Ngày 22-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 25 Quanh Năm 23/9/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:13 22/09/2018
Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20

"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".

Trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!"

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8

Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).

Xướng:

1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài,

và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con!

Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu,

xin lắng tai nghe lời miệng con xin.

2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối,

và bọn người hung hãn tìm sát hại con,

bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.

3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con,

Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.

Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa.

Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài,

vì danh Ngài thiện hảo.

Bài Ðọc II: Gc 3, 16 - 4, 3

"Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36

"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

Ðó là lời Chúa.
 
Lý tưởng phục vụ
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
07:22 22/09/2018
Lý tưởng phục vụ (Chúa Nhật XXV Thường Niên B)
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

Một hành vi nhân linh có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau, tốt hoặc xấu. Cũng thế, việc bước theo Chúa và làm môn đệ Giêsu cũng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau, có khi có những động lực ngay lành, thánh thiện, nhưng có khi cũng hàm chứa những động lực rất trần tục theo kiểu thế gian. Đó là điều được phản ánh trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

1- Tinh thần thế gian
Thánh Máccô cho chúng ta biết trong lúc Chúa Giêsu loan báo lần hai về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ nghĩ đến quyền lợi, địa vị của mình và cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Chúa (Mc 9,30-34).
Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa,” là ước mơ sẽ được thăng quan tiến chức, có chức vụ và quyền lực theo kiểu trần thế trong Nước Chúa. Quả thật, các ông theo Chúa nhưng vẫn còn hành xử theo tinh thần thế gian, chưa đi vào đường lối của Chúa, đó là đường tiến về Giêrusalem, đường thập giá, đường hiến thân phục vụ; các ông vẫn chưa thể hiểu hay đúng hơn là không muốn hiểu điều Chúa đang loan báo.
Về điểm này, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại bản thân. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bị cám dỗ coi việc bước theo Chúa chỉ là để thăng tiến bản thân với những động lực bên trong rất trần tục. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thanh lọc động lực theo Chúa để có thể bước theo và phụng sự Chúa với ý hướng ngay lành và động lực trong sáng.
Cũng như các môn đệ xưa, tinh thần thế gian có thể xâm nhập vào trong chúng ta, nên nhiều lúc chúng ta giảm thiểu các chức vụ trong Giáo Hội như là một thứ địa vị, chức tước, hay một thứ nghề nghiệp để tìm kiếm và xây dựng sự nghiệp riêng hơn là để phục vụ tha nhân. Vì thế, trong cộng đoàn đã xảy ra những chuyện ganh tỵ, thủ đoạn, chiến tranh và hạ bệ lẫn nhau. Đó là điều mà thánh Giacôbê nói rất chí lý ở bài đọc II: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2). Chúng ta đang sống theo tinh thần thế gian.
Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bước theo Chúa nhưng lại khước từ bước vào đường lối của Chúa, thích giữ một nền “linh đạo thoải mái,” không có hy sinh và tận hiến, thích một Chúa Kitô không có thập giá.

2- Tinh thần Chúa Giêsu
Nhân dịp này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và cả chúng ta bước vào con đường mới, con đường hiến thân phục vụ. Người nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Thật vậy, câu nói này tóm tắt đạo lý của Chúa Giêsu về lý tưởng phục vụ. Theo Chúa không phải để tìm kiếm địa vị, chức tước hay để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng là để trở thành người loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân. Người làm lớn phải trở thành người tôi tớ phục vụ người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ và địa vị chỉ là phương tiện để phục vụ, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chứ không phải là mục đích, hay để thống trị và bắt người khác phục vụ mình. Như thế, Đức Giêsu đã khai mở một con đường lãnh đạo mới bằng sự khiêm hạ và phục vụ mà sau này Robert Greenleaf gọi đó là “servent leadership - lãnh đạo phục vụ.”
Nếu trong một quốc gia, những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triển và sẽ tiến nhanh, tiến mạnh. Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng. Trong một cộng đoàn, ai cũng có tinh thần phục vụ, thì cộng đoàn đó sẽ sống động và đầy niềm vui. Cũng thế trong một gia đình, vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ có sự chia sẻ, yêu thương và hạnh phúc.

3- Tinh thần Giáo Hội
Giáo Hội chọn lý tưởng phục vụ do Chúa Giêsu đề ra làm con đường phải đi. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội.” Điều này có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Vì con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, chính Người là mẫu gương tuyệt hảo về lý tưởng phục vụ: Người là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm hèn và bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự để cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8). Người đến để phục vụ như Người đã nói: “Con người đến không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28).
Như thế, Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta bước vào con đường của Chúa, đó là con đường khiêm hạ, hy sinh và phục vụ người khác. Đây là con đường giúp chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô và cũng là con đường giúp chúng ta tìm lại chính mình cũng như hạnh phúc cho bản thân. Đó cũng là điều mà đại thi hào Tagor nói đến trong bài thơ phục vụ:

“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui,
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ,
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui.”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!





 
Ở đâu có ghen tỵ, ở đó đủ thứ tệ đoan!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
07:24 22/09/2018
Ở đâu có ghen tỵ, ở đó đủ thứ tệ đoan! (Chúa Nhật XXV Thường Niên B)
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37


Lời Chúa hôm nay nói nhiều về tính ghen tương hay là ghen tỵ nhau. Ghen tương là một trong bảy mối tội đầu, nghĩa là tật xấu này sinh ra nhiều nhiều tội khác. Tính ghen tương có thể xuất hiện ở bất người nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài đọc I Sách Khôn Ngoan đề cập đến việc người xấu ghen tỵ với người tốt, phường vô đạo ghen tỵ với người công chính, họ tìm cách gài bẩy và làm hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện của người công chính làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt và chống lại những việc làm xấu xa họ làm. Dưới ánh sáng Tân Ước, những điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Như một người công chính, Người lên án thái độ giả hình và tham vọng của các Biệt Phái và các Luật Sỹ, nên họ đã chống lại Người, bách hại và đóng đinh Người trên thập giá vì sự ghen ty và thù ghét Người.
Bài đọc này cũng được ứng nghiệm trong đời sống của tất cả những ai phải chịu đau khổ bởi sự bách hại bất công vì đã sống công chính và ngay thẳng. Giống như Đức Kitô, nhiều lúc, chúng ta bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và nhiều lúc bởi chính cả bạn bè, người thân nữa vì chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp. Họ có thái độ thù địch và ghen ghét chúng ta. Nhưng chúng ta phải can đảm và bền lòng, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ minh oan cho chúng ta như Người đã làm cho Đức Kitô.

Bài đọc II nhắc nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc tập trung sống những điều tốt lành vốn chúng mang lại sự hiệp nhất với nhau hơn là chạy theo những điều làm chia rẽ chúng ta. Đó là anh em hãy “trở nên thanh khiết, hiếu hòa, bao dung, mềm dẽo, đầy lòng từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).

Tất cả chúng ta đều ước ao một cuộc sống hòa hợp, bởi vì nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhiều gia đình thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh và xáo trộn.
Những tranh chấp như thế nhiều lúc không thể tránh khỏi trong đời sống, nhưng chúng ta không được phép để cho chúng chia rẽ chúng ta. Thật đáng buồn, gốc rễ của hầu hết các cuộc tranh chấp như thế là do tham vọng ích kỷ. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta đừng để cho những tham vọng ích kỷ phá hủy những tương quan, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
Thánh nhân quả quyết: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).” Dĩ nhiên, nhiều gia đình, nhiều vợ chồng, nhiều cộng đoàn và nhiều quốc gia đã bị phá hủy vì những tham vọng và ước muốn ích kỷ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu loan báo về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn ai trong Nước Chúa. Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” mà họ nghĩ rằng Chúa đến để thiết lập, họ sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu thế gian hơn là đi theo Chúa để phục vụ tha nhân. Như thế, giống như cộng đoàn mà thánh Giacôbê viết thư khuyên bảo, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã kinh nghiệm về sự tranh dành, ganh tỵ nhau.
Đây cũng là điều mà chúng ta thường thấy trong bất cứ xã hội, giáo hội, gia đình và bất cứ nơi đâu mà sự tham vọng cá nhân được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì. Khi đó, chúng ta thấy xuất hiện chiến tranh, ngồi lê đôi mách, dửng dưng, gây hấn, đe dọa mạng sống và tài sản, ghen ghét, và mọi tật xấu tệ đoan. Tất cả những điều này xảy ra và phá hủy hết mọi thiện ích chung và sự sống chung hòa bình.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường để vượt thắng sự ghen tỵ. Đó là không nhìn người khác như là đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Tha nhân là đối tượng để chúng ta thăng tiến và phục vụ.
Vì thế, khi Chúa Giêsu bồng một em bé lên như là một mẫu gương cho chúng ta hôm nay, Người đơn giản muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải trở nên giống như trẻ thơ để trở nên người lớn nhất. Dĩ nhiên, đây không có nghĩa là trở nên “ấu trĩ”. Đúng hơn, nó có nghĩa là trở nên giống tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là chúng ta phải sống đời sống chúng ta cách đơn giản, trong sáng, với tinh thần khiêm tốn, phục vụ Chúa và tha nhân.
Cuối cùng, để trở nên người lớn nhất có nghĩa là tập trung vào người khác chứ không phải tập trung vào chính mình. Nghĩa là những khả năng chúng ta dùng để phục vụ, đón tiếp, và cộng tác trong sự hòa hợp với người khác như các trẻ thơ thường làm. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự thật, tôn trọng sự khác biệt của người khác và hợp tác với nhau một cách tích cực.

Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện dân gian Việt Nam về sự nguy hại của sự ghen tỵ, đó là câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương. Cô là một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Thiết, lấy chồng họ Chương, sống ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng đang yêu thương và chung thủy với nhau, nhưng vì nước chàng phải đi linh theo lời hiệu triệu của nhà vua. Trước khi ra trận, hai người có con mà không biết. Khi sinh con, mỗi buổi tối, người mẹ ru con ngủ, đứa con trai hỏi mẹ: “Ba con ở đâu?” Người mẹ chỉ vào cái bóng mình in trên vách nhà và nói: “Ba con đó.” Sau ba năm anh trở về, hai mẹ con đi ra đón chồng. Khi anh tới ôm đứa bé, nó liền bảo: “Ông không phải là ba tôi, ba tôi tối mới về kìa.” Nghe vậy anh chàng Chương bừng bừng nổi giận máu ghen với vợ mình. Đau lòng quá và không thể làm cách gì để giải thích cho chồng hiểu, nàng đành ra sông tự tử. Sau đó, cứ mỗi tối thấy bóng người trên vách nhà, đứa con lại kêu lên: “Ba con đã về kìa!” Hiểu ra vấn đề, chàng Chương ôm hận, thương tiếc vợ mình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Anh và đứa con liền ra sông lập miếu để thờ nàng.
Câu chuyện trên minh chứng lời này: có yêu thì mới ghen, nhưng quá ghen thì giết chết tình yêu! Xin Chúa giúp chúng ta biết giệt trừ tính ghen tỵ trong lòng chúng ta. Amen!




 
Chúa Nhật 25 TN B : Ra đường…, về nhà…
LM. Alf. Nguyễn Công Minh. OFM
10:22 22/09/2018
Chúa Nhật 25 TN B : Ra đường…, về nhà…

“Ra đường hỏi ông già, về nhà hỏi con nít.”

“Ra đường lắm chuyện bực mình, về nhà gặp vợ cười tình cũng vui.”

Câu tục ngữ và câu ca dao trên đều có hai vế : ra đường và về nhà : “ra đường hỏi ông già, về nhà hỏi con nít.” Ra đường hỏi ông già, vì ông từng trải, đi nhiều, biết nhiều. Về nhà hỏi con nít, vì con nít thành thật, khai báo hết những gì xảy ra khi mình đi vắng.

Bài Tin Mừng hôm nay, cũng có 2 vế : ra đường và về nhà. Ra đường, hay đang khi đi đường, Chúa Giêsu báo một tin gây hoang mang ; và về nhà Chúa tuyên bố một câu đầy kinh ngạc.

1. "Ra đường" Chúa báo một tin gây hoang mang.

Lời báo gây hoang mang đó là lời "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây là lần thứ hai Chúa báo tin này. Lần đầu báo tin này, được Phêrô đại diện anh em khuyên can, bị Chúa Giêsu dán nhãn Satan ngay cho Phêrô, “Satan, xéo ngay !”. Lần thứ hai này, ở ngoài đường, ồn ào, nên các môn đệ làm bộ điếc, lãng tai, bàn chuyện khác. Chúa Giêsu nói gà, các tông đồ nói vịt. Chúa báo tin buồn, sẽ bị giết ; các môn đệ bàn tin vui : ai sẽ làm tể tướng trong triều Vua Giêsu. Còn nếu thầy Giêsu sẽ làm Giáo Hoàng, ai trong chúng ta sẽ làm quốc vụ khanh đây !

Làm sao một Đấng Kitô lại đau khổ được, lại còn bị giết. Một cái chết được báo trước như thế, mà không phải cái chết của căn bệnh, tuần tự nhi tiến, thế nào cũng chết, mà bị chết, do người ta giết. Quả thật, nếu tôi là môn đệ theo Chúa xưa kia, tôi cũng không hiểu nổi, mà ngay cả bây giờ theo Chúa nhiều năm vẫn không hiểu tại sao Chúa lại chọn cái chết đau thương như thế.

Ta bước chân vào nhà Chùa, thấy lòng an tĩnh, vì tượng Phật ngồi mỉm cười, tĩnh an. Ta bước chân vào Nhà Chúa, thấy tượng chuộc tội thật thảm thương, nhiều trẻ khóc thét khi gặp lần đầu. Một số nhà thờ kinh hoàng hoá bằng hình tượng Giê-su máu chảy thịt rơi, trông thật khiếp sợ. Làm sao hiểu nổi cảnh như thế !

Thật ra ta chỉ hiểu phần nào, khi chính ta đau khổ, ta nhìn lên Chúa cũng đang khổ đau, ta thấy sao ta được an ủi thế này. Tôi bảo đảm với anh chị, khi bệnh tật, thất vọng, vác thập giá, mà nhìn lên thánh giá, thấy bình an hơn là nhìn lên một đấng an bình mỉm cười. Những lúc đó ta có thể nói, thấy người ta khổ thế này, mà còn cười ! Trong khi đó nhìn lên đấng chịu đóng đinh, tin đó là Chúa, mà cũng phải chịu khổ như vậy, ta thấy nỗi khổ của ta sẽ nhẹ tênh.

Vì khổ đau ít ai hiểu nổi, nên ngay cả khi sống lại rồi, Chúa vẫn còn phải giải thích cho các đồ đệ, rằng phải qua đau khổ mới được vào vinh quang. Trên đường Emmaus Chúa đã trách hai đồ đệ “ngu đần, chậm hiểu” lời Kinh Thánh !

Ra đường hỏi người già. Người già là người biết nhiều, nhưng người già cũng là người biểu tượng cho đau yếu, khổ buồn. Chúa ra đường, nói về thân phận đau khổ, chết chóc. Và về nhà, hỏi con trẻ. Chúa về nhà, cũng có nhắc tới con trẻ thật.

2. "Về nhà", Chúa tuyên bố một câu đầy kinh ngạc.

Câu kinh ngạc là khi các môn đệ bàn tính xem ai sẽ đứng đầu, thì Chúa nói "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". Nói thành tục ngữ, sẽ là : “Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ.” Một ví von thật mâu thuẫn, tựa như điều ta hay nghe : cán bộ lớn đi xe con, cán bộ con đi xe lớn (xe bus) !

Nhìn vào xe con, ta biết ngay ai làm lớn, ai làm bé. Chắc chắc người ngồi băng sau, xa tài xế, là lớn. Vào phòng khách, ai đang ngồi hút thuốc uống trà là lớn ; kẻ cầm ly, đưa nước là bé. Nhưng Chúa dạy ngược lại ! Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm, Đức Giêsu không chủ trương đảo lộn tất cả, biến kẻ ở địa vị cao thành người nhỏ và cho kẻ ở địa vị thấp thành người lớn đâu. Tiêu chuẩn Chúa đưa ra để đánh giá một người, ấy là sự phục vụ. Như thế ai biết phục vụ thì là người lớn. Còn kẻ không phục vụ thì là người nhỏ. Người ở địa vị cao mà biết phục vụ thì vẫn là người lớn, còn kẻ ở địa vị thấp mà không phục vụ thì cũng vẫn là người nhỏ. Nghĩa là : giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh hoạ cho bài học này, Đức Giêsu đưa một em bé đến, đặt giữa các ông và nói : “Ai tiếp đón (phục vụ) một em bé là tiếp đón (phục vụ) Thầy”. Em bé ở đây là biểu tượng cho người không có gì (để đáp trả), người bị lãng quên (ở Do Thái, chứ không phải ở Mỹ để mà tôn trẻ em lên hàng nhì, sau lady first !), trẻ em là người bị loại trừ (“trẻ em đi chỗ khác !”)… Phục vụ những người đó, mình mới đúng là người lớn nhất. (Ngày nay, những người không có gì, những người bị lãng quên, bị loại trừ nhan nhản đầy đường !)

Ra đường nói về người già (đau khổ), về nhà nói tới con nít (làm lớn là phải phục vụ kẻ không có gì).

Có một người già đã trở thành lớn nhất khi phục vụ cho con trẻ (bị bỏ rơi), cho người cùng khốn trong xã hội. Người già đó vừa nhỏ vừa thấp, cao không tới mét rưỡi, với làn da nhăn nheo và bàn chân phải có sáu ngón, dáng người xem ra chẳng có gì hấp dẫn. Vậy mà con mắt thì sáng rực toát ra sức chinh phục, và vẻ thu hút phát ra từ một tình thương yêu vô hạn. Đó chính là mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979 và bao nhiêu danh dự khác nữa, nhưng mẹ nhận với lòng khiêm tốn thẳm sâu. Mẹ lãnh thay cho những người nghèo khổ mà thôi. Cả nước Ấn Độ đa số theo Ấn giáo mà lại tổ chức quốc táng cho một người nữ tu Công Giáo với danh dự cao nhất thì kể cũng lạ thật.

Khi còn sống, mẹ thường kể : "Khi có người bảo tôi rằng các chị dòng chẳng biết làm chuyện gì lớn lao cả, mà chỉ biết làm những chuyện âm thầm nhỏ bé thôi, thì tôi đã trả lời: ngay dù các chị chỉ giúp được một người thôi thì cũng được rồi; Chúa Giêsu sẵn sàng chết cho một người, cho một tội nhân cũng đủ."

Mẹ nói tiếp : “Chúng tôi cảm thấy công việc chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng tôi nghĩ nếu giọt nước không có trong biển cả thì biển cả sẽ hụt đi vì thiếu một giọt nước đó.”

Giọt nước đó là gì, ta hãy nghe thêm : "Một số người tới Calcutta, rồi trước khi ra về đã xin tôi: "Xin nói cho chúng tôi một điều có thể giúp chúng tôi sống tốt hơn". Và tôi đã nói: "Hãy mỉm cười với nhau; hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình, và mỉm cười với người khác, bất luận là ai. Điều đó sẽ giúp bạn thấy tình thương yêu lớn lên". Và họ còn hỏi tôi: "Bà có chồng chưa ?" Tôi trả lời: "Có rồi chứ, và tôi cũng cảm thấy đôi khi khó mà mỉm cười được với chồng tôi là Đức Giêsu."Mà thật vậy, Đức Giêsu xem ra cũng rất đòi hỏi, và khi Ngài đòi hỏi thì chỉ cần tặng Ngài một nụ cười tươi thì cũng đẹp lắm rồi". Ta phải nhớ, Giêsu là em bé, là người không có gì, là người bị bỏ rơi, là người sống bên lề. Hãy nở nụ cười với Giêsu. Đó là giọt nước giữa đại dương, nhưng thiếu nó, đại dương thiếu một giọt nước.

Đường lối của mẹ rất đơn giản: Bắt đầu ngay đi. Từng việc một. Việc này rồi tới việc kia. Bắt đầu từ gia đình, nói một lời dễ thương với con cái, với chồng, với vợ. Bắt đầu giúp đỡ một người trong cộng đoàn. Bắt đầu làm bất cứ việc gì, một việc gì đẹp cho Chúa. Làm việc đang làm với tâm hồn vui tươi. Người đang hấp hối dưới gầm cầu là chính Chúa Giêsu ẩn hình. Mỗi lần gặp Chúa Giêsu, hãy mỉm cười với Ngài. Mẹ đã từng nói với các chị dòng: "Nếu chúng con không muốn mỉm cười với Chúa Giêsu, thì chỉ có cách gói đồ mà đi về thôi".

Hãy làm theo mẹ, và chúng ta sẽ không hoang mang hay ngạc nhiên khi Chúa báo tin ở “ngoài đường” hay lúc đã “về nhà.”

An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn Của Đức Phanxicô với Tổng Thống và nhà cầm quyền Lithuania
Vũ Văn An
06:50 22/09/2018
Sau khi máy bay của ngài đáp xuống phi trường Vilnius, Lithuania, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được Nữ Tổng Thống nước này đón tiếp tại Dinh Tổng Thống. Tại đây, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên chính phủ, ngoại giao đoàn, các đại diện xã hội dân sự. Nhân dịp này ngài đã đọc bài diễn văn đầu tiên trong chuyến viếng năm 3 nước thuộc vùng Baltic. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn



Thưa Bà Tổng thống,
Quí thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Qúi Đại diện xã hội dân sự,
Quí nhà chức trách,
Quí Bà và Quí Ông,

Thật là một nguồn vui và hy vọng được bắt đầu cuộc hành hương đến các nước Baltic ở Lithuania, một nước, như Thánh Gioan Phaolô II thích nói, là "một nhân chứng thầm lặng cho một tình yêu nồng nàn đối với tự do tôn giáo" (Diễn văn trong buổi lễ chào đón, Vilnius, ngày 4 tháng 9 năm 1993).

Thưa Bà Tổng thống, tôi xin cảm ơn bà vì những lời chào đón thân ái được bà ngỏ với tôi nhân danh chính bà và nhân dân của bà. Trong ngôi vị bà, tôi muốn chào thăm tất cả nhân dân Lithuania, những người, hôm nay đây, mở cửa nhà mình và quê hương mình. Tôi xin ngỏ tình yêu và lời cám ơn chân thành của tôi với tất cả qúi vị.

Chuyến viếng thăm này diễn ra trong một thời điểm đặc biệt quan trọng trong đời sống của đất nước quí vị đang kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập.

Một thế kỷ được đánh dấu bằng nhiều thử thách và đau khổ mà quí vị phải chịu đựng (giam giữ, trục xuất, thậm chí tử đạo). Cử hành 100 năm độc lập có nghĩa là dừng lại đôi chút, khôi phục ký ức trải nghiệm để tiếp xúc với tất cả những gì đã lên khuôn quí vị như một quốc gia và tìm bí quyết giúp quí vị biết nhìn vào các thách thức hiện tại để dự phóng cho tương lai trong bầu khí đối thoại và hợp nhất giữa mọi cư dân, không trừ một ai. Mỗi thế hệ đều được kêu gọi lãnh quyền làm chủ các cuộc đấu tranh và thành tựu của quá khứ và tôn vinh ký ức của cha ông trong hiện tại. Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao; điều chúng ta biết là ở mọi thời đại, chính "linh hồn" đã xây dựng nó và giúp nó biến đổi mọi tình huống đau đớn và bất công thành các cơ hội, và giữ cho sống động và hữu hiệu gốc rễ đã tạo ra hoa trái ngày nay. Và dân tộc này có một "linh hồn" mạnh mẽ đã giúp họ khang cực và xây dựng! Bản quốc ca của quí vị hát: “Xin cho con cái anh em rút tỉa được sức mạnh từ quá khứ", để nhìn hiện tại một cách dũng cảm.

"Xin cho con cái anh em rút tỉa được sức mạnh từ quá khứ".

Trong suốt lịch sử của nó, Lithuania đã có khả năng làm chủ nhà, chào đón và tiếp nhận người của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Mọi người đều tìm được một nơi để sống trên các lãnh thổ này: người Lithuania, người Tartars, người Ba Lan, người Nga, người Bạch Nga, người Ukraine, người Armenia, người Đức ...; người Công Giáo, người Chính Thống, người Thệ Phản, người Công Giáo Cổ, người Hồi Giáo, người Do Thái giáo...; họ sống với nhau và sống trong hòa bình cho đến khi xuất hiện các ý thức hệ toàn trị, các ý thức hệ đã phá vỡ khả năng tiếp rước và hòa hợp các dị biệt bằng cách gieo rắc bạo lực và ngờ vực. Rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là phục hồi gốc rễ và giữ cho sống động lối sống chân chính và độc đáo nhất trong quí vị và những điều vốn giúp quí vị phát triển chứ không đầu hàng như một quốc gia: khoan dung, hiếu khách, tôn trọng và liên đới.

Nhìn vào khung cảnh thế giới chúng ta đang sống, nơi các tiếng nói gieo rắc chia rẽ và mâu thuẫn ngày càng gia tăng – cấp phương tiện cho bất an và xung đột nhiều lần - hoặc tuyên bố rằng cách duy nhất có thể có để đảm bảo an ninh và sự tồn tại của văn hóa hệ ở cố gắng xóa bỏ, dẹp bỏ hoặc trục xuất người khác, người Lithuania qúi vị có một hạn từ độc đáo để đưa ra "điều chỉnh các dị biệt cho ăn khớp với nhau". Qua đối thoại, cởi mở và hiểu biết họ có thể trở thành một cây cầu kết hợp giữa Đông và Tây Âu. Đây có thể là thành quả của một lịch sử trưởng thành, một thành quả mà qúi vị, trong tư cách một dân tộc, đã cung cấp cho cộng đồng quốc tế và cách riêng cho Liên Hiệp Châu Âu. Quí vị đã phải chịu đựng "bằng da thịt của qúi vị" các mưu toan nhằm áp đặt một mô hình duy nhất, một mô hình sẽ làm mất đi các dị biệt với kỳ vọng tin rằng các đặc quyền của một ít người nằm trên phẩm giá người khác hoặc lợi ích chung. Đức Bênêđictô XVI đã khéo léo chỉ ra điều này: "Ước muốn lợi ích chung và làm việc cho nó là một yêu sách của công lý và bác ái [...]. Chúng ta càng yêu thương nhau hữu hiệu hơn nếu chúng ta càng phấn đấu nhiều hơn cho ích chung, đáp ứng các nhu cầu thực sự của nó"(Thông điệp Caritas in Veritate, 7). Tất cả các xung đột đang phát sinh sẽ tìm được các giải pháp lâu dài với điều kiện chúng bắt nguồn từ sự chú ý cụ thể tới người ta, đặc biệt là những người yếu nhất và bắt nguồn từ cảm quan được mời gọi "mở rộng cái nhìn của họ để nhận ra một lợi ích lớn hơn mang lại lợi ích cho mọi" (Tông huấn Evangelii gaudium, 235).

Theo nghĩa này, rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là lưu ý đến những người trẻ hơn, những người không những là tương lai, mà còn là hiện tại của quốc gia này, nếu họ mãi hợp nhất với nguồn gốc của dân tộc. Một dân tộc trong đó người trẻ tìm được chỗ để lớn lên và làm việc sẽ giúp họ cảm thấy họ là những người chủ động trong việc xây dựng cơ cấu xã hội và cộng đồng. Điều này sẽ làm mọi người có khả năng ngẩng đầu nhìn ngày mai một cách đầy hy vọng. Người Lithuania họ mơ ước thủ vai trong cuộc tìm kiếm liên tục nhằm cổ vũ các chính sách có thể khuyến khích việc tham gia tích cực của những người trẻ nhất trong xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là hạt giống hy vọng, vì nó sẽ dẫn đến một tính năng động trong đó "linh hồn" của dân tộc này sẽ tiếp tục tạo ra tính hiếu khách: hiếu khách đối với khách lạ, hiếu khách đối với giới trẻ, đối với giới già, những người vốn là ký ức sống động, đối với người nghèo, và nhất định hiếu khách đối với tương lai. Thưa bà tổng thống, tôi cam đoan với bà rằng, cho đến nay, bà có thể tin cậy vào cam kết và việc làm đồng bộ của Giáo Hội Công Giáo, để lãnh thổ này có thể hoàn thành ơn gọi của nó là làm cây cầu hiệp thông và hy vọng.
 
Vatican và Trung Quốc đã ký thoả hiệp bổ nhiệm Giám Mục.
Nguyễn Long Thao
07:53 22/09/2018
Vatican - Theo tin của AsiaNews, một Thỏa hiệp tạm thời về việc bổ nhiệm Giám Mục" đã được ký kết sáng nay 22 tháng 9 năm 2018 tại Bắc Kinh trong một cuộc họp "giữa Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng Quan Hệ Ngoại Giao Của Tòa Thánh Vatican và Ông Wang Chao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đức Ông Antoine Camilleri
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong bản tuyên cáo báo chí được phổ biến vào trưa ngày hôm nay tại Tòa Thánh Vatican.

Giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, nói "Đây không phải là một quá trình đã kết thúc, mà là sự khởi đầu,"

Ông nói thêm "Đây là về đối thoại, chúng tôi đã kiên nhẫn lắng nghe các quan điểm khác nhau của cả hai phía. Thoả hiệp không phải là chính trị mà là mục vụ, cho phép các tín hữu đang hiệp thông với Rô-ma có Giám Mục, nhưng đồng thời được chính quyền Trung Quốc thừa nhận ".

Tuy nhiên điều rất đáng chú ý là ngay sáng nay 2 tháng 9 Tờ Thời báo Toàn cầu, một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn phủ nhận sự hiện diện của phái đoàn Vatican ở Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, đây rõ ràng là một dấu hiệu rạn nứt trong hàng lãnh đạo Trung Quốc.

Sau đây là lời phát biểu của Tòa Thánh trong bản tuyên cáo báo chí:

“Hôm nay, ngày 22 tháng 9 năm 2018, một cuộc họp đã được tổ chức tại Bắc Kinh giữa Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Quan Hệ Ngoại Giao Tòa Thánh với các Quốc gia, và Ngài Wang Chao, Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hai bên đã tiến hành thảo luận về các vấn đề của Giáo hội, về lợi ích chung và để thúc đẩy hai bên hiểu biết nhau hơn.

“Trong cuộc họp đó, hai đại diện đã ký một Thoả Hiệp Tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục.

“Thỏa Hiệp tạm thời nêu trên là kết quả của việc tái lập mối quan hệ được cả hai bên đồng ý và nhờ tiến trình thương thảo cẩn trọng. Hai bên cũng tiên liệu khả năng định kỳ duyệt xét lại việc áp dụng thoả hiệp.

Thoả hiệp liên quan đến việc đề cử các Giám mục, một vấn đề rất quan trọng đối với đời sống Giáo hội, và tạo ra các điều kiện cho sự hợp tác lớn hơn ở cấp độ song phương.

"Niềm hy vọng là thỏa thuận này đem lại kết quả và cũng hy vọng thiết lập được một cơ chế đàm phán mang lại những điều tích cực cho đời sống Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Lục và lợi ích chung của dân chúng Trung Hoa cũng như hoà bình trên toàn thế giới”

Nguyễn Long Thao
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với giới trẻ Lithuania
J.B. Đặng Minh An dịch
17:11 22/09/2018
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g30 sáng Thứ Bảy ngày 22 tháng 9 năm 2018, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Lúc 11g30, ngài đã đến sân bay quốc tế Vilnius.

Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 12g40.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 16g30, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và sau đó có cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở quảng trường phía trước đền thờ vào lúc 17g30.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Chào tất cả các con!

Cảm ơn các con, Monica và Jonas, vì các chứng tá của các con. Cha lắng nghe như một người bạn, như thể chúng ta đang ngồi bên nhau trong một quán bar nào đó, kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình trong khi uống một ly bia hoặc một ly trà girá sau khi đi vừa đến xem một vở kịch ở nhà hát.

Nhưng cuộc sống của các con không phải là một phần của nhà hát; chúng thật sự và cụ thể, giống như những người khác tụ tập ở đây ngày hôm nay trong quảng trường xinh đẹp này, tọa lạc giữa hai con sông. Có lẽ tất cả điều này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ lại về những câu chuyện của các con và tìm thấy trong những câu chuyện ấy dấu chân của Thiên Chúa. .. vì Thiên Chúa luôn luôn đi ngang qua cuộc đời của chúng ta. Ngài luôn đi ngang qua. Một nhà triết học tên tuổi đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua! Sợ rằng tôi không nhận ra Ngài!”

Giống như nhà thờ chính tòa này, có những lúc chúng con con nghĩ rằng chúng con đang sụp đổ, hay nghĩ đến những đám cháy thiêu hủy những gì chúng con nghĩ rằng không bao giờ có thể xây dựng lại. Hãy suy nghĩ đến tất cả các lần ngôi nhà thờ này đã bùng lên trong những ngọn lửa và sụp đổ. Tuy nhiên, luôn có những người sẵn sàng bắt đầu xây dựng lại; họ từ chối để cho mình bị đè bẹp bởi những khó khăn: họ không bao giờ bỏ cuộc. Có một bài hát ở vùng núi Alpine đáng yêu như thế này: “Trong nghệ thuật leo núi, bí mật không hệ tại quá nhiều nơi việc đừng để mình rơi xuống, nhưng ở chỗ đừng để mình cứ nằm úp mặt xuống”. Luôn luôn bắt đầu lại, luôn luôn, và đó là cách chúng con sẽ leo lên. Cũng giống như ngôi nhà thờ này. Sự tự do của quốc gia các con cũng vậy, nó đã được giành giật bởi những người nam nữ không hề nao núng trước khủng bố và bất hạnh. Monica, cuộc sống của cha con, tình trạng của ông và cái chết của ông, và bệnh tật của con, Jonas, có thể đã và đang tàn phá con. Tuy nhiên, ở đây chúng con, khi chia sẻ kinh nghiệm của mình, đã nhìn thấy những điều ấy với đôi mắt đức tin, và giúp chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để kiên cường, nâng mình lên và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống.

Cha tự hỏi: ân sủng của Thiên Chúa đã tuôn đổ trên chúng con như thế nào? Không phải từ không khí, không phải một cách kỳ diệu; không có cây đũa thần nào cho cuộc sống. Điều này xảy ra thông qua những người băng ngang qua trong cuộc đời của chúng con, những người lành thánh đã nuôi dưỡng chúng con bằng kinh nghiệm đức tin của họ. Luôn có những người trong cuộc sống cho chúng ta một bàn tay để giúp chúng ta tự mình đứng lên. Đối với con, Monica, bà và mẹ của con, và giáo xứ Phanxicô, giống như nơi hợp lưu của hai con sông này; giống như con sông Vilnia chảy vào sông Neris, con đã để bản thân mình được trôi theo dòng ân sủng đó. Vì Chúa cứu chúng ta bằng cách biến chúng ta thành một phần của một dân tộc. Đúng thế, Chúa cứu chúng ta bằng cách khiến chúng ta trở thành một phần của một dân tộc. Ngài đặt để chúng ta vào trong một dân tộc, và căn tính của chúng ta, chung cuộc, có được thông qua sự thuộc về một dân tộc. Không ai có thể nói, “Tôi tự mình được cứu”. Chúng ta đều kết nối với nhau, tất cả chúng ta đều được “nối mạng”. Thiên Chúa muốn thâm nhập vào mạng lưới các mối quan hệ này và Ngài lôi kéo chúng ta về phía Ngài trong cộng đồng; Ngài ban cho cuộc sống của chúng ta cảm thức sâu sắc nhất về bản sắc và sự thuộc về (xem Tông huấn Mừng rỡ hân hoan, 6). Jonas, con cũng tìm thấy ở những người khác, nơi vợ của con và trong lời hứa con đã đưa ra trong ngày cưới của mình, lý do để tiếp tục, để chiến đấu, để sống.

Vì vậy, đừng để thế giới này làm cho chúng con tin tuởng sai lầm rằng tốt hơn là tự mình làm hết mọi thứ. Tự mình các con, các con không bao giờ đạt được điều gì. Cố nhiên các con có thể có được những thành công nhất định trong cuộc sống của mình, nhưng không có tình yêu, không có người đồng hành, không thuộc về một dân tộc, không có kinh nghiệm tuyệt vời của việc chấp nhận rủi ro cùng với nhau. Các con không thể tự mình tiến lên. Đừng chiều theo cám dỗ co lại trong chính bản thân các con, trong việc quan sát cái bụng của mình, trong cám dỗ sống ích kỷ hay hời hợt khi đối mặt với những nỗi buồn, các khó khăn hay những thành công tạm bợ. Hãy để chúng ta lặp một lần nữa, “Bất cứ điều gì xảy ra với những người khác cũng sẽ xảy ra với tôi”. Chúng ta hãy bơi ngược lại dòng triều của chủ nghĩa cá nhân đang cô lập chúng ta, làm cho chúng ta trở nên vô nghĩa và làm cho chúng ta trở nên vô ích, chỉ quan tâm đến hình ảnh của chúng ta và hạnh phúc của chính chúng ta mà thôi. Chỉ quan tâm đến hình ảnh của chúng ta, với diện mạo chúng ta trước chiếc gương là không tốt, nó không tốt đâu. Trái lại, cuộc sống thật đẹp với những người khác, trong gia đình của chúng ta, với bạn bè, với những cuộc đấu tranh của dân tộc ta. .. Cuộc sống như thế mới thật đẹp!

Chúng ta là các Kitô hữu và chúng ta muốn hướng đến sự thánh thiện. Hãy hướng đến sự thánh thiện qua những cuộc gặp gỡ của các con và tình đồng bào với những người khác; chú ý đến nhu cầu của họ (thượng dẫn., 146), là những người thực sự hình thành nên một dân tộc mà chúng ta thuộc về. Bản sắc không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm; điều đó không tồn tại; nó không được pha trộn trong một ống nghiệm; một bản sắc “thuần khiết” không tồn tại. Nhưng bản sắc tồn tại khi đồng hành cùng nhau, đấu tranh với nhau, yêu thương nhau. Bản sắc tồn tại khi thuộc về một gia đình, một dân tộc. Bản sắc mang lại cho các con sức mạnh để phấn đấu và đồng thời sự dịu dàng để biết lo lắng quan tâm đến người khác. Mỗi người trong chúng ta đều biết rằng nó đẹp đến mức nào khi thuộc về một đền thờ, nhưng cũng mệt mỏi như thế nào. Thật tuyệt vời khi những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi; đó là một dấu chỉ cho thấy họ đang làm việc - và thậm chí, đôi khi, đau đớn; các con biết rõ điều này. Nhưng đó là cơ sở cho bản sắc của chúng ta; chúng ta không phải là những kẻ không cội nguồn. Chúng ta không phải là một dân tộc không gốc rễ!

Hai con cũng nói về kinh nghiệm của mình trong một ca đoàn, trong việc cầu nguyện cùng gia đình, Thánh Lễ và giáo lý, và trong việc giúp đỡ những người có nhu cầu. Đây là những vũ khí mạnh mẽ mà Chúa ban cho chúng ta. Lời cầu nguyện và các bài hát giữ cho chúng ta khỏi bị cuốn vào thế giới của chính mình: trong mong muốn của các con được biết Chúa, các con đã thoát ra khỏi chính mình và có thể thấy điều gì đang xảy ra trong trái tim chúng con qua đôi mắt của Thiên Chúa (xem thượng dẫn., 147). Khi lắng nghe tiếng nhạc, các con trở nên cởi mở đối với sự lắng nghe và cuộc sống nội tâm; như thế, chúng con phát triển sự nhạy cảm, và luôn luôn mở lòng ra cho sự phân định (xem Tài liệu làm việc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, 162). Cầu nguyện chắc chắn có thể là một kinh nghiệm của một “cuộc chiến tinh thần”, nhưng trong lời cầu nguyện chúng ta học cách lắng nghe Thánh Linh, để phân biệt các dấu chỉ của thời đại và tìm kiếm sức mạnh mới để loan báo Tin Mừng mỗi ngày. Làm thế nào chúng ta có thể chống lại được cám dỗ trở nên chán nản bởi sự yếu đuối của chúng ta và những khó khăn của chúng ta, và của những người khác, và bởi tất cả những điều khủng khiếp đã và đang xảy ra trong thế giới của chúng ta? Chúng ta sẽ làm gì nếu cầu nguyện không dạy chúng ta tin rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, khi chúng ta một mình vật lộn với nghịch cảnh? Như Thánh Alberto Hurtado thường nói, “Chúa Giêsu và tôi là đa số tuyệt đối!” Đừng quên điều này; một vị thánh thường nói điều đó! Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với lời Ngài, với Thánh Thể, nhắc nhở chúng ta rằng đối phương có mạnh đến đâu cũng không thành vấn đề. Đội Žalgiris Kaunas hay đội Vilnius Rytas về nhất không thành vấn đề [vỗ tay, cười] … Nhân tiện, cha hỏi các con: đội nào về nhất đây? [cười nhiều hơn]. Nó không quan trọng ai là người về nhất. Những gì quan trọng không phải là kết quả, nhưng điều thực sự quan trọng là Chúa là ở phía chúng ta.

Cả hai con đều tìm thấy sự hỗ trợ trong cuộc sống thông qua kinh nghiệm của việc giúp đỡ người khác. Các con nhận ra rằng tất cả xung quanh chúng ta có những người gặp rắc rối thậm chí còn tệ hại hơn chúng ta. Monica, con đã nói với chúng tôi về công việc của con với các trẻ khuyết tật. Nhìn thấy sự yếu đuối của người khác đem đến cho chúng ta một tầm nhìn; nó giúp chúng ta không trải qua cuộc sống bằng cách liếm các vết thương của mình. Thật không tốt khi sống với những lời than phiền sầu não, điều đó không tốt. Thật không tốt khi sống bằng cách liếm các vết thương của chúng ta. Có bao nhiêu thanh niên rời khỏi nhà vì thiếu cơ hội, và bao nhiêu các nạn nhân của trầm cảm, rượu chè và ma túy! Các con biết rõ điều này. Có bao nhiêu người già cô đơn, không có ai để chia sẻ hiện tại, và sợ rằng quá khứ sẽ quay trở lại! Các con, những người trẻ, có thể đáp trả những thách thức này qua sự hiện diện của các con, qua sự gặp gỡ với những người khác. Chúa Giêsu mời chúng ta bước ra khỏi chính mình và mạo hiểm trong những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với những người khác. Đúng là tin vào Chúa Giêsu thường đòi hỏi một bước nhảy mù quáng trong đức tin, và điều này có thể đáng sợ. Lúc này lúc khác, nó có thể khiến chúng ta tự hỏi mình, và buộc chúng ta từ bỏ các định kiến. Điều đó có thể khiến chúng ta đau khổ và chúng ta có thể bị cám dỗ để nản lòng. Nhưng hãy đứng vững! Theo Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu đam mê mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình là một phần của một cộng đồng đang khuyến khích chúng ta, một cộng đồng đang đồng hành cùng chúng ta, và khích lệ chúng ta phục vụ người khác.

Các con, những bạn trẻ thân mến,

Theo Chúa Kitô là một điều đáng giá, nó thật đáng giá! Đừng ngại tham gia vào cuộc cách mạng mà Ngài đang mời gọi chúng ta: cuộc cách mạng của sự dịu dàng (xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 88). Nếu cuộc sống chỉ là một vở kịch hay một trò chơi điện tử, nó sẽ bị giới hạn trong một thời gian chính xác, và có một sự khởi đầu cũng như một kết cục khi bức màn buông xuống hoặc khi một đội chiến thắng trò chơi. Nhưng cuộc sống đong đo thời gian một cách khác, không phải thời gian của một vở tuồng hay một trò chơi điện tử; nó theo nhịp tim của Thiên Chúa. Đôi khi nó trôi qua một cách nhanh chóng, có khi lại chậm lại. Chúng ta bị thách đố để chọn những con đường mới; nhiều thứ thay đổi. Chúng ta trở nên thiếu quyết đoán chủ yếu vì sợ rằng bức màn sẽ rơi xuống, hoặc đồng hồ bấm giờ sẽ loại bỏ chúng ta khỏi trò chơi hoặc ngăn chúng ta tiến lên. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng liên quan đến việc tiến lên phía trước, cuộc sống luôn di chuyển về phía trước, nó không đứng yên; cuộc sống bao giờ cũng liên quan đến việc tiến lên phía trước, tìm kiếm đúng lối đi mà không sợ phải lặp lại các bước của chúng ta nếu chúng ta phạm sai lầm. Điều nguy hiểm nhất là làm xáo trộn đường chúng ta đi với một mê cung khiến chúng ta lang thang trong một vòng tròn lẩn quẩn mà không bao giờ tiến bộ thực sự. Các con ơi, làm ơn đi, khi còn trẻ, đừng để mình bị mắc kẹt trong mê cung, nhưng hãy đi theo con đường dẫn đến tương lai. Đừng lạc vào mê cung; nhưng hãy tiến lên phiá trước.

Đừng bao giờ ngại đặt niềm tin của chúng con vào Chúa Giêsu, đừng ngại ngùng đón nhận chí hướng của ngài, chí hướng của Tin Mừng, chí hướng của nhân loại, của con người. Bởi vì Ngài không bao giờ nhảy ra khỏi con tàu cuộc đời chúng ta; Ngài luôn có mặt ở những giao lộ của cuộc sống. Ngay cả khi cuộc sống của chúng ta đang bùng lên trong ngọn lửa, Ngài luôn ở đó để tái xây dựng chúng. Chúa Giêsu ban cho chúng ta rất nhiều thời gian, rất nhiều chỗ cho thất bại. Không ai phải di cư khỏi Người; Ngài có chỗ cho mọi người. Có rất nhiều người ở ngoài kia, là những kẻ muốn nắm bắt trái tim của con. Họ muốn gieo cỏ dại trong cánh đồng của chúng con, nhưng nếu, cuối cùng, chúng ta giao phó cuộc sống của chúng ta cho Chúa, thì lúa tốt sẽ luôn thắng thế. Trong chứng từ của các con, Monica và Jonas, các con đã nói về những người bà của các con, những người mẹ của các con. .. Cha muốn nói với các con - và tới đây, đừng lo, cha sẽ dừng lại! - Cha muốn nói với con: đừng quên gốc rễ của dân tộc các con. Hãy suy nghĩ về quá khứ, nói chuyện với người cao tuổi: nói chuyện với người già không nhàm chán đâu. Hãy đi tìm những người già và để họ kể cho các con nghe về nguồn gốc của dân tộc các con, niềm vui của họ, đau khổ của họ, giá trị của họ. Bằng cách này, bằng cách kín múc từ cội rễ của các con, các con sẽ đưa dân tộc các con tiến về phía trước, các con sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ lịch sử của dân tộc các con.

Thưa các con trẻ, nếu các con muốn có một dân tộc tuyệt vời và tự do, hãy tìm lại nguồn gốc của quá khứ các con và mang những quá khứ ấy tiếnvề phía trước. Cảm ơn rất nhiều!


Source: Libreria Editrice Vaticana - MEETING WITH YOUNG PEOPLE ADDRESS OF THE HOLY FATHER Square in front of the Cathedral (Vilnius, Lithuania) Saturday, 22 September 2018
 
Top Stories
Le gouvernement vietnamien appelé à modifier sa loi sur la cybersécurité
Églises d'Asie
09:23 22/09/2018
22/09/2018 -- Le 12 juin dernier, l’Assemblée vietnamienne votait une loi controversée sur la sécurité en ligne, exigeant un contrôle plus sévère des internautes. Aujourd’hui, plusieurs ONG et de nombreux militants pour les Droits de l’Homme dans le pays appellent le gouvernement à modifier sa loi afin qu’elle soit conforme aux normes internationales, estimant qu’en l’état, elle s’attaquait à la liberté d’expression des citoyens vietnamiens.

Plusieurs ONG et autres groupes militants pour les Droits de l’Homme ont appelé l’Assemblée nationale vietnamienne à suspendre et à modifier sa loi controversée sur la cybersécurité. Ils affirment que la loi, qui doit prendre effet le 1er janvier 2019, « comporte beaucoup de points qui violent la liberté d’expression de façon flagrante », et qu’elle précise quelques comportements proscrits tels que « déformer l’histoire »… Les organisations dénoncent le risque que ces interdictions puissent donner aux autorités le moyen de violer la liberté d’expression des citoyens, pourtant garantie par la Constitution. La loi exige également des sociétés telles que Facebook ou Google d’enregistrer les données personnelles des internautes vietnamiens ainsi que celles des entreprises. Il est demandé aux fournisseurs d’accès à Internet de supprimer des informations publiées à la demande des autorités, sans l’accord du tribunal. Les militants craignent que les citoyens n’auront aucun moyen judiciaire de protéger leurs données et leurs informations personnelles. Ils jugent que la loi sur la cybersécurité, votée par l’Assemblée le 12 juin dernier, va à l’encontre des Droits de l’Homme. La loi, dénoncent-ils, « va créer des barrières commerciales pour les entreprises étrangères présentes au Vietnam, les forçant à ouvrir des succursales vietnamiennes et d’y enregistrer les données des usagers dans le pays ».

60 millions de comptes Facebook vietnamiens

Près de 1 500 personnes, dont des ONG, ont signé une pétition appelant à revoir la loi sur la cybersécurité. Le 13 septembre, le ministre vietnamien de l’Information et de la Communication Nguyen Manh Hung a déclaré que « Facebook, vu son succès au Vietnam, devrait investir dans la recherche et le développement et ouvrir des bureaux vietnamiens ». Le premier ministre Nguyen Xuan Phuc a insisté auprès de Simon Milner, vice-président de la politique publique de Facebook dans la région Asie-Pacifique, en affirmant que le géant devait coopérer étroitement avec son gouvernement, retirer les « mauvaises informations » et assurer la protection des comptes des 60 millions d’utilisateurs vietnamiens. Les militants affirment également que la loi menace l’éventuelle signature de l’EVFTA (Accord de libre-échange entre l’Union européenne et le Vietnam). En effet, avant toute ratification du traité, les membres du Parlement européen exigent du Vietnam des progrès concernant les Droits de l’Homme. Ils demandent au Vietnam de revoir sa loi afin qu’elle soit conforme aux normes internationales relatives aux Droits de l’Homme, y compris le Pacte international relatif aux droits civils et politiques, dont le Vietnam est un État partie depuis 1982.

(Source: Églises d'Asie, le 22 septembre 2018, Avec Ucanews, Hanoi)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn hành hương Các Thánh Tử Đạo Ba Giồng,
Maria Vũ Loan
06:02 22/09/2018
Vào ngày 21/9/2018, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn đã qui tụ tại trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo Ba Giồng, giáo phận Mỹ Tho, tỉnh Bến Tre với chương trình long trọng dành cho 4.000 thành viên, thuộc các xứ đoàn của Tổng giáo phận Sài Gòn, GP Mỹ Tho, GP Long Xuyên, GP Cần Thơ, GP Đà Lạt, GP Xuân Lộc và một xứ đoàn ở Phnôm Pênh.

Với một không gian tương đối đáp ứng được khối lượng người đông đảo, chương trình hành hương được bắt đầu với lời khai mạc và hân hoan chào đón các thành viên GĐPTTT của anh Giuse Huỳnh Bá Song, đại diện Ban chấp hành GĐPTTT Việt Nam. Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, tổng linh hướng GĐPTTT Việt Nam đã có lời giới thiệu đôi nét về 117 thánh Tử Đạo Việt Nam với lời nhắn nhủ các thành viên cần biết noi gương các Ngài và chỉ có một điều duy nhất là tôn thờ một Thiên Chúa. Nhưng có lẽ mặn mà, sâu đậm và đầy cảm xúc là khi cha Tổng đại diện GP Mỹ Tho là LM Phaolo Trần Kỳ Minh kể chi tiết về cuộc tử đạo của cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812 – 1861) và 27 thánh tử đạo tại linh địa Ba Giồng.

Xem Hình

Đó là 25 người Công Giáo sinh sống tại vùng Ba Giồng, đã anh dũng, hiên ngang bị quan quân chém đầu khi không bước qua thập giá, để tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ, trước mặt nhiều cư dân ở đó, trên mảnh đất chợ Cổ Chi, giáp với xã Tân Lý Đông, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng 2 y số; còn hai vị nữa là một cụ già và một thanh niên, bị giết khi đang tìm cách trốn đi nơi khác để bảo vệ đức tin của mình. Sau khi trảm quyết, các quan bắt người lương dân đem chôn xác các vị tử đạo trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại gò đất; đồng bào địa phương gọi là “Gò chết chém”, gò này được truyền tụng trong một thời gian dài, từ 1862 đến 1986. Sau khi xử chém các giáo hữu, quan án ra lệnh phân tán con cháu họ đi nơi khác, không còn ai Công Giáo mà được lưu lại Ba Giồng; vì thế nhà thờ bị phá...cho đến mười năm sau, cha M. Hamon vâng lệnh Đức Cha Micae về coi sóc họ đạo và lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an nghỉ tại đất thánh, và cha đã thực hiện vào ngày 18/6/1872.

Lịch sử họ đạo Ba Giồng gắn liền với việc bách hại đạo Công Giáo ở Tây Đàng Trong. Trong 117 vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam, Ba Giồng có hai vị linh mục phụ trách họ đạo là cha Philipphe Phan Văn Minh (1849 – 1853) và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1853 – 1861).

Sau câu chuyện thương tâm và oai hùng đó, một đoàn người gồm những anh chị em được chọn, đã cùng linh mục hình thành đoàn rước, đi đến mộ phần có chứa hài cốt của 27 thánh Tử Đạo, cách đó khoảng hơn 1 km, để cùng dâng hương, tỏ lòng tôn kính và đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, có câu quen thuộc: “Các Ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình”. Trong khi đó phần lớn các đoàn viên ở lại hội trường xem phần trình diễn diễn nguyện múa hát.

Trước khi thánh lễ được cử hành, có phần dâng hương. Hàng ngàn con tim trào dâng cảm xúc khi những cây đuốc rực cháy và làn hương trầm như làn tỏa đến hết những người tham dự.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, đã chủ tế thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng, Ngài nhắc rằng, ngày hành hương hôm nay trùng vào lễ thánh Mattheu nên Đức Cha muốn mọi người suy nghĩ về “mối tương quan giữa tử đạo và loan báo Tin Mừng”. Thánh Mattheu đã viết sách Tin Mừng, nhưng viết như thế nào? Sau khi Chúa về trời thì khoảng mấy chục năm sau, Tin Mừng của Chúa Giêsu được “viết” bằng cách truyền khẩu. Khi các thánh Tông Đồ đi rao giảng, thì kể lại những gì đã trải qua cùng với Chúa Giêsu...nên rất sống động. Vì giảng bằng lời kể chuyện nên người ta ghi nhớ rồi kể lại cho nhau nghe. Thuở xưa ở Việt Nam, dù chưa biết chữ nhưng tín hữu rất thuộc kinh. Sau này, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô dù chỉ có một nhưng được thánh Mattheu, Luca, Marco và Gioan ghi lại, trình bày khác nhau nhưng nhờ những sách này mà biết được cuộc đời, Giáo hội của Chúa Giêsu để giáo dân sống và đi theo Chúa.

Vậy Các Thánh Tử Đạo loan báo Tin Mừng bằng cách nào trong khi nhiều vị không biết đọc biết viết? Xin thưa, các Ngài Loan báo Tin Mừng bằng chính cái chết, bằng cuộc khổ nạn của các Ngài chia sẻ với Chúa Giêsu. Thế nên, câu này “Máu Các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh các Kitô hữu” cho chúng ta thấy mối tương quan giữa máu các Ngài và Kitô hữu. Chính cái chết của các Ngài là lời chứng thuyết phục nhất về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, minh chứng Ngài là đường, là sự thật và là sự sống nên các Ngài dám chết vì đức tin mà mình tuyên xưng.

Ngày nay, điều cần thiết nhất là loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình, nhất là việc bác ái. Loan báo Tin Mừng bằng chữ viết hay tử đạo đều giống nhau vì có điểm chung nhất là hy sinh và từ bỏ.

Cuối thánh lễ là phần tặng hoa, lời cảm ơn và sau đó các thành viên dùng cơm hộp và trái cây ngay tại hội trường, nghe một vài ca sĩ nổi tiếng hát. Chương trình hành hương kết thúc tốt đẹp.

Đến quá trưa, có gần mười xe lớn của vài xứ đoàn dẫn đưa các anh chị em đến thăm nhà thờ “Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã”, nơi có ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nổi tiếng với tên gọi “Đức Mẹ La Mã Bến Tre”.

Đường vào nhà thờ khá hẹp so với xe lớn, hai bên những dừa là dừa. Có nhiều anh chị em cùng vào kính Đức Mẹ và xin ơn. Khuôn viên nhà thờ rộng, nhiều tín hữu đang đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Quán nước dừa đối diện khuôn viên nhà thờ bỗng tấp nập người ra vào. Một vài người bán hàng rong cũng rộn ràng bước chân. Hẳn là nhờ ơn Đức Mẹ mà bộ mặt vùng quê sâu hun hút này được thay đổi? Xứ đoàn GĐPTTT của Giáo xứ Vinh Sơn 3, Chí Hòa cùng chụp hình lưu niệm như muốn nhớ mãi khoảnh khắc dừng chân nơi đây.

Cuộc hành hương của các đoàn viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn thật ý nghĩa và thành công tốt đẹp khi kỷ niệm 30 năm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
 
Giáo xứ Tân Việt rửa tội dự tòng
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
22:28 22/09/2018
Sau 3 tháng học hỏi giáo lý và thực hành sống đạo, lúc 17g30 thứ bảy 22 tháng 9 năm 2018 , tại thánh đường giáo xứ Tân Việt 31 anh chị em được diễm phúc trở nên chi thể mới của Đức kito là con của Hội Thánh qua các bí tích khai tâm do cha chánh xứ Đaminh chủ sự.

Mở đầu là nghi thức tiếp nhận ở cuối nhà thờ, sau đó các anh chị em dự tòng rước cha chủ tế lên cung thánh bắt đầu thánh lễ tạ ơn.

Xem Hình

Trong bài giảng , cha chủ tế chia sẻ : Đạo Thiên Chúa là đạo của tình yêu , chỉ có tình yêu mới dem mọi người đến gần nhau hơn, chỉ có tình yêu mới xóa tan hận thù. Cha cũng khuyên nhủ các anh chị em dự tòng và những người đỡ đầu năng chạy đến với Chúa và lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể để cảm nhận được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Ngài quảng diễn thêm : Ước mong sao các anh chị em lãnh bí tích khai tâm Ki tô giáo hôm nay biết đón nhận thập giá tình yêu của Chúa trong đời sống hàng ngày của mình để mọi người nhận biết Thiên chúa là đấng yêu thương chúng ta.

Sau bài giảng , Cha chánh xứ ban các bí tích Khai tâm Kito giáo cho 31 anh chị em và hợp thức hóa 1 đôi hôn phối.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, đại diện các anh chị em cám ơn hai cha , các anh chi hướng dẫn giáo lý và toàn thể cộng đoàn hướng dẫn và cầu nguyện cho các anh chị em tân tòng. Xin Thiên Chúa nâng đỡ để các anh chị em luôn trung thành với ơn gọi mà mình đã chọn.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g trong niềm vui của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.

Được biết giáo xứ Tân Việt hằng năm có hai khóa giáo lý Dự tòng :

Khóa 1 : Học từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3

Khóa 2 : Học từ tháng 6 đến tháng 9.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thượng Nghị Sĩ Mc Cain Và Cuộc Chiến Vô Luân
Hà Minh Thảo
20:33 22/09/2018
Thượng nghị sĩ John Sidney Mc Cain III, sinh ngày 29.08.1936, lìa trần ngày 25.08.2018 đã gây ra nhiều tranh luận về ông trên truyền thông quốc tế. Dĩ nhiên, khi nhắc đến ông, người ta đều gắn với danh từ ‘tù binh Việt cộng’. Rời Hanoi Hilton, về Hoa Kỳ, đắc cử dân cử lập pháp, càng lúc ông càng gia tăng tiếp tay giới thiểu số cộng đảng Việt trong cái gọi là ‘xóa bỏ hận thù’, rồi ‘quên đi nhân quyền để bán súng đạn cho chúng’, tức nhắm mắt trước việc bạo quyền đàn áp đồng bào yêu nước. Trước khi tìm hiểu về ông, chúng ta cần biết nguyên nhân tại sao người Mỹ đã tham chiến tại đất Việt để rồi phải tìm cách ‘tháo chạy trong danh dự’, tức thất trận lần đầu tiên trong lịch sử cường quốc số 1 thế giới này. Nhờ đó, qua cái gọi là Hiện định Paris 1973, Việt cộng đã thả ông về nước.

I./ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG CỘNG SẢN ?

A.- Ðiều kiện ắc có và đủ để chiến thắng.

Tiền nhân chúng ta dạy ‘Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng’. Vậy muốn chống và thắng cộng sản Bắc Việt cùng tay sai Mặt trận giải phóng Miền Nam, những chánh trị gia thực dân Mỹ (thực dân là nhữn kẻ tưởng cho tiền viện trợ một nước, muốn đòi gì chính phủ nước đó phải làm theo, điển hình là Kennedy, Johnson, Kissinger) hay tập thể người Việt (tướng tá, đảng phái như nhóm Caravelle), có ai biết rõ Việt cộng, chứ đừng nói chi đến tranh luận với Hồ Chí Minh như ông Ngô Ðình Diệm đã làm.

Sau khi Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền, ông Ngô Đình Diệm và vài người thân trong gia đình bị chúng bắt ở Tuy Hoà (Phú Yên), nhưng không có các ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Anh cả ông Diệm là ông Ngô Đình Khôi và con trai là Ngô Đình Huân bị du kích cộng sản giải ra Hà Nội và bị chúng xử bắn cùng với cựu Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh tại rừng Hắc Thú. Khi đó, anh Huân, nắm lấy áo cha mình kéo lại. Bọn cán bộ Việt Minh quát mắng và đánh anh, anh nói chẳng thà chết với cha, và chúng đã dã man xử bắn cả hai cha con.

Ông Ngô Đình Diệm bị giải ra Hà Nội, được trả tự do và đưa gặp Hồ Chí Minh. Ông hỏi họ Hồ tại sao xử bắn anh của ông thì được hắn giải thích rằng đó một hành động tự phát của du kích địa phương do đất nước đang trong tình trạng hỗn loạn. Sau đó, hắn mời ông Diệm giữ chức thủ tướng vì cho rằng ông có tài lãnh đạo. Oâng Diệm trả lời rằng ông chỉ đồng ý lời mời đó với điều kiện ông được Việt Minh thông báo về tất cả mọi hành động và biết riêng mọi quyết định của họ. Chủ tịch Hồ từ chối yêu cầu này và, do đó, ông Diệm cũng từ chối hợp tác với Việt Minh.

Ngày 27.08.1963, khi trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Ngô đình Diệm, ‘hung thần’ Henry C. Lodge, đại sứ Mỹ tại Sài gòn đã lên tiếng thăm dò:

1.- Việt Nam nhường hải cảng Cam Ranh cho Hoa kỳ 99 năm ;

(điều này gợi trí chúng ta về dự luật ‘Ðặc khu Kinh tế’ mà đồng bào trong nước đang biểu tình phản đối cộng nô bán nước)

2.- Việt Nam chấp thuận để Hoa kỳ đưa 200.000 quân vào lãnh thổ mình ;

3.- Tổng thống Ngô đình Diệm đặt Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa dưới quyền chỉ huy của các Tướng lãnh Quân đội Hoa kỳ ;

4.- Tổng thống Diệm phải đưa ông cố vấn Ngô đình Nhu ra nước ngoài.

Tổng thống Ngô đình Diệm đã lờ đi toàn bộ bằng không trả lời cho những kẻ phạm thượng đến sự Ðộc lập của Việt Nam Cộng hòa và sự Lãnh đạo dân cử của quốc gia này.

Thành tâm tự vấn : « có chính trị gia, tướng tá Mỹ – Việt nào đã chủ mưu cái chết cho ba anh em họ Ngô Ðình can đảm đối đáp với Hồ Chí Minh như vậy trong tình trạng hổn loạn thời ‘cướp chính quyền’ đó không ? Lời Tiền nhân ‘Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng’đã trở thành Sự Thật : Sự kiện đảo chính ngày 01.11.1963 dẫn tới thua trận ngày 30.04.1975 và sẽ đưa đến hạn kỳ 2020, sau khi người Mỹ, trong đó có hai ‘John’ Kelly và McCain thân thiện’ bắt tay với Việt cộng. Chúng không biết Mật ước Thành đô sao ? Thành công của chúng nhưng là ‘Biển Khổ’ của 90 triệu người Việt trong nước.

B.- Hồ Chí Minh và bè đảng cộng sản sợ hãi uy tín ông Diệm.

1. Hồ Chí Minh mừng ông Diệm chết và Mỹ ngu.

Ngày 02.11.1963, lúc hơn 10 giờ, qua đài phát thanh Sài-gòn, phe đảo chính loan báo, hai ông Diệm và Nhu đã tự tử. Có thể cũng như bao đồng bào khác, tôi không tin… Thành quả đầu tiên của họ là ‘làm mất niềm tin’ nơi đa số quốc dân. Do thời đó không có mail và radio đi xa, nên phải đợi đến quá 14 giờ, điện tín mới mang tin vui đến Hồ Chí Minh. Ông reo hò ‘Chúng ta sẽ thắng. Ông Diệm yêu nước theo cách thức của ông’. Sau đó, Hồ Chí Minh nói với ký giả cộng sản Wilfrid Burchett: « Tôi không thể ngờ tụi Mỹ ngu đến thế. Lúc nãy người ta báo cho Bác biết là ông Diệm vừa bị lật đổ, Ông Diệm là kẻ địch thủ ghê gớm nhứt của Bác. Nay ông đã bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi ».

2. Sự sợ hãi uy tín ông Diệm vẫn tiếp nối.

a) Gần 12 năm sau ngày linh hồn Gioan Baotixita Ngô Ðình Diệm được gọi về Nhà Cha, trưa ngày 15.08.1975, lúc 14 giờ, Ðức cha Phao lô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài-Gòn và Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó, cháu kêu ông Diệm bằng cậu, được đưa đến Dinh Ðộc Lập. Tại đó, một tên công an chận Ðức cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Người đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà, chủ tịch ủy ban quân quản thành Hồ, nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi :

- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?

Tướng Trà trả lời:

- Thôi! Cụ ra về được rồi.

- Ðức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.

- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Ðức cha Thuận bị cộng nô bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm với cuộc đời ‘tù không bản án’ của Người bắt đầu và kéo dài trong 13 năm…

b) Ngày 05.07.2013, tội ‘cháu ông Diệm’ được nhắc lại lần nữa vì có liên lụy đến một sĩ quan công an đảng rất tin cậy ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an tên Nguyễn Hoàng Ðức. Câu chuyện như thế này :

- Do tiến trình phong Chân Phước cho Hồng Y Tôi tớ Chúa P.X. Nguyễn Văn Thuận đã hoàn thành ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Ðức, được Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất ngoại sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Ðức kể cho ông Mặc Lâm, phóng viên Ðài Á châu Tự do RFA biết : « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Ðức cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Ðình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ». Tại sao, với hai ‘tội nặng’ này và bị giam giữ 13 năm, trong có những năm biệt giam, nhưng đảng cộng sản không dám đem Ðức Cha ra tòa xét xử ?

II./ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH VÔ LUÂN, PHI ÐẠO ÐỨC.

A. Bại tướng Lyndon Baines Johnson.

Ngày 09.05.1961, Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, khi đến Việt Nam, đã gặp Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Bắt đầu câu chuyện, ông ca tụng ông Diệm là một Churchill của Á châu : « Đối với thế đứng của Hoa kỳ tại Á châu, Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được». Kế tiếp, hắn đòi ông Diệm chấp nhận để Hoa Kỳ đem quân tác chiến vào Việt Nam. Vì cương quyết bảo vệ Chủ quyền Quốc gia và luôn hy sinh tranh đấu cho sự Độc lập Dân tộc, Tổng thống Ngô đình Diệm đã trả lời rằng ‘Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ. Nhưng, việc gửi Quân đội tác chiến Hoa kỳ đến Việt Nam, ông nhất quyết từ chối : « Nếu quý Vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với đồng bào tôi? Với người Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn ghi sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện Quân đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ tin những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa ». Tháng 11.1961, Đại sứ Frederick Nolting nhận được yêu cầu từ tòa Bạch ốc phải gặp Tổng thống Diệm về vấn đề quân chiến đấu Mỹ (được xem như ‘chia sẽ trách nhiệm’). Nhưng, ông Diệm trả lời : « Chắc Đại sứ cũng hiểu, những đề nghị ấy đụng chạm tới vấn đề trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam không muốn là một nước bị bảo hộ (Vietnam does not want to be a protectorate) ».

Sau khi thuê người giết Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm và, tiếp theo, chính người Mỹ, với súng đạn Mỹ, Tổng thống Kennedy bị bắn chết, bởi cùng một lý do (?), bọn cầm quyền Mỹ lần lượt trao quyền cho đám tướng tá tham quyền và các chính trị gia đảng phái vô tài hoặc bị thay đổi bởi áp lực từ Phật giáo làm chính trị. Ngày 08.03.1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson, Tư lệnh tối cao Quân đội Hoa kỳ, đã ra lịnh thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Ðà Nẵng mà Thủ tướng Phan Huy Quát (*) không được biết trước. Sự hiện diện và tham chiến của Quân Mỹ bắt đầu từ đây với những hậu quả về chánh trị (Việt Nam Cộng hòa mất chủ quyền, Bắc Việt cộng sản hô hào đánh Mỹ xâm lược), xã hội (đàn bà, con gái chạy theo lính Mỹ lắm tiền) và kinh tế (sản xuất đình trệ, vật giá gia tăng…). Những tệ nạn này đã được ông Diệm tiên đoán trước khi bị giết. Trước khi chết, ông đã vô cùng buồn cảnh cáo bọn phản loạn ‘rước Mỹ vào để khi mất nước, chạy theo chúng’. Sự thật đã xảy ra đúng như vậy, khi Sài Gòn sắp thất thủ ngày 30.04.1945, họ đã chạy sang Mỹ tuyên bố ‘chống cộng’. Ngày nay, trên Quê hương, Việt cộng thãm sát, cướp của, nhà cửa đồng bào. Tại hải ngoại, mới đầu, cộng đâu không thấy, nhưng họ đã chia rẽ thành từng nhóm đánh phá nhau vì cái nghị quyết 36 của cộng đảng, tài trợ bởi mỹ kim viện trợ… Ðây là những ngoại viện mà chánh phủ các nước nhân danh đạo dức đêå phát triển giáo dục trẻ em hay cải thiện đời sống người nghèo… mà thực sự, được cộng đảng chi tiêu cho những mục tiêu vô nhân đạo như thuê mướn công an, côn đồ đánh đập đồng bào biểu tình chống Tàu cộng hay cướp nhà người dân để bán giá cao cho bọn tư bản kinh doanh ngoại quốc…

[(*) Bác sĩ Phan Huy Quát bị cộng sản bắt ngày 16.08.1975 và giam tại nhà tù Chí Hòa. Bị bệnh gan rất nặng, ông không được Việt cộng cho chữa trị, thuốc men do gia đình tiếp tế không được nhận. Người con trai út bị giam ở phòng bên, có thuốc cho ông, cũng không cho mang sang. Khi biết ông không qua khỏi, chúng đem ông lên bịnh xá. Hôm sau, ngày 27.04.1979, ông qua đời. Thi hài ông được phép quàn tại chùa Xá lợi và phát tang hôm sau. Nhưng phút chót, Việt cộng ra lệnh phải an táng ngay, vì hôm đó 28.04.1979, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đến Sài Gòn. Vì sợ dư luận quốc tế biết sự độc ác của chế độ đối với người dân họ.]

B.- Phê bình tiền nhiệm cùng đảng Dân chủ và là kẻ thân cộng.

Ngày 24.05.2016, tại Hà nội, sau khi hứa bán võ khí sát thương cho Việt cộng và vinh danh ‘Tôi cũng đến đây với sự trân trọng dành cho lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam’, Tổng thống ‘hậu sinh’ Obama đã phát biểu : « Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, người dân đã tuôn ra đường phố để mừng ‘mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc’. Trong một thời kỳ khác, việc chia sẻ những giá trị nói trên, cũng như mong muốn lật đổ chế độ thực dân, đáng lẽ ra đã có thể đưa hai nước chúng ta xích lại gần nhau sớm hơn’ ».

Ông phê bình ‘tiền nhiệm’ là Tổng thống Jonhson : « Nhưng thay vào đó, Chiến tranh Lạnh và nỗi sợ về khác biệt chế độ (cộng sản) đã đưa chúng ta đến giao tranh. Giống như bất kỳ chiến tranh nào trong lịch sử nhân loại, chúng ta đã rút ra được một bài học về sự thật: Chiến tranh, dù mục đích của mỗi bên có là gì, cũng sẽ gây ra những nỗi đau, dẫn đến những bi kịch. Tại đài tưởng niệm liệt sĩ cũng như trên bàn thờ của các gia đình trên khắp đất nước các bạn, chúng ta nhớ về 3 triệu người Việt Nam, cả binh lính cũng như dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại đài tưởng niệm chiến sĩ ở Washington, tên 53.315 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến cũng được khắc ghi. Những người cựu chiến binh và gia đình của các nạn nhân ở cả hai nước chúng ta, đến giờ vẫn phải chịu đựng nỗi đau mất mát ».

Hắn nói : « Chỉ có người Việt Nam mới được quyền quyết định tương lai của Việt Nam. ». Như vậy, nếu vào năm 1963, tập đoàn đảng Dân chủ Kennedy-Jonhson và tên Cabot Lodge khôn ngoan tôn trọng nguyên tắc ‘Dân tộc tự quyết’ đó thì 53.315 binh sĩ Mỹ đã không thiệt mạng và cả trăm ngàn chiến sĩ Mỹ khác đã không bị thương và tàn tật suốt đời. Nếu họ biết tôn trọng nguyên tắc ‘Dân tộc tự quyết’ tức vâng lời Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm thì người Việt không coi họ là những kẻ vô đạo đức.

Ðề cập đến các chiến binh hai phe, ông Obama nhắc : « Thượng nghị sĩ John McCain, người đã từng là tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong nhiều năm. Khi ông McCain gặp Tướng Giáp, Tướng Giáp đã nói rằng chúng ta không nên cứ là kẻ thù, mà hãy là bạn… ».

Sau ngày 25.08 vừa qua, ông McCain đã là đề tài tranh luận thật sôi nổi và hào hứng giữa các chính khách lưỡng đảng Hoa Kỳ, giữa những người Mỹ gốc Việt và giữa người Việt trong nước. Xin được góp lời.

III./ THƯỢNG NGHỊ SĨ QUÁ CỐ.

Trong một phi vụ tấn công Hà Nội ngày 26.10.1967, oanh tạc cơ A-4E Skyhawk của Hải quân Thiếu tá Mỹ John McCain, 31 tuổi, bị bắn hạ ngay trên bầu trời Hà Nội. Bị bắt sống, bị tra tấn và cầm tù trong hơn 5 năm dài. Ngày 15.03.1973, ông được trả tự do ‘Tôi chẳng thể nào diễn tả được cảm xúc của mình khi đi về chiếc phi cơ Không Quân Hoa Kỳ’ trong ‘Hồi ký Hỏa Lò’. Ðó cũng là thời kỳ ‘Rút quân trong danh dự’ của Quân đội nước này.

A.- Hồi ký Hỏa Lò.

Trong phần ‘Sa vào tay địch’, ông kể lại lúc bị bắt. Ông rơi xuống mặt nước và chìm xuống đáy Hồ Tây (hay Trúc Bạch). Sau vài lần cố trồi lên, nhưng không thành công. Cuối cùng, vài cán binh Bắc Việt bơi ra kéo tôi vào bờ, lột đồ và quần áo ông ra, đám đông kéo đến, hò reo, gào hét, chửi rủa, phun nước miếng và đá tôi túi bụi. Họ thực sự đang nổi cuồng. Bổng nhiên, một thanh niên xuất hiện và hét nạt đám đông dạt ra. Một người phụ nữ đỡ tôi dậy và kề lên miệng tôi tách trà, trong lúc có mấy tay chụp hình bấm vài pô hình…

Sau đó, ông được đặt lên cáng, chở bằng xe tải đến nhà tù chính Hà Nội. Trong những lúc tỉnh lại vài lần giữa cơn mê man bất tỉnh, chúng hỏi cung ông. Ông chỉ cho biết những chi tiết cá nhân, nên chúng hăm dọa ‘Mày sẽ không nhận được bất kỳ chữa trị thuốc men gì cho đến khi mày mở miệng’.

Trong phần ‘Trong tay giặc’, ngoài những điều kiện sống thường thấy trong các nhà tù cộng sản, ông đã kể chuyện ‘người canh chừng ông’. Ðó là một đứa trẻ lối 16 tuổi. Nó ngồi cạnh giường ông và đọc một cuốn truyện có vẽ hình một ông già cầm khẩu súng trường trong tay, đang ngồi trên thân máy bay một chiếc F-105 bị bắn hạ. Nó chỉ trỏ gì đó vào ông, rồi tát và đánh ông một cách rất khoái trá. Nó có nhiệm vụ đút ông ăn vì hai tay ông bị gãy. Nó đút cho ông ăn chén mì gói có chút xương sụn. Các xương sụn rất khó nhai, ông ngậm đầy miệng rồi nuốt. Khi ông không ăn thêm được nữa, thằng bé bưng ăn hết.

Anh có muốn về nhà không?

Ðó là vấn nạn mà bọn quản tù đặt ra cho McCain vì ông là con của Thủy sư Ðô đốc Tư lịnh Quân đội Mỹ tại Thái bình dương. Ông sững sốt và nói với họ rằng ông cần phải suy nghĩ. Về phòng, ông suy nghĩ nhiều phần vì tình trạng sức khoẻ ông đang khá xấu, bị sụt cân. Nhưng ông cũng hiểu quân cách sĩ quan là ‘không chấp nhận ân huệ hoặc ân xá’ và ‘sẽ không chấp nhận ưu đãi đặc biệt nào’, vì đối với ai đó được về nhà trước đều là một ân huệ đặc biệt. Không thể phản lại quân cách này. Ba đêm sau, ông được đưa lại để nghe hắn hỏi: ‘Anh có muốn về nhà không?’. Ông trả lời ‘Không’. Hắn muốn biết lý do và ông trả lời ‘Alvarez (người Mỹ đầu tiên bị bắt) cần được thả đầu tiên, sau đó là các binh lính. Hắn bảo rằng Tổng thống Lyndon Johnson đã ra lệnh cho ông về nhà. Hắn đưa cho ông một lá thư do vợ ông viết ‘Em ước chi anh là một trong ba người đã trở về nhà’. Dĩ nhiên, vợ ông không cách nào hiểu được những phức tạp phía sau việc ‘về’ đó. Hắn cho biết ‘các bác sĩ đã nói với hắn rằng McCain không thể sống nổi trừ khi được chữa trị tại Mỹ’. Ông Mc Cain vẫn nói ‘Không’.

Hôm lễ Độc lập 04.07.968, cũng là ngày cha ông nhậm chức Tổng Tư Lịnh Thái Bình Dương các lực lượng Hoa Kỳ. Tối hôm đó, ông được dẫn vào một căn phòng thẩm tra khác và bị hỏi :

– Cấp trên chúng tôi muốn biết câu trả lời cuối cùng của anh.

– Câu trả lời cuối cùng của tôi cũng vậy. Đó là ‘Không’.

– Câu trả lời cuối cùng của anh phải không?

– Đó là câu trả lời cuối cùng của tôi.

Tên ‘xếp’ tức giận tột độ bẻ đôi cây viết trong tay, mực văng tung tóe. Hắn đứng lên, đá sầm cái ghế phía sau và nói: « Chúng dạy mày tốt lắm. Chúng dạy mày tốt lắm » và quay ngoắt người, bước ra ngoài và đóng sầm cửa lại. Tên đàn em nói: « Bây giờ, McCain, chuyện sẽ rất xấu cho anh đó. Hãy về lại phòng ».

[Xin dừng trích ‘Hồi ký Hỏa Lò’ tại đây. Rất tiếc, những kinh nghiệm đau đớn, bất công mà Thượng nghị sĩ đã chịu đựng trong ngục tù cộng sản, nhưng Ngài đã quên những tù nhân vô tội, nếu không nói là ‘rất cần cho xã hội Việt tiến bộ’ như anh Trần Huỳnh Duy Thức, các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga và bao nhiêu ông bà, anh chị em khác. Từ hôm Mc Cain liên kết với Obama – Kerry – Osius để chấp thuận bán súng đạn sát thương cho Việt cộng, tình hình nhân quyền cho người Việt yêu nước ngày càng thêm bi đát như các Tổ chức phi chánh phủ đã lên tiếng. Cần lưu ý : Họ không phải là những người đã sử dụng lá phiếu tự do để chọn nhà nước này và, nếu có quyền, họ sẽ ủy quyền cho một Chính quyền với Tam Quyền phân lập.]

[Ðể dược đầy đủ hơn, chúng tôi xin được bổ túc : Sau khi ông Mc Cain thất cử Tổng thống, đài BBC (Anh quốc) qua bài ‘Sĩ quan Liên Xô nói đã 'bắn hạ McCain' tại Hà Nội’ ngày 19.11.2008 viết : ‘Quân nhân này, ông Yury Trushyekin, năm nay 70 tuổi, nói ông vui vì ông McCain không trúng cử tổng thống Mỹ. Nếu ông thắng, quan hệ Nga-Mỹ chắc chắn sẽ bị thiệt. Ngay cả khi bị giam, Mc Cain nói rất căm thù người Nga vì biết tên lửa chúng tôi đã bắn rơi ông ta.

Dù Liên Xô không chính thức thừa nhận có quân tham chiến ở Việt Nam trong thập niên 60 và 70, ông Trushyekin, hiện ở trong một bệnh viện ở St. Petersburg không che dấu hoạt động của ông ở Việt Nam: ‘Tôi đến đó vào lúc có các đơn vị hỗn hợp với người Việt. Khi còi báo động rú lên, hai chiếc F-4 Phantom của Mỹ bay đến. Giàn tên lửa sáu quả chúng tôi chỉ còn hai. Phía người Việt bắn trước nhưng trượt. Chúng tôi bắn vào chiếc phi cơ bay qua phía trên cầu và trúng nó. Theo những gì đã biết, ông McCain rơi xuống hồ và được người Việt kéo lên. Trushyekin cho biết ông ta không chỉ có mặt lúc bắt McCain mà còn lấy được cả tấm thẻ bài của ông để đem về Liên Xô.

Chỉ đến năm 1986, hắn mới nhận ra John McCain khi ông này đắc cử Thượng nghị sĩ bang. {Vì do người cộng sản thường nói dối, nên chúng ta cần lưu ý :

ông Trushyekin cho biết đó là chiến đấu cơ F-4 Phantom trong khi đúng là A-4E Skyhawk.]

B.- Chính trị gia Ðảng Cộng Hòa.

1. Ðối với đồng bào Mỹ.

Năm 1981, sau khi rời quân ngũ, ông McCain chuyển về Arizona và bắt đầu tham gia chính trị đảng Cộng hòa. Năm 1982, ông được bầu vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ, đại diện cho tiểu bang Arizona trong hai nhiệm kỳ. Năm 1986, ông đắc cử vào Thượng nghị viện liên bang và được tái cử trong các năm 1992, 1998, và 2004.

Ông đã vận động để trở thành ứng cử viên đảng Cộng hòa nhân bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Năm 2000, tranh sự đề cử ứng cử viên, ông đã thua George W. Bush. Năm 2008, ông đã thắng sự đề cử của đảng, nhưng đã thất bại trước ứng viên Dân chủ Barack Obama.

Trong cuộc bầu cử này, ông đã chọn bà Sarah Palin làm ứng cử viên Phó Tổng thống trong liên danh. Sau khi thất cử, ông hối hận việc chọn đó trong khi, nhờ sự hùng biện, vẻ đẹp duyên dáng, bà Sarah Palin đã thu hút sự ủng hộ của quần chúng mỗi khi bà nói chuyện trước đám đông. Điểm ủng hộ McCain giảm sút dần sau các cuộc tranh luận giữa ông với Obama. Cũng như ông Donald Trump, bà Palin được Mc Cain đề nghị không dự đám tang ông.

2. Ðối với đồng bào Mỹ gốc Việt.

Sau tháng 4/1995, những con em độc thân trên 21 tuổi của các cựu tù nhân trại cải tạo đã không còn được phép qua Mỹ định cư. Nhờ vào sự can thiệp của Thượng nghị sĩ John Mc Cain với tu chính án mang tên ông, năm 1997, chương trình này được nối lại, mở ra cơ hội cho hàng chục ngàn người Việt qua Mỹ đoàn tụ với gia đình. Nhờ sự can thiệp của ông, ca sĩ Việt Khang xứng đáng được tị nạn tại Mỹ. Do đó, sự biết ơn vàcám ơn ông Mc Cain thật đáng hoan nghinh vì đúng truyền thống người Việt ‘Uống nước nhớ nguồn’.

B.- Tại Quốc nội.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký sổ Phân ưu trong khi ông Mc Cain là Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ.

Về phía người dân, chúng tôi lưu ý sự lên tiếng cám ơn ông Mc Cain của hai ứng cử viên độc lập đại biểu Quốc hội, nạn nhân của cái gọi là ‘đảng cử dân bầu’ Lê Quốc Quân và Nguyễn Quang A. Cám ơn hai ông đã nói đã nói Sự Thật cho ông Mc Cain nghe, nhưng ông này có hành động hay không là quyền tự do của ông ấy. Nhà nước không do dân bầu tiếp tục đàn áp người dân.

IV./ THẾ NÀO LÀ ‘ANH HÙNG’ ?

Phải chăng sự chống đối nhau giữa hai ông Donald Trump và John Mc Cain

Là vì ông Trump không nhận ông Mc Cain là Anh Hùng ? Phần tôi, tôi xin kể hai vị mà tôi ngưỡng mộ là Anh Hùng :

1. Ông Phạm Văn Phú. Ngày 01.11.1963, khi là Thiếu tá, ông xin phép Tổng thống Ngô Ðình Diệm cùng các chiến hữu thuôäc quyền đến Bộ Tổng Tham Mưu để bắt đám tướng đảo chính, nhưng ông Diệm từ chối vì ‘Quân đội để bảo vệ Tổ Quốc, chứ không tranh quyền đánh nhau’.

Sáng ngày 29.04.1975, mang quân hàm Thiếu tướng, tại nhà số 19 đường Gia Long, Sài Gòn. Sau khi nhờ Đại úy Đỗ Đắc Tân (sĩ quan tùy viên) đưa phu nhân và các con ông đến phi trường Tân sơn nhứt để di tản, ông đã tự sát bằng một liều Choloroquine cực mạnh. Trung úy Mạnh (sĩ quan an ninh) biết được sự việc liền báo ngay cho phu nhân quay trở lại đưa ông vào bệnh viện Grall cấp cứu nhưng vô vọng vì thuốc đã có công hiệu mạnh. Ông hôn mê đến 11 giờ 15 ngày 30.04.1975 đã tỉnh lại và thều thào hỏi hiền thê về hiện tình chiến cuộc ra sao. Sau khi được biết Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa buông súng và cộng quân đã vào Thủ đô. Nghe xong, Thiếu tướng nhắm mắt từ trần, lúc 47 tuổi.

2. Ông Tô Ðình Hải, người tự xưng là ‘Thằng Hèn’ để anh dũng viết ‘Hồi ký của một Thằng Hèn’, một Sự Thật trong lòng địch. Ðược Chúa gọi ra khỏi thế gian ngày 11.08.2018, linh hồn Phanxicô hiệp dâng Thánh Lễ an táng do Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh chủ tế với nhiều linh mục khác, ngày 13.08.2018 tại Nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn.

Hà Minh Thảo

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lá Phong
Tấn Đạt
08:25 22/09/2018
LÁ PHONG
Ảnh của Tấn Đạt
Anh nhặt cho em chiếc lá đỏ
Trên cành phong vừa rụng sáng nay
Ôi anh! đẹp quá mùa thu tới
Em nhốt đầy lòng gió heo may.
(Trích thơ của Trần Mộng Tú)
 
VietCatholic TV
Lithuania tưng bừng chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường Vilnius
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:18 22/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Ngài sẽ thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania; Riga và Aglona ở Latvia và Tallinn ở Estonia. Đây là chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia.

Lúc 07g30 sáng thứ Bẩy 22 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Lúc 11g30, ngài đã đến nơi.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại sân bay quốc tế Vilnius /vɪl -nɪʊs/ của Lithuania lɪ-θjuˈ-eɪ-niə/.

Ra đón Đức Thánh Cha, chúng tôi thấy có Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nữ tổng thống Lithuania là bà Dalia Grybauskaitė / da-lɛ grɪ-bɑʊ̈z-kɑɪ-tʃe / đã ra tận thang máy bay để đón Đức Thánh Cha.

Hai em bé gái trong y phục truyền thống Lithuania đã tặng hoa cho Đức Thánh Cha.

Trong nghi thức chào đón chính thức tại phi trường quốc tế Vilinus, hàng quân danh dự của Lithuania đã trỗi quốc kỳ Vatican và Lithuania.

Bà Dalia Grybauskaitė đang giới thiệu với Đức Thánh Cha các vị nguyên tổng thống Lithuania và các nhân vật trong chính phủ của bà.

Bên cạnh còn có Đức Cha Gintaras Grušas /gɪ̈'n-tɑ-rɑ grʊ'-tʃɑ/, Tổng Giám Mục thủ đô Vilnius, và đông đảo các Giám Mục Lithuania.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã lên xe hơi để đến dinh tổng thống.

Lithuania / lɪ-θjuˈ-eɪ-niə/, tên chính thức là Cộng hòa Lithuania, là một quốc gia nằm trong vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu. Diện tích lãnh thổ là 65,300 km2, tức chỉ bằng một phần năm của Việt Nam

Lithuania nằm dọc theo bờ biển phía đông nam của biển Baltic, về phía đông của Thụy Điển và Đan Mạch. Lithuania giáp với Latvia (/ˈlæt-vi-ə/) ở phía bắc, Belarus về phía đông và phía nam, Ba Lan ở phía nam. Lithuania có dân số ước tính khoảng 2,8 triệu người vào năm 2017. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Lithuania là Vilnius /vɪl -nɪʊs/. Các thành phố lớn khác là Kaunas /kaʊ-nəs/ và Klaipėda /klei-pɪ̈-dɑ/.

Ngôn ngữ chính thức, tiếng Lithuania, cùng với tiếng Latvia, là một trong hai ngôn ngữ rất cổ còn tồn tại cho đến nay trong số các ngôn ngữ Ấn-Âu.

Trong nhiều thế kỷ, bờ biển phía đông nam của Biển Baltic là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc Baltic. Vào những năm 1230, vùng đất Lithuania được thống nhất bởi Mindaugas, Vua Lithuania, và nước Lithuania thống nhất đầu tiên, gọi là Vương quốc Lithuania, được thành lập vào ngày 6 tháng 7 năm 1253. Theo hiệp ước Liên minh Lublin năm 1569, Lithuania và Ba Lan tự nguyện hiệp nhất thành khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania. Khối thịnh vượng chung này kéo dài hơn hai thế kỷ, cho đến khi bị các nước láng giềng đánh bại từ năm 1772 đến 1795. Đế quốc Nga đã thôn tính phần lớn lãnh thổ của Lithuania.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Tuyên ngôn độc lập của Lithuania được công bố vào ngày 16 tháng 2 năm 1918, chính thức thành lập nước Cộng hòa Lithuania hiện đại. Chẳng may, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Lithuania lần lượt bị chiếm đóng bởi Liên sô và sau đó là Đức Quốc xã. Khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc và quân Đức rút lui, Liên Sô tái chiếm Lithuania. Vào ngày 11 tháng 3 năm 1990, một năm trước khi Liên Bang Sô Viết chính thức tan rã, Lithuania trở thành quốc gia Baltic đầu tiên tuyên bố độc lập, dẫn đến việc khôi phục một nước Lithuania độc lập sau 50 năm chiếm đóng Liên Sô.