩ khác mình, chúng ta cũng nên cầu nguyện cho họ. Đức Thánh Cha nói:

Có những chính trị gia nhưng cũng có các linh mục và giám mục, bị xúc phạm và lăng mạ, hay có người nói “họ đáng bị như vậy”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng điều ấy “đã trở thành một thói quen”. Khi ngài nhắc lại điều ngài gọi là “chuỗi tràng hạt của những lời lăng mạ và những lời chửi rủa”. Nhưng ai là người trong chính phủ “có trách nhiệm lãnh đạo đất nước, còn chúng ta, chúng ta để người ấy lẻ loi, và không khẩn cầu Thiên Chúa ban phúc lành cho người ấy?

“Tôi chắc chắn rằng chúng ta không cầu nguyện cho những người cai trị, mà ngược lại, dường như lời cầu nguyện cho họ được thay bằng những lời “xúc phạm”. Và đó là cách chúng ta tương quan với những nhà cầm quyền. Nhưng thánh Phaolô đã giải thích rất “rõ ràng” khi yêu cầu chúng ta phải “cầu nguyện cho mỗi người trong số họ để họ có thể tiếp tục một cuộc sống bình yên và xứng với phẩm giá giữa dân của mình”.

Dù rằng người Ý gần đây đã trải qua “một cuộc khủng hoảng chính trị”, nhưng ai trong chúng ta cầu nguyện cho những người cai trị? Ai trong chúng ta cầu nguyện cho các nghị sĩ? Ai cầu nguyện cho họ đi tới đồng thuận để tiếp tục dẫn dắt dân tộc mình tiến triển? Phải chăng tinh thần dân tộc không hướng tới lời cầu nguyện? Mà lại hướng tới sự thù hận và cãi vã, và tinh thần dân tộc sẽ kết thúc như thế. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: hãy cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.” Chúng ta phải thảo luận và đây là chức năng của quốc hội, chúng ta cần phải thảo luận nhưng đừng phá huỷ điều khác. Ngược lại, chúng ta phải cầu nguyện cho người khác, nhất là cho những người có ý kiến khác với mình.

Trước những ai nghĩ rằng chính trị gia này “tham nhũng” hoặc chính trị gia kia “quá cộng sản”, Đức Thánh Cha trích dẫn Tin mừng thánh Luca hôm nay. Ngài không đặt vấn đề về “việc thảo luận chính trị” nhưng ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc có những người nói rằng “chính trị là thứ bẩn thỉu”, nhưng sau đó ngài nhấn mạnh rằng chính Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI đã tin rằng chính trị là “hình thức cao nhất của đức ái”:

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chính trị có thể bẩn thỉu cũng như bất kỳ ngành nghề nào,... Chúng ta chính là những người làm một thứ nào đó trở nên bẩn chứ chính nó không phải là thứ bẩn thỉu. Tôi tin rằng chúng ta phải sám hối và cầu nguyện cho các chính trị gia, cho tất cả họ! Hãy cầu nguyện cho những người điều hành và cai trị. Đó là những gì thánh Phao-lô yêu cầu chúng ta.

Khi nghe Lời Chúa, tôi nghĩ đến một điều rất đẹp của Tin Mừng hôm nay, người cai trị cầu nguyện cho một người cấp dưới của mình, viên đại đội trưởng cầu nguyện cho một thuộc hạ của ông. Cũng thế, những người cai trị cũng phải cầu nguyện cho người dân của mình. Viên đại đội trưởng này đã khẩn cầu cho một đầy tớ, cũng có thể là người hầu của ông. “Đó là người hầu của tôi, tôi có trách nhiệm trên anh ta.” Những người cai trị chịu trách nhiệm cho cuộc sống của cả một đất nước, một dân tộc. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng nếu mọi người dân cầu nguyện cho những người cai trị mình, và những người cai trị cũng có thể cầu nguyện cho mọi người dân của mình, giống như viên đại đội trưởng này cầu nguyện cho người đầy tớ của mình vậy.