Ngày 20-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
13:26 20/09/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (49)

481. Thánh là chu toàn bổn phận một cách siêu nhiên và tốt đẹp

Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận. (Đường Hy Vọng)

482. Vì sao tâm hồn ta khắc khoải, bất an?

Vì thương thuyết đòi điều kiện trong bổn phận, vì không theo ý Chúa, vì theo ý Chúa có giới hạn mà tâm hồn con khắc khoải, bất an. (Đường Hy Vọng)

483. Bổn phận và sự thánh thiện

Thánh hoá bổn phận của con.
Thánh hóa người khác nhờ bổn phận của con.
Thánh hóa chính mình con trong bổn phận. (Đường Hy Vọng)

484. Vì sao thế giới không đổi mới?

Thế giới không đổi mới vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận. (Đường Hy Vọng)

485. Khi nào đạt đến sự trọn lành cao nhất?

Bổn phận trước hết! Bổn phận trên hết, bổn phận đem lại thắng trận cho tâm hồn, bổn phận chỉ có một danh hiệu: ý Chúa…
Chính khi chu toàn những việc bổn phận của mình một cách thánh thiện, người ta đạt đến sự trọn lành cao nhất. (P.Etcheverry)

486. Ba bí quyết cư xử với mọi người

Quan hệ giữa người với người, nên chú ý ba điều sau.
Thứ nhất, – cũng là điểm quan trọng nhất -: chăm chú quan sát người ấy.
Thứ hai, hiểu ý người khác, nhìn vấn đề trên lập trường của người ấy.
Thứ ba, phải có một tấm lòng bao dung, rộng lượng đối với người khác. (200 Cách Hành Xử Trong Cuộc Sống).

487. Đời sống rỗng tuyếch!

Trong cuộc sống của mỗi người, sự rỗng tuyếch là đáng sợ hơn cả.
Không có mục đích, họ sẽ trôi nổi trên dòng đời như mảnh giẻ rách trên những dòng sông. (Bill Gates)

488. Ảnh hưởng của tinh thần trên sức khoẻ

Sức khoẻ là tài sản quý báu nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Không có sức khoẻ, cho dù có thêm nhiều tiền, cũng trở nên vô ích.
Nhiều khi người ta có thể coi nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của trạng thái tinh thần không tốt, tạo ra mối nguy cơ tiềm ẩn to lớn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân. (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)

489. Đừng khinh những điều nhỏ nhặt

Con đê dài ngàn dặm bị vỡ vì mối đục khoét.
Đời người cũng như vậy: nếu như không chú ý đến những điều nhỏ nhặt của mình, thì sẽ xảy ra tai họa lớn. Ví như một người, làm việc không nghiêm túc, nói năng không thận trọng, sống tuỳ tiện, thì không tránh khỏi xảy ra tai họa, và những buồn phiền trong cuộc sống cũng liên tiếp xảy ra. (Những Đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên Cần Phải Có)

490. Bệnh lo âu

Tại Mỹ, bệnh tim được xếp vào vị trí hàng đầu trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Trong đại thế chiến thứ hai, khoảng hơn ba vạn người chết trận, thì có hơn 2 triệu người chết vì bệnh tim, cũng cùng thời gian nầy. Hơn thế, có khoảng hơn 1 triệu người, vì lo lắng, nên dẫn đến bệnh tim mà chết.
Thảo nào, ngay cả các bác sĩ nổi tiếng, cũng phải lắc đầu than vãn: - “Lo nghĩ nhiều gặm nhấm làm cho các nhà kinh doanh đành bó tay, chịu cảnh chết sớm.”
Bác sĩ Edward Podoskai có một tác phẩm nổi tiếng là: “Đừng lo nghĩ nhiều, hãy phấn chấn lại tinh thần”, trong đó, đề cập đến các vấn đề sau:
- Ảnh hưởng của việc lo lắng, suy nghĩ nhiều đến tim
- Lo nghĩ nhiều dẫn đến cao huyết áp
- Lo nghĩ nhiều có thể gây ra chứng phong thấp
- Hãy lo nghĩ ít đi để bảo vệ cho dạ dày bạn
- Lo nghĩ làm cho bạn bị ốm như thế nào
- Lo nghĩ và tuyến giáp
- Lo nghĩ và mối quan hệ với người bị tiểu đường……
Lo lắng giống như những giọt nước không ngừng chảy, từng giọt giỏ xuống làm cho bạn phát điên lên.
Nếu ngày nào bạn cũng như vậy, chẳng bao lâu, bạn sẽ mắc chứng bệnh lo âu, không những bản thân khổ, không nói lên lời, mà người khác cũng không thể chịu đựng nổi. (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:58 20/09/2008
MẬT THẤT

N2T


Đệ tử xin chỉ thị lời khôn ngoan.

Sư phụ nói: “Đi về, an tọa trong mật thất của con, nó sẽ soi sáng khôn ngoan của con.”

- “Con không phải là tăng lữ thì mật thất ở đâu ?”

- “Đương nhiên con có một căn mật thất: nhìn về bên trong.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Trong tu viện, mỗi một tu sĩ đều có một căn phòng yên tĩnh (mật thất) để ngủ, để học hành, để đọc sách, để suy tư và để cầu nguyện, đó chính là “giang sơn” của các tu sĩ.

Nhưng có một mật thất yên tĩnh hơn, đó là tâm hồn của mỗi người.

Nếu căn mật thất tâm hồn không yên tĩnh, thì căn phòng bốn mét vuông trong tu viện cũng sẽ nổi sóng dậy gió; nếu mật thất bên trong tâm hồn không yên tĩnh, thì căn phòng bốn mét vuông nơi tu viện trong rừng sâu cũng sẽ trở thành phòng cách âm ồn ào những tiếng hát cuồng loạn của karaoke.

Tất cả mọi lời khôn ngoan đều được phát ra từ nơi mật thất yên tĩnh của tâm hồn, chứ không phải từ nơi căn phòng của tu viện, bởi vì căn phòng chỉ như là trạm dừng giữa sa mạc mênh mông người đến trú tạm rồi đi mà thôi.

Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi, nhưng những người không “nhìn về bên trong” thì sẽ không gặp được Ngài, mà “nhìn về bên trong” chính là mật thất yên tĩnh của tâm hồn vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:59 20/09/2008
N2T


37. Con người ta nếu cầu nguyện cách tốt lành thì không trễ nãi làm việc thiện, trái lại nếu không cầu nguyện tốt, thì bất cứ việc thiện nào cũng làm không được.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Vẫn còn những “công nhân giờ thứ 11”
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:01 20/09/2008

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A: Vẫn còn những “công nhân giờ thứ 11”



Dẫn nhập đầu lễ:

Sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật XXV thường niên hôm nay là một thúc nhắc cộng đoàn chúng ta hoán cải theo Lời Chúa dạy là lột bỏ mọi biểu hiện của tự cao, biệt phái, kiêu căng và hãy biết noi theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mở rộng cõi lòng đón nhận lẫn nhau bằng thái độ nhân từ quảng đại, sẵn sàng bao dung đón tiếp mọi anh chị em cho dù họ yếu đuối bất toàn (mà ngôn ngữ dụ ngôn Tin Mừng hôm nay gọi họ là những “công nhân giờ thứ 11”), để cùng nhau xây dựng “Vườn Nho” Chúa mỗi ngày thêm đẹp thêm xinh.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa:

Ở giữa chợ đời hôm nay, những qui luật cạnh tranh sinh tồn không mấy thiện hảo như “Mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu”, “cá lớn hiếp cá bé”...lại được áp dụng thật đúng mức. Nơi nào cũng đầy ắp cảnh “lính cũ trấn lột lính mới”, người có công vụ thâm niên, …thì đè đầu cởi cổ những kẻ mới tập tễnh vào nghề; những bậc thầy thức giả uyên thâm, những cây cao bóng cả thì xem thường lũ học trò mới được dăm ba chữ, kẻ có quyền cao chức trọng thì trấn áp, bóc lột những người nhà quê chân lấm tay bùn, nhứng thế lực với quyền lực và vũ khí trong tay thì tàn ác bất nhân đối với những dám dân oan áo ôm khố rách, không công trạng cũng chẳng có ô dù điểm tựa đỡ nâng…

Sự kiện “Thái Hà” và “Tòa Khâm Sứ” tại Tổng giáo phận Hà Nội là một điển hình cụ thể cho cái qui luật chợ đời quái quỉ trên: một bên là đám giáo dân hiền lành chơn chất, chỉ với lời cầu nguyện và tiếng kêu oan bằng lẻ phải, còn một bên là lực lượng công an với súng ống, chó dữ, dùi cui và lựu đạn cay…

Và nào chỉ ở nơi chợ đời mới xảy ra cái qui luật “đáng ghét” nầy ! Ở ngay giữa lòng thế giới tôn giáo, dân Ít-ra-en, dân tộc ưu tuyển của Thiên Chúa, nơi mà lương tâm con người được uốn nắn kỹ càng ngay từ tấm bé để hướng thiện, thì vẫn tồn tại lâu dài đến nhức nhối cái tiêu cực đáng ghét nầy. Những người may mắn lọt vào hàng tư tế hay luật sĩ, những kẻ mệnh danh là “Biệt phái”…họ chỉ biết ăn trên ngồi trước, đối xừ tàn tệ với dân đen, kiêu căng hợm hĩnh với dân ngoại và những người bị họ xếp vào loại “công nhân giờ thứ 11”

Thế nhưng họ lại là những người thường xuyên tiếp cận và dạy dỗ những lời chân lý của sách Lêvi như: “phải thương yêu đồng loại như chính mình ngươi” (Lv 19,18) hay như Lời Chúa phán dạy qua sách Isaia chẳng hạn:

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế nầy sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoãnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).

Vì thế, nếu cách đây 2000 năm, Đức Kitô đã phải nhiều lần "ngậm đắng nuốt cay" để chửi thẳng mặt vào cái “tính hư tật xấu nầy”; và hôm nay, ở giữa lòng ”Cộng đoàn Dân mới, Dân tư Tế, Dân Vương Đế, Dân Thánh của Thiên Chúa”, Lời Chúa lại một lần nữa vang lên để cảnh báo, để vạch trần những nhỏ nhen, biệt phái, những ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi…và dạy chúng ta bài học của khiêm nhường hiền hậu, chân lý của bác ái khoan dung mà dụ ngôn “công thợ vườn nho” hôm nay là một hoạt cảnh sống động.

Thật vậy, chẳng ở đâu xa. Ngay giữa cộng đoàn chúng ta đây: vẫn còn đó những con mắt lườm nguýt có đuôi, những cái nhép môi khinh thị, những cú nhíu mày nhăn trán bất bao dung, đố kỵ, những lời ong tiếng ve phê bình chỉ trích, những kết án, lọai trừ…thấp thoáng đâu đó giữa những hàng ghế trang nghiêm thánh thiện của thánh đường để ném về phía những người bị cho là “đến trễ”, bị gán là “công nhân giờ thứ 11”.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11" vì họ họ là dân dự tòng-tân tòng; họ "là những người đến trễ" vì họ thuộc gia đình đang bị rối giây hôn phối.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11" vì họ bị mang tiếng có một quá khứ không tốt lành.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ quá bần hàn rách nát, không giúp được gì cho giáo xứ, cho cộng đoàn.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ là những người ít học hay khô khan nguội lạnh không thường xuyên tham gia sinh hoạt với cộng đoàn;

- Họ “là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ không có được những hoàn cảnh vật chất và tinh thần thuận lợi như bao nhiêu anh chị em khác…

Thế nhưng, chúng ta dư biết rằng: trên công trường của Giáo Hội, trong Vườn Nho của Thiên Chúa hôm nay vần còn đầy dẫy những anh chị em “là những người đến trễ”, là “những công nhân giờ thứ 11” như thế. Để dạy cho người Do Thái khi xưa và để nới với cộng đoàn chúng ta hôm nay, dụ ngôn Tin Mừng đã trình bày cách ứng xử khác thường của Thiên Chúa: Mỗi người, sớm hay muộn, đúng giờ hay đến trễ, cũng đều lãnh được một đồng như nhau. Phải chăng, ngụ ý của dụ ngôn nầy đã quá rõ để chúng ta hiểu và gắng công thực hiện:

- Hãy ngước lên Thiên Chúa để học mãi bài học khoan dung, quảng đại, thứ tha và yêu thương anh em như chính mình.

- Hãy trông về anh em xung quanh mà biết sẻ chia, cảm thông, yêu thương và kính trọng.

- Hãy nhìn vào chính mình để luôn khiêm hạ và sẵn sàng nhận phần thiệt thòa cho riêng mình để mà quảng đại phục vụ anh chị em.

Hội Thánh hôm nay quả thật đang cần những tín hữu như thế để gương mặt Hội Thánh luôn xuất hiện như một “Vườn Nho” tươi tốt xanh mơ, với đầy muôn kỳ hoa dị thảo, một “công trường luôn đầy ắp tiếng cười vui niềm nỡ của những người thợ thắm tình huynh đệ" chứ không phải là một “tháp Ba-ben” với muôn ngôn ngữ bất đồng của rẽ chia, hận thù, ghen ghét; và để cho ai đó, dù có trở về trong thời điểm trễ tràng của “giờ thứ 11,12” thì vẫn được anh em nồng nàn đón tiếp và chia đều phần "lương bổng đậm nghĩa yêu thương."

Và đó chính là điều được Thánh Phaolô hôm nay lại một lần nữa nhắc bảo cộng đoàn chúng ta: “Anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (BĐ 2)
 
Tâm tình của một con chiên lạc
Mai Đệ Liên Hà Nội
23:20 20/09/2008
Tâm tình của một con chiên lạc

Lạy Chúa, Con thật cảm thấy hổ thẹn vì con đã sống ích kỷ, theo những hư danh phù phiếm.

Đây là lần thứ mấy con không nhớ nữa, con đã khóc thật nhiều. Con nhớ lần đầu tiên con khóc khi thấy hình ảnh người ta bịt miệng một linh mục trong phiên tòa. Còn đây nhìn những cụ già, những người đàn bà nghèo khổ mà qua đó là hình ảnh của cha mẹ và anh em con. Họ phải bươn chải cho cuộc sống, họ chấp nhận cuộc sống đầy gian lao vất vả nhưng tâm hồn thật bình yên và tin yêu.

Còn con, con đang sống trong sung túc, trong danh vọng và địa vị liệu con có được bình yên như những giáo hữu đang cầu nguyện đó không?

Đã bao nhiêu năm qua, con nghĩ rằng trước khi mình là người Kitô hữu thì mình là người Việt Nam. Vậy thì con nghĩ con phải có bổn phận đối với đất nước là đóng góp một phần sức lực của mình để xây dựng đất nước. Và có lẽ con chu toàn việc đời hơn việc đạo.

Con nghĩ rằng con phải làm như vậy để tạo sự thông hiểu giữa người Công giáo và cộng đồng dân Việt trên tinh thần đoàn kết đồng bào, cùng một tiếng nói cùng một màu da. Con đã tự an ủi, đã phải chịu nhiều cay đắng mà có lẽ ai là người Công giáo sống trên đất nước này mới tự trải nghiệm được: những điều mà không bao giờ tìm thấy trong văn bản, trong nghị định.

Con đã sống đầy đủ vật chất khi cha mẹ anh em con phải sống nghèo hèn tủi nhục. Con đã sống vì những hư danh phù phiếm như thế đó. Đến hôm nay, con càng được dịp để trải nghiệm thế nào là sự lừa mị, thế nào là sự thủ đoạn.

Nhiều người cho rằng tôn giáo là mê tín là thuốc phiện. Và như một tông đồ xưa kia đã nói: "Chừng nào tôi được xỏ ngón tay vào lỗ đâm ở cạnh sườn ngài tôi mới tin " Con cũng đã như vậy, đối với con chỉ nghĩ đến chứng lý khoa học. Và rồi con đã được chiêm nghiệm trong một ơn lạ và con tin. Nhưng điều này con biết nếu nói ra thì sẽ có nhiều người không tin, có thể họ sẽ nói con đặt điều dối trá.

Tuy con đã được Mẹ thương như vậy, nhưng con thật sự vẫn là người vô ơn. Con đã quên đi những ân sủng được ban! Con lại bị cuốn hút theo dòng đời, con sợ hãi, con mặc cảm, con còn mãi mê theo danh vọng, còn phấn đấu cho kịp người đời. Mà thực ra những chức danh đó không phải khi nào và ở đâu cũng được đánh giá nghiêm túc và tôn trọng sự thực. Đến nỗi gần đây thôi thi Hoa hậu cũng có dối gian !!! Vậy mà con lại bị cuốn hút vào những mê hoặc đó.

Lạy Chúa, qua những đêm vừa qua, sự kiện Thái hà, sự kiện Tòa Khâm sứ đã làm con bừng tỉnh. Con thấy xấu hổ bởi nhân cách của mình. Chính những tâm hồn đơn sơ thánh thiện đó đã đánh động con. Con cảm ơn Chúa đã cho con có cơ hội nhìm lại mình. Lạy Chúa, xin hãy chỉ cho con biết việc con phải làm. Con xin vâng lời theo ý Chúa.

Và con tin rằng những lời kinh cầu nguyện của anh chị em đang từng giờ từng phút đã và đang đánh động đến những anh chiến sĩ cơ động, đến những công nhân đang thực thi theo "mệnh lệnh cần phải suy nghĩ kia". Con tin rằng mọi người ai cũng có lương tri. Và con tin ở quyền năng của Chúa.
 
Có Chúa Sẽ Sống Đời Bình An
Tuyết Mai
23:22 20/09/2008
Có Chúa Sẽ Sống Đời Bình An

Đừng buồn nữa anh chị em ơi!
Hãy tìm đến Chúa trong Lời Thánh Kinh,
Chúa thương dậy ta rất nhiều điều,
Dụ Ngôn bổ ích thuộc làu chớ quên.

Cuộc đời ta hãy luôn nhận và hãy biết,
Những gì thực tế trong những gì Chúa trao ban,
Từ bình minh cho đến buổi chiều tà,
Ơn Chúa ban sẽ luôn được dồi dào và dư đủ,
Cho ta hạnh phúc cùng tháng ngày bình an.

Có bao giờ anh chị em có thời giờ để ý?
Từng hơi thở ai trao ban cho ta nhưng không?
Nếu thiếu hơi thở lấy gì ta sống được?
Dù chỉ một phút thiếu dưỡng khí,
Có làm cho ta chết được hay chăng?

Còn những tế bào mỗi ngày chúng chết đi trong cơ thể,
Chúa lại cho chúng được tiếp tục sanh sản rất nhanh,
Để tiếp tục công việc nuôi dưỡng cho thân xác,
Mà thân xác này tôi xin được hỏi,
Ai? Ai đã dựng nên ta và cho ta sự sống?

Con người của chúng ta hằng ngày được nuôi dưỡng,
Bởi hai thứ rất thiết yếu và rất quan trọng,
Có phải đó là dưỡng khí và máu tươi. ...
Công việc của máu là luân lưu chạy khắp cùng thân thể,
Không một phút nào máu được ngừng và nghỉ ngơi,
Vì có phải nếu máu mà ngừng nghỉ thì lập tức,
Một bộ phần nào đó trong cơ thể hay trong não bộ,
Chúng sẽ bị tê liệt và không chịu làm việc?

Vì nếu máu không chảy kịp đến nơi của thân thể,
Thì kể như bộ phận nào đó đang gặp phải cơ nguy,
Nếu chậm trễ hay ống dẫn máu bị đông đặc và tắc nghẽn,
E rằng sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của chúng ta,
Thì lấy đâu hay tìm đâu cho ra bộ phận khác để thế đền?

Còn gì khác khá quan trọng không kém cho cơ thể!?
Mà nếu ta không có ắt sẽ chẳng sống được đâu!
Bộ phận ấy không ai xa lạ đó là Trái Tim,
Trái Tim yêu thương rất được chúng ta trân quý,
Và ai? Ai đã là Người ban cho chúng ta nhưng không?
Kỳ diệu thay cho mỗi một nhịp đập của nó,
Là sự sống còn nuôi cả toàn thể cho thân xác được lành mạnh,
Tim mà bị thất nhịp là tim đang bị đau yếu,
Càng thất nhịp nhiều là tim có cơ nguy phải cần gặp bác sĩ?

Khi sinh ra con người thì Chúa ban cho đầu mình và tứ chi,
Cùng mọi thứ từ đầu đến chân thật là đầy đủ!?
Phải biết giữ gìn và thờ kính Đấng đã tác tạo nên ta,
Phải biết quý trọng vì mọi thứ trên ta đều thuộc về Chúa,
Ngay cả sợi tóc trên đầu Chúa cũng đếm biết chúng là bao nhiêu.

Chúa tác tạo chúng ta không ngoài mục đích,
Là được phụng sự Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân,
Đôi chân ta có là để dùng như phương tiện,
Đến nơi xa gần để giúp đỡ anh chị em,
Có nhu cầu, bất hạnh, nghèo đói, khuyết tật, và khốn khổ,
Không thể nào đi đứng bình thường hoặc tự kiếm cơm,
Nuôi sống bản thân được là nhờ sự trợ giúp và ở lòng quảng đại,
Của những con người con Chúa biết chạnh lòng thương.

Đôi bàn tay Chúa ban cho là để ta dìu dắt,
Là để đút cơm, ôm ấp, xoa dịu, những nỗi đau cùng tận,
Của những anh chị em mà cả đời không một lần thấy được ánh sáng,
Của những anh chị em mà cả đời không một lần được bước đi,
Và của những anh chị em mà cả đời chẳng ai thèm để ý đến.

Chúng ta tất cả đều là con cái Chúa,
Cố gắng sống sao đem Tình Chúa,
Tin Mừng đến cùng tất cả anh chị em,
Để dâng lên Chúa tất cả những tấm chân tình,
Là hằng ngày siêng năng chuyên cần sống Phúc Âm của Chúa,
Trên chính bản thân, gia đình, bằng hữu, và ngoài xã hội,
Để sống làm chứng nhân trung thành và thiết thực của Chúa,
Để được Chúa chúc lành trên những công việc có lợi ích cho linh hồn,
Của toàn thể chúng ta đang sống một cuộc sống,
Ngày lại ngày này, trở nên tốt đẹp, và có lợi ích nơi trần gian.

Để Chúa Cha trên cao sẽ mỉm cười vô cùng mãn nguyện,
Ngài sẽ chúc phúc và sẽ tưởng thưởng cho chúng ta,
Ngài sẽ không còn giận dữ và sẽ không giáng họa,
Vì con cái Ngài đã trở nên khí cụ hữu ích,
Vì đã hiểu, do học hỏi, và đã biết, "Lời" Châu Báu của Ngài,
Thế nào là sống Yêu Thương, Hy Sinh, và luôn Tha Thứ,
Để có Trái Tim luôn biết rung động biết chạnh lòng thương,
Trên tất cả những con cái của Ngài.

Và rồi Chúa sẽ chúc phúc trên ta,
Tất cả những gì Chúa ban cho nhưng không,
Từ những cái chúng ta là cho đến,
Những gì chúng ta đã, đang, và sẽ có,
Bây giờ và mãi mãi muôn đời sau.

Vì Ngài là. ... Đấng Cứu Tinh của toàn thể nhân loại. Amen.
 
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm (3)
Vũ Văn An
00:41 20/09/2008
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm(tiếp theo)

4. Giáo Huấn Của Chúa Giêsu Trong Mátthêu 5:31-32

Như đã thưa trên đây, Phúc âm theo Thánh Mátthêu có hai phiên bản kể lại giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn, phiên bản đầu ngắn hơn, là lời phán (logion) ít nhiều độc lập bên trong Bài Giảng Trên Núi (5:31-32), phiên bản thứ hai dài hơn, là một trình thuật, giống như trong Máccô, kể lại cuộc đụng độ với một nhóm Biệt Phái (19:1-12).

Trong bối cảnh của nó, phiên bản Bải Giảng là lời phán thứ năm trong toàn bộ các lời phán của Chúa Giêsu. Giống như lời phán này, chúng đều ngắn ngủi, đầy đủ như những đơn vị độc lập của một bài dạy giáo lý, có ý hướng chuyển giao cốt lõi giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu về những điểm riêng rẽ thuộc tác phong. Ta hẳn đã quen thuộc với bộ các lời phán này, như “các con là muối đất…” (5:13-16); “đừng nghĩ ta đến để phá hủy lề luật hay các tiên tri…” (5:17-20); “các ông đã nghe có lời phán với tổ tiên chúng ta rằng: ‘chớ giết người…’ Nhưng tôi cho các ông hay…” (5:21-26); “các ông đã nghe ‘chớ ngoại tình’, Nhưng tôi bảo cho các ông hay…” (5:27-30). Hai lời phán sau có hình thức phản đề “không những, mà còn…” được Chúa Giêsu đặt giữa truyền thống các thính giả của Ngài từng học biết và nền luân lý mới được Ngài truyền dạy cho.

Phiên bản ngắn trong Mátthêu về giáo huấn của Chúa Giêsu đối với ly dị và tái hôn cũng được phát biểu dưới hình thức vừa nói đó: "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Trích đoạn trên khá giống với trích đoạn của Luca đến nỗi người ta có lý mà tin là chúng cùng phát xuất từ một nguồn chung. Vì ở phần giống nhau, cả hai quá khác với Máccô, nên phần chắc là chúng đã không vay mượn từ nguồn phúc âm này. Mà là từ nguồn Q. Xét cả về nội dung lẫn văn phong, ta thấy cả hai trích đoạn trên đều là tư liệu của nguồn Q. Ấy thế nhưng, các điểm giống nhau có ý nghĩa chỉ là hai mà thôi: thứ nhất, cả hai đều dùng động từ apolúein để chỉ loại ly dị được Chúa Giêsu cho hay sẽ dẫn tới ngoại tình; thứ hai, cả hai đều có cùng một câu kết y như nhau: “và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Còn các điểm khác nhau giữa hai trích đoạn trên khá rõ rệt, mặc dù chúng có cùng một ý định truyền dạy. Trong Luca, Chúa Giêsu không nhắc lại việc luật Môsen buộc người chồng rẫy vợ phải cấp cho nàng một ly thư. Nhắc như thế sẽ làm cử tọa Ngoại Giáo của ông bối rối vì họ vốn không quen thuộc với điểm lề luật và thực hành ấy. Trong khi theo Luca, Chúa Giêsu cho hay hậu quả việc chồng rẫy bỏ vợ là anh ta sẽ phạm tội ngoại tình nếu tái hôn, thì theo Mátthêu, Chúa Giêsu cho hay hậu quả ấy là khi rẫy bỏ vợ, người chồng sẽ khiến nàng trở thành kẻ ngoại tình (17). Do đó, nếu đọc kỹ cả hai phiên bản, ta thấy theo Luca, Chúa Giêsu không nói có gì sai nếu người chồng chỉ rẫy bỏ vợ, còn theo Mátthêu thì điều ấy đã là điều sai rồi. Sau cùng, theo Mátthêu, Chúa Giêsu có thòng câu ‘ngoại trừ’ sau đây: “ngoại trừ trường hợp pornéia”, còn theo Luca, không có câu thòng ấy.

Cuối cùng, cần ghi chú rằng hai trích đoạn trên mô tả Chúa Giêsu nói với các cử tọa đồng nhất, nếu không muốn nói là y hệt nhau. Trong Luca, cử tọa chính là các môn đệ của Chúa Giêsu cùng đi với Ngài trong hành trình từ Galilê lên Giêrusalem. Trong Mátthêu, cử tọa là các môn đệ cùng đi với Ngài lên sườn đồi Galilê và lắng nghe giáo huấn của Ngài. Ở cả hai trường hợp, việc nhận dạng cử tọa xem ra có vẻ giả tạo. Vì việc nhận dạng này chỉ có nghĩa trong vai trò làm đại biểu cho tất cả những ai cả Luca lẫn Mátthêu nghĩ là Chúa Giêsu có ý định nhắn gửi giáo huấn của Ngài về ly dị và tái hôn.

5. Phiên Bản Trong Mátthêu 19:1-12

Cái sườn tổng quát trong phiên bản trình thuật của Mátthêu cũng tương tự như trong phiên bản Máccô. Sự giống nhau này rất có thể là hiệu quả việc Mátthêu vay mượn trình thuật của mình nơi Máccô. Bởi thế, trong Mátthêu cũng như trong Máccô, một nhóm Biệt Phái đã tới để thử thách Ngài; Ngài trả lời bằng cách thử thách lại họ. Họ nại Môsen ra để chống lại Ngài; Ngài chỉnh lại lối giải thích Môsen của họ và trở lui quá cả Môsen tới điều chính Thiên Chúa thiết dựng ngay từ thuở ban đầu. Ngài kết thúc cuộc tranh luận bằng câu tuyên bố nghiêm khắc của mình. Trong cuộc đàm thoại thứ hai với riêng các môn đệ, Ngài sẽ giải thích lời tuyên bố của mình cách chi tiết hơn.

Nhưng trong cái tương tự trên, có khá nhiều dị biệt có ý nghĩa. Chú tâm tới các độc giả của mình, và để thỏa mãn nhu cầu của các độc giả này cũng như để trả lời các câu hỏi của họ, Mátthêu cảm thấy rộng tay đối với chất liệu vay mượn của mình. Để bắt đầu, không giống như Máccô, ta thấy điểm người Biệt Phái muốn thử thách Chúa Giêsu không phải là tư cách thầy dạy chính hiệu hay lòng thủy chung như nhất với luật Môsen liên quan đến ly dị và tái hôn. Theo Mátthêu, họ tới để buộc Ngài, nếu có thể, phải đứng về phe này hay phe kia của cuộc tranh luận đang hiện hành lúc đó giữa các rabbis, và cả nơi quần chúng nữa, tuy ở mức độ ít gay cấn hơn. Rõ ràng họ hy vọng rằng dù chọn bất cứ phe nào, Chúa Giêsu cũng ra xa lạ và đánh mất nhóm người theo phe bên kia. Đó chính là cuộc tranh luận giữa đệ tử của hai bậc thầy lớn thuộc thế hệ trước Chúa Giêsu, Hillel và Shammai. Ta biết họ vốn không đồng ý và do đó tranh luận với nhau về nghĩa của một hạn từ chủ yếu trong Đệ Nhị Luật 24:1, tức đoạn văn trong Torah vốn được coi như nguồn và nguyên tắc cho luật lệ ly dị của Do Thái:

“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”.

Trước nhất, Hillel và Shammai không đồng ý với nhau về hạn từ “điều gì chướng”, nó có ý nói đến điều gì (erwat dabar trong Torah; pornéia trong Hy Ngữ của bản dịch Bẩy Mươi và của các trích đoạn Nhất Lãm ta đang khảo sát). Họ cũng bất đồng về việc liên kết hay không liên kết sự không hài lòng có tính chủ quan của người chồng với cái erwat dabar có tính khách quan của người vợ. Vì sự không hài lòng của người chồng để ông có thể rẫy bỏ vợ kia có cần phải được biện minh bằng điều gì chướng nơi người vợ hay không? Hay chỉ cần ông không hài lòng là đủ để ông rẫy vợ, khỏi cần phải chứng minh “điều gì chướng” nơi người vợ?

Shammai giải thích hạn từ trên cách khá chặt chẽ và do đó, so với Hillel, ông tỏ ra bênh vực người vợ nhiều hơn. Việc không hài lòng của người chồng phải là do erwat dabar nơi người vợ, và hạn từ này chỉ có ý nói tới việc ngoại tình đã có chứng cớ nơi người vợ, hay một hành vi nào đó tương đương như thế. Hillel dễ dãi hơn và so với Shammai, dĩ nhiên thiệt cho người vợ hơn. Ông từng nhấn mạnh rằng sự không hài lòng nơi người chồng có thể tách biệt khỏi cái chướng khách quan nơi người vợ, và cái chướng kia có thể bao gồm rất nhiều loại hành vi khác nhau, từ ngoại tình cho tới việc nấu nướng dở.

Cách Mátthêu lên khuôn thước cho câu hỏi mở màn của người Biệt Phái (ở câu 3) đối với Chúa Giêsu cho thấy cái tính tấn kích trong cuộc thử thách của họ: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Cách phát biểu câu hỏi như thế có thể được gợi hứng từ việc trước đây họ vốn đã được người ta cho hay ở những điểm khác, Chúa Giêsu, mỗi khi thấy cần, đã rất lỏng lẻo đối với những lệnh truyền nghiêm khắc của lề luật. Nên giờ đây, họ muốn biến cái lỏng lẻo ấy thành điểm bất lợi đối với Ngài; họ muốn xem xem liệu Ngài có sẵn lòng chấp nhận hậu quả của việc công khai đứng về một trong hai phe của cuộc tranh luận khá phổ biến này hay không. Họ cũng đặt cơ sở cho câu họ hỏi Chúa Giêsu trên giả thiết mù quáng là câu trả lời của Ngài sẽ là một thách thức. Họ giả thiết rằng câu hỏi nóng bỏng về ly dị muốn hỏi đâu là các cơ sở được lề luật chấp nhận cho phép người chồn rẫy bỏ vợ. Ít nhất, Chúa Giêsu cũng sẽ cho họ thấy câu hỏi ấy thực ra được đặt trên những cơ sở khác hẳn: liệu các ông chồng có được phép rẫy bỏ vợ hay không?

Điểm khác biệt đáng lưu ý thứ hai giữa hai trình thuật là: theo Máccô, khi nghe câu hỏi mở màn của người Biệt Phái, Chúa Giêsu trả lời ngay tức khắc: “Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì?”, sau đó mới kéo chú ý của họ tới điều Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ buổi ban đầu. Trái lại, theo Mátthêu, Chúa Giêsu trả lời câu hỏi họ mở màn bằng cách lập tức quay trở về với điều Thiên Chúa thiếp lập ở thuở ban đầu. Nghĩa là, theo Mátthêu, Chúa Giêsu muốn lái câu hỏi của họ ra khỏi Sách Đệ Nhị Luật, ra khỏi cả Hillel lẫn Shammai, và đặt nó trở lại ngay đầu Sách Sáng Thế nơi ý muốn nguyên khởi của Thiên Chúa về các ông chồng và các bà vợ đã được mạc khải:

“Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Mọi điều cái hiến pháp thần linh nguyên thủy này có ý nói về người chồng người vợ trong Máccô thế nào thì cũng có ý nói như thế ở đây: Thiên Chúa là Đấng Hóa Công đã tạo ra hai giới tính bổ túc cho nhau và do đó Ngài là Đấng Hóa Công đã tạo ra hôn nhân; thực vậy, chính việc dựng nên hai giới tính dị biệt này là để chúng kết hiệp với nhau nên một. Cho nên bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng diễn tiến dưới thẩm quyền của Thiên Chúa, chứ không phải thẩm quyền của con người. Đối với người đàn ông, hôn nhân của anh ta là mối liên hệ còn qúy giá hơn cả mối dây hiếu tử cột anh ta lại với mẹ với cha, một liên hệ có lẽ chả bao giờ anh dám nghĩ đến cắt bỏ. Nhờ hôn nhân, anh ta trở nên một con người với vợ trước mặt mọi người và trước mặt luật pháp, vậy thì làm thế nào anh ta có thể tơ tưởng tới việc rẫy bỏ chính con người của mình?

Một cách hợp luân lý và hợp luật pháp, điều mà tất cả những điểm trên dẫn tới đã được Chúa Giêsu gom lại thành một lệnh truyền nghiêm khắc của chính Ngài: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Không người nào được phép nghĩ rằng anh ta có thể tháo bỏ công trình của Thiên Chúa. Nói cho cùng, nếu ta phối hợp điều Mátthêu ghi về giáo huấn của Chúa Giêsu với điều có trong Máccô, ta thấy Chúa Giêsu gần như định nghĩa lại hôn nhân cho các thính giả của Ngài nghe. Đối với họ, hôn nhân là một liên hệ chủ yếu nhằm phục vụ hạnh phúc và thuận tiện cho người chồng, và có thể được thao túng vì lợi ích một chiều của anh ta. Chúa Giêsu bác bỏ điều ấy, thay vào đó, Ngài nhấn mạnh rằng nó là sự kết hiệp nên một do Thiên Chúa dự hoạch nhằm đem lại hạnh phúc cho cả người đàn ông lẫn người đàn bà.

Việc Mátthêu đảo ngược thứ tự so với trình thuật của Máccô vẫn tiếp tục. Bây giờ, sau khi Chúa Giêsu nại tới thẩm quyền cao hơn, và đã giải thích điều ấy cho họ, người Biệt Phái bèn phản công bằng cách trích dẫn Môsen (câu 7): “Họ thưa với Người: ‘Thế sao ông Môsen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?’”. Trong phiên bản của Máccô, người Biệt Phái nói rằng Môsen cho cho phép họ rẫy vợ; ở đây, Mátthêu cho hay, để bênh đỡ cho tác phong của họ, họ nói họ chỉ vâng theo lệnh truyền của Môsen mà thôi, hàm ý đó là đức vâng lời đạo hạnh của họ. Rồi cũng như ở Máccô, ở đây Chúa Giêsu cũng chỉnh lại việc họ chọn động từ, nhưng khi làm thế, Ngài đã đảo ngược lại việc chọn các động từ ấy như đã được Máccô ghi lại: không, họ không bào chữa được bằng cách nại đến lệnh truyền của Môsen. Đúng hơn (câu 8) “Người bảo họ: ‘Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Và Ngài nhắc để một lần nữa họ nhớ đến thẩm quyền cao hơn thẩm quyền Môsen: “chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”.

Cuối cùng (trong câu 9), Chúa Giêsu đem giáo huấn của Ngài tới chủ đích chính xác nhất của nó. Dùng chính thẩm quyền của mình, Chúa Giêsu nói hụych toẹt: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp pornéia, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

Theo cách ghi chép của Mátthêu, với câu trên, Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc đàm luận của Ngài với người Biệt Phái (18). Nhưng trong câu kết thúc này, có mệnh đề ngoại trừ mà việc tìm ra nghĩa chính xác của nó tỏ ra cực kỳ khó khăn suốt trong nhiều thế kỷ, kể từ lúc nó xuất hiện lần đầu trong truyền thống Phúc Âm. Tuy nhiên, vì mục đích xử lý có tính chiến thuật, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi sẽ không hỏi về ý nghĩa của mệnh đề này cho bằng về tính xác thực (authenticity) của nó. Cả Máccô lẫn Luca đều không có câu này, kể cả những hình thức ngụy trang của nó cũng không. Vậy có phải chính Chúa Giêsu đã nói ra câu ấy nhưng hai vị này và cả Thánh Phaolô nữa đã lược bỏ vì một lý do nào đó hay không? Hay quả Ngài không nói câu ấy, nhưng Mátthêu đã sáng nghĩ ra và thêm vào bài giảng huấn của Chúa Giêsu vì lý do riêng của mình? Các tìm tòi bác học hiện nay có khuynh hướng mạnh mẽ kết luận rằng chính Mátthêu là khởi nguyên của mệnh đề ấy (19). Như vậy, giả thiết rằng tìm tòi này chính xác, ta hẳn sẽ thắc mắc không hiểu động lực của Mátthêu là gì khi sáng nghĩ ra câu ấy để Chúa Giêsu nói ra.

Giải thích hợp lý nhất về động lực trên, mà chúng tôi hiện có được, đặt cơ sở trên cấu trúc tôn giáo và sắc tộc của cộng đoàn Kitô giáo mà Mátthêu đã soạn thảo phúc âm cho. Dựa trên chứng cớ khá hùng hồn có sẵn trong phúc âm này, ta thấy cộng đoàn trên hiểu biết khá nhiều về Thánh Kinh Do Thái, về phong tục xã hội và tôn giáo Do Thái, về các truyền thống của cha ông, về giáo huấn tư tế và luật lệ Do Thái. Các vấn đề, các câu hỏi và ưu tư của họ có tính Do Thái một cách khá đặc trưng. Nói tóm, đại đa số thành viên trong cộng đoàn này chắc chắn bao gồm những người tuy đã trở lại làm môn đệ đức Kitô nhưng vẫn là người theo Do Thái Giáo với đầy đủ những ý nghĩa như vừa trình bầy. Bởi thế, quan tâm của họ về ly dị và tái hôn hẳn nhiên có tính Do Thái, và một số các quan tâm này khác với các quan tâm của các cộng đoàn được Máccô, Luca và Phaolô viết cho. (Điều này trùng hợp với truyền thống vẫn cho rằng Phúc Âm Mátthêu đã được soạn thảo cho cộng đoàn phần lớn gồm các Kitô hữu gốc Do Thái sống tại Syria, có thể ngay tại Antioch).

Là Kitô hữu gốc Do Thái, cộng đoàn này hiển nhiên biết rõ và từng đem ra sống và hiện còn đang sống cái luật lệ ly dị của Sách Đệ Nhị Luật. Phần chắc là nơi đó sự bất đồng về nội dung của thuật ngữ erwat dabar trong Sách Đệ Nhị Luật kia vẫn còn rất sống động. Rất có thể cuộc tranh luận Hillel-Shammai cũng đã được cộng đoàn này thừa hưởng với ít nhiều cường độ mạnh mẽ hơn. Các thành viên cộng đoàn này có thể đã chất vấn soạn giả phúc âm Mátthêu, người từng nhớ được và từng chia sẻ giáo huấn của Chúa Giêsu, xem Chúa Giêsu đã nói gì, nếu có, về sự bất đồng trên. Dù Mátthêu thực sự không biết liệu Chúa Giêsu có nói gì không về chủ đề trên, ông vẫn có thể cảm thấy thong dong thêm vào phúc âm của mình điều ông nghĩ Chúa Giêsu rất có thể đã đề cập đến. Hay có lẽ ông đã học được ý kiến của một số người có thế giá về điều có thể Chúa Giêsu đã nói về vấn đề ấy. Nhưng dù thế nào, thì ông đã trình bầy ý kiến của mình như là chính lời Chúa phán vậy.

Mặt khác, dù thế nào, ý nghĩ của ông về lời phán của Chúa Giêsu rõ ràng cũng làm dịu đi điều được coi như lệnh truyền hết sức ngoại thường của Chúa Giêsu, “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Trong diễn trình lịch sử, việc làm dịu ấy không hẳn là lần đầu (Thánh Phaolô từng làm dịu như thế trước đó cả một thập niên, như ta sẽ thấy (19a)), mà nó cũng không phải là lần chót. Nhưng trong khi Thánh Phaolô biện minh việc làm dịu này bằng việc người phối ngẫu bất tín ra đi (theo luật Rôma, chính là việc ly dị về phần đời), thì trong Mátthêu, nó lại là việc người đàn bà bước vào hôn nhân với một bất năng lực nào đó về phương diện luật lệ hay luân lý, một “điều chướng” nào đó hay vì nàng mắc phải điều chướng ấy khi đã thành hôn.

(còn tiếp)
 
Giải thích Tin Mừng CN 25 Thường Niên: Bạn cũng đi vào vườn nho nữa.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
00:58 20/09/2008
ROME (Zenit.org).- Cha Raniero Cantalamessa Dòng Capuchin, là vị giảng Phủ Giáo Hoàng, đã giải thích những bài đọc Thánh Lễ Chúa Nhật 25 Thường Niên. Dụ ngôn về những lao công được sai đi trong những giờ khác nhau để làm việc trong vườn nho, luôn luôn tạo nên những vấn đề lớn cho các độc giả Tin Mừng. Chủ vườn nho trả cũng một đồng lương cho những kẻ đã làm việc chỉ một giờ và cho những kẻ đã làm việc suốt ngày, điều đó có đúng không? Điều đó không xúc phạm nguyên tắc tiền thưởng đúng hay sao? Ngày nay các công đoàn sẽ cùng nhau nổi lên tố cáo bất cứ người chủ một công ty nào làm như vậy.

Sự khó khăn chúng ta kinh nghiệm ở đây phát xuất từ một sự diễn đạt nước đôi. Người ta nghĩ tới vấn đề tiền thưởng trong trừu tượng và cách chung chung hay là trong sự qui chiếu với phần thưởng đời đời trên thiên đàng. Thấy theo kiểu này, thì tiền thưởng như vậy thực tế trái nghịch nguyên tắc theo đó Thiên Chúa “sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Roma 2:6). Nhưng Chúa Giêsu nói về một tình huống đặc biệt, một trường hợp rất chính xác. Tiền lương duy nhất được ban cho mỗi người là Nước Trời mà Chúa Giêsu đã đem xuống thế gian; chính sự có thể đi vào trong sự cứu độ của Đấng cứu thế là thành phần của tiền lương đó. Dụ ngôn bắt đầu nói “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia vừa tảng sáng đã ra vườn,…”

Vấn đề là, lại một lần nữa, vị trí của những người Do Thái và của Dân Ngoại, hay là của những kẻ lành và những người tội lỗi, liên quan với sự cứu độ do Chúa Giêsu công bố. Cho dầu dân ngoại (hay là những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những gái điếm. v.v.) chỉ quyết định theo Chúa trên nền tảng huấn giáo của Chúa Giêsu, dầu họ ở xa cách ( như những người đứng “nhàn rỗi” nơi chợ búa và đến vườn nho chậm hơn trong ngày), họ sẽ không, vì lẽ này, có một chỗ khác hay kém hơn trong nước trời. Họ sẽ ngồi đồng bàn và sẽ hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế. Trên thực tế, bởi vì họ chứng tỏ họ sẵng sàng chấp nhận Tin Mừng hơn là những kẻ được gọi là công chính, chúng ta thấy sự hiện thực của điều Chúa Giêsu nói cuối bài dụ ngôn: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Khi Nước Trời được biết rõ, nghĩa là, một khi đức tin được ôm chắc, lúc đó mới có chỗ đa dạng hoá. Những kẻ phục vụ Thiên Chúa suốt đời mình, mang lại hoa quả nhiều nhất với những tài năng của họ, và những kẻ chỉ cho Chúa những của dư thừa trong đời sống của họ và thực hiện nhũng bồi thường với một sự xưng tội ọp ẹp lúc cuối đời, sẽ không được đối xử như nhau.

Dụ ngôn cũng chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng có tầm quan trọng rất lớn: Thiên Chúa kêu gọi mọi người và mọi người trong mọi giờ trong ngày. Ở đây chúng ta di chuyển từ phần thưởng cho tới chính sự kêu gọi. Đó là tại sao Đức Gioan Phaolo II đã sử dụng dụ ngôn trong tông huấn của ngài về ơn gọi và và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới, “Christi Fideles Laici.”

“Những thành phần giáo dân thường trong dân tín hữu Chúa Kitô… hình thành phần Dân Chúa có thể được so sánh với những người làm trong vườn nho được nhắc tới trong Tin Mừng Matthêu…’Anh cũng đi vào trong vườn nho’…Tiếng gọi là một quan tâm không những cho các Mục Tử, giáo sĩ và những người nam và nữ tu sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi người; những người giáo dân thường cũng Chúa được kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” (nos.1-2 passim).

Tôi muốn lôi kéo sự lưu ý cúa anh em tới môt phương diện mà có lẽ thuộc bên lề dụ ngôn này, nhưng lại được cảm giác mạnh mẽ và quan trọng trong xã hội tân thời: vấn đề thất nghiệp. Người chủ hỏi:”Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” và những người làm công trả lời:: ”Vì không ai mướn chúng tôi.” Câu trã lời bất hạnh có thể là câu trả lời của hàng triệu người thất nghiệp hôm nay. Chúa Giêsu không phải là không biết đến vấn đề này. Nếu Người có khả năng diễn tả quang cảnh của dụ ngôn rất hay, là vì Người đã nhiều phen nhìn cách thương cảm trên những nhóm người ngồi dưới đất hay đứng dựa vách trông đợi được thuê mướn.

Chủ vườn nho biết rằng các người làm công giờ chót có những nhu cầu cũng như các kẻ khác đã được thuê muớn lúc bắt đầu ngày; họ cũng có những đứa con phải nuôi. Khi trả cho mỗi người đồng lương y nhau, chủ vườn nho chứng tỏ rằng không những ông coi trọng công nghiệp cuả những người làm công mà còn những nhu cầu của họ nữa.

Những xã hội tư bản chúng ta dựa tiền thưởng trên công nghiệp (thường hữu danh vô thực) và trên thâm niên, và không trên những nhu cầu của con người. Khi người thợ hay tay nghề trẻ có nhu cầu hơn hết cho gia đình họ và cho một nhà ở, tiền lương của anh thấp nhất, nhưng khi anh tới thời kỳ cuối nghề, khi anh ít cần hơn (cách riêng trong một số phạm trù xã hội) thì anh lên tới những ngôi sao. Dụ ngôn những người làm công trong vuờn nho kêu mời chúng ta tìm ra một thế quân bình đúng hơn giữa hai đòi hỏi công nghiệp và nhu cầu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Bernadette: Một gương đáng theo.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
02:36 20/09/2008
Nhà báo và tác giả sách chia sẻ nhận thức vễ Lộ Đức

COLUMBUS, OHIO (Zenit,org).- Thế giới ngày nay có thể học nhiều chuyện từ Bernadette Soubirous người thiên cảm của Lộ Đức, tác giả một quyển sách mới về những lần Đức Maria hiện ra cho một em gái người Pháp.

Elizabeth Ficocelli, nhà báo và tác giả quyển sách “Lộ Đức: Nguồn mạch Đức Tin, Hy Vọng và Bác Ái” (Paulist Press), đã nói thêm rằng chị hy vọng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ đề cao gương của vị thánh khi ngài viếng thăm Lộ Đức.

Trong cuộc phỏng vấn này dành cho ZENIT, Ficocelli giải thích về tính bình dân nơi hành hương, về kinh nghiệm của chính chị tại Lộ Đức, và điều mà chị hy vọng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ đề cao trong sự thăm viếng của ngài tại Lộ Đức.

Sự hấp dẫn đặc biệt tới Lộ Đức là cái gì, cách riêng từ những kẻ thăm viếng đền từ nước ngoài?

Có nhiều yếu tố lôi kéo người ta tới Lộ Đức, cả qua các đại dương và các lục địa. Chắc chắn vẫn còn niềm hy vọng chứng kiến những phép lạ thể lý, như đã xảy ra từ những ngày đàu các lần hiện ra. Điều này dược chứng tỏ bởi con số những người hành hương mang bịnh và khuyết tật thể xác thăm viếng đền mỗi năm từ mọi phần thế giới—lên tới 70.000—và 100,000 người tình nguyện hành trình theo những cá nhân này để giúp đở họ trong cuộc hành hương của họ.

Ít thấy hơn, nhưng không phải là ít quan trọng, là những người hành hương tới Lộ Đức vì hy vọng được chữa lành tâm thần và cảm xúc. Điều này bao hàm sự chữa lành tính trầm cảm, bịnh lưỡng cực (bipolar), và những thói nghiện đủ thứ.

Dĩ nhiên, các cá nhân cũng được lôi kéo tới Lộ Đức vì những lý do thiêng liêng. Một số người tới để tạ những ơn lành họ được. Những kẻ khác tới vì lòng tôn kính Mẹ và vì những sứ điệp cầu nguyện và sám hối Mẹ đã cho biết trong hang

Nhiều người hành hương tới Lộ Đức--kể cả tôi—kinh ngạc vì sự cải tạo thiêng liêng họ cảm nghiệm tại đền trong những lúc thương tâm như tham gia những cuộc kiệu, được giầm mình dưới nước, hay là thực thi một sự xưng tội thâm sâu và chân tình.

Chị đối mặt những thách đố riêng biệt nào như một nhà báo nói tiếng Anh đang viết một cuốn sách về Lộ Đức?

Thách đố thứ nhất của tôi khi tiếp nhận nhiệm vụ này là tôi chưa bao giờ tới Lộ Đức. Thiên Chúa đã giải quyết sự này cách hoàn hảo, vì tôi được mời đi theo một cuộc hành hương với những nhu cầu riêng biệt, được những nhóm người Tình Nguyện Bắc Mỹ Đức Bà Lộ Đức tổ chức, một tổ chức do bà Marlene Watkins sáng lập, chính bà đã có một kinh nghiệm sâu sắc là được cải tạo tại Lộ Đức. Những bạn đồng hành của tôi đã cho tôi cái nhìn của một người nội bộ về điều phải phục vụ và được phục vụ tại đền bình dân Maria này.

Với tư cách một người Mỹ ngây ngô, tôi tưởng mọi người tại Pháp nói tiếng Anh. Tôi mau chóng khám phá điều này là một ý kiến không đúng. Thay vì ở tại trung tâm thủ đô Paris, Lộ Đức nằm trong những Núi Pyrené miền Nam nước Pháp, không xa biên giới Tây-Ban-Nha. Những ngôn ngữ bình dân được nói tại đền là tiếng Pháp, Italian, Tây-Ban-Nha, Đức, Hà Lan và Anh. Do đó. Tôi cần có những thông dịch viên cho hầu hết những người tôi phỏng vấn.

Điều quan trọng cho tôi là tôi đã không tường thuật thuần túy về Lộ Đức như một truyện tin tức. Ý của tôi là trầm mình trọn vẹn trong kinh nghiệm làm một người hành hương Công Giáo lần đầu tới đền. Mặc dầu thỉnh thoảng có thách đố thay đổi mũ từ sự hướng dẫn những phỏng vấn đi vào trong kinh nghiệm Lộ Đức bằng cách cầu nguyện, tôi cảm thấy sự hỗn họp vừa tường thuật lịch sử vừa suy tư cá nhân đã tăng cường nhiều cho quyển sách.

Chị đã tiếp xúc với một số nhân viên chìa khóa tại Lộ Đức, một sự tiếp xúc chưa hề có. Điều này xảy ra làm sao và điều này đã hoàn thành cái gì cho quyển sách của chị?

Tôi phải qui về Chúa đối với mọi phương diện của quyển sách này, từ sự mời viết sách ấy cho tới kinh nhiệm hành hương của tôi và chotới sự tiếp xúc chưa hề có với nhân viên chìa khóa tại Lộ Đức. Marlene Watkins, mà tôi đã nhắc tới ở trên kia, là cửa quan trọng đầu tiên Chúa mở ra cho tôi. “Người từng trải” này tại Lộ Đức đã giới thiệu tôi với Cha Regis-Marie de La Teyssonniere, một nguồn mạch vô giá.

Cha Regis-Marie đã phục vụ như cha tổng đại diện tại Lộ Đức đã hơn 10 năm. Cha là một chuyên viên hướng dẫn, là tác giả, và người nói về những lần hiện ra, là người thứ hai sau cha đại thần học gia Maria, Cha Rene Laurentin.

May phước cho tôi, Cha Regis-Marie nói tiếng Anh. Cha đã lịch sự đồng ý duyệt bản thảo của tôi cách cẩn thận hầu đính chính mọi điều sai sót trong việc tường thuật về lịch sử những lần hiện ra coi như đã len lỏi vào trong nhiều quyển sách viết về Lộ Đức. Cha cũng đã sắp đặt cho tôi phỏng vấn nhiều gương mặt quan trọng tại đền gòm có Đức Giám Mục Jacques Perrier cai quản Tarbes và Lộ Đức; Cha Patrick-Louis Desprez, tổng tuyên úy; Bác Sĩ Patrick Theillier, giám đốc y tế; Gabriel Barbry, nguyên chủ tịch việc tiếp đón và chiêu đãi khách; Philipphe Tardy-Jouibert, người điều phối Hiệp Hội tiếp và đãi khách Quốc tế; Cha Raymond Zambelli, cha sở; Pierre Adias, giám đốc thông tin, nhiều cha tuyên úy, những người tình nguyện và những người khác.

Những cuộc phỏng vấn hấp dẫn này cho phép tôi trình bày một cái nhìn độc dáo của đền ngày nay và tầm quan trọng của nó cho tương lai. Cácg riêng, tôi có khả năng khám phá cho các độc giả của tôi quá trình phức tạp của những phép lạ có tính xác nhận tại Lộ Đức; sự trở lại thiêng liêng có tác động mạnh xảy ra hằng ngày trong những tòa giải tội như được chứng kiến bởi các cha tuyên úy phục vụ ở đó; mạng lưới tình nguyện vô song tại đền và hiệu quả có ý nghĩa của nó trên tất cả mọi kẻ hànhh hương; những suy tư cá nhân về điều mắt thấy tai nghe đối với những cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tại Lộ Đức; và cách thức đền được đánh giá và sẵng sàng góp phần vào các cố gắng của Gíao Hội phổ quát để phúc âm hóa thế giới.

Cô có thấy những hiểu sai về đền khi duyệt lại cuốn sách này không?

Có những người trong đức tin Công Giáo ngày nay muốn phân loại Lộ Đức như “linh đạp tiền-Vatican”—nói cách khác, một thứ gì cổ lỗ và có lẽ mê tín có thể chấp nhận công khai nhưng không thật sự thích đáng cho thế giới ngày nay.

Tôi cảm giác không gì có thể sái sự thật hơn. Kinh nghiệm của tôi trong khi tái duyệt xét và viết quyển sách này minh chứng cho tôi rằng Lộ Đức là một trung tâm quan trọng Giáo Hội Công Giáo, một nơi mà đức tin của chúng ta sống động và ngân vang và hấp dẫn những người các thời đại, các kiểu sống, và cả những niềm tin tôn giáo.

Ví dụ, nếu quan niệm của bạn về Lộ Đức là một nơi cho những gái già non trẻ lần hạt Mân Côi, bạn sẽ kinh ngạc về sự hiện diện mãnh liệt của những người trẻ viếng thăm hay làm việc tại đền, Lộ Đức là một đá nam châm thu hút những thanh thiếu niên từ khắp thế giới. Họ có thể thật sự đồng nhất mình với Bernadette Soubirous, em được 14 tuổi lúc xảy ra những lần hiện ra. Bernadette là một tượng thánh cho các người Công Giáo trẻ để họ có thể là những khí cụ hùng mạnh trong việc thay đổi thế giới khi họ nói “vâng” với Chúa. Giới trẻ thấy mình không những được đón tiếp, mà còn cần thiết tại đền, bởi vì nhiều vị trí người tình nguyện cần sức khỏe thể lý, sức dẻo dai và tính hồ hởi đặc tính của giới trẻ.

Thứ hai là, Lộ Đức không phải thuần túy là một hiện tượng Công Giáo. Chắc chắn, đa số những người hành hương viếng thăm là Công giáo. Nhưng đền cũng lôi kéo người Tin Lành, Hồi Giáo và Phật giáo--cũng có Đức Dalai Lama--họ công nhận Lộ Đức là một trung tâm thiêng liêng quan trọng cho thế giới ngày nay. Cả người vô thần đã được biết có tới đền, hầu hết do tính tọc mạch, cố gắn hiểu sự lôi kéo hùng mạnh của những nơi thể ấy. Nhiều người đã trở lại bởi kinh nghiệm tích cực của họ tại Lộ Đức.

Sau cùng có sự liên quan to lớn không những đến ngày nay, mà còn đến tương lai Giáo Hội chúng ta. Lộ Đức không phải là, Đức Giám Mục Jacques Perrier nhấn mạnh, một bảo tàng viện lịch sử kỷ niệm một biến cố của quá khứ. Đúng hơn, đó là một cung thánh sống động tiếp tục hướng dẫn dân chúng tới một linh đạo sâu sắc hơn. Đó là lý do Đức Giám Mục đã siêng năng làm việc với những kẻ lãnh đạo các tổ chức hành hương khắp châu Âu, hầu nhận ra những phạm vi riêng biệt trong đó Lộ Đức có thể cung cấp cho Giáo Hội Phổ quát thông tin và kỹ năng. Những phạm vi này hao hàm sứ vụ của Giáo Hội liên quan với người bịnh, những kẻ khuyết tật, những giới trẻ, hoà bình, liên quan với Đức Maria, tới việc cổ võ Thánh Thể, việc phục vụ những kẻ khác, những kẻ bị loại ra bên lề, các quốc gia, sự hiệp nhất các Kitô hữu và sự đối thoại liên tôn giáo.

Đúng lúc cô nhận sự chỉ định này, Lộ Đức trở thành những tin tức quan trọng quanh thế giới. Xem ra có nói về sự đề nghị một phương thức mới tiếp cận chủ đề những chữa lành và những phép lạ xảy ra tại đền trên môt nền tản hợp thức. Cô có thể nói cho chúng tôi nhiều hơn về sự đó chăng?

Vì những sự hiện ra đã xảy ra cách đây 150, hàng triệu người đã viếng Lộ Đức. Hàng thế hệ đã làm cho đền và nước chữa lành của đền nổi tiếng vì những hậu quả phép lạ. Nhưng nếu anh nhìn con số những phép lạ được Giáo hội công nhận, anh sẽ thấy một truyện khác, Chỉ có 67. Tại sao ít vậy?

Theo Bác Sĩ Patrick Theiller, giám đốc y tế tại Lộ Đức, sự khác biệt là hậu quả của ba yếu tố. Trước hết, những tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá các phép lạ--cũng như những tiêu chuẩn được sử dụng ngày nay để chứng thực những phép lạ trong quá trình phong thánh-- được thiết lập trong năm 1734. Những tiêu chuẩn này loại trừ những sự chữa lành thiêng liêng và tâm lý, vì những phép là này không thể được đo luờng cách khoa học. Điều này tự nhiên loại một số có ý nghĩa những sự chữa lành dân chúng cảm nghiệm tại Lộ Đức.

Hai là, không phải mọi người hành hương mà kinh nghiệm một sự cải thiện sâu xa trong sức khoẻ thể lý của mình, lại muốn chịu một cuộc hạch xét lâu dài mà quá trình đòi hỏi cho một sự trị liệu được xác nhận—hay là sự công khai thường kèm theo việc đó. Một người được chữa lành, ví dụ, được chờ đợi trở lại văn phòng y tế tại Lộ Đức nhiều lần trong vòng năm năm hay hơn để chứng tỏ sự chữa lành kéo dài. Điều này đơn giản không thể áp dụng được cho mọi người, nhất là những người đến từ xa.

Thứ ba, qúa trình đòi hỏi sự đồng ý và sự hợp tác của thầy thuốc riêng cá nhân tại nhà và, có khi quan trọng hơn, của gíám mục của họ. Thường thường, các bác sĩ và các giám mục không muốn hay không khả năng nhúng tay vào trong những vấn đề như thế. Theo Bác Sĩ Theillier, có hơn 7,000 báo cáo chữa lành không thể giải thích theo khoa học đã cho vào hồ sơ lưu trữ, với văn phòng y tế vì thíếu một số đòi hỏi cho phép chúng tiến tới giai đoạn cuối cùng để được đoán là sự lạ.

Muốn cho Lộ Đức có khả năng trình bày cho thế giới một bức ảnh cân xứng hơn như hiện đang xảy ra tại đền, giám mục và bác sĩ y tế đã cầu cứu tới Rome. Ý của họ không phải thay đổi đường lối Giáo Hội xác nhận các phép lạ. Đúng hơn, họ muốn tạo nên một phạm trù mới của những sự lành được xác nhận.”

Phạm trù mới sẽ không thể nào giảm quá trình đánh giá chặt chẽ. Điều kiện của con người sẽ còn cần được chứng thực theo y khoa như là nghiêm trọng và sự đảo ngược của nó như là không thể giải thích cách khoa học. Tuy nhiên, lần đầu tiên sẽ làm nổi bật chiều kích mới việc đánh giá những ơn lành thiêng liêng của sự chữa lành. Và điếu đó cho một người có khả năng biện minh việc chữa và sự cải thiện thiêng liêng trong các giáo xứ và trong kỳ tỉnh tâm của họ, điều mà họ không có sự phê chuẩn của Giáo Hội để hành động vào thời gian hiện nay.

Một bước quan trọng khác là Lộ Đức, qua Ủy Ban Y Tế Quốc Tế của nó hằng năm họp tại Paris, cũng đang suy nghĩ nghiêm chỉnh về sự thích đáng chữa lành trong những trường hợp bao hàm các cơn bịnh tâm lý và tâm thần, và bằng cách nào những bịnh này có thể được đánh giá và trình bày.

Vì Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm Lộ Đức trong Năm Thánh đánh dấu việc kỷ niệm thứ 150 những lần hiện ra của Đức Maria, cô muốn thấy ngài nhấn mạnh những phương diện nào thuộc các lần hiện ra?

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói rõ nhiều là ngài phản ảnh tầm quan trọng của Lộ Đức và sứ điệp Tin Mừng của Lộ Đức là cầu nguyện, sám hối và cải thiện cho thế giới ngày nay mà vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolo II đã thiết lập trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Trước hết, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiếp tục truyền thông Ngày Thế Giới người Bịnh mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã khởi xướng để mang lại ý thức về phẩm giá của những người bịnh và khuyết tật. Ngài cũng đã ban một đại xá cho những kẻ có khả năng viếng Lộ Đức trong năm Thánh Đặc biệt này, đi và cầu nguyện theo những buớc chân của Thánh Bernadette. Đối với những kẻ không khả năng tới nước Pháp, nhiều giáo phận đã đáp ứng bằng cách cung cấp những tiện lợi hành hương tại các đền địa phương và những giáo xứ đã dâng hiến cho Thánh Bernadette và Đức Mẹ Lộ Đức.

Sau cùng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tông du ít hơn vị tiền nhiệm của ngài nhiều, đã công bố cuộc hành hương giáo hoàng của ngài tại Lộ Đức trong tháng Chín đặt nhiều quan trọng trong những lần hiện ra đặc biệt này cho một thế giới cần tới đức tin, hy vọng và bác ái cách tuyệt vọng như thê,

Tôi chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng cho tất cả mọi Kitô hữu là chứng tỏ sự chăm sóc và lòng tôn trọng những người mắc bịnh và khuyết tật, một giá trị Tin Mừng cơ bản.

Tôi mong chờ ngài lưu ý tới sự liên quan và quyền phép của Thánh Thể và bí tích Hoà Giải, hai phạm vi trung tâm tại Lộ Đức, và lưu ý tới Mẹ Chí Thánh Đấng ban danh dự cho chúng ta suốt lịch sử với những sứ điệp hay là sự an ủi và sự sữa sai, như bất cứ người mẹ nào phải làm cho các con cái mình.

Sau cùng, tôi mong thấy Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đề cao gương Thánh Bernadette, người đã sẵn sàng thực hiện vô số hành vi sám hối vì tội lỗi kẻ khác, và kẻ đã hiến sự sống mình trong sự thánh thiện cá nhân. Thế giới chúng ta ngày nay, bị thu hút trong khoái lạc và những sự thuộc về mình, có thể học nhiều từ linh đạo khiêm tốn, đơn sơ và hướng tới những kẻ khác, của Thánh Bernadette.
 
Suy niệm của Đức Giáo Hoàng tại Lộ Đức về Thánh Thể
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
02:57 20/09/2008
“Chúng ta không thể thinh lặng về điều chúng ta biết”.

LOURDES (znit.org).- Bài huấn đức Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình bày tối Chúa Nhật khi kết thúc cuộc kiệu Thánh Thể trong sân cỏ đền Đức Mẹ Maria tại Lộ Đức.

* * *

Lạy Chúa Giêsu, Chúa ở đây!

Và cả các người, những anh em, chị em, bạn bè của tôi,

Anh em ở đây, với tôi, trong sự hiện diện của Người!

Lạy Chúa, đã hai ngàn năm, Chúa đã sẵng lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con, là những người anh chị em của Chúa.

Và các người, những anh, chị, bạn bè của tôi, anh chị em đã sẵn sàng đễ Người ôm lấy anh chị em.

Chúng ta chiêm ngắm Người.

Chúng ta thờ lạy Người.

Chúng ta yêu mến Người. Chúng ta tìm kiếm lớn lên trong tình yêu đối với Người.

Chúng ta chiêm ngắm Người Đấng, trong bữa tiệc Vượt Qua, đã ban mình và máu Người cho các môn đệ, ngõ hầu ở với họ “mãi mãi, cho đến tận thế “Mt 28:20).

Chúng ta thờ lạy Người là nguồn gốc và mụch đích của đức tin chúng ta, Đấng mà không có Người chúng ta không có ở đây chiều nay, không có Người chúng ta sẽ không hiện hữu, không có Người sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không gì! Người là Đấng “Vạn vật được tạo thành” (Ga 1:3), Người là Đấng nhờ Ngưới mà chúng ta được tạo thành, từ đời đời, Người là Đấng đã ban cho chúng ta mình và máu Người—Người ở đây chiều nay, ở giữa chúng ta, cho chúng ta được chiêm ngắm.

Chúng ta yêu mến, và chúng ta tìm kiếm lớn mạnh trong tình yêu đối với Người Đấng đang ở đây, trong sự hiện diện của chúng ta, cho chúng ta được ngắm nhìn, có lẽ cho chúng ta hỏi, cho chúng ta yêu

Dầu chúng ta đi hay là bị đóng đinh tại một giường bịnh; dầu chúng ta đang đi trong niềm vui hay là hao mòn trong vùng hoang dã linh hồn (x. Num 21:4): lạy Chúa, xin ôm tất cả chúng con trong tình yêu của Chúa; tình yêu vô cùng đó là đời đời Tình Yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con và Chúa Con đối với Chúa Cha, tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con. Bánh truyền phép được đặt trước mắt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của Tình Yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình thành nghèo để làm chúng ta nên giàu trong Người, Đấng đã chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng ta cho Cha của Người. Bánh thánh là bí tích sống động, hiệu nghiệm và thật sự của sự hiện diện đời đời của đấng cứu chuộc loài người cho Giáo Hội Người.

Anh em, chị em, các bạn của tôi

Chúng ta hãy chấp nhận; ước chi chúng ta chấp nhận hiến mình cho Người là Đấng đã ban cho chúng ta mọi sự, Đấng đã giáng trần không phải để luận phạt thế gian, nhưng để cứu độ (c. Ga 3:17) thế gian, ước chi anh em chấp nhận nhìn biết trong các cuộc sống chúng ta sự hiện diện của Người là Đấng hiện diện tại đây, được đặt truớc mắt chúng ta. Hãy hiến cho Người chính những mạng sống của anh em!

Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ Maria, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, đã chấp nhận, từ hai ngàn năm nay, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng sáng Tạo.

Mọi sự đến từ Chúa Kitô, mẹ Maria cũng vậy; mọi sự đến qua Đức Mẹ Maria, Chúa Kitô cũng vậy.

Đức Maria, Trinh Nữ chí thánh, ở với chúng ta chiều này, trong sự hiện diện của Thân Xác Con mẹ, một trăm năm mươi năm sau khi hiện ra cho bé Bernadette.

Lạy Đức Trinh Nữ Chí Thánh, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy, xin giúp chúng con yêu mến, lớn mạnh trong tình yêu đối với Người Đấng đã thương chúng con dường ấy, hầu chúng con sống đời đời với Người.

Một đoàn vô số chứng nhân đang hiện diện vô hình bên cạnh chúng ta, rất gần hang thánh và trước nhà thờ này mà Đức Trinh Nữ Maria muốn thiết lập; đoàn tất cả những người nam và người nữ này đã chiêm ngắm, đã sùng kính, đã thờ lạy sự hiện diện thật của Đấng đã hiến mình cho chùng ta tới giọt máu cuối cùng; đoàn những người nam và người nữ này đã đã trải qua nhiều giờ trong sự thờ lay Thánh Thể chí thánh bàn thờ.

Chiều nay, chúng ta không thấy họ, nhưng chúng ta nghe họ đang nói với chúng ta, với mỗi người nam và mỗi ngừơi nữ giữa chúng ta: ” Hãy đến, Thầy gọi bạn đấy! Thầy ở đây! Thầy đang gọi bạn (c. Ha 11:2o)! Người muốn lấy sự sống anh em và và kết hợp nó với sự sống của Người.

Hãy để Người ôm anh em! Đừng có nhìn nữa trên những vết thương của anh em, hãy nhìn lên Người. Đừng có nhìn tới cái gì chia rẽ anh em với Người và với những kẻ khác; hãy nhìn tới quảng cách vô cùng Người đã bỏ, để mặc lấy xác phàm của anh em, để bước lên Thánh Gía mà người ta đã chuẩn bị cho Người, và chịu chết hầu chứng tỏ tình yêu của Người cho anh em. Trong những thương tích của Người, Người nắm giữ anh em, trong những vết thương của Người, Người che giấu anh em. Đừng có từ chối tình yêu của Ngườ!”

Đoàn chứng nhân vô số, những kẻ đã để cho tình yêu của Người ôm lấy, là đoàn các thánh trên trời không bao bao giờ ngưng cầu bàu cho chúng ta. Các thánh là những kẻ tội lỗi và các thánh biết điều ấy, nhưng các thánh sẵn sàng thôi nhìn trên những vết thương của mình và chỉ nhìn lên những vết thương của Chúa mình, hầu khám phá ở đó vinh quang Thánh Giá, khám phá ở đó chiến thắng của sự Sống trên sự chết. Thánh Pierre-Julien Eymard nói với chúng ta mọi sự khi ngài la lên: “Thánh Thể là Chúa Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay và ngày mai” (“Những Bài giảng và những Huấn Giáo tại Giáo Xứ sau năm 1856,” 4-2. 1, “Về sư Suy Gẫm”).

Chúa Giêsu Kitô, hôm qua, trong sự thật lịch sử của buổi chiều ở Lầu Trên, mọi cử hành Thánh Lễ đều dẫn chúng ta về lại đó.

Chúa Giêsu Kitô, hôm nay, bởi vì Người đã nói với chúng ta: “Hãy nhận lấy và ăn, tất cả các con, nầy là mình Thầy, này là máu Thầy.”

“Nầy là”, trong thời hiện tại, ở đây và bây giờ, cũng như trong mọi cái ở đây và cái bây giờ suốt lịch sử nhân loại. Sự hiện diện thật sự, sự hiện diện vượt quá những môi miệng chúng ta, những tâm hồn chúng ta, những ý nghĩ nghèo nàn của chúng ta. Sự hiện diện được cống hiến cho chúng ta để nhìn lên như chúng ta làm ở đây, chiều nay, bên hang nơi Đức Maria tự mạc khải như Đấng Đầu Thai vô Nhiễm.

Thánh Thể cũng là Chúa Giêsu Kitô, ngày mai, Chúa Gêsu Kitô phải đến. Khi chúng ta chiêm ngưỡng bánh truyền phép, Thân xác vinh hiển của Người được biến đổi và phục sinh, chúng ta chiêm ngắm điều chúng ta sẽ chiêm ngắm trong cõi đời đời, nơi chúng ta sẽ khám phá rằng toàn thế giới sẽ được điều khiển bởi Đấng Sáng tạo ra nó trong mỗi giây lịch sử của nó. Mỗi khi chúng ta rước lấy Người, cũng như mỗi lúc chúng ta chiêm ngưỡng Người, chúng ta loan truyền Người cho tới khi Người lại đến, “donec veniat”. Đó là lý do tại sao chúng ta rước Người cách kính cẩn vô cùng.

Một số người trong chúng ta không thể--hay là chưa có thể--rước Người trong Bí Tích, nhưng chúng ta có thể chiêm ngắm Người với đức tin và tình yêu và bày tỏ lòng ao ước của chúng ta là sau cùng được kết hợp với Người. Lòng ao ước này có giá trị lớn trong sự hiện diện của Thiên Chúa: mỗi người chờ đợi Người trở lại cách tha thiết hơn; họ chờ Chúa Giêsu Kitô Đấng phải lại đến.

Khi, trong ngày sau lần rước lễ lần đầu của em, một người bạn của Bernadette đã hỏi em: “Cái gì làm cho chị hạnh phúc hơn: việc rước lễ lần đầu của chị hay là những lần hiện ra?”, Bernadette trả lời, “Đó là hai sự đi chung, nhưng không thể so sánh. Tôi được hạnh phúc trong cả hai” (“Emmanuelite Estrade,”4/6/1958). Chị bạn đã đưa ra bằng chứng này cho Giám Mục Tarbes liên quan với việc rước lề đầu lòng của em: “Bernadette có thái độ rất tập trung, với một sự chăm chú không để lại điều gì phải ao ước….em xem ra ý thức sâu sắc về hành động thánh đang diễn tiến. Mọi sự phát triển trong em một cách đáng ngạc nhiên.

Với Pierre-Julien Eymard và Bernadette, chúng ta viện dẫn chứng từ của vô số thánh nam và thánh nữ, những vị thánh có tình yêu lớn nhất đối với Thánh Thể. Nicolas Cabasilas kêu lên với chúng ta chiều nay: “Nếu Chúa Kitô ở trong chúng ta, chúng ta cần gì? Chúng ta thiếu gì? Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, chúng ta có thể ước muốn gì hơn? Người là khách của chúng ta và là nhà ở của chúng ta. Chúng ta hạnh phúc vì nên nhà ở của Người! Vui mừng cho chúng ta là dường nào được nên chỗ ở của một cư dân như thế!”

Chân phước Charles de Foucauld sinh năm 1858, chính năm những sự hiện ra tại Lộ Đức. Không xa hài cốt của ngài, đã khô cứng vì chết, nằm tại đó, giống như hạt lúa gieo trên đất, mặt nhật chứa đựng Bí Tích Thánh mà Anh Charles thờ lạy hằng ngày qua nhiều và lâu giờ.

Cha de Foucauld đã ban cho chúng ta một kinh nguyện từ đáy lòng ngài, một kinh nguyện dâng lên Cha chúng ta, nhưng là một kinh nguyện mà, với chúa Giêsu, chúng ta có thể trong tất cả sự thật làm nên kinh nguyện của chúng ta trong sự hiện diện của bánh thánh: “’Lạy Cha, con phó dâng linh hồn con trong tay Cha.’ Đó kinh nguyện cuối đời của Thầy chúng ta, Đấng chúng ta thương yêu…Mong sao kinh nguyện đó cũng là kinh nguyện của chúng ta, nhưng không phải là kinh nguyện cuối cùng, nhưng mỗi lúc trong đời sống chúng ta: Lạy Cha, con phó mình con trong tay Cha; Lạy Cha, con tín thác nơi Cha; Lạy Cha, con phó mình con cho Cha; lạy Cha, xin hãy làm cho con điều Cha muốn; điều gì Cha có thể làm, con tạ ơn Cha; tạ ơn Cha vì mọi sự; con sẵng sàng cho tất cả, con chấp nhận tất cả; con cảm tạ Cha vì tất cả. Chỉ xin cho ý muốn của Cha được thực hiện trong con, lạy Cha, chỉ xin cho ý muốn của Cha được thực thi trong tất cả tạo vật của Cha, trong tất cả con cái Cha, trong tất cả những người lòng Cha yêu, con không muốn điều gì hơn điều này, ôi lạy Cha. Con phó dâng linh hồn con trong tay Cha; con dâng nó cho Cha, lạy Cha với tất cả tình yêu của tâm hồn con, vì con yêu Cha, và như vậy con cần hiến mình trong tình yêu, khuất phục trong tay Cha, không dè dặt, và với sự cậy trông vô bờ bến, vì Chúa là Cha con.” Amen.
 
Các Tu Sĩ Bác Ái giúp Ấn Độ
Bùi Hữu Thư
17:33 20/09/2008
Các Tu Sĩ Bác Ái giúp Ấn Độ

Một đáp ứng cho Mẹ Têrêsa: cần có nhiều môn đệ tại Ấn Độ


Kolkata, Ấn, ngày 20 tháng 9, 2008: (Zenit) Các anh chị em của Mẹ Têrêsa đang phục vụ một cách can đảm và anh hùng cho những người đói nghèo, sống bên lề xã hội, bị đánh dấu, bị đầy đọa và bỏ rơi. Những đứa trẻ vô tội, những người già yếu, phong cùi và tật nguyền vẫn còn có lý do để vui cười trong bao nhiêu căn nhà được các anh chị em của Mẹ Têrêsa phục vụ trên khắp nước Ấn.

Nếu có ai đi trên đường phố Kolkata, người này sẽ gặp hàng trăm thiện nguyện viên người Ấn và ngoại quốc, phục vụ vui vẻ hàng ngày trong những ngôi nhà của các anh chị em tu sĩ Bác Ái trong thành phố đông đúc của hoan lạc. Họ dường như thích thú với những thách đố và tiếp tục trở lại với Kolkata để được ở gần những chiến sĩ chan chứa tình yêu đang can đảm chiến đấu cho những người bệnh tật, nghéo khó, bị bỏ rơi và phong cùi tại Kolkata, Cooch Behar, Asansol, Nongpoh và trong các căn nhà họ phục vụ khác tại khắp các miền trên nước Ấn.

Các anh chị em đáng kính của Mẹ Têrêsa vẩn đang tiếp tục làm những việc lành này từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm và mãi mãi trong các thành phố và làng mạc khác nhau tại Ấn. Nhờ lòng họ mến yêu sự hy sinh, cuộc sống thanh đạm, và khó nghèo, với lòng khiêm nhường, với tinh thần cầu nguyện và tôn kính sự thánh thiêng của người khác, họ tiếp tục loan truyền tin mừng rằng tất cả mọi con người đều đặc biệt và được dựng nên theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa.

Các anh chị em thuộc tất cả mọi tôn giáo và văn hóa tại Ấn Độ cũng như từ các nước khác đã phải thán phục về lòng quảng đại vô bờ đang được thực hiện hàng ngày bởi các anh chị em của Mẹ Têrêsa, và vô số những cộng tác viên khác trên toàn thế giới.

Ấn Độ thực sự đang được chúc lành vì có bao nhiêu người vị tha đang tiếp tục phục vụ ở đây mà bất kể đến những thiệt thòi về vật chất. Rất nhiều người đã bị đánh động bởi sự hy sinh của các anh chị em Bác Ái này. Chớ gì họ và những cộng tác viên của họ, cũng như tất cả những trẻ em bị bỏ rơi, những người anh chị em phong cùi, và tất cả những đồng bào tật nguyền khác cũng đều được chúc phúc muôn ơn lành.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta
Loan báo Tin Mừng
Mồ của Mẹ Têrêsa
 
Top Stories
Bishops shocked at government’s betrayal
J.B. An Dang
04:23 20/09/2008
Thousands keep protesting at the nunciature
Thousands protestested through the night
Construction workers demolish buildings
The demolition of Hanoi nunciature has caused great shocks among Catholics with bishops have simultaneously spoken out their angers at the government’s betrayal. Meanwhile, state media continue to accuse Hanoi Archbishop of inciting riot crying out for severely punishment anyone who dares to oppose the demolition plan.

In a letter to the president and the PM of Vietnam, Bishop Michael Hoang Duc Oanh of Kontum, warned them of nasty consequences. “Our people are gentle and kind, easy to forget the past and forgive those who trespass against them.” However, “when they find themselves being tricked, pushed to the corner, and persecuted… they can accept even death, especially ‘the death due to faith’”, the bishop warned.

In this country, “numerous of the weak and the poor have pleaded for years for the requisition of their properties but all in vain, as the authorities do not listen but persecute them!” he denounced.

He pleaded the government to “stop accuse [Catholics] with insults…stop using the media to silence them.” “It is the time that weapons cannot solve problems, especially when dealing with people with faith like Catholics,” bishop Michael Hoang stated.

From Thai Binh, Bishop Francis Nguyen Van Sang, who has been suffered footsore, said his heart was broken to hear the bad news and he “wished to be able to rush to Hanoi” to be with archbishop Joseph Ngo and his faithful in this time of ordeal.

Bishop Joseph Dang Duc Ngan, in a letter to archbishop, priests and faithful of Hanoi wrote that he “got shocked and nervous” at the sudden developments at Hanoi nunciature. For bishop Joseph Dang, the building is “a souvenir of faith, a land stamped with the Seal of the Communion and Union of the Catholic Church” through-out the history. “A symbol of Love”, he added.

The New Hanoi newspaper does not share his view point. For the paper, the building is a symbol of Vatican, and its demolition is “a victory”. On Saturday, the paper could not hide its joy stating that Archbishop Joseph Ngo sent an urgent protest letter to the leaders of the country but all in vain. It accused that “in desperate hope of finding a possible way to stop the demolition...he sent letter to everywhere seeking for communion.” “That deed is against regulations of law and goes against will of people,” it added.

At the nunciature, construction workers worked throughout the night to demolish the building. Thousands of Catholics have also protested round the clock. Hundreds of priests from all parishes have stayed with protestors asking them to calm down every time the police, in great mass, tried to lure them into violence with swearing, profanity, and cursing languages.

At a point, protestors rescued some foreign reporters who were chased by police as they tried to take some photographs at the nunciature. Protestors helped the reporters to run toward the archbishop’s office where they could take refuge. On Friday morning, Ben Stocking, an American reporter, the Hanoi bureau chief for Associated Press was beaten by police. He was punched, choked and hit over his head.
 
S.O.S. Kirche in Vietnam
Pater Augustinus Son Ha Pham OSB
12:38 20/09/2008
S.O.S. Kirche in Vietnam

Am 19. September wurde der Zaun des Gebäudes der Nuntiatur auf Befehl der Regierung von Bulldozern eingerissen.

Der Erzbischof von Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, ist somit in höchster Not. Einem entsprechenden Aufruf des Erzbischofs folgend, kamen bereits viele Priester, Ordensleute und Gläubige zum Bischofssitz, um ihre Solidarität zu bekunden. Ein hohes Polizeiaufgebot schirmt das Gelände inzwischen ab.

Noch im Februar 2008 besuchte eine Delegation des Vatikans Vietnam zur Verbesserung der Beziehungen zwischen Vietnam und dem Vatikan. Damals wurde auch die Frage der Rückgabe des Gebäudes der Nuntiatur angesprochen, mit positivem Echo seitens der Regierung bzw. des Ministerpräsidenten. Die gegenwärtige Aktion steht hierzu im krassen Widerspruch.
Eiliges Protestschreiben

An:
Herrn Präsidenten Nguyen Minh Triet der Sozialistischen Republik Vietnam
Herrn Ministerpräsidenten Nguyen Tan Dung der Sozialistischen Republik Vietnam

Cd:
Komitee für religiöse Angelegenheiten
Volkskomitee der Stadt Hanoi
Abteilung für öffentliche Sicherheit der Stadt Hanoi
Betroffene Regierungsstellen

Am Morgen des 19. September 2008 erschien auf dem Grundstück der

Nuntiatur Nr. 42 Pho Nha Chung eine große Anzahl von Polizisten und Sicherheitskräften, von Militär und Polizeihunden, belagerte die Residenz des Erzbischofs von Hanoi und blockierte die Nha-Chung-Straße. Eine andere große Einheit riss den Zaun ein und noch weitere Anlagen und entfernte den Rasen gegenüber dem Vordereingang unserer Nuntiatur.

Das Erzbistum in Hanoi hat wiederholt um die Rückgabe des Gebäudes und des dazugehörigen Grundstücks an die Kirche gebeten, doch fand unser Ansinnen bisher kein Gehör.

Auf plötzliche Art und Weise berichtete das staatliche Fernsehen über den Plan zum Abriss des Gebäudes und lieferte hierzu verzerrende Information, um die öffentliche Meinung auf diesen unrechtmäßigen Akt vorzubereiten.


Diese Entwicklung richtet sich gegen die Politik des Dialogs, die die Regierung und das Erzbistum unterhalten. Dieser Akt ist eine Tat, der das rechtmäßige Streben der Katholiken von Hanoi verunglimpft, das Gesetz verachtet und der katholischen Kirche in Vietnam Missachtung zollt. Es ist ebenso ein Akt schwankender Moral, der das Gewissen der Gesellschaft ins Lächerliche zieht.

Die Diskussion über die Eigentümerschaft an der Nuntiatur ist noch im Gange, doch die Behörden der Stadt Hanoi und des Hoan-Kiem-Distrikts haben ihre Sicherheitskräfte zur Zerstörung unseres Eigentums eingesetzt.

Daher protestiert das Erzbistum von Hanoi nachdrücklich und stellt folgende Forderung:

1. Die Einstellung der Belagerung der erzbischöflichen Residenz in Hanoi sowie die Beendigung des Abbruchs unseres Eigentums.
2. Rückführung des Eigentums in seinen ursprünglichen Zustand sowie dessen Rückgabe an uns zur Nutzung für religiöse Zwecke und zum Allgemeinwohl.
3. Die verantwortlichen Behörden und die Stadt Hanoi müssen die Verantwortung für alle Konsequenzen übernehmen, die aus dieser Beschlagnahmung unseres Eigentums entstehen. Wir haben das Recht, alle unsere Möglichkeiten zum Schutz unseres Eigentums auszuschöpfen.
4. Durch die Intervention des Präsidenten, des Ministerpräsidenten der Sozialistischen Republik Vietnam, der Behörden von Hanoi und der verantwortlichen Stellen ist diesem Akt ein unverzügliches Ende zu setzen.

Joseph Ngo Quang Kiet
Erzbischof von Hanoi
(Unterschrift und Stempel)

An dieser Stelle bitten wir alle Gläubigen der Welt, insbesondere in Deutschland, in Österreich und in der Schweiz ihre Solidarität mit dem Erzbistum Hanoi und den Christen in Vietnam durch ihr Gebet und ihre Fürbitte zu bekunden.
Dafür möchten wir uns ganz herzlich im Voraus bedanken.

Mit freundlichen Grüßen
St. Ottilien, den 19.09. 2008
Pater Augustinus Son Ha Pham OSB
 
Hanoi Apostolic Delegate’s Office Facts
J.B. An Dang
06:59 20/09/2008
Why Hanoi Apostolic Delegate’s Office must be returened to the Catholic Church in Vietnam?

On 18 Oct 1951, Pope Pius XII appointed Archbishop John Jarlath Dooley, S.S.C.M.E (1906 – 1999) as the Apostolic Delegate to Indochina.

On arrival to Vietnam, Archbishop John Dooley decided to move the Indochina Apostolic Delegate’s residence from Hue to Hanoi due to the political importance of the latter.

His office was set temporarily inside Hanoi Archbishopric complex. The Apostolic Delegate’s Office had the same address as that of Hanoi Archbishop’s Palace: 40 Pho Nha Chung, Hanoi.

When Vietnam was divided into two distinct states in 1954, he remained in Hanoi.

In March, 1959 he had to leave Hanoi for medical treatment. Before leaving Vietnam, he wrote a letter in which he thanked Bishop Joseph Marie Trinh Nhu Khue (1898-1978) of Hanoi to allow him to use the building for a long time.

Father Terence O'Driscoll, an Irish priest, undertook the office temporarily while waiting for the Holy See’s instructions. However, within 2 weeks after Archbishop John Dooley left Vietnam, Hanoi deported Fr. O'Driscoll and all staff of the Apostolic Delegation.

After the deportation of the Apostolic Delegation, despite the protest of Bishop Joseph Marie Trinh, the communist government occupied the Apostolic Delegate’s Office, built a wall to separate it with the rest of the Archbishopric complex, and created a new address: 42 Pho Nha Chung.

Since then, the former Apostolic Delegate’s Office has been used for various purposes, including those as means to torture Hanoi Catholic leaders and staff who lived nearby with loudly music played late into midnight. Needless to say, the music and other activities from the building disrupt badly church services in the nearby Hanoi Cathedral.

In 1980s, Cardinal Joseph-Marie Trinh Van Can (1921-1990), the then Archbishop of Hanoi, had repeatedly reported the issue but the government kept torturing him with loudly music until his death.

In 2000, Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung requested the return of the building to the archdiocese.

Since then, Vietnam Conference of Catholic Bishops has repeatedly sent petitions to the authorities for the return of the building. Yet, their petitions have gone unanswered.

The request of Vietnam Catholic Bishops is based on the facts that:

i) Archidocese of Hanoi has legal land title of the building.

ii) Article 70, Chapter 5, concerning the Fundamental Rights and Duties of the Citizen, in the 15th April 1992 Vietnam Constitution states that

“The citizen shall enjoy freedom of belief and of religion; he can follow any religion or follow none. All religions are equal before the law. The places of worship of all faiths and religions are protected by the law.”

iii) Directive No. 379/TTg specifies that places of worship borrowed by the authorities must be returned to the churches or their owners when their use is no longer justified. If the use of the land is not for the right purposes, then it must be returned to the churches. If the places of worship are being occupied by people, it is municipal government’s task in asking these habitants to leave the properties within specific time.

iv) Decree No. 26/1999/ND-CP provides that church properties must be kept under the management of the state, and the state should not let these places of worships be transgressed.

v) Ordinance No. 21/2004/PL-UBTVQH11 of June 18, 2004 regarding Religious Belief and Religious Organizations, Article 26 elaborates that the legal property of places of religious belief and of religious organizations is protected by law; any violation of this right is forbidden.

On 3rd December 2007, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi, sent another request for the return of the building. The local government responded arrogantly by speeding up construction projects inside and outside the building.

In a letter, released on 15th December, Archbishop Joseph Ngo told his congregation that the Apostolic Delegate’s Office within the premises of his palace was seized illegally by the government since 1959. He asked the congregation to pray for the return of the building.

Since December 18, thousands of Catholics in Hanoi had been organizing daily prayer vigils outside the former nunciature in Hanoi, pleading for return of the building that had been confiscated by the Communist leadership in 1959.

In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics. In return for the government's promise, the Catholic protestors agreed to remove a cross and tents from the land adjacent to the building where they had been conducting regular prayer vigils.

On February 27, Tran Dinh Phung, a permanent member of the patriotic front and the head of religious and ethnic affairs, expressing the point of view of the prime minister on the affair, described as "completely legitimate" the Church's requests to be able to use the building for the activities of the bishops' conference." The government cannot ignore", he had said, the request from the leaders of 7 million Vietnamese Catholics, who for 27 years, since the creation of the episcopal conference, have worked together with the nation.

All of a sudden, eight months after promising to restore Church ownership of the building, Vietnamese authorities have begun demolishing the building.

Very early on Friday morning, September 19, hundreds of police assembled in front of the archbishop's residence in Hanoi, blocking access to the residence, the cathedral, and all roads leading to the nearby nunciature. Dozens of bulldozers moved into the area and began digging out the lawn of the nunciature. At 6 am, after police and demolition workers were in place, state-controlled television and radio broadcasts announced that the government had decided to demolish the building, to convert the land into a public playground.
 
Police detain, beat Associated Press reporter in Vietnam
Committee to Protect Journalists
10:00 20/09/2008
New York, September 19, 2008—The Committee to Protect Journalists condemns the actions of Vietnamese police who assaulted Associated Press reporter Ben Stocking, after detaining him in Hanoi today. Police detained Stocking, AP’s Hanoi bureau chief, while he was covering a Catholic protest.

Anonymous video footage posted on YouTube shows two men obstructing Stocking as he tries to photograph a prayer vigil, which was staged in protest against city development of land claimed by the church. The men, one of whom wears a uniform, then lead the obviously unwilling journalist from the scene. The footage does not show the rest of the incident described in the report.

“This brutal police treatment of a working journalist is completely unwarranted,” said Joel Simon, CPJ’s executive director. “Journalists should be free to report civil unrest in Vietnam without fear of violence from the authorities.”

In the AP story, Stocking says police confiscated his camera then punched and kicked him when he asked for it back. He also says they hit him in the head with his camera when he reached for it at the police station where he was later taken for questioning, opening a wound which required four stitches.

The AP said it will protest the incident and that the U.S. Embassy had filed a formal protest. Stocking was allowed to leave police custody with an embassy official to seek medical treatment, the report said.

It was not clear whether police obstructed other reporters at the protest site.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Vịnh Mục Tử: Kính mừng Đức Tân Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt
Trăng Thập Tự
21:07 20/09/2008

THÁNH VỊNH MỤC TỬ



Kính mừng Đức Tân Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt

Chúa đùa hay thật đấy
Con tròn mắt ngạc nhiên
Ngủ một đêm thức dậy
Thấy mình đang chăn chiên.

Chiên vươn tới đồng xanh
Chiên dừng bên suối nước
Con tập nghề thật nhanh
Theo sát chiên từng bước.

Ơ Người Chăn Chiên kia
Người chính là Mục Tử
Con chỉ là berger
Lăng xăng trên đồng cỏ.

Ơ Người Chăn Chiên kia
Người là Chủ Lịch Sử
Trong lũng tối con về
Có Người luôn gìn giữ.

Con chỉ mới học nghề
Xin Người lên tiếng gọi
Đừng để con u mê
Làm cho chiên lạc lối.

Người cho con mâm cỗ
Người cấy đồng cỏ tươi
Đừng để con cứng cổ
Mà chống lại ơn Người.

Ơ kìa Người Chăn Chiên
Rúc hồi còi mục tử
Con, chú berger quèn
Còn đi đâu nữa chứ?

Ôi tiếng còi mục tử
Đang qui tụ cả bầy
Không chần chừ lần lữa
Xin đáp lời: Con đây!

Qui Nhơn 21-9-2008
Trăng Thập Tự
 
Tết Trung Thu Trường Việt Ngữ Đắc Lộ CĐCG Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
06:31 20/09/2008
Tết Trung Thu Trường Việt Ngữ Đắc Lộ Cộng Đồng Công Giáo Nam Úc


Thứ Bảy ngày 20/9/08, toàn thể các em học sinh thuộc 3 chi nhánh của trường Việt Ngữ Đắc Lộ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã tổ chức Văn Nghệ mừng Trung Thu, Tết Nhi Đồng.

Ảnh Tết Trung Thu Nam Úc

Ban Điều Hành từng chi nhánh đã phối với các chi hội phụ huynh tổ chức các chương trình thi đua văn nghệ đắc sắc cho các em như: Ca, Vũ, Nhạc, Kịch, Múa Lân và trình diễn Áo Dài.

Sau khi trình diễn văn nghệ, nhà trường đã tặng cho các em những món quà mừng Trung Thu đặc biệt.
Học Sinh Múa Lân Trung Thu


Riêng 2 chi nhánh Salisbury và Pooraka, BGH đã trao tặng hiện kim cho các giáo chức phụ trách từng lớp, để mua quà, phát cho mỗi em học sinh một phần quà Trung Thu và giải thưởng trình diễn văn nghệ xuất sắc.

Tại chi nhánh Trung, Tiểu học Woodville có 22 lớp, từ Sơ Cấp đến lớp 12. Đa số các em học sinh lớn tuổi. Nên BGH & Ban Điều Hành đã khoản đãi các em một bữa ăn thịnh soạn. BĐH mời Chi hội phụ huynh phối hợp, hỗ trợ tiếp tay, chuẩn bị và phân phát các phần ăn cho các em học sinh sau khi trình diễn văn nghệ. Các học sinh đã tỏ ra rất phấn khởi và vui mừng vì đây là ngày Tết truyền thống đặc biệt của các em.

Được biết trường Việt Ngữ Đắc Lộ là trường sắc tộc lớn nhất của tiểu bang Nam Úc, do Cộng Đồng Cộng Giáo Việt Nam – Nam Úc điều hành, có sĩ số học sinh gần 1,500 em, với một lực lượng giáo chức hùng hậu trên 50 Thầy / Cô giáo.

Hàng năm cứ vào kỳ thi Tú tài, thì học sinh trường Việt Ngữ Đắc Lộ, tham dự thi môn ngoại ngữ Việt Văn đông nhất tiểu bang.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông cáo của TGM Thái Bình về vụ Tòa Khâm Sứ cũ
TGM Thái Bình
10:29 20/09/2008
THÔNG CÁO CỦA TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH NHÂN VỤ VIỆC TÒA KHÂM SỨ CŨ

Theo các phương tiện truyền thông, chúng tôi được biết hiện nay có vài sự kiện đang xảy ra trên mảnh đất thủ đô Hà Nội.

A – Vụ tranh chấp đất đai ở Giáo xứ Thái Hà chưa ngã ngũ và một số anh chị em giáo hữu ở khắp nơi đã về cầu nguyện ở Linh đài Đức Mẹ. Trước sự kiện này, chúng ta dâng lời cầu nguyện để tình hình bớt căng thẳng mà đi đến sự êm ấm. Mọi người có tự do đi đến bất cứ nơi nào để cầu nguyện theo Lời Chúa dạy và Giáo Hội hằng khuyến khích. Không ai có quyền cấm đoán, kể cả Giám Mục và linh mục địa phương.

B – Ngày 19/9/2008, một sự kiện náo động trời đất và lòng người: Khu đất Tòa Khâm Sứ cũ chưa được giải quyết như lời chính quyền đã hứa và bảo đảm với Tòa Thánh Vatican cũng như Tòa Giám Mục Hà Nội, thì sáng nay có số đông lực lượng công an và cảnh sát cơ động đã cho máy ủi, máy xúc… đến dỡ bỏ hàng rào, đổ đất, đào nền gần khu tượng Đức Mẹ Sầu Bi, gây lo ngại cho giáo dân Hà Nội nói riêng và cộng đồng dân Chúa nói chung. Đức Giám Mục Giáo phận Thái Bình đã gửi thư hiệp thông đến Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt – Tổng Giám Mục Hà Hội.

Nay xin mọi người trong Giáo phận Thái Bình cũng thuộc Giáo tỉnh Hà Nội sốt sáng cầu nguyện để mọi việc được giải quyết tốt đẹp, tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Kèm theo thông cáo này là bức thư ngỏ của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội gửi tới các vị lãnh đạo nhà nước để xin can thiệp giúp đỡ (các cha có thể đọc thư này trong nhà thờ cho mọi người cùng rõ).

Kết luận: Chúng ta là con cái của Giáo Hôị Công Giáo trên khắp hoàn cầu, cách riêng là Giáo Hội Việt Nam, được thấm nhuần Giáo Lý “các thánh cùng thông công” trong Kinh Tin Kính. Vậy, xin mọi người hãy hiệp thông với Đức Giám mục, các linh mục và nam nữ tu sĩ cũng như hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và các đấng bậc trong Tổng Giáo phận.

Phải đọc thông cáo này trong các ngày lễ và Chúa nhật. Sau đó mọi người đọc một kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh và cầu nguyện như ý nói trên.

Thái Bình, ngày 19 tháng 9 năm 2008

Tòa Giám Mục Thái Bình
 
Thư Hiệp thông của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam
LM Toma Vũ Quang Trung, SJ
11:53 20/09/2008
 
Bức thư về Tâm tình một giáo dân Hà Nội
Hoàng Lan
12:13 20/09/2008
LTS: Đây là lá thư của một bạn trẻ đang sống tại Hà Nội. Bạn trẻ này rất đau xót về diễn biến Tòa Khâm Sứ và viết cảm xúc gửi đến một linh mục quen biết tại hải ngoại.

Hà Nội ngày 20/9/2008

Kính gửi Cha!

Cha có khoẻ không? Chắc Cha cũng đã biết và còn biết nhiều hơn con về những gì đang xảy ra với Toà Khâm Sứ, con nói Cha biết nhiều vì thông tin trên Internet bên Cha xem được, còn tại Việt Nam chúng con những thông tin về TKS thi đa phần bị chặn, các ngả đường vào TKS giờ thì toàn kẽm gai, chó săn và công an dày đặc. Con không phải là giáo dân thuộc Giáo phận Hà Nội, con cũng không phải là một người thường xuyên tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ lớn nhưng những gì đã xảy ra tới giờ phút này mà con được biết thì quá khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của con, từ 7h sáng qua (khi con biết tin TKS bị phong toả) tới giờ con không thể tập chung vào công việc của con được, các cuộc diện thoại của khách hàng, các cuộc tiếp xúc mua bán con đều tìm cách kết thúc một cách mau chóng cho dù kết quả thế nào, đến nỗi khách hàng cũng không hiểu tại sao con lại thế? Trong đầu con luôn hiện lên hình ảnh của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, các Linh Mục, các tu sỹ và cộng đồng dân Chúa những người đang phải chịu đựng sự đàn áp bất công một cách dã man mà những ai có chứng kiến thì mới hiểu được vì giấy bút cũng không thể diễn tả được.

Sáng qua quả là hai tin dữ con nhận được cùng một lúc, vì theo thói quen hàng ngày của con mỗi sáng là vào trang chuacuuthe để xem thông tin về Thái Hà sau 1 ngày, con không tin vào mắt mình nữa khi đọc dòng tin cấp báo của Toà Khâm Sứ và thêm 1 tin nữa là lúc 1h sáng ngày 19/9/2008 tại Linh Địa Đức Bà có 2 thanh niên đổ xô dầu nhớt pha mắm tôm vào ảnh tượng Đức Mẹ, những tin này đến với một người công giáo thì quả là ngoài sức chịu đựng, mắt con nhòa đi vì ngấn lệ, con cảm thấy như đã tuyệt vọng vì đức tin bị xúc phạm. Cha còn nhớ bức tượng chịu nạn có hoa văn 14 đàng thánh giá mà Cha đã tặng con sau chuyến hành hương tại giáo triều Roma không? Con đã cầm tượng lên và cầu xin, cầu xin cho con vượt qua được cơn thử thách này, cầu xin cho hoà bình và công lý được thực thi nơi đất nước Việt Nam nhỏ bé này và con cũng không quên cầu xin cho những người đã gieo rắc vụ này “Lạy Chúa, xin Chuá tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Cầm cây thập giá trên tay con tưởng nhớ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhớ lại ngày xưa Mẹ Maria đứng lặng người nhìn Con mình chịu đóng đinh trên cây thập giá lòng người mẹ quạnh đau thế nào, thì ngày nay đoàn con của Mẹ tại Giáo Phận Hà Nội nói riêng và nước Việt Nam nói chung cũng đau như vậy, đau vì hình ảnh của Mẹ bị xúc phạm, đau vì công lý bị chà đạp và càng đau hơn khi các cơ quan của nhà nước Việt Nam lại tiếp tay cho sự chà đạp vô nhân tính này.

Chiều qua con dự Thánh Lễ ở nhà Thờ Hàng Bột, hình ảnh đánh động con đó là Sr. Nhất - dòng Thánh Phaolo, con không rõ Sơ bao nhiêu tuổi nhưng từ nhà dòng ra nhà thờ chưa tới 30 mét Sơ được 2 em dìu ra lên hết bậc thang nhà thờ thì Sơ phải ngồi xe lăn, sau thánh lễ Sơ tự lăn xe đi bằng đôi bàn tay gầy gò đến đủ 14 đàng thánh giá xung quanh nhà thờ để hiệp thông cầu nguyện cho Toà Khâm Sứ.

Bao nhiêu năm lăn lộn với công việc kinh doanh con hiểu được dã tâm của Đảng CSVN mà, chính vì thế con thương các Cha, các tu sỹ lắm, con biết giá trị của miếng đất không đáng là bao, vì nếu chỉ đơn thuần là miếng đất thì mất miếng này mua miếng khác vì Giáo Hội dư thừa khả năng để mua những miếng đất to đẹp hơn thế nhưng cái chính ở đây là công lý, công lý của xã hội, giáo hội và công lý của đức tin, con hiểu rằng cầu nguyện cho công lý được thực thi là trách nhiệm cũa mỗi người Ky tô giáo chứ không chỉ riêng có cầu nguyện cho công ký trên mảnh đất TKS hay Thái Hà tại VN này.

Cha kính, cũng là Linh Mục nhưng có lẽ Cha may mắn hơn những Linh Mục tại VN là Cha được sống ở một đất nước có tự do và bảo đảm về nhân quyền chính, vì thế con nghĩ rằng nỗi đau này không của riêng các Linh Mục tại VN mà là nỗi đau chung của những người chủ chăn. Vì vây xin Cha xem lá thư này con viết Cho Cha là lời chia sẻ xâu sắc nhất mà con muốn gửi đến Cha trong giờ phút thử thách đầy khó khăn này tại TGP Hà Nội.

Nguyện Xin Chúa Giêsu, Thánh cả Giuse, Mẹ Maria và các Thánh tử Đạo VN luôn nâng đỡ và ủi an quý Cha trên con đường mà quý Cha đã trọn, nguyện xin Thiên Chúa là Cha rất nhân từ xin ban cho những nhà lãnh đạo VN này họ được ơn khôn ngoan và sáng suốt để công lý và nhân quyền được thực thy trên quê hương chúng con.

Kính chúc Cha Luôn mạnh khỏe.
 
Giấc mơ về tương lai đã tàn phai
Phan Dũng
12:28 20/09/2008
Giấc mơ về tương lai đã tàn phai

Ngày 19/09/2008. Sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong quá trình suy vong về nhân phẩm của Việt nam. Sau mấy mươi năm cai trị độc đoán, không biết bao nhiêu những điều suy tàn trong mọi vấn đề xã hội. Từ luật pháp, hiến pháp, hành pháp, tư pháp đến môi trường, xã hội, giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông, v.v... hầu như tất cả các ngành đều dính sâu vào chuyện tham nhũng và bất chấp pháp luật làm càn đã gây ra biết bao nhiêu hậu quả thương đau cho hàng triệu gia đình những người việt nam nghèo đói.

Chúng ta ai cũng dễ dàng nhận thấy tất cả các ngành trên và các ngành khác nữa, có ngành nào mà không có những vấn đề nổi cộm khiến nhiều người phải lao đao. Cuộc sống ngày nay luôn phải lận đận để chạy ăn từng bữa, Bước ra đường là môi trường ô nhiễm, ra khỏi nhà là giao thông nhũng nhiễu, lớ ngớ là ăn mã tấu của đám loai choai, bệnh hoạn gần chết nhưng y tế vẫn chém cho hết tiền, cho con đến trường phải lo lót khắp nơi, làm cái khai sinh cũng phải bị chứi lên quát xuống… mệt phờ phạc cả người với đủ thứ hành thứ tỏi ngoài xã hội. Tối mịt tối mờ mới trở về ngao ngán với bát cơm cũng không tránh khỏi các hiểm hoạ ngộ độc thức ăn.

Có thể nói, với nhiều gia đình Việt nam, cuộc sống thanh thản chắc chỉ còn ở trong những giấc mơ, nhưng những giấc mơ đẹp cũng mong hoài không thấy, vì cái nhà đang ở, nơi thờ cúng tổ tiên ngộ rớt vào vùng quy hoạch thì coi như tiêu hết cuộc đời.

Ngày xưa không nhà còn có thể cắm dùi đại ở một nơi xó xỉnh nào đó chứ ngày nay các xó xỉnh ấy cũng đã bị các quan nhà ta chiếm cứ từ lâu. Khủng khiếp hơn, có khi cả người đã chết còn chửa được yên với những bản đồ quy hoạch tứ tung mà chủ yếu là nhằm vào lợi ích cho các lãnh đạo từ cao xuống thấp. Mà đã là quy hoạch thì khỏi kiện cáo làm chi cho thêm những nỗi nhục nhằn…..

Khổ đã vậy, nhưng những gì trải qua từ hơn tháng nay với Thái hà và từ ngày 19/09/2008 vừa qua với Tòa Khâm Sứ. Đảng cộng sản đã chính thức tuyên bố lời cáo chung cho phẩm giá con người. Đây cũng chính là ngày mà Đảng chính thức cho mọi người thấy rõ những hành vi ăn cướp, tham nhũng được quyền công khai, chỉ cần làm kheo khéo một chút miễn sao cho ngành sản xuất phong bì được phát triển là Đảng hoan hô ủng hộ. Rồi đây không biết trả lời sao khi thằng ăn cướp nó nói rằng "Tao có thể chứng minh công khai cho mọi người thấy ăn cướp là hợp pháp. Đảng dậy tao thế qua vụ Thái hà". Rồi đây không biết phải hành động thế nào khi thấy bất công, vì đám đầu gấu giang hồ đã có thể nói rằng "Đảng còn phải nhờ đến tao trừng trị những người dám nói đến chân lý công bằng trong vụ TKS". Rồi đây không biết chúng ta sẽ phải kiện tụng nơi đâu vì những quan tham nhũng cộng khai quát vào mặt chúng ta rằng "Đảng bảo tao phải bất chấp pháp luật như Đảng đã làm thì mới không lòi cái tham nhũng ra…"

Ấy là xét một chút về khía cạnh xã hội, còn về khía cạnh gia đình, bậc cha mẹ người Việt nam không biết rồi sẽ phải dậy bảo con cái ra sao? Vì dù muốn dù không, Đảng vẫn ngày đêm nhồi nhét vào đầu óc non nớt của các em những lập luận khôi hài không lý chứng của Đảng. Rồi có thể sẽ có ngày con cái sẽ theo cách của Đảng mà vơ vét bất chấp pháp luật và đạo lý.

Tôi cũng không dám nghĩ tiếp đến sự khủng khiếp của tương lai như vậy. Trước những hành xử như vậy, nền tảng của nền pháp trị Việt nam đang lung lay, nền giáo dục giới trẻ Việt nam đang đi vào ngõ cụt. Than ôi!
 
Đan viện Châu Sơn hiệp thông cùng Tòa Khâm Sứ Hà Nội và Thái hà
LM Benado Thanh Bình, O.Cist
12:34 20/09/2008
HƯỚNG VỀ TOÀ KHÂM SỨ VÀ THÁI HÀ LÒNG ĐAU NƯỚC MẮT RƠI

Hai giờ chiều ngày 19.9, sau khi nhận được hung tin về Toà Khâm Sứ (TKS) bị tàn phá, hình ảnh Mẹ Sầu Bi bị xúc phạm, tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi đã kêu lên, Mẹ ơi! Xin Mẹ cứu Giáo Hội, cứu con cái của Mẹ đang bị bách hại, và chính hình ảnh Mẹ, Chúa Giêsu con Mẹ cũng bị xúc phạm.

Đau đớn thay, thương tâm thay! Đó là những lời tôi thầm thì trong lòng. Hướng về Linh địa Mẹ ở Thái Hà, về TKS mà lòng tôi xao xuyến, đớn đau vô cùng. Cả cộng đoàn chúng tôi cũng xôn xao, đau đớn và thương tâm trước hoàn cảnh con cái Giáo Hội đang bị bách hại như vậy.

Đặc biệt qua những dòng tin khẩn cấp “TKS bị tàn phá, cảnh sát đàn áp, ảnh tượng Mẹ bị xúc phạm…kết hợp với những hình ảnh các linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân đang cầu nguyện sốt sắng, tôi cũng như cả cộng đoàn hết sức xúc động và cũng hiệp thông cầu nguyện luôn. Tôi nghĩ, sức mạnh của người tín hữu chính là ơn Chúa, là Thập giá, là lời cầu nguyện… Chúng ta không chùn bước trước mọi bách hại, hãy kiên vững trong niềm tin.

Thế là sau giờ kinh chiều, cả cộng đoàn đã đặt Mình Thánh Chúa chầu, để đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cầu nguyện xin ơn bình an cho con cái Giáo Hội ở TKS và Thái Hà đang bị bách hại. Đồng thời cũng cầu nguyện cho những kẻ nhẫn tâm làm những việc tàn ác như vậy, đàn áp dân lành, phá hoại tài sản Giáo Hội Chúa. Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm! Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho kẻ bắt bớ và giết Ngài khi ở trên cây Thập Giá. Giờ đây “những kẻ ấy” cũng đang hành hạ và áp bức con cái của Chúa, như đang bách hại và giết Chúa vậy. Xin Chúa tha thứ và hoán cải họ, để họ được mở mắt nhìn thấy thế nào là Công Lý và Tình Thương.

Hướng về TKS và Thái Hà mà lòng đau đớn thay! Hỡi mọi người con cái Giáo Hội xa gần, chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông, hãy hy sinh và không ngừng cầu nguyện cho các “Chiến sĩ Chúa Kitô”- là các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đang ngày đêm đấu tranh cho công lý và hoà bình, đang hiến thân để bảo vệ Linh địa Mẹ ở Thái Hà, bảo vệ gia sản của Giáo Hội ở TKS. Tất cả là vì Công Lý, Hoà Bình, Tự Do Tôn Giáo và vinh quang của Thiên Chúa qua Hội Thánh.

Cùng với các “Chiến sĩ Chúa Kitô” ở TKS và Thái Hà, chúng ta can đảm cất lên bài hát vì Niềm Tin, vì Công Lý và Hoà Bình:

Lạy Chúa Từ Nhân: Xin - Đem YÊU THƯƠNG vào nơi oán thù
- Đem THA THỨ vào nơi lăng nhục
- Đem AN HOÀ vào nơi tranh chấp
- Đem CHÂN LÝ vào chốn lỗi lầm
Hãy: - VỮNG TIN trong nghi nan
- TRÔNG CẬY trong nơi thất vọng
Vì: CÓ CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA.
 
Tòa Khâm Sứ- Dấu chấm hết cho một niềm tin mong manh
Joseph Nguyễn Thái Hà
13:16 20/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - DẤU CHẤM HẾT CHO MỘT NIỀM TIN MONG MANH

Thế là hết,

Những cuộc đối thoại được mong chờ từ nhiều phía đã bị đổ vỡ. Chính quyền đơn phương dùng bạo lực để chiếm đoạt tòa khâm sứ, thực hiện dự án đầu tư do chính họ lén lút đặt ra.

Thế là hết,

Những lo lắng, hi vọng và chờ đợi của toàn thể cộng đồng dân Chúa suốt gần 9 tháng qua, kể từ khi họ dựng lều bạt, tựa vào nhau cùng cầu nguyện qua đêm trong những ngày trời rét căm căm của Thủ đô Hà Nội. Chính vì tin vào những lời hứa hẹn, những phương thức hoãn binh đầy tính toán của chính quyền cộng sản mà cộng đồng dân Chúa đã rút lui và kiên trì chờ đợi trong ôn hòa.

Nhưng ngày 19/9/2008 vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho một niềm tin mong manh của cộng đồng dân Chúa còn sót lại đối với chế độ vô thần cộng sản.

Ngày xưa ông Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói: ‘Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Câu nói này được nhiều lần người dân âm thầm nhắc lại như một lời cảnh cáo cho những ai còn nhẹ dạ, cả tin đối với chính quyền. Nhưng cũng không ít người hoài nghi câu nói đó vì cho rằng đó là câu nói của một Tông thống ngụy. Thế nhưng Vụ việc Thái Hà và Tòa Khâm Sứ vừa qua đã trả lời về sự thiếu nhất quán giữa những gì những người cộng sản nói và những gì những người cộng sản làm.

Vì vậy chút niềm tin mong manh còn sót lại đó giờ đã mất.

Thực tế thì niềm tin không phải mất đi mà là niềm tin bị đánh cắp. Đây là một cú lừa vĩ đại của chính quyền đối với cộng đồng dân Chúa. Những người chủ khu đất hoặc quyền lợi liên quan đã không được biết trước. Kế hoạch lén lút như kẻ trộm được tiến hành vào lúc 4h sáng. Vào giờ đó nhiều giáo dân đang ngon giấc và có thể đang mơ những giấc mơ đẹp, về một cuộc đối thoại đang mở ra, mơ về việc bình thường hóa quan hệ với Vatican, về hòa hợp hòa giải giữa các tôn giáo với những người cộng sản vô thần. Mơ về một đất nước Việt Nam thanh bình trong mai sau…

Thế nhưng, cũng vào giờ đó, chính quyền đã huy động máy ủi, máy xúc, hàng trăm cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ khác cho một chiến dịch cướp đất trên con phố Nhà Chung bình yên. Họ đã đánh cắp chút niềm tin mong manh còn sót lại.

Đúng như Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã nói: ‘Họ có thể chiếm giữ được khu đất nhưng họ không nắm giữ được niềm tin nơi dân chúng’. Điều quý nhất của Người công giáo là có một Đức tin với Thiên Chúa và thông qua Thiên Chúa người công giáo thường có niềm tin mạnh mẽ vào con người. Những người giáo dân thường đơn sơ, chân thành và cả tin hơn những người ngoại đạo.

Lịch sử giáo hội công giáo suốt hơn 50 năm qua đã chứng kiến nhiều thầy đã bị bắt đi tù, nhiều cha bị bắn chết, đã có những giai đoạn bị bách hại nặng nề, nhưng nhiều người Công giáo vẫn tin vào Chính quyền cộng sản vì truyền thông sai sự thật và còn vì do những cởi mở tôn giáo, xét về hình thức gần đây. Qua vụ Tòa khâm sứ hôm nay, người công giáo chắc chắn không còn bị lừa phỉnh nữa. Họ chắc chắn sẽ tìm đến sự thật bằng nhiều cách khôn ngoan. Họ sẽ tin vào sự thật như lời kinh thánh nói.

Kinh thánh nói: ‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’. Và đúng là chỉ có sự thật thì mới trường tồn cùng năm tháng.

Có nhiều câu chuyện không có thật tưởng như đã trở thành huyền thoại như ‘Em bé đuốc sống – Lê Văn Tám’, người ta đã dựng tượng đài của em, đặt tên đường cho em, tên trường học và cả công viên. Họ tưởng rằng tất cả những điều đó có thể làm cho em ‘có thật’ và hình ảnh của em mãi mãi sống cùng với mọi người. Thế nhưng trước khi qua đời, chính Gíao sư sử học Trần Huy Liệu đã thú nhận rằng đó là một nhân vật không có thật, hoàn toàn do tác giả bịa ra để phục vụ mục đích chính trị.

Có một sự thật mà chắc chắn mọi người biết rằng chính quyền đã sử dụng một cách quy mô những vũ lực mà họ có. Hình ảnh những con chó đi theo chủ để hít và ngửi ở khu vực Tòa Khâm Sứ dễ làm cho chúng ta liên tưởng đến ‘tên lính gác trung thành’ của chủ nghĩa Mác Lê Nin. Chủ nghía vô thần vốn coi tôn giáo là kẻ thù đó đã phá sản hầu hết ở các quốc gia trên toàn thế giới, thất bại hoàn toàn về mặt nhân bản so với các tôn giáo khác nhưng vẫn tiếp tục ngự trị ở đất nước Việt Nam vì những tên lính gác của chủ nghĩa được trang bị vũ khí tối tân là dùi cui, roi điện và hơi cay để tiếp tục trấn áp và cướp đất của những người nghèo.

Không chỉ đàn áp bằng vũ khí, các công cụ của Chính quyền cộng sản chuyên chế còn đàn áp về mặt tinh thần. Họ bách hại dân chúng và hàng giáo phẩm bằng cách liên tục tung tin bài xúc phạm, mạ lị và bôi nhọ hàng giáo phẩm và giáo dân, đặc biệt là ở giáo xứ Thái Hà. Các báo đài Nhà nước đã cắt cúp các câu nói, đánh tráo khái niệm và gia công thêm vào theo ý đồ bất lương của họ.

Khi bị bắt quả tang, tham nhũng bị vạch mặt thì họ tiến hành bắt giam những nhà báo chân chính. Họ bịt miệng, đánh đập và tịch thu phương tiện làm việc của những tiếng nói của lương tâm, kể cả với các nhà báo nước ngoài. Chính quyền đã không từ một ai, và bất cứ thủ đoạn nào để đàn áp và ngăn chặn luồng thông tin trung thực đến với mọi người.

May mắn thay! Sự thật có cách đi riêng của nó.

Hàng ngày vẫn rất nhiều bài báo được đưa lên các trang web với hàng triệu lượt đến thăm. Youtube vẫn tràn ngập những đoạn video quay bằng nhiều phương tiện. Quan trọng hơn là hệ thống truyền thông rỉ tai và các giáo dân tích cực đã tự phô tô và chuyền tay nhau những bài viết mô tả sự thật. Chính vì truyền thông sai sự thật, chính vì giả dối cho nên đài báo quốc doanh đã thực sự bị “mất khách”. Bây giờ nhiều người trong Đảng cũng háo hức để đi tìm tin tức ngoài luồng.

Khi chút niềm tin còn lại bị đánh cắp, là lúc người dân đến với sự thật. Và sự thật có sức mạnh riêng của nó. Bởi chỉ có sự thật cùng vói thời gian sẽ dần dần hé lộ những dấu ấn nó đã tạc vào thiên nhiên, vào cỏ cây sông núi và vào lòng người. Đúng như ông cha ta đã từng nói: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Những gì người cộng sản làm ngày hôm nay, sẽ được ghi vào lịch sử Việt Nam như một vết nhơ. Cho dù hàng ngàn năm có trôi qua, lịch sử Việt Nam vẫn còn khắc ghi mãi những hình ảnh cướp bóc nhưng lén lút của những người cầm quyền hôm nay.
 
Ngược ngạo và tàn bạo
Trương Phú Thứ
13:32 20/09/2008
NGƯỢC NGẠO VÀ TÀN BẠO

Tin tức và hình ảnh về Tòa Khâm Sứ như một một ngọn roi quất thẳng vào mặt những người yêu chuông hòa bình và công lý trên tòan thế giới. Tám tháng trước đây nhân lọai ở mỗi xó xỉnh của trái đất đã thấu hiểu và cùng hiệp thông với giáo phận Hà Nội bằng những lý do chính đáng đòi lại một tòa nhà và miếng đất bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm từ nhiều năm. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi Đức Tổng Gíam Mục Hà Nội tuyên bố một cách kín đáo rằng giáo phận và nhà cầm quyền đã đạt được một thỏa thuận trong hòa bình và với tinh thần thượng tôn luật pháp, nhất là cùng chia sẻ tương nhượng.

Bài học và kinh nghiệm khi phải đối đầu với những người cộng sản hầu như chỉ tòan là đau thương và xương máu. Người dân nước Việt Nam Cộng Hòa hẳn chưa và sẽ không bao giờ quên những ngày tháng bom đạn của khối cộng sản ngập ngụa trên từng tấc đất từ mũi Cà Mâu đến phía nam vĩ tuyến 17. Ngay sau khi đặt bút ký hiệp đinh Paris ngày 27 tháng1 năm 1973, đảng cộng sản Việt Nam đã thi hành nghĩa vụ của khối cộng sản quốc tế trắng trợn và ngược ngạo cưỡng chiếm lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa bằng bom đạn Nga Tầu. Cộng sản Bắc Việt Nam đã ký kết một văn bản chấm dứt chiến tranh với sự chứng kiến và bảo trợ của các cường quốc trên thế giới nhưng đồng thời sửa sọan rất kỹ lưỡng để ngay sau khi chữ ký cam kết chưa khô mực tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Cộng sản là thế! Gian xảo và lật lọng là những ngón nghề được coi như cách xử thế bình thường của người cộng sản. Không ăn gian nói dối, không xảo trá điêu ngoa không phải là cộng sản.

Những ngày trước tết Mậu Tý, giáo dân đã vâng lời Đức Tổng Giám Mục Hà Nội trả lại tình trạng bình thường cho Tòa Khâm Sứ vì tin chắc rằng ông Thủ Tướng khi đến “làm việc” ở Tòa Khâm Sứ đã có những cam kết nghiêm chỉnh tôn trọng nguyện vọng chính đáng của giáo dân Hà Nội. Các vị tu hành và những giáo dân hiền lành chất phác đã qúa tin tưởng vào lời hứa hẹn của ông Thủ Tướng và kết quả là ngày hôm nay chỉ còn biết đứng sau hàng rào kẽm gai nhìn tượng Đức Mẹ Sầu Bi nhạt nhòa trong cát bụi. Các đấng bậc là những người tu hành được ví như những con chim bồ câu làm sao có đủ bài bản để ăn nói với bọn cáo già nanh vuốt bê bết máu mủ. Đối đầu với bọn chia bài ba lá thì chỉ từ thua đến cháy túi mà thôi. Cuối cùng thì súng đạn đã áp chế được tiếng kinh cầu. Máy cầy máy xới đang đào tung mảnh đất Tòa Khâm Sứ mang đi biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của giáo phận Hà Nội. Như Đức Tổng Gíam Mục Hà Nội đã nói đại ý: Một mảnh đất có thể mua được bằng tiền nhưng khi niềm tin đã mất thì rất khó có thể lấy lại được. Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã đào sâu thêm hố ngăn cách với một cộng đồng dân chúng bị áp chế dưới cường lực của chủ nghĩa và súng đạn. Chủ nghĩa rồi cũng sẽ có một ngày nào đó đi vào lịch sử. Súng đạn rồi cũng sẽ có ngày trở thành củi mục. Nhưng niềm tin và ý chí quật cường sẽ theo trào lưu của thế giới văn minh tiến bộ và nhân bản dũng mãnh tiến lên.

Chính quyền Hà nội đã chơi một canh bạc bịp. Bọn cờ gian bạc lận giả nhân giả nghĩa đang vỗ tay cười. Tiếng cười nghẹn trong cổ họng vẫn còn nhiều ấm ức vì quá nhiều oan trái. Bởi vì đó là là tiếng cười “không còn chính nghĩa và đạo lý”.
 
Chuyện gì đang âm thầm diễn ra đằng sau vụ Tòa Khâm Sứ?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
13:34 20/09/2008
Chuyện gì đang âm thầm diễn ra đằng sau vụ Tòa Khâm Sứ?

Những gì xảy ra tại Tòa Khâm Sứ hôm qua 19/9 cho thấy ý định của nhà cầm quyền muốn hướng tâm điểm chú ý của công luận từ nhà thờ Thái Hà sang nơi này, vì tại Thái Hà họ đã bị lâm vào sự bế tắc không lối thoát ở cả hai “mặt trận”: (1) Truyền thông bị phản tác dụng, càng khuấy động giáo dân càng đổ về Thái Hà ngày một đông (2) Giấy tờ pháp lý, họ đã tỏ ra quá cẩu thả và luộm thuộm nên không thể thuyết phục nổi ai.

Bế tắc đã khiến giới lãnh đạo Hà Nội càng tỏ ra nôn nóng cần phải làm một điều gì đấy “cho ra hồn” để lấy lại sự tự tin, đồng thời để chuộc lại các lỗi lầm để được Bộ Chính Trị Đảng CSVN tiếp tục tin vào khả năng làm lãnh chúa và giải quyết dứt điểm mọi chống đối của giới công giáo thủ đô.

Trong bối cảnh như vậy thì thử hỏi còn có nơi nào lý tưởng hơn Tòa Khâm Sứ để ra tay, nơi đã “ngủ Đông” suốt mấy tháng qua? Nơi này rõ ràng là không chất chứa nhiều bất trắc tiềm ẩn như ở Thái Hà một khi họ muốn dùng vũ lực để dương oai hớp hồn “đối thủ” để làm một điều gì đấy cho ra hồn dâng Đảng như đã nói ở trên.

Chính vì lý do này mà Hà Nội đã bất ngờ chuyển hướng tấn công sang Tòa Khâm Sứ.

Cái lý do làm công viên hay vườn hoa là hoàn toàn không có sức thuyết phục. Bởi đã gọi là công viên hay vườn hoa thì phải mở cửa 24/24 cho mọi người ra vào tự do, mà đất đai lại đang còn “nhùng nhằng” với giáo hội chắc chắn cách làm như vậy không thể tránh khỏi nguy cơ giáo dân kéo đến tụ tập đọc kinh bên bức tượng Đức Mẹ như hồi cuối năm 2007.

Chẳng lẽ các “sĩ phu” Hà Thành mà lại có thể ngu ngơ đến mức không biết rằng với hành động san bằng Tòa Khâm Sứ làm công viên chẳng khác nào mở cửa mời giáo dân Hà Nội vào tụ tập cầu nguyện như hồi cuối năm 2007?

Thật ra, những gì đang diễn ra tại Tòa Khâm Sứ rất có thể mới chỉ là đoạn “Prelude” Khúc Dạo Đầu của bản đàn dài. Việc khuấy động nơi này chỉ là một nước cờ tạm mà các lãnh chúa Hà Nội muốn qua nó để thăm dò phản ứng của giáo hội sẽ ra sao trước hành vi vũ lực của chính quyền, điều trước giờ chưa xảy ra ngoại trừ vụ dùi cui và hơi cay không đáng kể gần đây.

Họ rất muốn một lần được ‘nắn gân’ các vị trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xem các sức chịu đựng đau của các Ngài đến đâu? Chưa hết, các vị trong Linh Mục Đoàn Hà Nội mới hôm rồi ký giấy ủng hộ Thái Hà sau chuyện Tòa Khâm Sứ sẽ ký tiếp giấy gì? Rồi các giáo phận trong cả nước sẽ phản ứng ra sao v.v… từ đó họ sẽ vạch kế hoạch đánh Thái Hà chứ không phải Tòa Khâm Sứ, nỗi lo bất ổn của họ chính là ở giáo xứ này chứ không thể là Tòa Khâm Sứ đang yên ả “ngủ Đông” suốt hơn nửa năm qua.

Chẳng ai làm chuyện dại dột dập đám cháy này chưa xong mà lại đi đốt thêm đống lửa chỗ khác bao giờ.

Vì vậy, nếu mọi chuyện ở Tòa Khâm Sứ diễn ra ‘suôn sẻ’ theo đúng ý muốn của họ mà không vấp phải những phản ứng đáng kể của hàng giám mục và tu sĩ giáo dân Hà Nội, thì nguy cơ về một biện pháp vũ lực CỰC MẠNH và cũng bất ngờ tương tự sẽ xảy ra cho Thái Hà vào một ngày “trời đất nổi cơn gió bụi” nào đó rất khó tránh khỏi. Những gì diễn ra tại Tòa Khâm Sứ hôm nay có thể mới chỉ là chuyến phối hợp tập trận của họ.

Tôi xin mọi người đặc biệt lưu ý, cái gai nhọn nhất hiện nay đối với họ vẫn là Thái Hà chứ không phải Tòa Khâm Sứ, mặc dù cách nay mấy ngày trên VietCatholic có đưa tin nhiều giáo dân lại mới kéo nhau đến viếng Tòa Khâm Sứ, việc này có thể làm chính quyền HN cảm thấy cần phải ra tay trước để ngăn chận, nhưng đây không phải là lý do. Vì chuyện phá hàng rào sắt nơi này không dễ như ở Thái Hà.

Gọi Thái Hà là “gai nhọn’ tôi nghĩ cũng không có gì là quá lời bởi vì giáo xứ này nằm ngay giữa thủ đô và tầm vóc của nó trước giờ là chưa có tiền lệ, bấy nhiêu cũng đã quá đủ khiến giới lãnh đạo cao cấp đảng cộng sản VN “ăn không ngon ngủ không yên” suốt mấy tháng qua. Ai cũng biết chuyện rồi cũng có ngày giờ kết thúc, nhưng kết thúc ra sao thì ngay chính họ với quyền lực đầy đủ trong tay cũng không dám chắc. Bởi nếu nếu an tâm thì họ đã nhỏ bỏ nó từ khuya rồi.

Nhìn ông tướng Nhanh tổng chỉ huy vụ này trông khác so với mấy hôm lăng xăng tại Thái Hà né tránh các ống kính và đám đông giáo dân hôm 14/9 vừa qua. Ở đây ông đi đi lại lại chậm rãi trong khu vực Tòa Khâm Sứ bên cạnh còn có cả một đội quân hùng hậu, án trước bịt sau dễ cho ta cái cảm giác phen này ông ta đã “bấm đúng huyệt và bốc thuốc” chính xác cho vụ Thái Hà nên phong thái mới tự tin như vậy.

Chỉ cần thêm vài chục giờ nữa sau khi đoàn xe cơ giới làm nhiệm vụ không còn ai có thể nhận ra nơi này trước kia là Tòa Khâm Sứ là ông đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là ‘đánh nhanh đánh gọn’ đánh bất ngờ để địch không kịp trở tay v.v… tôi cũng muốn cầu chúc ông luôn lòng an dạ ổn như vậy, nhưng kinh nghiệm lại mách bảo tôi rằng trong quá khứ không mấy khi những sự việc lớn như Tòa Khâm Sứ hay Thái Hà lại có thể kết thúc một cách quá dễ dàng như thế được, bởi vì nó không có tính logic mà chỉ cần với suy nghĩ bình thường của một học sinh trung học thôi cũng có thể nhận ra điều này.

Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ có một sự kiện chính trị có dính dáng đến tôn giáo ở miền Nam VN tại kinh thành Huế những năm 60s, trong lúc đám đông tín đồ khoảng vài ngàn đang tụ tập thì một vụ nổ xảy ra, vụ này đã là một phần quan trọng trong mắt xích dẫn đến sự sụp đổ chế độ ông Diệm không lâu sau đó. Trong quyển “Làm thế nào để giết một thổng thống” cũng như nhiều tài liệu khác đều thuật lại chi tiết vụ việc với thủ phạm vụ nổ lại là một nhân viên CIA Mỹ.

Tôi nghĩ bản thân ông tướng Nhanh cũng hiểu rất rõ cái tầm quan trọng và nhiều bất trắc của cái sứ mạng san bằng Tòa Khâm Sứ mà ông được đảng CSVN tin cậy giao phó. Đụng đến một nơi mang nhiều dấu tích lịch sử của giáo hội như Tòa Khâm Sứ nếu có thắng được giáo hội trong nước cũng còn cả một hệ lụy lớn lao trong quan hệ với Tòa Thánh Vatican.

Hơn 60 năm chung sống chưa bao giờ nhà nước và giáo hội công giáo lại đi đến đối đầu trực diện nhau nghiêm trọng đến như vậy. Nhìn cái cách hùng hổ của chính quyền như thể muốn ăn tươi nuốt sống giới công giáo bất chấp tất cả, khởi công một công trình công cộng mà phải huy động vài trăm công an mật vụ, sự việc lại xảy ra giữa thời đại văn minh khiến nó càng trở nên khó lý giải. Vì lý do gì họ lại muốn san bằng Tòa Khâm Sứ? Đằng sau ý định ấy còn có những “bóng đen” nào khác? Dẫu sao thì không thể tách riêng biến cố Tòa Khâm Sứ hôm nay với những gì đang diễn ra tại Thái Hà, tình thế đã khiến vụ Tòa Khâm Sứ lần này đã trở nên khác trước rất nhiều.

Thông thường khi xảy ra các biến cố lịch sử, vai trò của người dân ‘thấp cổ bé họng’ chỉ là những khán giả ngồi ở dãy ghế bình dân trong một nhà hát, từ xa chúng ta chỉ lờ mờ thấy được những gì các đạo diễn cho họ thấy và nghe loáng thoáng những gì diễn viên được phép nói, mà không thể biết phía sau tấm màn nhung còn có những ai và họ đang thì thầm nhau những điều gì khác? Hầu hết các biến cố, mọi chuyện chỉ được sáng tỏ hằng chục năm thậm chí hằng trăm năm sau và quốc gia nào cũng thế, càng độc tài gian ác bí mật họ càng không bao giờ muốn cho dân chúng biết.

Những gì đang xảy ra ở Hà Nội trong những ngày này chỉ có Chúa mới biết rõ mọi chuyện và Ngài còn có quyền lái nó đi về đâu để có kết cục ra sao. Chính vì vậy mà chúng ta đặt hết niềm tin vào Ngài, ngược lại phía chính quyền, nhìn họ vậy nhưng trong thâm tâm, chắc chắn họ cảm thấy bất an hơn chúng ta rất nhiều.

Việc tự đặt mình vào cái thế “trên đe dưới búa” như đảng CSVN đang lâm vào, buộc họ phải dựa dẫm bên TQ một chút bên Mỹ một chút để có thể tiếp tục tồn tại, hậu quả là không chỉ có các sự kiện lớn có ảnh hưởng đến toàn dân tộc mà ngay cả số phận họ cũng không được phép toàn quyền quyết định. Việc lập ra đường dây nóng Hà Nội - Bắc Kinh gần đây ai cũng biết không phải để quan chức hai đảng cộng sản VN-TQ tán gẫu nhau.

Bi kịch của dân tộc VN ngày nay chính là ở chỗ này, vận mạng của cả một đất nước trên 80 triệu dân thuộc hạng lớn ở Châu Á này nhưng cả chính quyền lẫn dân chúng đều không thể tự quyết định lấy.

Trong quá trình diễn tiến của vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ sắp tới, nếu Hà Nội dám có một hành động dã man nào đó với giáo hội tôi dám chắc họ không bao giờ dám tự ý làm mà phải nhận được những cái “gật đầu” của ngoại bang, bản thân họ không đủ tự tin để làm điều này. Những vụ đàn áp sinh viên học sinh, các nhà báo tự do biểu tình chống TQ để làm đẹp lòng họ chính là cơ sở bất cứ ai cũng thấy suy luận trên chăng phải vô căn cứ.

Trở ngại lớn nhất với họ không phải hẳn là con số 6 triệu dân công giáo, đó mới chỉ là một phần, điều khiến họ lo sợ là không biết chắc chuyện gì đang diễn ra trong giáo hội, cũng như những ai đang chực chờ để hưởng lợi nhờ việc đầu tranh độc lập đòi hỏi công bằng của giáo hội hiện nay?

Không còn như thời kháng chiến trước đây, tiền bạc đã làm mục rữa hết phẩm chất con người nơi họ. Trong hàng ngũ đảng viên cộng sản ngày nay có đầy đủ các loại sâu mọt, chúng chính là sản phẩm được ủ ra từ loại men “Kinh tế Thị trường theo Định hướng XHCN” quái dị, vì thế những kẻ chụp giựt thời cơ ấy có khi chẳng ai khác, ngoài chính các ‘đồng chí’ của họ. Kinh nghiệm ở Liên Xô trước đây chính là của họ, đâu ai có thể ngờ người ký sắc lệnh giải tán đảng cộng sản Liên Xô cũng chính là một đảng viên cộng sản cao cấp như ông Boris Elsin.

Kết luận

Tóm lại, bằng việc tung hết lực lượng công an, cảnh sát cơ động để quyết san bằng Tòa Khâm Sứ càng cho thấy rõ hơn tình cảnh ngày càng lâm vào bế tắc trầm trọng của chính quyền VN. Việc này sẽ càng giúp cho dư luận thế giới nhận ra chính nghĩa đang ở cùng giáo hội chúng ta hơn lúc nào hết.

Chúng ta cũng phải cám ơn thời đại công nghệ, chính những hình ảnh giáo dân nghiêm trang đọc kinh cầu nguyện bên ngoài Tòa Khâm Sứ được truyền đi khắp thế giới cùng lúc với những tiếng gầm rú của các phương tiện phá hủy cơ giới, mọi người có lương tri đều nhận ra rằng lịch sử thế giới chưa thấy đâu có cảnh thiện – ác đối chọi nhau lớn như thế cả, vì vậy tự nó đã nói lên có hay không tự do tôn giáo ở VN.

Hơn bao giờ hết giáo hội cần đến tiếng nói của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như cần thiết phải biểu lộ sự đoàn kết toàn thể người công giáo ở khắp mọi nơi bằng những hành động thiết thực.

Hơn bao giờ hết đúng như ý bức thư Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế hôm 2/9 “Sự thật sẽ giải phóng anh em” chúng ta cần phải đọc được dấu chỉ quan trọng mà Thiên Chúa đang gởi đến cho giáo hội và phải “giải mã” được nó.

Chỉ khi nào nhà cầm quyền nhận ra rằng, nguy cơ tồn tại đối với họ không chỉ có ở Hà Nội, với Tòa Khâm Sứ, với Thái Hà mà có nguy cơ xảy ra bùng nổ ở tất cả các nhà thờ họ đạo trên cả nước, nếu một khi 6 triệu giáo dân đã nhất quyết cùng nhau liên kết lại với nhau. Chỉ khi ấy chúng ta mới mong thấy nơi họ sự thay đổi trong cách đối thoại với giáo hội trên tinh thần tôn trọng sự thật.

Chúng con, những giáo dân Sàigòn, rất mong đợi Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn ban lời kêu gọi mọi nhà thờ họ đạo trong giáo phận, tổ chức những buổi hiệp thông thắp nến cầu nguyện cho giáo phận Hà Nội, cũng như cho toàn thể giáo hội, trong cơn đe dọa của bạo quyền hiện nay.

Sàigòn, 20/9/2008
 
Hà Nội! Tiếng chuông ngân...
Nắng Sài Gòn
13:39 20/09/2008
HÀ NỘI! TIẾNG CHUÔNG NGÂN…

(Tiếng chuông lịch sử đã bắt đầu ngân vang tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội ngày 19/9/2008)
Xin hiệp thông cùng Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, các linh mục
nam nữ tu sĩ và cộng đoàn dân chúa giáo phận Hà Nội.)


Tiếng chuông não nùng …
bàng hoàng xé tan bầu trời Hà Nội.
Tiếng chuông thảm sầu …
quặn mình như người mẹ đau đớn lúc sinh con.
Tiếng chuông trầm buồn … như đánh động cả núi non,
Đang thúc giục những người con mau quay về bên Mẹ.

Từng hồi dài ngân vang …thúc hồn con mau lẹ,
Chia sẻ nỗi bi thương của người mẹ can trường.
Trót sinh con ra trong hoàn cảnh đau thương,
Trong cơn nguy biến vẫn đương đầu cùng sóng gió.

Giông bão cuồng phong dẫu gặp ngàn nguy khó,
Không khuất phục trước bạo quyền,
không đồng lõa với bất công.
Dù Mẹ bị tổn thương vẫn dũng khí trái tim hồng,
Mẹ vẫn kiên cường trong một niềm tin rực cháy.

Công lý, hòa bình Mẹ tìm hoài đâu thấy,
Thiện chí bị dập vùi, danh dự bị rẻ khinh.
Đau đớn, nhục nhằn dẫu Mẹ phải hy sinh,
Mẹ quyết đối diện với bọn tà quyền, gian trá.

Đoàn con về đây… hiệp cùng Mẹ đứng kề bên thập giá,
Vang tiếng hát, lời kinh … bên hàng rào sắt, kẽm gai.
Âm vang thánh thót, nước mắt ngắn, dài,
lời kinh con nức nở,
tiếng hát bỗng nghẹn ngào,
Đoàn con vẫn hát, vẫn đọc trong niềm tin và hy vọng.

Rực rỡ rừng nến hồng, bao tâm hồn lắng đọng,
Tỏa sáng một tình yêu, một sức mạnh phi thường.
Tiếng chuông ngân trầm vang cung giọng sầu thương,
Như báo trước,
đường của mẹ con ta đang đi,
còn nhiều chông chênh, đầy nguy hiểm.

Dẫu biết thế, nhưng thời khắc đã điểm,
Khi thế lực của bạo tàn lên đến đỉnh diệt vong.
Công Lý, Hòa Bình lương tri nhân loại chờ mong,
Tiếng chuông lịch sử ngân vang,
Cùng muôn ánh nến huy hoàng,
Hòa tấu khúc nhạc oai hùng
Đưa dân tộc, muôn người đón chào Mùa Xuân Mới.
 
Hà Nội mùa thu 2008
Người yêu Hà Nội
13:51 20/09/2008
Hà Nội mùa thu 2008

… Vậy là Hà Nội đã vào thu, một mùa thu da diết nhớ những mùa thu cũ.

Những chiếc lá xà cừ vẫn vô tư xoay xoay trong không gian hanh hao nắng gió rồi rớt nhẹ xuống hè đường mà đâu biết Hà Nội quá đổi thay. Ôi đâu rồi vẻ đẹp trầm tư của những con phố được điểm tô bằng những di sản Kiến trúc thấm đẫm sự đầu tư trí tuệ lẫn linh hồn người nghệ sĩ.

Ôi đâu rồi cái hồn của những khu phố được quy hoạch hợp lý hợp tình đã tạo nên một Hà Nội hào hoa không nơi nào có được.

Vẻ đẹp diệu huyền của Hà Nội được Đấng Tạo Hoá ban cho với những hồ ao sông nước núi non cùng những cái tên phố được linh hứng bởi Thánh Thần Thiên Chúa nghe mà ấm áp lòng người. Một trong những cái tên mà ai ở xa về Hà Nội chỉ nghe thôi cũng thấy như đang ở nhà mình, đó là Khu phố Nhà Chung được kết hiệp cùng một quần thể di sản kiến trúc phục vụ cho nhu cầu giải khát tâm linh của tất cả mọi người có Niềm tin vào Thượng Đế.

Còn nhớ những ngày chưa phải là Người Công Giáo nhưng mỗi lần đi qua Nhà Chung là thế nào tôi cũng dành thời gian chiêm ngắm Nhà thờ. Ngước mắt lên Tháp Chuông thấy chiều sâu thăm thẳm của Bầu trời cho lòng nao nao một nỗi nhớ mơ hồ để rồi tới gần mười năm sau linh hồn mới được giải thoát khỏi mối ưu tư chọn Đạo. Gần mười năm sau ấy là mới năm ngoái thôi, tôi đã là Người Công Giáo. Là Người Công Giáo, tôi đã được đi sâu vào những nỗi đau khổ để rồi qua thời gian trải nghiệm thấy bừng lên một vẻ đẹp lạ kỳ. Vẻ đẹp ấy chỉ có thể là vẻ đẹp của Tình Yêu Thiên Chúa.

Ngày hôm nay ngồi đây xung quanh là anh em trong thinh lặng nguyện cầu chính trong khu phố Nhà Chung nơi mình thường đi qua thả hồn trong mây gió mới thấy ý nghĩa biết bao nhiêu sau quãng đời dài có mặt ở trần gian. Ôi những sự thế gian biến đổi khôn lường, tráo trở ngược xuôi…

Mới ngày hôm qua không gian ấy còn bình yên là thế nhưng hôm nay tất cả đã bị phá huỷ, cào xới không chút xót thương… Bất chợt thấy lòng buồn cho một Hà Nội đang ngày càng giống nhiều thành phố tỉnh lẻ khác. Cho dù quy mô có rộng hơn, dân số có đông hơn, giàu hơn về vật chất nhưng không khoả lấp đi nỗi buồn của số đông người yêu Hà Nội về vẻ đẹp thật sự đặc trưng của Hà Nội đang mỗi ngày mỗi tàn phai. Đã đến lúc những người yêu Hà Nội phải lên tiếng khi những di sản Kiến trúc đang dần bị “mất hút” để nhường chỗ cho những công trình khập khiễng khiên cưỡng mang tính áp đặt của các cơ quan có thẩm quyền.

Nói tới những di sản Kiến trúc là những ngôi Biệt thự Pháp cổ đang bị “chảy máu”, nhiều người cố giữ tư tưởng cũ kỹ còn lý luận rằng đó là Hậu quả của chế độ Thực dân, chế độ mới cần phải xoá bỏ nó đi. Nhưng một sự thực rõ ràng không liên quan tới Chính trị mà chỉ chứng minh cho sự phát triển tất yếu của một Hà Nội vươn tới thời Hiện đại mà không mất đi vẻ đẹp truyền thống khiến ai ai cũng phải công nhận rằng quy hoạch thành phố của chính quyền thuộc địa vạch ra có nhiều ưu điểm. Điều này đã khiến Hà Nội bé nhỏ mang tính chất kinh đô phong kiến đã vươn mình thành Đô thị thật sự. Nơi trước đây chỉ là một mạng ô phố đơn giản đã đáp ứng cho một thành phố tiền đồn ở thuộc địa, thủ đô mới đòi hỏi một dáng vẻ uy nghi gây ấn tượng mạnh mẽ.

Khi Hà Nội là một Thành phố Việt Nam thì những di sản Kiến trúc vẫn còn đó, vẫn bền bỉ làm chứng nhân Tình Yêu làm giàu cho vẻ đẹp tâm hồn của Hà Nội. Khu phố Nhà Chung trải qua nhiều thời vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc như chính ý của Thiên Chúa Nhân Lành. Cả một dãy phố dài với nhiều cửa hàng cửa hiệu nhưng tất cả như hoà quyện cùng bầu không khí chung của Nhà dòng, của Toà Giám Mục và Toà Khâm Sứ. Sự thật là Chúa đã và đang giữ gìn cho Hà Nội có một trái tim, cho người đau khổ được có nơi tìm về chính linh hồn mình trong thinh lặng nguỵện cầu.

Quan điểm của một số Kiến trúc sư ở Hà Nội về “việc bảo tồn và tái tạo công trình Kiến trúc giống như việc uống thuốc chữa bệnh”. Phải làm cho đông đảo quần chúng nhận biết được rằng: “Công trình kiến trúc cận đại là một mặt mạnh của cảnh quan Hà Nội, đó là mục tiêu phải được quản lý và có đủ giá trị để bảo tồn như một di sản văn hoá và lịch sử”.

Điều này có tác dụng trở lại là hạn chế sự phá hoại và loại bỏ các công trình lịch sử. Đặc biệt các công trình phục vụ cho nhu cầu tôn giáo càng phải được giữ gìn và trân trọng vì liên quan tới sự đánh giá văn hoá phát triển của cả một đất nước trong tiến trình phát triển cùng toàn thể nhân loại.

Vậy mà hiện thực hôm nay cho thấy khu phố Nhà Chung đang bị một vết thương lòng, một vết thương lòng đang mỗi giờ mỗi phút bị cứa sâu thêm bởi sự tàn phá công trình kiến trúc Toà Khâm Sứ để thế vào đó là khu vui chơi giải trí.

Kiến trúc là một khía cạnh của văn hoá. Những công trình Kiến trúc đặc biệt là công trình Kiến trúc phục vụ cho Tôn giáo không chỉ đơn thuần là sự kết nối của gạch vữa bê tông vô tình vô nghĩa mà trong mỗi công trình kiến trúc ấy có sự hoà quyện của linh hồn người làm ra nó, gửi gắm ước mơ cho người sử dụng nó và là sự kết nối của Trời Cao về với những con người thiện tâm nơi Mặt Đất yên bình.

Khi xây dựng bất cứ một công trình Kiến trúc nào, người Kiến trúc sư cũng phải quan tâm tới vấn đề quy hoạch và phải tôn trọng những cảnh quan xung quanh nó. Điều cấm kỵ là không được gò ép khung cảnh tự nhiên thành một công trình méo mó cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật.

Chỉ cần nghĩ thoáng qua là cũng đủ thấy Chính quyền đang xây dựng khu vui chơi giải trí gồm vườn hoa và nhiều đơn nguyên kiến trúc khác ở giữa một khu phố mang Linh đạo Nguyện cầu là không phù hợp. Nghiên cứu sâu xa thì càng thấy đó là một điều bất hợp lý, vô cùng bất hợp lý cả về Đạo và Đời. Nhiều kiến trúc sư bất bình về sự quy hoạch này nhưng họ lại tặc lưỡi cho qua, ôi sự đã rồi.

Vâng, sự đã rồi nhưng Sự Thật vẫn phải được mổ xẻ, phải được nói lên cho xứng đáng với cái tên Sự Thật.

Ôi một Hà Nội chịu quá nhiều áp lực, một Hà Nội đã quá ồn ào với cơn lốc thời Hiện đại bất chấp luân thường đạo lý, có nên không khi những người yêu Chân Lý mong muốn gây dựng lại sự nghiệp Bảo tồn những giá trị thiêng liêng, những giá trị Tâm Linh để đưa con người trở lại chính mình, trở lại cái thời mà Mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp…

(Trong bài có sử dụng tài liệu “Bảo tồn di sản Kiến trúc Hà Nội” – NXB Xây dựng).
 
Chuyện tưởng tượng chốn cung đình
Hoàng Cúc
13:58 20/09/2008
CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG CHỐN CUNG ĐÌNH

Ngày 19-9 liệu có trở thành một mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam hay không, điều đó lịch sử sẽ trả lời. Nhưng những gì diễn ra tại Toà Khâm Sứ cũ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Phải nói bỡ ngỡ, bàng hoàng, giận dữ … là thái độ của khá đông những người quan tâm đến vụ việc. Trước sự kiện này, mỗi người sẽ có những cách lí giải khác nhau. Tôi cũng thử đưa ra một cách lí giải qua một câu chuyện tưởng tượng, dĩ nhiên tôi đã loại bỏ những câu chửi bới tục tĩu để khỏi bẩn mắt bạn đọc:

Trực ban: Thưa thủ trưởng, tình hình hết sức phức tạp ạ.

Lãnh đạo: Lại chuyện gì nữa đây?

Trực ban: Rất đông tu sĩ vào giáo dân đang kéo đến Toà Khâm Sứ ạ.

Lãnh đạo: Đã nói với cậu rồi, họ đang kéo đến Thái Hà chứ. Cậu cứ lầm lẫn lung tung cả!

Trực ban: Thưa thủ trưởng, lần này thì em không lầm. Quả tình là họ kéo đến Toà Khâm Sứ ạ.

Lãnh đạo: Sao lạ thế nhỉ? Họ kéo đến đó làm gì?

Trực ban: Dạ, hơn ba giờ sáng nay anh Nhanh vừa cho xe ủi và đông đảo anh em đến phá rào và đào xới khu đất ở trước Toà Khâm Sứ ạ.

Lãnh đạo: Sao nó không thèm nói với tôi một câu nào nhỉ?

Trực ban: Dạ, tối hôm qua anh Nhanh có tới xin ý kiến thủ trưởng, nhưng lúc đó thủ trưởng đang bận tiếp ca sĩ HH ạ.

Lãnh đạo: Cái thằng đến là bậy. Vậy rồi đến sáng nay nó cứ ý nó mà làm luôn hả? Đúng là tên thằng này phải đọc theo cách của dân nam bộ thôi.

Trực ban: Thủ trưởng nói gì em không hiểu.

Lãnh đạo: Cậu chẳng bao giờ chịu suy nghĩ gì cả.

Trực ban: Thì lúc em tới đây làm việc, thủ trưởng đã chẳng dạy em rằng để có thể làm việc lâu dài ở đây, không cần suy nghĩ gì cả. Cấp trên bảo gì cứ vậy mà làm. Để làm ở đây, cứ cất cái tư duy ở nhà là tiện nhất.

Lãnh đạo: Nhưng cái vụ tên tuổi này thì cậu phải suy nghĩ một chút chứ. Tớ cũng đang suy nghĩ xem tại sao cái gã Nhanh này lại làm thế. Hay là nó ăn đút lót của ông tổng giám mục Hà Nội nhỉ?

Trực ban: Em cứ tưởng nếu anh Nhanh ăn đút lót thì phải ăn của ai khác chứ sao lại ăn của ông tổng giám mục Hà Nội?

Lãnh đạo: Cậu thật là không bao giờ chịu suy nghĩ. Tớ đã định cho cái vụ Toà Khâm Sứ này chìm xuồng rồi, bây giờ tự nhiên lão Nhanh này lại tạo cơ hội cho nó bùng phát trở lại. Đây lại không phải là cơ hội biếu không cho ông tổng giám mục Hà Nội hả? Mà nếu không thì nhất định lão Nhanh này bị thế lực thù địch nào giật dây hay mua chuộc rồi.

Trực ban: Anh Nhanh mà lại chịu để cho thế lực thù địch nào giật dây hay mua chuộc à? Chuyện này ai mà tin được.

Lãnh đạo: Cái thằng võ biền này cứ hứa hươu hứa vượn là sẽ dẹp yên vụ Thái Hà. Vậy mà nó lại cứ càng ngày càng bơm cho vụ việc bùng lên, thêm phức tạp hơn. Bây giờ nó lại đến bới ở chỗ Toà Khâm Sứ nữa. Vậy thì nhất định phải có thế lực thù địch nào giật dây hay bầy kế cho nó. Chứ cái thằng hữu dũng vô mưu này làm gì mà dàn dựng được chuyện nhịp nhàng đến vậy!

Trực ban: Em cũng chịu, không thể biết thế lực này cụ thể ra sao. Mà sao dạo này thủ trưởng lúc nào cũng nói đến thế lực thù địch? Em thấy chẳng ngày nào thủ trưởng không nhắc đến thế lực thù địch.

Lãnh đạo: Vậy chứ tớ hỏi cậu CNXH gắn liền với tính gì?

Trực ban: Thì thủ trưởng đã dậy em rồi, tính đảng phải là sợi chỉ hồng xuyên suốt mọi hoạt động.

Lãnh đạo: Vậy tính đảng gắn liền với tính gì?

Trực ban: Dạ, tính đảng gắn liền với tính chiến đấu.

Lãnh đạo: Rồi sao nữa?

Trực ban: Em nghĩ là em rất thuộc bài mà.

Lãnh đạo: Cậu vẫn chẳng chịu suy nghĩ gì cả. Chiến đấu thì phải có kẻ thù chứ. Không có kẻ thù thì ta đánh vào không khí à? Nên đảng ta phải có kẻ thù, phải có thế lực thù địch, càng nhiều càng tốt. Đó là chuyện sống còn của đảng ta.

Trực ban: Thủ trưởng không giải thích thì làm sao em hiểu được chuyện xa xôi như thế.

Lãnh đạo: Nên tên cái gã Nhanh này đúng là phải nói theo cách của dân nam bộ.

Trực ban: Chuyện này thì em lại không hiểu rồi.

Lãnh đạo: Tớ hỏi cậu nhé tên Đức Nhanh mà đọc theo kiểu dân nam bộ thì có nghĩa là gì?

Trực ban: Dạ, thì vẫn là Đức Nhanh thôi.

Lãnh đạo: Thế không còn cách nào khác sao?

Trực ban: Em chịu.

Lãnh đạo: Nói chuyện với cậu chán bỏ mẹ. Đức Nhanh mà đọc theo kiểu dân nam bộ thì còn là Đứt Nhanh. Thằng này đúng là muốn đứt nhanh thật rồi.

Trực ban: Thủ trưởng làm em sợ quá.

Lãnh đạo: A cậu này giỏi nhỉ. Lại có thế lực thù địch nào mua chuộc cậu hỏi những câu vớ vẩn để làm kế hoãn binh phải không?

Trực ban: Xin thủ trưởng anh minh soi xét. Em nào biết cái thế lực thù địch nó mặt mũi ra sao thì làm sao nói đến chuyện bị nó giật dây hay mua chuộc.

Lãnh đạo: Các thế lực thù địch rất tinh vi và nguy hiểm. Nó dùng mọi thủ đoạn để lung lạc và phá rối đảng ta. Thế ai bảo cậu vào đây báo cáo sự việc với tôi?

Trực ban: Dạ, anh Nhanh bảo em vào xin ý kiến thủ trưởng ạ.

Lãnh đạo: Gọi nó vào đây. Cậu cứ vẽ chuyện làm mất thì giờ. Nguyên cái tội này cũng đáng xếp cậu vào thành phần bị các thế lực thù địch giật dây rồi.

Trực ban: Em cắn cỏ lậy thủ trưởng, xin thủ trưởng anh minh soi xét cho tấm lòng trung thành của em. Em xin ra gọi anh Nhanh ngay ạ.

Lãnh đạo: Nhanh đấy hả. Cậu đang làm chuyện quái quỉ gì vậy?

Đức Nhanh: Thủ trưởng xét cho em. Cả tháng nay em ăn không ngon, ngủ không yên. Ngày thì lo lắng đến rạc cả người. Đêm ngủ thì cứ giật mình thon thót.

Lãnh đạo: Thế mà vẫn chưa thấy đủ liều hả, mà còn phải bới thêm chỗ Toà Khâm Sứ nữa?

Đức Nhanh: Cả tháng nay em cứ ra chiêu nào cũng tưởng đối phương phải tan tành. Vậy mà đối phương cứ như quả bóng cao su, càng đập mạnh thì lực nẩy càng mạnh. Hoá ra cứ như là mình tự đánh mình vậy!

Lãnh đạo: Ai bảo cậu cứ thích dùng cái kiểu vũ phu?

Đức Nhanh: Thủ trưởng đã chẳng dặn em là phải mạnh tay, phải ra tay trước để đối phương không kịp đề phòng là gì?

Lãnh đạo: Thế hoá ra cái vụ dùi cui điện và hơi cay cũng là tôi bảo cậu làm hả.

Đức Nhanh: Dạ, thì cũng là biện pháp mạnh mà.

Lãnh đạo: Tôi bảo cậu dùng biện pháp mạnh, nhưng không phải cái kiểu đầu đường xó chợ như thế.

Đức Nhanh: Dạ, thủ trưởng quá lời.

Lãnh đạo: Tôi nói thế là còn quá nhẹ đấy. Chuyện Thái Hà chưa xong, bây giờ cậu lại bới luôn cả Toà Khâm Sứ. Xem ra chừng đó chưa đủ để cậu phá phách.

Đức Nhanh: Dạ, xin thủ trưởng bớt giận.

Lãnh đạo: Bớt hả? Bớt để cậu lôi cả lũ xuống hố hả? Cậu có biết mấy thằng đầu trâu mặt ngựa nó đang mở cờ trong bụng không? Trong cuộc họp nó chửi tôi như tát nước. Thật là không cái dại nào hơn làm thầy thằng dại.

Đức Nhanh: Ai mà dám láo với thủ trưởng, em sẽ liều mạng với nó.

Lãnh đạo: Tôi nhắc cho cậu là cái bọn đang rình rập để hạ bệ tôi và cậu không phải ít đâu. Nó không ngồi yên chờ cậu tới bắt như giáo dân Thái Hà đâu. Đã đến lúc cái mạng liều của cậu không biết có còn dùng được vào việc gì nữa hay không.

Đức Nhanh: Em sẽ dùng chuyện Toà Khâm Sứ để dập tắt Thái Hà.

Lãnh đạo: Thôi, bố ngưng hứa hẹn cho con nhờ. Bố hứa cả tháng nay rồi. Bố định làm cái kiểu đánh Nguỵ cứu Triệu hả. Bố cứ làm kiểu này thì chẳng cứu được Triệu mà còn đổ xăng châm lửa ở Nguỵ. Thật là ngu không để đâu cho hết. Hay là thằng nào xui bố? Không khéo bị chúng nó lỡm rồi!

Đức Nhanh: Vậy nên em đến xin ý kiến thủ trưởng. Thủ trưởng dậy em phải làm gì bây giờ ạ?

Lãnh đạo: Đành theo cách này thôi.

Đức Nhanh: Cách nào ạ?

Lãnh đạo: Có lẽ cờ bí phải thí tốt thôi.



Đến đây, những tiếng máy ủi, tiếng cầu kinh, tiếng chỏ sủa làm tôi không còn nghe tiếp được câu chuyện. Và tôi cũng chẳng hiểu nổi ông lãnh đạo kia định thí con tốt nào …
 
Hồi ký về một chuyến thăm Tòa Khâm sứ cũ đang bị phá dỡ
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
14:00 20/09/2008
Ngày 19/9/08 tôi vừa ở Hà Nội về sau cuộc thăm viếng người thân quen ở bệnh viện. Lúc 10 giờ, cha thư ký báo tin cho tôi biết Toà Khâm Sứ cũ đang bị phá dỡ. Tôi vội vàng lướt net (mạng), đọc được những tin và hình ảnh đầu tiên. Tôi liền viết thư ngỏ để hiệp thông với Đức TGM Tổng GP Hà Nội, đồng thời ra thông cáo để yêu cầu toàn GP Thái Bình cầu nguyện hiệp ý với Đức TGM, các linh mục và tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa Tổng GP Hà Nội.

Thấy đôi chân đau nhức sau mấy ngày đi bộ nhiều, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải nhường chỗ cho một Giám Mục khác trở thành người thứ nhất viếng thăm hiện trường.

Buổi tối, tôi uống thuốc rồi đi ngủ. Nửa đêm có điện thoại làm tôi thức giấc. Đầu dây bên kia xưng mình là thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng báo tin dữ cho tôi và tỏ ra băn khoăn bức xúc vì không hay biết sự việc đã xảy ra quá nhanh chóng.

Thấy tôi có vẻ bức xúc khó chịu, ông liền an ủi và nói tôi nên đến hiện trường xem xét và gặp Đức TGM xem có thể diện kiến với các vị lãnh đạo, thủ tướng hoặc chủ tịch nước. Tôi không trả lời mà gác máy ngay lập tức.

Sáng hôm sau tôi thấy đôi chân đỡ sưng đau thì nghĩ nên đến gặp Đức TGM và các đấng bậc nơi địa phận mẹ để hiệp thông, an ủi và nâng đỡ, nên tôi quyết định gọi xe hơi đi từ Toà GM Thái Bình lúc 8 giờ sáng.

Dọc đường, tôi suy nghĩ mình có nên lợi dụng dịp này để quan sát hiện trường hay không!? Và tôi gọi điện thoại cho thượng tướng để xin giúp đỡ tôi có thể đến hiện trường sáng nay. Ông đồng ý và thêm “nếu đến Toà Khâm Sứ thì gọi ngay cho ông”. Tôi đến được Nhà Chung Hà Nội phải đi quanh co nhiều tuyến phố, bị cơ quan an ninh chốt chặn. Sau cùng tôi qua lối Nhà thờ Chính Toà và vào được Toà TGM.

Buồn thay! Đức TGM và một số linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã ra UBND TP Hà Nội để diện kiến các vị lãnh đạo. Tôi liền chống gậy lê bước ra cổng 40 Nhà Chung. Ước chừng 400-500 người đang tập trung cầu nguyện, hát Thánh ca... Họ là những cụ già, các chủng sinh và nam nữ thanh niên chiếm gần hết nửa phố Nhà Chung. Đối diện với hàng rào sắt và dây thép gai, tôi mặc áo chức và đeo Thánh Giá của Giám Mục. Mọi người đứng lên hoan hô làm tôi cảm động rơi nước mắt. Trong cộng đoàn cũng có nhiều người khóc vì thấy tôi chống gậy ra hiện trường.

Còn các vị an ninh lăm lăm cầm dùi cui điện nhốn nháo cả lên và đổ dồn về phía tôi đứng, sẵn sàng “làm nhiệm vụ” sợ tôi có thể bay qua mà vào Toà Khâm Sứ. Đầu óc bạc phơ, tay chống gậy lê đôi chân mà tưởng minh là “hoa hậu thế giới” vì có quá nhiều máy quay phim chụp ảnh chĩa vào tôi và liên tục “nháy”. Rất nhiều người đốt nến quanh tôi, tôi nghiêng mình sang tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở gốc cây đa để hiệp ý cầu nguyện với mọi người. Sau đó tôi tiến tới hàng rào thép cuốn theo sự di dộng của những người phía bên kia. Tôi rút trong túi ra mảnh giấy có ghi số điện thoại của vị thượng tướng và nói rằng: “tôi được thượng tướng mời đến hiện trường, xin các vị mở hàng rào cho tôi vào”. Nhưng không ai trả lời tôi. Sau cùng tôi rút điện thoại ra gọi cho vị thượng tướng và được trả lời: “cứ đợi, sẽ có vị chỉ huy đến làm việc với ban thi công công trình”. Đợi mãi không thấy, bà con giáo dân phải mang ghế cho tôi ngồi vì đôi chân không cho phép tôi được đứng lâu. Hết vị này đến vị khác mà vẫn không xong “có nên cho tôi vào hay không”.

Sau gần một giờ đồng hồ, một vị công tác tại đó đến dẫn tôi đi ngược chiều về phía Nhà Thờ Chính Toà trong sự cổ vũ của giáo dân ngồi gần kín phos Nhà Chung. Mấy vị làm công tác an ninh phía bên kia tưởng có sự cố gì, liền đến ngay và dắt theo chó nghiệp vụ... Mấy người bên đường nói vui với nhau: “Không chừng ĐC GP Thái Bình cũng bị tóm vào đồn cũng nên”.

Sau cùng tôi được đưa đến mảnh đất trước Toà Khâm Sứ cũ. Giữa trưa trời nắng, mồ hôi làm tôi ướt đầm đìa, hai chị nữ tu mang theo ô ra và lợi dụng đi cùng tôi vào trong khu đất đang ngổn ngang gạch đá. Do tôi yêu cầu nên họ đưa tôi đến sát núi đá và cây đa có tượng Đức Mẹ Sầu Bi vẫn ngự tại đó. Hoa nến đầy đủ nhưng đất đá đã được xúc đổ ngang bằng với nền núi đá. Tôi góp ý với vị cán bộ công an rằng: “Xin các vị đừng đụng đến bức tượng, núi đá và cây đa là những kỷ niệm thiêng liêng cha ông chúng tôi để lại. Vì đụng tới là đụng vào những quả bom nguyên tử có thể gây hậu quả không lường trước được”. Vị cán bộ nhìn qua nhân viên bên cạnh mà ông giới thiệu là phó giám đốc công an TP Hà Nội, r?i t? t?n nĩi v?i tôi: “Cụ cứ yên trí, chúng tôi có trách nhiệm cảnh giác anh em công nhân về sự việc này rồi”. Rồi chỉ lên Tòa Nhà Khâm Sứ có hai bảng ghi “Thư viện”, ông ta nói rằng: “Chung quanh là vườn hoa để mọi người vui chơi thoải mái. Còn căn nhà là nơi thư giãn đọc sách tinh thần. Cụ thấy hay không?”. Tôi trả lời: “Việc đó còn phải bàn”.

Ông dẫn tôi đến thăm bể bơi dành cho các em “thiếu nhi già” nay bị phá sập. Ông cán bộ chú thích: “tất cả sẽ là vườn hoa”. Quay sang Tòa TGM thấy bức tường vẫn còn, tôi hỏi vui: “thế bức tường Bá Linh này vẫn còn à!?”. Vị cán bộ ngơ ngác rồi nói: “Cũng phải cải tạo cho đẹp đẽ”.

Trên đường ra khỏi Tòa Khâm Sứ, tôi nói với ông phó giám đốc công an: “thật chịu các vị, làm gì cũng nhanh như chớp. Mới thông báo lúc 3 giờ chiều 18/9 mà 6 giờ sáng 19/9 đã bắt đầu khai triển kế hoạch. Và như lời Đức TGM nói: “nhân dân chẳng được góp ý, không đủ thời gian để được xem xét phải chăng như luật lệ đã đòi hỏi”. Tôi cũng có nghe một vài người nói: “các kế hoạch ích nước lợi dân mà nhanh chóng như vụ tháo dỡ Tòa Khâm Sứ thì thật phúc cho mọi người””. Tôi thấy các vị yên lặng một lúc rồi trả lời: “đã báo trước rồi mà”. Tôi cũng nghĩ và thấy buồn vì thấy vụ cấp đất đai cho TGM Thái Bình bên nhà thờ Cát Đàm đã 6 tháng thì chỉ cho xem mà không trao quyết định. Lý lẽ rằng, để triển khai kế hoạch và nói đáp ứng bên A, bên B… Ít ra cũng phải một vài năm.

Tôi nghe tiếng loa phát thanh từ Nhà Chung Hà Nội về một vài bức thư hiệp thông bên ngoài đất nước, trong đó có vài đoạn không hay lắm. Lập tức bị cán bộ nói: “cụ xem, họ phát thanh trên loa đài những điều không đứng đắn chút nào”. Tôi liền hỏi ông: “Thế ta không có loa đài phản ứng à?” Ông trả lời rất đơn sơ: “Chẳng có cái nào cả”. Tôi mỉm cười nghĩ đến 9 kênh truyền hình Việt Nam và 700 tờ báo trên toàn quốc... Và tối hôm nay trên kênh VTV1, các phát thanh viên nói như nói với chiếc cột, không thấy phía bên kia phản ứng. Trong khi đó, mọi người đều cổ vũ phong trào phản biện trong mọi lĩnh vực.

Chẳng biết nói gì nữa, tôi tiến ra phố Nhà Chung, nhìn thấy đám đông anh chị em giáo hữu, tôi giơ tay lên chúc lành cho họ, cách riêng xin Chúa chúc lành cho Đức TGM, các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân giáo phận mẹ của tôi được an ủi, kiên nhẫn trong đau thương thử thách như Đức Ki tô trải qua đau khổ rồi đến vinh quang.

Sau đó tôi ra về trở lại GP Thái Bình.

Thái Bình, ngày 20 tháng 9 năm 2008
 
Diễn biến tại Tòa Khâm Sứ - Hành vi khủng bố Pháp luật
Nguyễn Thái Hà
14:09 20/09/2008
Tòa Khâm Sứ - Hành vi khủng bố Pháp luật

Từ những sự kiện đã và đang xảy ra:



Tại sao như vậy và việc đó nói lên điều gì?

Trước hết cần phải xác định rõ ràng rằng trong trường hợp này UBND Quận Hoàn Kiếm không phải là đơn vị chủ sở hữu khu đất và không có văn bản nào xác định mình là chủ sở hữu. Trong khi Nhà thờ có đầy đủ các văn bản pháp lý xác định chủ quyền khu đất. Mà dù cho chưa xác định của ai thì có một sự thật hiển nhiên rằng khu đất này hiên là nơi đang tranh chấp. Theo luật thì những khu vực đất đang tranh chấp thì không thể tiến hành các dự án đầu tư khi chưa giải quyết xong vấn đề.

Như trên chúng tôi đã trình bày, theo quy định của pháp luật thì dù đất đai đã có nguồn gốc rõ ràng, để một dự án được thông qua và thực hiện phải đi qua rất nhiều bước khác nhau với một thời gian rất dài bao gồm: Lập báo cáo đầu tư và xin phép đầu tư - Tư vấn thiết kế – Thẩm định dự án, Phê duyệt dự án, đấu thầu – mới sang giai đoạn thi công. Trong đó có khâu quan trọng nhất là xin giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng phải ghi rõ nguồn đất đai. Tất cả những bước đó Nhà nước đều phải công bố để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan; tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và việc đền bù đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc Nhà nước vội vàng xây dựng trên một mảnh đất đang tranh chấp mà Tòa Tổng giám mục Hà Nội có giấy chủ quyền là vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Mặt khác, Pháp Lệnh về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở quy định rất rõ các quyền của Nhân dân được biết, Những điều nhân dân được bàn. Trong trường hợp này, theo điều 5, Chính quyền buộc phải cho Nhân dân biết các “dự án, công trình đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết…” trong toàn khu vực. Điều 19 của Pháp Lệnh quy định rất rõ những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bao gồm: “Dự thảo quy hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng đất; Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trene địa bàn”

Sự thật là Chính quyền quận Hoàn Kiếm và UBND Thành phố Hà Nội, cao hơn nữa là Chính phủ của Nước CHXHCN Việt Nam đã không tuân thủ các quy định của pháp luật do chính mình đặt ra. Một mặt muốn đặt ra thật nhiều bước tiến hành dự án đầu tư để tạo điều kiện cho các quan chức cửa quyền, trục lợi và tham nhũng nhưng khi cần tiến hành một việc làm để đàn áp và cướp bóc của Nhân dân hoặc tổ chức tôn giáo thì đã làm rất nhanh và bỏ qua các trình tự của thủ tục đầu tư. Một mặt họ đặt ra quy chế dân chủ cơ sở để lừa mị nhân dân và thỏa mãn yêu cầu của các nhà tài trợ nước ngoài nhưng luôn luôn “tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu…” của Đảng ở khắp mọi nơi. Mỗi một thôn xóm, khu vực chỉ có một số lượng rất ít đảng viên thế nhưng chi bộ của Đảng Cộng sản đã áp đặt sự lãnh đạo của mình lên số đông cộng đồng trong khu vực, cũng như chính điều 4 hiến pháp đã thô bạo áp đặt sự lãnh đạo của Đảng lên toàn bộ Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà không hề qua một cuộc bỏ phiếu hay trưng cầu dân ý nào.

Quả thực là một hành vi ăn cướp - Một dạng khủng bố quốc gia:

Từ những hành vi trên, ta có thể rút ra kết luận rằng đây là một hành vi ăn cướp, một dạng khủng bố quốc gia của Chính quyền. Bởi việc họ làm là sai luật, lén lút và không minh bạch. Điều này kết hợp với việc gần đây hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ đã bị bắt mà không hề có một thông báo công khai và chính thức nào. Đó là hình thức của những cuộc bắt cóc và khủng bố. Thực tế thì theo luật, có người vi phạm pháp luật sẽ tiến hành bắt giữ một cách công khai về hành vi của mình và thông báo ngắn gọn, rõ ràng theo đúng trình tự quy định. Thế nhưng Nhà nước thường dùng 2 cách. Một là lén lút theo kiểu bắt cóc và Cách thứ 2 là làm ầm ĩ, vu cáo, kết tội, mạ li trước khi tiến hành các công việc đó. Cách thứ hai này đã được áp dụng rất triệt để trong trường hợp Thái Hà và đã áp dụng không xong đối với vụ Tòa Khâm sứ trước đây cho nên lần này họ đã áp dụng phương pháp lén lút ăn cướp, tiến hành thi công trộm và ban đêm. Bằng quyết định xây dựng khu công viên, vườn hoa, Nhà nước đã công nhiên xác lập quyền sở hữu của mình và rõ ràng đây là một hành vi ăn cướp.

Một nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất quan trọng của các việc làm mờ ám liên tục của Chính quyền là vì Nhà nước cộng sản Việt Nam đã không cho người công giáo, những người có tôn giáo nói chung các cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin và trong việc thực hiện các quyền lợi chính trị của mình. Với chủ thuyết vô thần của mình, họ liên tục tìm cách tiêu diệt các tôn giáo khác đặc biệt là Thiên Chúa Giáo. Suốt mấy chục năm qua, chính quyền đã thu hẹp đất đai, biến hàng vạn đền chùa, miếu mạo thành nhà công, thành kho hợp tác xã, thành chỗ vui chơi giải trí. Chính quyền đã gạt bỏ những người có đạo ra ngoài vòng xã hội, họ khủng bố Thiên Chúa Giáo, tìm mọi cách khuất phục phật giáo thống Nhất, tiêu diệt đạo Cao Đài, Hòa Hảo và hạn chế quyết liệt sự phát triển của đạo Tin Lành. Chính quyền đã xem những người có tôn giáo là công dân loại hai trong một chiến lược biến tất cả trở thành vô thần theo như học thuyết Mác Lê Nin mà họ trang trọng ghi trong điều 4 Hiến Pháp. Nằm bên trên những trò lừa mị và cởi mở dường như càng ngày càng có vẻ hợp lý. Đó chính là mục tiêu thực sự của những người Cộng sản. Một mục tiêu đã được Hiến định.
 
Diễn biến tại Tòa Khâm Sứ cũ tại Hà Nội ngày 20/9
Tin Tổng Hơp
14:40 20/09/2008
Diễn biến tại Tòa Khâm Sứ cũ tại Hà Nội ngày 20/9

Đức TGM Hà nội đi họp với chính quyền thành phố

Hình ảnh Đức TGM Hà Nội họp với chính quyền

Khoảng gần 13 giờ chiều, đoàn xe Đức Tổng Giám mục đi làm việc với chính quyền thành phố về. Một điều đặc biệt, lúc đi xe của Đức Tổng đàng hoàng đi thẳng ra con phố Nhà Chung đã bị chặn hai đầu, một vị linh mục phải xuống thương thuyết công an mới cho phép mở hàng rào phong tỏa để xe đi qua, khi về, công an cũng đã buộc phải tháo dỡ ba vòng hàng rào thép gai và dây chão kiên cố để xe Đức Tổng đi qua. Ngay khi vừa về tới Tòa Tổng Giám mục, Đức Tổng đã được cộng đồng dân Chúa hân hoan chào đón với những tràng pháo tay rộn rã. Ngài đã dành ít phút để chào thăm và chúc lành cho cộng đoàn, đồng thời kêu gọi khích lệ mọi người kiên trì cầu nguyện trong ôn hòa và nhẫn nại.

Theo nguồn tin chúng tôi nhận được, cuộc họp chính thức giữa phái đoàn Tòa Tổng Giám mục với chính quyền thành phố tuy kéo dài gần 4 giờ đồng hồ nhưng đã không đem lại một giải pháp nào cho vụ việc hiện nay. Phía Tòa Tổng Giám mục đã đưa ra những chứng cớ pháp lý và lịch sử về quyền sở hữu hợp pháp cuả mình đối với khu đất Tòa Khâm sứ cũ, đồng thời luôn nhấn mạnh: Tòa Tổng Giám mục chưa bao giờ hiến, tặng nhà và đất khu Tòa Khâm sứ này cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức hay chính quyền nào. Bằng những lý luận sắc bén và với tư cách của những người nắm giữ chính lý và sự thật, Đức Tổng Giám mục và quý Cha đã phân tích một cách đầy đủ và hợp pháp cho những yêu cầu của mình. Trong khi đó, phía chính quyền đã dùng những lý lẽ không dựa trên sự thật để ngụy biện cho những hành vi của mình: họ đã đơn phương phá bỏ cuộc đối thoại với Hội Đồng Giám mục Việt nam và Tòa Tổng Giám mục Hà nội trong khi giải quyết vụ việc này, dùng đến sức mạnh công an, cảnh sát, an ninh… để chèn ép, áp đặt và bảo vệ cho hành vi bất chấp công lý này. Chính quyền với những lý luận “cùn” đã liên tục nhắc đi nhắc lại một điệp khúc “theo nghị quyết 23 của quốc hội thì… không có cơ sở giải quyết”.

Tòa Tổng Giám mục yêu cầu chính quyền nhanh chóng dừng việc thi công trên khu đất thuộc Tòa Khâm sứ cũ đồng thời xóa bỏ lệnh phong tỏa bất hợp pháp Tòa Tổng Giám mục và Dòng Mến Thánh Giá. Lý giải về việc phong tỏa Tòa Tổng Giám mục, ông chủ tịch đã bất chấp sự thật đang diễn ra khi cho rằng: chúng tôi chỉ phân luồng giao thông chứ không cấm hay phong tỏa các lối vào Tòa Tổng Giám mục trong khi đó các lối vào cổng chính Tòa TGM và nhà dòng đều ở trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Như vậy, cuộc họp kết thúc sau 4 giờ làm việc những cũng chưa đem lại một giải pháp thỏa đáng nào cho vụ việc đang xôn xao này.

Vào khoảng 15 giờ chiều, có một đoàn của chính quyền phương Hàng Trống vào để yêu cầu gặp lần thứ hai thầy Trần Văn Trác – chủ hộ khẩu Tòa Tổng Giám mục.

Công viên đang thành hình trên đất Tòa Khâm Sứ cũ

Hình ảnh khu Tòa Khâm Sứ cũ đang biến dạng

Hơn 1 ngày sau khi chính quyền cộng sản “phát hỏa” vụ việc biến Tòa Khâm sứ cũ thành công viên, vụ việc này đã và đang thu hút sự quan tâm theo dõi của không chỉ đông đảo bà con giáo dân trong Tổng giáo phận Hà nội mà còn trở nên một chủ đề “nóng” nhất, lôi kéo sự quan tâm rất lớn của đông đảo quần chúng. Đặc biệt, sự có mặt kịp thời của các phóng viên của các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã làm hâm nóng sự kiện này. Chiều hôm nay, trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục và cạnh Tòa Khâm sứ, có nhiều đoàn khách đến từ các vùng miền xa như Nam Định, Hà Nam, Lạng sơn, Cao bằng…. để hiệp thông cầu nguyện và theo dõi trực tiếp vụ việc.

Quan sát dòng người tuốn về Tòa Tổng Giám mục, chúng tôi nhận thấy cũng có những công an chìm trà trộn vào, một số tên thỉnh thoảng lại đưa máy quay phim chụp hình sát mặt những giáo dân ở đây để kích động và gây hấn. Có một vài xô xát nhỏ do công an chìm cố ý gây ra với giáo dân.

Tại hiện trường Tòa Khâm Sứ cũ, một công viên đã dần hình thành bởi những bồn hoa tươi và đường đi lối lại trong đó cũng đang dần được lát xong. Công nhân đang làm việc với nhịp độ cao cùng với sự gầm rú của máy móc phá bê tông. Lực lượng an ninh, cảnh sát cùng với chó nghiệp vụ vẫn được bố trí dày đặc và canh gác nghiêm ngặt.

Việc tháo dỡ tòa nhà phía trong sân Tòa Khâm sứ cũ vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói: việc phá dỡ diễn ra một cách vô ý thức và hết sức ẩu. Những người có mặt tại hiện trường đều rất bức xúc khi tiến hành phá dỡ tòa nhà lớn như vậy mà không hề có một hàng rào che chắn hay điều gì để bảo đảm an toàn. Ngôi nhà của bà cố Tuyết nằm ngay sát tòa nhà đang bị phá có nguy cơ nứt và nếu việc phá dỡ cứ tiếp tục tiến hành một cách hết sức vô ý thức như hiện nay thì ngôi nhà có thể sẽ nghiêng và sụp đổ bất cứ lúc nào. Khắp khuôn viên Tòa Tổng Giám mục tràn ngập khói, bụi và gạch đá rơi xuống từ phía tòa nhà đang bị phá.

Thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Hoà Nội

Lúc 17g tại thứ Bảy ngày 20/09, Lễ mừng kính Mẹ Sầu Bi được cử hành trọng thể tại Nhà thờ chính tòa Hà nội. Thánh lễ do Cha Laurenxô Chu Văn Minh – giám đốc đại chủng viện – chủ sự cùng với khoảng 20 linh mục đồng tế và sự tham dự của đông đảo bà con giáo dân.

Hình ảnh quang cảnh thắp nến cầu nguyện tối hôm 20/9/2008

Không như thường lệ, tối nay, các nhà thờ xung quanh thành phố im ắng lạ thường. Các linh mục trong thành phố và các linh mục giáo sư Đại chủng Viện thánh Giuse Hà nội quy tụ về nơi đây cùng hiệp dâng thánh lễ phó thác những giờ phút nguy biến của Tổng Giáo phận cho Mẹ Sầu Bi.

Đặc biệt, thánh lễ tối nay có sự hiện diện của Đức Cha Phao-lô Lê đắc Trọng – nguyên giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà nội. Vượt qua những khó khăn do tuổi 90 sức yếu, vượt qua chặng đường hàng trăm cây số từ thành phố Nam định lên thủ đô Hà nội để cùng cầu nguyện cho Tổng Giáo phận.

Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn 30 năm, trong thời kỳ chiến tranh điêu tàn, Đức cố Tổng Giám mục Giu-se Ma-ri-a Trịnh như Khuê đã dâng Tổng Giáo phận lên cho Trái Tim Mẹ. Giờ đây, khi chiến tranh khói lửa đã không còn, nhưng vẫn còn đó bạo quyền chà đạp lên những quyền cơ bản nhất của con người.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, cha chủ tế Lau-ren-xô Chu văn Minh đã kể lại câu nguyện bạo chúa Nê-rôn đàn áp những tín hữu đầu tiên trong thời kì sơ khai của Giáo hội Công giáo. Đã 2000 năm đã trôi qua, Nê-rôn chỉ còn được biết đến một vết nhơ của lịch sử mà Giáo hội của Chúa vẫn không ngừng phát triển.

Thời Tây sơn, vua Cảnh Thịnh ra lệnh cấm đạo, các tín hữu đã phải trốn vào rừng sâu để giữ đạo Chúa. Cơ cực trăm bề: núi rừng độc địa, thú dữ tứ phía, thiếu hụt lương thực, bệnh tật lan tràn. Và Mẹ đã hiện diện che chở cho đoàn con trong lúc khốn cùng. Lịch sử Việt nam cũng ghi nhận, trong thời kỳ bách hại của nhà Nguyễn, hàng vạn đấng tử đạo đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin, cho Giáo hội Việt nam trưởng thành. Trong những giờ phút đau thương của Tổng Giáo phận Hà nội, xin Mẹ Sầu Bi cũng thương giữ gìn, che chở cho đoàn con đang nương bóng bên Mẹ.

Kết thúc thánh lễ, trong lòi ca Hòa Bình và nến sáng trên tay mọi người cùng nhau tiến bước sang Tòa Khâm sứ cầu nguyện với Mẹ.

Tượng Đức Mẹ đã được kiệu ra chỗ giáo dân đang cầu nguyện

Lúc này là 22h00 ngày 20 tháng 9 năm 2008. Một tượng Đức Mẹ đã được kiệu ra nơi giáo dân đang cầu nguyện. Khi tượng Đức Mẹ ra đến nơi bà con giáo dân đã nổ những tràng pháo tay không ngớt để chào đón Mẹ. Như vậy giáo dân sẽ thêm vững tin hơn vì Mẹ luôn ở cùng chúng ta, luôn đồng hành cùng chúng ta trên con đường đấu tranh vì công lý.

Và lúc này theo quan sát của chúng tôi thì lượng giáo dân từ nhiều nơi đang tiến về Tòa Khâm sứ rất đông. Và tất nhiên là bên trong khu đất Tòa Khâm sứ thì chính quyền vẫn đang "tích cực" làm việc.

Nguồn tin riêng của chúng tôi cũng được báo động cho biết rằng: hiện nay các nơi có dân lao động ngoại tỉnh ở trọ được lệnh thông báo về kế hoạch quản lý mới những người đang ở trọ. Những ngày tới đây có thể chính quyền hà nội sẽ huy động rất đông dân lao động đưa họ đến công trường "vườn hoa mới" tại số 42 Nhà chung để tạo ra: Ngày Hội Lao Động XHCN, nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm vơi đi tính cách áp đảo mà chính quyền nhanh chóng biến Tòa Khâm Sứ thành công viên. Hơn thế mục tiêu chính là để đối phó với giáo dân cầu nguyện nơi đây, mà chắc chắn sẽ một ngaỳ một tăng số người tới cầu nguyện.
 
Phó thủ tướng tới thăm Thái Hà - rồi công an lục soát kiểm tra Tu viện DCCT
Xuân Văn
15:55 20/09/2008
Phó thủ tướng tới thăm Thái Hà - rồi tối đến công an lục soát kiểm tra Tu viện DCCT

HÀ NỘI -Sự kiện Tòa Khâm Sứ hôm nay vẫn quá nóng bỏng, trong khi đó chuyện của Thái Hà cũng vẫn sôi động, nóng bỏng không kém.

Đoàn thanh niên CS quấy phá và Phó Thử tướng Trương Vĩnh Trọng tới thăm Thái Hà

Hình ảnh tại Thái Hà

Lúc 10h một đoàn người đông đảo mặc áo ‘đoàn viên thanh niên” được thuê đến Thái Hà để quấy rối. Nhưng khi chứng kiến những bà cụ hiền lành đang tha thiết trong những lời kinh nguyện, những đoàn viên thanh niên này chưa dám hành động.

Hôm nay cũng thấy xuất hiện nhiều công an chìm trà trộn vào giáo dân Thái Hà đang dự lễ để thám thính, trong đó có công an Sơn ở phòng PA 38. Mấy người giáo dân kỳ cựu của giáo xứ Thái Hà khi thấy anh công an này đang đứng ngó nghiêng phía sau hang đá Đức Mẹ, liền nhỏ to với nhau: “Cái tay này hôm nay dò xét kỹ càng thế này, thì những ngày tới đây Thái Hà ta lại phải khổ sở mất thôi”. Nghe nói, anh công an này là một trong những người đã từng làm khổ rất nhiều linh mục trong thành phố Hà Nội từ xưa đến nay.

Lúc 14h, một chiếc xe con mang biển số xanh đỗ gần linh địa. Mấy anh công an đang có mặt tại hiện trường nhớn nhác. Kẻ trước người sau chặn đường chặn lối những người qua lại. Từ trong xe, một bác trông khá đạo mạo bước ra. Được biết, đó là ông phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ông được trưởng công an quận Đông Đa tháp tùng, đi quanh linh địa một vòng. Các cụ già vẫn say sưa trong những lời kinh nguyện, chẳng cần quan tâm ông to bà lớn nào đến linh địa.

Mấy cô và mấy thanh niên thì khác. Trông thấy bóng dáng của ông phó thủ tướng, họ liền bàn tán với nhau: “Thái Hà chúng ta những ngày tới đây không biết sẽ ra sao khi có cả cán bộ trung ương viếng thăm thế này”. Mấy người khác góp lời: “Ông trưởng ban chống tham nhũng của chính phủ đã có mặt ở đây, thì hy vọng Thái Hà của chúng ta dữ ít lành nhiều”.

Thánh lễ ban chiều tại nhà thờ Thái Hà

Lúc 20h15, thánh lễ thứ tư trong ngày kết thúc. Trước khi đi ra linh địa cầu nguyện, một vị linh mục thông báo cho giáo dân biết, hiện tại có rất nhiều thanh niên thiếu nữ được thuê đến, mặc áo đoàn thanh niên công sản để quấy phá buổi cầu nguyện. Vì vậy, vị linh mục đề nghị mọi người hết sức kiềm chế và giữ thái độ ôn hòa trước sự quấy phá của đám thanh niên. Đoàn rước từ nhà thờ ra tới nơi, thì sự việc xảy ra y như những gì vị linh mục vừa cảnh báo. Cả trăm “thanh niên cộng sản” đang đứng gần tượng đài Đức Mẹ Mân Côi, hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và bài hát “Một con vịt xòe ra hai cái cánh…” Dù bị quấy phá, nhưng giáo dân vẫn ôn hòa cầu nguyện với những lời kinh sốt sắng, tha thiết. Biết không thể khiêu khích cho giáo dân mất tự chủ, đám “đoàn viên thanh niên cộng sản” này tìm cách chuồn.

Theo như nguồn tin của một vài công an còn có chút thiện tâm cho biết, ngày mai sẽ vẫn có những trò hề kiểu như thế này nữa. Đám “đoàn viên thanh niên” kiểu này vẫn được huy động đến. Bên cạnh đó, những bà bán hàng ở chợ Phan Chu Trinh cũng bị ép buộc phải đến Thái Hà để quấy rối những buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân. Ai không đến sẽ bị cấm bán hàng. Các bà này được thuê 30.000đ/ngày. Kế hoạch sẽ là: các bà trà trộn vào giáo dân, đóng giả giáo dân, phản ứng lại hành động quấy rối của đám “đoàn viên thanh niên”. Như thế, một vụ lộn xộn sẽ được tạo ra và công an có cớ để dẹp buổi cầu nguyện. Ngày mai liệu sự việc có xảy ra như thông tin của những anh công an ngay lành cho biết hay không, chúng ta cùng chờ đợi và theo dõi.

Công an đến kiểm tra hộ khẩu những người tạm trú trong Tu viện DCCT

Đêm nay vào lúc 23gio ngày 2009, một số công an đã vào Tu Viện DCCT Thái Hà để kiểm ta hộ khẩu những người hiện tạm trú tại đây. Đây thực là một trò mới chính quyền bầy ra để làm khó dễ và quấy khá các linh mục DCCT. Chắc chắn sẽ còn hiều trò ngoạn mục khác nữa để qui kết tội các linh mục thái hà. Chúng tôi sẽ đưa tin sau về những diễn biến này.
 
5000 người tới thắp nến và cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ cũ đêm 20/9
Huấn Trần
19:17 20/09/2008
5000 người tới thắp nến và cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ cũ đêm 20/9

Khuôn viên Tòa Giám mục, Tòa Khâm sứ đều bừng sáng ánh điện, có điều hoạt động hai bên tuy chỉ cách nhau một bờ tường nhưng lại rất khác nhau: giáo dân tụ họp cầu nguyện trong hòa bình – công an, cảnh sát… căng thẳng giám sát đề phòng, công nhân tiếp tục hăng say làm việc.

Hình ảnh quang cảnh thắp nến cầu nguyện tối hôm 20/9/2008

Truyền hình Việt nam trong chương trình thời sự lúc 19 giờ đã đưa tin một cách hết sức thiếu khách quan, một chiều về cuộc làm việc giưa Tòa Tổng Giám mục với đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội sáng nay. Theo đó, truyền hình đã tiếp tục sử dụng những chiêu bài cũ vu khống, xuyên tạc sự thật khi đưa tin về cuộc gặp gỡ - làm việc này. Đặc biệt, cuối bản tin, họ còn cho rằng đức Tổng Giám mục đã nói rằng tôi cảm thấy hổ thẹn khi cầm tấm hộ chiếu mang quốc tịch Việt nam đi ra nước ngoài, bỏ qua phân tích hoàn cảnh để từ đó dẫn đến những kết luận đầy xuyên tạc…(về vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong bài viết tới).

Nhiều thánh lễ được cử hành chiều hôm nay

Lúc 18h00, Thánh lễ được cử hành long trọng tại nhà thờ Chính Tòa Hà nội do cha Lorenxo Chu Văn Minh – giám đốc đại chủng viện – chủ tế, cùng đồng tế với ngài có các linh mục đến từ các xứ trong vùng Hà nội. Điều đáng chú ý là lượng giáo dân tham dự Thánh lễ hết sức đông đảo, theo ước tính của chúng tôi là khoảng trên dưới 5000 người. Theo lịch của giáo phận Hà nội, lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi (ngày 15/9) sẽ được cử hành long trọng vào Chúa nhật XXV thường niên này. Sau thánh lễ, các linh mục, tu sỹ, chủng sinh và rất đông giáo dân cùng thắp nến và tiến ra cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ. Lượng giáo dân tham dự quá đông đảo khiến nhiều người ngạc nhiên, có lẽ ngay cả nhân viên an ninh, công an, chính quyền cũng bất ngờ. Đoàn người tiến ra đứng kín cả khu vực phố Nhà Chung và Tòa Tổng Giám mục. Cả một không gian bừng sáng bởi ánh nến và rộn rang bởi những lời kinh, lời thánh ca sốt sắng vang lên từ đáy lòng mỗi người cầu nguyện cho Công Lý và hòa bình, cho chân lý được tôn trọng. Đặc biệt, hiện diện cùng với cộng đoàn có Đức Cha Phaolo Lê đắc Trọng – nguyên giám mục phụ tá Hà nội, Ngài dù đã ngoài 90 tuổi và đau yếu nhưng đã lặn lội qua quãng đường hàng trăm cây số từ Nam định lên đây để hiệp thông cầu nguyện.

20h00, tại Nhà thờ Chính tòa có một thánh lễ tiếp theo với phần chia sẻ của Cha Pherô Nguyễn Văn Khải DCCT. Kết thúc, bà con giáo dân lại cùng với quý Cha tiến đến cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ, lượng người tham dự vẫn rất đông đảo nhưng đầy trang nghiêm, trật tự và hiền hòa.

Rước Thánh giá và lập bàn thờ Đức Mẹ cạnh Tòa Khâm Sứ cũ

Khoảng 21h30, giáo dân đã lập một bàn thờ nhỏ với Thánh Giá và một tượng Đức Mẹ ngay trước cổng Tòa Tổng Giám mục, phía hướng sang khu đất đang bị chiếm dụng bất công. Mọi người sốt sắng cầu nguyện. Những lời kinh, những bài thánh ca hòa với tâm tình của dân Chúa đang thành tâm nguyện cầu như xóa tan đi màn đêm tĩnh lặng mà vô cùng sôi động ở nơi này.

Phiá trong khu đất đang bị chiếm dụng, các máy phá đang hạ nốt những bức tường phía sau (giáp với nhà khách tòa Tổng Giám mục) của tòa nhà. Không hề được che chắn nên bụi bay mù mịt khắp không gian Tòa Tổng Giám mục, đặc biệt, những tảng bê tông lớn cũng rơi xuống sân Tòa Tổng Giám mục, làm phá đổ một đoạn tường dài ngăn cách Tòa TGM và Tòa Khâm sứ, cạnh nhà khách của Tòa TGM tràn ngập gạch đá, bê tông rơi ngổn ngang và hết sức nguy hiểm

Các phòng khách của Tòa Tổng Giám mục cũng được sử dụng cho các linh mục và bà con giáo dân ở lại cầu nguyện. không đủ chỗ nên nhiều bà con trải chiếu nằm cả ngoài hành lang, lối đi trong Tòa Tổng Giám mục.

Khu đất Tòa Khâm sứ giờ đã dần thành hình một công viên với hoa và cây được trồng “gấp” hôm nay. Hệ thống điện mới cũng đã được lắp đặt xong và thắp sáng.

Khi chúng tôi viết những dòng này, trời đã rất khuya, ngoài con phố cạnh Tòa Khâm sứ và trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, còn khoảng trên dưới 200 tu sĩ và giáo dân vẫn đang nhiệt tâm cầu nguyện và tỉnh thức. Giữa không gian tĩnh lặng của trời đêm Hà nội, những lời kinh tiếng hát ca tụng Chúa vẫn vang lên nhẹ nhàng nhưng tha thiết và sâu lắng…
 
Nhận diện thủ đoạn Bộ chính trị Cộng Sản đang thực hiện với các cuộc tranh đấu đòi đất của TGP Hà Nội
Đồng Nhân
22:30 20/09/2008
HÀ NỘI - Từ tháng 12. 2007 đến nay, tổng giáo phận Hà Nội có một cao trào đòi lại tài sản bị nhà nước cưỡng chiếm ở nhiều giáo xứ, dòng tu: Tòa Khâm Sứ, Tu Viện DCCT giáo xứ Thái Hà, Tu Viện Dòng Tu Nữ St Marie, Giáo xứ Hà Đông. Và nhiều nơi khác, nhưng sau đó tập chung vào hai "điểm nóng" là Toà Khâm Sứ và DCCT Thái Hà.

Vấn đề nhà, đất, tài sản của các tổ chức, cá nhân. bị cưỡng đoạt trong quá trình thực hiện chính sách cướp bóc của cộng sản, từ lâu đã trở thành một vấn nạn lớn. Không chỉ là oan khuất trong dân, mà còn đặt chính quyền cộng sản Việt Nam vào các tình huống rất khó khăn trong ngoại giao. Điển hình của việc này là vào đầu những năm 1990 Khi cộng sản Việt Nam tìm cách bình thường hoá quan hệ ngoại giao với cộng sản Trung Quốc. Khi đó, Trung cộng đã ra điều kiện CS Việt Nam phải hoàn trả, bồi thường những tài sản đã cưỡng đoạt của Người Việt Gốc Hoa bị xua đuổi khỏi Việt Nam sau năm 1979. Bộ chính trị cộng sản Việt Nam khi đó đã họp và nhận định: Nếu phải công khai chính sách bồi thường tài sản cho Người Việt gốc Hoa, sẽ làm mất thể diện của chính phủ của đảng cộng sản Việt Nam, và còn tạo ra một tiền lệ đòi lại tài sản bị chiếm đoạt bất công trong suốt quá trình "Cách mạng việt nam". Hậu quả sẽ làm chế độ cộng sản tại Việt nam rối loạn, dẫn đến sụp đổ. Sau đó, bộ chính trị cộng sản Việt Nam đã đề xuất với Trung Cộng: "đi đêm" với cộng sản Trung Hoa, bồi thường bằng việc gán thêm đất, gán thêm biển cho Trung cộng. Kết quả mọi người đã được mục sở thị!

Trở lại vụ việc đòi lại tài sản của Tổng Giáo Phận Hà Nội, sau khi tình hình bùng nổ bằng các cuộc cầu nguyện tập chung lớn, bộ chính trị cộng sản VN đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn có báo cáo chi tiết về tình hình, sau đó họ chỉ đạo: Không công khai thừa nhận trả tài sản, mà thực hiện một số bước trả lại tài sản ở một số nơi không trọng điểm, để ra dấu cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam biết rằng họ đã có một số "bước lùi" và muốn thương thuyết với cấp cao nhất, theo lối "đi đêm" sao cho mọi việc được giải quyết trong bóng tối, không gây tiếng vang, không tạo ra tiền lệ cho các tôn giáo khác.

Sau một thời gian thí điểm thấy âm mưu không tiến triển mặc dù cộng sản đã phải lờ đi một vài vụ việc các giáo xứ địa phương tự lấy lại tài sản, hay trả lại tài sản ở các giáo phận xa xôi, như vụ trả lại đại chủng viện Thái Bình. Bộ chính trị họp và chỉ đạo thực hiện thủ đoạn mới: Giữ các vùng trọng điểm như Hà Nội, Sài Gòn, kiên quyết không trả tài sản. Nếu Công Giáo đấu tranh mạnh, sẽ giới thiệu địa điểm khác để "cấp mới". Kèm theo việc này là biến các địa điểm nhà đất của Công Giáo ở các vùng trọng điểm này thành các địa điểm phi kinh doanh, phục vụ công ích không gây ồn ào.

Về mặt thủ pháp, bộ chính trị chỉ đạo các cấp chính quyền tìm cách giải quyết trong phạm vi Quận - Huyện đến Tỉnh, đẩy qua lại kéo dài. Nếu không xong, thì hủy bỏ quyết định lần đầu, rồi cho hình thành một chu trình mới trở lại quận huyện, lên lại tỉnh. Tổ chức các buổi "đối thoại" ở cấp địa phương kiên trì nghe trình bày, nhưng giải quyết công việc trên nguyên tắc. Tránh để việc lên cấp trung ương. Trong khi chờ kết quả trung ương thiết lập Ngoại Giao với Toà Thánh Vatican.

Bộ chính trị cũng kết luận: Lấy việc giải quyết đòi tài sản của Công giáo, như một hình thức tập rượt, thí điểm, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nhiệm chứ chưa có mô hình mẫu. Nhưng phải giữ nguyên tắc: Không công khai thừa nhận trả lại tài sản; chỉ thương thuyết với cấp cao nhất, và việc thương thuyết phải được bảo đảm trong bí mật. Có thể dùng bạo lực trong chừng mực để thăm dò tu sĩ, giáo dân Công Giáo, cũng như dư luận quốc tế. Giao công an lập hồ sơ sưu tra từng "đối tượng" tích cực, lên phương án bắt giữ nếu tình hình nguy cấp. Giao Ban VHTTTW và bộ TTTT thực hiện các biện pháp thông tin tuyên truyền... Giao bộ quốc phòng thu tập tin tức tình báo và thực hiện các công việc phản gián, cảnh báo từ xa, sẵn sàng bảo vệ vùng. Quân đội không trực tiếp tham gia bắt giữ người, cũng không có mặt tại hiện trường.

Từ các thông tin trên, có thể nhận định:

• Các thủ pháp chính quyền địa phương (Quận Huyện, Thành phố Hà Nội) đang áp dụng với Toà TGM Hà Nội, với DCCT Thái Hà không phải do chính quyền địa phương tự thực hiện, mà nó được thống nhất chỉ đạo từ trung ương. Cho nên Công Giáo Việt Nam đừng hy vọng khiếu nại lên Trung ương sẽ được giải quyết hay sẽ tạm đình chỉ được hành vi của cấp địa phương.

• Việc "đàm phán trong bí mật" như mong muốn của cộng sản không phù hợp với nguyên tắc hành xử (luân lý) của Công Giáo.

• Cộng sản có thể đàn áp, máu có thể đổ, xong họ biết, nếu để vụ việc bị quốc tế hoá, họ sẽ bị đẩy vào thế yếu. Khó lường hết được hậu quả. Cho nên nó sẽ không dám giết người kiểu "Thiên an môn"\. Nhưng bản chất của lực lượng võ trang cộng sản là rất hung hăng, nó lại luôn được giới chính trị bảo vệ trong mọi tình huống "sự đã rồi". Cho nên không loại trừ khả năng công an cộng sản quá tay giết người như sự đã rồi, hoặc dùng thủ đoạn giết người dấu tay, xong chối bỏ ngay cả với cấp trên.

Vậy nên: Người Công Giáo Việt Nam hay cầu nguyện trong Chúa, hãy cậy trông vào Chúa! Nhưng hay dũng cảm! không phải cho riêng mình, mà cho cả dân tộc, cho nhân loại khổ đau. Thiên Chúa chọn người dũng cảm. Có lời cầu nguyện nào bằng vác Thánh Giá Chúa! Lậy Chúa xin cho con làm được những điều con nghĩ!
 
Nỗi lòng qua những hồi chuông nhà thờ khắp TGP Hà Nội
J.B Nguyễn Hữu Vinh
22:47 20/09/2008
Nỗi lòng qua những hồi chuông nhà thờ khắp TGP Hà Nội

Tòa Khâm sứ, ngày thứ hai khi nhà nước “thực hiện dự án

Ngày thứ hai trong quá trình thi công “Dự án công viên” tại Tòa Khâm sứ, người ta thấy những chiếc xe chạy ra vào chở những đống gạch vụn, một máy phá ngôi nhà ba tầng đổ ầm ầm phía sau. Khói bụi bay mù trời Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Những chiếc bình đựng cây cảnh trong Tòa Giám mục vỡ tan tành.

Tòa Giám mục và giáo dân chẳng biết kêu ai, bụi thì chịu khó mà nín thở, bẩn thì lau. Vì dự án này, biết ban quản lý dự án ở đâu mà đến khiếu nại, đi ra hiện trường để kêu thì không thể qua hàng rào dây thép gai, cảnh sát và chó.

“Dự án” bí mật bất ngờ này được thực hiện cả ngày lẫn đêm, tập trung đầy đủ nhân tài, vật lực để cho xong một câu chuyện của nhà nước. Một câu chuyện khó hiểu và để lại nhiều dư vị đắng cay.

Nhưng công viên xong mà câu chuyện đó có xong được không, lại là vấn đề khác.

Chiều nay, tôi nghẹn ngào khi nhìn thấy một cụ già, đầu cúi gập xuống nền đất hướng về Tòa Khâm sứ đang bị xe máy ầm ầm phá dỡ bên kia bức tường.

Bức tường mà giáo dân Hà Nội mệnh danh là “Bức tường ô nhục”. Bức tường đó ngăn cách hai trạng thái hoàn toàn khác nhau ở hai bên, một bên là chó nghiệp vụ, là kẽm gai, là tiếng gầm rú của xe máy vô tri, một bên là những lời kinh, tiếng hát và những ngọn nến rực cháy.

Luật pháp và lòng dân

Hãng Thông tấn BBC ngày 15/9/2008 có bài viết: “Pháp luật Việt Nam 'gần đội sổ châu Á". Ông Robert Broadfoot, giám đốc phụ trách Perc nói "việc thi hành luật ở địa phương tại Việt Nam còn rất yếu. Việt Nam gần 'đội sổ' về môi trường pháp lý ở châu Á theo điều tra của Perc, tổ chức tư vấn chuyên đánh giá rủi ro kinh tế và chính trị”.

Với môi trường pháp lý đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong đời sống xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến nguyện vọng của dân chúng.

Khi làm một công việc, một dự án có những điều bức xúc của dân, mà phải dùng đến cảnh sát và chó săn, hàng rào dây thép gai như chiến lũy, thì điều đó là thể hiện sự bất lực trong đối thoại.

Người Công giáo vốn có đức nhịn nhục và vâng lời, họ sống trong tình nhân ái, tha thứ bởi chính con đường họ đang đi, vậy thì đối thoại có khó đến thế hay không?

Hãy nhìn nạn nhân của vụ xịt hơi cay ở Thái Hà, khi họ đã nắm tận tay kẻ xịt hơi cay, nhưng thủ phạm đưa ra lời xin lỗi, họ đã bỏ qua. Điều này, tôi nghĩ là các lực lượng của nhà nước không thể không biết.

Sự chờ đợi của họ hơn cả chục năm nay, có nói lên tinh thần của họ hay không? Những buổi cầu nguyện của họ chỉ nói lên niềm tin và mong ước của họ, có làm cho thiên hạ đại loạn không?

Khi nhu cầu, ước mong của họ là chính đáng, họ có thể không cần cả khu đất, họ không cần những tài sản đã bị chiếm đoạt, bị tước đoạt hay (bắt buộc phải tự nguyện) mà họ cho là vô lý, bởi vì những thứ đó quá nhiều. Họ chỉ cần một tiếng nói công bình, một lời giải thích thỏa đáng để họ tâm phục, khẩu phục.

Tôi nhớ câu chuyện của phim Trung Quốc, (thời nay, mở đài Truyền hình nào cũng đầy rẫy, đến độ có người thét lên “Chúng ta đang bị xâm lăng trên mặt trận giáo dục lịch sử thông qua phim chuyện truyền hình”, một câu chuyện kể về Bao Công, bao giờ cũng phải để cho tội nhân “tâm phục, khẩu phục" mới ra lệnh trảm.

Câu chuyện đó, đã cách đây dễ đến cả ngàn năm, sao chúng ta vẫn thấy nó xa lạ và nhiều khi là niềm ao ước trong nhiều trường hợp của ngày nay, khi mà án oan, đơn kêu vẫn là câu chuyện thường ngày. Và khi mà trong xã hội, những người oan khuất vẫn đầy rẫy. Những oan khuất đó, may mắn thì được một câu xin lỗi, còn thì xin cứ đợi xuống âm phủ.

Nói về vấn đề pháp luật và tòa án ở Việt Nam hiện nay, tôi nhớ câu chuyện chất vấn Đại biểu Quốc hội ngày 27/11/2006 với ông Nguyễn Văn Hiện - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, khi ông Lê Văn Cuông nói: “Tiếng kêu oan của người dân chánh án phải trăn trở, không thể nói 'pháp luật qui định đến đâu, tôi làm như thế'”.

Cũng tại kỳ họp này, “theo Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh, có nhiều thẩm phán 'cố tình đạp lên pháp luật mà đi', và lấy dẫn chứng vụ nhà 83 Đội Cấn (Hà Nội) đã được các ĐBQH đặt vấn đề qua năm kỳ họp QH rồi mà vẫn chưa giải quyết được”. (Báo Tuổi Trẻ ngày 28/11/2006)

Vậy, với những vụ việc như Tòa Khâm sứ, Thái Hà hiện nay, không chỉ là vấn đề của một con người, một cộng đồng, mà là vấn đề của toàn Giáo phận Hà Nội, một nguyện vọng của cộng đồng Công giáo Việt Nam, các cơ quan đã xem xét một cách thấu tình đạt lý hay chưa? Sao vụ việc này có những cách hành xử khó hiểu đến thế?

Tôi lại nhớ câu trả lời của ông Hiện trong kỳ họp đó: “Nhưng, thực tế thì một số vụ án phức tạp, khó khăn về đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng nhiều đến chính trị, trật tự an toàn xã hội được dư luận quan tâm thì lãnh đạo các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án địa phương cũng có nghe báo cáo, nhưng không quy định cho mức án trước”.

Vậy vụ việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà hiện nay, có được các cơ quan xem xét hay không? Tại sao đến sáng 20/9/2008, các quan chức Hà Nội vẫn cứ một mực khăng khăng những điều đã nói trước đó gần cả năm mà không xem xét việc để Tòa Khâm sứ, đất đai Tài sản của Thái Hà trở lại với cộng đồng để họ có thể yên tâm việc mình là những người con cháu có hiểu với công lao của tổ tiên?

Những hồi chuông từ các nhà thờ khắp các giáo phận Hà Nội nói lên điều gì?

Hai ngày qua, tôi thấy mọi người cứ râm ran về việc cả khoảng 500 nhà thờ khắp cả mấy tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam và Nam Định dóng lên những hồi chuông liên tục cách nhau độ 1 giờ.

Nhiều người cũng như tôi, cứ ngỡ ngàng một câu chuyện chưa thấy bao giờ. Hỏi ra mới biết, đó là những hồi chuông được dóng lên để nhắc nhở mọi tín hữu hiệp thông cầu nguyện cho Tổng Giáo phận, dù họ ở nơi đâu, khi giáo phận đang lúc khó khăn và ngặt nghèo.

Quả là một điều khó nói lên cảm xúc, không hiểu những hồi chuông đó có tiếng vang đến tận đâu, có đến tai nhà cầm quyền để nói lên ước vọng của giáo dân Hà Nội?

Khi hỏi người dân từ Nam Định đến Tòa Khâm sứ chiều nay, những hồi chuông đó nói lên với họ điều gì? Câu trả lời từ một bà nông dân làm tôi ngạc nhiên: “Chuông báo cho chúng tôi biết có những khó khăn trong giáo phận, mà chúng tôi là giáo hữu phải biết hiệp ý cùng nhau cầu cùng Thiên Chúa để mọi việc được giải quyết đúng đắn với sự thật

Tôi hỏi tiếp, “Nếu bà đến đây, với lực lượng cảnh sát đông đúc và chó nghiệp vụ như vậy, nhỡ xảy ra chuyện gì nguy hiểm đến tính mạng mình thì sao?”. Câu trả lời không cần suy nghĩ của bà làm tôi suy nghĩ nhiều hơn: “Khi đó, toàn Tổng Giáo phận sẽ không chỉ kéo chuông, mà sẽ treo cờ để tang tôi đấy chú ạ, họ sẽ kỷ niệm ngày này đã là ngày có một đấng Thánh”.

Câu trả lời nhẹ nhàng làm tôi ớn lạnh.

Tối nay, truyền hình đưa nhiều hình ảnh về Đức TGM Ngô Quang Kiệt với những lời lẽ rất nặng nề, không biết điều gì sẽ còn xảy ra? Khi một vị chủ chăn sẵn sàng hiến mình, một cộng đồng giáo dân đầy nhiệt thành, lòng tin mến và còn đó một vụ việc chưa được lời giải đáp thật thỏa lòng dân.

Ôi, Tòa Khâm sứ và dự án công viên, dự án này có thể được hoàn thành nhanh chóng, nhưng vụ việc Tòa Khâm sứ liệu có xong theo? Khi mà lòng dân vẫn đinh ninh những điều mình không thấy thuận, khi mà cả cộng đồng tôn giáo đang thấy mình chưa được thật sự tôn trọng với những ước nguyện chính đáng với tôn giáo của mình. Lòng tin tôn giáo, quả là lớn lao và có nhiều khó hiểu.

Cầu mong cho tất cả những con người liên quan, hãy biết nhìn con đường sáng, hãy để cho ánh sáng của Công lý và Sự thật dẫn đến đường ngay, nẻo chính để lòng dân là một, đất nước này là một, ở đó nhân phẩm của mọi con người đều được tôn trọng và bảo vệ.

Xin đừng để câu Kinh Thánh này được thực hiện với bất cứ ai:
Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân
”.
(Thánh Vịnh - Chương 34 – 22)

Hà Nội, ngày 21/9/2008
 
Nguyễn Tấn Dũng đang ''tự vả'' vào má mình
Hà Long
23:01 20/09/2008
Hà Nội - Bản tin của Radio Vaticana phần tiếng Ba Lan phát thanh về tin Việt Nam vào ngày 16/9/2008 với tiêu đề: "Việt Nam - Chính quyền không giữ lời hứa (Wietnam władze nie dotrzymują obietnic)". Có thể đài phát thanh này đã nhìn trước được sự bội tín nơi chính quyền Việt Nam, vì điều này đã trở nên sự thật chỉ sau 3 ngày phát tin đi.

Nếu điều thực hiện phá hủy Tòa Khâm Sứ vào rạng sáng 19/9/2008 theo chỉ đạo của thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cho khu đất 42 Nhà Chung thì cử chỉ ấy chính là cú tát vào khuôn mặt lọ lem của ông ta.

Chúng ta vẫn còn nhìn thấy hình ảnh ấn tượng của một vị thủ tướng đến thăm Tòa Khâm Sứ vào ngày 30/12/2007 khi tình hình cầu nguyện đòi đất lên cao độ. Ông ta đến thăm đi bên cạnh Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và còn chỉ tay vào khu vườn Tòa Khâm Sứ. Cuộc viếng thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng là một dấu hiệu về khả năng thỏa hiệp giữa chính quyền và giáo hội, để tìm phương án giải quyết tốt đẹp cho TKS.

Cuối cùng tình hình cầu nguyện lắng xuống do sự can thiệp trực tiếp của Tòa Thánh Vatican với niềm tin tưởng đối thoại để giải quyết vấn đề TKS bằng công lý và qua con đường ngoại giao. Nếu sự kiện đập phá TKS vào đêm 19/9/2008 do ông thủ tướng quyết định thì cái bắt tay của ông Nguyễn Tấn Dũng tỏ tình giao hảo với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 25/01/2007 tại Vatican là một hành động lừa dối thế giới nhằm tô bóng cho chế độ độc tài, độc đảng của đảng cộng sản Việt Nam không hơn không kém. Lúc ấy Việt Nam chỉ lợi dụng cuộc gặp gỡ này để gia tăng tiến trình hội nhập với cộng đồng thế giới tự do.

Thế giới lại một lần nữa được nhìn rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa này vào ngày 19/9/2008 tại thủ đô Hà Nội.

Việt Nam cứ tự hào là văn minh tiến bộ, được gia nhập WTO lần đầu tiên, được trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào đầu năm 2008 và được trao quyền làm chủ tịch luân phiên định chế an ninh tối cao của Liên Hiệp Quốc, thế mà đường đường chính chính làm chuyện mờ ám trong đêm tối tại TKS khi người dân Hà thành còn say giấc ngủ, ngoài ra có thêm vô số án binh với chó lẫn người cộng thêm hàng rào kẽm gai. Cách cư xử của họ không những mọi rợ còn thêm ác độc như lũ cướp ngày. Chỉ có quốc gia độc tài ma quái mới hành xử một cách mờ ám trong đêm tối như sợ người dân biết đến.

Có lẽ cộng sản độc tài Việt Nam đang sợ sức mạnh của niềm tin và của lời cầu nguyện. Vì từ 1975 chưa bao giờ họ lo phòng thủ người dân, như ở nơi TKS và Thái Hà trong vài ngày qua.

Chính nghĩa đang bùng phát mạnh mẽ nơi người dân cầu nguyện, nơi Thái Hà, nơi Tòa Khâm Sứ, nơi tập họp ngày 14/9/2008 trước sứ quán cộng sản Tàu, phố 46 Hoàng Diệu, Hà Nội, v.v…

Vì thế, một trò hề diễn xuất quá tồi khi HNM tung tin là chiều 18/9/2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức công bố quy hoạch có đại diện cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức trong khu vực và đại diện các cơ sở tôn giáo cùng nhiều giáo dân (gian). Tất cả các ý kiến tại cuộc họp đã bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh chủ trương của thành phố với dự án ại Tòa Khâm Sứ.

Thế đấy chỉ vài tiếng sau cuộc họp đó, trong đêm tối CSVN khởi công cày nát TKS. Thế đấy là dân chủ theo cách nghĩ của chính quyền độc tài. Họ quyết định quá „siêu tốc“ cho dự án này. Theo cách nhìn chuyên gia kiến trúc thì chắc chắn dự án này sẽ phải sửa đi sửa lại mãi theo chủ trương của cộng sản: làm sai thì sửa, mà càng sửa thì càng sai. Ai đời nào nền đất chưa có mà đã đặt gạch. Bảo đảm với vài trận mưa lớn, đất cát tại TKS sẽ trồi sụt và lở loang như khuôn mặt của lem luốc của nhà nước VN.

Nếu nhà nước Việt Nam thương dân có các quyết định nghiêm chỉnh và „siêu tốc“ thì sẽ không có con sông Thị Vải "bệnh" nặng nhiều năm, cho dù dân kêu cứu vô vọng đã từ năm 1992. Bây giờ con sông Thị Vải chết hẳn thì nhà nước ta mới đủng đỉnh bắt tay vào việc sau 16 năm để nó oằn oại dẫy chết.

Nếu nhà nước Việt Nam yêu nước đã gìn giữ bảo tồn từng tấc đất, từng vùng biển chống bọn xâm lăng phương Bắc. Thay vào đó chính quyền VN hèn nhát không dám khẳng định chủ quyền của mình về Hoàng Sa và Trường Sa, lại còn ra tay đàn áp bắt bớ những thanh niên sinh viên yêu nước muốn tổ chức các cuộc biểu tình công khai chống lại bọn bá quyền Bắc Kinh vào ngày 14/9/2008. Nhục nhã hơn CSVN lại rước “Giặc Mỹ“ trở lại Việt Nam để bảo vệ đất nước cho họ qua lời phát biểu của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ John D. Negroponte tại Hà Nội vào sáng 12/9: "Mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết hòa bình, theo Luật Biển LHQ, theo cách thức không đưa đến sự chiếm đoạt".

CSVN lấy mo mà che mặt khi Hội Phóng Viên Không Biên Giới lên án công an dùng vũ lực hành hung nhà báo ngoại quốc. Khi Phóng viên Ben Stocking, 49 tuổi của hãng thông tấn Associated Press (AP) - một trong các hãng thông tấn xã hàng đầu thế giới, đến săn tin tại TKS vào sáng 19/9/2008 và chụp hình đã bị công an đánh tét đầu phải khâu 4 mũi và ông ta bị tịch thu máy ảnh. Về vụ này, ngay liền lập tức bà Angela Aggeler, phát ngôn viên tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết đã gửi lời phản đối chính thức tới chính quyền CSVN. Hãng tin AP thông báo cho biết ông Ben Stocking, trưởng đại diện của họ tại Hà Nội đã bị “đấm, bóp cổ và bị đập vào đầu“ khi đưa tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân ở khu vực Tòa Khâm Sứ. Sau sự hành hung nhà báo Ben Stocking tại Hà Nội, ông John Daniszewski, tổng thư ký thông tấn Associated Press tuyên bố: “Ðiều đó chứng tỏ là một việc xấu xa, khác thường về sự lạm dụng quyền hành của công an CSVN và sự cư xử không thể chấp nhận được đối với nhà báo từ một nhà cầm quyền văn minh”. Cuối cùng CSVN vẫn dối trá như cuội qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng: “Theo thông tin chúng tôi nhận được, sáng 19/9/2008, phóng viên Ben Stocking đã vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có biển cấm. Những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đã nhắc nhở nhưng ông Ben Stocking cố tình không tuân thủ. Hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking”. Tin tức tại TKS vẫn là điểm nóng cho các nhà báo săn tin cho nên sau đó ông Stocking dù bị đánh bể đầu vẫn không hối tiếc khi Ông Stocking nói với văn phòng của hãng AP tại Bangkok qua điện thoại rằng ông bị công an ngăn cản ở nơi cấm chụp hình nhưng “vì đây là tin nóng nên tôi vẫn vào".

Chúng ta nhớ lại, vài tuần trước tại Thái Hà báo đài xuyên tạc bóp méo sự thật cả tháng trời và đe dọa bắt bớ các người cầu nguyện, tuy nhiên sau sự kiện lớn lao tại TKS với sự tham gia của hàng ngàn giáo dân cầu nguyện và các thư phản kháng của Tòa Giám Mục Hà Nội cũng như của Hội Phóng viên Không Biên giới, nhưng giới báo chí và truyền thông độc quyền của nhà nước gần như dấu diếm và câm như hến về vụ phố Nhà Chung. Có lẽ họ sợ bị phản ứng ngược như đã bị tại Thái Hà. Thay vào đó thông báo tố cáo chính sách sai lầm của CSVN do Giáo phận Hà Nội và Thái Bình ký tên phải được đọc trong các thánh lễ để mọi giáo dân được tỏ tường.

Điều được nhắc thêm, một hành động đê hèn mất dậy do đồng bọn CSVN bày ra để khủng bố người dân cầu nguyện là hai kẻ lực lưỡng “mang một xô dầu mỡ trộn lẫn mắm tôm hắt lên tượng đài Ðức Mẹ” tại linh địa Thái Hà, ngoài ra còn có nhân viên của công ty Chiến Thắng “mang rác, thậm chí cả giấy vệ sinh đổ chung quanh tượng đài Ðức Mẹ Mân Côi”.

Trong lúc này, đảng CSVN có thể lợi dụng TKS để thanh trừng lẫn nhau. Suy đi nghĩ lại không lẽ vị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngu dại đến thế, ký quyết định chiếm đoạt TKS để tự hủy diệt thanh danh của chính mình trên chính trường thế giới. Có thể họ đang vì quyền lợi, vì chức quyền, vì mảnh đất đang muốn nuốt chửng mà thí quân, thí tướng chăng?

CSVN đang chơi con dao hai lưỡi và nên nhớ: “Dân là nước quan là thuyền. Nước đưa thuyền đi, nhưng chính nước cũng có thể làm lật thuyền”. Đừng khinh thường công lý, quyền lợi của đất nước và của người dân. Các hàng rào kẽm gai với chó săn và vài tên công an tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội có sánh bằng bức tường ô nhục kiên cố của Bá Linh, có bằng bức màn sắt tàn bạo của khối Đông Âu?
 
Hà nội ơi! Hy vọng tôi đã chết, nhưng niềm tin vẫn còn đó
Nguyễn Hoàng
23:12 20/09/2008
Quý độc giả thân mến, tôi là một thường dân công giáo và cũng là độc giả thường xuyên của báo, tôi sinh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh miền Đông Nam Bộ, vì cuộc sống cơ cực tôi đã thoát ly gia đình ra Hà Nội sinh sống đã hơn 10 năm, quãng thời gian đó đủ để tôi hiểu và nhận thức được rằng cái thủ đô mà người ta vẫn gọi là ngàn năm vạn vật, cái thủ đô mà ở đó có “đảng ta đó trăm tay nghìn mắt” (xin nói rõ với quý độc giả là trời sinh ra mỗi người chỉ có 2 tay và 2 con mắt, như vậy đây cũng là một đảng quái thai chăng? hay nói cho thiết thực hơn là chỉ có 50 người làm thôi (trăm tay) nhưng có tới 500 người ăn (nghìn mắt soi mói rình rập), đây có phải là đảng ăn cướp không vậy? Với cá nhân tôi thì tôi trả lời luôn là đảng cướp. Tôi xin lỗi quý độc giả nếu như tôi quá nặng lời trên đây bởi vì những gì đang diễn ra trước mắt tôi đây -Toà Khâm Sứ thì quả là không oan uổng tí nào và còn quá nhẹ cho cái từ ăn cướp, tôi xin nêu vài sự kiện trong 36 giờ qua để mọi người suy ngẫm nhé.

- 15h ngày 18/9/2008 gửi giấy mời tới toà TGM công bố quy hoạch công viên tại khu đất 42 Nhà Chung, đây là đất của Toà Khâm Sứ.

- 03h sáng 19/9/2008 (ăn cướp thì thường khởi hành ban đêm mà) triển khai lực lượng công an, CSCĐ để đưa thiết bị vào.

- 7h 19/9/2008 bắt đầu tiến hành cái gọi là thi công công viên bằng những thiết bị hiện đại, với sự góp mặt hùng hậu của tướng Nhanh, chó, CSCĐ, công an và đương nhiên là không thể thiếu đội quân ảo thuật của đài truyền hình Hà Nội và các đao bút xuất sắc của báo HNM.

- Đến 18h 20/9/2008 thì một số đoạn đường như bảng quy hoạch mà báo HNM công bố trên trang web thì đã được lát gạch và bờ tường phía giáp với mặt TKS thì đã trồng cây xanh, trong khi đó thì khu nhà 5 tầng phía sau chưa phá dỡ xong.

- 20h 20/9/2008 thì các cây đèn đường mặt tiền công viên đã được thắp sáng. Tôi không học về xây dựng tôi cũng không hiểu lắm về kỹ thuật thi công nhưng tôi chợt nghĩ dại rằng nhỡ có trận mưa rào đổ xuống khi mà công trình công viên cây xanh chưa khánh thành thì bẽ mặt thủ đô của tôi quá, vì có bao giờ trong xây dựng mà đất vừa lấp không tưới nước cho ngót, không đầm nén theo kỹ thuật cơ bản trên nền đất xốp mà đã lát gạch? (Vụ nứt tượng đài Điện Biên chắc quý vị đã biết) cũng có thể trong 9 tháng qua cơ quan đang tiến hành xây dựng công viên này đã cử kỹ xư xây dựng qua tận Thành Phố Thạch Gia Trang Thủ Phủ Tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc nơi mà có nhà máy sản xuất sữa nhiễm độc nổi tiếng để học hỏi phương pháp thi công này mà chưa công bố nên tôi và những người đã thấy không nhận biết!

Việc đất của TKS kéo dài để rồi có kết cục ngày hôm nay tôi nghĩ cũng có thể đó là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới của chính quyền cộng sản VN, vì trong thời kỳ lạm phát lên mức 27% mà phải bỏ ra 400.000 USD để được phát sóng trên kênh CNN có 30 giây trong một ngày x 3 tháng (45 phút) thì quá đắt, qua vụ này cả thế giới biết đến VN, vừa được quảng bá hình ảnh, bộ mặt, chân tướng của đảng cướp, vừa được miếng đất (không lớn lắm, nhưng có còn hơn không) ở 42 Nhà Chung và còn củng cố thêm 6 chữ vàng của đảng: đảng ta nói có là không!

Chiều nay, 20/9/2008 tôi tham dự Thánh Lễ lúc 18h tại nhà thờ lớn, sau thánh lễ đi theo đoàn Thánh Giá nến cao vòng qua sân TKS để ra phố Nhà Chung hiệp thông cầu nguyện cho công lý, nhìn mỗi giáo dân cầm nến trên tay hiệp thông cầu nguyện tôi mới thấy sức mạnh của người công giáo là không gì sánh nổi nhất là sức mạnh đó được liên kết lại với nhau, ngọn nến thắp lên rồi sẽ tắt đi khi cháy hết, niềm tin về lời hứa giải quyết đất TKS của chính quyền HN trong đối thoại cũng tiêu tan nhưng niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào công lý và chính nghĩa sẽ mãi mãi tồn tại trong mỗi người công giáo chúng ta, 3 lớp hàng rào kẽm gai và 2 lớp hàng rào song sắt nhọn hoắc cùng công an và chó dữ cũng không thể ngăn căn được niềm tin cũa những người đã và đang hiệp thông với Giáo phận Hà Nội. Một điều quan trọng mà tôi và có lẽ mọi người đều nhận ra rằng chưa có quý Cha, tu sỹ hay giáo dân nào cầu xin “xin cho con lấy lại được miếng đất này” mà mọi người chỉ cầu xin cho công lý được thực thy, cầu cho mọi người không phân biệt tôn giáo nào được sống ôn hoà với nhau, cầu cho chính quyền được nhận biết ra sai trái cho dân an nước mạnh.

Nhìn nét mặt mọi người hiệp thông cầu nguyện tôi cảm nhận ai cũng rất thanh thản và còn vui mừng nữa vì đây chính là dịp tốt hiếm có để mỗi người kiểm chứng lại đức tin cuả mình. Những người tới hiệp thông chứng kiến chính quyền cướp đi miếng đất TKS nhưng trong lòng mỗi người lại thanh thản, còn chính quyền cướp được miếng đất liệu họ có thanh thản không? Theo bạn, bạn chọn con đường nào?

Hà Nội 2h30 sáng 21/9/2008
 
Anh em DCCT nhà Montparnasse-Paris hiệp thông với Thái Hà
DCCT Montparnasse
00:05 20/09/2008
ANH EM DCCT NHÀ MONTPARNASSE - PARIS - PHÁP
DÂNG THÁNH LỄ ĐẶC BIỆT CẦU NGUYỆN CHO THÁI HÀ


PARIS - Trong tinh thần hiệp thông với Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, cách riêng với Cha Bề Trên, quý Cha, quý Thầy nhà Hà Nội, với toàn thể giáo dân giáo xứ Thái Hà, cùng với tất cả những ai, trong cũng như ngoài nước, đang từng giờ, từng phút hướng về Thái Hà, quý Cha, quý Thầy tại nhà Montparnasse, Paris, đã dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà. Thánh lễ được tổ chức vào lúc 7 giờ 30, ngày 19 tháng 9 năm 2008. Hiệp thông dâng lễ, tại nhà Montparnasse, có bảy cha người Việt:

Cha Barnabê Đoàn Thanh Dũng, Bề Trên các anh em Việt Nam vùng Âu Châu;
Cha Phaolô Trần Ngọc Anh;
Cha Giuse Nguyễn Tiến Lãng;
Cha Giuse Hồ Đắc Tâm;
Cha Giuse Vũ Đức Triệu;
Cha Giuse Nguyễn Văn Hội;
Cha Gioan Vũ Minh Sinh.

Ngoài quý Cha người Việt, còn có Cha Georges Darlix, Phó Bề Trên Giám Tỉnh Lyon-Paris, kiêm Bề Trên Nhà, cùng toàn thể quý Cha, quý Thầy tại nhà Montparnasse, Paris, cũng như quý Cha, quý Soeurs đang cư trú tại đây. Cha Joseph Touraynne, Bề Trên Giám Tỉnh Lyon-Paris, tuy vắng mặt, nhưng đã nhắn lại xin hiệp thông.

Cha Barnabê Đoàn Thanh Dũng, chủ tế thánh lễ, trong bài chia sẻ, đã điểm qua những mốc lịch sử quan trọng của quá trình hình thành giáo xứ Thái Hà và những diễn biến tại Thái Hà trong những ngày qua. Ngài cũng đề cập đến một khởi đầu mới diễn ra tại Toà Khâm Sứ: câu trả lời của chính quyền sau 8 tháng- Toà Khâm Sứ bị phá? Mọi người đều cảm động, đồng tâm hướng về Thái Hà, về Hà Nội với tinh thần mến yêu và cảm phục. Cảm phục những gì quý Cha, quý Thầy, bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ đã và đang làm, đã và đang phải chịu, với mong ước Danh Chúa và Danh Mẹ được cả sáng, mong chân lý được sáng tỏ trong một đất nước còn nhiều giả trá.

Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại nhà Montparnasse-Paris cũng như các cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại Pháp đã, đang và sẽ luôn hiệp thông với quý Cha, quý Thầy, cùng toàn thể giáo dân tại Thái Hà nói riêng và với quý Cha, quý Thầy trong Tỉnh nói chung. Mong sao những cố gắng của chúng ta, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sẽ như tiếng chuông khiến cõi lòng mỗi người: già cũng như trẻ, học thức cũng như ít học, giàu cũng như nghèo, quyền thế cũng như quê mùa…, phải thức giấc để đấu tranh cho công lý và sự thật, một sự thật đang bị lãng quên hay cố tình bị lãng quên, một sự thật đang bị ru ngủ bởi tiền bạc, bởi quyền lợi, bởi địa vị…

Montparnasse, ngày 19 tháng 9 năm 2008.
 
Thư của một người ngoài Công Giáo: Cuộc đấu tranh của quý vị với chính quyền là “Trứng chọi với đá''
Một người ngưỡng mộ
00:12 20/09/2008
Cuộc đấu tranh của quý vị với chính quyền là “Trứng chọi với đá"

Hà nội ngày 15 tháng 9 năm 2008

Tôi xin trân trọng kính chào Quý vị toàn Giáo xứ Thái Hà!

Đầu thư cho tôi gửi lời cám ơn toàn Giáo xứ, xin chúc Giáo xứ bình an.

Thưa Giáo xứ tôi là người ngoài công giáo. Nhưng tôi đã theo dõi sự kiện “Tòa Khâm” và “Thái Hà” từ lâu rồi. Quả thực lúc đầu chỉ vì tò mò, xem ai đúng, ai sai. Nhưng càng theo dõi tôi mới thấy được một phần của sự thật.

Sự thật đó là: Người Công giáo Việt Nam kể từ khi có chính quyền mới luôn luôn bị chính quyền ngầm kỳ thị, soi mói lý lịch cá nhân khi cần, nói xấu xuyên tạc, bịa đặt bóp méo sự thật. Đặc biệt tài sản của Giáo Hội Việt Nam bị chiếm đoạt rất nhiều trên toàn quốc một cách bất hợp pháp.

Theo dõi sự kiện “Thái Hà” tôi đồng cảm cùng quý vị, tôi khâm phục sự kiên cường của toàn giáo xứ, một cuộc đấu tranh rất khó khăn: một bên là những người chỉ đọc kinh cầu nguyện, không có vũ khí trong tay; còn bên chính quyền thì họ có tất cả: quân đội, công an, tòa án và độc quyền về hệ thống thông tin, ra sức bóp méo, xuyên tạc sự thật. Đặc biệt ở một nước có tỷ lệ người công giáo thấp, người dân chưa hiểu nhiều về Công giáo, hơn nữa người dân đã từ lâu quen cái hệ thống thông tin một chiều của nhà nước rồi, cho nên số người ngoài công giáo hiểu về quý vị là không nhiều. Nhiều khi nói chuyện với một người tôi chỉ nói với họ rằng: “Không có lửa làm sao có khói” và nên tìm hiểu cả hai phía chứ đừng nên nghe một phía. Vâng đây là hình thức “Trứng chọi với đá”.

Ở đầu thư tôi có lời cảm ơn toàn giáo xứ: vâng không phải Giáo xứ đã cho tôi cái gì. Mà đơn giản tôi chỉ nghĩ: quý vị đã dũng cảm đấu tranh thì ít nhiều chính quyền sẽ có lúc phải nghĩ lại: đừng có đè nén dân quá mức. Có bài học “Thái Hà” đấy và nhân dân cả nước lấy bài học “Thái Hà” để làm gương khi cần thiết – đừng để chính quyền muốn làm gì thì làm.

Như trên tôi đã trình bày: cuộc đấu tranh của quý vị với chính quyền là “Trứng chọi với đá”. Vâng tôi đã nghĩ tới một kết cục xấu tới quý vị: có thể quý vị sẽ thất bại. Nhưng không sao cũng như biết bao sự thất bại anh hùng của ông cha ta ngày xưa khởi nghĩa chống lại ách đô hộ (Bà Trưng, Bà Triệu,… Hương Khê, Bãi sậy, Yên Thế…)

Nếu Giáo xứ thất bại thì cũng là sự thất bại trong vinh quang, trong oai hùng và thật đáng kính, có kẻ thắng trận là loại hèn nhát, tàn bạo và không từ một thủ đoạn xấu xa nào và đáng coi thường.

Thư tôi viết đến đây kể cũng dài, tâm sự cùng quý vị đã lâu. Tôi xin được dừng bút. Một lần nữa cho tôi gửi lời chào và cũng xin chúc quý vị mọi sự tốt lành và xin mượn lời nói của cụ Nguyễn Trãi để động viên Giáo xứ.

“Lấy trí nhân để thay cường bạo

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”.
 
Tòa Khâm Sứ với những kỷ lục đáng ghi nhớ
Jos Trần Tiến
00:17 20/09/2008
TÒA KHÂM SỨ NHỮNG KỶ LỤC ĐÁNG GHI NHỚ

Kể từ 3h00 sáng ngày 19 tháng 9 năm 2008 cho đến sáng nay ngày 20 tháng 9 năm 2008. Hơn một ngày trôi qua, đối với một con người thì thời gian đó không phải là dài, nhưng đối với TKS và Tòa Tổng giám mục Hà Nội thì đó là cả một khoảng thời gian đáng để chúng ta ghi nhớ. Bởi chúng ta đã được chứng kiến biết bao sự kiện xảy ra, và nhất là khu đất TKS với những điều xảy ra có thể coi đó là những kỷ lục.

ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN

Cái mà họ gọi là “Công viên cây xanh”

- Đây là một dự án có thể coi là được duyện nhanh nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, mặc dù không có tài trợ của nước ngoài hay nguồn vốn ODA gì đó… Không như những dự án mà nhà nước đang thực hiện, họ được gọi là những “dự án treo”. Bởi vì số tiền bỏ ra để xây dựng đã bị bọn họ chia nhau gần hết rồi thì lấy gì mà xây.

- Đây là một dự àn mà khi bắt đầu làm nó, không hề gặp phải sự phản ứng của người dân. Không như những dự án mà nhà nước đang thi hành, đều gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Bởi vì họ không đền bù thỏa đáng cho người dân, cướp đất của dân để làm. Còn dự án nơi TKS thì Tòa Tổng giám mục Hà Nội không được thông qua, người dân phường không biết, nhất là họ làm một cách vụng trộm bởi vì làm trên đất của người khác.

- Một dự án tập hợp nhiều lực lượng nhất từ trước đến nay kể cả người và súc vật ( Công an các loại và chó nghiệp vụ, hàng rào thép gai,…). Và cũng thật lực cười vì lần đầu tiên xây dựng công trình xã hội mà lại bắt chó nghiệp vụ đi làm nhiệm vụ.

- Một dự án mà những người tham gia đều nâng cao “tinh thần làm chủ”: làm từ 3h sáng, không nghỉ trưa và cũng không nghỉ đêm luôn. Bởi họ xác định rằng vừa làm vừa phải canh chừng, vì mình đang làm trên đất người khác mà.

- Và lần đầu tiên một công trình “do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo” lại được giao cho Công an Thành phồ Hà Nội thực hiện, chứ không phải là Bộ xây dựng như thường lệ. Công an thì chuyên về bảo đảm cuộc sống an ninh cho nhân dân, thế mà giờ lại còn đi làm bên xây dựng được nữa đấy, mà đứng đầu là tướng Nhanh – Giám đốc công an Hà Nội. Không khéo là sau vụ này tướng Nhanh lại được bầu làm Bộ trưởng Bộ xây dựng cũng nên, vì tài lãnh đạo kiểu ăn cướp của mình. Xin chúc mừng ông.

- Đây là công trình gây tranh cãi nhiều nhất. Bởi chính từ đây nó đã làm khơi nên nhiều điều. Nó bày ra đây một bộ mặt xào trá của chính quyên đương đại, một xã hội mà các tổ chức và con người không được tôn trọng. Một xã hội mà giờ đây đang gặp phải phản ứng quyết liệt của người dân trong cả nước và trên toàn Thế giới. Chỉ bởi một điều xã hội này đã không đi đúng sự thật, không tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Qua đây ta thấy được bộ mặt thật của chính quyền cầm quyền hiện nay. Tương lai không biết rồi Việt Nam sẽ đi về đâu và nhất là cuộc sống của người dân còn phải chịu những điều cay cực gì nữa đây?

Xin hiệp ý cầu nguyện cho công lý và hòa bình được ngự trị.
 
Lá thư một người ngoài Công giáo hướng về Tòa Khâm Sứ
Hoa Lan
00:25 20/09/2008
Lá thư của một người ngoài Công giáo hướng về Tòa Khâm Sứ

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Hà Nội
Kính thưa Cha Giám Tỉnh DCCT Việt Nam
Kính thưa toàn thể linh mục - giáo dân đang dấn thân cho công lý – hoà bình.

Sáng nay ở Thái Hà, nhiều sinh viên tới không biết để làm gì?!
Trước hết tôi cầu xin Thiên Chúa giữ gìn và mang đến sự bình an cho các Cha, các linh mục, các giáo dân, những người đang dấn thân cho quá trình đi tìm công lý đối với chính quyền Việt Nam hiện nay.

Tôi xin thưa thật với Quí cha, cùng anh chị em rằng, tôi vẫn còn là một người ngoại đạo, chưa được lãnh nhận ơn kêu gọi từ Thiên Chúa, chưa từng tham gia bất kỳ một sinh hoạt cộng đoàn của giáo hội. Tuy vậy, tôi vẫn luôn ngưỡng vọng những sinh hoạt tôn giáo và xã hội của cộng đồng Thiên Chúa Giáo. Vẫn tin tưởng vào sự chăn dắt sáng suốt của các cha trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt hàng ngày của người giáo dân Việt Nam.

Giáo hội Công Giáo nói chung – các giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Nội nói riêng, trong hơn 9 tháng ròng rã(tính từ sự kiện 18/12/2007 ở Toà Khâm Sứ), đã dấn thân vào vòng nguy hiểm để tìm công lý cho giáo hội nói chung và cho dân tộc Việt Nam nói riêng.

Hành động cao đẹp và dũng cảm đó càng trở nên cao thượng, khi những người tình nguyện đi vào vòng nguy hiểm lại không hề có mục đích tìm kiếm một lợi ích riêng tư, dù là nhỏ nhoi nhất. Những con người chỉ mong muốn phụng sự cho sự nghiệp chung của dân tộc, của đức tin mà họ phó thác. Điều đó càng khiến cho những kẻ ngoại đạo như chúng tôi khâm phục và mong muốn được dấng thân theo lời gọi của Thiên Chúa.

Hành trình cao thượng đẹp đẽ đó đến hôm nay, ngày 19/9/2008, đã có kết quả. Cho dù đó là một kết quả khiến người ta cảm thấy đau đớn đến lặng người. Sự sợ hãi và mất tự chủ của chính quyền Việt Nam trước sức mạnh công lý đã khiến họ sử dụng đến những giải pháp tệ hại mà một chính quyền hợp hiến - hợp pháp không bao giờ dùng đến. Họ đã trắng trợn phủ nhận tất cả mọi cam kết, hứa hẹn(kể cả với Vatican) và âm thầm thực hiện một loạt hành vi thật khó chấp nhận. Chính họ đã khai tử niềm tin vốn còn rất ít và mong manh của họ ra khỏi trái tim của người Việt Nam và cộng đồng Quốc tế.

Thưa các Cha cùng toàn thể anh chị em, hôm nay là một ngày thật dài, thật buồn đối với mọi người con nước Việt. Thú thật với các Cha và anh chị em, dù cũng rất bận rộn với công việc, nhưng ngày nay tôi không thể làm việc được. Có điều gì đó đang vỡ vụn trong lòng tôi. Thất vọng, lo lắng, phẩn nộ và rồi đến cuối ngày thì nghiệm ra rằng, đôi khi đó là dấu chỉ của niềm hy vọng.

Đây là một cuộc dấng thân với nhiều thách thức mà những người Kitô giáo không được phép thất bại. Nếu thất bại trong phép thử đòi hỏi công lý và hoà bình này, giáo hội công giáo và những người yêu chuộng công ý – hoà bình Việt Nam sẽ bị chụp cho chiếc mũ dơ bẩn là phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nó cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu cho công cuộc tìm công lý vốn đã rất khó khăn cho dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng, tự do và công lý không bao giờ có được một cách dễ dàng. Cũng như chúng tôi biết rằng, để cứu chuộc tội lỗi của thế gian mà Chúa Jesu phải chịu nhiều đau đớn, cuối cùng Người phải chịu chết trên thập tự giá đó thôi. Đôi khi cái kết cục bi hùng của một cá nhân – một công đồng nào đó, lại chính là dấu chỉ cho một sự chiến thắng, một sự mở đầu cho một tiến trình mới đầy nhiệm màu và tốt đẹp.

Chúng tôi biết rằng, trong tình hình hiện nay, trước những luận điệu xuyên tạc của các cơ quan truyền thông nhà nước, cũng như âm mưu của chính quyền. Giáo hội không thể kêu gọi sự hổ trợ từ bên ngoài giáo hội. Và thật sự đây chưa phải là lúc và có lẽ cũng chưa hẳn cần thiết. Nhưng đến một thời điểm hợp lý, không chỉ riêng những người công giáo,các tôn giáo, mà cả dân tộc Việt Nam, những người yêu chuộng công lý – hòa bình, sẽ tiếp sức để cùng nhau thổi bùng ngọn lửa mà các cha và giáo hội Công Giáo đã nhóm lên, để xua tan màn đêm giá buốt vẫn đang bao phủ khắp giang sơn này.

Tôi cũng tin rằng, những người Việt Nam chân chính đang đứng về phiá giáo hội, các Cha cùng toàn thể anh chị em. Ngày hôm nay, số lượng truy cập vào các website chuacuthe.com và vietcatholic.net tăng vọt trong từng phút (chuacuuthe.com: 12h50-1227403, 13h06-1228495, 13h17-1228495...14h03-1230353, 15h46-1234274, 20h47-1247918. vietcatholic.net:13h22- 25913394, 13h33-25915020, 14h05-25918412, 17h32-25941105, 20h47-259969495).

Chúng tôi cũng rất khâm phục sự kiên trì, bền bỉ và nhanh nhạy của các Cha và anh chị em trong việc cập nhật thông tin liên tục cho các website trên. Qua đó, chúng tôi được nắm rõ tình hình của các Cha và anh chị em ở Hà Nội.

Saigòn ngày 19/9/2008


Hôm nay, ngày 20/9/2008, tôi muốn viết thêm ít suy tư và chia sẻ nữa:

Tôi nhớ rằng, Cha Joseph William Tobin, đương kim Bề Trên Tổng quyền của Dòng Chúa Cứu Thế trên thế giới, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA về cách giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ của Toà thánh Vatican, cha vẫn đánh giá cao sự khôn ngoan trong ngoại giao của Toà thánh Vatican. Có lẽ khi đưa ra quan điểm trên, cha Joseph William Tobin không biết rằng chỉ 2 ngày sau đó, chính quyền Hà Nội đã ngang nhiên chà đạp lời dự báo của Cha. Vâng, đến giờ, tôi, một kẻ ngoại đạo vẫn luôn tin tưởng và thán phục chiến lược ngoại giao toàn cầu của Toà Thánh Vatican. Nhưng trong chừng mực nào đó, với những biến cố đang xảy ra, tôi lại cảm giác chiến lược ngoại giao của Vatican với Việt Nam vẫn rất khôn ngoan đó, nhưng có lẽ cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình Việt Nam. Nhất là trong cuộc chiến sống còn hiện nay giữa Giáo hội và Chính quyền Việt Nam, lúc giáo hội đang phải chịu oan ức và sự bức hại đến quá mức cần thiết.

Khi cuộc tranh chấp Toà khâm sứ đang tiến triển đến giai đoạn mà Chính quyền trung ương Việt Nam buộc phải quan tâm lo ngại, một văn bản (hay chính xác là một mệnh lệnh từ Tòa Thánh) đã trói tay Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và toàn thể giáo dân, gỡ cho chính quyền Việt Nam một bàn thua trông thấy. Tôi có cảm giác trong lời huấn thị của Đức TGM đến giáo dân của mình để thực hiện mệnh lệnh của Toà Thánh, vẫn có một chút gì đó khó khăn mà chỉ một vị tướng chỉ huy trên chiến trường mới cảm nhận được. Xót xa!

Những tưởng hành động ngoại giao thiện chí đó của Vatican sẽ giúp cuộc thương thuyết giữa Giáo hội và Chính quyền trở nên thiện chí hơn. Nhưng một lần nữa, những người tin vào cộng sản lại vỡ mộng. Nói một đường - làm một nẽo, là bản chất của cộng sản, đặc biệt là cộng sản Việt Nam. Ngay cả khi họ hứa hẹn với một Quốc gia đầy uy tín và quyền lực như Vatican.

Nói theo ngôn ngữ quân sự thì Hà Nội đã sử dụng binh pháp một cách thành công. Mưu chước khổ nhục kế để có được mệnh lệnh. ..đình chiến từ Vatican. Điều đó đã tạo cho Hà Nội có thêm thời gian cũng cố mọi phương diện cho trận chiến kế tiếp, trong khi phiá bên kia, những nhà tu hành đầy thiện chí vẫn luôn tin vào một giải pháp đàm phán. Họ đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước về vụ Toà Khâm Sứ, chấp nhận mở một trận tuyến phụ là Thái Hà cùng một vài sự kiện lẻ tẻ khác. Khi mọi sự chú ý vào Toà Khâm Sứ dần vơi đi, chính quyền liền mở lại mặt trận Tòa Khâm Sứ theo một phong cách hết sức quân sự, mang đầy màu sắc binh pháp và bản chất cộng sản. Bất chấp luân lý, đạo đức, tình nghĩa, luật pháp, uy tín. Mọi hành động của chính quyền nhằm chỉ đạt được mục tiêu mà họ muốn.

Những ai đánh giá thấp khả năng ra tay bất chấp luật lệ của Chính quyền với vụ Thái Hà hay những nơi khác trong những ngày sắp tới, có lẽ nên thay đổi quan điểm và hãy nhìn vào cách bày binh bố trận của họ. Đánh Toà Khâm Sứ đúng vào lúc vụ Thái Hà cũng lên đến cao điểm căng thẳng, họ giải quyết được hai mục tiêu cùng một lúc. Giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ, làm giảm sự chú ý đến Thái Hà. Một lần nữa, Thái Hà là bị đặt trong nước cờ nghi binh của chính quyền. Chính quyền đang trông chờ sự phân tâm của nguời Công giáo tại Thái Hà trong trận Tòa Khâm Sứ để mở trận tuyến này sau đó. Dẹp được hai mặt trận chính này, những nơi còn lại không còn là vấn đề quan trọng đối với họ.

Sự phân tâm này có đang diễn ra hay không? Là một người nhìn từ ngoài như tôi, cái nhìn nhận logic thì là có. Suốt ngày hôm nay (19/9/2008), những website chuyên đưa tin về Thái Hà như chuacuuthe.com hay vietcatholic.net hầu như không đưa một tin nào về Thái Hà mà dành toàn bộ cho sự kiện TKS. Vụ Thái Hà đã được giải quyết xong rồi chăng? Sao hoàn toàn im lắng chỉ sau một đêm thức dậy? Tôi nghĩ các Cha, những người đang lãnh đạo Giáo hội công giáo Việt Nam hoàn toàn sáng suốt và ý thức được vấn đề này.

Trước những nước cờ đầy thâm độc của chính quyền, rõ ràng họ đã xem Giáo hội công giáo Việt Nam, những người theo Công giáo là kẻ thù bên kia chiến tuyến mà họ cần thiết phải dùng mọi mưu chước binh pháp để dẹp tan. Những người Công Giáo cần phải có những hành động đáp trả hợp lý trong khả năng của mình. Có lẽ đây là lúc các giáo phận, giáo xứ cần thể hiện sự hiệp thông mạnh mẽ và thực chất nhất của mình với trách nhiệm là thành viên của giáo hội. Tất cả giáo dân phải thể hiện sự dâng hiến của mình với đức tin. Thể hiện bằng tất cả các phương tiện, mọi lúc, mọi nơi.

Tôi có niềm tin sắt đá rằng, những nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo Việt Nam hôm nay không bao giờ chọn giải pháp thỏa hiệp với chính quyền, bởi trí tuệ được soi sáng bằng đức tin của các Cha không có chổ để dành cho niềm tin tà mị. Tôi tin vào lời tuyên bố mạnh mẽ của Đức Cha TGM Hà Nội với chính quyền rằng: "chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi". Vâng, ù Đức Cha không có trong tay lực lượng vũ trang hùng mạnh, giáo dân cũng chẳng được trang bị vũ khí cho dù thô sơ nhất như gậy gộc, giáo mác! Khả năng mà Đức Cha có được là lòng người và đức tin. Tuy nhiên, đó là những vũ khí có sức huỷ diệt bao liệt mà không một thứ vũ khí chiến tranh nào có thể đối đầu được. Trận đánh này, tôi mong sao không có những mệnh lệnh đình chiến bất ngờ trói tay vị tướng dũng mảnh trên chiến trường như ông.

Tôi càng tin tưởng hơn ở các vị lãnh đạo giáo hội công giáo Việt Nam hiện nay về quan điểm không thỏa hiệp khi gần đây trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA, cha Giám tĩnh DCCT Việt Nam Phạm Trung Thành không tỏ ra mặn mà với giải pháp nếu Vatican lại can thiệp cho vụ Thái Hà để đi đến kết cục như vụ Toà Khâm Sứ.
Trong trận chiến khó khăn này, các Cha cùng với đàn chiên của mình phải dấn thân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo hội. Đồng thời cũng là cuộc đấu tranh cho công lý và hoà bình, quyền được sống của những người Việt Nam thấp cổ bé miệng trong gọng kiềm nghiệt ngã của cường quyền.

Rất mong mọi người bình tĩnh, sáng suốt, cảnh giác để tránh rơi vào mưu chước cám dỗ nhằm đi đến thỏa hiệp với những người cộng sản. Có lẽ đây là lúc xác quyết rõ ràng rằng, quyền lợi của những người cộng sản, đặc biệt là cộng sản Việt Nam không bao giờ có thể dung hòa với quyền lợi chính đáng của đức tin - công lý và hoà bình.
Cầu xin Thiên Chúa ban phước lành và sức mạnh đến các Cha và những người đang sát cánh cùng các Cha trong những giờ phút khó khăn này.

Chúng tôi luôn hướng về các Cha và giáo hội. Cầu xin Thiên Chúa ban sự bình an đến các Cha và anh chị em.

Sài Gòn, ngày 20/9/2009
 
Bụi mù làm ô nhiễm không khí Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
Jos Trần Tiến
00:48 20/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Trong khi cả nước đang xôn xao về chuyện Công ty Vedan (nhà máy đặt tại Tỉnh Đồng Nai) làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải và nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh suốt 10 năm qua. Còn nhà nước và các cơ quan liên quan đang lúng túng trong việc xử lý công ty này. Nguyên nhân là chính quyền các cấp quá yếu kém trong khâu quản lý.

Thì bây giờ đây lúc này là 10h00 ngày 20 tháng 9 năm 2008, chính quyền Hà Nội lại đang ngang nhiên làm ô nhiễm không khí tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, nơi đang có rất đông người đang tập trung tại đây để cầu nguyện. Bằng những máy móc khổng lồ, và những phương tiện phá rỡ chuyên dụng, họ đang cho phá rỡ khu vực tòa nhà 5 tầng bên Tòa khâm sứ mà không hề có một vật nào che chắn. Bụi bay sang khu vực Tòa Tổng giám mục làm mờ cả khoảng không, mọi người qua lại đều phải bịt mũi và che mặt.

Vậy Bộ tài nguyên và môi trường cùng các cấp chính quyền, hãy đến mà xem. sự việc này không cần phải điều tra vì nó đang diễn ra một cách trắng trợn ngay trước mắt mọi người.

Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho công lý và hòa bình được ngự trị
 
Diễn biến tại Tòa Khâm sứ cũ tại Hà nội hôm nay 20/9
Huấn Trần
01:23 20/09/2008
HÀ NỘI - Lúc 10h39 ngày 20/9/2008: Hiện giờ ccó đông đảo các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đang túc trực và cầu nguyện bên cạnh Tòa Khâm sứ cũ đang bị san bằng để xây dựng công viên công cộng. Cộng đoàn dân Chúa hiện diện tại đây với tâm tình cầu nguyện thiết tha trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau trong khi phía công an, cảnh sát cơ động thường xuyên có những hành vi gân hấn, kích động.

Hình ảnh Khu Tòa Khâm Sứ đang bị phá

Những đơn khiếu nại khẩn cấp, thông cáo chung của Tòa Tổng Giám Mục gửi chính quyền các cấp và anh chị em giáo dân, nhưng bản tin từ BBC, VietCatholic và của các hãng truyền thông quốc tế đưa tin về vụ việc này tiếp tục được đọc công khai và lớn tiếng tại khu đất Tòa Khâm sứ, đặc biệt, những bản văn này cũng được trịnh trọng công bố qua hệ thống âm thanh công suất lớn từ tiền sảnh nhà thờ Chính Tòa đã thu hút rất đông dân chúng dừng lại theo dõi và nhờ đó họ cũng hiểu được phần nào sự thật của vụ việc này. Các đơn khiếu nại khẩn cấp và thông cáo được đọc bằng các thứ tiếng khác nhau: Việt, Anh, Pháp…

Tại hiện trường, lực lượng công an, cảnh sát cơ động, nhân viên an ninh, chó nghiệp vụ cũng vẫn túc trực với số lượng đông và đầy ngạo mạn. Thỉnh thoảng, như để uy hiếp tinh thần dân Chúa đang cầu nguyện, công an lại dẫn chó nghiệp vụ ra dọa nạt. (Chuyện ngoài lề một chút: khi chúng tôi phát rộng rãi cho mọi người lá đơn khiếu nại khẩn cấp của Tòa Tổng Giám Mục, khi liệt kê các lực lượng tham gia bảo vệ hiện trường thi công, người soạn thảo không biết vì vô tình hay có ý gì đã liệt kê thế này:cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, nhân viên an ninh, dân phòng, chó nghiệp vụ đã tập trung…. Đấy, cảnh sát dân phòng được liệt kê ngang cùng với chó nghiệp vụ! Mọi người khi nghe hoặc đọc đều nhanh chóng nhận ra điều thú vị và đầy sắc sảo này, thế nên khi công an dẫn chó ra thì họ đều nhận được những cái nhìn đầy… cảm thông dành cho họ và những chú bốn chân đồng nghiệp thân thiện của họ).Những hàng rào thép gai B40 được gia cố chặt chẽ và dày đặc hơn, nhất là dọc theo tường ngăn cách với Tòa Tổng Giám Mục. Phía trong công trường phi pháp này, hàng trăm công nhân cùng với nhiều máy móc đang làm việc với một tiến độ rất cao. Dãy nhà ba tầng phía trong trước đây được dùng làm trung tâm thể dục thể thao giờ đã bị phá bình địa. Tòa nhà này được phá một cách vội vã và vô ý thức nên đã khiến khuôn viên Tòa Khâm sứ và nhất là Tòa Tổng Giám Mục bị bao phủ bởi một màn bụi, khói dày đặc. Các máy móc đang tiếp tục phá dỡ nốt những hạng mục còn lại tuy nhiên tòa nhà chính trước đây là Tòa Khâm sứ thì họ chưa đụng tới.

Điều mọi người quan tâm và luôn chú ý đó là tượng Mẹ Sầu bi cạnh tòa nhà. Đến sáng nay, công nhân đã đổ thêm khối lượng lớn đất đá xung quanh đó nên bức tượng dần bị che khuất. Bất cứ động thái nào chạm đến bức tượng linh thiêng đó đều có thể dẫn tới những chuyện khó lường bởi giáo dân “tức nước vỡ bờ”, khi Mẹ bị xúc phạm thì họ khó có thể ngồi yên mà nhìn.

Một diễn biến khác là buổi sáng nay có sự hiện diện của Đức Cha Nguyễn Văn Sang – Giáo phận Thái Bình. Chiều hôm qua, ngày 19.9.2008, Ngài đã gửi một bức thư để hiệp thông, ủng hộ và cùng cầu nguyện với giáo phận Hà nội và nói rõ vì lý do chân đau nhức nên không thể đến được. Sự hiện diện của ngài ở hiện trường làm cho cộng đoàn Dân Chúa xúc động mạnh mẽ, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến Ngài lê đôi chân đau nhức, chống gậy tới đây. Ngay khi ra tới trước cổng Tòa Tổng Giám Mục nơi giáo dân đang tụ họp, Đức Cha đã dành một ít phút thinh lặng cầu nguyện và cảm nhận không khí nơi đây.

Sau đó, Ngài đến phía công an và chính quyền đang đứng, bên kia bờ rào thép gai, từ bên bờ này, Ngài tuyên bố đến đây để cầu nguyện và nhất là được lời mời của thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – thứ trưởng bộ công an, đến đây để chứng kiến hiện trường, Ngài kêu gọi ai là người đang đứng đầu vụ này thì mau ra gặp Ngài và tháp tùng Ngài vào trong khu đất. Tuy nhiên, đến khi chính Đức Cha phải dùng điện thoại gọi cho thượng tướng Hưởng để yêu cầu xác nhận lại lời mời và chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường đưa Ngài vào khu đất thì công an và an ninh lại dẫn chó nghiệp vụ ra trước Ngài và dân Chúa như để khiêu khích, giáo dân rất bức xúc về sự xúc phạm này nhưng họ đã giữ được bình tĩnh.

Phải chờ rất lâu, một cán bộ từ trong đi ra yêu cầu công an mở hàng rào thép gai để Đức Cha vào, nhưng công an không cho phép. Chính nội bộ họ đã phải đôi co một hồi. Khoảng nửa giờ sau, một cán bộ đi từ phía giáo dân ra và đưa Đức Cha vào trong hiện trường khu đất bằng một lối khác, vòng ra phía bờ hồ mới đi vào. Điều này có lẽ là vì công an sợ giáo dân hùa theo Đức Cha vào thì họ sẽ khó kiểm soát tình hình. Sau khi đi thị sát một vòng quanh khu đất, Ngài chúc lành cho dân Chúa từ bên trong đó.

Được biết, từ 9h00 sáng nay, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cùng các linh mục và đại diện giáo dân đã đến làm việc chính thức với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội. Lúc này, Đức Tổng Giám Mục và quý cha vào làm việc còn một số đông giáo dân đang ngồi chờ bên ngoài khuôn viên UBND, lòng thầm thĩ cầu nguyện và phó thác nơi Chúa. Kết quả cuộc họp chúng tôi sẽ cập nhật trong bản tin tới đây.

Tiếng chuông nhà thờ Lớn vẫn đổ từng hồi dài vang vọng kêu mời mọi người cùng hiệp thông và cầu nguyện cho Tổng giáo phận trong thời gian cam go này. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện!
 
Thái Hà và Tòa Khâm Sứ vẫn tiếp tục nóng bỏng
Xuân Văn
01:57 20/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Hà nội sáng nay nóng hơn mọi ngày. Ánh mặt trời soi rọi gắt gao. Bầu khí tại Tòa Khâm Sứ và linh địa Đức Bà Thái Hà càng ngột ngạt hơn nữa. Những bụi bẩn từ những ngôi nhà vừa bị đánh sập bay qua Tòa Giám mục và phố Nhà Chung. Những rác thải của công ty May Chiến Thắng vẫn tiếp tục được tống ra trước linh đài Đức Mẹ Mân Côi phía Đông của linh địa Thái Hà.

Đang khi giáo dân vẫn tập trung đông trên lòng đường phố Nhà Chung cầu nguyện trong ôn hòa và khẩn thiết, thì những chiếc máy xúc vẫn vục mặt xuống, ngoạm những mảng trong khu đất Tòa Khâm Sứ.

Lực lượng cảnh sát vẫn tiếp tục hằm hằm sát khí truy đuổi những người quay phim chụp hình. Lực lượng cảnh sát cơ động vẫn nghiêm nhặt canh chừng cho những chiếc xe ủi, xe xúc hoạt động. Hơn nữa rất nhiều cảnh sát cơ động và nhân viên an ninh vẫn tiếp tục canh chừng những người đang cầu nguyện ôn hòa trước cổng Tòa Giám mục và trên phố Nhà Chung.

Một lực lượng cảnh sát khác đang phong tỏa các con đường dẫn đến Ủy ban nhân dân thành phố vì có rất đông linh mục, chủng sinh, nữ tu và một số giáo dân đang đứng trước cổng Ủy Ban nhân dân thành phố. Họ đã đi theo Đức Tổng ra đấy từ sáng. Không được vào trong UBND, thì họ đứng ngoài cầu nguyện âm thầm cho Đức Tổng đang làm việc với chính quyền ở bên trong.

Trở lại Thái Hà lúc 9h45, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến lượng khách hành hương vẫn đông đảo không sao đếm được. Trong nhà thờ đang có lễ. Giáo dân đứng vòng trong vòng ngoài.

Ở ngoài linh địa giáo dân cũng tập trung cầu nguyện rất đông trước tượng Đức Mẹ Ban Ơn và Đức Mẹ Mân Côi. Hai đầu đường dẫn vào linh địa, lực lượng công an vẫn kiểm soát nghiêm nhặt. Thêm vào đó, lực lượng mặc áo xanh không biết ở đâu kéo đến cũng khá đông. Họ mặc áo với dòng chữ “đoàn viên thanh niên cộng sản”, nhưng mặt mũi người nào người nấy không được vui vẻ lắm. Mấy khách hành hương nói nhỏ với nhau: “Mấy đứa này lại được sai đến để quấy rầy chúng ta cầu nguyện đấy mà”.

Những người tham dự lễ lúc 9h bây giờ bảo nhau lên Tòa Khâm Sứ cầu nguyện. Ấy vậy lúc này 12h một thánh lễ nữa lại được tổ chức tại nhà thờ Thái Hà. Giáo dân vẫn phải đứng vòng trong vòng ngoài. Họ lên cả trên hai tầng lầu của Tu viện để tham dự lễ cho đỡ nắng.

Đoạn đường từ nhà thờ đến đền thánh Giêrađô, xe ôtô đỗ không còn chỗ nào trống. Cổng từ nhà thờ ra linh địa lúc nào cũng bị nghẽn lối vì lượng người ra vào qúa đông.

Không biết Thái Hà và Tòa Khâm Sứ chiều nay và ngay mai lấy chỗ đâu cho giáo dân đang từ các tỉnh kéo về. Nghe nói, ngày mai các nhà thờ ở trong giáo phận chưa chắc có lễ vì các cha xứ đều trở về Tòa Giám mục.
 
Chính quyền điạ phường đòi gặp và làm việc với chủ hộ khẩu Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội
Huấn Trần
02:48 20/09/2008
TÒA TGM HÀ NỘI - Trưa ngày hôm nay, 20.9.2008, một đoàn gồm 8 người do ông Chủ tịch phường Hàng Trống – quận Hoàn kiếm đã vào Tòa Tổng Giám mục để yêu cầu gặp Thầy Laurenxo Trần Văn Trác. Từ nhiều năm nay, Thầy Trác là người đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu của Tòa Tổng Giám mục.

Trong cuộc gặp này, ông chủ tịch và đại diện các đoàn thể, tổ chức của phường theo chỉ thị của quận đã trao đổi với thầy Trác về những vấn đề nổi cộm hiện nay ở khu vực Tòa Khâm sứ cũ. Theo đó, ông chủ tịch cho biết chiều hôm qua, ngày 19/9/2008 quận đã chỉ đạo để xây dựng vườn hoa công viên tại khu vực 42 Nhà Chung nhưng Tòa Tổng Giáo Mục đã kêu gọi giáo dân tập trung đông đảo, hơn nữa lại còn dùng loa công suất lớn hỗ trợ, đọc kinh, hát thánh ca gây mất trật tự an ninh tại khu vực khiến dư luận không đồng tình. Quận đã chỉ thị cho phường lập một đoàn để vào làm việc và kiến nghị để tòa Tổng Giám Mục dừng ngay những điều trên. Tuy nhiên đến hôm nay, sự việc vẫn tiếp diễn, vì vậy, hôm nay phường lại tiếp tục nhận chỉ thị của quận đến đây để làm việc riêng với ông Trác với tư cách là chủ hộ khẩu và đề nghị ông chỉ đạo để chấm dứt những hành động trên.

Đáp lời, thầy Trác đã nhẹ nhàng phân tích cho ông chủ tịch và mọi người hiểu thế nào là các cấp bậc và vai trò trong cơ cấu Giáo hội, rằng, tuy là chủ hộ, nhưng đó chỉ là về hành chính, còn quan trọng nhất phải theo đó là cơ cấu, cấp bậc trong Giáo hội mà ở đây Đức Tổng Giám Mục là người đứng đầu.

Tất cả những hành động tập trung đông người và cầu nguyện ôn hòa đều cho thấy tinh thần và sự nhiệt thành của giáo dân. Nếu như chính quyền biết tôn trọng công lý và hành động theo sự thật thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì căng thẳng xảy ra như vậy.

Kết thúc buổi làm việc, ông Chủ tịch và thầy Trác ký vào biên bản làm việc. Ông chủ tịch cũng cho biết sẽ thường xuyên có những cuộc làm việc giữa chính quyền địa phương với tòa TGM để yêu cầu sớm can thiệp giải tán tụ tập đông người.
 
Tôi đang sống trong thời đại nào đây?
Gioan Lê Quang Vinh
02:53 20/09/2008
TÔI ĐANG SỐNG THỜI ĐẠI NÀO ĐÂY?

1. Tôi sững sờ nhìn tờ lịch treo tường. Năm 2008. Thế kỷ 21 ư? Thiên niên kỷ thứ ba ư? Làm sao tôi tin được? TV ra đời đã tám mươi mấy năm rồi sao? Máy tính ra đời đã năm mươi mấy năm rồi sao? Loài người văn minh tiến bộ rồi sao? Năm 2008.

Vậy mà có chuyện hành xử như thế ngay giữa thủ đô của một nước mà khẩu hiệu giăng đầy như bảng hiệu giao thông: “Thực hiện nếp sống văn minh”, “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Người ta dùng dùi cui đánh túi bụi vào những cụ già, xịt hơi cay vào phụ nữ và trẻ em. Người ta kéo những binh đoàn cùng với vũ khí, xe ủi, chó dữ để tấn công những nhà tu hành và giáo dân, mà vũ khí của các ngài là lòng nhiệt thành với công lý và sự thật. Người ta dùng các phương tiện truyền thông để đề cao sự giả trá và đảo điên.

Không, tôi không tin đây là thế kỷ 21. Có phải ta đã lui về thời đại hồng hoang? Không phải. Nói như thế thì lại xúc phạm đến người tiền sử. Họ không có điện, không có TV, không có vũ khí tối tân, nhưng họ có tâm hồn trung trực và trọng đại nghĩa.

2. Tôi sững sờ nhìn tờ lịch treo tường. Tháng 9. Tháng 9 TV chiếu những cảnh lịch sử của nhà nước VN XHCN. Trên TV, người dân đang cười cười nói nói. Tháng 9, trên những tờ báo giữa thủ đô và giữa thành phố Sàigòn, người ta hùng hổ chửi bới và nói dối. Vẫn biết đa số phóng viên báo chí không hiểu gì về tôn giáo và các vấn đề của lương tri. Vẫn biết phóng viên viết để ăn lương. Nhưng người ta làm cho độc giả có cảm giác bị lừa lọc và bị khinh thường. Họ tưởng độc giả chỉ đọc báo VN, tin vào phóng viên báo chí VN. Chuyện ấy của những năm đầu thế kỷ đã qua lâu rồi. Giữa hai tờ báo, một là báo in của nhà nước và một là báo điện tử của người Công giáo, tôi biết chắc là người đọc sẽ tin vào báo điện tử Công giáo. Tháng 9, hơi cay bay mịt mù. Tháng 9, tiếng loa sỗ sàng và “văn minh mới” chĩa vào những nơi mà lương tri con người bảo đừng nên xúc phạm, để chửi bới, lừa lọc và nịnh bợ. Ôi tháng 9 của Việt Nam đây sao?

3. Tôi sững sờ khi đọc tin trên chuacuuthe.com và VietCatholic.net. Các cha của tôi, các thầy của tôi và anh em của tôi trong Đức Kitô. Các ngài quả là chứng nhân anh dũng cho một niềm tin vào Đấng đã bị bắt bớ, bị sỉ nhục và bị lên án như các ngài. Không phải lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại, các cơ sở Công giáo bị chiếm cứ, bị tịch thu và hàng giáo sĩ bị bắt bớ. Nhưng đây là lần đầu tiên người ta phải dùng đến tất cả phương tiện tối tân để tấn công những con người thánh thiện và liêm chính. Chúa là Thiên Chúa công minh, luôn bênh đỡ người yếu sức, chắc chắn sẽ không dung tha cho thái độ ngạo mạn và hành vi tàn nhẫn này.

4. Chúa dạy con yêu thương, Chúa dạy con quên mình. Tình yêu Chúa chiếu toả muôn nơi. Và Chúa muốn con yêu thương, vì “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Nhưng Chúa ơi, hôm nay đọc những thông tin dồn dập về Thái hà, con buồn và cảm thấy căm ghét nhiều người. Chúa dạy con đừng ghét ai, nhưng Chúa cũng dạy con không thể thoả hiệp với gian trá bất minh. Làm sao con có thể yêu thương những kẻ cố chấp và không muốn phục thiện? Xin Chúa uốn lòng họ, để họ hành xử có tính người, trước khi Chúa mời gọi họ trở về tin nhận Chúa là Chúa của chân lý và công lý.
 
Thư Hiệp Thông của Tòa Giám Mục Thanh Hóa
+ ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh
07:11 20/09/2008
 
Thư Hiệp Thông của Tòa Giám Mục Hải Phòng
+ ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên
07:13 20/09/2008
 
Thư Hiệp Thông của Tòa Giám Mục Thái Bình
+ ĐGM Phanxicô Nguyễn Văn Sang
07:15 20/09/2008
 
Thư Hiệp Thông của Tòa Giám Mục Vinh
+ ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
07:42 20/09/2008
 
42 Phố Nhà Chung
Hoàng Quang
09:37 20/09/2008
42 PHỐ NHÀ CHUNG

Vâng, thế đấy, đó là một địa chỉ !
Được công nhận và chấp nhận,
Có thể từ khi,
Cái hiến pháp (hoặc ) luật pháp gì đó
Của Việt minh cướp chính quyền
CHƯA RA ĐỜI !!!

Lạy Chúa tôi !
Con biết và con tin,
Chúa của chúng con và toàn thế giới
Có thể nhẫn nhục im lặng,
Trước cái “tát” rất mất dạy của bạo quyền !

Nhưng chúng con thì: KHÔNG ! “
Bởi chúng nó không ở thời kỳ PHILATO
Philato rửa tay đòi “trốn tội” !!!
Con “đố” bọn việt cộng xóa tội lỗi với dân tộc Việt Nam ?!!!

Vâng, thế đấy, thưa chân lý và công lý TOÀN CẦU
WTO và các groups đầu tư
Chính quyền và luật pháp
Của Đảng CSVN có gì bảo đảm ?!!?

` (20-9-08 )
ĐểnhớngàybạoquyềnCSVNkhởiđộng
 
VN bác bỏ tin ký giả AP bị hành hung vì đưa tin vụ Tòa Khâm Sứ
BBC
09:48 20/09/2008
Phản ứng về vụ phóng viên AP

Việt Nam quả quyết không có việc hành hung phóng viên AP Ben Stocking trong khi Hoa Kỳ gửi công hàm phản đối.

Chính phủ Việt Nam vừa lên tiếng về việc hãng thông tấn Associated Press (Mỹ) nói phóng viên của họ bị hành hung khi tác nghiệp tại Nhà Chung.

AP cho biết giả Ben Stocking, trưởng đại diện của họ tại Hà Nội đã bị ‘đấm, bóp cổ và đập vào đầu’ khi đưa tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân ở khu vực Tòa Khâm sứ cũ, nơi mà giới chức hiện đang cải tạo thành công viên.

Hãng này cũng nói máy ảnh của ông Stocking, 49 tuổi, đã bị tịch thu và hiện chưa được hoàn trả.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã bác bỏ việc phóng viên AP bị đánh và nói điều ông gọi là phóng viên Ben Stocking của AP đã vi phạm pháp luật.

Website Bộ Ngoại Giao Việt Nam trong thông cáo báo chí trích lời ông Dũng nói: "Theo thông tin chúng tôi nhận được, sáng ngày 19/9/2008, phóng viên Ben Stocking đã vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có biển cấm".

"Những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đã nhắc nhở nhưng ông Ben Stocking cố tình không tuân thủ".

Ông Dũng nói thêm rằng "Hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking".

Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Sean McCormack nói các quan chức Mỹ đã gửi công hàm phản đối về vụ này tới chính phủ Việt Nam.

Ông McCormack cũng nói rằng Hoa Kỳ luôn giữ lập trường rõ ràng là "ủng hộ tự do tôn giáo và quyền của người dân được tự do thờ tự, cho dù họ theo tôn giáo nào, cho dù họ ở đâu: Việt Nam hay nơi nào khác trên thế giới."

Các tổ chức quốc tế Phóng viên Không Biên giới và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đều đã lên án vụ nhằm vào phóng viên AP.

Báo chí im lặng

Một ngày sau sự kiện có sự tham gia của hàng ngàn người ngay trung tâm Hà Nội, báo chí và truyền thông Việt Nam gần như im lặng về vụ Nhà Chung.

Ngoại trừ tờ Hà Nội Mới có bài nói về dự án công viên cây xanh 'phục vụ cộng đồng', các báo khác không thấy đề cập tới những gì xảy ra tại Tòa Khâm sứ cũ.

Tuy nhiên thông tin về sự kiện này được loan tải rộng rãi trên mạng internet và các blog cá nhân.

Đoạn video dài hai phút quay cảnh Ben Stocking bị hai người dẫn đi được post lên YouTube đã thu hút hàng chục ngàn lượt người vào xem.

Tuy nhiên trong đoạn này, không thấy cảnh công an "đập máy ảnh vào đầu" ông Stocking, điều mà ông nói đã xảy ra tại đồn công an khi ông muốn lấy lại máy ảnh.

Phóng viên AP đã bị giam hai tiếng rưỡi đồng hồ và bị khâu bốn mũi trên đầu.

AP, một trong các hãng thông tấn hàng đầu thế giới, đã yêu cầu phía Việt Nam xin lỗi và hoàn trả tài sản của phóng viên.

Ông Stocking nói với văn phòng của hãng tại Bangkok qua điện thoại rằng ông bị công an ngăn vì ở nơi cấm chụp hình nhưng 'vì đây là tin nóng nên tôi vẫn vào'.
 
Đảng lừa (thơ)
Thái Hà
23:22 20/09/2008
Giáo dân chớ oán than trách giận
Đảng vốn quen lật lọng từ lâu
Gian manh, được xếp hàng đầu
Nổi danh mặt ngựa đầu trâu: đảng lừa!

Sao cứ mãi như chưa hiểu đảng
Để cầu danh đảng bán giang san,
“Cải cách ruộng đất”, máu tràn
Cha mẹ cũng tố, họ hàng chẳng dung

Nói chi đến người dân cơ chứ!
Sẳn quyền uy tráo trở hoành hành
Chiêu bài “lợi ích nhân dân”
Chỉ là lừa bịp thành phần ngây thơ

Đấy! Chàng phóng viên AP nọ
Bị hành hung máu đổ tét đầu
Chối phăng: Nào có đánh đâu!
Tưởng rằng thế giới cũng ngu như mình!

Vì quen thói đảng đe dân nín
Nên lần nầy cũng vụng tính toan
Chưa đánh đảng đỏ như son
Đánh rồi biết đảng có vàng như phân

Nghĩ thương quá gian san gấm vóc
Nằm trong tay lũ ngốc, ác, tham
Trong nước hống hách bạo tàn
Ra ngoài như lũ cái bang … cúi đầu!












 
Mới 8 giờ sáng ngày 21/9 mà Tòa Khâm Sứ đã tràn nhập đoàn con Giáo phận Hà nội kéo về
Trần Tiến
23:36 20/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Bây giờ là khoảng là 8h40 sáng ngày 21 tháng 9 năm 2008, chúng tôi đã thấy dòng người từ khắp nơi đang tuốn về TKS rất đông, từ các hạt Nam Định, Hà Nam và Hà Tây. Nhưng theo như một số giáo dân vừa đến nơi cho biết thì tại Hà Tây và Hà Nam, cảnh sát đã ngăn chặn rất nhiều đoàn xe của bà con giáo dân. Một điều hết sức buồn khi bà con giáo dân muốn về tham dự Thánh lễ kính Đức Mẹ sầu bi và cầu nguyện nhưng cũng bị ngăn chặn.

Các linh mục trong Giáo phận đã về đông đủ và chúng tôi cũng thấy Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân- giám mục Giáo phận Lạng Sơn đã có mặt và đến thắp hương kính Đức Mẹ.

Các cơ quan chính quyền đã dự đoán được là hôm nay Giáo phận sẽ dâng lễ kính Đức Mẹ sầu bi, đồng thời bức xúc với những hành động vô nhân đạo của chính quyền nên bà con sẽ kéo về rất đông, vì vậy mà lực lượng an ninh, chó nghiệp vụ cũng được huy động đông hơn qua nay và sẵn sàng dùng vũ lực bất cứ lúc nào.

Và lúc này thì tiếng chuông nhà thờ Lớn vẫn ngân vang, như kêu gọi mọi thành phần dân Chúa cùng đoàn tụ về nơi đây để cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria ban xuống cho Giáo phận ơn bình an và hòa bình.







 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trẻ Không Nhà
Sen K.
00:07 20/09/2008

TRẺ KHÔNG NHÀ



Ảnh của Sen K. – ( Hình chụp tại Philippines)

“Hãy rộng lượng với người nghèo hèn,

đừng chần chừ khi phải bố thí.”

(Trích Huấn ca 29,8)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền