Ngày 20-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:55 20/09/2019

41. Trở nên bé nhỏ chính là nhận ra sự hư vô của mình, và cũng không vì lỗi phạm của mình mà buồn sầu thối chí.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:03 20/09/2019
19. TỂ TƯỚNG LỪA

Tài học của Vương Cấp Thiện bình thường nhưng đối xử với người thì quá quắt, lúc làm nội sứ (1) có người ngấm ngầm đem ông ta ví với con chim ngói tầm thường chiếm cứ nơi phượng hoàng trì (2) của người hiền quý.

Ông ta hoàn toàn không có thành tích chính trị, nhưng ông ta có một điểm là ông ta quản việc rất nghiêm khắc, mỗi ngày ông đều phải nhắn bảo các hạ quan rằng:

- “Không được để lừa đi vào trong chỗ quan làm việc”.

Về sau, có người tặng cho ông ta một tên rất kêu:

- “Tể tướng lừa”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 19:

“Tài học thì bình thường nhưng đối xử với người thì quá quắc” là một hiện tượng đang “lạm phát” mạnh giữa xã hội, và có khi ngay cả trong các cộng đoàn tu trì hôm nay.

Có người tài học bình thường nhưng hể anh em làm sai cái gì thì nạt nộ với giọng như ta đây có quyền uy và giỏi giang; có người tài học thì thua xa người khác nhưng được cấp trên đặt nơi “ngon lành” nên cứ tưởng mình tài giỏi hơn người và cứ thế là lên mặt dạy đời thiên hạ là những người đáng bậc thấy của mình…

Cứ lập tới lập lui cái điệp khúc “nạt nộ, chửi mắng, thóa mạ” thì chẳng khác chi con chim ngói ở trên phượng hoàng trì làm xấu đi cái chức vụ mà mình đang có.

Nếu một ngày nào đó người ta kêu tôi là “linh mục nóng tính”, “linh mục thóa mạ”, “linh mục chửi mắng” thì thật là bất hạnh cho tôi, bởi vì Thiên Chúa không chọn tôi để nạt nộ nóng giận với người, nhưng Ngài chọn tôi để đem bình an, yêu thương và tha thứ đến cho tha nhân…

(1) Một chức quan tương đương với tể tướng.

(2) Các bộ môn tiếp cận hoàng đế thì gọi là phượng hoàng trì.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
CN 25C - Người quản lý mang tên Nguyễn Bất Lương
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:31 20/09/2019
Dụ ngôn người quản lý bất lương thật hay. Hay vì khó giải thích, khó biện minh. Mà nếu biện minh được, thì mới thật hay. Bởi dụ ngôn nêu toàn là người xấu việc xấu mà cuối cùng lại được đánh giá là phải học hỏi noi theo y như người tốt việc tốt.

Ba loại người xấu trong dụ ngôn này là:

-Trước hết, viên quản lý. Tên của y rõ ràng là xấu: Nguyễn bất Lương. Y thụt két của chủ, y phung phí của cải nhà chủ. Phúc Âm ghi: Ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản lý nữa!” Anh đã bất lương trước khi bị cảnh báo sa thải. Và anh bất lương mạnh hơn nữa sau khi nhận lời doạ cho về vườn.

-Các con nợ cũng là những người bất lương. Vì họ sẵn sàng kí sổ nợ bớt lại, thiệt hại cho ông chủ. “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống của bác đây, viết lại tám mươi thôi”.

Quản gia này biết rằng hắn đã mất chức quản gia, vì thế nảy ra một sáng kiến. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ được trả ít hơn cho chủ. Điều này có hai công hiệu. Thứ nhất, các con nợ phải mang ơn hắn. Thứ hai, còn có hiệu lực hơn, là hắn làm cho cùng liên lụy về hành động gian manh của hắn, và không ai dám tố cáo hắn, vì tố cáo sẽ thiệt mình, hại mình: bởi lòi ra chính mình gian dối, bất lương.

-Chính ông chủ của anh quản lý cũng là một phe cánh bất lương, bởi vì, thay vì khó chịu, ra tay ngay về hành động này, ông ta lại khen nó thông minh. Khen một người bất lương chẳng khác gì khuyến khích họ sống bất lương, và như thế cũng là bất lương.

Vậy ta giải thích làm sao ? Ba hạng người bất lương, và nhất là tên quản lý Nguyễn Bất Lương lại được chính Chúa khen.

Điều giải thích dễ nhất là : có thể rút được cái tốt qua cái xấu. Một ví dụ nhỏ, ta hay xưng tội chia trí, thì từ cái xấu là chia trí đó ta biến nó thành cái tốt, chia trí về ai thì cầu nguyệ cho người đó. Chia trí nghĩ tới người yêu thì cầu nguyện nhiều cho người tình. Nói dễ hiểu hơn: rút bài học, rút kinh nghiệm. Nhưng không phải kinh ngiệm xương máu, tức, không phải mình phải trải qua mới rút, mà người khác trải qua, mình nhìn vào và rút ra cái tốt cho mình từ một hành vi xấu của họ. Không phải mình sống bất lương trước, rồi mới rút bài học cho mình. Không phải ăn cướp trước, rồi khi sứt trán vào tù mới ngồi từ từ rút bài học trộm.

Vậy từ hành vi bất lương của quản gia Nguyễn bất Lương và các con nợ bất lương, kể cả ông chủ hơi bị bất lương vì khen kẻ bất lương, Chúa Giêsu đã rút dùm chúng ta 4 bài học. Và xin anh chị em yên tâm, tôi chỉ dừng lại một bài học thôi. Bốn bài học là :

1) Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

2) Của cải vật chất nên dùng để giữ gìn tình bạn. để mua lấy Nước Trời (chứ không phải chơi !)

3) Trung thành trong việc nhỏ dẫn đến trung thành trong việc lớn.

4) Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.

Mỗi bài học xây dựng ít là được một bài giảng dài. Anh chị em có biết tôi sẽ rút bài học nào không ? Tôi trả lời ngay: bài đầu tiên. Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

Viên quản lý bất lương (con cái đời này) khôn khéo ở điểm nào:

1-Biết giới hạn của mình:

Khi bị chủ gọi và cho biết bị đuổi việc, người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

Viên quản lý biết cái giới hạn của mình. Chứ không giận quá mất khôn: đuổi thì đuổi, ta đâu có sợ. Với đôi tay này ta sẽ làm nên cơ đồ, với miệng lưỡi này ta sẽ xin (thuyết phục) được cả chục kẻ đến quì trước ta để xin ý kiến, tư vấn làm ăn.

Nhiều con cái sự sáng không khôn khéo, không biết cái giới hạn của mình như con cái đời này biết giới hạn của họ cuốc đất không nổi, ăn mày hổ ngươi. Con cái sự sáng cứ tưởng mình mạnh, mình có Chúa trong mình (không biết có hay không !) nên mình xông pha đó đây: càphê đèn mờ đèn tắt vào luôn, sợ gì. Sách báo phim xấu, gì đâu mà sợ, cứ xem qua cho biết chớ. Phải rút bài học tốt từ sách báo xấu mà. Ma tuý xì ke làm gì nổi con cái ánh sáng, ta chỉ thử cho biết thôi, chứ làm gì khiến ta nghiện được. Game online ta chơi cho biết thôi chứ sao khiến ta ghiền nó được.

Vậy là không khôn khéo. Khôn khéo là biết giới hạn của mình. Các kẻ thù vừa kể, thế gian, xác thịt… cách thắng nó (nếu kể tên nó là kẻ thù 35) hay nhất là kế cuối cùng, kế 36: tẩu vi thượng sách. Cuốc đất không nổi đâu. Và chạy trốn chẳng hổ ngươi đâu.

2- Biết lo cho tương lai

Cái khôn khéo thứ hai là anh biết lo cho tương lai. Người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !'

Mình biết phải làm gì rồi. Biết lo cho tương lai. Chứ không phải: kệ tới đâu hay tới đó.

Tương lai của con cái ánh sáng chắc hẳn phải là Đức Kitô Ánh Sáng. Nói bình dân hơn: sống đời này mà phải biết để dành cho đời sau.

Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, tờ giấy hoa đổi được 50.000đ VN, tờ giấy dày, đổi được 100 ngàn), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ giấy tầm thường cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình (con cái ánh sáng) cũng đang làm tương tự như thế trên bình diện tâm linh không?

Chúng ta ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Như bọt bèo mỏng mảnh, như bóng câu qua cầu. Thật vậy, tất cả mọi sự ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần thế của ta.

Tuy nhiên, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giê-su. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Ở trong dụ ngôn này, các bạn có thể thắc mắc khi Chúa nói : hãy dùng tiền của bất lương mua lấy bạn hữu, để họ đón ta vào Nước Trời. Phải chăng Chúa nói cứ trộm cướp, gian xảo, tham nhũng lấy tiền của cách bất lương. Không phải. Tiền Của thời đó là bất lương, bản dịch viết hoa (Tiền Của như là tên riêng). Cũng như ta nói : “đồ quỉ” hay “đồ quỉ dữ” cũng như nhau, vì chẳng có loại quỉ hiền nào cả (ma soeur mới hiền), cho nên nói tiền, hay nói tiền bất lương thì cũng là như nhau. Việt Nam ta có kiểu chơi chữ cũng hay : tiền bạc mà. Tiền lúc nào cũng bạc bẽo, giống như tiền của lúc nào cũng bất lương trong dụ ngôn.

Vậy là từ con người xấu vẫn có thể múc lấy cái tốt. Cái tốt nơi người quản lý bất lương là khôn khéo. Khôn khéo 1 là nhận biết mình yếu: cuốc đất đau tay, ăn mày xấu hổ. Khôn khéo 2 là : biết chăm chút cho tương lai.

Chúng ta được xem như “con cái ánh sáng,” chúng ta nghĩ sao ?

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy một số gợi ý từ cha Hàm)
 
Coi tìền là thần thì nhân phẩm chết
Lm Nguyễn Xuân Trường
19:49 20/09/2019
Trên đời này hầu như ai cũng thích tiền, cần tiền. Người ngoài đời cần tiền, người đi tu còn cần tiền hơn. Cần tiền để giúp người nghèo, để xây nhà thờ, nhà dòng, nhà giáo lý… Tiền giúp chúng ta làm được nhiều việc tốt. Ai chê tiền thì xin đưa đây mình tiêu hộ. hihii.

Tuy nhiên, Chúa cảnh báo chúng ta về thái độ đối với tiền bạc: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Một khi ta làm nô lệ cho tiền của như ông chủ, ta tôn thờ tiền của như vị thần, thì Ông Thần Tiền sẽ giết chết nhân phẩm của chúng ta.

Bài Sách Thánh thứ nhất cho thấy vì tiền mà người ta bất chấp tốt xấu. Người ta sẵn sàng làm ăn bất chính lừa gạt cân đong thiếu, trở thành những kẻ bất nhân độc ác bán thực phẩm bẩn lúa nát gạo mục, coi giá trị con người rẻ bèo ngang với đôi dép. Thậm chí người ta còn coi tiền hơn cả những giá trị tôn giáo cao quí nên họ chỉ mong cho ngày lễ mau qua để còn kiếm tiền.

Bài Phúc Âm cho thấy vì tiền mà người quản gia đã trở thành kẻ bất lương, sẵn sàng bán rẻ lương tâm. Anh ta bất chấp sự thật, gian giảo đổi trắng thay đen giấy tờ biên lai miễn là có lợi cho mình. Đến ông chủ cũng phải thốt lên tay này thật khôn ngoan quỷ quyệt!

Tóm lại, lòng tham lam và thái độ tôn thờ tiền bạc khiến người ta trở thành kẻ bất lương. Bất lương xúi bẩy hành động bất chấp và bất chính, khiến anh em gia đình bất hòa, làm xã hội bất công. Hậu quả là, mọi người chịu cảnh sống bất an, bất mãn, bất bình và bất hạnh, rồi nhanh bị… bất tỉnh!

Thế nên, đừng bao giờ coi tiền là trên hết như một vị thần, vì khi ấy, tiền sẽ trở thành một hung thần tác ai tác quái phá vỡ các mối quan hệ tình nghĩa và đạo lý, đạp đổ những giá trị tinh thần cao quý, hủy diệt sự lương thiện và nhân phẩm của con người.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha James Martin và niềm tin Công Giáo
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP dịch
08:00 20/09/2019
Tổng Giám mục Charles J. Chaput, O.F.M. (Dòng Phanxicô) đăng tải chia sẻ thông tin ngày 19 tháng 9 năm 2019.

Cha James Martin, S.J. (Dòng Tên), đã phát biểu tại Đại học St. Joseph, đầu tuần này (Thứ Ba, ngày 17 tháng 9) về các chủ đề liên quan đến cuốn sách Building A Bridge (Xây một cây cầu). Và như tôi dự đoán, khá nhiều email đã đến trong hộp thư của tôi thắc mắc về lời dạy của cha về các vấn đề liên quan đến đồng tính và thúc giục tôi ngăn chặn sự xuất hiện của cha. Một giám mục địa phương thường không thể làm điều đó, vì hầu hết các trường đại học Công Giáo hoạt động dưới quyền của cộng đồng Dòng tu tài trợ cho họ.

Đôi khi, Cha Martin cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công cá nhân cay đắng. Như tôi đã nói trước đây, các cuộc tấn công như vậy là không thể tha thứ được và không phải là phong cách Kitô giáo.

Trong thực tế, Cha Martin đã tận tâm tìm cách đồng hành và hỗ trợ những người có hấp dẫn đồng giới (same sex) và đối kháng giới tính (gender dysphoria). Nhiều nỗ lực của cha ấy đáng được ca ngợi, và chúng tôi cần tham gia cùng cha ấy để nhấn mạnh phẩm giá của những người trong những tình huống như vậy.

Đồng thời, một mô hình mơ hồ trong lời dậy của cha có xu hướng làm suy yếu các mục tiêu của cha đã nêu lên, làm mọi người xa lánh sự hỗ trợ mà họ cần cho sự hưng thịnh đích thực của con người. Do sự nhầm lẫn gây ra bởi các tuyên bố và hoạt động của cha liên quan đến những vấn đề đồng tính (LGBT) [i], tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng Cha Martin không nói với quyền thay mặt Giáo hội và tôi cần cảnh báo tín hữu về vài tuyên bố của cha.

Trong số những quan tâm của tôi, tôi lưu ý những điều sau đây:

1. Cha Martin gợi ý rằng những người đồng giới tính và những người đối kháng giới tính nên được dán nhãn theo sự hấp dẫn và sự đối kháng của họ, kêu gọi sử dụng cụm từ “LGBT Công Giáo” trong các tài liệu và ngôn ngữ Công Giáo. [ii] Trong khi Giáo hội dậy rằng thân thể gắn liền với bản sắc con người, sự thèm muốn tình dục của chúng ta không định nghĩa chúng ta là ai. Nếu chúng ta chủ yếu được xác định bởi các điểm hấp dẫn tình dục của mình, thì, để được đáp ứng, chúng ta sẽ phải xác định và hành động dựa trên các hấp dẫn của chúng ta.

Bất cứ điều gì kêu gọi từ chối hoặc kiềm chế những thèm muốn tình dục của chúng ta sẽ hợp lý tạo thêm đàn áp và thậm chí tàn ác. Điều này trái ngược với giáo huấn rõ ràng của Tin Mừng rằng bản sắc của chúng ta được tìm thấy trong Chúa Giêsu Kitô, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và chúng ta được kêu gọi trở thành con trai và con gái của Thiên Chúa.

2. Trước đây, Cha Martin đã gợi ý rằng người ta sinh ra “gay” (đồng tính) theo như lời của cha, thực tế người ta được sinh ra theo cách này...[một] sự thật về tâm lý, tâm thần và sinh học. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng không có “gay gen”, và đồng tính luyến ái là sản phẩm của nhiều yếu tố.

Thật đúng là nhiều người có hấp dẫn đồng giới đã trải nghiệm điều đó bao lâu họ có thể nhớ, nhưng không có sự đồng thuận khoa học vững chắc nào về nguyên nhân. Hơn nữa, các khuynh hướng di truyền - ở mức độ chúng tồn tại - không nói gì về lợi ích hay tác hại đến những người có khuynh hướng này.

Bất kỳ hàm ý nào cho thấy hành vi của một người được xác định trước, và trí tuệ và ý muốn tự do sẽ có vai trò nhỏ nhoi trong việc hình thành và kiểm soát sự thèm muốn tình dục của người đó, cả hai đều sai lầm và phá hoại, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

3. Cha Martin cho rằng giáo lý Công Giáo về sự hấp dẫn đồng giới như “rối loạn khách quan” (ví dụ, GLCG số 2358) là tàn nhẫn và cần được sửa đổi. Cha nói rằng “một trong những phần sâu sắc nhất của một người - phần cho và nhận tình yêu - bị rối loạn là không cần thiết gây tổn thương. [iv] Nhưng ở đây, Cha Martin đã diễn tả sai niềm tin Công Giáo. Như các giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh trong tài liệu năm 2006 của họ: Ministry to Persons with a Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care (Dịch vụ cho Những người có Khuynh hướng Đồng tính luyến ái: Hướng dẫn Chăm sóc Mục vụ)

“Một điều rất quan trọng để hiểu khi nói rằng một người có thiên hướng đặc biệt là rối loạn không phải là nói rằng toàn bộ người đó bị rối loạn. Cũng không có nghĩa là người ta đã bị Thiên Chúa hoặc Giáo hội từ chối. Đôi khi, Giáo hội bị giải thích sai hoặc diễn giải sai khi dạy rằng những người có khuynh hướng đồng tính bị rối loạn khách quan, như thể mọi thứ về họ đều bị rối loạn hoặc bị khiếm khuyết về mặt đạo đức bởi khuynh hướng này. Thay vào đó, sự rối loạn nằm trong khuynh hướng đặc biệt đó, không được ra lệnh hướng tới việc hoàn thành các kết thúc tự nhiên của tình dục con người. Bởi vì điều này, hành động phù hợp với thiên hướng như vậy đơn giản là không thể đóng góp cho lợi ích thực sự của con người. Tuy nhiên, trong khi khuynh hướng đặc biệt đối với các hành vi đồng tính luyến ái bị rối loạn, thì người đó vẫn giữ được phẩm giá và giá trị con người nội tại của mình.” [v]

Điều đáng nhắc lại ở đây là Giáo lý cũng mô tả ham muốn, quan hệ ngoài hôn nhân và quan hệ tình dục tránh thai (2351), thủ dâm (2352), và thậm chí cả những tội lỗi phi tình dục như nói dối và nói xấu (1753) như bản chất đã bị rối loạn. Đề nghị rằng sự khôn ngoan của Giáo hội, bắt nguồn từ Lời Chúa và hàng thế kỷ kinh nghiệm nhân bản, bằng cách nào đó tàn nhẫn hoặc sai lầm làm tổn hại nghiêm trọng đến sứ mệnh của Giáo hội. Các gia đình đã bị phá hoại vì sự hiểu lầm này và Cha Martin đáng tiếc đóng góp sự mơ hồ cho các vấn đề đòi hỏi một sự rõ ràng trong Kinh thánh.

4. Cha Martin hợp tác với các tổ chức như Dịch vụ New Ways (Những cách thức mới) phản đối hoặc phớt lờ giáo huấn của Giáo hội, và cha tán thành các sự kiện, chẳng hạn như tháng PRIDE, gây ra sự nhầm lẫn cho các tín hữu. Trái lại, chúng ta cần phải xác nhận lại, như Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) đã nêu trong 1986 Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Pastoral Care of Homosexual Persons (Thư năm 1986 gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về Chăm sóc Mục vụ của Người đồng tính), rằng

“Tất cả những hỗ trợ nên được rút khỏi bất kỳ tổ chức nào tìm cách làm suy yếu giáo huấn của Giáo hội, vốn mơ hồ về điều đó, hoặc bỏ bê hoàn toàn. Sự hỗ trợ như vậy, hoặc thậm chí là sự hỗ trợ giống như vậy, có thể bị hiểu sai một cách nghiêm trọng.”

5. Cha Martin - không nghi ngờ gì nữa - truyền cảm hứng hy vọng rằng những giảng dạy của Giáo hội về tình dục con người có thể được thay đổi. Trong cuốn sách của cha, “Building A Bridge”, cha viết: “Để có một giáo lý thực sự có thẩm quyền, nó mong sẽ được tiếp nhận bởi những người của Chúa… Từ những gì tôi có thể nói, trong cộng đồng LGBT, giảng dậy rằng những người LGBT phải sống độc thân suốt đời…không được tiếp nhận [vi] Người ta có thể dễ dàng, và giả dối, suy luận từ ngôn ngữ mà Giáo hội dậy về sự thân mật tình dục thiếu thẩm quyền ràng buộc đối với người Công Giáo đồng giới.”

Một lần nữa với thế lực của mình, Cha Martin đã nhấn mạnh rằng, “với tư cách là một linh mục Công Giáo, tôi đã không bao giờ thách thức các giáo lý của [Giáo hội], cũng như tôi sẽ không” [vii]. Nhưng điều gì được ngụ ý hoặc bỏ qua thường nói to như những gì thực sự được nêu, và trong môi trường hiện tại, những sự thật không hoàn chỉnh thực sự là một thách thức đối với niềm tin Công Giáo trung thành.

Khi người ta nghe nói rằng “Giáo hội đã chào đón những người đồng tính”, hay cần phải bao gồm nhiều người khác và chào đón họ, mà không cần nghe những điều kiện của một đời sống Kitô hữu đích thực được đặt ra cho tất cả mọi người bởi Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của ngài - cụ thể là sống một cuộc đời khiết tịnh - họ có thể dễ dàng hiểu sai bản chất của việc hoán cải Kitô và làm môn đệ.

Vì lý do này, việc giảng dạy Công Giáo luôn đòi hỏi nhiều hơn là sự khẳng định lịch sự hoặc thỏa thuận theo mẫu, đặc biệt là từ những người công khai bình luận về các vấn đề giáo lý. Những tín hữu đồng tính Công Giáo cần được hỗ trợ và khuyến khích về đức khiết tịnh. Họ xứng đáng được nghe - như tất cả mọi người - sự thật về tình dục con người được nói cách rõ ràng và tin tưởng. Nếu thiếu bất cứ điều gì thì thiếu cả thương xót và công lý.

Trong Thư năm 1986, Bộ Giáo lý Đức tin đã cảnh báo chúng tôi, “Bộ này mong muốn các Giám mục đặc biệt thận trọng với bất kỳ chương trình nào có thể tìm cách gây áp lực cho Giáo hội để thay đổi giáo huấn của mình, ngay cả khi tuyên bố không làm như vậy. Một cuộc kiểm tra cẩn thận về các tuyên bố công khai của họ và các hoạt động mà họ quảng bá cho thấy sự mơ hồ được nghiên cứu qua đó họ cố gắng đánh lừa các mục tử và tín hữu.”

Những người ủng hộ các nỗ lực của Cha Martin sẽ chính thức ghi nhận rằng vài nhà lãnh đạo Giáo hội đã chứng thực công việc của cha. Những quan chức Giáo hội đó chịu trách nhiệm về lời nói của họ - như tôi trách nhiệm lời của tô, với tư cách là mục tử của Giáo hội tại Philadelphia. Và đặc biệt trong vai trò là mục tử, tôi muốn gửi lời cảnh báo của Bộ Giáo lý đức tin tới tất cả các tín hữu của Giáo hội tại Philadelphia, liên quan đến sự mơ hồ về các vấn đề liên quan đến đồng tính được tìm thấy trong các tuyên bố và hoạt động của Cha James Martin.

***

[i] See, for example, Fr. Martin comments in “School defies Archdiocese of Indianapolis, refuses to fire teacher in same-sex marriage,” CBS News June 21, 2019

[ii] Rev. James Martin, S.J., “Reflections on Two L.G.B.T. Questions at the Synod”, America, 12 October 2018; Rev. James Martin, S.J., Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion and Sensitivity, Revised and expanded edition (New York: HarperCollins, 2018), 35.

[iii] From a Facebook video entitled “Q&A about the Pope’s recent comment ‘God made you gay.’”

[iv] Quoted in Jonathan Merritt, “This Vatican Adviser is Moving Catholics toward LGBT Inclusion”, Religion News Service, 6 June 2017.

[v] http://www.usccb.org/about/doctrine/publications/homosexual-inclination-guidelines-general-principles.cfm

[vi] https://www.firstthings.com/web-exclusives/2017/10/fr-martin-does-not-actually-say

[vii] Rev. James Martin, S.J., “What is the Official Church Teaching on Homosexuality? Responding to a Commonly Asked Question”, America, 6 April 2018.

Source: http://catholicphilly.com/2019/09/archbishop-chaput-column/father-james-martin-and-catholic-belief/
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Giỗ ĐHY: Nguyẽn Văn Thuận Tại Nhà Dòng Các Sơ Cellitinnen Ở Cologne, Đức Quốc
Trầm Hương Thơ
08:23 20/09/2019
Mấy tuần trước tôi tình cờ đọc được tin trong một trang Web nào đó hình như là trang Liên Đoàn Công Giáo thì phải, là nhà dòng nữ tu Celitinnen zur hl. Maria tại Cologne sẽ tổ chức một cuối tuần diễn đàn nơi đã nhiều năm triển lãm những hình ảnh và kỷ vậy của bậc đáng kính với lễ giỗ tưởng nhớ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Nhưng chưa kịp ghi danh tham dự vì bận đi hành hương rồi gần như quên luôn. May qúa có một em nhắn tin nhắc nhở tôi mới nhớ và vội vàng ghi danh tham dự. Vì là lần đầu tiên tham dự để nghe một diễn giả ngoại quốc thuyết trình về cuộc đời của Đức Hồng Y qúa cô của Viẹt Nam nên tôi cũng tò mò xem như thế nào.

Xem Hình

Chương trình thì thấy ghi là ăn uống nhà dòng khoản đãi từ chiều thứ sáu 13.09 đến chiều Chúa Nhật 15.09 và thánh lễ giỗ chấm dứt. Riêng ai muốn đi tham quan thành phố Köln vào sáng thứ bảy trong vòng 3 tiếng thì đóng 10 Euro thật là qúa rẻ so với giá ta đi tư.

Thứ saú tôi phải làm việc trễ nên không thế đến được nên trong lòng cũng ái náy lắm, nhưng biết sao bây giờ. Sáng thứ bảy chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng uống vội ly cà phê rồi lái xe lên đường tới nhà dòng thì đúng 8 giờ sáng.

Chúng tôi được ông Phó tế Wolfgang Allhorn đón tiếp tử tế mời vào bàn ăn sáng với cha Nguyễn Đinh Anh Nhuệ, ông Cố bố của cha Nhuệ, sơ Têrêsa Vũ Thị Phượng và Linh mục Dr. Hubertus Blaumeiser thuyết trình viên cùng với cha Nhuệ đến từ Rôma. Uống càphê và ăn sáng tôi không thấy người Việt Nam nào thầm nghĩ trong bụng chắc có thể mấy người đến hôm qua ăn ở phòng khác.

Ăn xong nhà dòng mời chúng tôi lên xe Bus để tham quan thành phố Köln vào đúng 09giờ00. Bước lên xe tôi hơi ngỡ ngàng là thấy có 5 người Việt tính cả hai vợ chồng tôi còn lại bao nhiêu là các Sr. và người Đức. Trên hai tiếng đồng hồ ông hướng dẫn viên giải thích liên tục về lịch sử hình thành thành phố Cologne và những gì quan trọng trong thành phố. Qua bên kia bờ của dòng sồng Rhein thì cho chúng tôi xuống tham quan và chụp một số hình ảnh. Xe lại trở vào trung tâm thành phố ngang nhà thờ chính tòa ông giải thích tiếp và nói hôm nay có triển lãm của người tàu nên chúng ta không cần vào chỉ xem ông giải thích bên ngoài là được rồi. 12 giờ xe đưa chúng tôi trở về nhà dòng và dùng cơm trưa. Sau bữa cơm trưa chỉ có khoảng vài chục người nhưng nhà dòng mướn tới 2-3 người phục vụ. Chị Elisabeth Thu Hồng em gái của Đức cố Hồng Y Thuận kể lại chiều hôm qua nhà dòng làm bữa ăn thịnh soạn vì nghĩ rằng người Việt chúng ta đến đông nào ngờ ít người qúa nên cũng buồn.

14 giờ như chương trình chúng tôi vào tham dự Thánh lễ kính Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận thì có thêm được ít người Việt từ xa tới. Thánh lễ nhà dòng tổ chức trang nghiêm và chu đáo lắm. Trên bàn thánh có 3 linh mục và một thầy phó tế. Các sơ trong nhà dòng tham dự rất đông và quan khách Đức. Di ảnh của Đức cố Hồng Y nhà dòng trình bày một cách trang trọng để kính nhớ. Trong nhà nguyện của nhà dòng phía bên phải là hình ảnh của ngài được gắn trịnh trọng ở đó luôn.

- Lời nguyện cầu cho tiến trình phong thánh Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận mau được thực hiện và xin ngài cũng cầu cho chúng con.
-Những lời cầu cho Việt Nam của người Đức nghe mà lòng tôi ướm lệ.

Sao họ tốt thế! Sao họ qúy trọng ĐHY và quê hương mình như vậy? tư tưởng này cả buổi cứ lẩn vẩn trong đầu tôi mãi.

Cuối thánh lễ Thầy Phó tế Wolfgang Allhorn thay mặt nhà dòng cảm ơn tất cả và mời mọi người lên lầu uống cà phê bánh ngọt, truyện trò rồm rả vì giờ này có thêm được ít anh chị em tới.

15h30 nhà dòng mời mọi người vào phòng để kịp khai mạc.

Diễn đàn đầu tiên về ĐHY Văn Thuận ở Cologne với Linh mục Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ O.F.M.Conv. Ngài sinh 1970 thuộc dòng Phanxicô, Giáo Sư Thần Học Kinh Thánh tại Viện Seraphicum. Năm 2016, ngài trở thành Viện trưởng Viện Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure. Từ năm 2019 ngài còn là thành viên của cơ quan Tòa thánh Thẩm định và Cải tiến chất lượng của các trường đại học của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ngài nói về đề tài: "Cách thức đọc Kinh Thánh và sống Lời Chúa qua Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận".

Dáng người ngài hơi khiêm tốn nhưng mà khi ngài nói chuyện và chia sẽ thì tôi thấy những người Đức cũng như các Sr và các tu sĩ rất nể phục và kính trọng lắng nghe.

Đề tài 2 do Linh mục Dr. Hubertus , thần học gia tu hội Focolare và là chủ tịch tời báo Ekklesia thuyết trình với đền tài: "Tự Do Nội Tâm và Sức Mạnh trong sự bất lực".
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi gặp một Linh mục người Bỉ mà lại hiểu rất rõ ràng về cuộc đời của Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận như vậy. Ngài kể ra tất cả những dấu mốc chính trong cuộc đời Đức Hồng Y Thuận.
Tất cả những chuyện trong nhà tù cộng sản ra sao, từ những việc làm cây Thánh Giá đến sợi dây đeo, từ người bị tù thành người thầy dạy những cai tù, từ những anh công an vô thần được ngài dạy dỗ và rửa tội cho trong nhà tù. Hầu như tất cả những việc làm với tình thương yêu được nói rất rõ ràng cho đến lúc được thả ra và làm bộ trưởng Công Lý và Hòa Bình Vatican v.v...

Bà Elizabeth Thu Hồng là em gái út của ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận đến từ Canada trình bày vắn tắt, cảm ơn nhà dòng và mọi tham dự viên hôm nay trong một bầu không khí rất ấm cúng, bà vô cùng xúc động khi ở tận nơi nước Đức xa xôi này lại có một cộng đoàn nhà dòng các Sơ người Đức qúy trọng và yêu thương tôn kính Đức Hồng Y như vậy thật là cảm động và tri ơn vô cùng.

Bà cũng tri ơn những ai đã đến và đóng góp cho nhà dòng cũng như thăm viếng những kỷ vật của Đức cố Hồng Y mà Ngài đã tặng nhà dòng này. Không những thế nhà dòng còn cử thầy Phó tế Wolfgang Allhorn đích thân về tận Việt Nam để tìm thêm những kỷ vật trong tù của Đức Hồng Y để đem sang đây trưng bày trong 3 căn phòng này.

Thầy phó tế Wolfgang Allhorn là người lo về 3 căn phòng triển lãm rất nhiều những kỷ vật của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận tại nhà dòng này đã thay mặt nhà dòng cảm ơn tất cả và mời mọi người cùng vào lên phòng tiệc dùng một bữa ăn tối khá thịnh soạn.

Chương trình của ngày hôm nay chấm dứt vào khoảng 20 giờ chúng tôi chia tay và hẹn năm sau sẽ hội ngô tại đây với hy vọng năm sau sẽ đông người Việt nam đến tham dự.

Trầm Hương Thơ
Ngày lễ giỗ thứ 17 của ĐHY. N.V. Thuận.


TB: Kính mời qúy vị vào theo đường Link này để tìm hiều nơi triển lãm những kỷ vậy của Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận nơi nhà dòng
https://www.kardinal-van-thuan.de/
 
Video Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Kỷ niệm 350 Dòng Mến Thánh Giá tại Christ Cathedral
An Le LSTV
09:56 20/09/2019
Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Kỷ niệm 350 Dòng Mến Thánh Giá tại Christ Cathedral. Dòng Mến Thánh Giá trong suốt 350 năm qua, hợp cùng toàn thể chị em Mến Thánh Giá trên toàn thế giới, và đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico, chị em Mến Thánh Giá Los Angeles muốn "Nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với đầy nhiệt huyết, và đón nhận tương lai trong hy vọng”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nén bạc tin tưởng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:57 20/09/2019
Nén bạc tin tưởng

Những ngày tháng qua tin tức về những thiên tai bão tố, ngập lụt, cháy rừng, hạn hán, nhiệt độ lên cao tới mức kỷ lục 40 độ C hay có nơi như bên Ấn Độ lên tới mức 50 độ C, sông ngòi cạn nước, cây cối khô héo, rừmg cây bị chặt đốn phá hủy, khói thải từ nhà máy đốt than xăng dầu làm khí trời nóng tăng nhiệt độ, những tảng băng tan chảy, sườn núi, bờ sông bờ biển sạt lở, chất rác thải đầy nơi sông ngòi biển cả…được loan tải cùng với hình ảnh rộng rãi đi khắp thế giới.

Những điều đó gây đe dọa tác hại cho sức khoẻ sự sống của con người, của các loài súc vật, cùng khó khăn cho việc sản xuất gieo trồng chế biến thực phẩm và sự phát triển kinh tế. Và cùng đưa đến thảm họa nhiều người phải rời bỏ quê hương đi di cư tỵ nạn tìm nơi chốn môi trường thiên nhiên trong lành cho sự sống được bình an.

Trước đây đã có nhiều lần nói đến ô nhiễm môi trường sinh sống bị phá hủy hoại, và bây giờ thảm họa này càng ngày càng khốc liệt hơn đạt tới lằn mức báo động đỏ.

Vì thế, chính phủ các quốc gia trên thế giới đang giật mình đưa ra những biện pháp, những luật lệ nhằm ngăn chặn tình trạng phá hủy môi trường thiên nhiên. Việc bảo vệ công trình thiên nhiên chiếm vị trí hàng đầu trong chiến lược toàn cầu phát triển hướng về tương lai đời sống.

Các bạn trẻ lớp tuổi học sinh từ hơn một năm qua đã hưởng ứng lời kêu gọi của cô bé tuổi học sinh Greta Thunberg, người Thụy Điển, cùng nhau xuống đường biểu tình kêu gọi : Hãy bảo vệ môi trường khí hậu thiên nhiên!

Và hôm 17.09.2019 cô bé Thunberg được Hội Ân Xá Quốc Tế vinh danh và cho trao giải thưởng là „sứ gỉa của lương tâm". Vì đã can đảm dấy lên phong trào cùng những người trẻ đứng lên biểu tình Fridays for Future kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà sản xuất và mọi người hãy cứu nguy bảo vệ môi trường khí hậu thiên nhiên cho thế hệ hôm nay và ngày mai

Ngôi nhà môi trường sáng tạo thiên nhiên, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã dựng nên cho sự sống con người, các súc vật cùng cây cỏ sinh sống phát triển, như Thánh Vịnh 104 diễn tả công trình sáng tạo thiên nhiên của Đấng Tạo Hóa .

Công trình sáng tạo thiên nhiên như những nén bạc (Mt 25,14-23) Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tin tưởng trao cho con người không phải chỉ để riêng cho một thế hệ hưởng dùng, mà cho mọi thế hệ nhân loại. Vì thế con người có trách nhiệm bổn phận phải đầu tư gìn giữ phát triển nén bạc mội trườmg sinh sống cho những thế hệ kế tiếp được cùng chung hường dùng với.

Những nén bạc là công trình sáng tạo thiên nhiên cho sự sống phải được gìn giữ bảo tồn. Nhưng con người trong dòng thời gian, vì sự phát triển về kỹ thuật, về kinh tế đã phung phí bỏ quên làm ngơ việc gìn giữ bảo vệ môi trường sinh sống thiên nhiên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2015 đã viết thông điệp Laudato Si về môi trường sáng tạo thiên nhiên.

“Con người đã tàn phá sáng tạo của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học ; con người đã phá hoại sự toàn vẹn của trái đất, gây nên sự biến đổi khí hậu, bóc lột trái đất từ những cánh rừng tự nhiên hay tàn phá những vùng ẩm ướt ; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – đó là tội lỗi” [15]. Vì “một tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa”[16]. ( Laudato Si Nr. 8.).

Nén bạc, món qùa được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa công trình thiên nhiên, tin tưởng trao ban cho con người, đã đang bị sử dụng sai mục đích đưa đến tình trạng ngày càng mất đi mầu xanh sự sống niềm hy vọng trong thiên nhiên cho sự sống.

Vị Tôi Tớ Chúa, cố Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận đã có suy tư : “Một điều sỉ nhục lớn lao con người làm cho Thiên Chúa là lạm dụng các món qùa Ngài ban cho vào những mục đích bất công tầy trời, vào những việc huynh đệ tương tàn khủng khiếp.“ (Đường Hy Vọng Nr. 595).

Cung cách sống kính trọng, gìn giữ bảo vệ môi trường sinh sống thiên nhiên là cung cách đầu tư nén bạc tài nguyên thiên nhiên, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tin tưởng trao ban cho để làm phong phú cho đời sống mọi loài thụ tạo hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần II: Chứng từ của các bản văn Tân Ước , Tin Mừng Gioan
Vũ Văn An
21:55 20/09/2019
3.3. Tin Mừng Gioan

87. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thật về Thiên Chúa và sự thật liên quan đến sự cứu rỗi của con người. Do đó, trong Ga 3:16: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời". Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian để cứu vớt loài người, nhưng khi sai Con đi, Người làm cho chính Người được biết đến, qua việc mặc khải mối liên hệ của Người với Con của Người và tình yêu của Người dành cho thế giới. Từ đó, đối với con người, phát sinh một mối tương quan sâu sắc giữa việc họ hiểu biết về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của họ. Do đó, Chúa Giêsu mô tả cuộc sống vĩnh cửu, trong đó có sự cứu rỗi trọn vẹn: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô " (Ga 17:3 ). Đấng trung gian là Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa và Con Thiên Chúa thành xác thịt (x. Ga 1:14). Người mặc khải Chúa Cha (x. Ga 1,18) và đem sự cứu rỗi đến cho loài người; còn hơn thế nữa, khi mặc khải Chúa Cha, Người mặc khải ơn cứu rỗi. Chúng ta sẽ xem xét vai trò của Chúa Giêsu trong ba khía cạnh: mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con, mối liên hệ của Chúa Con Cứu thế với con người, việc con người vươn tới sự cứu rỗi.

a. Mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con

88. Đặc điểm căn bản nhất của mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con là sự hợp nhất hoàn hảo của các ngài: "Cha Ta và Ta, chúng Ta là MỘT" (Ga 10: 30); "Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha" (Ga 10:38, xem Ga 17:21.23). Đặc điểm của sự kết hợp này là việc hiểu biết nhau một cách mật thiết và là một tình yêu hoàn hảo: "Cha biết Ta và Ta biết Cha" (Ga 10:15). Chúa Cha yêu Chúa Con (cf Ga 3:35; 5:20; 10:17; 15:9; 17:23.24.26) và Chúa Con yêu Chúa Cha (x. Ga 14:31).

Chúng ta hãy lưu ý ngay rằng sự kết hợp, tình yêu và hiểu biết nhau vốn đặc trưng cho mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con này tạo nền tảng và mô hình cho mối liên hệ giữa Chúa Con và con người. Chúa Giêsu cầu nguyện và xin Chúa Cha: "để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21; xem Ga 22-23). Tự trình bày Người như mục tử nhân lành, Chúa Giêsu tuyên bố: "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha" (Ga 10:14-15). Cùng một cách này, liên quan đến tình yêu, cùng một sự so sánh đã thành hình: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy [...] Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em "(Ga 15:9.12, xem Ga 13:34). Tình yêu của Chúa Con xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của các môn đệ phải bắt nguồn từ tình yêu mà họ đã nhận được từ Chúa Con, và phải phản ánh phẩm chất và cường độ của nó. Nguồn gốc của mọi sự luôn là Chúa Cha. Những gì Chúa Con truyền đạt đều phát xuất từ Chúa Cha và làm ta biết Chúa Cha: đó không chỉ là một ơn phúc của Chúa Cha, mà là sự thật về Chúa Cha, một sự thật trở thành mô hình cho hành động của con người.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con không có nghĩa một bản sắc các vai trò. Chúa Con là người nhận được mọi sự từ Chúa Cha: đặc biệt, Chúa Giêsu quả quyết nhận được từ Chúa Cha sự sống, việc làm và lời nói: "Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy"(Ga 5:26, xem Ga 6:57). Chúa Con cũng phụ thuộc vào Chúa Cha về các việc làm: Chúa Con tự mình không thể làm được gì, Người chỉ làm những gì Người thấy Chúa Cha làm "(Ga 5:19). Nhiều lần, Chúa Giêsu quả quyết rằng giáo lý và lời nói của Người đến từ Chúa Cha: "Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói [...] Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8:26.28; cf 7:16). Chúa Giêsu kết thúc mọi hoạt động công khai của Người bằng câu tuyên bố này: "Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi"(Ga 12:49-50).

Xu hướng cứu độ của sự phụ thuộc của Chúa Con vào Chúa Cha là điều hiển nhiên. Trong sức mạnh của sự sống mà Người có trong chính mình, Chúa Con, theo ý muốn của Chúa Cha, đã làm cho kẻ chết sống lại vào ngày cuối cùng (x. Ga 6: 39-40). Những lời Người nghe được từ Chúa Cha tạo thành học lý mà Chúa Giêsu truyền đạt cho con người (x. Ga 7:16; 17:8.14). Các việc làm mà Người học được từ Chúa Cha là trung tâm hoạt động của Người, và, được Tin Mừng viết ra và truyền đạt, chúng tạo thành nền tảng của đức tin nơi các thế hệ tương lai (xem Ga 20: 30-31). Như vậy, rõ ràng là chúng ta không thể bàn đến mối liên hệ vốn hợp nhất Chúa Cha và Chúa Con mà không xem xét ý nghĩa của nó đối với sự cứu rỗi của con người: mối liên hệ của Chúa Cha và Chúa Con có một giá trị cứu rỗi của riêng nó.

Cho đến nay, chúng ta đã thấy không thể tách Chúa Cha ra khỏi Chúa Con, cũng không thể tách mối liên hệ qua lại của các Ngài khỏi công việc cứu độ của Chúa Con. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu không nói về Chúa Cha mà lại không nói đến Chúa Con, và mặt khác, Người không nói đến sự cứu rỗi của con người mà lại không nói đến mối liên hệ chặt chẽ kết hợp Chúa Cha và Chúa Con. Người tuyên bố: "Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9; xem Ga 12:45), mặt khác: "ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết"(Ga 6:40). Do đó, sự thật về Thiên Chúa và sự thật về sự cứu rỗi của con người có liên quan mật thiết với nhau.

b. Mối liên hệ của Chúa Con Cứu thế với con người

89. Bằng cách ghi nhớ những gì chúng ta đã lưu ý, bây giờ chúng ta hãy tìm kiếm trong Tin Mừng Gioan những điều có liên quan đến công việc cứu độ của Chúa Con, và do đó, sự cứu rỗi của con người. Thánh Gioan Tẩy Giả trình bày Chúa Giêsu bằng những lời sau đây, trong lần xuất hiện công khai đầu tiên: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1:29; cf Ga 1:36; Mt 1:21). Người Samaria hiểu rằng "Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4:42). Mặt khác, việc nâng Chúa Giêsu lên thập giá có tính nền tảng đối với công việc cứu độ của Người. Cuối cùng, trong lời khẳng định long trọng của Người "TÔI HẰNG HỮU", Chúa Giêsu tiết lộ một cách trổi vượt toàn bộ các khía cạnh của viễn ảnh cứu độ.

Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu từng tuyên bố: "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời"(Ga 3:14-15). Người cũng tuyên bố: " Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:28) (*); nghĩa là, con người sẽ hiểu căn tính thực sự của Người, như sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng nói về việc giương cao Người lên thập giá: "tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12:32). Người sẽ là "hạt lúa mì rơi xuống đất", khi chết đi sẽ "sinh nhiều hoa trái" (Ga 12:24). Sự giương cao Người lên thập giá đồng thời là sự tôn vinh của Người (x. Ga 12:23.28; 17:1.5), nghĩa là sự mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Người dành cho Chúa Cha, được bày tỏ trong việc vâng phục của Người đối với thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người (x. Ga 14:31; x. Ga 4:34), và cả tình yêu vô tận được Chúa Cha làm chứng, khi sai Con của Người và giao phó cho Người việc cứu rỗi thế giới (x. Ga. 3:16). Chấp nhận giờ đã định của Chúa Cha, Chúa Giêsu đẩy tình yêu của Người dành cho những kẻ thuộc về Người cho đến cực điểm, "đến cùng" (Ga 13:1). Lời cuối cùng của Người, trước cái chết của Người trên thập giá là: "Thế là đã hoàn tất!" (Ga 19:30). Khi chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc mà Chúa Cha giao phó cho Người để cứu rỗi con người. Người mặc khải, không những bằng lời nói, mà cả bằng hành động, tình yêu của Người và tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người.

Được Chúa Cha sai đến và nhận mọi sự từ Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thấy một cách đặc biệt ý nghĩa cứu độ của chính con người mình trong những biểu thức khởi đầu bằng công thức "Tôi hằng hữu". Với công thức này - nên được hiểu theo ánh sáng mặc khải Thiên Chúa từng ngỏ với Môsê "Ta là Đấng Hằng Hữu" (Xh 3:14) -, Chúa Giêsu phát biểu sự kiện này: Thiên Chúa Cha hiện diện trong con người của Người, và Người làm cho hiệu quả cứu rỗi của sự hiện diện này trở nên hiển thị. Chúa Giêsu sử dụng thành ngữ "Tôi hằng hữu" ba lần, không có bất cứ bổ ngữ nào: khi Người đi trên mặt nước (xem Ga 6:20) (*); nói đến lúc Người được giương cao trên thập giá (x. Ga 8:28) và trong lời khẳng định long trọng: "Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu" (Ga 8:58). Trong mọi trường hợp, Người khẳng định sự hiện diện cứu rỗi của mình, đặt cơ sở trên sự kết hợp hoàn hảo của Người với Chúa Cha. Trong bảy lần khác, biểu thức "Tôi hằng hữu" được xác định bởi bổ ngữ nhằm giới thiệu các thực tại căn bản của đời người. Ở đây chúng ta chỉ có thể chỉ ra một cách ngắn gọn ý nghĩa của những lời lẽ này.

Biểu thức đầu tiên, Chúa Giêsu nói: "Ta là (*) bánh ban sự sống" (Ga 6:35.48.51). Chúng ta hãy thêm ngay rằng chữ "sự sống" được sử dụng trong hai diễn từ khác (x. Ga 11:25; 14:6), và hoàn toàn hiện diện trong mọi người. Cuộc sống trần gian là sự thiện căn bản, nền tảng của mọi sự thiện khác. Chúa Giêsu mặc khải rằng sự sống vĩnh cửu, một sự sống hệ ở việc kết hợp mạnh mẽ và trọn vẹn hơn với Thiên Chúa (Ga 17:3), và là sự thiện cao cả nhất, và là sự hoàn hảo của ơn cứu rỗi. Lời của Chúa Giêsu nói trên bánh mì mang theo ba quả quyết kép:

1.Cơm bánh giữ cho anh em sống trên trái đất. Từ Thầy, anh em nhận được sự sống đời đời.

2.Anh em phụ thuộc cơm bánh như của nuôi để có thể sống; không cơm bánh, sự sống không thể có. Anh em phụ thuộc vào Thầy để có cuộc sống vĩnh cửu; anh em tự mình không thể có được cuộc sống này.

3.Để có thể sống, anh em phải ăn cơm bánh. Ai không ăn sẽ chết. Để có cuộc sống vĩnh cửu, anh em phải tin vào Thầy. Ai không tin sẽ hư mất.

Các lời lẽ khác Chúa Giêsu dùng để định nghĩa chính bản chất của con người của Người được sắp xếp giống hệt với cách vừa được mô tả, và mang một nội dung cứu rỗi. Chúng thường được liên kết với một trong những dấu lạ Người thực hiện, và nằm bên trong các giáo huấn bao quát hơn. Bối cảnh làm rõ ý nghĩa của nó.

Biểu thức thứ hai: "Tôi là (*) ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Ga 8:12; x. 9:5; 12:35). Việc lần mò trong bóng tối, không có ánh sáng, là một điều cực kỳ nguy hiểm. Chúa Giêsu biết hạn từ đích thực (x. Ga 8:14): Chúa Cha. Người đi đúng đường, và chỉ đường này cho các môn đệ. Khi tuyên bố: "Ta là (*) cửa" (Ga 10:7.9), Chúa Giêsu khẳng định Người cho phép ta tiếp cận đoàn chiên (Ga 10: 7): các mục tử đích thực của dân Chúa độc đáo là những người mà Chúa Giêsu ở đã ủy nhiệm chăm sóc đoàn chiên và là những người hành động nhân danh Người (x. Ga 21:15-17). Chúa Giêsu cũng là cửa cho đoàn chiên: chỉ nhờ trung gian của Người mà tín hữu tìm được của ăn ngon lành và dồi dào, vì Người mang lại sự sống dồi dào (Ga 10:10). Lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Tôi, tôi là mục tử nhân lành" (Ga 10:11.14) thuộc cùng một thể văn dụ ngôn. Nó nhấn mạnh tới mối quan tâm sâu sắc của Chúa Giêsu đối với những kẻ thuộc về Người, đó là mối quan tâm đến có thể hy sinh mạng sống của chính mình, và có đặc điểm ở sự thân quen hỗ tương (xem Ga 10:14-18).

Biểu thức thứ ba: lời quả quyết "Ta là (*) sự sống lại và (*) sự sống" (Ga 11:25) nói lên vai trò của Chúa Giêsu trong việc vượt qua cái chết. Người ta có thể so sánh nó với kiểu nói: "Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống; không ai đến với Chúa Cha mà không qua tôi "(Ga 14:6). Biểu thức này xác định một cách tổng hợp vai trò của Chúa Giêsu trong việc đến với Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn duy nhất của cứu rỗi và sự sống. Nó nói lên vai trò của nó trong việc làm ta bước vào mối liên hệ với Chúa Cha, biết Chúa Cha, tham dự vào sự sống của Chúa Cha.

Biểu thức cuối cùng: "Thầy, Thầy là (*) cây nho và các con là cành" (Ga 15:5; xem Ga 15:1). Nó tóm tắt cách nào đó mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và loài người: các cành chỉ có thể sống và sinh hoa trái nếu chúng vẫn còn trên cây nho. Câu quả quyết này dẫn đến câu hỏi sau đây: con người phải làm gì để duy trì sự hiệp nhất với Chúa Giêsu?

c. Con người tiếp cận ơn cứu rỗi

90. Với hình ảnh cây nho, Chúa Giêsu đề cập đến hai phương thức kết hiệp với Người (các lời nói và tình yêu của Người): "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em..." (Ga 15:7); " Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy " (Ga 15:9). Các lời lẽ của Chúa Giêsu là toàn bộ sự mặc khải được Người mang tới. Chúng có nguồn gốc từ Chúa Cha (xem Ga 14:10; 17:8) và ở trong người chào đón chúng, khi tin vào Chúa Giêsu (x. Ga 12:44-50). Đó chính là tâm điểm của đức tin: " Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14:11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu sau đó sẽ dẫn đến việc tiếp nhận Người một cách biết ơn và hoàn toàn tin tưởng vào Người, nhưng cũng phải tuân theo các giới răn của Người: "Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con" (Ga 15:12; xem 13:34). Tin vào Chúa Giêsu, vào các lời nói và tình yêu của Người, và yêu thương người khác tạo đường giúp ta ở trong Người, duy trì sự kết hiệp với Người, Đấng vốn là sự sống, nghĩa là nguồn gốc của mọi sự sống và ơn cứu rỗi (xem 1 Ga 3:23).

Chính trong bối cảnh xuất hiện công thức "Tôi hằng hữu" lần cuối cùng, Chúa Giêsu tuyên bố: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15:15). Có thể liên kết mối liên hệ của Người với các môn đệ và mối liên hệ của Người với Chúa Cha; mối liên hệ này có bản chất hoàn toàn bản thân, quen thuộc và thân ái. Ở lại trong mối liên hệ này với Chúa Giêsu tạo nên sự sống đời đời, tức ơn cứu rỗi được Chúa Giêsu mặc khải. Khi kết thúc lời cầu nguyện tuyệt vời của Người với Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thấy với cường độ nào Người vốn mong muốn sự kết hợp này: từ "Con cầu xin" (Ga 17:9.15.20), Người bước sang một công thức chưa từng có trong số ít "Con muốn", khi nói " Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành"(Ga 17:24).

Như thế, sự kiện việc mặc khải của Thiên Chúa có mục tiêu chính là Thiên Chúa và sự cứu rỗi của con người (xem Dei Verbum, số 2), xem ra hoàn toàn rõ ràng trong Tin Mừng Gioan.
______________________________________________________
(*) “Ta Hằng Hữu” là dịch cụm từ “Je suis” (tiếng Pháp), “Ego Sum” (tiếng La Tinh) rất chỉnh trong lời Thiên Chúa nói với Môsê về danh tính của Người (Xh 3:14). Nhưng trong những kiểu nói khác, tiếng Việt phải dịch động từ “être” (Je suis, il est là “là”) như trong các kiểu trích trong đoạn này.

Kỳ tới: Các thư Thánh Phaolô
 
VietCatholic TV
Đức Hồng Y George Pell kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao, chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài
Giáo Hội Năm Châu
00:55 20/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chiều 17/9/2019 the tin tức đài ABC cũng như các báo chí HeraldSun và The Australian ra ngày 18/9/2019 đều đăng tải tin ĐHY nộp đơn kháng cáo lên Tòa thượng thẩm tối cao Liên bang Úc châu trước bản án về tội tố giác việc ngài lạm dụng tính dục với hai chàng trai trẻ trong ca đoàn của nhà thờ Chính tòa Melbourne vào dịp lễ trọng thể khi ngài mới nhận chức TGM Melbourne vào giữa thập niên 1990.

Đây là cơ hội cuối cùng mà ĐHY hy vọng sẽ lật ngược được bản án tù ba năm 8 tháng và chứng minh tình trạng vô tội cho ngài. Theo tờ HeraldSun và tờ The Australian thì nhóm luật sư bào chữa cho ngài, đứng đầu là luật sư Bret Walker SC, một cựu thẩm phán danh tiếng…

Lý do kháng cáo mà báo chí và nhiều người cho rằng sự ‘bất khả’ của việc lạm dụng ấy có thể xảy ra trong một dịp lễ trọng thể tại nhà thờ Chính tòa vào dịp ĐHY mới nhận chức và việc vô lý ngài tự tách ra khỏi đoàn rước để vào phòng áo một mình, bắt gặp 2 chú ca viên cũng không hiểu sao tách ra khỏi đoàn rước lẩn vào phòng áo uống trộm rượu lễ… Trong vòng 5 tới 6 phút mà ĐHY với phẩm phục lễ trọng thể có thể lạm dụng tính dục với hai chú ca viên này trong một bối cảnh phòng áo mở toang và người ra vào thường xuyên tấp nập thật bận rộn của nhà thờ chính tòa trong ngày lễ Chúa Nhật bận rộn được!

Các luật sư cũng dựa vào sự nghi ngờ về điều ‘bất khả thể’ này của thẩm phán Mark Weinberg, một trong ba thẩm phán của phiên tòa kháng cáo tháng trước đây, không đồng ý với hai thẩm phán đồng nghiệp của ông trong phiên tòa kháng cáo 21/8/2019 vừa qua là chánh án Anne Ferguson và Chris Maxwell, cả hai đã đánh đổ mọi nhân chứng cho việc lạm dụng của ĐHY khó có thể xảy ra mà tin rằng người tố cáo nói sự thật! Dù cho 2 người bị lạm dụng thì một người đã chết vì dùng thuốc quá liều, chính anh này cho mẹ anh ta hay là anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng! còn người kia thì không bao giờ lộ diện tại tòa, chỉ có khai báo với cảnh sát mà thôi! Và lời khai cũng có những điểm trằn tréo nhau không được chính xác!

Theo Giáo sư luật tại Đại học Melbourne, Tiến sĩ giáo sư Jeremy Gans thì nếu đơn kháng cáo lên Tòa thượng thẩm tối cao Liên bang được chấp nhận thì việc mở phiên tòa xét xử lại cũng cần mấy tháng nên không có hy vọng phiên tòa sẽ được nhóm vào năm nay mà có thể xảy ra vào năm tới.
 
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phản ứng thế nào trước vụ khủng bố 9/11?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:57 20/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những ngày này Hoa Kỳ đang long trọng tưởng niệm biến cố tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001 khiến 2,977 nạn nhân vô tội bị thiệt mạng cùng với 11 tên khủng bố. Thông tấn xã Catholic News Agency cho biết như sau về phản ứng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi hay tin về biến cố bi thảm này.

Khi ba chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài, và Chuyến bay 93 đã rơi xuống cánh đồng Pennsylvania vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls, vào thời điểm đó là giám đốc văn phòng báo chí của Vatican, đã chuyển tin tức cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

“Tôi nhớ buổi chiều khủng khiếp đó như thể là mới ngày hôm qua. Tôi đã gọi điện cho Đức Giáo Hoàng, lúc ấy đang ở tại Castel Gandolfo, tôi đã đưa tin cho ngài. Ngài đã kinh hoàng không chỉ bởi chính thảm kịch, mà còn bởi vì ngài không thể giải thích làm thế nào con người có thể đạt đến vực thẳm tội ác này, ” tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls hồi tưởng lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với Vatican Insider.

Đức Gioan Phaolô II, là người đã lớn lên tại Ba Lan, đã tận mắt chứng kiến quê hương mình đầu tiên bị Đức Quốc xã xâm lược, và sau đó là Liên Sô, và trong tư cách là Giáo Hoàng đã điều hướng thế giới trong vùng biển quốc tế đầy nguy hiểm của Chiến tranh Lạnh, không xa lạ gì với bi kịch chiến tranh.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ vẫn làm ngài rúng động sâu sắc.

“Ngài đã bị chấn động sâu sắc, buồn bã. Nhưng tôi nhớ rằng câu hỏi lớn nhất ngài đã tự hỏi mình là làm thế nào một cuộc tấn công khủng khiếp như thế có thể xảy ra. Cùng với nỗi đau trước những hình ảnh đó, là sự mất tinh thần của ngài,” tiến sĩ Navarro-Valls nói.

“Ngài đã ở lại một thời gian ngắn trước màn ảnh TV. Sau đó, ngài lui về nhà nguyện, chỉ cách phòng TV vài bước chân. Và ngài vẫn ở đó một thời gian dài để cầu nguyện. Ngài cũng muốn liên lạc với tổng thống George Bush, để truyền đạt sự hỗ trợ, nỗi đau, lời cầu nguyện của ngài. Nhưng không thể liên lạc với tổng thống, là người vì lý do an ninh đang di chuyển trên các máy bay của Air Force One.”

“Thay vào đó, Đức Gioan Phaolô II đã quyết định gửi thông điệp chia buồn và bảo đảm những lời cầu nguyện qua telegram, và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới làm điều đó trong ngày bi thảm này.”

Trong điện văn, Đức Giáo Hoàng viết:

“Tôi vội vàng bày tỏ với ngài và đồng bào ngài nỗi buồn sâu sắc và sự gần gũi của tôi khi cầu nguyện cho Hoa Kỳ tại thời điểm đen tối và bi thảm này”, Đức Giáo Hoàng viết.

Trong một bài viết vào năm 2011 trên tờ National Catholic Register, đại sứ James Nicholson, người vừa nhậm chức tân đại sứ của Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh vào năm 2001, đã nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Gioan Phaolô II, chỉ hai ngày sau vụ khủng bố.

“Điều đầu tiên Đức Giáo Hoàng nói với tôi là ngài cảm thấy rất buồn bã trước những gì vừa xảy ra tại Hoa Kỳ. Tiếp theo, ngài mời tôi cùng nhau cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.”

“Sau đó, Đức Giáo Hoàng nói một điều rất sâu sắc và tiên tri về tai ương khủng bố quốc tế.” Ngài nói, “Đại sứ Nicholson, đây là một cuộc tấn công, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn trên toàn nhân loại. Và sau đó, ngài nói thêm “Chúng ta phải làm mọi cách ngăn cản những người này nhân danh Chúa để giết hại người ta.”

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là ngày thứ ba.

Ngày hôm sau, thứ Tư, có buổi triều yết chung với những người hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã bỏ bài giáo lý được soạn sẵn sang một bên để nói về thảm kịch mà thế giới vẫn đang quay cuồng.

Ngài nói:

“Tôi không thể bắt đầu buổi triều yết chung này mà không bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình trước các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ngày hôm qua đã mang đến cái chết và sự hủy diệt cho nước Mỹ, cướp đi sinh mạng hàng ngàn nạn nhân và làm bị thương vô số người. Tôi xin gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ và tất cả công dân Mỹ, nỗi buồn chân thành. Trước nỗi kinh hoàng khó tả như vậy, chúng ta không thể không rúng động sâu sắc. Tôi thêm tiếng nói của mình vào tất cả những tiếng nói trong những giờ này để bày tỏ sự lên án, sự phẫn nộ, và tôi mạnh mẽ nhắc lại rằng những phương thế bạo lực sẽ không bao giờ dẫn đến những giải pháp đích thực cho những vấn đề của loài người.

Hôm qua là một ngày đen tối trong lịch sử nhân loại, một sự khủng khiếp đối với phẩm giá con người. Sau khi nhận được tin, tôi đã theo dõi với sự quan tâm mãnh liệt về tình hình đang phát triển, với những lời cầu nguyện chân thành dâng lên Chúa. Làm sao một hành vi tàn ác dã man như vậy có thể xảy ra? Trái tim con người có những chiều sâu mà từ đó những âm mưu tàn bạo đôi khi xuất hiện, có khả năng phá hủy trong một khoảnh khắc cuộc sống hàng ngày bình thường của cả một dân tộc. Nhưng đức tin đến trợ giúp chúng ta vào những thời điểm này khi những lời nói dường như thất bại. Từ Chúa Kitô là từ duy nhất có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi gây hoang mang cho lòng trí chúng ta. Ngay cả khi các thế lực bóng tối dường như chiếm ưu thế, những người tin vào Chúa biết rằng cái ác và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hy vọng Kitô giáo dựa trên sự thật đó. Vào những thời điểm như thế này chúng ta kín múc sức mạnh từ đức tin và lời cầu nguyện của mình.

Với lòng cảm thông sâu sắc, tôi xin gửi những lời này đến dân tộc thân yêu Hoa Kỳ trong thời điểm đau khổ và đớn đau này, khi lòng can đảm của rất nhiều người nam nữ có thiện chí đang bị thử thách. Cách riêng, tôi bày tỏ sự gần gũi với gia đình của những người bị thiệt mạng và những người bị thương, và bảo đảm với họ về sự gần gũi về tinh thần của tôi. Tôi phó dâng cho lòng thương xót của Đấng Tối Cao những nạn nhân bất lực của thảm kịch này, là những người mà tôi đã dâng thánh lễ sáng nay, cầu xin cho họ được yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Xin Chúa ban ơn can đảm cho những người sống sót. Cầu xin Ngài nâng đỡ các nhân viên cấp cứu và nhiều tình nguyện viên hiện đang nỗ lực hết sức để đối phó với tình huống khẩn cấp như vậy.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để vòng xoáy của lòng thù hận và bạo lực không thắng thế. Xin Đức Trinh Nữ, Mẹ của Lòng Thương Xót, lấp đầy trái tim của tất cả mọi người bằng những suy nghĩ khôn ngoan và ý định hòa bình.

Hôm nay, sự cảm thông chân thành của tôi xin được gởi đến người dân Mỹ, hôm qua đã phải chịu những cuộc tấn công khủng bố vô nhân đạo cướp đi mạng sống của hàng ngàn con người vô tội và gây ra nỗi buồn khôn tả trong trái tim của tất cả những người nam nữ. Hôm qua thực sự là một ngày đen tối trong lịch sử của chúng ta, một cuộc tấn công kinh hoàng chống lại hòa bình, một cuộc tấn công khủng khiếp chống lại nhân phẩm.

Tôi mời tất cả anh chị em tham gia cùng tôi phó dâng những nạn nhân của thảm kịch kinh hoàng này cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ơn an ủi của Người đối với những người bị thương, các gia đình bị ảnh hưởng, tất cả những người đang làm hết sức mình để giải cứu những người sống sót và giúp đỡ những người bị thương.

Tôi xin Chúa ban cho người dân Mỹ sức mạnh và lòng can đảm mà họ cần vào thời điểm đau buồn và thử thách này.”


Source:Catholic News Agency