Ngày 04-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:00 04/09/2019

26. Các vị thánh lớn đều dùng những công nghiệp to lớn để quang vinh Thiên Chúa, nhưng sự cố gắng của một linh hồn dù cho nhỏ bé, cũng làm cho Thiên Chúa vui thích.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:06 04/09/2019
4. HIỂU LẦM “HIẾN THẾ”

Ngu Khiếu Phụ thời Hiếu Võ đế làm tư mã diệu kề cận bên mình hầu hạ.

Một lần nọ, Hiếu Võ đế bình tâm tịnh khí nói với họ Ngu:

- “Khanh ở trong cung nhậm chức vụ rất quan trọng, sao lại không nghe khanh “hiến thế” (1) cho triều đình nhỉ ?”

Nhà họ Ngu giàu có lại ở bên biển, vừa nghe Hiếu Võ đế nói như vậy thì nghĩ sai rằng muốn ông ta tặng lễ vật, nên vội vàng nói:

- “Mấy ngày nay khí trời quá nóng, đợi mùa thu bắt được cá, nghêu, cua, ba ba thì nhất định đem dâng cho đại vương ?”

Hiếu Võ đế nghe ông ta giải thích sai như thế thì cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 4:

Cùng một tư tưởng nhưng không phải tất cả mọi người đều lãnh ngộ giống nhau, nhưng tùy theo cá tính, trí tuệ và sự nhạy cảm của cá nhân mà đạt được sự hiểu biết.

Có một vài linh mục khi giảng trong thánh lễ thì phân tích rất chi tiết bài Phúc Âm, các ngài đem tất cả những hiểu biết về thần học thánh kinh ra nói về bài Phúc Âm rồi... đọc kinh tin kính, mà không chỉ cách cho giáo dân đem Lời Chúa hôm nay đi vào trong cuộc sống đời thường, hoặc có chăng nữa thì cũng sơ sài vài câu.

Thần học là lý thuyết, tu đức là thực hành, dạy giáo dân đem cái lý thuyết lồng vào trong cái thực hành thì cuộc sống của họ sẽ đổi mới và có căn bản hơn, bởi vì không phải ai cũng có trình độ để hiểu được lý thuyết thần học, nhưng thực hành tu đức thì chắc chắn mọi người đều hiểu và sẽ thực hành tốt nếu các linh mục dạy cho họ.

Ngu Khiếu Phụ đã hiểu lầm câu nói của Hiếu Võ đế vì nhà vua chỉ nói lý thuyết về “hiến thế” mà không nói cụ thể công việc. Tai hại thay !

(1) Đưa ra kiến nghị có thể thi hành để thay thế các chế độ không hợp lý.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Điều kiện để đi theo Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:12 04/09/2019
Chúa Nhật 23 Thường Niên C

Sứ điệp Lời Chúa tuần 21 : “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Chúa Giêsu đã đi con đường hẹp và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài. Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó?
Sứ điệp Lời Chúa tuần 22 cho đến Chúa Nhật áp chót của mùa thường niên, nói đến những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó. Chúa Nhật 22, với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường và đức bác ái.
Chúa Nhật 23, chính là từ bỏ và vác thập giá đi theo Chúa.

1. Từ bỏ

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Nhiều người hỏi rằng từ bỏ như thế làm sao mà sống được ? làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình, vô nghĩa ? Vậy thì phải hiểu chữ từ bỏ theo nghĩa nào? Từ bỏ ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí lớn hơn. Người theo Chúa cần có tinh thần từ bỏ, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự, xem Chúa và việc của Chúa là quan trọng hơn cả. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn đều rất quý trọng, nhưng người theo Chúa chọn điều quý hơn là chính Chúa. Họ giống như người “tìm được viên ngọc quý, tìm được kho báu chôn trong ruộng, liền trở về bán tất cả để mua viên ngọc, mua thửa ruộng ấy”.

Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, nghĩa là đặt tất cả dưới Người, yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn nên biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền. Muốn thắng trận cần có lính. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ của cải bằng cách chỉ coi mình như người quản lý thôi; từ bỏ tình cảm, ngay cả với những người thân thiết nhất bằng cách không bao giờ ưu tiên cho họ hơn Chúa; từ bỏ chính bản thân, những ý thích cá nhân, từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.

Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.

Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, say sưa, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp…Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn, chẳng hạn khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng thì chỉ chọn một mà thôi. Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh. Giữ ngày Chúa Nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…

Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập.

Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Bằng hy sinh và tình yêu ai cũng sẽ làm được tất cả để cuộc sống ngày càng đạt “chất lượng cao”. Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm, đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ; nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.

2. Vác thập giá

Hai yêu cầu được gói gọn trong hai động từ, đó là “từ bỏ” mọi sự và “vác” thập giá. Không chỉ dứt bỏ mọi sự, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình

Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.

Nghe nói đến thập giá phải vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Thật ra, thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ một tình yêu của Đấng Cứu Độ. Thập giá là hy sinh của Chúa. Có tình yêu nào mà không cần đến ngôn ngữ của hy sinh?

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thánh giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.

Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến vời niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Cái chết của Chúa là một hiến lễ có giá trị cứu chuộc tội, đền tội và Người “chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ”.

Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ Sáu Tử Nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá.

Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và bản thân mình.Thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể về tình yêu và sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha.

Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Người môn đệ luôn luôn đặt tất cả dưới Chúa và yêu Chúa trên mọi sự. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành thánh giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.





 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh ·
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. ·
08:29 04/09/2019

27. Người khiêm tốn thì không sợ gì cả, người lương thiện thì sẽ biết chịu đựng.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:37 04/09/2019
5. SẮC THUỐC BỎ THÊM THIẾC

Năm đầu của triều đại nhà Minh, có một thầy thuốc nổi tiếng là Đới Nguyên Lễ nghe lời hiệu triệu đến Nam Kinh.

Nhìn thấy trước cổng nhà thầy thuốc nọ tiếng người ồn ào, nhà thuốc nhàn rỗi thù tiếp. Đới Nguyên Lễ nghĩ rằng đây nhất định là thầy thuốc nổi tiếng bèn để ý mà nhìn thì thấy nhà thuốc chỉ có phát một thứ thuốc chứ không có thuốc gì khác, Đới Nguyên Lễ bèn bỏ đi.

Qua ngày hôm sau lại đến coi thì thấy người mua thuốc vẫn đông, một lúc sau thì thấy chủ nhà đi ra nói với những người mua thuốc rằng:

- “Vừa rồi quên nhắc cho bà con biết là khi sắc thuốc thì bỏ vào chút thiếc nhé”.

Đới Nguyên Lễ cảm thấy kỳ cục, bởi vì từ trước đến nay chưa hề nghe chuyện thêm thiếc vào trong thuốc bao giờ, nên tiến vào tiếp kiến chủ nhân thì biết nó là phương thuốc cổ.

Họ Đới xin được thấy phương thuốc cổ ấy để coi từ đâu mà đến, và thấy trên bao thuốc viết một chữ “thiếc” (1) . Đới Nguyên Lễ vội vàng nói với chủ nhân sửa lại cho đúng.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 5:

Khi sắc thuốc thì người ta có thể gia thêm gừng thêm đường chứ không ai sắc thuốc mà bỏ thêm thiếc vào, vì như thế thì chỉ làm cho thuốc trở nên độc…

Đời sống tín ngưỡng cũng như thế: khi cầu nguyện phải bỏ thêm đức tin và lòng khiêm tốn vào chứ không bỏ thêm kiêu ngạo và hoài nghi vào trong đó; khi làm việc lành phúc đức thì nên thêm yêu thương và thông cảm chứ không bỏ nghi kỵ và ghét ghen vào trong đó.

Có một vài Ki-tô hữu thích thêm cái khoe khong vào khi phục vụ tha nhân, nên việc làm của họ không tỏa sáng; lại có người muốn bỏ thêm cái kiêu ngạo vào trong sự thành công của mình nên việc làm của họ không lâu bền.

Đức Chúa Giê-su không dạy chúng ta khi “sắc thuốc” thì bỏ vào chút “thiếc”, nhưng Ngài dạy chúng ta phải vào trong phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện, Ngài cũng dạy chúng ta khi tay phải làm việc phúc đức thì đừng cho tay trái biết, Ngài cũng dạy chúng ta khi làm lớn thì phải phục vụ…

Bỏ chút thiếc vào trong thuốc thì cũng đủ chết người, huống hồ là cả bảy mối tội đầu bỏ vào trong cuộc sống của mình, lúc này không những chết phần xác mà ngay cả phần hồn cũng chết mất tiêu.

Khiếp thật !

(1) Chữ 錫 cỗ ngữ là chữ “đường 糖”, nhưng thầy thuốc không hiểu nên nói sai.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 23 Mùa Quanh Năm C 8.9.2019
Lm Francis Lý văn Ca
15:20 04/09/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Đức Kitô, qua bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta vác thập giá đi theo Ngài, nếu chúng ta muốn thực sự trở thành môn đệ Ngài. Nói cách khác, giáo huấn chính của Chúa Nhật hôm nay đó là sự "từ bỏ". Thiên Chúa biết rằng trong cuộc sống thực tế, sự từ bỏ khó có thể thực hiện, cho nên để cảnh tỉnh, Chúa Kitô đã đưa ra hai ví dụ mà chúng ta sẽ nghe hôm nay.

Với lời Chúa nhắc nhở, chúng ta sẽ thích nghi hơn với cuộc sống của chính mình. Qua sự thích nghi nầy, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận thánh giá, đau khổ trong cuộc sống hằng ngày có thể xảy ra. Qua sự hiểu biết nầy, người tín hữu chúng ta sẽ không bở ngỡ chấp nhận đắng cay và bất hạnh có thể xảy ra trên bước đường chúng ta đi.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban sẽ giúp chúng ta dễ dàng lựa chọn những điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta lựa chọn. Đường lối Ngài luôn tuyệt vời, với trí khôn hạn hẹp, chúng ta nhờ Thánh Linh soi giúp hiểu được ý Chúa nhiệm mầu.

TRƯỚC BÀI II:
Bức thư sắp nghe là bức thư ngắn nhất trong tất cả các thư của thánh Phaolô. Bức thư nầy diễn tả sự tế nhị của Phaolô trong cách đối xử với người khác: đó là tâm tình quảng đại, tha thứ và thông cảm.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa Kitô chỉ cho các tông đồ con đường để đi theo Ngài, đó là con đường từ bỏ, quên mình trong những liên hệ thường tình và vác thập giá mà theo Ngài. Với ơn Chúa chúng ta mới có thể từ bỏ được.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Điều kiệnđầu tiên để trở thành môn đệ Đức Kitô là sự từ bỏ mình. Chúng ta chạy đến cùng Chúa, nài xin Ngài cho chúng ta ơn thánh để khôn ngoan đáp lại lời mời gọi ấy.

1. Xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô, luôn được đầy Thánh Thần hướng dẫn, để Ngài trung thành với những Giáo Huấn về Đức Tin và Luân Lý. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho giới trẻ hiện nay, luôn ý thức sự kết hiệp với Chúa và Giáo Hội qua việc lãnh các phép bí tích rất cần thiết cho đời sống thiêng liêng của họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho dân Chúa luôn an vui trong đời sống cộng đoàn, xin cho chúng ta biết đem khả năng và bầu nhiệt huyết phục vụ hăng say Cộng Đoàn Xứ Đạo. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta luôn kiếm tìm sự khôn ngoan chân thật, một tâm hồn luôn hướng đến tha nhân, trong sự chia sẻ những đắng cay của cuộc đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Thế giới đang chứng kiến chiến tranh tàn khóc... để duy trì mạng sống của dân chúng và xây dựng một tương lai tươi đẹp cho mọi người. đối thoại là phương pháp có thể chấm dứt chiến tranh bạo lực đó đây.... Đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cùng ăn chay cầu nguyện xin Thiên Chúa cho dân chúng đó đây được bình an. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Trong ít giây giây thinh lặng, chúng ta dâng lên Chúa những ý nguyện riêng tư của cá nhân hay những ai nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ......... Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Chúng con cảm tạ vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho chúng con trong cuộc sống. Xin chỉ cho chúng con cách thức phụng thờ Chúa và phục vụ anh chị em, ngõ hầu mang đến cho chúng con niềm vui muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha đến Mozambique, hàng Trung Quốc bán chạy như tôm tươi, bóng ma Hồi Giáo lởn vởn
Đặng Tự Do
12:43 04/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8 giờ sáng ngày 4 tháng Chín, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Rome Fiumicino để bay sang phi trường quốc tế của thủ đô Maputo, bắt đầu chuyến tông du thứ Sáu bên ngoài nước Ý trong năm nay.

Lúc 6:30 chiều, sau 10g30 bay, ngài đã đến sân bay Maputo, nơi đã có nghi thức đón tiếp trọng thể.

Chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về quốc gia Mozambique.

Mozambique là một quốc gia ở đông nam Phi châu, phía đông giáp với Ấn Độ Dương, bắc giáp Tanzania, tây giáp Malawi, Zambia, và Zimbabwe, nam giáp Swaziland và Nam Phi.

Với tổng diện tích 799,380 km2 (khoảng 2.5 lần Việt Nam) trong đó 786,380 km2 là đất liền, Mozambique là quốc gia lớn thứ 36 trên thế giới.

Từng là một cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, Mozambique là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Tuy chưa bao giờ bị Anh quốc đô hộ, Mozambique cũng xin gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung.

Quốc kỳ của một quốc gia là một biểu tượng cao quý của một dân tộc. Phê bình quốc kỳ của một nước có lẽ là một điều không nên. Tuy nhiên, nhiều lần tại Liên Hiệp Quốc đã nảy ra những tranh luận về quốc kỳ của Mozambique. Ngày 25 tháng 6 năm 1975, sau khi giành được quyền kiểm soát đất nước từ tay người Bồ Đào Nha đảng cầm quyền FRELIMO, có khuynh hướng Mácxít, đưa ra một lá cờ “không giống ai” trong đó vẽ một khẩu AK-47 và một cái búa. Quốc kỳ như hiện nay, trong đó khẩu AK, và cây búa còn được vẽ lớn hơn, đã được chính thức sử dụng từ ngày 1 tháng Năm 1983.

99.7% trong tổng số 28.8 triệu dân Mozambique là người gốc Phi châu (Makhuwa, Tsonga, Lomwe, và Sena). 0.3% còn lại là người Âu Châu và Ấn Độ. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, như Sudan chẳng hạn, người Ả rập gần như biến mất khỏi Mozambique mặc dù họ đã từng thống trị vùng này từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 16.

Tiếng nói chính thức được dùng tại Mozambique là tiếng Bồ Đào Nha.

Sau các nghi lễ Đức Thánh Cha đã về nghỉ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao đầy đủ với Mozambique vào ngày 17 tháng 11 năm 1974. Ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu hồi Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambique, là Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, về Vatican đảm nhận chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay cho Đức Hồng Y Angelo Becciu được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piergiorgio Bertoldi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ này từ ngày 19 tháng Ba năm nay.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyến viếng thăm cuối cùng của một vị Giáo Hoàng đến Mozambique là chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1988, khi cuộc nội chiến vẫn đang tiếp diễn, và đất nước này lúc đó vẫn là một quốc gia độc đảng.

Thông tấn xã AFP cho biết biến cố 30 năm mới có một lần đã được khai thác tối đa về mặt thương mại. Một người bán hàng rong cho biết “Chuyện buôn bán sáng nay khá lắm. Chúng tôi rất vui vì điều này.”

Mozambique là một nước nghèo thuộc loại nhất nhì thế giới. Đa số dân có thu nhập đầu người chưa tới 2 Mỹ Kim một ngày. Vì thế, những thứ làm tại Trung Quốc như móc chìa khóa, viết máy, áo thun, nón, và các loại cờ xí bán rất chạy. Còn những capulana, tức là một loại xà rông là hàng chính hiệu làm tại địa phương không mấy người mua.

Trong khi đó, chỉ một ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, quân du kích Hồi Giáo ở biên giới phía Bắc quốc gia này giáp với Tanzania đã tràn sang quấy phá.

Chúng không giết ai nhưng đốt nhà và mùa màng của dân chúng trong vùng.

Trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thủ đô Maputo, Đức Cha Luiz Fernandes giám mục giáo phận Pemba đã lên án mạnh mẽ sự thụ động của chính phủ trước những gì ngài gọi là “bóng ma” Hồi giáo.

“Chính phủ lẽ ra phải có hoạt động, họ thậm chí dấu không cho chúng tôi biết những kẻ này là ai, không dám phơi bày chúng và các hành động của chúng để chấm dứt các cuộc tấn công.”

Ít nhất 200 người đã bị các bóng ma Hồi Giáo này giết hại trong năm qua. Đức Cha Luiz Fernandes cho biết thêm “Những người bị thiệt mạng là những nghèo nhất, những người gần như không có gì, và chúng tôi không thể chấp nhận điều này.”

Ngài nhận xét chua chát rằng:

“Sự thất vọng là có thể sờ thấy được.”

“Chúng tôi đang sống trong tình trạng chiến tranh. Tôi hy vọng chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha có thể giúp chúng tôi trở lại một cuộc sống bình thường.”
 
Phán quyết của chánh án Weinberg về kháng cáo của ĐHY Pell: các điển hình kháng án
Vũ Văn An
19:25 04/09/2019
Cơ sở 1 - phán quyết của bồi thẩm đoàn không hợp lý hoặc không thể được chống đỡ bằng các bằng chứng

Các nguyên tắc pháp lý có liên quan

589 Theo điều 276 (1) (a) của Đạo luật Hình sự (CPA), Tòa án này được yêu cầu cho phép một kháng cáo chống lại việc kết án nếu xét thấy phán quyết của bồi thẩm đoàn là ‘vô lý hoặc không thể được chống đỡ bằng bằng chứng’.

590 Phương thức thử nghiệm áp dụng khi xử lý cơ sở này được Tòa án tối cao quy định trong vụ M versus The Queen (M kiện Nữ Hoàng) (‘M’) [147]. Câu hỏi mà các thành viên của Tòa án này phải tự hỏi là liệu họ có nghĩ ‘rằng dựa vào toàn bộ bằng chứng, sẽ mở đường cho bồi thẩm đoàn được thuyết phục vượt quá sự nghi ngờ hợp lý rằng bị cáo có tội hay không’ [148].

591 Phán quyết trong vụ M đòi mỗi thành viên của Tòa án này phải đưa ra sự đánh giá độc lập của riêng mình về việc dựa vào bằng chứng nói chung, liệu có một nghi ngờ hợp lý nào về tội lỗi của đương đơn hay không. Khi làm như vậy, các thành viên của tòa phải cân nhắc đầy đủ lợi thế của bồi thẩm đoàn trong việc nhìn thấy và nghe thấy các nhân chứng đưa ra bằng chứng của họ [149].

592 Như phán quyết chung (Mason CJ, Deane, Dawson và Toohey JJ) ở vụ M đã quả quyết:

Trong hầu hết các trường hợp, một nghi ngờ của tòa phúc thẩm cũng là một nghi ngờ mà bồi thẩm đoàn cũng phải trải nghiệm. Chỉ khi lợi thế của bồi thẩm đoàn trong việc nhìn và nghe bằng chứng có khả năng giải quyết một nghi ngờ của tòa kháng cáo hình sự thì tòa án mới có thể kết luận rằng không có sự hoài thai công lý. Điều này có nghĩa là, khi bằng chứng thiếu độ đáng tin vì những lý do không được giải thích bằng cách đã đưa ra, một nghi ngờ hợp lý mà tòa án trải nghiệm mới là một nghi ngờ mà một bồi thẩm đoàn hợp lý phải trải nghiệm. Nếu bằng chứng, dựa vào chính bản ghi, có sự khác biệt, cho thấy các bất cập (inadequacies), có tì vết (tainted) hoặc thiếu sức chứng minh (probative force) một cách đến nỗi khiến tòa phúc thẩm hình sự phải kết luận rằng, dù vẫn chấp nhận trọn vẹn các lợi thế mà bồi thẩm đoàn được hưởng, có một khả thể lớn là một người vô tội đã bị kết án, lúc đó tòa buộc phải hành động và bác bỏ bản án đã dựa vào bằng chứng đó [150].

593 Dường như có một quan niệm sai lầm trong một số giới rằng khi Tòa án này xử lý một vụ kháng cáo chống lại một kết án, nó chỉ xem xét các vấn đề luật pháp và không bao giờ xét vấn đề sự kiện. Điều 276 (1) (a) của Đạo luật Tố tụng Hình sự (CPA) cho thấy rõ ràng rằng điều này không phải như vậy.

594 Tất nhiên, việc đánh giá bằng chứng chủ yếu là vấn đề của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không chuyên nhất dành riêng cho họ. Một tòa phúc thẩm trung gian có trách nhiệm theo luật định riêng của mình để thi hành khía cạnh này. Nếu không, thì tiết này đâu cần như đã viết.

595 Vụ M cho thấy rõ ràng rằng một tòa án phúc thẩm trung gian sẽ không thi hành nghĩa vụ của mình theo luật lệ nếu nó coi các vấn đề đáng tin và đáng dựa vào không có liên quan đặc biệt nào khi xử lý tính hợp lý hoặc tính có thể nâng đỡ được của một bản án tại phiên xử. Theo nghĩa này, tuyên bố cho rằng các vấn đề như vậy là ‘hoàn toàn theo yếu tính’ dành cho bồi thẩm đoàn, là một trình thuật, theo nghĩa đó, có phần chưa hoàn chỉnh về nhiệm vụ mà do luật lệ phải dựa vào tại Tòa án này.

596 Trong vụ MFA versus The Queen(‘MFA) (MFA chống lại Nữ Hoàng) [151], Tòa án tối cao (High Court), nhận thức rõ ràng về sự chia rẽ ý kiến đưa ra trong vụ M và các trường hợp khác, đã xem xét lại thử nghiệm M. Nó quyết định loại bỏ bất cứ nghi ngờ nào còn tồn đọng về việc liệu quan điểm của đa số, như đã được phát biểu trong phán quyết chung ở vụ M, có nên tiếp tục được tuân theo hay không, hay liệu một công thức rõ ràng nghiêm ngặt hơn, được McHugh J áp dụng, trong sự bất đồng quan điểm của ông trong vụ M , nên được ưa chuộng hơn [152].

597 Trong phán quyết chung của vụ MFA, McHugh, Gummow và Kirby JJ đã truy tìm lịch sử của New South Wales điều tương đương với điều 276 của CPA. Các quan tòa của họ lưu ý rằng công thức luật định ở mỗi Tiểu bang và Lãnh thổ có nguồn gốc của nó trong Đạo luật Kháng cáo Hình sự năm 1907 (Vương quốc Thống nhất) [153].

598 Phán quyết chung trong vụ MFA lưu ý rằng vào năm 1966, công thức ban đầu ở Anh đã được thay đổi bởi luật lệ. Từ thời điểm đó, quy định liên hệ của Anh đã yêu cầu các thẩm phán phúc thẩm xem xét liệu lời kết án bị công kích có "không an toàn hay không thỏa đáng" hay không. Không một kiểu nói tương đương nào được tìm thấy trong bất cứ luật lệ nào, Tiểu bang hoặc Lãnh thổ, qui định về kháng cáo chống lại một bản án, tại xứ sở này [154].

599 Tuy vậy, phán quyết chung trong vụ MFA lưu ý rằng một số thẩm phán Tiểu bang và Lãnh thổ dường như đã rơi vào thói quen áp dụng kiểu nói ‘không an toàn hoặc không thỏa mãn’ khi xử lý cơ sở kháng cáo đặc thù này. Thật vậy, đôi khi Tòa án Tối cao (High Court) đã sử dụng cùng kiểu nói này, và đôi khi vẫn còn đang sử dụng.

600 Trong cả vụ Gipp versus The Queen [155] và Fleming versus The Queen [156], Tòa án Tối cao chuyên biệt không tán thành việc sử dụng từ đồng nghĩa đã cố gắng cho dùng thử ('không an toàn hoặc không thỏa mãn'), thay vì những từ có thực của công thức luật định ('không hợp lý hoặc không thể được hỗ trợ bằng bằng chứng').

601 Phán quyết chung trong vụ MFA đã nhận xét rằng theo quan điểm ngôn ngữ trong điều khoản của tiểu bang New South Wales đang được xem xét, quyền của tòa án phúc thẩm trung gian để bác bỏ một kết án của bồi thẩm đoàn phải được coi là thực sự rất bao quát. Nhất là, chữ ’không hợp lý’, thích hợp với loại giải thích như vậy.

602 Phán quyết chung trong vụ MFA đã cho thấy rõ ràng rằng điều dường như bao quát của ngôn ngữ trong tiết này nên được hạn chế, lưu ý đến bối cảnh trong đó xuất hiện kiểu nói đang bàn. Các quan tòa của họ nói rằng kết luận này xuất phát từ chủ đề trong quyết định của tòa phúc thẩm, đó là 'lời kết án của bồi thẩm đoàn’.

603 Điều quan trọng là các quan tòa của họ nói rằng:

Theo qui ước, bồi thẩm đoàn vốn được mô tả là tòa hợp hiến để quyết định các sự kiện bị tranh cãi ... Một bồi thẩm đoàn được coi như một loại thế giới thu nhỏ của cộng đồng. ‘Lời kết án của [một] bồi thẩm đoàn, đặc biệt trong các vụ án hình sự nghiêm trọng, được chấp nhận, một cách tượng trưng, như là thu hút một thẩm quyền đặc biệt và tính hợp pháp và do đó tính dứt khoát (finality) để đưa ra các quyết định liên quan đến quyền tự do và danh tiếng của những người bị buộc tội.

Trong bối cảnh đó, và trước hậu cảnh truyền thống xét xử với bồi thẩm đoàn trong nhiều thế kỷ, việc bác bỏ một phán quyết của bồi thẩm đoàn, theo bất cứ quan điểm nào, là một bước nghiêm trọng. Do đó, đây là bước đem lại cho các chữ 'không hợp lý' hoặc '[không] được nâng đỡ’ trong điều 6 (1) của Đạo luật [Kháng cáo hình sự] một nghĩa nghiêm ngặt mà, trong đơn độc hoặc trong các bối cảnh khác, những từ này có thể không hưởng được [157].

604 Phán quyết chung tiếp tục lặp lại điểm đã được đưa ra trong vụ M, và từ đó đã được nhấn mạnh nhiều lần. Bồi thẩm đoàn thường có lợi thế hơn một phiên tòa phúc thẩm trung gian trong việc đánh giá sức nặng dành cho bằng chứng được đưa ra trong phiên xử, và do đó, trong việc đánh giá sự đầy đủ của bằng chứng đó để xác lập tội lỗi vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Tòa phúc thẩm hình sự thông thường bao gồm ba thẩm phán; các vị này thường không thấy các nhân chứng, không nghe bằng chứng và được yêu cầu quyết định tính hợp lý và khả năng được nâng đỡ của lời kết án bằng cách chỉ tham khảo các đoạn chứng cứ mà các bên muốn kéo chú ý, nên thường sẽ ở thế bất lợi, khi so sánh với các thành viên của bồi thẩm đoàn tại phiên xử.

605 Phán quyết chung sau đó đã nhận xét rằng, không như chủ trương ở Anh, luật pháp ở quốc gia này không trao quyền cho tòa án phúc thẩm bác bỏ một lời kết án dựa trên bất cứ 'cơ sở suy đoán hoặc trực quan nào'. Có lẽ, Các quan tòa của họ coi kiểu nói 'không an toàn hoặc không thỏa đáng’ như có ý nghĩa này [158].

606 Tất nhiên, chánh án McHugh là thành viên của phán quyết chung trong vụ MFA. Do đó, ông đồng ý rằng nên áp dụng thử nghiệm đa số trong vụ M, ưu tiên hơn so với công thức hẹp hơn của chính ông khi bất đồng quan điểm trong vụ M [159]. Trước vụ MFA, Quan tòa này cũng đã dự phần vào các lý do chung để phán xử trong vụ Jones v The Queen [160], trong đó, Tòa án Tối cao đã nói đến vấn đề có thể áp dụng thử nghiệm. Trong đó, các lý do chung đã được phát biểu:

... thử nghiệm được đưa ra bởi đa số trong vụ M hiện phải được chấp nhận như là thử nghiệm thích đáng để xác định xem liệu một lời kết án có không an toàn hay không thỏa đáng hay không [161].

607 Trong vụ Jones, bị cáo bị cáo buộc ba hành vi giao hợp tình dục với một bé gái. Dựa trên bằng chứng của người khiếu nại, các hành vi giao hợp đã diễn ra khi không có ai khác có mặt ngoại trừ người khiếu nại và bị cáo. Bồi thẩm đoàn phần nào đã tha bổng tội danh thứ hai, nhưng lên án các tội danh thứ nhất và thứ ba.

608 Tòa án Tối cao, bằng đa số (Kirby J không đồng ý), cho rằng các bản lên án nên được bác bỏ như "không an toàn và không thỏa đáng". Tất nhiên, phát hiện đó dựa trên sự bất nhất rõ ràng giữa phát hiện của bồi thẩm đoàn về tội danh thứ hai, và phát hiện của họ về tội danh thứ nhất và thứ ba. Điều quan trọng, bằng chứng của người khiếu nại đã được cho là có chất lượng tương tự đối với mọi tội danh.

609 Trong Jones, Brennan CJ đã nói tới việc bồi thẩm đoàn thông thường có lợi thế hơn một phiên tòa phúc thẩm trung gian vì họ có cơ hội được lượng định giá trị trong bằng chứng của người làm chứng bằng cách được nhìn và được nghe bằng chứng được đưa ra. Quan tòa cũng lưu ý rằng bồi thẩm đoàn có lợi thế khi thực hiện chức năng của họ ‘bên trong bầu không khí của phiên xử đặc thù’ [162], điều mà một tòa án phúc thẩm không thể hy vọng tái dựng.

610 Phán quyết chung trong vụ Jones lưu ý rằng cuộc đối chất người khiếu nại đã tiết lộ rằng cô ấy đã nhầm lẫn về các ngày trong tuần khi hai biến cố đầu tiên được cho là đã xảy ra. Trình thuật của cô chứa một số điểm bất nhất với các tuyên bố trước đó mà cô đã đưa ra với cảnh sát. Cô thừa nhận rằng cô đã nhầm lẫn về ngày tháng, nhưng nhấn mạnh rằng các biến cố cô mô tả, trên thực tế, đã diễn ra.

611 Tuy nhiên, bên bào chữa đã kêu gọi một số nhân chứng tại phiên xử hỗ trợ cho bị cáo rằng ông ta không có cơ hội thực hiện các hành vi phạm tội vốn là chủ đề của các tội danh khác nhau. Đa số cho rằng khám phá của bồi thẩm đoàn về việc không có tội trong tội danh thứ hai đã làm tổn hại rất lớn đến tính khả tín của người khiếu nại đến nỗi không một lên án còn lại nào có thể được phép đứng vững.

612 Trong vụ Jones, điều này được ngầm hiểu rằng việc tha bổng về tội danh thứ hai có nghĩa là bồi thẩm đoàn đã bác bỏ mô tả chi tiết của người khiếu nại về những gì đã xảy ra trong dịp đó. Điều quan trọng là, người ta nói rằng đây không phải là một trường hợp trong đó bồi thẩm đoàn đơn thuần đã không được hài lòng quá sự nghi ngờ hợp lý về sự thật trong trình thuật của cô ấy. Việc tha bổng đối với tội danh 2 phải kéo theo việc bác bỏ một cách tích cực về bằng chứng của cô ta. Đã có một số thí dụ về những vụ tha bổng đuợc đưa ra, khi kháng cáo, trên cơ sở các lời kết án bất nhất, về yếu tính, dựa trên lý luận tương tự.


Kỳ tới: Các điển hình kháng án khác
 
Nỗi khổ cuả một nạn nhân luật Báng Bổ Hồi Giáo: Asia Bibi lên tiếng đòi công lý cho các bị cáo còn ở trong tù.
Trần Mạnh Trác
19:37 04/09/2019
(Theo AsiaNews) – Qua cuộc phỏng vấn đầu tiên với tờ Telegraph sau khi đi lưu vong sang Canada, cô Asia Bibi tỏ ý muốn đòi công lý cho các nạn nhân của luật báng bổ, là những người còn bị giam giữ mà không có lời buộc tội hay được ra toà xét xử.

Cô Asia Bibi, một phụ nữ Kitô giáo ở Pakistan, đã trở nên nổi tiếng sau khi cô bị kết tội sai lầm là đã xúc phạm nhà tiên tri Muhammad, đã bị kết án tử hình, nhưng sau đó được Tòa án Tối cao cuả Pakistan tha bổng.

Cô đã phải ngồi tù 9 năm qua một tiến trình pháp lý bị nhiều trì hoãn, và trước những đe dọa bị tàn sát cả gia đình cuả cô. Bây giờ, tuy được tự do nhưng bị buộc phải chạy trốn ra khỏi đất nước, cô muốn nhắc nhở với Thế Giới rằng vẫn còn có rất nhiều trường hợp khác mà các bị cáo đang nằm tù nhiều năm để chờ quyết định cuả tòa án. Thế giới cần lắng nghe họ.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì vẫn còn có 77 người bị buộc tội báng bổ, phần đông là người Hồi giáo, đang bị giam giữ trong các nhà tù cuả Pakistan. Luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền của họ cho rằng những cáo buộc chống lại họ là sai trái, thường được đặt ra để giải quyết tranh chấp riêng tư hoặc nhằm để bịt miệng các đối thủ.

Báng Bổ là một tội hình sự, thế mà nó chỉ cần có một chút nghi ngờ vu vơ về việc phạm tội mà thôi, là đã đủ để châm ngòi cho một đám đông bạo động. Cho đến nay, tuy chưa có ai bị xử tử ở Pakistan vì tội báng bổ, nhưng các phiên tòa và việc kháng cáo có thể kéo dài đến nhiều năm vì có những đe dọa đối với các thẩm phán và điều tra viên.

Vụ án của Asia Bibi là một ví dụ điển hình về việc công lý bị trì hoãn bởi những áp lực cực đoan. Cô bị một số đồng nghiệp tố cáo gian giối và một imam (đạo trưởng) kết tội sai trái vào năm 2009. Nhưng mãi đến ngày 31 tháng 10 năm 2018 thì người phụ nữ Kitô giáo 54 tuổi này cuối cùng mới được tha.

Dù cho cô được tuyên bố "vô tội" vào tháng 11 năm ngoái, nhưng đảng cực đoan Pakistan (TLP) đã biểu tình làm tê liệt nhiều thành phố lớn của Pakistan và đe dọa giết các thẩm phán tối cao và luật sư Saiful Malook.

Để tránh bạo lực, chính quyền của ông Imran Khan đã buộc phải thỏa thuận với người biểu tình, cho phép xét lại phán quyết của Tòa án Tối cao. Cuối cùng, cô Asia vẫn được thả ra nhưng không được ra khỏi nước. Trong khi đó, các con của cô được đưa sang Canada.

Vụ kiện đã chuyển sang hướng khác nhờ hai thẩm phán tối cao cam đảm là Justq Saqib Nisar và Asif Saeed Khan Khosa, họ đã chứng minh rằng tất cả các cáo buộc và bằng chứng chống lại cô là sai trái.

Bảy tháng sau đó, vào ngày 8 tháng 5 năm 2019, cô được rời Pakistan đến Canada. Nghĩ về khoảnh khắc đó, cô Bibi vẫn buồn vì cô không thể nói lời tạm biệt với cha cuả mình và với quê nhà cuả mình. “Trái tim tôi tan vỡ khi phải rời khỏi Nước mà không được gặp gia đình. Pakistan là đất nước của tôi, Pakistan là quê hương của tôi, tôi yêu đất nước của tôi, tôi yêu mảnh đất của tôi,” theo lời cô giải thích.

Nhắc lại thời gian ở tù, cô than thở rằng “Thỉnh thoảng, tôi rất thất vọng và mất can đảm, tôi đã từng tự hỏi liệu mình có bao giờ được ra tù hay không? chuyện gì sẽ xảy ra? liệu tôi có phải ở đây suốt đời không?”

“Khi những đứa con gái cuả tôi đến thăm tôi trong tù, tôi đã không bao giờ khóc trước mặt chúng, nhưng khi chúng đi rồi, thì tôi khóc một mình với những nỗi đớn đau u sầu. Tôi lúc nào cũng nghĩ về chúng, hoang mang không biết chúng sống như thế nào.”

Không nên để bất kỳ ai đó phải chịu những cảnh khổ như thế này. Cô nói “Tôi xin cả thế giới hãy chú ý đến vấn đề này. Tới cách thức mà một người bị cáo buộc là phạm thượng mà lại không cần bất kỳ một điều tra thích hợp nào, không cần bất kỳ một bằng chứng thích hợp nào.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học viện thánh An-phong-sô khai giảng năm học mới 2019-2020
Học viện thánh An-phong-sô
03:18 04/09/2019
HỌC VIỆN THÁNH APHONGSÔ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2019-2020

Sau ba tháng nghỉ hè, lúc 06:00, thứ Hai, 02/09/2019, đông đảo quý Cha, quý Thầy của 16 Hội Dòng đã quy tụ về Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Mai Thôn để tham dự lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Học Viện Thánh Anphongsô.

1. Thánh Lễ

Đỉnh cao của lễ khai giảng là Thánh Lễ đồng tế cầu xin Chúa Thánh Thần xuống muôn ơn phúc thiêng liêng trên quý Cha Ban Giám Đốc, quý Bề Trên, quý Giáo Sư và các sinh viên Học Viện Thánh Anphongsô. Hiện diện trong Thánh Lễ có Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, quý cha trong Ban Giám Đốc Học Viện, quý Cha Bề Trên, quý Cha Giáo, quý Thầy sinh viên Học Viện.

Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, chủ tế và giảng lễ. Trong bài giảng, Cha Giám Tỉnh Giuse mời gọi cộng đoàn cùng hợp lời nguyện xin Thiên Chúa khai tâm, khai trí, khai ân sủng cho tất cả quý Cha, quý Thầy trong năm học mới.

2. Lễ khai giảng

Sau Thánh Lễ là nghi lễ khai giảng năm học. Nghi lễ gồm năm phần: lượng giá năm học 2018-2019, trao chứng chỉ tốt nghiệp, trao bài sai cho quý Thầy đi giúp năm, diễn văn khai giảng năm học của Cha Giám Đốc Học Viện, định hướng năm học 2019-2020 của Cha Giám Học.

Trước tiên, thay mặt Ban Giám Đốc, Cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, Giám Học của Học Viện, đã chào mừng quý Thầy tân sinh viên, đồng thời có những lượng giá về năm học 2018-2019 vừa qua. Với sự lo toan của Ban Giám Đốc Học Viện qua các nhiệm kỳ, hiện nay, Học Viện thánh Anphongsô đã mời được quý Giáo Sư tận tâm, giàu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy đến giúp cho các sinh viên Học Viện Thánh Anphongsô. Nhờ đó, việc học hỏi của quý Thầy sinh viên đã bước đầu gặt hái những thành quả đáng khích lệ.

Sau phần lượng giá, Cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cùng với Cha Giám Đốc Học Viện Dòng Thánh Thể trao chứng chỉ tốt nghiệp và bài sai đi thực tế mục vụ cho một số Thầy Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Thánh Thể. Được biết, quý Thầy tốt nghiệp hôm nay đã trải qua 6 năm học (2 năm Triết Học và 4 năm Thần Học), với trên 80 môn học tại Học Viện Thánh Anphongsô.

Điểm nhấn chính trong nghi lễ khai giảng là diễn văn khai giảng năm học của Cha Giám Đốc Học Viện Thánh Anphongsô. Cha Giuse Đỗ Đình Tư nhắn nhủ với anh em sinh viên: Học Viện là môi trường nghiên cứu, với châm ngôn “Soli Deo et Studiis – Chỉ Có Thiên Chúa và Việc Học,” nhưng đồng thời cũng là nơi của tinh thần gia đình. Bên cạnh việc nỗ lực hết mình trong việc nghiên cứu những kiến thức chuyên môn, các sinh viên cần chú ý đến khía cạnh gia đình của Học Viện với những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: tắt đèn, quạt sau giờ học, giữ gìn những tài sản chung…

Tiếp lời, Cha Antôn Nguyễn Văn Dũng, dựa vào câu Tin Mừng theo thánh Máccô, chương 1 câu 15: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng,” đã nêu lên ý hướng chủ đạo của năm học 2019-2020. Cha Giám Học Antôn mời gọi anh em sinh viên Học Viện ý thức hơn về tinh thần hoán cải theo Tin Mừng, nhằm có một nền tảng vững chắc cho một cuộc hoán cải về tri thức. Bởi lẽ, những tri thức mà anh em thu nhận nơi mái trường Học Viện phải giúp anh em đạt đến sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, để có thể mạnh mẽ đáp lại lời mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

Lễ khai giảng kết thúc. Một năm học mới bắt đầu. Ước mong, quý Thầy sinh viên có được một khoảng không gian và thời gian hữu ích cho việc học hỏi các môn học thánh, ngõ hầu, chuẩn bị cách tốt nhất cho sứ vụ trong tương lai của mình.

Tác giả: Học Viện Thánh Anphongsô
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vừa Hồng Vừa Chuyên Là Giáo Điều Lạc Hậu
Phạm Trần
21:17 04/09/2019
Với bản lĩnh giáo điều, bảo thủ và cực đoan ngoại hạng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên công khai chính trị hóa giáo dục để “nhuộm đỏ” thầy cô, học sinh và sinh viên.

Bằng chứng được phơi bầy trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020.

Ông Trọng đã yêu cầu: ”Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên.” (theo Thông tấn xã Việt Nam,TTXVN, ngày 01/09/2019)

Tuy ông không nói ra, nhưng ai cũng biết điều gọi là “truyền thống lịch sử” bao giờ cũng phải ưu tiên ca tụng vai trò giữ nước và dựng nước của đảng CSVN và người thành lập đảng là ông Hồ Chí Minh. Ngược lại, mặt trái của “truyền thống” ấy, bao gồm cả những sai lầm và hệ lụy của 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động lại chưa bao giờ được ghi trong sách sử Việt Nam Cộng sản.

Vì vậy cả thầy, cô, học sinh và sinh viên qua nhiều thế hệ đã bị đánh lừa bởi thứ lịch sử một chiều do đảng dựng lên.

Do đó, khi ông Trọng đòi phải giáo dục cả “lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên” là ông muốn tẩy não cả một thế hệ bằng mớ giáo điều Cộng sản để làm cách mạng và xây dựng đất nước dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lenin.

Nhưng ông Trọng lại làm như không biết rằng tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản cho học sinh, từ tiểu học đền lớp 12 là hành động giáo điều, bảo thủ và đầu độc tuổi trẻ. Ông tưởng rằng, càng nhồi sọ sớm bao nhiêu thì càng dễ uốn nắn thiếu niên đi theo lề đảng chăng ?

Không những ông sai mà cả hệ thống giáo dục của đảng cũng sai nên mới có chuyện học sinh, sinh viên Việt Nam không muốn học môn lịch sử vì nội dung thiếu trung thực và đầy rẫy tuyên truyền, khi nào cũng “ta thắng địch thua”.

Ông Nguyễn Phú Trọng còn viết trong thư:”Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.

Nhưng “giữ vững bản lĩnh chính trị” là “chính trị” gì ? Có phải ông đòi mọi người phải tuyệt đối trung thành với Đảng và kiên định Chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tường Cộng sản Hồ Chí Minh như quy định trong Cương lĩnh đảng ? Hay ông còn muốn răn đe không được quan liêu, suy thoái đạo đức, tham nhũng, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” như ông từng ra rả với cán bộ, đảng viên trong 2 năm qua ?

Đối với học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Phú Trọng ngỏ ý:” Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Tại sao cho đến bây giờ, khi Thanh, thiếu niên thế giới đã ăn sâu, bám rễ với nền khoa học điện tử thay đổi từng giây mà ông Trọng vẫn còn âm u trong cõi vừa “hồng”, vừa “chuyên” với tuổi trẻ Việt Nam ? Chẳng lẽ ông lại muốn xiềng xích chân tay họ để ông mặc sức độc tài ở tuổi 75 thời “đổi mới” ?

TRẦN ĐẠI QUANG-TRƯƠNG TẤN SANG

Vậy ta thử so sánh những lời “đao búa” của ông Trọng với vài bức thư gửi thầy cô, học sinh và sinh viên của hai Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Trương Tấn Sang xem khác nhau ở chỗ nào ?

Trong thư phổ biến ngày 31 tháng 8 năm 2018, Chủ tịch Trần Đại Quang viết những điều phi chính trị rằng: ”Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân.”

Kết luận, ông Quang tâm tình:”Tôi mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà.”

Ông Trần Đại Quang đã đột ngột qua đời ngày 21/09/2018.

Trong khi đó, trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2015 – 2016, ông Trương Tấn Sang đã viết như cảm ơn:” Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đã vượt lên mọi khó khăn, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo, có những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn cho đất nước. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cố gắng, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp “Trồng người” cao cả, hết sức vẻ vang.”

Đối với học sinh và sinh viên, ông Sang bắt đầu:”

Các em học sinh, sinh viên yêu quý!

Các em là những chủ nhân tương lai của đất nước, những người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Tôi mong các em tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt và rèn luyện tốt để mai này lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với bè bạn năm châu.”

Tuyệt nhiên, không thấy hai Chủ tịch nước này viết điều gì “nổ” như ông Trọng.

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

Vậy học sinh, sinh viên và lớp Thanh niên, Thiếu nữ đoàn viên của Tổ chức Thnh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thành phần được gọi là “đội dự bị tin cậy của Đảng” đã làm nên cơm cháo gì theo trông đợi của đảng ?

Trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan ý luận của Đảng, Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, Bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) đã kiểm điểm thành tích sau 10 năm thức hiện “Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/07/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.”

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, theo Lê Quốc Phong, vẫn còn hạn chế, đó là:

-Việc học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, triển khai học tập 6 bài học lý luận chính trị vẫn chưa đồng bộ, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo.

-Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao. Công tác dự báo và nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng cho thanh niên ở nhiều nơi chưa kịp thời; việc xử lý các vấn đề nổi cộm phát sinh trong thanh niên còn lúng túng.

-Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn đôi lúc còn chạy theo thị hiếu, phản ánh tiêu cực mà chưa quan tâm định hướng, giáo dục thế hệ trẻ, giới thiệu gương người tốt, việc tốt.

-Việc tổ chức phong trào hành động cách mạng tại một số cấp bộ đoàn còn có biểu hiện dàn trải, hình thức, thiếu kiên trì, thiếu hấp dẫn, mới chỉ thu hút một bộ phận thanh niên tích cực tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. Hiệu quả triển khai một số phong trào thi đua không rõ nét, thiếu tính thường xuyên. Chất lượng, hiệu quả công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên chưa cao.



Tổ chức cơ sở đoàn ở một số nơi chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng kết nạp đoàn viên. Công tác quản lý đoàn viên còn lỏng lẻo. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức và đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chuyển biến chậm.

Vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu ý chí phấn đấu, có biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống. Một bộ phận thanh niên yếu thế về cơ hội phát triển. Tình hình vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp.

Trước đó, vào ngày 23/01/2016, tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XII,người tiền nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói thẳng:” Cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại. Những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.”

XÔI HỎNG BỎNG KHÔNG

Trong khi đó, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12/2018, nhiều thất bại cũng đã được công khai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh tại Hội nghị: “Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501, công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên nhi đồng vẫn còn nhiều hạn chế bất cập: Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh dễ bị lôi kéo, tham gia tệ nạn xã hội. Một số thanh thiếu niên thiếu động cơ học tập rèn luyện đúng đắn. Bạo lực học đường diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích và công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn...”

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho biết:”Trong khi đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet, games online, mạng xã hội nên ngại tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Việc áp dụng học chế tín chỉ ở cơ sở đào tạo nên không còn mô hình lớp niên chế (có sĩ số ổn định) nên sinh hoạt Chi đoàn theo lớp gặp khó khăn, nhiều sinh viên lơ là sinh hoạt Đoàn, gây khó khăn trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống ở một số trường.”

Chỉ ra một số nguyên nhân, Bộ GD&ĐT lý giải: “Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế kéo theo những mặt trái đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của thanh thiếu niên, HSSV, tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Việc kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh thiếu niên, HSSV, đặc biệt là trên Internet, mạng xã hội rất khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của thanh thiếu niên, HSSV vẫn còn thiếu thốn…”

Như vậy, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng từng cảnh giác nhiều lần rằng tình trạng “nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” trong giới Thanh niên cần phải được ngăn chặn đã như cơn mưa lũ vỡ bờ.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi nghe ông báo động tại Hà Nội ngày 11/12/2017 rằng: ”Hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng.”

Sở dĩ hàng hàng, lớp lớp Thanh niên đã “phai nhạt lý tưởng cách mạng” vì cuộc cách mạng của đảng đã, đang và chỉ để cho đảng viên, nhất là những kẻ có chức và có quyền, có sân chơi để tranh giành quyền lợi và địa vị.

Bằng chứng đã cho thấy càng “hồng” và càng “chuyên” bao nhiêu thì hủ bại tham nhũng, mua quan bán tước, lợi ích nhóm, kèn cựa, cấu xé lẫn nhau, tranh giành quyền lợi càng đẻ ra như dòi bọ làm cho người dân đã nghèo càng nghèo thêm và đất nước đã tụt hậu cảng lạc hậu hơn. -/-

Phạm Trần

(09/019)
 
Tin Đáng Chú Ý
Đặc khu trưởng Hongkong, Carrie Lam tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ
Giang Thanh
11:35 04/09/2019
HONGKONG - Chiều ngày 4/9/2019 giờ địa phương, bà Lâm Trịnh (Carrie Lam), Đặc Khu Trưởng Hồng Kông, xuất hiện và ngồi trước ống kính trịnh trọng phát thông tin tới dân chúng. Bà chính thức công bố chính quyền nơi này sẽ chính thức rút lại dự luật dẫn độ từng khiến gây ra các cuộc biểu tình phản đối trong mấy tháng liền, chấp nhận một trong năm đòi hỏi chính của phía biểu tình, với hy vọng là sẽ chấm dứt được phong trào phản kháng đang ngày càng trở nên bạo động hơn.

Ngoài việc đòi rút lại dự luật, phía biểu tình cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông thành lập ủy ban điều tra việc cảnh sát đàn áp biểu tình, đại xá cho những người chống đối, không gọi các hành động phản kháng là nổi loạn, và tái khởi động tiến trình cải cách chính trị đã bị chặn lại ở nơi này.

Ngay lập tức, chỉ số thị trường chứng khoán Hongkong trong buổi chiều tăng vọt lên 1000 điểm, đủ thấy chính trị và kinh tế ở HK liên quan mật thiết nhường nào.

Phát ngôn của bà Lâm Trịnh đã đáp ứng được điều quan trọng nhất trong 5 yêu cầu của dân chúng. Đây là một bước lùi hiệu quả để gỡ cải nút rối cho 4 điều còn lại. Tuy nhiên, ở nơi tự do ngôn luận như Hongkong, tranh cãi dường như không bao giờ có dấu chấm hết.

Một số nhà lập pháp ở Hồng Kông cảnh cáo rằng nếu chỉ rút lại dự luật dẫn độ thì sẽ không đủ để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay, vốn ngày càng chú trọng nhiều hơn tới các cáo buộc về hành vi tàn bạo của cảnh sát và đòi cải cách dân chủ.

Sau khi clip được phát đi, người ta vẫn nghi rằng bà Lam đóng kịch, vẫn lên án bà ăn năn quá muộn màng, vẫn không chấp nhận tha thứ, vẫn tiếp tục hoạt động phản kháng, v.v…

Bà Lam nói chính quyền sẽ không chấp nhận các đòi hỏi còn lại. Thay vào đó, bà đưa thêm hai thành viên mới vào ủy ban thanh tra cảnh sát để xem xét cách hành xử của nhân viên công lực Hồng Kông.

Bà Lam hứa là sẽ mời các nhà lãnh đạo cộng đồng, chuyên gia và học giả để tìm hiểu những vấn đề đã có từ lâu trong xã hội Hồng Kông và cố vấn cho chính quyền về phương cách giải quyết.

Nữ dân biểu Claudia Mo nói phía biểu tình đòi hỏi tất cả yêu cầu của họ phải được đáp ứng, kể cả việc phải có phổ thông đầu phiếu. Bà nói rằng bà Lam “chắc đã say ngủ trong ba tháng qua” nên không hiểu là phía phản kháng muốn gì.

Tuy nhiên một số người Hongkong nói họ chỉ mong sao đôi bên phối hợp nhún nhường linh hoạt để xã hội bình an trở lại, không còn xung đột, không còn lửa đạn, thương tích, mọi đổ vỡ vật chất và rạn nứt tinh thần sẽ được hàn gắn. Rồng Hương Cảng lại bay vút như xưa.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 4/9/2019: Chính quyền Hồng Kông đã rút lại dự luật dẫn độ
VietCatholic Network
17:24 04/09/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha lên đường đi thăm 3 quốc gia ở Phi châu.

2- Đức Thánh Cha công bố sẽ tấn phong 13 tân Hồng Y.

3- Đức Thánh Cha mời gọi gia tăng cầu nguyện cho Thụ tạo.

4- Đức Thánh Cha gặp các Giám mục Công Giáo Đông phương Ukraine.

5- Đức Thánh Cha mời gọi các bác sĩ chú ý đến giá trị của từng bệnh nhân.

6- Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi nhân dân Mozambique.

7- Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi dân Maurice.

8- Tòa Thánh có văn phòng tại Tổ chức các nước Mỹ châu.

9- Giáo hội tại Thánh địa gia tăng chuẩn bị cho Tháng truyền giáo đặc biệt.

10- Thánh tích thân phụ mẫu thánh Têrêsa Hài đồng thánh du Campuchia.

11- Chính quyền Hồng Kông đã có bước nhượng bộ, rút lại dự luật dẫn độ..

12- Giới thiệu Thánh Ca : Đời Con Dâng Ngài.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết: