Ngày 11-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tuổi thơ trước những nguy cơ
+GM Gioan B Bùi Tuần
07:52 11/09/2011
Tuổi thơ là tuổi đẹp. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã quả quyết: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại, mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3).

Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu nói ở đây, là thứ tuổi ngây thơ sẵn sàng đón nhận nền giáo dục tốt, để vươn tới trưởng thành.

Thực tế cho thấy: Loại trẻ nhỏ với tuổi thơ ngoan ngoãn lành mạnh như thế không xuất hiện đều khắp mọi nơi, mọi thời. Nghĩa là trẻ nhỏ với tuổi thơ vẫn thay đổi như bất cứ sự gì trên trái đất này. Có thể tốt đấy, nhưng rồi trở nên xấu đấy. Nhiều trẻ em không có tuổi thơ. Nhiều trẻ em đánh mất tuổi thơ. Kinh nghiệm đó thực là đắng cay.

Trước tình hình này, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Lo lắng đó của các cha mẹ cũng là lo âu của những người có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục.

Chia sẻ của tôi ở đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào lãnh vực bao la đó. Tôi sẽ nhắc tới một số nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Những nguy cơ này được gợi ý từ câu chuyện một đứa bé. Phúc Âm thánh Marcô kể chuyện đứa bé này một cách tỉ mỉ (x. Mc 9,14-29). Xin tóm lược thế này:

Một ông bố đem đứa con mình đến Chúa Giêsu, xin Người cứu chữa. Ông thưa với Chúa là con ông từ nhỏ đã mắc bệnh với những triệu chứng sau đây:

1. Bị câm, mất khả năng diễn tả bằng lời nói.
2. Hay nổi cơn với những thái độ bất thường.
3. Đôi lúc khùng điên, tự mình làm khổ mình.

Chúa Giêsu động lòng thương, đã chữa lành đứa bé.

Những triệu chứng trên đây có thể áp dụng cho những nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Trẻ còn nhỏ và trẻ đã lớn đều bị như nhau.

Nguy cơ thứ nhất là sự tàn phá chức năng diễn tả.

Đứa bé đưa đến cho Chúa Giêsu là đứa bé bị câm (x. Mc 9,17). Không nói được, đó là một tật bệnh làm hư chức năng diễn tả.

Dùng lời nói để diễn tả, đó là một chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Mục đích là để hiệp thông, chia sẻ, góp phần, góp ý, thông tin, xây dựng bầu khí đạo đức, bầu khí trí thức, bầu khí văn hoá. Nói tắt là để phát triển cộng đồng và chính bản thân mình. Thế mà câm.

Chức năng diễn tả còn bị hư bởi nhiều tật bệnh khác, như nói bậy bạ, nói sai sự thực, nói có nội dung đúng, nhưng với hình thức thiếu lịch sự. Những tật bệnh này cũng do giáo dục.

Để góp phần xây dựng đạo đức, nếu diễn tả lại chỉ gieo rắc hận thù, thì sẽ ra sao?

Để góp phần phát triển trí thức, nếu giáo dục diễn tả lại trình bày những sự thực hàm hồ, thì sẽ ra sao?

Để gầy dựng một nếp sống văn minh, nếu giáo dục diễn tả lại phổ biến những cách suy nghĩ lệch lạc và những khát vọng đê hèn, thì sẽ ra sao?

Để chấn hưng một thế hệ đang xuống dốc về đạo đức, nếu giáo dục diễn tả lại quá nhấn mạnh đến những hình thức đạo đức bề ngoài mà thiếu nội tâm, thì kết quả sẽ ra sao?

Hiện nay, các nguy cơ trong diễn tả đang phát sinh mạnh. Không những trên sách báo, truyền hình, truyền thanh, mà nhất là trong những quan hệ công khai và riêng tư. Nhiều trẻ còn nhỏ bị lây nhiễm. Nhiều trẻ đã lớn bị mắc sâu.

Nguy cơ thứ hai là sự bùng nổ thái độ mất quân bình.

Đứa bé kể trong Phúc Âm mắc chứng hay nổi cơn. Mỗi lần nổi cơn là nó có những thái độ không kềm chế được. Như nghiến răng, xùi bọt mép, vật mình xuống đất, lăn lộn, la hét (x. Mc 9,18)

Tất cả những cử chỉ đó chứng minh một sự mất quân bình. Tình trạng mất quân bình đó không sao kiểm soát nổi, không thể kềm chế được. Nó làm giảm sút nhân cách, nhân phẩm con người.

Hiện nay, hiện tượng mất quân bình đang xuất hiện khắp nơi. Mất quân bình trong sinh lý, trong tâm lý, cả trong đạo đức.

Tình cảm mất quân bình sinh nhiều chuyện rắc rối. Phán đoán mất quân bình càng sinh nhiều hiệu quả tai hại. Đạo đức mất quân bình có thể đi tới hoang tưởng và những điều mê tín.

Xã hội với nhiều chuyển biến mau lẹ dễ làm cho nhiều người mắc bệnh mất quân bình. Người lớn còn bị, phương chi trẻ nhỏ.

Nguy cơ thứ ba là khuynh hướng tự mình làm khổ mình.

Đứa bé trong Phúc Âm nhiều lúc lao mình vào lửa, đâm đầu xuống sông (x. Mc 9,22).

Nó tự tạo ra trong đầu cảnh khổ, rồi tự chọn cách chấm dứt cảnh khổ, bằng dìm mình vào cái chết khổ. Trong chừng mực nào đó, nó là con người dại.

Trên đời không thiếu những người dại như thế. Xin đưa ra vài thí dụ. Có người luôn luôn nuôi mặc cảm mình bị khinh, bị chê, bị ngược đãi, bị đối xử bất công. Thực sự đó là suy nghĩ chủ quan, chứ thực tế khách quan không đúng như vậy. Nhưng mặc cảm tự ti chủ quan vẫn ám ảnh. Con người mặc cảm đó tự làm khổ mình.

Trường hợp người có mặc cảm tự tôn cũng giống như vậy. Cứ tưởng mình có tài có đức, đáng được trọng kính. Nhưng thấy không được như ý muốn, thì đâm ra bất mãn. Họ tự làm khổ mình.

Có người chạy theo dư luận, bám sát các mẫu thời trang, ngả nghiêng dưới bóng các ngôi sao. Họ làm nô lệ, buông trôi đời mình. Họ tự làm khổ mình.

Có người tưởng mình dấn thân cho một lý tưởng nào đó, rồi vì thế mà lơ là với những giá trị nhân bản, khiến họ thất bại trong những liên hệ giữa người với người. Họ tự làm khổ mình.

Ba nguy cơ kể trên đây phát xuất từ đâu? Theo Phúc Âm, ông bố đã quả quyết đứa bé bị quỷ ám. Chúa Giêsu cũng xác nhận đứa bé bị quỷ nhập. Những nhận xét trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Những nguy cơ hiện nay đang đe doạ tàn phá tuổi thơ cũng có phần nào do ma quỷ. Nói là phần nào do ma quỷ, nghĩa là có những phần do những nhân tố khác. Những tội ác trong giới trẻ hiện nay đang tố cáo những nhân tố đó.

Cho dù thế nào, chúng ta cũng hãy bắt chước ông bố đứa bé. Ông đã cùng với con mình đến với Chúa Giêsu. Ông đã cầu nguyện thay cho con mình. Chúa Giêsu đã chữa con ông, đồng thời cũng đã chữa chính ông.

Chúng ta nên nhớ rằng: Khi đặt vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, chính là đặt vấn đề cho người lớn chúng ta, nhất là cho những ai mang trách nhiệm giáo dục kẻ khác.

Riêng trong lãnh vực Đức tin, việc giáo dục hiện nay cần phải rất tỉnh thức. Bởi vì nền văn minh với những phát triển của nó ngày càng cung cấp cho sự tự do con người nhiều phương tiện, để chọn sự lành hoặc chọn sự ác, theo ý riêng mình. Những phương tiện ấy cũng đang lạm dụng để chống phá Đức tin. Đức tin ở tuổi thơ đang bị thử thách. Hiện tượng mất đức tin ở tuổi trẻ không còn là hiếm hoi.

Chính lúc này, chúng ta nên nhớ lại lời thánh Gioan khuyên bảo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần” (1 Ga 2,1).

Chúng ta càng cần nhớ lại lời Chúa đã phán với thánh Phaolô: “Ơn của Ta đã đủ cho con” (2 Cr 12,9).
 
Một trang sử đẹp
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
08:34 11/09/2011
MỘT TRANG SỬ ĐẸP

Tìm hiểu về một góc lịch sử của nước Mỹ, chúng tôi nhận thấy có một điểm mà cho đến bây giờ lịch sử nước Mỹ vẫn còn nhắc lại. Đó là cuộc nội chiến đã diễn ra vào thế kỷ XIX. Khi đó Liên bang Bắc Mỹ chống lại Liên minh Nam Mỹ, đó là cuộc chiến tranh nội chiến của Mỹ, kết thúc vào năm 1865, phần thắng nghiêng về Liên bang Bắc Mỹ. Tổng thống Abraham Lincoln, một con người muốn hàn gắn vết thương chiến tranh không phải bằng sức mạnh và đàn áp, mà bằng thiện chí và sự hào phóng đã có những dòng kết thúc trong bài diễn văn ngày nhận chức tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ như sau:

“ …Không chút tà tâm ác độc, với lòng từ thiện khoan dung vì mọi người, với lòng tin vững chắc vào lẽ phải như đức tin về Chúa, đã khiến chúng ta nhìn thấy điều đúng đắn, chúng ta hãy nỗ lực hoàn thành công việc chúng ta đang làm để hàn gắn những vết thương của dân tộc, để chăm lo cho người lính đã từng phải ra trận, chăm lo cho goá phụ và những đứa trẻ mồ côi - để làm tất cả những gì có thể đem lại và nuôi dưỡng nền hoà bình công bằng và dài lâu giữa đồng bào chúng ta và với tất cả các dân tộc.”

Cuộc chiến và lịch sử; chiến tranh và độc lập là những phạm trù không có gì khác thường đối với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng điểm chú ý ở đây là hai vị tướng thắng trận và bại trận đã ôm hôn nhau trong ngày mà một bên thắng, một bên thua. Chính vị tướng chiến thắng là Grant đã nói về vị tướng chiến bại như sau:

“Những kẻ nổi loạn lại là đồng bào của chúng ta đấy. Cuộc chiến tranh vì nền độc lập của Miền Nam tuy trở thành một sự thất bại, nhưng người anh hùng của sự nghiệp đó, Rober E. Lee, đã được đông đảo mọi người thán phục vì sự xuất sắc trong tài lãnh đạo và sự vĩ đại của ông trong cuộc chiến bại”

Vì vậy, người ta tạc tượng phù điêu của cả tổng thống miền Nam Efferson Davis và hai vị tướng miền Nam tên tuổi Robert E. Lee , Thomas J. "Stonewall" Jackson vào sườn núi, đó là Stone Mountain, thuộc tiểu bang Georgia, cách Atlanta khoảng 25km về phía Đông. Theo các nhà khoa học phân tích, núi có tuổi khoảng hơn 300 triệu năm. Có người cho rằng đó là kết quả của thềm lục địa châu Phi và châu Mỹ đụng nhau, sau đó xuất hiện quả núi này. Nhưng những người không công nhận thuyết lục địa trôi thì cho rằng quả núi lớn này là một thiên thạch, bởi vì nó định vị giữa một khoảng bình nguyên rộng lớn mênh mông, không có dấu vết của núi đá. Dù cách nào, thì đó cũng là câu chuyện của hơn 300 triệu năm lịch sử. Còn câu chuyện lịch sử thực sự được người ta tạc vào vách núi đá trở thành bức tranh nghệ thuật điêu khắc lớn nhất thế giới . Bức chạm ở độ cao 120m trong một diện tích bề mặt được chạm khắc khoảng 12000m2. Nó được khởi công chạm khắc từ năm 1916 nhưng tới năm 1972 mới hoàn thành. Sở dĩ người ta đề cao sự kiện lịch sử này không phải là vì chiến thắng hay chiến bại mà là vì thái độ của cả hai bên đã thể hiện một sự tôn trọng nhau. Điều đó muốn nói lên rằng, một cuộc chiến tranh nội bộ giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ là vì một quyền độc lập dành cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Do vậy họ cảm thấy là đều hân hoan trong độc lập và sự hân hoan ấy đã xóa đi tất cả những hận thù đau thương ở phía sau. Đó là một cuộc chiến kết thúc trong hòa bình.

Chúng tôi muốn nói đến chi tiết trên trong ngày hôm nay. Bởi vì, nếu còn nuôi một chút hận thù; nếu còn hãnh diện với kiêu căng và ngạo mạn của kẻ chiến thắng thì không bao giờ có hình ảnh đó. Bởi thế, trong giáo thuyết Tin Mừng của Đức Giêsu, Ngài đã đề cao lòng nhân ái ngang với tình yêu. Hay nói một cách khác, tình yêu có hai đặc tính là cho đi và tha thứ. Tình yêu của Thiên Chúa đến với nhân loại cũng vô cùng như bản tính của Thiên Chúa, do đó, sự tha thứ cũng đạt tới vô cùng. Tha bảy mươi lần bảy có nghĩa là vô cùng và sự tha thứ đó là một chiều kích của tình yêu. Nếu người ta còn giữ mãi những hận thù, không chấp nhận được nhau, hoặc là chỉ tha cho nhau trong giới hạn thì chưa đạt tới một tình yêu đích thật.

Người Việt Nam chúng ta có phương ngôn rất hay, rằng “Chém con bằng sống, không ai chém con bằng lưỡi”. Con cái mình dù ngỗ nghịch, dù hỗn láo, khiến cho cha mẹ phải đau lòng. Cha mẹ phải sửa dạy con, “Chém con bằng sống, không ai chém con bằng lưỡi”. Tình thương đã thâm nhập cả trong cái nóng nảy và đi lên đầu ngọn roi, thấm vào đến tận những phương pháp để sửa phạt. Tình yêu phải đạt tới độ chín, nghĩa là tình yêu phải là sự bao dung, tha thứ, là cho đi. Ở phương Đông chúng ta hay nói đến sự “chấp”. Sự chấp bao hàm rất nhiều nghĩa. Và khi Việt hóa thì chữ “chấp” ấy càng dễ cho chúng ta hiểu rất nhiều mặt của từ “chấp”. Chấp chiếm, tranh chấp, chấp nhau, chấp hết... Trong tất cả những chữ chấp ấy, nó thể hiện điều người ta muốn đối phó với nhau. Nhưng chỉ có một từ kép của từ chấp là “chấp nhận”– có thể nói là – mới chính là độ chín của chữ chấp. Bởi vì chấp chiếm, chấp nhau, tranh chấp thể hiện một giới hạn hẹp hòi và tính cách của con người đối kháng nhau. Nhưng khi người ta biết chấp nhận, thì đó lại là điều khác. Một tình yêu dám chấp nhận tất cả. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu chấp nhận cả cái chết. Một cái chết oan uổng, một cái chết được liệt vào hàng trộm cướp. Một cái chết giết Đấng là chân lý, là đường, là sự sống. Ngài là Con Thiên Chúa làm người lại bị mang tội là phạm thượng và trí trá. Một sự chấp nhận như vậy đã thể hiện một tình yêu cho đi đến tận cùng. Chấp nhận lưỡi đòng xuyên qua trái tim để trao ban sự sống cho con người. Có như vậy, chúng ta mới hiểu về dụ ngôn hôm nay: Một ngàn nén bạc với một trăm bạc, nó cách nhau như trời với đất. Mà vị vua kia vì tình thương đã tha bổng cho con nợ một ngàn nén bạc, trong khi con người với nhau thì bóp cổ lè lưỡi và giam bạn cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng (X Mt 18, 23-30).

Chính vì người ta không muốn chấp nhận, mà chỉ muốn chấp chiếm nhau, nên con người trở nên ích kỷ, hẹp hòi. Và từ cái ích kỷ, hẹp hòi ấy, tình yêu cũng trở nên bị đóng khung, bị ốc đảo trong ích kỷ của mình. Một tình yêu như thế, giống như ao tù, không lưu thông và nước sẽ bị hư thối.

Tình yêu như một giòng sông
Nước vào lại chảy, mới không đọng tù.
Tình yêu của Chúa Giêsu
Là nguồn sức sống, thiên thu chan hòa.
Chảy từ tim Chúa chảy ra.


Chúng ta phải nhìn thấy tình yêu Chúa Giêsu là một tình yêu tuyệt vời. Và vì thế, những gì người trao ban là cho đi trước, là chấp nhận tất cả những phần thiệt hại về mình. Chừng nào chúng ta dám chấp nhận như vậy thì chúng ta mới đi vào được tình yêu của Chúa Giêsu. Lúc đó vượt qua ba lần của phương Đông là “Quá tam ba bận”; vượt qua bảy lần của Phêrô, vì Phêrô những tưởng như thế đã là nhiều, để đạt tới con số “Bảy mươi lần bảy”. Tha thứ, nghĩa là đạt tới chiều kích vô biên. Yêu vô cùng, tha thứ vô cùng, chấp nhận tất cả. Những lý thuyết đó, ai cũng quí, nhưng không ai chịu thực hành. Những cách ứng xử đó, ai cũng biết, nhưng không ai chịu hành động!

Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Hãy yêu thương cả kẻ thù và tha thứ cho những kẻ làm hại ta” (Mt 5,44). Tình yêu của Chúa còn dạy chúng ta yêu thương tất cả. Bởi vì, một tình yêu đích thật thì nhìn thấy tất cả đều tốt đẹp. Tất cả đều hòa hợp trong tình yêu. Việt Nam chúng ta cũng vẫn nhắc như vậy mà:

“Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao)


Nhưng khi người ta không chấp nhận nhau thì “bới bèo ra bọ”. Và đó là cách thức để thấy rằng, con người có thể hạnh phúc khi người ta ứng xử quảng đại trong tình yêu, hay con người trở nên hỏa ngục cho nhau. Như một số triết gia trẻ người Pháp đã định nghĩa như vậy. Tại sao không tạo thiên đàng cho nhau mà lại tạo hỏa ngục cho nhau. Khi con người đánh mất tình yêu, thì trái đất này trở nên bị chúc dữ. Đến nỗi, thế giới này, theo thánh Phaolo nói: “Toàn thể tạo vật cũng đang rên siết như người đàn bà trong lúc sinh con, chờ đợi ngày con cái Thiên Chúa được giải thoát” (x. Rm 8, 19-21). Bởi lẽ, nếu chúng ta được giải thoát khỏi những tị hờn ghen ghét và những chấp chiếm ích kỷ. Con người sẽ trở nên yêu thương, hòa nhập với vũ trụ. Và đó chính là tình yêu của Thiên Chúa muốn trao ban cho con người.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con đã hiểu,
Tại sao trong Kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng con;
“Tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Vì Chúa ban cho chúng con một đơn vị nhỏ nhất.
Nếu chúng con không vượt qua đơn vị ấy
thì làm sao chúng con yêu Thiên Chúa là Đâng Toàn Năng vô biên.
Bài học hôm nay,
Chúa dạy chúng con một tình yêu cho đi và tha thứ.
Xin cho chúng con luôn ý thức
mỗi khi chúng con biết chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau
là chúng con đang đón nhận tình yêu và ân sủng của Chúa.
Một lần nữa,
Xin cho chúng con ý thức lại
và đọc với tất cả niềm trìu mến
trong Kinh Lạy Cha mà Chúa dạy chúng con:
“Xin tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại quê hương của ngài, Đức Thánh Cha phải đối phó với hiện tượng thế tục hóa gia tăng
Bùi Hữu Thư
07:08 11/09/2011
Đức Thánh Cha Benedict XVI ban phép lành tại VCTĐ Thánh Phêrô
VATICAN (CNS) -- Trong những ngày trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Benedict XVI tại quê hương của ngài từ ngày 22 đến 25 tháng 9, giới truyền thông Đức đang muốn biết Đức Thánh Cha có sẽ cảm thấy thoải mái tại quốc gia ngài đã ra đi 30 năm về trước.

Hiển nhiên là ngài đã thường xuyên viếng thăm nước Đức,và tiếp xúc với bạn hữu và đồng nghiệp và những phát triển trong đời sống giáo hội, thần học và chính trị trong khi phục vụ tại Rôma.

Là Giáo Hoàng, ngài đã đến nước Đức năm 205 để cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne, và năm 2006 ngài đã đến thăm Bavaria, là nơi ngài đã sanh trưởng và phục vụ với tư cách là một giáo sư thần học và một giám mục.

Sau khi phỏng vấn các nhân vật người Đức có liên quan đến việc thiết kế cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sắp tới, chương trình Đức Ngữ của đài Radio Vatican đầu tháng 9 nói là có một chút cảm nghĩ rằng Đức Thánh Cha và người dân Đức xa lạ đối với nhau.

Quốc gia này bị phân chia thành Đông và Tây Đức khi ngài đi Rôma để nhận chức Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và trong khi chính quyền cộng sản tại Đông Đức đã thành công trong việc hạn chế nặng nề đời sống và việc thực hành Kitô giáo, trong khi các sinh hoạt của Giáo Hội tại Tây Đức vẫn sống động.

Trong 20 năm qua, con số người Công giáo tại Đức đã giảm xuống chỉ còn gần 4 triệu, mặc dầu dân số tổng quát đã gia tăng khoảng 1 triệu người. Con số trẻ em dưới 7 tuổi được rửa tội hàng năm đã giảm xuống chỉ còn 170.000 so với con số 290.000 vào năm 1991.

Con số các bí tích hôn phối được cử hành hàng năm trong các giáo xứ Công giáo đã giảm từ 111.000 năm 1991 xuống ít hơn 50.000 năm 2009.

Cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha được hoạch định để tăng cường và xác tín đức tin của người Công giáo và các thống kê cho thấy rõ ràng tại sao chủ đề của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Berlin, Erfurt, Freiburg và Eichsfeld là:"Nơi nào có Chúa, ở đó có tương lai."
 
Các Giám mục Đức Quốc giới thiệu chuyến thăm Đức của Giáo hoàng
Phạm Kim An
07:54 11/09/2011
ROMA – Ngày 7-9, các giám mục Đức đã trình bày tại Berlin, trong một cuộc họp báo, chuyến đi sắp tới của ĐTC Biển Đức XVI tại nước Đức, từ ngày 22 đến ngày 25-9.

Đức Tổng giám mục tổng giáo phận Freiburg và là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức, Robert Zollitsch, nhấn mạnh rằng chuyến thăm của ĐTC Biển Đức XVI khuyến khích và khẳng định đức tin của cộng đồng Công Giáo trong một thời điểm khó khăn, theo Đài phát thanh Vatican.

Liên quan đến các cuộc phản đối dự trù khi ĐTC Biển Đức XVI đọc bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang vào ngày 22-9 - một số nghị sĩ đã thông báo họ sẽ rời khỏi phòng họp tại thời điểm đó - Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Berlin, Rainer Maria Woelki, nhận định rằng Giáo Hội không quan tâm đến sáng kiến này, bởi vì Đức là một nước dân chủ, nơi người ta tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Ngài cũng nói rằng trước khi chỉ trích ĐTC, tốt hơn người ta nên chờ lắng nghe những lời của ĐTC nói gì đã.

Theo Đài phát thanh Vatican, điều phối viên của chuyến thăm và là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Đức, linh mục Hans Langendörfer, hy vọng rằng quyền tự do phát biểu không tạo ra bạo lực.

Về vấn đề chi phí của chuyến thăm – người ta ước tính là khoảng gần 30 triệu euro (41,5 triệu USD) - Đức Tổng Giám mục Zollitsch đã khẳng định rằng đây là trách nhiệm của Giáo hội Đức. Các chi phí của Nhà nước chỉ liên quan đến biện pháp an ninh mà thôi. Nhưng đây là việc cần có cho mọi sự kiện tương tự khác hoặc việc biểu tính công cộng.

Ngài cũng nhắc lại rằng chuyến thăm của ĐTC Biển Đức XVI là một chuyến thăm chính thức, bởi vì nó được lên chương trình sau lời mời của Tổng thống Đức Christian Wulff.

Hiện nay, theo Đài phát thanh Vatican, gần 250.000 người đã đăng ký tham dự chuyến thăm của ĐTC: 70.000 người sẽ có mặt tại Thánh Lễ mà ĐTC Biển Đức XVI sẽ cử hành tại sân Olympiastadion ở Berlin vào ngày 22-9.

Cuối buổi họp báo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức thông báo việc thiết lập một "Quỹ ĐTC Biển Đức XVI vì Đông Phi", nhằm quyên tiền giúp đỡ người dân quá đói khổ của Vùng Sừng Châu Phi. (Zenit.org 9-9-2011)
 
ĐTC Biển Đức XVI nhắc lại sự phong phú của Kinh Thánh
Nguyễn Trọng Đa
07:56 11/09/2011
Hội nghị đại kết quốc tế lần thứ 19 về linh đạo Chính thống giáo

ROMA - ĐTC Biển Đức XVI đã gửi một thông điệp cho các người tham dự Hội nghị đại kết quốc tế lần thứ 19 về linh đạo Chính thống giáo, được tổ chức tại Tu viện Bose, từ ngày 7-10 đến ngày 10-9, với chủ đề "Lời Chúa trong đời sống thiêng liêng", theo nhật báo L'Osservatore Romano ngày 8-9.

Trong một bức điện có chữ ký của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, ĐTC Biển Đức XVI gửi chào của mình đến Ban tổ chức và các người tham gia, chúc rằng sự kiện này, “khi kín múc sự phong phú của Kinh thánh, được yêu mến nhiều ở Đông phương cũng như Tây phương, gợi ra một cam kết mới cho sự hiệp thông thiêng liêng và cho chứng tá Tin mừng”.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, cũng đã gửi một thông điệp, trong đó Ngài nhận xét rằng "ảo tưởng, mà đôi khi chúng ta nhận thấy đối mặt với các thách thức mà nền văn hóa hiện đại đặt ra cho các Kitô hữu" cho thấy rõ ràng "sự cần thiết để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng nguồn phong phú của Kinh Thánh".

Theo nhật báo của Vatican, tại phiên khai mạc, Enzo Bianchi, người sáng lập và tu viện trưởng của cộng đoàn đại kết Bose, nói rằng "nếu các cộng đồng Kitô hữu chúng ta biết tái khám phá tính ưu việt của Lời Chúa, con đường khó khăn hướng tới sự hiệp nhất Kitô hữu sẽ có một sự háo hức mạnh mẽ”. Và "khi ấy, chứng tá giáo hội chung của chúng ta sẽ là sự loan bao Tin Mừng hùng hồn nhất, và đáng tin cậy nhất, cho mọi người nam và người nữ của thời đại chúng ta". (Zenit.org 9-9-2011)
 
Tết Trung Thu ở Taiwan
Lm Jos Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
08:39 11/09/2011
Tết Trung Thu ở Taiwan

Nếu ở Việt Nam, Tết Trung Thu là ngày lễ của trẻ em, là dịp để các bậc phụ huynh mua sắm cho các em những lồng đèn thắp bằng nến hay bằng pin để các em tổ chức rước đèn Trung Thu vui nhộn, v.v... thì ngược lại tại Taiwan, ngày này được xem là ngày "đoàn viên", nghĩa là dịp này là ngày nghỉ lễ quốc gia, chính phủ tạo điều kiện cho những ai xa nhà đều được trở về đoàn tụ với gia đình, sống chan hoà tình thân sau bao ngày xa cách.

Chính vì ngày gia đình đoàn viên, nên trong những ngày này, trên các ngã đường đặc biệt trên các tuyến cao tốc, nạn kẹt xe luôn là vấn nạn luôn làm đau đầu các quan chức chính phủ đương thời mặc dù hệ thống giao thông ở Taiwan từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, Metro và tàu cao tốc (HSR) được xem là khá hiện đại. Dù thế, người dân Taiwan vẫn không quản ngại khó khăn để trở về đoàn viên cùng gia đình.

Tết Trung Thu ở Taiwan còn được xem là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau tổ chức tiệc Barbecue (xin xem hình) và thưởng thức bánh Trung Thu và thưởng ngoạn trăng rằm. Chính vì thế, tại các công viên hay tại các quảng trường công cộng trên toàn lãnh thổ Taiwan, chính phủ tạo mọi điều kiện cho người dân tổ chức tiệc đoàn viên này. Có nơi chính quyền sở tại còn cung cấp cho dân chúng bếp nướng thịt và những vật dụng khác với giá tượng trưng mà thực chất là phí dọn vệ sinh sau khi dân chúng giải tán tiệc vui.

Tại giáo xứ Mother of God nơi tôi phụ trách, hội đồng mục vụ giáo xứ vì thương Cha xứ là người ngoại quốc thì làm gì có gia đình mà về đoàn viên, nên sau thánh lễ Chúa nhật ngay trước thềm Tết Trung thu, giáo xứ đã tổ chức với cách thức "mỗi nhà một món" đem đến để cùng nhau chia sẻ với Cha xứ. Đây là điều làm cho tôi cảm thấy ấm lòng bởi giáo dân xem Cha xứ như người nhà của mình. Mà cũng phải thôi, bởi giáo xứ là đại gia đình mà. Xin cảm ơn những tấm lòng của giáo dân nơi đây đã không để tôi phải cô đơn và vì nhớ nhà, nhớ quê hương mà lơ là công việc mục vụ.

Một vài chia sẻ nhân tết Trung Thu. Cầu xin Chúa chúc lành cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới, nhất là các em thiếu nhi tại Việt Nam thân yêu của tôi. Dịp này cũng là dịp để tôi nhớ đến và cầu nguyện không chỉ cho các em thiếu nhi mà còn là dịp để tôi xin Chúa giúp cho giáo hội tại Taiwan này- một giáo hội được xem là "giáo hội già nua". Già nua ở đây không phải vì giáo hội này được hình thành lâu đời (bởi chỉ mới 150 năm mà thôi) mà là đến tham dự thánh lễ chù yếu là những người cao tuổi mà có rất ít người trẻ hay thiếu nhi. Thế nên làm sao để người trẻ hay thiếu nhi đến với giáo xứ trong những ngày lễ là một thách đố lớn đối với giáo hội tại đây và cũng là trăn trở của các vị mục tử đang dấn thân truyền giáo trên mảnh đất ngoại giáo này.
 
ĐTC bế mạc Đại hội Thánh Thể toàn quốc Italia
LM Trần Đức Anh OP
12:53 11/09/2011
ANCONA - ĐTC Biển Đức 16 đã bế mạc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 25 tại Ancona sáng chúa nhật 11-9-2011 trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu.

Đây cũng loà chuyến viếng thăm thứ 24 của ĐTC tại Italia. Thành phố cảng Ancona ở miền trung Italia, cách Roma lối 200 cây số về hướng đông bắc và có 227 ngàn tín hữu Công Giáo.

Đại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 25 kết thúc sau một tuần lễ tiến hành với chủ đề ”Lạy Chúa chúng con theo ai bây giờ? - Thánh Thể cho đời sống thường nhật”, và dưới quyền chủ tọa của ĐHY Đặc Sứ Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục.

Đại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 24 đã diễn ra cách đây 6 năm, tại thành phố Bari từ ngày 21 đến 29-5 năm 2005 với chủ đề ”Nếu không có chúa nhật, chúng tôi không thể sống được”.

Trong một tuần lễ nhóm họp, mỗi ngày đều có các thánh lễ, các buổi chầu Mình Thánh Chúa và các sinh hoạt phụng vụ và văn hóa, tôn giáo.

ĐTC đã từ Castel Gandolfo đáp trực thăng đến Ancona lúc 9 giờ 45 dưới bầu trời cuối mùa hè vẫn còn nóng nực. Ngài được đại diện chính quyền và giáo quyền địa phương đón tiếp trước khi dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi tại khu vực để chào thăm các tín hữu, bầu không khí rất phấn khởi.

Trên lễ đài màu trắng rộng 800 mét vuông, tại khu vực xưởng tàu, đã có lối 300 GM, và phía trước đó là 1.500 linh mục đồng tế thánh lễ với ĐTC.

Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia, đã chào mừng và cám ơn ĐTC, đồng thời cũng nhắc đến một chủ đích của Đại hội Thánh Thể toàn quốc lần này là giúp tái khám phá quan hệ mật thiết, không thể tách biệt giữa Thánh Thể và đời sống thường nhật.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn thứ 6 trong đó Chúa Giêsu nói về Bánh Sự Sống là Mình Chúa ban cho nhân loại, nhưng nhiều môn đệ không chấp nhận điều ấy. ĐTC cũng giải thích lý do tại sao nhiều người ngày nay cũng có thái độ khước từ như vậy., và ngài rút ra những hệ luận thực hành cho đời sống Kitô.

”Lời này khó nghe quá! Ai có thể nghe được?” (Ga 6,60). Khi nghe bài giảng của Chúa Giêsu về bánh sự sống, tại Hội đường Do thái ở Cafarnaum, nhiều người bỏ Chúa Giêsu, phản ứng này của các môn đệ không khác xa lắm so với sự kháng cự của chúng ta trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa. Bởi vì đón nhận thực sự hồng ân này có nghĩa là từ bỏ bản thân, để cho mình can dự và được biến đổi đến độ sống nhờ Chúa, như thánh Phaolô Tông Đồ đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ hai: ”Nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vì thế, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

”Lời này khó nghe quá!”, khó nghe vì nhiều khi chúng ta lẫn lộn tự do với tình trạng không bị ràng buộc, với xác tín theo đó ta có thể tự mình hành động mà không cần Thiên Chúa, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do. Chính ảo tưởng này sẽ trở thành một sự thất vọng, tạo ra lo âu sợ hãi và đưa tới sự nối tiếc những xiềng xích trong quá khứ: những người Do thái trong sa mạc đã nói ”Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập...” (Xh 16,3), như chúng ta đã nghe. Trong thực tế, chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân của Chúa, chúng ta mới thực sự tự do, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi làm biến dạng khuôn mặt con người và khi đó chúng ta mới có khả năng phục vụ thiện ích đích thực cho anh chị em chúng ta.

”Lời này khó nghe quá!”, khó nghe vì con người thường rơi vào ảo tưởng có thể ”biến đá thành bánh”. Sau khi gạt bỏ Thiên Chúa, hoặc chỉ coi Ngài như một chọn lựa riêng tư và không được can thiệp vào đời sống công cộng, một số ý thức hệ chủ trương tổ chức xã hội dựa trên sức mạnh của quyền hành và kinh tế. Bi thảm thay, lịch sử cho chúng ta thấy mục tiêu đảm bảo cho tất cả mọi người được phát triển, an sinh vật chất và an bình, mà loại bỏ Thiên Chúa và mạc khải của Ngài, rốt cuộc chỉ đưa tới tình trạng cho con người những hòn đá thay vì cơm bánh. Anh chị em thân mến, bánh ”là kết quả lao công của con người”, và trong chân lý này có bao hàm tất cả trách nhiệm được ủy thác cho đôi tay và sự cần cù khéo léo của chúng ta; nhưng trước đó, bánh cũng là ”kết quả của hoa mầu ruộng đất”, đón nhận mưa nắng từ trên cao: đó là một hồng ân cần phải xin, sự kiện này tránh cho chúng ta mọi sự kiêu hãnh và khiến chúng ta kêu cầu với lòng tín thác của những người khiêm tốn: ”Xin Cha.. cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11).

Con người không có khả năng tự ban cho mình sự sống, con người chỉ hiểu được chính mình từ Thiên Chúa: chính quan hệ với Chúa mang lại sức sống cho nhân tính của chúng ta và làm cho cuộc sống của chúng ta được tốt lành và ngay chính. Trong Kinh Lạy Chúa chúng ta xin cho Danh Chúa được thánh hóa, Nước Chúa được hiển trị, Ý Chúa được thể hiện. Trước tiên chúng ta cần phục hồi chỗ đứng thứ nhất của Thiên Chúa trong thế giới và đời sống chúng ta, vì chính vị thế thứ nhất như thế giúp chúng ta tìm lại sự thật về chúng ta và chính nhờ nhận biết và theo ý Chúa, mà chúng ta tìm được thiện ích chân thực của chúng ta. Dành thời gian và không gian cho Thiên Chúa, để Ngài là trung tâm sinh tử của cuộc sống chúng ta”.

Vậy phải khởi hành từ đâu, từ nguồn mạch nào để phục hồi và tái khẳng định vị thế thứ nhất của Thiên Chúa? Thưa từ Thánh Thể: nơi đây Thiên Chúa trở nên gần gũi đến độ trở nên lương thực cho chúng ta, nơi đây Chúa trở thành sức mạnh trong hành trình nhiều khi khó khăn, nơi đây Ngài trở thành sự hiện diện thân hữu biến đổi chúng ta. Trong Luật được ban qua Môisê, Chúa đã được coi như ”bánh bởi trời” nhờ đó Israel trở thành Dân của Chúa, nhưng trong Chúa Giêsu là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, Chúa đến gặp gỡ chúng ta như một Người. Ngài là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (Xc Ga 6,32-35) và chu toàn công việc của Thiên Chúa là tin nơi Ngài (Xc Ga 6,28-29). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tóm gọn trọn cuộc sống của Ngài qua một cử chỉ thuộc nghi thức chúc tụng Thiên Chúa trong lễ Vượt Qua, cử chỉ Ngài sống như Con cảm tạ Chúa Cha vì tình thương vô biên của Chúa. Chúa Giêsu bẻ bánh và chia sẻ, nhưng với một chiều sâu mới mẻ, vì Ngài ban chính mình Ngài. Chúa cầm lấy chén và chia sẻ để mọi người có thể uống, nhưng với cử chỉ này, Ngài ban ”giao ước mới trong máu Ngài”, Ngài ban chính mình. Chúa Giêsu báo trước cử chỉ yêu thương tột cùng, tuân theo thánh ý Chúa Chúa: đó là hy tế Thập Giá. Sự sống của Ngài sẽ bị tước bỏ trên Thập Giá, nhưng ngay trong lúc này, chính Ngài trao tặng sự sống ấy. Như thế, cái chết của Chúa Kitô không phải là một cuộc hành quyết dữ dằn, nhưng được Ngài biến cải thành một cử chỉ tự nguyện yêu thương, một sự tự hiến mình, tiến qua chính sự chết như chiến thắng và tái lập sự tốt lành của công trình sáng tạo từ tay Thiên Chúa, công trình tạo dựng ấy bị hạ giá vì tội lỗi nhưng sau cùng đã được cứu chuộc. Chúng ta đạt tới hồng ân vô biên ấy trong bí tích Thánh Thể: Thiên Chúa hiến mình cho chúng ta để mở rộng cuộc sống chúng ta cho Chúa, để đưa cuộc sống ấy vào trong mầu nhiệm tình thương của Thập Giá, để cho sự sống ấy được tham dự vào mầu nhiệm vĩnh cửu chúng ta từ Ngài mà ra, và để báo trước cuộc sống mới mẻ trọn vẹn trong Thiên Chúa, và chúng ta sống trong sự chờ đợi cuộc sống trọn vẹn ấy.

Trong phần kế tiếp của bài giảng, ĐTC dẫn tới những kết luận cho cuộc sống Kitô và nói rằng:

”Nhưng khởi hành từ Thánh Thể để tái khẳng định vị thế thứ nhất của Thiên Chúa có hệ luận gì đối với đời sống hằng ngày của chúng ta? Các bạn thân mến, sự hiệp thông Thánh Thể, hay là rước lễ, lôi kéo chúng ta ra khỏi thái độ cá nhân chủ nghĩa của chúng ta, thông truyền cho chúng ta tinh thần của Chúa Kitô đã chết và sống lại, làm cho chúng ta nên đồng hình dạng với Chúa; liên kết chúng ta một cách sâu đậm với anh chị em mình trong mầu nhiệm hiệp thông là Giáo Hội, nơi mà bánh duy nhất làm cho nhiều người trở thành một thân thể duy nhất (Xc 1 Cr 10,17), thực hiện kinh nguyện của cộng đồng Kitô nguyên thủy như được thuật lại trong sách Didaché, Giáo huấn của 12 Tông Đồ: ”Như bánh này được bẻ ra rải rác trên các ngọn đồi và được thu thập lại trở thành một sự duy nhất, cũng vậy Giáo Hội của Chúa từ các biên cương của trái đất cũng được tụ họp trong Nước Chúa” (IX, 4). Thánh Thể nâng đỡ và biến đổi toàn thể cuộc sống hằng ngày. Như tôi đã nhắc đến trong Thông điệp đầu tiên, ”trong sự hiệp thông Thánh Thể có chứa đựng sự kiện chúng ta được yêu thương và sự yêu thương tha nhân”, vì thế, ”một Thánh Thể không biểu lộ qua tình yêu được thực hành cụ thể thì bị phân hóa ngay tự nơi mình” (Thiên Chúa là tình thương, 14).

Lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội đầy những vị thánh nam nữ có cuộc sống là dấu chỉ hùng hồn về kết quả sự hiệp thông với Chúa, từ Thánh Thể nảy sinh thái độ mới mẻ và nồng nhiệt lãnh nhận trách nhiệm ở mọi cấp độ trong đời sống cộng đoàn, và vì thế từ đó nảy sinh một sự phát triển tích cực cho xã hội, một sự phát triển đặt con người ở trung tâm, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật hoặc túng quẫn. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa Kitô chính là con đường để không trở nên xa lạ hoặc dửng dưng đối với số phận của anh chị em, nhưng đi vào con đường yêu thương và hiến dâng của hy tế Thập Giá; ai biết quì gối trước Thánh Thể, lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì không thể không quan tâm tới những tình trạng bất xứng đối với con người, trong đời sống thường nhật, và họ biết cúi mình trên người túng thiếu, biết bẻ bánh của mình để chia sẻ với người đói, chia sẻ nước với người khát, cho người trần trụi áo mặc và viếng thăm bệnh nhân và tù nhân (Xc Mt 25,34-36). Họ biết nhìn thấy nơi mỗi người chính Chúa là Đấng không do dự hiến toàn thân cho chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta. Vì thế, một linh đạo Thánh Thể thực là thuốc giải trừ cá nhân chủ nghĩa và tính ích kỷ thường xảy ra trong đời sống thường nhật, giúp tái khám phá sự nhưng không, tầm quan trọng của các quan hệ, bắt đầu từ gia đình, và đặc biệt quan tâm thoa dịu những vết thương của các gia đình bị tan vỡ. Một linh đạo Thánh Thể là linh hồn của một cộng đoàn Giáo Hội vượt thắng chia rẽ và đố kỵ, đề cao giá trị của những đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau, đặt mình phục vụ sự hiệp nhất, sự sinh động và sứ vụ của Giáo Hội. Một linh đạo Thánh Thể là con đường để tái lập phẩm giá cho những ngày của con người và cho công việc, trong việc tìm kiếm sự dung hòa giữa lễ hội với gia đình, trong sự dấn thân khắc phục tình trạng công ăn việc làm bấp bênh và nạn thất nghiệp. Một linh đạo Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tìm cách giải quyết những hình thức dòn mỏng yếu đuối của con người, với ý thức rằng chúng không làm lu mờ giá trị của nhân vị, nhưng đòi phải có sự gần gũi, đón tiếp và giúp đỡ. Từ Bánh Sự Sống sẽ rút ra được sức mạnh cho khả năng giáo dục được đổi mới, quan tâm làm chứng về các giá trị cơ bản của cuộc sống, của kiến thức, gia sản tinh thần và văn hóa; sức sinh động của Bánh Sự Sống giúp chúng ta cư ngụ trong xã hội loài người với thái độ sẵn sàng xả thân cho ích chung, để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

Nhắc nhớ biến cố 11-9-2001 tại Mỹ

Cuối thánh lễ, trong lời huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã phó thác giáo phận Ancona, miền Marche và toàn Italia cho sự bảo trợ của Đức Mẹ. Ngài cũng nhắc đến kỷ niệm 10 năm cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 tại Hoa Kỳ và ngài tái kêu gọi các vị lãnh đạo các dân nước tránh dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp. ĐTC nói:

”Hôm nay chúng ta cũng nghĩ đến ngày 11-9 cách đây 10 năm. Trong khi xin Chúa Tể Sự Sống nhớ đến các nạn nhân những vụ khủng bố trong ngày ấy và gia đình họ, tôi mời gọi các vị hữu trách của các quốc gia và những người thiện chí hãy vĩnh viễn loại bỏ bạo lực như giải pháp cho các vấn đề, hãy chống lại cám dỗ oán thù và hoạt động trong xã hội theo các nguyên tắc liên đới, công lý và hòa bình”.

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 10. Một phi đội 9 máy bay của không lực Italia đã bay ngang hai lần khu vực hành lễ và thả khói màu họp thành hình lá cờ Italia đỏ trắng và xanh lá cây.

Sau đó ĐTC đã đến trung tâm mục vụ Colle Ameno dùng bữa trưa với các GM và khoảng 16 đại diện của các công nhân thất nghiệp và người nghèo.
 
Lý thuyết chiến tranh chính đáng, luân lý Công Giáo, và chống trả chủ nghĩa khủng bố
Vũ Văn An
23:43 11/09/2011
Đáp lại các cuộc tấn công tàn bạo ngày 11 tháng 9 năm 2001 của khủng bố vào Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới và Ngũ Giác Đài, khiến khoảng 3 ngàn người người vô tội thiệt mạng, Hoa Kỳ đang dấn thân vào một chiến dịch quân sự để chặn đứng tội ác của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và khả năng tiêu diệt hàng loạt của nó.

Để giúp chúng ta hiểu phần nào việc phải tiến hành cuộc chiến này ra sao cho phù hợp với luân lý, truyền thống chiến tranh chính đáng vốn là một nguồn hướng dẫn vô giá. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ta cũng cần phải chú ý tới những giới hạn của truyền thống này. Như tư tưởng gia xã hội của Công Giáo là George Weigel vốn nói, truyền thống này không phải là môn đại số học mang tới cho ta những giải đáp hoàn toàn rõ ràng trong bất cứ tình huống nào. Đúng hơn, nó là một thứ vi phân đạo đức đòi hỏi cả lý luận luân lý lẫn phân tích thực nghiệm chặt chẽ (1). Chính vì thế, các vị giám mục Hoa Kỳ, dù khẳng định rằng Hoa Kỳ có quyền tinh thần và nghĩa vụ nặng nề phải bảo vệ ích chung chống lại chủ nghĩa khủng bố hàng loạt, nhưng cũng lưu ý rằng: những người ủng hộ truyền thống chiến tranh chính đáng vẫn có thể khác nhau trong các phán đoán minh trí của mình về việc giải thích và áp dụng nó (2).

Weigel cho rằng từ thời Thánh Augustinô, người được coi là cha đẻ của lý thuyết chiến tranh chính đáng dưới hình thức cổ điển (3), các suy nghĩ về lý thuyết này vốn dựa trên “phán đoán luân lý cổ điển” sau đây: thẩm quyền hợp pháp công cộng có nghĩa vụ tinh thần “phải mưu cầu công lý… dù gặp nguy cơ cho chính mình và những người mình chịu trách nhiệm” (4). Bởi thế, trái với nhạy cảm hiện đại, một nhạy cảm thường giả thiết rằng mọi việc sử dụng vũ lực đều sai lầm, chiến tranh chính đáng, trên nguyên tắc, có thể là một hành động bác ái để mưu cầu công lý, bất kể các kinh hoàng hiển nhiên của nó mà ta phải cố gắng tránh (5).

Thực vậy, như triết gia luật học Công Giáo John Finnis từng ghi nhận, nguyên tắc luân lý thứ nhất, như đã được truyền thống Công Giáo phát biểu, cụ thể là Thánh Tôma Aquinô, một nguyên tắc nền tảng đối với cả Tin Mừng lẫn luật tự nhiên, là: người ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người lân cận như chính bản thân mình (xem Mt 22:36-40; Mc 12:28-31; Lc 10:25-28; Gl 5:14; Rm 13:10) (6). Điều này giải thích tại sao Thánh Tôma Aquinô và nói chung cả truyền thống Công Giáo đã nói tới chiến tranh trong ngữ cảnh bác ái, yêu người lân cận (7). Theo quan điểm này, Finnis cho rằng công lý “loại bỏ các trở ngại đối với hòa bình, và nội tại trong hòa bình, nhưng nguồn gốc trực tiếp của hòa bình là tình yêu người lân cận. Nên chiến tranh là để phục vụ hòa bình” (8).

Nhưng nếu tuyên chiến vì lòng yêu hòa bình, thì ta phải tuân thủ những điều kiện nào để bảo đảm rằng không những quyết định tuyên chiến dựa trên các lý do hợp luân lý mà cả cuộc chiến cũng phải được diễn tiến một cách hợp luân nữa? Câu hỏi này có tính hết sức chủ yếu không những chỉ liên quan tới cuộc chiến hiện nay tại Afghanistan mà nhiều người tin là đang đến hồi kết thúc, nhưng liên quan tới các cố gắng quân sự khác mà Hoa Kỳ rất có thể sẽ dính vào để đánh phá quân khủng bố cũng như các nước dung dưỡng hay hỗ trợ chúng.

Các điều kiện của lý thuyết chiến tranh chính đáng

Theo Weigel (9), ý niệm cho rằng mọi chính phủ đều có nghĩa vụ phải mưu cầu công lý “đã lên khuôn cho một loạt tiêu chuẩn luân lý đầu tiên trong truyền thống chiến tranh chính đáng… (đó là) ‘quyền gây chiến’ (jus ad bellum)”. Trước đây 8 thế kỷ, Thánh Tôma Aquinô, người tiếp nối công trình của Thánh Augustinô và các luật gia thời trung cổ, đã khai triển chi tiết các tiêu chuẩn đến nay vẫn còn giá trị hay các điều kiện cho một cuộc chiến tranh chính đáng như sau: (a) chiến tranh phải được một thẩm quyền hợp pháp tuyên bố, chứ không phải bất cứ công dân hay nhóm riêng rẽ nào; (b) Nguyên cớ phải chính đáng; (c) Chiến tranh phải được tuyên bố với ý hướng ngay lành (“nghĩa là nhằm cổ vũ sự thiện, hay tránh sự ác); điều này loại bỏ bất cứ hành động chiến tranh nào nhằm trả thù, hận thù và bất kỳ lý do tương tực nào” (10). Điều kiện thứ ba này đòi hỏi cùng đích hay các mục tiêu của chiến tranh phải tốt về phương diện luân lý.

Trong ba điều kiện trên, điều kiện thứ hai, nghĩa là phải có nguyên cớ chính đáng, đã xác định được việc liệu có cơ sở hay không cho một cuộc chiến tranh. Theo Finnis, truyền thống đã rút gọn các lý do tuyên chiến thành 2: “tự vệ, và sửa chữa (trừng phạt) điều ác” (11). Tuy nhiên, theo nhận định của Finnis, lý do sau đã bị Công Đồng II và các vị giáo hoàng từ Thế Chiến II trở lại đây đặt thành nghi vấn. Mặt khác, nhiều nhà thần học luân lý cho rằng đây là một khai triển hợp pháp đối với truyền thống, nhất là vì sức mạnh tàn phá ghê gớm của vũ khí hiện đại (12).

Theo chân truyền thống gần đây, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo thêm 4 điều kiện khác có tính chất minh trí (prudential) nhiều hơn để biện minh một cuộc chiến về phương diện luân lý: (d) Thiệt hại do kẻ gây hấn gây ra cho quốc gia hay cộng đồng phải lâu dài, trầm trọng và chắc chắn; (e) Mọi phương thế khác nhằm kết thúc nó đã chứng tỏ là không thực tiễn hay không hữu hiệu, nghĩa là, chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng; (f) Phải có viễn tượng khả quan sẽ thành công; và (g) Việc sử dụng vũ trang không được gây sự ác và mất trật tự lớn hơn là sự ác bị loại trừ (13). Điều kiện sau cùng có tên là nguyên tắc tương xứng (proportionality), được các vị giám mục Hoa Kỳ phát biểu như sau: không phải chỉ tính tới ưu thế quân sự đạt được nhờ việc sử dụng các vũ khí ấy mà còn tính tới cả các thiệt hại do việc sử dụng ấy mang lại nữa (14).

Weigel cho rằng chỉ khi nào thoả mãn các điều kiện trên, ta mới bàn tới loạt tiêu chuẩn thứ hai của một cuộc chiến tranh chính đáng, nghĩa là “jus in bello” hay luật điều khiển chiến tranh (15). Nếu các điều kiện của việc tuyên chiến đã hội đủ, người ta có “một khuôn khổ luân lý để xử lý hai vấn đề lớn trong việc điều khiển cuộc chiến: tính tương xứng, nghĩa là chỉ sử dụng vũ khí cần thiết để biện minh cho chính nghĩa; và phải có sự phân biệt, nói theo kiểu nói ngày nay: phải “miễn trừ những người không phải là chiến binh” (non-combatant immunity) (16).

Liên quan tới hai vấn đề vừa nhắc trên đây, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “Giáo Hội và lý trí con người đều khẳng nhận tính giá trị trường cửu của luật luân lý trong một tranh chấp vũ trang. Sự kiện bất hạnh xẩy ra chiến tranh không có nghĩa các bên tranh chấp có quyền làm mọi sự” (17). Thí dụ: “Các người không phải là chiến binh, các binh lính bị thương, và tù nhân phải được tôn trọng và đối xử nhân đạo” (18). Mặt khác, Sách Giáo Lý cũng nhắc lại giáo huấn sau đây trong Hiến Chế “Gaudium et Spes” của Công Đồng Vatican II: “Mọi hành động chiến tranh nhằm hủy diệt bất phân biệt toàn diện các thành phố và khu vực rộng có cư dân là một tội ác chống Thiên Chúa và chống con người, phải bị kết án nghiêm khắc và không mập mờ” (19).

Dù khi nói tới chiến tranh, Thánh Tôma không nhắc chi tới qui tắc luân lý tuyệt đối đòi rằng không bao giờ được trực tiếp sát hại người vô tội, nhưng lúc nào ngài cũng chấp nhận qui tắc đó, một qui tắc chính yếu đối với truyền thống chiến tranh chính đáng, đúng hơn đối với chính tính luân lý lành mạnh. Tuy nhiên, dù rõ ràng Thánh Tôma mặc nhiên hiểu việc có thể áp dụng nguyên tắc này vào chiến tranh, thì toàn bộ truyền thống sau ngài đã nhất trí chấp nhận phải tuyệt đối miễn trừ người thường dân ra khỏi bất cứ cuộc tấn công cố ý nào, nghĩa là, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm gây thiệt hại cho họ cả như một cùng đích hay như một phương thế đạt một cùng đích nào đó (20).

Nhưng làm thế nào để vạch được một đường ranh rõ rệt giữa các chiến binh và những người không phải là chiến binh? Dù không dễ gì vạch được một đường ranh như thế, nhưng theo thần học gia luân lý Dòng Chúa Cứu Thế là Cha Augustine Regan, nhiều người rõ ràng và cương quyết đứng về phía bên này hay phía bên kia. Về phía chiến binh, ngài kể ra “các binh sĩ bị động viên, các chỉ huy của họ, tất cả những ai đặt kế hoạch hành quân, các kỹ sư quân đội, tóm lại những ai giữ vị trí hay hoạt động đây đó nào đó khiến họ can dự vào các cuộc hành quân quân sự như là bổn phận hàng ngày của mình” (21). Như thế là bao gồm tất cả những ai dù hiện không can dự vào cuộc gây hấn, nhưng sẵn sàng can dự, đặt kế hoạch cho nó trong một tương lai cận kề. Trong tình huống này, theo lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, ngay một cuộc chiến phủ đầu (preemptive) đánh vào kẻ gây hấn bất chính cũng được coi là một hành vi tự vệ chính đáng.

Về phía không phải là chiến binh, Cha Regan liệt kê “đại đa số bộ phận dân chúng, mà sự đóng góp vào cố gắng chiến tranh không quá gần với việc trở thành kẻ gây hấn thực sự, dưới bất cứ khía cạnh nào”. Những người này, cả nam lẫn nữ, phần lớn chỉ lo thi hành các công việc hàng ngày của họ, như các nhà chuyên nghiệp, các bà mẹ gia đình, các thầy cô, các giáo sĩ và tu sĩ v… Ngài thêm: “và họ cũng sẽ không trở nên người gây hấn, theo nghĩa đóng góp vào các nhu cầu vật chất và tâm linh của các lực lượng chiến đấu, như ăn uống, may mặc cũng như hỗ trợ về tinh thần và tâm linh” (22). Bao gồm vào phía này, còn là các trẻ em, người già, người bệnh và tàn tật.

Về việc sát hại những người không phải là chiến binh thì sao? Về vấn đề này, trực tiếp giết hay trực tiếp gây hại cho người không phải là chiến binh là điều không bao giờ đúng về phương diện luân lý. Điều này là một điều tuyệt đối về luân lý, một qui luật không có trường hợp trừ cả trong phạm vi luân lý thông thường lẫn trong đạo lý Công Giáo. Tuy nhiên, cái chết nào do các cuộc hành quân quân sự gây ra cũng có thể biện minh là gián tiếp (không có ý) khi trong lúc tiến hành cuộc hành quân quân sự trực tiếp vào một mục tiêu quân sự nào “(a) … việc mất mát sinh mạng ấy có thể dự đoán một cách hợp lý là không bất tương xứng với lợi điểm quân sự hy vọng đạt được và (b) … mọi phương thế hợp lý nhất đã được đưa ra nhằm giảm thiểu hóa đến mức tối thiểu việc thiệt mạng đối với người không phải là chiến binh” (23). Như thế, có thể chấp nhận cái chết của những người không phải là chiến binh như một thứ “phản ứng phụ” (side-effect) của cuộc hành quân quân sự hợp pháp khi những người thi hành nó chỉ nhằm các hậu quả tốt (như để tiêu diệt một xưởng vũ khí hóa học chẳng hạn), chứ không nhằm (praeter intentionem) các hậu quả xấu (trong trường hợp này, là việc thiệt mạng người vô tội), trong khi ấy cố gắng hết sức để giữ cho việc thiệt mạng này ở mức tối thiểu và tương xứng với mục tiêu quân sự mong đợi.

Bây giờ, phải áp dụng ra sao các nguyên tắc của lý thuyết chiến tranh chính đáng vào cuộc chiến đấu hiện nay của Hoa Kỳ nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố mà theo Tổng Thống George W. Bush, đã đạt tới tầm mức hoàn cầu ("global reach")? Đó là điều ta sẽ xem sét dưới đây.

Áp dụng lý thuyết chiến tranh chính đáng vào cuộc chiến chống khủng bố (24)

Trước khi trả lời câu hỏi trên, ta nên tự hỏi: chủ nghĩa khủng bố là gì? Dù khó có thể định nghĩa một cách chính xác, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra câu định nghĩa hữu ích sau đây: khủng bố là “ý định giết người và tiêu hủy tài sản một cách bất phân biệt và tạo ra một bầu khí khiếp sợ và bất an, đôi khi bao gồm cả việc bắt làm con tin” (25). Định nghĩa này khá gần với định nghĩa của Jessica Stern, chuyên viên về khủng bố của Đại Học Harvard, người đã minh giải rằng thứ nhất, không như những người chiến đấu trong mộc chiến chính đáng, người khủng bố nhắm vào những người không phải là chiến binh. Thứ hai, không như những tên sát nhân hay tấn công đơn giản, người khủng bố sử dụng bạo lực cho một mục tiêu gây chấn động (dramatic) như gieo sợ hãi nơi số dân họ nhắm. Như thế, theo Stern, khủng bố là “một hành vi hay một đe dọa của vũ lực chống lại những người không chiến đấu với mục tiêu trả thù, gây sợ hãi…” (26).

Ý muốn gây sợ hãi và tạo hoảng loạn này đã được thoả mãn nơi người khủng bố bao lâu họ biết rằng chúng ta đã phản ứng bằng sợ hãi và hoảng loạn hơn là biết rằng họ, những người khủng bố, sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học và sinh học cũng như vũ khí hạch nhân nếu họ có được. Nói tóm lại, chủ nghĩa khủng bố không hẳn là một ý thức hệ cho bằng là một phương thế bạo lực được các cá nhân và nhóm ấy sử dụng vì muốn đẩy mạnh một ý thức hệ hay một mục tiêu chính trị đặc thù.

Xét vì bản chất bất qui ước của chủ nghĩa khủng bố và cả của cuộc chiến chống khủng bố nữa, liệu lý thuyết chiến tranh chính đáng có đóng góp được gì cho suy tư luân lý về chúng hay không? Như đã nói trên đây, nhiều học giả đáng kính tin rằng có. Về việc sử dụng sức mạnh chống lại khủng bố, giáo sư đạo đức học xã hội John Langan, Dòng Tên, thuộc Đại Học Georgetown đặt ra ba câu hỏi hữu ích mà ta cần trả lời một cách khẳng định ngõ hầu một đáp ứng quân sự chống khủng bố quốc tế có thể và tiếp tục hợp luân (27). Các câu hỏi này thiết tưởng chính là để chi tiết hóa một số các điều kiện trong lý thuyết chiến tranh chính đáng:

Thứ nhất, “Liệu đề nghị sử dụng vũ lực có tuân giữ nguyên tắc phân biệt hay không, nghĩa là có nhắm các mục tiêu quân sự và những người tích cực can dự vào mạng lưới khủng bố hay không, và có cố gắng tối thiểu hóa các thiệt hại gây ra cho thường dân hay không?” (28). Dù việc ném bom trong ba tháng rưỡi đầu tiên chẳng may đã giết cả thường dân (tốt hơn nên gọi là người không chiến đấu), nhưng ngược với luận điệu của Taliban, số người thiệt mạng này không lớn, ta có đủ dấu chỉ cho thấy chính phủ Hoa Kỳ không trực tiếp nhắm cái chết của họ; cái chết này xem ra chỉ là “những thiệt hại song hành” (collateral dmamage) không cố ý do hành động đánh vào các mục tiêu quân sự hay do bắn lầm gây ra (29). Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm luân lý nghiêm trọng phải tiếp tục đưa ra mọi biện pháp để tối thiểu hóa việc thiệt mạng người vô tội tại các chiến trường và cả ở những nơi khác, dù cho đôi lúc khó biết ai là người vô tội, không chiến đấu, và ai là kẻ gây hấn (chiến đấu) (30).

Thứ hai, “Đề nghị sử dụng vũ lực có biểu hiện được ý hướng luân lý tốt muốn đem lại công lý hay không, hay nó được thiết trí để thoả mãn sự trả thù hay thoả lòng thù hận mà thôi?” (31). Về câu hỏi thứ hai của Langan này, thiết tưởng nên phát biểu lại phần thứ nhất của nó để thấy rằng việc sử dụng vũ lực của ta, dù không được biểu hiện ý xấu hay hận thù đối với kẻ thù (những người mà Chúa Giêsu Kitô dạy ta phải yêu thương), có thể coi không hẳn là để đem những tên khủng bố ra công lý (hình như đây là ý đầu tiên của Langan về ý niệm đem lại công lý), nhưng là để bảo vệ chúng ta (và các nước khác, nếu cần) chống lại một kẻ gây hấn bất chính từng đem lại thiệt hại trầm trọng và nghiêm trọng cho ta và nhất định sẽ làm như thế nữa nếu ta không ngăn chặn chúng làm như vậy (32). Như nhiều bình luận gia từng chủ trương, nếu đây thực sự là một cuộc chiến tranh, điều mà những người khủng bố tấn công vào Tòa Tháp Đôi ngày 11 tháng 9 năm 2001 vốn nghĩ, thì thiết tưởng ta không nói nhiều tới việc đem những người khủng bố ra công lý, cho bằng loại bỏ khả năng họ sử dụng vũ lực giết người (33).

Như thế, như Weigel từng suy luận, xét vì tình hình chiến tranh hiện nay, các nguyên tắc của lý thuyết chiến tranh chính đáng không bác bỏ về phương diện luân lý các cuộc đánh phủ đầu chống lại những kẻ chủ mưu khủng bố (34). Weigel từng nhận định rằng “trong thế giới của vũ khí giết người hàng loạt và hỏa tiễn tầm xa, quả không hợp lý bao nhiêu khi cho rằng ta phải đợi cho tới lúc hoả tiễn mang đầu đạn nguyên tử hay vũ khí sinh học hoặc hóa học phóng lên, ta mới được phép làm một điều gì để ứng phó. Thực thế, bản chất của một số chế độ làm cho việc họ có vũ khí giết người hàng loạt mà thôi đã là một nguy hiểm cận kề khiến đáp ứng quân sự đối với họ không những là việc được phép mà còn là một mệnh lệnh luân lý nữa, để bảo vệ người vô tội và duy trì trật tự thế giới”. Ông viết thêm: “Đây nữa cũng là một thí dụ khác về một phạm vi mà truyền thống chiến tranh chính đáng cần được nới rộng hay khai triển thêm để đáp ứng các thực tại mới” (35).

Phán đoán của Weigel xem ra có cơ sở về luân lý. Tuy thế, ngay với các nguyên tắc cổ truyền của chiến tranh chính đáng, các cuộc đánh phủ đầu cũng có thể được biện minh như là biện pháp tự vệ, và đối với chiến tranh chống khủng bố, điều này còn có thể áp dụng hơn nữa, xét vì bản chất và tính trầm trọng đặc thù trong các đe dọa của khủng bố. Như John Finnis, Joseph Boyle, Jr. và Germain Grisez từng nhấn định rất đúng, “trong một cuộc chiến tranh có tính tự vệ về chính trị, nhà chiến lược quân sự, về phương diện luân lý, không bị ngăn cấm sử dụng việc tấn công. Vì trong cuộc chiến tranh ấy, không những các chiến binh bên địch thực sự đang tham gia việc xâm lấn hay tấn công, mà cả nhân viên được đưa vào vị trí, luôn ở thế sẵn sàng hay được huấn luyện để chiến đấu đều có thể bị tấn công, và nếu cần, tiêu diệt nữa. Mặt khác, các tác giả này cũng cho rằng: “Binh sĩ địch đang rút lui cũng có thể bị săn đuổi và tấn công nếu chiến tranh chưa chấm dứt và họ không chịu đầu hàng hay bị bắt làm tù binh. Các căn cứ, kho tiếp liệu cũng như các cơ sở chiến tranh địch có thể bị tiêu hủy một cách công chính" (36).

Thứ ba, “Liệu đề nghị sử dụng vũ lực có đạt được các mục tiêu quan trọng hợp luân, tức có thoả mãn tính tương xứng hay không; nó có mang lại các kết quả đáng tin cậy và có giá trị vượt trên cái hại vốn cố hữu trong việc sử dụng vũ khí giết người hay không” (37). Langan cho rằng ta gặp khá nhiều nan đề với câu hỏi thứ ba này. Ông bảo: “Làm thế nào tìm được các phương thế chống lại chủ nghĩa khủng bố có thể giúp ta tin chắc rằng nó sẽ không tái hiện một cách nhanh chóng nữa” (38). “Nghĩa là, trong cố gắng này, liệu có xác xuất gì thành công hay không (probability of success)?” (xem điều kiện sáu trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc trên đây).

Theo Robert P. George, giáo sư luật học của Đại Học Princeton, “trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, đòi có “xác xuất thành công” có nghĩa là vũ lực, nhất là vũ lực gây chết chóc, dù được thi hành song song với các đòi hỏi khác của chiến tranh chính đáng, cần phải có cơ may thành công trong việc ngăn ngừa các hành vi khủng bố trong tương lai”. Do đó, phải hiểu điều này “không phải chỉ là một yêu sách có tính kỹ thuật đòi việc sử dụng vũ lực phải đạt các mục tiêu của nó, bất kể mục tiêu ấy là gì”. Đối với George, “một cuộc tấn công chỉ có tính trả đũa có thể đạt được mục tiêu tiêu diệt một nhà máy điện hay một hệ thống cung cấp điện nào đó chẳng hạn; nhưng nó vẫn không thoả mãn đòi hỏi phải có ‘xác xuất thành công’”. Ông nói thêm: “Dĩ nhiên, nếu mục tiêu là tiêu diệt một nhà máy điện hay một cơ sở nào đó để ngăn ngừa quân khủng bố sử dụng nó để tiến hành các hành vi khủng bố, thì là chuyện khác” (39)…

Dù chiến tranh chống khủng bố không phải là một chiến tranh qui ước, một điều khiến cho ý niệm “xác xuất thành công” đôi khi khó mà xác định được, nhưng điều ấy không có nghĩa là lý thuyết chiến tranh chính đáng không giúp ta suy nghĩ được gì về đáp ứng đối với chủ nghĩa khủng bố. Lý thuyết này có thể được mở rộng để bao gồm tình thế mới mà ta đang phải đối diện: thay vì chiến đấu với các nhà nước có quân đội công khai của họ, ta đang phải đối diện với một kẻ thù trong bóng tối, tức mạng lưới khủng bố, là thứ kẻ thù trà trộn vào khu vực chung quanh, thường là các thường dân, quyết tâm sử dụng các loại vũ khí bất qui ước nhưng có khả năng giết người hàng loạt, và sẵn sàng thí cả mạng sống mình nếu cần, trong các vụ đeo bom tự sát (40). Chính vì những lý do đó, chiến tranh chống khủng bố có thể kéo dài và cần tới nhiều loại “vũ khí” khác bên cạnh súng đạn, như các “vũ khí” kinh tế, ngoại giao, tình báo, và biện pháp chính trị.

Lời lẽ của nhà thần học luân lý Germain Grisez cho ta thấy cần một giải pháp dài hạn cho vấn đề khủng bố nếu muốn thành công đánh bại nó. Ông viết: “Ngay cả khi tiến hành trong các giới hạn thích đáng, lực lượng giết người chống lại người khác không thể là một giải đáp thỏa đáng đối với chủ nghĩa khủng bố. Một giải đáp có cơ sở cũng cần phải bao gồm một cố gắng nghiêm chỉnh nhằm cải thiện các liên hệ với những phần tử ít cực đoan hơn của nhóm người có quyền lợi được quân khủng bố ra sức cổ vũ bằng các phương thế xấu xa của họ. Phải đưa ra các cố gắng nghiêm chỉnh để hòa giải bằng hành động kinh tế và chính trị nhằm giảm thiểu các đau khổ và hận thù” (41).

Các đáp ứng của ta đối với chủ nghĩa khủng bố cũng phải bao gồm các điều sau: người có đức tin phải sẵn sàng dấn thân vào một chiến dịch cầu nguyện sốt sắng và thành tâm xin Thiên Chúa trợ giúp, cả nước phải có quyết tâm đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và tình báo, mọi người dân phải lượng định một cách có phê phán các sản phẩm của nền văn hóa đồi trụy mà xã hội Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ không những đang cho phép nó đầu độc dân chúng của mình mà còn xuất cảng sang các nước, các xã hội khác vốn có nền văn hóa lâu đời của họ, phải quyết tâm sống liên đới một cách tích cực với tất cả những ai đang chiến đấu chống khủng bố nhân danh ta và với ta, mà đôi khi trở thành nạn nhân của chế riễu, đả kích, ngay cả ở trong nước, phải nhìn nhận và gọi chủ nghĩa khủng bố bằng đích danh của nó…

Kết luận: Lý thuyết chiến tranh chính đáng, chủ nghĩa chủ hòa và chủ nghĩa hiện thực

Ta đã thấy: truyền thống chiến tranh chính đáng là một nguồn khôn ngoan có giá trị để đương đầu với kẻ thù mới là chủ nghĩa khủng bố hoàn cầu. Theo nhận định của triết gia Công Giáo John Hittinger, truyền thống này là một “phương thế nằm giữa hai thái cực, một là chủ nghĩa chủ hòa tuyệt đối… đặt quá nhiều hy vọng vào thứ hòa bình nhất thời, hai là chủ nghĩa duy thực chính trị thái quá, quá chán chường với nền công lý trần thế” (42).

Đàng khác, huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ truyền dạy chủ nghĩa chủ hòa (hay chủ nghĩa duy thực kiểu trên), coi nó như chủ trương chính thức của mình về luân lý tính của chiến tranh. Ta cũng thấy không có một “định mức dứt khoát” nào trong Tân Ước chấp nhận hay bác bỏ chiến tranh và chiến trận (43). Như thế, những ai cho rằng trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu dạy ta nên vì tình yêu người mà khước từ tấn công (xem Mt 5:38-48) và coi đó như một luận chứng rõ ràng và thuyết phục đủ để chống lại việc người Kitô hữu tham gia chiến tranh, quả đã giải thích không đúng lời lẽ của Người. Như Benedict Ashley O.P. từng chủ trương: “Lời lẽ của Chúa Giêsu… phải được hiểu không phải như huấn lệnh phổ quát, mà chỉ như một lời khuyên cần tuân theo để cá nhân được trọn lành khi việc bảo vệ người thứ ba không đặt thành vấn đề. Nghĩa là, khi chỉ là vấn đề an toàn bản thân một người mà thôi, thì hành vi yêu thương giống Chúa Giêsu đối với kẻ thù của mình là để kẻ thù gây thương tích cho mình hơn là mình gây thương tích cho họ” (44)

Như thế, điều ta thấy xuất hiện trong truyền thống Kitô Giáo là “ơn gọi của một số cá nhân và nhóm người bước vào con đường bất bạo động (tự chế vô điều kiện không sử dụng vũ lực) để làm chứng cho hai sự thật này là (a) hòa bình, giống như mọi sự thiện khác, chính là hồng phúc từ trên cao, là quà tặng của ơn thánh Chúa, một ơn thánh hành động cách lạ lùng, dùng lòng từ nhân và hoà giải để hàn gắn, và (b) chiến tranh, dù đích điểm là hòa bình, không bao giờ có thể là nguyên cớ hữu hiệu của hòa bình ấy (45).

Nhưng, một lần nữa, như ta đã thấy, việc che chở và bảo vệ ích chung, hay đúng hơn nền văn minh của ta, đôi khi đòi tới việc phải sử dụng vũ lực để đẩy lui một kẻ thù đang mưu toan tiêu diệt người vô tội, tiêu diệt nền văn minh của ta. Dù không bị truyền thống Công Giáo cho là hoàn toàn sai lạc, chủ nghĩa chủ hòa vẫn không phải là giải đáp thỏa đáng đối với chủ nghĩa khủng bố, vì nó thường dẫn tới nhiều bạo động và phá hoại hơn (46). Như thế, việc sử dụng vũ lực để đẩy lui khủng bố và ngăn ngừa các cuộc tấn công tương lai không những là biện pháp cần thiết về phần các chính phủ, nhưng đối với người chiến binh Kitô Giáo trong một thế giới sa ngã và tội lỗi này, nó có thể là một hành vi tốt và cao thượng, có khi còn là hành động bác ái nữa nhân danh những người không tự bảo vệ được…

Như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng dạy: “Mọi công dân và mọi chính phủ buộc phải cố gắng tránh chiến tranh. Tuy nhiên, ‘bao lâu nguy cơ chiến tranh còn đó và chưa có một thẩm quyền quốc tế nào có năng quyền và quyền lực cần thiết, thì không thể nào bác bỏ quyền tự vệ hợp pháp của các chính phủ, khi mọi cố gắng đạt hòa bình đã thất bại’” (47).

Phóng dịch bài Just-War Theory, Catholic Morality, And The Response To International Terrorism của Tiến Sĩ Mark S. Latkovic, phụ tá giáo sư thần học luân lý, Đại Chủng Viện Sacred Heart, Detroit, Michigan, tại www.catholicculture.org

Ghi chú
(1) George Weigel, "The Catholic Difference: Getting 'Just-War Straight." Zenit.org Oct. 13, 2001.
(2). U.S. Conference of Catholic Bishops, "A Pastoral Message: Living With Faith and Hope After September 11," xem tại: http://www.usccb.org/sdwp/sept11.htm.
(3) James Turner Johnson Morality and Contemporary Warfare [Yale University Press, 1999], p. 45).
(4) Weigel, "The Catholic Difference: Getting 'Just War' Straight."
(5) Xem Fr. Richard John Neuhaus, "Just War Is an Obligation of Charity," National Catholic Register, October 7-13, 2001, p. 8; Darrell Cole, "Good Wars," First Things, (October 2001): 27-31.
(6) Xem John Finnis, "The Ethics of War and Peace in the Catholic Natural Law Tradition," trong Terry Nardin (ed.), The Ethics of War and Peace: Religious and Secular Perspectives (Princeton University Press, 1996), pp. 15-39
(7) Xem Summa Theologiae, 2-2, Q. 40, a.1.
(8) Finnis, "The Ethics of War and Peace," p. 17.
(9) Weigel, "The Catholic Difference: Getting 'Just War' Straight."
(10) Xem St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, Q.40, a.1.
(11) Finnis, "The Ethics of War and Peace," p. 20.
(12) Xem Ibid., p. 23;
(13) Xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2309.
(14) U.S. Catholic Bishops, The Challenge of Peace: God's Promise and Our Response, 1983, #105, trong David J. O'Brien and Thomas A. Shannon (eds.), Catholic Social Thought: The Documentary Heritage (Orbis Books, 1992), p. 516.
(15) Weigel, "The Catholic Difference: Getting 'Just War' Straight."
(16) Weigel, "The Catholic Difference: Getting 'Just War' Straight."
(17), Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo số 2312.
(18) Ibid., số 2313.
(19) Gaudium et Spes, 1965, #80, trích trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo số2314.
(20) Finnis, "The Ethics of War and Peace," p. 26,
(21) Augustine Regan, C.SS.C., Thou Shalt Not Kill (Clergy Book Service, 1979), p. 75.
(22) Ibid., pp. 75-76.
(23) Ibid., pp. 80-81.
(24) Xem R.G. Frey and Christopher Morris (eds.), Violence, Terrorism, and Justice (Cambridge University Press, 1991).
(25) Pope John Paul II, Solicitudo Rei Socialis, 1987, #24
(26) Stern, The Ultimate Terrorists, p. 11.
(27) Xem John Langan, S.J., "From Ends to Means: Devising a Response to Terrorism," America, October 8, 2001, pp. 13-15
(28) Ibid., p. 14.
(29) Xem Joe Loconte, "Rumsfeld's Just War: Generals Meet Theologians at the Pentagon," The Weekly Standard, December 24, 2001, pp. 13-14.
(30) R. P. George Responding Justly to Terorism
(31) Langan, "From Ends to Means," p. 14.
(32) Robert P. George, Responding Justly to Terrorism p. 20.
(33) Xem phỏng vấn của Zenit "George Weigel on Just-War Principles". Robert P. George "Responding Justly to Terrorism," p. 20.
(34) Xem phỏng vấncủa Zenit "George Weigel on Just-War Principles," và bài của ông "A Moral Question — Is It Ever Right to Go First?" The Michigan Catholic, January 11, 2002, p. 6.
(35) Xem phỏng vấn của Zenit "George Weigel on Just-War Principles".
(36) Finnis, và người khác., Nuclear Deterrence, Morality and Realism, p. 315.
(37) Langan, "From Ends to Means," p. 14.
(38) Ibid.
(39) George, "Responding Justly to Terrorism," pp. 20-21.
(40) Xem Fr. William Saunders, "Responding to Terrorists," tại http://www.catholic.net/hot_topics/template_channel.phtml).
(41) Germain Grisez, "Renowned Moral Theologian Weighs in on Anti-Terrorism."
(42) Zenit.org, October 29, 2001.
(43) Hittinger, "Roots of Order and Disorder."
(44) Xem Regan, Thou Shalt Not Kill, pp. 16-18.
(45) Ashley, Living the Truth in Love, p. 309.
(46) Finnis, "The Ethics of War and Peace," p. 34.
(47) Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo số 79.
 
Top Stories
9/11 LIVE: Scenes from the 9/11 anniversary
Associated Press
09:47 11/09/2011
NEW YORK (AP) — As the nation and the world mark the 10th anniversary of the Sept. 11 terrorist attacks, Associated Press journalists are tracking down the most salient details of the day, and capturing the mood, from ground zero to Afghanistan and everywhere in between.

Here, in real time, are the latest updates on how the day is unfolding, together with occasional flashbacks to AP reports distributed on Sept. 11, 2001. The archival material has been left as it was transmitted 10 years ago, including the original typos, as well as information from AP sources that later turned out to be incorrect.

All times EDT.

11:16 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 11:16 A.M.
BULLETIN
World Trade Center collapses in terrorist attack; Washington hit by apparently coordinated attack
By JERRY SCHWARTZ
AP National Writer
In a horrific sequence of destruction, terrorists crashed two planes into the World Trade Center, and the twin 110-story towers collapsed Tuesday morning. Explosions also rocked the Pentagon and spread fear across the nation.

"I have a sense it's a horrendous number of lives lost," Mayor Rudolph Giuliani said. "I don't know yet. Right now we have to focus on saving as many lives as possible."
___

11:15 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 11:15 A.M.
APNewsAlert
NEW YORK — Mayor Guiliani says: "I have a sense it's a horrendous number of lives lost."
___

11:12 a.m.
Mary Bannister was headed to the World Trade Center for a meeting when the first plane struck, said her daughter, Mary Purcell. Bannister survived, but "we didn't know if she was dead or alive until 10 or 10:30 that night," said Purcell, attended a 9/11 ceremony in Richmond, Va., because her mother was too overcome with emotion to be there in person.
"She couldn't cry that date because she was running for her life," Purcell said. "This weekend, though, is affecting her greatly. She has shed a lot of tears for the fallen."
___

11:04 a.m.
The official White House Twitter account has just put out a photo showing President Barack Obama and his daughter Malia preparing food at a D.C. Central Kitchen, a community kitchen in Washington.
The accompanying tweet asks, "How are you serving on (hash)911day?
Here's the photo: http://apne.ws/qxmKZ8
___

11:02 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: New York Mayor Rudolph Giuliani ordered the evacuation of lower Manhattan.
___

11 a.m.
The Rev. Michael Carroll delivered a homily today at St. Elizabeth of Hungary parish in Melville, N.Y., saying he did 17 funerals after 9/11. At the last one — in July 2002 — there were no remains, just the fireman's helmet that was found in the rubble.
Carroll told worshippers today, "We can turn this into a celebration of life."
___

10:52 a.m.
In Shanksville, Pa., Pennsylvania Gov. Tom Corbett said the passengers of Flight 93 "charted a new course, set a new standard for American bravery."
"Over the past 10 years we have heard this place compared to many other places" including the Alamo and Gettysburg, he said. "But the truth is that this place is like no other because the deeds aboard Flight 93 were like no other."
___

10:46 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 10:46 A.M.
BULLETIN
A large plane crashed Tuesday morning just north of the Somerset County Airport, airport officials said.
The plane, believed to be a Boeing 767, crashed about 10 a.m. about 8 miles east of Jennerstown, according to county 911 dispatchers, WPXI-TV in Pittsburgh reported. The airport is about 80 miles southeast of Pittsburgh.
___

10:41 a.m.
Paul Simon, who grew up in New York, strapped on his guitar and donned a 9/11 hat to play and sing "The Sound of Silence" at the ceremony at ground zero: "The words of the prophets are written on the subway walls. .."
___

10:37 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 10:37 A.M.
APNewsAlert
PITTSBURGH — Large plane crashes in western Pennsylvania, officials at Somerset County Airport confirm.
___

10:35 a.m.
Rudolph Giuliani, New York's mayor on 9/11, paid tribute to the victims at this morning's ground zero ceremony.
"God bless every soul that we lost," he said. "God bless the family members who have to endure that loss."
___

10:30 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT 11, 2001, 10:30 A.M.
(NOTE; This update includes a reference to an explosion at the State Department, which was later determined to be a false report.)
BULLETIN
In a horrific sequence of destruction, terrorists crashed two planes into the World Trade Center and knocked down the twin 110-story towers Tuesday morning. Explosions also rocked the Pentagon and the State Department and spread fear across the nation.
___

10:29 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 10:29 A.M.
FLASH
NEW YORK — Second World Trade Center tower collapses.
___

10:23 a.m.
The crowd at ground zero applauded when 12-year-old Patricia Smith paid tribute to her late mother.
"Mom, I am proud to be your daughter," she said. "You will always be my hero."
___

10:21 a.m.
In Joplin, Mo., 9/11 is being remembered in conjunction with another tragedy — the massive tornado that tore through the city in May, killing 160 people and reducing 2,000 buildings to rubble.
New York firefighters and ground zero construction workers are joining tornado survivors in a ceremony here. The New York contingent brought with them a large American flag recovered a decade ago from a building near the World Trade Center.
Survivors of another tornado in Greensburg, Kan., began repairing the flag in 2008, using remnants of flags from their community. Other disaster survivors have continued the work, and the final stitches are being placed in Joplin.
Once the flag is complete, it will be delivered to the 9/11 memorial in New York.
___

10:19 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 10:19 A.M.
(NOTE: Reports from sources about an explosion or fire at the State Department turned out to be incorrect.)
BULLETIN
The State Department was evacuated Tuesday due to a possible explosion or fire amid a rash of explosions in New York and Washington.
A senior government official, speaking on condition of anonymity, said the incident appeared connected with two plane crashes at the World Trade Center, an explosion at the Pentagon and the evacuation of the White House.
"Something has happened at the State Department," the source said. "We don't know what yet. We hear it might have been a plane."
___

10:14 a.m.
A choir sang before a crowd of about 5,000 at the Flight 93 National Memorial in Pennsylvania, at the site where one of the airliners hijacked on 9/11 crashed into a field after passengers stormed the cockpit.
The crowd listened to a reading of the names of the 40 passengers and crew killed aboard the plane.
Flight 93 knifed into a field after some of the passengers overcame the plane's four hijackers, helping prevent a likely attack on Washington.
___

10:11 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 10:11 A.M.
BULLETIN
Two planes crash into World Trade Center in apparent terrorist attack; tower collapses to the ground
By JERRY SCHWARTZ
AP National Writer
In a horrific sequence of destruction, two planes crashed into the World Trade Center and one of the towers collapsed Tuesday morning in what the President Bush said was an apparent terrorist attack. A witness said he saw bodies falling from the 110-story towers and people jumping out.
___

10:03 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: Flight 93 crashes in Pennsylvania field.
___

10 a.m.
After a moment of silence at 9:37 a.m. — the moment, 10 years ago, when the Pentagon was hit by a hijacked airliner — Defense Secretary Leon Panetta noted that more than 6,200 members of the U.S. military have died in the wars in Iraq and Afghanistan since the Sept. 11 attacks.
"Because of their sacrifices, we are a safer and stronger nation today."___

9:59 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: South tower of trade center collapses.
___

9:57 a.m.
As the memorial ceremony takes place at ground zero, AP reporter Chris Hawley has been wandering the streets of New York to see what life is like today in the city most deeply and violently affected by 9/11.
One man he came across was Sean Harris, 45, who was panhandling on Broadway. Harris, who spent last night at LaGuardia Airport, has been homeless for the last eight years.
For many New Yorkers like Harris, Hawley is finding, today is no different than any other day.
___

9:53 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:53 A.M.
BULLETIN
By RON FOURNIER
Associated Press Writer
An aircraft crashed near the Pentagon Tuesday, and the Capitol and White House were evacuated after bomb threats.
President Bush said the two earlier plane crashes into the World Trade Center were "an apparent terrorist attack on our country."
The Federal Aviation Administration shut down all airplane traffic nationwide.
___

9:45 a.m.
A tweet from AP reporter Heidi Vogt in Afghanistan: At bagram, 9/11 ceremony is small, interrupted by fighter jet buzzing overhead.
___

9:45 a.m.
I don't know no love songs." — James Taylor is at ground zero, singing "Close Your Eyes" before a hushed crowd.
___

9:44 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:44 A.M.
BULLETIN
An aircraft crashed near the Pentagon and the West Wing of the White House was evacuated amid threats of terrorism.
___

9:43 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:43 A.M.
APNewsAlert
WASHINGTON — An aircraft has crashed into the Pentagon, witnesses say.
APNewsAlert
WASHINGTON — West Wing of White House evacuated amid terrorist threats.
___

9:42 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: FAA ordered all aircraft in U.S. space — more than 4,500 — to land at nearest airport.
___

9:42 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:42 A.M.
BULLETIN
One of two planes that crashed into the World Trade Center was hijacked after takeoff from Boston, a U.S. official said, citing a transmission from the plane.
___

9:41 a.m.
Some touch the names. Others bestow a gentle kiss. And some adorn the carved letters with roses, sliding the stems through openings in the stone. The families of 9/11 victims are finding their own relationship with the memorial.
___

9:40 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:40 A.M.
APNewsAlert
WASHINGTON — First plane to hit World Trade Center was hijacked after takeoff from Boston, U.S. official says.
___

9:37 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: Flight 77 crashed into Pentagon.
___

9:34 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:34 A.M.
BULLETIN
By RON FOURNIER
Associated Press Writer
President Bush said Tuesday that two plane crashes into the World Trade Center were "an apparent terrorist attack on our country."
___

9:33 a.m.
President Barack Obama stood behind bulletproof glass near the 9/11 memorial's white oak trees when he delivered his comments at this morning's ceremony.
Immediately after the moment of silence at 8:46 a.m. — the time when the first jetliner slammed into the World Trade Center 10 years ago — he read Psalm 46 from the Bible.
"God is our refuge and strength," the psalm said. "He dwells in his city, does marvelous things and says, be still and know that I am God."
___

9:31 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:31 A.M.
APNewsAlert
SARASOTA, Fla. — Bush calls World Trade Center crashes apparent terrorist attack.
___

9:29 a.m.
Donald Rumsfeld, who was secretary of defense at the time of the attacks, has been spotted in the audience at the 9/11 memorial at the Pentagon, according to a tweet by AP photographer Charles Dharapak.
___

9:25 a.m.
An entrance to the Rector Street subway station near ground zero has a new sign: "Rector Street 9/11 Memorial." The number "11" is in a distinctive blue that conjures the twin towers in many signs and logos.
___

9:25 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: FAA command center in Herndon, Va., tells headquarters about suspected hijacking of Flight 77.
___

9:20 a.m.
Victims' relatives are walking up to the names carved into stone at the memorial.
Many are in tears. Others simply look somber. Still others show little emotion at all — they almost look like tourists.
Most have two things in common, besides the awful fate that brought them together here: They all seem to want to take pictures of loved ones' names, and they're touching the words in the stone, pressing their palms to them or running their fingers gently along the letters.
Others are using pencils and paper to make etchings of the names, so they can bring a piece of this memorial home with them.
___

9:18 a.m.
Here's a tweet that just came in from AP's Samantha Gross, who's at scene of today's ground zero ceremonies:
The boys who just read their dads' name at the 9/11 ceremony look so young. I wonder if they can remember them, or if they just have stories
___

9:18 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT 11, 2001, 9:18 A.M.
BULLETIN
Planes crashed into the upper floors of both World Trade Center towers minutes apart Tuesday in a horrific scene of explosions and fires that left gaping holes in the 110-story buildings.
___

9:15 a.m.
An Islamist party in Pakistan has organized several demonstrations for today. In Islamabad, about 100 people chanted and held up banners that repeated conspiracy theories alleging American or Israeli involvement in the attacks. And in the sprawling city of Karachi, another 100 people protested against the war in Afghanistan, launched in response to 9/11.
___

9:15 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:15 A.M.
BULLETIN
The FBI is investigating reports that two plane crashes at the World Trade Center are the result of foul play, The Associated Press has learned.
___

9:12 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:12 A.M.
APNewsAlert
WASHINGTON — FBI investigating reports of plane hijacking before World Trade Center crashes.
___

9:11 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT 11, 2001, 9:11 A.M.
BULLETIN
NEW YORK (AP) — An aircraft crashed into the upper floors of one of the World Trade Center towers Tuesday morning, and black smoke poured out of two gaping holes, witnesses said. Shortly afterward a second plane hit the other tower.
___

9:09 a.m.
Former President George W. Bush invoked the loss of life in the Civil War as he memorialized 9/11 victims.
"I pray that our heavenly father may assuage the anguish of your bereavement," Bush read, quoting a letter from Abraham Lincoln to the mother of soldiers who died in the war between the states.
___

9:09 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:09 A.M.
APNewsAlert
NEW YORK — Plane crashes into second World Trade Center tower.
___

9:05 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:05 A.M.
BULLETIN
An aircraft crashed into the upper floors of one of the World Trade Center towers Tuesday morning, and black smoke poured out of two gaping holes, witnesses said. Shortly afterward a second explosion rocked the other tower.
___

9:04 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT 11, 2001, 9:04 A.M.
APNewsAlert
NEW YORK — Explosion rocks second World Trade Center tower.
___

9:03 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: Flight 175 crashed into the south tower.
___

9:01 a.m.
Family members are crowded tightly into the World Trade Center site. One man holds a bouquet of white roses to his chest. Another is carrying a baby, a pacifier in his mouth and a U.S. flag in his hand. Five people wear yellow shirts bearing the words "Forever Young." Below the words are images of lost loved ones.
___

9:01 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 9:01 A.M.
BULLETIN
An aircraft crashed into the upper floors of one of the World Trade Center towers Tuesday morning, and black smoke poured out of two gaping holes, witnesses said.
___

8:56 a.m.
AP FLASHBACK: SEPT. 11, 2001, 8:56 A.M.
BULLETIN
Smoke poured out of a gaping hole in the upper floors of the World Trade Center on Tuesday and there were broadcast reports a plane had struck it.
___

8:53 a.m.
AP FLASHBACK; SEPT. 11, 2001, 8:53 A.M.
APNewsAlert
NEW YORK — Plane crashes into World Trade Center, according to television reports.
___

8:52 a.m.
"Gordon M. Aamoth, Jr."
The reading of the names of the 9/11 victims — 2,977 of them — has begun.
___

8:52 a.m.
TEN YEARS AGO TODAY: An attendant on Flight 175 notified United Airlines of a hijacking.
___

8:48 a.m.
Mayor Michael Bloomberg, at the site of the World Trade Center: "Ten years have passed since a perfect blue-sky morning turned into the blackest of nights."
___

8:46 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: Flight 11 crashed into north tower of World Trade Center.
___

8:42 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: United Airlines Flight 93, a Boeing 757 with 44 people on board, left from Newark International Airport for San Francisco.
___

8:42 a.m.
A flag that survived the attacks on 9/11 has been unfurled and is being held at a slight, upward angle as the national anthem is sung. The president and first lady, as well as former President George W. Bush and Laura Bush, have their hands on their hearts.
___

8:41 a.m.
Here's a tweet that just came in from AP's Larry Neumeister, who's at scene of today's ground zero ceremonies:
The normally active New York airspace is noticeably absent of planes on this morning. (hash)9/11
___

8:37 a.m.
A line of bagpipe players and drummers is marching through ground zero, the scene almost completely silent besides the rhythmic beating of the drums.
___

8:37 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: The Federal Aviation Administration notified North American Aerospace Defense Command about a suspected hijacking of Flight 11.
___

8:25 a.m.
The Bushes and the Obamas, from opposite sides of the American political spectrum, are walking around the ground zero area and greeting people. It's a striking image — and a glimpse into the role that ex-presidents play as symbols in the United States.
The current and former presidents ran their hands over bronze panels bearing victims' names at the Sept. 11 memorial.
"Ten years later, I'd say America came through this thing in a way that was consistent with our character," President Barack Obama told NBC News. "We've made mistakes. Some things haven't happened as quickly as they needed to. But overall, we took the fight to al-Qaida, we preserved our values, we preserved our character."
___

8:20 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: American Airlines Flight 77, a Boeing 757 with 64 people on board, took off from Washington Dulles International Airport for Los Angeles.
___

8:14 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: United Airlines Flight 175, a Boeing 767 with 65 people on board, left Boston's Logan International Airport for Los Angeles.
__

8:10 a.m.
"Time to be a big boy. Time to not let things hold you back. Time to just step out into the world and see how things are."
That's what 17-year-old Elijah Portillo said at the site of today's ground zero memorial ceremony in New York, where he arrived early this morning. It's the first time he's attended a memorial here since the attacks killed his father, an architect named Anthony.
He avoided the ceremonies before because he thought he would feel so angry. This year is different.
"I'm not angry," he said. "I wanted to be here."
___

8:03 a.m.
Two dramatically different perspectives on 9/11 came out of Malaysia today.
Former Malaysian Prime Minister Mahathir Mohamad reiterated an old claim that the U.S. government was behind the attacks, blogging that Arab Muslims are incapable of "planning and strategizing" such attacks, and that the World Trade Center's twin towers "came down nicely upon themselves" and looked more like a "planned demolition of buildings" than a collapse.
Elsewhere in the country, Pathmawathy Navaratnam did something this morning that she's done every day for the past decade: She wished her son, a financial analyst named Vijayashanker Paramsothy who was killed in the attacks on New York, a "good morning."
"He is my sunshine. He has lived life to the fullest, but I can't accept that he is not here anymore," she said. "I am still living, but I am dead inside."
___

7:59 a.m.
10 YEARS AGO TODAY: American Airlines Flight 11, a Boeing 767 with 92 people on board, left Boston's Logan International Airport for Los Angeles.
___

7:52 a.m.
People are waking up to a reminder of the horrors and reverberations of that day: In Afghanistan, two Afghan civilians were killed and 77 American soldiers were injured in a Taliban suicide truck bombing targeting an U.S. base.
Afghanistan's foreign minister said the Sept. 11 attacks bound Afghans and Americans together in a "shared struggle."
But the Taliban emailed a statement to the media: "Each year, 9/11 reminds the Afghans of an event in which they had no role whatsoever. American colonialism has shed the blood of tens of thousands of miserable and innocent Afghans."
___

7:45 a.m.
It's a little cooler today in New York. But there's a familiar feel in the air.
One of the strongest 9/11 memories for many New Yorkers — and for people all along the Eastern Seaboard — was the crisp, sunny weather before the first plane hit the World Trade Center. The day began as a nearly perfect one.
Maybe we shouldn't be surprised about this morning's weather — this is usually a pleasant time of the year in this part of the world. But there's a familiar feeling in the air.
___
Associated Press writers Jaime Holguin, Lori Hinnant, Larry Neumeister and Samantha Gross contributed to this report as did other AP journalists around the world.
___

Follow Eric Carvin on Twitter: http://apne.ws/osp9Eh. And for more real-time updates, follow AP journalists around the world who are tweeting about the 9/11 anniversary: http://apne.ws/r5QDl2.
 
With 9/11 anniversary on a Sunday, pastors prepare their sermons
Eric Marrapodi
10:05 11/09/2011
(CNN) – The details of the attack on the World Trade Center and the Pentagon, and the plane crash in a field in Shanksville, Pennsylvania, will be remembered at length this week. What, when, how and who will dominate the headlines. As people across the country head to churches, temples and mosques this weekend, they will once again wonder why. They will look to the pulpit and listen for an answer.

This week, clergy of all faiths are preparing answers as their congregants ask why 9/11 happened, how it should be remembered and what their response should be as they go out from their sacred space and back into the secular.

For some, there will be calls to patriotism among the prayers. Others will shy away from country.

The remembrances cover a wide variety. Some churches will bring care packages to first responders, Dodger Stadium in Los Angeles will be packed for a prayer service Saturday, and there will be hundreds of churches simulcasting services featuring megachurch pastor Rick Warren or other famed clergy.

We spoke with clergy of many different faiths, in many different parts of the country, and asked how they were preparing and what they would tell the faithful as the 10th anniversary of 9/11 falls on a Sunday.

The Rev. Rich Smith had just arrived as the pastor of a church in Bethesda, Maryland, just outside Washington, D.C., in 2001. His first Sunday was September 9, 2001. On the morning of the 11th, they were planning for the next service. "A lot of that had to go out the window," he said.

He was fortunate, he said, because no one from the church died in the attack. A family joined later and the husband, a lieutenant colonel in the Army, was at the Pentagon when the plane struck on 9/11. "He described running as the floor was collapsing behind him," Smith said.

Smith said that 9/11 "affected the whole nine years I was there."

Today, Smith pastors the First Congregational Church in Reno, Nevada, part of the United Church of Christ.

"Even though Reno wasn't attacked, I think people feel like we as a nation were attacked. Even when you're out in the hinterlands like we are, you still feel like you're part of something bigger."

For their 9/11 services, thousands of Catholic and Protestant churches that follow the lectionary, a standardized collection of scripture readings, will be reading from the Gospel of Matthew, where Jesus teaches his disciples how to forgive.

Smith's church will do the same. He said there's some providence to the timing of the passage.

As he preaches about forgiveness, he will remind his congregants of a quote from Nelson Mandela. South Africa, he said, was a, "marvelous example of how you handle something when you feel like you've been so wronged."

"I love the phrase Mandela used, 'No future without forgiveness.' "

In New Orleans, Catholics sitting in the well-worn pews of St. Louis Cathedral in the French Quarter will hear the same passage from Matthew and a similar theme from the Rev. Msgr. Crosby W. Kern when he steps up to the pulpit.

"Forgiveness is probably God’s plan. We don’t forget. We don’t let our guard down. We as a people should be defensive to protect ourselves. But have we got that same sense of mercy and forgiveness we see in God the Father? Whatever our attitude is to our enemies, it’s a good time for us to reflect one that," Kern said.

He will preach to a group of congregants who faced different struggles in the past decade. The statue of Jesus in the back of the church is still missing fingers, a scar from Hurricane Katrina; one that Kern hopes to restore this year.

"We don't forget. We learn. But part of the American psyche is, we are big enough to forgive. We are big enough to try and get over the scars and the wounds that we've suffered throughout our history. It might take a long time, but we can't give up," he said.

In the passage in Matthew, Jesus tells Peter he should forgive the person who has wronged him seven times seventy. "In scripture for us, that's eternal. That's the perfect number, without end. So I'm going to take off on the forgiveness part," explained Father Adam Lee Ortega y Ortiz, Pastor of Santa Maria de la Paz Catholic Church in Sante Fe, New Mexico.

"I know people are meditating on the evil of the attack and the anger it brought about," he said. "When we can quench the anger in our own hearts first, we can do a lot better in the world."

Chaplain Capt. Mijikai Mason, a Southern Baptist minister, will be preaching Sunday to a group of high school students at a military academy outside Columbia, South Carolina. As a member of the Army, he has lived the response to 9/11 and the wars that followed. His audience this Sunday were toddlers at the time of the attack.

He will preach on theme of remembrance. "Now we’re in more of a healing phase. Now it’s more how will we remember and celebrating the lives that were lost,” he said.

Maj. Tommie Pickens, one of Mason's fellow chaplains, is being flown to Chicago to deliver the message Sunday at Addison Community Church on the west side. Pickens said the church is patriotic and loves the U.S. and its military.

He will be preaching from 2 Chronicles 7:14: "If my people which I call by name, humble themselves and turn from their wicked ways, then will I hear from heaven and heal their land."

The verse refers specifically to ancient Israelites but has been interpreted throughout the ages to apply to any country at any time and is very popular with American evangelicals.

Pickens will preach about the first responders, the troops and the spirit of unity that swept the country after the attack, "and lifted the simple prayer, 'God bless America.' "

"We need to remember the cost of the human lives," he said. As congregants go out after the service, he wants them to remember to "be proud of our great nation. Be proud we live in the land of the free because of the brave. Our nation has always exemplified resolve."

"We can stand tall even at the end of a horrible day," he will emphasize.

Days after the attacks, the Rev Billy Graham stood and delivered a sermon to the nation at Washington National Cathedral. Ten years later, Graham is 93 and does not have the stamina to participate in any services, said his daughter Anne Graham Lotz.

His health is failing, and his daughter will be taking the pulpit this year.

Her message will focus on Isaiah Chapter 6, which pertains to when Israel was in crisis and how the prophet's life was shaken.

"When his life was shaken, he didn't say, 'why me?' and allow his life to be filled with self-pity. He looked up," she said.

"I'm going to take that and flesh it out," Graham said. "I think it's very appropriate that in times like this, we look up and ask God to give us a fresh glimpse of himself and a revelation of truth." Her sermon will be in Raleigh, North Carolina, and simulcast around the world on radio and TV.

Tony Campolo will be guest pastor at Trinity United Methodist Church in Little Rock, Arkansas. Campolo is a professor of sociology at Eastern University, a Baptist school not far from Philadelphia. For years, he has been a popular speaker and author, and he relishes his role as the guy who comes in to speak and gets to leave at the end of the service. It frees him to speak what he feels God is calling him to say.

"If I anger people, I'm gone. It's easier for me to sound the prophetic voice than someone who is there all the time," he said.

Campolo will also be preaching on Isaiah Chapter 6 but will take a different approach than Graham.

"The focus of the passage is that there is a sense that in a national crisis, each of us is called upon to stand up and be instruments of God for making things right in the world," he said.

He will also warn congregants against the radical elements in their own midst, not just in other faiths. "All religions have the tendency to create extremism, and in the words of Fredrich Nietzsche, 'Men never do evil with more enthusiasm, than when they do it in the name of God.' And we must recognize that the evil we see in the extremists in the Muslim community that brought about 9/11, is the extremism that we can find in the Jewish community and in the Christian community."

"Revenge is not the way of God's people," he will say, knowing that the memory of 9/11 can stir up old emotions and broad hatred that he says is "unbefitting of religious people."

Rabbi Shmuel Herzfeld of Ohev Sholom - The National Synagogue in Washington, D.C., said that though terrorists misused the name of God to commit their atrocities, in many ways, 9/11 brought Jews and Muslims closer.

He will use his time in the pulpit to warn against cynicism the attacks may have allowed to creep in. "Al Qaeda punctured our belief in ourselves, and we need to remember to ignore them. Al Qaeda’s greatest threat is not the physical, but the attack on our belief in our own destiny; they have spread disbelief and cynicism throughout our land," he plans to say.

"This 9/11, let us remember the dead. But let us also remember the great things we have accomplished in our history and promise ourselves that despite the evil intentions of al Qaeda, we will continue to soar for greatness."

Charles Park is pastor of the nondenominational River Church in Manhattan. They are partnering for a joint service with the Lower Manhattan Church, which was founded after the attacks by Rick Warren's Saddleback Church as a way to minister to the community nearest to ground zero.

Both churches meet blocks from ground zero, and on Sunday, Park will speak to congregants who watched what happened 10 years ago in person; congregants who brushed the toxic dust of falling buildings off their jackets and had to move on with their daily lives.

"I will be focusing on 'how to move forward from 9/11' because as one wise person said, 'Every pain that is not transformed is transmitted,'" Park said in an e-mail.

He will lean heavily on the prayer of St. Francis, "to remind the people of faith the calling from God to be a 'blessing to all peoples on Earth.' "

"Lord, make me an instrument of your peace."
 
Pope prays for 9/11 victims and loved ones
Eric Marrapodi
10:11 11/09/2011
ANCONA, Italy (AP) — Pope Benedict XVI prayed on Sunday for the victims of the Sept. 11 terror attacks and their loved ones and appealed to the world to resist what he called the "temptation toward hatred."

The pontiff reflected on the 10th anniversary of the 9/11 attacks during remarks to the faithful at the end of an outdoor Mass he was celebrating in Ancona, an Adriatic port city.

The pope said, "I invite the leaders of nations and men of good will to always refuse violence as the solution to problems, to resist the temptation toward hatred and to work in society, inspired by the principles of solidarity, justice and peace."

On Saturday Benedict sent a message Saturday to the United States, through a letter to New York Archbishop Timothy Dolan, the head of the U.S. Catholic bishops conference, in which he insisted that violence never be carried out in God's name.

(Source: http://news.yahoo.com/pope-prays-9-11-victims-loved-ones-100855557.html)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Legio Mariae giáo xứ Mẫu Lâm mừng lễ kính Sinh Nhật Đức Mẹ
Lm. Raphael Trần Xuân Nhàn
07:27 11/09/2011
VINH - Ngày 08/09 - Được sự quan tâm của cha quản xứ Antôn Trần Đình Văn, năm nay giáo xứ Mẫu Lâm hạt Nhân Hòa, giáo phận Vinh đã mừng lễ Sinh Nhật Đức Maria trọng thể. Mặc dầu hội đoàn Legio Mariae Mẫu Lâm chưa tròn 1 tuổi, nhưng nhờ nhờ sự chăm sóc đặc biệt của cha quản xứ nên các hội viên rất tích cực sinh hoạt và thực hiện công tác hàng tuần. Giáo xứ Mẫu Lâm với một địa bàn rộng lớn, khoảng 3000 giáo dân, 6 họ đạo, sống chung với lương dân dọc theo các triền núi, chính vì vậy mà công tác mục vụ rất khó khăn, đòi hỏi người tông đồ phải nhiệt thành và kiên trì.

Trong phần đầu các hội viên đã cùng nhau đọc kinh lần hạt kính Đức Mẹ tại nhà thờ và được chị trưởng nói về mục đích ý nghĩa ngày họp mặt này. Ngoài ra các đại diện gia đình Legio Marie cấp giáo phận còn có cha linh hường Raphael Trần Xuân Nhàn, anh thư ký Giuse Dương Văn Thành, thông tín viên Gioan baotixita Nguyễn Văn Hụê, anh Dũng và các thành viên của Curia bạn các đến chia sẻ niềm vui kể những mẩu chuyện về công tác Legio Marie ở Giáo xứ mình.

Đúng 7 giờ 30 đoàn Cung nghinh Đức Mẹ từ hội trường vào nhà thờ và cùng tham dự Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho các thành viên Legio Marie và mọi người.

Trong không khí đơn sơ nhưng với những tấm lòng sốt mến chắc chắn những lời nguyện cầu của các hội viên hôm nay Mẹ sẽ nhậm lời. trước khi vào Thánh lễ, cha Linh giám đã nhắc nhớ lại nguồi cội của Gia đình Legio Marie, đặc biệt năm nay Legio Mariae nhân dịp mừng sinh nhật 90 tuổi Legio Mariae thế giới và 63 tuổi Legio Mariae Việt Nam. “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11, 1). Legio Mariae là đoàn thể giáo dân, do ông Frank Duff người Ái Nhĩ Lan sáng lập vào ngày 7 tháng 9 năm 1921, được Giáo hội phê chuẩn và cho hoạt động. Trên thế giới hiện nay, Legio Mariae có mặt và hoạt động ở 180 quốc gia với gần 200 ngôn ngữ của Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương.Ngày nay, hội đoàn Legio Mariae gồm trên 3 triệu hội viên hoạt động và khoảng 20 triệu hội viên tán trợ theo một hệ thống quản trị chặt chẽ.

Mọi người ý thức được tình yêu của Mẹ từ đó cùng nhau nâng cao đời sống đạo và giúp mọi người sống gần với Chúa hơn.

Trong bài chia sẻ cha linh giám còn nhắc nhở cho các hội viên nhìn lại để Tạ Ơn.

Hướng về ngày mừng sinh nhật lần thứ 90 trọng đại (07.09.1921 – 07.09.2011), Legio Mariae nhìn lại dòng thời gian qua với biết bao nhiêu cảm nghiệm.

Nhìn lại với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa “vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117,2).

Nhìn lại, để cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa đã ban cho các hội viên Legio Mariae có một đời sống Đức Tin, Đức Ái và Đức Khiêm Nhường theo gương Đức Mẹ Maria. Nhìn lại để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân còn sống cũng như đã qua đời; các ngài đã gầy dựng Praesidium trong hy sinh gian khổ, với một tấm lòng quảng đại và tràn đầy tình yêu Thiên Chúa. Các ngài đã để lại cho thế hệ kế thừa một gia sản thiêng liêng quý giá, đó là một Đại gia đình Legio Mariae năng động và có tinh thần đoàn kết yêu thương. Đời sống chuyên chăm cầu nguyện cùng với những việc bác ái, từ thiện, thăm viếng đã trở nên những khí cụ để Legio Mariae có thể đem Chúa đến cho mọi người. Nhờ Mẹ Maria và cùng với Mẹ, các hội viên của Legio Mariae sẽ trở nên những chứng nhân tình yêu cho Tin Mừng được loan báo tới muôn dân.

Nhìn lại để tạ ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta vào một con đường, một hướng đi một sứ vụ đặc biệt trong thời đại mới, phải ý thức thật sâu xa đây là một ơn gọi cao quý,

Nhìn lại trong tâm tình sống lại ước nguyện của Tôi Tớ Chúa là Frank Duff, Đấng sáng lập Praesidium Legio Mariae đầu tiên, Legio Mariae tha thiết hướng đến tương lai trong tinh thần tích cực học hỏi Thủ Bản mỗi ngày để thấm nhuần và đón nhận ơn lành. Mỗi hội viên ủng hộ mạnh mẽ và chuyển lời kêu gọi cầu nguyện trong việc tuyên Chân Phước cho ngài Frank Duff, Tôi Tớ của Thiên Chúa.

Dưới tà áo của Mẹ các hội viên cảm thấy an tâm vui sống đời tông đồ của mình, như những chú gà con ẩn náu dưới đôi cánh Mẹ hiền.
 
Khai giảng Năm học Giáo lý mới: Giáo xứ Thanh Đức trao học bổng cho các em học sinh nghèo chăm học
Paul Maria
07:33 11/09/2011
ĐÀ NẴNG - Sáng nay, Chúa nhật 11/9/2011, Giáo xứ Thanh Đức Gp Đà Nẵng cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho Năm học Giáo lý mới 2011-2012. Thánh lễ do Cha Quản xứ FX. Nguyễn Văn Thịnh chủ sự.

Xem hình ảnh

Đến tham dự có Cha Phó Giuse Lê Thiện Thuật, Bà Nhất và Quý Soeurs, Ban Thường vụ HHDGX, Đại diện các Đoàn thể và đông đủ các em Thiếu niên - Thiếu nhi trong Giáo xứ.

Qua bài phát biểu của mình, Cô Maria Mad. Trương thị Vang, UV Giáo lý - Giáo dục, cho biết : Năm nay Giáo xứ có 26 Lớp Giáo lý bao gồm 786 em từ Lớp 1 đến Lớp 12. Riêng lứa tuổi Vào Đời có 2 Lớp theo học chương trình Thánh Kinh và 2 Lớp cuối Vào Đời được học Giáo lý Hôn nhân và Giáo dục nhân bản nâng cao. Sau khi mãn khóa, các em Vào Đời sẽ tham gia sinh hoạt trong Ban Huynh trưởng HTDC và Ban Giảng viên Giáo lý của Giáo xứ.

Tâm tình với các em, Cha Quản xứ đã nhắc nhở về sự quan trọng của việc học Giáo lý. Học để biết Chúa và yêu mến Chúa hơn, để trở nên những con người đúng với nhân cách và nhân phẩm mà Thiên Chúa vì yêu thương đã ban tặng, muốn thế, phương cách tốt nhất là biết " Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa " như chủ đề của Năm học Giáo lý 2011-2012 này.

Trong dịp này, Ban Caritas Giáo xứ đã trao học bổng cho 52 em Học sinh và Sinh viên nghèo chăm học.

Song song đó, Ban Khuyến học Giáo xứ đã trao phần thưởng tuyên dương cho 13 em trúng tuyển Đại học, 7 em tốt nghiệp Cử nhân và 158 em Học sinh - Sinh viên từ Lớp 1 đến năm thứ 4 Đại học đạt danh hiệu Học sinh Giỏi Văn Hóa và Giáo lý.

Điều đáng mừng và đáng trân trọng là toàn bộ kinh phí trong dịp này được trích từ Quỹ Từ thiện do các bạn Đội Hạt Cải thuộc Giới Trẻ Giáo xứ ( các Giáo phận khác gọi là Đội Ve Chai ) đã miệt mài hằng tuần thu gom ve chai về đem bán mà tích lũy được. Thêm một ngày Khai giảng đáng nhớ và thật vui nữa tại Giáo xứ Thanh Đức.
 
Giáo hạt Kiến Xương mừng Năm Thánh giáo phận
Hoàng Mai
07:40 11/09/2011
THÁI BÌNH - Hôm nay, Chúa Nhật XXIV Thường niên, Giáo hạt Kiến Xương tổ chức mừng Năm Thánh nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Giáo phận Thái Bình. Cùng về tham dự ngày lễ này có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, quí cha và các tín hữu trong Giáo hạt Kiến Xương.

Giáo hạt Kiến Xương bao gồm 13 giáo xứ với tổng số nhân danh khoảng 18.975

Vào lúc 8h15 ngày 11.09.2011, Đức cha Phêrô đã về tới Giáo xứ Thân Thượng trong niềm hân hoan của quí cha và các tín hữu trong giáo hạt.

Trong chương trình chào đón Đức giám mục giáo phận, cha Đaminh Đặng Văn Cầu - chính xứ Văn Lăng, đại diện cho quí cha và hàng vạn con tim giáo hạt Kiến Xương đọc diễn văn chào mừng Đức cha Phêrô.

Thánh lễ mừng năm thánh được cử hành lúc 10h00 cùng ngày với sự tham dự sốt sắng của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hạt Kiến Xương.

Trong bài giảng của mình, Đức cha Phêrô nhấn mạnh tới tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn Người ban cho giáo phận trong suốt 75 năm qua. Đức cha nói: “Nhân dịp mừng năm thánh kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và bày tỏ lòng biết ơn tới các vị tiền nhân đã để lại cho chúng ta một gia sản cao quí là đức tin. Trong dịp này, chúng ta cùng nhau nhìn về tương lai của giáo phận và suy gẫm xem, chúng ta phải làm gì để mở rộng nước Chúa tại giáo phận của chúng ta”.

Từ những thực trạng của giáo phận, Đức cha bày tỏ niềm vui và xúc động, khi thấy các nhà thờ giáo họ, nhà xứ và nhà giáo lý trong khắp giáo phận đang được tái thiết và xây mới, góp phần vào việc giáo dục đức tin và phát triển sứ vụ truyền giáo. Đức cha nói: “Nhìn vào tương lai của giáo phận, chúng ta cảm thấy lạc quan khi ơn gọi trong giáo phận được Chúa ban cho rất dồi dào, lòng sốt mến của các tín hữu ngày thêm thăng tiến được thể hiện qua sự khát khao có cha xứ đến làm mục vụ. Chính Chúa Giiêsu là chủ nhân đích thực của giáo phận, giáo xứ, giáo họ, còn chúng ta là những đầy tớ, là dụng cụ để Chúa dùng trong chương trình cứu độ của Ngài. Nhìn vào các em thiếu nhi, chúng ta thêm hi vọng vào mùa gặt bội thu trong tương lai của giáo phận. Với sự cố gắng của mỗi người trong chúng ta, nhất là khi chúng ta xác định chủ nhân đích thực của giáo phận, giáo hạt, giáo xứ và giáo họ là chính Chúa, chúng ta sẽ càng hi vọng vào sự triển nở hạt giống đức tin trong Giáo phận Thái Bình. Tôi mời gọi mọi người trong giáo phận hãy tích cực tham gia vào chương trình và dự phóng của giáo phận, để trong tương lai, số giáo dân trong giáo phận Thái Bình thêm tăng tiến hơn nữa.

`Trước khi Đức cha ban phép lành với ơn Toàn xá, cha Phanxicô Assidi Nguyễn Tiến Tám – Quản hạt Kiến Xương và chính xứ Thân Thượng đại diện cho cộng đoàn trong giáo hạt cám ơn Đức cha và quí cha ngoài giáo hạt.

Sau Thánh lễ, Đức cha Phêrô cũng chuyển đến cho các em thiếu nhi trong giáo hạt Kiến Xương những phần quà nhân dịp các em mừng tết trung thu.

Thánh lễ mừng năm thánh giáo phận tại Giáo hạt Kiến Xương đã khép lại, nhưng ơn Chúa sẽ còn tuôn đổ mãi trên nơi này, thúc đẩy mầm đức tin vươn lên và lan tỏa trong khắp giáo hạt và giáo phận.
 
Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh giáo phận Thanh Hóa khai giảng năm học mới
BTT Thanh Hóa
07:46 11/09/2011
Hòa chung với niềm vui ngày tựu trường đang diễn ra trên khắp cả nước, vào lúc 9h30 ngày 10/09/2011, Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh (TCV), giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra lễ khai giảng năm học mới, niên khóa 2011 – 2012.

Xem hình ảnh

Lễ khai giảng có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa – Giám đốc TCV Lê Bảo Tịnh, Cha Tổng đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, Cha Giuse Nguyễn Quang Huy – Giám đốc trụ sở Thanh Hóa tại Sài Gòn, Cha Giuse Vũ Thanh Long – Bề trên TCV, Cha Phêrô Trần Ngọc Loan – Linh hướng TCV, Cha Giuse Nguyễn Văn Bình – Giám luật, Cha Phêrô Vũ Văn Hải – Quản lí TCV, Cha Giuse Nghiêm Văn Sơn – Chánh văn phòng TGM, quý Thầy ĐCV Vinh Thanh, quý Sơ Dòng MTG Thanh Hóa, quý thầy cô trong ban giảng huấn, quý khách và 41 Ứng sinh thuộc 2 lớp A-2010 và B-2011 của TCV Lê Bảo Tịnh.

Sau nghi thức khai mạc, Cha Giuse Vũ Thanh Long – Bề trên TCV đọc diễn văn khai mạc năm học mới 2011-2012. Trong bài diễn văn, Cha mong muốn Ứng sinh sẽ ngày được “biến đổi để trở nên giống Chúa Giê-su hơn, nghĩa là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài”, và ý thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa của quá trình đào tạo.

Sau diễn văn khai mạc, Thầy Giuse Phạm Văn Hồng – Thầy đồng hành của TCV đã lên giới thiệu các tân Ứng sinh niên khóa 2011-2012. Số lượng tân Ứng sinh năm nay là 22 chú, đến từ tất cả các giáo hạt thuộc giáo phận Thanh Hóa. Các tân Ứng sinh lên trình diện trước Đức Cha và cộng đoàn.

Với tư cách là Giám đốc TCV, Đức Cha Giuse đã có những lời huấn từ đến các Ứng sinh. Với những trăn trở, ưu tư và hy vọng vào sự phát triển của giáo phận, đặc biệt là công tác đào tạo những Linh mục tương lai, Đức Cha đã nói lên tầm qua trọng của việc đào tạo Ứng sinh trong môi trường TCV, từ đó giúp các chú ý thức hơn nữa về vai trò của việc đào tạo nhân bản, kiến thức và đời sống thiêng liêng. Ngài nhắc lại quá trình đào tạo Linh mục tại Việt Nam ngay từ những năm đầu tiên của lịch sử giáo hội Công giáo Việt Nam. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử mà tiêu chí đào tạo cũng thay đổi. Vì thế, Ủy ban Giáo sỹ đào tạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tìm cách soạn thảo bản hướng dẫn các tiêu chí đào tạo Linh mục(Ratio Institutionis Sacerdotalis). Với những lợi thế khách quan về cơ sở vật chất, giáo phận Thanh Hóa đã bước đầu thực hiện được chủ trương đào tạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhắn nhủ với các Ứng sinh niên khóa 2011-2012, Ngài muốn Ứng sinh đến với TCV sẽ được biến đổi trở nên con người toàn diện, nhất là trong xã hội đang có biết bao những tệ nạn, những thiếu sót, giáo dục đang ngày càng trở nên một vấn nạn đáng quan tâm vì sự xuống cấp của cơ sở vật chất, cũng như phẩm cách của đội ngũ giảng dạy và học sinh. Đức Cha mong muốn các Ứng sinh biết mình đang là ai, muốn gì nơi đời sống TCV, biết sống ngay thẳng dưới ánh sáng Tin Mừng, biết biến đổi bản thân cho xứng đáng với lời mời gọi của Đức Giê-su và sống phó thác cho Ngài.

Nối tiếp theo những huấn từ về vấn đề đào tạo của Đức Cha, Cha Tổng đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc cũng mong muốn các Ứng sinh biến dấn thân, biết đổi mới con người mình, chấp nhận những khó khăn, hy sinh để trở thành một con người mới trong Chúa Thánh Thần. Đó cũng là chủ đề được Cha Phêrô Trần Ngọc Loan – Cha linh hướng TCV, Cha Giuse Nguyễn Quang Huy và Cha Giuse Nguyễn Văn Bình chia sẻ tới các Ứng sinh và Tân Ứng sinh niên khóa 2011-2012.

Xen kẽ những chia sẻ của các Cha là những tiết mục văn nghệ sinh động được chính các chú Ứng sinh biên đạo và biểu diễn, thể hiện được sức trẻ trong đời sống thiêng liêng.

Sau đó, thầy Giuse Phạm Văn Hồng lên giới thiệu Ban đại diện của lớp Ứng sinh năm nay, sau kết quả từ cuộc họp ngày 06/09 vừa qua. Ban đại diện cũng đã nói lên lời quyết tâm của Lớp Ứng sinh trước thềm năm học mới tại TCV Lê Bảo Tịnh.

Lễ khai giảng kết thúc vào hồi 10h45’ bằng bài ca Hiệp nhất, mở ra một hành trình mới trong ơn gọi của những mầm non Linh mục tương lai. Với sự quan tâm của các Vị Mục tử, và với sự nỗ lực không ngừng của các Ứng sinh, cầu chúc một năm học mới với những kết quả tốt đẹp đến với TCV Lê Bảo Tịnh.
 
Giáo Đoàn Granville Giáo Phận Parramatta mừng thánh bổng mạng
Diệp Hải Dung
07:50 11/09/2011
ÚC CHÂU - Trưa Chúa Nhật 11/09/2011 các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Giáo đoàn, các Quan Khách Úc-Việt và các Giáo đoàn bạn thuộc Tổng Giáo Phận Sydney đã đến nhà thờ Holy Trinity Granville Giáo Phận Parramatta tham dự mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh Quan Thầy của Giáo Đoàn.

Xem hình ảnh

Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh được long trọng cung nghinh từ cuối nhà thờ rước lên an vị trên Cung Thánh. Cha Trần Hữu Đức Quản Nhiệm Giáo Đoàn Granville thắp nén hương dâng kính trước kiệu Thánh Hoàng Lương Cảnh và sau đó là phần đọc sơ lược tiểu sử của Thánh Giuse Hoàng Cảnh sanh năm 1763 tại Làng Văn Bắc Giang. Ngài là một Lương Y và là Trùm Họ nhưng rất trung kiên hết lòng vì Chúa. Ngài bị bắt và quan quân ép buộc Ngài phải bước qua Thánh Giá nhưng Ngài nhất quyết không bước qua mà con trân trọng ôm hôn Thánh Giá, chẳng những thế Ngài bị đánh đập tra khảo mà Ngài không lộ vẻ oán giận hay thù hằn Ngài vẫn dâng lời cầu nguyện cho những quan quân đánh đập Ngài. Ngài đã đem Đạo Lý và Tình Yêu của Đức Giêsu đến cho mọi người và để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Ngài bị xử trảm vào ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh, và được phong Á Thánh năm 1900.

Sau đó quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn. Trong bài giảng Cha Trần Hữu Đức nói về gương nhân đức tha thứ của Thánh Tử Đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh, mặc dù Ngài bị bắt, bị tra tấn đánh đập và bị giết chết, nhưng Ngài vẫn tha thứ cho những kẻ bách hại Ngài, Ngài đã sống đúng với Lời Chúa mà Tin Mừng của Thánh Matthew hôm nay loan báo “Thầy không bảo các con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Mt. 18: 21-35)

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Ông Đỗ Văn Nhựt Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn, kế tiếp Cha Trần Hữu Đức cũng ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người. Cha chúc mọi người được bình an trong ơn Chúa.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Lễ Quan Thầy của Giáo Đoàn trong khuôn viên trường học nhà thờ.
 
300 em học sinh Tam Hà - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ - mừng Tết Trung Thu
Sr Minh Trâm, FMA
09:35 11/09/2011
“Trái Tim hồng, trái tim bừng sáng. Cánh tay vàng, cánh tay tình thương.
Trái Tim hồng, trái tim vị tha. Bàn tay xinh, bàn tay giúp đời”.


Sáng 10/9/2011, hơn 300 em học sinh cấp I & II thuộc Khối Phổ Cập Tam Hà - Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, đã có một cái Tết Trung Thu "Trăng Tình Mến" đầy niềm vui, do nhóm bạn trẻ “Trái Tim Hồng” phối hợp với quý Sơ và quý Cô tổ chức.

Xem hình ảnh

“Trái Tim Hồng” là nhóm bạn trẻ được quy tụ từ một diễn đàn trên website (nhacthanh.net) với mục đích chính là giúp các bạn trẻ sử dụng quỹ thời gian của mình thật hữu ích, qua những công việc từ thiện, bác ái hàng tháng, hàng năm, ở nhiều nơi khác nhau, bằng chính sự đóng góp của mình. Như một thiên duyên, tháng này, những “Trái Tim Hồng” bỗng gõ cửa khối Phổ Cập Tam Hà, làm rộn lên tiếng cười vui hạnh phúc của những trẻ em nghèo mà các Sơ đang chăm sóc, dạy dỗ.

Hơn 40 bạn trẻ đến nhà Dòng từ sớm để chuẩn bị. Một số khác nói chuyện vui vẻ với học sinh, như thể cả hai đã quen nhau từ thuở trước.

8 giờ, Sơ Maria Anh Thi, phụ trách khối Phổ Cập rung chuông tập họp các em để đọc kinh dâng ngày cho Chúa và Đức Mẹ. Sau đó, Sơ chia các em thành 15 tổ và giao lại cho các bạn trẻ phụ trách.

Sau khi ổn định tổ, tất cả hân hoan chào đón Sơ Teresa Mai Cấp - Bề Trên của cộng đoàn - và Sơ Maria Nguyệt – Phó bề trên. Sơ Teresa chúc cho sự hiện diện các anh chị ở đâu thì ở đấy là một bầu trời sáng và một thế giới yêu thương. Sơ còn kể cho các em học sinh nghe một câu chuyện về lòng tha thứ để nhắn nhủ các em luôn biết sống yêu thương, bỏ qua cho nhau khi bạn lỡ làm điều không tốt cho mình.

Trong vai trò MC đầy năng động, anh trưởng nhóm đưa các em đi vào những trò chơi thú vị, vui nhộn. Trong chương trình còn có sự thăm viếng của hai chú lân qua những điệu nhảy điêu luyện và sự khéo léo của ảo thuật gia Ann Thảo Phương, làm các em học sinh cứ mở tròn mắt ra nhìn đầy thán phục, thích thú. Những tràng pháo tay không dứt. Một khoảng trời đầy ắp tiếng cười vui!

Để tỏ lòng biết ơn, các em học sinh đã gởi đến Sơ Teresa, quý Sơ, quý cô và các anh chị bài múa “Trống cơm” và những lời biết ơn thật đơn sơ, hồn nhiên.

Kế đến, sơ Teresa chúc lành cho bữa trưa huynh đệ của các em. Vừa dùng bữa, các em vừa thưởng thức những bài múa cử điệu do các anh chị thực hiện. Trước khi ra về, các em còn được các anh chị nhóm “Trái Tim Hồng” tặng một gói quà nhỏ là bánh kẹo và những cuốn tập.

Để nhớ mãi hôm nay, nhóm “Trái Tim Hồng” đã ghi lại thật nhiều tấm hình lưu niệm và hân hoan ra về, với sức trẻ và tình yêu đầy ắp trong tim…

Trong vai trò được đồng hành với các em suốt buổi chơi, tôi như sống lại những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc. Tôi nghiệm thấy niềm vui được lan tỏa ra từ tâm hồn đơn sơ, ánh mắt ngây thơ và những cử chỉ yêu thương mà các em dành cho nhau và cho mọi người. Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa vì giữa một thế giới đang đắm chìm trong những thú vui trần thế, làm nô lệ cho dục vọng, sống ích kỷ... thì vẫn còn đó biết bao bạn trẻ đã tự nguyện cống hiến thời gian, tiển của, sức khỏe vào những việc thiện nguyện, những tổ chức lành mạnh mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự tươi mới cho những tâm hồn kém may mắn và cho chính bản thân các bạn. Tôi tạ ơn Chúa và cám ơn các bạn trẻ trong nhóm “Trái Tim Hồng”đã đi qua cuộc đời tôi bằng những cử chỉ quan tâm, gần gũi mà các bạn đã dành cho các em học sinh và cho mọi người. Tôi ước mong ngày càng có nhiều người cảm nếm được niềm hạnh phúc khi chia sẻ một phần đời sống mình cho người khác.
 
Tết Trung Thu ở Taiwan
Lm Jos Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
08:36 11/09/2011
ĐÀI LOAN - Nếu ở Việt Nam, Tết Trung Thu là ngày lễ của trẻ em, là dịp để các bậc phụ huynh mua sắm cho các em những lồng đèn thắp bằng nến hay bằng pin để các em tổ chức rước đèn Trung Thu vui nhộn, v.v... thì ngược lại tại Taiwan, ngày này được xem là ngày "đoàn viên", nghĩa là dịp này là ngày nghỉ lễ quốc gia, chính phủ tạo điều kiện cho những ai xa nhà đều được trở về đoàn tụ với gia đình, sống chan hoà tình thân sau bao ngày xa cách.

Chính vì ngày gia đình đoàn viên, nên trong những ngày này, trên các ngã đường đặc biệt trên các tuyến cao tốc, nạn kẹt xe luôn là vấn nạn luôn làm đau đầu các quan chức chính phủ đương thời mặc dù hệ thống giao thông ở Taiwan từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, Metro và tàu cao tốc (HSR) được xem là khá hiện đại. Dù thế, người dân Taiwan vẫn không quản ngại khó khăn để trở về đoàn viên cùng gia đình.

Tết Trung Thu ở Taiwan còn được xem là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau tổ chức tiệc Barbecue (xin xem hình) và thưởng thức bánh Trung Thu và thưởng ngoạn trăng rằm. Chính vì thế, tại các công viên hay tại các quảng trường công cộng trên toàn lãnh thổ Taiwan, chính phủ tạo mọi điều kiện cho người dân tổ chức tiệc đoàn viên này. Có nơi chính quyền sở tại còn cung cấp cho dân chúng bếp nướng thịt và những vật dụng khác với giá tượng trưng mà thực chất là phí dọn vệ sinh sau khi dân chúng giải tán tiệc vui.

Tại giáo xứ Mother of God nơi tôi phụ trách, hội đồng mục vụ giáo xứ vì thương Cha xứ là người ngoại quốc thì làm gì có gia đình mà về đoàn viên, nên sau thánh lễ Chúa nhật ngay trước thềm Tết Trung thu, giáo xứ đã tổ chức với cách thức "mỗi nhà một món" đem đến để cùng nhau chia sẻ với Cha xứ. Đây là điều làm cho tôi cảm thấy ấm lòng bởi giáo dân xem Cha xứ như người nhà của mình. Mà cũng phải thôi, bởi giáo xứ là đại gia đình mà. Xin cảm ơn những tấm lòng của giáo dân nơi đây đã không để tôi phải cô đơn và vì nhớ nhà, nhớ quê hương mà lơ là công việc mục vụ.

Một vài chia sẻ nhân tết Trung Thu. Cầu xin Chúa chúc lành cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới, nhất là các em thiếu nhi tại Việt Nam thân yêu của tôi. Dịp này cũng là dịp để tôi nhớ đến và cầu nguyện không chỉ cho các em thiếu nhi mà còn là dịp để tôi xin Chúa giúp cho giáo hội tại Taiwan này- một giáo hội được xem là "giáo hội già nua". Già nua ở đây không phải vì giáo hội này được hình thành lâu đời (bởi chỉ mới 150 năm mà thôi) mà là đến tham dự thánh lễ chù yếu là những người cao tuổi mà có rất ít người trẻ hay thiếu nhi. Thế nên làm sao để người trẻ hay thiếu nhi đến với giáo xứ trong những ngày lễ là một thách đố lớn đối với giáo hội tại đây và cũng là trăn trở của các vị mục tử đang dấn thân truyền giáo trên mảnh đất ngoại giáo này.
 
Khoá Ca Trưởng tại Đan Mạch
Jos. Ngô Ngọc Lâm
11:15 11/09/2011
Copenhagen tháng 9/2011 - Qua sự tích cực bảo trợ của BCH Cộng Đồng CGVN tại Đan Mạch, Khoá Ca Trưởng cấp I, đợt 2 đã được tổ chức từ 23 đến 28/8/2011 tại Odense, Denmark.

Xem hình ảnh

Từ đầu năm 2010, BCH Cộng Đồng đã ngỏ lời mời nhạc sư Phạm Đức Huyến từ Hoa Kỳ sang tổ chức khoá ca trưởng tại Đan Mạch. Thầy Huyến nhận lời mời và tháng 8/2010 thầy Huyến đã hoàn tất Khoá Ca Trưởng Cấp I, đợt 1 cho trên 20 học viên đến từ Đức và Đan Mạch.

Từ cả hai khoá,nhắm chung mục đích tôn vinh Thiên Chúa qua thánh ca, nâng cao trình độ cho các ca trưởng tăng hiệu năng phục vụ và giúp các ca đoàn thăng tiến hầu giúp mọi tín hữu trong các cộng đoàn hoà nhịp ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Vì vậy dẫu gặp bao cản trở khó khăn: Mỹ Châu, Âu Châu cách biệt, thời gian eo hẹp, tuổi tác và sức khoẻ giới hạn, công ăn việc làm khó cho phép…, mọi người đều quyết tâm vượt qua. Cả thầy lẫn trò đều chăm chỉ miệt mài, tạo nhiều thành công bất ngờ cho các khoá học.

Nhạc sư Phạm Đức Huyến, giảng dạy qua online từ Hoa Kỳ, Phụ giảng tại chỗ là ca trưởng Hoàng Viết Hùng. Có 20 học viên tham dự với đủ lứa tuổi từ 20 đến 70 tuổi đến từ Đức Quốc, Hòa Lan và Đan mạch.

Về chuyên môn ngoài kiến thức âm nhạc, kỹ thuật đánh nhịp đẹp và sắc bén qua thực hành, các thầy còn chú trọng về khả năng xướng âm, kỹ thuật tập hát, nghệ thuật điều khiển ca đoàn; nhất là về thanh nhạc qua sự hướng dẫn của ca trưởng Hoàng Viết Hùng, thực tập tại chỗ với những bản thánh ca quen thuộc, làm mọi người say mê, ngỡ ngàng cảm nhận nhiều sự mới lạ cần phải học hỏi thêm.

Những điều tích cực cần trình bầy thêm và những hình ảnh đẹp cần ghi nhận về khoá học.

Qua phát biểu và những chia sẻ của hầu hết các học viên trong buổi tổng kết:

1. Khoá ca trưởng thành công. Các ca trưởng cảm nhận những bước tiến rõ rệt, thấy tự tin thật nhiều. Thậm chí có những học viên trẻ, bản tính nhút nhát, e dè, công khai thú nhận đã trút bỏ mọi thành kiến tự ti, vững tin và mạnh dạn trong những việc phải làm của người ca trưởng.
2. Khoá ca trưởng tạo được bầu khí yêu thương hiệp nhất. Tình cảm và sự tương kính dành cho nhau như trong một đại gia đình, cùng nhau học hỏi, không ai cảm nhận được sự khác biệt tuổi tác, giới tính hoạc từ các địa phương khác nhau.
3. Bầu khí luôn vui tươi, sinh động qua những lúc quây quần. Nhất là trong các bữa ăn, rất nhiều lần được nghe những câu chuyện dí dỏm, hoạc phải trải qua những trận cười bể bụng. Cám ơn Chúa về những anh chị em có tài khôi hài và có tài kể chuyện cười khó quên. Từ đấy khóa học trở thành nhẹ nhàng đi rất nhiều.
4. Tư gia của anh chị Trần Văn Trí được anh chị em ca ngợi là ” Khách Sạn Ngàn Sao”. Xin tri ân sự đóng góp tích cực của anh chị cho cả hai khoá ca trưởng tại Đan Mạch.
 
Đêm Trung Thu tại giáo xứ Phước Bình
JB Hữu Quang
11:22 11/09/2011
ĐỒNG NAI - Khoảng gần 700 em thiếu nhi lương giáo cùng vui trung thu trước sân thánh đường gx Phước Bình cùng với nhóm anh em sinh viên Hiệp Thông từ Saigòn, với chương trình văn nghệ vui nhộn, rước đèn và phát quà, cũng như phát học bổng cho 10 học sinh nghèo hiếu học.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Phước Bình thuộc hạt Long thành, GP Xuân lộc,(Đồng nai) mới được nâng lên hàng giáo xứ từ giáo họ Martinô khoảng 2 năm, nhưng nhờ nhiệt tình của cha quản xứ Phê rô Nguyễn văn Hường OP., ngọn đồi hoang vu giữa vùng rừng khai phá lập nghiệp của người dân từ các nơi đã có được một ngôi thánh đường nhỏ bằng vật liệu tiền chế và đủ các cơ sở giáo lý và nhà xứ...Là một ấp vùng sâu, cách quốc lộ hơn 10km, nhưng nơi đây thường xuyên có nhiều đoàn thể, nhà hảo tâm dến thăm và tặng quà giúp đở những gia đình nghèo, neo đơn, riêng giáo dân cùng cha xứ đóng góp để xây dựng được Nhà Bác Ái giúp cho những gia đình gặp khó khăn về nhà ở... Nhóm sinh viên Hiệp Thông đã vận động nhiều nhà tài trợ và đến cùng các em trong dịp trung thu.

Sau thánh lễ cầu cho các em nhỏ, chương trình văn nghệ Trăng Yêu Thương đã được trang hoàng chuẩn bị trước thánh đường, nhưng cơn mưa bất chợt buộc các em quay vào nhà thờ nhận quà. May mắn thay, sau đó trời quang mây tạnh, các em lại trở ra sân để bắt đầu chung vui văn nghệ với các anh chị sinh viên. Kể cả phụ huynh, sân nhà thờ đón tiếp trên 1000 người. Chương trình văn nghệ được dẫn dắt và hoạt náo linh hoạt bằng các tiết mục múa lân,chú Cuội chị Hằng, thỏ trắng cùng với những nhân vật truyện tranh như Đô rê mon, bạch tuyết 7 chú lùn.. , cùng với những diệu múa, ảo thuật đã làm say mê các em suốt hơn 2 giờ. Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng tặng 10 học bổng cho các em nghèo hiếu học. Sau văn nghệ các em được rước đèn và nhận thêm quà như bánh keo tập bút..

Nhóm sinh viên Hiệp thông đã sinh hoạt công tác xã hội tư hơn 20 năm nay và thường xuyên đến các vùng dân cư thuộc vùng sâu vùng xa để hòa đồng với những hoàn cảnh khó khăn.
 
Tết Trung Thu tại họ đạo Họ Đạo Đức Mẹ La Vang ở Fresno
Margarita Nguyễn Phương Lan
16:21 11/09/2011
CALIFORNIA - Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh... Âm điệu mạnh mẽ, dồn dập của bài hát trong dĩa nhạc làm lồng các em thiếu nhi háo hức, kỷ ức tuổi thơ của người lớn cũng bị đánh thức theo.

Xem hình ảnh

Cùng hòa chung niềm vui ngày Tết Trung Thu với quê Mẹ tại Việt Nam, Thiếu Nhi Thánh Thể Đoàn Thánh Linh Fresno thuộc Họ Đạo Đức Mẹ La Vang cùng với Cha Quản Nhiệm, Thầy Phó Tế và Thầy Cô thuộc khối Giáo Lý-Việt Ngữ tổ chức ngày Trung Thu bằng một thánh lễ dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ trong một năm vừa qua, đồng thời phó dâng một niên học mới của trường Văn Hóa La Vang năm 2011-2012 sẽ gặt được những điều tốt đẹp nhất.

Tất cả mọi người tham dự thánh lễ đều hiệp ý xin Chúa chúc lành cho các em và phù giúp các em luôn giữ mãi tâm hồn trong trắng và tươi sáng như Trăng Rằm. Và cũng không quên xin Chúa ban tràn đầy hồng ân, sức khỏe cho Cha Quản Nhiệm, Thầy Phó Tế, các anh chị Huynh Trưởng cùng Thầy Cô là những người dìu dắt các em thiếu nhi trong suốt 1 năm sắp đến.

Sau Thánh Lễ, các em cùng hòa vui với nhịp điệu múa lân, và nhận quà Trung Thu lồng đèn và bánh kẹo. Nguyện xin Chúa và Mẹ La Vang luôn tiếp tục yêu thương và chúc lành cho Họ Đạo chúng con ngày càng đi lên trong ân nghĩa của Chúa và của Mẹ.
 
Văn Hóa
Phải vậy không anh?
Nguyễn Ngọc Sáng
14:02 11/09/2011
Nhìn ảnh vẽ, tôi thấy thiệt là lạ
Nên phải hỏi bởi không thể làm thinh
Thắc mắc quá nên tôi muốn hỏi anh
Tại sao anh lại cúi đầu phủ phục

Trước tử tội mà trong một vài phút
Anh sẽ làm theo lệnh của quan trên
Quan trên cũng chỉ theo lệnh triều đình
Để xử phạt những người theo “tà đạo”

Bằng nhiều cách như nào là xử giảo
Kết thúc mạng người bằng một sợi dây
Người ở bên kia, người ở bên này
Sau lệnh truyền, cứ mạnh tay lo siết

Nhưng cái cách mà có nhiều người biết
Là xử trảm, nghĩa là xử chém đầu
Dụng cụ anh cần là một cái đao
Nếu thương tình, anh sẽ mài cho bén

Để nhát đao sẽ ngọt sớt khi chém
Cánh tay vung là chiếc đầu sẽ rơi
Vậy là xong, và chỉ có vậy thôi.
Nếu chỉ vậy, đâu có gì phải nói

Đằng này khi ở trước mặt tử tội
Anh lại quỳ, thế “qui tấn khán đao”(*)
Tử tội nhìn, anh lặng lẻ cúi đầu
Đó là điều khiến cho tôi thắc mắc

Với tử tội, anh thuộc hàng cháu chắt
Nên ra tay, anh cảm thấy ngại ngùng?
Nhất là khi thấy cụ vẫn ung dung
Không tỏ ra một chút gì sợ hải

Thái độ cụ đã làm anh ái ngại
Nên dẫu rằng làm công việc quen tay
Với ông già tuổi đã tám mươi hai
Anh cảm thấy sao lòng anh bối rối?

Dẫu rằng vậy, sao anh lại quỳ gối?
Tử tội đã bị buộc vào cọc hình
Hay quan quân không có ở cạnh bên
Anh nhân dịp cúi đầu để nói nhỏ?

“Con chém cụ, cụ “đi”, xin cụ nhớ
Mai sau đây khi cụ ở trên trời
Phù hộ cháu con còn ở dưới đời
Một lạy này, con xin đưa tiển cụ”

Hay là anh cũng là người có đạo
Mà bấy lâu không được gặp cha thầy
Sẵn hôm nay, may có được dịp này
Nên tiện thể xin chịu phép giải tội?!

Bởi vậy cho nên anh đã quỳ gối
Để khiêm cung mà đón nhận phép lành
Quá thắc mắc nên tôi phải hỏi anh
Hỏi chơi vậy chớ làm sao anh nói!

(*) qui tấn khán đao là một thế võ, trong việc sử dụng đao.
(Nhân đọc truyện Thánh Luca Vũ Bá Loan)
 
Ký Sự Bên Đường Thiên Lý (5): Philadelphia - New York - Washington
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
18:42 11/09/2011
Ký Sự Bên Đường Thiên Lý (5): Philadelphia - New York - Washington

Bạn thân mến,

Tập ký sự “BÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ” ra mắt bạn đọc như một tặng phẩm tinh thần tới người thân. Vì thế, nó cần được sự bao dung của độc giả khi đọc nó dưới góc độ chuyên môn hoặc nghiên cứu. Trong suốt hành trình bốn mươi lăm ngày trên đất Hoa Kỳ, chúng tôi đã được đón nhận bao ân huệ: Ân huệ từ trời và ân huệ từ con người. Chúng tôi trân trọng ghi ơn quý Linh mục, tu sĩ, giáo dân, thân nhân và bạn hữu đã giúp chúng tôi về tinh thần và vật chất để có được một chuyến đi giàu cảm xúc.

Những tư liệu trong tập ký sự này là tích hợp đa dạng tin tức: Từ quan sát thực tế bên đường đến thông tin báo chí và chuyển tải trên mạng Internet. Chúng tôi xin lỗi vì không thể trích dẫn tác giả chính xác như một tài liệu biên khảo. Nó phản ánh một góc độ hẹp, một cách nhìn hạn chế so với cuộc sống sôi động muôn nẻo ngàn trùng.

Xin mạnh dạn trao gửi tới tay bạn đọc món quà này mong phần nào thể hiện được tấm lòng đồng điệu tri âm.

Linh mục Phêrô Hồng Phúc.


PHILADELPHIA

Rời Houston với những tình thân của đồng hương Phát Diệm, chúng tôi đã có mặt ở sân bay để đi thăm Philadelphia thành phố lớn nhất trung tâm của tiểu bang Pennsylvania, thành phố thủ đô đầu tiên cổ nhất của nước Mỹ. Philadelphia đã được thành lập từ năm 1682, khi đó khu vực này là nơi sinh sống của người Ấn Độ và các thổ dân. Những năm đầu thế kỷ 17, Philadelphia nhanh chóng phát triển thành một thành phố thuộc địa quan trọng và trong cuộc Cách mạng Mỹ giành độc lập, thành phố đã được lựa chọn làm thủ đô tạm thời của Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ 19, Philadelphia vẫn còn là trung tâm văn hóa và tài chính của đất nước và là thành phố có nhiều ngành công nghiệp, dệt may lớn nhất. So sánh một cách khập khiễng, Philadelphia tương tự như cố đô Hoa Lư của Việt Nam, khi vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng Đế (968-979) và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Từ năm 1950, dân số của thành phố bắt đầu giảm. Philadelphia trong tình trạng nghèo và thiếu các tiện nghi. Chiến tranh băng đảng mafia hoành hành tại thành phố. Nhưng từ cuối thế kỷ 20 đến nay, thành phố đang hồi sinh và gia tăng dân số, thậm chí còn có sự bùng nổ chung cư ở trung tâm thành phố và các khu vực xung quanh.

4 LM Phát Diệm tại quả chuông đồng lịch sử
Chúng tôi tới nơi khi thành phố đã nghiêng đổ nắng chiều. Những dãy phố còn giữ được theo phong cách kiến trúc của Anh. Vì trước khi dành độc lập, Philadelphia từng là một trong mười ba tiểu bang Hoa kỳ là thuộc địa của Anh.

Tại thành phố này, còn giữ được quả chuông đồng lịch sử. Nó đã gióng lên hồi chuông đầu tiên mừng ngày tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ mùng 4 tháng bảy năm 1776. Tiếng chuông đầu tiên và cũng là tiếng chuông duy nhất vì nó bị nứt vỡ ngay sau đó. Người ta đã giữ quả chuông như một kỷ vật hoà bình và chúng tôi đã phải xếp hàng rất dài mới tới lượt được vào xem và chụp ảnh lưu niệm trước quả chuông này. Từ Philadelphia, chúng tôi sẽ đi tiếp những thành phố quan trọng khác.

NEW YORK

Chúng tôi lên xe bus trực chỉ New York, thành phố hiện đại và phồn thịnh nhất Hoa Kỳ.

Từ Philadelphia tới trung tâm New York, xe bus đi qua một đường hầm dài. Chẳng có gì xa lạ với Việt Nam khi đường hầm đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Ngang cũng đã cho hành khách một khái niệm về khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong giao thông như thế nào. Nhưng điều bất ngờ với chúng tôi là đường hầm này xuyên qua dưới lòng sông. Đây là đường hầm xe hơi đầu tiên trong số hai đường hầm đi xuyên qua dưới lòng sông Hudson. Hoàn thành năm 1927 sau 7 năm thi công, đường hầm mang tên vị kỹ sư trưởng người Hà Lan Miburn Clifford, vị kỹ sư đã chết trước khi dự án hoàn thành. Để thông gió cho đường hầm này, người ta đã thiết kế bốn toà nhà thông gió cung cấp gió cho 84 quạt cùng hoạt động dọc theo hai đường ống tuýp lớn, để có khả năng trong vòng 90 giây, thay đổi không khí trong đường hầm khỏi các thành phần carbon monoxide là chất độc hại của khí thải ô tô. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2007, đã có tới 34.698.000 lượt xe qua lại đường hầm này.

Qua đường hầm dễ dàng và thông thoáng, chúng tôi tiếp cận với trung tâm thành phố New York. Quả là “Danh bất hư truyền”, một thành phố văn minh hiện đại choáng ngợp trước mắt chúng tôi. Tại các thành phố Âu châu hoặc Á châu, người ta thường nói tới toà nhà cao chọc trời, còn ở New York này là cả một thành phố cao chọc trời. Chúng tôi bị mất hút tầm mắt khi ngẩng cao nhìn thành phố cao tầng. Ngồi trên tầng hai nóc xe bus, đi dọc đường phố giữa trưa nắng của khí hậu bắc Mỹ, dù là “đứng bóng” mặt trời nhưng xe vẫn có nhiều bóng mát vì nhà tầng cao vút tạo nhiều góc cạnh, và chỉ cần một góc thôi, chúng tôi đã có quá đủ bóng mát rồi !

Theo sử liệu thì từ năm 1913 -1974, thành phố New York đã xây dựng các toà nhà cao nhất thế giới. Từ đó đến nay, các toà nhà chọc trời tiếp tục mọc lên, đặc biệt là toà tháp đôi, trung tâm thương mại thế giới.

Chúng tôi dừng chân tại quảng trường Times Square và đi bộ tới tận chân toà tháp đôi để chứng kiến những thăng trầm lịch sử đã từng diễn ra nơi toà tháp cao nổi tiếng này.

Trung tâm Thương mại Thế giới ban đầu là quần thể của bảy tòa nhà bao gồm tòa tháp đôi cao nhất mang tính biểu tượng ở New York. Toà tháp đôi này được xây dựng từ đầu những năm 1960. Tháp phía bắc đã được hoàn thành trong tháng mười hai năm 1972 và tháp phía nam được hoàn thành trong tháng bảy năm 1973. Cả hai được thiết kế theo kết cấu khung thép cao 110 tầng (một toà cao 417m, một toà cao 415m) cao hơn cả toà nhà Empire State 107 tầng, được coi là cao nhất thế giới tính đến thời điểm đó. Đài quan sát thế giới nằm trên tầng 107 của tháp phía Nam. Toà nhà thứ bảy trong quần thể này mới hoàn thành vào năm 1985.

Thế giới đều đã biết sáng ngày 11 tháng chín năm 2001, hai máy bay phản lực thuộc lực lượng Al-Qaeda đã lao thẳng vào toà tháp đôi này trong một cuộc tấn công khủng bố. Sau 56 phút bị bốc cháy, tháp phía Nam bị sụp đổ, nửa giờ sau đến toà tháp phía Bắc. Cuộc tấn công này đã làm 2.752 người chết. Các toà khác trong quần thể tuy không bị sụp đổ nhưng cũng đã bị phá hủy vì hư hỏng nặng không thể sửa chữa được.

Đến xem trực tiếp mới lý giải được tại sao chỉ trong một giờ đồng hồ mà toà tháp đôi lại có thể sụp đổ dễ dàng như thế. Câu hỏi của tôi từ 10 năm nay chắc cũng giống như bạn là tường bê-tông cốt thép kiên cố đâu dễ dàng dẫn nhiệt đến tận chân móng trong một giờ đồng hồ như vậy? Và cho dù thép nóng chảy thì tường bê-tông cũng không dễ dàng sụp đổ nhanh đến thế. Vâng, sai lầm chính là ở chỗ đó. Chúng ta là người Việt Nam, suy nghĩ theo cung cách xây dựng của Việt Nam. Bạn còn nhớ ở ngay phần đầu của ký sự, tôi đã mô tả công nghệ xây dựng phù hợp với địa hình, khí hậu ở Hoa Kỳ. Chỉ có khung thép chịu lực dựng đứng, phần bọc là gỗ, và các công nghệ cách âm, chống nóng đều dễ cháy. Khi Toà Tháp đôi bị bốc cháy dữ dội, nhiệt độ cao làm thép nóng chảy, tất cả các lớp công nghệ xây dựng bắt lửa và chỉ trong một giờ đồng hồ, mọi diễn biến lịch sử đều đã kinh hoàng xảy ra!

Không phải chỉ đơn phương có đoàn chúng tôi, dòng người đi bộ từ các nước trên thế giới cũng đang thầm lặng tiến về đây. Cùng với họ, chúng tôi trầm lắng suy tư, ngậm ngùi hoài niệm và không quên chụp ảnh mảnh đất bàng hoàng đau thương trước khi ra về.

Đến với New York còn là đến với một lịch sử giàu tính truyền thống. Năm 1524, người Pháp đã phát hiện ra mảnh đất này, nhưng Hà Lan mới là nước tuyên bố chủ quyền đầu tiên vào năm 1609. Năm 1664, New York lại trở thành thuộc địa nước Anh. Từ thế kỷ 18, New York phát triển thành trung tâm thương mại lớn và là tiểu bang thứ mười một gia nhập Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (1787), thành phố New York là thủ đô quốc gia tại những thời điểm khác nhau giữa những năm 1785 và 1790.

Trong suốt thế kỷ 19, thành phố New York đã trở thành điểm chính cho người nhập cư châu Âu đến Hoa Kỳ, nhất là từ khi tượng Nữ thần Tự do được dựng lên vào năm 1886 và trở thành một biểu tượng của hy vọng. Đây là pho tượng do nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi kết hợp với Alexandre Gustave Eiffel (nhà thiết kế Tháp Eiffel) hoàn thành tác phẩm điêu khắc kỷ niệm một trăm năm bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1786-1886).

Tượng Nữ thần là một nỗ lực chung giữa Mỹ và Pháp. Mỹ xây dựng bệ tượng bằng đá hoa cương, và Pháp lắp ráp tượng Nữ thần. Lễ khánh thành tượng tại New York diễn ra ngày 28 tháng 10 năm 1886. Liên Hợp Quốc đã công nhận tượng Nữ thần Tự Do là một di sản văn hoá thế giới.

Chúng tôi không thể đáp tàu thuỷ ra tận nơi đặt tượng Nữ Thần Tự Do, chỉ đứng trên bờ biển ở cự ly gần nhất, nhìn ra pho tượng đặt trên mỏm một đảo nhỏ là cửa ngõ của New York. Thời gian gấp gáp chỉ đủ để đáp chuyến xe bus theo vé khứ hồi trở về

Philadelphia, chuẩn bị cho hành trình đi Wahsington, DC.

WASHINGTON, DC.

Lịch sử của Washington, DC. được gắn liền với vai trò là thủ đô của Hoa Kỳ. Washington, DC. (District of Columbia) là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng bảy 1790. Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép thành lập một quận đặc biệt tách khỏi quyền giám sát của chính phủ liên bang và hình thành thủ đô quốc gia Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã đến với toà nhà Quốc hội. Toà nhà rộng lớn xây dựng trên đỉnh ngọn đồi, vừa là đỉnh cao nhất, vừa là tâm điểm của Washington, DC. Trải dài trước mắt chúng tôi là một không gian rộng lớn nhưng không phải là Quảng trường, vì đây là mặt sau của toà nhà Quốc hội. Đó là một quả đồi gồm khoảng 274 mẫu Anh (1,11 km ²), với một không gian thoáng đãng bao gồm chủ yếu là các thảm cỏ, lối đi, đường phố và các khu vực cây xanh. Nhiều người đã tưởng đây là Nhà Trắng – danh từ chỉ phủ Tổng thống Hoa kỳ, nhưng đó là sự lầm lẫn. Nhà Trắng không xa toà nhà Quốc hội nhưng là khu biệt lập. Chúng tôi dừng bước tại tượng đài của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Pho tượng được đặt dưới chân toà nhà Quốc hội, ở vị trí khởi điểm đầu tiên để bước những bậc tiến lên toà nhà. Khoảng lưng chừng đồi là một nơi nghỉ rộng rãi. Từ đây nhìn xa phía trước, ở ngọn đồi đối diện với toà nhà Quốc hội, một ngọn tháp cao nhất thủ đô được xây dựng để tưởng nhớ vị tổng thống đầu tiên. Ngọn tháp mang tên Washington memorial, toà tháp cao 185m. Chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc ngắn ngủi mà dư âm sẽ đọng lại trong cả cuộc đời.

Những tưởng chỉ đến đây là điểm dừng ai ngờ chúng tôi còn được đi tiếp, vòng qua phía trước của toà nhà Quốc hội, chúng tôi theo đoàn người du lịch đi hẳn vào bên trong. Phòng đợi rộng rãi dành cho khách đến bàn ghi danh lấy vé. Gọi là vé (ticket) nhưng miễn phí hoàn toàn. Nét đặc biệt của Washington, DC. là những điểm tham quan đều miễn phí và hầu hết thuộc về lịch sử, văn hoá, viện bảo tàng… Ticket trong toà nhà Quốc hội này được in mã vạch và được dán trên áo mỗi người. Chúng tôi lên thang gác, dọc theo những hành lang rộng và đi vào phòng chính giữa của toà nhà. Gian chính này thông sang hai Phòng hội bên cạnh, Phòng hội phía bắc là phòng họp của Thượng nghị viện, Phòng hội kia là phòng đại diện. Gian chính giữa phác hoạ dòng lịch sử của Hoa Kỳ qua nghệ thuật tranh vẽ của hoạ sĩ Constantino Brumidi. Bốn bức tranh phía đông miêu tả những sự kiện quan trọng trong việc khám phá châu Mỹ, trong đó nổi bật nhất là bức tranh Christopher Columbus đặt bước chân đầu tiên lên châu Mỹ Latin. Bốn bức phía tây miêu tả sự thành lập của Hoa Kỳ, trong đó nổi bật là bức tranh “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” năm 1786. Brumidi cũng chịu trách nhiệm vẽ bức tranh phong thần Washington trên trần của mái vòm. Ông đã hoàn thành tác phẩm trong thời gian 11 tháng. Bức tranh phong thần cho vị sáng lập Hoa Kỳ, Washington được nâng lên ngang với các vị thần Hy Lạp và La Mã. Bao quanh ông là lớp lớp các tiên nữ. Vòm tròn này là sự hội nhập kiến trúc từ châu Âu, đặc biệt là vòm mái Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican và nhà thờ St Paul ở London. Chiều cao đến đỉnh Dome là 88 m, là đỉnh cao thứ năm ở Washington, đường kính của mái tròn là 100 feet (30 m). Đứng trên đỉnh dome tròn này là tượng Nữ thần tự do cao 6m.

Lễ khởi công cho toà nhà Quốc hội đã diễn ra vào ngày 18 Tháng Chín 1793 dưới sự giám sát của James Hoban, ông cũng là kiến trúc sư xây dựng Nhà Trắng. Công trình xây dựng được nâng cao và mở rộng về hai cánh mãi đến năm 1958 mới hoàn chỉnh. Thượng nghị viện mở phòng từ năm 1959 nhưng chỉ mở cửa những ngày làm việc. Chúng tôi qua thăm Phòng đại diện, Phòng này có tới 448 ghế thường trực nhưng thực tế hiện nay để trống hoàn toàn. Vòm trần được kiến trúc theo hình parabol để có thể truyền âm tốt nhất. Trong giai đoan đầu chưa có hệ thống tăng âm, thì lối kiến trúc này là một phát hiện khoa học trong cấu trúc xây dựng. Tượng những người có công lớn trong các lãnh vực xã hội đối với Hoa Kỳ được đặt dọc theo sát tường. Chúng tôi nhận thấy có tượng một thầy dòng được đặt trong gian phòng vinh dự này.

Ra khỏi toà nhà Quốc hội, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát phía trước. Đối diện với toà nhà này là toà nhà Thư viện của Quốc hội, cũng một dome tròn vươn cao giữa nóc toà nhà như một biểu tượng đặc trưng của nửa phần trái đất. Bên trong đó là kho tàng tri thức của nhân loại. Ngày nay kho tàng ấy đang được hiện đại hoá, toàn cầu hoá qua hệ thống mạng internet. Dịch sang bên phải toà nhà Thư viện Quốc hội là toà nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Lịch sử những năm 1800 – 1806, toà nhà này được dùng làm Thượng nghị viện. Từ năm 1806 – 1860, nó được mang tên là Toà án tối cao Hoa Kỳ. Tối cao Pháp viện chính thức mang tên và làm việc từ năm 1935.

Đi dọc theo sườn toà nhà Quốc hội cũng có nghĩa là đang đi song song với toà nhà Hạ Nghị Viện, nơi các vị Dân biểu làm việc. Toà nhà lớn đến nỗi Dinh Thống Nhất miền nam Việt Nam hiện nay cũng chỉ như một phòng trong tổng thể kiến trúc của toà nhà.

Điều đáng chú ý là ở một góc độ đẹp nhất, góc độ có thể chụp phối cảnh toà nhà Quốc hội, người ta đã dành riêng cho diễn đàn báo chí. Một bục nói chuyện đã được lắp đặt sẵn, ghế ngồi cho các cử toạ. Thú vị hơn nữa là tại đây ai cũng có quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi chớp lấy cơ hội có một không hai này để làm một diễn đàn tự…phát nảy lửa. Cha Antôn Đoàn Minh Hải tiến lên bục, dõng dạc tuyên bố:

- Chúng tôi đã đến nước Mỹ và đang có mặt tại toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ đây.

Cha Antôn Phan Văn Tự tuyên bố:

- Chúng tôi lên án việc phá thai.

Đến lượt tôi chậm chân không biết tuyên bố gì nữa, vì hai “sự thật” đều đã được tuyên bố, tôi đành thật thà công bố:

- Tôi đang thiếu tiền để xây dựng Nhà thờ giáo xứ Phát Vinh! (Nhà thờ xứ mới thành lập, nghèo và chưa có nhà thờ)

Chẳng có ai thèm bình luận về những lời “tuyên bố nảy lửa” của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn hỉ hả ra về vì đã công bố được những điều “quan trọng” trước toà nhà Quốc hội Mỹ!

Được đà phấn khởi, chúng tôi đi bộ về phía Nhà Trắng, còn có tên là Toà Bạch ốc, Phủ tổng thống Hoa Kỳ. Toà nhà không có vẻ lớn nhưng khu vực hàng rào lớn, nhất là phía mặt tiền toà nhà. Chúng tôi cùng chụp ảnh và đi nửa vòng về phía sau ngôi nhà. Cự ly này gần toà nhà hơn. So với không gian xung quanh thì toà biệt thự không lớn lắm, nhưng đó là do khoảng không gian quá rộng. Thực tế toà nhà này bao gồm 132 phòng, 35 phòng tắm, và 6 phòng hội. Ngoài ra còn có 412 cửa ra vào, 147 cửa sổ, 28 lò sưởi, 8 cầu thang và 3 thang máy. Đối với vui chơi giải trí, Nhà Trắng đã có một loạt các phương tiện sẵn có cho các vận động viên bao gồm cả một sân tennis, đường bách bộ, hồ bơi, rạp chiếu phim, và làn bowling.

Trong 200 năm, Nhà Trắng đã đứng như một biểu tượng Tổng thống, Chính phủ Hoa Kỳ, và người dân Mỹ. Lịch sử của nó và lịch sử của thủ đô quốc gia bắt đầu khi Tổng thống George Washington đã ký một đạo luật của Quốc hội vào tháng Mười hai năm 1790 tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ cư trú trong một khu vực "không quá 10 miles2 (16km2).

Có tới 9 bản vẽ thiết kế trình duyệt và kiến trúc sư James Hoban đã giành huy chương vàng cho thiết kế thực tế và mỹ thuật của mình. Nhà trắng được xây dựng tại 1600 Pennsylvania Avenue vào tháng Mười 1792. Mặc dù Tổng thống Washington giám sát xây dựng ngôi nhà, nhưng ông không bao giờ sống trong đó. Mãi đến năm 1800, khi Nhà Trắng đã gần hoàn thành, Tổng thống John Adams và vợ ông, Abigail, là người đầu tiên sống trong toà nhà này. Kể từ đó, các Tổng thống nối tiếp nhau là chủ nhân toà nhà.

Nhà Trắng có một lịch sử độc đáo và hấp dẫn. Nó bị người Anh đốt cháy vào năm 1814 (trong chiến tranh năm 1812) và lần khác vào năm 1929. Trong nhiều nhiệm kỳ tổng thống, nó đã được tân trang nội thất nhưng vẫn giữ được nguyên thiết kế Nhà Trắng đã được xây dựng cách đây hai thế kỷ.

Nhiều đoàn người đến đây chụp ảnh, bình luận…Cũng không ít người đến chỉ để mong nhìn thấy tổng thống hoặc có khi ngược lại để yêu sách tổng thống. Chúng tôi đơn giản là du lịch nên đi xem hết vòng thì ra về. Mặc dù thế chúng tôi cũng vẫn tự tưởng thưởng cho mình có cái “oai” đến tận Nhà Trắng. Trên đường trở về, chúng tôi không bàn nhưng tán chuyện thật rôm rả: “Mình chẳng cần gặp tổng thống Obama, vì mình đã có Obacha. Thì gặp ai là người Việt Nam họ cũng gọi mình như thế mà: Ô ba cha !!!

Xe chúng tôi đi quanh đường phố Washington DC. Ông Nguyễn Thoả là giáo dân Việt Nam và là đồng hương Phát Diệm đã nhiệt tình đưa chúng tôi đi và chỉ cho chúng tôi thấy: đây là nhà hàng mà tổng thống thường ra ăn uống, kia là nhà thờ các đời tổng thống đi dự lễ, có thời tổng thống là Tin Lành, có thời là Công giáo. Chúng tôi cũng đi ngang qua Lầu Năm Góc, đó không phải là một toà nhà, mà là năm khu nhà khép hình ngũ giác. Người dân ở đây gọi là Ngũ Giác Lầu, như thế thì chính xác hơn. Ở một góc mà ngày 11/09/2001 một máy bay khủng bố đã lao xuống làm hư hỏng, chúng tôi dừng xe xuống định chụp ảnh thì đã thấy bảng đề cấm chụp ảnh. Chúng tôi lại lên xe đi tiếp, ngang qua một công viên có cả đoàn xe đang chu cấp khẩu phần thức ăn miễn phí cho đoàn người không gia cư tụ tập ở đó. Xe chúng tôi dừng lại trong sân Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Washington.

BASILICA OF THE NATIONAL SHRINE OF THE IMMACULATE CONCEPTION.

Đó là Đền thánh Công giáo lớn nhất tại Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và là một trong mười nhà thờ lớn nhất trên thế giới. Đền thánh Quốc gia tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đón chào những người hành hương cũng như du khách từ khắp Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.

Tọa lạc tại Washington, DC, Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Hoa Kỳ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật trang trí Mosaique và không gian kiến trúc rộng lớn.

Mosaique là nghệ thuật tạo hình bằng kỹ thuật ghép những miếng nhỏ bằng thủy tinh màu, đá, hoặc vật liệu khác. Đó là mảng nghệ thuật dùng trang trí nội thất, thể hiện nét văn hóa, diễn tả tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo…Nghệ thuật khảm Mosaique của Romana Villa del Casale gần Piazza Armerina ở Sicily là bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới, và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tại các Vương Cung Thánh Đường Kitô giáo, từ cuối thế kỷ thứ IV, đã xuất hiện nghệ thuật khảm tường và trần nhà thờ.

Nghệ thuật này cũng được sử dụng rất tinh tế tại Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Hoa Kỳ. Vòm trần và những mảng tường nghệ thuật Mosaique làm cho Vương Cung Đền Thánh toát lên một vẻ uy nghiêm, cổ kính và nghệ thuật tôn giáo.

Không gian của Đền thánh cũng là những con số đáng chú ý: dài 140m (459 ft), chiều rộng tính đến hết ngang cánh Thánh giá là 55m (180 ft). Đứng giữa Đền thánh, ngửa mặt lên không thể chụp ảnh được toàn phần dome lớn vì đường kính của dome lên tới 33m (108ft). Muốn chụp ảnh bên ngoài Đền thánh thì phải đi rất xa mới chụp được toàn cảnh, vì từ nền vươn lên đỉnh cao Thánh giá của Đền thánh là 72m (237 ft) Riêng ngọn tháp thì chúng tôi biết mình không đủ thời gian để lên tới đỉnh tháp được, mặc dù đã có cầu thang máy, vì ngọn tháp cao tới 100m (329 ft). Đền thánh rộng lớn đủ cho 6000 người tham dự.

Từ năm 1847, theo thỉnh nguyện của các giám mục Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria làm bảo trợ của Hoa Kỳ dưới tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người tín hữu Hoa Kỳ hôm nay luôn khắc ghi sự kiện đó, họ nhớ ơn Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ và Đức Thánh Cha đã dâng cả nước Mỹ cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 1910, giám mục Thomas J. Shahan, Hiệu trưởng trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ đề nghị xây dựng một Đền thánh trung tâm quốc gia để tôn vinh Mẹ Maria. Khi trình bày kế hoạch của mình lên Đức Giáo Hoàng Piô X vào năm 1913, không những ngài nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Đức Thánh Cha mà còn cả đóng góp cá nhân của Đức Thánh Cha nữa. Đức Hồng Y James Gibbons, Tổng Giám Mục của Baltimore, đặt viên đá đầu tiên ngày 23 tháng chín 1920. Công trình được hoàn thành vào năm 1926 và mái vòm được nâng cao năm 1931.

Trong năm 1953-1954, các giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã đổi mới các nỗ lực để hoàn thành đền thánh quốc gia và người Công giáo trên khắp Hoa Kỳ hưởng ứng nhiệt tình với nỗ lực gây quỹ. Ngày 20 tháng 11 năm 1959, Đền thánh quốc gia đã được Cung hiến. Đức Giáo Hoàng John Paul II nâng Đền thánh Quốc gia lên thành Vương Cung Thánh Đường vào ngày 12 tháng mười 1990.

Ngày 07 Tháng mười 1979, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Vương Cung Thánh Đường quốc gia Hoa Kỳ. Mới đây nhất, ngày 16 tháng tư năm 2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã đến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Hoa Kỳ. Trong niềm vinh dự lớn lao của Vương Cung Thánh Đường Hoa Kỳ, có niềm tự hào riêng của người Công giáo Việt Nam, vì đã có một Phòng nguyện nhỏ được dành riêng cho Việt Nam trong tổng thể kiến trúc Vương Cung thánh Đường, và Phòng Nguyện đó đã cung hiến cho Đức Mẹ La Vang.

Chúng tôi quỳ gối cầu nguyện trước tượng Mẹ La Vang, xin Mẹ chúc lành cho mảnh đất hiện là nơi trú ngụ và chúc lành cho mảnh đất quê hương yêu dấu của những người con Việt Nam. Bóng chiều đã ngả, ngoảnh nhìn lại ngôi Đền Thánh lùi dần và khuất hẳn phía sau, chúng tôi lại đi tới phi trường để đáp chuyến bay đến Atlanta, thành phố trung tâm tiểu bang Georgia.

Ngày mai: Atlanta - CNN - Coca Cola

LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bay
Joseph Ngọc Phạm
21:26 11/09/2011
BAY
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Bay giữa cao xanh
hưởng gió trời….
(bt)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền