Ngày 18-09-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Chito đã được cứu thoát khói tay bọn Hồi Giáo Philippine.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:03 18/09/2017
(Đài Vatican) Hôm qua Chúa Nhật, ĐGM Edwin dela Pena của thành phố Marawi, Phillipines đã vui mừng cho biết cha Teresito “Chito” Suganob đã được cứu thoát khỏi tay nhóm Hồi Giáo Maute. Cha đã bị bọn này bắt đi kể từ khi cuộc nổi loạn ở thành phố Marawi cách đây bốn tháng.

Cố Vấn của Tổng Thống Phi về Tiến Trình Hòa Bình là Jesuz Dureza đã nói với hãng tin CBCP rằng cha Chito đã được cứu thoát cùng với những người khác vào khoảng 11 giờ đêm ngày Thứ Bẩy.

ĐGM Edwin nói rằng ngài rất vui mừng khi được tin cha Chito đã được cứu thoát và ngài cũng ca ngợi quân đội vì những nỗ lực của họ trong việc cứu thoát cha Suganob và những con tin khác khỏi tay bọn khủng bố.

ĐGM đã nhận được tin vui này khi ngài đang ở phi trường quốc tế Abu Dhabi trên đường về Manila sau khi ngài tham dự hội nghị ở Roma vào hôm thứ Sáu và đã bá cáo về tình hình ở Marawi cũng như việc tiếp tục đàm phán của ngài.

Cố vấn của Tổng Thống về Hòa Bình, Jesus Dureza vội đưa tin vào sáng Chúa Nhật là cha Suganob đã được giải thoát vào đêm thứ Bẩy từ một ngôi đền lớn thứ hai ở quận Bato, thuộc thành phố Marawi. Nhưng sau đó đã bác bỏ bản tin vì lý do an ninh, quân đội đang truy quét trong vùng và hy vọng sẽ giải thoát thêm được những con tin khác.

Cha Chito và một số người dân thường khác đã bị bắt cóc bởi nhóm Hồi Giáo Maute vào ngày 23 tháng Năm khi họ tấn công vào thành phố Marawi trong đó có nhà thờ Chính Tòa Thánh Mary.

Theo hãng tin CBCP, cha Teresito Suganob sẽ có cuộc họp báo sáng nay, thứ Hai ngày 18 tháng Chín, 2017 tại trại Aguinaldo ở thành phố Quezon, thuộc phía đông bắc của Manila, Philippines.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐTC kêu gọi các Giám Mục Nhật Bản Bản đẩy mạnh sứ mạng làm ”muối đất và ánh sáng”
Lm. Trần Đức Anh OP
10:05 18/09/2017
TOKYO. ĐTC kêu gọi các GM Nhật Bản đẩy mạnh sứ mạng làm ”muối đất và ánh sáng” tại đất nước này mặc dù Giáo Hội tại đây chỉ là một cộng đoàn bé nhỏ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi HĐGM Nhật nhân dịp cuộc viếng thăm của ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đến viếng thăm Giáo Hội tại Nhật bản trong 9 ngày, từ 17 đến 26-9-2017.

Sau khi nhắc đến tấm gương của các vị tử đạo và các vị tuyên xưng đức tin trong lịch sử Giáo Hội tại Nhật, ĐTC nhắn nhủ các GM nước này rằng:

”Anh em thân mến, những thách đố mà thực tại hiện nay đề ra cho chúng ta không thể làm cho chúng ta cam chịu và càng không thể nại tới một cuộc đối thoại hòa hoãn và làm tê liệt, cho dù một vài tình trạng khó khăn tạo nên nhiều lo âu”.

ĐTC nhắc nhở các GM Nhật quan tâm huấn luyện kỹ lưỡng cho các chủng sinh và tu sĩ, đồng thời coi các phong trào Giáo Hội đã được Tòa Thánh phê chuẩn như một trợ lực truyền giáo và đẩy mạnh việc làm chứng tá.

Trong những năm qua, HĐGM Nhật Bản đã phản đối và cấm một số Phong trào đã được Tòa Thánh chấp nhận, như Con đường Tân Dự Tòng, vì cho rằng các thành viên phong trào này quá hăng hái hoạt động truyền giáo, không hợp với tinh thần văn hóa của Nhật.

Theo một phóng sự hồi tháng 2 năm nay của báo Công Giáo Pháp La Croix, số tín hữu Công Giáo tại Nhật chỉ có 450 ngàn người, tương đương với 0,36% dân số 120 triệu người tại nước này. Các cuộc trở lại Công Giáo rất hiếm và cộng đoàn tại đây có nguy cơ tàn lụi. Trong năm ngoái, 2016, chỉ có 1 người trẻ gia nhập chủng viện. Trong số 1800 LM đang hoạt động tại Nhật, có 519 vị tức là gần 1 phần 3 là người nước ngoài. Cả nước có 13 giáo phận và 3 tổng giáo phận.

Cuộc viếng thăm của ĐHY Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo

Về chương trình viếng thăm của ĐHY Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, hôm 18-09-2017, ngài viếng thăm Đại chủng viện Fukuoka và cử hành thánh lễ tại đây. Thứ ba, 19-9, ĐHY Filoni đến Nagasaki, gặp gỡ các LM, tu sĩ và giáo dân, các tiền chủng sinh vào ban sáng, rồi cử hành thánh lễ ban chiều tại Nhà thờ chính tòa địa phương. Hôm sau, 20-9, ĐHY sẽ gặp các GM vùng Nagasaki trước khi đến Hiroshima, viếng đài kỷ niệm hòa bình và bom nguyên tử. Tại thành phố này, ĐHY Filoni cũng gặp các LM, tu sĩ và giáo dân, trước khi cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa.

Trong những ngày sau đó, ĐHY sẽ viếng thăm và cử hành thánh lễ tại Sendai ở mạn bắc, nơi đã xảy ra nạn động đất và sóng thần. Thứ bẩy 23-9, ĐHY đến thủ đô Tokyo, cử hành thánh lễ, và hôm sau viếng thăm đại học Công Giáo Sofia, gặp các LM, tu sĩ, chủng sinh và cùng với các GM Nhật Bản cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa thủ đô.

Thứ hai 25-9, ĐHY Filoni sẽ thuyết trình và trao đổi với các GM rồi ngày hôm sau lên đường trở về Roma.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, Đức Cha Isao Kikuchi, dòng Ngôi Lời, GM giáo phận Niigata, nói rằng: ”Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm của ĐHY Filoni là một khích lệ cho Cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ của chúng tôi. ĐHY sẽ có dịp thấy và biết thực tại của Giáo Hội và xã hội Nhật Bản.”

”Trong số những thách đố chính Giáo Hội tại Nhật đang gặp phải có tình trạng xã hội tại đây ngày càng già nua và cả nhân sự của Giáo Hội cũng ở trong tình trạng đó, và nhiều khi gặp khó khăn trong việc điều hành các giáo xứ. Ngoài ra, số người Công Giáo nhập cư tại Nhật ngày càng gia tăng và việc săn sóc mục vụ cho họ trở thành một công tác cấp thiết và đòi nhiều cố gắng; tiếp đến chúng tôi chứng kiến tình trạng ơn gọi LM và tu sĩ giảm sút. Hiện tượng này có căn cội xã hội và nhân học, phản ánh thực tại trong xã hội Nhật Bản, việc thực hành đạo ngày càng giảm bớt trong đời sống vội vã của con người. Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm của ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo giúp soi sáng trong hành trình của chúng tôi”. (Fides 16-9-2017)
 
Sau 400 năm, bí ẩn một Sơ ở 2 nơi một lúc, ở Tây Ban Nha và ở Texas, sẽ được công nhận?
Trần Mạnh Trác
12:57 18/09/2017
San Angelo, Texas (CNA/EWTN 14-9-2017) Khoảng 400 năm trước, vào thập kỷ 1620, trong khi người Anh đang tìm cách định cư ở Bắc Mỹ và dâng lễ Tạ Ơn trên hòn đá Plymouth ở Massachusetts, thì ở vùng Texas phiá nam, người Tây Ban Nha cũng đang thiết lập một thuộc địa.

Lúc đó, theo truyền thuyết cuả thổ dân và theo những hồ sơ rửa tội cuả những nhà truyền giáo đi vào Texas, thì người dân bản xứ cuả bộ lạc Jumano đã bá cáo là họ được dậy giáo lý bởi một “Bà Áo Xanh.” (Lady in Blue)

Một Bà trẻ, dáng thanh tao, mặc áo chùng với một cái khăn chùm xanh, đã xuất hiện với người bản thổ nhiều lần trong suốt một thập kỷ, nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ của họ và dạy họ về đức tin Kitô giáo.

Cùng lúc đó và cách đó cả hàng ngàn dặm, trong một tu viện kín ở Tây Ban Nha, Sơ Maria de Agreda báo cáo rằng Sơ thường được đi thăm một nơi bí ẩn trong những lúc cầu nguyện, thường xuyên hơn là sau khi được rước lễ, đến một nơi gọi là Tân Tây Ban Nha (New Spain), và gặp gỡ một bộ tộc người bản xứ ở đó.

Theo đức giám mục Michael Sis của giáo phận San Angelo, Texas thì "Sơ ấy có thể qua những việc xuất thần trong khi cầu nguyện, đã đi tới đây một cách thần bí để thăm viếng những người này và giao rảng đức tin cho họ."

"Và khi Sơ đến, Sơ đã khuyến khích họ đi đến các thí điểm truyền giáo (missions) cuả các linh mục dòng Phanxicô để được rửa tội," ĐGM nói thêm.

Sự liên hệ giữa 2 nhân vật trên, gần đây đã được truy cứu thêm sau khi Vatican tái lập hồ sơ phong thánh cho Sơ Maria de Agreda, là người đã bá cáo những kinh nghiệm thần bí của mình và cũng là một nhà văn với nhiều bài viết, đặc biệt về chủ đề ‘Đức Maria Đồng trinh đầy ơn phúc.’

Sơ đã được tuyên bố là bậc đáng kính, và khi ngôi mộ được khai quật vào năm 1909, xác của Sơ đã không bị tiêu hủy và bây giờ đang được trưng bày trong tu viện tại Tây Ban Nha.

Vào tháng tám vừa qua, linh mục Stefano M. Cecchin, là thỉnh nguyện viên phụ tá cuả hồ sơ phong thánh cho Sơ Maria de Agreda, đã tới San Angelo, Texas, nơi mà Sơ Maria được báo cáo là đã xuất hiện cho người Jumano, và những sự tôn sùng về ‘Bà Áo Xanh’ vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

"Đây là một câu chuyện quan trọng cần phải được kể lại," Cha Cecchin nói với tờ báo the San Angelo Standard Times.

Theo hồ sơ lưu giữ của các nhà truyền giáo trong khu vực, thì Sơ Maria đã hướng dẫn 2.000 người dân địa phương Jumano được rửa tội.

Hầu hết tổ tiên của những người sống trong khu vực San Angelo là công giáo và con cháu ngày nay vẫn còn theo đạo, và vẫn duy trì sự tôn sùng một cách mạnh mẽ "Bà Áo Xanh", là người mang lại cho họ niềm tin công giáo, đức giám mục Sis nói.

Liên quan đến việc một người sống ở 2 nơi một lúc, Cha Cecchin nói thêm: "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một bà áo xanh đã xuất hiện với bộ lạc Jumano."

Toà Thánh Vatican đã không bao giờ phán quyết dứt khoát về những việc như trên. Tuy nhiên, có nhiều kết nối đáng chú ý giữa những kinh nghiệm thần bí cuả Sơ Maria, và người phụ nữ áo xanh mà người Jumano đã thấy, đức giám mục Sis nói.

Sơ được gọi là "Bà Áo Xanh" bởi vì người dân bản địa Jumano đã thấy một người phụ nữ đội khăn choàng màu xanh. Trong khi đó thì Sơ Maria là một nữ tu dòng Phanxicô chi dòng Conceptionistas, thường mặc áo trắng với một chiếc áo choàng màu xanh. Chi dòng vẫn còn tồn tại ở Tây Ban Nha và ở châu Mỹ Latin, trong đó có tu viện Agreda cuả Sơ Maria.

Sau những song sắt cuả một tu viện kín, Sơ đã không bao giờ đi du lịch đến vùng thế giới mới, nhưng Sơ Maria đã có thể mô tả các loài thực vật mới và động vật mới, cũng như cách người ta ăn mặc và sơn mặt. Sơ mô tả cảnh quan là chỗ có hai con sông gặp nhau, và ở San Angelo, có hai con sông gặp nhau là sông Concho Giữa và sông Concho Nam.

Đặc biệt đáng chú ý, đức giám mục Sis nói, Sơ đã mô tả gặp một nhà lãnh đạo với một mắt. Trong khi đó thì các nhà truyền giáo dòng Phanxicô cũng có ghi chép là họ có một cuộc họp với một vị tù trưỏng Jumano có một con mắt tốt và một con mắt híp.
"Đó là một chi tiết hấp dẫn, cho thấy có sự kết nối chắc chắn giữa những mô tả của Sơ Maria và những người dân ở đây", ĐGM nói.

Theo niên giám Texas Almanac thì Cha (Phan Sinh) Alonso de Benavides ở New Mexico là người đầu tiên xác nhận những kết nối cuả câu chuyện Bà Áo Xanh. Ngài báo cáo về những xuất hiện đó trước tòa án Tây Ban Nha vào năm 1630, và ngay sau đó đã tới phỏng vấn Sơ Maria de Agreda tại tu viện, và ngài đã đối chiếu lời khai cuả Sơ Maria với những lời đồn cuả người Jumano.

Cha Alonso viết lại như sau: "Sơ ấy xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1620. Sơ ấy vẫn còn tiếp tục... Sơ ấy đã tả cho tôi tất cả các dấu hiệu của họ và (tuyên bố) là Sơ đã ở với họ."

"Sơ ấy biết rất rõ ông tù trưởng Tuerto (tù trưởng một mắt), tả cho tôi các đặc điểm cá nhân của ông ta và của tất cả những người khác nữa. Sơ ấy cũng đã gửi sứ giả từ Quivira (một làng Jumano trong đồng bằng) để đi gặp các nhà truyền giáo."

Được biết, sự bí ẩn ở hai nơi của Sơ Maria de Agreda đã chấm dứt sau khi mục tiêu của Sơ được thực hiện, đó là sau khi người dân bản địa Jumano đã nhận bí tích rửa tội.

Sự việc ở 2 nơi thật sự không là một hiện tượng duy nhất.

Người ta đã biết là Chúa Giêsu hay Mẹ Maria và nhiều Thánh ở trên trời đã hiện ra với nhiều người, một số Thánh còn được báo cáo là đã ở 2 nơi trong khi họ vẫn còn sống trên trái đất.

Vị thánh nổi tiếng trong thời gian gần đây là Thánh Padre Pio, đã được báo cáo là đã xuất hiện với rất nhiều người trên khắp thế giới trong khi Ngài đang sống ở Ý.

Trong thế chiến II, rất nhiều phi công Mỹ nói rằng có một tu sĩ bí ẩn đã xuất hiện trên không trung trên cái vòm cuả nhà thờ San Giovanni đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Khi các phi công Mỹ cố gắng ném bom vào đó thì vị tu sĩ ấy đã đưa tay ra hất bom vào vùng đồng bằng ở gần đó.

Sau chiến tranh, một phi công đến thăm tu viện và ngay lập tức nhận ra Padre Pio là người đã xuất hiện.

Được hỏi về các sự cố kỳ lạ ấy, thánh Padre Pio đã từng nói rằng, chúng đơn giản xảy ra "vì sự nới rộng nhân cách của mình."

Không như các cuộc hiện ra của Mẹ Maria hoặc cuả Chúa Giêsu, Toà Thánh Vatican thường không chính thức điều tra các cuộc hiện ra cuả các thánh, theo ông Michael O'Neill, một nhà nghiên cứu các phép lạ và gần đây đã xuất bản một cuốn sách về các cuộc hiện ra thần kỳ.

Ông O'Neill nói rằng các cuộc hiện ra hoặc ở 2 nơi của các vị thánh, chỉ đơn giản là "thêm vào câu chuyện của vị Thánh, mà danh tiếng của họ đã là sự thánh thiện và lòng tôn sùng phát sinh ra xung quanh một vị thánh”.

Những câu chuyện thần bí có thể là một phần của danh tiếng thánh thiện, và trong trường hợp cuả Sơ Maria thì "để cho thấy rằng có sự tôn sùng đặc biệt ngay cả ở bên ngoài Tây Ban Nha", ông nói.

"Sơ ấy đã được tuyên bố là bậc đáng kính," đức giám mục Sis cho biết, bước tiếp theo là bậc chân phước.

"Sự việc Sơ sẽ được phong chân phước hay hiển thánh không thực sự tuỳ thuộc vào những cuộc hiện ra, nhưng quan trọng nhất là vào đức hạnh và các tác phẩm của Sơ," ĐGM nói thêm.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Sơ là "Bí ẩn về Thành Thánh của Thiên Chúa: cuộc sống của Đức Đồng Trinh mẹ của Thiên Chúa," là tác phẩm mà Sơ viết về chi tiết mà Mẹ Maria đã tỏ ra cho Sơ trong khi cầu nguyện. Nó không thể có sai lầm, đức giám mục Sis nói thêm, và vị phụ tá thỉnh nguyện viên lại là một chuyên gia về Thánh Mẫu học và hiện là chủ tịch của Viện Hàn lâm về Thánh mẫu học ở Roma.

"Vì vậy, đó là mục tiêu chính tại thời điểm này, là vấn đề thần học cuả những bí ẩn về Đức Mẹ cuả Sơ," và sẽ còn nhiều điều tra kỹ lưỡng nữa về các tác phẩm khác và về cuộc sống của Sơ, ĐGM cho biết.

Nhưng trong chờ đợi thì nhân vật “Bà Áo Xanh" đã là một nhân vật ở trung tâm của lịch sử và sự sùng mộ cuả người công giáo ở Texas.

Đã có một bảng lịch sử được dựng lên để ghi dấu thí điểm truyền giáo cuả các cha Phanxicô. Một tổ chức “hội Bà Áo Xanh" đặc biệt hoạt động để thúc đẩy câu chuyện và gia sản mà Sơ để lại, và một bức tượng đồng đang được đúc, mô tả Sơ Maria de Agreda với một người bản xứ Jumano.

Sơ Maria de Agreda đã xuất hiện "trước Thánh Junipero Serra, trước lịch sử the Alamo, vào khoảng thời gian của Lễ Tạ ơn đầu tiên," đức giám mục Sis nói.

"Vì vậy, đó là một kinh nghiệm đẹp, là một di sản cuả lịch sử truyền giáo, và nó cho thấy lịch sử công giáo của chúng tôi là phong phú trong phần đất này của thế giới, và là một minh chứng tuyệt vời của Đức tin," ĐGM nói, cho cả 2, cho chi dòng Conceptionista, và cho tổ tiên cuả những người Jumano, là những người vẫn giữ được đức tin của họ vững vàng cho đến ngày nay.
 
ĐTC: Cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ xấu xa
Tứ Quyết SJ
18:40 18/09/2017
VATICAN - Trong Thánh Lễ sáng nay 18 tháng 9, 2017, tại tư dinh Santa Marta Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy bỏ ra 5 phút hôm nay để cầu nguyện cho các nhà cầm quyền.

Các Kitô hữu luôn cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi các vị lãnh đạo gặp phải sai lầm. Các vị lãnh đạo cũng phải cầu nguyện, vì nếu không, có nguy cơ họ chỉ khép kín trong lợi ích riêng của nhóm họ. Nhà lãnh đạo có lương tâm là người biết đặt mình trước người dân, đặt mình trước mặt Chúa, và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không cầu nguyện

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô khuyên ông Timôthê hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Trong bài Tin Mừng, có vị lãnh đạo biết cầu nguyện. Ông nài xin Thầy Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị đau ốm. Ông yêu mến người dân của ông, cho dù họ là người xa lạ. Ông yêu mến người đầy tớ, và thực sự ông rất lo lắng cho người ấy.

Viên sĩ quan ấy cảm thấy là cần cầu nguyện. Ông cầu nguyện không chỉ bởi vì ông yêu mến, nhưng còn vì ông hiểu rõ rằng, ông không làm chủ mọi sự. Ông biết có những người ở trên ông. Ông biết có ai khác truyền lệnh cho ông. Ông biết mình có những thuộc hạ và lính tráng, và ông cũng biết chính bản thân mình cũng thuộc quyền người khác. Vị sĩ quan này nhận thức rất rõ về bản thân, và ông cầu nguyện.

Nếu ông không cầu nguyện, có nguy cơ là ông chỉ tự khép kín nơi bản thân, nơi lợi ích nhóm của đảng phái, nơi những cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Nhưng không, ông cầu nguyện, ông nhận thức rõ thân phận con người của bản thân. Khi ấy, ông nhận thấy những vấn đề thực sự là gì, ông nhận thấy có Đấng có sức mạnh hơn ông. Ông nhận thấy Đấng có thể ban cho ông sức mạnh, một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Do đó, ông cầu nguyện.

Ơn khôn ngoan

Lời cầu nguyện của ông rất quan trọng, vì đó là lời cầu nguyện hướng về tha nhân, hướng về người dân, hướng về người thuộc hạ của ông. Có nhà lãnh đạo nọ, ngày nào cũng dành hai tiếng đồng hồ để cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Chúa, cho dù ông rất bận rộn. Cần phải biết cầu xin ơn sủng của Chúa để biết cai quản tốt như Vua Salomon đã làm. Vua đã không xin Chúa ban vàng bạc hay của cải, nhưng xin ơn khôn ngoan để biết cai quản.

Các nhà lãnh đạo cần cầu nguyện, cần xin ơn ấy, để họ có thể làm việc trong sáng trước mặt Chúa và vì ích lợi cho dân. Để họ không chỉ dừng lại trong lợi ích nhóm hoặc tư lợi. Nếu bạn không thể cầu nguyện, thì ít ra hãy làm hãy sống với lương tâm bạn. Có nghĩa là, đừng tự tham chiếu chính mình, đừng lấy mình làm trung tâm, đừng chỉ biết vun vén lợi ích cho nhóm mình, cho đảng phái của mình mà thôi.

Nếu khó cầu nguyện

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, để mọi người dân được sống trong bình yên và trong tinh thần đạo đức. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo làm điều gì đó mà ta không thích, hoặc vị lãnh đạo ấy chỉ biết lo cho đảng phải của ông ta, thì sao?

Có người nói: Tôi đã bỏ phiếu chọn ông ta. Người khác nói: Tôi đã không chọn người ấy. Thế nhưng, chúng ta đừng để vị lãnh đạo ấy một mình, chúng ta cần đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện. Các Kitô hữu cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Nhưng thưa cha, con phải cầu nguyện thế nào đây? Con phải cầu nguyện làm sao cho những kẻ lãnh đạo đã gây ra bao nhiêu điều tệ hại xấu xa? Nếu thế, con cần cầu nguyện nhiều hơn nữa, hơn nữa. Cầu nguyện để làm gì! Đó là để người dân có được cuộc sống bình yên tốt lành.

Xin anh chị em hãy dành ra năm phút, không nhiều hơn năm phút, để suy xét xem. Nếu là một nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện về những gì được trao cho tôi hay không, về quyền mà người dân trao cho tôi? Nếu không phải là nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện cho các vị lãnh đạo hay không? Cầu nguyện cho những vị tôi thích. Và với những vị lãnh đạo tôi không thích, tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn. Nếu tôi nhận thấy, bản thân không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, tôi có thể đi xưng tội về điều ấy. Tại sao tôi lại không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, trong khi đó là công việc của lòng xót thương.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh tượng Đức Mẹ Fatima thăm viếng các Giáo Đoàn Sydney
Diệp Hải Dung.
08:33 18/09/2017
Sydney - Tối thứ Bảy 16/09/2017 Thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh du đến Giáo Đoàn Kitô Vua Lakemba. Quý Cha và mọi người cùng tập trung trong khuôn viên nhà thờ cầm cờ chào đón Thánh tượng Đức Mẹ. Cha Nguyễn Thái Hoạch xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ đồng thời 3 hồi chiêng trống vang rền, kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ rước và nhà thờ. Cuộc kiệu rất là long trọng và trang nghiêm, sau khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ an vị trên cung thánh. Quý Cha và tất cả mọi người cùng quỳ dâng giờ đền tạ Đức Mẹ sau đó quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Trần Bạch Hổ cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Xem Hình

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi đã nói về mầu nhiệm của tràng chuỗi Mân Côi là cứu cánh cho tất cả mọi người trong những cơn hoạn nạn, buồn phiền và đau khổ. Hơn nữa nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta được Mẹ thánh hóa dẫn dắt đến với Chúa.

Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát chết năm 1963. Trong người của Ngài có tràng chuỗi Mân Côi còn đẫm máu. Công Nương Diana cũng có tràng chuỗi Mân Côi do Thánh nữ Têrêsa Calcuta tặng..và chúng ta mội người cũng đều có và hãy dâng lên Mẹ những tâm tình của mình qua Kinh Mân Côi, đặc biệt kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima trong chương trình triệu kinh dâng Mẹ…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Ngọc Sinh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Lakemba lên ngỏ lời các ơn quý Cha, Ban Thường Vụ và tất cả mọi người hôm nay đến đây cùng chào đón mừng kính Thánh tượng Đức Mẹ đến thăm viếng Giáo Đoàn.

Sau đó kiệu Thánh tượng Đức Mẹ đến thăm viếng Giáo Đoàn Thánh Đaminh Vũ Đình Tườc Marrickvile.

Ngày Chúa Nhật 17/09/2017 Thánh tượng Đức Mẹ đến thăm viếng Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên Revesby và Giáo đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta. Các Giáo Đoàn đều long trọng mừng đón Đức Mẹ rất trọng thể.

Cuối tuần tới 23-24/09/2017 Mẹ sẽ đến thăm viếng các Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Fairfield, Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa Georges Hal, Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller và Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ Mt. Prichard.

Diệp Hải Dung.
 
Giáo hạt Tây Ninh khai giảng lớp tim hiểu ơn kêu gọi Linh Mục
Giuse Nguyn Hữu Lộc
08:48 18/09/2017
Sáng Chúa Nhật ngày 17/9/2017, tại giáo xứ Kiên Long, giáo hạt Tây Ninh đã tổ chức buổi lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, cho lớp tìm hiểu Ơn gọi dành cho các ứng sinh của giáo hạt. Bắt đầu là Thánh lễ Tạ ơn, với sự hiện diện của Cha Raphael Nguyễn Bùi Ngọc Liêm – Chánh xứ Kiên Long, cũng là Cha Đặc trách ơn gọi Giáo hạt Tây Ninh, Cha Phaolô Nguyễn Hồng Phong – Chánh xứ Suối Đá – Cha Linh hướng, thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Thanh Tâm và 22 anh em ứng sinh đang tìm hiểu ơn gọi tại giáo hạt, cùng đông đảo các em Thiếu Nhi trong giáo xứ Kiên Long.

Xem Hình

Trong Thánh lễ Tạ ơn Cha Raphael đã có lời khích lệ đến 22 anh em ứng sinh “những người quảng đại và can đảm, đi theo lời mời gọi của Chúa”, để tham gia vào lớp tìm hiểu Ơn gọi ngày hôm nay.

Ngoài ra, Cha Raphael cũng đã giới thiệu và cảm ơn Quý Cha Phaolô Nguyễn Hồng Phong - Chánh xứ Suối Đá; Cha Phêrô Trần Huy Vũ – Chánh xứ Phước Minh; thầy Phó tế Phêrô đã đồng hành cùng anh em ứng sinh trong những năm học vừa qua, và Cha Raphael cũng có lời cảm ơn đến Quý vị ân nhân, đã giúp đỡ cho những mầm non ơn gọi tu trì của Giáo hạt trong thời gian qua.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, các ứng sinh qua một anh em đại diện, đã bày tỏ lòng biết ơn tới Quý cha, quý thầy, quý tu sỹ và mọi người, đã luôn yêu thương nâng đỡ và dạy dỗ anh em về nhiều phương diện, để anh em lớn lên trong ơn gọi và trở nên người tông đồ tương lai cho Giáo phận.

Trong buổi học đầu tiên, Cha Raphael đã trình bày khái quát về tình hình ơn gọi trong những năm qua. Năm vừa qua, một số anh em sau khi tham gia lớp Tìm hiểu ơn gọi tại giáo hạt được ba năm, đã được dự thi vào lớp Dự Bị Chủng Sinh của Giáo Phận. Nhờ ơn Chúa, đã có 3 anh em trúng tuyển trong ký thi này.

Tiếp đó là phần thảo luận về lịch học và chương trình học. Trong tinh thần đối thoại cởi mở, Cha Raphael đã cùng anh em ứng sinh sắp xếp chương trình học cho năm học mới. Cuối phần thảo luận, một chương trình đã được ấn định, theo đó, lớp sẽ sinh hoạt một ngày mỗi tháng, vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng.

Buổi khai giảng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự. Đây cũng là niềm động viên tinh thần quý báu cho anh em ứng sinh, khi bước vào niên học mới này, được đầy ơn Chúa trong sự yêu thương nâng đỡ của các Đấng bậc, và mọi thành phần Dân Chúa.

Ơn gọi trước hết là một mầu nhiệm. Chúa gọi những ai Người muốn (x. Mc 3,13). Chúng ta hãy tiếp tục cầu xin với Chúa cho có thêm nhiều tâm hồn quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Và cách riêng là các bạn trẻ trong Giáo hạt Tây Ninh chúng ta, được ơn can đảm đón nhận ý Chúa. Từ đó, trong tương lai cánh đồng truyền giáo sẽ có thêm những thợ gặt lành nghề.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Đại Hội Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể Liên Giáo hạt Chí Hòa- Phú Thọ- Tân Sơn Nhì
Martin Lê Hoàng Vũ
10:11 18/09/2017
Trưa thứ bảy ngày 16.09.2017, các anh chị Huynh Trưởng và các Huấn luyện viên cùng quý cha Tuyên úy của Phong trào TNTT các giáo xứ trong 3 giáo hạt Chí Hòa – Phú Thọ- Tân Sơn Nhì đã về nhà thờ Phú Bình, hạt Phú Thọ, cùng tham dự Đại Hội Huynh Trưởng nhân mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Nghĩa Binh Thánh Thể, tiền thân của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể và 15 năm tái lập Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Tổng giáo phận Sài Gòn.Đây là đại hội được tổ chức theo các cụm/các Liên Hiệp Đoàn để ôn lại lịch sử Phong trào TNTT, nhờ đó các Huynh Trưởng thêm lòng yêu mến và gắn bó với Phong trào,giúp các Huynh Trưởng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể,nhìn lại hiện trạng phong trào và hướng đến tương lai.

Xem Hình

Chương trình đại hội hôm nay tại giáo xứ Phú Bình được bắt đầu từ lúc 13g 30 với phần đón tiếp,phát hành trang cá nhân cho các tham dự viên.Bầu khí sân nhà thờ Phú Bình từ trưa hôm nay rộn ràng hơn hẳn,khi các bạn Huynh Trưởng từ nhiều giáo xứ tiến vào sân nhà thờ, với đồng phục khăn quàng TNTT, từng nhóm bạn chuyện trò,tụ tập cùng lưu lại những tấm hình kỷ niệm nơi cổng chào của Đại hội.

Đại hội quy tu hơn 700 Huynh Trưởng,các Huấn Luyện Viên,Ban Điều hành của Liên đoàn TNTT Giáo phận, quý cha Tuyên úy Hiệp Đoàn, xứ đoàn,quý cha phó,quý sr trợ úy.Trước tiên, các Huynh Trưởng tập trung trước Tượng đài Đức Mẹ,chia theo các xứ đoàn sau đó rước cờ đoàn,logo đại hội vào sân khấu chính ở phía sau nhà thờ, nơi sẽ khai mạc đại hội.

1. Khai mạc

Lúc 14 g30 phút, sau phần sinh hoạt khởi động băng reo hô vang,bài hát chủ đề, giới thiệu thành phần tham dự.Chương trình khai mạc được bắt đầu thật hoàn tráng qua tiếng kèn của ban tây nhạc Trường Võ Thành Trang, phần chào cờ TNTT.Cha Gioan B. Trần Văn Trí Tuyên úy Hiệp đoàn Phú Thọ,Trưởng ban tổ chức đại hội, chánh xứ Phú Bình nơi đăng cai có câu chuyện dưới cờ.Cha cầu chúc các bạn Huynh Trưởng có buổi sinh hoạt thật vui tươi,bằng sức trẻ năng động của mình, các anh chị hãy đẩy đi những cơn mưa chiều nay .Thánh Thể là nguồn sống. lý tưởng của người thiếu nhi, chủ đề của đại hội, các anh chị hãy tìm kiếm nguồn sống đích thực không bao giờ mất nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, để giáo dục đức tin và mang lại cho các em lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.Cha Gioan Nguyễn Xuận Bình, Tuyên úy Hiệp đoàn Tân Sơn Nhì,phó ban tổ chức đại hội châm đuốc.Cha Giuse Vũ Manh Danh, Phó Tuyên úy Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Sài Gòn, linh mục đồng hành tuyên bố khai mạc đại hội.Kế đó, là băng reo, vũ điệu bài ca chủ đề mừng 100 năm TNTT được cất lên.Hiện diện trong buổi khai mạc,anh Micae Ninh Đức Thành, Trưởng Ban chấp hành Liên đoàn TNTT có lời phát biểu khơi gợi tinh thần,lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể của người Huynh trưởng,nhất là trong năm nay, năm mừng kỷ niệm 100 năm Phong trào.

2. Sinh hoạt – Văn nghệ - Giao lưu

Tiếp theo chương trình đại hội là phần sinh hoạt, các Huynh Trưởng tham dự được chia làm 3 cụm.Cụm 1 trò chơi vận động liên hoàn, cụm 2 trò chơi đối kháng với tinh thần đồng đội,cụm 3 đố vui tìm hiểu 100 năm Phong trào và về Giáo hội.

Các anh chị Huynh Trưởng được nghỉ ngơi ăn tối vào lúc 17g,bên cạnh đó còn có chương trình văn nghệ giao lưu.Các chị đệ tử dòng Mân Côi Chí Hòa cũng góp mặt trong đại hội qua phần trống khai mạc,vũ điệu “Ra đi loan báo Tin Mừng”.Phần văn nghệ thật sinh động đến từ các giáo hạt,đòi hỏi các khán giả phải múa theo cử điệu, làm cho chương trình càng ngày càng “nóng lên”, thêm phần hấp dẫn thú vị.Các tiết mục lần lượt như sau : Trống khai mạc, đồng diễn ra đi loan báo Tin mừng, Jesus is my super hero- Điểm hẹn Giêsu, I want to the right (nhảy), ảo thuật,đồng ca Haleluja, Điệu hò ra khơi….

3. Thánh lễ

Cao điểm của Đại hội Huynh Trưởng là Thánh lễ, trung tâm của đời sống người Huynh Trưởng.Các anh chị tiến vào bên trong nhà thờ Phú Bình.Khoảng 19 giờ, thánh lễ đồng tế diễn ra thật trang trọng với quý cha Tuyên úy của các giáo hạt ,cha Giuse Vũ Minh Danh, Phó Tuyên úy Liên đoàn TNTT chủ tế, Cha Giuse Phạm Đức Tuấn, Tổng Tuyên úy Liên đoàn TNTT Việt Nam chánh xứ Hạnh Thông Tây Gò Vấp, cha Gioan B. Trần Văn Trí, tuyên úy hiệp đoàn Phú Thọ, chánh xứ Phú Bình công bố Tin Mừng và giảng lễ.Các bài đọc lấy từ phụng vụ của Chúa Nhật XXIV Thường niên A.

Trong bài chia sẻ,cha Gioan B. Trần Văn Trí khai triển bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tha thứ cho nhau.Cha mời gọi các bạn Huynh Trưởng hãy nhìn vào Chúa Giêsu,để học theo Ngài trong đời sống hằng ngày.Vì chúng ta đã chọn Chúa Giêsu là nguồn sống,lý tưởng của mình.Chúng ta xin mọi người tha thứ những lỗi lầm của mình,và phải tha thứ cho anh chị em, những người đã xúc phạm đến mình cách này cách khác.Chúa Giêsu muốn chúng ta cầu nguyện cho những người xúc phạm đến mình,chứ không phải “ăn miếng trả miếng”.Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay,dùng hình ảnh ông vua rất rộng lượng,để nói về lòng bao dung của Thiên Chúa.Chúng ta phải tha thứ cho nhau, phải sửa đổi, biết chừa bỏ những tội lỗi, ai cũng có những lỗi lầm cần phải thay đổi,nhờ đó chúng ta khoan dung với anh chị em.

Trước khi kết lễ, Đại diện các anh chị Huynh Trưởng của Liên Hiệp đoàn đã có những tâm tình tri ân quý cha Tổng Tuyên úy, quý cha Tuyên úy,quý cha tổ chức, cha chánh xứ Phú Bình.Nhất là nhờ hồng ân Chúa mà đại hội diễn ra thật tốt đẹp,dù vẫn có những cơn mưa bất chợt.

Thánh lễ kết thúc, các Huynh Trưởng, quý cha cùng Cung nghinh Thánh Thể Chúa Giêsu qua các trạm chầu : trạm trong nhà thờ, trạm đài Đức Mẹ, Đài Thánh Giuse và sâu khấu chính.

Sau khi kết thúc phần Cung Nghinh Thánh Thể, các anh chị Huynh Trưởng trở lại với sân khấu chính, tiếp tục sinh hoạt,bế mạc Đại hội.Nghi thức bế mạc có sự hiện diện của quý cha Tuyên úy, trao kỷ niệm chương,Nghi thức hạ cờ,và lời tuyên bố bế mạc Đại hội của Cha Gioan B. Trần Văn Trí, sau đó cha ban phép lành kết thúc.

Tạ ơn Chúa đã ban cho các anh chị Huynh Trưởng một cuộc hội ngộ thật vui tươi ý nghĩa, thúc đẩy tinh thần hăng say,sử dụng sức trẻ trung ,năng động để không mệt mỏi giới thiệu Chúa cho mọi người,và nhất là qua đại hội này các anh chị kín múc được sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể, truyền lại các em sức mạnh của tinh thần tông đồ được sai đi và tình yêu thương chan hòa.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Hiệp Hội Tương Trợ Gia Đình Công Giáo Việt Nam Victoria tổ chức Đại Hội Thường Niên
Trần Bá Nguyệt
16:41 18/09/2017
Melbourne, 16-9-2017
Một buổi sáng thứ bảy khá lạnh của đầu mùa xuân Nam Thái Bình Dương đã đến với hội viên Hiệp Hội TTGĐ CGVN. Trong ngôi thánh đường cổ kính và ấm cúng, khoảng 300 hội viên Hiệp Hội đã tề tựu lúc 10:00 sáng để tham dự thánh lễ với sự chủ tế của Cha Nguyễn Văn Cao, SJ, Linh Hướng Hiệp Hội và Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, linh mục chính xứ St Margaret Mary, vùng Brunswick.

Hình của Phan Thanh Giới
Trong bài giảng sau Lời Chúa, Cha Anthony đã nêu bật ý nghĩa của sự tương trợ, một trong những việc cần thiết phải làm để thực hiện giới răn yêu thương mà Thiên Chúa đã răn dạy loài người. Sự tương trợ này càng có ý nghĩa khi mọi người cùng hợp sức để giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất mỗi khi có những anh chị em vì bệnh hoạn hay tuổi tác đã phải giã từ người thân yêu đi về với Chúa trong thế giới bên kia. Trong thế giới hôm nay, tương trợ cũng là một điều kiện tối cần để thực hiện tình yêu với anh chị em mình.
Cuối thánh lễ, 39 tân hội viên đã lần lượt được xướng danh để nhận thẻ và giấy tờ chính thức làm hội viên của Hiệp Hội. Trong số các tân hội viên hôm nay, có nhiều người không phải là tín hữu công giáo.
Một bức hình chụp tân hội viên và những hội viên tham dự thánh lễ đã cho thấy rõ ý nghĩa tương trợ của Hiệp Hội.
Phần tiếp theo là chương trình Đại Hội Thường Niên (AGM) theo qui định của chính phủ nước Úc và chương trình bầu cử tân Ban Điều Hành Hiệp Hội cho nhiệm kỳ 2017-2020 diễn ra tại Hội trường nhà xứ. Ban Điều Hành Hiệp Hội đã trình bày chi tiết những việc đã làm trong năm vừa qua cũng như báo cáo tài chính và dự phóng tương lai cho Hiệp Hội.
Tính đến tháng 9-2017, sau hơn sáu năm từ ngày thành lập, tổng số hội viên HH là 1820 người. Trong số này có 38 hội viên qua đời và 43 hội viên rút tên ra khỏi Hiệp Hội. Tóm lại trong tổng số hiện hữu với 1739 người, có 1186 người (tức là 68 phần trăm) là người công giáo và 553 người (tức là 32 phần trăm) là những người theo tôn giáo khác. Tổng số hội viên chia theo phái tính là 1086 nữ (62 %) và 653 nam (38%). Riêng trong tài khoá 2016-2017, có 86 hội viên mới gia nhập và có 7 hội viên qua đời. Từ ngày thành lập đến ngày 30/6/2017 có tất cả 38 hội viên qua đời.
Đại hội cũng nghe chị Tổng Thủ Quỹ Phương Châm báo cáo chi thu và tình hình tài chánh. Tình hình tài chánh ổn định với số tiền thặng dư cuối tài khoá 2016-17 là 12.288,28 đôla Úc.
Đại Hội cũng bàn tiếp đến việc ngưng không thâu nhận thêm hội viên mới và đến con số bao nhiêu thì ngưng. Nhiều người muốn ngưng thâu thêm hội viên mới khi Hiệp Hội đạt con số 2000 người. Một điều Đại Hội đã bỏ phiếu tán thành là cho đến 1-7-2018, số tuổi tối đa gia nhập Hiệp Hội là 70 tuổi, thay vì 80 như hiện nay. Tỷ lệ người công giáo và người theo đạo khác vẫn giữ ở tỷ lệ ba phần tư (tức nhận 3 người công giáo thì nhận 1 người tôn giáo khác)
Sau những phần góp ý kiến sôi nổi và đầy xây dựng, Đại Hội bước sang phần bầu cử tân Ban Điều Hành HH. Ban bầu cử đã trình bày hiện trạng ứng cử và đề cử sau ba tháng làm việc. Kết quả cho đến hôm nay là trong số những hội viên được đề cử không ai đồng ý nhận chức vụ Hội Trưởng và Tổng Thủ Quỹ. Chỉ có ba vị nhận ba chức vụ còn lại là Phó Nội Vụ, Phó Ngoại Vụ và Tổng Thư Ký. Chính vì tình trạng này, chiếu theo Điều Lệ, BĐH cũ phải được lưu nhiệm thêm sáu tháng. Đại Hội đã đồng ý biểu quyết tăng thời hạn lưu nhiệm từ 6 tháng lên một năm để có thời gian thi hành các chương trình dự liệu. Toàn thể hội viên tham gia đã hồ hởi với quyết định này và cầu chúc BĐH hiện thời chu toàn nhiệm vụ “ăn cơm nhà, vác ngà voi” thêm một năm nữa vì mọi người đều không hưởng tiền thù lao cho nhiệm vụ của mình.
Điều đáng ghi nhận và cũng là điều mà nhiều người mong mỏi là phải chăng nên trả thù lao cho Ban Điều Hành, ít ra là hai chức vụ chính, hội trưởng và tổng thủ quỹ, theo ý kiến của Cha Nguyễn Văn Cao nên mướn người làm việc cuối Đại Hội để các anh chị em lên tình thần và có thể toàn tâm toàn ý cho Hiệp Hội.
Bữa tiệc mặn đơn sơ đã đầy ắp tiếng cười và những câu chuyện hàn huyên thân tình trong tình tương trợ như anh chị em trong một gia đình lớn.


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 42
Vũ Văn An
20:45 18/09/2017
Tân Phúc Âm Hóa là gì?

Xét về một số phương diện, nói Tân Phúc Âm Hóa không phải là gì dễ hơn nói nó là gì. Thí dụ, các giới chức Giáo Hội thường nhấn mạnh rằng không nên lẫn lộn nó với việc cải đạo (proselytism), nghĩa là các chiến dịch truyền giáo đầy tính xấn xổ và cưỡng ép. Các ngài thường trích dẫn một bản văn năm 2007 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nói về sự khác nhau giữa phúc âm hóa và cải đạo. Ở phần ghi chú, bản văn này định nghĩa cải đạo như sau: “cổ vũ tôn giáo bằng cách dùng các phương thế và vì các động lực trái với tinh thần Phúc Âm; nghĩa là, các phương thế không bảo đảm tự do và phẩm giá của con người nhân bản”.

Tân Phúc Âm Hóa cũng không đơn giản chỉ là gia tăng việc tham dự Thánh Lễ, năng cầu nguyện, v.v… Các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, thay vào đó, đã gợi ý rằng mục đích cốt lõi là đương đầu với các thách đố xã hội và văn hóa nói chung qua lăng kính Kitô Giáo rõ rệt. Trong số các thách đố này, tài liệu liệt kê chủ nghĩa duy tục và tương đối, “não trạng duy khoái lạc và qui hướng về người tiêu thụ”, chủ nghĩa cực đoan và “các thứ đạo” (sects), di dân và hoàn cầu hóa, nền kinh tế, truyền thông xã hội, các tìm tòi khoa học và kỹ thuật, sinh hoạt dân sự và chính trị, tất cả đều cần chứng tá sinh động của Kitô hữu. Theo nghĩa này, Tân Phúc Âm Hóa có thể được hiểu như một cố gắng thể hiện viễn kiến của Đức Bênêđíctô về Kitô Giáo ở Tây Phương, coi nó như “một thiểu số đầy óc sáng tạo” không chịu xụp đổ trong chính mình.

Tài liệu của thượng hội đồng nói rằng “Tân Phúc Âm Hóa đối nghịch với việc tự coi mình đầy đủ, tự rút vào chính mình, chấp nhận hiện trạng (status quo) và một ý niệm cho rằng các chương trình mục vụ đơn giản nên tiến hành như chúng đã được thi hành trong quá khứ”.

Sau cùng, Tân Phúc Âm Hóa không chỉ nhằm tìm ra các chiến lược sáng tạo hơn để giao tế và vận động nhân sự.

Tài liệu của Thượng Hội Đồng cho rằng “Một hoa trái khác của việc truyền bá đức tin là lòng can đảm lên tiếng chống lại sự bất trung và và tai tiếng xuất hiện trong các cộng đồng Kitô hữu”. Tài liệu nói rằng các hoa trái khác bao gồm “lòng can đảm biết thừa nhận và công nhận các lỗi lầm” và “một cam kết cố gắng thanh tẩy và ý chí sẵn sàng đền tội vì các hậu quả do lỗi lầm của ta gây ra”. Tài liệu nói thêm rằng các thất bại trong việc phúc âm hóa có thể phản ảnh việc Giáo Hội thiếu khả năng trở thành “một cộng đồng thực chất, một tình huynh đệ đích thực và một cơ thể sống động, chứ không phải một đồ vật hay một nghiệp vụ máy móc”.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croatia, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, định nghĩa Tân Phúc Âm Hóa bằng cách phân biệt 3 loại cố gắng truyền giáo khác nhau:

• Phúc âm hóa như một hoạt động thường xuyên của Giáo Hội, nhắm vào những người Công Giáo hành đạo;
• Sứ mệnh ad gentes, nghĩa là việc công bố Chúa Kitô lần đầu cho những người và những dân tộc chưa theo Kitô Giáo;
• Tân phúc âm hóa, nghĩa là vươn tay ra với những người Công Giáo đã ra xa lạ với đức tin.

Định nghĩa như thế, Tân Phúc Âm Hóa nhằm vươn tay ra với những người Công Giáo đã ra xa lạ với Giáo Hội, những người trên thực tế đã trở thành duy tục cả trong suy nghĩ lẫn thực hành. Theo nghĩa này, Tân Phúc Âm Hóa gần như là một môn phụ về mối liên hệ bao quát hơn với chủ nghĩa duy tục. Ít ai hoài nghi rằng Âu Châu và Hoa Kỳ là mối lo đặc biệt, vì đó là những nơi “những người Kitô Hữu ra xa lạ” này chiếm phần đông một cách không tương xứng. Tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho biết: ở Tây Phương, “nhiều người đã rửa tội sống một cuộc sống hoàn toàn phi Kitô Giáo và càng ngày càng có nhiều người hơn tuy giữ liên hệ phần nào với đức tin, nhưng ít hiểu biết hay hiểu biết đức tin một cách nghèo nàn. Đôi khi, đức tin được trình bầy một cách biếm họa hay công khai bị một số nền văn hóa đối xử dửng dưng, nếu không nói là thù nghịch rõ rệt”. Vì các thực tại như thế, tài liệu tuyên bố rằng “nay là lúc phải tân phúc âm hóa ở Tây Phương”.

Liệu có thành công không?

Khó nói được. Các nhà phê bình, trong đó, có nhiều vị ngay bên trong Giáo Hội, cho rằng không một chiến lược phúc âm hóa nào có thể thành công nếu Giáo Hội không trước nhất dọn dẹp sạch sẽ việc trong nhà mình đã, thí dụ, giải quyết điều được tri cảm là “vấn đề phụ nữ” đã nói trên đây. Diễn tả nó bằng ngôn ngữ tiếp thị, các nhà phê bình nói rằng vấn đề thực sự của Giáo Hội không phải là việc quảng cáo của mình, mà là sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo có xác tín tin rằng Giáo Hội không đối diện với cuộc khủng hoảng về giáo huấn và cơ cấu, mà là cuộc khủng hoảng gân cốt. Họ cho rằng nếu Giáo Hội mạnh bạo trong việc công bố sứ điệp của mình, Giáo Hội sẽ thành công, vì sứ điệp này là sự thật, mà trái tim con người thì đã được tạo nên để đáp ứng sự thật.

Dù sao, nếu Tân Phúc Âm Hóa là một thất bại thì hẳn không phải vì thiếu cố gắng. Nhiều cuốn sách đã được xuất bản, nhiều diễn từ đã được trình bầy, nhiều hội nghị đã được tổ chức, nhiều cơ quan đã được lập tại các giáo phận, và nhiều khóa học đã được tổ chức, tất cả dành để nghiên cứu các đường hướng và phương thế Tân Phúc Âm Hóa. Tháng Ba năm 2011, chẳng hạn, Chủng Viện Thánh Gioan của tổng giáo phận Boston tuyên bố phát động Viện Thần Học Tân Phúc Âm Hóa, cấp bằng cao học thần học về Tân Phúc Âm Hóa. Viện này hợp nhất các chương trình đào tạo của chủng viện để dành cho giáo dân, các phó tế và các tu sĩ đã khấn dòng, nghĩa là những người không được huấn luyện để làm linh mục. Một thông cáo báo chí cho biết các chương trình này sẽ cung cấp “việc đào tạo thần học và giáo lý cho việc phúc âm hóa thế giới hiện đại, có đặc điểm càng ngày càng đe dọa phẩm giá và ơn gọi đời đời của con người nhân bản”.

Mặc dù việc hỗ trợ của Đức Bênêđíctô bảo đảm Tân Phúc Âm Hóa sẽ được quảng cáo rầm rộ, nhưng việc lượng định xem liệu nó có thực sự thành công hay không là một việc phức tạp hơn. Vì mục đích không hẳn là lôi cuốn người Công Giáo mới mà là dẫn đưa các người Công Giáo hiện có đi sâu hơn vào đức tin và hành đạo, nên hai biện pháp xem ra thích hợp nhất để đo lường sự hữu hiệu của Tân Phúc Âm Hóa là:

Tỷ lệ tham dự Thánh Lễ: Vì việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là nghĩa vụ chuyên biệt của người Công Giáo, nên phần đông các nhà quan sát coi nó như mức cam kết tốt nhất. Ở một số nơi tại Âu Châu, tỷ lệ tham dự tụt xuống chỉ còn là một chữ số. Ở Hòa Lan, chẳng hạn, người ta tin chỉ còn 7 phần trăm người Công Giáo tham dự Thánh Lễ hàng tuần mà thôi, trong khi cuộc thăm dò năm 2010 ở Pháp cho thấy tỷ lệ này là 4.5 phần trăm. Trong khi ấy, ở Nigeria, tỷ lệ tham dự ước tính vào khoảng 89 phần trăm. Đối với Hoa Kỳ, tỷ lệ tham dự Thánh Lễ nói chung là 23 phần trăm.

Tỷ lệ ở lại: Phần trăm các thành viên sinh ra trong đức tin vẫn ở lại trong đức tin này khi đã trưởng thành là một chỉ số khác, dù không chính xác, cho thấy tôn giáo đã làm cách nào để động viên các thành viên hiện có của mình. Như đã đề cập ở chương mười một, tại Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo duy trì được 68 phần trăm các thành viên từ lúc còn thơ tới tuổi trưởng thành.

Lẽ dĩ nhiên, con số không phải là thước đo duy nhất có giá trị, và có lẽ không phải là thước đo tốt nhất, để biện phân xem Giáo Hội có thành công hay không. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong chuyến tông du Ba Tây năm 2007 của ngài, “Khoa thống kê không phải là khoa thần học của chúng ta”. Thế nhưng hai chỉ số trên sẽ được theo dõi kỹ lưỡng bởi các nhà phân tích muốn tìm ra cách để xác định xem liệu Tân Phúc Âm Hóa có thực sự phục hưng được vận may của Công Giáo hay không. Bất chấp việc không rõ nó sẽ đạt được những gì, nhưng có điều này chắc chắn: Tân Phúc Âm Hóa sẽ là phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu để tìm ra mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nền văn hóa của xã hội nói chung, nhất là ở Tây Phương, trong một tương lai có thể tiên đoán được.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tĩnh Thiền
Tấn Đạt
08:19 18/09/2017
TĨNH THIỀN
Ảnh của Tấn Đạt
Trải qua mấy bận long đong
Ngộ ra chẳng sắc thì không cũng đành.
(KD)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 18/09/2017: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
VietCatholic Network
04:49 18/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thập giá: mầu nhiệm tình yêu

Khi đứng trước Thập Giá Chúa Kitô, có hai loại cám dỗ tâm linh. Cám dỗ thứ nhất là nghĩ về một Đấng Kitô mà vắng bóng thập giá, nghĩa là chỉ coi Chúa Kitô là bậc thầy tâm linh chứ không phải là đấng đã trải qua thập giá, chiến thắng sự chết và phục sinh khải hoàn. Khi ấy thập giá chỉ hiểu theo một nghĩa tinh thần chứ không thực sự là thế. Cám dỗ thứ hai là nghĩ về thập giá mà vắng bóng Chúa Kitô, nghĩa là đi vào sự vô vọng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 14 tháng 9 tại nhà nguyện Marta, thánh lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thập Giá Chúa chính là mầu nhiệm tình yêu. Cây Thánh Giá thật cao quý và diễn tả sự trung thành. Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng yêu mến thập giá. Để có thể yêu mến, chúng ta cần liên tục suy niệm và chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu này. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô hai động từ: lên và xuống. Chúa Giêsu từ trời đi xuống, để dẫn chúng ta lên trời. Đây là mầu nhiệm của thập giá, như thánh Phaolô nói: Chúa Giêsu tự hạ đến nỗi vâng lời chịu chết và chết trên thập giá.

Chúa Giêsu đã tự khiêm tự hạ, tự trở nên thấp hèn, chịu sự sỉ nhục, trung thành trọn vẹn trong tình yêu mến dành cho Chúa Cha, và vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người, đã nâng Người lên. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được điều này, chúng ta mới có thể hiểu được ơn cứu rỗi bí ẩn mà tình yêu ấy mang lại cho chúng ta.

Tuy nhiên, chẳng hề dễ dàng để hiểu điều ấy, vì có luôn có hai loại cám dỗ: hoặc là Đức Kitô vắng bóng thập giá, hoặc là thập giá vắng bóng Đức Kitô.

Nếu một Đức Kitô mà không có thập giá, thì Đức Kitô ấy là một bậc thầy tâm linh, một bậc thầy tôn giáo, và không có gì hơn. Có lẽ đó cũng là điều mà ông Nicôđêmô đang tìm kiếm. Đó là một loại cám dỗ. Thánh Phaolô đã giận dữ với những người trình bày một Đức Kitô như thế. Vì họ nói về Đức Kitô, nhưng không nói về Đức Kitô chịu đóng đinh. Còn nếu chỉ nói về thập giá mà không nói về Đức Kitô, thì đó chỉ là thập giá của vô vọng. Khi ấy, thập giá chỉ còn là khổ giá, chỉ còn là một trong những thảm kịch của nhân loại.

Thánh Giá Chúa Kitô là mầu nhiệm tình yêu, một tình yêu trung thành và cao quý. Hôm nay chúng ta có thể dành vài phút để tự hỏi lòng mình: Đức Kitô chịu đóng đinh vì tôi, điều này có phải là mầu nhiệm tình yêu chăng? Tôi có đang đi theo một Đức Kitô vắng bóng thập giá, một bậc thầy tinh thần với đầy an ủi và lời khuyên khôn ngoan? Hay tôi có đang đi theo một cây thập tự vắng bóng Chúa Kitô, nghĩa là đi trong than thở vô vọng? Tôi có đi vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa, mầu nhiệm tự khiêm tự hạ, trở thành bé nhỏ đến độ hoàn toàn như không, và rồi được Chúa nâng dậy nâng lên?

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nguyện xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm tình yêu này, với trọn tâm hồn, trí khôn, sức lực, với trọn con người mình.

2. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu vinh hiển trên thập giá

Hãy cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá để chiêm ngắm, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chiến thắng vinh hiển trên thập giá. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Lễ Đức Mẹ Sầu Bi sáng thứ Sáu 15 tháng 9 tại nhà nguyện Marta.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng dấu chỉ của chiến thắng, một dấu chỉ rất mâu thuẫn. Đó là Chúa Giêsu. Người chiến thắng vinh hiển, nhưng lại trên Thánh Giá, trên Thánh Giá. Điều này rất mâu thuẫn và không thể hiểu nổi… Chúng ta cần có đức tin để có thể hiểu được điều ấy. Cần có đức tin để có thể tiếp cận mầu nhiệm này.

Mẹ Maria biết những điều ấy, và cả cuộc đời, Mẹ đã sống với tâm hồn đớn đau ấy. Mẹ đi theo Chúa Giêsu và nghe những lời bình phẩm mà người ta dành cho Chúa. Có những lần người ta khen tặng êm ai, có những lần người ta chống đối gay gắt. Nhưng phần Mẹ, Mẹ luôn bước theo Con của Mẹ. Đó là lý do mà chúng ta gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên. Và dấu hiệu của sự mâu thuẫn, duyên cớ vấp phạm, như Cụ già Simeon từng nói, tiếp tục đâm thâu tâm hồn Mẹ trong cuộc đời Mẹ.

Cho đến tận cùng, Mẹ đã ở đó, Mẹ đứng đó, lặng lẽ dưới chân thập giá, để nhìn Con của Mẹ. Có lẽ Mẹ cũng nghe những lời chê bai nhạo cười mà dân chúng nói: Hãy nhìn xem, kìa là mẹ của tên phạm pháp. Nhưng Mẹ vẫn đứng đó, trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ.

Trong thinh lặng, những lời nói ngắn gọn bé nhỏ lúc ấy, giúp chúng ta chiêm ngắm và bước vào mầu nhiệm này. Vào lúc ấy, trong đức tin, Mẹ đã sinh ra chúng ta, Mẹ sinh ra Giáo Hội. Chúa Con nói với Mẹ: Này Bà, đây là các con của Bà. Chúa đã không gọi là Mẹ, mà lại gọi là Bà. Bà ấy, người phụ nữ ấy đứng đó đầy dũng cảm, để rồi nói một cách không chần chừ do dự: Đây là Con của tôi.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy dành thời gian để suy gẫm và chiêm ngắm đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần nói với từng người chúng ta điều chúng ta đang cần.

3. Chứng từ của người mẹ Colombia có con làm linh mục

Chiều ngày 09/09 vừa qua, trong buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và gia đình của họ tại thành phố Medellín, Colombia, bà María Isabel Arboleda Pérez đã đại diện cho hội các bà mẹ linh mục và chủng sinh chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày chứng từ của mình.

Bà Arboleda Pérez thưa với Đức Thánh Cha như sau:

“Kính thưa Đức Thánh Cha,

Thật là điều tốt lành khi Cha hiện diện giữa chúng con. Con tên là María Isabel Arboleda Pérez. Cùng với chồng và 3 người con của con, trong đó có một linh mục, và đại diện cho tất cả các gia đình ở Antioquia có con làm linh mục, chúng con nồng nhiệt chào đón Cha.

Thưa Đức Thánh Cha, có một người con làm linh mục, thật sự là một phúc lành của Thiên Chúa.

Trong gia đình chúng con, chúng con luôn vun trồng các giá trị nhân bản và Kitô giáo nơi các con của chúng con. Với ơn Chúa, chúng con là một gia đình cầu nguyện và bác ái; điều này giúp khơi dậy ước muốn làm linh mục nơi con trai của con, bởi vì gia đình là nơi đầu tiên gieo mầm ơn gọi. Hiện này con của chúng con là một linh mục, gia đình chúng con tiếp tục đồng hành với con của con bằng sự hiện diện và lời cầu nguyện của chúng con.

Chúng con luôn cầu nguyện với chân phước Mariano de Jesus Euse Hoyos, đấng bầu cử cho các ơn gọi linh mục.

Thêm nữa, từ 24 năm nay, một nhóm các bà mẹ của các linh mục và tu sĩ chúng con thường họp nhau định kỳ giống như tại nhà Tiệc ly để cầu nguyện cho sự kiên trì và thánh thiện của các người con linh mục và tu sĩ của chúng con. Một công việc tông đồ lớn mạnh thêm mỗi ngày.

Nhân danh tất cả các gia đình có niềm vui có con là linh mục, chsung con xin Cha, chúc lành đặc biệt cho các con của chúng con, các linh mục và tu sĩ và cho các con cái ở gia đình của chúng con.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Cha, thưa Đức Thánh Cha

4. Nguồn gốc ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vatican 1969, trong Phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Thánh lễ thứ nhất được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh. Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1912, Đức Giáo hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15-9 hằng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ hai. Cả hai thánh lễ đều dùng thánh thi “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thập tự Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ. Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ do việc cải tổ phụng vụ sau Công đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ là vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm.

Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”

Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ... Đức Mẹ là mẹ Đức Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Đức Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương: Lời tiên báo của ông Simêon (x. Lc 2,34-35); Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21); Lạc mất Chúa ba ngày (x. Lc 41,50); Vác thập tự giá lên đỉnh Calvê (x. Ga 19,17); Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá (x. Ga 19,18-30); Tháo xác Chúa (x. Ga 19,39-40); Táng xác Chúa (x. Ga 19,40-42).

Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Đức Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh... giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Đức Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hoả ngục. Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Đức Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Đức Mẹ lại chính là những đứa con mà Đức Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?
 
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay, Chúa Nhật 17 9 2017
VietCatholic Network
14:19 18/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, ngày Chúa nhât 17 tháng 9.

2. Viễn ảnh chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ấn Độ.

3. Vatican công bố danh sách các Giám Mục Trung Quốc chết thảm thời cộng sản.

4. TGM Leopoldo Girelli rời Việt Nam và được bổ nhiệm làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel.

5. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục mới chịu chức.

6. ĐGH Phanxicô đã khóc với cha Tom, người Ấn Độ.

7. Ấn Giáo cực đoan đốt hình nộm Đức Hồng Y Telesphore Toppo.

8. Hoa Kỳ cáo buộc một linh mục trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington.

9. Bốn linh mục sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ bí mật tòa giải tội.

10. Thế nào là tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ qua vụ án tiệm bánh ở Tối Cao Pháp Viện.

11. Giới thiệu Thánh Ca: Một Ngày Để Yêu Thương.

Sau đây là phần tin chi tiết: