Ngày 18-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm
Vũ Văn An
03:05 18/09/2008
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm

Hai truyền thống thuật lại lời dạy của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là truyền thống Nhất Lãm và truyền thống Phaolô. Nhưng, hai trong ba tác giả phúc âm Nhất Lãm, tức các nhà soạn thảo ra hai phúc âm Luca và Mátthêu (người ta tin không phải là tông đồ Mátthêu) chưa bao giờ được tự thân nghe chính Chúa Giêsu. Máccô thì rất có thể đã được diễm phúc ấy. Nhưng nếu ông là Gioan Máccô, đồng hành của Thánh Phaolô và Barnaba được nhắc đến lần đầu trong Công Vụ 12:25 chứ không phải chàng thanh niên cởi trần chạy thoát thân sau khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu (Mc 14:51-52), thì rất có thể đã xuất thân từ Antioch thuộc Syria và do đó tự thân cũng đã không được nghe chính Chúa Giêsu. Nếu ông Máccô này soạn ra phúc âm mang tên Máccô và sau này trở thành bạn đồng hành và là ‘con cưng’ của Thánh Phêrô mà truyền thống thường tin, thì hẳn là ông đã được nghe lời dạy của Chúa qua giáo huấn của Thánh Phêrô.

Dù sao chăng nữa, những điều các soạn giả này truyền lại như là giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn cũng đã được gạn lọc qua các giáo huấn giáo lý của nhiều cộng đoàn Kitô giáo thuộc thế hệ đầu tiên. Những dị biệt đáng kể trong các phiên bản của họ có thể gán cho những bài giáo lý sơ khai đó cũng như cho ý định biên tập của chính các soạn giả. Điều này đã đủ nói lên nỗi khó khăn của chúng ta, những con người ở thế kỷ 21 này, khi muốn biết đích xác Chúa Giêsu đã thực sự nói gì về hai khía cạnh trên. Sau đây là các phiên bản. Phúc âm Luca (16:18) thuật lại như sau:

"Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (1)

Phiên bản Máccô (10:1-12) chi tiết hơn nhiều và có nhiều dị biệt. Một trong những dị biệt này là giáo huấn của Chúa Giêsu được lồng trong một trình thuật kể lại cuộc đối chất và tranh luận với người Biệt Phái:

“Chúa Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: " Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì? " Họ trả lời: "Ông Môsen đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Chúa Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Phiên bản đầu và ngắn hơn của Mátthêu lấy từ Bài Giảng Trên Núi (5:31-32) như sau:

"Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp (2), ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Phiên bản dài hơn của Mátthêu giống phiên bản Máccô vì cũng được lồng trong một trình thuật về cuộc đối chất với nhóm Biệt Phái (19:3-12), nhưng dĩ nhiên có khác biệt với phiên bản Máccô:

“Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? " Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Họ thưa với Người: "Thế sao ông Môsen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? " Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình. Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

Khi thưa chuyện với một cử tọa chỉ Do Thái có một phần và toàn bộ không sống ở Palestine, Thánh Phaolô xem ra đã đẽo vào tận tâm điểm của truyền thống Nhất Lãm và xem ra đã đi xa hơn truyền thống ấy, như sau trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (7:1-16):

“Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác.

“Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt. Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.

“Còn với những người khác, thì tôi nói -chính tôi chứ không phải Chúa-: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ?”.


Ý định rõ ràng của các tác giả Nhất Lãm là muốn chuyển giao tới độc giả lời lẽ của chính Chúa Giêsu. Như trên đã nói, ý định này có phải cũng là ý định của Chúa Giêsu hay không là điều khó cho ta xác định. Vì ý định của các soạn giả Nhất Lãm xuất hiện từ 35 tới 45 năm sau khi Chúa Giêsu đã phát biểu ý định của Ngài ra (các học giả hiện đại cho rằng phúc âm Máccô được viết khoảng năm 65 A.D., còn phúc âm Luca và Mátthêu phải một thập niên sau mới được viết ra, trong khi Chúa Giêsu qua đời năm 30 A.D.). Họ tìm cách hướng lời dạy của Chúa Giêsu tới các cử tọa hoàn toàn là Kitô giáo mặc dù đã trở lại từ Do Thái Giáo hay từ các tôn giáo ngoại đạo… Trong khi Chúa Giêsu nói với các cử tọa hoàn toàn Do Thái sống tại Palestine. Ngài cũng chọn lời lẽ làm phương tiện chỉ trích lối sống Do Thái cùng thời với Ngài và rõ ràng cố gắng giải quyết cuộc tranh luận Do Thái lúc đó vẫn còn đang tiếp diễn ngay trong thế hệ Ngài sống sau khi đã khởi đầu ở một thế hệ trước đó bởi hai tư tế Hillel và Shammai.

Thành thử ra, chúng ta không có được những ghi chép chắc chắn về điều Chúa Giêsu thực sự nói về ly dị và tái hôn vì các môn đệ Ngài nghe và nhớ lại giáo huấn ấy với ít nhiều “y chang” khác nhau rồi sau đó đã truyền lại cho nhiều cộng đoàn Kitô giáo khác nhau thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai nội dung việc nhớ lại ấy. Việc các Kitô hữu thuộc các thế hệ này tin rằng lời của Chúa Giêsu nói cũng có ý định nói với họ nữa chỉ là cách họ giải thích ý định của Ngài mà thôi, cũng như chúng ta hiện nay, chúng ta xác tín lời Ngài cũng nhằm nói cả với chúng ta ở thế kỷ thứ 21 nữa cũng chỉ là cách chúng ta giải thích mà thôi. Và sự giải thích ấy, dù là do Huấn Quyền Công Giáo đi chăng nữa, cũng không hoàn toàn nhất nghĩa (univocal), không hàm hồ như sẽ thấy chi tiết sau đây.

1. Lời Chúa Giêsu dạy trong Luca 16:18

Hiển nhiên, giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn được tìm thấy dưới hình thức đơn giản nhất trong đoạn phúc âm theo Thánh Luca trên đây. Một số học giả Tân Ước nhấn mạnh rằng phiên bản này gần gũi nhất với chính lời của Chúa Giêsu. Lý do chính khiến họ tin như thế là bởi vì Luca đã không đặt phiên bản của mình trong khung cảnh một bài tường thuật về cuộc đối chất và tranh luận với người Pharisêu như Máccô và Mátthêu, một khung cảnh được các học giả này coi là ước lệ và giả tạo. Trái lại, Luca chỉ bao gồm giáo huấn này như một lời khuyến thiện tản mạn của Chúa Giêsu được ngài gom lại thành một bộ giáo huấn luân lý đặt chung ở một phần trong phúc âm của mình, tức hành trình giáo huấn vĩ đại bắt đầu với 9:51 trong bối cảnh Chúa lên đường tới Giêrusalem và tới cái chết của mình (3).

Lối giải thích trên có giá trị của nó, tuy nhiên không có tính thuyết phục. Sức mạnh của lối giải thích này tùy thuộc sự chính xác trong việc áp dụng nguyên tắc giải thích Thánh Kinh, tức nguyên tắc cho rằng trong diễn trình hình thành các đoạn Phúc Âm qua khoảng thời gian từ 35 năm tới 45 năm kể từ thời Chúa Giêsu tới thời các soạn giả phúc âm, các câu tuyên bố thoạt đầu được truyền lại từng cụm mà không đi theo một bối cảnh đời thực nào đó thì sau này thường được lồng một cách hư cấu vào các bối cảnh ký sự để làm chúng trở thành dễ nhớ và đem lại cho chúng một dáng dấp hiện sinh. Điều đó có thể là một phán đoán chính xác đối với một số đoạn, nhưng ít nhất tự nó, nó cũng không hoàn toàn hiển nhiên đối với hầu hết các đoạn, kể cả đoạn nói về ly dị và tái hôn. Không phải là vô lý nếu nghĩ rằng Luca đã làm ngược lại nguyên tắc ấy, ngài thấy lời dạy của Chúa Giêsu được nói ra trong khung cảnh một câu truyện xẩy ra trên thực tế ở Palestine, nhưng ngài rút lời dạy ấy ra khỏi khung cảnh trên vì khung cảnh ấy chẳng ăn nhằm gì đối với cử tọa Ngoại Giáo của ngài tại Tiểu Á và những nơi khác.

Dù gì đi nữa, theo Luca, cử tọa nghe Chúa Giêsu nói giáo huấn này chỉ là những người theo Chúa Giêsu mà thôi, vì thánh nhân đã dẫn nhập toàn bộ các lời giáo huấn đã được ngài tự ý gom lại này bằng một câu có tính công thức cho biết hậu cảnh như sau: “Dịp khác, Người nói với các môn đệ rằng…” Không có điều gì trong hậu cảnh này cho thấy giáo huấn của Chúa làm bối rối số đông đồng bào Do Thái của Người cả. Như sẽ thấy, cả Máccô lẫn Matthiêu đã thuật lại một cách khác thế.

Phiên bản của Luca cũng độc đáo ở chỗ đã không ghi lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cấm vợ chồng, cả các môn đệ lẫn những người khác, không được ly dị. Quả thế, không như Máccô (10:9) và Mátthêu (19:6), Luca đã không ghi lại lời nghiêm cấm của Chúa Giêsu: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ngài cũng không kể đến việc Chúa Giêsu nghiêm cấm những người ly dị tái hôn hay cho họ hay họ không thể tái hôn vì cố gắng ly dị của họ vô hiệu. Luca chỉ kể lại việc Chúa Giêsu đề cập đến hiệu quả của hai lối hành xử nơi người đàn ông: nếu anh ta rẫy vợ (cách người Do Thái ly dị) và kết hôn (hay tìm cách kết hôn) với một người đàn bà khác, anh ta sẽ phạm tội ngoại tình. Ngoài ra, trọn câu kết thúc trong phiên bản này tức câu “…và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” có thể là câu thêm vào lời của chính Chúa Giêsu dưới hình thức một khai triển hợp lý dẫn khởi từ câu đầu của giáo huấn. Câu sau cùng này cũng có trong Mátthêu 5:32, cho thấy rất có thể nó được lấy từ Nguồn Q mà cả Luca lẫn Mátthêu đều sử dụng cho các đoạn khuyến thiện (parenetic) của họ. Tuy nhiên trong Máccô và trong Thánh Phaolô, câu đó bị bỏ qua.

Sau cùng, trong Luca, Chúa Giêsu không nói gì về tác phong của người đàn bà, một sự im lặng khá kỳ lạ, vì ngài soạn thảo Phúc âm của mình cho một cử tọa rất quen thuộc với luật La Mã và sống dưới luật đó, một luật cho phép người đàn bà có thể cùng chồng thỏa thuận tiêu hủy cuộc hôn nhân của mình hay chấm dứt cuộc hôn nhân ấy bằng cách “rẫy” (repudiating) bỏ người chồng, chứ ngài không soạn phúc âm cho một cử tọa sống dưới luật Do Thái là luật chỉ cho phép người chồng ly dị bằng cách tống khứ vợ mình. Để giáo huấn các Kitô hữu sống dưới luật La Mã, Thánh Luca còn dùng cả động từ apolúein vốn do truyền thống Nhất Lãm sử dụng để chỉ cái thứ rẫy vợ đơn phương theo luật Do Thái.

(còn tiếp)
 
Rộng lòng đón nhận tha nhân
Lm Jude Siciliano OP
08:01 18/09/2008
CHÚA NHẬT. 25 THƯỜNG NIÊN (A)

Isaia 55: 6-9; Tv 145; Philipphê 1: 20c-24, 27a; Matthêu 20: 1-16

Anh chị em thân mến,

Tôi đã đi giảng cho nhiều giáo xứ trên khắp Hoa kỳ. Ở những nơi này, sẽ dễ dàng nhận thấy nó có những nét đăc trưng riêng như: Bầu trời, sông nước, vùng vịnh, cây cỏ, các sắc dân khác nhau và các dân tộc sống chung với nhau, dân số v.v....đồng thời cũng có những hình ảnh quen thuộc khác rất phổ biến: Hệ thống các cửa hàng, tiệm ăn, ngân hàng, nhà thờ, sân vận động, đèn đường, v.v.... Tuy nhiên, đi đến đâu cũng thấy những cảnh trí giống nhau như: Những công nhân làm việc bên đường, tại các trung tâm thương mãi. Ở các thành phố, người ta biết phải tìm những công nhân lao động phổ thông ở đâu để thuê họ làm việc trong ngày. Người ta thuê họ để làm vườn, hay xây cất sửa chữa nhà, và làm việc trong các hệ thống dây chuyền. Luật cấm lao động nhập cư bất hợp pháp đã làm cho số lao động phổ thông bớt đi, nhưng mỗi khi Anh chị em lái xe vào thành phố, chúng ta vẫn thấy họ đứng từng nhóm nhỏ đợi có người cần nhân công đến tiếp xúc và chở họ đi làm việc.

Chúng ta nghe nói những người lao động như vậy thường bị người ta lợi dụng: Nơi làm việc của họ thường không vệ sinh, làm nhiều giờ, lương ít, và có khi họ làm việc xong thì có người đi báo cho Sở di trú đến bắt họ và thế là họ không được lãnh tiền. Những lao động phổ thông như thế có cuộc sống bấp bênh và không vững chắc. Không có gì để bảo vệ họ, và họ luôn lo lắng là không đủ tiền mang về cho gia đình, để trả tiền nhà và những nhu cầu khác trong cuộc sống hàng ngày.

Anh chị em không cần phải là công nhân lao động phổ thông mới hiểu được những lo lắng về vấn đề tài chính, nhất là trong thời kinh tế đang găp nhiều khó khăn. Những người làm it tiền sẽ chật vật mỗi khi bị thất nghiệp, gây khó khăn cho họ và gia đình họ. Khi bạn làm lương ít thì bạn không thể để mất một ngày làm việc. Bạn sẽ thấy sự khó khăn xuất hiện khi: Không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh, đi khám bác sĩ hay đi bệnh viện. Nhưng hiện nay sự lo lắng về tài chính lan rộng đến cả những người trung luu trong xã hội… Những người này sợ không có đủ tiền để trả tiền nhà, sợ việc làm không chắc chắn, không đủ tiền trả tiền điện nước. Biết bao nhiêu người sống ở miền bắc sợ khi mùa đông đến, không đủ tiền để trả tiền dầu sưởi nhà. Ngay cả những xí nghiệp lớn cũng gặp khó khăn về kinh tế nên phải cho công nhân nghỉ việc. Ba công ty làm xe hơi chính ở Hoa kỳ và một số hãng hàng không v.v... cũng đã gặp khó khăn. Không một ai trong chúng ta, già hay trẻ, khó tránh khỏi sự lo lắng về chổ làm và kinh tế.

Hãy nhân lên gấp trăm lần những khó khăn nói trên, Anh chị em sẽ hiểu được những lo lắng của những người lao động thời Chúa Giêsu. Nhiều hoàn cảnh khó khăn trầm trọng, hơn 95% dân chúng là người nghèo đến mức phải chịu đói. Đối với nhiều người, tiền một ngày lương chỉ đủ ăn trong ngày. Cứ mỗi buổi sáng họ lại lo lắng: "Nếu hôm nay tôi không có việc làm thì sao? Làm sao tôi có tiền để nuôi con cái?" Ngay cả những người trẻ và những người có đủ sức làm việc cũng phải lo sợ như vậy. Nếu có việc làm, thường họ là những người được thuê trước tiên. Nhưng nếu không có công việc, thì ngay cả những người như họ cũng không được thuê.

Anh chị em hãy nhân gấp trăm lần những nỗi lo lắng sợ hãi trên cho người già yếu, người góa phụ có con nhỏ, các thiếu niên tìm việc, hay những người tật nguyền không thể có sức để lao động. Bạn đừng mong người ta mướn bạn trước tiên, hay mướn lại lần thứ hai hay thứ ba đâu. Còn nhiều người khác nữa thích hợp với công việc hơn bạn. Nhưng bạn cũng vẫn cần tiền lương từng ngày để sinh sống và nuôi gia đình. Một ngày lương sẽ giúp bạn thay đổi cuộc sống, hoặc có cơm ăn hoặc nhịn đói, hoặc còn sống hoặc chết đi. Thử hỏi bạn muốn được thuê làm suốt ngày hay đứng không, chờ đợi chán nản cho chính bạn trong khi gia đình, hy vọng bạn có được việc làm, và niềm hy vọng cứ từ từ giảm dần. Ngay cả lúc bạn được thuê chậm trễ trong ngày, thử hỏi bạn lãnh được bao nhiêu tiền và điều dĩ nhiên sẽ là lãnh tiền ít hơn người làm việc trọn ngày.

Người chủ vườn thường mướn người làm vào mùa gặt hái. Ông ta có nhiều kinh nghiệm về việc thuê mướn công nhân. Cũng có chủ vườn không cần để ý đến nhu cầu của công nhân. Nhưng bài dụ ngôn hôm nay nói về một chủ vườn không giống ai. Người này để ý đến nhu cầu của người làm công, vì ông ta biết họ đang mong có việc làm, mà ông ta thì rất rộng lượng.

Dụ ngôn này làm chúng ta thật sự ngạc nhiên. Dù sao chúng ta cũng thông cảm với những người được thuê trước tiên. Chúng ta làm việc nặng nhọc, những người đó có lẽ đã được gia đình hướng dẫn nên làm việc cần cù. Chúng ta cũng đang làm việc theo lối hướng dẫn đó, và biết thế nào là công bằng và chúng ta luôn nghĩ Thiên Chúa cũng công bằng như chúng ta hiểu…Chúng ta nghĩ vì đã làm việc cần cù thì chúng ta đáng được hưởng lương của Thiên Chúa. Chúng ta nghĩ như thế là đúng.

Đến đây chúng ta sẽ có chút nghĩ ngợi và bực tức vì chúng ta không được Thiên Chúa hậu đãi một cách "công bằng". Dẫu sao đi nữa chúng ta cũng đang làm việc với một Thiên Chúa, Đấng thông hiểu mọi sự. Thử hỏi chúng ta có muốn đòi hỏi sự công bằng về tiền bạc, về những suy nghĩ của chúng ta, về những điều đã nói và đã làm không? Như thế có lẽ chúng ta sẽ có dư nhờ chúng ta được một Chủ Vườn rộng rãi thuê mướn.

Đây là dụ ngôn không phải nói về chúng ta và những điều chúng ta đang được hưởng, nhưng nói về Thiên Chúa, về Nước Trời và cách tính toán của Thiên Chúa không giống (Matthêu 20:1-16) cách tính toán mà chúng ta đã kinh qua trong đời sống làm việc cực nhọc thường ngày. Dụ ngôn này và những dụ ngôn khác nói về Thiên Chúa rộng rãi chào đón chúng ta, Ngài không để chúng ta có mặc cảm là hạng người thứ hai, hay là hạng tôi tớ bề dưới. Chúng ta đã nghe nhiều dụ ngôn đủ cho chúng ta có kết luận về Thiên Chúa: Ngài dùng những người ngoài cuộc và đem họ vào trong cuộc. Thiên Chúa chúng ta không đối xử với chúng ta theo đúng sức của chúng ta nhưng theo ý của Ngài. Và nguyên tắc Ngài dùng được bày tỏ phần lớn trong dụ ngôn hôm nay. Đó là lòng rộng rãi của Thiên Chúa.

Mỗi chúng ta điều cần được ơn tha thứ, và ơn đó đã được ban một cách rộng rãi, cho dù chúng ta đáng được hưởng hay không. Có người trong chúng ta, ngay lúc này, cần được ơn cương quyết, kiên nhẫn hay được giảm bớt gánh nặng trong lòng. Chúng ta cần được giúp đỡ, và có thể chúng ta không đáng được hưởng nhiều ơn huệ của Thiên Chúa. Nhưng theo dụ ngôn hôm nay, Đấng chủ vườn muốn tỏ lòng rộng rãi ban cho chúng ta cái chúng ta được hưởng vượt quá sự suy nghĩ của mình. Có thể chúng ta chưa làm việc đủ để được Thiên Chúa nhậm lời, hay chúng ta có thể không đáng được Thiên Chúa để ý đến, nhưng Thiên Chúa lại nói là "Không sao, cứ vào đi, con được chọn. Và Ta muốn con thấy Ta rộng rãi."

Một vài câu hỏi được đặt ra: Vậy Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì? Nếu tin tưởng vào Thiên Chúa theo như dụ ngôn này, thì chúng ta cũng phải đối đãi rộng rãi với tha nhân như Thiên Chúa đã đối đãi chúng ta. Chúng ta hãy ngưng việc tính toán chi li, ngưng so kè với kẻ khác theo sức lực, theo học thức, theo bao nhiêu năm họ sống trong cộng đòan chúng ta, theo ý là họ "có đáng được" hưởng những điều chúng ta giúp không. Chúng ta cần dùng dụ ngôn ngày hôm nay như tấm gương để khi nhìn vào đó, chúng ta biết cách nhìn vào tha nhân như cách Thiên Chúa đang nhìn chúng ta.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Nghịch lý Thập giá Chúa Kitô
LM Phêrô Hồng Phúc
15:30 18/09/2008
NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ CHÚA KITÔ

Thập giá Đức Giêsu Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái và điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1,23). Tức là một nghịch lý của cuộc đời, cho đến bây giờ vẫn thế và còn cho đến tận thế. Lúc nào Thập giá cũng là một thách đố rất lớn đối với mọi thời đại. Thập giá cũng là một chướng ngại rất lớn đến với từng con người. Đức Giêsu đã khẳng định ngay từ đầu rằng, Ngài là một viên đá – một viên đá làm cớ vấp phạm đối với những ai không nhận ra Ngài, không nhận ra chương trình cứu độ của Ngài.

Khi chỉ nhìn nhận những thực tại bên ngoài mà thôi, Thập giá là một hình phạt nặng nề của những người Roma dành cho những người tử tội. Đức Giêsu đã nhận cho mình hình phạt này. Đó không phải là một sự tôn vinh, bởi vì, Thập giá là biểu hiện của sự chết. Thập giá chỉ được tôn vinh sau khi Đức Giêsu Kitô hoàn tất chương trình cứu độ. Ngay khi Ngài ở trên Thập giá, chính Ngài cũng đã bị lời sỉ nhục của những kẻ qua đường chế nhạo, thậm chí Ngài còn bị những lời sỉ nhục của những kẻ cùng đóng đinh với Ngài trên Thập giá. Như vậy, Thập giá vẫn là một sỉ nhục, một cực hình dành cho những ai bị kết án. Đức Giêsu cũng là người bị kết án, Ngài bị kết án do tòa án của nhân loại, mà Philato tuyên án. Ngài là người bị kết án do chính những người con cái trong nhà: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!”. Thập giá mãi mãi vẫn là một bản án, một bản án đóng trên đầu Đức Giêsu Kitô: “Đức Giêsu Nadaret, Vua dân Do Thái”. Như vậy, Thập giá không có gì đáng để tôn vinh: Thập giá là đau khổ; là kết án; là sự chết.

Vậy tại sao chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô như vậy?

Vâng! Đúng là chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô vì Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc nhân loại. Đó là ý nghĩa mà chúng ta đang đi sâu vào tìm hiểu. Nếu Thập giá chỉ là một bản án tử hình, chỉ là một huyền thoại, một sự kết án thì mãi mãi Thập giá là một sự hổ ngươi cho tất cả những người Kitô hữu. Nhưng nếu Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc thế gian thì đây chính là triết lý của sự khôn ngoan; triết lý của sự sống. Như vậy, trong nghịch lý hàm chứa một chân lý; ở trong bản kết án ấy lại chính là một sự xóa án. Tất cả diễn ra nơi Thập giá Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nhìn thấy sự sống và sự chết ở cùng trên Thập giá Đức Giêsu Kitô, Ngài đã nói những lời cuối cùng, Ngài phó linh hồn cho Đức Chúa Cha. Sự sống của Đức Giêsu Kitô trên Thập giá và sự chết của Đức Giêsu Kitô cũng trên Thập giá. Sự sống và sự chết gặp nhau trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng sự sống và sự chết của Đức Giêsu trên Thập giá cũng chính là sự sống và sự chết của chúng ta. Bởi lẽ từ cạnh sườn bị đâm thâu, máu và nước chảy ra, từ đó phát sinh ra Bí tích của Hội Thánh như trong Kinh Tiền Tụng chúng ta đọc. Vậy từ Thập giá Đức Giêsu Kitô, máu và nước chảy ra: nước tượng trưng cho Bí tích Rửa Tội. Nhờ đó mà chúng ta được đi từ cõi chết đến cõi sống. Và máu, tượng trưng cho các Bí tích, những Bí tích của tình yêu thương, để tha tội, để thêm sức, để thánh hóa những tâm hồn. Chúng ta hình dung một Đức Giêsu Kitô hiến mạng sống của mình để hướng tới cái chết. Và từ cái chết ấy, mà chúng ta bắt đầu nhận được trở lại sự sống của Thiên Chúa, sự sống thật của con người theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi tạo dựng con người.

Cái sống và cái chết không chỉ đấu tranh trong con người Đức Giêsu Kitô mà trong toàn thể Hội Thánh, là nhiệm thể của Đức Kitô. Nếu Đức Giêsu Kitô không chết trên Thập giá thì không có sự hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Đức Giê su Kitô không chấp nhận cái chết trên Thập giá thì bản án của nhân loại mãi mãi vẫn còn. Vì vậy trong bản án được treo trên đầu Đức Giêsu Kitô đã nói rõ vương quyền của dân Thiên Chúa: Tiên tri, Tư tế, Vương giả. Chúng ta, những người Kitô hữu cũng mang trong mình một danh Kitô, mà danh ấy là Vua Do Thái. Như vậy, trong bản án mà Đức Giêsu phải chịu bao hàm cả chức vụ Tư tế, Tiên tri, Vương đế của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nếu không có Thập giá thì những danh hiệu ấy không có ý nghĩa gì. Cho nên, người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đứng trước Thập giá Đức Giê su Kitô là đối diện với một mầu nhiệm, một mầu nhiệm hàm chứa nghịch lý, chân lý đan xen nhau. Không phải ai cũng nhận ra chân lý của Thập giá. Vì thế, thánh Phaolo đã diễn tả những cách thức mà mỗi một thời đại, mỗi một dân tộc tượng trưng cho một ý thức hệ, một quan điểm khác nhau, rằng: Thập giá Đức Giêsu Kitô là cớ vấp phạm cho người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại; hoặc là sự khôn ngoan cho những người được tuyển chọn, vì đó chính là những gì mà con người được sàng lọc, được trắc nghiệm đi sâu vào tâm hồn mình để nhận ra Thập giá. Người đời đã biết áp dụng nguyên tắc Thập giá theo triết lý “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, rằng “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Đó là triết lý của Thập giá áp dụng trong cuộc sống, vì ai cũng sợ đau khổ, ai cũng sợ sự chết. Nhưng “Lửa thử vàng, gian nan thử đức” và “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” nghĩa là những người có ở trong tình trạng đau khổ (đoạn trường = đứt ruột) mới hiểu được,và trong đau khổ ấy người ta mới tìm được giá trị của Thập giá. Cho nên ngay ở trường đời, cũng có giá trị thập giá và người ta đã tìm ra triết lý khôn ngoan của nó. Các thánh mô tả Thập giá là sự khôn ngoan. Bởi vì Thập giá Đức Giêsu hiện nguyên hình là sự chết, vì khi không qua đau khổ và sự chết con người sẽ không đạt tới đích thật sự sống của mình.

Vì vậy, chúng ta nói về Thập giá, suy tôn Thánh giá là chúng ta đang nói tới tình yêu thương và chân lý mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi qua sự chết để vào cõi sống; để nhìn qua những đau khổ, sự chết của Đức Giêsu Kitô nhận ra chương trình cứu độ. Vì vậy, đối với những người được tuyển chọn, Thập giá là ơn cứu độ, còn mãi mãi vẫn là cớ vấp phạm và sự điên rồ đối với những kẻ không tin hay với người quá khích.

Hôm nay và mãi mãi cho đến tận thế, Thập giá dạy chúng ta những bài học khôn ngoan để chúng ta nhận ra chân giá trị của cuộc đời. Thập giá mãi mãi vẫn là trường dạy chúng ta sự khiêm tốn, sự khôn ngoan và cho chúng ta hiểu tình yêu – một tình yêu đích thật.

Những người Kitô hữu hôm nay, đeo Thánh giá trên cổ, lần tràng hạt trên tay có Thánh giá và đặt Thánh giá trên nóc đỉnh cao của tháp Nhà thờ; Thánh giá ngày xưa còn dùng làm dấu hiệu của những người theo Đạo hay không theo Đạo, sống hay là chết: bước qua Thập giá là bỏ Đạo, là sự sống trước con mắt thế gian, còn không bước qua Thập giá là chết trước con mắt thế gian. Nhưng đó lại là các Thánh Tử Đạo!

Thập giá như là một đường ngang, đường xích đạo phân đôi địa cầu của chúng ta; đường dọc như là trục giữ cho trái đất giữ của chúng ta định vị trong vũ trụ. Đường dọc, đường ngang ấy đã tạo nên Thập giá. Đường dọc đi tới tận Thiên Chúa để Ngài tuôn đổ ơn lành xuống cho trái đất của chúng ta, không bị sai lạc vị trí của mình. Đường ngang ôm chặt lấy trục để cho chúng ta hiểu biết là: trong Thập giá, chúng ta có tình huynh đệ, tình yêu thương và chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Kitô.

Bởi vậy Thập giá hôm nay vẫn phân đôi lịch sử, vẫn phân đôi giữa cái sống và cái chết, vẫn phân đôi giữa trời và đất nhưng cũng chính là Thập giá nối trời và đất, chính là Thập giá đã làm cho chúng ta đọc lại lịch sử Cựu Ước có ý nghĩa trong Tân Ước. Và cuối cùng Thập giá chỉ cho chúng ta ý nghĩa của đau khổ, của sự chết để đạt tới sự sống đời này. Phải chăng chúng ta hãy cùng mến yêu Thập giá, hãy đứng trước Thập giá để suy niệm. Và ước gì những dòng suy niệm đơn sơ của cá nhân tôi cũng là tâm tình của mỗi chúng ta trong ngày suy tôn Thập giá hôm nay:

“Ôi! Thập giá, Chúa làm con xúc động
Tim bồi hồi thêm mở rộng tình yêu
Mấy ai hiểu được ý nghĩa cao siêu
Đời đau khổ lại đượm nhiều hạnh phúc.
Con tìm Chúa, cõi lòng con thao thức,
Đời khổ đau hầu kiệt sức ngã thua.
Con biết đâu từ cõi chết năm xưa
Trên Thánh giá, Chúa vẫn đưa tay đón.
Đời trần ai biết bao lần đau đớn,
Những hiểu lầm, oan uổng, những khinh chê.
Con biết đâu trên Thánh giá ê chề,
Chúa vẫn đó gọi con về với Chúa.
Những giây phút máu tim con tràn ứa
Một mình con hầu chết giữa cô đơn.
Ôi! Can-vê Chúa đang khát tình thương
Con chợt hiểu Chúa chung đường Thánh giá.
Ôi Chúa ơi, Chúa ơi kỳ diệu quá,
Tìm Thiên đàng từ khổ giá đau thương,
Tìm niềm vui từ tê tái sầu vương,
Giờ con hiểu: chết tình thương là sống!
Con không thể giữa trần gian khổ thống
Thấy Thiên đàng đầy xúc động yêu đương,
Nhưng bắt đầu từ khổ giá đau thương
Con lại thấy phúc Thiên đường hiển hiện.
Đây Thánh giá dìm đau thương tan biến,
Đây vinh quang, cờ thẳng tiến Nước trời,
Nơi treo cao Đấng cứu độ loài người
Con quỳ gối đến muôn đời cảm tạ.
Con nguyện hứa dõi bóng cờ Thánh giá
“Trái tim con xin cắm cả hai tay” (ĐHV 445)
Trên vai con trung thành vác mỗi ngày,
Con theo Chúa từng giây ĐỜI THÁNH GIÁ.”
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 18/09/2008
Ở TẠI

N2T


- “Từ nơi nào con mới có thể tìm được biên giới của giác ngộ ?”

- “Ở đây.”

- “Lúc nào thì nó đến ?”

- “Bây giờ.”

- “Vậy thì tại sao con không thể thể nghiệm được ?”

- “Bởi vì con hoàn toàn không nhìn thấy.”

- “Con nên chú ý điều gì ?”

- “Không chú ý điều gì cả, chỉ nhìn.”

- “Nhìn gì.”

- “Nhìn nơi chỗ mà ánh mắt con nhìn đến.”

- “Có phải con nên dùng phương pháp đặc biệt để nhìn không ?”

- “Không cần, chỉ cần dùng tâm bình thường thì có thể được.”

- “Nhưng con bình thường vẫn nhìn như thế.”

- “Con hoàn toàn không có.”

- “Tại sao ?”

- “Bởi vì con cần phải “tại” mới có thể nhìn, mà con thì phần nhiều thời gian đều lơ đãng.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

“Tại” là hiện tại, là bây giờ, là giờ này phút này.

Sống giây phút hiện tại cho tốt là thánh rồi, bởi vì tương lai là của Chúa, quá khứ thì đã qua rồi không trở lại, chỉ có giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống mới đáng quý. Sống giây phút hiện tại với hết cả tâm tình chính là thực hành thánh ý của Chúa vậy.

Giây phút hiện tại là khi mắt nhìn nơi nào thì nơi ấy trở thành hy vọng và yêu thương: nhìn thấy các em bất hạnh là nhìn thấy điều mình phải làm cho các em để các em có hy vọng; nhìn cảnh bất công đang xảy ra thì thấy ngay bổn phận của mình phải liên đới với công bằng; nhìn cảnh nghèo khó của người nghèo, thì thấy mình có trách nhiệm về sự nghèo khổ của họ để ra tay giúp đỡ..

Biên giới của giác ngộ không phải là cột mốc bằng xi măng cắm ở biên giới giữa hai quốc gia, nhưng là lương tâm giữa cái thiện và cái ác, bởi vì khi ngộ được thế nào là yêu thương và thế nào là hận thù, thì lập tức lương tâm vội vàng lên tiếng thúc giục chúng ta tìm phương pháp thực hành hy vọng và yêu thương.

Sống giây phút hiện tại cho thật tốt lành là giác ngộ được Thiên Chúa là tình yêu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 18/09/2008
N2T


35. Cầu nguyện là bảo chứng của ơn thiên triệu.

(Thánh John Berchmans)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Argentina nói: Người trẻ cần đến niềm hy vọng và sự thông thái của người già
Peter Nguyễn Minh Trung
12:33 18/09/2008
BUENOS AIRES (CNA) - Trong Thánh lễ dành cho những bậc cao niên tại nhà thờ chánh tòa của tổng giáo phận Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, SJ nói rằng người già cần phải là "lời cầu nguyện" cho những người khác và, người già phải giúp thỏa mãn những khao khát của tuổi trẻ về niềm hy vọng qua "tĩnh lặng, khuyên bảo và cầu nguyện."

Trong suốt Thánh lễ, ĐHY Bergoglio nhắc nhở những bậc cao niên rằng: "Các bạn có sứ mệnh khai sáng lối đi cho những người khác, những người đang đắm chìm trong bạo lực, thù hận và ích kỷ." "Người già như thứ rượu ngon lâu năm, bởi vì con tim của họ đã trưởng thành bằng sự thông thái."

Đức Hồng Y cũng lưu ý rằng, người trẻ nào đang khao khát những hình mẫu lý tưởng của niềm hy vọng có thể tìm thấy nơi các bậc cao niên hình mẫu ấy, và người già "có thể thõa mãn cơn khát của người trẻ qua lắng đọng trong tĩnh lặng, qua những khuyên bảo và những lời cầu nguyện. Các bạn - những bậc cao niên - có trách nhiệm lớn lao trong xã hội vì xã hội rất cần đến sự thông thái và từng trải của các bạn."

Vị Hồng Y Dòng Tên cũng đã cảm ơn những công dân cao niên vì những đóng góp của họ cho đất nước "như những người hùng thường nhật", và "như những chứng nhân của niềm khao khát tiếp tục sống, mặc dù bản thân nhiều người cao tuổi thiếu sự chăm sóc và những đồng lương hưu còi cọc."
 
Tòa án Argentina từ chối cho một nạn nhân bị cuỡng hiếp phá thai
Peter Nguyễn Minh Trung
12:34 18/09/2008
BUENOS AIRES (CNA) - Sau nhiều tuần điều tra, một thẩm phán tòa án về gia đình ở tỉnh Mendoza (Argentina) đã bác bỏ yêu cầu của một phụ nữ mà người con gái 12 tuổi của bà đang mang thai do bị cưỡng hiếp, theo đó bào thai sẽ không được phá bỏ. Bên cạnh đó, cô con gái 12 tuổi của bà cũng đã biểu lộ ước muốn giữ lại bào thai, các bác sĩ thì kiểm tra và cho biết rằng nếu phá thai sẽ dẫn đến những rủi ro y khoa và tâm sinh lý nghiêm trọng.

Thẩm phán German Ferrer trong phát biểu với các phóng viên, ông nói việc phá thai sẽ không diễn ra và cũng công bố những biện pháp giúp bảo vệ cô gái và đứa trẻ sắp sinh. Ông cho biết: "Bào thai là một con người đang phát triển." Cô gái 12 tuổi đã bị người chồng kế của mẹ mình cưỡng hiếp và giờ đây ông ta đã bị bắt giam.

Thẩm phán Ferrer nói trách nhiệm bảo vệ cô gái giờ đây sẽ được trao cho bà ngoại của cô. Bà ngoại cô cũng là người muốn giữ lại bào thai của cháu gái mình.

Thẩm phán đã ra lệnh cho các nhà hữu trách địa phương đảm bảo rằng cô gái vẫn tiếp tục có thể theo đuổi việc học trong suốt thời kỳ mang thai, ông cũng yêu cầu bộ phát triển xã hội của Argentina cung cấp đầy đủ việc ăn ở và những chăm sóc về tâm sinh lý cho cô trong suốt thời gian mang thai cũng như sau khi sinh.

Ông còn lệnh cho giới hữu trách trợ cấp để cô có thể mở tạp hóa buôn bán và cùng với các khoản chi phí khác cho cô cũng như đứa trẻ.

Mẹ của cô gái đã đệ đơn lên tòa án cho phép con gái mình phá thai vào cuối tháng 08/2008 vừa qua và viện cớ rằng cô bé đã phải trải qua những tổn thương tinh thần. Thế nhưng cô gái thì lại phủ nhận điều ấy và muốn giữ lại bào thai. Cô gái quả là một gương sáng phò sự sống.

Thẩm phán Ferrer đã ra phán quyết rằng: "sau khi phân tích kỹ lưỡng các tình huống, các kiểm chứng cho thấy rõ ràng" việc phá thai "có thể dẫn đến những lối loạn nghiêm trọng về tâm lý, chẳng hạn như chứng rối loạn tâm thần và không thể chữa trị được."

Ông đã công bố bản tường trình chi tiết của các chuyên gia y khoa và chúng chỉ ra rằng cô gái sẽ không bị bất kỳ một ảnh hưởng nào về tâm lý cũng như sinh lý khi tiếp tục giữ lại bào thai.
 
Các Giám Mục Ecuador yêu cầu Tổng Thống phải tôn trọng những ý kiến của Giám mục và Linh mục
Peter Nguyễn Minh Trung
12:36 18/09/2008
QUITO - Ecuador (CNA) - Cha Nicolas Dousdebes, phụ tá Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ecuador, đã gửi một bức thư đến tổng thống Ecuador ông Rafael Correa yêu cầu ông ta tôn trọng những quan điểm, ý kiến của các Giám mục và Linh mục dù cho ông có thể không đồng ý với những quan điểm ấy đi chăng nữa.

Trong thư, cha Dousdebes kêu gọi tổng thống cần phải nhớ lại Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó có viết: "Tất cả mọi người đều có quyền bày tự do tỏ ý kiến về bất cứ vấn đề gì và bằng bất cứ phương tiện nào." Cha Dousdebes viết tiếp: "Xin ông đừng loại trừ chúng tôi ra khỏi cái quyền ấy."

Cha nói: "Các Kitô hữu yêu chuộng hòa bình nhưng không đồng nghĩa với việc loại bỏ các giá trị của Phúc Âm và các giáo huấn của Giáo hội." Theo cách hiểu này, cha Dousdebes nói tiếp: "Điều đó cũng giống như người ta có tiếng nói trong một xã hội dân chủ, tiếng nói ấy cần phải được tôn trọng và lắng nghe."

Cha Dousdebes kêu than rằng các Giám mục và Linh mục đã đang trở thành mục tiêu của "những lăng mạ vì 'tội' dám biểu lộ bất đồng của mình với các điều khoản hiến pháp mới không rõ ràng và có thể được xem như thỏa hiệp với việc cho phép phá thai, đặt hôn nhân đồng tính ngang hàng với việc kết hợp hôn nhân và bóp nghẹt quyền lợi của các bậc cha mẹ được phép đào tạo con cái họ."

Phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ecuador nhắc nhở tổng thống Correa rằng các linh mục không phải là "những con ma mặc đồ đen, những kẻ quái dị hay những kẻ nói dối ngoan cố giống với những chiến dịch quảng cáo đắt đỏ của ông, nhưng còn hơn thế nữa, chúng tôi là những công dân giống như ông, chúng tôi phục vụ con người với sự vô vị lợi. Chúng tôi không nhận bất kỳ khoản lương nào từ chính phủ của ông cả và, vì thế, chúng tôi có quyền tự do để nói rằng chúng tôi không đồng ý với bất cứ mọi điều dối trá mà chính phủ nói, chúng tôi xem đó như là tiếng nói duy nhất của sự thật, đặc biệt là trong các vấn đề đạo đức và sự sống."
 
Cuộc Hội Thảo tìm thấy những dữ kiện “khởi sắc” về Đức Giáo Hoàng Piô XII
Bùi Hữu Thư
21:25 18/09/2008

Cuộc Hội Thảo tìm thấy những dữ kiện “khởi sắc” về Đức Giáo Hoàng Piô XII



Đức Thánh Cha nói ngài hy vọng là sự thật sẽ được thể hiện.

CASTEL GANDOLFO, Ý, ngày 18 tháng 9, 2008
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói ngày kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời năm nay sẽ giúp cho có cơ hội để tìm được sự thật của lịch sử về đời ngài, và vượt qua được những thành kiến làm che dấu sự thật.

Đức Thánh Cha nói như vậy hôm nay, khi ngài nói chuyện với một hiệp hội liên tôn đang tổ chức một cuộc hội thảo trong tuần này để nghiên cứu về cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Piô XII (1876-1958).

Đức Thánh Cha nói với Hiệp Hội Trải Đường Đi (Pave the Way) và chủ tịch của họ là Gary Krupp rằng, ngài cám ơn họ vì đã có mục đích phân tích “một cách không có thiên kiến về các biến cố trong lịch sử và chỉ quan tâm đến sự thật mà thôi."

Đức Thánh Cha ghi nhận, "Có biết bao nhiêu điều đã được viết ra và được nói đến về Đức Giáo Hoàng Piô XII trong 50 năm qua và không phải là tất cả mọi sắc thái về các hoạt động mục vụ tông đồ khác nhau của ngài đã được xem xét một cách trung thực. Mục tiêu của cuộc hội thảo của quý vị chính là việc duyệt xét những thiếu sót này, cũng như thực hiện một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ tài liệu dẫn chứng về những can thiệp của ngài, đặc biệt là những hành động giúp đỡ người Do Thái đã bao năm bị đoạ đầy ở khắp nơi tại Âu Châu, vì kế hoạch dã man của những kẻ đã muốn diệt trừ họ trên mặt trái đất.

"Khi chúng ta đến gần với vị Giáo Hoàng khả kính này, và bỏ qua mọi thành kiến về ý thức hệ, và để cho mình được đánh động bởi những đức tính thiêng liêng và nhân bản cao qúy của ngài, chúng ta sẽ bị thu hút bởi gương sống của ngài và sự phong phú của những giáo huấn của ngài. Chúng ta cũng có thể ngưỡng mộ đức tính khôn ngoan và sự kiên trì trong công việc mục vụ của ngài, đã hướng dẫn ngài trong bao nhiêu năm, nhất là trong việc tổ chức những yểm trợ cho người Do Thái.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, "Cuộc hội thảo Trải Đường Đi cung ứng cho dư luận quần chúng cơ hội để hiểu biết nhiều hơn về những gì Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thực hiện được cho những người Do Thái bị chế độ độc tài Phát Xít Nazi đàn áp."

Đức Giáo Hoàng Piô XII
ĐGH Piô XII ban phép lành
ĐGH Piô XII đang cầu nguyện
 
Bài giảng của ĐTC Benedictô XVI tại quảng trường Invalides
Lê Đình Thông
00:48 18/09/2008
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI
TẠI QUẢNG TRƯỜNG INVALIDES (NGÀY 15-9-2008)


Quý Huynh Hồng Y Vingt-Trois,
Chư Huynh Hồng Y và Chư Huynh trong Hội Đồng Giám Mục

Cùng quý anh chị trong Chúa Kitô,

Chúa Giêsu Kitô tập hợp chúng ta trong địa điểm tráng lệ này, giữa lòng thủ đô Paris, vào ngày Giáo Hội hoàn vũ mừng kính thánh Jean Chrysostome, một trong những vị Thánh Tiến sĩ lớn của Giáo Hội, làm chứng qua cuộc sống và qua lời giảng dạy, đã chỉ một cách hiệu quả cho các tín hữu con đường phải theo. Tôi hân hoan chào mừng chính quyền đã tiếp đón tôi trong thành phố cao quý này, nhất là Đức Hồng Y André Vingt-Trois, tôi cám ơn ngài về những ngôn từ thân yêu. Tôi chào mừng toàn thế Hồng Y, Linh Mục, Phó Tế đã quây quần quanh tôi để cử hành hy lễ Chúa Kitô. Tôi cám ơn các nhân vật, cách riêng ông Thủ Tướng, đã hiện diện ở đây sáng nay; tôi bảo đảm với quý vị về lời khẩn nguyện của tôi giúp quý vị hoàn thành sứ mạng cao cả phục vụ đồng bào.

Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các tín hữu Cô rin tô giúp ta tìm được trong năm thánh Phaolô (bắt đầu ngày 28 tháng 6 vừa qua) những lời khuyên của thánh Tông đồ vẫn còn là thời sự. ‘‘Hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng’’ (1 Co 10, 14). Ngài đã viết cho một cộng đoàn nổi tiếng về việc thờ đa thần, bị phân hóa giữa việc chấp nhận những điều mới mẻ của Tin Mừng và việc tuân giữ những hủ tục cha truyền con nối. Xa lánh ngẫu tượng là thôi không tôn thờ và dâng các thần linh Hy Lạp các nghi lễ hiến sinh đẫm máu. Xa lánh ngẫu tượng là bắt đầu học hỏi các nhà tiên tri trong Cựu Ước cáo giác khuynh hướng chỉ biết con người nên tạo ra những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa. Cũng như Thánh Vịnh 113 nói về các tượng tà thần làm bằng vàng bạc do bàn tay con người làm ra, các ngẫu tượng có miệng mà không nói, có mắt mà không xem thấy, có tai mà không nghe, có mũi mà không ngửi’’ (4-5). Không kể dân Do Thái được Thiên Chúa duy nhất mặc khải, thế giới cổ đại lệ thuộc vào việc thờ cúng ngẫu tượng. Thành phố Cô rin tô vốn có nhiều ngẫu tượng, các sai lầm về đa thần chắc hẳn đã được tố giác, bởi vì các ngẫu tượng tạo ra sự tha hóa mạnh mẽ, khiến con người xa lìa khỏi định mệnh của mình. Các ngẫu tượng ngăn cản con người nhận biết rằng Thiên Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc có thật duy nhất. Chỉ có Ngài mới chỉ cho loài người con đường hướng về Thiên Chúa. Lời mời gọi xa lánh ngẫu tượng ngày nay vẫn còn thích đáng. Phải chăng thế giới hiện đại tự tạo cho mình các ngẫu tượng riêng ? Phải chăng thế giới vô tình bắt chước tín ngưỡng đa thần thời Cổ đại, khiến con người lìa khỏi cứu cách thực sự, lìa xa phúc thật được sống đời đời cùng Thiên Chúa ? Đó là vấn đề mà mọi người, trung thực với chính mính, tự đặt ra. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là gì ? Ta đặt điều gì lên hàng đầu ? Chữ ‘‘thần tượng’’ (idole) do tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘‘hình ảnh’’ (image), ‘‘khuôn mặt’’ (figure), ‘‘hình ảnh thể hiện’’ (représentation), nhưng còn là ‘‘bóng ma’’ (spectre), ‘‘ma quái’’ (fantôme), ‘‘bề ngoài phù phiếm’’ (vaine apparence). Thần tượng là một ảo ảnh (leurre, illusion), vì thần tượng khiến những kẻ tôi mọi (tôn sùng một cách mù quang) lìa khỏi thực tế để náu thân trong xứ sở bề ngoài phù phiếm. Phải chăng nỗi cám dỗ này là của riêng thời đại chúng ta, con người sa trước cơn cám dỗ này ? Sự cám dỗ tôn sùng một quá khứ không còn nữa, bằng cách quên đi những thiếu sót; sự cám dỗ tôn sùng một tương lai chưa có, bằng cách tin cậy vào sức mình, con người sẽ thực hiện được hạnh phúc vĩnh cửu trên thế gian này. Thánh Phaolô đã giải nghĩa cho tín hữu Cô lô xê rằng lòng tham tiền của không đáy là một hình thức tôn sùng thần tượng (Xem 3,5); thánh nhân còn nhắc nhở môn đệ Ti mô thê rằng lòng yêu tiền của là nguồn gốc mọi thói hư tật xấu. Để hiến thân vì đồng tiền, thánh nhân xác định, ‘‘một số người bị mất đức tin, phải chịu những day dứt không cùng’’ (1Tm 6, 10). Tiền bạc, ham muốn của cải, ham muốn quyền hành và hiểu biết phải chăng đã khiến con người xa lìa Cứu cánh thực sự, bị mất Chân lý của riêng mình ?

Anh chị em thân mến, câu hỏi mà phụng vụ hôm nay đặt ra cho chúng ta đã tìm được lời giải đáp trong cùng một phụng vụ, chúng ta đã thừa hưởng các bậc Giáo Phụ trong đức tin, đặc biệt là Thánh Phaolô. (Xem 1Co 11,23). Trong bài bình giải đoạn văn này, thánh Jean Chrysostome lưu ý rằng thánh Phaolô đã lên án nghiêm khắc việc tôn sùng thần tượng, bị coi là ‘‘lỗi nặng’’, là điều điếm nhục, một ‘‘bệnh dịch’’ thực sự. (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô rin tô). Lập tức, thánh nhân thêm rằng sự lên án triệt để về sự tôn sùng thần tượng mà không hề lên án người thờ thần tượng. Không bao giờ, trong phán đoán của chúng tôi, chúng tôi không lẫn lộn giữa tội vốn không thể chấp nhận được và kẻ có tội; ta không thể phán xét lương tâm của mỗi người, luôn luôn có thể cải tà quy chánh và có thể tha thứ. Thánh Phaolô nhắc lại điều đó cho lý trí của mỗi người: ‘‘Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét những điều tôi nói’’ (1 Co 10, 15). Không bao giờ Thiên Chúa lại bắt con người phải từ bỏ lý trí và cũng không bao giờ lý trí mâu thuẫn với Đức Tin. Ba Ngôi Thiên Chúa duy nhất, Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần đã tạo nên lý trí chúng ta và ban cho chúng ta đức tin, đồng thời đề nghị tự do để chấp nhận đức tin như một ân sủng quý giá. Chính sự tôn sùng thần tượng làm con người phải xa lìa viễn tượng này, từ đó lý trí có thể tạo ra thần tượng. Ta hãy xin Thiên Chúa là đấng thấy rõ ta và nghe tiếng ta kêu cầu giúp ta tẩy sạch mọi thần tượng, để đạt tới chân lý trong bản thể của riêng ta, đạt được chân lý trong bản thể vô biên !

Nhưng làm sao đến được cùng Thiên Chúa? Làm sao tìm được và tìm lại được Đấng mà con người tìm được tự đáy lòng, thường khi bằng cách quên đi bản thân ?. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không những dùng đến lý trí, nhưng trước hết là đức tin để tìm được Thiên Chúa. Đức tin nói với ta điều gì ? Bánh Thánh mà ta bẻ ra hiệp cùng với Mình Thánh Chúa; Chén rượu tạ ơn mà ta chúc tụng hiệp cùng Máu Thánh Chúa Kitô. Đó là sự mặc khải đặc biệt đến từ Chúa Kitô, do các Thánh Tông đồ và Giáo Hội truyền lại cho chúng ta từ hai ngàn năm. Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể vào tối Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài mong rằng sự hy sinh của ngài phải được tái diễn một cách không đẫm máu, mỗi khi một linh mục đọc lại lời truyền phép trên bánh và rượu. Từ hai ngàn năm nay, hàng triệu triệu lần, từ nguyện đường xa xôi hẻo lánh nhất đến các thánh đường và vương cung thánh đường đồ sộ nguy nga, Thiên Chúa Phục sinh hiến mình cho dân Chúa, như vậy đã trở nên, như lời thánh Augustinô, ‘‘mật thiết vì chúng ta còn hơn cả chúng ta nữa (Xem Confessions III, 6,11).

Anh chị em thân mến, hãy năng tôn sùng bí tích Mình Máu Chúa, Thánh Thể Cực Trọng là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Đừng sao lãng bầy tỏ cùng Chúa lòng kính yêu. Hãy dâng lên Chúa dấu chỉ vinh dự lớn lao nhất. Bằng lời nói, bằng sự yên lặng và bằng cử chỉ, không bao giờ chấp nhận sự nhạt phai trong ta và quanh ta về đức tin trong Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong phép Thánh Thể. Như thánh Jean Chrysostome đã nói: ‘‘Hãy kiểm tra kỹ càng những ơn huệ của Thiên Chúa không lời nào diễn tả được và mọi ơn phúc Chúa ban cho ta, khi ta dâng chén này, khi ta rước lễ để tạ ơn Chúa đã giải thoát loài người khỏi lỗi phạm, tạ ơn Chúa đã mang lại gần ngài những ai còn xa cách, đã khiến những ai thất vọng, những kẻ vô thần trong thế giới này trở thành một dân tộc huynh đệ, trở nên những kẻ đồng thừa tự của Ngôi Hai Thiên Chúa ‘’ (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gởi tín hữu Cô rin tô, 1). Vì chưng, thánh nhân tiếp lời, ‘‘máu thánh trong chén này chính là máu đã đổ ra bên cạnh sườn, chính máu này mà ta cùng dự phần’’ (sách đã dẫn). Thánh nhân còn nói thêm, không chỉ là sự tham dự và chia sẻ, mà còn là sự ‘‘hiệp nhất’’.

Lễ Misa là hy lễ tạ ơn ở mức cao nhất, cho phép chúng ta kết hiệp hy lễ tạ ơn với hy lễ của Đấng Cứu Chuộc, là Ngôi Con vĩnh cửu của Ngôi Cha. Thánh Lễ mời gọi chúng ta xa lánh việc thờ ngẫu tượng, vì như thánh Phaolô nhấn mạnh, ‘‘Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được’’ (1 Co 10, 21). Thánh Lễ mời gọi chúng ta phân định giữa việc vâng theo Thần khí Chúa hoặc nghe lời ác thần. Trong Thánh Lễ, ta mong mỏi chỉ thuộc về Chúa Kitô và lập lại với tâm tình biết ơn lời kêu xin của tác giả Thánh Vịnh: ‘‘Làm sao tôi đền đáp được Thiên Chúa về mọi ơn lành Chúa đã làm cho tôi ?’’(Tv 115, 12). Vâng, làm sao cảm tạ Chúa về cuộc sống Ngài đã ban cho ta ? Câu hỏi Thánh Vịnh cũng tìm được lời giải đáp cũng trong Thánh Vịnh, bởi vì Lời Chúa đáp lại đầy lòng khoan dung cho câu hỏi đặt ra. Làm sao đền đáp Chúa về mọi ơn lành ngài làm cho ta nếu không bằng cách tuân theo lời hằng sống:‘‘Ta sẽ nâng chén cứu chuộc, ta cầu khẩn Thánh Danh Chúa’’ (Tv 115, 13).

Nâng chén cứu chuộc và kêu cầu Thánh Danh Chúa, đó phải chăng là phương tiện tốt nhất để ‘‘xa lánh việc thờ ngẫu tượng’’, như Thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta ? Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là một lần Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh nhờ phép bí tích có nghĩa là công trình cứu chuộc đã được thực hiện. Cử hành phép Thánh Thể có nghĩa là nhận biết rằng chỉ có Chúa là có thể ban cho ta hạnh phúc viên mãn, dạy ta các chân lý và giá trị đời đời không bao giờ phai tàn. Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ, nhưng cũng hiện diện trong đền thờ tâm khảm ta; một khi rước lễ, ta nhận được Bí tích Thánh Thể. Chỉ có ngài dạy ta phải xa lánh các ngẫu tượng, các ảo tưởng trong tâm trí.

Anh chị em thân mến, ai có thể nâng chén cứu chuộc và kêu cầu Thánh Danh Chúa nhân danh toàn thể cộng đồng dân Chúa nếu không phải là linh mục ? ngài được vị Giáo Mục truyền chức. Ở đây, các tín hữu thân mến ở Paris và vùng phụ cận cũng như trên khắp nước Pháp và các nước lân cận, cho phép tôi đưa ra lời kêu gọi tin cậy trong đức tin và nơi lòng rộng rãi của các bạn trẻ trăn trở về ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục: các con đừng sợ. Các con đừng sợ khi tận hiến cho Chúa Kitô. Không gì có thể thay thế được sứ mệnh của các linh mục giữa lòng Giáo Hội Cũng không gì có thể thay thế một Thánh Lễ nhằm cứu chuộc thế giới. Các bạn trẻ và các bạn trung niên đang lắng nghe, các con đừng để lời mời gọi của Chúa Kitô không được trả lời. Thánh Jean Chrysostome, trong Chuyên luận về Tư tế đã cho thấy câu trả lời của con người tuy chậm đến, tuy nhiên đó là tấm gương sống động về tác động của Thiên Chúa trong sự tự do của con người được đào luyện bằng ân sủng.

Sau cùng, nếu chúng ta lấy lại Lời Chúa trong Phúc âm, ta sẽ thấy chính Chúa đã dạy việc xa lánh ngẫu tượng bằng cách mời gọi chúng ta xây nhà ‘‘trên đá’’ (Lc 6, 48). Tảng đá là ai, nếu không là chính ngài ? Các ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta chỉ đạt được chiều kích thực sự nếu ta dựa vào thông điệp của Tin Mừng. ‘‘Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra ’’ (Lc 6, 45). Khi ta nói, liệu ta có tìm điều tốt đẹp nơi người đối thoại không ? Khi ta suy nghĩ, ta có tìm cách đem ý nghĩ của ta tương hợp với ý nghĩ của Thiên Chúa không ? Khi ta hành động, ta có tìm cách gieo rắc Tình Yêu ngài đã ban cho ta không ? Thánh Jean Chrysostome còn nói rằng: ‘‘Bây giờ, nếu ta chia cùng một tấm bánh, và nếu ta trở nên cùng một thực thể, tại sao ta lại không chứng tỏ có cùng một lòng bác ái ? Cũng vì lý do này, tại sao chúng ta lại không trở nên một toàn bộ duy nhất ? …người ơi, chính Chúa Kitô đã đến tìm con để cùng con kết hợp mà con vẫn còn quá xa cách Chúa, sao con lại không muốn kết hợp với anh chị em của con ?’’ (Bài giảng 24 về Thư thứ nhất gởi tín hữu Cô rin tô, 2).

Hy vọng vẫn luôn mạnh mẽ. Giáo Hội, xây trên đá Chúa Kitô, có lới hứa về cuộc sống đời đời..., không phải vì các thành viên thánh thiện hơn những người khác, nhưng vì Chúa Kitô đã hứa cùng Thánh Phêrô: ‘‘Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Matthêu, 16, 18).Trong niềm hy vọng bất diệt này về sự hiện hữu của Chúa trong mỗi tâm hồn, trong niềm vui biết rằng Chúa Kitô ở cùng chúng ta đến tận cùng thời gian, trong sức mạnh Chúa Thánh Linh ban cho mọi người biết chấp nhận để Chúa Thánh Thần nắm bắt, các tín hữu Paris và trên khắp nước Pháp thân mến, ta phó thác vào sự tác động mạnh mẽ và lân tuất của Thiên Chúa tình yêu đã chết vì ta trên Thập giá, và sống lại vinh quang vào sáng Phục Sinh. Đối với các tâm hồn thiện chí đang lắng nghe, ta lập lại câu nói của thánh Phaolô: Hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng, đừng nản lòng khi làm việc lành. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha dẫn các con về với Ngài và thắp sáng các con bằng sự vinh quang huy hoàng. Nguyện xin Con Một Thiên Chúa, là Thầy và là Anh, mặc khải cho các con vẻ đẹp khuôn mặt Phục Sinh của Chúa. Nguyện xin Thánh Thần đổ tràn cho các con ân sủng và ban cho các con niềm vui nhận biết bình an và ánh sáng của Ba Ngôi cực thánh, bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen !

+ ĐGH Benedictô XVI
(Chuyển ngữ: Lê Đình Thông)
 
Không cho thoát nghèo!
Lữ Giang
01:06 18/09/2008
Không cho thoát nghèo!

Hôm 29.8.2008, tất cả 25.000 trường Công Giáo thuộc 160 giáo phận và 240 dòng tu trên toàn nước Ấn Độ đã đóng cửa để tỏ tình liên đới và phản đối các vụ tấn công và bạo hành chống các tín hữu Kitô giáo tại bang Orissa. Trong số các học sinh theo học tại các trường Công Giáo này có hơn 80% thuộc các tôn giáo khác.

Hội Đồng Kitô Giáo Toàn Ấn Độ, một tổ chức đại kết, cũng lên án các vụ bạo hành chống các tín hữu Kitô giáo.

Tài liệu kiểm tra sơ khởi cho biết có 22 người bị sát hại, 50 nhà thờ bị thiêu hủy (trong đó có lối 10 nhà thờ thuộc các Giáo Hội Tin Lành Pentecostal và Tẩy giả), 3 tu viện Công Giáo, 5 trung tâm đón tiếp, 7 học viện mục vụ và 300 tư gia bị đốt cháy hoặc hư hại.

Những biến cố tương tự thỉnh thoảng lại xẩy ra ở Ấn Độ trong nhiều thập niên qua. Tại sao? Nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn chủ trương của Đảng CSVN hiện nay và việc đưa tôn giáo vào làm công cụ phục vụ cho các thế lực chính trị sẽ gây ra những kết quả tai hại như thế nào.

VẾT DƠ CỦA NHÂN LOẠI

Trước đây, các chế độ cộng sản trên thế giới thường áp dụng ba biện pháp sau đây để không chế quần chúng: ĐÓI, ĐỐT và SỢ. Các biện pháp này hiện nay vẫn còn áp dụng tại ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, tại Ấn Độ hiện nay vẫn còn tồn tại một chế độ cũng tội tệ đối với con người không kém gì các biện pháp mà các chế độ cộng sản đã áp dụng trước đây, đó là dùng tôn giáo để bắt một số đông dân chúng phải sống kiếp nô lệ suốt đời và khai thác. Mọi nỗ giải phóng người nghèo đều bị ngăn chận bằng mọi cách. Đây là tàn dư của chế độ đảng cấp (castes) trong đạo Hindu, thường được gọi là Ấn Giáo, một tôn giáo hiện chiếm khoảng 82% dân số Ấn. Đây cũng là một vết dơ còn tồn động của nhân loại trong thế giới ngày nay.

Mặc dầu Hiến Pháp ngày 26.1.1950 của Ấn Độ tuyên bố hủy bỏ hệ thống tiện dân (untouchability) và việc áp dụng chế độ tiện dân dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. Nhưng trong thực tế, các thế lực chính trị và kinh tế vẫn tiếp tục duy trì hệ thống tiện dân để bốc lột. Trong vụ sóng thần Sunami năn 2004 ở Ấn Độ Dương, chính phủ Ấn đã từ chối nhận viện trợ của các nước khác và không cho các tổ chức cứu trợ quốc tế đến cứu giúp dân Ấn. Tại sao? Tại vì họ không muốn các cơ quan truyền thông và các tổ chức quốc tế thấy rõ thảm cảnh của các tiện dân: Ngoài các giáo hội Kitô giáo, chẳng ai giúp đỡ họ, trong khi đó các giai cấp giàu có ở Ấn lại bắt các tiện dân phải làm việc vất vả không công để phục hồi lại những gì họ đã mất!

Đừng tưởng nhóm tiện dân này chỉ là một thiểu số. Số tiện dân ở Ấn bằng 1/4 dân số Ấn Độ, nghĩa là cứ 4 người Ấn Độ có một tiện dân. Họ phải sống một cuộc đời không hơn gì súc vật.

Nhận thấy đây là một sự xấu hổ cho dân tộc Ấn và là một sự bất hạnh của con người, không thể được chấp nhận trong thế giới ngày nay, chính quyền trung ướng Ấn và nhiều tổ chức quốc tế đã cố gắng để cải thiện đời sống của các tiện dân, nhưng không được bao nhiêu, vì các thế lực ở địa phương tìm cách ngăn chận! Anh Hai Nhân Quyền của người Việt hải ngoại có đầy đủ hồ sơ vê vụ này, nhưng cứ phớt lờ đi như họ đang phớt lờ cho CSVN, vì Ấn Độ là một thị trường lớn mà Anh Hai muốn khai thác chứ không muốn đụng độ!

MỘT VÀI CON SỐ ĐIỂN HÌNH

Tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết Đông Á là vùng duy nhất trên thế giới tương đối thành công trong việc xóa đói giảm nghèo. Số người có lợi tức trung bình dưới 1 Mỹ kim mỗi ngày tại Đông Á giảm 33% xuống còn 280 triệu người. Trong khi đó số người nghèo lại gia tăng ở Nam Á, vùng sa mạc Sahara của châu Phi và châu Mỹ Latin. Các nước ở Nam Á Châu được phúc trình của LHQ nói đến ở đây là Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ. Maldives, Nepal, Pakistan và Sri-Lanca.

Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy Ấn Độ có dân số khoảng 1 tỷ 100 triệu người với tổng sản lượng khoảng 3.319 tỷ Mỹ kim và lợi tức tình theo đầu người là 3.100 Mỹ kim (Việt Nam 2.700 Mỹ kim). Nhưng tài liệu của Ngân Hàng Thề Giới cho biết theo tiêu chuẩn năm 2005, Ấn Độ có đến 456 triệu người nghèo, 41,6% dân sống dưới mức 1,25 Mỹ kim mỗi ngày. Tài liệu kiểm tra cũng cho biết số người có lợi tức dưới 2 USD một ngày chiếm 97,5% dân số, tức hơn 900 triệu người!

Tại Ấn Độ hiện có khoảng 40 triệu công nhân, đa số là người Dalit, đang phải làm việc trong tình trạng như nô lệ để trả những món nợ do các thế hệ trước đã mắc!

DÙNG LUẬT PHÁP ĐỂ KHỐNG CHẾ

Trước tình trạng gần như bị bỏ rơi như vậy, các tiện dân tìm thấy có một cách để làm thay đổi cuộc sống, đó là cải đạo, tức từ bỏ đạo Hindu (Ấn Giáo) để gia nhập một tôn giáo khác. Khi ra khỏi đạo Hindu, họ sẽ không còn bị lệ thuộc vào pháp điển của Hindu nữa.

Chúng ta nhớ lại, hôm 4.11.2001 hơn 50.000 người cùng đinh từ bỏ Ấn giáo quy y Tam Bảo tại viện Ambedkar, thủ đô Delhi Ấn Độ. Biến cố này đã gây sửng sốt cho các đảng lãnh đạo Ấn giáo và chính phủ Ấn. Những người từ bỏ Ấn Giáo để theo Phật Giáo này không hiểu bao nhiêu về Phật Giáo, nhưng họ đã làm như vậy vì đó là một con đường giải thoát khỏi chế độ tiện dân. Tuy phát xuất từ Ấn Độ, theo cuộc kiểm kê năm 1991 của chính phủ Ấn, số tín đồ Phật Giáo ở Ấn chỉ có 0,8%.

Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, các giáo hội Thiên Chúa Giáo đã đến truyền giáo ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ qua, nhưng ngày nay số tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ cũng chỉ có 2,5% dân số. Riêng Giáo Hội Công Giáo hiện có 17 triệu tín hữu với 17 tổng giáo phận, 122 giáo phận và 240 dòng tu. Giáo Hội Công Giáo đã tích cực dấn thân vào lãnh vực văn hóa, giáo dục, y tế xã hội... nên được dân chúng ưa chuộng. Đây lại là lý do khiến cho các tín hữu Kitô giáo bị các nhóm Ấn giáo cuồng tín và các đảng cấp có thế lực thù ghét. Tại tiểu bang Orissa, nơi có cuộc tấn công Thiên Chúa Giáo đầm máu vào cuối tháng 8 vừa qua, có 37 triệu dân, trong đó tín đồ Thiên Chúa Giáo chiếm khoảng 1 triệu. Đây là tiểu bang có đến 39% dân số thuộc loại tiện dân “Dalit”. Số tiện dân theo Thiên Chúa Giáo ngày càng đông. Do đó, các đảng cấp có thế lực thấy rằng nếu để cho tình trạng này phát triển, họ sẽ mất dần số tiện dân thường phải làm nô lệ cho họ. Vì thế, họ đã đưa ra hai biện pháp chính sau đây để ngăn chận: (1) Ban hành các đạo luận cấm cải đạo và (2) xúi giục các tín đồ Ấn Giáo cuồng tín tấn công vào các cơ sở của Thiên Chúa Giáo.

Vào thập niên 1980 phong trào Ấn giáo cực đoan Sangh Parivar được thành lâp với sự yểm trợ của các đảng cấp có thế lực ở Ấn. Mặc dầu điều 15 của Hiến pháp toàn Ấn ngày 16.1.1950 cấm phân biệt dựa trên tôn giáo, chủng tộc, đảng cấp, phái tính và nơi sinh (Prohibition of discrimination on grounds of religion, race, caste, sex or place of birth), phong trào này chủ trương “Ấn giáo hóa” toàn nước Ấn với lý do là các tôi giáo khác đi theo các nền văn hoá xa lạ không phù hợp với văn hoá Ấn, nên cần phải xóa bỏ. Nhưng mục tiêu chính là ngăn chận không cho nhóm tiện dân thoát khỏi hệ thống đảng cấp của Ấn Giáo để bắt họ phải suốt đời làm nô lệ cho các đảng cấp cao.

Ở Ấn Độ hiện nay ngoài Ấn Giáo (82%) còn có Hồi Giáo (11,3%), Thiên Chúa Giáo (2,4%), đạo Sikh (2%), Phật Giáo (0,8%) và đạo Jains (0,48%). Nhưng phong trào nói trên chỉ nhắm vào Thiên Chúa Giáo vì tôn giáo này chủ trương giải thoát các tiện dân khỏi chế độ nô lệ.

Thực hiện chủ trương của Phong Trào Sangh Parivar, hiện nay đã có 6 tiểu bang ở Ấn Độ ban hành luật cấm cải đạo, bất chấp hiến pháp ngày 26.1.1950 của toàn Ấn, đó là các bang Arunachal Pradesh, Madhya Pradesh, Orissa, Tamil Nadu, Gujarat và Chhattisgarh.

DÙNG BẠO ĐỘNG ĐỂ ĐE DOẠ

Ngoài các đạo luật cấm cải đạo, các thế lực chính trị và kinh tế ở Ấn đã bảo vệ cho các nhóm Ấn Giáo quá khích mở các cuộc tấn công vào các cơ sở của Thiên Chúa Giáo, nhất là tại hai tiểu bang Gujarat và Orissa.

Theo bản tin của Asia News ngày 26.8.2008, Sĩ quan cảnh sát Ashok Biswall cho biết hôm 25.8.2008, một nhóm Ấn Giáo quá khích đã tràn vào một trại mồ côi ở quận Bargarh thuộc bang Orissa, phiá Đông Bắc Ấn Độ, và thiêu sống một nữ tu Công Giáo. Một linh mục hiện diện trong trại bị thương nặng và đang được chữa trị trong bệnh viện. Nữ tu Meena ở Trung Tâm Xã Hội Bubaneshwar bị một nhóm Ấn Giáo quá khích cưỡng hiếp tập thể. Trung tâm này đã thoát khỏi làn sóng bạo lực hồi tháng 12, giờ cũng bị phá hủy hoàn toàn. Linh mục Thomas, người điều hành trung tâm này đang nằm bệnh viện vì bị thương nghiêm trọng ở đầu. Tại một nơi khác, một linh mục bị thương và hai người bị bắt cóc.

Các cuộc bạo động này đều do hai phong trào Ấn Giáo Vishwa Hindu Parishad và Sangh Parivar chỉ đạo. Những phần tử quá khích lang thang trên các đường phố, làng mạc, chặn các lối đi, đột kích vào các cơ sở Thiên Chúa Giáo và nhà của giáo dân, đập phá cửa chính, đập vỡ cửa sổ và cướp bóc. Nhiều linh mục và nữ tu phải trốn chạy.

Trong ba ngày 23, 24 và 25.8.2008, bang Orissa đã bị phủ bóng bạo lực. Các nhà thờ, các trung tâm của cộng đoàn và trung tâm mục vụ, các trại mồ côi... đã bị tấn công. Nhiều đám đông hô lớn: “Giết bọn Kitô giáo! Phá hủy các cơ sở của chúng!”

Các nữ tu của Mẹ Têrêsa cũng bị những người Ấn Giáo tấn công bằng cách ném đá làm cho một người bị thương nghiêm trọng.

Tại Bubaneshwar, các chiến binh Ấn Giáo đã ném đá vào Toà Tổng Giám Mục nhưng không dám vào bên trong vì có sự hiện diện của cảnh sát.

Ở Phulbani, nhà thờ giáo xứ và nhà của giáo sĩ địa phương bị tấn công và đốt cháy. Tất cả linh mục địa phương phải trốn chạy và tìm nơi ẩn náu tại tại nhà của các thành viên tu hội địa phương. Nhà trọ sinh viên theo học ở Phulbani cũng bị đốt.

Tổ chức Miserior của Đức đang hoạt động tại Ấn Độ cho biết các linh mục, các nữ tu và các cộng tác viên nam nữ của các Giáo Hội bị lôi kéo ra khỏi xe và bị đánh đập dã man, các xe cộ của họ bị đốt cháy. Các phần tử Ấn giáo quá khích đã cưỡng hiếp đàn bà con gái và chặt các nạn nhân ra từng khúc ngay trước sự chứng kiến của cảnh sát. Về phía nhà chức trách Ấn Độ, họ chỉ tìm cách ngăn cản qua loa những vụ bạo hành như thế cho qua chuyện, nếu không nói là các cảnh sát còn vào hùa với bọn quá khích. Tổ chức Misereor nói rằng rằng chính quyền địa phương ở Ấn chỉ tỏ ra miễn cưỡng trong việc ngăn chặn làn sóng bạo lực.

Theo bản tường trình của Misereor gửi cho đối tác của họ ở Ấn Độ vào thứ sáu 29.8.2008, những cuộc tấn công các Kitô hữu của các phần tử Ấn Giáo quá khích vào cuối tuần vừa qua, đã làm cho khoảng:

- 15.000 Kitô hữu đã phải bỏ lại nhà cửa để chạy thoát thân và đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất;
- 1.500 ngôi nhà của các Kitô hữu bị đốt phà hoàn toàn;
- 50 nhà thờ bị chiếm giữ và bị cướp phá;

Linh mục Martin Broeckelmann-Simon, Giám đốc điều hành tổ chức Misereor, kêu gọi chính quyền Liên Bang Đức đừng nhắm mắt trước tình trạng bạo lực chống các tín hữu Kitô giáo tại Ấn Độ, trái lại cần cấp thiết yêu cầu chính phủ Ấn bảo vệ các quyền con người tại bang Orissa.

ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Ủy ban đối thoại liên tôn của Toà Thánh, đã lên tiếng đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải làm áp lực với chính phủ Ấn Độ. Trong nhật báo Ý «Corriere della Sera» số ra ngày 26.8.2008, ĐHY nói rằng những cuộc tấn công và giết hại các Kitô hữu vô tội của những phần tử Ấn Giáo quá khích là «một trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa và cả nhân loại».

Trong báo «Osservatore Romano» của Toà Thánh, ĐHY cũng đã cho biết rằng các tín hữu Công Giáo, dù bị tấn công, vẫn luôn can đảm ở lại tại quê hương họ. Còn câu trả lời của họ cho các hành vi bạo động và bắt bớ họ là họ vẫn luôn cương quyết đứng về phía những người nghèo khổ và những người phải sống ngoài lề xã hội.

CHỈ LÀ GIẢI PHÁP TẠM THỜI

Hôm 28.8.2008, một phái đoàn các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành Ấn Độ đã gặp ông Mannohan Singh, Thủ Tướng Liên bang Ấn. Phái đoàn do Đức TGM Raphael Cheenath của giáo phận Bhuhaneshwar cầm đầu đã trao cho Thủ Tướng Singh một thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà nước can thiệp kịp thời để ngăn chận những vụ tấn công các Kitô hữu, đặc biệt trong tiểu bang Orissa.

Thủ Tướng Singh đã gọi các vụ tấn công các tín hữu Kitô giáo tại bang Orissa là ”một điều ô nhục cho quốc gia”, đồng thời ông loan báo chính quyền sẽ bồi thường cho gia đình của những người bị sát hại. Ngoài ra, Thủ Tướng cũng hứa thiết lập một quỹ liên bang để trợ giúp hàng ngàn tín hữu Kitô giáo, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải chạy vào rừng để trốn tránh các cuộc tấn công. Sau cùng, chính quyền liên bang Ấn hứa sẽ gửi thêm quân đội đến bang Orissa.

Các đối tác của cơ quan Misereor ở Ấn Độ cho hay hiện chính phủ trung ương ở New Delhi đã ra thông cáo tuyên bố miền đất các Kitô hữu bị tấn công là vùng bị nạn và thành lập một ủy ban điều tra vụ việc.

Hôm 29.8.2008, một cuộc họp của các vị lãnh đạo Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo đã được triệu tập tại thành phố Sambalpur, bang Orissa, để thảo luận về tình hình và tìm cách trấn an các cộng đồng liên hệ.

Nhìn chung, giải pháp ông Mannohan Singh, Thủ Tướng Liên bang Ấn đưa ra cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm trấn an dư luận trong cũng như ngoài nước. Đó không phải là giải pháp giải quyết vấn nạn khai thác những người cùng đinh để phục vụ các thế lực chính trị và kinh tế ở Ấn.

TƯƠNG LAI VẪN MỜ MỊT

Bang Orissa được coi là môi trường thí nghiệm chích sách ”Ấn giáo hóa” toàn quốc của Phong Trào Sangh Parivar, sau bang Gujarat là nơi từ nhiều năm qua đã liên tục xảy ra các vụ bạo động và bách hại Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số khác.

Vào dịp lễ giáng sinh năm 2007, bang Orissa cũng đã xẩy ra những cuộc tấn công Thiên Chuá Giáo. Linh Mục Laxmikanta Pradhan, cha sở giáo xứ Balliguda, hiện vẫn đang phải lẩn trốn trong các vùng chung quanh giáo xứ, cho biết vào khoảng 7 giờ rưỡi chiều ngày 24.12.2007, các nhóm Ấn giáo cuồng tín vũ trang gươm, dao, súng lục, thanh sắt và rìu, đã phá cửa ùa vào bên trong giáo xứ, đe dọa và chĩa súng vào các linh mục, nữ tu và giáo dân đang trang hoàng nhà thờ cho thánh lễ đêm Giáng Sinh. Và thế là mọi người bỏ chạy vào trong rừng. Từ trong rừng họ trông thấy lửa bốc cháy. Những nơi khác, tình trạng tương tự cũng đã xẩy ra.

Cuộc phỏng vấn Đức Giám Mục Raphael Cheenath, TGM giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, về tình hình bách hại Kitô hữu tại Ấn Độ, sẽ cho chúng ta thấy những khó khăn của vần đề:

Hỏi: Thưa Đức Cha, hơn một tháng sau khi xảy ra các vụ tấn kích các tín hữu Kitô giáo trong giáo phận của Đức Cha, tình hình tại đây hiện nay ra sao?

Đáp: Hiện nay tình hình xem ra yên ắng, nhưng các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân công giáo vẫn lo sợ là đích điểm tấn kích của lực lượng Sangh Parivar. Nhiều trẻ em nội trú trong giáo xứ không còn chỗ sống nữa, vì vài trường học đã bị đốt cháy. Do đó các em bị gửi trả về gia đình, với nguy cơ là bị mất đi một năm học. Rất nhiều cha mẹ của các em vẫn còn lẩn trốn trong rừng vì sợ hãi. Và đây không phải là chuyện tình cờ, vì họ thường xuyên bị đe dọa. Bầu khí nghi ngờ rất là mạnh. Chính quyền có gửi đồ cứu trợ, nhưng qúa ít, không thấm vào đâu. Tuy đã có các biện pháp bồi thường những người đã mất nhà cửa và công ăn việc làm, nhưng cho tới nay hơn một tháng đã trôi qua mà các tổ chức phi chính quyền và Giáo Hội vẫn chưa được phép cứu trợ dân chúng trong vùng.

Việc tái thiết vật chất luôn là điều có thể làm được, vì có sự liên đới của tín hữu công giáo toàn Ấn Độ, nhưng để tái thiết sự tin tưởng, cần phải mất nhiều thời gian hơn. Tất cả tùy thuộc rất nhiều nơi cách thức chính quyền kiểm soát tình hình.

Hỏi: Câu chuyện đầu đuôi đã xảy ra như thế nào, và người ta đã tìm ra các thủ phạm và bắt giữ họ chưa, thưa Đức Cha?

Đáp: Các vụ bạo động đã xảy ra lúc 8 giờ sáng ngày áp lễ Giáng Sinh tại làng Bamunigam, không xa đồn cảnh sát bao nhiêu. Tại đây cộng đoàn thổ dân Hui Kalyan Samiti đã tổ chức một cuộc biểu tình không dính dáng gì tới tôn giáo, mà chỉ có mục đích chính trị, và nó đã là ngòi nổ cho bạo lực. Các tín hữu Kitô giáo đã nghi ngờ mưu toan này của họ, nên hai ngày trước đó đã báo cho viên cảnh sát trưởng quận Kandhamal biết. Ông ta hứa là sẽ che chở cộng đoàn Kitô giáo. Và riêng tôi, tôi đã ra lệnh cho các linh mục là phải trốn chạy khi bị tấn công. Sự kiện này đã cho phép cứu sống nhân mạng, nhưng lại khiến cho các nhóm Ấn giáo cuồng tín đốt phá các cơ sở của Giáo Hội như họ muốn.

Từ nhiều tháng nay nhóm Sangh Parivar do Swami Laxmananda Saraswati lãnh đạo. Ông này tự phong cho mình tước hiệu là ”người khắc khổ” nhưng là một người cuồng tín và đã chủ mưu tấn công các Kitô hữu. Các nhóm của họ gồm 200 người kéo đến giáo xứ Bamunigam và 500 người kéo đến giáo xứ Balliguda, là nơi bị tấn công nặng nhất. Họ tới bằng xe vận tải và được trang bị để tấn công chớp nhoáng và gây ra nhiều thiệt hại chừng nào có thể. Mọi đường vào quận Kandhamal đều bị chặn bằng cây lớn để không ai có thể tiếp cứu được. Họ tấn công 7 địa điểm khác nhau trong cùng một lúc. Và điều này đã xảy ra với sự đồng loã và yểm trợ của các lực lượng an ninh địa phương. Một nhóm tín hữu công giáo đến cứu chữa các tín hữu bị tấn công đã bị cảnh sát ngăn chận và đuổi ra khỏi quận.

Rất tiếc là chưa bắt được thủ phạm nào, và chúng tôi cũng không thể tin cậy và trông mong gì nơi các lực lượng an ninh trật tự của chính quyền, vì đa số các biến cố đã xảy ra dưới sự chứng kiến của cảnh sát. Chẳng hạn, nhà thờ Bamunigam đã bị tàn phá trước sự hiện diện của 20 cảnh sát viên, mà không một cảnh sát nào can thiệp để ngăn chặn việc tàn phá ấy.

Hỏi: Thưa Đức Cha, các lý do nào đã gây ra cuộc khủng hoảng trong giáo phận của Đức Cha?

Đáp: Các người Ấn giáo vu khống chúng tôi là tìm lôi kéo các tín hữu Ấn giáo theo Kitô giáo. Nhưng mà đây chỉ là cớ che đậy âm mưu biến Ấn Độ trở thành một quốc gia Ấn giáo, trong đó tín hữu các tôn giáo thiểu số phải thích ứng hay biến mất, không được quyền tồn tại. Ngay hiện nay nữa vẫn còn có các nhóm tín hữu Ấn giáo cuồng tín diễn hành qua các đường phố Kandhamal, và đưa ra các lời đe dọa đối với các cá nhân hay gia đình. Họ đưa ra ba điều kiện: thứ nhất là rời bỏ xứ sở, thứ hai là theo Ấn giáo và thứ ba là chết. Đây là một thử thách rất lớn đối với tín hữu Kitô giáo. Rất nhiều Kitô hữu đang gặp khó khăn vì đã mất hết của cải. Lý do đích thật của các hành động bạo lực hướng tới các tín hữu Kitô là những người thuộc các giai tầng thấp kém trong xã hội, đó là tiến trình giải phóng họ khỏi tình trạng thấp kém này.

Từ bao thế kỷ qua họ đã bị chèn ép, khai thác, bốc lột. Và từ lâu Giáo Hội đã phát động phong trào giải thoát các anh chị em thuộc lớp cùng đinh dalit, với các sáng kiến giáo dục, y tế, phát triển qua các thừa sai cũng như qua các tổ chức phi chính quyền. Kết qủa là ngày nay nhiều người cùng đinh đã cải tiến cuộc sống, và có được vai trò mới trong xã hội.

Nhưng thực tại này khiến cho họ đụng chạm tới các lợi lộc của các phong trào Ấn giáo cuồng tín, bao gồm các giai tầng xã hội cao hơn. Từ đó phát xuất ra các hành động bạo lực và đàn áp này, nhằm mục đích duy trì các anh chị em dalit trong tình trạng tùng phục họ và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội.

ĐƯỜNG TA TA CỨ ĐI

Với những sự kiện đã được trình bày trên, Liên Hiệp Quốc khó có thể đưa được những người cùng khốn ở Ấn Độ ra khỏi cảnh nghèo khó vào năm 2015 theo mục tiên thiên niên kỷ, vì tại Ấn Độ, còn nhiều thế lực chính trị và kinh tế muốn duy trì giai cấp cùng khốn để khai thác. Điều khó khăn hơn nữa, tôn giáo đã được xử dụng như một công cụ đê thực hiện chủ trương này.

Tại Việt Nam, Đảng CSVN cũng không muốn cho các tôn giáo và các tổ chức tư nhân góp phần vào việc bác ái, văn hoá và giáo dục để nâng cao đời sống của người nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần, cũng chỉ với tiêu duy trì dân chúng trong tình trạng nghèo đói và ngu dốt để dễ cai trị và khai thác. Đảng và Nhà Nước tin rằng nếu duy trì được cuộc sống của dân chúng ở mức thấp, nhân công sẽ rẻ và sẽ thu hút được nhiều đầu tư ngoại quốc hơn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các cơ xưởng và cao ốc mỗi ngày mọc lên càng nhiều, tỷ lệ phát triển mỗi năm được dự trù tăng đến 8%, nhưng đa số dân chúng vẫn còn phải sống dưới mức nghèo khổ. Đó là hậu quả của chủ trương người bốc lột người, Nhà Nước bốc lột dân nghèo.

Thiên Chúa Giáo tại Ấn Độ hiện nay chỉ khoảng 17 triệu trong tổng số 1 tỷ 100 triệu dân, nhưng đó là những nhân tố đang xói mòn dần chế độ đảng cấp ở Ấn Độ và đưa những người cùng khốn ra khỏi cảnh nghèo đói. Với 25.000 trường học, Giáo Hội đang góp phần vào việc nâng cao trình độ của những người khốn cùng khốn lên để họ có thể tự giải thoát. Ở Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo và nhiều tổ chức cũng đang chọn con đường đó.

Hôm 3.9.2008, nữ tu Nirmala Joshi, người kế nhiệm Mẹ Têrêxa trong chức vụ Bề Trên Tu Hội Bác Ái Truyền Giáo, đã truyền đi một lời kêu gọi gửi đến mọi người Ấn, yêu cầu bẻ tan xiềng xích bạo lực và tình trạng “lạm dụng tôn giáo”. Nữ tu nói: “Hãy hạ xuống những vũ khí hận thù, bạo lực” và “vươn tới mọi người bằng tình thương” theo gương của Chân phước Têrêxa Calcutta, nhằm xây dựng một “nền văn minh tình thương” ở Ấn Độ và trên khắp thế giới. Nữ tu nhấn mạnh xin đừng dùng tôn giáo để chia rẽ hay dùng tôn giáo như một dụng cụ bạo hành.
 
Một ''đám sương mù'' đã phủ lên chuyến tông du Pháp quốc của ĐTC Bênêđíctô XVI
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:53 18/09/2008
Một «đám sương mù» phủ lên chuyến tông du Pháp quốc của ĐTC Bênêđictô XVI

Người ta nói rằng trong chuyến tông du Pháp quốc thành công tốt đẹp vừa rồi của ngài, nếu như ĐTC Bênêđíctô XVI là chủ nhân một xí nghiệp hay một minh tinh màn ảnh, thì có lẽ ngài đã được dân Pháp đặt cho một đặc danh cao đẹp đúng với lòng ngưỡng mộ của họ dành cho ngài. Nhưng Đấng kế vị Thánh Phêrô là một mục tử nhân từ, nhẫn nại và khiêm tốn, luôn chạy theo đi tìm kiếm từng con chiên lạc để đem về cho Đức Kitô, chứ không phải là chủ nhân xí nghiệp hay minh tinh màn ảnh. Và Đức Hồng Y André Vingt-Trois, TGM Paris, cũng là một mục tử của Giáo Hội. Hơn nữa, màu áo đỏ (hồng y) của ngài còn là một biểu hiệu cho sự trung thành tuyệt đối của ngài cùng với Đấng kế vị Thánh Phêrô trong việc bảo vệ các chân lý đức tin Công Giáo đến cùng, và nếu cần bằng cả việc đổ chính máu mình ra.

ĐHY André Vingt-Trois (trái) và ĐTC Bênêđíctô XVI (phải) trong chuyến tông du Pháp
Tuy nhiên, ngay liền sau cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Bênêđíctô XVI với các Giám Mục Pháp ở Lộ Đức, ĐHY André Vingt-Trois, Chủ tịch Hội Đồng các Giám Mục (HĐGM) Pháp, đã phát biểu đánh giá thấp ý nghĩa cuộc gặp gỡ quan trọng này, là cả một đám sương mù dày đặc phủ lên chuyến tông du của ĐTC, một vị thượng khách đến từ Roma và đã được các phương tiện truyền thông Pháp đồng loạt tán tụng.

Đúng vậy, trước sự hiện diện đông đủ của các Giám Mục Pháp, ĐTC đã nói lên một cách rõ ràng không úp mở những lời phát xuất từ trái tim mục tử Giáo Hội hoàn vũ đầy ưu tư của ngài về những điểm sốt dẻo, đang gây nên bức xúc trên thế giới nói chung và tại Pháp nói riêng, đó là:

1. sự cho phép cử hành Thánh Lễ theo nghi thức cũ;

2. sự tiếp xúc với các tín hữu Công Giáo thuộc phái thủ cựu sao cho họ xác tín được rằng không một ai trong họ bị loại bỏ ra khỏi Giáo Hội;

3. ĐTC khẳng định sự thánh thiện của Bí tích hôn nhân và ngài hoàn toàn chống lại việc phê chuẩn cho những quan hệ bất hợp pháp ngoài hôn nhân, v.v…

Nhưng liền ngay sau cuộc gặp gỡ, ĐHY André Vingt-Trois đã phát biểu trước đại diện các báo chí và cho rằng sự quan hệ giữa ĐTC và các Giám Mục Pháp không phải là một «sự thuần phục có tính cách nô lệ»; cũng không phải là sự tương quan giống như sự tương quan giữa ông chủ xí nghiệp và những người công nhân của ông ta, để có thể đòi họ phải vâng lời. ĐHY Vingt-Trois: «Chúng tôi đã đón tiếp ngài và đã nghe ngài nói như một người anh em, một người anh em củng cố đức tin cho những người cùng cộng tác với ngài trong cùng một cộng đồng» và ĐHY còn thêm: «Nếu chúng tôi có điều gì phải nói với ngài, thì chúng tôi nói với ngài ngay.»

Trong khi đó, hầu như tất cả các bài bình luận trong các báo chí tại Pháp số ra ngày thứ hai, 15.9.2008, cũng như trong những ngày kế tiếp đều hồ hởi ca tụng chuyến viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI trên quê hương họ. Tuy nhiên, các bài bình luận tích cực dành cho chuyến tông du của ĐTC cũng đã không loại bỏ được những phát biểu tương đối hóa của ĐHY Vingt-Trois được. Tờ «Le Parisien» có viết là các Giám Mục đã vỗ tay vừa phải khi Đức Giáo Hoàng nói lên quan điểm của ngài về vấn đề những người ly dị đã tái kết hôn và lập trường của Roma về việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức ngoại thường.

Thật vậy, trong khi các phương tiện truyền thông nước pháp đã hết sức phấn khởi bày tỏ cảm tình của họ đối với vị thượng khách người Đức đến từ Roma, thì ngược lại, các lời phát biểu của ĐTC Bênêđíctô đã không nhất thiết gặp được sự ngưỡng mộ nơi các vị Giám Mục Pháp. Ở đây, người ta tự hỏi phải chăng trong tâm tư các Giám Mục Pháp nói chung và Đức Hồng Y André Vingt-Trois, TGM Paris, nói riêng vẫn còn vấn vương một chút quá khứ nào đó về cái được gọi là «Gallicanisme»? Nhưng ít ra những lời phát biểu của vị Hồng Y Chủ tịch HĐGM Pháp đã làm cho người nghe có cảm tưởng là ngài cho rằng cần phải phát biểu cho một «Église autocéphale», nghĩa là một Giáo Hội độc lập với Roma.

Tuy nhiên, các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tại các nước trên thế giới luôn mang tính cách mục vụ như mục đích chính. Bởi vậy, những gì Đức Bênêđíctô đã phát biểu ở Paris về con đường tương lai mà Giáo Hội Công Giáo ở Pháp phải chọn lựa, thì tại Lộ Đức trước sự hiện diện đông đủ của các Giám Mục, ngài lại nhắc đến một lần nữa. Vâng, Giáo Hội Pháp cần phải tìm ra một con đường mới hầu để trình bày và thực thi những giá trị nền tảng Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày, những giá trị đã từng gắn liền với căn tính của cả dân tộc Pháp. Chính Tổng thống Sarkosy cũng đã gián tiếp cho thấy những viễn tượng khả dĩ về phương diện đó. Theo Đức Bênêđíctô, những va chạm và xung đột thuộc xã hội chính trị dẫn tới sự nghi ngờ và cả đến sự thù nghịch trong quá khứ cần phải vượt thắng. Và Giáo Hội không tham vọng chiếm đoạt vai trò của nhà nước, không, Giáo Hội không hề muốn giữ vai trò thay thế nhà nước.

Ngoài ra, tại điện Élysée ở Paris, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã phát biểu là sự tái nhận định lại ý nghĩa và sự quan trọng chân chính của «tính cách thế tục tích cực» (Laicité positive) là một điều cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà Tổng thống Pháp đã đưa ra thảo luận trong cuộc viếng hăm hữu nghị của ông vào cuối năm 2007 tại Roma. Đối với Đức Gián Hoàng vấn đề căn bản là hệ ở chỗ «một đàng phải co sự phân biệt giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo, hầu có thể bảo đảm cho sự tự do tín ngưỡng của người công dân cũng như trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, và một đàng khác để ý thức một cách rõ ràng về vai trò bất khả thay thế của tôn giáo trong việc hướng dẫn lương tâm con người và sự đóng góp mà tôn giáo đã cùng với các thành phần xã hội khác nổ lực kiến tạo một sự thoả thuận cơ bản về đạo đức trong xã hội.»

Đức Bênêđíctô XVI luôn luôn vẫn hy vọng là có thể làm sống động lại nền văn hóa Kitô giáo tại Âu Châu. Để người ta hiểu được điều Đức Bênêđíctô đã nói trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, là không sống «như thể không có Thiên Chúa», nhưng ngược lại là «hãy sống như thể có Thiên Chúa.» Điều đó không hề làm cho ai bị thiệt thòi mất mát cả. Tại trường Bernardin trước sự hiện diện của các đại diện các nền văn hóa, Đức Giáo Hoàng đã cho rằng chủ nghĩa hư vô, sự vô ý nghĩa, tình trạng thiếu định hướng và sự tương đối hóa các giá trị, v.v… sẽ dẫn tới sự sụp đổ toàn diện tính chất nhân bản.

Nước Pháp mà gốc rễ cũng như các truyền thống của nó từng bắt nguồn và ăn sâu trong tinh thần Kitô giáo, hiện nay không còn là một nước Kitô giáo nữa. Nhưng Giáo Hội ở Pháp vẫn sống trong tự do và luôn có thể làm chứng cho những giá trị chân chính của Kitô giáo giữa một xã hội ngày càng bị tục hóa, nếu như Giáo Hội Pháp luôn hành động trong sự hợp nhất với nhau và hợp nhất với Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Bởi vậy, những ý kiến và phát biểu của ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, liên quan đến những hoạt động của Đức Giáo Hoàng trong chuyến tông du của ngài tại Pháp là hơi nặng phần chủ quan và mang tính cách thách đố. Do đó đã khiến cho dư luận đặt một chấm hỏi về tinh thần hợp nhất của Giáo Hội Pháp với Đức Giáo Hoàng cũng như với các anh chị em Công Giáo theo truyền thống, mà Đức Bênêđíctô XVI đang muốn dẫn dắt trở về cùng Mẹ Giáo Hội. Quả thật, con đường không chút dễ dàng!

Nhưng nếu đối với con người là quá khó khăn và bất khả, thì đối với Thiên Chúa không có gì không có thể làm được.
 
McCain thảo luận về vai trò tôn giáo trong đời tư và cuộc sống quốc gia
Phụng Nghi
10:07 18/09/2008
New York (CNA) – Thượng nghị sĩ McCain, người được đảng Cộng Hòa chọn ra tranh cử chức vụ Tổng thông, đã nói về vị trí của tôn giáo và chính trị vào một buổi xuất hiện trên đài truyền hình ABC trong chương trình đàm luận The View. Ông bày tỏ lòng tôn trọng đối với mọi người không phân biệt niềm tin tôn giáo, nhưng riêng ông, ông đã cầu nguyện xin Thiên Chúa hướng dẫn. Ông cũng chủ trương rằng Hoa kỳ đã được thành lập dựa trên “các giá trị Do thái giáo và Kitô giáo”.

Whoopi Goldberg, người dẫn chương trình, hỏi phải chăng việc McCain lựa chọn Thống đốc Sarah Palin, một phụ nữ theo Kitô giáo Tin Lành, có thể là một sự đe dọa cho chính sách “phân cách giữa giáo hội và nhà nước” hay không.

Theo nguồn tin của LifeSiteNews.com, McCain trả lời rằng một số lời phát biểu của bà Palin, trong đó bà cầu xin cho giới quân sự thực hiện ý Chúa, đã bị trích dẫn ra bên ngoài văn cảnh. Thượng nghị sĩ McCain cho rằng lời bà Palin đã chỉ là tiếng vang vọng lặp lại lời của Abraham Lincoln, người đã nói rằng “chúng ta đừng nên cầu nguyện cho Chúa ở về phe chúng ta, nhưng nên cầu nguyện để chúng ta ở bên phía Chúa.”

Trong quá khứ, John McCain đã kín đáo, không nói về đức tin của mình nơi công cộng, nhưng những ngày gần đây ông đã lên tiếng nhiều hơn về vấn đề đó.

McCain đã giải thích quan điểm riêng của ông về tôn giáo và đời sống Mỹ, nói rằng “các giá trị Do thái giáo-Kitô giáo đã là nền tảng của đất nước chúng ta. Rõ rệt là - ‘In God we trust’ (Chúng ta tín thác nơi Chúa) – niềm tin rằng Thiên Chúa có một chương trình đặt ra cho thế giới, và chúng ta nên làm những gì chúng ta có thể làm được để sống cuộc sống tốt đẹp theo đúng khả năng của mình, và tin tưởng rằng - ‘In God we trust’ – sẽ hướng dẫn quốc gia và thế giới này tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Khi một số điều hợp viên chương trình truyền hình này hỏi về những người không có niềm tin vào Thiên Chúa, ông trả lời rằng người vô thần có quyền không tin vào Chúa, nhưng một sự bao dung như thế cũng phải được dành cho những người có tin Thiên Chúa.

Ông nói: “Chúng ta nên tôn trọng quan điểm của những người tin vào Thiên Chúa và tin rằng chúng ta là một dân tộc đặc biệt, một thế giới đặc biệt. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa có đóng một vai trò – chẳng phải trong việc ta thắng hay thua trong những cuộc bầu cử hay không - nhưng là trong sự kiện ta có một thế giới tốt đẹp hơn, một tương lai tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn hay không.”

Goldberg nói rằng bà tin là Kitô giáo có thể “thắng thế” và làm cho những người theo các đạo khác bị lép vế. Bà hỏi:

“Ông sẽ cai trị theo đường lối Chúa bắt ông làm, hay ông sẽ cai trị quốc gia này nhắm tới phúc lợi tốt đẹp hơn cho dân chúng sống trong đó?”

McCain trả lời: “Tôi thíết nghĩ mọi người đều dĩ nhiên được quyền có đức tin riêng tư của mình, kể cả việc không tin điều gì hết. Nhưng tôi nguyện cầu hàng ngày cho có được sự hướng dẫn, cho làm được điều gì đúng…và làm điều gì có ích lợi nhất cho đất nước.”

Ông kết luận: “Tôi là một người bất toàn, nhưng điểm chính yếu là: tôi tôn trọng những người nghĩ rằng họ không cần đến sự hướng dẫn và trợ giúp tâm linh. Chỉ có điều tôi là một trong những người cần đến.”
 
Top Stories
Vietnam: Catholic students mocked at school
J.B. An Dang
11:34 18/09/2008
Mockering Catholic children, threatening them with bad marks and immediate expulsion, and forcing them not to go the church are what teachers have been told to do, a principal disclosed yesterday.

Thousands praying at Thai Ha daily
Principal Nguyen Tien Toan of Bich Hoa high school reportedly told protestors at Thai Ha he was forced by the People’s Committee of Thanh Oai district to travel more than 30 km every day from his school to Thai Ha to check if his students attended prayer meetings.

Not only Mr. Nguyen, many other teachers from Thach Bich, Bich Hoa and nearby areas told Catholic activists they had received the same order. They can be seen in Thai Ha everyday looking for their students, forcing them to go home, and threatening them with severe punishments including expulsion from the school.

Most teachers feel reluctant to become persecutors against their students. But, some seem to see it a perfect chance to carry out their anti-Catholicism ideology. Two year 7 Catholic students from Thach Bich, known as Huong and Quynh, told their parents they were forced by their teachers to stand in front of their classmates to be mocked. The “humiliation session” had dragged for hours until the two 11 year old children promised not to go to the church again.

Teachers in Bich Hoa high school, out of the fear of losing their promotion and pay rise, asked all Catholic students to pledge in writing not to follow their parents to Thai Ha. In addition, non-Catholic students were ordered to report the presence of their Catholic classmates at the site.

Catholic students from Hanoi universities face even more threats. “We have been repeatedly warned not to go to Thai Ha. We face expulsion and arrest for joining protestors, ” said an architect student, who has requested anonymity for his own safety. “We just come here to pray. We do nothing wrong. We have no weapons and no political ambition. Why they fear us?” he asked.

"Terrorizing children is brutal and coward" said another protestor who has two children studying at Bich Hoa high school.

Despite threats of police, thousands of Catholics keep gathering daily at Thai Ha to pray asking for justice.
 
死人在河内媒体上抨击太河堂区天主教徒
Asia-News
11:57 18/09/2008
媒体继续诋毁示威的天主教徒:假司铎后,电视台收买一自称基督徒的人,但此人却无法说出自己的圣名。一名多年前去世的天主教徒也接受了“采访”;伪造法官和堂区司铎声明

河内(亚洲新闻)—越南官方媒体可谓黔驴技穷,甚至要采访死人。如果没有明确的政治意图,越南官方媒体诋毁天主教会团体的宣传战也不可能荒谬到了如此程度。为了找到抨击和平示威天主教徒的人,电视台甚至不惜重金收买一自称是天主教徒的人;一名天主教徒法官和一位司铎被迫出面声明,指责报纸伪造他们的讲话。终于有一家报纸刊登的声明的作者,的确是一位天主教徒。只是,这名教友早在多年前就去世了。

九月十五日,一位身为天主教徒的法官发现《人民政治报》上以他的名义发表的声明完全与事实不符后,严正指出,“我从未就太河堂区事件发表过任何言论”。并补充说,自己只回答了记者提出的相关法律问题,“其余的内容全部是记者加上去的”。

九月初,河内总主教区也揭露了此类相同的情况。当时,国家电视台将两个人介绍成天主教司铎,并大放獗词污蔑参加和平示威的天主教徒。八月二十日,一位主教发现《新河内报》上发表了一名教友批评太河堂区教友的声明,指责他们“没有遵循天主教教理的教导”。但是,其声称所属的堂区教务委员会指出,“我们这里根本就没有这样一个人”。

同一家媒体,甚至还将一名几年前就去世了的天主教友“复活”,以持不同政见者的身份抨击太河堂区的教友们。另一位司铎听说《越南之声》将他描述成反对示威者后,愤怒地指出,“从来就没有任何人采访过我;我也更没有说过所有有关堂区地产问题已经得到了公正的解决”。更有甚者,他的堂区本身就存在同样的问题。“教会的地产被占了,但却没有给予任何补偿”。

九月四日,河内电视台的几名工作人员(见照片)正在采访太河堂区的一位老人,并将他介绍成基督徒。可是,当周围的教友们问此人的圣名时,他却张口结舌。最后,承认是“他们给了我点儿钱,让我照他们教的说”。

为了回应此类诬陷,天主教会团体特别对全体司铎和教友们作出了提醒。河内总主教区副秘书长签署了一份通知,并于主日弥撒圣祭中在各堂区宣读。通知中,邀请大家特别小心官方媒体的种种陷阱。他们的伪装“旨在制造假象,欺骗公众舆论”。“我们不应忘记,为写此类文章的人、为在媒体工作的人祈祷。希望他们懂得尊重每个人、有勇气本着良知行事”。

越南许多教区将亚洲新闻通讯社以及各天主教媒体的相关报道翻译成越南文,刊登在堂区刊物上、或镶嵌在读报栏中。有的教友,甚至将文章复印后分发给其他人。
 
Władze grożą aresztowaniami (tiếng Ba Lan)
Mariusz Bober
12:39 18/09/2008
Władze grożą aresztowaniami (tiếng Ba Lan)
(Chính quyền hăm dọa bắt bớ)

Z jednym z ojców z parafii Thai Ha rozmawia Mariusz Bober (Mariusz Bober phỏng vấn với một Linh Mục tại Thái Hà)

Jaka jest sytuacja katolików w parafii Thai Ha? Jak wielu uczestników modlitewnych czuwań zostało aresztowanych?
- Obecnie 3 jest przetrzymywanych w więzieniu, a 4 następnych może zostać uwięzionych w najbliższych dniach, co ma stanowić przestrogę dla pozostałych. Biskupom i księżom władze grożą aresztowaniem, jeśli przyłączą się do modlitewnych czuwań odbywających się w intencji zwrotu ziemi należącej do parafii.

Jakie działania podejmą katolicy w Hanoi, jeżeli nie ustaną prześladowania ze strony władz?
- Jeżeli władze wietnamskie będą nadal prześladowały katolików, będziemy dalej modlić się w duchu pokoju. Chcemy być świadkami sprawiedliwości i prawdy. Oczywiście jesteśmy przygotowani na to, że będziemy doświadczać cierpienia z powodu podejmowanych przez nas słusznych działań.

A jeżeli władze ostatecznie sprzedadzą tereny parafii?
- Jeżeli nadal będą chciały sprzedać tereny parafii, nie będziemy mieli innego wyjścia, niż kontynuowanie protestów w formie modlitewnych czuwań.

Czy władze złożyły parafii jakiekolwiek propozycje, np. przekazania gruntów zastępczych w innym miejscu?
- Dotychczas władze nie proponowały oficjalnie żadnych terenów jako rekompensaty za obecną ziemię parafii. Gdyby nawet złożyły taką propozycję, nie zaakceptujemy jej, mając doświadczenie, w jaki sposób rozwiązują one podobne problemy. Mieliśmy przykład sporu o ziemię w pobliżu siedziby naszego księdza arcybiskupa. Władze po cichu obiecały mu jej zwrot, jeżeli wierni zaprzestaną organizowania w tym miejscu modlitewnych czuwań. Jednak gdy katolicy się zgodzili, władze nie wywiązały się z obietnicy. Dlatego nie możemy zaakceptować żadnej propozycji zastępczej, tym bardziej że procedura otrzymywania innych gruntów jest bardzo powolna i skomplikowana. Ponadto gdybyśmy zaakceptowali propozycję władz, de facto zgodzilibyśmy się, że sposób, w jaki sposób ubiegamy się o zwrot ziemi, jest nielegalny. Tymczasem wszystko, co uczyniliśmy, pozostaje zgodne z literą prawa.

Dlaczego władze nie chcą zwrócić parafii ziemi?
- Nie oddały nam gruntów należących do parafii, ponieważ obawiają się efektu domina, a więc tego, że także inni będą domagali się zwrotu ziemi w innych miejscach.

Jaka jest obecnie sytuacja katolików w Wietnamie, jak reagują na wydarzenia w Hanoi?
- Większość biskupów, księży z północy kraju przyjechała do parafii Thai Ha, aby przyłączyć się do naszych modlitewnych czuwań. Ksiądz biskup Paul Cao Dinh Thuyen, ordynariusz diecezji Vinh, wyraził solidarność z naszymi parafianami, mówiąc, że problem Thai Ha jest problemem również diecezji Vinh i Thanh Hoa, i całego Kościoła w Wietnamie. Tysiące katolików każdego dnia przybywa do Thai Ha, aby modlić się i wyrazić swoją jedność z braćmi z tej parafii. Mimo to policja nadal stawia przeszkody tym, którzy chcą dołączyć do wspólnej modlitwy na spornej ziemi.

Dziękuję za rozmowę.
Imię i nazwisko do wiadomości redakcji
 
Wietnam władze nie dotrzymują obietnic (tiếng Ba Lan)
Radio Vaticana
12:42 18/09/2008
Wietnam władze nie dotrzymują obietnic (tiếng Ba Lan)
(Việt Nam: Chính quyền không giữ lời hứa)

16.09.2008 - W Wietnamie katolicy nadal protestują, domagając się zwrotu skonfiskowanych własności kościelnych. Niestety komunistyczne władze nie dotrzymują obietnic – stwierdza w liście 14 września do wietnamskich redemptorystów ich prowincjał. O. Vincent Nguyen Trung Thanh wzywa zakonników, by rozpoczęli w tej intencji nowennę do Matki Bożej Nieustającej Pomocy. Podkreśla, że kontrolowane przez rząd media podają fałszywe informacje o żądaniach wysuwanych przez Kościół.

Prowincjał informuje, że domagał się od władz zaprzestania kampanii prasowej oczerniającej katolików i zostało mu to obiecane, ale zobowiązania nie dotrzymano. Prosił też o zwolnienie wszystkich aresztowanych za domaganie się zwrotu terenu skonfiskowanego parafii redemptorystów w Thai Ha oraz o poważne przedyskutowanie sprawy jego powrotu do prawowitych właścicieli. Codziennie zbiera się tam na modlitewnym czuwaniu co najmniej dwa tysiące wiernych. Setki księży odprawiało tam Mszę. Dla poparcia protestujących parafian Thai Ha odwiedziło już dziewięciu wietnamskich biskupów.

Natomiast 13 września w katedrze w Hanoi 32 siostry ze zgromadzenia Adoratorek Krzyża Świętego złożyło śluby wieczyste podczas Mszy koncelebrowanej przez trzech biskupów i 70 księży. Po Mszy kapłani poprowadzili procesję na teren dawnej delegatury apostolskiej, również skonfiskowany przez władze. Modlitewne czuwanie z udziałem tysięcy wiernych obserwowały wzmocnione oddziały milicji.

(rv-ak/zk, © Radio Vaticana 2008)
 
Vietnam: Police attack Catholic Protestors
The Tablet (Anh quốc)
16:52 18/09/2008
Báo Anh quốc The Tablet ngày 13/9/2008:

 
Hmong National Development Denounces Vietnam, Laos Communist Regimes For Attacks Against Christians
PressZoom
18:10 18/09/2008
"The Communist party leadership and military generals in Vietnam need to immediate halt their propaganda and armed attacks against Hmong Christians and Catholics in Vietnam and Laos," stated Christy Lee, Executive Director of Hmong National Development, Inc. in Washington, D.C.

(PressZoom) - Hmong National Development, Inc. ( HND ), in Washington, D.C., today denounced military and communist party officials of the Socialist Republic of Vietnam ( SRV ) for their scathing propaganda attacks against Hmong Catholics and Christians in state-owned media reports. HND also criticized SRV communist party and military leaders in Hanoi for their increased military and security force intervention in Laos and their role, with the Lao military, in persecuting and killing Hmong and Laotian Christians and religious and political dissidents.

"The Communist party leadership and military generals in Vietnam need to immediate halt their propaganda and armed attacks against Hmong Christians and Catholics in Vietnam and Laos," stated Christy Lee, Executive Director of Hmong National Development, Inc. in Washington, D.C. "Vietnam's state media attacks and religious persecution directed against Hmong Catholics is deplorable and is meant to stir up hostility and attacks against Hmong Catholic and Protest religious believers in Vietnam and Laos."

http://www.vietcatholic.net/News/Html/58576.htm

Vietnam Catholic News ( Vietcatholic News ) reported on September 16, 2008: "Angered by the active participation of Hmong Catholics in Hanoi protests, both at the former nunciature and at Thai Ha, state-run media direct their attacks at Hmong Catholics describing them as superstitious, naive, docile, and childlike people. Fr. John Nguyen Ngoc Nam Phong has warned that the ongoing campaign of mockeries against Catholics on state media could divide the country deeply." http://www.vietcatholic.net/News/Html/58576.htm

"Vietcatholic News continued in their report: sixteen Hmong Catholic women in Hoa Binh province have been mocked on state run media since Monday just because they travelled 38 miles from Van Nghia, Hoa Binh to join Thai Ha protestors. The 16 women brought with them large brass gongs, musical instruments that Hmong use in various occasions, but in particular, when they want to draw attentions of the listeners to their laments of sufferings."

"We also strongly condemn the SRV communist leadership in Vietnam for their increased military and security force intervention in Laos in support of the Lao communist regime's attacks and increased persecution Laotian and Hmong Catholic and Protestant Christian religious believers," continued Christy Lee.

Christy Lee said in conclusion: "In Laos, due to increased intervention by Vietnam's communist party officialdom and Vietnam's secret police and military, Lao and Hmong Christians are being forced to renounce their faith and are not allowed to practice their faith or worship independently or privately; Compass Direct and other religious freedom organizations concerned about Christians have reported about increased abuses in Laos and Vietnam against Lao and Hmong believers." http://www.compassdirect.org/en/display.php?page=news&idelement=5547&lang=en&length=short&backpage=archives&critere=Laos&countryname=&rowcur=0

"The religious freedom violations in Vietnam and Laos against the freedom-loving Lao and Hmong religious believers, including Catholics, Christians and traditional animists, are being undertaken jointly by the military and security forces of these two countries in a relentless and brutal fashion, that includes, torture, abduction, arbitrary arrests, extrajudicial killings as well as outright military assaults and a Bosnia and Darfur-like campaign of military encirclement and mass starvation," stated Jade Her of Hmong National Development, Inc. ( HND ).

"The Lao and Vietnamese military and communist party officials responsible for these religious freedom violations, human rights abuses, war crimes and crimes against humanity, that include the high-priority targeting of Hmong Catholics and Chistians in Laos and Vietnam, need to be held accountable by the international community," Jade Her concluded.

The Hmong Lao Human Rights Council, Inc. ( HLHRC ) and the Center for Public Policy Analysis ( CPPA ) have reported that thirty-one ( 31 ) Hmong, including Christians and religious and political dissidents, were recently arrested in Laos by Lao military and security forces, following a recent military and mass starvation campaign that is largely directed by Vietnam in Laos and which includes the active participation of SRV troops, advisors and security personnel.

http://media-newswire.com/release_1073302.html

The Paris, France-based Lao Movement for Human Rights ( LMHR ) has documented the Hanoi-backed Lao government's in killing and persecuting Christians in increasing and alarming numbers and horrific ways. http://media-newswire.com/release_1072587.html

Hmong National Development, Inc. ( HND ) has urged the international court in the Hague to investigate and indict key Lao and Vietnamese military and community party officials for war crimes, genocide, crimes against humanity as a result of the mass starvation and killing of thousands of unarmed Laotian and Hmong civilians and religious and political dissidents in recent months and years as documented by Amnesty International and other independent human rights organizations and journalists.

http://presszoom.com/story_145795.html

Hmong National Development, Inc. ( HND ) is non-profit organization incorporated and registered in Washington, D.C.

__

Contact:

Laurie Vue

Tele. ( 202 )629-0377

Hmong National Development, Inc.

P.O. Box 96503

Washington, D.C. 20090-6503

e-mail:

info@hmongnationaldevelopment.com

On the web:

http://www.hnd-inc.org

http://www.hnd-hmongnationaldevelopment.org

http://www.hmongnational.com
 
Morti che parlano sui media di Hanoi, per screditare i cattolici di Thai Ha
Asia-News
09:02 18/09/2008
Prosegue la campagna di stampa contro i manifestanti: dopo aver presentato falsi preti, la televisione paga un poveraccio che si dice cristiano, ma non sa il suo nome; intervistato un cattolico deceduto da alcuni anni; inventate dichiarazioni di un giudice e un parroco:

Hanoi (AsiaNews) – Adesso intervistano anche i morti. Arriva a punti che sarebbero ridicoli, se non fossero prova di una precisa volontà politica, la campagna di stampa dei media governativi vietnamiti contro i parrocchiani di Thai Ha. Per trovare cattolici che contestano le pacifiche manifestazioni dei fedeli, la televisione paga un poveraccio, un giudice cattolico è costretto a smentire un quotidiano che gli attribuisce frasi mai dette e lo stesso deve fare un sacerdote, un giornale pubblica le dichiarazioni di un cattolico vero, ma morto qualche anno fa.

Così, il 15 settembre, il giudice Vu Kim My, procuratore a Kim Son, nella diocesi di Phat Diem, ha trovato sul People’s Police dichiarazioni che non ha mai fatto. “Non ho mai detto nulla a proposito di Thai Ha”, ha affermato dopo averle lette. Il giornalista, ha aggiunto, ha fatto domande su questioni generali relative alla conoscenza della legge. “Il resto dell’articolo l’ha aggiunto lui”.

La vicenda del giudice è una conferma di quanto i primi di settembre aveva denunciato la diocesi di Hanoi, quando sulla televisione di Stato erano state presentate come sacerdoti due persone, Pham Huy Ba e Nguyen Van Nhat, che avevano contestato le manifestazioni. “Non sono mai stati sacerdoti”, aveva replicato. Analogamente, mons. Vu Huy Chuong, il 20 agosto aveva trovato sul New Hanoi un fedele della parrocchia di Dai On a Chuong My, Nguyen Quoc Cuong, che accusava i manifestanti di Thai Ha di “non seguire il catechismo cattolico”. Ma, come ha testimoniato un membro del consiglio parrocchiale, quella persona “nella nostra parrocchia, semplicemente non esiste”.

Quasi un miracolo, superato, sullo stesso quotidiano, da quanto pubblicato pochi giorni dopo, quando è stato presentato Nguyen Duc Thang, definito un cattolico dissidente, fermo oppositore dei manifestanti di Thai Ha. Questa volta, il vicario della parrocchia di Thach Bich, padre Nguyen Khac Que, ha confermato l’esistenza dell’uomo tra i fedeli della sua parrocchia. Solo che “è morto qualche anno fa”. Non è andata meglio a padre Nguyen Van Khanh, vicario di Gia Nghia, nella provincia di Lam Dong, che si è sentito citare dall’emittente statale Voice of Vietnam come oppositore dei manifestanti, ed attribuire l’affermazione che “tutti i problemi relativi ai terreni delle parrocchie sono stati risolti con piena equità”. Solo che nessuno la ha mai intervistato e per giunta la sua parrocchia ha una controversia aperta con le autorità perché “si sono appropriate, senza alcuna compensazione” del terreno della chiesa.

Il 4 settembre, intanto, un gruppo di operatori della televisione di Hanoi (nella foto) stava intervistando un anziano, a Thai Ha. Era stato presentato come un cattolico, ma quando i presenti gli hanno chiesto quale fosse il suo nome cristiano, ha detto di non saperlo ed ha ammesso di essere un povero. “Mi hanno dato un po’ di denaro per stare qui e ripetere le frasi che mi hanno insegnato”.

In risposta agli attacchi, la comunità cattolica sta mettendo in guardia sacerdoti e fedeli: un avviso del vicecancelliere della diocesi di Hanoi, padre Anthony Pham Anh Dung viene letto in tutte le messe domenicali. In esso di invita a prestare attenzione, soprattutto se si viene contattati, ai trucchi dei media statali “per fabbricare falsi scenari, allo scopo di distogliere ed ingannare l’opinione pubblica”. “Non dimentichiamoci – prosegue – di pregare per gli scrittori e quanti altri lavorano nei media. Possano saper rispettare ogni persona ed avere il coraggio di agire secondo la loro coscienza”.

In altre diocesi, i resoconti su quanto sta accadendo, pubblicati da AsiaNews e altre agenzie cattoliche vengono tradotti in vietnamita, riprodotti sui bollettini parrocchiali e affissi. Se ne fanno anche fotocopie che vengono distribuite.
 
The dead speak to Hanoi media to discredit Thai Ha Catholics
Asia-News
09:03 18/09/2008
The anti-demonstrators campaign continues. After presenting fake priests, a TV station pays a nameless beggar to claim to be Christian. A Catholic who died years ago is interviewed whilst false statements are attributed to a judge and a priest.

Hanoi (AsiaNews) – Now the dead are interviewed. If there was no clear political goal campaign behind the campaign by government media against Thai Ha parishioners, the whole thing could be dismissed as ridiculous. However, in an attempt to find Catholics who are against peaceful demonstrations by local faithful a TV station goes so far as to pay a poor man to speak against the former. A Catholic judge and a priest are forced to deny statements attributed to them in the print media. Another paper reports a statement by an actual Catholic; too bad that he has been dead for some years.

Imagine the reaction of Judge Vu Kim My, prosecutor in Kim Son (Phat Diem diocese), when last Monday People’s Police reported statements he never made. “I never said anything about Thai Ha,” he said after reading his alleged statement. The journalist who interviewed him asked him some general questions about the law; “everything else in the article was added.”

What happened to the judge confirms what the diocese of Hanoi had said in early September about another case. At that time two alleged priests, Pham Huy Ba and Nguyen Van Nhat, had spoken against the demonstrations, except that according to the diocese “they have never been priests”.

Similarly, the New Hanoi newspaper printed a statement by Nguyen Quoc Cuong, an alleged member of the Dai On parish in Chuong My who accused Thai ha demonstrators of “not following the Catholic catechism;” except, said Mgr Vu Huy Chuong, “such a person simply did not exist” according to a member of the parish council.

On the same newspaper, this almost miraculous event was followed by an even greater one. A few days ago a certain Nguyen Duc Thang, a dissident Catholic was presented as an opponent to the Thai Ha protesters. Fr Nguyen Khac Que, vicar in Thach Bich parish, confirmed that the man was among his parishioners, but there was a glitch in the whole story: “He died a few years ago.”

Fr Nguyen Van Khanh, vicar in Gia Nghia (Lam Long province), did not fare much better when he heard state-run radio The Voice of Vietnam say that he was against the demonstrators, going so far as to quote him saying that “all the parish’s land problems with the government were solved completely in fairness.” In fact not only was he never interviewed, but his parish is involved in a legal wrangle with the authorities over Church land “they seized without compensation.”

Last but not least a group a Hanoi TV crew allegedly interviewed an old man on 4 September. He was presented as a Catholic, but when asked for his Christian name, he could not give it because he did not know it. He eventually said that he was just a poor man and the TV people “gave me some money to act and speak as instructed.”

In response to the attacks Catholic authorities have issued warnings for priests and the faithful. A note from the deputy chancellor of the diocese of Hanoi, Fr Anthony Pham Anh Dung, has been read in all Sunday Masses. In it the faithful are urged to be careful about possible tricks by state media, especially during interviews, designed to “fabricate false scenarios in order to mislead and deceive public opinion.”

“Let us not forget to pray for writers and all those who work in the media. May they know how to respect each and every person and have the courage to act according to their conscience,” he said.

In other dioceses, stories about what is happening, published by AsiaNews and other Catholic agencies have been translated into Vietnamese and reproduced in parish newsletters and on bulletin boards. Photocopies are made and handed out.
 
Vietnamese media exposed for inventing critics of Catholic demonstrations
Catholic News Agency
09:14 18/09/2008
Hanoi, Sep 18, 2008 / 02:19 am (CNA).- Vietnamese state media reports targeting Catholics who are demonstrating for the return of confiscated church properties have been exposed for inventing false Catholic critics of the protesters. The media have attributed manufactured quotations to actual Catholics and have presented a beggar as a critical Catholic parishioner. They have even gone so far as to name a man who has been dead for several years as a detractor.

The beggar who was paid to pose as a detractor of the Catholic protestors
Judge Vu Kim My, a Catholic prosecutor in the Diocese of Phat Diem, accused a September 15 article in the People’s Police newspaper of putting words in his mouth about the Thai Ha Church property dispute.

“I confirm that I never said anything relating to Thai Ha, I never asked for the punishment [against the protestors], I did not mention God in my answers,” he said.

Judge Vu claimed that the newspaper reporter only asked him two questions, both of which related to general knowledge of the law.

“The rest of the report was added by them,” he charged.

A falsehood in an August 20 article in the New Hanoi newspaper has also been exposed. The paper reported that Nguyen Quoc Cuong of Dai On parish accused the protestors at Thai Ha Church of “not following the Catholic Catechism.”

The Archdiocese of Hanoi made inquiries about the supposed parishioner, only to discover that he was invented by the newspaper.

“He simply does not exist in our parish,” a parish council member of Dai On parish said.

The New Hanoi newspaper also introduced Nguyen Duc Thang as a parishioner of Thach Bich parish, depicting him as a dissident strongly opposed to the Catholic protests.

“Yes, he was a Catholic in my parish,” said Fr. Nguyen Khac Que, the pastor of Thach Bich.

The priest added: “he already died a few years ago. I have no idea how a dead person could answer an interview of the paper.”

Such incidents only add to the series of deceptive reports on the demonstrations.

On September 4 at Thai Ha Monastery, cameramen from Hanoi Television interviewed an elderly person who was introduced as a Catholic. When demonstrators asked him his Christian name, he admitted he was a beggar and said the cameramen “had given me some money to act and speak as instructed.”

The Voice of Vietnam, the state’s official radio network, reported that Father Nguyen Van Khanh who is the pastor of Gia Nghia parish (Buon Me Thuot diocese) opposed the Thai Ha protests and praised the land policy of the government. When contacted by VietCatholic repoter, he insisted that no one had interviewed him.

The deception of the state-controlled media led Father Anthony Pham Anh Dung, the vice chancellor of the Archdiocese of Hanoi, to read a communiqué at every Sunday Mass warning priests and the faithful about the tricks the state media uses “in order to make up fake scenarios to distort and deceive the public opinion.”

The communiqué asked all priests and laity to be “smart and vigilant should they be contacted by state media,” while calling for prayers for writers and other media personnel.

“May they know how to respect every one, and have the courage to act according to their conscience,” he said, suggesting that the communiqué be read at every Sunday Mass throughout the archdiocese.

In many dioceses, Fr. An Dang tells CNA that the faithful gather around the display cases where church bulletins are posted to see images and articles on the events in Hanoi misleadingly covered by the highly controlled national media.

“People have been warned not to read articles from CNA and other Catholic News Agencies,” Fr. An Dang writes. However, the threats have had the opposite effect intended by the authorities and copies of the articles are in high demand. They have been translated into Vietnamese, and then printed to post on the church bulletin boards, or photocopied to circulate.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bề trên Tổng Quyền Joseph W. Tobin Dòng Chúa Cứu Thế lên tiếng về vụ Thái Hà
Trà Mi - RFA phỏng vấn
11:03 18/09/2008
Bề trên Tổng quyền Joseph William Tobin, vị lãnh đạo tối cao của Dòng Chúa Cứu Thế trên thế giới lên tiếng

Người lãnh đạo tối cao của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Đức Giám Tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành, trong buổi trao đổi với Ban Việt Ngữ RFA hôm 16/9/2008 cho biết Ngài đã đệ đạt lên Bề trên Tổng quyền tại Roma nguyện vọng tìm kiếm một sự can thiệp công bằng và ổn thoả cho Giáo xứ Thái Hà.

Đây là vấn đề đòi hỏi công lý cho cộng đồng giáo dân Thái Hà

Trà Mi liên lạc với Trụ sở Dòng Chúa Cứu Thế Trung Ương tại Roma và được Cha Joseph William Tobin, đương kim Bề Trên Tổng quyền của Dòng dành cho cuộc phỏng vấn đặc biệt.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin khẳng định quan điểm của Ngài về diễn tiến vụ tranh chấp đất đai tại Giáo xứ Thái Hà.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Chúng tôi nhận thấy tình hình rất căng thẳng và rất dễ bùng nổ. Chúng tôi thấy đây là vấn đề đòi hỏi công lý cho cộng đồng giáo dân Thái Hà cũng như cho các thành viên thuộc giáo đoàn Dòng Chúa Cứu Thế do tôi chăn dắt. Chúng tôi rất lo ngại vì các giáo dân cầu nguyện ôn hoà đã bị trấn áp bằng võ lực, bị đánh đập, và bị bắt bớ tuỳ tiện. Chúng tôi rất cảm kích khi thấy các vị Giám mục tại Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết hiệp thông với giáo dân Thái Hà, và chúng tôi cũng đang cầu nguyện cho một giải pháp ôn hoà và công bằng cho họ.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin Tòa Thánh Vatican Toà thánh Vatican có đầy đủ tin tức

Trà Mi: Toà thánh Vatican có được thông tin đầy đủ về các diễn tiến xảy ra tại Thái Hà hay không, thưa Ngài?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Tôi không dám mạo muội phát biểu thay Toà thánh Vatican, nhưng tôi đoán là vâng họ có nắm đầy đủ thông tin. Toà thánh đang tiến hành các cuộc đàm phán với chính quyền Việt Nam về các vấn đề khác, cho nên tôi chắc là họ biết rõ mọi chuyện đang xảy ra. Cô có thể liên lạc với phát ngôn nhân của Toà thánh để tìm hiểu thêm.

Trà Mi: Sở dĩ chúng tôi nêu câu hỏi này là vì nhiều người đang thắc mắc sao chưa nghe thấy bình luận gì từ Toà thánh cả.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Vâng, điều này cô nên hỏi trực tiếp với đại diện Toà Thánh. Tôi đoan chắc là Toà thánh cũng trông đợi một giải pháp ôn hoà cho vụ việc.

Trà Mi: Trước những sự bắt bớ, sách nhiễu cũng như những lời đe doạ khởi tố, tù đày đối với giáo dân-giáo sĩ, nhiều người đang mong đợi một sự can thiệp thấu tình đạt lý từ Toà Thánh Vatican. Cá nhân Ngài, trong cương vị là Bề Trên Tổng quyền của Dòng Chúa Cứu Thế thế giới, Ngài sẽ làm gì để giúp nguyện vọng này được đáp ứng?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Với cương vị Bề Trên Tổng quyền, tôi thường xuyên liên lạc với các thành viên giáo phẩm và hiệp thông với các tín đồ ở Hà Nội cũng như tại nhiều địa phương khác của Việt Nam để bày tỏ sự quan tâm, tinh thần đoàn kết cầu nguyện và chủ trương tuân thủ đường lối ôn hoà, bất bạo động.

Trà Mi: Theo Ngài, một giải pháp công bằng, thấu tình đạt lý cho vụ tranh chấp này sẽ như thế nào?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Tôi không dám nói thay Tòa thánh Vatican nhưng dĩ nhiên tôi phải nói rằng nhà nước Việt Nam nên cân nhắc đến các nguyện vọng chính đáng của Giáo xứ Thái Hà về mảnh đất bị chính quyền tịch thu lâu nay cũng như những sự xâm phạm đối với chủ quyền đất đai của Giáo xứ rất tích cực này. Tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt của cộng đồng này.

Toà thánh Vatican có nhiều kinh nghiệm về mọi vấn đề

Trà Mi: Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Ban Việt Ngữ chúng tôi, Đức Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, linh mục Phạm Trung Thành, cho biết đã đệ đạt với Ngài nguyện vọng có được sự can thiệp công bằng, ổn thoả hơn từ Vatican so với những gì đã diễn ra với tình trạng tại Toà Khâm Sứ. Phản hồi của Ngài như thế nào ạ?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Tôi hiểu những bức xúc của linh mục Thành, tuy nhiên, Toà thánh Vatican có đưòng lối ngoại giao rất khéo léo. Họ có kinh nghiệm đương đầu với các vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi khác trên toàn thế giới. Cho nên, tôi hoàn toàn tin rằng họ có thể có sự đóng góp tích cực và hữu hiệu trong việc giải toả căng thẳng tranh chấp tại Thái Hà.

Trà Mi: Nhiều người nhìn vào kết quả của vụ việc Toà Khâm Sứ thất vọng cho rằng giáo dân đã đáp lời kêu gọi của Toà thánh, của nhà nước, nhưng ngược lại, nhà nước không đáp ứng nguyện vọng của giáo dân.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Vâng, tôi hiểu có những sự bất bình và thất vọng trong lòng dân, nhưng tôi tin tưởng giáo dân Thái Hà và những người liên quan cả lương và giáo khắp nước Việt Nam cũng thấu hiểu rằng con đường tiến tới hoà bình là bất bạo động và tin tưởng vào giá trị của công lý.

Trà Mi: Giữa bối cảnh giáo dân quyết tâm bất chấp rủi ro kiên trì các buổi cầu nguyện cho công lý, nhà nước thì khẳng định kiên quýêt thẳng tay trấn dẹp. Nếu có chuyện đáng tiếc xảy ra, nên chăng có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Toà thánh Vatican và chính phủ Việt Nam về vấn đề này?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Dĩ nhiên rồi, bất cứ lúc nào xảy ra sự vi phạm các nhân quyền căn bản chúng ta đều gióng lên lời kêu gọi cấp thiết cho các cuộc đối thoại, nhưng tôi nghĩ là chưa nên bàn đến những trường hợp còn là giả thiết.

Chia sẻ và theo dõi tình hình

Trà Mi: Trước thái độ gay gắt của nhà nước, nhiều người đặt kỳ vọng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Toà thánh và chính phủ Việt Nam, để tiến tới một “lộ trình giải pháp” hiệu quả hơn đối với vấn đề này. Ý kiến của Ngài thế nào ạ?

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Tôi chia sẻ mối quan tâm của mọi người về một giải pháp công bằng thấu tình đạt lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và hiệp thông chia sẻ tình đoàn kết chặt chẽ với giáo dân Việt Nam. Với chính quyền Việt Nam, tôi không dám mạo muội phát biểu gì hơn là bày tỏ với họ lòng yêu mến của chúng tôi đối với người dân Việt Nam. Dòng Chúa Cứu Thế của chúng tôi được vinh dự hiện diện tại Việt Nam từ thập niên 20. Dòng tu chúng tôi rất yêu mến và gắn bó rất chặt chẽ với đất nước này. Chúng tôi tha thiết khát khao sự bình an cho tất cả mọi công dân trên đất nước ấy. Và tôi tin chắc rằng nếu nhà nước Việt Nam cũng chia sẻ những giá trị đó thì chúng ta hoàn toàn có thể cùng bắt tay làm việc chung.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn Cha Joseph William Tobin, vị lãnh đạo tối cao của Dòng Chúa Cứu Thế trên thế giới đã dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi buổi nói chuyện đặc biệt này.

Bề trên Tổng quyền Joseph W. Tobin: Cảm ơn cô. Cầu xin Chúa ban phước lành cho cô cùng toàn Ban Việt Ngữ. Xin chào tạm biệt.
 
Trả lời bài báo trên Saigòn Giải Phóng về vụ Thái Hà
Anna Nguyễn Thuỳ Linh
12:03 18/09/2008
Trả lời bài "Những điểm cần làm rõ để tránh ngộ nhận trong dư luận về vụ giáo xứ Thái Hà" trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/9/2008.

Thưa bạn Bình Minh, xin được thưa chuyện với bạn qua đề tài "Những điểm cần làm rõ để tránh ngộ nhận trong dư luận về vụ giáo xứ Thái Hà" trên Báo Sài Gòn Giải phóng. Trong mục “Dòng Chúa Cứu thế thực sự muốn gì” bạn nhắc lại như sau:

“… Chúng ta không tranh đấu cho một mảnh đất. Đương nhiên mảnh đất của chúng ta thì chúng ta muốn trả về cho đúng nghĩa. Nhưng chúng ta không dừng lại ở chỗ đòi một mảnh đất, một ngôi nhà, một sở hữu chủ nào đó. Nhưng trong tinh thần của hội thánh hôm nay đã mở ra chiều hướng hòa bình và công lý để đấu tranh cho quyền lợi của con người trên toàn thế giới. Chúng ta đấu tranh là đấu tranh như thế. Vì thế ý nghĩa của buổi cầu nguyện hôm nay là chúng ta cầu nguyện không phải để đòi một mảnh đất. Nhưng chúng ta đấu tranh trong ôn hòa để hòa bình và công lý sớm được thực thi trên quê hương của chúng ta.” (trích website của Dòng Chúa Cứu thế về buổi cầu nguyện tại 38 Kỳ Đồng ngày 28-8-2008).

Rồi bạn viết: “Như thế có nghĩa là: nếu đòi lại được mảnh đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng rồi, vẫn tiếp tục tranh đấu cho tới khi “công lý được thực thi trên quê hương của chúng ta”. Công lý nào? Phải chăng cho tới lúc chế độ hiện tại sụp đổ và các chế độ bù nhìn Sài Gòn cũ được lập lại?”

Bạn thật ngây ngô khi nêu câu hỏi: Các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế muốn gì? Tôi đây, không là thành viên của DCCT, của giáo xứ Thái Hà, tôi cũng biết họ cầu nguyện, đấu tranh không chỉ vì miếng đất. Nhưng đằng sau đó là để công lý và Sự thật hiển trị trên quê hương Việt Nam. Nếu để chỉ đòi miếng đất nguyên tuyền vật chất, họ đủ sáng suốt không đánh đổi bằng lao tù, chết chóc. Nhưng đích họ nhắm cao hơn, thiêng liêng hơn, và chính đây là điều làm cho những người yêu công lý và sự thật ủng hộ. Này nhé, nếu Linh địa Đức Bà là một cô nhi viện mà Nhà nước đang quản lý, chăm sóc hàng trăm trẻ bại liệt thì việc đòi khu đất này có được các Giám Mục, đông đảo Linh Mục và giáo dân tuôn đến cầu nguyện, ủng hộ không ? Tôi nghĩ không cần phải nói nhiều bạn cũng đã thừa biết tại sao các Linh Mục và giáo dân tại đây kiên trì cầu nguyện và đòi bằng được mảnh đất ấy ! Bạn cũng thừa biết nếu mảnh đất 178 phố Lương Bằng được hoàn về chủ nó thì ít là công lý và sự thật đã chiến thắng, sự gian dối và xảo trá sẽ phải lùi bước. Đồng thời nó gióng lên một tiếng chuông mời gọi con người tôn trọng sự thật và công bằng trên quê hương Việt Nam. Trong phần kết của đọan này thì bạn lập luận hòan toàn sai lầm. Giáo hội nói chung và các Linh mục DCCT nói riêng không làm chính trị. Cứ nhìn cách thế cầu nguyện ôn hòa của Giáo xứ Thái Hà từ 8 tháng qua thì rõ. Bạn cũng thấy họ nhẫn nhục chịu đựng bạo lực, hơi cay mà không phản kháng. Không một tấc sắt, một băng rôn, biểu ngữ hay đòi thay Thủ tướng phải từ chức như ở Thái Lan. Thế tại sao bạn lại nghĩ đến giờ tàn của chế độ hiện tại ? Hay ngang qua cách đối phó của chính quyền đối với Thái Hà trong vụ này mà bạn liên tưởng đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ? Bạn có quyền đặt giả thuyết và suy tư, tuy nhiên xin bạn đừng đặt nó vào đích nhắm của các Cha DCCT. Riêng bản thân tôi, không phải khi có sự cố ở Thái Hà tôi mới cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Hằng ngày trong kinh nguyện, tôi vẫn hằng cầu xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng công lý, hòa bình, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Giờ đây tôi xin hầu chuyện tiếp với bạn về mục: “Coi thường pháp luật và vi phạm pháp luật"

“…Khu đất 60.000m2 với các nhà chính và nhà phụ trên đó thuộc sở hữu và thuộc quyền sử dụng của Dòng Chúa Cứu thế trước năm 1954. Nhưng từ tháng 10 năm 1954, khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô, thì toàn bộ nhà đất của Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà hầu như bỏ trống: từ năm 1960 chỉ còn lại một linh mục duy nhất trên khu nhà và đất rộng lớn đó. Nhà nước quản lý theo đúng chức năng của mình, nên đã giao một phần nhà và đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng cho Xí nghiệp Dệt len Đống Đa (nay là Công ty cổ phần May Chiến Thắng) cũng như Sở Điện lực Hà Nội và Công ty Vật tư vận tải xi măng sử dụng. Như thế là 3 công ty, xí nghiệp trên đang sử dụng khu nhà và đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng một cách hợp pháp trong hơn 30 năm qua

Thưa bạn, khi viết rằng “từ năm 1960 chỉ còn lại một linh mục duy nhất trên khu nhà và đất rộng lớn đó”, bạn không biết hay hay lương tháng bạn không cho phép bạn viết ra lý do dẫn tới sự cố này. Đúng ra bạn phải giải thích do Chính quyền túm cổ 2 thầy vào tù, sau đó chết rũ tù mà không cần một bản án, đồng thời trục xuất hai Cha Dòng Chúa Cứu Thế ngoại quốc nên mới còn có một mình Cha Bích chứ. Chưa hết, nếu các thầy học viện chưa kịp di dời vào Nam, các đệ tử mà còn thì Đảng ta cũng đã ra tay giải tán như bao chủng viện khác hay như Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt... Vườn không nhà chỉ còn 1 Cha là thế ! Lại nữa, chắc bạn cho rằng giáo dân giáo xứ Thái Hà cũng bị thiêu sống 100% qua cuộc chiến tranh nên cho rằng mình Cha Bích sử dụng toàn khu đất 178 Lương Bằng ??? Xưa nay không lẽ các Cha Dòng Chúa Cứu Thế hay các Dòng tu, các Tăng Ni sở hữu nhà đất để phục vụ chỉ một mình các ngài? Bạn lập luận, vì một mình Cha Bích nên Nhà nước thống nhất quản lý đất đai Thái Hà đúng chức năng ! Chính quyền áp dụng luật gì để hành xử kiểu này ? Thế thì bạn nên đề xuất Thành phố Hà Nội quản lý luôn các các Nhà thờ công giáo, vì hầu hết các xứ đạo chỉ có 1 Linh Mục sống tại nhà xứ. Tôi cũng thắc mắc tại sao bạn không nhắc đến cái văn bản của Cha Bích đã xin giao đất cho Chính quyền nhỉ ? cho nó có cơ sở pháp lý chứng minh Nhà nước Pháp quyền có “Pháp luật 'gần đội sổ châu Á” (Việt Nam gần 'đội sổ' về môi trường pháp lý ở châu Á theo điều tra của Perc, tổ chức tư vấn chuyên đánh giá rủi ro kinh tế và chính trị, xem BBC) Hay bạn đã giác ngộ ra cái văn bản xin giao đất cho Nhà nước năm 1963 của Cha Bích với phong chữ hiện đại là do Chính quyền Hà Nội sáng tác ?

Bạn cứ tô hô khẳng định không chứng cứ rằng: “Nhà nước quản lý theo đúng chức năng của mình” và thế là có quyền giao cho kẻ khác. Đọc đến đây tôi cứ nghĩ ngành báo chí có từ điển riêng cho cụm từ “quản lý”: “quản lý = đuổi người cướp của và đương nhiên thành chủ sở hữu”. Còn từ điển Việt Nam thì khác đấy ! Bộ luật dân sự cũng khác luôn ! Vậy thì đúng hơn bạn cứ chọn tiêu đề “coi thường pháp luật và vi phạm pháp luật” nhưng nên kể về các sai phạm của Chính quyền Hà nội trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai và quyền sở hữu trên mảnh đất giáo xứ Thái Hà.

Bạn bực tức vì “…“Trong buổi chiều cầu nguyện ngày 28-8-2008, tại 38 Kỳ Đồng quận 3, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã kêu gọi mỗi người tham dự hãy trở thành một tờ báo, một cái loa tuyên truyền cho chính nghĩa của Dòng Chúa Cứu thế ở Thái Hà”.

Sao bạn lại kèn cựa với những người không có phương tiện truyền thông như bạn. Bạn có cả tờ báo của Đảng Cộng sản ủng hộ và cả Đài truyền hình phát tải hàng ngày mà lại sợ mấy “cái loa, tờ báo bằng miệng” không thể vọng qua bên kia một con phố ? Phải chăng bạn cho rằng chỉ mình bạn và các đồng chí của bạn mới có quyền nói về Thái Hà ? Bạn muốn đứng trên bản tuyên ngôn nhân quyền để cấm mấy chục triệu dân này phải ngậm miệng, gật đầu với những gì mà truyền thông Nhà nước vu khống, mạ lị…? Tôi thật thương cho bạn, khi mà tờ báo Hà Nội Mới đã câm họng cả mấy ngày qua, mà bạn lại phải nai lưng cày cho được một bài “rất to” cho đẹp lòng cấp trên !

Trong mục “Kích động bà con làm bung xung”, một điều nực cười là bạn lập luận như các Linh Mục là người né tránh tù tộ, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy cho giáo dân chịu trận một mình. Thế bạn không nhớ cảnh các Linh Mục và giáo dân kéo nhau đến trước đồn công an để yêu cầu trả người vô tội. Họ khẳng định mình đồng trách nhiệm với giáo dân. Các bác công an đâu muốn bắt các Linh Mục. Nếu bạn không tin cứ thử đề xuất Công an Hà Nội yêu cầu 7 Linh Mục vào nhà giam thay cho 7 người đang bị tạm giam, bạn không cần phải chờ đợi lâu hơn 10 phút, sẽ có ngay tên 7 Linh Mục xung phong được đăng trên trang vietcatholic.org. Nếu có lâu hơn e rằng quá nhiều Linh Mục xung phong mà không chịu nhường nhau nên phải bốc thăm đấy thôi. Không chừng phải vâng lời, nhường 2 chỗ cho Đức Tổng Kiệt và Đức Cha Sang.

Bạn cũng lập luận: “…“Khu đất 60.000m2 được mua với tiền bạc của người nước ngoài: năm 1928 chưa có Dòng Chúa Cứu thế người Việt Nam và cũng chưa có giáo dân ở Thái Hà. Thế mà lại nói đất là do mồ hôi và nước mắt của Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam và của bà con giáo dân Thái Hà”.

Này nhé, nếu nếu một ngày kia. Che mẹ bạn chết đi, để lại cho bạn một ngôi nhà thờ tự, bạn cũng có một mảnh đất tự tay mua lấy. Thế thì bạn trân trọng mảnh đất nào hơn ? Tôi không nghĩ hơn 30 năm, từ năm 1928 tới năm 1961, các Linh Mục giáo dân đã gắn bó, xây dựng các cơ sở trên phần đất này lại được xem nhẹ hơn số tiền bỏ ra để mua mảnh đất ấy. Dầu là người ngoại quốc, họ cũng là thành viên trong Đại gia đình DCCT, và là anh em trong cùng một Thân thể duy nhất là Đức Kitô. Vì thế nói “đó là do mồ hôi và nước mắt của Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam và của bà con giáo dân Thái Hà” đâu có gì sai?

Bạn cũng cho rằng “…Các Linh Mục DCCT đã và đang xuyên tạc sự thật về vụ Giáo xứ Thái Hà.

Điều này mà phải giải thích lại cho bạn thì e rằng quá nhàm chán cho quý bạn đọc. Bạn chịu khó xem lại các đoạn video về vụ công an đánh dân oan và xịt hơi cay, xem luôn lời chứng và chữ ký của thẩm phán Vũ Kim Mỹ trên VietCatholic rồi so với lời phát biểu của Ông Nhanh cùng các bài viết trên báo Hà Nội Mới và Báo công an thì rõ ai xuyên tạc sự thật.

Cuối cùng bạn lại kiêm luôn chức năng Thẩm phán để kết tội các Linh Mục “…“Xuyên tạc sự thật để đánh lừa dư luận, vu khống chính quyền, để kích động giáo dân, họ đang ngày càng lộ nguyên hình đầu cơ chính trị khoác áo tu hành…”.

Phần này thì tôi cúi đầu khâm phục vì khả năng truy tố của bạn. Chắc bạn cũng kiêm luôn nghiệp vụ điều tra tội phạm của điều tra viên nên chỉ cần thông qua một bài viết với vài lập luận của một nhà báo, đã chụp lên các cha DCCT một tội phạm chính trị nguy hiểm. Dầu sao tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho bạn vì biết chắc bạn chưa học Luật mà được kiêm chức năng Thẩm phán và công an thì kết luận sai sót là khó tránh khỏi. Tôi cũng thắc mắc tại sao bạn nhắc đến thư của Cha Giám Tỉnh và đơn khiếu nại của Cha Phó Giám Tỉnh DCCT mà lại không cho đăng nguyên bài của các vị ấy cho dân chúng thấy các vị ấy xuyên tạc sự thật đến đâu và thấy Chính quyền và báo chí ta luôn đưa tin khách quan, trung thực ? Hay bạn thừa biết đưa lên thì dân chúng lại hiểu ngược lại thì nguy to !

Ôi còn quá nhiều điều muốn thưa chuyện với bạn, nhưng đã quá khuya, xin hẹn bạn lần khác vậy !
 
Cần gì pháp luật!
Trung Thiên
12:09 18/09/2008
Cần gì pháp luật!

Trong cuộc gặp gỡ các Cha và một số giáo dân ở Thái Hà, Ông Phó Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Thành phố Hà Nội đã giải quyết những bức xúc của các linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế bằng phát biểu hùng hồn:

Chúng tôi đã rà soát toàn bộ hồ sơ và đi hỏi lại những cụ trước đây còn sống trong thời gian thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây hoặc nguồn gốc cải tạo nhà cửa thực hiện thông tư 73 và thông tư 10 của chính phủ. Các cụ đều khẳng định: so sánh với thực tiễn được áp dụng chính sách chung của các thời điểm đó thì thấy đây là trình tự phổ biến về kỹ thuật quản lý hành chính tại thời điểm những năm 1960, có nghĩa là gì, có nghĩa là nó chủ trương, triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định, thời điểm đó trong bối cảnh năm 1954 đất nước mới vừa giải phóng, chúng ta xây dựng chính quyền non trẻ, nên chúng tôi thấy là chúng ta phải tôn trọng lịch sử… Trong Thông tư 10, thì Thủ tướng giải thích thêm một số điểm của thông tư 73, thế thì ở trong thời điểm lịch sử của văn bản thì Sở Nhà Đất ra quyết định 76 trong bối cảnh thực hiện chính sách nhà cửa, chúng tôi không thể có cái gì hơn được nữa, dĩ nhiên sau đó đến lúc cụ Bích ký biên bản bàn giao thì lại thực hiện theo thông tư 73 thì hoàn toàn đúng luật thôi: “Đối với hội hè tôn giáo (tôi đọc thông tư 10), tất cả hội hè tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ, chứ không nhất thiết cho thuê dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản có trên đất) đều đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”.

Qua buổi lam việc của UBND TP. Hà Nội tôi xin chia sẻ mấy vấn đề nảy sinh:

1. Chính sách “gắp lửa bỏ tay người”: Ông PGĐ Sở Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh đến đoạn “đất cho người khác sử dụng nhờ, chứ không nhất thiết cho thuê” để ám chỉ đất Giáo xứ Thái Hà thuộc diện này. Khi đề cập đến điều này có lẽ ngụ ý của ông là Sở Nhà Đất “ký dùm” cha Bích cái Quyết định 76/QL-NĐ, để giao đất cho Xí nghiệp thảm len ngày 30/01/1961 để cho xí nghiệp này “sử dụng nhờ”. Mười tháng sau đó, ngày 24/11/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu nhà đất Thái Hà qua nhà nước thống nhất quản lý (Công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS ngày 7/5/2008 của Sở Tài nguyên MT, ông Phó Giám Đốc đang đương nhiệm) để thực hiện theo Thông tư 73/TTg ngày 07/07/1962: vì đất Nhà thờ đã được Sở Tài Nguyên Môi Trường thay mặt Cha Bích cho Xí nghiệp Thảm Len “sử dụng nhờ” rồi. Đây có lẽ là cái cách mà các bác cán bộ hay dùng để chiếm đất của các cá nhân, các tổ chức trong thời gian thống thị đất nước này.

2. Chính sách “tiền trảm hậu tấu”: Chính quyền cộng sản luôn đả phá phong kiến, nhưng với cách giải thích thích của ông PGĐ Sở Tài nguyên Môi trường thì chính quyền còn hơn phong kiến khi dùng chiêu “Tiền trảm hậu tấu”: “trình tự phổ biến về kỹ thuật quản lý hành chính tại thời điểm những năm 1960, có nghĩa là gì, có nghĩa là nó chủ trương, triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định”.

Đó là một trình tự ngược hết sức phi lý với những mốc thời gian đảo lộn được hợp pháp hoá bằng một câu giải thích giản đơn được tham khảo từ các “cụ”, chắc là trong Ban Bí Thư TW Đảng. Hoan hô ông Phó Giám Đốc đã thừa nhận một thực tế phủ phàng ở nước ta, nhiều người biết mà không dám phát biểu nhưng ông thừa nhận một các hùng hồn: hãy cứ làm đi rồi giấy tờ tính sau. Nhưng có một điều mà ông quên là cái Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 cũng đúng theo điều ông nói, vì nó là hộ mệnh để hợp pháp hoá những chủ trương chính sách về nhà đất của nhà nước không phân biệt đúng sai hay làm càn trước ngày 1/7/1991 thì miễn giải quyết hay đúng hơn “không có cơ sở giải quyết”.

Năm 2008, thời điểm hiện tại, câu nói của ông cũng đúng nốt, chẳng những thế nó được áp dụng nơi nơi, chắc dân mừng lắm khi áp dụng lời nói của ông: thiếu gì cao ốc, nhà cửa không phép xây lên rầm rộ, chỉ cần “bôi trơn”, lấy giấy phạt nhẹ hiều rồi xây tiếp, giấy phép tính sau: Cao ốc Pacific nếu không có sự cố sập hầm thi bây giờ đã là toà nhà đĩnh đạc với 4 tầng hầm trong đó có hai tầng xây lố. Hay như Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, đâu cần xin phép đổ, chất thải, đâu cần xử lý nước thải đâu, nhưng cứ làm càn, vụ mới nhất la chôn trộm 60 tấn chất thải nguy hại để “được” phạt 10 triệu đồng, một cái giá quá hời. Đó là một những điển hình trong xã hội, chưa tính vụ Vedan đang xử lý, mà pháp luật chỉ là một thứ rối beng để người ta lách, để người ta tham nhũng.

3. Chính sách “đứng trên pháp luật”: Khi các linh mục DCCT đã đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà nước cho là cha Vũ Ngọc Bích đã ký (có tới 4 giấy bàn giao đất nhà thờ sang nhà nước quản lý), thì ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố nhắc bảo thuộc cấp của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”. Giấy tờ pháp lý là thứ chứng cứ quan trọng đối với pháp luật, nhưng rõ ràng khi bị bắt bí, ông Phó Chủ tịch có coi nó ra cái gì đâu, ông phát biểu một câu tỉnh bơ là chọn một trong bốn. Chưa tính tới chuyện đó là những tờ giấy ngụy tạo, xem như pháp luật đâu còn ý nghĩa với ông nữa, ông giải quyết những mâu thuẫn bằng cái lý của kẻ mạnh chứ đâu bằng đối thoại, xem như ông đứng trên pháp luật rồi còn gì, có sự mâu thuẫn mập mờ trong chứng cứ thì giấu bớt một cách công khai đi, nó hợp lý mà.

Khi phát biểu “triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định”, ông PGĐ Tài Nguyên Môi Trường đã thể hiện chính sách “đứng trên pháp luật” của nhà nước một cách trắng trợn hơn ai hết. Luật là của ta, của kẻ thống trị, ta muốn “đẻ ngược” thì cũng “hợp lý thôi”. Những nguyên tắc pháp luật như hợp lẽ phải, công bằng, công lý, bất hồi tố… của thế giới mà các bác Lữ Giang, Trần Lê Nguyên từng phân tích xem như phá sản vì một câu xanh rờn như thế. Khi “đứng trên pháp luật” nhà nước hợp tình hợp lý nó bằng một câu rất cộng sản: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và nhà nước quản lý”, về đất đai, không có sở hữu tư nhân nhưng có “sở hữu cán bộ”.

Ôi! Công cuộc đi tìm công lý của các cha và canh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà rồi sẽ đến đâu khi mà người ta cứ “nghe tâm tư nguyện vọng” của dân rồi thôi để qua một bên, không thèm đối thoại.

Viết từ Sài Gòn, 18/09/2008.
 
Tháo gỡ hay thắt thêm cho rối!
Phan Dũng
12:22 18/09/2008
THÁO GỠ HAY THẮT THÊM CHO RỐI
(Tiếp tục trả lời với nhóm PVNC của báo Hà nội mới)

Xem diễn tiến tình hình vụ Thái hà trong những ngày qua, đặc biệt trên báo Hà nội mới, tưởng rằng nhóm Phóng viên Nội chính (PVNC) này đã nhận ra sự thật nên im ắng. Mục “Xung quanh vụ dân xứ Thái hà” không còn nằm trên trên tiêu điểm, nhưng sự thật không phải thế. Có lẽ, cứ tung ra bài nào là bị các nhà báo của nhân dân lột mặt nạ ngay bài ấy về những thông tin bịp bợm bóp méo sự thật, nên mấy tay PVNC này chắc chắn cũng đang chịu sức ép của cấp trên, càng đi bên lề phải bao nhiêu càng bí bấy nhiêu. Hôm nay, nhân việc họp báo giữa chính quyền và Đại diện giáo xứ Thái hà, Nhóm PVNC có vẻ như đã thận trọng hơn nhưng vì sự dối tra và lươn lẹo vẫn không thể dấu kín trong bài viết về cuộc “Đối thọi” đăng ngày 18/09/2008.

Mở đầu bài viết của nhóm PVNC “Mặc dù Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng thêm một lần nữa khẳng định việc đòi quyền sử dụng khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng của Nhà thờ Thái Hà là không đủ cơ sở để giải quyết, đồng thời yêu cầu linh mục Chánh xứ yêu cầu các giáo dân chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật, trả lại nguyên trạng khu đất” Đây là cách đối thoại của Chính quyền bằng cách phủ đầu, cả vú lấp miệng em, không tôn trọng những yêu cầu xem xét và các nguyện vọng chính đáng của bên đối thoại.

Trích tiếp “Trả lời về tính pháp lý của các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND thành phố, đại diện Thanh tra thành phố đề nghị các linh mục Nhà thờ Thái Hà cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật hiện hành để đi đến thống nhất cách thức giải quyết các tranh chấp. Theo Thanh tra thành phố, hiện nay để căn cứ, giải quyết tranh chấp tại khu dất 178 phố Nguyễn Lương Bằng, không có gì cao hơn Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội. Thanh tra thành phố cũng khẳng định, Quyết định 2476 về giải quyết khiếu nại của Chánh xứ Thái Hà của UBND TP là quyết định giải quyết lần thứ nhất, nếu phía Nhà thờ Thái Hà không đồng tình, có thể tiếp tục khiếu nại, và nếu cần, có thể khởi kiện ra Tòa án.”

Lại mang cái nghị cướp số 23 đó ra để lập luận bao che cho hành vi ăn cướp trắng trợn. Nếu là đối thoại, Chính quyền cần phải trả lời về những điểm trong các bài viết của LS Trần lê Nguyên giải thích tính vi hiến, bất công của nghị cướp này sao cho thuyết phục, được mọi người, thuyết phục được bên đối thoại về tính hợp hiến của nghị định này, cũng như tính hợp lý, công bằng dân chủ trong việc sử dụng nghị định này trong trường hợp Thái hà mà không vi phạn các nguyên tắc của pháp luật. Lại cứ mang cái nghị quyết mà có nhiều điểm không công bằng, dân chủ, đi ngược với hiến pháp để làm căn cứ, lập luận cho mình phải gọi là ngoan cố không chịu nhận ra cái sai để sửa chữa thì gọi là gì?. Cố chấp không phải là đối thoại.

Trên quan điểm về bảo đảm an ninh trật tự, Báo HNM viết “Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố nhấn mạnh: Sau khi tường rào bị phá đổ, giáo dân kéo đến, tràn vào khu đất, có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự trị an khu vực, rõ ràng là gây ra hậu quả nghiêm trọng chứ không thể nói là không có gì...”

Về việc các linh mục cho rằng không thể khuyên bảo được giáo dân, ông Phạm Xuân Hằng nói: “Dòng Chúa cứu thế có truyền thống lâu đời thế, tại sao Cha bề trên nói mà giáo dân không nghe, giáo lý nào cho phép con chiên không nghe lời Cha? Nhà thờ không nên gây áp lực với chính quyền bằng cách để giáo dân tụ tập đông, cầu nguyện trái pháp luật. Để trả lại sự bình yên, bảo đảm an ninh trật tự, nhà thờ cần giải thích, vận động và yêu cầu giáo dân rút khỏi khu đất.”

Thưa Ông Chủ tịch Uỷ ban MTTQ. Tường rào bị phá đổ không phải là gốc rễ nguyên nhân của việc giáo dân kéo đến đông đảo như hiện nay, Phải nhìn vào thực tế Ông có thể thấy rõ nguyên nhân, thứ nhất là do báo đài các ông đã xuyên tạc vu khống mạ lỵ các chức sắc và giáo dân Thái hà quá đáng, thứ hai, Các ông đã cho người đàn áp dã man già trẻ lớn bé bằng các biện pháp hung tàn. Thứ ba lối hành xử của chính quyền ngày càng trắng trợn để tước đoạt quyền công dân thông qua hình thức bắt bớ không coi luật pháp ra gì, Thứ tư. Chính quyền đã xử dụng luật rừng để mưu chiếm đoạt tài sản tôn giáo tương tự như các dân oan các nơi… Rất nhiều hình ảnh ấn tượng về các lối hành xử vô nhân của chính quyền mà viết vài trang không thể kể hết chính là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân một vì tò mò, hai vì cảm giác phải kết đoàn bảo vệ chính nghĩa, ba vì họ thấy cần phải nói lên tiếng nói của công bằng, dân chủ… chính vì thế họ đến đây, đến Thái hà để hiệp thông cùng người dân nơi đây. Tuy nhiên, không phải họ đến để gây mất an ninh trật tự như các ông đã nói mà phải nói rằng họ rất trật tự, trật tự trong đi lại, sinh hoạt, hiệp thông, cầu nguyện. Có chăng chỉ có những kẻ phá bĩnh như đám thanh niên mang mác Thanh niên Cộng sản HCM, đám sinh viên giả hiệu, đám công an chìm. Đám phóng viên và diễn viên giả hiệu, những người mà các ông đã phái đến để gây náo loạn, khiêu khích, thậm chí hiện nay hàng rào sắt với chông nhọn tua tủa không thể nói là có an toàn cho một đám đông được dựng lên cũng là do các ông đạo diễn.

Chưa hết, bằng biện pháp bao vây như cắt điện, phá sóng, cúp nước,… làm rối thêm tình hình an ninh nơi này. Thưa Ông Phạm Xuân Hằng. Sao Ông lại nói những lời khó nghe như trên. Không một tu sĩ nào, không một Kitô hữu nào được bảo vệ cho cái bất nghĩa, bất minh, bất công. Vì thế, nói như Ông và các quan chức Hà nội thì Các Tu sĩ làm sao biết nói mà bảo người ta nói, chẳng lẽ nói với giáo dân rằng. “Bà con hãy về đi, cứ để cho cái ác lộng hành, những ông bà bị bắt thì thây kệ họ, công an muốn đánh đập, muốn giết thì họ tư chịu, dây vào làm gì”. Thưa Ông Hằng. Có lẽ Ông và các cấp chính quyền nên nói với họ thì hơn vì nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự công cộng phải nói là trách nhiệm đầu tiên theo luật pháp là của các Ông. Sao đổ lên đầu các Tu sĩ được. Xin Ông cũng đừng mang chuyện giáo lý để nói nữa, vì Ông không hiểu gì đâu!

Trích tiếp “Kết luận cuộc gặp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh khẳng định Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội đã quy định rõ: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”. Chủ trương trước sau như một của UBND thành phố là muốn việc giải quyết các tranh chấp đất đai càng nhanh, càng tốt, đem lại sự phấn khởi cho người dân nói chung và giáo dân Giáo xứ Thái Hà nói riêng. Tất cả chúng ta đều là công dân nước CHXHCN Việt Nam, do đó phải tôn trọng và có nghĩa vụ sống và làm việc theo pháp luật. Thành phố chỉ được phép giải quyết các tranh chấp đất đai trong khuôn khổ của pháp luật.

Căn cứ Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội, việc đòi lại nhà thờ là không có cơ sở để giải quyết, bởi trong nghị quyết đã quy định rõ: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất” và “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất”. Các linh mục Nhà thờ Thái Hà cần hiểu đúng các quy định của Nghị quyết 23/2003/QH11, không nên cố tình cho rằng mình không thuộc diện “chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất” để đòi quyền sử dụng khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.


Kết luận trên của chính quyền trong việc đối thoại là củ khoai mày kiện củ khoai, Không thể gọi là đối thoại mà là thắt thêm cho rối, cái rối của chính quyền lộ rõ ngay trong lời tuyên bố mạnh miệng của Ông Vũ Hồng Khanh. Giải quyết càng nhanh càng tốt. Nhanh đến độ 12 năm khiếu kiện vẫn chưa được giải quyết việc trả lại tài sản của mình thì liệu có nên tin vào lời “UBND thành phố tiếp tục khẳng định quan điểm sẵn sàng xem xét những nhu cầu chính đáng của Giáo xứ Thái Hà và giáo dân về việc mở rộng cơ sở thờ tự, tuy nhiên, phía nhà thờ phải làm đơn, hồ sơ dự án theo đúng quy định của pháp luật... báo cáo cấp thẩm quyền xem xét. Nhà thờ Thái Hà phải chuyển ngay các tượng, thánh giá, tranh ảnh hiện có tại khu đất... về nơi thờ tự, không được để giáo dân tiếp tục tụ tập, cầu nguyện trái phép ở đây” không?. Thực nực cười.

Một quốc gia mang tiếng là pháp quyền, dân chủ mà chính quyền chỉ biết dựa vào một cái nghị định, dựa vào vài mảnh giấy nguỵ tạo, dựa vào chuyện đi hỏi các cụ như lời ông PGĐ Sở TNMT để giải quyết tranh chấp thì thật không hiểu nổi. Lại còn chuyện mang tính chất lịch sử, khó khăn do chính quyền thời non trẻ để mà nguỵ biện cho hành vi sai trái thì thật là quái gở. và bằng hành động cho bắt thêm giáo dân như ngày 16/09 vừa qua,, bao vây bằng hàng rào sắt, tiếp tục chỉ đạo cho báo chí vu khống thì chính quyền không đối thoại mà là đang thắt thêm cho rối vụ việc mà thôi.

Để kết thúc bài viết, tôi thấy cần phải kết luận bằng chính vài dòng của báo Hà nội mới dưới đây: “Ngay trước khi đi vào đối thoại, một số linh mục đã nói: “Đến nay chúng ta vẫn chưa lóe lên tia hy vọng, chút ánh sáng nào để có thể giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng”.


 
Thơ tặng Mẹ Đất
Đinh Phan
12:54 18/09/2008
Thơ tặng Mẹ Đất

Mẹ được dựng lên bằng nắm đất
Thầy bu đặt cho tên là Đất
Bé tới giờ già ở trong đất
Giáo xứ Thái Hà vui với đất

Ngày nay bọn Cáo đòi chiếm đất
Chia nhau trục lợi buôn bán đất
Mai này Mẹ có về với đất
Các con vẫn noi gương Mẹ Đất

Hà Nội 17/09/08
 
UBND Thành phố Hà Nội diễn tuồng: Vài nhận định
Mai Văn Lành
13:38 18/09/2008
HÀ NỘI - Quan sát buổi làm việc giữa ông Vũ Hồng Khanh và bộ đầu não của Hà Nội với các linh mục DCCT Thái Hà được các báo Hà Nội và thông tin của nhà thờ đưa lên thấy có quá nhiều điều hài hước.

Buổi làm việc đã thể hiện cách làm việc, trình độ cũng như tư duy của mấy ông quan đứng đầu Thành phố quan trọng nhất nước là Thủ đô Hà Nội: cùn, cẩu thả, qua chuyện, cứng nhắc và tư duy áp đặt theo lối mòn khó sửa chữa.

Ông Vũ Hồng Khanh, người đã ký quyết định về giải quyết khiếu nại của Thái Hà vẫn cố bám vào cái gọi là “Nghị quyết 23 của Quốc hội” . Dù TP HN đã cung cấp chứng cứ để biện minh rằng đất đai Thái Hà từ đầu năm 1961 đã được nhà nước “thống nhất quản lý” . Bên Nhà thờ Thái Hà, đã bằng lý luận sắc bén của mình bác bỏ tất cả những cơ sở mà ông Khanh đã dùng để ký cái văn bản trên là “không có sức thuyết phục”. Nói trắng ra là quyết định ông ký không đủ cơ sở pháp luật, việc ông đặt bút ký chỉ thể hiện trình độ hiểu biết của ông cao như thế nào và chỉ làm việc qua chuyện. Mà đây là chuyện quan trọng nên nó không thể qua, vậy mới lôi thôi.

Nếu mấy ông tu sĩ nhà thờ là người lắm chuyện và ở VN có hệ thống tòa án độc lập như ở các nước khác thì ông Khanh được ngồi ghế bị cáo từ lâu.

Ông Khanh vẫn cứ nhai đi nhai lại cái giọng của quan chức ít động não rằng: Không có luật nào cao hơn Nghị quyết 23, không có lý do để giải quyết việc xin hoặc đòi lại đất của Thái Hà. Nghe cách nói của ông, có cảm giác là ông đang bị chứng tự kỷ ám thị, không nghe ai, không giao tiếp với ai, ông đang nói như một cái cát-sét cũ. Thật ra cũng có cái khó cho ông vì ông đang bí. Lấy đâu ra chứng cứ để chứng minh? Làm sao chứng minh được cái từ không có thành có nếu không buộc ông làm xiếc.

Cái Nghị quyết 23 là cứu cánh cho nhà nước khi đã nhỡ cướp đoạt quá nhiều mà không thể lý giải hay giải quyết hậu quả nên bố con chỉ thị cho nhau ra cái văn bản là: Những gì đã cướp ngày hôm kia, thì không xem xét để trả lại… Vì thế nên ông cứ phải bám vào cái phao thủng đó trong cơn lũ giận dữ sắp nhận chìm ông khỏi cái ghế quyền lực và tiền lực.

Nhưng cái đó chỉ có tác dụng khi VN không nhập cuộc chơi thế giới, trong nhà bố con muốn làm gì nhau thì làm, chơi luật nào cũng được. Còn bây giờ thì dân không chấp nhận vì nhân dân đã có cái nhìn và cách nghĩ khác hơn xưa. Cái nghị quyết vi hiến 23 này chỉ có tác dụng thể hiện bản chất của Quốc hội Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhân dân vẫn hay cải biến câu thơ của Tố Hữu ngày trước ca ngợi đảng “Đảng bảo đi là đi, đảng bảo thắng là thắng” thành: “Đảng bảo tha là tha, đảng bảo cướp là cướp” .

Nói đến Nghị quyết 23 làm người ta nhớ lại cách mà đảng đã dùng Quốc hội để thông qua cái nghị quyết sáp nhập Hà Nội vào Hà Tây mới đây; sau khi nhà nước đã cấm báo chí đưa tin vì nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế và xã hội học đã phản ứng quyết liệt cái chủ trương này. Các công ty lớn như Viettel phải có công văn khẩn yêu cầu nhân viên của mình vào trang báo vnexpress để vote cho phương án nhập Hà Nội vào Hà Tây trong tháng 7 (trên mạng bàn tán nhiều về công văn đó, coi như một cách làm dân chủ của quốc hội). Các đại biểu quốc hội là đảng viên, thì phải làm theo nghị quyết của đảng, vì vậy mà Quốc hội có cái tỷ lệ 92,96% cho việc giơ tay ấn nút thông qua. Tấn tuồng này, đến nay vẫn là một trò cười cho thiên hạ.

Về chuyện này, các quán nước vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhắc câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch TP Hà Nội: “Đã quyết định thế rồi còn gì, Quốc hội chỉ là hình thức” .

Vì thế, cái Nghị quyết 23 ra đời chẳng có gì là lạ. Nếu một nước có nền dân chủ thực sự, quốc hội thật là của dân, chẳng có ông nghị nào ngu xuẩn đến mức giơ tay hoặc cúi đầu nhẫn nhục để cho Quốc hội đưa ra một nghị quyết vi hiến có nội dung “cái gì đảng và nhà nước đã cướp của dân từ hôm kia, thì hôm nay không có cơ sở đòi lại và không xem xét trả lại”.

Vui nhất là đảng từ nhân dân mà ra, nhà nước từ nhân dân mà có, vậy mà đảng và nhà nước có cái quyền cướp của dân, dân đòi lại thì “không có cơ sở xem xét giải quyết” “không thừa nhận việc đòi lại” . Còn cái quốc hội bù nhìn chỉ cúi đầu nhắm mắt giơ tay.

Nghe đâu, hồi thông qua Hiệp ước Biên giới, lãnh thổ với Tàu, Quốc hội cũng âm thầm lặng lẽ như thế và đất nước đã mất hàng ngàn km2 đất liền, mất đi hơn 15.000 km2 mặt biển đầy trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản.

Ôi, các ông nghị VN là những người hiền lành, vô sự và yêu hòa bình nhất thế giới. Cái thứ hòa bình nhận lương hàng tháng đưa vợ, ngoài ra để thời gian mà hưởng các bổng lộc khác cho mình là xong, kệ đất nước phiêu diêu, kệ xã hội lụn bại.

Cách tư duy một chiều theo Đảng, cách làm đó không có tác dụng, vì thế dân không phục, không phục thì không nghe, không nghe thì đất nước loạn, có vậy thôi.

Trong buổi làm việc sáng 17/9, ông Khanh cũng đã khéo chọn người, ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã phát biểu cách làm việc xưa nay của TP Hà Nội là: “Có chủ trương, triển khai thực hiện sau đó mới ra quyết định, nghị quyết…” và cách làm việc này đã được ông đi hỏi các cụ cao niên và khẳng định. Quả là cách làm việc sáng tạo, mới mẻ của nhà nước thủ đô. Chính vì thế, trong buổi lễ tối hôm 17/9, linh mục khách đến có nói với giáo dân: “Nếu con quý vị có đi trộm xe của ai, sau đó bán đi rồi về xin phép với quý vị để được ăn trộm, thì cũng coi là hợp lệ nhé”! Và đương nhiên người bị trộm có đòi lại thì sẽ họp cả làng để buộc cả làng có nghị quyết là “Không xem xét việc đòi lại và không có cơ sở cho việc trả lại đồ đã trộm cắp trước đây” .

Ông Phó GĐ Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội này giải thích điều đó để chứng minh cái trái khoáy trong văn bản nhà nước gửi Thái Hà là: “Trong những năm 1960, ngày 24/10 (24/11)/1961 linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao đất nhà thờ cho nhà nước để thực hiện Thông tư số 73 ngày 7/7/1962 của Thủ tướng” là không có gì sai?

Điều này cần ghi vào sách Guinness thế giới về cách làm việc ở một nhà nước độc đáo.

Xuyên qua cuộc họp 17/9, người dân chứng nghiệm ra được Luật pháp Việt Nam được hình thành bằng cách nào, trình độ hiểu biết chuyên môn của quan chức, cách làm việc độc đáo và áp đặt của các quan chức ra sao. Tóm lại những người dân oan thấy được cái kiên quyết của một nhà nước là: bằng mọi cách để cướp đoạt bằng được đất đai tài sản của dân.

Hàng loạt người đang ngày đêm đi lại vật vờ trên đường phố, ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trước cửa UBND, văn phòng TƯ Đảng, quốc hội và nhà riêng của lãnh đạo đất nước hàng năm nay là chuyện dễ hiểu. Họ từ khắp muôn phương kéo về Hà Nội, không để viếng lăng bác, không để chào mừng Hà Nội ngàn năm.

Chủ tịch UBMTTQ thành phố Phạm Xuân Hằng cũng hòa giọng với chính quyền khi bảo vệ cho quan điểm khởi tố bắt những người dân Thái Hà, rằng: “Tôi thấy buồn, rất buồn vì Dòng Chúa cứu thế có truyền thống lâu đời thế, tại sao Cha bề trên nói mà giáo dân không nghe, giáo lý nào cho phép con chiên không nghe lời Cha?”

Vậy ư? Ông buồn thật ư? Ông buồn vì việc giáo dân không thể nghe ai đưa ảnh tượng về nếu không đòi được đất, kể cả cha xứ. Nhưng sao ông không buồn khi giáo dân bị cướp đoạt trắng trợn, nhà nước, chính quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà cả hệ thống bằng mọi cách cả vú lấp miệng em nhỉ? Sao khi những quyền lợi của người nghèo đã bị cướp đoạt trắng trợn mà ông không buồn chút đi? Hay ông Mặt trận giám sát nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng mà đảng đã chỉ thị cho ông buồn chỉ vì giáo dân không đem ảnh tượng về? Sao ông không buồn khi giáo dân bị đánh thẳng vào mặt, bị giày đinh giày xéo đến chết giấc trên đường Thái Hà và trẻ em, phụ nữ bị xịt hơi cay khi cầu nguyện? Ông buồn vì ảnh tượng còn để đó thì ông ăn không ngon, ngủ không yên vì chưa hoàn thành nhiệm vụ đảng giao phó?

Điều hài hước hơn nữa là trong buổi làm việc đó, các bên đã đá lẫn sân của nhau hơi nhiều. Quan chức thì dạy các linh mục cách về giảng dạy cho giáo dân, các linh mục thì nhất định yêu cầu nhà nước thực hiện đúng pháp luật và làm việc trên cơ sở pháp luật. Đến mức, một linh mục đã nói với Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội: “Chúng tôi đến đây để giải quyết vấn đề đất đai, chứ không để nghe ông dạy cách giảng cho giáo dân. Ông có giỏi thì đến gặp giáo dân xem, ông có dám không”? Ông Khanh ú ớ bảo dám. Hãy chờ xem khi nào ông Khanh đến gặp dân Thái Hà?

Một tấn tuồng đã và đang tiếp diễn. Xin chờ xem tiếp các màn sau.
 
Hôm nay 18/9 có những nhóm người đạp xe đạp hơn 150 km từ Xuân Thủy, Hải Hậu để về Thái Hà
Xuân Văn
13:42 18/09/2008
THÁI HÀ - Lượng xe ôtô về Thái Hà hôm nay không nhiều như mọi khi. Chỉ có hơn chục chiếc xe 16 chỗ ngồi đỗ trong khuôn viên đền thánh Giêrađô. Nhưng khách hành hương vẫn đông đúc như mọi ngày.

Cũng có cả một Ni cô Phật giáo tới đọc báo tại Thái Hà
Thánh lễ 5h30 sáng có khoảng 900 người tham dự, thánh lễ lúc 10h30 có chừng hơn 1000. Đó là những lễ dành riêng cho khách hành hương về hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà.

Thánh lễ 18h30 có khoảng 1200 và thánh lễ 19h30 được chừng 300.

Lấy làm lạ về hiện tượng xe về ít mà người vẫn nhiều, nên chúng tôi vội hỏi thăm một số nhóm hành hương, thì được biết họ đã đi tàu đêm về Thái Hà, số đông những người khác thì đi xe máy. Nghe nói, các đoàn xe từ các tỉnh về Thái Hà vẫn bị ngăn chặn và bị gây phiền toái. Có xe chỉ còn cách Thái Hà chừng cây số, nhưng công an bắt tài xế cho xe quay ra bến. Có xe đã tới được cổng bệnh viện Đống Đa (nhà thờ Thái Hà ngay bên cạnh), nhưng cảnh sát chỉ đường cho tài xế chạy lòng vòng mãi mới vào được nhà thờ.

Dù có những khó khăn, trở ngại trong việc thuê xe, nhưng nhiều người vẫn quyết tâm đến Thái Hà cho bằng được. Chúng tôi đã có dịp gặp những nhóm người đạp xe đạp hơn 150 km từ Xuân Thủy, Hải Hậu để về Thái Hà. Họ đạp xe từ sáng cho tới chiều mới tới nơi. Việc làm đầu tiên của họ khi đến Thái Hà là xin một chỗ nghỉ ngơi để lấy lại sức sau một hành trình dài.

Hôm nay, không biết khi ra viếng linh địa, khách hành hương đã có được sự đụng chạm tâm linh gì đấy, mà thấy lượng người xưng tội quá đông đúc. Lúc nào cũng có 4 linh mục ngồi tòa giải tội. Thời gian trước các thánh lễ con số linh mục ngồi tòa còn nhiều hơn nữa.

Về phía Nhà nước, hôm nay xem ra có nhiều động thái khác thường. Chừng 11h, một nhóm phóng viên mang máy quay tới tận cổng nhà thờ và những địa điểm khác nhau nơi linh địa đề ghi hình. Mấy phụ nữ trung trung tuổi ngồi trong lều bảo nhau: “Chắc tối nay họ lại nói nhăng nói cuội trên truyền hình đấyà”

Buổi chiều, trên cột điện phía trước cửa nhà thờ, thêm một chiếc loa phóng thanh được lắp đặt, chõ thẳng vào Tu viên. Có lẽ những ngày sắp tới, nhà thờ Thái Hà lại bị tra tấn bởi âm thanh từ những chiếc loa này.

Ngoài linh địa, các công nhân của công ty may Chiến Thắng mang rác, thậm chí cả giấy vệ sinh, đổ xung quanh tượng đài Đức Mẹ Mân Côi. Chịu không nổi, một bà cụ lom khom bước tới, rớm rớm nước mắt, nói khá gay gắt với hai cô công nhân: “Chúng may có còn là người nữa không!” Nói thế rồi, bà cụ ngồi xuống vơ vội những giấy vệ sinh vào một cái bao tải, rồi đem đi đốt.

Phải chăng đây là xe phá sóng điện thoại tại Thái Hà?
Giờ cầu nguyện của giáo dân tại linh địa sau thánh lễ tối hôm nay cũng không được yên ổn như mọi khi. Một số phần tử xấu lại tiếp tục được huy động đến. Đang khi đoàn người vừa đi vừa hát kinh hòa bình, thì những phần tử này đứng bên vệ đường có những lời lẽ khiếm nhã, gây hấn với giáo dân. Thậm chí, có một anh thanh niên (mấy người cho biết đó là một công an chìm) phi xe máy thẳng vào một cháu bé đang đứng cầm đèn soi cho mọi người đi. Rất may cháu bé tránh được, bằng không, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra…
 
Ý kiến độc giả: Vài nhận định về tình hình Thái Hà hiện nay
Hà Thành
13:56 18/09/2008
THÁI HÀ - Tình hình Thái Hà mấy ngày nay chưa có biến động gì lớn, giáo dân từ khắp nơi vẫn kéo về cầu nguyện. Công an chưa có động thái gì mới, mặc dù ngày 15.09.2008 đã cho người tập kết rất nhiều rào chắn sắt vào khu đất DCCT, ngày 17.09.2008 UBND TP Hà Nội mời các tu sĩ Thái Hà đến trụ sở làm việc để "nghe nguyện vọng".

Trong buổi họp này, các tu sĩ và giáo dân Thái Hà nhắc lại các đề nghị về việ được nhân lại tài sản, được hưởng công lý chính đáng và tối thiểu. UBND Hà Nội đưa ra một nội dung nghe có vẻ mới: "Sẽ xem xét nguyện vọng chính đáng về mở rộng cơ sở của giáo xứ, nhưng phải có đơn và làm các thủ tục pháp luật …"

Nội dung này không mới, đã được quan chức Hà Nội bắn tin tư lâu. Và kế này cũng đã được mang ra áp dụng với Toà Khâm Sứ. Lúc đó. ông Bí thư thành uỷ, và chủ tịch UBND đưa ra lời mời Đức Tổng Giám Mục: "Làm thủ tục xin, thì sẽ cấp cho một khu đất khác, lớn hơn, đẹp hơn". Rồi họ giới thiệu một khu đất tại phố Quán Thánh cách lăng HCM độ 300m đường chim bay. Nhưng Đức TGM Hà Nội không đồng ý, Ngài chỉ xin lại tài sản của Giáo Hội bị chiếm đoạt chứ không xin tài sản, đất đai của nhà nước ban tặng.

Kế độc của Nhà nước là nếu làm đơn xin để họ cấp (dù chỉ là thủ tục cấp lại) đất của chính mình, thì mặc nhiên thừa nhận tài sản đó đã không còn là của mình, như thế nó có chính nghĩa, họ bắt người, đàn áp là hoàn toàn đúng. Theo cách này họ tạo ra một tiền lệ các tôn giáo phải cúi đầu xin xỏ chạy vạy, rồi họ cơ hội "làm tiền" trong việc xin xỏ này nữa.

Việc bắt thêm giáo dân (Ông giuse Phạm Chí Năng) không có gì bất ngờ với giáo dân Công Giáo, họ còn biết được công an bắt người rải rác, dù họ thừa khả năng bắt ngay, bắt hết giáo dân "gây rối-Huỷ hoại tài sản". Mục đích của họ là nhằm khủng bố tinh thần một cách từ từ, lâu lâu lại "hâm nóng" vấn đề để răn đe, rêu rao trên đài báo. Đây là thủ đoạn công an thường áp dụng khi phải đương đầu với một nhóm người. Ngay cả với hai giáo dân công an đang tróc nã, nếu muốn, bộ máy công an của họ còn có thể giết người diệt khẩu, phương chi bắt mấy anh dân lành này ??? Vậy mà hó cứ để đấy, bắt dần dần cốt ý là để làm nóng lại vấn đề, vừa để răn đe, vừa để mang ra mặc cả với các tu sĩ. Nhưng chưa làm đã bị phát giác, công an coi như bị bể mánh.

Công an cộng sản đang còn nghe ngóng, sẽ còn tung ra nhiều thủ đoạn, đặc biệt là thủ đoạn ly gián nội bộ tu sĩ, giáo dân Thái Hà cũng như Công Giáo Việt Nam. Có thể vài ngày nữa nó sẽ cho "trình chiếu" lời khai tố cáo của những giáo dân bị bắt là họ bị súi dục, họ bị cưõng ép, họ nhẹ dạ cả tin. Hay nó sẽ cho một nhóm giáo gian theo cộng sản vào quấy phá nhà dòng. Hay họ thuê mấy kẻ nghiện ma tuý mắc sida giai đoạn cuối đêm đến vào đập phá tượng Thánh. Công an chưa dám ra tay, nhưng không loại trừ những gian kế hạ cấp này.

Xin các ông bà, anh chị em giáo dân cần cảnh giác về những thủ đoạn mà công an có thể sắp đưa ra. Người Công giáo đang cầu nguyện và tranh đấu là vì lẽ công bằng và có lý tưởng là tranh đấu vì công lý chứ không vì tư lợi cho bất cứ ai. Đó chính là sức mạnh cao cả và bất khuất của người dân Thái hà vậy.
 
Đôn-ki-hô-tê (Don Quixito) đánh Cối xay gió
Mê Linh
14:26 18/09/2008
Đôn-ki-hô-tê (Don Quixito) đánh Cối xay gió

1) Những kẻ ăn mày học thuyết:

Bất cứ nhà nước nào cũng phải được hình thành trên cơ sở một học thuyết về hệ tư tưởng nào đó. Hệ tư tưỏng tạo ra cách suy nghĩ, suy nghĩ được mô hình hoá, rồi bộ máy nhà nước mới được ra đời trong thực tế. Nửa đầu thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam chìm trong khủng hoảng bởi bị ngoại bang đô hộ. Căn nguyên của mọi thứ khủng hoảng là khủng hoảng về học thuyết hệ tư tưỏng. Các học thuyết tư tưởng của phong kiến đã lỗi thời, học thuyết hệ tư tưởng tư sản thì chưa đủ lớn mạnh ở Việt Nam, cũng chưa phù hợp với cách tư duy của đa phần người Việt nên không có sức tập hợp quần chúng.

Lúc đó học thuyết cộng sản đang nổi lên như một mô hình mới bởi nó đối lập với mọi tư tưỏng khác, đằng khác nó lập luận "Cướp của người giầu, chia cho người nghèo". Làm cho nó có vẻ đứng về phía đa số quần chúng lao động, dân nghèo. Chính vì học thuyết cộng sản đang "hợp thời" nên nó đã được mấy kẻ du thủ du thực, thất học, học vá - hành víu, vừa bắt gặp đã vồ lấy, rơi lệ mà reo lên rằng: Cứu tinh của chúng ta đây rồi.

Có lẽ lúc đó những người vô sản không thể hình dung ra được học thuyết cộng sản, với sự nô dịch tư duy, sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc cho quốc gia, dân tộc Việt. Quần chúng lao động lúc đó cũng không suy luận được rằng: Một khi nó dám cướp của người giầu - là những người có thế lực trong xã hội, thì người nghèo thấp cổ bé miệng nó có xá gì ? Khi đã có quyền lực, tài sản cướp được trong tay, với bản chất của kẻ cướp làm sao nó có thể thiết lập công bằng được? Hành vi thì vô luân, của thì trái lẽ, có mỗi cái mục đích nghe qua thì có vẻ là "tốt đẹp" thôi (?) Làm sao có thể thiết lập công bằng xã hội?

Những kẻ vô sản, trong đó có cả những kẻ lưu manh, tự đồng hoá sự vô sản của họ với tư cách đại diện cho đa số quần chúng vô sản. Bằng học thuyết cộng sản, với sự giúp đỡ của quốc tế cộng sản, và các quốc gia cộng sản hàng đầu như Liên Xô, Trung Quốc. Những người vô sản Việt Nam đã biến thành cộng sản và lên nắm quyền tại Việt Nam từ 1945. Với không biết bao nhiêu xương máu, tài sản, thời gian cơ hội. Của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Những người này, tự xuất thân của nó, hành vi của nó. Đều chứng tỏ nó không hề có hệ tư tưởng độc lập, nó cũng không hề được kế thừa, hay muốn kế thừa hệ tư tưởng truyền thống của tổ tiên. Vì thiếu học, thiếu tu dưỡng, nó cũng không có khả năng tiếp cận được những hệ tư tưởng nhân văn, nhân bản, tiến bộ của nhân loại. Những gì là đường, là sự thật. thì như ngọc trong đá, không phô trương, không dễ dàng có được.

Cho nên có thể kết luận: Những người vô sản lưu manh vồ lấy học thuyết cộng sản, là những kẻ ăn mày. ăn mày học thuyết - không muốn lao tâm khổ tứ để hình thành nên hay học theo một học thuyết nhân bản. ăn mày thì người ta chỉ cho bạc lẻ thôi. Nếu có cho đồng bạc cắc thì phải có mục đích gì đó, tỉ như trùm trộn cướp nuôi trẻ bụi đời làm nô lệ, làm tay sai trộm cướp.

2) Luật pháp, bộ máy hành pháp, nhân viên hành pháp chỉ là công cụ của học thuyết-tư tưởng:

Những ngày qua, xung quanh câu chuyện Thái Hà, người ta thấy cả bộ máy chính quyền, đến từng cán bộ công quyền của nhà nước đều cùng một giuộc. Kẻ xưa kia "nhận bàn giao" khu đất Thái Hà ai cũng biết nó đe doạ người bằng mọi thủ đoạn hèn hạ trong bóng tối. Hành vi là ăn cướp, nhưng nó che dấu, bằng những văn bản, mỹ từ, bằng mục đích cao đẹp "để dùng chung cho cả xã hội". Thậm chí bằng cả những thủ pháp lưu manh hạ đẳng: Làm giả giấy tờ, giả chữ ký.

Kẻ kế tiếp ngày nay tìm cách thủ lợi cá nhân, mua bán lòng vòng, chia ra các cổ phần, với các công ty cho có vẻ là "tài sản chung" mang tính "nhân dân". Khi không thể lừa dối được nữa, nó sẵn sàng trở mặt, tuyên bố quyền lợi bằng các quyết định "thu hồi" Dùng làm công viên.

Rồi họ dùng "chiến tranh tư tưởng" chụp cho Thái Hà rất nhiều trọng tội. Cứ nghe thôi, cũng thấy họ chưa bắt hết cả giáo xứ Thái Hà cũng đã là một sự nhân nhượng. Báo hình, báo viết, công khai làm giả phóng sự ngay trước giáo xứ, lộ liễu đến mức bị bắt quả tang, phải huỷ cả "thiên phóng sự truyền hình". Mặt phóng viên chường ra cho cả thiên hạ thấy được cái bản chất lưu manh lật lọng "lưu danh Internet nghìn năm" với công luận. Thế nhưng lạ thay, phóng viên Nhà nước cũng chẳng sợ có ngày quốc gia trở thành dân chủ tội làm phóng sự giả. Hậu quả là mất nghiệp. Và dù bằng chứng bắt quả tang phóng viên "Xào xáo - Làm hàng" được công khai vậy mà không thấy một cơ quan công quyền nào lên tiếng? Chuyện không có gì lạ trong xã hội cộng sản!

Kinh nghiệm cho thấy ngay tại thành phố Sài Gòn, có khu dự án công viên 200 Ha ở quận 2, giải toả đền bù cho dân mức cao nhất 2triệu đồng/m² thấp nhất 15.000đồng/m². Sau một hồi triển khai, từ mục đích công viên "để dùng chung" người ta thấy nó thành khu biệt thự ven sông giá bán đến tay người dùng vào khoảng 50Tỉ VNĐ/căn 450m² tiền thu được ngân sách có khoảng 5%, khoảng 40% thuộc về công ty cổ phần XXX, còn lại 55% nó được "converter -chuyển đổi" thành tiền (USD, EURO, AUD. ), thành vàng (Au 99,99%) trao tay trực tiếp cho Xếp XXX. Thấy vậy dân chúng tá hoả đi kêu kiện thì mời đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Và cũng có nhưng người bị lãnh một cái án gây rối, chống người xxx, phá hoại yyy, v.v... Sự việc này đã có nhiều báo nêu (Tờ Đại Đoàn Kết có vẻ mạnh mồm nhất – Đánh thẳng vào nguyên chủ tịch, đương kim bí thư thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải).

Và còn hàng trăm, hàng ngàn những chuyện bất công, tham nhũng, lừa dối của quan chức, của bộ máy nhà nước cộng sản. Gây nỗi hãi hùng in đậm trong tâm trí dân lành. Cho nên UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi khu đất nhà dòng Thái Hà "dùng vào mục đích chung" làm cho tu sĩ, giáo dân Thái Hà càng lo lắng. Họ nghĩ đến cảnh mất đất, mất nhà, mất tài sản, đi kêu kiện, đi kêu oan, kêu dã họng, kêu giòng giòng. thành gây rối, thành chống phá, thành tội đồ. Rồi tạm giữ, rồi xử phạt, rồi tạm giam. Ra toà. Vô khám. Vào trại. Đến khi ra chắc bạc tóc, mà "khu đất dùng vào mục đích chung ấy" nó thành cái gì gì chứ chắc chắn không thể thành "cái dùng chung" được. Thôi chẳng thà chết luôn trên mảnh đất của mình còn hơn! Và thế là hơi cay, dùi cui điện, bắt tạm giam. được công an áp dụng với giáo dân Thái Hà.

Nhưng tại sao cán bộ cộng sản lại hành xử bất lương, lại ăn cướp la làng, ngậm máu phun người, lộ liễu đến vậy? Không phải họ không biết tí gì về sự thật, về phải trái. Nhưng bởi vì cả bộ máy nhà nước được xây dựng trên cái học thuyết ăn cướp, nên nó chỉ đẻ ra được kẻ cướp mà thôi. Ai ăn cơm của nó, phải làm tôi nó. Người nào không chấp nhận, không có chỗ đứng trong bộ máy nhà nước. Phóng viên truyền hình, phóng viên báo viết, hay những công an là những kẻ ăn mày theo thủ pháp học thuyết cộng sản. Họ vì miếng cơm manh áo, nghe lệnh cấp trên, chứ nguyên lý căn bản của học thuyết cộng sản họ cũng chẳng biết đến nơi đến chốn đâu!

Nhà nước thì do học thuyết tư tưởng hình thành nên. Luật pháp thì do nhà nước làm ra. Nhân viên nhà nước, là những người được rèn luyện, được thẩm định phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp nhà nước, hành vi của nhân viên nhà nước là nhằm bảo vệ nhà nước, bảo vệ pháp luật. Suy cho cùng hành vi của nhân viên nhà nước là nhằm bảo vệ học thuyết tư tưởng đã xây nên nhà nước.

Cho nên có thể kết luận: Bộ máy nhà nước, nhân viên nhà nước, chỉ là sản phẩm, chỉ là công cụ của cái học thuyết cộng sản bất lương mà thôi. Muốn không có bộ máy bất lương, không có hành vi bất lương, thì phải gỡ bỏ cái học thuyết bất lương kia đi. Chứ không phải tranh luận đúng sai, kiện ra trước pháp luật với từng cá nhân, với từng hàng vi cụ thể của đảng viên, của nhân viên nhà nước. Nhà nước cộng sản rất tàn bạo khi nhân viên nhà nước làm trái bất kể là vô tình hay hữu ý. Nói như thế không có nghĩa phủ nhận vai trò rất quan trọng của việc đấu tranh với từng hành vi sai trái của nhân viên nhà nước trong tình cảnh hiện tại ở Việt Nam.

3) Đôn-ki-hô-tê (Don Quixito) đánh cối xay gió?

Trong vụ việc Thái Hà, có rất nhiều người, trong đó có cả giới luật sư, như luật sư Trần Lê Nguyên, tranh luận với hệ thống luật pháp nhà nước, với bộ máy hành chính nhà nước, phê phán nhận thức, phê phán hành vi quan chức nhà nước. Hay tranh luận với ông luật sư trưởng đoàn luật sư Hà Nội - Một đảng viên cộng sản - Một viên chức nhà nước trá hình. Như thế khác nào chàng Đôn-ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Chỉ có mỗi cái tinh thần "dám đánh" là đáng quí mà thôi. Cái cối xay gió nó vẫn thế, chẳng hề sứt mẻ, nó quay hay dừng là bởi gió chứ đâu phải bởi tinh thần "dám đánh" của Đôn-ki-hô-tê ?

Sự thực thì nhân viên nhà nước cộng sản, nhân viên trá hình của nhà nước cộng sản họ không có khả năng tư duy đúng vấn đề. Hoặc họ nhận biết được phần nào đó, nhưng không dám nói khác. Họ "nói vậy nhưng không phải vậy". Thành ra nói chuyện phải quấy với họ như nói chuyện sai đúng với thằng say.

Cho nên chỉ có thể thoại một cách đầy đủ, có kết quả với nhà nước, tranh luận tìm ra chân lý, thừa nhận đúng sai với nhân viên nhà nước khi:

• Nhà nước thừa nhận các chuẩn mực luật pháp quốc tế, và cho thi hành trên thực tế. Cụ thể, nó sửa hiến pháp cho phù hợp với các tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền mà liên hợp quốc đã ban hành.
• Các đạo luật, văn bản luật phải được xây dựng thống nhất với nhau, cái dưới tôn trọng nguyên lý của cái trên, cụ thể hoá, bổ sung cho nhau chứ không phải đối chọi nhau.
• Bộ máy nhà nước được xây dựng trên cơ sở luật pháp, chứ không phải do người cộng sản chia cho nhau nắm giữ, rồi phân phát lại cho những kẻ xu thời.
• Từ ngữ sử dụng và định nghĩa trong các văn bản pháp luật phải thống nhất cách hiểu theo từ điển. Không được giải thích từ ngữ theo ý riêng của đảng cộng sản.
• Bộ máy nhà nước cung như quan chức, nhân viên nhà nước phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật, không có một lực lượng nào lại được quyền "Hoạt động nghiệp vụ ngoài luật" như công an, quân đội. hiện nay.

Nếu thiếu các điều kiện nêu trên, mọi việc tranh luận, phân tích phải trái, đúng sai trong vụ việc Thái Hà, dù ở góc độ luật pháp hay ở góc độ nào. Đều không giải quyết được tận gốc. Những người trí thức dù có phân tích, nêu nên các luận cứ khoa học pháp lý tít tận bên Tây bên Tầu. Chẳng có mấy tác dụng. Cũng chẳng bằng hãy đến bên Đức Mẹ Thái Hà mà cầu nguyện. Hay không phải người Công Giáo thì có mặt tại đất Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà mà xem khu đất bị cưỡng chiếm, mà xem công an cộng sản uy hiếp, đánh người.

Đất mẹ đau thương, đang có thừa các nhà lý luận, nhưng vẫn thiếu những bà Hợi, bà Dung, bà Việt, ông Kiện, cô Nhi, anh Hùng, anh Hải, anh Năng. Mặc cho công an cộng sản bắt bớ vì thờ Chúa, vì khát khao công lý vĩnh cửu của Chúa, quyết không xu thời, quyết không run sợ. Lậy Chúa xin cho con cũng được như vậy!
 
Công an để mặc cho du côn phạm thánh làm ô uế bàn thờ Đức Mẹ Thái Hà
PV VietCatholic
14:52 18/09/2008
THÁI HÀ - Khi chúng tôi ngồi viết những dòng tin này về Thái Hà, thì đồng hồ điểm 1h sáng ngày 19.9 và chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ Thái Hà. Người gọi điện thoại cho biết, tại linh địa lúc này đang xảy ra chuyện xấu.

Hai thanh niên lực lưỡng mang một xô dầu mỡ trộn lẫn mắm tôm hắt lên tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn. Mấy cụ già canh giữ linh địa chứng kiến cảnh ảnh tượng Chúa và Mẹ của mình bị xúc phạm nặng nề, liền chạy vội ra chỗ mấy chú công an đang ngồi chơi cờ tướng để trình báo sự việc và đề nghị bắt giữ hai thanh niên vừa có hành động xấu xa, nhưng các chú công an lặng thinh, không trả lời gì.

Hôm qua ngày 18/9, Trong khu vựa linh địa, các công nhân của công ty may Chiến Thắng mang rác, thậm chí cả giấy vệ sinh, đổ xung quanh tượng đài Đức Mẹ Mân Côi. Chịu không nổi, một bà cụ lom khom bước tới, rớm rớm nước mắt, nói khá gay gắt với hai cô công nhân: “Chúng mày có còn là người nữa không!” Nói thế rồi, bà cụ ngồi xuống vơ vội những giấy vệ sinh vào một cái bao tải, rồi đem đi đốt.

Những hình ảnh xúc phạm Tượng Thánh:



Công nhân hãng may Chiến Thắng cũng xả rác và đồ ô uế bừa bãi gần khu bàn thờ ngày và đêm qua:

 
Cần có vài điều với tờ SGGP
J.B Nguyễn Hữu Vinh
16:27 18/09/2008
CẦN CÓ VÀI ĐIỀU VỚI TỜ SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Những điều báo SGGP không bao giờ hiểu được

Trên báo Sài gòn giải phóng online ngày 14/8/2008 có bài viết: “Đã đến lúc kết thúc vụ vi phạm pháp luật ở khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội)” của tác giả Văn Phúc. Bài báo ngắn, nhưng có nhiều điều khuất tất, có nhiều câu loạn ngôn và có nêu những điều khó hiểu. Bài báo viết:

”- Điều kỳ lạ ở chỗ, những người đang tụ tập tại địa điểm này lại không hẳn là giáo dân của Giáo xứ Thái Hà. Lẽ nào, giáo dân ở các giáo xứ mãi tận tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa… trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số… lại tìm về tận Giáo xứ Thái Hà của Hà Nội để đòi mở rộng khuôn viên nơi thờ tự? Chính họ cũng thừa hiểu rằng, có đòi được đất thì họ cũng chẳng bao giờ có điều kiện về tận đây để hành lễ, cầu nguyện.”

Đúng, có những điều tác giả không thể hiểu được, báo SGGP sẽ không bao giờ có thể hiểu được nếu vẫn với tư duy của mình là “vật chất quyết định ý thức” như lý thuyết của Chủ nghĩa Mác – Lê nin đã từng nói. Những giáo dân đó cũng rất hiểu điều bạn hiểu “có đòi được đất thì họ cũng chẳng bao giờ có điều kiện về đây để hành lễ, cầu nguyện” . Họ hiểu lắm chứ, và với họ, hiểu điều này thật đơn giản.

Những giáo dân đó, họ từ miền xa đến, họ từ nhiều nơi đến. Nhưng khi đến bất cứ nơi đâu có Thánh đường, có giáo dân, họ đều có cảm giác về nhà mình, và khi đến đó, họ sẵn sàng bảo vệ những giá trị văn hóa và tài sản của giáo hội bằng tất cả khả năng mình có thể.

Khi đến đó, họ được sống trong tình yêu thương chân thành của sự thật, của những người anh em, của chính tình cảm cha con trong một gia đình. Họ đã nguyện rằng: “Xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”

Bởi vì họ có niềm tin. Họ biết rằng họ có chính nghĩa và đang đòi lại sự công bằng, công lý mà họ có nghĩa vụ phải làm nhân chứng, làm muối đất, làm ánh sáng. Họ sẵn sàng hi sinh bản thân, để cho những niềm vui đến cho mọi người khác, họ muốn “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Bởi vì đơn giản họ là Người Công Giáo.

Bạn biết đấy, không chỉ giáo dân từ nơi xa, mà ngay cả những giáo dân của Giáo xứ Thái Hà, cũng không bao giờ hi vọng khi đòi được đất đó sẽ được chia chác mỗi người năm bảy tấc đất dù chỉ để gửi nắm xương tàn của mình.

Ngay cả các tu sĩ, các linh mục mà được hệ thống truyền thông biêu riếu, kết tội suốt mấy tháng qua, họ cũng chẳng được gì cho mình, họ chỉ ở vài năm lại đi đến nơi nào cần họ, không được chia đất làm nhà, không có vợ con để làm của hồi môn, của để dành.

Nhưng họ đã chấp nhận tất cả, để sự thật được rõ ràng, để công lý được thực thi, ánh sáng của chân lý được tỏ hiện, được sáng lên. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Có thể bạn và báo SGGP sẽ không hiểu căn nguyên nào làm cho những người chân yếu tay mềm kia lại có thể bất chấp tất cả, bất chấp bạo lực, đe dọa tù đày… để làm những công việc mà bạn có thể nói là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Tất cả những điều đó, có căn nguyên là Niềm Tin. Niềm tin của họ vào Thiên Chúa là tình yêu thương, là chân lý, là ánh sáng, là Sự thật. Đó là niềm tin của tinh thần người Công giáo.

Những người Công giáo có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của mình, họ bất chấp những đau khổ, bất chấp thiệt thòi và bạo lực cho bản thân, miễn là Sự thật và Công lý được sáng lên, được thực thi. Đó là những hi sinh, những chấp nhận mà những người như tác giả Văn Phúc và Báo SGGP sẽ không bao giờ hiểu được.

Bạn sẽ không bao giờ hiểu được niềm tin có sức mạnh như thế nào. Có những niềm tin trong sáng, mạnh mẽ có sức mạnh lâu dài và làm cho thế giới ngày càng hoàn thiện hơn, càng tốt đẹp hơn. Niềm tin đã biến quỷ dữ thành con người, đã biến thù thành bạn, biến bạo lực thành hòa bình.

Tiếc thay, vẫn có những niềm tin ngu muội vào vật chất, vào bạo lực, vào những thứ đen tối, ích kỷ của cá nhân. Niềm tin đó đã đưa xã hội vào chỗ suy đồi, con giết cha, cháu giết bà, học sinh đánh thầy giáo, thầy giáo cưỡng bức học sinh… dần dần biến xã hội thành một bầy thú với bản năng sinh tồn mà thôi. Tất cả những điều đó cũng do niềm tin vào sức mạnh của vật chất quyết định ý thức. Đó là thứ niềm tin làm băng hoại xã hội, tin vào những điều dối trá và bạo lực.

Tôi tin nếu là bạn, là báo SGGP, khi những chuyện không mắc mớ đến quyền lợi vật chất của mình, nếu có những chuyện khó khăn, bạo lực, đe dọa, thì dù bất cứ là với tài sản cơ quan, tài sản đất nước, lãnh thổ quốc gia, mà bạn không được hứa hẹn chia chác như những giáo dân kia, chắc các bạn cũng chuồn sớm.

Nhưng bạn và báo SGGP đã nhầm, không phải khi nào những ý nghĩ ích kỷ của mình, cũng là những ý nghĩ của người khác. Những giáo dân kia, có thể họ nghèo, họ ít học, nhưng tâm hồn họ cao và sáng hơn nhiều những tâm hồn ích kỷ.

Đó sẽ mãi mãi là những điều lạ lùng mà chắc tác giả và báo SGGP cũng không bao giờ hiểu được.

Tình thương đặt chưa đúng chỗ hay những giọt nước mắt cá sấu

Bài báo viết tiếp: - “Gần 1 tháng nay, nhiều người đã kiệt sức rồi. Nhìn họ thật đáng thương và nếu các linh mục nhà thờ Thái Hà có lương tâm và trách nhiệm thì các vị sẽ không để những con chiên của mình phải vất vả nhường ấy. Còn những giáo dân tội nghiệp kia, họ nghĩ gì? Càng xót xa hơn khi họ vẫn chưa biết rằng mình đã và đang tiếp tục bị lợi dụng, lừa mị”.

Xin cảm ơn những người đã có “lòng thương” đến những người giáo dân ở Thái Hà, quả là con người dù giả dối cũng có những lúc biết xúc động. Nhưng tình thương nên đặt đúng chỗ thì hơn.

Chẳng hạn, báo SGGP chắc sẽ thuyết phục hơn, khi thương những người dân Tiền Giang, Đồng Nai và các tỉnh khác kéo về khiếu kiện đất đai ở trước Văn phòng quốc hội phía Nam có những người không chỉ gần 1 tháng, mà cả chục năm. Báo SGGP biết rõ họ hơn những giáo dân ở Thái Hà. Những giáo dân về Thái Hà dù điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ đang được sống trong những ngày đầy đủ tình yêu thương. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến, được vất vả như những việc cần thiết, như cái giá phải trả có công lý và hòa bình.

Ở đó, họ biết các tu sĩ, linh mục cũng đang ngày đêm vất vả với họ, vì quyền lợi của giáo hội cũng chính là của họ. Không như những người dân oan đã nói trên, đã phải vất vưởng kiếm sống nơi đô thành xa lạ để khiếu kiện mà chưa biết đến bao giờ đến được cửa công quyền. Trong khi những người đầy tớ của họ đang ngồi máy lạnh, ăn nhà hàng…

Sao bạn và báo SGGP không nói với công luận một điều để cho đời những người dân khiếu kiện đó đỡ phần nào bất hạnh? Dù họ đang ở nơi chỉ cách Tòa soạn báo SGGP chỉ mấy đoạn đường? Sao tận SG lại khóc mướn cho những giáo dân Hà Nội này. Phải chăng, SGGP đang sợ một ngày nào đó, những ánh sáng công lý sẽ được đốt lên sự thật và chiếu sáng mãi tận Sài Gòn chăng?

Nếu những giọt nước mắt kia là thực tâm, hãy kêu gọi cho những người dân đó, kể cả giáo dân ở Thái Hà đến cơ quan công quyền rằng: Hãy thực thi công lý, giải quyết ngay những vụ việc bằng chính Hiến pháp và pháp luật. Hãy chứng minh rằng, nhà nước này thật sự là nhà nước pháp quyền. Rằng nền dân chủ này chỉ cần bằng dân chủ tư sản, chưa cần gì gấp triệu lần như đã từng tuyên bố. Xin đừng giải quyết vụ việc bằng dùi cui, bằng súng đạn, hơi cay và nhà tù đối với những người cầu nguyện ôn hòa, với nhân dân của mình, vì đó là con đường không có lối ra.

Còn lừa mị ư? Xin bạn hãy xem lại khái niệm này, bởi nó không có ở đây, đừng áp đặt những hành động của mình cho người khác, đó là sự xúc phạm đến những giáo dân kia.

”- Không dừng lại ở đó, những kẻ chủ mưu còn lôi kéo, mời gọi các chức sắc tôn giáo ở các giáo xứ, giáo phận khác kéo về Thái Hà, tràn vào khu đất chẳng phải là một giáo đường, thánh thất tôn nghiêm để nguyện cầu, hành lễ, cổ xúy cho giáo dân tiếp tục dấn sâu vào việc vi phạm pháp luật.”

Điều này thì báo SGGP đã nhầm đối tượng, kẻ lôi kéo giáo dân khắp nơi đổ về Thái Hà như hiện nay, chính hệ thống truyền thông là thủ phạm, mà trong đó SGGP góp công rất lớn.

Những người đó về Thái Hà, khu đất đó chưa là một giáo đường, nhưng đất đó đã được Thánh hóa, đất đó đã là đất Thánh. Khu giáo đường ở đó, nếu không vì nạn đói năm 1945 mà số tiền đã phải dùng cứu trợ người dân, thì ở đó đã là một giáo đường hùng vĩ. Nếu thời thế không có những biến loạn đau đớn, thì ở đó sẽ là nơi của những người đau khổ đến trú ngụ và được an ủi.

”- Trên cơ sở pháp luật, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi toàn bộ mảnh đất mà các linh mục của nhà thờ Thái Hà đang tranh chấp để chuyển sang xây dựng các dự án phục vụ lợi ích công cộng.Trò chuyện với PV Báo SGGP, nhiều giáo dân ở chánh xứ Thái Hà bày tỏ hoàn toàn ủng hộ quyết định đó.”

Nếu UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi khu đất, và chuyển sang cho Nhà thờ để xây dựng dự án phục vụ lợi ích công cộng là Nhà thờ, nhà nguyện, là nơi dành chăm sóc những người nghèo như giáo xứ Thái Hà đang đòi hỏi, thì điều bài báo nói trên đây hoàn toàn đúng. Giáo dân Thái Hà và khắp nơi sẽ ủng hộ quyết định này.

Nhưng, nếu như vẫn bổn cũ soạn lại là làm đường, làm công viên… như ý định của TP khi không thể để dự án cho Công ty Phú Điển chia lô bán nền được thực hiện vì giáo dân đã phát hiện, thì việc này hoàn toàn ngược lại. Và với ý nghĩa đó, thì điều này, chắc chắn báo SGGP đã bịa đặt, sao báo lại không nêu rõ danh tính những giáo dân nào đã bày tỏ như thế xem họ là ai? Có là giáo dân ở Thái Hà hay không? Hay đó là những giáo gian mà Công an Hà Nội đã mời đến hôm 5/9?

”- Đã đến lúc chính quyền cần phải xử lý nghiêm khắc, đưa những đối tượng chủ mưu ra trước ánh sáng pháp luật. Đó cũng là điều mà nhân dân chờ đợi, để kết thúc vụ cố tình gây rối an ninh trật tự tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà hiện nay.”

Điều này, giáo dân Thái Hà hoàn toàn nhất trí và đã đề nghị đến 12 năm nay. Chính quyền, nhà nước cần phải trừng trị nghiêm khắc, những kẻ đã cố tình biến không thành có, biến khu đất của Nhà thờ thành đất tư nhân để chia chác mà không có cơ sở pháp luật, những kẻ chà đạp lên lợi ích cộng đồng, lợi ích nhân dân được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Tất cả những vấn đề lộn xộn hiện nay, đều từ việc không chấp hành nghiêm chỉnh những gì đã được Hiến pháp và pháp luật quy định là “nơi thờ tự của các tôn giáo phải được nhà nước bảo hộ” .

Phải trừng trị và dẹp bỏ cách làm việc vô nguyên tắc luật pháp, làm ngược quy trình pháp luật như lời ông Phó Giám đốc Sở TN Môi trường và Nhà đất Hà nội nói sáng 17/9/2008 là: “nhà nước có chủ trương, rồi thực hiện, rồi sau đó mới ra thông tư, nghị định…” để giải thích cái văn bản về đất Thái Hà đã được giao cho Xí nghiệp Thảm len ngày 30/1/1961, rồi nói rằng linh mục Bích giao đất cho nhà nước vào ngày 24/10/1961 để thực hiện Thông tư số 73 ngày 7/7/1962 của Thủ tướng chính phủ?

Chắc rằng, trên thế giới này, và trong đất nước này không ai có quy trình làm việc của nhà nước như ông Phó Giám đốc sở này đã sáng tác ra nhằm bào chữa cho những điều sai trái lộn xộn trong các văn bản được đóng dấu quốc huy.

Chính những cách làm việc ngược đời đó đã gây hậu họa cho nhân dân, giáo dân cũng như các cơ quan công quyền, các cơ quan luật pháp hiện nay. Những cách làm việc đó của những người hưởng lương do nhân dân đóng góp, phải bị trừng trị.

Và một điều dễ thấy, những sai trái nào, cũng phải đến lúc sửa chữa, và khi sửa chữa, cần tính đến lợi ích của cộng đồng, của nhân dân mà không phải vì bất cứ lợi ích của một nhóm nhỏ nào trong đó.

Hà Nội, Ngày 19 tháng 9 năm 2008
 
Con gái Thái Hà
Tuyết Mai Texas
16:54 18/09/2008
CON GÁI THÁI HÀ

em mãi la lên
em mãi gào lên
sao tiếng em
vọng tới trời cao
dội lại?
như có tiếng trách em hư đời con gái
chẳng gìn giữ tấm thân
đánh mất không chỉ có một lần…

nhưng
em mãi la lên
em quyết lòng lấy lại
bởi những ngày thơ ngây ấy
thân tơ liễu mong manh
em chao đảo chòng chành
trước cơn sóng vô thần nỗi loạn

người hại em không là thù, nhưng chưa thể là bạn
rất cuồng ngông dù một thoáng hư danh
tham lam lắm, nay cũng tan tành
tay đang nắm nắm tro tàn, tự diệt

toàn thân khốc khô đến hồi bại liệt
vẫn cố tình đạp mũi nhọn thần thiêng
vô luân thường, vô đạo lý,
đất chẳng kiêng, trời cũng chẳng kiêng
thách thức nhân loại, thách cả trời cao, địa ngục

có phải người không hay loài lục súc
sống để ăn, để khoái lạc bản thân
em hét lên xa, em hét lên gần
xin cho ngợm ra người có trí khôn trí hiểu

chân thiện mỹ trên trần gian không thiếu
chỉ vì u mê thèm khát cái hư vong
có nhớ không “phụ trái, tử hoàn”
đời con cháu còng lưng trả nợ

em mãi gào lên cho trời long, đất lở
trả lại em cái nguyên vẹn thưở xưa
thưở rồng tiên dũng lạc lộc như mưa
người với đất chịu ơn Trời cao cả

em mãi gào lên cho ngợm lì thay dạ
biết về đâu là nguồn cội nhân sinh
biết cúi đầu chúc tụng và tôn vinh
Đấng dựng nên con người và trái đất

Đấng công bình luôn luôn là sự thật
là đường đi là lẽ sống vĩnh hằng
là hạnh phúc cho cả toàn dân
khi quyết chọn chính Ngài là gia nghiệp…
 
Báo Hà Nội Mới lại bịa tin tức một cách trắng trợn!
Mai Hoàng Lâm
18:47 18/09/2008
SYDNEY- Báo Hà Nội Mới Bịa Tin Một Cách Trắng Trợn Không riêng gì tôi mà tất cả mọi người trong nước cũng như ngoài nước vẫn thường xuyên theo dõi tin tức về sự kiện của Giáo Xứ Thái Hà mà Mạng Luới VietCatholic đã đăng tải đầy đủ những tin tức có bằng chứng xác thực: Hình Ảnh, Video, Truyền Thanh v..v. Ngược lại thì tờ Báo Hà Nội Mới thì lại đăng tin một cách lừa bịp trắng trợn. Tôi xin dẫn chứng bài báo HNM đăng ngày thứ Năm 19/08/2008 (GTM+7) với tiêu đề: "Việc làm của giáo xứ Thái Hà trái cả luật đời, luật đạo" ngày 18/09/2008 15:27 như sau:

"(HNMO) - Bất chấp những thiện chí từ phía chính quyền, một số giáo dân và linh mục giáo xứ Thái Hà tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật. Những việc làm này đang ngày càng gây ra sự công phẫn trong dư luận. Hànộimới Online xin trích đăng một số ý kiến mới nhất mà bạn đọc gửi về qua thư điện tử.

"Đừng đi theo vết xe đổ mà tôi đã đi"

Đó là tiêu đề lá thư mà bạn đọc Võ Duy Cường ở 63Newcombe-dr st Albans-vic3021, Australia, email: cuongduyvo@yahoo.com gửi về Hànộimới Online. Bạn viết: "Tôi là một Việt kiều Australia, vì dại dột nên đã lỡ chân sang đến bên này. Bây giờ, tôi rất muốn về Việt Nam sinh sống, để lại được cống hiến sức lực của mình, bù đắp những sai lầm của tôi đối với nơi chôn rau cắt rốn của tôi ở Bạc Liêu nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Thời gian qua, về thăm Việt Nam, thăm thủ đô Hà Nội, thăm Lăng Bác, đi Vịnh Hạ Long... tôi thấy cảnh vật tại quê hương thật đẹp và an bình, không có bạo động, không có chuyện xâm hại đến nhân quyền như tôi thường thấy một số ít người Việt vẫn hay nói tại Australia".

Cũng trong thư, bạn Cường viết: "Chuyện một số giáo dân ở giáo xứ Thái Hà đã a dua theo một số linh mục làm những điều sai trái. Bà con giáo dân có biết đâu là đã vô tình tiếp tay cho một số ít kẻ thù của đất nước, quấy phá nơi bà con đang sống, làm ảnh hưởng đến sự an bình của đất nước! Tôi thấy bà con giáo dân cần phải tỉnh táo trước những thế lực phản động trong và ngoài nước... Cuộc đời tôi, một sai lầm lớn nhất là đã vượt biên, phản bội lại Tổ quốc. Nỗi niềm đó tôi day dứt không nguôi, nay một số giáo dân có những hành động như vậy, có khác nào giống tôi, phản bội lại chính quê hương của mình? Tôi hối hận đã muộn, còn bà con giáo dân vẫn còn thời gian để sửa lỗi lầm này, hãy dừng ngay việc gây rối, hãy là những con chiên yêu chúa sống tốt đời đẹp đạo".


Tôi xin nêu một sự dối trá của Báo HNM không biết kiếm đâu ra cái địa chỉ của tên đường 63Newcombe-dr st Albans Vic.3021 Australia?. và cái tên Võ Duy Cường. Ở tiểu bang Victoria (Melbourne) Bên Úc các tên đường thường viết tắt như Street = St. Avenue=Ave. Road=Rd. Drive=Dr. Thí dụ đường Elizabeth Drive chữ Dr. nằm riêng có khoảng cách phân biệt chứ không có gạch ngang nối liền với Danh Từ riêng Elizabeth-dr. Quý vị nào ở bên Úc cũng đều nhận thấy sự sơ hở dối trá của Báo HNM có khôn mà lại không có ngoan. Chỉ nội điểm này thôi là cũng đủ vạch trần những mánh khoé lừa bịp của Báo HNM.

Qua phần thứ 2 tên Võ Duy Cường viết than thở là đã dại dột nên lỡ chân sang đến bên này. Vậy thì lúc về Việt Nam đi thăm Thủ Đô Hà Nội, thăm Lăng Bác, thăm Vịnh Hạ Long tại sao không ở luôn bên Việt Nam để đóng góp cống hiến cho Đảng và Nhà Nuớc mà còn quay về bên Úc làm gì để rồi mãi tới bây giờ mới than thở là Cuộc đời tôi, một sai lầm lớn nhất là vượt biên, phản bội lại Tổ Quốc….(Có ai tin lời nói này không ?) Một con người dù có ngu dại cách mấy cũng có sự suy xét chọn lựa, không có ai chọn sự cực khổ gò bó và tù túng. Thậm chí nếu cây cột đèn biết đi thì chắc chắn cũng sẽ đi khỏi cái đất nước không có Công Lý – Nhân Quyền đã và đang bị bóc lột đàn áp bởi chế độ độc Đảng cai trị. Đọc bài viết của cái tên Võ Duy Cường đối với những người ở trong nước chắc chắn họ sẽ cười, không cười cho tên Võ Duy Cuờng mà là cười cho tờ Báo Hà Nội Mới bịa đặt qúa ngây thơ ấu trĩ.

Một sự sở hở kế tiếp, bất cứ người nào đi vượt biên tìm Tự Do thì không khi nào dùng từ Phản Động để viết lách (ngoại trừ những tên Võ Duy Cường là VC nằm vùng). Bởi vì 2 chữ Phản Động xuất xứ từ đâu ra, chắc mọi người cũng đã dư biết rồi? Hơn nữa HNM tính già hóa ra non, tưởng bên xứ Úc không có ai hết, nên muốn bịa đặt sao cũng được, miễn là làm tròn bổn phận chức năng mà Nhà Nước đã giao phó.

Qua phần thứ 3 là báo HNM nêu một số Tên không biết thật hay giả để đánh phá đả kích Giáo dân Thái Hà qua những bài viết đăng trên HNM. Nhưng khi gởi Email kiểm chứng thì lại bị dội ngược bởi vì không có, nên Server Email cũng phải bó tay luôn.

Như các tác giả khác đã loan tin trên VietCatholic nói là những Tên, những địa chỉ Email, viết đăng tin Phản Hồi trên các Báo ở VN đều là tên giả tự nhà Báo bịa đặt ra nên tôi cũng không nói thêm làm gì.

Nhận xét cuối cùng của tôi là những tin tức đăng trên Báo Hà Nội Mới hoàn toàn là sự ngụy tạo bịa đặt để qua mặt người dân ở Việt Nam. Vì Báo Chí Truyền Thông bên Việt Nam biết dân chúng không thể nào vào được trang Website của VietCatholic lý do là bị bức tường Lửa (Fire Wall) ngăn chận (trừ một số người biết cách vượt tường lửa, và những người nhận được tin tức của VietCatholic qua hế thống email). Nên nhóm Truyền Thông Nhà Nuớc Việt Nam tha hồ tung tin vẽ rồng vẽ phụng che lấp sự thật muốn nói sao thì nói chẳng có hại gì cả, ngược lại còn được sự khen thưởng của Đảng và Nhà Nước. Trở lại sự kiện Giáo xứ Thái Hà thì chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria LaVang từ ái chúc lành cho Giáo xứ Thái Hà và an ủi những người bị đánh đập, bắt bớ tù đày vì Niềm Tin, Công Lý và Sự Thật.

Sydney Úc Châu, ngày 18/9/2008
 
Thư hiệp thông của DCCT Đà Lạt
DCCT Đà Lạt
19:32 18/09/2008
Kính thưa cha Bề trên, quý cha và bà con giáo dân Thái Hà.

Từ khi nhận được tin tức về tình trạng khó khăn ở Thái Hà và về những cuộc cầu nguyện thiết tha của cha Bề trên, quý cha và bà con giáo dân, anh em nhà Đà lạt đã hàng ngày hợp ý cầu nguyện và cùng với bà con giáo dân trong giáo xứ nài xin Mẹ Hằng Cứu Giúp đoái nghe nguyện vọng chính đáng của quý cha và bà con, nhất là từ hôm cha Giám tỉnh có thư xin các cộng đoàn làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ.

Cững từ khi đó, sự việc và tin tức về Thái Hà là đối tượng hàng đầu trong sự chú tâm, theo dõi, hỏi han của anh em trong cộng đoàn. Hơn bao giờ hết, anh em chúng tôi cảm nghiệm bổn phận thiêng liêng đối với Mẹ Tỉnh Dòng, sau nhiều năm mình từng là con cái, được sống trong lòng Tỉnh Dòng, được lãnh nhận tình thương và sự săn sóc ân cần của Mẹ Nhà Dòng. Nhà Dòng đúng là đại giađình thân thiết của mỗi anh em và niềm vui của Nhà Dòng cũng là niềm vui của anh em, nỗi lo nỗi buồn của nhà Dòng hoặc của mỗi cộng đoàn khác cũng là nỗi lo nỗi buồn của anh em. Sáng chiều hàng ngày, chúng tôi luôn nhớ đến quý cha và bà con giáo dân Thái Hà trong lời cầu nguyện.

Theo dõi diễn tiến sự việc anh em chúng tôi thật cảm kích trước tinh thần sốt sắng cầu nguyện, sự keo sơn hiệp nhất, và sức chịu đựng gian khó của quý cha và bà con. Anh em xin hiệp thông và đồng tình với thái độ của quý cha và bà con, là ôn hoà, hiền dịu, bày tỏ nguyện vọng chính đáng được trông thấy công lý tỏ hiện, là không hề có một ý định coi thường pháp luật, nhất là phản động, chống đối chế độ.

Trong khi đó, theo phát biểu, quan điểm của một số viên chức cũng như các bản tin, các bài viết trên báo đài, anh em thấy phía chính quyền vẫn tiếp tục đi vòng quanh sự thật, thậm chí còn ở khá xa sự thật của vụ việc. Sự kiện này khiến nhiều người lo ngại cho những khó khăn mà quý cha và nhiều bà con sẽ phải trải qua. Có điều, đối với niềm tin của chúng ta, chính những đau khổ gian nan sẽ là đường dẫn đến vinh quang.

Khi nghĩ đến quý cha và bà con, anh em chúng tôi cũng nhớ đến linh đạo và đặc sủng của Dòng chúng ta: đó là chúng ta rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó và để người nghèo khó rao giảng Tin Mừng cho chúng ta. Những ngày này, chắc chắn quý cha, bà con và mọi anh em trong Dòng đều thấm thía về đặc sủng và đường hướng này của Dòng.

Chúng tôi còn nghĩ thêm một khía cạnh nữa: quý cha và bà con đang là “lớp tiên phong của người nghèo, của hạng người khát khao công lý và hạnh phúc”, giống như trong đoàn kiệu từ nhà thờ ra linh địa Đức Bà, quý cha và bà con đang đi ở những hàng đầu tiên. Theo nghĩa đó sự hiện diện và dấn thân của quý cha và bà con là chỗ dựa cho hạng người nghèo khó (hiểu theo nghĩa rộng là: nghèo vật chất, bất lực,thấp cổ bé họng, bị chèn ép, bị mất mát, bị lép vế… trong xã hội) – tháí độ can đảm và kiên trì của quý cha và bà con là niềm hy vọng cho họ - gương chuyên cần cầu nguyện, sống đạo đức, ôn hoà, hiền lành, phó thác mọi sự cho Đức Mẹ là xác tín cho họ: xác tín rằng thế nào họ cũng trông thấy đường lối của Thiên Chúa tái diễn, đó là Thiên Chúa dùng những con người tầm thường, những phương thế bé nhỏ đối với thế gian để thực hiện những điều lớn lao, vượt ngờ tưởng của mọi người.

Một lần nữa, anh em chúng tôi xin khẳng định: quý cha, bà con và sự việc Thái Hà luôn ở trung tâm lời cầu nguyện và sự quan tâm hàng ngày của chúng tôi, anh em nhà Đà Lạt và bà con giáo xứ Tùng Lâm. Nguyện xin Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp chúc lành cho quý cha và bà con.

Gioan Nguyễn Xuân Thu

Antôn Trần Thế Phiệt

Giuse Trần Cao Chỉ

Phêrô Đặng Văn Lượng
 
SOS: Chính quyền đưa máy móc cơ giới đang phá toàn bộ khu vực Toà Khâm Sứ Hà Nội
PV VietCatholic
21:00 18/09/2008
TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI - Sáng sớm nay, 19/09/2008, như thường lệ, sau thánh lễ sớm, bà con giáo dân giáo xứ chính tòa lại cùng nhau sang Tòa Khâm sứ cầu nguyện với Mẹ Sầu bi, mong cho Công lý và Hòa bình sớm triển nở trên quê hương Việt Nam. Nhưng sáng nay, lời kinh tiếng hát họ bị chặn lại trên đường đi tới Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý.

Hình ảnh phá Tòa Khâm Sứ

Chính quyền Hà Nội đưa hàng trăm công an và cảnh sát đến bao vây khu vực Toà TGM Ha Nội. Tiếp đó các máy cơ động đã kéo đến Tòa Khâm sứ. Hai đầu phố Nhà Chung bị cô lập bởi lực lượng cảnh sát cơ động với dùi cui và súng ống, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các trường học xung quanh khu vực đóng cửa kín mít. Ngoài cổng trường dày đặc các nhân viên an ninh.

Công an cũng nghiêm cấm quay phim, chụp hình, cấm tất cả những ai lai vãng tới "công trường thi công" của họ.

Các báo đài quốc doanh đã đánh hơi được từ rất sớm và cũng đã kín đặc. Tòa Khâm sứ trong chốc lát bỗng trở nên “công trường đang thi công”. Bức tường rào đã bị đổ xuống. Cả khu vực bị khuấy động bởi tiếng máy xúc, máy ủi, máy hàn…

Các linh mục thuộc Tổng giáo phận cho biết "Chúng tôi đang sống trong một không khí cực kỳ căng thẳng!"

Xin anh chị em Công giáo khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt, cho các linh mục và giáo dân Tổng giáo phận Hà Nọi được bình an.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức trong các tin tiếp theo. Chúng tôi có video, đang còn edit để đưa lên Net.

 
Hành động phá Tòa Khâm Sứ sáng nay được Thiếu tướng Nhanh chỉ huy
PV VietCatholic
21:53 18/09/2008
HÀ NỘI - Trong video này chúng tôi thấy tướng Nhanh là người đứng điều khiển việc phá Tòa Khâm Sứ. Ban sáng nay, chính quyền Hà Nội đưa hàng trăm công an và cảnh sát đến bao vây khu vực Toà TGM Ha Nội. Tiếp đó các máy cơ động đã kéo đến Tòa Khâm sứ. Hai đầu phố Nhà Chung bị cô lập bởi lực lượng cảnh sát cơ động với dùi cui và súng ống, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các trường học xung quanh khu vực đóng cửa kín mít. Ngoài cổng trường dày đặc các nhân viên an ninh.

Nội bất xuất ngoài bất nhập tại Tòa Khâm sứ

Bây giờ là 9h tại Tòa Khâm sứ. Các hàng rào phía trước đã được cắt bỏ toàn bộ. Lực lượng cảnh sát cơ động đứng giàn hàng ngang ở hai đầu đường dẫn vào tòa Khâm sứ với hàng ráo song sắt nhọn hoắt. Bất cứ ai đi qua cũng đều bị chặn lại. Ngay cả phụ huynh dẫn con đến trường cũng bị ngăn cản. Những em bé bị chia cắt khỏi bố mẹ sợ quá, khóc hết nước mắt. Nhưng cảnh sát cơ động vẫn dứt khoát không cho phụ huynh dẫn bé vào trường.

Dù bị ngăn cấm rất ngặt, nhưng một bà cụ vượt qua mọi ngăn cản, đến bên tượng Đức Mẹ Sầu Bi để cầu nguyện với Mẹ. Giáo dân phải đứng trong Tòa Giám Mục và ở đầu đường cầu nguyện. Họ cũng rất cương quyết đứng đó, dù không được nhìn thấy tượng Mẹ. Những chiếc xe ủi ngăn cản tầm nhìn của họ.

Dù bị ngăn cản rất gắt, nhưng một linh mục vẫn vào được bên trong. Các nhân viên cảnh sát đề nghị vị linh mục này không được quay phim chụp hình, với lý do là công trình đang thi công.

Linh mục hỏi lại: “Tại sao các ông kia (mấy công an chìm) vẫn đang quay phim mà không bị ngăn cản”.

Một viên cảnh sát trả lời rất ngộ nghĩnh: “Chúng tôi cũng chẳng biết nữa. Phận sự của tôi chỉ ở chỗ này thôi, bác ạ”.

"Nếu bác không cho tôi chụp hình, thì vui lòng viết cho tôi cái giấy rằng các bác cấm cản tôi” – Vị linh mục đề nghị với mấy nhân viên cảnh sát đang gây sự với ngài. Không nói không rằng gì thêm, mấy nhân viên cảnh sát cố đẩy vị linh mục vào trong Tu viện của mấy souer Mến Thánh Giá.
 
Cập nhật tin: Người Công giáo khắp nơi đang tuốn về bảo vệ Tòa Khâm Sứ
Tiếng kêu cứu
23:16 18/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Bây giờ là 9h30 tại Tòa Khâm sứ. Các chủng sinh của Đại chủng viện Hà Nội kéo ra khá đông. Họ đang cùng với giáo dân cầu nguyện với lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ nhân…”

Chúng tôi cũng đã thấy các linh mục giáo phận Hà Nội cũng đã trở về Tòa Giám mục cũng rất đông đảo.

Trong giờ phút lịch sử này, chúng tôi đề nghị toàn thể người Công giáo: linh mục, nam nự tu sĩ, giáo dân trong tổng giáo phận hảy trở về bên người Cha Chung là Đức TGM Hà Nội để cùng cầu nguyện với Ngài và với Giáo Hội quê hường Việt Nam.

Chúng tôi kêu gọi người Công giáo Việt Nam hãy mau mắn về với Hà Nội, những người ở xa không về được, xin các mục tử hãy kêu gọi giáo dân đình công để cầu nguyện cho Công lý, thắp sáng lên ngọn lửa niềm Tin v2o Sự Thậ và Công lý của chúng ta.

Thủ tướng Việt Nam và Chính quyền CSVN đã thất hứa. Nay họ còn chà đạp lên biểu tượng hiệp nhất của chúng ta với Vatican. Đó chính là một chính sách bắt đầu coi thường người Công giáo và muốn tiêu diệt Đức tin của chúng ta.

Theo gương 3000 vị tiền nhân Công giáo Việt Nam đã hy sinh vì Đức tin, ngày nay Giáo Hội cũng kêu gọi chúng ta biểu lộ Đức tin của chúng ta. "Hãy chết vinh hơn sống nhục! Không ai có thể tiêu diệt và coi thường Đức tin Công giáo của Người Việt Nam chúng ta".

Nào hãy đứng lên cùng tiến về Hà Nội, sát cánh bên nhau để bảo vệ Đức Tin và biểu tượng Hiẹp Nhất với Ngôi Tòa Kết Vị Thánh Phêrô, đó là biểu tượng hợp nhất của Công Giáo. Hãy về Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse trước. Rồi...

Đang khi viết những dòng này, nhìn ra bên Tòa Khâm Sứ, hiện tại những chiếc xe ủi đã ngưng hoạt động. Lực lượng cảnh sát cơ động được đưa đến đây rất đông. Cả những con chó săn cũng được các nhân viên an ninh dắt tới. Họ chưa có động tĩnh gì trước đám đông đang cầu nguyện ôn hòa. Chúng tôi cũng quan sát thấy sự hiện diện của tướng Nhanh tại hiện trường.

Thánh giá nến cao cũng đã được rước ra cổng Tòa Giám mục. Trong khuôn viên Tòa Khâm sứ, vẫn chỉ có duy nhât một bà cụ đang cầu nguyện trước tượng Mẹ Sầu Bi.

Tiếng hát “Mẹ ơi giáo phận con đây…” vẫn được cất lên tha thiết.





 
Khi lời nói không đi đôi với việc làm
Phan Dũng
23:25 18/09/2008
KHI LỜI NÓI KHÔNG ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM

Đừng tin những gì cộng sản nói,
Mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm
” (Cố TT Nguyễn Văn Thiệu)


Từ trong thâm tâm mình, Tôi không muốn lời nói trên của Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một lời tiên tri đúng đắn ở bất cứ nơi đâu, nhưng thật mỉa mai và cay đắng, chính quyền cộng sản đang thực hiện những việc làm tại Phố Đức Bà Thái hà và Toà Khâm Sứ làm cho lời nói bất hủ trên một lần nữa trở thành một lời tiên tri không thể chối cãi về bản chất lưu manh của cộng sản.

Tin nóng trên báo Hà nội mới hôm nay về vụ Toà khâm sứ cho biết. UBND TPHN đã cho quy hoạch và công bố mô hình kiến trúc xây dựng công viên cây xanh trên khu đất 42 nhà chung Hoàn kiếm Hà nội. Qua thông tin này, chúng ta có thể thấy tình hình của Thái hà càng thêm bi đát khi đứng trước một chính quyền không tôn trọng nhân dân, không giữ lời hứa và chuyên đi lừa đảo cướp bóc trắng trợn tài sản tôn giáo, vi phạm nghiêm trọng vào nhân quyền và tự do tín ngưỡng.

Một lần nữa Vatican đã bị chính quyền cộng sản việt nam lừa bịp trắng trợn khi mong muốn tìm cách đối thoại trong an hoà thì nay, bản quy hoạch lố bịch được rao trên báo HNM như là một lời kết thúc cuộc đối thoại về khu đất 42 Nhà chung, không một giấy mời, không một thông báo, không một giải thích, không một lần xem xét đối với các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Coi như chính quyền hà nội đã công khai nói với bàn dân thiên hạ rằng. Đảng có quyền bất chấp pháp luật để giải quyết các vấn đề xã hội bằng ý chí của Đảng, không cần biết nhân dân nghĩ gì.

Xem cái cách mà chính quyền Hà nội xử với Toà Khâm sứ thì tương lai của Thái hà thật ảm đạm. Có nên tin tưởng ở những lời từ cửa miệng các “đồng chí cộng sản” để giải quyết chân lý nữa không? Công bằng ở đâu, dân chủ ở đâu? Sẽ có những biện pháp bất công nào với Thái hà nữa và sẽ có bao người sẽ phải chịu bắt bớ chịu đánh đập trong việc đòi hỏi công lý.

Lược qua các sự kiện Thái hà, chúng ta dễ dàng nhận thấy những lời nói không đi đôi với việc làm của chính quyền cộng sản.

Này nhé. Đầu tiên trong hiến pháp. Đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng nhà nước quản lý nên muốn lấy của dân nào thì lấy, không bán cũng lấy, không cho, không hiến không tặng cũng lấy, không muốn mất cũng phải mất do cái nghị cướp 23 của hội đồng nghị gật năm 2003 đã phủ nhận giá trị sở hữu của công dân mất rồi. Đảng bảo cơ chế một cửa, quyết tâm cải cách hành chính nhưng xử vụ Thái hà trên 12 năm không nhúc nhích, chưa xử thì quyết định thu hồi để xây cái này cái kia hoặc giao cho ai đó để sang tay kiếm chác.

Nhân dân đứng lên đấu tranh chống bất công thì sẵn sàng sử dụng dùi cui roi điện để đánh các bà già khốn khổ đến toét cả máu đầu rồi leo lẻo chối quanh trước các nhà báo nước ngoài rằng không có chuyện đàn áp. Nhẫn tâm xịt hơi cay chất độc vào các thiếu nhi đến choáng váng cả mặt mày ngất lên ngất xuống lại bảo là vu khống dựng chuyện, đến khi hình ảnh kẻ thủ ác bị phơi bày thì im tịt không xử lý kẽ tàn ác kia mà bao che, bảo vệ, Đảng nói rằng phải tuân thủ pháp luật nhưng chúng ta lại thấy các công dân bị áp giải bắt bớ một cách độc ác không tuân theo một luật nào cả.

Cộng sản bảo giáo dân gây rối nhưng hình ảnh mà chúng ta thấy là các đoàn viên mặt mũi bặm trợn khoác áo đoàn thanh niên CSHCM khiêu khích, hình ảnh mà chúng ta thấy là các giang hồ núp bóng công an để gây hấn với các cụ ông cụ bà, Chúng ta lại thấy những kẻ tay cầm dùi cui ngày ngày đứng gác trước một đám đông hiền hoà chỉ biết ca vang lời ca cho hoà bình và công lý.

Đảng bảo các linh mục tu sĩ lẩn trốn trách nhiệm và cầm đầu khiêu khích nhưng chúng ta lại thấy hình ảnh của các linh mục hiền hoà nhẫn nại bên cạnh đoàn chiên của mình, khác hẳn với những gương mặt hầm hè khó chịu của thầy trò ông giám đốc công an.

Đảng nói rằng giáo dân làm mất vệ sinh chung nhưng chúng ta lại thấy hình ảnh của cô công nhân công ty may chiến thắng cố tình đổ rác nơi công cộng, chúng ta lại thấy cảnh cúp điện cúp nước để cố tình gây nên những khó khăn cho trật trự và vệ sinh chung.

Đảng còn viện các các cụ ra để nói rằng giáo xứ đang vi phạm pháp luật nhưng chúng ta lại thấy hình ảnh của một các cụ giáo gian và cả cụ cái bang tội nghiệp bị lừa đảo kia nữa. … còn có cả hàng trăm lời Đảng nói nữa và chúng ta có thể dễ dàng nhìn những việc trái ngược của Đảng làm thông qua hàng trăm đoạn video clip và hàng ngàn bức ảnh chụp tử đủ mọi loại máy móc mà nhân dân đã ghi lại được trên các trang web chuacuuthe.com hay vietcatholic.net….Thật là lời tiên tri đã ứng nghiệm.

Thực tâm mà nói. Tôi chưa bao giờ mong cho câu nói của Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được ứng nghiệm, vì dân tộc Việt nam đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh nay lại trải qua mấy mươi năm dưới sự cai trị độc tôn của Đảng. Tôi vẫn muốn Đảng sẽ vì dân, do dân và sẽ lo cho dân. Nhưng tôi đã thấy và hàng triệu người đã thấy. Lời tiên tri vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Ít là Tại Thái Hà và Toà Khâm Sứ, còn những nơi khác mà bất công vẫn tiếp diễn như dân oan các tỉnh vẫn hằng ngày vật vờ như những cái bóng đi đòi lại đất đai bị cướp của mình, còn lại những cơ sở của các tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng như tại Sài gòn, Lâm đồng. Liêu sau này, không biết lời tiên tri ấy có còn linh ứng nữa không.

Tôi cảm thấy thật xót xa cho thân phận của những người dân thấp cổ bé họng đang bị đàn áp khắp nơi, tôi cũng thấy đớn đau cho một đất nước đang đi vào chốn suy vong, tôi cũng thấy thật tủi hờn cho một xã hội ngày càng suy đồi đạo đức, tôi lại thấy lòng mình quặn thắt khi chứng kiến những cảnh đói nghèo giữa thế kỷ 21 này, đói về vật chất, đói về tâm linh và đói cả nhân phẩm nữa. tôi thấy chạnh lòng với những cảnh cơ cực bần hàn còn bị áp bức bất công.

Thấy lòng mình dâng trào phẫn nộ với cảnh tham nhũng đầy đường, thấy xót xa cho niềm tin bị đánh cắp….. Một xã hội có quá nhiều những điều để lời tiên tri trên trở thành chân lý.

Nếu bạn chưa tin tôi, hãy cứ xem đảng nói gì qua các bài viết hay các cơ quan truyền thông của Đảng, và bạn hãy xem Đảng làm gì trong các trang web của chuacuuthe.com, vietcatholic.net hay các trang mạng cộng đồng khác…. Xem xong, nghe xong bạn hãy nghĩ gì về câu nói tiên tri của vị cố Tổng thống ngày xưa.

Xin mượn lời của Linh mục Lê Quang Uy, DCCT để kết bài này trong nỗi nhục nhằn xót xa: "Một đất nước có quá nhiều thập gía".
 
Các linh mục tuấn về Tòa Khâm Sứ cầu nguyện, lại cũng có cả một vị sư!
Lạc Việt
23:32 18/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Nhận được tin báo cảnh sát bao vây khu vực Tòa TGM và Tòa Khâm Sứ, chúng tôi cấp tốc lên đường.

Các con đường dẫn đến khu vực Tòa TGM và Nhà Thờ lớn đều bị phong tỏa. Cảnh sát giăng dây thừng và hang rào sắt ở hai đầu phố Nhà Chung. Tòan con phố Nhà Chung kín đặc các nhân viên an ninh, cảnh sát cơ động,cảnh sát trật tự, dân phòng.

Cảnh sát cơ động rải dọc phố. Dân chúng không thể đi lại bình thường. Các bậc phụ huuynh đưa con đi học phải thả con ngay đầu phố Nhà Chung để các cháu tự đi vào Trường Mầm Non của các nữ tu MTG Hà Nội. Nhiều em khóc thế lên vì sợ hãi khi thấy cảnh sát cơ động.

Ngay tại cổng Tòa TGM lại có một hàng rào sắt di động. Hai tầng hào rào sắt. Nội bất xuất ngọai bất nhập trong khu phố trước Tòa Khâm Sứ.

Các linh mục và tu sĩ không thể tự do đi lại từ tu viện MTG sang TGM dù chỉ cách nhau 2 chục mét. Chúng tôi gặp rất nhiều giáo dân đang trên đường về Hà Nội. Hầu như tất cả đều bị chặn từ đầu và cuối phố Nhà Chung.

Khỏang 7 h 40 chúng tôi thấy 2 tu sĩ đi từ Tòa giám mục Hà nội sang Tu viện MTG. Một đi lọt. Một bị cảnh sát ngăn lại. Các biển báo ở hai đầu ghi: “Công trường đang thi công,cấm quay phim chụp hình”.

Các linh mục mang áo chùng thâm đang lẻ tẻ về Tòa TGM. Giờ là 9 h sang. Các linh mục tu sĩ và chủng sinh đang ra chỗ hang rào sắt đứng hát thánh ca và cầu nguyện, phản đối việc chiếm dụng Tòa Khâm Sứ. Tiếng hát thánh ca vang vọng trong khu vực. Tiếp theo là tiếng đọc kinh. Mới đầu không có loa phóng thanh. Giờ thì đã có.

Các cảnh sát mặt mày hằm hằm sát khí đối diện với các tu sĩ linh mục đang càu nguyện ôn hòa.

Diễn biến sau trưa hôm nay tại Tòa Khâm Sứ

Một người dân trong khu vực cho biết: “Khỏang 3 giờ 30 chúng tôi thấy có một sư ông đến tụng kinh gõ mõ trong khu vực 42 Nhà Chung, tức TKS. Khỏang 4 giờ thì máy móc cơ giới đưa đến và bắt đầu làm việc”. Chúng tôi đóan chừng sư ông kia đến cầu bình an cho các cán bộ công nhân viên tham gia phá một số công trình trong TKS hôm nay.

Nghe một người dân nói, chiều qua chính quyền triệu tập dân trong khu vực đọc thông báo tịch thu TKS làm công viên cây xanh. Tối qua và sáng nay Đài truyền hình Hà Nội nói quyết định này và nói có đại diện của Tòa TGM đã đồng ý. Chúng tôi hỏi phía Tòa TGM thì được biết Tòa TGM hòan tòan không được hỏi ý kiến gì về chuyện này.

Diễn biến vụ TKS chắc sẽ còn nhiều phức tạp và sinh động. Đụng chạm đến Tòa Khâm Sứ là xúc phạm đến tính cảm của hằng trăm nghìn người Công giáo trong Tổng Giáo phận và cách nào đó là hằng triệu người công giáo trên cả nước.

Chính quyền Hà Nội đang chơi một con bài nguy hiểm có vẻ muốn đè bẹp tiếng nói đòi công lý ở Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Ai những người yêu công lý có thể lặng im đứng nhìn? Ai trong số những người nói rằng mình sống mầu nhiệm hiệp thong trong Giáo Hội vẫn còn có thể lặng im? Nhà cầm quyền Hà Nội đang đưa đất nước trở về thời chuyên chính vô sản man rợ của thập niên 1960-1970.

Hỏi một vị linh mục đang cầu nguyện về cảm tưởng của Cha ra sao. Ngài nói: "Rất có thể đây là khởi đầu của một đòan lũ đông đảo các vị tử đạo của thời hiện đại trong Tồng Giáo Phận Hà Nội".
 
Lý luận của ông Phó Giám đốc sở Tài nguyên môi trường UBND Tp Hà Nội về đất Thái Hà
Đồng Nhân
00:27 18/09/2008
HÀ NỘI - Lý luận của ông Phó Giám đốc sở Tài nguyên môi trường (kiêm Trưởng đoàn thanh tra Thành phố Hà nội), trong cuộc họp sáng 17.09.2008, về việc nhà nước giao đất của nhà thờ cho công ty dệt thảm len trước thời điểm được cho là cha Bích ký giấy bàn giao cả 10 tháng, và cha Bích ký giấy ban giao năm 1961 để thực hiện thông tư 73/Ttg của chính phủ ban hành năm 1962 (!).

"Theo Thanh tra thành phố, hiện nay để căn cứ, giải quyết tranh chấp tại khu dất 178 phố Nguyễn Lương Bằng, không có gì cao hơn Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội. Thanh tra thành phố cũng khẳng định, Quyết định 2476 về giải quyết khiếu nại của Chánh xứ Thái Hà của UBND TP là quyết định giải quyết lần thứ nhất, nếu phía Nhà thờ Thái Hà không đồng tình, có thể tiếp tục khiếu nại, và nếu cần, có thể khởi kiện ra Tòa án". (Trích Hà Nội Mới ngày 17.9.2008).

Hài hước hơn, khi phía nhà thờ đề cấp đến tính bất hợp pháp của việc bàn giao: nhà nước giao đất của nhà thờ cho công ty dệt thảm len trước thời điểm được cho là cha Bích ký giấy bàn giao cả 10 tháng, và cha Bích ký giấy ban giao năm 1961 để thực hiện thông tư 73/Ttg của chính phủ ban hành năm 1962 (!), thì ông đại diện cho sở tài nguyên môi trường cho biết rằng: ông đã đi tham khảo các cụ thời trước đây và các cụ cho biết là lối làm việc thời bấy giờ là thế: nhà nước có chủ trương, rồi thực hiện, rồi sau đó mới ra thông tư, nghị định…

Để phản bác lại lập trường của UBND Tp Hà Nội, xin mời nghe LM Nguyễn Thể Hiện trình bầy những lý chứng pháp lý liên quan tới đất Thái Hà và lập luận rằng lập trường và cách giải quyết của UBND Tp Hà Nội không có tính cách thuyết phục!

Cũng trong buổi họp này, các linh mục DCCT đã đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà nước cho là cha Vũ Ngọc Bích đã ký (có tới 4 giấy bàn giao đất nhà thờ sang nhà nước quản lý), thì ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố nhắc bảo thuộc cập của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”.

Đang khi đó tờ báo Hà Nội Mới số ra ngày 18/9/2008 khi báo cáo về cuộc họp nêu trên đã đưa ra tiêu đề "Nhà thờ Thái Hà vẫn chưa thực sự hợp tác" . Trong đó đưa ra lời đe dọa của Ông Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh như sau: "Đối với diện tích đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng đang được Công ty may Chiến Thắng quản lý, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu các sở, ngành chức năng của TP cần sớm hoàn tất các thủ tục thu hồi toàn bộ diện tích khu đất. Thanh tra thành phố phải tiếp tục làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân tại khu đất đó, đề xuất với UBND thành phố có hướng giải quyết dứt điểm, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có sai phạm cũng phải xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề an ninh trật tự, UBND thành phố yêu cầu Chánh xứ Thái Hà vận động, thuyết phục giáo dân và bản thân các linh mục không được tiếp tục có những hành động vi phạm pháp luật, tổ chức cầu nguyện trái phép..."
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Tuần lễ Tĩnh Tâm Linh Mục Việt Nam Miền Đông Nam Hoa Kỳ
Lm. Nguyễn Thanh Châu
11:32 18/09/2008
LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
MIỀN ĐÔNG NAM

15 W. Par St. • Orlando, FL 32804
407-896-4210

TĨNH TÂM LINH MỤC MIỀN ĐÔNG NAM HOA KỲ


Địa điểm:
William J. Kelly Retreat Center at St. Augustine Seminary
510 North Second Street
Bay St. Louis, MS 35920
228-467-2032 • 228-467-4322 • 228-466-5618 (Fax)

Thời gian:
Từ thứ Hai, ngày 13/10/2008 tới thứ Sáu, ngày 17/10/2008
(from Monday, October 13 to Friday, October 17, 2008)

Hướng dẫn:
Lm. Nguyễn Hùng, SJ

Lệ phí:
º Phòng riêng (Private room per person): $385
º Phòng đôi (Double occupancy per person): $305

Liên lạc:
Lm. Nguyễn Thanh Châu
GX. Thánh Philipphê Phan Văn Minh
15 W. Par St.
Orlando, FL 32804
407-896-4210 (Office)
407-896-4211 (Fax)
407-257-9796 (Cell)
Email: frchauorlando@yahoo.com

Chương Trình Linh Mục Tĩnh Tâm
Ngày 13—17/10/2008
William J. Kelly Retreat Center – Divine Word Missionary
Bay St. Louis, Mississippi


Thứ Hai – 13/10:
5:00 pm Gặp gỡ/nhận phòng
6:00 pm Kinh chiều
6:30 pm Ăn tối
8:00 pm Giới thiệu làm quen
8:30 pm Bài 1
10:00 pm Lần Hạt Mân Côi
10:30 pm. Tự do/nghỉ đêm

Thứ Ba – 14/10:
7:30 am Ăn sáng
8:30 am Kinh sáng
9:00 am Bài 2
Chiêm Niệm cá nhân
11:15 am Thánh Lễ
12:00 noon Ăn Trưa
Nghỉ ngơi/thể thao/tự do
4:30 pm Chia sẻ tâm linh
6:00 pm Kinh chiều
6:30 pm Ăn chiều
8:00 pm Hòa Giải
9:15 pm Chia sẻ
10:30 pm Tự do/nghỉ đêm

Thứ Tư – 15/10:
7:30 am Ăn sáng
8:30 am Kinh sáng
9:00 am Bài 3
Chiêm Niệm cá nhân
11:15am: Thánh Lễ
12:00 noon Ăn Trưa
Nghỉ ngơi/thể thao/tự do
4:30 pm Chia sẻ tâm linh
6:00 pm Kinh chiều
6:30 pm Ăn chiều
8:00 pm Chầu Thánh Thể
9:00 pm Chia sẻ
10:30 pm Tự do/nghỉ đêm

Thứ Năm – 16/10:
7:30 am Ăn sáng
8:30 am Kinh sáng
9:00 am Bài 4
Chiêm Niệm cá nhân
11:15 am Thánh Lễ
12:00 noon Ăn Trưa
Nghỉ ngơi/thể thao/tự do
4:30 pm Chia sẻ tâm linh
6:00 pm Kinh chiều
6:30 pm Ăn chiều/
Tiệc tại giáo xứ (nếu có)
10:30 pm Tự do/nghỉ đêm

Thứ Sáu – 17/10
7:30 am Kinh sáng, Thánh Lễ
8:30 am Ăn Sáng
9:30 am Bài 5
10:30 am Đúc kết, kiểm điểm
11:30 am Bế Mạc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hồn Việt
Nguyễn Ngọc Danh
15:19 18/09/2008

HỒN VIỆT



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Chim ngoan đậu ấp Thái Hà

Thợ săn bắn chết quăng ra ngoài đồng

Quán không Khách áo nâu sòng.

Sấm rền ngỡ trống Diên Hồng còn vang !

(Ngoc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bến Mù
Lm. Trần Cao Tường
15:29 18/09/2008

BẾN MÙ



Ảnh của Cao Tường

Mù mưa cũng chịu nắng ngày

Đã yêu thơ lục bát đầy nét buông

Giữa trời đất cái vô thường

Thì đi cho hết đoạn trường chấm ngang.

(Trích thơ Hoa Văn: Bến Mù trong tập thơ Che Đời Mưa Bay)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News