Ngày 14-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:52 14/09/2015
21. TIẾN DÂNG CHIM HỒNG.
N2T

Tề vương phái Thuần Vu Khôn đến nước Sở để tiến dâng một con chim hồng.
Thuần Vu Khôn ra cổng thành, đang trên đường đi thì con chim hồng bay mất, chỉ cầm cái lồng không, nên tạo ra một lý do giả, đi gặp Sở vương, nói:
- “Tề vương sai tôi đến tiến dâng con chim hồng, lúc lội qua nước, tôi không nhẫn tâm nhìn chim hồng chết khát, nên thả ra để nó uống nước. Kết quả nó bỏ tôi mà bay mất tiêu. Tôi muốn dùng dao rạch bụng, dùng dây thừng thắt cổ tự sát, nhưng sợ rằng người khác sẽ chê trách quân vương vì con chim hồng mà khiến cho kẻ sĩ tự sát”.
“Chim hồng là một loài lông vũ, có rất nhiều loại tương tự, tôi muốn mua một con tương tự để thay thế, nhưng làm như thế thì không thành thực lại còn lừa dối quân vương. Tôi muốn chạy trốn đi qua nước khác, nhưng lại đau lòng vì sứ mệnh của hai nước không giống nhau, cho nên tối mới đến cúi đầu nhận tội, xin đại vương trị tội của tôi”.

Sở vương nói:
- “Tốt lắm, không ngờ Tề vương lại có người thành tín như vậy !”
Thế là trọng thưởng cho ông ta, tất cả tài vật được thưởng so với chim hồng không bay mất thì càng nhiều gấp đôi.
(Sử kí)

Suy tư 21:
Khi phạm tội, chúng ta cũng có rất nhiều lý do để biện minh cho hành vi phạm tội của mình, những lý do ấy, không phải do lương tâm của ta tạo ra, nhưng do ma quỷ lợi dụng mọi khả năng ta có để tạo ra: nó dùng tài ăn nói, dùng trí khôn nhạy bén, dùng thái độ đạo mạo của ta để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.
Chiêu bài mà ma quỷ thường hay dùng để chúng ta che giấu, biện minh cho tội lỗi là đánh vào bản tính sợ xấu hổ và địa vị danh giá của mình: xưng tội hơi lâu thì sợ mọi người biết là mình có tội trọng; sợ cha giải tội biết mình mắc tội xấu xa thì xấu hổ nên không dám xưng thú tội; sợ cha sở biết mình có địa vị danh giá mà phạm tội tày trời nên không dám xưng tội.v.v…
Con người bản tính vốn yếu đuối và nhiều khuyết điểm –Thiên Chúa biết rõ điều này hơn chúng ta- cho nên đã trao quyền cho các linh mục Công Giáo –cũng là những con người nhiều khuyết điểm- thay mặt Ngài để thông cảm, chia sẻ và tha tội cho chúng ta. Vì thế, một bên là sợ xấu hổ và một bên là được ơn tha thứ, chúng ta chọn bên nào, chắc chắn là chọn ơn tha thứ, mà muốn được ơn tha thứ thì phải có tâm hồn đơn sơ như trẻ em, vì trẻ em không biết xấu hổ khi xin lỗi bố mẹ nó.
“Xin Chúa ban cho con sự đơn sơ, để con chiến thắng sự xấu hổ mà ma quỷ luôn dùng để cám dổ để con che giấu mọi tội trọng mà mất linh hồn.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:54 14/09/2015
N2T

5. Tôi mời các bạn hãy chặt đứt dây buộc thuyền của các bạn, không nên đợi tháo dây buộc.

(Thánh Hieronymus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liên Hiệp Âu Châu trước làn sóng người tỵ nạn
Trần Bá Nguyệt
14:14 14/09/2015
Đa số những quốc gia giầu có nhất trên thế giới, từ lâu lắm rồi, đã không ngừng từ chối người tỵ nạn và chỉ chịu chấp nhận một lượng người tỵ nạn ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được. Kết quả là, cho đến giờ phút này, khi mà cuộc khủng hoảng vượt qua tầm kiểm soát, họ vẫn chưa có một kế hoạch nào để ổn định tình hình, và cũng chẳng có một thoả thuận nào về việc phải chia sẻ gánh nặng này ra làm sao.

Người tị nạn tiếp tục tràn vào Âu Châu
Cấu trúc Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt không phù hợp với vấn đề này. Trên lý thuyết, Châu Âu phải cùng chung lưng giải quyết, tức là phải hành động như một quốc gia đoàn kết như cách thức mà Hoa Kỳ đã nhận trách nhiệm đối với người tỵ nạn tại tiểu bang Arizona hơn là bỏ mặc cho tiểu bang này một mình giải quyết sự việc. Nhưng, trên thực tế, đa số những quốc gia thành viên Châu Âu không muốn chia sẻ trách nhiệm của họ và qui luật của Châu Âu hàm ý là về kỹ thuật họ không có nhiệm vụ phải chia sẻ. Kết quả là, đa số những người tỵ nạn bị mắc kẹt trong hai hay ba quốc gia mà thôi, đến nỗi những nước này chẳng bao lâu tràn ngập người tỵ nạn. Điều này thật bất công cho những quốc gia này cũng như tồi tệ với người tỵ nạn.

Một phần của tình trạng này là qui luật của Châu Âu có tên là Qui luật Dublin. Theo qui luật này, người tỵ nạn bắt buộc phải ở lại tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được xét duyệt xong. Về lý thuyết, qui luật này là một phương cách ngăn không cho người tỵ nạn nộp đơn hết quốc gia này đến quốc gia khác cho đến khi có một quốc gia nào đó sẵn sàng chấp nhận họ. Nhưng trên thực tế, chính qui luật này đã khiến hàng ngàn người tỵ nạn phải ở lại Hy Lạp và Italia, đơn giản là vì hai nước này là nơi những chiếc thuyền của họ dễ cập bến nhất khi băng qua Địa Trung Hải. và nhiều quốc gia Châu Âu cũng sử dụng qui luật này để đẩy gánh nặng người tỵ nạn cho hai quốc gia ấy.

Kết quả thật khủng khiếp. Bác sĩ Stathis Kyrouthis thuộc tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới đã mô tả cuộc khủng hoảng hiện nay tại Hy Lạp là tồi tệ nhất theo nhận xét của ông. Ông nói, “Tôi đã làm việc ở nhiều trại tỵ nạn trước đây, như ở Yemen, ở Malawi, và Angola. Nhưng tại nơi đây, trên hòn đảo Kos, lần đầu tiên trong đời tôi, tôi mới thấy con người bị bỏ mặc hoàn toàn.” Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, những trung tâm tiếp đón tại Hy Lạp thiếu thực phẩm và sự chăm sóc y tế tối thiểu và tình trạng ngày càng đông đúc, thiếu vệ sinh một cách nghiêm trọng như vậy có thể sẽ dẫn đến những sự đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và thật thấp theo qui luật quốc tế.

Những quốc gia Châu Âu có thể và trên lý thuyết nên chấp nhận phần lớn những người tỵ nạn này. Làm như vậy sẽ tốt đẹp hơn cho họ và cũng giúp cho sự lành mạnh của Liên Hiệp Âu Châu nơi mà giờ đây những lý tưởng cùng chia sẻ gánh nặng đã bị thử thách đến mức tột đỉnh trước tình trạng tràn ngập người di cư và người tỵ nạn như hiện nay. Khổ một nỗi, phần lớn những quốc gia Châu Âu lại vô cùng ích kỷ và muốn xua đuổi người tỵ nạn.

Nước Đức, vì muốn làm gương, gần đây đã đồng ý tạm ngưng áp dụng Qui Luật Dublin đối với người tỵ nạn Syria. Hiện nay, họ được phép nộp đơn xin tỵ nạn trực tiếp tại Đức Quốc. Nhưng phần lớn Châu Âu vẫn không muốn theo chân sự lãnh đạo đầy đạo đức này của nước Đức. Và trong khi những dấu hiệu nho nhỏ đang hình thành – chẳng hạn, Vương Quốc Anh hôm thứ Sáu đã tuyên bố những kế hoạch chưa rõ ràng là sẽ “chấp nhận” hàng ngàn người Syria – người ta vẫn chưa thấy một đáp ứng nào từ một Châu Âu hiệp nhất. Vì thế, Âu Châu trên thực tế vẫn chưa biểu lộ sự thân thiện nào đối với người tỵ nạn.
Nước Đức hào hiệp


Hoa Kỳ, về phần mình đã phủi tay với cuộc khủng hoảng. Cho đến giờ phút này, họ mới chỉ cho định cư 1,434 người tỵ nạn Syria và đã hứa là sẽ nhận thêm vài ngàn người nữa… trong tương lai. Chương trình thâu nhận người tỵ nạn tại Mỹ chỉ cho phép 70,000 người trên toàn thế giới một năm – đây là một chỉ tiêu cố định nhiều năm nay rồi không hề thay đổi bất chấp những cuộc khủng hoảng người tỵ nạn trên thế giới.
 
Chủ nghĩa chống nhập cư tại Hoa Kỳ và những nước Châu Âu
Trần Bá Nguyệt
14:10 14/09/2015
Nếu vấn đề chỉ liên hệ đến tài chánh thì dễ dàng giải quyết hơn nhiều. Châu Âu là nơi giàu có. Nước Úc và Hoa Kỳ cũng vậy. Việc định cư và cưu mang người tỵ nạn rõ ràng chẳng phải là vấn đề không có đủ tiền. Cho dù người tỵ nạn cần được trợ giúp ngày càng đông. Về lâu về dài, chính một chương trình như vậy cũng tự giúp giải quyết vần đề tài chánh. Việc nhập cư là một khía cạnh mang tính tích cực xét về mặt kinh tế cho chính người nhập cư cũng như cho quốc gia là quê hương mới của họ.

Nhưng thực tế vấn đề không phải là tiền. Mà trên hết, thử thách là ở chỗ vượt qua được những thế lực chính trị nội địa đang lèo lái những chính sách mang nặng tính dân tộc, chủ nghĩa cực hữu và chính sách chống lại chuyện nhập cư. Những lực lượng chính trị này vô cùng phức tạp. Chúng thường dẫn đến thái độ e ngại về một sự thay đổi.

Biểu tình bài người tị nạn
Khi phải chấp nhận một số đông người tỵ nạn có nghĩa là phải chấp nhận rằng họ sẽ mang đến những thay đổi về bản sắc và văn hoá tại quốc gia mình. Điều đó dĩ nhiên thường mang tính tốt đẹp. Những người tỵ nạn đã làm phong phú những quốc gia tiếp đón họ qua nhiều thế hệ, đã cải tiến nhiều mặt từ những thức ăn vặt cho đến những khám phá về khoa học. Tuy nhiên, chấp nhận họ cũng là chấp nhận những thay đổi có thể gây e ngại. Như Max Fisher đã viết, khi chấp nhận một số đông người mới đến có nghĩa là phải thay đổi, dù là tiệm tiến, từng chút một, hình ảnh những thị trấn và làng mạc của bạn và dĩ nhiên cũng phải mở rộng định nghĩa của nền văn hoá cộng đồng của bạn.

Chính ở điểm này nảy sinh một vấn đề thực sự. Cuộc khủng hoảng đã xảy ra khi nhiều người tại các quốc gia giàu có đã hoàn toàn cảm thấy bị đe doạ một cách nghiêm trọng trước làn sóng người di dân và bởi ý tưởng cho rằng những thị trấn, cộng đồng và nền văn hoá của họ sẽ bị thay đổi khiến họ cảm thấy không thoải mái hay sợ hãi.

Điều này diễn ra đặc biệt gay gắt tại Châu Âu một phần là vì những sức ép và đe doạ về kinh tế đã dẫn đến sự nổi dậy của những đảng phái cánh hữu, đang ra sức chống Liên Hiệp Âu Châu và cả việc di dân. Một phần khác là vì những cuộc di dân bên trong Châu Âu đã làm gia tăng những lo ngại sẵn có về sự hiện diện của người ngoại quốc. Tại Hoa Kỳ, Ứng viên Tổng Thống Donald Trump đã đi đầu trong việc khơi dậy làn sóng tình cảm chống di dân để leo lên dẫn đầu các ứng viên Đảng Cộng Hoà trong những cuộc thăm dò cử tri. Điều đó cho thấy mức độ chống di dân đã dâng lên mạnh mẽ như thế nào.

Sự lo sợ người tỵ nạn và di dân thực sự là sự lo sợ không muốn thay đổi

Xua đuổi
Nhà nghiên cứu về chính trị, Deborah Schildkraut, người đã nghiên cứu về tương quan giữa di dân và bản sắc dân tộc nói rằng hình thức chống di dân của một số đông dân chúng thường được thúc đẩy bởi một tình cảm sâu đậm về những bất an do những thay đổi về dân số hay nhân khẩu học gây ra.

Donald Trump
Tại nước Mỹ, chẳng hạn, những nghiên cứu đã cho thấy rằng khi báo chí chạy những hàng tít lớn cho rằng Hoa Kỳ đang trở thành một quốc gia đa sắc tộc thì điều đó đã làm họ bảo thủ hơn đối với nhiều vấn để, bao gồm cả những vấn đề chẳng liên quan gì đến di dân. Chính việc đó đã đẩy Ứng viên Donald Trump lên mức được ưa chuộng đến chóng mặt tại Hoa Kỳ năm nay, như Dara Lind đã viết, sức lôi cuốn của chính sách mị dân chống người nhập cư không phải là mất việc làm hay khó khăn của nền kinh tế, mà thực sự là sự lo sợ.

Một nghiên cứu cho thấy rằng người Mỹ da trắng cảm thấy thoải mái hơn với những người nhập cư giống như họ - nghĩa là cũng là người da trắng hay người Thiên Chúa Giáo, hoặc là do họ cũng đến từ một quốc gia Châu Âu có nền văn hoá tương tự như người Mỹ - hơn là những người không cùng chia sẻ niềm tin tôn giáo, nguồn gốc chủng tộc hay cội nguồn văn hoá.

Tại Châu Âu, sự cảm nhận bất an tương tự cũng đã đẩy mạnh đường lối của những đảng phái và những chính sách chống di dân. Tại Vương Quốc Anh, nơi mà một cuộc thăm dò gần đây cho thấy một con số lên tới 67 phần trăm cho rằng chính phủ nên bố trí quân đội để ngăn người nhập cư vào nước Anh qua đường hầm xuyên qua eo biển. Cuộc thăm dò lấy tên Outfit gần đây đã kết luận rằng, “Khi chúng ta nghĩ về sự di dân như một vấn đề, thì chúng ta đã gắn liền chính phủ với sự thất bại, sự bất an về kinh tế và sự thối lui về vị trí vĩ đại của nước Anh.” Bộ trưởng Ngoại Giao Anh Quốc, Philip Hammond, tuyên bố tháng Tám vừ qua rằng người di dân từ Phi Châu là một đe doạ cho “tiêu chuẩn sống và hạ tầng cơ sở về xã hội”.

Thứ Năm vừa qua, Thủ Tướng Hungary, Victor Orban, khi lên tiếng bảo vệ cho cách đối xử thô bạo của chính phủ Hungary đối với người tỵ nạn đã công khai gọi họ là những đe doạ cho đặc tính Thiên Chúa Giáo của Châu Âu. Ông nói, “Chúng ta không nên quên rằng những người đến đây dã lớn lên theo một niềm tin tôn giáo khác và mang những nét văn hoá hoàn toàn khác. Phần lớn họ không phải là người Thiên Chúa Giáo, nhưng là những tín đồ Hồi Giáo.” Ông nói tiếp, “Họ cũng chẳng băn khoăn xem nền văn hoá Thiên Chúa Giáo tại Châu Âu đã hoàn toàn rõ ràng có khả năng duy trì những hệ thống giá trị Thiên Chúa giáo như thế nào!”

Nhiều quốc gia Âu Châu có ý định không làm gì cả, nhưng điều đó không thể kéo dài

Dĩ nhiên, sự thật là, người ta không thể nào đóng băng một nền văn hoá hay những giá trị của một quốc gia trong một hiện trạng cứng nhắc. Cho dù Châu Âu có đưa ra những chính sách về người di dân như thế nào đi chăng nữa thì những qui tắc về văn hoá và xã hội ở đó vẫn tiếp tục thay đổi, như nó đã từng xảy ra. Nhưng não trạng không muốn đổi thay vẫn tiếp tục là một phần của những yếu tố hình thành nên những chính sách chống di dân. Làm thế nào họ có thể tiếp tục đối xử vô nhân đạo bởi vì cho dù họ không nhận một người tỵ nạn nào, họ cũng đang đối diện với một cuộc chiến đã thất bại.

Nhiều quốc gia Châu Âu khi không muốn đối diện với thực tại này, đã chấp nhận thái độ làm ngơ không biết đến cuộc khủng hoảng này và coi đó như trách nhiệm của một ai khác, không phải của họ. Nước Anh muốn nước Pháp ngăn không cho người tỵ nạn vào nước Anh. Nước Pháp muốn nước Ý không cho người tỵ nạn vào nước Pháp. Nước Ý, cũng như nước Hy Lạp, muốn tất cả những nước còn lại của Châu Âu cùng tiếp đón người tỵ nạn. Nhưng đa số những nước Châu Âu đồng ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã cưu mang nhiều di dân nhất trên thế giới mà phần lớn là người Syria, lần này nên tiếp tục thâu nhận họ.

Hoa Kỳ, về phần mình, có nguồn tài nguyên dồi dào để định cư nhiều người hơn và có một chương trình mang tính rất chuyên môn để tiếp nhận họ, nhưng cũng đã tìm cách làm ngơ trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Nước Mỹ cảm thấy an toàn rằng Đại Tây Dương bao la bát ngát sẽ ngăn cản vấn đề tị nạn ập đến bất ngờ.

Với trường hợp ngoại lệ hiếm có của nước Đức, các quốc gia khác đều đang cố gắng đẩy gánh nặng lên nước khác. Điều đó có nghĩa là chẳng có ai thực sự muốn nhúng tay vào cuộc khủng hoảng này. Và đó cũng có nghĩa là cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Nhưng cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra ở đây. Những người tỵ nạn tuyệt vọng kia phải được đưa đến một nơi nào đó. Để mặc họ chết dưới bom đạn, hay bị hành hạ bởi những nhà độc tài, hoặc bỏ mặc họ sống hết thế hệ này sang thế hệ khác trong những trại tạm cư chật cứng tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ hay đảo Kos thì thật sự không thể là một lựa chọn, nhưng đó lại là lựa chọn mà thế giới đang thực hiện. Thực sự đó là một đường lối thất bại. Và đơn giản đó là một cái giá quá cao phải trả để tự xoa dịu những bất an của chính chúng ta.
 
Hàng trăm người chết và bị thương tại thánh địa Hồi Giáo Mecca
Đặng Tự Do
01:24 14/09/2015
Những tai nạn gây ra cái chết của hàng trăm người Hồi Giáo tại Masjid al-Haram, đại đền thờ Hồi Giáo ở Mecca, xảy ra quá thường đến mức các cơ quan truyền thông ít còn hứng thú loan tải. Tuy nhiên, tai nạn vừa xảy ra hôm 10 tháng Chín là một ngoại lệ vì nó diễn ra ngay cả trước cuộc hành hương Hajj truyền thống hàng năm.

Một cơn bão mạnh đã lật đổ một cần cẩu xây dựng vào buổi chiều thứ Sáu giết chết ít nhất 107 người và làm bị thương 238 người khác, cục an ninh dân sự của Saudi Arabia cho biết như trên.

Hình ảnh và video trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy cần cẩu này đâm xuyên qua mái vòm đền thờ Hồi giáo và gây ra các hậu quả kinh hoàng, với các thi thể, các vũng máu và các mảnh kính vỡ tung toé mọi nơi.
Cần cẩu chọc thủng mái đền thờ


Cần cẩu này sụp đổ chỉ 10 ngày trước khi bắt đầu cuộc hành hương Hajj hàng năm dự kiến sẽ mang 2 triệu người Hồi Giáo đến với thánh địa Mecca.

Masjid al-Haram là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới bao quanh Kaaba, một ngôi đền hình khối vuông nơi các tín đồ đi vòng tròn xung quanh.

Những thảm kịch tại Mecca trong ngày lễ Hajj không có gì lạ. Năm 2006, người ta chạy giẫm đạp lên nhau giết chết ít nhất 363 người. Sau khi ném đá vào một bức tường tượng trưng cho ma quỷ, những người hành hương bắt đầu chạy toán loạn như một phần trong nghi lễ này.

Hàng trăm người bị thiệt mạng trong những vụ chạy tán loạn như thế vào năm 2004 và 1998. Riêng năm 1990 có tới 1426 người thiệt mạng.

Kaaba là ngôi đền hình khối vuông chính giữa
Hồi giáo đòi hỏi mọi người Hồi giáo lành mạnh về sức lực và tài chính phải thực hiện cuộc hành trình đến thánh địa Mecca ít nhất một lần trong cuộc đời mình.

Ngày lễ Hajj xảy ra vào tháng Dhul-Hijjah của Hồi Giáo, tức là hai tháng và 10 ngày sau khi tháng chay Ramadan kết thúc.
 
Trùm Mafia được ca tụng “công đức” trên đài truyền hình RAI
Đặng Tự Do
01:25 14/09/2015
Một chương trình truyền hình của RAI, tổ hợp truyền hình lớn nhất của chính phủ Italia với doanh thu lên đến 2.4 tỷ Euro trong năm 2014, đã tạo ra một phản ứng tức giận nơi công chúng nước này.

Thị trưởng Ignazio Marino của Rôma đã công khai chỉ trích một chương trình truyền hình được phát sóng hôm 9 tháng 9 trong đó đặc biệt tập trung vào gia đình của một trùm Mafia vừa qua đời, làm sống lại một cuộc tranh cãi sôi nổi vì đám tang xa hoa của tên cướp này hồi tháng Tám vừa qua.

Ông Ignazio Marino kêu gọi chính phủ Ý mở cuộc điều tra đài này. Ông nói chương trình đặc biệt của đài RAI nhằm “tưởng nhớ” trùm Mafia Vittorio Casamonica, là “không thể chấp nhận, không xứng với một dịch vụ công cộng.”

Trong chương trình truyền hình nói trên, Vera Casamonica, con gái của người đã khuất, phủ nhận rằng cha cô đã tham gia vào các hoạt động tội phạm, và nói rằng ông ta đã rất được lòng người “vì cha tôi rất tốt lành, giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vậy”
Vera Casamonica, con gái tên trùm Vittorio Casamonica


Đám tang của tên trùm đã diễn ra hôm 21 tháng 8 tại nhà thờ San Giovanni Bosco ở ngoại ô thành phố Rôma tưng bừng như một lễ phong thánh.

Trưóc mặt tiền nhà thờ, người ta treo một bức chân dung rất lớn của tên trùm Vittorio Casamonica, 65 tuổi, như người ta vẫn từng thấy Tòa Thánh treo hình các vị Thánh hay Chân Phước trong các buổi lễ phong thánh tại tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Bức hình còn có cả một dòng chữ rất ngạo mạn “Re di Roma” – nghĩa là “Vua Thành Rôma”.

Một biểu ngữ khác còn ngạo mạn hơn được chăng ngang cửa chính của nhà thờ:

"Bạn đã chinh phục được Rôma, bây giờ bạn sẽ chinh phục thiên đường".

Sau một nghi lễ long trọng trong nhà thờ, quan tài được khiêng ra một đoàn xe đưa tang cực kỳ xa hoa như cảnh an táng một vua chúa thời trung cổ, nhưng còn huy hoàng hơn đám tang vua chúa vì có thêm một tiết mục mới không vua chúa thời xưa nào có được là cảnh những cánh hoa tulip rơi từ đoàn trực thăng xuống trong khi ban nhạc chơi các giai điệu chủ đề trong bài “The Godfather” mà người Việt thường dịch là Bố Già.
Đám tang tên trùm Vittorio Casamonica


Tên trùm Vittorio Casamonica là một trong những nhà lãnh đạo của gia tộc Casamonica, đã bị buộc tội bắt cóc, tống tiền và buôn bán ma túy.

Giám mục phụ tá Rôma là Đức Cha Giuseppe Marciante giải thích với tờ Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng “giáo xứ đã mất cảnh giác”.
 
Kinh truyền tin Chúa Nhật 13/9/2015
Jos. Nguyễn Huy Mai
08:15 14/09/2015
ATICAN. Trưa Chúa Nhật 13.09.2015, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương. Trong bài giảng, ĐTC kêu gọi mọi người hãy hiến dâng mạng sống mình cho Đức Kitô và Lời của Ngài.

Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:

“Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu biến cố Đức Giêsu, trong hành trình đi đến Cesarea di Filippo, chất vấn các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 27) . Họ trả lời như những gì mà dân chúng đã nói: có người cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, kẻ khác lại cho là Ê-li-a và hay là một tiên tri vĩ đại nào đấy. Dân chúng cảm mến Đức Giêsu, họ xem Ngài như “một Đấng Thiên Sai”, nhưng họ vẫn chưa nhận biết Ngài là Đấng Mêsia, Đấng đã được loan báo và mọi người chờ đợi. Đức Giêsu ngước nhìn các môn đệ và hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai” (c.29). Đây là câu hỏi quan trọng nhất, qua đó Đức Giêsu nhắm trực tiếp đến các môn đệ là những kẻ theo Ngài, để trắc nghiệm đức tin của họ. Phêrô nhân danh tất cả, đã la lớn tiếng với sự chân chất: “Thầy là Đức Kitô” (c.29). Đức Giêsu đã được đánh động bởi đức tin của Phêrô và nhận ra rằng đức tin ấy là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha. Và rồi Ngài đã mạc khải cách rõ ràng cho các môn đệ điều đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem, nghĩa là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều...bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c.31)

Lắng nghe những điều này, chính bản thân Phêrô, người vừa tuyên xưng niềm tin của mình rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mê-si-a, đã cảm thấy bực bội. Ông đã kéo Thầy ra một bên và trách Ngài. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? Đến lượt mình, Ngài trách mắng Phêrô với những lời lẽ đầy nghiêm khắc: “Sa-tan, xéo ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.33). Đức Giêsu nhận ra nơi Phêrô, cũng như các môn đệ khác – và nơi mỗi người chúng ta! – sự cần thiết phải có ân sủng của Thiên Chúa Cha để chống lại cám dỗ này của ma quỷ, vốn muốn tách rời chúng ta khỏi ý muốn của Thiên Chúa. Tuyên bố mình sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết để rồi sẽ trỗi dậy, Đức Giêsu muốn làm cho những ai bước theo Ngài hiểu rằng Ngài là một Đấng Mêsia khiêm nhượng và là đầy tớ. Ngài là Tôi trung phục tùng Lời và Thánh Ý Chúa Cha, cho đến nỗi hiến dâng toàn thể mạng sống của chính mình. Vì thế, Ngài hướng về phía đám đông đang ở đó, tuyên bố rằng ai muốn làm môn đệ của Ngài thì phải trở nên tôi tớ, như chính Ngài đã trở nên tôi tớ, và tiên báo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c.34).

Minh định về con đường của Đức Giêsu, ĐTC nói: “Dấn mình bước theo Đức Giêsu có nghĩa là vác thập giá chính mình để đồng hành với Ngài trên hành trình, một hành trình không thoải mái vì không phải là một hành trình dẫn đến thành công hay là vinh quang chóng qua, nhưng là một hành trình dẫn dắt đến sự tự do đích thực, sự tự do vốn giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và khỏi tội lỗi. Cần phải thực hiện một sự chối từ dứt khoát với não trạng thế gian vốn cậy dựa vào “chính bản thân mình” và chính những lợi lộc như trung tâm của sự hiện hữu. Không, đây không phải là điều Đức Giêsu muốn từ chúng ta! Thay vào đó, Đức Giêsu mời gọi ta hiến dâng chính mạng sống mình vì Ngài và vì Tin Mừng, để nhận lại được sự sống mới và chân thực. Tạ ơn Đức Giêsu, chúng ta xác tin rằng con đường này đưa dẫn tới sự sống lại, tới cuộc sống tròn đầy và chung cục cùng với Thiên Chúa. Quyết định bước theo Ngài, Thầy Chí Thánh và là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã trở nên tôi tớ vì tất cả, đòi buộc chúng ta bước theo sau Ngài và lắng nghe lời Ngài một cách chăm chú và hãy nhớ : mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng và nhận lãnh các Bí Tích.”

Kết thúc bài giảng, ĐTC nói: “Nơi quảng trường này, có những người trẻ đang ở đây, nam cũng như nữ. Cha chỉ đặt một câu hỏi cho chúng con: Chúng con có bao giờ cảm thấy ước muốn bước theo Đức Giêsu ngày càng sát sao hơn không? Hãy suy nghĩ. Hãy cầu nguyện. Và hãy để Thiên Chúa ngỏ lời với chúng con. Đức Trinh Nữ Maria, Người đã bước theo Đức Giêsu cho đến Cal-va-ri-ô, xin Mẹ hãy giúp đỡ chúng ta thanh luyện thường xuyên đức tin của mình, để kết hợp mật thiết với Đức Ki tô và Tin Mừng của Ngài.

---

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC cũng gợi nhắc hôm nay ở Nam Phi Giáo Hội sẽ phong chân phước cho ông Samuel Benedict Daswa, người cha của gia đình, bị sát hại năm 1990 vì niềm tin vào Tin Mừng. Trong cuộc đời của mình, ông đã luôn bày tỏ một sự nhất quán khi đảm nhận một cách can đảm những lập trường của Kitô hữu và khước từ những thói thường của nhân thế và dân ngoại. Chứng tá của ông nâng đỡ một cách đặc biệt các gia đình trong việc loan báo sự thật và bác ái của Đức Ki tô. Sau đó, Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào nồng nhiệt đến các khách hành hương đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Jos. Nguyễn Huy Mai
 
ĐTC lưu tâm tới giới trẻ và việc dậy giáo lý
Linh Tiến Khải
17:28 14/09/2015
ĐTC lưu tâm tới giới trẻ và việc dậy giáo lý

VATICĂNG: Trong buổi tiếp kiến dành cho các Giám Mục Bồ Đào Nha những ngày vừa qua ĐTC Phanxicô đã chia sẻ với các vị âu lo của ngài đối với giới trẻ và việc dậy giáo lý cho họ.

ĐTC đã cho biết như trên trong buổi phỏng vấn dài dành cho nữ phóng viên Aura Miguel của Radio Renascenza Bồ Đào Nha. Ngài khẳng định rằng cần phải làm cho người trẻ lớn lên và đồng hành với họ, với sụ thận trọng đối thoại với họ và làm sao để việc dậy giáo lý cho họ không chỉ thuần lý thuyết. Giáo lý phải có ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của cái đầu, của con tim và của đôi tay. Làm sao để người trẻ biết đức tin là cái gì, cảm nghiệm nó trong trái tim và dùng nó để làm các việc cụ thể: nghĩa là “suy nghĩ điều mình cảm thấy và làm, cảm thấy điều mình suy nghĩ và làm, và làm điều mình cảm thấy và suy nghĩ”.

Trả lời câu hỏi có viếng thăm Bồ Đào Nha nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima hay không, ĐTC bầy tỏ uớc mong đến Fatima. Ngài nói: “Đức Mẹ xin chúng ta luôn luôn cầu nguyện, lo lắng cho gia đình và tuân giữ các giới răn của Chúa, và sống đơn sơ như các trẻ em. Đức Bà là Mẹ tự tỏ hiện ra cho các trẻ em, và luôn luôn tìm kiếm các linh hồn đơn sơ.”

Liên quan tới hiện tượng di cư tỵ nạn khiến cho Âu châu lo lắng, ĐTC nói đó chỉ là một chỏm nhỏ của tảng băng khổng lồ. Thế giới đang chứng kiến các người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh, đói khổ, nhưng lý do nền tảng là một hệ thống xã hội kinh tế xấu xa và bất công. Đề cập đến vấn đề môi sinh ngài nhấn mạnh rằng con người phải là tâm điểm của xã hội kinh tế và chính trị, bởi vì hệ thống kinh tế thống trị ngày nay đã loại bỏ con người ra ngoài lề và để tiền bạc vào trung tâm. Nó là thần tượng thời thượng hiện nay. Cần phải đi tới các lý do. Ở dâu lý do là đói khổ thì phải tạo ra công ăn việc làm. Ở đâu lý do là chiến tranh thì phài tìm kiếm hoà bình và làm việc cho hoà bình. Ngày nay thế giới gây chiến với chính mình. Cần phải tiếp đón các anh chị em di cư tỵ nạn như họ là, và tìm cách cho họ một nơi cư ngụ va giúp họ hội nhập xã hội.

ĐTC cũng tố cáo nền văn hóa thoải mái dẫn đến tình trạng số sinh giảm sút quá thấp trong vài quốc gia âu châu như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong khi đó thì số người già gia tăng. Khi có chỗ trống, khi không sinh con, thì người di cư tới chiếm chỗ của chúng. Theo ĐTC thách đố lớn nhất của Âu châu là phải trở thành mẹ trở lại chứ không phải là bà Âu châu. Âu châu có một nền văn hóa đặc biệt phải tái chiếm khả năng lãnh đạo, chỉ đường. Âu châu chưa chết, chỉ hơi là bà một chút thôi, nhưng có thể trở thành mẹ. Có đúng thật là Âu châu đã sai lầm, khi chối bỏ các gốc rễ kitô của minh. Trong đời ai cũng lầm lỡ, nhưng Âu châu còn kịp giờ để trở thành Âu châu mẹ biết lo lắng cho giới trẻ, nhất là người trẻ thất nghiệp. Các dòng tu có đặc sủng giáo dục, các giáo dân giáo chức hãy tạo ra các trường học cấp thiết để giúp ngưởi trẻ học nghề giúp họ tìim ra công ăn việc làm, như hệ thống giáo dục của dòng Don Bosco.

Liên quan tới làn sóng của chủ nghĩa cá nhân khiến cho người ta nghĩ rằng tự do là làm điều mình muốn, và gieo vào đầu trẻ em ý niệm hạnh phúc là không có vấn đề, ĐTC nói một cuộc sống không vấn đề là một cuộc sống nhàm chán. Nhu cầu đương đầu và giải quyết các vấn để là bẩm sinh nơi con người. Cần phải giáo dục cho người trẻ biết các quyền lợi và nghĩa vụ của họ, và biết liều lĩnh. Để giáo dục cần dùng cả hai chân: một chân dựa vững vàng trên mặt đất, chân kia giơ lên và bước tới, rồi tìm điểm tựa cho vững và cứ thế tiếp tục. Liều lĩnh. Tại sao? Vì tôi có thể vấp ngã. Nhưng hãy đứng lên và tiếp tục bước tới! Trong nghĩa này Giáo Hội cũng phải đi ra, phải liều lĩnh. Nếu một Giáo Hội, một giáo xứ, một giáo phận, môt dòng tu sống khép kín trong chính mình, thì sẽ đau yếu, và chúng ta có một Giáo Hội teo quắt, với các điều luật cứng nhắc, không có óc sáng tạo, được bảo đảm nhưng không chắc chắn. Trái lại một Giáo Hội, một giáo xứ xuất hành và truyền giáo có thể gặp một tai nạn như xảy ra cho bất cứ ai đi ra. Nhưng giữa một Giáo Hội đau yếu và môt Giáo Hội bị tai nạn, tôi thích Giáo Hội bị tai nạn hơn, vì ít nhất nó đã đi ra. Trả lời câu hỏi có phải vì thế mà ngài được bầu làm Giáo Hoàng không, ĐTC cuời trả lời nhà báo: “Điều đó chị phải hỏi Chúa Thánh Thần”.

Về các chờ mong đối với Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC nói ngài ước mong mọi người đều tới để cảm nghiệm tình yêu và ơn tha thứ của Chúa. ĐTC cho biết thư gửi cho ĐTGM Fisichella và Tự Sắc khiến cho các tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu nhằm đơn giản hóa và tạo dễ dàng cho đức tin của giáo dân để họ cảm thấy Giáo Hội là mẹ (SD 14-92015).

Linh Tiến Khải
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thường huấn Linh Mục tại giáo phận Hưng Hoá
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
07:12 14/09/2015
Lòng tôn kính tổ tiên hôm qua và hôm nay

“Thường huấn là bổn phận của một linh mục. Mỗi năm thường có 2 kỳ thường huấn và 1 kỳ tĩnh tâm. Hôm nay, linh mục đoàn giáo phận quy tụ nơi đây để thường huấn đợt II năm 2015 là một điều rất hợp tình và hợp lý”, đó là lời khai mạc của Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục giáo phận Hưng Hóa.

Xem Hình

Chủ đề của tuần thường huấn đợt này là lòng tôn kính tổ tiên hôm qua và hôm nay do cha Giuse Trịnh Tín Ý, thư ký Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN, thuyết trình cho linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa tại Trung tâm Mục vụ Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, từ ngày 07-12/9/2015. Tham dự thường huấn ngoài Đức Giám Mục (ĐGM) Chánh Tòa, ĐGM phụ tá, 90 linh mục còn có 8 Thầy phó tế và 11 Thầy mục vụ.

Đúng 14g00 thứ Hai ngày 07/9, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã khai mạc tuần thường huấn trong tinh thần gia đình con cái Chúa. Cha giảng thuyết bắt tay ngay vào công việc vì lý do thời gian không nhiều. Cha Giuse hiểu rất sâu sắc về văn hóa Á Đông, trong đó có nguồn gốc và giá trị của việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng chứ không là một tôn giáo.

Chính vì việc nhận thức không đầy đủ về vấn đề này nên công cuộc truyền giáo đã không bén rễ sâu vào các dân tộc Á Châu, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Đã nhiều lần tưởng chừng như đổ bể bởi sự nghi kỵ, hiểu lầm giữa dòng Tên, dòng Đaminh và một số các thừa sai khác. Đến nỗi, nhiều lệnh cấm về nghi thức sùng kính tổ tiên được ban hành, rồi lại cho phép từ phía Giáo Hội Rôma. Có thể nói qua việc cấm kỵ về kính nhớ tổ tiên này, công cuộc truyền giáo tại Á Châu gần như bị khựng lại.

Có nhiều cuộc tranh chấp nổ ra như tranh chấp nghi lễ Trung Hoa giữa các cha dòng Đaminh với các cha dòng Tên về lý do nào cho phép thờ cúng tổ tiên khoảng những năm từ 1635 – 1645. Rồi trải qua giai đoạn lắng dịu, rồi lại tiếp đến giai đoạn căng thẳng tại Phúc Kiến và Huấn thị Plane Compertum Est (bộ Truyền giáo, năm 1939) trực tiếp cho Trung Hoa và gián tiếp cho các nước Đông Nam Á.

Cha Đắc Lộ, nhà truyền giáo dòng Tên, người sáng lập ra chữ quốc ngữ, chấp nhận việc tôn kính ông bà tổ tiên. Ngài nói: “Người ta có thể giữ lại các nghi thức ấy mà không can hệ gì đến Đạo Thánh và không nên bãi bỏ mọi hình thức thờ cúng tổ tiên trong hành trình truyền giáo” (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài).

Nhận thức được vai trò và sự ảnh hưởng của nghi thức này, HĐGM Việt Nam đã đưa ra Thông cáo năm 1964 và Quyết nghị năm 1974 cho phép thờ cúng ông bà tiên. Qua đó, Giáo Hội Việt Nam sẵn sàng dấn thân cho công trình hội nhập văn hóa hay Tân Phúc Âm hóa với lòng “nhiệt tình mới”.

Chiều thứ Sáu, Đức Cha giáo phận mời cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái và các Trưởng thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn thuyết trình về Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Phong trào quy tụ các trẻ em quanh Chúa Giêsu Thánh Thể để huấn luyện các em trở nên những con người hoàn thiện và kitô hữu đích thực.

Phong trào được gọi là phong trào đoàn thể Công Giáo tiến hành với 4 đặc tính: mục đích là rao giảng Tin Mừng và thánh hóa mọi người; có sự cộng tác với hàng giáo phẩm nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng; hoạt động phong trào có tính cách cộng đoàn; phong trào luôn tùy thuộc vào sự hướng dẫn của hàng giáo phẩm.

Chỉ thuyết trình trong vòng 2 tiếng đồng hồ nhưng cha Giuse và các Trưởng đã giúp cho quý cha, quý thầy có cái nhìn mới về thiếu nhi và giới trẻ vì đây là mục vụ rất cần thiết tại các giáo xứ. Có thể nói quan tâm tới các em thiếu nhi và giới trẻ là một nửa phần mục vụ của quý cha.

Vào các buổi tối, Đức Cha chính và phụ tá đã huấn dụ và thống nhất một số vấn đề liên quan đến mục vụ trong giáo phận, trong đó có hôn phối: từ việc trình diện, thời gian học giáo lý, các mẫu đơn và quyền được chứng hôn.

Ngoài ra, ĐGM thông báo lễ truyền chức Linh mục cho 8 Thầy phó tế vào ngày 01/10/2015 tại nhà thờ chính tòa Sơn Lộc. Cánh đồng truyền giáo có thêm thợ gặt. Một tín hiệu vui mừng.

Nhìn vào chương trình, ngoài các giờ lên lớp, các giờ đạo đức được đề cao, nhất là các Thánh lễ vào buổi sáng. Theo lịch phụng vụ, Đức Cha cũng muốn linh mục đoàn cầu nguyện với những ý chỉ chung của giáo phận. Thứ Hai: xin ơn Chúa Thánh Thần; thứ Ba: xin ơn hiệp nhất linh mục; thứ Tư: cầu nguyện cho giáo phận; thứ Năm: cầu cho các nam nữ tu sỹ; thứ Sáu: cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và đối thoại liên tôn; thứ Bảy: cầu nguyện cho các ân nhân của giáo phận.

Nhân dịp này, linh mục đoàn cũng có bó hoa tươi thắm chúc mừng hai năm Giám mục của Đức Cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long. Ngài đã cám ơn Đức Cha Gioan và quý cha giáo phận đã nâng đỡ ngài rất nhiều trong sứ vụ Giám mục phụ tá. Với khối lượng công việc bộn bề, tóc ngài đã bạc nhiều nhưng nhiệt huyết vẫn lên cao.

Tuần thường huấn được kết thúc vào lúc 21g30 ngày 11.9 trong bình an của Chúa. Đức Giám Mục muốn quý cha nghỉ lại TTMV để sáng hôm sau dâng lễ cầu nguyện cho các ân nhân của giáo phận. Đây là một nghĩa cử biết ơn mang tính hệ thống.

Tuần thường huấn diễn ra tốt đẹp từ chương trình, nơi ăn chốn nghỉ đến thời tiết. Xin tạ ơn Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria. Với những điều lãnh hội được qua những ngày thường huấn, quí cha có thêm hành trang tiện ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Hiệp hội mến Thánh Giá giáo xứ Búng, Phú Cường mừng lễ bổn mạng
Phượng Nguyễn
07:24 14/09/2015
"Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời."(Ga, 13-17)

Hiệp Hội Mến Thánh Gía Tại Thế Giáo xứ Búng qua 3 ngày Tĩnh Tâm trong tâm tình thống hối, tạ ơn và cảm ơn muôn ơn lành Thiên Chúa không ngừng tuôn đỗ xuống từng thành viên theo ơn gọi yêu mến Thánh Gía giữa đời. Thánh giá là chiều cao, đỉnh điểm của sự khải hoàn, phục sinh vinh hiển; chiều ngang với đôi tay giang rộng ôm lấy nhân gian, cứu chuộc muôn người; với chiều sâu tâm hồn, chết đi cho tội lỗi, để chúng ta nhận ra những dấu chỉ tình yêu, sống kết hợp với Thiên Chúa.

Thánh lễ hôm nay do cha Micae Lê văn Khâm- cha sở họ Búng chủ tế, cha Giuse Lê Anh Hùng- đặc trách Hiệp Hội MTG, cùng đồng tế. Có sự tham dự của cha Tôma Phạm văn Đông- cha phó họ Búng với 100 anh chị em thành viên, và bà con giáo dân dự lễ thật sốt sắng.

Lời giảng cha Micae:

"Khép mình vào Hiệp Hội, anh chị em nhìn lên Thánh giá trong ân tình, trong sự chờ đợi tiếp sức nhất là khi gặp thử thách gian truân, dường như tất cả dìm vào sự đau khổ. Đó là sự khiêm hạ lớn lao, là tình yêu, là sự trân trọng khi lưỡi đòng đâm thấu nương long, là bài học quý giá mà anh chị em đã lãnh nhận.

Chính vì yêu mà Thiên Chúa thí mạng sống vì người mình yêu. Hình ảnh Đức Giêsu bị treo lên thu hút nỗi lòng chúng ta như một dấu ấn: Tôi đã chết không còn mảnh vải che thân vì yêu nhân loại. Biết bao thi nhân, họa sỹ đã vẽ lên cái đẹp của Đức KiTô, nhưng mầu nhiệm tình yêu nào ai hiểu thấu, nếu chúng ta không kết hợp với nỗi đau của Người!

Khi ta còn bé, mẹ dạy ta làm dấu Thánh giá, khắc ghi bao kỷ niệm, để mai đây lớn khôn, lời kinh đơn sơ ấy theo hoài bước chân đi. 5 dấu thánh in lại trên thân xác cho những vị Thánh nhận ra Chúa KiTô đã sống trong tôi, yêu sự nghèo khó, đau khổ như một đặc ân; là thành viên của Hiệp Hội Mến Thánh Gía, xin chúc cho anh chị em sống trung thành với ơn gọi, luôn biết ngắm nhìn Thánh giá kiên trì vượt qua nỗi đau trong sự hy sinh, phục vụ."

Ca đoàn Thánh Qúy với những lời ca đi sâu vào lòng người, đã góp phần cho Thánh lễ thêm ý nghĩa. Xin cho những ai yêu mến Thánh Gía luôn dìm sâu trong lý tưởng đời mình trong tình yêu, trong sự hy sinh thầm lặng nơi gia đình, các công tác Giáo xứ, lan tỏa cho những người chung quanh, để những ai tin vào Người sẽ được cứu độ, và được sống muôn đời.
 
Ban bí tích Khai Tâm tại giáo xứ Mỹ Trung, GP Mỹ Tho
GX Mỹ Trung
22:06 14/09/2015
Ban bí tích khai tâm tại giáo xứ Mỹ Trung, GP Mỹ Tho cho 104 người dự tòng

Chúa Nhật, 6g30 ngày 13.09.2015, Giáo xứ Mỹ Trung rất vinh dự và vui mừng hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đến ban Bí tích khai tâm cho 104 người dự tòng, có độ tuổi từ 4 đến 87 tuổi. Đây là lần thứ ba ngài đến Giáo xứ trong vòng chín tháng, kể từ lần đầu tiên vào Chúa Nhật I Mùa Vọng 30.11.2014, và trong vòng một năm kể từ khi Đức Cha nhận nhiệm sở mới tại Giáo phận.

Xung quanh Giáo xứ là những cánh đồng lúa vàng mênh mông bát ngát, với hương thơm dịu ngọt của những hạt lúa mới. Hình ảnh đó là niềm vui của những người nông dân, họ thực sự vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy những cánh đồng lúa vàng đang nặng trĩu hạt, và đã sẵn sàng vào mùa gặt hái. Giáo xứ Mỹ Trung cũng vào mùa bội thu trong cánh đồng truyền giáo. Niềm vui của ngày gặt hái thể hiện trên gương mặt của toàn thể cộng đoàn Giáo xứ, cả cộng đoàn nhắc nhau cùng hợp lực hợp sức chuẩn bị từng việc nhỏ nhất cho Thánh lễ trọng đại của Giáo xứ. Các đội đón tiếp, đội trống, đội trắc và cùng toàn thể giáo dân đã kịp vang lên chung một nhịp, để cùng chào đón Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ, quý ân nhân cùng quý khách đến chung vui với Giáo xứ trong không khí tràn đầy cảm xúc.

Thánh lễ diễn ra đúng 7 giờ, đồng tế với Đức Cha có Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long-Cha Sở Giáo xứ Mỹ Trung, Cha Viện trưởng cùng Cha Minh Phương dòng Xitô Phước Lý, Cha Tôma Phạm Ngọc Dương, Cha Phêrô Hồ Bản Chánh và Cha Phêrô Võ Vinh Phước. Hiện diện tham dự Thánh lễ có quý Sơ dòng Phaolô, quý Dì dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, quý Sơ dòng Đaminh, quý thầy, quý hội đoàn, quý khách ân nhân xa gần, những người dự tòng và toàn thể giáo dân trong Giáo xứ. Số lượng lớn người đến tham dự Thánh lễ chật kín không gian nhà thờ, không còn một chỗ trống trong nhà thờ ra đến ngoài sân.

Tạ ơn Chúa vì Hạt Giống Tin Mừng tiếp tục được gieo trồng và phát triển trong Giáo xứ, nhờ ơn Chúa qua sự quan tâm đặc biệt của Đức Cha trong việc truyền giáo. Đồng thời dưới sự dẫn dắt của Cha Sở và cùng cộng tác có quý Thầy, quý Sơ, quý Dì và Ban truyền giáo của Giáo xứ trong nhiều năm qua. Ban truyền giáo đã có những hoạt động tích cực, kiên trì hợp tác chặt chẽ với Cha Sở vào mỗi thứ Năm hằng tuần. Để cùng hội họp đưa ra nhiều cách thức hoạt động loan báo Tin Mừng, sống tình yêu thương, thăm viếng từng gia đình lương dân, cùng giúp đỡ và chia sẻ trong tình huynh đệ bác ái. Điều đó, đã trở thành dấu chỉ sống động của sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa ở Giáo xứ Mỹ Trung. Đồng thời, điều đó cũng giúp họ nhận ra ơn Chúa và sự hiện diện của Chúa nơi gia đình họ.

Để đến ngày hôm nay, cả Giáo xứ cùng vui mừng sống trong hồng phúc tuyệt vời của Chúa. Vì trong những người lương dân chiếm đa số ở nơi đây, đã có 104 người tự nguyện và quyết tâm theo học giáo lý trong suốt thời gian qua. Và hôm nay Đức Cha đã ban Bí tích khai tâm cho những người dự tòng, họ đã được tiếp nhận và chính thức trở thành người con của Chúa và Hội Thánh. Niềm vui lớn nhất đối với Giáo xứ là chưa tròn một năm nhưng đã có hơn 250 người tin theo Chúa, gia nhập vào gia đình Hội Thánh, trở thành bổn đạo của Giáo xứ Mỹ Trung, người con của Giáo phận Mỹ Tho.

Trong Bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô đã nhắn nhủ giáo dân: “Sống tình yêu thương cho đến tận cùng, và vì tình yêu thương đó phải từ bỏ bản thân, phải hy sinh chính mình” và “ước mong khi anh chị em đã trở thành người Công Giáo, anh chị em sống tình yêu thương đậm đà hơn trong gia đình của mình, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái. Anh chị em sống tình yêu thương đậm đà hơn trong họ đạo Mỹ Trung này để làm cho tình yêu thương của Chúa càng ngày càng lan rộng ra trên miền đất mà chúng ta đang sinh sống”. Vì “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8, 34) Lời Chúa trong bài Phúc âm hôm nay và lời kêu gọi trong sứ điệp của Đức Giáo Hoàng nhân ngày thế giới truyền giáo Chúa Nhật ngày 18.10.2015 sắp tới: “Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành thừa sai” chính là sứ mạng của Ban truyền giáo của Giáo xứ. Nơi đây từng cá nhân sống Lời Chúa cách nhiệt thành, hăng say phục vụ, luôn biết từ bỏ bản thân, hy sinh theo Chúa để rao giảng Tin Mừng, làm cho người khác yêu mến Chúa và tin theo Chúa.

“Đạo yêu thương” là món quà bất ngờ trong ngày lễ mà Đức Cha dành tặng cho những anh chị em tân tòng. “Đạo yêu thương” chính là tập sách làm hành trang truyền giáo cực kỳ hữu ích. Đặc biệt, chính ngài là tác giả đã biên soạn ra tập sách này. Bất kỳ ai đọc được những trang sách này cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được sở hữu “Đạo yêu thương”. Không chỉ tặng quà, ngài còn ưu ái dành thời gian quý báu của mình để đặt bút ký tên lưu niệm, cùng với lời nhắn nhủ trên tập sách cho từng người. Tình yêu thương đó của Đức Cha dành cho những anh chị em tân tòng là vô cùng cao quý.

Điều bất ngờ khác lại đến từ hai vị khách, họ đã được Cha Sở mời đến tham dự Thánh lễ. Nhờ quyền năng ơn Chúa Thánh Thần tác động và qua bài giảng của Đức Cha trong Thánh lễ. Một trong hai vị khách mời là Đảng viên, họ đều cảm nhận được những điều mà Thiên Chúa muốn nơi họ. Giữa bầu khí chung vui bữa cơm thân mật sau Thánh lễ, họ đã mạnh dạn chia sẻ cảm nghĩ sâu sắc của mình với các Cha và với mọi người hiện diện. Và thật ngạc nhiên, họ đã quyết định đăng ký theo học đạo chỉ sau khi tham dự Thánh lễ. Một dấu ấn rất đáng trân trọng mở ra cho mùa gặt mới trong một ngày không xa.

Thánh lễ diễn ra trong sự trang nghiêm sốt sắng và kết thúc thành công tốt đẹp hơn cả sự mong đợi. Thật ấn tượng với những sự kiện rất đáng ghi nhớ, không khí thật thân thương và thật ấm áp tình gia đình trong Giáo xứ. Tạ ơn Chúa vì những hồng ân lớn lao mà Ngài đã thương ban. Xin tri ân Đức Cha Phêrô đã luôn yêu thương cầu nguyện và thương thăm đoàn chiên của ngài. Xin cám ơn quý Cha đồng tế đã luôn dõi bước, cầu nguyện và đồng hành với mọi hoạt động của Giáo xứ. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho quý tu sĩ nam nữ, những người đã dày công vun đắp, gieo vãi, ươm mầm hạt giống Đức Tin xuống trên mảnh đất Mỹ Trung trong suốt thời gian qua, và làm cho hạt giống ấy nẩy mầm sinh hoa kết trái tươi tốt. Quý ân nhân, quý khách xa gần là những người đã luôn động viên khích lệ và hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất cho Giáo xứ, xin chúa chúc phúc lành và trả công bội hậu thay cho chúng con.
 
Lễ khấn tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An, Mỹ Tho
Têrêsa Mai An
22:03 14/09/2015
LỄ TUYÊN KHẤN LẦN ĐẦU VÀ TUYÊN KHẤN TRỌN ĐỜI

CỦA QUÝ DÌ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ TÂN AN

“Chúa Cha là tình yêu đóng đinh nghĩa là chấp nhận trao con mình cho thế gian, để thế gian đóng đinh con của mình. Chúa Con là tình yêu chịu đóng đinh, một tình yêu tự hiến thân và chịu đóng đinh trên thánh giá. Và Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu”. Đó là những tư tưởng trong bài giảng lễ khấn dòng của Quý Dì, mà Đức Cha muốn gợi lên để mọi người ý thức hơn về tình yêu Ba Ngôi, và đó cũng là lý tưởng mà Quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Tân An hằng chiêm ngắm, suy niệm và noi theo. Với ước mong dấn thân trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa, ngày 14.09.2015, Hội dòng có 3 Dì tiên khấn và 10 Dì vĩnh khấn đã long trọng tuyên khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm trước mặt Đấng Bản Quyền Giáo phận là Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm.

Vào lúc 09g00, thánh lễ bắt đầu với đoàn rước long trọng từ Nhà xứ tiến vào ngôi thánh đường Giáo xứ Tân An. Đồng tế với Đức Cha có Đức ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện, quý Cha quản hạt, 50 cha trong và ngoài Giáo phận. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha nói lên niềm vui không những riêng Hội dòng MTG Tân An, nhưng còn là niềm vui cho toàn Giáo phận Mỹ Tho, vì có những người con dám dâng hiến toàn thân và cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến được tiếp tục dâng cao trong đời sống phục vụ và phụng sự của mình.

Xem Hình

Trong bài giảng, Đức Cha nói lên ý nghĩa thánh giá Chúa Giêsu, nơi đó đem lại ơn tha thứ và tình yêu cho nhân loại. Đối với quý Dì khấn sinh hôm nay, ngài muốn Quý Dì sống triệt để hơn lời khấn của mình bằng cách thể hiện ra bên ngoài, thì đời tu sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng. Đối với quý Dì sắp tuyên khấn, Đức Cha nhắn nhủ để quý Dì nhớ rằng, ngày khấn chính là khởi đầu để sống mỗi ngày trọn vẹn hơn, nếu biết gắn bó với Chúa mỗi ngày, đừng để những công việc bên ngoài chi phối đời sống nội tâm. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn đồng hành với quý Dì trong lời cầu nguyện cũng như nâng đỡ quý Dì về vật chất.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên khấn lần đầu. Dì Giám sư Tập viện Maria Trần Kim Phượng giới thiệu các ứng sinh cho Đức Cha. Sau đó, Đức Giám Mục thẩm vấn, và từng Dì trân trọng tuyên khấn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong Hội dòng MTG Tân An qua ba lời khuyên Phúc Âm. Tiếp đến, Đức Cha làm phép khăn lúp, hiến chương và trao cho quý Dì, như dấu chỉ quý Dì chọn Chúa là thành lũy bảo vệ đời mình, và như sợi dây nối kết lời khấn của quý Dì với Đức Kitô.

Tiếp đến là nghi thức tuyên khấn trọn đời. Đây là một quyết định quan trọng cho cuộc đời quý Dì; Vì thế, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hiệp dâng lời cầu lên Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria và các thánh qua Kinh Cầu Các Thánh. Sau đó, quý Dì nói lên niềm xác tín của mình, bằng hành vi hoàn toàn tự do và ý thức qua lời tuyên khấn trọn đời trước mặt Đấng Bản Quyền Giáo Phận, và trong tay Dì Tổng Phụ Trách (TPT) Maria Nguyễn Thị Kiều Nương. Nhẫn giao ước, thánh giá luôn là hành trang để nhắc nhớ quý Dì về mối dây liên kết chặt chẽ với Đức Kitô được Đức Cha làm phép và trao cho quý Dì. Kết thúc nghi thức tuyên khấn trọn đời, Dì TPT thay mặt Hội dòng tiếp nhận quý Dì vào gia đình Hội dòng MTG Tân An với những nhiệm vụ và quyền lợi.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Dì TPT đại diện Hội dòng dâng lời cám ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và quý khách, cách riêng quý cha mẹ đã quảng đại dâng những người con cho Thiên Chúa để phục vụ Giáo Hội, và bước theo Đức Kitô trong ơn gọi MTG. Bên cạnh đó, một phụ huynh đại diện cho những gia đình tân khấn sinh cám ơn Đức Cha và quý Cha đã đến dâng thánh lễ. Cách riêng, Ông cám ơn Hội dòng đã giáo dục và hướng dẫn quý Dì tân khấn sinh trong đời sống ơn gọi theo Chúa. Ông cũng nói lên niềm vui của mình khi nhìn thấy những người con ngày nào còn thơ bé nhưng nay đã thay đổi rất nhiều. Ông nhắn nhủ: “các con hãy an tâm và vững bước vì có sự đồng hành của Chúa, Hội dòng và đặc biệt của các ba mẹ. Do vậy các con hãy can đảm và kiên trung theo Chúa”.

Để đáp lại niềm vui ngày trọng đại này, trước hết Đức Cha thay mặt Giáo phận cám ơn quý Ông Bà Cố không những đã sẵn sàng, vui vẻ dâng hiến con mình cho Chúa, mà tiếp tục đồng hành với con mình trong đời sống dâng hiến. Ngài nói lên niềm xác tín rằng, “bao lâu trên đất nước này còn những gia đình Công Giáo tốt lành như thế, bấy lâu chúng ta còn có quyền hy vọng vào sự phong phú của ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam”. Điều tiếp theo ngài muốn cộng đoàn hiệp thông với Giáo Hội, bằng việc cầu nguyện cho các Giám mục trong kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Xuân Lộc trong tuần này.

Sau thánh lễ, Đức Cha, quý Cha, quý khách cùng với gia đình các tân khấn sinh chung vui với Hội dòng trong bữa tiệc thanh đạm tại Nhà xứ.

Têrêsa Mai An
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Chúa Giêsu trong bốn phúc âm
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:17 14/09/2015
Hình ảnh chúa Giêsu trong bốn phúc âm (4)

4. Trong phúc âm thánh Gioan

Phúc âm thứ tư viết về lịch sử cùng giáo lý của Chúa Giêsu được cho là do Thánh Gioan, môn đệ Chúa Giêsu, người đã cùng đức mẹ Maria đứng dưới chân thập gía Chúa Giêsu lúc người qua đời, viết vào khoảng năm 90. - 100. sau Chúa giáng sinh (SCGS).

Khác với ba phúc âm theo Thánh Mattheo, Marco và Luca, hay còn gọi là Bản nhất lãm - Synoptik - với những lời thuật kể ngắn gọn qua những dụ ngôn. Thánh Gioan viết thuật những cuộc nói chuyện của Chúa vừa dài vừa bằng ngôn từ thần học khó hiểu cao siêu, chứa chất ngôn ngữ hình ảnh biểu tượng. Có người còn nghĩ cho rằng phúc âm theo Thánh Gioan chứa chất những chất liệu suy niệm thần bí chiêm niệm.

Nhưng phúc âm theo Thánh Gioan viết trên căn bản: Ai ở lại nơi Chúa Giêsu, người đó ở nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa ở nơi người đó.

4.1. Chúa Giêsu, Người mặc khải Thiên Chúa

Con đường đời sống Chúa Giêsu nơi phúc âm theo Mattheo, Marco va Luca khác biệt hẳn với phúc âm theo Gioan. Nơi phúc âm nhất lãm Chúa Giêsu xuất hiện ra công khai chỉ hơn một năm và kết thúc dừng lại ở Giêrusalem. Còn nơi Thánh Gioan con đường đời sống Chúa Giêsu đi rao giảng kéo dài ba năm luân phiên thay đổi xảy ra giữa Galileo và Giêrusalem.

Thánh Gioan thuật lại những huấn từ mặc khải dài của Chúa Giêsu. Những huấn từ này tập trung chú trọng đến đề tài nhất định, như bánh sự sống (Ga 6), và huấn từ giã biệt (Ga 13-16).

Nơi phúc âm Nhất lãm triều đại nước Thiên Chúa và những hệ luận được chú trọng nhấn mạnh. Còn nơi Thánh Gioan bản thân Chúa Giêsu trở thành đề tài chính: uy quyền của Ngài là người mặc khải của Thiên Chúa và mối tương quan liên kết với Thiên Chúa Cha.

4.2. Hoàn cảnh khốn khó

Thánh Gioan viết giáo lý phúc âm Chúa Giêsu vào quãng thời gian Cộng đoàn xứ đạo thuở Hội Thánh lúc ban đầu khoảng năm 100. SCGS lúc đó đang trong hoàn cảnh khó khăn bị kỳ thị chèn ép. Điều này thấy rõ nơi nhiều chương đoạn nói đến sự nguy hiểm có người bị xua đuổi khỏi Hội đường Do Thái (Ga 9,22, 12,42,16,2). Điều này nói lên qúa trình sự kiện tách biệt ngăn chia giữa Hội đường Do Thái ở nơi địa phương với Cộng đoàn xứ đạo Chúa Kitô của Thánh Gioan.

Cộng đoàn xứ đạo Gioan hiểu cùng tin nhận Chúa Giêsu là người mặc khải chính thật của Thiên Chúa. Điều khác biệt này về Chúa Giêsu đưa đến sự ngăn cách chia rẽ với những người Do Thái khác ngay trong thành phố của họ.

Hậu qủa là càng ngày Cộng đoàn Giáo Hội Kitô giáo càng lâm vào tình trạng bị tách biệt ra khỏi, và mất đi đặc ân được bảo vệ, mà những Hội đường Do Thái giáo có. Một bầu khí lo âu sợ hãi đè nặng lan rộng trong cộng đoàn Kitô hữu, và như có phản ứng nổi lên sự hoài nghi cùng bỏ quay lưng lại với Cộng đoàn xứ đạo Chúa Kitô (Ga 6,66).

Nhất là sau khi thành Giêrusalem vào khoảng năm 70. SCGS bị tàn phá, Do Thái giáo sống trải qua thời kỳ chuyển đổi. Họ đi tìm cách thế mới để sống còn cùng bảo vệ giữ lại bản sắc căn cước tính gốc của mình. Vì thế, những người bỏ không theo Do Thái giáo ở ngay trong Hội đường Do Thái địa phương bị nhìn với con mắt ác cảm không thân thiện, và bị loại trừ khỏi Hội đường (Ga 16,1-4).

4.3. Từ khởi thủy đã có ngôi Lời - Logos.

Ngày xưa trước thời Công đồng Vatican 2., sau mỗi thánh lễ Misa bài phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan „ Từ nguyên thủy đã có ngôi Lời…(Ga 1, 1-18), được đọc lên. Bài phúc âm này không phải là bài kết thúc phúc âm, nhưng là bài tựa khởi đầu sách phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan.
Ngôi lời - Logos là gì? Lời - Logos - có thể theo nguyên ngữ Hylạp có nghĩa là lời nói. Nhưng Logos cũng có thể là nguyên lý của trí khôn lý trí tận trong thâm tâm.

Bài tự khởi đầu sách phúc âm Chúa Giêsu cũng nói lên chương trình của Chúa Giêsu, đấng là người mặc khải của Thiên Chúa sai đến trần gian đứng ở trung tâm. Bài tựa khởi đầu đồng hoá nhận dạng Chúa Giêsu với Lời của trời cao bắt nguồn trực tiếp ngay bên Thiên Chúa, và Lời Thiên Chúa đã cùng chung vào việc sáng tạo vũ trụ, sự sống muôn loài trong đó.

Như hình ảnh gương mẫu cho ngôi Lời, sự khôn ngoan (KN 8,22-31, Sirach 24) của Israel được cá nhân hóa đem vào trình thuật diễn tả cho thêm cặn kẽ sáng tỏ.

Từ sự gần gũi sát bên Thiên Chúa có một không hai này, ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải ra, Ngôi Lời đã đem ánh sáng vào trong trần gian. Thora - Lề luật cũ bây giờ qua đó tỏ hiện trong ánh sáng mới .

Sự tin tưởng xác tín Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu được nhận ra rõ ràng, dần ăn rễ sâu nơi lòng tin của Cộng đoàn Kitô giáo. Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, là người được Thiên Chúa sai đến đại diện, là nơi chốn sự hiện diện của Thiên Chúa.

4.4. Vị sứ gỉa được sai đến

Vai trò Chúa Giêsu, Đấng cứu thế, được Thiên Chúa sai đến đại diện cho Thiên Chúa phù hợp hoàn toàn với ý muốn của Thiên Chúa „ Ta và Cha ta là một“ (Ga 10,30).

Là Sứ giả, Chúa Giêsu nhận chứng từ đích thực từ nơi Thiên Chúa, và thực hiện theo ý muốn của Thiên Chúa với hoàn toàn quyền uy (5, 36-40).

Ai tin nhận sứ mạng của Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến, người đó có được sự sống đời đời (Ga 5,24, 6,29, 12,44, 17,8).
Chúa Giêsu không mang vào trần gian đức tin về sự chân thật theo khía cạnh khách quan, nhưng ngài chính là sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Sự tập trung vào mối tương quan liên kết với Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu nẩy sinh khía cạnh thần bí chiêm niệm.
Mối tương quan liên kết chặt chẽ ở lại trong Chúa Giêsu được diễn tả sống động sâu sắc qua hình ảnh cây nho và nhánh cành nho chung hợp gắn liền với nhau, và chỉ có thể sinh hoa trái nếu gắn bó liền với nhau. Trong tình trạng chia tách lìa khỏi nhau sự lưu lại sẽ trở thành vấn đề sống chết (Ga 15,5).

4.5. Chết vì tình yêu

Nói tới sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía, Thánh Gioan không muốn sự trung lập dửng dưng, nhưng ông muốn nhìn vào thâm sâu hơn. Với Gioan thập gía và Chúa Giêsu được dương lên cao gắn liền với nhau. Sự chết của Chúa Giêsu phải được hiểu là biến cố cứu độ (Ga 12,27-33, 19,30,17,22).

Cái chết của Chúa Giêsu biểu hiện tình yêu của ngài với những người bạn hữu của ngài, và qua đó mang đến cho họ tình yêu thương:

„ Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người….
12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… „( Ga 15,9-14).

Việc rửa chân cho các môn đệ trong trung tâm bữa tiệc sau cùng 13,1-30 biểu hiện tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, và truyền gửi đi sứ điệp hình ảnh gương mẫu về cách sống tình yêu thương giữa các học trò với nhau.

Giới răn mới về tình yêu thương có mục đích thu họp các học trò chung hợp lại với nhau (13,34). Được như thế, họ cần phải liên kết gắn liền với Chúa Giêsu.

4.6. Những ngôn ngữ hình ảnh về Chúa Giêsu

Thánh Gioan trong phúc âm của mình đã vẽ lên hình thể Chúa Giêsu là con đường, là ánh sáng, là sự sống, là sự thật.

Chúa Giêsu là con đường, và chỉ đường cho con người tìm đến sự sống chân thực.

Chúa Giêsu là ánh sáng đến trong trần gian giữa đêm tối tội lỗi. Ánh sáng ngài chiếu soi làm cho sáng tỏ bản tính con người. Trong Chúa Giêsu chúng ta nhận ra mình là ai.

Chúa Giêsu là ánh sáng nội tâm từ bên trong thâm tâm chiếu sáng tỏa ra bên ngoài. Nên ánh sáng đó không thể bị dập tắt được. Ánh sáng Chúa Giêsu là ơn cứu độ chữa lành và là hạnh phúc. Ngài là ánh sáng đích thực chiếu soi cho con người, cùng mang đến sự sống. Và do đó, Chúa Giêsu là ánh sáng và sự sống nội tâm.
4.7. Thầy là…và những con số

Nơi ba phúc âm nhất lãm những dụ ngôn được dùng để tường thuật những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Trái lại nơi phúc âm Thánh Gioan những lời giảng dạy được trình giải ra bằng ngôn ngữ hình ảnh.

Hình ảnh theo Lalande diễn tả có tính cách một độc thoại ra bên ngoài, nhưng lại ẩn chứa trình bày điều gì khác hơn. Tất cả những gì Gioan thuật lại bằng hình ảnh đều như trình bày một thực thể đầy bí ẩn nhiệm mầu sâu xa hơn.

Như hình ảnh về nước. Nước không phải chỉ là một chất lỏng như nước uống, hay một hợp chất hóa học chung hợp lại, nhưng nước là hình ảnh diễn tả về sự sống, về sự tươi mát đổi mới, về sự thanh tẩy, và cũng về sự tàn phá , lụt lội hủy hoại.

Thánh Gioan dùng ngôn ngữ hình ảnh là một nghệ thuật cao vời vừa về trí thức và vừa về thần học huyền bí. Vì bên trong luôn luôn ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa. Thánh Gioan thuật lại những gì Chúa Giêsu làm hay nói đều ẩn chứa điều gì cần phải suy nghĩ sâu xa hơn nữa, điều gì thiêng liêng sâu tận trong tâm hồn con người. Và có thể vì thế, người ta cho rằng phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Gioan cao siêu thần bí, như con chim đại bàng bay vút tận lên trời cao vượt qúa tầm nhìn của con mắt con người chúng ta.
Thánh Gioan cũng dùng con số hình ảnh, như văn hóa thời lúc đó thịnh hành. Nơi Gioan hai con số được dùng như con số thánh là số ba và số bảy.
Con số ba là hình ảnh biểu hiệu nói về Thiên Chúa ba ngôi. Con số bảy nói về sự thay đổi biến dạng của con người qua nhờ sức sống thần linh của Chúa.

Ba lần lễ phục sinh vượt qua được nhắc đến, ba lần Chúa Giêsu ở Galiliea, nơi thập gía ngài nói ba lời.

Bảy dấu hiệu được tường thuật lại. Có bảy chứng từ về Chúa Giesu và Chúa Giêsu tự mình nói bảy lần Thầy là:

1. Thầy là bánh hằng sống 6,35.41.48.51
2. Thây là ánh sáng trần gian 8,12, 12,46
3. Thầy là cửa chuồng chiên 10,7.9
4. Thầy là người mục tử nhân lành 10,11.14
5. Thầy là sự sống lại và là sự sống 11,25
6. Thầy là đường dẫn đưa đến sự chân thật và sự sống 14,6
7. Thầy là cây nho 15,1.5

Và ngôn ngữ hình ảnh về nước cũng bảy lần được nói đến:

1. Gioan tẩy gỉa rửa bằng nước 1,26, 3,23
2. Nước để thanh tẩy rửa tay 2,66
3. Nước giải khát ở giếng Giacob miền Samaria 4,6
4. Nước hồ Betdatha ở thành Gierusalem 5,2
5. Nước Thầy sẽ ban cho 4,14
6. Dòng nước sự sống 7,37…
7. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu 19,34
Sự căng thẳng giữa số sáu, hình ảnh sự bất toàn và số bảy, hình ảnh sự toàn vẹn trọn hảo thể hiện rõ nơi sáu chum nước ở tiệc cưới Cana, chỉ hướng về chum nước thứ bảy là trái tim Chúa mở ra trên thập gía mới được trọn vẹn.

Người phụ nữ Samaria có sáu đời chồng rồi, nhưng vẳn chưa được giải thoát cơn khát vọng tâm hồn. Chúa Giêsu như người thứ bảy mang đến cho đời sống tâm hồn chị ta sự giải thoát.

Thánh Gioan dùng ngôn ngữ hình ảnh với nghệ thuật cao vời. Ông thuật lại lịch sử Chúa Giêsu với ý nghĩa rất sâu sắc. Ông đặt vào môi miệng Chúa Giêsu những lời không bao giờ mang tính cách bề ngoài phô diễn, nhưng luôn luôn nói lên một thực thể thâm sâu nội tâm.

Hình ảnh bánh, cánh cửa, cây nho, nước, người chăn chiên không bao giờ chỉ diễn tả điều gì ở phía đàng trước, nhưng điều gì sâu xa hơn, điều gì có sức đánh động trái tim tâm hồn con người.

Lý do tại sao Thánh Gioan dùng hình ảnh là vì Thiên Chúa trở thành người trên trần gian trong Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu sự vĩnh cửu đã liên kết sâu xa với con người. Bản tính Thiên Chúa đã trở nên một với bản chất trần gian trên mặt đất.

Chúa Giêsu được trình bày bằng ngôn ngữ hình ảnh. Và qua đó phác họa lên sự chung hợp liên kết giữa Thiên Chúa cùng con người với nhau nơi chính bản thân Chúa Giêsu làm người trên trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Vườn rau quê hương Việt Nam tại giáo đô Roma
Lm. Trần Công Nghị
00:01 14/09/2015
VATICAN - Cứ vài năm có dịp về thăm lại kinh thành muôn thuở Roma, mỗi lần về là mỗi lần kí ức quá khứ của thời tu học 50 năm trước đây lại sống động trào dâng...

Hình ảnh vườn rau Quê hương

Tôi vui mừng có ddịp gặp lại người quen thân, thăm bàn bè, viếng những di tích lịch sử ngàn năm, nhất là thăm lại ngôi trường xưa và mộ các vị giáo hoàng tại đền Thánh Phêrô …

Về lần này, tôi đặc biệt chú ý tới “Vườn Rau Quê Hương” nơi Tổ Ấm Phát Diệm (Foyer Phát Diệm) đã được tay các "Ma Soeur" chăm sóc nên thật xanh tươi và thú vị.

Nhân đây tôi vừa ghi lại một số hình ảnh rất tưới mát, nõn nà, thân thương, êm đềm, thiết tha đầm ấm, hương vị đậm đà… làm mát lòng những du khách thập phương, nhất là những mảnh hồn quê hương xa nhà lâu năm… Nơi đây qúi vị sẽ tìm ra đủ hương vị và những thứ rau cần thiết ngay cho dù một bát phở thơm phức hay một tô bún riêu hay một cuốn gỏi cá lóc với lá dấp cá hay lá mơ vàng, ngày cả lá nghệ nữa nhe!

Nếu thèm một bát canh rau đay, rau mùng tơi hay canh bầu thì rau đã sẵn có, nụ hoa bầu đã nở sẵn. Tóm lại vườn rau quê hương Việt Nam tại giáo đô Vatican không thiếu gì cả. Mời qúi vị xem hình ảnh và thưởng thức những luống rau.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Chim Biển
Lê Trị
21:18 14/09/2015
CÁNH CHIM BIỂN
Ảnh của Lê Trị
Biển xanh sóng gió lao xao
Cánh chim ngàn dặm tìm vào bến mơ
Ủ ê cánh trắng đợi chờ
Chênh vênh bờ đá vần thơ dạt dào
Tình dâng muôn đợt sóng trào..
(Trích thơ của Vũ Kim Thanh)