Ngày 07-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 23 Quanh Năm 6/9/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 07/09/2020


Bài Ðọc I: Ed 33, 7-9

"Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: "Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: "Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết"; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng" (x. c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

Xướng: Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

Bài Ðọc II: Rm 13, 8-10

"Yêu thương là chu toàn cả lề luật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa.
 
Văn hóa sự chết, văn hóa sự sống
Lm Minh Anh
17:23 07/09/2020

VĂN HOÁ SỰ CHẾT, VĂN HOÁ SỰ SỐNG
“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết? ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là thú vị khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về một nền văn hoá sự chết và một nền văn hoá sự sống. Bài đọc thứ nhất nói đến việc để tang người chết, nói đến Chiên Vượt Qua; Chúa Giêsu trong Tin Mừng cũng nói đến việc giết chết hay là cứu sống.

Qua thư Côrintô, Thánh Phaolô nói đến nền văn hoá sự chết khi ngài lên án kẻ sống vô luân, lấy vợ cha mình; vậy mà giáo hữu của ngài vẫn không xấu hổ. Ngài nói, “Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người đã làm chuyện đó”; ngài gọi cách sống của họ là những gì thuộc men cũ, men gian tà độc ác; và với thẩm quyền, ngài trao người đó cho Satan. Phaolô còn nói đến một nền văn hoá sự sống khi nói đến bột mới làm nên bánh không men; nói đến sự cứu thoát, “Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men, tinh tuyền và chân chính”. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu nguyện của những ai đi theo nền văn hoá sự sống, họ khẩn xin Thiên Chúa dẫn đi trong công chính, “Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh”. Thánh Vịnh 5 cũng đưa ra một loạt các hình ảnh đối xứng giữa ácvà thiện, chết và sống; kẻ độc dữ, người tìm Chúa; đứa bất nhân, kẻ yêu mến danh Người.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, trình thuật kể chuyện những người biệt phái và luật sĩ rình xem Chúa Giêsu có chữa lành người có cánh tay khô bại trong ngày Sabbat không; qua đó, sự đối lập của hai nền văn hoá này thật rõ rệt. Những người biệt phái, đại diện cho nền văn hoá sự chết đã tức giận vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat; đang khi Chúa Giêsu, đại diện cho nền văn hoá sự sống coi việc chữa lành cũng là “thánh” như việc giữ ngày Sabbat, Ngài không đợi người có cánh tay khô bại mở miệng cầu xin, nhưng gọi anh ra đứng giữa và chữa anh lành. Ngài nói, “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết? ”. Với Chúa Giêsu, một khi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa cần được thể hiện thì thời gian và không gian không bao giờ là vấn đề của Ngài. Ngài cứu chữa người đau ốm, bệnh hoạn tật nguyền, nghĩa là cứu sống tất cả những ai cần đến Ngài bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Ngài chữa lành họ ngày Sabbat, ngày lễ, ngày thường; Ngài chữa trong đền thờ, giữa hội đường hoặc giữa ngã ba đường.Với Ngài, yêu thương đi trước lề luật; yêu thương luôn luôn là ưu tiên và đó là nền văn hoá sự sống.

Tuần đầu tiên làm nhiệm vụ, viên cảnh sát trẻ Milton nhận một cuộc gọi cho biết có một vụ ăn cắp giày. Đến nơi, Milton giữ một cô bé 12 tuổi và đôi giày giá 2 dollars. Trong dòng nước mắt, cô bé cho biết cô bé lấy cắp cho đứa em năm tuổi nhân ngày sinh nhật. Thương cảm, Milton cùng cô bé về thăm gia đình em. Đó là một căn nhà nhỏ trống trơn của một đôi vợ chồng nghèo với năm đứa nhỏ, “Chẳng có đồ ăn, thức uống gì trong nhà”. Sau đó, anh vội đi mua bốn chiếc bánh pizza lớn đem về cho lũ trẻ. Đó là những ngày tháng 2/2017; anh còn quay lại thăm gia đình cô bé nhiều lần, khi thì đưa đồ ăn, khi thì trao áo xống. Anh muốn giúp đỡ, hướng cho cô bé đi đúng đường. Không lâu, chỉ huy của Milton gặp anh. Khác với những gì anh suy nghĩ, phòng cảnh sát Atlanta cho biết đã điều tra và quyết định sẽ cùng anh giúp đỡ gia đình ấy. Với sự trợ giúp của phòng cảnh sát, gia đình cô bé đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khắp nước Mỹ. Cách thức viên cảnh sát trẻ giải quyết vụ việc cho thấy, anh có mặt ở đây không chỉ để thực thi luật, nhưng còn đi xa hơn, làm cho tươi mới và cứu sống nhân cách của những con người. Milton đã sống một nền văn hoá sự sống.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ, tôi đang theo nền văn hoá nào. Ghen tương, đố kỵ, nghi ngờ, rình rập, sống trong bóng tối, mê đắm trong tội lỗi; hay tôi đang yêu mến, quảng đại, cứu sống, sống trong ánh sáng, thanh trong và hồn nhiên.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Thầy Dạy Khát Khao, xin dạy con biết khát khao những gì Chúa khát khao; điều Chúa khát khao luôn luôn là sự sống cho con và con ra đi, làm cho người khác sống”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sẵn sàng tha thứ để được tha thứ
Lm Đan Vinh
20:47 07/09/2020

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A
Hc 27, 33-28,9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35

SẴN SÀNG THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 18, 21-35

(21) Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? (22) Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
(23) Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. (24) Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. (27) Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”. (29) Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. (30) Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. (31)Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. (32) Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến vào bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, (33) thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? ” (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.
(35) Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

2. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su không chấp nhận giới hạn tha thứ bẩy lần do Phê-rô đề nghị, nhưng Người đòi môn đệ phải tha bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha luôn luôn cho anh em mình. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn lòng tha thứ những tội nợ của anh em mình vì ba lý do như sau: Một là vì ta đã được Thiên Chúa tha thứ vô điều kiện. Hai là vì số nợ của anh em đối với ta chẳng là gì so với số nợ ta mắc đối với Thiên Chúa. Ba là nếu ta đòi anh em tính sổ sòng phẳng thế nào, thì ta cũng sẽ bị Thiên Chúa tính sổ nợ sòng phẳng như vậy.

3. CHÚ THÍCH:

- C 21-22: + Ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi…: Phê-rô muốn biết phải xử trí thế nào đối với những kẻ đã xúc phạm đến mình? + Con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? : Các Ráp-bi Do thái xưa dạy "quá tam ba bận" nghĩa là tha tối đa 3 lần. Tông đồ Phê-rô thì đưa ra số 7 lần là một con số hoàn hảo. Nhưng Đức Giê-su còn đòi các môn đệ phải đi xa hơn nhiều. + Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy: Có chỗ ghi là bảy mươi bảy lần bảy. Ông La-méc xưa đã đòi vợ con phải trả thù cho ông: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, còn La-méc thì gấp bảy mươi bảy” (x. St 4, 24). Ở đây, thay vì đòi báo thù, Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải tha thứ bảy mươi lần bảy, nghĩa là: Phải tha luôn luôn, không giới hạn số lần và phải tha vô điều kiện. Lý do để tha không phải do kẻ có lỗi đã biết ăn năn sám hối, cũng chẳng phải vì kẻ bị xúc phạm muốn tỏ ra sự quảng đại của mình, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã đối xử cách quảng đại và bao dung đối với mọi con nợ của mình.
- C 23-25: + Ông vua kia: Trong Kinh Thánh, vua thường ám chỉ Thiên Chúa, Đấng có quyền tối thượng trên mọi phàm nhân, là vị thẩm phán tối cao và có quyền ra án lệnh cuối cùng. + Đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách: Ở đây là tính sổ theo phép công bình. + Các đầy tớ: Trong Thánh Kinh, đầy tớ vừa ám chỉ thuộc hạ hay nô lệ mà cũng ám chỉ bề tôi hay cận thần của nhà vua, là những người có đầy thế lực (x. 1 Sm 8, 14; 2 V 5, 6). + Một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng: Mỗi nén vàng thời đó giá sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công. Mười ngàn nén vàng tương đương với 60.000.000 (sáu mươi triệu) quan tiền + Y không có gì để trả: Không trả được vì món nợ quá lớn. Cũng vậy, tội lỗi của con người phạm đến Thiên Chúa nặng nề vô cùng, không bao giờ người ta có thể trả hết được. + Chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ: Trong Kinh Thánh có những trường hợp người mắc nợ không trả được món nợ, nên đã bị chủ bắt con cái người ấy phải làm nô lệ để trừ nợ (x. 2 V 4, 1). Ở đây cho thấy cả vợ con cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc trả nợ. Như vậy tội lỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng không những đối với người phạm tội, mà còn đối với cả những người thân trong gia đình nữa.
- C 26-27: + Sấp mình xuống bái lạy: Người đầy tớ biểu lộ thái độ khiêm nhường luỵ phục bằng việc sấp mình xuống trước tôn chủ mà bái lạy. + Xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết: Anh ta không dám xin tôn chủ tha nợ, vì anh biết số nợ kia quá lớn, và anh không đáng được tha món nợ ấy. Anh chỉ dám xin thêm thời gian để lo thu xếp trả nợ. Cũng giống như đứa con hoang đàng thấy mình không còn đáng được Cha tiếp nhận làm con giống như trước đó, mà chỉ dám xin cha cho anh được làm công cho cha để đền tội mà thôi (x. Lc 15, 19). + Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ: Cho dù món nợ quá lớn, nhưng thấy người đầy tớ có thái độ khiêm nhường xin được khất nợ, thì tôn chủ đã động lòng thương. Ông không những cho khất mà còn sẵn sàng tha hết số nợ lớn lao cho anh ta. Cũng vậy, dù tội chúng ta phạm đến Chúa nặng đến đâu đi nữa, nhưng nếu ta ăn năn và quyết tâm chừa cải, thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho ta tất cả, và còn ban thêm nhiều ơn hơn cả những điều ta dám cầu xin Người.
- C 28-30: + một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền: Người bạn này chỉ mắc nợ y một trăm quan tiền, tương đương với một trăm ngày công lao động. Ở đây so sánh hai món nợ chênh lệch nhau quá nhiều nhằm diễn tả tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa thật quá nặng nề, nếu so với tội anh em phạm đến ta. Vì Thiên Chúa thánh thiện và uy quyền vô cùng, nên tội ta dù nhỏ bé, cũng trở nên nặng hơn nhiều lần. Giống như khi ta dùng một lời nào đó để chửi bạn bè nặng một, nhưng nếu ta cũng dùng lời đó để chửi cha mẹ hay người bề trên thì sẽ thành nặng hơn gấp bội. + Y túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”: Câu chuyện này diễn tả thái độ khắc nghiệt của tên đầy tớ đối với một người bạn là con nợ của hắn ta. Thái độ này tương phản với thái độ bao dung độ lượng của tôn chủ đối với anh ta. + Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh: Thái độ và lời năn nỉ của người đồng bạn cũng giống như thái độ và lời cầu xin của tên đầy tớ đối với tôn chủ trước đó. Cả hai con nợ đều không dám xin tha nợ, mà chỉ xin khất một kỳ hạn. Đức Giê-su cố ý trình bày sự tương đồng giữa thái độ của hai con nợ, để làm nổi bật sự tương phản, một bên là lòng quảng đại bao dung của Thiên Chúa tha nợ vô điều kiện, và bên kia là sự hà khắc độc ác của phàm nhân chúng ta đòi xử lý tới cùng. + Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ: Khi bắt con nợ vào ngục, chủ nợ cưỡng bức lao động để trừ dần số nợ, hoặc để người này phải nhờ thân nhân bán đồ đạc nhà cửa, hay đi vay mượn để lấy tiền trả nợ. Ở đây cho thấy lòng dạ tên đầy tớ này thật hẹp hòi và thiếu lòng khoan dung độ lượng.
- C 31-33: + Các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ: Họ bất mãn trước cách cư xử vô nhân đạo và độc ác của tên đầy tớ với bạn hắn ta. Thái độ ấy trái với lòng quảng đại bao dung mà hắn đã nhận được từ nơi tôn chủ. Vì thế những người này đã đi tố cáo hành động bất nhân của hắn để yêu cầu tôn chủ xử lý hắn. + Tên đầy tớ độc ác kia: Tôn chủ la rầy sự độc ác mà hắn đã xử với con nợ của hắn, trái với lòng khoan dung của ông đối với hắn. + Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? : Tôn chủ đã hạch tên đầy tớ về thái độ thất nhân ác đức đối với đồng bạn của hắn. Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy các môn đệ phải tha thứ tội nợ cho anh em để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội nợ cho mình.
- C 34-35: + Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ: Việc tên đầy tớ không chịu tha thứ cho đồng bạn khiến hắn đã bị tôn chủ nổi giận. Ông đã xử lý với hắn theo phép công bình là giam hắn vào ngục tối cho đến khi trả hết số nợ, đúng như hắn đã xử lý với người bạn là con nợ của hắn trước đó. + Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế: Lời kết luận nhằm áp dụng cụ thể bài học: Nếu các môn đệ muốn được Thiên Chúa đối xử khoan dung tha thứ tội lỗi cho mình, thì cũng phải sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm cho anh em.

4. CÂU HỎI:

1) Phân biệt về số lần đòi báo thù của ông La-merk thời các Tổ phụ, lời dạy về số lần tha thứ của các rab-bi Do thái, lời đề nghị về số lần tha thứ cho anh em của Tông đồ Phê-rô và lới dạy về số lần phải tha thứ của Chúa Giê-su khác nhau thế nào?
2) Trong dụ ngôn về hai con nợ, kẻ mắc nợ mười ngàn nén vàng đã cư xử thế nào đối với con nợ chỉ mắc nợ anh ta một trăm quan tiền?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NGƯỜI HÀNH KHẤT CÓ LÒNG KHOAN DUNG THA THỨ :
Văn hào Nga LÊ-ÔNG TÔN-TOI (Léon Tolstoi) có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một lão hành khất kia đứng trước cửa nhà của một người phú hộ để xin bố thí. Nhưng thay vì bố thí cho kẻ nghèo, người phú hộ kia lại nhặt một hòn đá ném vào lão ăn mày để xua đuổi đi. Bị hòn đá ném trúng vào mặt, máu chảy đầm đìa, lão hành khất tức giận lắm, nhưng không làm gì được. Sau khi băng tạm vết thương, lão ta đã nhặt lấy cục đá ném mình cho vào bị, rồi tự nhủ: “Ta sẽ mang theo hòn đá này cho đến ngày mi bị sa cơ thất thế. Bấy giờ ta sẽ dùng chính nó để ném trả vào mặt mi”. Nhiều năm sau, lời chúc dữ của lão hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận công quỹ, nên người phú hộ đã bị bắt và còn bị tịch biên toàn bộ tài sản. Trong lúc lính đến vây bắt ông ta, thì lão hành khất kia cũng có mặt ở đó. Lòng căm hận ngày xưa giờ đây lại có dịp bùng phát trở lại. Lão ta cứ bám theo đám người áp tải kia, tay nắm chắc hòn đá năm xưa để chờ cơ hội ném tên phú hộ rửa hận. Nhưng đến khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy hốc hác của người này, thì một sự thương cảm lại nổi lên trong lòng lão. Lão tự nhủ: “Bây giờ thì tên phú hộ này cũng chỉ là một kẻ khố rách áo ôm còn khổ hơn ta. Hắn vừa mất hết tài sản, lại còn bị cùm trong ngục tối không biết đến khi nào. Như vậy là ông Trời đã trả báo điều dữ xưa hắn đã làm cho ta rồi. Vậy ta cần chi phải báo oán nữa? ”. Nghĩ thế rồi, lão hành khất buông tay ra cho hòn đá rơi xuống đất và bỏ đi nơi khác.

2) XÂY DỰNG MỘT TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG :
Trong cuốn tiểu thuyết “MẶT TRẬN PHÍA TÂY VẪN YÊN TĨNH” (All quite on the Western), tác giả đã thuật lại câu chuyện cảm động về hai người lính Đức và Pháp như sau:
“Lúc đó cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt giữa quân đội hai nước Đức và Pháp. Một chú lính Đức còn trẻ đang nằm sát dưới một cái hố để tránh đạn pháo. Bỗng nhiên chú ta thấy một người lính Pháp cũng nhảy vào trong hố để tránh đạn đang nổ ầm ầm chung quanh. Trước khi người lính Pháp nhận ra kẻ thù, thì chú lính Đức kia đã đâm anh ta một nhát trúng bụng, khiến anh ta ngã ra bất tỉnh. Bấy giờ chú lính Đức kia chăm chú vào cặp mắt thất thần của kẻ thù. Chú ta thấy người này do máu ra nhiều nên đang há miệng thở hắt ra rất gấp. Môi anh ta bị khô như sắp nứt nẻ. Chú lính Đức liền động lòng trắc ẩn, chú ta lấy ra bình nước đang đeo bên mình cho kẻ thù sắp chết kia uống. Sau khi uống xong mấy ngụm nước thì người lính Pháp tắt thở. Cái chết của anh ta khiến chú lính Đức đột nhiên cảm thấy hối hận vì đã giết chết anh ta. Đây là lần đầu tiên chú nhúng tay vào máu. Chú ta tò mò muốn biết tên của kẻ kia. Khi lần túi quần người chết, chú ta lôi ra một chiếc ví da, trong đó có gắn hình người phụ nữ khá đẹp đang bế một bé gái khoảng ba bốn tuổi, mà chú ta đoán là vợ con của người lính Pháp này. Chú ta chợt nhận ra anh ta không phải là kẻ thù của chú, nhưng là một người chồng và một người cha, là một người cũng biết yêu và muốn được yêu, giống như chú vậy. Chú liền lấy ra một quyển sổ tay để ghi địa chỉ của người chết, và giữ lại tấm hình kia, mà chú định viết thư cho vợ con anh ta để bày tỏ lòng hối tiếc, đồng thời xin lỗi vợ con của người bị chú giết chết”.
Chính nhờ biết thay đổi cách nhìn, mà chú lính Đức đã nhận ra người lính Pháp không phải là kẻ thù, nhưng là một người anh em giống như chú, một người chồng và người cha đang mong sớm chấm dứt chiến tranh để được trở về sống hạnh phúc bên vợ con.

3) SẴN SÀNG THA CHO KẺ THÙ GHÉT GIẾT HẠI MÌNH :
Cha KÍT-XI-ĂNG XÉC-GHÊ (Christian de Chergé) và 6 tu sĩ đã được bề trên phái đi truyền giáo tại một nước Hồi giáo xa xôi. Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở đây đã làm đủ cách để hạ uy tín và trục xuất các ngài. Nhưng các tu sĩ không nao núng và vẫn kiên trì với ơn gọi thừa sai. Cuối cùng các người lãnh đạo quyết định giết các ngài. Khi được mật báo mình sắp bị giết, cha Xéc-ghê đã viết một bức thư để sẵn trong túi áo. Ngài viết để gửi cho những kẻ thù ghét đang kéo đến giết hại mình. Nội dung bức thư có đoạn viết như sau: “Và cả bạn nữa, một người bạn giây phút cuối cùng cuộc đời tôi. Bạn đã không hiểu biết việc bạn đang làm. Tôi cầu xin Chúa cho hai chúng ta đều là những kẻ trộm lành. Chúng ta hy vọng sẽ được gặp nhau trên quê trời. Nơi đó chúng ta sẽ được ở với Thiên Chúa là Cha chúng ta”. Lời lẽ trong bức thư không chút hờn oán.
Cha Xéc-ghê đã coi kẻ sắp giết mình như là một người bạn, một người trộm lành giống như cha, và cha mong ước sau này sẽ gặp được anh ta ở trên trời. Thật là một sự tha thứ phi thường giống như Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó cũng phải là thái độ và là nội dung lời cầu của mỗi tín hữu chúng ta.

4) ĐỂ DỄ THA THỨ CẦN KHIÊM TỐN NHẬN MÌNH CŨNG BẤT TOÀN :
Một hôm gà con cứ theo bám riết lấy gà mẹ. Nó vừa khóc vừa kể cho mẹ nghe về nỗi uất ức ma nó đang phải chịu. Nó nói: “Mẹ ơi, tụi thỏ dám nhạo con rằng tai con chỉ bằng một góc tai của chúng”. Gà mẹ trả lời: “Con đừng để tâm đến những lời bọn thỏ nói làm chi, và hãy tha thứ cho chúng, con nhé!”. Gà con chưa chịu thua tiếp tục tố cáo: “Nhưng bọn cò lại bảo con rằng: con chỉ cao bằng một phần năm cẳng chân của chúng!” Gà mẹ lại an ủi con: “Con ơi! Đừng chấp với chúng làm chi!” Nghe mẹ nói thế, gà con uất ức khóc to lên và nói: “Mẹ! Lúc nào mẹ cũng nói là phải tha cho chúng, đừng thèm chấp với chúng. Còn con thì cứ phải chịu đựng bị bọn chúng cười nhạo chế diễu hoài! Tại sao vậy hả mẹ? ” Bấy giờ gà mẹ mới ôn tồn nói với gà con: “Tại vì bọn chúng nói đúng mà con!”. Gà con hỏi tiếp: “Sao lại đúng hả mẹ? ”. Gà mẹ trả lời: “Tại vì con thật ra cũng chỉ là một con gà mà thôi!”.
Giống như chú gà con kia, chúng ta thường cảm thấy bị xúc phạm và khó lòng tha thứ cho những kẻ dám cười nhạo khinh thường chúng ta, chỉ vì chúng ta không dám chấp nhận sự thật yếu đuối hèn kém của mình. Lòng khiêm tốn là điều kiện giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận bỏ qua những lời nói hành nói xấu hay lời chế nhạo của kẻ khác đối với chúng ta.

5) MAU QUÊN CÁC XÚC PHẠM VÀ LUÔN GHI NHỚ CÔNG ƠN CỦA THA NHÂN :
Sự tha thứ và biết ơn luôn là những cách giúp chúng ta yêu quý cuộc sống, tránh được sự muộn phiền và lòng tràn ngập yêu thương. Nhưng để làm được điều ấy thật không dễ. Bài học về tha thứ và biết ơn từ câu chuyện của cát và đá sau đây sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui tâm hồn.
Có hai người bạn thân cùng nhau đi trên sa mạc hoang vắng. Trong suốt cuộc hành trình, họ đã tranh cãi với nhau nhiều lần, đến một lúc, có một người trong phút nóng giận đã tát vào mặt anh bạn của mình. Khi đó, người bị tát dù cảm thấy rất buồn, nhưng anh ta chỉ lẳng lặng dùng ngón tay viết lên bãi cát bên cạnh : “Anh bạn đồng hành với tôi hôm nay đã đánh tôi”. Sau đó hai người tiếp tục đi.
Khi hai người đến một ốc đảo và quyết định nghỉ chân tại đây. Chẳng may, người bị đánh khi nãy bước vào chỗ đầm lầy bị lún, mà càng cố thoát ra thì lại càng bị lún sâu hơn. Rất may sau đó anh đã được người bạn kia cứu thoát khỏi chỗ lầy.
Sau khi đã bình tĩnh lại, anh đã dùng con dao đeo bên mình khắc lên phiến đá gần đó như sau: “Cám ơn anh bạn thân, vì đã cứu sống tôi khỏi vũng lầy”.
Anh bạn đã đánh và sau đó đã giúp đỡ ngạc nhiên hỏi : “Tại sao khi tôi đánh anh thì anh viết lên cát, còn bây giờ khi tôi cứu anh thì anh lại khắc lên đá? ”.
Người kia cười và trả lời như sau: “Mỗi khi chúng ta bị đối xử tệ bạc hoặc bị người khác làm tổn thương, chúng ta chỉ ghi sự tức giận lên cát, để với thời gian, gió cát sẽ xóa nhòa điều ấy. Còn khi chúng ta được giúp đỡ, chúng ta hãy trân trọng sự giúp đỡ đó và ghi khắc nó lên đá để sau này luôn nhớ đền đáp công ơn của họ. Chính điều này sẽ gia tăng nhân cách nơi chúng ta.

6) ĐỂ DỄ DÀNG THA THỨ TA CẦN ĐƯỢC ƠN CHÚA GIÚP:
Một hiệp sỹ dũng cảm tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng, ơng chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy giữa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một ngôi nhà nguyện còn đang mở cửa. Ông vào đó để chờ cho đến sáng. Trong khi chờ đợi ông tiêu khiển bằng cách ngắm nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.
Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi một hàng chữ bằng tiếng Latinh nội dung như sau: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục”.
Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi Ngài bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế Ngài không hề đe dọa”.
Và cuối cùng, bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập Giá, với hàng chữ “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà lại với nhau. (Góp nhặt).

3. SUY NIỆM:

1) TẠI SAO PHẢI THA THỨ? :
+ Phải tha thứ vì không ai vô tội : Trong cuộc sống không ai hoàn toàn thánh thiện đến nỗi không bao giờ xúc phạm đến tha nhân bằng lời nói việc làm.
+ Phải tha thứ để đáng được Chúa thứ tha: Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn lòng tha thứ các lỗi lầm của anh em, để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội nợ lớn lao cho mình: Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đòi ta phải sẵn lòng tha tội nợ cho anh em để đáng được Chúa thứ tha tội lỗi của mình :“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6, 14-15).
+ Đàng khác, tha thứ cũng là một cách hóa giải thù hận như Đức Phật đã dạy : “Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất. Lấy ơn báo oán, hóa giải oán thù”. Thánh Gandhi cũng nói: “Nếu ta chỉ áp dụng luật mắt đền mắt, răng đền răng thì thế giới sẽ chỉ còn lại toàn là người mù”.

2) PHẢI THA THỨ THẾ NÀO? :
+ Phải tha luôn luôn : Về số lần tha thứ thì các Ráp-bi Do thái đã dạy chỉ tha thứ tối đa 3 lần: “Quá tam ba bận”. Ông Phê-rô đề nghị với Thầy tha tới bảy lần và nghĩ rằng sẽ được Thầy khen ngợi. Nhưng ông thật bất ngờ khi Thầy đòi ông không những phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy. Nghĩa là phải tha luôn luôn, không có giới hạn và tha vô điều kiện (x. Mt 18, 22).
+ Phải tha vô điều kiện : Qua bài Tin Mừng: Đức Giê-su đòi các môn đệ phải sẵn sàng tha thứ, không phải vì kẻ có tội đã biết nhận lỗi, cũng chẳng phải để các ông có dịp lập thêm công đức, nhưng chỉ vì lòng xót thương. Chúa muốn các môn đệ hãy luôn tha thứ vì mình đã được Thiên Chúa tha cho món nợ khổng lồ là các tội phạm đến Chúa, nên cũng phải biết sẵn sàng tha lỗi nhỏ bé cho anh em mình.

3) ĐIỀU KIỆN ĐỂ DỄ DÀNG THA THỨ :
+ không tranh chấp báo oán : Luật “mắt đền mắt, răng thế răng” tuy có giúp chúng ta trả oán công minh, nhưng chính nó lại là nguyên nhân khiến thế giới này lâm vào tình trạng chiến tranh hận thù liên miên. Chỉ khi con người biết sẵn sàng tha thứ thì họ mới có thể sống chung hòa bình và hạnh phúc thực sự.
+ Tha thứ đồng nghĩa với sẵn sàng chịu thiệt thòi : Khi chấp nhận tha thứ là ta công nhận tình thương sẽ đánh tan băng giá. Tình thương sẽ làm cho trái tim chai đá của chúng ta biến đổi nên mềm mại để tiếp tục rung động và chạnh lòng xót thương những kẻ đau khổ tội lỗi noi gương Chúa Giê-su.

4) LÀM GÌ ĐỂ THỰC HÀNH ĐƯỢC SỰ THA THỨ?
Việc tha thứ cho kẻ thù không dễ dàng, đòi chúng ta phải quyết tâm áp dụng các phương thế giúp dễ tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình như sau:
+ Một là phải có lòng khiêm hạ: Nhiều khi chúng ta không thể mở miệng xin lỗi những người nhỏ hơn mình vì nghĩ rằng chỉ người nhỏ mới phải xin lỗi người lớn chứ không ngược lại. Nhiều khi chúng ta không thể mở miệng xin lỗi được vì ta còn nhiều tự ái, cho rằng xin lỗi như thế là tự nhận mình sai và như vậy là một điều nhục nhã.
Ta tưởng làm như thế là tự trọng. Nhưng thực ra đó chính là biểu hiện của thói xấu kiêu ngạo của ma quỷ. Sa-tan xưa đã chống lại Thiên Chúa. Nó biết nó sai, nhưng lại không hạ mình để xin lỗi Chúa. Giu-đa sau khi bán Thầy cũng biết tội mình quá nặng nhưng đã không xin lỗi Chúa mà chỉ biết ném tiền vào Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27, 3-5).
+ Hai là nhớ lại chúng ta đã được Chúa tha thứ bao tội lỗi, nên chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình, như ông chủ đã trách con nợ trong Tin Mừng: “Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? “ (Mt 18, 32-33).
+ Ba là coi kẻ có lỗi chỉ bị lầm lạc, như Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hạ mình : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
+ Bốn là phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su để được ơn nâng đỡ của Chúa, giống như cành nho phải tháp nhập vào thân cây nho để hút nhựa sống từ thân cây chuyển sang theo lời Chúa phán: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
+ Năm là hãy năng nhắc lại lời Chúa dạy: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37), “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12).

TÓM LAI : Mỗi người chúng ta phải luôn xác tín rằng :
. Người biết mở lời xin lỗi trước, mới là người dũng cảm nhất.
. Người sẵn sàng tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, mới là người mạnh mẽ nhất.
. Người biết quên quá khứ đau buồn do kẻ khác gây ra, sẽ là người hạnh phúc nhất.

4. THẢO LUẬN:

1) Mỗi người hãy tự xét mình: Bây giờ tôi đang có kẻ thù nào không? Tôi có làm gì sai lỗi đáng bị thù ghét không? Tôi cần làm gì để loại bỏ nguyên nhân ấy?
2) Theo lời Chúa dạy, tôi sẽ làm gì để quảng đại tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm đến mình, và sẽ làm gì cụ thể để biến thù thành bạn?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Xin cho chúng con học tập nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường, sự quảng đại tha thứ và lòng bao dung nhân hậu, để chúng con luôn biết quan tâm phục vụ mọi người, nhất là cầu nguyện cho những kẻ đang thù ghét bách hại chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha, Đấng giàu lòng từ bi thương xót, và nên anh chị em của mọi người để làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tha Tận Đáy Lòng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:06 07/09/2020
Chúa Nhật 24 Thường Niên A

Tha Tận Đáy Lòng

Phim “Cánh Đồng Bất Tận” kể về bi kịch của sự thù hận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đênh trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.

Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay, xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.

Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình nên luôn cau có và bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…

Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và họ đi đâu cũng gây thù chuốc oán ở chỗ đó, cho nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên đã phạm tội giết người. Vì sợ, cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ, rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn chúng từng thằng hãm hiếp đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn thế nữa.

Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu, không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.

Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công Giáo hay không, nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.(Lm. Mar-Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS).

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ.

Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? . Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật Dân Chúa đang tuân giữ "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24, 16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.

Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20, 9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.Tha thứ không giới hạn và tha thứ tận đáy lòng. Tha tận đáy lòng nghĩa là tha và quên hoàn toàn, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Chúa lấy mức chúng ta tha thứ cho nhau làm thước đo để tha thứ, chúng ta tha thế nào thì Cha trên trời cũng tha cho chúng ta như vậy. Trong “Bài giảng trên núi, ” Chúa Giêsu đã dạy, không những “chớ trả thù” mà phải “yêu kẻ thù” nữa, “như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Và Chúa kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 38-48). Tha thứ tận đáy lòng là một cách thức nên hoàn thiện như Cha trên trời: hoàn thiện về lòng yêu mến, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.

Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.

Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên nên cần có ơn Chúa, con người mới có thể nói lời tha thứ cho nhau. Tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Không thể có sự tha thứ nếu không cầu nguyện. Mỗi người luôn cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình thì sẽ dễ dàng thứ tha cho người khác.

Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.

Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.

Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.

Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.
 
Thiên Chúa rất Người, chẳng ai Người hơn Thiên Chúa
Lm Minh Anh
22:09 07/09/2020

Thiên Chúa rất 'Người', chẳng ai 'Người' hơn Thiên Chúa
“Chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, Hội Thánh cho con cái đọc lại gia phả của Chúa Giêsu, một gia phả vốn chỉ có trong Tin Mừng Matthêu mà mỗi năm được đọc không quá ba lần: hai lần áp lễ Giáng Sinh và lễ sinh nhật Đức Mẹ. Qua đó, Hội Thánh muốn nói, Thiên Chúa rất ‘người’, chẳng ai ‘người’ hơn Thiên Chúa, Đấng trung thành với các lời hứa mà Chúa Giêsu là điểm tới của lịch sử, là hiện thực của niềm hy vọng nơi các tổ phụ Cựu Ước. Thú vị thay, gia phả của Chúa Giêsu còn có cả những thiên tiểu thuyết không dành cho trẻ em dưới mười tám tuổi.

Chúng ta chú ý đến bốn phụ nữ trong gia phả này. Họ là ai? Họ là bà tổ Sara, vợ Abraham; Rebecca, vợ Isaac; Léa và Rakhel, hai cô vợ xinh của Giacob? Không phải thế! Matthêu không ghi danh “các mệnh phụ”, “các bà lớn” này, nhưng thánh sử kín đáo nói đến bốn bà khác dù người ta cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhớ đến họ; bởi lẽ, bốn bà này có thể làm hoen ố dòng tộc Dân Chúa với những vết nhơ lịch sử. Matthêu đã khéo bóng bẩy khi nhắc đến họ, và đây là khởi điểm quan trọng để dẫn vào Tin Mừng của ngài, Tin Mừng vốn dành cho người ngoại trở lại, “Những kẻ rốt hết sẽ nên trước hết”.

Với Thiên Chúa, thước đo của nhân loại phải đảo ngược, Người chọn những gì được coi là yếu hèn. Nhắc đến bốn phụ nữ bất xứng, gia phả củaTin Mừng Matthêu trở thành cây gia phả của hồng ân, gia phả của lòng thương xót. Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất ‘người’, chẳng ai ‘người’ hơn Thiên Chúa, Đấng đón nhận tội lỗi và dựng xây kế đồ của Người trên nền tảng của lòng nhân hậu và thứ tha, chứ không trên những con người vĩ đại với những thành quả hiển hách của họ.

Vậy bốn phụ nữ bất xứng đó có thực sự là những con người tội lỗi không? Đức Bênêđictô XVI giải thích, “Nếu nhìn gần và nhìn kỹ các nố, một điều sẽ được xác định: đó là tội của các ông, không phải tội của các bà. Điều đặc biệt của các phụ nữ này ở chỗ, họ không phải là người Do Thái. Và một khi các bà ngoại giáo này tham dự vào những biến cố quan trọng của lịch sử, thì họ có quyền được coi là những “bà tổ” của vương triều Israel”. Chính Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’, đã can thiệp nơi các bà.

Trước hết, Tama người Aramê, sách Sáng Thế chương 38. Sau khi hai người chồng qua đời, Tama goá bụa, không con; nhạc gia Giuđa hứa sẽ gả nàng cho Sêla, cậu thứ ba. Về sau, ông thất hứa, Tama về nhà mẹ. Biết bố chồng đến Timna, Tama ranh mãnh vờ làm một gái điếm; tranh tối tránh sáng, Giuđa nào biết đó là cô dâu trưởng của mình và sau khi đã trao những tặng vật nàng vòi vĩnh là chiếc ấn, sợi dây đeo ấn và cây gậy, ông ăn ở với nàng. Tin này tới tai Giuđa, “Tama, con dâu ông làm điếm; nó còn có thai!”; Giuđa nổi giận, “Lôi nó ra mà thiêu sống!”. Nhưng thật đáo để, Tama nhờ người báo cho ông nhạc rằng, cô có thai với ông, tang vật lão nhạc tặng còn đây. Tama thật thông minh; Giuđa nhận lỗi, “Nó công chính hơn tôi”. Như vậy, tội là tội của Giuđa, chứ không do Tama.

Rakháp, một gái điếm khác trong Giosuê chương 2, cô gái ăn sương người Canaan, đã giúp mở đường cho quân Israel tiến vào Giêricô; qua đó, cánh cửa Đất Hứa mở ra, Rakháp làm điều đó, vì tin vào Thiên Chúa của những con người lạ lẫm. Rút, trong sách Bà Rút, một phụ nữ ngoại giáo Moab kết bạn với Bôát, Do Thái; chồng qua đời, cô tự do và có thể về quê của mình, nhưng lúc Israel gặp nạn đói, mẹ chồng khốn quẫn, Rút không rời mẹ vì lời “xin vâng” của cô đối với chồng, với Thiên Chúa của chồng; Rút mót lúa ruộng ông Bôát và mót luôn trái tim ông, cô đã trở thành bà cố của Đavít, “bà tổ” của vương triều. Bà thứ tư, vợ của Uriah, rất quen với chúng ta; Bethseva, ngoại giáo người Khết; đọc chuyện của cô với Đavít trong 2 Samuel chương 11, rõ ràng, cô vô tội; tội ở chính Đavít, người không chịu ngủ trưa, vác xác đi ngơ ngơ trên sân thượng.

Bốn phụ nữ này đã gấp lại những trang sử rất quan trọng của các đấng nam nhi vĩ đại tuy có phần lem nhem, để rồi các bà thực sự trở thành người lèo lái dòng dõi. Nhờ vậy, cây gia phả với trái trăng của các bậc mày râu đã trở thành cây gia phả đong đưa trái hồng phúc, lủng lẳng quả niềm tin nhờ ơn mưa móc từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính trên niềm tin của các cô Tama, Rakháp, Rút và Bethseva, lời hứa của Thiên Chúa đã thành hiện thực. Cây gia phả của Chúa Giêsu đã trở thành cây gia phả của mọi dân tộc trên thế giới, một gia phả mà Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’ ươm trồng.

Anh Chị em,

Đức Maria xuất hiện, cao điểm của cây gia phả. Đức Mẹ, như một khởi đầu mới, một khởi đầu đích thực mà tất cả đều phải quay về đó. Sự khởi đầu này xảy ra qua niềm tin với lời “xin vâng” của Mẹ. Khởi đầu này đã hình thành trong cả khởi đầu của Israel vốn cũng đã xảy ra qua niềm tin của các bà mẹ, niềm tin của những phụ nữ lạ lẫm mà Thiên Chúa, Đấng rất ‘người’, đã cho phép họ cộng tác. Cho đến hôm nay, khởi đầu này luôn được thực hiện; nhờ đó, gia phả của Chúa Giêsu vẫn sẽ tiếp tục “dài thêm”, nghĩa là ai ai cũng có thể trở nên họ hàng với Đức Kitô, có thể nên một với Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con cùng Mẹ Maria “kéo dài” gia phả Chúa. Xin cho con biết phải kéo dài làm sao để khúc lịch sử con tham gia được sáng sủa hơn, chứ không vì con mà lem luốc”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bồ Đào Nha: Chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2023
Thanh Quảng sdb
06:28 07/09/2020
Bồ Đào Nha: Chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) 2023

Các Giám mục Bồ Đào Nha đã qui tụ cuộc họp đầu tiên, quy tụ một nhóm sinh hoạt "trực tuyến" để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2023.

(Tin Vatican)

Công tác chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon được triệu tập vào thứ Bảy (5/9/2020), đánh dấu một sự khởi đầu của năm mục vụ mới. Theo Đức Tổng Giám Mục Américo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá của Lisbon và là chủ tịch của “Ban Tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) ở Lisbon năm 2023”, cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô đã âm thầm theo dõi việc chuẩn bị Ngày Giới trẻ Thế giới này với một niềm “phấn khích”.

Thứ Tư tuần trước ngày 2 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Aguiar đã tham gia buổi Triều yết đầu tiên của Đức Thánh Cha có sự tham dự của khách hành hương, sau một thời gian dài bị gián đoạn vì đại dịch coronavirus. “Đức Thánh Cha rất vui mừng, nhưng ngài cũng bình thảm”, Đức Tổng Giám Mục Aguiar nhận xét “ĐTC nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD)”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “ĐTC cũng yêu cầu chúng ta đừng quên chiều kích hoạt động cùng nhau và liên đới với nhau.”

Tinh thần đoàn kết

Chủ tịch của Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) ở Lisbon năm 2023 giải thích rằng việc tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) 2023 nhấn mạnh ưu tiên đến tình đoàn kết...

Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2022 nhưng đã bị hoãn lại một năm do tình trạng khủng hoảng của cơn đại dịch Covid-19. Việc trao các biểu tượng của Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) gồm: Thánh giá và ảnh Đức Mẹ - cho giới trẻ Bồ Đào Nha cũng bị hoãn lại.

Bàn giao Thánh giá và biểu tượng Đức Mẹ

Việc bàn giao này thường được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá, Ngày Giới trẻ của Giáo phận, một phái đoàn gồm những người trẻ từ quốc gia đăng cai tổ chức ĐHGTTG lần cuối sẽ trao hai biểu tượng này cho các bạn trẻ của quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) lần chót được tổ chức ở Panama vào năm 2019, chính thức sẽ trao Thánh giá và ảnh Đức Mẹ cho các bạn trẻ Bồ Đào Nha vào lễ Lá năm nay, nhưng vì đại dịch nên đã hoãn lại việc bàn giao này.

Tinh thần của Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD)

Hiện tại, lễ bàn giao dự kiến sẽ được bàn giao vào ngày 22 tháng 11, Lễ Chúa Kitô Vua. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Aguiar nhấn mạnh rằng mọi sự được phụ thuộc vào tình hình bệnh dịch, vì “sức khỏe và tính mạng của những người tham gia Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) là ưu tiên.

Đức Tổng Giám Mục Aguiar bày tỏ hy vọng rằng sự kiện ở Lisbon thực sự "phù hợp với lối sống, cách cảm nhận và ngôn ngữ của giới trẻ", để họ có thể thực hiện được những vai trò chính yếu và đích thực của họ trong biến cố quan trọng này.
 
Đức Thánh Cha gây ngạc nhiên cho một linh mục cầm cờ Li Băng khi gọi ngài đến micrô
Đặng Tự Do
16:16 07/09/2020


“Chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người cai trị Li Băng, ” Cha Georges Breidi, một linh mục Công Giáo nghi lễ Maronite, nói với tờ I MEDIA hôm 2 tháng 9. Ngài là vị linh mục ôm một lá cờ Li Băng lớn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi đến bên cạnh ngài trong buổi tiếp kiến chung khi ngài tuyên bố rằng Thứ Sáu, ngày 4 tháng 9, sẽ là ngày thế giới cầu nguyện và ăn chay cho Li Băng.

Cha Breidi là thành viên của Giáo đoàn Truyền giáo của Công Giáo nghi lễ Maronite Li Băng. Cùng với khoảng 500 khách hành hương khác, ngài đã có thể tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên được tổ chức trước công chúng kể từ khi Ý bắt đầu tình trạng cô lập từ ngày 8 tháng Ba.

Cha Breidi là sinh viên đang du học ở Rome trong bốn năm; ngài không thể ngờ được cảnh tượng đó sẽ xảy ra. Biết rằng vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình quan tâm đặc biệt đến tình hình ở đất nước mình, ngài đã đến với cuộc triều yết này cùng với một lá cờ. “Tôi gần như chắc chắn rằng Đức Thánh Cha sẽ chúc phúc cho nó, ” Cha Breidi nói. Đức Thánh Cha thực sự đã hôn lá cờ khi ngài đến, nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã bất ngờ kêu vị linh mục trẻ đến bên cạnh, trong khi ngài đưa ra một lời thỉnh cầu dài liên quan đến Li Băng.

“Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi điều gì đó; nhưng thật sự chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người điều hành đất nước, những chính trị gia của chúng tôi, những người đã đưa đất nước ra đến nông nỗi này vì tham nhũng, ” Cha Breidi nói với tờ I MEDIA sau buổi tiếp kiến.

“Trong hơn 100 năm, Li Băng là quốc gia giàu có ở Trung Đông, là Thụy Sĩ của khu vực, nhưng ngày nay chúng tôi đang phải đối mặt với một thảm họa lớn. Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi trái tim của nhiều người để hòa bình lại đến với chúng tôi.”

Cha Breidi bày tỏ hy vọng về chuyến viếng thăm Li Băng sắp tới của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, vào ngày 4 tháng 9, trong Ngày Ăn chay và Cầu nguyện. Chuyến viếng thăm này cũng được Đức Thánh Cha công bố trong buổi tiếp kiến chung.

“Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thăm đất nước chúng tôi một ngày sau khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra. Thủ tướng Ý sẽ thăm Li Băng vào tuần tới. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y thay mặt cho Vatican có thể giúp tăng cường những hỗ trợ dành cho Li Băng.”

Trong lời cầu xin dành riêng cho Lebanon, trong khi một tay cầm lá cờ của linh mục Maronite, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước “cam kết chân thành và cởi mở với công việc tái thiết, gạt bỏ mọi lợi ích đảng phái và hướng tới lợi ích chung và tương lai của dân tộc.”

Sau những lời này, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện trong im lặng. Sau đó, ngài ra hiệu cho vị linh mục Li Băng nói vài lời.

Cha Breidi nói:

“Cảm ơn, Đức Thánh Cha. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn và sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi đang chờ các bạn chúc phúc cho vùng đất thân yêu của chúng tôi.”

Ngài giải thích cho cộng đoàn rằng khoảng 300, 000 Kitô hữu đã nộp đơn xin di cư vì cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà đất nước này đang trải qua. Khi dứt lời, ngài quay sang Đức Giáo Hoàng cám ơn, Đức Thánh Cha đã ôm ngài một lúc giữa tràng pháo tay của cộng đoàn trong Sân San Damaso.


Source:Aleteia

 
Các Giám Mục New York phản đối thống đốc Cuomo cắt giảm trợ cấp cho người nghèo
Đặng Tự Do
16:17 07/09/2020

Thống đốc Andrew Cuomo là người thường xuyên chỉ trích tổng thống Trump. Ông ta họp báo gần như hàng ngày, đôi khi ngày Chúa Nhật cũng mở các cuộc họp báo để chỉ trích Tổng thống Trump và bào chữa cho tình trạng đối phó thê thảm của tiểu bang đối với đại dịch coronavirus.

Nhóm người thứ hai Andrew Cuomo thường xuyên xung đột là các Giám Mục trong tiểu bang New York, đặc biệt là Đức Hồng Y Timothy Dolan. Andrew Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đường hướng của đảng Dân Chủ là phò phá thai. Đó là lý do chính dẫn đến các xung đột với hàng giáo phẩm Công Giáo.

Trong những ngày gần đây lại nổi lên một lý do xung đột thứ hai là việc cắt giảm ngân sách cho người nghèo. Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 3 tháng 9, các giám mục của New York đã lên tiếng kích liệt phản đối đề xuất cắt giảm ngân sách của tiểu bang New York, kêu gọi Thống đốc Andrew Cuomo đừng tạo thêm gánh nặng cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương đã quá khốn đốn vì đại dịch coronavirus.

“Khi thống đốc xem xét các bước cần thiết để khôi phục tình trạng ổn định tài chính của tiểu bang chúng ta, các giám mục của New York đưa ra những lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan cho ông, đồng thời lời nhắc nhở rằng tiểu bang không bao giờ có thể cân bằng ngân sách trên lưng người nghèo và dễ bị tổn thương, ” tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New York được công bố vào Thứ Năm, 3 Tháng Chín, viết.

Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông cho thấy tiểu bang đang xem xét việc cắt giảm 20% ngân sách cho mọi bộ phận trong bang để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách của mình.

Mặc dù những cắt giảm này là “có thể hiểu được”, và có vẻ như là một đối xử bình đẳng đối với tất cả các bộ phận, các giám mục tuyên bố, “chúng ta phải ghi nhớ rằng đối với hàng trăm nghìn người New York dễ bị tổn thương, những người phụ thuộc vào các tổ chức cung cấp dịch vụ nhân sinh phi lợi nhuận được nhà nước tài trợ, công bằng xã hội đã loại trừ họ và bao đời nay vẫn loại trừ họ.”

“Chúng ta không được quay lưng lại với phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, những người nhập cư tìm kiếm các trợ cấp hợp pháp, những người khuyết tật về thể chất hoặc chậm phát triển, những người già yếu, những bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn và con nhỏ của họ, những gia đình vô gia cư, những người mất việc làm và không có đủ thức ăn để đặt trên bàn, những người bị nghiện hay bệnh tâm thần, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, những người phạm tội đang tái hòa nhập với xã hội, hoặc nhiều người dân New York khác, những người cần nhất sự ủng hộ của chúng ta, ” tuyên bố nói.

Trong khi các tổ chức bác ái Công Giáo vẫn có thể tiếp tục quan tâm đến một số người khó khăn trong tiểu bang, các giám mục nói rằng những thách thức là “lớn hơn bao giờ hết” với nhu cầu tăng lên và khả năng quyên góp giảm mạnh do nền kinh tế suy sụp và các đóng góp từ các giáo xứ hầu như không còn vì bị đóng cửa do coronavirus.

Các giám mục của tiểu bang cũng lưu ý rằng Hiến pháp New York chỉ rõ rằng “viện trợ, chăm sóc và hỗ trợ người nghèo là mối quan tâm của cộng đồng và sẽ được cung cấp bởi tiểu bang” và chỉ ra rằng, theo lời thúc giục của Thống đốc Andrew Cuomo, tiểu bang đã thêm cụm từ “E pluribus unum” – nghĩa là “Tuy nhiều, nhưng là một” trên lá cờ tiểu bang trong năm qua.

Các Giám Mục cũng chỉ ra rằng Cuomo đang phải đối mặt với một “thực tế không thể tránh khỏi” khi đề cập đến việc giữ an ninh cho người dân New York và đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách, nhưng nên “nhớ tình đoàn kết phải bao gồm những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta” khi quyết định cắt giảm ngân sách.

New York là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19. Vào thời điểm cao điểm của đại dịch, hơn một nghìn người mỗi ngày phải chống chọi với căn bệnh này chỉ riêng ở thành phố New York.

Do thiếu các bệnh viện, Cuomo đã có lúc ra lệnh cho các viện dưỡng lão phải tiếp nhận các bệnh nhân coronavirus. Chính sách này gây thương vong kinh hoàng. Các số liệu thương vong của nhà nước đã bị tranh cãi, với một số ý kiến cho rằng con số tử vong thực sự trong các viện dưỡng lão có thể đã bị che dấu.


Source:Catholic News Agency

 
Hãy bảo vệ gia đình bạn bằng lời cầu nguyện này với các vị Tổng lãnh thiên thần
Đặng Tự Do
16:18 07/09/2020


Hồi tháng Ba và tháng Tư khi đại dịch coronavirus đang diễn ra một cách kinh hoàng, nhiều người bày tỏ hy vọng rằng đại dịch này sẽ mở mắt ra cho nhiều người. Chẳng may, ngay trong khi tình trạng dịch bệnh vẫn còn hết sức đáng lo ngại, bạo động nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới, đi kèm với các hình thức bất khoan dung và bách hại tôn giáo. Các vụ đập phá ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, và các thánh diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 2, 000 Kitô hữu bị thảm sát tại Nigeria từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh đó, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường đưa ra lời kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cùng các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael bao quanh gia đình chúng ta với sự bảo vệ từ trời cao của các ngài.

Chúa tạo ra các thiên thần để bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống này. Dù chúng ta không nhìn thấy các ngài bằng mắt thường, các ngài vẫn bao quanh chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Đây là lời cầu nguyện đến các vị Tổng lãnh thiên thần trong Sách Cầu nguyện, để cầu xin các ngài bảo vệ gia đình chúng ta khỏi mọi tổn hại, dù là vật chất hay tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phước cho ngôi nhà, và cho gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi điều ác.

Lạy Thánh Thiên Thần Michael, hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.

Lạy Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý của Đức Chúa Trời.

Lạy Thánh Thiên Thần Raphael, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.

Lạy các Thánh thiên thần hộ mệnh, xin gìn giữ chúng con ngày và đêm trên con đường cứu rỗi. Amen.


Source:Aleteia
 
LHQ đánh dấu Ngày quốc tế đầu tiên về Không khí trong lành cho bầu trời xanh
Thanh Quảng sdb
19:11 07/09/2020
LHQ đánh dấu Ngày quốc tế đầu tiên về Không khí trong lành cho bầu trời xanh

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19 tháng 12 năm 2019 đã thiết lập ngày 7 tháng 9 là Ngày Quốc tế Không khí trong lành cho bầu trời xanh, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của không khí trong lành cho sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của mọi người.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Trong thông điệp Ngày Quốc tế Không khí trong lành đầu tiên vào thứ Hai 7/9, với chủ đề “Không khí trong lành cho mọi người”, Ông Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người phải hít thở không khí không trong lành. Ông kêu gọi tất cả cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, làm cho không khí trong lành cho tất cả mọi người.

Cái giá của ô nhiễm

“Ô nhiễm không khí gây ra bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh hô hấp khác”, Ông Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi mọi người nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Trích dẫn các số liệu của Liên Hợp Quốc, ông nêu ra rằng ô nhiễm không khí “gây ra ước tính khoảng 7 triệu ca tử vong chết trẻ mỗi năm, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp” và đe dọa “nền kinh tế, an ninh lương thực và môi trường”.

Tình trạng sau đại dịch Covid-19

Ông kêu gọi: “Khi chúng ta được phục hồi sau cơn đại dịch coronavirus, thế giới cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc ô nhiễm không khí, điều này cũng gia tăng rủi ro liên quan đến Covid-19.

Năm nay, trong khi cách ly vì đại dịch, toàn cầu đã giảm một lượng khí thải đáng kể - mang lại cái nhìn thoáng mát về không khí trong lành hơn ở nhiều thành phố - giờ thì lượng khí thải lại gia tăng trở lại, và ở một số nơi còn vượt qua mức độ trước khi Covid bùng nổ.

Ông Guterres kêu gọi cần “thay đổi các hệ thống một cách quyết liệt”, và ông nhấn mạnh đến “các tiêu chuẩn, chính sách và luật về môi trường cần được củng cố lại nhằm ngăn chặn việc phát thải các khí chất ô nhiễm vào không gian là cần thiết hơn bao giờ hết”.

Hành động cho một bầu không khí trong lành

Ông Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng giải quyết việc biến đổi khí hậu có thể giúp chống lại việc làm ô nhiễm không khí.

Ông nói: “Hạn chế đừng cho địa cầu này nóng thêm 1, 5 độ sẽ giúp giảm sự ô nhiễm không khí, tử vong và bệnh tật, đồng thời kêu gọi các quốc gia giảm bớt cung cấp chất đốt cũng như sử dụng nó sau khi cơn dịch qua đi và thay vào qui trình chuyển đổi sang việc xử dụng năng lượng mặt trời lành mạnh và bền vững.

“Tôi kêu gọi các chính phủ hãy cung cấp tài chính cho các dự án liên quan đến năng lượng thiên nhiên tại nhiều các nước đang phát triển để chuyển sang dùng năng lượng sạch cho việc giao thông.”

Ông nói thêm: “Ở cấp độ quốc tế, các quốc gia cần hợp tác để giúp nhau chuyển đổi sang công nghệ sạch”.

Thông điệp của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Trong một thông điệp riêng, Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cũng nêu lên những lo ngại tương tự về mối đe dọa môi trường to lớn trước sự ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, “bầu trời có vẻ trong xanh hơn trước nhiều vì tình trạng ô nhiễm không khí bị tụt giảm”, Bà Inger cho hay “Chìa khóa kinh tế không phải là cách xây dựng một thế giới lành mạnh hơn sao!”

Người nghèo chịu ảnh hương nhiều nhất

Bà Andersen lưu ý, ô nhiễm không khí có tác động không cân xứng đối với người nghèo, với chi phí kinh tế gia tăng, chẳng hạn như "ngân quỹ chăm sóc sức khỏe, năng suất bị giảm, sản lượng cây trồng bị sa sút hoặc khả năng cạnh tranh của các thành phố bị xói mòn."

Thông điệp của bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP

Trong khi thiết lập Ngày Quốc tế về Không khí trong lành, Đại hội đồng đã nêu rõ rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đáng kể đến phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Nhưng bà thừa nhận rằng nỗ lực cải thiện chất lượng không khí giúp tăng cường và làm giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và ngược lại.

Người đứng đầu UNEP cho biết, Ngày Quốc tế không khí trong lành cho bầu trời xanh vào ngày 7 tháng 9 được thành lập để giúp các cá nhân và cộng đồng, các doanh nghiệp và chính phủ ý thức rằng không khí trong lành là nền tảng cho tương lai của chúng ta.

Bà Andersen nói: Cơn đại dịch Covid-19 đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng bầu trời được trong lành hơn. Với các giải pháp và công nghệ trong tay, nhân loại cần nhanh chóng cùng hành động để thôi làm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe con người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Nha Trang mừng kỷ niệm 350 năm Đức Cha Pierre Lambert de la Motte thăm viếng vùng đất Nha trang vào ngày 1 tháng 9 năm 1671, 350 năm trước đây
Thanh Quảng sdb
18:11 07/09/2020
Giáo phận Nha Trang mừng kỷ niệm 350 năm Đức Cha Pierre Lambert de la Motte thăm viếng vùng đất Nha trang vào ngày 1 tháng 9 năm 1671, 350 năm trước đây.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Nha Trang đã dâng lễ tạ ơn về biến cố viếng thăm này vào Chúa nhật 6/9/2020 và kêu gọi các tín hữu hãy nuôi dưỡng và củng cố đức tin đã nhận được từ các nhà truyền giáo và tổ tiên của họ.

Giáo phận Nha Trang đánh dấu chuyến viếng thăm đầu tiên của vị Giám mục người Pháp, Pierre Lambert de la Motte vào ngày 1 tháng 9 năm 1671, đến thăm giáo xứ Chợ Mới, thành phố biển Nha Trang.

Đức Cha de la Motte là Giám mục đầu tiên, Đại diện Tông tòa Đàng Trong (Nam Kỳ) được thành lập vào năm 1659 bao gồm miền nam Việt Nam, và cả Giáo phận Nha Trang ngày nay.

Có khoảng 40 linh mục, trong đó có một số đại diện linh mục của Hội Thừa sai Paris (MEP), cử hành Thánh lễ đặc biệt tại Nhà thờ Chợ Mới vào ngày 6 tháng 9, với sự tham dự của cả ngàn giáo dân. Nhân dịp này, chính quyền địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội của Covid-19 trong khu vực.

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh cho hay: “Công đoàn rất mừng vui khi mảnh đất thân yêu của Giáo phận, tổ tiên của chúng tôi đã hân hạnh được đón tiếp Đức cha de la Motte tới thăm viếng mục vụ.

Vào thời điểm đó, người Công Giáo đang bị bắt bớ khốc liệt, Đức cha de la Motte, một thành viên của Hội Truyền giáo Paris (MEP), đã đến viếng thăm mục vụ, cùng với hai nhà truyền giáo người Pháp và hai linh mục Việt Nam từ Xiêm. Họ đến làng chài Lâm Tuyền, nay là Giáo xứ Chợ Mới.

Giám mục de la Motte đã ban phép lành cho các tín hữu và ban Bí tích Thêm Xức cho 200 em và một số người lớn trong khi các linh mục khác ngồi tòa giải tội.

Đức cha thành lập Giáo xứ Lâm Tuyền và bổ nhiệm cha Guillaume Mahot Mão làm quản xứ. Đức cha cũng thành lập Dòng Mến Thánh Giá để các sơ giúp cho các địa phương. Đức cha và phái đoàn cũng đã đến thăm các giáo xứ khác trong khu vực.

Đức cha Giuse Võ Đức Minh nhấn mạnh rằng Giáo hội yêu thương và phục vụ mọi người nhân danh Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, nên các nhà truyền giáo đến để hiện diện giữa cha ông chúng ta, để chăm sóc mục vụ và ban phép lành và lo lắng cho giáo xứ…
 
Văn Hóa
Tản Mạn Thuyền, Biển Và Đời Tu
Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
07:21 07/09/2020
Từ lâu, hình ảnh thuyền và biển luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca với những áng thơ tình giàu cảm xúc và là nỗi niềm chan chứa yêu thương của các đôi nam nữ. Từng cơn sóng biển dạt dào cứ cuộn trào như tình yêu đôi lứa dành cho nhau và mãi mãi khát khao đợi chờ. Chính những hình ảnh đó đã làm nên vẻ thi vị cho ngôn ngư thi ca.

Với Xuân Quỳnh thì:
..................................

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu.

Đối với Xuân Thắng:

Biển nhấp nhô, gió giăng buồm gợn sóng

Hoàng hôn tà dựng bóng mái chèo nghiêng

Thuyền ta về ươm đầy mình hy vọng

Biển và thuyền lưu luyến nỗi niềm riêng.

Sơn Ca Linh lại nhìn thấy thân phận con người nơi “biển” và “thuyền”:

Có ai biết cái thuở nào duyên nợ,

“Biển” và “Thuyền” đã khắng khít cùng nhau.

Thuyền chắp cánh dệt mộng ước ngàn sau,

Biển xanh ngát bao la trời tít tắp !



Có những ngày thuyền nổi cơn gan góc,

Quyết đương đầu khi biển nổi cuồng phong.

Mang kiếp “thuyền” đành chấp nhận long đong,

Bạn với “biển” tử sinh là chuyện nhỏ !...

Trải qua bao nghìn năm gắn chặt với nền “văn hoá sông nước”, con người Việt nam, cuộc sống Việt Nam gần như luôn thấp thoáng hình ảnh chiếc thuyền đâu đó, gắn chặt với “ngang dọc đời thường trong thô sơ mộc mạc” hay tồn tại đậm nét trong ký ức xa xăm nhưng chất chứa cả kho tàng lịch sử !

Ngược dòng thời gian nhìn lại lịch sử hơn 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, cách riêng Giáo phận Qui Nhơn, có thể nói được, hạt giống đức tin đã “trôi dạt” đến với con dân Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh giữa một thời loạn ly cấm cách. Thật vậy, chính những chiếc thuyền, có khi thật mỏng manh, đã chuyên chở các vị thừa sai đầy nhiệt huyết xuôi ngược vô Nam ra Bắc, bất kể những mùa biển động, len lỏi men theo những con sông dài thâm u khuất nẻo để tung gieo hạt giống Tin Mừng.

Trên những cuộc hải hành vượt trùng dương đầy khó khăn tưởng chừng như vô định, hình bóng những chiếc thuyền bị vùi dập mất hút giữa đại dương đã khắc hoạ rõ nét những gian nan thách đố và khó khăn dường nào của công cuộc truyền giáo. Đúng là "Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu về đâu". Chuyến vượt biển đến Đàng Trong lần đầu tiên của Đức cha Lambert cách đây 350 năm trong ký sự của Cha Vachet, người bạn đồng hành với ngài, sẽ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó:

“Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc. Nếu chỉ lấy cái khôn ngoan của con người làm mẫu mực trong những tình huống như thế, thì rất nhiều kẻ sẽ kết án là liều lĩnh dại dột mà ra đi như vậy. Một ông khu trưởng người Anh quốc, là người mà tôi chỉ cho thấy con thuyền của chúng tôi, đã quả quyết với tôi rằng dù người ta hứa với ông cho ông ăm ắp những vàng ròng chất đầy con thuyền người Đàng Trong đó, thì ông cũng chẳng hề ao ước sự gì hơn trên cõi đời này là đừng phải bước chân lên con thuyền đó. Ông tuyên bố vậy cho dù chính ông đã tìm tới vùng Ấn Độ Dương này là chỉ để lo làm giầu mà thôi. Nhưng đấy không thể nào là lời ăn tiếng nói, cũng không thể nào là tư tưởng của một thừa sai giảng đạo được. Vì chẳng được liều mạng cách vô lý, ta chẳng phải lo sợ quá đáng khi đưa mình vào nguy nan nào đó hầu lo cho việc đạo được phát triển. Ta phải luôn luôn sắp sẵn một con thuyền thiêng liêng nhỏ mà thân thuyền là đức tin, bánh lái thuyền là lòng bác ái, cột buồm là đức cậy, cánh buồm là lòng nhiệt thành, giây dợ, mỏ neo và mái chèo là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Linh hồn đã có sẵn những nhân đức ấy thì dập dềnh lướt sóng trên một con thuyền bầu nhỏ cũng an toàn như trên một con tàu to lớn nhất, điều mà ngừi ta nhận thấy qua chuyến đi biển thành công nhất của chúng tôi”.

Vâng, hành trình gieo vãi hạt giống đức tin là thế, đầy hiểm nguy và thử thách, nếu không kiên vững niềm tin sẽ không thể nào vượt qua được. Người xưa vẫn nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Cái gì mới bắt đầu mà chẳng mong manh, gian khó và nhiều chướng ngại; nhưng nếu chúng ta có một niềm tin cùng với ý chí kiên cường, vững chắc và một niềm trông cậy phó thác hoàn toàn cho tình yêu quan phòng của Chúa, chắc chắn “thuyền đời sẽ tới bến thành công”. Và như thế, hình ảnh những chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé kia lại bừng sáng lên như “những con thuyền vĩ đại”, chở đầy những thế hệ tông đồ, chứng nhân ra đi với tâm hồn đầy lòng yêu mến Chúa.

Nếu ai đó có dịp đi về Miền Tây ta có thể thấy được hình ảnh chiếc thuyền quan trọng như thế nào đối với người dân ở đây. Thuyền là nhà, là phương tiện đi lại và mưu sinh hằng ngày của họ. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, chiến tranh, ly loạn…, hình bóng con thuyền luôn “nhấp nhô trong ký ức Việt Nam”. Có thể nói được, khái niệm “thuyền” và “biển” luôn chuyên chở một nét đẹp nhân văn cao cả đầy ắp nghĩa tình: tình cha, tình mẹ, tình chị, tình em, tình làng nghĩa xóm, tình yêu nam nữ…

Người ta còn nhận ra nơi hình ảnh chiếc thuyền và biển cả là “biểu tượng” của cả một “trời tâm trạng”: Có khi là sự lãng mạn của tình yêu với hạnh phúc ngập tràn, có khi là một sự đợi chờ hồi hộp với trăm ngàn mối nghi nan, thất vọng, có khi lo sợ trước giông tố bão bùng, sóng to biển động, có khi chứng kiến bao cảnh thương tâm cho những mảnh đời nghiệt ngã vì cuộc sống mưu sinh... Lúc này biển rộng mênh mông lòng thuyền không sao hiểu thấu và biển như đi vào cõi bất tận, vô biên mang theo nhiều nỗi khổ cho riêng mình. Phải chăng cuộc đời này quá nhiều nỗi truân chuyên sầu muộn mà con người phải đối diện từng ngày?

Biển giận hờn khoét thuyền sâu đau điếng,

Hay điên cuồng, thuyền vỡ nát tan hoang.

Sóng dâng cao dập dìu những khăn tang,

Thuyền gác mái thâu đêm chờ vô vọng…!

Sống trên thế gian này hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Không ai nói rằng tôi không khổ cả. Đức Phật Thích Ca đã nói: đời là bể khổ. Và nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy chính là dục vọng, là Tham - Sân – Si, ba kẻ thù lớn nhất có thể phá hủy và đưa chúng ta vào con đường lầm lạc và mê muội, khiến con người có thể mất hết lý trí và bất chấp tất cả khi có thể để đạt được mục đích của mình… Để nhận ra mình, biết mình sống trong tình trạng đó đã là một vấn đề rất khó huống chi quyết tâm chống trả và diệt trừ thì khó biết bao.

Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như “chiếc thuyền đang vượt biển trần gian”, đang đối mặt với biết bao cơn giông tố bão bùng; chúng ta phải cật lực chèo chống từng ngày để chinh phục bến bờ hạnh phúc. Chúng ta, như người cầm chắc tay chèo, cố gắng chống chọi với phong ba bão tố để lèo lái “con thuyền đời mình” tiếp tục đi về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ đón. Mỗi một cuộc đời trên dương gian đều như thế, một cuộc “vượt qua” không ngừng để thực hiện dự phóng và ước mơ dẫu chân trời tương lai xán lạn hay đường dài phía trước mờ mịt, tối tăm…, ta vẫn cứ đi.

Đời ta đã bao mùa biển động,

Ngã nghiêng theo đợt sóng xô bờ.

Một chút xôn xao rồi mặc sóng,

Thuyền vẫn bình yên dẫu chơ vơ.

Có những lúc biển dữ dội làm cho thuyền đến mức phải bất lực nhưng không thiếu những lúc biển dịu dàng, nhẹ nhàng, lăn tăn gợn sóng như hiểu thấu nỗi âu lo, mệt mỏi của thuyền trước những thách đố, và:

Trong bài ca của muôn trùng sóng vỗ

Em có là nốt nhạc của tình yêu

Để biển xanh thành phố những buổi chiều

Hòa khúc hát bài tình ca thương nhớ

Ôi con đường hạnh phúc như trong mơ

Thuyền và biển hai tâm hồn say đắm

Qua tháng năm, qua mưa gió thăng trầm

Nỗi nhớ tình yêu viết bài ca thuyền biển

Quả thật, hình ảnh thuyền và biển đã khắc hoạ nhiều “chiều kích nhân sinh”. Con thuyền của thế giới hôm nay như đang chống chọi từng ngày, từng giờ với làn sóng của đại dịch Covid- 19 đang hoành hành và cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ngay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Cuộc đời chúng ta không ai biết trước được ngày mai mình sẽ như thế nào, còn sống hay chết, bao nhiêu kế hoạch và dự tính sẽ đi về đâu?

Hơn lúc nào, cuộc sống hôm nay giống như người lữ khách đang ngồi trên chiếc “thuyền nan” để vượt biển trần gian đầy khó khăn thử thách và trôi dạt về những bến bờ vô định. Cũng như biển khơi, lúc dâng cao sóng vỗ, lúc gió dịu trời êm…, biển đời cũng không thiếu những cung điệu buồn vui, những thăng trầm hạnh phúc, đau thương và khổ luỵ... Làm sao khi sống ở trần gian này mà tránh khỏi những “nhịp điệu, cung đàn” như thế…!

Nếu như “thuyền và biển” là nét đẹp thơ mộng trong “ngôn ngữ thi ca” dành cho những chuyện tình nam nữ:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió "

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố! (Xuân Quỳnh. Thuyền và Biển)

thì “thuyền và biển đời” cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho cuộc đời những người tu sĩ.

Thật vậy, khi tình yêu và lòng trung thành với lý tưởng, với ơn gọi còn ngự trị trong tâm hồn thì “sóng biển thế tục” cũng lặng êm; lúc đó “thuyền đời” lướt đi nhẹ nhàng trong rạng rỡ tin yêu hy vọng và cuộc đời đầy hạnh phúc. Nhưng khi “tình yêu phai nhạt”, thất tín, bất trung… thì “những cơn sóng thế tục” bủa vây giăng mắc; cuộc sống như bị dập vùi trong những trận cuồng phong dữ dội. Chính những lúc như thế, người tu sĩ mới thấy được con người thật quá mỏng manh yếu đuối, và việc bám víu vào hoa tiêu vững chắc là Đức Kitô chính là con đường bảo vệ, là điểm tựa an toàn nhất.

Chúng ta đừng quên, với chiếc thuyền của Phêrô, Chúa đã cho các môn đệ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và cũng là dịp để các ông thể hiện niềm tin của mình “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Với khả năng hữu hạn của con người, Phêrô chỉ có thể làm theo lệnh truyền của Chúa vì lòng vâng phục. “Vì lời Thầy, con xin thả lưới”. Thuyền của các môn đệ đang cùng với Thầy Giêsu vượt trùng khơi mịt mù trong cuồng phong bão táp xô đẩy “Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống, các ngài bị ngập nước và lâm nguy”(Lc 8, 23), “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ”(Mt 8, 24).

Khi con thuyền chơi vơi giữa dòng bị sóng đánh chập chờn, sóng ập vào thuyền, bị giông tố dập vùi… cũng là lúc lòng người lữ khách âu lo, sợ hãi, chao đảo, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời. Nhưng trải qua bao giông tố cuộc đời, dù thế nào đi nữa thì chỉ còn một niềm hy vọng, một điểm tựa và một phao cứu hộ duy nhất là Chúa Giêsu, dù Ngài ngủ hay thức nhưng có Ngài hiện diện trên chiếc thuyền đời của ta thì chúng ta tin rằng mọi sự sẽ bình yên.

Cũng đừng quên, như những ngư phủ thường trông lên vì sao “Bắc Đẩu” để định vị và định hướng cho những cuộc hải hành, nhất là những khi trôi dạt lạc đường khi bão tố, những người tu sĩ cần ngước trông về một “Vì sao Bắc Đẩu” khác, như lời thơ:

Nên chỉ biết khi sang mùa biển động,

Thuyền có ra khơi xin nhớ hướng lên trời.

Có một vì sao Bắc Đẩu rạng ngời,

“Maris Stella”, Mẹ Maria chính là vì sao ấy !

Như chiếc thuyền nan chòng chành trên sóng nước, như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ…, cuộc sống đời tu luôn đối diện với những khó khăn trở ngại, thất bại lo âu, thiếu cảm thông, thiếu cậy trông tin tưởng vào Chúa, và lắm lúc cũng ngả nghiêng theo từng cơn sóng… Chính trong những lúc như thế, người tu sĩ luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa, và hãy để cho Chúa dẹp yên những giông tố bão bùng trong biển lòng của mình. Có như thế, mỗi ngày chúng ta sẽ bình yên bước đi trên sóng nước bằng chính chiếc thuyền đời của mình với một niềm tin yêu phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Chúa.

Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 
Hôn nhân: Ý nghĩa của Cam kết, tiếp và hết
Vũ Văn An
16:33 07/09/2020


Cam Kết và Yêu Thương

Giống như bất cứ cam kết nào khác, cam kết yêu thương không phải là lời tiên đoán, cũng không phải là một quyết tâm. Nó là một ủy quyền để đòi hỏi, một việc đưa ra lời tuyên bố, đối với người tôi yêu – nhưng mà hứa gì đây? Chỉ có thể là lời hứa hẹn rằng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ sống mối tình của tôi và hành động một cách thủy chung theo cái tình yêu ấy. Giống như bất cứ cam kết nào khác, mục đích của nó là đảm bảo với người tôi yêu rằng tôi luôn luôn yêu họ và sẽ làm tôi kiên định hơn trong việc thực sự yêu họ. Vì những thách đố ta đã thấy đối với sự khôn ngoan, nếu không muốn nói đến khả thể, của cam kết yêu thương, nên cái mục đích kia cần được khảo sát đầy đủ hơn.

Các Mục Đích của Cam Kết Yêu Thương

Tại sao tôi cần đến cam kết nếu tình yêu là cái gì bộc phát, và nếu lúc nào tôi cũng có thể đồng nhất với nó qua tự do của tôi? Tại sao tôi lại phải hứa hẹn yêu thương nếu chính tình yêu sẽ bị rủi ro khi biến nó thành vấn đề trói buộc? Chỉ có cái gì đó từ chính giữa lòng cảm nghiệm yêu đương mới giải thích được điều này.

Có một số mối tình mà nguyên sức mạnh của chúng nơi ta khiến ta phải cam kết. “Các lý lẽ của tình yêu” khiến ta phải cam kết ít nhất có ba, và ta có thể diễn tả chúng như sau. Thứ nhất, giống như mọi cam kết, cam kết yêu thương tìm cách giữ an toànchống lại những thất thường của chính ta, nói cách khác chống lại việc ta có thể sa sẩy. Nếu ta không ngây thơ tin tưởng rằng tình yêu của ta không bao giờ kết thúc, ta sẽ cảm thấy những nguy cơ như quên lãng, như các thèm muốn phá thối, như các gián đoạn và gẫy vỡ ngay trong những mối tình lớn nhất. Ta cũng sẽ cảm thấy những xung lực mạnh mẽ từ chính môi trường của ta – những áp lực xã hội và kinh tế đang giành giật chống lại cũng như hỗ trợ tình yêu của ta. Ta cần đến và muốn có một cách để chịu trách nhiệm trước lời nói phát xuất từ sâu thẳm bản ngã ta, một cách để cản ngăn chính ta khỏi hủy diệt mọi sự trong những giây phút không thể tránh được khi ta ít tránh được như thế. Cam đoan với người ta yêu, trao cho chàng hay nàng cái quyền đòi hỏi trên tình yêu của ta sẽ đem lại cách thế đó.

Tuy thế, tình yêu tìm nhiều hơn thế. Ta biết rằng tự do không thể nhất đán xác định được các khẳng nhận yêu đương trong tương lai. Không một lựa chọn tự do nào có thể giải quyết mọi lựa chọn tự do trong tương lai giúp ta tiếp tục yêu đương được. Ấy thế mà đôi lúc ta lại yêu một cách khiến ta khao khát gom trọn tương lai lại và đặt nó vào việc ta chọn người ta yêu. Dù ta biết điều đó là điều không thể có được vì đời ta trải dài theo thời gian, nhưng ta vẫn khao khát niêm phong tình yêu của ta ngay lúc này và mãi mãi. Qua cam kết yêu vô điều kiện, ta ráng làm cho tình yêu trở thành bất phản hồi và thông đạt ra như thế. Đây là một trong những điều ta có thể làm: dẫn khởi vào hiện tại một hình thức liên hệ mới sẽ kéo dài dưới hình thức lòng thủy chung hay bội bạc. Ta thực hiện được điều ấy bằng cách ban hành một luật mới cho tình yêu của ta. Kierkegaard chỉ rõ điều ấy khi ông viết, “Muốn nói một cách hết sức long trọng, ta không nói về hai người bạn: họ yêu nhau; nhưng nói: họ cam đoan chung thuỷ với nhau hay họ cam đoan làm bạn với nhau “ (9). Cam kết là cách yêu của một toàn diện trong khi vẫn đang triển nở để thành toàn diện.

Cuối cùng, đôi khi tình yêu muốn có cam kết vì tình yêu muốn phát biểu ra ngoài một cách càng rõ càng hay. Cam kết sẽ có hại nếu nó chỉ nhằm mang lại một phương thuốc đề phòng bất tín trong một liên hệ yêu thương. Trái lại nó có thể là cơ sở cho tín trung nếu mục tiêu của nó là lòng trung thực trong ý định, là thông đạt cho biết những thiệt hại sẽ lớn như thế nào nếu ý định kia thất bại. Quyết định đưa ra lời cam đoan về tình yêu trong tương lai của mình có thể là một phần trong việc hoán cải (converting) trái tim tôi, một phần trong việc ra khỏi tôi thực sự để gặp gỡ người tôi yêu (chứ không phải một phần làm chai cứng trái tim tôi vì quá sợ bị chế tài khi tôi vi phạm giới luật tôi đã đưa ra đối với tình yêu của mình). Như thế, lời hứa của tôi không những bảo đảm bằng lời nói với người tôi yêu rằng tôi sẽ kiên vững (trong tình yêu), nhưng còn giúp thể hiện điều nó bảo đảm nữa.

Viết theo Margaret Farley, Personal Commitment, San Francisco: Harper & Row, 1986

Chú Thích:

1. Dĩ nhiên, không phải tất cả các lý thuyết gia đều miêu tả ý nghĩa cam kết, hay ý nghĩa việc hứa hẹn, theo lối của chúng tôi. Định nghĩa của lời hứa có liên hệ mật thiết với quan điểm mỗi người về cách nó trói buộc. Về vấn đề này, có ít nhất ba quan điểm chính từng xuất hiện trong lịch sử triết học và trong cuộc tranh luận hiện nay về lời hứa: (a) trách nhiệm giữ lời hứa hoàn toàn có tính cách ước lệ – một thỏa thuận dựa trên “tập tục” hay “luật chơi” của một cộng đồng, có khi là giả thiết cho đến lúc được coi như chuyện đương nhiên và được mọi người tin theo (Hume), có khi là kỷ luật cường bạo cho đến lúc nhờ điều kiện hóa về tác phong mà có được tư thế lâu dài (Nietzche); (b) sự trói buộc là do chính lời hứa, vì chữ hứa có tính cách “thực thi” (performative) hay “can dự ” (commissive), nghĩa là thực sự làm điều mình nói (Austin, Searle, Melden, Sartre); (c) việc trói buộc phải giữ lời hứa tựu chung dựa trên sự trói buộc có tính cách tổng quát hơn đó là lòng kính trọng người khác, hoặc bảo vệ cái cộng đồng tinh thần của mình v.v.... (Aquinas, Kant, Hegel, Hare). Nhiều triết gia chủ trương một tổng hợp những quan điểm trên – thí dụ như quả quyết rằng hứa hẹn tự nó đẻ ra trói buộc, nhưng chỉ trong bối cảnh trong đó các ước lệ mạnh đến độ làm điều đó có thể xẩy ra (nói cách khác, tính “thực thi” tùy thuộc việc có một “tập tục” hứa hẹn). Lối miêu tả của chúng tôi về điều “xẩy đến” khi ta đưa ra lời hứa hẹn có thể hiểu cam kết như có tính “thực thi”. Nhưng như sẽ trình bày rõ trong chương 6 và 7, nó cũng giả thiết phải có một cơ sở căn bản về trách nhiệm luân lý trong thực tại con người. Những bàn luận chủ chốt về các vấn đề này gồm những công trình có tính lịch sử như David Hume, Treatise of Human Nature (Khảo Luận về Bản Tính Con Người) do L. A. Selby-Bigge nhuận sắc (Oxford, Clarendon Press, 1968), Cuốn III, Phần 2, Tiết 5; George Hegel, Philosophy of Right (Triết lý về Cái Đúng), Bản dịch của T. M. Knox (New York, Oxford University Press, 1867), tr.57-63; Friedrich Nietzche, On a Genealogy of Morals (Bàn về Gia Phả Những Hữu Thể Luân Lý), Bản dịch của Kaufman và R. J. Hollingdale (New York, Vintage Books, 1967, tr.57-61; những nghiên cứu ngữ học như J. L. Austin, How To Do Things With Words (Làm Các Sự Vật Như Thế Nào Bằng Lời Nói), do J. O. Urmson nhuận sắc (New York, Oxford University Press, 1962); John R. Searle, Speech Arts (Nghệ Thuật Lời Nói) (Cambridge, University Press, 1970), nhất là các chương 2 và 3; các cuộc tranh luận triết học hiện nay như Pall S. Ardal, “And That’s a Promise” (Và Đó là Lời Hứa) và “Reply to New on Promises” (Trả Lời bài Điều Mới về Lời Hứa) trong The Philosophical Quarterly số 18 và 19 (Tháng 7 năm 1968 và tháng 7 năm 1969); John Rawls, “Two Concepts of Rules” (Hai Ý Niệm Về Qui Luật) trong Philosophical Review 64 (1955) 3-32; Joseph Raz, “Promises and Obligations” (Lời hứa và Trói buộc) trong Law, Morality and Society: Essays in Honour of H. L. A. Hart, chủ biên P.M.S. Hacker và J. Raz (Oxford, 1977); G.J. Warnock, The Object of Morality (Đối tượng của Luân lý) (London 1971), chương 7; liên quan đến luật khế ước: Patrick Atiyah, The Rise and Fall of Freedom of Contract (Sự Thăng Trầm của Tự Do Khế Ước) (Oxfprd Clarendon Press, 1979); Charles Fried, Contract as Promise: A Theory of Contractual Obligation (Khế Ước như Lời hứa: Một Lý thuyết về Sự Trói buộc của Khế ước) (Cambridge, Harvard University Press, 1981). Một khảo luận chủ yếu quan trọng đối với toàn thể vấn đề đưa ra hứa hẹn và tuân giữ hứa hẹn là tác phẩm cổ điển của Josiah Royce về lòng trung thành: The Philosophy of Loyalty (Triết lý về Lòng trung thành) (New York, Macmllan 1924).

2. H. Clay Trumbull, Blood Covenant: A primitive Rite and Its Bearings on Scripture (Giao ước bằng Máu: Một Nghi lễ Tiền sử và Tương quan của nó đối với Kinh thánh) (London, George Redway, 1887).

3. Như đã trích trong Edward Westermack, Marriage Ceremonies in Morocco (Các Nghi lễ Hôn phối tại Morocco) (London, Macmillan 1914), 40-41. Cùng một kiểu lặp đi lặp lại này đã được áp dụng trong các nghi thức khấn dòng của Giáo Hội Công Giáo Lamã trước năm 1965. “Lạy Chúa, Xin thương nhận con” (Suscipe me, Domine) được lặp đi lặp lại ba lần bởi chính người khấn.

4. Chương 7 sẽ thảo luận nhiều hơn về bản chất của sự trói buộc này, và về những gì người ta liều mình sẽ mất.

5. Hannah Arendt, The Human Condition (Thân phận Con người) (Chicago, University of Chicago Press, 1958), 237.

6. Arendt, đã dẫn

7. Erik Erikson, Identity, Youth and Crisis (Bản sắc, Tuổui trẻ và Khủng hoảng) (New York, Norton 1968), 162.

8. Gabriel Marcel, Being and Having (Hiện hữu và Sở hữu) (New York, Harper Torchbooks, 1965) 45-46.
9. Soren Kierkegaard, Works of Love (Công trình của Tình yêu), bản dịch của Howard và Edna Hong (New York, Harper Torchbooks, 1962), 45.
 
VietCatholic TV
Nỗi buồn của các tín hữu Chính thống Li Băng về vụ phạm thánh nghiêm trọng ở Toronto
Giáo Hội Năm Châu
04:11 07/09/2020


1. Một hành động lộng hành: Chặt đầu Đức Mẹ ở tượng đài tại một nhà thờ Chính thống phái Maronite ở Toronto

Vào Chủ nhật, ngày 30 tháng 8 năm 2020, khi giáo dân tới tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Lebanon, Toronto, họ kinh hãi sửng sốt, khi phát hiện ra một hành động phá hoại khủng khiếp: tượng Đức Mẹ đồng trinh Maria, bên hông của nhà thờ, đã bị chặt đầu!

“Việc này có thể đã xảy ra vào đêm hay rạng sáng. Giáo dân đã không thể tìm thấy đầu Đức Mẹ đâu đó quanh tượng đài...

Giáo xứ đã liên lạc với cảnh sát địa phương và duyệt lại máy quan sát an toàn với hy vọng tìm ra thủ phạm, hầu chặn đứng những hành động phá hoại này. Cầu xin Chúa và mẹ Maria tha thứ cho kẻ xúc phạm này và gìn giữ tất cả chúng ta trong sự chở che quan phòng của Chúa và Đức Mẹ Li-băng."

2. Giáo hội Úc châu kêu gọi giúp đỡ những người tâm thần

Theo Giám Mục Phụ Tá Terence Grady ở Sydney thì bệnh tâm thần ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của xã hội Úc: người bản địa, và người tị nạn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giáo Hội Công Giáo Úc kêu gọi xã hội để ý tới bệnh tâm thần một cách nghiêm túc, vì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. "Không có một thành phần nào trong xã hội mà không bị bệnh tâm thần tác động tới." Các cơ sở của Giáo hội, đặc biệt các giáo xứ, có thể giúp một cách tích cực cho những người đang bị căng thẳng về căn bệnh này.

Giám Mục Phụ Tá Terence Grady của Sydney đã đưa ra quan điểm trên, khi phát biểu với đài Vatican, trước ngày Chủ nhật về Công bằng Xã hội, mà Giáo hội Úc sẽ mừng vào Chúa nhật.

Trước ngày Chúa nhật “Công bằng Xã hội”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã phát hành một tài liệu về Công bằng Xã hội 2020-21 dài 19 trang, xem xét các mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần trong xã hội Úc và đề ra những hành động giải quyết chúng. Với tiêu đề “Sống trọn vẹn: Sức khỏe tâm thần ở Úc ngày nay”, tuyên bố kêu gọi các cộng đồng tín ngưỡng, chính phủ và cá nhân ưu tiên lo tới sức khỏe tâm thần.

Giám mục Brady, Giám mục đặc trách Ủy ban Công bằng Xã hội, Truyền giáo và Phục vụ của Hội đồng Giám mục Úc, cho biết đại dịch Covid-19 “đã làm cho bệnh tâm thần bục phát mạnh mẽ trong xã hội Úc, và có lẽ ở hầu hết các xã hội phương Tây khác, bệnh tâm thần là một vấn đề rất lớn”.

Trong khi cổ súy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Úc, các giám mục của quốc gia này nói rằng nếu không có nguồn tài trợ đầy đủ cho các dịch vụ y tế cộng đồng, nhiều nhóm thiểu số thấp cổ bé miệng sẽ không có cuộc sống an toàn. Các yếu tố như nghèo đói, điều kiện sống và an ninh cá nhân góp phần vào sức khỏe tâm thần.

Mặc dù vấn đề “xảy ra cho toàn xã hội”, Giám mục Brady nói, nó vẫn nghiêm trọng “đặc biệt trong một số nhóm nhất định”. Đây chắc chắn là một "vấn đề lớn đối với người dân bản địa và giữa những người tị nạn", nhiều người trong số họ, ngài cho hay, "đa số đã bị giam giữ trong nhiều năm tháng".

Ngoài ra còn phải kể đến những người vô gia cư và hè phố và những người có thu nhập thấp. “Chúng ta cũng có thể tìm thấy những ảnh hưởng to lớn về sức khỏe tâm thần” ngay cả trong số những hàng ngũ mà Giám mục Grady mô tả là “trung lưu và thượng lưu của xã hội”. Khi còn là một linh mục trẻ, ngài nhớ đã nghe bình luận trên đài phát thanh về một khu vực thương lưu ở Sydney mà lại có tỷ lệ gia đình bị lạm dụng cao nhất.

Trong khi đi thăm các trại tạm trú và nhà tù, Đức cha Brady nói, “chúng ta có thể nhận ra nhiều dấu hiệu của bệnh tâm thần”. “Nhiều trung tâm tạm trú cho người vô gia cư và nhà tù có thể được coi là trung tâm tâm thần”.

Đức cha than thở về một xu hướng đánh bóng muốn dấu nhẹm vấn đề này. Ngài cảnh báo: “Ở nhiều xã hội phương Tây, sức khỏe tâm thần đã là một vấn đề của nhiều thế hệ và nó sẽ tiếp tục như vậy, trừ khi chúng ta giải quyết nó”. Tuy nhiên, ngài nói, tin tốt mà chúng ta biết chắc về vấn đề này là chúng ta có thể thay đổi nó, nếu chúng ta thực sự muốn. Tất nhiên, nguồn lực là cần thiết để thực hiện điều đó.

Về lãnh vực “Mạng lưới của Giáo hội, đặc biệt là các giáo xứ, ” Giáo hội Úc đã nỗ lực trong lãnh vực chăm sóc những người tâm thần, Đức cha Brady nói, thông qua hệ thống giáo dục rộng lớn, với các trường đại học, cao đẳng, trung và tiểu học và bệnh viện, Giáo hội có thể giúp “kết nối mọi người và giúp đỡ họ”.

Giám mục Brady cho hay: Các giáo xứ có thể đóng góp một sự thay đổi tuyệt vời, tiếp cận trực tiếp những người mắc bệnh tâm thần. “Nếu chúng ta có một giáo xứ sinh động, vững mạnh với các hạ tầng tốt, thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, có thể được nâng đỡ ngay trong cộng đồng giáo xứ”. Đây là lý do tại sao “Giáo hội ở Úc đang củng cố các giáo xứ địa phương, bởi vì giáo xứ có thể làm được rất nhiều điều, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần”.

Giám mục Brady nói rằng Giáo hội Úc đang “gây áp lực nhiều hơn lên các nhà lãnh đạo chính trị, phải chú trọng đến sức khỏe tâm thần hơn nhiều so với trước đây”. Tuy nhiên, “trên nhiều phương diện, Giáo hội đã mất đi tiếng nói của mình”, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em, cùng nhiều thứ khác.

Đức cha nói: Giáo hội cần lấy lại niềm tin và uy tín của mình, để có thể lên tiếng bênh vực những người gặp khó khăn và những người bên lề xã hội. Giáo hội cần gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị và những người cầm quyền chú ý đến sức khỏe tâm thần cũng như nhiều lĩnh vực khác.

3. Ngày lễ Khánh nhật Truyền giáo Thế giới vẫn được tổ chức vào Chủ nhật 18/10 mà không có thay đổi.

Trong khi thế giới tiếp tục chiến đấu với coronavirus, công bố rõ rệt trong một thông báo qua Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ngày 28 tháng 8 năm 2020 rằng: “Đáp lại một số yêu cầu liên quan đến việc kỷ niệm Ngày Khánh nhật Truyền giáo 2020”, Thánh Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc xác nhận rằng năm nay, Ngày Khánh nhật Truyền giáo sẽ được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chủ nhật 18 tháng 10, như lịch Phụng vụ đã ấn định. ”

“Ở nhiều Giáo phận, việc chuẩn bị cho Ngày lễ này đã được sửa soạn từ lâu vì hoạt động truyền giáo của Dân Chúa là ưu tiên hàng đầu.”

“Thực vậy bản chất, đức tin là truyền giáo, ” nó nhắc nhở và lưu ý: “việc cử hành Ngày Khánh nhật Truyền giáo nhằm duy trì yếu tính thiết yếu này của đức tin Kitô hữu được sống động trong lòng các tín hữu Chúa.”

“Hơn nữa, Thánh Bộ Truyền giáo, Phúc âm hóa các Dân tộc được ủy thác cho các giám mục với ý thức hiệp thông và đồng trách nhiệm về ngày lễ này để ủng hộ cho các Hiệp hội Truyền giáo Thánh cha, hoạt động chung cho toàn Giáo hội nhất là trong các lãnh thổ truyền giáo.”

4. Đức Thánh Cha giải hòa những căng thẳng ở biển Đông Địa Trung Hải

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho việc đối thoại hầu giải quyết các xung đột đang bùng nổ ở Địa Trung Hải.

Sau khi đọc Kinh Truyền tin trong buổi triều yết trưa Chúa nhật (30/8/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho sự "bất ổn" ở phía đông Biển Địa Trung Hải. ĐTC nói: “Cha theo dõi và lo ngại trước những căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải. Đức Thánh Cha không đề cập đến các quốc gia liên quan.

ĐTC nói: "Tôi kêu gọi một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các xung đột đang đe dọa hòa bình của các dân tộc trong khu vực".

Căng thẳng đã gia tăng trong vài tuần qua ở phía đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi có những mỏ dầu và khí khổng lồ được phát hiện cách đây một thập kỷ. Hai nước gần đây đã ký các thỏa thuận hàng hải: năm ngoái Thổ Nhĩ Kỳ ký với Libya, và tháng trước Hy Lạp ký với Ai Cập.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có những mâu thuẫn về việc tranh giành biên giới lãnh hải và do đó, quyền thăm dò và khai phá các nguồn năng lượng kia phải thuộc về họ.

Căng thẳng giữa thủ đô Ankara và Athens gia tăng sau ngày 10/8 khi tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác dầu khí ở Địa trung hải.

Liên hiệp Âu Châu (EU) đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ có thể phải đối diện với lệnh trừng phạt mới, bao gồm các biện pháp kinh tế cứng rắn, trừ khi họ tạm ngừng những việc gây ra căng thẳng.

Hôm thứ Tư, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Hy Lạp mà không đòi hỏi một điều kiện nào, nhưng hôm qua Thổ nhĩ kỳ lại thông báo về các cuộc diễn tập quân sự mới trong hai tuần nữa.

Về phần mình, các nước Liên minh châu Âu đang cố gắng dàn xếp để tránh các cuộc leo thang đối đầu.
 
Hoa Kỳ điều tra các hoạt động tài trợ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời Obama
Giáo Hội Năm Châu
05:10 07/09/2020

TOÀ BẠCH ỐC YÊU CẦU CÁC CƠ QUAN CHÍNH PHỦ MỸ CUNG CẤP THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ VIỆC TÀI TRỢ CHO TRUNG QUỐC

Tiếp theo hàng loạt đòn phản công về ngoại giao của chính quyền Trump liên tiếp giáng xuống Trung Quốc, từ việc đóng cửa những ổ tình báo nguỵ trang tại lãnh sự quán như ở Houston, đến việc bộ trưởng bộ ngoại giao Mike Pompeo ra những giới hạn ngăn cấm không cho các nhà ngoại giao Trung Quốc tự do hoạt động tình báo, tuyên truyền cho chế độ cộng sản trên đất Hoa Kỳ như chốn không người, Hoa Kỳ mới đây lại đưa thêm một biện pháp cứng rắn nhằm trừng trị tận gốc những nguồn lực tiếp tay cho trung Quốc ngay trong xứ sở Hoa Kỳ. Mời quý độc giả đọc bản dịch của bài viết dưới đây nói về kế hoạch điều tra bản chất nguồn tài trợ từ Mỹ dành cho chính quyền cộng sản Trung Quốc, cũng như kế hoạch truy lùng tông tích những cá nhân cũng như doanh nghiệp nào của Trung Quốc hiện đang góp phần xây dựng hoặc tài trợ cho kế hoạch độc chiếm khu vực biển Đông là một phần đất nước thân yêu của người Việt Nam chúng ta.

WASHINGTON (Reuters) - Toà Bạch Ốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cung cấp chi tiết bao quát về bất cứ nguồn tài trợ nào tìm cách chống lại ảnh hưởng toàn cầu và các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc, hoặc hỗ trợ Bắc Kinh, trong lúc căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang trên đà leo thang.

Theo một tài liệu của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Toà Bạch Ốc ngày 27 tháng 8 mà (phóng viên) Reuters xem được, văn phòng OMB đã chỉ chị cho các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ gởi những “dữ liệu đi tắt về nguồn tài trợ liên bang nào viện trợ hoặc hỗ trợ choTrung Quốc, hay những nơi trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại sự cạnh tranh bất công cũng như các hoạt động và ảnh hưởng xấu xa trên toàn cầu của Trung Quốc. “

Trung Quốc phủ nhận họ có tham gia vào việc cạnh tranh không lành mạnh.

Tài liệu với tựa đề “Cạnh Tranh Chiến Lược với Lối Đi Tắt của Trung Quốc”, không cho biết thông tin sẽ được sử dụng như thế nào ngoài việc sẽ “thông báo cho các nhà hoạch định chính sách” về vô số cách thức chính phủ Hoa Kỳ chi tiêu liên quan đến Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên đối kháng với nhau do những bất đồng kéo dài từ cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm, cho đến việc chính quyền ông Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh thiếu minh bạch trong việc phát tán COVID-19.

Yêu cầu (thu thập) dữ liệu ngân sách một cách bao quát sẽ được sử dụng để giúp các nhà hoạch định chính sách và ghi nhận tất cả các khoản tài trợ phải “phản ảnh các ưu tiên chiến lược” khi đối phó với Trung Quốc.

Một số chương trình và chi phí của Hoa Kỳ đang bị duyệt xét đã có từ một thập niên hay trước đó. Văn bản này chỉ thị các cơ quan liên bang phải phúc đáp trước ngày 21 tháng 9.

Một phát ngôn viên văn phòng OMB đã xác nhận nỗ lực này của cơ quan, nói với Reuters rằng “để bảo đảm việc Hoa Kỳ vẫn vững mạnh và ở vị thế có sức mạnh chống lại các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, OMB đã yêu cầu các cơ quan liên bang cung cấp tất cả các khoản tài trợ với ý định chống lại Trung Quốc, hoặc có thể là viện trợ cho Trung Quốc.”

Bản thông báo bao gồm các hướng dẫn về cách nộp những chi tiết về các khoản chi tiêu của Hoa Kỳ đã được giải mật cũng như chưa được giải mật, đồng thời tìm kiếm chi tiết về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ được chỉ đạo cho việc chi tiêu trong nước Trung Quốc.

Tài liệu của Toà Bạch Ốc còn yêu cầu cung cấp dữ liệu về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ được sử dụng để “chống lại ảnh hưởng ác ý của Trung Quốc hoặc hành vi không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.”

Văn bản này trích dẫn những thí dụ về “tài trợ cho chương trình để chống lại Một vành đai Một Con đường (OBOR) hoặc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); tài trợ cho các hoạt động quân sự, thiết bị và cơ sở hạ tầng, mục đích chính là ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc.”

Văn bản cũng tìm kiếm thông tin chi tiết về những nỗ lực “phụ” của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như “những đóng góp nhỏ nhoi cần thiết cho việc duy trì vị trí tiên phong của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đối với quyền biểu quyết bên trong các tổ chức quốc tế quan trọng”, và tài trợ cho các nỗ lực khác của Hoa Kỳ.

Tài liệu cũng tìm kiếm dữ liệu về tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho các chương trình có mục đích chính là chống lại sức mạnh công nghệ của Trung Quốc trong các lãnh vực chủ yếu như 5G và truyền thông không giây, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và học tập qua máy, điện toán lượng tử, an ninh mạng và hệ thống, sản xuất và robot cao cấp, xe điện và xe tự hành, công nghệ sinh học, năng lượng cao cấp và công nghệ vũ trụ.

Toà Bạch Ốc đã tìm kiếm thông tin chi tiết về những chi tiêu mang tính hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia chính phủ Hoa Kỳ, tài trợ song phương cho trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Sạch của hai quốc gia Hoa Kỳ-Trung Quốc và bất cứ chương trình hỗ trợ kinh tế song phương nào khác của Hoa Kỳ.

Họ cũng tìm kiếm dữ liệu về “tài trợ của HHS ( viết tắt của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) dành cho trung tâm CDC (tức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), NIH (tức Viện Y tế Quốc gia), và các chương trình khác ở Trung Quốc.”

Yêu cầu này còn tìm kiếm thông tin chi tiết về bất cứ khoản chi tiêu nào có “đóng góp tổng quát vào GDP (tức tổng sản lượng quốc gia) hoặc vào phạm trù kỹ thuật của Trung Quốc, cho cả các tổ chức quân sự lẫn chính phủ Trung Quốc, các tổ chức thương mại hoặc công nghiệp quốc doanh cũng như các tổ chức dưới “sự lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc cũng như các khoản tài trợ hoặc tín dụng do các tổ chức quốc tế được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cung cấp.

Những cơ quan này phải gởi dữ liệu về ngân sách năm 2019 và 2020 mà luật đã ban hành, đề án về ngân sách năm 2021 của chính quyền Trump, và yêu cầu về ngân sách của cơ quan cho năm 2022.

Việc duyệt xét về ngân sách này chỉ là nỗ lực mới nhất có thể dẫn đến nhiều hành động chống lại Trung Quốc hơn nữa.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen và đưa vào tầm ngắm những cá nhân mà họ cho là thành phần của các hoạt động xây dựng và quân sự ở Biển Đông, đây là một trong những biện pháp chế tài đầu tiên của Hoa Kỳ nhắm vào Bắc Kinh về tuyến đường biển chiến lược đang có tranh chấp.


Source:Reuters
 
Phép lạ cho Li Băng. Vị Thống đốc Dân Chủ liên tục tấn công TT Trump cũng vừa tấn công người nghèo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:11 07/09/2020

1. Đức Thánh Cha gây ngạc nhiên cho một linh mục cầm cờ Li Băng khi gọi ngài đến micrô

“Chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người cai trị Li Băng, ” Cha Georges Breidi, một linh mục Công Giáo nghi lễ Maronite, nói với tờ I MEDIA hôm 2 tháng 9. Ngài là vị linh mục ôm một lá cờ Li Băng lớn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi đến bên cạnh ngài trong buổi tiếp kiến chung khi ngài tuyên bố rằng Thứ Sáu, ngày 4 tháng 9, sẽ là ngày thế giới cầu nguyện và ăn chay cho Li Băng.

Cha Breidi là thành viên của Giáo đoàn Truyền giáo của Công Giáo nghi lễ Maronite Li Băng. Cùng với khoảng 500 khách hành hương khác, ngài đã có thể tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên được tổ chức trước công chúng kể từ khi Ý bắt đầu tình trạng cô lập từ ngày 8 tháng Ba.

Cha Breidi là sinh viên đang du học ở Rome trong bốn năm; ngài không thể ngờ được cảnh tượng đó sẽ xảy ra. Biết rằng vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình quan tâm đặc biệt đến tình hình ở đất nước mình, ngài đã đến với cuộc triều yết này cùng với một lá cờ. “Tôi gần như chắc chắn rằng Đức Thánh Cha sẽ chúc phúc cho nó, ” Cha Breidi nói. Đức Thánh Cha thực sự đã hôn lá cờ khi ngài đến, nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã bất ngờ kêu vị linh mục trẻ đến bên cạnh, trong khi ngài đưa ra một lời thỉnh cầu dài liên quan đến Li Băng.

“Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi điều gì đó; nhưng thật sự chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người điều hành đất nước, những chính trị gia của chúng tôi, những người đã đưa đất nước ra đến nông nỗi này vì tham nhũng, ” Cha Breidi nói với tờ I MEDIA sau buổi tiếp kiến.

“Trong hơn 100 năm, Li Băng là quốc gia giàu có ở Trung Đông, là Thụy Sĩ của khu vực, nhưng ngày nay chúng tôi đang phải đối mặt với một thảm họa lớn. Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi trái tim của nhiều người để hòa bình lại đến với chúng tôi.”

Cha Breidi bày tỏ hy vọng về chuyến viếng thăm Li Băng sắp tới của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, vào ngày 4 tháng 9, trong Ngày Ăn chay và Cầu nguyện. Chuyến viếng thăm này cũng được Đức Thánh Cha công bố trong buổi tiếp kiến chung.

“Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thăm đất nước chúng tôi một ngày sau khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra. Thủ tướng Ý sẽ thăm Li Băng vào tuần tới. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y thay mặt cho Vatican có thể giúp tăng cường những hỗ trợ dành cho Li Băng.”

Trong lời cầu xin dành riêng cho Lebanon, trong khi một tay cầm lá cờ của linh mục Maronite, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước “cam kết chân thành và cởi mở với công việc tái thiết, gạt bỏ mọi lợi ích đảng phái và hướng tới lợi ích chung và tương lai của dân tộc.”

Sau những lời này, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện trong im lặng. Sau đó, ngài ra hiệu cho vị linh mục Li Băng nói vài lời.

Cha Breidi nói:

“Cảm ơn, Đức Thánh Cha. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn và sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi đang chờ các bạn chúc phúc cho vùng đất thân yêu của chúng tôi.”

Ngài giải thích cho cộng đoàn rằng khoảng 300, 000 Kitô hữu đã nộp đơn xin di cư vì cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà đất nước này đang trải qua. Khi dứt lời, ngài quay sang Đức Giáo Hoàng cám ơn, Đức Thánh Cha đã ôm ngài một lúc giữa tràng pháo tay của cộng đoàn trong Sân San Damaso.


Source:Aleteia

2. Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh quá trình tục hóa đến 10 năm, một vị Hồng Y cảnh báo

Trái với tiên đoán lạc quan của nhiều người cho rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng đã mở mắt cho nhiều người thấy những giới hạn nhân sinh mong manh, và thúc đẩy ơn hoán cải; và do đó thế giới sẽ tốt hơn, đạo thánh Chúa sẽ khởi sắc hơn. Chẳng may, các tiên đoán lạc quan ấy đã không xảy ra. Ngay khi đại dịch kinh hoàng này vẫn còn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia, chúng ta phải chứng kiến một tình trạng bạo lực đi kèm với một thái độ bài Kitô Giáo quyết liệt chưa từng có.

Một vị Hồng Y nhận định rằng đại dịch coronavirus có thể đã đẩy nhanh quá trình tục hóa tại Âu châu nhanh hơn 10 năm; và chúng ta phải đối diện với thực tế này với lòng khiêm nhường, trong khi điều chỉnh một cách sáng suốt các chương trình mục vụ và tân Phúc Âm Hóa.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 2 tháng 9, Hồng Y Jean-Claude Hollerich cho biết ngài tin rằng số lượng người Công Giáo đến nhà thờ sẽ giảm sau COVID-19.

Khi được hỏi liệu Giáo hội ở Âu châu sẽ mạnh lên hay yếu đi sau đại dịch, ngài nói: “Tôi nghĩ về đất nước của mình: chúng tôi sẽ bị giảm bớt số lượng. Bởi vì có những người không đến tham dự Thánh lễ nữa, đặc biệt những người chỉ đến nhà thờ vì lý do văn hóa, những người mà người ta gọi là ‘người Công Giáo văn hóa’, hữu khuynh hay tả khuynh, không còn đến nhà thờ nữa. Họ đã thấy rằng cuộc sống rất thoải mái. Họ có thể sống rất tốt mà không cần phải đến nhà thờ. Ngay cả những buổi Rước Lễ Lần Đầu, giáo lý cho trẻ em, tất cả những điều này sẽ giảm về số lượng. Tôi gần như dám chắc chắn về những điều ấy.”

“Nhưng đó không phải là một lời phàn nàn về phần tôi. Chúng ta đã có quá trình này ngay cả khi không có đại dịch. Có lẽ đại dịch này đã lấy mất thêm của chúng ta 10 năm nữa. Nó đẩy nhanh tiến trình này.”

Stephen Bullivant, giáo sư thần học và xã hội học tôn giáo tại Đại học St. Mary, Twickenham, ở Anh, lưu ý rằng ông đã đưa ra quan điểm tương tự với Đức Hồng Y Hollerich trong cuốn sách điện tử gần đây của mình “Đạo Công Giáo trong Thời đại Coronavirus”

“Ít nhất là về số người tham dự nhà thờ, chúng ta gần như chắc chắn sẽ thấy một ‘bước nhảy vọt về phía trước’ theo xu hướng giảm đã có từ lâu, ” anh nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Nhiều giáo phận đã đưa ra dự báo trong những năm trước như ‘nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta sẽ có X số linh mục hoạt động tích cực cho Y số lượng người tham dự thánh lễ vào năm 2040’, hoặc tương tự như thế. Họ sẽ phải sửa những con số thống kê bi đát đó sớm hơn như thế.”

“10 năm hay không, tôi không biết - nhưng con số 10 năm không phải vô lý đâu.”

Đức Hồng Y Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg và là chủ tịch của Ủy ban Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là COMECE, nói rằng Giáo hội ở Âu Châu cần phải đối phó với tình trạng suy yếu của mình bằng sự khiêm tốn.

Ngài nói: “Tại thời điểm này, Giáo hội phải được truyền cảm hứng từ một sự khiêm nhường cho phép chúng ta tổ chức lại bản thân tốt hơn, trở thành Kitô hữu hơn, bởi vì nếu không thì nền văn hóa Kitô giáo này, nền văn hóa Công Giáo độc đáo này, không thể tồn tại theo thời gian, nó không có sức sống đằng sau nó.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời cho Giáo hội. Chúng ta phải hiểu những gì đang bị đe dọa, chúng ta phải phản ứng và đưa ra những cơ cấu truyền giáo mới. Và khi tôi nói những người truyền giáo, tôi muốn nói đến cả hành động và lời nói. Tôi cũng nghĩ rằng trong thế giới sau đại dịch, phương Tây, Hoa Kỳ và Âu Châu, sẽ yếu hơn trước, bởi vì sự gia tốc do virus mang lại sẽ làm cho các nền kinh tế khác, các quốc gia khác, phát triển.”

“Nhưng chúng ta phải nhìn nhận điều này với chủ nghĩa hiện thực, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa Âu Châu hiện hữu trong suy nghĩ của mình và với sự khiêm tốn tuyệt vời, chúng ta phải làm việc với các quốc gia khác vì tương lai của nhân loại, để có được một thế giới công bằng hơn.”

Các thánh lễ công cộng đã bị đình chỉ trên khắp Âu châu trong vài tháng để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Trong khi các buổi lễ công cộng đã tiếp tục trở lại, đã có những bằng chứng cho thấy việc tham dự đã giảm hẳn so với trước khi xảy ra khủng hoảng.

Ở một số quốc gia, đã có những giới hạn nghiêm ngặt về số lượng người Công Giáo được phép tham dự Thánh lễ do lo ngại về việc lây truyền virus.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Âu Châu, đã có 2, 304,846 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo tại Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh tính đến ngày 4 tháng 9, với 182, 358 trường hợp tử vong.

Đức Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên, được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Luxembourg vào năm 2011. Ngài nhận chiếc mũ đỏ vào ngày 5 tháng 10 năm 2019, và trở thành Hồng Y đầu tiên của Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo, quốc gia chỉ có 626, 000 người.


Source:Catholic News Agency

3. Các Giám Mục New York phản đối thống đốc Cuomo cắt giảm trợ cấp cho người nghèo

Thống đốc Andrew Cuomo là người thường xuyên chỉ trích tổng thống Trump. Ông ta họp báo gần như hàng ngày, đôi khi ngày Chúa Nhật cũng mở các cuộc họp báo để chỉ trích Tổng thống Trump và bào chữa cho tình trạng đối phó thê thảm của tiểu bang đối với đại dịch coronavirus.

Nhóm người thứ hai Andrew Cuomo thường xuyên xung đột là các Giám Mục trong tiểu bang New York, đặc biệt là Đức Hồng Y Timothy Dolan. Andrew Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đường hướng của đảng Dân Chủ là phò phá thai. Đó là lý do chính dẫn đến các xung đột với hàng giáo phẩm Công Giáo.

Trong những ngày gần đây lại nổi lên một lý do xung đột thứ hai là việc cắt giảm ngân sách cho người nghèo. Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 3 tháng 9, các giám mục của New York đã lên tiếng kích liệt phản đối đề xuất cắt giảm ngân sách của tiểu bang New York, kêu gọi Thống đốc Andrew Cuomo đừng tạo thêm gánh nặng cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương đã quá khốn đốn vì đại dịch coronavirus.

“Khi thống đốc xem xét các bước cần thiết để khôi phục tình trạng ổn định tài chính của tiểu bang chúng ta, các giám mục của New York đưa ra những lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan cho ông, đồng thời lời nhắc nhở rằng tiểu bang không bao giờ có thể cân bằng ngân sách trên lưng người nghèo và dễ bị tổn thương, ” tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New York được công bố vào Thứ Năm, 3 Tháng Chín, viết.

Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông cho thấy tiểu bang đang xem xét việc cắt giảm 20% ngân sách cho mọi bộ phận trong bang để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách của mình.

Mặc dù những cắt giảm này là “có thể hiểu được”, và có vẻ như là một đối xử bình đẳng đối với tất cả các bộ phận, các giám mục tuyên bố, “chúng ta phải ghi nhớ rằng đối với hàng trăm nghìn người New York dễ bị tổn thương, những người phụ thuộc vào các tổ chức cung cấp dịch vụ nhân sinh phi lợi nhuận được nhà nước tài trợ, công bằng xã hội đã loại trừ họ và bao đời nay vẫn loại trừ họ.”

“Chúng ta không được quay lưng lại với phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, những người nhập cư tìm kiếm các trợ cấp hợp pháp, những người khuyết tật về thể chất hoặc chậm phát triển, những người già yếu, những bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn và con nhỏ của họ, những gia đình vô gia cư, những người mất việc làm và không có đủ thức ăn để đặt trên bàn, những người bị nghiện hay bệnh tâm thần, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, những người phạm tội đang tái hòa nhập với xã hội, hoặc nhiều người dân New York khác, những người cần nhất sự ủng hộ của chúng ta, ” tuyên bố nói.

Trong khi các tổ chức bác ái Công Giáo vẫn có thể tiếp tục quan tâm đến một số người khó khăn trong tiểu bang, các giám mục nói rằng những thách thức là “lớn hơn bao giờ hết” với nhu cầu tăng lên và khả năng quyên góp giảm mạnh do nền kinh tế suy sụp và các đóng góp từ các giáo xứ hầu như không còn vì bị đóng cửa do coronavirus.

Các giám mục của tiểu bang cũng lưu ý rằng Hiến pháp New York chỉ rõ rằng “viện trợ, chăm sóc và hỗ trợ người nghèo là mối quan tâm của cộng đồng và sẽ được cung cấp bởi tiểu bang” và chỉ ra rằng, theo lời thúc giục của Thống đốc Andrew Cuomo, tiểu bang đã thêm cụm từ “E pluribus unum” – nghĩa là “Tuy nhiều, nhưng là một” trên lá cờ tiểu bang trong năm qua.

Các Giám Mục cũng chỉ ra rằng Cuomo đang phải đối mặt với một “thực tế không thể tránh khỏi” khi đề cập đến việc giữ an ninh cho người dân New York và đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách, nhưng nên “nhớ tình đoàn kết phải bao gồm những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta” khi quyết định cắt giảm ngân sách.

New York là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19. Vào thời điểm cao điểm của đại dịch, hơn một nghìn người mỗi ngày phải chống chọi với căn bệnh này chỉ riêng ở thành phố New York.

Do thiếu các bệnh viện, Cuomo đã có lúc ra lệnh cho các viện dưỡng lão phải tiếp nhận các bệnh nhân coronavirus. Chính sách này gây thương vong kinh hoàng. Các số liệu thương vong của nhà nước đã bị tranh cãi, với một số ý kiến cho rằng con số tử vong thực sự trong các viện dưỡng lão có thể đã bị che dấu.


Source:Catholic News Agency

4. Hãy bảo vệ gia đình bạn bằng lời cầu nguyện này với các vị Tổng lãnh thiên thần

Hồi tháng Ba và tháng Tư khi đại dịch coronavirus đang diễn ra một cách kinh hoàng, nhiều người bày tỏ hy vọng rằng đại dịch này sẽ mở mắt ra cho nhiều người. Chẳng may, ngay trong khi tình trạng dịch bệnh vẫn còn hết sức đáng lo ngại, bạo động nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới, đi kèm với các hình thức bất khoan dung và bách hại tôn giáo. Các vụ đập phá ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, và các thánh diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 2, 000 Kitô hữu bị thảm sát tại Nigeria từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh đó, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường đưa ra lời kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cùng các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael bao quanh gia đình chúng ta với sự bảo vệ từ trời cao của các ngài.

Chúa tạo ra các thiên thần để bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống này. Dù chúng ta không nhìn thấy các ngài bằng mắt thường, các ngài vẫn bao quanh chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Đây là lời cầu nguyện đến các vị Tổng lãnh thiên thần trong Sách Cầu nguyện, để cầu xin các ngài bảo vệ gia đình chúng ta khỏi mọi tổn hại, dù là vật chất hay tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phước cho ngôi nhà, và cho gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi điều ác.

Lạy Thánh Thiên Thần Michael, hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.

Lạy Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý của Đức Chúa Trời.

Lạy Thánh Thiên Thần Raphael, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.

Lạy các Thánh thiên thần hộ mệnh, xin gìn giữ chúng con ngày và đêm trên con đường cứu rỗi. Amen.


Source:Aleteia
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News