Ngày 19-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nghe như Giêsu nghe
Lm. Minh Anh
01:36 19/09/2020
NGHE NHƯ GIÊSU NGHE

Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một lần nữa, chúng ta thấy sự linh động trong cách thức sư phạm của Chúa Giêsu. Thông thường, Ngài kể một dụ ngôn, dẫn tới một kết luận, áp dụng một bài học; nhưng hôm nay thì không. Với dụ ngôn người gieo giống, Ngài nói đến bốn loại đất, biểu trưng cho bốn thái độ đón nhận Lời; để rồi, bất ngờ kết thúc bằng một câu rất tối nghĩa và khá mù mờ, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Dụ ngôn người gieo giống, cách nào đó, là ‘mẹ’ của tất cả các dụ ngôn, bởi lẽ, nó nói đến việc lắng nghe Lời. Dụ ngôn muốn nói, Lời Chúa là một hạt giống tự nó sinh hoa kết quả; và Thiên Chúa vãi gieo Lời khắp nơi, Người không ngại phải tiếng là ‘quá hào hiệp’ và lãng phí, dù Người biết, chỉ một số ít hạt rơi ‘nhầm’ đất tốt. Tấm lòng của Thiên Chúa là thế đó! Mảnh đất là tâm hồn mỗi người, trên đó, hạt giống Lời gieo xuống; không ai bị loại trừ. Như thế, Lời đã hiện diện trong trái tim mỗi người, nhưng kết quả hay không là tùy mỗi người; nó tuỳ thuộc vào vòng tay đón nhận mà chúng ta dành cho ‘hạt Lời’.

Tai để nghe, tại sao lại hãy nghe? ‘Đôi tai’ Chúa Giêsu nói ở đây mang nhiều ý nghĩa hơn đôi tai thể lý. Ngài đang nói đến đôi tai nội tâm, đôi tai linh hồn; qua đó, chúng ta có thể nghe, hiểu, chấp nhận và lựa chọn thánh ý Ngài. Vấn đề là liệu chúng ta có lắng nghe và sẵn sàng để Lời thẩm thấu không? Vì chỉ khi chăm chú vào Lời, chúng ta mới có thể nắm bắt được thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói, Lời chỉ được nghe cách thấu đáo, hiểu cách tường tận, rọi chiếu cách sâu sắc… với một điều kiện, Lời phải được sống. Để được như thế, chúng ta phải học cách nghe như Chúa Giêsu nghe, Ngài không chỉ nghe bằng tai; nhưng còn nghe bằng mắt, nghe bằng tim.

Trong thư Côrintô hôm nay, Thánh Phaolô cũng nói đến việc gieo xuống, mọc lên, “Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ; gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang”. Cũng thế, Lời gieo xuống mảnh đất tâm hồn chúng ta phải được đâm rễ, vun xới và tưới tắm; nhờ đó, Lời mọc lên và sinh hoa trái. Phaolô cũng dùng hình ảnh một Adam cũ và một Adam mới để nói đến việc biến đổi, “Ađam cũ là người có sự sống, Ađam mới thì có thần trí ban sự sống”; Chúa Giêsu là Adam mới và ai nghe như Ngài nghe, nghe bằng tim, nghe bằng lòng thương xót… người ấy mới làm cho Lời mọc lên, họ cũng sẽ trở nên một Adam mới như Ngài; họ sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh, dân mới của Thiên Chúa, một cộng đoàn phục sinh như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Thiên Chúa, con sẽ bước đi trước mặt Ngài; trong ánh sáng dành cho kẻ sống”.

Trong thời đại chúng ta, chưa bao giờ việc lắng nghe gặp khó khăn đến thế; trong thực tế, nhiều người phải vật lộn với việc để có thể lắng nghe thực sự, lắng nghe đúng nghĩa. Mọi người có thể nghe, nhưng lại không thực sự lắng nghe; lắng nghe rất khác với nghe; có người thì luôn lắng nghe, nhưng phải rất lâu mới hiểu. Bởi lẽ, người ta thường có nhiều việc phải làm, nhiều nơi phải đi và nhiều điều khác vốn đã thâu tóm hết sự chú ý của họ. Kết quả là, thật khó khăn cho nhiều người trong việc tiếp nhận Lời vào lòng, nơi mà Lời Chúa có thể lớn lên. Vì thế, sẽ không lạ khi nhiều lúc, cư xử của người Kitô hữu lại kém xa cách sống của người không biết Chúa.

Một cụ già đến gõ cửa xin bố thí tại văn phòng của một ông nhà giàu có đạo. Chủ nhân bấm chuông gọi người thư ký mà bảo, “Anh có thấy lão khốn cùng bất hạnh kia không? Coi kìa, giày lão rách lòi cả ngón chân, quần thì thủng, áo thì sờn. Tôi dám chắc là lão chẳng cạo râu, chẳng tắm rửa, cũng chẳng có một bữa ăn tử tế từ nhiều ngày... Thật đau lòng khi nhìn thấy những con người thảm hại như thế… vậy, tống cổ lão cho khuất mắt tôi, nhanh lên!”.

Anh Chị em,

Mỗi ngày chúng ta nghe Lời Chúa nhưng chưa chắc đã thực sự lắng nghe. Ma quỷ có thể đến và cướp lấy Lời bằng cách khiến chúng ta bận rộn đến mức mất tập trung để đắm chìm vào Lời; hoặc nó có thể khiến chúng ta vui thích mà cho phép những tiếng ồn ào liên tục của thế giới bên ngoài đi vào nội tâm, quấy nhiễu linh hồn; từ đó, phát ra những tiếng ngược lại với Lời trước khi Lời thẩm thấu vào lòng. Vì thế, trường hợp nào đi nữa, để có thể lắng nghe và thấu hiểu Lời, chúng ta phải biết nghe như Chúa Giêsu nghe; Ngài nghe bằng mắt, nghe bằng tim, nghe bằng lòng thương xót. Cùng lúc, nhờ lửa Thánh Thần và ân sủng của Ngài, chúng ta ra sức dọn “đá”, dọn “gai” khỏi mảnh đất tâm hồn mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin cho con biết nghe như Chúa nghe; đừng để lòng con nên cằn cỗi, khiến Lời Chúa chết nghẹt. Cho tâm hồn con nên mảnh đất lành để vườn lòng con đầy những hoa thơm, trái tốt… những hoa trái Thiên Chúa chờ, anh em mong”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:21 19/09/2020

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16

Mầu nhiệm Thiên Chúa vốn là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu đối với lý trí của con người, nếu không có mạc khải, chúng ta không thể nào biết được bản tính sâu xa của Thiên Chúa. Liên quan đến vấn đề này, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày với chúng ta chủ đề: “Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác – Dieu est Total Autre.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu chủ đề này qua những điểm sau đây: 1) Thiên Chúa hoàn toàn khác về hữu thể; 2) Thiên Chúa khác về tư tưởng và đường lối; 3) Lời mời gọi sống theo cách hành xử của Thiên Chúa.

1- Khác biệt về hữu thể

Theo mạc khải của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt chúng ta về hữu thể. Theo Bổn Lẽ Cần dạy, “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy, vô chung, thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi.” Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, Đấng luôn luôn mới mẻ, Đấng siêu việt, vượt trên mọi sự và mọi loài.

Hữu thể của Thiên Chúa khác biệt với hữu thể của các loài thụ tạo. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất nên một, nhưng vẫn là ba. Đó là điều mà đầu óc con người không thể thấu hiểu. Thiên Chúa vẫn mãi mãi ở trong huyền nhiệm của Người. Nên các Giáo Phụ cho rằng: “Bản chất của Thiên Chúa không thể diễn tả.” Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), mà tình yêu bao giờ cũng huyền nhiệm, bao giờ cũng tuyệt vời và siêu việt hơn mọi so đo tính toán của con người.

Chỉ nhờ mạc khải và ở trong huyền nhiệm tình yêu, chúng ta hiểu được điều gì đó về bản thể của Thiên Chúa và sự khác biệt nơi Người.

2- Khác biệt về tư tưởng và cách hành xử

Bản chất của Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt, nên tư tưởng và cách hành xử của Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác biệt so với con người. Điều này được diễn tả trong bài đọc I: “Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,8-9). Quả thế, tư tưởng của Thiên Chúa khác biệt với tư tưởng của loài người. Bởi vì, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, hiểu biết mọi loài, nên Người nhìn xa trông rộng. Trong khi đó, con người là thụ tạo, nên tư tưởng con người luôn có giới hạn và hẹp hòi.

Thiên Chúa không chỉ khác về tư tưởng, nhưng còn khác về đường lối và cách hành xử của loài người. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng về cách hành xử của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi so đo tính toán của loài người. Thiên Chúa có tiêu chuẩn và logic riêng, không theo tiêu chuẩn con người.

Thông thường, ai làm nhiều sẽ hưởng lương nhiều, ai làm ít sẽ hưởng lương ít. Trong dụ ngôn này, ông chủ không hành xử theo logic đó. Ông trả cho người thợ làm việc từ giờ thứ ba (từ sáng sớm) một đồng và người thợ làm việc từ giờ thứ 11 cũng lãnh một đồng. Xem ra có vẻ bất công, vô lý và mâu thuẫn với lập luận con người. Đây là một dụ ngôn để diễn tả cách hành xử rất khác biệt của Thiên Chúa. Theo cách hành xử này, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói một cách dí dỏm rằng: “Chúa Giêsu không biết làm toán, không biết làm kinh tế.” Đó là một cách nói diễn tả Thiên Chúa không có tính toán theo cách thức của con người, nhưng theo cách thức của tình yêu.

Trong Tin Mừng, chúng ta còn có nhiều chứng tá về sự khác biệt của Thiên Chúa qua các dụ ngôn của Đức Giêsu như người chăn chiên có 100 con chiên, ông bỏ 99 con để đi tìm 1 con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Dụ ngôn về một người đàn bà có 10 nén bạc, nhưng mất một nén, sau khi tìm được nén bạc đã mất, bà vui mừng mở tiệc mừng (x. Lc 15,8-10). Hay như dụ ngôn người cha nhân hậu có hai người con, đứa con thứ bỏ nhà ra đi hoang đàng, nhưng sau đó nó trở về, người cha không nhớ gì hết ngoài niềm vui vì được gặp lại người con thứ... (Lc 15,11-32).

Tất cả những dụ ngôn này muốn nói đến cách thức, niềm vui và lối hành xử của Thiên Chúa khác biệt với con người. Bởi vì Thiên Chúa hành động theo tiêu chuẩn và logic của tình yêu.

3- Hé mở một con đường

Như vậy, qua cách hành xử đó, Thiên Chúa hé mở cho chúng ta một chân trời mới, một hy vọng mới:

Điều thứ nhất, ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Bất kỳ lúc nào, dù vào giờ cuối cùng, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta đến để làm vườn nho cho Chúa, để được cứu độ. Thiên Chúa ban ân sủng một cách rộng rãi, phong phú và nhưng không cho chúng ta.

Điều thứ hai, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối lý luận hẹp hòi, toan tính của loài người, để can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa, đó là logic của tình yêu.

Điều cuối cùng là chúng ta xin cho có được tầm nhìn của Thiên Chúa và hành xử giống Thiên Chúa, hành xử theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, tiêu chuẩn của tình yêu hơn là tính toán hẹp hòi. Chúng ta không chỉ sống theo sự công bằng, nhưng còn phải theo bác ái và quảng đại tương quan với tha nhân. Theo cách đó, chúng ta sẽ được nên giống Đức Kitô và sống theo đường lối của Thiên Chúa trong đời sống mình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/



 
Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:22 19/09/2020
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16

Thông thường theo sự công bằng, ai làm nhiều thì hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng lương ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay không theo tiêu chuẩn như thế.

1- Dụ ngôn ông chủ quảng đại

Ông chủ hành xử theo cách thức khác vượt trên sự công bằng đó. Dụ ngôn kể từ sáng sớm ông đã ra thuê thợ làm vườn nho cho mình. Ông đã thỏa thuận với họ là sẽ trả cho họ mỗi ngày một đồng. Nhưng khi đi ra ngoài, lúc giờ thứ ba (9 giờ sáng), thấy những người ở ngoài không làm gì, ông mời họ vào làm, đến giờ thứ sáu (12 giờ trưa) rồi giờ thứ chín (3 giờ chiều), và cả đến giờ thứ mười một (5 giờ chiều), ông cũng làm như thế. Chiều đến, ông gọi thợ lại mà trả tiền công cho họ, ông trả cho người thợ làm từ sáng sớm đúng một đồng như đã thỏa thuận và cho người làm giờ cuối cùng cũng một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Nên những người làm nhiều giờ đã cằn nhằn và trách móc ông chủ. Nhưng xét cho cùng ông đã không có lỗi gì đến sự công bằng đối với họ, ở đây ông đã hành xử vượt trên sự công bằng, theo lòng quảng đại đối với những người làm sau (x. Mt 20,1-16a).

Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ rằng những người thợ đầu tiên được mời gọi bởi Thiên Chúa là những người Luật Sỹ, Biệt Phái và nói chung là tất cả những người Do Thái như là dân tộc được chọn và được thừa hưởng lời hứa từ các tổ phụ. Họ cho rằng chỉ có họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ. Trái lại, những người thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng là những người tội lỗi và dân ngoại mà Chúa Giêsu đến để tìm kiếm họ và mời gọi họ vào đón nhận ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

2- Lòng quảng đại vượt trên sự công bình

Qua đó, Chúa Giêsu muốn chống một thứ tôn giáo và luân lý chỉ dựa trên công trạng của mình. Theo đó, những người Biệt Phái và Luật Sỹ đã loại bỏ khả năng được hưởng ơn cứu độ những người nghèo, người bị bỏ rơi và người tội lỗi. Đồng thời Chúa Giêsu loan báo sứ điệp mới mẻ rằng ơn cứu độ chủ yếu dựa trên sự nhưng không, lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa. Người đặc biệt ám chỉ ông chủ vườn nho đó chính là Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên! Cách hành xử của ông chủ chính là cách hành xử của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động và phân xử hoàn toàn khác với những so đo tính toán của con người. Như bài đọc I diễn tả: “Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,8-9).

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?

Trước hết, dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa hành xử với chúng ta không chỉ dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu, lòng quảng đại và thương xót. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng quảng đại.

Dụ ngôn còn muốn nhấn mạnh rằng: Nước Trời, ơn cứu độ không phải chủ yếu là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa muốn ban cho tất cả mọi người không có loại trừ ai, kể cả những người đến giờ chót, miễn là họ mở lòng đón nhận, miễn là họ biết lắng nghe lời mời và cộng tác với Thiên Chúa.

3- Sự “vô lý” của Thiên Chúa cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẻ ngược đời, vô lý và khác với lý luận của chúng ta. Các Giáo Phụ nói rằng: “Thiên Chúa không tính toán khi ban phát ân huệ của Người.” Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dỏm: “Thiên Chúa không biết tính toán!” Nhưng chính sự “vô lý” của Thiên Chúa lại trở thành cơ hội, là lối vào cho chúng ta tới gần Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết và bị luận phạt rồi. Bởi lẽ, chúng ta đã nhiều lần đắc tội với Người. Một cách khiêm tốn, phải thành thật thú nhận rằng, chúng ta chẳng xứng đáng và chẳng có công trạng gì để được cứu độ, nếu không nhờ vào lòng thương xót của Người.

Nhưng Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, bất kỳ lúc nào, giờ nào, cả giây phút cuối cùng trong cuộc đời, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với người làm vườn nho của Chúa, và dù làm nhiều hay làm ít, Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi và nhân hậu của Người.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của tình yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), để lượng giá cuộc đời không dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi, ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, nhưng theo tầm nhìn, tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa khi đối xử với tha nhân mình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa Công Minh Trong Mọi Đường Lối Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:06 19/09/2020
Chúa Nhật 25 TN A

Sao tôi lại làm người trong thân phận này? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn…Rất nhiều nỗi băn khoăn, đúng hơn là nỗi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Chập chững vào tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ không ít lần phiền trách số phận bản thân với hiện trạng đang là của họ. Nhiều giấc mơ xuất hiện như một sự giải tỏa khát mong thầm kín: giá như tôi là thế này, giá như tôi được như kia… Trời xanh có công minh chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa?

Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng ta lắm khi tự hỏi rằng chúng ta cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội, chưa hết, cái anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu?

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” ( Is 55,8-9 ).

Tư tưởng của Ta: Mọi người đều là hình ảnh của Ta, đều là con cái của Ta. Tất cả mọi người, ngươi và người khác đạo hay người chưa biết Ta, thậm chí người đang không nhận Ta, hết thảy không phải là cái gì xa lạ nhưng chính là hình ảnh của Ta, hết thảy không phải là là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Ta. Ta là người Cha nhân hậu, thiện toàn, cho mưa rơi đều xuống trên người con lành thánh lẫn đứa con bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Ta chẳng hề muốn một đứa con nào phải hư mất. Ta kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Ta, đứa nào cũng là quý giá và không có gì sánh được, thậm chí Ta vui mừng vì tìm được đứa con lạc đường, xa nhà, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong gia đình.

Vấn đề là ngươi cố tìm hiểu tư tưởng của Ta, tấm lòng của Ta. Hiểu được lòng trí của Ta thì ngươi sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến… họ thảy đều là anh chị em của ngươi. “Anh em như thể tay chân”. Ước gì ngươi cảm nhận được chân lý này.

Đường lối của Ta: Ta xử với con cái không như những gì chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là công nhân của ông ta. Có thế thôi. Vậy, Ta vốn là người Cha giàu lòng thương xót lại không đối xử với đàn con như chúng là con của Ta, những đứa con mà ta đã nhận làm dưỡng tử qua chính Con Một Ta hay sao?

Chính các ngươi là người cha, người mẹ trần gian còn vương nhiều điều gian ác mà còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì, một lẽ tất yếu là vì chúng là con cái các ngươi. Thế thì sao các ngươi lại bực mình khi Ta tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi… vì chúng nó cũng như các ngươi thảy đều là con cái của Ta.

Tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi tuy có bị tội lỗi làm sai lệch nhưng tiên vàn vẫn là do Ta đặt để ngay từ đầu buổi tạo dựng. Chính vì thế, tư tưởng của Ta và đường lối của Ta tuy có cao xa hơn tưởng và đường lối các ngươi nhưng vẫn có nét nào đó nơi tư tưởng và đường lối các ngươi, dĩ nhiên là chúng cần phải được chỉnh hướng.

Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của các ngươi: Hãy mở lòng để lắng nghe lời Con Một của Ta, Giêsu Kitô:

1.Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9): Lời kinh nguyện duy nhất mà Con Một của Ta chỉ dạy các ngươi khi cầu nguyện, nhắc nhở các ngươi hãy xác định đúng vị thế các ngươi trước mặt Ta và trước tha nhân, bất kể họ là người thế nào. Ta là người Cha duy nhất và tất cả các ngươi đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả là Con Một của Ta nhập thể làm người, Giêsu Kitô. Các người đừng quên rằng sự thường trong các buổi cử hành Phụng vụ, các người đều có cất lên lời kinh nguyện này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

2.Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta (Mt 7,12). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Vì tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi các ngươi chân nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của các ngươi. Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tị, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Trở lại với sự băn khoăn hay nỗi bất bình về số phận xem ra chẳng may của nhiều người thì thú thật sẽ khó có lời giải thích thỏa lòng. Cùng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu như nhau, nhưng một bạn trẻ xuất thân từ gia đình nghèo hèn, thiếu điều kiện, sẽ có niềm vui khác xa một bạn trẻ con nhà giàu có, đủ đầy điều kiện. Một thực tế của cuộc sống, hy vọng có thể giúp nhiều người thoạt sinh ra đã ở trong hoàn cảnh thiếu may mắn, xét dưới nhãn quan nhân loại. Dù Hy Lạp hay Do Thái, dù nô lệ hay tự do thì cái đích đến là được làm con cái Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời, thì đều ở trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa dưới nhãn quan Tin Mừng thì những người xem ra kém may mắn, lại có nhiều thuận lợi để đạt đến hạnh phúc Nước Trời hơn. Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này qua các mối phúc, cũng như các mối họa (x.Lc 6,20-26).

Dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi theo nhãn quan nhân loại hay theo nhãn quan Tin Mừng thì mọi sự tốt đẹp đều là có thể, nếu như chúng ta xem nhau như anh chị em. Xin được kết thúc những dòng chia sẻ này bằng câu chuyện sau : Trong một cuộc thi điền kinh môn chạy đường dài (Maraton), có hai anh em ruột cùng tham gia thi chạy với nhiều người khác. Còn khoảng một trăm mét là đến đích, về nhất. người anh ngoái đằng sau thấy em mình cũng bỏ đoàn chạy phía sau khá xa, nhưng dường như đạng bị chấn thương nào đó nên phải khập khiễng trên đoạn đường cuối. Người anh dừng lại chờ người em đến và dìu người em chạy nốt đoạn ngắn còn lại. Đứng trước vạch đích, hai anh em cùng hô một hai ba: chạm đích. Ban tổ chức hôm ấy đã phải trao hai huy chương vàng, dù không thể tiên liệu. Mọi sự đều là có thể trong tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Dẫu Là Người Công Nhân Giờ Thứ 11
LM. Trương Đình Hiền
10:29 19/09/2020
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A 2020

Sau “sự cố ngày 25 tháng 5 năm 2020”, chàng thanh niên da đen George Perry Floyd bị chết dưới tay cảnh sát Mỹ thành phố Minneapolis bang Minnesota, toàn nước Mỹ và vài quốc gia khác đã bùng lên phong trào chống phân biệt đối xử đối với sắc dân đen mang tên BLM (Black Lives Matter), và đã mang theo nhiều hậu quả tai hại về mặt xã hội: bạo lực bùng lên khắp nơi, sự hận thù màu da được khơi dậy, hỗn loạn và phá phách tràn lan…

Đặc biệt, “phân biệt đối xử”, “phân biệt chủng tộc” đã trở thành “vũ khí chính trị” của các phe đảng (Dân Chủ, Cộng Hoà) lạm dụng để triệt hạ nhau trong “mùa chuẩn bị bầu cử Tổng thống tại Hoa kỳ”.

Thật ra, việc phân biệt đối xử, nhất là “những người nghèo bị kẻ ác đối xử tàn bạo, bất công” là “câu chuyện dài miên viễn của lịch sử loài người” mà Thánh Vịnh 10 đã từng ghi lại:

Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ: (…)

Nó phục cạnh xóm làng

giết trộm người vô tội, mắt rình ai yếu thế. (Tv 10,2.8)

Nhưng thật may mắn cho người nghèo, cho những kẻ bị đối xử bất công, vì Thánh Vịnh ghi tiếp:

Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương,

Chúa để ý, tự tay lo liệu.

Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa,

kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì.

Xin đập tan thế lực người gian ác,

xin trị tội nó, để không ai còn thấy nó nữa.

Lạy CHÚA, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn;

Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ,

để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức,

khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai. (Tv 10,14-15.17-18).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong “Sứ điệp ngày người nghèo năm 2019” đã chú giải đoạn Thánh Vịnh trên bằng những lời thâm thuý: “Bối cảnh được mô tả trong Thánh Vịnh in dấu của buồn bã vì bất công, đau khổ và cay đắng, tác động đến người nghèo. Mặc dù vậy, nó cống hiến một định nghĩa đẹp của người nghèo. Người nghèo là kẻ ‘‘tin cậy vào Chúa’’ (x. c.11), bởi vì người đó biết chắc là hắn sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Người nghèo, trong Sách Thánh, là người tin tưởng ! Tác giả thánh cũng đưa ra lý do của lòng tin tưởng đó: hắn ‘‘biết Chúa của mình’’ (x. ibid.), và trong ngôn ngữ Thánh Kinh sự ‘‘biết’’ này chỉ rõ một quan hệ cá nhân của tình cảm và tình yêu.”

Riêng đối với những kẻ gian ác, bất lương, đối xử bất công với anh em đồng loại, thì Thiên Chúa không ngừng cảnh báo: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.” (Bđ 1, sách ngôn sứ Isaia).

Sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật 25 thường niên (A) hôm nay, có thể nói được, là một thúc nhắc cộng đoàn Kitô hữu hoán cải theo Lời Chúa dạy, đó là: lột bỏ mọi biểu hiện của đố kỵ, kiêu căng, phân biệt đối xử…, và hãy biết noi theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mở rộng cõi lòng đón nhận lẫn nhau bằng thái độ nhân từ quảng đại; sẵn sàng bao dung đón tiếp mọi anh chị em cho dù họ yếu đuối bất toàn (mà ngôn ngữ dụ ngôn Tin Mừng hôm nay gọi họ là những “công nhân giờ thứ 11”) !

Thật vậy, chẳng ở đâu xa. Ngay giữa cộng đoàn chúng ta đây: vẫn còn thấp thoáng đâu đó, giữa những hàng ghế trang nghiêm thánh thiện của thánh đường, những con mắt lườm nguýt có đuôi, những cái nhép môi khinh thị, những cú nhíu mày nhăn trán bất bao dung, đố kỵ, những lời ong tiếng ve phê bình chỉ trích, những kết án, lọai trừ… để ném về phía những người bị cho là “đến trễ”, bị gán là “công nhân giờ thứ 11”.

- Họ là “công nhân giờ thứ 11” vì họ họ là dự tòng-tân tòng.

- Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ thuộc gia đình đang bị rối dây hôn phối.

- Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ bị mang tiếng có một quá khứ không tốt lành.

- Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ quá bần hàn rách nát, không giúp được gì cho giáo xứ, cho cộng đoàn.

- Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ là những người ít học hay khô khan nguội lạnh không thường xuyên tham gia sinh hoạt với cộng đoàn.

- Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ không có được những hoàn cảnh vật chất và tinh thần thuận lợi như bao nhiêu anh chị em khác…

Vâng, trên công trường của Giáo Hội, trong Vườn Nho của Thiên Chúa hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi vẫn đầy dẫy những anh chị em “là những người đến trễ”, là “những công nhân giờ thứ 11” như thế. Để dạy cho người Do Thái khi xưa và để nói với cộng đoàn chúng ta hôm nay, dụ ngôn Tin Mừng đã trình bày cách ứng xử khác thường của Thiên Chúa: Mỗi người, sớm hay muộn, đúng giờ hay đến trễ, cũng đều lãnh được một đồng như nhau. Phải chăng, ngụ ý của dụ ngôn nầy đã quá rõ để chúng ta hiểu và gắng công thực hiện:

- Hãy ngước lên Thiên Chúa để học mãi bài học khoan dung, quảng đại, thứ tha và yêu thương anh em như chính mình.

- Hãy trông về anh em xung quanh mà biết sẻ chia, cảm thông, yêu thương và kính trọng.

- Hãy nhìn vào chính mình để luôn khiêm hạ và sẵn sàng nhận phần thiệt thòi cho riêng mình để mà quảng đại phục vụ anh chị em.

Hội Thánh hôm nay quả thật đang cần những tín hữu như thế để gương mặt Hội Thánh luôn xuất hiện như một “Vườn Nho” tươi tốt xanh mơ, với đầy muôn kỳ hoa dị thảo, một “công trường luôn đầy ắp tiếng cười vui niềm nở của những người thợ thắm tình huynh đệ" chứ không phải là một “tháp Ba-ben” với muôn ngôn ngữ bất đồng của rẽ chia, hận thù, ghen ghét; và để cho ai đó, dù có “trở về trong thời điểm trễ tràng của “giờ thứ 11,12” thì vẫn được anh em nồng nàn đón tiếp và chia đều phần “lương bổng đậm nghĩa yêu thương”.

Vườn Nho Cha đủ muôn dân bách tính,

Kẻ nửa mùa, người đến trước, đi sau.

Khố rách áo ôm, trí thức sang giàu,

Bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo hèn, tội lỗi…

“Một đồng thôi”, dẫu có người đến vội,

Lương bổng hồng ân Chúa muốn chia đều.

Muốn hết mọi người ai cũng được yêu,

Dẫu có là “người công nhân đến trễ” !

Và đó chính là điều được Thánh Phaolô hôm nay lại một lần nữa nhắc bảo cộng đoàn chúng ta: “Anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (BĐ 2)



Trương Đình Hiền

LM. Trương Đình Hiền
 
CN-25A Sự ghen tị
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
12:13 19/09/2020
Trong bài điếu văn ca tụng Rabbi Boun Bar Hijja cách đây gần 2000 năm, người ta đã ví Rabbi Boun bằng một dụ ngôn như thế này:

Có một vị vua kia thuê nhiều người làm công vào phục vụ cho mình. Trong số đó có một người làm việc tích cực hơn. Vua nhìn thấy. Vua liền đưa anh ta đi đi lại lại dạo chơi với vua. Đến chiều, khi trả tiền công, anh này cũng được trả bằng với các người làm công từ sáng tới chiều. Thấy vậy họ phàn nàn: chúng tôi mệt mỏi suốt ngày, còn anh này chỉ làm hai giờ mà cũng được trả công như chúng tôi sao? Vua dáp: Đó là vì hai giờ làm của anh ta, công việc hoàn tất còn nhiều hơn các anh làm cả ngày. Bài điếu văn kết: Cũng vậy Rabbi Boun học luật cho tới tuổi hai mươi lăm, nhưng thông biết am tường còn hơn cả một nhà thông thái hay một nhà đạo đức có khi đã phải học tới tuổi một trăm !

Có lẽ Chúa Giêsu cũng đã biết bài điếu văn viết dưới hình thức dụ ngôn trên, được lưu truyền trong sách Talmud, nên Ngài cũng dạy chúng ta một dụ ngôn mà nghe qua ta thấy có vài nét giông giống. Nhưng xét kỹ thì khác xa: Nét giông giống là trả lương bằng nhau: làm hai giờ bằng làm cả ngày, tương đương với làm từ sáng, hoặc từ trưa, hoặc từ ba, năm giờ chiều mà cũng được một đồng.

Nhưng cái khác chính yếu là lý do tại sao trả bằng nhau:

Ở dụ ngôn điếu văn: 2 giờ làm việc của chàng kia cũng bằng và có khi hơn các người làm cả ngày: sự công bằng.

Ở dụ ngôn Chúa Giêsu: Tôi trả cho người làm có một giờ thôi cũng bằng bạn làm suốt ngày: tôi không có quyền sao?

Và -câu này ý vị hơn- hay bạn ghen tị vì tôi nhân lành chăng?

Ta sẽ bàn đề tài ghen tị với hai câu hỏi:

(1) Ghen tị là gì và (2) làm sao bớt ghen tị.

1. Ghen tị là gì?

Mở tự điển sách hay tự điển sống (tức là quan sát cuộc đời), chúng ta chắc ai cũng hiểu được ghen tị là khó chịu, so bì với ai đó vì họ HƠN ta. Cái chính là vì họ hơn ta. Chẳng ai ghen với kẻ thua ta.

Trong tình trường cũng vậy: ghen là khi ta đong đo, cân đếm ta thấy ta thua tình địch một cái gì đó. Hoặc là mặt con nhỏ đó sáng hơn, miệng nó nói có duyên hơn, hoặc giàu hơn hoặc thông minh hơn (nên chồng ta mới mê nó). Nếu nó xấu hơn, nghèo hơn, dốt hơn, ta chẳng thèm ghen, cứ để vậy cho chồng ta biết mùi, rồi lại quay về với ta thôi.

Do đó, bình thường khi đi đánh ghen là ta cố tìm cho ra điều hơn của tình địch để rồi diệt cái hơn đó. Khi nó hết hơn ta, ta hết ghen. Nó đẹp hơn ta: ta rạch mặt nó hoặc cho một muỗng acid đậm đặc vào ngay đôi má nó ! Nó giàu hơn ta, ta phá cho nó tan gia bại sản. Nó ăn nói có duyên, ta cắt lưỡi nó.

Cái đánh ghen của Trịnh Thị Dữu đời vua Sở đã ghi như một điển tích trong sử sách.

Vua Sở (Hoài Vương) mới có một mỹ nữ do vua Nguỵ tặng. Vua Sở rất yêu mỹ nữ này nên Trịnh Dữu (vợ vua Sở, hoàng hậu) rất ghen. Nhưng cái ghen của Trịnh Dữu vượt trên bài bản, không thấy ghi trong sách vở dạy cách đánh ghen phải làm như vây. Bà vượt trên bài bản. Bà tỏ ra rất yêu chiều mỹ nữ: đồ trang sức đẹp, sắm cho mà mang; y phục lộng lẫy, may cho mà mặc. Khi vua và mỹ nữ tin rằng Trịnh Dữu yêu mỹ nữ không kém gì vua, thì bấy giờ Trịnh Dữu mới ra tay. Trịnh Dữu nhỏ nhẹ nói với mỹ nữ là: vua yêu vẻ đẹp của em lắm, nhưng chỉ có cái mũi của em là vua không ưa, vậy khi gặp vua, em hãy che mũi lại ! Mỹ nữ nghe lời Trịnh Dữu. Gặp vua, mỹ nữ che mũi lại. Vua thấy lạ, mới hỏi Trịnh Dữu sao vậy? (giá mà hỏi chính mỹ nữ, thì không nên nỗi. Hỏi ngay Trịnh Dữu ! Trịnh Dữu nói: Thiếp biết tại sao rồi. Hình như nó không ưa cái mùi hôi của đại vương ! Tức giận, vua ra lệnh cắt mũi mỹ nữ. Mỹ nữ mà không có mũi thì chẳng khác gì Chung Vô Diệm, chẳng khác gì người cùi đến giai đoạn cụt luôn sống mũi, thì còn đâu là mũi hếch, mũi cao để mà hếch mũi cao ngạo rằng mình đẹp nữa. Và thế là nó xấu hơn mình rồi, ghen làm gì nữa?

Ca-in ghen với Abel vì cái hơn của Abel là Chúa nhận lễ vật của nó, còn của mình thì không, nên Cain đã giết Abel. Anh em Giuse ghen với Giuse vì cái hơn của Giuse là được cha cưng hơn, nên đã bàn với nhau bán quách nó đi cho lái buôn cho rồi.

Tin Mừng hôm nay: những người làm công từ sớm, ghen với người làm công có một vài giờ mà cũng hưởng cùng một số tiền lương. Họ bốn mùa rong chơi quên lãng, mà cũng bằng mình vất vả xuân hạ thu đông. Họ ngồi mát mà cũng ăn bát vàng, ta không ghen tị sao được? Vậy ghen tị là khó chịu vì ai đó hơn ta một cái gì.

2. Vậy làm sao để bớt ghen tị?

Ở đây ta chỉ trả lời dựa theo Dụ ngôn của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ghen tị là vì họ hơn ta. Vậy muốn bớt ghen tị thì phải nhìn cho rõ: họ không hơn ta.

-Họ không hơn ta: Ta là những người theo đạo từ nhỏ, giữ đạo từ bé. Thức khuya dậy sớm, lễ lạy ban mai, nói tắt: ta là người đi làm vườn nho từ sáng sớm. Còn họ là những người cả một đời ở ngoài đạo hoặc lớn lên mới phải giữ luật Chúa, hoặc gần chết mới ăn năn giống như tên trộm lành bên phải thập giá: cả một đời trộm cắp và cuối cùng còn ăn trộm được Nước Trời.

Ta ghen tị vì họ thảnh thơi hơn ta. Thực ra họ không hơn ta đâu. Đó là cái ta tưởng vậy thôi, chứ thật ra ta hơn họ. Ta biết đạo Chúa sớm hơn họ. Ta an tâm hơn họ. Hay nói theo kiểu dụ ngôn: ta kiếm được việc làm trước họ, còn họ thất nghiệp cho đến trưa đến chiều làm sao họ hơn ta được. Mà họ không hơn ta, ta thèm gì ganh tị với họ, mà còn thương họ nữa.

-Ta cũng như họ. Nếu vừa rồi ta nói những người giữ đạo từ nhỏ là kẻ làm vườn nho từ sớm, còn những người sau này mới vào đạo là kẻ làm công lúc 5 giờ chiều. Thì bây giờ xét theo mặt lịch sử cứu độ: cả họ và ta đều là những người làm công giờ thứ 5 buổi chiều cả.

Bất cứ ai sống sau khi Chúa Giêsu sinh ra chịu chết phục sinh, thì đều sống trong thời đại cuối cùng, sống trong giờ chót của lịch sử cứu độ. Các tổ phụ, các tiên tri, các hiền nhân thời Cựu Ước mới là kẻ làm công từ sớm. Còn tất cả những ai sinh sau công nguyên, đều hưởng ân cứu độ cách nhưng không cả: cho dù là hưởng từ bé hay lớn rồi mới hưởng đều là những kẻ làm vườn nho giờ chót. Vậy có gì mà phải ganh tị khi họ và ta cũng như nhau.

Họ cũng như ta, lấy gì mà ganh. Họ không hơn ta, lấy gì mà ghen. Mình có ganh có ghen là ghen vì họ đạo đức hơn mình, họ bác ái hơn ta, để rồi cố ganh lên bằng họ. Vậy mới là tốt. Vậy mới là hay. Người ta gọi đó là cái ghen thánh thiện. Chứ ghen vì Chúa thương họ hơn ta thì không phải là cái ghen thánh. Câu ông chủ trong dụ ngôn là một câu hay để khuyên bảo nhau: Đừng ghen tị về lòng nhân từ của Chúa mà phải mừng vui vì Chúa nhân từ như thế đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi.

Trong suốt chiều dài của kinh Tin Kính, chúng ta sẽ tuyên xưng người Cha toàn năng, thương xót yêu thương chúng ta vô cùng bằng những hành vi kỳ diệu, mà tột đỉnh là gửi Người Con duy nhất xuống trần để làm cho con người trần được làm con Chúa. Ai cũng bình đẳng trong phẩm giá làm con Chúa, không ai hơn ai, lấy gì mà ghen?

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 19/09/2020

23. Con người nếu chỉ muốn lao khổ vì vinh quang của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã hài lòng rồi.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 19/09/2020
29. BA NGƯỜI BIẾT CHỮ

Có ba người không biết nhiều chữ cho lắm, thấy chữ “thân申” thì ngớ ra.

Một người nói:

- “Đây là chữ “do由”

Người thứ hai lắc đầu nói:

- “Đây là chữ “giáp甲”

Người thứ ba cười ha ha nói:

- “Không đúng, đều không đúng. Anh này nói thêm cái đầu, anh kia nói thêm cái chân, sai bét, đó là chữ “điền田 !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 29:

Chữ “thân” nó có đầu và chân﹝申﹞rất rõ ràng, nhưng cả ba người đều dốt nên đều đọc sai, đó chính là thói sính chữ của những người “văn nửa chữ, võ nửa quyền”, học không đến đâu cả...

Người học nửa chừng vì dốt thì chê hai người đọc chữ “thân申” thành chữ “do由” và chữ “giáp甲”, nhưng chính mình thì lại đọc thành chữ “điền田”, khác nhau rất xa.

Con người ta thường thích “hù” nhau khi mình có chút gì đó: người có chút tiền thì hù người nghèo, người có chút quyền thì hù hàng xóm, người có chút học thức thì hù kẻ không biết chữ, người có chút danh phận thì hù người cô thế cô thân.v.v... người thích hù anh em chị em là người có bản tính kiêu ngạo và một tư tưởng luôn muốn thống trị chỉ huy người khác, đó là nộc độc làm cho đời sống tu đức và đời sống thiêng liêng của họ bị ô nhiễm và lan ra đến cả cộng đoàn.

Không biết thì hỏi, đó là khởi đầu của sự khiêm tốn vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 25 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 19/09/2020
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 20, 1-6a.

“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”


Anh chị em thân mến,

Làm công cho một ông chủ hào phóng và biết thương người thì thật hạnh phúc, ai đã từng đi làm thuê làm mướn mới cảm nghiệm được nội dung lời của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, sự cảm nghiệm ấy bắt đầu từ việc ông chủ đi tìm người làm công từ sáng cho đến chiều, tức là từ khi công việc bắt đầu ông đã ra đi tìm nhân công, cho đến giờ làm việc cuối cùng, ông cũng đi tìm những người không có công việc vào làm vườn nho cho ông.

Niềm vui được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.

Tất cả những người Ki-tô hữu đều hiểu rằng, làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa chính là từ khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và công khai làm việc của Thiên Chúa giữa lòng xã hội trong các chức vụ và bổn phận của mình trong Hội Thánh.

Một linh mục suốt đời mệt nhọc phụng sự Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình, nhưng vẫn vui tươi vì được làm trong vườn nho của Thiên Chúa; một nữ tu âm thầm phục vụ nơi các bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trường học, với tâm hồn vui tươi vì được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa; có những “thợ” được mời gọi làm công buổi chiều, đó là những anh em chị em tân tòng, họ vui sướng nhận được lời mời gọi của chủ vườn nho là Thiên Chúa và trở thành những tạo vật mới trong tình yêu và ân sủng của Ngài; có những người được Thiên Chúa gọi vào làm vườn nho của Ngài vào giây phút cuối cuối ngày làm việc, đó là khi họ từng giây từng phút giằng co giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và Thiên Chúa, cuối cùng họ đã tình nguyện vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa với nụ cười vui trên môi và cũng là giây phút cuối của họ ở trần gian...

Niềm vui sẽ biến thành đau khổ, khi người thợ biếng nhác và thỏa mãn với những giờ làm việc của mình.

Những người thợ đến trước đã bị lòng tham che mất con mắt tâm hồn, nên không thấy được tình thương của ông chủ vườn nho, họ phân bì vì những người làm việc cuối giờ cũng được trả lương một đồng như họ.

Có những linh mục thỏa mãn vì công việc xây cất nhà thờ xứ đạo to lớn của mình, để rồi chế nhạo người anh em không có tài đi xin xỏ tháo vát như mình; có những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo dòng chính gốc, để rồi khinh bỉ các tân tòng không biết “giữ đạo” khi những người tân tòng ấy thích học hỏi thánh kinh và tham gia các lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể; lại có những người thợ làm trong vườn nho chỉ biết tìm chỗ mát mẻ núp nắng núp mưa cho nhàn tấm thân, để rồi kiện cáo người này làm ít người kia mới vào làm không bằng mình...

Anh chị em thân mến,

Những người thợ biếng nhác và thích tranh đấu cho quyền lợi nhỏ của mình ấy, đã đem niềm vui biến thành đau khổ cho mình và cho cộng đoàn, họ đem tình yêu của Thiên Chúa so sánh với việc làm trời ơi đất hỡi của họ, họ quên mất lời của Đức Chúa Giê-su: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Được làm con cái của Thiên Chúa là một hạnh phúc to lớn, được làm trong vừơn nho của Thiên Chúa với bổn phận của mình là một hạnh phúc, bởi vì trong cương vị làm con họ sẽ được hưởng phần gia nghiệp Nước Trời, và trong thân phận là người làm công, họ đáng được hưởng công lao khó nhọc do mình làm ra, nghĩa là họ cố gắng trở nên ánh sáng và muối cho tha nhân trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cuộc tìm kiếm đời đời của Trời
Lm. Minh Anh
23:23 19/09/2020
CUỘC TÌM KIẾM ĐỜI ĐỜI CỦA TRỜI

“Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bàn tiệc phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy sự nôn nóng cần thiết của một cuộc tìm kiếm hai chiều: con người tìm kiếm Thiên Chúa; Thiên Chúa kiếm tìm con người. Từ bài đọc thứ nhất cho đến bài Tin Mừng, tất cả đều hối thúc, giục giã con người tìm kiếm Thiên Chúa; đồng thời, con người hãy học biết rằng, chính Thiên Chúa cũng đang kiếm tìm nó.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia thúc bách Dân Chúa, “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần”; vì sẽ đến lúc, con người muốn tìm Chúa, nhưng không tìm được; và Người có ở gần đến mấy, họ cũng không thể kêu cầu. Ở đây, Isaia nói đến những con người mất đức tin; và một khi đức tin đã mất, Thiên Chúa có ở gần đến mấy cũng hoá xa; Người có đó, họ cũng không nhận ra Người. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Isaia nói tiếp, “Hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa, vì Chúa rộng lòng tha thứ”; Thánh Vịnh đáp ca cũng xác tín, “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Người”. Với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng hối thúc tín hữu Philipphê, “Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô”, Đấng mà ngài xác tín, “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”.

Đặc biệt với dụ ngôn Tin Mừng, một bất ngờ đến thú vị nhưng cũng thật xúc động và ấn tượng khi sự hối hả, nôn nóng không chỉ ở phía con người mà còn ở phía Thiên Chúa. Ông chủ vườn Chúa Giêsu nói đến là hình ảnh chính Thiên Chúa. Từ sáng sớm, ông chủ ra chợ tìm thợ vào làm vườn nho; đến lúc chiều tà, ông vẫn ra ngoài kiếm họ. Năm lần bảy lượt, ông vẫn chỉ nói với người đến trước, kẻ đến sau cũng một câu, “Các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”. Đây là một ân huệ, cũng là một mệnh lệnh; nhưng cùng lúc, đó là một lời van xin. Đây là lời van xin của một Thiên Chúa đang luôn luôn đi tìm con người, một cuộc tìm kiếm của Đấng hằng xót thương, một cuộc tìm kiếm đời đời của trời. Chúng ta đọc thấy trong dụ ngôn hôm nay có đến năm lần trong một ngày, chủ vườn ra tìm thợ, nài nỉ thợ, hối thúc thợ vào làm vườn nho mình. Để rồi, kết thúc câu chuyện, chủ đã trả tiền công cho các thợ cùng một mức như nhau; người làm cả ngày, kẻ làm tám tiếng hay cả với những người chỉ làm một giờ… tất cả họ đều nhận được một mức lương giống nhau.

Bài học chúng ta rút ra ở đây là, thông thường, với đời sống đức tin của mình, chúng ta thích ngồi “nhàn rỗi cả ngày”; nói cách khác, chúng ta dễ dàng trở nên con cái Chúa, tin nhận Người; nhưng, sẽ rất khó khi chúng ta phải chấp nhận ‘công việc hàng ngày’ của một đời sống làm con Chúa, xây dựng mối tương quan ngày càng gắn bó hơn với Người; một tương quan đòi hỏi cam kết, dấn thân và nhất là biến đổi. Sống một đời sống đức tin nhàn rỗi luôn luôn dễ dàng hơn so với một đời sống không ngừng hoạt động. Vì thế, Thiên Chúa luôn luôn đi tìm chúng ta; với Người, không bao giờ là quá muộn. Người rất hào phóng và không bao giờ là quá trễ để con người hướng đến Người.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”. Đây là một thách đố mà nhiều người trong chúng ta phải đối mặt, vì có thể, chúng ta đã mất nhiều năm để sống một đức tin vu vơ, sống một đời sống ươn lười ì ạch và không biết làm cách nào để thay đổi. “Hãy đi làm vườn nho” vì thế, có thể là hãy đi mà thay đổi đời sống, trở về cùng Chúa, trở về cùng anh em; là bước ra khỏi tình trạng tội lỗi để sống trong ánh sáng; hoặc cũng có thể là một cam kết dấn thân mà nhiều lúc chúng ta còn lưỡng lự. Dụ ngôn Tin Mừng tiết lộ rằng, Thiên Chúa, Đấng xót thương và nhân từ vô cùng đang chờ đợi chúng ta và cũng đang nôn nóng đi tìm mỗi người; Người không bao giờ trốn tránh việc ban tặng sự giàu có của Người cho chúng ta, dù chúng ta đã xa Người bao lâu cũng như đã sa ngã đến thế nào. Thiên Chúa cũng sẽ trả cho chúng ta ‘một đồng’ như bao người khác. Đừng sợ! Ơn cứu độ là ‘một đồng’, ân sủng của Người là ‘một đồng’, Thiên Chúa hằng luôn mong ước cho ai ai cũng được hưởng ‘một đồng’ đó. Sự công bằng của Thiên Chúa là thế, một sự công bằng mang tính cứu độ. Đó là lý do khiến Thiên Chúa mãi mãi đi tìm con người, và đó cũng là lý do thúc bách chúng ta kiếm tìm Người.

Trong một buổi chia sẻ khinh nghiệm sống, một phụ nữ đã kể lại, “Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ; lần kia, cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “Ảo ảnh cuộc đời”. Phim kể chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh dể, làm khổ người mẹ đang hết lòng yêu thương mình. Qua nhiều biến cố, cuối cùng, người mẹ đau khổ đó chết; cô gái trở về, thống hối, tiếc thương. Về đến nhà hôm ấy, gia đình tôi bàn tán ý nghĩa của chuyện phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình lớn tiếng, “Bấy giờ mới trở về, ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi”. Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói, “Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ”. Thú thật, ngày đó, tôi không hiểu gì nhiều về câu trả lời của cha tôi, nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm thía ý nghĩa của nó. Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng trở về với Chúa, và nhất là, tôi dễ dàng yêu thương tha thứ cho các con tôi”.

Anh Chị em,

Cô gái ấy chỉ hiểu được ‘không có sự trở về nào là trễ trong tình thương’ một khi đã làm mẹ. Cũng thế, chúng ta chỉ hiểu được điều đó khi chúng ta mang lấy tấm lòng xót thương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở gần khi chúng ta kêu cầu Người. Vậy thì, chúng ta đang đi tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa đang đi tìm chúng ta? Chúng ta đang nhàn rỗi hay đang chăm chỉ trong công việc? Nếu đang chăm chỉ, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục cam kết mà không do dự; hoặc nếu đang nhàn rỗi, rõ ràng, Chúa muốn chúng ta đổi thay. Sự rộng lượng và khoan dung của Thiên Chúa thì luôn luôn như trời, như bể.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật lạ lùng, khi con đang ở trong vườn nho ân sủng của Chúa thì Chúa vẫn mời gọi con ‘hãy đi làm’; thì ra, con chưa nên giống Chúa và Chúa vẫn đang đi tìm con mỗi ngày. Xin xót thương con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cảnh báo: Sự chênh lệch về dược phẩm ngày càng có khoảng cách gia tăng giữa các quốc gia.
Thanh Quảng sdb
05:23 19/09/2020
Đức Thánh Cha cảnh báo: "Sự chênh lệc về dược phẩm" ngày càng có khoảng cách gia tăng giữa các quốc gia.



Thứ Bảy ngày 19/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước một phái đoàn của Quỹ Dược phẩm tại Ý, nơi tập trung và phân phối các loại thuốc sắp hết hạn cho những nơi cần đến.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chỉ trích sự bất công, cái mà ngài gọi là “Khoảng cách phân phối dược phẩm một cách không cân xứng”, những người nghèo về lương thực thì cũng thiếu thốn về thuốc men để lo cho sức khỏe.

ĐTC đưa ra nhận xét này trước khoảng 300 đại diện của Tổ chức Quỹ Dược phẩm có trụ sở tại Ý, nơi thu thập các thứ thuốc từ các nhà tài trợ và các công ty để giúp cho hơn 1800 tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo...

Đối xử bất công

Phát biểu với Quỹ Dược phẩm nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Đức Thánh Cha cho biết nhiều khi, nhiều người “có nguy cơ không thể điều trị, chỉ vì thiếu tiền hoặc thiếu thuốc”. ĐTC nói: “Ngoài ra còn có một “khoảng cách về việc phân phối dược phẩm” càng ngày càng có một khoảng cách to lớn giữa các quốc gia và các dân tộc”.

“Về phương diện luân lý, nếu căn bệnh có thể chữa trị được bằng thuốc, thì phải cung cấp thuốc cho họ! nếu không đã có sự bất công”.

Đức Thánh Cha than thở rằng có quá nhiều người và trẻ em đang bị chết một cách oan uổng trên khắp thế giới, vì họ không có thuốc ở các nơi họ sinh sống. ĐTC cảnh báo cái nguy cơ thờ ơ vô cảm ở khắp nơi! ĐTC kêu gọi hãy làm sao cho mọi người có thể có thuốc điều trị hầu cứu sống sinh mạng của họ!”.

Sự tham gia của mọi người

Về ước mơ này, Đức Thánh Cha nói cần phải có một “nỗ lực chung, một sự qui tụ của tất cả mọi người”. Nghiên cứu khoa học có thể giúp tìm ra các giải pháp mới cho các vấn đề cũ và mới, bao gồm các phương pháp chữa bệnh và điều trị mới. Các công ty dược phẩm phải giúp đóng góp vào việc phân phối thuốc men một cách công bằng hơn.

ĐTC nói, người dược sĩ có thể chú tâm đến những người có nhu cầu cần nhất và phục vụ cho lợi ích toàn diện của những người họ tiếp xúc. Thông qua các lựa chọn lập pháp và tài chính, những ai có thẩm quyền được kêu gọi xây dựng một thế giới công bằng hơn, trong đó người nghèo không bị lãng quên.
 
Phản ứng cuả giới Công Giáo Hoa Kỳ sau cái chết cuả Thẩm phán Tối cao Pháp viện Ruth Bader Ginsburg.
Trần Mạnh Trác
12:55 19/09/2020
(CNA ngày 18 tháng 9 năm 2020 ).- Thẩm phán Tối cao Pháp viện bà Ruth Bader Ginsburg, giữ chức vụ được hơn 27 năm, đã qua đời vì bệnh ‘ung thư tuyến tụy’ ngày 18 tháng 9 2020, hưởng thọ 87 tuổi.

Từng là một thẩm phán tòa phúc thẩm, bà được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1993.

Bà Ginsburg là một người Do Thái, được nhắc nhở nhiều về tình bạn thắm thiết với một tư pháp đồng nghiệp khác là thẩm phán tối cao Antonin Scalia, một người Công Giáo đã qua đời vào năm 2016.

Con trai ông Scalia, Christopher, đã tweet một hồi ký về tình bạn của bố với bà Ginsburg như sau:

“Tôi đau buồn khi nhận tin về sự ra đi của Thẩm phán Ginsburg, một người bạn tốt của cha mẹ tôi, và là người đồng nghiệp tuyệt vời của cha tôi. Cầu mong sao cho những kỷ niệm về bà là những điều tốt lành. “

Khi điều trần trước Thượng viện để được đề cử vào tối cao pháp viện năm 1993, bà Ginsburg đã bày tỏ sự ủng hộ hợp pháp hoá phá thai và trước đó cũng đã từng làm như vậy. Mặc dù luôn bị chỉ trích công khai vì những lý luận pháp lý về Roe vs Wade, bà Ginsburg vẫn luôn ủng hộ việc phá thai và tránh thai, hoặc viết lên bất đồng chính kiến trong trường hợp đa số Toà án ủng hộ luật cấm phá thai một phần vào năm 2007.

Cái chết của bà Ginsburg có thể đưa cán cân bảo thủ ở Toà Tối Cao lên 6-3, nếu Tổng thống Donald Trump đề cử một thẩm phán mới để thay thế trước cuộc bầu cử tháng 11.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện là ông Mitch McConnell trước đây đã từng nói rằng ông đảm bảo Thượng viện sẽ xác nhận một ứng cử viên Tòa án Tối cao do ông Trump đề cử. Còn Đảng Dân chủ ở Thượng viện thì phản đối bất kỳ sự đề cử nào, vì lý do ông McConnell đã từng phản đối việc đề cử ông Merrick Garland cuả Tổng thống Barack Obama vào tháng 3 năm 2016. Vào thời điểm đó, đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho biết họ sẽ không xem xét một cuộc bổ nhiệm mới nào trong năm bầu cử.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối thứ Sáu này, ông McConnell vẫn nói rằng "Người nào được Tổng thống Trump đề cử sẽ được đưa ra biểu quyết trên sàn của Thượng viện Hoa Kỳ."

Ông Trump tuần trước đã mở rộng danh sách các ứng cử viên tối cao pháp viện. Nhắc lại, trong một một cuộc tranh luận bầu cử tổng thống vào tháng 10 năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ bổ nhiệm các thẩm phán để lật đổ Roe vs Wade, và ông đã giữ lời: năm 2017, ông đề cử Neil Gorsuch thay thế Scalia, và năm 2018, ông đề cử Brett Kavanaugh thay thế Anthony Kennedy nghỉ hưu.

Vào tối thứ Sáu, nhiều nhà lãnh đạo giới Công Giáo ở Hoa Kỳ đã kêu gọi cầu nguyện cho bà Ginsburg và gia đình.

Cha Pius Pietrzyk, OP, một luật sư về giáo luật và luật dân sự, hiện là giáo sư giáo luật tại Đại học và Chủng viện Thánh Patrick ở California, đã tweet rằng: “Trong tình cảnh chính trị chia rẽ hiện đại, thì tình bạn giữa hai thẩm phán Ginsburg và Scalia đã tỏa sáng như một khuôn mẫu về sự tôn trọng mà mọi người có thể dành cho nhau, ngay cả khi họ không đồng ý. Cầu mong bà Ginsburg, tái hợp với ông Scalia, được yên nghỉ ”.

Nhiều phản ứng từ các tổ chức ủng hộ sự sống đã bày tỏ hy vọng về một sự thay thế ủng hộ sự sống trên tòa án.

“Hãy yên nghỉ, bà Ruth Bader Ginsberg. Chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của bà và cho gia đình bà. Chúng ta cũng tiếp tục cầu nguyện cho đất nước của chúng ta, ” là lời vị chủ tịch cuả nhóm ủng hộ sự sống Live Action, cô Lila Rose.

Nhóm American United for Life, một nhóm ủng hộ sự sống khác, lưu ý rằng mặc dù có một số yếu tố tích cực trong những nỗ lực của bà Ginsburg cho sự bình đẳng giới tính, nhưng những yếu tố luật pháp ủng hộ việc phá thai của bà đã để lại một di sản đáng tiếc hơn nhiều.

“Chúng tôi biết ơn những đóng góp của Tư pháp Ruth Bader Ginsburg, đã bênh vực việc giảm bớt các rào cản pháp lý đối với phụ nữ trong xã hội Mỹ. Chúng tôi vô cùng đau buồn trước cái chết của bà, đặc biệt là vào thời điểm này trong lịch sử quốc gia, ” nhóm này viết trên Twitter.

“Hàng triệu người Mỹ hiểu phá thai là do sự tàn ác và bạo lực. Các thế hệ tương lai sẽ không mỉm cười với một nền văn hóa thờ ơ với cuộc sống con người mà Tư pháp Ginsburg đã duy trì, mà đáng lý những người phụ nữ phải được hưởng một phần tốt đẹp hơn... Phá thai không góp phần mang lại hạnh phúc cho phụ nữ và phụ nữ không cần phá thai để thành công. "

Nhóm Sinh viên vì Sự sống cũng tweet: "Tối nay, Thẩm phán Tối cao Ruth Bader Ginsburg đã qua đời, và những suy nghĩ của chúng tôi là dành cho gia đình của bà ấy."

“Cùng hợp tác với nhóm Sinh viên Hành động cho sự sống, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump nhanh chóng tiến hành cuộc đề cử thay thế trước cái chết bi thảm của bà ấy”.

Tòa án tối cao cho biết bà Ginsburg đã vượt qua vài đợt ung thư trước khi chết, được quây quần bởi gia đình. Chồng cuả bà, ông Marty Ginsburg, đã qua đời năm 2010.
 
Vị thẩm phán tối cao tương lai sẽ là một bà mẹ Công Giáo đông con?
Trần Mạnh Trác
14:12 19/09/2020
(CNA ngày 19 tháng 9 năm 2020). - Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông sẽ sớm suả đề cử một người thay thế cho Thẩm phán Tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời.

Thẩm phán Amy Coney Barrett, một bà mẹ Công Giáo có bảy người con, được cho là người dẫn đầu trong các cuộc thảo luận của tổng thống.

Bà Barrett, một thẩm phán liên bang tại Tòa phúc thẩm số 7, được cho là dẫn đầu trong danh sách rút gọn của tổng thống. Bà từng là ứng viên thứ hai của ông Trump vào năm 2018, khi ông đề cử Thẩm phán Brett Kavanaugh.

Theo website Axios, một website nổi tiếng vùng DC, thì ông Trump vào năm 2018 đã nói về bà Barrett rằng ông “ để dành bà ấy cho việc thay thế bà Ginsburg ” khi ông Trump giải thích về quyết định không bổ nhiệm bà vào ghế của Tư pháp Anthony Kennedy.

Được bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang vào năm 2017, bà Barrett từng là giáo sư tại trường luật cuả viện đại học Công Giáo Notre Dame. Bà Barrett đã hai lần được vinh danh là “Giáo sư xuất sắc của năm” tại Notre Dame, và cũng từng là thư ký luật cho Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia.

Khi là một ứng viên cho ghế thẩm phán liên bang, bà Barrett đã bị các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp chất vấn vào năm 2017 về đức tin Công Giáo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của bà với tư cách là thẩm phán về các trường hợp phá thai và hôn nhân đồng tính.

Trong các phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Diane Feinstein đã lo ngại về Đạo Công Giáo của bà Barrett là “ là một điều đáng quan tâm, là tín điều đang sống lớn ở trong bà sẽ ảnh hưởng đến những kết luận rút tiả từ đó mà ra.”.

Bà ấy nói thêm: “Bà đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống cuộc đời của mình với tư cách là một phụ nữ thực sự nhận ra giá trị của việc cuối cùng có thể kiểm soát là hệ thống sinh sản của mình. Và Roe rõ ràng can dự vào điều đó."

Bà Barrett nói rằng với tư cách là một thẩm phán, bà sẽ tuân thủ luật pháp của đất nước, nhưng nhiều nhóm ủng hộ sự sống tin rằng bà sẽ sẵn sàng lật ngược tiền lệ của Roe vs. Wade, và duy trì các hạn chế về phá thai.

Bà Barrett có 7 người con, trong đó 2 người là con nuôi từ Haiti; một đứa con của bà có nhu cầu đặc biệt. Bà cũng được cho là một thành viên của một cộng đồng tâm linh có tên là People of Praise, vốn bị một số nghị sĩ trong phiên điều trần năm 2017 chỉ trích là "một nhóm mê tín" (a cult).

Đức Giám Mục Peter Smith, một thành viên của cộng đồng nói trên dành cho bậc linh mục, nói với CNA vào năm 2018 rằng không có điều gì bất thường hoặc khác thường về nhóm, đó là một “cộng đồng dựa vào ơn cứu độ (covenant),” phần lớn là giáo dân.

Đức cha Smith giải thích: “Chúng tôi là một phong trào giáo dân trong Giáo hội. Có rất nhiều phong trào như thế. Chúng tôi cố gắng sống một cuộc sống với ơn gọi là người Công Giáo, với tư cách là Cơ đốc nhân đã được rửa tội, là một cách cụ thể giống như nhiều người khác làm trong ơn gọi cuả họ hoặc theo những cách mà Chúa đưa dẫn họ đi đến Giáo hội. ”

Cho dù ông Trump có chọn bà Barrett hay không, việc ông bỗng nhiên có cơ hội đề cử một Thẩm phán Tòa án Tối cao thay thế bà Ginsburg đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi chính trị nghiêm trọng, trong bối cảnh chính trị và xã hội vốn đã tồi tệ của Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Đảng Cộng hòa Mitch McConnell hôm thứ Sáu cam kết rằng một ứng cử viên của Tòa án Tối cao cuả ông Trump sẽ được Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu xác nhận, ngay cả khi chỉ còn chưa đầy bảy tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã chống đối và chỉ ra rằng McConnell đã từ chối xem xét ứng cử viên Tòa án Tối cao của Obama là Merrick Garland vào tháng 3 năm 2016, bảy tháng trước cuộc tranh cử tổng thống năm đó. Vào thời điểm đó, các thành viên Đảng Cộng hòa nói rằng sẽ thích hợp hơn nếu đợi đến sau cuộc bầu cử tháng 11 để lấp chỗ trống của Tòa án.

Ông McConnell đã bảo vệ quyết định của mình vào tối thứ Sáu, nói rằng “trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cuối cùng trước khi Tư pháp Scalia qua đời vào năm 2016, người Mỹ đã bầu ra đa số Thượng viện của Đảng Cộng hòa vì chúng tôi cam kết sẽ kiểm tra và cân bằng những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của một tổng thống khập khiễng. Chúng tôi đã giữ lời hứa của mình. Kể từ năm 1880, không có Thượng viện nào xác nhận một ứng cử viên Tòa án Tối cao của một đảng thiểu số đối lập (nhưng có tổng thống) trong một năm bầu cử tổng thống ”.

“Nhưng, người Mỹ đã bầu đa số cho chúng tôi vào năm 2016 và mở rộng thêm đa số đó vào năm 2018 vì chúng tôi cam kết làm việc với Tổng thống Trump và ủng hộ chương trình nghị sự của ông ấy, đặc biệt là các bổ nhiệm nổi bật của ông ấy vào cơ quan tư pháp liên bang, chúng tôi sẽ giữ lời hứa của mình”, McConnell nói.

Theo báo cáo, danh sách rút gọn của ông Trump còn có các thẩm phán Tòa án vùng 11 là bà Britt Grant, Thẩm phán Tòa án vùng 6 là ông Amul Thapar và bà Joan Larsen, và Thẩm phán vùng 10 là bà Allison Eid.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Họp Mặt Truyền Thống Cựu Chủng Sinh Huế Vùng Nha Trang-Ninh Thuận Và Sài Gòn-Xuân Lộc
Trương Minh Phương HT67
08:20 19/09/2020
Hàng năm, vào dịp lễ kính Thánh Tô Ma Trần Văn Thiện, Chủng sinh Tử đạo, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế gồm ba Nhà An Ninh (AN)-Phú Xuân (PX) và Hoan Thiện (HT) tại tất cả các vùng miền trong nước cũng như hải ngoại đều có một truyền thống tốt đẹp: “Tri ân các vị ân sư”, đồng thời cũng kính nhớ Đấng Đáng kính: Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, vị Bề trên tiên khởi của Chủng viện Hoan Thiện.

Xem Hình

Năm nay, gia đình Cựu Chủng sinh Huế phía Nam được tổ chức tại Ninh Thuận, thuộc Giáo phận Nha Trang. Theo chương trình của Ban Tổ chức vùng Nha Trang-Ninh Thuận, đơn vị đăng cai, sẽ tổ chức tại Nhà thờ Cà Ná. Nhà thờ Cà Ná là một địa danh của người dân tộc Chăm, nơi đây hầu hết đều là người Chăm sinh sống, ngày 02 tháng 03 năm 2014, linh mục Anre Lê Văn Hải HT 68, Quản xứ Sông Pha được bổ nhiệm về coi sóc mục vụ Giáo điểm Cà Ná, một số giáo dân khăn gói theo ngài để giúp trong bước đầu xây dựng. Khởi đầu mục vụ, ngài phải đi tìm những giáo dân rải rác quanh vùng và bắt đầu dựng tạm một ngôi Nhà Nguyện. Khởi đầu từ một con số không tròn trỉnh cha Lê Văn Hải ngày ngày tự mình đúc bờ lô, miệt mài trong một thời gian dài, ngài đã đúc được 30.000 viên và khởi công xây dựng nhà xứ và nhà thờ. Thánh lễ đầu tiên tại Cà Ná trong nhà nguyện tạm bằng tôn vào ngày Chúa nhật thứ I mùa Vọng với chừng 30 giáo dân Cà Ná tham dự, hiện tại Giáo điểm Cà Ná bao gồm hầu hết huyện Thuận Nam, giáp với huyện Hàm Thuận Bắc thuộc tỉnh Bình Thuận.

Mặc dù chưa chính thức thành lập Giáo xứ kể cả phía giáo quyền và chính quyền, nhưng nhờ sự trợ giúp của nhiều ân nhân xa gần và bà con thân thuộc và anh em Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, một ngôi Nhà thờ khang trang tọa lạc bên đường Quốc lộ 1 hết sức khang trang, và một Đài Đức Mẹ với danh xưng “Đức Mẹ Lưu dân” để chỉ những người con Mẹ lưu lạc bốn phương trời quy tụ về đây, mở đầu cho công cuộc truyền giáo tại vùng đồng bào Chăm.

Cũng trong dịp này, Gia đình Cựu Chủng sinh Huế mừng 45 năm Linh mục của Đức Ông Giuse Lê Văn Sỹ PX 60, Tổng Đại diện Giáo phận Nha Trang; 40 năm Linh mục Cha Giuse Võ Quỹ HT62, Linh hướng Cựu Chủng sinh Huế vùng Nha Trang-Ninh Thuận; và Ngân khánh Linh mục quý Cha: Phero Trần Ngọc Anh HT67, Phero Lê Minh Cao HT67, Anre Lê Văn Hải HT68, Inhaxio Hồ Thông HT68, J.B. Nguyễn Vinh HT69, Phero Nguyễn Thời Bá HT71, Giuse Nguyễn Văn Nghĩa HT71 và 20 năm Linh mục Cha Phero Nguyễn Huệ HT69, Linh hướng Cựu Chủng sinh Huế phía Nam.

Trưa ngày 17 tháng 9, quý linh mục và gia đình anh em Cựu Chủng sinh Huế từ phía Nam tề tựu đông đủ tại nhà thờ Cà Ná, được Cha Anre Lê Văn Hải và anh em Cựu Chủng sinh miền Nha Trang-Ninh Thuận đón tiếp nồng nhiệt, tay bắt mặt mừng cùng nhau hàn huyên tâm sự trong bữa cơm trưa thân mật.

Tối 17 tháng 9, mọi người sum họp dưới chân Mẹ Lưu dân, dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi gồm Năm Sự Vui và Năm Sự Mừng. Trước mỗi chục kinh đại diện từng lớp suy niệm về mỗi Mầu nhiệm, xin Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ đoàn con Mẹ trước cơn Đại dịch Covid 19 này, xin Mẹ cho Giáo điểm Cà Ná này ngày càng có nhiều người tìm đến Chúa và Mẹ Maria.

Đỉnh điểm của ngày họp mặt truyền thống là Thánh lễ trọng thể kính Thánh Tôma Thiện, người Anh Cả của Cựu Chủng sinh Tử đạo, đồng thời cũng là lễ Giỗ lần thứ 18 của Đấng Đáng kính: Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Thánh lễ do Đức Ông Giuse Lê văn Sỹ (PX 60), Tổng Đại diện Giáo phận Nha Trang chủ tế cùng đồng tế có 17 linh mục thuộc các thế hệ Gia đình Cựu Chủng sinh trong đó có 3 linh mục thuộc thế hệ con cháu.

Trước khi vào thánh lễ, nghi thức tưởng niệm Thánh Tử đạo Tôma Thiện và Đấng Đáng kính F.X. Nguyễn Văn thuận là nghi thức tế do Niên trưởng Lê Thiện Sĩ và đại diện các lớp thực hiện. Một bài văn tế súc tích và sống động được diễn đạt đầy cảm xúc.

Gia đình Cựu Chủng sinh Huế đã xin Phép lành Toà Thánh để trao tặng cho Đức Ông Giuse lê Văn Sỹ và các linh mục mừng kỷ niệm ngày lãnh nhận hồng ân Linh mục. Các phu nhân của lớp HT62-63 thay mặt anh em tặng hoa cho các ngài.

Sau thánh lễ Niên trưởng Lê Thiện Sỹ dù đã ngoài 82 tuổi nhưng vẫn hết sức minh mẫn, đại diện toàn thể Gia đình Cựu Chủng sinh nói lời cảm ơn quý cha đồng tế, nhất là cha Anre Lê Văn Hải chủ nhà đã tổ chức chu đáo ngày truyền thống hôm nay. Đặc biệt cảm ơn Đức Ông Lê Văn Sỹ và cha Giuse Võ Quý đã luôn yêu thương và đồng hành với anh em vùng Nha Trang Ninh - Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của anh em Cựu Chủng sinh. Một điều không thể thiếu là cảm ơn anh Vũ Quang Hà lớp HT67 luôn âm thầm giúp đỡ tạo điều kiện cho những cuộc họp mặt thành công.

Trương Minh Phương HT67
 
Giáo xứ Tân Việt rửa tội dự tòng
Vinh sơn Trần văn Đẩu
20:58 19/09/2020
Sau 3 tháng học hỏi giáo lý và thực hành sống đạo, vào lúc 17g30 thứ bảy 19 tháng 09 năm 2020, tại thánh đường giáo xứ Tân Việt, 32 anh chị em được diễm phúc trở thành chi thể mới của Đức Kitô, là con của Hội Thánh qua các bí tích khai tâm do Lm Chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ chủ sự.

Mở đầu là nghi thức tiếp nhận ở cuối nhà thờ, sau đó các anh chị em dự tòng rước Lm chủ tế lên cung thánh bắt đầu Thánh Lễ tạ ơn.

Xem Hình

Trong bài giảng, linh mục chủ tế chia sẻ: Hôm nay Chúa nhật XX V quanh năm A, đặc biệt giáo xứ chúng ta có 32 anh chị em được lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki Tô giáo sau ba tháng học hỏi và thực hành Lời Chúa. Chính vì thế chúng ta dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn và đồng thời cũng là dịp để mỗi người chúng ta lắng nghe Lời Chúa và dưới ánh sáng Lới Chúa chúng ta thấy tấm lòng của Thiên Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta gia nhập trong giáo hội là hình ảnh của vườn nho mà Chúa mời gọi chúng ta tham dự. Có người trước người sau như anh chị em tân tòng của chúng ta đây so với chúng ta.
Phần lớn là những người được rửa tội từ tấm bé giống như những người làm vườn nho từ những giờ đầu tiên, còn những anh chị em tân tòng chúng ta đây có thể trễ hơn 9 giờ hoặc 10 giờ sáng. Thế nhưng, cái quan trọng là cho dẫu sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều được lãnh một đồng, đều được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Dừng lại trước ánh sáng Lời Chúa, mỗi người chúng ta, cùng với các anh chị em dự tòng đây chúng ta tạ ơn Chúa, cho dẫu chúng ta bất xứng, bất toàn lắm tội lỗi nhưng Chúa vẫn yêu thương, bời vì Chúa muốn người tội lỗi ăn năn sám hối trở về để đón nhận ơn tha thứ và cứu độ của Chúa.

Ngài kết luận: Hôm nay chúng ta dâng Thánh lễ tạ ơn vì những ơn lành Chúa đã ban cho cộng đoàn chúng ta đặc biệt các anh chị em tân tòng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để mỗi ngày chúng ta sống đẹp lòng Chúa hơn. Cầu nguyện cho anh chị em tân tòng được ơn bền đỗ.

Sau bài giảng lm chủ tế ban các bí tích Khai tâm KiTô giáo cho 32 anh chị em.

Rửa tội: Khi lãnh nhận nước này, từ đây anh chị em trở nên một với Đức KiTô, chịu nạn, chịu chết, mai táng và phục sinh với Ngài.

Trao ánh sáng: Áo trắng này anh chị em mặc lấy và giữ nó mãi tinh tuyền cho đến khi ra trình diện trước mặt Đức KiTô.

Trao nến Phục sinh: Anh chị em hãy giữ ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng trong lòng, để khi Đức KiTô đến, anh chị em ra đón rước Ngài.

Bí tích Thêm sức: Anh chị em lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ngài sẽ thêm sức mạnh trong đức tin, ơn khôn ngoan, hiểu biết, lòng can đảm và biết kính sợ Thiên Chúa.

Thành lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, đại diện các anh chị em cám ơn hai cha, các anh chị hướng dẫn giáo lý và toàn thể cộng đoàn đã cầu nguyện cho anh chị em tân tòng. Xin thiên Chúa nâng đỡ

Để anh chị em luôn trung thành với ơn gọi mà mình đã chọn.

Thánh lễ kết thúc lúc 19g trong niềm vui của toàn thể giáo xứ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Văn Hóa
Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 7
Vũ Văn An
20:31 19/09/2020

2.5 Một Bí Tích của Giao Ước Mới Bất Khả Tiêu, tại Tâm Điểm của “Nhiệm Cục Thiên Chúa”

Bối cảnh của Giao Ước Mới, với việc trực tiếp nhắc đến hôn nhân, đã soi sáng thực tại của nó như một bí tích theo nghĩa chuyên biệt là dấu chỉ có thực chất của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (xem Ep 5:32). Do đó, đặc tính dứt khoát của Giao Ước Mới trong Chúa Kitô, trong đó có việc đòi phải trọn lành, thuộc hôn nhân Kitô Giáo đúng nghĩa.

Trên bình diện bí tích, thực tại có tính trung tâm này của Kitô Giáo đã được phát biểu bởi đặc tính độc đáo của một số bí tích, đến độ chúng là dấu chỉ sự chọn lựa bất phản hồi của Thiên Chúa (xem Rm 11:29), vượt lên trên bất cứ tác phong luân lý trái ngược nào mà con người có thể thực hành. Ơn thánh mạnh mẽ hơn bất cứ sự yếu đuối nào, và nó mãi là lời kêu gọi thường hằng phải hồi tâm sám hối. Nền tảng của việc này là Phép Rửa, dấu chỉ thực sự của giao ước này, một giao ước sẽ tồn tại mãi, ngay cả sau tội bội giáo.

Lòng thương xót trong bối cảnh này chỉ khả thể thường hằng sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng. Ơn thánh của Thiên Chúa có ưu thế đến nỗi vượt quá cả sự hiểu biết của con người và bất cứ phán đoán nào về mình và về các khả năng của mình. Lòng thương xót của Giáo Hội phải dẫn khởi từ lòng thương xót của Thiên Chúa theo luận lý học nội tại của nó. Thực tại ơn thánh tại giếng rửa tội bác bỏ chủ trương cho rằng có những luật trừ đối với luật luân lý, được biện minh khi xét tới việc con người không thể sống thực được các đòi hỏi của nó.

“Sẽ là một lầm lẫn rất trầm trọng khi kết luận… rằng giáo huấn của Giáo Hội, trong yếu tính, chỉ là một ‘lý tưởng’ cần được thích ứng, cân xứng hóa, phân độ hóa thành các điều gọi là khả thể cụ thể của con người, theo một việc “cân bằng hóa các sự thiện đang bàn”. Và chúng ta đang nói về loại người nào? Về loại người bị nhục dục thống trị hay về loại người được Chúa Kitô cứu chuộc? Đây mới là điều đáng kể: thực tại ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta! Điều này có nghĩa: Người đã ban cho chúng ta khả thể hiểu được toàn bộ sự thật về con người chúng ta; Người đã giải thoát tự do của chúng ta khỏi sự thống trị của tư dục (47)”.

Nhiệm cục của Thiên Chúa là đường lối qua đó Thiên Chúa lôi kéo chúng ta vào với Người; do đó, nó nhận lấy mọi tính tạm bợ vốn cố hữu trong thân phận con người. “[Oikonomia hay] nhiệm cục có nghĩa là toàn bộ trật tự cứu rỗi của Thiên Chúa trong tư cách một người cha nhân hậu của gia hộ và là một nền linh đạo được đánh dấu bằng lời ca ngợi ‘người quản lý’ hay ‘chủ hộ’ (householder) của Giáo Hội và bằng niềm tín thác vào ‘vị mục tử nhân lành’, Đấng biết và gọi tên từng người và mọi người” (48).

Không có ý niệm nào có tầm quan trọng về mục vụ hơn ý niệm này; chắc chắn, nó phải được nối kết với sự thật mặc khải, một sự thật phải được nhìn theo luận lý học tình yêu (49). Như sẽ thấy, có một cách xem xét cụ thể rất khác đối với nguyên tắc này trong các giáo hội Chính Thống.

Tính bất khả tiêu không phát sinh từ lệnh truyền của Thiên Chúa được thêm vào cho hôn nhân, mà đúng hơn, là một phẩm tính của cuộc kết hợp bản vị đã được thiết lập; “sự thiện bất khả tiêu là sự thiện của chính hôn nhân; và không hiểu đặc tính bất khả tiêu này là không hiểu yếu tính của hôn nhân” (50). Truyền thống Tây Phương nói đến sợi dây bất khả tiêu nối kết các người phối ngẫu như là một biểu hiện rõ ràng hành động siêu việt của Thiên Chúa trong hôn nhân, thực tại ơn thánh của “điều Thiên Chúa đã kết hợp”. Công Đồng Trent chấp nhận lối dùng từ ngữ này để diễn tả yếu tính của bí tích này (51). Công Đồng Vatican II biến lối dùng từ ngữ này thành của mình khi chấp nhận quan điểm duy nhân vị vốn không hề mâu thuẫn với từ vựng này: “dây thánh thiêng này không còn tùy thuộc một mình quyết định của con người nữa” (52), và, do đó, Công Đồng đã định tín nó là bất khả tiêu (53).

Để giải thích liên tục tính của giao ước hôn nhân vượt quá bất cứ gián đoạn nào có thể có do tội lỗi gây ra, thần học Trung Cổ sử dụng thuật ngữ res et sacramentum, trực tiếp liên kết với đặc tính độc đáo của các bí tích. Về phương diện này, ta hãy nhớ lại lời lẽ của của Familiaris consortio: “Đôi bạn dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, đến nỗi hậu quả đầu tiên và tức khắc của bí tích hôn nhân (res et sacramentum) không phải là ân sủng siêu nhiên nhưng là mối dây liên kết hôn nhân Ki-tô giáo, là việc hai người thông hiệp với nhau theo cách thức đặc biệt Ki-tô giáo, bởi vì sự thông hiệp ấy diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô và mầu nhiệm giao ước của Người” (54). Sự kết hợp này kéo dài dù các người phối ngẫu không trung thành và không sống theo ơn thánh này.

Thực tại của sợi dây này có đặc tính bản vị và được bản chất bí tích in dấu như là hành động trực tiếp của Thiên Chúa, để bảo đảm tính vĩnh viễn của cuộc kết hợp này. Nhờ cách này, sự thiện có tính pháp chế về tính vĩnh viễn của hôn nhân, một sự thiện cần được luật pháp bảo vệ, nay là một sự thiện pháp chế có tính bí tích mà Giáo Hội phải duy trì. Nó là thành phần của ơn thánh và lòng trung thành dẫn vào Giao Ước Mới.

Hồng phúc thương xót của Thiên Chúa đối với hôn nhân thông ban khả năng vượt qua “sự cứng lòng” của con người và sống thực mối liên hệ thực sự bất khả tiêu. Ơn thành này là điều cốt yếu cho những ai đang kinh qua việc ly thân, để họ hiểu rằng luôn có khả thể trung thành và tha thứ. Điều này đặc biệt có liên hệ đối với trường hợp những người Công Giáo ly thân cần được cộng đồng Kitô hữu giúp đỡ trong hoàn cảnh của họ (55), trong khi thay vì họ thường cảm thấy bị bỏ rơi trong nhiều trường hợp.

Do đó, điều rõ ràng là bất cứ loại liên hệ vợ chồng nào mà không có sợi dây này đều luôn là mối liên hệ bất trung và, chính vì lý do này, là ngoại tình. Lời Chúa Kitô có tính tuyệt đối: “ai bỏ vợ mình và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình chống lại nàng; và nếu nàng bỏ chồng và cưới người khác, nàng sẽ phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11-12) (56). Không có chỗ nào để thương xót đối với việc bất trung liên tục, cho dù người này từng ăn năn hối hận đã tạo ra nó. Cũng thế, không thể vì thương xót mà chấp nhận một người cứ ở lỳ trong tội bội giáo hay một ai đó không chịu trở về với giao ước hôn nhân đã ký kết với Thiên Chúa, huống chi một ai đó sống hoàn tòn mâu thuẫn với nó. Đây không phải là việc bác bỏ khả thể tha thứ, như phái Novatiananô (cấm tha tội trọng) chủ trương, nhưng đúng hơn là hiểu rằng chỉ có thể ban tha thứ khi có sự ăn năn thực sự, một sự ăn năn thay đổi được tình huống tội lỗi. Điều rõ ràng là ngoại tình có thể được tha thứ, nhưng điều cũng đúng là tội này không phải là tội duy nhất có thể được tha mà không cần phải ăn năn.

Quả là một mâu thuẫn khi thiết lập một nhiệm cục cứu rỗi nhưng trên thực tế lại bác bỏ giá trị bí tích của việc kết hợp giữa chồng và vợ, hay lại chấp nhận một modus vivendi (một lối sống) tách biệt hẳn đặc tính bí tích này. Điều này sẽ có nghĩa chấp nhận ý niệm cho rằng nhiệm cục do Chúa Kitô khởi xướng chỉ có tính tạm bợ; hay ta phải đợi một nhiệm cục khác, hay bác bỏ tính phổ quát của nó vì chỉ có thế người ta mới có thể tự ý loại mình ra khỏi nó được. Tín hữu Kitô tiếp tục là người có tội, tuy nhiên, ngay từ đầu, câu trả lời cho nhận xét này vốn là trở về với giếng rửa tội, với sự ăn năn; nhưng việc này không bao giờ được hiểu như một phép rửa mới với mọi hậu quả từ đó mà có. Hòa giải là đổi mới giao ước vốn tồn tại như một nguồn, chứ không phải tìm một nẻo đường khác ho đời sống cho là Kitô hữu mà lại tách biệt khỏi Tân Ước.

Kỳ sau: 2.6: Tầm quan trong của nó trong Đời Sống Giáo Hội


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mây Giông/Storm Cloud
Robert Helfman
09:34 19/09/2020
MÂY GIÔNG/STORM CLOUD
Ảnh của Robert Helfman

Mây giông mặc kệ mây giông
Bên tôi có Chúa tôi không sợ gì
(bt)
 
VietCatholic TV
Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu: Ơn lạ Mẹ ban cho dân Malta thời đại dịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:11 19/09/2020


Lòng sùng kính Đức Mẹ của người Malta dâng cao sau thời đại dịch coronavirus

Nằm ngay sát bên cạnh Ý, Malta đã may mắn tránh được đại hoạ virus độc địa. Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này chỉ có 2,247 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong đó có 15 trường hợp tử vong. Lòng sùng kính Đức Mẹ nổi tiếng của người Malta lại tăng lên gấp bội.

Lòng tôn sùng của người Malta đối với Đức Mẹ Hang Đá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nguồn gốc của lòng tôn sùng này bắt nguồn từ khoảng năm 1400 sau Chúa Giáng Sinh khi Đức Mẹ hiện ra với một người thợ săn trong một hang động, gần Mdina. Dân chúng trong vùng đã tạc một bức tượng Đức Mẹ để kính nhớ biến cố này. Sự kiện phi thường đó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng không được ghi lại. Mãi đến năm 1670, một Sử gia dòng Đa Minh, là Cha Francis Mary Azzopardo, mới viết lại sự kiện này bằng tiếng Ý.

Tình trạng thiếu tài liệu trong một thời gian dài không ngăn được người dân tin vào câu chuyện được truyền khẩu. Thật vậy, qua nhiều thế kỷ, lòng sùng kính của người Malta đối với Đức Mẹ Hang Đá của họ không bao giờ bị chùn bước. Các tín hữu thường xuyên thăm viếng hang đá và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ.

Lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Hang Đá đã được thúc đẩy rất mạnh vào khoảng năm 1450/ Lúc đó, ba linh mục dòng Đa Minh từ tỉnh Sicilia đã sang thành lập Dòng ở Malta và yêu cầu được ban cho hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Yêu cầu này được đấng bản quyền ban cho ngay sau đó. Rất nhanh chóng, lòng sùng kính Đức Mẹ đã gia tăng đến mức hầm mộ trở nên quá nhỏ đối với những người sùng kính lũ lượt kéo đến viếng thăm. Vì lý do này, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã phải xây dựng một nhà thờ lớn hơn và một tu viện mới. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã đặt tên nhà thờ mới là Nhà thờ Hang Đức Mẹ. Trong thời kỳ này, Malta liên tục bị đe dọa bởi một cuộc xâm lược của người Hồi Giáo. Trên thực tế, vào năm 1551, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công dữ dội hòn đảo và chiếm giữ được tu viện dòng Đa Minh.

Vào năm 1630, tu viện phải được trùng tu vì sự phá phách của quân thánh chiến Hồi Giáo. Tuy thế, ngọn đèn dầu trước tượng đài Đức Mẹ vẫn được giữ cho tiếp tục cháy, bất kể Nhà thờ đã phải đóng cửa. Một người phụ nữ lấy một ít dầu từ ngọn đèn này bôi lên tay chân của Gian Maria, đứa con trai bị liệt của bà. Anh ấy đã được chữa khỏi ngay lập tức!

Một phép màu khác đã được ban cho anh Tommaso Gioanello đến từ Cospicua. Vào năm 1640, khi đang làm việc trong một nhà kho, một xà ngang rơi xuống và đập vào đầu anh ta. Khi nhìn thấy cây xà ngang rơi xuống, anh ta đã kêu lên “Lạy Đức Mẹ xin cứu con”. Chỉ vài ngày sau tai nạn khủng khiếp đó, anh đã đi lại như bình thường.

Năm 1887, một trận dịch tả tấn công Đảo Malta. Nhiều người đã cầu cứu Đức Mẹ Hang Đá và được chữa lành. Mười hai năm sau, Malta lại hứng chịu một trận dịch khác. Lần này là bệnh đậu mùa. Msida bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cha xứ đã dẫn dắt cộng đoàn cầu nguyện với Đức Mẹ Hang Đá và Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của họ. Msida đã được giải thoát khỏi tai họa này. Một giấy chứng nhận đã được cấp bởi nhân viên y tế địa phương và tất cả những người dân địa phương đã ký vào tờ khai. Những tài liệu này với được giữ ở Tu viện Rabat.

Vào ngày 13 tháng 2 năm 1954, một cậu bé ở thành phố Lia bị viêm màng não. Ngày hôm sau anh được đưa đến bệnh viện và cha mẹ anh được thông báo rằng tính mạng của con trai họ đang gặp nguy hiểm. Bà ngoại của cậu bé đã cầu nguyện với Đức Mẹ Hang Đá; một người hàng xóm của họ cũng đã cầu nguyện cho cậu bé và hứa sẽ đến thăm Thánh địa và phân phát những bức ảnh thánh về Đức Mẹ Hang Đá nếu cậu bé được chữa khỏi. Ngày 1 tháng 3, cậu bé được xuất viện.

Đức Mẹ Hang Đá Malta luôn có tình yêu thương dịu dàng đối với các bà mẹ. Thật vậy, một câu chuyện đáng kinh ngạc khác, xảy ra vào năm 1954, đó là một phụ nữ đến từ Dingli sinh con rất khó khăn và nguy hiểm, vì bà bị huyết áp cao và bệnh thận. Bác sĩ đã đề nghị nhập viện và cảnh báo người chồng chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Tất cả gia đình và hàng xóm của ngôi làng nhỏ đó cầu nguyện với Đức Mẹ không ngừng. Một đoàn hành hương cũng rời giáo xứ làng đến Nhà thờ Đức Mẹ Hang Đá. Người phụ nữ này cũng dùng dầu của Đức Mẹ, do một người hàng xóm tặng, để làm dấu thánh giá. Vào ngày 3 tháng 5, người phụ nữ đã sinh con trai mẹ tròn con vuông chỉ trong một giờ!

Năm 1980, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã quyết định đặt một bản sao bằng đá cẩm thạch từ Ý, để giữ nguyên bức tượng gốc. Bức tượng cũ sau hơn 500 năm đã bị lão hóa, và bị hao mòn nhiều, đặc biệt là sau biết bao các cuộc rước liên quan đến các lễ hội và các cuộc hành hương. Trên thực tế, các linh mục, tu sĩ sợ rằng thiệt hại không thể phục hồi sẽ xảy ra nếu bức tượng tiếp tục được sử dụng trong các cuộc rước. Thật vậy, bức tượng đã từng bị vỡ thành nhiều mảnh và sau đó được phục hồi. Đến năm 1981, bản sao đã đến Malta. Năm 1999, một số tín hữu nhận thấy một đốm đen gần mắt của tác phẩm điêu khắc mới về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng. Lúc đầu, vì một số lý do, không ai báo cáo điều này. Tuy nhiên, vào ngày 6 tháng 5, một phụ nữ nhận thấy một giọt nước mắt hơi đỏ từ mắt phải của Đức Trinh Nữ, và ngay lập tức thông báo cho Cha Sở và cha Giám tỉnh dòng Đa Minh. Nhưng trước khi các nhân chứng đến nơi, một người nào đó đã lau nước mắt trên khuôn mặt của Đức Mẹ. Phản ứng của các vị bề trên là là nếu đó là một phép lạ thì nước mắt sẽ xuất hiện trở lại.

Ngày hôm sau không có giọt nước mắt đỏ nào xuất hiện, cho đến 6 giờ chiều. Lúc 6 giờ mười phút, một người phụ nữ đến thăm Nhà thờ và nhìn thấy những giọt nước mắt đỏ hồng chảy ra từ mắt Đức Trinh Nữ. Bà báo cho Cha xứ, và ngài đã thông báo ngay cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Mercieca.

Chứng kiến tất cả những sự lạ này, Đức Cha Mercieca đã hành động ngay lập tức và thiết lập một cuộc điều tra dưới sự giám sát của Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh. Các nghiên cứu pháp y cũng được thực hiện. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2003, Tòa Tổng Giám mục Malta đã ra một thông cáo báo chí, khích lệ anh chị em giáo dân ở Malta nên tiếp tục sống và củng cố tình yêu truyền thống của họ đối với Đức Mẹ. Tuyên bố cũng nói rằng theo báo cáo của Ủy ban Chuyên gia, và lời khuyên của Bộ Giáo lý Đức tin, đây là một sự kiện phi thường không thể giải thích được về khoa học. Dịp này, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng sẽ là điều đáng giá khi tình yêu này của người Malta đối với Đức Mẹ tiếp tục đón nhận, một cách xứng đáng và đích thực, lòng sùng kính lâu đời đối với hình ảnh Đức Mẹ Hang Đá. Cùng ngày hôm đó, Tỉnh Dòng Đa Minh Malta cũng đã đưa ra một thông cáo báo chí được công bố vào ngày 13 tháng 12 xác nhận tính chất chân thực của phép lạ này.


Source:Aleteia

 
Vatican: Các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ gia tăng trong giới trẻ và trên truyền thông.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 19/09/2020


1. Toà thánh cảnh báo rằng các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông

Khóa học thứ 15 tại Ðại học Giáo hoàng Nữ Vương các Tông Ðồ của dòng Ðạo Binh Chúa Kitô, ở Roma sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 31 tháng 10 năm 2020 dành cho các linh mục và giáo dân thuộc các hệ phái Kitô khác nhau.

Trong khóa học này, các tham dự viên sẽ học về những nghi thức xua đuổi tà thần ra khỏi con người, các sinh vật và đồ vật. Kết quả một cuộc nghiên cứu đa ngành về trừ quỷ và kinh nguyện giải thoát, sẽ được trình bày trong dịp này. Tham gia cuộc nghiên cứu có đại học Bologna ở Italia và nhiều chuyên gia quốc tế.

Các phương thức trừ tà vốn có trong mọi nền văn hóa, nhắm thanh tẩy và chữa lành con người. Giáo Hội Công Giáo coi việc trừ tà là một kinh nguyện, xin Chúa giải thoát con người khỏi quyền lực của sự ác. Trừ tà cũng có thể là một mệnh lệnh, nhân danh Chúa Giêsu Kitô truyền cho ma quỉ rời bỏ người bị chúng ám. Giáo hội rút năng quyền thực hiện việc trừ tà từ Kinh thánh Tân ước, noi gương Chúa Giêsu trục xuất ma quỉ.

Việc trừ tà gồm những kinh nguyện, như những công thức chúc lành và thần trú, được thực hiện dưới hình thức đơn sơ phép rửa tội. Theo giáo luật năm 1983, một linh mục chỉ được phép thực hiện nghi thức trừ tà, với sự chấp thuận của Ðức giám mục bản quyền.

Năm nay là năm thứ hai hội nghị trừ tà của Vatican được mở rộng cả cho các giáo hội khác như Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Lutheran, và Tin Lành.

Một trong những đề tài được quan tâm nhiều nhất là sự gia tăng của các nhóm Satan và các thế lực ma quỷ trên thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông xã hội.


Source:Catholic News Agency

2. Tái lập thánh lễ tại ba căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở San Diego.

Do sự can thiệp của Tổng thống Trump và Ðức Tổng giám mục Timothy Broglio, thuộc Tổng giáo phận quân đội Mỹ, Bộ Hải quân Hoa Kỳ đã thu hồi quyết định bãi bỏ các thánh lễ Công Giáo tại ba căn cứ hải quân Mỹ, ở thành phố San Diego, bang California.

Hồi giữa tháng Tám năm 2020, Bộ Hải quân đã thông báo cho các linh mục dân sự quyết định ngưng hợp đồng với các vị về việc đến dâng lễ cho các tín hữu Công Giáo tại ba căn cứ nói trên. Với biện pháp này, Bộ Hải quân sẽ tiết kiệm được 250,000 Mỹ kim mỗi năm.

Nỗ lực này của Hải quân nhằm cắt giảm chi phí bằng cách hủy hợp đồng của một số linh mục Công Giáo đã vấp phải chống đối của Tổng thống Donald Trump.

Hôm thứ Tư, 9 tháng 9, tổng thống Trump tweet như sau:

“Hải quân Hoa Kỳ, hay Bộ Quốc phòng, sẽ KHÔNG hủy hợp đồng với các Linh mục Công Giáo, những người phục vụ rất tốt cho những người nam nữ của chúng ta trong Lực lượng Vũ trang, với lòng nhân ái và kỹ năng tuyệt vời như vậy. Đây thậm chí sẽ không còn là một điểm có thể đưa ra thảo luận được nữa!”

Tại Mỹ, 20% quân nhân là tín hữu Công Giáo, nhưng con số các linh mục tuyên úy quân đội ở tỷ lệ ít hơn nhiều. Vì thế, các linh mục tuyên úy thường được cử đi theo các đoàn quân hoặc các căn cứ quân đội Mỹ ở hải ngoại, và có nhiều căn cứ trong nước không có linh mục tuyên úy quân đội thường trú. Bù lại, các linh mục dân sự được mời đến dâng thánh lễ theo hợp đồng.

Trước quyết định bãi bỏ hợp đồng trên đây, Ðức Tổng giám mục Broglio đã làm việc với vị Tuyên úy trưởng của Hải quân Mỹ, để liên hệ với các vị hữu trách, yêu cầu xét lại quyết định. Ðức Tổng giám mục nói rằng số tiền 250,000 Mỹ kim, do việc hủy bỏ hợp đồng chỉ là một con số rất nhỏ, vào khoảng hơn một phần 100,000 ngân sách của Hải quân Mỹ (0.000156%), so với con số đông đảo các tín hữu Công Giáo phục vụ trong ngành hải quân. Ngài nói: “Thật là khó đo lường vấn đề: điều khoản căn bản thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về tự do tôn giáo bị thương tổn thế nào, trong việc áp dụng cho nhóm tín hữu đông nhất trong hải quân chỉ vì số tiền bé nhỏ như vậy”.

Hôm 8 tháng 9 năm 2020, Phó Ðề đốc Bette Bolivar /bét bo-lơ-va/, chỉ huy trưởng quân khu hải quân tây nam Hoa Kỳ, thông báo quyết định “tiếp tục hợp đồng về việc mục vụ tôn giáo như từ trước đến nay với các linh mục Công Giáo. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thẩm định xem đâu là điều tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của các thủy quân của chúng tôi và gia đình họ trong vùng”.

Ðức Tổng giám mục Timothy Broglio cũng bày tỏ hài lòng với quyết định tiếp tục các thánh lễ tại ba căn cứ hải quân ở San Diego. “Các tín hữu Công Giáo trong Hải quân và các nơi ở Mỹ, vui mừng vì quyết định của Hải quân xét lại việc chấm dứt các chương trình Công Giáo tại các căn cứ hải quân ở California”.


Source:Catholic News Agency

3. Động tác giả của Belarus: Mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm trong khi cấm Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz về nước

Belarus đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm nước này trong cuộc hội đàm với một Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vladimir Makei cho biết trước đây Belarus đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm nước này, và lời mời này vẫn được để ngỏ trong bối cảnh căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo địa phương và chính phủ.

Tổng thống Alexander Lukashenko đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Belarus trong chuyến công du tới Vatican vào năm 2016.

Ông Makei đã gặp Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia của Vatican, một tuần sau khi nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Belarus bị chặn ở biên giới không cho trở về quê hương.

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, một công dân Belarus, đã bị lính biên phòng ngăn cản khi ngài trở về Belarus hôm 31 tháng 8 sau một chuyến đi đến Ba Lan.

Ông Makei nói với Đức Tổng Giám Mục Gallagher: “Chuyến thăm của ngài chứng tỏ rằng Belarus và Tòa thánh có quan hệ đặc biệt hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi hài lòng với sự năng động trong sự phát triển các mối quan hệ ở cấp độ cao và cao nhất.”

Ngoại trưởng cho biết Belarus và Tòa thánh rất thích hợp tác ở mức độ cao tại Liên hợp quốc vì các giá trị được chia sẻ. Ông cảm ơn Vatican đã hỗ trợ Liên hiệp chống buôn người, một hiệp hội gồm các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được thành lập theo sáng kiến của Belarus vào năm 2010.

“Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với Tòa thánh. Chúng tôi mong muốn phát triển và tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực,” ông Makei nói.

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh xác nhận vào ngày 11 tháng 9 rằng Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã đến Belarus. Tòa Thánh nói rằng Đức Tổng Giám Mục dự định “bày tỏ sự quan tâm và gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Giáo Hội Công Giáo và cả đất nước,” và nói thêm rằng chương trình của Đức Tổng Giám Mục Gallagher sẽ bao gồm “các cuộc họp với chính quyền dân sự và những nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.”

Truyền thông nhà nước Belarus cho biết, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới quốc gia Đông Âu, nơi bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào ngày 9 tháng 8.

Lukashenko tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu. Người thách thức ông, Sviatlana Tsikhanouskaya, đã phàn nàn với các quan chức bầu cử sau khi họ nói rằng bà chỉ giành được 10% số phiếu bầu. Lo sợ bị bỏ tù, bà trốn sang nước láng giềng Litva. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra, các nhà chức trách đã bắt giữ các thủ lĩnh phe đối lập khác, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Belarus, đã lên tiếng bảo vệ những người biểu tình sau khi họ bị cảnh sát tấn công sau cuộc bầu cử.

Tuần này, có thông tin cho rằng buổi phát sóng Thánh lễ Chúa Nhật từ Nhà thờ Thánh Danh Đức Maria ở Minsk đã bị tắt sóng trên đài phát thanh toàn quốc lớn nhất ở Belarus.

Đức Cha Yuri Kasabutsky, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Minsk-Mogilev, nói rằng việc ngừng phát sóng đột ngột cho thấy chính quyền đang cố gắng “gây áp lực” lên Giáo Hội Công Giáo.

Hôm thứ Sáu, những người Công Giáo ở thủ đô Minsk, đã tổ chức các Chặng Đàng Thánh giá trên toàn thành phố để cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz được trở về Belarus.

Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus đưa tin hôm 11 tháng 9 rằng Đức Cha Kasabutsky đã nói chuyện với những người tham gia, rằng: “Chúng tôi sẽ đi theo con đường này của Đấng Cứu thế cho sự tự do của Giáo hội ở Belarus, cho sự trở lại của Đức Tổng Giám Mục chúng ta, cho công lý, thiện ích và hòa bình trên đất nước ta.”


Source:Catholic News Agency