Ngày 17-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Không Ai Làm Nô Lệ Tiền Của
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
03:50 17/09/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-CN25TN/C

Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội đoàn-Phong trào

“ KHÔNG THỂ LÀM NÔ LỆ TIỀN CỦA”

KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ với sự dẫn dắt của Thánh Linh:

Bài đọc 1: Sách A-mốt (8:4-7). Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề, Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng. (câu 7)

* Hậu qủa của sự tham nhũng hiện nay ở khắp nơi hiện nay làm con người và xã hội thoái hoá, và các tại họa là động đất, lụt lội khủng bố…lan tràn khắp nơi. Đức Chúa không bao giờ quên một dân tộc đã cho phép lực lượng kinh tế nắm quyền thao túng mọi quyết định, để người dân phải đói khổ trên mọi Quốc gia hiện nay.

1/ Cách bạn và tôi xử dụng tiền của cho công bằng bác ái thế nào?

2/ Nói nguyên nhân gia đình xã hội chia rẽ, khủng hoảng hiện nay?

Bài đọc 2: 1 Tm (2:1-8). Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin,… cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. (câu 1-2)

* Lời cầu nguyện này Hội thánh thường dùng trong các Đại lễ, và Thánh Lễ Chúa nhật hôm nay, gọi là Lời nguyện Giáo dân. Xin cho mọi người trong Giáo hội và các nhà cầm quyền sống tốt lành.

1/Ước mong của bạn và tôi cho người lãnh đạo đổi mới những gì?

2/ Những việc làm tích cực của tôi, trước khi cầu mong Chúa giúp?

Tin Mừng: Luca (16:1-13). … Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. (câu 13)

* Tiền có thể làm cho bạn ra bất chính, bất lương. Nếu ta biết dùng, nó sẽ trở nên trung tín, hạnh phúc, giúp cho ta được ơn cứu độ. Tiền của cũng dùng để thử nghiệm lòng trung tín của tôi. Chữ “làm tôi” ở đây có nghĩa là tôn thờ, nô lệ nó. Vì tiền là một tà thần, làm bạn quên mất Chúa, tiền của cũng là một hiểm họa trầm trọng hiện nay.

1- Tôi dùng tiền bạc cho hạnh phúc gia đình qua việc những việc gì?

2- Các lý do nào bạn đã gây nhiều bất tín cho cộng đoàn và xã hội?

B- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn Sống tuần này:

KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ… (Lc 16:13)

*Ngay bây giờ tôi phải làm gì? (So what am I doing ? For Action)

1-Tôi dùng tiền của là phương tiện để tìm gặp Chúa là cùng đích.

2-Bạn không dùng tài năng, địa vị để vơ vét tiền bạc của người khác.

C- Bạn và tôi cùng dựa vào Lời Chúa để gặp gỡ, tâm sự với Chúa như người bạn, tỏ thiện chí thực hành, đổi mới, không nặng về xin ơn, nhưng dốc lòng thay đổi làm theo Lời Thầy Chí Thánh:

Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.! Thế mà chúng con vẫn phục vụ nhà thờ, đọc kinh dâng lễ, nhưng sau về thì đâu hoàn đấy, không thay đổi, sửa mình. Thay vì đi về đem bình an cho mọi người, lại bất công tham lam, gian lận của người khác, làm nô lệ cho tiền của. Nhờ ơn Cha giúp con biết làm chủ mình khi dùng tiền của, để phục vụ Chúa và tha nhân. Con cùng Mẹ Maria ca ngợi Chúa là Đấng cho kẻ đói khó no đầy phần phúc, và để kẻ giầu có trở về tay không.

* Lời hay ý đẹp: ĐỪNG ĐỂ CỦA CẢI-- HOẶC SỰ THEO ĐUỔI GIẦU SANG—LÀM BẠN LẠC HƯỚNG TRÊN ĐƯỜNG THEO CHÚA GIÊSU. / Don’t let rich or the pursuit of riches—detrail your pursuit of Jesus.

Chúa phải được lớn lên, còn tôi nhỏ đi. (Ga 3, 30)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định/Huyền Đồng * johndvn@yahoo.com
 
Lựa chọn và trung tín
Lm. Phêrô Hồng Phúc
08:24 17/09/2010
LỰA CHỌN VÀ TRUNG TÍN

Khoa học ngày nay thường dùng thuật ngữ “ Mẫu hành tinh vũ trụ” để nói về thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Chúng cùng có cấu tạo và chuyển động giống nhau trong sự cấu thành và phát triển của vũ trụ vật chất. Điều này nói lên tính nhất quán của một ý thức sáng tạo và ý thức này khi được nhìn qua lăng kính thần học thì đó chính là Thiên Chúa sáng tạo, Đấng tự xưng là “Hiện Hữu” (Xh 3,14). Cũng chính Đấng “Hiện Hữu” khi Nhập thể trong thế gian, mặc lấy thân phận con người, đi vào không gian và thời gian của lịch sử nhân loại đã được gọi tên là “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Với bản chất là Hiện Hữu và Hiện Tại như vậy, Chúa Giêsu không chấp nhận được hai lối sống:

• Một là lối sống giả hình của giới Biệt phái Do Thái.
• Hai là vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của.

Cả hai lối sống trên đều xuất phát từ tính vụ lợi và lòng tham lam. Vì tham lam nên những người Biệt phái “Làm bộ đọc kinh dài để nuốt hết gia tài của các bà goá” (Lc 20,47). Thái độ ấy cũng giống thái độ viên quản gia đã phung phí của cải nhà phú hộ tới mức bị sa thải (x. Lc 16, 1). Thiệt hại ở đây không phải chỉ tính bằng vật chất, nhưng là một điều lớn lao hơn: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?” (Lc 16,11-12). Mới hay lòng trung tín quan trọng dường nào, vì “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã kể câu chuyện sau:

“Thưa ông bà muốn gặp ai ạ?

Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khoá, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.

Bổn phận của một chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc ! Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt…nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác.

Ôi chao ! biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong máy điện thoại ! Nhưng có một điều chị Céline hằng đoan chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó…trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa: “Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi những người khác: tôi được gọi để gọi”

Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị bẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được 10 kinh, khi xem sách, chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 dòng. Trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm chờ chuông reo… Luôn luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với “sự gián đoạn” này của mình, chị mới có thể tạo nên “sự liên lạc” của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang quý cũng như đối với một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp thời giờ của chị, hối thúc chị, cằn nhằn chị. Không ai cần gặp chị…Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tuỵ hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn.

Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng: thổ huyết ! Chị bập bẹ: “Chúa đến gọi tôi lần thứ hai” (và cũng là lần cuối). Đôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khoá rơi xuống trên nền gạch hoa. Đằng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là đồ vô chủ…

Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hàng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?”. (Lữ hành ĐHV chg IV, 7).

Câu chuyện giản dị nhưng diễn đạt nội dung sâu sắc: Lựa chọn và Trung tín. Phải lựa chọn vì “ Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Chị Céline đã lựa chọn theo đúng ơn gọi của mình và đã trung tín đến hơi thở cuối cùng. Chị trở thành người khôn ngoan không phải vì công nghiệp của chị, nhưng là vì chị đã theo đúng nguyên tắc Tin Mừng Chúa dạy: biết Lựa chọn và Trung tín!

Lạy Chúa Giêsu Kitô
Chúng con đã ôm ấp tiền bạc như một vị chúa trong đời mình,
Chúng con đã dồn hết khả năng, thời giờ để làm giàu bằng tiền bạc.
Lời Chúa đến với chúng con quá muộn màng,
Vì nhiều khi đến cuối đời chúng con mới nhận ra sự thật.
Một sự thật phũ phàng trong thế giới vật chất,
một sự thật đau xót vì đã không đầu tư cho sự sống đời đời.
Xin dạy chúng con ngay từ hôm nay,
biết lựa chọn lại theo nguyên tắc Tin Mừng và trung tín đến cùng
để chúng con sống đời sống ý nghĩa và đạt tới hạnh phúc đời đời. Amen.
 
Hòn Đá Nào?
Sa Mạc Hồng
10:08 17/09/2010
Đã bao lần con nhìn người thiếu phụ
Bằng mắt thường của một kẻ vô tâm
Con muốn ném những hòn đá thật nặng
Vào con người như loài thú hoang dâm

Con ngoảnh đi không muốn nhìn người ấy
Sợ bẩn mắt mình ô uế tâm can
Còn bao nhiêu điều con cần để ý
Có đáng gì người thiếu phụ điếm đàng

Con ngước nhìn lên đỉnh cao Thánh giá
Chút tự hào mình xa tránh “tội nhân”
Mình theo Chúa và không hề vương vấn
Những thói đời gian dối giữa gian trần

Rồi con quỳ chấp tay gần cung thánh
Thập giá lặng buồn Chúa vẫn giang tay
Từ đôi mắt nhân hiền Ngài nhìn xuống
Con chợt hiểu rằng con đã cuồng say

Con say trong cơn bão tìm danh vọng
Tự cho mình lên đỉnh của hào quang
Và không thấy những gì mình vấy bẩn
Cả bùn đen, hèn hạ lẫn huy hoàng

Con kiêu căng giữa dòng đời yên ổn
Chỉ trích ngông cuồng, chẳng kể đến ai
Không nhận ra tâm mình đạo đức giả
Là cặn bã hôi tanh của cuộc đời

Và... con xấu hổ nhìn người thiếu phụ
Hòn đá nào đã ném trúng lòng con
Để rơi ra chính con: người tội lỗi
Hòn đá nào vừa ghi dấu ăn năn!
 
Con cái sự sáng
Lm Vũđình Tường
14:56 17/09/2010
Người ta dựa vào ánh sáng mặt trời để phân biệt ngày và đêm. Mây mù giầy đặc giăng kín bầu trời làm cho cảnh vật ra mờ ảo, mù mờ, cũng vẫn là ngày. Ánh trăng hoặc ánh đèn soi, sáng tỏ như ban ngày cũng vẫn là đêm, không thể là ngày. Sự phân biệt này chính xác, rõ ràng.

Con cái thế gian

Đời sống tâm linh cũng phân biệt sáng tối, phải trái, đúng sai, thiện ác. Cần phân biệt nghĩa câu con cái sự sáng, sự tối hay thế gian. Trên thực tế mọi người đều là con cái sự sáng. Thiên Chúa tạo dựng con người. Một mình Ngài có quyền ban sự sống. Sự dữ, thế gian và bóng tối không có khả năng tạo dựng vì thế chúng không có con.

Khi nói về con cái sự tối, hay con cái thế gian phải hiểu là nói về cách hành xử, tư cách, lối sống, của một người mà không nói về nguồn gốc tạo dựng của họ. Tất cả mọi người đều do Chúa dựng nên. Thế gian, sự dữ có chăng là gây ảnh hưởng xấu đến cách sống, lối suy nghĩ của họ. Họ trở nên con cái sự dữ, tối tăm, trở thành con nuôi của thế gian khi họ đối xử tệ với anh em theo phong cách phàm tục thế gian. Khi chính họ cổ võ, hỗ trợ hoặc ngầm ra lệnh cho người khác gây đau khổ, tang thương, chết chóc cho đồng loại. Làm thế họ trở thành con cái sự dữ, nô lệ cho thế gian, phục vụ sự dữ. Họ xa lìa Thiên Chúa, Đấng dựng nên họ, để bám víu, nương nhờ sức mạnh thế gian tìm nguồn vui, hạnh phúc tạm trên đời. Mọi người đó có nguồn gốc từ sự sáng, đều do Chúa dựng nên, nhưng chọn sống gian tà, lừa đảo, quỉ quyệt.

Kinh nghiệm bản thân

Ma quỉ lợi dụng con người, xúi bẩy con cái sự sáng, sống, hành xử theo lối sống của chúng. Thiên Chúa không cho phép ma quỉ tác oai, tác quái trên con cái sự sáng. Vì không thể tự làm điều muốn làm nên ma quỉ lợi dụng con cái sự sáng, dụ dỗ người nhẹ dạ, dễ tin, sống chiều theo xác thịt, tự do riêng, hành xử bất công, ngạo ngược để thực hiện quỉ kế. Ma quỉ có kinh nghiệm bản thân, chúng chiều theo tự do cá nhân phản loạn, chống lại Chúa. Chúng cám dỗ con người làm làm loạn chống lại Thiên Chúa như chúng đã làm.

Ma quỉ là kẻ cắp ngược ngạo, giỏi nguỵ biện và chuyên hứa hão huyền. Ma quỉ không làm chủ vũ trụ. Thiên Chúa làm chủ vũ trụ. Trái đất và vật chất do Chúa tạo dựng thế nhưng ma quỉ dùng của cải trần thế ban thưởng, phủ dụ con người theo chúng. Thiên Chúa để cho ma quỉ dùng của cải trần thế ban thưởng cho những ai tin, nghe chúng. Ngày nào đó Thiên Chúa lấy lại chủ quyền ma quỉ sẽ không còn gì làm quà thưởng cho kẻ tin theo chúng. Cám dỗ trở thành lời hứa suông vì không có gì để ban thưởng. Cho phép ma quỉ dùng của cải, vật chất ban thưởng để chúng thấy con cái sự sáng yêu mến Chúa hơn của cải. Có người trở mặt làm tôi vật chất, tiền của, danh vọng. Trái lại, thời nào cũng nhiều người một lòng, một dạ hết mực yêu Chúa, thương mến anh em, trung tín trong việc thờ phượng làm tôi Đấng tạo dựng nên họ đó là Thiên Chúa đất trời.

Bỏ Chúa nhận khổ đau

Chối bỏ Thiên Chúa là hành động làm phản. Kẻ làm phản yêu nhau có điều kiện kèm theo. Vì thiếu tình yêu chân chính hướng dẫn nên lời nói, việc làm của họ gieo khổ đau, tang thương cho nhân loại. Ma quỉ đứng sau giật giây, con nuôi của chúng ra tay hành động. Ma quỉ, thần dữ làm nhiệm vụ kêu gọi, dụ ngọt con cái sự sáng từ bỏ sự sáng, đường lối công chính của Chúa để chấp nhận lối sống bất nhân, bất chính, đường tà, trở nên con cái sự tối, con nuôi thế gian.

Ngụy tạo

Nhân viên làm việc trong toà nhà khổng lồ, có máy điều hoà không khí, điện đèn sáng trưng đến độ không biết nắng, mưa, bão bụi đang xảy ra bên ngoài. Thiếu nhận thức thực trạng thiên nhiên gây nên bởi điều kiện sống và làm việc. Tương tự như thế, thiếu chiều sâu đức tin, tinh thần đạo dễ lung lay do ảnh hưởng xấu, xu hướng chính trị, cộng thêm cám dỗ. Không vững về đạo lí sẽ khó phán đoán khi gặp hoàn cảnh mù mờ, đúng sai, tốt xấu, dường như trộn lẫn vàng thau. Lúc này là lúc ma quỉ gợi lòng tham, tính hiếu kì và ngay cả tự ái để con người lăn xả vào cám dỗ chúng tạo nên. Trở thành con cái thế gian, trở thành nô lệ cho dục vọng, làm tôi cho quyền lực. Giầu có về vật chất, quyền thế nhưng thâm tâm nghèo tình người, tình thương và lòng mến.

Bước đi trong ánh sáng

Để trở thành con cái sự sáng cần phải bước đi trong ánh sáng. Ánh sáng mặt trời giúp ta phân biệt ngày và đêm, giúp cơ thể khỏi vấp té. Ánh sáng này không thể chiếu soi con mắt tâm linh. Mắt tâm linh cần ánh sáng tâm linh. Ánh sáng tâm linh giúp tránh vấp té tinh thần, giúp nhận biết trắng đen, đúng sai, phải trái, điều nên làm, việc nên tránh.

Ánh sáng tâm linh chính là ơn khôn ngoan Chúa ban. Khôn ngoan nước trời khác khôn ngoan trần thế. Khôn ngoan nước trời giúp tích trữ của cải trên trời. Nơi mối mọt không hề đục khoét, của cải không hề mất. Khôn ngoan trần thế tích trữ của cải trần thế. Của cải, chức tước trần thế đến thì khó, đi lại dễ. Biết điều đó nên người làm chủ nó luôn sống trong lo âu sợ sệt. Lo âu, sợ sệt nấp bóng thúc dục hưởng thụ đi khi còn có thể; mất rồi có ước ao cũng không được. Giầu có, quyền thế ưa ăn chơi, hưởng lạc là thế.

Con cái sự sáng có thể nghèo, ít tiền, sống thanh bần nhưng lại giầu trong Chúa vì có Chúa làm gia nghiệp đời đời. Con cái sự sáng nghèo trước mắt thế gian nhưng giầu tình thương, lòng nhân ái và giầu ơn Chúa vì Ngài là nguồn mạch mọi phúc lộc, ân sủng. Giầu trong con mắt Chúa chính là giầu sự khôn ngoan nước trời, giầu bác ái, tình thương, lòng mến.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 17/09/2010
HẠNH ĐÀN

N2T


Trang tử đã nói, Khổng tử đã dạy học trò một nơi gọi là Hạnh Đàn, nhưng rốt cuộc thì Hạnh Đàn ở đâu nhỉ ? Trong sách cổ không ghi chép. Đến giữa năm Tống Nhân Tông Thiên Hi, con cháu bốn mươi lăm đời của Khổng tử là Khổng Đạo Phụ vâng lệnh sửa sang miếu thờ của tổ tiên, đem chính điện của tổ miếu dời lui phía sau, sau đó xây một đài đá ở nơi chính điện cũ, chung quanh đài đá trồng một hàng cây Hạnh, lại còn lập một bảng đá rồi viết lên hai chữ “hạnh đàn”, chính thức biến nơi này thành Hạnh Đàn.

Do đó, con cháu sau này của Khổng tử, bèn lấy điện Đại Thành trước đây của miếu Khổng tử ở tỉnh Sơn Đông, huyện Khúc Phụ làm Hạnh Đàn. Hạnh Đàn cũng do đó mà trở thành cách gọi thông thường của giới giáo dục.

(Trang tử, ngư phụ)

Suy tư:

Khổng tử dùng Hạnh Đàn để dạy học trò, cống hiến cho xã hội nhiều nhân tài, cho nên Hạnh Đàn trở thành mẫu mực của các trường học.

Chúa Giê-su Ki-tô dạy các môn đệ thì không cố định một nơi nào, Ngài dạy các môn đệ mọi nơi và mọi lúc để cho các môn đệ tiếp cận được những sinh hoạt hàng ngày của con người, và từ đó dùng những dụ ngôn cụ thể để các môn đệ hiểu được điều Ngài muốn dạy, và dễ dàng thực hành lời Ngài dạy hơn.

Hôm nay, thánh lễ là nơi công bố chính thức Lời Chúa, là nơi để tất cả người Ki-tô hữu đều có thể đến để tham dự và múc lấy nguồn mạch ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, là nơi mà các thánh nam nữ đều khẳng định là thiên đàng, bởi vì ở đâu có thánh lễ là ở đó có cả thiên đàng đang hiện diện: Chúa Cha, Chúa Giê-su Ki-tô và Chúa Thánh Thần cùng với Đức Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các thánh nam nữ.

Thánh lễ cao quý vô cùng, có thể cải biến lòng dạ xấu xa của con người thành người tốt lành; có thể đem mọi ơn lành cho mình và cho thế gian...

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 25 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 17/09/2010
CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 16, 10-13

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.


Bạn thân mến,

Sống ở đời cần phải có sự trung tín, trung tín trong việc nhỏ cũng như trung tín trong việc lớn, bởi vì Chúa Giê-su đã dạy như thế, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân Tin Mừng cho Nước Trời tại trần gian này.

Trung tín trong việc nhỏ là những việc mà bạn và tôi cho là tầm thường, quá tầm thường là khác, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đến quét nhà thờ một lần, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đi thăm một bệnh nhân mà đoàn thể đã ủy thác, việc tầm thường ấy là nhặt một miểng chai nằm giữa đường đi có thể gây thương tích cho người khác, việc tầm thường ấy là soạn bài giảng cho thánh lễ trẻ em mà chúng ta cho là không cần thiết.v.v…và còn nhiều việc rất tầm thường khác trong cuộc sống của bạn và tôi.

Trung tín trong những việc tầm thường hoặc việc nhỏ, là bày tỏ một ý chí quyết tâm cao của người Ki-tô hữu, có quyết tâm thì mới có thể trung tín, việc nhỏ quyết tâm làm thì việc lớn chắc chắn sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trung tín trong việc lớn là trung tín trong những việc nhỏ, đó là lời khuyên đầy tính giáo dục và đạo đức của Chúa Giê-su. Bởi vì người chỉ biết trung tín với những việc lớn mà thôi thì sự trung tín ấy sẽ không được dài lâu, vì sự trung tín ấy của họ là trung tín của lợi nhuận, của ích kỷ và của tham lam.

Bạn thân mến,

Từ việc trung tín trong công việc hàng ngày, Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta đến sự trung tín phải có trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là trung tín với đức tin và tín ngưỡng của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Có những người Ki-tô hữu chỉ trung tín với Chúa Giê-su khi gia đình khá giả, khi cuộc sống phong lưu, nhưng đến khi gặp những chuyện đau buồn ngoài ý muốn thì không còn trung tín với Thiên Chúa nữa, họ oán trách Thiên Chúa, họ lơ là đi nhà thờ, và cuối cùng thì nghe theo lời bạn bè đi chùa miếu cúng vái những hình tượng mà đã có một thời họ cho là dị đoan nhảm nhí ma quỷ. Cho nên, lòng trung tín của bạn và tôi với Thiên Chúa cần phải giống như ông Gióp trong Cựu ước khi bị bà vợ cám dỗ ông bất trung với Thiên Chúa, ông nói: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao ?”.

Sự bất trung của bạn và tôi đối với Thiên Chúa ở ngay trong con người của mình đó là khi chúng ta kiêu ngạo; ở ngay trong nhà và bên cạnh chúng ta, đó chính là vợ con, cha mẹ và bạn bè xúi giục chúng ta bỏ Chúa, khi nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta phải chịu, mà chính bà vợ và bạn bè của ông Gióp là những người đại diện, bởi vì khi lòng trung tín không được đặt trên nền tảng của đức tin và lòng yêu mến thì sẽ trở thành bất trung.

Không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta có hai quả tim, mà người có hai qủa tim là quá bất bình thường, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể vừa là con cái của Thiên Chúa vừa là con cái của ma quỷ, vì như thế chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Giê-su, đó chính là chúng ta đi hàng hai vừa thỏa hiệp với ma quỷ vừa cầu xin Thiên Chúa ban ơn khi gặp khó khăn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:21 17/09/2010
N2T


34. Phàm là người kiên trì muốn chiến thắng thì hình như họ đã chiến thắng rồi. (Thánh Laurence)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 17/09/2010
N2T


526. Con người ta không phải vì đẹp mới dễ thương, mà là bởi vì dễ thương mới đẹp.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fatima: Máu tử đạo vẫn còn tiếp tục chảy
Lm Nguyễn Hữu Thy
07:17 17/09/2010
Fatima: Máu tử đạo vẫn còn tiếp tục chảy

Từ ngày công bố „Bí mật thứ ba của sự kiện Fatima“ vào năm 2000, ở Vatican người ta đã xác tín rằng qua biến cố ĐTC Gioan Phaolô II bị bắn trọng thương trên chính quảng trường Thánh Phêrô ở Roma, thì thị kiến của ba trẻ Fatima về „vị Giám Mục mặc áo trắng bị giết hại“ đã thành hiện thực. Thế nhưng, ngày nay nhiều người lại có quan niệm khác.

Chúng ta biết rằng, từ hàng thập niên qua, các tín hữu có lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima và cả những thành phần nghi ngờ sự thật của biến cố Fatima và cho rằng sứ điệp của Đức Maria được giao phó cho ba trẻ Fatima năm 1917, chỉ là một sự lừa bịp có hậu ý, đều nóng lòng chờ đón sự công bố phần thứ ba của bí mật mà Đức Mẹ đã mặc khải cho ba trẻ chăn chiên năm xưa ở Fatima. Trong khi hai phần trước của bí mật đều đã được công khai hóa, đó là: Thị kiến về hỏa ngục và lời tiên báo về thế giới chiến II. Và dĩ nhiên, cả hai phần đó đều không phải là những tin vui đối với quan niệm thế gian bình thường. Vì thế, người ta càng tò mò muốn được biết sự thật phần thứ ba của bí mật Fatima là gì. Có người đã tự hỏi phải chăng bí mật thứ ba này sẽ là sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi nhân loại và ngày tận thế sẽ xảy tới?

Đối với các thành phần bảo thủ quá khích trong Giáo Hội, thì đương nhiên sự trừng phạt tội lỗi nhân loại là một điều khó tránh khỏi, và họ cho rằng phía sau bí mật thứ ba này là những lời cảnh cáo nghiêm trọng trước các quyết định của Công Đồng Vatican II và những hậu quả phá đổ Giáo Hội phát xuất từ đó và bắt đầu từ „trên xuống“, tức từ hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội. Thế nhưng, vào Năm Thánh 2000, khi tấm màn che đậy bí mật thứ ba của Sứ Điệp Fatima được kéo xuống, thì tất cả sự thật lại hoàn toàn khác hẳn.

Chỉ một số người đặc biệt mới được đọc bản văn

Nhưng người ta thử hỏi: Thực sự điều gì được giấu kín trong phần ba của Sứ điệp mà Đức Mẹ đã giao phó cho ba trẻ Fatima, hay như nhiều người vẫn gọi là „bí mật thứ ba của Fatima“?

Chúng ta biết rằng hai phần đầu của Sứ Điệp mà Mẹ Thiên Chúa đã giao phó cho Sơ Lucia dos Santos cũng như cho hai người em họ của Sơ là Phanxicô và Gia-xin-ta Marto, thì Sơ đã viết ra trên giây vào ngày 31.08.1941 và sau đó đã được Đức Thánh Cha Piô XII công bố vào ngày 13.05.1942. Còn phần ba hay „bí mật thứ ba“ của Sứ Điệp thì mãi tới tháng giêng năm 1944 mới được Sơ Lucia ghi lại, bỏ vào một bao thư và được niêm phong cẩn thận. Sau đó, bí mật thứ ba này chỉ các Đức Giáo Hoàng và một ít nhân vật đặc biệt mới được đọc qua mà thôi.

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan XXIII đã đọc bí mật ấy và ngài lại truyền bỏ vào bao thư và niêm phong trở lại, vì ngài không thể tìm ra mối tương quan giữa bí mật thứ ba Fatima với những biến cố xảy ra vào lúc bấy giờ. Bởi vậy, năm 1960 của thế kỷ trước là thời điểm mà Sơ Lucia đã nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ cho công bố phần thứ ba ấy, lại qua đi mà không có gì xảy ra. Và tiếp sau đó, dưới triều đại Giáo Hoàng của Đức Phaolô VI, „bí mật thứ ba“ của Sứ Điệp Fatima vẫn được niêm phong trong Văn khố Tòa Thánh, mãi cho tới năm 1979 khi Đức HY Karol Wojtyla, người Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II và sau cuộc ám sát ngài vào ngày 13.5.1981 tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã nhận ra được rằng chính ngài là „vị Giám Mục mặc áo trắng“ được nói tới trong thị kiến ấy. Và kể từ thời điểm đó, việc công bố bí mật thứ ba của Fatima chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong chuyến tông du Bồ Đào Nha và Fatima của ngài vào ngày 14.5.2010, nhân dịp kỷ niệm 10 năm lễ phong chân phước cho hai trẻ thị kiến Phanxicô và Gia-xin-ta, Đức Thánh Cha đã tuyên bố „sứ điệp mang tính chất tiên tri của Fatima“ vẫn còn phải được tiếp diễn, thì ba phần của thị kiến hay ba bí mật Fatima lại sống động trở lại và đã lôi kéo được sự chú ý của cả thế giới.

Phần thứ nhất của Sứ điệp là sự nhìn thấy hỏa ngục. Vào năm 1941, Sơ Lucia đã viết: „Đức Trinh Nữ Maria đã chỉ cho chúng con nhìn thấy một biển lửa rộng mênh mông, hình như nó nằm sâu dưới đất. Chúng con nhìn thấy ngụp lặn trong biển lửa đó là ma quỷ và các linh hồn có hình dáng người, thân thể họ đều đỏ rực như đang cháy, trong suốt và đỏ hồng (…).“

Phần thứ hai của Sứ Điệp là sự báo trước về thảm họa thế giới chiến II và sự ăn năn trở lại của nước Nga với những lời do chính Đức Mẹ nói cùng ba trẻ mà Sơ Lucia đã ghi lại nguyên văn như sau: „Các con đã nhìn thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn những kẻ tội lỗi sẽ phải sa vào. Để cứu vớt các linh hồn ấy, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Mẫu Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên khắp thế giới. Nếu nhân loại thực thi tất cả những gì Mẹ nói với các con đây, thì nhiều người sẽ được cứu rỗi và hòa bình sẽ được vãn hồi. Chiến tranh sắp sửa kết thúc. Nhưng nếu thiên hạ không chấm dứt việc xúc phạm đến Thiên Chúa (…), thì một cuộc chiến tranh khác còn tàn khốc hơn sẽ xảy ra (…). Để ngăn cản những điều đó, Mẹ sẽ trở lại để yêu cầu người ta dâng hiến nước Nga cho Mẫu Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, cũng như yêu cầu người ta thực hành việc xưng tội rước lễ các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng.“ Đó là những lời tâm huyết và thành khẩn của Mẹ Thiên Chúa nói với toàn thể con cái loài người.

Cuối cùng là phần thứ ba hay bí mật thứ ba của Sứ Điệp Fatima mà chính ĐHY Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Joseph Ratzinger, đã được ĐTC Gioan Phaolô II ủy quyền công bố vào ngày 26.6.2000. Bí mật thứ ba này đã được Sơ Lucia ghi lại rõ ràng trên giấy vào năm 1944 như sau: „Trong hai phần trước mà con đã trình bày, chúng con đã nhìn thấy phía bên trái Đức Bà một vị Thiên thần đang cầm trong tay một thanh gươm bằng lửa; và từ thanh gươm ấy lửa bốc ra như thể muốn đốt cháy cả thế giới vậy. Nhưng khi những ngọn lửa chạm phải ánh hào quang từ tay phải Đức Bà chiếu ra trên vị Thiên thần, thì ngọn lửa bị dập tắt. Còn vị Thiên thần thì giơ tay phải chỉ vào mặt đất mà hô to: `Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năna đền tội!`Và chúng con đã thấy một ánh sáng kỳ lạ, đó là Thiên Chúa: `Một cái gì`xem như thể những con người trong một tấm gương, khi họ đã đi qua tấm gương rồi thì chúng con thấy một vị Giám Mục mặc áo trắng, và chúng con biết ngay đó là Đức Thánh Cha. Nhiều vị Giam Mục, Linh Mục và Tu Sĩ nam nữ khác trèo lên một ngọn núi dốc, trên đỉnh núi có dựng một tượng Thánh Giá được làm bằng gỗ thô, hình như bằng gỗ cây sồi còn để cả vỏ. Trước khi Đức Thánh Cha đến chỗ đó, ngài đi qua một thành phố lớn, mà một nửa đã bị phá hủy, còn một nửa cũng sắp bị đổ, với những bước đi run rẩy do bị đau đớn và lo lắng, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những xác chết ngài đã gặp trên đường đi. Khi đã đến được ngọn núi, ngài quỳ xuống dưới chân tượng Thánh Giá khổng lồ. Ở đó ngài bị một đám lính giết chết. Họ bắn súng và mũi tên vào ngài. Sau đó, các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và nhiều người khác, cả đàn ông lẫn đàn bà thuộc mọi giai cấp và địa vị, cũng bị chết tương tự như thế. Dưới hai cánh tay Thánh Giá có hai vị Thiên thần, mỗi vị cầm một chiếc bình bằng thủy tinh trên tay. Các vị hứng máu của những vị Tử Đạo vào trong bình và đưa cho các linh hồn ở gần Chúa uống!“

Ý nghĩa của thị kiến về bí mật thứ ba đã hiển nhiên

Từ khi công bố phần thứ ba của bí mật Fatima, tại Vatican người ta đã cho rằng ý nghĩa của thị kiến về „vị Giám Mục mặc áo trắng“ đã quá hiển nhiên. Thật vậy, phần thứ ba của bí mật Fatima đã được hiện thực một cách rõ ràng qua cuộc ám sát ĐTC Gioan Phaolô II vào ngày 13.5.1981 tại quảng trường Thánh Phêrô và làm ngài bị trọng thương. Vì thế, năm 2000, ĐHY Tổng trưởng Thánh Bộ Đức tin Joseph Ratzinger đã viết trong lời bình luận thần học của ngài về việc công bố phần thứ ba của bí mật Fatima như sau: „Trên con đường Thánh giá của một thế kỷ, hình ảnh Đức Giáo Hoàng đóng một vai trò đặc biệt. Trong nỗ lực trèo lên ngọn núi đầy vất vả mệt nhọc của ngài, chúng ta thấy rõ ràng là có rất nhiều Đức Giáo Hoàng trong đó, bắt đầu là Đức Piô X mãi cho tới Đức Giáo Hoàng đương kim, các ngài đều đã mang nỗi đau khổ của thế kỷ trên mình và cố gắng đi đầu trên con đường tiến về Thánh Giá. Theo thị kiến ấy, thì trên con đường tử đạo, Đức Giáo Hoàng cũng bị sát hại. Phải chăng sau vụ ám sát ngài vào ngày 13.5.1981 và rồi ngài đã cho đọc bản văn ghi bí mật thứ ba của fatima, Đức Thánh Cha đã có thể nhận ra được định mệnh của cá nhân ngài? Ngài đã từng đứng trước ngưỡng cửa cái chết và cũng đã nói đến việc ngài được cứu sống bằng những lời sau đây vào ngày 13.5.1994: „(…) quả thực là bàn tay hiền mẫu đã lái hướng bay của viên đạn và đã ban phép cho Đức Giáo Hoàng, một người đang phải vật lộn với tử thần, được đứng lại trước ngưỡng cửa cái chết.“ Vâng, việc `mano materna` - bàn tay hiền mẫu, đã lái hướng bay của những viên đạn định mệnh đi sang một hướng khác rõ ràng như thế, đã cho thấy một lần nữa rằng không hề có một định mệnh bất biến, cũng như đức tin và lời cầu nguyện là những sức mạnh có thể can thiệp vào lịch sử, và sau cùng cũng cho thấy rằng lời cầu nguyện có sức thắng lướt được các viên đạn và đức tin thì mạnh mẽ hơn cả bao sư đoàn quân sự.“

Tuy nhiên, trong việc giải thích ý nghĩa bí mật thứ ba của Fatima, người ta cũng phải kể đến vai trò đặc biệt của ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh đương kim. Chúng ta biết rằng vào năm 2000, ĐHY Tarcisio Bertone đang là thư ký của Thánh Bộ Đức tin và đã thừa lệnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sang Bồ Đào Nha ba lần để gặp trực tiếp Sơ Lucia và xin Sơ xác định chắc chắn rằng bản văn ghi phần ba của bí mật Fatima đang được niêm phong và cất giữ tại Văn khố Tòa Thánh là chính do Sơ viết ra. Về nội dung những cuộc gặp gỡ này giữa ngài và Sơ Lucia, ĐHY Bertone đã cùng với ký giả người Ý Giuseppe De Carli trìng bày rõ ràng trong một cuốn sách dưới hình thức phỏng vấn giữa hai người, với tựa đề là „Nữ thị nhân của Fatima – Những cuộc nói chuyện giữa tôi và Sơ Lucia.“ Cũng trong cuốn sách này ĐHY Bertone đã xác nhận ý kiến của nhiều người, trong số đó phải kể cả Đức Giáo Hoàng Wojtyla nữa, đã cho rằng sự sát hại vị „Giám Mục mặc áo trăng“ được đề cập tới trong „bí mật thứ ba của Fatima“ đã hoàn toàn được hiện thực qua cuộc ám sát ĐTC Gioan Phaolô II vào ngày 13.5.1981 tại Roma, mặc dù „bàn tay hiền mẫu“ của Đức Maria đã lái cho những viên đạn của tên khủng bố Mehmet Ali Agca bay sang hướng khác và nhờ thế Đức Thánh Cha chỉ bị trọng thương mà thôi. Trong cuốn sách trên bằng Đức ngữ do nhà xuất bản Heyne-Verlag (Bayerstrasse 71-73, D-80335 München) phát hành, có ghi lời phát biểu của ĐHY Quốc Vụ Khanh về phần thứ ba „bí mật Fatima“ như sau: „Thật ra, các ký giả không muốn chấp nhận rằng lời nói tiên tri thì không tương quan tới tương lai, nhưng là đã được hiện thực trong quá khứ.“

Sứ Điệp mang tính cách tiên tri của Fatima chưa kết thúc

Cách đây bốn tháng, tại ngay địa điểm Đức Mẹ hiện ra năm xưa ở Fatima, thuộc nước Bồ Đào Nha và cũng vào ngày 13 tháng 5, ĐTC Bênêđíctô XVI đã tuyên bố: „ Ai cho rằng Sứ Điệp tiên tri của Fatima đã được kết thúc, thì người ấy đã lầm“. Cả chính ĐHY Quốc Vụ Khanh Bertone, một người đã luôn hăng hái tranh đấu cho Sứ Điệp Fatima, cũng cho rằng lời tiên tri trong thị kiến về bí mật thứ ba của Fatima đã thực sự trở thành thực tại qua cuộc ám sát ĐTC Gioan Phaolô II vào ngày 13.5.1981. Và vào tháng 5 vừa qua, trong lần tái bản thứ hai của cuốn sách bằng tiếng Ý về „Bí mật thứ ba của Fatima“ của ngài mà chúng ta đã trích câu phát biểu trên, ĐHY Quốc Vụ Khanh Bertone còn bổ túc thêm ý kiến của ngài bằng những lời phát biểu quan trọng mang tính cách quyết định như sau: „Tuy người ta đã định nghĩa một cách khôn ngoan dè dặt, nhưng lời tiên báo trong thị kiến quả thực có tương quan với sự tử đạo của Giáo Hội, như đã từng tiếp tục xảy ra trong hàng thế kỷ qua, cả trong thế kỷ XXI này của chúng ta nữa.“

Sứ Điệp Fatima, mà Mẹ Thiên Chúa đã khẩn thiết công bố cho nhân loại qua sự trung gian của ba trẻ chăn chiên năm xưa, vẫn luôn còn đó, vẫn luôn sống động. Một thị kiến mang tính chất tiên tri, mà Giáo Hội đã công nhận, vẫn còn chứa đựng đầy tính cách thời sự của nó, chứ chưa rơi vào dĩ vãng như nhiều người tưởng.

Sau khi ĐTC Gioan Phaolô II đã xác tín rằng „Bí mật thứ ba“ của Sứ Điệp Fatima có tương quan với định mệnh của ngài, thì vào năm 2000 những người có lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima đã không khỏi thắc mắc nghi ngờ, vì cuộc ám sát Đức Gioan Phaolô II năm 1981 chưa gây nên một hình thức khủng khiếp có tính cách thế mạt hay một cuộc khủng hoảng rộng lớn trong Giáo Hội; nghĩa là cuộc ám sát đó chưa hẳn là đối tượng thực sự của phần ba bí mật Fatima, mà ba trẻ chăn chiên năm xưa đã được thị kiến. Trái lại, người ta cho rằng cuộc ám sát Đức Gioan Phaolô II năm nào mới chỉ là một biến cố bất hạnh xảy ra trong cuộc sống một vị Giáo Hoàng mà thôi.

Vì thế, người ta tự hỏi: Phải chăng trực giác của ĐTC Gioan Phaolô II là hoàn toàn đúng khi ngài xác tín rằng „bí mật thứ ba của Fatima“ được giải mã qua cuộc ám sát ngài tại quảng trường Thánh Phêrô? Và tiếp sau đó là sự chứng nhận của Đức Hồng Y Bertone, đã được trình bày trong cuốc sách viết về biến cố Fatima của ngài như đã nói trên, cũng đã rõ ràng và không cần bàn cãi nữa? Đó cũng là nỗi thắc mắc của không ít các phóng viên báo chí đã đặt ra nhân dịp cuộc tông du Fatima vừa qua của ĐTC Bênêđíctô XVI, khi họ hỏi: Phải chăng cuộc ám sát Đức Gioan Phaolô II vào ngày 13.5.1981 hoàn toàn thực sự là nội dung của thị kiến về „Bí mật thứ ba của Fatima“? Bởi vì, trong thị kiến của ba trẻ chăn chiên Fatima về „Bí mật thứ ba“ không chỉ một mình vị “Giám Mục mặc áo trắng“ bị sát hại, nhưng còn có nhiều vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và giáo dân khác cũng bị sát hại nữa.

Đứng trước những thắc mắc này, người ta có thể cảm thấy bị lúng túng, nhưng không phải là hoàn toàn bất khả để tìm ra được câu giải đáp. Thật vậy, người ta có thể khẳng định được rằng sự xác tín của ĐTC Gioan Phaolô II và sự chứng nhận của Đức Hồng Y Bertone về sự tương quan chặt chẽ giữa „Bí mật thứ ba của Fatima“ và cuộc ám sát Đức Giáo Hoàng vào ngày 13.5.1981 tại Rôma, nếu được xét theo từng phần, thì hoàn toàn đúng; nhưng nếu xét theo toàn diện của thị kiến, thì chưa đầy đủ. Bởi vì, có lẽ thị kiến ấy phải được nhìn theo toàn diện cuộc tử đạo của Giáo Hội thì mới đầy đủ được, một cuộc tử đạo mà mọi thành phần Dân Chúa đều tham phần vào: từ vị lãnh đạo tối cao là Đức Giáo Hoàng cho tới người giáo dân bình thường.

Thật vậy, cuộc tử đạo của Giáo Hội nói chung và của Đức Giáo Hoàng, của các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và của nhiều giáo dân nói riêng, đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, từ khởi đầu cho tới ngày nay và sẽ còn tiếp tục xảy ra trong tương lai nữa, đúng như lời phát biểu của ĐHY Bertone mà chúng ta đã trích ở trên là „Cuộc tử đạo của Giáo Hội đã từng tiếp tục xảy ra trong suốt hàng thế kỷ qua và cả trong thế kỷ XXI này của chúng ta nữa.“

Đó là điều chúng ta có thể kiểm chứng được trong lịch sử thế giới thời cận đại và ngày nay. Chẳng hạn: trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào các năm 1931-1939 giữa hai phe: Quân quốc gia và phiến quân cộng sản, đã có trên dưới 200.000 tín hữu Công Giáo bị giết hại dã man, trong số đó có trên 7.000 Giám Mục, Linh Mục và Tu Sĩ. Nhất là tại các nước khối Hồi Giáo và các nước do Đảng cộng sản nắm chính quyền, trước hết phải kể tới Liên Bang Sô Viết cũ và Trung Cộng, v.v…, con số các Kitô hữu, gồm các giáo dân, Tu Sĩ nam nữ, linh Mục và Giám Mục, bị cầm tù, bị tra tấn dã man và bị giết hại một cách cực kỳ vô nhân đạo, thì thiết tưởng không còn nằm lại con số ngàn, nhưng phải là con số triệu. Ngay cả trong giờ phút này, ở Trung Cộng, nhiều Giám Mục, Linh Mục và giáo dân vẫn còn bị giam cầm hay không được hưởng quyền sống xứng đáng của một con người.

Bởi vậy, thị kiến có tính chất tiên tri về „Bí mật thứ ba của Fatima“, tức sự tử đạo của Giáo Hội, vẫn chưa được hiện thực hoàn toàn. Nói cách khác, thị kiến đó vẫn còn tiếp tục được hiện thực trong hiện tại và tương lai, đúng như lời Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI phát biều vừa qua tại Fatima: „Ai cho rằng Sứ Điệp tiên tri của Fatima đã được kết thúc, thì người ấy đã lầm.“

Và điều đó muốn nói rằng tất cả mọi Kitô hữu, bất kể đấng bậc và địa vị, còn cần phải tiếp tục can đảm hy sinh cho đức tin của mình vào Đức Kitô; hay nói cách khác, máu tử đạo vẫn còn tiếp tục chảy. Vâng, bao lâu trên thế giới này sự ác còn thắng lướt sự thiện, sự gian dối còn thắng lướt sự thật và sự bất công còn thắng lướt công lý, thì máu tử đạo của các tín hữu Đức Kitô vẫn chưa ngừng chảy.

Và tất nhiên phần thưởng to lớn mà Cha trên Trời dành những người luôn biết can đảm trung thành với Đức tin là một điều hoàn toàn chắc chắn. Chính hào quang bất diệt của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã khẳnh định điều đó, vì Đức Kitô đã hứa: „Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu rỗi!“ (Mt 24,13).
 
Nhật ký Đức Thánh Cha viếng thăm Vương quốc Anh (ngày 16 tháng 9)
Tiền Hô
10:38 17/09/2010
Edinburgh (Scotland) - Buổi sáng ngày thứ nhất của chuyến thăm Vương Quốc Anh, Đức Thánh Cha đã đến cung điện Nữ hoàng Holyroodhouse ở thủ phủ Edinburgh của Scotland (Tô Cách Lan). Trong phát ngôn đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các thành viên chế độ quân chủ và quốc hội Scotland, thậm chí Ngài dành một khoảng thời gian ngắn cho giới truyền thông Anh để nói về việc phúc lợi xã hội.

Đức Thánh Cha kêu gọi Anh Quốc đặt Kitô giáo làm nền tảng để giải quyết những thách thức của thời hiện đại. Ngài hy vọng rằng, xã hội sẽ tiếp tục tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống và không phải gánh chịu sự “xâm nhập của chủ nghĩa thế tục". Trong bài phát biểu của mình, Nữ hoàng Elizabeth II nêu bật quan điểm hợp tác giữa Tòa Thánh và Vương quốc Anh, hy vọng có sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn thông qua đối thoại “để cho những nghi ngờ cũ có thể bỏ qua và thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn".

Dịp này, ĐTC còn có cuộc gặp gỡ riêng với phu quân của nữ hoàng là Hoàng thân Philip, được giới thiệu với các thành viên khác của hoàng gia, trao đổi quà tặng và gặp gỡ khoảng 400 thượng khách đại diện cho các khu vực khác nhau của Vương quốc Anh.

Tại một cuộc họp báo ngay sau đó, Phát ngôn viên Tòa Thánh – Cha F. Lombardi tỏ ra phấn khởi với việc một đám đông khoảng 100.000 người chào đón Đức Thánh Cha ở Edinbourgh. Cha mô tả cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia này như là một cuộc họp trong gia đình vì bầu không khí ấm áp trong Cung điện Holyrood House. Cha Lombardi nói: “Sự khởi đầu này thật tốt đẹp khiến chúng tôi không mong muốn gì hơn”.

Glasgow (Scotland) – Trong Thánh Lễ tại Bellahouston Park (Glasgow) vào chiều Ngày Thứ Năm, Đức Thánh Cha kêu gọi người Công giáo Scotland không phải sợ khi chia sẻ đức tin của mình vào nơi công cộng, Ngài khuyến khích các chuyên gia Công giáo, chính trị gia và giáo viên Scotland đừng bao giờ đánh mất đi lời mời gọi họ sử dụng tài năng và kinh nghiệm của mình để phục vụ đức tin, tham gia vào nền văn hóa đương đại Scotland ở mọi cấp độ.

Với các giám mục người Scotland, Ngài khuyến khích kiếm tìm sự thánh hóa các linh mục bằng sự chăm sóc chu đáo trên cương vị mục tử của mình, Ngài kêu gọi các vị giám mục hãy cầu nguyện để gia tăng ơn gọi linh mục.

Đối với giới trẻ tại đây, ĐTC kêu gọi họ "sống một cuộc sống xứng đáng với Chúa chúng ta và với chính bản thân mình", trong khi đối mặt với "những sự phá hoại và gây chia rẽ" như những cám dỗ về ma túy, tiền tài, dâm ô, tình dục và rượu chè, giới trẻ hãy nên quay về "một điều cốt lõi duy nhất: đó là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô đối với mỗi một người trong trong các con”.

Ngày mai Thứ Sáu 17 tháng 9, ĐTC sẽ bay từ Glasgow đến Luân Đôn với lịch trình như sau:

- 08:00 Cử hành Thánh Lễ tại Nhà nguyện Tòa Khâm sứ tại Wimbledon
- 10:00 Gặp gỡ giới Giáo Dục Công Giáo tại Nhà nguyện và Vận động trường của Đại học St. Mary ở Twickenham
- 11:30 Gặp gỡ Lãnh đạo Tôn giáo tại Họa Thất Waldegrave của Đại học St.Mary, Twickenham
- 16:00 Thăm xã giao Tổng giám mục Canterbury tại Cung điện Lambeth
- 17:10 Gặp gỡ các đại diện của giới xã hội dân sự, giáo dục, văn hóa và giới thương nhân, ngoại giao đoàn và lãnh đạo tôn giáo tại Westminster Hall
- 18:15 Thánh Lễ Đại kết tại Westminster Abbey

(Tổng hợp từ chuyên trang CNA)
 
ĐTC mời gọi chống lại các hình thức thế tục
Đoàn Xuân Lộc
10:43 17/09/2010
Thông điệp chính mà Đức Thánh Cha Bênêđictô (ĐTC) XVI gửi tới Vương quốc Anh trong ngày đầu của chuyến thăm của Ngài tại đây là mời gọi mọi người hãy chống trả lại các ‘các xu hướng thế tục ngày càng mạnh’.

ĐTC đã tới Edinburgh, thủ phụ của Scotland, sáng hôm nay (16/09) và chính thức bắt đầu chuyến thăm bốn ngày tại Vương quốc Anh. Ngài được Nữ hoàng Elisabeth và Hoàng gia Anh tiếp đón tại Palace of Holyrood – Dinh thự chính thức của Nữ hoàng tại Scotland.

Trong bài diễn văn đáp từ diễn văn chào mừng của Nữ hoàng Anh, ĐTC nhắc lại rằng tham vọng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội của Đức quốc xã (Nazi) đã dẫn tới nạn tàn sát người Do Thái dưới thời của Hitler, và qua đó Ngài mời gọi Vương quốc Anh tôn trọng nền tảng Kitô giáo của mình.

ĐTC nhấn mạnh: “Ngày hôm nay Anh quốc đang cố gắng xây dựng một xã hội tân tiến, đa văn hóa. Trong công việc khó khăn đầy thách thức này, ước gì Anh quốc luôn biết tôn trọng những giá trị truyền thống mà các hình thức thế tục quá khích không còn trân trọng hay thậm chí chấp nhận”.

Và trong bài giảng tại thánh lễ tại (công viên) Bellahouston Park, Glasgow – thành phố lớn nhất của Scotland – ĐTC cũng nhấn mạnh rằng việc loại trừ niềm tin tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội là một mối đe dọa đối với sự bình đẳng và tự do vì “tôn giáo thực sự là một sự bảo đảm cho bình đẳng và tự do”.

Cũng trong bài giảng đó, ĐTC mời gọi người trẻ chống lại những cám dỗ của tiền bạc, rượu chè, ma túy, tình dục – những thứ chỉ mang lại ‘hủy hoại, chia rẽ’.

Đón tiếp nồng hậu

Trong những ngày trước khi chuyến thăm diễn ra, báo chí Anh đã lên tiếng chỉ trích Ngài cũng như chuyến thăm và cho rằng Ngài sẽ không được đón tiếp nồng hậu trong những ngày Ngài thăm Anh quốc.

Nhưng những gì diễn ra trong ngày đầu của chuyến tông du này hoàn toàn trái ngược với những chỉ trích, và cái nhìn bi quan đó của giới truyền thông Anh.

Theo cảnh sát của Edinburgh, có khoảng 125 000 người ra đường chào đón Ngài khi chiếc xe Popemobile (Xe hơi Giáo Hoàng) đưa Ngài đi qua trung tâm thành phố Edinburgh. Thánh lễ tại Bellahouston Park ước tính có hơn 70 000 tham dự.

Xem đoàn diễu hành và đặc biệt là thánh lễ tại Bellahouston Park qua truyền hình, ai cũng có thể thấy được sự phấn khởi, vui mừng, lòng quý trọng và kình mến mà người dân và đặc biệt người Công giáo Scotland dành cho Ngài.

Chuyến thăm cấp nhà nước

Chuyến thăm Vương quốc Anh lần này của ĐTC là chuyến tông du đầu tiên của Ngài tới Anh quốc và là lần thứ hai trong lịch sử người đứng đầu Giáo hội Công giáo tới thăm đảo quốc này.

Năm 1982, Đức cố Giáo Hàng Gioan Phaolô II đã tới thăm Anh, xứ Wales và Scotland trong sáu ngày và chuyến tông du đó được coi là ‘lịch sử’ vì lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đặt chân đến ‘xứ sở sương mù’ này.

Mặc dù không được chờ đợi và mang nhiều ý nghĩa lịch sử như chuyến tông du của ĐGH Gioan Phaolô II cách đây gần 30 năm, chuyến thăm Vương quốc Anh lần này của ĐTC Bênêđictô XVI cũng có những ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng đặc biệt.

Chuyến thăm Vương quốc Anh năm 1982 của ĐGH Gioan Phaolô II chỉ là một chuyến thăm mục vụ. Ngài tới với tư cách là vị chủ chăn để thăm và cầu nguyện cùng con cái của mình tại đây.

Nhưng lần này ĐGH Bênêđictô XVI tới Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elisabeth II – người trên danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia và cũng là người đứng đầu Giáo hội Anh giáo. Do đó, cuộc viếng thăm Vương quốc Anh của ĐGH Bênêđictô XVI không đơn thuần chỉ là chuyến thăm mục vụ mà là chuyến thăm cấp nhà nước.

Đó cũng là lý do khi tới Edinburgh, Scotland – trạm dừng chân đâu tiên của Ngài trong chuyến thăm này – Ngài được Nữ hoàng Elisabeth tiếp đón tại dinh thự chính thức của mình ở Scotland.

Tối nay ĐTC đã rời Edinburg sang thủ đô London – trạm dừng chân thứ hai của Ngài. Trong hai ngày tại London, ĐTC sẽ có những cuộc gặp với Thủ tướng, lãnh đạo của các đảng phái tại Anh và được chính phủ Anh tổ chức chiêu đãi.

Ngoài những cuộc tiếp đón, gặp gỡ và làm việc với hoàng gia và chính phủ Anh, trong chuyến thăm này ĐTC còn có những cuộc gặp, trao đổi và cầu nguyện với Tổng giám mục Canterbury và lãnh đạo các tôn giáo khác tại Anh.

Ngoài ra trong hai ngày tại London, Ngài cũng có những sinh hoạt mục vụ quan trọng khác, như các cuộc gặp chung và riêng với các giám mục, linh mục, chủng sinh, giáo dân, thăm các trường Công giáo. Và đặc biệt Ngài sẽ tham dự đêm canh thức tại (công viên) Hyde Park, ở London tối thứ Bảy.

Và đỉnh điểm của chuyến thăm là Thánh lễ phong Chân phước cho Đức Hồng Y John Newman tại Crofton Park, ở Birmingham vào sáng Chúa nhật (19/09) và cũng là ngày cuối cùng của chuyến thăm Vương quốc Anh của Ngài.

Và với tư cách là khách mời của Nữ hoàng Anh, thông điệp mà Ngài muốn gửi tới trong chuyến tông du này không chỉ dành riêng cho người Công giáo mà cho toàn dân tại đây.

Để giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm đặc biệt này, Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, và Scotland đã cho xuất bản một cuốn cẩm nang (booklet) giới thiệu và giải thích các hoạt động của ĐTC cũng như những chủ đề được đề cập đến trong những ngày Ngài thăm Vương quốc Anh.

Tựa đề của cuốn cẩm nang là ‘Heart speaks unto heart – Con tim nói với con tim’. Đây là khẩu hiệu của Đức Hồng Y (ĐHY) John Henry Newman và khẩu hiệu này cũng được chọn làm chủ đề cho chuyến viếng thăm của ĐGH Bênêđictô XVI.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Anh Quốc
LM Trần Đức Anh OP
12:49 17/09/2010
EDINGBURG. Sáng 16-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã lên đường viếng thăm chính thức tại Anh quốc trong 4 ngày, từ 16 đến 19-9-2010 theo lời mời của Nữ Hoàng Elisabeth II.

Đây là lầu đầu tiên trong gần 5 thế kỷ, một thủ lãnh Giáo Hội Anh giáo mời một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm, tuy rằng hồi năm 1982, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã đến thăm các tín hữu Công Giáo tại Anh quốc trong khuôn khổ một cuộc viếng thăm mục vụ.

Cao điểm và cơ hội của chuyến viếng thăm là lễ tôn phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman, một nhân vật giữ một vai trò nổi bật trong sự hồi sinh của Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc. Khẩu hiệu được chọn cho cuộc viếng thăm của ĐTC cũng là khẩu hiệu Hồng Y của Đức Newman ”Lòng nói với lòng” (Cor ad Cor).

Tháp tùng ĐTC trên chuyến bay Airbus 320 của hãng Alitalia có 70 ký giả quốc tế và đoàn tùy tùng 30 người.

Vì những lý do lịch sử, Giáo Hội Công Giáo tại các đảo Anh có hai HĐGM: Ecosse (Scotland) và Anh, kể cả miền bắc Ai Len, với tổng cộng gần 5 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo, trên tổng số gần 60 triệu dân, tức là tương đương với gần 9% dân số. Giáo Hội tại các đảo Anh gồm có 32 giáo phận với 59 GM, được sự cộng tác của 5.225 linh mục triều và dòng. Tại đây có 800 phó tế vĩnh viễn, 340 tu huynh và gần 6.200 nữ tu.

Sau hơn 3 giờ bay, vượt qua 1.930 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường quốc tế Edinburg lúc gần 10 giờ rưỡi sáng. Đây một thành phố có nửa triệu dân cư, thủ phủ xứ Ecosse và cũng là trụ sở của tổng giáo phận Thánh Anrê và Edinburg có hơn 111.500 tín hữu Công Giáo do ĐHY Keith O'Brien coi sóc.

Không có nghi thức đón tiếp tại phi trường. ĐTC chỉ chào vài nhân vật và hội kiến ngắn với phu quân của Nữ Hoàng Elisabeth II, hoàng tế Philip, cũng là quận công xứ Edinburg. Liền đó ngài tiến về lâu dài hoàng gia Holyroodhouse, cách đó 15 cây số, để tham dự nghi thức đón tiếp chính thức. Lâu đài này, có nghĩa là Nhà Thánh Giá, là dinh thự chính thức của Nữ Hoàng ở xứ Ecosse trong mùa hè.

Tại lâu đài hoàng gia, ĐTC đã hội kiến riếng với Nữ Hoàng. Bà lớn hơn ĐTC 1 tuổi, sinh năm 1926 và vốn là con của Vua George VI, thành hôn với Trung Úy Philip Mountbatten năm 1947 khi được 21 tuổi. 4 năm sau đó, bà trở thành Nữ Hoàng Anh, đồng thời cũng là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh giáo.

Sau khi hội kiến với Nữ Hoàng Anh, ĐTC được mời ra khuôn viên để gặp gỡ 400 người gồm các vị lãnh đạo chính quyền, giới chức chính trị, xã hội, Giáo Hội Anh giáo và Công Giáo, Do thái, cùng với một số vị đại biểu quốc hội Ecosse.

Trong lời chào mừng ĐTC, Nữ Hoàng Anh ca ngợi sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các hoạt động của Giáo Hội trong việc giúp đỡ người nghèo và trong lãnh vực giáo dục. Nữ Hoàng cũng đề cao vai trò của tôn giáo trong xã hội Anh quốc, cũng như gia sản Kitô chung của Công Giáo và Anh giáo.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đầu tiên trên đất Anh, ĐTC đặc biệt đề cao căn cội Kitô của đất nước này và cảnh giác chống lại những hình thức tục hóa quá khích muốn loại bỏ các giá trị truyền thống và mọi căn cội Kitô. Ngài bắt đầu từ sự kiện tên của chính lâu đài hoàng gia:

”Tên Holyroodhouse, dinh thự chính thức của Nữ Hoàng tại xứ Ecosse này, gợi lại ”Thánh Giá” và hướng cái nhìn về những căn cội Kitô sâu xa vẫn còn hiện diện trong mọi tầng lớp của đời sống ở đây. Các vị Vua Chúa của Anh và Ecosse đều là Kitô hữu ngay từ thời khởi đầu và trong đó có cả những vị thánh đặc biệt như Edoardo vị Hiển Tu và Margarita xứ Ecosse. Như Nữ Hoàng đã biết, nhiều người trong các vị ấy đã thi hành nghĩa vụ cai quản một cách kỹ lưỡng dưới ánh sáng Tin Mừng, và qua đó đã uốn nắn đất nước trong sự thiện hảo ở mức độ sâu xa nhất. Kết quả là sứ điệp Kitô đã trở nên thành phần của ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa của các hải đảo Anh trong hơn 1 ngàn năm. Lòng tôn trọng của các tiền nhân của quí vị đối với sự thật và công lý, sự khoan dung và lòng bác ái được truyền đến quí vị nhờ một niềm tin vẫn còn là một sức mạnh sâu xa để mưu cầu thiện hảo trong Vương quốc của quí vị, mưu lợi ích lớn lao cho các tín hữu Kitô và những người không Kitô”.

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc để chấm dứt nạn buôn bán nô lệ trên thế giới, rồi cũng có những phụ nữ Anh như bà Florence Nightingale đã phục vụ người nghèo và các bệnh nhân, đặt ra những tiêu chuẩn mới trong việc săn sóc sức khỏe, sau đó được noi theo tại các nơi. John Henry Newman, sắp được phong chân phước, là một trong nhiều tín hữu Kitô Anh quốc trong thời đại của họ, với lòng từ nhân, tài hùng biện và hoạt động đã làm vinh dự cho đồng bào của mình.

ĐTC cũng đề cao các vị thủ lãnh của Anh quốc đã chống lại ”chế độ độc đoán của Đức quốc xã nhắm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội và coi nhiều người không có nhân tính chung, đặc biệt là những người Do thái bị họ coi là không đáng sống. Ngoài ra, tôi muốn nhắc đến thái độ của chế độ Đức Quốc xã đối với các vị mục tử Kitô và các tu sĩ đã rao giảng sự thật trong tình thương, đã chống đối Đức quốc xã và đã phải trả giá bằng mạng sống của mình vì sự chống đối đó. Và ĐTC cảnh giác rằng:

”Trong khi chúng ta suy tư những lời cảnh giác về chủ nghĩa cực đoan vô thần của thế kỷ 20, chúng ta không bao giờ có thể quên rằng sự loại trừ Thiên Chúa, loại trừ tôn giáo và đức tin ra khỏi đời sống công cộng rốt cục sẽ đưa đến một quan niệm què quặt về con người và xã hội, và qua đó, nó đưa tới một ”quan niệm thu hẹp về con người và vận mệnh con người” (Caritas in veritate, 29).

ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Anh quốc vào việc hình thành LHQ cách đây 65 năm, cũng như những nỗ lực của chính phủ nước này trong việc chấm dứt xung đột tại miền bắc Ai Len. Ngài nhận định rằng:

”Chính phủ và nhân dân Anh là đã hình thành những ý tưởng ngày nay vẫn còn ảnh hưởng vượt ra ngoài các đảo Anh. Điều này cũng đòi họ phải chu toàn nghĩa vụ đặc biệt, đó là hành động một cách khôn ngoan để mưu công ích. Đồng thời, vì ý kiến của họ được truyền tới rất nhiều người, nên các cơ quan truyền thông có một trách nhiệm hệ trọng hơn những người khác, và cũng có cơ hội rộng rãi hơn để thăng tiến hòa bình giữa các dân nước, sự phát triển toàn diện của các dân tộc và sự phổ biến các nhân quyền đích thực. Ước gì tất cả mọi người dân Anh có thể tiếp tục sống các giá trị lương thiện, tôn trọng và quân bình vốn làm cho họ được nhiều người quí chuộng và ngưỡng mộ.”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Ngày nay Vương quốc thống nhất đang cố gắng trở thành một xã hội tân tiến và đa văn hóa. Trong nghĩa vụ đầy khích lệ này, ước gì xã hội Anh luôn có thể duy trì sự tôn trọng các giá trị truyền thống và tôn trọng những biểu thị văn hóa mà những hình thức tục hóa quá khích nhất không còn quí chuộng và chấp nhận nữa. Ước gì xã hội Anh không để bị lu mờ nền tảng Kitô vốn là căn cội của tự do, và ước gì gia sản ấy, vốn luôn phục vụ đất nước, có thể liên tục hình thành tấm gương của chính phủ và dân tộc Anh đối với 2 tỷ thành viên của Khối Thịnh Vượng chung, cũng như đại gia đình các dân nước nói tiếng Anh trên thế giới”

Sau bài diễn văn, ĐTC đã được Nữ Hoàng tháp tùng giới thiệu với các vị khách mời cao cấp nhất và chào thăm họ. Trước khi giã từ lâu đài hoàng gia, ngài đã được một số em học sinh tặng hoa. Liền đó ngài dùng xe bọc kính tiến về tòa TGM giáo phận Edinburg. Trên xe ngài đeo một khăn quàng màu xanh đậm có sọc, biểu tượng của xứ Ecosse. Dọc đường 5 cây số, có đông đảo các học sinh, tín hữu và dân chúng đứng hai bên đường, cầm cờ Tòa Thánh và Ecosse để chào mừng ngài.

Tại tòa TGM giáo phận Thánh Anrê và Edinburg, ĐTC đã dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng cũng như các vị lãnh đạo Công Giáo ở địa phương, và nghỉ ngơi.

Ban chiều 16-9-2010, ĐTC đã giã từ thành phố Edinburg, đi xe tới Glasgow cách đó gần 90 cây số để cử hành thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm. Hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại công viên Bellahouston để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành. Sau thánh lễ, ĐTC ra phi trường đáp máy bay về thủ đô Luân Đôn.
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Glasgow
LM Trần Đức Anh OP
12:49 17/09/2010
GLASGOW. Chiều 16-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ trước sự tham dự của 100 ngàn tín hữu tại công viên Bellahouston ở Glasgow, thành phố lớn nhất tại Ecosse (Scotland) với 590 ngàn dân cư.

ĐTC đã từ Edinburg, đi xe vượt qua 90 cây số đến đây vào lúc 5 giờ chiều và dùng xe bọc kính đi giữa các lối đi để chào thăm các tín hữu. Họ vẫy cờ Tòa Thánh vàng trắng và cờ xứ Ecosse xanh trắng, nồng nhiệt chào đón ĐTC khi ngài đến công viên. Trước đó họ đã được nữ danh ca Susan Boyle người bản xứ động viên tinh thần với bài ca ”Ngài vĩ đại dường bao”. Cô nói rằng được hát trong thánh lễ của ĐGH là giấc mơ trọn đời của cô.

Đồng tế với ĐTC có tất cả các GM xứ Ecosse và các vị thuộc đoàn tùy tùng. Chủ đề thánh lễ là lễ kính thánh Niniano xứ Galloway, Tông đồ của dân tộc Ecosse (360-432). Trong số các tín hữu hiện diện, ngoài các nhóm giáo dân xứ Ecosse còn có nhiều tín hữu đến từ Ai Len và Anh quốc từ miền nam tới.

Theo lưu truyền, thánh Niniano đã du hành đến Roma, và tại đây ngài thụ phong giám mục. Có lẽ thánh nhân đã đến Ecosse cách đây hơn 1.500 năm, tức là vào năm 397. Ngài đã thành lập một cộng đoàn Kitô bé nhỏ tại mũi cực nam của xứ Ecosse, được gọi là Nhà Trắng và ngày nay được gọi là Whithorn, theo thổ ngữ địa phương.

Trong thánh lễ, ĐTC khích lệ các tín hữu hãy thăng tiến sự khôn ngoan và lập trường tôn giáo của mình trong lãnh vực công cộng, bởi vì xã hội nào tìm cách gạt bỏ tôn giáo, thì rốt cuộc sẽ đi tới một thứ luân lý rừng rú tự hủy diệt chính mình. Ngài cũng nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo không những trở thành những mẫu gương về đức tin trong hành động, nhưng còn phải bảo vệ ảnh hưởng của đức tin Kitô trong diễn đàn công cộng. Đây là điều cần thiết hơn bao giờ hết giữa lúc chế độ độc tài của chủ nghĩa duy tương đối đang đe dọa xuyên tạc sự thật về bản tính con người.

Cuối bài giảng, ĐTC đã đọc câu chúc lành bằng tiếc bản xứ Gaelic cổ là ngôn ngữ xưa kia vốn được dùng trong kinh nguyện của các tín hữu. Mọi người nồng nhiệt vỗ tay, reo hò, và họ lại vẫy cờ đầy phấn khởi.

Bài giảng của ĐTC

ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm và thánh lễ Đức Gioan Phaolô 2 đã cử hành tại thành phố Glasgow này cách đây 28 năm với sự tham dự của con số đông đảo tín hữu chưa từng có trong lịch sử Ecosse. Nhiều điều đã xảy ra từ biến cố lịch sử ấy tại Ecosse cũng như trong Giáo Hội tại đây. Những lời nhắn nhủ của ĐGH Gioan Phaolô 2 về việc đồng hành với anh chị em Kitô khác đã mang lại niềm tin tưởng và tình thân hữu nồng nhiệt hơn với các thành viên của Giáo Hội Ecosse, Giáo Hội Anh giáo tại đây và các Giáo Hội Kitô khác. Ngài nói:

”Xin để cho tôi khích lệ anh chị em tiếp tục cầu nguyện và làm việc với các tín hữu Kitô khác trong việc kiến tại một tương lai rạng ngời hơn cho Ecosse, dựa trên gia sản Kitô chung của chúng ta”.

ĐTC đặc biệt nhắc đến các trường Công Giáo tại Ecosse, trong 30 năm qua, với sự trợ giúp của chính quyền, đã chấp nhận thách đố đảm bảo một nền giáo dục toàn diện cho con số đông đảo hơn các học sinh.. ”Đây là một dấu hiệu hy vọng lớn cho Giáo Hội và tôi muốn khích lệ các nhà chuyên nghiệp, các chính trị gia và giáo chức Công Giáo Ecosse đừng bao giờ quân ơn gọi của mình, là dùng tài năng và kinh nghiệm để phục vụ đức tin, đối chiếu với nền văn hóa Ecosse hiện nay ở mọi cấp độ”. ĐTC cũng nhấn mạnh rằng:

”Việc đưa Tin Mừng vào nền văn hóa là điều càng quan trọng hơn trong thời đại chúng ta ngày nay, trong đó ”chế độ độc tài của chủ thuyết duy tương đối đang đe dọa làm lu mờ sự thật bất biến về bản tính con người, vận mệnh và thiện ích tối hậu của con người. Ngày nay có một số người tìm cách loại trừ tín ngưỡng tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cộng, riêng tư hóa hoặc thậm chí trình bày tín ngưỡng như một đe dọa cho sự bình đẳng và tự do. Trái lại, tôn giáo trong thực tế là bảo đảm cho tự do chân chính và sự tôn trọng, giúp chúng ta nhìn mỗi người như một người anh chị em. Vì lý do đó tôi đặc biệt kêu gọi anh chị em, các tín hữu giáo dân, theo ơn gọi và sứ mạng đã nhận lãnh khi chịu phép rửa, để không những anh chị em trở thành mẫu gương công khai về đức tin, nhưng còn biết cổ võ trong lãnh vực công cộng, sự thăng tiến khôn ngoan và vũ trụ quan xuất phát từ đức tin. Xã hội ngày nay đang cần những tiếng nói rõ ràng, đề nghị quyền của chúng ta được sống không phải như trong một rừng rú tự do tự hủy diệt và độc đoán, nhưng trong một xã hội hoạt động cho thiện ích đích thực của các công dân, mang lại cho họ sự hướng dẫn và bảo vệ chống lại những yếu đuối và dòn mỏng của họ. Anh chị em đừng sợ tận tụy cho việc phục vụ các anh chị em khác, về cho tương lai đất nước yêu quí của anh chị em.

”Thánh Niniano, mà chúng ta mừng lễ hôn nay, đã không sợ là một tiếng nói đơn độc. Theo gương các môn đệ mà Chúa chúng ta đã phái đi trước ngài, thánh Niniano là một trong thừa sai Công Giáo đầu tiên mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho đồng bào của mình. Cứ điểm truyền giáo của ngài tại Galloway trở thành một trung tâm đầu tiên trong việc truyền giảng Tin Mừng tại đất nước này... Anh chị em hãy trở nên xứng đáng với đại truyền thống ấy. Anh chị em hãy luôn theo lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ I: ”Anh chị em đừng lười biếng trong việc làm điều thiện, trái lại hãy sốt sắng trong tinh thần, phụng sự Chúa. Hãy vui mừng trong hy vọng, kiên trì trong sầu khổ, và bền tâm trong việc cầu nguyện” (Xc Rm 12,11-12).

Tiếp tục bài giảng, ĐTC đặc biệt gửi những lời nhắn nhủ đến các thành phần trong Giáo Hội địa phương. Với các GM, ngài nhắc nhở các vị về một trong những nghĩa vụ đầu tiên là săn sóc các LM, quan tâm đến việc nên thánh của các LM. ĐTC nói: ”Cũng như các LM là Alter Christus, Chúa Kitô thứ hai đối với cộng đoàn Công Giáo, anh em cũng hãy trở nên như vậy đối với các LM”.

Với các LM, ngài nhắn nhủ rằng ”Anh em được kêu gọi nên thánh và phục vụ dân Chúa, uốn nắn đời sống mình theo mầu nhiệm Thập giá của Chúa. Hãy rao giảng Tin Mừng với một con tim tinh tuyền và một lương tâm ngay thẳng. Hãy dâng hiến mình cho một mình Thiên CHúa và trở thành những tấm gương sáng ngời về đời sống thánh thiện, đơn sơ và vui tươi cho người trẻ: chắc chắn người trẻ cũng muốn hiệp với anh em trong việc chuyên cần phục vụ dân Chúa..

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ Công Giáo Ecosse hãy sống một cuộc đời xứng với Chúa chúng ta (Xc Ep 4,1) và với chính mình. Có nhiều cám dỗ mà các con phải đương đầu hằng ngày: ma túy, tiền bạc, tình dục, dâm ô, rượu chè.. Những thứ này, theo thế gian sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng trong thực tế đó là những thứ hủy hoại, tạo nên chia rẽ. Chỉ có một sự tồn lại: đó là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô đối với mỗi người trong các con. Hãy tìm kiếm, nhận biết và yêu mến ngài. Và Chúa sẽ làm cho các con được giải thoát khỏi sự nô lệ của cuộc sống thu hút nhưng hời hợt, thường được xã hội ngày nay đề nghị.
 
Hoạt động của Đức Thánh Cha tại Luân Đôn sáng 17-9-2010
LM Trần Đức Anh OP
12:50 17/09/2010
LUÂN ĐÔN. Sáng ngày 17-9-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ giới giáo dục Công Giáo, hàng ngàn em học các trường Công Giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo khác tại Đại Học Công Giáo Saint Mary ở Luân Đôn.

Lúc 8 giờ, ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nguyện đường của tòa Sứ Thần, rồi sau đó, đến Đại Học Công Giáo Saint Mary ở Twickenham cách đó 12 cây số. Đại Học này được thành lập năm 1850, cùng thời điểm với việc tái lập Hàng giáo phẩm Công Giáo tại Anh quốc. Cơ sở này nhắm cung cấp một nền giáo dục cho con cái của những gia đình Công Giáo không khá giả và thoạt đầu do các Tu Huynh các trường Công giáo đảm trách, về sau được chuyển giao cho các tu sĩ dòng Vinh Sơn. Trụ sở hiện nay của Đại Học này có từ năm 1925 và sau đó có thêm nhiều tòa nhà được xây thêm. Hiện thời Học viện có 4 ngàn sinh viên với 750 nhân viên các ngành.

Đến Học viện St. Mary vào lúc gần 10 giờ rưỡi, ĐTC đã được các học sinh tiếp đón nồng nhiệt, cùng với bộ trưởng giáo dục của Anh quốc. Liền đó, ngài tiến vào nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 nữ tu nam nữ dấn thân trong ngành giáo dục Công Giáo trên toàn quốc.

Cuộc gặp gỡ có hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với một bài đọc từ sách Khôn Ngoan: ”Tôi đã yêu mến sự khôn ngoan hơn cả sức khỏe và sắc đẹp” (Kn 7,7-10.15-16).

ĐTC nhắn nhủ các giáo chức

”Như anh chị em biết, nghĩa vụ của giáo chức không phải chỉ là cung cấp các thông tin hoặc chuẩn bị về kỹ thuật để mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội; giáo dục không phải và không bao giờ được nhìn dưới khía cạnh hoàn toàn duy lợi ích. Đúng hơn, giáo dục nhắm tới sự huấn luyện con người, chuẩn bị con người sống cuộc sống sung mãn, nói tóm lại, đó là một sự giáo dục về khôn ngoan”.

ĐTC cũng nhắc đến quá trình đóng góp của các đan sĩ cho việc rao giảng Tin Mừng tại các đảo Anh, ”các đan sĩ dòng Biển Đức đã tháp tùng thánh Augustino trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng tại Anh quốc, các môn đệ của thánh Columba đã phổ biến đức tin tại xứ Ecosse và miền bắc Anh quốc.. Chính sự dấn thân của các đan sĩ đã chuẩn bị con đường cho cuộc gặp gỡ Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, và qua đó đã đặt nền móng cho nền văn hóa của chúng ta và nền văn hóa tây phương.”

ĐTC cũng đề cao của các tu sĩ thuộc các dòng hoạt động, với đoàn sủng giáo dục người trẻ.. Thường thường các dòng tu đã góp phần vào việc giáo dục lâu dài trước Nhà Nước đảm nhận trách nhiệm trong việc phục vụ cá nhân và xã hội. Vì các vai trò liên hệ của Giáo Hội và Nhà Nước trong lãnh vực giáo dục tiếp tục tiến triển, nên anh chị em không bao giờ được quên rằng các tu sĩ có một đóng góp có một không hai trong công tác tông đồ này, đó là làm chứng tá bằng đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa và lòng trung thành, yêu mến Chúa Kitô, là vị Tôn Sư tối cao. Ngoài ra, sự hiện diện của các tu sĩ trong các trường Công Giáo là một lời nhắc nhớ mạnh mẽ về đặc tính Công Giáo đã được thảo luận sâu rộng, đặc tính này cần phải thấm nhập vòa mọi khía cạnh của đời sống học đường.

Sau cùng, ĐTC đề cao hoạt động của những người dấn thân để bảo đảm cho các trường học của chúng ta có một môi trường an toàn đối với các trẻ em và người trẻ.

ĐTC nhắn nhủ các giáo chức

Buổi gặp gỡ của ĐTC với các tu sĩ nam nữ giáo chức mang mầu sắc nghiêm trang, khác hẳn với bầu không khí vui nhộn của hàng ngàn học sinh chờ đợi ĐTC ở khuôn viên Học Viện. Các em đến từ các trường Công Giáo trên toàn quốc, và buổi gặp gỡ với ĐTC không những được đài truyền hình truyền đi, nhưng người ta còn có thể theo dõi qua Internet trong tất cả các trường Công Giáo ở Ecosse và Anh quốc.

Đức Cha Malcolm McMahon O.P, GM giáo phận Nottingham, chủ tịch Ủy ban GM Anh về giáo dục, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, tiếp đến là chứng từ của một nữ sinh, và nghi thức khai mạc Hiệp Hội Gioan Phaolô 2 về thể thao, với một đoàn các em học sinh mặc áo cầu thủ màu vàng lên tuyên hứa tuân giữ tinh thần thể thao đúng đắn và cao thượng.

Trong bài huấn dụ dành cho các học sinh và sinh viên, ĐTC đặc biệt mời gọi các em hãy nên thánh và giải thích rằng:

”Khi tôi mời gọi các em hãy nên thánh, có nghĩa là tôi xin các em đừng hài lòng với những chọn lựa hàng nhì. Tôi xin các em đừng theo đuổi một mục tiêu hạn hẹp, mà làm ngơ không biết tới tất cả những mục tiêu khác. Sở hữu tiền bạc có thể làm cho ta quảng đại và làm điều tốt lành trên thế giới, nhưng tự nó, nó không đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc. Có nhiều tài năng trong một số hoạt động hoặc nghề nghiệp là một điều tốt, nhưng nó không bao giờ có thể làm cho chúng ta thỏa mãn, cho đến khi chúng ta nhắm tới một cái gì đó cao cả hơn. Nó có thể làm cho chúng ta nổi tiếng, nhưng không làm cho chúng ta hạnh phúc. Hạnh phúc là điều là mọi người mong ước, nhưng một trong những thảm trạng của thế giới này là bao nhiêu người không tìm được hạnh phúc vì họ tìm ở nơi không đúng. Giải pháp thật là đơn giản: hạnh phúc chân thật cần phải tìm nơi Thiên Chúa. Chúng ta cần có can đảm đặt những hy vọng sâu xa nhất của chúng ta nơi Thiên Chúa mà thôi: không phải nơi tiền bạc, sự nghiệp, thành công trần thế, hoặc trong những quan hệ của chúng ta với người khác, nhưng là với Thiên Chúa.

ĐTC giải thích thêm rằng: “Thiên Chúa không những yêu thương chúng ta một cách sâu đậm và nồng nhiệt đến độ chúng ta thật khó tưởng tượng được. Chúa mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu ấy.. Và một khi các em đi vào tình bạn với Thiên Chúa, thì mọi sự trong cuộc sống các em bắt đầu thay đổi.. Các em bắt đầu coi lòng ham muốn của cải và tính ích kỷ, và mọi thứ tội lỗi khác là những xu hướng hủy hoại và nguy hiểm, tạo nên đau khổ sâu xa và gây thiệt hại lớn lao, và các em muốn tránh vơi vào những cái cạm bấy ấy. Các em bắt đầu cảm thương những người đang gặp khó khăn và muốn làm cái gì đó để giúp đỡ họ. Các em muốn giúp người nghèo đói, an ủi người đau khổ, trở nên tốt lành và quảng đại. Khi những điều ấy bắt đầu được các em quan tâm, có nghĩa là các em bắt đầu tiến bước trên con đường thánh thiện”.

Gặp các vị lãnh đạo tôn giáo

Giã từ các học sinh và sinh viên, ĐTC tiến sang một gian phòng khác của Học Viện Saint Mary để gặp gỡ đông đảo các đại diện tôn giáo tụ họp tại đây vào lúc quá 11 giờ rưỡi. Ngoài các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô, còn có các vị lãnh đạo Do thái, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Phật giáo là những tôn giáo hiện diện tại Anh quốc.

Nam tước Sacks Aldgare, Rabbi trưởng của Liên hiệp cộng đoàn Do thái thuộc Khối thịnh vượng chung, và tiến sĩ Khalek Azzam, thuộc Hồi giáo đã chào mừng và phát biểu trong buổi gặp gỡ, trước khi đến lượt ĐTC lên tiếng.

Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của Giáo Hội Công Giáo về sự hiện diện của các tín hữu dấn thân trong các lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội và kinh tế. Chứng tá của họ hùng hồn nói về sự kiện chiều kích tinh thần của đời sống chúng ta là điều cơ bản đối với căn tính làm người của chúng ta. Trong tư cách là tín đồ thuộc các truyền thống khác nhau, chúng ta làm việc để mưu ích cho cộng đoàn theo nghĩa rộng, chúng ta đề cao tầm quan trọng của chiều kích này, trong sự cộng tác với nhau, bổ túc cho cuộc đối thoại liên tục của chúng ta.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Sự tìm kiếm điều thánh thiêng là tìm kiếm điều duy nhất cần thiết, điều duy nhất thỏa mãn những mong đợi của con tim con người.. Bên trong những lãnh vực thuộc thẩm quyền của mình, các khoa học nhân văn và tự nhiên cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu rộng về những khía cạnh của cuộc sống chúng ta và đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của thế giới vật chất, nhưng các khoa này không mang lại câu trả lời, không thể trả lời cho câu hỏi căn bản, tại sao chúng hoạt động ở những bình diện hoàn toàn khác nhau như vậy.

”Sự tìm kiếm thánh thiêng không hạ giá các lãnh vực nghiên cứu khác của con người. Trái lại, nó đặt các lãnh vực ấy trong bối cảnh làm gia tăng tầm quan trọng của chúng như những con đường qua đó chúng ta thi hành sứ mạng làm người quản lý thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm. Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta nghĩa vụ tìm kiếm và sử dụng các mầu nhiệm thiên nhiên để phục vụ một điều thiện cao cả hơn. Điều thiện cao hơn này trong đức tin Kitô được diễn tả như tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.”

ĐTC cũng nhắc lại rằng từ Công đồng chung Vatican 2, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và cộng tác giữa tín đố các tôn giáo khác nhau. Và để cho cuộc đối thoại này được nhiều thành quả, cần có sự hỗ tương giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Nó đòi sự tôn trọng lẫn nhau, tự do thực hành tôn giáo của mình và thi hành những việc phụng tự công cộng, cũng như tự do theo lương tâm của mình mà không phải chịu xách nhiễu hoặc bách hại, kể cả sau khi từ một giáo này theo tôn giáo khác.

Sau diễn văn của ĐTC, Đức TGM Patrick Kelly của tổng giáo phận Liverpool, đã giới thiệu một số vị lãnh đạo tôn giáo lên ĐTC để ngài bắt tay thăm hỏi. Liền đó ĐTC trở về tòa Sứ Thần để dùng bữa trưa, trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo cùng với ĐHY Kasper và Đức TGM Kurt Koch, cựu và đương kim Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tin hữu Kitô, tham dự buổi tiếp tân tại một sảnh đường của Học Viện.

Ban chiều ngày 17-9-2010, ĐTC đến thăm Đức TGM Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo Rowan Williams ở điện Lambeth, vào lúc quá 4 giờ, trước khi đến Westminster Hall, để gặp các vị lãnh đạo xã hội dân sự, giới đại học, văn hóa, chủ doanh nghiệp, ngoại giao đoàn và các vị lãnh đạo tôn giáo.

Hoạt động cuối cùng trong ngày của ngài là buổi cầu nguyện đại kết tại Đan viện Westminster vào lúc quá 6 giờ chiều, cùng với Đức Giáo Chủ Anh giáo.
 
Cảnh sát Scotland Yard bắt giữ 6 nghi phạm khủng bố tại London
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
16:39 17/09/2010
LONDON - Vào buổi sáng sớm thứ sáu, 17.9.2010 các nhân viên của tổ "truy cập khủng bố" thuộc đơn vị chống khủng bố của Cảnh sát Hoàng gia Anh (Scotland Yard) đã bắt giữ 5 người đàn ông nghi phạm cải trang thành những người quét đường phố ở trung tâm London. Cảnh sát Anh đưa tin rằng 5 người đàn ông đã bị bắt giữ vì có thể trở thành mối đe dọa cho Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. Vụ bắt giam đã được thực hiện trong sự nghi ngờ về "cuộc chuẩn bị hành động khủng bố" và nhận lệnh thực hiện khủng bố, theo cơ quan Scotland Yard nhận định. Đài truyền hình Sky TV đưa tin những người này đã được ngụy trang như là những người quét đường phố.

Năm người đàn ông bị bắt có độ tuổi 26, 27, 36, 40 và 50, họ có nguồn gốc đến từ Bắc Phi, vài người đến từ Algeria và có gốc Hồi Giáo. Cuộc bắt giữ được thực hiện ngay nơi kho lưu giữ thiết bị quét đường.

Các biện pháp của lực lượng an ninh được đánh giá là một "sự phòng ngừa" cần thiết, trong khi các thám tử liên tục theo dõi mức độ về mối đe dọa cho vị quốc khách. Cùng lúc một số địa chỉ ở phía bắc và phía đông London của 5 người đàn ông này đã được lục soát kỹ lưỡng nhưng không tìm thấy vũ khí hoặc chất nổ.

Đến chiều thứ sáu cảnh sát London lại bắt thêm một nghi phạm thứ sáu, 29 tuổi. Nghi phạm này bị bắt giam ngay tại tư gia và cảnh sát cũng không tìm thấy vũ khí hoặc chất nổ tại nơi đó.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã được thông báo về vụ việc ngay liền lập tức, tuy nhiên ngài không lo lắng, thông tin từ Vatican cho biết. "Chúng tôi đầy tin tưỏng vào cảnh sát Hoàng gia Anh và không thấy cần thiết phải thay đổi chương trình", cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh nói thêm. Cảnh sát London đang đáp ứng được những biện pháp an ninh cần thiết cho cuộc tông du của ĐGH, tình hình cho thấy không xuất hiện thêm nguy hiểm đặc biệt.

Qua cuộc ngăn ngừa khủng bố thành công sáng nay tại thủ đô London, cảnh sát Hoàng gia Anh càng nỗ lực thêm để bảo đảm an ninh cho Đức Giáo Hoàng và phái đoàn Tòa Thánh của ngài. Biện pháp an ninh càng nghiêm ngặt hơn so vơi 28 năm trước đây khi ĐGH Gioan Phaolô II thăm viếng mục vụ tại Vương quốc Anh. Vào chiều thứ bẩy, 18.9.2010 các tham dự viên vào cửa tham dự buổi tối canh thức cầu nguyện tại công viên Hyde Park sẽ được kiểm soát an ninh kỹ lưỡng. Các giáo xứ và trường học phải trình ra được danh sách đăng ký của tham dự viên nơi vào cổng và cảnh sát mở rộng các cuộc kiểm tra chéo, ngoài ra chỉ những người thuộc về nhóm mới được đi chung với nhau.

Cuộc tiếp đón thân thiện trong ngày thứ sáu như ĐGH được chứng kiến đã không làm gián đoạn mặc dù có tin về bắt giam khủng bố. Các mối đe dọa ám sát Giáo Hoàng không làm phân tâm ĐGH trong những cuộc gặp gỡ mục vụ và ngoại giao tại London. Ngài vẫn giữ được nét bình thản vững tin.
 
Kinh nghiệm đời sống Mỹ: Cái áo làm nên thầy tu
Trần Mạnh Trác
18:46 17/09/2010
Ngạn ngữ có câu "cái áo không làm nên thầy tu" ("the habit does not make the monk"), nhưng kinh nghiệm thực tế tại Hoa Kỳ cho thấy câu nói này có vẻ sai.

Trong nhiều thập kỷ, nhiều dòng tu đã thi hành nghiêm chỉnh câu ngạn ngữ về cái áo này, họ bỏ bộ y phục buồn thảm đi, ăn mặc cho hợp với công việc hơn, đại chúng hơn và, thời trang hơn. Nhưng dù có thay đổi cách ăn mặc thế nào đi nữa thì chiều hướng giảm sút ơn gọi trầm trọng vẫn không có hy vọng xoay chiều.

Số lượng nữ tu ở Mỹ đã giảm đáng kể trong nhiều chục năm qua vì số nữ tu nghỉ hưu hoặc qua đời không được thay thế.

Năm 1965 con số nữ tu ở Mỹ là 179.954, nhưng ngày nay con số chỉ còn là khoảng 57.544, theo Trung tâm Nghiên cứu Mục Vụ Ứng dụng (Center for Applied Research in the Apostolate) tại Đại học Georgetown.

Trong những năm 1950 và 60, người phụ nữ đã bước vào đời sống tu hành với một số lượng lớn, nhưng trong những thập kỷ sau thì sự việc đổi khác khi mà người phụ nữ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong xã hội.

Một nghiên cứu của Hội ĐồngTôn Giáo Quốc Gia bởi Đại học Georgetown năm 2009 cũng cho biết tuổi trung bình của các nữ tu ở Hoa Kỳ là 70. Tương lai sẽ không sáng sủa lắm vì 34% các nhà dòng được khảo sát không có ứng viên mới. Trong số còn lại thì đến một nửa chỉ có một hoặc hai ứng viên mà thôi.

Để cho thây chiều kích của sự kiện là thê thảm chừng nào, hãy lấy thí dụ dòng nữ Biển Đức St Joseph ở Eau Claire, Minesota, vào năm 1948 họ có khoảng 1.200 nữ tu, ngày nay họ chỉ còn 250. Dù thế, đây vẫn là dòng nữ Biển Đức lớn nhất, tuổi trung bình là 77, nữ tu trẻ nhất là 39 tuổi.

Hồi đó, năm 1948, họ từng tiễn đưa 83 nữ tu đi lập dòng mới ở Wisconsin, nhà dòng St Bade. Tháng 6 vừa qua, St Bade đóng cửa sau nhiều năm không có tuyển sinh, 29 nữ tu còn lại phải trở về dòng mẹ.

Sự trở về với một nhà dòng lớn hơn hay là sự tập hợp nhiều nhà dòng lại với nhau có vẻ là "đợt sóng của tương lai " ("the wave of the future.") theo lời của Sơ Michaela Hedican, bề trên nhà dòng St Bade.

Văn Phòng Hưu Trí Quốc Gia Của Giới Tu Sĩ tại Washington, DC (National Religious Retirement Office) đã theo dõi sự tập hợp của các dòng nữ Công giáo từ năm 1989, vị giám đốc của văn phòng là Sơ Janice Bader cho biết đã có 130 nhà dòng tập hợp lại để tạo thành 45 nhà dòng có thể họat động hiện nay.

Phải rời ngôi nhà mà một nữ tu đã tuyên khấn thì là một sự kiện đau lòng, khi mà ước vọng là ngôi nhà dòng sẽ là nơi ở cuối cùng và các chị em là những bạn đồng hành liên tục suốt đời. "Nó là một loại đau buồn trong nhiều cách", Sơ Francene Horan tâm sự, Sơ là người đã nhập dòng Mercy’s motherhouse ở Brooklyn vào năm 1950 để dạy lớp mẫu giáo, nhà dòng đóng cửa tháng 12 năm 2008. "Nơi ở chỉ là một điều nhỏ mà thôi. Nhưng nhà dòng thực sự là một gia đình (home), một nơi mà mình nghĩ sẽ được sống suốt đời. (Phải rời nó thì) giống như là mình vừa bị mất cả bố lẫn mẹ và rồi mình cũng mất luôn cả chốn nương thân nữa."

Những nữ tu dòng Mercy ở Brooklyn là những người chuyên đi tìm giúp đỡ những trẻ lạc lòai, vô gia cư. Từ năm 1855 với 5 Sơ đầu tiên, họ đáp lời mời của đức giám mục John Loughlin xin họ tới để giúp cho những trẻ giang hồ trong khu vực Manhattan; vì vậy họ có cái hỗn danh là những Sơ Đi Bộ (Walking Sisters). Bây giờ thì chính họ cũng phải chịu cái thân phận mồ côi.

Một vài năm trước các Sơ đã không thể tưởng tượng rằng ngày nay mỗi khi họ tụ họp với nhau là để tạm biệt nhau lần cuối, và cũng là từ biệt lối sống mà họ đã từng có, của một tu viện bận rộn, chia sẻ cho nhau công việc mỗi ngày, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau vui cười.

Những thay đổi trong chính sách phúc lợi xã hội của thập niên 1970 đã thay đổi các họat động của nhà dòng, họ phải đóng cửa nhà tế bần, nhưng họ mở viện mồ côi, mở nhà hưu dưỡng, và mở rộng dịch vụ cho người vô gia cư và tàn tật.

Nhưng khu phố chung quanh đã thay đổi, thu hút người dân gốc la tinh, da đen và do thái.

Vài năm trước nhiều cuộc kiểm tra cho thấy tòa nhà đã quá cũ, gây nhiều trở ngại cho các Sơ lớn tuổi. Sơ Christine McCann, bề trên giám tỉnh, cho biết tỉnh dòng sẽ bán nhà Brooklyn để tài trợ cho các công tác xã hội và giáo dục của tỉnh dòng ở nơi khác.

38 nữ tu sống tại tu viện được chọn lựa hoặc mua appartment riêng, hoặc mua căn hộ trong một trung tâm dưỡng lão, hoặc gia nhập một nhà hưu dưỡng của tu sĩ.

"Một cộng đồng mà phải làm những quyết định có ảnh hưởng đến nhiều cuộc sống như thế này thì thật là đau lòng", Sơ McCann nói. "Nhưng phản ứng của các Sơ ở đây thì tuyệt vời. Họ đã sống trung thực với cảm xúc của họ, dù vui lúc trước rồi buồn lúc sau, nhưng đức tin của họ thì không lay chuyển. Là một sĩ tử dòng Mercy, họ thực hiện từng bước đi với lòng dũng cảm. "

Vào một buổi chiều, các Sơ và quan khách tụ tập để tiễn đưa một Sơ khởi hành. Sơ Mary Isabel Sullivan kể lại những kỷ niệm đời tu, vào năm 1967 khi Sơ mới đi tu, thì khi đó vẫn còn nhiều Sơ trẻ, người thì đi học đại học, kẻ thì đi dậy các lớp mẫu giáo. Nhưng ngay sau đó, nhiều thay đổi đã bắt đầu với việc cho phép các Sơ được lựa chọn nghề nghiệp mới ngoài việc giảng dạy và chăm sóc trẻ em.

"Mọi người cũng có thể lựa chọn nơi cư trú của họ nữa," Sơ nói. "Và chúng tôi đã trở nên nhỏ hơn."

Sơ nhớ lại những ngày mà các Sơ Đi Bộ là một hình ảnh thân ái của khu phố, sự hiện diện của họ được xác định dễ dàng vì bộ đồ tu - hoặc vì cái cung cách của một nhà tu.

"bây giờ thì chúng tôi ăn mặc giống như bất kỳ người phụ nữ nào, " Sơ Mary Joseph nói. "Nhưng thỉnh thỏang vẫn có người hỏi, 'phải bà là một bà Sơ không?'"

Nhưng sẽ không có ai phải hỏi câu hỏi này với các Sơ Đa Minh của nhà dòng St Cecilia ở Nashville cả.

Nhà dòng St Cecilia là một trong số ít các dòng tu Công giáo đã đảo ngược cái đà xuống dốc của ơn gọi. Và ít nhất hai trong số những dòng tu này thực hiện sự đảo ngược bằng cách gắn bó với truyền thống, bao gồm việc mặc áo dòng.

Năm nay, cũng như nhiều năm trước, St Cecilia sẽ có 27 thỉnh sinh nhập dòng vào mùa thu, đây có thể là nhóm nữ tu mới lớn nhất ở Mỹ.

Các Sơ ở St Cecilia và ở các nhà dòng 'thịnh vượng' thường là những người còn trẻ, họ gần gũi với độ tuổi của các tiềm năng tu sĩ mới. Những nhà dòng này cũng nhấn mạnh đến những thực hành truyền thống, như mặc áo trùng màu đen và trắng, và lo việc dậy học.

Khi gia nhập tu viện, những tu sĩ phải chịu nhiều giới hạn lớn trong việc liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ không sử dụng điện thoại di động, chỉ được phép tiếp gia đình vào một số thời điểm trong năm và phải chia sẻ việc sử dụng các phương tiện như xe hơi với các chị em khác trong tu viện.

"Ban đầu bạn sẽ có cảm tưởng rằng bạn mất rất nhiều: như đi tiệm Starbucks bất cứ lúc nào với chiếc xe của bạn hoặc đi ăn ngòai", Sơ Scholastica Niemann tâm sự, Sơ năm nay 31 tuổi, và bắt đầu năm thứ ba ở St Cecilia. Sơ sẽ khấn trọn trong năm năm.

"Trên thực tế, nhờ lòng rộng rãi của Chúa và của các ân nhân, bạn có nhiều hơn là bạn muốn", Sơ nói. "Bạn không cần phải sở hữu một vật để có thể sử dụng nó. Bạn sẽ nhận ra rằng tài sản vật chất đôi khi, vì bản chất con người của chúng ta, chúng có thể làm chủ chúng ta.."

Tại St Cecilia tuổi trung bình của 272 Sơ là 36, Sơ trẻ nhất là 18, lớn nhất là 101.

Một nhà dòng Đa minh khác, dòng Mary, Mother of the Eucharist, (Đức Maria, mẹ bí tích Thánh Thể) tại Ann Arbor, Michigan, có 22 thỉnh sinh vào mùa thu này, nhiều người trong số họ vừa mới ra trường đại học.

Giống như St Cecilia, các Sơ Mary, cũng mặc áo dòng. Và tuổi trung bình của họ là khỏang 28.

"Chúng tôi đang có một vụ nổ về ơn gọi," Sơ Joseph Andrew Bogdanowicz, phụ trách ơn gọi, nói. "Chúng tôi không kịp xây nhà ở. Tôi nghĩ sẽ có nhiều hơn 22 (thỉnh sinh) vào năm tới.."

"Thế gian chắc rất bối rối là tại sao họ (thỉnh sinh) đã đi tu", Sơ nói."Họ làm việc đó vì họ muốn tạo ra một sự tốt đẹp hơn cho thế giới. Chúng tôi không chỉ giảng dạy những sự việc mà thôi, chúng tôi còn giảng dậy cái nguyên lý tại sao ở đằng sau cuộc sống, và cuối cùng là Thiên Chúa luôn có một mục đích cho tất cả chúng ta."

Sơ Catherine Marie, Giám đốc của trường St Cecilia tại Nashville, cho biết số thỉnh sinh năm nay (27) là "quá cao.." Năm 2000, Sơ cho biết họ chỉ có khoảng 22.

Khi được hỏi điều gì đã thu hút thỉnh sinh tới đây trong khi họ có hàng trăm thứ khác để lựa chọn, Sơ cho biết các thỉnh sinh bị thu hút tới St Cecilia vì nơi đây nhấn mạnh đến giáo dục và bởi vì chúng tôi vẫn còn mặc áo dòng.

"Áo dòng không phải là một thời trang cho bằng đó là một sự mong muốn một cuộc sống đơn giản triệt để, hay nói cách khác 'Tôi là một công cụ của Thiên Chúa. Tôi muốn làm một chứng nhân,' " Sơ Marie nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trưởng thành Tâm cảm
AP. Mặc Trầm Cung
10:32 17/09/2010
Con người từ khi sinh ra đến lúc lớn lên cần được phát triển về nhiều mặt, không những trưởng thành về phương diện thể lý, tâm lý, tâm linh mà còn trưởng thành trong các mối tương quan giữa người với người; và đối với những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, họ cần được trưởng thành trong đời sống đức tin, trong mối tương giao với Ngài nữa.

Nhưng ngày nay, quan sát từ cuộc sống ta thấy các mối tương quan giữa người với người có những hành vi cư xử không tốt với nhau. Có người bộc lộ cá tính thiếu kềm chế, dễ nóng giận, dễ dàng buông xuôi, bộc trực nói nhiều, dễ hờn dễ giận, thiếu kiểm soát. Có người tính tình khắt khe, khó tính, kỷ luật với mình, khắt khe với chính mình và người khác, dễ dàng chỉ trích người khác, nóng giận không hài lòng với người khác bắt người khác phải thế này thế nọ.

Ngoài ra, đa số tuổi trẻ ngày nay rơi vào tình trạng nghiện game online, và dễ dàng trở nên nghiện tình dục, các bạn tiếp cận internet thế giới ảo quá dễ dàng từ cái tốt nhất đến cái xấu nhất.

Từ cuộc sống ta quan sát ta thấy được những hiện tượng này.

Thử hỏi xem cách hành xử hay những hành vi đó đến từ đâu? Cách hành xử như thế này trong cuộc sống của mình hay người khác đem lại cho chúng ta điều gì? Hay những cách thức này có giúp cho cuộc sống mình được triển nở hay không ? Hiện tượng này cần điều chỉnh hay tránh xa? Đó là điều ta cần phải xem xét.

Ngày 11/09/2010 vùa qua. Để giúp cho các tham dự viên đặc biệt là giới trẻ hiểu biết về chính mình, nhận thực được con người thật của mình trong sự trưởng thành về phương diện thể lý, tâm lý, tâm linh và trong các mối tương quan. Chương Trình Chuyên Đề Chiều Thứ Bảy đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề TRƯỞNG THÀNH TÂM CẢM, do Linh mục Giuse Trần Sĩ Nghị, SJ phụ trách, tại hội trường Nhà Thờ Đức Bà – Sài Gòn, buổi hội thảo hôm nay có sự tham dự hơn 200 người đa số là các bạn trẻ, cùng một số các phụ huynh và tu sĩ.

Linh mục Giuse Trần Sĩ Nghị chia sẻ: Chúng ta cùng nhau trở về với chính con người chúng ta.

Trong đời sống của một người có 4 khía cạnh
1. THỂ LÝ: các cơ chế sinh học trong thân xác
2. TÂM LINH: đời sống nội tâm, tương quan của mình với Thiên Chúa
3. TÂM LÝ: ước muốn tình cảm cảm xúc xung năng trong đời sống tâm lý
4. MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI: tương quan với người khác và bối cảnh chung quanh với cả sinh vật nữa.

Một con người trong cuộc sống luôn luôn có 4 khía cạnh thể lý, tâm linh, tâm linh và môi trường xã hội này nối kết với nhau, Để hiểu một con người ta phải hiểu hết toàn thể 4 khía cạnh này. Khi ta nhận thấy hành vi của con người thế này thế kia ta cần đặt câu hỏi tìm hiều xem xét điều gì ảnh hưởng đến hành vi của họ. Ta đi từ thực tế trở về đời sống của mỗi người, ta thấy các chiều kích thể lý, tâm linh, tâm linh và môi trường xã hội có liên quan mật thiết với nhau.

Các yếu tố tâm lý liên quan gì đến hành vi của con người?

Nói đến hành vi của con người ta thấy: “trước khi tôi hành động thường thì tôi có thái độ của tôi với đối tượng nào đó”. Thái độ là khuynh hướng tích cực hay tiêu cực hướng đến một đối tượng nào đó.

Thí dụ: Khi đi xem phim tôi có thái độ thích bộ phim đó hay thích người cùng đi với tôi; hay trước khi tránh gặp ai tôi có thể có thái độ không thích người đó.

Nhận thức của tôi cũng ảnh hưởng đến thái độ của tôi. Nếu tôi có nhận thức đúng cho tôi có thái độ đúng, tôi có nhận thức sai đưa đến thái độ sai.

Ngoài ra cảm xúc cũng đưa đến thái độ của ta. Nhận thức – thái độ - cảm xúc luôn luôn đi với nhau.

Nhận thức ảnh hưởng đến cảm xúc thế nào?

Ví dụ khi gặp một con rắn.

§ Có người gặp rắn thì bỏ chạy, nhận thức của họ là sợ, vì rắn cắn chết người, chính nhận thức đó làm cho họ chạy đi.
§ Có người gặp rắn không chạy, vì họ nhận thức là thịt rắn nấu cháo thì ngon, làm cho họ cảm giác thích thú, thèm cháo rắn từ nhận thức đó làm cho họ chạy đến đập con rắn.

Nhận thức khác nhau đưa đến cảm xúc khác nhau và đưa đến hình thành thái độ, hành vi khác nhau.

Trong cuộc sống không phải chỉ có nhận thức, cảm xúc, thái độ, hành vi không thôi mà trong đời sống tâm lý còn nhiều khía cạnh khác nữa như là:

§ Nhu cầu: tác động đến thái độ và hành vi của mình, nhu cầu sinh ra do sự mất cân đối đời sống thể lý, tâm linh v…v.. chính mất cân đối đó sinh ra nhu cầu, và người muốn có nhu cầu để cân bằng lại trong đời sống của mình.


§ Về khía cạnh thể lý: Một người có lượng đường trong máu giảm xuống, khi lượng đường trong máu giảm họ cảm giác đói bụng, đói bụng thì có nhu cầu ăn. Nhu cầu ăn uống tạo ra thái độ thích thức ăn hay tạo ra cảm giác vui mừng khi thấy thức ăn.

§ Về khái cạnh tâm lý: có người thích vừa lòng người khác, thái độ của họ là luôn luôn tìm cách giúp đỡ người khác, có khi xuất phát từ một nhu cầu tâm lý nào đó. Nhu cầu của họ là gì? Họ muốn người khác thương họ, trong cuộc sống của họ thiếu tình thương, họ tìm tình thương, “tôi giúp người ta để người ta thương tôi” họ có nhu cầu cần tình thương.

Chính nhu cầu của ta cũng ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của ta.

Còn yếu tố khác nữa cũng ảnh hường đến hành vi của ta đó là:

§ Giá trị: Giá trị ảnh hưởng đến thái độ hành vi, giá trị có sự nối kết cảm xúc và nhận thức của ta. Giá trị có liên quan đến nhận thức. Giá trị là một niềm tin

Nếu tôi không tin cái computer này có ích thì nó không có giá trị gì đến tôi. Nếu tôi không tin sức khỏe có giá trị sự sống thì sức khỏe không có giá trị với tôi.

Một điều có giá trị với với tôi, khi tôi tin rằng điều đó đem lại cho tôi điều tốt nhất, đem lại hạnh phúc phúc cho tôi trong cuộc sống, trở nên mục tiêu mà tôi vươn đến.

Giá trị có ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc qua đó cũng tác động đến thái độ dẫn đến hành vi của tôi.

Một yếu tố khác nữa đó là:

§ Ý chí: Ý chí cũng ảnh hường đến hành vi, giúp cho con người chọn lựa thực hiện đạt tới mục đích, ý chí cũng liên quan đến nhận thức và cảm xúc của con người. Nếu ta nhận thức tốt, cảm xúc mạnh về điều gì đó ta sẽ có ý chí mạnh để thức hiện điều đó.

Để thực hiện hành vi, đàng sau hành vi đó còn có nhiều yếu tố tương tác cho nhau tác động đến hành vi của con người đó.

Thế nào là trưởng thành tâm cảm?

Tâm cảm là gì?
• Tâm cảm là yếu tố bao gồm xúc cảm, cảm nhận, tình cảm, ước muốn và những thôi thúc bên trong, nó còn là khả năng cảm nghiệm những tâm tình, khả năng yêu thương, khả năng thiết lập các tương quan với người khác.

Trưởng thành tâm cảm thì:
• Không đi theo tuổi, không phải người lớn hơn trưởng thành tâm cảm hơn người trẻ tuổi. Trưởng thành tâm cảm không đồng nghĩa với việc không còn xung đột nột tâm, vì người trưởng thành tâm cảm vẫn có những giằng xé sâu xa bên trong. Trưởng thành tâm cảm cũng không phải là không có bệnh lý nào đó trong đời sống. Trưởng thành tâm cảm luôn luôn là một tiến trình từng bước đi lên.

Trưởng thành tâm cảm thì hài hòa với nhau giữa phần Tâm với phần Trí,

Phần Tâm là cảm xúc, nhu cầu, ước muốn, thúc đẩy bên trong, khả năng yêu thương, khả năng thiết lập các tương quan.
Phần Trí là khả năng suy luận, quyết định sáng suốt, theo đuổi mục tiêu, điều chỉnh theo thực tại.

Phần Tâm phải được gắn kết với phần Trí, nói cách khác cái đầu và con tim luôn đi đôi với nhau.

Thế nào là hài hòa?
• Hài hòa không phải chỉ là tương hợp giữa tâm và trí, tuy nó cần sự tương hợp, nhưng nó còn cần phải mang đến sức sống, mang đến bình an nội tâm và còn mang đến sự triển nở và nối kết trong tương giao với người khác

Người trưởng thành tâm cảm là người:

1. Hiểu biết mình: Ý thức về bản thân, nhận ra được con người mình, ý thức được hành vi của mình, Cảm thức về căn tính của mình, biết tôi là ai, sự hiện diện của tôi trên trái đất này. Cảm nhận được giá trị, bản thân của mình, cái tốt, cái xấu của tôi, có lòng tự trọng. Hiểu biết nguyên nhân của sự việc, biết sự tức giận của tôi đó đến từ đâu, và hiểu biết ý nghĩa đằng sau của những cảm xúc tức giận đó.

2. Đón nhận mình: Biết đón nhận thực trạng hiện tại của mình, ví dụ nếu tôi thấp tôi biết chấp nhận thực tại đó chứ không đòi hỏi phải cao hơn. Biết đón nhận tài năng và giới hạn của mình, và biết đón nhận lịch sử cuộc đời của mình, đón nhận biến cố thăng trầm trong quá khứ, nếu ta không biết đón nhận quá khứ, muốn tẩy xóa quá khứ, muốn tách rời quá khứ, ta không thể trưởng thành, quá khứ luôn là bài học quí giá cho hiện tại.

3. Kiểm soát và điều chỉnh: Không để cảm xúc làm chủ mình, điều chỉnh các nguyên nhân (nhận thức hay hoàn cảnh) gây ra cảm xúc tiêu cực, biết làm chủ cảm xúc, biết đáp lại chứ không phản ứng theo cảm xúc.

4. Quân bình nội tại: Biết nhận ra và gắn kết với chiều sâu nột tâm, chứ không sống cảm xúc hời hợt bên ngoài và hội nhất năng lực tâm cảm mang lại lợi ích cho mình và cho người khác. Quân bình hướng đến mang sự triển nở cho mình và cho người khác.

5. Vượt lên trên đam mê: Có thang giá trị thật làm nền tảng. Có niềm tin làm nền tảng làm nhận thức cho hành vi của mình. Có khát vọng và dám dấn thân cho giá trị thật đó.

6. Thiết lập và duy trì tương quan: Biết đồng cảm, cùng cảm nhận và cùng hiểu cảm xúc của mình và người khác. Có khả năng nối kết cách thân mật với người khác, tạo một tình bạn thân mật, chân thật chứ không lệch lạc. Thiết lập duy trì tình bạn chân thật đó và biết giữ giới hạn thích đáng trong tương quan.

Điều gì cản trở không cho chúng ta trưởng thành tâm cảm?

1. Cơ chế phòng vệ: là cơ chế trong đời sống tâm lý cho mình tránh khỏi cái lo âu, sợ hãi, khi có cảm giác bị đe dọa, ta phản ứng phòng thủ, tự vệ lại để thoát khỏi cảm giác đe dọa. Phản ứng phòng vệ như là chối bỏ, đè nén, biện hộ dùng ý chí lập luận, dịch chuyển, (là dạng giận cá chém thớt, chuyển cơn tức giận từ người này sang người khác). Những cơ chế này có những điều tốt nhưng cũng ngăn ngừa chúng ta hiểu biết mình và không cho mình đón nhận bản thân, nhận biết mình, làm cho ta mất khả năng đối diện và lượng giá đúng thực tế chạy trốn thực tế.

2. Nhận thức lệch lạc: lệch lạc về thang giá trị, lấy giá trị ảo làm giá trị thật, lệch lạc về tình yêu, tình bạn về sự trưởng thành, đều ảnh hưởng và cản trở chúng ta trường thành. Tạo ra cảm xúc tiêu cực hay mất trật tự, ngăn cản chọn lựa điều tốt hơn, ngăn cản yêu thương đích thực.

3. Áp lực từ bên ngoài môi trường: Sự giáo dục khắc khe, cha mẹ áp đặt lên con cái những giá trị mà không cho con cái hiểu mình hay triển nở sự tự do, con cái bị đè nén. Áp lực bên ngoài cũng xây dựng thang giá trị lệch lạc, giả tạo ảnh hưởng đến đời sống trưởng thành tâm cảm.

Làm gì để trưởng thành tâm cảm? Có 2 phương thế để trưởng thành tâm cảm

Phương thế tự nhiên - nhân bản

1. Luyện tập - Sử dụng ý chí

§ Ý chí ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, ý chí còn liên quan đến nhận thức và cảm xúc, khi luyện tập ý chí chúng ta đã điều hành Tâm và Trí có sự hài hòa, giúp chúng ta sử dụng hành vi có lý trí. Khi chúng ta luyện tập và đưa ra những ý nghĩa hay giá trị của hành vi này, sẽ giúp cho ý chí của chúng ta thêm sức mạnh để thực hiện hành vi. Luyện tập những thói quen tốt, từ đơn giản đến phức tạp để chúng ta có thể trưởng thành được, từ công việc nho nhỏ mới giúp ta tích tụ để trưởng thành với công việc lớn hơn.

2. Tập kiểm soát – Điều chỉnh cảm xúc

§ Chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn 100% cảm xúc, nhưng chúng ta cần phải nhận diện cảm xúc, điều chỉnh cảm xúc và hiểu biết được cảm xúc của mình.

§ Cảm xúc được hình thành từ nhận thức được một tín hiệu, tín hiệu này đưa vào bộ nhớ, liền lúc đó chúng ta đưa ra một sự lượng giá ngay trong bộ nhớ của mình. Lượng giá đó có thể là tốt hoặc xầu, an toàn hay không an toàn, tích cực hay tiêu cực. Lượng giá đó dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của mình. Ví dụ: Trước đây tôi gặp một người bị rắn cắn chết thì ta đưa ra lượng giá là rắn cắn chết, lượng giá là xấu, cảm xúc tạo ra là sợ hãi hoặc trước đây tôi có một lần ăn cháo rắn và thấy ngon, lượng giá là tốt, cảm xúc thì thích thú. Cảm xúc được hình thành và đưa đến sự thay đổi trong cơ thể. Sau khi cảm xúc đi kèm với sự thay đổi trong cơ thể rồi lúc đó chúng ta mới ý thức về cảm xúc, và có thể chúng ta đưa đến phản ứng hoặc đáp lại có suy nghĩ. Tập nhận diện cảm xúc là tập lắng nghe cơ thể của mình, lúc đó ta sẽ biết cảm xúc của mình, hiểu mình.

§ Khi nhận diện cảm xúc của mình ta hãy nhận lấy, sở đắc cảm xúc của đó mà không sợ hãi, lắng nghe cảm xúc nói với mình về cách tôi đang nhận thức vấn đề, về giá trị, về niềm tin nào đó mà ta đang nhận thức. Cảm xúc nói với tôi về nguyên nhân về cách ta đang phản ứng về vấn đề. Ta cần thay đổi nhận thức gây cảm xúc tiêu cực không mang đến sức sống, và tập diễn tả cảm xúc theo cách thức xây dựng.

3. Đồng cảm

§ Học cách đồng cảm là học hiểu và lắng nghe người khác, như thể là họ như thế đó, không bắt người khác theo ý mình, người trưởng thành tâm cảm là người hiểu mình và hiểu người khác. Trước hết là ta tập thái độ "dừng lại - chậm lại", đặt mình trong hoàn cảnh của họ, đi vào trong tình huống, bối cảnh của họ, tại sao họ lại như thế? Từ đó ta tránh sự phê phán họ một cách vội vã, và đi sâu vào chiều sâu nội tâm của họ, ta còn phải chú ý đến cơ thể của bản thân mình, chúng ta còn biết học từ quá khứ và sống hiện tại, đồng cảm ta còn phải biết tôn trọng tính "độc nhất" của người khác thì mới thiết lập được các mối tương quan tốt đẹp.

4. Thiết lập giới hạn thích đáng trong tương quan

§ Ta cần phải thiết lập giới hạn thích đáng, tôn trọng sự thật riêng tư của người khác, chúng ta cần có khoảng cách, không xen vào hay can thiệp vào cuộc sống người khác một cách áp đặt hoặc bạo lực. Không đi xa hơn ranh giới giữa ta và người khác không phải chỉ về phương diện thể lý mà còn cả về giới hạn về thời gian, không gian, và nội tâm của nhau nữa.

5. Tập dấn thân, trao – nhận

§ Người trưởng thành cần phải biết dấn thân, cần biết mở ra khả năng tương quan với người khác, đi ra khỏi con người của mình, sống tương quan yêu và được yêu, trao và nhận từ nơi người khác.

6. Cân bằng giữa làm việc – nghỉ ngơi

§ Con người không quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi thì dễ mất quân bình về thể lý, thể lý mất quân bình thì sức khỏe bị giảm xuống làm ảnh hưởng đến tâm lý, tâm linh và môi trường xã hội vì 4 khía cạnh này luôn liên quan đến nhau. Người không quân bình dễ bị stress, cảm giác tiêu cực, đóng kín mình vì thế cần lưu ý đến sự quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi.

Phương thế siêu nhiên: Đối với con người có đức tin Kitô giáo cần có:

1) Phát triển con tim biết nhận định

Để phát triển con tim biết nhận định cần có nhiều bước:

§ Bước 1: Nhận thức những cảm xúc khác nhau đang xảy ra bên trong

§ Bước 2: Hãy khám phá những thực tại nằm dưới/nằm sau những cảm xúc là gì? Tôi buồn vì sao tôi buồn? bên ngoài là buồn nhưng bên trong lại là bực tức, ta tìm ra nguồn gốc phát sinh ra nỗi bực tức đó đến từ đâu?

§ Bước 3: Nhận ra những nguồn gốc từ sinh lý hay từ tâm lý đã tạo ra những cảm xúc?

§ Bước 4: Mang giá trị Tin Mừng vào cảm xúc đặt mình trước mặt Chúa, Chúa mời gọi tôi đón nhận cảm xúc này như thế nào khi tôi lắng nghe lời Chúa nói với tôi? Cần để ánh sáng Tin Mừng đi vào cảm xúc của mình.

§ Bước 5: Nhận xem Chúa muốn nói gì với tôi qua cuộc đời của tôi, Chúa đang ở đâu trong cuộc đời của tôi, từ cách thức tôi tương giao với người khác? Nhận ra những cách thức khác nhau qua đó nhận ra Chúa đang chia sẻ chính Chúa trong kinh nghiệm của tôi.

§ Bước 6: Chúa đang thôi thúc tôi điều gì trong cuộc sống của tôi? Nhận ra cách chính xác những chuyển động thiêng liêng trong bản thân tôi.

2) Cầu nguyện

§ Một người trưởng thành tâm cảm vượt lên trên đam mê nhờ có thang giá trị. Khi ta gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện ta nghe Chúa nói, để thấm nhuần giá trị Tin Mừng vào cuộc sống của mình, lấy thang giá trị của Chúa Giêsu làm nền tảng, dựa lên thang giá trị thật, cho chúng ta có nhận thức đứng đắn.

3) Phút hồi tâm

§ Nhìn lại đời sống của mình trong một ngày, hồi tâm không phải là xét mình, mà là nhìn lại cảm xúc của mình trong một ngày sống, từ sáng tới giờ có điều gì tôi cảm thấy tôi vui, tôi biết ơn chúa ban cho tôi những quà tặng như thế nào? Biết ơn Chúa những gì mình nhận được, nghe Chúa đang làm việc với tôi trong cuộc đời của mình. Sau đó mới thấy tôi chưa sống được như thế nào và tôi cần sống ra sao cho xứng đáng với ơn Chúa ban?

Giữa một cuộc sống nhiều dao động, lắm bôn ba, đầy những sự cám dỗ mời gọi vui chơi trong những giây phút cuối tuần. Hôm nay hơn 200 bạn trẻ đã vượt qua các cơn cám dỗ thú vui đó để đến với Chương Trình Chuyên Đề để có những giây phút nhìn lại mình, khám phá ra mình, nhận biết mình qua các cảm xúc và nhất là nhìn lại mình trong các mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Đây là một tín hiệu vui cho giáo hội và xã hội, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng nơi các bạn trẻ là những nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới trên bình diện giáo hội và xã hội, vì các bạn là những người sẵn sàng đang đổi mới chính mình để được trưởng thành tâm cảm. Qua sự trình bày vui vẻ, dí dỏm dễ gần gũi của Linh mục Trần Sĩ Nghị đã đem lại cho hội trường một bầu khí vui tươi, dễ dàng tiêu hóa một món ăn đặc sản bổ dưỡng cho đời sống tinh thần của các tham dự viên.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Chương Trình Chuyên Đề, cho các giảng viên, các tham dự viên để CTCĐ luôn mãi là người bạn đồng hành của mọi người.
 
Thánh lễ cam kết Hiệp Hội Mến Thánh Gía Tại Thế ở Phan Thiết
Ngô Vân
10:36 17/09/2010
PHAN THIẾT - Sáng ngày 12/9/2010, hơn 250 anh chị em Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế từ các Giáo xứ Võ Đắt, Tàpao, Mẹ Thiên Chúa, Tân Châu, Gio Linh, GiuSe, Thanh Xuân, Vinh Tân, Tân Lý, Bình An, Hiệp An, Tinh Hoa, Thanh Hải, Mũi Né và Phan Rí Cửa trong Giáo Phận Phan Thiết tập trung về Nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, theo chương trình họp mặt hàng năm vào các dịp Lễ Thánh Giuse (19/3) và Lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9).

Xem hình ảnh

Trong dịp này, có 170 anh chị em được Cam Kết Tạm. Đây là lớp cam kết tiên khởi của Hiệp Hội. Quý anh chị em cam kết tự nguyện bước theo chân Chúa trên đường thánh giá trong thời hạn 1 năm, để yêu mến hết lòng và tận tình phục vụ anh chị em đồng loại theo Quy Chế Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

Linh mục, Giuse Đặng Văn Nam, linh hướng của Hiệp Hội, hướng dẫn giúp anh chị em hiểu sâu hơn những điều mình sẽ cam kết và chủ sự Thánh Lễ cầu nguyện cho Hiệp Hội. Ngài giải thích cho các Hội viên biết sở dĩ không dùng từ Khấn, vì Khấn nghe có vẻ long trọng. Nếu Khấn mà không giữ thì mắc tội, nên mỗi người chỉ Cam Kết, và có thể không chỉ dừng lại ở Cam Kết, có những người cố gắng sống hơn cả lời Cam Kết, điều đó càng quý, nhưng Cam Kết để các Hội Viên thấy có vẻ nhẹ nhàng hơn khi chưa tuân giữ, thì tội của mỗi người cũng nhẹ hơn bởi sức người còn nhiều yếu đuối.

Những Hội Viên Cam Kết hôm nay, cố gắng nâng lên chút nữa, vác thánh giá nhưng đừng than van khóc lóc. Vì như vậy việc vác thánh giá mất hết ý nghĩa. Mỗi Hội Viên yêu mến thánh giá là yêu mến tất cả những hy sinh, nhưng đau khổ mà Chúa gởi cho mỗi người trong bổn phận làm cha, làm mẹ và làm vợ chồng của mình. Bởi vì Chúa nói: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo. Từ bỏ mình đã là khó, còn từ bỏ mình để vác thập giá hằng ngày theo Chúa còn khó hơn. Việc chu toàn bổn không phải đơn giản, nhưng rất khó. Mỗi người cố gắng dâng cho Chúa những thánh giá khó khăn đau khổ của cuộc đời, chứ đừng vác một các lê lết đến lúc không chịu được nữa lại trút gánh nặng đó cho người khác, chồng trút cho vợ, vợ trút cho chồng, cha mẹ trút cho con cái…

Lòng thương sót, tình yêu thương của Chúa Kitô thật vô biên, đỉnh cao của tình yêu đó là cái chết trên thập giá. Là những Hội Viên của Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế, các anh chị không thể chọn lựa con đường nào khác ngoài con đường tình yêu của Chúa.

Chị Tổng Phụ Trách, Anna Nguyễn Thị Tứ hân hoan đón nhận các anh chị vào gia đình Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thân yêu. Chị nhắc nhở và mời gọi mỗi Hội viên cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày, yêu mến và làm gương sáng cho gia đình của mình và môi trường sống. Mỗi người cố gắng như là nam châm hút mọi người đến với Tình Yêu của Chúa.

Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, cũng là ngày mời gọi các anh chị dấn thân hơn trong linh đạo Mến Thánh Giá. Đây chính là mốc thời gian giúp mỗi người sống quảng đại dấn thân để minh chứng Tnh yêu Đức Giêsu Kitô Chịu đóng đinh giữa lòng Giáo hội và Xã hội hôm nay.
 
Văn Hóa
Đón nhận những món quà
Jos. Tú Nạc, NMS
10:12 17/09/2010
NĂM CÁCH DIỄN ĐẠT YÊU THƯƠNG: ĐÓN NHẬN NHỮNG MÓN QUÀ

Ts. Chapman thích nghiên cứu về những nền văn hóa khác nhau. Ông đã gặp nhiều người từ mọi nơi trên thế giới. Và ông đã thấy một điểm tương đồng rất quan trọng. Hầu hết các nền văn hóa người ta đều thích cho và nhận quà tặng. Tặng quà là phần quan trọng của hầu hết mọi nền văn hóa.

Chúng ta tiếp tục bàn về chuỗi diễn đạt yêu thương của chúng ta, chúng ta đã đề cập đến hai cách diễn đạt yêu thương đầu tiên. Lần này chúng ta nói đến cách diễn đạt yêu thương thứ ba: quà tặng (gifts).

Đối vơi nền văn hóa của thổ dân Caribbean, tặng quà rất quan trọng. Một thời gian, Ts. Chapman sống ở Dominica. Ở đó, ông đã gặp một người tên Fred. Fred cụt một cánh tay trong một tai nạn câu cá. Ông không còn đi câu được nữa. Fred đã có nhiều thời gian ngồi tâm sự với Ts. Chapman. Hai người đã trở thành đôi bạn thân.

Vào một lần ghé thăm, Fred đa tặng Ts. Chapman một món quà. Ông đã mời Chapman uống nước trái cây. Nước trái cây này được lấy từ quả dừa – nước dừa. Trái dừa sản xuất sữa ngọt. Ts. Chapman đã diễn tả cuộc gặp gỡ này.

“Fred đưa cho tôi quả dừa và nói ‘nước này dành cho ông.’ Nước này có mầu xanh lá cây, mà tôi đã uống. Tôi uống hết. Tôi biết nó là một món quà của yêu thương. Tôi là bạn của Fred cũng như những bạn bè mà bạn mời uống nước trái cây.”

Những ngày cuối cùng Ts. Chapman ở Dominica, Fred đã tặng ông một món quà nữa. Đó là một chiếc gậy nhẵn bóng được tìm thấy bên bờ biển. Fred nói với Ts. Chapman rằng chiếc gậy ấy đã sống trên biển một thời gian dài. Fred muốn Ts. Chapman dùng cây gậy đó. Fred nói với Ts. Chapman rằng cây gậy này sẽ giúp ông hồi tưởng Dominica. Những năm sau đó, Chapman vẫn giữ chiếc gậy này. Ông nói,

“Hôm nay, thậm chí mỗi lần tôi nhìn chiếc gậy, hầu như tôi nghe âm thanh những con sóng biển Carribean. Nhưng nó không chỉ là sự nhắc nhở của Dominica mà còn là sự gợi nhớ của yêu thương.”

Trong cuốn sách của mình, The Five Love Languages, Ts. Chapman đã nhận diện năm cách khác nhau để bộc lộ yêu thương. Năm cách diễn đạt yêu thương này theo Chapman là.

Những lời lẽ ân cần chân thực
Chất lượng thời gian
Đón nhận những món quà
Những cử chỉ phục vụ
Va chạm thể xác


Qua nhiều năm nghiên cứu, Ts. Chapman đã nhận ra rằng, không phải ai cũng nhận và cảm yêu thương cùng một cách thức. Ông tin rằng để diễn đạt yêu thương chân thành với người khác, bạn phải biết cách diễn đạt yêu thương của họ. Biết cách mà họ cảm nhận yêu thương một cách tốt nhất, điều đó thật là quan trọng.

Trước đây, chúng ta đã trình bày về những cách diễn đạt yêu thương đầu tiên: những lời lẽ ân cần chân thực và chất lượng thời gian. Hôm nay chúng ta sẽ trình bày cách thứ ba: đón nhận những món quà (receiving gifts). Thỉnh thoảng người ta thích được nhận quà tặng. Nhưng có những người lại thích nhận quà tặng hơn những người khác. Việc nhận quà tặng làm người ta cảm thấy như được yêu thương tuyệt đối.

Ts. Chapman mô tả quà tặng như một cái gì đó mà bạn đang cầm nó trong tay. Nó là cái gì đó mà bạn có thể trông thấy, cái gì đó mà bạn có thể luôn ngắm nhìn. Một món quà được xem như một biểu tượng yêu thương hiện hữu. Trao tặng một món quà có thể bộc lộ yêu thương mà bạn cảm thấy dành cho ai đó.

Những biểu tượng yêu thương ấn tượng đối với người này nhưng đối với người kia có thể lại khác. Một số người thích nhận quà tặng có thể ngày nào cũng ngắm nhìn. Cô ta có thể nói, “Trông kìa, anh ta đang nghĩ về tôi khi anh chọn cho tôi món quà này. Anh ta đã yêu tôi chân thành.”

Ts. Chapman nói rằng quà tặng có thể đủ mọi kích cỡ, màu sắc và hình dáng. Ông nói rằng bạn có thể mua, tìm kiếm hoặc tự làm. Thực chất có một số món quà có giá trị về tiền bạc, một số lại chẳng có giá trị tiền bạc chút nào. Ts. Chapman nói,

“Đối với những cá nhân này cách diễn đat yêu thương chính của họ là đón nhận những món quà, trị giá của món chỉ là vấn đề nhỏ.”

Bạn có thể không nghĩ ra rằng nhưng món quà sẽ diễn đạt tình yêu của bạn. Chính bạn cũng đã không thể đón nhận được nhiều quà tặng. Có thể bạn chẳng cần những món quà để cảm nhận yêu thương từ người khác. Có thể bạn cũng chẳng biết cách chọn lựa những món quà ý nghĩa cho một người nào khác. Nhưng, bởi việc nhận quà, đó không phải cách diễn đạt yêu thương của bạn.

Nếu bạn không thích ý niệm diễn đạt yêu thương của bạn bằng quà tặng. Ts. Chapman nói rằng bạn nên biết và hãy yêu mến nó! Bởi vì đôi khi nó là cách biểu đạt tình yêu có nghĩa là thực hiện những điều mà bình thường bạn không thích thực hiện. Ts. Chapman nói,

“Nếu bạn biết một người nào đó mà mà cách diễn đạt yêu thương chính của họ là nhận quà tặng, bạn có thể trở thành người người tặng quà mỹ hảo. Trong thực tế, đó là một trong những cách diễn đạt yêu thương dễ nhất để học hỏi.”

Ts. Chapman còn gợi ý làm một bảng liệt kê. Nếu bạn biết một người nào đó thích nhận quà tặng, làm một bảng liệt kê những thứ quà mà nàng thích. Điều này ảnh hưởng việc lắng nghe một cách thân mật. Bạn phải lắng nghe mọi người để biết thứ quà mà họ yêu thích. Nói chuyện và lắng nghe người khác sẽ đem đến cho bạn một ý tưởng về những gì mà họ thích.

Đối với những người thích nhận quà tặng, Ts. Chapman gợi ý hãy thường xuyên tặng quà cho họ. Ông nói rằng không nên đợi vào những thời gian đặc biệt mới tặng quà. Nhiêu người nhận quà tặng vào những ngày lễ nghỉ hay ngày sinh nhật của họ. Đây là những ngày đặc biệt để tặng quà. Nhưng bộc lộ yêu thương với một người nào đó mà thích nhận quà tặng có nghĩa cũng nên tặng quà cho họ vào những lúc bình thường. Điều đó có nghĩa là, tặng quà vào mọi lúc!

Hãy nhớ rằng! Quà tặng không hẳn phải có giá trị về tiền bạc. Bạn có thể hái môt một bông hoa vườn và trao tặng. Bạn có thể đọc một điều gì đó đặc biệt trong một tạp chí. Bạn nghĩ về người bạn của mình cũng có thể thích đọc. Hãy cắt nó, và tặng cho người bạn của mình coi như một món quà. Quà tặng có thể rất đơn giản. Ts. Chapman nói rằng nếu như cách diễn đạt yêu thương chủ yếu của một người đã và đang nhận những món quà đó rồi.

“. . . Hầu hết bất cứ những gì bạn cho đi sẽ được đón nhận một biểu hiện của yêu thương.”

Ts. Chapman có nhã ý muốn tất cả mọi người hãy nhớ rằng trao tặng quà cho người nào đó là một việc làm rất quan trọng. Tặng quà cho họ là tạo cho họ một cảm giác yêu thương. Ông nói rằng những món quà không cần phải có giá trị về tiền bạc. Vì đối với một số cá nhân sự phong phú của một món quà không thể hiện bằng tiền bạc. Nhưng nó chất chứa mọi điều để thể hiện tình yêu.
 
Tình Chúa Một Đời
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:13 17/09/2010
Một đời con nợ Chúa
Món nợ của tình yêu
Suối hồng ân vô tận
Con vui hưởng sớm chiều

Giữa dòng đời chật hẹp
Con tay trắng hư không
Hồn côi tàn tê lạnh
Chúa đến nhen lửa hồng

Vui hành trang tận hiến
Con đi giữa mênh mông
Ngài cho con tất cả
Bầu nhiệt huyết căng nồng

Vui một đời có Chúa
Con đi giữa bao dung
Tình Ngài như hơi thở
Nâng bước con nghìn trùng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau Biển Chiều
Lê Trị
22:17 17/09/2010

BÊN NHAU BIỂN CHIỀU



Ảnh của Lê Trị

Bên nhau chia xẻ mặn nồng

Ngọt bùi cay đắng theo dòng đời trôi

Bổng trầm từng nốt ru lời

Dấu yêu tiếng hát đầy vơi ân tình …

(Trích thơ của TTL)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền