Ngày 07-09-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm tĩnh tâm Linh Mục GP Phú Cường tháng 9 2014: Linh Mục sống ơn hiệp thông
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
13:03 07/09/2014
GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG SUY NIỆM TỈNH TÂM LINH MỤC THÁNG 9.2014

LINH MỤC SỐNG ƠN HIỆP THÔNG

Đối với người linh mục: hiện thân của Mầu nhiệm Hiệp thông, thừa tác viên của Mầu nhiệm Hiệp thông, sự cụ thể của Ơn hiệp thông mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, mối dây hữu hình gắn kết Trời Cao với lòng người thế… phải thể hiện cho bằng được vai trò “hiệp thông” của mình trong Ơn gọi mà Thiên Chúa, vì sự ưu ái của Người, đã trao cho chính linh mục.

Khép lại ở đề tài linh mục sống ơn hiệp thông, chúng ta sẽ nói tới hai khía cạnh cần thiết của Mầu nhiệm Hiệp thông gắn liền cuộc đời linh mục: Hiệp thông trong sứ vụ; Hiệp thông qua chiều kích siêu nhiên.

I. HIỆP THÔNG TRONG SỨ VỤ.

“Mục đích mà các linh mục theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô” (Chức vụ và Đời sống các linh mục số 2). Bởi đó, linh mục đặt trọng trách hàng đầu là thi hành sứ vụ theo ý Thiên Chúa như Chúa Kitô và liên kết với Hội Thánh. Khi thi hành sứ vụ “vinh danh Chúa”, linh mục đem ơn thánh hóa cho mình, cho đời, dẫn mọi người tới ơn cứu độ của Chúa Kitô.

1. Sứ vụ thánh hóa con người.

Hơn ai hết, do thánh chức mời gọi, linh mục trở thành trung gian cá biệt giữa Thiên Chúa và con người. Linh mục phải chắp tay hướng về trời, để rồi mở bàn tay hướng ra xung quanh mình. Chính linh mục, qua kho tàng Ơn thánh, kho tàng Bí tích, qua Thừa tác vụ, qua vai trò ngôn sứ, tư tế, vương đế, ngài sẽ là người đến cùng Thiên Chúa, kết hợp cùng Chúa Kitô, múc lấy nguồn ân tứ thiêng thánh để ban tặng phàm trần. Chính linh mục mới là người làm dồi dào lẽ sống cho những ai mình phục vụ, những ai mình tha thiết tìm đến, những ai tin mình, những ai nương nhờ mình, những ai tìm đến mình…

Đó là đời sống Sứ vụ. Sứ vụ của linh mục là một khoa chuyên biệt: “thánh hóa con người”. Sứ vụ vừa thiêng thánh, vừa phàm trần.

- Thiêng thánh vì nối tiếp Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho con người.

- Phàm trần vì dù được thánh hiến, linh mục vẫn là người ở giữa mọi người.

Dù vậy, thừa tác vụ linh mục khiến linh mục cao quý: Mang sứ vụ thánh, linh mục làm cho khuôn mặt Thiên Chúa như cụ thể hóa qua công tác thi hành thánh chức của mình. Đồng thời linh mục tiến dâng con người, dâng nỗi khắc khoải, dâng từng mãnh đời, dâng nghị lực sống, dâng nỗi niềm, dâng tinh hoa… của nhân loại lên cùng Chúa. Nói như thánh Âugustinô, thừa tác vụ khiến linh mục vừa hạnh phúc, vừa mang trọng trách, đó là làm Kitô hữu với anh chị em và làm linh mục cho anh chị em.

Sứ vụ thánh hóa của linh mục được cụ thể hóa nơi tất cả những công tác mà linh mục được mời gọi phải thi hành với lòng nhiệt tâm, với tình yêu dâng hiến như: lãnh đạo; giảng dạy; truyền giáo; đồng cảm và xoa diệu nỗi đau của con người; gìn giữ thuần phong mỹ tục, nền luân lý, lề luật Chúa, lề luật Hội Thánh; bảo vệ chân lý, công lý và nền bình an; cử hành bí tích và mọi nghi thức tôn giáo trong vai trò tư tế đại diện con người tôn thờ Thiên Chúa. Và công tác hàng đầu của sứ vụ linh mục là cầu nguyện: cho mình, cho thánh vụ của mình, cầu nguyện cho mọi người và trong mọi người.

Hãy nhớ mãi và đừng quên: trong sứ vụ thánh hóa con người mà linh mục tận tụy thi hành cách thánh thiện, hết lòng yêu mến, sẽ cho chính linh mục hiệp thông trọn vẹn với Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).

2. Sứ vụ của linh mục giữa lòng Hội Thánh.

“Nhờ đức tin và phép rửa, mọi tín hữu đều được hội nhập vào trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền; không một tín hữu nào thuộc về Giáo Hội phổ quát một cách gián tiếp, qua trung gian sự việc thuộc về một Giáo Hội địa phương, nhưng là một cách trực tiếp, cho dù việc gia nhập và sống trong Giáo Hội phổ quát có nhất thiết phải được thể hiện ra ở trong một Giáo Hội địa phương” (Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông – Thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 28.5.1992).

Hội Thánh không chỉ là Hội Thánh địa phương, mà phải là Hội Thánh tại địa phương trong tương quan với Hội Thánh hoàn vũ. Vì thế, sứ vụ của linh mục, dù được thực hiện nơi Hội Thánh địa phương, vẫn không bao giờ được phép loại trừ yếu tố phổ quát của cả Hội Thánh mà chính Chúa Kitô đã thiết định.

Hơn nữa, linh mục chỉ trở thành linh mục trong Hội Thánh mà chính Chúa Kitô đã thành lập và đổ máu cứu chuộc. Mang thánh chức linh mục của chính chức linh mục của Chúa Kitô, không thể nào linh mục tách mình khỏi Hội Thánh mà lại có thể là linh mục của Chúa Kitô.

Ngoài Hội Thánh hoàn vũ, còn có giám mục và anh em linh mục. Linh mục không là một bông hoa xương rồng giữa sa mạc trơ trọi, đơn lẻ. Đúng hơn, linh mục hoạt động trong tương quan với giám mục bằng thái độ vâng phục, yêu mến và đi theo đường hướng mục vụ của ngài. “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13, 17).

Kế đến, linh mục hiệp thông với linh mục đoàn trong tình yêu, sự nâng đỡ, thông cảm, sẻ chia, đón nhận, đôi khi cả tha thứ nữa… “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em” (1Pr 3, 8).

Hiệp thông với Chúa Kitô trong Hội Thánh và hiệp thông với Hội Thánh nhờ sứ vụ của Người, linh mục đã hoàn thành ý nghĩa hiến dâng mà mình đã chọn lựa để bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Chúa Kitô dành sự ưu ái cho linh mục, khi các ngài hoàn thành xuất sắc đời sống hiến dâng trong ơn hiệp thông trọn vẹn ấy: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 14-16).

II. HIỆP THÔNG QUA CHIỀU KÍCH SIÊU NHIÊN.

Mầu nhiệm Hiệp thông giới thiệu một tương quan mang hình Thánh giá. Nó vừa có chiều dọc, vừa có chiều ngang. Chiều dọc, Hiệp thông giúp ta gắn mình với Thiên Chúa, với Chúa Kitô. Chiều ngang, Hiệp thông dạy ta gắn mình với anh chị em, với những ai còn sống hay đã qua đời. Nếu hiệp thông trong sứ vụ, nhấn mạnh nhiều hơn đến chiều ngang, thì hiệp thông qua chiều kích siêu nhiên sẽ nhấn mạnh nhiều đến chiều dọc.

1. Hiệp thông trong nhân đức đối thần.

Ba nhân đức đối thần là chìa khóa cho từng cá nhân sống mầu nhiệm hiệp thông. Bởi đỉnh cao của hiệp thông phải là Thiên Chúa. Mọi ý nghĩa của hiệp thông phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không có chiều dọc, không có hiệp thông đúng nghĩa, mà chỉ là một “tập thể” như bao tập thể trần gian.

Nhân đức đối thần giúp linh mục sống Mầu nhiệp Hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người, giữa linh mục với Thiên Chúa, giữa linh mục với con người. Qua đó, linh mục nhìn thấy Chúa nơi từng anh chị em, nơi cả cộng đoàn, nơi trách vụ lãnh đạo và thánh hóa của mình.

a. Đức Tin: Người linh mục được kêu gọi làm linh mục, chính là do ơn Chúa. Lãnh nhận ơn Chúa để làm việc trong vườn nho Chúa là cánh đồng truyền giáo trên mọi nẻo của cuộc đời, linh mục không thể không chìm đắm trong đức tin để múc nguồn ơn thánh.

Phải có đức tin, lời rao giảng mới nên hiệu nghiệm.“Vì có được cùng một lòng tin như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mời nói; Chúng tôi cũng tin nên chúng tôi mới nói” (2Cr 4, 13). Chúng ta chỉ có thể rao giảng trong đức tin. Nhờ đức tin gợi hứng, chúng ta trình bày giáo lý của Chúa Kitô, chỉ một giáo lý của Chúa Kitô mà thôi.

Không có đức tin, linh mục không còn là linh mục của Chúa, không còn là linh mục của Hội Thánh. Đức tin chính là “hương thơm” của linh mục. Trong đức tin, linh mục nói được như thánh Phaolô: “Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất” (2Cr 2, 15).

b. Đức Cậy: Nếu đức tin là chỗ dựa bình an cho việc giảng dạy đúng đòi hỏi của Tin Mừng và đúng giáo lý Hội Thánh, thì đức cậy là nguồn nâng đỡ mỗi khi chính vì phải làm chứng cho Tin Mừng, cho công lý, cho sự thật, cho lẽ sống của Hội Thánh, mà ta phải đối diện với thử thách.

Một khi sống giữa muôn người, trái ngọt và trái đắng đan xen, ngang qua sứ vụ của linh mục, chắc không là chuyện bất thường. Đức cậy đứng ra cáng đáng mọi gánh nặng, giúp ta vượt qua, không nản chí và mạnh mẽ bước tiếp.

Đức cậy dạy ta phó thác. Càng ghập ghềnh, càng khó khăn, càng bế tắc, càng phó thác và phó thác càng mãnh liệt: Đó là phó thác mình trong tay Chúa như Chúa Kitô: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46); Đó là phó thác riêng từng anh chị em và phó thác chung cả cộng đoàn mà mình có nhiệm vụ coi sóc cho Chúa: “Tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20, 32); Đó cũng là phó thác mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, mọi bất trắc, mọi cảnh đời, mọi niềm vui, mọi nỗi buồn, mọi thành công hay thất bại… trên đường mục vụ “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, và như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng con cũng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng con, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 122, 21).

Niềm phó thác sẽ giúp ta chiến đấu cách quyết liệt và đầy tin tưởng: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4, 8-12).

c. Đức Mến: Dù là nhân đức cuối trong ba nhân đức đối thần, đức mến là nhân đức nền tảng, nhân đức mấu chốt cho tình yêu hiệp thông của ta với Chúa. Từ đó nảy sinh tình yêu hiệp thông giữa ta với tha nhân.

Bằng câu chuyện về người cha của một đứa bé mà Tin Mừng theo thánh Marcô (9, 14-29) kể lại, sẽ chứng minh: Trong đức mến, ta sẽ nhìn thấy ba chiều kích giữa cá nhân với Thiên Chúa, giữa cá nhân với tha nhân và giữa Thiên Chúa với con người.

Đứa bé được kể là tình trạng bệnh rất nặng. “Cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọi mép, nghiến răng, cứng đờ người ra…” (Mc 9, 18a).

Nhưng vượt trên tình trạng bệnh tật của em bé là nét đẹp tuyệt vời của tình yêu nơi người cha. Không chỉ yêu con mình, ông đã dành lòng yêu mến cho Chúa Giêsu. Đó là chiều kích thứ nhất: chiều kích giữa cá nhân với Thiên Chúa.

Lòng yêu mến khiến người cha tin và cậy trông vào quyền năng của Chúa. Ông cầu nguyện cho con ông: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22b). Vì chữ “nếu”, ông bị Chúa trách ngược lại, thì lập tức ông tuyên xưng đức tin: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9, 24). Lòng tin của người cha, sự ao ước cho con mình được chữa lành đã chứng minh chiều kích thứ hai: chiều kích cá nhân với tha nhân.

Lòng yêu mến, niềm cậy trông và đức tin của ông đã cho ông kết quả thật lớn: con ông khỏi bệnh. Đó là chiều kích thứ ba: chiều kích giữa Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa không bỏ rơi con người.

Như người cha trong Tin Mừng, các linh mục hãy xót thương đoàn chiên của Chúa, hãy săn sóc, hãy gìn giữ dù đoàn chiên thánh thiện hay khiếm khuyết. Hãy đến cùng Chúa, sống kết hiệp với Chúa luôn luôn, không bao giờ rời xa lòng từ bi của Chúa.

Linh mục hãy yêu mến Chúa trọn tình, trọn nghĩa, nhằm lôi kéo tình thương của Chúa, hồng ân của Chúa, niềm an ủi của Chúa trên cả đoàn chiên, và trên từng con chiên không phân biệt lành dữ, tốt xấu. Hãy nhớ, những gì mà người cha không thể làm cho con mình, thì Chúa Giêsu đã bù đắp cho ông.

Một mặt, đức mến sẽ cho ta hiệp thông trọn vẹn vào tình yêu của Chúa, để nhờ hiệp thông với Chúa, ta có Chúa và không còn sợ hãi. Mặt khác, nhờ đức mến, ta hiệp thông trọn vẹn với anh chị em, để nơi anh chị em, ta sẽ được bổ khuyết những gì còn thiếu sót nơi bản thân mình.

Chỉ trong đức mến, ta nhận ra khuôn mặt tình yêu rạng ngời của Chúa nơi từng con người và nơi cả cộng đoàn. Bởi không phải ta, nhưng là Chúa, Người luôn luôn lãnh đạo đoàn chiên. Người khẳng định rằng: “ Đây, chính Ta chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 11. 16).

2. Hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người Công Giáo luôn tin rằng: Trong Chúa Thánh Thần, ta hiệp thông với Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô, ta đến cùng Chúa Cha. Lãnh nhận Bí tích Truyền chức, Chúa Thánh Thần được trao ban để linh mục thi hành sứ vụ của Chúa Kitô, trong tình yêu sâu thẳm, tình yêu tận cùng của Chúa Cha và nhân danh cùng vinh danh Chúa Cha.

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 16), tình yêu không thể là sự đơn độc buồn tẻ, mà là những tương quan, những hành vi yêu thương.

Nơi Thiên Chúa, tương quan và hành vi ấy hiện thực và trọn vẹn đến nỗi là những “Ngôi vị” cụ thể: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Nhưng tình yêu ấy không nội tại nơi cung lòng Ba Ngôi, mà được trào tràn, được thông ban cho mọi thụ tạo, cách riêng cho loài người.

Một khi hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi bước vào đời sống của Ba Ngôi, nhờ hiến tế của Chúa Kitô nơi bí tích nguồn của ơn hiệp thông là Thánh Thể Chúa Kitô.

Linh mục cần khắc sâu tâm niệm này: “Hiệp thông là ân sủng”. Bởi chỉ khi Chúa đón nhận ta, ta mới có thể hiệp thông với Người. Chỉ khi Chúa cho phép ta, ta mới có thể sống bằng chính sự sống của Người. Nói cách khác, hiệp thông với Thiên Chúa là được Người mời gọi bước vào huyền nhiệm tình yêu của Người. Nhận lãnh tình yêu sung mãn và tròn đầy ấy, ta lại tiếp tục trao tặng tình yêu cho nhau. Trong Chúa, ta hiệp thông với nhau. Vì thế, sống chiều kích hiệp thông Ba Ngôi là sống ân sủng tràn đầy của Thiên Chúa, sống tình yêu mãnh liệt của mọi con người dành cho nhau.

Đối với linh mục, sống ân sủng hiệp thông là nền tảng của mọi hoạt động trong thánh chức. Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa để mỗi linh mục kết hiệp với Người mà sống trọn vẹn ân sủng hiệp thông: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì họ thuộc về Cha” (Ga 17, 9).

Ngay trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cũng hàm chứa sức sống của sứ vụ mà người linh mục thực hiện trong thánh chức của mình: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Sức sống của sứ vụ sẽ làm cho “những ai nhờ họ mà tin vào Con”. Vì thế, sứ vụ của linh mục hết sức cao đẹp: dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa.

Sứ vụ linh mục được gắn kết với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, trở thành một sứ vụ cao cả, to tát, là niềm hạnh phúc của chính linh mục, đòi linh mục phải giữ gìn, phải trân trọng và luôn luôn tỉnh thức để thắm mãi sự gắn kết ấy.

Hãy cầu nguyện để mỗi giây phút sống là mỗi giây phút chìm đắm trong tình yêu Ba Ngôi. Cầu nguyện để giữ mãi ân sủng hiệp thông trong suốt đời linh mục của mình với Ba Ngôi.

Hãy cầu nguyện, vì mỗi phút giây chìm đắm trong cầu nguyện để dâng lên Ba Ngôi sự tôn thờ, cũng chính là mỗi phút giây vinh danh chính linh mục. Cầu nguyện là sự sống còn của linh mục và sự sống còn của tác vụ linh mục. Bởi một lẽ đơn giản: không cầu nguyện, không bao giờ có sự hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. Sống Bí tích Thánh Thể, nguồn ơn hiệp thông.

“Thánh Thể là nguyên lý và cứu cánh của thừa tác vụ Linh Mục” (Chức vụ và đời sống linh mục số 5; Chỉ Nam Đời sống Linh Mục năm 1994 số 48.)

Chuáng ta vừa đề cập đến hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi. Nhưng Thánh Thể chính là cửa ngõ ban sự sống thần linh của Ba Ngôi. Khi cử hành Hiến tế tạ ơn của Chúa Kitô, linh mục và mọi Kitô hữu được bước vào cung thánh của sự sống thần linh nơi Ba Ngôi. Vì họ trực tiếp tham dự và hiệp thông với sự sống của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần “thần hóa” để trở nên “Thiên Chúa” hơn.

Thánh Thể là suối nguồn và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, nên cũng phải là trung tâm đời sống và sứ vụ của linh mục. Theo thời gian, công việc, sức nặng của trách nhiệm có thể làm ta mỏi mòn, phai nhạt nhiệt huyết, đến với Thánh Thể, Chúa sẽ “nạp lại năng lượng”, tăng sức mạnh tông đồ cho ta. “Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Chính ở bên cạnh Chúa mà Linh Mục tìm được sức mạnh và phương thế đem ta đến gần Thiên Chúa, khơi dậy đức tin và thúc đẩy hành động và chia sẻ” (Chỉ Nam 1994 số 42).

Không chỉ đến với Thánh Thể, linh mục còn “phải chăm lo sao cho Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; ngài phải cố gắng làm cho tín hữu được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi việc cử hành sốt sắng các bí tích” (Huấn thị Bí tích Cứu Độ số 32).

4. Sống Mầu nhiệm Hiệp thông giữa các Thánh.

“Sự hiệp thông này không giới hạn vào những người còn sống tại thế, mà còn là sự Hiệp thông với triều thần thánh trên trời, với các linh hồn còn chịu đau khổ trong luyện ngục” (Giám mục Bùi Văn Đọc – Tham luận tại Đại Hội Dân Chúa 2010).

Mọi tín hữu dù còn sống hay qua đời, đều đã được thanh tẩy, được trở nên công chính nhờ ơn Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội. Tất cả đều được tháp nhập vào Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, dù tín hữu còn sống hay qua đời đều nên một với nhau, làm thành một Thân Thể Duy nhất là Hội Thánh.

Bởi vậy, trên đường trọn lành, không phải chỉ có những người đang sống chung quanh ta, nhưng còn là anh chị em đã vượt qua trần thế. Đó là Đức Trinh Nữ Maria, hàng hàng lớp lớp các thánh của Chúa, các linh hồn nơi luyện tội. Nhờ sự công chính, công nghiệp lớn lao và lời chuyển cầu của các ngài, chúng ta được Chúa ban ơn, gìn giữ và mạnh mẽ tiến về cùng Chúa.

Sống ơn hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cùng các thánh, dâng hy sinh và cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cậy nhờ các ngài, hiệp thông với các ngài mà chúc tụng, tạ ơn Chúa và đền tội chúng ta.

III. KẾT LUẬN.

Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống khi có được mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa, con người chỉ sống đích thực khi nào đáp trả tình yêu đó bằng cách sống trọn vẹn tương giao thông hiệp với Chúa là Cha và với mọi người như anh em trong một nhà. "Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,12).

Tất cả chúng ta là Nhiệm thể của Chúa Kitô. Nếu một chi thể bị cắt khỏi thân thể, sẽ làm thân thể tàn tật, thì Nhiệm thể Chúa Kitô cũng vậy. Chúng ta không sống trong một Hội Thánh để rồi làm cho Hội Thánh bị tật nguyền, mà hãy là một phần của Hội Thánh, góp hết sức mình yêu mến và xây dựng Hội Thánh.

Hội Thánh là Gia đình của Thiên Chúa ở trần gian. Là linh mục, chúng ta cố hết sức tạo mối tương giao thân thiện làm cho mọi người sinh hoạt trong Hội Thánh, đều cảm thấy như “ở nhà mình”: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).

Xin Chúa ban cho mọi anh em linh mục chúng ta biết yêu mến Hội Thánh tại địa phương mình và cả Hội Thánh hoàn vũ, để trong khi xây dựng Hội Thánh địa phương, nơi được trao phó cho mình, chúng ta cũng biết làm cho cộng đoàn Hội Thánh địa phương tương hợp với cả gia đình Hội Thánh hoàn vũ.

VẤN TÂM

1. Lẽ ra, là linh mục, chúng ta phải luôn luôn xây dựng sự hiệp thông, luôn luôn là tác nhân của tình yêu hiệp thông, nhưng do bản tính con người yếu đuối, nhiều lần vô tình hay cố ý, chúng ta đã là chứng nhân, tệ hơn, hiện thân của sự chia rẽ. Giờ phút này, đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, kiểu mẫu và nguồn ơn hiệp thông, chúng ta hãy thật lòng xin lỗi Chúa, xin lỗi anh chị em của mình.

2. Hằng ngày cử hành thánh lễ, cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, anh em linh mục đụng chạm tới “cửa ngõ” của tình yêu hiệp thông nơi Ba Ngôi. Nghĩa là đụng chạm tới siêu nhiên, đụng chạm tới thực tại quý giá trên hết mọi thứ quý giá nơi chính bàn tay mình. Nhưng chúng ta đã yêu mến thánh vụ của mình đến mấy mươi phần trăm? Chúng ta đã dành hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn hay chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó cho Mầu nhiệm Cực Trọng này?

3. Bởi bí tích Thánh Thể là bí tích Cực trọng, linh mục hãy cố gắng hết sức xa lánh tội lỗi, chống lại cám dỗ và dọn mình chu đáo mỗi khi cử hành. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén của Chúa. Thật vậy, ai ăn và uống mà không xứng đáng là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cor 11,27-29).

Huấn từ của Đức Bênêđictô XVI tại Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49 ở Québec cũng nhắc nhở: “Tôi van nài các linh mục đặc biệt tôn trọng các nghi thức Thánh Lễ, và kêu gọi các tín hữu tôn trọng vai trò của mỗi cá nhân, cả linh mục lẫn giáo dân, trong các cử chỉ trong Thánh Lễ. Phụng vụ không thuộc về chúng ta mà là một kho tàng của Hội Thánh”.

Giáo Luật 916 hướng dẫn cụ thể hơn: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.”

Ngay lúc này, chúng ta cần suy nghĩ và kiểm điểm về những giáo huấn của Thánh Kinh và của Hội Thánh để nên xứng đáng hơn với Bí tích Hiệp Thông quý trọng, là chính Thánh Thể Chúa Giêsu

4. Là linh mục, chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận Chúa Kitô, một Chúa Kitô toàn thể vừa với thập giá và mão gai, vừa với vinh quang trên núi Tabo và chiến thắng phục sinh vinh hiển.

Sứ mạng linh mục là hướng dẫn những con người đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào nhau cảm thông.

Với trách nhiệm vừa vinh quang vừa đầy thử thách, có thể đã có lần đã làm chúng ta ngã nhào, nhưng tin vào tình yêu của Chúa, cậy dựa vào trái tim rộng mở của Hội Thánh, chúng ta tiếp tục con đường của mình trong tin yêu và hy vọng.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

1. Là thân mình của Chúa Kitô, cộng đoàn Kitô hữu được mặc khải như một dân tộc cánh chung, vì hai lý do:

- Đó là cộng đoàn sống Thánh Thể, tức là cộng đoàn cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô bằng cách ăn và uống Thức Ăn và Thức Uống đích thực của Nước Chúa, làm lương thực vĩnh cửu cho cuộc vượt qua đi về vĩnh cửu.

- Đó là cộng đoàn được quy tụ quanh bàn tiệc Thánh Thể, để thông phần sự sống của Chúa, nuôi dưỡng mỗi linh hồn trong cả cộng đoàn ấy ngay hôm nay và mãi mãi.

Lý thuyết về Bí tích Thánh Thể như trên, không linh mục nào không biết. Nhưng để hiệu quả và ích lợi cho việc tiến về cánh chung của chúng ta, các linh mục không chỉ biết mà hãy tâm niệm, hãy thúc bách mình tiến tới hơn nữa trên đường trọn lành để ơn ích mà Bí tích Thánh Thể mang lại càng ngày càng dẫn chúng ta tiến sâu vào tình trạng Nước Thiên Chúa hơn.

2. Cùng cộng đoàn Hội Thánh sống Mầu nhiệm Hiệp thông, anh em linh mục cũng luôn để tâm và ý thức tất cả những hoạt động trong sứ vụ của mình đều hướng về cánh chung. Vì thế, cùng cả Hội Thánh chúng ta sống trong hy vọng các lời hứa của Chúa Kitô sẽ được thực hiện ở phía cuối đường đời của chúng ta.

3. Trong mọi kinh nguyện, trong mọi cử hành, chúng ta đều hướng về Chúa Kitô, để như Người, hiệp thông với Người, chúng ta nhìn thấy ánh sáng giữa bóng tối trần gian và sẵn sàng chọn lựa đi về phía ánh sáng. Đó chính là đời sống Phục Sinh của Chúa chúng ta mà mình được mời gọi tham dự vào.

4. Chính nhờ ánh sáng Phục Sinh của Chúa soi đường, chúng ta vượt qua tội lỗi để tiến đến sự thánh thiện, vượt qua tình trạng nô lệ đến tự do. Đó là ơn của Đấng Phục Sinh biến đổi chúng ta: “Lương bỗng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Rm 6, 22).

5. Hướng về mầu nhiệm cánh chung, chúng ta hãy cảm tạ Chúa thật nhiều. Bởi ngay trong thánh chức linh mục mà Chúa khoác lên cuộc đời chúng ta, tự bản thân, đã mang chiều kích cánh chung. Vì:

- Như Lời Chúa nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17, 22).

- Trong thánh chức, Chúa mời gọi chúng ta không sống cho hôm nay, nhưng cho ngày mai. Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ những gì là trần tục để hướng về thực tại là chính Chúa.

Chúng ta thật hạnh phúc vì được diễn tả thực tại Nước Trời ngay trong ơn gọi của mình, đang khi còn sống trên cõi đời này.

Vậy chúng ta hãy ra sức sống sát với thực tại Nước trời trong từng ngày sống hôm nay, để ngày mai chúng ta hãnh diện dự phần của Chúa trong bình an trường tồn, như Chúa Giêsu hằng ước mơ: “Con muốn rằng, Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 24).

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thái tử Charles đóng góp cho các Kitô hữu Iraq chạy loạn Hồi Giáo
Đặng Tự Do
05:32 07/09/2014
Chỉ trong vòng tháng Tám, 120,000 Kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa ở ở vùng đồng bằng Nineveh để lánh nạn sau khi khu vực này bị rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Trước đó, từ thượng tuần tháng Sáu, khi bọn khủng bố chiếm được Mosul cả nửa triệu người đã phải tản cư.

Tại Erbil, có ít nhất 200,000 người tị nạn đang sống tại 22 điểm tiếp cư. Một trong những điểm đó là Nhà thờ St Joseph, Ankawa, nơi 670 gia đình đã nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp và đang sống dưới các tấm bạt, trong bóng râm của các tòa nhà, và cả bên trong nhà thờ.

Xúc động trước tình cảnh bị bách hại của các tín hữu Kitô, thái tử Charles của xứ Wales đã có những đóng góp cá nhân để giúp các Kitô hữu kèm với một thông điệp chân thành bày tỏ những quan ngại của mình. Ông đã gởi một số tiền lớn cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Giám đốc của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, là Neville Kyrke-Smith cho biết: "Sự hỗ trợ này là động viên to lớn và cho thấy tình đoàn kết với những người Kitô hữu đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt khỏi quê hương Kinh Thánh. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng hành động hào phóng và tử tế có thể truyền cảm hứng cho những người khác để nhiều người cùng đứng lên cho tất cả những ai chịu đau khổ vì đức tin của họ. "
 
Ngoại giao Tòa Thánh - Trung Quốc có thể đi theo mô hình Việt Nam
Khương Duy Hải
08:59 07/09/2014
Ngoại giao Tòa Thánh - Trung Quốc có thể đi theo mô hình Việt Nam

Trước những dấu hiệu khác nhau được phát ra từ chính phủ Trung Quốc đại lục về những liên lạc với Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng làm ấm dần mối quan hệ giữa hai bên, và một ngày nào đó có thể thiết lập một vị đại diện của Tòa Thánh ở Bắc Kinh.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như nhậm chức cùng một thời điểm là ngày 13 và 14 tháng 3 năm 2013. Chưa từng có trong tiền lệ của một chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã mở lại kênh đối thoại với Vatican - vốn dĩ đang bị đóng băng - bằng việc phúc đáp lá thư chúc mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho ông sau khi ông nhậm chức. Và khi Đức Giáo Hoàng Phanxiô viếng thăm Nam Hàn hồi tháng trước thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép một chuyên cơ chở giáo hoàng bay vào không phận của nước này.

Không phải là tình cờ mà vào đêm trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Giáo Hội tại Trung Quốc đang sống và đang hoạt động", và rằng "Tòa Thánh đang cởi mở cho việc đối thoại và chỉ yêu cầu được thực thi sứ vụ của mình một cách tự do". Có thể hiểu lời yêu cầu "được thực thi sứ vụ một cách tự do" này của Đức Hồng Y Parolin là ám chỉ đến những vụ tấn phong bất hợp thức xẩy ra ở Trung Quốc mà vai trò của Giáo Hội bị loại bỏ. Giáo Hội tại Trung Quốc thường được mô tả là một Giáo Hội bị chia rẽ, một bên là Giáo Hội "chính thức" có liên hệ với chính phủ và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước; còn một bên là Giáo Hội "ngầm" bị bắt bớ và các cuộc tấn phong giám mục thường không được chính quyền công nhận.

Tại cuộc họp báo trên chuyên cơ trong ngày trở về từ Nam Hàn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn viếng thăm Trung Quốc của ngài, và khẳng định ngài có thể sẽ đến đó "ngay cả trong sáng ngày mai". Tuy vậy, ngài cũng đề cập đến Lá thư năm 2007 của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gửi cho người Công Giáo ở Trung Quốc, và gọi đó là một "dấu mốc quan trọng".

Không phải là tình cờ mà Đức Giáo Hoàng đề cập đến lá thư đó. Lá thư cho thấy tình cảm của Đức Bênêđictô dành cho người Công Giáo ở Trung Quốc, và mở ra một phương cách để đối thoại với chính quyền, trong khi vẫn duy trì nguyên tắc tự chủ của Giáo Hội. Sau khi lá thư được công bố, đã có dấu hiệu tan băng giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, mặc dù mối quan hệ vẫn có lúc chao đảo. Từ năm 2007 đến năm 2008, chức vụ tổng giám mục của Bắc Kinh đã được bổ nhiệm với sự chấp thuận của cả Tòa Thánh và Bắc Kinh. Sau đó, một lần nữa mối quan hệ được thổi làn gió mát vào năm 2008 và 2009. Và từ năm 2009 đến 2011, nhiều cuộc bổ nhiệm giám mục mới đều được hai bên chấp thuận và Đức Bênêđictô đã từng đưa ra lời mời chủ tịch Trung Quốc - lúc đó là Hồ Cẩm Đào - đến Vatican vào năm 2009. Mặc dù cuộc gặp gỡ này đã không thể tổ chức, nhưng lời mời đó của Đức Bênêđictô được đánh giá cao.

Thế rồi vào năm 2011, một cuộc bổ nhiệm giám mục được cả Vatican và Trung Quốc chấp thuận nhưng lại là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ hai bên đóng băng một cách đỉnh điểm, đó là trường hợp của Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm ở giáo phận Thượng Hải, một trong những giáo phận lớn và quan trọng nhất ở Trung Quốc. Là thành viên của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và đồng thời cũng trung thành với Tòa Thánh, Cha Mã Đạt Khâm đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Thượng Hải. Trong ngày tấn phong 7 tháng 7 năm 2013, Đức Cha Mã Đạt Khâm tuyên bố ngài không muốn liên hệ với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước nữa, vì điều này sẽ trái ngược với thừa tác vụ của ngài, theo như chỉ dẫn mục vụ mà lá thư 2007 của Đức Bênêđictô đã đề cập. Hậu quả là Đức Cha sau đó đã bị chính quyền Trung Quốc áp giải đến Đền thánh Xà Sơn để quản thúc, thậm chí cấm ngài tham dự lễ tang của Đức Giám Mục Thượng Hải.

Tòa Thánh đang hy vọng vượt qua được bế tắc này, với một loạt bước đi đã được khởi động ngay cả trước khi xảy ra vụ rối rắm ở Thượng Hải. Năm 2012, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền giáo, đã có một bài viết nhằm kỷ niệm 5 năm lá thư của Đức Bênêđictô và tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề mà Đức Bênêđictô đã nêu ra. Đức Hồng Y nhấn mạnh hai bên nên khởi đầu bằng một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Chính sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể theo hai phương hướng, cả ngoại giao và mục vụ. Ngoại giao sẽ theo mô hình đối thoại như Việt Nam, vì nước này từng bị khuyết chức đại diện Tòa Thánh từ năm 1975, khi người cộng sản miền Bắc chiếm được miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện tại bên Việt Nam đã lạc quan, không chỉ dừng lại ở việc bổ nhiệm một vị đại diện không thường trực của Tòa Thánh, mà bây giờ Tòa Thánh đã hy vọng sẽ có một vị đại diện thường trực để tiến đến quan hệ ngoại giao đầy đủ trong tương lai. Nhưng trường hợp ngoại giao ở Trung Quốc có một trở ngại, đó là Tòa Thánh đã có một đại diện tại Cộng hòa Trung Quốc (Trung Hoa Dân Quốc), còn được gọi là Đài Loan rồi.

Còn chiến lược mục vụ của Đức Phanxicô tại Trung Quốc có thể tập trung vào việc tuyên thánh cho Cha Matteo Ricci, một linh mục Dòng Tên đã đến truyền giáo tại Trung Quốc. Án tuyên thánh đã được trình lên Bộ Tuyên Thánh vào năm ngoái. Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đang quan tâm vào các vị tử đạo và các vị thánh để nhấn mạnh rằng Giáo Hội không tiếp cận đến Á Châu như là một kẻ hiếu thắng, nhưng là với vai trò làm chứng nhân cho Chúa Kitô. (CNS 6/9/2014, tựa do người dịch đặt)

Khương Duy Hải
 
Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân
Linh Tiến Khải
11:05 07/09/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật và nói: Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay giới thiệu đề tài sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu: nghĩa là tôi phải sửa lỗi một kitô hữu khác như thế nào, khi anh ta làm một điều không tốt. Chúa Giêsu dậy chúng ta rằng nếu người anh em kitô của tôi pham một lỗi chống lại tôi, xúc phạm đến tôi, tôi phải dùng lòng bác ái đối với người đó, và trước hết nói chuyện với họ một cách cá nhân, bằng cách giải thích cho họ rằng điều họ đã nói hay đã làm không tốt. Và nếu người anh em đó không nghe tôi thì sao? Chúa Giêsu gợi ý một sự can thiệp tiệm tiến: trước hết trở lại nói chuyện với họ với hai hay ba người, để họ ý thức hơn về lỗi lầm họ đã làm. Nếu mặc dù thế họ không đón nhận lời khích lệ, thì phải nói với cộng đoàn; nếu người ấy cũng không nghe cả cộng đoàn nữa, thì phải làm cho họ nhận thức được sự bẻ gẫy và xa cách, mà chính họ đã gây ra, khiến cho sự hiệp thông với các anh em khác trong đức tin bị giảm thiểu đi. Các chặng của lộ trình này cho thấy Chúa xin cộng đoàn của Người đồng hành với kẻ lầm lỗi để họ đừng hư mất. Trước hết cần phải tránh sự ồn ào của tin tức và sự bép xép của cộng đoàn - đó là điều đầu tiên phải tránh - ”Hãy đi và sửa lỗi người anh em, con với nó mà thôi” (c. 15). Thái độ là sự tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, chú ý đối với người đã phạm một lỗi, bằng cách tránh các lời nói có thể gây thương tích và giết chết người anh em. Bởi vì anh chị em biết, các lời nói có thể giết người! Đức Thánh Cha minh giải điều này như sau:

Khi tôi nói xấu nói hành, khi tôi có một lời chỉ trích bất công, khi tôi ”lột da” một người anh em với cái lưỡi của tôi, đó là giết chết danh dự của người khác. Chúng ta phải để ý tới điều này. Đồng thời sư kín đáo nói chuyện với người đó một mình không có mục đích làm nhục người có tội một cách vô ích. Nói chuyện giữa hai người, không ai nhận thấy và tất cả kết thúc. Chính dưới ánh sáng của đòi buộc này mà chúng ta cũng hiểu được các loạt can thiệp tiếp theo, dự kiến sự tham dự của vài chứng nhân, và rồi cả cộng đoàn nữa. Mục đích là giúp người anh em ý thức được điều họ đã làm, và với lỗi lầm của họ, họ đã không chỉ xúc phạm tới một người khác, mà xúc phạm tới tất cả mọi người. Nhưng cũng là để giúp chúng ta giải thoát mình khỏi sự giận dữ hay oán hận, chỉ gây đau đớn; nỗi cay đắng của con tim đem lại sự giận dữ và đau xót, và khiến cho chúng ta chửi rủa và gây hấn. Thật rất xấu, thấy ra khỏi miệng một kitô hữu một lời chửi rủa hay một gây hấn. Thật là xấu! Hiểu chưa? Không có chửi rủa nhé! Chửi rủa không phải là kitô. Anh chị em hiểu chưa?

Tiếp tực bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thật ra, trước mặt Thiên Chúa chúng ta tất cả là những người tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả. Thật vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi huynh đệ là một khía cạnh của tình yêu thương và sự hiệp thông, phải ngự trị trong cộng đoàn kitô; nó là một phục vụ mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Sửa lỗi người anh em là một phục vụ, và nó chỉ có thể và hữu hiệu, nếu mỗi người thừa nhận mình là kẻ có tội, cần được ơn tha thứ của Chúa. Cùng ý thức đó giúp tôi nhận biết sai lầm của người khác, nhưng trước đó nữa nó nhắc cho tôi biết rằng rằng tôi đã sai sai lầm, và sai lầm biết bao nhiêu lần. Chính vì thế vào đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi thừa nhận trước mặt Chúa chúng ta là kẻ có tội, bằng cách diễn tả ra bằng các lời nói và các cử chỉ sự thống hối chân thành của con tim. Và chúng ta nói: ”Xin thương xót con, lậy Chúa. Con là kẻ có tội! Lậy Thiên Chúa Toàn Năng, con xưng thú các tội lỗi của con”. Chứ chúng ta không nói: ”Lậy Chúa xin thương xót cái ông bện cạnh con đây, hay cái bà kia, là những kẻ tội lỗi”. Không. ”Xin thương xót con!” Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi và cần sự tha thứ của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần nói với thần trí chúng ta, và làm cho chúng ta nhận biết các lỗi lầm của chúng ta dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu mới gọi chúng ta tất cả, thánh thiện và tội lỗi, đếm bàn tiệc của Ngài, bằng cách quy tụ chúng ta từ mọi ngã tư đường, từ các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống (x. Mt 22,9-10). Và trong số các điều kiện chung cho các người tham dự buổi cử hành thánh thể, có hai điều nền tảng, hai điều kiện để đi tham dự Thánh Lễ: chúng ta tất cả là người tội lỗi, và Thiên Chúa ban lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người. Đó là hai điều kiện mở toang cửa cho chung ta vào dự Thánh Lễ cách tốt đẹp. Chúng ta phải luôn nhớ điều ấy trước khi đi sửa lỗi người anh em. Chúng ta hãy xin tất cả những điều này qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, mà ngày mai chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho cuộc ngương chiến và đối thoại liên quan tới Ucraina, trong cái luận lý của sự gặp gỡ, có thể tiếp tục và đem lại nhiều hoa trái, mặc dù có các tin tức đau buồn. Ngài cầu mong cuộc ngưng chiến có thể thoa dịu nỗi khổ đau của dân chúng và góp phần mang lại hòa bình lâu bền. Ngài cũng hiệp ý với các Giám Mục Lesotho lên án mọi hành động bạo lưc và kêu gọi tái lập hòa bình trong công lý và tình huynh đệ cho vùng đất này.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ 30 thiện nguyện viện của Hội Hồng Thập Tự Italia sang trợ giúp người tỵ nạn tại Dohuk gần Erbil bên Irak. Ngài chúc lành cho họ và tất cả những ai tìm cách trợ giúp một cách cụ thể các anh chị em bị bách hại và đàn áp này.

Sau khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha nhắc lại cho mọi người biết thứ hai hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Khi có mẹ mừng lễ sinh nhật, thì con cái chào và chúc mừng mẹ. Ngay từ sáng nay ngài xin mọi người chào và chúc mừng Mẹ Maria và đoc một Kinh Kính Mừng với trọn con tim. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài nữa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Phú Hoà, Saigòn: Thiếu nhi vui trung thu
Martin Lê Hoàng Vũ
09:08 07/09/2014
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi.
Em rước đèn đi khắp phố phường.
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm”


Hình ảnh

Đó là những lời hát quen thuộc trong Ca khúc “Rước đèn tháng tám” được các em Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Phú Hoà cất lên trong ngày vui trung thu vào tối nay thứ bảy ngày 6.9.2014, tức ngày 13 tháng 8 âm lịch. Chiều nay ở Sài gòn có một cơn mưa thật lớn, nhưng cũng là ngày vui trung thu của thiếu nhi Tân Phú Hoà, một giáo xứ nằm trên địa bàn quận Tân Phú, hạt Phú Thọ, Tồng giáo phận Sài gòn. Đây cũng là giáo xứ có một số gia đình làm nghề làm lồng đèn Trung thu truyền thống từ mấy chục năm nay.

19 giờ chương trình đón Trung thu của giáo xứ được bắt đầu, trước đó cơn mưa giảm dần và hết hẳn như tạo điều kiện thuận lợi cho các em thiếu nhi vui chơi múa hát bên ánh trăng rằm.Càng gần tới giờ khai mạc, trong sân nhà thờ chật kín các em thiếu nhi trong giáo xứ và có cả những em chưa học các lớp giáo lý.Kế đó là đoàn múa lân ra chào để khai mạc cuộc vui trung thu.Trong sân nhà thờ, có một sân khấu vừa đủ lớn cho các em thiếu nhi trình diễn văn nghệ với chủ đề: “Vầng trăng yêu thương”.Ngoài việc thưởng thức các tiết mục văn nghệ, các em cũng được thưởng thức hội chợ ẩm thực.Các chương trình văn nghệ và ẩm thực do các anh chị Huynh Trưởng chuẩn bị cho các em thiếu nhi thật chu đáo.

Tạ ơn Chúa đã cho các em thiếu nhi giáo xứ Tân Phú Hoà thật vui tươi trong ngày Tết Trung Thu.Ước mơ tuổi thơ của các em luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười và sống thật dễ thương để được Chúa Giêsu chúc lành.
 
Thiếu nhi Giáo Xứ Vinh Thủy, Phan Thiết, vui Tết Trung Thu 2014
Trần Ngọc & Tôn Hoàn
12:48 07/09/2014
Thiếu nhi Giáo Xứ Vinh Thủy (Phan Thiết) vui Tết Trung Thu 2014

PHAN THIẾT - Hòa với niềm vui của các em thiếu nhi trên toàn đất nước mừng đón Tết Trung Thu, Giáo xứ Vinh Thủy đã tổ chức chương trình vui chơi văn nghệ, phát quà trung thu để các em thiếu nhi trong giáo xứ có được niềm vui, hạnh phúc trong ngày Tết của mình.

Xem Hình

Từ 5 giờ chiều ngày 4 tháng 9 năm 2014, mặc dù trời mưa nhưng các em thiếu nhi (không phân biệt tôn giáo) đã quy tụ về ngôi thánh đường Giáo xứ Vinh Thủy đầy kín, khuôn viên nhà xứ trở nên nhộn nhịp hơn bởi những tiếng vui cười, phấn khởi của các em. Thánh lễ mừng Trung Thu đã được cử hành tại thánh đường giáo xứ lúc 6g30, đoàn rước là các em thiếu nhi trong giáo xứ với lồng đèn trên tay. Trong Thánh Lễ, cha quản xứ Tôma Nguyễn Hải Châu đặc biệt cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ, cách riêng là cho các em có hoàn cảnh khó khăn không thể hiện diện trong thánh lễ. Sau Thánh lễ, Cha quản xứ trao giải thưởng cho các đội làm lồng đèn đẹp nhất, bao gồm 3 giải: Nhất – Nhì – Ba trong tiếng vỗ tay thích thú của các em thiếu nhi.

Tiếp theo là chương trình Văn nghệ Vui Trung Thu, tham dự buổi văn nghệ có Cha quản xứ, Thường vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Quí Soeur, các anh chị Huynh Trưởng, ban đại diện các Giáo họ, các đoàn thể của Giáo xứ và đông đảo các bậc phụ huynh.

Cha quản xứ có lời chúc mừng và tuyên bố khai mạc chương trình, Thầy MC giới thiệu qua các tiết mục văn nghệ cùng những khẩu hiệu để làm cho bầu khí trở nên sôi động hơn. Các tiết mục văn nghệ do các anh chị huynh trưởng tập cho các em trong ngành của mình, để đảm bảo nành nào cũng được tham gia, từ Ấu Nhi đến Nghĩa Sĩ. Mỗi tiết mục đều nhận được những tiếng vỗ tay vang dội cả thánh đường của các em nhỏ cùng với các phụ huynh làm cho các em vui thích. Được biết, vì thương yêu thiếu nhi, các huynh trưởng đã bỏ ra khoảng 2 tuần để tự làm lồng đèn cho các em, tận dụng tất cả vật liệu có sẵn như: tre, nứa, vải bạt cũ, dây nilon, túi nhựa... đồng thời tập múa cho các em, nên không khí trước trung thu trong giáo xứ rất rộn ràng.

Kết thúc chương trình văn nghệ là tiết mục hợp ca của tất cả các em, thầy MC mời gọi tất cả các bạn thiếu nhi lên sân khấu để cùng nhau hát thật to bài hát Rước Đèn Tháng Tám như là lời cám ơn đến Cha quản xứ, quí Thầy Soeur, Quí HĐMV, quí anh chị huynh trưởng và tất cả mọi người đã giúp đỡ các em.

Sau cùng là lễ phát quà cho các em thiếu nhi. Năm nay, cha quản xứ quyết định trao hơn 200 phần quà cho các em nhỏ, kể cả các em lương dân. Bầu khí trở nên sôi động hơn bao giờ hết, mọi ánh mắt hướng về những thùng quà đang để sẵn trên sân khấu, các em cảm thấy thích thú vì năm nay những phần quá lớn hơn năm ngoái. Trước khi ra về, các em đã nán lại để chụp hình chung với các anh chị huynh trưởng như để khoe những chiếu lồng đèn nhỏ xinh của mình.

Nhân dịp tết Trung thu, xin chúc các em một mùa Trung thu vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Cầu chúc cho tâm hồn các em luôn đẹp như ánh trăng rằm và cuộc sống này luôn ngọt ngào như những chiếc bánh trung thu.

Bài: Trần Ngọc và Ảnh: Tôn Hoàn
 
Giáo xứ Tân Lý Phan Thiết vui hội trăng rằm
Thục Oanh
12:58 07/09/2014
GX TÂN LÝ - GP PHAN THIẾT VUI HỘI TRĂNG RẰM.

Sau 2 tuần lên kế hoạch tổ chức Trung Thu cho các em thiếu nhi, hôm nay 07/9/2014 ( 14 âm lịch ) Cha Chính Xứ, Cha Phó, Thầy Phó Tế, HĐMV cùng toàn thể thành phần dân Chúa cùng nhau vui hội trăng rằm bằng buổi biểu diễn văn nghệ trong sân nhà thờ. Sau lời khai mạc của Cha Giuse Nguyễn Kim Anh, màn văn nghệ bắt đầu với điệu múa độc đáo “Em đi xem hội trăng rằm”

Xem Hình

Có thể nói người xem chưa năm nào đông bằng năm nay, đứng ngồi chật kín sân nhà thờ. Các em nhỏ đến từ rất sớm háo hức tìm chỗ và trật tự từ đầu đến cuối. Các bậc phụ huynh có con em mình biểu diễn nhắc nhở cần thận trang phục, đừng quên lời ca điệu múa..và âu yếm tự hào ngắm các cháu hóa thân vào Chị Hằng, Chú Cuội…

Không niềm vui và hạnh phúc nào bằng Trung Thu các em quy tụ về nhà Cha. Các em hát, các em múa, các em cười…niềm vui, nụ cười nguyên vẹn thuần khiết đơn sơ nhưng vô cùng hấp dẫn phảng phất vẽ đẹp của Chúa. Để diễn tả tư tưởng của mình đêm nay chúng ta chỉ có thể thốt lên “ Trẻ nhỏ-nước trời’’.

Phải nói là “cây nhà lá vườn” nhưng các em múa hát rất đặc sắc, điệu nhảy sáng tạo sôi nổi cùng ca từ giàu ý nghĩa qua các tiết mục Ngồi chờ trăng lên, làm dấu, trong bàn tay Chúa…khiến người xem không khỏi trầm trồ khen ngợi hoạt cảnh minh họa sinh động đậm không khí vui hội trăng rằm. Sau một vài tiết mục là lời tri ân đóng góp của các tấm lòng hảo tâm, một điều đáng ghi nhận và cổ vũ. Anh huynh trưởng Giuse Trần Đại Khanh lo lắng “ Hy vọng những tấm lòng đó sẽ tương đối để sáng mai chúng tôi làm kinh phí mua bánh và lồng đèn tặng các cháu, các cháu sẽ được phá cỗ và rước đèn như bao trẻ em khác…’’ Tiếng đàn,hát, cười nói…lại vang lên át tiếng sóng biển ì ầm ngoài kia, bà con vẫn say sưa đắm mình trong không gian đầm ấm yên bình quên đi lo toan vướng bận của buổi biển sớm mai…

Cuộc vui rồi cũng đến hồi kết thúc, Cha Chánh xứ cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mảnh đất Tân Lý tốt đẹp có những con người yêu mến thiếu nhi và người đó đã trở thành trung tâm nước trời.Cha cùng mọi người cầu nguyện cho tất cả trẻ em bất hạnh, mồ côi, đường phố…cùng được vui trung thu như các bạn. Cuối cùng Cha xin Chúa tuôn đổ mọi hồng ân lên thiếu nhi và chúc mọi người vui trung thu đầm ấm, hạnh phúc.
 
Hình ảnh các giáo xứ Bắc Texas ăn tết Trung Thu 2014.
Trần Mạnh Trác & Ban Nhiếp Ảnh VietCatholic.
20:56 07/09/2014
Năm nay Tết Trung Thu đến sớm.

Khi chúng ta mong được hưởng một cái gì đó mà nó đến sớm thì phải là một việc vui mừng. Nhưng cách riêng nếu Trung Thu mà đến sớm ở bên Mỹ thì sao ?

Không như ở Việt Nam Tết Trung Thu là một dịp hội hè lớn có nhiều phong tục và nhiều cơ hội kinh doanh béo bở. Ở Mỹ Trung Thu chỉ còn là một dịp kỷ niệm về truyền thống và để hoài niệm cố hương. Việc vui Tết Trung Thu trong các cộng đoàn Công Giáo được duy trì phần lớn nhờ ở những trường dậy Việt Ngữ mà hầu như tất cả các giáo xứ VN nào cũng có.

Thường thì mỗi năm Trung Thu đến sau khi niên học đã bắt đầu được 1 hay 2 tháng rồi, nghiã là phụ huynh không còn bận rộn về việc mua xắm sách vở và quần áo mới, các thầy cô không còn lo lắng về việc tổ chức lớp và làm quen với học trò mới. Đây là lúc mà mọi người muốn tìm ra một lý do vui sống nào đó cho những ngày tháng dài căm cụi cuả việc đèn sách, thì may thay Trung Thu chợt đến. Thật là một dịp nhất cử lưỡng tiện.

Nhưng nếu Trung Thu xảy ra ngay đầu niên học thì sao? Lúc mà các em học sinh chưa có thời gian tập dượt văn nghệ? Lúc mà nhà trường chưa bầu xong hội Phụ Huynh Học Sinh?

Cho nên tuy việc duy trì một truyền thống là điều tốt đẹp, nhưng vì "cái khó nó bó cái khôn" nhiều giáo xứ VN ở vùng Dallas-Ft Worth, Bắc Texas, đành phải "skip" (bỏ qua) Trung Thu năm nay để tập trung nỗ lực vào việc khai giảng các lớp Giáo Lý và Việt Ngữ.

Tuy nhiên vẫn có một vài giáo xứ đã cố gắng mang Trung Thu đến cho các em. Mà ngạc nhiên thay, những chương trình Trung Thu này lại rất độc đáo và không kém phần "xôm tụ."

Ban Nhiếp Ảnh VietCatholic đã ghi nhận nhiều hình ảnh vui tết Trung Thu tại những giáo xứ sau đây (tính từ Bắc xuống Nam):

-Gx Thánh Tâm Chuá Giêsu ở Carrollton, TX: Trung Thu ở hội trường thật là ấm cúng, có nhiều cơ sở thương mại bảo trợ, kết thúc với một màn muá lân và rước đèn ngoài trời.

Xem hình ảnh do các anh Lê Phước và Trần Mạnh Trác chụp

-Gx Thánh Giuse ở Grd Prairie, TX: Trung Thu bắt đầu ở ngoài công viên với đầy đủ gió mát 'trăng thanh' (gặp mưa cho nên không biết được) rồi 'di cư' về hội trường Gx với những màn văn nghệ và kịch nghệ hấp dẫn.

Xem hình ảnh do các anh Đậu Q Thanh và Lê Thiện chụp

-Gx Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Arlington, TX: Một trung thu có sự tham dự cuả những đoàn thể Phật Giáo bạn.

Xem hình ảnh do các anh Nguyễn Vàng và Trịnh Hiệp chụp
 
Văn Hóa
Mừng sinh nhật Đức Mẹ
Micae Bùi Thành Châu
08:58 07/09/2014
MỪNG SINH NHẬT ĐỨC MẸ

Ông bà nguyên tổ đã đánh mất đi tình nghĩa tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho con người. Cũng chỉ vì muốn mình ngang hàng với Đấng Tạo Hóa để rồi bà Eva đã giơ tay hái trái cây mà Thiên Chúa đã hết lòng căn dặn 2 ông bà. Từ đó, tội lỗi đã đi vào trần gian, tội lỗi đã ăn sâu vào đời sống con người.

Thế nhưng, dù con người thất tín bất trung, Thiên Chúa vẫn không ngoảnh mặt, không quay lưng lại với con người. Tình thương Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người để rồi Thiên Chúa vẩn hứa ban ơn cứu rỗi cho con người vào chính giờ phút con người phạm tội : " Thiên Chúa phán với con rắn:"Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 14-16)

Còn với người đàn bà gây nên tội thì Thiên Chúa nói : "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." (St 3, 17).

Giận thì giận thương lại càng thương. Thiên Chúa là như thế này :

Người nổi giận, giận trong giây lát,

nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,

hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. (Tv 30, 6)

Các ngôn sứ đã loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Mica xuất hiện đồng thời với ngôn sứ Hosê và ngôn sứ Isaia thế kỷ VIII trước Thiên Chúa giáng sinh. Ông tiên báo Vua hoà bình sẽ sinh tại Ephrata và chăn dắt đoàn chiên của Giavê. Ephrata nguyên là một chi tộc sinh sống gần Bêlem. Mica nghĩ đến dòng dõi vua Đavid tại Bêlem và nhìn thấy một nhà lãnh đạo, một Đấng thống trị Israel. Thiên Chúa sẽ che chở dân Người tới khi một người nữ sinh đẻ sẽ sinh con (5, 2). Lời này ám chỉ Mẹ Đấng Thiên Sai và sự đản sinh của Immanuel (Is 7, 14). Đấng thống trị Israel sẽ chăn dắt dân Người. Người sẽ là chính sự bình an (5, 4). Tân ước đã trích lại những lời Mica tiên báo về Đấng Thiên Sai sinh ra trong Mt 2, 6 và Ga 7, 42.

Hôm nay, ta nghe ngôn sứ tiên tri Mica báo trước ngày Sinh nhật Mẹ Maria để nêu bật rằng thời gian đủ đầy đã đến khi Trinh Nữ Maria sinh ra: Đó là Rạng đông của ơn Cứu chuộc.

Đấng Cứu Độ trần gian được Trinh Nữ Maria cưu mang và sinh hạ. Đấng Cứu Độ trần gian đã làm người và ở giữa con người để thực hiện chương trình của Thiên Chúa Cha. Đấng Cứu Độ trần gian là người để rồi cũng có một gia phả như bao người trong cõi trần gian này.

Nhìn vào gia phả Chúa Giêsu theo Thánh sử Matthêu hoàn toàn khác với gia phả của Thánh sử Luca. Mở đầu: "Gia phả Đức Giêsu Kitô, con Đavid, con Abraham", Thánh sử Matthêu chứng tỏ Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavid qua Thánh Giuse và nói cho tín hữu ngoài dân Do Thái biết rằng Chúa Giêsu là con Abraham mà mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ông mà cầu phúc cho nhau (St 22, 18).

Thánh sử Luca thuật gia phả Chúa Giêsu vào dịp Người chịu phép rửa khi có tiếng từ trời phát ra: "Này Con là Con chí ái của Ta" (Lc 3, 22).

Gia phả theo Thánh sử Matthêu được dùng trong lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ hôm nay. Gia phả của Chúa Giêsu qua ba lần mười bốn thế hệ.

Con số mười bốn là số ngày tròn và khuyết của mặt trăng. Lịch sử nhân loại tròn vào triều đại Đavid, nhưng khuyết trong thời gian dân Do Thái bị đi lưu đày bên Babylon, rồi lại tròn vào thời kỳ Chúa Giêsu. Điểm đặc biệt Thánh sử kể tên bốn người phụ nữ là những dụng cụ Thiên Chúa dùng trong kế hoạch của Người:

Bà Tamar (St 38:6-30) tổ mẫu của triều đại Giuđa (St 49, 10);

Bà Rahah là một gái điếm đã lo liệu cho ông Giosuê dẫn dân Do Thái vào đất hứa (Gs 2, 1-24);

Bà Ruth theo mẹ chồng về đất Israel kết hôn với ông Boaz sinh ra Obed là ông nội của vua Đavid (R 2-4);

Bà Bethsheba cùng với Đavid sinh ra Salomon (2 Sm 11,12-24).

Đức Maria được dùng trong kế hoạch của Thiên Chúa: là bạn của Thánh Giuse, chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ngày sinh nhật và vai trò của Mẹ là bối cảnh của lịch sử Cứu độ. Đức Maria giữ kín việc Người thụ thai một cách nhiệm lạ. Thánh Giuse là người công chính không muốn người ta cho mình là cha của thai nhi đó nên mới quyết tâm bỏ trốn. Nhưng Thiên thần Chúa hiện đến giải thích cho Ngài hiểu biết rõ biến cố Nhập thể ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: "Một Trinh Nữ thụ thai, hạ sinh một Con Trai gọi tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (7,14).

Giáo Hội kính nhớ kỷ niệm ngày chào đời của Mẹ. Ngày chào đời của Mẹ thúc giục tâm lòng chúng ta quay hướng về Đấng Cứu Độ trần gian : "Bởi Mẹ sinh ra Mặt trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta: Người tẩy xoá án chúc dữ và đem lại ơn thánh. Người đã chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời".

Như vậy, niềm vui dạt dào của Giáo Hội toả lan từ Con sang Mẹ. Ngày Sinh nhật thật là một sự khởi đầu của một thế giới tốt hơn. Vì lẽ đó mà Giáo Hội công bố và loan báo sự chào đời của Mẹ Maria chiếu giãi ra mọi Giáo Hội trên khắp thế giới.

Chúng ta hân hoan mừng lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria: Bởi từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Ngày lễ Mẹ này hoàn toàn là một sự mời gọi hãy hoan hỉ, vì do ngày Sinh nhật của Đức Maria Rất Thánh, Thiên Chúa ban cho thế giới bảo chứng cụ thể ơn Cứu độ sắp xảy đến: Nhân loại từ hàng ngàn năm đã ý thức nhiều hay ít, đã mong đợi một nhân vật nào có thể giải phóng họ khỏi khổ đau, khỏi rủi ro, lo âu, thất vọng, và ai đã tìm được những sứ giả loan báo lời trấn an và khích lệ của Thiên Chúa, có thể cảm kích nhìn thấy Thiếu Nhi Maria này. Maria là điểm hội tụ và là điểm đến của tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vẫn ngân vang một cách huyền nhiệm tới tâm điểm của lịch sử.

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ hết sức đặc biệt. Mẹ đã mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người.

Chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ nhưng chúng ta cũng không quên hướng lòng lên Mẹ để xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta cũng được ơn cứu độ mà Mẹ đã cưu mang trong lòng. Xin Mẹ giúp chúng ta ngày mỗi ngày sống sao để mai ngày chúng ta được hưởng ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho trần gian qua cung lòng của Mẹ.

Micae Bùi Thành Châu
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chầu Thánh Thể
Diệp Hải Dung Australia
21:38 07/09/2014
CHẦU THÁNH THỂ
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
(Hình chụp tại Trung Tâm Bringelly Sydney)

Ôi! Thánh thể huyền linh
Thần lương hiến thân mình
Thấm tràn muôn khắp cả
Tối đêm tỏa bình minh.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)