Ngày 14-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người lớn và trẻ em
LM. Anphong Trần Đức Phương
07:57 14/09/2009
NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM

(CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Có lần trong một cuộc hội thảo với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo về vấn đề giáo dục con cái tại Hoa Kỳ, nhiều bà đã tỏ ra lo lắng vì trong xã hội hiện nay, trẻ em thích sống tự lập, thích thoát khỏi sự che chở và giáo dục của cha mẹ; em nào cũng chỉ mong mau đến ngày sinh nhật thứ 18 (18 tuổi), trở thành người lớn để được sống tự do, thoải mái, ngoài sự kiểm soát của cha mẹ!

Thật ra, tâm trạng chung là chúng ta ai cũng muốn làm ‘Người Lớn’, ai cũng muốn là người quan trọng đáng được chú ý hơn người khác. Bài Phúc Âm hôm nay (Matcô 9: 30-37) cho chúng ta thấy đó cũng là tâm trạng của nhóm 12 Tông đồ của Chúa, nên ngay khi Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài, thì mấy ông lại tranh luận với nhau về ai là người ‘lớn nhất’ trong nhóm các ông. Nhưng Chúa Giêsu đã để một em nhỏ đứng giữa các ông, chúc lành cho em, rồi dạy các ông bài học phục vụ trong khiêm tốn: “Ai muốn làm ‘người lớn nhất’, thì hãy hạ mình làm ‘người nhỏ nhất’ và phục vụ mọi người!” Theo Phúc Âm của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em không thể vào được Nước Trời…” (Matthêu 18: 1-4).

Chính vì “ai cũng muốn làm lớn hơn người khác, mà sinh ra đủ thứ tranh chấp, hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…” như Thánh Giacôbê đã nói trong Bài Đọc II hôm nay (Giacôbê 3:16-4:3). Từ đó nảy sinh ra gièm pha, thù hận, làm hại lẫn nhau.

Những tranh chấp này đưa đến chiến tranh, loạn lạc khắp nơi trên thế giới. Trong phạm vi gia đình, cũng vì những ham muốn ‘làm lớn’, mà gây ra những tranh chấp giữa vợ chồng, rồi đưa đến những đổ vỡ rất đáng tiếc trong một số gia đình hiện nay.

Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã không sinh xuống trong cảnh vương giả, giầu sang, nhưng đã chọn nơi hèn mọn, khó nghèo là hang bò lừa để sinh ra và Ngài đã lớn lên trong gia đình Nagiaret bần hàn. Hơn nữa, dù là Thiên Chúa thật, Ngài có thể làm cho người chết sống lại, người mù được thấy…, nhưng Ngài đã không dùng quyền lực Thiên Chúa để giải thoát con người, mà là chọn con đường khổ giá (Philiphê 2:6-8). Chính tên trộm bị treo trên thập tự giá cũng đã mỉa mai Ngài: “Nếu ông là con Thiên Chúa, sao không tự mình xuống khỏi thập giá để cứu mình và cứu chúng tôi với!” (Luca 23: 39). Đó là những lời lộng ngôn của những kẻ cao ngạo như đoạn Sách Khôn Ngoan (2: 12, 17-20) trong Bài Đọc I hôm nay ghi lại: “Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã. Nếu nó thật là Con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó… Nhưng những kẻ cao ngạo đó đã trở nên mù quáng, không nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa!”

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết suy gẫm cuộc đời của Chúa từ lúc giáng sinh trong hang đá bò lừa, lớn lên trong gia đình khó nghèo Nagiaret, sống cuộc đời nghèo khổ (“Con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”). Cả cuộc đời chỉ lo rao giảng Phúc Âm tình thương, phục vụ mọi người, và sau cùng là chấp nhận vác Thánh giá và chết khổ nhục trên Thánh giá để chuộc tội nhân loại (Matthêu 20:28)

Khi cuộc đời của Chúa có ảnh hưởng mạnh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng sống khiêm tốn và hòa hợp yêu thương (Matthêu 11: 28-29). Chúng ta sẽ chung tay xây dựng được những gia đình đầm ấm, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc. Xây dựng được những ‘gia đình hòa bình’ là chúng ta đã đã góp được phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới. Vì “sự khôn ngoan từ trời xuống thì trước tiên là trong sạch, ôn hòa, bao dung, mềm dẻo, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo rắc trong bình an cho những ai xây đắp hòa bình.” (Giacôbê 3: 17-18).

Xin Mẹ Maria và các Thánh đã sống cuộc đời đau khổ trần gian, nhưng luôn biết yêu thương và phục vụ, nay đã được hưởng phúc trường sinh trên Nước Hằng Sống, nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Xin cho chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, tôn trọng mọi người, để xây dựng sự an vui, hòa hợp trong gia đình, nơi sở làm và trong mọi môi trường sống hàng ngày của chúng ta. Trong “Năm Linh Mục” này, chúng cũng hãy tiếp tục cầu nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, như những sứ giả tình thương của Chúa, luôn biết noi gương Chúa Giêsu, yêu thương, khiêm tốn và vui vẻ phục vụ mọi người.
 
Thập Giá là tinh yêu hiến tế
LM. Phêrô Hồng Phúc
10:25 14/09/2009
THẬP GIÁ LÀ TÌNH YÊU HIẾN TẾ

Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta (Mt 16,24)

Một điều kiện rất khắt khe, rất tiên quyết mà Đức Giêsu đưa ra để làm tiêu chuẩn cho những môn đệ của Ngài. Người ta hỏi “Thập giá là gì?” và câu trả lời đã quá rõ ràng: Thập giá đồng nghĩa với đau khổ và sự chết.

Đứng trước Thập giá, chính Phêrô cũng vấp phạm, Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi riêng: “Thưa Thầy xin Thiên Chúa cứu Thầy khỏi điều đó, Thầy chẳng phải như vậy đâu” (Mt 16, 22). Phêrô can Chúa vì Chúa nói:“Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ dữ, sẽ bị đánh đòn, bị giết chết và ngày thứ ba mới sống lại” (Mt 20,19). Lời can gián của Phêrô đã đưa đến một lời nhận xét thẳng thừng của Chúa Giêsu với Phêrô rằng: “Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy. Con không biết việc của Thiên Chúa, con chỉ biết việc của loài người” (Mt 16,23). Đúng là Phêrô chỉ biết việc của loài người chứ không biết việc của Thiên Chúa. Việc của loài người là càng tránh xa được đau khổ càng tốt, càng tránh được rủi ro càng hay. Con người ai cũng muốn mạnh khỏe bình an, xuôi thuận trong mọi công việc và cuộc đời gặp được toàn may mắn. Bây giờ, Đức Giêsu ra một tiêu chuẩn “ Những người là môn đệ Thầy, phải từ bỏ mình, vác Thập giá”, thật là khắt khe, thật là nghiêm khắc. Đến lượt chúng ta tự lại hỏi: “Tại sao Chúa lại đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe như vậy? ”. Câu trả lời duy nhất là: “Vì chính Chúa Giêsu đã chọn con đường đó”. Chúa Giêsu chọn con đường Thập giá, con đường của hy sinh và sự chết. Điều đó biểu cảm cho chúng ta thấy ý nghĩa gì? Người Việt Nam chúng ta thường nói “Hoa hồng nào mà chẳng có gai”. Hoa hồng là biểu trưng cho tình yêu, nhưng tình yêu nở trên gai góc. Như vậy, tình yêu luôn luôn được đặt trên thử thách, trên đau khổ, trên hy sinh, đến nỗi người ta có thể nói rằng “Yêu là chết cho mình một ít”. Vì vậy, Chúa chọn con đường Thánh giá, con đường hy sinh, con đường sự chết chính là để cho chúng thấy một tình yêu cứu độ lớn lao của Ngài, một tình yêu đi bước trước không phải là một ách, nhưng đó là một công việc của TÌNH YÊU.

Chúa yêu chúng ta trước, chọn hy sinh và sự chết. Bây giờ những người yêu mến Chúa chọn Thập giá, bước theo chân Ngài là đáp lại tình yêu mà Chúa đã trao ban. Do đó, những người nào thao thức đi tìm Chúa bằng con đường Thập giá thì những người đó sẽ gặp Chúa, nhưng những người nào càng tránh Thập giá thì những người đó lại càng gặp Thập giá, bởi lẽ thực ra Thập giá là một án phạt cho thế giới. Đức Giêsu chọn chính Thập giá là “lấy độc trị độc” để biến Thập giá thành Thánh giá vì đã mang thân xác thánh thiện của Đức Giêsu và Chúa biến Thập giá trở thành bàn thờ tế lễ Đức Chúa Cha. Vì thế, người ta không chọn Thập giá riêng rẽ, tách rời nhưng Thập giá phải gắn liền với Đức Giêsu Kitô và Thập giá của Đức Giêsu Kitô là tình yêu hiến tế, do đó, vác Thập giá theo Chúa là chấp nhận một con đường, một tình yêu, một hy sinh, một hiến tế. Như vậy, nói đầy đủ ra: Công thức dành cho các tông đồ “Đi theo Chúa” là những người dám yêu và dấn thân vì một tình yêu.

Hiểu nghĩa như vậy thì Thập giá không phải là một gánh nặng, một sự chúc dữ nhưng Thập giá là một biểu hiện của một tình yêu lớn lao. Những con người suốt đời sợ hãi, và tránh xa, những con người chỉ thích hưởng thụ và được mọi sự như ý muốn. Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mạng sống mình thì lại mất ” (Mt 16,25). Trong Thực tế đã chứng minh, cả thế giới này có ai giữ được mạng sống mình cho dù nâng niu, cho dù chiều chuộng, cho dù thuốc bệnh thì cái chết vẫn cứ đến. Không ai là yêu mạng sống mình mà giữ được mạng sống. Thế nhưng, mạng sống ấy có ý nghĩa khi dấn thân, khi phục vụ, khi trao ban thì mạng sống ấy được chính Đức Giêsu bảo lãnh bằng tình yêu hiến tế đạt tới sự sống đời đời. Người đi theo chân Đức Giêsu Kitô là người đem lại hoa trái của tình yêu thương cho những người khác.

Một cây tre xanh tốt trong khu vườn nọ. Ông chủ đến ngắm nghía cây tre và rất hài lòng. Mỗi ngày cây tre một vươn cao xanh tốt, cho đến khi ngả màu óng ả, đẹp đẽ. Ông chủ nói với tre:

Tre ơi! Ta yêu tre lắm, nhưng muốn cho tre trở thành một việc có ý nghĩa thì Ta phải đốn tre xuống.

Cây tre nói:

Ôi, ông chủ ơi! Xin ông chủ thương tôi. Nếu ông chủ đốn tôi xuống thì tôi chết mất.

Nếu ta không đốn ngươi thì ngươi cứ mãi mãi ở đây, chẳng làm được việc gì.

Cây tre suy nghĩ một lát rồi nói:

Vâng, thưa ông chủ. Thế thì xin ông chủ hạ tôi xuống.

Nhưng mà tre ơi – ông chủ nói tiếp – để cho ngươi trở thành công ích thì ta phải chặt hết các cành của ngươi đi.

Cây tre thốt lên:

Ông chủ ơi! Thế thì mất hết vẻ đẹp của tôi còn gì. Xin ông đừng chặt các cành của tôi đi.

Ông chủ đáp;

Nếu ta không róc hết các cành, ta không làm được và ngươi chẳng làm được việc gì cả. Tiếng gió lướt qua kẽ lá như khuyên tre.

Tre thều thào:

Vâng, thưa ông chủ, vậy xin ông chủ chặt hết các cành của tôi đi.

Nhưng ta còn một việc nữa, ta phải chẻ đôi thân ngươi ra.

Trời ơi! Ông chủ ơi! Thế thì tôi sống làm sao được.

Nhưng nếu ta không chẻ ngươi ra, ngươi chẳng sử dụng được việc chi hết.

Tiếng gió mạnh mẽ hơn thúc đẩy cây tre. Cây tre cố gắng lần nữa:

Vâng, tôi xin tuân theo ý ông chủ. Vậy thì ông chủ cứ bổ đôi tôi ra.

Ông chủ chưa hết dự định, ông chủ nói cho tre biết:

Tre ơi! Nhưng ta còn phải róc hết các mắt của các đốt ngươi đi thì ta mới làm được việc.

Cây tre đến đó thì không thể làm gì nữa nên thưa với ông chủ:

Vâng, xin ông chủ muốn làm gì ông chủ cứ làm.

Thế là ông chủ đốn cây tre xuống, chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt, rồi chắp mảnh nọ vào mảnh kia, hứng nước từ trên núi trong lành chảy về đồng ruộng, tưới cho hoa màu. Năm đó hoa quả bội thu nhờ những cây tre đã biết chấp nhận để cho ông chủ chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt. Nếu cây tre không chịu như vậy thì làm gì có một mùa hoa quả tốt tươi mọc lên trên cánh đồng kia.

Hình ảnh của hy sinh, hình ảnh của hiến tế, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô không chỉ đem lại hoa quả trên cánh đồng mà còn đem lại hoa trái thánh thiện và sự sống đời đời nữa. Do đó những người muốn theo chân Đức Giêsu Kitô hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày, hiểu rằng đây không còn là một điều kiện tiên quyết khắt khe nữa. Đây là một ân huệ mà Chúa đã chọn con đường ngắn nhất. Con đường tình yêu lớn nhất để trao cho những người tình nguyện làm môn đệ của Ngài.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con biết lựa chọn:
đừng nhìn thấy Thập giá mà sợ hãi
để rồi như Phêrô,
Chúa phải thốt lên:
“Ngươi không biết việc Thiên Chúa chỉ biết việc của loài người”.
Hôm nay chúng con đã thấm thía,

THẬP GIÁ LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU.

Xin cho chúng con can đảm vác thánh giá mỗi ngày theo Chúa
để chúng con cũng được đáp lại
trong muôn một tình yêu hiến tế lớn lao của Chúa
và chính tình yêu ấy cho chúng con nên giống Chúa
trong sự sống hiến thân phục vụ
và nhất là được đồng hưởng vinh quang với Chúa
trong Nước hằng sống muôn đời. Amen.
 
Đức Mẹ sầu bi
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
10:37 14/09/2009
Người ta thường cho rằng Đức Mẹ phải chịu 7 sự đau đớn. Thực ra, số 7 muốn nói Đức Mẹ đã chịu đau đớn rất nhiều. Có thể nói Đức Mẹ đã chịu tất cả mọi sự đau đớn mà một người có thể gặp phải. Tại sao Đức Mẹ lại phải chịu đau đớn. Thưa Đức Mẹ phải chịu đau đớn trước hết vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Máu chảy ruột mềm”. Về phương diện thể lý, những người cùng máu huyết có sự gần gũi, yêu mến, cảm thông sâu xa. Sự gần gũi cảm thông càng rất mạnh mẽ và sâu xa giữa mẹ với con. Đứa con là thịt máu của mẹ. Đứa con đã sống trong lòng mẹ 9 tháng. Đứa con sống bên cạnh mẹ ít là 3 năm. Chỉ xét về phương diện tự nhiên, mẹ với con đã có sự gần gũi và gần như đồng cảm. Người mẹ có thể đoán được ý nghĩ của con. Và nhất là người mẹ luôn cảm thấy những nỗi đau khổ của con. Vì thế khi Chúa Giê su chịu đau khổ, lòng Đức Mẹ cũng tan nát “như bị gươm sắc thâu qua lòng vậy”.

Nhưng Đức Mẹ còn đau đớn vì luôn hiệp thông với Chúa Giê su trong chương trình của Đức Chúa Cha. Từ khi thưa “Xin Vâng” với thiên thần truyền tin, Đức Mẹ hoàn toàn sống cho chương trình của Đức Chúa Cha. Nếu Chúa Giê su vì vâng lời Đức Chúa Cha mà sẵn lòng chịu chết trên cây thánh giá, thì Đức Mẹ cũng vì vâng lời Đức Chúa Cha mà sẵn sàng đón nhận Chúa Giê su làm con, và vì thế sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ với Chúa Giê su theo ý Đức Chúa Cha. Nếu việc Chúa Giê su chết trên thánh giá nói lên lòng vâng phục đến tận cùng, thì việc Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá nói lên sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giê su trong tất cả những đau đớn mà Chúa Giê su phải chịu.

Vì hiệp thông với Chúa Giê su mà Đức Mẹ hịêp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Chúa Giê su hiểu rằng Đức Mẹ luôn có tâm tình hiệp thông, nên trước khi từ giã trần gian, Chúa Giê su đã yêu cầu Đức Mẹ tiếp tục giữ tâm hồn rộng mở. Khi trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, Chúa Giê su muốn Đức Mẹ đã hiệp thông với Chúa thế nào thì cũng hiệp thông với Giáo Hội như vậy. Vì thánh Gioan là đại diện cho Giáo Hội, người con yêu dấu mà Chúa Giê su vừa khai sinh. Chúa Giê su muốn Đức Mẹ đã chăm sóc hài nhi Giê su như thế nào, thì cũng chăm sóc Giáo Hội như thế. Giáo Hội mới thành lập cũng như đứa trẻ sơ sinh còn non yếu, cần bàn tay từ ái, cần trái tim từ mẫu của Đức Mẹ chăm sóc. Đức Mẹ đã đáp lời Chúa Giê su, về sống trong nhà thánh Gioan, nâng đỡ vị Giáo hoàng đầu tiên là thánh Phê rô, nâng đỡ các vị Giám mục đầu tiên là các thánh Tông đồ. Sách Công vụ Tông đồ tường thuật lại rằng: Sau khi Chúa Giê su về trời, Đức Mẹ vẫn tiếp tục ở bên các Tông đồ, nâng đỡ và cầu nguyện với các ngài cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông đồ đủ lớn mạnh.

Gia đình Cùng Theo Chúa hôm nay đã ký giao ước. Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ sầu bi dưới chân thánh giá.

Trước hết hãy noi gương Đức Mẹ, khi đã nói tiếng “Xin Vâng” thì luôn làm theo thánh ý Chúa cho đến cùng. Chúng ta đã ký kết giao ước, hãy trung thành thi hành cho đến cùng.

Ta cũng hãy noi gương Đức Mẹ, luôn hiệp thông với Giáo Hội. Yêu mến Chúa thì phải yêu mến Giáo Hội. Vì Giáo Hội do Chúa lập ra. Là đại diện của Chúa ở trần gian. Đức Mẹ vì yêu mến Chúa Giê su mà đi đến yêu mến Giáo Hội, hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta ký giao ước là thề hứa sống hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau. Ta hãy luôn hiệp thông với Giáo Hội qua các vị chủ chăn. Hãy sống trong căn nhà Giáo Hội như Đức Mẹ sống trong nhà thánh Gioan. Hãy cầu nguyện với Giáo Hội và trong Giáo Hội như Đức Mẹ cùng cầu nguyện với các thánh Tông đồ trong nhà Tiệc ly.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông, ta đi vào chương trình của Thiên Chúa và góp phần thực sự vào việc mở rộng Nước Chúa.

Lạy Đức Mẹ sầu bi, xin nâng đỡ chúng con. Amen.
 
Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:38 14/09/2009
Không phải ngẫu nhiên ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/9) được Giáo Hội mừng ngay sau lễ kính Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Điều đó nói lên mối liên hệ mật thiết giữa vai trò của Đức Giêsu và Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã dùng chính Người Con duy nhất của mình làm giá cứu chuộc muôn dân. Thánh Gioan, vị Tông Đồ được Đức Giêsu yêu mến, đã diễn tả tâm tình ấy như sau: « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » (Ga 3, 16).

Đức Giêsu đã đến trong thế gian để sống và chết cho việc cứu độ nhân loại. Người đã bước đi trên con đường Thập giá để mở lối cho những ai tin vào Người một cõi sống trường sinh bất tử. Cây Thập giá chính là bảo chứng tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê viết: « Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự » (Pl 2, 6-8).

Có thể nói, con đường mà Đức Giêsu đã đi qua: kể từ lúc mới sinh ra tại Bêlem, đến khoảng thời gian ba mươi năm ẩn dật tại Nadareth, cũng như ba năm cuối đời xuôi ngược khắp các làng mạc và thị trấn của Palestin để rao giảng Tin Mừng cứu độ, cho đến hành trình cuối cùng lên Giêrusalem để bước vào cuộc Khổ hình Thập giá đều in đậm dấu ấn của Đức Maria. Chính vì vậy, Đức Maria được tôn phong là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến đoạn đường Thập giá mà Đức Maria đã bước theo Chúa Giêsu cho đến cùng.

Tin mừng theo thánh Gioan trong ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi kể lại: « Đứng gần Thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người » (Ga 19,25). Trong khi đó, một số môn đệ của Người đã bỏ mặc Thầy mình mắc nạn và đã cao chạy xa bay vì sợ bị liên lụy đến bản thân. Mẹ can đảm đứng đó để mang lấy tất cả khổ đau của con Mẹ. Có người mẹ nào trên đời này khi nhìn thấy con mình gặp nạn mà tâm hồn lại chẳng quặn đau. Mẹ Maria đã thông phần vào toàn bộ cuộc khổ hình của Đức Giêsu. Nhìn con mặt mũi máu me đầm đìa và tấm thân quằn quại trong đau đớn nhuốc nha thì trái tim Người Mẹ cũng nát tan đến tận cùng trong đau khổ cùng cực. Nhìn con chết nhục nhã tức tưởi và trần trụi trên thập giá ô nhục thì bản thân Mẹ cũng chết lặng người cùng con. Đến khi ẵm được xác con đã trút hơi thở cuối cùng với bao thương tích vào trong lòng, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm sắc nhọn đâm thâu đúng như lời của tiên tri Simêon.

Sở dĩ trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong đời, Mẹ Maria luôn đứng vững vì Mẹ có đời sống nội tâm gắn kết với Thiên Chúa đầy quyền năng. Nhờ đó, Mẹ hằng nhận ra thánh ý Chúa: « Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng » (Lc 2,19). Chính vì thế ngay cả khi chứng kiến cuộc khổ nạn của con mình, Mẹ Maria cũng vẫn tin tưởng rằng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà trong ngày sứ thần loan báo cho Mẹ vẫn đang được thực hiện.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, cũng là Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của các giáo hữu, xin giúp chúng con vững bước trên con đường hẹp mà Con Mẹ đã đi qua để bước vào cõi vinh phúc với niềm tin tưởng và phó thác. Xin Mẹ đồng hành với chúng con để nâng đỡ ủi an chúng con trong những lúc gian nan nguy khốn. Xin cho chúng con biết tận dụng những đau khổ gặp phải để kết hiệp với màu nhiệm khổ giá của Chúa Giêsu con Mẹ.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:49 14/09/2009
MÔN ĐỒ KHÔNG MUỐN RỬA CHÂN

N2T


Chim nhạn rừng mát lòng hả dạ nói với Đấng tạo hóa:

- “Con đến làm môn đồ của Ngài có được không?”

_ “Tốt thôi”- Đấng tạo hóa chỉ con hạc đằng xa nói tiếp: “Con đi rửa chân cho nó, nó vừa mới đi qua một vũng bùn lầy lội”.

- “Cái gì?”- Nhạn rừng kinh ngạc kêu lên một tiếng, không thèm để ý nói tiếp: “Con là môn đồ của Đấng tạo hóa, không được phép phục vụ người khác”.

Đấng tạo vật cười nói:

- “Bé con, con không phục vụ người khác, thì người ta làm thế nào mà nhận ra được con là môn đồ của Ta chứ ?”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Nghi thức rửa chân chiều thứ Năm Tuần Thánh, thật vô cùng có ý nghĩa: Phục vụ.

Đối với người Do thái, tập quán chủ nhà rửa chân cho khách trước khi dự tiệc là biểu lộ sự kính trọng, yêu mến.

Chúa Giê-su đã dùng tập quán này để dạy cho các tông đồ bài học: Phục vụ và yêu thương.

Sau khi rửa chân cho các tông đồ xong, Chúa Giê-su đã nói: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cùng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Phục vụ là yêu thương, phục vụ là quên mình.

Nhưng các mục tử của Chúa đã để cho con chiên phục vụ mình nhiều hơn. Tôi đã nghe một linh mục nói: “Chúng nó (giáo dân) phải lo cho mình chứ ?…”. Giáo Hội không để cho các linh mục của mình chết đói, giáo hữu cũng không để cho cha sở của mình chết đói. Có bao giờ nghe nói linh mục đói ăn chưa, chắc chắn là chưa.

Phục vụ là yêu thương, là bao dung những thói xấu, những khuyết điểm và những cái chưa được tốt của anh em chị em, để làm cho nó tốt hơn bằng yêu thương và phục vụ của mình.

Phục vụ trong khiêm tốn, trong vui vẻ, trong lịch sự, trong sự tôn trọng nhân cách của tha nhân.

Phục vụ là dấu hiệu của người môn đệ Đức Ki-tô.

-------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:50 14/09/2009
N2T


55. Bị ô nhục là đi trên con đường khiêm tốn, nếu con không cam chịu ô nhục thì con không thể đạt được đức khiêm tốn.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:51 14/09/2009
N2T


227. Con người ta vì suy nghĩ tìm tòi mới sinh ra, cho nên con người ta –dù một khắc- cũng không thể không suy nghĩ tìm tòi.

 
Mỗi ngày một câu Kinh Thánh (16-30/9)
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:43 14/09/2009
MÔĨ NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ 16-09 đến 30-09-2009

Ngày 16-9-09: Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ; nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa…(1Pr 2, 4)

Viên đá sống động là của Thần Khí Thiên Chúa trong Đức Kitô. Xin Thánh Thần hoạt động trong con, vì Ngài là sức sống của con.

Ngày 17-9-09: Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động, mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng…(1Pr 2, 5)

Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Xin dẫn dắt con là chứng nhân Đức Kitô Phục Sinh suốt cuộc đời.

Ngày 18-9-09: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá qúy được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. (1 Pr 2, 6) - Hòn đá qúy hoa cương này nói về Đức Kitô, Chúa đặt ở Xi-on là Đền Thờ, biểu tượng ơn cứu thoát. Xin giúp con luôn tin cậy, đừng vấp ngã, dù cuộc sống có nhiều đổi thay và cạm bẫy này.

Ngày 19-9-09: Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các Ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm cho đến khi ngày bừng sáng…(2 Pr 1, 19)

Trong Cược Ước nói về Chúa Giêsu, để tìm cho sự sống đời đời. Vì Lời Chúa là ánh sáng dẫn con đi vào đời và cứu con trong cuộc đời.

Ngày 20-9-09: Lời Ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy… (2 Pr 1, 21)

Sách Thánh được Thánh Thần linh hứng, khiến ngôn sứ nói Lời Chúa. Tôi đọc Kinh Thánh với cái tai của con tim như Mẹ Maria.

Ngày 21-9-09: Anh em hãy nhớ lại những điều các ngôn đã nói trước kia và điều răn của Chúa, Đấng Cứu Độ mà các Tông đồ của anh em đã truyền lại. (2 Pr 3, 2) - Vào những ngày sau hết, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền, nói khoác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ…Tôi hết sức cảnh giác, ăn ở hiền từ, tiết độ và làm việc lành.

Ngày 21-9-09: Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha. (1Ga 2, 15) - Thế gian đây là những những sự xấu do Xa-tan quậy phá. Tôi sống chu toàn bổn phận làm người trong Giáo hội và xã hội.

Ngày 22-9-09: Vì mọi sự trong thế gian như: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đội mắt và thói cậy mình có của… (1 Ga 2, 16)

Thế gian đang dùng ba yếu tố xấu trên để lôi cuốn con người sa ngã. Tôi quyết tâm bám lấy Chúa bằng cách xa lánh các cám dỗ xấu xa.

Ngày 23-9-09: Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. (1 Ga 2, 17)

Ba dục vọng: xác thịt, đôi mắt và của cải đang gây tham hoạ mỗi ngày. Tôi không nên ước muốn thái quá và sống trông cậy vào Chúa.

Ngày 24-9-09: Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần. (Giuđa 20)

Người Tín hữu được gọi là dân thánh của Chúa trong Thánh Thần. Tôi luôn sống xứng đáng với chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế.

Ngày 25-9-09: Hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô. (Giuđa 21)

Câu này nhắc nhở về tình yêu và lòng thương xót của Chúa Ba Ngôi. Tôi thực hiện lòng bái ái với mọi người để nên giống Chúa.

Ngày 26-9-09: Hãy lo cứu họ, kéo họ ra khỏi lửa thiêu. Còn những người khác thì anh em phải vừa thương xót vừa sợ hãi… (Giuđa 23)

Ngày của Chúa sẽ tỏ rạng trong lửa cho thấy công việc mọi người. Đây là lửa thiêu ngày phán xét, lửa này sẽ xem xét việc làm của tôi.

Ngày 27-9-09: Ta biết nỗi gian chuân và cảnh nghèo khó của ngươi (Hội thánh Miếc-na)- nhưng thực ra ngươi giầu – cũng như ta biết lời vu khống của những kẻ xưng mình là Do thái, mà thực là không phải: chúng chỉ là thành viên thuộc hội đường của Xa-tan. (Kh 2, 9)

Tín hữu thành phố Miếc-na nghèo về vật chất; nhưng giầu về tinh thần vì sống theo Tin Mừng. Xa-tan là những kẻ tố cáo gièm pha, ý nói những người gian tà. Tôi quyết sống trung thành với Lời Chúa.

Ngày 28-9-09: Đừng sợ các nỗi đau khổ của ngươi sắp phải chịu: này ma quỉ sắp tống môt số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi...(Kh 2, 10) - Nhà tù không phải là nơi để chịu hình phạt, mà là nơi để chờ sự phán quyết để thưởng phạt nhiều cách. Tôi quyết tâm vượt qua cuộc thi đấu cao đẹp này, để dành triều thiên sự sống.

Ngày 29-9-09: Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2, 11)

Lời an ủi này giành cho người chiến thắng, không phải chết lần thứ hai vào ngày tận thế (vào hồ lửa). Tôi can đảm chịu thử thách nhỏ ở đời này, để không phải phán xét của Chúa trong ngày cánh chung.

Ngày 30-9-09: Con chồn có hang, chim trời có tổ; nhưng con người không có chỗ gối đầu. (Lc 9, 58) - Không thấy Chúa Giêsu có một căn nhà nào để ở. Tôi quyết sống đơn giản và nghèo khó mỗi ngày.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Xin cho tôi trái tim đó
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:24 14/09/2009
Xin cho tôi trái tim đó

BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ THỨ NĂM 17.9.2009
TUẦN THƯỜNG HUẤN CÁC LINH MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN


(1Tm 4, 12-16; Lc 7, 36-50)

Trọng kính….., kính thưa…..

Trong những ngày nầy, và đặc biệt, trong năm nay, Năm Linh Mục, anh em linh mục chúng ta sẽ được dịp nghe, thấy, biết nhiều hơn về huyền nhiệm linh mục, về căn tính và những qui tắc hướng dẫn đời sống linh mục mà điểm qui chiếu chính là cha sở thánh Gioan Maria Vianney. Nội dung nầy đã được nêu bật trong Tông Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô nhân dịp Năm Linh Mục mà linh mục G. Trần Đức Anh đã tóm tắt như sau:

Trong thư, ĐTC cho biết Năm Linh Mục được ngài ấn định, cho tới ngày 19-6-2010, là để cổ võ quyết tâm đổi mới nội tâm của tất cả các Linh Mục, để các vị làm chứng tá Tin Mừng một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong thế giới ngày nay. Ngài đề nghị với các Linh Mục một hành trình cụ thể và đơn sơ theo gương Thánh Cha Sở họ Ars.

ĐTC đề cao hồng ân vô biên là các chính các Linh Mục, đây là hồng ân không những đối với Giáo Hội nhưng còn cho toàn thể nhân loại. Ngài nhắc đến những vất vả vì công việc tông đồ, việc phục vụ âm thầm và không biết mỏi mệt cũng như lòng bác ái của bao nhiêu linh mục, tận tụy phụng sự Chúa và tha nhân giữa những khó khăn và nhiều khi không được thông cảm, đôi khi còn phải chịu những bách hại đến độ lấy máu đào làm chứng tá tột đỉnh. ĐTC đau lòng nhắc đến những tình trạng đáng trách trong đó chính Giáo Hội chịu đau khổ vì sự bất trung của một số Linh Mục, và thế gian lấy đó làm gương mù và phủ nhận.

Tiếp tục lá thư, ĐTC lần lượt nêu bật những yếu tố đã biến Cha sở họ Ars thành một mục tử theo con tim của Chúa: trước tiên thánh nhân là một người rất khiêm tốn, đồng thời ý thức rằng trong tư cách là Linh Mục, mình là một trong những hồng ân quí giá nhất của lòng từ bi Chúa đối với các tín hữu.. Thánh nhân nói: “Nếu chúng ta hiểu rõ Linh Mục trên mặt đất là gì, chúng ta sẽ chết không phải vì kinh hãi, nhưng vì tình yêu”.. ”Điều đầu tiên mà chúng ta phải học nơi thánh cha sở họ Ars là sự hoàn toàn đồng hóa với sứ vụ của ngài”.

ĐTC nhắc đến sự kiện thánh Vianney chăm chỉ viếng thăm các bệnh nhân và các gia đình, tổ chức các dịp đại phúc cho dân chúng và các lễ bổn mạng; quyên góp tiền bạc cho các công việc bác ái và truyền giáo, làm đẹp nhà thờ, chăm sóc các trẻ mồ côi, giáo dục các trẻ em, thành lập các hội đoàn.. Tấm gương của thánh nhân đưa tôi đến chỗ nêu bật sự cộng tác cần phải có giữa các Linh Mục và giáo dân.

Thư của ĐTC cũng đề cao gương của thánh Vianney chăm chỉ cầu nguyện trước nhà tạm Mình Thánh Chúa, cử hành thánh lễ sốt sắng và giải tội. Thánh nhân xác tín rằng toàn thể đời sống nhiệt thành của một Linh Mục tùy thuộc thánh lễ.. và lý do khiến Linh Mục nguội lạnh là vì Linh Mục không để ý tới thánh lễ! Thánh nhân đã thốt lên: “Lạy Chúa tôi, thật là đáng than trách dường nào một Linh Mục cử hành thánh lễ như một chuyện tầm thường!”.

ĐTC đặc biệt khuyên các Linh Mục theo gương thánh Vianney tín thác mạnh mẽ nơi bí tích thống hối và đặt bí tích này ở trung tâm các quan tâm mục vụ của mình. Thánh Vianney nhiều khi giải tội tới 16 tiếng mỗi ngày: ngài khích lệ những người sầu khổ, đánh động người nguội lạnh, biến đổi tâm hồn của bao nhiêu người.

Trong Tông thư nhân dịp khai mạc năm Linh Mục, ĐTC Biển Đức 16 cũng nhắn nhủ các Linh Mục sống một lối sống mới như thánh Vianney, với 3 lời khuyên Phúc âm đã được Chúa Kitô khởi xướng: thanh bần, khiết tịnh và vâng phục như một con đường bình thường để thánh hóa đời sống theo tinh thần Kitô. Vốn là người thanh bần, thánh Vianney đã có thể nói: “Bí quyết của tôi thật là đơn giản: cho đi tất cả và chẳng giữ lại điều gì”.

ĐTC không quên nhắc nhở các Linh Mục hãy biết đón nhận mùa xuân mới mà Thánh Linh đã khơi dậy trong thời đại ngày nay qua các phong trào Giáo Hội và cộng đoàn mới. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của sự hiệp thông giữa các Linh Mục với các GM bản quyền, trong tình huynh đệ linh mục trong hành động cũng như trong tâm tình. Chỉ như thế các Linh Mục mới biết sống trọn hồng ân độc thân và có khả năng làm cho các cộng đồng Kitô được triển nở”.

Sau cùng, ĐTC nhắc lại lời Đức Phaolô 6: “con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dậy, và nếu họ nghe các thầy dạy, chính là vì các bậc thầy này cũng là những chứng nhân” (SD 18-6-2009)

Chắc chắn, trong suốt tuần thường huấn nầy, chúng ta có cơ hội để đào sâu thêm những nội dung cơ bản trên để sống và sống phong phú cuộc đời mục tử. Trong khuôn khổ Phụng vụ Thánh lễ hôm nay, chỉ xin được mạo muội chia sẻ đôi điều mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay vừa công bố:

Trước hết, thật là thích hợp, chính trong ngày thứ Năm nầy, ngày vẫn thường được qui chiếu để nhắc nhớ kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập hai Bí tích cao cả: Thánh Thể và thánh chức linh mục, chúng ta được nghe Thánh Phaolô (trong BĐ 1) nhắn gởi cho đồ đệ Timôthê những lời tâm huyết, liên quan đến căn tính và cuộc đời của một mục tử, đặc biệt là các mục tử trẻ, mà chúng ta có thể cô đọng lại với 3 điều cốt yếu sau:

1. Nêu gương đời sống vẹn toàn:

“Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nêu gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.

2. Luôn ý thức và không ngừng canh tân hồng ân thánh chức :

“Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục dặt tay trên anh”

3. Trung thành và chăm chuyên với sứ vụ, cẩn trọng trong cách sống

“Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ…Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy…”

So với thời đại của Timôthê, xã hội mà chúng ta đang dấn thân phục vụ hôm nay rất phức tạp, tiến bộ và cũng lắm cạm bẩy. Vì thế hãy tỉnh táo, và không ngừng đào luyện bản thân. Chủ quan và lười biếng sẽ khiến chúng ta tụt hậu và dễ có nguy cơ biến chất thành thứ “muối nhạt”.

Sống thiên chức linh mục cũng giống như bao ơn gọi khác. Thời gian sẽ làm phai nhạt dần “tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Nếu không khiêm hạ, tỉnh táo và trung tín, thì sự sốt sắng, trân trọng, trung thành, nghiêm túc của những thời mới chịu chức sẽ phai nhạt dần dễ nhường chỗ cho thái độ coi thường, sơ sài, thiếu chuẩn bị và thiếu cả thái độ nội tâm, đức tin cần thiết cho các tác vụ thánh. Sự thánh hiến của chức linh mục chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được sống từng ngày trong cố gắng và trung thành.

Trong khi đó, Tin Mừng Luca hôm nay lại đề nghị với chúng ta một hành vi căn bản, một thái độ nội tâm thường xuyên mà cuộc sống linh mục không thể nào xem thường hay bỏ qua: Tình yêu hoán cải dành cho Chúa Giêsu và trái tim nhân ái dành cho con người.

Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên…

Một trong những tội đáng trách nhất của thời đại chúng ta đó là hội chứng “trơ lỳ”. Trơ lỳ trước những đòi hỏi sống thánh thiện, hoán cải; trơ lỳ trước các suy đồi luân lý, trơ lỳ trước các tội nặng. Các linh mục là những người thường xuyên tiếp xúc với các sự thánh, các cử hành thánh, thường xuyên nghe lời thú tội…rất có thể chúng ta sẽ biến thành kẻ trơ lỳ trước Chú Giêsu, trước các mầu nhiệm Phụng vụ, trước những đòi hỏi của sự thánh thiện hay trước các tội lỗi. Thánh Gioan Maria Vianney được mệnh danh là “Vị Tử Đạo của Tòa Giải Tội”, vì Ngài thường kiệt sức vì ngồi tòa. Tuy nhiên, trái tim và tâm hồn Ngài càng vì thế mà càng nhạy cảm hơn về tình yêu sám hối dành cho Chúa Giêsu và con người. Nếu không tìm được những giọt nước mắt và dầu thơm của các linh mục dành cho Chúa Giêsu, thì đào đâu ra những giọt nước mắt và dầu thơm của giáo dân, những người luôn hướng mắt dõi theo đường đi nước bước của các vị mục tử …

Và để minh hoạ thêm cho ý tưởng nầy như một lời kết thúc, xin được đọc lên mấy vần thơ cuối của bài thơ “Trên cánh đồng Hợp tác” trong tập thơ Người Chăn Chiên Vô Hình của Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự:

Tôi cúi xuống
Thấy Ngài trước mắt
Lội suối băng đồng tìm con chiên lạc
Xin cho tôi tấm lòng
Của kẻ có con chiên lạc mất
Xin cho tôi tấm lòng
Của người Cha tìm đứa con đi hoang
Và là tấm lòng
Của kẻ nhìn đám đông bơ vơ
Mà dạt dào thương xót
Của kẻ không đành tâm bỏ sót
Một em bé nào
Hay bất cứ một người đuôi mù què quặt...
Xin cho tôi trái tim,
Của người đã khóc
Trước sự đau khổ của kẻ khác
Xin cho tôi trái tim không biết mệt mõi
Khi thân xác đã rã rời
Ngồi bệt bên bờ giếng
Mà chưa nỡ nghỉ ngơi...
Khi suốt ngày đã hụt hơi
Suốt ngày đã khản tiếng
Rao giảng cho đám đông
Mà tối đến vẫn còn thức khuya
Vì phần rỗi của một người trong đám họ
Xin cho tôi trái tim đó
Trái tim yêu mấy cho vừa
Cây sậy dập đong đưa
Không đành bẻ gãy...
Không nỡ tắt ngọn đèn leo lét
Trái tim yêu thương cho đến chết
Và chết rồi còn nở hoa.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mặt trận cải tổ Y Tế, một cuộc ngừng bắn trên vấn đề Phá Thai?
Trần Mạnh Trác
12:53 14/09/2009
Phỏng theo Peter Steinfels

"Và thêm một sự hiểu lầm tôi muốn làm sáng tỏ: Theo kế hoạch của chúng tôi, không có đô la liên bang sẽ được dùng cho quỹ phá thai, và luật pháp liên bang về lương tâm sẽ vẫn tiếp tục."

Lời tuyên bố khó tin này của Tổng thống Obama tại buổi họp lưỡng viện Quốc hội thứ tư vừa qua, có phá tan hoả mù trên trận tuyến phá thai không?

Không! Phe chống đối, như các đoàn thể National Right to Life Committee hoặc The Catholic League for Religious and Civil Rights, đã nhanh chóng tuyên bố rằng có thể tổng thống không có dụng ý đúng như là những gì ông nói. Nhưng một số khác, như Hội Đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ và một số nhà lãnh đạo tôn giáo, đã hoan nghênh các từ ngữ của TT.

Tuy nhiên, hầu như khi đề cập đến việc tu sửa dự luật cải tổ Y Tế, một số lượng đáng kể của cả hai phe đã tuyên bố một cuộc ngưng bắn hạn chế (limited truce).

Câu phương châm là "phá thai trung lập." (abortion neutral)

Hai chữ trung lập có nghĩa là cả hai đối thủ trên v/d phá thai, sẽ không sử dụng các nỗ lực tu sửa sắp tới để thăng tiến chương trình của họ. Quan trọng nhất, họ sẽ không cố gắng thay đổi trạng thái pháp lý liên quan đến tài chính liên bang.

Cuộc ngưng bắn cũng không có nghĩa là các cán bộ của các phe - hoặc người dân Mỹ nói chung – cũng chấp nhận trung lập về vấn đề này. Sự thực thì có vẻ khác.

Khi nói đến chăm sóc sức khỏe, người ủng hộ quyền phá thai cho rằng phá thai nên được đối xử không khác gì bất kỳ thủ tục y tế nào mà người Mỹ có quyền hợp pháp được hưởng. Phe chống phá thai thì cho rằng một thủ tục mà họ xem là nguy hiểm cho một thành viên của loài người, dù trong thời kỳ phát triển sớm hay muộn, thì không có đủ điều kiện là chăm sóc sức khỏe.

Không phe nào chịu nhượng bộ những niềm tin cơ bản hoặc những mục tiêu dài hạn của mình, nhưng ít nhất một số nhân vật có ảnh hưởng trên cả hai phe đã đặt giá trị cải tổ y tế là ưu tiên, miễn là việc cải tổ này không làm thay đổi “nguyên trạng” (status quo) hiện tại.

Nhưng “nguyên trạng” là gì ?

Hiện nay chính phủ liên bang không trả tiền Medicaid cho phá thai, ngoại trừ trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân hoặc nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ có thai, (cấp tiểu bang vẫn có thể làm khác). Luật cấm cũng áp dụng tương tự cho các chương trình khác của liên bang.

Ví dụ chương trình The Federal Employees Health Benefits, thường được trích dẫn là một mô hình cho các bảo hiểm, đã cung cấp cho hàng triệu nhân viên liên bang, bao gồm cả các thành viên của Quốc hội, một sự lựa chọn của hàng trăm bảo hiểm tư và trả tiền hầu hết các khoản lệ phí. Nhưng không có khoản phá thai trong đó, ngoại trừ, một lần nữa, trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân, hoặc đe dọa đến đến tính mạng của người phụ nữ.

Đối với các người chống phá thai, phá thai trung lập có nghĩa là duy trì những hạn chế này, kể cả áp dụng hạn chế trên những chương trình tư nhân mà nhờ việc trao đổi bảo hiểm sẽ nhận được trợ cấp liên bang.

Đối thủ phá thai cũng muốn những hạn chế này được viết ra một cách rõ ràng, không để cho tòa án phải dẫn giải hoặc thi hành tuỳ nghi bởi những nhân viên được bổ nhiệm.

Ngược lại, những người ủng hộ phá thai nhìn v/d dưới một lăng kính khác. Họ không phủ nhận cái thực tế là có việc cấm sử dụng quỹ liên bang cho phá thai. Nhưng họ nhấn mạnh rằng hàng triệu phụ nữ đã được bảo vệ bởi các chương trình bảo hiểm tư từ các hãng vẫn đang trả chi phí cho phá thai.

Nhiều cá nhân có thu nhập thấp hoặc là nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ có thể hội đủ điều kiện để hưởng các chương trình tư rẻ hơn vì có trợ cấp liên bang hoặc hoán đổi lấy một chương trình công. Vậy khi hoán đổi như vậy, những phụ nữ này sẽ bị mất những quyền lợi họ đang có bây giờ.

Đối với họ, đó không chỉ là làm mất thăng bằng trạng thái “nguyên trạng”, đó còn là vi phạm nguyên tắc về tu sửa mà tổng thống đã đề ra, là người dân không bị mất bảo hiểm hiện có của họ.

Một tu chính có triển vọng hàng đầu do dân biểu Lois Capps, Dân chủ California, đã cố gắng bắc cầu những khác biệt này. Tu chính cho phép nới rộng thêm nhiều trường hợp phá thai (ngoài những trường hợp hiện hành là bị hãm hiếp, loạn luân, hoặc đe dọa đến đến tính mạng của người phụ nữ) vào các chương trình bảo hiểm công cộng, nhưng bắt buộc rằng trong các trao đổi phải cho phép sự lựa chọn giữa hai chương trình bảo hiểm tư được trợ cấp liên bang, một cho phép phá thai, và một không cho phép.

Tu chính Capps cố gắng đáp ứng luật hiện hành của liên bang cấm tài trợ trực tiếp cho phá thai bằng cách đòi hỏi chính phủ phải giữ hai tài khoản riêng biệt cho lệ phí bảo hiểm, một có phá thai và một không có, và chỉ thanh toán cho phá thai (ngoài các trường hợp ngoại lệ hiện hành) từ tài khoản có lệ phí phá thai.

Các nhóm như Planned Parenthood và Naral Pro-Choice America nhấn mạnh rằng sự phân biệt về tiền bạc này có nghĩa là phá thai sẽ được trả bằng "đô la tư nhân".

Đối thủ chống phá thai gọi đó là một xảo thuật sổ sách kế toán (bookkeeping legerdemain).

Họ tranh luận rằng tiền thuế trợ cấp (cho phá thai) và lệ phí bảo hiểm của cá nhân hoàn toàn trộn lẫn vơi nhau và sau này vẫn có thể bị trộn lẫn một cách tinh vi trong các chương trình công cộng; như vậy các lệ phí bảo hiểm phá thai sẽ được tính cho cả cho những người không muốn phá thai; và như vậy thì tiền liên bang vẫn sẽ trực tiếp đi tới các nhà cung cấp phá thai.

Họ sợ rằng ông Obama, sẽ dùng tài hùng biện của mình, thuyết phục Quốc hội và dân chúng rằng việc giải quyết có nhiều kẽ hở này là "không có đô la liên bang sẽ được sử dụng để tài trợ phá thai."

Ngay trong trường hợp tìm ra phương cách để trao đổi một bảo hiểm tư có phá thai với một bảo hiểm có trợ cấp mà không liên hệ đến tiền của liên bang, thì việc này vẫn sẽ là một chuyển hướng từ các chính sách hiện hành (làm mất thăng bằng “nguyên trạng”).

Tất nhiên, tu chính Capps sẽ chắc chắn không phải là lời cuối cùng trong cuộc tranh luận. Sẽ còn có những đề xuất khác làm cho bảo hiểm phá thai được riêng biệt rõ ràng hơn, chẳng hạn như đặt thêm phụ bản (riders) cho phép mua những chương trình phá thai bổ sung (supplemental abortion coverage) với giá rẻ, hay như Steven Waldman đã đề nghị trong The Wall Street Journal, là chuyển trợ cấp thành "vouchers” (chứng phiếu) cho các cá nhân thay vì chính phủ đề ra những kế hoạch cụ thể. "

”Phá thai trung lập” thật là một khái niệm khó nắm vững, nhưng nhiệt độ của vấn đề còn nóng hơn tuỳ thuộc vào thái độ của Quốc hội, Toà Bạch Cung và các phe nhóm.
 
ĐTC: ''Chúa Giêsu không đến để dạy chúng ta một triết lý nhưng còn chỉ cho chúng ta một con đường dẫn đến sự sống''
Bình Hòa
13:49 14/09/2009
Kinh Truyền tin chúa nhật 13-9 của ĐTC Benêdictô

Trong bài huấn từ trước khi xưóng kinh Truyền tin trưa hôm qua tại Castel Gandolfo, đức thánh cha không những đã tóm tắt giáo huấn các bài đọc trong Thánh lễ chúa nhựt XXIV mùa thường niên, nhưng còn móc nối với thánh Gioan Kim Khẩu, được lịch phụng vụ kính nhớ vào ngày 13 tháng 9, rồi tiếp tục với hai lễ được mừng vào đầu tuần này, đó là lễ suy tôn Thánh Giá và lễ kính Đức Mẹ sầu bi. Tư tưởng chính của bài Tin mừng và bài đọc thứ hai của Thánh lễ được tóm lại trong hai câu hỏi: “Bạn nghĩ đức Giêsu là ai? Đức tin của bạn có được diễn tả ra hành động không?”. Đó không phải là hai câu hỏi được gán ghép từ hai bài đọc khác nhau, nhưng nằm ngay trong chính trình thuật về cuộc tuyên xưng đức tin của ông Phêrô. Tuyên xưng rằng đức Giêsu là đấng Mêsia thì chưa đủ, còn phải đi theo Người với lòng mến nữa. Nói cách khác, nói rằng đức tin cần đi đôi với việc làm thì cũng như tựa như là đức tin cần được liên kết với tình yêu. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,

Trong chúa nhựt hôm nay, tuần thứ 24 mùa thường niên, Lời Chúa chất vấn chúng ta về hai câu hỏi then chốt có thể tóm lại như thế này: “Bạn nghĩ đức Giêsu Nadarét là ai?”, và tiếp đến: “đức tin của bạn có được diễn tả ra hành động hay không?”. Chúng ta gặp thấy câu hỏi thứ nhất trong bài Tin mừng, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con nghĩ Thầy là ai?” (Mc 8,29). Câu trả lời của ông Phêrô thật là rõ rệt và thẳng thắn: “Thầy là đức Kitô”, nghĩa là đấng Mêsia, kẻ được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến cứu độ dân Ngài. Như vậy, khác với đa số quần chúng, ông Phêrô và các môn đệ tin rằng đức Giêsu không chỉ là một tôn sư, hay một ngôn sứ, nhưng còn hơn thế nữa. Họ còn có lòng tin: họ tin rằng Thiên Chúa hiện diện và tác động ở nơi Người. Tuy nhiên, ngay sau lời tuyên xưng lòng tin ấy, khi Chúa Giêsu lần đầu tiên công khai loan báo rằng mình sẽ phải chịu đau khổ và bị giết, thì chính ông Phêrô đã chống lại viễn tượng của cảnh đau khổ và cái chết. Bấy giờ Chúa Giêsu mạnh mẽ khiển trách ông, để cho ông biết rằng tin Người là Thiên Chúa thì chưa đủ, nhưng được thôi thúc bởi lòng mến, cần phải đi theo Người trên cùng một con đường, đường của thánh giá (xc. Mc 8,31-33). Chúa Giêsu không đến để dạy chúng ta một triết lý nhưng còn chỉ cho chúng ta một đạo, một con đường, đường dẫn đến sự sống.

Con đường ấy là tình yêu, biểu lộ đức tin chân chính. Nếu ai yêu thương tha nhân với tấm lòng trong trắng và quảng đại thì họ chứng tỏ rằng mình thực sự biết Chúa. Ngược lại, nếu ai nói rằng mình có lòng tin nhưng lại không yêu thương tha nhân, thì họ không phải là một tín đồ chân thật. Thiên Chúa không ở trong kẻ ấy. Điều này đã được thánh Giacôbê khẳng định rõ ràng trong bài đọc thứ hai của Thánh lễ hôm nay: “Nếu không có việc làm đi kèm theo, thì đức tin chết” (Gc 2,17). Nhân tiện tôi muốn trích dẫn một đoạn văn của thánh Gioan Kim Khẩu, một trong số những giáo phụ nổi bật mà lịch phụng vụ mời gọi chúng ta kính nhớ vào ngày hôm nay. Khi chú giải bản văn thánh Giacôbe, người viết: “Người ta có thể có đức tin chính thống vào đức Chúa Cha, đức Chúa Con và đức Chúa Thánh Thần, nhưng nếu họ không có một đời sống ngay chính, thì đức tin của họ không giúp ích cho phần rỗi. Vì thế khi bạn đọc thấy rằng ‘Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa thật duy nhất’ (Ga 17,3), thì bạn đừng tưởng rằng câu văn ấy đã đủ để cứu rỗi chúng ta đâu: cần phải có một cuộc đời và lối cư xử trong sạch nữa”.

Các bạn thân mến, ngày mai chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, và hôm sau là lễ kính Đức Mẹ Sầu bi. Đức Trinh nữ Maria đã tin vào Lời Chúa và đã không mất niềm tin vào Chúa kể cả khi thấy con mình bị ruồng bỏ, bị lăng nhục và chịu chết trên thánh giá. Mẹ đã đứng bên cạnh Chúa Giêsu cho đến phút cuối cùng, để chia sẻ sự đau khổ và cầu nguyện. Và Mẹ đã thấy bình minh rực rỡ của Chúa Phục sinh. Chúng ta hãy học nơi Mẹ để biết cách làm chứng cho đức tin của mình bằng một cuộc đời khiêm tốn phục vụ, sẵn sáng trả giá bằng mạng sống để giữ lòng trung thành với Tin mừng của tình thương và sự thật, với sự thâm tín rằng những gì mà chúng ta làm thì sẽ không luống công.
 
Tòa Thánh tham gia vào những ngày Di Sản Âu Châu
Bùi Hữu Thư
19:18 14/09/2009
VATICAN CITY, ngày 13, tháng 9, 2009 (Zenit.org).- Một lần nữa Tòa Thánh lại tham gia vào những ngày Di Sản Âu Châu Thường Niên, do Hội Đồng Âu Châu tổ chức.

Một thông cáo của Vatican cho hay sẽ có khoảng 40 quốc gia tham dự vào ngày 27 tháng 9, tập trung vào chủ đề “Di Sản Âu Châu cho việc Đối Thoại Liên Văn Hóa."

Hang Toại Đạo San Callisto
Để đánh dấu ngày này, vé vào cửa Bảo Tàng Viện Vatican và các hang toại đạo tại Rôma sẽ được miễn phí.

Cũng vậy, từ ngày 26 tháng 9 đến 27 tháng 10, sẽ có một cuộc triển lãm hình ảnh tại Hang Toại Đạo San Callisto trên đường Appia Antica tại Rôma. Cuộc triển lãm có tên: ”Các phong tục và vật dụng trong các ngôi mộ tại Rôma trong thời cổ xưa: So sánh các ngôi mộ Kitô giáo, Vô thần và Do Thái."

Biến cố này sẽ được Uỷ Ban Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hóa của Giáo Hội, Uỷ Ban Giáo Hoàng về Khảo cổ Vât Dụng Thánh và Viện Bảo Tàng Vatican bảo trợ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết: Đường Thánh Giá là Đường Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:57 14/09/2009
PHAN THIẾT - Hôm nay 14/9/ Giáo Hội suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô. Ngày lễ đặc biệt đối với các Hội dòng Mến Thánh Giá.

Xem hình ảnh

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đến thăm và dâng lễ tại Nhà dòng MTG Phan thiết. Các Nữ Tu và các hội viên MTG Tại Thế hân hoan đón chào ĐGM Giáo phận.

Người Kitô hữu mỗi ngày nhìn thấy thập giá, nghe nói về thập giá. Thập giá trên tháp chuông, thập giá trên bàn thờ, thập giá bày bán trong tiệm, thập giá treo trên tường, thập giá cắm trong nghĩa trang, thập giá trong nghệ thuật, thập giá trong thi ca.

Thập giá là gì? Thật khó trả lời.

Có những người đã nhìn vào thập giá như một đơn vị kinh tế để xác định giàu nghèo: thập giá vàng thì quí hơn thập giá gỗ. Thập giá cũng tùy theo to nhỏ mà có giá trị khác nhau. Người có tiền thì mua thập giá bằng vàng. Người không có tiền thì cố gắng bằng mọi cách để có được thập giá vàng để khoe mình đã đạt được mức độ giàu có nào đó.

Ngày 15.7.2007, tờ Giêrusalem Post phát hành tại Israel loan tin các nhà thầu kinh doanh đã đưa ra sáng kiến xây một cây thánh giá lớn nhất thế giới có tên là "Cây Thánh giá Nagiaret" tại thành phố Nazarét, nơi sinh trưởng của Chúa Giêsu.Thánh giá cao 60 mét, tốn tới 7,2 triệu viên gạch màu và đá để xây hoàn tất. Dĩ nhiên với số vật liệu lớn đến thế, người ta phải huy động nhiều xe tải lớn, các phương tiện hiện đại và cả máy bay trực thăng giúp hỗ trợ công trình. Mục đích của họ là thu khách hành hương khi đến Nagiarét và thu lợi nhuận từ đây. Có lẽ sẽ có nhiều người đến thăm và thán phục công trình. Dĩ nhiên, nhà đầu tư quá phấn khởi từ nguồn thu béo bở này.

Có những người khác dùng thập giá để xuống đường. Họ vác thập giá không phải để chịu đóng đinh như Chúa Giêsu, nhưng để biểu tình và đòi đóng đinh kẻ khác.

Nhiều người đã trần tục hóa thập giá Chúa Giêsu. Thập giá để khoe khoang trang điểm. Thập giá là đơn vị kinh tế phân biệt giàu nghèo. Thập giá là phương tiện tranh đấu. Thập giá là duyên cớ lòng tham. Vậy đâu là ý nghĩa thật của thập giá ?

Hơn 2000 năm trước, một cây thánh giá bằng gỗ được dựng nên. Thánh giá này thu hút khách hành hương nhiều vô kể. Nhiều triệu triệu linh hồn đã tìm được Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Tiếp tục nhiều người đang và còn sẽ tìm đến với Thánh giá Chúa. Thánh giá trên vai Chúa không chỉ bằng gỗ, mà còn mang cả triệu triệu linh hồn. Với tình yêu cứu độ, Thánh giá trở nên nhẹ nhàng với Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse chia sẽ về Thánh giá tình yêu.

Không biết tự bao giờ Thập Giá đã được ngành tư pháp Rôma chọn làm án tử cho kẻ tội đồ và trở thành biểu tượng cho cái chết nhục nhã, nhưng lại biết rất rõ là từ ngày thứ sáu Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thập Giá đã mang lấy ý nghĩa của ơn cứu độ Thiên Chúa đem đến trần gian và trở nên dấu chứng tình yêu khơi nguồn sự sống. “Khi nào Ta bị treo lên, ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá cũng là dịp mừng lễ Ngân Khấn khấn dòng của ba chị: Matta Hoàng Thị Hiền, Maria Nguyễn Vũ Phương Hòa và Maria Vũ Thị Vinh hôm nay, tôi xin chia sẻ về Thánh Giá như dấu chứng tình yêu đặc biệt.

1/ Thánh Giá - dấu chứng tình yêu tự hiến. Thánh Giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là đỉnh cao tình yêu của quá trình tự hiến. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã nêu lên quá trình tự hiến này khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể và kết thúc nơi mầu nhiệm Cứu Độ. Chúa Giêsu vốn phận là Thiên Chúa, nhưng lại hủy mình ra không mà nhận lấy phận tôi đòi. Đó là tình yêu tự hiến trong mầu nhiệm Nhập Thể. Người lại còn tự hạ vâng lời Chúa Cha cho đến chết, không êm ả trên nhung lụa mà vất vả trên cây Thập Giá, để giải thoát muôn người. Đó là tình yêu tự hiến trong mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. Tất nhiên trong mầu nhiệm Nhập Thể đã hàm chứa mầu nhiệm Cứu Độ ở dạng tiền đề, nhưng chính khi đến cùng nơi việc tự hạ của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Thánh Giá, người ta mới thấy lộ hiện không phải là một luận lý mạch lạc của ơn cứu độ, mà chính là tấm lòng của Đấng Cứu Thế vừa hiến mình vuông tròn làm của lễ đẹp ý Chúa Cha, vừa tự hiến trọn vẹn thân mình đến chết vì phần rỗi của hết mọi người. Chính vì muốn làm nổi bật ý nghĩa của tình yêu tự hiến này, bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ năm 2005 đã điều chỉnh chữ “tự ý” bằng chữ “tự nguyện”. Chữ “tự ý” có nguy cơ khiến người đọc hôm nay hiểu là Chúa Giêsu tự do làm theo ý riêng hay do tự ý mình mà Chúa Giêsu tìm đến Thánh Giá; còn chữ “tự nguyện” muốn diễn tả Chúa Giêsu tự do buông mình, sẵn sàng làm theo ý nguyện của Chúa Cha. Như thế, Thánh Giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã trở thành dấu chứng của tình yêu tự hiến, một tình yêu tự nguyện hiến mình cho vinh quang Chúa Cha và mưu ích cho phần rỗi thế gian.

2/ Thánh Giá - dấu chứng tình yêu tận hiến Với Chúa Giêsu, Thánh Giá là dấu chứng tình yêu tự hiến; nhưng với Thiên Chúa, Thánh Giá còn là một dấu chứng của một tình yêu bao la và bao dung sẵn sàng hiến ban tất cả những gì cao quý nhất và cao giá nhất cho hạnh phúc của mọi tâm hồn. Xin gọi đó là một tình yêu tận hiến,cho dẫu ngôn ngữ thường ngày chỉ quen dùng “ con người tận hiến cho Thiên Chúa”, chứ không quen nói “Thiên Chúa tận hiến cho con người”. Nếu tình yêu hệ tại thái độ cho đi, thì thái độ cho đi càng mạnh tình yêu sẽ càng lớn. Vẫn biết “cách cho quý hơn của cho” theo kinh nghiệm nhân gian, nhưng nơi Thiên Chúa cả “của cho” lẫn “cách cho” của Ngài đều quý trọng tột bậc. Ngài không cho con người món quà bên ngoài có thể mua sắm được hay chí ít cũng có thể tìm được ở nơi khác, nhưng rút ruột mình mà đem cho nhân loại một thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Phúc âm hôm nay đã diễn tả minh nhiên: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban con một mình” (Ga 3, 16). Đó là dấu chứng tình yêu tột cùng. Nhưng phải nhìn “cách cho” của Thiên Chúa mới thấy thắm đẹp làm sao một tình yêu thực sự khác thường. Thực ra trong mầu nhiệm Đức Giêsu xuống thế làm người, ta đã thấy sáng lên dung mạo tình yêu của Thiên Chúa. Song, chính trong mầu nhiệm Thánh Gía với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ta mới nhận ra độ cao, sâu, rộng, dài của một tình yêu đã cho đi là cho đi đến hết, và ở đây là cho đi đến độ đẩy người Con Một của mình đến chết trên Thánh Giá, để trở nên mẫu mực cho tình yêu cao ngất và cũng là cao nhất trên đời. Từ đó ta nhận ra không có danh xưng nào áp dụng tương thích với tấm lòng của Thiên Chúa bằng danh xưng tình yêu, một tình yêu hiến ban tất cả cho nhân trần.

3/Thánh Giá - dấu chứng tình yêu dâng hiến Việc trùng hợp giữa lễ Suy Tôn Thánh Giá và lễ mừng Ngân khánh hôm nay còn hé lộ thêm một ý nghĩa nữa của Thánh Giá trong đời các Nữ Tu. Đó là Thánh giá, dấu chứng của tình yêu thánh hiến. “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta”. Sinh thời Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy về giờ của người: giờ Tử nạn và Phục Sinh, để khi giờ ấy đến, thân xác treo lên Thập giá, Người đi đến cùng trong vận mệnh cứu độ và thánh hiến tất cả những ai tìm đến trông cậy Người như nguồn ơn giải thoát. Đọc lại bài Passio, người ta thấy khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thánh giá đã bắt đầu phát huy sức mạnh cứu rỗi. Dân chúng được thanh tẩy tội lụy vì được bao bọc bởi tình yêu bao dung tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Ông trộm lành đựơc vào Thiên đàng vì được đặt vào tình yêu thánh hóa gieo hy vọng:”Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên đàng với Ta”. Những người chứng kiến cuộc Thương khó về đấm ngực ăn năn và người đội trưởng thốt lên: “Qủa thật người này là Con Thiên Chúa”, vì họ được soi sáng trong tình yêu kiếm tìm sự thật. Tất cả đã gặp nơi Thánh giá Chúa Giêsu một sức mạnh thánh hiến. Tất cả các Nữ tu MTG đã đi qua những chặng đường Thánh giá ngắn dài tùy theo mỗi người, nhưng chắc chắn đã để lại nơi các chị em ít nhiều cảm nghiệm về đường Thánh giá, tức là cái giá phải trả về đường nên thánh cách chung và cái giá phải trả về đường chọn cuộc sống thánh hiến cách riêng. Đường Thánh Giá ấy không êm ả sốt sắng như mười bốn chặng được bố trí trong nhà nguyện. Đường Thánh Giá ấy không vắn vỏn dễ thuộc như lời kinh truyền thống. Đường Thánh Giá ấy cũng không phân cách rạch ròi từng nơi từng chặng để biết lúc nào khởi đầu và khi nào kết thúc. Nhưng tất cả các chị em đã tự nguyện đến đưa mình vào trong lời khấn hứa. Vì thế, những cảm nghiệm kia xin được thanh tẩy để nhận lấy một cảm nghiệm mới: Đường Thánh Giá là đường tình yêu. Nếu đường ấy là dấu chứng Thiên Chúa yêu thương con người, thì cũng bằng đường ấy con người chứng minh tình yêu của mình dành cho thiên Chúa. Mến Thánh Giá nghĩa là thế. Nhà thơ Raxun Gamzatop có mấy vần thơ về đường tình yêu thật gợi ý. Xin đọc ở đây để kết thúc những chia sẻ về Thánh Giá như dấu chứng tình yêu tự hiến, tận hiến và thánh hiến.

Trên trái đất đường đi không kể xiết,
Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều,
Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết,
Là con đường ta vẫn gọi: Tình Yêu
.

Bữa cơm trưa thân mật, các Nữ Tu hát múa, tặng Đức cha những ca khúc “Hạt giống tâm hồn” của Thông Vi Vu.
 
Năm thánh Đức Mẹ Tàpao - Ngày hành hương dành cho Chủng sinh và Lễ sinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:03 14/09/2009
PHAN THIẾT - Suốt tuần qua, ảnh hưởng bão nên mưa dầm tầm tả. Ánh mặt trời chỉ le lói rồi bị vây khuất bởi mây đen. Sáng nay 13.9, ngày hành hương Đức Mẹ Tàpao, trời quang mây tạnh, nắng lên ấm áp. Hàng chục ngàn người hân hoan về bên Mẹ Tàpao. Núi đồi chập chùng, rừng cây xanh thẩm, trang phục muôn màu, ngày hành hương là ngày của niềm vui và ngập tràn ánh nắng. Một ân ban của Đức Mẹ cho đoàn con nơi núi rừng Tàpao.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm các đoàn Lễ sinh từ các Giáo xứ nô nức, hối hả leo núi rồi nhộn nhịp tiến về hướng lễ đài. Các Chủng sinh đang kỳ nghĩ hè, tề tựu đông đủ. Lối lên lễ đài chỉ là bờ ruộng nhỏ, nối theo nhau mà đi, trơn trượt, trật một bước chân là dễ té xuống ruộng. Đi hành hương, ai cũng thích một chút khó khăn, một thoáng mệt nhọc. Có một chút “hành xác” để tâm hồn “lên hương”. Cánh đồng lúa xanh đang vươn mình đón ánh nắng mai. Mặt trời lên rải nắng nhẹ trên ruộng đồng nương rẫy. Gió sớm mát dịu dìu kháhc thập phương lên núi.

Nhìn 1.250 em Lễ sinh với đủ kiểu dáng áo giúp lễ và 120 Chủng sinh áo chùng thâm, ai cũng thấy được sức sống của những mầm non Ơn Gọi. Trẻ trung nhiệt thành, làm nên mùa xuân của Giáo phận.

Cha Micae Hoàng Minh Hùng, đặc trách Lễ sinh Giáo phận đang hướng dẫn các em và cộng đoàn cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi.

Hôm nay Chúa nhật nên khách hành hương đông hơn tháng trước. Cả biển người vui mừng vỗ tay đón chào Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức cha già Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa. Mọi người đều lâng lâng niềm xúc động cảm mến. Đức Cha Nicolas, Đức Ông JB dù tuổi cao sức yếu, vì yêu thương nên không ngại đường xa, đã đến dâng lễ cầu nguyện cho đoàn con thân yêu là các Chủng sinh, Lễ sinh.

Khởi đầu thánh lễ, Cha JB Trần Văn Thuyết, trưởng ban quản trị trung tâm hành hương Tàpao, bày tỏ những tâm tình tri ân và chào mừng.

Kính thưa Đức Cha Nicolas và Đức Cha Phaolô, trước hết chúng con muốn nói lời cám ơn hai Đức Cha thật nhiều. Nhớ lại những lần hành hương, dâng lễ vào các ngày 13 hàng tháng,và những dịp Lễ trọng trước đây, tất cả đều trở nên dấu ân đức tin sâu đậm và gần gũi nghĩa tình với chúng con. Hôm nay dù được Toà Thánh cho phép nghỉ hưu, hai Đức Cha cũng không nề quản vất vả, để về đây dâng lễ với Đức Cha Giuse, với cộng đoàn,cầu nguyện cho chúng con. Chúng con xin Chúa, qua sự cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao ban nhiều ơn lành hồn xác cho hai Đức Cha, để những ngày nghỉ luôn bình an,nhất là với công việc tông đồ mà Quí Đức Cha hằng ấp ủ được phát triển, như Đức Cha Phaolô đã nói trong thư chung tháng 8 năm 2009: Ước nguyện tiếp tục công việc phục vụ người nghèo và anh chị em lương dân, đúng với mục tiêu và cả cuộc đời mục tử “Tin Mừng cho người nghèo” (Lc4,18). Chúng con luôn hiệp ý cầu nguyện cho hai Đức Cha.Chúng con cũng xin cám ơn Đức Ông đã cố gắng hiện diện với cộng đoàn hành hương hôm nay. Cầu mong mọi sự tốt lành đến với Đức Ông.

Kính trình Đức Cha Giuse. Đây là Thánh Lễ đầu tiên Đức Cha dâng tại TTHH Đức Mẹ Tàpao,sau ngày nhận chức Giám Mục Chính toà Giáo Phận Phan Thiết, 3/9/2009 vừa qua. Với tư cách là Mục Tử lãnh đạo Giáo Phận, Đức Cha có biết bao công việc phải thực hiện, trong đó, việc mục vụ tại TTHH Đức Mẹ Tàpao cũng sẽ là một điểm nổi bật trong việc Mục vụ của Giáo Phận. Đức Cha Nicolas đã vất vả đặt nền tảng, khởi sự việc thiết lập Trung Tâm. Rồi đến Đức Cha Phaolô tiếp nối,xây dựng. Trung Tâm hành hương mỗi ngày một lớn mạnh. Hôm nay,chúng con vui mừng vì công việc lại được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đức Cha. Bằng tất cả lòng kính mến và hi vọng,chúng con cầu xin Đức Mẹ Tàpao phù hộ và giúp sức cho Đức Cha.Chắc chắn TTHH này sẽ được mở mang phát triển nhiều hơn nữa.

Kính thưa Đức Cha, trong ngày về nhận Giáo Phận Phan Thiết, Đức Cha đã phó dâng Giáo Phận cho Mẹ Thiên Chúa và đã nói với cộng đoàn rằng: Đơn giản, tôi là người Phan Thiết, thì hôm nay tại nơi này,chúng con cũng tin tưởng Đức Cha sẽ phó dâng Giáo Phận,và mọi khách hành hương cho Đức Mẹ Tàpao…..Đơn giản, chúng ta là con Đức Mẹ Tàpao. Và như thế,cùng với Đức Cha, mọi người sống gắn bó với Giáo Phận, và góp phần mình vào việc phát triển trung tâm Tàpao, mỗi ngày nên thánh thiện hơn về bề sâu đời sống đức tin, cậy, mến, ổn định khang trang bên ngoài, đúng nghĩa Trung Tâm Hành Hương.Chúng con tin, đó cũng là những bước đi đầy nhiệt huyết của Đức Cha với khẩu hiệu Giám Mục “Tình yêu Đức Kitô thúng bách chúng tôi” (2Cor 5,14).

Đức Cha Giuse chào mừng các linh mục, chủng sinh, lễ sinh và tất cả khách hành hương và chủ sự thánh lễ. Ngài suy niệm Tin mừng Chúa nhật 24 B (Mc 8,27-35). Chúa Giêsu đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Người “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình và vác thập giá”. Điều kiện để theo Chúa, đó chính là tình yêu.

1. Một tình yêu dám dứt bỏ

“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình…” Không biết điều kiện Chúa Giêsu đưa ra có làm cho những kẻ trên đường lên Giêrusalem năm xưa chưng hửng không, chỉ biết rằng điều kiện ấy hôm nay có thể là cho nhiều người hụt hẫng. Bởi lẽ, khi theo ai, người ta thường quan tâm tới cái “được”, đàng này Chúa Giêsu chỉ nói đến những cái “mất”. Mà cái “mất” ấy nào phải là những cái phụ tùy, trái lại, toàn là những cái chính yếu và chính đáng.

Mất một giờ giải trí, một bữa ăn, một ngày làm, người ta có thể chấp nhận khá dễ dàng, nhưng khi phải mất tất cả những gì mình có như tài sản, công danh, sự nghiệp thiết tưởng không phải dễ. Nhất là khi phải chấp nhận mất đi những mối liên hệ tự nhiên ruột thịt máu mủ như tình cha con, tình anh em, nghĩa vợ chồng thì quả là đứt ruột vuột máu đến nỗi khó mà thực hiện cho tròn. Và rồi, mạng sống vốn là cái thiết thân nhất mà cũng phải đành đoạn mất đi nữa thì hỏi chăng còn lại gì và sẽ được gì?

Sẽ là phá sản nếu đặt điều kiện của Chúa Giêsu lên bàn cân “mất - được” theo lẽ thường tình, và sẽ là thua lỗ nếu nhìn điều kiện ấy theo những tính toán kinh doanh. Thành thử, cần đặt điều kiện ấy vào một trật tự khác, một thứ trật tự vượt trên tất cả đồng thời cũng bao hàm tất cả. Đó là trật tự của tình yêu. Không tình yêu, không dám đâu! Nhưng có tình yêu, sao không dám? Người ta chấp nhận mất những mối tình tự nhiên chính đáng không phải vì chúng không có giá trị, mà chỉ vì vượt trên những tình yêu viết thường ấy là một TÌNH YÊU viết hoa cuốn hút tất cả, khiến người ta dám liều một phen, dám đánh đổi cuộc đời.

Không thể làm môn đệ Chúa Giêsu nếu không dám dứt bỏ, mà làm sao dứt bỏ được nếu không có tình yêu, nên điều kiện theo Chúa, ấy là phải có một tình yêu lớn mạnh.

2. Một tình yêu vác thánh giá

Theo Chúa cũng có nghĩa là lên đường với Người. Đường Người đi, theo bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, là đường lên Giêrusalem, không phải để chinh phạt ngoại xâm đem lại nền độc lập cho xứ sở. Đường Người đi, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, là đường dẫn lên Núi Sọ đón nhận cái chết bi thương để rồi mở ra sự sống. Và cũng từ đó, đường ấy xuất hiện như một điều kiện cho những ai muốn nên môn đệ của Người.

Đường Thánh Giá, đường vất vả. Trên đường theo Chúa người ta không chỉ bằng lòng với thái độ từ bỏ, dẫu ở đó có xuất hiện đớn đau, nhưng còn phải dấn bước bằng thái độ tích cực hơn nữa là đón nhận vào mình những Thánh Giá ngả nghiêng chung riêng đầy dẫy của gánh nặng từng ngày. Mỗi Thánh Giá là một gánh nặng. Mà Thánh Giá có ai được chọn đâu, nên gánh nặng bỗng thành nặng thêm. Đã không được chọn mà cứ phải vác, nên gánh nặng thêm lại càng thêm nặng.

Có những Thánh Giá gắn liền với khả năng giới hạn của mình, có những Thánh Giá đến từ rủi ro của cuộc sống. Và không ít Thánh Giá do mình tạo ra hoặc do người khác gây ra cho mình. Nhưng vấn đề không phải lo xác minh nguồn gốc cho bằng lo dốc sức kê vai gánh vác mà đi. Những lúc ấy, có thể gọi một cách thi vị: theo Chúa là một “cuộc hành trình”, mà có lẽ nên gọi đúng tên: theo Chúa cũng là một “cuộc hành hình”.

Không thể làm môn đệ của Chúa Giêsu nếu không đón nhận Thánh Giá, mà chì có thể vác nổi Thánh Giá bằng sức mạnh của tình yêu, do đó điều kiện theo Chúa vẫn là phải có một tình yêu lớn mạnh.

3. Một tình yêu biết cậy trông

Theo Chúa với điều kiện quyết liệt như vậy có thề làm ta sợ. Thực ra, nếu có ai bảo theo họ với điều kiện như thế, có thể ta sợ thật, nhưng Chúa Giêsu thì khác, Người không chỉ đưa ra những đòi hỏi, mà trong cương vị là Đấng Cứu Thế, Người còn chấp nhận đi bước trước để khai lối mở đường. Người từ bỏ thiên tính vinh quang để mang lấy nhân tính mạt hèn, Người từ bỏ những người thân để dấn bước lên đường sứ vụ, Người từ bỏ ý mình để vác lấy Thánh Giá và chết trên Thánh Giá ấy để tuân đẹp ý Cha. Nói cách khác, Người lấy đời mình mà minh chứng cho lời Người đòi hỏi.

Tín hữu theo Chúa, trong tư cách là môn đệ, tức là đặt bước chân mình trong bước chân Người đã đi qua, và ở đó, nâng một bước chân là dâng lên niềm trông cậy xin Người dẫn dắt, bởi Người là Đấng mở đường, là Đấng đi đường, và cũng là Đấng dẫn đường đầy nhân ái.

Đừng sợ những đòi hỏi của Chúa Giêsu, mà nếu có gì đáng sợ, thì đó là hãy sợ chính mình không chịu cất bước đó thôi. Bởi vì có quá nhiều sở hữu nên nuối tiếc không dám từ bỏ? Bởi vì ngại khó khăn nên bước chân trở thành nặng nề? Và nhất là bởi vì thiếu đi ngọn lửa nhiệt tình của một tình yêu biết vượt lên tất cả? Đừng sợ, bởi cuối đường Thánh Giá đã mở ra sự sống, cuối đường từ bỏ là cửa ngõ tin yêu và trên từng bước chân vẫn có Chúa đồng hành cho xanh lên niềm hy vọng đỡ nâng.

Không thể làm môn đệ Chúa Giêsu nếu cứ còn sợ hãi, nhưng không thể xua đi sợ hãi nếu không cậy dựa vào tình yêu. Thế nên, điều kiện theo Chúa đến cùng vẫn là phải có một tình yêu lớn mạnh.

Cầu chúc cho quý khách hành hương, đặc biệt là các chủng sinh, lễ sinh luôn dồi dào tình yêu để theo Chúa hàng ngày và suốt đời.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá. Từng đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.
 
Tập san Công giáo Hàn quốc phỏng vấn ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hahk Yoon
14:02 14/09/2009
WGPSG -- Vào ngày 9-9-2009, ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã trả lời những câu phỏng vấn của tập san Hahk Yoon về những trải nghiệm của ngài trong mối quan hệ với Thiên Chúa trước những biến cố xẩy ra trong cuộc đời, cũng như những nhận định, những ước mơ và những viễn ảnh nhắm tới...

1. Thưa Đức Hồng y, ngài đã cảm nhận được sự hiện diện Thiên Chúa ở với ngài từ khi nào? Ngài có thể cho biết chi tiết về kinh nghiệm này của mình?

Vào năm 1939, lúc tôi được 5 tuổi, cha Trương Bửu Diệp đến thăm gia đình tôi trong một vùng truyền giáo xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Cà Mau và ở lại dùng cơm với hai cha khách. Cha khuyên tôi nên vào Tiểu Chủng viện khi tôi được 10 tuổi, và ngài bảo tôi sáng sớm ngày mai giúp lễ cho ngài. Sáng hôm sau, mẹ tôi đánh thức tôi dậy lúc 4 giờ. Mặc dù trong tôi có một sự sợ hãi của trẻ con về con ma tưởng tượng, tôi đã một mình đi bộ đến nhà thờ trên con đường vắng vẻ tối tăm. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được Thiên Chúa ở với tôi, và Ngài đã giúp tôi vượt qua được sự sợ hãi của trẻ con trong đêm tối.

2. Trong suốt thời gian chiến tranh, ngài đã giữ vững được đức tin bằng cách nào? Ngài có thể kể những gì đã xảy ra cho ngài và gia đình trong chiến tranh. Và ngài có làm chứng rằng Thiên Chúa hiện diện với ngài trong suốt thời gian cam go đó?

Năm 1944, tôi gia nhập Tiểu Chủng viện. Năm 1945, chiến tranh lan tràn trên khắp quê hương tôi và Tiểu Chủng viên bị thiêu rụi. Từ đó, gia đình tôi trở thành dân di cư, nay đây mai đó, và thất nghiệp trong vài năm. Năm 1946, cha sở gởi tôi vào Tiểu Chủng viện ở Phnom Penh, Cambốt. Rồi tôi có vài chuyến về thăm quê giữa những cuộc giao tranh lúc đó. Năm 1954, tôi bị bệnh và việc học của tôi bị gián đoạn 1 năm. Năm 1957, sau khi hoàn tất 2 năm triết ở Saigon, tôi phải trở về gia đình dạy Pháp văn 4 năm trong một trường trung học, để giúp cha mẹ thanh toán học phí cho các em tôi đang học cấp hai. Năm 1961, tôi trở lại trường Thần học ở Saigon và tôi được chịu chức linh mục năm 1965. Một lần nữa, qua những thời điểm khó khăn, tôi cảm nhận được Thiên Chúa ở cùng tôi và giúp tôi vượt qua tất cả những thử thách xảy đến trong đời tôi.

3. Đức Hồng y có thể cho chúng con biết về vị linh mục đã khích lệ ĐHY vào Chủng viện, kể cả những câu chuyện cá nhân của ngài mà ĐHY biết được?

Năm 1944, trước khi vào Tiểu Chủng viện, cha tôi dẫn tôi đến một vùng truyền giáo, nơi ông nội tôi đã giúp cha Trương Bửu Diệp dựng ngôi nhà thờ và nhà cha sở lợp bằng lá dừa. Ông nội tôi đã trồng nhiều chuối và cây ăn trái chung quanh ngôi nhà mới này. Vào tháng hai năm 1946, cha sở Cà Mau đưa tôi và những chủng sinh khác nữa đến thăm cha Trương Bửu Diệp. Chúng tôi đã đi trên một chiếc xuồng chèo, qua một lộ trình 30 km đường sông và ở lại với cha Diệp 1 ngày. Một tháng sau, cha bị chém đầu. Từ nhiều năm nay, dân chúng, kể cả người không Công giáo, đã tôn kính ngài như một vị thánh bảo trợ.

4. Ông bà, cha mẹ của ĐHY đã ảnh hưởng trên cuộc đời của ngài như thế nào? Xin cho chúng con biết những chuyện ĐHY đã có về các ngài.

Cả ông nội và cha tôi đều sống ở những miền truyền giáo xa xôi khác nhau ở Cà Mau. Các ngài đã dựng nhà thờ, phục vụ dân chúng trong vùng truyền giáo bằng nhiều cách: tạo công ăn việc làm cho họ, giáo dục, phục vụ giáo xứ, giải trí lành mạnh… Tình yêu và sự phục vụ của các ngài đã gây ấn tượng trên tôi và ảnh hưởng suốt đời sống yêu thương và phục vụ của tôi.

5. Những người (bạn bè, thầy giáo, bà con.. . ), những sách vở, và những tư tưởng nào đã ảnh hưởng đến ĐHY?

Tôi nhớ có 3 cuốn sách mà tôi đã dịch sang Tiếng Việt ảnh hưởng đến cuộc đời tôi:

- Cuốn I: “Sau 2000 năm” (After 2000 Years), Tiểu sử của Chúa Giêsu, được Claude Robert, Dòng Tên, trình bày và bình luận. Từ năm 1953, tôi đã dùng cuốn sách này để nguyện gẫm trong nhiều năm. Cuốn sách được dịch (sang tiếng Việt) năm 1976. Đồng bào tôi thích ấn bản tiếng Việt và dẫn nhập của nó. Cuốn sách giúp cho họ gặp được Chúa Giêsu trong đời sống thường ngày của họ.

- Cuốn II: “Tự thuật của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu” (Autobiography of St Teresa of Enfant Jesus) đựơc dịch vào thập niên 60. Cuốn sách đã tạo cảm hứng cho nhiều người, giúp họ mở ra những cách thức sống đức tin mới mẻ. Nó soi sáng (1) thày dạy Kinh Thánh tìm ra con đường mới để sống Lời Chúa trong đời sống hằng ngày; (2) những nhà giáo dục tôn giáo tìm thấy cách thức mới: áp dụng tâm lý trong việc giáo dục đức tin; (3) một thiền sư tìm được cách thức mới giúp người ta tập Thiền ngay trong cuộc sống thường nhật.

- Cuốn III: “Học thuyết siêu vời” (The supreme doctrine) của Tiến sĩ Hubert Benoit. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm của mình về Thiền trong đời sống hằng ngày: huỷ bỏ được những căng thẳng và lo lắng trong đời. Năm 1986, tôi đã dịch sang tiếng Việt. Nó giúp cho nhiều người giải quyết những căng thẳng của họ và tìm được bình an trong tâm hồn.

6. ĐHY có ước mơ và viễn ảnh nào cho tương lai và ngài thấy con đường người Việt Nam sẽ tiến bước như thế nào?

Tôi ước mong người Công giáo mở rộng và nâng cao hiểu biết về niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Niềm tin nơi Đấng là Sự Thật, là Tình Yêu và là Con Đường đưa đến sự sống dồi dào, sẽ chỉ cho họ con đường và cho họ sức mạnh để vượt qua những khủng hoảng khác nhau của đời người, khủng hoảng về xã hội và tài chính, về kinh tế và chính trị, trong thế giới hôm nay.

7. Những câu chuyện và những lời ĐHY muốn gởi đến thính giả Hàn Quốc đang lắng nghe ngài

Tôi học từ người Hàn Quốc hai kinh nghiệm đẹp:

- Cả Nhật và Hàn Quốc đều phát triển mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhân bản. Nhưng tôn giáo lại phát triển ở Hàn Quốc chứ không phải ở Nhật. Một nhà trí thức Hàn Quốc đã trả lời cho tôi lý do tại sao: Dân Hàn tin vào Thiên Chúa, tin rằng những gì họ có đều là quà tặng của Thiên Chúa.

- Khi tham quan hãng xe Hyundai, tôi hỏi người ở đó: Hãng Hyundai ra đời một thời gian lâu sau những hãng xe hơi của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Toyota…, làm sao nó có thể sống còn và phát triển? Họ trả lời: Dân Hàn quốc dùng xe Hàn quốc. Tôi nhận ra rằng chính lòng yêu nước của dân tộc Hàn đã làm cho họ phát triển về vật chất, trí thức và tâm linh. Và trong bối cảnh hoàn cầu hoá hôm nay, tôi hy vọng rằng tình yêu quê hương đất nước của các bạn, một ngày nào đó sẽ có thể thống nhất Nam Bắc Hàn thành một dân tộc, dân của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Cầu chúc các bạn đạt được thắng lợi mới trong thách đố này.

(Nguồn: Tập san Hahk Yoon, Tập san Công giáo Hàn Quốc thực hiện ngày 9-9-2009, Người chuyển dịch: Thầy Trần)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS
Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS
21:12 14/09/2009
Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS

Ngày 24-7-2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Quyết định 97), có hiệu lực từ ngày 15-09-2009.

Viện Nghiên cứu phát triển IDS nhận thấy Quyết định 97 có những sai phạm nghiêm trọng sau đây:

Một là: Điều 2 của Quyết định 97 không phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống.

Khoản 2, điều 2 trong quyết định này ghi: cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “ chỉ hoạt động trong lĩnh vưc thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.

Như vậy khoản 2 của điều 2 bao gồm 2 điểm chính là

(1) các lĩnh vực được phép nghiên cứu quy định trong danh mục kèm theo Quyết định, và

(2) không được công bố công khai ý kiến phản biện với danh nghĩa của một tổ chức khoa học và công nghệ.

Về vấn đề danh mục các lĩnh vực được phép tổ chức nghiên cứu:

Cuộc sống vô cùng phong phú, có nhiều vấn đề chưa biết đến, luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển, luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới, cần có các quyết sách mới và các giải pháp thích hợp. Vì vậy không thể bó khuôn mọi vấn đề được phép nghiên cứu trong cuộc sống vào một danh mục dù danh mục ấy có rộng đến đâu. Quy định như vậy sẽ bó tay các nhà khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm khám phá các quy luật vận động trong tự nhiên và xã hội; từ đó tạo ra công nghệ mới, hoạch định chính sách phát triển và nâng cao dân trí để thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong cuộc sống còn có những lĩnh vực, những vấn đề đã trở nên lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Thực tế này cũng là một đối tượng quan trọng của công việc nghiên cứu, nhất là trong tình hình một quốc gia phải ra sức phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trong một xã hội tiến bộ, công việc nghiên cứu với tính cách như vậy không thể đóng khung trong một danh mục gồm các lĩnh vực được quy định như đã nêu trong Quyết định 97.

Trong khi đó, công văn ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa uỷ quyền của Thủ tướng trả lời thư ngày 6-8-2009 của Viện IDS gửi Thủ tướng) cho rằng cách quy định một danh mục các lĩnh vực cho phép cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu là thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, có nước quy định một danh mục cho phép, có nước quy định một danh mục cấm, hoặc cả hai. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thì chưa thấy nước nào có quy định danh mục các lĩnh vực được phép nghiên cứu khoa học. Vì vậy cách trả lời trong công văn của Bộ Tư pháp là không trung thực, thiếu trách nhiệm. Cho đến nay, trên thế giới, việc phân loại các lĩnh vực khoa học là để thống kê, so sánh, không thể lấy đó làm căn cứ để quy định các lĩnh vực được phép nghiên cứu. Cách làm như Quyết định 97 sẽ bị dư luận chê cười, làm hại uy tín của lãnh đạo và của đất nước.

Ý kiến trong công văn của Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định vẫn để mở, sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần các lĩnh vực cho phép, là môt cách biện bạch gượng gạo, bởi vì “cho phép” thì không bao giờ đủ. Không ai có thể “cho phép” đời sống sẽ được phát triển đến đâu. Thực chất với Quyết định này, “cho phép” tức là cấm, và vùng cấm rộng gấp ngàn lần vùng được phép.

Về vấn đề phản biện:

Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi âm.

Ví dụ nổi bật nhất là cải cách giáo dục – một vấn đề sống còn của sự phát triển đất nước, một yêu cầu bức xúc của xã hội đang được dư luận và giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, phản biện công khai sôi nổi từ nhiều năm nay nhằm thực hiện những nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục. Tuy vậy, sự phản biện này chưa được đánh giá và tiếp thu nghiêm túc.

Một ví dụ khác gần đây là vấn đề bô-xít, được coi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện công khai, quyết liệt vừa qua của rất nhiều nhà khoa học và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đã góp phanà thúc đẩy việc ban hành quyết định ngày 24-04-2009 của Bộ Chính trị lưu ý những vấn đề phải quan tâm trong khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu phản biện quan trọng khác trong vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong tình hình nêu trên, cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá nhân thành lập phản biện công khai như nêu trong Quyết định 97 thực chất là cấm phản biện xã hội, hệ quả sẽ khôn lường.

Khoản 2 trong điều 2 của Quyết định 97 không viết thành văn nhưng hàm ý để ngỏ khả năng: cá nhân được phép phản biện công khai với tư cách riêng của mình. Như vậy, sẽ không thể giải thích:

(a) Tại sao cá nhân thì được phản biện công khai, còn tổ chức, tức trí tuệ tập thể và liên ngành được tập họp để có thể có chất lượng cao hơn, thì lại không? Quy định chỉ cho phép cá nhân phản biện công khai tạo thuận tiện cho việc vô hiệu hóa hay hình sự hóa việc phản biện của cá nhân? Phải chăng quy định như vậy ngay từ đầu đã mang tính chất không khuyến khích phản biện, mà có hàm ý làm nản lòng thậm chí hăm dọa sự phản biện của cá nhân.

(b) Tại sao trong nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy lại có thể được thiết kế như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng cái bẫy đó?

Hai là: Việc cấm phản biện công khai là phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ.

- Cấm như vậy là phản khoa học, bởi lẽ: Bất kể một phản biện nào nếu không chịu sự “sát hạch” công khai, minh bạch trong công luận, sẽ khó xác định phản biện ấy là đúng hay sai, độ tin cậy của nó, sự đóng góp hay tác hại nó có thể gây ra, khó lường được các khả năng sử dụng hoặc lợi dụng việc phản biện này.

- Cấm như vậy là phản tiến bộ, bởi lẽ: Người dân sẽ không biết đến các phản biện đã được đề xuất hay các vấn đề đang cần phải phản biện, càng không thể biết chất lượng và tác dụng của những phản biện ấy, không biết nó sẽ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, tiếp thu hay xử lý như thế nào. Phản biện và tiếp thu phản biện không công khai sẽ không thể tranh thủ được sự đóng góp xây dựng từ trí tuệ trong và ngoài nước, hạn chế khả năng sáng tạo tìm ra con đường tối ưu cho sự phát triển đất nước và vứt bỏ lợi thế của nước đi sau. Trên hết cả, cấm như vậy là cản trở việc nâng cao trí tuệ và bản lĩnh của người dân, cản trở vai trò làm chủ đất nước của nhân dân. Cấm như vậy chẳng khác nào biểu hiện chính sách ngu dân.

- Cấm như vậy là phản dân chủ, bởi lẽ: Nhân dân – người chủ của đất nước – sẽ thiếu những thông tin để tự mình tìm hiểu, đánh giá mọi vấn đề có liên quan của đất nước mà họ không thể không quan tâm. Cấm như vậy là tước bỏ hay làm giảm sút khả năng của nhân dân giám sát, kiểm tra, đánh giá hay đóng góp xây dựng, hình thành và nói lên các ý kiến của họ, tán thành hay bác bỏ một chủ trương nào đó; trên thực tế là cấm hay ngăn cản quyền của nhân dân tham gia vào công việc của đất nước. Cấm như vậy là ngược với tiêu chí Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ba là: Quyết định 97 có nhiều điểm trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật của Nhà nước.

- Trước hết, đối với Hiến pháp, điều 2 trong Quyết định 97 vi phạm Điều 53 quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; Điều 60 quy định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng tác; Điều 69 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

- Đối với Luật Khoa học và công nghệ, điều 2 Quyết định 97 không phù hợp với tinh thần của Luật này coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, khuyến khích sự tham gia nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân, Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ sự thực hiện những kết quả nghiên cứu, khuyến khích các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ… v.v.

- Đặc biệt quan trọng là Quyết định 97 có nhiều điểm trái với tinh thần và nội dung Nghị quyết số 27 – NQ/T.Ư “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” mới được ban hành tháng 10-2008. Nghị quyết này nhấn mạnh thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Việc ban hành Quyết định 97 còn vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 67 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là đã bỏ qua trình tự bắt buộc phải công bố dự thảo quyết định trước ít nhất 60 ngày trước khi kí để bảo đảm sự tham gia ý kiến của dân. Trong công văn trả lời Viện IDS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lập luận rằng: quyết định 97 được xây dựng và ban hành đúng luật vì toàn bộ các bước soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định dự thảo quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2008) phải đến 1-1-2009 mới có hiệu lực. Sự biện bạch này không thể chấp nhận được. Quá trình soạn thảo, thẩm định bắt đầu từ bao giờ, kéo dài bao lâu, là việc nội bộ của các cơ quan hữu trách. Nhân dân, là những người chịu tác động của Quyết định, chỉ có thể biết ngày ban hành chính thức của Quyết định 97 là ngày 24-7-2009, hơn 7 tháng sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực. Như vậy rõ ràng là việc ban hành Quyết định 97 vi phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì sao một quyết định quan trọng liên quan đến một lĩnh vực lớn được coi là quốc sách hàng đầu, lại được thực hiện môt cách vội vã và tùy tiện như vậy.

Có thể kết luận, Quyết định 97 nếu được thực hiện sẽ làm nặng nề thêm thực trạng thiếu công khai minh bạch rất nguy hại cho việc xây dựng và thực thi pháp luật, làm trầm trọng thêm tình trạng tụt hậu hiện nay của đất nước.

*

Trong gần 2 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển IDS đã làm được một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Mọi hoạt động của Viện IDS từ ngày thành lập cho đến nay đều tiến hành đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên trong thời gian qua, tồn tại dai dẳng một số nhận xét sai lệch của cơ quan an ninh về Viện IDS, thậm chí cho rằng Viện nhận tiền của nước ngoài và có hoạt động chống đối Nhà nước…Ngày 16-01-2009 Viện IDS đã có thư gửi các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nêu rõ quan điểm của Viện về những nhận định sai trái này, song tiếc rằng cho đến nay bức thư này của Viện chưa nhận được bất kể một hồi âm nào.

Ngay sau khi có Quyết định 97, Hội đồng Viện IDS đã thảo luận, phân tích những chỗ sai cả về thủ tục và nội dung của quyết định này. Với ý thức tôn trọng Chính phủ và Thủ tướng, và để biểu thị thiện chí của mình, Hội đồng Viện chúng tôi nhất trí chưa bày tỏ ‎ý kiến công khai mà trước hết gửi thư ngày 6-8-2009 nêu rõ với Thủ tướng những chỗ sai của Quyết định 97 và kiến nghị cách giải quyết nhằm tránh các hệ quả bất lợi về nhiều mặt.

Sau khi gửi thư, đại diện của Hội đồng Viện được mấy vị lãnh đạo mời gặp, riêng Thủ tướng mời gặp hai lần; nhân dịp đó chúng tôi trình bày rõ thêm và trao đổi ý kiến thẳng thắn về những nhận xét và kiến nghị đã nêu trong thư.

Viện IDS đã kiên tâm chờ đợi. Ngày 11-9-2009, Chủ tịch Hội đồng Viện IDS được Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa uỷ quyền của Thủ tướng mời đến VPCP và trao cho hai văn bản. Một là công văn số 3182/BTP-PLDSKT ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền của Thủ tướng trả lời Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển IDS về những điều nêu trong thư của Viện gửi Thủ tướng ngày 6-8-2009. Hai là công văn số 1618/TTg-PL ngày 10-9-2009 của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP thừa uỷ quyền của Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và công nghệ ra văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định 97 và thu thập ‎ kiến để kiến nghị bổ sung danh mục ban hành theo quyết định này.

Hai công văn này cho thấy tất cả các kiến nghị của Viện IDS về Quyết định 97 đều không được chấp nhận.

Toàn viện IDS và từng thành viên đã hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, ý thức kỷ luật và thiện chí, nhưng những cố gắng đó đã không được đáp ứng.

Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS và các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình

Ngày 14-09-2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97. Quan điểm của Viện chúng tôi được trình bày trong tuyên bố này và được công bố kèm theo các tài liệu liên quan [1]. Chúng tôi cũng giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp.

Làm tại Hà Nội ngày 14-09-2009

Các thành viên Hội đồng IDS đã ký

1 Hoàng Tụy, Chủ tịch Hội đồng IDS

2 Nguyễn Quang A, Viện trưởng

3 Phạm Chi Lan, Phó Viện trưởng

4 Phan Đình Diệu

5 Lê Đăng Doanh

6 Vũ Kim Hạnh

7 Chu Hảo

8 Phạm Duy Hiển

9 Vũ Quốc Huy

10 Tương Lai

11 Phan Huy Lê

12 Nguyên Ngọc

13 Trần Đức Nguyên

14 Huỳnh Sơn Phước

15 Trần Việt Phương

16 Nguyễn Trung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Thời Áo Trắng
Diệp Hải Dung
22:17 14/09/2009

MỘT THỜI ÁO TRẮNG



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (hình chụp tại Canley Heights Sydney)

Một thời áo trắng học trò

Vờn hoa đùa bướm hẹn hò với trăng

Tình đi tình ở tình rằng:

Duyên tươi phận đẹp em hằng ước mơ.

(Diệp Hải Dung)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền