Ngày 11-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/09: Gặp gỡ Đức Ki-tô - Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:10 11/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:14 11/09/2023

26. Cái mà không cho phép con có, tại sao con vẫn cứ nhìn? Gìn giữ cặp mắt thì không những có lòng nhiệt thành lâu dài, mà còn có thể để phòng rất nhiều cám dỗ.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:19 11/09/2023
46. NGHE THEO MỘT LẦN

Trước đây, có tên nghịch tử, phụ thân nói bên đông nó lại làm bên tây.

Trước khi chết, phụ thân sợ rằng đứa con không đem ông chôn trong đất, nên làm tờ di chúc chỉ rõ ràng:

- “Sau khi cha chết thì con phải đem cha chôn trong hồ nước”.

Nhưng sự đời ai mà biết được, đứa con lại đổi ngược ý nghĩ rằng:

- “Thường ngày mình luôn vi phạm lệnh của cha, hôm nay cha đã chết, nên nghe lời cha một lần vậy”.

Thế là đào một cái hồ đem xác phụ thân mai táng trong hồ nước ấy.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 46:

Khi cha còn sống thì không nghe lời cha, đến khi cha chết muốn vâng lời cha một lần mà cũng không tròn ý của cha, đúng là đứa con tội nghiệp…

Nhưng xét cho cùng thì lỗi tại người cha, bởi vì trước cái chết, con người ta dù là người dưng nước lã, dù cứng đầu cứng cổ đến đâu cũng không thể không mủi lòng rơi lệ, huống chi là con ruột…

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử." ((Dt 1, 1-2a)

Nhưng trong cuộc sống chúng ta thường không thích nghe tiếng dạy của Thánh Tử, Ngài dạy đông chúng ta làm tây, Ngài dạy yêu thương người như chính mình, nhưng chúng ta lại vì yêu thương mình thái quá mà làm hại tha nhân; Ngài dạy chúng ta phải đem tội lỗi mai táng trong bí tích Giải tội, nhưng chúng ta lại nuôi sống nó bằng những đam mê, kiêu ngạo và ghét ghen…

Chỉ cần nghe và thực hành lời Đức Chúa Giê-su dạy thì chúng ta cũng sẽ được ân sủng ở đời này và sự sống đời đời mai sau…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bắt đầu bằng cầu nguyện
Lm. Minh Anh
14:40 11/09/2023

BẮT ĐẦU BẰNG CẦU NGUYỆN
“Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.

Charlie Riggs chia sẻ, “Tôi luôn cầu xin Chúa đặt tôi trên đầu Ngài. Như vậy, khi có việc khó khăn, hoặc là Chúa phải giúp tôi, hoặc tôi sẽ chìm nghỉm”. “Rất nhiều người trong chúng ta chỉ cầu nguyện cho những gì mình có thể giải quyết. Đáp lại, là những gì thật nhỏ bé vì lời cầu nguyện của chúng ta nhỏ bé. Hãy xin Chúa đặt chúng ta trên đầu Ngài. Và sau đó, hãy xem Ngài giữ chúng ta nổi, ngay khi bạn và tôi nghĩ mình sắp chìm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi luôn cầu xin Chúa đặt tôi trên đầu Ngài”. Cách nào đó, Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã được Chúa Cha đặt trên đầu Ngài. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ‘bắt đầu bằng cầu nguyện’ suốt đêm một mình trước Chúa Cha.

Những lời giới thiệu như thế này có thể không được chú ý trong việc đọc Tin Mừng hàng ngày của chúng ta; trong khi trên thực tế, chúng có tầm quan trọng khôn lường! Cuộc đời của Chúa Giêsu hẳn là một lời cầu nguyện liên lỉ, tín thác tuyệt đối vào Chúa Cha và luôn được hỗ trợ bởi Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, Ngài mới đủ sức mạnh và ánh sáng cần thiết để tiếp tục bước đi. Cuộc tuyển chọn các tông đồ - như thánh Cyrillô Alexandria nói, “Chúa Kitô quyết định trao cho họ cùng một sứ mệnh Ngài đã nhận từ Chúa Cha” - cho thấy Giáo Hội là kết quả của lời cầu nguyện, và là công việc của Ba Ngôi, “Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”.

Mặc dù đã dành cả đêm để cầu nguyện với Chúa Cha trước khi chọn nhóm Mười Hai, nhưng Chúa Giêsu vẫn bị một người trong họ phản bội. Dâng quyết định của mình lên Thiên Chúa không có nghĩa là mọi việc sau đó sẽ xuyên suốt. Tuy nhiên, khi mở lòng với Chúa trong cầu nguyện nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, vào những thời điểm quan trọng, chúng ta để Thiên Chúa trở thành trung tâm của những quyết định và là trung tâm của tất cả những gì xảy ra sau đó, cả khi không phải là những gì đáng mong đợi.

Qua thư Côlôssê hôm nay, Phaolô viết, “Như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Ngài!”. “Sống kết hợp với Ngài” là cầu nguyện và tạ ơn liên lỉ. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời”, vì “Chúa tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”.

Anh Chị em,

“Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Ước gì cuộc đời Kitô hữu của chúng ta luôn có thể đắm mình trong cầu nguyện và được lời cầu nguyện hướng dẫn trong mọi sự. Nhất là trước các quyết định quan trọng, khi chúng ta phải ‘bước ra những vùng nước sâu’ mà bạn và tôi biết chắc, không có Chúa, chúng ta sẽ chìm nghỉm. Vì thế, tất cả phải được ‘bắt đầu bằng cầu nguyện’. Trong cầu nguyện, chúng ta cố gắng cởi mở hơn với những gì Chúa muốn và đừng quên mời Chúa Thánh Thần hướng dẫn, định hình khả năng nhận thức và đưa ra những quyết định quan trọng thay cho mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con nhận được những gì nhỏ bé vì lời cầu nguyện của con nhỏ bé. Con sẽ chìm vì nước quá sâu, nhưng đáy sông ở dưới chân Ngài. Xin dạy con tín thác vào một mình Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Văn Hóa
Một trăm lẻ một Câu hỏi về Chúa Giêsu: câu 61-66
Vũ Văn An
17:27 11/09/2023

Câu hỏi 61: Há không phải Thiên Chúa đã cứu vớt chúng ta ư? Tự do nhân bản có liên quan gì tới việc này?

Cứu rỗi chắc chắn là vấn đề trung tâm trong việc chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Như một lập luận bênh vực thiên tính của Chúa Giêsu, các giáo phụ chủ trương rằng chỉ có Thiên Chúa mới cứu rỗi chúng ta mà thôi, và, như một lập luận bênh vực nhân tính trọn vẹn của Người, các ngài chủ trương rằng chỉ những gì hợp nhất với thể thần linh mới được cứu rỗi. Điều này có giá trị nhưng nó giả thiết điều này ơn cứu rỗi diễn ra vào “thời khắc” nhập thể nghĩa là vào lúc thể thần linh và thể nhân bản được kết hợp trong Chúa Giêsu, khi “Ngôi Lời thành xác phàm” (Ga 1:14). Nhưng cả Gioan cũng thừa nhận rằng tự ngôn không đủ; ngài phải kể trọn câu truyện về Chúa Giêsu và nhất là con đường của Người tới thập giá.

Hình ảnh “Thiên Chúa đối thoại” nhìn nhận rằng ơn cứu rỗi phát xuất từ Thiên Chúa. Mọi sự bắt đầu trong sáng kiến thần linh và kết thúc ở đáp trả thần linh. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể cứu vớt chúng ta. Đúng hơn vấn đề là: Thiên Chúa cứu vớt ta thế nào? Lấy chỉ dẫn từ việc Chúa Giêsu công bố nước trời trong các dụ ngôn, dường như Thiên Chúa làm việc – sống động, tích cực, hiện diện – giữa đời sống con người, nhất là trong cuộc sống nhân bản của Chúa Giêsu. Thư 1 gửi Timôtê 2:4-6, viết rằng Thiên Chúa, Đấng Cứu Vớt ta, “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người”. Tôi hiểu điều này muốn nói rằng Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và chúng ta chính trong nhân tính của Người. Thiên Chúa thi hành ý định thần linh của Người muốn cứu vớt phổ quát trong và qua tự do nhân bản của Chúa Giêsu. Đây không phải là vấn đề đặt thiên tính vào thế chống nhân tính theo lối cạnh tranh nhưng thấy Thiên Chúa chấp nhận và nhận diện là của Thiên Chúa sự sống nhân bản này trong mọi tính cụ thể và đặc thù của nó, với mọi đau khổ và cám dỗ cũng như đấu tranh để mãi trung thành với sứ mệnh nhận được như chúng ta thấy phản ảnh trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu được kêu gọi bởi Thiên Chúa, Đấng Người gọi là Bố đầy yêu thương chăm sóc, mãi trung thành với chúng ta (vì Thiên Chúa mãi là tình yêu trung thành) trong và bất chấp sự tàn hại của tội lỗi con người. Nói rằng Chúa Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta là nói rằng Người biến đổi, từ bên trong thân phận con người của chúng ta, tội bất tuân của Ađam thành đức vâng lời của Con duy nhất của Thiên Chúa. Giao ước của Thiên Chúa với sáng thế được thiết lập một lần vĩnh viễn trong tự do duy nhất của Chúa Giêsu, Đấng trung thành. Chính trong và qua tự do của riêng Người và vì tự do của chúng ta, “Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta” (Gl 5:1).



Câu hỏi 62: Điều chủ yếu có phải là việc Chúa Giêsu chịu đau khổ trên thập giá vì tội chúng ta không? Tại sao mỗi người chúng ta lại không thể chỉ cần lãnh trách nhiệm đối với các hành động của chúng ta để được cứu rỗi? Há không đủ hay sao nếu chúng ta ăn năn và tuân theo các giáo huấn của Chúa Giêsu?

Nếu người phàm chúng ta thực sự được tự do lựa chọn, thì đáp ứng với Chúa Giêsu có lẽ đã khác rồi. Không hề có tất yếu tuyệt đối, cả thần linh lẫn nhân bản, khiến Chúa Giêsu phải chết trên thập giá. Tất yếu duy nhất phải có thập giá phát xuất từ tình huống thực tế, chuyên biệt trong đó Chúa Giêsu thấy Người hiện hữu. Và, mặc dù nó là một giả thuyết, ta có thể tưởng tượng thế giới ngày nay sẽ ra sao nếu đáp ứng với Chúa Giêsu không phải là bác bỏ và đóng đinh.

Tuy nhiên, vấn đề ngụ hàm một điều khác phát xuất từ nền văn hóa duy cá nhân của chúng ta, tức việc chúng ta có thể tự cứu rỗi bằng chính các cố gắng của mình. Đúng là mỗi người chúng ta phải ăn năn và tuân theo không những các giáo huấn của Chúa Giêsu mà, đúng hơn, trọn cả lối sống của Người. Ơn cứu rỗi không tự động. Nó đòi sự tham dự đích thân của chúng ta vào diễn trình biến đổi, nhưng như một đáp trả đối với sáng kiến thần linh. Đức tin luôn được hiểu như là hồng ơn miễn phí của Thiên Chúa (ơn thánh) giúp chúng ta đáp trả thậm chí được coi là đáp trả của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng cuộc chiến đấu của chúng ta để được giải thoát không phải chỉ là cuộc chiến đấu cá nhân; nó chống lại sức mạnh lan tràn và có hệ thống của kẻ ác được lên hình tượng như “Satan” (xem câu hỏi 40). Trong nền văn hóa phương tây của chúng ta, chúng ta có xu hướng nghĩ về chúng ta trước nhất như những cá nhân và sau đó có liên hệ với một số nhóm như gia đình, giáo hội, hiệp hội dân sự v.v...Nhưng, đối với Chúa Giêsu và nền văn hóa sêmitích của Người, cảm thức đầu tiên của người ta về bản sắc bản vị của họ là với cộng đồng, và chỉ lúc đó, họ mới xem xét tới bản sắc cá nhân của họ. Điều này quan trọng để ta hiểu ơn cứu rỗi. Theo nghĩa rất thực, tất cả chúng ta đều cùng nhau ở trong ơn này đến nỗi không ai trong chúng ta được cứu rỗi cho đến khi tất cả chúng ta được cứu rỗi. Sự cứu rỗi mà Thiên Chúa tìm nơi Chúa Giêsu là việc biến đổi xã hội và quả thực toàn bộ sáng thế (Rm 8:18-25), một “sáng thế mới” được cảm nghiệm yêu thương và hòa giải trong cộng đồng Kitô hữu xúc tác (2Cr 5:14-20; Gl 6:14-15).

Chúa Giêsu không thể thiếu và thật cần thiết đối với ý định cứu rỗi của Thiên Chúa vì hai lý do. Thứ nhất, đức vâng lời tự ý của Người thậm chí cho đến chết được chấp nhận trong sức mạnh biến đổi của phục sinh có nghĩa ý định của Thiên Chúa dành cho con người ngay từ thuở khởi đầu sáng thế đã được thể hiện trong Người. Người là “Con Người”, là hữu thể nhân bản mới. Thứ hai, trong tư cách ấy, Người là “hoa trái đầu mùa” của tất cả những ai sẽ được làm cho sống động trong Người (1Cr 15:20-28), nghĩa là, Người thông truyền cho chúng ta sức mạnh ân sủng của Thần Khí Người vốn lên sức mạnh cho chúng ta và làm chúng ta có khả năng sống như Người đã sống, tham dự vào đường đi của Người và như thế thể hiện được trọn vẹn sự biến đổi và giải thoát được Thiên Chúa dự tính từ thuở bắt đầu sáng thế. Một lần nữa, Thiên Chúa làm việc bên trong sáng thế để thể hiện ý muốn thần linh chứ không áp đặt ý muốn đó từ bên ngoài. Chúng ta quả tạo được sự khác biệt xiết bao cho việc cứu rỗi thế giới!

Câu hỏi 63: Nếu ơn cứu rỗi vẫn còn là tương lai thì tại sao Chúa Giêsu lại nói “đã hoàn tất”?

Tôi xin nhận xét trước nhất rằng chúng ta có ba cách trình bầy khác nhau về những lời Chúa Giêsu nói trên thập giá trong các Tin Mừng. Máccô và Mátthêu chỉ có lời nói về việc bị bỏ rơi (xem câu hỏi 57). Lúc Chúa Giêsu chết là khoảnh khắc của tối tăm và thảm kịch. Mặt khác, Luca tiếp tục hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện, xin tha thứ cho những kẻ đang giết Người (23:34), ban ơn cứu rỗi cho tên tội phạm lên tiếng bênh vực Người (23:43), và sau cùng phó mình hoàn toàn vào bàn tay Cha Người (23:46). Khoảnh khắc chết của Chúa Giêsu là khoảnh khắc tha thứ và hòa giải. Với Gioan, Chúa Giêsu tiếp tục làm chủ số phận của Người, được nâng cao và lên ngôi trên thập giá (18:33-37; 19:11.19-22), kéo mọi người về Người (12:42). Chúa Giêsu ứng nghiệm các niềm hy vọng của Israel bằng cách phó thác nó, trong con người của Mẹ Người, cho Giáo Hội trong con người của người môn đệ yêu dấu (19:26-27; xem câu hỏi 18). Biết rằng mọi sự đã ứng nghiệm, Người bảo đảm sự ứng nghiệm của sách thánh bằng cách nói: “Ta khát” (19:28). Cuối cùng, Người công bố rằng quả thật như thế bằng cách nói, “đã hoàn tất” (19:30). Người ta phải đọc những lời trên thập giá trong Tin Mừng Gioan dưới ánh sáng các diễn từ chia tay và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (các chương 13-17). Trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu thưa rằng Người đã hoàn tất công việc Chúa Cha đã trao cho Người thực hiện (17:4). Giờ đây, Người đi tự thánh hóa Người để những kẻ theo Người được thánh hóa trong sự thật (17:19). Khoảnh khắc Người chết là khoảnh khắc khi Người làm nên trọn mọi sự Người đến để làm và trao lại cho Chúa Thánh Thần (19:30) để những kẻ theo Người tiếp tục sống trong sự thật (14:15-17; 15:26; 16:13-15).

Từ viễn ảnh tôi đề nghị, Chúa Giêsu quả thực là Đấng mà trong Người ý định sáng tạo của Thiên Chúa cho ơn cứu rỗi phổ quát đã được thể hiện. Người là Cứu Chúa duy nhất. Chỉ bằng cách sống trong Thần Khí mà Người “tuôn trào” (Cv 2:33), chúng ta mới có thể hy vọng mang đến chỗ thể hiện trọn vẹn sự biến đổi và giải thoát vốn đã trọn vẹn nơi Người nhưng chưa trọn vẹn nơi chúng ta, để, đến cuối diễn trình, Người có thể trao nước trời lại cho Chúa Cha và “Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1Cr 15:28). Bằng cách này, chúng ta mang tới hoàn thành điều vẫn còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Kitô (Cl 1:24).

Câu 64: Cái chết của Chúa Giêsu có thực sự chứng minh hay thực hiện được điều gì không? Nhìn vào thế giới ngày nay, hình như nó không thực hiện được điều tốt nào. Có gì thay đổi chưa?

Bất cứ ta nói điều gì khác về nó, lịch sử vẫn bao gồm sự thay đổi thực sự. Nhưng nó bao gồm các chữ chi, các thoái bộ, những tầm nhìn thông sáng mất đi, những suy đồi, những đảo lộn, những tái khám phá, những khởi đầu mới. Vào một lúc nhất định nào đó, ta không thể nói liệu sự việc có trở nên tốt hơn hay xấu hơn. Các nhà triết học đã khai triển nhiều lý thuyết vĩ đại về lịch sử. Những người lạc quan làm chúng ta tin rằng chúng ta luôn tiến tới, bất chấp một số đình đốn và những điều cần cải thiện, một không tưởng luôn luôn mới mẻ. Những người bi quan, ngược lại, thấy thế giới đang đi xuống bờ tiêu diệt hoàn toàn. Chúng ta bị nhốt, bị giam kín, và cầm tù, và mỗi ngày một tệ hơn. Các quan điểm này phần lớn liên hệ tới vừa gien và các xu hướng tự nhiên lẫn giá trị khả hữu của bất cứ thứ lý thuyết nào.

Đối với một Kitô hữu, vấn đề mang chúng ta trở lại với cách chúng ta quan niệm về sự quan phòng của Thiên Chúa. Như đã gợi ý (xem câu hỏi 59), Thiên Chúa không định trước, một cách nhất định, hình dạng của sự vật sắp tới, nhưng đúng hơn, mời gọi chúng ta cùng với Thiên Chúa tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.Thiên Chúa làm việc bên trong các khả thể của tự do con người và chấp nhận các giới hạn của nó (bao gồm cả tự do nhân bản của Chúa Giêsu). Điểm quan trọng là các chọn lựa giữa việc xây dựng trái đất hay việc phá hủy nó là điều có thực. Điều này có nghĩa: ngược với cả xác tín duy lạc quan lẫn duy bi quan, chúng ta nên chọn quan điểm duy thực tại. Nếu các chọn lựa là điều có thực, thì điều chúng ta làm để lên hình dạng cho các sự việc tương lai sẽ tạo ra khác biệt. Chúng ta không phải là những kẻ bàng quan.

Mặt khác, các Kitô hữu đặt cơ sở cho niềm hy vọng của họ vào một tương lai tươi đẹp hơn nơi Thần Khí của Chúa Giêsu phục sinh. Thần Khí của Người làm chúng ta có khả năng và sức lực nhưng chúng ta phải đáp ứng và lãnh trách nhiệm cho sự sống đã được trao phó cho chúng ta. Chính đức tin bảo đảm với ta điều ta hy vọng, thuyết phục ta điều ta chưa trông thấy (Dt 11:1), nhưng nếu nó muốn chân thực, chứ không phải một ý nghĩ viển vông, đức tin như thế phải dựa trên kinh nghiệm thực sự. Nếu chúng ta hy vọng rằng Thần Khí Chúa Giêsu sẽ chiến thắng, thì chính vì chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh biến đổi của Thần Khí ấy trong chính cuộc đời và tình yêu của chúng ta.

Câu hỏi 65: Nhưng tại sao lại cần quá nhiều đau khổ và sự ác đến thế trên thế giới? Đúng hơn, há không vô nghĩa hay sao đối với những người đau khổ vì bất hạnh, bệnh tật hay nghèo đói?

Thánh Phaolô viết: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15:19). Bất hạnh thay, điều này thường được giải thích như cổ vũ việc thụ động mặc nhận sự ác, há miệng chờ sung ở trên trời khi ta chết. Giống Chúa Giêsu trước ngài, Thánh Phaolô biết rằng chúng ta phải đối đầu với những sự ác vốn nằm trong các khả năng con người này, cả nơi chúng ta lẫn nơi người khác. Chúng ta hy vọng ở sự biến đổi sau cùng của mọi sự vật trong Chúa Kitô (Pl 3:10.21) nhưng chúng ta biết rằng việc biến đổi như thế đã khởi sự ngay trong phép rửa của chúng ta, giúp chúng ta “bước đi trong sự mới mẻ của đời sống” (Rm 6:4).

Niềm hy vọng như thế không làm mất đi mầu nhiệm sự ác; đúng hơn, đã nhấn mạnh nó. Sự ác không phải là một vấn đề có giải pháp hữu lý vì từ bản chất, sự ác luôn phi lý. Mọi mưu toan hữu lý hóa sự ác và làm nó vừa tầm với một hệ thống tư tưởng cao hơn đều đã thất bại. Bạn không thể hợp lý hóa điều phi lý. Câu hỏi thường được hỏi: tại sao Thiên Chúa để điều đó xẩy ra cho tôi? không chấp nhận bất cứ câu trả lời nào. Vì nó khó như thế, nên câu hỏi khả thi duy nhất giữa biến cố bi thảm là: bây giờ, tôi có thể hay nên làm gì khi việc này xẩy ra? Làm thế nào điều này cũng cùng làm việc với mọi điều khác cho điều tốt (Rm 8:28)?

Trong sách thánh, Thiên Chúa cho chúng ta hai câu trả lời cho câu hỏi về sự ác, không câu nào có lẽ là câu chúng ta muốn.Trong sách Gióp, câu trả lời duy nhất cuối cùng xuất hiện là: sự ác được phủ kín trong mầu nhiệm của cùng vị Thiên Chúa đã trả lời từ cơn bão táp (G 38:1tt; 40:6tt). Có một số sự ác, như thiên tai chẳng hạn, đơn giản vượt quá quyền kiểm soát của ta hay sức hiểu của chúng ta. Nhưng về các sự ác phát xuất từ tâm hồn người ta và có thể thay đổi được thì sao? Câu trả lời thứ hai của Thiên Chúa là sai Con yêu dấu của Người đến bước đi trong liên đới với những người khốn cùng và bị áp bức nhiều nhất và chịu điều những người này chịu thậm chí đến cái chết của một người bị loại bỏ và tội phạm trên thập giá. Không hề có câu trả lời lý thuyết cho câu hỏi về đau khổ. Câu trả lời duy nhất của Thiên Chúa là bước đi với chúng ta trên đường, một con đường mới của sự thật và sự sống tìm cách thắng vượt quyền lực tội lỗi và sự chết từ bên trong trái tim con người.



Câu hỏi 66: Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa và chịu đau khổ trên thập giá, điều này có nghĩa Thiên Chúa chịu đau khổ sao?

Dĩ nhiên, điều này là vấn đề cổ điển đầu tiên từng đối đầu các giáo phụ. Nếu chúng ta chủ trương sự trọn vẹn của nhân tính và sự trọn vẹn của thiên tính trong sự hợp nhất của một ngôi vị duy nhất, thì chúng ta phải nói rằng Con Thiên Chúa chịu đau khổ và chết trên thập giá (như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính). Cách tiếp cận thường được chấp nhận, chẳng hạn bởi thánh Athanaxiô, người bênh vực vĩ đại tính chính thống tại Nixêa, hẳn phải nói rằng Chúa Giêsu chịu đau khổ trong nhân tính của Người (hay xác thịt Người) chứ không phải trong thiên tính của Người. Điều này dựa vào ý niệm hoàn hảo của người Hy Lạp. Bất cứ sự thay đổi hay trở nên nào, nhưng nhất là đau khổ, đều ngụ hàm sự bất toàn. Đây là vấn đề của Ariô (xem câu hỏi 15): Làm thế nào chúng ta có thể nói: “Ngôi Lời đã thành xác phàm” mà vẫn chủ trương rằng Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa trọn vẹn? Mặt khác, Kinh Thánh không quan tâm tới lý tưởng trừu tượng về hoàn hảo nhưng tới Thiên Chúa hằng sống, Đấng "biết” một cách đích thân và tường tận (Xh 2:23-25) các đau khổ của dân và tìm cách giải thoát họ khỏi áp bức. Đây là vị Thiên Chúa của tình yêu cảm thương luôn bước đi với dân, giao ước với họ, chịu đựng sự bác bỏ của họ và đem họ tới đất hứa. Thiên Chúa của Israel không xa cách và vô cảm, không quan tâm và trơ trơ trước các bất hạnh của cộng đồng yêu qúy. Vị Thiên Chúa này can dự và chịu ảnh hưởng sâu xa bởi lịch sử Israel và quả thực bởi lịch sử của mọi dân tộc.

Đối với các Kitô hữu, việc tự can dự của Thiên Chúa vào sáng thế và giao ước lên đến cao điểm với lịch sử bản thân của Chúa Giêsu, Con duy nhất và yêu dấu của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta do tình yêu thần linh sâu sắc (Ga 3:16; Rm 8:31-39). Nhiều nhà thần học ngày nay, nhờ trở về với cách hiểu dựa nhiều vào Kinh Thánh hơn, đã khẳng định rằng quả thực Thiên Chúa đau khổ trong Chúa Giêsu. Nhưng Thiên Chúa chịu đau khổ trong tư cách Thiên Chúa, chứ không phải trong tư cách tạo vật. Ở đây, không hề có âm mưu giản lược Thiên Chúa xuống bình diện tạo vật, như người Hy Lạp sợ. Mặt khác, Thiên Chúa đã dại dột [foolish] khi dựng nên một thế giới trong đó Bản ngã thần linh bị liên lụy sâu xa và đích thân. Điều chúng ta làm hay chịu đau khổ quả có khác biệt đối với Thiên Chúa. Giống nhà nghệ sĩ đồng nhất hóa và quấn quít qua lại một cách không thể gỡ ra với sáng tạo nghệ thuật của mình, Thiên Chúa trong tư cách Đấng Tạo Dựng đã tạo ra một thế giới trở thành thế giới riêng của Người, “nơi” của Người, chính thân thể của Người tức là biểu thức về Người nói lên tính sáng tạo thần linh. Nếu Chúa Con chịu chết vì tình yêu vâng phục, thì dù khó hiểu bao nhiêu đi nữa, Chúa Cha cũng chịu cùng cái chết do tính viên mãn của tình yêu thần linh.
 
VietCatholic TV
Elon Musk chơi xấu Ukraine? Tướng Nga: Sẽ chiếm Âu Châu. Tướng Mỹ: Kyiv thắng lớn, đưa gấp ATACMS
VietCatholic Media
03:16 11/09/2023


1. Xung quanh câu chuyện tai tiếng - Elon Musk cố tình ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine

Ký giả Edith Hancock của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Musk biographer tries to ‘clarify’ details on Starlink in Ukraine after outcry”, nghĩa là “Người viết tiểu sử của Musk cố gắng 'làm rõ' chi tiết về Starlink ở Ukraine sau làn sóng phản đối kịch liệt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Người viết tiểu sử Elon Musk, Walter Isaacson, đã lên mạng xã hội để cố gắng “làm rõ” một đoạn trích trong cuốn sách sắp ra mắt của ông kể chi tiết cách thức Musk cố tình ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được lên kế hoạch của Ukraine.

Đoạn trích mô tả cách Musk, vào năm ngoái, đã yêu cầu các kỹ sư của mình vô hiệu hóa liên lạc vệ tinh Starlink gần Crimea bị Nga tạm chiếm để ngăn chặn cuộc tấn công vào tàu chiến Nga. Chi tiết này đã vấp phải phản ứng dữ dội kể từ khi được công bố hôm thứ Năm.

Isaacson cho biết trong một bài đăng hôm thứ Bảy: “Người Ukraine NGHĨ vùng phủ sóng đã được kích hoạt đến tận Crimea, nhưng thực tế không phải vậy”. Ông cho biết, thay vào đó, các quan chức quân sự đã yêu cầu doanh nhân tỷ phú phủ sóng đến tận Crimea để tấn công bằng máy bay không người lái. Tác giả nói thêm: “Musk đã không kích hoạt nó, bởi vì ông ấy nghĩ, và có lẽ ông ta đúng, rằng điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến lớn”.

Nhưng đoạn trích ban đầu được đăng trên tờ Washington Post nói rằng Musk “đã bí mật yêu cầu các kỹ sư của mình tắt vùng phủ sóng trong phạm vi 100 km tính từ bờ biển Crimea”, khiến thuyền không người lái của Ukraine “mất kết nối và dạt vào bờ một cách vô hại”.

Mykhailo Podolyak, cố vấn văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy, cho biết quyết định của Musk đã cho phép hạm đội Nga tấn công các thành phố của Ukraine. “Đây là cái giá của một sự thiếu hiểu nhỏ bé bằng một ly cocktail và một sự kiêu hãnh quá lớn,” ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Năm. Trong khi đó, các quan chức Nga ca ngợi động thái này.

Vụ phá hỏng kế hoạch của Ukraine được tường trình đã xảy ra ngay khi mối quan hệ bắt đầu nguội lạnh giữa lực lượng Ukraine và Musk, là người đã giúp giữ cho Ukraine có thể kết nối trực tuyến kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu thông qua các vệ tinh Starlink của ông. Musk, lo sợ xung đột có thể trở thành một cuộc chiến tranh thế giới khác, đã bắt đầu hạn chế việc quân đội Ukraine sử dụng Starlink ở các khu vực do Nga kiểm soát và trong việc điều khiển máy bay không người lái.

Cuốn tiểu sử “Elon Musk” của Isaacson sẽ được phát hành vào ngày 12 tháng 9.

2. Tướng Nga thừa nhận Ukraine chỉ là 'đá lót đường' để xâm lược Âu Châu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian General Admits Ukraine Just a 'Stepping Stone' to Invade Europe”, nghĩa là “Tướng Nga thừa nhận Ukraine chỉ là ' đá lót đường ' để xâm lược Âu Châu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một vị tướng chủ chốt của Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin thăng chức trong tuần này coi cuộc xâm lược Ukraine chỉ là “đá lót đường” để tiếp tục xung đột với Âu Châu.

Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, làm dấy lên lo ngại từ nhiều nhà phân tích rằng Điện Cẩm Linh có thể có tham vọng lớn hơn ngoài việc giành quyền kiểm soát nước láng giềng Liên Xô cũ. Các nhà bình luận và lập pháp Nga thường làm tăng thêm những lo ngại đó bằng luận điệu chống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, trong suốt cuộc chiến - thường xuyên khuyến khích các cuộc tấn công trực tiếp vào các mục tiêu Âu Châu và thậm chí cả Mỹ.

Tuần này, Putin đã thăng cấp Trung tướng Andrey Mordvichev lên cấp Thượng Tướng. Nhà lãnh đạo quân sự này đã đảm nhiệm vai trò chỉ huy Quân khu trung tâm và Tập đoàn lực lượng trung ương Nga ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình nhà nước Russia-1 của Mạc Tư Khoa, một đoạn clip được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội hôm thứ Bảy, Mordvichev cho biết ông tin rằng cuộc chiến của Putin sẽ kéo dài khá lâu và mở rộng trong tương lai.

“Tôi nghĩ vẫn còn nhiều thời gian để sử dụng. Thật vô nghĩa khi nói về một khoảng thời gian cụ thể. Nếu chúng ta đang nói về Đông Âu, điều mà chúng ta sẽ phải làm, tất nhiên là sẽ lâu hơn”, vị tướng nói.

“Ukraine chỉ là đá lót đường à?” người phỏng vấn sau đó hỏi.

“Chắc chắn rồi. Đó mới chỉ là sự khởi đầu”, Mordvichev trả lời và nói tiếp rằng cuộc chiến “sẽ không dừng lại ở đây”.

Newsweek đã liên hệ với đại sứ quán Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Trước cuộc xâm lược Ukraine, Putin đã đặt ra tầm nhìn tái thiết các lãnh thổ của Đế quốc Nga đã không còn tồn tại từ lâu thành một khối thống nhất. Nhà lãnh đạo Nga và các đồng minh của ông đã nhiều lần nói rằng họ không coi Ukraine độc lập khỏi Nga là một quốc gia và nói rằng quốc gia có chủ quyền này nên được đưa trở lại dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa.

Một số đồng minh của Putin thường đưa ra khả năng mở rộng cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh sang các nước NATO, bao gồm Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu khác. Các nhà phân tích coi tầm nhìn của Tổng thống Nga và những đề xuất mở rộng cuộc chiến từ các đồng minh khác nhau của ông là những dấu hiệu đáng lo ngại rằng Mạc Tư Khoa có thể đẩy các nỗ lực quân sự của mình ra ngoài Ukraine.

Các nhà lãnh đạo NATO đã bảo vệ viện trợ quân sự và nhân đạo của họ cho Ukraine, nói rằng mục đích của họ là ngăn chặn Putin đẩy lực lượng của mình xa hơn về phía tây vào Âu Châu. Các quốc gia Đông Âu, chẳng hạn như Ba Lan, là một trong những quốc gia bảo vệ Ukraine mạnh mẽ nhất khi các nhà lãnh đạo của họ lo ngại biên giới của họ có thể bị lực lượng của Putin thách thức.

Các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng cuộc xâm lược Ukraine của họ là nhằm phòng thủ và ngăn chặn sự mở rộng của NATO và để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine khỏi “nạn diệt chủng”. Họ cho rằng chính phủ Kyiv do Đức Quốc xã lãnh đạo.

Nhiều người coi tuyên bố của Putin cho rằng Ukraine theo chủ nghĩa Quốc xã là đặc biệt kỳ lạ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái và bản thân ông là người nói tiếng Nga bản địa. Trong chiến dịch bầu cử năm 2019, ông đã bị chỉ trích vì giọng nói tiếng Ukraine lai lái. Vào thời điểm Zelenskiy giành chiến thắng và nhậm chức, thủ tướng Ukraine cũng là người Do Thái.

3. Tướng Mỹ, cựu giám đốc CIA, kêu gọi Mỹ phải đưa ngay hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine

Cựu Giám đốc CIA David Petraeus cho rằng Mỹ phải gửi hỏa tiễn tầm xa và đẩy nhanh việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Ông nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph của Anh hôm Chúa Nhật.

Petraeus nói rằng Washington nên sớm đưa máy bay “vào kho vũ khí” của Kyiv và ngừng “lo lắng” về phản ứng của Nga khi gửi hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine.

Ông nói thêm rằng Mỹ nên chấm dứt phản đối việc gửi Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn hơn 300 km, trong khi các nhà lãnh đạo khác nên tăng cường hỗ trợ hỏa tiễn tầm xa của riêng họ.

Tướng Petraeus nói: “Tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ cung cấp Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật cho quân đội, hệ thống này sẽ tăng gấp đôi tầm bắn của những gì chúng ta đã cung cấp”.

ABC News dẫn lời các quan chức Mỹ trước đó đưa tin chính quyền Biden có khả năng sẽ gửi ATACMS cho Ukraine.

Tòa Bạch Ốc đã do dự trong việc cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí tầm xa nhất, vì lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ukraine sâu bên trong lãnh thổ Nga có thể kích động sự leo thang của điện Cẩm Linh, thậm chí có thể là một cuộc tấn công hạt nhân.

Một trong những vũ khí mong muốn nhất của Kyiv là ATACMS, hỏa tiễn có tầm bắn hơn 300km được bắn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. ATACMS vượt xa bất kỳ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt nào được cung cấp cho Ukraine cho đến nay và sẽ đưa các vị trí của Nga trên khắp Ukraine và Crimea bị tạm chiếm vào tầm ngắm của Kyiv.

Các quan chức chính quyền Biden đã tranh luận về nhu cầu của Ukraine đối với ATACMS, đồng thời cảnh báo rằng việc cung cấp đạn dược có thể làm leo thang xung đột và khiến lượng dự trữ ATACMS của chính Mỹ ở mức thấp một cách nguy hiểm.

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Âu Châu Ben Hodges nói với Newsweek rằng: “Tôi nghĩ chính quyền Biden đã không trung thực. Họ không muốn làm điều đó, vì vậy họ liên tục viện cớ rằng chúng tôi không có đủ. Đó không phải sự thật. Chúng ta đang bán ATACMS cho Ba Lan. Ngành công nghiệp quốc phòng không phải là một tổ chức bác ái.”

Tướng Hodges cho biết sự do dự về việc gửi cho Ukraine vũ khí mạnh nhất của phương Tây nói lên một vấn đề chính trị.

Ông giải thích: “Ý chí chính trị được thể hiện dưới dạng tiền bạc, nhằm xây dựng và cung cấp năng lực. Bất cứ khi nào ai đó từ chính quyền nói, 'Chà, chúng tôi không có đủ ATACMS.' Tôi nói rằng, bạn nói đúng, chúng ta không có đủ, nhưng là vì bạn không yêu cầu ngành công nghiệp làm ra nhiều hơn.”

“Bất cứ khi nào tôi nghe ai đó từ chính quyền nói, 'Chà, họ không thực sự cần F-16'; Chuyên gia quân sự nào dám nói rằng họ không thực sự cần một chiếc máy bay phẩm chất cao để hỗ trợ một cuộc tấn công, với tất cả những chức năng khác nhau mà một chiếc F-16 có thể làm, cho dù đó là hỗ trợ mặt đất, ngăn chặn trên không hay để chống lại máy bay Nga?”

“Làm thế nào trên thế giới lại có một người có giáo dục quân sự hơn một tuần lại dám nghĩ rằng họ không cần ATACMS? Có người lại nói: 'Chà, xe tăng Abrams, nó đốt quá nhiều nhiên liệu' và thế này thế khác. Vậy thì tại sao chúng ta lại có Abrams nếu nó là một chiếc xe tăng khủng khiếp như vậy?”

Ukraine đã dần dần thuyết phục được các đối tác nước ngoài về nhu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây, từ vũ khí chống tăng vác vai cho đến chiến đấu cơ. Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv đã tỏ ra thất vọng trước bước nhảy chính trị chậm chạp cần thiết trước khi mỗi hệ thống mới có thể được thông qua. Hodges cũng cho rằng phương Tây vẫn còn quá do dự.

“Thông báo rằng phải mất vài tháng nữa các phi công F-16 mới có thể sẵn sàng — tôi không hiểu điều này,” ông nói. “Tôi không hiểu tại sao chính quyền không thể nói rằng chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng và chúng tôi sẽ giúp họ giành chiến thắng vì điều này tốt cho Hoa Kỳ, tốt cho Âu Châu, tốt cho tất cả chúng ta, cho tất cả những lý do mà chúng ta đã nói đến.”

“Nếu họ không thể hiểu rõ ràng về mục tiêu, thì kết quả là việc ra quyết định ngày càng gia chậm chạp. Và tôi nghĩ nếu nó không trung thực, thì đó là một chính sách không mạch lạc.”

Các mối đe dọa hạt nhân lặp đi lặp lại của Mạc Tư Khoa - vốn ngày càng ít bị che đậy hơn khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv ngày càng mở rộng - vẫn còn lờ mờ trong cuộc đối thoại rộng lớn hơn giữa Ukraine và các đối tác phương Tây.

Các nhà quan sát đặc biệt lo lắng rằng việc Ukraine tiến vào Crimea có thể gây ra phản ứng cực đoan của Nga, vì việc mất quyền kiểm soát bán đảo có thể gây bất ổn cho chế độ kleptocracy của Putin.

Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã thể hiện rõ ưu tiên của họ là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa NATO và Nga và các cuộc trao đổi hạt nhân qua lại giữa hai bên sau đó. Tướng Hodges nằm trong số những người tin rằng Tổng thống Vladimir Putin đang bịp bợm.

Ông nói: “Chúng ta tiếp tục tự hù dọa chính mình. Nga biết rằng tất cả những gì họ phải làm là đề cập đến hạt nhân mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, và điều đó khiến chúng ta dừng lại. Chúng ta đang bị tống tiền. Và tôi nghĩ đây là một tiền lệ khủng khiếp cho tương lai.”

4. Đạn Uranium cạn kiệt của Mỹ có thể thúc đẩy cuộc phản công của Ukraine như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Depleted Uranium Shells From US Could Boost Ukraine's Counteroffensive”, nghĩa là “Đạn Uranium cạn kiệt của Mỹ có thể thúc đẩy cuộc phản công của Ukraine như thế nào”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Ukraine sẽ nhận được các viên đạn uranium nghèo từ Mỹ để tăng cường hiệu quả của đội xe tăng phương Tây khi cuộc tấn công trên bộ của Ukraine ở phía nam đất nước tiếp tục diễn ra.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết họ đang cam kết một đợt viện trợ an ninh mới, trị giá lên tới 175 triệu Mỹ Kim, cho Kyiv, và gói này sẽ bao gồm đạn xe tăng uranium nghèo DU 120ly.

Bộ Quốc phòng cho biết, đạn DU sẽ được binh sĩ Ukraine sử dụng trên xe tăng M1 Abrams. 31 xe tăng Abrams mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine dự kiến sẽ đến quốc gia bị chiến tranh tàn phá này trong vài tuần tới.

Đạn xe tăng uranium cạn kiệt từ lâu đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn trong nhiều lực lượng vũ trang, mặc dù các nghiên cứu trái ngược nhau về tác động sức khỏe của chúng đã khiến việc sử dụng chúng trở thành nguồn chỉ trích.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của nhiên liệu hạt nhân và đặc tính của nó cho thấy mật độ cao của nó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, bao gồm cả đạn xe tăng xuyên giáp. Chúng là những viên đạn động học, không phát nổ nhưng xuyên thủng áo giáp của xe tăng khi bắn ở tốc độ cao và có thể được sử dụng để tấn công đối phương ở khoảng cách xa hơn.

Theo cựu Đại tá Quân đội Anh Hamish de Bretton-Gordon, người trước đây chỉ huy các lực lượng phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, gọi tắt là CBRN, của Anh và NATO, đạn DU là “loại đạn dành cho xe tăng mạnh nhất hiện nay”. Ông nói với Newsweek rằng các cuộc tấn công này sẽ cho phép Ukraine tiêu diệt xe tăng Nga “từ bất kỳ vị trí nào, ngay cả ở nơi có lớp giáp dày nhất”.

Đạn DU “có sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn xe tăng truyền thống”, Đại Tá de Bretton-Gordon nói và cho biết thêm: “Về việc tiêu diệt xe tăng Nga, nó cực kỳ hiệu quả”.

Đây sẽ là một khả năng hữu ích cho Ukraine khi nước này bám sát các tiền tuyến ở Zaporizhzhia, sau hơn ba tháng phản công trên bộ. Đạn DU sẽ giúp lính xe tăng Ukraine tiêu diệt xe tăng Nga ở phía nam, sau khi Kyiv cho biết họ đã xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga xung quanh thị trấn Robotyne bị chiếm lại.

Phát biểu trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “tiến trình phản công của Ukraine đã tăng nhanh trong vài tuần qua” và viện trợ quân sự mới sẽ “giúp duy trì và tạo thêm động lực”.

Đại sứ quán Nga ở Mỹ đã phản ứng lại thông báo hôm thứ Tư, gọi việc chuyển giao đạn DU là “dấu hiệu rõ ràng về sự vô nhân đạo”.

Họ nói: “Bằng cách cung cấp cho chính quyền Ukraine những quả đạn này, Hoa Kỳ đang tự lừa dối mình, từ chối chấp nhận sự thất bại của cái gọi là cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine”.

Đại sứ quán sau đó cho biết Hoa Kỳ đang “cố tình chuyển giao vũ khí có tác dụng bừa bãi”, liệt kê những gì họ nói là tác động sức khỏe của việc sử dụng đạn DU.

Nga được biết là đã sử dụng đạn DU giống như các quân đội khác. Các nghiên cứu về tác động sức khỏe của đạn dược DU đã đưa ra nhiều kết luận khác nhau, nhưng một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 3 rằng “nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học từ các nhóm như Hiệp hội Hoàng gia đã đánh giá rằng bất kỳ tác động nào đối với sức khỏe cá nhân và môi trường từ việc sử dụng đạn đạn uranium nghèo có thể sẽ ở mức thấp.”

Khi Vương quốc Anh thông báo chuyển giao đạn DU, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong loại đạn này có yếu tố “hạt nhân”. Điều này nhanh chóng bị Bộ Quốc phòng Anh bác bỏ và cho biết Nga đang “cố tình bóp méo thông tin”.

5. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tiết lộ những ưu tiên trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's New Defense Minister Reveals Priorities in First Major Speech, nghĩa là “Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tiết lộ những ưu tiên trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Bộ trưởng Quốc phòng mới của Ukraine, Rustem Umerov, đã kêu gọi các đồng minh nước ngoài cung cấp “vũ khí hạng nặng, vũ khí hạng nặng và một lần nữa là vũ khí hạng nặng” trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên kể từ khi được Quốc hội Ukraine phê chuẩn chức vụ vào tuần trước.

Hôm thứ Sáu, Umerov phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Chiến lược Âu Châu Yalta ở Kyiv rằng Ukraine “biết ơn” tất cả sự hỗ trợ của phương Tây cho đến nay nhưng cảnh báo rằng lực lượng của Kyiv sẽ cần nhiều hơn nữa để vượt qua “những thách thức lớn” mà họ phải đối mặt trong việc đẩy quân Nga ra khỏi đất nước..

Umerov được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy chọn để thay thế Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Oleksii Reznikov, người có 22 tháng tại vị đã bị hoen ố bởi một loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến quân đội nước này. Reznikov đã từ chức vào cuối tuần trước theo yêu cầu của Zelenskiy, chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về tương lai của ông.

Umerov cho biết hôm thứ Sáu: “Đây là một vinh dự to lớn và trách nhiệm to lớn đối với tôi khi được giữ vị trí này trong thời điểm lịch sử và quan trọng này đối với Ukraine”. “Ưu tiên cao nhất đối với chúng tôi ngày nay là các chiến binh của chúng tôi: mạng sống, sự an toàn và phẩm giá của họ.”

Umerov nhậm chức vào một thời điểm quan trọng, khi các lực lượng Ukraine đang tìm kiếm một bước đột phá ở phía đông nam đất nước mà họ hy vọng sẽ khiến hệ thống phòng thủ của Nga trên toàn khu vực sụp đổ. Hoạt động này đang tiến triển chậm chạp, khiến các đồng minh nước ngoài lo ngại.

Tân Bộ trưởng cho biết viện trợ quân sự nước ngoài sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. “Vũ khí: Chúng tôi cần nó ngay hôm nay. Chúng tôi cần nó ngay bây giờ. Chúng tôi cần nó nhiều hơn nữa.”

Ông nói tiếp: “Tôi nhân cơ hội này để nói chuyện với các đối tác quốc tế của chúng tôi. Chúng ta cùng nhau mạnh mẽ hơn. Chúng tôi rất biết ơn tất cả sự hỗ trợ được cung cấp. Nhưng chúng ta cần tiếp tục nỗ lực liên minh chiến tranh để giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Umerov cũng chỉ ra rằng “các chiến binh Ukraine ngày nay đang hy sinh mạng sống của mình vì những giá trị cốt lõi của dân chủ và tự do. Họ cần sự hỗ trợ từ phía các bạn, các đối tác. Trên hết là vũ khí.”

Ông nói tiếp: “Chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia mới của chúng tôi đối với Ukraine dựa trên học thuyết chiến thắng của tổng thống Ukraine cũng như những thách thức và thực tế mới. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành thành viên NATO. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày này sẽ sớm đến, hy vọng như vậy”.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là trở thành thành viên NATO,” tân bộ trưởng nói thêm. “Chúng tôi đang ở trong một khu vực rất khó khăn. Chúng tôi thấy Hắc Hải cũng đang bị đối phương bao vây. Chúng tôi cho rằng Biển Baltic, Hắc Hải, Biển Caspian và Biển Adriatic là những ưu tiên của chúng tôi trong khu vực này.”

“Chúng tôi không chỉ hướng đến việc mở rộng khu vực mà còn mở rộng theo chủ đề, có nghĩa là chúng tôi cần một lực lượng hải quân hỗ trợ, chúng tôi cần lực lượng phòng không, chúng tôi cần pháo binh. Chúng tôi cần tạo thêm liên minh.”

Umerov nói: “Chúng tôi có những thách thức lớn ở phía trước và những cơ hội lớn ở phía trước. Mỗi ngày chúng ta đều tiến lên và mỗi ngày chúng ta càng đưa chiến thắng của mình đến gần hơn. Ukraine sẽ thắng”.

Ở những nơi khác, Umerov ám chỉ những cải cách và lặp lại lời kêu gọi của Zelenskiy về một “đường lối mới” tại Bộ Quốc phòng. Ông nói: “Chúng tôi phải bảo đảm tôn trọng phẩm giá của binh lính trong mọi tương tác với nhà nước”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải “bảo đảm rằng các chiến binh của chúng tôi được cung cấp và trang bị mọi thứ cần thiết”.

Umerov cho biết thêm, một “thanh tra quân sự” mới có thể sẽ được giới thiệu để tập trung vào nhu cầu của quân nhân.

Ông nói, “Số hóa” cũng sẽ được triển khai trên toàn Bộ Quốc phòng. “Không có chỗ cho sự quan liêu và giấy tờ cho một đội quân trong chiến tranh. Mọi thứ phải được số hóa và chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh mạng.”

6. Ukraine mong Mỹ nhanh chóng thông qua quyết định gửi hỏa tiễn ATACMS tới Ukraine

Nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết vấn đề chuyển hỏa tiễn ATACMS tầm xa cho Kyiv được nêu ra trong mọi cuộc trao đổi với Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan.

Yermak đã nói về vấn đề này với Financial Times hôm Chúa Nhật,

Phía Mỹ nhận thấy ATACMS thực sự cần thiết ở Ukraine, Yermak nói và nói thêm rằng ông hy vọng quyết định gửi chúng đến Ukraine sẽ được thông qua “rất, rất sớm”.

Theo ông, trong vấn đề chuyển giao ATACMS, mọi chuyện sẽ diễn ra giống như những gì đã xảy ra với chiến đấu cơ F-16.

Bài báo lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp đưa ra quyết định cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn ATACMS tầm xa.

Theo báo cáo của ABC News, dựa trên các nguồn thông tin, chính quyền Mỹ đang dần đi đến quyết định chuyển các hệ thống hỏa tiễn ATACMS có tầm bắn hơn 300 km cho Ukraine.

7. Vương Quốc Anh nhận định rằng Nga tái bố trí quân đội giữa 'áp lực' trên các tuyến phòng thủ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Redeploying Troops Amid 'Pressure' on Defensive Lines: U.K.”, nghĩa là “Vương Quốc Anh nhận định rằng Nga tái bố trí quân đội giữa 'áp lực' trên các tuyến phòng thủ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo các quan chức quốc phòng Anh, Nga có thể sẽ chuyển quân từ các khu vực tiền tuyến sang thay thế các đơn vị đã xuống cấp ở miền nam Ukraine.

Cuộc phản công của Ukraine nhằm chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm đã bước sang tháng thứ tư. Lực lượng của Kyiv được cho là đã tiến vào tuyến phòng thủ nhiều lớp ở phía đông Robotyne, ở phía nam tỉnh Zaporizhzhia. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Diễn biến này xảy ra khi Oleksandr Vilkul, nhà lãnh đạo hội đồng quốc phòng của Kryvyi Rih, báo cáo rằng 74 người đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào đồn cảnh sát ở thành phố ở trung tâm đất nước hôm thứ Sáu. Vilkul cho biết 34 người đã phải vào bệnh viện và 3 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Newsweek vẫn chưa thể chứng minh báo cáo này.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter, hôm thứ Bảy rằng rất có khả năng Mạc Tư Khoa đã tái triển khai lực lượng từ các khu vực khác của tiền tuyến. Những đơn vị này sẽ thay thế các đơn vị đã xuống cấp xung quanh Robotyne mà Kyiv đã chiếm lại vào ngày 28 tháng 8. Những biện pháp này có lẽ đã hạn chế khả năng của Nga trong việc thực hiện các hoạt động tấn công dọc theo các khu vực khác của tiền tuyến.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, các lực lượng Ukraine cũng được tường trình là đã “duy trì áp lực lên các vị trí của Nga ở phía nam Bakhmut trong tỉnh Donetsk”, trong đó nêu bật những lợi ích của Ukraine và những tổn thất của Nga.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đã báo cáo trên Facebook hôm thứ Sáu rằng quân đội của họ đã tiếp tục các hoạt động tấn công theo hướng Melitopol, giành được nhiều thắng lợi ở phía nam Robotyne. Bản cập nhật của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thêm rằng quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công không thành công gần Novohryhorivka ở tỉnh Luhansk và theo hướng Avdiivka ở tỉnh Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết quân đội Ukraine đang tiếp tục tiến về phía nam Bakhmut và Robotyne, mặc dù chưa có thêm các tiến bộ được xác nhận vào hôm thứ Sáu.

Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ nói thêm rằng các lực lượng Nga đã thay đổi cơ cấu chỉ huy và kiểm soát cũng như điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử để cải thiện việc chia sẻ thông tin.

ISW lưu ý một báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi, gọi tắt là CSET, rằng các lực lượng Nga đã cải thiện liên lạc giữa các sở chỉ huy và các đơn vị ở mặt trận bằng cách đặt dây cáp dã chiến và sử dụng liên lạc vô tuyến an toàn hơn.

Lực lượng Mạc Tư Khoa đã di chuyển sở chỉ huy ra khỏi tầm hoạt động của hầu hết các hệ thống tấn công của Ukraine và đặt các sở chỉ huy tiền phương sâu hơn dưới lòng đất và phía sau các vị trí được phòng thủ nghiêm ngặt.

ISW cho biết: “Không rõ liệu các lực lượng Nga có sử dụng cơ sở hạ tầng chỉ huy được bảo vệ chặt chẽ hơn này trên khắp Ukraine hay không”, cũng như điều này đã cản trở các hoạt động của Ukraine đến mức nào.

ISW cho biết thêm, các lực lượng Nga vẫn thường xuyên trao đổi thông tin nhạy cảm qua các kênh không an toàn. Viện nghiên cứu này cho biết các lực lượng Nga vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về thông tin liên lạc do sự chênh lệch giữa các đơn vị của Mạc Tư Khoa trên khắp Ukraine.

8. Tổng thống Zelenskiy lên tiếng về vụ sát hại người phụ nữ giàu lòng nhân ái Tây Ban Nha

Vụ tấn công của Nga vào một chiếc xe hơi chở các tình nguyện viên từ tổ chức bác ái Road to Relief một lần nữa khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine gần gũi với tất cả những ai coi trọng mạng sống con người và muốn ngăn chặn khủng bố. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói như trên trong bài phát biểu video hàng đêm gởi quốc dân đồng bào tối hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Cuộc tấn công này của Nga một lần nữa khẳng định cuộc chiến chống Ukraine gần gũi như thế nào đối với tất cả mọi người trên thế giới, những người thực sự coi trọng mạng sống con người và coi việc ngăn chặn khủng bố và đánh bại cái ác là nghĩa vụ đạo đức chung của nhân loại”.

Theo các nhân chứng cho biết khoảng 10 giờ sáng thứ Bẩy, 9 Tháng Chín, bốn thành viên trong nhóm Road to Relief đã rời Slovyansk di chuyển theo hướng Bakhmut để đánh giá nhu cầu của thường dân bị kẹt trong làn đạn ở thị trấn Ivanivske, Vùng Bakhmut, tỉnh Donetsk.

Trên đường đi qua Chasiv Yar, xe của họ bị quân Nga tấn công. Bị một trúng một quả hỏa tiễn, chiếc xe bị lật và bốc cháy.

Trên xe có tình nguyện viên y tế người Đức Ruben Mawick, tình nguyện viên người Thụy Điển Johan Mathias Thyr, tình nguyện viên người Canada Anthony “Tonko” Ihnat, và tình nguyện viên người Tây Ban Nha và Giám đốc Road to Relief Emma Igual.

Ruben và Johan bị thương nặng do mảnh đạn và vết bỏng nhưng hiện đã ổn định tại các bệnh viện cách xa hiện trường. Tonko và Emma đã được xác nhận đã chết và thi thể đã được quân Ukraine tìm thấy sau khi quân Nga bỏ chạy khỏi khu vực.

Quân Nga trong khu vực đang trong tình trạng hỗn loạn sau những thất bại liên tục trước sức tấn công của quân Ukraine. Họ bắn vào bất cứ thứ gì di chuyển trên đường.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares đã lên án vụ tấn công dã man của quân đội Nga vào chiếc xe cứu trợ của tổ chức Road to Relief và cho biết cô Emma mới 32 tuổi, đến từ tổng giáo phận Madrid, Tây Ban Nha. Một tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, người phụ nữ giầu lòng nhân ái đã bỏ công việc thường ngày và thành lập Road to Relief vào tháng 3 năm 2022. Đây là một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ và di tản dân thường trong vùng chiến sự.

Road to Relief đã phân phát 30 tấn vật liệu nhân đạo mỗi tháng tại hơn 100 thị trấn.
 
Nhà tạm bị trộm vì lầm tưởng là một két sắt đầy tiền bên trong. Người phụ nữ nhân ái bị Nga hạ sát
VietCatholic Media
04:58 11/09/2023


1. Nhà tạm bị đánh cắp từ Nhà thờ Công Giáo El Campo đã được tìm thấy. Những tên trộm lầm tưởng nhà tạm là một két sắt đầy tiền bên trong.

Nhà tạm bị đánh cắp từ một Nhà thờ Công Giáo El Campo đã được tìm thấy. Phát ngôn nhân cảnh sát cho biết như trên hôm thứ Sáu. Theo lời khai của các tên trộm chúng lầm tưởng nhà tạm là một két sắt đầy tiền bên trong.

Sáng sớm thứ Hai 4 Tháng Chín, có kẻ nào đó đã đánh cắp nhà tạm tại Nhà thờ Công Giáo St. Robert ở El Campo. Các cuộc điều tra ban đầu của cảnh sát cho thấy đã có ít nhất hai nghi phạm dỡ bỏ nhà tạm khỏi bàn thờ phía trước bên dưới cây thánh giá chính của nhà thờ và bỏ trốn trên một chiếc SUV nhỏ gọn màu đen. Cảnh sát nói rằng phải có nhiều người mới khiêng được nó và những tên trộm sẽ cần có công cụ để dỡ bỏ đền tạm.

Trong thông báo được đưa ra cùng ngày, giáo xứ cho biết “Khi cảnh sát đang điều tra, chúng tôi cùng nhau như một gia đình giáo xứ không ngừng cầu nguyện trước hành động mạo phạm khủng khiếp này. Chúng tôi cảm ơn mọi người vì tất cả những lời cầu nguyện mà chúng tôi đã nhận được. Kể từ tối nay chúng tôi mời gọi anh chị em và gia đình cùng nhau đọc kinh Mân Côi Cực Thánh kính Đức Mẹ Maria Mẹ Thánh Thể vào lúc 5 giờ 30 chiều tại nhà thờ. Xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng con trong thời điểm khó khăn và đau lòng này trong đời sống của nhà thờ Công Giáo Thánh Robert Bellarmine.”

Chiều thứ Năm, nhà thờ cho biết nhà tạm đã được tìm thấy cùng với một số đồ đạc bên trong và bày tỏ lòng biết ơn cảnh sát đã nhanh chóng tìm ra nhà tạm.

2. Hai nhân viên cứu trợ bị quân Nga sát hại ở Ukraine trong hoạt động nhân đạo. Người phụ nữ Công Giáo 32 tuổi đầy lòng hào hiệp tử nạn.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares đã lên án vụ tấn công dã man của quân đội Nga vào chiếc xe cứu trợ của tổ chức Road to Relief.

Theo các nhân chứng cho biết khoảng 10 giờ sáng thứ Bẩy, 9 Tháng Chín, bốn thành viên trong nhóm Road to Relief đã rời Slovyansk di chuyển theo hướng Bakhmut để đánh giá nhu cầu của thường dân bị kẹt trong làn đạn ở thị trấn Ivanivske, Vùng Bakhmut, tỉnh Donetsk.

Trên đường đi qua Chasiv Yar, xe của họ bị quân Nga tấn công. Bị một trúng một quả hỏa tiễn, chiếc xe bị lật và bốc cháy.

Trên xe có tình nguyện viên y tế người Đức Ruben Mawick, tình nguyện viên người Thụy Điển Johan Mathias Thyr, tình nguyện viên người Canada Anthony “Tonko” Ihnat, và tình nguyện viên người Tây Ban Nha và Giám đốc Road to Relief Emma Igual.

Ruben và Johan bị thương nặng do mảnh đạn và vết bỏng nhưng hiện đã ổn định tại các bệnh viện cách xa hiện trường. Tonko và Emma đã được xác nhận đã chết và thi thể đã được quân Ukraine tìm thấy sau khi quân Nga bỏ chạy khỏi khu vực.

Quân Nga trong khu vực đang trong tình trạng hỗn loạn sau những thất bại liên tục trước sức tấn công của quân Ukraine. Họ bắn vào bất cứ gì di chuyển trên đường.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết cô Emma mới 32 tuổi, đến từ tổng giáo phận Madrid, Tây Ban Nha. Một tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, cô bỏ công việc thường ngày và thành lập Road to Relief vào tháng 3 năm 2022. Đây là một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ và di tản dân thường trong vùng chiến sự.

Road to Relief đã phân phát 30 tấn vật liệu nhân đạo mỗi tháng tại hơn 100 thị trấn.

Xin Chúa đón nhận linh hồn cô Emma Igual và Anthony “Tonko” Ihnat vào hưởng ánh sáng ngàn thu.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 10 tháng 9 năm 2023

Chúa Nhật 10 Tháng Chín, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 23 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay Tin Mừng nói với chúng ta về sự sửa lỗi huynh đệ (x. Mt 18:15-20), đó là một trong những cách diễn tả cao nhất của tình yêu, và cũng là một trong những cách diễn đạt khắt khe nhất, vì không dễ gì sửa lỗi người khác. Khi một người anh em trong đức tin làm điều sai trái với anh chị em, thì anh chị em, không chút hận thù, hãy giúp đỡ anh ta, sửa chữa anh ta: giúp đỡ bằng cách sửa chữa.

Tuy nhiên, thật không may, điều đầu tiên được tạo ra xung quanh những người phạm sai lầm là tin đồn, trong đó mọi người đều biết về sai lầm, đầy đủ chi tiết, ngoại trừ người liên quan! Thưa anh chị em, điều này không đúng, điều này không đẹp lòng Chúa. Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại rằng chuyện ngồi lê đôi mách là một tai họa đối với đời sống con người và cộng đồng, bởi vì nó dẫn đến chia rẽ, dẫn đến đau khổ, dẫn đến tai tiếng; nó không bao giờ giúp cải thiện hoặc phát triển. Một bậc thầy tâm linh vĩ đại, Thánh Bernard, đã nói rằng sự tò mò vu vơ và những lời nói hời hợt là những bước đầu tiên trên chiếc thang kiêu ngạo, không dẫn lên trên mà đi xuống, đẩy con người đến chỗ diệt vong và hủy hoại (x. Mười hai bước khiêm nhường và kiêu ngạo)..

Thay vào đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta cư xử theo một cách khác. Đây là điều Chúa nói hôm nay: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (c. 15). Hãy nói chuyện “mặt đối mặt” với anh ta, nói một cách công bằng để giúp anh ta hiểu mình đã sai ở đâu. Và hãy làm điều này vì lợi ích của chính anh ta, vượt qua sự xấu hổ và tìm thấy lòng can đảm thực sự, đó không phải là vu khống mà là nói thẳng với anh ta với sự hiền lành và dịu dàng.

Nhưng chúng ta có thể hỏi, nếu như thế vẫn chưa đủ thì sao? Lỡ như anh ta không hiểu thì sao? Sau đó chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hãy cẩn thận: đừng thuộc về nhóm buôn chuyện! Chúa Giêsu nói: “Hãy đem theo một hoặc hai người khác” (c. 16), nghĩa là những người thực sự muốn giúp đỡ người anh em lạc lối này.

Và nếu anh ta vẫn không hiểu? Khi đó, Chúa Giêsu nói, hãy lôi kéo cộng đồng tham gia. Nhưng ở đây cũng vậy, điều này không có nghĩa là bêu xấu một người, khiến họ phải xấu hổ một cách công khai, mà là tình đoàn kết nỗ lực của mọi người để giúp người ấy thay đổi. Chỉ tay là không tốt; trên thực tế, điều đó thường khiến người phạm tội khó nhận ra lỗi lầm của mình hơn. Đúng hơn, cộng đoàn phải làm cho anh ta cảm thấy rằng, trong khi lên án lỗi lầm, họ gần gũi với người đó bằng lời cầu nguyện và tình cảm, luôn sẵn sàng tha thứ, cảm thông và bắt đầu lại.

Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi nên cư xử thế nào với một người đã đối xử tệ với tôi? Tôi có giữ nó trong lòng và tích lũy sự oán giận không? “Ngươi sẽ phải trả giá cho nó”, những lời đó thường xuyên xuất hiện: “Ngươi sẽ phải trả giá cho nó…”. Tôi có nói chuyện đó sau lưng họ không? “Bạn có biết anh ta đã làm gì không?”; vân vân… Hay tôi dũng cảm, dũng cảm, và tôi có cố gắng nói về điều đó với anh ta hoặc cô ấy không? Tôi có cầu nguyện cho anh ta hoặc cô ấy, xin giúp đỡ để làm điều tốt không? Và cộng đồng của chúng ta có quan tâm đến những người vấp ngã để họ có thể đứng dậy và bắt đầu cuộc sống mới không? Họ có chỉ tay hay dang rộng vòng tay? anh chị em làm gì: anh chị em đang chỉ tay hay đang dang rộng vòng tay?

Xin Mẹ Maria, Đấng tiếp tục yêu thương ngay cả khi nghe người ta lên án Con của mình, giúp chúng ta luôn tìm kiếm con đường tốt lành.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Maroc thân yêu, đang bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng. Tôi cầu nguyện cho những người bị thương, cho những người đã thiệt mạng – rất nhiều người! – và cho người thân của họ. Tôi cảm ơn các nhân viên cấp cứu và những người đang làm việc để xoa dịu nỗi đau khổ của người dân; cầu mong sự giúp đỡ cụ thể từ phía mọi người đang hỗ trợ người dân vào thời điểm bi thảm này: chúng ta hãy gần gũi với người dân Maroc!

Hôm nay tại Markowa, Ba Lan, các vị tử đạo Józef và Wiktoria Ulma, cùng với bảy người con của họ, đã được phong chân phước: cả một gia đình bị Đức Quốc xã tiêu diệt vào ngày 24 tháng 3 năm 1944 vì đã cung cấp nơi trú ẩn cho một số người Do Thái bị bách hại. Họ phản đối sự hận thù và bạo lực đặc trưng thời bấy giờ bằng tình yêu Tin Mừng. Ước gì gia đình Ba Lan này, đại diện cho tia sáng trong bóng tối của Thế chiến thứ hai, trở thành mẫu mực cho tất cả chúng ta noi gương trong lòng nhiệt thành hướng tới sự tốt lành và phục vụ những người đang cần giúp đỡ. Một tràng pháo tay dành cho gia đình các Chân phước này!

Và noi gương các ngài, chúng ta hãy nghe lời kêu gọi chống lại sức mạnh vũ khí bằng lòng bác ái, lời hùng biện bạo lực bằng sự kiên trì cầu nguyện. Trước hết chúng ta hãy làm điều đó cho nhiều quốc gia đang đau khổ vì chiến tranh; một cách đặc biệt, chúng ta hãy tăng cường cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây. Ở đó có những lá cờ của Ukraine, đất nước đang phải chịu đau khổ rất nhiều!

Ngày mốt, 12 tháng 9, người dân Ethiopia thân yêu sẽ đón Tết cổ truyền của mình. Tôi muốn gửi những lời chúc nồng nhiệt nhất đến toàn thể người dân, với hy vọng họ sẽ được ban phúc lành hòa giải huynh đệ và hòa bình.

Hôm nay chúng ta hãy hướng suy nghĩ của mình đến Tu viện Mont-Saint-Michel, ở Normany, nơi đang cử hành thiên niên kỷ thánh hiến ngôi đền của mình.

Và tôi xin chào tất cả anh chị em, người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau, đặc biệt là giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ Madrid; cộng đồng mục vụ Chúa Kitô Phục Sinh từ Saronno; các ứng cử viên xác nhận từ Soliera và học sinh trung học từ Lucca.

Khi chúng ta sắp bắt đầu năm giáo lý, Elledici, nhà xuất bản Salêdiêng, sẽ tặng cho những người có mặt tại quảng trường hôm nay một cuốn sổ tay giáo lý, có tựa đề “Từng bước một”: đó là một món quà tuyệt vời! Tôi muốn nhân cơ hội này cám ơn các giáo lý viên vì công việc quý báu của họ và chúc các em nam nữ trong lớp giáo lý được niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu.

Tôi chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Vệ sĩ bỏ trốn, lộ ra điều Putin sợ nhất. Tướng Milley: Sắp hết thời gian phản công. Đan Mạch hiến kế
VietCatholic Media
17:34 11/09/2023


1. Rumani triệu tập đại diện ngoại giao của Nga để phản đối

Bộ Ngoại giao Rumani đã triệu tập nhà lãnh đạo phái đoàn Nga tại nước này để yêu cầu câu trả lời về việc làm thế nào các mảnh vỡ từ máy bay không người lái của Nga lại có mặt ở Rumani.

Bộ trưởng Chính phủ Rumani Iulian Fota cho biết ông không hài lòng về việc Rumani rõ ràng đã vi phạm không phận sau khi tìm thấy mảnh vỡ máy bay không người lái bị bắn rơi, được tìm thấy gần biên giới với Ukraine.

Một thông cáo của chính phủ Bucharest cho biết: “Fota kiên quyết yêu cầu phía Nga ngừng các hành động chống lại người dân và cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm cả những hành động đe dọa đến sự an toàn và an ninh của công dân Rumani trong khu vực”.

Mảnh vỡ mới nhất được phát hiện hôm thứ Bảy. Phát hiện này diễn ra vài ngày sau khi các bộ phận được tìm thấy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào cảng Izmail một tuần trước.

2. Lời khuyên hữu ích của huấn luyện viên xe tăng Đan Mạch dành cho lính xe tăng Ukraine

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Danish Tank Instructor’s Advice To Ukrainian Leopard 1 Crews: Fight On The Move, And At Night”, nghĩa là “Lời khuyên của huấn luyện viên xe tăng Đan Mạch dành cho đội Leopard 1 Ukraine: Nổ súng khi đang di chuyển và đánh vào ban đêm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Một huấn luyện viên người Đan Mạch có một số lời khuyên dành cho quân đội Ukraine mà anh ta đang huấn luyện để vận hành xe tăng Leopard 1A5 do Đức sản xuất - lời khuyên có thể giúp người Ukraine sống sót bất chấp lớp giáp rất mỏng của chiếc xe tăng mới của họ.

Hãy tiếp tục di chuyển, vừa chạy vừa bắn ở tầm xa và chiến đấu vào ban đêm, lời khuyên của người hướng dẫn trung niên, người có lẽ đã lái chiếc Leopard 1A5 khi loại này phục vụ cho quân đội Đan Mạch, 20 năm trước. “Nếu họ sử dụng nó như cách chúng tôi dạy họ sử dụng và họ tận dụng được sự khác biệt tích cực của Leopard 1A5 so với bất kỳ loại xe tăng nào mà họ đang đối đầu thì tôi chắc chắn tin rằng họ sẽ tạo ra sự khác biệt.”

10 chiếc đầu tiên trong số 178 chiếc cổ điển của những năm 1980 mà một tập đoàn Bỉ-Đan Mạch-Hà Lan-Đức đang quyên góp cho Ukraine — lấy từ các kho quân đội Bỉ, Đan Mạch và Đức trước đây — đã đến Ukraine, nơi họ dường như trang bị cho một đại đội trong số 44 đại đội mới của Lữ đoàn cơ giới. Lữ đoàn đang thực hiện nhiệm vụ phòng thủ chống lại các trung đoàn Nga ở phía tây Kreminna ở đông bắc Ukraine.

Leopard 1A5 dự kiến sẽ trở thành loại xe tăng do phương Tây sản xuất có mặt nhiều nhất ở Ukraine, vượt xa 14 chiếc Challenger 2 của Anh, 31 chiếc M-1 của Mỹ và 85 chiếc Leopard 2 của Âu Châu mà các lữ đoàn Ukraine đã nhận được hoặc sẽ sớm nhận được.

Lô hàng Leopard 1A5 lẽ ra có thể còn lớn hơn nữa nhưng Thụy Sĩ trung lập đã từ chối phê duyệt việc chuyển giao lô xe tăng của một công ty Thụy Sĩ. Và những tin đồn về một thỏa thuận vòng tròn, phức tạp liên quan đến những chiếc xe tăng này - một thỏa thuận theo đó các xe tăng này sẽ được gửi đến Hy Lạp để đổi lấy việc Hy Lạp tặng một số chiếc Leopard 1 đang hoạt động của chính họ cho Ukraine - rõ ràng chỉ là tin đồn.

Xe tăng Leopard 1A5, nặng 40 tấn chở được 4 người, không giống các loại xe tăng khác do phương Tây sản xuất trong đội ngũ xe tăng của Ukraine, tất cả đều có trọng lượng gần 70 tấn. Leopard 1A5 rất nhẹ—và sự nhẹ đó chủ yếu đến từ lớp giáp mỏng, chỗ dày nhất chỉ có 70 ly. Đó là một phần mười khả năng bảo vệ mà chiếc Leopard 2 tốt nhất được hưởng.

Để sống sót trên chiến trường dày đặc mìn, gai góc với hỏa tiễn chống tăng và bị xe tăng hạng nặng hơn của Nga rình rập, các tổ lái Leopard 1A5 của Ukraine nên tận dụng khả năng quang học ban ngày và ban đêm tuyệt vời của xe tăng cũng như khả năng điều khiển hỏa lực chính xác và hệ thống ổn định của súng súng chính 105 ly đa trục của nó.

Những chiếc Leopard 1 cũ của Đan Mạch và Đức cũ có hệ thống điều khiển hỏa lực EMES giống như những chiếc Leopard 2 mới hơn. Những chiếc Leopard 1 cũ của Bỉ có hệ thống điều khiển hỏa lực SABCA độc đáo thậm chí có thể chính xác hơn, mặc dù khó hỗ trợ hơn.

Một xạ thủ Leopard 1A5 lành nghề trong điều kiện phù hợp có thể bắn trúng xe địch ở khoảng cách 2 dặm vào ban ngày và phạm vi ngắn hơn một chút vào ban đêm, khiến Leopard 1A5 có khả năng gần như Challenger 2 với khẩu pháo 120 ly lớn hơn.. Điều đáng chú ý là một lính tăng Ukraine đã mô tả chiếc Challenger 2 của mình là một “súng bắn tỉa”.

Nhưng Lữ đoàn Dù số 82 của Ukraine gần đây đã mất chiếc Challenger 2 đầu tiên trên con đường bên ngoài Robotyne, một cứ điểm quan trọng mà các lực lượng Ukraine gần đây đã giải phóng dọc theo trục chính của cuộc phản công của họ ở tỉnh Zaporizhzhia phía nam Ukraine.

Chiếc xe tăng dường như đã trúng phải mìn rồi bị máy bay không người lái mang theo chất nổ kết liễu. Trận thua đầu tiên của Challenger 2, cũng như việc mất sáu chiếc Leopard 2 của Ukraine, là lời nhắc nhở rằng chiến trường Ukraine là một nơi nguy hiểm đối với ngay cả những chiếc xe tăng mạnh nhất.

Lữ đoàn 82 dường như chủ yếu sử dụng những chiếc Challenger 2 của mình để hỗ trợ hỏa lực trực tiếp tầm xa, bắn các khẩu súng trường chính của họ từ các vị trí được che giấu. Điều tồi tệ nhất mà người Ukraine có thể làm với những chiếc Leopard 1 vỏ mỏng của họ là chiến đấu từ các vị trí cố định và có nguy cơ bị Nga bắn phá. Người hướng dẫn người Đan Mạch cho biết Leopard 1 “được chế tạo để vừa lái xe vừa bắn súng”. Lớp giáp của nó mỏng như thế, anh đứng yên là anh chết, anh phải vừa chạy vừa bắn xối xả để đối phương không thể trở tay.

“Đây là một số điều mà những người bạn Ukraine của chúng tôi phải học cách khai thác,” người hướng dẫn nói.

3. Vệ sĩ của Putin tiết lộ ông ta luôn sống trong lo sợ. Điều Putin sợ nhất là gì?

Ký giả Henry Holloway của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “TREMBLING TYRANT. Putin lives in constant fear of being assassinated and doesn’t even trust his own palace staff, says Vlad’s ex-guard”, nghĩa là “Bạo chúa run rẩy. Cựu cận vệ của Putin nói ông ta luôn sống trong nỗi lo sợ bị ám sát và thậm chí không tin tưởng vào nhân viên cung điện của mình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo một cựu vệ sĩ, VLADIMIR Putin thường xuyên sống trong nỗi lo sợ bị ám sát và không tin tưởng vào nhân viên của mình, Vitaly Brizhatiy, nhân viên an ninh của Putin tại một dinh thự chưa được tiết lộ trước đây được Putin sử dụng ở Crimea, đã cho biết như trên.

Brizhatiy đã nói chuyện với một trong số ít đài truyền hình độc lập của Nga khi ông đưa ra cái nhìn sâu sắc về Putin ngày càng hoang tưởng.

Người bảo vệ cũ - người được cho là người phụ trách việc chăm sóc đàn chó tại khu nhà của Putin - đã trốn khỏi Nga và hiện cư trú tại Ecuador. Ông tuyên bố rằng nhà độc tài và tay chân của ông ta đã sử dụng một loạt cung điện bên bờ biển ở miền nam Crimea.

Putin đã sáp nhập bán đảo từ Ukraine vào năm 2014 - và việc giành lại khu vực này là mục tiêu chiến tranh lớn của Kyiv. Các bức ảnh vệ tinh chụp từ năm 2018 cho thấy một loạt biệt thự trong khu vực mà Brizhatiy mô tả – bao gồm những bất động sản có hồ bơi và phi trường trực thăng.

Những ngôi nhà dường như còn có sân tennis và cầu cảng riêng cho thuyền bè cập bến. Brizhatiy mô tả các tài sản này là “biệt thự nghỉ mát” được Putin sử dụng, cùng với những người bạn thân của ông là cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev và ông chủ FSB Alexander Bortnikov.

Brizhatiy cho biết: “Sau khi Crimea bị tạm chiếm, vùng biển gần các ngôi nhà nông thôn của dân chúng đã bị phong tỏa”. “Bây giờ người dân địa phương không được tiếp cận với biển.”

Brizhatiy cho biết sự hiện diện của Putin trong cung điện rộng lớn “được che giấu ngay cả với nhân viên của ông ấy. Họ được biết rằng ông ta có thể đang ở đó, nhưng cũng có thể không…

“Putin không tin tưởng người của mình. Ông ta chỉ tin tưởng một nhóm người thân thiết được chọn lọc….”

“Những người này kiểm tra địa điểm mà anh ta sắp đến và những người được ở gần anh ta sẽ bị đưa đi cách ly trong vòng 2 đến 3 tuần”.

“Việc này xảy ra thường xuyên, cho đến tận ngày nay.”

Khi ông ta đến nơi, thông tin sai lệch thường được đưa ra về phi trường ông ta sẽ đến - và sau đó ông ta có thể đến bằng đường biển.

Brizhatiy nói: “Đây là cách hành xử của một người lo sợ cho mạng sống của mình”.

Những ngôi nhà xa hoa này đã được dấu kín với người dân Nga bình thường nhưng hiện tại khó có khả năng chúng sẽ được Putin và những người thân cận của ông sử dụng vì chúng nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái và hỏa tiễn của Ukraine.

Nhà độc tài hiện được cho là ưa thích các cung điện được trang bị hầm trú ẩn của mình ở sâu hơn trong nước Nga.

Cung điện ở Crimea của ông ta nằm ở Olyva, phía nam Sevastopol, dọc theo bờ biển được các sa hoàng đế quốc Nga ưa chuộng, nơi thường xuyên bị Ukraine tấn công.

Vợ của Brizhatiy đến từ Crimea và họ đã trốn ra nước ngoài sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine.

Putin được cho là ngày càng trở nên hoang tưởng và lo sợ cho tính mạng của mình khi cuộc chiến của ông tiếp tục thất bại ở Ukraine.

Ông được tường trình đã sống sót sau sáu vụ ám sát kể từ khi còn đương chức.

Và những lần xuất hiện trước công chúng của ông ta ngày càng trở nên hiếm hoi và được cho là nhờ người đóng thế.

Trong bối cảnh máy bay không người lái của Ukraine đang lao sâu vào Nga - xa tới tận Mạc Tư Khoa và hơn thế nữa, Putin được cho là ngày càng phụ thuộc vào mạng lưới boongke của mình, thậm chí phải di chuyển bằng tàu hỏa để tránh bị đe dọa có thể bị bắn hạ.

Quyền lực của ông cũng bị thách thức một cách trắng trợn khi Nhóm Wagner hành quân đến Mạc Tư Khoa - trước khi thủ lĩnh của nhóm này thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn.

Hàng chục quan chức cao cấp của Nga đã thiệt mạng kể từ cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Putin được cho là đã nhúng tay vào một số trường hợp để bảo đảm quyền lực và tiêu diệt mọi đối thủ.

Khả năng kiểm soát không thể nghi ngờ một thời của Putin đã bị xé nát khi quân đội của ông phải chịu đựng sự sỉ nhục trên chiến trường Ukraine.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Putin là sẽ bị giết giống như Đại tá Muammar Gaddafi - người phải chịu sự tra tấn, hành hạ và hành quyết công khai bởi một đám đông.

Đó là một sự kiện được cho là đã gieo vào lòng Putin nỗi sợ hãi sâu xa về sự nổi loạn và hoang tưởng về số phận của chính mình. Putin coi đây là một phát súng cảnh cáo trực tiếp tới chế độ của chính mình.

Tất cả những khoảnh khắc khủng khiếp cuối cùng trong cuộc đời của nhà độc tài Libya đã được phát sóng trên toàn thế giới, điều này được cho là đã khiến Putin vô cùng lo lắng.

Theo tờ The Atlantic, anh ta được tường trình đã xem đoạn video một cách đầy “ám ảnh”, khởi đầu cho nhiều năm hoang tưởng rằng một ngày nào đó số phận tương tự sẽ tìm đến ông ta.

Sự can thiệp do NATO dẫn đầu vào Libya đã đặt nền móng cho cái chết bạo lực của tên tội phạm chiến tranh, và nhà độc tài Nga đã coi đó là một bài học quan trọng về sự can dự của phương Tây.

Putin giận dữ lên án quyết định hành động quân sự của Liên Hiệp Quốc là phản bội, so sánh nghị quyết này với “lời kêu gọi thập tự chinh thời Trung cổ”.

Tuy nhiên, ông buộc phải đứng ngoài nhìn một cách bất lực và lo lắng sau khi từ chức tổng thống xuống làm thủ tướng trong thời gian ngắn từ 2008-2012.

Putin thậm chí còn trực tiếp đề cập đến đoạn phim đáng lo ngại tại một cuộc họp báo năm 2011.

“Gần như toàn bộ gia đình của Gaddafi đã bị giết, thi thể của ông ấy được chiếu trên tất cả các kênh truyền hình toàn cầu, không thể xem mà không thấy ghê tởm.

“Người đàn ông đó đầy máu, vẫn còn sống và anh ta đang bị kết liễu.”

Nhà báo Nga Mikhail Zygar đã viết trong cuốn sách “Tất cả những người của Điện Cẩm Linh” rằng Putin đã học được một bài học to lớn vào ngày Gaddafi qua đời - sự yếu đuối và thỏa hiệp không phải là một lựa chọn.

Ông viết: “Khi Gaddafi còn là một tên độc tài bị thế giới xa lánh, không ai dám chạm vào ông ấy. Nhưng vừa mới nới lỏng một chút, hắn không những bị lật đổ mà còn bị giết ngay trên đường phố như một lão già ghẻ lở.”

Đối phương của Putin, Yury Felshtinsky trước đây đã nói với The Sun Online rằng Putin lo sợ rằng nếu ông ta nới lỏng sự kìm kẹp thì một kết cục cay đắng tương tự đang chờ đợi ông.

“Ông ta đủ thông minh để biết rằng theo những quy định thông thường, hệ thống chính quyền của ông ta không thể tồn tại. Ông ta là người thực dụng, không mơ hồ,” Zygar nói.

Nhà lãnh đạo Nga đã dành hai thập kỷ nắm quyền để củng cố bàn tay sắt của mình bằng cách thay đổi luật bầu cử và đè bẹp mọi phe đối lập.

4. Tướng Mỹ cảnh báo Ukraine sắp hết thời gian phản công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US General Warns Time Is Running Out for Ukraine's Counteroffensive”, nghĩa là “Tướng Mỹ cảnh báo Ukraine sắp hết thời gian phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Quân đội Ukraine còn khoảng một tháng để đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ chiếm được trước khi thời tiết cản trở bước tiến của Kyiv, vị Tướng hàng đầu của quân đội Mỹ cho biết.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với BBC hôm Chúa Nhật rằng lực lượng Ukraine còn từ 30 đến 45 ngày để chiến đấu trước khi điều kiện thời tiết mùa thu ngăn cản bước tiến của họ.

Kyiv đã triển khai các hoạt động dọc theo chiến tuyến của mình, trải dài từ miền đông Ukraine đến các khu vực Zaporizhzhia và Kherson ở phía nam Nga sáp nhập. Trong những tuần gần đây, sự chú ý tập trung vào tiến bộ ở miền nam khi những nỗ lực của Ukraine mang lại một số thành công trong việc hướng tới thành phố Melitopol bị Nga tạm chiếm và cuối cùng là Biển Azov.

“Giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt,” Milley nói và nhấn mạnh rằng Ukraine “vẫn đang tiến triển với những tiến bộ ổn định.”

Milley nói: “Vẫn còn một khoảng thời gian hợp lý, có lẽ thời tiết phù hợp cho chiến đấu còn lại khoảng 30 đến 45 ngày, vì vậy phía Ukraine vẫn chưa xong việc”. Ông nói thêm: “Họ vẫn chưa hoàn thành phần chiến đấu của những gì họ đang cố gắng hoàn thành”.

Nhưng với tiến độ chậm và cuộc phản công được triển khai muộn hơn dự định của Ukraine, điều kiện thời tiết xấu đi và mùa lầy lội ở Ukraine, được gọi là rasputitsa, có thể cản trở hy vọng của Kyiv trong việc giành lại các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, trước đây đã nói với Newsweek rằng điều này tạo ra rủi ro gia tăng cho lực lượng phản công của Ukraine, vì xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất có thể sẽ mắc kẹt trong vũng lầy.

Ukraine cho biết hồi đầu tháng này rằng nước này hiện nằm giữa tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai” xung quanh làng Robotyne của Zaporizhzhia, và một quan chức được Nga hậu thuẫn cho biết lực lượng của Mạc Tư Khoa đã “từ bỏ một cách chiến thuật” khu định cư.

Trent Maul, giám đốc phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, nói với The Economist trong một bài báo đăng trên tờ The Economist rằng có “khả năng thực tế” là quân đội Kyiv có thể chọc thủng phần còn lại của tuyến phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine vào cuối năm nay.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ, lực lượng Ukraine “đã đạt được những tiến bộ đã được xác nhận” xung quanh phía nam Donetsk và phía tây Zaporizhzhia vào hôm thứ Bảy.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đang thực hiện “các hoạt động phòng thủ ở phía đông và hoạt động tấn công ở miền nam Ukraine” và đang nỗ lực “từng bước giải phóng các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm tạm thời”. Trong một tuyên bố, Bộ Tổng tham mưu cho biết binh sĩ Ukraine “buộc đối phương rời khỏi vị trí đã xâm lược” trên tiền tuyến hướng tới Melitopol.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu qua email để có thêm bình luận.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết lực lượng Ukraine “tiếp tục nỗ lực xuyên thủng” hệ thống phòng thủ của Nga xung quanh Robotyne và Verbove nhưng không thành công.

Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.

“Trong cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực này, hơn 845 quân nhân Ukraine, 27 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, trong đó có xe tăng Challenger do Anh sản xuất và 25 phương tiện, đã bị tiêu diệt”, Nga cho biết trong một tuyên bố. Mạc Tư Khoa tuyên bố có tới 500 binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn Dù số 82 của nước này đã thiệt mạng hoặc bị thương trong tuần qua.

Các báo cáo trong những tuần gần đây cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 đã tham gia cuộc chiến với Lữ đoàn Dù số 82 của Ukraine ở Robotyne. Đầu tuần này, một đoạn phim xuất hiện cho thấy chiếc xe tăng đầu tiên thuộc loại này đã bị hạ ở Zaporizhzhia.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov đã vắng mặt trong một thời gian. Các tin chiến sự do Nga đưa ra thường chỉ xuất hiện dưới dạng văn bản. Trong một diễn biến, chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trình bày các bản tin. Các tuyên bố của Nga không thể xác minh độc lập và có khuynh hướng thổi phồng quá đáng.

5. Nga triển khai 46 bệ phóng hỏa tiễn Iskander tới biên giới Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Deploys 46 Iskander Missile Launchers on Ukraine's Border: Kyiv”, nghĩa là “Nga triển khai 46 bệ phóng hỏa tiễn Iskander tới biên giới Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Kyiv, gọi tắt là GUR, cho biết, Nga đã triển khai 46 hệ thống hỏa tiễn Iskander dọc biên giới Ukraine.

Vadym Skibitskyi, phó giám đốc GUR của Ukraine, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Kyiv hôm Chúa Nhật rằng các hệ thống Iskander của Mạc Tư Khoa có thể bắn hỏa tiễn hành trình và đạn đạo vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Hôm thứ Sáu, quân đội Ukraine cho biết Nga đã tấn công thành phố Kryvyi Rih bằng hệ thống hỏa tiễn Iskander-K. Trong một tuyên bố vào sáng thứ Bảy, Bộ Tổng tham mưu Kyiv cho biết trong suốt ngày thứ Sáu, Nga đã tiến hành tổng cộng 13 cuộc tấn công vào các mục tiêu của Ukraine.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa thường xuyên sử dụng hỏa tiễn Iskander trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Ukraine. Hệ thống chiến thuật này có thể phóng đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Quân đội Mỹ cho biết, Iskander còn được phương Tây gọi với cái tên SS-26, là loại hỏa tiễn đất đối đất “được coi là loại hỏa tiễn tiên tiến nhất” khi nó được giới thiệu lần đầu tiên. Nó được ra mắt lần đầu tiên vào giữa những năm 1990 và hệ thống Iskander-M chính thức được quân đội Nga áp dụng vào năm 2006.

Trong bản cập nhật hoạt động hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã bắn hai hỏa tiễn trong ngày qua, cũng như tấn công lãnh thổ của nước này bằng 32 máy bay không người lái tự sát một chiều do Iran thiết kế. Quân đội Kyiv cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 25 máy bay không người lái Shahed.

Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật cũng cho biết lực lượng của họ đang thực hiện “các hoạt động phòng thủ ở phía đông và các hoạt động tấn công ở miền nam Ukraine”.

Ukraine hiện đã bắt đầu cuộc phản công được hơn ba tháng, bắt đầu từ tiền tuyến phía đông và phía nam với Nga, mặc dù các cuộc đụng độ ở khu vực Zaporizhzhia bị sáp nhập đã trở thành tâm điểm chú ý trong những tuần gần đây.

Các quan chức và chỉ huy Kyiv cho biết hồi đầu tháng này họ đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga xung quanh thị trấn Robotyne của Zaporizhzhia, nơi đã trở thành điểm nóng giao tranh.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với BBC hôm Chúa Nhật rằng lực lượng Ukraine còn tới sáu tuần trước khi điều kiện thời tiết xấu xuất hiện.

Ông nói: “Họ vẫn chưa hoàn thành phần chiến đấu của những gì họ đang cố gắng hoàn thành.”

Milley nói: “Vẫn còn một khoảng thời gian hợp lý, có lẽ thời tiết phù hợp cho chiến đấu còn lại khoảng 30 đến 45 ngày, vì vậy phía Ukraine vẫn chưa xong việc”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo GUR của Ukraine, Trung Tướng Kyrylo Budanov, cho biết “cuộc phản công sẽ tiếp tục” bất kể điều kiện thời tiết trong những tháng cuối năm nay.

Budanov cho biết hôm thứ Bảy: “Các hành động chiến đấu sẽ tiếp tục bằng cách này hay cách khác”. “Trong cái lạnh, ẩm ướt và bùn lầy, việc chiến đấu càng khó khăn hơn. Giao tranh sẽ tiếp tục.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

6. Sự ủng hộ của người Nga đối với cuộc chiến của Putin đạt mức thấp nhất mọi thời đại khi cuộc bầu cử sắp diễn ra

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians' Support for Putin's War Hits All-Time Low as Election Looms”, nghĩa là “Sự ủng hộ của người Nga đối với cuộc chiến của Putin đạt mức thấp nhất mọi thời đại khi cuộc bầu cử sắp diễn ra.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm thứ Ba cho thấy sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại khi cuộc bầu cử tổng thống nước này sắp diễn ra.

Cuộc khảo sát do Trung tâm thăm dò độc lập Levada thực hiện vào cuối tháng 8 cho thấy chỉ 38% số người được hỏi “chắc chắn” ủng hộ hành động của Lực lượng Vũ trang Nga ở Ukraine.

Điều đó trái ngược với kết quả từ cuộc khảo sát tháng 2 năm 2022 từ Trung tâm Levada, được thực hiện khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kết quả từ cuộc thăm dò đó, cũng đặt ra câu hỏi tương tự, cho thấy 48% số người được hỏi cho biết họ “chắc chắn” ủng hộ hành động của quân đội Nga ở Ukraine. Trong cuộc thăm dò mới nhất, Trung tâm Levada đã khảo sát một nhóm gồm 1.606 người trên khắp nước Nga từ ngày 24/8 đến ngày 30/8.

Kết quả cho thấy rằng sau 18 tháng, sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã giảm đáng kể - 14 điểm phần trăm. Kết quả thật đáng ngạc nhiên vì ở Nga, theo luật nghiêm ngặt được thông qua vào tháng 3 năm 2022, việc chỉ trích quân đội Nga và cuộc chiến ở Ukraine là bất hợp pháp. Nhiều người được cho là đã trả lời các cuộc thăm dò dư luận về chủ đề này một cách không trung thực vì sợ bị trả thù.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Kết quả được đưa ra khi cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024 sắp diễn ra, dự kiến được tổ chức vào ngày 17/3 năm sau. Putin dự kiến sẽ sớm tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu. Theo những thay đổi hiến pháp được thực hiện trước cuộc chiến ở Ukraine, Putin có thể vẫn nắm quyền cho đến năm 2036.

Tháng trước, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov được dẫn lời nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga “không thực sự dân chủ” và dự đoán ông Putin sẽ giành chiến thắng với tỷ số ít nhất 90% vào năm tới.

“Cuộc bầu cử tổng thống của chúng tôi không thực sự là dân chủ, đó là sự quan liêu tốn kém,” Peskov nói với The New York Times trong một bài báo đăng ngày 6 tháng 8. “Mr. Putin sẽ tái đắc cử vào năm tới với hơn 90% phiếu bầu.”

Sau phát biểu của mình, Peskov đã không xuất hiện trước công chúng trong ba tuần, mặc dù thường tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày và đưa ra bình luận cho giới truyền thông.

Phương tiện truyền thông nhà nước dẫn lời Peskov nói rằng nhận xét của ông đã bị hiểu sai và đưa tin sai.

“Tác giả của bài báo đã giải thích lời của tôi theo một cách hoàn toàn sai lầm,” Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Tass, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã gặp và nói chuyện với tác giả bài báo, đồng thời trả lời một câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới..

“Và câu trả lời như sau: mức độ đoàn kết xung quanh tổng thống là hoàn toàn chưa từng có và hiện tại có thể nói rằng nếu ông ấy tranh cử chức vụ tổng thống, ông ấy sẽ được bầu lại với đa số áp đảo trong cuộc bầu cử.”

Peskov cho biết ông nói với The Times rằng “tổng thống nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử phải được tổ chức chắc chắn, rằng đây là điều mà nền dân chủ yêu cầu”.

Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công được 4 tháng để đòi lại lãnh thổ bị Mạc Tư Khoa chiếm giữ trong chiến tranh và gần đây đã đạt được tiến bộ ở khu vực Zaporizhzhia, đánh đuổi lực lượng Nga khỏi làng Robotyne.

7. G20 tại Ấn Độ đã làm dịu lập trường của mình về chiến tranh ở Ukraine như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How G20 Softened Its Stance on War in Ukraine: Declarations Compared”, nghĩa là “G20 đã làm dịu lập trường của mình về chiến tranh ở Ukraine như thế nào: So sánh các tuyên bố.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay ở Ấn Độ đã bị Kyiv lên án sau khi tuyên bố của các nhà lãnh đạo nước này có giọng điệu nhẹ nhàng hơn đối với việc Nga xâm lược Ukraine so với tài liệu năm ngoái.

Tại một số điểm trong tuyên bố đồng thuận, được công bố trong hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi, cách diễn đạt của tài liệu năm 2023 dường như lùi một bước so với những lời chỉ trích thẳng thắn đối với Mạc Tư Khoa; và cuộc xâm lược Ukraine của Nga kéo dài 18 tháng qua đã thể hiện rõ trong tuyên bố năm 2022.

Những người tham dự G20 có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc chiến ở Ukraine. Mặc dù nhiều nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ cuộc xung đột nhưng quan điểm này không được chia sẻ giữa tất cả các quốc gia thành viên. Các báo cáo trước khi công bố tài liệu đồng thuận đã cho thấy sự chia rẽ giữa một số quốc gia về Ukraine.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho biết tài liệu được các nước ký kết tại diễn đàn “không có gì đáng tự hào” nhưng nói thêm: “Chúng tôi rất biết ơn các đối tác đã cố gắng đưa những từ ngữ mạnh mẽ vào văn bản”.

Ông đính kèm một phiên bản đã chỉnh sửa của tài liệu năm nay, bổ sung thêm các tài liệu tham khảo về “sự xâm lược” của Nga và cuộc chiến “chống lại” Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trước hội nghị thượng đỉnh rằng “kể từ năm 2022, các nước phương Tây đã liên tục tìm cách đưa Ukraine vào chương trình nghị sự của G20” và rằng Mạc Tư Khoa sẽ “hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước G20 để vạch trần huyền thoại của phương Tây về sự 'hung hăng' của Nga.

Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, gọi tài liệu đồng thuận này là “một kết quả tốt và mạnh mẽ”, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói thêm rằng đó là “một tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Jake Sullivan, nói với các phóng viên: “Tài liệu đồng thuận “làm rất tốt việc ủng hộ nguyên tắc rằng các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ hoặc vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của các quốc gia khác”

Tuyên bố năm nay của các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ “các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương bảo vệ hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên, tài liệu này né tránh việc xác định vai trò của Nga trong cuộc xung đột kéo dài 18 tháng mà chỉ kêu gọi “một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trình bày: “Tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm kiếm lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, được tổ chức tại Bali, Indonesia, G20 nói rõ hơn rằng họ “rất lấy làm tiếc về hành động gây hấn của Liên bang Nga chống lại Ukraine”.

Nhóm này cho biết vào tháng 11 năm 2022 rằng họ yêu cầu Nga “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine”.

“Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”, tài liệu năm 2022 cho biết.

Cả hai tài liệu đều tách G20 ra khỏi vai trò địa chính trị, nhấn mạnh đến chức năng kinh tế quan trọng nhất của diễn đàn.

Tài liệu của Bali cho biết: “Chúng tôi đã chỉ định G20 là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế toàn cầu”.

Sử dụng cách diễn đạt tương tự, tài liệu của New Delhi nói thêm rằng G20 “không phải là nền tảng để giải quyết các vấn đề địa chính trị và an ninh”.

Cả hai tài liệu đều cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”.
 
Phái đoàn VN sang Mông Cổ gặp gỡ ĐTC gây tiếng vang, kèm thắc mắc sao VN đã lâu không có tân Hồng Y
VietCatholic Media
17:37 11/09/2023


1. Rabbi Trưởng của Do thái giáo ở Israel lên án các vụ tấn công vào các nơi thờ phượng của Kitô giáo.

Rabbi Trưởng của Do thái giáo ở Israel, ông David Lau, lên án những vụ tấn công các tín hữu và các nơi thờ phượng của Kitô giáo tại nước này.

Theo tờ “Giêrusalem Post”, số ra ngày 07 tháng Chín vừa qua, Rabbi Lau đã gửi thư cho cha Bề trên Đan viện Dòng Cát Minh “Stella Maris”, hay Sao Biển, ở thành phố cảng Haifa, trong đó Rabbi viết rằng gia sản Do thái giáo buộc những người Do Thái càng phải tránh những hành vi bạo lực. Rabbi Trưởng nhắc lại rằng qua dòng lịch sử, Do thái giáo đã chịu nhiều thiệt hại. Một điều tuyệt đối cấm của Do thái giáo là không được gây thiệt hại cho các tài sản cá nhân hoặc cản trở việc hành đạo và các vị lãnh đạo tôn giáo. Có một nghĩa vụ chung là tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của người khác.

Từ nhiều tháng nay, tu viện và nhà thờ “Sao Biển” bị thường những người Do thái cực đoan, đồ đệ của cố Rabbi Eliseo Berland, tấn công, xách nhiễu các tu sĩ và các tín hữu. Họ đột nhập vào nhà thờ, và nói rằng nơi này có mộ của ngôn sứ Elija, nhưng các Kitô hữu hoàn toàn bác bỏ điều đó.

Rabbi Berland đã bị tòa kết án về tội lạm dụng tình dục và lường gạt. Ông thuộc phong trào Chassidim Bratslav ở Israel. Nhóm này thường xâm phạm các đền thánh của Kitô giáo, bất chấp sự chống đối của những người quản trị, và thậm chí họ còn tư nhận có quyền trên Đền thánh.

2. Tòa Thánh chú ý đến Việt Nam sau các thông tin cho biết người Công Giáo Việt Nam sang tận Mông Cổ mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước

Các phương tiện truyền thông thế giới đã nồng nhiệt loan tải tin tức về một phái đoàn Việt Nam sang tận Mông Cổ xa xăm để xin Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 90 vị giáo sĩ và giáo dân, trong đó có cả Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng của tổng giáo phận Sàigòn và 6 Giám Mục khác.

Có các ý kiến cho rằng nếu Đức Thánh Cha Phanxicô không thể đến thăm Việt Nam, thì ít nhất Đức Thánh Cha cũng nên tấn phong Hồng Y cho một vị tại Việt Nam để chống lại các đồn thổi ngày càng lan rộng.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Catholics in Vietnam ask Pope Francis to visit their country next”, nghĩa là “Người Công Giáo Việt Nam mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước trong chuyến tông du tiếp theo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phái đoàn gồm 90 người Công Giáo Việt Nam và bảy giám mục đã tới Mông Cổ vào cuối tuần trước để có cơ hội gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và đưa ra một thông điệp đặc biệt.

“Chúng tôi đến Mông Cổ để mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam,” Cha Huỳnh Thế Vinh thuộc Giáo phận Phú Cường, Việt Nam nói với CNA vào ngày 3 tháng 9.

Không giống như Mông Cổ, nơi có dân số Công Giáo nhỏ nhất trên thế giới, Việt Nam là quê hương của hàng triệu người Công Giáo, nhưng chưa có vị giáo hoàng nào từng đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Việt Nam và Tòa Thánh chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, là điều kiện tiên quyết thông thường cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, nhưng người Công Giáo Việt Nam vẫn tin rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể có tác động tích cực đến tình hình mà các Kitô hữu ở nước xã hội chủ nghĩa đang phải đối mặt.

“Tôi thực sự hy vọng rằng một ngày nào đó Đức Thánh Cha có thể đến Việt Nam, bởi vì nếu Đức Thánh Cha đến Việt Nam, điều đó sẽ thay đổi rất nhiều quyền tự do tôn giáo ở nước ta”, cô Ngô Việt Kim nói với CNA.

Phát biểu trong Thánh lễ giáo hoàng ở Ulan Bator, cô Kim mô tả chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang lại hy vọng cho người dân Mông Cổ như thế nào và cho biết cô tin rằng một chuyến đi tương tự đến Việt Nam sẽ “rất có ý nghĩa đối với cả người Việt hải ngoại và người dân ở Việt Nam”.

Nguyễn Hùng, một người Mỹ gốc Việt 20 tuổi đến từ Houston đến gặp Đức Thánh Cha ở Mông Cổ, nói với CNA rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể giúp “củng cố đức tin của các thế hệ trẻ Công Giáo Việt Nam”.

Việt Nam có dân số Công Giáo lớn thứ năm ở Á Châu với ước tính khoảng 7 triệu người Công Giáo. Hiện nay có thêm 700.000 người Công Giáo Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ là người tị nạn hoặc con cháu của những người tị nạn chạy trốn bằng thuyền trong Chiến tranh Việt Nam.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng chứng kiến số lượng ơn gọi tu sĩ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn 2.800 chủng sinh đang được đào tạo để lãnh nhận sứ vụ linh mục trên khắp Việt Nam vào năm 2020, gấp 100 lần so với ở Ái Nhĩ Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về khả năng chuyến tông du đến Việt Nam trong cuộc họp báo trên chuyến bay khi ngài trở về từ Mông Cổ.

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài “rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam,” bất chấp những vấn đề trong quá khứ trong cuộc đối thoại “chậm” của Tòa Thánh với chính phủ xã hội chủ nghĩa của đất nước, đồng thời nói thêm rằng ngài nghĩ rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể khắc phục được.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng Giáo hoàng tương lai, Đức Gioan 24 sẽ đi!”

Vị Giáo hoàng 86 tuổi nói thêm: “Thành thật mà nói, việc đi lại đối với tôi không còn dễ dàng như lúc ban đầu”. Ngài nói thêm rằng ngài có một số hạn chế về thể chất khi đi bộ, điều này có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn, nhưng ngài đang xem xét khả năng đến thăm một quốc gia nhỏ ở Âu Châu.

Vatican đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức với Việt Nam từ năm 2009 và đầu năm nay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican, chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép đại diện thường trực của Giáo hoàng tại Việt Nam.

Đại diện thường trú của Giáo hoàng được coi là bước trung gian trong quan hệ ngoại giao, dưới mức Sứ thần Tòa thánh.

Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của cá nhân. Tuy nhiên, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cơ quan tư vấn cho các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, trong báo cáo năm 2023 đã khuyến nghị Việt Nam được chỉ định là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” do các điều kiện tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ.

Báo cáo trích dẫn sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng độc lập chưa ghi danh, bao gồm các cộng đồng Tin lành và Phật giáo. Chính quyền địa phương cũng gây áp lực buộc một số người tham dự các nhà thờ Tin lành do nhà nước kiểm soát phải từ bỏ đức tin của họ.

Theo báo cáo của USCIRF, tình trạng quấy rối đối với các cộng đồng Công Giáo cũng gia tăng vào năm 2022. Tại tỉnh Hòa Bình, các quan chức địa phương đã phá rối Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiện của Hà Nội cử hành. Ngoài ra còn có những tranh chấp đất đai đang tiếp diễn giữa người Công Giáo và chính quyền địa phương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài tin rằng Việt Nam “xứng đáng” có chuyến viếng thăm của Giáo hoàng vào một ngày nào đó và đó là “một vùng đất xứng đáng được phát triển”.

Bước tiếp theo trong việc xây dựng mối quan hệ song phương có thể là chuyến thăm cao cấp đầu tiên của một quan chức ngoại giao Vatican tới Việt Nam.


Source:Catholic News Agency

3. Một chiến tuyến mới trong Giáo hội Đức: Giải pháp Thay thế cho Nước Đức chống lại Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức

Luke Coppen của The Pillar, ngày 7 tháng 9, 2023, tường trình rằng, một nhà lãnh đạo giáo dân nổi tiếng người Đức đã gây ra cuộc tranh luận với lời kêu gọi loại trừ các thành viên của một đảng chính trị cực hữu đang nổi tiếng khỏi việc nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội.

Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã đưa ra lời kêu gọi trong một cuộc phỏng vấn ngày 15 tháng 8 với tạp chí trực tuyến của Giáo phận Münster Kirche und Leben, nghĩa là Giáo Hội và Cuộc Sống.

Bà nói rằng các thành viên của đảng Giải pháp Thay thế cho nước Đức, gọi tắt là AfD, không được phép giữ các chức vụ giáo dân trong Giáo hội.

Stetter-Karp lập luận rằng đảng đã “ngày càng tiến xa hơn về phía cánh hữu” kể từ khi được thành lập cách đây 10 năm và “rõ ràng là các thái độ và tuyên bố bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, vô nhân đạo không có chỗ đứng trong một tổ chức Công Giáo”.

Bà nói: “Sự ủng hộ tích cực dành cho Giải pháp Thay thế cho nước Đức mâu thuẫn với các giá trị căn bản của Kitô giáo.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau khi Giải pháp Thay thế cho nước Đức tăng mức ủng hộ cao lên tới 21% trong các cuộc thăm dò dư luận, có nghĩa đây sẽ là đảng mạnh thứ hai của đất nước, sau Đảng dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, trong trường hợp bầu cử liên bang.

Nhận xét của Stetter-Karp đã nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên Giải pháp Thay thế cho nước Đức.

Maximilian Krah, một người Công Giáo đại diện cho Giải pháp Thay thế cho nước Đức trong Nghị viện Âu Châu, đã chỉ trích mạnh mẽ Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, là nhóm giáo dân có ảnh hưởng nhất ở Đức và là động lực thúc đẩy “đường lối đồng nghị” gây tranh cãi của đất nước.

“'Ủy ban Trung ương của người Công Giáo'... hoàn toàn không xuất hiện từ các cuộc bầu cử, mà là một câu lạc bộ gồm những người hoạt động chủ yếu sống toàn thời gian nhờ thuế nhà thờ, thất nghiệp trên thị trường việc làm đầu tiên, và do đó ghét bản thân, ghét Giáo hội, và ghét đức tin,” Krah viết vào ngày 16 tháng 8 trên X, nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter.

Giải pháp Thay thế cho nước Đức được thành lập tại Đức vào tháng 2 năm 2013 để cạnh tranh trong cuộc bầu cử liên bang năm đó trên nền tảng bãi bỏ đồng euro, tiền tệ của 20 quốc gia thành viên Âu Châu. Nó suýt chút nữa đã trượt ngưỡng bầu cử 5% cần thiết để vào Hạ Viện Đức.

Trong cuộc bầu cử liên bang năm 2017, đảng này đã giành được 12.6% số phiếu bầu, giành được 94 ghế trong Hạ viện và trở thành đảng lớn thứ ba, tập trung vào vấn đề nhập cư sau cuộc khủng hoảng di cư ở Âu Châu năm 2015.