Ngày 10-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 10/09/2018
2. THUỐC LINH ĐƠN BẰNG CHUỔI HỘT
Hòa thượng Quán Hưu là người nhanh trí nói hay, Xã Quang Đình muốn ức chế lời nói hay của ông ta, cho nên mỗi lần gặp mặt thì nhất định phải tìm cơ hội nói một hai câu nói để đùa với ông ta.
Một hôm, con ngựa của hòa thượng Quán Hưu đang cưỡi đột nhiên giải ra nhiều phân, Xã Quang Đình chỉ bàn toạ của con ngựa liên tục nói:
- “Đại sư, đại sư, chuổi hột rớt ra kìa !”
Hoà thượng Quán Hưu nói:
- “Không phải chuổi hột, mà là linh đơn cứu mạng.”
(Ngũ tạp tô)

Suy tư 2:
Ở đời người hiền lành thật thà thường hay bị người khác ức hiếp; ở đời người ta thường hay nhạo báng khinh dễ người nghèo, và đôi khi người tu hành cũng bị người khác “chơi xỏ”...
Có người nghĩ rằng những người dâng mình làm tôi tớ Chúa đều là những người không biết gì về chuyện làm ăn ở đời, cho nên họ lừa các đấng bậc ấy để moi tiền của họ, và có khi xúc phạm đến danh dự của họ; lại có người nói rằng, những người đi tu thì không biết để bụng, cho nên thường làm cho các đấng bậc bị tổn thương khi họ lợi dụng chức này chức nọ trong giáo xứ để làm chuyện riêng tư có lợi cho mình và cho gia đình mình...
Chúng ta đừng cười nhạo cái thật thà của những người dâng mình làm tôi Chúa, và cũng đừng coi thường cái hiền lành của họ, bởi vì những đức tính ấy được Thiên Chúa dùng để làm những “phương thuốc” chữa lành các tật xấu trong tâm hồn chúng ta, nếu trên thế gian này ai cũng xấu xa ác độc bặm trợn như mình, thì thế gian này chắc là đã bị Thiên Chúa huỷ diệt lâu rồi vậy...
Ma quỷ rất sợ sự hiền lành khiêm tốn và lòng trắc ẩn của những người dâng mình làm tôi tớ Chúa, bởi vì chính các ngài là những người dám đối nghịch với sự dữ của ma quỷ và thế gian, bởi vì chính các ngài là thuốc linh đơn cứu thế gian khỏi tay ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:46 10/09/2018
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 7, 31-37.
“Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đến trần gian, mục đích của Ngài là cứu nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ tội lỗi, đem ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà Ngài bỏ qua không đoái hoài đến những đau khổ nơi thân xác của con người, hay nói cách khác, Ngài không những cứu linh hồn con người mà còn cứu cả thân xác của họ. Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy điều ấy khi Ngài làm cho người câm nói được và người điếc nghe được.
Đức Chúa Giêsu đã làm hai công việc trên một con người tức là Ngài chữa lành bệnh trong tâm hồn và nơi thân xác của người bệnh. Ngài đến không phải chỉ để rao giảng, hay chỉ để mời gọi mọi người thống hối và tin vào Ngài, nhưng Ngài còn làm nhiều việc khác để bảo đảm với những người đi theo Ngài rằng: cứ tin đi thì cơn bệnh nơi thân xác cũng sẽ được lành.
Câm và điếc thường đi đôi với nhau, ai đã bị câm thì cũng sẽ điếc, đó là bẩm sinh, nhưng có những người sau một tai nạn thì bị câm nhưng không điếc, hoặc là nghe được nhưng nói không được, những người này thường đau khổ hơn những người bị câm điếc bẩm sinh vì họ nghe được người ta nói gì, nhưng không thể nói lại cho người ta nghe về cảm nghĩ của mình, quả là đau khổ thật.
Có những lúc bạn và tôi sáng mắt mà cũng như mù, bởi vì chúng ta nhìn mà không thấy những đau khổ và bất hạnh của người khác; có những lúc bạn và tôi chỉ biết lớn tiếng phê bình anh em chị em vì họ thất hứa, mà chúng ta không nhìn thấy họ đang băn khoăn trong lòng vì sự thất hứa của chính mình...
Có những lúc bạn và tôi bị câm mà chúng ta vẫn cứ tưởng mình nói được, đó là lúc chúng ta thấy một em nhỏ ăn xin đang bị người bạc đãi mà chúng ta không một lời bênh vực, chúng ta thấy người đau khổ mà không một lời an ủi, chúng ta thấy các bạn thanh niên nam nữ sống lơ là với Chúa mà không một lời khuyên bảo, chúng ta đã bị câm khi thu mình trong cái vỏ an phận và thỏa mãn của mình.
Chúng ta đừng nhìn người câm điếc mà thương hại, nhưng hãy thương hại và cầu nguyện cho chính bệnh câm điếc trong tâm hồn của bạn và tôi.
Bạn thân mến,
Cha Vincent Lebbe, người Bỉ, ngài đã dạy các con cái của ngài thuộc dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả như sau : “Cứu người” là cứu toàn bộ con người, bởi vì linh hồn và thân xác không thể tách lìa nhau, cứu tất cả khó khăn của họ mà không đòi điều kiện, không hỏi họ có theo (vào) đạo hay không, để tránh người ta hồ nghi các giá trị công tác xã hội của chúng ta”.
Như thế là đã rõ, mỗi khi bạn và tôi đi khuyên bảo người nghèo khó hãy theo đạo, hãy đến nhà thờ, nhưng chúng ta vẫn làm ngơ trước cảnh đói ăn của họ, và có khi không nhìn thấy họ đang lo buồn vì kế sinh nhai mà không đến nhà thờ như bao giáo dân khác được, chúng ta hãy học theo gương của Đức Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật phần hồn thì đồng thời cũng làm cho thân xác của họ được khoẻ mạnh.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để cứu và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn và nơi thân xác của con người, Chúa đã dạy chúng con một bài học yêu thương trọn vẹn, đó là yêu thương nỗi khổ đau nơi thân xác và trong tâm hồn của người anh em bất hạnh. Xin Chúa ban cho chúng con có một tình yêu thương vô vị lợi, để khi chúng con đi an ủi giúp đỡ tha nhân, thì đồng thời cũng biết chia sẻ với họ những gìmà khả năng chúng con có được. Amen”
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:49 10/09/2018

51. Làm việc đền tội nặng nề với nhân đức khiêm tốn cùng với đức ái thánh thiện, tâm thành và vui vẻ, thì đủ để làm cho linh hồn người ta trở thành thánh thiện và có hạnh phúc.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Á Châu là những mục tử dũng cảm trong xã hội thù địch và nguy hiểm
Nguyễn Long Thao
10:02 10/09/2018
Seoul –Korea "Các giám mục châu Á, dù phải sống trong bối cảnh thù địch và nguy hiểm,nhưng các vị ấy thực sự là những mục tử dũng cảm trong việc bảo vệ phẩm giá con người và đưa công lý vào đời sống xã hội. Các vị ấy là những tông đồ chân chính của hòa bình, đối thoại không ngừng nghỉ với những người thuộc nhiều ngôn ngữ, tôn giáo và dân tộc khác nhau để đạt được sự hòa giải "

Đó là lời phát biểu của Đức Hồng Y Andrea Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Seoul, Giám Quản Tông Tòa Bình Nhưỡng nói trong phiên họp có tên là “ Diễn đàn chia sẻ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".

Tham dự diễn đàn này có các vị đại diện ở nhiều nơi như Đức Hồng Y Oswald Gracias, của Ấn Độ, ĐHY Charles Maung Bo của Miến Điện, ĐHY Sebastian Francis Shaw của Pakistan. Các vị này đã phát biểu những kinh nghiệm trong điạ hạt của mình

Đức Hồng Y Oswald Gracias nói "để đạt được hoà giải, chúng ta phải cố gắng xây dựng lòng tin lẫn nhau". Ngài nói thêm "đối thoại cho hòa bình không phải chỉ ở mức độ hội thoại, mà nhất thiết phải dẫn đến hành động".

Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Miến Điện phát biểu "Giáo hội ở Myanmar đã phát triển với tốc độ tương tự như dân chủ hóa đất nước, Giáo hội đang đóng góp cho việc tái thiết đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, bảo vệ quyền con người, phụ nữ và dân tộc thiểu số". Ngài nói thêmg "Giáo hội ở Myanmar đang làm rất nhiều trong lĩnh vực đối thoại liên tôn với Phật tử và người Hồi giáo để xây dựng hòa bình ".

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Francis Shaw nhấn mạnh rằng "Công lý xã hội là bình đẳng, và tất cả điều này phải bắt đầu từ gia đình".

Đề cập đến bối cảnh của Hàn Quốc, ĐHY Hàn Quốc nói: "Điều quan trọng là tìm lại các giá trị và đặc tính chung của hai miền Triều Tiên: Phải bắt đầu từ đó, đối thoại và chia sẻ mới thành hiện thực", Ngài nói thêm " Điều quan trọng là đáp ứng nhu cầu cấp bách của tất cả mọi người Hàn Quốc đặc biệt là đối với những người sống ở miền Bắc."

Nguyễn Long Thao
 
Vatican chuẩn bị trả lời những cáo buộc cuả TGM Viganò.
Kateri Diễm Châu
16:01 10/09/2018
Vatican (Reuters) 10/9/18: Tòa thánh Vatican đang chuẩn bị trả lời vị tổng giám mục người Ý, đã đòi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức, sau khi cáo buộc ông che giấu hành vi tình dục sai trái của một Hồng Y người Mỹ.

Lời tuyên bố cuả nhóm 9 Hồng Y cố vấn (C-9) đã được đưa ra vào cuối ngày đầu tiên của một cuộc họp ba ngày, đây là nhóm 9 vị Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới được triệu tập tới Vatican vài lần một năm để tư vấn cho ĐGH về các vấn đề cuả Giáo Hội.

Nhắc lại, trong một tuyên bố dài 11 trang xuất bản vào ngày 26 tháng 8, Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu khâm sứ (đại sứ) Vatican tại Washington, đã đưa ra một tuyên bố chưa từng có bởi một người trong cuộc của Giáo hội chống lại vị giáo hoàng và nhiều quan chức cuả Giáo hội ở Vatican và Hoa Kỳ.

Tuyên bố của các Hồng Y nói rằng họ đã bày tỏ "sự đoàn kết hoàn toàn với Đức Giáo Hoàng về các sự kiện trong vài tuần qua" và thêm rằng Tòa Thánh đang chuẩn bị "làm sáng tỏ những điều có thể xảy ra và những điều cần thiết".

TGM Viganò nói ông đã nói với (GH) Phanxicô ngay sau cuộc bầu cử giáo hoàng vào năm 2013 rằng Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục Washington DC, đã có những hành vi tình dục sai trái.

Viganò, đang ẩn mặt và tuyên bố qua các nhà báo bảo thủ đã giúp ông chuẩn bị, viết và phân phối bức thư, nói rằng vị giáo hoàng đã không làm gì cả và thậm chí dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt do vị GH tiền nhiệm là Benedictô.

(GH) Phanxicô vào tháng Bảy vừa qua đã chấp nhận sự từ chức của McCarrick, 88 tuổi, làm cho ông trở thành Hồng Y đầu tiên, mà chúng ta có thể nhớ được, bị mất chiếc mũ đỏ và danh hiệu của mình.

Theo các quan chức Giáo hội Mỹ thì, lời cáo buộc rằng McCarrick đã lạm dụng tình dục một cậu bé 16 tuổi 50 năm trước đây là đáng tin cậy và có chứng minh.

Nhưng McCarrick nói rằng ông "hoàn toàn không nhớ" việc lạm dụng về người thiếu niên đó.

Các nhà phê bình cho rằng bản tuyên bố của Viganò có nhiều lỗ hổng và mâu thuẫn và là kết quả thù hận của ông vì không được (GH) Phanxicô thăng chức Hồng Y.

Lý do là, họ nói, McCarrick đã phớt lờ mọi biện pháp trừng phạt, thường xuyên xuất hiện trước công chúng, ngay cả bên cạnh (GH) Benedictô trong nhiều năm sau khi Viganò đã nói rằng cựu giáo hoàng đã hành động chống lại McCarrick.

Vài giờ sau tuyên bố của Viganò được in trên các phương tiện truyền thông bảo thủ, (GH) Phanxicô nói với các phóng viên trên máy bay trở về từ một chuyến viếng thăm Ireland rằng ông sẽ "không nói một lời" về tuyên bố vì nó "tự nói".

Tuy nhiên, ông không loại trừ một phản ứng cuả giáo triều, giống như kiểu mà một trong nhóm 9 Hồng Y vừa nói là Vatican đang chuẩn bị. Nhưng tuyên bố của các Hồng Y không cho biết khi nào thì sẽ được ban hành.

Các Hồng Y cũng cho biết họ đã yêu cầu giáo hoàng "phản ánh" (suy nghĩ) về cách làm việc, về cấu trúc và thành phần của nhóm (được hình thành cách đây năm năm,) và xét đến "tuổi cao của một số thành viên."

(GH) Phanxicô cũng đã nói về ý định của mình thay đổi C-9 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters vào tháng Sáu, nói rằng ông muốn "làm mới nó một chút".

Hai trong số các thành viên của C-9 hiện tại, Hồng Y Úc George Pell và Hồng Y Chi-lê Francisco Javier Errázuriz Ossa, đang phải đương đầu với những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối lạm dụng tình dục của Giáo hội ở quốc gia của họ. Cả hai đều phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
 
Thánh lễ tại Santa Marta 10/9/2018: Sự mới mẻ của Tin Mừng không cho phép một cuộc sống hai mặt
Đặng Tự Do
17:47 10/09/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về sự khác biệt giữa “những điều mới lạ” của thế gian và “sự mới mẻ” của Chúa Kitô trong Thánh Lễ buổi sáng hôm thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài giảng thánh lễ vào sáng thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng Tông Đồ Phaolô rất tức giận với những người khoe khoang mình là “những Kitô hữu cởi mở”, nhưng trong họ “tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đi đôi với một sự tháo thứ về luân lý”: “Thưa các anh chị em, đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại” Đó là những lời quở trách nghiêm khắc, trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi dân thành Corintô, trong đó Thánh Phaolô lưu ý rằng nhiều người trong số họ đã sống một cuộc sống hai mặt. Thánh nhân nhắc nhớ rằng “chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên”, và cần có men mới cho bột mới.

Tin Mừng biến đổi hoàn toàn chúng ta

Chúa Giêsu đã đề nghị với các môn đệ của Ngài “rượu mới, bình mới.” Đức Thánh Cha nói:

“Tính mới mẻ của Tin Mừng, sự mới mẻ của Chúa Kitô không chỉ biến đổi linh hồn chúng ta; nhưng đang biến đổi toàn bộ bản thể của chúng ta: linh hồn, tinh thần và thể xác, tất cả mọi thứ, từng cái một: nghĩa là, biến đổi từ dàn nho – đến men – và cho đến những bầu rượu mới, tất cả mọi thứ. Tính mới mẻ của Tin Mừng là tuyệt đối, là tổng thể; chiếm lấy toàn bộ chúng ta, bởi vì nó biến đổi từ trong ra ngoài: tinh thần, thân thể và cuộc sống hàng ngày.”

Tính mới mẻ của Tin Mừng và những điều mới lạ của thế giới

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các Kitô hữu thành Côrinhtô đã không hiểu được sự mới mẻ bao trùm của Tin Mừng, là điều không phải là một ý thức hệ hay một phương cách sống cùng tồn tại với người ngoại giáo trong xã hội. Tính mới mẻ của Tin Mừng là sự sống lại của Chúa Kitô, và Thánh Linh mà Ngài đã gửi đến “để Ngài có thể đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.” Đức Thánh Cha khẳng định rằng chúng ta là những Kitô hữu, là những người nam nữ của sự mới mẻ [Tin Mừng], chứ không phải của những điều mới lạ [thế gian].

Và rất nhiều người tìm cách sống niềm tin Kitô của mình theo “những điều mới lạ”: [Họ nói,] “Nhưng ngày nay, điều đó có thể được thực hiện theo cách này; hoặc nói ồ không, ngày hôm nay chúng ta có thể phải sống như thế này mới được.” Và những người sống theo những điều mới lạ được đề xuất bởi thế giới là những kẻ trần tục; họ không chấp nhận tất cả sự mới mẻ [của Tin Mừng]. Có một sự khác biệt giữa “sự mới mẻ” của Chúa Giêsu Kitô, và “những điều mới lạ” mà thế giới đề xuất với chúng ta như một phong cách sống.

Yếu đuối, nhưng không đạo đức giả

Những người mà Thánh Phaolô lên án, theo Đức Thánh Cha, “là những người thờ ơ, những kẻ vô luân… những người giả trá, những kẻ chuộng bề ngoài, những phường đạo đức giả.” Và ngài nhắc lại rằng “Lời mời gọi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi hướng đến sự mới mẻ”.

Có người có thể nói, “Nhưng mà thưa Cha, chúng tôi yếu đuối, chúng tôi là những người tội lỗi…” “À, đây lại là một điều khác.” Nếu anh chị em chấp nhận rằng anh chị em là một người tội lỗi và yếu đuối, Ngài tha thứ cho anh chị em, bởi vì một phần của sự mới mẻ của Tin Mừng là thú nhận rằng Chúa Giêsu Kitô đã đến để tha thứ tội lỗi. Nhưng nếu anh chị em nói rằng anh chị em là những Kitô hữu sống hội nhập với những sự mới lạ của thế gian này – thì đừng, vì đây là thứ đạo đức giả. Sự khác biệt là ở chỗ đó. Và Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Hãy cẩn thận khi họ nói với anh em:” Chúa Kitô ở đây, Ngài ở đó, Ngài ở chỗ kia kìa… Những điều mới lạ [thế gian] cho rằng “Không, ơn cứu rỗi đi với điều này, với điều nọ…” Chúa Kitô là Đấng duy nhất . Và Chúa Kitô đã rất rõ ràng trong sứ điệp của Ngài.

Con đường của Chúa Kitô là con đường của sự tử đạo

Nhưng Chúa Giêsu không lừa dối những người muốn theo Ngài. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “Nhưng đâu là con đường của những người sống theo 'sự mới mẻ' [của Tin Mừng], chứ không phải theo 'những điều mới lạ' [của thế gian]?” Ngài nhắc nhớ lại câu kết của bài Tin Mừng trong ngày, trong đó các kinh sư và các thầy thông luật quyết định giết Chúa Giêsu, đang bàn nhau có thể “làm gì được với Ngài.”

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “Con đường của những người nhận lấy sự mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô cũng giống như con đường của Chúa Giêsu: đó là con đường hướng đến sự tử đạo”. Sự tử đạo không phải lúc nào cũng đẫm máu, mà là một sự tử đạo hàng ngày. “Chúng ta đang trên một con đường, và chúng ta đang bị theo dõi bởi tên đại sư tổ cáo gian, là kẻ đang dựng lên những kẻ cáo gian ngày hôm nay để lùa chúng ta vào sự mâu thuẫn.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng dù thế, không cần phải tương nhượng với “những điều mới lạ” của thế gian; không cần phải “làm tan loãng việc công bố Tin Mừng.”


Source: - Vatican News Pope at Mass: Gospel newness does not permit a double life
 
Phản ứng của người Công Giáo trước cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đây lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
23:44 10/09/2018
Cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đây lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tùy theo độ nhìn mà được mô tả thật khác nhau. Bỏ ngoài tai những bàn ra tán vào của các cơ quan truyền thông thế tục một trăm phần trăm, những cơ quan tự hào là vô tư mà thực ra vô tư rất ít khi đụng đến những vấn đề luân lý như phá thai, ly dị, đồng tính. Chẳng lạ gì họ dùng những kiểu nói thật giật gân như âm mưu đảo chính để nói về một sự bất đồng công khai, mà xét cho cùng thì xã hội nào cũng có. Ngay trong hàng ngũ báo chí Công Giáo, nó cũng được mô tả thật khác nhau xa vời rồi.



Giáo Sư Cunningham, trong cuốn Catholic Heritage xuất bản năm 1981, cách nay 37 năm, khi nói đến hai tờ báo The Wanderer National Catholic Reporter ở Hoa Kỳ, đã nhận định rằng đọc thoáng qua không ai có thể tin đó là hai tờ báo đều là Công Giáo cả. Nhận định này càng đúng xiết bao vào lúc này, khi phe ủng hộ và phản đối yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Viganò đụng nhau chát chúa đến mất cả đức ái vốn là nền tảng của Đạo. Nhưng công bình mà xét, phe phản đối sử dụng nhiều “mỹ từ” khôn lường hơn cả. Cha Sparado, chủ nhiệm tờ Civilta Catolica, gọi động thái Viganò là một trò hề (a farce) (Tweet ngày 31 Tháng Tám). Mấy ngày sau, cũng vị linh mục này gọi động thái Viganò là “cuộc tấn công đâm thẳng đầu của ma qủy” (a diabolical head-on attack). Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu từng phán rằng “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:22). Giêsu hữu (tu sĩ dòng Tên) như Cha Sparado mà dùng các “mỹ từ” này (không phải là lần đầu, Cha từng gọi 4 vị Hồng Y “dubia” là dòi bọ) thì không biết nên xếp cha vào loại người nào.

Cứ đọc như thế, người ta tưởng Đạo Công Giáo sắp đến ngày tàn khi các vị chức sắc cao cấp nhất trong Đạo công khai mang nhau ra đàn hặc và được những người ủng hộ lên tiếng “chửi” đối phương thậm tệ, “chẳng còn mặt mũi gì nữa”. Nhưng không. Phản ứng của các tín hữu không hẳn nóng như mấy vị chức sắc và “tay chân” trong Đạo. Phần lớn tuy tỏ ra buồn rầu, lo âu, nhưng họ chỉ nói lên tâm tình của họ, phản ứng của họ và từ đó các mong ước được thấy một Giáo Hội “sạch” hơn, xứng đáng là hiền thê của Chúa Kitô và là mẹ yêu quí của họ. Người ta bảo thái độ này là thái độ “khiếu nại” (complaint) chứ không phải “chỉ trích”: khiếu nại là nói lên cảm quan và mong ước của mình và sẵn sàng nghe người khác giải thích; chỉ trích thì chỉ ngón tay mình vào người khác mà kết án, không cần lắng nghe chi hết, một chiều.

Thiên Chúa viết những đường thẳng bằng nhữ nét cong

David Mills, chẳng hạn, ngay cận kề ngày có Phúc Trình Pennsylvania, nghĩa là trước cả Chứng Từ Viganò, nhận định rằng “Thiên Chúa viết những đường thẳng bằng những đường cong. Chúng ta là một lũ cong queo nhưng được một an ủi lớn ở sự kiện Thiên Chúa vẫn sử dụng chúng ta, đồng thời giúp chúng ta thẳng người ra” dù ông cho rằng có những lúc, như lúc này, những đường viết cong queo quá sợ không làm sao trở thành thẳng đuột cho được!

Thực vậy, chúng cong đến nỗi, theo Mills, “Giáo Hội không còn là người mình nói mình là” nữa. Nhưng Mills bảo: “Các bạn không nên cảm thấy như vậy”.

Vì theo ông, Thiên Chúa từng ở Địa Đàng, nhìn nhân loại xé nát hồng ân đẹp đẽ nhất. Người cũng có mặt khi dân riêng của Người đánh đĩ đi thờ thần minh khác, đánh nhau chia thành hai vương quốc thù nghịch. Người ở đó khi những kẻ vĩ đại và tốt lành lạnh lùng sát hại Con Mình và bạn bè của người Con này trốn chạy tìm nơi “che thân” (cover!) cho chắc ăn. Người cũng ở với Giáo Hội của Người suốt hơn 20 thế kỷ nay, kể cả những thời các lãnh tụ của Giáo Hội này thiếu sót một cách khủng khiếp nhất. “Người biết mọi hành vi khủng khiếp, mọi động thái đần độn, mọi vụ lười lĩnh, vị kỷ và nhỏ mọn, mọi dối trá, lừa đảo, những hèn hạ dân Người từng làm. Cả McCarrick lẫn phúc trình của tổng trưởng tư pháp đều không lạ lẫm gì đối với Người”.

Và Người không bỏ rơi Giáo Hội, “nơi chúng ta biết chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu, nơi chúng ta sẽ tìm ra điều Người muốn nói với chúng ta và Người muốn chúng ta phải sống ra sao, và là nơi chúng ta sẽ nhận được sự trợ giúp của Người”. Người hứa: Người sẽ ở với Giáo Hội cho tới ngày tận thế, và các cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi Giáo Hội này...



Nhân dịp này, Mills nhắc lại Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 lúc Hồng Y Joseph Ratzinger, nhân đi đàng thánh giá ở Rôma, dừng lại ở chặng Chúa ngã xuống đất lần thứ ba mà thấy “biết bao bẩn thỉu trong Giáo Hội, và cả nơi những người, thuộc hàng linh mục, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Người”. Đành chỉ biết thưa với “Đấng ngã xuống đất” rằng: “Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa đôi khi xem ra giống con tầu sắp sửa chìm, một con tầu nước tràn vào bốn phía. Trong cánh đồng của Chúa, chúng con thấy nhiều cỏ dại hơn lúa mì. Áo xống và khuôn mặt lấm bùn của Giáo Hội Chúa ném chúng con vào bối rối. Ấy thế nhưng chính chúng con đã làm chúng lấm bùn! Chính chúng con đã phản bội Chúa hết lần này đến lần khác, sau khi nói những lời lẽ cao thượng và làm những cử chỉ trang trọng. Xin thương xót Giáo Hội Chúa; cả trong Giáo Hội, Ađam vẫn đang tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con kéo Chúa cùng ngã xuống đất, và Satan phá lên cười, vì nó hy vọng Chúa sẽ không còn khả năng chỗi dậy nữa; nó hy vọng bị kéo ngã theo cái ngã của Giáo Hội Chúa, Chúa sẽ mãi nằm soài và tàn lực. Nhưng Chúa sẽ chỗi dậy. Chúa đã đứng lên, Chúa đã chỗi dậy thì Chúa cũng sẽ nâng chúng con dậy. Xin Chúa cứu và thánh hóa Giáo Hội của Chúa. Xin Chúa cứu và thánh hóa mọi người chúng con”.

Niềm tin của người con gái New York, Dorothy Day

Niềm tin ấy, theo Mills, cũng là niềm tin của Dorothy Day, người con gái New York, nơi nay mai chắc chắn sẽ được nghe một phúc trình không thua phúc trình Pennsylvania. Lúc đã 70 tuổi, sau khi làm con cái Giáo Hội được 4 thập niên, Day nói rằng hàng giáo sĩ không phải là yếu tố làm “sự việc tiếp tục tiến triển” trong Giáo Hội, mà là các vị thánh. Mà các vị thánh thì luôn xuất hiện trong lịch sử lâu dài của Giáo Hội. Nên “Giáo Hội là mái ấm của tôi, và tôi không muốn làm người vô gia cư... Tôi không bao giờ muốn thách thức Giáo Hội, chỉ muốn là một thành phần của Giáo Hội”.



Nữ tu Theresa Aletheia Noble cũng nhắc đến lời kinh Hồng Y Ratzinger ngỏ cùng “Chúa ngã xuống đất lần thứ ba” nhất là câu “biết bao bẩn thỉu trong Giáo Hội, và cả nơi những người, thuộc hàng linh mục, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Người” mà bà coi là tóm tắt đầy đủ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cũng như David Mills, Nữ Tu Noble cho rằng Chúa Giêsu biết hết những bẩn thỉu ấy. Chỉ có điều, Người biết ngay từ lúc còn treo trên Thập Giá, bởi thế, mà “hết hồn” kêu lên “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Nhưng theo Nữ Tu, chính lúc ấy, Giáo Hội đã được hạ sinh, như Thánh Ambrose từng viết: “Evà được hình thành từ chiếc xương sườn của Ađam đang thiếp ngủ thế nào, thì Giáo Hội cũng được hạ sinh từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô đang chết treo trên thập giá như vậy”.

Nữ tu nhận định tiếp: “Trong suốt các thế kỷ trong Giáo Hội, luôn có nhiều thời kỳ trong đó sự chết và sự ác xem ra đã thắng. Thực vậy, Giáo Hội xem ra lúc nào cũng đang ở bờ chết chóc, hoặc vì bách hại từ bên ngoài hoặc vì tội lỗi khủng khiếp của các chi thể của chính mình. Ấy thế nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại. Nhờ đâu vậy? Nhờ Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, ngay trong những lúc ta phạm trọng tội”.
Nữ Tu cũng trích dẫn số 827 Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo: “... Nơi mỗi người, cỏ dại tội lỗi luôn trộn lẫn với lúa tốt của Tin Mừng cho đến tận cùng thời gian. Thành thử không kẻ tội lỗi nào, dù là tội lỗi xấu xa nhất, có thể phá hủy Giáo Hội. Không phải vì các phàm nhân làm thành Giáo Hội là những người đáng tin, chúng ta không đáng tin. Nhưng Thiên Chúa là Đấng đáng tin”.

Nói như thế, theo Nữ Tu Noble, chỉ để chúng ta tin rằng “Thần Trí Thiên Chúa đang hành động trong mỗi người chúng ta để mang lại một sự sống mới trong Giáo Hội”. Sự sống mới này dĩ nhiên chỉ có Thiên Chúa mới giúp chúng ta mang lại được. Bởi thế, Nữ Tu cũng khuyên ta nên đọc lại lời kinh thống thiết trên của Hồng Y Ratzinger.

Các tín hữu hành động

Nói như thế không phải chỉ biết ngồi chờ ơn trên, người tín hữu cũng biết hành động để tự cứu mình. Theo Amy Forliti, các tín hữu đòi có sự thay đổi. Thực vậy, sau phúc trình Pennsylvania, không thấy vị chủ tế thánh lễ tại giáo xứ nói gì, Adrienne Alexander ở Chicago, nơi Hồng Y Cupich làm Tổng Giám Mục, lên Facebook tỏ ý bất bình rồi tổ chức một đêm canh thức cầu nguyện. Sáng kiến này nay đã lan qua Boston, Philadelphia và nhiều thành phố khác khắp Hoa Kỳ.

Không phải chỉ cầu nguyện mà thôi, những người thuộc phong trào này còn mở các chiến dịch viết thư, tổ chức các buổi lắng nghe trong cố gắng đem lại thay đổi từ hàng ngũ giáo dân, vì “họ nhận ra rằng họ phải đối đầu với vấn đề và cứu Giáo Hội mà họ vốn yêu mến sau nhiều năm hứa hẹn hão huyền của hàng lãnh đạo”.

Theo Forliti, tuần trước, nhóm này đã thu lượm được 39,000 chữ ký cho một bức thư yêu cầu Đức Phanxicô trả lời. Forliti cũng cho rằng các nhóm canh tân, dựa theo các phong trào “Time’s Up” và #MeToo, đang tổ chức nhiều biến cố khắp nước vào cuối tuần này dưới danh xưng #CatholicToo.



Một trong các nhóm trên đòi phải ở các cuộc điều tra do giáo dân cầm đầu. Một phụ nữ ở Michigan lập một trang mạng để mọi người phát biều ý kiến và đạo đạt ý kiến lên các giới chức Giáo Hội.

Forliti cho hay nhiều tín hữu khác đang giữ lại các khoản quyên góp để phản đối. Điều này đã được phổ biến rộng rãi, đó là việc Hiệp Hội Doanh Gia Công Giáo Legatus giữ lại ngân khoản gần 1 triệu dollars, không gửi tới Vatican như thường lệ. Nguồn tin đăng trên Vietcatholic giải thích lý do của động thái này là do thủ tục khai báo chi tiêu chưa rõ ràng. Nhưng Forliti cho rằng lý do là để phản đối cung cách giải quyết lạm dụng và che đậy lạm dụng tình dục hiện nay. Điều này có thể có lý. Vì chủ tịch của Nhóm này vốn là Tom Monagan, vua Domino Pizza và là người sáng lập và tài trợ chính của Đại Học Ave Maria, mà gần đây, viện trưởng Towey, buộc phải nói rõ quan điểm sau khi mập mờ chỉ bênh vực Đức Phanxicô.

Adam Waddell, một người đang muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tự đặt câu hỏi: “Tôi có thể suy nghĩ ra sao về việc trở thành người Công Giáo sau các phúc trình mới nhất về lạm dụng tình dục?”

Ông thú thực “bị tràn ngập bởi buồn sầu, giận dữ và thất vọng sau khi đại bồi thẩm đoàn ở Pennsylvania” công bố phúc trình của họ, với câu phán kết: “nhiều linh mục hiếp dâm bé trai bé gái, và những người của Thiên Chúa chịu trách đối với họ đã không làm gì; họ dấu nhẹm. Hàng mấy thập niên”.

Ấy thế nhưng, “tôi vẫn muốn trở thành người Công Giáo. Lịch sử, tính kết nối hoàn cầu, tính liên tục, truyền thống, phụng vụ, các bí tích, các kinh cầu, các thánh, huyền nhiệm học, tập chú vào người nghèo, nhấn mạnh đến công lý – mọi chiều kích này của đức tin vẫn luôn chân thực, tốt lành, đẹp đẽ và lôi cuốn”.

Ông biết rõ “quá khứ” của Giáo Hội này: thập tự chinh, tòa án dị giáo và chiến tranh tôn giáo. “Các giới chức Giáo Hội, kể cả các giáo hoàng, từng phạm những điều khủng khiếp. Thế nhưng giáo hội trung thành vẫn tồn tại”.

Vả lại không vào Giáo Hội thì đi đâu? Ông bảo: bên ngoài Giáo Hội, lạm dụng tình dục đâu có kém khủng khiếp. Và dù tâm hồn rối rắm, Ông tìm được an ủi trong lời Kinh Hãy Nhớ (Memorare):

“Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen”

Ông không giải thích tại sao. Chỉ kết luận: “Lạy Mẹ, xin mẹ cầu cho chúng con”. Có thể vì ngài là mẹ của những cơn bối rối kiểu tiệc cưới Cana!



Trong khi đó, một nhóm người trẻ Công Giáo gửi đi bức thư ngỏ. Họ là các nhà văn, nhà báo, giảng sư, giáo sư thỉnh giảng và giáo sư đại học, sinh viên tiến sĩ, con cái của các thập niên dẫn đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục năm 2002. Họ vừa biết ơn vừ giận dữ. Biết ơn vì không biết bao nhiêu linh mục và giám mục tốt lành ngày ngày hiến thân cho họ. Giận vì các nhơ nhuốc gớm giếc của McCarrick và “ai cũng biết” chúng mà không ai chịu làm chi ... Họ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập để biết ai biết gì và biết khi nào, một chính sách bất khoan dung mới đối với việc giáo sĩ lạm dụng và tội tình dục, và một hành vi thống hối công khai của các giám mục Công Giáo. Họ hứa sẽ làm việc và chịu đau khổ vì Giáo Hội, và cố gắng sống thánh thiện trong chính cuộc sống của họ. Là con cái của Giáo Hội, họ xin các vị cha hãy tôn kính Cha ở trên cao. Họ tin tưởng rằng các lời khẩn khoản của họ sẽ được Thiên Chúa lắng nghe. Họ hy vọng rằng chúng cũng sẽ được các linh mục và giám mục, những vị kính sợ Người, lắng nghe.

Lời họ: “Chúng con xin sự im lặng quanh sự bất xứng về tình dục trong Giáo Hội được phá vỡ”.

Tưởng cũng nên nhắc lại lá thư của các phụ nữ Hoa Kỳ gửi Đức Phanxicô yêu cầu ngài trả lời việc Tổng Giám Mục Viganò tố cáo ngài che đậy cựu Hồng Y McCarrick mà chúng tôi đã nhắc đến trong một bài báo cuối tháng Tám, 2018.

George Weigel, với câu tự hỏi “Why We Stay”, đã trả lời như Thánh Phêrô trả lời Chúa Giêsu xưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con biết đi với ai? Thầy có lời đem lại sự sống đời đời”.



Và sau cùng, xin đề cập đến phản ứng của nhóm nạn nhân bị lạm dụng tình dục hiện được chú ý nhiều nhất nhân vụ McCarrick nằm cùng giường với họ nhiều năm, được “mọi người biết đến” nhưng ít ai chịu làm gì để ngăn chặn. Đó là các chủng sinh. Và câu truyện này diễn ra tại Chủng Viện Mundelein của tổng giáo phận Chicago, nơi vị đứng đầu hiện nay là một người công khai benh vực “ý thức hệ” phò đồng tính luyến ái, Hồng Y Cupich. Ký giả Robert Herguth của tờ Chicago Sun-Times thuật lại rằng: ngày 29 tháng Tám, 2018, Hồng Y Cupich đến thuyết trình cho chừng 200 chủng sinh của chủng viện trên vốn thuộc quyền của ngài. Một chủng sinh phát biểu: “Con bị thương tổn, con không thể ngủ được, con muốn phát bịnh”. Nhưng Hồng Y Cupich nói với mọi người hiện diện: “cha cảm thấy bình an vào lúc này. Cha ngủ rất ngon”. Khiến các chủng sinh lắc đầu “không thể tin được” vì “không mục vụ” chút nào. Đến nỗi vị giám đốc chủng viện là Cha John Kartje phải cho rằng: “Đức Hồng Y phát biểu cho chính ngài, giống như các chủng sinh phát biểu cho chính họ”.

Khác chứ, một bên đại diện cho phe che đậy, một bên đại diện cho phe bị lạm dụng. Và ký giả Herguth cho hay: những người hiện diện trong buổi thuyết trình này cho biết: Hồng Y Cupich nói nhiều tới các sai phạm của các chủng sinh hơn là việc họ là nạn nhân như đã xẩy ra với McCarrick.

Cũng theo Herguth, nhân cơ hội trả lời một câu hỏi trong dịp này, Hồng Y Cupich bác bỏ luận điểm cho rằng đồng tính luyến ái là nguyên nhân chính của tệ nạn McCarrick nói riêng và lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ nói chung. Ngài thẳng thừng cho rằng luận điểm này sai. Ngài quả quyết rằng “cuộc khủng hoảng toàn diện một phần được bơm nhiên liệu bởi nền văn hóa trong đó các linh mục cảm thấy ‘mình có đặc quyền và được che chở’, điều mà ngài gọi, như Đức Phanxicô, là chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Dù Đức Phanxicô im lặng không trả lời Tổng Giám Mục Viganò, nhưng Hồng Y Cupich khuyên các chủng sinh nên tin tưởng Đức Giáo Hoàng, sự im lặng của ngài có tính “chiến lược”.

Nhưng trong khi Đức Phanxicô giữ im lặng “chiến lược” thì Hồng Y Cupich không ngần ngại phê phán Tổng Giám Mục Viganò, khiến một chủng sinh thưa với ngài rằng nay không phải là lúc “tấn công”. Điều cần là “có 1 cuộc điều tra” các tố cáo của Tổng Giám Mục Viganò. Nhưng ngài bảo, đâu có tấn công, chỉ nêu ra các bất nhất của vị này mà thôi. Tiếp theo là một nhận định lạ: “nếu cha bảo điều ngài nói là đáng tin, chẳng hóa ra cha phải nói điều ngài nói là đáng tin về cha hay sao!”

Trái với tác phong của Hồng Y Tổng Giám Mục, điều được ký giả này chú ý là thái độ của một chủng sinh hiện diện. Chủng sinh này cho biết: cuộc khủng hoảng lạm dụng khiến ông càng muốn làm linh mục hơn nữa vì người ta đau khổ quá nhiều.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại Dấn Thân “Bước Theo Thầy” của Phong Trào Cursillo Melbourne:
Cursillo Melbourne
00:07 10/09/2018
Trại Dấn Thân “Bước Theo Thầy” của Phong Trào Cursillo Melbourne:
Hình sau trò chơi lớn

Hơn 80 thành viên của Phong trào Cursillo Tổng Giáo Phận Melbourne đã trải qua một cuối tuần từ tối thứ Sáu 7/9/2018 tới chiều Chúa Nhật 9/9/2018 trong vui tươi thân hữu của phong trào Cursillo “Học Hội Kitô giáo”.
Chủ đề trại "Bước Theo Thầy"
Chủ đề trại "Bước Theo Thầy" chụp chung với Lm Phương SVD

Chủ đề của trại dấn thân VI này là “Bước Theo Thầy” được các Cursillistas trẻ đứng ra tổ chức tại Trung tâm Briars Outdoor Education Camp, 450 Nepean Highway, Mt Martha, Vic 3934 một địa điểm rộng thoáng trên đồi thơ mộng cách Melbourne 70 km.
Với hai đề tài học hỏi là “Bước Theo Thầy” của linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng và “Linh đạo Thập Giá Chúa Kitô của linh mục Phêrô Hoàng Kim Huy đã dẫn anh chị em vào tinh thần trại với nhiều sinh hoạt thi đua đồng đội nấu ăn, văn nghệ, đặc biệt qua trò chơi lớn với các mật hiệu cần được giải mã trước khi gặp gỡ thánh Gioan Tiền hô và tiến tới trạm Tiên tri Isaia… Qua suy tư về Thập giá Chúa và soi bóng cuộc đời mình qua Thập giá Chúa, tất cả 6 đội đã nhanh chóng tập và trình diễn 6 màn kịch thật vui nhộn nhưng đầy ý nghĩa về Thập giá Chúa trong đời thường…
Cao điểm của những giờ thiêng liêng là Thánh lễ và những giây phút bên Thầy trong lều Thánh Thể… Trại dấn thân 6 đã kết thúc để lại trong lòng những tham dự viên nhiều nhiệt huyết quyết tâm theo Thầy và phục vụ anh chị em như phương châm của Phong trào: “Một tay nắm lấy tay Thầy, một tay nắm lấy tay anh chị em”… Mục đích của trại năm nay cũng nhằm để chuẩn bị cho Đại hội Liên bang của Phong trào mà Phong trào Melbourne sẽ chịu trách nhiệm…
cảnh thơ mộng của trại vào buồi sáng sớm tinh sương
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Được thanh tẩy và được sai đi: Tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng Phúc Âm Hóa
+Giám Mục Anphong Nguyễn Hữu Long
13:33 10/09/2018
Bài thuyết trình của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN tại Hội thảo toàn quốc về Phúc Âm Hóa (TTMV Huế, 3.9.2018 – 6.9.2018)

Kính thưa…..,

Sách Công vụ Tông đồ cho biết sau khi Chúa ban lệnh lên đường và về trời, Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem đã thi hành ngay sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trong lễ Ngũ Tuần, sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã mở toang cửa, thánh Phêrô tung mẻ lưới đầu tiên, và đưa về 3.000 linh hồn (x. Cv 2,1-41). Từ đó, qua các thế kỷ, Giáo Hội không ngừng đem Tin Mừng đến tận mọi chân trời góc bể. Từng đoàn đoàn lớp lớp thừa sai lên đường, hành trang chỉ là cây Thánh Giá và cuốn Kinh Thánh, với quả tim rực lửa mến yêu Chúa và các linh hồn. Nếu chỉ tính từ năm 1615, thì dân tộc Việt Nam đón nhận hạt giống Tin Mừng đã được bốn trăm năm. Giáo phận Qui Nhơn là giáo phận mẹ của Đàng Trong, được thành lập từ năm 1659, vừa mừng kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng (1618-2018).

Sứ mạng Phúc Âm Hóa (PÂH) được trao cho mọi tín hữu Chúa Kitô (Christifideles), bất luận là ai, có vị trí nào trong Giáo Hội. Người ta thường cho rằng sứ mạng này là của các vị thừa sai, nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ, mà ít để ý đến sự góp phần của người tín hữu giáo dân. Thật ra, mọi người đều được kêu gọi vào làm vườn nho cho Chúa. ĐTC Gioan Phaolô II trong Tông huấn Christifideles Laici đã viết : “Cả các anh nữa cũng hãy vào làm vườn nho cho tôi” : Lời mời gọi này không chỉ gửi tới các vị chủ chăn, linh mục, tu sĩ nam nữ, nhưng tới mọi người. Cả các giáo dân cũng được mời gọi đích danh, nhận lãnh từ Ngài một sứ vụ đối với Giáo Hội và thế giới” (CL. 2).

Cuộc Hội thảo PÂH lần này nhắm đặc biệt đến giới giáo dân vì là thành phần đông đảo nhất, và sau hai cuộc hội thảo dành cho giới tu sĩ (năm 2016) và các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành (năm 2017) thì nay đến giáo dân. Hiểu theo nghĩa rộng, Christifideles (Tín hữu Chúa Kitô) bao hàm tất cả mọi người, từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân, vì tất cả đều được thanh tẩy và được sai đi. Mục tiêu của cuộc Hội thảo này nhằm đào sâu và khích lệ các tín hữu giáo dân tham gia vào sứ mạng PÂH.

Trong bài thuyết trình sau đây, tôi xin trình bày 3 điểm chính :

I. Huấn Quyền về vai trò của người tín hữu giáo dân trong sứ mạng PÂH.

II. Nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng PÂH tại VN hiện nay.

III. Những đề xuất để việc tham gia sứ mạng này kết quả hơn.

I. HUẤN QUYỀN VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG SỨ MẠNG PHÚC ÂM HÓA

Chúng ta có một kho văn kiện của Huấn quyền về vai trò người giáo dân. Cha Đaminh Trần Xuân Thảo đã gom các văn kiện này thành một tập sách mang tựa đề “Giáo dân trong một số tài liệu của Giáo Hội”. Tập sách này được cha tặng các tham dự viên cuộc hội thảo này. Chúng con xin cám ơn cha. Mong quý vị học hỏi, đào sâu để nắm vững những nguyên tắc mà Huấn Quyền đề ra. Tôi xin liệt kê những văn kiện nòng cốt nhất.

1. Hiến chế Tín lý (Lumen Gentium), Hiến chế Mục vụ (Gaudium et Spes), Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem), Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes) của Công đồng Vaticanô II.

2. Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI.

3. Tông huấn Kitô hữu Giáo dân (Christifideles Laici), Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) của Đức Gioan Phaolô II.

4. Tông huấn Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (Verbum Domini) của Đức Biển Đức XVI.

5. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Phanxicô.

Quý vị cũng có một tập sách mang tựa đề “Loan báo Tin Mừng hôm nay”, do cha Đaminh Ngô Quang Tuyên dịch và tặng. Ở cuối sách (trang 73-86) có phần “Các mốc ngày tháng và các sự kiện truyền giáo quan trọng”, liệt kê những văn kiện của các cấp khác trong Tòa Thánh liên quan đến sứ mạng PÂH.

Sau cùng, quý vị cũng có bài “Laity and Mision of the Church” của cha Fabrizio Meroni mà chúng ta sẽ được gặp gỡ ngày mai, đề tài rất hợp với cuộc Hội Thảo này, bản dịch Việt ngữ của cha Ngô Quang Tuyên. Chúng con xin cám ơn cha Tuyên đã dịch và tặng nhiều tài liệu khác nữa cho các tham dự viên.

Sau đây, tôi xin dựa vào các văn kiện của Huấn Quyền để trình bày một số nét chính về vai trò người tín hữu Chúa Kitô trong việc tham gia vào sứ mạng PÂH.

1. Sứ mạng : Dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” (Mt 20,1-16a) cho thấy thánh ý Chúa muốn mọi tín hữu của Ngài, bất luận là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, tham gia làm vườn nho cho Chúa. Đây là sứ mạng, không còn là một việc nhiệm ý, nghĩa là muốn hay không muốn, thích hay không thích, mà phải chu toàn để xứng danh là tín hữu Chúa Kitô.

Sứ mạng này phát xuất từ các bí tích Khai Tâm Kitô giáo, là các bí tích ban cho tín hữu vinh dự làm con Chúa, đồng thời trao sứ mạng, sai đi, làm cho Danh Chúa được nhiều người biết đến. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ và Giáo Hội sự vụ lệnh loan báo Tin Mừng. Sách Công vụ Tông đồ và các Thư thánh Phaolô cho biết các tín hữu thời sơ khai đã hăm hở và tích cực thực thi sứ mạng này.

Sứ mạng này luôn có tính cách hiện tại và thúc bách. Giáo Hội phải ở trong trạng thái truyền giáo, không ngưng nghỉ (x. EG số 25). Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (x. AG. 2), nếu không truyền giáo thì không còn là Giáo Hội nữa !

Người tín hữu không được phép thụ động, thờ ơ với sứ mạng này : “Ngày nay, trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, có những hoàn cảnh mới mẻ đang đòi hỏi, một cách hết sức đặc biệt, hoạt động của giáo dân. Nếu trước đây thái độ thờ ơ đối với hoạt động này luôn luôn không thể chấp nhận được, thì ngày nay, thái độ ấy lại càng đáng khiển trách hơn bao giờ hết. Không ai được phép ở yên mà không làm gì cả” (CL. 3).

Sứ mạng của người kitô hữu ở ngay trong môi trường trần thế để thánh hóa thế gian : “Như vậy, trần gian trở thành môi trường và phương tiện cho ơn gọi Kitô giáo của giáo dân, bởi vì chính nó được dành để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô. Từ đó, Công Đồng có thể chỉ ra ý nghĩa riêng biệt và đặc thù của việc Thiên Chúa mời gọi giáo dân. Họ không được mời gọi rời bỏ vị thế họ đang sống nơi trần gian. Thực vậy, bí tích thánh tẩy không kéo họ ra khỏi trần gian, như thánh Phaolô đã nhấn mạnh : "Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa" (1 Cr 7,24) ; trái lại, Ngài trao cho họ một ơn gọi có liên hệ đích thực với tình huống của họ trong trần gian : thực vậy, giáo dân được “Thiên Chúa kêu gọi để, dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình ; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, nhất là với chứng tá đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác” (CL. 15).

Ngày nay, các thách thức nhiều hơn, nên việc giáo dân tham gia sứ mạng này càng thúc bách hơn : “Làm sao không nghĩ đến sự phổ biến của thái độ dửng dưng tôn giáo và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức rất khác nhau, đặc biệt dưới hình thức có lẽ đang phổ biến nhất hiện nay, là khuynh hướng duy thế tục ? Số người lìa xa Thiên Chúa trong cách sống thực tế càng ngày càng đông, dù rằng người ta vẫn nhìn nhận nhu cầu tôn giáo vẫn còn đó, khát vọng và nhu cầu tôn giáo không thể hoàn toàn mai một” (CL. số 4).

2. Gắn kết với Chúa : Để thi hành sứ mạng PÂH, trước hết các kitô hữu phải gắn kết với Ba Ngôi Thiên Chúa. Trước hết với Chúa Cha, là Cha mọi người. Danh Ngài cần được cả sáng, Nước Ngài phải được hiển trị. Tiếp đến, họ phải gắn kết với Đức Kitô, Đấng loan báo Tin Mừng Nước Trời đầu tiên đầy quyền năng vì Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng được xức dầu. Tín hữu cần “lắng nghe Đức Kitô, Đấng gọi họ làm việc trong vườn nho của Ngài”. Nhờ gắn kết với Đức Kitô, họ mới có thể “góp phần tích cực, có ý thức và trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo Hội” (CL. 3). Sau cùng là gắn kết với Chúa Thánh Thần, là tác nhân không thể thiếu trong sứ mạng PÂH. Chính Ngài trước đó đã ở với Chúa Giêsu, rồi với Giáo Hội sơ khai để hướng dẫn mọi hoạt động PÂH. “Nhìn vào thời hậu Công đồng, các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng đã có thể nhận thấy đâu là cách thức được Thánh Thần sử dụng để tiếp tục làm cho Giáo Hội thêm tươi trẻ, bằng cách gợi lên trong Giáo Hội những năng lực mới của sự thánh thiện, với sự tham gia của đông đảo giáo dân” (CL số 2).

3. Lãnh vực : Hoạt động PÂH của người giáo dân bao gồm trong hai lãnh vực thiêng liêng và trần thế, nhưng họ phù hợp cách đặc biệt hơn với lãnh vực trần thế : “Các hoạt động trần thế là lãnh vực riêng biệt của người giáo dân, những người phải thực hiện tốt đẹp các công việc trần thế với tinh thần Kitô hữu”. Đối với lãnh vực thiêng liêng, sứ mạng của họ là “đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại”. Với lãnh vực trần thế, sứ mạng của họ là “đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế”[1]. “Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất” (AA).

“Trong việc loan báo và làm chứng này, các giáo dân có một vị trí độc đáo và không thể thay thế : nhờ họ, Giáo Hội Chúa Kitô hiện diện trong mọi lãnh vực rất khác nhau của thế giới, như là dấu chỉ và nguồn mạch hy vọng và tình yêu” (CL. 7).

“Việc tham gia ngày càng gia tăng của các cá nhân và các nhóm vào sinh hoạt xã hội là đường lối càng lúc càng được sử dụng hôm nay, ngõ hầu hòa bình trong ước mơ được trở thành hiện thực. Trên con đường này, chúng ta gặp thấy một số đông giáo dân quảng đại dấn thân trong những lãnh vực xã hội hay chính trị, dưới nhiều hình thức rất khác nhau, hoặc đứng trong các tổ chức, hoặc như những cộng tác viên thiện chí, và phục vụ các người hèn kém nhất” (CL. 6).

Trong lãnh vực trần thế, người tín hữu có nhiều thuận lợi hơn các linh mục và tu sĩ, bởi họ dễ dàng tiếp cận với người khác, chưa kể là có những nơi và những hoàn cảnh mà chỉ người giáo dân mới có thể len lỏi, tiếp cận được để loan báo Tin Mừng (AG. 17).

Người tín hữu giáo dân cần tránh hai thái cực sau đây : Một mặt, “cám dỗ quá miệt mài với những dịch vụ và trách vụ trong Giáo Hội, đến nỗi đôi khi xao lãng trên thực tế các trách nhiệm chuyên môn của mình thuộc các lãnh vực nghề nghiệp, xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị” ; mặt khác, “cám dỗ ngược lại là bào chữa cho sự tách biệt không thể biện minh giữa đức tin và đời sống, giữa việc đón nhận Tin Mừng và hoạt động cụ thể trong các lãnh vực trần thế khác nhau” (CL. 2).

4. Hợp tác : Sự tham gia của giáo dân vào sứ mạng PÂH đòi hỏi sự hợp tác giữa mọi thành phần trong Giáo Hội : “Trong số nhiều chứng từ, chúng tôi thấy được một chứng từ về những năng lực đó, trong kiểu cách mới về sự cộng tác giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân ; trong sự tham dự tích cực vào phụng vụ, vào việc loan báo Lời Chúa, vào việc huấn giáo ; trong nhiều dịch vụ và trách vụ được trao phó cho giáo dân, và họ đã đảm nhận rất tốt ; trong việc nở rộ các nhóm, các hiệp hội, các phong trào tu đức và dấn thân ; trong việc tham gia rộng rãi và rõ nét hơn của phụ nữ vào đời sống của Giáo Hội và sự phát triển của xã hội” (CL. 2).

LG 35 nói đến trách nhiệm của hàng giáo phẩm là hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân : đề ra nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng ; phối kết việc tông đồ của họ để đem lại lợi ích chung ; giám sát giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân giữ… Trong Giáo Hội quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó. Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa Công Giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp.

“Vì thế, các vị chủ chăn có bổn phận phải nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hơn nữa, đối với phần đông trong số họ, còn thêm bí tích Hôn Phối. Ngoài ra, khi nhu cầu và lợi ích của Giáo Hội đòi hỏi, các vị chủ chăn có thể, chiếu theo quy tắc của luật chung, mà trao phó cho giáo dân một số chức vụ và nhiệm vụ, dù vẫn gắn liền với tác vụ riêng của vị chủ chăn, nhưng không buộc có ấn tích của bí tích Truyền Chức Thánh. Giáo luật quy định : “Nơi nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi, và thiếu thừa tác viên thánh, thì các giáo dân, dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số công việc, tỉ như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ tọa buổi cầu nguyện, ban phép Thánh Tẩy, cho rước lễ, theo các quy tắc luật định”. Tuy nhiên, việc thi hành một nhiệm vụ như thế không biến giáo dân thành một chủ chăn” (CL. 23).

Về phía giáo dân, sự tham gia của họ đòi hỏi sự vâng phục giáo quyền, sẵn sàng để mình được hướng dẫn, chứ không phải tự do làm theo ý mình.

Sự tham gia của giáo dân vào sứ vụ PÂH cách trực tiếp hay gián tiếp đều rất cần thiết, như Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân viết : “Trong những cộng đồng giáo hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ” (AA. số 10).

Để việc PÂH được tốt đẹp, cần sự hỗ trợ giữa các Giáo Hội địa phương với nhau về vật chất để có điều kiện hoạt động, mở mang ; về tinh thần để nói lên sự hiệp thông ; về nhân sự để hoạt động này được phát triển và có sinh lực (AG. 19).

5. Chứng tá : Người tín hữu giáo dân PÂH bằng chứng tá lời nói và đời sống, từ trong gia đình ra đến xã hội, tổ chức, nghề nghiệp, phù hợp nền văn hóa… để biến đổi xã hội tốt đẹp hơn, như muối, như men. Để được vậy, giáo dân cần được đào tạo. Nhiều người chỉ có thể nghe được Tin Mừng nhờ giáo dân sống gần họ. (AG. 21). “Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian” (LG. 35). Ai ai cũng biết câu nói thời danh của Đức Phaolô VI như sau : “Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thày dạy, và nếu họ có lắng nghe các thày dạy là bởi vì các vị thày này là những chứng nhân” (2-10-1974: AAS, 66). Thánh Phêrô đã diễn tả điều này rõ ràng khi ngài chủ trương gương lành của một đời sống đáng kính và trong sạch là một việc chinh phục những kẻ từ chối nghe lời nói mà không cần phải nói một lời nào (x. 1Pr 3,1). Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hoá cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu - chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện” (EN. 41).

6. Liên đới : Tính chất đồng trách nhiệm của giáo dân trong hoạt động của Giáo Hội. “Cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành ; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”. Vì có phẩm giá chung của bí tích thánh tẩy, giáo dân là người đồng-trách-nhiệm trong sứ vụ của Giáo Hội, cùng với các thừa tác viên có chức thánh và với các tu sĩ nam nữ”. (CL. 15). Ý thức này sẽ thúc đẩy người tín hữu nhiệt huyết tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng mọi cách, chứ không thản nhiên, thờ ơ, đẩy xa khỏi mình. Nếu con tàu chạy nhanh nhờ đầu tàu mạnh, thì cũng đừng quên rằng, đầu tàu mạnh chỉ phát huy hết nội lực nếu các toa tàu chuyển động theo.

7. Cổ võ và huấn luyện loan báo Tin Mừng : Sứ vụ PÂH thật quan trọng, cần được toàn thể Giáo Hội vận dụng nhân lực, vật lực vào. Trước hết là việc cổ võ PÂH. Không phải cứ giăng biểu ngữ và hát hò, theo kiểu Nhà Nước cổ động cho một công tác nào, mà là phải động tâm, động não, động viên cho sứ vụ này.

Tiếp đến là việc huấn luyện, đào tạo giáo dân thi hành sứ vụ. Phải có chuyên môn, kỹ thuật, hiểu tâm lý đối tượng mà mình tiếp cận để PÂH. Một phương pháp hiệu năng là dùng chứng nhân và chứng tá.

“Việc huấn luyện truyền giáo là công việc của Giáo Hội địa phương, được tiếp tay bởi các nhà truyền giáo và Tu Hội của họ, cũng như được tiếp tay bởi người đến từ các Giáo Hội trẻ. Công việc này không được coi như là một việc nổi nang bề ngoài mà là việc chính đối với đời sống Kitô hữu. Thậm chí đối với cả việc “tân truyền bá phúc âm hóa” nơi các xứ Kitô giáo thì đề tài về những việc truyền giáo cũng cho thấy là rất hữu ích: chứng từ của các nhà truyền giáo vẫn là một lời kêu gọi đối với cả thành phần tín hữu không hành đạo lẫn thành phần không tin đạo, chứng từ này truyền đạt các giá trị Kitô giáo. Bởi thế, các Giáo Hội riêng phải làm cho vấn đề phát động những việc truyền giáo thành yếu tố chính trong hoạt động mục vụ thông thường ở các giáo xứ, hội đoàn và nhóm hội, nhất là ở các nhóm giới trẻ” (CL. 83).

Cần hướng tâm hồn con người đến sự khao khát Thiên Chúa và ơn cứu độ, chứ không dừng lại ở những gì là vật chất, mang tính vụ lợi, theo kiểu “theo đạo có gạo mà ăn”, “đạo gạo”, “đạo viện trợ” : “Thật là không đúng khi trình bày một hình ảnh thiếu hụt về hoạt động truyền giáo, như thể nó chỉ hoàn toàn nhắm vào việc giúp đỡ kẻ nghèo, vào việc góp phần giải phóng kẻ bị đàn áp, vào việc đề cao phát triển hay bảo vệ quyền lợi của con người. Giáo Hội truyền giáo nhất định bao gồm cả những công việc hàng đầu này, thế nhưng, công việc chính yếu của Giáo Hội nằm ở chỗ khác, ở chỗ thành phần nghèo khổ đói khát Thiên Chúa, chứ không phải đói khát bánh ăn và tự do vậy thôi. Hoạt động truyền giáo trước hết phải làm chứng cho và loan truyền ơn cứu độ trong Chúa Kitô, cùng với việc thiết lập các Giáo Hội địa phương là nơi sau này trở thành phương tiện giải phóng đúng nghĩa” (CL. 83).

8. Hội nhập văn hóa và Phúc Âm Hóa. Một Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Châu Á đã được triệu tập. Châu Á là nơi có nhiều tôn giáo lớn, có nhiều truyền thống văn hóa lâu đời và khác biệt nhiều với các châu lục khác. Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, kết quả của Thượng Hội Đồng này, đã được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 06.11.1999. Việc PÂH ở Á Châu có nhiều đòi hỏi đặc thù cho Giáo Hội Công Giáo tại đây.

Cách cụ thể, cần huấn luyện mọi thành phần dân Chúa, từ chủng sinh, tu sĩ và cả giáo dân về Kinh Thánh, cử hành Phụng Vụ, sao cho thích nghi và hội nhập được với văn hóa và não trạng của người Á châu, để con người ở đó có thể chấp nhận niềm tin vào Thiên Chúa : “Hơn nữa, bởi vì việc hội nhập văn hóa Tin Mừng dính dáng đến toàn thể dân Chúa, vai trò người giáo dân có tầm quan trọng tột bậc. Chính họ là những người hơn ai hết được kêu gọi biến đổi xã hội, trong sự hợp tác với các giám mục, giáo sĩ và tu sĩ, bằng cách làm cho “tinh thần Đức Kitô” thâm nhập vào trong não trạng, tập quán, luật pháp và cấu trúc của thế giới trần tục nơi họ đang sống… Một sự hội nhập văn hóa rộng rãi hơn cho Tin Mừng, ở mọi cấp bậc xã hội tại Á Châu, phần lớn tùy thuộc vào sự đào tạo xứng hợp mà các Giáo Hội địa phương dành cho giáo dân” (EA. số 107).

9. Cộng đoàn cơ bản : Không thể bỏ qua một hình thái thích hợp cho sứ mạng PÂH, đó là cộng đoàn cơ bản. Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đề cao hình thái này, với điều kiện họ nối kết, hiệp thông với các chủ chăn và huấn quyền trong Giáo Hội : “Trong bối cảnh này, và theo kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh giá trị của những cộng đoàn Giáo Hội cơ bản như là một phương thức hiệu nghiệm để cổ võ sự hiệp thông và tham gia trong các Giáo xứ và Giáo phận, và như là một lực lượng đích thực cho việc rao giảng Tin Mừng” (EA. 132). Những nhóm nhỏ này giúp người tín hữu sống thành những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu thời đầu (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các cộng đoàn này có mục đích là giúp đỡ các thành viên của mình sống Tin Mừng trong một tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, và do đó chúng là khởi điểm vững chắc để xây dựng một xã hội mới, một diễn tả của nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội Đồng, tôi khuyến khích Giáo Hội tại Á Châu, nơi nào có thể, thì xem những cộng đoàn cơ bản này như là một nét tích cực của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Đồng thời, các cộng đoàn này chỉ có thể mang lại hiệu quả đích thực nếu -như Đức Phaolô VI viết- chúng hiệp nhất với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, trong sự hiệp thông chân tình với các vị Chủ Chăn của Giáo Hội và với Huấn Quyền, biết dấn thân mở rộng việc truyền giáo và không theo chủ nghĩa biệt lập hay sự khai thác ý thức hệ (EA. 133). Sự hiện diện của những cộng đoàn nhỏ này không làm cho vô hiệu những thể chế và cơ cấu đã được thiết lập, vẫn còn cần thiết để Giáo Hội hoàn thành sứ vụ của mình.

“Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận vai trò của những phong trào canh tân, để xây dựng sự hiệp thông, để tạo điều kiện thuận lợi giúp có kinh nghiệm thân mật hơn với Thiên Chúa qua đức tin và các Bí Tích, và để cổ võ việc hoán cải đời sống”(EA. 134) (Trích trong “Giáo dân trong một số tài liệu của Giáo Hội”, tr.124-125).

10. Các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành : Sứ mạng loan báo Tin Mừng có thể mang lại nhiều hoa trái hơn khi được thực hiện vừa cá nhân vừa cộng đoàn, vì “hợp quần gây sức mạnh”. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu nhìn nhận việc các hội đoàn CGTH và các phong trào canh tân đặc sủng tham gia vào sứ mạng này, và nhắc nhở các vị chủ chăn quan tâm hướng dẫn, đồng hành và khích lệ họ : “Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận vai trò của những phong trào canh tân, để xây dựng sự hiệp thông, để tạo điều kiện thuận lợi giúp có kinh nghiệm thân mật hơn với Thiên Chúa qua đức tin và các Bí Tích, và để cổ võ việc hoán cải đời sống (EA. 134). Trách nhiệm của các Chủ Chăn là hướng dẫn, đồng hành và khích lệ những nhóm đó để họ có thể hội nhập vào đời sống và sứ mạng của Giáo xứ và Giáo phận. Những ai dấn thân vào trong các hiệp hội và phong trào, phải trợ giúp Giáo Hội tại địa phương và đừng có coi mình như là những gì thay thế cho những cơ cấu Giáo phận và đời sống Giáo xứ. Sự hiệp thông lớn mạnh hơn khi các lãnh đạo địa phương của các phong trào này làm việc chung với các vị Chủ Chăn trong tinh thần bác ái vì lợi ích chung (x. 1 Cr 1,13).

Trên đây là một số điểm nổi bật trong các văn kiện của Giáo Hội về vai trò người tín hữu giáo dân trong việc thi hành sứ mạng PÂH. Từ những trích dẫn trên đây, chúng ta thử nhận định việc người giáo dân Việt Nam tham gia vào sứ mạng này như thế nào hiện nay.

II. NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC NGƯỜI GIÁO DÂN THAM GIA SỨ MẠNG PÂH TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Nhận định chung là không lạc quan, nhưng cũng không bi quan. Có thể thấy rõ giáo dân Việt Nam ngày càng ý thức và tham gia vào sứ mạng này, tuy chưa đạt niềm mong đợi, nhưng đang đi lên. Giống như mùa xuân trở về theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, không phải cách bất chợt, mà tiệm tiến dần dần.

1. Ý thức về sứ mạng PÂH : Chúng ta nhận thấy chủ ý của HĐGMVN qua các Thư Chung, Thư Mục Vụ từ trước đến nay, nhất là từ đầu Thiên niên kỷ thứ III, hòa với Giáo Hội toàn cầu, đáp ứng lời kêu gọi của các vị Cha Chung, luôn nhắc nhở dân Chúa sứ mạng cao cả này. Tại các giáo phận, việc kêu gọi giáo dân tham gia sứ mạng này được thực hiện dưới nhiều hình thức : các Ủy ban cấp giáo phận, giáo xứ, các Hội đoàn Công Giáo Tiến hành, các Hội Dòng có sứ mạng loan báo Tin Mừng được thành lập hay tái lập và hoạt động, có những nơi đẩy sứ mạng này thành cao trào trong những dịp mừng kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 75 năm… vào những thời điểm của năm 2000, 2010, 2015, 2018…

Ý thức là một việc, thực hiện lại là một việc khác, nhiều khi muốn mà không làm được, như người ta thường nói “lực bất tòng tâm”, vì những trở ngại từ nhiều phía. Trở ngại lớn nhất như ta biết, đó là xã hội và Giáo Hội Việt Nam ở dưới chế độ Cộng sản vô thần, khống chế mọi hoạt động của Giáo Hội, trong đó có hoạt động PÂH, từ năm 1975 tại miền Nam, ngược lên năm 1954 tại miền Bắc, và nơi một số địa phương (như Hưng Hóa, Bắc Ninh…) phải tính từ 1945 ! Đó là thực tại lịch sử.

(Năm 2015, khi đặt chân đến huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, một trong những tỉnh được gọi là “trắng” về tôn giáo, tôi thăm xã giao chính quyền huyện. Ông chủ tịch huyện đã nói thẳng : - “Các ông truyền đạo bất hợp pháp”. Tôi hỏi lại : - “Chúng tôi nào đã được đến đây, nào đã được gặp gỡ người dân, dù là người H’mông đang có đạo, thì làm sao bảo là chúng tôi truyền đạo được, còn đạo Công Giáo được Hiến Pháp công nhận, sao lại gọi là bất hợp pháp” ?!

Người Công Giáo từ bao năm nay bị ngăn chặn tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện…, nên dù muốn thực hiện sứ mạng PÂH trong lãnh vực trần thế cũng khó. Ở miền Bắc hiện vẫn còn sự khống chế này, khiến nhiều người có đạo muốn được làm một công việc gì trong xã hội thì phải bỏ đạo hoặc dấu diếm đức tin, rồi dần dà lâu ngày đi đến chỗ lơ là nguội lạnh. Chủ thuyết Cộng sản đã làm mất hoặc xói mòn đức tin của rất nhiều người Công Giáo !

Muốn thực thi sứ mạng PÂH trong lãnh vực thiêng liêng thuần tôn giáo cũng không phải dễ, bởi vì rất nhiều cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, giáo điểm không được Nhà Nước nhìn nhận, không được phép hoạt động. Các linh mục, tu sĩ không được tự do hoạt động tôn giáo cho đến thời điểm gần đây !

Đấy là những khó khăn đến từ bên ngoài. Còn từ bên trong, ta cũng nhìn nhận thực tế này là rất nhiều giáo dân Việt Nam vẫn có tâm thức giữ đạo cho riêng mình, chưa quan tâm rao giảng Tin Mừng, giới thiệu đức tin cho đồng bào. Người ta chú trọng đến việc giữ đạo hình thức bên ngoài, mà thực chất bên trong thì chưa được quan tâm. Người nước ngoài khi đến Việt Nam thường bỡ ngỡ thán phục khi thấy các nhà thờ đầy giáo dân, các cuộc lễ được tổ chức hoành tráng, đông đảo người dự, mang tính lễ hội rầm rộ, qua trống kèn ầm ĩ, y phục lộng lẫy, rước xách long trọng. Tại nhiều nơi, việc xây dựng, tu bổ các thánh đường và cơ sở tôn giáo rất to lớn, tốn kém… còn kết quả của việc PÂH thì không là bao !

2. Gắn kết với Chúa : Đây là điều cốt lõi cho sứ vụ PÂH, như hình ảnh ngọn đèn chỉ sáng lên, tỏa hơi nóng khi được nối kết với nguồn điện. Sứ mạng PÂH của Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu là người loan báo Tin Mừng đầu tiên, và chính Ngài là Tin Mừng của Chúa Cha, nên nhất thiết Giáo Hội, trong đó giáo dân là thành phần đông đảo nhất, phải gắn kết với Chúa. Khi sự gắn kết này bị cắt đứt hoặc lơ mơ thì không mong đem lại hoa trái gì. Ta phải nói gì về sự gắn kết này ? Có một cách để nhận ra nó bền chặt hay hời hợt là nhìn vào hoa trái của nó. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn cây nho và cành nho trong Tin Mừng Gioan 15,1-8 : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Cành nào gắn chặt vào cây sẽ sinh nhiều hoa trái, còn cành nào lìa cây sẽ bị khô héo”. Cứ nhìn vào quả mà biết cây !

3. Lãnh vực để thực thi sứ mạng PÂH : thiêng liêng và trần thế.

Đúng là nơi người tín hữu giáo dân, dụ ngôn muối và ánh sáng có ý nghĩa và giá trị thực dụng nhất. Thật đáng ước mơ khi được sống trong một quốc gia tôn trọng các quyền con người ; ngược lại, thật đáng buồn khi một quốc gia không tôn trọng các quyền tự do chính đáng của con người trong cuộc sống. Đây là vấn đề được đặt ra không chỉ ở bình diện quốc gia, mà còn ở bình diện quốc tế. Vì thế mà cần có Liên Hiệp Quốc để can thiệp, và các tổ chức quốc tế để lên tiếng đòi quyền lợi nhân danh những con người thuộc quốc gia đó, trong sự liên đới toàn cầu. Thực tế đáng buồn là tại quốc gia nào theo chế độ độc tài, đảng trị, các quyền căn bản của con người không thật sự được tôn trọng và đáp ứng, có chăng chỉ ở một mức độ nào đó!

Tại Hàn Quốc, người Công Giáo tham gia vào các lãnh vực trần thế, xã hội và chính trị một cách rất tích cực, vì thế mà đạt được những kết quả đáng kể trong công cuộc PÂH. Tại Việt Nam hiện nay, người Công Giáo vẫn bị hạn chế nhiều trong việc tham gia này, mặc dù rất muốn. Phải chăng vì thế mà công cuộc PÂH bị trì trệ ?

Có lần tôi được tiếp xúc với một giám mục Thái Lan. Ngài cho biết số người theo đạo Công Giáo tại giáo phận của ngài rất ít, trong khi đó số linh mục, tu sĩ lại đông. Thế các vị ấy đảm trách những công việc gì ? Mục vụ giáo xứ chăng ? Ngài cho biết tại giáo phận của ngài, một số lớn các linh mục và tu sĩ hoạt động trong lãnh vực giáo dục, điều hành trường học Công Giáo các cấp, và các trường Công Giáo ấy rất được tín nhiệm. Thái Lan là một nước tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tuy Phật giáo là quốc giáo của họ.

Như trong phần trình bày giáo thuyết, chúng ta đã trích dẫn Tông huấn Christifideles Laici (số 2) (supra, trang 4) nhắc nhở cần giúp người tín hữu tránh thái cực thứ hai là cám dỗ “bào chữa cho sự tách biệt không thể biện minh giữa đức tin và đời sống, giữa việc đón nhận Tin Mừng và hoạt động cụ thể trong các lãnh vực trần thế khác nhau”. Nhận định của chúng tôi là người tín hữu ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng này, đó là dửng dưng xa rời các thực tại trần thế để chỉ lo bảo vệ đức tin, không quan tâm đến việc đem Tin Mừng thấm nhập vào môi trường trần thế đang rất cần muối, men, ánh sáng của Chúa Kitô để được biến đổi. Sự dửng dưng của người kitô hữu trong vấn đề này cộng với tình trạng dửng dưng do ảnh hưởng của thuyết vô thần nơi anh em lương dân đối với niềm tin tôn giáo, khiến cho đạo Công Giáo không có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam ngày nay.

4. Sự hợp tác giữa các thành phần dân Chúa trong sứ mạng PÂH : Phải chăng trong lãnh vực này, sự hợp tác còn ở mức độ lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm đúng mức từ phía các vị chủ chăn, khiến cho hoạt động PÂH ít hiệu quả. Sự tôn trọng và phát huy quyền tham gia vào sứ mạng này của người giáo dân chưa được các chủ chăn lưu tâm. Các hội đoàn Công Giáo Tiến hành dù được thiết lập và hoạt động, nhưng nếu thiếu sự chăm sóc, huấn luyện, đồng hành, hỗ trợ, thì cũng khó mà có kết quả ; chưa kể tại nhiều nơi, các chủ chăn thờ ơ với sự hiện diện của các hội đoàn và những hoạt động của giáo dân, nại cớ phiền toái, không đi đến đâu, cũng không lo lắng để huấn luyện họ đi đúng đường hướng của Giáo Hội. Xin kể một câu chuyện : Tại một giáo xứ, giáo dân xin cha sở cho tái lập Hội Legio Mariae đã bị ngưng hoạt động từ lâu. Cha xứ trả lời : “Tại xứ của tôi chỉ có một Hội mà thôi, đó là Hội Thánh Đức Chúa Trời” ! Cha xứ đã không làm, mà người giáo dân muốn làm, cha không cho. Có thể áp dụng Lời Chúa Giêsu ở đây chăng : “Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23,13) ? Giáo luật khoản 299,1 công nhận các tín hữu có quyền thành lập các Hiệp Hội, qua một sự hợp đồng riêng tư giữa họ với nhau nhằm những mục tiêu như phụng tự công cộng, đạo lý Kitô giáo, thực hành các việc tông đồ như truyền bá Phúc Âm, công tác đạo đức hoặc bác ái, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian, tuy vẫn tôn trọng nhà chức trách

5. Chứng tá đời sống : Chúng ta đã biết trong phần Huấn quyền nói trên, người giáo dân bất kỳ là ai, ở lứa tuổi nào, trong vai trò nào… đều có thể là chứng nhân PÂH bằng đời sống rất thuận lợi, bất cứ ở đâu, lúc nào, và với ai. Đây là điều rất đáng khen ngợi và cổ vũ.

Giáo dân Việt Nam dù yếu kém về mặt giáo lý, không tự tin và mạnh dạn đủ để nói về đức tin của mình, nhưng họ đang sống đức tin ấy. Ta có thể chứng nghiệm điều ấy qua sự thực hành đạo rất đông đảo, làm xúc động nhiều người. Nhiều nơi và nhiều lúc, người Công Giáo Việt Nam đã quả cảm tuyên xưng đức tin, dù phải chịu bất công, thiệt thòi về mặt xã hội. Những anh em dân tộc thiểu số cũng nêu gương sáng gắn bó thiết tha với niềm tin, và quảng đại chịu nhiều khốn khó còn hơn người Kinh nữa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy hai điều nhức nhối này là : - nhiều người giữ đạo theo thói quen, giữ đạo vì truyền thống, hình thức… ; và nhiều người có đạo, nhưng vì quyền lợi vật chất và địa vị xã hội, hoặc cầu an… đã đành tâm chối đạo, dấu diếm đức tin.

6. Liên đới : Càng ngày, ta càng thấy ý thức liên đới mạnh mẽ hơn giữa mọi người với nhau trong quyền lợi và nghĩa vụ, về phương diện tôn giáo cũng như xã hội. Tục ngữ có câu : “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Lấy ví dụ cụ thể : Trong Giáo Hội, linh mục xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, thì những người có mối ràng buộc với nhau, như giám mục với linh mục, phải đồng trách nhiệm ; trong lãnh vực thể thao, một giải thưởng được trao và chia sẻ đồng đều giữa các cầu thủ trong đội, chứ không phải kẻ ít người nhiều. Trong sứ mạng PÂH cũng vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội, giáo phận hay giáo xứ, phải đồng chia sẻ sự liên đới và trách nhiệm với nhau. Kế hoạch thực hiện sứ mạng PÂH phải được mọi người liên đới chia sẻ và chịu trách nhiệm với nhau, chứ không có cảnh tự ý tự quyền và chịu trách nhiệm một mình.

Về điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng tại Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có não trạng đơn thương độc mã, một mình làm, một mình chịu. Người ta nhận xét rằng một người Việt Nam có thể giỏi giang, trổi vượt hơn chục người nước ngoài trong công việc cá nhân ; nhưng chỉ cần vài người nước ngoài chung vai thích cánh làm việc tập thể thì bằng cả mấy chục người Việt Nam cộng lại ! Não trạng cá nhân, cục bộ nơi người Việt Nam còn rất mạnh.

Nhận định về tính liên đới trong sứ mạng PÂH tại Việt Nam hiện nay không cho chúng ta sự lạc quan lắm. Lấy một trường hợp điển hình : Các Hội dòng địa phương hay quốc tế đang hiện diện tại Việt Nam mà có linh đạo hay hoạt động hướng đến sứ mạng PÂH thì rất đông, các tu sĩ cũng nhiều, nói lên Hội Dòng đó đáp ứng đúng nguyện vọng của các tu sĩ muốn dâng hiến cuộc đời cho công cuộc quan trọng này, nhưng rồi thực tế nhiều Hội Dòng chưa mạnh dạn gửi tu sĩ dấn thân vào sứ mạng này, mà hoạt động riêng rẽ, không liên kết với nhau. Cách đây hai năm, UBLBTM đã tổ chức một cuộc hội thảo với các Hội Dòng mang chủ đề : “Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi”, kêu gọi các Hội Dòng liên kết với nhau để thi hành sứ mạng này. Nhưng hiện nay, không thấy chuyển biến gì !

7. Cổ võ và huấn luyện sứ mạng PÂH cho giáo dân : Đây là một vấn đề nhức nhối. Phải nhận rằng cho đến nay, người ta thích trưng các biểu ngữ “Ra đi loan báo Tin Mừng”, “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”, “đến vùng ngoại vi”…, rồi thôi. Việc huấn luyện người tín hữu để họ tham gia vào sứ mạng này với sự hiểu biết và ý thức cũng như tâm huyết… chưa được chú trọng mấy. Trong các chủng viện, môn Truyền Giáo Học (Missiologie) tuy có, nhưng mang tính lý thuyết và ít để ý đến bối cảnh đa văn hóa, đa tôn giáo của Á Châu. Các linh mục bằng lòng với công việc mục vụ cho người đang giữ đạo chứ chưa nhiệt huyết ra đi loan báo Tin Mừng cho người lương dân, hoặc cũng chưa nhiệt tâm đi tìm các chiên lạc, tân PÂH cho những người đang xa cách, hờ hững với niềm tin và thực hành đạo. Việc đào tạo người tín hữu giáo dân để tham gia sứ mạng này hầu như không có gì. Chưa thấy có trường đào tạo giáo dân về các môn Khoa học thánh (Học viện Công Giáo mới hoạt động được ba năm, chủ yếu cho linh mục, tu sĩ, và một vài giáo dân ! TTMV của tổng giáo phận Saigon có một số hoạt động nhằm đào tạo giáo dân…

Một câu chuyện điển hình : Tại một giáo xứ, trong cuộc họp Legio Mariae, một bà báo cáo công tác thăm lương dân. Thấy trên bàn thờ trong nhà có bát hương, ly nước, bà giẫm chân bẹt bẹt, chỉ vào bàn thờ mà nói : “Bây giờ mà còn thờ chi ba cái thứ này. Dẹp đi, rồi tôi dẫn đến nhà thờ xin theo đạo thờ Chúa muôn loài” ! Chết thật cái cách loan báo Tin Mừng như thế này, chỉ vì không được huấn luyện !

8. Hội nhập văn hóa và PÂH. Như Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đề nghị, không thể mong sứ mạng PÂH tại Việt Nam đem lại kết quả nếu không lưu ý đến vấn đề hội nhập văn hóa trong bối cảnh nước Việt Nam là một nước Á Châu, nơi giao thoa nhiều nền văn hóa như Trung Hoa, Ấn Độ, pha một chút ảnh hưởng từ Kampuchia, với ba tôn giáo lớn là Khổng-Lão-Phật đã cắm rễ lâu đời tại Việt Nam, với các tập tục mang tính tín ngưỡng dân gian, với lòng tôn kính tổ tiên sâu nặng nơi người Việt Nam. Chúng ta không được quên rằng cuộc tranh luận về nghi lễ ở Trung Hoa (la querelle des rites) thờ kính Khổng Tử và tổ tiên đã gây bao thiệt hại cho việc loan báo Tin mừng ở Trung Hoa lẫn Việt Nam cho đến gần đây. HĐGMVN, từ năm 1974, đã cho phép người Công Giáo Việt Nam được thực hành và chủ động tham dự một số nghi lễ tôn kính tổ tiên, vì coi đó là những việc làm hợp với chữ Hiếu, để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ, biết ơn các bậc sinh thành. Việc hội nhập văn hóa là việc vẫn còn phải được tiếp tục nghiên cứu, đào sâu và thích nghi tại Việt Nam. Sắp tới, Ủy ban Văn hóa sẽ đệ trình HĐGMVN để xin cho áp dụng một số thích nghi nữa trong phụng vụ liên quan đến tang lễ và cưới hỏi.

Chúng ta nhận thấy tại Việt Nam, nhiều giáo dân, kể cả linh mục, tu sĩ, vẫn lúng túng không biết phải ứng xử thế nào khi đối diện với những trường hợp nghi vấn về quan niệm và niềm tin tín ngưỡng trong một số lãnh vực như quan hôn tang tế, sợ va vấp vào mê tín dị đoan, tôn thờ ngẫu tượng, làm mất thiện cảm với lương dân và các tôn giáo bạn… Vì thế, các vị chủ chăn phải hướng dẫn, huấn luyện dân Chúa hầu tránh những đổ vỡ, mất mát.

Từ ít lâu nay, việc đối thoại liên tôn tại Việt Nam có nhiều nỗ lực tích cực từ phía Công Giáo, nhằm xích lại gần với các tôn giáo bạn, nói lên thiện ý tôn trọng, hòa đồng, tránh hiểu lầm đố kỵ, nhưng phải nhận rằng kết quả còn rất nhỏ bé và vẫn còn khoảng cách rất lớn với các tôn giáo bạn.

9. Cộng đoàn cơ bản : Tại Việt Nam, có những cộng đoàn cơ bản và phong trào canh tân đoàn sủng đang hiện diện hoạt động, tuy âm thầm nhưng tích cực, như các nhóm gia đình trẻ, nhằm giúp sống đức tin, bảo vệ hôn nhân và gia đình nhờ nối kết tình thân. Những cộng đoàn này cần được cổ vũ và phát triển. Chỉ cần lưu ý đến điều mà Đức Gioan Phaolô II đã nói lên (supra, trang 7), là giúp các cộng đoàn này hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ và địa phương, với hàng giáo phẩm, không đối lập hay tách rời, bất chấp hay coi thường các cơ cấu Giáo Hội đã có.

10. Hội đoàn CGTH : Đây là một điểm son của Giáo Hội Việt Nam, các hội đoàn là môi trường để các tín hữu tham gia sứ mạng PÂH cách rõ ràng nhất. Như một vườn trăm hoa đua nở, các phong trào CGTH tại Việt Nam rất đa diện, từ những hội đoàn mang tính thuần túy đạo đức, đến các hội đoàn mang tính xã hội, nghề nghiệp, bác ái từ thiện, và nổi bật là tính truyền giáo. Mọi lứa tuổi cũng có hội đoàn riêng, từ thiếu nhi, đến thanh niên, giới gia trưởng, hiền mẫu, lão ông lão bà… Nói chung các hội đoàn được giáo dân đón nhận và sẵn sàng tham gia. Việc tổ chức cơ cấu và điều hành hội đoàn được các chủ chăn quan tâm. Việc sinh hoạt hội đoàn theo nội quy được tuân giữ. Phải nhìn nhận rằng các hội đoàn đã góp công rất nhiều trong việc thực thi sứ mạng PÂH.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một số hội đoàn còn hạn chế ở chỗ nặng hình thức bên ngoài, mới chú trọng đến phương diện đạo đức qua việc kinh kệ, lễ lạy, mà chưa sống đúng linh đạo của hội đoàn, nhất là mở ra với tình bác ái, hiệp thông, sứ vụ. Việc huấn luyện đào tạo các hội viên vẫn chưa được thật sự quan tâm, chưa kể một số hội đoàn xem ra phải tự lực tự cường mà chưa được quan tâm đúng mức, đến nỗi sống dở, chết dở, vì thế mà việc thực thi sứ mạng PÂH vẫn chưa có nhiều kết quả đáng kể.

Trong chiều hướng canh tân, nối kết và khích lệ các hội đoàn CGTH tham gia vào sứ mạng này, UBLBTM đã tổ chức một cuộc Hội thảo năm 2017 tại Tòa giám mục Xuân Lộc với chủ đề “Các Hội đoàn CGTH và sứ mạng Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện nay”.

III. NHỮNG ĐỀ XUẤT ĐỂ VIỆC THAM GIA SỨ MẠNG NÀY KẾT QUẢ HƠN

Trước sứ mạng quan trọng Chúa trao, ai nấy đều mong muốn làm sao để mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp cho Chúa, như Ngài đã kết luận ở dụ ngôn gieo giống : “Hạt sinh ra ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm” (Mc 4,20).

Tôi nghĩ cần làm một số việc sau đây để đạt được kết quả.

1. Dấn thân : Làm sao để mọi giáo dân ý thức đây là sứ mạng của họ, là công việc, là trách nhiệm của họ, không được thoái thác, ù lì, cầu an, mà phải sẵn sàng nhập cuộc. Hãy xem anh em Tin Lành, họ mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Tôi có dịp nói chuyện với một phụ nữ là mẹ gia đình, chị tự tin trích Kinh Thánh làu làu để làm chứng cho điều mình nói. Ở giáo phận Hưng Hóa có những anh chị em H’mông, họ không có học thức gì, không giữ vai trò gì trong cộng đoàn, nhưng họ dấn thân giới thiệu đạo cho đồng bào, biết bao người đã biết Chúa nhờ sự dấn thân của những anh chị em này. Có những nơi nhiều chục năm không có linh mục, cộng đoàn, bí tích, nhà nguyện, thế mà các người H’mông ở đó vẫn giữ được đạo chứ không bị mất.

Trong diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô dịp Ad Limina 2018, ĐTGM Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN, đã trình bày : “Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của cuộc chiến tranh ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng”.

2. Nhiệt Huyết và Niềm Vui : Làm sao hun đúc nhiệt huyết PÂH nơi người tín hữu. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất, vì thiếu lửa, cả đống củi cũng vô ích, không rực cháy, tỏa nóng, chiếu sáng. Nhiệt huyết PÂH là “hồn tông đồ”. Sau đó là niềm vui. Chúng ta phải vui vẻ loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói nhiều về nhiệt huyết và niềm vui này : “Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG. 6).

“ĐTC Phanxicô khuyên nhủ chúng ta hãy chia sẻ thực tại về tình yêu và Lòng Thương Xót này với nhiệt tình và niềm vui, bắt đầu từ nhà của mình, giữa các phần tử trong gia đình của mình, trong lối xóm của mình, trong các thành phố và thị trấn của mình, trong khắp giáo phận và ở mọi nơi. Hãy tưởng tượng xem giáo phận của chúng ta sẽ đẹp thế nào, Hội Thánh nói chung sẽ đẹp đẽ ra sao nếu nhiệt tình và niềm vui này bùng nổ. Tôi không đề cập đến một nhiệt tình thiếu thực tế hay niềm vui đạo đức, nhưng một nhiệt tình và niềm vui dẫn chúng ta đến sứ mệnh, trở thành những nhà truyền giáo” (Đức cha Michael Mulvey, Giám mục Giáo phận Corpus Christi, Texas, trong bài “Tất cả phải trở thành những môn đệ truyền giáo”. Phạm Xuân Khôi dịch, nguồn Vietcatholic, ngày 9.7.2017).

3. Cần huấn luyện, đào tạo giáo dân để PÂH : Người giáo dân Việt Nam hiện nay mới chỉ học và hiểu giáo lý sơ sài khi họ còn nhỏ, để Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức. Khi lập gia đình, họ học thêm giáo lý hôn nhân. Rồi thôi. May ra có thêm giáo lý Thánh Kinh cho các em cấp III. Như thế thì làm sao giáo dân xác tín và mạnh dạn rao giảng Tin Mừng. Không có liềm thì làm sao gặt lúa ! Giáo dân Việt Nam ít được trang bị vốn liếng giáo lý. Cần đầu tư nhiều vào lãnh vực này, hơn là đầu tư vào các lãnh vực xây dựng cơ sở vật chất hay tổ chức lễ lạc, kỷ niệm… mới phải !

Tổng giáo phận Saigon, vào thời điểm 2004, đã đề ra sáng kiến mỗi tín hữu là một giáo lý viên, mọi tín hữu đều được học giáo lý. Sau đó, khi có người xin học đạo, người này được giao phó cho một tín hữu tình nguyện. Người tín hữu này vừa hướng dẫn giáo lý, vừa đồng hành và là người đỡ đầu của người dự tòng. Một sáng kiến hay, nên nỗ lực thực hiện.

4. Cần có những nhóm tín hữu, gia đình làm công tác PÂH chuyên biệt. Đây là phương cách thực hành của phong trào Tân Dự Tòng. Hàng năm, ĐTC Phanxicô sai các gia đình trong phong trào này đi khắp thế giới. Họ sẵn sàng đến bất cứ nơi nào, sống bình thường như mọi gia đình Công Giáo khác, và thi hành sứ mạng PÂH bằng chứng tá đời sống kitô hữu. Điều này thích hợp tại những nơi – vd các buôn làng dân tộc thiểu số - chưa có linh mục và cộng đoàn, chưa có nhà thờ và sinh hoạt... Không ai rao giảng Tin Mừng thuận lợi cho người dân tộc bằng người dân tộc. Trong một cuộc hội thảo về PÂH quốc tế, một đại biểu Châu Phi kể rằng khi muốn PÂH một nơi nào, họ gửi đến đó một đôi vợ chồng, chứ không phải một linh mục, ngụ ý đôi vợ chồng sẽ dọn đường tiền rao giảng bằng chứng tá đời sống Công Giáo của mình, rồi sau đó mới cần đến linh mục để rao giảng và cử hành bí tích.

Chúng ta thấy rằng cho đến nay, người tín hữu vẫn chưa ý thức đủ, cũng chưa tham gia mạnh vào sứ mạng này, một phần có lẽ tại các vị chủ chăn chưa biết vận dụng nguồn nhân lực này, chưa tín nhiệm đủ để mời họ cộng tác vào sứ mạng này. Chúng ta đã để phí phạm một nguồn lực quý báu và cần thiết.

Tại giáo phận Xuân Lộc, cha Đaminh Trần Xuân Thảo đã thành lập và đào tạo nhóm Tác Viên Tin Mừng. Những tổ hay nhóm này đi vào các thôn xóm loan báo Tin Mừng cho đồng bào. Trong cuộc hội thảo này, chúng ta sẽ được nghe cha Thảo giới thiệu về nhóm Tác Viên Tin Mừng này. Thiết tưởng nên nhân rộng mô hình này.

- Đáp ứng lời kêu gọi của ĐTC Gioan Phaolô II và Phanxicô về việc vận dụng những phương pháp mới, cách trình bày mới cho công cuộc Tân PÂH, chúng ta nên biết ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ thông tin vào các trang mạng, từ cấp toàn quốc, giáo phận, giáo xứ, hội dòng, đoàn thể, đến các trang mạng xã hội cá nhân (facebook, tweeter, instagram…). Hiện nay, những phương tiện này rất nhiều, phổ biến, ở trong tầm tay, chỉ có điều là chúng ta có biết sử dụng không, cũng như có thu hút độc giả không ? ĐTC Phanxicô đã làm gương, khi ngài cũng có tweeter, instagram có bao nhiêu triệu người theo dõi, hàng tuần ngài cho thu hình đưa lên mạng internet toàn cầu.

5. Hợp tác : Sứ mạng PÂH, nếu muốn có kết quả, cần thực hiện trong mối liên kết, như trên đây đã trình bày. UBLBTM nhận thấy sự nối kết giữa Ủy ban và các Ban LBTM giáo phận, dòng tu và hội đoàn… còn lỏng lẻo. Đã hẳn trách nhiệm của Ủy Ban là đề ra đường lối, phổ biến văn kiện, cổ vũ và phối kết các hoạt động PÂH, giúp các khóa huấn luyện theo nhu cầu các nơi, còn thì mỗi giáo phận, dòng tu, hội đoàn có hoàn cảnh, điều kiện, sáng kiến riêng trong việc PÂH. Ủy ban ước mong có sự chia sẻ qua lại, hợp tác hỗ trợ, điều phối nhằm đem lại nhiều kết quả hơn…

6. Triển khai kết quả của Hội thảo : Sau cuộc hội thảo, ai cũng mong muốn hoa trái của nó sẽ được triển nở. Điều này mời gọi mỗi tham dự viên, từ quý cha trưởng ban LBTM giáo phận đến quý đại biểu các hội dòng và hội đoàn CGTH tìm cách phổ biến và triển khai những suy tư, quyết định của cuộc hội thảo. Nếu sau cuộc hội thảo, mọi sự rơi vào quên lãng, không được phổ biến và áp dụng, thì thật là đáng tiếc.

KẾT LUẬN

Kính thưa quý tham dự viên,

Chúng tôi cảm kích và trân trọng sự hiện diện của quý vị tại cuộc hội thảo này. Nó nói lên nhiệt tâm muốn góp phần cho cuộc hội thảo nói riêng, và cho sứ mạng PÂH nói chung tại quê hương đất nước Việt Nam, được sản sinh những hoa trái tốt đẹp cho Chúa, mang Tin Mừng cứu độ cho anh chị em đồng bào chúng ta. Chúng tôi chân thành cám ơn quý vị.

Bài thuyết trình của tôi chắc chắn chưa trình bày cặn kẽ và đầy đủ những điều cần phải nhận định về sứ mạng cao cả này.

Bên cạnh việc lắng nghe các thuyết trình viên chia sẻ, trao đổi những góc nhìn khác xoay quanh đề tài, quý vị có thể góp phần của mình qua các suy tư, gợi ý, đề xuất cho UBLBTM chúng tôi. Chúng tôi chân thành đón nhận mọi ý kiến đóng góp, sau đó đúc kết thành bản nhận định, và trình bày với HĐGMVN trong khóa họp vào cuối tháng 9 này.

Giờ đây, xin mọi người cùng khẩn cầu sự phù trợ của Đức Mẹ La Vang : “Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa”, của các Thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông và chứng nhân đức Tin, để chúng ta được mạnh dạn thi hành sứ mạng PÂH tại Quê Hương Đất Nước Việt Nam.

TTMV.TGP Huế, ngày 03.9.2018

+Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám Mục Phụ Tá Hưng H
Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN

[1] Chúng tôi đề nghị dùng từ “Phúc Âm Hóa” thay cho từ “Loan báo Tin Mừng” để chỉ sứ mạng này. Từ “loan báo Tin Mừng” chỉ nói lên được một khía cạnh là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, còn từ “Phúc Âm Hóa” hàm ý đem Tin Mừng như men, như muối thấm nhuần vào thế giới, vào cuộc sống mọi người, mọi thực tại trần thế, theo sắc lệnh Tông đồ giáo dân nói ở đây. Tên của Bộ đặc trách sứ mạng này trước đây được gọi là “Sacra Congregatio de Propaganda Fide” (Bộ Truyền Bá Đức Tin hay Bộ Truyền Giáo), bây giờ gọi là “Congregatio pro Gentium Evangelizatione” (Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc).

 
Máu Các Thánh Tử Đạo Là Hạt Giống Truyền Giáo
Gioan Lê Quang Vinh
14:55 10/09/2018
Bài thuyết trình của Gioan Lê Quang Vinh tại Hội Thảo Loan Báo Tin Mừng tại Huế 2018

Tin mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại là Tin Mừng, Tin Vui. Mà lạ lắm, ở nhiều nơi, nhiều thời, người ta từ chối Tin Mừng này cách phũ phàng. Cái lạ thứ hai là người ta không những không đón nhận nó, mà hễ thấy ai đón nhận là họ thù ghét, họ giết đi.

Chúng ta thừ tưởng tượng khi nhận thiệp báo tin vui chịu chức linh mục hay khấn dòng, chúng ta vui mừng. Nếu ai không quan tâm thì cũng để tấm thiệp trên bàn, chẳng ai khác đời đến độ tìm người nhận thiệp mà đánh.

Suy nghĩ như thế chúng ta thấy việc bách hại người Công Giáo thật là tàn ác và phi lý. Vậy mà chuyện ấy vẫn xảy ra. Thế nhưng khi người Công Giáo chết vì Đạo mình, thì họ không kết thúc cuộc sống của họ và Tin Mừng cũng không vì thế mà biến mất.

Trong tác phẩm Apologeticus(Hộ giáo), ở chương 50,sử gia Công Giáo Tertulianô (160-225) viết: ‘‘Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu’’ (Sanguis martyrum semen christianorum).

Tertulianô viết tác phẩm Apologeticus khoảng năm 197 AD, vài năm sau khi ông gia nhập Giáo Hội Công Giáo, để bênh vực người Công Giáo. Lúc bấy giờ hoàng đế Septimus-Severus (193-211) lên nắm chính quyền.

Trong tác phẩm “Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, linh mục Bùi Đức Sinh O.P. nhận định: “Septimus-Severus là một viên tướng tài ba, quân đội kính nể, tuân phục, ông đã cứu vãn phần nào tình trạng suy sụp của đế quốc. Đối với Kitô giáo, trong những năm đầu ông tỏ ra khoan hồng nếu không nói được là có cảm tình. Trong thời kỳ mới nắm chính quyền, phải đương đầu với họ để củng cố địa vị, và thấy thù địch mình cũng là thù địch Kitô giáo, nên thái độ khoan hồng của Septimus-Severus lúc đầu đối với Kitô giáo càng dễ hiểu. Nhưng vào khoảng năm 201, đột nhiên ông thay đổi thái độ”.

Khi Septimus-Severus bắt đầu cấm đạo gắt gao, các hoạt động của Giáo Hội rút vào trong bóng tối hang Toại đạo Callixtus. Tertullianô đã mô tả những dã man ghê rợn của cuộc bách hại này ở Phi châu, mà đứng đầu là các Thánh Tử Đạo Perpetua và Felicita.

Tertulianô đã trở thành người Công Giáo trong thời ký này. Và chính cảm nghiệm đức tin cũng như những suy tư về thời đại đã giúp Tertulianô viết được câu bất hủ “Sanguis martyrum semen christianorum”.

Quả thật, 250 năm bách hại (64-314) đi qua, để lại bao đau thương mất mát cho Giáo Hội trong thời kỳ đầu, nhưng đồng thời cũng đã làm cho Giáo Hội phát triển nhanh chóng về mọi mặt, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà hư nát đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

Riêng tại Việt Nam, kể từ ngày Giáo Hội Công Giáo được rao giảng tại Việt Nam năm 1533 (đời vua Lê Trang Tông), đã có hàng trăm ngàn tín hữu hy sinh mạng sống mình vì đức tin. Trong tập sách Vụ Án Phong Thánh , Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thu ghi lại có tất cả 53 Sắc chỉ cấm đạo chính thức do chúa Trịnh, chúa Nguyễn, do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt tận gốc đạo Công Giáo, trong đó có:

1. 8 sắc chỉ cấm đạo: Trong Nam dưới thời các chúa Nguyễn (1615-1778)

2. 17 sắc chỉ cấm đạo: Ngoài Bắc thời chúa Trịnh (1627-1786)

3. 6 sắc chỉ cấm đạo: Miền Nam, Nhà Tây Sơn (1775-1800), 3 sắc chỉ; Miền Bắc năm 1786, 3 sắc chỉ.

4. 7 sắc chỉ cấm đạo: Vua Minh Mạng (1820-1840)

5. 2 sắc chỉ cấm đạo: Vua Thiệu Trị (1840-1847)

6. 13 sắc chỉ cấm đạo: Vua Tự Đức (1847-1883)

Ngoài ra, còn giai đoạn bách hại đạo do nhóm Văn Thân (1885-1886) cũng rất tàn bạo, độc ác. Các sử gia ước tính có tới 300.000 Kitô hữu bị giết chết trong những cuộc bách hại nêu trên. Trong số đó, đã có 117 Vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong Thánh vào ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Chưa có một tổ chức nào bị đánh phá như thế mà trường tồn. Chưa có một tôn giáo nào bị tận diệt như thế mà đứng vững. Chỉ trừ Hội Thánh Công Giáo. Sau bao nhiêu đau thương, chết chóc và mất mát lớn lao, đạo Công Giáo đã bùng lên mạnh mẽ như ngọn đuốc trước cơn gió để lan rộng đến mọi miền đất nước.

Ngày nay, đạo Công Giáo có mặt khắp nơi, từ tỉnh thành cho đến thôn quê, từ miền sông nước hẻo lánh Cái Rắn ở Cà mau cho đến những ngọn núi cao ở tận Lào Cai, Cao Bằng. Hạt giống máu các Thánh Tử Đạo đã nẩy mầm và vươn cao.

Hiện tại, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục đang làm việc, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. (Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh tường trình với Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi triều yết dịp Ad Limina 2018). Đây thật là một ân huệ lớn laoChúa ban cho quê hương Việt nam.

Thời Tử Đạo là thời gieo hạt giống, thời đại hiện tại là thời hạt giống đơm bông kết quả. Và dĩ nhiên, những đau khổ của thời hiện tại cũng đang là hạt giống cho mùa màng của thế hệ sau. Người ta hẳn sẽ tự hỏi tại sao máu các Thánh Tử Đạo lại là hạt giống trổ sinh người tín hữu. Câu trả lời nằm ở chính Lời Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi,thì nó vẫn trơ trọi một mình;còn nếu chết đi,nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,32).

Cuộc sống người tín hữu lý tưởng là khắc họa, hay phản chiếu, chính cuộc sống của Chúa Giêsu nơi trần gian này. Hành trình cuộc đời người tín hữu do đó cũng là hành trình cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn lên, đau khổ và chết đi. Cái chết của Chúa Giêsu khác cái chết của người trần thế ở chỗ Người biết trước, tự nguyện đón nhận cái chết đó, và sẵn sàng chết để cứu độ con người.

Thánh Anphong Liguori thuật lại rằng có một nữ tu đau đớn vì bệnh tật rất nhiều năm. Một hôm đau đớn quá, chị kêu trách Chúa Giêsu: “Xưa Chúa chỉ phải vác Thánh giá và hấp hối mấy giờ trên Thánh giá, nay sao Chúa để con đau đớn lâu năm thế?” Chúa Giêsu liền hiện ra nói với chị: “Con nói sao? Cha chỉ có đau khổ ít giờ mà thôi ư? Cha đã bắt đầu đau khổ từ giây phút nhập thể!” Thánh nhân nói rằng vì có linh hồn hoàn bị, Chúa Giêsu từ giây phút nhập thể đã nhìn thấy và cảm nhận trước nơi linh hồn Người những đau khổ Người sẽ phải chịu trên thân xác sau này.

Các Thánh Tử Đạo giống Chúa Giêsu ở chỗ các ngài biết trước về cái chết của mình và sẵn sàng đón nhận để làm chứng cho một niềm tin sắt son mà các ngài ôm ấp. Và vì thế, giống như Chúa Giêsu, thân xác các ngài chết đi, gieo vào lòng đời và rồi bừng lên ánh sáng phục sinh. Ánh sáng ấy chiều giãi vào mảnh đất này, làm cho con cháu các ngài đón nhận đức tin, lớn lên trong đức tin và đến phiên mình lại chiếu giãi ánh sáng đức tin ấy.

Thế thì câu hỏi được đặt ra cho việc loan báo Tin Mừng thời đại này là gì? Có phải là hạt giống máu các Thánh Tử Đạo gieo xuống đất là đương nhiên nẩy mầm, vươn lên thành cây cao đến nỗi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,32)? Hẳn là không đương nhiên, bởi vì cây đức tin mọc lên không phải là cây mọc hoang trên núi đá hay bên vệ đường.

Hạt giống máu các Thánh Tử Đạo không khác gì hạt giống Lời Chúa, bởi vì cùng phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng vừa là Lời vừa là của lễ Hy tế. Trong dụ ngôn người gieo giống (Tin Mừng Matthêu chương 13), Chúa Giêsu nói rõ có những hạt giống rơi trên lề đường, nơi sỏi đá hay bụi gai. Và có những hạt giống rơi trên đất màu mỡ, mọc lên, “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23).

Cha Anthony de Mello. SJ kể câu chuyện này:

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ, thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quầy hàng đặc biệt, người chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đang bán ở quày hàng này. Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: “Thưa Chúa, Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?” Chúa trả lời: “Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim”.

Chị nói liền một hồi: “Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa”. Chúa mỉm cười và nói: “Hỡi con yêu dấu, ở đây, Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi”.

Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin qua hạt giống máu các Thánh Tử Đạo. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng nhắc nhở: “Hạt giống của máu Tử Đạo quý trọngấy cũng cần những điều kiện để nẩy mầm vươn cao”. Điều kiện ấy là gì?

Người nông dân Việt Nam từ xưa đã có câu ngạn ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đối với người nông dân, hạt giống được xềp hàng thứ tư. Hạt giống máu Tử Đạo hẳn là quý giá, chúng ta xem là đứng đầu. Nhưng môi trường, việc chăm sóc và những hy sinh làm hy lễ trong đời sống hẳn là rất quan trọng cho cây đức tin lớn lên.

Nói cách khác, việc loan báo Tin Mừng thời đại này đã có sẵn hạt giống rồi. Chúng ta đi loan báo Lời Chúa là một nỗ lực làm cho hạt giống sinh sôi nẩy nở.

Thế nào là hạt giống nẩy nở? Đức Thánh Cha Phaolô VI nhìn nhận rằng loan báo Tin Mừng là một công cuộc rất đa diện, bao gồm nhiều khía cạnh: loan báo Tin Mừng cách mặc nhiên (bằng chứng tá) hoặc minh nhiên; thiết lập cộng đoàn Hội Thánh; cứu độ toàn diện: giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi những cảnh cùng khổ; thấm nhập vào các nền văn hoá.

Để thực hiện điều ấy, không gì thích hợp hơn là nỗ lực theo lời chỉ dạy của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”. Đức Cha Anphong trong bài trả lời phỏng vấn Vietcatholic đã nói rằng đây là “kim chỉ nam” cho việc truyền giáo. Kim chỉ nam là một giáo huấn, một hướng dẫn phải theo, không theo là thất bại. Kim chỉ hướng này mà ta đi hướng kia là đi lạc lối.

1. Lòng yêu mến Lời Chúa và nhiệt huyết của người tín hữu chính là mảnh đất màu mỡ để hạt giống máu Tử Đạo nẩy mầm và vươn cao. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Truyền giáo không phải là chiêu dụ người ta theo Đạo mà là lòng say mê Chúa Giêsu và say mê dân của Người”. Lòng đầy say mê Chúa Giêsu và muốn loan tin vui về Chúa Giêsu cho mọi người là khởi điểm và cũng là con đường truyền giáo.

2. Khi đã có lòng say mê, nhiệt huyết, thì chúng ta phải nghỉ đến một phương pháp. Phương pháp thì có nhiều, cũ cũng có mà mới cũng có. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn chúng ta sử dụng những phương pháp mới mà chính ngài và các Đấng kế vị ngài đã làm gương. Từ các buổi giao lưu gặp gỡ, các kỳ đại hội cho đến sử dụng Internet… đều là những phương pháp mới và hữu hiệu để chúng ta loan báo Tin Mừng,

3. Điều thứ ba là cách trình bày mới. Tin Mừng luôn mới mẻ và phù hợp với con người mọi thời đại. Nhưng ngày nay con người có nếp sống mới, hoản cảnh mới , thậm chí tạo nên những văn hóa mới. Điều này đói hỏi chúng ta dùng những ngôn ngữ của thời đại và hình thức trình bày phù hợp. Người đi loan báo Tin Mừng phải có trái tim nhạy cảm, lăn xả vào cuộc đời, gần gũi anh chị em mình và dùng chính cuộc sống mà trình bày cho họ về những đòi hỏi của Tin Mừng.

Nói là “nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới” nhưng thật ra chúng ta thấy có một điều rất hay là những cái mới ấy lại là những cách thức mà Chúa Giêsu đã sử dụng khi Người rao giảng Tin Mừng. Hóa ra khi ta đi tìm cái mới thì ta lại quay về học với chính Đấng là Tin Mừng cho trần gian.

Mừng kỷ niệm việc Tòa Thánh tuyên Thánh cho các Anh hùng Tử Đạo tại Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại lời xưa để “tri tân”, để tìm cho mình lối sống Tin Mừng và cách thế rao giảng Tin Mừng thích hợp nhất. Phải cùng chung tay hành động mới có thể làm cho hạt giống máu Tử Đạo ngày càng nẩy mầm và vươn cao.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Văn Hóa
Dẫn nhập vào văn chương tiên tri, kỳ 3
Vũ Văn An
05:13 10/09/2018
II. Việc nói tiên tri và các định chế của Israel

Như đã nói trên đây, ít nhất theo nghĩa cổ điển của từ ngữ, việc nói tiên tri là một hiện tượng đặc sủng. Bởi thế, nếu ta muốn hiểu ý nghĩa lịch sử trong tôn giáo của Israel, thì điều có liên hệ là xét mối tương quan của hiện tượng này với các định chế không có tính đặc sủng của Do Thái.

(I) Lề luật và chức tư tế

Bất chấp sự kiện một số tiên tri (như Giêrêmia, Êdêkien) chắc chắn là tư tế, nhưng có thời, đã có xác tín trong các giới phê bình rằng hai chức vụ tiên tri và tư tế phần nào chống chọi nhau, ít nhất trong thời kỳ tiền lưu đầy. (Điều luôn hiển nhiên là việc nói tiên tri thời lưu đầy và thời hậu lưu đầy quan tâm đến các lề luật tế tự và tư tế, nhưng mối quan tâm này được giải thích bởi việc nhấn mạnh tới các định chế này trong Do Thái Giáo thời hậu lưu đầy.) Có đúng không khi nói rằng truyền thống tiên tri tiền lưu đầy là một địch thủ của truyền thống tư tế, một truyền thống đã được qui điển hóa trong luật thành văn của Môsê trong và sau cuộc lưu đầy?



Ở Israel, các chức năng tư tế và tiên tri luôn được thận trọng phân biệt; tuy nhiên, các chức năng này trùng hợp một phần. Grm 18:18 nói đến “luật” (tôrâ) của tư tế, “lời khuyên” (ʼēṣâ) của hiền nhân, và “lời” (dābār) của tiên tri. Dù các chữ này chuyên chở lời giáo huấn của họ bằng các cách khác nhau, tư tế bằng truyền thống định chế, hiền nhân bằng truyền thống nghề nghiệp, và tư tế bằng các soi sáng đặc sủng, chắc chắn họ cảm thấy mỗi người trong số họ đều đang góp phần theo cách của riêng mình vào một mục tiêu chung. Khi các tiên tri lên án chức tư tế, như họ thường làm, thì không phải vì những điều các tư tế giảng dậy mà đúng hơn vì những điều họ không giảng dậy: họ đã từ bỏ kiến thức và làm ngơ lề luật (tôrâ) của Thiên Chúa (Hs 4:6). Cũng trong tinh thần này, các tiên tri “giả” đã bị lên án, không phải vì bác bỏ ý niệm nói tiên tri mà đúng hơn là nhại lại nó.

Sự chống đối giữa hàng tư tế và hàng tiên tri đã bị cường điệu hóa vì một số nhân tố. Một trong các nhân tố này là xác tín, nay đã được điều chỉnh rất nhiều, rằng lề luật là một khai triển tương đối mới có tại Israel, cho thấy sự chiến thắng của tôn giáo chính thức đối với tôn giáo thiêng liêng. Một nhân tố khác là quan điểm bị bóp méo trong đó tôn giáo của các tiên tri bị nhìn trong tương quan với tôn giáo “chính thức” của Israel. Dĩ nhiên, đúng là có sự khác nhau giữa thái độ và quyền lợi của tôn giáo tư tế và tiên tri, nhưng chỉ là các thái độ khác nhau chứ không phải các tôn giáo khác nhau. Xét cho cùng, thì hàng tư tế cũng làm cùng một công việc, hay một phần của cùng một công việc như hàng tiên tri nghĩa là thông truyền ý chí luân lý của Thiên Chúa. Hàng tư tế làm vậy bằng việc truyền lại luật lệ tôn giáo như đã được bảo quản trong các đền thánh; hàng tiên tri thì chu toàn nhiệm vụ của mình bằng cách thông truyền lời hằng sống. Trên nguyên tắc, hàng ngũ sau không có ý chống đối hàng ngũ trước.

Các việc cho là các tiên tri tiền lưu đầy trích dẫn lề luật thường là đáng hoài nghi và, dù sao, cũng rất ít; điều này dĩ nhiên khiến ta nêu lên câu hỏi về qui mô lề luật hiện hữu thời tiền lưu dầy dưới hình thức viết, và về câu hỏi này, ta không thể bàn ở đây. Các vấn đề này cũng dẫn đến vấn đề bản chất của việc nói tiên tri, như ta đã thảo luận, một điều, để có thế giá, phải tùy thuộc chính việc nó truyền thông lời Chúa, chứ không tùy thuộc một thế giá có trước, kể cả thế giá tiên tri. Dù sao, giáo huấn tiên tri luôn nhất quán với lề luật, ngay cả khi nó được phát biểu theo cách riêng của nó và cách nhấn mạnh của nó.

Amốt 3:2 phát biểu ý tưởng tuyển chọn (election) bằng ý tưởng, chứ không bằng lời chính xác, của Đnl 14:2; Amốt mô tả cuộc xuất hành và việc đi lang thang trong sa mạc và ý nghĩa của chúng (2:10; 3:1; 4:10; 5:25;9:7) nhất quán với Xh 20:2, trong đó, Ai Cập được gọi là “nhà nô lệ”. Kiểu nói này cũng được các tiên tri sử dụng (xem Mk 6:4; Grm 34:13), không điều nào trong số này chứng minh Amốt tùy thuộc Đệ Nhị Luật hay Xuất Hành trong tư cách bản văn viết, cũng như việc ngài nhắc đến tôrâ ở 2:4 là nhất thiết tùy thuộc luật tư tế thành văn. Tuy nhiên, nó chứng tỏ Amốt giảng dạy một truyền thống chứa trong lề luật; và, mặc dù có ý nói bóng nói gió và không chính thức, các câu nói của ông giả thiết một trình thuật đã được kể trong Ngũ Kinh mà ông nhất trí cả trong các chi tiết vụn vặt (xem Am 2:9; Ds 13:32). Hôsê 8:1 minh nhiên nối kết lề luật của Giavê với một giao ước, một điều, dĩ nhiên, là chính điều lề luật tuyên xưng mình là; dù Hôsê không nói đó là giao ước Sinai, ông quả nối kết nó với cuộc xuất hành (8:13; 9:3; 11:5; xem Đnl 28:68). Hơn nữa, tôrâ mà Hôsê liên kết với giao ước ở 8:1 thì ở 4:6, nó được coi là tôrâ tư tế hàm nghĩa luân lý xã hội; căn cứ vào 8:13, rõ ràng có một thứ tôrâ thành văn hay tôrôt. Căn cứ vào bối cảnh, xem ra cuối cùng Hôsê có ý nhắc đến các giới luật tế tự.

Cựu Ước đã được thông truyền qua nhiều dòng truyền thống; các truyền thống này ảnh hưởng lẫn nhau, tuy không tan hòa vào nhau. Truyền thống tiên tri không đòi được tôn vinh mà gây thiệt hại, bằng cách tối thiểu hóa các truyền thống khác vốn cũng phục vụ chân lý theo cách riêng của họ, bổ túc chứ không mâu thuẫn các sự thật của hàng tiên tri.

(II) Việc tế tự

Nối dài vấn đề trên, có việc tương quan giữa các tiên tri và việc tế tự tại Do Thái. Một lần nữa, vấn đề này cũng được đặt ra với các tiên tri tiền lưu đầy: không ai nghi vấn sự can dự sâu xa của một Êdêkien, một Dacaria hay một Malaki vào nghi lễ của cộng đồng hậu lưu đầy.

Cũng có thể rất ít cần bàn đến vấn đề này ngày nay, khi người ta có khuynh hướng cường điệu hóa theo hướng ngược lại bằng cách đồng hóa ngay cả các tiên tri cổ điển của Israel vào khuôn mẫu tiên tri thờ cúng của Cận Đông mà chúng ta đã bàn tới. Tuy nhiên, một số nhà phê bình thánh kinh vẫn chia sẻ nhau ý kiến cho rằng các tiên tri tiền lưu đầy, về nguyên tắc, chống lại tôn giáo tế tự của Israel.



Ta đã thấy có các tiên tri tế tự tại Israel. Các tiên tri cổ điển có thuộc loại này không? Không thể trả lời câu hỏi này với chữ “có” hay “không” dứt khoát được, đơn giản chỉ vì thiếu bằng chứng, nhưng ít nhất, đại đa số họ có lẽ không phải. Có một vài cơ sở cho phép ta xếp Nakhum và Khabacúc của thời tiền lưu đầy và Gioen cùng Dacaria của thời hậu lưu đầy vào loại tiên tri Đền Thờ. Nhưng ngay trong trường hợp này, bằng chứng cũng không nhất thiết có tính cưỡng bách (Dcr 7:1tt); trong phần lớn các trường hợp khác, đơn giản không có khả thể nào ủng hộ giả thuyết “tế tự” cả. Ơn gọi Isaia làm tiên tri gần như chắc chắn diễn ra trong một cử hành tế tự, nhưng không có chứng cớ nào cho thấy Isaia hiện diện trong đền thờ với bất cứ tư cách nào khác hơn là 1 người Do Thái ngoan đạo. Nếu chỉ vì quan tâm tới việc tế tự mà đủ là một tiên tri tế tự thì chắc chắn ta có thể xếp Êdêkien vào loại này. Thế nhưng điều ấy không thể có được, vì không hề có việc tế tự ở Đền Thờ tại Babylonia nơi Êdêkien nói tiên tri, và rõ ràng ông không nói tiên tri ở đâu khác.

Tuy nhiên, dù không phải là các tiên tri tế tự, các tiên tri tiền lưu đầy quả có can dự vào việc tế tự. Họ can dự vào nó như Isaia, như các tiên tri khác coi việc tế tự là phương thế duy nhất để thờ phượng Thiên Chúa, được họ coi là đương nhiên giống như truyền thống Do Thái, một truyền thống họ vẫn nại tới để đồng hóa Giavê với Đấng Thiên Chúa luân lý đã tự mạc khải với họ. Họ coi việc tế tự là việc đương nhiên theo cách ấy, thế nhưng, lẽ dĩ nhiên, họ không coi nó là chuyện đương nhiên chút nào, giống như họ không coi điều gì là đương nhiên cả dưới ánh sáng viễn kiến tiên tri của họ. Đây là một trong các định chế của Israel mà trước đây họ từng được cử nhiệm làm phán quan, và quả họ đóng vai phán quan thật. Tuy nhiên, khi làm thế, họ không loại bỏ nó cũng như không loại bỏ chức tư tế, giao ước, lý thuyết tuyển chọn hay chính việc nói tiên tri, họ làm phán quan cho tất cả các việc này.

Có một số lời quả quyết của các tiên tri tiền lưu đầy vốn được giải thích như đã nói lên việc chống đối chuyện lấy con vật làm hy lễ trên nguyên tắc, như một cách thờ phượng Giavê kém xứng đáng hay đơn giản chỉ là bất xứng, có thể vì nó đã được du nhập từ Canaan, và chắc chắn vì nó là hiện thân của ý niệm hạ cấp về tôn giáo ngược với lời kêu gọi liên lỉ của các tiên tri phải dùng hy lễ thiêng liêng là việc phục vụ và liêm khiết bản thân. Một số đoạn chủ chốt có liên hệ là Am 5:21-27; Hs 6:6; Grm 7:21-23; Is 1:12-17; đây có lẽ là những đoạn mạnh mẽ nhất thuộc loại này, và chúng tiêu biểu cho các đoạn khác.



Khi các đoạn trên được đọc trong bối cảnh chứ không phải như thành phần của một lý thuyết tiên niệm về nguyên lai của tôn giáo Do Thái hay của điều lý tưởng tiên tri về tôn giáo nên là, chúng rất có ý nghĩa và hoàn toàn nhất quán với những gì còn lại trong học lý tiên tri. Các tiên tri đều duy hiện sinh trong cách tiếp cận của họ đối với khía cạnh này của sinh hoạt Do Thái giống như bất cứ sinh hoạt nào khác. Họ không quan tâm tới vấn đề dùng súc vật làm hy lễ hay bất cứ hình thức hy tế bề ngoài nào làm lý tưởng hay làm một ý tưởng trừu tượng. Điều trở thành vấn đề là các hy lễ được tiến hành tại các đền thánh đương thời bởi những người chỉ thực hành chủ nghĩa duy biểu hiệu (sacramentalism) mà không có bất cứ một ý nghĩa nào. Amốt và Giêrêmia đều quả quyết rằng Giavê không truyền lệnh các thứ hy lễ ấy. Hôsê nói rằng tình yêu, chứ không phải hy lễ, là ý muốn của Thiên Chúa; hay như ta có thể phát biểu lại, không thể có hy lễ đích thực nếu không có tình yêu. Những lời tuyệt đối loại này là điều thông thường trong ngôn ngữ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (xem Lc 14:26 [nên lưu ý Mt 14:26]; 1Cr 1:17 [nên lưu ý các câu 14-16]; v.v...); thông thường, chúng không tạo nên phiền phức gì, miễn là ta lưu ý tới bối cảnh. Lời tố cáo của Isaia, có lẽ là lời tố cáo mạnh mẽ nhất thuộc loại này, nếu giải thích từ tình trạng hiện sinh của nó, dẫn tới câu kết luận này: Gia vê bác bỏ chính việc cầu nguyện (xem câu 5) cùng với các hy lễ, hương liệu, lễ lạc, và ngày lễ.

Người ta không nên tránh một cực đoan bằng cách lấy một cực đoan khác. Chúng ta có thể thành thực nhận rằng đọc các ngài, một số các tiên tri quả có lưu ý tối thiểu tới phụng vụ Do Thái; điều này không nhất thiết có nghĩa: các ngài không biến thành một vật thần (fetish) việc chống lại các nghi thức mà việc giữ chúng đã trở thành một vật thần đối với những người khác. Giêrêmia năng lui tới Đền Thờ bị ông tố cáo, như Isaia trước ông từng làm. Mặt khác, Êdêkien, người có điều hoàn toàn chắc chắn là đối với ông, việc trùng tu Đền Thờ Giêrusalem là điều cần thiết mà không có nó Giavê sẽ không được thờ phượng cách xứng đáng bởi dân tộc mà Người đã chọn làm của riêng, tuy nhiên ông biết hoàn toàn rõ ràng rằng Giavê mới là đền thánh đích thực, chỉ mình Người mới ban một ý nghĩa nào đó cho Đền Thờ do tay con người xây dựng (xem 11:16). Thái độ tiên tri đối với việc tế tự giống như thái độ tiên tri đối với mọi sự, một thái độ trong đó, các hình thức chỉ là phụ thuộc các thực tại chúng biểu tượng mà thôi. Chỉ khi nào các hình thức không còn biểu tượng cho bất cứ điều gì nữa thì chúng mới cần bị lên án.

Kỳ sau: (III) Nền quân chủ
 
Người Công Giáo Và Nhà Thờ Tộc
Gioan Lê Quang Vinh
08:49 10/09/2018
LTS: VietCatholic đăng bài "Người Công Giáo Và Nhà Thờ Tộc" chỉ nhằm trình bày một quan điểm về hiếu thảo của người Công Giáo Việt Nam. Quan điểm này của tác giả Gioan Lê Quang Vinh không nhất thiết phản ảnh lập trường chính thức của ViệtCatholic.

Gần đây có phong trao xây “nhà thờ tộc”, nói theo tiếng Hán Việt là “từ đường”. Người Công Giáo có nên theo tập tục này hay không?

Nhà thờ họ tộc ấy là ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ. Người cùng họ, cùng gốc tụ họp tại từ đường mỗi năm mấy lần vào dịp giỗ chạp, cúng ông bà và trò chuyện cùng nhau.

Người Công Giáo có nên giữ tập tục này hay không?

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đề cao chữ hiếu. Trong mười Giới Răn Chúa truyền, giới răn Thảo hiếu đứng hàng thứ tư, sau ba giới răn về việc thờ phượng Thiên Chúa.

Giáo Hội cũng luôn nhắc nhở cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Điều đặc biệt là dù người ta không cầu nguyện cho ông bà tổ tiên của họ, thì trong các Thánh Lễ, Giáo hội vẫn nhớ cầu nguyện thay cho họ.

Như thế Giáo Hội đề cao chữ hiếu. Hiếu thảo là lòng nhớ ơn, cầu nguyện và nâng đỡ cha mẹ, ông bà khi các ngài còn sống và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài qua đời. Hiếu thảo hoàn toàn không có nghĩa là thuận theo những gì thế gian đang làm.

Việc xây nhà thờ họ tộc không có gì sai, nếu như không vướng vào hai điều: phung phí và mê tín dị đoan. Người Việt nam có tâm lý muốn “bằng chị bằng em”, thấy họ tộc kia có từ đường to lớn, thì ta cũng cần có từ đường tương đương để nở mặt nở mày. Nhiều khi nhà mình thiếu thốn, người ta vẫn cố gắng chứng minh cho làng xã thấy mình “dư ăn dư để”, mong “nở mặt nở mày”. Điều này trở thành gánh nặng cho con cháu mà nhiều khi bậc cha mẹ không chú ý đến. Nhiều khi mặt mình chưa nở thì mặt con cháu đã héo!

Điều thứ hai, nếu có nhà thờ họ tộc thì việc cúng kiếng, nhang đèn không thể không có. Nếu chỉ thắp hương tỏ lòng thành kính thì Giáo Hội cho phép, nhưng nếu cúng kiếng thì sao? Trong dòng họ nếu có nhiều bà con bên lương hay theo tôn giáo khác, khi người ta bày mâm cúng hay thờ lạy thì liệu người Công Giáo có tránh được? Đó là chưa kể khi vào nhà thờ họ tộc thì chính người Công Giáo cũng tự bày mâm cúng, tự quỳ lạy như thờ phượng Đấng Tạo Hóa.

Người Công Giáo chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa. Chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên nhưng không thờ ông bà tổ tiên. Việc thờ phượng chỉ dành cho Đấng là Chủ tể đất trời. Viêc thờ cúng trong nhà thờ họ tộc vừa lỗi giới răn thờ phượng Thiên Chúa, vừa mê tín dị đoan, lại làm gương xấu cho các thế hệ sau.

Chúng tôi viết bài này không nhằm phê phán một thói tục của người Việt, chỉ mong mọi người xem xét kỹ các khía cạnh trước khi quyết định một điều hệ trọng. Xin nhớ rằng Giáo Hội tại Việt nam cho phép những hành vi có tính văn hóa trong việc kính nhớ tổ tiên, như đốt nhang (hương) hay đặt trái cây trước ảnh ông bà. Nhưng những người nhạy cảm, sợ gương xấu cho con cháu, thì vẫn tránh. Cầu nguyện cho ông bà là điều quan trọng nhất mà chữ hiếu đòi buộc.

Cha Trưởng ban Giáo Lý một giáo phận đề nghị dạy chữ hiếu cho người dự tòng trước để họ thấy được nét đẹp của người Công Giáo và dễ hòa nhập. Nét văn hóa Việt rất nên lưu giữ. Nhưng ngài cũng lưu ý phải tránh hết mọi hình thức mê tín dị đoan như đốt vàng mã, cúng kiếng v.v…

Giữ một nét văn hóa, nhưng làm cớ cho con cháu mê tín thì lại không phải là điều đáng khích lệ.

Cũng xin nói thêm là trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta cần hội nhập văn hóa, “rửa tội cho văn hóa”, nhưng cần khôn ngoan và cẩn trọng để phân biệt giữa văn hóa và mê tín, giữa tập tục và việc thờ phượng sai lạc. Chắc chắn không ai theo Đạo chỉ vì thấy người Công Giáo cúng kiếng hay vì thấy nhà thờ xây kiểu Á đông hay kiểu đình chùa.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Hoàng Hôn
Lê Trị
07:47 10/09/2018
BIỂN HOÀNG HÔN
Ảnh của Lê Trị
Ta khao khát chiều hoàng hôn trên biển
Có được em như hò hẹn hôm nao
Để cùng trao thứ hương vị ngọt ngào
Hòa quyện với tiếng rì rào của sóng
(Trích thơ của Mai Ngọc Thoan)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với ĐTC 10/09/2018: Câu chuyện tượng Đức Mẹ tại căn cứ quân sự El Goloso Tây Ban Nha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:15 10/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hãy xét mình mỗi ngày

Trong lòng mỗi người “tinh thần thế gian” và “Thần khí Chúa” đối đầu với nhau mỗi ngày. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 04 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta

Trái tim của con người giống như một “bãi chiến trường”, nơi hai “tinh thần” khác nhau đối đầu với nhau: một, là Thần khí Chúa, dẫn chúng ta “đến những việc lành, đến lòng bác ái, đến tình huynh đệ”; hai, là tinh thần thế gian, đẩy chúng ta “hướng tới phù hoa, niềm tự hào, tự mãn, tung tin đồn nhảm.”

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên Bài đọc Một, trong đó “Tông đồ Phaolô dạy cho dân thành Côrinhtô cách suy nghĩ giống như Chúa Kitô” – đó là một con đường được đặc trưng bởi sự phó thác mọi sự cho Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần, trên thực tế, dẫn chúng ta đến “sự nhận biết Chúa Giêsu,” để chia sẻ “tình cảm của Ngài”, để hiểu được tấm lòng của Ngài.

“Người nào cậy dựa vào sức mạnh của mình thì không hiểu được những điều của Thần khí,” Đức Thánh Cha giải thích trong bài giảng của ngài.

“Có hai tinh thần, hai cách suy nghĩ, cảm giác, hành động: một tinh thần dẫn tôi đến với Thần khí của Thiên Chúa, và một tinh thần dẫn tôi đến với sự mê mải thế gian. Và điều này xảy ra trong cuộc sống của chúng ta: Tất cả chúng ta đều có hai ‘tinh thần’ này, có thể nói như thế. Tinh thần hướng đến Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến những việc lành, phúc đức, đến tình huynh đệ, đến việc thờ phượng Chúa, nhận biết Chúa Giêsu, làm nhiều việc bác ái, và cầu nguyện; còn tinh thần kia, tinh thần thế gian, dẫn chúng ta đến phù hoa, tự hào, tự mãn, đến tung tin đồn - là một con đường hoàn toàn khác. Một vị thánh đã từng nói, tâm hồn chúng ta như một bãi chiến trường, nơi hai tinh thần này chiến đấu với nhau.”

“Trong đời sống của Kitô hữu, chúng ta phải chiến đấu để có chỗ cho Thần khí Chúa ngự trong lòng chúng ta,” và “loại bỏ đi tinh thần thế gian.” Vì thế, Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta “xét mình hàng ngày”. Điều đó “có thể giúp xác định những cám dỗ, làm rõ cách thế các lực lượng đối lập với nhau này hoạt động”.

“Rất đơn giản: Chúng ta có ân sủng vĩ đại này, là Thần khí Chúa, nhưng chúng ta yếu đuối, chúng ta là những người tội lỗi, và vẫn còn trong ta những cám dỗ của tinh thần thế gian. Trong cuộc chiến tâm linh này, chúng ta cần phải là những người chiến thắng như Chúa Giêsu đã chiến thắng.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng mỗi đêm người tín hữu Kitô nên suy nghĩ về những sự kiện của ngày vừa trải qua, để xác định xem “phù hoa” và “niềm tự hào” chiếm ưu thế hay liệu người ấy đã thành công trong việc bắt chước Con Thiên Chúa.

Nếu chúng ta không làm điều này, nếu chúng ta không biết điều gì xảy ra trong lòng chúng ta khi đó - không phải tôi nói đâu nhé, nhưng chính Kinh Thánh đã nói - chúng ta giống như 'những con vật không hiểu gì cả, bước đi theo bản năng mà thôi. Nhưng chúng ta không phải là những con vật, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, được chịu phép rửa bởi ân sủng Chúa Thánh Thần, vì lý do này, điều quan trọng là phải hiểu những gì đã xảy ra mỗi ngày trong lòng ta. Xin Chúa dạy chúng ta biết luôn luôn xét mình hàng ngày.”

2. Câu chuyện trận hỏa hoạn tại căn cứ quân sự El Goloso Tây Ban Nha

Cách đây không lâu, hồi đầu tháng Năm, Như Ý có thuật cùng quý vị và anh chị em câu chuyện phép lạ tại Peshtigo, nơi duy nhất được giáo quyền Hoa Kỳ công nhận Đức Mẹ đã hiện ra.

Trong trận cháy rừng kinh hoàng ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, gần 2,500 người đã thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng của biển lửa.

Nhưng một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.

Ngay trong thế kỷ của chúng ta, chỉ mới cách đây 3 năm thôi, một trường hợp tương tự đã diễn ra tạt Tây Ban Nha.

Infovaticana tường thuật rằng một vụ hỏa hoạn dữ dội đã diễn ra ngày 30 tháng 7, năm 2015 tại căn cứ quân sự El Goloso, gần thủ đô Tây Ban Nha, nơi trú đóng của lữ đoàn bộ binh Guadarrama.

Trong đợt nóng bao trùm Tây Ban Nha vào thời gian đó, ngọn lửa bùng lên và vượt ngoài tầm khiểm soát, thiêu rụi mọi cây cỏ.

Khi dập tắt được ngọn lửa, các lính cứu hỏa kinh ngạc thấy ở giữa đống hoang tàn, là một tượng Đức Mẹ Lộ Đức, hoàn toàn không bị hư hại gì. Và còn đáng kinh ngạc hơn nữa, khi họ thấy cỏ quanh bức tượng, cũng không hề hấn gì trước ngọn lửa, các nhánh hoa cắm trong bình đặt kính Mẹ cũng vậy, như thể ngọn lửa đã kiêng nể không gian quanh tượng Đức Mẹ vậy.

Các lính cứu hỏa không thể giải thích tại sao bức tượng không hề hấn gì, tại sao các nhành hoa thậm chí không bị ám khói hay khô héo vì sức nóng kinh hoàng. Câu chuyện này nhanh chóng lan ra trên mạng xã hội. Trong xã hội thế tục và có nhiều thế lực thù ghét Giáo Hội, cố nhiên nhiều tờ báo lập tức cho rằng đây chỉ là chuyện bịa, nhưng các điều tra sâu xa hơn đã xóa sách mọi hoài nghi. Trong bức hình, này quý vị và anh chị em có thể dễ dàng nhìn thấy mặt đất hoàn toàn bị thiêu rụi, ngoại trừ vùng quanh bức tượng.

Trong hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội hiện nay, chúng ta hãy cầu xin Mẹ chở che cho Giáo Hội chúng ta, quê hương đất nước chúng ta, gia đình, con cái và bản thân chúng ta.

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, cầu cho chúng con.

3. Sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục việc cử hành Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày, ngài nói rằng “sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì im lặng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng ngày thứ Hai tại nhà nguyện Santa Marta vào bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (4: 16-30) khi Chúa Giêsu trở về Nazareth và phải đương đầu với những chống đối trong hội đường Do Thái sau khi Ngài bình luận về một đoạn sách của Tiên tri Isaiah. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự im lặng bình thản của Chúa Giêsu không chỉ trong trường hợp này mà còn trong cuộc thương khó.

Đức Thánh Cha nói rằng khi Chúa Giêsu đến hội đường, Người đã khơi dậy sự tò mò. Mọi người đều muốn nhìn thấy người mà họ đã nghe rằng đang làm nhiều phép lạ ở những nơi khác. Thay vì thỏa mãn sự tò mò của họ, Đức Thánh Cha nói, Con của Chúa Cha chỉ sử dụng đến “Lời của Thiên Chúa”. Đây là thái độ Chúa Giêsu đã áp dụng khi đối đầu với ma quỷ. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng sự khiêm nhường của Chúa Giêsu mở cửa cho những lời đầu tiên của Người với ý muốn kiến tạo một nhịp cầu; nhưng những lời ấy lại gieo nghi ngờ ngay lập tức và đã thay đổi không khí “từ hòa bình đến chiến tranh”, từ “kinh ngạc để giận dữ”.

Chúa Giêsu đáp lại với sự im lặng trước những người “muốn ném Ngài ra khỏi thành”, Đức Thánh Cha nói.

Họ không suy nghĩ, nhưng họ la hét. Chúa Giêsu vẫn im lặng… Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng những lời này: “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng phẩm giá của Chúa Giêsu tỏa sáng qua “sự im lặng đã chiến thắng” những kẻ tấn công Ngài. Điều tương tự sẽ xảy ra lần nữa vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nói.

Những người đã gào lên “đóng đinh nó đi” trước đó đã từng ca ngợi Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá mà rằng: “Chúc tụng Con Vua David”. Họ đã thay đổi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự thật thì khiêm tốn và im lặng và không ồn ào, trong khi ngài thừa nhận rằng những gì Chúa Giêsu đã làm không dễ dàng đâu. Dù thế, “phẩm giá của Kitô hữu được neo trong quyền năng của Thiên Chúa”. Ngay cả trong một gia đình, ngài nói, có những lúc sự chia rẽ xảy ra vì “các cuộc thảo luận về chính trị, thể thao, tiền bạc”. Ngài đề nghị một sự im lặng và cầu nguyện trong những trường hợp này:

Với những người thiếu thiện chí, với những người chỉ tìm kiếm những vụ tai tiếng, những người tìm kiếm chia rẽ, những người tìm kiếm sự hủy diệt, ngay cả trong gia đình: hãy im lặng, và cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài với lời nguyện sau:

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng cho mọi lúc trong cuộc sống: khi làm việc, khi ở nhà, trong xã hội…. Như thế, chúng ta sẽ là người bắt chước Chúa Giêsu nhiều hơn.

4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Chín

Hôm thứ Ba 4/9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát hành một thông điệp video kèm theo ý cầu nguyện tháng Chín của mình: “Cầu nguyện cho các bạn trẻ ở Châu Phi”.

Trong ý cầu nguyện dành cho tháng 9 năm 2018 của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện để các bạn trẻ ở Châu Phi có thể được tiếp cận với giáo dục và công ăn việc làm tại quốc gia của họ”.

Việc phát hành một thông điệp video trình bày chi tiết ý cầu nguyện của mình cho mỗi tháng đã trở thành thói quen thường lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Dưới đây là nội dung Ý cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Châu Phi là một lục địa giàu có, và nguồn tài nguyên quý giá nhất, to lớn nhất của nó chính là những người trẻ tuổi.

Họ phải được lựa chọn giữa việc tự cho phép mình vượt qua khó khăn hoặc biến khó khăn thành một cơ hội.

Cách thế hiệu quả nhất để giúp đỡ họ trong lựa chọn này đó chính là đầu tư vào sự giáo dục của họ.

Nếu những người trẻ tuổi không có khả năng được tiệp cận với giáo dục, liệu tương lai của họ sẽ ra sao?

Chúng ta hãy cầu nguyện để các bạn trẻ ở châu Phi có thể được tiếp cận với giáo dục và công ăn việc làm tại các quốc gia của họ.

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu thuộc phong trào Tông đồ Cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đã triển khai sáng kiến “Video Cầu nguyện của Đức Thánh Cha” để hỗ trợ trong việc phổ biến rộng rãi ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha liên quan đến những thách thức mà nhân loại hiện đang phải đối mặt.

5. Chúng ta phải cáo buộc chính mình, chứ không phải người khác

Ơn cứu rỗi đến từ Chúa Giêsu không phải để trang sức, nhưng để biến đổi chúng ta. Để được cứu rỗi, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi - và tự cáo mình, chứ không phải là những người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 6 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Chúng ta cần phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi: không học cách cáo buộc chính mình, chúng ta không thể tiến bước trong đời sống người Kitô hữu. Đó là trọng tâm sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ hàng ngày tại Casa Santa Marta hôm thứ Năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày, trích từ Phúc Âm Thánh Luca (Lc 5: 1-11), trong đó Chúa Giêsu rao giảng trên thuyền của thánh Phêrô, và sau đó Ngài bảo thánh Phêrô thả lưới chỗ nước sâu. Tin Mừng cho biết khi các môn đệ làm theo lời Ngài “họ bắt được rất nhiều cá.”

Trình thuật này nhắc nhở chúng ta về câu chuyện mẻ cá kỳ diệu khác, diễn ra sau khi Chúa sống lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài xem có gì để ăn không. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong cả hai trường hợp, Chúa đã “xức dầu cho Thánh Phêrô”: đầu tiên là để trở thành một người đi thu phục người, sau đó, là để trở thành một mục tử. Rồi Chúa Giêsu đổi tên ông từ Simôn thành Phêrô; và “như một người Israel tốt”, Phêrô biết rằng thay đổi tên họ biểu thị một sự thay đổi sứ vụ. “Phêrô” cảm thấy tự hào vì ông thực sự yêu mến Chúa, “và mẻ cá kỳ diệu này tiêu biểu cho một bước tiến mới trong cuộc sống của mình.

Sau khi thấy hai thuyền đầy cá, đến gần chìm, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

“Đây là bước tiến có tính quyết định đầu tiên của Phêrô trên con đường trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, đó là cáo mình: Con là kẻ tội lỗi. Đây là bước đầu tiên của Phêrô; và cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu anh chị em muốn tiến lên trong đời sống tâm linh, trong đời sống của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa, theo Chúa, đó phải là điều này: hãy cáo buộc chính mình: nếu không cáo buộc chính mình, anh chị em không thể bước đi trong đời sống người Kitô hữu.”

Tuy nhiên, có một mối nguy ở đây. Tất cả chúng ta đều “biết rằng chúng ta là kẻ có tội” một cách tổng quát, nhưng “không dễ dàng” để buộc tội mình là người tội lỗi một cách cụ thể. “Chúng ta rất quen với việc nói, 'Con là kẻ có tội’”. Đức Thánh Cha quan sát rằng chúng ta làm điều ấy theo cùng một cách khi chúng ta nói, “Tôi là một con người,” hoặc “Tôi là một công dân Ý.” Nhưng thực sự cáo buộc chính mình có nghĩa là thực sự cảm thấy sự đau khổ của chính mình: “cảm thấy đau khổ”, đau khổ trước mặt Chúa. Nó liên quan đến cảm giác xấu hổ. Và đây là cái gì đó không đến từ lời nói, nhưng từ con tim. Nghĩa là, có một cảm nhận cụ thể, như trong trường hợp của Phêrô khi thánh nhân nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Ngài thực sự cảm thấy mình là kẻ tội lỗi; và rồi thánh nhân cảm thấy mình được cứu rỗi.

Ơn cứu rỗi mà “Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta” đòi hỏi sự xưng thú tội lỗi chân thành này chính vì “ơn cứu rỗi không phải là một thứ mỹ phẩm”, thay đổi vẻ bề ngoài của anh chị em bằng “hai nét vẽ.” Thay vào đó, ơn cứu rỗi biến đổi chúng ta - nhưng để tiến vào ơn cứu độ, anh chị em phải dọn chỗ trong tâm hồn mình với một lời thú nhận chân thành về tội lỗi của chính mình; và như thế chúng ta mới cảm thấy ngạc nhiên như Phêrô đã cảm nhận.

Như thế, bước đầu tiên trên con đường hoán cải là cáo buộc chính mình với sự xấu hổ, và để trải nghiệm được sự kỳ diệu của cảm nhận mình được cứu rỗi. “Chúng ta phải thay đổi,” “chúng ta phải làm việc đền tội,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói và mời gọi cộng đoàn suy ngẫm về những cám dỗ cáo buộc người khác:

“Có những người ngày qua ngày nói về người khác, cáo buộc người khác và không bao giờ nghĩ đến tội lỗi của chính mình. Và khi tôi đi xưng tội, tôi làm sao để xưng tội? Phải chăng giống như một con vẹt? ‘Bla, bla, bla. .. Con đã phạm điều này, điều nọ. ..’ Nhưng anh chị em có xúc động bằng con tim của mình trước những gì anh chị em đã gây ra không? Biết bao nhiều lần chẳng mảy may xúc động. Anh chị em đến đó để trang điểm một chút, để làm cho mình trông đẹp đẽ hơn. Nhưng nó chưa hoàn toàn ăn sâu vào trong trái tim anh chị em, bởi vì anh chị em không dành ra chỗ trong tâm hồn mình cho ơn cứu độ, bởi vì anh chị em không có khả năng tự tố cáo bản thân mình.”

Và do đó bước đầu tiên cũng là một ân sủng: ân sủng biết buộc tội chính mình, chứ không phải là người khác:

“Một dấu chỉ cho thấy một Kitô hữu không biết cách tự buộc tội mình là khi người ấy quen thói cáo buộc người khác, nói về người khác, và tò mò về cuộc sống của người khác. Và đó là một dấu chỉ xấu. Tôi có làm điều này không? Đó là một câu hỏi hay để đi đến cốt lõi của vấn đề. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ân sủng, ân sủng để tìm thấy chính mình mặt đối mặt với Ngài với sự diệu kỳ mà sự hiện diện của Ngài mang đến; và ân sủng cảm thấy rằng chúng ta là kẻ có tội, nhưng một cách cụ thể, và có thể nói cùng với Phêrô: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’”