Ngày 07-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/09: Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
02:25 07/09/2023

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:05 07/09/2023

23. Chỉ có một phương pháp duy nhất để giữ gìn trinh khiết là: đồng hóa mình với Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá, tức là khắc chế cá nhân trong ngoài đầy đủ.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:08 07/09/2023
43. KHẮC BẢNG “CẤM NỔI GIẬN”

Đô ngự sứ Trần Trí tính tình nóng nảy khác thường, động một tí là đánh người.

Lúc ông ta rửa mặt thì phải có bảy tên đầy tớ hầu hạ nhưng vẫn không vừa ý, đến khi rửa mặt xong thì rất ít người là không bị ông ta đánh. Lúc ông ta ngồi, nếu ai đi qua mà có tiếng chân bước, thì cũng đều bị ông ta chửi mắng.

Có một người bạn khuyên ông ta đổi tính nết, thế là ông ta bèn nhờ thợ chuyên môn làm một tấm bảng gỗ, khắc lên ba chữ “cấm nổi giận”, bày tỏ là nhất định phải thay đổi. Nhưng bảng gỗ vừa mới khắc xong thì có người chiều ý ông ta chưa đủ, thế là ông ta bèn cầm tấm bảng gỗ ấy đánh người nọ không đếm xuể.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 43:

Con người ta thường làm gì thì thích người khác biết đến, đó là “cái tật” ngàn đời của con người.

Thời nay khoa học tiến bộ với nhiều phương tiện hiện đại văn minh, nên có người muốn sửa đổi tính nết của mình thì ghi vào máy tính cá nhân, mở máy ra là thấy ngay, nhưng thấy thì thấy mà tật xấu vẫn không sửa đổi, lại có người xâm vào cánh tay mình câu châm ngôn hay để dạy mình, nhưng không hề thấy thực hành câu châm ngôn ấy trong cuộc sống, nên họ vẫn chưa tiến bộ và cải thiện cuộc sống.

Khắc ghi quyết tâm sửa chữa khuyết điểm của mình vào trong tim và mỗi ngày quyết tâm sửa đổi đó là người trí, hơn là khắc nó vào trên tấm bảng gỗ thật lớn thật đẹp mà không chịu ngó ngàng đến là người làm bộ màu mè.

Mỗi buổi sáng thức dậy quyết tâm sửa đổi một tật xấu, thì ngày hôm đó bạn sẽ được rất nhiều nụ cười tươi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sửa Lỗi
Lm Vũđình Tường
05:26 07/09/2023
Con người bất toàn vì thế ai trong chúng ta cũng cần phải tự sửa mình, bởi ai cũng có lúc lầm lỗi. Lúc lầm nhiều, lúc lỗi ít. Khi lầm trầm trọng, khi lỗi nhỏ nhặt, qua loa, không mấy tai hại. Nhận biết mình lầm lỗi nhẹ, nhỏ, tự mình sửa sai mình, tự mình làm cho mình tốt hơn. Lỗi quan trọng hơn, liên quan đến anh em, làm mất lòng Chúa. Bởi liên quan đến anh em nên ta không tự sửa, mà cần nhờ đến anh em. Cần nhờ đến ơn Chúa. Đây chính là tinh thần chung sống trong cộng đoàn dân Chúa. Tự sửa mình để cho mình trở nên tốt hơn chính là tự ghép mình vào khuôn vàng, thước ngọc. Người không dám nhận lỗi thường rơi vào tình trạng kiêu hãnh, tự phụ.

Nhận biết mình sai trái không phải để than khóc, buồn nản, ưu tư, phiền muộn mà chính là nhận biết khả năng thực, tài thực của con người mình. Nhận biết tài của anh em khác không phải để ghen tị, mà chính là để quí mến, cảm phục. Nhận biết giới hạn khả năng mình là ơn đặc biệt. Biết rõ về mình để giúp mình trưởng thành, đồng thời sống trong tâm tình tạ ơn. Học hỏi, phát triển khả năng cho tốt hơn, tiến thân hơn. Không biết khả năng mình, nên dễ đi sai lạc, đi quá lố dẫn đến bất bình. Phê bình người này; chỉ trích người khác. Điều này gây bất bình, tai tiếng, ảnh hưởng đến gia đình, xóm làng, cộng đoàn. Cần sửa lỗi càng sớm càng tốt. Thành viên trong cộng đoàn giúp người đó tiến lên.

Sửa đổi không mang mục đích trách phạt, nhưng giúp mang lại bình an chung, công bằng, công ích chung. Sai lầm đến do phán đoán sai lầm hay nghe lầm thường dễ thay đổi. Chỉ cần lắng nghe và cẩn trọng hơn trong phán đoán sẽ tránh được lỗi lầm. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi người đó từ chối thay đổi, không nhận mình sai mà anh em sai. Đây là vấn đề khúc mắc, khó giải quyết bởi vấn đề phát sinh do định kiến. Cố chấp đi chung với định kiến nên rất khó sửa. Sự việc trở nên khó hơn khi định kiến đó có thêm anh em khác hỗ trợ. Nguyên nhân phát sinh phe phái. Định kiến chính là tâm tư đóng kín, từ chối lắng nghe ngay cả tiếng nói của Thánh Thần Chúa. Cá nhân đó thường ở trong tình trạng bất mãn, chống đối, sống trong cô đơn, buồn bực, đổ thừa cho thành viên này, chê trách thành viên khác.

Đóng cửa bảo nhau là hình thức tốt đẹp nhất. Điều này thực hiện dễ dàng nếu cả hai đều có tinh thần cởi mở, nhân nhượng và lắng nghe. Thiếu những điều này thực là gay go. Trong trường hợp này cần cầu nguyện thêm hơn để mọi người nhận ơn Chúa. Người giúp thay đổi thêm ơn kiên tâm, bền chí; người cần thay đổi ơn hiểu biết, nhận ra lỗi lầm mình. Bất mãn thường rơi vào trường hợp, đối thoại thì có mà lắng nghe thì không, vì thế con đường hoà giải phức tạp hơn nhiều. Một khi đã cố gắng hết sức mà bên kia vẫn nhất định không thay đổi thì con đường hoà giải đi vào đường cụt. Lúc đó giải pháp duy nhất là để tùy cá nhân đó tự chọn lựa đường đi cho chính họ. Con đường đó hẳn là con đường Chúa mốn người đó đi.

Thay đổi giúp ta trở nên chân thành với chính ta và chân thành với giáo huấn của Đức Kitô. Thay đổi thực sự bắt đầu bằng lòng hảo tâm. Biết bỏ đi và biết nhận lãnh. Bỏ đi những gì trái giáo huấn của Đức Kitô và nhận lại ơn Chúa để được trở nên tốt hơn, gần Chúa hơn. Thay đổi đây không liên quan đến kết án, hay tha thứ, nhân nhượng. thay đổi cũng không nhằm mục đích bên này thắng, bên kia thua. Mục địch của thay đổi chính là tái tạo hoà khí, hàn gắn rạn nứt, nối lại tình thân, tái tạo bầu khí bình an chung cho mọi người. Tất cả những điều này thực hiện trong tinh thần bác ái, vị tha, thành tâm và tự do chọn lựa, quyết định của mọi thành viên trong cộng đoàn.

TiengChuong.org

Correction

No one is perfect, and that means everyone needs to make room for improvement and correction, simply because we all make mistakes from time to time. Some errors are genuine, and small and simple; others are more serious and complicated. When a person realizes that a simple and ordinary error happens, that person can improve his/her performance by means of self- readjustment or self-correction. Mistakes are needed. They are not there for mourning, but we learn from making mistakes and grow to be a better person. When a person behaves outside of the community's expectations. It creates a serious scandal. When it comes to the surface, other community members need to get involved. Its purpose is not to punish the offender; but rather to restore peace for the community and maintain justice for its members. Errors often happen by poor judgment or lack of active listening. Fixing these problems requires better listening skills and openness to change. They become problematic when there is resistance to change and the refusal to set aside differences. It creates hurt and drift, and disharmony among the community members. Ultimately, a mistake happens when a person refuses to listen to God's Spirit whose voice whispers in a person's heart. Ignoring this voice certainly makes that person unhappy and his internal struggle pills out to the community, and that creates angst and hurt among the community members. The healing process often happens behind closed doors to contain the scandal, avoid humiliation, and more importantly protect the reputation of the offender. When openness and honesty are not achieved, the healing process becomes time-consuming. It requires something more, namely, compassion and perseverance which are needed for the healing process. If the objective is not being met; then it is a clear sign telling us that the spirit of generosity is inactive in that person's heart. More prayer is needed for the community and for that person, in the hope that God's Spirit will change the heart of that person.

The healing process is smooth and easy when both parties are willing to change for the better. The task becomes less challenging when both parties place the need of their community above their own need. This insight is one of the great gifts of the Spirit. However, human behaviour is often more demanding and is not easy to satisfy. This case requires more than one member of the community to get involved. The healing process sometimes requires the voice of the whole community. If the community exhausts all possible means and the person continues to refuse to change, then the community respects the choice the offender has made. His way is certainly incompatible with the spirit of the community, in which God's love and compassion are its foundation. His behaviour also reveals that his heart is closed to the voice of the Spirit, and the voice of the community. The road of reconciliation becomes a no through road.

True healing changes who we are and makes us new in Christ. This change often begins with generosity. Generosity is exchanged between a giver and a receiver, and that is a sure sign of God's spirit is quietly at work.

The purpose of Christian healing is not to humiliate, or damage the reputations, but simply to restore broken relationships. Its primary purpose is not winning but to embrace everyone and maintain a healthy relationship with God and with each other. It does not condemn sinners, but opens its arm to welcome them back. Its way of operating is based on unselfish love, forgiveness, acts of charity, and free choices a person makes.
 
Một lịch sử có tên Emmanuel
Lm. Minh Anh
15:08 07/09/2023

MỘT LỊCH SỬ CÓ TÊN EMMANUEL
“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.

Ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam. Không tin, bạn mở Sáng Thế chương 5! Cả hai tạo nên một tương phản vô cùng độc đáo. Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; gia phả của Chúa Giêsu, hồ sơ về những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Và dẫu ai cũng chết, nhưng từ “chết” tuyệt đối không có trong gia phả Chúa Giêsu!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên. Vậy mà nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.

Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả với lời tiên tri về một trinh nữ sẽ sinh con, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, không ai hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một con người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, khi Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì là lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình!

Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người đầy niềm tin; nhưng qua thời gian, lịch sử dòng dõi của vị tổ phụ vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng cả nhân loại trước và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về ông. Tắt một lời, Ngài sẽ ôm lấy kiếp người trọn vẹn với buồn vui của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc này; Ngài phải đi vào nhân loại này, và Con Thiên Chúa nhất định cần có một người mẹ.

Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm được điều đó, Ngài phải ở với, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử của nó trở nên một lịch sử mang tên “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.

Anh Chị em,

“Tên con trẻ là Emmanuel!”. Nhiệm Cục Cứu Độ sẽ thế nào nếu không có Đức Maria? Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất trong tay người Thợ Gốm tài hoa. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, bạn và tôi cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, thuộc trọn về Thiên Chúa và Ngài cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, ngày sống của con làm nên lịch sử đời con, ước gì nó cũng là lịch sử cứu độ. Đừng để con làm ‘chật chỗ’ địa cầu và ‘thừa mứa’ trong dòng dõi của Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:46 07/09/2023


TA SẼ ĐÒI NGƯƠI ĐỀN NỢ MÁU NÓ

(Chúa Nhật XXIII TN A)

Tin Mừng Thánh Matthêu chương 18 tập chú vào chủ đề đời sống cộng đoàn. Nghe bài Tin Mừng Mt 18,15-20 với những lời căn dặn của Đấng Cứu Thế về việc sửa bảo anh em, chúng ta dễ liên tưởng đến việc cần có thái độ tế nhị tôn trọng anh em trong khi sửa bảo nhau. Điều này thì không ai chối cãi. Yêu thương và tôn trọng là hai động thái tất yếu phải sánh đôi. Tuy nhiên, qua những lời dạy của Thầy Chí Thánh, chúng ta còn phải lưu ý đến tính triệt để của việc sửa sai, dạy bảo nhau. Nghĩa là khi thấy anh em, thấy tha nhân sai lỗi thì cần phải tích cực sửa bảo nhau cách triệt để, tức là cho đến cùng.

Số phận của tha nhân cũng là số phận của chính ta:

Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Không ai được phép vào Nước Trời một mình. Thiên Chúa không phải là Cha của mình tôi. Người là Cha của “chúng ta”, của mọi người (x.Kinh Lạy Cha). Thái độ dửng dưng, kiểu sống mặc kệ nó, là kiểu sống, là thái độ không xứng với người con cái Chúa.

Người ta có thể không ghét bỏ tha nhân, không tìm cách mưu hại tha nhân, thế nhưng chính khi không màng đến số phận của tha nhân cũng là khi ta góp phần làm hại tha nhân cách gián tiếp. Đã nhiều lần Chúa Kitô nhấn mạnh chân lý này khi Người trách cứ tấm lòng dửng dưng của những luật sĩ biệt phái trước bao nỗi khổ của đồng loại. Thấy anh em đang sai lỗi cũng như thấy anh em đang đứng bên bờ vực thẳm mà ta không lên tiếng cảnh báo hay sửa sai thì chính ta đã vô tình, đúng hơn là đã vô tâm để người anh em rơi xuống vực. Không cứu người theo khả năng và hoàn cảnh của mình là đã giết người. Dưới cái nhìn này chúng ta mới hiểu những lời đanh thép của Thiên Chúa qua miệng Ngôn sứ Êdêkiel ở trên: “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó”.

Khi vạch rõ lộ trình sửa bảo anh em, bắt đầu từ hình thức cá nhân đến cộng đoàn, thì ngoài việc tôn trọng phẩm giá, danh dự người có lỗi, Chúa Kitô đã minh nhiên dạy ta tích cực sửa bảo người anh em cho đến cùng. Khi người anh em lỗi phạm không nghe cộng đoàn thì hãy xem họ như người ngoại giáo hay người thu thuế thì vẫn không là buông xuôi mà là trao phó cho Chúa, Đấng không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26). Ngay cả khi trao phó người anh em lỗi phạm cho Chúa thì ta vẫn còn đó bổn phận góp phần bằng lời cầu nguyện. Để làm rõ hiệu quả của lời cầu, thì liền sau đó Chúa Kitô đã khẳng định: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Chúng ta cần phân biệt các hành vi sai trái mang tính cá nhân và hậu quả của hành vi lỗi phạm thì hạn chế với những sai lầm mang tính tập thể và hậu quả di hại cho xã hội là rộng lớn và lâu dài khó có thể khắc phục ngày một ngày hai hoặc hành vi lỗi phạm của cá nhân trở thành gương xấu gương mù cho xã hội, cho những kẻ bé mọn. Cung cách hành xử của Chúa Kitô thật rõ ràng. Nguời từ tâm, nhân hậu với những trường hợp đầu mà trái lại rất thẳng thắn và cương quyết với những trường hợp sau. Người tỏ lòng nhân hậu với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người thật khoan dung với sự yếu hèn của Phêrô khi chối Người, nhưng Người lại nghiêm khắc trước sự sai trái cũng của chính Phêrô khi ông ngăn cản Người lên Giêrusalem để thực thi công trình cứu độ bằng sự khổ nạn. Và với nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo hay các bậc vị vọng thời bấy giờ là Biệt Phái, Luật sĩ… thì thái độ của Chúa Kitô là rất thẳng thừng và cương quyết. Tuy nhiên dù cương quyết hay nhân hậu, dù nghiêm khắc hay dịu dàng thì các hành vi của Chúa Kitô đều ắp đầy lòng xót thương. Đến trần gian, một sứ mạng của Đức Kitô là mạc khải cho nhân trần chân dung của Thiên Chúa, Đấng từ bi và hay thương xót, Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất.

Đức ái là động lực, là hình thức và là mục đích của việc sửa sai nhau:

Chúng ta dễ dàng chân nhận sự cần thiết của việc sửa bảo nhau. Tuy nhiên cần biết sửa bảo nhau vì yêu thương nhau, muốn cho nhau đổi thay và nên tốt lành, thánh thiện hơn, bằng những hình thức, những phương thế chính đáng và phải đạo. Làm sao minh chứng được động cơ và mục đích của việc ta sửa bảo nhau là vì yêu thương nhau? Quả là khó khi thẩm định những gì thuộc chiều sâu của tâm hồn. Với lời mạc khải, qua tấm gương của các ngôn sứ, đặc biệt của Chúa Kitô chúng ta có thể xác định rằng đức ái chính là động cơ và mục đích của việc sửa bảo nhau dựa vào một vài dấu chỉ sau:

- Có nhổ thì có trồng; có phá thì có xây: Ta không chỉ nói lên cái sai trái, sự lầm lỗi của nhau mà ta còn vạch ra cách thế sửa đổi, còn đề xuất phương hướng khắc phục cho nhau.

- Sẵn sàng đón nhận những sự hiểu lầm, những nghịch cảnh và cả những ngược đãi khi ta chân thành sửa bảo nhau bằng lòng khoan dung, tha thứ.

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tình yêu” (Rm 13,8). Đã mắc nợ là phải trả. Một trong những món nợ tình yêu chúng ta cần phải trả liên lĩ đó là món nợ liên đới trong lỗi tội của nhau. Để trả món nợ này, chúng ta không chỉ can đảm đón nhận các hậu quả do tội lỗi của nhau mà còn phải tích cực sửa bảo nhau trong đức ái. Nếu ngươi không sửa bảo kẻ có tội thì “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” là một lời cảnh báo thật đáng sợ. Tuy nhiên để cho việc sửa bảo nhau đạt kết quả thì chúng ta đừng quên rằng ngoài việc cầu xin ơn Chúa soi sáng, nâng đỡ, thì bản thân chúng ta trước hết cần làm thanh sạch bản thân mình một cách nào đó. Vì khi đã lấy cái xà ra khỏi mắt mình thì mình mới thấy rõ và biết cách lấy cái rác ra khỏi mắt anh em (x.Mt 7,1-5). Xin đừng viện cớ rằng tôi chưa hoàn thiện, nghĩa là vẫn còn vương nhiều lầm lỗi, nên tôi không được phép sửa bảo ai. Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta thảy đều là tội nhân, mức này, mức kia. Hãy nhớ lời dạy của thánh Giacôbê: “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình”(Gc 5,19-20).

( Ban Mê Thuột)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phát biểu của ĐTGM Gabriele Giordano Caccia Thúc đẩy văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số
J.B. Đặng Minh An dịch
17:19 07/09/2023


Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia tại Diễn đàn của Liên Hiệp Quốc về văn hóa hòa bình với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số”

New York, ngày 31 tháng 8 năm 2023

Thưa ngài chủ tịch,

Phái đoàn của tôi hoan nghênh việc triệu tập Diễn đàn cao cấp năm nay với chủ đề “Thúc đẩy nền văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Trong những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật số đã mang lại những cơ hội và thách thức đáng kể cho nỗ lực cơ bản nhằm thúc đẩy nền văn hóa hòa bình. Trước vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình cho thông điệp của mình nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, mời gọi mọi người khám phá cách công nghệ có thể thúc đẩy hòa bình và cách ngăn chặn việc lạm dụng nó, là điều gây ra bất công, xung đột và đối kháng.

Phát biểu tại Diễn đàn cao cấp này, Phái đoàn của tôi muốn tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể.

Đầu tiên, công nghệ kỹ thuật số có tác động to lớn đến giáo dục. Chúng có thể là công cụ thúc đẩy các giá trị và mục tiêu của một nền văn hóa hòa bình, nhưng việc quá phụ thuộc vào chúng có nguy cơ biến giáo dục thành hàng hóa, hạ cấp nó thành một công cụ để truyền tải kiến thức kỹ thuật và tước đi một yếu tố thiết yếu của con người. Tuyên bố về Văn hóa Hòa bình khẳng định rằng “vai trò then chốt trong việc thúc đẩy văn hóa hòa bình thuộc về cha mẹ, giáo viên, chính trị gia, nhà báo, tổ chức tôn giáo và các nhóm […]”. Quả thực, chính trong những cộng đồng này mà trí tuệ và tinh thần, đặc biệt là của giới trẻ, được hình thành. Ở đó, con người nhận được sự đào tạo toàn diện “trong đối thoại, gặp gỡ, xã hội, hợp pháp, liên đới và hòa bình, thông qua việc vun trồng các nhân đức cơ bản về công lý và bác ái”.

Thứ hai, các công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá “nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa đối thoại, nền văn hóa lắng nghe người khác và lý do của họ”. Những cải tiến mới này cho phép các cá nhân thực hiện quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Tuy nhiên, chúng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm, vì nhân quyền cũng bao hàm những nghĩa vụ tương ứng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định gần đây “hy vọng là thế này: rằng ngày nay, trong thời đại mà mọi người dường như bình luận về mọi thứ, thậm chí bất chấp sự thật và thường ngay cả trước khi được thông báo, chúng ta tái khám phá và quay trở lại vun trồng nhiều hơn nguyên tắc thực tế [ …]: đó là tính hiện thực của sự kiện, tính năng động của sự thật; vốn không bao giờ tĩnh tại và luôn phát triển, theo hướng thiện hay ác, để không có nguy cơ xã hội thông tin biến thành xã hội thông tin sai lệch.”

Tóm lại, việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và một “thế giới tốt đẹp hơn có thể thực hiện được nhờ vào tiến bộ công nghệ, nếu điều này đi kèm với một nền đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn về công ích, một nền đạo đức về tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ, có khả năng nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của con người trong mối quan hệ với người khác và với toàn thể tạo vật”.

Cảm ơn.


Source:holyseemission.org
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị ‘thực sự quan trọng’ mặc dù ‘ít được công chúng quan tâm’
Vũ Văn An
18:12 07/09/2023

Courtney Mares của hãng tin CNA, ngày 26 tháng 8 năm 2023 cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận hôm thứ Bảy rằng Thượng hội đồng sắp tới có thể “ít được công chúng quan tâm”, nhưng nhấn mạnh rằng thượng hội đồng “thực sự quan trọng” đối với Giáo Hội Công Giáo.



Thực vậy, ngài nói vào ngày 26 tháng 8, “Tôi biết rõ rằng việc nói về ‘Thượng hội đồng về tính đồng nghị’ có thể có vẻ là một điều gì đó khó hiểu, tự quy chiếu, quá mang tính kỹ thuật và ít được công chúng quan tâm.

“Nhưng những gì đã xảy ra trong năm qua, sẽ tiếp tục diễn ra tại phiên khoáng đại vào tháng 10 tới và sau đó là giai đoạn thứ hai của Thượng hội đồng 2024, là một điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng đã nói về tầm quan trọng của Thượng Hội Đồng gần một tháng trước phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng hoàn cầu về Tính Đồng nghị diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến ngày 28 tháng 10.

Đây là phiên họp đầu tiên trong hai phiên họp lên đến đỉnh cao cam kết kéo dài nhiều năm trên toàn thế giới của Giáo hội, trong đó người Công Giáo được yêu cầu gửi phản hồi ở cấp giáo phận, quốc gia và lục địa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Chúng ta đã mở cửa, chúng ta mang đến cho mọi người cơ hội tham gia, chúng ta đã tính đến nhu cầu và đề xuất của mọi người. Chúng ta muốn cùng nhau đóng góp để xây dựng Giáo hội nơi mọi người cảm thấy như ở nhà, nơi không ai bị loại trừ”.

“Lời Tin Mừng rất quan trọng là: tất cả mọi người. Mọi người, mọi người: không có người Công Giáo hạng nhất, hạng hai hay hạng ba, không. Tất cả cùng nhau. Mọi người. Đó là lời mời gọi của Chúa.”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải “làm quen với việc lắng nghe nhau, nói chuyện, không cắt ngang một lời” và “lắng nghe và thảo luận một cách trưởng thành”.

Ngài nói, “Đây là một ân sủng mà tất cả chúng ta cần để tiến về phía trước. Và đó là điều mà Giáo hội ngày nay cống hiến cho thế giới, một thế giới thường không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa.

“Chúng ta đang cố gắng học một cách sống mới trong các mối tương quan, lắng nghe nhau để nghe và làm theo tiếng nói của Thánh Thần.”

Để giải thích ý nghĩa của Thượng Hội đồng về Tính Đồng nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả Thượng hội đồng là “một cuộc hành trình mà Thánh Phaolô VI đã bắt đầu vào cuối Công đồng [Vatican II] khi ngài thành lập Văn phòng Thư ký của Thượng hội đồng giám mục vì ngài đã nhận ra rằng trong Giáo hội phương Tây tính đồng nghị đã biến mất, trong khi ở Giáo hội phương Đông họ có chiều hướng này”.

Ngài nói thêm: “Và cuộc hành trình kéo dài nhiều năm này – 60 năm – đang mang lại kết quả tuyệt vời”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về Thượng Hội Đồng sắp tới khi nhận giải thưởng từ các nhà báo Ý tại Điện Tông Tòa Vatican, đồng thời lưu ý rằng ngài thường từ chối các giải thưởng và danh hiệu.

Ngài nói, “Anh chị em hẳn biết rằng, ngay cả trước khi trở thành giám mục Rôma, tôi đã từng từ chối đề nghị trao giải thưởng. Tôi chưa bao giờ nhận được bất cứ thứ gì, tôi không muốn. Và tôi đã tiếp tục làm như vậy ngay cả khi còn là giáo hoàng. Tuy nhiên, có một lý do thôi thúc tôi chấp nhận giải thưởng của anh chị em, đó là tính cấp thiết của việc giao tiếp mang tính xây dựng, thúc đẩy văn hóa gặp gỡ chứ không phải đối đầu; văn hóa hòa bình chứ không phải chiến tranh; văn hóa cởi mở với người khác và không thành kiến”.

“Thông tin sai lệch là một trong những tội lỗi của báo chí,” ngài nói thêm trong khi liệt kê những “tội lỗi báo chí” khác, bao gồm vu khống, phỉ báng và “thích gây tai tiếng”.

Ngài nói: “Chúng ta cần truyền bá một nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa đối thoại, một nền văn hóa lắng nghe người khác và những lý do của họ. Văn hóa kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội trao đổi mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành khẩu hiệu”.

Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã gặp một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Công Giáo đang tham gia cuộc họp về chủ đề “Cuộc đấu tranh giữa các quyền lực lớn, Kiểm soát doanh nghiệp và Chế độ kỹ trị: Câu trả lời của Kitô giáo cho các xu hướng phi nhân tính”.

Mạng lưới các nhà lập pháp Công Giáo quốc tế là một nhóm các nghị sĩ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới tổ chức cuộc họp riêng hàng năm tại Rôma.

Nhóm được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng Y người Áo Christoph Schönborn và David Alton, thành viên của Hạ viện Anh, chuyên về tự do tôn giáo, quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, bảo vệ sự sống và truyền đạt tư tưởng Công Giáo trong chính trị thế tục.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với các nhà lập pháp về việc “mô hình kỹ trị thống trị ngày nay đặt ra những câu hỏi sâu xa về vị trí của con người và hành động của con người trên thế giới như thế nào”.

Đức Giáo Hoàng nói. “Chắc chắn một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của mô hình này, với tác động tiêu cực của nó đối với cả hệ sinh thái nhân bản và tự nhiên, là sự quyến rũ tinh vi của nó đối với tinh thần con người, ru ngủ con người – và đặc biệt là giới trẻ – lạm dụng quyền tự do của họ”.

Ngài khuyến khích các nhà lập pháp tiếp tục thúc đẩy giáo huấn xã hội Công Giáo, “đặc biệt là tính trung tâm của giá trị và phẩm giá do Thiên Chúa ban cho mỗi con người”.

Ngài nói, “Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần linh hứng và hướng dẫn những nỗ lực của anh chị em nhằm hình thành một thế hệ mới gồm các nhà lãnh đạo Công Giáo được giáo dục tốt và trung thành, cam kết thúc đẩy các giáo huấn xã hội và đạo đức của Giáo hội trong phạm vi công cộng. Bằng cách này, anh chị em chắc chắn sẽ góp phần xây dựng vương quốc của Chúa”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria
Đinh văn Tiến Hùng
01:01 07/09/2023
*** Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria: 8/9.***

Liên HoaThơ Dâng Kính Mẹ



Dù tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ sẽ không hư mất đời đời

( Thánh Hilariô Tiến sĩ )

* Giáo Hội không mừng ngày sinh của các thánh. Ngày sinh của con cái Adam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt, và cái di sản thảm khốc của tội lỗi mà chúng ta mang theo khi vào đời. Nhưng trong lịch sử phụng vụ Công Giáo, chúng ta thấy có ba lễ mừng sinh nhật: của chính Đức Giêsu, của Trinh Nữ Maria và của thánh Gioan Tẩy giả. Đối với thánh Gioan Tẩy giả, vì được thánh hoá ngay từ khi còn trong lòng mẹ, việc chào đời của Ngài là một biến cố vui mừng đặc biệt. Riêng với Đức Trinh nữ Maria, những lễ kính Ngài là “Những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn cứu rỗi, trong đó Giêsu và Mẹ Maria đi liền với nhau, như lễ sinh nhật Đức Maria, ngày mà hy vọng và vầng cứu rỗi ló dạng trên trần gian” (Marialis cultus. 7): bởi vậy, ngày lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Giáo hội hân hoan ca tụng.

Từ Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria diễn tiến theo trình tự cuộc đời Đức Mẹ ghi lại trong Thánh Kinh, Giáo Hội mừng các lễ kính Đức Mẹ như sau:

-Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9

-Dâng Đức Mẹ vào Đền thờ 21/11

-Lê Truyền tin 9/4

-Thăm bà Elixabeth 3/5

-Mẹ sinh Chúa Giáng Sinh 25/12

-Dâng Chúa vào Đền thờ 2/2

-Tìm thấy Chúa trong Đền thờ

-Tiếc cưới Ca-na

-Đức Maria Trinh Nữ Vương 22/8

-Đức Mẹ tham dự Cộng đoàn tiên khởi

-Mẹ Lên Trời 15/8

- “Lạy Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, việc Mẹ sinh ra loan báo niềm vui cho cả thế gian. Vì từ lòng mẹ phát sinh mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Đấng xóa bỏ án phạt mà ban chúc lành, tiêu diệt sự chết và ban sự sống đời đời cho chúng con” (ad Bened, ad laudes)

*Thơ Kinh Dâng Mẹ*

Ta là Đức Mẹ Mân Côi! Ta muốn người ta xây một nhà nguyện để kính nhớ Ta tại nơi này. Các con hãy tiếp tục Lần Hạt mỗi ngày.” (Lời Đức Mẹ phán bảo với 3 em tại Fatima năm 1917.)



KÍNH MỪNG mở cửa Nước Trời,

Mưa Hồng Ân xuống cho đời hoan ca.



Kính chào Trinh Nữ hiển vinh,

Ngôi Hai bỏ chốn Thiên đình cao sang,

Hạ sinh trần thế nghèo nàn,

Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.



Mừng đón hạnh phúc tuyệt vời,

Nhờ ơn cứu độ loài người mừng thay,

Lời nguyền xóa tội từ đây,

Này E-và Mới tràn đậy hồng ân.



Maria trinh tuyết vô ngần,

Một lời thề hứa Xin Vâng vẹn toàn,

Đồng công cứu chuộc nhân gian,

Cùng con Thiên Chúa chu toàn hiến dâng.



Đầy tràn phúc lộc bội phần,

Từ tay Thiên Chúa nguồn ân cứu đời,

Cúi mình con cảm tạ Người,

Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.



Ơn Mẹ con nói sao vừa,

Ngàn lời cảm tạ vẫn chưa thỏa lòng,

Đời con chỉ biết cậy trông,

Phó dâng tay Mẹ xác thân tâm hồn.



Phúc thay những lúc cô đơn,

Đến nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,

Cuộc đời dù lắm gian nan,

Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.

Đức Maria Mẹ Chúa Trời,

Trạng sư quyền thế muôn đời ngợi ca,

Người là Từ Mẫu giao hòa,

Cầu xin Thiên Chúa thứ tha loài người.

Chúa thương con lắm Mẹ ơi!

Đem thân xác xuống làm người trần gian,

Cùng Mẹ nhận sống cơ hàn,

Chết trên Thập giá ơn ban cứu đời.



Trời cao giáng phúc muôn nơi,

Mưa ân sủng xuống đất trời hoan ca,

Gieo nguồn nắng ấm chan hòa,

Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.



Ở đời kiếp sống mông lung,

Biển trần bão tố chập chùng vây quanh,

Thuyền con lạc hướng bồng bềnh,

Mẹ là Sao Sáng hải trình dẫn đưa.



Cùng con ngày tháng sớm trưa,

Nâng niu phù trợ dẫn đưa ân cần,

Đời con đã biết bao lần,

Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.



Bà được Thiên Chúa nâng lên,

Xác hồn thanh khiết ngự trên Thiên đính,

Loài người muôn vật cúi mình,

Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.

Muôn Hoa năm sắc cầu vồng,

Thơ vương ý nhạc sóng lòng dâng cao,

Hương thơm lan tỏa ngọt ngào,

Lòng con tràn ngập biết bao ân tình.



Muôn hoa khoe sắc tươi xinh,

Lời thơ, điệu nhạc, câu kinh diệu huyền,

Bụi trần lọc suối tinh tuyền,

Bao nhiêu khắc khoải ưu phiền xua tan.



Muôn hoa tô điểm không gian,

Vươn cao reo gọi dâng tràn ý thơ,

Hồn con thanh khiết đón chờ.

Sinh Nhật Từ Mẫu Đất Trời hoan ca.

Muôn hoa rực rỡ đẹp xinh,

Lời thơ điệu nhạc câu kinh tuyệt vời,

Mừng Sinh Nhật Mẹ chào đời,

Đồng Công cứu vớt loài người trầm luân.

*Dâng Mẹ năm sắc hoa lòng*

Tiến dâng năm sắc hoa lòng

Mừng kính Đức Mẹ Chúa Trời cao sang





Hoa Trắng lóng lánh tuyết trinh,

Đồng Trinh Mẹ nguyện dâng mình tin yêu,

Vẹn toàn nhân đức trăm điều.

Tôn thờ Thiên Chúa thương yêu loài người.



Hoa Vàng rực rỡ đẹp tươi,

Tình yêu Con Chúa chẳng siêu lòng nào,

Mẹ đẹp hơn cả ngàn sao,

Vững lòng tin cậy dạt dào mến yêu.



Hoa Tím đằm thắm dịu hiền,

Cúi mình khiêm hạ sớm chiều Xin Vâng,

Chúa Con Cứu Thế xuống trần,

Mẹ dâng tâm hồn xác thân cho Người.

Hoa Hồng đằm thắm gọi mời,

Mình Máu Thánh Chúa cứu đời trầm luân,

Mẹ đẹp lòng Chúa muôn phần,

Đồng Công Cứu Chuộc thế trần khổ đau.



Hoa Xanh trời đẹp trong lành,

Kính mừng Vương Mẫu thánh danh rạng ngời,

Du dương ngây ngất nhạc trời,

Thánh Thần chào đón muôn lời tung hô.



Năm Hoa khoe sắc tươi xinh,

Lời thơ điệu nhạc câu kinh diệu huyền,

Mẹ như dòng suối tinh tuyền

Cho con gột rửa ưu phiền xua tan.



Giờ đây hoạn nạn lan tràn,

Mẹ cầu cùng Chúa xin ban ơn lành,

Nhân loại muốn được an bình,

Hãy sống tốt đẹp trọn tình yêu thương.



* NỮ VƯƠNG UY QUYỀN TRỜI ĐẤT*

Mẹ là Vương Mẫu uy quyền,

Muôn vàn ơn phúc Chúa truyền trao ban.





Hình ảnh huy hoàng rực rỡ trên đã gợi cảm hứng cho Lm Hoàng Diệp phổ nhạc với những lời chúc tụng Mẹ Maria trong Thánh ca ‘Kìa Bà nào’:

- Bà nào đang tiến lên như rạng đông,

Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,

Uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận.

Bà là ai?

- Điệp khúc:

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Muôn loài mãi mãi ngợi ca danh Người,

Xác Hồn Mẹ đã lên trời,

Đoàn con dâng Mẹ ngàn lời hoan ca.

- Tiểu khúc 1: Nữ Vương Mẹ Chúa Trời.



Maria ôi Mẹ đầy phúc lạ!

Cao sang hơn mọi người Nữ trần gian,

Ngôi Hai Thiên Chúa bỏ chốn cao sang,

Hạ sinh trong lòng Bà nơi trần thế,

Và từ đây tiếp muôn ngàn thế hệ,

Sẽ tung hô Bà là Mẹ Chúa Trời.

Bao Đế vương đầy quyền lực loài người,

Phải cúi đầu trước vinh quang Thánh Mẫu.

- Tiểu khúc 2: Nữ Vương Muôn Loài.



Maria ôi muôn loài tôn kính!

Trời đất chuyển mình sông núi reo ca,

Rạng rỡ tinh câu xao động ngàn hoa,

Loài cầm thú cũng bừng lên sức sống,

Mừng nhân loại thoát khỏi cơn ác mộng,

Giải lời nguyền tội nguyên tổ khi xưa,

Người xuất hiện tuôn hồng phúc như mưa,

Đạp đầu rắn làm kinh hoàng quỉ dữ.



- Tiểu khúc 3: Nữ Vương Hoà Bình.



Maria ôi nhân loại mong đợí!

Đến xua tan thần chết và chiến tranh,

Người giang tay cứu vớt vạn sinh linh,

Để đem lại một tình yêu bất diệt,

Người Sứ giả quyền năng và diễm tuyệt,

Đuổi bóng đêm như ánh sáng bình minh,

Cho loài người sống hạnh phúc thanh bình,

Tôn thờ Chúa và Yêu thương đồng loại.



- Tiểu khúc 4: Nữ Vương Thiên Quốc.



Maria ôi Nữ Vương tuyệt diệu!

Vượt lên cao soi sáng khắp Thiên cung,

Mẹ Thiên Chúa thật cao trọng vô cùng,

Diễm huyền lạ lòng tràn đầy ơn phúc,

Chín tầng trời trổi hoan ca bái phục,

Thần Thánh nghiêng mình chiêm ngưỡng uy linh,

Vị Nữ Vương lộng lẫy chốn Thiên đình,

Triều thiên toả muôn hào quang rực rỡ.

- Tiểu khúc 5: Nữ Vương Giáo Hội.



Maria ôi Mẹ Hiền Giáo Hội!

Dưới chân Thánh giá Chúa năm xưa,

Nhân loại được diễm phúc mấy cho vừa,

Chúa rất buồn sầu trước giờ vĩnh biệt,

Nhìn vị Tông đồ Ngài yêu tha thiết,

Đại diện cho chính Giáo Hội hôm nay,

Chúa trao Mẹ nhận con yêu từ đây,

Để nhờ Mẹ ủi an và che chở.



- Tiểu khúc 6: Nữ Vương Lòng Con.



Maria ôi lòng đầy nhân ái!

Cả đời con luôn tha thiết mến yêu,

Hồn xác con Mẹ ấp ủ sớm chiều,

Ru dịu ngọt trong bàn tay trìu mến,

Sóng vùi dập lôi thuyền con lạc bến,

Mẹ đón chờ và hướng dẫn lối đi,

Hỗ trợ con trong những lúc gian nguy,

Mẹ ngời sáng như Hải đăng soi lối.



- Tiểu khúc 7: Nữ Vương Quyền Thế.



Ôi Maria cao trọng quyền thế!

Vượt lên trên thần thánh muôn phần,

Mẹ nhận được biết bao hồng ân,

Xin thương nhân loại đang khốn khó,

Đại dich lan tràn gây tang tóc,

Mẹ hãy giơ tay cứu loài người,

Mẹ quyền thế chí nói một lời,

Thiên Chúa sẽ dừng tay sửa phạt!



*KINH MỪNG MARIA: Dấu ấn đời con*



Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,

Suốt cuộc đời Mẹ luôn ở bên con,

Dù cho sông cạn núi mòn,

Lòng con yêu Mẹ vẫn còn như xưa.



Ngay từ lúc mới sinh,

Trong đêm vắng một mình,

Ngồi bên con an giấc,

Mẹ nhè nhẹ lời Kinh.



Ngày tháng nằm trong nôi,

Con chưa hiểu được lời,

Tiếng Kinh ru ngày ấy,

Đem dấu ấn vào đời.



Đến khi con lớn lên,

Vọng tiếng chuông êm đềm,

Đôi chân chim nhỏ bé,

Theo mẹ buổi Kinh chiều.



Bước vào tuổi trưởng thành,

Vào đời để mưu sinh,

Con lên đường vội vã,

Trong lời Kinh độc hành.



Khi đến tuổi biết yêu,

Tâm hồn thấy cô liêu,

‘ Kính Mừng ‘ sao lẻ bóng,

‘ Thánh Maria ‘ ấm cúng nhiều.



Con khoác áo chiến chinh,

Giã từ tuổi thư sinh,

Quê Hương trùm lửa khói,

Vang dậy tiếng cầu Kinh.



Đeo ba-lô lên đàng,

Trong gói nhẹ hành trang,

Con mang theo ‘Hộ Mệnh’,

KINH MỪNG Chuỗi Ngọc Vàng.



Ôi cuôc sống đao binh,

Cận kề với tử sinh,

Con nguyện Kinh cầu khấn,

Cho Đất Nước thanh bình.



Hòa bình nào thấy đâu?

Những tháng năm đọa đầy,

Trong ngục tù khổ nhục,

Giọt lệ nhỏ Kinh cầu.



Hoàng hôn gác đầu non,

Thân con đã mỏi mòn,

Dâng lời Kinh ước nguyện,

Tổ Quốc và hồn con.



Đêm đêm ngồi lặng bên đèn,

Phù du cuộc sống bon chen với người,

Bao năm trôi nổi một đời,

Câu Kinh sám hối, nghẹn lời ăn năn.

*Đời con còn có Mẹ*

(Kỷ niệm ngày kính viếng Đức Mẹ Long Beach)



*Lời nguyện cầu.

Xin cho con biết đón nhận:

- Một Tình yêu cao đẹp nhất,

- Một Tình yêu trùm phủ cả đất trời,

- Một Tình yêu muôn loài đợi trông,

- Một Tình yêu dâng hiến cả thân xác tâm hồn,

- Một Tình yêu dâng Mẹ gia đình và những người thân yêu,

- Một Tình yêu dâng Mẹ những đau thương vì chiến tranh, hận thù, dịch bệnh của nhân loại,

- Một Tình yêu tuyệt diệu mãi muôn đời…



Đó là Tình yêu của Mẹ Maria Từ Ái,

Hải Đăng của đời con!



* Nhìn hoa tươi đẹp biết bao,

Trông lên Tượng Mẹ dạt dào yêu thương,

Lòng con sao mãi vấn vương,

Cúi xin Mẹ nhận dâng hương hoa lòng!



Biển trời trải rộng mênh mông,

Cô đơn Mẹ đứng chờ trông con về,

Bao năm con sống đam mê,

Lợi danh đeo đuổi ê chề đau thương.



Đời con dong duổi dăm trường,

Xác thân khắc khoải trên đường mù khơi,

Mây đen phủ kín chân trời,

Bão giông nổi dậy thuyền đời lênh đênh,



Sóng xô vùi dập bồng bềnh,

Tìm về bến mộng buồn tênh lạc loài.

Cuộc đời dù lắm chông gai,

Tình người dù có phôi phai sớm chiều,



Đời con đau khổ đã nhiều,

Tâm hồn lãng tử bạt phiêu dật dờ,

Giang tay Mẹ vẫn đón chờ,

Hải đăng soi lối bến bờ yêu thương.



Muôn hoa hương sắc còn vương,

Ở gần bên Mẹ tình thương dạt dào,

Đời con luôn chỉ ước ao,

Tình yêu nơi Mẹ không sao phai mờ.



Không chỉ trong mỗi Tháng Hoa,

Cả đời con vẫn ngợi ca Mẹ hiền,

Dưới cây Thánh Giá Chúa truyền,

Con là con Mẹ vững bền niềm tin,

Gio-an lời Chúa khắc ghi,

Cảm tạ lòng Chúa chết vì thế nhân.

* Ghi chú: Tượng Đức Mẹ dựng bên bờ biển giữa 2 đường Redondo Ave & Ocean Blvd, City of Long Beach- Quí Vị có dịp du lịch Nam Cali, đến chiêm ngắm ngôi Nhà thờ Kiếng-Chúa Kitô vĩ đại uy nghi của GP Quận Cam và Trung tâm Mẹ La Vang đang kiến thiết cũng nên ghé viếng Đức Mẹ Long Beach, vì nơi đây nhiều người cầu xin ơn lành đã được toại nguyện, cả những người ngoài Công Giáo

*Nhớ mãi Tháng Hoa xưa ấy*



Kỷ niệm Tháng Hoa,

Dâng Kính Mẹ nơi quê nhà
.



‘ Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,

Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.

Dù con thân xác nay đã mỏi mòn,

Vẫn nương bóng Mẹ lòng còn yên vui



Vâng thưa Mẹ làm sao con quên được,

Những tháng Năm thơ ấu tại quê nhà,

Chuông giáo đường vang vọng gọi thiết tha,

Đoàn mục tử lại cùng nhau qui tụ.



Dưới chân Mẹ trăm bông hoa rực rỡ,

Hai hàng đèn nến toả sáng lung linh,

Ôi muôn người cất cao tiếng cầu kinh,

Thật đầm ấm vây quanh hang Lộ Đức,

Lòng trải rộng vì cuộc đời đơn thật,

Các bé thơ niềm mơ ước bao la,

Mắt tròn xoe với gưong mặt hiền hoà,

Tim nhộn nhịp đời tuổi thơ là thế.

Những thôn nữ má hồng lên e lệ,

Tà áo dài che khuất bước chân đi,

Hồn lâng lâng dạo khúc nhạc xuân thì

Rước kiệu Mẹ vòng quanh khu xóm nhỏ.

Hoa muôn màu với hào quang rực rỡ,

Trống chiêng rền theo những cánh hoa rơi.

Đoàn con chiêm bái Đức Mẹ Chúa Trời,

Tim rạo rực cùng ca vang khúc hát.

Những cụ già miệng lâm râm lần hạt,

Mắt mơ màng nhưng nhìn rõ tưong lai,

Bỗng nuối tiếc sao năm tháng không dài,

Để tiếp tục dâng lời kinh sám hối.

Riêng chúng con tâm hồn thật vô tội,

Chỉ thấy vui quên mất cả thời gian,

Đâu biết đời như mây gió hợp tan,

Nhìn cuộc sống đầy hoa thơm cỏ lạ

.

Bóng Mẹ Hiền trùm lên con tất cả,

Ôm ấp vỗ về dịu ngọt tuổi thơ!

Vâng thưa Mẹ con nhớ mãi tới giờ,

Thời gian đó chỉ còn trong kỷ niệm,

Nhưng dư âm không bao giờ tan biến,

Con lớn lên theo năm tháng dòng đời,

Dù nơi đây cuối góc biển chân trời,

Con vẫn mơ về Những Tháng Hoa Xưa ấy.

Kết

*Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria, chúng ta Suy niệm về cuộc đời Mẹ để noi gương.



Cuộc đời Mẹ nêu cao tấm gương tuyệt mỹ về 3 nhân đức Đối Thần:

TIN- CẬY- MẾN.

- Đức Tin:

Có những điều Mẹ không hiểu hết về quyền năng Thiên Chúa từ khi Sứ Thần truyền tin đến lúc sinh Hài Nhi trong khó nghèo, rồi Chúa chịu chết khổ đau nhục nhã trên thập giá, nhưng lòng tin mạnh mẽ của Mẹ đã gói trọn trong lời ‘Xin Vâng’



Xin cho con giữ vững lòng tin như Mẹ mà con đã tuyên xưng trong ngày lãnh nhận phép Rửa Tội.



- Đức Cậy:

Từ khi sinh Chúa Cứu Thế trong hang bò lừa, lặn lội hiểm nguy đưa Hài Nhi trốn sang Ai- Cập, 30 năm cùng Chúa sống ẩn dật vất vả nghèo nàn và 3 năm theo sát Chúa trên đường Ngài truyền báo Tin Mừng, Mẹ luôn trông cậy tín thác trong tay Chúa quan phòng. Xin cho con hết lòng trông cậy vào Chúa như Mẹ nêu gương.



- Đức Mến:

Mẹ đã yêu Chúa tha thiết suốt cuộc đời và yêu người như lời Chúa truyền dạy. Săn sóc yêu thương bà chị họ Êlisabét, quan tâm san sẻ trong tiệc cưới Cana, theo sát Chúa trên đường Ngài rao giảng Tin Mừng, lo lắng an ủi người nghèo khổ bệnh tật, và nâng đỡ chăm sóc các tông đồ lúc Chúa còn sống và sau khi Chúa chết.



Đức Mến quan trọng nhất trong 3 nhân đức Đối Thần.



Xin cho con theo gương Mẹ giữ vững giới răn Chúa phán dạy: Mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như yêu mình vậy.



* Lời nguyện

Lạy Mẹ Maria! Mẹ cũng là thụ tạo do Chúa sinh dựng lên, nhưng là thụ tạo toàn bích trước mắt Thiên Chúa qua đời sống của Mẹ.



Trong niềm hân hoan mừng ngày Sinh Nhật của Mẹ, chúng con xin được hiệp cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân. Vì Chúa đã ban cho chúng con là những thụ tạo yếu đuối có một tấm gương và một người Mẹ, là Đức Trinh Nữ Maria.



Chúng con cảm tạ Mẹ đã sống nêu gương cho chúng con bằng những nhân đức xin vâng, khiêm nhường và chịu đựng, đã đồng hành và che chở, cầu nguyện cho chúng con trước ngai toà Thiên Chúa.



Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con, để nhờ ơn Chúa giúp, trong từng ngày sống chúng con biết noi gương Mẹ, Xin Mẹ đồng hành, dạy dỗ chúng con như xưa Mẹ đã dạy Thánh Tử Giêsu thời thơ ấu, xin Mẹ cầu nguyện cùng với chúng con như xưa Mẹ đã từng cầu nguyện cùng với Chúa Giêsu, xin Mẹ giúp chúng con vững bước trên đường thập giá. Nhờ đó mà chúng con trở thành những người con ngoan của Chúa và của Mẹ, trở thành những tấm gương, lời mời gọi mọi người tin, yêu và đón nhận Chúa trong cuộc sống. Amen.

Giờ đây tóc đã phủ tuyết sương qua bao năm tháng dòng đời.

Mỗi lần tháng Hoa đến lại nhớ những kỷ niệm êm đềm nơi Quê nhà.

Mong nơi đất nước quê người, những tập tục thánh thiện sẽ không bị phai mờ.

(Sưu tầm _ Tổng hợp )
 
Hình ảnh lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ Maria
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
15:00 07/09/2023
Hình ảnh lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ Maria

Ngay trong nếp sống phong tục văn hóa xã hội không chỉ bên Tây phương, nhưng hầu như khắp mọi nơi trên thế giới, người ta đều mừng ngày sinh nhật hằng năm. Lẽ dĩ nhiên cũng có nhiều người không mừng ngày sinh nhật.

Trong đời sống đức tin của Giáo hội, không có tập tục mừng ngày sinh nhật của các Thánh, nhưng mừng ngày các vị Thánh qua đời.

Dẫu vậy Giáo Hội mừng ba ngày lễ sinh nhật của ba vị cao cả: Sinh nhật Thánh Gioan tiền hô ngày 24.06., sinh nhật Đức Mẹ Maria ngày 08.09. và sinh nhật Chúa Giêsu Kitô ngày 25.12.

Mừng ngày sinh nhật của ba vị Thánh cao cả có liên quan đến tội nguyên tổ Adong Eva.

Thánh Gioan tiền hô ngay từ khi còn đang thành hình sự sống trong cung lòng bà Elisabeth đã được Đức Mẹ đang cưu mang thai Chúa Giêsu đến thăm viếng và được Thiên Chúa chúc lành cho khỏi tội tổ tông trở nên là vị thánh ngôn sứ dọn đường cho Chúa Giêsu đến.

Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu Kitô, được Thiên Chúa thánh hiến cho khỏi tội tổ tông truyền.

Chúa Giêsu, đấng Thánh Con Thiên Chúa, xuống thế làm người mang ơn cưú chuộc cho con nười khỏi hình phạt tội tổ tông Adong Eva.

Vì thế Giáo hội chỉ mừng ba ngày lễ sinh nhật của ba vị Thánh cao cả này.

Theo tương truyền bên vùng thành cổ Jerusalem lối cổng Sư Tử, có thánh đường Thánh Anna và bên cạnh thánh đường còn di tích lịch sử khô cạn hồ Bethsaida. Chính tại nơi đây ngày xưa Chúa Giêsu chữa một người bị đau ốm bại liệt được lành bệnh đi lại: Anh hãy chỗi đậy vác chõng và bước đi.” ( Ga 5, 1-8), là nơi sinh ra của Đức Mẹ Maria. Cha mẹ sinh thành của Đức Mẹ Maria là Thánh Gioakim và thánh nữ Anna.

Ngày người có kỷ niệm mừng sinh nhật, thông thường họ được chúc mừng, được thổi tắt nến, cắt bánh mừng sinh nhật, được tặng qùa và khách được mời tham dự cùng tham dự tiệc mừng. Nhưng mừng sinh nhật Đức Mẹ không có những nghi thức như vậy. Dẫu vậy cung cách mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ có hình ảnh nội dung tâm linh nhiều hơn

Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria, bây giờ là người mẹ của chúng ta trên trời cao, là cơ hội nhắc nhớ ta đến ơn kêu gọi đời sống của mình. Vì mỗi đời sống của con người đều có ơn kêu gọi riêng.

Đời sống mỗi người được Thiên Chúa tạo thành và nuôi dưỡng. Sự sống con người là qùa tặng từ trời cao. Cha mẹ sinh thành ra con mình, nhưng cha mẹ không làm ra sự sống con mình. Cha mẹ là người đón nhận sự sống của con mình do Thiên Chúa ban cho.

Cha mẹ nào khi sinh con ra đời cũng đều mong muốn con mình sau này sẽ trở thành người thế nọ thế kia. Nhưng từ hình hài thân xác, tới tính tình và nhất là con đường đời sống của người con đều khác với lòng mong muốn của cha mẹ. Đấng Tạo Hóa đã có một chương trình sẵn cho mỗi người, không ai giống ai. Chương trình đời sống mỗi người xưa nay luôn là một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu đáo biết trước được.

Vì thế, mới có nhiều dân nước chủng tộc, nhiều ngôn ngữ văn hóa, văn minh, nhiều ngành nghề, ơn kêu gọi khác biệt nhau.

Chương trình đời sống riêng mỗi người trên trần gian làm cho bức tranh đời sống trong công trình sáng tạo thiên nhiên trở nên sống động, có sức năng động phát triển.

Lời Thiên Chúa nói với con người vể mầu nhiệm bí ẩn sự sống: Từ bụi đất con được tạo thành và sau cùng con sẽ trở về cùng bụi đất, là căn bản sự sống con người, nhắc nhớ đến sự sống con người do Thiên Chúa tạo thành. Tuy là bụi đất, nhưng bụi đất đó được Thiên Chúa thánh hóa chúc lành, cùng con người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Điều này nói lên mầu nhiệm sự sống thánh đức cùng cao cả của sự sống con người.

Thánh Toma Aquino đã có suy tư về đời sống của người phải chịu đựng đau khổ: Cũng vậy đời sống đau khổ nhất, bất hạnh nhất vẫn luôn tốt hơn là không có đời sống. Vì đời sống là do Thiên Chúa muốn, và trở về với Thiên Chúa như Ngài muốn.

Đức Mẹ Maria được sinh ra không vướng mặc tội tổ tông truyền Adong Evà. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ không phải không có đau khổ, không có nước mắt, không có chịu đựng. Trái là lưỡi gươm đâm thâu qua tâm hồn Đức Mẹ từ ngày Chúa Giêsu sinh ra cho đến ngày sau cùng của Chúa Giêsu trên trần gian.

Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria con người chúng ta cũng nhớ đến với lòng biết ơn sâu thẳm hình ảnh tình mẫu tử của mẹ mình, người đã sinh thành, nuôi dưỡng lo lắng chăm sóc đời sống mình từ lúc chúng ta còn là bào thai trong cung lòng mẹ và rồi trong suốt dọc đời sống trên trần gian.

Và người mẹ cũng là người đã sống trải qua chịu đựng nhiều đau khổ trong chính đời sống của bà.
 
Văn Hóa
Văn Chương Việt Nam Mang Nghĩa Thánh Kinh
Pt Phạm Bá Nha
21:01 07/09/2023

Văn Chương Việt Nam Mang Nghĩa Thánh Kinh

Văn chương Việt Nam man mác tích chứa mang ý nghĩa Thánh Kinh. Nhưng lại bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng tư tưởng khác nhau, dẫn đến trong dân chúng có nhiều tôn giáo.
Bài này trích dẫn đôi dòng trong văn học dân gian và văn học cận đại chứng minh chủ đề trình bày nghiên cứu. Phần Thánh Kinh chỉ tóm lược. Trích dẫn văn chương VN cần dài, đầy đủ và quan trọng hơn.

Hạnh phúc trong tầm tay phải nắm giữ

Bài giảng trên núi của Tin Mừng Thánh Mathêu, Chúa Giêsu đưa ra 8 tiêu chuẩn đạt tới hạnh phúc, cho những người biết sống nghèo, hiền lành, sầu khổ, công chính, thương người, xây dựng hoà bình, bị bách hại và xỉ nhục...(Mt 5, 1-15)

Trong văn chương bình dân VN. Người mẹ VN thực tế ‘‘dạy con gái’’, lo cho tương lai gia đình, phải :
Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan
Phòng khi đóng góp việc làng
Đồng tiền, bát gåo, lo toan cho chồng
Trước là đắc nghĩa cùng chồng
Sau là họ mạc cũng không chê cười
Con ơi! Nhớ bấy nhiêu lời.

Trong gia đình,’’’chồng khuyên vợ’’ kỹ lưỡng cẩn thận và thực tế hơn :
Còn chút mẹ già, nuôi lấy cho anh
Để anh buôn bán thông hành đường xa
Liệu mà thờ kính mẹ già
Đừng có tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.

Mẹ dạy con ăn ở sao có ‘‘đức, nhân, nghĩa, lý, trí, tín’’, ngay trong buôn bán nhỏ, nữa là việc làm ăn lớn qui mô. Càng quan tâm hơn.
Con ơi mẹ bảo con này
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no dù đói cho vui
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.
Phòng khi đóng góp việc làng
Đồng tiền bát gạo thay chàng góp công
Trước là đắc nghĩa cùng chồng
Sau là họ mạc cũng không chê cười
Con ơi nhớ bấy nhiêu lời.

Người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19, 23). Một người chỉ vì chấp nhận cảnh nghèo trong đức tin. Người kia phung phí của cải, khinh miệt kẻ cùng cực. Đó là người ăn mày Lazarô và người giàu có trong Thánh Kinh, đâu có khác ‘‘người ăn mày’’ trước sự giàu sang vua chúa, của Lê Thánh Tôn. (VN TV HT. tr 52)

Chẳng phải ăn đong, chẳng phải vay
Khắp hóa thiên hạ đến ăn mày
Hạt châu chúa cất trao ngang mặt
Bé ngạc, tôi trung cùng lượm tay
Nam bắc đông tây cầu tới
Cả trẻ già lớn bé cũng xưng thầy
Đến đâu dẹp hết loài muông thú
Thu cả kiền khôn một túi đầy.

Sống giữa chợ đời

Anh em là phần đất tốt để hạt giống gieo xuống (Mt 13, 4-9). Muối ướp cá, là ánh sáng giữa đêm tối (Mt 5, 13-16). Men trong thúng bột (Mt 13, 33) Viên ngọc chôn dấu trong thửa ruộng (Mt 13, 44-46). Anh em cùng là cỏ lùng sẽ bị thu cắt đi (Mt 13, 36), cá xấu bị loại bỏ (Mt 13, 47),
Cha Ông đã chẳng nghĩ, và sống giản dị đón nhận :
- Nhân chi sơ tính bản thiện
- Gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
- Nhập giang tùy khúc, đáo gia tùy tòng
- Con vua thì lại làm vua
Con sãi chùa lại quét lá đa
- Phép vua thua lệ làng (tục ngữ)
- Một người làm quan cả họ được nhờ
- Ở bầu thì tròn ở ống thì dài
Những câu văn chân tình trên cho thấy rất phù hợp với trường hợp lời Chúa ‘‘Đốt đèn phải để trên cao’’. Ánh sáng che dấu, còn gì là ánh sáng.
-Gương lành lôi kéo
- Bà con xa không bằng láng giềng gần (tục ngữ)
- Sự đời nghĩ cũng bật cười,
Một con cá lội, mấy người buông câu (ca dao)
-Ở đây tai vách mạch rừng (Kiều)

Bà Huyện Thanh Quan phận nữ yếu mà biết ‘‘Khuyên người đời’’: ăn ở trong sạch, đừng mua chuyện. Đừng làm mất lòng nhau. Đó là bài giáo lý căn bản ‘‘chớ nói dối’’
Cho hay thiên hạ khéo xem gương
Hễ khó thời thôi mấy kẻ màng
Miệng nói đã đành mua chuyện ghét
Tay không chưa dĩ ép người thường
Khéo khôn ai cũng tranh phần trước
Trong sạch ta thời giữ mức thường
Ai lại chẳng qua thời với mệnh

Bà còn nhắc đến “Con Tạo’’ hằng quan tâm cho ta ‘‘trí thông minh’’, nên phải ‘‘có chí’’
Thông minh nhất nam tử
Yêu vi thiên hả kỷ
Trót sinh ra thì phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Có kẻ xá chi Con Tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gồng gởi kiếm cung
Làm cho rõ tu mi nam tử.
Trong vũ trụ đành phận sự
Phải có danh gì với núi sông
Đi không chẳng lẽ về không

Nguyễn Bỉnh Khiêm không thích cảnh bon chen ‘‘giàu có, tiền bạc, danh lợi, chức tước’’ đã vạch trần kêu gọi dân chúng đừng xa vào cạm bẫy, trong bài sống ‘‘Nhân tình thế thái’’
Thế gian biến cải vững nên đồi
Mặn, nhạt, chua, cay, lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Xưa nay cửu trùng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thì, mới hay người bác ái
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.
Thi sĩ chủ trương, ở đời ‘‘dĩ hòa vi qúi’’ là hơn cả
Ở thì, đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi chốc có sự đôi co
Đây cây, cây khôn, cây chẳng nhìn
Đây rừng, cây phải, cây không thua
Dù no hãy còn của còn hăng
Lũ ôn kia hầu dễ kém chi còn
Chữ rằng :“nhân dĩ hòa vi qúi’’
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.

Bác ái yêu thương

Giáo lý bác ái yêu thương (Mt 6, 1-4). Làm những gì mình muốn làm cho nhau (x. Mt 7, 12)
Bài ‘‘Tự biết mình’’ của Nguyễn Hữu Chỉnh (VN TV HT. tr. 69) ăn khớp với ‘‘an năn sám hối và tin vào Tin Mửng’’ trong mùa Chay trong đạo Công Giáo
Ai có hay, chăng là chẳng hay
Lòng mày vốn đã đây thân này
Kẻo làm cho lòng người ghen ghét
Là tỏ là tưởng kẻ thảo ngay
Xem nói thế thời xem đã nhạt.
Bén mùi lao lý, bén càng say
Phải sợ, mới biết có trời nhiễm
Có rủi, bỗng cũng lại có may.

Chung thủy là luật chung cho dân sự cũng như tôn giáo vẫn một vợ một chồng. Tình yêu là trên hết. Cư xử tốt với nhau, không giận ghét, ngoại tình, ly dị, thề thốt, (Mt 5, 22-37)
-Đói thì ăn ngô, ăn khoai
Sống ở với dượng, điếc tai láng giềng
-Con cô con cậu thì xa
Con chú, con bác, thật là anh em
-Tưởng rằng chị ngã em nâng
Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười
-Đắng cay cũng thể ruột già
Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng
Em chồng ở với chị dâu
Coi chừng kẻo nó giết nhau có ngày.

Thiên Chúa là tình yêu. Chúa dạy : yêu nhau như Cha đã yêu Thầy (Ga 15. 9), không trả thù, yêu cả kẻ thù (Mt 5, 38-47). Yêu thương nhau như cành với thân nho, như người chăn chiên với con chiên (Mt 18, 12-14)
Văn chương VN nhẹ nhàng, kín đáo, trữ tình thắm thiết không đâu bằng với tình cha mẹ :
Quanh năm buôn ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
Vợ chồng :
- Thương anh chẳng biết đi đâu
Ăn quán, quán cũ, đi cầu cầu siêu.
- Em đi tần tảo nhặt đếm ba đồng
Cha già con dại ai mang
Anh đi vui thú cho rong một mình
Uổng công cha mẹ sinh thành
Phí công gánh chị chung tình của em.
- Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho tỏ mới nhau thì làm (ca dao)
- Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng.
- Năm quan mua lấy nụ cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Con cái :
- Chợ xa đi sớm về trưa
Nuôi con bao quản nắng mưa dãi dầu.
- Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng gáng gồng ra đi
-Anh ơi, em ở lại nhà
Nuôi con phụng dưỡng mẹ già sớm trưa
Lầm than bao quản nắng mưa
Anh đi anh liệu ganh đua với đời.

Yêu nhau như tình bạn hữu (Ga 15, 15), như người chăn chiên với con chiên (Ga 10,11-18) như bắt chước Chúa Giêsu rửa chân cho môn đệ (Ga 13, 3-10)
- Giọt máu đào hơn ao nước lã
-Khôn ngoan đá đáp người ngoài.
Gà cùng mẹ, chớ hoài đá nhau
-Người dưng có ngãi, thì đãi người dưng
Anh em vô ngãi, cũng là anh em.

Cung cách làm ăn sinh sống, luật lao động theo nhà nông, có cơm ăn áo mặc, do sức mình :
- Tay làm hàm nhai
- Đói thì đầu gối phải bò
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

Đủ ăn đủ mặc, hãy nghĩ đến người kém may mắn. Chúa là hiện thân người nghèo, trả công cho ‘‘chén nước lã’’ (Mt 10, 42)
Thương người như thể thương thân
Thấy người đói rách lầm than bần cùng
Đồng quà tấm bánh đem ra...

Biết ơn, hiếu thảo là điều tối thiểu phải có khi mang ơn : Sinh thành, giáo dục, giao tế..
Cha sinh mẹ dưỡng, công nào cũng qúi, và đáng kể.
- Ăn cây nào rào cây ấy.
- Cha sinh mẹ dưỡng
- Phúc đức tại mẫu
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
- Con khôn nở mặt mẹ cha
Đền ơn báo đáp là nghĩa vụ làm con. Anh chị em thuận hòa, đẹp lòng mẹ cha biết mấy
- Thờ cha kính mẹ, hết lòng
Đây là chữ hiếu, lại trong luân thường
Chữ nghĩa là nhường
Nhường anh nhường chữ, là nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
Con em phải giữ lấy nền cho em.
- Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ
Trẻ cậy cha, già cậy con
- Một mẹ nuôi được mười con
Mười con không nuôi được một mẹ
-Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi mẹ, kể tháng kể ngày
Giáo dục và nuôi khôn lớn, hai công nặng nhọc, vất vả như nhau
- Cá chẳng ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư
- Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không me, như đờn không dây
- Mồ côi cha, ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ, liếm lá đầu chợ

Rõ ràng quan niệm tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam như trên là đúng và chính đáng. Nhưng đáng tiếc có sự hiểu lầm cho rằng người khai phá tin tưởng tín ngưỡng có mưu đồ chính trị và làm mất an ninh. Do đó, nảy sinh hận thù chém giết. Dân tình bất an xa lánh giới lãnh đạo. Vết thương dân tộc đáng tiếc còn đó. Ngay cả hôm nay, có người còn cho tôn giáo là “mùa mê, thuốc ngủ’’. Thiển cận, tai hại khôn lường cho cả dân tộc.

Cám ơn những ngòi bút sắc bén ghi lại dòng tư tưởng khởi đầu đánh dấu khai phóng niềm tin cao cả của dân tộc. Ước gỉ lời cha ông truyền dạy và truyền rao cho thế hệ mai sau : ‘‘giấy rách giữ lấy lề’’.

Xin kết luận bằng mượn lởi Đức Phanxico trong tông huấn ‘‘Ánh Sáng Đức Tin’’ (do Đức Benêdictô viết phần đầu, ban hành 29.6.2013. Lumen Fidei) :
Nếu con người là cá thể đơn độc, nếu chúng ta muốn cho khỏi từ ‘‘cái tôi’’ cá biệt, vốn muốn tìm. Được nơi bản thân mình sự an ninh do trí thức mang lại, thì không thể có dược sự chắc chắn này. Tôi không thể tự mình thấy được những gì xảy ra trong một thời cải cách xa xôi. Tuy nhiên đây không phải là cách duy nhất con người nhận biết. Người ta luôn sống trong tương quan. Dức tin không thể tự mình có. Đức tin không chỉ là lựa chọn cá nhân xẩy ra trong nội tâm tín hữu mà không liên hệ giữa cái tôi của người tín hữu và Thiên Chúa. (số 38-39)
 
VietCatholic TV
Tình báo Ukraine: Bí ẩn vụ Prigozhin. Nga pháo vào đất NATO. Tướng Nga: Xung đột hạt nhân khó tránh
VietCatholic Media
03:08 07/09/2023


1. Tình báo Ukraine chưa chắc Prigozhin đã qua đời trong tai nạn máy bay

Tình báo Ukraine không hoàn toàn chắc chắn rằng lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin đã chết trong vụ tai nạn máy bay ở vùng Tver của Nga vào ngày 23/8, nhưng xác nhận các báo cáo về cái chết của đồng phạm của ông ta, là Trung Úy Dmitry Utkin.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine Andriy Yusov đã cho biết như trên trong một cuộc họp báo hôm 6 tháng 9.

“Hiện tại, chúng tôi có thể nói 100% về cái chết được xác nhận của Utkin và một số hành khách khác. Đối với Prigozhin, chưa phải tất cả các câu hỏi đều đã được giải quyết”, ông nói.

Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng nói: “Tôi sẽ chỉ tập trung vào thực tế là chúng tôi có thể xác nhận cái chết của Utkin và một số cộng sự khác của Prigozhin. Về phần lãnh đạo công ty quân sự tư nhân, tôi nghĩ chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa “.

Vào ngày 23 tháng 8, một chiếc máy bay phản lực Embraer Legacy 600 đã bị rơi ở vùng Tver của Nga, được cho là chở lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin, đồng phạm của ông ta là Dmitry Utkin và các đại diện khác của công ty quân sự tư nhân.

Ngày 27/8, Ủy ban điều tra Nga xác nhận Prigozhin đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay.

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Nga, vào ngày 29 tháng 8, Prigozhin được cho là đã được chôn cất tại Nghĩa trang Porokhovskoye ở St. Petersburg.

Theo các blogger quân sự Nga, người đưa tang trùm Wagner Yevgeny Prigozhin được giới thiệu là vợ anh ta, lại không phải là vợ của anh ta, mà là vợ của người thường đóng thế anh ta. Điều này dẫn đến nhiều suy đoán. Tuy nhiên, theo tin tưởng chung thì trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã qua đời.

2. Báo cáo cho thấy Ukraine tấn công làm tê liệt 'Thần chiến tranh' của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Strikes Crippling Russia's 'God of War': Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Ukraine tấn công làm tê liệt 'Thần chiến tranh' của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Các đội pháo binh Nga đang gặp phải những thiếu sót về hậu cần khi họ tìm cách đánh bại cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine ở phía đông nam đất nước và ngăn chặn một bước đột phá mà Kyiv hy vọng sẽ đánh sập mạng lưới phòng thủ của Nga.

Một báo cáo do Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, gọi tắt là RUSI, công bố trong tuần này cho biết, điều kiện chiến trường ngày càng xấu đi đang buộc các xạ thủ Nga phải phá bỏ học thuyết lâu đời. Điều này đang làm giảm bớt tác động của “Thần chiến tranh” của Mạc Tư Khoa. Pháo binh Nga thường được mệnh danh là “Thần chiến tranh”.

Hỏa lực của Nga có truyền thống dựa vào số lượng hơn là độ chính xác. Mặc dù điều này vẫn đúng trong phần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine, nhưng báo cáo của RUSI cho biết điều này hiện đang thay đổi.

“Đầu tiên, lực lượng Nga thiếu đạn dược để duy trì lượng hỏa lực dữ dội này”, báo cáo viết. “Thứ hai, công tác hậu cần cho một lượng hỏa lực như vậy rất dễ bị phát hiện và tấn công chính xác ở tầm xa.”

“Thứ ba, việc mất radar phản lực và hao mòn nòng súng có nghĩa là phương pháp chữa cháy hàng loạt này sẽ giảm hiệu quả.” RUSI cho biết hiện nay, các xạ thủ Nga đang hướng tới độ chính xác hơn là số lượng. Báo cáo cho biết thêm, điều này được chứng minh trong việc ưu tiên gần đây cho đạn dẫn đường bằng laser Krasnopol 152ly và việc sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái để điều chỉnh hỏa lực pháo binh.

RUSI viết: “Xu hướng dường như hướng tới việc tối đa hóa độ chính xác và giảm số lượng đạn cần thiết để đạt được kết quả mong muốn thay vì sử dụng hỏa lực vũ bão”. Báo cáo nói thêm rằng việc tăng cường sử dụng đạn dược chính xác, máy bay không người lái và các nỗ lực cải thiện liên lạc đều thể hiện “một xu hướng đáng lo ngại, vì theo thời gian nó có thể sẽ cải thiện đáng kể lực lượng pháo binh của Nga”.

Nhưng việc bắn pháo chính xác hơn bằng cách sử dụng vũ khí tiên tiến hơn sẽ đòi hỏi quân đội Nga phải được huấn luyện tốt hơn, là điều mà từ lâu đã gây ra vấn đề cho Mạc Tư Khoa. Thử thách hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn trong điều kiện thời chiến, khi Điện Cẩm Linh ưu tiên tăng cường quân tiếp viện bất chấp sự chuẩn bị của họ.

Pavel Luzin, nhà phân tích quân sự Nga và học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek: “Việc huấn luyện yếu kém không có giải pháp trong một tương lai gần”. “Nguồn nhân lực của quân đội Nga rất thấp kể cả binh lính lẫn sĩ quan “.

Luzin nói thêm, ngay cả khi Nga có thể xây dựng một lực lượng được đào tạo bài bản, lực lượng này sẽ bị hạn chế bởi năng lực sản xuất. “Những thay đổi trong đường lối pháo binh xuất phát từ thực tế là số lượng đạn pháo hạn chế. Tuy nhiên, Nga không thể sản xuất quá nhiều đạn chính xác”.

Luzin nói: “Nếu bạn sản xuất 1 triệu viên đạn câm đủ loại và chỉ có hàng trăm viên đạn chính xác, thì bạn không thể tăng sản lượng đạn có độ chính xác của mình lên hàng chục nghìn viên. Hơn nữa, Nga phải đối mặt với việc giảm số lượng pháo binh; số lượng pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và thậm chí cả nòng pháo đang giảm dần.”

Các lực lượng Nga dưới áp lực ở đông nam Ukraine đang phải vật lộn để mang súng lớn ra chiến đấu. Các chỉ huy Ukraine đã tập trung vào các khẩu đội của đối phương trong nhiều tháng, tìm cách làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga và cô lập các đơn vị phòng thủ tiền tuyến của nước này.

Số liệu gần đây từ cơ quan giám sát nguồn mở Oryx cho thấy Ukraine đang phá hủy khoảng ba khẩu súng của Nga cho mỗi khẩu mà họ mất. Mặc dù Nga vẫn còn nhiều pháo binh hơn nhưng lực lượng của Kyiv đang ngày càng có thêm lợi thế. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Cả hai bên đều phải chịu cảnh đói đạn trong suốt cuộc xung đột toàn diện, trong trường hợp của Ukraine, phần lớn là do kho dự trữ giảm dần hoặc, trong trường hợp của Nga, thường là do áp lực hậu cần trở nên trầm trọng hơn do các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào các kho đạn dược.

Các đối tác phương Tây của Ukraine đang huy động để cung cấp thêm đạn dược, trong đó cả Mỹ và Liên minh Âu Châu đều tuyên bố nỗ lực mở rộng đáng kể hoạt động sản xuất đạn pháo của họ. Mỹ hiện cũng đang cung cấp đạn pháo 155ly được trang bị đạn chùm, sức tàn phá lan rộng của loại đạn này được cho là nguyên nhân khiến số lượng súng Nga bị phá hủy tăng lên trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, Nga đang chuyển sang Triều Tiên và Iran để bổ sung nguồn dự trữ của mình. Tạp chí Wall Street Journal hồi đầu năm 2023 đưa tin rằng Tehran đã đồng ý cung cấp 300.000 quả đạn pháo, trong khi chuyến thăm dự kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân tới Nga vào cuối tháng này có thể chứng kiến Bình Nhưỡng cung cấp thêm đạn dược.

3. Rumani xác nhận các bộ phận của máy bay không người lái Nga có thể đã rơi trên đất Rumani

Bộ Trưởng Ngoại Giao Rumani Bogdan Aurescu xác nhận các bộ phận của máy bay không người lái Nga có thể đã rơi xuống lãnh thổ Rumani sau khi nó nhắm vào một cảng của Ukraine trên sông Danube, chạy dọc biên giới giữa hai nước.

Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã tìm kiếm trong một khu vực rất rộng lớn, bao gồm cả khu vực đã được thảo luận công khai và tôi xác nhận rằng tại khu vực này, các mảnh vỡ có thể là của máy bay không người lái đã được tìm thấy”. Các mảnh vỡ sẽ được đưa đi phân tích thêm.

Bộ Quốc phòng ban đầu phủ nhận các báo cáo hồi đầu tuần rằng các bộ phận của máy bay không người lái của Nga đã rơi ở phía sông Danube của Rumani.

Các cảng sông Danube của Ukraine đã bị Nga bắn phá nặng nề và kéo dài trong những tuần gần đây, khi Mạc Tư Khoa tấn công vào các cơ sở và cơ sở hạ tầng lưu trữ ngũ cốc của Ukraine sau khi cho phép thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải hết hiệu lực vào tháng 7.

Nhiều cuộc tấn công diễn ra ngay bên kia biên giới với Rumani, một thành viên NATO. Bộ Quốc phòng Rumani đã lên án vụ tấn công hồi đầu tuần này “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”, gọi vụ tấn công này là “phi lý và mâu thuẫn sâu sắc với các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế”.

Theo một quan chức Ukraine, còn có thêm các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở phía bờ sông Ukraine vào đầu giờ thứ Tư, một trong số đó đã giết chết một công nhân nông nghiệp.

4. Các đồng minh NATO 'bày tỏ tình đoàn kết' với Rumani sau khi các bộ phận của máy bay không người lái Nga có thể rơi xuống lãnh thổ nước này

NATO đã đưa ra tuyên bố sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Rumani nói rằng các bộ phận của máy bay không người lái của Nga đã rơi xuống lãnh thổ Rumani.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “Chính quyền Rumani đã xác nhận rằng các mảnh vỡ, có thể là của máy bay không người lái, đã được tìm thấy trên đất Rumani, gần biên giới với Ukraine.”

“Chính quyền Rumani đang điều tra vụ việc. Rumani đã thông báo cho các đồng minh NATO về vụ việc này trong cuộc họp hôm nay của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương và các đồng minh bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với Rumani.”

“Kể từ năm ngoái, để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện ở khu vực Hắc Hải. Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với đồng minh Rumani của mình.”

5. Tướng Nga cho rằng chiến tranh hạt nhân là kết cục 'không thể tránh khỏi' của cuộc xâm lược Ukraine

Ký giả Will Stewart của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Nuclear war is the 'inevitable' conclusion of the Ukrainian invasion, warns Russian general who wrote the nation's 'war bible'“, nghĩa là “Tướng Nga, người đã viết cẩm nang chiến tranh, cho rằng chiến tranh hạt nhân là kết cục 'không thể tránh khỏi' của cuộc xâm lược Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Chiến tranh hạt nhân là kết cục 'không thể tránh khỏi' của cuộc xâm lược Ukraine của Nga, một tướng Nga, người đã viết 'cẩm nang chiến tranh' của Nga, đã cảnh báo.

Dự báo đáng sợ này đến từ Thiếu tướng đã nghỉ hưu Alexander Vladimirov, người đã viết cuốn sách ba tập của Nga có tựa đề 'Lý thuyết chung về chiến tranh'.

“Để chuyển sang sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chỉ cần một điều duy nhất - một quyết định chính trị của Tổng tư lệnh tối cao Vladimir Putin”, chỉ huy kỳ cựu cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Vladislav Shurygin.

'Mục tiêu của Nga và mục tiêu của phương Tây là sự tồn tại và lịch sử vĩnh cửu của họ.

'Và điều này có nghĩa là nhân danh điều này, tất cả các phương tiện đấu tranh vũ trang có sẵn cho họ sẽ được sử dụng, bao gồm cả một công cụ như vũ khí hạt nhân của họ.'

Ông cảnh báo: 'Tôi chắc chắn rằng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng trong cuộc chiến này – đó là điều không thể tránh khỏi, và từ đó cả chúng ta lẫn đối phương đều không còn nơi nào để đi.

'Các chính trị gia và giới lãnh đạo của chúng ta nhận ra điều này càng sớm thì chúng ta càng bắt đầu huấn luyện quân đội và người dân cho việc này sớm - chúng ta càng có nhiều cơ hội sống sót, nghĩa là chiến thắng.'

Trong cuốn sách năm 2013 của Vladimirov, Thiếu tướng về hưu lập luận rằng đã có sự chuyển đổi từ lý thuyết truyền thống về chiến tranh - nơi có sự phân biệt giữa hòa bình và chiến tranh - sang tình trạng chiến tranh thường trực với đặc điểm là thường xuyên sợ hãi và bất an.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Vladimirov, 78 tuổi, cho biết việc huấn luyện quân đội là rất quan trọng để họ có 'khả năng tiến hành chiến tranh trong điều kiện sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt'.

Ông nói rằng cuốn sách của ông chứa đựng những bài học quan trọng cho người Nga.

'Nếu bạn muốn hòa bình - hãy chiến đấu cho đến khi giành được chiến thắng', ông nói. 'Nếu bạn muốn có một nền hòa bình lâu dài và bền vững, hãy chôn chiếc rìu trên lãnh thổ của đối phương cùng với hắn.

'Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị. Hãy chuẩn bị Quân đội, Nhà nước, Nền kinh tế và dân số của đất nước.'

Ông phát biểu trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga đang gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine trong cuộc chiến, bất chấp viện trợ của phương Tây dành cho Kyiv.

Shoigu nói: “Chỉ trong tháng vừa qua, 34 sở chỉ huy của quân đội Ukraine đã bị phá hủy”.

'Từ khi bắt đầu cuộc phản công, tổn thất của địch đã vượt quá 66.000 quân và 7.600 đơn vị đạn dược..

'Trong tháng trước, Nga đã bắn hạ 159 hỏa tiễn HIMARS, 13 hỏa tiễn hành trình và hơn 1.000 máy bay không người lái.'

Kyiv đã bác bỏ các tuyên bố phóng đại của Shoigu

6. Zelenskiy và Thủ tướng Đan Mạch thảo luận về viện trợ quân sự mới, đào tạo phi công

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thảo luận về gói viện trợ quân sự mới với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ông cho biết như trên tại cuộc họp báo chung với Frederiksen ở Kyiv,.

“Hôm nay chúng tôi đã thảo luận về một gói quân sự mới. Đây sẽ là gói thứ mười hai đang được chuẩn bị cho tháng này”, ông Zelenskiy nói.

Ông nhắc nhở rằng các phi công Ukraine đang được huấn luyện trên máy bay F-16 ở Đan Mạch.

“Quân đội Ukraine có nhiệm vụ - chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết ở nước ta càng sớm càng tốt. Và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Lực lượng Quốc phòng hiện phải thực hiện”, Tổng thống nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nhà nước nói thêm rằng các vấn đề liên quan đến việc mở rộng cơ hội huấn luyện và đẩy nhanh việc tích hợp thực sự các chiến binh hiện đại vào hoạt động phòng thủ của Ukraine hiện đang được thảo luận.

Nhìn chung, Zelenskiy gọi cuộc nói chuyện hôm nay với Frederiksen là rất có ý nghĩa. Ông một lần nữa cảm ơn Đan Mạch vì tất cả sự hỗ trợ mà nước này dành cho Ukraine, đồng thời lưu ý rằng ông đánh giá cao mối quan hệ song phương hiện tại.

Ngược lại, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết Đan Mạch cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự và đạn dược, nhưng muốn làm nhiều hơn thế, kể cả trong lĩnh vực phòng không.

Cô nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xã hội dân sự, dân thường”.

Frederiksen lưu ý rằng các phi công và nhân viên bảo trì F-16 đã được đào tạo ở Đan Mạch.

Ngoài ra, Thủ tướng bày tỏ lời chia buồn về cái chết của dân thường sau cuộc tấn công của Nga vào khu chợ ở Kostiantynivka, vùng Donetsk, hôm thứ Tư.

Như Ukrinform đưa tin, vào tháng 6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen tuyên bố bắt đầu đào tạo phi công Ukraine trên chiến đấu cơ F-16 của phương Tây.

7. Ngoại trưởng Ukraine gọi viện trợ quân sự của Mỹ là “đầu tư sinh lợi nhất cho an ninh thế giới”

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi viện trợ quân sự của Mỹ là “khoản đầu tư sinh lợi nhất cho an ninh thế giới” trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Kyiv hôm thứ Tư.

Kuleba nói: “Viện trợ quân sự cũng như viện trợ tài chính cho Ukraine không phải là quyên góp bác ái, tôi muốn nhấn mạnh điều này, đây là khoản đầu tư sinh lời nhất của Mỹ vào an ninh Âu Châu và an ninh của toàn thế giới”..

Kuleba nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ “tiếp tục là đồng minh hàng đầu của Ukraine trong việc đẩy lùi sự xâm lược của Nga”.

Kuleba lưu ý rằng Blinken đã đưa ra “đánh giá cao về hành động của binh lính Ukraine”.

“ Đó là một ước tính khách quan, có tính đến thực tế khó khăn của chiến trường và những hành động anh hùng mà các binh sĩ đang thực hiện”, ông Kuleba nói và cho biết thêm rằng Ukraine không có ý định yêu cầu binh sĩ Mỹ tham gia lực lượng của mình trong cuộc chiến ở Ukraine.

Kuleba cho biết cả hai bên đã thảo luận về việc tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường khả năng phòng không của Ukraine và cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội (ATACMS) tầm xa, là chủ đề vẫn đang được thảo luận.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc, nhất trí rằng hành lang ngũ cốc Danube, tiếp giáp với lãnh thổ Rumani, là “lựa chọn hứa hẹn nhất vào thời điểm hiện tại” để sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc.

Kuleba lưu ý rằng các quy tắc chấm dứt chiến tranh “không nên được chỉ định bởi kẻ xâm lược, mà là quốc gia đã bị tạm chiếm” và nói rằng “một số bước song phương để làm cho đường lối này có hiệu quả” đã được các bên thống nhất ' cuộc trò chuyện trước đó vào thứ Tư.

Kuleba cho biết ông và Blinken đã có “cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành và thân thiện” đồng thời nhắc lại rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine là lâu dài.

“Bất cứ ai trên thế giới nghi ngờ rằng Ukraine và Mỹ sẽ kề vai sát cánh cho đến khi cuộc chiến này kết thúc hôm nay đã nhận được tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đã sai. Chúng tôi cùng nhau tiến về phía trước vì chúng tôi hiểu cuộc chiến này không chỉ liên quan đến tương lai của Ukraine mà còn là tương lai của thế giới”, ông nói.

Các nhà lãnh đạo cũng dùng bữa tại cửa hàng McDonald's ở Kyiv, nơi mới mở cửa trở lại.

Kuleba nói: “Sự trở lại của McDonald's tại Ukraine đã trở thành một biểu tượng cho thấy có thể xây dựng hoạt động kinh doanh vĩ đại ở Ukraine và đồng hành cùng người dân trong khoảng thời gian khó khăn và quan trọng trong cuộc đời họ”.

8. Blinken nói Mỹ và Ukraine chia sẻ niềm tin rằng cuộc phản công đang đạt được tiến bộ

Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Hoa Kỳ “không ảo tưởng” rằng con đường phía trước ở Ukraine sẽ dễ dàng, nhưng nhấn mạnh vào sự hỗ trợ liên tục của Hoa Kỳ và chỉ ra những tiến bộ mà Ukraine đã đạt được cho đến nay trong cuộc họp báo ở Kyiv hôm thứ Tư.

Ông lưu ý rằng trong một năm kể từ lần cuối ông đến Ukraine, lực lượng của Kyiv đã “lấy lại hơn 50% lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ tháng 2 năm 2022”.

Blinken nói rằng đánh giá của Zelenskiy về cuộc phản công đang diễn ra, sau khi đến thăm tiền tuyến gần đây, phù hợp với đánh giá của Hoa Kỳ: “đã có tiến bộ thực sự trong những tuần gần đây”.

Giọng điệu tích cực của Blinken được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ trước đó nói rằng cuộc phản công không diễn ra nhanh như họ mong muốn.

Blinken cũng cho biết, lần đầu tiên Mỹ sẽ chuyển tài sản bị tịch thu của Nga sang Ukraine. Ông không cho biết số tài sản đó trị giá bao nhiêu hoặc chính xác khi nào việc chuyển nhượng sẽ diễn ra.

Blinken nói: “Những người đã kích hoạt cuộc chiến tranh xâm lược của Putin phải trả giá cho điều đó”.

9. Ngoại trưởng Mỹ công bố viện trợ mới 1 tỷ USD cho Ukraine để tăng cường phản công

Ngoại trưởng Antony Blinken công bố khoản hỗ trợ mới trị giá 1 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ quân sự, nhân đạo và ngân sách.

“Trong cuộc phản công đang diễn ra, tiến bộ đã tăng nhanh trong vài tuần qua. Sự hỗ trợ mới này sẽ giúp duy trì và tạo thêm động lực”, Blinken cho biết trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khi đến thăm Kyiv hôm thứ Tư.

Theo một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao, gói này bao gồm việc bổ sung cho Ukraine các loại vũ khí mà Mỹ đã cung cấp cho nước này trước đây, bao gồm các thành phần của hệ thống phòng không, Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt dẫn đường cho HIMARS, đạn dược, đạn dược và hệ thống liên lạc. Những vũ khí này sẽ đến từ kho dự trữ của Ngũ Giác Đài.

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng gói hỗ trợ quân sự mới lần đầu tiên cũng bao gồm các loại đạn uranium nghèo. Loại đạn này có tính phóng xạ nhẹ vì chúng được làm từ kim loại đậm đặc, là sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Chúng có thể được bắn từ xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ đến Ukraine vào mùa thu này.

Và về mặt hỗ trợ quân sự dài hạn, gói mới cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu USD, thông qua chương trình tài trợ quân sự nước ngoài, Blinken cho biết. Điều này xảy ra khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine về hỗ trợ lâu dài vẫn tiếp tục.

“Hôm nay tôi đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Tôi đã thảo luận về các thỏa thuận an ninh bền vững lâu dài, sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh liên tục và thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không, trên biển và không gian mạng, cũng như đào tạo và chia sẻ thông tin tình báo. Bộ Ngoại giao đang dẫn đầu các cuộc thảo luận này và sẽ tiếp tục trong những tháng tới”, Blinken nói.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, hơn 1/5 khoản hỗ trợ mới được công bố hôm thứ Tư, với tổng trị giá hơn 200 triệu USD, sẽ hướng tới hỗ trợ cho sự minh bạch và cải cách, củng cố các nỗ lực chống tham nhũng, pháp quyền và lĩnh vực tư pháp. Sự hỗ trợ này đáng chú ý được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ chức hồi đầu tuần sau một số vụ bê bối tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Ukraine.

Hoa Kỳ cũng sẽ sử dụng nguồn tài trợ này cho các nỗ lực liên quan đến tính minh bạch nhằm hướng nguồn tài trợ hướng tới năng lực của Ukraine trong việc điều tra và truy tố tội ác chiến tranh, đầu tư vào các nỗ lực tái thiết và tăng cường các hoạt động quản lý tài chính của đất nước.

Phần hỗ trợ nhân đạo của khoản hỗ trợ mới này với tổng trị giá 206 triệu USD sẽ dành cho những hỗ trợ quan trọng bao gồm thực phẩm, nước uống và nơi ở cho những người ở Ukraine và những người buộc phải chạy trốn sang các nước láng giềng. Bộ cho biết cũng sẽ có hơn 90 triệu USD hỗ trợ nhân đạo dành riêng cho việc rà phá bom mìn.

10. Khủng bố Nga gây thương vong kinh hoàng cho người Ukraine

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết số người chết trong vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào một khu chợ ở thị trấn Kostiantynivka, phía đông vùng Donetsk đã tăng lên 17 người.

Theo Klymenko, có một trẻ em nằm trong số 17 người thiệt mạng. Đây là một trong những vụ tấn công nguy hiểm nhất trong nhiều tháng qua. Klymenko cho biết thêm số người bị thương đã tăng lên 32 người.

“Quân đội Nga là những kẻ khủng bố sẽ không được tha thứ và sẽ không được yên bình. Sẽ có sự trừng phạt xứng đáng cho mọi thứ,” Klymenko nói.

Theo báo cáo từ hiện trường, một hỏa tiễn S-300 của Nga đã rơi xuống giữa thị trấn. Video từ mặt đất cho thấy ngọn lửa dữ dội và khói đen dày đặc bốc lên, với ít nhất một người bị thương hay thiệt mạng có thể nhìn thấy trên mặt đất.

Theo báo cáo không chính thức, ngôi chợ nằm gần một trung tâm mua sắm.

Kostiantynivka nằm gần tiền tuyến xung quanh Bakhmut và thường xuyên có đông quân nhân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mô tả vụ tấn công là “hoàn toàn vô nhân đạo”, đồng thời cho biết số người chết và bị thương có thể tăng lên. Ông nói thêm: “Tà ác Nga này phải bị đánh bại càng sớm càng tốt”.

11. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi tiến bộ phản công của Ukraine là đáng khích lệ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ “quyết tâm tiếp tục sát cánh cùng Ukraine” khi ông gặp Tổng thống Zelenskiy ở Kyiv hôm thứ Tư, đồng thời ông gọi tiến bộ của Ukraine trong cuộc phản công là “rất, rất đáng khích lệ”.

“Tổng thống Biden yêu cầu tôi đến để tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi. Để bảo đảm rằng chúng tôi đang tối đa hóa những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện và các quốc gia khác đang thực hiện, trước thách thức trước mắt của cuộc phản công, cũng như những nỗ lực lâu dài hơn nhằm giúp Ukraine xây dựng một lực lượng trong tương lai có thể ngăn chặn và bảo vệ chống lại bất kỳ sự xâm lược nào trong tương lai”, Blinken nói.

Blinken nói rằng ông mong nhận được đánh giá từ Zelenskiy sau chuyến thăm tiền tuyến của cuộc xung đột.

“Tôi biết bạn vừa ở tuyến đầu và tất cả chúng tôi đều sẵn sàng nghe đánh giá của bạn. Nhưng chắc chắn, chúng tôi thấy những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong cuộc phản công và điều đó rất đáng khích lệ”, Blinken nói.

Ông Zelenskiy cho biết đây luôn là “thông điệp hỗ trợ tuyệt vời” dành cho Ukraine khi các quan chức Mỹ đến thăm, đồng thời lưu ý rằng đây là “giai đoạn khó khăn” đối với người Ukraine.

Tổng thống Ukraine bày tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống Joe Biden và Quốc hội vì đã thể hiện “sự đoàn kết tuyệt vời” theo tinh thần lưỡng đảng khi nói đến Ukraine.

“Khi nói về Ukraine, các bạn luôn ở bên nhau, cảm ơn các bạn rất nhiều”, Zelenskiy nói. “Chúng tôi rất vui vì có thể tin tưởng vào bạn.”

Zelenskiy nói rằng sự hỗ trợ tài chính của Mỹ cho ngân sách của Ukraine là “rất quan trọng” và lưu ý rằng một mùa đông khó khăn đang ở phía trước.

“Chúng tôi rất vui vì chúng tôi không đơn độc trong mùa đông này,” Zelenskiy nói.
 
Một người Công Giáo Trung Quốc nói với Đức Phanxicô: ‘Xin Đức Thánh Cha cứu Giáo hội chúng con!’
VietCatholic Media
05:32 07/09/2023


Một người Công Giáo Trung Quốc nói với Đức Phanxicô: ‘Xin Đức Thánh Cha cứu Giáo hội chúng con!’

Ký giả Elise Ann Allen của tờ Crux có trụ sở ở Loveland, Colorado, Hoa Kỳ, và một văn phòng thườg trực ở Rôma, có bài tường trình nhan đề “One Chinese Catholic to Francis: ‘Pope, save our Church!’”, nghĩa là “Một người Công Giáo Trung Quốc nói với Đức Phanxicô: ‘Xin Đức Thánh Cha cứu Giáo hội chúng con!’”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế vào chiều Chúa nhật tại Ulan Bator, với sự tham dự của gần 200 người từ Trung Quốc đại lục, một thanh niên Công Giáo từ đại lục cho biết cuộc sống của Giáo hội ở đất nước của anh là vô cùng khó khăn và xin Đức Thánh Cha giúp đỡ “cứu” họ.

Nói chuyện với Crux bằng tiếng Anh không chuẩn, chàng trai trẻ tên Li nói rằng nếu anh có cơ hội nói điều gì đó với Đức Thánh Cha Phanxicô, thông điệp của anh sẽ là “Đức Thánh Cha ơi, xin hãy cứu lấy Giáo hội Trung Hoa của chúng con!”

“Ở Mông Cổ này mọi người không hề sợ hãi, họ không bị kiểm soát. Chúng tôi có một Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng nếu có một Giáo hội mà bạn nhìn thấy xung quanh, thì Giáo Hội ấy làm việc cho chính phủ”, anh nói, đồng thời cho biết rằng vẫn còn nhiều người Công Giáo ở Trung Quốc thuộc về Giáo hội “thầm lặng”, bất chấp những nỗ lực của Đức Thánh Cha hàn gắn sự chia rẽ bằng một thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục.

Li cho biết gia đình anh ta đến từ Nội Mông, một khu vực phía bắc Trung Quốc giáp với Mông Cổ, và ông và gia đình có công việc kinh doanh ở Mông Cổ, vì vậy họ dễ dàng đi đến tham dự các sự kiện của Đức Giáo Hoàng hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày tới Mông Cổ, chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng đến đất nước này, nơi có số lượng người Công Giáo chưa đến 1.500 người, là một trong những cộng đồng nhỏ nhất của Giáo hội.

Sau khi đến hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các cơ quan dân sự quốc gia và nói chuyện với các nhà truyền giáo ở Mông Cổ và các giám mục phục vụ trong khu vực. Ngài cũng chủ trì một sự kiện liên tôn và vào Chúa Nhật đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Mông Cổ.

Bất chấp lệnh của chính phủ cấm họ đến, ước tính có khoảng 170 người Công Giáo từ Trung Quốc đại lục đã có mặt ở Mông Cổ trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha và có thể được nhìn thấy tại nhiều sự kiện khác nhau trong suốt tuần.

Li nói với Crux rằng mặc dù anh đã ở Mông Cổ một thời gian vì công việc kinh doanh của gia đình nhưng hầu hết người dân Trung Quốc không dễ dàng xin được giấy phép du lịch để đến đây.

“Tôi nghe nói có người phải quay lại,” anh ấy nói, đồng thời cho biết việc đi lại thường ngày không được phép và “tất cả mọi người, kể cả công nhân, đều được hỏi tại sao bạn lại muốn đến đây?”

Li cho biết, câu trả lời luôn là “để du lịch”, bởi vì du lịch và thăm phong cảnh là mục đích duy nhất được chính phủ Trung Quốc chấp nhận, “vì họ biết rằng Đức Giáo Hoàng của chúng ta đang ở Mông Cổ”.

Khi cơ quan báo chí Vatican yêu cầu bình luận, nhiều người Công Giáo Trung Quốc ngay lập tức từ chối, mặc dù một số người đồng ý nói chuyện ẩn danh. Họ đeo khẩu trang đã trở thành bắt buộc trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 và thường xuyên che mặt bằng mũ trùm đầu và khăn quàng cổ để không thể nhận dạng nếu bị chụp ảnh.

Các nhóm Công Giáo Trung Quốc có mặt mang theo cờ Trung Quốc vẫy và la hét bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng có mặt, nhưng họ sẽ nhanh chóng giấu cờ sau khi Đức Giáo Hoàng đi khuất hoặc rời khỏi khu vực của họ.

Khi đang lái xe qua Đấu trường Thảo nguyên của Ulan Bator, nơi cử hành Thánh lễ Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng lại để hôn một em bé trước một nhóm người Công Giáo Trung Quốc đang treo một lá cờ Trung Quốc lớn và vẫy tay chào nhóm này.

Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nắm tay Đức Giám Mục hiện tại của hiến chế, là Đức Tân Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân, người sẽ nhận chiếc mũ đỏ từ Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 9, và cựu giám mục của Hương Cảng là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, và đưa ra một thông điệp ứng khẩu dành cho người dân Trung Quốc.

Ngài muốn tận dụng sự hiện diện của họ trong Thánh lễ ở Mông Cổ “để gửi lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung Quốc cao quý”.

“Gửi tới toàn thể nhân dân, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất, hãy tiến về phía trước, luôn tiến bộ. Và với những người Công Giáo Trung Quốc, tôi xin các bạn hãy là những Kitô hữu tốt và những công dân tốt.” Đức Thánh Cha nói.

Nói chuyện với Crux, Li cho biết anh có bà nội, cha mẹ và một số bạn bè của cha anh tham dự Thánh lễ, và sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại Mông Cổ là “thực sự quan trọng bởi vì, như bạn biết, ở Trung Quốc, chính phủ nói rằng họ thể cho phép một sự kiện như thế ở đó, vì vậy chúng tôi phải lén lút.”

“Biến cố này thực sự quan trọng, nó có nghĩa là chúng ta có thể đến thăm, chúng ta có thể tin Chúa, chúng ta có thể thực sự ở gần Chúa, vì vậy nó thực sự quan trọng và tuyệt vời. Đó là một niềm vui,” anh nói.

Li nói rằng anh không biết liệu thông điệp của Đức Thánh Cha có gây được tiếng vang ở Trung Quốc hay không, nhưng anh bày tỏ hy vọng rằng sự gần gũi của Đức Thánh Cha sẽ dẫn đến sự cởi mở hơn với Giáo hội.

“Ở Trung Quốc, mọi thứ đều được giấu kín, chúng tôi không thể gửi ảnh hay bất cứ thứ gì cho nhóm của mình hay bất cứ thứ gì, điều đó không tốt. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải đến thăm” một nơi khác để gặp Đức Thánh Cha, anh nói, đồng thời cho biết rằng một thành viên trong nhóm đang chờ Đức Thánh Cha Phanxicô đến dự lễ đón tiếp chính thức vào sáng thứ Bảy “đã chụp rất nhiều ảnh, nhưng họ không thể gửi chúng đi”.

“Một người bạn của tôi đã đăng một bức ảnh lên nhóm trò chuyện tiếng Hoa của chúng tôi, nhưng không ai trả lời, vì họ lo ngại rằng chỉ cần nói về điều này, nhà cầm quyền sẽ khiến bạn gặp rắc rối”, anh nói.

Khi được hỏi “gặp rắc rối” nghĩa là gì, Li cho biết nếu phát hiện ra người này đã tham dự một sự kiện của Đức Giáo Hoàng ở Mông Cổ, nhà cầm quyền sẽ nói: “Đáng lẽ bạn không nên đến đó. Nó không tốt.”

“Họ đang thẩm vấn một người, thậm chí anh ta vừa mới bị ngồi tù,” anh nói, đồng thời lưu ý rằng một người bạn của cha anh từng chia sẻ những bức ảnh về việc làm điều gì đó mà chính phủ không chấp thuận và anh đã bị tống vào tù. Tôi không biết đã bao lâu nhưng có người đã vướng vào vòng lao lý”, Li nói.

Không rõ liệu những bức ảnh mà người này chia sẻ có liên quan đến Đức Thánh Cha hay một vấn đề nào khác hay không.

Li nói rằng nói chung, thật khó để tưởng tượng nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ có lập trường cởi mở hơn, nhưng “nếu Giáo hoàng có thể đến thăm đất nước chúng tôi, đó thực sự là niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi đang chờ đợi…nhưng tôi vẫn tin.”

Khi được hỏi liệu thỏa thuận năm 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc bổ nhiệm giám mục, chủ yếu nhằm thiết lập liên lạc thường xuyên với chính quyền Trung Quốc và thống nhất Giáo hội chính thức được nhà nước phê chuẩn và Giáo hội hầm trú trung thành với Rôma, có tác động hay không, Li nói rằng anh tin rằng điều đó đã giúp ích, nhưng nói, “Tôi không chắc.”

Anh nói, sự tách biệt giữa các Giáo hội chính thức và không chính thức vẫn còn khá sâu sắc, đồng thời nhớ lại cộng đồng của anh cách đây vài năm đã gửi tiền cho linh mục của họ để xây dựng một nhà thờ trong khu vực của họ, “nhưng nó chỉ hoạt động được hai năm rồi đóng cửa. “

“Sau đó, chúng tôi lại gửi tiền và họ xây dựng một cơ sở khác, nhưng nó lại đóng cửa. Ngay cả khi chúng tôi thờ phượng lén lút thì cũng không có tác dụng”, anh nói.

Li cho biết vấn đề kiểm duyệt truyền thông Trung Quốc cũng rất nổi bật, và trong tin tức quốc gia, “nhà cầm quyền chỉ đưa ra những tin tức tích cực trên TV, nhưng một số điều tồi tệ lại xảy ra ở khắp mọi nơi. Chính phủ giấu tin đó, họ sẽ không cho người dân biết có chuyện gì đó đã xảy ra.”

Tuy nhiên, sau đại dịch coronavirus, các video bị rò rỉ ra các phương tiện truyền thông quốc tế cho thấy các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của chế độ độc tài và thi thể chất đống, cho thấy đại dịch đã tồi tệ hơn nhiều so với những gì chính phủ đã thông báo, mọi thứ đã thay đổi, anh nói.

“Mọi người thấy rất nhiều chuyện đã xảy ra, điều đó thực sự tồi tệ, vì vậy mọi người không quá tin tưởng vào cộng đồng người Hoa của chúng tôi, và chính phủ Trung Quốc,” Li nói và cho biết nhà cầm quyền đang cảm thấy áp lực, “vì vậy họ phải kiểm soát.”


Source:Crux
 
Putin tái mặt: Kyiv đánh trúng Bộ Tư Lệnh Quân Khu Nga, nổ long trời. Giao uranium nghèo cho Ukraine
VietCatholic Media
17:10 07/09/2023


1. Bộ Tư Lệnh quân khu phía Nam của Nga tại Rostov On Don bị tấn công nổ long trời

Các vụ nổ đã được báo cáo tại thành phố Rostov của Nga, ngay trụ sở của Bộ Tư Lệnh quân khu phía nam, nơi đóng vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga và là một trong những địa điểm bị cố lãnh đạo Wagner Yevgheny Prigozhin chiếm giữ trong cuộc binh biến bị hủy bỏ hồi tháng 6..

Thống đốc khu vực Vasily Golubev cho biết trên Telegram rằng ít nhất ba tòa nhà và một số xe hơi đã bị hư hại và một người bị thương sau khi lực lượng phòng không Nga bắn hạ hai máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào thành phố, chỉ cách biên giới với Ukraine 100km về phía đông.

Golubev cho biết phần còn lại của một chiếc máy bay không người lái đã rơi bên ngoài thành phố, trong khi chiếc còn lại rơi “ở trung tâm, khu vực 42 phố Pushkinskaya”.

Theo cách giải thích của Thống đốc Vasily Golubev, các máy bay không người lái của Ukraine tấn công một địa điểm khác nhưng bị bắn hạ nên rơi vào trụ sở của Bộ Tư Lệnh quân khu phía nam. Không rõ ở thành phố này còn có địa điểm nào khác quan trọng hơn Bộ Tư Lệnh này không, hay thật ra đó chính là mục tiêu của các máy bay không người lái này.

Rostov là thành phố lớn nhất ở miền nam nước Nga và là thủ phủ của vùng Rostov tiếp giáp với các khu vực phía đông Ukraine, nơi chiến tranh đang hoành hành.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đây là nơi đặt trụ sở của Bộ Tư Lệnh quân khu phía nam của Nga, và Bộ Tư Lệnh Quân đoàn vũ khí tổng hợp số 58 đang chiến đấu chống lại cuộc phản công của Kyiv ở miền nam Ukraine.

Rostov cũng là trung tâm chỉ huy của toàn bộ lực lượng chung của Nga ở Ukraine và do đó là trung tâm hậu cần quan trọng cho quân đội Nga.

2. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cam kết lấy lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ tay Nga

Trong bài phát biểu với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng mới của Ukraine, Rustem Umerov tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát “từng cm” đất đai Ukraine từ tay Nga và đưa tất cả những người bị giam giữ về nước.

Ông nói rằng ông sẽ “làm mọi thứ có thể và không thể vì chiến thắng của Ukraine - khi chúng ta giải phóng từng centimet đất nước và mỗi người dân của chúng ta”, ông đã phát biểu như trên ngay sau khi quốc hội Ukraine phê chuẩn việc bổ nhiệm ông.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ trả lại tất cả những người không may đang tạm thời bị giam cầm. Tất cả họ - trẻ em, tù nhân chiến tranh, tù nhân chính trị, dân thường”, Umerov nói.

Umerov đã tham gia nổi bật vào việc trao trả tù nhân chiến tranh.

“Bốn mươi hai triệu người Ukraine đứng đằng sau mỗi người lính. Đằng sau mỗi người lính là một Bộ Quốc Phòng sẽ làm mọi thứ để bảo vệ và cung cấp cho tất cả người dân của chúng ta. Con người của chúng ta, cuộc sống và phẩm giá của họ là ưu tiên hàng đầu và có giá trị cao nhất của chúng ta”, ông nói thêm.

Một số thông tin cơ bản: Umerov thay thế Oleksii Reznikov, người có nhiệm kỳ dài - ông đã giữ chức vụ này từ trước khi cuộc chiến toàn diện bắt đầu.

Reznikov đã đệ đơn từ chức hôm thứ Hai sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy viện dẫn sự cần thiết của “các đường lối mới” khi cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn quan trọng.

3. Các diễn biến chiến trường dồn dập ở miền Nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 8 tháng Chín, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết theo hướng Melitopol, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đạt được thành công ở phía nam Robotyne và phía tây Verbove. Trong một vài ngày tới tình hình sẽ diễn biến rất mau chóng vì quân Nga đã kiệt sức.

Tưởng cũng nên biết thêm: Đầu tháng 7 vừa qua, Thiếu tướng Nga Ivan Popov, tư lệnh Quân đoàn vũ khí tổng hợp số 58 đã gửi một lá thư cho tổng tư lệnh, Valery Gerasimov, yêu cầu luân chuyển quân đội của ông ta vì họ đã kiệt sức.

Gerasimov đáp lại bằng cách cách chức Popov vào ngày 11 tháng 7, nói rằng yêu cầu của ông là một nỗ lực nhằm tống tiền quân đội Nga. Gerasimov sau đó ra lệnh cử Popov đi chiến đấu tích cực trên tiền tuyến. Popov bất tuân và bị cách chức đuổi ra khỏi quân đội.

Các blogger quân sự Nga và những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chiến tranh đã bị chia rẽ vì có những người đồng ý rằng các tuyên bố của Popov là phản cảm và những người khác không đồng ý. Igor Girkin gọi việc sa thải Popov là “một tiền lệ nguy hiểm”.

Từ sau khi Popov bị cách chức, làn sóng bất mãn tăng dần. Từ đầu tháng 7 đến nay, quân Nga không thắng một trận nào trong khu vực này và cứ tiếp tục rút lui.

Vào ngày 27 tháng 7, có nhiều báo cáo về việc quân đội Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga gần Robotyne và phát động một chiến dịch tổng công kích để tiến về phía thị trấn. Bộ Quốc Phòng Nga tung các 4 Lữ Đoàn Dù ở Kherson vào tăng viện, nhưng không chống cự nổi với quân Ukraine. Vào ngày 23 tháng 8, Lữ đoàn cơ giới số 47 treo cờ Ukraine trên tòa nhà hành chính của thị trấn báo hiệu rằng trung tâm đô thị của thị trấn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Theo các quan sát viên, sau khi quân Ukraine chiếm được Verbove, khả năng quân Nga tan rã sẽ càng rõ nét hơn.

Trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 9 xe tăng, 21 xe thiết giáp, 37 hệ thống pháo, 5 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 27 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 7 Tháng Chín, khoảng 266.900 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.506 xe tăng, 4.541 máy bay không người lái, 8.703 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.722 hệ thống pháo, 19 tàu chiến, 753 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.217 xe chuyển quân và nhiên liệu, 506 hệ thống phòng không, và 859 thiết bị đặc biệt.

4. Mỹ dự kiến sẽ công bố đạn uranium nghèo cho Ukraine, quan chức nói

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng Mỹ dự kiến sẽ lần đầu tiên đưa các loại đạn uranium nghèo vào gói viện trợ quân sự cho Ukraine, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư.

Loại đạn này có thể được bắn từ xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, dự kiến sẽ đến Ukraine vào mùa thu này. Loại đạn này có thể xuyên thủng các tấm bọc thép giống như tấm trên xe tăng vì chúng được làm từ kim loại có mật độ cao, sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Đạn uranium nghèo có mật độ dày hơn gần 70% so với chì, kim loại được sử dụng trong đạn dược tiêu chuẩn.

Loại đạn này có tính phóng xạ nhẹ, đặt ra câu hỏi về độ an toàn và rủi ro mà chúng có thể gây ra cho dân thường - nhưng chúng đã bị loại bỏ phần lớn chất phóng xạ và không thể tạo ra phản ứng hạt nhân. Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng Mỹ có kho dự trữ vũ khí trên khắp thế giới.

Bộ Quốc phòng Anh xác nhận hồi tháng 3 rằng họ sẽ gửi đạn dược chứa uranium nghèo tới Ukraine, điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phản đối. “Tôi muốn lưu ý rằng nếu tất cả những điều này xảy ra, Nga sẽ phải phản ứng tương ứng”, ông nói trong cuộc họp báo vào tháng 3. “Ý tôi là toàn bộ phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân. Bộ Anh cho biết Nga đang “cố tình cố tình làm mất thông tin”.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết uranium nghèo “ít phóng xạ hơn đáng kể so với uranium tự nhiên”. Cơ quan này nói thêm rằng “kết luận chính” của các nghiên cứu được thực hiện về sức khỏe của quân nhân tiếp xúc với uranium nghèo là việc tiếp xúc không thể liên quan đến bất kỳ sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê nào về tỷ lệ tử vong của nhân viên.

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh nói với CNN hôm thứ Tư rằng Mỹ tin tưởng người Ukraine sẽ sử dụng vũ khí một cách có trách nhiệm nếu và khi chúng được cung cấp.

“Tôi sẽ không đi trước bất kỳ thông báo nào mà Ngũ Giác Đài chưa đưa ra ngày hôm nay, nhưng điều tôi sẽ nói là những viên đạn này được sử dụng tiêu chuẩn trên xe tăng mà không chỉ Hoa Kỳ sử dụng mà còn chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí. Người Ukraine. Và nếu chúng được đưa vào gói hỗ trợ sắp tới trong hôm nay hoặc trong những tuần tới, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người Ukraine sẽ sử dụng chúng một cách có trách nhiệm khi họ chiến đấu để giành lại lãnh thổ chủ quyền của mình ở phía đông và phía bắc.” cô ấy nói.

Động thái cung cấp đạn uranium nghèo được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gửi bom chùm gây tranh cãi tới Ukraine vào đầu năm nay. Mỹ tin rằng cả hai loại đạn này sẽ giúp Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga và xuyên thủng xe tăng Nga trong bối cảnh cuộc phản công đang diễn ra.

5. Tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về vụ Nga pháo vào lãnh thổ NATO

NATO không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các mảnh vỡ máy bay không người lái được tìm thấy trên lãnh thổ Rumani là do một cuộc tấn công có chủ ý của Mạc Tư Khoa nhằm vào Rumani, nhà lãnh đạo liên minh cho biết hôm thứ Năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các nhà lập pháp Liên Hiệp Âu Châu: “Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Nga cố ý tấn công và chúng tôi đang chờ kết quả của cuộc điều tra đang diễn ra”.

Jens Stoltenberg cũng nói thêm rằng Ukraine đang đạt được tiến bộ với cuộc phản công bắt đầu vào tháng 6 để đòi lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ.

“Người Ukraine đang dần giành được vị thế… họ đã có thể chọc thủng tuyến phòng thủ của lực lượng Nga và họ đang tiến về phía trước,” ông Stoltenberg nói

6. Điện Cẩm Linh nói Mỹ có ý định tiếp tục chiến tranh “cho tới người Ukraine cuối cùng”

Bình luận về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Kyiv, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Tư cho biết Mỹ đã bày tỏ cam kết tiếp tục giữ Ukraine trong tình trạng chiến tranh “cho đến người Ukraine cuối cùng”.

“Chúng tôi đã nhiều lần nghe thấy những tuyên bố rằng họ có ý định tiếp tục hỗ trợ Kyiv khi nào còn cần thiết. Nói cách khác, về cơ bản, họ sẽ tiếp tục giữ Ukraine trong tình trạng chiến tranh và tiến hành và tiếp tục cuộc chiến này cho đến người Ukraine cuối cùng mà không tiếc bất kỳ khoản tiền nào cho nó”, ông Peskov nói hôm thứ Tư.

Peskov nói thêm rằng điều này sẽ không làm thay đổi diễn biến của cuộc chiến.

Đáp lại các chỉ trích của Peskov, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã tố cáo giọng điệu vừa ăn cướp, vừa la làng của Nga. Ông nói: “Chiến tranh kéo dài hay không phụ thuộc vào người Nga. Nếu họ quyết định rút hết các lực lượng xâm lược về nước, hòa bình sẽ được tái lập ngày hôm nay, ngay bây giờ.”

7. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine đạn chống tăng uranium nghèo như một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá lên tới 175 triệu USD, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết như trên trong chuyến viếng thăm 2 ngày của ông đến Thủ đô Kyiv.

Khoản tiền 175 triệu USD này là một phần trong tổng số hơn 1 tỷ USD hỗ trợ mà Blinken đã công bố tại thủ đô Ukraine hôm thứ Tư, ngày đầu tiên của chuyến thăm kéo dài hai ngày của ông.

Đây là lần đầu tiên Mỹ gửi vũ khí xuyên thép tới Ukraine, mặc dù Anh đã làm như vậy. Đạn pháo của Mỹ sẽ trang bị cho xe tăng Abrams mà Mỹ cũng chuẩn bị cung cấp trong những tháng tới.

Đại sứ quán Nga tại Washington lên án quyết định này là “một dấu hiệu của sự vô nhân đạo”, và nói thêm rằng “Hoa Kỳ đang tự lừa dối mình bằng cách từ chối chấp nhận thất bại của cái gọi là cuộc phản công của quân đội Ukraine”.

Tại Mạc Tư Khoa, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng chỉ trích quyết định của Mỹ, bà ta nói: “Đây là gì: dối trá hay ngu ngốc?” Bà ta tuyên bố rằng sự gia tăng bệnh ung thư đã được ghi nhận ở những nơi sử dụng đạn dược có uranium nghèo.

Tuy nhiên, tổng công tố Ukraine cho biết chính Nga đã sử dụng đạn uranium nghèo ngay từ ngày đầu của cuộc chiến và cho đến nay đã có 991 trường hợp thường dân bị thiệt mạng và thương tật, nghiêm trọng nhất là tại khu vực Kharkiv, miền Bắc của Ukraine.

Khi được hỏi về tuyên bố của Anatoly Antonov, Đại Sứ Nga tại Hoa Kỳ, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói rằng “nếu Nga nhân đạo họ nên rút quân về nước. Hòa bình sẽ được lập lại, ngay hôm nay, ngay bây giờ.”

8. Tướng Ba Lan nói NATO nên đáp trả mạnh mẽ hơn với Nga

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ba Lan kêu gọi hôm thứ Ba rằng các mối đe dọa hạt nhân giống như “du đảng” của Vladimir Putin đòi hỏi NATO phải có phản ứng quyết liệt hơn nhiều, bao gồm việc điều động thêm nhiều máy bay mang vũ khí hạt nhân.

Tướng Rajmund Andrzejczak cũng cho biết ông không nghĩ Triều Tiên sẽ chuẩn bị bán vũ khí cho Nga nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc.

“Tôi không tin Triều Tiên đủ mạnh hoặc có tự do để đưa ra đề nghị như vậy, nên có thể điều này đang thử thách quyết tâm, sự chú ý và ý chí chính trị của chúng ta, và điều quan trọng hơn cả là những gì Trung Quốc nói về việc này hơn là lãnh đạo Triều Tiên nói.”

Washington đã thông báo trong tuần này rằng họ tin rằng Putin đang chuẩn bị mua vũ khí từ Bình Nhưỡng.

Andrzejczak cũng dự đoán Nga sẽ cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng trong cuộc bầu cử ở Ba Lan vào tháng tới nhưng không đưa ra thông tin chi tiết trước công chúng. Ông cảnh báo rằng Nga đang trong tình trạng chiến tranh thường trực và “rất tích cực ở Ba Lan, tìm kiếm một số lỗ hổng trong hệ thống, cố gắng can thiệp vào giới truyền thông”.

Andrzejczak cũng cảnh báo rằng nếu Ukraine thua trong cuộc chiến và Belarus tiến sâu hơn vào quỹ đạo của Nga, Ba Lan sẽ thấy rằng việc giới hạn chi tiêu quốc phòng ở mức 5% tổng sản phẩm quốc nội và một đội quân thường trực 300.000 quân sẽ là không đủ. Ông nói: “Nếu chúng ta đánh mất uy tín với tư cách là NATO, với tư cách là một nền văn minh, thì Trung Quốc đang theo dõi, vì vậy đây là một trò chơi lớn”.

Ông kêu gọi người dân hãy nghĩ đến cái giá phải trả về mặt kinh tế lâu dài do thất bại quân sự của Ukraine.

Đề cập đến việc Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và việc Nga đồn trú vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Andrzejczak ví Nga như một tay xã hội đen mang súng ra bàn, và nói rằng so sánh với phương Tây thì họ không mang vũ khí trong chiếc áo panama.

Ông nói: “Có vẻ như chúng ta đang đối phó với một bọn xã hội đen, những kẻ xấu điên khùng.”

“Nato là một tổ chức hiệp ước hạt nhân; nó phải chủ động và mạnh mẽ hơn nhiều đối với người Nga.”

“Trong những năm 70 và 80, 30% máy bay ném bom B-52 bay thường xuyên và có vũ khí hạt nhân và phi công sẵn sàng hành động. Hôm nay chúng ta có một thử thách, vì vậy chúng ta hãy thay đổi câu chuyện.

“Có chuyện gì với chúng tôi thế? Nga vẫn như vậy và chúng ta gặp phải tình huống ở một quốc gia láng giềng nơi Nga đang công khai tuyên bố rằng họ đang đặt hệ thống hạt nhân ở Belarus và chúng ta đang làm gì?”

“Tôi không muốn leo thang quá nhiều, nhưng từ vựng của chúng tôi có vấn đề gì vậy? NATO là một tổ chức hạt nhân. Chấm hết.”

Ông cho biết NATO đã hoàn toàn im lặng kể từ khi tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề nghị tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO do việc Nga triển khai hỏa tiễn hạt nhân tới Belarus.

Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe hạt nhân của NATO, cho phép các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân tham gia lập kế hoạch sử dụng chúng bởi NATO. Số vũ khí này được một số quốc gia sở hữu nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Andrzejczak cũng đặt câu hỏi liệu NATO có quyết định phải làm gì đối với một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO do nhóm Wagner tiến hành hay không, bao gồm cả việc liệu họ có viện dẫn Điều 5 của mình bằng cách quy cuộc tấn công cho Nga hay không.

Ông hỏi: “Nhóm Wagner ngày nay là ai? Đây là hành động quốc gia của Nga hay như Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói, chỉ là một công ty quân sự tư nhân? Điều 5 đã đủ chưa?”

Ông cho biết vấn đề này rất nhạy cảm đối với Ba Lan vì “chúng tôi không có thời gian và không gian”.

“Chúng tôi đang đối mặt với đường biên giới trực tiếp với Kaliningrad và Belarus. Đây không còn là chiến tranh lạnh 2.0 nữa”, ông nói thêm.

9. Ukraine nhận định rằng tuyến phòng thủ thứ hai của Nga ở phía nam yếu hơn tuyến thứ nhất

Các quan chức Ukraine lạc quan một cách thận trọng rằng tuyến công sự phòng thủ tiếp theo của Nga ở mặt trận phía nam có thể dễ dàng xuyên thủng hơn tuyến đầu tiên, là tuyến được bao phủ bởi các bãi mìn dày đặc.

Video định vị địa lý trong những ngày gần đây cho thấy các đơn vị Ukraine đã đạt được tiến bộ ngoài thị trấn Robotyne, khi họ tìm cách mở rộng một vùng lãnh thổ đã được giành lại trong vài tuần qua.

Đại Tá Georgi Gleba nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Hai rằng khi chọc thủng tuyến phòng thủ thứ hai của Nga, các đơn vị Ukraine “ sẽ được hưởng lợi từ thực tế là mạng lưới chiến hào, hầm đào và chồng lấn ở đó không mạnh bằng ở tuyến đầu tiên.”

Tuy nhiên, ông kêu gọi thận trọng, nhấn mạnh rằng tuyến phòng thủ thứ hai vẫn “khá mạnh”.

“Mật độ các bãi mìn ở đó thấp hơn nhưng số lượng cũng khá lớn. Điều duy nhất có thể có lợi cho chúng tôi là các chiến hào, hầm đào không mạnh bằng “.

Quân đội Ukraine hôm thứ Tư báo cáo rằng các đơn vị Nga đã cố gắng phản công gần làng Robotyne, nhưng đã bị đẩy lùi. Cuối ngày thứ Tư có quyết định của Nga di tản chiến thuật, có lẽ vì thương vong quá lớn.

Lực lượng Ukraine cho biết các đơn vị đã thành công trong việc củng cố vị trí, bắn pháo vào các mục tiêu của đối phương và tiến hành các hoạt động phản pháo.

Các nhà phân tích độc lập đánh giá rằng lực lượng Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ trong vùng lãnh thổ hình vuông ở phía nam và phía đông Robotyne, hướng tới thị trấn Tokmak. Nhưng cả hai bên đều báo cáo về hỏa lực pháo binh dữ dội và sự tàn phá trên diện rộng các khu định cư trong khu vực, khiến thị trấn Robotyne trở thành đống đổ nát.

10. Quan chức Liên Hiệp Âu Châu cho biết dự thảo tuyên bố G20 về Ukraine do Ấn Độ trình bày “chưa đi đủ xa”

Theo một quan chức Liên minh Âu Châu, dự thảo tuyên bố về Ukraine đang được Chủ tịch G20 Ấn Độ chuẩn bị phải đi xa hơn trước hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết, dự thảo “không đủ đối với G7, Liên minh Âu Châu và các thành viên của chúng tôi, bởi vì nó chưa đi đủ xa”.

Josep Borrell, trong khi thông báo với các nhà báo hôm thứ Tư, cho biết các cuộc thảo luận về cách diễn đạt trong dự thảo sắp được các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi ký duyệt đã “là một cuộc đàm phán rất khó khăn”.

Ông nói thêm: “Liệu chúng tôi có đưa ra tuyên bố hay không, chúng tôi không thể nói lúc này vì cuộc đàm phán đang diễn ra”.

Ông Borrell nói: “Khó khăn đối với chúng tôi là Nga và Trung Quốc đã từ chối lấy lại ngôn ngữ ‘sự xâm lược quy mô’ mà chúng tôi có ở Bali,là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận”

Từ quan điểm của Liên minh Âu Châu, trong trường hợp tất cả các quốc gia không đạt được thỏa thuận chung trong năm nay, “nếu chúng ta có thể đạt được tỷ lệ 19 đấu với một thì đó sẽ là một điều gì đó”.

Nếu không đạt được thỏa thuận về một tuyên bố thống nhất, Ông Borrell cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ chấp nhận báo cáo của chủ tịch, báo cáo này không yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải đồng ý - nhưng “ điều đó sẽ không tốt”.

Ông Borrell nói thêm rằng Liên Hiệp Âu Châu mong đợi “sự phản ánh quan điểm của chúng tôi” trong văn bản cuối cùng.

“Tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng tôi - và chúng tôi được hỗ trợ khá tốt trong việc này, là Trung Quốc và Nga phải bị cô lập hơn - đó là đường lối của chúng tôi dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà họ đã cam kết”

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã thu được những lợi ích rất lớn từ cuộc chiến ở Ukraine. New Delhi đã từ chối lên án vụ tấn công tàn bạo của Mạc Tư Khoa trong nhiều nghị quyết khác nhau của Liên Hiệp Quốc. Và Ấn Độ đã làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng cường mua dầu, than và phân bón của Nga. Mặt khác, Ấn Độ cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây - đặc biệt là Hoa Kỳ - trong nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến ở Ukraine.

11. Video cho thấy khoảnh khắc kinh hoàng khi hỏa tiễn Nga tấn công ngôi chợ ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Terrifying Moment Russian Missile Strike Hits Ukrainian Market”, nghĩa là “Video cho thấy khoảnh khắc kinh hoàng khi hỏa tiễn Nga tấn công ngôi chợ ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ít nhất 17 người thiệt mạng và 32 người bị thương sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga vào một khu chợ ngoài trời ở Ukraine hôm thứ Tư.

“Hành động khủng bố khủng khiếp” như Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal mô tả, xảy ra ở Kostiantynivka thuộc tỉnh Donetsk và đã được ghi lại trên video. Vụ tấn công xảy ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kyiv để công bố khoản tài trợ mới trị giá hơn 1 tỷ USD.

Một ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ví sự kéo dài của cuộc xung đột kéo dài 18 tháng này với sự tiêu hao sinh lực phải chịu đựng trong Thế chiến thứ hai, mà ở Nga gọi là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Putin cũng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng tình báo Mỹ do ông dự định gặp người đồng cấp Triều Tiên Kim Chính Ân để bàn về một thỏa thuận vũ khí tiềm năng có thể bao gồm vũ khí quân sự để đổi lấy năng lực hạt nhân.

Shmyhal viết trên X, trước đây là Twitter: “Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới các gia đình và những người thân thiết bị ảnh hưởng. “Tôi bày tỏ lòng biết ơn trước những nỗ lực dũng cảm của đội cấp cứu, nhân viên cảnh sát và nhân viên y tế làm việc tại hiện trường. Các lực lượng quân sự của Nga là những kẻ khủng bố, và họ sẽ không tìm được sự tha thứ hay yên bình. Sự trừng phạt cho hành động của họ sẽ được đáp ứng một cách công bằng.”

Hãng tin AP đưa tin lực lượng cứu hỏa tại hiện trường đã dập tắt đám cháy làm hư hại khoảng 30 gian hàng trong chợ và đang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân bên dưới đống đổ nát. Ít nhất 20 cửa hàng, đường dây điện, một tòa nhà hành chính và một tầng chung cư cũng bị hư hỏng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Blinken nói với Shmyhal rằng ông tiếp tục “cảm động trước sự kiên cường phi thường của người dân Ukraine, sức mạnh quân sự của các bạn và sự lãnh đạo rất mạnh mẽ mà Ukraine đã được hưởng lợi trong giai đoạn khó khăn nhất này”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết trên X rằng những người vô tội đã bị “những kẻ khủng bố Nga” tấn công dã man.

Zelenskiy viết: “Những người trên thế giới vẫn đang tiếp tục giao dịch với Nga là những người phớt lờ thực tế này. Tội ác ghê gớm. Sự độc ác trơ trẽn. Hết sức vô nhân đạo. Tôi xin chia buồn với tất cả những người đã mất đi người thân. Cái ác của Nga phải bị đánh bại càng sớm càng tốt.”

Cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak đăng trên X rằng cuộc tấn công là một thông điệp mới rằng đàm phán với Nga sẽ không ngăn cản được hành vi gây hấn quân sự của nước này.

Podolyak viết: “Tôi vẫn không hiểu hai điều. Điều thứ nhất: nếu những kẻ giết người không bị trừng phạt vì Kostiantynivka, họ chắc chắn sẽ tuân thủ luật pháp sau khi đàm phán, phải không? Đó là sự thật phải không? Và điều thứ hai: tại sao chúng ta không thể tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Ukraine để ngừng thương tiếc những thường dân bị cố ý giết hại ở Ukraine?”
 
ĐTC nhận định về khả năng tông du Việt Nam: rất muốn đi. Chắc chắn một vị Giáo Hoàng sẽ viếng thăm
VietCatholic Media
17:15 07/09/2023


1. Trung Quốc nói có quan điểm tích cực trong việc cải thiện quan hệ với Vatican. Nhận định của Đức Thánh Cha về triển vọng thăm Việt Nam

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng Trung Quốc đã có thái độ tích cực trong việc cải thiện quan hệ với Vatican, để đáp lại những bình luận gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về đất nước này.

Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc với Vatican, phát ngôn nhân của Bộ, Mao Ninh, phát biểu trong một cuộc họp báo khi được hỏi về chuyến tông du gần đây đến thăm Mông Cổ của Đức Giáo Hoàng.

Quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng với việc thuyên chuyển Ông Thẩm Bân (Shen Bin, 沈斌) từ Giáo phận Hải Môn đến giáo phận Thượng Hải lân cận vào ngày 4 tháng 4 năm 2023. Nhiều người coi diễn biến này như sự thất bại của thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Vatican năm 2018. Các linh mục giáo phận ở Thượng Hải hầu hết miễn cưỡng chấp nhận Thẩm Bân làm giám mục của Thượng Hải, và có vẻ như ông ta gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc cai quản của mình, chẳng hạn như thuyên chuyển các linh mục giữa các giáo xứ.

Việc bổ nhiệm đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh bởi cơ quan gọi là ‘Hội đồng Giám mục Trung Quốc’, một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, trong đó Thẩm Bân là Chủ tịch. Đây là lần thứ hai trong năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm một giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Các tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là nhằm đáp lại những nhận xét được Đức Thánh Cha đưa ra trong cuộc họp báo kéo dài 40 phút trên chuyến bay từ Ulan Bator về Rôma.

Trong dịp này, Đức Thánh Cha cũng trả lời câu hỏi về khả năng chuyến tông du của Giáo hoàng đến Việt Nam, nói rằng ngài “rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam”, bất chấp những vấn đề trong quá khứ trong cuộc đối thoại “chậm” của Tòa Thánh với chính phủ xã hội chủ nghĩa của nước này, nói thêm rằng anh ta nghĩ rằng mọi vấn đề trong tương lai đều có thể khắc phục được.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng tương lai, Đức Gioan XXIV sẽ đi!”

Đức Giáo Hoàng 86 tuổi nói thêm: “Thành thật mà nói, việc đi lại đối với tôi không dễ dàng như lúc ban đầu”. Ngài nói thêm rằng ngài có một số hạn chế về thể chất khi đi bộ, điều này có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn, nhưng ngài đang xem xét khả năng đến thăm một quốc gia nhỏ ở Âu Châu.

Việt Nam là quê hương của khoảng 8 triệu người Công Giáo nhưng chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh hoặc chuyến viếng thăm của Giáo hoàng. Vatican đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức với Việt Nam từ năm 2009; và đầu năm nay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican, chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép có đại diện thường trực của Đức Giáo Hoàng tại Việt Nam.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tin rằng Việt Nam “xứng đáng” có chuyến viếng thăm của Giáo hoàng vào một ngày nào đó và đó là “một vùng đất xứng đáng được tiến lên”.


Source:Reuters

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sơ lược về thỏa thuận Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ sự tồn tại của một ủy ban chung Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục trong cuộc họp báo trên chuyến bay hôm thứ Hai – đưa ra lời giải thích rõ ràng nhất cho đến nay về những gì có thể có trong thỏa thuận bí mật giữa Vatican-Trung Quốc.

Phát biểu trong chuyến bay trở về kéo dài 10 giờ từ Mông Cổ vào ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha nói rằng có một ủy ban chung giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa thánh về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican chủ trì.

“Có một ủy ban làm việc để bổ nhiệm các giám mục – chính phủ Trung Quốc và Vatican – và đã có cuộc đối thoại được một thời gian,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma từ Mông Cổ.

Đức Thánh Cha mô tả mối quan hệ của Vatican với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “rất tôn trọng”.

“Tôi nghĩ chúng ta cần tiến xa hơn về khía cạnh tôn giáo để hiểu nhau hơn. Người Trung Quốc không được nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận nền văn hóa và các giá trị của họ và rằng Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực nước ngoài”.

Ngài nói, ủy ban “thân thiện” do Đức Hồng Y Parolin chủ trì đang hoạt động tốt.

“Họ đang làm rất tốt. Các mối quan hệ là như thế này: có thể nói là chúng đang diễn ra. Và tôi rất tôn trọng người dân Trung Quốc.”

Những bình luận của Đức Thánh Cha trên máy bay cho người ta thấy một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể có trong thỏa thuận tạm thời bí mật giữa Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, nội dung của thỏa thuận này đã không được công khai kể từ khi được ký lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2018.

Trước đó, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chỉ tiết lộ rằng thỏa thuận tạm thời liên quan đến “các quyết định đồng thuận” về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc và rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận khi đơn phương bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Thượng Hải và “giáo phận Giang Tây” một giáo phận lớn do nhà cầm quyền Trung Quốc thành lập nhưng không được Vatican công nhận.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói với các nhà báo rằng Vatican và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc trao đổi nước ngoài với các linh mục Công Giáo và trí thức đang giảng dạy tại một trường đại học ở Trung Quốc, mô tả đây là một ví dụ về “sự cởi mở” của người Trung Quốc.

Mối quan hệ ngoại giao của Vatican với Trung Quốc là chủ đề được chú trọng trong chuyến đi kéo dài 4 ngày của Giáo hoàng tới Mông Cổ, quốc gia có chung đường biên giới gần 3.000 dặm với Trung Quốc.

Người Công Giáo Trung Quốc, bao gồm cả những người tự nhận là “người Công Giáo hầm trú”, đã tham dự Thánh lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng ở Mông Cổ và các sự kiện khác, một số người chọn cách che giấu danh tính bằng cách sử dụng khẩu trang và kính râm tại lễ đón chính thức vì sợ có thể bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt. Những người khác nhiệt tình vẫy cờ Trung Quốc tại các sự kiện của Đức Giáo Hoàng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua.

Trong cuộc họp báo kéo dài 40 phút trên chuyến bay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về Thượng hội đồng sắp tới và thông tin cập nhật về thông điệp môi trường Laudato Si của ngài; và ngài làm rõ thêm những bình luận gần đây của mình về chủ nghĩa đế quốc Nga.

Đức Thánh Cha cũng trả lời câu hỏi về khả năng chuyến tông du của Giáo hoàng đến Việt Nam, nói rằng ngài “rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam”, bất chấp những vấn đề trong quá khứ trong cuộc đối thoại “chậm” của Tòa Thánh với chính phủ xã hội chủ nghĩa của nước này, nói thêm rằng anh ta nghĩ rằng mọi vấn đề trong tương lai đều có thể khắc phục được.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng tương lai, Đức Gioan XXIV sẽ đi!”

Đức Giáo Hoàng 86 tuổi nói thêm: “Thành thật mà nói, việc đi lại đối với tôi không dễ dàng như lúc ban đầu”. Ngài nói thêm rằng ngài có một số hạn chế về thể chất khi đi bộ, điều này có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn, nhưng ngài đang xem xét khả năng đến thăm một quốc gia nhỏ ở Âu Châu.

Việt Nam là quê hương của khoảng 8 triệu người Công Giáo nhưng chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh hoặc chuyến viếng thăm của Giáo hoàng. Vatican đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức với Việt Nam từ năm 2009; và đầu năm nay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican, chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép có đại diện thường trực của Đức Giáo Hoàng tại Việt Nam.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tin rằng Việt Nam “xứng đáng” có chuyến viếng thăm của Giáo hoàng vào một ngày nào đó và đó là “một vùng đất xứng đáng được tiến lên”.

Chuyến đi của Giáo hoàng đến Mông Cổ là chuyến đi lịch sử đầu tiên đối với Giáo Hội Công Giáo, vì chưa có vị giáo hoàng nào từng đến quốc gia Á Châu rộng lớn không giáp biển này nằm giữa Nga và Trung Quốc.

Trong bốn ngày ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn với các Phật tử và các tôn giáo phương Đông khác, và chủ tế Thánh lễ đầu tiên của giáo hoàng cho dân số Công Giáo nhỏ bé của đất nước chỉ có 1.450 người Công Giáo.

Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Mông Cổ là vùng đất “sống giữa hai cường quốc là Nga và Trung Quốc”, đồng thời ca ngợi việc nước này theo đuổi cuộc đối thoại đang diễn ra, bao gồm cả với “các nước láng giềng thứ ba”.

Đức Thánh Cha có một lịch trình bận rộn trong tháng tới, chuẩn bị cho Thượng hội đồng toàn cầu đầu tiên về hội nghị Thượng hội đồng vào tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thực hiện một chuyến đi quốc tế khác đến Marseilles, Pháp, để tham gia cuộc họp của các giám mục Công Giáo đến từ khu vực Địa Trung Hải, công bố bản cập nhật cho thông điệp môi trường Laudato Si của ngài, chủ trì một buổi cầu nguyện đại kết và tấn phong 21 tân Hồng Y trong một công nghị tấn phong vào cuối tháng Chín.


Source:Catholic News Agency

3. Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia tại Diễn đàn của Liên Hiệp Quốc về văn hóa hòa bình với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số”

New York, ngày 31 tháng 8 năm 2023

Thưa ngài chủ tịch,

Phái đoàn của tôi hoan nghênh việc triệu tập Diễn đàn cao cấp năm nay với chủ đề “Thúc đẩy nền văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Trong những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật số đã mang lại những cơ hội và thách thức đáng kể cho nỗ lực cơ bản nhằm thúc đẩy nền văn hóa hòa bình. Trước vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình cho thông điệp của mình nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, mời gọi mọi người khám phá cách công nghệ có thể thúc đẩy hòa bình và cách ngăn chặn việc lạm dụng nó, là điều gây ra bất công, xung đột và đối kháng.

Phát biểu tại Diễn đàn cao cấp này, Phái đoàn của tôi muốn tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể.

Đầu tiên, công nghệ kỹ thuật số có tác động to lớn đến giáo dục. Chúng có thể là công cụ thúc đẩy các giá trị và mục tiêu của một nền văn hóa hòa bình, nhưng việc quá phụ thuộc vào chúng có nguy cơ biến giáo dục thành hàng hóa, hạ cấp nó thành một công cụ để truyền tải kiến thức kỹ thuật và tước đi một yếu tố thiết yếu của con người. Tuyên bố về Văn hóa Hòa bình khẳng định rằng “vai trò then chốt trong việc thúc đẩy văn hóa hòa bình thuộc về cha mẹ, giáo viên, chính trị gia, nhà báo, tổ chức tôn giáo và các nhóm […]”. Quả thực, chính trong những cộng đồng này mà trí tuệ và tinh thần, đặc biệt là của giới trẻ, được hình thành. Ở đó, con người nhận được sự đào tạo toàn diện “trong đối thoại, gặp gỡ, xã hội, hợp pháp, liên đới và hòa bình, thông qua việc vun trồng các nhân đức cơ bản về công lý và bác ái”.

Thứ hai, các công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá “nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa đối thoại, nền văn hóa lắng nghe người khác và lý do của họ”. Những cải tiến mới này cho phép các cá nhân thực hiện quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Tuy nhiên, chúng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm, vì nhân quyền cũng bao hàm những nghĩa vụ tương ứng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định gần đây “hy vọng là thế này: rằng ngày nay, trong thời đại mà mọi người dường như bình luận về mọi thứ, thậm chí bất chấp sự thật và thường ngay cả trước khi được thông báo, chúng ta tái khám phá và quay trở lại vun trồng nhiều hơn nguyên tắc thực tế [ …]: đó là tính hiện thực của sự kiện, tính năng động của sự thật; vốn không bao giờ tĩnh tại và luôn phát triển, theo hướng thiện hay ác, để không có nguy cơ xã hội thông tin biến thành xã hội thông tin sai lệch.”

Tóm lại, việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và một “thế giới tốt đẹp hơn có thể thực hiện được nhờ vào tiến bộ công nghệ, nếu điều này đi kèm với một nền đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn về công ích, một nền đạo đức về tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ, có khả năng nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của con người trong mối quan hệ với người khác và với toàn thể tạo vật”.

Cảm ơn.


Source:holyseemission.org