Ngày 16-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Luôn yêu thương chú y tới tha nhân
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
10:19 16/09/2008
LUÔN YÊU THƯƠNG CHÚ Ý ĐẾN THA NHÂN

Ngày 31-7-1999, Valeria, thiếu nữ Ý, bị tử nạn, hưởng dương 18 tuổi. Ngày hôm ấy, Valeria ngồi nghỉ trên chiếc xe đạp nơi một góc đường ở thủ đô Roma. Bỗng một chiếc xe hơi chạy băng qua, tung mạnh vào, khiến Valeria bị chết ngay tại chỗ.

Cái chết đột ngột của cô thiếu nữ duyên dáng, dễ thương đã gây xúc động mạnh nơi thân bằng quyến thuộc và những người quen biết. Người đau khổ nhất là bà Gisella, thân mẫu của Valeria. Tuy nhiên, trong niềm tin và trong sự vâng phục thánh ý THIÊN CHÚA, bà Gisella cảm thấy như mình đang sống một giai đoạn thử thách của ông Gióp. Bà viết cho Linh Mục phụ trách tuần san Công Giáo Ý ”Gia Đình Kitô” như sau.

Khi bé Valeria lên 5 tuổi, con cho ra chào đời bé gái thứ hai tên Maria Chiara. Maria Chiara sinh ra với cái đầu bị biến dạng, không bình thường. Ngày Maria Chiara chào đời cũng là ngày hai mẹ con con bước vào con đường khổ nạn. Đường khổ giá kéo dài trong vòng 6 năm trời. Suốt thời gian này, bé Maria Chiara bị mổ 31 lần. Sau đó, về phương diện thể lý, Maria Chiara là đứa trẻ khoẻ mạnh. Nhưng về phương diện tinh thần, bé là đứa trẻ không bình thường.

Bé Valeria cũng thông phần đau khổ với chúng con. Trước đó, khi được biết sắp có em gái, bé Valeria vô cùng sung sướng. Cô bé hứa sẽ luôn luôn chia sẻ mọi sự với em và sẽ yêu thương đùm bọc em. Nhưng rồi khi Maria Chiara chào đời, bé Valeria mất cả em lẫn mẹ.

Bởi lẽ, vì Maria Chiara luôn bệnh hoạn nên cả hai mẹ con con phải ở nhà thương nhiều hơn sống tại gia đình. Valeria thường ở nhà một mình với bà ngoại và người cậu, em trai út của con. Chưa hết, năm lên 8 tuổi, chính Valeria là người đầu tiên khám phá ra xác của Cậu nằm trên vũng máu. Số là, em trai con bị bệnh tâm thần nên một hôm, trong cơn cuồng điên, em tự cắt đứt mạch máu.

Sau cái chết của em trai lại đến cái chết của Mẹ con, tức Bà Ngoại của Valeria. Một ngày, Mẹ con nhờ bé Valeria xuống nhà bếp lấy cho Ngoại bé một ly nước. Valeria đang nô đùa với một bé bạn, nên trù-trờ chưa chịu đi. Thấy Valeria mãi ham chơi, Mẹ con tự đi lấy nước. Chẳng may khi xuống đến nhà bếp, Mẹ con bị vấp ngã bể đầu.

Cái chết tức tưởi của Bà Ngoại, một phần do lỗi của mình, đã khiến Valeria sống trong hối hận triền miên. Cô bé vô cùng đau khổ. Nhưng cũng từ ngày đó, Valeria trở nên nhạy cảm hơn và trưởng thành hơn. Đau khổ đã tinh luyện tuổi thơ của Valeria.

Năm lên 9 tuổi, vào dịp rước lễ lần đầu, Valeria viết lời kinh như sau:

- Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì ngày hôm nay con được rước Chúa vào lòng với đầy tràn niềm vui và hạnh phúc. Con cám ơn Chúa vì mỗi ngày và mỗi giây phút Chúa đều giúp con thắng vượt nỗi buồn và biến nó thành niềm vui. Trong lúc buồn sầu, Chúa đã giúp con mĩm cười và cảm thấy hạnh phúc và trong gian nan thử thách Chúa đã giúp con biết phải làm gì. Mặc đầu con chỉ là một đứa bé, nhưng Chúa cũng ban nhiều sức mạnh để con có thể thanh thản vác thập giá mình. Con cám ơn Chúa đã làm cho con hiểu rằng, không có thánh giá thì cũng không có hạnh phúc, bởi vì, đau khổ dạy con người hiểu rằng, mỗi kinh nghiệm tốt hay xấu trong cuộc đời, cũng đều có lý do khiến người ta sống hạnh phúc. Con thật hạnh phúc mặc dầu con cũng phải vác thánh giá của riêng con, và chính vì thánh giá Chúa trao cho con vác mà con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Amen.

Quả thật, đau khổ đã khiến Valeria sớm trưởng thành. Đầu hè năm 1999, Valeria theo con đến giáo xứ giúp dạy giáo lý cho các trẻ em chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức. Rồi Valeria cùng với hôn phu ghi tên vào nhóm giáo dân thiện nguyện UNITALSI: giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức. . Giờ thì tất cả chỉ là dĩ vãng với cái chết đột ngột của Valeria.

Trước đây, con đặt tin tưởng nơi Valeria sẽ thay thế con chăm sóc Maria Chiara, đứa em tàn tật. Nhưng nay thì con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Trong cơn sầu khổ, con mượn lời ông Gióp để nói rằng: ”Chúa cho rồi Chúa cất lấy, xin vâng theo thánh ý Chúa”.

18 năm ngắn ngủi nhưng Valeria đã sống cuộc đời viên mãn tràn đầy. Nơi tấm thiệp loan báo cái chết của đứa con gái Valeria dấu yêu, con ghi lời nguyện của thánh Augustino:

- Lạy Chúa xin giúp chúng con đừng than khóc vì Chúa cất đi một người thân yêu, nhưng xin cảm tạ vì hồng ân Chúa đã ban cho chúng con người thân yêu này.

... ”Tôi xin nhắc lại ân nghĩa THIÊN CHÚA, dâng lời ca tụng THIÊN CHÚA, vì tất cả những gì THIÊN CHÚA đã thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Isaia 63,7).

(”Famiglia Cristiana”, N.41/1999, trang 4-5)
 
Bánh Sự Sống Tháng 9 - 2008
Phó tế: JB Nguyễn Văn Định
10:43 16/09/2008
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

* Bánh sự Sống Tháng 9-2008 *

Ngày 01-9-08: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo cho kẻ nghèo hèn. (Lc 4, 18)

Chúa Giêsu nói đến Thánh Thần Ngài đã lãnh nhận. Tôi có trách nhiệm làm chứng cho Chúa trong ba chức tư tế, ngôn sứ và là vua..

Ngày 02-9-08: Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người, và họ nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? (Lc 4, 36)

Quyền năng Chúa Giêsu quát mắng ma quỉ làm chúng ngã xuống. Con dựa vào Lời Chúa để chiến thắng những cám dỗ xấu xa hiện tại.

Ngày 03-9-08: Qủy la lên: “Ông là con Thiên Chúa !” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, … (Lc 4, 41)

Chúa Giêsu chưa muốn sức mạnh của Người bị đồn ra ngoài. Xin cho can can đảm làm chứng cho quyền năng lạ lùng của Chúa.

Ngày 04-9-08: Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay, anh sẽ bắt người như bắt cá.” (Lc 5, 10)

Chúa vẫn ở bên tôi và muốn nói với tôi khi bồn chồn lo lắng. Xin giúp con có niềm tin vững mạnh để đem Chúa đến cho mọi người.

Ngày 05-9-08: Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. (Lc 6, 37)

Dụ ngôn áo cũ áo mới, là thói cũ của Do thái giáo và cái mới Tin mừng. Xin dạy con biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hôm nay.

Ngày 06-9-08: Đức Giêsu nói: “Con người làm chủ ngày sa-bat.” (Lc 6, 5) Chúa Giêsu muốn ngày sa-bat được dựng nên vì con người; và cần phục vụ nhu cầu cần thiết của con người. Con không giữ đạo hình thức và làm chủ ngày ngày sa-bat để phục vụ tha nhân.

Ngày 07-9-08: Nếu ở dưới đất hai người anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. (Mt18,19)

Chúa muốn tín hữu năng họp lại thành các nhỏm nhỏ cầu nguyện. Bạn và tôi hàng tuần ngồi lại để chia sẻ Lời Chúa là rất cần thiết.

Ngày 08-9-08: Này ông Giuse…đừng ngại đón bà Maria về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. (Mt 1, 20)

Mẹ Maria chịu thai bởi Chúa Thánh Thần là do tình Chúa yêu tôi. Con sẽ sống trong sạch để xứng đáng Chúa Thánh Linh ngự đến.

Ngày 09-9-08: Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Chúa. (Lc 6, 12)

Chúa dạy tôi lên núi là dành thì giờ gặp riêng, tâm sự với Chúa. Bạn và tôi sau khi phục vụ rồi, nhớ khiêm tốn cầu nguyện thật nhiều.

Ngày 10-9-08: Khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. (Lc 6, 25)

Đây là những mối hoạ mà Chúa Giêsu nhắc nhở bạn và tôi hối cải. Xin giúp mau mau sám hối tội lỗi để trở về cùng Chúa và anh em.

Ngày 11-9-08: Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài thì cũng đừng cản nó lấy ao trong. (Lc 6 29)

Chúa muốn dạy tôi tha thứ cho kẻ thù bằng cách từ bỏ tất cả. Xin dạy con sẵn sàng hy sinh tính mạng như Chúa đã làm trên thập giá.

Ngày 12-9-08: Sao anh thấy cái rác trong con mắt của anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình lại không để ý tới? (Lc 6, 41)

Chúa muốn dạy tôi đừng nhỏ nhặt với những thiếu sót của người khác. Tôi quyết sửa đổi ngay những tật xấu của mình trước đã.

Ngày 13-9-08: Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. (Lc 6, 43)

Chúa dạy tôi nếu có tâm hồn trong sạch sẽ làm những việc tốt lành. Tâm trí không ngay thẳng, không thể có những hành động tốt đẹp.

Ngày 14-9-08: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. (Ga 3, 14)

Con rắn bằng đồng là có ý nói về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Tôi cần hường lòng lên để tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.

Ngày 15-9-08: Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của Người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. (Lc 7, 3) Ông Đại đội trưởng là người ngoại, có lòng khiêm nhường và tin tưởng vào Đức Giêsu. Xin dạy con quyết tâm theo Chúa bằng giúp nhiều người học biết Lời Chúa, để có đời sống bình an.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định
 
Hạnh Phúc Hôn Nhân - Bi Quyết Khôn Ngoan Khi Chọn Bạn Đời
Phó tế: JB Nguyễn Văn Định
10:45 16/09/2008
HẠNH PHÚC HÔN NHÂN # 19

Bí quyết Khôn Ngoan Khi Chọn Bạn đời

Một chuyên viên nghiên cứu về gia đình có lời khuyên các bạn trẻ: Khi các bạn quen biết một ai, chỉ đi chơi như bạn bè thôi; nhưng bạn cũng phải chọn lựa như mình có thể lập gia đình với người ấy.

1- Kinh Thánh dạy dỗ: Hôn nhân là một ân phước Thượng Đế đã ban cho con người, Ngài muốn bạn vui hưởng cuộc sống trần thế mà Thiên Chúa đã thiết lập trong vườn E-den cho ông Adong và bà Evà. “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá xứng với nó. (St 2,18). Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã tới chúc phúc cho tiệc cưới tại Cana và làm phép lạ cho nước trở nên rượu. (Ga 2, 1-2)

2- Sách Châm ngôn dạy: khi chọn người vợ tương lai: “Người đàn bà nhân đức là mũ triền thiên cho chồng nàng, còn vợ hư hỏng như bệnh mục xương cho chàng (Cn 12, 4). Người vợ tốt làm cuộc đời người chồng được nể nang, không phải thất vọng, xấu hổ. Bởi vậy, các bạn thanh niên nam nữ khi có dịp quen biết, đi sinh hoạt với nhau, bạn cần quan sát cá tính của người con gái hay con trai.

3- Ly dị là điều đau buồn: Thiên Chúa chỉ thiết lập Bí tích Hôn nhân, Ngài không thiêt lập ly dị. Cho dầu cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, đó không phải là giải pháp dễ dàng, nhất là khi đã có con, bạn nghĩ khỏe quá, không phải ở hoài với bà vợ ấy, nhưng bạn phải nhớ, người đàn bà, đàn ông ấy vẫn là người mẹ, là cha của các con.

4- Tiêu chuẩn chọn bạn đời: Bạn hãu cầu nguyện nhiều trước khi tìm người bạn: “Nhà cửa, tài sản là gia nghiệp của cha ông, còn người vợ khôn ngoan là do Đức Chúa ban (Cn 19, 4). Sự thành công tìm được người vợ quý là do Chúa ban thưởng, người ấy sẽ đi với mình suốt cuộc đời 50, 60 năm. Bởi vậy, bạn phải cầu nguyện, nói chuyện cùng Chúa để Ngài hướng dẫn thật là quan trọng.

a/ Sắc là hư không: Nếu cuộc hôn nhân chỉ đặt nền tảng trên sắc đẹp thì khó mà bền bỉ, vì nó chỉ là bề ngoài và tạm bợ” Sách Châm ngôn dạy: “Duyên là giả trá, sắc là hư không/phù vân (Cn 31, 30). Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa, mới đáng cho người đời ca tụng. Vì “kính sợ” là khởi đầu cho khôn ngoan (Cn 1, 9).

b/Hiền lành, nết na: Người mẹ ảnh hưởng việc nuôi dạy con nhiều hơn người cha, dạy dỗ chúng yêu thương va và kính sợ Chúa. Sợ nhất là người đàn bà lúc nào cũng sẵn sàng gây gổ, tức giận, thà ở độc thân suốt đời còn hơn gặp vợ dữ: “Ai tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và tìm thấy được ơn Đức Chúa ban. (Cn 18,22)

c/ Tính thận trọng, dè dặt: Dè dặt có nghiã là biết ăn biết nói đúng lúc, đúng cách, không phô bày trong cách ăn mặc, sỗ sàng trong hành vi cử chỉ: “Một người đàn bà đẹp mà thiếu sự dè dặt, khác nào một vòng vàng đem xỏ muĩ heo/đeo nơi muĩ heo (Cn 11, 22).

d/ Có đức khôn ngoan: Người vợ khôn ngoan biết xây dựng mái ấm gia đình, làm cho cả nhà vui vẻ, chồng con đươc bảo toàn: Phụ nữ khôn ngoan xây dựng nhà mình, phụ nữ dại dột tự tay phá đổ. (Cn 14, 1). Nếu thiếu đức tính này gia đình trở thành một địa ngục, người chồng không muốn về, người con chỉ mong lớn là dọn nhà ra đi.

Những điều trình bày trên, hy vọng các bạn trẻ dùng đó làm kim chỉ nam trong việc tìm người bạn đời. Các bạn gái cũng theo lời dạy của Kinh Thánh để biết tương lai mình cần có một người chồng tốt, là một người vợ hiền. Hôn nhân là một quyết định nghiêm trọng trong cả một cuộc đời. Là Tín hữu Kitô đừng để gia đình mình đi đến chỗ đổ vỡ. Đừng để vợ, chồng mình nếu không vừa ý thì ly dị.

Chúa Giêsu dạy: Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình, và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình. (Mt 5, 32)

Các bạn trẻ hãy nhớ rằng người bạn đời ấy là cha, mẹ của con cái bạn. Nên bạn hãy lựa chọn thật cẩn thận, hãy tìm đến Lời Chúa chỉ dẩn để quyết định cho bạn. Hãy cầu nguyện, hãy bàn hỏi với người khôn ngoan để quyết định trước khi chon người bạn đời.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 16/09/2008
TU ĐỨC

N2T


Trong ngày thinh lặng của đại sư, có một khách đến thăm, khẩn cầu đại sư ban cho vài lời khôn ngoan để ông ta làm câu châm ngôn trong cuộc đời lữ thứ này, đại sư vui vẻ gật đầu, lấy ra một trang giấy và viết một chữ: “giác”.

Người khách cảm thấy khó khăn, nói: “Đây phải nói là quá ngắn gọn, có thể xin ngài trình bày lại chút xíu được không ?

Đại sư lấy thu tờ giấy ấy lại, và viết thêm “giác, giác, giác.”

- “Những chữ này thì có ý nghĩa gì ?” người khách lúng túng hỏi.

Đại sư lại cúi mình viết thêm mấy chữ: “Giác, giác, giác, ý nghĩa là giác.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Giác là cảm thấy và cũng là tỉnh dậy.

Thấy được và ngộ được thì đời sống tâm linh mới thăng tiến; không cảm thấy và không tỉnh là mình vẫn còn ngủ mê trong đam mê dục vọng của thế gian.

Có người giác mà không ngộ, cho nên họ cảm thấy chướng tai gai mắt khi có ai đó nói về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với nhân loại; có người thấy mà không cảm nhận được, cho nên họ vẫn dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác, họ vẫn cười đùa và hách dịch kiêu căng trên đau khổ của người vô tội...

Người có tinh thần tu đức không phải chỉ là các linh mục tu sĩ mà thôi, nhưng hể ai có lương tâm chân chính thì đều có thể luyện tập và thực hành tinh thần tu đức trong cuộc sống của mình, bởi vì tu đức chính là sửa đổi những tính nết và tính tình của mình cho phù hợp với lương tâm nên gọi là đức hạnh, và cao hơn nữa là phù hợp với tinh thần Phúc Âm.

Giác ngộ và tỉnh ngộ đều thuộc về tu đức, và ai cũng có thể giác ngộ và tỉnh ngộ khi được ơn Chúa Thánh Thần đánh động tâm hồn. Và muốn được ơn Chúa Thánh Thần tác động thì phải ngộ được Chúa trong khi cầu nguyện...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:11 16/09/2008
N2T


33. Lời cầu nguyện của người công chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng, khi lời cầu nguyện lên cao thì ân sủng của Thiên Chúa cũng được giáng xuống.

(Thánh Augustinus)
 
Ghen Tương, Tị Hiềm
Lm Jos Tạ Duy Tuyên
21:22 16/09/2008
Ca dao Việt Nam có câu:
“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”


Ghen tương, tị hiềm là một mầm giống bệnh tật nằm trong bản tính con người. Từ nguyên thủy đã có ghen tị. Cain vì ghen mà giết Aben, bởi em cậu đẹp lòng Thiên Chúa. Các anh em con của Giacob ghen với Giuse vì em được cha thương nên bán em qua Ai cập làm nô lệ. Vua Saolê ghen với Đavít vì dân chúng tín nhiệm Đavít, nên Saolê hai lần lấy đao phóng đâm vào Đavít. Đavít ghen với Uria. Vì ông có vợ đẹp nên Đavít đã hãm hại Uria để chiếm đoạt vợ của ông.

Có nhiều người ghen và cũng có nhiều chuyện để ghen. Ghen tương thường đi đến kết thúc thật bi thảm. Thù oán, giận hờn và đôi khi giết hại lẫn nhau mà vẫn không áy náy lương tâm.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ kiện Hai bà mẹ giành nhau đứa con trước tòa của Salômôn. Một bà nói: Hai chúng tôi ở cùng một nhà, nhưng con của bà ta bị chết vì bà nằm đè phải đứa con nên nó bị chết. Nửa đêm bà này thức dậy đánh tráo con tôi”. Nhà vua vung gươm sáng loáng ra lệnh chặt đôi bé còn sống để chia cho mỗi bà một nửa. Nghe vậy, người mẹ thứ hai thưa rằng: “Xin bệ hạ trả cháu nhỏ cho bà kia, đừng giết cháu tội nghiệp”. Bà thứ nhất thưa: “Cháu bé không phải của chị cũng không phải của tôi. Cứ phân đôi là công bằng”. Nhà vua liền trao cho người mẹ xin đừng giết đứa bé, vì đó là người mẹ thật.

Quả thực lòng ghen đánh mất tính người: “Không ăn thì hắt đổ đi”. Người ghen tương không chấp nhận người khác hơn mình. Và càng không chấp nhận người khác có mà mình lại không có.”Trâu buộc ghét trâu ăn” là thế. Kẻ ghen tị không hề nghĩ tới trách nhiệm về lời mình nói, việc mình làm có tổn hại đến tha nhân hay không? Kẻ ghen tị càng không có công lý và tình thương, họ chỉ mưu toan hạ bệ, chà đạp và làm hại người khác. Với cá nhân, ghen tị biến thành kẻ ác nhân, nơi đoàn thể biến thành kẻ giả hình. Bề ngoài niềm nở tay bắt mặt mừng... . nhưng trong lòng lại “một bồ dao găm”, chỉ toan tính hại người.

Ở Ấn Độ có dụ ngôn như sau: Trong triều đình có hai vị quan. Một người thì ganh tị, một người tham lam.

Để chữa trị những tật xấu ấy, vua cho triệu vời cả hai vào triều đình. Nhà vua loan báo sẽ thưởng công xứng đáng cho cả hai người vì đã có công phục vụ nhà vua nhiều năm qua. Họ xin gì được nấy. Tuy nhiên người nào mở miệng trước thì sẽ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan lặng thinh ngẫm nghĩ. Kẻ tham lam thầm nghĩ rằng. Nếu tôi nói trước thì sẽ được ít hơn, còn người ganh tị thì lý luận, tội vạ gì mà mình xin trước để tên kia lãnh gấp đôi. Cứ như thế chẳng ai dám xin trước. Cuối cùng nhà vua phải yêu cầu người ganh tị nói trước. Hắn bèn dõng dạc tuyên bố: “Nếu thế thì xin vua cho tôi được chặt đứt một cánh tay để tên kia bị gấp đôi”. Sự ganh tị đã đánh mất tình người. Con người dễ dàng trở thành kẻ thù của nhau chỉ một miếng ăn, một chén gạo...

Dụ ngôn hôm nay muốn nói với chúng ta rằng đừng có ganh tị tham lam ích kỷ. Hãy tập “có sao chịu vậy” và tốt nhất là hãy vui mừng vì sự thành công của tha nhân. Đây là cách chiến thắng lòng tham lam, bất mãn, càm ràm than phiền vô cớ. Hãy tập nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan, vui tươi hơn là soi mói, tọc mạch chuyện người khác, rồi bất mãn đời, bất mãn người mà nguyên nhân chính chỉ vì ghen tương.

Hãy coi người thợ làm từ đầu giờ và người thợ được mời vào giờ cuối cùng ai xứng đáng được thưởng một quan tiền. Người thợ từ giờ đầu chịu nắng nôi vất vả, cực nhọc, còn người được gọi vào giờ cuối thì âu lo thất nghiệp, vợ con cằn nhằn. Ai cũng có nỗi khổ riêng. “Thuyền càng to sóng càng lớn”. Mỗi người đều có mối lo lắng riêng. Điều quan yếu Chúa muốn chúng ta là hãy nhìn vào tình thương của Chúa đang dành cho bạn, cho tôi. Mỗi người Chúa ban một khả năng. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người một cuộc sống khác nhau hãy biết nhận ra ân huệ và tình thương của Chúa đang che phủ trên cuộc đời chúng ta. Amen
 
Bằng lòng cới của Chúa ban
LM Trần Bình Trọng
23:26 16/09/2008
BẰNG LÒNG VỚI CỦA CHÚA BAN

(Chúa Nhật 25 Thường Niên, Năm A Is 55:6-9; Pl 1:20c-24, 27a; Mt 20:1-16 )

Chiều kích của thế giới mà người ta đang sống, tuỳ thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Người ta có thể mở rộng hay thu hẹp thế giới lại trong đầu óc mình. Khi người ta thu hẹp cái nhìn đời, là người ta chọn sống trong thế giới nhỏ bé. Và khi người ta càng chọn cái nhìn hẹp hòi, người ta càng mất hạnh phúc. Ðó là cách thế cắt nghĩa cho việc bất mãn của những người làm vườn nho cả ngày từ sáng sớm tinh sương trong Phúc âm hôm nay.

Thợ làm vườn nho từ sáng sớm đã thỏa thuận với chủ về đồng tiền lương (Mt 20:2), nhưng rồi họ lại cằn nhằn vì chủ trả cho những người đến sau cũng bằng họ. Xét về một vài khía cạnh, thì dụ ngôn hôm nay cũng giống dụ ngôn người cha nhân lành đối xử khoan hậu với người con phung phá. Khi người con phung phá trở về thì người cha cho mở đại tiệc ăn mừng khiến người con trưởng nổi ghen. Ðó cũng là phản ứng tiêu biểu của loài người.

Giới học giả Thánh kinh coi những người được gọi trước để làm vườn nho tượng trưng cho dân được chọn trong Cựu ước. Họ là những người được gọi trước để sửa soạn cho việc Ðấng Cứu thế đến. Khi Ðấng Cứu thế đến, họ lại từ khước Người. Còn những người dân ngoại được gọi sau này đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa và họ được trở nên hàng đầu (Mt 20:16a). Dụ ngôn còn ám chỉ rằng bất cứ ai đáp lại tiếng gọi của Chúa và sống theo đường lối của Người thì cũng được đối xử khoan dung và nhân hậu. Ðó là trường hợp những người thu thuế và gái điếm được vào nước Trời trước các thượng tế và kì mục như Chúa bảo (Mt 21:31). Người thu thuế và gái điếm mà Chúa nói đến cũng là người Do thái nhưng họ biết hối cải và thi hành ý Chúa.

Bài học có thể được rút tỉa trong Thánh kinh hôm nay là lời mời gọi sống đức tin vào Chúa đến với mỗi dân tộc hay mỗi cá nhân khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Có người được gọi đến đời sống đức tin từ nhỏ qua Bí tích Rửa tội. Có người lớn lên mới được gọi vào đời sống đức tin. Chính lúc mà người ta đặt tin tưởng vào Chúa và gia nhập đạo Chúa qua Bí tích Rửa tội thì họ trở nên thành phần ngang hàng với nhau trước mặt Chúa. Gia nhập nước Chúa sớm hay trễ, trước hay sau không có khác biệt. Và tất cả những người được gọi làm vườn nho của Chúa để gia nhập nuớc Trời đều phải ghi ơn lòng quảng đại của Chúa.

Dụ ngôn nhấn mạnh đến điểm là trong việc cứu độ, Thiên Chúa sẽ quyết định những gì là công bình, những gì là bác ái trong việc thưởng công cho con cái loài người. Ðường lối của Chúa là đường nẻo công chính, nhưng sự công chính của Chúa luôn nằm trong bối cảnh nhân từ và lòng xót thương của Người. Chính vì thế mà ngôn sứ Isaia trong bài Thánh kinh Cựu ước hôm nay đã ca tụng lòng nhân hậu của Chúa: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi (Is 55:8).

Trong việc trả lương cho những người đến làm sau hết cùng một số tiền như những người đến trước, người chủ đã không làm thiệt hại, cũng không lỗi đức công bình với những người đến làm từ sáng sớm vì họ đã thỏa thuận với chủ về số tiền lương mỗi ngày một quan tiền. Ðó là mức lương của một người thợ thời bấy giờ. Việc trả lương cho những người đến sau cùng một số tiền bằng thợ đến từ sáng sớm là do lòng đại lượng của chủ. Nói cách khác, đối với những người đến trước, thì chủ thi hành luật công bình, nghĩa là không lỗi giao kèo. Còn đối với những người đến sau, chủ thi hành luật bác ái.

Theo mạch văn trong Phúc âm hôm nay thì những người đứng không ở ngoài chợ, không phải là những người nhàn cư, ăn không ngồi rồi, nhưng vì không ai mướn họ (Mt 20:7). Ra chợ tìm việc làm và đợi tới giờ mười một1 - tức là năm giờ chiều, đến sáu giờ thì nghỉ việc - có nghĩa là họ cần việc làm. Tại đất Paléttin thời bấy giờ, chợ là nơi người thất nghiệp đến tìm việc và nhận việc, giống như tiệm 7-Eleven hay tiệm giải khát nào đó tại Hoa kỳ là nơi mà người thất nghiệp tụ họp đợi người khác đến thuê làm công vào thời gian hai mươi năm cuối thế kỉ hai mươi và cũng chừng hai mươi năm đầu thế kỉ hai mươi mốt. Theo nhà chú giải Thánh kinh William Barclay, cao độ của mùa hái nho tại Patéttin nhằm vào tháng Chín. Theo sau là mùa mưa. Vì thế chủ cần hái nho trước khi mùa mưa tới để nho khỏi bị ủng, nên ông cần càng nhiều thợ làm càng lợi ích. Như vậy xét theo kế hoạch kinh tế nông nghiệp, ông chủ là người quản lý tài sản giỏi. Còn xét theo Học thuyết Xã hội Công giáo, người ta phải khen ông chủ vườn nho có đầu óc xã hội, chứ không thể tố cáo ông mang óc thiên vị: nhất bên trọng, nhất bên khinh. Ông trả lương theo nhu cầu vật chất của thợ, chứ không dựa trên thời giờ làm việc của họ.

Khi nghĩ rằng ta tốt lành và siêng năng hơn người khác, mà người khác lại hơn ta về của cải vật chất và địa vị xã hội, ta sinh ra ganh tị, và còn hận Chúa. Do đó ta muốn đặt giới hạn cho lòng đại lượng và khoan dung của Chúa. Ðó chính là điều thắc mắc của ông chủ vườn nho: Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?(Mt 20:15). Ðáng lẽ những người làm vườn nho từ sáng sớm phải vui mừng với thợ đến sau vì họ cần tiền để độ thân hoặc nuôi gia đình. Khi đặt nặng về giá trị vật chất, mà thấy người khác hơn mình về của cải, việc làm, nhà ở thì người ta nổi máu ghen. Mà ghen tương lại làm cho người ta mất hạnh phúc. Mất hạnh phúc làm người ta khổ. Vậy thì ghen làm chi cho khổ? Còn nếu coi nhẹ giá trị vật chất thì khi thấy người khác hơn mình về những khía cạnh trên, người ta cũng không màng. Hôm nay mỗi người cần nhắc nhở cho mình rằng mọi sự ta có đều là của Chúa ban. Vì thế ta cần học để sống trong tâm tình biết ơn.

Lời cầu nguyện xin cho được bằng lòng với của Chúa ban:
Lạy Chúa, Chúa là Ðấng công minh và đại lượng
Chúng con cảm tạ Chúa về lượng công minh
và lòng đại lượng đối với loài người tuỳ theo nhu cầu cá nhân.
Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn
để con bằng lòng đón nhận những của lớn nhỏ Chúa ban.
Cũng xin cho con một tâm hồn quảng đại
để con hiểu được những đặc ân mà Chúa ban cho người khác
thay vì ganh tị với họ và kêu trách Chúa.
Và xin cho những người đến sau
cũng được mời vào làm việc trong vườn nho của Chúa. Amen.
 
Ghen tị
Thanh Thanh
23:29 16/09/2008
GHEN TỊ

Chúa Nhật 25 [Cr 1, 10-13,17]

Câu truyện đời thường

Có một nhà buôn rất sùng đạo. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả thế nào thì cũng không bỏ việc cúng vái thần thánh. Lời khẩn cầu vang lên tới trời, và thần tiên xuất hiện và ban cho ông ta những điều ước. Ông có thể xin cho mình, cho gia đình, cho hàng xóm hay cho đồng nghiệp đều được. Ông vui mừng, nhưng rồi lại buồn, vì nếu:

- Bây giờ mình xin một chiếc xe thì sợ tiên lại cho họ hai chiếc.
- Xin một căn nhà thì sợ họ được hai căn.
- Xin 1 tỷ thì hàng xóm được 2 tỷ.
- Xin cho được một người vợ đẹp, hiền, dịu dàng thì bạn bè lại được hai vợ.
- Và cứ thế, ông đưa ra đủ thứ ước muốn, nhưng lại không chọn gì cả, vì sợ mình được một thì người khác được hai.
- Cuối cùng ông quyết định: xin thần tiên cho con bị mù một mắt. Vì ông nghĩ nếu mình bị mù một thì người khác sẽ bị mù hai con mắt.

Vì ghen tị mà nhiều người muốn mình được hơn người khác về mọi mặt tốt, nhưng lại muốn người khác gặp thật nhiều rủi ro, bất hạnh.
Vì ghen tị mà con người tìm cách đẩy trách nhiệm cho người khác, còn mình ở ngoài cuộc.
Vì ghen tị mà con người có thể dùng mọi cách để làm lại, tàn sát lẫn nhau. Miễn là mình có lợi.
Vì ghen tị mà hiệp nhất biến mất, chia rẽ xuất hiện, bất hạnh ập tới.
Vì ghen tị mà nảy sinh bè phái, tranh chấp, chống đối, rồi trở nên mù loà về chân lý và sự thật.
Tính ghen tị biểu lộ thái độ ích kỷ cá nhân, biểu lộ sự tham lam: tiền bạc, lợi lộc, danh dự, uy tín… mà đem lòng ước muốn chiếm đoạt, làm hại, dù đó là anh em mình.

Câu truyện Lời Chúa

Cựu Ước. Khi Đavít đánh thắng quân Phiitinh trở về, nhiều người chúc mừng, tung hô, ca hát, nhảy múa: "Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn" (1Sm 18,6).

Vua ghen tị rồi tức giận vì: "Người ta cho Đavít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi” (1Sm 18, 8).

Thế rồi ông bàn với triều thần ý định giết Đavít. Đavít được Giônathan, con vua báo cho biết ý định của cha mình. Rồi Giônathan can ngăn cha đừng đổ máu người vô tội, nhờ bàn tay Đức Chúa mà ta mới thắng được quân Philitinh. Nhà vua nghe theo lời khuyên của con, nhưng lòng ghen tị thì vẫn còn.

Thời gian sau, Đavít lại đánh thắng quân Philitinh, vua ghen tị và đã phóng cây ghim vào Đavít lúc đang gảy đàn, nhưng ông né được. Và ngay đêm hôm đó, Đavít phải trốn đi nơi khác.

Ghen tị về lợi lộc, danh tiếng, quyền chức mà Saun sẵn sàng tàn sát Đavít, người hết mình phục vụ cho nhà vua.

Tân Ước. Thánh Phaolô tông đồ đã lên tiếng với giáo đoàn Côrintô, vì trong cộng đoàn này đã có những đố kỵ, chia rẽ, bé phái, không hiệp nhất: “Trong anh em có những luận điệu như: Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ?(1Cr 10,12-13).

Sự phân chia phe nhóm trong cộng đoàn một phần là do các sở thích và tình cảm cá nhân quá nặng, từ đó sinh ra ghen tị. Tôi thích người này, ghét người kia. Tôi theo người này, chống người nọ.

. Một số thấy Phaolô là con người cương trực, ăn nói ngay thẳng nên phục rồi quý mến và đi theo. Số khác thì không thích tính tình cương trực, thẳng thắn của ông, nên chạy theo Phêrô.

. Một số theo Phêrô, vì ông vừa là thủ lãnh, vừa dễ dãi, “sao cũng được". Thư Galat diễn tả: khi vắng mặt các thành viên Do thái trong cộng đoàn thánh Giacôbê, Phêrô đã ngồi ăn chung, uống chung với dân ngoại, nhưng khi thấy họ đến thì ông lại tránh đi. Một lần kia Phaolô đã trách Phêrô trước mặt mọi người. Có lẽ vì Phêrô dễ dãi như thế nên nhiều người thích và đi theo ủng hộ.

. Một số khác lại thích Apôllô. Ông này ăn nói lưu loát, có khả năng diễn thuyết hùng hồn, biện luận hay, sắc bén để chứng minh về Chúa Giêsu Kitô. Nên nên họ thích nghe hơn, và rồi cái gì Apôllô nói điều gì cũng đúng, cũng hay.

Khi đã thương ai, mến ai thì cái gì cũng tốt, cũng đúng, và tìm cách thu gom, chiếm đoạt phần tốt về cho mình, nhóm của mình, người của mình.

Những khuynh hướng nặng về tình cảm cá nhân đã tạo nên chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng Dân Chúa thời sơ khai, cũng như thời nay, đến nỗi Phaolô phải lên tiếng: "Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng tâm hiệp ý với nhau. Đừng chia rẽ, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một thần trí và một tâm tình" (1 Cr 1, 10).

Câu truyện của Giáo xứ

Trước bàn thờ là hình ảnh của những ngọn nến, những bông hồng rất đẹp. Vâng, nó đẹp và sáng. Nhưng nó sẽ trở nên vô giá trị khi, một hôm:

- Ngọn nến nói với bông hồng: ánh sáng của tôi sáng, lung linh, đẹp quá, phải như vậy thì mới có giá trị. Còn bạn thì làm sao được như tôi.
- Bông hồng lên tiếng: sắc hoa, hương hoa của tôi làm cho con người vui thích, chiêm ngắm. Nếu không có tôi thì bạn không đẹp, con người cũng chẳng có gì để thưởng thức. Tôi mới có giá trị.

Chúng đang tranh đua hơn thua, thì bỗng nhiên, ngọn nến đổ xuống, rơi vào những bông hồng. Lúc này, lửa không còn để thắp sáng và sưởi ấm nữa, mà là lửa huỷ diệt. Lửa thiêu rụi những bông hồng. Còn nến thì bị gai của hoa hồng chọc nát, chầy chụa thân nến. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ, nhưng vì ghen tị, kiêu căng mà cả hai tự huỷ diệt chính mình.

Cùng phục vụ bàn thờ, nhưng vì ghen tị nên cả hai đã tự huỷ diệt nhau.

Hình ảnh của Tân ước thời các tông đồ cũng có ở thời nay. Nhìn vào các xứ đạo, chắc chắn ít nhiều, với hình thức này hay hình thức khác cũng có những đố kỵ, ghen tị giữa người này với người khác; giữa hội đoàn này với hội đoàn khác.

Nào là ca đoàn, giáo lý viên, ban lễ sinh và nhiều thứ hội đoàn các bà, các ông….. Nhóm thì theo cha sở, nhóm thì theo cha phó, nhóm khác theo thầy xứ, nhóm thì theo các sơ. Vì ghen tị mà gièm pha chỉ trích chống đối nhau. Ôi, thế là chia rẽ. Nhóm nào cũng đấu tranh tìm phần thắng, phần tốt về mình, còn phần xấu, phần trách nhiệm thì tìm cách đẩy cho nhóm khác. Giáo xứ trở nên lộn xộn, mất tình nghĩa.

Nếu phục vụ mà thiếu khiêm nhường thì những việc phục vụ của ta có thể trở thành đầu mối gây mất hiệp thông, là nguyên nhân gây ra chia rẽ. Vậy chẳng phải xưa, mà nay, vì thiếu khiêm tốn, vì ganh tị mà đã phanh thây thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô thành từng mảnh hay sao.

Hãy đồng tâm ý hiệp với nhau. Đừng vì sở thích, quan điểm, hay tình cảm cá nhân chi phối mà ủng hộ, hợp tác với người này người nọ hoặc chống đối, chê bai, lạnh lùng với người kia.

Đừng để ghen tương, đố kỵ chi phối lời nói, việc làm của ta, để rồi, từ ta, phát sinh nhiều phân rẽ, hận thù. Chúng ta hãy cùng nhau phục vụ Chúa Kitô.

Thánh Phaolô nói: "Nhân danh Chúa Kitô, tôi nài xin anh em hãy liên kết trong cùng một thần trí và một tâm tình. Thần trí đó là thần trí yêu thương, và tâm tình đó là tâm tình khiêm hạ. Chớ ao ước những điều bất chính, khổ đau cho kẻ khác. Đừng muốn mình chột để người ta bị mù. Nhưng hãy cầu cho nhau những sự may lành. Hãy vui với người vui, vì điều đó đôi khi còn khó hơn khóc với người khóc. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cho nhau. Và điều quan trọng là hãy hiệp nhất với nhau”.

Hiệp nhất chính là tinh thần và sứ mạng của của người tông đồ: hiệp nhất con người với Thiên Chúa; hiệp nhất con người với con người; hiệp nhất những tâm hồn tan vỡ, để qua đó, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, được tuôn trào đến khắp trần gian.

Khiêm nhường kiếm tìm hiệp nhất là cách giải thoát những tâm hồn bị ghen ghét thống trị, chế ngự.

Ghen tị là liều thuốc độc giết hại đời ta, gia đình ta, cộng đoàn của ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà truyền giáo và kỹ nghệ tình dục
Vũ Văn An
03:37 16/09/2008
Các nhà truyền giáo và kỹ nghệ tình dục (1)

(Hồ sơ của Hãng tin Fides, ngày 7 tháng Tám năm 2008, do D.Q. thu thập, và do Luca de Mata biên tập)

"Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [ ] Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. [ ] Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau." (Mc, 9,41-50).

1. Phỏng vấn Cha Franco Cellano, bề trên Dòng Truyền Giáo Consolata tại Kenya

Kenya đang kinh qua cơn khủng hoảng chưa từng có về nhân đạo, gây ra bởi các tranh chấp bộ lạc và chủng tộc khởi đầu năm 2007 trong các cuộc biểu tình chống kết quả bầu cử. Theo cơ quan UNICEF, nhiều hành vi tàn bạo dã man chưa ai nghe thấy đã xẩy ra: trong một ngày, 19 phụ nữ và trẻ em bị thiêu sống. Ít nhất 350,000 dân đã bị cưỡng bức phải rời khỏi nhà cửa của họ. Tiếp theo các vụ tấn công, đốt phá và cướp bóc trong đó cả hàng ngàn người bị giết, từng làng đã bị bỏ hoang. UNICEF càng ngày càng tố giác các vụ hiếp dâm phụ nữ và bé gái ngay trong các trại tị nạn trên khắp xứ sở, nơi dung thân của kẻ không nhà. Sự bảo vệ của cảnh sát tại các trại tị nạn này hết sức ít ỏi. Chính phủ Kenya đã yêu cầu cơ quan UNICEF phối hợp các chiến dịch nhân đạo nhằm chăm sóc y tế, cung cấp thực phẩm, giáo dục và che chở các thành phần thiệt thòi này. Sự trợ giúp của UNICEF tại gần 300 trại rải rác khắp miền xứ sở bao gồm việc phân phối thực phẩm UNIMIX cho trẻ thơ và khẩu phần ăn cho 70% tổng số 80,000 trẻ em dưới 5 tuổi; phân phối thuốc viên chlorine để có nước sạch (80,000 viên riêng tại Nairobi); dựng các nhà vệ sinh tiền chế và các bể chứa nước sạch. Về phương diện an ninh, UNICEF đang cùng nhiều cơ quan khác làm thống kê tất cả các vị thành niên đang gặp khó khăn và đưa ra các biện pháp che chở bằng cách di tản phụ nữ và trẻ em.

Bất chấp hoàn cảnh ấy, Kenya vẫn là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất cho những du khách tây phương đi tìm tình dục.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn bằng điện thoại với cha Franco Cellano, Bề trên 31 phái bộ (missions) thuộc Dòng Truyền Giáo Consolata tại Kenya. Fides phải vất vả mấy ngày mới gặp được vị linh mục suốt ngày lên đường thăm các trại tị nạn và phối hợp việc trợ giúp các trại này.

Hỏi: Thưa Cha, Cha là người thành thạo tình hình tại Kenya, xin cha cho chúng con hay đôi điều về tình huống liên quan đến kỹ nghệ tình dục

Tôi là một thành viên trong một Ủy Ban Ý có nhiệm vụ thực hiện một cuộc nghiên cứu trong ba năm, đặc biệt để tìm hiểu tình hình tại các thành phố ven biển như Malindi, Lamu, Mombasa. Từ cuộc nghiên cứu này, chúng tôi thấy có ít nhất 30,000 vị thành niên Kenya, chủ yếu là các bé gái, mà đa số do cha mẹ xúi bẩy, đang bị sử dụng cho các sinh hoạt tình dục của người lớn. Cũng từ cuộc nghiên cứu này, chúng tôi thấy 38% các vụ bạo hành tính dục liên can tới người Kenya và du khác nước ngoài, chia ra như sau: 18% là người Ý, 14% là người Đức, 12% là người Thụy Sĩ, 8% là người Pháp.

Hoàn cảnh hiện nay ra sao?

Từ năm 2000, hiện tượng trên trở thành nhất quán bao gồm các hoàn cảnh thiếu thốn gian khổ, bị đẩy ra bên lề và nghèo đói bơ vơ. Trong ít năm gần đây, các du khách tình dục tây phương, trước đây hay lui tới Á Châu, nay bắt đầu chọn Phi Châu và Kenya làm những nơi họ thích lui tới nhất. Tôi phải nói ngay rằng kỹ nghệ tình dục tại Nairobi ngày nay đang hết sức phát triển, bao gồm cả các thanh niên thiếu nữ đồng tính luyến ái cần tiền để trả học phí hay các khóa huấn nghệ tìm việc làm. Mục tiêu của các thanh niên này không hẳn là khoái lạc, vì văn hóa ở đây rất coi trọng việc tôn kính tổ tiên; họ làm việc đó để có ba mươi ngàn, bốn mươi ngàn, năm mươi ngàn ‘shillings’ để trả học phí hay lệ phí huấn nghệ.

Xét chuung, hiện tượng ấy có mặt ở khắp nơi. Có điều tương đối mới là các phụ nữ tây phương cũng tới đây sử dụng các thanh niên Châu Phi. Điều này xẩy ra tại Malindi, Mombasa và nay đang xuất hiện ở Nairobi.

Chính phủ Kenya làm gì?

Một đạo luật của Kenya, ban hành năm 1990, nhằm bảo vệ quyền lợi trẻ em, nhưng có bao giờ được thi hành đâu. Đạo luật ban hành năm 2003 cũng thế, nó được ban hành để phạt tội hình những ai tổ chức việc đĩ điếm. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, trách nhiệm cũng ở lực lượng cảnh sát, hiện hết sức tham nhũng, ít khi chịu can thiệp.

Có phải việc này có tổ chức chăng?

Phía sau hiện tượng này, chắc chắn có những tổ chức cưỡng bức các thiếu nữ vào vòng nhưng chính các thiếu nữ cũng tỏ ra rất nhanh nhẹ trong việc ẩn núp và trở thành vô hình.

Các cha tiến hành việc phúc âm hóa và đồng thời chiến đấu chống lại tệ đoan này ra sao?

Dòng truyền giáo của chúng tôi là một trong những dòng có mặt ở đây lâu nhất. Và như ông đã thấy, hiện chúng tôi có 31 phái bộ thuộc Dòng Truyền Giáo Consolata tại Kenya. Trong khi làm công tác phúc âm hóa, chúng tôi cũng cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền, quyền có nhà, có việc làm, quyền được chăm sóc thích đáng về y tế. Bên cạnh sinh hoạt mục vụ, một số trong 14 giáo xứ do chúng tôi đảm nhiệm đã tham gia tích cực vào việc tranh đấu chống lại hiện tượng mãi dâm này. Nhưng nói một cách tổng quát, vì cảnh quá nghèo và thiếu thốn, nên khó có thể thuyết phục để họ cưỡng lại nó.

Trước khi kết thúc, xin hỏi cha về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Kenya.

Trong mấy tháng gần đây, cộng đồng Công Giáo địa phương đã tận lực và âm thầm giúp ít nhất 350,000 người vô gia cư. Chúng tôi, 63 cộng đoàn tu sĩ khác nhau, cũng đã cùng nhau hợp tác để vừa thi hành việc tông đồ và rao giảng Phúc Âm vừa cung cấp các trợ giúp và cố gắng cổ vũ hòa giải và hòa bình. Tôi chỉ muốn nói rằng dân chúng vẫn còn sợ không dám trở lại làng xưa của họ. Tôi cũng muốn nói tới chủ nghĩa vụ hình thức của nhiều cơ quan quốc tế, chủ nghĩa ấy, trong hoàn cảnh như thế này, chẳng đem lại được ích lợi chi. Thực sự, chính tôi cũng từng tranh luận với các viên chức Hồng Thập Tự địa phương, một cơ quan cùng với UNICEF phần nào nhất trí với chính phủ Kenya. Họ phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý cơn khủng hoảng nhân đạo này.

Một số người cho rằng sau rất nhiều năm, các tổ chức quốc tế ấy chỉ là “những toa tầu chở những nhà trình diễn bàn giấy”…

Đồng ý. Các gia đình vô gia cư bị buộc phải ra khỏi nhà không thể chờ hai tháng để Hồng Thập Tự phát 2,000 bộ đồ sống sót (nồi niêu xoong chảo, nệm nằm, chăn đắp, mùng màn, và một món tiền nhỏ để sống lúc đầu), giúp họ có thể trở về làng cũ. Hai tháng qua đi mà đồ phát vẫn chưa được mang tới. Thời gian chờ đợi như thế đã diệt hết nhân phẩm của những con người này, mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

2. Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về lạm dụng tình dục

Về lạm dụng tình dục, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng nói tại số 27 như sau: “bất cứ điều gì hạ nhục nhân phẩm, như các điều kiện sống dưới mức hợp nhân bản, giam cầm độc đoán, trục xuất, nô lệ, mãi dâm, bán phụ nữ và trẻ em; cũng như các điều kiện làm việc tồi tệ trong đó con người bị đối xử như dụng cụ kiếm lời không hơn không kém, thay vì là những hữu thể tự do và có trách nhiệm; tất cả những điều đó và nhiều điều khác tương tự như thế quả là những điều điếm nhục. Chúng chuốc độc xã hội con người, nhưng chúng cũng gây hại cho chính những người thực hành, có khi còn hơn là những người bị chúng gây tổn thương. Hơn nữa, chúng là một bất kính tối hậu đối với Đấng Hóa Công”.

Đức Gioan Phaolô II, trong bài diễn văn trước Đoàn Ngoại Giao bên cạnh Tòa Thánh, từng nói: “Ở hùng đông thiên niên kỷ này, chúng ta hãy cứu con người! Ta hãy cùng nhau, tất cả chúng ta hãy cùng nhau, cứu nhân loại! Các nhà lãnh đạo xã hội có nhiệm vụ phải gìn giữ nhân loại, bảo đảm để khoa học phục vụ con người nhân bản, không được thao túng con người như đồ vật, không được mua bán họ, không bao giờ ấn định luật lệ bằng lợi ích thương mại hay quyền lợi ích kỷ của các nhóm thiểu số”.

Trong Tông Thư Mulieris Dignitatem (phẩm giá phụ nữ) nhằm nói về hiện tượng này, Ngài trích dẫn câu truyện người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình để kêu gọi trách nhiệm của những người phạm tội ác này, nhất là người đàn ông liên hệ, là người thường hay bỏ rơi người đàn bà: “Chúa Giêsu đi vào hoàn cảnh cụ thể và lịch sử của các phụ nữ, một hoàn cảnh bị nặng trĩu vì gia tài tội ác. Một trong những phương thế nói lên cái gia tài này chính là thói quen kỳ thị chống lại đàn bà và nghiêng về đàn ông. Gia tài này cũng bắt rễ ngay trong người đàn bà nữa. Từ cách nhìn này, câu truyện người đàn bà “bị bắt quả tang đang ngoại tình” (xem Ga 8:3-11) quả đã hùng hồn nói lên nhiều điều. Trước nhất, Chúa Giêsu nói với người đàn bà: “Đừng phạm tôi nữa”, nhưng trước đó, Người khêu gợi ý thức tội lỗi nơi những người đàn ông tố cáo muốn ném đá nàng. Căn cứ vào đó, Người cho ta thấy Người có khả năng sâu sắc biết nhìn thấu lương tâm và hành động của con người dưới ánh sáng thật của họ. Chúa Giêsu như muốn nói với những kẻ tố cáo rằng: người đàn bà này, dù hết sức tội lỗi, nhưng trên hết há không phải là bằng chứng tố cáo chính tội ác của các ông sao, tội bất công “nam giới”, những việc làm tồi bại của các ông đó sao?

Sự thật trên có giá trị đối với toàn thể nhân loại. Vì câu truyện ghi lại trong Phúc Âm Gioan đã được không biết bao nhiêu hoàn cảnh tương tự trong mọi thời đại lặp đi lặp lại không ngừng. Người đàn bà bị bỏ rơi, bị công luận lên án là tội lỗi, trong khi lấp ló phía sau tội lỗi ấy là một người đàn ông, kẻ gây tội, “tội người khác” mà trách nhiệm cũng chẳng kém gì. Nhưng không ai thấy tội của anh ta cả, nó âm thầm được bỏ qua: xem ra anh ta chẳng chịu trách nhiệm chi về tội lỗi người khác cả. Đôi khi, quên khuấy cả tội lỗi của mình, anh ta còn biến mình thành người tố cáo nữa, y như câu truyện đang nói ở đây. Còn người đàn bà thì phải trả giá cho tội của mình và phải một mình trả giá, trả giá một mình mà thôi. Biết bao lần nàng bị bỏ rơi với bụng mang dạ chửa, trong khi người đàn ông, cha đứa trẻ, nhất định không chịu một chút trách nhiệm nào? Ngoài chuyện có quá nhiều “các bà mẹ không cheo cưới” trong xã hội ta ra, ta cũng phải xét tới tất cả những cô gái, những người đàn bà, vì bị áp lực tứ phía, kể cả của chính người đàn ông, nên đành phải tống khứ đứa nhỏ ra ngoài trước khi em được sinh ra. Quả tình họ đã tống khứ “của nợ” ấy thật. Nhưng giá phải trả cho sự tống khứ ấy không nhỏ. Dù nền văn hóa ngày nay đang cố gắng hết sức để loại bỏ nét tàn ác của tội lỗi này, nhưng người đàn bà sẽ không bao giờ quên được sự kiện nàng đã kết liễu sự sống của chính đứa con của mình, cái sự sống mà bản nhiên nàng đã được tạo nên để chào đón.

Trong Tông Huấn hậu thượng hội đồng giám mục Á Châu “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội Tại Á Châu), Đức Gioan Phaolô II đã tố giác hiện tượng trên, một hiện tượng rất phổ biến tại Á Châu do ngành du lịch tìm tình dục hết sức thịnh hành tại đây gây ra. Ngài viết: “Ngành du lịch cũng đáng ta chú ý cách đặc biệt. Mặc dù là một kỹ nghệ hợp pháp, có giá trị văn hóa và giáo dục riêng, nhưng trong nhiều trường hợp, ngành du lịch này đã gây ảnh hưởng tác hại trên môi trường luân lý và cả thể lý nữa cho nhiều quốc gia Á Châu, cụ thể trong việc hạ giá nhân phẩm các phụ nữ trẻ và có khi cả trẻ em nữa bằng nghề mãi dâm” (số 7). Tông huấn cũng nói thêm: “Thượng hội đồng ngỏ lời đặc biệt quan tâm tới phụ nữ, những người gặp hoàn cảnh hiện vẫn còn rất nghiêm trọng tại Á Châu, nơi việc kỳ thị và bạo hành đối với phụ nữ đôi khi xẩy ra ngay trong gia đình, nơi làm việc và cả trong hệ thống pháp lý nữa… Nhiều người trong số họ bị đối xử không hơn một món hàng trong nghề mãi dâm, trong ngành du lịch và kỹ nghệ tiêu khiển” (số 34).

Rồi trong Thư Gửi Phụ Nữ năm 1995, Đức Gioan Phaolô II cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới hiện tượng bạo hành tình dục đối với phụ nữ. Ngài viết: “rồi vấn đề này nữa: khi ta xem xét một trong các khía cạn hết sức nhậy cảm về hoàn cảnh của phụ nữ trên thế giới ngày nay, làm sao ta không nhắc tới cái lịch sử lâu dài và hạ cấp, dù đôi khi là một lịch sử “hầm trú”, tức lịch sử bạo hành phụ nữ trong lãnh vực tính dục? Trước thềm Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, ta không thể tiếp tục dửng dưng và e dè trước hiện tượng này nữa. Đã tới lúc phải mạnh mẽ lên án mọi kiểu bạo hành tình dục thường lấy phụ nữ làm đối tượng và phải ban hành các đạo luật bênh vực phụ nữ cách hữu hiệu chống lại việc bạo hành ấy. Nhân danh việc tôn trọng nhân vị, ta cũng không thể không lên án thứ văn hóa duy khoái lạc và chủ thương mại, một thứ văn hóa chuyên khuyến khích việc khai thác tính dục có hệ thống và đồi trụy hóa cả những bé gái nhỏ trong việc bán mình kiếm lợi nhuận” (số 5).

Nhân dịp Hội Nghị Quốc Tế về chủ đề “Cảnh nô lệ trong Thế Kỷ 21 - Chiều kích Nhân quyền đối với việc Buôn bán người”, Đức Gioan Phaolô II đã gửi một lá thư, vào ngày 15 tháng Năm năm 2002, cho Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, lúc ấy là tổng trưởng ngoại giao. Hội nghị này diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng Năm năm 2002 tại Đại học giáo hoàng Gregorian và được các đại sứ cạnh Tòa Thánh cũng như hai hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình và về Di Dân cổ vũ. Đại diện của 30 quốc gia đã tới tham dự. Trong lá thư này, Đức Giáo Hoàng viết: “Việc buôn bán người đã tạo ra một cuộc tấn kích hãi hùng đối vào chính phẩm giá con người và là một vi phạm nghiêm trọng các nhân quyền nền tảng. Công đồng Vatican II từng nhấn mạnh tới ‘tệ nạn nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, các điều kiện làm việc tồi tệ trong đó con người bị đối xử như dụng cụ kiếm lời chứ không phải là những con người tự do, có trách nhiệm’, coi chúng như ‘những ô nhục sẽ chuốc độc toàn bộ xã hội con người và hạ giá chính những người gây ra các tệ nạn ấy’, đồng thời ‘bất kính một cách tối hậu đối với Đấng Tạo Hóa’ (Vui Mừng và Hy Vọng, số 27). Những hòan cảnh trên quả là một lăng nhục đối với các giá trị căn bản từng được mọi nền văn hóa và mọi dân tộc chia sẻ xưa nay, các giá trị vốn bắt rễ sâu trong chính bản chất nhân vị.

”Việc gia tăng đầy lo ngại nạn buôn bán người là một trong những vấn đề cấp bách về phương diện chính trị, xã hội và kinh tế có liên hệ tới diễn trình hoàn cầu hóa hiện nay; nó đem lại một đe dọa nghiêm trọng đối với nền an ninh của các quốc gia cá thể và một nghi vấn đối với công bình quốc tế. Hội Nghị hiện nay phản ảnh sự nhất trí quốc tế mỗi ngày một gia tăng, một sự nhất trí cho rằng vấn đề buôn bán người cần phải được giải quyết bằng việc cổ vũ các phương tiện tài phán hữu hiệu để ngăn chặn việc buôn bán tác hại này, để trừng phạt những người lợi dụng nó kiếm lời, và để hỗ trợ việc hội nhập các nạn nhân của nó vào xã hội. Đồng thời, Hội Nghị này cũng đem lại một cơ hội quan trọng để ta suy nghĩ lâu dài về các vấn đề nhân quyền phức tạp vốn do việc buôn bán này tạo ra. Ai có thể chối được rằng nạn nhân của tội ác này đôi khi là những người nghèo nhất và ít được bênh đỡ nhất trong gia đình nhân loại, ‘những người bé nhỏ nhất’ trong hàng ngũ anh chị em của ta?

Đặc biệt, việc khai thác tính dục phụ nữ và trẻ em là khía cạnh nhơ bẩn nhất của việc buôn bán này và phải bị coi là một vi phạm nội tại đối với nhân phẩm và nhân quyền. Khuynh hướng tồi tệ trong việc coi mãi dâm như một thương vụ hay một kỹ nghệ không những đã góp phần vào việc buôn bán con người, mà tự nó còn là bằng chứng cho thấy càng ngày người ta càng tách tự do ra khỏi luật luân lý và rút gọn mầu nhiệm phong phú trong tính dục con người để chỉ còn là một món hàng không hơn không kém (…)”.

Trong một buổi triều yết ngày 15 tháng Năm, tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, nhân dịp có Hội nghị này, Đức Gioan Phaolô II có gặp một nhóm chừng 500 phụ nữ từng được một hiệp hội Ý tên là Comunità Papa Giovanni XXIII (Cộng Đồng Đức Thánh Cha Giovanni XXIII) giải thoát khỏi nghề mãi dâm. Đức Giáo Hoàng ngỏ lời chào mừng họ và khích lệ họ hãy “tiếp tục tin tưởng tiến trên con đường dẫn tới tự do hoàn toàn, một tự do xây dựng trên phẩm giá con người”.

Về vấn đề mãi dâm, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cho hay: “Mãi dâm làm tổn thương phẩm giá những người can dự vào nó, biến con người trở thành dụng cụ cho khoái lạc sinh lý, còn người mua dâm thì phạm tội nặng chống lại chính bản thân mình: họ vi phạm đức trong sạch mà họ đã cam kết khi chịu Phép Rửa và làm hoen ố thân xác họ, vốn là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Mãi dâm là một tai họa xã hội. Nó thường liên hệ tới phụ nữ, nhưng cũng liên hệ tới đàn ông, trẻ em và thiếu niên nữa (hai trường hợp sau còn mắc thêm tội làm gương mù). Dù bước vào việc mãi dâm luôn là một tội trọng, nhưng đôi khi tội ấy được giảm khinh vì hoàn cảnh nghèo túng, bị tống tiền hay bị áp lực xã hội” (số 2355)

Năm 2004, “Du lịch để phục vụ việc đem người ta lại với nhau” là chủ đề của Đại Hội Thế Giới lần thứ 6 về Chăm Sóc Mục Vụ cho Ngành Du Lịch do Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ Cho Di Dân và Người Du Hành tổ chức, cùng hợp tác với Ủy Ban Công Giáo về Du Lịch của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, và được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 5 tới ngày 8 tháng Bẩy.

Tuyên bố sau cùng của Hội Nghị có đoạn như sau: “Ngành du lịch, ngành nay đã trở thành một hiện tượng xã hội và kinh tế có tầm mức hoàn cầu, phải đóng góp vào việc đem các dân tộc và các nền văn hóa lại với nhau; vào việc cải thiện môi sinh mà không làm hại tới các tài nguyên thiên nhiên; vào việc thể hiện hoàn toàn cũng như làm phong phú hơn nữa sự thịnh vượng về văn hóa và kinh tế của dân chúng địa phương; vào cuộc chiến đấu chống lại mọi hình thức kỳ thị và bóc lột hay, tệ hơn nữa, chống lại bạo lực tính dục đối với phụ nữ và vị thành niên”. Tài liệu này nói tiếp: “Trong bối cảnh này, các tham dự viên Hội Nghị, được linh hứng bởi tình yêu đặc biệt của Chúa Kitô dành cho người nghèo, chủ trương rằng chăm sóc mục vụ cho những người bị kỹ nghệ tình dục khai thác phải là ưu tiên cao đối với Giáo Hội.

“Trong số những người trên, những người dễ bị thương tổn nhất và khẩn thiết đòi được chăm sóc hơn cả chắc chắn là các phụ nữ, vị thành niên và trẻ em, nhưng việc che chở và quan tâm đặc biệt đối với trẻ em thúc đẩy chúng ta phải khuyến cáo những điều sau đây cho nhóm người bị bóc lột này: phải dành cho trẻ em trong hoàn cảnh này lòng cảm thương, sự che chở của luật pháp và việc phục hồi nhân phẩm các em; không nên kết tội hình các trẻ em trong các trường hợp trong đó nội dung Công Ước Quyền Trẻ Em bị vi phạm, như trong trường hợp lạm dụng tình dục. Hơn nữa, các thẩm quyền di dân nên đặc biệt chú ý tới thực tại này; các thẩm quyền nhà nước phải dành ưu tiên và khẩn cấp cho việc phản công chống lại việc buôn bán và nhất là khai thác kinh tế trẻ em trong ngành du lịch tình dục; các định chế nhà nước phải tăng cường việc thực thi luật lệ để bảo vệ trẻ em chống lại các khai thác tình dục trong ngành du lịch và đưa những kẻ vi phạm ra trước công lý qua các cố gắng mạnh mẽ, có phối hợp và nhất quán ở mọi tầng lớp trong xã hội, và trong sự cộng tác với các tổ chức quốc tế; các giáo phận và cộng đồng liên hệ phải cung cấp việc chăm sóc mục vụ thích đáng cho các trẻ em từng bị khai thác vào các mục tiêu tình dục trong ngành kỹ nghệ du lịch. Họ phải đánh động ý thức xã hội biết nhận thức tính cách nghiêm trọng của tình thế và chia sẻ các tín liệu liên quan đến tội ác này và cả phương cách để chấn chỉnh nó nữa; các giáo phận và cộng đồng Công Giáo liên hệ phải thiết lập ra các cơ cấu để chăm sóc mục vụ cho trẻ em bị bóc lột, coi chúng như một khía cạnh quan trọng trong sứ mệnh phúc âm hóa của họ; và họ nên hợp tác, qua đối thoại và hành động, với các thẩm quyền nhà nước, để chiến đấu chống lại việc khai thác trẻ em bằng các biện pháp thực tiễn; các giáo phận và cộng đồng Công Giáo phải hỗ trợ các phương thế làm tông đồ hiện nay, hay lập ra các phương thế mới, có thể chăm sóc các nạn nhân một cách đầy cảm thông và thương yêu, đồng thời cung cấp cho họ các trợ giúp về phương diện luật pháp, điều trị và tái hội nhập vào xã hội, và nếu là Kitô hữu, vào cộng đồng đức tin nữa; các hội nghị quốc gia và miền về Chăm Sóc Mục Vụ cho Ngành Du Lịch phải được triệu tập nhằm thành lập ra các thẩm quyền có khả năng đưa ra được các hành động xã hội và giáo hội thích đáng nhằm thực thi những điều được khuyến cáo ở đây”

Trong một buổi tiếp kiến các giám mục Công Giáo thuộc vùng Antilles tại Vatican vào ngày 7 tháng Tư năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI có nói như sau: “Ở nhiều mức độ khác nhau, các vùng duyên hải của các đức cha đang bị tả tơi vì các khía cạnh tiêu cực của kỹ nghệ tiêu khiển, của ngành du lịch khai thác và tai họa của việc buôn bán vũ khí và ma túy; các ảnh hưởng trên không những phá hoại cuộc sống gia đình và gây bất ổn cho nền móng các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có khuynh hướng ảnh hưởng tiêu cực tới nền chính trị địa phương”.
 
Sứ vụ đa dạng của Đức giáo hoàng Bênêđictô tại Pháp.
Phụng Nghi
10:46 16/09/2008
Lộ đức (CNS) – Làm giáo hoàng không phải là một công việc chỉ có một chiều, đó là sự kiện thật hiển nhiên trong 4 ngày thăm viếng nước Pháp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Đến Paris ngày 12 tháng 9, trước nhất Đức giáo hoàng thực hiện một cuộc gặp gỡ chính trị quan trọng trong nỗ lực dựa vào sự cởi mở mới đối với giáo hội để tiến bộ, được Tổng thống Nicolas Sarkozy bày tỏ.

Kế đến trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với người Do thái, ngài đã khéo léo thu tóm lòng tôn trọng Do thái giáo và lập trường chống đối mạnh mẽ phong trào bài Do thái của giáo hội chỉ trong 20 dòng chữ lịch sự thanh nhã.

Buổi chiều hôm đó, Đức giáo hoàng lại khoác vào người vai trò học thuật để trình bày một diễn từ về ảnh hưởng của đời sống đan viện đối với văn hóa Tây phương, trước một cử tọa gồm 700 nhà học giả và trí thức.

Thế rồi ngài lại như người lái xe, sang số khác, đến hướng dẫn buổi kinh chiều tại Nhà thờ Chính tòa Notre Dame cùng với các linh mục và tu sĩ, nhấn mạnh đến điểm dù hàng ngũ của họ có thể mỏng dần nhưng vai trò của họ trong giáo hội đã không mất đi chút nào giá trị và quả thực không thể thay thế được.

Cuối cùng ngài bước ra ngoài, làm sinh động cả một đám đông 40 ngàn người trẻ đang chờ đợi, kéo theo những tiếng hoan hô rầm rộ khi ngài nói giáo hội cần đến họ và đặt niềm tin vào họ.

Đó là một buổi khởi đầu ào ạt và chứng tỏ một sự đa dạng khác thường trong công tác mục vụ nơi một vị giáo hoàng đã già 81 tuổi.

Ngày kế tiếp, sau khi cử hành Thánh lễ ở Paris trước một một đám đông nhiều hơn dự tính, ngài đi tới Lộ đức và bày tỏ một khiá cạnh khác trong vai trò của một vị mục tử hoàn vũ – đó là khía cạnh liên hệ đến Đức Mẹ Maria.

Điều không còn lạ lẫm gì, vì là một nhà thần học và một vị giám mục, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái trước sự sùng kính Đức Mẹ và những khi người ta cho biết Đức Mẹ hiện ra ở chỗ này chỗ kia. Nhưng rồi theo năm tháng, ngài đã mở rộng nhãn quan, như năm 2002 ngài có nói rằng “càng già, tôi cảm thấy Mẹ Thiên Chúa càng quan trọng hơn đối với tôi.”

Vì thế tại Lộ đức, người hành hương nghe được tiếng vị giáo hoàng học giả giảng thuyết về giá trị của “lời kinh nguyện khiêm tốn và mãnh liệt” như kinh mân côi. Ngài nói với thính giả rằng lòng tôn sùng Đức Mẹ không phải là một hình thức “sốt sắng kiểu trẻ con” nhưng là một biểu tỏ của sự trưởng thành về tâm linh.

Khi ngài uống nước từ dòng suối ở Lộ đức mà nhiều người hành hương tới đây tin tưởng rằng là giếng phép lạ chữa lành bệnh tật, ngài chứng minh rằng người Kitô hữu sống bằng những dấu chỉ và biểu trưng đơn sơ cũng như bằng các ý tưởng thần học cao siêu.

Cuộc tông du tới Lộ đức của Đức giáo hoàng có thể so sánh được với cuộc viếng thăm cảm động của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tới đền thánh này vào năm 2004. Yếu đau và bước đi không vững, trên bàn thờ đức cố giáo hoàng đã phải nhờ người giúp đỡ, và đó là chuyến tông du cuối cùng của ngài ra ngoài nước Ý.

Cá nhân Đức giáo hoàng Bênêđictô đã không phải chịu khổ đau như người tiền nhiệm, nhưng chắc chắn ngài để cho mọi người biết rằng mục vụ đối với người đau yếu là mốc độ cao của đạo Công giáo.

Trong thánh lễ cử hành cùng với hàng ngàn người bệnh hoạn vào hôm 15 tháng 9, ngày sau cùng trong chuyến tông du, ngài cám ơn người Công giáo tại Lộ đức và trên toàn thế giới đã tự nguyện cung ứng thời giờ và nỗ lực để giúp đỡ người tàng tật.

Điều đó đã ghi đậm một chủ đề trong triều đại của Đức giáo hoàng Bênêđictô, một chủ đề ngài đã nhấn mạnh trong các tông thư nhưng đôi khi ít được chú ý: đó là lòng bác ái cá nhân – yêu thương trong hành động – là biểu hiệu cơ bản của niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.

Một điều khác biệt khác nữa giữa Đức giáo hoàng Bênêđictô và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã nổi trội lên trong cuộc thăm viếng này. Vị cố giáo hoàng trong chuyên công du đầu tiên tới Pháp năm 1980 đã nghiêm khắc phê phán người dân Pháp xa rời đức tin, hỏi người Công giáo ở đây: “Hỡi nước Pháp, trưởng nữ của giáo hội, người có còn trung thành với lời hứa khi chịu phép thanh tẩy?”

Đức giáo hoàng Bênêđictô dùng một tiến độ mềm dẻo hơn, tuy có ám chỉ đến các khó khăn về mục vụ nhưng chú tâm vào các điểm tích cực – chẳng hạn đám đông đầy nhiệt tình tới 260 ngàn người tham dự phụng vụ do ngài cử hành ở Paris. Trong diễn từ sau cùng nói với người Công giáo Pháp, ngài khen ngợi họ vì có “đức tin mạnh mẽ” và nói rằng chính ngài cũng được khuyến khích do sự tham gia đông đảo của giới trẻ trong đêm canh thức tại Paris.

Nơi ngài đưa ra các khuyến dụ có tính cách giảng huấn là buổi nói chuyện với các giám mục Pháp. Ngài đá động tới một điểm nhức nhối khi thúc giục các giám mục phải tỏ ra mềm dẻo đối với những người theo chủ thuyết truyền thống đang muốn lợi dụng sự thay đổi luật lệ ngài đưa ra về cách dùng nghi thức Tridentino, đó là nghi thức Thánh lễ được dùng trước khi có Công đồng Vatican II.

Tuy thế, xét về tổng quan, Đức giáo hoàng đã đóng khung sứ điệp của ngài trong những từ ngữ lạc quan. Khi nói với các nhà chính trị, các cán bộ mục vụ, các học giả, người bệnh hoặc giới trẻ, ngài nhấn mạnh rằng tại nước Pháp đây giáo hội đang như ở trong nhà của mình, và tiếng nói của giáo hội đó – kể cả những tiếng nói trong lời cầu kinh – phải được tiếp tục lắng nghe.
 
Hội nghị về phụng vụ đầu tiên ở Á Châu khai mạc ở Sri Lanka
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:59 16/09/2008
Colombo (AsiaNews) - “Phụng vụ là sự tái hiện Thiên Đàng trên trần gian” là chủ đề của hội nghị về phụng vụ đầu tiên tổ chức ở Á Châu. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 16/09 đến 21/09 ở Uswatakeiyawa, một thành phố duyên hải cách thủ đô Colombo của Sri Lanka 30 cây số.

Hội nghị do Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích tổ chức, với sự tham dự của 55 đại biểu là hồng y, giám mục, linh mục từ 19 quốc gia Á Châu. Các tham dự viên sẽ gặp gỡ, thảo luận theo nhóm và làm việc theo phiên. Mỗi quốc gia sẽ trình bày một báo cáo từ Ủy ban phụng tự của quốc gia đó, các đại biểu sẽ tham dự các Thánh Lễ và gặp gỡ các tín hữu Sri Lanka. Hội nghị do Đức Hồng y người Nigieria Francis Arinze, Tổng Trưởng Thánh Bộ chủ trì cùng với Đức Tổng Giám Mục Malcolm Ranjith, Tổng Thư ký, cũng là người gốc giáo phận Kurunegala, Sri Lanka. Đức Tổng Giám Mục Oswald Gomis của Colombo sẽ phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong thông cáo báo chí, Đức Tổng Giám Mục Ranjith giải thích: “Việc cử hành phụng vụ trở nên sống động trong đời sống đức tin của chúng ta. Phụng vụ là chìa khoá của mọi canh tân trong Giáo Hội. Những gì anh em cử hành là những gì anh em tin - 'lex orandi, lex credendi' và những gì chúng ta tin tùy thuộc vào việc chúng ta sẽ sống thế nào - 'lex orandi, lex credendi, lex vivendi'”. “Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium cho chúng ta những hướng dẫn để cử hành phụng vụ Thánh. Trong phần dẫn nhập của Hiến Chế 'Sacrosanctum Concilium' nói rằng: ‘Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô, và kiên cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, Thánh Công Ðồng thấy có bổn phận phải lo canh tân và cổ xúy Phụng Vụ’”.

Ngài nói thêm: “Việc hiểu sai những chỉ dẫn này dẫn đến các hình thức lạm dụng trong phụng vụ và những lời lẽ sai lầm gây nên sự giảm sút đức tin một cách nào đó nơi giáo dân. Đức tin nơi sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể đang gặp phải những đe dọa nghiêm trọng. Nhiều người trở nên rất quen thuộc với Bí tích Thánh Thể, một số người lại mất đi cảm giác sùng kính Thánh Thể. Đức Thánh Cha đã rất bận tâm về sự mất đi cảm giác sùng kính Thánh Thể này và những lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ Thánh. Vì thế Đức Thánh Cha đã nói đến công việc đánh giá lại cử hành phụng vụ Thánh và triệu tập những hội nghị vùng như thế này với các giám mục”.

Hội nghị phụng vụ, được tổ chức lần thứ hai sau khi tổ chức lần một ở Ghana, Phi Châu, sẽ kết thúc vào sáng 21/09 bằng một Thánh lễ trọng thể do Đức Hồng y Arinze chủ tế ở Nhà thờ chánh tòa Kotahena, Colombo. Đức Tổng Giám mục Ranjith cho hay thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng những hội nghị về phụng vụ như thế này ở các vùng và các lục địa khác nhau sẽ trở thành một kênh truyền thông và đối thoại gần gũi hơn giữa Đức Thánh Cha và các lục địa”.
 
GM Nicaragua nói: cắt bỏ trợ cấp sẽ buộc các trường Công giáo phải đóng cửa
Peter Nguyễn Minh Trung
17:12 16/09/2008
Konigstein (CNA) - Đức cha Jorge Solorzano của giáo phận Matagalpa tuần trước đã cảnh báo rằng các trường công giáo tại Nicaragua sẽ bị buộc phải đóng cửa nếu chính phủ quyết định cắt bỏ các khoản trợ cấp.

Phát biểu với Tổ chức giúp đỡ các giáo hội cần trợ giúp (ACN), Đức cha Solorzano nói: Học phí ở các trường công giáo sẽ phải tăng lên để bù lại những khoản trợ cấp bị cắt và cũng chính vì thế mà nhiều gia đình sẽ không thể kham nổi các chi phí tăng thêm này, nhiều trường công giáo có thể bị buộc phải đóng cửa."

Trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên đến trụ sở của ACN, Đức cha Solorzano cho biết liên lạc giữa giáo hội Nicaragua và chính quyền là ấm áp, tuy nhiên có một vài khuynh hướng chống đối muốn cắt giảm các khoản trợ cấp chính phủ dành cho các cơ sở từ thiện của giáo hội như là bệnh viện, trường học...

Vị Giám mục Nicaragua nói rằng thách thức chính yếu mà đất nước Nicaragua đang đối mặt chính là cuộc chiến chống lại sự nghèo đói - Nicaragua là nước nghèo thứ hai trong vùng - Giáo hội Nicaragua đang nỗ lực truyền bá Phúc Âm cho mọi người và bảo vệ mầm sống của các phôi thai.

Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua, Tổng Giám Mục Leopoldo Brenes (TGP Managua) cho biết cuộc chiến chống lại các nỗ lực muốn phá thai đóng một vai trò quan trọng và chính vì thế, giáo hội luôn có những đóng góp đặc biệt trợ giúp về mục vụ tại các giáo xứ.

Đức TGM Brenes nói thêm: "Phụ nữ có quyền, ngoại trừ quyền phá bỏ các con trẻ". Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống lại thứ gọi là quyền phá thai vì nó có thể mở đường cho việc hợp thức hóa các yêu cầu phá thai.

Đức cha Solorzano cũng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế và các nước công nghiệp hóa đang nỗ lực lớn lao để hợp thức hóa việc phá thai, Nicaragua cũng sẽ như vậy, trừ phi người dân Nicaragua "là một dân tộc yêu sự sống."
 
Giám mục người Tây Ban Nha muốn Thánh Isidore là vị Tông đồ bổn mạng của Âu Châu
Peter Nguyễn Minh Trung
17:13 16/09/2008
MADRID (CNA) - Tuần trước, Đức cha Julián López Martín - Giám mục giáo phận Leon của Tây Ban Nha cho biết ngài hy vọng Thánh Isidore ở Seville sẽ được tuyên bố là vị thánh đồng bổn mạng của châu Âu.

Đức cha Lopez nói rằng thần học và kiến thức phong phú của Thánh Isidore là "một trong những nền tảng hiệp nhất đất nước Tây Ban Nha, và chúng ta nên nghiêm túc đề nghị để ngài trở thành vị thánh đồng bảo trợ của châu Âu." Đức cha Lopez đã đưa ra những lời phát biểu trên trong nghi thức khánh thành lại vương cung thánh đường Thánh Isidore sau nhiều tháng đóng cửa trùng tu.

Trong Thánh lễ, Đức cha Lopez nhấn mạnh rằng di sản của thánh nhân là xây dựng căn tính Kitô giáo trong nền văn minh Tây phương.

Giả sử nếu như ước nguyện của Đức cha Lopez được Tòa Thánh chấp thuận, Thánh Isidore sẽ cùng Thánh Benedict Nursia (480-547) là 2 vị thánh bổn mạng của châu Âu.
 
ĐTC Benedictô XVI yêu cầu LHQ xây dựng một thế giới đoàn kết hơn
Peter Nguyễn Minh Trung
17:15 16/09/2008
VATICAN (CNA) - Trong bài diễn văn gửi nhân dịp khai mạc phiên họp khoáng đại của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 63, Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyến khích các tham dự viên tiếp tục bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng một thế giới "tự do, hòa bình và đoàn kết hơn bao giờ hết."

Thông điệp được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, quốc vụ khanh Tòa Thánh gửi nhân danh Đức Thánh Cha tới các tham dự viên buổi cầu nguyện được tổ chức để khai mạc Đại hội đồng lần thứ 63.

Thông điệp giải thích rằng Đức Giáo hoàng cùng với "các thành viên cộng đồng ngoại giao và các quan chức LHQ khẩn cầu Thiên Chúa Toàn Năng hướng dẫn, ban sức mạnh cần thiết để LHQ thực hiện những nhiệm vụ cấp thiết phải đối mặt trong những tháng tới." Thông điệp đặc biệt kêu gọi Đại hội đồng "tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chương trình Quan hệ đối tác mới cho sự phát triển của Phi Châu (NEPAD) và những sáng kiến tập trung đảm bảo toàn bộ gia đình nhân loại chia sẻ những lợi ích toàn cầu."

Đức Thánh Cha nói ngài biết ơn về chuyến viếng thăm đến trụ sở của LHQ tại New York vào tháng tư vừa qua nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và tái kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế "tôn trọng các giá trị đạo đức cao quý và những nguyên tắc công lý được bao gồm trong các tài liệu cơ bản của LHQ."

Cuối cùng, thông điệp nói: Đức Thánh Cha khẩn cầu ơn thánh xuống trên các tham dự viên, ngài tin tưởng rằng

những khoảnh khắc cầu nguyện và lắng đọng sẽ tăng sức thêm cho họ trong nhiệm vụ được trao phó cho họ để bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng một thế giới tự do, hòa bình và đoàn kết hơn bao giờ hết.
 
Đức Giáo Hoàng giải thích tại sao Đức Mẹ Maria gần gũi với nhân loại
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:08 16/09/2008
“Tội lỗi chia rẽ nhưng đức trong sạch đem lại gần”

LOURDES (Zenit.org).-Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói sự Đức Maria được bảo vệ đặc biệt khỏi tội lổi không làm cho Mẹ xa phần còn lại của nhân loại, nhưng đúng hơn lôi kéo Mẹ gần chúng ta hơn.

Đức Giáo Hoàng khẳng định điều này hôm Chúa Nhật từ Lộ Đức, nơi ngài đang cử hành việc đánh dấu kỷ niệm thứ 150 những lần hiện ra của Đức Me với Bernadette Soubirous. Trong bài phát biểu của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin ban trưa, Đức Thánh Cha nói đặc ân Đầu Thai Vô Nhiễm, “đưa [Đức Maria] xa điều kiện chung của chúng ta, không làm Mẹ xa cách chúng ta, nhưng ngược lại, đem Mẹ lại gần hơn.”

Ngài đã giải thích: “Đang khi tội lỗi chia rẽ, phân cách chúng ta với nhau, đức trong sạch của Đức Mẹ Maria làm cho mẹ gần vô cùng với những tâm hồn chúng ta, lưu ý tới mỗi người trong chúng ta và ao ước thiện ích thật của chúng ta.

“Điều mà nhiều người, hoặc do lúng túng hay khiêm tốn, không giải bày được cho kẻ gần nhất hay thân nhất của mình, thì họ tỏ bày cho Mẹ là Đấng hoàn toàn trong ạach, cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ: với vẻ đơn sơ, không màu mè, trong sự thât. Trước mặt Mẹ Maria, do lòng rất thanh sạch của Mẹ, con người không do dự mạc khải sự hèn yếu của mình, bày tỏ những vấn đề và những nghi nan của mình, nói lên những hy vọng và những ước muốn thầm kín nhất của mình.”

Đức Thánh Cha nói, như thết Đức Maria chứng minh cho con người con đường đến với Chúa. “Mẹ dạy chúng ta đến với Chúa trong sự thật và tính đơn sơ,” ngài nói. “Nhờ Mẹ, chúng ta khám phá đức tin Kitô hữu không phải là một gánh nặng: Đức tin này giống như một chiếc cánh cho phép chúng ta bay cao hơn, như vây là tìm được nơi trú ẩn trong cái ôm của Chúa”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiếp tục ghi nhận rằng ân sủng Đầu Thai Vô Nhiễm nguyên Tội không được ban cho Mẹ Maria như là một một ân sủng cá nhân” thuần túy,” nhưng đúng hơn là “một ẩn sủng cho tất cả mọi người, một ân sủng ban cho toàn thể Dân Chúa.”

“Trong Đức Mẹ Maria, Giáo Hội đã có thể chiêm ngắm điều gì mình phải trở nên. Mọi người tín hữu có thể chiêm ngắm, ở đây và bây giờ, sự hoàn thành tuyệt hảo về ơn gọi riêng của mình. Mỗi người trong anh chị em luôn luôn vẫn biết ơn cho điều Chúa đã chọn mặc khải chương trình cứu rỗi của Người qua mầu nhiệm Đức Mẹ Maria: một mầu nhệm trong đó chúng ta được bao hàm thân mật nhất bởi vì, từ nơi cao thánh giá mà chúng ta cử hành và suy tôn hôm nay, những lời của chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta rằng Mẹ của Người là Mẹ của chúng ta.

“Vì chúng ta là những đứa con trai và những đứa con gái của Mẹ Maria, chúng ta có thể hưởng được tất cả những ân sủng đã được ban cho mẹ; phẩm giá vô song đến với mẹ qua sự Đấu Thai Vô Nhiễm sáng chói trên chúng ta, những đứa con mẹ,”
 
Đức Giáo Hoàng trình bày trung tâm Sứ Điệp Lộ Đức
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:18 16/09/2008
Đức Thánh Cha suy tư về quyền năng tình yêu như được Thánh Giá minh chứng

LOURDES (Zenit.org,).-Quyền năng tình yêu mạnh hơn sự dữ đe doạ chúng ta, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định trong bài giảng của ngài trong một thánh Lễ tại Lộ Đức, cử hành kỷ niệm thứ 150 những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra.

Trong bài giảng của ngài hôm Chúa Nhật 14/9, Đức Giáo Hoàng đã trình bày trung tâm sứ điệp Lộ Đức” trước 150.000 người hành hương qui tụ tại đền Pháp dưới bầu trời xanh.

Trong ngày phụng vụ Giáo Hội cử hành lễ suy tôn Thánh Giá, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng “điều có ý nghĩa là “ trong lần hiện ra đầu tiên cho Bernadette Soubirous (1844-1879), Đức Mẹ Maria dã bắt đầu cuộc gặp gở bằng dấu thánh giá.

“Dấu thánh giá là một thứ tổng hợp của đức tin chúng ta, bởi vì thánh giá nói Chúa yêu thương chúng ta là dường nào; thánh giá nói với chúng ta rằng trong thế giới này có một tình yêu mạnh hơn tử thần, mạnh hơn sự yếu đuối và tội lỗi chúng ta. Sức mạnh tình yêu mạnh hơn sự dữ đe dọa chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã giảng, “ Chính Đức Maria đến mặcc khải ở đây, tại Lộ Đức, mầu nhiệm tính phổ quát của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.. Mẹ mời hết mọi người thiện chí, mọi người đau khổ trong tâm hồn và thân xác, ngước mắt nhìn thánh giá Chúa Giêsu, hầu khám phá ở đó nguồn mạch sự sống, nguồn mạch ơn cứu độ.”

Bernadette là chứng nhân 18 lần hiện ra của Đức Trinh Nữ trong thời gian từ 11/2 và 18/7 năm 1958, trong hang Massabielle, Ngày nay, Lộ Đức đón nhận 6 trệu khách hành hương mỗi năm.

Cơ quan y tế của đền đã công nhận 67 phép lạ (những sự chữa lành không thể giải thích về phía khoa học). Cơ quan nổi tiếng này nhận được những dấu chỉ lối 35 trường hợp phép lạ có thể mỗi năm; trong hầu hết những trường hợp khác, chưa có điều tra.

Đi sâu hơn vào trong sứ điệp Lộ Đức, người Kế Vị Thánh Phêrô đã lưu ý rằng Đức Trinh Nữ, lúc hiện ra với Benadette đã nói “Ta là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm nguyên Tội.”

Do đó Đức Maria tiết lộ ân sủng đặc biệt Mẹ dã nhận lãnh từ Thiên Chúa, ân sủng đầu thai không mắc tội, vì ‘Người đã nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn,’” ngài nói tiếp. ”Khi trình diện mình trong cách này, trong sự hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đức Maria bày tỏ trên thực tế một thái độ hoàn toàn tự do, dựa trên sự hiểu biết trọn vẹn về giá trị thật sự của mình.

“Đó là con đường Đức Maria mở ra cho con người. Hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa là gặp được con đường tự do. Bởi vì khi quay về Thiên Chúa, con người trở nên chính mình. Con người tái khám phá ơn gọi nguyên thủy của mình như là một con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.”

Tại Lộ Đức, Đức Thánh Cha nói thêm, “Đức Maria đến với chúng ta như bà Mẹ, luôn hiểu thấu những nhu cầu con cái. Qua ánh sáng chảy như một giòng suối từ gương mặt của Mẹ, lòng thương xót của Chúa được tỏ hiện. Chúng ta hãy để mình được Mẹ nhìn đến, cái nhìn đó nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được Chúa yêu và chẳng bao gờ bị Người bỏ!”

Vì lẽ này, Đức Giáo Hoàng nói, “Sứ điệp của Đức Maria là một sứ điệp hy vọng cho mọi người nam và mọi người nữ thời đại chúng ta, bất kẻ những xứ gốc của họ.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã tuyên xưng sự yêu mến của ngài đối với tước hiệu Maria “Ngôi Sao Hy vọng,” tước hiệu ngài đã chiếm lấy trong Thông Điệp thứ hai của ngài “Spe Salvi.”

“Trên những con đường sự sống chúng ta, rất thường bị che khuất trong sự tối tăm, Mẹ là một hải đăng hy vọng soi sáng chúng ta và chỉ hướng cho cuộc hành trình chúng ta,” ngài nói. “Nhờ tiếng Vâng của mẹ,’ nhờ sự hiến mình quảng đại của Mẹ, Mẹ đã mở cho Chúa những cửa thế giới chúng ta và của lịch sử chúng ta.”
 
Diễn từ tạm biệt Đức Giáo Hoàng của thủ tướng Pháp François Fillon
Nguyễn Minh Trung
19:08 16/09/2008
"Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha quả là thời gian của hòa bình và thân hữu"

LOURDES - Sau đây là bản dịch bài diễn văn của thủ tướng Pháp François Fillon trong nghi thức tạm biệt Đức Thánh Cha Benedict XVI tại sân bay Tarbes-Lourdes Pyrénées, kết thúc chuyến tông du Giáo hoàng 4 ngày tới Paris và Lourdes.

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Bốn ngày của ngài ở giữa chúng con sẽ mãi ở lại trong tâm trí của người dân Pháp như là khoảnh khắc đẹp đẽ và vĩ đại của sự sẻ chia -- sự chia sẻ của cảm xúc, của suy tư và niềm hy vọng. Chuyến tông du của ngài đã thổi vào luồng khí sốt sắng cho toàn thể đại chúng.

Từ Notre Dame ở Paris cho đến quãng trường Les Invalides, rồi lại từ Les Invalides đến Lourdes, những điều ngài làm, những thông điệp ngài đọc trước những biển người khổng lồ chăm chú lắng nghe, họ tiếp nhận với niềm vui trào dâng. Tất cả mọi công dân Pháp quốc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội, mọi dòng tộc và mọi tôn giáo đều đã quy tụ và thể hiện sự nhiệt huyết với cộng đồng Công giáo.

Chuyến tông du của ngài tới Pháp là dấu chỉ khẳng định tình bạn bền vững.

Trên chuyến bay đưa ngài tới Orly hôm thứ sáu, ngài đã biểu lộ lòng yêu mến cá nhân của mình bằng ngôn ngữ của chúng con, bằng văn hóa và truyền thống trí thức của chúng con. Ngài biết truyền thống ấy được nuôi dưỡng bởi hàng loạt những tranh luận và những vấn đề cần được giải quyết. Tại điện Élysée, ngài đã đóng góp những nhận xét rằng nền cộng hòa Pháp quốc hằng gắn bó với các mối quan hệ mật thiết cùng giáo hội trong suốt hai thế kỷ.

Ngài nhắc nhớ rằng sự tách rời nền tảng giáo hội đã không ngăn cản người ta đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.

Tại Học viện Bernardins, trước các học giả đại diện cho giới văn hóa trí thức của thế giới, một lần nữa ngài lại cho thấy sự uyên bác sáng ngời của mình khi đưa ra thông điệp về niềm hy vọng.

Ngài đã kêu mời chúng con đảm nhận trách nhiệm thăng tiến tâm linh và cộng đồng xã hội.

Ngài lưu tâm đến sự yếu kém của chúng con, một nền văn minh duy vật chất, hiếu chiến và cuồng tín.

Ngài kêu gọi giới văn hóa Âu châu tái khám phá căn tính Kitô giáo.

Sự lưu tâm cấp bách của ngài đã làm cho chúng con xem xét lại những quan điểm của chúng con về quyền con người, những nhiệm vụ đạo đức và sự mầu nhiệm.

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Nền cộng hòa -- nơi mà các tín hữu của mọi tôn giáo tìm kiếm niềm tin hoặc nghi ngờ không tin -- đã tạo nên một sự suy tư chung. Và sự suy tư này cho thấy hình ảnh của chủ nghĩa thế tục.

Tuy nhiên, nền cộng hòa, hết sức coi trọng sự tồn tại của thực tế tôn giáo. Nền cộng hòa đánh giá cao vai trò của truyền thống Kitô giáo trong lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể của mình.

Con tin rằng những người đã lắng nghe Đức Thánh Cha nói thực sự bị thu hút bởi những tác động rất chân thành từ ngài, và chắc chắn họ sẽ chấp nhận những lời giáo huấn giản dị mà ngài mời gọi mỗi người họ trở nên ngày một tốt hơn trong cộng đồng của mình.

Nước Pháp tiễn ngài với lòng biết ơn và xúc cảm.

Giữa những đau khổ và lo âu của nước Pháp, chuyến tông du của ngài đã tạo nên khoảnh khắc bình yên và thân hữu nơi đây.

Giữa những tình hình căng thẳng quốc tế gần đây, thực quả là dịp để mọi người nói lên sự đồng lòng của chúng ta chống lại sự cuồng tín, bạo lực và phân biệt đối xử.

Vào buổi bình minh của thế kỷ, chuyến tông du Giáo hoàng của ngài đến Pháp quốc mời gọi chúng con vượt qua sự sợ hãi và tiến đến tương lai vì công ích nhân loại.

Kính thưa Đức Thánh Cha, dân chúng Pháp sẵn sàng ấp ủ chia sẻ một niềm hy vọng với ngài.

(Thủ tướng Pháp François Fillon, Peter Nguyễn Minh Trung chuyển ngữ)
 
Diễn từ của ĐTC từ biệt nước Pháp
Peter Nguyễn Minh Trung
20:53 16/09/2008
LOURDES (www.vatican.va) - Sau đây là bản dịch bài diễn văn từ biệt Pháp quốc của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại phi trường Tarbes-Lourdes Pyrénées trong nghi thức chia tay, kết thúc chuyến tông du Giáo hoàng.

"Vị Giáo hoàng có nghĩa vụ phải đến Lourdes"

Thánh lễ ĐTC cử hành tại Lourdes
Kính thưa ngài thủ tướng,
Kính thưa các chư huynh Hồng y, Giám mục,
Kính thưa chính quyền dân sự,
Và anh chị em thân mến,

Khi tôi rời xa nơi này - phải tiếc nuối - rời xa đất Pháp, điều làm tôi biết ơn nhất là việc các bạn đã đến và chia tay tôi, do đó tôi có cơ hội nói lên cảm nhận của mình một lần nữa, cuộc hành trình đến đất nước các bạn làm con tim tôi rạo rực niềm vui sướng.

Qua các bạn và ngài thủ tướng, tôi xin gửi lời chào ngài tổng thống Pháp quốc, toàn thể thành viên chính phủ và chính quyền dân sự, quân sự các cấp đã nỗ lực hết mình để chúng ta có được những ngày an bình tràn đầy hồng ân này. Tôi cũng chân thành biết ơn các anh em Giám mục của tôi, đặc biệt là Đức Hồng Y Vingt-Trois và Đức Giám mục Perrier, tất cả các chư huynh trong Hội đồng Giám mục Pháp. Thật tuyệt khi được ở đây với các bạn.

Tôi cũng cảm ơn sâu sắc ngài thị trưởng Paris và ngài thị trưởng vùng tự trị Lourdes. Tôi cũng nhớ đến tất cả những nhân viên thi hành luật pháp và vô số các tình nguyện viên đã bỏ ra thời giờ, công sức dành cho tôi. Tôi nhớ tất cả những ai đã làm việc cật lực và toàn tâm trí để cho tôi có được chuyến tông du bốn ngày thành công nơi đất nước các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều.

Cuộc hành trình này của tôi giống như một bức tranh xếp gồm nhiều mảng, mảng đầu tiên là ở Paris, một thành phố mà tôi biết rất rõ và khung cảnh của những cuộc gặp gỡ quan trọng. Tôi đã có cơ hội cử hành Thánh lễ trọng thể tại quãng trường Invalides. Nơi đó, tôi gặp gỡ một cộng đồng đức tin mạnh mẽ, tự hào vào lòng tin vững vàng của họ, và tôi đến để khuyến khích họ can đảm, bền chí sống những giáo huấn của Đức Kitô và Giáo hội của Người. Tôi cũng được đọc kinh chiều với các linh mục, những đàn ông, phụ nữ có đức tin sống động, và cả với những chủng sinh nữa. Tôi muốn khẳng định với họ trong ơn gọi phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em. Tôi cũng trải qua những phút giây ngắn ngủi với những người trẻ tại quãng trường trước nhà thờ chánh tòa Notre Dame. Sự sốt sắng và ảnh hưởng của những người trẻ ấy là điều làm tôi vui mừng nhất. Và làm sao tôi lại có thể không nhắc đến ở đây cuộc gặp gỡ long trọng với giới văn hóa Pháp và thế giới tại Học viện Bernardins? Như các bạn đã biết, tôi xem nền văn hóa và các yếu tố liên quan của nó là những phương tiện hoàn hảo để đối thoại giữa đức tin và lý trí, giữa Thiên Chúa và con người.

ĐTC xức dầu bệnh nhân ở Lourdes
Mảng thứ hai của bức tranh xếp là một nơi mang tính cách biểu tượng lôi kéo mọi tín hữu. Lourdes như làn ánh sáng trong đêm tối, màn đêm nơi chúng ta mò mẫm kiếm tìm Thiên Chúa. Đức Maria đã mở ra cánh cửa của sự sống thiên quốc và chính cánh cửa ấy đã thách thức cũng như lôi kéo chúng ta đến cùng. Maria, porta caeli ! Tôi bắt mình phải học hỏi nơi Mẹ trong suốt 3 ngày này. Vị Giáo hoàng có nghĩa vụ phải đến Lourdes để cử hành thánh lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra. Trước hang đá Massabielle, tôi cầu nguyện cho tất cả các bạn. Tôi cầu nguyện cho giáo hội. Tôi cầu nguyện cho nước Pháp và cho toàn thế giới. Hai cử hành mầu nhiệm Thánh Thể ở Lourdes đã giúp tôi có cơ hội tham dự vào biến cố đức tin của các khách hành hương. Trở thành một trong số họ, tôi đã hoàn thành bốn chặng của Con Đường Năm Thánh, thăm nhà thờ giáo xứ, hang đá, nhà của thánh nữ và cuối cùng là nhà nguyện mà thánh nữ rước lễ lần đầu. Tôi cũng cầu nguyện cùng với các bệnh nhân, cầu nguyện cho chính họ, những người đến đây để tìm kiếm phương thức trị liệu vật lý và niềm hy vọng tinh thần. Thiên Chúa không quên họ, và giáo hội cũng vậy. Giống như mọi khách hành hương, tôi tham gia vào cuộc kiệu rước đuốc và cử hành nhiệm tích Thánh Thể. Họ khẩn cầu Thiên Chúa nhậm lời nguyện xin. Lourdes cũng là nơi các Giám mục Pháp gặp gỡ nhau thường xuyên để cùng cầu nguyện và đồng tế, để suy tư và trao đổi các quan điểm của nhau về mục vụ. Tôi cam đoan rằng chính những lúc ấy là thời điểm thích hợp để chiêm ngắm lại hình ảnh Thiên Chúa.

Kính thưa ngài thủ tướng, các chư huynh Giám mục và các bạn thân mến, xin Thiên Chúa phan phước lành cho nước Pháp ! Tôi cầu cho quyền lợi và những ảnh hưởng tiến bộ tác động tích cực lên con người trên đất Pháp, tôi cầu xin cho giáo hội trở nên nắm men trong bột, luôn khôn ngoan và không sợ hãi để thi thành sứ mệnh được Thiên Chúa ủy thác ! Đã đến lúc tôi chào tạm biệt các bạn. Có lẽ tôi sẽ quay trở lại đất nước xinh đẹp của các bạn một ngày nào đó? Đó thực sự là ao ước của tôi, nhưng tôi trao phó ước vọng đó vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Từ Rome, tôi vẫn luôn gần gũi các bạn, và mỗi khi cầu nguyện trước hang đá Lourdes đã ở bên trong vườn thượng uyển Vatican hơn một thế kỷ nay, tôi sẽ luôn nghĩ về các bạn. Thiên Chúa ban phước lành cho các bạn ! Cảm ơn các bạn.

© Copyright 2008 - Libreria Editrice Vaticana
+ Đức Thánh Cha Benedict XVI
(Peter Nguyễn Minh Trung chuyển ngữ)
 
Tình hình bách hại kitô hữu tại Ấn Độ
Linh Tiến Khải
23:22 16/09/2008
Tình hình bách hại kitô hữu tại Ấn Độ

Phỏng vẤn nữ tu Nirmala Joshi, bề trên tổng quyền dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái về các bạo lực và bách hại Kitô hữu tại Ấn Độ

Ngày mùng 5-9-2008, lễ nhớ Chân phước Terexa Calcutta, Hội Đồng Giám Mục Italia đã tuyên bố là ngày ăn chay cầu nguyện và liên đới với các Kitô hữu bị các nhóm Ấn giáo cuồng tín bách hại trong bang Orissa bên Ấn Độ.

Tối mùng 10-9-2008, ”Tổ chức Tự Do” cũng đã phát động buổi thắp nến liên đới tại tòa thị sảnh Roma để bầy tỏ liên đới với tín hữu Kitô Ấn. Thông cáo của tổ chức có đoạn viết: ”Từ lâu nay các tín hữu Kitô vẫn bị bách hại và là nạn nhân tại nhiều vùng trên thế giới. Đây là một thảm cảnh đã xảy ra từ biết bao năm qua trong sự thinh lặng và thờ ơ của giới chức chính trị và dư luận công cộng. Giờ đây việc sát hại dã man 8 Kitô hữu tại Ấn độ buộc chúng ta phải bẻ gẫy sự thinh lặng. Đây không phải chỉ là vấn đề liên quan tới người có lòng tin, mà liên quan tới tất cả mọi người muốn rằng tại tất cả mọi vùng đất trên thế giới này: từ Tibet tới Darfur, từ Ấn Độ tới Phi Luật Tân, các quyền căn bản của con người phải được tôn trọng. Vì thế Italia là vùng đất có truyền thống tự do và Kitô, phải đi tiên phong trong trận chiến này”.

Như đã biết trong các ngày hạ tuần tháng 8 vừa qua bạo lực đã tái bùng nổ tại Kandhamal trong bang Orissa bên Ấn Độ, các nhóm Ấn giáo cuồng tín thuộc hai tổ chức ”Viswa Hindu Parishad” và ”Rastriya Swyamsevak Sangh” đã nổi lên tấn công các Kitô hữu, đi vào các làng và bắt họ ký giấy bỏ Kitô giáo và tình nguyện theo Ấn giáo. Những ai khước từ đều bị đánh đập và bị đốt nhà. Một đôi khi như là dấu chỉ theo Ấn giáo họ bị bắt buộc phải đốt các nhà thờ và nhà của các Kitô hữu khác. Khi khác, thay vì đốt nhà của các tín hữu kitô, các nhóm Ấn giáo cuồng tín quẳng hết đồ đạc của họ ra ngoài, không chỉ với mục đích đe dọa mà còn khiến cho các Kitô hữu nghèo đi, vì chỉ khi nào nhà bị đốt họ mới được chính quyền bồi thường. Ngoài ra đốt nhà thì có luật phạt tù vài năm, còn làm hư hại đồ đạc cùng lắm chỉ bị tù vài tháng. Nhưng thường cảnh sát cũng không can thiệp. Trong số các người bị tẤn công có cả các linh mục và tu sĩ trong đó có các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Terexa Calcutta. Ngày mùng 5-9-2008 một nhóm 4 nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã bị tấn công và bị hành hung tại nhà ga xe lửa Durgh trong bang Chhattisghar, trung Ấn, vì bị vu khống bắt cóc và cưỡng bách 4 trẻ em theo đạo, trong khi các chị đưa các em mồ côi này từ viện mồ côi Ratpur tới trung tâm bác ái Shishu Bhava ở Bhopal do các chị coi sóc.

Trong vùng Kandhamal các nhóm Ấn giáo cuồng tín còn lên danh sách các linh mục và mục sư Kitô, bị họ vu khống là đã sát hại ông Swami Laxmanananda Saraswati, lãnh tụ Ấn giáo bị các du kích quân Mao Trạch Đông giết ngày 23-8-2008. Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Outtak-Bhubaneshwar thủ phủ bang Orissa, cho biết đây chỉ là cớ các nhóm Ấn giáo cuồng tín đưa ra nhằm loại trừ Kitô hữu khỏi bang này. Hồi tháng 12 năm 2007 đã xảy ra các vụ bách hại Kitô hữu, nhưng lần này làn sóng bạo lực mạnh mẽ hơn. Đã có ít nhất 20 người chết, hàng trăm người bị thương và hàng ngàn Kitô hữu đã phải chạy trốn vào rừng hay chạy tới các trại tị nạn. Nhưng các nhóm Ấn giáo cuồng tín cũng tìm tới các trại tị nạn để đe dọa và bắt họ theo Ấn giáo. Đã có nhiều nhà thờ bị đốt phá, cả trong các vùng khác, như trường hợp một nhà thờ tin lành tại Ratlam trong bang Madya Pradesh.

Trong một thư gửi các nữ tu Thừa Sai Bác Ái, thủ tướng Ấn Manmohan Singh đã hứa sẽ dùng biện pháp mạnh và sẽ sử dụng mọi lực lượng cần thiết để bảo vệ các cộng đoàn tín hữu và dòng tu.

Giáo Hội Công Giáo Ấn có 17 triệu 663 ngàn tín hữu, tức chiếm 1,8% tổng số dân, với 8.771 giáo xứ, 17.105 cứ điểm truyền giáo. Giáo Hội điều khiển 7.827 vườn trẻ, 11.211 trường tiểu học, 5.037 trường trung học, 245 đại học, 807 nhà thương, 857 trung tâm tàn tật, 261 trại phong cùi, 2170 nhà mồ côi và 7.084 trung tâm cố vấn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Nữ tu Nirmala Joshi, Tổng Quyền dòng các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái, về tình hình bạo lực và bách hại Kitô hữu tại bang Orissa bên Ấn Độ.

11 năm sau khi Mẹ Terexa Calcutta qua đời dòng các Nữ Tư Thừa Sai Bác Ái của Mẹ hiện có hơn 4.800 nữ tu, không kể các tập sinh và thỉnh sinh, thuộc 134 quốc gia với hơn 750 nhà, trong đó có 20 nhà tại Italia. Từ năm 1997 tới nay dòng đã có thêm hơn 1000 nữ tu. Ngoài ba lời khấn khó nghèo khiết tịnh và vâng lời, các chị còn có lời khấn thứ bốn là phục vụ người nghèo. Chị Nirmala năm nay 74 tuổi, là một trong các nữ tu đầu tiên của dòng. Từ khi lên làm Tổng Quyền đến nay chị Nirmala đã khánh thành 166 nhà mới tại 14 quốc gia gồm Phi châu, Viễn Đông, Âu châu và Đại Dương châu.

Hỏi: Thưa chị Nirmala, hiện nay tại Ấn Độ đang nổi lên một làn sóng bạo lực chống các tín hữu Kitô. Một vài nữ tu của dòng đã bị tấn công và có một nhà tiếp đón người già cả neo đơn, do các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, bị phá hủy. Chị nghĩ gì về tình trạng này?

Đáp: Cám ơn bàn tay chở che của Thiên Chúa là Cha yêu thương của chúng ta, các nữ tu của chúng tôi đã chỉ bị thương nhẹ, khi xe của các chị bị một vài người không có lòng tin tấn công. Các nữ tu đã được những người hiện diện cấp cứu ngay và được cảnh sát che chở. Hiện nay các chị khỏe mạnh và đã bắt đầu trở lại công việc phục vụ người nghèo. Nhà của các tu huynh đã bị hư hại, nhưng đã không có người nghèo nào bị thương. Cần phải đưa ra các suy tư nào đây? Cho dù các lý do gây ra bạo lực đã là các lý do nào đi nữa, thì đó lại không phải là số phận của các môn đệ Chúa Kitô hay sao? Chúa Giêsu lại đã không nói rằng: ”Đầy tớ không hơn chủ. Nếu họ đã bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” hay sao?

Hỏi: Chị đã sinh ra trong một gia đình thuộc hàng Brahman, là giai tầng cao nhất trong xã hội Ấn. Như là người đã theo Kitô giáo chị có cảm tưởng gì trước các bạo lực do sự bất khoan nhượng tôn giáo gây ra cho các tín hữu Kitô?

Đáp: Tình yêu thương là nòng cốt của mọi tôn giáo, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Bạo lực nhân danh tôn giáo là lạm dụng tôn giáo.

Hỏi: Mẹ Terexa đã từng nói rằng: ”Các việc làm của tình yêu là các việc làm của hòa bình”. Hiện nay tại một vài vùng của Ấn Độ không có tình yêu cũng không có hòa bình, nhưng có niềm hy vọng không thưa chị?

Đáp: Có, có niềm hy vọng. Còn có hy vọng là tất cả chúng ta, trong thế giới bé nhỏ của mình, chúng ta vẫn cởi mở cho người khác trong tình yêu thương và trong sự tha thứ.

Hỏi: Thưa chị Nirmala, Đức Thánh Cha đã can thiệp bằng cách mời gọi ”các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền dân sự tái lập sự chung sống hòa bình giữa các cộng đoàn”. Có thể chung sống hòa bình được không?

Đáp: Tại sao lại không? Ước muốn yêu thương và sức mạnh của tình yêu thương hiện diện trong con tim của mọi người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Con người được chỉ định sống cuộc sống yêu thương vĩnh cửu.

Hỏi: Hồi tháng 3 năm 1997 khi chị được bầu làm Tổng quyền dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái, nhiều báo chí đã viết rằng chị có thể góp phần giảm bớt sự xa cách giữa Ấn giáo và Kitô giáo. Chị đã cảm thấy sức nặng nào của khẳng định này?

Đáp: Hòa bình và sự hiệp nhất giữa các dân tộc thuộc nhiều tôn giáo khác nhau không tùy thuộc nơi sự kiện người ta sinh ra trong một tôn giáo nào đó, mà nảy sinh từ tình yêu thương đối với người khác và từ sự tôn trọng đối với tôn giáo. Việc phục vụ yêu thương khiêm tốn của chúng tôi đối với các anh chị em nghèo đã là một bằng chứng tuyệt diệu của hòa bình và hiệp nhất giữa mọi dân tộc thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo rồi. Đó là lý do giải thích tại sao Mẹ chúng tôi xác tín lập đi lập lại rằng các công việc của tình yêu thương là các công việc của hòa bình.

Hỏi: Để bầy tỏ tình liên đới với các anh chị em Kitô Ấn Độ, hôm mùng 5 tháng 9 vừa qua là lễ nhớ Chân phước Terexa thành Calcutta, Hội Đồng Giám Mục Italia đã tuyên bố là ngày ăn cầu nguyện ”như dấu chỉ sự gần gũi tinh thần và tình liên đới với các anh chị em bị thử thách nặng nề trong đức tin”. Chị nghĩ sao?

Đáp: Chúng tôi đánh giá sâu xa sáng kiến đó của Hội Đồng Giám Mục Italia, và chúng tôi rất nhớ ơn sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Italia tuyên bố ngày mùng 5 tháng 9 lễ của Mẹ Terexa Calcutta, là ngày ăn chay cầu nguyện như dấu chỉ của sự thanh tẩy tinh thần và tình liên đới của Giáo Hội Italia với Giáo Hội Ấn Độ và với các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái.

Hỏi: Mùng 5 tháng 9 cũng là ngày kỷ niệm 11 năm Mẹ Terexa Calcutta qua đời. Chị nhớ tới Mẹ như thế nào trong một lúc khó khăn đối với Ấn Độ là quốc gia mà Mẹ Terexa đã vô cùng yêu mến?

Đáp: Mẹ Terexa rất yêu thương Ấn Độ và chắc chắn là Mẹ ý thức được giai đoạn khó khăn của đất nước chúng tôi. Mẹ đã từng nói: ”Khi nào tôi ở trên thiên đàng, tôi sẽ có thể giúp anh chị em nhiều hơn và tốt hơn”. Tin tưởng nơi các lời của Mẹ và nơi tình yêu thương Mẹ dành cho dân tộc Ấn Độ, chúng tôi xin Mẹ bầu cử cho hòa bình trong con tim và trong gia đình của từng người dân Ấn, một cách đặc biệt cho các anh chị em đang đau khổ, cho các người can đảm chấp nhận các khổ đau. Chúng ta hãy cầu nguyện để với tình yêu thương và lòng quảng đại mọi người có thể thắng sự dữ bằng điều thiện, xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta!

Hỏi: Chị có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Tôi xin lập lại lời kêu gọi mà tôi đã gióng lên ngày 28 tháng 8 vừa qua. ”Hỡi anh chị em tại bang Orissa và trên toàn nước Ấn, chúng ta đừng quên căn tính đích thật của chúng ta như là các người con yêu của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta tất cả là anh chị em với nhau một cách độc lập với tôn giáo, chủng tộc, văn hóa và tiếng nói, một cách độc lập với tình trạng là người giầu hay nghèo. Không có gì phải chia rẽ chúng ta. Đặc biệt chúng ta đừng khiến cho tôn giáo chia rẽ chúng ta. Nòng cốt của mọi tôn giáo là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Bạo lực nhân danh tôn giáo là lạm dụng chính tôn giáo.

Tôn giáo phải được hiểu như là phương thế của tình yêu thương, chứ không phải để phá hủy hòa bình và sự hiệp nhất. Các công việc làm của tình yêu thương là các công việc làm của hòa bình. ”Chúng ta hãy dùng tôn giáo để trở thành một trái tim duy nhất tràn đầy tình yêu thương trong con tim của Thiên Chúa” (Chân phước Terexa Calcutta).

Anh chị em thân mến. Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh nhân loại, được tạo dựng nên cho những điều cao cả hơn, để yêu thương và được yêu thương đời đời, và nhân danh quốc gia cao qúy của chúng ta và gia tài cao thượng của nó và nhân danh các người nghèo, các trẻ em và mọi anh chị em đau khổ của chúng ta, nạn nhân của bạo lực và tàn phá vô lý, tôi đưa ra lời kêu gọi này: Chúng ta hãy cầu nguyện, hãy mở rộng tâm trí cho ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa. Hãy buông khí giới của thù hận và bạo lực và hãy mặc lấy áo giáp của tình yêu thương. Hãy tha thứ cho nhau và xin lỗi nhau vì những điều bất công mà chúng ta đã làm, và bãy phó thác cho tình yêu thương đối với người khác.

Chúng ta hãy cầu nguyện để cho linh hồn của Swami Laxmanananda Saraswati và của 4 người bạn khác được an nghỉ, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các anh chị em đã mất mạng sống trong giai đoạn bạo lực này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta và hãy xin Mẹ Chân Phước Terexa thành Calcutta cầu nguyện cho chúng ta, để chúng ta trở thành các người diễn giải hòa bình, tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa đối với nhau, và để chúng ta có thể xây dựng nền văm minh tình thương. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.

(Avvenire 5.6.7.9.10-9-2008)
 
Top Stories
Vietnam: Prayer Vigils Push Government to Breaking Point
World Evangelical Alliance
05:17 16/09/2008
Vietnam's Protestant and Catholic churches have long sought the return of properties seized by the Communist authorities since they came to power. In the north the confiscations date back to the 1950's, while in the south they date back to 1975.

For years the church's petitions have been rejected and ignored. Occasionally however the government will offer minimalist appeasement in the hope of silencing Christian leaders and satisfying international observers. However, these "gifts" are then followed by more property confiscations and demolitions, leaving the church feeling frustrated and discouraged.

But things have changed and a new wind is blowing. Many Vietnamese are seeing something they have never seen before. In late December 2007, thousands of Catholics in Hanoi rallied publicly - armed with flowers, crosses and candles - to pray for the return of church land and property.

On 28 March 2008 the Evangelical Church of Vietnam (South) (ECV(S)) issued a petition not this time to the government, but to the global body of Christ seeking prayer support in their struggle with the Communist authorities over property, interference and discrimination. That petition: "A Call to Prayer - To the Church of God Everywhere", can be found at this Link: http://au.christiantoday.com/article/vietnam-prayer-vigils-push-government-to-breaking-point/4323.htm

A Spirit of prayer seems to have descended upon the Vietnamese Church giving the believers courage, drive and a determination never before seen -- and the government is clearly rattled.

As the Catholic prayer vigils grow and spread, Vietnam's Communist government is working overtime to discredit the churches and their leaders and justify its own intransigence and hostility through disinformation and slander disseminated through the State-run media.

But despite the slander, police violence, threats of arrest, "extreme actions"
and an imminent crackdown, the protests continue day and night in all weather and with growing numbers.

The prayer vigils are pushing the government to breaking point. But will they result in a breakthrough in Church-State relations, or an escalation in violent repression?

The situation is not looking good. The government appears to be closing the door on dialogue, police are being deployed and the State-run media are describing the main prayer vigil in Thai Ha as an "organisational crime"
plotted by "hostile forces" against the communist government. (Link 2)

Links

1) "A Call to Prayer - To the Church of God Everywhere"
Evangelical Church of Vietnam (South) (ECV(S)) 28 March 2008
www.worldevangelicals.org/news/view.htm?id=2068

2) Bishop of Thai Binh: Bye-bye my dear people, I will go to the jail.
11 Sept 2008 (great pictures)
www.vietcatholic.net/News/Html/58371.htm

(Source: World Evangelical Alliance, posted: Tuesday, 16 September 2008)
 
Per la prima volta un vescovo straniero si unisce ai manifestanti di Thai Ha
Asia-News
05:29 16/09/2008
Il francese mons. Jean Marie Henri Legrez ha preso parte alla veglia di preghiera di domenica. Sul luogo erano dispiegati centinaia di agenti ed il capo della polizia. I fedeli sono stati filmati. Nervosismo della sicurezza per una inattesa processione alla ex nunziatura.

Hanoi (AsiaNews) – E’ arrivato anche un vescovo straniero, un francese, davanti al terreno della parrocchia di Thai Ha a Hanoi, del quale i cattolici chiedono la restituzione. L’annuncio della presenza del vescovo di Saint-Claude, mons. Jean Marie Henri Legrez, il primo presule non vietnamita a giungere in quel luogo, è stato accolto da grandi applausi dai fedeli che domenica sera prendevano parte alla quotidiana veglia di preghiera.

La presenza di mons. Legrez ha anche rassicurato i presenti, stupiti dalla presenza in forza della polizia dentro ed intorno al terreno contestato: centinaia di uomini armati. “Non credo che ci attaccheranno mentre è presente uno straniero, e specialmente un vescovo”, ha detto ad AsiaNews uno studente. “Sarò più sicuro e più concentrato nella preghiera”, ha aggiunto.

La polizia, in realtà stava operando già intorno alla capitale, bloccando fin dal mattino migliaia di fedeli che si erano mossi dalla città e dalle province circostanti per andare a Thai Ha. Accanto al terreno era presente anche il direttore dell’Agenzia della polizia di Hanoi, generale Nguyen Duc Nhanh, insieme ad altri alti ufficiali della sicurezza, intenti a guidare gli agenti che, con evidente intento intimidatorio. filmavano i partecipanti alla veglia.

La polizia era in grande allarme da sabato, quando c’è stata una improvvisa manifestazione davanti al complesso della ex nunziatura. La mattina, 32 suore Adoratrici della Santa Croce avevano emesso i voti perpetui nella cattedrale di San Giuseppe e, dopo la Messa, insieme con sacerdoti e fedeli si sono recate in processione davanti alla ex nunziatura, dove per quasi due mesi ci sono state quotidiane manifestazioni, sospese all’inizio di febbraio, quando il governo si impegnò a restituire il complesso alla Chiesa. Cosa che finora non è avvenuta.
 
Redemptorist superior in Vietnam losing hope for dialogue with government
Catholic News Agency
05:33 16/09/2008
Hanoi, Sep 15, 2008 / 05:43 pm (CNA).- Fr. Vincent Nguyen Trung Thanh, the provincial superior of the Redemptorists in Vietnam, on Sunday issued a letter lamenting that the Vietnamese government has not stopped leveling false accusations against Catholics demonstrating to recover confiscated church properties. The religious superior said that his hope for dialogue with the communist government is vanishing.

Basing his remarks upon the biblical passage “No servant is greater than his master (Jn 15:20),” Father Vincent Nguyen’s letter told his fellow Redemptorist priests that the talks with the government have reached a stalemate.

“We had opportunities to talk with the leaders of the nation who are in charge of the Committee For Religious Affairs and the Ministry of Public Security... to present our aspiration for justice and peace,” he wrote, in the letter.

However, the Vietnamese government did not accede to his requests to halt its false media reports, release all those who have been arrested, and “to dialogue seriously on the Thai Ha dispute and return the land to us.”

The Thai Ha Church dispute concerns land which the government had confiscated from a Redemptorist monastery.

“There were promises [from state officials],” he reported. But, unfortunately, “even the simple promise to stop the assault of state-run media against us has never been respected!”

Father Vincent Nguyen asked his Redemptorist brothers to recite continuous nine day novenas to Our Lady of Perpetual Hope. He also asked for the intercession of Saint Alphonsus Liguori and all Redemptorist Saints and Blesseds. In particular, he named Blesseds Ivan Ziatyk, Dominik Trechka, Vasil Velechkovskyi, Nicholas Charnetsky, and Zenon Kowalyk, all of whom were victims of communist persecution in the twentieth century.

Meanwhile on Sunday, a bishop from France arrived in Hanoi to show his support for the demonstrators at Thai Ha Church.

Bishop Jean Legrez of the Diocese of Saint Claude, guided by a Redemptorist priest, joined thousands of demonstrators in prayers. He was briefed on the situation, being told that tensions in the area are increased by the presence of hundreds of police armed with stun guns.

The bishop’s presence helped calm many of the protestors who wondered why so many police had been deployed.

“I don’t think they dare to attack us in front of a foreigner, especially a bishop,” a student told Asia-News. “I feel safe and can concentrate better on my prayers,” she added.

Major-General Nguyen Duc Nhanh, who is Director of the Hanoi Police Agency, was present with many high-ranking police officials to observe and to direct police to film protestors, which is believed to be an intimidation tactic.

On Saturday there was a surprise protest at the former papal nunciature after 32 sisters of the Adorers of the Holy Cross, having made their perpetual vows at St. Joseph Cathedral in Hanoi. Following the Mass, priests led the faithful in procession to the nunciature.

The nunciature was the site of daily protests seeking the return of the confiscated property until February 1, when the government promised to return it to the Church. However, the government has managed to delay returning the Nunciature through various bureaucratic maneuvers.
 
State media attack Hmong Catholics
J.B. An Dang
08:06 16/09/2008
Angered by the active participation of Hmong Catholics in Hanoi protests, both at the former nunciature and at Thai Ha, state-run media direct their attacks at Hmong Catholics describing them as superstitious, naive, docile, and childlike people. Fr. John Nguyen Ngoc Nam Phong has warned that the ongoing campaign of mockeries against Catholics on state media could divide the country deeply.

Hmong women with their gongs at Thai Ha
Hmong women at Hanoi nunciature
Sixteen Hmong Catholic women in Hoa Binh province have been mocked on state run media since Monday just because they travelled 38 miles from Van Nghia, Hoa Binh to join Thai Ha protestors. The 16 women brought with them large brass gongs, musical instruments that Hmong use in various occasions, but in particular, when they want to draw attentions of the listeners to their laments of sufferings.

The People’s Police newspaper on Monday stated that the 16 women were seduced by Nguyen Thi Nhi, 46, of Son Ha, Phu Xuyen to participate in "illegal and anti-revolutionary activities". Nhi had been a regular protestor at Thai Ha before being arrested and taken to jail on Sep. 1 morning when she was praying there. Since then, no one knows about her fate and where she is jailed. The paper also accused her of organizing illegally "a parish council of Van Nghia" and other Hmong Catholic sodalities.

Like other state media, the paper did not forget to cry out for “severe punishments” against these Hmong women and "thorough investigations on who are actually behind public order disturbances at Thai Ha."

Hmong Catholics have played active roles in protests in Hanoi. Earlier this year, hundreds of them attended protests at the nunciature. During the demonstration on Jan. 25, a Hmong woman climbed over a gate to place flowers on a statue of the Virgin Mary inside the building. Discovered by security personnel, the woman was chased around the garden of the building. Disregarding the woman's explanations for her venturing into the building, the guards kicked and slapped her severely. In the witness of more than 2,000 Catholics, a security commander even loudly ordered his subordinates to beat to death the woman.

Last Saturday, Archbishop Joseph Ngo visited each family of Nhi and other detainees. He consoled their relatives and assured them of his daily prayers.

Facing with the ongoing assault of state media against Catholics, Fr. John Nguyen Ngoc Nam Phong of Hanoi Redemptorist Monastery warned state officials during a meeting at Dong Da district that the government was making the country weaker and unstable by trying to split it into two opposing blocks: the Catholics and the non-Catholics. “False accusations and defamations against Catholics make the division in the country deeper, and, ultimately, jeopardize the national security,” he said.

“To improve national security, the state must direct its efforts on building the unity of the entire nation.” In order to do that, “above all, the government must respect its own laws and solve all problems on the basis of constitutional laws and regulations rather than using its media power to deceit and manipulate public opinion,” he suggested.

So far, the government does not show any gesture of willingness to dialogue with the Church to solve the dispute peacefully. Rather, there have been rumours that police are going to arrest Redemptorists and any priests who participate in prayer protests at Thai Ha. “Such arrests only make things worse, build up more tensions, and throw the problem into an unsolvable situation,” he warned the officials.
 
For the first time foreign bishop joins demonstrators in Thai Ha
Asia-News
09:02 16/09/2008
French prelate, Mgr Jean-Marie-Henri Legrez, takes part in prayer vigil on Sunday. Under the command of Hanoi police chief hundreds of police officers were deployed in the area; some filmed the faithful. Security forces became nervous when a procession to the former nunciature suddenly came into being.

Hanoi (AsiaNews) – A foreign bishop visited the area in Hanoi’s Thai Ha parish whose ownership is claimed by local Catholics. The announcement that Mgr Jean-Marie-Henri Legrez, bishop of Saint-Claude (France), was the first non-Vietnamese prelate to come to the disputed property was received by a great round of applause from the faithful who were taking part in the daily prayer vigil on Sunday night.

Bishop Legrez’s presence helped reassure many protestors who had been taken aback by the heavy police operation with hundreds of officers in and around Thai Ha.

“I don’t think they [police] dare to attack us in front of a foreigner, especially a bishop,” a student told AsiaNews. “I feel safe and [can] concentrate better on my prayers,” she added.

In fact since early morning police had been deployed around the capital blocking thousands of faithful who were moving to Thai Ha from around the city and surrounding provinces.

In what was an obvious act of intimidation Major-General Nguyen Duc Nhanh, director of the Hanoi Police Agency, and many high ranking police officials were at the disputed site to direct police units involved in filming protesters.

Police had gone on high alert on Saturday when a demonstration suddenly took place in front of the former Nunciature compound.

The episode began on Saturday morning when 32 sisters of the Adorers of the Holy Cross congregation in Hanoi had taken their solemn, perpetual profession of vows at Hanoi’s St Joseph Cathedral.

After the Mass, priests led the faithful in a procession from the cathedral to the former nunciature where they had held daily protests until February 1 when the government promised to return the compound to the Church, something which it has not yet done.
 
Vietnam: nieuwe spanningen met Kerk (tiếng Hòa Lan)
Katholiek Nieuwsblad
14:20 16/09/2008
Vietnam: nieuwe spanningen met Kerk (tiếng Hòa Lan)
(Việt Nam: Căng thẳng mới đối với Giáo Hội)

Geplaatst: dinsdag, 16 september 2008 - In Vietnam zijn nieuwe spanningen ontstaan rond de omstreden voormalige nuntiatuur in Hanoi die door katholieken wordt opgeëist. Afgelopen zaterdag was de politie van de hoofdstad in opperste staat van paraatheid gebracht toen katholieken massaal voor de voormalige nuntiatuur samenstroomden om opnieuw teruggave van de nuntiatuur te eisen. Die werd bij de communistische machtsovername in de jaren vijftig geannexeerd.

''Morgens waren de gelovigen massaal aanwezig bij de eeuwige geloften van 32 vrouwelijke religieuzen waarna zij naar het omstreden terrein trokken. Daar waren van december vorig jaar tot begin februari dagelijks gebedswaken gehouden tot de overheid toezegde de zaak snel op te lossen na tussenkomst van de paus.

De demonstranten voelden zich versterkt door de komst van de Franse bisschop Jean-Marie-Henri Legrez van Saint Claude, die als eerste niet-Vietnamese bisschop een bezoek bracht aan het terrein. De bisschop werd zondagavond met applaus begroet door de verzamelde gelovigen.

Zij voelden zich gesterkt door de aanwezigheid van de buitenlandse bisschop tegenover de massaal aanwezige politiemacht. “Ik denk niet dat de politie ons in aanwezigheid van een buitenlander durft aan te pakken, zeker niet bij een bisschop”, aldus een student tegenover AsiaNews. “Ik voel mij veilig en ik kan mij nu beter concentreren op mijn gebed.”

Politiecommandant trommelde in allerijl een enorme politiemacht op om te verhinderen dat ook gelovigen uit de andere wijken van Hanoi en omstreken naar Thai Ha zouden trekken.
 
Wietnam: pierwszy zagraniczny biskup na proteście katolików (tiếng Ba Lan)
Katolicka Agencja Informacyjna
14:22 16/09/2008
Wietnam: pierwszy zagraniczny biskup na proteście katolików (tiếng Ba Lan)
(Việt Nam: Vị Giám Mục ngoại quốc đầu tiên đến với giáo dân biểu tình)

2008-09-16, ostatnia aktualizacja 2008-09 - Francuski biskup Jean Legrez wziął udział 14 września w czuwaniu w parafii Thai Ha w stolicy Wietnamu, Hanoi. Od początku roku tamtejsi katolicy walczą o zwrot należącego do redemptorystów przykościelnego terenu. Niezależnie od pogody gromadzą się oni na placu przed kościołem, modlą się i śpiewają. Ich protest ma charakter pokojowy. Mimo to wokół modlących się katolików stały setki policjantów, a funkcjonariusze służb bezpieczeństwa filmowali zgromadzonych.

Bp Legrez z diecezji Saint-Claude jest pierwszym zagranicznym hierarchą, który przyjechał do Thai Ha. Zebrani na wieczornym czuwaniu wierni przywitali go brawami.,, Nie sadzę, by policja ważyła się nas zaatakować, szczególnie w obecności zagranicznego biskupa. Czuję się bezpiecznie i lepiej mogę skoncentrować się na modlitwie" - powiedziała agencji AsiaNews jedna z demonstrujących studentek.
14 września jednostki policji rozmieszczone wokół Hanoi już od samego rana zatrzymywały chrześcijan, którzy zmierzali z okolicznych miejscowości do Thai Ha. Środki te, jak również filmowanie demonstrujących, przedsięwzięto na rozkaz dyrektora stołecznej Agencji Bezpieczeństwa Publicznego Nguyena Duc Nhanha. Mają one na celu zastraszenie katolików i zniechęcenie ich do protestów.

Do dużej manifestacji chrześcijan doszło też dzień wcześniej - 13 września, kiedy to po Mszy w katedrze św. Józefa wierni ruszyli z procesją pod byłą siedzibę nuncjatury apostolskiej. Wietnamskie władze zobowiązały się zwrócić Kościołowi tę posesję do 1 lutego br. Jako że obietnica ta wciąż pozostaje niespełniona, wierni codziennie urządzają protesty w tej sprawie.
 
首位外籍主教加入太河堂区教友示威行列
Asia-News
19:22 16/09/2008
法国让•玛利亚•亨利•莱格雷参加了主日的守夜祈祷。当时,当地警察局长率领百余名警察到场。教友活动被录像,安全部门对在前宗座大使馆旧址前突然举行的示威游行感到惊恐

河内(亚洲新闻)—一位外籍主教也加入到了越南太河堂区教友们要求收回被征占教产的和平示威中。主日晚上,当首位非越南籍主教来到现场的消息传开后,全体在场参加守夜祈祷的教友们爆以热烈掌声。

看到法国圣克劳德主教莱格雷蒙席到来后,最初还为公安突然增加而感到不知所措的教友们立即踏实了许多。事实上,在主教到来前堂口内外都增加了百余名全副武装的公安人员。一名学生向亚洲新闻通讯社表示,“我想,有外国人,特别是一位主教在场时,他们不会攻击我们”。“我感到更加踏实了、更加集中精力祈祷了”。

事实上,警方已在首都周围行动了,从清晨开始就封锁了数以千计准备到太河堂区的教友。河内警察局局长以及许多警察局高官等,也出现在了太河堂区周围。显然,他们是为了震慑天主教徒的,并将教友们的全部活动录了像。

当星期六教友们突然在前宗座驻河内大使馆旧址前举行示威游行后,河内警方便处于高度警戒状态。清晨,32位朝拜圣十字架会修女在圣若瑟主教座堂发终身愿后,同许多司铎和教友一起游行到了这里。在近两个月里,天主教徒们几乎每天都在这里举行和平示威。直到二月初,河内政府表示愿意就归还教会财产问题进行努力后才停止。但时至今日,越南当局并没有兑现承诺。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lời Chủ Chăn TGP Saigòn tháng 10
+ ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
06:01 16/09/2008
GIÁO DỤC KITÔ GIÁO XÂY DỰNG
GIÁO HỘI - MẦU NHIỆM - HIỆP THÔNG - SỨ VỤ


Anh chị em thành viên gia đình giáo phận thân mến,

1. Khi trao ban ơn bí tích Thánh Tẩy và ơn đức tin, Thiên Chúa yêu thương cứu độ mời gọi mọi kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, tham dự vào chức vị và chu toàn bổn phận làm con Cha trên trời, làm chi thể của Thân Mình huyền nhiệm Chúa Kitô, làm đền thờ của Chúa Thánh Thần. Từ đó, chức vị và bổn phận kitô hữu còn là tham dự vào đời sống hiệp thông trong gia đình Chúa, tham gia đời sống và sứ vụ của dân Chúa, của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập.

2. Giáo dục kitô giáo là tạo điều kiện cho người kitô hữu ý thức đáp lại mời gọi của Cha trên trời. Đáp lại qua việc tự nguyện đảm nhận trách nhiệm xây dựng ba mối tương quan căn bản thuộc bổn phận tham gia đời sống và sứ vụ của Giáo Hội như sau:

(1) Xây dựng tương quan với Chúa: - luôn hiếu thảo tìm và thi hành ý định yêu thương cứu độ của Cha trên trời với lòng tín thác; - luôn mở rộng trí khôn, tâm hồn và cuộc đời đón nhận hồng ân cứu độ chính là Đức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần cùng với Lời Chúa và các ân ban của Chúa; - biết dùng hồng ân cứu độ để giáo huấn và thánh hoá dân Chúa, mở đường cho con người mới mang quả tim mới được lớn lên theo hình ảnh Đức Giêsu Kitô là hiện thân tình yêu cứu độ của Cha trên trời.

Xây dựng mối tương quan đó sẽ góp phần làm tăng trưởng đời sống Giáo Hội-Mầu Nhiệm.

(2) Xây dựng tương quan đối nội: - tạo thuận lợi cho việc phát huy đời sống hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân; - cùng tham gia thi hành chức năng hướng dẫn dân Chúa chung sức xây dựng tình bác ái liên đới và hiệp nhất, chia sẻ và tương thân tương trợ; - cùng nhau cộng tác với Chúa Kitô xây dựng cộng đồng dân Chúa thành men, muối và ánh sáng Tin Mừng cứu độ cho xã hội loài người.

Xây dựng mối tương quan đó sẽ góp phần làm tăng trưởng đời sống Giáo Hội-Hiệp Thông,

(3) Xây dựng tương quan đối ngoại: - cùng tham gia đời sống bác ái chia sẻ hồng ân cứu độ cho mọi người anh em đồng bào và đồng loại; - tham gia sứ vụ loan truyền Tin Mừng cứu độ và yêu thương phục vụ cho sự sống mới, sự sống toàn vẹn, sự sống dồi dào của cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay; - cộng tác với Chúa Thánh Thần hình thành cộng đồng nhân loại mới tiến bước về Nước Chúa là Nước chân thật và công bằng, hiệp nhất và an bình, chan hoà yêu thương và hạnh phúc.

Xây dựng mối tương quan đó sẽ góp phần làm tăng trưởng đời sống Giáo Hội-Sứ Vụ.

3. Như thế, giáo dục kitô giáo còn là tạo điều kiện cho người kitô hữu phát huy khả năng nhận thức, tinh thần trách nhiệm liên đới, kỹ năng chung sức xây dựng ba mối tương quan căn bản thuộc bổn phận làm tăng trưởng con người mới và cộng đồng nhân loại mới.

Đó là trọng tâm của mọi sinh hoạt và hoạt động mục vụ, đồng thời là điểm đến của công tác huấn luyện và đào tạo nhân sự cho mọi lãnh vực mục vụ thuộc đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

4. Cùng với Giám mục tham dự vào đời sống Giáo Hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ, linh mục, tu sĩ, giáo dân có nhiệm vụ góp ý với Giám mục đề ra phương hướng tổ chức và đường lối hướng dẫn mọi thành phần gia đình giáo phận tham gia đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, chung sức xây dựng ba mối tương quan căn bản thuộc bổn phận kitô hữu. Phương hướng tổ chức và đường lối hướng dẫn cần phải trung thành với ý định yêu thương cứu độ của Cha trên trời, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh và thực tế của giáo phận.

5. Mọi thành phần dân Chúa có nhiệm vụ cùng với Giám mục đối thoại và lắng nghe, suy tư và nghiên cứu tình hình và đời sống giáo phận, nhằm cùng với Giám mục xác lập phương hướng tổ chức, đường lối hoạt động và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong tiến trình xây dựng ba mối tương quan căn bản thuộc bổn phận làm tăng trưởng con người mới và cộng đồng nhân loại mới.

+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Người Mẹ Thái Hà! - mang trái tim của người Nghệ sĩ (thơ)
Mặc Trầm Cung
05:12 16/09/2008
Người Mẹ Thái Hà! - mang trái tim của người Nghệ sĩ

"Con người là một diễn viên trên sân khấu vĩ đại cuộc đời." (W. Shakespeare)
(Kính tặng U Đất và các người mẹ trung kiên, các Linh mục, Tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân Thái Hà)


Sinh ra đời ta đã là nghệ sĩ,
Của đất trời của vũ trụ bao la.
Bước vào đời bằng muôn vạn lời ca,
"Ta là nghệ sĩ, cuộc đời này là sân khấu".

U Đất
Người nghệ sĩ phải biết luôn phấn đấu,
Sống trọn vai mà Thiên Chúa trao ban.
Là quân vương hay kiếp sống cơ hàn,
Luôn vâng phục và chu toàn Thánh Ý.

Người nghệ sĩ phải luôn luôn bền chí,
Trước gian nan, trước bao nỗi đớn đau.
Biết nhập vai, sống phó thác, nguyện cầu,
Luôn trung tín trước vô vàn giông tố.

Người nghệ sĩ trước bao cơn cám dỗ,
Của bạc tiền, của danh vọng tiếng tăm.
Của đam mê dục vọng, của thế sự thăng trầm,
Luôn kiên vững giữ tâm hồn thanh khiết.

Người nghệ sĩ không so đo hơn, thiệt,
Biết cho đi, nhận phần kém về mình.
Sống dấn thân và biết sống hy sinh,
Sống khiêm nhượng dù được phân vai bé nhỏ.

Đời nghệ sĩ phải luôn luôn sáng tỏ,
Không mập mờ, không gian dối quanh co.
Không tham lam, không tọc mạch, tò mò,
Luôn trung tín, không làm tôi hai chủ.

Là nghệ sĩ đâu phải cần có đủ,
Phải tài năng, phải chuyên nghiệp thơ –văn.
Phải địa vị cao, phải bằng cấp, học hành...
Biết sống trọn kiếp người, đó mới chính là nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ là người luôn dũng khí,
Đem niềm vui, hạnh phúc đến muôn người.
Đem hòa bình, đem ánh nắng xuân tươi,
Sống hòa hợp với đời cùng nhịp thở.

Người nghệ sĩ là người luôn trăn trở,
Trước bất công, gian khổ một kiếp người.
Trước đói nghèo, bệnh tật khắp mọi nơi,
Biết mở rộng vòng tay cùng chia sẻ.

Người nghệ sĩ dù sống trong cô lẻ,
Vẫn bình an vì có Chúa ở cùng.
Vẫn tận tình phục vụ, rất bao dung,
Say lòng mến như tôi trung đợi chủ.

Các bà mẹ Thái Hà
Như người phu quét đường, suốt bao đêm không ngủ,
Vẫn lặng lẽ âm thầm, tiếng chổi xào xạc giữa màn đêm.
Làm sạch lối đi khi mọi người say giấc ngủ êm đêm,
Sống trọn vai bằng tình mến, ấy chính là “hồn nghệ sĩ” .

Như chị bán hàng rong với tâm hồn cao quý,
Dù sống cảnh nghèo nhưng biết mở rộng vòng tay.
Ôm ấp những trẻ thơ vất vả kiếp đọa đày,
Sẻ chia tình mẹ, đời sống của chị toát lên “hồn nghệ sĩ” <.i>.

Như người mẹ Thái Hà đang đi tìm công lý,
Trong lặng lẽ âm thầm dẫu gặp cảnh trái ngang.
Mẹ vẫn trung kiên dù đứng trước bạo tàn,
Dù nắng gắt, mưa dầm,
Dù súng đạn, hơi cay,
Dù dùi cui có đập nát thân gầy,
Mẹ vẫn hiên ngang,
Vì hồn mẹ mang trái tim của người nghệ sĩ.
Hạnh phúc thay! Những ai được khơi sáng nguồn chân lý,
Là nghệ sĩ của Vua Trời.
Nghệ sĩ của Thiên Chúa Tình Yêu.
Vâng phục Cha - Nhà đạo diễn đại tài - hướng dẫn ta mọi điều,
Sống vui làm con Chúa – Ta mới là nghệ sĩ chân chính.

Dù dương gian phủ nhận...

Nhưng rồi một ngày kia,
Khi trải qua kiếp người lận đận.
Hân hoan ta quay về,
Trình diện Đấng Chí Tôn.
Ôi! Vinh dự thay khi Cha công nhận:
"Con chính là Nghệ Sĩ của Tình Yêu
Người nghệ sĩ mà Cha đã yêu thương tạo dựng"...
 
Lửa Công Lý ''Thái Hà“ bừng cháy tại München, Đức Quốc
Viễn Chi & Tâm
05:24 16/09/2008
MUNCHEN, Đức quốc - Ngọn lửa đòi hỏi Công Lý và Nhân Quyền tại Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà, Linh Địa Đức Bà Hà Nội đã nhanh chóng lan tỏa khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhiều tôn giáo, nhiều chính phủ, nhiều báo đài, nhiều thông tấn xã quốc tế, nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và nhiều giáo dân trên khắp thế giới thường xuyên quan tâm theo dõi sự việc, kịp thời chia xẻ những tâm tình, những khát vọng nồng cháy của các anh chị em tín hữu Thái Hà, nhanh chóng lên tiếng ngăn chặn những mưu mô đen tối của ma qủy.

Ngọn lửa Công Lý và Nhân Quyền đã bùng cháy tại Việt Nam sau 63 năm âm ỉ. Ngọn lửa Công Lý và Nhân Quyền tưởng chừng như đã bị tắt ngúm sau năm 1945 tại miền Bắc và sau năm 1975 tại miền Nam Việt Nam qua nhiều cơn bách hại dữ dội nghiệt ngã nay lại bùng lên theo cơn gió WTO. Châm ngòi ngọn lửa là tiếng nói khảng khái của các anh chị em „dân oan“, của các nhà báo Tự Do, của các tôn giáo bị áp bức như Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, Hội Thánh Công Giáo, Hội Thánh Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…, của các sắc tộc thiểu số anh em như Chàm, Mường, Tây Nguyên v.v… Ngọn lửa tại GX Thái Hà và tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội đấu tranh cho Công Lý và Nhân Quyền đã nhanh chóng tỏa sáng khắp năm châu bốn biển. Ngọn lửa thiêng này không còn có thể bị bưng bít, che chắn như từ trước đến nay được nữa trước sự bùng phát công nghệ thông tin toàn cầu.

Ngọn lửa Công Lý, ngọn lửa Nhân Quyền đang bùng lên khắp nơi tại Việt Nam. Không ai, không một thế lực nào có thể dập tắt được tiếng nói Công Chính tại Việt Nam bởi vì ngọn lửa này không chỉ cháy sáng tại Sài Gòn, Hà Nội mà nó còn cháy sáng tại Thái Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng, Vinh, Nghệ An, Huế cho tới tận Phan Thiết, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp…

Ngọn lửa này đã được các chính phủ, các quốc gia, các đoàn thể và tuyệt đại đa số nhân dân yêu chuộng Công Lý và Nhân Quyền trên toàn thế giới ủng hộ và tán trợ. Tất cả Người Việt Hải Ngoại đều quan tâm theo dõi. Đặc biệt các Giám Mục, Linh Mục Tu sĩ và giáo dân Việt Nam tại Hải Ngoại luôn sẵn sàng cầu nguyện cho sự việc mau được giải quyết theo Công Lý và luôn ủng hộ, tán trợ những người bị áp bức.

Người Việt tại Đức, cũng như tại München, từ trước đến nay vẫn âm thầm theo dõi những diễn biến đang xảy ra trên quê hương VN thân yêu. Riêng Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình tại München đã từng dâng lễ Cầu Nguyện cho Hòa Bình VN, Cầu Nguyện cho các chiến sĩ tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, viết thư thăm hỏi, tặng qùa khích lệ những „tù nhân lương tâm“…Khi sự kiện Linh Địa Đức Bà Thái Hà trở nên căng thẳng, Linh Mục Chánh Xứ GX Nữ Vương Hòa Bình trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 07.09.2008 đã khẩn thiết kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Hòa Bình trên thế giới, cho Georgien, cho Iraq, cho Afghanistan…và đặc biệt cầu nguyện cho Việt Nam nhất là cho Giáo Xứ Thái Hà, qua giờ chầu Mình Thánh Chúa sau Thánh Lễ. Lm Lê Thanh Liêm cũng thông báo, sau khi hiệp ý giữa Hội Đồng Tuyên Úy và Đại Diện Giáo Dân là Ban Hành Giáo cùng các Ban ngành trong Giáo Xứ, mọi người đã quyết định: Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình tại München, Đức Quốc phát động phong trào hiệp thông cùng cầu nguyện với Giáo Xứ Thái Hà, cùng chia sẻ những tân toan mà qúy linh mục, anh chị em giáo dân đang gánh chịu. Cụ thể, toàn Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình sẽ hướng về Linh Địa Đức Bà trong ngày Lễ Hội Giáo Xứ 13.09.2008.

Thái Hà ơi… Thái Hà ơi… Chúng tôi không bao giờ quên!

Đức Mẹ Maria là quan thầy của Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam tại München với danh hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Hàng năm mỗi độ chớm thu, Giáo Xứ lại tổ chức mừng kính Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Đây là một trong mấy ngày lễ lớn của giáo xứ. Năm nay lễ hội được diễn ra vào ngày 13.09.2008 lúc 11 giờ tại Nhà Thờ Thánh Wolfgang, thuộc thành phố München. Về tham dự có khoảng 400 giáo dân đến từ các Cộng Đoàn Augsburg, Erding, Memmingen, Rosenheim, Regensburg… và München với những tà áo dài đẹp đẽ, quốc phục Việt Nam, với muôn màu muôn vẻ. Chủ tế là Đức Ông Wolgang Huber, Tổng Đại Diện TGP, LM. Chánh xứ Lê Thanh Liêm và Lm. Phú (du học) đồng tế. Trong dịp này 18 em thiếu niên trong Cộng Đoàn đã hân hoan chịu Phép Thêm Sức. Toàn thể Giáo Xứ dâng lời cầu nguyện cho các em vững vàng trong Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và cầu nguyện cho mỗi người được sống trong Công Lý, Hòa Bình và Nhân Phẩm, nhất là cầu nguyện cho Giáo Xứ Thái Hà, Linh Địa Đức Bà tại Hà Nội đang gặp gian nan khốn khó. Linh mục Chánh Xứ kêu gọi cầu nguyện cho Giáo Xứ Thái Hà, hầu hiệp thông, chia xẻ, xoa dịu một phần nào những đớn đau thể xác và tinh thần mà các anh chị em tín hữu trong Chúa của chúng ta đang bị lăng nhục, bị đàn áp một cách bất công.

Đức Ông Wolfgang Huber
Lợi dụng thời gian thư giãn trước buổi tiệc mừng, phóng viên của đài phát thanh địa phương đã đến phỏng vấn một số giáo dân. Một nữ sinh viên Công Giáo đã trình bày sự việc diễn tiến tại Giáo Xứ Thái Hà với Đức Ông Wolfgang Huber, Tổng Đại Diện TGP, xin Ngài cầu nguyện và ủng hộ việc đòi hỏi Công Lý và Hòa Bình tại GX Thái Hà. Sau khi lắng nghe sự việc, Đức Ông Huber đã vui vẻ nhận lời ký tên vào Lá Thư kính gửi Thủ Tướng Đức, Bà Dr. Angela Merkel, đề nghị Chính Phủ Đức lưu ý đến Tự Do Dân Chủ, đến Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền tại Việt Nam hiện đang bị chà đạp, nhất là tại GX Thái Hà.

Tưởng cũng nên biết, tiếp theo lời kêu gọi của Linh Mục Chánh Xứ, một số anh chị em trong Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình đã phát động phong trào ký thư thỉnh nguyện, kính gửi Bà Thủ Tướng Đức. Mẫu lá thư đã được biên dịch,phổ biến trên toàn nước Đức và tại các quốc gia nói tiếng Đức. Trong buổi tiệc mừng lễ hội, đại đa số tham dự viên hiện diện đã sốt sắng ký Thỉnh Nguyện Thư với tâm nguyện:

"Thái Hà ơi… Thái Hà ơi…Thái Hà luôn ở trong đầu, Thái Hà luôn ở trong tim của chúng tôi từng giây từng phút. Chúng tôi đồng hành cùng Thái Hà. Chúng tôi xin hứa sẽ không bao giờ quên …Thái Hà !!!" như lời phát biểu của một giáo dân.

Không chỉ có giáo dân bức xúc, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá tại München (Sơ Vũ Thị Hiền, Sơ Trần Thị Kim Yên…) hứa tích cực ủng hộ Giáo Xứ Thái Hà đòi Công Lý và Hòa Bình bằng những lời cầu nguyện liên lỉ.
 
Bài phát biểu của LM Nam Phong trước UBND quận Đống Đa ngày 12/9 về đề án giải quyết đất Thái hà
LM Nguyễn ngọc Nam Phong
05:53 16/09/2008
BÀI PHÁT BIỂU CỦA LINH MỤC NGUYỄN NGỌC NAM PHONG
VỚI ÔNG PHÓ CHỦ TỊCH UBND QUẬN ĐỐNG ĐA, PHỤ TRÁCH KHỐI VĂN XÃ
Ngày 12 tháng 9 năm 2008


Nghe bài phát biểu của LM Nam Phong

LM Phong: Xin phép có đôi lời:

Cám ơn ông Phó chủ tịch cũng như quí vị bên quận đã cho chúng tôi đến đây hôm nay để cùng với quận, tìm cái hướng giải quyết cho vấn đề nó đang xảy ra tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.

Về phía bản thân cá nhân thì tôi thấy rằng: để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải trở về với gốc rễ của vấn đề, về đến ngọn nguồn của vấn đề. Mà nếu muốn giải quyết tận gốc thì phải tìm đến nguyên nhân, lý do tại sao nảy sinh ra cái chuyện này. Các nguyên nhân các cha đã nói, nó chỉ là nguyên nhân ở phần ngọn thôi chứ không phải là nguyên nhân của phần chìm mà đấy là cái vấn đề quan trọng.

Thế thì tại sao nó xảy ra cái chuyện như vậy thì con thấy có mấy nguyên nhân như thế này:

1. Nguyên nhân thứ nhất là: Do nhà nước chúng ta đã không tôn trọng những cơ sở pháp lý hay nói tóm lại là không có giải quyết vấn đề dựa trên những cơ sở pháp lý.

Trước hết, về nguồn gốc đất thì đây là khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế Giáo Xứ Thái Hà. Điều này không phải là chúng tôi tự khẳng định mà ngay các công văn của nhà nước cũng khẳng định. Tôi lấy ví dụ như là quyết định 76 ký ngày 30/01/1961, hay là công văn số 1784 của Sở tài nguyên môi trường, công văn 2476 của UBND Tp Hà Nội…

Về mặt lịch sử thì cũng không ai phủ nhận những nguồn gốc đó là của nhà thờ, như vậy khu đất này là khu đất của nhà thờ.

Chính quyền thì cho rằng khu đất này được chính quyền quản lý thì như hôm nọ trong cuộc gặp với ông Chủ tịch thì chúng tôi cũng đã nói đó là: Chính quyền phải cho chúng tôi biết là chính quyền đã quản lý khu đất đấy theo chính sách nào?

Một số công văn của nhà nước thì cho rằng là đã quản lý khu đất này theo chính sách cải tạo XHCN, nhưng mà thiếu tướng Nhanh vừa gặp chúng tôi ngày 22/08 thì nói ngược lại là: Thiếu tướng phản đối cái chuyện đó và cho rằng đất này không thuộc diện cải tạo XHCN. Thiếu tướng thì nói rằng là đất này thuộc là đất quản lý nhà đất. Sự bất nhất giữa các cơ quan như vậy làm chúng tôi rất khó xử, bởi vì chính về phía nhà nước cũng không có khẳng định rõ ràng về cái chuyện đất đai như vậy. Nhưng đối với chúng tôi thì chúng tôi đã ngay từ đầu khẳng định rõ một điều rằng là đất ở đây, đất Tôn Giáo - thì chắc là ngài phó Chủ tịch hiểu và biết, chưa bao giờ đất thuộc diện cải tạo XHCN. Đó là thực tế thôi, không ai phủ nhận cái chuyện đó. Nếu chúng ta có thể tìm hiểu tham khảo cho nó rõ thì tôi đề nghị tham khảo các văn bản luật thời kỳ đó, thiết lập thời kỳ năm 53, năm 61 cách riêng có những tham khảo luật về cải cách ruộng đất ban hành 1953 và có hiệu lực cho đến ngày 30/04/1975 nghĩa là từ ngày 30/04/1975 trở về trước thì luật ruộng đất là cái luật được chi phối mọi văn bản dưới luật.

Thế thì khẳng định như thiếu tướng Nhanh là có cơ sở thì phải cho biết nhà nước quản lý như thế nào? Lúc nào? Và đâu là văn bản hợp pháp về việc quản lý này? Cái chuyện này thì nó giống như là hôm nay mình đi đăng ký một cái xe thì phải có hồ sơ đăng ký, ngày tháng đăng ký, chứng nhận của cơ quan tiếp nhận đăng ký chứ không thể nói như thiếu tướng Nhanh bảo là quản lý, nếu là quản lý thì phải cho văn bản chứng cớ nhà nước đã quản lý chứ không nên chúng ta áp đặt và cố tình hiểu nó sai về qui định của pháp luật.

Thế thì chúng tôi nói chuyện này có cơ sở chứ không phải là không, như lúc nãy tôi nói đó: luật cải cách ruộng đất ban hành năm 53 và có hiệu lực thi hành cho tới 30/04/1975, thì trong đó có qui định rất rõ, đất tôn giáo thì phải có quyết định trưng mua, trưng thu, trưng dụng nếu thấy cần thiết. Khi nào thấy cần lắm thì mới làm chuyện đấy. Nếu bây giờ, nhà nước nói quản lý thì nhà nước phải có giấy tờ trưng thu, trưng mua, trưng dụng khu đất này và sắc lệnh 243 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh thì qui định rất là rõ ràng rằng là việc chưng thu chưng mua thì phải được lưu lại trong một cuốn sổ và cái phiếu mua đó phải được xé trong một cái phiếu có cuống, nghĩa là bây giờ nhà nước phải giữ lại được cái cuống đó chứ không có cái cuống đó thì việc Chính phủ trưng thu, trưng mua nó không có giá trị nữa.

Thế thì chúng tôi thấy rằng nếu mà Nhà nước chứng minh được cái chuyện này đó thì việc quản lý mới hợp pháp. Tiếc rằng chúng tôi đã gửi rất nhiều văn bản yêu cầu chứng minh cái chuyện đó thì vừa rồi chúng tôi rất là mừng UBND TP đã cung cấp cho chúng tôi một số chứng từ và cho rằng cha Bích đã ký giao khu đất này cho nhà nước quản lý. Nhưng mà trong các chứng từ mà cấp cho chúng tôi thiếu mất một cái chuyện quan trọng nhất đó là quyết định 76 ký ngày 30/01/1961, nghĩa là trước cái ngày nhà nước cho là cha Bích ký giấy bàn giao 10 tháng. Thế thì hiểu sao về cái chuyện đó. Như vậy cái quyết định 76 nhà nước đã quản lý như thế nào để có đất để mà đưa ra quyết định 76. Chúng tôi yêu cầu đòi hỏi cái đó, thế thì việc nhà nước cho rằng cha Vũ Ngọc Bích ký giấy bàn giao dựa trên những chứng cớ mà UBNDTP cấp cho chúng tôi thì chúng tôi đã có thư phản bác, cũng đã gửi lên trên quận này rồi. Thư đó ký ngày 27/08/2008.

Ở đây, thì chúng tôi xin lưu ý một điều như thế này: cho tới giờ này thì chính quyền chưa chứng minh được đâu là ngày chính xác cha Vũ Ngọc Bích ký giấy bàn giao. Bởi theo các chứng từ của UBNDTP cung cấp và dựa theo các công văn của nhà nước gửi cho chúng tôi thì ít nhất có 4 thời điểm nhà nước cho rằng cha Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao.

Thứ nhất là tại công văn số 2476 UBND TP. Hà nội ký ngày 30/06/2008 thì Tp Hà Nội cho đó là ngày 24/10; công văn số 1784 của Sở tài nguyên môi trường thì lại khẳng định đó là ngày 24/11; một văn bản do UBTp cung cấp ký ngày 10/11 và một văn bản khác ký ngày 9/11/1991. Nghĩa là có 4 thời điểm khác nhau để khẳng định cùng một hành vi của linh mục Vũ Ngọc Bích. Như vậy thời điểm nào là chính xác thì phải nói cho chúng tôi. Bởi vì nếu không thì không thể nào khẳng định nó rõ ràng cha Bích ký bàn giao, kẻo vô tình đổ oan cho người đã chết.

Ngoài ra thì trong số các chứng cớ UBND đưa lại thì có thêm tờ đơn xin bàn giao ký ngày 27/05/1963. Chúng tôi xem kỹ tờ đơn này thì cha Bích chỉ giao 4.000m2 đất và ruộng cấy 3 mẫu. Quí vị có thể xem cái đó chứ không phải giao đất tất cả 60.000m2 như là chúng ta vẫn đang khẳng định. Thế thì vấn đề là tại sao đã bàn giao từ năm 1961 như là nhà nước nói mà tới năm 63 lại phải làm đơn. Nếu làm đơn phải có giấy biên nhận bằng không có giấy chứng thực đó thì việc bàn giao không có giá trị. Ví dụ mang quả bom đến nhà ông Phó chủ tịch đặt đấy bảo tôi giao ông cái này thì phải chứng nhận bóc nó ra xem đấy là cái gì, chứ không ông cứ vui vẻ mà ôm để ở nhà một quả bom thì nguy hiểm.

Ông Lưu: Cái này chắc quí vị đã hiểu cả rồi. Tôi nói thế này nha, cái việc mà dưới giáo xứ Thái Hà, lúc đó còn linh mục Trịnh Ngọc Hiên khiếu nại cái việc này lên Thành Phố, thì TP người ta đã có đoàn liên ngành kết luận vấn đề này. Cho nên cái phần kết luận ấy thì cái cấp quận phải chấp hành cái kết luận của Thành phố. Và tôi biết là đến bây giờ các vị đã kiến nghị lên cả ông Nguyễn Minh Triết, cả ông Thủ Tướng Chính Phủ rồi thì cái việc ấy thì thôi thì các vị phải vui lòng cho là cái việc ấy là của cấp khác, không bàn đến.

LM Phong: Vấn đề là chúng tôi đang trình bày theo những yêu cầu của ngài phó chủ tịch. Bởi vì tôi nghĩ giải quyết vấn đề này thì chúng tôi phải đi đến tận gốc của vấn đề là như vậy, thì nếu như cấp quận không giải quyết, đương nhiên không thuộc thẩm quyền nhưng có thể có ý kiến lên cấp trên để trình bày một cách có ngọn nguồn.

Nếu không thì không được minh bạch cho cái cách giải quyết cho chúng tôi. Bây giờ cứ yêu cầu chúng tôi phài làm chuyện này nhưng về phía chính quyền thì lại không có một cái động thái tích cực nào, không trở về với cái gốc của vấn đề thì không thể làm sao giải quyết được.

2. Cái thứ hai, tôi thấy nguyên nhân thứ hai bây giờ phải giải quyết. Chính cái nguyên nhân này cũng làm cho vấn đề nó trở nên phức tạp. Đó là những cơ sở pháp lý chính quyền đưa ra để giải quyết đơn khiếu nại của chúng tôi nó không hợp tình, nó chẳng hợp lý.

Tại các công văn, cách riêng công văn số 2476 ngày 30/06, cho rằng trong thời kỳ cải tạo XH nhà cửa năm 60 thực hiện thông tư số 73 ngày 07/07/1962 của chính phủ quản lý đất tư nhân đất cho thuê, đất vắng chủ đất bỏ hoang ở nội thành nội thị thì qui định đất cho thuê của các tôn giáo của các hội diện tích dù nhiều hay ít đều do nhà nước trực tiếp quản lý nhà nước không bồi hoàn một khoản tiền nào. Việc chính quyền áp đặt thông tư 73 vào việc giải quyết đất của chúng tôi thì nó không đúng. Đây là thông tư qui định việc giải quyết đất cho thuê, đất bỏ hoang, đất sa bồi. Đất đai của chúng tôi tại 178 Nguyễn Lương Bằng thì chưa bao giờ cho thuê, đất không phải đất vắng chủ cũng không phải đất bỏ hoang bởi vì chúng tôi có bằng khoáng Điền thổ, bởi vì chúng tôi còn có bằng khoáng điền thổ đó.

Điều bất hợp lý thứ hai là nhà nước không bao giờ quản lý trước để thực hiện một thông tư có sau đó một năm.

Cái thứ hai là khi giải quyết đơn khiếu nại của chúng tôi thì chính quyền cũng dựa vào Nghị quyết 23 để không giải quyết trao lại quyền sử dụng đất của chúng tôi thì tôi nghĩ rằng đó là một chuyện cũng không hợp lý. Bởi vì nghị quyết 23 thì chỉ áp dụng cho trường hợp nhà nước quản lý cách chính đáng, ngay tình, đúng pháp luật. Nhà nước không thể tự động vào nhà chúng tôi đuổi chúng tôi đi, sau đó chúng tôi đòi lại thì đưa cái nghị quyết 23 để mà nói là không có cơ sở giải quyết. Thế thì cái việc quản lý phải hợp pháp ngay từ gốc nếu không hợp pháp thì cái việc chúng tôi được pháp luật bảo hộ cái quyền chúng tôi. Vì thế việc chúng tôi đòi lại là có cơ sở pháp lý.

Rồi bên cạnh đó thì việc khiếu nại xin giao lại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng cho chúng tôi thì chúng tôi đã kiến nghị từ 12 năm trước đây tức là năm 1996. Tính như thế thì việc chúng tôi đòi đất trước cả nghị quyết 23 bảy năm. Nói như vậy, cho đến khi nghị quyết ra đời, đất đó cũng chưa được quản lý hợp pháp mà vẫn còn đang trong vòng tranh tụng, vì cái chuyện đó thì cũng là lý do không thể áp dụng cái nghị quyết 23 để giải quyết đất của chúng tôi.

3. Và lý do thứ 3, cái gốc của vấn đề, cái nguyên nhân gây nên tình trạng như bây giờ thì các linh mục vừa đã nói, đó là vấn đề truyền thông bóp méo sự thật…

Cái chuyện này thì chúng tôi cũng đã có những cái thư phúc đáp lên các cấp chính quyền yêu cầu làm sao đấy, chúng ta cần phải ghi nhận vấn đề một cách thực tế, đi vào trong chính trọng tâm cũng như là tôn trọng những sự thật vấn đề, thì mới giải quyết được.

Đấy là một vài cái ý kiến mà theo bản thân tôi, tôi thấy rằng là để giải quyết được ngọn nguồn cái vấn đề ở đây thì chúng ta phải về lại nguồn gốc vấn đề, dựa trên những chứng cớ pháp lý.

Chứ cho đến lúc này tôi thấy là cứ giải quyết phần ngọn và cũng yêu cầu chúng tôi giải quyết phần ngọn thì làm sao chúng ta có thể giải thích cho giáo dân cách chính đáng và làm sao để cho giáo dân có thể nghe được, bởi vì họ vẫn xác tín một điều đất đấy là đất của nhà thờ. Điều đấy thì chính quyền cũng khẳng định. Cho nên tôi rất mong chính quyền, qua ông Lưu ở Quận, có tiếng nói lên các cấp lãnh đạo cao hơn, những nơi và những cơ quan có thẩm quyền giải quyết, để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp.

Chúng tôi cũng mệt, thực sự mệt mỏi chứ không phải là sung sướng hay là gì cả. Tôi nghĩ các vị cũng rất mệt mỏi. Thế thì hôm nay tôi mừng là quí vị mời chúng tôi lên để có một cuộc đối thoại trao đổi để tìm ra cái nguyên nhân, cũng như là hướng giải quyết vấn đề. Tôi thấy hướng giải quyết tốt nhất, đó là hãy giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý.

Nhà nước bây giờ đã thu hồi khu đất đó, và đất đó bây giờ thuộc về nhà nước, thì nhà nước cũng có thể giao cho chúng tôi một cách hợp lý, hợp tình. Và đấy sẽ là gút thắt của vấn đề để giải quyết tất cả những vấn đề đang khó khăn ở đây.

Tôi nghĩ rằng cách giải quyết duy nhất là ở chỗ đó thôi, còn nếu nhà nước cứ chính trị hóa, hình sự hoá và tiếp tục bắt giam người giáo dân - tôi cũng nghe những thông tin là cũng có thể bắt giam các linh mục, thì chỉ làm cho vấn đề thêm căng thẳng và việc giải quyết sẽ đi vào bế tắc, và khối đại đoàn kết toàn dân sẽ bị, không đến mức tan hoang nhưng nó sẽ bị chia rẽ sâu sắc, bởi vì, hiện nay sau khi báo đài loan tin một cách thất thiệt thì có một sự chia rẽ sâu sắc giữa những người công giáo và những người vốn xưa nay họ không có cảm tình với người công giáo. Chính sự vu khống, mạ lị đấy đã làm cho sự chia rẽ ấy trong dân tộc ngày càng sâu sắc hơn. Và như thế chỉ làm hại cho Nhà Nước thôi, làm cho nhà nước yếu đi thôi. Nhà nước bây giờ muốn mạnh thì phải xây dựng lại khối đoàn kết toàn dân, xây dựng thì phải làm yên lòng dân, muốn yên lòng dân thì phải tôn trọng pháp luật. giải quyết mọi vấn đề dựa trên cơ sở pháp luật.

Tôi xin có vài lời như vậy, trong buổi gặp này. Tôi hôm nay rất chân thành nói bằng tất cả tấm lòng của tôi để cầu mong chính quyền cùng với chúng tôi giải quyết vấn đề dựa trên chứng cứ pháp lý mà pháp luật đã quy định.
 
Báo cáo về cuộc gặp gỡ giữa UBND quận Đống Đa với giáo xứ Thái Hà, Hà Nội
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
06:24 16/09/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội

180/2 Nguyễn Lương Bằng,


Đống Đa, Hà Nội Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008

BÁO CÁO VỀ CUỘC GẶP GIỮA UBND QUẬN ĐỐNG ĐA VÀ
GIÁO XỨ THÁI HÀ-DCCT HÀ NỘI


Kính gửi: Đức Tổng Giám Mục Hà Nội
Đồng kính gửi: Cha Bề Trên Giám Tỉnh DCCT Việt Nam
Kính thưa Đức Tổng Giám Mục và Cha Bề Trên Giám Tỉnh


Theo giấy mời của UBND Quận Đống Đa, ngày 12.09.2008, khoảng 15 giờ, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội chúng con có mặt ở Văn phòng UBND quận Đống Đa để trao đổi về một số vấn đề liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở Giáo xứ Thái Hà.

Tham dự buổi trao đổi: Phía Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội có cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, Bề trên-Chính xứ, cha Giuse Nguyễn Văn Thật, Phó Bề Trên và một số linh mục, tu sĩ, giáo dân khác trong cộng đoàn.

Phía UBND Quận có Ông Nguyễn Đức Lưu, Phó Chủ tịch UBND Quận, Phụ trách khối Văn-Xã, bà Chánh Văn phòng UBND Quận, ông Bình- Đội phó Đội An ninh CAQ Đống Đa và một số cán bộ khác- không nêu tên tuổi chức danh- làm việc chụp hình và ghi âm.

Ông Nguyễn Đức Lưu giới thiệu và khai mạc. Ông nói mục đích của cuộc gặp là trao đổi một số vấn đề xung quanh Giáo xứ Thái Hà. Cụ thể ông trình bày 3 điểm sau:

Thứ nhất: Trong thời gian gần đây tình hình khu vực Thái Hà có vẻ căng thẳng. Số lượng giáo dân về đông nên các ông ái ngại về vấn đề vệ sinh môi trường. Do đó, ông muốn linh mục Phụng làm sao cố gắng không làm cho tình hình căng thẳng thêm, “nói tóm lại là làm sao giảmg bớt lượng người về”.

Thứ hai: Ông đặt vấn đề với cha Bề trên-Chính xứ “làm thế nào động viên khuyên nhủ giáo dân chủ động giải quyết vấn đề như là ảnh tượng tranh ảnh để chúng ta có điều kiện làm những việc tiếp theo”.

Thứ ba: Ông PCT nói: “hôm nay chúng tôi muốn nghe thêm về phía giáo xứ, tình hình chung, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của các linh mục trong vấn đề Thái Hà và cố gắng cùng với chính quyền chúng ta làm thế nào giải quyết việc này cho êm thấm và đồng thời đạt được nguyện vọng tốt đẹp”

Ông nói thêm: “ Hôm nay chỉ có ba vấn đề đó thôi, còn các vấn đề khác chúng ta đã biết cả rồi”.

Cuộc gặp trao đổi thoáng qua về vấn đề thứ nhất và tập trung vào vấn đề thứ ba. Còn vấn đề thứ hai thì chưa có thời gian bàn đến.

Sau khi nghe ông Nguyễn Đức Lưu trình bày, quý cha quý thầy và quý giáo dân đã phát biểu các ý kiến của mình. Hầu hết các ý kiến trao đổi tập trung vào vấn đề thứ nhất và thứ ba.

Về vấn đề thứ nhất: Vấn đề tập trung đông người và vệ sinh môi trường
Chúng con trình bày cho UBND Quận biết nguyên nhân chính của việc này là do thông tin của báo, đài, ti vi nhà nước. Cần đổi chiến dịch thông tin này thì mới mong giảm bớt lượng người về.
Chúng con cũng khẳng định Giáo xứ giữ trật tự và vệ sinh rất tốt. Cứ đến hiện trường thì thấy. Từ Nhà thờ ra Linh địa đường đi lối lại đều sạch sẽ. Ngay Linh địa cũng được giáo dân dọn cỏ rác cho bớt ô nhiễm.

Liên quan đến vấn đề vệ sinh, còn có hiện tượng thiếu nước sinh họat. Để khắc phục phần nào, Giáo xứ đã lấy nước từ căn nhà của mình nằm đối diện nhà thờ, nhưng UBND Phường Quang Trung lại đi phá ống dẫn và kêu công ty cấp nước cắt nước. Cha Thật, phụ trách điện nước, ta thán rằng: Phường Quang Trung “đã xây dựng UBND trên đất nhà thờ mà bây giờ lại còn không biết tạo điều kiện cho nhà thờ”.

Về vấn đề thứ ba: Những tâm tư nguyện vọng của giáo xứ Thái Hà:

Chúng con, các linh mục, tu sĩ và giáo dân yêu cầu các cấp chính quyền liên hệ trả lời các đơn thư khiếu nại của Giáo xứ liên quan đến vấn đề đất đai. Cụ thể là trả lời các phương diện luật pháp liên quan đến tính pháp lý của khu vực đất đai của nhà thờ Giáo xứ mà công ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng.

Chúng con cũng trình bày những bức xúc của các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo xứ: Bức xúc về việc pháp luật trên mảnh đất nhà thờ không được thực thi; bức xúc về việc chính quyền địa phương làm ngơ cho các cá nhân lấn chiếm đất nhà thờ và lấn đường giao thông công cộng; bức xúc về việc Công ty May Chiến Thắng bán đất chiếm dụng của nhà thờ và đập phá các cơ sở của nhà thờ trong khu đất…

Chúng con cũng nói rằng chìa khoá để giải quyết vấn đề đang nằm ở trong tay nhà nước. Chúng con trình bày cho UBND biết rằng để có thể giải quyết vấn đề, thì cần thiết nhà nước phải có những bước đi có tính cách “đột phá, sáng tạo” như Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã phát biểu với truyền thông, chứ không thể dùng các biện pháp bạo lực trấn áp linh mục, tu sĩ, giáo dân mà vấn đề lại được ổn thoả.

Chúng con cũng phản ảnh cho nhà nước biết các phương tiện truyền thông đã đưa tin sai lạc, xuyên tạc, quy chụp, kết án bất công. Vụ việc ở Thái Hà bản chất là chuyện tranh chấp đất đai và là chuyện nhỏ so với bao nhiêu chuyện khác quan trọng đang diễn ra trên đất nước, không hiểu vì lý do gì mà nhà nước lại cho báo đài ti vi làm lớn chuyện như vậy.

Chúng con cũng phản bác chuyện quy chụp chính trị liên quan đến vụ việc đang diễn ra ở Thái Hà và chúng con khẳng định rằng điều này sẽ được minh chứng khi chính quyền tôn trọng quyền lợi chính đáng của Giáo xứ và khi Giáo xứ được sử dụng mảnh đất của mình để phục vụ nhu cầu tôn giáo của đông đảo giáo dân.

Cuối cùng Giáo xứ chúng con có một số đề nghị với UBND các cấp:

  • 1. Đề nghị chấm dứt vu cáo, xuyên tạc, mạ li, vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân trên các phương tiện truyền thông.
  • 2. Đề nghị chấm dứt bắt bớ dân lành vô tội, đồng thời đề nghị thả tự do cho những người đã bị bắt giam oan khuất.
  • 3. Đề nghị giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý liên quan đến mảnh đất của nhà thờ mà Công ty MCT đang chiếm dụng bất hợp pháp.
  • 4. Đề nghị chính quyền cho Giáo xứ được trình bày trên báo đài, ti vi của nhà nước: Trình bày quan điểm và các bằng chứng liên quan đến khu đất bị chiếm dụng và những sự việc khác đang diễn ra liên quan đến khu đất này.
  • 5. Đề nghị chính quyền cử cán bộ xuống gặp gỡ đối thoại với bà con giáo dân, giải thích cho bà con hiểu pháp luật liên quan đến việc Công ty May Chiến Thắng chiếm dụng đất đai của nhà thờ Thái Hà.
  • 6. Đề nghị được đối thoại với các cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề và chấm dứt hiện tượng cứ đưa công an, cảnh sát đến áp lực buộc chúng tôi phải chấp nhận các yêu cầu và “quyết định” của nhà nước.
Khoảng 16 giờ 20 thì ông Phó Chủ Tịch UBND kết thúc cuộc gặp. Ông Phó Chủ tịch cũng nói cái gì thuộc trách nhiệm của Quận thì các ông sẽ giải quyết. Cái gì vượt cấp của Quận thì các ông sẽ tiếp thu để trao đổi với các cấp.

Người làm báo cáo
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
 
Phát biểu của LM Nguyễn Văn Khải trong cuộc họp với UBND quận Đống Đa này 12/9
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
08:22 16/09/2008
Ý KIẾN CỦA LM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢI
TRONG CUỘC HỌP VỚI UBND QUẬN ĐỐNG ĐA NGÀY 12.09.2008


LIÊN QUAN ĐẾ VẤN DỀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Chúng tôi nghĩ báo đài nói rát quá khiến cho dân ở các nơi họ muốn đến tìm hiểu sự thật. Và khi họ đến đông quá, đáng lý ra các cấp chính quyền địa phương phải cùng chúng tôi để làm sao giúp họ có điều kiện an sinh tốt nhất, thì chính quyền lại làm phiền nhiễu chúng tôi về vấn đề điện nước, chúng tôi thấy, cán bộ trong tư cách là ‘cha mẹ dân” đã hành xử không quân tử. Thiếu nước, chúng tôi đi xin nước ở ngoài nhà dân chở về, cán bộ cũng đến sinh sự với người dân, làm khó dễ người dân và chúng tôi, như thế là không phải. Còn chúng tôi thấy vấn đề vệ sinh trật tự ở khu vực, những giáo dân đến đấy cũng là những người rất có ý thức. Có ông Bình là công an, ông ở đấy, ông thấy họ có ý thức trật tự và có ý thức vệ sinh như thế nào! Chính họ là những người đi dọn vệ sinh khu vực đường đi lối lại cho đến khu đất; họ dọn sạch sẽ.

LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ TÂM TƯ NGUYỆN VỌNG CỦA GIÁO XỨ THÁI HÀ

Tôi xin được tiếp lời cha Phong. Tôi cũng xin cám ơn ông PCT Nguyễn Đức Lưu; chúng tôi thấy lần nào gặp ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Ngay từ khi xảy ra ở dưới Thái Hà, thì tôi nhớ có lần ông đến tận nơi để giải quyết, mà tôi nhớ giáo dân còn vỗ tay ông, vỗ tay lúc đến lúc đi nữa.

Ông Phó Chủ tịch muốn nghe thêm những tâm tư nguyện vọng của các linh mục, tu sĩ, giáo dân để tìm ra phương hướng giải quyết, thì tôi cũng xin nói để ông PCT đề đạt lên các cấp có thẩm quyền giải quyết, cũng như bản thân ông giải quyết những vấn đề có thẩm quyền cấp Quận.

Thứ nhất: Muốn giải quyết được chuyện này, các cơ quan liên hệ, nhất là các cơ quan truyền thông phải chấm dứt xuyên tạc, vu cáo mạ lị các linh mục, tu sĩ, giáo dân, nhất là chuyện xuyên tạc.

Nếu không phản ánh đúng sự thật, chúng ta không bao giờ giải quyết được vấn đề. Ví dụ: truyền hình chiếu tay tôi đang như thế này, mà truyền hình bảo là tôi kích động giáo dân chống lại công an. Mà nếu tôi kích động thì phải để lời của tôi nó phát lên truyền hình chứ sao lại tôi không có lời tôi đi kèm. Mà tay tôi như thế này thì người ta biết là tôi đang dẹp trật tự chứ lại bảo tôi đang kích động giáo dân sao được? Các ông công an có mặt ở hiện trường làm chứng cho tôi. Băng ghi video của các ông quay từ đầu đến cuối làm chứng cho tôi, và bản thân chúng tôi cũng quay phim được làm chứng cho tôi, trong khi báo đài ti vi lại nói tôi kích động thì chúng tôi thấy là xuyên tạc quá mức!

Một điều hết sức đơn giản và hiển nhiên trong thế giới văn minh người ta biết, đấy là chỉ được kết tội người ta khi đã có những phán quyết của toà án, chỉ toà án mới có thẩm quyền kết án và chỉ được gọi là tội nhân từ khi toà án ra phán quyết. Thế mà chúng tôi chưa có một cái giấy triệu tập nào, toà chưa kết chúng tôi tội gì, mà bây giờ báo chí suốt ngày kết tội chúng tôi. Như thế là không văn minh, không văn hoá và như vậy là đang vi phạm pháp luật. Truyền thông đang vi phạm pháp luật, và cái đó khiến thế giới văn minh người ta càng kinh tởm mình. Đấy! Đề nghị đầu tiên của tôi, là các cơ quan truyền thông phải phản ánh sự thật, thay vì xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, kết án, mạ lị một chiều, hình sự hoá, chính trị hoá vụ việc.

Thứ hai: Các cấp có thẩm quyền cần phải ra đối thoại với chúng tôi, chứ không nên đưa công an ra làm áp lực đối với chúng tôi, hay trấn áp chúng tôi.

Chìa khóa để giải quyết được vấn đề ở Thái Hà đang nằm trong tay nhà nước. Chúng tôi là con dân của nhà nước mà thôi. Chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng mình phải tuân thủ pháp luật và phải sống trong một đất nước có chính quyền ổn định. Bây giờ, ngay cả chính quyền của các ông, là chính quyền do Đảng Cộng Sản độc tôn lãnh đạo, nhưng nói thật chúng tôi không mong chính quyền đó sụp đổ lúc này. Chính quyền đó sụp đổ thì không có chính quyền nào thay thế thì đất nước loạn ngay. Chúng tôi chỉ mong chính quyền các ông chuyển hoá, biết dần dần tôn trọng những giá trị dân chủ và tôn trọng luật pháp. Cho nên chúng tôi muốn các cấp chính quyền có thẩm quyền đối thoại để giải quyết vấn đề.

Các cấp chính quyền có thẩm quyền giải quyết ở đây cụ thể là Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố và một phần là Uỷ Ban Nhân Dân Quận. Thì đấy là các cơ quan có thẩm quyền đối thoại để cùng nhau tìm một hướng đi, chứ cứ để nó kéo dài căng thẳng như vậy thì nó chẳng lợi cho ai và nhất là không lợi chung cho cả dân tộc và Đất Nước. Nhưng mà chúng tôi không thấy các cấp có thẩm quyền đến giải quyết. Cho đến giờ này, cấp cao nhất vẫn là ông (UBND Quận) thôi! Còn lại, chỉ có đưa công an ra, đưa các đoàn thể ra để với cái ý làm áp lực chúng tôi phải vãn hồi trật tự, đang khi chuyện kéo đông người đến ở đó là chính các ông làm ra, chính các ông loan báo trên các phương tiện truyền thông một chiều và loan báo liên tục dài ngày, khiến giáo dân các nơi họ bức xúc, họ mới đến tìm hiểu sự thật. Họ đến đông khiến chúng tôi tràn ngập công việc. Tạo nên cái đám đông ấy là nhờ truyền thông của các ông! Thế mà bây giờ các ông bảo chúng tôi phải dẹp trật tự, phải ổn định, phải vãn hồi lại tình trạng như trước, đang khi truyền thông cứ như thế thì làm sao chúng tôi làm được! Nó khó là ở chỗ đấy! Cho nên, xin các ông đề đạt lên các cấp có thẩm quyền đối thoại với chúng tôi. Chúng tôi luôn chủ trương giải quyết bằng phương pháp hoà bình, luôn chủ trương đối thoại chứ không đối đầu. Chúng tôi đây toàn là những tu sĩ, giáo dân là chân yếu tay mềm, trong tay không một tấc sắt, đời nào chúng tôi dại gì mà đi đối đầu với chính quyền có các phương tiện bạo lực cách mạng trong tay. Đấy là cái suy nghĩ bình thường ai cũng thấy.

Xin đừng để các tổ chức, các công an tối ngày đến áp lực buộc chúng tôi vãn hồi trật tự. Mà chúng tôi có bằng chứng là công an có mặt ở hiện trường không vãn hồi trật tự mà còn cố tình gây mất trật tự đấy. Cái tối hôm chúng tôi bị xịt hơi cay chúng tôi rất buồn: Công an thành phố, công an quận, công an phường đều có mặt, tất cả đứng im như phỗng đấy. Không ai làm công tác trật tự, chúng tôi mời vào làm biên bản cũng không vào. Chẳng những thế, đang khi chúng tôi xin cộng đồng trật tự cho các cán bộ công an phường với các linh mục làm biên bản, thì không biết ở đâu, một lực lượng mặc áo xanh xuất hiện, nói là đoàn viên thanh niên và mặt mày rất băm trợn - chúng tôi chụp được hình – vào làm huyên náo, rối loạn khu vực và sinh sự với người dân đang ở đấy. Lúc ấy cũng không ai trog các ông ở đấy vãn hồi trật tự. Chúng tôi phải xin cha Nguyễn Thể Hiện đây nói trên loa tay, để xin ai là giáo dân thì ngồi xuống, lúc đấy trật ra những đồng chí mặc áo xanh đứng đấy và mặt mày trông vẫn hết sức khiếp sợ. Tôi chụp được ảnh, nếu ông chủ tịch cần chúng tôi đưa ảnh cho ông xem. Tôi hỏi ông Phó Chủ tịch Phường và ông Phó Trưởng Công an Phường rằng: Đấy là lực lượng nào mà đến gây rối như thế? Hai ông im lặng không trả lời tôi. Do đó, tôi xin các cấp có thẩm quyền đối thoại với chúng tôi. Đấy là điều kiến nghị thứ hai.

Điều thứ ba: Chúng tôi thấy nhà nước cần phải chấm dứt bắt bớ, chấm dứt hiện tượng giam giữ bất công.

Ông PCT đọc báo Hà Nội Mới hôm nay hay hôm qua thì biết! Chúng tôi thấy hết sức buồn cười, một đoạn tường dài có 6m và cao có 1,2m đến 1,5m, trị giá tài sản chưa được 3,5 triệu đồng, thế mà khởi tố 7 bị can rồi, mà bắt 7 bị can với một lực lượng công an hùng hậu, rồi đài báo truyền hình nói suốt hơn chục ngày nay. Không biết nhà nước có phải lấy dao mổ voi hay mổ bò để mổ con gà không? Mà đấy, đoạn tường chỉ trị giá 3,5 triệu đồng và bây giờ còn chưa xác minh được về mặt pháp lý là bức tường đấy là của ai. Các ông bảo của công ty May Chiến Thắng, nhưng chúng tôi bảo của chúng tôi thì sao? Các ông bảo bức tường đó là của công ty May Chiến Thắng, nhưng chúng tôi bảo bức tường đó là xây dựng bất hợp pháp trên đất của chúng tôi thì sao? Mà nếu khởi tố những người phá bức tường trị giá 3,5 triệu đấy, thì phải xử lý sao với công ty May Chiến Thắng đã phá nhà của chúng tôi trong khu đất? Các cơ sở của chúng tôi trong khu đất bị công ty May Chiến Thắng phá rất nhiều, ít là ba chỗ, một chỗ còn khá tốt và hai chỗ họ đang phá dở thì giáo dân vào ngăn cản hồi năm ngoái – cách đây hơn một năm giáo dân vào ngăn cản nên còn hai chỗ nữa họ chưa phá hết – còn bằng chứng ở đấy! Thế thì, nếu xử thì phải xử công ty May Chiến Thắng phá nhà của chúng tôi.

Cho nên nguyên cái vụ án làm rùm beng trên báo chí, cái đó cũng là một cái khó cho nhà nước vậy, cũng là một bước đi rất bất lợi cho đất nước và cho chính quyền. Không việc gì một chuyện bé mà mình xé ra to như vậy. Cho nên chúng tôi đề nghị chấm dứt, thả tự do cho những người đó, rồi chấm dứt vu cáo bắt bớ. Mấy ngày hôm nay, rất nhiều tin nhắn đến với chúng tôi, nhiều người nói là chính quyền mà cụ thể là công an đang đe dọa bắt cha Nguyễn Văn Khải đấy và sắp bắt đến nơi rồi đấy! Chúng tôi nói thật với các ông, chúng tôi là linh mục, chúng tôi xác tín chúng tôi thi hành đúng pháp luật, chúng tôi luôn luôn có thiện chí giải quyết mọi vấn đề và không vi phạm điều gì. Mà nếu vì việc tìm kiếm sự thật và công lý mà chúng tôi có bị bắt, tôi thưa thật với các ông là tôi rất vinh hạnh được như vậy để chia sẻ thân phận với những giáo dân của chúng tôi. Và các ông cứ nghiên cứu kỹ thì thấy, trong các cộng đồng tôn giáo phát triển theo các quy luật riêng của nó, nơi nào càng bị bắt bớ thì nơi đấy cộng đồng càng nối kết và càng phát triển; càng nơi nào có người chết vì đạo thì đạo nơi đó càng mạnh. Đấy là quy luật rất mầu nhiệm và kỳ lạ mà các ông cũng nên biết. Tôi nói chân thành là như thế. Cho nên phải chấm dứt cảnh bắt bớ vu cáo xuyên tạc đi!

Điều thứ tư là chúng tôi muốn được đối thoại trên cơ sở pháp lý. Đối thoại nhưng mà đối thoại trên cơ sở nào?

Nhà nước áp lực xuống buộc chúng tôi phải như thế này, phải thế kia! Chúng tôi thì thấp bé nên chúng tôi không thể bảo chính quyền phải thế này, phải thế kia được! Chúng tôi chỉ kiến nghị chính quyền thôi! Chúng ta bây giờ sống trong một đất nước văn minh, đang ở trong xu hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền, xây dựng một đất nước dân chủ và giàu mạnh, thì mình phải đối thoại với nhau dựa trên cơ sở pháp lý và là luật pháp của đất nước XHCN Việt Nam này. Chúng tôi đâu có làm gì khác ngoài luật lệ của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam này đâu. Cho nên, với tư cách là linh mục nhà thờ Thái Hà, chúng tôi nghĩ rằng, để đối thoại giải quyết vấn đề tốt thì chúng tôi xin ông PCT đề đạt lên bốn điều đó với các cấp có thẩm quyền. Chúng tôi mong là vấn đề sẽ mở ra một hướng đi tốt đẹp hơn và nó mở ra một hướng giải quyết “đột phá sáng tạo” như Đức Tổng Giám Mục nói, không phải là một cách giải quyết gọi là khô cứng, cứng nhắc chẳng có lý mà cũng chẳng có tình như vẫn làm từ trước đến giờ. Chúng tôi xin hết.

MỘT VÀI Ý KIẾN KHÁC

Chúng tôi chẳng lẽ lại tự nhiên xông lên UBND Quận với Thành Phố! Chúng tôi tự nhiên rồng rắn lên thì các ông lại bảo là chúng tôi lên biểu tình gây áp lực, cho nên chúng tôi đợi các ông là cơ quan có thẩm quyền là các cán bộ gửi giấy xuống mời chúng tôi đi giải quyết, đến làm việc.

Nhân tiện chúng tôi cũng xin thưa với ông PCT và Bà Chánh VP UBND rằng chúng tôi đọc thấy trên báo chí, trên đài, trên radio thấy rất nhiều cái giọng điệu kêu gọi là quy chụp và nâng lập trường quan điểm. Cái đó là nó không lợi cho đất nước dân tộc và càng không lợi để giải quyết vân đề. Thật ra vấn đề ở đây, chúng tôi nói lại một lần nữa là thuần tuý chỉ là việc đất đai chứ không phải vấn đề hình sự; vấn đề kinh tế chứ không phải vấn đề chính trị. Cái việc liên hệ giải quyết thuần tuý là giữa nhà Thờ giáo xứ Thái Hà với lại công ty may Chiến thắng và cùng lắm bên thứ ba nữa là uỷ ban nhân dân các cấp thế thôi. Chứ không phải giữa chúng tôi với lại ngoại quốc hay giữa các ông với ngoại quốc, với những thế lực nào đứng đằng sau như báo đài nói, những cái đó là hoàn toàn có tính quy chụp và nâng lập trường quan điểm. Chúng tôi trong cuộc chúng tôi biết: Muốn có thiện crí giải quyết vấn đề thì phải phản ánh đúng sự thật. Nếu không tin các ông bây giờ cứ giải quyết rốt ráo vấn đề mảnh đất đó là xong ngay. Cứ làm quyết định giao lại mảnh đất đó cho nhà thờ hay mặc nhiên công nhận đất đó là của nhà thờ, thế là xong thưa các ông! Các ông bảo công ty may Chiến Thắng rút đi là xong ngay! Chẳng còn có vấn đề gì cả, bởi vì đấy là đất nhà thờ!

Chúng tôi cũng tin điều này nữa. Chúng tôi là những người có niềm tin tôn giáo, có đời sống tâm linh. Kinh thánh chúng tôi đã dạy rằng: “cứ sống công chính trước nhan Chúa, Người sẽ giải phóng chúng ta khỏi tay địch thù. Và còn dạy rằng: Quân gian ác chết vì tội ác, kẻ giết người lành chuốc án phạt vào thân”. Chúng tôi vẫn đọc “quân gian ác chết vì tội ác, kẻ giết người lành chuốc án phạt vào thân” . Vâng ta cứ sống thánh thiện công chính trước nhan Chúa. Nên chuyện đầu tiên chúng tôi phải lo ấy là sống làm sao ngay chính thánh thiện, sống cho phải đạo. Và nói thật với quý ông chứ bản thân tôi đây báo đài có vu khống xuyên tạc, và có chửi tôi nữa, tôi ăn ngủ vẫn ngon, ra ngoài giao tiếp với mọi người vẫn tươi cười được, chứ không phải là cái mặt của tội nhân! Nếu mà chỉ vì những điều vu không đó mà mình sống không hạnh phúc thì còn tầm thường lắm. Nhưng tôi thương cho những niềm tin bị đánh cắp, niềm tin của bao nhiêu người không đủ thông tin mà chỉ nghe thông tin một chiều. Tôi thương cho những niềm tin bị đánh cắp và tôi cũng thương cho những con người hành sử cách khuất tất. Bởi vì như vậy họ cũng không hạnh phúc. Cái hạnh phúc của con người là sự thống nhất. Thống nhất thể lý, tâm lý, tâm linh, thống nhất trong toàn diện con người. Mỗi người có một cuộc đời, trước sau gì cũng phải chết, vấn đề là sống thế nào cho có ý nghĩa.
 
Đà Nẵng no fear
Cộng Đoàn DCCT Đà Nẵng
09:44 16/09/2008
Kính thưa Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể anh em trong Dòng.

Không đi không biết Thái Hà

Đến rồi mới thấy... đảng ta lắm trò...!!
Truyền hình "dựng chuyện" Thái Hà

Diễn viên mượn một... cụ già cái bang !!
Mặc dầu hay bị cúp điện và khó vào Internet, nhưng hơn 3 tuần nay, con vẫn theo dõi tin tức của Cộng đoàn Hà Nội - Gx Thái Hà. Con và giáo dân Hoằng Phước cùng hợp ý cầu nguyện cho bà con giáo dân Giáo xứ Thái Hà, cách riêng Cộng Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội luôn kiên vững trong đức tin và bền tâm trong việc đòi lẽ công bằng, sự thật - đấu tranh cho công lý và hòa bình.

Thật tội nghiệp cho bà con giáo dân chúng con ở vùng quê, thiếu phương tiện truyền thông, chỉ xem và nghe thông tin một chiều sai lạc, trên tivi và đài phát thanh của nhà nước. Nhiều bà con giáo dân bối rối chạy đến hỏi con: “Cha có coi tivi không? Cha, Thầy và giáo dân Thái Hà làm gì mà kỳ vậy để họ quay lên tivi...?” có người thì nói: “chắc phải có chuyện chi nữa các Cha và giáo dân mới làm như vậy...? Sự thật là sao hả Cha....?”

Chúa ơi! Thông tin dối trá một chiều của nhà nước độc hại quá... Con đã giải thích cho bà con sự thật về vụ việc Thái Hà - đọc Thư Cha Giám Tỉnh, mời gọi giáo dân làm việc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và đọc Kinh cầu nguyện cho Cộng Đoàn Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo dân Gx Thái Hà.

Nhờ một anh thanh niên ở Trung Tâm Mục Vụ hướng dẫn cách tải những video clip, con đã cho một số giáo dân Hoằng Phước của con thấy: cảnh giáo dân Thái Hà bị đàn áp bằng dù cui điện, bị đánh xịt máu mũi, tét đầu, bị quăng lên xe như súc vật - cảnh bà con tố giác đài truyền hình Hà Nội, tố giác những kẻ giả giáo dân để làm chứng gian theo sự đạo diễn của đài truyền hình - cảnh quý Đức Giám mục, quý Cha, quý Thầy, giáo dân Thái Hà và bà con giáo dân khắp nơi đang say sưa cầu nguyện tại Linh Địa Mẹ... Con cũng làm bảng thông tin “Các sự việc diễn ra ở Giáo xứ Thái Hà” để giáo dân theo dõi.

Thấy những cảnh anh chị em Thái Hà bị đàn áp, ai cũng đau xót. Nhiều người thốt lên: “sự thật là rứa mà chúng con không biết, trên tivi và trên đài người ta nói khác,... sao người ta gian ác quá vậy, tội nghiệp cho giáo dân Thái Hà...”

Tạ ơn Chúa! Được có nhiều thông tin, càng hiểu biết, bà con càng cảm thông, mến phục anh chị em giáo dân Miền Bắc và càng sốt sắng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

***

Lúc 19 giờ Đêm Trung Thu (14.9.2008), cùng với người lớn, hơn 300 em Thiếu nhi và Thanh Thiếu niên Gx Hoằng Phước chúng con đã tham dự giờ đốt nến cầu nguyện cho Cộng đoàn DCCT Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà, cách riêng cho các bạn Thiếu nhi Gx Thái Hà, những bạn bị xịt hơn cay...

Mọi người cầu nguyện rất sốt sắng. Sau giờ cầu nguyện, các em vui Trung Thu: múa lân, ca hát, phá cỗ mãi cho đến 22g30 mới kết thúc.

Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một đêm Trung Thu an lành, đầy ý nghĩa và vui vẻ. Nguyện xin Chúa cho Thiếu nhi Hoằng Phước và thiếu nhi Thái Hà luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện.

Kính thưa Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể anh em trong Dòng, Cộng đoàn DCCT Đà Nẵng - Giáo xứ Hoằng Phước chúng con xin được Hiệp Thông với Cộng đoàn DCCT Hà Nội - Gx Thái Hà và toàn Tỉnh Dòng trong lời cầu nguyện.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho tất cả chúng ta luôn hiệp nhất, khôn ngoan, cam đảm và an lành hồn xác.

Ngợi khen Chúa Giêsu và Mẹ Maria

Philip Maria Lê Văn Vui CSsR.
 
Tử huyệt: Gian Dối
Hoàng Cúc
10:30 16/09/2008
TỬ HUYỆT: GIAN DỐI

Những sự kiện diễn ra ở Thái Hà những ngày gần đây đã vượt khỏi phạm vi của một giáo xứ hay một giáo phận. Phải nói truyền thông nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc gây tiếng vang, nhiều khi ngược lại với chủ đích của người loan tin. Một tháng đã trôi qua kể từ ngày cuộc cầu nguyện bùng lên lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, với tính cách mạnh mẽ và quyết liệt dường như khiến cho giới cầm quyền hết sức lúng túng. Thời gian chưa thể coi là dài, nhưng thiết tưởng cũng đủ để chúng ta đưa một vài nhận định về thái độ của chính quyền.

Đàn áp

Đàn áp là từ mà giới truyền thông nhà nước cũng như các quan chức ngành công an ra sức phủ nhận, dù chính họ biết rõ hơn ai hết đó chính là biện pháp mà họ đang sử dụng.

Khác hẳn với khi diễn ra vụ Toà Khâm Sứ, bắt đầu từ tháng 12-2007, dàn đồng ca báo hình, báo chữ và báo tiếng của chính quyền đã được huy động ngay từ những ngày đầu tiên khi cuộc cầu nguyện tại Thái Hà bùng phát trở lại. Báo báo Hà Nội Mới đã không che dấu chủ đích đàn áp bằng dư luận qua phương tiện báo chí: “Việc các cơ quan truyền thông trong nước liên tục đăng tin, bài viết, ảnh, chương trình truyền hình có nội dung tố cáo, tạo dư luận rộng rãi lên án những hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng đã tác động mạnh đối với linh mục giáo xứ Thái Hà.” Phải nói, ở một góc độ nào đó, truyền thông nhà nước đã thành công, khi đa số người dân chỉ biết đến vụ việc qua truyền thông độc quyền của nhà nước, và với họ, các linh mục và giáo dân tại Thái Hà mang một bộ mặt quái gở, lì lợm, tham lam cố chấp. Tuy nhiên, liều thuốc mà giới truyền thông sử dụng lại có tác dụng phụ là gây tiếng vang cho vụ việc. Những ai thực sự quan tâm và tìm hiểu sẽ không khó nhận ra rằng trớ trên thay, tất cả những điều xấu xa giới truyền thông và quan chức nhà nước khoác cho các linh mục và giáo dân Thái Hà lại là phản ảnh trung thực bộ mặt của giới cầm quyền, một bộ mặt nhem nhuốc của những kẻ quyết tâm quay lưng trước sự thật.

Đàn áp bằng truyền thông xem ra không hiệu quả, hay nói đúng hơn, gây ra nhiều hậu quả không theo ý muốn của những kẻ có thừa phương tiện nhưng lại thiếu một điều cốt yếu trong truyền thông: sự thật, giới cầm quyền và có quyền đã sử dụng trò đàn áp bằng bạo lực. Thế nhưng, chính họ cũng thấy đó là cách giải quyết của phường lưu manh, nên chơi trò ném đá giấu tay. Cứ như giới quan chức ngành công an, thì ở Hà Nội hẳn phải có một đội quân vô hình nhưng lại sử dụng những loại công cụ hữu hình là dùi cui điện và bình xịt hơi cay. Mà lạ một điều là đội quân này dường như rất hiểu ý chính quyền. Nhà nước mà chỉ huy được một đội quân như thế thì chắc chắn là “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” rồi. Phiền một nỗi những tấm ảnh biết nói được loan truyền trên hệ thống thông tin điện tử dường như lại không chịu chỉ xếp hàng theo lề đường được ngành truyền thông nhà nước vạch ra!

Thế lực thù địch

Lúng túng, bối rối và phản ứng tuỳ tiện trước một vụ việc mà diễn biến nằm ngoài dự đoán của giới cầm quyền vốn quen dùng trò chơi bạo lực, có quan chức đã đổ vấy cho một thế lực thù địch đứng sau lưng giáo xứ Thái Hà. Thế lực thù địch, một khái niệm vô hình, vô tung vô tích, nhưng tiện ở chỗ nó rất dễ dùng để chụp lên đầu những người hay nhóm người mà giới cầm quyền không ưa. Những chế độ độc tài dường như luôn có thù địch và phải có thù địch mới yên tâm. Mà cứ nói tới thù địch là nhân dân ta nhất định phải chống rồi.

Thực ra, dường như khi tung ra những đòn đàn áp bằng truyền thông và bạo lực, giới cầm quyền đã chắc mẩm là sẽ đè bẹp giáo xứ Thái Hà như người ta dơ chân di một con dán. Mọi khúc mắc sẽ được dùi cui điện, hơi cay, thậm chí nòng súng giải quyết dễ dàng như trở bàn tay. Vậy mà ngược với dự tính của họ, vụ việc đã không bị đè bẹp, trái lại còn gây ra một tác dụng phụ khác, đó là tính lan toả và khơi dậy tình đoàn kết của người công giáo.

Tử huyệt gian dối

Những ai chịu dành chút thời giờ và thực tâm tìm hiểu vụ việc đều dễ dàng nhận ra bộ mặt tráo trở, nhem nhuốc, gian dối, nham hiểm và vô lương của giới truyền thông nhà nước và các quan chức ngành công an. Thư ngỏ của giám mục Vũ Huy Chương và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã chỉ ra một cách chừng mực nhưng rõ ràng tính lưu manh và lừa bịp của giới truyền thông nhà nước.

Đó thiết tưởng không phải là điều gì quá xa lạ với những ai là nạn nhân của một hệ thống phi nhân và tàn bạo. Điều lạ nằm ở chỗ giờ đây dường như giới cầm quyền không còn thiết che giấu bộ mặt thật của mình bằng vẻ ngoài nhân nghĩa. Bản chất của họ không thay đổi sau mấy chục năm, vẫn là những kẻ tâm địa gian manh, dám làm mọi chuyện để đạt mục đích. Có khác chăng là những bộ mặt đen đúa gầy còm xưa kia bây giờ nung núc những mỡ, và lạ lùng thay, vụ việc Thái Hà giống như một phép thử khiến cho nhiều bộ mặt nham nhở xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời để nhiều người có dịp quan sát tỏ tường những góc cạnh gồ ghề thô bỉ.

Suy cho cùng thì giới quan chức chính quyền có nói tới một thế lực thù địch cũng thật chí lí. Ánh sáng đối lập với bóng tối. Sự dối trá thù nghịch với chân lí. Cả một hệ thống vốn được xây dựng trên hận thù và dối trá, nhưng nhờ một thời cơ nào đó đã khoác vội vào mình tấm áo xộc xệch mang mầu ái quốc, nay lại có một đám người kiên quyết nói lên sự thật, sau lưng nhóm người này lại có một hệ thống truyền thông không chính thống và vô vàn vô số những kẻ sẵn sàng loan truyền sự thật không cần lương bổng. Thế lực đó rõ ràng là một thế lực mà những kẻ vốn sống dựa vào sự dối trá phải gọi tên là thế lực thù địch.

Mới hay dối trá là nền tảng, cũng là tử huyệt của một hệ thống phi nhân tàn bạo, từng là tai hoạ khủng khiếp cho nhân loại trong thế kỉ 20. Khi kẻ tỉ võ không còn thiết che giấu tử huyệt của mình, là lúc họ sẽ dễ dàng ra đòn lưỡng bại câu thương. Nhưng liệu sự thật có tiếp tục dễ dàng bị bức tử trong thế giới hôm nay?
 
Lại bắt quả tang: Báo CAND, Cơ quan Ngôn luận của Bộ Công An VN bịa tin tức
Đồng Nhân
13:05 16/09/2008
HÀ NỘI - Trong một bài báo của CAND mục Thời sự với tựa đề Giáo dân nói về những vi phạm ở giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) đăng ngày 15/09/2008. Trong đó có viết rằng: "Sau hàng loạt những vi phạm của một số người ở giáo xứ Thái Hà (Đống Đa - Hà Nội), nhiều giáo dân tỏ thái độ không đồng tình. Chúng tôi đã về Ninh Bình, ghi lại những ý kiến của một số giáo dân ở địa phận Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)".

Tiếp đến bài báo CAND phỏng vấn 3 ông: Ông Nguyễn Thế Hùng - giáo xứ Phát Vinh, Kim Sơn, Ninh Bình. Ông Vũ Kim Mỹ - giáo xứ Phát Vinh, Kim Sơn, Ninh Bình. Ông Nguyễn Văn Dục - Giáo xứ Tân Mỹ, Kim Sơn, Ninh Bình. Về trường hợp của Ông Vũ Kim Mỹ, bài báo viết như sau:

Ông Vũ Kim Mỹ - giáo xứ Phát Vinh, Kim Sơn, Ninh Bình: Ai vi phạm, người đó phải chịu trách nhiệm

Tôi luôn tâm niệm một điều "Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc". Là người Công giáo, chúng tôi không chỉ là con của Chúa mà đang là công dân của nước Việt Nam độc lập thống nhất. Do vậy mọi người Công giáo phải luôn tôn trọng pháp luật và thực hiện theo pháp luật.

Những ngày qua, một số giáo dân ở giáo xứ Thái Hà (quận Đống Đa - Hà Nội) phá tường rào vào khu đất của Công ty May Chiến Thắng gây náo loạn, thể hiện thái độ coi thường kỷ cương phép nước. Chúng ta đang sống trong một quốc gia độc lập, thống nhất có chủ quyền, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo chính đáng diễn ra bình thường.

Những ý nguyện, nhu cầu của giáo xứ Thái Hà phải được đề đạt các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo trình tự của pháp luật. Tôi tin rằng nếu nhu cầu chính đáng sẽ được chính quyền giải quyết. Hành xử của một số người ở giáo xứ Thái Hà là lợi dụng để gây rối trật tự công cộng, hành vi đó phải được xử lý nghiêm. Chúa không xui chúng ta làm việc đó mà chỉ có những kẻ mượn danh Chúa để thực hiện ý đồ xấu.


Chúng tôi đã nhờ người tìm đến nhà 3 ông này để tìm hiểu cho biết sự thật thế nào. Và sau đây chúng tôi chỉ đan cử bằng chứng những gì Ông Vũ Kim Mỹ xác nhận đã nói và những gì do báo CAND phịa ra thêm. Về trường hợp ông Ông Nguyễn Thế Hùng và Ông Nguyễn Văn Dục họ cũng cho biết báo CAND đã không đăng đúng những gì các ông đó phát biểu mà còn viết sai sự thực những gì họ nói.

Chúng ta nên nhớ rằng hầu hết các giáo xứ trong giáo phận Phát Diệm có số giáo dân đa phần là Công giáo. Các gia đình công giáo sống quây quần bên nhau trong các giáo xứ tại các thôn làng hầu như là toàn tòng Công giáo (chỉ trừ có ít nơi là lương giáo sống chung với nhau). Do vậy cả 3 hay 4 đời sinh ra và lớn lên họ đều biết nhau rất rành mạch. Vì thế trong một xứ đạo ai cũng biết nhau cả. Có truyện gì xẩy ra, hỏi cái là biết liền!

Nhớ lại trước đây, vào thời Việt Minh, vùng Phát Diệm là "vùng kháng chiến tự vệ". Khi Việt Minh cướp chính quyền không thể áp chế và thâu phục dân chúng Công giáo trong vùng này. Chính ông HCM đã đích thân tới xin Đức Cố giám mục Lê Hữu Từ xin hợp tác. Đức Cha Lê Hữu Từ thấy được mưu đồ bất chính khó tin của ông Hồ, nên đã không bằng lòng, và đã lập ra chiến khu tự trị. Người ta vẫn nói rằng: "Người Công giáo Phát diệm có thể là đôi lúc chống Cha chửi Cụ, dù ngay cả khi bỏ đạo theo cộng sản vì lý do này khác, nhưng không bao giờ dám 'bán Chúa' cho người vô thần đâu!".

Lời chứng viết tay và chữ ký của ông Vũ Kim Mỹ:



Sau đây là bản câu hỏi và những câu trả lời của Ông vũ Kim Mỹ:



Bài báo của Công An Nhân Dân:

 
Tưởng nhớ vị Mục tử Việt Nam
Hà-Minh Thảo
13:49 16/09/2008
TƯỞNG NHỚ VỊ MỤC TỬ VIỆT-NAM

Ngày 13.04.1967, Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trao sứ vụ Mục tử Giáo phận Nha Trang, thay thế Đức Cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, nhân lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, tại Nhà thờ Chính Tòa Huế, Cha đã được thụ phong Đức Cha trong Thánh lễ do Đức Cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ tế. Đức Cha mới đã chọn khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên của Hiến chế Mục vụ của Công Đồng Vatican II.

Thi hành sứ nhiệm Giám mục, Đức Cha đã viết những Thư luân lưu có giá trị vượt thời gian và không gian cho mọi người công giáo Việt-Nam.

Ngày 19.03.1968, Lễ kính Thánh Giuse, Cha đã khẩn thiết kêu gọi qua Thư luân lưu đầu tiên ‘Tỉnh Thức và Cầu Nguyện’:
- Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: ‘Là công dân của nước Trời, người công giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Bức thông cáo Hội Đồng Giám Mục trong dịp Tết dể nhắc anh chị em điều đó.’
- Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.

Để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận, Đức Cha đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững Mạnh Trong Đức Tin ? Tiến Lên Trong An Bình’, đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo. Đức Cha viết:

« … Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công giáo phải theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Đồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta.

Tôi đã kêu gọi anh em cầu nguyện, chính vì thiếu cầu nguyện mà Giáo sĩ, Tu sĩ, Giáo dân ngày nay gặp bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu khó khăn. Thiếu cầu nguyện ta không biết chính bản thân ta nữa, ta sống ta phản ứng theo tinh thần thế tục…’

Đức Cha nhắc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phaolô VI: về Đức Tin là vấn đề tiên quyết, vấn đề tối hệ, và chúng ta các Giám mục, chúng ta phải nhìn vấn đề này với tất cả mối quan hệ khẩn cấp của nó
. »

Đức Cha nhận định tiếp:

« … Chưa bao giờ Đức Tin gặp phải nguy hiểm như ngày nay. Hiểm nguy bên ngoài do vật chất, vô thần. Hiểm nguy bên trong do sự bất tuân phục Hội Thánh gây khủng hoảng trong nội bộ Dân Chúa.

Để anh chị em vững mạnh trong Đức Tin, đề phòng hai hiểm họa trên, tôi trình bày cho anh chị em hai điểm sau đây: Tin tưởng ở phẩm vị con người và Tin tưởng ở Hội Thánh
. »

Trong phần ‘Tiến Lên Trong An Bình’, Đức Cha xác định:

« Người Công giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công giáo:
- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.
- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.
- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.
- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.
- Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.
- Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.
- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia. Ừ

Phải chăng vì những giáo huấn vững chắc trong Đức Tin này, nên nhà nước tiếp thu Miền Nam Nước Việt ngày 30.04.1975 e ngại sự dũng cảm và lòng yêu nước của Đức Cha?

Do đó, trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Đức Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh cùng các người Công giáo yêu nước. Đối với nhà cầm quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Đức Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Đức Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha.

Cách đây 33 năm, vào ngày 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản TP Hồ Chí Minh bắt giam Đức Cha. Đức Cha đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 21.11.1988, Đức Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Đức Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Đức Tin, Mục vụ, Tu đức.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau:
« Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
ng Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ.
»

Năm 1989, Đức Cha được phép qua Roma chữa bệnh và được mời làm thành viên Ủy Ban Quốc Tế về Di Trú và Di Dân. Nhà Nước Việt-Nam đã không cho Đức Cha trở lại Quê Hương, sau khi các chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu lần lượt tan rả.

Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.

Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Đức Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Đức Giáo Hoàng cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng nhiều thứ tiếng.

Tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đức Cha đã ký Lời Tựa ban hành ‘Sưu Tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học Thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết.

Ngày 21.01.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.

Đức Hồng Y tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’.

Nhưng… Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Đức Hồng Y đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Đức Hồng Y qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: "Một vị Thánh vừa qua đời".

Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từ Castel Gandolfo trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Đức Cố Hồng Y. Vị Hồng Y quá cố đã được Giáo Triều và 172 phái đoàn ngọai giao cạnh Tòa Thánh tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.

Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời:

«Trong 13 năm ngục tù, Ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tữ đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa.

Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Con người Đức Hồng Y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Đức Tin, cho đến độ tử đạo. Đức Hồng Y nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi,. .. tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Bí quyết của Đức Hồng Y là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ được Đức Hồng Y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.

Trung thành cho tới chết, Ngài giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Ngài nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi hy lễ tối cao của Ngài tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.

Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Đức Hồng Y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Đức Hồng Y quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: ‘Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người’. Đây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Đức Hồng Y. »


và Đức Thánh Cha đã kết luận:

« Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Đấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen! »

Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Đức Hồng Y Phanxicô Xavie, đã chủ sự lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Đức Hồng Y Thuận tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng, đã chịu giam cầm 13 năm tại quê hương Người.

Tham gia sáng kiến mở án phong Chân Phước cho Đức Hồng Y, ngoài Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Đức Cố Hồng Y, cũng như cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Roma.

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mời bà Luật sư Silvia Monica Correale, người Ý, làm Thỉnh nguyện viên Án phong Chân phước cho Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói:

«Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã hoàn thành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người?

Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Ngài để quảng bá học thuyết xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục địa Á Châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.

Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy Vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn Giáo phận của Ngài;

Hy Vọng giúp đỡ Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xẩy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin về bệnh ung thư Ngài, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng Y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Đức Hồng Y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao.

Đức Hồng Y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiên tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc từ bỏ trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xấy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Người gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm
».

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

« Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em ».

Đức Hồng Y không những là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô hữu mà còn là một công dân yêu nồng nàn Tổ Quốc Việt-Nam. Người đã căn dặn chúng ta:

Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con…


Bên cạnh Thiên Chúa, xin Đức Hồng Y cầu bầu Ngài cho giáo sĩ cùng giáo dân Thái Hà những Ơn Thánh cần thiết và cho những người cầm quyền cộng sản biết tôn trọng Sự Thật và Công Lý.

Viết ngày 16.09.2008, sáu năm sau ngày Đức Hồng Y an nghỉ trong Đức Kitô.
 
Tôi qua Giáo Xứ Thái Hà
thtndc.org
14:01 16/09/2008


Xem bài báo trên trang báo này

Tôi qua Giáo Xứ Thái Hà

Mấy tuần qua tôi đã được nghe nhiều qua các kênh truyền hình nhà nước và qua lời bàn tán của người dân về việc đồng bào Thiên chúa giáo cầu nguyện tại khu đất thuộc Nhà thờ Thái Hà, Hà nội. Theo các thông tin của nhà nước thì lẽ phải rõ ràng thuộc về các cơ quan công quyền; giáo dân đã vi phạm pháp luật, đã tự tiện phá hoại tài sản, đập phá tường bao của Công ty cổ phần may Chiến thắng và đã gây mất trật tự an ninh của khu dân cư trong vùng... Ý kiến bình luận của người dân thì có khác. Người ta bảo: Nhà Nước mình "dân chủ quá", sao chính quyền không ra tay, bắt ngay những kẻ phạm pháp; điều tra, truy tố những kẻ chủ mưu gây rối loạn... Nhưng cũng có người tỏ ra hiểu biết hơn, lại thì thầm nhỏ to: Chính quyền... sai từ lâu rồi, sai ngay từ chính sách đến thực hiện. Ai đời, đất vốn thuộc quyền sử dụng của nhà thờ lại cho chuyển hết từ công ty này đến công ty khác, lại còn chia lô, cống rẻ cho các quan, lại còn định xây nhà cao tầng bán giá cao kiếm lời, thì người dân chịu sao nổi. Bới ra thì sẽ thấy khối việc làm sai nguyên tắc, khối vụ tham nhũng ở đây. Vì vậy "các ông ấy" cũng sợ, không dám mạnh tay. Mà dân, họ đã kêu, đã đòi đất từ bao nhiêu năm rồi, còn chính quyền thì cứ đánh bài lờ, giống như trăm ngàn vụ sai trái khác ở khắp nơi. Dân phải đấu tranh là đúng thôi!

Hôm nay tôi có dịp đi ngang qua khu vực nói trên, tiện thể ghé qua xem sự thể ra sao. Những điều mắt thấy, tai nghe tại đây làm tôi rất ngạc nhiên, suy nghĩ nhiều và quyết định viết bài này.

Hiện trường là một phố cụt, một bên là dãy phố, nhà cửa khang trang, một bên là bức tường cũ, thấp và dài đã được phá dỡ vài thước nên có lối đi từ lề đường lớn vào một bãi đất rộng còn để hoang phế. Hình như đây là khu đất "của" Công ty may Chiến thắng (?). Giữa bãi đất có lập một ban thờ lớn, dựa vào một cây to. Trên ban thờ là tượng Đức Bà; phía sau, trên cao là tượng chúa Giêsu chịu nạn trên cây thánh giá. Xung quanh được kết hoa lá, đèn nến lung linh. Hàng trăm giáo dân nam nữ, già trẻ trang phục chỉnh tề đứng hoặc ngồi trên ghế tựa trước ban thờ theo từng nhóm, đang lặng lẽ đọc kinh. Thỉnh thoảng lại nổi lên tiếng hát thánh ca nhè nhẹ của từng nhóm, nghe êm dịu như lời cầu nguyện, lời kêu gọi.

Tôi không phải là người có đạo, nhưng trước khung cảnh này không khỏi xúc động và đứng lặng yên, trân trọng. Tôi cũng mong Đấng tối cao chứng giám, ban ơn, phù hộ cho những người con vì mục đích chung mà từ rất xa đã lặn lội đến nơi đây đòi lại sự công bằng.

Phía ngoài bờ tường có dựng những tấm bảng lớn, ghim những văn bản và hình vẽ. Tôi cứ ngỡ các bảng này là của chính quyền địa phương, nhằm thông báo cưỡng chế, cảnh cáo dân chúng như thường thấy ở những khu vực đang có xây dựng. Tôi lại gần để xem thì thấy thật lạ, vì đó là hiện tượng chưa từng có: Đấy là Bảng tin của Phố Đức Bà do giáo dân dựng lên. Trên đó có ghim rất nhiều bản lưu đơn yêu cầu của họ gửi các cấp chính quyền từ năm 1996, có cả những giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu công trình, sử dụng đất đai từ hơn nửa thế kỷ nay (1940). Bên cạnh đó còn có tấm hình lớn vẽ Nhà thờ Thái Hà được thiết kế bề thế và được cấp phép xây dựng từ năm 1943, trên khu đất này.

Tôi hỏi chuyện một vài người đứng cạnh, được biết các anh và bạn bè, là người Ninh Bình. Được tin giáo Xứ Thái Hà có chuyện nên cùng nhau lên đây để cầu nguyện, dự lễ tạ ơn và cũng là dịp gập gỡ dân chúng và đồng đạo muôn phương. Nhiều người từ những vùng xa hơn như vùng núi phía bắc, các tỉnh phía nam cũng tới. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, họ cười thoải mái: Nhiều đồng bào ở xa thuê cả chuyến xe buýt đến đây, chúng tôi chỉ cách Hà Nội Vì Chúa, vì việc nghĩa, đâu có vất vả gì. dăm bảy chục cây số, lúc nào tiện thì báo nhau cùng đi bằng xe máy.

Họ bảo chúng tôi phá hoại, gây mất trật tự, trị an; ông thấy đấy, giáo dân vốn có lòng bác ái; bức tường rào cản đường thì chúng tôi rỡ bỏ chỉ là để có đường vào được khu đất của mình mà cầu nguyện thôi.

Thấy mấy Cha (bận áo choàng đen) đứng nói chuyện với đồng bào. Tôi bắt chuyện, hỏi:

- Thưa Cha, liệu chính quyền có sớm giải quyết vụ này không?

- Chúng tôi chỉ cầu nguyện. Chúa sẽ phán xét công minh. Về việc đời, chuyện này, bây giờ không còn thuộc Giáo Xứ Thái Hà nữa, mà là của đồng bào trong và ngoài nước, cả quốc tế. Dân biết thì họ đến, đâu có tổ chức gì.

Ông nhìn mà xem, ai đến đây cũng với lòng thành kính, hồ hởi, như làm được những việc thiện với đời, trước Chúa...

Tôi quay ra, phía bên kia đường thấy có nhiều công an đang đứng ngồi nói chuyện và quan sát đồng bào đến lễ, cầu nguyện. Tất nhiên họ nhìn giáo dân bằng ánh mắt soi mói, như nhìn tội phạm.

Tôi bỗng nảy ra câu hỏi: Trong số họ, kẻ nào đã tham gia đàn áp những giáo dân hiền lành này trong buổi tối đầy bạo lực bữa trước bằng dùi cui, hơi cay và giày đinh?

Và rồi tôi lại liên tưởng ngay đến lực lượng cảnh sát khét tiếng của Hit le, của các nước chuyên chế Đông Âu (Rumanie, Đông Đức, Liên Xô...) và những kết cục bi thảm của chúng.

Tôi ra về với lòng tin và niềm hy vọng của hàng ngàn người đến đây cầu nguyện trong mấy tuần qua là hãy làm với cả sức lực của mình. Điều lành rồi sẽ đến, cái ác ắt phải lui.

Và tôi đã cố gắng để viết mấy dòng này.

(Nguồn: 'thtndc.org')
 
Tâm tình của một bạn trẻ lần đầu tiên đến linh địa Thái Hà cầu nguyện
Xuân Hà
14:14 16/09/2008
LTS: Đây là một lá thư của một bạn trẻ đang sống tại Hà Nội khi đi đến linh địa Thái Hà lần đầu tiên và viết cảm xúc gửi đến một linh mục quen biết tại hải ngoại.

Hà Nội, Hôm nay con biết Cha bận lắm vì Cha đang tổ chức lễ và sinh hoạt cho cộng đoàn. Tối qua thứ sáu, 12/9/2008 con có tới linh địa Thái Hà vui lắm Cha ạ, không khí rất sôi động và người dự thánh lễ thì rất đông chật kín trong lẫn ngoài nhà thờ, vì vướng một số công việc nên con tới bị trễ. Vì đến lần đầu nên con không biết gửi xe ở đâu thế là con gửi xe ở bệnh viện Đống Đa, cách nhà thờ khoảng 100 mét con đã nghe tiếng Cha giảng (Cha giảng lễ chiều qua con không biết tên).

Có lẽ chiều qua dàn loa âm thanh của nhà thờ Thái Hà đã sử dụng hết công xuất vì Cha nói rất to và khoẻ, con bảo đảm công an phía ngoài nghe rõ 100%, trong bài giảng Cha nhấn mạnh một số nội dung chính:

"... Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta không làm chứng cho Chúa!
- Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta bóp méo sự thật!
- Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta tiếp tay với những người đang bóp méo sự thật ở Thái Hà!
- Việc đòi đất ở đây cá nhân mỗi chúng ta có ai được gì đâu, các linh mục, các giáo dân, những người đang bị chính quyền giam giữ trái phép, liệu sau này nhóm người cầm quyền đó nằm xuống có được thêm 1 tấc đất để chôn vùi nắm xương khô không?. .."


Cha giảng hay lắm và nói to, cả nhà thờ vỗ tay quá luôn, sau lễ ra Linh địa cầu nguyện con có hỏi chuyện với 1 Sơ dòng Thánh Phaolô mà con đã quen: "Thưa Sơ hôm nay Cha nào giảng lễ vậy?" Sơ nói "Sơ cũng không biết nữa vì cả tuần nay các Cha về đông quá", rồi Sơ nói tiếp: "Có lẽ hôm nay Cha này bức xúc quá lên ngài mới giảng mạnh mẽ thế, chứ mọi ngày các Cha cũng không giảng thế đâu!".

Cha biết không, trong bài giảng Cha liên tục dùng câu "Khốn cho chúng ta", ai cũng ngầm hiểu rằng Cha muốn giảng cho cả công an nghe thấy. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, lần đầu tiên con tới linh địa Thái Hà mới thấy không khí hành hương ở đó Cha ạ. Đức tin của giáo dân mạnh mẽ quá! Con cảm nghiệm họ có thể sẵn sằng hi sinh mạng sống của mình.

Một điều con thấy giáo dân rất đề cao cảnh giác. Cha biết tướng con đen đủi, tóc cao cộng thêm mới đến đây lần đầu có thể ngơ ngác không quen. Điều này làm cho các phó nhòm của giáo xứ chiếu cố đến con, một người của giáo xứ đến chụp hình con đến mấy lần đó. Họ nghĩ con là công an chìm lắm đó cha à. Đến lúc rước lễ con trang nghiêm đi lên lãnh nhận mình thánh thì sau đấy họ mới đỡ để ý tới con.

Sau lễ con theo đoàn giáo dân tiến ra phố Đức Bà, nơi đó con thấy 4 bàn thờ chính. Khi ra gần đến nơi thì tự nhiên đèn điện tắt hết (do công an chủ ý làm điều này), nơi đó tối đen và con chỉ thấy có 2 hoặc 3 đèn pin loe loét cho hàng ngàn đôi chân tìm lối đi. Có lẽ mọi người đã quen với sự khủng bố hèn nhát như thế và họ vẫn cất tiếng hát cầu nguyện an bình.

Sau đó, khi trở về nhà lúc nào con cũng nghĩ về Thái Hà và hôm sau, thứ bảy 13/9 con lại sắp xếp công việc để đến đó lần thứ hai vào buổi chiều. Lần này con mua vài cái đèn pin nạp điện (dùng được 6 tiếng đồng hồ) mang vào phòng áo tặng cho giáo xứ để mỗi khi ra phố Đức Bà cầu nguyện có ánh sáng mang theo phòng khi tắt điện.

Con vui mừng chia sẻ với Cha những điều cảm nghiệm về linh địa Thái Hà. Kính chúc Cha luôn mạnh khoẻ và tổ chức Thánh lễ và tiệc liên hoan chiều nay cho cộng đoàn tốt đẹp.

(Ngày 13/9/2008)
 
Dòng Chúa Cứu Thế ở Mỹ Tho hiệp thông với giáo xứ Thái Hà
DCCT Mỹ Tho
14:26 16/09/2008
 
Giáo xứ Hoằng Phước- Đà Nẵng hiệp thông với Thái Hà
LM Philip Maria Lê Văn Vui CSsR
14:36 16/09/2008
Đà Nẵng 15.9.2008

Kính thưa Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể anh em trong Dòng.

Mặc dầu hay bị cúp điện và khó vào Internet, nhưng hơn 3 tuần nay, con vẫn theo dõi tin tức của Cộng đoàn Hà Nội - Gx Thái Hà. Con và giáo dân Hoằng Phước cùng hợp ý cầu nguyện cho bà con giáo dân Giáo xứ Thái Hà, cách riêng Cộng Đoàn Hà Nội luôn kiên vững trong đức tin và bền tâm trong việc đòi lẽ công bằng, sự thật - đấu tranh cho công lý và hòa bình.

Thật tội nghiệp cho bà con giáo dân chúng con ở vùng quê, thiếu phương tiện truyền thông, chỉ xem và nghe thông tin một chiều sai lạc, trên tivi và đài phát thanh của nhà nước. Nhiều bà con giáo dân bối rối chạy đến hỏi con: “Cha có coi tivi không? Cha, Thầy và giáo dân Thái Hà làm gì mà kỳ vậy để họ quay lên tivi...?” có người thì nói: “chắc phải có chuyện chi nữa các Cha và giáo dân mới làm như vậy...? Sự thật là sao hả Cha....?”

Chúa ơi! Thông tin dối trá một chiều của nhà nước độc hại quá... Con đã giải thích cho bà con sự thật về vụ việc Thái Hà - đọc Thư Cha Giám Tỉnh, mời gọi giáo dân làm việc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và đọc Kinh cầu nguyện cho Cộng Đoàn Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo dân Gx Thái Hà.

Nhờ anh thanh niên ở Trung Tâm Mục Vụ hướng dẫn cách tải những video clip, con đã cho một số giáo dân Hoằng Phước của con thấy: cảnh giáo dân Thái Hà bị đàn áp bằng dù cui điện, bị đánh xịt máu mũi, tét đầu, bị quăng lên xe như súc vật - cảnh bà con tố giác đài truyền hình Hà Nội, tố giác những kẻ giả giáo dân để làm chứng gian theo sự đạo diễn của đài truyền hình - cảnh quý Đức Giám mục, quý Cha, quý Thầy, giáo dân Thái Hà và bà con giáo dân khắp nơi đang say sưa cầu nguyện tại Linh Địa Mẹ... Con cũng làm bảng thông tin “Các sự việc diễn ra ở Giáo xứ Thái Hà” để giáo dân theo dõi.

Thấy những cảnh anh chị em Thái Hà bị đàn áp, ai cũng đau xót. Nhiều người thốt lên: “sự thật là rứa mà chúng con không biết, trên tivi và trên đài người ta nói khác,... sao người ta gian ác quá vậy, tội nghiệp cho giáo dân Thái Hà...”

Tạ ơn Chúa! Được có nhiều thông tin, càng hiểu biết, bà con càng cảm thông, mến phục anh chị em giáo dân Miền Bắc và càng sốt sắng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Lúc 19 giờ Đêm Trung Thu (14.9.2008), cùng với người lớn, hơn 300 em Thiếu nhi và Thanh Thiếu niên Gx Hoằng Phước chúng con đã tham dự giờ đốt nến cầu nguyện cho Cộng đoàn DCCT Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà, cách riêng cho các bạn Thiếu nhi Gx Thái Hà, những bạn bị xịt hơn cay...

Mọi người cầu nguyện rất sốt sắng. Sau giờ cầu nguyện, các em vui Trung Thu: múa lân, ca hát, phá cỗ mãi cho đến 22g30 mới kết thúc.

Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một đêm Trung Thu an lành, đầy ý nghĩa và vui vẻ. Nguyện xin Chúa cho Thiếu nhi Hoằng Phước và thiếu nhi Thái Hà luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện.

Kính thưa Cha Giám Tỉnh, quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể anh em trong Dòng, Cộng đoàn DCCT Đà Nẵng - Giáo xứ Hoằng Phước chúng con xin được Hiệp Thông với Cộng đoàn DCCT Hà Nội - Gx Thái Hà và toàn Tỉnh Dòng trong lời cầu nguyện.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp ban cho tất cả chúng ta luôn hiệp nhất, khôn ngoan, cam đảm và an lành hồn xác.

Ngợi khen Chúa Giêsu và Mẹ Maria

Cộng Đoàn DCCT Đà Nẵng
 
Linh mục từ Phát Diệm đến đồng tế cùng với 26 linh mục trong thánh lễ ở Thái Hà
Xuân Văn
14:49 16/09/2008
THÁI HÀ - Mới 6h15 sáng, hơn một chục xe ôtô nối đuôi nhau tiến vào sân đền thánh Giêrađô Thái Hà. Vừa khi ấy đoàn rước chừng 700 người, từ nhà thờ tiến ra linh địa cầu nguyện sau thánh lễ sáng. Các nhân viên an ninh và cảnh sát cơ động vẫn còn ngồi gà gật ở hai đầu đường dẫn vào linh địa.

Xem hình ảnh sinh hoạt tại Thái hà hôm nay

Đến 8h sáng, hàng chục xe ôtô lớn nhỏ lại tiếp tục tiến vào sân nhà thờ. Tổng cộng số lượng xe ôtô đậu quanh khu vực nhà thờ Thái Hà đã là 37 xe. Lượng người đang cầu nguyện tại linh địa lúc này lên tới cả ngàn. Chúng tôi dò hỏi một số anh công an trẻ về những hàng rào song sắt mới được mang đến hôm qua, thì được biết, chính quyền dùng những thứ ấy để ngăn chặn những người bán hàng rong, không cho vào khu vực linh địa bán bánh trái, nước nôi!

Mấy bà cụ, vốn đã bám trụ ở linh địa cả hơn 9 tháng trời, chia nhau ra đi lượm rác. Một bác bảo vệ thấy thế, chạy ra hoạnh họe một trong số các bà:

- Sao bà lại nhặt rác ở đây? Giấy tờ đâu, đưa đây cho tôi kiểm tra.

- Anh là cái thá gì mà đòi kiểm tra giấy tờ của tôi! Tôi nói cho nhà anh biết nhá: ngay cả công an khu vực đến đây quấy rầy tôi mấy ngày nay, tôi còn chưa thèm tố cáo đấy! Còn cả cái bản thân anh nữa, liệu mà sống cho có nhân, có đức, không thì thì… Bà cụ nói một thôi một hồi.

Hình như các đồng chí làm nhiệm vụ tại linh địa hôm nay được chỉ thị phải kiểm tra, xem xét những khách hành hương đến cầu nguyện thì phải. Cái bác bảo vệ vừa hoạnh họe bà cụ nhặt rác lúc nãy, bây giờ đi cùng với mấy chú công an ra chỗ tượng đài Đức Mẹ Mân Côi để “hỏi tội” nhóm người đang cầu nguyện tại đó. Họ gọi một ông cụ chừng trên 80 tuổi ra để tra vấn:

- Mời cụ đi ra ngoài kia, không được quanh quẩn ở đây nữa. Cụ đã già rồi, sao mà còn mò đến đây làm gì?

- Ông cụ gay gắt trả lời: “Tao mò đến đấy để xem lũ mày làm bậy đến mức nào. Tao cũng đến đây để cầu nguyện cho những người oan khuất đấy, các con ạ!”

- Á chà, cái lão này ghê nhỉ. Giấy tờ đâu, đưa đây cho chúng tôi kiểm tra?

- Chúng mày muốn kiểm tra giấy tờ ông à. Đây đây… Rồi ông sẽ nói chuyện này cho bàn dân thiên hạ được biết – Ông cụ lấy từ trong túi ra mấy tấm huy chương, huân chương gì đấy.

Thấy vậy, bác bảo vệ và mấy chú công an chẳng nói năng gì nữa, tìm cách lỉnh về chốt cắm.

Buổi chiều, lượng người cầu nguyện ở linh địa ít hơn buổi sáng. Các đoàn hành hương từ các tỉnh xa đã bắt đầu rục rịch ra về. Một thánh lễ thứ ba trong ngày được tổ chức để đáp ứng nhu cầu cho những khách hành hương sáng nay đến muộn. Cuối thánh lễ, trước khi lên xe ra về, các đoàn hành hương lại trở ra linh địa viếng Đức Mẹ lần nữa.

Buổi tối thời tiết dịu mát hẳn. 27 linh mục dâng lễ đồng tế, trong đó có một cha xứ thuộc Giáo phận Phát Diệm và đoàn giáo dân Giáo phận Phát Diệm đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Thái Hà. Cả hơn nghìn người cùng với các linh mục lại tiến ra linh địa cầu nguyện sau thánh lễ tối. Đầu đoàn rước đã ra tới linh địa nhưng cuối đoàn rước vẫn còn ở trong đền thánh Giêrađô. Họ vừa đi vừa hát “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…” Trên tay họ, những ngọn nến sáng lung linh, huyền ảo. Các anh cảnh sát cơ động mới được huy động về đây hinh như chưa quen với những buổi cầu nguyện như thế này, nên mặt anh nào anh nấy xem ra căng thẳng, lo âu.
 
Lại chuyện Truyền thông bịp bợm
J.B Nguyễn Hữu Vinh
17:44 16/09/2008
HÀ NỘI - Thời gian qua, trên truyền hình, các báo đài nhà nước vụ việc Thái Hà được nhắc đến rất nhiều với những lời kết tội nặng nề. Nhiều chi tiết được đưa lên với lối đảo ngược sự thật. Một số bài viết đã có dịp đề cập đến sự thiếu đạo đức của các tờ báo, đài truyền hình nói riêng và lối truyền thông phi nhân tính này hiện nay nói chung.

Một số bài viết đã có vài dịp vạch mặt những cách làm báo bịp bợm bất lương trong các bài viết, các màn ý kiến, và các nhân chứng dởm liên quan đến vụ Thái Hà.

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến màn tin tức đã chiếu hình ảnh quyết định số 76 của Sở quản lý Nhà đất Hà Nội ký ngày 31/1/1961 trên Truyền hình Việt Nam, để chứng minh lời nói rằng đây là giấy tờ “linh mục Bích” bàn giao nhà đất cho TP Hà Nội cách đây 50 năm” mà giờ đây TP Hà Nội đang dở cười dở mếu với màn hại chủ này.

Vụ Đài TH đã bố trí “giáo gian” thay cho giáo dân, ông lão cái bang đóng vai giáo dân để biểu diễn màn phỏng vấn trên TH… đã bị giáo dân vạch mặt tại chỗ. Vụ phỏng vấn cán bộ Công an tại địa phận Hưng Hóa đóng vai giáo dân, cùng với vụ phỏng vấn của Đài TH tại giáo xứ Nam Dư đã được nhắc lại trong thông báo của Tòa TGM Hà Nội gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa.

Một số tờ báo khác đã đưa tin vu cáo chuyện linh mục kích động, trong khi rõ ràng là giáo dân đã bị xịt hơi cay trong đêm cầu nguyện 31/8/2008 tại Thái Hà. Họ đã dùng hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Khải khi vẫy tay và dùng loa đề nghị giáo dân ngồi xuống, đề phòng sự gây rối của một toán thanh niên mang áo xanh tình nguyện với dòng chữ “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” được cấp tốc điều đến hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” sau màn xịt hơi cay vào giáo dân và mọi người đang đề nghị lập biên bản. Họ dùng hình ảnh đó không có tiếng nói để nói rằng “các linh mục đã dùng loa pin và dựng chuyện kích động giáo dân dựng nên chuyện xịt hơi cay” .

Dù tờ báo này, và các trang báo khác đã lấp liếm chuyện này bằng nhiều chi tiết biến đổi trắng thành đen để lừa bịp nhân dân, lừa bịp bạn đọc. Điển hình như bài viết trên trang điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) mà chúng tôi đã có dịp đề cập khi phóng viên Đình Hiếu đã trổ tài bịp bợm của nghề báo chí đồ tể đêm giáo dân bị xịt hơi cay.

Những tác giả và những trang báo này, đã ngang nhiên biến đổi các nạn nhân thành các thủ phạm trên mặt báo của mình rằng: “Không có vụ xịt hơi cay nào” và đây là màn bịa đặt của các linh mục? Nhưng chính một cán bộ công an có mặt tại chỗ đã xác nhận việc hơi cay là có thật. Vậy rồi khi hình ảnh và video của kẻ xịt hơi cay được đưa lên trước thanh thiên bạch nhật, thì họ lại cấm khẩu, không một lời giải thích hoặc xin lỗi người đọc, chưa nói là nạn nhân.

Trên tờ báo Công an Nhân dân màn phỏng vấn các nhân chứng là giáo dân ở Phát Diệm, đã được bóc trần qua bài viết của Đồng Nhân: “Lại bắt quả tang: Báo CAND, Cơ quan Ngôn luận của Bộ Công An VN bịa tin tức” .

Trên tờ Hà Nội mới, tờ báo được coi là anh lính xung kích hàng đầu trên mặt trận vu cáo Thái Hà. Chúng tôi đã có vài dịp lật tẩy màn ý kiến phản đối của “giáo dân Nguyễn Đức Thắng ở xứ Thạch Bích” nhưng xứ Thạch Bích hiện nay không có một giáo dân nào có tên đó, trừ một người đã chết cách đây mấy năm theo lời khẳng định của linh mục Chính xứ Nguyễn Khắc Quế.

Cũng tờ báo này, ngày 20/8/2008, có ý kiến của “Giáo dân Nguyễn Quốc Cường (giáo xứ Đại Ơn, Chương Mỹ) nói rằng “đó là những hành vi không tôn trọng giáo lý” . Nhưng Ban hành giáo Giáo xứ Đại Ơn, sau khi đã kiểm tra kỹ các xóm, hoàn toàn không có giáo dân nào là Nguyễn Quốc Cường!

Với tờ Hà Nội mới, có thể còn nhiều ví dụ hay hơn, nhưng chúng tôi chưa có thời gian để hầu chuyện bạn đọc để có cái nhìn đúng bản chất của tờ báo này. Chỉ từng đó thôi, người ta sẽ kết luận tờ báo này ra sao với câu “Một sự bất tín, vạn sự bất tin” ?

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)
ngày 29/08/2008, có bài: “Hành động của giáo xứ Thái Hà gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người Công giáo” với lời dẫn: “Chức sắc tôn giáo, giáo dân TPHCM. Lâm Đồng, Đắc Nông phản đối hành vi vi phạm pháp luật của giáo xứ Thái Hà” . Trong đó viết “linh mục Nguyễn Văn Khánh ở giáo xứ Gia Nghĩa, cho rằng: ở thời điểm lịch sử của đất nước, thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải đóng góp một phần công sức vì sự nghiệp chung. Hiện nay, nhà nước đã có chính sách rõ ràng về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu chính đáng của người có đạo… Giờ chúng tôi xây dựng nhà thờ mới trên đồi Đức Mẹ (đồi Đắk Nut), tuy từng có những lấn cấn nhưng đều được địa phương giải quyết thoả đáng, hợp lòng giáo dân.” Cùng với nhiều lời ca ngợi chính sách tuyệt vời của Đảng và nhà nước đối với giáo xứ Gia Nghĩa.

Trở lại với Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Cuối bài báo nói về vụ việc ở Giáo xứ Thái Hà như sau: “Trong khi đó, việc làm của linh mục Vũ Khởi Phụng, chính xứ Thái Hà, Ban Hành giáo và một số giáo dân ở đây thời gian qua đã không tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như của UBND thành phố Hà Nội. Họ đã hành động theo ý đồ và kế hoạch định trước, né tránh từ chối tiếp xúc với chính quyền, kích động giáo dân vi phạm pháp luật và gây mất trật tự, an ninh xã hội. Hành động đó chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị và tiếp tục bị xã hội kịch liệt lên án” .

Để biết được sự thật, Chúng tôi đã kiểm tra thông tin này, và linh mục Nguyễn Văn Khánh, giáo xứ Gia Nghĩa đã cho biết như sau, xin trích: “ Về vụ việc Thái Hà, tôi đâu có ý kiến phản đối gì việc đó, bởi tôi đâu có biết hoàn cảnh ngoài đó. Tôi chỉ biết sơ sơ việc giáo dân tranh đấu để lấy lại đất cho Nhà thờ thôi. Ngay cả giáo xứ ở đây, nhà nước thu hồi đất, trưng dụng mà có đền bù gì đâu. Giáo xứ phải mua đất mới đấy chứ. Ngay Giáo xứ Gia Nghĩa đây, chúng tôi đâu có bằng lòng về chuyện giải quyết đất của Nhà thờ đâu, họ đăng ở tờ báo nào mà tôi không được biết” .

Nghe lời thanh minh của LM Nguyễn văn Khánh ở xứ Gia Nghĩa, Buôn Mê Thuột

Vậy là đã rõ. Hèn chi, các phóng viên Truyền hình, báo chí nhà nước mình không đi phỏng vấn mấy ông giáo dân ngay tại Thái Hà (Giáo dân thì không, còn giáo gian thì đã có) hoặc mấy xứ họ lân cận biết tình hình Thái Hà, mà lại chạy tít lên Buôn Ma Thuột, Lao Cai, Lâm Đồng để phỏng vấn.

Chắc họ nghĩ rằng ở những nơi xa xôi đó, đài báo nhà nước nói gì thì họ chỉ biết như vậy thôi nên thông tin đó dễ khai thác theo ý họ muốn. Mặt khác, khi báo chí có đăng lên, thì ở miền xa xôi sơn cước khó khăn đó, mấy ai có internet và điện thoại để có thể kiểm tra thông tin. Hoặc có biết, cũng làm sao mà nói lên được sự thật khi bị họ xào xáo, bóp méo theo ý họ?

Thật đúng là cách làm báo tuyệt vời, cách đưa tin quá “trung thực” của báo chí nhà nước.

Điều đó nói lên rằng: người ta đã phải bằng mọi cách vất vả kể cả xảo trá, gian dối và bịa đặt để đạt được mục đích của mình chỉ vì họ không có chính nghĩa và sự thật trong họ.

Vì thế, càng tiếp xúc những thông tin gian trá đó, người dân Thái Hà càng tin hơn vào chính nghĩa của mình.

Ở đây, khi những việc này bị lộ sáng, chỉ cho những người đã trót tin vào đài báo nhà nước có một bài học, hãy biết tránh xa những mưu ma chước quỷ của những người không có trái tim, hoặc có trái tim nhưng không mang trái tim người.

Với những cách truyền thông như vậy mà không hề hấn gì trong một nhà nước kêu gọi là pháp quyền đã để lại cho mỗi người chúng ta một câu hỏi: Đến bao giờ thì những sự dối trá một cách hèn mạt kia không còn chỗ trú ngụ và không được chấp nhận là một sự bình thường như hiện nay. Đến bao giờ trên đất nước chúng ta không bị ru ngủ bởi những ngôn từ lừa phỉnh, dối trá mà đi lên bằng đôi chân của mình dưới ánh sáng của chân lý, công lý và sự thật?

Hà Nội, Ngày 17 tháng 9 năm 2008
 
Cơn Bão Thái Hà.
Bảo Sơn
21:20 16/09/2008
Cơn Bão Thái Hà

Hoa Kỳ vừa chớm Thu thì nhiều cơn bão đã ập đến. Ít nhất là ba cơn bão cấp cao trong những ngày này.

Cơn bão thứ nhất là cơn bão tài chánh và thị truờng nhà đất. Cơn bão này đến từ hơn một năm nay, nó di chuyển chậm như con khủng long và sức tàn phá của nó thật mãnh liệt. Hôm nay, Thứ Hai – 09/15/2008 - nó thổi bay nhà băng Lehman vào khu vực phá sản chapter 11 và cuốn dồn Meryll Lynch sang với Bank of America. Nó cũng đang lôi nhiều căn nhà là tổ ấm của các gia đình người dân ra khỏi tay họ một cách không thương tiếc. Cơn bão này thật quái ác nên tôi không nhắc đến nó.

Cơn bão thứ hai là cơn bão chính trị đang vần vũ ở vùng Đông Bắc Mỹ, nơi có những tiểu bang có tính cách quyết định cho ngôi vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ như bang Ohio và Iowa… Nó đang dành giật từng lá phiếu trên những cành cây Trung Lập, nhất là từ ngày mỹ nhân Sarah Palin nhập cuộc. Gọi là bão cũng không sai vì tư ngày bà thống đốc này xuất hiện đã có đến 8000 bài báo bàn luận, và tên của bà chiếm đến hơn 60% trong khi nghị sĩ Joe Biden chỉ không đến 5%. Cơn bão này xem ra có rất nhiều kỳ thú, nhưng tôi cũng không bàn đến nó.

Cơn bão thứ ba là cơn bão Ike, vừa đánh vào tiểu bang Texas ngày hôm qua. Chỉ một ngày thôi, Ike đã làm Hoa Kỳ thiệt hại gần 10 tỷ đô-la. Nó tràn nước vào nhà cửa đường xá, cơ sở thương mại, đập tan tầu bè, cuốn phăng đi cây cối và bao nhieu công trình xây dựng. Trong số những nạn nhân, có bạn bè, anh em của tôi ở thành phố Houston. Cứ nhìn những hình ảnh trên truyền hình thì biết sức mạnh của nó khủng khiếp như thế nào, nhưng tôi cũng không viết về nó.

Với những người Công Giáo Việt Nam sống ở Hoa Kỳ thì còn cơn bão thứ bốn là cơn bão Thái Hà, ở Hà Nội, nước Việt mến yêu. Gọi là cơn bão có quá đáng không? Có thể, nhưng cũng không sai lắm vì hơn một tháng nay, ngày não cũng có cả mấy ngàn người kéo về giáo xứ này để cầu nguyện đòi hỏi công lý. Những người giáo dân thấp cổ bé miệng bước ra khỏi nhà, đứng lên, quì gối, ngồi xụp để xin chính quyền cộng sản trả lại cho họ mảnh đất thuộc về giáo xứ, thuộc về nhà dòng, thuộc về tôn giáo của họ từ bao đời nay.

So sánh cơn bão Thái Hà với những cơn bão ở trên, ta thấy gì?

1) Nó hơi giống cơn bão tài chánh vì có liên quan đến của cải, nhà cửa, và đất đai. Nhưng nó lại vượt lên trên của cải vật chất. Sáu mươi ngàn mét vuông đất ở Hà Nội có bán rẻ cũng phải cả trăm triệu đô-la. Một số tiền quá lớn, nhưng những người cầu nguyện không dừng lại ở vật chất mà họ mà còn vươn cao hơn nữa là đòi hỏi cho công ích, cho sự công bằng, và cho chân lý. Hình như Pascal đã viết: gom tất cả vật chất lại cũng không làm nấy sinh được một giá trị tinh thần. Và gom tất cả giá trị tinh thần lại cũng không tạo nên được một điều thiêng liêng cao quí.

2) Cơn bão ở xứ Thái Hà không giống cơn bão chính trị đang diễn ra ở Hoa Kỳ vì ở Thái Hà đây người ta không vận động đấu tranh cho một đảng phái, cho một lãnh tụ, cho một chế độ, nhưng là cho lợi ích chung, không chỉ của Thái Hà mà có thể của nhiều nơi khác nữa mà Thái Hà chỉ là bước đầu. Họ không ồn ào lớn tiếng, giơ tay giơ chân, hò hét, la lổi, khích động quần chúng như trong các đại hội đảng Công Hòa hoặc Dân Chủ ở Hoa Kỳ mà chỉ có những bài thánh ca, những lời nguyện, những thánh lễ. Họ cũng không đấu tranh cho quyền lợi, bổng lộc của riêng cá nhân một người. Bà trùm A, ông chánh B, chị quản C có được chia phần gì đâu một khi miếng đất được trao trả. Tất cả họ đến đây là vì sự công bằng và chân lý mà thôi.

Nhưng cơn bão Thái Hà lại có phần giống cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ vì

1) Cả hai đều là những cuộc vận động ôn hòa, những cuộc đấu tranh hợp lý, trong vòng luật pháp của những người có lý trí.

2) Nếu ông Barrack Obama có khẩu hiệu ‘Together, We Change’, và nếu ông Mc Cain dương khẩu hiệu ‘Country First’, thì giáo dân Thái Hà đang giơ cao lý tưởng ‘Justice First’.

Ôi những hình ảnh đẹp biết bao của hai quê hương của tôi.

3) So với cơn bão Ike thì Ike là một thiên tai, còn Thái Hà là một nhân ý.

Là thiên tai nên Ike gây ra những chết chóc, đổ vỡ, thiệt hại, những phiền toái, đáng ngại và đáng sợ. Còn Thái Hà thì không. Như một cơn bão, Thái Hà cũng muốn cuốn phăng đi những gì cản trở trên đường di chuyển của nó, những cản trở ấy ở đây là những bất công, những tham nhũng, những gian dối, những âm mưu đen tối, những toan tính ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những oan ức bị dồn nén, những lạm dụng mất dậy… để rồi từ đó xây dựng công bằng, lợi ích cho đoàn thể, cho xã hội…

Sức mạnh của Trời Đất thì vô cùng, và của con người thì quá giới hạn. Con người có thể be bờ chống lụt, vét lòng sông để tránh úng thủy, nhưng trước những cơn bão cấp ba, cấp bốn như Ike hoặc Katrina thì những con đê ngăn nước bằng bê tông cốt sắt có lớn mấy cũng chỉ là món đồ chơi. Con người làm được gì hay hoàn toàn bó tay khi đông đất xảy đến?

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm chống lụt, nhưng không có kinh nghiệm chống bão, nhất là nhưng cơn bão thiêng liêng như cơn bão công lý ở Thái Hà hôm nay. Cho nên họ đã vướng nhiều sai lầm:

Sai lầm thứ nhất là dùng truyền thông để đàn áp giáo dân, xuyên tạc sự thật. Từ lâu người dân không còn tin nhà nước nữa nên truyền thông có tác dụng ngược, làm cho giáo dân càng thêm phẫn uất.

Sai lầm thứ hai là dùng võ lực đàn áp, dùng dùi cui điện và xịt hơi cay. Hiện nay các nạn nhân đều có giấy chứng thương của các bác sĩ. Đây là một sai lầm lớn vì đã đối xử với dân như với kẻ thù. Trước bạo lực, người giáo dân không còn sợ hãi nữa mà còn kéo đến đông hơn.

Sai lầm lớn nhất là: cả hai miếng đất Tòa Khâm Sứ và Thái Hà từ 50 năm nay không làm điều gì có lợi chung. Nếu làm bệnh viện hoặc trường học thì giáo dân không có ý kiến, nhưng lại làm tụ điểm ăn chơi, sàn nhảy, nhất là lại chia lô để bán. Tất cả lợi nhuận đều cho cá nhân.

Thế mà bây giờ nhà nước lại đứng ra bảo vệ cho các cá nhân tham nhũng (phòng chống tham nhũng là đề phòng kẻ chống tham nhũng nên chẳng bao giờ hết tham nhũng được), trấn áp nhân dân là những người có quyền sở hữu thực sự. Đó là bất công lớn nhất làm giáo dân thực sự mất tin tưởng và phẫn nộ. Vì những miếng đất này không làm gì lợi ích cho đất nước, chỉ làm cho tham nhũng hoành hành. Cho nên trả lại cho Giáo Hội để phục vụ lợi ích chung của giáo dân là tốt hơn cả.

Đã có quá nhiều bài viết về cơn bão Thái Hà. Đã có qúa nhiều hình ảnh về giáo xứ này trong những ngày qua. Hai hình ảnh gây ấn tượng trong tôi là:

Các Đức Giám Mục,Linh Mục, Tu Sĩ tỏ ra an bình, thư thái.
Hình ảnh đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt khi Ngài đến thăm khu đất thuộc giáo xứ Thái Hà. Có cha mẹ nào không buồn phiền khi thấy con cái đang gặp sự khó khăn, bị đánh đập, và bị giam cầm. Có cha mẹ nào không lo sợ khi thấy con cái bị đe dọa, bị trấn áp khi không có trong tay một tấc sắt, một thanh gỗ, hay một hòn đất để tự vệ. Có cha mẹ nào không ái ngại khi biết mình có thể bị hiểm nguy vì những ‘người phía bên kia’, không ưa mình đang chìm nổi khắp nơi… Nhưng khuôn mặt Ngài, của các Đức Giám Mục, các Linh Muc, và các Tu Sĩ… vẫn tỏa ra sự an bình thư thái. Tại sao vậy? Tại vì các Ngài có chân lý.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh tỏ ra trầm tư lo lắng.
Trong khi đó thì Thiếu Tướng Nguyễn Đức Nhanh, trưởng công an thành phố Hà Nội thì lại tỏ ra trầm tư, lo lắng, bối rối khi xuất hiện ở khu đất này, khi chung quanh ông đầy những quân lính với đầy đủ vũ khí sắn sàng để bảo vệ ông. Tôi nghĩ ông không sợ nhưng người đứng quanh ông vì họ là những vị lãnh đạo tinh thần, là những giáo dân tốt lành, họ không thể ám hại ông được, nhưng có lẽ ông sợ một người vô hình đó là lương tâm, và có lẽ ông lo một điều là không thể giải quyết vần đề một cách công bằng và ngay thật cho những người có quyền hành trong tay mà không có chân lý trong tim.

Khắp nơi, người ta thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà, cho các tu sĩ dong Chúa Cứu Thế ở xứ đạo này, cho các Đức Giám Mục khắp Miền Bắc đã và đang hướng về xứ đạo này. Riêng tôi, tôi cầu nguyện cho thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, và cho những người công an sắc phục đang cầm dùi cùi điện trong tay.

Biết đâu họ cũng là nạn nhân của một chủ nghĩa. Họ cũng muốn đánh chính họ để lương tâm của họ được thoải mái mà không đánh được đấy thôi.
 
New Hampshire: Buổi Thắp Nến Hiệp Thông cùng Giáo Dân Thái Hà
Giuse Cao Trí Thức
22:55 16/09/2008
NEW HAMPSHIRE, Hoa Kỳ - Chiều Chúa Nhật ngày 14 tháng 9, tại thành phố Manchester tiểu bang New Hampshire, một nghi thức Hiệp Thông thắp nến đã được tổ chức tại nhà thờ St.Augustine đã thể hiện sự hiệp thông cùng Giáo Hội Công Giáo tại quê nhà và toàn thể Giáo Dân Thái Hà. Qua nghi thức thắp nến và cầu nguyện trong tinh thần Liên Tôn, Linh Mục Giuse Nguyễn Xuân Thiện, Đại Đức Thích Hải Thông Trụ Trì Chùa Phước Điền, Ban Quản Trị Chùa Phước Điền cùng Ban Chấp Hành Cộng Đồng Tiểu Bang New Hampshire

Hình ảnh của tinh thần đoàn kết Liên Tôn
Trong tinh thần Hiệp Thông hướng về đất mẹ, với phần giới thiệu các Tôn Giáo, hội đoàn tham dự, cũng như mục đích đêm thắp nến của Chủ Tịch Cộng Đoàn Công Giáo Manchester, sau đó là phần cầu nguyện Hiệp Thông của Linh Mục Quản Nhiệm, Đại Đức Trụ Trì, Chủ Tịch Cộng Đồng, Thanh Niên và Thiếu Nhi. Sau mỗi lời nguyện là một bài thánh ca hướng lòng toàn thể bà con giáo dân về với Giáo Hội Quê Nhà, nguyện xin Thiên Chúa dẫn đưa Giáo Hội Việt Nam cũng như Các Giáo Hội sớm thoát khỏi cơn bách hại và Dân Tộc Việt Nam được hưởng nền Công Lý đích thực.

Được biết, trước đó vào Chúa Nhật ngày 7 tháng 9, toàn thể cộng đoàn Đức Mẹ Mân Côi cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi sự Hiệp Thông qua việc ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gởi Tổng Thống George W. Bush và các Nghị Sĩ của Thượng, Hạ viện Hoa Kỳ. Nội dung Thỉnh Nguyện Thư là một Thông Điệp cảnh cáo nhà cầm quyền csvn phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và đặc biệt phải hoàn trả lại tất cả những gì mà đảng cộng sản việt nam đã cướp trắng trợn tài sản của các Tôn Giáo, cũng như của Dân Chúng, đừng để đến khi đã trở thành quá muộn.

Buổi cầu nguyện kết thúc trong niềm hiệp thông và nỗi cảm xúc sâu sa, với tâm tình mong ước ơn Thánh Linh đổ tràn sự khôn ngoan, can đảm và bền bỉ cho các vị Chủ Chăn và toàn thể giáo dân Thái Hà.
 
Tin Đáng Chú Ý
Hệ quả xấu của nền Kinh Tế Hoa Kỳ là do đâu?
Paul Anh
15:22 16/09/2008
Hệ quả xấu của nền Kinh Tế Hoa Kỳ là do đâu?

WASHINGTON, D.C. - Nền kinh tế Hoa Kỳ ngày hôm qua nhận được nhiều tin chấn động lớn khiến cho người dân Mỹ hoang mang. Thế nhưng nguyên nhân thật sự là xuất phát từ đâu?

Phải chăng thể chế của Đảng Cộng Hòa chính là nguyên do chính cho sự tuột dốc này?

Báo chí và các ứng cử viên Dân Chủ, tuy "thông minh" về mặt nào đó, thế nhưng khi đề cập đến nền kinh tế, thì điều mà họ có thể làm là đổ lỗi cho Đảng Cộng Hòa, mà không dám can đảm để nhìn nhận ra sự thật đến từ ngay phía của họ. Và truyền thông đã không dám mạnh tay phanh phui vì rủi thay, nó đến từ phía Dân Chủ.

Sự thể là thế nào?

Kính mời Quý Vị hãy cùng kiểm chứng các dữ kiện sau:

** 7.5 Trước Đây

Nhiệm sở của Tổng Thống George Bush hiện nay là 7.5 năm. Trong 6 năm đầu tiên trong vai trò Tổng Thống, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn trong giai đoạn phát triển đều đặn, tuy không nhanh, nhưng cũng khá bình ổn.

Chỉ mới hơn 1.5 năm trước đây:

(1) Niềm tin của người tiêu dùng (consumer confidence) vào nền kinh tế Mỹ ở tới mức cao từ 2 đến 2.5;

(2) Giá 1 gallon xăng thường là $2.19;

(3) Chỉ số thất nghiệp là 4.5%;

(4) Chỉ số Down Jones leo lên tới mức kỷ lục cao nhất, tức lên tới 14,000+ điểm;

(5) Hầu hết mọi người Mỹ đều quyết định mua xe hơi mới, dành thời gian ra để đi nghỉ mát ở nước ngoài hay các chuyến du thuyền, và sống tương đối khá giả!


Thế nhưng, vì người dân Mỹ muốn có "SỰ THAY ĐỔI" (Change).

Do đó vào năm 2006, họ đã dồn phiếu bầu cho các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ vào Quốc Hội (trước những vụ xì-căng-đan về đạo đức đến từ phía Cộng Hòa), thế là tất cả chúng ta đều đã nhận được "SỰ THAY ĐỔI."

hệ quả của "SỰ THAY ĐỔI" đó là:

(6) Niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế Mỹ tuột dốc xuống một cách thê thảm;

(7) Giá 1 gallon xăng thường bây giờ là $3.75 và nó đang trên đà nhảy vọt tới gần $5 đến $6.09/gallon;

(8) Chỉ số thất nghiệp là 5% (tức tăng lên khoảng 10%);

(9) Người dân Mỹ thấy giá trị căn nhà mà họ đang ở cứ từ từ xuống giá đi;

(10) 1% những người làm chủ nhà giờ phải mất nhà và bị ngân hàng tịt thu vì không có khả năng để trả nợ tiền nhà;

(11) Chỉ số Dow Jones tuột dốc chưa từng thấy, nó rớt xuống mức dưới 11,300 điểm. Hơn $2.5 tỷ tỷ (trillion) triệu Mỹ kim đã tự động bốc hơi khỏi các cổ phiếu, các quỹ hổ tương, các chứng khoán, các quỹ đầu tư của dân chúng;

(12) Hầu hết mọi người Mỹ giờ đây phải hết sức tiết kiệm, không còn dám tiêu xài nữa và sợ tới phiên mình bị mất công ăn việc làm ngay lúc nào không hay!


Đúng thế, vào năm 2006, người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho "SỰ THAY ĐỔI" và họ đã nhận được "SỰ THAY ĐỔI" đó!

Một Quốc Hội bù nhìn hay "do-nothing Congress" (nói theo kiểu của Rudy Guilliany hay Joe Liberman "một Quốc Hội lười biếng") với Harry Reid trong vai trò Chủ Tịch của Phe Đa Số trong Thượng Viện và Nancy Pelosi trong vai trò Phát Ngôn Viên Chính Thức của Hạ Viện, chính là những gì mà Hoa Kỳ đón nhận được!

Giờ đây, ứng cử viên Obama lên tiếng hô hào là sẽ có "SỰ THAY ĐỔI," thử hỏi chúng ta còn có thể chịu nổi "SỰ THAY ĐỔI" đó đến cở nào và liệu chúng ta có dám sẳn sàng chấp nhận chúng không?

Nước Mỹ đang mất dần vị thế chủ đạo của thế giới và sẽ bị xóa sổ trước luận điệu của "SỰ THAY ĐỔI" một cách hoa mỹ, mánh khóe và sáo rỗng này!!!
 
Văn Hóa
Đôi điều về Văn Hóa và Đức Tin: Xuất bản, phát hành và gia tăng số người đọc sách
LM. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
11:06 16/09/2008

Đôi điều về Văn Hóa và Đức Tin. XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH VÀ GIA TĂNG SỐ NGƯỜI ĐỌC SÁCH



Đại Hội Dân Chúa 2010 đang được đón chờ như một sự kiện có thể tạo một đà tiến mới. Nhân dịp này, chúng con xin đóng góp vài suy tư. Chúng con xin nói về chuyện sách vở và viết lách, với 5 bài. Bài 1: in ấn, phát hành và gia tăng số người đọc sách; bài 2: một hướng dịch thuật; bài 3: gia tăng số người viết; bài 4: những bất lợi của hai đại danh từ Người và Ngài; bài 5: một bản dịch Thánh Kinh chính thức.

1. TỪ BỨC XÚC CỦA MỘT GIÁO DÂN TRẺ

Tháng Năm 2006, trong một chia sẻ tại Hoa viên Hiệp Nhất, DCCT Sài Gòn, chúng con có nêu lên đề xuất một năm mục vụ về việc phát hành sách. Thoạt nghe cứ ngỡ như đùa, thế nhưng cùng thời gian ấy, một giáo dân trẻ làm việc trong ngành phát hành sách đã gửi đến một vị Giám mục già một thư dài trình bày những ghi nhận của anh về hiện trạng sách vở Công giáo tại Việt Nam. “Kính thưa Đức Cha, Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà sách mọc lên như nấm sau mưa. Từ TP đến nông thôn, ra ngõ là gặp nhà sách, nhà sách của nhà nước (Cty PHS, FAHASA), cũng như nhà sách của tư nhân tham gia vào thị trường sách, làm cho dân trí được nâng cao…. Giữa thị trường nhộn nhịp ấy, vắng bóng nhà sách Công giáo”. Thay vì thư hồi âm, vị Giám mục đã gọi điện nói chuyện tâm tình với anh suốt 30 phút về sách và những suy nghĩ của ngài. Kết luận, ngài nói: “Tuy nhiên, bây giờ cha già rồi, không còn sức để làm những gì mong muốn, cha sẽ nói chuyện này với Đức Cha X. là học trò cha.”

Bạn trẻ này đã dự tính sau lá thư ấy sẽ viết thêm một thư góp ý tìm hướng cho sách đạo nhưng thấy tình hình như vậy lại thôi.

Khi nghe bạn trẻ này tâm sự, con bảo anh: Chắc là Đức Cha X. sẽ chẳng trả lời anh, vì vấn đề vượt ngoài chuyên môn của ngài.

Bạn trẻ này làm việc trong ngành phát hành sách mấy năm qua và ngạc nhiên vì sự vắng bóng của sách vở Công giáo trong hệ thống phát hành sách đời, đang khi sách vở Phật giáo có mặt với một khối lượng rất lớn. Lần kia một linh mục ở nước ngoài về thăm nhờ anh mua một số sách đạo. Anh tự tin bảo rằng sẽ đến tận những nơi phát hành để mua cho ngài với giá giảm 40%. Anh rảo qua Nhà sách Đức Mẹ, Nhà sách Đức Bà, Nhà sách Fatima Bình Triệu và phát hiện ra điều hết sức bất ngờ đối với anh. Những nhà sách mang tầm cỡ “Tổng phát hành” này cho biết họ chỉ được ăn hoa hồng 10% hay 12%, cao lắm là 15% với những sách khó bán; thậm chí các sách của nhóm Antôn&Đuốc Sáng và của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chỉ có 7%.

Sự việc khiến anh suy nghĩ và bỏ giờ truy tìm nhiều số liệu để viết nên lá thư nói trên. Anh đếm được khoảng 10 nhà sách Công Giáo trên địa bàn TPHCM, hầu hết do tu sĩ quản lý, chủ yếu là bán ảnh tượng hơn là bán sách; hầu như giáo xứ nào cũng có chỗ bán ảnh tượng nhưng sách đạo thì không. Đang khi đó, “đưa mắt nhìn qua bên Phật giáo, theo con đánh giá, họ đang trên đà phát triển vũ bão, hầu hết chùa lớn đều có phòng phát hành kinh sách, tư nhân tham gia vào cũng rất đông, từ những nhà sách có tiếng như Trí Tuệ, Ngọc Linh, Văn Thành… cho đến những người bán vỉa hè trước cổng chùa. Công tác phát hành của họ được tổ chức có bài bản, theo con là đạt trình độ chuyên nghiệp” (Trích thư nói trên). Cả tại các tỉnh những chùa tương đối lớn đều có phòng bán sách, …

“Không có nhà sách đạo là vì bán sách đạo không có lời, nhiều rủi ro, chôn vốn. Không hiệu quả nên không hấp dẫn tư nhân. Bán sách đạo lời 7%, 10% hay 15% thì một nhà kinh doanh thông thường, chẳng qua trường lớp nào, cũng thấy ngay là lỗ, bán ảnh tượng lời hơn!” (nđd)

“Trong khi đó, bên Phật giáo, sách của họ chiết khấu 30%-40%. Cũng có một số do Thành Hội Phật Giáo in ấn với chiết khấu 15% nhưng những sách này giá lại rất rẻ, cuốn sách dày cộm 400-500 trang, giá chỉ 20.000$ hay 30.000$. KL: Sách đạo của ta đắt hơn sách bên Phật”

“Khung giá bìa cho thị trường sách 2006 như sau:

- Sách đời: Kiến thức, học làm người, nấu ăn… 110đ/trang, chiết khấu 40%

- Sách Phật do các nhà sách tư nhân xb: 100đ/trang, chiết khấu 30-35%

- Sách của Thành Hội PG xb: 60-80đ/trang, chiết khấu 15%

-.Sách đạo Công Giáo: 100đ/trang, chiết khấu 10%” (Nđd).

2. PHÁT HÀNH VỚI CHIẾT KHẤU 40% GIÁ BÌA

Phát hành sách là sinh hoạt rộng khắp đất nước và nó có quy luật của nó: Người bán lẻ phải được hưởng số hoa hồng lớn nhất (có thể lên đến 40%) thì các nhà sách nhỏ ở các địa phương xa mới tồn tại được.

Có người nói: Để phát hành với chiết khấu hoa hồng 40%, sẽ phải ghi giá bìa cao và giáo dân mua không nổi. Vấn nạn này liên quan đến chuyện trợ giá. Đối với các sách được trợ giá hoặc chủ trương bán thật rẻ, vẫn cứ giữ giá thấp (với chiết khấu thấp) phát hành nội bộ, đồng thời cũng có thể trao cho hệ thống phát hành đời với một giá cao hơn (với chiết khấu 40%, chúng con sẽ có thêm chi tiết ở dưới).

Nêu lên chiết khấu 40% là để có thể đưa sách Công giáo vào hệ thống phát hành sách đời, khỏi phụ lòng những độc giả cả trong và ngoài Công giáo đến các nhà sách tìm mua sách Công giáo mà không có, đồng thời cũng để đặt vấn đề công bằng đối với những sách Công giáo hiện đề giá cao như hoặc hơn khung giá sách đời mà vẫn chỉ giảm cho các nhà sách 10%.

Theo chỗ chúng con biết, hiện chỉ có các sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV và bán giá rất thấp ở mức dưới 35$/trang. Một vài quyển của HĐGMVN được trợ giá để tặng hoặc bán giá rất thấp. Các sách của Tòa Giám Mục Nha Trang không được trợ giá (trừ quyển Kinh Thánh Cựu Ước Tuyển Chọn) nhưng vẫn ghi giá bìa dưới 50$/trang.

Đang khi đó các sách đạo khác hiện bày bán ở những nhà sách nói trên vẫn ghi giá bìa như sách đời: 100$/trang hoặc 120$/trang (trang trung bình là 14cm x 21cm). Số này chiếm phần lớn. Vẫn đề là giá bìa cao như sách đời mà người bán sách chỉ được hưởng 10%, tác giả cũng chỉ được hưởng 10%, vậy phần lợi gấp 3 người bán và gấp ba tác giả lọt vào tay ai?

“Giải thích việc sách đạo giá quá cao, một vài tác giả cho rằng sách chỉ in 300 hay 500 cuốn nên giá cao. Với chút hiểu biết về chuyện in ấn, theo con, điều đó không đúng. Bên Phật họ cũng in lậu nhộn nhịp như mình, nhưng sách in lậu lại rẻ hơn sách in chính thức, chỉ 70đ/trang” (Nđd).

Tác giả lá thư có một lý giải rất nhân từ: “ Theo con, các tác giả không tìm đúng người in ấn, qua nhiều trung gian nên giá thành lên cao. Theo tính toán của con, giá thành một cuốn sách phát hành trên thị trường gồm: tiền bản quyền, quản lý phí, nhập bài, dàn trang, xuất nhũ, đổ giấy và công in, với số lượng in 1000 cuốn thì thành phẩm chưa vượt qua 50% giá bìa, in 500 cuốn sẽ mắc hơn một chút nhưng vẫn không đến giá các tác giả bỏ mối cho nhà sách đạo” (Nđd).

Ở đây chúng con xin miễn nói chuyện với những kẻ thừa cơ đục nước béo cò, luộc sách, in chui, lỗi công bằng, xâm phạm quyền tác giả cả về tiền bạc và sự chính xác về nội dung. Chúng con chỉ muốn thưa chuyện với các tác giả và các mục tử của Giáo Hội.

Ngày nay luật xuất bản khá sòng phẳng. Càng có nhiều sách xin phép, càng thu được nhiều thuế xuất bản (gọi là xuất bản phí hay quản lý phí), cho nên ngoại trừ những sách phản động và đồi trụy, các sách khác đều có thể xin phép xuất bản. Công thức tính thuế xuất bản là: 60$ x số trang x số lượng x 7%. Ví dụ: Sách dày 200 trang, xin in 1.500 cuốn, thuế xuất bản sẽ là: 60 x 200 x 1.500 x 0,07 = 1.260.000 $. Thuế này là chuyện của cả làng, không riêng ai.

Câu hỏi: Xin phép sẽ bị kiểm duyệt? Bản thân chúng con đã một vài lần làm việc với người biên tập của một nhà xuất bản nọ. Nói chung họ chỉ sửa những lỗi chính tả và quy cách trình bày. Đôi khi có một vài chi tiết về nội dung được họ yêu cầu bỏ hoặc thay đổi, nhưng chúng con cắt nghĩa rõ thì họ lại để nguyên như trong bản thảo. Có lẽ đa số các tác giả Công giáo có sách in chui không biết rằng cùng một mức độ tốn kém mà lại có thể in chính thức và phát hành công khai rộng rãi.

Có người lại hỏi: Liệu các nhà phát hành đời có nhận không? Xin thưa, nếu họ đánh giá sách bán chạy, họ sẽ nhận. Tác giả lá thư cũng đã thử đẩy đi 5 quyển sách Công giáo thứ thiệt và người ta đã bán hết! Nhiều người ngạc nhiên thấy sách Công giáo xuất hiện tại các nhà sách đời ở tỉnh lẻ, kể cả quyển “Tĩnh tâm cho nữ tu” của Dunoyer!

Từ những ghi nhận ấy, chúng con thiết nghĩ các tác giả sách Công giáo nên xin giấy phép chính thức để xuất bản công khai, ghi giá bìa theo luật chung và phát hành với 40% để có thể phổ biến sách qua hệ thống phát hành sách đời (Những nhà sách Công giáo địa phương muốn nâng đỡ độc giả tín hữu sẽ tuỳ nghi giảm 10% hay 15% cho người mua) và để khuyến khích các quầy sách bán lẻ ở những địa phương xa.

Những sách được trợ giá hoặc có chủ trương bán giá thật thấp cho giáo dân, có thể thêm một giá bìa cao hơn cho lượng sách phổ biến qua mạng phát hành sách đời như sau:

Nếu giá thấp là A và chiết khấu 10%, giá cao sẽ là:

(A$ x 0,90: 60) x 100

Ví dụ:

Quyển Kinh Nguyện Gia Đình của TGM Nha Trang, 288 trang, nếu theo khung giá thị trường (100$/trang) sẽ là 29.000 $, do chủ trương bán rẻ sẽ phát hành với 2 giá bìa, giá thấp cho các nhà sách Công giáo là 12.000$ (chiết khấu 10% còn lại 10.800$0), giá cao cho nhà phát hành sách đời sẽ là (12.000$ x 0,90: 60)x 100 = 18.000$ (chiết khấu 40% vẫn còn 10.800$).

Quyển Kinh Thánh Cựu Ước tuyển chọn, 808 trang (theo khung giá thị trường sẽ là 80.000$) cũng sẽ có 2 giá bìa: giá thấp 12.000$, giá cao 18.000$,

Nếu giá thấp là A và chiết khấu 7%, giá cao sẽ là:

(A$ x 0,93: 60) x 100

Ví dụ quyển Kinh Thánh trọn bộ, 1712 trang, theo khung giá thị trường sẽ là 170.000$, do trợ giá sẽ phát hành với 2 giá bìa, giá thấp cho nhà sách đạo là 60.000$ (chiết khấu 7%, còn 55.800$), giá cao cho nhà sách đời là 93.000$ (chiết khấu 40% vẫn còn 55.800$).

3. ĐẠI LÝ SÁCH TẠI CÁC GIÁO HẠT VÀ BAN VĂN HOÁ GIÁO XỨ

Tuy nhiên, phải nói rằng có rất ít giáo dân đặt chân vào các nhà sách đời. Để sách đến tay giáo dân, cần có thêm những nhà sách Công giáo tại các tỉnh lẻ. Tốt nhất là cổ võ giáo dân lập quầy sách theo luật kinh doanh để bán sách đạo. Bằng không, ít ra mỗi Giáo hạt cần có một Đại lý sách với số lượng sách tồn kho khá lớn, đủ cung cấp cho các Giáo xứ trong Hạt. Các Ban Văn Hoá Giáo Xứ (BVHGX) sẽ liên lạc về Đại lý sách Giáo hạt để mua sách cho giáo dân xứ mình.

Dành một phòng nào đó đã có sẵn trong cơ sở của Giáo hạt, sắm kệ sách, máy vi tính hết khoảng 50 triệu, để có sách tồn kho cho cả Hạt (một số sách mua đứt, một số khác trả gối đầu) cần thêm dưới 40 triệu (chỉ sách thôi, việc bán ảnh tượng có lời hơn nhưng nhường cho nơi khác – một phòng đại lý sách ở Giáo hạt không phải để kinh doanh nhưng để đào tạo và truyền giáo).

Ôi! Ước gì mỗi Giáo Hạt đều có một linh mục tha thiết thăng tiến Dân Chúa sẵn lòng bỏ ra 100 triệu lo phát hành sách! Nếu có những Giáo hạt quá nghèo không lo được một Phòng đại lý sách, ước gì các Dòng có tâm nguyện truyền giáo sẽ quan tâm giúp đỡ!

Một Phòng đại lý sách của Giáo hạt cũng giúp chọn lọc sách theo hướng mục vụ của Giáo phận: Ưu tiên cho những sách có imprimatur; những sách “có vấn đề” sẽ không được giới thiệu ở đại lý sách Giáo hạt.

Đang khi viết bài này, chúng con gọi điện hỏi thăm kinh nghiệm một cha đã sáng lập ra phòng bán sách tại một TGM nọ để hỏi về kinh phí cần thiết cho một Đại lý sách Giáo hạt. Chính ngài cung cấp số liệu trên đây và bất ngờ ngài chia sẻ thêm: “Nhưng, cha ơi, cái khó là các Cha chẳng quan tâm gì!” Vâng, có thể có những cha xứ cảm thấy mình bận lo nhiều việc khác không có giờ lo phát huy văn hoá cho Dân Chúa, thế thì mong sao cấp Giáo phận sẽ liệu để mỗi Giáo xứ có một BVHGX.

Chúng con viết bài này trong chiều vọng lễ Giáng Sinh tại một xứ miền rừng núi của Giáo phận Quy Nhơn. Chiều 23 và suốt ngày 24, loa phóng thanh nhai đi nhai lại một băng nhạc Noel hải ngoại rất phổ biến nhưng cũng rất đời, với các bài “Jingle Bell” và “Ngày Giáng sinh đó còn nhớ không em?”. Cha xứ đã có ý nhờ in sang một vài băng dĩa khá hơn nhưng suốt tuần thứ hai mùa vọng ngài nằm bệnh viện, ban chức việc không biết phải mua hoặc in sang băng nhạc Giáng Sinh ở đâu… Không thiếu những tâm hồn lương dân muốn tìm hiểu Đạo Chúa qua sách vở trước khi ngỏ lời với một ai đó. Rất nhiều anh chị em giáo dân muốn mua những sách thích hợp tặng anh chị em lương dân để giúp họ biết Chúa. Những quyển sách giáo dân yêu thích như Gương Chúa Giêsu, Ý nghĩa sự đau khổ, và những quyển sách thực dụng, nơi nào cũng có người cần nhưng không biết mua ở đâu. Cả đến các cha nhiều khi cũng lúng túng, chẳng biết tìm đâu để mua một bản dịch các văn kiện Toà Thánh và cả đến những sách thông dụng… Lắm giáo dân ở tỉnh lẻ cần mua vài quyển sách đạo phải nhờ người đi Sài Gòn mua! Rồi cũng trong mấy ngày nay có hai giáo dân ở phía Nam gặp khó khăn ngược lại: Họ thực hiện một CD nhạc phục vụ Năm Giáo dục Gia đình và muốn gửi tặng mỗi Giáo phận 10 CD nhưng chẳng biết nhờ ai chuyển…

Nếu chúng ta có một hệ thống Tổng Phát hành qua các Giáo phận, các Đại lý sách Giáo hạt và BVHGX thì chuyện mua hoặc phát hành một quyển sách hoặc CD đâu còn khó như thế. Giáo dân cũng như lương dân khắp nơi đều có một quyền rất chính đáng là được tiếp cận với sách vở Công giáo cách dễ dàng.

Theo website HĐGMVN, từ 26 giáo phận ta tổng kết được 2108 giáo xứ, 413 giáo họ biệt lập, và 34 giáo điểm. Với bằng ấy giáo xứ và giáo điểm mà những tác phẩm giá trị chỉ in 1.000 bản thì thật vô lý và đáng buồn.

Nếu tất cả giáo xứ và giáo điểm đều có phòng đọc sách, tổng số sẽ trên 2.500. Với hệ thống ấy, những sách dành cho giáo dân chắc chắn sẽ luôn có thể in hàng chục ngàn bản, và như thế cả giá thành và giá bìa đều hạ. Quyển “Những ngày lễ Công giáo” mỗi năm in đến 100.000 bản, có năm còn bị con buôn luộc thêm. Ấy là chỉ mới phát hành cho các giáo phận phía Nam!

Khi có hệ thống phát hành đến tận các Giáo xứ và Giáo hạt, sách in ra có thể bán được nhiều và bán nhanh, ta sẽ có đủ tiền để nhờ những nhóm thực hiện chuyên nghiệp với thù lao xứng hợp, có thể đặt hàng những tác phẩm giá trị về nhạc cũng như về văn chương, những sách cần dùng và những sách mới có giá trị cao sẽ có thể tìm thấy ở khắp nơi. Cho đến nay, chúng ta chưa có những CD và sách thật tốt cho giáo dân, hoặc có mà chất lượng thấp, là vì số lượng phát hành quá ít, thu nhập không đủ vốn bỏ ra.

4. PHÒNG ĐỌC SÁCH GIÁO XỨ, HỘI THI ĐỌC SÁCH CẤP GIÁO XỨ VÀ CẤP HẠT

Khi đã có nhà sách ở cấp Giáo hạt, lại còn một vấn đề: Mấy ai đọc sách? Khi viết bài này, chúng con đến thăm hai nhà sách tỉnh lẻ: Một gần nhà thờ Chánh Tòa Quy Nhơn, một gần nhà thờ Chánh Tòa Phan Thiết. Tại cả hai nơi, mặt hàng chính là ảnh tượng, áo lễ, hoa, quà lưu niệm, còn sách rất ít, gồm sách đào tạo nhân cách và sách đạo. Các nữ tu bán sách cho biết rất ít giáo dân mua sách. Quả là một thực tế đáng âu lo. Cuộc chạy đua phát triển kinh tế các giá đình, TV, vi tính và internet khiến số người đọc sách và lượng thời giờ đọc sách của họ giảm sút khắp thế giới, không riêng ở Việt Nam. Điều đáng sợ là tình trạng ít đọc sách của giáo dân Việt Nam rất khác thường. Muốn nâng cao trình độ văn hóa và đời sống tâm linh của giáo dân, cần có một kế hoạch quy mô cổ võ đọc sách. Để những linh mục và tu sĩ tương lai sẽ là những người ham đọc sách, phải vận động để tuổi thơ của họ hôm nay tại giáo xứ và gia đình được lớn lên cùng sách vở. Cần vận động lập tủ sách gia đình, phòng đọc sách giáo xứ và những hội thi đọc sách. Đây là việc của các Ban Văn Hoá Giáo Xứ (BVHGX).

BVHGX nên gợi hứng, khuyến khích và hướng dẫn các gia đình trong giáo xứ thành lập tủ sách: những đầu sách nên có, cách tổ chức tủ sách và bảo quản sách.

Mỗi Giáo xứ nên có phòng đọc sách do BVHGX quản lý. Phòng đọc sách có thể bán một số sách thông dụng: sách Kinh, Giáo lý theo chương trình Giáo phận, Thánh Kinh. Phòng đọc sách cũng sẽ giới thiệu sách mới và nhận đăng ký mua giúp từ nhà sách Giáo hạt hoặc nhà sách tư nhân trong khu vực. Năm 2007, Nhà sách Đức Mẹ của DCCT Sài Gòn đã thực hiện một tập giới thiệu sách Công giáo với khoảng 600 đầu sách. Mỗi phòng đọc sách Giáo xứ chỉ cần một tập cũng đủ.

Hội thi đọc sách tại Giáo xứ có thể bố trí những chương trình để giúp các em đọc sách đều đặn cả trong năm học và đọc nhiều hơn trong mùa hè. Ngoài những sách các em tự chọn, tự tóm tắt và trình bày, mỗi tham dự viên còn phải đọc một trong hai hoặc ba cụm sách (kể cả những tác phẩm trong bộ Thánh Kinh) do ban tổ chức giới thiệu và trả lời những câu hỏi nhất định. Những nơi có điều kiện, có thể tổ chức hội thi đọc sách cấp liên xứ, giáo hạt và giáo phận.

5. BAN VĂN HÓA GIÁO XỨ

Cũng xin nói riêng về BVHGX. Nhiều nơi các BVHGX đã có những sáng kiến: lớp học tình thương, bồi dưỡng Anh Văn, vi tính vv… Rất nhiều việc BVHGX có thể làm:

- Trang thông tin của giáo xứ

- Báo tường các đoàn thể

- Khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi

- Giới thiệu các trang mạng Công giáo cho các bạn trẻ

- Sinh hoạt tết cho học sinh hai năm cuối và sinh viên của giáo xứ

- Thánh lễ nhân ngày nhà giáo hoặc dịp hè, cho các thầy cô công giáo

- Tổ chức hội thi đọc sách

- Tổ chức giải sáng tác văn thơ, báo tường

- Tổ chức phòng đọc sách và giúp đăng ký mua sách, băng, đĩa, phim đạo

- Vận động tư nhân lập quầy bán ảnh tượng và sách vở Công giáo tại giáo xứ.

Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai. Trong cái giáo dục hôm nay của chúng ta, không thể thiếu sách đạo. Hô hào giáo dục mà việc xuất bản và phát hành sách đạo cứ mãi èo uột như hiện nay thì tương lai của Giáo hội Việt Nam quả là mịt mờ! Ngược lại, nếu ta đẩy được sách đạo vào mạng phát hành sách đời và xây dựng được mạng phát hành sách đến tận các giáo xứ như trên, trình độ Dân Chúa cả nước sẽ sớm được nâng cao thấy rõ và công cuộc truyền giáo sẽ gặt hái những kết quả hết sức rực rỡ.

Giáo xứ Cây Rỏi, Phù Cát, chiều vọng lễ Giáng Sinh 2007
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tím
Lê Trị
00:12 16/09/2008

HOA TÍM



Ảnh của Lê Trị


Mực tím giấy xanh anh nắn nót

Bài thơ hoa tím thuở ban đầu.

(Trích thơ của Trường Phong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền