Ngày 13-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cây cứu chuộc
Mic. Cao Danh Viện
08:16 13/09/2010
Tôi hân hoan hát mừng cây cứu chuộc
Đã cho đời trái ngọt cứu sinh linh
Cây oai phong nên giá gánh tội tình
Cây nối kết tình trời cao đất thấp

Ôi yêu thương ! Cây san bằng giai cấp!
Mang cho đời sự sống mới thần linh
Trái thơm tho lễ phẩm chứa chan tình
Xây công lý hòa bình cho nhân thế

Huyền diệu thay! Rừng cây nào có thể
Ban trái ngon hương vị Chúa làm người
Ai thưởng dùng mà hiệu quả chẳng xinh tươi
Nhờ cây quý, hóa thân người làm Chúa

Cây kiên vững ngàn năm không tàn úa
Khắc khoải chờ tươm máu đỏ thương yêu
Mấy thiên niên cây vẫn đẹp một chiều
Trái vẫn ngọt một tình yêu phụ tử

Tôi thờ lạy suy tôn cây Thập tự
Là nguồn ơn trọng thể của đời tôi
Là thuyền dong chuyên chở phận con người
Về hồng phúc cội nguồn cây cứu chuộc.
 
Sống bác ái
LM Anphong Trần Đức Phương
08:17 13/09/2010
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Qua các Bài Đọc Sách Thánh, Chúa Nhật hôm nay nói đến thái độ của chúng ta là các tín hữu của Chúa, phải biết xử dụng của cải chóng qua ở đời này như thế nào, để sống bác ái vị tha, làm đẹp lòng Chúa và để đáng được thưởng công trên Nước Trời.

Bào Đọc I (Sách Tiên Tri Amos 8: 4-7): Tiên tri Amos cảnh cáo những kẻ tham lam tiền bạc mà xử bất công với người nghèo khó, họ sẽ bị Chúa lên án và phạt tội. Bài Đọc II (1 Timôthê 2:1-8): Chúng ta phải luôn luôn tha thiết cầu nguyện cho mọi người, cho các nhà cầm quyền, và cho chính chúng ta, để tất cả luôn sống “đời sống đạo đức liêm chính… với tâm hồn thánh thiện, không oán hờn và tranh chấp.” Bài Phúc Âm (Luca 16:1-13): Chúa Giêsu kể dụ ngôn về ‘Người quản gia gian dối” để cảnh tỉnh chúng ta về tính tham lam tiền bạc đưa đến gian lận, bất chính: “Chúng ta không thể làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Chúa, vừa làm tôi tiền của.”

Tiền của là điều cần thiết để chúng ta sống hàng ngày. Chúng ta phải làm việc vất vả để có tiền nuôi sống chính mình và gia đình. Tuy nhiên, nếu vì quá ham mê tiền của mà chúng ta tham lam thu tích bất công, bóc lột người khác, gian lận của công để làm giầu, thì thật là bất chính, đi ngược lại với giới răn của Chúa. Hơn nữa, khi chúng ta có tiền của, chúng ta lại trở nên nô lệ cho tiền của, sống hà tiện, cứ bo bo giữ của mà không biết chia sẻ của cải với Chúa qua việc giúp đỡ người nghèo khó, thì đó cũng là điều bất công.

Trong mọi thời đại, lúc nào cũng có những kẻ gian tham, thu tích của cải một cách bất chính. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, các tiên tri đã luôn luôn cảnh tỉnh Dân Chúa về tính tham lam tiền bạc, bóc lột người khác; đặc biệt trong Bài Đọc I hôm nay trích trong sách Tiên Tri Amos (8: 4-7), Thiên Chúa nói qua miệng Tiên Tri để cảnh tỉnh những kẻ “đàn áp người nghèo khó, giảm lượng đong, tăng vật giá, làm cân giả để lường gạt. Họ sẽ bị phạt vì tội gian tham của họ. Trong Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu kể dụ ngôn “người quản gia gian dối” để dạy chúng ta đề phòng tính gian tham, biển lận, nô lệ cho tiền bạc, sống đời sống bất chính mà quên đi những giới răn Chúa, và sự thưởng phạt đời sau. Chúng ta không thể là những tín hữu thực sự của Chúa, nếu chúng ta không sống theo giới răn Chúa, nếu chúng ta cứ làm nô lệ cho tiền của thế gian.

Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy đầy dẫy những bất công. Có những nước thật giầu có, ăn uống quá dư thừa, hoang phí; trong khi các nước khác còn phải sống dưới mức nghèo khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Khoảng cách giầu, nghèo ngày càng mở rộng. Ngay tại quê hương Việt Nam chúng ta ngày nay, có nhiều viên chức chính quyền thật giầu sang, có hàng triệu Mỹ kim, sống trong những căn nhà thật lộng lẫy, mua xe hơi rất sang trọng, cho con đi du học, ăn chơi phúng phí tiền bạc, trong khi đại đa số người dân không đủ tiền ăn hàng ngày, con cái phải bỏ học để đi làm kiếm sống.

Hiểu rõ hoàn cảnh đau thương của những người nghèo khó trên thế giới, nên Giáo Hội ở các nơi đã có nhiều chương trình giúp đỡ họ, gọi chung là Hội Từ Thiện Công Giáo, như tổ chức “Bác Ái Quốc Tế” (Caritas International), Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn, Hiệp Hội Columbus, Hiệp Hội Thánh Peter Claver v.v… Có nhiều người công giáo quảng đại đóng góp hàng năm để các Hội Từ Thiện Công Giáo có tiền gởi đi các nơi giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, nhà thương, trại phong cùi, cứu trợ những nơi bị thiên tai như Haiti trong năm vừa qua.

Ngoài ra, còn có nhiều Linh Mục, Tu sĩ và Giáo dân tự nguyện ra đi đến các vùng nghèo khó ở Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ để yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, giúp đỡ họ có những phương tiện để phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa và xã hội tại các nơi ấy. Mỗi người tín hữu chúng ta đều có bổn phận đóng góp tùy theo khả năng để làm công tác từ thiện này. Đó là chúng ta giúp Chúa qua những người nghèo khổ trên thế giới.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã ban cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết tiết kiệm trong việc chi tiêu ăn uống hàng ngày, trong việc mua sắm quần áo, để chia sẻ tiền của với những người túng thiếu. Được vậy là chúng ta đã biết sống bác ái, vị tha, và biết khôn ngoan dùng tiền của để làm đẹp lòng Chúa, và sau này đáng được thưởng công trên Nước Chúa.
 
Lễ suy tôn Thánh giá, đỉnh cao hành hương các Hội Dòng Mến Thánh Giá Saigòn
+GM Phaolô Bùi Văn Đọc
08:27 13/09/2010
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
(Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3,13-17 )

Anh chị em rất thân mến,

1. Chúng ta rất vui mừng được cùng tham dự cuộc hành hương Năm Thánh của các Hội Dòng Mến Thánh Giá (HDMTG) thuộc giáo phận Sài Gòn tại Nhà thờ Chính tòa giáo phận. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa chúc lành cho cuộc hành hương của các chị em nữ tu rất yêu quý.

Năm nay kỷ niệm 350 năm việc thiết lập hai giáo đoàn Đàng Trong và Đàng Ngoài; kỷ niệm 350 ngày Đức Cha Lambert de la Motte được tấn phong làm giám mục đầu tiên của giáo đoàn Đàng Trong; ngoài ra các chị còn kỷ niệm 340 năm Đức cha Lambert thiết lập hai HDMTG đầu tiên, tại Phố Hiến thuộc Đàng Ngoài vào tháng 02 năm 1670, và tại An Chỉ thuộc Đàng Trong vào dịp Giáng Sinh năm 1671.

2. Chúng ta tin chắc các chị rất yêu mến Đức Cha Lambert, vì đã được thúc đẩy trở về với ngài, trở về với linh đạo của Đấng sáng lập, là “Tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá”. Đó cũng là nội dung chính yếu mà Thánh Phaolô Tông đồ đã rao giảng như lời Người khẳng định trong thư I Côrintô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2, 2 ).

3. Có người chỉ trích rằng, ngay trang đầu tiên của Hiến chương các HDMTG, điều được làm nổi bật là “Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” làm cho nhiều người không còn thấy mầu nhiệm Phục Sinh đâu nữa, và làm cho Kitô giáo chỉ còn là một “con đường thương khó”. Có lẽ vì lý do đó, mà các chị nữ tu ít cười hay không được phép cười. Tôi xin trả lời ngay rằng không phải như vậy. Điều 5 trong Hiến chương của các chị rất rõ ràng: “Lòng yêu mến Thánh Giá liên kết chị em một cách đặc biệt với công trình cứu độ của Chúa Kitô”, mà cả ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay đều nói tới.

4. Bài đọc I là “lời tiên báo” của sách Dân Số, một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người chúng ta, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

5. Bài đọc Thư Phaolô gởi tín hữu Phi-líp-phê thì nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Trước hết là sự hạ mình vô cùng tận của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa (x. Pl 2,6-11).

6. Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Chỉ có một Đấng Chúa, ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác. Theo cả hai tác giả, chỉ có một sự tôn vinh, và đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”. Nếu Chúa Giêsu chịu đóng đinh là “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, thì không phải là điều gì quá đáng. Điều đáng lo không phải là “sự quá đáng”, mà là sự “bất cập”.

7. Chúng ta phải sợ là các Kitô hữu, trong đó có chúng ta, chưa hiểu đủ, chưa tin đủ, chưa yêu đủ, chưa sống đủ mầu nhiệm Thánh Giá Chúa Kitô, và chính vì thế mà còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa Kitô. Một nhà thần học người Nhật là Koyama Kosuke vẫn thấy mình không giải thích được tại sao những người Phật giáo ở Á Châu chưa chấp nhận “Chúa Giêsu chịu đóng đinh”, trong khi quan niệm và cách sống “từ bỏ cái ngã” của họ hết sức rõ ràng và cụ thể, nhất là nơi nếp sống của đa số những nhà tu hành Phật giáo.

8. Hơn thế nữa, yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô đến nơi đến chốn, chắc chắn sẽ phát huy “tinh thần liên đới với những nỗi khổ đau của đồng loại”( HC, đ.5 ). Đây là điều rất hợp với thời đại, với những đau khổ triền miên của nhân loại khắp năm châu, mà càng ngày chúng ta càng thấy rõ nhờ các phương tiện truyền thông. Nói theo từ ngữ nhà Phật, thế gian là “bể khổ”, theo từ ngữ Kinh Lạy Nữ Vương, thế gian là “thung lũng nước mắt”, nơi con người không ngừng làm khổ con người. Con người ngày nay bị nhiều loại rắn độc cắn, phải được giúp đỡ nhìn lên “Rắn Đồng” để được sống.

9. Sự yêu mến và tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô còn “lấp đầy tâm hồn chị em bằng niềm vui và hy vọng, xuất phát từ niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh”( HC, đ.5 ). Chúa Kitô Phục Sinh là niềm Hy Vọng của chúng ta, là “Tương Lai đích thực của nhân loại”, là “Mục Đích cuối cùng của đời người”. Thập Giá và Phục Sinh là hai mặt không thể tách rời nhau của cùng một mầu nhiệm trọng tâm của đức tin, trọng tâm của đời sống phượng tự Kitô giáo: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến. Amen.
 
Thánh giá Chúa đồng hành trong suốt cuộc sống
Pm. Cao Huy Hoàng
09:42 13/09/2010
Từ bệnh viện Grall ở Qui Nhơn những năm 1938, cho đến khi lập gia đình, rồi bốn lần chuyển nơi ở, cho đến lúc qua đời năm 2002, Mẹ tôi chỉ làm một nghề mà thôi: nữ hộ sinh. Niềm vui lớn lao của Mẹ là khi mỗi em bé lọt lòng, không kể lương hay giáo, Mẹ được vinh dự là người đầu tiên âm thầm ghi dấu thánh giá trên trán, với lời nguyện tắt “Xin Thánh Giá của Chúa Giêsu cứu chuộc con”.

Chị ba tôi có lần hỏi Mẹ: là giáo dân, mình có được phép làm như vậy không?. Mẹ trả lời Mẹ nghĩ là không ai cấm. Vì đó là việc làm do đức tin của Mẹ. Mẹ tin rằng việc mình xin qua một dấu chỉ, còn lại là việc Chúa làm điều Chúa muốn. Ngay cả các con, sau khi lọt lòng, lúc Mẹ vừa tỉnh dậy thì việc đầu tiên là Mẹ ghi dấu Thánh Giá trên trán các con. Và cũng “Xin Thánh Giá của Chúa Giêsu cứu chuộc con”.

Hỏi ra mới biết từ đời các cố Tây đến những năm 1950, thời các Cha người Việt tiếp quản xứ, và thịnh nhất là đời Cha Phê-rô Khổng Văn Giám, 1958, các bà mẹ ở giáo xứ tôi đã được nhắc nhở việc làm đầu tiên với trẻ sơ sinh: Ghi dấu Thánh Giá trên trán, xin ơn cứu chuộc cho con. Thời nay, các vợ chống trẻ nghe lại chuyện này xem như chuyện cổ tích, nhưng thiết nghĩ, chúng ta không nên xem thường một việc đạo đức rất bình dân, nhưng lại bắt nguốn từ giáo lý thần học thâm sâu về Thánh Giá Chúa Kitô.

Thánh Giá Chúa đồng hành suốt cuộc đời tín hữu.

Từ dấu Thánh Giá mà một Linh mục, Cha Mẹ và người đỡ đầu ghi trên trán trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi tín hữu đã nhận lấy Thánh Giá như một quà tặng của Thiên Chúa Cha: Quà tặng có giá trị cứu rỗi. Và nhờ phép rửa, một con người cũ đã chết đi với cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá và một con người mới đã được tái sinh trong sự phục sinh của Ngài. Mỗi tín hữu là một con người mới nhờ Thánh Giá Chúa Kitô và vì thế, không có ơn cứu rỗi nào ngoài Thánh Giá Chúa Kitô.

Cây Thánh Giá là quà tặng cứu chuộc, là cây cứu chuộc muôn dân đặng rỗi. Quà tặng cứu chuộc đã sẵn sàng. Tình yêu của Cha cho đi một cách nhưng không. Và mỗi người được ơn cứu chuộc nhờ chấp nhận quà tặng thánh giá.

Đó là xác tín của Giáo Hội và hơn thế nữa, đó phải là xác tín của mỗi tín hữu chúng ta.

Xác tín ấy trở thành niềm vinh dự, khi mỗi tín hữu được thông phần với Thánh Giá Chúa Kitô bằng cách từ bỏ ý riêng mình, lấy đau khổ đời này làm niềm vui và niềm hy vọng cho mai sau. Như thế, mỗi tín hữu đã góp phần mình, tuy chẳng đáng-nhưng cần thiết, vào ơn cứu rỗi cho chính mình. Đúng như suy niệm của Thánh Augustin: Chúa sinh con ra không cần ý kiến của con, nhưng Chúa cứu chuộc con, cần có ý kiến của con. Việc chấp nhận chết đi để biến đổi thành con người mới, không phải đơn thuần là việc của lý luận, của lý trí, của khoa học hay y học, mà phải nói chính xác là một quyết định của Đức Tin.

Đức tin ấy là: được trở nên Kitô hữu Công Giáo là nhờ Thánh Giá Chúa Kitô, đồng nghĩa với việc chấp nhận ôm, vác Thánh Giá mà đi theo Chúa. Không ai được phép từ chối, vì đây là căn tính của Kitô hữu, căn tính của Ơn cứu Chuộc.

Trong đời sống mỗi tín hữu, Thánh Giá vẫn luôn đồng hành để bảo đảm cho mỗi tín hữu được ơn cứu độ. Ở bậc nào cũng có sẵn những thánh giá Chúa trao như quà tặng hồng phúc. Phải nhìn những khổ đau ở đời với con mắt đức tin mới nhận ra đó là quà tặng quí giá, bằng không, cứ tưởng là phần phạt, hoặc còn hơn thế nữa, có người cho là tà ma ám khí đeo bám suốt cuộc đời. Có người cho rằng đau khổ vì những tương quan giữa người với người là một thứ nợ đời oan gia mà không ngộ ra đó là quà tặng của Thiên Chúa: Quà Tặng Thánh Giá.

Đó là những thánh giá bằng xương, bằng thịt, là vợ mình, chồng mình, con cái mình, bà con lối xóm, kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, kẻ hoan hô người đã đảo… tất là đều biết nói biết cười, biết khóc biết than, biết la hét, biết nỗi giận ghen tuông, nhưng cũng biết yêu thương, tha thứ, biết sẻ chia đắng cay ngọt bùi, biết vỗ về an ủi và nhất là biết giúp nhau nên tốt nếu mỗi người chấp nhận hy sinh từ bỏ riêng mình mà tập trung cho điểm chung cần thiết nhất, đó là ơn cứu chuộc, ơn cứu chuộc của mình và của tha nhân.

Có những thánh giá bằng gỗ là sự vô tâm vô tình dững dưng của người nọ người kia, của ông to bà lớn đang đè nặng trên những người thấp cổ bé miệng.

Và cũng có những thánh giá bằng sắt, bằng đá, bằng cốt thép xi măng nặng nề đến nỗi làm cho ta tưởng như phải chối từ ngay khi chưa kịp nhìn thấy.

Có những thánh giá là một cái chết ngay tức khắc, là một cánh cửa nhà tù đang mở ra, là một quyết định phát lưu biệt xứ, là một cuộc tẩy chay, loại trừ ra khỏi cộng đoàn hiệp thông, là một cuộc thanh trừng sát hại không để lộ tông tích, là một sự đàn áp dã man không còn nhân tính, là những bức bách thể xác tinh thần đến độ mất ăn mất ngủ sinh kiệt sức đến lâm chung, là cách cai trị theo kiểu cai trị đám dân nô lệ vài ngàn năm khi nhân loại còn trong bóng đêm lạc hậu. Vâng, có quá nhiều thánh giá cho các tín hữu thời nay. Nhưng thực là vui mừng, khi không thiếu những tín hữu sẵn sàng kê vai mà vác lấy những cây Thánh Giá nặng nề, vì ơn cứu rỗi của mình và của các linh hồn. Họ là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt nam.

Các tín hữu Việt Nam thời Cha Ông đã anh hùng vác thánh giá suốt cuộc đời mình qua những cuộc bức bách, đã ôm cây thánh giá vào lòng trước mặt các quan quyền, đã quì gối hôn kính Thánh Giá để chấp nhận bao cực hình cho đến chết, dứt khoát không bước qua Thánh Giá. Thánh Anre Năm Thuông, một giáo dân, đã nói “Tôi thà chịu chết. Thánh Giá tôi yêu, tôi kính, tôi thờ, tôi không thể bước qua”. Dấu Thánh Giá mà Mẹ và Mẹ Giáo Hội ghi trên trán ngày xưa, đã trở thành dấu chỉ của lòng tin vững chắc, trở thành Thập Giá thật để mỗi tín hữu chịu đóng đinh mình và vào cuộc khổ nạn với Chúa, trở thành niềm vinh dự hiến dâng của lễ đời mình cho Thiên Chúa, hiệp với lễ tế Chúa Giêsu.

Tri ân các vị tiền nhân đã gieo trồng Hội Thánh Công Giáo Việt Nam bằng chính giọt máu, đã uống chén đau khổ Chúa Ki tô, đã trở nên bạn hiền của Thiên Chúa, mỗi tín hữu Việt nam, hơn lúc nào hết, ngay lúc nầy, noi gương các Ngài ôm Thánh Giá mà sống vui, vác Thánh Giá mà hân hoan vinh dự và sẵn sàng cùng với Thánh Giá làm chứng cho Thiên Chúa ở đoiwf nầy, và cùng Thánh Giá đi vào cõi sống muôn đời.

Đó là điều khả thi đối với những con người điên dại vì Đức Kitô, nhưng khôn ngoan vì nắm chắc ơn cứu chuộc. Vâng, Thánh Giá, ơn cứu Chuộc vẫn luôn đồng hành trong đời sống các tín hữu. Nhưng tôi tin, điều đó có nghĩa là, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện, vẫn luôn đồng hành, vẫn đang vác và mời gọi mỗi chúng ta vác thánh giá đỡ Người. Người không để chúng ta đến mức quá sức, vì Ngài biết chúng ta yếu đuối. Điều quan trọng là đừng từ chối vác Thánh Giá với Người.

Bà Tươi trong giáo xứ tôi, cả đời sống với gánh cháo lòng ngày hai buổi. Bà rất khổ cực vì chồng con, vì nợ nần, vì điều kiện thiếu thốn, nhưng bà luôn sẵn sàng mỗi khi giáo xứ cần đến, từ những việc nhỏ nhặt nhất, bà sẵn sàng hy sinh thời giờ công sức cho việc chung và cũng rất thơm thảo với mọi người. Có lần túng quẩn, bà đi mượn gạo, bị một bà khác mắng cho: “làm ăn không lo, cứ lo chuyện bao đồng”.

Tâm sự với Cha già về những đau khổ, Cha khuyên Bà rằng: “Khi nào người ta thấy con cực khổ, người ta nói con đau thương, người ta chê bai chỉ trích con là dại dột chấp nhận sự thua thiệt, người ta cho là con điên khùng xã thân cho chân lý, người ta loại trừ con vì con dám khản tiếng kêu gào cho người đau khổ quanh con…. mà lòng con thì ngược lại: không cảm thấy đau khổ hay tủi nhục, mà chỉ cảm nếm toàn là hân hoan bình an vui mừng vì được cống hiến, ấy là lúc con đã ôm cây thánh giá mà sống, và con sẽ ôm cây Thánh Giá để đi vào cõi sống muôn đời. Vì như thế là con đã đồng hình đồng dạng với một Đức Kitô đã từng bị làm cho đau khổ, đã từng bị chê bai chỉ trích là điên dại, và đã từng bị kết án cách ô nhục trên thánh giá., và cuối cùng, con đã đồng hình đồng dạng với một Đức Kitô phục sinh vinh hiển”.

Cảm ơn Cha già vì lời khuyên ấy bà đã thuộc lòng và bà lại truyền đi khắp nơi cho khắp mọi người trên đường bán cháo lòng. Năm kia, bà bị một cơn bệnh ngặt nghèo kéo dài hơn 6 tháng. Và bà đã ra đi…

Như những tín hữu công giáo qua đời khác, ban trợ táng tắm rửa thi hài sạch sẽ thơm tho, mang quần áo trắng tinh, rồi đặt thi hài nằm trên giường, mắt hướng về bàn thờ. Sau đó, đặt vào tay thi hài Bà một Cây Thánh Giá, và một cỗ tràng hạt.

Viếng xác Bà, nhìn tay bà cầm cây Thánh Giá, tôi tin bà đã ôm Cây Thánh Giá Chúa Giêsu trong đời, đã vác Thánh Giá trong đời với Chúa Giêsu và tôi tin, bà cũng sẽ cùng Thánh Giá Chúa Giêsu đi vào cõi sống muôn đời.

Thánh Giá Chúa Giêsu luôn đồng hành trong suốt cuộc đời mỗi tín hữu. Đặc biệt những ngày nầy, các Tín Hữu Việt Nam không thể quên Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, một chứng nhân vác Thập Giá Chúa Kitô trong thời đại chúng ta, Ngài cũng đã ôm Thánh Giá Chúa mà về cõi sống thu. Xin Ngài nguyện giúp cầu thay danh Chúa được vinh hiển trên quê hương này, nhờ việc mọi thành phần dân Chúa cùng vác Thánh Giá với Chúa Giêsu trong giai đoạn khó khăn nầy.

Lạy Chúa Giêsu, trong đời tín hữu của con, Thánh Giá Chúa cũng đồng hành với con để con được cứu chuộc. Xin cho con biết suy tôn, yêu mến, tri ân, và sẵn lòng vác Thánh Giá với Chúa. Con tin là phần của con nhẹ thôi. Phần nặng Chúa đã vác cả rồi. A men.
 
Bài phát biều ngày khai giảng năm học mới cho anh em tu sinh Thái Bình
LM Trịnh tiến Thành
09:54 13/09/2010
Trọng kính Đức Cha Phêrô! Trọng kính Đức Ông Hieronimo – tổng đại diện giáo phận Thái Bình; Cha Gioan – giám đốc chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình. Kính thưa quý cha trong ban tư vấn, quý cha giáo,

Thưa toàn thể anh em tu sinh rất thân mến!

Xem hình ảnh

“Hãy theo Thầy!” (Mc 1,17). Câu nói ấy của Chúa Giêsu buổi chiều nọ tưởng chừng như một câu nói đùa, nhưng thực ra là một lời mời gọi của tình yêu. Quả vậy, chính tình yêu cao siêu và diệu vợi xuất phát từ nơi Đức Giêsu, là động lực thúc đẩy các môn đệ xưa kia dám từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ cha mẹ và cả mái ấm gia đình để cất bước theo Chúa.

Và cũng khởi đi từ lời mời gọi yêu thương ấy, mà từ xưa đến nay đã có biết bao người trẻ dám hy sinh cả cuộc đời để dấn thân bước theo Thầy Chí Thánh. Bước theo Chúa Giêsu không phải để tính toán vụ lợi, được tận hưởng nhà cao cửa rộng, hay thời gian rảnh rỗi an nhàn; nhưng là để ngày càng nên trọn lành, để tìm được niềm vui, tìm được sự bình an, được ở lại với Ngài và nhất là được kết hiệp mật thiết với Ngài trong tình yêu mến.

Tất cả anh em tu sinh chúng con đây, phần đông là những người đã trải qua thời sinh viên với đầy dẫy những vui – buồn - sướng - khổ, những thách đố của dòng đời vơi cạn. Nhưng chúng con vẫn quyết tâm học hành cho nên người. Nhiều anh em đã có những công việc làm ổn định, thu nhập không đến nỗi nào. Như bao người thanh niên khác, chúng con có thể mơ ước xây dựng một tổ ấm gia đình nho nhỏ mà thân thương; giản đơn nhưng luôn đầy ắp những tiếng cười. Tuy nhiên, chúng con đã gạt bỏ tất cả của cải, danh vọng, vinh hoa nơi trần thế, chỉ vì bị lôi cuốn bởi một điều thiện duy nhất là tình yêu Đức Giêsu Kitô. Chúng con quyết hy sinh tình đời để tận hiến trọn vẹn cho tình trời.

Nói như thế không phải là mục đích theo Chúa của mỗi người tu sinh chúng con đã đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Chúng con thấy mình vẫn còn khiếm khuyết rất nhiều. Có những giây phút đứng giữa ngã ba của dòng đời, chúng con vẫn còn bị những thú vui trần thế làm vẩn đục, những ý tưởng tăm tối làm hoen ố: “Đứng núi này trông núi nọ, đứng núi nọ lại ngó núi kia”.

Biết bao vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm trí chúng con: Làm sao để biết Chúa gọi tôi đi tu hay lập gia đình? Đâu là ý nghĩa và mục đích của đời tu trì? Ơn gọi tu trì và ơn gọi hôn nhân gia đình, ơn gọi nào cao đẹp hơn.v.v…

Chính vì muốn giúp cho chúng con sớm nhận ra thánh ý Chúa để đáp lại lời mời gọi của Ngài, Đức Cha Phêrô đã cho chúng con được cùng nhau quy tụ nơi Toà Giám Mục (ngôi nhà chung của Giáo Phận), để chúng con không ngừng được đào tạo và tự đào tạo; được học tập và tu luyện, phân định ơn gọi và cùng nhau đi tìm thánh ý Thiên Chúa.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha! Thưa anh em tu sinh.

Chưa bao giờ Giáo hội lại khát mong cho toàn thể Dân Chúa có được một đội ngũ linh mục thánh thiêng, đạo đức và có tâm hồn mục tử như ngày hôm nay. Vì trong một thế giới tục hóa, giải thiêng và döôøng nhö vắng bóng Thiên Chúa, thì hình ảnh người linh mục chân tu là điều mà ai ai cũng mong chờ.

Cổ nhân từng nói: “Người làm sao thì chiêm bao làm vậy”, “nhân sao vật vậy”.

Tu sinh thế nào thì linh mục thế ấy. Muốn có một linh mục tốt đẹp thì phải có tu sinh tốt đẹp. Việc đào tạo tốt đẹp không phải chỉ nhaém tôùi kiến thức, mà phải đào tạo con người toàn diện; không chỉ có thể lực vững mạnh, tri thức

Muốn được như thế, cần phải có sự cộng tác nhất quán từ bề trên, quý cha trong ban giảng huấn và các anh em tu sinh. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cho caùc tu sinh, đó là chuyên môn hóa việc dạy và học. Việc đào tạo phải chú troïng hơn nữa tôùi chiều kích nhân bản và tu đức. Công tác đào tạo ngaøy hôm nay không thể là việc đào luyện thụ động một chiều, mà là quá trình tương giao hai chiều: giữa Thiên Chúa và con người; giữa quý cha giảng huấn và tu sinh, trong đó Thiên Chúa là nguồn lực, quý cha giáo là trợ lực, còn tu sinh là chủ lực.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha! Thưa anh em tu sinh.

Một năm học mới lại sắp khởi đầu. Khắp nơi trên cả nước Việt Nam, nhà nhà nô nức, trường trường rộn ràng chuẩn bị các hoạt động, các chương trình để chào đón năm học mới. Hoà chung với niềm vui ấy, được sự nhất trí của Đức Cha Phêrô, hôm nay chúng con cũng tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho anh em tu sinh, năm học 2010 – 2011.

Đức Cha Phêrô và quý cha hiện diện nơi đây để cùng tham dự lễ khai giảng; cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới. Điều đó nói lên lòng yêu mến Chuùa, gắn bó vôùi Giáo hội và tình đoàn kết với nhau. Đồng thời cho thấy tầm quan trọng của năm học mới khi chúng ta đặt năm học mới vào tay Chúa, vaø caàn phải cầu nguyện nhieàu cho năm học mới.

Năm học mới, bản thân anh em tu sinh phải đổi mới trong cách sống, cách học tập và tu luyện. Quý cha trong ban đào tạo cũng phải cố gắng đổi mới trong cách giảng dạy, luôn đặt việc ươm mầm ơn gọi lên hàng đầu. Như thế mới hy vọng một mùa gặt thiêng liêng bội thu trong tương lai.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha!

Bốn tháng đầu nhập học, lớp chúng con có tất cả 56 anh em. Sau một thời gian, tu sinh Gioan.B. Nguyễn Anh Tuấn xin chuyển ơn gọi sang tu dòng bên Philippine vào ngày 08/05/2010. Ngày 03/09 vừa qua, 6 anh em được gia nhập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội – Cơ Sở Nhà Đức Mẹ La Vang. Ngày 12/09/2010, tu sinh Giuse Nguyễn Văn Tuyền xin chuyển đổi ơn gọi.

Hiện nay còn lại 48 anh em (trong đó có thầy Bình đang xin chữa bệnh tại Miền Nam). Tất cả chúng con đã tham dự những ngày tĩnh tâm đầu năm học với một bầu khí sốt sắng và trang nghiêm. Chúng con đã sẵn sàng cho một năm học mới, với một sức sống mới, tiếp tục cùng nhau tìm thánh ý Chúa mỗi ngày.

Trong niềm vui hân hoan ngày khai trường, thay lời cho quý cha trong ban điều hành và 48 anh em tu sinh, con xin hân hoan chào mừng Đức Cha Phêrô, Đức Ông Hieronimo, cha Giám Đốc Gioan, quý cha trong ban tư vấn và tất cả quý cha đang hiện diện nơi đây.

Kính chúc Đức Cha và quý đấng bậc luôn dồi dào sức khoẻ, dư tràn hồng ân Chúa, luôn thu lượm được những hoa trái tốt đẹp trong sứ vụ thánh đức mà Chúa đã trao phó.

Xin Đức Cha và quý cha, đã thương, đang thương và sẽ tiếp tục yêu thương nâng đỡ, dìu dắt chúng con trên hành trình đời dâng hiến; để chúng con nhận ra thánh ý Chúa, an tâm học tập và tu luyện, trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu: sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, sống hoà đồng mà không bị đồng hoá, sống nhập thể mà không bị biến thể, nhưng luôn giữ được căn tính của người môn đệ Đức Giêsu.

Nhưng trước tiên, trong năm thánh 2010 này, chúng con ước mong cùng nhau xây dựng tập thể lớp tu sinh trở thành một đại gia đình huynh đệ: Hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với mẹ Giáo Hội và hiệp nhất với nhau trong tình yêu mến của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria chúc lành cho những ước nguyện và dự phóng của chúng con!
 
Tâm Sự Với Chúa Luôn Như Hơi Thở
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
14:55 13/09/2010
Trò chuyện với Chúa mỗi ngày như Người Bạn # 9

“TÂM SỰ VỚI CHÚA LUÔN NHƯ HƠI THỞ”

Lạy Cha, nhờ ơn Thầy Giêsu giúp, hôm nay con sống mang lợi ích cho người khác, sống xứng đáng với chức vụ Thầy trao và đem niềm vui đến cho nhiều người.

1- Con quyết vui vẻ khi công việc không được vừa ý.

2- Con quyết kiên nhẫn khi gặp thử thách, khó khăn.

3- Con quyết bình tĩnh khi công việc làm ăn thất bại.

4- Con luôn giúp đỡ người đang gặp phải khó khăn.

5- Con luôn luôn giúp tha nhân khi họ cần đến con.

6- Con luôn thông cảm với những tâm hồn sầu khổ.

7- Con không nổi giận khi ngoại cảnh làm khó chịu.

8- Con không mất vui tươi khi người khác trái ý con.

9- Con không bất an và sợ sệt khi thời cuộc xảy đến.

10- Con không khắt khe, hẹp hòi ở trong Gia đình.

Với những ơn Thầy giúp, hôm nay con thấy Chúa Cha luôn hiện diện trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định
 
Tặng phẩm Tha thứ
Trầm Thiên Thu
23:21 13/09/2010
Sau khi con trai mình là Jason bị một thiếu niên 14 tuổi dùng súng bắn chết tại trường học, mục sư (MS) Anh giáo Dale Lang đã tổ chức lễ tưởng niệm và cầu nguyện công khai cho kẻ sát nhân và gia đình của kẻ sát nhân. Chuyện xảy ra 10 năm trước, và tới ngày nay, một cư dân tên Taber ở Atlanta lại tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và sứ điệp của lòng tha thứ.

Ngày 20/11, MS Dale Lang đến Toronto dự hội nghị về công lý để nói về sự tha thứ là phương kế phá tan bạo lực. MS Lang nói: “Nếu tôi vẫn bực tức người thiếu niên đã cướp mạng sống của con trai tôi thì tôi sẽ tạo nguy hiểm thêm cho vợ tôi, gia đình tôi và chính bản thân tôi. Nếu tôi cứ tức giận theo thời gian thì như thế không khác một nhà tù, nơi rất khó thoát ra. Khi chúng tôi chọn cách tha thứ, chúng tôi có thể tạo sự chọn lựa ngay cả lúc rất khó khăn và điều đó sẽ thảnh thơi đạt đến con đường tha thứ”. Hội nghị về công lý thường niên lần thứ tư được hội từ thiện Friends of Dismas tổ chức, hội này khuyến khích những người có đức tin liên quan công việc sáng tạo và hàn gắn đối với những người đã phạm pháp.

Hội từ thiện Friends of Dismas là “người trộm lành”, đã bị đóng đinh với Chúa Giêsu, nhưng đã thành tâm sám hối. MS Lang nói rằng sự tức giận là phản ứng tự nhiên. Nhưng nhiều người đã tự xây “bức tường sắt” bao quanh mình và nuốt hận vào trong, cứ để vết thương không khép miệng. Một phụ nữ đến gần ông ấy sau khi ông ấy nói tại một nhà thờ rằng bà ta không hiểu sao ông ấy lại tha thứ cho kẻ sát nhân. Bà ấy vẫn lộ con mắt căm phẫn với người tài xế say rượu và đã cán chết con gái bà từ 15 năm trước. Ông ấy nói: “Khi tôi thấy tia thù hận trong mắt bà ấy, tôi nhận thấy sự tha thứ có ý nghĩa thế nào đối với tôi. Tôi cảm ơn Chúa đã cứu tôi thoát cảnh mà người phụ nữ kia đã sống suốt 15 năm”.

Phó tế Công giáo Mike Walsh, người tổ chức hội nghị và người sáng lập hội Friends of Dismas, nói rằng tặng phẩm tha thứ mà gia đình MS Lang trao cho kẻ đã giết Jason là điều không thể bị đánh giá thấp. Phó tế Mike Walsh nói: “Tôi gặp những người liên quan các lĩnh vực khác, họ làm tổn thương ai đó và biết mình không bao giờ được tha thứ. Họ cứ đem theo nỗi ray rứt đó suốt đời, và đôi khi họ “bị kẹt” ở đó”. Phó tế Mike Walsh nói MS Lang đã đúng khi nói rằng sự tha thứ không nhất thiết phải là hòa giải. Đôi khi người phạm tội sẽ không bao giờ tỏ dấu hối hận. Nhưng trong nhiều trường hợp có quyết định tồi tệ, như trường hợp tài xế say rượu cán chết người, thường thì người bị truy tố rất hối hận. Việc biết mình được tha sẽ giúp họ rất nhiều. Thực sự giải thoát cho cả người bị tổn thương và cho phép người khác bước tới – nếu họ ăn năn và thực sự muốn được tha thứ.

Sự tha thứ và công lý phục hồi là điều quan trọng để giúp tái hòa nhập tội nhân với xã hội, trao cho họ tình bạn hữu và ý nghĩa phục hồi trong cuộc đời họ. Đó là mục đích của hội Friends of Dismas. Việc giúp những tội nhân tha thứ cho những người khác trong chuyệnquá khứ cũng là điều quan yếu, vì sự lạm dụng hoặc tổn thương của họ có thể khiến họ phạm tội. Don, cựu tù nhân đã bị lạm dụng và bị mẹ ruột khinh thường, đã từng đi cướp có vũ trang từ lúc 12 tuổi. Anh cảm thấy an tâm khi anh có thể tha thứ cho mẹ mình sau khi anh viết hết cơn tức giận vào một lá thư. Anh nói: “Tôi vẫn cảm thấy buồn nhiều nhưng cơ bản là lòng thù hận đã được giải quyết, và tôi thấy khá tự do. Thiên Chúa không nói tha thứ vì tôi xin Ngài tha hoặc tôi nói bạn tha. Ngài vẫn nói tha thứ vì đó là điều thực sự tốt lành cho chính chúng ta”.

(chuyển ngữ từ catholicregister.org)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dụ Ngôn về Lòng Thương Xót: Biến cải lòng ích kỷ thành niềm vui
Bùi Hữu Thư
09:03 13/09/2010
Lời giảng của Đức Thánh Cha Benedict XVI

Rôma, Chúa Nhật 12 tháng 9, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi những ai đã chịu phép rửa hãy tăng cường đức tin để cải tạo thế giới. Ngài nói: “Chỉ có đức tin mới có thể biến cải lòng ích kỷ thành niềm vui và tái thiết những tương quan công bình với tha nhân và với Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bình giải các dụ ngôn về lòng thương xót – được đọc ngày Chúa Nhật hôm nay trong Giáo Hội Công Giáo – trước khi đọc kinh Truyền Tin, trước khoảng 4.000 khách hành hương tại Castel Gandolfo. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Lễ Thánh Danh Đức Maria được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập cho ngày 12 tháng 9.

Đức Thánh Cha nói Chúa Kitô là người chăn chiên nhân từ: “Người chăn chiên tìm được con chiên lạc chính là Chúa Kitô đã vác lấy tất cả nhân loại tội lỗi qua thập giá để cứu chuộc họ.”

Bình luận sau đó về dụ ngôn thứ ba, về đứa con hoang đàng, Đức Thánh Cha nhận xét về con đường nội tâm người con thứ đã trải qua bằng cách trích dẫn thông điệp thứ nhất của ngài: “Những lời nó nói về sự trở về cho phép chúng ta hiểu biết tầm quan trọng của hành trình nội tâm nó đã hoàn tất… Nó trở về “nhà”, về với chính nó và về nhà cha nó” (Xem Đức Thánh Cha Benedict XVI, “Giêsu thành Nazareth”. Tập 1, “Từ phép rửa trên sông Giođan đến lúc Biến Hình”, Paris, Flammarion 2007).

Sau đó Đức Thánh Cha nhắc đến lời bình của Thánh Âu-tinh: “Chính Ngôi Lời đã gọi con phải trở về; nơi có sự yên tĩnh không bị quấy phá, chính tại đó tình yêu không biết đến sự từ bỏ” (Tự Thú, IV, 11.16). “’Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để.' (Lc 15,20) và lòng tràn đầy vui sướng, ông bảo phải chuẩn bị một bữa tiệc.”

Đức Thánh Cha kêu gọi các người đã rửa tội, ngài nói: Làm sao chúng ta không thể mở lòng cho sự xác tín rằng, trong khi chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu? Chúa không bao giờ chán nản mà không đến gặp gỡ chúng ta, Người luôn luôn đặt bước trước trên con đường chia cách chúng ta với Người.”

Đức Thánh Cha mời gọi một sự trở về đích thực, ngài nói: “Thống hối là tầm mức đo lường đức tin và nhờ đó chúng ta có thể trở về với Chân Lý (...). Chỉ có đức tin mới có thể biến cải lòng ích kỷ thành niềm vui và tái thiết những tương quan với tha nhân và Thiên Chúa.”
 
Tu sĩ Francisco Sánchez Márquez được phong chân phước
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:38 13/09/2010
ROMA (Zenit.org) - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sau buổi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa hôm qua, Chúa Nhật 12/09/2010 đã nhắc đến lễ phong chân phước cho tu sĩ Léopold d'Alpandeire, còn gọi là Francisco Sánchez Márquez (1866-1956), dòng Capuxinô, được diễn ra cùng ngày tại Grenade, Tây Ban Nha.

«Tôi vui mừng, Đức Thánh Cha trước tiên nói bằng Tiếng Ý, với gia đình Phanxicô thấy người anh em của mình được tham dự vào đoàn ngũ đông đảo của các vị thánh và chân phước ».

«Tôi mời gọi tất cả anh chị em theo gương vị chân phước mới và phụng sự Chúa bằng một con tim đơn sơ, để chúng ta có thể có kinh nghiệm về tình yêu vô biên mà Ngài dành cho chúng ta, giúp mang lại khả năng thương yêu tất cả mọi người không ngoại trừ ai », Đức Thánh Cha nói tiếp.
 
Vương quốc Anh: sự chờ đón gia tăng
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
11:37 13/09/2010
Vương quốc Anh: sự chờ đón gia tăng

Bình luận của cha Lombardi

Roma, Chúa Nhật 12.09.2010 (Zenit) – Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi ghi nhận rằng hiện nay sự chờ đón càng gia tăng trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tới vương quốc Anh.

Cuộc thăm viếng khởi đầu từ xứ Ecosse, tiếp đến thủ đô Luân Đôn và kết thúc bằng lễ phong chân phước cho Đức Hồng Y Newman. Đây là lễ phong chân phước đầu tiên do Đức Thánh Cha chủ sự. Cha Lombardi cũng đã quả quyết trong bài xã luận đăng số mới nhất của tuần báo Octava Dies, tuần báo do trung tâm truyền hình của Vatican phát hành rằng: “Đây là một trong các cuộc viếng thăm được chờ đón nhất của Đức Giáo Hoàng”.

Cha Federico Lombardi nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bắt đầu chuyến công du vào ngày thứ năm 16.09 tới Edinbourg, tại đây, Ngài sẽ được nữ hoàng Elisabeth chào đón.

Vào ngày thứ tư vừa qua, Đức Giáo Hoàng đã bầy tỏ “lòng biết ơn” đối với lời mời này, vì: “Đức Giáo Hoàng biết rõ rằng không những nữ hoàng và chính phủ đang xả thân và lo liệu cho chuyến viếng thăm, mà cả Giáo chủ Anh giáo, Tổng Giám Mục của Cantorbéry và tất nhiên toàn thể giáo hội công giáo Anh Quốc, của xứ Galles và Ecosse cũng đang ra công gắng sức chuẩn bị cho rất nhiều cuộc gặp gỡ đã hoạch định trong chương trình.”,

Cha Lombardi ghi nhận thêm: “Sự trông chờ cũng tăng thêm ngay cả trong xã hội Anh, vượt trên tất cả những cuộc biểu tình chống đối ồn ào và luôn luôn bên lề. Sự chờ đợi đó chứng tỏ rằng thực sự có sự nhìn nhận uy quyền lớn lao về tôn giáo và luân lý của Đức Giáo Hoàng có thể cống hiến góp phần đặc biệt quan trọng, rõ ràng, tích cực và xây dựng, định hướng cho những thách thức lớn lao của thế giới ngày nay”

Trong các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Cha Lombardi ghi nhận rằng: “cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng với các vị đại diện cao cấp nhất của các tổ chức đạo đời trong sảnh đường lịích sử Westminster sẽ là một trong các cao điểm của chuyến viếng thăm này.”

Nhưng ý nghĩa chính yếu của chuyến viếng thăm sẽ được biểu lộ trong lễ phong chân phước của Đức Hồng Y Newman.

Cha Lombardi còn xác định sự quan trọng của Đức Hồng Y Newman cho Giáo hội trong tương lai: “Nhân vật người Anh này, mà Đức Giáo Hoàng đã tuyên dương là “một nhân vật thật vĩ đại”, phong phú về “sự khôn ngoan dị giáo” và mẫu mực của “sự vẹn toàn và sự thánh thiện của cuộc sống, chính Ngài, qua những văn kiện và các tác phẩm của Ngài, đang là nguồn linh ứng cho Giáo Hội và cho xã hội trong bao miền trên thế giới, và đang là hiện thân kết qủa thật tuyệt vời tổng hợp uyên thâm giữa đức tin Kitô giáo và tinh thần Anh quốc và sự phong phú mãi mãi cho thế giới hôm nay và ngày mai một cách không thể chối cãi được”.
 
Việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông có liên hệ gì tới nền thần học hiện đại?
Vũ Văn An
20:04 13/09/2010
Đó là câu hỏi được Lynn Schofield Clark, một chuyên viên hậu tiến sĩ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng, thuộc trường Đại Học Colorado, đặt ra cho Uỷ Ban Nghiên Cứu Quốc Tế về Phương Tiện Truyền Thông, Tôn Giáo Và Văn Hóa của Hội Thần Học Công Giáo Hoa Kỳ, nhân cuộc hội thảo với chủ đề “Bắc Cầu giữa Thần Học và Việc Nghiên Cứu Các Phương Tiện Truyền Thông”, được tổ chức ngày 12 tháng 6 năm 1998.

Xã hội học và thần học

Clark cho hay dù bà có bằng cấp chủng viện, nhưng công trình nghiên cứu của bà về các phương tiện truyền thông phần lớn có tính xã hội học trong các vấn đề lý thuyết và phương pháp của nó, với sự nhấn mạnh tới tôn giáo ngày nay. Một cách cụ thể, bà lưu tâm tới việc làm cách nào người ta tìm ra ý nghĩa tôn giáo và tâm linh từ các văn bản của truyền thông đại chúng. Đây là tập chú chính của một dự án nghiên cứu có tên là “Chủ Nghĩa Biểu Tượng, Các Phương Tiện Truyền Thông, và Dòng Đời” (Symbolism, Media, and the Lifecourse), một dự án kéo dài 4 năm do Qũy Lilly bảo trợ nhằm nghiên cứu các vấn đề tạo ý nghĩa trong gia đình và cuộc sống hàng ngày của người ta.

Dù Clark không phải là một thần học gia, cũng không phải là người Công Giáo, nhưng bà hy vọng các đóng góp của bà dưới một nhãn quan khác sẽ giúp cho việc hiểu biết nhau và bắc được nhịp cầu giữa thần học và ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông.

Ba lý do thần học cần đến ngành nghiên cứu truyền thông

Đối với câu hỏi trên, Clark nghĩ hiện có ba lý do khiến các thần học gia quan tâm tới các phương tiện truyền thông, và cũng có ba việc ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông có thể học hỏi từ các thần học gia.

Lý do thứ nhất, thần học gia là người quan tâm tới văn hóa, và việc phân phối quyền lực trong xã hội. Trong khi ấy, các phương tiện truyền thông là nơi quan trọng dành cho việc nói lên các quan điểm đang thống trị hay đang độc quyền (hegemonic) trong xã hội. Vì thế, sở dĩ người có xu hướng thần học quan tâm tới các phương tiện truyền thông là vì họ dấn thân tìm kiếm công lý.

Theo Clark, một trong những khúc quanh đầy thích thú trong nền thần học gần đây dẫn người ta tới việc nhìn nhận văn hóa như là “qũy tích (locus) ưu hạng của mạc khải Thiên Chúa” theo kiểu nói của Roberto Goizueta. Đối với James Cone cũng như nhiều nhà thần học tranh đấu cho việc giải phóng phụ nữ ở Châu Mỹ La Tinh và các cộng đồng da mầu, thần học hẳn phải bắt nguồn từ cái hiểu thực dụng có tính lịch sử của người ta. Những nhà thần học này hướng chú tâm hàng đầu của họ vào ngữ cảnh các văn bản tôn giáo, hay kinh nghiệm và cái nhìn của người ta cũng như các đồ tạo tác (artifacts) và các ý niệm văn hóa.

Goizueta, chẳng hạn, đã mở rộng quan niệm về văn bản đức tin cổ điển của David Tracy để bao gồm không những các tư liệu chữ viết mà còn cả các chất liệu đức tin như Chặng Đàng Thánh Giá hay Đức Mẹ Guadalupe, vì cả hai đều nhập thân nhiều khía cạnh quan trọng của việc thực hành đức tin về phương diện văn hóa. Goizueta cũng mở rộng quan niệm của chúng ta về văn bản đức tin cổ điển để bao gồm các thực hành tôn giáo về phương diện xã hội, hay điều ta có thể gọi là văn bản trong ngữ cảnh (text in context). Thực vậy, trong một phê phán đối với khuynh hướng thần học quá nhấn mạnh tới các văn bản chữ viết mà quên mất các thực hành khác cũng góp phần vào thần học không kém, Goizueta viết rằng: giản lược Thiên Chúa vào một ý niệm cũng đáng sợ như việc giản lược Người vào một pho tượng!

Trong công trình của Orlando Espin về một Đạo Công Giáo bình dân, người ta cũng thấy cùng một tập chú như trên đối với văn hóa. Theo Espin, mọi nhận thức và học hỏi đều được văn hóa xác định và làm trung gian. Với cách tiếp cận đầy xây dựng của Goizueta và Espin đối với thần học, ta có thể thêm điều này: các phương tiện truyền thông cũng góp phần vào việc xác định ấy của văn hóa. Dĩ nhiên, điều ấy thường không diễn ra như ý ta muốn. Nhưng ta cần nhấn mạnh điều này: trong bất cứ ngữ cảnh nào trong thế giới ngày nay, người ta cũng không thể nào quan tâm tới văn hóa mà sao lãng các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông cung cấp tín liệu và củng cố các niềm tin chung, hay ít nhất, cũng là những niềm tin đang chiếm vị thế độc quyền (hegemonic) trong nền văn hóa Phương Tây. Ta cần biết các niềm tin ấy để có thể nghĩ ra cách tái định nghĩa chúng, thách thức chúng và sử dụng được chúng cho các mục tiêu của ta, trong ngữ cảnh các tổ chức tôn giáo của ta và trong các cố gắng đạt công lý của ta.

Lý do thứ hai khiến cho việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông có liên quan tới nền thần học hiện đại là: các phương tiện truyền thông cung cấp thứ ngôn ngữ hàng đầu cho kinh nghiệm văn hóa chung qua truyện kể, qua hình ảnh và ý niệm.

Dù muốn hay không, các phương tiện điện tử và in ấn vẫn cung cấp cho ta một ngôn ngữ chung, thường được chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ làm trung gian, theo nghĩa được mọi người trên thế giới chia sẻ. Sau đây là một điển hình. Trong khi nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ, Clark gặp một thanh niên Ả Rập người Phi Châu theo Hồi Giáo. Người thanh niên này kể lại cuộc hành trình của anh ta tới Libya. Anh ta rất muốn nói với các thân nhân của mình về truyền thống Hồi Giáo, nhưng họ không muốn nghe những chuyện như thế. Họ bắt ngang câu chuyện và hỏi anh ta: “Anh có thích Michael Jackson không?”

Trong điển hình trên, ta thấy phương tiện nhạc phổ thông đã trở thành ngôn ngữ chung, được người trẻ khắp thế giới cùng nhau chia sẻ. Dĩ nhiên, điều ấy không chỉ giới hạn nơi người trẻ mà thôi. Vì bất cứ ai trong chúng ta, khi đặt bút viết điều gì, ta đều rút tỉa từ các kinh nghiệm văn hóa quen thuộc. Thông thường, các nhà khoa bảng thường chỉ bị lôi cuốn bởi nền văn hóa ưu tú (elite culture). Họ sử dụng các tác phẩm bác học, các tiểu thuyết và thi ca cổ điển. Họ chỉ nghĩ đến những kinh nghiệm đi thăm các phòng trưng bày nghệ phẩm hay đi xem một cuốn phim được giới phê bình tán thưởng. Những điều đó mới “nói” với họ được, theo nghĩa không những chúng được dùng để minh giải tư tưởng của họ mà còn nắm bắt được khía cạnh xúc cảm trong tư duy của họ.

Và đó là một trong những thách đố được Paulo Friere đặt ra cho các nhà giáo dục. Ông viết: “Các nhà giáo dục và các chính trị gia thường hay nói nhưng chẳng được ai hiểu vì ngôn ngữ của họ không thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của người nghe… Để thông đạt một cách hữu hiệu, nhà giáo dục và chính trị gia phải hiểu rõ các điều kiện cơ cấu vốn lên khuôn tư tưởng và ngôn ngữ của người ta về phương diện biện chứng”.

Nhưng tư tưởng và ngôn ngữ của người ta được lên khuôn như thế nào? Đâu là ngôn ngữ của người ta? Xin thưa, đó chính là ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông đại chúng. Peter Horsfield, một thần học gia đáng kính của Úc, từng nói rằng nhiều nhà khoa bảng không thích các phương tiện truyền thông đại chúng vì bản chất thương mãi của chúng và vì tính mơ hồ và phi sắc tướng (amorphous) của chúng về phương diện tâm linh. Nhưng nền văn hóa ưu tú (high culture) cũng đâu phải là phi thương mãi. Mozart, khi được hỏi tại sao không bao giờ sáng tác một bản concerto, từng trả lời rằng: “Vì đâu có ai đặt tôi sáng tác như thế”. Có người cũng cho rằng giữa tôn giáo và truyền thông thương mãi vốn có nhiều liên hệ với nhau. Hãy lấy Martin Luther làm thí dụ. Các tư tưởng của ông được truyền bá phần lớn là vì các nhà in thương mãi tại Âu Châu thấy ông là một tác giả sinh nhiều lợi nhuận cho họ.

Nền văn hóa đại chúng không phải là nơi phát sinh ra dịch bản mới nhất của Kitô Giáo, nhưng chắc chắn nó là một ngữ cảnh của văn hóa. Nó là ngôn ngữ hàng đầu của đại đa số người ta. Cho nên, thiển nghĩ thần học phải nghiêm túc xem sét nó nếu các thần học gia muốn được người ta nghiêm chỉnh xem sét mình, coi mình như những người biết thực sự quan tâm tới họ.

Cho nên, một trong những cây cầu hiển nhiên giữa thần học và ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông chính là mối quan tâm tới các kinh nghiệm có ý nghĩa của người ta. Bởi thế, một điều mà ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông có thể đem lại cho các thần học gia chính là việc hiểu biết hơn cách làm thế nào để cái thế giới quan chung và hầu như độc quyền kia cũng như những câu truyện phần lớn có tính nghi vấn đang được loan truyền trong nhiều phương tiện truyền thông kia trở nên có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của người ta, cả về phương diện tôn giáo.

Các phương tiện truyền thông mà lại có ý nghĩa tôn giáo? Hẳn ai cũng phải ngạc nhiên. Clark bảo chính bà cũng vậy. Một điều kỳ thú bà nhận ra lúc tìm hiểu để viết về thanh thiếu niên là diễn trình tác động qua lại giữa các phương tiện truyền thông và bản sắc tôn giáo, một diễn trình được bà gọi là “tái sinh” (regeneration). Đó là trường hợp Jodie, một thiếu nữ 20 tuổi không muốn chấp nhận các niềm tin của nền dưỡng dục Thệ Phản nữa vì, như cô nói, có “quá nhiều sự kiện đi ngược lại Thánh Kinh”. Khi được hỏi cô thích tin vào chương trình truyền hình nào, thì cô nói “có lẽ là X-Files… Trong tâm tư tôi, chắc chắn ta không phải là sinh vật thông minh duy nhất… Thiên Chúa là một hữu thể cao hơn, làm sao ta biết ngài không phải là một giống người lạ? Trong X-Files, Mulder đã chẳng nói một điều như thế đó sao, rằng làm sao ta biết Thiên Chúa không phải là một giống người lạ?”

Trong thí dụ trên, ta có thể nhìn ra một diễn trình qua đó, bản văn của phương tiện truyền thông, hay cách Jodie đọc bản văn đó, đã góp phần cung cấp tín liệu và củng cố điều được cô coi như một niềm tin tôn giáo. Thực vậy, chúng cung cấp cho cô một cái khung để hiểu các niềm tin của cô và một ngôn ngữ nhờ đó cô thông đạt các niềm tin đó cho người khác. Cô chờ mong nhân vật Mulder, một kẻ hoài nghi các định chế và dự án, xem anh ta nói gì về Thiên Chúa để cả cô nữa cô cũng coi đó như niềm tin của mình. Điều ấy chính là điều Clark gọi là tái sinh: lấy bản văn của phương tiện truyền thông rồi từ đó, tái sinh ra một ý nghĩa; ý nghĩa này sau đó sẽ củng cố và cung cấp tín liệu cho cái hiểu tôn giáo.

Điều trên có nhiều hệ luận quan trọng đối với ngữ cảnh tôn giáo, như Mary Hess, một nhà giáo dục tôn giáo của Công Giáo, từng nhận định. Chương trình X-Files đã trở thành một phương cách để thiếu nữ kia nói về niềm tin của mình và điều gì quan trọng đối với cô. Điều ấy không những chứng minh rằng nền văn hóa đại chúng có thể được dùng làm tài nguyên để người trẻ suy nghĩ về tôn giáo. Mà nó còn là điểm nhấn để đối thoại trong các giáo hội, trong các chủng viện, hay trong các ngữ cảnh khác.

Nhưng các phương tiện truyền thông không phải chỉ là nguồn ý nghĩa và cái hiểu tôn giáo cho những người trẻ không có hậu cảnh tôn giáo. Và đây là lý do thứ ba khiến thần học cần lưu tâm tới ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông. Các phương tiện này còn là ngôn ngữ hàng đầu của ý nghĩa qua đó tôn giáo được cảm nghiệm, được hiểu và được làm cho có ý nghĩa đối với chính những người vốn đang hiện hữu trong ngữ cảnh tôn giáo truyền thống.

Một linh mục có lần nói với Clark về Phép Rửa mà chính ngài cử hành. Gia đình bé thơ tụ họp quanh ngài, trong đó có cả đứa anh trai lên 5. Khi vị linh mục chúc lành cho bé thơ và nâng em ra khỏi nước, mắt đứa anh trai bỗng sáng lên như nhận ra một điều gì và rồi em hân hoan hô lớn: “The Lion King!” (Sư Tử Vua).

Điểm quan trọng của câu truyện là Phép Rửa đã trở thành một cảm nghiệm tôn giáo có ý nghĩa đối với đứa trẻ vì “Sư Tử Vua” vốn có ý nghĩa; chứ không ngược lại. Khi nghe kể lại câu truyện này nhân một cuộc gặp mặt của các nhà giáo dục tôn giáo của Công Giáo, có bà phát biểu: quả là câu truyện lý thú, vì lâu nay bà đã tốn biết bao thì giờ tìm tài nguyên để giúp các bậc phụ huynh hiểu phần nào tư duy thần học hiện nay về Phép Rửa. Bà thấy rằng khi được hỏi tại sao Phép Rửa quan trọng, phần lớn người ta chỉ biết nhắc lại những điều xưa cũ mà chính họ cũng chỉ hiểu mù mờ, như Phép Rửa tha tội nguyên tổ và biến ta thành con cái Nước Trời. Trái lại, trình bày khúc phim “Sư Tử Vua” sẽ giúp người ta “ngộ” được sự cam kết của cả cộng đoàn đối với đứa trẻ, cả trên bình diện trừu tượng lẫn trên bình diện còn quan trọng hơn nữa là bình diện xúc cảm. Như thế, câu truyện do các phương tiện truyền thông cung cấp đã đem lại cho ta một cái khung để hiểu được ý nghĩa một biến cố tôn giáo, chứ không ngược lại.

Đó quả là khúc quanh có ý nghĩa do các biến cố đem đến. Khúc quanh đó mời gọi ta nhìn nhận điều này: Giáo Hội không còn có thể chỉ dựa vào thế giá luân lý và học lý có tính lịch sử của mình nữa. Đàng khác, không thể cho rằng các biểu tượng của Giáo Hội tự chúng có ý nghĩa nội tại. Ta phải coi chúng như “có khả năng trở nên có ý nghĩa” mà thôi, điều này tùy thuộc ngữ cảnh của bản văn. Giống bất cứ biểu tượng nào, các biểu tượng tôn giáo đều không được người ta cho là tự chúng có ý nghĩa. Chúng phải được biến thành có ý nghĩa…

Việc ấy mang lại nhiều hệ luận đối với điều ta tìm kiếm nơi các phương tiện truyền thông. Thí dụ, thay vì chỉ đọc các câu truyện do các phương tiện tuyền thông cung cấp, ta sẽ tìm cách khám phá xem những câu truyện và biểu tượng ấy đã trở nên có ý nghĩa như thế nào và vào lúc nào đối với các độc giả hay cử tọa của chúng. Nghĩa là, ta cần chú ý nhiều hơn tới con người.

Vì nền văn hóa đại chúng là ngôn ngữ hàng đầu đem lại ý nghĩa cho người ta, nên ta không thể đơn giản coi nó là hời hợt, là phiến diện được nữa. Coi một chương trình truyền hình như “Touched by an Angel” (Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn) chẳng hạn là hời hợt, hay coi nền âm nhạc Kitô Giáo hiện đại như một thứ “kẹo bông đối với trí óc” (cotton candy for the brain), là vô tình bác bỏ điều vốn có ý nghĩa đối với cuộc sống hàng ngày của người ta. Nó cũng giống như việc một số người coi Đức Mẹ Đồng Trinh của Guadalupe như một thứ lầm lạc chỉ vì không phù hợp với qui điển thần học của họ.

Ba điều ngành nghiên cứu truyền thông cần đến thần học

Trên đây là một số lý do khiến các thần học gia nên chú ý tới việc nghiên cứu các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông cũng học hỏi được ít nhất ba điều sau đây từ thần học.

Thứ nhất, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông tuy quan tâm tới việc tạo ra ý nghĩa, nhưng thường không chịu định nghĩa chính từ ngữ “ý nghĩa”. Thay vào đó, ngành này cho rằng ý nghĩa là điều xẩy ra nơi cử tọa và do đó, tùy cử tọa nói ra ý nghĩa ấy. Thần học, nhờ quan tâm đến việc nói về ý nghĩa liên quan tới Đấng Tối Hậu, có thể cung cấp cho ta một số hướng dẫn về các phạm trù người ta thường dùng khi sử dụng từ ngữ ý nghĩa. Điều đó có thể làm phong phú thêm các phân tích của ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông.

Thứ hai, ngành nghiên cứu các phương tiện truyền thông cần được giúp đỡ để khám phá ra các mối liên kết giữa hệ thống giá trị được người ta công bố và các định chế lịch sử của tôn giáo. Nhiều nhà nghiên cứu thấy rằng người ta cảm thấy dễ chịu hơn khi nói về cả các chọn lựa của truyền thông lẫn việc lên bản sắc tôn giáo trong nền luân lý bản thân của mình. Phải chăng, đối với người ta, luân lý và tôn giáo chỉ là một? Nếu không, làm sao ta biết là chúng khác nhau như thế nào đối với người ta?

Thứ ba, ngành nghiên cứu truyền thông về phương diện văn hóa thường hiểu chính trị và công lý theo nghĩa Mácxít. Đó là lý do tại sao nó dễ gạt tôn giáo qua một bên. Làm thế nào để cái hiểu về vai trò giải phóng của tôn giáo (cả bình dân lẫn định chế) nơi các phong trào quần chúng có thể cung cấp tín liệu và thâm hậu hóa được cái hiểu của ngành nghiên cứu truyền thông về chính trị?

Không có gì linh thánh

Không Có Gì Linh Thánh (Nothing Sacred) là một vở kịch nhiều kỳ chiếu trên Đài ABC trong hai năm 1997 và 1998, do một linh mục Dòng Tên, Cha Bill Cain, sáng tác và do David Manson sản xuất. Vở kịch nói về một linh mục cấp tiến thuộc thập niên 1970, một người được mô tả là hoài nghi. Vở kịch bị nhiều người phê phán là đã mô tả người Công Giáo ngoan đạo như những người lạnh lùng và độc ác trong khi ca tụng sự bất chính thống và sự bất kính. Vở kịch và những người bảo trợ bị Liên Đoàn Công Giáo Mỹ tẩy chay. Và sau cùng, Đài ABC phải hủy bỏ ngang xương vào tháng 3 năm 1998.

Clark cho rằng sở dĩ vở kịch này được chiếu trên truyền hình vì nó đề cập tới nhu cầu cần có tôn giáo và thần học để người ta coi trọng các phương tiện truyền thông. Nói theo Martha Williamson, nhà sản xuất bộ phim “Được Một Thiên Thần Giao Tiếp” (Touched by an Angel) (1), hiện nay, trong kỹ nghệ truyền hình, tôn giáo được coi như “gia vị trong tháng” và có nhiều người còn coi nó như “gia vị trong cuộc sống người ta”. Tuy nhiên, thoạt đầu có tới 6 triệu lượt người vào xem “Không Có Gì Linh Thánh” nhưng càng về sau, con số càng giảm, xuống chỉ còn một nửa. Đến độ, riết rồi ít người còn nhắc tới bộ phim ấy. Một gia đình Công Giáo gốc Châu Mỹ La Tinh cho rằng tại nó có nội dung tiêu cực đối với Đạo Công Giáo nên đã quyết định không coi bộ phim này. Một người Thệ Phản có khuynh hướng bảo thủ cho rằng đây là một chương trình truyền hình điển hình mà ông không bao giờ coi vì nó “phạm thánh”. Điều đáng lưu ý là đối với ông, loạt phim “The Simpsons” cũng thuộc loại phạm thánh.

Tuy thế, loạt phim này vẫn lôi cuốn một số khán giả, những người cho rằng nó phản ảnh kinh nghiệm của họ, những người được chính soạn giả mô tả thuộc thiểu số có học và có khuynh hướng cấp tiến, không nhất thiết phải là Công Giáo, thấy mình thất vọng về tôn giáo định chế. Ấy thế nhưng, theo bài xã luận của tờ “Commonweal”, loạt phim này cũng khẳng định sự đồng nhất với định chế bằng cách mô tả nhiều thời điểm bí tích. Thành thử, thật ra, loạt phim này có ý nghĩa cả với định chế lẫn những người thất vọng về định chế ấy. Cho nên, nói về sự ủng hộ của định chế, một hệ luận quan trọng của phương thức lấy khán giả làm tâm điểm là thử hỏi xem:

A. Nếu đặt nó vào một khung cảnh giải trí khác, thì làm cách nào “Không Có Gì Linh Thánh” kiếm ra khán giả? Và các giáo hội định chế có thể giúp được gì trong diễn trình này? Một điều nữa: làm thế nào các giáo hội định chế có thể sử dụng “Không Có Gì Linh Thánh” làm tài nguyên để cùng các phương tiện văn hóa đại chúng khác nói về đức tin, về truyền thống và kinh nghiệm tôn giáo?

Khi được hỏi: loạt phim nào, theo bạn, được người ta ưa thích hơn “Không Có Gì Linh Thánh”, phần lớn trả lời “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn”. Dù sao, loạt phim này cũng đã thường xuyên lôi cuốn được 22 triệu người Mỹ xem. Đây là điều ta cần suy nghĩ, vì ngữ cảnh của “Không Có Gì Linh Thánh” không phải là nền văn hóa Công Giáo. Ngữ cảnh ấy chính là sự cạnh tranh giữa các chương trình truyền hình để có khán giả. Thành thử câu hỏi chủ yếu cần đặt ra là tại sao “Không Có Gì Linh Thánh” thất bại mà “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” lại thành công?

Nói cho ngay: phần lớn các nhà khoa bảng không thích loạt phim sau. Họ thường nêu ra 5 lý do cho việc họ không thích loạt phim này:

5. Không nhắc gì tới tôn giáo định chế.

4. Giản lược luân lý xuống bình diện chọn lựa cá nhân; không hề phê phán các bất bình đẳng về cơ cấu và định chế hóa.

3. Cho người ta cảm giác Thiên Chúa giải quyết các vấn đề bản thân và xã hội bằng các can thiệp siêu nhiên vào cuộc sống các cá nhân.

2. Nó cảm xúc hóa tôn giáo.

1. Nó đưa ra các câu trả lời hời hợt và liến thoắng cho các vấn đề phức tạp của xã hội.

Như thế, dựa vào quan điểm của khán giả, ta học được điều gì? Có thể cho rằng có lẽ người ta không nhất thiết muốn tôn giáo phải trừu tượng và gây mâu thuẫn; họ muốn nó dễ lui tới. Cả “Không Có Gì Linh Thánh” lẫn “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” đều sử dụng các câu truyện, dù loạt phim đầu được nhiều người coi là phức tạp hơn loạt phim sau. Nhưng có lẽ ngay những người chịu xem “Không Có Gì Linh Thánh” cũng có thể rút ra được một ý nghĩa nào đó làm cho cách tiếp cận phức tạp của nó ra đơn giản hơn. Các nhà khoa bảng có thể buồn khi biết điều đó, nhưng nếu đó là cái nhìn của quần chúng, thì hẳn họ sẽ không đi tìm khuyết điểm của cái nhìn đó mà là cái có ý nghĩa trong đó. Điều này dẫn ta tới hệ luận thứ hai:

B. Có thể rút ra được điều gì trong cái ta gọi là các câu trả lời liến thoắng cho các vấn đề phức tạp để mang lại ý nghĩa thần học cho người ta? Và cả hệ luận có liên quan này nữa:

C. Nếu người ta tự xây dựng cho mình các ý nghĩa tôn giáo riêng bằng cách dựa vào các tài nguyên văn hóa, thì làm cách nào xây dựng được các suy nghĩ thần học có ý nghĩa đối với người ta mà không cần đến định chế? Điều này cho thấy cần phải khảo sát kỹ hơn các thực hành tôn giáo bình dân cũng như các thực hành trong các ngữ cảnh Châu Mỹ La Tinh, người Da Đen, duy nữ và các nền thần học khác. Nó cũng cho thấy điều nữa: các thần học gia cần khảo sát xem người ta sử dụng các phương tiện truyền thông ra sao.

Tóm lại, suy nghĩ về các phương tiện truyền thông như thành phần tạo ra văn hóa không phải chỉ là suy nghĩ về vấn đề bản văn thánh đối chọi với bản văn đời. Dĩ nhiên ta có thể cho rằng bản văn thánh tiên thiên có thế giá, nhưng hẳn ta mong thấy giả thiết ấy được nhiều cuộc nghiên cứu về lối sống của người ta hỗ trợ. Nhiều người sợ rằng hiện nay người ta có khuynh hướng coi các bản văn thánh, và nói chung bất cứ điều gì có liên hệ tới tôn giáo định chế, đều chỉ có thế giá tương đối. Các công trình nghiên cứu về tôn giáo của các tác giả như David Morgan về ảnh tượng, của Mary Hess về các phương tiện truyền thông trong ngữ cảnh giáo dục tôn giáo và ngay cả của một số tác giả Công Giáo đã trích dẫn trên đây đều có những nhận định như thế. Giống bất cứ biểu tượng văn hóa nào nói chung, các biểu tượng tôn giáo không tự chúng có ý nghĩa. Điều ấy cho thấy ta không thể tách Kitô Giáo ra khỏi ngữ cảnh văn hóa. Các biểu tượng, các truyện ký, các thực hành đều có liên hệ với ngữ cảnh của chúng. Truyện ký giúp người ta hiểu; biểu tượng trở nên có nghĩa khi được lồng trong truyện ký.

Phải đặt các biểu tượng tôn giáo trong một ngữ cảnh có thể làm cho chúng có nghĩa đối với người ta. Các phương tiện truyền thông có thể làm được việc đó: nó giúp các biểu tượng tôn giáo hiện diện trong ngữ cảnh truyện ký và được thưởng ngọan trong các căn hộ của người ta. Các tổ chức tôn giáo và văn hóa có thể tạo ra các truyện ký tôn giáo cả từ trong truyền thống và định chế lẫn từ trong các hình thức mới của truyền thông đại chúng. Ta cần nhớ rằng thông đạt luôn là diễn trình đối thoại hai chiều; điều quan trọng không phải chỉ là hiểu điều phát đi mà còn cả điều thu nhận nữa. Như thế, việc thu nhận hay việc người ta tạo ra ý nghĩa mới chính là chỗ để ý nghĩa thần học xuất hiện. Bao lâu các phương tiện truyền thông được dùng để cung cấp tín liệu, nó sẽ trở thành một khía cạnh quan trọng đối với nền thần học hiện đại.

(1) “Được Một Thiên Thần Hướng Dẫn” (Touched by An Angel) là một bộ phim nhiều kỳ chiếu lần đầu trên hệ thống CBS tại Mỹ, kéo dài từ ngày 21 tháng 9 năm 1994 qua 211 kỳ và 9 mùa cho đến kỳ kết thúc vào ngày 27 tháng 4 năm 2003. Phim nói về một thiên thần được Thiên Chúa phái tới hướng dẫn những người đang ở khúc quanh cuộc đời, gặp nhiều khó khăn trong những quyết định rắc rối. Thiên thần đem đến cho họ niềm hy vọng cậy trông và hướng dẫn họ vượt qua các khúc mắc của cuộc sống.
 
Top Stories
Hanoi: Lettre de la Conférence épiscopale à l’occasion de la célébration du millénaire de la capitale
Eglises d'Asie
08:10 13/09/2010
Eglises d'Asie - 13 septembre 2010 - Le 10e jour du 10e mois de l’année 2010, à 10 heures, sera donné le signal du début de la célébration du millénaire de la ville de Hanoi, autrefois appelée Thang Long. Voilà déjà plusieurs années que les autorités préparent dans la fièvre cet événement. Diverses instances religieuses, en particulier l’Eglise bouddhiste du Vietnam, ont depuis longtemps annoncé leur participation active aux festivités organisées à cette occasion.

Depuis le début de l’année, on attendait que l’Eglise catholique manifeste publiquement ses sentiments vis à vis de cet événement. Dans certains milieux catholiques, on éprouve une certaine réticence à l’égard d’une participation trop voyante. Le président de la Conférence épiscopale, au nom des évêques du pays, vient de signer, le 9 septembre dernier, une lettre relativement discrète et courte, adressée au peuple de Dieu à l’occasion de cet anniversaire (1).

La lettre commence par s’interroger sur la longévité de la capitale du pays. Elle souligne que la ville de Hanoi perdure à travers les siècles malgré les innombrables bouleversements et aléas de l’histoire. Cette survie, selon la lettre, est le résultat des contributions de toutes les composantes de la population et, parmi celles-ci, de la communauté catholique présente dans la ville depuis près de quatre siècles. Il est ensuite proposé aux chrétiens « d’accompagner » le peuple vietnamien dans cette célébration, de prier pour leur pays afin qu’il surmonte les difficultés actuelles (2) et qu'il assure la subsistance de tous les citoyens, y compris les plus démunis.

C’est durant l’automne de l’année Canh Tuât (1010) que fut fondée la capitale par Ly Thai Tô, premier empereur de la dynastie des Ly. C’est lui qui ordonna par édit le transfert de la capitale de Hoa Lu (dans la province de Ninh Binh) où elle se trouvait alors, à Dai La. Selon la légende, lorsque le convoi arriva sur place, un dragon d'or apparut à côté du bateau de l'empereur. On changea alors le nom de la nouvelle capitale qui s’appela Thang Long littéralement « le dragon qui s'élève ». Depuis cette époque, la ville qui a plusieurs fois changé de nom est devenue le siège du pouvoir central. C’est d’ici que, pendant des siècles, les diverses dynasties gouvernèrent le pays. La capitale a perdu quelque peu sa suprématie au début du XVIIe siècle avec l’établissement au Vietnam de deux seigneuries: l’une au nord - les Trinh -, et l’autre au sud - les Nguyên -. Hanoi fut même supplantée pendant toute l’époque de la dynastie des Nguyên fondée par l’empereur Gia Long qui lui préféra la ville de Huê au centre Vietnam. En 1954, c’est à Hanoi que s’établit le gouvernement créé par le parti communiste vietnamien. Lors de la réunification de tout le Vietnam en 1975, Hanoi retrouva son statut de capitale, siège du pouvoir central (3).

Le premier missionnaire catholique connu, un franciscain espagnol, le Père Bartholomé Ruiz, séjourna deux ans à Hanoi, à la fin du XVIe siècle, de 1584 à 1586. Ne connaissant pas la langue, il annonçait l’Évangile grâce à un interprète et divers tableaux illustrés. À son départ il n’avait baptisé qu’un enfant en danger de mort. Quarante ans plus tard, en 1626, le Père Baldinotti de la compagnie de Jésus, accompagné d’un frère coadjuteur japonais séjourna cinq mois dans la ville. Il entretint d’excellentes relations avec le seigneur Trinh et prépara la voie à celui qui fut le véritable fondateur de la chrétienté de Hanoi, le célèbre père Alexandre de Rhodes qui pénétra dans la capitale avec son compagnon le père Marquez en 1627 (4). Dans la préface de son livre Histoire du Tonkin, il écrit qu’il ne quitta Hanoi « qu’après y avoir travaillé infatigablement l’espace de trois ans avec des succès et des accidents divers, et laissé en plusieurs provinces cinq mille chrétiens convertis et les semences d’une abondante moisson ». La mission se développa et en 1658, il y avait près de 16 jésuites travaillant dans la capitale. Lorsque les pères jésuites furent bannis de Hanoi en 1663, ils laissaient une chrétienté déjà très nombreuse. Ce fut seulement en 1666 que le premier missionnaire de la Société des Missions Etrangères de Paris, François Deydier, aborda au Tonkin pour y continuer l’œuvre missionnaire.

(1) On peut la trouver sur le site de certains diocèses. Voir par exemple: http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=3059:th-ca-hi-ng-giam-mc-vit-nam-kinh-gi-cng-oan-dan-chua-nhan-dp-k-nim-mt-nghin-nm-thng-long&catid=2:tin-tuc-giao-hoi-viet-nam&Itemid=3
(2) Des prières spéciales sont demandées pour la prochaine assemblée annuelle de la Conférence épiscopale qui aura lieu au début du mois d’octobre et pour la grande assemblée du Peuple de Dieu qui se tiendra à Saigon à la fin du mois de novembre.
(3) On trouvera une histoire détaillée de la capitale dans Histoire de Hanoi, de Philippe Papin, Editions Fayard, 2001.
(4) Voir Hanoi chrétien de Jean Villebonnet, Bulletin des Missions étrangères de Paris, 1932.

(Source: Eglises d'Asie, 13 septembre 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Lạc Quang Saigòn khai giảng Năm học Giáo lý
Nguyễn Quang Ngọc
08:15 13/09/2010
Sài Gòn - Hòa chung với bầu khí của toàn giáo phận trong những ngày khai giảng năm học giáo lý, sáng Chúa nhật vào lúc 07h00 ngày 12 tháng 09 năm 2010, tại Giáo xứ Lạc Quang hạt Hóc Môn Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đã diễn ra lễ khai giảng năm học giáo lý 2010 – 2011 trong niềm vui tràn đầy hân hoan và hy vọng.

Xem hình ảnh

Lễ khai giảng năm học giáo lý, có sự hiện diện cha Phụ tá Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo đặc trách giáo lý, cha Phêrô Trần Anh Tú (Ngài mới thụ phong Linh mục vào tháng 6 vừa rồi tại Rôma, thuộc dòng DonBosco) quý dì dòng Mến Thánh Giá, quý phụ huynh, các anh chị Huynh Trưởng – Giáo lý viên và toàn thể các em thiếu nhi trong Giáo xứ.

Truớc khi cha Inhxiô đánh hồi trống khai giảng, Ngài đã nhắc nhở các em thiếu nhi, Thánh Giêrônimô đã nói: “ Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô, không biết Chúa Kitô là dẫn con người đến cái chết”. Vậy lời Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống để dẫn chúng con. Giáo lý được rút từ lời Chúa, để rồi chúng con hãy cố gắng siêng năng học hỏi lời Chúa, đến với thánh lễ mỗi ngày, chúng con cố gắng thực hiện lời Chúa dạy bằng chính đời sống gương sáng. Tiếp đến, một em thiếu nhi đã đại diện bày tỏ tấm lòng biết ơn đến quý cha, quý dì, quý anh chị Giáo lý viên và cam kết chúng con sẽ cố gắng siêng năng đi học giáo lý, ngoan ngoãn vâng lời các anh chị Giáo lý viên, quý dì để xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Sau bài giảng trong thánh lễ, thật xúc động biết bao khi trước mặt vị đại diện Hội Thánh, 45 anh chị Giáo lý viên đã thể hiện sự dấn thân của mình, bằng hành động mạnh dạn bước tới, rồi quỳ xuống đọc lại lời tuyên hứa: “ Thưa cha, trước tôn nhan Thiên Chúa, trước mặt cha và cộng đoàn, chúng con xin hứa tận tâm chu toàn nhiệm vụ cha đã trao, đó là thực hiện đúng chức năng giáo lý viên của Giáo Hội, không ngừng học hỏi và thực thi Lời Chúa, thi hành mọi quyết định chung, và hết lòng yêu thương các em bằng chính tình yêu thương của Thiên Chúa”. Sau đó, cha đặc trách trao mỗi người cuốn sách Tân Ước, để nhắc nhở các anh chị về vai trò sứ mạng và ơn gọi của Giáo lý viên là mang Chúa đến cho các em thiếu nhi bằng chính đời sống và sự dấn thân của mình.

Xin Chúa chúc lành cho công cuộc giáo dục đức tin của Giáo xứ, luôn phát triển và đơm bông kết trái.
 
Mừng kỉ niệm 125 năm Ngày Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu
Duy Trà
08:25 13/09/2010
MỪNG KỶ NIỆM 125 NĂM
NGÀY ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI TRÀ KIỆU
(Ngày 10&11/9/1885 – 10&11/9/2010)


Hôm nay ngày 10/9/2010, đúng 125 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu, Giáo Xứ Trà Kiệu đã tổ chức Thánh lễ đồng tế tạ ơn Chúa và Mẹ Maria với nhiều chương trình sinh hoạt như: đêm diễn nguyện, đêm văn nghệ, ôn lại lịch sử, bữa cơm chia sẻ v.v… để tưởng nhớ và lưu truyền cho con cháu về Hồng ân của Mẹ đã ban cho Giáo xứ ngày ấy.

Xem hình ảnh

Chương trình sinh hoạt được diễn ra trong 2 ngày từ 17giờ ngày 10-9 đến 22 giờ ngày 11-9-2010 tại GX Trà Kiệu.

Lúc 17h ngày 10-9-2010 Cha Quản xứ Trà Kiệu đã dâng Thánh lễ khai mạc mừng kỷ niệm 125 năm ngày Đức Mẹ Hiện ra.

Đến 19h 30 bắt dầu đêm diễn nguyện: “ Ngày xưa ấy”

Dù trời vẫn tiếp tục mưa nhưng giáo dân Trà Kiệu vẫn náo nức hân hoan đội mưa đến dự đêm diễn nguyện. Chương trình diễn nguyện này nhằm mục đích: dâng lời tạ ơn Chúa và Mẹ, vừa nhắc nhở con cháu về những ngày đau thương của cha ông ngày trước,và qua đó nhận biết Hồng ân cao cả của Chúa qua tay Mẹ Maria nhân ái.

Những lời gợi dẫn chân chất, những hoạt cảnh sinh động, những bài ca về Mẹ Trà Kiệu tha thiết … dưới cơn mưa nhè nhẹ, trong đêm tối mung lung, đã giúp cho mọi người cảm thấy bồi hồi xúc động, như sống lại những giây phút kinh hoàng của tổ tiên ngày ấy.

"Hôm đó, xế trưa ngày 1 -9-1885, quân Vân Thân thình lình kéo đến bao vây chung quanh Giáo Xứ Trà Kiệu.

Giáo dân Trà Kiệu hoảng sợ chạy đến nhà thờ xin Cha Quản xứ ban các phép sau hết, vì họ biết thế nào cũng phải chết. Cha Quản xứ và ông đội Phổ đã cố thuyết phục họ là phải cầu xin Chúa và Mẹ cứu giúp, và cố tự vệ để may ra còn sống sót. Nhưng sau mấy ngày bị lực lượng đông đảo của quân Văn Thân tấn công tứ phía, Giáo dân Trà Kiệu khiếp sợ nên đề nghị xin đầu hàng. Ông đội Phổ lại 1 lần nữa xác quyết “ Thật là khốn nạn nếu chúng ta buông khí giới vì quân Văn Thân không đời nào cho chúng ta ra Đà Nẵng 1 cách an toàn. Ai muốn đi đàm phán thì đi đàm phán, còn chúng tôi, luôn luôn giữ chặt khi giới và phải chiến đấu cho đến cùng”.

Sau nhiều ngày tấn công nhưng bất thành, ngày 9-9-1885, Văn Thân xuống Điện Bàn kéo thần công về đặt trên hai đỉnh đồi Kim Sơn và Bửu Châu. Sáng ngày 10-9 họ bắt đầu nả đại pháo xuống nhà thờ, nhà xứ, với số đạn mà người ta đã bắn có thể vằm nát cả khu nhà thờ, nhà xứ. Nhưng lạ lùng thay nhà thờ không hề hấn gì cả.

Suốt ngày hôm đó, và cả ngày hôm sau,( 10 và 11 tháng 9 năm 1885) quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có 1 người đàn bà mặc áo trắng luôn đứng trên nóc nhà thờ, bà rất đẹp mà ta không sao bắn trúng”.


Ngày hôm sau( 11/9) Văn Thân còn bắn phá ác liệt hơn, và cho cả quân tấn công vào phía Phước viện, sau lưng nhà thờ, và nổi lửa đốt Phước viện. Giáo dân bỏ Phước viện chạy về nhà thờ, nhưng các soeur Mến Thánh Giá rất dũng cảm đã xông vào dập lửa, trong lúc đó có đội nữ của các bà đến tiếp viện. Các bà hô tên cực trọng Ba Đấng Giêsu, Maria, Giuse, hè hè..rồi xông thảng vào Văn Thân, làm chúng khiếp sợ tháo chạy về phía đồi Kim Sơn.

Nỗi lo sợ lớn nhất của Cha quản xứ Bruyere là những khẩu đại pháo đặt ở đồi Kim Sơn, vì rất dể bắn sụp nhà thờ, nên Ngài chọn một ít thanh niên mạnh khỏe, can đảm để 3 giờ sáng ngày 12-9 bất ngờ tấn công lên Đồi Kim Sơn. Cuộc tấn công đó đã thành công, làm cho Văn Thân khiếp sợ bỏ chạy hết.

Cuộc chiến cứ thế kéo dài cho đến ngày 21-9 1885, thì giáo xứ Trà Kiệu mới tự giải thoát được.

Chương trình diễn nguyện được kết thúc với giờ chầu Thánh Thể trọng thể.

Ngày 11-9-2010, lúc 17 giờ, Thánh lễ đồng tế trọng thể, để Tôn Vinh và Tạ Ơn Chúa và Mẹ Trà Kiệu, do linh mục quản xứ Trà Kiệu, Phaolo Đoàn quang Dân, chủ tế, cùng với 9 linh mục nguyên là quản xứ, phó xứ Trà Kiệu, 2 linh mục con cháu Trà Kiệu cùng đồng tế., với cộng đồng dân Chúa Trà Kiệu và những người con Trà Kiệu khắp mọi miền đất nước cùng về dự.

Sau Thánh lễ, bửa cơm chia sẽ toàn giáo xứ đã được diễn ra tại sân me nhà thờ. Dù trời vẫn không ngớt mưa, nhưng mọi người đều vui vẽ, quên cả mưa ướt để cùng dùng bửa cơm chung với nhau.Trong lúc đó chương trình văn nghệ do các giáo khóm trình diễn để góp thêm phần trang trọng, vui tưoi cho ngày lễ.
 
Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam kính gửi Cộng đoàn dân Chúa nhân dịp kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long
+TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
08:45 13/09/2010
 
Lớp Tu Sinh Giáo Phận Thái Bình khai giảng năm học mới 2010 - 2011
Trường Giang
14:57 13/09/2010
Sáng nay, 13/09/2010 tại nhà hội Tòa giám mục Thái Bình, lớp tu sinh giáo phận Thái Bình chính thức khai giảng năm học mới 2010-2011, với sự hiện diện của Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, đức ông Hieronimo Nguyễn Phúc Hạnh, Tổng đại diện; cha G.B. Nguyễn Sơn Hải, giám đốc chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức; cha Giuse Trịnh Tiến Thành, giám đốc lớp tu sinh, các cha trong ban tư vấn; các cha trong ban giảng huấn và 48 anh em tu sinh.

Sau một tháng anh em được bề trên sai đến các giáo xứ, nơi các cha xứ đang coi sóc, để anh em được học tập, thực tập mục vụ. Nay anh em trở về ngôi nhà chung (Tòa giám mục) tiếp tục được đào tạo trong niên học mới. Để bảo đảm lợi ích thiết thực cho anh em tu sinh, niên học 2010-201, anh em sẽ học theo ba giai đoạn, mỗi giai đoạn ba tháng, sau mỗi giai đoạn anh em có một tháng đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận. Thời gian biểu và các hoạt động của lớp vẫn duy trì như cũ, hằng tuần anh em vẫn phục vụ và hát lễ 9 giờ sáng Chúa Nhật, tại nhà thờ Chính Tòa Thái Bình.

Để chuẩn bị cho năm học mới, anh em tu sinh đã có hai ngày tĩnh tâm, cầu nguyện xin Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn anh em trong mọi ngày sống.

8 giờ 30 chương trình khai giảng năm học mới được mở đầu với lời giới thiệu các thành phần tham dự. Sau đó cha Giuse Trịnh Tiến Thành, giám đốc tu sinh phát biểu chào mừng, nội dung như sau:

Trọng kính Đức Cha Phêrô!

Trọng kính Đức Ông Hieronimo – tổng đại diện giáo phận Thái Bình; Cha Gioan – giám đốc chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình. Kính thưa quý cha trong ban tư vấn, quý cha giáo,

Thưa toàn thể anh em tu sinh rất thân mến!

“Hãy theo Thầy!” (Mc 1,17). Câu nói ấy của Chúa Giêsu buổi chiều nọ tưởng chừng như một câu nói đùa, nhưng thực ra là một lời mời gọi của tình yêu. Quả vậy, chính tình yêu cao siêu và diệu vợi xuất phát từ nơi Đức Giêsu, là động lực thúc đẩy các môn đệ xưa kia dám từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ cha mẹ và cả mái ấm gia đình để cất bước theo Chúa.

Và cũng khởi đi từ lời mời gọi yêu thương ấy, mà từ xưa đến nay đã có biết bao người trẻ dám hy sinh cả cuộc đời để dấn thân bước theo Thầy Chí Thánh. Bước theo Chúa Giêsu không phải để tính toán vụ lợi, được tận hưởng nhà cao cửa rộng, hay thời gian rảnh rỗi an nhàn; nhưng là để ngày càng nên trọn lành, để tìm được niềm vui, tìm được sự bình an, được ở lại với Ngài và nhất là được kết hiệp mật thiết với Ngài trong tình yêu mến.

Tất cả anh em tu sinh chúng con đây, phần đông là những người đã trải qua thời sinh viên với đầy dẫy những vui – buồn - sướng - khổ, những thách đố của dòng đời vơi cạn. Nhưng chúng con vẫn quyết tâm học hành cho nên người. Nhiều anh em đã có những công việc làm ổn định, thu nhập không đến nỗi nào. Như bao người thanh niên khác, chúng con có thể mơ ước xây dựng một tổ ấm gia đình nho nhỏ mà thân thương; giản đơn nhưng luôn đầy ắp những tiếng cười. Tuy nhiên, chúng con đã gạt bỏ tất cả của cải, danh vọng, vinh hoa nơi trần thế, chỉ vì bị lôi cuốn bởi một điều thiện duy nhất là tình yêu Đức Giêsu Kitô. Chúng con quyết hy sinh tình đời để tận hiến trọn vẹn cho tình trời.

Nói như thế không phải là mục đích theo Chúa của mỗi người tu sinh chúng con đã đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Chúng con thấy mình vẫn còn khiếm khuyết rất nhiều. Có những giây phút đứng giữa ngã ba của dòng đời, chúng con vẫn còn bị những thú vui trần thế làm vẩn đục, những ý tưởng tăm tối làm hoen ố: “Đứng núi này trông núi nọ, đứng núi nọ lại ngó núi kia”.

Biết bao vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm trí chúng con: Làm sao để biết Chúa gọi tôi đi tu hay lập gia đình? Đâu là ý nghĩa và mục đích của đời tu trì? Ơn gọi tu trì và ơn gọi hôn nhân gia đình, ơn gọi nào cao đẹp hơn.v.v… Chính vì muốn giúp cho chúng con sớm nhận ra thánh ý Chúa để đáp lại lời mời gọi của Ngài, Đức Cha Phêrô đã cho chúng con được cùng nhau quy tụ nơi Toà Giám Mục (ngôi nhà chung của Giáo Phận), để chúng con không ngừng được đào tạo và tự đào tạo; được học tập và tu luyện, phân định ơn gọi và cùng nhau đi tìm thánh ý Thiên Chúa.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha! Thưa anh em tu sinh.

Chưa bao giờ Gio hội lại kht mong cho tồn thể Dân Chúa có được một đội ngũ linh mục thánh thiêng, đạo đức và có tâm hồn mục tử như ngày hôm nay. Vì trong một thế giới tục hóa, giải thiêng và dường như vắng bóng Thiên Chúa, thì hình ảnh người linh mục chân tu là điều mà ai ai cũng mong chờ.

Cổ nhân từng nói: “Người làm sao thì chiêm bao làm vậy”, “nhân sao vật vậy”. Tu sinh thế nào thì linh mục thế ấy. Muốn có một linh mục tốt đẹp thì phải có tu sinh tốt đẹp. Muốn có người tu sinh tốt đẹp thì phải có việc đào tạo tốt đẹp. Việc đào tạo tốt đẹp không phải chỉ nhắm tới kiến thức, mà phải đào tạo con người toàn diện; không chỉ có thể lực vững mạnh, tri thức uyên bác, mà còn có đạo đức trong sáng, tâm linh vượt lên cao, thốt khỏi những suy nghĩ hạn hẹp và thấp hèn trói buộc con người.

Muốn được như thế, cần phải có sự cộng tác nhất quán từ bề trên, quý cha trong ban giảng huấn và các anh em tu sinh. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cho các tu sinh, đó là chuyên môn hóa việc dạy v học. Việc đào tạo phải chú trọng hơn nữa tới chiều kích nhân bản và tu đức. Công tác đào tạo ngày hôm nay không thể là việc đào luyện thụ động một chiều, mà là quá trình tương giao hai chiều: giữa Thiên Chúa và con người; giữa quý cha giảng huấn và tu sinh, trong đó Thiên Chúa là nguồn lực, quý cha giáo là trợ lực, còn tu sinh là chủ lực.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha! Thưa anh em tu sinh.

Một năm học mới lại sắp khởi đầu. Khắp nơi trên cả nước Việt Nam, nhà nhà nô nức, trường trường rộn ràng chuẩn bị các hoạt động, các chương trình để chào đón năm học mới. Hoà chung với niềm vui ấy, được sự nhất trí của Đức Cha Phêrô, hôm nay chúng con cũng tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho anh em tu sinh, năm học 2010 – 2011.

Đức Cha Phêrô và quý cha hiện diện nơi đây để cùng tham dự lễ khai giảng; cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới. Điều đó nói lên lòng yêu mến Chúa, gắn bó với Giáo Hội và tình đoàn kết với nhau. Đồng thời cho thấy tầm quan trọng của năm học mới khi chúng ta đặt năm học mới vào tay Chúa, và cần phải cầu nguyện nhiều cho năm học mới.

Năm học mới, bản thân anh em tu sinh phải đổi mới trong cách sống, cách học tập và tu luyện. Quý cha trong ban đào tạo cũng phải cố gắng đổi mới trong cách giảng dạy, luôn đặt việc ươm mầm ơn gọi lên hàng đầu. Như thế mới hy vọng một mùa gặt thiêng liêng bội thu trong tương lai.

Trọng kính Đức Cha Phêrô, kính thưa quý cha!

Bốn tháng đầu nhập học, lớp chúng con có tất cả 56 anh em. Sau một thời gian, tu sinh Gioan.B. Nguyễn Anh Tuấn xin chuyển ơn gọi sang tu dòng bên Philippine vào ngày 08/05/2010. Ngày 03/09 vừa qua, 6 anh em được gia nhập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội – Cơ Sở Nhà Đức Mẹ La Vang. Ngày 12/09/2010, tu sinh Giuse Nguyễn Văn Tuyền xin chuyển đổi ơn gọi.

Hiện nay còn lại 48 anh em (trong đó có thầy Bình đang xin chữa bệnh tại Miền Nam). Tất cả chúng con đã tham dự những ngày tĩnh tâm đầu năm học với một bầu khí sốt sắng và trang nghiêm. Chúng con đã sẵn sàng cho một năm học mới, với một sức sống mới, tiếp tục cùng nhau tìm thánh ý Chúa mỗi ngày.

Trong niềm vui hân hoan ngày khai trường, thay lời cho quý cha trong ban điều hành và 48 anh em tu sinh, con xin hân hoan chào mừng Đức Cha Phêrô, Đức Ông Hieronimo, cha Giám Đốc Gioan, quý cha trong ban tư vấn và tất cả quý cha đang hiện diện nơi đây.

Kính chúc Đức Cha và quý đấng bậc luôn dồi dào sức khoẻ, dư tràn hồng ân Chúa, luôn thu lượm được những hoa trái tốt đẹp trong sứ vụ thánh đức mà Chúa đã trao phó.

Xin Đức Cha và quý cha, đã thương, đang thương và sẽ tiếp tục yêu thương nâng đỡ, dìu dắt chúng con trên hành trình đời dâng hiến; để chúng con nhận ra thánh ý Chúa, an tâm học tập và tu luyện, trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu: sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, sống hoà đồng mà không bị đồng hoá, sống nhập thể mà không bị biến thể, nhưng luôn giữ được căn tính của người môn đệ Đức Giêsu.

Nhưng trước tiên, trong năm thánh 2010 này, chúng con ước mong cùng nhau xây dựng tập thể lớp tu sinh trở thành một đại gia đình huynh đệ: Hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với mẹ Giáo Hội và hiệp nhất với nhau trong tình yêu mến của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria chúc lành cho những ước nguyện và dự phóng của chúng con!

Tiếp theo, anh em tu sinh cùng ca lên bài “tình gia đình”. Một không khí ấm cúng và gần gũi cha con, anh em với nhau trong lời phát biểu của đức ông Hiêronimo Nguyễn Phúc Hạnh, Tổng đại diện giáo phận.

Đức cha giáo phận tuyên bố khai giảng năm học mới. Nhân đây ngài tỏ lòng cám ơn các cha trong ban điều hành, các cha trong ban giảng huấn đã nhiệt tình cộng tác với Đức cha trong việc đào tạo ơn gọi cho giáo phận. Đồng thời, Đức cha căn dặn và kêu mời anh em tu sinh thêm lời cầu nguyện cho Giáo Hội và giáo phận.

Đáp lại sự quan tâm của Đức cha và của các cha trong ban giảng huấn, một anh em đại diện cho 48 tu sinh cám ơn và đọc quyết tâm thư của anh em tu sinh trong năm mới này.

9 giờ 30 thánh lễ khai giảng năm học mới được diễn ra thật sốt sáng, tại nguyện đường Tòa giám mục. Đức cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa tất cả những cố gắng và sự hi sinh của các cha trong ban giảng huấn và của từng anh em tu sinh. Ngài mong cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho các vị ân nhân đã tạo điều kiện cách này cách khác, để giáo phận có thể xây dựng và sửa chữa, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất, giúp anh em tu sinh thuận lợi hơn trong học tập và rèn luyện.

Thánh lễ kết thúc, Đức cha, quý cha và anh em tu sinh cùng chung vui trong bữa cơm thân mật tình gia đình tại Tòa giám mục.
 
Trường Giáo Lý & Việt Ngữ La Vang tổ chức lễ khai giảng niên khóa 2010-2011
Phan Hoàng Phú Quý
23:12 13/09/2010
(Portland-Oregon) Chúa Nhật ngày 12 tháng 9 năm 2010 vào lúc 9 giờ sáng Trường Giáo Lý & Việt Ngữ La Vang đã tổ chức Lễ Khai Giảng Niên Khóa 2010-2011 tại khuôn viên Đài Đức Mẹ La Vang.

Sơ Thanh Nga Chánh Văn Phòng của trường Giáo Lý & Viêt Ngữ đã ngỏ lời cháo mừng quý phụ huynh và các em học sinh đã cùng nhau tập trung về khuôn viên Giáo Xứ La Vang để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyen cho các em và quý thầy cô nhân ngày khai giảng niên khoá mới. Sơ cũng chia sẽ về những công tác mà Sơ cũng như một số các em trong Nhóm Chúa Ba Ngôi đã thực hiện tại Việt Nam trong 3 tháng hè vừa qua, so sánh những điều kiện và phương tiện mà các em học sinh dang có tại Hoa Kỳ, thì các em học sinh ở Viêt Nam thiếu thốn gấp trăm lần, nhiều em muốn đến trường nhưng vẩn không được vì hoàn cảnh gia đình không cho phếp, do đó Sơ kuyên các em hãy cảm tạ ơn Chúa và luôn cố gắng chăm chỉ học hành để không phụ lòng cha mẹ thầy cô.

Nghi thức tuyên hứa của quý thấy cô cũng đươc tổ chức một cách trang nghiêm, tất cả sẽ can đảm và trung thành tuân theo mọi giáo huấn của Hội thánh, bằng việc nhiệt thành hướng dẫn các em học sinh bước theo đường lối Chúa, để trở nên những con cái thánh thiện của Giáo Hội và gia đình, cũng như những công dân tốt cho xã hội mai sau.

Trong phần giảng huấn, linh mục Chánh xứ Phạm Hữu Đạt đã kêu gọi mọi người, mọi gia đình phải có bổn phận và trach nhiệm chia sẻ với quý Thầy Cô trong chương trình giáo dục Đức Tin và duy trì nền Văn Hóa Việt Nam tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Ngài cũng khuyên nhũ các em hãy ngoan ngoãn vâng lời Cha Mẹ, Thầy Cô và chăm chĩ học hành.

Sau phần phụng vụ kết lễ, các học sinh đã được hướng dẫn sắp xếp theo thứ tự lơp học của mình để đi vào lớp.

Được biết năm nay trường có trên 1000 học sinh ghi danh theo học các lớp Giáo lý và Viêt ngữ từ Mẫu Giáo đến lớp 12, và với một Ban Giáo Dục nhiều kinh nghiệm gồm có quý linh mục thuộc Hội Dòng Tu Đoàn Tông Đồ Nhà Chúa, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland và rất đông quý Thấy cô thuôc giáo xứ Đức Mẹ La Vang phụ trách giảng dạy.

Đợi cho các em vào lớp xong chúng tôi xin phép đến lớp Mẫu giáo để quan sát cách sinh hoat của lớp nhân ngày đấu niên học, chúng tôi nhận thấy lớp học rất khang trang, rộng rãi, ngoài cô giáo chính còn có thêm 5 cô giáo phụ và có nhiếu bố mẹ các em cũng được phép vào chung với các em nữa, hầu tránh cho các em khỏi ngỡ ngàng lo sợ trong ngày đầu tiên đi học.

Bài hát đấu tiên các em được tập đó là bài:

Ba thương em vì em giống mẹ

Mẹ thương em vì em giống ba

Cả nhà ta cùng yêu thương nhau

Xa thì nhớ gần nhau thì cười.

Cầu chúc các em một năm học vui tươi,chăm chỉ và luôn mãi cố gắng hầu gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trên con đường học vấn.
 
Văn Hóa
Ma phố Box Hill
Nguyễn Trung Tây, SVD
16:09 13/09/2010
Truyện chớp: Ma phố Box Hill
Ơi Thánh Giá, Ảnh NTT


Ngay sau khi tai nạn đụng xe chết tươi một cặp thanh niên nam nữ tại góc đường khu Box Hill của thị trấn Melbourne, nhiều chuyện quái đản tự nhiên xảy ra.

Thoạt tiên là ông John người Úc gốc Tây sáng sớm lái xe đi ngang qua chỗ tai nạn, tới hãng tự nhiên ông ăn nói lảm nhảm như người bị ma nhập. Hỏi chi ông cũng không nói, nhưng miệng cứ ú ớ, tay chỉ về góc đường đã cướp đi hai mạng người. Chưa hết, tối hôm đó, cô Robin lái xe tới góc đường, tự nhiên cô thấy cặp thanh niên nam nữ với khuôn mặt loang lổ máu đỏ đang đứng cười nói hôn hít nhau tỉnh bơ như không hề có chuyện chi xảy ra.

Sáng hôm sau, học sinh đi ngang qua góc đường bị đá cục chọi dính chóc chóc ngay đỉnh đầu. Sờ lên đầu, tự nhiên đầu sưng u một cục, nổi mụn nhọn, sưng tấy mưng mủ làm độc. Chiều hôm đó, 5 giờ, tự nhiên quạ đen từ đâu bay tới đậu đầy trên những giây điện cao thế chằng chịt dọc ngang trên con đường. Người trong khu phố lấy đá chọi, quạ đen rủ nhau bay xuống từng đàn mổ côm cốp lên đầu người chơi dại.

Hội Đồng Khu Phố Box Hill triệu tập phiên họp khẩn cấp vào sáng hôm sau. Người nghị viên Úc gốc thổ dân đề nghị mời thầy pháp về cúng giải oan cho hai linh hồn chết oan. Người nghị viên gốc Việt Nam e dè thì thào nói, “Cái giống chết oan này phải lập miếu thờ mới xong”. Người nghị viên gốc Tây đề nghị dựng ngay góc đường trụ đèn giao thông.

Sáng hôm sau, một thầy pháp trứ danh của người Úc thổ dân bay vé First Class từ Alice Springs về thẳng tới Box Hill. Vào đúng 9 giờ sáng, bà thầy pháp dựng đàn đốt nhang cúng giải oan cho hai linh hồn thanh xuân chết oan. Khoàng một tiếng đồng hồ sau, buổi cúng tan. Mọi người dân của Box Hill yên lặng kéo về nhà. Chiều 3 giờ 30, học sinh tan học đi ngang qua con đường lại bị đá cục rào rào bay tới đập sưng u đầu. 5 giờ chiều quạ đen tiếp tục bay tới rợp một góc trời. Tiếng quạ kêu thê lương! Một góc phố tiếp tục ngập ứ mùi tử khí!

Sáng hôm sau, thợ xây người Úc gốc Việt được gọi tới, xi măng trộn với cốt sắt nhanh chóng dựng lên một ngôi miếu nho nhỏ cao khoảng một thước sơn son thếp vàng, bên trong có bày linh vị của hai người tuổi trẻ với nhang khói nghi ngút và đèn nến lung linh. Miếu không có tên, nhưng dân Việt thì thào gọi Miếu Cô Cậu. Khoảng tan tầm giờ đi làm, miếu xây xong. Tối hôm đó, cô gái của bà thị trưởng Melbourne lái xe đi ngang qua lại nhìn thấy hai người chết oan hiện ra ngay tại góc phố, mặt vẫn loang lổ máu, cô gái rú lên đâm thẳng vào góc đường…

Sáng hôm sau, thợ xây gốc Tây kéo tới, đo đạc tính toán dựng cao trụ cột sắt đèn xanh đèn đỏ. Lần này, thợ xây đúng ba ngày mới xong trụ cột đèn giao thông tại góc đường. Đèn mới, đường kẻ sơn rõ ràng. Bà thị trưởng Melbourne được mời tới khai trương trụ cột đèn. Bà đang đọc bài diễn văn, quạ đen bay ngang qua từng bầy, buông xuống từng đống phân thối khắm vào bài diễn văn. Bầu trời đang quang đãng bỗng kéo mây tối đen, rồi mưa ào ào. Mọi người nín thở chờ đợi giây phút nắng quang mây tạnh của thành phố Melbourne nổi tiếng với biệt danh một phút bốn mùa. Nhưng không, mây tiếp tục đen, mưa tiếp tục rớt, kéo theo đá cục rớt xuống từng cục to bằng nắm tay. Thiên hạ bỏ chạy tán loạn…

Ngày hôm sau, Hội Đồng Khu Phố Box Hill lại họp. Lần này có cả sự hiện diện của bà Thị Trưởng Melbourne. Phiên họp kéo dài hơn ba tiếng vẫn không có kết quả chi. Sáng chiều học sinh đi học ngang qua, tiếp tục bị đá sắc nhọn chọi ném mưng mủ. 5 giờ chiều, quạ đen lại kéo về. Nửa đêm về sáng, có người còn nghe tiếng hú vang ngay tại góc đường. Nguyên một góc phố tấp nập của Box Hill bỗng dưng hóa thành nghĩa trang ảm đạm vương mùi tử khí và mùi tanh phân quạ. Nhiều người treo bảng bán nhà.

Một tháng sau, có một ông cha dòng Ngôi Lời đi ngang qua. Nghe chuyện, ông về nhà dòng một mình loay hoay đẽo cây thánh giá bằng gỗ cao đúng hai thước. Xong xuôi đâu đó, ông mang cây thánh giá gỗ tới dựng ngay tại góc đường.

Nửa đêm về sáng, sấm sét nổ vang rền một góc khu phố Box Hill. Sáng sớm, người người đi ngang qua góc đường ngạc nhiên nhìn thấy xác quạ đen nằm chết đen cả một góc đường. Học sinh đi ngang qua, không bị đá chọi dính đầu nữa. Đi ngang qua cây thánh giá gỗ đơn sơ, các em nghiêm trang làm dấu, có em còn giơ tay, “Con chào Chúa”. Ông John thôi ngớ ngẩn. Ông rủ cô Robin cùng tới, hai người cùng đọc kinh sốt sắng ngay trước cây thánh giá gỗ. Khu phố có tên Box Hill lại tấp nập, rộn ràng.

Một trăm năm rồi, cây thánh giá Ngôi Lời vẫn còn đứng kiên vững ngay tại góc đường khu phố Box Hill của thị trấn Melbourne.

www.nguyentrungtay.com
 
Kinh Tin, Cậy, Mến
Trầm Thiên Thu
23:24 13/09/2010
KINH TIN

Con tin có một Chúa Trời

Chí minh thưởng, phạt, Ba Ngôi rạch ròi

Ngôi Hai xuống thế làm người

Chịu chết cứu đời, giải thoát phàm nhân

Bấy nhiêu điều ấy vuông tròn

Cùng điều Hội Thánh dạy khuyên tỏ tường

Con xin tin thật vững vàng

Bởi vì Thiên Chúa vĩnh hằng, chí linh

Đã truyền đã dạy phân minh

Nên con tin kính chân thành lòng con

KINH CẬY

Con trông cậy Chúa vững vàng

Vì công nghiệp Chúa Con hằng thương yêu

Cho con giữ đạo sớm chiều

Để ngày sau được bước vào Thiên Cung

Thấy Tôn Nhan, hưởng vinh quang

Ngài đầy quyền phép, vô song tốt lành

Chính Ngài phán hứa rành rành

Chẳng hề sai lệch, viên thành minh nhiên

KINH MẾN

Con yêu mến Chúa hết lòng

Kính yêu hết sức lực con từng ngày

Yêu hơn mọi thứ đời này

Chính bởi vì Ngài cực tốt cực nhân

Thế nên con cũng thành tâm

Yêu người như chính bản thân con nè
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cá Vàng
Nguyễn Cao Nhã
22:13 13/09/2010

CÁ VÀNG



Ảnh của Nguyễn Cao Nhã

Cá vàng lội vũng nước trong

Đẹp duyên chồng vợ non sông giữ bền.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền