Ngày 21-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 21/09/2011
CÓ LÝ

Quan huyện nọ rất bủn xỉn keo kiết, có người đến công đượng để thưa kiện, mặc dù là nguyên cáo, nhưng e rằng quan sẽ cho thua kiện nên hối lộ cho quan năm mươi lượng bạc. Việc này bị lộ ra và bên bị cáo biết được, nên vội vàng hối lộ cho quan huyện một trăm lượng bạc.

Khi thăng đường thì huyện quan không hỏi nguyên nhân tình tiết, quăng thẻ xuống sai đánh nguyên cáo.

Nguyên cáo nghe nói sẽ bị đánh nên vôi vàng đưa năm ngón tay ra ý nói là đã đưa cho quan năm mươi lượng bạc rồi để nhắc nhở quan, nói:

- “”Tiểu nhân có lý ạ !””

Quan huyên thấy anh ta đưa tay ra thì hiểu ý của anh ta, nên lập tức xòe năm ngón tay ra sau đó lật bàn tay qua lại, nói:

- “”Mày nói mày có lý, nó càng có lý hơn mày !””

Suy tư:

Một quan huyện có tâm địa bủn xỉn keo kiết là vì lòng dạ của ông ta đầy những tiền bạc, bởi vì bủn xỉn keo kiết thường là chị em với tiền bạc, do đó mà người ta không lạ gì những người tham tiền là những người bủn xỉn nhất, keo kiết nhất.

Người bủn xỉn keo kiết là người thiếu tình thương, thiếu bác ái, thiếu công bằng và thiếu luôn cả sự thật…

Người thiếu tình thương thì không biết động lộng trắc ẩn trước người nghèo khó; người thiếu lòng bác ái là người không biết vươn tay ra giúp đỡ người khác; người không công bằng thì không biết nhường nhịn người khác, không biết phải trái.

Nơi nào vắng bóng tình thương thì ở đó có hận thù, nơi nào hận thù ngự trị thì ở đó có bất công và tha hóa, ở đâu có bất công và tha hóa thì ở đó không có công lý, và khi mà công lý không còn thì lý lẽ của kẻ mạnh là đồng tiền, khi sự thật không có thì lý của kẻ mạnh là quyền lực…

Người Ki-tô hữu không vì đồng tiền mà đánh mất đức tin của mình, không vì quyền lực mà đánh mất tình yêu của mình với tha nhân, không vì danh vọng mà trở thành Giu-Đa bán Chúa…

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 21/09/2011
N2T

28. Khi dẫn dắt linh hồn người khác thì không nên vì sợ đánh mất sự bình an của tâm hồn mình, mà sơ suất bổn phận cứu người của mình. (Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Hãy bắt tay vào việc
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
04:53 21/09/2011
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A
A. DẪN NHẬP

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà làm ít, giữa lý thuyết và thực hành còn một khoảng cách lớn, vì thế mới có câu nói :”năng thuyết bất năng hành”, đúng là làm láo, báo cáo hay. Lý thuyết có hay mấy mà không được thực hiện thì cũng không có giá trị.

Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta cần biết Chúa, cần thông hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ, còn phải đem cái biết ra thực hành trong đời sống hằng ngày nữa. Chúa Giêsu đã nói :”Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà “giữ lời Thầy” thì có nghĩa là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn về “Hai người con” trong Tin mừng hôm nay đã chứng tỏ điều đó.

Người ta thường nói :”Trăm voi không được bát nước xáo” (Tục ngữ). Câu này mang tính chất mỉa mai, ngụ ý chê những người ba hoa khóac lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà rốt cuộc chẳng có gì, họ là người biết nói mà không biết làm. Có những người xưng mình là Kitô hữu, nhưng họ chỉ có cái tên, cái mã bề ngòai, còn cuộc sống của họ chẳng có gì cả, có khi còn ngược lại. Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sống cho xứng đáng là một Kitô hữu chính danh để cuộc sống của mình lúc nào cũng phải “ngôn hành đồng nhất”.

B.. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Ez. 18,25-28

Cái nhìn của con người chỉ có một chiều : hoặc tốt hoặc xấu. Đã tốt thì cứ tốt, đã xấu thì cho xấu luôn. Do đó, con người có hai mặc cảm : Tự tôn và tự ti.
- Tự tôn hay tự mãn : có những người cho là mình “công chính” rồi, nên tự mãn không chịu cố gắng sống tốt hơn.
- Tự ti : có những người cảm thấy mình tội lỗi nên thất vọng, cứ ở lỳ trong tội lỗi, không muốn cố gắng nữa.

Cái nhìn của Thiên Chúa có hai chiều hoán đổi : người tốt có thể trở nên xấu và người xấu có thể trở nên tốt. Tiên tri Ezéchiel cảnh cáo những người tự mãn, họ sẽ bị chết nếu bỏ đường công chính và phạm tội ác. Trái lại, những người đang ở trong tình trạng tội lỗi mà biết bỏ đường gian ác, quay về đường lành thì sẽ được cứu sống.

Như vậy, Thiên Chúa mở rộng cho con người con đường tương lai để người tội lỗi bỏ con đường xấu mà trở nên tốt lành và người công chính sẽ trở nên tốt lành hơn.

+ Bài đọc 2 : Pl 2,1-11

Thánh Phaolô vạch ra cho các tín hữu Philipphê một phương hướng để duy trì tình đoàn kết huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể chia phương hướng này thành hai phần :

a) Để tránh sự chia rẽ mà duy trì sự đoàn kết huynh đệ thì đừng ai lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn để mà tự mãn. Cũng đừng lấy người khác làm đối tượng để phân bì.

b) Thánh Phalô đã xử dụng một Thánh thi phụng vụ đã được xử dụng trong cộng đoàn Kitô hữu để ca tụng sự khiêm nhường thẳm sâu và sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu khi Ngài chấp nhận từ bỏ mọi vinh quang trên trời để mặc lấy thân xác hèn mọn của con người. Ngài đã hạ mình xuống phục vụ cho ơn cứu rồi loài người, nhưng nhờ đó Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài lên đến tột bậc.

+ Bài Tin mừng : Mt 21,28-32

Đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người. Nếu trong bài đọc 1, tiên tri Ezéchiel cho biết Thiên Chúa không nhìn đến quá khứ mà chỉ nhìn đến tương lai, Ngài mở đường cho những người tội lỗi có thể quay về với đường lành, thì bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa về cuộc sống con người. Thiên Chúa không quan tâm đến lời nói mà chỉ chú ý đến việc làm.

Để triển khai tư tưởng này, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn “Hai người con” : đứa thứ nhất đã từ chối lời người cha để đi làm vườn, nhưng sau hối hận lại đi làm. Đứa con thứ hai : mau miệng thưa vâng để đi làm ngay, nhưng rồi nó chẳng chịu đi làm.

Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu cho biết :
- Đứa con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, tuy ban đầu họ đã từ chối, nhưng sau hối hận lại đi “làm” theo ý Thiên Chúa.
- Đứa con thứ hai đại diện cho dân Do thái, họ mau mắn thưa “vâng”, nhận lời ngay, nhưng trong thực tế thì “không làm” theo ý Thiên Chúa.
Dụ ngôn này áp dụng vào lời Chúa Giêsu đã nói :”Có những kẻ đứng trước hết sẽ nên sau hết và kẻ sau hết lại trở nên trước nhất”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Kitô hữu thật hay giả

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN

1. Dụ ngôn về hai người con

Các thượng tế, kỳ lão, luật sĩ và biệt phái Do thái thường tự hào mình là con cái Abraham, đã từng giữ luật Maisen một cách cặn kẽ, thế nào cũng được phần thưởng là Nước Trời. Theo họ nghĩ, Nước Trời được dành riêng cho người Do thái, còn các dân tộc khác, những người ngoại giáo sẽ bị loại ra ngoài, nhất là những người tội lỗi như bọn thu thuế và gái điếm.

Để sửa đổi quan niệm sai lạc đó, Chúa Giêsu đã đưa ra cho người Do thái dụ ngôn về hai đứa con. Người cha có hai đứa con, ông bảo đứa thứ nhất đi làm vườn nho cho ông, lúc đầu nó từ chối, nhưng sau nghĩ lại, hối hận, lại đi làm. Ông cũng bảo đứa con thứ hai như vậy, nó vui vẻ nhận lời, nhưng nó lại không đi làm. Chúa Giêsu hỏi người Do thái, trong hai đứa con, đứa nào đã làm theo ý cha mình ? Họ đều cho là đứa con thứ nhất.

2. Ý nghĩa dụ ngôn

Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn này :”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Chúa Giêsu đã nói thẳng với người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ.

Câu đó có nghĩa là : các ông tưởng mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ, coi như là những đàn bà dơ dáy đến nỗi con cái Israel đi vô ý quệt phải áo họ thì phải về tắm rửa đã. Các ngươi lầm. Những người thu thuế và đĩ điếm mà các người miệt thị đến mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ là họ tốt hơn các ông.

Sự thực đã xẩy ra : Lêvi (Mt 9,9) và người đàn bà tội lỗi (Lc 7,37) đã theo sống bên Chúa, và biết bao người thu thuế đã tin lời Gioan (Mt 9,10 ; 11,19 ; Lc 3,12) trong khi đó thì Hội đồng Cộng tọa chống đối Chúa và tìm giết Chúa.
(Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm A, tr 236)

3. Con người thật và con người giả
a) Thế gian có hai hạng người : thật và giả

Người ta chia con người thành hai loại : tốt và xấu, thật và giả. Nhưng làm sao có thể phân biệt một cách chính xác về hai loại người đó ? Ai là người tốt hay xấu ? Ai là người thật hay giả ? Bởi vì có những người bề ngoài tốt lành thánh thiện mà trong lòng thì xấu xa, như người ta thường mỉa mai :

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
(Truyện Kiều)

Người đời xưa cũng như đời nay hay công kích những bậc tu hành, những vị này sống khắc khổ, chay tịnh, tuân theo kỷ luật của giới mình, là những người đáng kính nể, nhưng trong nơi riêng rẽ kín đáo thì lại phạm luật trai giới, việc làm bị bại lộ, người đời không kiêng nể đã giáng trên đầu những vị phá giới đó những câu không thương tiếc …

Có những người chỉ chú trọng đến cái dáng bên ngoài theo phương châm “tốt đẹp khoe ra, xấu xa che lại”, nhưng chính cái họ khoe ra không phải là cái tốt thật bên trong mà chỉ là lớp hào nhoáng bên ngoài, làm lòe mắt mọi người, nhưng không bịt được ai :

Khác nào quạ mượn lông công
Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa.
(Ca dao)

Thế giới ngày nay, quá ít người sống chân thật. Quá nhiều người sống mã nước sơn bên ngoài. Họ không còn biết giá trị “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lợi dụng nhược điểm này, nghệ thuật tuyên truyền quảng cáo tràn ngập thị trường. Hàng giả, hàng giỏm, đẹp mã, bán chạy như tôm tươi. Hàng thật, hàng tốt thì lại ế ẩm không ai mua. Người tài đức bị liệng bỏ. Kẻ vô tài thất đức, lẻo mồm tâng bốc nịnh hót thì lên như diều, để rồi “làm láo , báo cáo hay” :
Trông anh như thể sao mai,
Biết rằng trong có như ngoài hay không.
(Ca dao)

b) Kitô hữu thật hay giả ?

Theo bài đọc 1 hôm nay, thì tiên tri Ezéchiel cho biết, tiên tri thật thì ít, tiên tri giả thì quá nhiều. Họ làm nhiều người công chính, bỏ đàng công chính của Thiên Chúa đi theo tà thần đế quốc Babylon để kiếm danh lợi. Tiên tri Ezéchiel đã phải quyết liệt cảnh cáo họ :”Khi người công chính bỏ đàng công chính mà làm điều gian phi...thì nó phải chết”. Đồng thời ông cũng kêu gọi :”Kẻ bất luơng bỏ đàng bất lương, mà thi hành người công chính thì nó sẽ được sống”.

Ngày xưa có nhiều tiên tri giả, ngày nay không còn tiên tri nữa thì lại có Kitô hữu giả. Họ mang danh là Kitô hữu nhưng cuộc sống thực tế của họ không còn là Kitô hữu nữa. Có nhiều người cố gắng làm ra vẻ bề ngoài là Kitô hữu nhưng cuộc sống riêng tư của họ không còn là Kitô hữu chính danh nữa, vì họ không còn sống theo luật Chúa nữa. Có thể họ sẽ nói rất hay về đạo đức nhưng trong thực tế họ không sống đạo chút nào. Họ chỉ có cái vỏ bề ngoài là đạo nghĩa.

Muốn trở thành người Kitô hữu chính danh thì cần có sự “Hối cải”, vì như triết gia Soren Kierkegaard, thì “không hề có tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng đang trở thành một Kitô hữu”.

Theo Mark Link thì sự hối cải chỉ là một tiến trình, là một cuộc du hành đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết. Tiến trình này gồm ba bước :

- Bước thứ nhất trong tiến trình này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta..
- Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta làm điều gì đó cho cuộc sống mình.
- Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới, nhờ sự cầu nguyện kiên trì.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của mình. Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không ? Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc với Chúa không ? Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng của chúng ta nhiều hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không ?

Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao trên (x. Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 289).

II. TRỞ THÀNH KITÔ HỮU THỰC THỤ

1. Tránh tính phô trương

Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án thói phô trương của đám luật sĩ và biệt phái. Ngài không ngại gọi họ là rắn độc, mồ quét vôi trắng. Chúa khuyên họ hãy lo làm đẹp cái bên trong chứ đừng chỉ lo cái bên ngoài :”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác”(Mt 23,27).
Cái tính phô trương này xuất hiện trong khi người ta không để ý đến bởi vì nó được ngụy trang bằng nhiều cách. Nhưng giấu đầu hở đuôi, sự phô trương cũng bị lộ ra một cách bất ngờ.

Truyện : Ông Diogène và ông Platon.
Platon hồi ấy là người yêu nghệ thuật. Nhà ở của ông được trang trí bằng nhiều bức thảm qúi đẹp. Một hôm, DIOGENE, - người chủ trương sống màn trời chiếu đất, đầu đường xó chợ -, tới thăm Platon. Tới nơi, mặt đỏ gay, con mắt trợn trừng, ông ta vừa đạp thình thịch lên tấm thảm qúi của Platon, vừa nghiến răng nói :
- Ta chà đạp dưới chân tính phô trương kiêu hãnh của nhà ngươi.
Ông Platon bình tĩnh trả lời :
- Phải, và với một sự phô trương kiêu hãnh sâu rộng hơn nhiều.

Thì ra đời sống bên ngoài đầy quảng cáo của Diogène không đi đôi với đời sống bên trong. Nhà quân tử cũng mắc phải chứng bệnh phô trương như ai.
(Vũ minh Nghiễm, Dừng, 1962, tr 207).

2. Sống trung thực với lòng mình

Chúa Giêsu đã nói :”Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt là do lòng xấu mà ra”. Biết thế, nhưng con người vẫn phô trương, mà phô trương là phô ra ngoài những cái mình không có, ví dụ các luật sĩ và biệt phái, họ chỉ có cái vỏ bề ngoài, còn bên trong thì trống rỗng.

Phải sống trung thực với lòng mình, phải làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời nói và việc làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn hôm nay. Lời nói không có giá trị khi không có việc làm kèm theo :”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nói mà không làm thì sẽ bị người ta chê cười :

Nói thì đâm năm chém mười,
Đến khi tối trời chẳng dám ra sân.
(Tục ngữ)

Người ta đánh giá trị một người không phải ở lời nói nhưng là việc làm. Có một khoảng cách xa giữa lời nói và việc làm, cũng như giữa lý thuyết và thực hành : một lý thuyết dù hay mấy mà không đem ra thực hành thì cũng vô ích. Vì vậy mà người ta nói :”Năng thuyết bất năng hành”, chỉ nói mà không làm.

Truyện : Anh chàng Aristogiton.
Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng kiêu xa của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói :”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.

III. BÀI HỌC THỰC HÀNH

Theo các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể rút ra được hai bài học :

1. Giá trị của một đời người không nằm ở quá khứ đạo đức hay tội lỗi của người đó, mà hệ ở hiện tại người đó có quyết tâm sống công chính hay không. Theo bài đọc 1 :”Khi người công chính bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình... nó không phải chết”.

2. Giá trị thực của con người không do những lời nói tốt đẹp người đó nói ra, mà do hành động của người đó :”Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ? Họ trả lời : “Người thứ nhất””. Vì Thiên Chúa theo đường lối như thế cho nên Ngài đã ưu ái những người một thời nổi tiếng tội lỗi như Giakêu, Mađalena, tên trộm lành...

Phần chúng ta đã biết đường lối của Thiên Chúa là như thế, chúng ta phải làm sao ?

- Đừng nghĩ rằng mình đang thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.

- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn. (x. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 491-492)

Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình toả ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã minh chứng điều đó :

Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
(Ca dao)

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn và thể xác xinh đẹp như lời cầu của nhà hiền triết Aristote :

“Lạy các thần thánh
Xin cho tôi được xinh đẹp bên trong.
Xin cho mọi sự tôi có ở bên ngoài
đều thuận lợi cho vẻ đẹp của hồn tôi”.

 
Vào nước trời
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
06:56 21/09/2011
Chúa nhậtt 26 thường niên

Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông (Mt 21,31).

Chúng ta xác tín niềm tin vào Thiên Chúa hiện hữu. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật. Ngay câu đầu tiên của sách Sáng Thế Ký, chúng ta đã tin nhận: Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất (Stk 1,1). Sách Đaniel đã tuyên xưng rằng: Thiên Chúa của anh em, làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó (Đnl 10,14). Các tác giả Kinh Thánh được linh ứng viết ra những lời Thiên Chúa đã mạc khải. Trời đất được diễn tả với những hình ảnh cụ thể vừa tầm hiểu biết của con người. Từ trên cao thẳm, Thiên Chúa luôn quan phòng và săn sóc mọi loài thụ tạo. Tác giả Thánh Vịnh ngợi ca quyền năng Chúa: Nhưng Thiên Chúa ngự trong thánh điện, ngai Thiên Chúa đặt trên cõi trời; Chúa đưa mắt nhìn, dò xét phàm nhân (Tv 11,4).

Câu truyện của tiên tri Êlia, người đã được xe ngựa đưa lên trời trong cơn lốc xoáy: Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Êlia lên trời trong cơn gió lốc (2 Vua 2,11). Dân Do-thái vẫn tin rằng Êlia không phải chết, nên khi Chúa biến hình trên núi, hình ảnh Êlia lại xuất hiện và khi Chúa hỏi các môn đệ rằng người ta bảo Thầy là ai? Có người trả lời Thầy là Êlia. Có những sự kiện và đường lối của Chúa đã xảy ra ngoài tầm trí hiểu của con người. Tiên tri Isaia đã loan báo: Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,9). Càng suy tư chúng ta càng cảm thấy con người thật bé nhỏ và giới hạn. Chúng ta chỉ biết chiêm ngắm những kỳ công của Chúa trong vũ trụ để dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tri ân. Chúng ta đang được ngụp lặn trong biển cả nhiệm mầu của Thiên Chúa: Từ trời cao nhìn xuống, Thiên Chúa thấy hết mọi người (Tv 33,13).

Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về nơi cư ngụ vĩnh viễn bên Cha của Ngài. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2). Chỉ có Đấng ngự trên trời và từ trời xuống mới có thể mạc khải cho chúng ta biết: Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn (Eph 4,10). Chính Chúa Giêsu đã hứa ban nước thiên đàng cho người trộm lành cùng bị đóng đinh bên tay hữu Chúa. Chúa Giêsu nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (Lc 23,43). Như thế Nước Thiên Chúa là nơi được hưởng hạnh phúc thật sự. Nước Thiên Chúa không có bờ cõi, lãnh thổ hay nơi chốn của một không gian và thời gian mà là Nước của Tình Yêu, An Bình và Hạnh Phúc. Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, sự bình an đích thực và hạnh phúc, đó là khi chúng ta đang được hưởng nếm phúc thiên đàng.

Mục đích tối hậu của cuộc sống trên trần gian là sau khi mãn phần sẽ được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi tôn giáo có một từ ngữ riêng để diễn tả nơi cực lạc này như là thiên đàng, nhà Cha trên trời, chốn thiên đình, cõi trời, nơi cực lạc, niết bàn…Tất cả những từ ngữ dùng để diễn tả như những thực trạng đời sau còn ẩn dấu. Có một cõi hạnh phúc trường tồn mà những ai còn đang sống ở trần gian chưa được nếm thử và cảm nghiệm. Chúng ta biết rằng mọi ước mong và hy vọng vĩnh cửu của con người sẽ được thỏa mãn. Suy về hình ảnh một trẻ thơ còn trong cung lòng mẹ, chưa nhìn thấy ánh nắng mặt trời và vũ trụ bao la, nhưng ngày giờ sẽ tới, em sẽ được mở mắt chào đời.

Có rất nhiều khi chúng ta không quan tâm đến mục đích sau cùng của cuộc đời. Trong cuộc lữ hành trần thế có rất nhiều ngã rẽ và trạm dừng chân. Thay vì nhắm hướng cùng để đi tới, chúng ta thường bị biết bao nhiêu cám dỗ bên đường kéo lôi. Có những mục tiêu tạm thời dẫn chúng ta đi vào mê cung lầm lạc. Đôi khi chúng ta chủ quan tưởng nghĩ mình đang nhiệt tâm dựng xây một lối về chắc chắn nhưng con đường lại đưa vào ngõ cụt. Có khi chúng ta hân hoan tự đắc rằng mình nắm gọn chân lý và ung dung tự tại trong cách sống đạo của mình. Hãy suy nghĩ về lời dạy của Chúa Giêsu nói với các thầy thông luật rằng: Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước.

Lời phúc âm của Chúa Giêsu làm tôi cứ suy tư khắc khoải và tự vấn. Tại sao những người tội lỗi, những người sống bê tha trụy lạc, những người bất chính và gái bán thân sẽ vào nước Thiên Chúa trước? Đúng thế, Chúa đến không phải để kêu gọi những người công chính nhưng là những kẻ tội lỗi. Nếu cứ tưởng mình là người công chính, chúng ta đã tự loại mình ra khỏi danh sách những người được ơn cứu độ. Chúa hứa ban phần thưởng Nước Trời cho hết mọi người nhưng điều kiện chuẩn bị: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."(Mt 3,2). Điều kiện tiên quyết là có lòng ăn năn sám hối. Ai cũng là tội nhân. Thánh Phaolô đã một lần nhắc nhở: Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (1Cor 10,12).

Ra thăm Đất Thánh, có hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ. Kẻ già người trẻ đã ra đi trước chúng ta. Họ đã một lần lữ hành trên trần thế với cùng ước vọng như chúng ta. Họ đã hoàn tất cuộc đời, một lần sinh và một lần tử. Họ ra đi để lại biết bao công việc còn dang dở. Giờ đây không biết họ đã được vào hưởng niềm vui và hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa chưa? Ai cũng mong là họ đã nghỉ yên trong Chúa. Không ai trong chúng ta đã dám nói chắc chắn là mình sẽ được vào Nước Trời. Vậy chúng ta lại phải tự hỏi nhỏ lòng mình, tôi đã sống cuộc đời trên dương thế làm sao? Tôi có thực sự ao ước và quyết tâm sống tốt để được hạnh phúc đời đời không? Ao ước thì dĩ nhiên nhưng quyết tâm sống đạo hạnh thì cần phải xét mình lại.

Thật thế, sống trên đời chẳng mấy khi chúng ta nghĩ đến cùng đích. Cuộc sống còn có biết bao nhiêu điều chúng ta phải lo, vấn đề phải giải quyết và chương trình phải hoàn tất. Cứ thế, việc này kéo lôi việc khác. Vừa xong kế hoặch này, lại đến kế hoặch kia. Hết việc nhà, rồi đến việc thiên hạ. Ngày này qua tháng khác, cứ bù đầu chạy đua với thời gian. Chúng ta vui và phấn khởi khi hoàn tất một việc dù to hay nhỏ. Đúng như cha ông thường nói: Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Mừng nụ, mừng hoa là những niềm vui nối kết làm thành một cuộc sống vui. Suy tư và cách sống của Đức Cố Hồng Y Francis Nguyễn Văn Thuận luôn mãi là Kim Chỉ Nam cho mọi mọi người ở mọi thời: “Cuộc đời con người được liên kết bằng những hy vọng. Mỗi nhịp tim nối kết, ngàn vạn nhịp làm thành một sự sống. Phút giây này nối kết phút giây kia, muôn phút giây làm nên một cuộc sống. Sống mỗi phút giây cho tốt và ý nghĩa, đời sẽ có giá trị.”

Chúng ta là loài thụ tạo. Thiên Chúa ban cho có linh hồn, lý trí, ý chí, tự do và lòng ước muốn. Chúng ta có tự do để nói “Có hoặc Không”. Trong bài phúc âm của Chúa Nhật 26A, người cha già nói với người con cả, hôm nay con đi làm vườn nho cho cha. Nó thưa lại rằng: 'Con không đi'. Nhưng sau nó hối hận và đi làm (Mt 21,29). Nó hối hận và đi làm theo ý của cha. Người cha rất hài lòng. Cha già lại nói với người con thứ đi làm vườn nho: Nó thưa lại rằng: 'Thưa cha, vâng, con đi'. Nhưng nó lại không đi (Mt 21,30). Nói đi mà lại không đi. Thất hứa. Đã biết bao lần chúng ta đóng vai người con thứ trong cuộc đời. Chúng ta đã nói “Xin vâng” và đã hứa rất nhiều lần “Dạ, con đi” qua những lời tuyên xưng trong các Bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta đã hứa theo Chúa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Hòa Giải, Thêm Sức, Hôn Phối, Truyền Chức, Khấn Hứa và tuyên xưng niềm tin mỗi lần chúng ta tham dự giờ kinh phụng vụ, nhưng rồi lại “không” thực hành được.

Chúng ta lại mải mê chạy theo những réo gọi hào nhoáng bên ngoài và những giá trị giả tạo của trần thế. Thánh Matthêu lại nhắc nhở: Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi (Mt 6,20). Thế mà nhiều khi chúng ta bỏ ra biết bao công sức, tâm trí, thời gian để tìm kiếm và vun xới cho kho tàng hay hư nát của cải trần gian. Điều mà ai trong chúng ta cũng đã biết và hiểu rõ lời của Chúa Giêsu: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19,23).

Mỗi ngày khi chúng ta nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta tuyên xưng rằng Cha chúng ta ngự trên trời:"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (Mt 6,9). Chúng ta đặt niềm tin cậy vào Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chỉ có một hướng đi lên và một cùng đích cho cuộc đời. Chúng ta đừng rẽ ngang, rẽ dọc tìm đường thênh thang rộng rãi. Đường rộng dễ dãi và xuôi chiều sẽ dẫn vào lối cùng. Ai cũng mong ước ngày sau sẽ được lên trời hưởng phước bên Cha Nhân Lành. Chỉ có con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua sẽ dẫn lối chúng ta vào Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho những người thu thuế và gái điếm biết ăn năn hối cải nhưng cho mọi người biết sám hối. Chúa Giêsu đã về trời để dọn chỗ cho chúng ta. Chúa sẽ trở lại đón chúng ta: Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."(Ga 14,3-4). Lạy Chúa, xin dẫn dắt chúng con đi vào lối bước của Chúa để chúng con cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
 
Làm ngay hôm nay!
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:07 21/09/2011
Chúa Nhật XXVI Thường niên A

Những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay. Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ “tự do” một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.

Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay là những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục. Nếu quá khứ của ta là những sự màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tiễn cho thấy chuyện vì tự hào, tự mãn“đã đánh thắng hai đế quốc to”, nên các nhà lãnh đạo nước Việt đã dần đưa đất nước ngụp lặn trong hố sâu của nghèo khó, tụt hậu do chính cái tư duy, nếp nghĩ và cung cách hành xử kiểu “chủ quan, duy ý chí”. Nếu quá khứ của ta vướng đầy những sự nhuốm màu tím hay đen thì cũng đáng nghiền ngẫm để tự kiểm và rút kinh nghiệm, nhưng cũng phải canh chừng cám dỗ buông xuôi, ngã lòng. Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Thất bại là mẹ thành công. Có người do bị ám ảnh bởi những lỗi lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cũng có người biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay. Bài học lịch sử thật đáng quý, tuy nhiên lịch sử không phải là vòng tròn lặp lại cái đã qua như cũ, như xưa.

Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ của con người. Chẳng ai lại đi mơ ước điều xấu xa tồi tệ cho chính mình. Họa hiếm mới có một đôi người, khi ở trong tình trạng bất bình thường, mới mong những sự chẳng nên cho bản thân. Đã là người, cần phải có hoài bảo và ước mơ. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế. Đã có đó một vài chủ thuyết vẽ vời viễn ảnh tương lai “to đẹp hơn gấp mười, gấp trăm ngày nay” để rồi lòe bịp đồng loại lãng quên không nhìn thẳng vào cái hiện tại, một hiện tại đầy bất công, dối trá…

Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống. Ngôn sứ Êdêkien minh nhiên nói thay Thiên Chúa sự thật này (x.Ed 18,27-28).

Đến trần gian, Chúa Kitô thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, những người vốn tự hào về công nghiệp đã qua của mình. Khi kể câu chuyện về hai người con, Chúa Kitô đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại. Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời Cha nhưng giờ này anh hối hận và vâng theo lời cha. Trái lại, người con thứ, trước đó đã mau mắn đáp vâng lời cha mà giờ này anh lại không làm theo ý cha thì cũng bằng không. Để khẳng định chân lý này Chúa Kitô còn nói với những Thượng tế và kỳ mục hôm ấy bằng một kiểu nói long trọng: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.” (Mt 21,31-32). Một số nhà chú giải phân tích chữ “trước” còn có nghĩa là “thay thế”, nghĩa là những người thu thuế và gái điếm sẽ thế cái chỗ của các vị Thượng tế và kỳ mục trong Nước Trời. Kết thúc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, Chúa Kitô đã nêu bật lời của người cha với đứa con cả: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15, 32).

Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay. Nhiều khi chúng ta có thể quá lo lắng cho những sự chưa đến mà bỏ quên bổn phận trong hiện tại. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo…”(Mt 6,34). “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa!” (x.Tv 95,7-8)

Đừng để đến ngày mai những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay: Xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công (x.Lv 19,13). Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của ta hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót mà chúng ta thường đấm ngực thú lỗi trong phần khởi đầu của Thánh Lễ: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và những điều thiếu sót…”

Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày Lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người. Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây (hic et nunc) những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi chưng, nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công… (x.Mc 3,4).

Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm một sự gì đó. Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó. Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó (mà không bao giờ làm) ( Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose - Ngạn ngữ Pháp ). Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó (mà không dám làm). Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:52 21/09/2011
QUAN HUYỆN MUA VÀNG
N2T

Có một quan huyện muốn mua hai thỏi vàng ròng, chủ tiệm vàng đưa cho ông ta hai thỏi và đứng đợi để lấy tiền. Quan huyện hỏi ông ta giá vàng bao nhiêu ? Chủ tiệm vàng nói:
- “Hai thỏi vàng này lão gia dùng, chúng tôi sẽ theo giá thị trường mà hạ giá cho lão gia, chỉ lấy nửa giá thôi”.
Huyện quan nói với người hầu: “Lấy một thỏi trả lại cho ông ta”.
Chủ tiệm vàng đưa tay lấy lại một thỏi vàng và vẫn đợi quan huyện trả tiền, quan huyện nói:
- “Không phải ta đã trả tiền rồi sao ?”
Chủ tiệm vàng trả lời:
- “Ngài chưa trả tôi đồng nào”.
Quan huyện nổi giận chửi:
- “Mày là thằng nô tài xảo quyệt, mày vừa mới nói là chỉ lấy một nửa giá, cho nên, hai thỏi vàng ròng thì tao trả lại cho mày một thỏi là bằng một nửa giá tiền, lẽ nào bổn huyện trả thiếu cho mày hay sao ? Mau cút đi”.

Suy tư:
Người ta nói “miệng nhà quan có gan có thép”, gang thép có hai công dụng: một là xây dựng nhà cửa, cầu cống và đúc gươm đao để bảo vệ tổ quốc; hai là để phá hoại và giết hại người khác.
“Miệng nhà quan có gang có thép”, gang thép đây là ý nói cái uy cái cái dũng nơi lời nói của vị quan thanh liêm, chứ không phải cái uy hiếp người khác bằng lời nói và lệnh lạc của quan tham lam.
Miệng có gan có thép không bằng có một quả tim sắt son trung thành với đức tin của mình, bởi vì ai có đức tin thì sẽ hết lòng yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, đồng thời họ cũng có lòng yêu thương tha nhân như chính giới răn của Chúa dạy. Đức tin làm cho tâm hồn chúng ta cứng hơn gang thép trước những cám dỗ, và mềm lòng trước những đau khổ của tha nhân.
Ai hiểu thì hiểu !
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:58 21/09/2011
N2T

29. Nếu linh hồn tôi giống như Phi-la-tô, cầu người thương xót, mất đi tình bạn của Chúa Giê-su, thì đối với tôi có lợi ích gì chứ ?

(Thánh John Berchmans)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thái Lan: Mạng lưới chống buôn người
Trầm Thiên Thu
06:53 21/09/2011
THÁI LAN (UCANews, 21-9-2011) – Hội nghị Bề trên Nữ tu Thái Lan (The Conference of Major Women Religious Superiors of Thailand), diễn ra tại Pattaya trong các ngày từ 17–19/9/2011, đã thành lập một mạng lưới Giáo hội để góp phần chống lại nạn buôn người.

Nữ tu Dòng Thánh Tâm Kanlaya Trisopa, hợp tác với mạng lưới mới này, nói: “Có nhiều tổ chức trong Giáo hội và nhất là trong nhiều dòng nữ ở Thái Lan đang hoạt động về vấn đề này, nhưng chúng ta ít khi hợp tác với nhau. Chúng ta cần một đại lộ và một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng phản ứng vấn đề này, và hợp tác với nhau bằng cách cụ thể, kể cả với chính phủ địa phương và các tổ chức quốc tế phi chính phủ”.

Khoảng 40 nữ tu là các nhà hoạt động của Giáo hội và Tổ chức Phi chính phủ (NGO) đã thảo luận về nhiều dạng buôn người ở Thái Lan cũng như cách can thiệp và kỹ năng tư vấn.

Apinya Tajit, một nhà hoạt động của Giáo hội ở Si Racha nói rằng ở Đông Thái Lan có rất nhiểu tổ chức buôn người.

Các nhân viên Thái đang lợi dụng những người Campuchia trên những thuyền đánh cá thương mại, điều kiện sống trên những thuyền này rất kinh khủng. Bệnh nhân bị giết chết, thi thể họ bị ném xuống biển, chính phủ cho biết trung bình mỗi tháng phát hiện 10 thi thể trên biển. Một số nhân viên còn đưa ma túy cho các công nhân để làm họ hăng tiết hơn để sẵn sàng làm “chuyện ấy”.

Usa Lerdsrisuntad, giám đốc “Tổ chức vì Phụ nữ” (Foundation for Women) nhớ lại việc cứu một em gái Thái 16 tuổi bị bán sang Singapore làm gái mại dâm. Em này được hứa một việc làm ở một cửa tiệm nhưng khi em tới nơi, em bị đưa vào chiếc lều ở gần một công trình xây dựng, và tại đây em phải “phục vụ” nhiều người.

Usa nói: “Chúng ta phải cứu những người bị bán, nhưng mạng lưới chúng ta thành lập cần giáo dục những nhóm người có nguy cơ cao”.

Nữ tu Dòng Thánh Tâm Saowanee Namnuan ở Chiang Mai nói: “Mạng lưới mới là bước quan trọng trong việc tackling nạn buôn người. Cuộc họp này cho tôi biết nhiều tổ chức của Giáo hội đang hoạt động trong vùng. Chúng ta cần hợp tác để chống lại vấn nạn này”.
 
Philippines: Người ta lo sợ nhóm Abu Sayyaf có thể bắt cóc các tu sĩ
Nguyễn Trọng Đa
06:59 21/09/2011
Zamboanga - Không có thủ lĩnh và kiệt quệ về tài chính, các thành viên của tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf tiếp tục khủng bố Mindanao, khu vực tự trị Hồi giáo lớn nhất của Philippines. Các nguồn tin nói với hãng AsiaNews rằng nhóm này đã lên kế hoạch bắt cóc các nam nữ tu sĩ, để gây mất ổn định khu vực.

Trong những ngày gần đây, các phần tử cực đoan cho nổ ba quả bom gần các tòa nhà tôn giáo ở Cotabato, trong đó có nhà thờ chính tòa của thành phố, mà không gây ra thương vong.

Tuy nhiên, vì sợ các cuộc tấn công sẽ nhiều hơn, nhà chức trách đã bảo vệ chặt chẽ Tòa Giám mục, nhà thờ Mân Côi và nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình.

Ngày 20-9, binh lính Philippines đã bắn hạ ba phiến quân trong cuộc hành quân giải cứu Luisa Galvez, một nữ thương gia bị bắt cóc ngày 4-9.

Các vùng có nguy cơ là Cotabato, General Santos, Sulu, Lanao và Maguindanao, nơi hàng ngàn cư dân đã buộc phải chạy trốn khỏi làng mạc của họ, như một hệ quả của cuộc giao tranh giữa phiến quân và binh sĩ quân đội.

Mặc dầu có các lời hứa của Tổng thống Aquino, cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập niên giữa các kẻ cực đoan Hồi giáo và quân đội Philippines còn lâu mới chấm dứt được.

Ở cấp độ ngoại giao, các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các kẻ cực đoan của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đang bế tắc, trong khi phiến quân tiếp tục từ chối đề nghị quyền tự trị do tổng thống đưa.

Tuy nhiên, hàng ngũ của MILF đã bị thu nhỏ, và nhiều cựu chỉ huy của tổ chức này đang làm việc với quân đội, để giải thoát các con tin nằm trong tay của Abu Sayyaf, nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trong khu vực.

Trong năm 2010, nhóm đã thực hiện 11 vụ bắt cóc, thu được 5.000.000 USD tiền chuộc. Nhóm có khoảng 400 chiến binh, và vẫn không có một nhà lãnh đạo trung ương, sau khi một số chỉ huy hàng đầu của nhóm đã bị giết hoặc bị bắt bởi quân đội trong các năm gần đây. Hai phái lớn nhất của nhóm có trụ sở tại Basilan, và trong tỉnh Sulu gần đó.

Nhóm này vẫn cầm giữ hai người Mỹ gốc Philippines, một người Ấn Độ, một người Malaysia và một người Nhật.

Một số nhà phân tích tin rằng một số tướng lĩnh quân đội đang làm việc với các phiến quân để giữ mức căng thẳng cao, và nhận được một phần trong số tiền có được do bán vũ khí, bắt cóc và buôn lậu ma túy. (AsiaNews 20-9-2011)
 
Trung Quốc: Giáo hội Hong Kong bênh vực việc giáo dục công dân và đạo đức
Phạm Kim An
07:00 21/09/2011
Một dự án của chính quyền về lòng yêu nước trong trường học

ROMA – Tại Hong Kong, đứng trước một dự án của Chính quyền đặc khu về lòng yêu nước trong trường học, Giáo Hội bênh vực việc giáo dục đạo đức và công dân, theo Eglises d’Asie (Các Giáo Hội của châu Á), cơ quan thông tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP).

Giáo Hội Công Giáo tại Hong Kong, thông qua tiếng nói của Văn phòng Giáo dục Công giáo, đã kiên quyết bác bỏ các hạn chế và thiếu sót của dự án chính quyền nhằm giới thiệu các bài học đạo đức ở trường học.

Ngày 31-8, trong những ngày cuối cùng của thời kỳ tư vấn công khai về vấn đề này, do Sở Giáo dục của Chính quyền đặc khu Hong Kong đưa ra, Giáo Hội Công Giáo, sau một tham khảo ý kiến được thực hiện bằng các phương tiện riêng của mình, nhấn mạnh rằng dự án chính quyền là nhằm tạo ra một chương trình dạy đạo đức và lòng yêu nước hẹp hòi, trong khi đó cần phải dạy thêm cho học sinh biết tầm quan trọng của cuộc sống, việc tìm kiếm chân thiện mỹ.

Văn bản của chính quyền gợi ý rằng một công dân tốt phải thể hiện tình yêu của mình cho quê hương, bằng cách hỗ trợ không do dự chính sách và các cam kết của đất nước. Đối với Giáo Hội Công Giáo, một quan niệm về quyền công dân như thế là rõ ràng quá hẹp hòi, vì căn tính của một con người hoặc một công dân vượt quá sự gắn bó đơn giản với tổ quốc của mình. (Zenit.org 20-9-2011)
 
Châu Mỹ: CELAM đoàn kết với các giám mục Mỹ
Nguyễn Trọng Đa
07:01 21/09/2011
Một đạo luật chống nhập cư "đe dọa sứ vụ của Giáo Hội"

ROMA – Trong một bài viết, cơ quan thông tin Tòa thánh Fides chào mừng “tình đoàn kết của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM)" với các giám mục Mỹ chống bộ luật nhập cư, bởi vì nó "đe dọa sứ vụ của Giáo Hội".

Ủy ban Công lý và Đoàn kết của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) bày tỏ tình đoàn kết của mình với Đức Tổng Giám Mục José Gomez, Tổng Giáo phận Los Angeles, và là Chủ tịch Ủy ban Di cư của Hội Đồng Giám Mục Mỹ, sau khi có thư của Ngài chống lại luật chống nhập cư của bang Alabama.

Thật vậy, bang Alabama, sau nhiều bang khác, đã thông qua một qui định mới, vốn được xem là một trong các luật chống nhập cư nghiêm ngặt nhất, vì nó cho phép cảnh sát bắt giữ các người tình nghi nhập cư, nếu họ không thể chứng minh rằng họ đang ở trong diện “thông thường”. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải xác minh rằng học sinh của mình là "thuộc diện thông thường", trước khi khóa học bắt đầu, và các chủ công ty phải làm điều tương tự trước khi thuê một người nhập cư.

Thư của Đức Tổng Giám mục Gomez, đề ngày 8-9-2011, là một lời kêu gọi chính quyền Mỹ (hành pháp và lập pháp) nhằm có một cải cách toàn diện về Luật Di Trú. Đức Tổng Giám Mục Gomez đã viết: "Đất nước chúng ta rất cần một giải pháp liên bang cho thách thức của việc nhập cư bất hợp pháp, một giải pháp đại diện cho một sự cân bằng giữa pháp quyền và nguyên tắc nhân đạo".

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Los Angeles khẳng định: "Giáo Hội Công Giáo cung cấp công tác mục vụ và xã hội cho tất cả mọi người, bất kể tình trạng nhập cư của họ. Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp sự chăm sóc mục vụ và trợ giúp xã hội cho tất cả con cái Thiên Chúa. Chính phủ không nên đặt bất kỳ trở ngại nào cho nghĩa vụ này, như các nhà sáng lập quốc gia này đã diễn tả rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ".

Thư của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) diễn tả như sau: “Sự lưu động của con người, sự di chuyển trong quốc gia và ra nước ngoài là các hiện tượng đại chúng, vốn là đặc trưng cho thế giới ngày nay, đó là toàn cầu hóa, nơi áp đặt các luật cung và cầu của thị trường lao động. Theo truyền thống, chúng tôi xem Mỹ là một quốc gia của dân nhập cư, và di sản lịch sử của Mỹ là sự tự do tôn giáo. Chúng tôi tin rằng cuộc sống con người và phẩm giá nội tại của con người không bao giờ được giảm thiểu, theo luận lý của thị trường, với nguy cơ xem chúng như là đồ vật hay hàng hóa".

Lá thư kết luận: "Là Kitô hữu, chúng tôi có bổn phận phải nhắc lại rằng sự tôn trọng con người và quyền của họ là điều kiện cơ bản của con người. Vì vậy, chúng tôi hiệp nhất với các Giám Mục Mỹ trong nỗ lực của các vị, nhằm ngăn cản tính hiệu lực thi hành của một đạo luật của một bang của Mỹ, vốn đe dọa sứ vụ của Giáo hội ở bang Alabama, trong những gì liên quan đến người người nhập cư bất hợp pháp”. (Zenit.org 20-9-2011)
 
Dịch vụ xe buýt nhỏ giúp cho khách hành hương thăm viếng Công Viên Vatican
Bùi Hữu Thư
07:52 21/09/2011
Xe Mini Bus tại Vatican

VATICAN (CNS) – Du khách và khách hành hương muốn trốn tránh sự xô đẩy nhộn nhịp của Rôma hiện đại và sự dồn ép hối hả của du khách trong các viện bảo tàng Vatican, bây giờ có thể đi xe buýt quanh các công viên Vatican.

Nhưng, tuy nhiên, chuyến xe buýt chạy bằng dầu Methane rất tiết kiệm và hài hòa với thiên nhiên sẽ không được cung cấp vào buổi chiều hay buổi tối khi Đức Thánh Cha Benedict XVI đi dạo trong công viên và lần hạt Mân Côi.

Các công viên Vatican đã là nơi chốn cầu nguyện của các giáo hoàng, và là nơi yên tĩnh nghỉ ngơi kể từ năm 1279 khi Đức Giáo Hoàng Nicôla III dọn về đây từ nhà thờ Thánh Gioan Lateranô, và đã yêu cầu các thợ trồng các cây ăn trái, một vườn cỏ và một công viên chính thức.

Ngày hôm nay, có 30 thợ làm vườn và công nhân chăm sóc các cây cối, bụi hoa, bụi cây, các lễ đài và giếng phun nước bao trùm một diện tích gần bằng một nửa số 109 mẫu tây của toàn bộ Vatican.

Tour bằng xe buýt mới này được cơ quan du lịch của giáo phận Roma và văn phòng điều hành Thánh Đô Vatican. Giá vé cho người lớn khoảng 20 Mỹ Kim và bao gồm một chuyến viếng thăm dài 1 tiếng đồng hồ với băng ghi âm hướng dẫn bằng tiếng Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha hay Đức.

Các xe buýt nhỏ khởi hành mỗi nửa tiếng kể từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa, ngoại trừ ngày thứ Tư khi Đức Thánh Cha có buổi triều kiến chung hàng tuần, cũng như vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ Vatican.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI hoạch định một chuyến thăm quê hương thật bận rộn
Bùi Hữu Thư
08:36 21/09/2011

17 bài diễn văn và trên 20 cuộc tiếp xúc trong 14 ngày

VATICAN, 19 tháng 9,, 2011 (Zenit.org).- Chuyến viếng thăm quê hương của Đức Thánh Cha Benedict XVI tuần này sẽ hết sức bận rộn -- đây là chuyến tông du nước Đức lần thứ ba với tư cách là giáo hoàng và là lần thứ nhất với tư cách chính khách của một quốc gia. Đức Thánh Cha 84 tuổi sẽ đọc 17 bài diễn văn và có trên hai mươi cuộc tiếp xúc trong 4 ngày.

Theo lời giám đốc văn phòng truyền thông Vatican, sự trang trọng này có thể một phần vì sự kiện Đức Thánh Cha sẽ được thoải mái như ở nhà mình -- "với ngôn ngữ mẹ đẻ của ngài và không cần ai phiên dịch" và "trong một bầu khí kính trọng và biết ơn."

Đây là một trong các lời nhận xét của linh mục Dòng Tên Federico Lombardi hôm thứ sáu tuần qua khi ngài tiếp xúc với giới báo chí để trình bầy chuyến công du của Đức Thánh Cha từ Thứ Năm đến Chúa Nhật.

Cha Lombardi đề nghị là chú trọng đến chủ đề, "Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai," để tránh nhấn mạnh quá đáng đến các chi tiết như hình logo, có vẻ như mọi người đang tiến bước về phía thập giá.

Cha Dòng Tên cho hay Đức Thánh Cha Benedict XVI được chủ tịch Quốc Hội Đức Bundestag mời, và vì thế sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên tại quốc hội.

Về chuyến bay sẽ đưa Đức Thánh Cha từ Bá Linh đến Erfurt, trên máy bay của Không Quân Đức Luftwaffe A-340, phát ngôn viên nói rằng "đây là máy bay được dùng cho các chính khách mỗi khi đi công du," và vì thế không có ý muốn thay đổi gì cả.

Các vấn đề xưa cũ

Các tham dự viên trong buổi họp báo hỏi cha Lombardi về một đề nghị vào mùa thu năm qua của 256 thần học gia, Đức, Áo và Thụy Sĩ, kêu gọi việc hủy bỏ lời hứa khiết tịnh của các linh mục, và cho phép phụ nữ được làm linh mục. Hội Đồng Giám Mục Đức bác bỏ lời tuyên bố này, đồng thời khẳng định ước muốn đối thoại về đời sống và cấu trúc của Giáo Hội.

Cha Lombardi nhắc rằng về vấn đề này đã có liên tục "nhiều đối thoại, suy tư và tranh luận trong giáo hội Đức; do đó không cần mong đợi Đức Thánh Cha sẽ đi vào chi tiết."

Phát ngôn viên Vatican nhắc nhớ giới báo chí là ý định của Đức Thánh Cha Benedict XVI về chuyến đi là "trở lại với những gì là chính yếu. Vì Giáo Hội tuỳ thuộc vào đức tin nơi Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô, đã chết và sống lại, thay vì vào việc linh mục sống độc thân. Và về mối tương quan của Thiên Chúa với xã hội, ở một mức độ mật thiết và sâu xa."

Một Thánh Lễ bằng tiếng Đức sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật, trong khi vào các ngày khác, Đức Thánh Cha sẽ dùng sách lễ LaTinh, cũng như trong tất cả các thánh lễ trong chuyến đi.

Vị phát ngôn viên báo trước cho các phóng viên là Đức Thánh Cha dự trù nói chuyện bộc xuất với các chủng sinh chứ không có bài bản.

Phát ngôn viên đề cao nhiều chi tiết của ba giai đoạn chính của chuyến đi, kể cả một Thánh Lễ tại vận động trường Olympiastadion, nơi có các biến cố lịch sử đã diễn ra: từ thời Hitler, tới Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh tại đó cho hai người Đức bị quân phiệt Nazi giết hại: linh mục Bernhard Lichtenberg và linh mục Karl Leisner. Cha Leisner được một tù nhân khác là Đức Giám Mục Clermont-Ferrand phong chức linh mục trong nhà giam của trại tử thần Dachau.
 
Vị Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Đức
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
09:48 21/09/2011
Berlin - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuộc tông du thăm lại cố hương theo lời mời của Tổng thống Đức Christian Wulf từ ngày thứ năm 22.9 đến 25.9.2011, Ngài sẽ phát biểu tại quốc hội Đức (Deutscher Bundestag) trong nửa giờ vào chiều thứ năm, 22.9. Chủ tịch quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert đã hỏi ý kiến của của các Trưởng Khối trong quốc hội và đã nhận được sự đồng thuận để ĐGH đọc diễn văn. Các kênh truyền trình TV sẽ trực tiếp đưa tin cuộc gặp gỡ này. Sau lời chào mừng Chủ tịch quốc hội là phần trình bày tham luận của ĐGH cho các Dân biểu Quốc hội.

1. Một cuộc thăm viếng lịch sử

Chủ tịch quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert cho biết rằng đây là một cuộc thăm viếng lịch sử của một Giáo Hoàng đại diện cho hơn 1 tỷ người Công Giáo đồng thời còn là một người con của nước Đức. "Cuộc gặp gỡ này thật hiếm có trong thời đại chúng ta đang sống và có thể chẳng bao giờ được lập lại mà qua lời mời của chúng ta đã được ĐGH Bênêđictô XVI nhận lời."

Ông Lammert cho biết về Đại Kết tại Đức là mối quan tâm đặc biệt của ĐGH Bênêđictô bởi thế ông Lammert đã thân hành đến Vatican ngày 30.5.2011 cùng với bà phó chủ tịch quốc hội Katrin Göring-Eckardt (Đảng Xanh, người Tin Lành) gặp gỡ ĐGH để chuẩn bị cho chuyến tông du này của Ngài đến thủ đô Berlin.

Ông Lammert muốn bà Göring-Eckardt cùng đồng hành để muốn nhấn mạnh điểm quan trọng về Đại Kết được nói trong quốc hội Đức. Bà Göring-Eckardt sẽ chào mừng ĐGH tại thành phố Erfurt vào thứ sáu, 23.9.2011 với tư cách là chủ tịch của Phong Trào Giáo Dân thuộc GH Tin Lành tại Đức.

Bà Göring-Eckardt nhìn thấy tại Erfurt cũng như những vùng lân cận không những đã chiụ ảnh hưởng lớn của mục sư Martin Luther cách đây 500 năm mà còn bị tục hóa rất mạnh mẽ dưới thời cộng sản Đông Đức. Bởi thế bà đánh giá cuộc thăm viếng của ĐGH sẽ mang lại một điều rất đặc biệt cho người dân trong vùng này. Bà cũng mong muốn các cuộc gặp gỡ với ĐGH tại đây sẽ được nói nhiều về Đại Kết.

2. Thánh Lễ Đại Trào tại sân vận động Olympia Berlin

Sau bài phát biểu tại quốc hội vào chiều thứ năm 22.9.2011 lúc 16g15, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ gặp gỡ với đại diện cộng đồng người Do Thái. Tiếp theo, buổi tối Ngài sẽ cử hành thánh lễ đại trào vào lúc 18g30 tại sân vận động Olympia Berlin với 70.000 giáo dân. Tham dự thánh lễ có sự hiện diện của các nhà cao cấp chính trị từ tổng thống đến nội các Đức và các thành viên dân biểu quốc hội, các đại diện tôn giáo và các đoàn thể. Tại sân vận động Olympia Berlin này ĐGH Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ vào ngày 23.6.1996 dịp phong Á Thánh Bernhard Lichtenberg, một người tù của Đức quốc xã vì dám chống lại bạo quyền. Ngài đã qua đời vì bệnh tật trong lúc bị cưỡng bách đến trại tập trung Dachau vào ngày 05.11.1943.

3. Các nhà nguyên thủ quốc gia phát biểu tại Quốc hội Đức

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng người Đức đầu tiên kể từ năm 1523 và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Đức. Trong lịch sử 62 năm của Quốc hội Đức, Ngài là người thứ 13 đương nhiệm nguyên thủ của một quốc gia được mời đến nói chuyện với các đại biểu tại quốc hội.

Trong lịch sử Đức, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon là người đầu tiên nhận được vinh dự đọc diễn văn tại quốc hội Đức vào ngày 26.2.1969, tiếp theo là Tổng thống Ronald Reagan vào ngày 09.6.2982, Tổng thống Pháp François Mitterrand vào ngày 20.01.1983, Tổng thống Do Thái Ezer Weizman vào ngày 16.01.1996, Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vào ngày 22.5.1996, Tổng thống CH Séc Vaclav Havel ngày 24.04.1997, Tổng thống Pháp Jacques Chirac vào ngày 27.6.2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 25.9.2001, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush vào ngày 23.5.2002, Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko ngày 09.03.2005, Tổng thống Do Thái Shimon Peres vào ngày 27.01.2010, v.v…

4. Những nhận định của các Đảng phái chính trị Đức về cuộc Tông Du của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Quốc hội Đức được đại diện bởi 620 Dân Biểu qua cuộc bầu cử Liên Bang vào năm 2009 từ 5 Đảng đại diện dân tộc Đức. Gồm có:

1. Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo - CDU/CSU: 237 Dân biểu
2. Đảng Xã Hội SPD: 146 Dân biểu
3. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP: 93 Dân biểu
4. Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức): 76 Dân biểu
5. Đảng Xanh Grün: 68 Dân biểu

Trong khối Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo có 55% Dân biểu là người Công Giáo, Đảng Dân Chủ Tự Do FDP chiếm 20% CG, Đảng Xã Hội SPD 15% CG, Đảng Xanh 13%. 76 Dân biểu của Cánh Tả Linke (gốc CS Đông Đức) chỉ có duy nhất 1 người công giáo.

4.1. Liên minh Dân Chủ và Xã Hội Thiên Chúa Giáo - CDU/CSU: Một cơ hội để xây dựng lại lòng tin

Ủy viên của Quốc Hội về Giáo Hội và các Cộng Đồng Tôn Giáo của nhóm quốc hội CDU/CSU, nữ Dân biểu Maria Flachsbarth hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ cung cấp những câu trả lời cho tình hình xã hội và chính trị. Người Đức đang lo lắng về bước tiến của Châu Âu trong thời gian hiện tại, nhìn về tính cách an toàn cá nhân trong thời cuộc khủng bố quốc tế gia tăng.

Theo quan điểm của bà Flachsbarth, Đức giáo hoàng có thể "khuyến khích và hướng dẫn tương lai" cho hiện tại. Nước Đức là một đất nước phần lớn được xây dựng trên nền tảng Kitô giáo, tuy nhiên Giáo Hội Công Giáo đang gặp khó khăn về niềm tin vào Giáo Hội nơi giáo dân Đức. Cuộc Tông du của Đức Giáo Hoàng là cơ hội để xây dựng lại lòng tin, bà Flachsbarth phát biểu.

4.2. Đảng Xã Hội SPD: Giáo Hội Công Giáo là một đối tác quan trọng

"Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ nói đến nhiều điều mà có thể thay đổi xã hội chúng ta", Ủy viên của Quốc Hội về Giáo Hội và các Cộng Đồng Tôn Giáo của nhóm quốc hội SPD, dân biểu Siegmund Ehrmann nhận định.

Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới và đặc biệt ở Đức là một đối tác quan trọng trong lĩnh vực chính sách xã hội và phát triển. Ông Ehrmann hy vọng vào các từ ngữ của ĐGH nhấn mạnh về các vấn đề khủng hoảng kinh tế và tài chính, sự bình đẳng và công lý.

4.3. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP: "Xác định vị trí rõ ràng"

Ủy viên của Quốc Hội về Giáo Hội và các Cộng Đồng Tôn Giáo của nhóm quốc hội FDP, tiến sĩ Stefan Ruppert ước mong một "xác định vị trí rõ ràng" khi nói đến các vị trí của Giáo Hội Công Giáo trong xã hội Đức và mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội.

"Đức Giáo Hoàng là một người đặc biệt, là tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới và cũng là một người Đức chúng ta", ông Ruppert nói. Vì vậy, đây là một ý nghĩa lớn lao khi ĐGH phát biểu tại quốc hội.

4.4. Đảng Xanh Grün: Đợi chờ bài diễn văn chỉ hướng đi

Phát ngôn viên về Giáo Hội và chính sách đối thoại Liên Tôn của Liên minh 90/Die Grünen, ông Josef Winkler chờ đợi một chỉ dẫn cho hướng đi trong bài phát biểu của ĐGH tại quốc hội.

"Tôi hy vọng rằng, ngày này không nói đến chính trị hằng ngày, nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ cho những điểm nhấn để các dân biểu chúng tôi có thể áp dụng trong những công việc chính trị của chúng tôi", ông Winkler nói. Ông nhận thấy có một ý nghĩa khi ĐGH đã nhận lời mời của Chủ tịch quốc hội đến thăm và phát biểu tại quốc hội Đức.

4.5. Cánh Tả Linke: Cuộc viếng thăm sẽ gây ra sự lạc quan

Phát ngôn viên về Tôn Giáo của Cánh Tả Linke, ông Raju Sharma phỏng đoán cuộc thăm viếng của ĐGH tại Đức sẽ mang lại "một cảm giác phấn khích cho người Công giáo". Theo ông Sharma, một vị lãnh đạo tôn giáo của 1,2 tỷ người, Đức Giáo Hoàng là "một người đối thoại mà người ta phải nghiêm túc với Ngài."

Ông Sharma hy vọng Đức Giáo Hoàng nói về những vấn đề đang gây tranh cãi và nhắc nhở việc giảm xuất khẩu vũ khí và mở rộng hợp tác phát triển.

5. Sự chống đối của một nhóm Dân Biểu

Trong những ngày qua, sự chống đối của một nhóm Dân Biểu trong khối Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD được bày tỏ qua truyền thông là khoảng 100 dân biểu sẽ không đến nghe Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phát biểu tại quốc hội.

Những người cực đoan thuộc nhóm này cho rằng một người đại diện tôn giáo không được nói chuyện trong quốc hội. Người khác cho biết đó là một việc làm truyền giáo cần phải ngăn cấm.

Đây là một vấn đề lớn của Cánh Tả Linke, nguồn gốc từ đảng cộng sản Đông Đức cũ. Phe này đang tự chia năm xẻ bẩy trong mọi vấn đề. Cuộc bầu cử vào chủ nhật 18.9.2011 vừa qua tại tiểu bang Berlin phe Cánh Tả đã bị đá văng ra ngoài quốc hội tiểu bang sau 10 năm liên hiệp với Đảng Xã Hội SPD. Nếu nói thủ đô Berlin là thủ phủ của Cánh Tả Linke thì cuộc bầu cử 2011 này dẫn đến sự thảm bại to lớn nhất từ khi bức tường thành Berlin sụp đổ, chỉ đạt được 11,5% số phiếu.

Phe Cánh Tả Linke, tự xưng là những kẻ vô thần đã tuyên bố toàn khối Linke gồm 76 Dân biểu sẽ tẩy chay cuộc viếng thăm của ĐGH Bênêđictô XVI tại quốc hội.

Khoảng 20 Dân biểu của Đảng Xã Hội SPD sẽ không đến quốc hội trong lúc ĐGH viếng thăm.

Tổng thư ký của Đảng Xã Hội SPD, bà Andrea Nahles nhấn mạnh: "Tôi vui mừng vì chủ tịch quốc hội mời Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn". Tiếp theo "Chẳng một ai phải cưỡng bách để trở thành người công giáo, không phải ai cũng tìm được niềm tin nơi lời của Ngài, tuy nhiên Ngài nói cho hơn 1 tỷ người công giáo nghe. Đây là thực sự một diễn đàn toàn cầu. Chúng ta phải kính trọng lời nói của Ngài", bà Nahles nhắn nhủ nhóm Dân Biểu chống đối.

Tổng thư ký của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU, ông Herman Gröhe chỉ trích thẳng thái độ của nhóm Dân Biểu chống đối: "Đó là một sự xấu hổ khi các dân biểu của Đảng Xanh Grün, Cánh Tả Linke và Đảng Xã Hội SPD không có khả năng đón tiếp và kính trọng một vị khách đặc biệt".

Dân biểu Volker Beck thuộc Đảng Xanh cho biết: "Quốc hội đã mời vị khách, tôi tỏ lòng kính trọng vị khách này và sẽ lắng nghe lời của Ngài".

Đức Hồng Y Karl Lehmann, Cựu chủ tịch HĐGM Đức nhận định: "Nếu những nhà chính trị này tẩy chay bài phát biểu của ĐGH thi họ đúng là tồi tàn và hèn nhát".

Đức Hồng Y Joachim Meisner, TGM Köln chỉ trích kế hoạch tẩy chay bởi các thành viên của quốc hội. Đây là những người "nhỏ nhoi và hẹp hòi". Những loại đại biểu quốc hội này "không có tính năng chất lượng cho các sứ mệnh cao cả đại diện của dân tộc chúng ta."

Từ giáo đô Vatican, Tòa Thánh không hiểu được các dân biểu chống đối cuộc viếng thăm của ĐGH Bênêđictô XVI tại quôc hội Đức. Đức Hồng Y Walter Brandmüller nói với báo Bild rằng: "Các dân biểu của quốc hội Đức phản đối vị khách được mời tại quốc hội phải nhận thức được sự tác động cách nhìn xấu từ nước ngoài: „Nó làm gia tăng hình ảnh "xấu xí" của người Đức, mà đáng tiếc vẫn còn tồn tại." Đức Hồng Y Walter Brandmüller cảnh báo thêm: "Tẩy chay vị khách mời là Đức Giáo Hoàng tại quốc hội sẽ mang lại sự nhục nhã cho nước Đức".

Chủ tịch quốc hội Đức, giáo sư Dr. Norbert Lammert mới cho giới truyền thông biết rằng trong phòng hội lớn của Quốc hội đang phải gia tăng thêm 200 ghế ngồi cho những cựu đại biểu ghi danh muốn đến nghe diễn văn của Đức Giáo Hoàng.

Một nhà báo ngoại quốc tại Berlin được báo Bild hỏi cách nhìn về 100 Dân biểu Đức muốn tẩy chay ĐGH tại quốc hội thì ông cho biết đó là một hành vi "không đứng đắn". "Một vị khách, người ta mời đến thì chủ nhà phải trao tặng sự lắng nghe. những sự khác có thể quên đối với khách nhưng không được chạm vào sự kính trọng và lòng hiếu khách", nhà báo ngoại quốc nhắn nhủ thêm.
 
Đánh mất niềm tin: thách đố lớn của các Giáo Hội Kitô tại Cộng Hòa Liên Bang Đức
Linh Tiến Khải
11:26 21/09/2011
Trong các ngày 22-25 tháng 9 này lần đầu tiên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chính thức viếng thăm Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thật ra Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm nước Đức hai lần, nhưng chuyến viếng thăm tại Koeln năm 2005 nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chỉ có tính cách mục vụ, và chuyến viếng thăm thứ hai năm 2006 tại vùng Bavière là chuyến viếng thăm tư. Trong chuyến công du lần này Đức Thánh Cha sẽ thăm các giáo phận Berlin, Erfurt và Freiburg.

Xã hội Liên Bang Đức, mà Đức Joseph Ratzinger sẽ tìm thấy trong chuyến viếng thăm, được ông Andreas Puettman, miêu tả như một xã hội càng ngày càng đánh mất đi đức tin kitô của mình. Thật ra đây là thảm cảnh chung của các quốc gia tây âu có nền văn minh kitô, chứ không riêng gì của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Trong nhiều thập niên qua các kitô hữu tây âu ngày càng xa rời đức tin. Không những họ không thực hành đạo, mà còn công khai chối bỏ gốc rễ kitô của mình. Nhân danh chủ nghĩa duy đời cực đoan và lấy cớ tôn trọng tự do tôn giáo của các chủng tộc khác - ở đây thường là thiểu số tín hữu Hồi giáo - một số chính quyền tây âu đã ra lệnh loại bỏ mọi dấu chỉ bề ngoài của Kitô giáo, như tháo gỡ các thánh giá khỏi các nơi công cộng.

Cũng có chính quyền còn cấm cả việc đeo ảnh đạo nữa. Điển hình là vụ một nữ chiêu đãi viên hàng không Anh quốc đã mất việc làm vì nhất định không tuân lệnh của ban giám đốc và vẫn tiếp tục đeo thánh giá ở cổ. Trào lưu chối bỏ các biểu tượng của Kitô giáo đã bắt đầu từ nhiều thập niên qua: hình Chúa Hài Đồng biến khỏi các tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh, hang đá máng cỏ bị loại bỏ, hình Chúa Kitô phục sinh khải hoàn cũng không còn thấy trên các thiệp phục sinh nữa. Thay vào đó là một số hoa hòe, cảnh trí hay các trái trứng được vẽ nhiều mầu lòe koẹt vv... Và tại Anh quốc từ nhiều năm qua ban giám đốc các hãng xưởng và các bàn giấy còn khuyến cáo nhân viên không được trang hoàng cả cây thông Giáng Sinh nữa, lấy có là nó xúc phạm đến tự do tôn giáo của tín hữu các tôn giáo khác.

Và tình hình chối bỏ Kitô giáo trở thành tệ hại tới độ hiện nay Kitô giáo bị sách nhiễu và kỳ thị công khai ngay trong các xã hội tây âu có nguồn gốc kitô. Bên cạnh chiến dịch loại trừ Kitô giáo khỏi cuộc sống xã hội, nhiều chính khách và trào lưu duy đời cực đoan còn công khai tấn kích bôi nhọ Giáo Hội, sỉ vả giới lãnh đạo và bịt miệng không muốn cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề luân lý phẩm giá và các quyền con người.

Trong cuốn sách tựa đề ”Xã hội không có Thiên Chúa. Các nguy cơ và hiệu qủa phụ của việc đánh mất đi các giá trị kitô của Đức” ông Andreas Puettman viết: ”Khuynh hướng tôn giáo tính của nước Đức trong một thời gian dài cho thấy một sự suy sụp, phải gọi là một sự sụp đổ có chiều kích thời đại, mặc dù có các cố gắng tái lượng định nó”. Cuốn sách và các nhận xét của ông hiện đang gây ra tranh luận sôi nổi tại Đức. Nhưng tồi tệ nhất lá thái độ thờ ơ với tôn giáo và các giá trị linh thiêng siêu việt.

Andreas Puettman sinh năm 1964. Trong các năm 1983-1990 ông học Khoa học chính trị, Lịch sử và Luật quốc gia tại đại học Bonn và Học viện nghiên cứu chính trị Paris. Là chính trị gia, nhà báo và nhà xuất bản sách, ông đã thắng giải Nhà báo công giáo 1991 của Hội nhà báo công giáo Đức. Ông cũng đã làm việc như nhà xã hội học nghiên cứu các tiến trình xã hội văn hóa tại Hiệp hội Konrad Adenauer. Là nhà báo ông đã viết bài cho nhiều nhật báo và năm 1998-1999 ông đã là thành viên nhóm làm việc ”Chính trị và Xã hội của Ủy Ban ”Giáo Hội năm 2000” của Hội Đồng Giám Mục Đức.

Cuốn sách nói trên của ông là một khảo luận chụp lại tình hình Kitô giáo tại Liên Bang Đức hiện nay. Ngoài các trình bầy thuận tiện hay có tính cách an ủi, ông đặt để các vị lãnh đạo tin lành và công giáo trước thực tại suy sụp này của Kitô giáo, và mời gọi những người tin cũng như không tin suy tư về các hậu qủa của sự thay đổi mô thức triệt để đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, và chúng gây ra âu lo vì không thể nào thấy trước được các hậu qủa của chúng trong tương lai.

Dĩ nhiên, các dữ kiện và các số thống kê trần trụi không phải là tất cả, nhưng chúng có sức mạnh và ý nghĩa riêng của chúng. Chẳng hạn như trước kia tại các bang cựu Đông Đức cùng với Lettonia và Cộng Hòa Tchèques, là các vùng đất có sỉ số vô thần cao nhất, thì hiện nay, theo lượng định của Liên Hiệp Âu châu, nói chung, lòng đạo hạnh của người dân Đức ở dưới mức trung bình của Âu châu, vì chỉ có 47% dân khẳng định mình tin nơi Thiên Chúa. Từ năm 1950 cho tới nay số tín hữu tin lành Đức giảm từ 43 xuống còn 25 triệu, nghĩa là gần phân nửa trong vòng hai thế hệ, và kể từ năm 1970 tới nay Giáo Hội tin lành đã mất đi 6,6 triệu tín hữu. Trong khi Giáo Hội công giáo trong thập niên 1970 có 25 triệu tín hữu và ngày nay cũng có số tín hữu tương tự, nghĩa là không tiến triển tí nào. Nhưng trong các thập niên qua Giáo Hội công giáo đã mất đi sức lớn mạnh nhờ hiện tượng di cư và dân số gia tăng. Từ năm 1989 tới nay Giáo Hội công giáo đã mất đi 2,2 triệu tín hữu, tương đương với số tín hữu toàn tổng giáo phận Koeln. Và mỗi năm tổng giáo phận Koeln mất 0,6% tín hữu.

Liên quan tới việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật, hồi năm 1950 có phân nửa tổng số 25 triệu tín hữu trung thành tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Nhưng theo một cuộc thăm dò do học viện Allensbach thực hiện hồi tháng giêng năm 2009 chỉ có 8% tín hữu công giáo Tây Đức và 17% tín hữu công giáo Đông Đức tuyên bố là tham dự thánh lễ đều đặn mỗi ngày Chúa Nhật. Tuổi trung bình của những người tham dự thánh lễ Chúa Nhật cũng không lấy gì làm khích lệ: trong cả hai Giáo Hội tin lành cũng như công giáo những người đi lễ Chúa Nhật đều trên 60 tuổi.

Vẫn theo kết qủa một cuộc thăm dò mới đây của Học viện Allensbach, chỉ có 15% người dân Đức dưới 30 tuổi, tức là giới cha mẹ trong tiềm năng của thế hệ mới, coi việc giáo dục tôn giáo là quan trọng đối với con cái họ.

Niềm tin kitô của người dân Đức lại còn giảm sút hơn nữa, nếu duyệt xét mức độ tin vào các sự thật đức tin của họ. Chỉ có 58,7% tín hữu công giáo và 47,7% tín hữu tin lành tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên trái đất. Và số tín hữu tin vào sự thụ thai đồng trinh của Đức Maria hay tin vào sự phục sinh lại còn ít hơn nữa. Chỉ có 38% dân Đức còn tin Giáng Sinh là một ngày lễ tôn giáo. Theo đúc kết của nhà xã hội học Thomas Gesincke, ”đối với nhiều người, Kitô giáo đã hoàn toàn trở thành một bối cảnh văn hóa để đan dệt một tôn giáo riêng của mình”, hay như lời Đức Hồng Y Degenhardt, Tổng Giám Mục giáo phận Paderborn, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Muc Đức, tuyên bố trước Hội Đồng Giám Mục Đức hồi năm 1988: ”Kitô giáo đã trở thành một quang cảnh chung bên trong Giáo Hội Đức, là quang cảnh của một đám đông ”người ngoại giáo được rửa tội”.

Ông Puettman đã dành ra hàng chục trang trong sách để miêu tả tình trạng nghèo nàn tinh thần này của Kitô giáo Đức. Tiếng báo động của ông tuy là một sự đơn giản hóa khắc nghiệt, nhưng liêm chính, mà chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã nhiều lần gióng lên. Trong thư đề cập tới việc giải vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục theo nhóm Lefèvre thủ cựu, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết: ”Tại nhiều vùng rộng lớn của trái đất, đức tin đang găp nguy cơ tắt ngấm đi như một ngọn lửa không tìm ra chất đốt nữa”. Và ông Puettman lợi dụng lúc cuộc thảo luận về khuynh hướng đa văn hóa đang lôi kéo sự chú ý tại Đức để làm cho mọi người hiểu rằng tâm tình bài hồi giáo tự nó có thể làm cho dư luận hướng dẫn người dân thường xích lại gần các gốc rễ kitô đã bị quên lãng hơn. Và đó là điều còn cần phải chờ xem xảy ra như thế nào.

Ngày nay, các lực lượng của sự tục hóa tấn kích hồi giáo cũng bởi vì đó là thực tại còn lại, giống như bức tường đối đầu và ngăn chặn các lực lượng tục hóa lan tràn. Thế giới tin lành thì uể oải trong cái khô cằn của mình và được nịnh hót bởi tư tưởng thống trị cho rằng tin lành được coi như đồng nghĩa với nền văn minh ”đời và tự do”. Trong khi đối với thế giới công giáo thì tùy theo từng trường hợp: nó được kính trọng, khi dám bóc nhãn hiệu, lên tiếng công khai chống lại khuynh hướng duy tương đối luân lý thống trị, nhưng khi khác nó lại bị coi như đối thủ, cần phải kiểm soát và bẻ gẫy giống như xảy ra với Hồi giáo.

Như thế, theo giáo sư Puettman tình hình Giáo Hội tin lành Đức rất là tồi tệ. Các tín hữu công giáo thì ngưng tụ không tiến triển. Vậy phải đưa ra các biện pháp chống lại tình trạng tiêu cực này như thế nào đây? Chắc chắn không phải là giương cao lá cờ của khuynh hướng duy đời, mà là sống theo tinh thần nghiêm khắc của Đức Giáo Hoàng.

Từ phía các giới truyền thông thì dấu chỉ của tình trạng này là triều đại của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Hồi năm 2005 với cái chết của Đức Gioan Phaolô II, việc bầu lên một vị Giáo Hoàng người Đức và chuyến viếng thăm của người tại Đức đã dấy lên một cơn sóng công giáo có ba mặt, tạo ra cảm tưởng của một sự hồi sinh tôn giáo. Nhưng vì chương trình của Đức Biển Đức XVI không phải là làm cho mình được qúy mến hay được vỗ tay tán thưởng, mà là loan báo sứ điệp của Chúa, nên tuần trăng mật đã không kéo dài. Ông Puettman cho rằng có vấn đề và cũng có một cơ may. Ông là người có can đảm nhìn vào sự thật và nói lên sự thật, mặc dù vì thế có thể ông không được dân chúng ưa thích hay bị họ khinh bỉ. Ông nhắc tới chìa khóa của một cuộc trở lại không giả tạo của Thiên Chúa. Và theo ông chương tổng kết đã được Hội Đồng Giáo Hội Kitô tin lành đưa ra trong hội nghị nhóm tại Stockholm hồi năm 1945: đó là ”Loan báo Lời Chúa với nhiều can đảm hơn, cầu nguyện với nhiều tin tưởng hơn, tin với nhiều tươi vui hơn, và yêu thương với nhiều đam mê hơn”. Đó là các điểm có thể giúp tái trao ban sức sống tinh thần cho Kitô giáo. Vì thế các kitô hữu phải thắng vượt sự nhút nhát của mình, thắng vượt sự ươn lười của mình, và thắng vượt tình trạng thiếu chuyên môn liên quan tới đức tin mà họ tuyên xưng. (Avvenire 14-9-2011)
 
Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi dân Đức
LM Trần Đức Anh OP
11:27 21/09/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 gửi sứ điệp Video cho dân Đức và mời gọi họ tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên, trong Kinh Thánh, và qua những người họ gặp gỡ.

Sứ điệp của ĐTC được đài truyền hình ARD ở truyền đi tối thứ bẩy 18-9 vừa qua, trong đó ngài bày tỏ vui mừng vì sắp đến viếng thăm nước Đức từ ngày 22 đến 25-9 tới đây với các chặng dừng tại thủ đô Berlin, thành phố Erfurt, với tu viện thánh Augustino nơi ngài sẽ gặp gỡ và cầu nguyện với đại diện của các Giáo Hội Tin Lành Đức, rồi tới Đền thánh Eichsfeld, ở miền đất bé nhỏ vẫn tiếp tục là Công Giáo giữa bao nhiêu xáo trộn trong lịch sử, và sau cùng là miền tây nam Đức với thành phố lớn là Freiburg.

ĐTC nhấn mạnh rằng “tất cả những điều đó không phải là một cuộc du lịch tôn giáo và càng không phải là một cuộc trình diễn, như chủ đề cuộc viếng thăm diễn tả ”Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai”, cần phải để Thiên Chúa trở lại trong chân trời của chúng ta, vị Thiên Chúa nhiều khi hoàn toàn vắng bóng, dù Ngài là Đấng chúng ta rất cần đến”.

ĐTC kêu gọi phát triển khả năng nhận thức Thiên Chúa, khả năng ấy đã có ở nơi chúng ta. Ngài nói: ”Chúng ta có thể trực giác thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong vũ trụ bao la. Chúng ta có thể sử dụng thế giới nhờ kỹ thuật, vì thế giới này được kiến tạo một cách hợp lý. Trong sự rất hợp lý của thế giới chúng ta có thể trực giác tinh thần sáng tạo từ đó thế giới nảy sinh”.

ĐTC cũng nói đến sự kiện chúng ta có thể gặp những Lời cứu độ trong Kinh Thánh, những lời sự sống vĩnh cửu không đến từ con người, nhưng từ Chúa. Sau cùng chúng ta có thể hầu như thấy Thiên Chúa qua sự gặp gỡ với những người đã được Chúa đánh động. ”Tôi nghĩ tới những nhân vật vĩ đại: từ Phaolô cho đến Phanxicô thành Assisi và tới Mẹ Têrêsa; nhưng cả bao nhiêu người thường nữa mà không ai nói đến. Tuy nhiên, khi gặp họ, chứng ta thấy từ họ phát sinh những gì tốt lành, chân thành, vui mừng, và chúng ta biết rằng ở đó có Thiên Chúa và Chúa đánh động cả chúng ta nữa. Vì thế, trong những ngày này, chúng ta muốn dấn thân để tái nhìn thấy Thiên Chúa, để biến chúng ta thành những người từ đó một luồng sáng hy vọng đi vào thế giới, đó là ánh sáng đến từ Thiên Chúa và ánh sáng ấy giúp chúng ta sống”. (SD 18-9-2011)
 
ĐTC Bênêđictô 16: „ Nơi nào có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó có tương lai“
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
14:18 21/09/2011

„ Nơi nào có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó có tương lai“

Đức Thánh Cha Benedictô 16. về thăm viếng quê hương nước Đức của ngài từ ngày 22. đến 25. tháng Chín 2011.

Như ngài đã nói trên hệ thống truyền thanh truyền hình của nước Đức ngày 17.09.2011, chuyến viếng thăm này „không phải là một cuộc du lịch tôn giáo đạo đức cũng chẳng phải là một màn trình diễn ngoạn mục.“. Nhưng chuyến viếng thăm này chú trọng đến chiều hướng, mà chủ đề kim chỉ nam của chuyến viếng thăm đã vạch ra: „ nơi nào có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó có tương lai“.

Giáo Hội Công giáo nước Đức cùng hợp tác với Chính Phủ chuẫn bị đón tiếp Đức Giáo hoàng trong không khí rộn ràng. Nhưng dẫu vậy, vì là một nước tự do dân chủ, nên có những ý kiến chỉ trích, cả phong trào xin chữ ký biểu tình phản đối sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng đến thăm, như một nhóm Dân biểu Quốc Hội tuyên bố phản đối Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn trước Quốc Hội ngày 22.09.2011.; nhóm không muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm thành phố Freiburg ký tên vào cuốn sổ vàng của thành phố, nhóm chống đối lên án Đức giáo hoàng là bảo thủ, không xúc tiến cải cách làm ngưng trệ Giáo Hội, không làm gì cho phong trào đại kết giữa Công giáo và Tin Lành, không chấp nhận cho phụ nữ làm linh mục, phân biệt kỳ thị nam giới với nữ giới, không chấp nhận đồng tình luyền ái, không cho người có gia đình làm linh mục, cuộc viếng thăm tiêu phí qúa nhiều tiền, phản đối đòi nhà nước và Giáo Hội phải phân biệt ngăn cách tách ra…

Và trên các phương tiện truyền thông từ những tuần lễ ngày qua, người ta hầu như chỉ đọc nghe những tin tức tiêu cực như thế về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, mà rất ít hay bỏ qua những tin tức tích cực của phía người mong muốn hoan hô chào mừng Đức Giáo Hoàng đến thăm.

1. Quốc gia và Giáo Hội cùng trách nhiệm lo cho con người

Tổng Thồng nước Đức, Dr. Christian Wulff, người nhân danh nước Đức mời Đức Giáo hoàng tới thăm, đã nói về bản thân Đức giáo hoàng cùng chuyến viếng thăm của ngài với niềm kính trọng cùng tràn đầy niềm hy vọng đầy tích cực.

Theo Tổng Thống Wullf , Đức giáo hoàng Benedictô 16. là một vị giáo hoàng trí thức, một nhà thần học tầm cỡ lớn lao. Tổng Thống còn cho biết năm 2007 qua buổi triều yết Đức giáo hoàng ở Roma, Ông rất phấn khởi ấn tượng về cung cách niềm nở, đầy tình người của Đức Giáo hoàng Benedictô 16. chiếu tỏa ra.

Ông ca ngợi Đức gíao Hoàng là người mở ra chân trời đối thoại về giữa đức tin và lý trí. Đức tin mà không có suy luận của lý trí có thể trở nên nguy cơ qúa khích. Lý trí suy luận mà không có đức tin cũng trở nên lạnh lùng chỉ chạy theo chủ nghĩa thực dụng.

Về yêu cầu quốc gia và Giáo Hội phải phân biệt ngăn cách tách ra, Tổng Thống Wulff cho rằng quốc gia và Giáo Hội tôn giáo cần phân biệt hai bên rõ ràng, nhưng không phải là những thế giới ngăn cách nhau. Cả hai đều mang chung trách nhiệm lo cho cùng một và những con người.

Khoảng 100 Dân biểu quốc Hội liên bang Đức phản đối việc Đức Giáo hoàng đến đọc diễn văn ở Quốc Hội. Họ nói không tới Quốc Hội để chào mừng cùng nghe Đức giáo hoàng đọc diễn văn. Vì họ cho rằng Đức giáo hoàng đến Quốc hội đọc diễn văn như thế làm cho tính cách trung lập về thế giới quan giữa quốc gia và Giáo Hội bị tổn thương. Ban thường vụ Quốc Hội Đức với sự thỏa thuận của các Dân biểu đã mời Đức giáo hòang đến thăm và đọc diễn văn từ cả tháng trời nay rồi. Bây giờ nhóm khoảng 100 Dân biểu lại lên tiếng chống đối.

Tổng Thống Wulff cho là tốt khi những vị nguyên thủ quốc gia - Đức Giáo Hòang Công giáo Roma là vị nguyên thủ quốc gia độc lập Vatican - được Quốc Hội mời đến đọc diễn văn. Cuộc thăm viếng đọc diễn văn như thế ở Quốc Hội truyền đi tín hiệu sứ điệp rõ ràng tới các vị đại diện dân cử của Quốc Hội, những người có nhiệm vụ quyết định về tương lai đời sống trong xã hội đất nước, nhất là trứơc những thách thố ngày càng rộng mở có tính cách toàn cầu hóa.

2. Giáo Hoàng Benedictô 16., một kho tàng vô gía

Ký gỉa Peter Seewald, người từng nghiên cứu theo sát cùng hiểu biết về Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. rất nhiều. Ông đã có những cuộc đàm đạo phỏng vấn Đức Giáo hoàng cùng viết xuất bản những sách về những cuộc đối thoại đàm đạo như Gott und die Welt - Thiên Chúa và trần gian, Salz der Erde- Muối cho đời, và mới đây cuốn Licht der Welt- Ánh sáng trần gian, đã rất đỗi ngạc nhiên đau lòng về những chống đối Đức Giáo hoàng cũng như chuyến viếng thăm của ngài trên các phương tiện truyền thông ngay tại quên hương của ngài.

Theo Ông, cuộc thăm viếng của Vị đại diện Chúa Giêsu Kitô là một cơ hội giúp con người khôi vực dậy tinh thần. Đức giáo hoàng Benedictô 16. không chỉ là một người có trí óc suy nghĩ trong sáng minh bạch của một nhà tư tưởng lớn, nhưng ngài còn là một Vị mục tử yêu thương con người, quan tâm đến tương lai đời sống con người, cùng muốn giúp họ.

Chúa Kitô đã đặt ngài là người giữ chìa khóa không có quyền lực gì, nhưng là một người đầy tớ của các người đầy tớ, và là Thầy dậy cho mọi dân tộc, trên trần gian qua mọi thời gian. Thiên Chúa đã hứa ban cho mỗi Đức Giáo Hoàng một đặc sủng (Charisma) riêng biệt. Đức giáo Hoàng là người gìn giữ bảo vệ những mầu nhiệm, người cắt nghĩa chính thực, người xây bắc nhịp cầu không chỉ những nhịp cầu giữa các dân tộc, nhưng cả giữa con người và Thiên Chúa, giữa trời và đất. Đức giáo hoàng Benedictô 16. không là người sống trong bóng tối, nhưng là người đem ánh sáng vào trong bóng tối. Dưới sự nhìn hiểu như thế, cuộc thăm viếng của ngài trở nên dấu chỉ của thời đại và mang đến những gợi ý suy luận quan trọng.

Có suy luận ý kiến chế nhạo phê bình cho rằng Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. là „Hồng Y cỗ xe tăng bọc sắt“. Theo Ký gỉa Seewald ý kiến cho rằng Đức Hồng Y Ratzinger là „ Hồng Y xe tăng bọc sắt“ là một nhận xét so sánh không có liên quan ăn nhập gì tới cá nhân, cũng như công việc của ngài và cũng chẳng đúng hợp với bản chất con người của ngài.

Đức Giáo hoàng Benedictô 16. không chỉ là một nhà tư tưởng của thời đại chúng ta bây giờ và một nhà thần học có tầm vóc như các vị Giáo phụ của Giáo Hội, nhưng ngài còn là vị thầy dậy có đời sống tinh thần đạo đức suy niệm với mức độ cao sâu. Ngài là một con người có bản chất tính tình nhậy cảm tế nhị, có tâm hồn thi ca, chậm rãi từ tốn cùng niềm nở thân tình, một con người có đời sống vừa có trí tuệ thông minh và vừa có lòng đạo đức.

Điều này chứng minh qua việc ngài luôn luôn nhấn mạnh đức tin có liên quan chặt chẽ với lý trí và suy luận. Suy tưởng mà không có đức tin sẽ thu ngắn con đường đạt tới chân lý.

Giáo Hoàng Benedictô 16. đến từ xã hội đất nước Tây phương, nơi khoa học phát triển lan rộng trong mọi tầng lớp, cho rằng lý trí không phản ngược chống lại Thiên Chúa, nhưng là một phần của đức tin và là một biểu lộ của Thiên Chúa. Thiên Chúa như ý niệm toàn thể của hiện hữu và ý nghĩa. Lý trí như là phương cách đi tìm chân lý. Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. cắt nghĩa Chúa Giêsu không chỉ trong đức tin, mà còn hợp lý theo khoa học nữa. Điều này là một trong những điểm mạnh ưu việt của ngài không thể dùng điều gì so sánh được.

Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. có khả năng suy tư diễn tả những điều khó khăn mù mịt cho thành trong sáng dễ hiểu. Tắt một lời, ngài có khả năng tẩy rửa và cắt nghĩa. Nhất là trong một thời đại ngày nay có nhiều chao đảo lộn xộn, lấy sự kích thích thị hiếu làm đầu, cùng nhiều tiên tri gỉa xuất hiện, thì khả năng đó của ngài là một kho tàng quí báu vô gía. Đó là một phần bí ẩn mầu nhiệm của vị giáo hoàng người Đức.

3. Dấu chỉ niềm hy vọng

Ngày thứ năm, 22.09.2011 Đức giáo hoàng Benedictô 16. sẽ khởi đầu chuyến viếng thăm mục vụ nước Đức 04 ngày, cho tới ngày chúa nhật 25.09.2011. Theo tin tức chính thức trong bốn ngày thăm viếng ngài sẽ đọc 17 bài diễn văn, có 20 cuộc trao đổi gặp gỡ với đủ mọi thành phần đạo đời, cùng dâng ba thánh lễ chính ở Berlin, ở Erfurt và ở Freiburg. Cao điểm là cuộc gặp gỡ với đại diện Giáo hội Tin Lành ở Erfurt trong tinh thần đại kết.

Các cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng trên thế giới, như vừa rồi ở Đại hội giới trẻ Madrid bên Tây ban nha, số đông đảo người, lên tới hàng triệu người ở Madrid, đến đón cùng nghe Đức giáo hoàng giảng thuyết, đã nói lên con người khao khát cần thức ăn tinh thần.

Điều này cũng sẽ xảy ra ở nước Đức có hàng trăm ngàn người sẽ đến chào đón cùng dâng Thánh lễ với Ngài ở Berlin, Erfurt và Freiburg . Chính vì thế Giáo Hội và Đức Giáo hoàng trở thành dấu chỉ lớn về niềm hy vọng cho mọi người.

Những lý do đưa ra để chống đối chỉ trích chuyến viếng thăm cũng như con người của Đức Giáo hoàng tùy thuộc vào góc độ nhìn của người phê bình chỉ trích chống đối. Và đó là quyền tự do của họ.

Như cha mẹ trong gia đình đầu tư sức lực, tiền bạc cho đời sống tương lai của con cái, mà không sợ cho là lãng phí hay không có ý nghĩa. Trái lại là điều cần thiết hữu ích cùng có ý nghĩa rất tích cực.

Cũng vậy, lý luận cho rằng tổ chức đón tiếp Đức Giáo hoàng tốn phí, còn bị cho là lãng phí nữa. Nhưng kết qủa tinh thần do lời giảng thuyết, nhất là cung cách sống nhân chứng của Đức giáo hoàng về lãnh vực tinh thần đức tin đạo giáo của ngài mang lại niềm hy vọng cho con người, cho đời sống xã hội là điều to lớn không thể đo lường được.

Thế nên việc đầu tư vào chuyến viếng thăm đón tiếp ngài không là lãng phí, nhưng cần thiết cùng hữu ích.

****************************************

Con người sống trong xã hội thời nào cũng có những khi được hoan hô ủng hộ, nhưng cũng có những khi bị chống đối làm khó dễ, bị hiểu lầm. Lý do có nhiều khác nhau. Nhưng trong đời sống giữa con người với nhau tình người lòng thiện cảm luôn là điều cần thiết để giúp hiểu nhau mà sống.

Đức giáo hoàng trong lời mở đầu cuốn sách của ngài „ Chúa Giêsu thành Nazareth“ đã viết tâm tình:

„ Chắc chắn tôi không cần phải nói ra nơi đây suy nghĩ của tôi, là cuốn sách tôi viết ra đây không phải là giáo huấn chính thức của Giáo Hội, nhưng là suy tư cảm nghĩ của riêng tôi, của một người đi tìm „ thánh nhan Thiên Chúa“ ( Tv 27,8). Vì thế sách này có thể bị phê bình chỉ trích ngược lại với tôi. Đó là tự do của mỗi người. Tôi chỉ xin qúy độc gỉa mọi giới dành cho sự thiện cảm. Vì không có sự thiện cảm sẽ không hiểu gì.“ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI. JESU VON NAZARETH I. , Herder 2007, tr. 22).

Cá nhân Đức giáo hoàng và cuộc thăm viếng của ngài cũng cần phải được nhìn dưới nhãn quan đó mới có thể hiểu đi xa hơn được, nhất là nơi người Công giáo.

Ngày chuẩn bị đón Đức giáo hoàng Benedictô 16. sang thăm nước Đức.
Düsseldorf, ngày 21.09.2011
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Chi tiết chuyến Tông Du Mục Vụ của ĐGH Bênêđictô XVI tại Đức quốc
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
17:58 21/09/2011
Chi tiết chuyến Tông Du Mục Vụ của ĐGH Bênêđictô XVI tại Đức quốc


Berlin - Chương trình chuyến thăm chính thức Cộng Hòa Liên Bang Đức cấp quốc gia của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2011 do Tổng thống Đức, ông Christian Wulff đại diện nước Đức mời Ngài đến thăm. Đây là chuyến thăm cố hương lần thứ 3 của ĐGH, tuy nhiên 2 lần trước được nhìn theo tính cách thăm viếng mục vụ vào năm 2005 dịp ĐHGT Thế Giới và thăm lại giáo phận cũ München và Regensburg của mình năm 2006.

Đây là chuyến Tông Du ngoại quốc lần thứ 21 của ĐGH đến Đức thăm TGP Berlin, GP Erfurt và TGP Freiburg.

Là người con của nước Đức ĐGH lúc nào cũng ghi lòng tạc dạ nhớ về cố hương, dịp HDGM Đức thăm Ad Limina việng mộ Thánh Phêrô vào tháng 11/2006, ĐGH lại có cơ hội biểu lộ tâm tình đó: "Những người Công giáo trong các giáo phận Đức và thực sự tất cả các Kitô hữu ở nước này luôn ở trong trái tim tôi."

Chuyến Tông Du Mục Vụ 4 ngày tại Đức với phương châm: "Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai – Wo Gott ist, da ist Zukunft" ĐGH sẽ có những cuộc gặp gỡ trong các nghi lễ phụng vụ với các vị đại diện của GH Tin Lành (EDK) tại Đức. Cùng lúc cũng có các cuộc họp với đại diện của Hội đồng Trung ương người Do Thái, Giáo Hội Chính Thống, với các thành viên của Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức cũng như với đại diện người Hồi giáo.

Ngoài ra, ĐGH sẽ hội đàm với Nữ Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Christian Wulff và các đại diện của Tòa án Hiến pháp Liên bang. Quan trọng cho nước Đức là Ngài thăm Quốc hội và đọc diễn văn tại đây.

Chương trình chi tiết:

Thứ năm, 22 tháng 9 năm 2011

- 08g15 - ĐGH khởi hành từ đến phi trường Ciampino, Roma đi Berlin.
- 10g30 - ĐGH đến phi trường Tegel, thủ đô Berlin.
- 11g15 - Tổng thống Christian Wulff chào mừng ĐGH tại điện Schloss Bellevue, dinh tổng thống. ĐGH đọc diễn van chào mừng Tổng thống Đức.
- 12g50 - ĐGH gặp gỡ với Nữ Thủ tướng Angela Merkel tại trụ sở của Hội Đồng Giám Mục Đức (nằm trong Học viện Công giáo) ở thủ đô Berlin.
- 13g30 - ĐGH ăn trưa với đoàn tùy tùng tại Học viện Công giáo.
- 16g15 - ĐGH thăm viếng Quốc hội Đức và đọc diễn văn tại đây.
- 17g15 - ĐGH gặp gỡ với cộng đồng Do Thái trong một nhà hội của Quốc hội Đức Bundestag, ĐGH đọc diễn văn.
- 18g00 - ĐGH đến sân vận động Olympia Berlin.
- 18g30 - ĐGH dâng thánh lễ đại trào cho 70.000 giáo dân. ĐGH giảng lễ.
- ĐGH nghỉ đêm tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Berlin.

Thứ sáu, 23 tháng 9 năm 2011

- 07g15 - ĐGH dâng thánh lễ trong nhà nguyện của Sứ Thần Tòa Thánh ở Berlin
- 09g00 - ĐGH gặp gỡ các đại diện của người Hồi giáo tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh. ĐGH đọc diễn văn.
- 10g00 - ĐGH di chuyển đến TP Erfurt thuộc vùng Đông Đức bằng máy bay từ phi trường Tegel.
- 10g45 - ĐGH đến phi trường Erfurt. Nữ thống đốc Christine Lieberknecht của tiểu bang Thüringen chào đón ĐGH tại phi trường Erfurt. Lần đầu tiên ĐGH đến thăm vùng đất Đông Đức từ khi bức tường Berlin sụp đổ.
- 11g15 - ĐGH viếng thăm nhà thờ Chính Tòa St. Marien Erfurt. Đức cha Joachim Wanke, giám mục GP Erfurt chào đón ĐGH.
- 11g45 - ĐGH gặp gỡ với đại diện GH Tin Lành Đức (EKD) tại nhà dòng Thánh Augustinô ở Erfurt, nơi này mục sư Martin Luther đã nhập nhà dòng vào ngày 17.7.1505.
- 12g20 - ĐGH cầu nguyện đại kết với GH Ton Lành tại nhà nguyện của nhà dòng Thánh Augustinô. ĐGH giảng giải Lời Chúa.
- 13g20 - ĐGH ăn trưa với đoàn tùy tùng tại Chủng Viện Erfurt.
- 16g45 - ĐGH đi đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Etzelsbach bằng trực thăng từ phi trường Erfurt.
- 17g30 - ĐGH đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Etzelsbach
- 17g45 - ĐGH đọc kinh chiều tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Etzelsbach. ĐGH đọc diễn văn.
- 19g00 - ĐGH trở về Erfurt bằng trực thăng.
- 19g40 - ĐGH đến phi trường Erfurt.
- ĐGH nghỉ đêm ở thành phố Erfurt.

Thứ bẩy, 24 tháng 9 năm 2011

- 07g15 - ĐGH dâng thánh lễ đại trào trước tiền đường của nhà thờ Chính tòa Erfurt cho 40.000 giáo dân. ĐGH giảng lễ.
- 11g50 - ĐGH di chuyển đến phi trường Lahr gần Freiburg bằng máy bay từ phi trường Erfurt.
- 12g50 - ĐGH đến phi trường Lahr. Thống đốc Winfried Kretschmann của tiểu bang Baden-Württemberg chào đón ĐGH tại phi trường Lahr. Từ đây ĐGH di chuyển bằng xe đến TP Freiburg.
- 14g00 - ĐGH thăm viếng nhà thờ Chính tòa Freiburger Münsters. Lần đầu tiên một ĐGH đến thăm TGP Freiburg và thành phố Freiburg. Đức TGM Robert Zollitsch đang cai quản TGP và cũng là vị Chủ tịch HĐGM Đức.
- 14g15 - ĐGH chào dân chúng của thành phố Freiburg tại công trường Münsterplatz. Lời chào của ĐGH.
- 16g50 - ĐGH gặp gỡ cựu thủ tướng Helmut Kohl trong chủng viện Freiburg
- 17g15 - ĐGH gặp gỡ đại diện của GH Chính Thống tại Đức tại chủng viện Freiburg. ĐGH đọc diễn văn.
- 17g45 - ĐGH gặp gỡ với Chủng sinh trong nhà nguyện của chủng viện Freiburg. ĐGH đọc diễn văn.
- 18g15 - ĐGH gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức (ZdK) tại chủng viện Freiburg. ĐGH đọc diễn văn.
- 19g00 - ĐGH cầu nguyện với Giới Trẻ tại Trung tâm Triển lãm Freiburg. ĐGH giảng giải Lời Chúa.
- ĐGH nghỉ đêm ở chủng viện Freiburg.

Chúa nhật, 25 tháng 9 năm 2011

- 10g00 - ĐGH dâng thánh lễ đại trào tại sân bay City-Airport-Gelände Freiburg.
cho 200.000 giáo dân. ĐGH giảng lễ, đọc kinh Truyền Tin sau thánh lễ và đọc diễn văn.
- 12g45 - ĐGH ăn cơm trưa với HĐGM Đức và đoàn tùy tùng tại chủng viện Freiburg.
- 16g20 - ĐGH gặp gỡ các đại diện của Tòa án Hiến pháp Liên bang tại chủng viện Freiburg.
- 17g00 - ĐGH găp gỡ tầng lớp giáo dân dấn thân đang phục vụ trong Giáo Hội và xã hội tại nhà hát (Konzerthaus) thành phố Freiburg. ĐGH đọc diễn văn.
- 18g45 – Nghi thức chia tay tại phi trường Lahr. ĐGH đọc diễn văn. Tổng thống Christian Wulff đọc diễn văn chia tay.
- 19g15 – Máy bay cất cánh từ phi trường Lahr. ĐGH chấm dứt chương trình Tông Du Mục Vụ tại Đức năm 2011.
- 20g45 - ĐGH đáp xuống phi trường Ciampino, Roma.

Phương châm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Đức

"Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai - Wo Gott ist, da ist Zukunft" - với phương châm này hai vấn đề trọng yếu của thời đại hướng về một điểm tập trung: Vấn đề tìm Thiên Chúa và tìm đến tương lai. Cho tất cả chúng ta là người Kitô hữu, tương lai không phải là một quyền lực vô danh, không phải là nguyên tắc làm cho chúng ta bị bất ngờ, không phải là một số phận không thể tránh khỏi. Tương lai của chúng ta chính là ở trong Thiên Chúa và ở bên Thiên Chúa. Vì thế phương châm sẽ làm chứng này cho sự hiện diện Thiên Chúa.

Đồng thời phương châm cũng sẽ làm cho chúng ta suy tư trong cuộc sống: Thiên Chúa muốn hình thành tương lai của thế giới qua bàn tay và cộng tác của con người. Có một tương lai xứng đáng nhân phẩm con người vì thế Thiên Chúa đã tỏ lộ ra ý muốn của Người. Nhất là qua các kinh nghiệm tàn ác, đau thương với các chủ nghĩa quốc gia phát xít và chủ nghĩa cộng sản đã xảy ra tại nước Đức chỉ rõ cho thế giới thấy rằng một trật tự xã hội mà không có Thiên Chúa là không có tương lai. Các chi tiết quan trọng đó để một lần nữa cho người Đức nhận thức rằng các ông bố và bà mẹ của các Luật Cơ Bản luôn nói rõ ràng về trách nhiệm "trước Thiên Chúa và con người". Mối quan hệ này càng được củng cố hơn chỉ qua 6 thập kỷ sau đó trong một thế giới ngày càng quy tụ vào nhau về ý nghĩa định hướng cho tương lai nhân loại.

Gìn giữ tỉnh thức cho câu hỏi về Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sứ vụ mục tử cũng như của Giáo Hội là một cộng đồng tín hữu. Một trong những thách thức cấp bách của thời đại chúng ta phải tìm mọi cách để thuyết phục đức tin Kitô giáo và làm chứng nhân, không phô trương, nhưng tự tin vào chính trị và xã hội, vào khoa học, công nghiệp và văn hóa để mang lại tương lai.

Vì vậy một tình liên đới và công bằng cho nhau cần phải được xây dựng bởi trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Nhiều hơn, một vấn đề muốn mang đến sự thành công rao truyền đức tin cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là một câu hỏi về sự tồn tại đức tin ở nước Đức và trong một xã hội được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm cũng như quyền tự do người Đức đang có.

"Benedikt Ostafrikafonds – Quỹ của ĐGH Bênêđictô cho Đông Châu Phi"

Hơn 10 triệu người lâm vào nạn đói tại Đông Châu Phi trong đợt hạn hán tàn phá vừa qua ở Somalia, Ethiopia và Kenya. Họ cần sự giúp đỡ khẩn cấp. Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch, chủ tịch HĐGM Đức kêu gọi GH Đức góp tay giúp đỡ nạn đói này vào dịp ĐGH Bênêđictô đến thăm nước Đức. Qũy trợ giúp nạn đói mang tên "Benedikt Ostafrikafonds – Quỹ của ĐGH Bênêđictô cho Đông Châu Phi". Nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo sự sống còn của người dân Đông Châu Phi trong vùng bị ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm thực phẩm. Như vậy Giáo Hội Công Giáo, một cách rất cụ thể sống với chủ đề của chuyến Tông Du Mục Vụ của Đức Giáo Hoàng trong bối cảnh này: "Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai".

Chủ tịch HĐGM Đức, Đức TGM Robert Zollitsch đáp trả lại lời kêu gọi của ĐGH vào ngày 17.7.2011 lúc Ngài đọc Kinh Truyền Tin kêu gọi tình liên đới giúp nạn đói tại Đông Châu Phi: "Những người này cần gấp trong tình hình đói khổ hiện tại của họ sự chú ý của các quốc gia giàu có."

"Chỉ cần vào thời điểm này, Giáo Hội vẫn giữ được trách nhiệm của mình là lo cho người nghèo trong tâm trí. Vì thế chúng tôi ý thức kêu gọi quyên góp cho người đói khổ trong vùng Đông Châu Phi này", Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch nhắc nhở GH Đức tích cực đóng góp vào "Quỹ của ĐGH Bênêđictô cho Đông Châu Phi".

Tổng kết:

Nhìn thoáng chương trình trong 4 ngày với 82 tiếng đồng hồ Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, một cụ già đã 84 tuổi phải làm việc cật lực với lịch trình khít khao được tính từng phút một. Tính chung ĐGH đọc 17 bài diễn văn trong 20 cuộc gặp gỡ. Tất cả điều ấy đã nói lên một con số kỷ lục cho một người làm việc thông thường cần có một thể lực khỏe mạnh, huống chi phải tính cho một cụ già cao niên.

Ai cũng nhận ra rằng đây là cuộc viếng thăm cố hương lần cuối trong đời người của người con Đức mang tên Joseph Ratzinger. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phải tận dụng từng giây phút dành cho tổ quốc của Ngài và nhất là cho Giáo Hội Đức, là nơi đã cưu mang Ngài từ trong nôi.

Với phương châm: "Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai – Wo Gott ist, da ist Zukunft" ĐGH muốn giúp cho Giáo Dân Đức tìm lại niềm tin vào Thiên Chúa vì đấy chính là tương lai của những người mang danh Kitô hữu.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hy vọng của người Công giáo H’mong
Trầm Thiên Thu
06:48 21/09/2011
HƯNG HÓA (UCANews, 20-9-2011) – Người Công giáo dân tộc H’mong ở GP Hưng Hóa nói rằng họ hy vọng chủng sinh người H’mong đầu tiên sẽ làm linh mục và phục vụ họ trong tương lai.

Đó là chủng sinh Giuse Ma A Ca, 28 tuổi, thuộc Gx Sa Pa, vừa nhập Đại chủng viện Thánh Giuse tuần qua cùng với 6 chủng sinh khác.

Anh Gioan Lò Minh Thông, cựu Hội đồng Mục vụ, nói: “Người Công giáo H’mong chúng tôi rất vui và hãnh diện có người con vào chủng viện. Thiên Chúa yêu thương chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ cầu nguyện hàng ngày cho chủng sinh này vượ qua mọi thử thách và trở thành một linh mục tích cực trong tương lai”.

Anh Thông nói rằng thầy Ca là người H’mong đầu tiên theo ơn gọi linh mục của một giáo phận rộng nhất nước, được thành lập từ năm 1895.

Anh nói thêm rằng dân địa phương hy vọng chủng sinh này sẽ trở về giáo phận để chăm sóc mục vụ và dịch các sách kinh sang tiếng H’mong.

LM quản xứ Phêrô Phạm Thanh Bình nói rằng thầy Ca là niềm hy vọng của giáo xứ với khoảng 10.000 người Công giáo H’mong, nhiều người ít học hoặc không có học.
 
Chuyến du lịch và làm công tác xã hội tại Campuchia
Maria Vũ Loan
07:06 21/09/2011
Một tin vui vừa đến với tôi. Đó là nhà thờ Rạch Dơi ở Campuchia mà tôi đã đến thăm vào cuối năm 2010, sắp hoàn tất công trình xây dựng. Nhân đây, tôi xin được kể lại chuyến đi sang Campuchia để du lịch và làm công tác từ thiện khá thú vị này.

Xem hình ảnh

Một ngày đẹp trời tháng 11 năm 2010, tôi gọi điện cho một linh mục hạt trưởng để trao đổi một vài công việc, bỗng cha hỏi tôi: “Chị có muốn có đi Campuchia, rồi nhân tiện làm việc bác ái không?”. Quí vị biết rồi đấy, con người “di động” của tôi làm sao mà từ chối một chuyến đi như thế, nên tôi trả lời ngay: “Oh yah, con đi ạ!”

Đoàn tham quan có chín linh mục thuộc giáo phận Sài Gòn, một cha ở GP Phú Cường, một sơ người Việt ở Hàn Quốc về, hai giáo dân và tôi. Tôi rất yên tâm khi được đi chung với “các đấng các bậc” như thế. Tất cả thành viên của đoàn cùng chung tiền làm từ thiện dưới sự điều động của cha quản hạt. Thật tình mà nói, nếu muốn tìm hiểu đi du lịch Campuchia là như thế nào thì chỉ cần gõ vào “công cụ tìm kiếm Google” là biết ngay, thế nên tôi chỉ xin kể lại những lần dừng chân ở các nhà thờ và công việc bác ái mà cả đoàn đã thực hiện trong bốn ngày trên đất nước Campuchia.

Ngày đầu tiên là đi xe từ sáng đến chiều tối; hai ngày sau đi tham quan cảnh đẹp, đền đài; ngày sau cùng thì mới làm công việc từ thiện. Trong bốn ngày chúng tôi được ghé thăm năm nhà thờ.

Đầu tiên là nhà thờ bằng gỗ trên Biển Hồ Tonle Sap. Đứng trong lòng nhà thờ, cả đoàn thực hiện phút cầu nguyện, đọc kinh. Nhà thờ này là nơi sinh hoạt tôn giáo của những giáo dân sống trên Biển Hồ. Mỗi tháng có linh mục đến dâng lễ một lần. Còn đời sống người giáo dân ở Tonlesap này lại là cả câu chuyện dài.

Nhìn những căn nhà trên Tonlesap, ai cũng có thể thoáng buồn vì cảnh sống trên sông nước, huống chi là những người đồng đạo. Một tháng chỉ được dự lễ một lần và chỉ tụ họp đọc kinh ngày Chúa nhật, không biết lòng sốt sắng của giáo dân ở đây có đủ ấm không so với cái lạnh trên biển hồ này?

Tiếp đến là nhà thờ Chợ Nhỏ của Trung tâm Công giáo. Vì trời tối nên tôi không quan sát được toàn cảnh. Thật may, một linh mục người Pháp ra tiếp đoàn nên chúng tôi được nghe giải thích về nơi này. Được lên lầu, nơi có cung thánh bày trí đặc biệt với hàng chữ của tiếng Khmer, bên dưới có những cái chiếu dành cho giáo dân được xếp gọn gàng và lạ mắt. Ở tầng trệt thì đúng kiến trúc một nhà thờ. Nếu muốn biết về tình hình giáo dân ở đây thì khá dài dòng, phải tìm hiểu sinh hoạt tôn giáo nói chung ở Campuchia này. Thí dụ như có những bài báo trên mạng nói rất chi tiết như bài “Giáo Hội Công Giáo tại Căm Bốt” của Radio Veritas Asia …

Đến ngày sau cùng trên đất Chúa tháp, chúng tôi mới thực sự làm công việc từ thiện ở bốn nhà thờ đã được chọn với lời hẹn trước.

Sáng sớm, chúng tôi lên ghe đi khoảng 1 km trên sông để vào nhà thờ Hố Trư. Đây là nhà thờ mà cha Trương Bửu Diệp từng làm phó xứ khoảng hai ba năm gì đó, trước khi về vùng Cà Mau của Việt Nam phục vụ và tử đạo. Mấy ông biện và một số thiếu nhi đón đoàn trên rẻo đất ven sông trông thấy mà thương. Sau đó tất cả cùng vào chào Chúa, rồi văn nghệ do các em trong giáo xứ trình diễn, rồi tặng quà…mọi việc diễn ra nhịp nhàng vì đã có quí thầy của một tu đoàn sắp xếp, tiếp đón. Ngồi ở một hai ghế đá ngoài sân tôi trao đổi với một vài giáo dân thì được biết họ ở đây khá lâu, từ đời cha ông. Còn giáo dân cao tuổi thì ngại nói về lý do vì sao sống ở nơi buồn tẻ trên đất khách quê người này.

Sau đó, chúng tôi đến nhà thờ Vạn Lịch. Đây là nhà thờ mới khánh thành vào năm 2010 nên rất khang trang. Các em không phải chen chúc mà được ngồi trên nền gạch bóng loáng. Nhà thờ đáp ứng được sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn sáu bày trăm người. Ở đây mỗi tháng chỉ có một thánh lễ do các cha có quốc tịch khác nhau như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Việt Nam, Ý…đến dâng lễ theo sự sắp xếp của giáo hạt. Giáo dân vùng này làm nghề bắt cá, mua bán ve chai, bán cà phê, làm mướn…Vì họ không có đất nên chẳng có làm ruộng rẫy gì và đôi khi vì nghèo đói quá nhiều người ngoại đạo vướng tệ nạn xã hội như bán bia ôm, trộm cắp. Nhà thờ to đẹp là nhờ quí thầy vận động ân nhân khắp nơi mà thôi.

Thương nhất là nhà thờ Rạch Dơi. Nhà thờ bằng gỗ bé xíu, có đài Đức Mẹ bằng đá trông ngồ ngộ. Đầu nhà thờ sát với mé sông mà bên bờ đang có nguy cơ sạt lở. Gần đó là một trường học, ngoài cơ sở chính còn có dãy nhà lá vách tôn bên trong làm ba lớp học. Ở đây người dân nghèo “rõ ràng”, còn các em mặc đẹp là do quí thầy xin được đồng phục. Nhìn các đại diện gia đình đến nhận qua thì hiểu rằng ở đây đã có nếp sinh hoạt tốt.

Nhà thờ gần được xây xong. Nếu được mời sang dự lễ khánh thành, hẳn là tôi cũng sẽ hăng say đi y như lần đầu vậy! Kể ra quí thầy giỏi thật, mới xây nhà thờ Vạn Lịch, năm nay đã xây xong nhà thờ Rạch Dơi!

Sau cùng là nhà thờ Hố Gai. Gọi như thế là vì trước đây có nhiều gai dại. Nhà thờ lọt thỏm giữa khu dân cư nên không có tầm nhìn xa. Đường vào nhà thờ này có nhiều dân cư ở hai bên con đường nhỏ. Nhìn nhà của họ có thể đánh giá nếp sống ở đây nghèo, không được sạch lắm. (Nhưng theo cái nhìn riêng của tôi thì vẫn còn khá hơn nhưng người dân sống ở dọc hai bên đường, tính từ cửa khẩu Mộc Bài đến Xiêm Riệp, sao họ nghèo khổ quá! Chỉ có trường học và chùa là tươm tất, sạch đẹp). Chúng tôi vào thăm, ngồi ăn bắp, uống nước, còn quà thì nhờ quí thầy phát.

Chuyến đi này, ngoài những quà trao tay người nghèo, đoàn còn trao đến quí thầy một số đô-la tiền mặt khá lớn, khả dĩ có thể làm được việc này việc nọ

Nhìn chung thì bốn nhà thờ này đều được các thầy trong một tu đoàn chăm sóc nên nếp sinh hoạt có phần giống nhau, dù ở mức độ nào thì cũng bộc lộ được nỗ lực truyền giáo của tu đoàn nói riêng, của Giáo hội nói chung, trên đất nước Campuchia còn nhiều khốn khó này. Sự có mặt của quí thầy thật là cần thiết cho tám trăm em thiếu nhi ở đây và số giáo dân của bốn nhà thờ.

Nhớ lại chuyến đi du lịch kết hợp làm công tác từ thiện này, lòng tôi vẫn còn thấy vui vui. Từ ngày ấy đến nay, qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy nhiều người nghèo khổ ở Philippines, Lào, Ấn Độ…mà lòng tôi cứ đau đáu buồn. Ước gì có nhiều cánh tay nối dài đến những nơi cùng khổ mà trợ giúp những người khốn cùng để thế giới này đẹp hơn.
 
ĐHY GB Phạm Minh Mẫn: Giáo Hội quy định linh mục không tham gia cơ chế quyền lực trần thế
Lời chủ chăn tháng 10
07:17 21/09/2011
Toà Tổng Giám Mục
Thành phố HCM


Lời Chủ Chăn tháng 10:
VƯỢT KHÓ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI HÔM NAY


Kính gửi : Anh em linh mục,
anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

1. Nhận diện những khó khăn. Lời Chủ Chăn những tháng trước khai mở con đường đổi mới hiện trạng nếp sống đạo, nếp sống văn hoá xã hội. Lời Chủ Chăn tháng 10.2011 mong gợi ý cho mọi người suy nghĩ, nhận diện những khó khăn trên đường đổi mới, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn với những ngõ cụt, để mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội. Mục đích là nhằm đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống gia đình và xã hội, kinh tế và chính trị hôm nay. Đó là cách tham gia vào sứ vụ Tân Phúc Âm hoá hôm nay, và đồng hành với Chúa Giêsu phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của gia đình nhân loại.

2. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Trong lịch sử thế giới hôm qua cũng như hôm nay, công cuộc đổi mới đời sống nhân loại trên bất kỳ châu lục nào, cũng đều đối diện với nhiều khó khăn. Những khó khăn với những nguyên nhân khách quan và chủ quan bắt nguồn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự diễn ra nơi chiều sâu của cuộc sống con người. Nguyên nhân khách quan, điển hình như công cuộc cải tạo xã hội mang tính cưỡng bách đã gây ra những chấn động tâm lý, đã tạo ra những xáo trộn và bất ổn cho đời sống nhân loại. Nguyên nhân chủ quan, cụ thể như, đối diện với những chấn động tâm lý tạo ra bất ổn và lo sợ, nhiều người mang tâm trạng bất mãn, thối chí và khép lại trong bản năng tự vệ để sinh tồn, khiến tâm trí con người bị đình bộ, lập trường và thái độ bị đóng băng trong tư thế dễ gây hấn và chống đối.

3. Khó khăn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự. Những diễn biến lịch sử hôm qua gây xáo trộn và bất ổn ở một vài nơi, hôm nay được lập lại ở nhiều nơi trên thế giới. Trên đất nước Việt Nam, sau biến cố lịch sử 1975, công cuộc cải tạo xã hội làm cho riêng Giáo Hội công giáo miền Nam Việt Nam mất đi hơn 2000 cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Về Tổng giáo phận Saigon, ngoài việc mất đi lối 400 cơ sở, gia đình giáo phận mất đi cả cái tên nguồn gốc xã hội của mình cùng nhiều thành viên và sự ổn định. Với những mất mát to lớn về của và người, nhiều người cảm thấy bị loại trừ, bị xoá sổ, bị bách hại, quyền lợi và tự do của họ bị biến thành những của bố thí theo cảm hứng của người đang nắm quyền lực trong tay.

Khó khăn từ tình trạng phân rẽ theo những hướng sống khác nhau. Bị tổn thương nặng nề và mang tâm trạng bất an kéo dài, một số buộc phải rời khỏi quê hương đi tìm một cuộc sống mới nơi xa lạ, theo làn sóng di dân trên khắp thế giới. Một số thì khép lại trong thái độ tự vệ để tồn tại. Một số khác nỗ lực bung ra đồng hành cùng dân tộc để đấu tranh cho sự sống còn. Tình hình đó làm cho đời sống cộng đồng phân rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Những hướng sống khác nhau, những quan điểm khác nhau, nói chung là những dị biệt trong đời sống cộng đồng giáo hội hay cộng đồng dân tộc, vừa có thể là một mối lợi khi được sử dụng để bổ túc và phong phú hoá cho nhau qua đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vừa có nguy cơ trở thành một thảm kịch khi được sử dụng để chống đối và loại trừ nhau, tạo nên những cuộc xung đột không ngừng.

Khó khăn từ nguy cơ bị biến thành công cụ chính trị. Trong thực tế, trên phương tiện truyền thông, xuất hiện nhiều nhãn hiệu khác nhau, như bảo thủ hay cấp tiến, khuynh hữu hay khuynh tả, chống cộng hay quốc doanh, được phía này phe kia sử dụng để quy kết cho nhau. Dù mang nhãn hiệu nào, những nhóm theo những khuynh hướng sống khác nhau, đều trở nên mối quan tâm hàng đầu của những nhà chính trị ở hiện trường, cũng như của cánh làm chính trị trên mạng truyền thông, hay trong quán cà phê. Quan tâm để thừa cơ hội sử dụng tổ chức này hay loại người kia như một công cụ chính trị, để chống đối và kết án nhau, để đấu tranh cho lập trường và quyền lợi của mình.

Khó khăn khi sự u uất bị biến thành khí thế đấu tranh. Tình trạng đối kháng căng thẳng lo sợ kéo dài, tạo nên những u uất trong lòng nhiều người. Và bước kế tiếp, là mỗi khi xuất hiện một sự kiện trong sinh hoạt xã hội, hay một tin tức trên mạng truyền thông, và khi cánh này cảm thấy quyền lợi mình bị tổn thất, cánh kia quy kết là nguy hại cho quyền lực của mình, thì sự u uất bùng lên thành ngọn lửa đấu tranh. Kinh nghiệm cho thấy, dù mang tính ôn hoà hay bạo lực, một khi ngọn lửa đấu tranh bốc lên thành xung đột, trước mắt ít có tính chữa lành, lại còn làm cho vết thương cũ ngày càng hằn sâu vào đời sống cộng đồng.

4. Cởi bỏ nếp sống cũ, xây đắp nếp sống mới. Thánh Phaolô là người trước kia đã từng xông xáo đi lùng sục, bách hại và loại trừ người kitô hữu, nhưng sau biến cố té ngựa, đã trở thành sứ giả Tin Mừng cho các dân tộc. Theo kinh nghiệm của Ngài, làm mới hiện trạng đời sống bị kiềm toả trong vòng căng thẳng và loại trừ nhau, trước tiên có nghĩa là cởi bỏ nếp sống cũ, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những xung đột dây chuyền. Và xây nếp sống mới, có nghĩa là nỗ lực sống yêu thương đồng cảm với đồng loại, hợp tác với mọi người kiến tạo một trật tự nhân bản hơn cho mọi chế độ xã hội hôm nay, xây mới ngôi nhà thế giới hôm nay trên nền đá vững chắc, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, công lý và hoà bình. Nói cách khác, cởi bỏ nếp sống cũ đồng nghĩa với cởi bỏ lối sống văn hoá sự chết, và xây đắp nếp sống mới có nghĩa là nỗ lực cùng nhau vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại hôm nay.

Nhân vật lịch sử Phaolô còn truyền lại cho hậu thế kinh nghiệm quý giá này: loài người chỉ có thể làm mới hiện trạng nếp sống nhân loại nhờ sự hợp lực với nhau, đồng thời nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí mọi người, dẫn dắt họ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Và ý thức mục đích đổi mới là nhằm thực hiện ý định của Thiên Chúa yêu thương cứu độ, đưa gia đình nhân loại ra khỏi vòng kiềm toả của tính đối kháng và lòng tham sân si, để mọi người được tự do cùng nhau tiến bước đi đến tận nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào, trong yêu thương và an bình.

5. Theo vết chân sứ giả Tin Mừng trong thế giới đầy mâu thuẫn và xung đột. Nhiệm vụ chăm sóc và dẫn dắt đoàn chiên của Chúa đi đến nguồn sống dồi dào, đòi hỏi linh mục hôm nay có khả năng tạo điều kiện cho cộng đoàn dân Chúa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những bất hoà và xung đột, để tự do tiến bước trong ánh sáng bình an và niềm vui cứu độ của Chúa, tự do cùng nhau mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng như xã hội, mở đường cho công cuộc Phúc Âm hoá, loan Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Từ đó, nhiệm vụ tự đào tạo đòi hỏi linh mục quan tâm rèn luyện khả năng luôn đồng hành với Chúa trong mọi hoàn cảnh đổi thay. Đồng hành với Chúa có nghĩa là ý thức ở trong thế gian để yêu thương và phục vụ như Chúa đã yêu thương và phục vụ cho sự sống của chiên trong đàn và chiên ngoài đàn. Đồng thời ý thức mình ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Không thuộc về thế gian có nghĩa là không buông theo lòng tham sân si, không thống trị theo kiểu thế gian, không chạy theo sự khôn ngoan thế gian với những chủ nghĩa duy tục hoá, duy vật chất, duy hưởng thụ, duy thực dụng... Nói cách khác, linh mục cần ý thức, trong mọi hoàn cảnh, trung thành bước đi trong đường lối khôn ngoan của Chúa. Vì lẽ trời cao hơn đất bao nhiêu thì ý định của Đấng Chí Thánh Chí Tôn cao hơn ý định của người phàm bấy nhiêu, trời rộng hơn đất bao nhiêu thì sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá rộng hơn sự khôn ngoan của loài thọ sinh bấy nhiêu. Vả lại, người xưa có câu "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà", nhắc nhở cho linh mục phải có khả năng có những quyết định vừa thuận ý trời, vừa hợp với hoàn cảnh xã hội, vừa hoà với lòng dân.

Nhằm tạo thuận lợi cho linh mục hoàn thành nhiệm vụ mục tử, Giáo Hội quy định linh mục không tham gia cơ chế quyền lực trần thế. Và trách nhiệm cùng chỗ đứng của giáo sĩ trong cộng đồng chính trị là đồng hành với Chúa Giêsu và cộng tác với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, chứ không phải phục vụ cho một thế lực trần thế hay một phe phái chính trị.

6. Đồng hành với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Ngài. Vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội hôm nay, đòi hỏi người mục tử, trong mọi sinh hoạt mục vụ, cũng như trong tổ chức và điều hành cộng đoàn dân Chúa, trước hết và trên hết vừa đồng hành với Chúa Kitô, vừa gắn liền với Giáo Hội của Ngài. Vì lẽ Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với Giáo Hội của Ngài trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài. Nói cách khác, đồng hành với Chúa Giêsu còn có nghĩa là một lòng một ý với người đứng đầu Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương, đồng thời hiệp thông huynh đệ tương thân tương trợ với các đồng sự và cộng sự, hiệp thông đồng cảm với đối tượng mà Chúa giao phó cho mình phục vụ.

Trên con đường xây đắp và mở rộng tình huynh đệ hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội, người dẫn đường cần luôn có trong tâm trí và trong tầm nhìn đường lối Đấng Cứu Độ yêu thương và phục vụ với 4 bước như sau :

(1) hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội nhưng không để bị nhiễm thói đời, biết đồng cảm với phận người trong nhân loại, nhưng không gây phân hoá trong cộng đồng nhân loại ;

(2) dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, với tư cách là người của Chúa, người của Giáo Hội, người của xã hội, đồng thời không làm người của một thế lực trần thế ;

(3) yêu thương đến hiến thân và hiến cả mạng sống, nhằm giúp mọi người cởi bỏ nếp sống cũ, để được tự do đi đến nguồn sống mới trong yêu thương và bình an, không dừng lại ở cuộc sống duy vật chất chỉ lo cơm áo gạo tiền.

(4) cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, để được tự do tiến bước trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Chúa cứu độ, đi đến nguồn sống mới của Chúa Phục Sinh, là sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và tình yêu, trong sự hiệp nhất và an bình.

7. Bí quyết làm người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội. Gắn bó với Chúa, hiệp thông huynh đệ với mọi thành phần trong Giáo Hội cùng xã hội, để trở nên người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội, tất cả những điều đó chỉ có thể thành hiện thực bằng cách năng gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Ngài :

- Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta,
- Lời hiện diện trong bí tích Thánh Thể,
- Lời được ghi lại trong Sách Thánh,
- Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội,
- Lời được ngỏ qua dấu chỉ của thời đại,
- Lời như hạt giống được gieo vào truyền thống đạo lý và văn hoá dân tộc.

Năng gặp gỡ Chúa, và lắng nghe Lời ban ánh sáng chân lý, Lời ban sức sống mới, Lời yêu thương, Lời khôn ngoan của Ngài, người mục tử ngày càng xác tín Chúa là Đầu của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài, ngày càng mến tin Chúa và Giáo Hội của Ngài. Càng gắn bó với Chúa, thì càng hiệp thông mật thiết với cộng đồng giáo hội cùng cộng đồng xã hội, vì lẽ cộng đồng dân Chúa cùng cộng đồng nhân loại, đều là đối tượng Chúa yêu thương cứu độ và phục vụ cho sự phát triển toàn diện và vững bền.

+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám Mục
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Phụ Tá
 
Sinh Hoạt St Margaret Mary’S Brunswick: Trung Thu 2011
Thanh Quảng sdb
17:00 21/09/2011
Như hàng năm lễ hội “Trung Thu” đã trở thành ngày hội cho giới trẻ không phân biệt Việt Úc, Ý hay bất luận một sắc dân nào. Ngày lể hội “Trung Thu” đã trở thành ngày “Giới trẻ” của giáo xứ và đươc tổ chức vào Chúa nhật cuối học kỳ III của trường Việt Ngữ hàng năm dù trăng rằm tháng 8 có rơi vào trước hay sau ngày đó.

Năm nay lễ hội này rơi vào Chúa nhật 18/9, tức sau ngày rằm tháng 8 mấy ngày. Lễ hội được khởi đầu với Thánh lễ cầu nguyện cho giới trẻ lúc 5 giờ do linh mục chính xứ Anthony Nguyễn Hữu Quảng cử hành và các em ca đoàn Thiếu nhi hát những bài đơn sơ nhưng thật cảm động với bài “Chúa yêu tuổi thơ” và bài “O My God, I love You” (Lạy Chúa, con yêu Chúa).

Thánh lễ xong mọi người ra sân trường có đội Lân của Phật tử Melbourne sắp sẵn với trống chiêng và 2 con Lân nhào lộn với Ông Địa tươi vui... Sau khoảng 30 phút, Lân đã dẫn đầu tiến vào Hội trường và tiếp tục biểu diễn thêm khoảng 15 phút trước khi cha xứ cám ơn dội Lân và khai mở chương trình Văn nghệ Trung Thu do các em thiếu nhi trình diễn.

Năm nay các tiết mục khác biệt thay đổi và ngăn gọn làm cho gần 400 quan khách trầm trồ khen ngợi, xong mà vẫn còn thèm coi tiếp. Các em tuổi thơ với bài ca “Trăng Tung Thu Ô Tròn”, tới kịch Chú Cuội, và các bài vũ “Trang Trung Thu”, “Sàigòn đẹp lắm” thật duyên dáng của các em ngành nghĩa và rồi hoạt cảnh nhạc raff của mấy ‘thằng con trai mới lớn’ thật vui nhộn. Chuơng trình văn nghệ được điều hành do hai xướng ngôn viên một Việt (cô Nguyệt Trần) và một Úc (cô Maeve) trong ái dài Việt Nam tha thướt thật xinh duyên...

Chương trình văn nghệ kết thúc thì mỗi người được phát cho một gói đồ ăn có “meat pie” (bánh thịt) và chai nước... Sau khi mọi người đã được ấm bụng thì ghế hội trường được thu gọn và lồng đèn được phát ra cho các em... Cha mẹ và người lớn cùng các em bận rộn sửa soạn đèn nến để cuộc “rước đèn Trung Thu” được bắt đầu...

Mọi người nối đuôi nhau theo cha xứ dẫn đầu đoàn rước đi vòng quanh sân trường rồi lại trở vào trong hội trường để tất cả xếp hàng một đi ra, mỗi người trẻ già lớn bé đều được một gói kẹo do xơ Marguerite Nguyện, hiệu trưởng trường Thiên Ân sửa soạn sẵn cho mỗi người... Mọi người ra về lòng hân hoan và trầm trồ khen ngợi “chương trình Trung Thu năm nay hay qúa!” mọi người dù Úc Việt Ý đều vui vẻ và hẹn chờ đón Trung Thu năm 2012.

Sinh hoạt Giới trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của giáo xứ St Margaret Mary’s, một giáo xứ do dòng Salesian Don Bosco đảm trách. Các cha thày xơ Salesian Việt Nam kể từ năm 2007 do cha Việt Nam là linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng làm chính xứ đã mang lại nhiều sinh động cho toàn giáo xứ bất luận là người Úc, người Ý hay Việt Nam. Đặc biệt sinh hoạt của giới trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu của giáo xứ.
 
Tin Đáng Chú Ý
Coi chừng email giả, các Cha cần có anti-virus trên máy vi tính
Trần Mạnh Trác
11:58 21/09/2011
Thử hỏi là một người Công Giáo, nếu bạn nhận được một điện thư cấp cứu của một linh mục quen biết, xin "giật lửa" một số tiền nhỏ thôi, để ngài mua vé trở về sau khi bị cướp giật hết tiền bạc tại một nơi xa, bạn có mau chóng gửi ngay cho ngài không?

Vậy mà một linh mục phục vụ tại New Mexico đang kêu gọi những ai đã nhận được thư của ngài, hãy mau chóng xóa bỏ ngay đi.

Vấn đề là ngài không biết có bao nhiêu người đã nhận được thư ấy, và ngài cũng không còn biết làm sao để liên lạc với hàng trăm người quen biết vì...danh sách điện thư của ngài đã bị xóa hết.

Cha Andy Pavlak là cha sở cho gần một chục nhà thờ của vùng quê rải rác trong quận Socorro, NM, vì thế mà ngài quen biệt rất nhiều người. Sáng thứ Ba ngày 20-9 vừa qua, cả ngàn người thân quen cũng như tòan thể gia đình họ hàng của ngài đã nhận được một thông cáo cho biết Cha Andy đang bị mắc kẹt ở nước ngoài và không còn một xu dính túi.

"Đó là một sự xúc phạm. Đó là một hành vi xúc phạm trầm trọng", Cha Andy Pavlak nói.

Ngài cho biết điện thoại của ngài đã reo liên lỉ từ sáng sớm thứ Ba. Gia đình và bạn bè của ngài gọi đến hỏi thăm xem ngài có OK không.

"Tôi nhận được lời hỏi han từ khắp mọi nơi trong nước, và từ nhiều nơi khác trên thế giới, cho biết rằng họ đã nhận được một thông báo như thế. Vậy thông báo đó có phải là từ chính tôi không? Sự thực thì, không, tôi không đưa ra một tin nhắn như vậy. Tôi không hề bị kẹt ở bên Scotland, tôi vẫn đang ở New Mexico."

Cha Andy là nạn nhân của một âm mưu lừa đảo để lấy tiền từ những người quen, và đã có người bị mắc bẫy.

Cha Andy cho biết "Sơ Lydia ở Pennsylvania, là bà giáo dậy lớp 2 của tôi, đã vội vàng gửi tiền qua Western Union, và rất có thể Sơ không có cách nào đòi lại được."

Sự việc bắt đầu từ sáng thứ ba lúc 3:47g sáng (theo giờ New Mexico,) một email đã được gửi cho toàn bộ danh sách email của Cha Andy, thậm chí có cả chữ ký cá nhân của ngài.

"Hàng trăm người dân trong vùng là giáo dân của ngài đã nhận đựợc email ấy."

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó.

"Vâng, sau đó tôi phát hiện ra rằng không phải chỉ có email bị phá (hack) mà thôi, mà toàn bộ sổ địa chỉ của tôi cũng bị xóa hết."

Đó là gần 900 địa chỉ để liên lạc, tất cả đã đi đong. Kẻ phá đám (hacker) thậm chí còn lập ra một email giả để thay thế cho email của Cha Andy.

"Thực sự, là một nỗi đau."

Đài TV KOB ở New Mexico đã gọi số điện thoại ghi trên email. Nhưng số ĐT đó đã bị cúp, 24 giờ sau khi bọn gian thiết lập nó.

Cha Andy cho rằng tuy xui xẻo nhưng sự việc đã có thể còn tồi tệ hơn.

"Thực là đáng nản lòng, nhưng nhìn theo con mắt quan phòng lớn lao của Chúa, thì nó cũng không đến nỗi lắm".

Cha Andy cho rằng sự việc chỉ gây thêm nhiều rắc rối hơn cho ngài mà thôi. Nhưng ngài sẽ cố gắng tha thứ và tiếp tục công việc thường nhật càng nhanh càng tốt.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Giá Trị Đồng Tiền
Trà Lũ
20:55 21/09/2011
Lá thư Canada: GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN

Năm nay mùa hè Canada thật đẹp. Nhiều ngày trời nắng chang chang như đổ lửa, nhiều ngày trời mát mơn man như mùa xuân, nhiều ngày trời mưa tầm tã rất đỗi nhiệt đới quê nhà, nhiều ngày trời gió ào ào như những cơn giông đang đến. Gặp nhau ai cũng hỏi chuyện đi chơi xa, đi leo núi, đi tắm hồ.

Trời Canada đang đẹp như vậy bỗng đùng một cái trời tối sầm lại. Một ngôi sao lớn vừa băng. Sao nào thế này? Thưa đó là ngôi sao Jack Layton, đảng trưởng đảng đối lập NDP vừa nằm xuống. Ông về cõi Vĩnh Hằng vì bệnh ung thư, mới 61 tuổi, vừa tròn một vòng con giáp. Ai cũng thương tiếc ông vì ông là một chính khách nổi tiêng thông thái,có đại tâm, nhiệt tình và chân thành. Ông chính là một người Canada điển hình nhất : Ông sinh ra và lớn lên ở Quebec vùng nói tiếng Pháp, rồi sang làm việc ở Ontario miền nói tiếng Anh. Ông có hai dòng máu văn hoá Pháp và Anh trong người. Tổ phụ ông ngày xưa là một trong những vị cha già dân tộc đã ký vào bản tuyên ngôn thành lập nước Canada. Ông nội làm bộ trưởng liên bang, ông bố làm dân biểu liên bang. Còn ông, sau khi đỗ cử nhân về chính trị ở Montreal và đỗ Tiến sĩ về kinh tế ở Toronto, ông theo chân tổ tiên bước vào chính trường. Ông làm nghị viên thành phố Toronto 20 năm, và gia nhập đảng Tân Dân Chủ NDP. Năm 2003 ông được bầu làm đảng trưởng. Ban đầu đảng của ông chỉ lèo tèo 13 ghế quốc hội. Nhờ tài của ông, đảng NDP lên như diều gặp gió. Trong kỳ bầu cử quốc hội tháng Năm vừa qua, đảng ông chiếm 103 ghế, trở thành đảng đối lập chính thức. Từ 13 ghế lên tới 103 ghế, kinh không. Tài ba của ông đã làm cho đảng Tự Do xưa nay huy hoàng là thế bỗng nhiên trở thành lu mờ, và đảng Bloc Quebecois xưa nay hung hăng là thế, bỗng dưng tan biến. Người ta bảo làm chính trị là làm những điều ma giáo, đối với ông thì không. Ông và đảng của ông tỏ ra lương thiện, hết lòng vì nước vì dân. Biết mình sắp lìa trần, ông đã viết một chúc thư gủi mọi người. Lời ông thật tha thiết : Đồng bào ơi, hãy can đảm thêm lên, chúng ta không bao giờ trễ để xây một xã hội tốt đẹp hơn. Yêu thương tốt hơn thù giận , hy vọng tốt hơn sợ hãi, lạc quan tồt hơn thất vọng. Chúng ta hãy cùng nhau thay đổi thế giới này. Các cụ thử ngẫm nghĩ mà coi, mây lời trối trăn này nghe như lời một đại thánh. Tôi đọc xong thì thấy lời ông Layton sao mà giống lời kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô đến thế : Lạy Chúa, xin cho con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Chính phủ liên bang đã làm một việc rất đặc biệt là làm lễ quốc táng cho ông. Linh cữu của ông được phủ quốc kỳ và quàn tại trụ sở quốc hội ở thủ đô Ottawa hai ngày. Hơn 13 ngàn người đến kính viếng. Rồi thành phố Toronto, địa bàn hoạt động chính của ông, đã rước linh cữu ông về toà đô chính. Chưa bao giờ tôi thấy dân chúng yêu ông đến thế. Ngoài các vòng hoa và các băng chữ, dân chùng còn viết những lới ca ngợi và thương tiếc ông khắp nơi, đầy các mặt tường , đầy các mặt sân tiền sảnh. Chưa hết. Tháp CNE ở Toronto và Thác Niagara Falls, hai thắng cảnh nổi tiếng quốc tế của Canada, đã được thắp sáng bằng màu vàng da cam, màu tượng trưng Đảng NDP của ông. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, trong suốt một tuần lễ đã nói về ông, đã in ảnh ông, đã chiếu hình ông. Jack Layton đã lên tuyệt đỉnh vinh quang khi nằm xuống. Jack Layton đã đi vào lòng mọi người và được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử Canada.

Cụ Chánh tiên chỉ làng An Hạ của chúng tôi đã kêu gọi dân làng đi phúng viếng ông Layton. Cụ dẫn đầu, tay cầm một bó hương. Sau khi lâm râm khấn vái, cụ đã bái sâu trước linh cữu, rồi trao bó hương này cho tang gia.

Anh John nói nhỏ vào tai tôi : Thiên hạ thì vòng hoa, còn làng ta thì bó hương. Hình ảnh này của làng ta thật là đẹp vô cùng. Tôi chịu qúa.

Sau khi đi viếng xác ông Layton về, làng tôi mới họp. Đây là buổi họp làng cuối hè. Bữa nay cụ Chánh làm món sườn nướng ở ngoài vườn. Món này làm rất đơn sơ mà ngon lạ lùng. Khi miếng sườn đã chín và đang xèo xèo trên than hồng thì Cụ chánh cho quết một lớp gia vị cuối cùng, lớp gia vị này đã làm cho miếng thịt thơm ngon dậy mùi hẳn lên. Các cụ có biết lớp gia vị này gồm những gì không cơ? Có người hỏi nhưng cụ Chánh chỉ tủm tỉm cười. Chị Ba Biên Hòa phụ giúp cụ quạt than hồng nên chị xin phép cụ rồi bật mí : Đó là nước ép trái thơm trái dứa trộn chung với mấy muỗng mật ông. À, ra thế, hèn chi miếng thịt tỏa ra một hương thơm đặc biệt.

Mời các bác xơi. Phe liền ông chúng tôi nhậu sườn nướng với la de củ kiệu và bánh mì, phe liền bà thì nhậu sườn nướng với cơm trắng nàng Hương và dưa cải chua. Sao mà nó ngon qúa sức làm vậy ! Xin tạ ơn đất nước Canada vĩ đại này. Chúng tôi đang ở trên thiên đàng.

Cả làng đang vui cười , chuyện nổ như pháo rang thì bỗng một đàn chim sẻ ào tới. Chúng ríu rít đậu trên cành cây mắt hau háu nhìn chúng tôi nhậu. Cụ B.95 chỉ bầy chim rồi nói : Món sườn nướng mật ong của Cụ chánh đã cuốn hút chúng đây. Mà có lẽ vậy thật. Ông ODP đang nói oang oang, bỗng ông nhìn đàn sẻ rồi nói nhỏ lại. Hình như ông sợ phe các bà nghe thấy. Ông bảo dân nhậu : máu chim sẻ hòa chung với rượu đế, liền ông liền bà uống vào thì thấy người mình lâng lâng sảng khoái, công hiệu hơn xuân dược Viagra vạn lần. Chị Ba Biên Hòa thấy chúng tôi cười hô hố thì biết các nhà quân tử chúng tôi đang nói chuyện mặn. Chị bắt anh John khai ra câu chuyện đang nói. Cái anh John này giỏi thật, láu cá y như bọn tôi mọi đàng. Anh bảo ngày xưa ở VN, dịp lễ Vu Lan này, gia đình nhà vợ vẫn thường ra chợ mua chim sẻ trong lồng đem chim lên chùa lể Phật rồi làm lễ phóng sinh. Chị Ba vẫn chưa tin, chị hỏi tiếp : Chuyện phóng sinh là chuyện đạo đức, tại sao các ông lại nói nhỏ và lại cười hô hố ? Anh H.O. liền nhảy vào cứu anh John. Anh bảo rằng chuyện chim sẻ phóng sinh dài lắm, để tối nay anh John sẽ kể tường tận chị nghe. Bây giờ xin mời ông ODP nói chuyện thời sự VN.

Ông ODP liền vui vẻ nhận lời tiếp cứu ngay. Ông bảo mọi khi xem internet ông thường gặp nhiều chuyện vui, nhưng gần đây chuyện anh Tàu Cộng hăm he Việt Nam đã làm lu mờ các chuyện khác. Chuyện gần nhất là chuyện Tầu Cộng đã xui các sình viên Tàu đang du học bên Úc Đại Lợi đến biểu tình trước tòa đại sứ của VC ở thủ đô Canberra. Cũng biểu ngữ, cũng cờ quạt, cũng truyền đơn. Đại ý chúng cho việc Tầu Cộng vẽ đường lưỡi bò ở Biển Đông là đúng, ngư dân VN tiếp tục đánh cá ở vùng Biển Đông là sai, VN đòi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là láo, vì đây là lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông ODP còn cho biết mấy người giỏi tiếng Tàu đọc cho ông nghe những bài lập trường trên báo Tàu. Nghe xong thấy tức không thể tả được. Đa số báo Tàu đều lên tiếng chửi VN là vô ơn bât nghĩa và vô lý, Tàu cần phải dạy cho VN một bài học nữa, Tàu phải trị VN tội hỗn láo, để răn đe mấy nước láng diềng khác. Điều cuối cùng mà báo Tàu muốn là phải làm sao sát nhập VN vào đất Tàu, bắt VN quy phục như Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ.

Nghe đến đây thì Cụ Chánh xin góp ý : Càng ngày lão càng thấy nhà cách mạng Lý Đông A của ta năm xưa nói đúng. Ông quả là một nhà tiên tri, một vị thánh sống. Ngay từ năm 1940, trong tập Chu Tri Lục, cuốn chỉ nam đường hướng cách mạng, Lý Đông A đã cảnh giác ta về cái nạn giặc Tàu phương bắc. Ông bảo chúng ta hãy đề phòng cái kế hoạch Hán-hóa của Tàu, dù là Tàu Cộng hay Tàu Quốc Gia. Nhật hay Pháp chỉ là đối thủ giai đoạn, còn Tàu mới chính là kẻ thù truyền kiếp của dân ta.

Ông ODP xin nóí tiếp. Rằng chúng ta phải học kinh nghiệm của Indonesia về cách chống CS. Hồi năm 1965, đảng CS ở Indonesia mạnh nhất trong 18 đảng, có Trung Cộng hậu thuẫn, đã lăm le cướp chính quyền. May thay nhóm quân nhân sáng suốt nhìn ra nguy cơ giặc đỏ, họ đã cùng với nhóm Hồi Giáo thuần thành chống vô thần hô hào quần chúng đứng lên. Và quân dân Indonesia đã nổi dậy giết hết đảng viên CS, con số lên tới 1 triệu người. Cho tới ngày nay, nhóm người Hoa ở Indonesia vẫn còn sợ người quốc gia Indonesia sát hại trả thù, bảng hiệu của họ vẫn không dám viết chữ Tàu.

Hai cô Cao Xuân và Tôn Nữ bây giờ mới lên tiếng : Đó là những chuyện người Việt với người Tàu. Xin anh John cho nghe những chuyện người Mỹ với người Canada. Anh John liền kể ngay. Rằng một đoàn khoa học gia hai nước Hoa Kỳ và Canada hiện đang làm việc chung về dự án đi tìm nguồn gốc sự sống. Theo lịch sử thì ban đầu trái đất là một đại dương mênh mông. Sự sống nguyên thủy xuất hiện dưới nước. Rồi biến hoá phát triển. Rồi sự sống bò lên bờ. Rồi biến đổi. Rồi con người xuất hiện. Đoàn khoa học gia đã làm việc theo dự án này được 7 năm. Họ đang nghiên cứu sự sống ẩn dấu sau các phiến đá cổ xưa chìm sâu dưới đáy biển. Họ hy vọng sẽ hiểu được những hình thái sinh vật nguyên thủy đơn giản nhất trong thời kỳ tạo thiên lập địa. Các khoa học gia dùng một loại tàu ngầm đặc biệt. Họ được sự giúp sức của hai cơ quan Không Gian Hoa Kỳ NASA và cơ quan Không Gian Canada CSA. Hiện nay trọng tâm nghiên cứu của họ là đáy hồ Kelly Lake ở thị trấn Clinton, miền Bristish Columbia phía tây Canada. Hy vọng một ngày gần đây họ sẽ tìm ra nguồn gốc sự sống.

Một tin khác liên quan đến môi trường : Vì thời tiết mùa hè nóng hơn thuờng lệ, giới chức công viên và thủy lâm đang báo động sự xuất hiện của các con gấu. Chúng từ rừng và các vùng hoang vu đang đi đến các đô thị để kiếm thức ăn. Nhiều cư dân vùng North Vancouver miền tây và vùng Labrador miền đông đã bị gấu tấn công. Tại Canada gấu xuất hiện là một việc bất thường, còn hươu nai xuất hiện là chuyện bình thường. Các cụ lái xe du lịch Canada nên coi chừng các xa lộ vắng vẻ. Đụng hươu nai thì không phải hươu nai té ngã mà cái xe của qúy vị đổ kềnh, và người trong xe bị thương.

Cụ B.95 xin anh John ngưng các chuyện thời sự khô khan, xin kể những chuyện tươi mát. Anh John này thật giỏi, anh chuyển đề tài ngay. Anh xin nói về chuyện xung đột văn hoá. Anh bảo anh đọc chuyện ký sự của Thày Sáu Nguyễn Mạnh San đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Mỹ, tháng 9 vừa qua, mà cứ cười mãi. Thày Sáu hình như làm việc tại Tòa Án nên thày biết nhiều chuyện vừa vui vừa cảm động. Chẳng hạn chuyện ‘xẻo chim’. Rằng ông Nguyễn Văn A ở Hoa Kỳ đang tỉa bụi cây hàng rào với sự phụ giúp của cậu con 14 tuổi thì có thằng bè da trắng hàng xóm ra chơi. Chắc nó nghịch phá khiến việc tỉa hàng rào của ông gặp khó khăn nên ông quát nó : Mày ra chỗ khác chơi nếu không tao cắt chim mày bây giờ. Nói rồi ông dơ cái kéo bự lên cho nó xem. Thằng con 14 tuổi của ông dịch lời ông A ra tiếng Anh cho thằng bé hiểu. Nó nghe xong, sợ qúa, chạy ngay vào nhà mách mẹ. Mẹ nó nghĩ rằng ông hàng xóm có ý định cắt chim của con bà nên đã gọi 911. Xe cảnh sát đến liền, họ bắt ông A và tịch thu vũ khí tang vật là cái kéo bự. Sáu tháng sau tòa mới xử. Tòa có bồi thẩm đoàn. Luật sư của công tố viện lên tiếng tố cáo hành động đe dọa giết người với tang vật rõ ràng. Tuy luật sư bên bị lên tiếng bênh vực ông A hết lời nhưng bồi thẩm đoàn vẫn lắc đầu không chịu. Ông A đã bị kết án 5 năm tù. Trước khi vào tù trở lại, ông A nói với Thày Sáu San là ở VN, chẳng phải mình ông, mà cả làng ai cũng dọa con nít như thế, mà có sao đâu, vì đây chỉ là lời dọa theo thói quen.

Kể xong chuyện này rồi anh John kết luận : đây là sự khác nhau về văn hoá. Rõ ràng là người Mỹ không thể hiểu được cái câu la ‘cắt chim’ của VN mình. Đó chỉ là lời nóí suông, không bao giờ câu đó trở thành sự thực. Khi xưa ở VN, tôi đã từng nghe nhiều câu la ghê lắm, như ‘ Tao đánh chết mẹ mày bây giờ, tao đá chết bà mày bây giờ…’ , mà người la cũng như người bị la không hề cho là sự thực sẽ xảy ra, và không ai đem việc này ra tòa kiện nhau bao giờ.

Ông ODP nghe nói tới sự khác biệt văn hóa thì nhớ ngay đến cái lỗ tai của người Mỹ khi nghe tiếng Việt. Chẳng hạn những tên Phước, Phúc, Dũng, Hằng, bốn cái tên VN nghe đẹp như vậy mà cái tai của người Mỹ người Canada nghe thì họ cho là tục tĩu, khiến cho đa số những người Việt có tên này phải đổi cách viết để khi họ phát âm họ không thấy tục nữa. Rồi ông kể sang chuyện ngày xưa còn bé học Pháp văn. Chuyện này ông trích dẫn tác giả là Cụ Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch quốc hội rồi thủ tướng VN giờ thứ 25. Cụ Cẩn kể rằng hồi năm 1944, cụ học Pháp văn với bà Guezenec. Trong một giờ dạy văn phạm, bà dạy cách chia các động từ có tận cùng bằng vần -OUDRE. Rồi bà cho làm bài tập. Bà kêu một nam sinh chia động từ ‘ remoudre’. Trò này đã đứng lên chia, giọng đọc rất nghiêm trang, như sau :

‘Je remoud , tu remouds, il remoud, nous remoulons, vous remoulez, ils remoulent’.

Thế nhưng bọn con trai nghe đến đâu thì cười đến đó. Hóa ra cái tai con trai VN có máu tục. Chúng nghe ra như ‘ rờ mu, rờ mu lông, rờ mu lẻ, rờ mu lờn…

Nam sinh bò ra cười, bà giáo không hiểu tại sao chúng cười, nhưng bà vẫn làm thinh. Bà lại kêu một nữ sinh chia động từ recoudre. Cô này chia động từ như sau :

‘Je recoud , tu recouds, elle recoud, nous recousons, vous recousez, ils recousent’.

Bọn con trai bò ra cười, lần này to tiếng hơn nữa, trước cặp mắt vô cùng ngạc nhiên của bà giáo. Bà đâu có hiểu được rằng cái tai VN nghe động từ tiếng Tây như nghe những lời tục tĩu, nào rờ cu, rờ cu xong, nào rờ cu sệ, rờ cu sờ…

Tôi đọc mẩu chuyện này trên máy điện toán do người bạn chuyển cho, không biết thực hư bao nhiêu, nhưng ý chuyện thì buồn cười qúa. Rõ ràng cái tai của ta khác với cái tai của Tây.

Tôi cũng vừa đọc một chuyện tiếng Tây nữa, chuyện này do BS Trần Mộng Lâm, một y sĩ nhà văn nổi tiếng ở Montréal viết trên đặc san của Đại Hội Quốc Tế Nha Y Dược VN kỳ tháng Tám vừa qua ở Toronto. BS Lâm kể thì phải là chuyện có thật, không thể là chuyện bịa đưọc. Chuyện kể rằng có người tò mò hỏi một bà xồn xồn kia rằng bà làm nghề gì. Bà xồn xồn liền cởi áo rồi chỉ vào bộ nhũ hoa no tròn và hấp dẫn của mình : Tôi làm nghề này. Người đặt câu hỏi tá hỏa tam tinh. Lúc đầu tưởng bà xồn xồn làm nghề thẩm mỹ, chuyên nâng ngực hay bơm ngực phụ nữ, nhưng không phải. Mãi rồi mới biết bà xồn xồn nói tiếng Tây, bà chỉ hai gò bồng đảo tức là bà có ý nói ‘ mes deux seins’ mà mes deux seins cũng là âm của danh từ Médecin, nghĩa là bác sĩ. À, ra thế. Hóa ra người phụ nữ nào cũng dấu kín một một bác sĩ trước ngực. Ha ha, hay tuyệt. Phục BS Trần Mộng Lâm qúa.

Ông ODP góp thêm ý. Rằng chúng ta đang nói chuyện về các nền văn hóa khác nhau, tôi thấy chỉ có Canada là nơi dung hòa được các nền văn hóa dị biệt. Canada vẫn luôn tự hào rằng mình là một tấm thảm đa văn hóa tuyệt vời, một mosaic văn hóa sáng chói. Ban từ nước khác tới đây sống, bạn cứ việc sống văn hoá của bạn miễn sao đừng xúc phạm tới nền văn hóa khác, miễn sao ban kính trọng cộng đồng các sắc dân khác. Chủ trương này hoàn toàn khác chủ trương về văn hoá của Hoa Kỳ. Hoa kỳ là một lò nấu chảy, a melting pot. Tất cả được nấu tan ra hết để làm thành một nền văn hóa chung là văn hóa Hoa Kỳ. Nói đến đây rồi ông chỉ vào Anh John và Chị Ba Biên Hoà : Anh John đã lấy chị Ba thì phải theo phong tục VN. Theo phong tục VN khi người con gái lấy chồng thì phải mang tên chồng. Ví dụ Anh Nguyên Văn Hùng mà lấy vợ, mọi người sẽ gọi là Anh Chị Hùng, anh Hùng, chi Hùng, như ta vẫn gọi Ông Bà Ngô Đình Nhu là ông Nhu, bà Nhu. Vì thế, Chị Ba lấy anh John thì theo lối VN tên gọi của chị sẽ là Chị John. Có đúng không? Đúng qúa đi chứ. vậy từ nay làng ta sẽ gọi Chị Ba Biên Hòa là Chị John nha.

Cả làng vỗ tay tán thành cái ý đó. Riêng Chị Ba thì lắc đầu và đáp lại theo giọng miền Nam : Em hổng chịu !

Cụ B.95 lại lên tiếng : Hôm nay sao các bác cao hứng toàn nói những gì cao qúa mức hiểu biết của lão. Xin nói chuyện gì thấp một chút để lão được hiểu với. Anh John đáp ngay. Cháu xin góp một chuyện thời sự mang tính chất tình yêu cho dễ hiểu nha. Đó là chuyện một cụ nữ công tước 85 tuổi cuới người tình 61 tuổi ở Tây Ban Nha. Tên cụ là cụ Maria Silva, tài sản cá nhân có vào khoảng 5 tỷ mỹ kim, cụ là chủ nhân không biết bao nhiêu đền đài và vàng bạc trân qúy. Cụ thuộc dòng hoàng tộc có niên đại 539 năm. Cụ đã từ bỏ hết chức vị và tài sản để cưới người tình Alfonso Diez. Cả hoàng tộc đều phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng cụ cương quyết lấy người tình. Họ cách nhau 24 tuổi. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói thật đúng : Yêu nhau, ai tính tuổi bao giờ!

Nghe xong, cả làng tỏ vẻ thán phục cụ già gân. Cụ gân kinh qúa. Cụ 85 tuổi mà còn yêu mãnh liệt. Anh John được dịp phô cái thông thái của mình. Anh bảo tình yêu là một thứ bùa mê. Người Miền Nam diễn tả tình yêu trai gái mãnh liệt rất đúng và rất hay, xin mời cả làng nghe những câu ca dao này :

Tôi xa mình hổng chết cũng đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền


Vắng cơm ba bữa còn no
Vắng em một bữa giở giò không lên


Tôi xa mình, ông trời nắng tôi nói mưa
Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều


Trời xanh bông trắng nhụy quỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình để tôi thương


Các cụ đã thấy cái anh John này gỉỏi tiếng Viêt chưa. Chỉ vì yêu chị John nên anh John mới ra công ra sức học tiếng Việt, phải không cơ?

Thấy anh John giỏi qúa, Cụ Chánh liền hỏi : Cụ già Tây Ban Nha 85 đã lấy được người tình 61. Bây giờ giả dụ thôi nha, ví dụ cụ không lấy được người yêu, thì cụ sẽ nói như thế nào ? Anh John này giỏi cả làm thơ nữa mới kinh chứ, anh bảo cụ già sẽ nói :

Nếu mà không lấy được anh
Em về liệng hết cho tan thành khói mây !


Ông ODP nghe anh John ứng khẩu thành thơ thì tỏ ra kinh ngạc vô cùng. Ông không ngờ anh John giỏi tiếng Việt và có cái tâm VN lớn đến như vậy. Ông bảo sang đây trẻ con VN được văn hoá Hoa Kỳ biến thành trái chuối hết. Dân làng ai cũng ngơ ngác vì không hiểu ông ODP nói chuyện gì. Ông ODP liền giải nghĩa : Trái chuối thì vỏ nó vàng và ruột nó trắng. Trẻ con VN sang đây, da chúng vàng nhưng lòng chúng nó trắng, chúng nó rất Mỹ, Mỷ từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Phải không bà con ? Mọi người à lên một tiếng lớn, không ngở ông ODP ví von hay như vậy. Thấy mọi người thích chuyện trái chuối, ông nói luôn sang chuyên bánh bao. Ông chỉ vào anh John rồi nói : Còn anh John, bên ngoài da trắng, vẫn là Canada, nhưng bên trong, lòng anh bị Chị Ba, ý quên, chị John đã Việt hoá anh hết, lòng anh bây giờ là lòng dân da vàng. Anh đúng là một đồng bánh bao, một quả trứng gà, ngoài trắng trong vàng nha.

Ai cũng vỗ tay hoan hô những tư tưởng mới lạ của ông ODP. Thấy mọi người còn đang muốn nghe chuyện của mình, ông xin kể thêm một chuyện nữa, cũng liên hệ tới tình yêu. Rằng khi yêu nhau mê đắm thì anh anh em em ngọt lịm, nhưng khi ghét nhau thì không còn anh anh em em nữa mà nó biến đổi ra mày ra tao. Tôi có một ông bạn vừa ly dị vợ. Ngày xưa họ lấy nhau vì tình, mối tình nổi tiếng cả vùng. Thế mà sang đây họ bỏ nhau. Ông bạn nói về bà vợ vừa bỏ :

“…Ngày xưa nó là học trò của tôi nên nó kêu tôi bằng thày xưng con rất mực cung kính. Rồi chúng tôi yêu nhau, nó kêu anh anh em em ngọt lịm. Lấy nhau rồi ít lâu nó kêu anh với tôi. Rồi cãi nhau, nó kêu ông với tôi. Rồi đĩa bay bát bay nó kêu mày với tao. Cuối cùng nó cậy khoẻ nó đánh tôi, nó kêu tôi là mày và nó xưng nó là bà: Bà đánh cho mày biết tay bà. Đấy, nó láo thế. Tôi phải ly dị nó là vậy…”

Cụ Chánh cũng xin góp một chuyện về tình yêu. Cụ bảo yêu nhau mà không lấy được nhau, mối tình đó mới mãnh liệt. Tôi xin nói về mối tình hụt của nhà văn Kim Dung bên Tàu. Ông yêu ngôi sao điện ảnh Hạ Mộng, nhưng ông không lấy được nàng vì ông đến trễ. Ông đã nói một câu nổi tiếng khi bàn về sắc đẹp Hạ Mộng : Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai thấy, chắc chỉ cỡ Hạ Mộng là cùng. Năm 1959 Kim Dung vì thất tình đã bỏ nghề làm báo nghề và viết kịch bản, ông quay ra viết chuyện kiếm hiệp. Ông đã đưa người yêu Hạ Mộng vào các tác phẩm. Hạ Mộng chính là Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp, là Hoàng Dung trong Anh Hùng Xạ Điêu, là Vương Ngữ Yên trong Thiên Long Bát Bộ. Tim của ông chỉ có Hạ Mộng mà thôi. Lần lượt ông có tới 3 người vợ, nhưng không ai mang lại hạnh phúc thật cho ông. Ông là một văn tài hiếm có, và là một nhà văn hóa lớn. Tuy được bao nhiêu đại học nổi tiếng trên thế giới trao tặng bằng tiến sĩ danh dự, ông vẫn chưa hài lòng. Ông muốn chứng tỏ ông là người có thực học : năm 2005 ông đã cắp sách đi học và đã đậu bằng tiến sĩ thực sự về lịch sử tại Đại Học Cambridge bên Anh, ở tuổi 81. Sách kỷ lục Guinness thế giới có ghi việc này. Đáng kính phục thay.

Riêng người đẹp Hạ Mộng, sinh năm 1932, người Tô Châu. Cô là ngôi sao sáng chói ở Hong Kong. Sau khi đã lên tới tuyệt đỉnh danh vọng với 42 cuốn phim, người đẹp Hạ Mộng đã theo chồng sang định cư tại Canada. Cô là người có đạo đức nghiêm chỉnh, bao nhiêu người theo đuổi mà cô đều lắc đầu, kể cả Kim Dung. Nóí đến đây rồi cụ Chánh cười hà hà : Tại sao Hạ Mộng chọn Canada để định cư vĩnh viễn ? Chắc vì Canada là đất thiên thai, đất thiên đàng. Lão đã để tâm tìm kiếm mà chưa biết gia đình Hạ Mộng hiện ở miền nào trên đất Canada này.

Lai xin trở về Cụ Tiến sĩ Kim Dung. Kim Dung danh tiếng và giầu có. Về mặt giầu có, lão có đọc một câu nổi tiếng mà quên mất nguồn gốc, câu ấy như sau : ‘Trong làng văn chương Hoa Ngữ, viết văn mà trở thành tỷ phú, có lẽ chỉ mình Kim Dung’. Kim Dung giầu có đên thế mà suốt đời long đong về tình duyên, suốt đời đi tìm hạnh phúc mà không tìm ra hạnh phú thật. Chuyện Kim Dung giàu có làm lão nhớ tới lá thư người bạn già vừa gửi cho lão. Thư vỏn vẹn có mấy hàng bàn về tiền bạc, lão nghĩ đây là kim chỉ nam cho mọi người về cuộc đời. Lão xin đọc để cả làng cùng nghe và cùng suy ngẫm.

Tiền có thể mua được căn nhà nhưng không mua được một tổ ấm
Tiền có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian
Tiền có thể mua được giường quý nhưng không mua được giấc ngủ
Tiền có thể mua được sách nhưng không mua được kiến thức
Tiền có thể mua được bác sĩ nhưng không mua được sức khoẻ
Tiền có thể mua được chức quyền nhưng không mua được sự kính trọng
Tiền có thể mua được máu nhưng không mua được sự sống
Tiền có thể mua được tình dục nhưng không mua được tình yêu.

Đọc xong, các cụ độc giả nghĩ sao cơ?

Toronto, Hè 2011

TRÀ LŨ
 
Biến cố cuộc đời
Thanh Sơn
06:54 21/09/2011
Từng làn khí ru nhẹ muôn cánh lá
Giọt sương khua còn ướp đậm trên hoa
Và "Ánh Sáng" là NGÀI soi cõi thế
Ấm hồn con, lan tỏa khắp gần xa

Con hít thở "Thần Khí" cách nhưng không
Ướp vào hồn bao năm nay chất chồng
Cứ dửng dưng như muôn đời sẵn có
Vẫn vô tình còn trách NGÀI bất công!!!

Đời vẫn thế nhưng NGÀI đâu chấp tội
Vẫn "Yêu Thương" xua tan đi bóng tối
Vẫn soi đường bằng "Ánh Sáng" từ bi
Và quên đi những gì con lầm lỗi

Một "Biến Cố" cho con hiểu cuộc đời
Như ánh chớp sẽ chấm dứt cuộc chơi
Và về đâu khi vô tình như thế?
Vẫn nhởn nhơ như chẳng có "CHÚA TRỜI"!!!

Tạ ơn NGÀI đã cho đời tất cả
Chính từ NGÀI sự sống được truyền ra
"Tình Yêu" ấy từ nguyên thủy là thế
Con hiểu rằng "Sự Sống" NGÀI ban ra

Sáng hôm nay con cảm tạ CHÚA TRỜI
Ơn NGÀI ban cho nhận loại khắp nơi
Ơm xuống đời như ngàn sương bao phủ
Uống ơn Trời; ôi! no thỏa cuộc đời

Sáng hôm nay NGÀI cho con ngày mới
Và ban cho cả hơi ấm "Mặt Trời"
NGÀI soi vào một tâm hồn bé mọn
Con cất tiếng ngợi ca cám ơn TRỜI.
 
Cân Bằng Trong Cuộc Sống, hạnh phúc trong tầm tay mỗi người
Tạ Ân Phúc
08:49 21/09/2011
Trong cuộc sống hiện đại, ngay trong lòng xã hội Việt Nam, ngày nay người ta phải nỗ lực nhiều hơn, bươn chãi nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cá nhân và gia đình. Người ta lao vào công việc như một cái máy được lập trình sẵn, mà quên đi những nhu cầu khác về thể chất, tinh thần và tâm linh, cũng như lơ là trong các mối quan hệ với bằng hữu, gia đình và xã hội. Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng (stress) và dẫn đến nhiều căn bệnh cũng như những hệ lụy khác. Liệu có cách nào dung hòa giữa công việc và phần còn lại của của cuộc sống mỗi người?

Sau ba tháng nghỉ hè, kể từ chương trình Mừng Ngày Của Cha 12/06, chiều thứ Bảy ngày 10/09/2011, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình Sài Gòn đã hoạt động trở lại, với loạt đề tài về kỹ năng làm chủ bản thân. “CÂN BẰNG TRONG CUỘC SỐNG” là đề tài được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, nhằm trả lời câu hỏi trên trong bầu khí giao lưu, vui tươi, thoải mái với gần 300 người tham dự. Với vẻ bề ngoài còn rất trẻ trung, thật khó có thể hình dung đó là một diễn giả 71 tuổi, bác sĩ đã trình bày đề tài bằng phong cách đĩnh đạc của người có trải nghiệm về mặt xã hội cũng như uyên thâm về y khoa, nhưng không kém phần dí dỏm, gây cười, thu hút giới trẻ như bác sĩ đã từng gây ấn tượng với bao học sinh, sinh viên khi phụ trách “phòng mạch Mực Tím” nổi tiếng trong một thời gian dài.

Dưới tác động của thế giới hiện đại, với thông tin bùng nổ, mọi thứ tiện lợi, bác sĩ đã đặt ra vấn đề với hàng loạt câu hỏi: Tại sao người xưa thảnh thơi, có cuộc sống cân bằng hơn chúng ta bây giờ? Tại sao người xưa nghèo khó mà vẫn “nuôi con giỏi dạy con ngoan”? Tại sao…??

Ngày xưa, người đàn ông là trụ cột trong nhà, đi làm kiếm tiền nuôi sống cả gia đình; Người phụ nữ chủ yếu được giao trọng trách nuôi con, dù trình độ học vấn không cao, nhưng có thể nói đã nuôi dạy con rất tốt. Nhưng giờ đây cả đàn ông và phụ nữ đều phải làm việc “đầu tắt mặt tối”, 12-16 giờ /ngày (kể cả ăn trưa, đi lại…). Luôn căng thẳng với nạn kẹt xe, khói bụi, lô cốt, tai nạn giao thông…. Về nhà chỉ còn ít giờ cho cơm nước, ngủ, nghỉ, giải trí, lo cho con cái... hành trang mang về nhà là bao nỗi bực dọc, bao việc chưa giải quyết xong... bơ phờ, hốc hác.

Thời buổi hiện đại ngày nay với những phương tiện tối tân, dường như cả thế giới được gói gọn trong lòng bàn tay, nhưng những lời than thở về đời sống lại thường xuyên được bắt gặp trong các buổi tham vấn vì cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại: “Sáng vác ô đi, tối vác về”, gia đình chán nản, bản thân chán nản.

Sức khỏe là yếu tố quan trọng trong cuộc sống mỗi người, nhưng ít ai quan tâm thực sự sức khỏe là gì? Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vào năm 1946, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being; bien-être) về thể chất (physical), tâm thần (mental), xã hội (social). Rõ ràng, sức khỏe không chỉ được đo lường bằng tình trạng có bệnh hay không có bệnh như nhiều người lầm tưởng. Chính vì thế, nhìn vẻ bề ngoài không thể biết chính xác sức khỏe của một người, nhất là về sức khỏe tâm thần và tâm linh.

Ngày nay, sức khỏe xã hội là điều cũng đáng được quan tâm khi người ta thường xuyên gặp phải những bức xúc, bực bội trong cuộc sống: ra đường gặp lô cốt, đến cơ quan công quyền gặp điều khó chịu, đến bệnh viện thì chật chội, bất an.

Bác sĩ đã dí dỏm khi nói đến cái thâm sâu trong tiếng Việt: Đau khổ là đau thể chất, khổ nỗi niềm; Bệnh hoạn: có bệnh là có hoạn nạn. Ngành y tế chỉ chăm lo mở bệnh viện cho nhiều, đó là điều nguy cơ vì chỉ quan tâm đến bệnh hoạn mà không quan tâm đến sức khỏe thực sự có cả về tâm thần và xã hội.

Một trong những vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần và xã hội chính là stress (căng thẳng tinh thần). Stress là nguyên nhân tiềm ẩn của 60-90% bệnh nhân đến khám bác sĩ. Nó gây nhiều bệnh chứng dẫn đến trầm cảm, tự tử, giảm chất lượng cuộc sống. Nhưng có một điều may mắn là đối với stress thì phòng bệnh dễ hơn trị bệnh, và một đời sống cân bằng là cách phòng stress tốt nhất.

Những bức hình vui đã nói lên những hoạt động có thể xảy ra trong đời sống hiện đại, khi có người nói rằng “Có 2 lần trong ngày tôi cảm thấy stress là ngày và đêm”. Đó là hình ảnh người người phụ nữ xoay lưng vừa bế đứa con với đôi mắt như diễn tả đôi mắt người mẹ, vừa phải làm việc trên máy vi tính xách tay; vừa phải lo cho công việc bếp núc; Hình ảnh người phụ nữ mở to miệng hét vào điện thoại; Hình ảnh người đàn ông vừa chạy như bay, tay xách vali, tay cầm điện thoại nghe với vẻ mặt căng thẳng.

Để nhận diện được stress cần biết những dấu hiệu của stress, bao gồm:

- Những dấu hiệu về nhận thức: Giảm sút trí nhớ; Do dự, khó tập trung; Suy nghĩ không logic; Phán đoán sai ; Chỉ thấy mặt tiêu cực; Mất định hướng; Hoang mang, sợ hãi.

- Những dấu hiệu về cảm xúc: Buồn rầu; Dao động, bứt rứt; Tâm tính bất thường; Kích động/Thiếu kiên nhẫn; Không thể thư giãn; Dễ cáu gắt, căng thẳng; Cảm giác bị tràn ngập, cô đơn; Trầm cảm…

- Những dấu hiệu về thể chất: Nhức đầu, đau lưng, đau cột sống cổ; Rối loạn tiêu hóa, bón…; Răng miệng hôi; Mất ngủ/ Tức ngực; Thị giác kém; Mụn, chàm ngoài da; Yếu sinh lý…; Dễ cảm cúm, nhiễm trùng…

- Những dấu hiệu về hành vi: Rối loạn dinh dưỡng (Béo phì,Gầy); Xa lánh mọi người; Tìm đến rượu, thuốc lá, ma túy…; Căng thẳng (Cắn móng tay, đi lui đi tới)…; Nghiến răng, nhai nhóp nhép… ; Hoạt động quá đáng (mua sắm, thể dục…); Phản ứng quá độ/ Dễ gây sự…

Cân bằng cuộc sống, cách nào? Vấn đề này đặt ra cho xã hội hiện đại là giải quyết làm sao để cân bằng cuộc sống. Cuộc sống như một bánh xe đang lăn, khi bánh xe mà phình chỗ này, xẹp chỗ kia thì nó chạy không đều được. Người ta đưa ra những thứ ảnh hưởng đến bánh xe cuộc sống như tài chính, gia đình, tâm thần, công ăn việc làm, xã hội, thể chất, tâm linh... tất cả những thứ đó cần phải đều nhau để bánh xe lăn tròn.

Cuộc sống người ta được ví như một người làm xiếc với những trái banh. Trái banh công việc được ví như trái banh cao su, thả nó xuống thì nó dội lên, công việc có mất đi thì cũng sẽ có lại, còn những trái banh khác là trái banh bằng thủy tinh, nó rớt xuống thì sứt mẻ, vỡ vụn, thế nên gia đình nếu gãy đổ thì khó hàn gắn lại, sức khỏe mà tiêu đi thì khó phục hồi lại…

Các biện pháp giúp cân bằng cuộc sống:

- “Từ bi với mình”: đừng làm cho mình đau khổ, bệnh tật mà cần quan tâm đến bản thân một chút. Cần bớt tham sân si, nếu tham nhiều, cứ muốn điều này đến điều khác sẽ dễ dẫn đến giận dữ, phải biết cách sống trong hiện tại. Trong tiếng Anh có chữ present có 3 nghĩa thật hay vừa là có mặt, là hiện tại, và là món quà: có mặt trong giây phút hiện tại đó là món quà của cuộc sống.

- Xác định mục tiêu vừa tầm: muốn nhiều quá, ôm đồm quá sẽ không đạt tới được, gây ra đau khổ.

- Chọn ưu tiên: chọn điều gì trước thì tập trung vào điều đó như phải chọn giữa gia đình, tình yêu hay tiền bạc…

- Phân bố thời gian: có thời khóa biểu và phải biết ủy quyền, nếu không biết ủy quyền thì tự làm khổ mình vì quá ôm đồm. Chronophage: nuốt thời gian, có những điều làm cho người ta mất thời giờ vô ích nên cần phải tránh bớt điều không cần thiết cho cuộc sống.

- Cần phải có kế hoạch, nhưng kế hoạch đừng quá máy móc, dễ gây đổ vỡ.

- Cần chú ý đến môi trường làm việc kể cả môi trường xã hội, các phương tiện phục vụ công việc. Con người căng thẳng thì dễ dẫn đến các nguy cơ. Trước đây, trong các công ty lớn ở Nhật người ta tạo ra những phòng có bao cát dán hình nộm giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng để nhân viên đấm vào đó như là một hình thức xả stress.

- Cần có những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp: tôn trọng, chân thành tạo sự tin tưởng của người khác, thấu cảm để đặt mình vào vị của người khác, để hiểu rõ sự việc, hiểu được hết họ, người nào có khả năng thấu cảm người khác người đó sẽ dễ thành công.

- Sử dụng công nghệ: đừng để bị lệ thuộc vì nhiều khi mất thời giờ hơn là hiệu quả, nhiều khi nó làm phá vỡ khung cảnh tự nhiên và làm cho con người bị lệ thuộc.

- Đừng ôm công việc cơ quan đem về nhà; Gần gũi với thiên nhiên; Đừng quên chăm sóc sức khỏe. “Self care”: cần tự chăm sóc mình, tốt nhất là có một “bác sĩ riêng” là những người quen biết để khỏi hoang mang trong vấn đề y tế; Dành thời gian cho bản thân;

- Giảm “Stress” bằng cách thở bụng, tập thiền, Yoga, du ngoạn, giải trí…

- Dinh dưỡng hợp lý: Theo tháp dinh dưỡng, theo bốn nhóm thức ăn và các cách ăn.

- Cần tìm niềm vui trong hoạt động giải trí, sáng tạo: Viết, vẽ, ca, hát, nhảy múa… chụp hình, quay phim, cắm hoa, nấu ăn…“Cầm kỳ thi họa”, tận dụng mặt có lợi trong thời đại Internet.

- Với gia đình, đó là mối quan tâm lớn cần để ý. Nếu không, gia đình không còn là tế bào của xã hội nữa, mà là nơi đào tạo ra những người xấu, những thế hệ tương lai không tốt nữa. Vì thế cần dành thời gian cho gia đình;

- “Từ bi hỷ xả”, quan tâm đến người chung quanh… Sống trong hiện tại, đừng so sánh, đừng bắt mình phải giống người khác, đừng chạy theo thành tích, sống dối trá, khoe khoang, hình thức (xe cộ, quần áo, hàng hiệu…).

Cách thực hành để tìm ra sự không cân bằng trong đời sống của mình là vẽ ra sơ đồ những vòng tròn đồng tâm, sau đó chia thành 6 hoặc 8 phần bằng nhau và ghi vào đó những mục tiêu muốn theo đuổi tùy theo mỗi người. Chẳng hạn: công việc, sức khỏe, tài chính, sở thích, vui cười - những thử thách, học hỏi, bạn bè, gia đình. Sau đó tô màu đánh dấu đo lường mức độ quan tâm của mình trong từng lĩnh vực. Vùng tô màu nào càng gần tâm thì mức độ quan tâm càng ít. Các vùng tô màu càng không đều nhau thì sự mất cân bằng trong đời sống càng lớn.

Mục đích của việc vẽ ra sơ đồ này là làm cho người ta nhận ra mình đang thiếu sót hoặc quan tâm quá mức lĩnh vực nào, cần để ý hoặc giảm thiểu sự quan tâm để cân bằng các lĩnh vực trong cuộc sống. Đôi khi người ta cũng phải biết bỏ đi, tự giải phóng mình, phải có thời gian cách ly với những nguyên nhân gây stress trong đời sống của mình.

Nếu muốn giữ sức khỏe cần phải thực hiện theo nguyên tắc SAFER: Không thuốc lá (Smoking), Giảm rượu (Alcohol), Dinh dưỡng đúng (Food), Vận động (Exercise), Thở (Respiration). Cần tự nhắc nhở mình cắt bớt những nguy cơ dẫn đến bệnh tật hoặc sự căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống. Nếu có điều kiện vận động tốt thì đó là điều quá quý báu hay có chế độ dinh dưỡng đúng cách cũng làm người ta không bị cuốn hút vào những thực phẩm mà hiện nay có nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Muốn cân bằng cuộc sống cần phải quan tâm đến nhiều điều và cần nhớ rằng tự mình mới có thể điều chỉnh được, chứ bác sĩ không thể làm thay việc đó. Điều này không quá khó mà tất cả nều nằm trong tầm tay của mỗi người để công việc và đời sống cân bằng với nhau.

Sau khi kết thúc đề tài, bác sĩ đã dành thời gian để tận tình trả lời các câu hỏi mà khán giả đặt ra: về thiền theo quan điểm y học để giảm stress; về tinh thần cầu tiến; sự khác biệt giữa phấn đấu và tham vọng trong cuộc sống; giữa công việc và cuộc sống. Bác sĩ đã chân thành chia sẻ về những biến cố trong cuộc đời mình, để từ đó thay đổi cách sống, cách làm việc, nhằm nhận ra sự đơn sơ của hạnh phúc để có cuộc sống cân bằng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Niềm Vui Trẻ Thơ
Thérésa Nguyễn
21:23 21/09/2011
NIỀM VUI TRẺ THƠ
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Không chi quý giá so vừa
Niềm vui hạnh phúc nụ cười trẻ thơ !
(nđc phóng ngữ)

There's nothing as beautiful as the happiness of a child!
(Anonymous)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền