Ngày 03-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuá Nhật 22 TN A : Đường Thánh Giá
Lm Vinh Sơn
08:41 03/09/2017
Trong Sổ Tử của thành phố Paris - thủ đô nước Pháp, người ta đọc thấy: Ông Gustave Busset, qua đời ngày 18 tháng 4 năm 1834. Người quá cố không có con cái nhưng để lại một số gia sản đáng giá. Đám tang ông, chỉ có vài bà con xa đến tham dự. Ngay tại nghĩa trang, họ bắt đầu tranh dành gia tài. Sau cùng, họ quyết định đem bán đấu giá tất cả đồ đạc, lấy tiền chia đều nhau. Ngày bán đấu giá, nhiều người cùng khu phố với ông Gustave Busset kéo nhau đến mua đồ, trong đó có chàng họa sĩ trẻ tên Pierre Piront. Anh rất nghèo, chỉ có tấm nệm rơm để ngủ. Từ lâu anh mơ ước chiếc giường êm nên để dành được 100 quan. Hôm nay dịp may đến. Anh mua cái giường của ông Gustave với giá 75 quan. Anh vẫn còn 25 quan. Khi anh lên nhận chiếc giường thì cùng lúc ấy, ủy viên bán đấu giá cúi xuống đất, nhặt lên Cây Thánh Giá nặng, bám đầy bùn đất dơ bẩn. Với giọng khàn khàn ông cất tiếng la to: “Ai trả bao nhiêu để mua vật này?”

Trong phòng im lặng như tờ. Bỗng vang lên tiếng nói chế nhạo: “Không trả xu nào hết!”. Mọi người cười rộ, như ngầm đồng ý. Chàng họa sĩ trẻ cảm thấy kinh ngạc trước thái độ vô thần hỗn xược của người đồng hương. Bằng một giọng run run vì cảm động, anh nói: Tôi xin trả 25 quan. Rất tiếc tôi chỉ có thế. Nếu có nhiều tiền, hẳn tôi sẽ trả với giá cao hơn!”... Đám đông lại ào ào chế nhạo. Một người đàn bà cao tuổi, chỉ ngón tay vào anh Pierre và nói: “Nó là tên ngu đần nhất trong tất cả các tên ngu đần!”.Tức khắc, mọi người trong phòng cùng nói lớn: Hoan hô bà già nói đúng!

Cuối cùng, cây Thánh Giá thuộc về anh Pierre Piront với giá 25 quan. Anh cảm động tiến lên nhận Cây Thánh Giá với trọn lòng kính cẩn yêu mến. Xong, anh ôm Thánh Giá rời phòng, trước các cặp mắt và lời nói chế diễu của mọi người hiện diện.

Về đến nhà, việc làm đầu tiên là vội vàng chùi rửa Cây Thánh Giá. Vừa lau, anh vừa âu yếm nói chuyện với Đức Chúa Giêsu Kitô - Đấng bị xúc phạm. Nhưng anh Pierre ngạc nhiên biết bao, khi vừa lau chùi xong, anh khám phá tên khắc bên dưới chân Thánh Giá. Với kính lúp, anh đọc: Benvenuto Cellini. Đây là tên của một thợ kim hoàn nổi tiếng người Ý. Lòng tràn đầy niềm vui, anh tiếp tục lau chùi thật kỹ lưỡng. Càng lau, càng chùi, anh càng khám phá ra Cây Thánh Giá và tượng Đức Chúa Giêsu Kitô bằng vàng ròng.

Anh Pierre Piront không còn bình tĩnh nữa. Anh lấy khăn bọc kỹ Cây Thánh Giá rồi chạy như bay tới tiệm kim hoàn gần đó. Anh nhờ chủ tiệm đánh giá cho phẩm vật của anh. Sau khi xem xét cẩn thận, chủ tiệm đánh giá toàn Cây Thánh Giá là 60.000 đồng vàng...

Câu chuyện đến tai vua Louis-Philippe I (1830-1848). Nhà vua cho gọi anh Pierre Piront đến và ca ngợi lòng dũng cảm, dám tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của anh. Nhà vua cũng cho mở cuộc điều tra, để biết tại sao Cây Thánh Giá quý báu lại lọt vào tay cụ già Gustave Busset. Qua cuộc điều tra, người ta biết: “Vào năm 1531, vua Francois I nhờ nhà kim hoàn Benvenuto Cellini làm Cây Thánh Giá bằng vàng ròng. Sau đó, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo được trưng bày tại điện Versailles. Khi cuộc cách mạng Pháp 1789 xảy ra, dân chúng tràn vào đập phá và ăn cắp của cải vật dụng trong điện Versailles. Có lẽ Cây Thánh Giá bị ăn cắp và bị bán đi với giá thật rẻ...” Vua Louis-Philippe I đã mua lại Cây Thánh Giá với giá 60.000 đồng vàng và truyền gọi anh Pierre Piront vào làm việc trong hoàng cung. Nhờ cơ may, anh trau dồi, phát triển và tận dụng khả năng nghệ thuật của mình.

Để ghi nhớ biến cố ấy, anh Pierre Piront vẽ bức họa “Cây Thánh Giá bán đấu giá”. Bức họa trở nên một tuyệt tác, tháp tùng anh suốt cuộc đời và an ủi anh ở giây phút cuối đời.

Chọn lựa Thập giá, Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, Ngài tiên báo về sự đau khổ mà Ngài phải đi, Ngài mời gọi các môn đệ của Ngài cùng đối diện với khổ đau qua lời mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.

Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn và lời mời gọi vác thập giá, trong bối cảnh: Ngài và các môn đệ cùng dân Do Thái tiến về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Lên Giêrusalem là lên Đền thánh Thiên Chúa, luôn mang trong lòng sự hớn hở vui tươi được biểu lộ bằng những Ca khúc Lên đền gồm 15 Thánh vịnh ngắn từ 120 đến 134 (nhưng có lẽ Tv 132 không thuộc nhóm này), mang tâm tình tươi vui, được hát khi người Do Thái tiến lên đền thờ Giêrusalem vào 3 dịp lễ hành hương: Lễ Vượt Qua (Lễ bánh không men nhắc lại biến cố Xuất hành), Lễ Ngũ tuần (Lễ Mùa gặt để dâng của đầu mùa cho Giavê) và Lễ Lều (Lễ Thu hoạch cuối năm để tạ ơn Giavê) (x. Xh 23,14-17; 34,22-23; Dnl 16,16)

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:

"Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!" (Tv 121,1)

Tân ước kể lại cuộc hành hương hàng năm của Ðức Maria, thánh Giuse và trẻ Giêsu lên Giêrusalem (Lc 2,41). Tân ước cũng cho thấy Giêrusalem đã thu hút khách hành hương vào các dịp đại lễ (x. Lc 2,41-45; Ga 12,20; Cv 2,1-10). Các Tin Mừng đều tường thuật những lần hành hương của Ðức Giêsu lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13), lễ Ngũ tuần (Ga 5,1), lễ Lều (Ga 7,2-10). Tuy nhiên Phúc âm Nhất lãm tường thuật chuyến hành hương duy nhất của Ðức Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua và trong dịp này, Ngài đã bị kết án vác và chết trên thập giá. Chuẩn bị bước hành trình về thành Thánh theo thánh ý của Chúa Cha, Đức Giêsu loan báo ba lần cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19). Hình ảnh đó đã được nói tiên tri trước bằng hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ mà Ngôn sứ Isaia đã phác họa: “Đức Chúa đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ …. Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện” (Is 53,10-11). Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về bước đường đau khổ này qua cuộc tử nạn, Ngài nói về đường thập giá và mời gọi các môn đệ tiến bước theo.

Đứng trước lời tuyên báo về cuộc tử nạn, thái độ Phêrô: liền kéo riêng… bắt đầu trách … (Mt 16,22): Phản ứng của Phêrô là phản ứng khôn ngoan của con người khi đối diện đau khổ, đứng trước thập giá: sự lẩn tránh. Phêrô muốn thoả hiệp, thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của sợ hãi, hoặc khuất phục trước quyền lực. Mới đây ông là gương mẫu của người tin (x. Mt 16,17), nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường như tên Cám Dỗ đã đề nghị thỏa hiệp khi Chúa bị cám dỗ ở trong hoang địa (x. Mt 4,1-11).

Chúa Giêsu trả lời Phêrô: Anh cản lối Thầy (Mt 16,23), nếu dịch sát nghĩa: “Anh đang trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp”. Mới vừa tuyên xưng đức tin, Phêrô trở nên “tảng đá trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ Phêrô, mang ý nghĩ suy luận của con người nên thành tảng đá “cản lối Thầy [làm cho Thầy vấp]”. Tảng đá xây Hội Thánh là niềm tin của Phêrô đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin, tảng đá này trở nên cản trở công trình của Thiên Chúa.

Kinh nghiệm của Phêrô mang hình ảnh thân phận con người của chúng ta. Thật thế, chúng ta rất mong manh, dễ thay đổi, dễ chủ quan ảo tưởng là mình “trước sau như một”. Cho nên, chủ quan trong một tư tưởng thánh thiện có trước, phù hợp với tư tưởng của Thiên Chúa. Điều đó không bảo đảm là tư tưởng tiếp theo cũng thánh thiện, nếu chúng ta không quan tâm tìm biết ý muốn của Thiên Chúa.

Đức Giêsu quả quyết rằng đối với môn đệ của Ngài không có con đường nào khác con đường thập giá: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình”. “Từ bỏ chính mình (Mt 16,24), nghĩa là bỏ cả khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của người khác, ở đây chính là đòi hỏi của Thiên Chúa. Cho nên, không chỉ chiến thắng trên cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình. Để “đi (bước) theo” Đức Kitô (Mt 16,24): đồng nghĩa với “học với; làm môn đệ” (x. Mt 11,29), là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ...

Khi nghiền ngẫm lời tiên báo đau khổ, tử nạn và lời mời gọi vác thập giá vượt qua đau khổ và sự chết, chúng ta cảm thấy được an ủi và thêm sức mạnh giữa những lúc đương đầu với thử thách, gian nan, khủng hoảng và đau khổ. Vì vậy, chúng ta vẫn tiến bước trong cuộc sống và đối diện với đau thương mà mỗi người chúng ta luôn đối diện trong những nỗi đau của thể xác, hay nỗi đau về tâm hồn, có khi cả hai nỗi đau về thể xác và tâm hồn...

Chúa Giêsu không chỉ loan báo cuộc khổ nạn mà còn loan báo cuộc phục sinh: “Ngày thứ ba sẽ sống lại”. Thật thế, Đức Giêsu đến Giêrusalem chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, nhưng Ngài sống lại ngày thứ ba như lời tiên báo, Ngài đã vượt qua bằng chiến thắng ở cuối con đường đau khổ. Khi chúng ta vác thánh giá theo Đức Giêsu, sự chiến thắng huy hoàng cũng dành cho người môn đệ trung kiên vác thập giá Chúa, Thánh Phaolô khẳng định: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người (Rm 6,8). Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng đau khổ, chiến thắng sự chết và cho phép chúng ta cùng Ngài vượt qua đau khổ, vượt qua sự chết như Ngài: “Ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Cho nên, chúng ta vác thập giá theo Chúa Kitô, không phải giữ mãi đau khổ, đi vào con đường chết, nhưng với Ngài xuyên qua đau khổ, vượt qua sự chết mà đến vinh quang, vì thế thánh Phaolô xác tín: “Vinh dự của tôi là thập giá Chúa Kitô” (Gl 6,14).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 03/09/2017
1. ÔNG GIÓ NỒM
Có một ông chủ nhà giàu nhưng keo kiết lạ thường, khi con trai đã lớn thì muốn mời một thầy giáo đến dạy học cho con, nhưng điều kiện để được nhận làm thầy giáo là phải không ăn không uống.
Có người giới thiệu với ông ta:
- “Có một người không ăn uống, chỉ thích ăn mùi vị của gió nồm.”
Ông chủ nhà giàu nghe được bèn gấp gấp bàn hỏi với vợ, bà vợ suy lui nghĩ tới rồi lắc đầu liên tục nói:
- “Nếu một ngày nào đó có gió bấc thổi đến thì ông lấy thứ gì để cho ông ta ăn ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 1:
Người keo kiết lạ thường thì cách suy nghĩ cũng lạ thường không như những người khác, cái lạ thường của người keo kiết là không muốn người làm việc cho mình ăn uống gì cả, chỉ lo làm mà thôi...
Có những người dáng vẻ bên ngoài không “keo kiết lạ thường” nhưng tâm hồn của họ thì luôn tràn đầy sóng gió, nghĩa là không được bình an, vì họ luôn “đâm bên này, thọt bên kia” khi thấy anh em chị em làm được việc hơn họ, bởi vì con mắt của họ không nhìn vào tâm hồn của mình để coi tốt hay xấu, mà cứ nhìn soi mói những khuyết điểm của anh em chị em mà phê bình, mặc dù anh em chị em có rất nhiều ưu điểm hơn họ...
Người có tính “keo kiết lạ thường” là vì sợ hết của cải, xét cho cùng thì cũng không trầm trọng lắm cho bằng người “keo kiết lạ thường” trong đời sống tu đức, bởi vì những người này không phải họ không muốn người khác không ăn không uống, nhưng chính họ đã khước từ tình anh em chị em khi họ cứ bất bình và thù hận trước những ưu điểm của người khác trỗi vượt hơn mình.
Chúng ta rất dễ dàng nhận ra người keo kiệt lạ thường trong tâm hồn, đó là khi họ keo kiết với mọi người một nụ cười thân thiện, khi họ keo kiết nói một lời cám ơn, khi họ keo kiết một lời tán thưởng người khác.v.v...những keo kiết lạ thường ấy thường làm cho họ gần gủi với ma quỷ và những nịnh bợ của thế gian, hơn là gần gủi với tha nhân và ơn sủng của Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcat holic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 03/09/2017

36. Sự tiến triển của thánh đức là hoàn toàn do sự cầu nguyện.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn t hần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một học sinh Kitô người Pakistan bị bạn học giết tại vì không theo Hồi giáo
Hồng Thủy
08:32 03/09/2017
Multan – Cộng đồng Kitô giáo ở Punjab đau buồn vì vụ bạo lực xảy ra với một học sinh tại trường trung học công lập ở Burewala, miền nam Punjab.

Theo tin từ hãng tin Fides, Sharon Masih, 15 tuổi, đã bị các bạn học Hồi giáo bạo hành cho đến chết hôm 30/08 vừa qua. Mushtaq Gill, một luật sư Kitô gíao cho hãng tin Fides biết rằng Sharon Masih đã bị các ban học chặn đường, bắt cóc, bắt nạt; họ đã gia tăng bạo hành Sharon Masih, đấm đá chàng thiếu niên. Sharon Masih bị ngã xuống đất bất tỉnh, sau đó được đưa đến bệnh viện Burewala và tại đây em được xác nhận đã qua đời.

Cảnh sát đã ghi nhận vụ giết người của các học sinh Hồi giáo và trao trả thi hài Sharon Masih cho gia đình. Theo những điều tra đầu tiên của cảnh sát, Sharon Masih có lẽ là nạn nhân bị bắt nạt, đối xử tàn tệ vì niềm tin Kitô giáo và vì các bạn học muốn dụ cậu thiếu niên cải đạo sang Hồi giáo. Sharon Masih đã chống cự cho đến giây phút cuối của cuộc bạo hành và đã tử vong. Sharon Masih đã muốn đổi trường học vì những lời đe dọa cũng như bạo hành mà em đã phải chịu.

Sự kiện này cho thấy rõ sự đối xử phân biệt và bạo hành đối với các tôn giáo thiểu số không phải Hồi giáo đang phổ biến trong xã hội Pakistan. Anjum James Paul, một giáo viên Kitô giáo và chủ tịch của hội các giáo viên Pakistan thiểu số đã nói với hãng tin Fides: “Bạo lực bắt nguồn từ băng ghế nhà trường bởi vì các sách giáo khoa được sử dụng từ các trường tiểu học gieo vào trong các học sinh sự hận thù và bất bao dung đối với người không Hồi giáo.” Ông cũng nói thêm: “một đàng các sách giáo khoa được sử dụng trong trường học cổ võ cho Hồi giáo, tín hữu Hồi giáo, nền văn hóa và văn minh hồi giáo, đàng khác nó không ngừng cổ võ sự khinh khi hận thù chống lại các tôn giáo ngoài Hồi giáo, những người không phải Hồi giáo, các nền văn hóa và văn minh khác Hồi giáo. Điều này gây nên hậu quả tai hại nơi não trạng của các trẻ em và thiếu niên, khơi dậy bạo lực và tác hại đối với sự sống chung hòa bình.”

Anjum James Paul cũng cho biết là đã có một số thay đổi trong sách giáo khoa sau khi có các báo động được các tổ chức gửi đến chính quyền, nhưng cần mở nhiều con đường hơn nữa để đưa Pakistan thành một quốc gia trung hòa, nơi tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, sự đa dạng, sự sống chung hòa bình và các tôn giáo thiểu số. Nhà nước cần phải hành động để các trường công lạp là nơi có thể xây dựng sự sống chung hòa bình về xã hội và tôn giáo. Tại Pakistan, các tín hữu các tôn giáo thiểu số như Kitô hữu vẫn còn là nạn nhân của sự cực đoan và vi phạm nhân quyền. ((Agenzia Fides 2/9/2017)
 
ĐGH nhấn mạnh đến xây dựng hòa bình trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo Đại Hàn.
Giuse Thẩm Nguyễn
09:33 03/09/2017
(EWTN News/CNA) Vatican City Trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo Đại Hàn vào hôm thứ Bẩy, ĐGH Phanxicô đã nói rằng thế giới đang nhìn quý vị như là gương mẫu cung cách cùng làm việc hài hòa để chống lại bạo lực và duy trì quyền và phẩm giá cho mọi người.

ĐGH đã nói vào ngày 2 tháng Chín rằng, “Do vậy, chúng ta đang trên hành trình dài tiến về phía trước, phải chấp nhận nhau với lòng khiêm nhường và kiên trì, không chỉ hô hào bằng miệng, nhưng phải xắn tay cùng làm việc.”

Chúng ta phải làm việc “để gieo mầm hy vọng cho tương lai khi ấy nhân loại trở nên nhân bản hơn, một tương lai khi ấy người ta không hô hào chiến tranh và hướng về sự hài hòa giữa các cá nhân và cộng đồng, giữa các dân tộc với các quốc gia.”

ĐGH Phanxicô đã gặp các nhà lãnh đạo của bẩy tôn giáo lớn của Đại Hàn, trong đó có ĐTGM Hyginus Kim Hee-Jong của Gwangju, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn viếng thăm Vatican vào ngày 2 tháng Chín. Họ đến Vatican khi việc đe dọa vũ khí hạt nhân với Bắc Hàn tiếp tục gia tăng.

Trước chuyến đi, ĐTGM Kim đã nói với hãng tin Ý rằng “Chúng ta sẽ xin ngài cùng cầu nguyện và giúp đỡ cho sự thống nhất của người dân Đại Hàn trên bán đảo này. ĐGH có đầy đủ thông tin và luôn theo sát tình hình. Ngài hy vọng rất nhiều vào việc thiết lập hòa bình trong khu bán đảo Hàn Quốc này.”

Trong cuộc gặp hôm thứ Bẩy, ĐGH Phanxicô nói rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi để “khởi xướng, cỗ vũ và đồng hành với tiến trình hòa giải vì lợi ích của mọi người.” Ngài kêu gọi họ hãy từ bỏ bạo lực và hãy nói không với “chuyện gây sợ hãi” và “cao ngạo về hận thù” trên thế giới. “Thế giới đang nhìn chúng ta, chúng ta cần cùng làm việc với nhau và với tất cả mọi người nam và nữ có thiện tâm”

ĐTGM Kim cũng đã gặp ĐGH vào tháng Năm khi ngài đến Roma với tư cách là sứ giả đặc biệt cho tân Tổng Thống đắc cử của Đại Hàn là Moon Jae-in.

Lá thư của Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn (CBCK) cho biết rằng trong thời gian thăm Roma, ĐTGM Kim đã xin ĐGH cầu nguyện cho hòa bình và sự hòa giải của người dân Đại Hàn cũng như bày tỏ lòng biết ơn đến vị cha chung về lòng yêu mến và lo lắng của ngài dành cho nước Đại Hàn.

ĐTGM cho nói rằng ĐGH tỏ ra thấu hiểu tình hình trên bán đảo này, nhấn mạnh đến việc đối thoại mà không cần lực lượng vũ trang để giải quyết những khó khăn hiện nay.

Vào tháng Tám, HĐGM Đại Hàn đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trên bán đảo đến chính quyền Bắc và Nam Hàn, những nước trong khu vực, người dân Đại Hàn và những tín hữu trên khắp thế giới. “Hòa bình trên bán đảo Đại Hàn không chỉ là sự quân bằng về hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á Châu. Tình hình hiện nay cần mọi nỗ lực tổng hợp nhằm thức tỉnh lương tâm và sự khôn ngoan trong tinh thần đoàn kết, cảm thông, hợp tác và tôn trọng nhau. Chúng ta không được bỏ qua cuộc khủng hoảng này với sự thơ ơ và im lặng.”

Trong bài phát biểu, ĐGH Phanxicô kêu gọi tinh thần hợp tác, đặc biệt giữa các tôn giáo. Thế giới chờ câu trả lời của chúng ta và một cam kết chung cho những vấn đề khác nhau: phẩm giá linh thiêng của con người, sự đói nghèo vẫn còn đè nặng lên nhiều dân tộc, sự từ bỏ bạo lực. Chúng ta phải đặc biệt từ chối bạo lực vì nó làm ô danh Thiên Chúa, cũng như tham nhũng cổ vũ bất công, đạo đức suy đồi, tạo khủng hoảng về gia đình, kinh tế và hy vọng.”

ĐGH chỉ ra rằng một khi sự đối thoại giữa các tôn giáo được mở ra và tôn trọng, thì đó là lúc hoa trái nẩy sinh dẫn đến phát huy hòa bình và lợi ích chung.

Sự tôn trọng lẫn nhau cũng mang lại “quyền sống, toàn vẹn thể chất và các quyền tự do cơ bản như quyền lương tâm, quyền tôn giáo, quyền suy nghĩ và bày tỏ” từ đó nền tảng lâu dài của hòa bình được xây dựng, điều mà chúng ta hằng nổ lực làm việc và cầu xin.

ĐGH Phanxicô cũng đã gặp các lãnh đạo tôn giáo Đại Hàn nhân chuyến viếng thăm của ngài vào tháng Tám, năm 2014 và ngài đã nhắc đến với lòng biết ơn Thiên Chúa và người dân Đại Hàn yêu quý.

“Tôi hằng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ những món quà hòa bình và sự hòa giải anh em. Chớ gì chúng ta nhận ra tình bằng hữu và những ơn lành mà chúng ta nhận được từ người khác, giúp cho chúng ta có sức mạnh để tiến lại gần nhau với sự trợ giúp của Thiên Chúa.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐGH Phanxicô nói rằng theo Chúa Kitô mà không có Thánh Giá là một cám dỗ.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:19 03/09/2017
(News.va) Đài Vatican. Trước khi đọc kinh Truyền Tin cho buổi cầu nguyện vào ngày Chúa Nhật hôm nay, ĐGH Phanxicô đã nói về ý nghĩa của đoạn Tin Mừng Chúa Nhật với khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô rằng “Theo Chúa Kitô mà không có Thánh Giá là một sự cám dỗ.”

Ngài nhắc đến đoạn khi Chúa Giêsu “tỏ cho các môn đệ biết rằng Ngài sẽ phải đau khổ, chịu chết và rồi sống lại tại Giê-su-sa-lem và thánh Phêrô đã trách Ngài bởi vì thánh nhân không thể chấp nhận rằng những điều tồi tệ đó lại có thể xảy ra cho Đấng Cứu Thế.”

ĐGH nhắc lại lời Chúa đáp lại sự can ngăn của Phêrô rằng “Xa-tan, lui ra đằng sau Thầy, Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Rồi chúa Giêsu chỉ ra con đường phải đi nếu muốn theo Ngài “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

ĐGH nói ngay cả hôm nay “theo Chúa Kitô mà không có Thánh Giá vẫn là một cám dỗ.” Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng con đường của Ngài là con đường tình yêu, và sẽ không có tình yêu đích thực nếu không có hy sinh.”

Chúa Giêsu còn nói rằng “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được mạng sống ấy.” ĐGH giải thích rằng trong sự nghịch lý này có một luật vàng mà Chúa đã ghi vào trong tâm khảm con người được dựng nên trong Chúa Kitô là “chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia
Đặng Tự Do
17:08 03/09/2017
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia đã được trình bày với giới báo chí vào ngày thứ Sáu mùng 1 tháng Chín tại phòng báo chí Tòa thánh.

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 20 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Colombia vì ngài đã có mặt tại quốc gia này trong tư cách một linh mục vào những năm 1970 và hai lần trong tư cách một Giám mục thành viên của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM.

Trong cuộc họp báo ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ghi nhận rằng không thể tránh khỏi đôi mắt của thế giới nhìn chuyến viếng thăm này theo một quan điểm chính trị khi người Colombia cam kết đẩy nhanh tiến trình hòa bình. Thực tế, chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Greg Burke nhấn mạnh rằng như thường lệ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha chỉ mang tính chất mục vụ thuần túy, và ngài đến với đất nước có đông đảo người Công giáo này để mang sứ điệp Phúc Âm đến với đàn chiên của mình và khuyến khích người Colombia tiến bước trên hành trình đức tin và hòa giải.

Trong chuyến viếng thăm 5 ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm bốn thành phố là thủ đô Bogotà, Villavicencio, Medellin và Cartagena.

Như thường lệ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và với các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Bên cạnh đó, ngài cũng sẽ gặp các nhóm nạn nhân chiến tranh, các gia đình, những người tàn tật, những người nghèo, và cả với các du kích quân trước đây, cùng với các giám mục Colombia anh em, các Giám Mục trong tổ chức CELAM cũng như các linh mục, nữ tu, và anh chị em giáo dân.

Tại Villavicencio, Đức Thánh Cha sẽ phong chân phước cho hai linh mục Công giáo bị giết trong cuộc xung đột và tại Cartagena, ngài sẽ cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Peter Claver.

Thánh Phanxicô sẽ chủ tọa Thánh Lễ ở cả bốn thành phố và sẽ có các bài thuyết giảng liên hệ đến những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với người Colombia như chăm sóc thiên nhiên, hoà giải, bảo vệ sự sống và duy trì phẩm giá và quyền con người .
 
Cập nhật tin tức chung quanh cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính tại Úc
Vũ Văn An
17:29 03/09/2017
Ngày 24 tháng Tám vừa qua là ngày chót để đăng ký hoặc cập nhật hóa chi tiết cá nhân trên danh sách bầu cử để có thể bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính ở Úc. Tin tức mới đây cho hay số người đăng ký hoặc cập nhật hóa chi tiết cá nhân khá đông đảo, hứa hẹn một cuộc trưng cầu tốt đẹp.

Trong khi ấy, phe “yes” và phe “no” trong cuộc tranh cãi hôn nhân đồng tính đã bắt đầu đưa ra quan điểm của mình một cách thẳng thắn, không đợi đến ngày cuộc trưng cầu bắt đầu.

Tôn giáo có quyền sa thải nhân viên cưới người đồng tính

Thực vậy, theo tờ The Age, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart của tổng giáo phận Melbourne, mấy ngày sau khi cuộc trưng cầu được công bố đã lên tiếng cảnh cáo 180,000 nhân viên đang làm việc cho Giáo Hội Công Giáo Úc rằng họ có thể bị sa thải nếu chính thức “kết hôn đồng tính”. Nguyên văn lời ngài nói với Farifax Media như sau: “Tôi hết sức muốn nhấn mạnh rằng các trường học, các giáo xứ của chúng tôi có đó để giảng dậy quan điểm Công Giáo về hôn nhân. Bất cứ lời nói hay hành động nào đi ngược với quan điểm này đều sẽ bị coi là rất nghiêm trọng. Các thầy cô của chúng tôi, các nhân viên giáo xứ của chúng tôi được mong đợi hoàn toàn đề cao đức tin Công Giáo và những gì chúng tôi tin về hôn nhân. Người ta phải thấy giáo huấn của chúng tôi về hôn nhân được nhấn mạnh bằng hành động và gương sáng. Chúng tôi không nên sơ suất về việc này”.

Cũng nên biết, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart hiện cũng là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Úc. Nhận định của ngài, vì thế, không phải chỉ đại biểu cho riêng tổng giáo phận Melbourne. Chính vì thế, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth đã lên tiếng ủng hộ lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Denis Hart. Đức Tổng Giám Mục Costelloe hiện là chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dục của Hội Đồng Giám Mục Úc.

Ngài cho rằng các thầy cô không nên “phá hoại” các giá trị của các trường học nơi họ giảng dậy nếu hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa.

Theo ngài, các phụ huynh, khi gửi con em tới trường Công Giáo, đều muốn con cái họ được giáo dục trong khuôn khổ Công Giáo, mà hôn nhân vốn là một phần của khuôn khổ này. Ngài nói với Fairfax Media: “Khi chấp nhận đóng một vai trò trong trường Công Giáo, các nhân viên phải nhìn nhận trách nhiệm của họ là ứng xử sao đó để đừng phá hoại triết lý sống nền tảng của trường. Giống mọi chủ nhân khác, Giáo Hội Công Giáo phải có khả năng bảo đảm rằng các giá trị của mình được đề cao bởi những người quyết định làm việc cho tổ chức”.

Quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Costelloe được linh mục Frank Brennan, một nhà tranh đấu xã hội, và hiện là giám đốc chấp hành của Catholic Social Services Australia, ủng hộ. Cha bênh vực việc các trường của Giáo Hội có quyền từ chối việc làm đối với những người đồng tính luyến ái và các cơ sở chăm sóc người già có quyền bác bỏ các cặp đồng tính cưới nhau.

Viết cho tờ The Guardian, Cha Brennan cho hay ngài rất có thể bỏ phiếu “yes” cho cuộc trưng cầu ý dân, nhưng quyền của Giáo Hội được tuyển dụng hay sa thải người đồng tính cưới nhau phải được duy trì.

Nên biết, theo luật lệ chống kỳ thị của Úc, các giáo hội được hưởng nhiều miễn trừ rộng rãi, cho phép họ được thuê mướn hay sa thải dựa trên xu hướng tính dục, tư thế hôn nhân và nhiều đặc tính khác.

Dù các người đồng tính và đổi tính khác (LGBTI) thông thường vốn được các chủ nhân của Giáo Hội khoan dung, nhưng việc cưới xin đồng tính bị coi là một bác bỏ công khai các giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

Ed Santow, Tổng Ủy Trưởng Nhân Quyền ủng hộ các miễn trừ trên. Ông cho rằng bất cứ mưu toan nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nào cũng cần phải duy trì các miễn trừ trên. Ông cho biết: “Tùy thuộc mỗi tôn giáo muốn đi xa bao nhiêu đối với các miễn trừ ấy. Phần lớn các cơ quan tôn giáo rất thận trọng và rất tôn trọng tính đa dạng của cộng đồng chúng ta”.

Giám Mục Michael Stead, chủ tịch Nhóm Tham Chiếu Tự Do Tôn Giáo của Giáo Phận Anh Giáo Sydney cũng kêu gọi phải duy trì các miễn trừ trên vì ngài cho rằng các cố gắng nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Úc, cho tới nay, hết sức thiếu sót trong việc bảo vệ các quyền tự do dân sự và tôn giáo.

Ngài nói: “Kinh nghiệm tại các nước đã tái định nghĩa hôn nhân cho thấy sự sói mòn nhanh chóng và đều đặn quyền tự do ngôn luận, tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng”.

Lyle Shelton, tổng giám đốc của Australian Christian Lobby (Vận Động Hành Lang Kitô Giáo Úc) và là một trong các nhà vận động hàng đầu của lá phiếu “no” kỳ này cũng bênh vực quyền của các tổ chức Kitô Giáo được sa thải các nhân viên cưới người đồng tính. Ông nói: “Các tổ chức tôn giáo phải được các quyền tự do y như các đảng chính trị để bảo đảm nhân viên của họ chia sẻ triết lý sống của họ”.

Ông John Howard: chính phủ phải qui định rõ các miễn trừ cho các nhóm tôn giáo

Trở lại với vấn đề miễn trừ, cựu Thủ Tướng và là Thủ Tướng lâu đời nhất của Úc, Ông John Howard, vừa lên tiếng yêu cầu Chính Phủ Turnbull cung cấp nhiều chi tiết hơn nữa về các miễn trừ tôn giáo trước khi cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính bắt đầu.

Ông Howard là người vận động cho lá phiếu “no” kỳ này, nghĩa là ông chủ trương duy trì định nghĩa hiện hành về hôn nhân như cuộc kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Cùng với nhiều người vận động lá phiếu “no” khác, Ông Howard cho rằng bất cứ sự thay đổi nào đối với Đạo Luật Hôn Nhân hiện hành đều khiến cho các nhóm tôn giáo có thể bị kiện cáo dưới các đạo luật kỳ thị của Úc. Hiện không có luật lệ toàn diện nào của Liên Bang nhằm che chở tự do tôn giáo hay ngăn cấm sự kỳ thị vì lý do tôn giáo, tuy một số tiểu bang đã thông qua luật lệ riêng của họ.

Bộ Trưởng Tư Pháp George Brandis thì quả quyết rằng các nhóm tôn giáo sẽ được bảo vệ, nhưng ông Howard cho rằng Chính Phủ Liên Bang cần cung cấp nhiều chi tiết hơn. Ông nói: “Tôi nghĩ Chính Phủ cần phải ấn định rõ họ sẽ đưa ra những biện pháp nào để bảo đảm rằng các chính phủ tiểu bang không rút lại các miễn trừ trong các đạo luật kỳ thị… Tôi nghĩ việc này rất quan trọng. Tôi nghĩ, như một số người từng nói, sẽ không đủ khi nói ‘được, chúng tôi sẽ đối phó với việc này sau cuộc bỏ phiếu’. Họ phải đối phó với vấn đề này trước cuộc bỏ phiếu. Nói ‘chúng tôi sẽ đối phó với nó sau này’ tương đương với việc nói trong một chiến dịch tranh cử: ‘tôi sẽ tiêu 50 triệu dollars vào đường xá nhưng, sau ngày bầu cử, tôi mới cho qúy vị hay tôi sẽ lấy tiền đâu cho chi phí này’. Nếu qúy vị mưu toan làm điều này trong một chiến dịch tranh cử ngày nay, người ta sẽ cười vào mũi qúy vị”.

Một dự luật tư do dân biểu Tự Do Dean Smith đệ trình đầu năm nay đã nới rộng các tự do tôn giáo cho mọi giáo sĩ, trong khi các người cung cấp dịch vụ, như tiệm bánh và tiệm bông, cần chứng minh liên hệ của mình đối với một tổ chức tôn giáo.

Nhưng Ông Howard cho rằng Chính Phủ cần xem xét các bảo vệ ở bên ngoài nghi lễ, như liệu các trường tôn giáo có được phép từ chối việc ghi danh của con cái các cặp hôn nhân đồng tính hay không. Ông bảo: “tôi nghĩ chúng ta cần có nhiều chi tiết hơn, nhiều bảo đảm hơn, nhiều yếu tố chuyên biệt hơn, chứ các chi tiết trong dự luật của Dean Smith chỉ liên hệ tới nghi lễ hôn phối mà thôi, trong khi có nhiều điều hơn thế”.

Nên biết, năm 2004, Chính Phủ Howard đã sửa đổi Đạo Luật Hôn Nhân để lồng vào đó câu định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Hồi ấy, Liên Minh cầm quyền của Ông Howard đã thông qua việc tu chính trên mà không cần trưng cầu ý dân. Nhưng ông cho hay: Đảng Lao Động hồi ấy ủng hộ dự án này. Thành thử ông cho rằng chỉ mới có 12 hay 13 năm trôi qua, Đảng Lao Động đã quay 360 độ để lên án những người chống hôn nhân đồng tính là cuồng tín!

Đức Tổng Giám Mục Porteous kêu gọi được bảo vệ quyền tự do ngôn luận

Thực vậy, ngày 14 tháng Tám, Giáo Hội Công Giáo ở Tiểu Bang Tasmania, Úc, lên tiếng kêu gọi được bảo vệ quyền tự do ngôn luận để có thể bênh vực hôn nhân truyền thống trong những ngày dẫn tới cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính.

Sở dĩ có lời kêu gọi trên vì năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Julian Porteous đã bị Martine Delaney, người đấu tranh cho hôn nhân đồng tính, đưa ra trước Tổng Ủy Trưởng Chống Kỳ Thị, với lý do bà này bị xúc phạm bởi nhiều phần trong tập sách “Đừng Xía vào Hôn Nhân” (“Don’t Mess With Marriage”), tập sách mà ngài muốn phân phối tới các phụ huynh qua hệ thống trường Công Giáo.

Dù bên nguyên sau đó tự ý rút lui, nhưng Đức Tổng Giám Mục Porteous cho rằng kết quả vụ trên khiến người ta không chắc chắn là mình có quyền nói những gì. Ngài bảo: “Trong một cuộc tranh luận công khai, việc trên có thể tái diễn nên nó vẫn còn là một vấn đề sống động”.

Ngài nói tiếp: “Việc thiếu chắc chắn có một hiệu quả làm nhụt cuộc tranh luận ở một thời điểm trong đó điều quan trọng là Giáo Hội có khả năng phát biểu các quan điểm của mình về một vấn đề rất có ý nghĩa đối với xã hội Úc là bản chất của hôn nhân”.

Đức Tổng Giám Mục Porteous nhận định rằng điều quan trọng là cả hai phía được tự do tham dự cuộc tranh luận mà không sợ bị truy tố.

Ai ủng hộ ai chống hôn nhân đồng tính

Dù các khuôn mặt chính trị lớn như Thủ Tướng Turnbull và Thủ Lãnh Đối Lập Shorten tuyên bố sẽ bỏ phiếu “yes” và dù phe “yes” khuya chiêng gõ mõ cho rằng mình chiếm đa số, và mặc dù phe “no” không những ít “huênh hoang” và quảng cáo hơn, mà còn bị phe “địch” mặc tình chế nhạo, khoác cho đủ thứ tên không hay ho gì, nhưng ai thắng ai thua chưa ai biết được.

Có điều, phe “yes” đang cố gắng gây chia rẽ nơi phe “no” bằng cách đưa ra những con số “thăm dò” giả tạo hoặc vận động một số nhân vật mà truyền thống vốn coi là thuộc phe “no” nhưng quen thói thích nổi bằng cách nói ngang.

Thực vậy, gây đây, có bản tin cho rằng một cuộc thăm dò cho thấy đa số người Công Giáo Úc ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Có điều cuộc thăm dò này do nhóm “yes” trả tiền. Thực vậy, theo tờ Sydney Morning Herald, đó là nhóm Equality Campaign thuê nhóm vô danh Reed of Newgate Research thực hiện nhằm “sử dụng kết quả tìm thấy để khuyến khích 5 triệu người Công Giáo Úc làm ngơ các chỉ thị của giới lãnh đạo Giáo Hội và thay vào đó bỏ phiếu bằng lương tâm của họ”! Hơn nữa, đây chỉ là một cuộc thăm dò bằng e-mail và số người tham dự chỉ là 1,000 người.

Có điều đáng lưu ý: phe “yes” là phe cực lực phản đối cuộc trưng cầu ý dân lần này cho rằng quyết định về hôn nhân đồng tính là việc của quốc hội. Họ trưng dẫn nhiều lý do để biện hộ. Nhưng lý do chính mà họ không nói ra là: họ nắm được đa số ở quốc hội, chứ không nắm được đa số nơi công chúng. Họ sợ thua trong cuộc trưng cầu ý dân lần này.

Thiển nghĩ cuộc thăm dò, hay đúng hơn cuộc nghiên cứu HILDA (Household, Income and Labour Dynamics in Australia) là tương đối khách quan hơn cả về các xu hướng ủng hộ và chống đối hôn nhân đồng tính. Nhưng kể cả cuộc nghiên cứu này cũng có tính hàm hồ ở chỗ câu hỏi họ nêu ra không hẳn là về hôn nhân đồng tính mà về quyền bình đẳng của các cặp đồng tính. Thực vậy, người trả lời được yêu cầu cho biết mức độ họ đồng ý với câu “Các cặp đồng tính nên có cùng các quyền lợi như các cặp dị tính”. Thang điểm là: từ 1 (bất đồng mạnh mẽ) tới 7 (đồng ý mạnh mẽ).

Người ta có thể đồng ý cho các cặp đồng tính được hưởng cùng các quyền lợi như các cặp dị tính, nhưng không nhất thiết cho các cặp này kết hôn, vì hôn nhân thuộc một lãnh vực hoàn toàn khác. Thiết tưởng đây là lập trường của các nhóm tôn giáo hiện nay. Họ đâu có phản đối các cuộc kết hợp dân sự là những cuộc kết hợp được pháp luật nhìn nhận với đủ thứ quyền do luật pháp qui định.

Tuy nhiên, về phương diện thống kê cuộc nghiên cứu này có giá trị lớn về cách chọn mẫu cái nhiên, về tính đại biểu dân số với 17,000 người tham dự, kéo dài trong nhiều năm (ít nhất từ 2005 tới 2015). Kết quả: số người ủng hộ mạnh mẽ việc các cặp đồng tính có cùng các quyền lợi như các cặp dị tính tăng từ 19.2 phần trăm năm 2005 lên 46.3 phần trăm năm 2015. Trái lại, những người bất đồng mạnh mẽ giảm từ 26.7 phần trăm năm 2005 xuống còn 12.9 phần trăm năm 2015. Tuy nhiên tỷ lệ ủng hộ nghĩa là những người cho điểm từ 5 tới 7 lên tới 66 phần trăm năm 2015, trong khi năm 2005 tỷ lệ ấy là 39.8 phần trăm. Còn nếu tính từ 4 tới 7 điểm, tỷ lệ là 78 phần trăm.
Cuộc nghiên cứu trên do chính phủ Úc tài trợ qua Bộ Dịch Vụ Xã Hội và do Viện Melbourne (Melbourne Institute) thiết kế và quản trị với Công Ty Roy Morgan Research thu thập các dữ kiện.

Nghiên cứu các dữ kiện thu thập trên, người ta thấy có sự khác nhau rõ rệt giữa giữa các tiểu nhóm dân số được hỏi ý kiến về các quyền bình đẳng dành cho các cặp đồng tính:

Các tiểu nhóm sau đây ủng hộ các quyền bình đẳng:

• Phụ nữ
• Người không dị tính luyến ái
• Người trẻ
• Người có bằng cấp đại học hoặc lớp 12
• Người không tôn giáo
• Người sinh ở Úc hay 1 nước nói tiếng Anh
• Người có thu nhập cao hơn
• Người sống tại các thành phố lớn.

Các nhóm đứng ở giữa, sẵn sàng nghiêng về bên này hay nghiêng về bên kia là:

• Đàn ông
• Người dị tính luyến ái
• Người hơn 40 tuổi
• Người tôn giáo
• Người học dưới lớp 12
• Người xuất thân từ các môi trường không nói tiếng Anh
• Người c óthu nhập thấp
• Người sống tại các vùng xa xôi.

Người Hồi Giáo và cuộc trưng cầu ý dân: sợ mất lòng phe tả

Trong cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay về hôn nhân đồng tình, một trong các nhóm tôn giáo giữ im lặng, bất ngờ thay, lại là Hồi Giáo, một tôn giáo vốn nổi tiếng chống đồng tính luyến ái.

Mới đây, trên chương trình The Drum của Đài ABC, Ali Kadri, phát ngôn viên của Hội Đồng Hồi Giáo Tiểu Bang Queensland và Liên Minh Các Hội Đồng Hồi Giáo Úc cho biết lý do: cộng đồng của ông bị kẹt trong việc phải chọn lựa giữa việc làm mất lòng các đồng minh hay việc đứng về phe chống đối hôn nhân đồng tính, nên đành phải giữ im lặng.

Ông nói rõ như sau: “Bất hạnh thay, trong bầu không khí hiện nay, phe hữu và bảo thủ vốn tấn công người Hồi Giáo, coi họ như các tên khủng bố và cực đoan, trong khi phe tả vốn là đồng minh bênh vực chúng tôi trong một thời gian dài”.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi sợ nếu ra mặt nói lên ý kiến của mình, thì phe tả có thể bỏ rơi chúng tôi vì đã đi ngược lại quan điểm của họ, trong khi chúng tôi không thể làm bạn với phe bảo thủ vì họ từng sát phạt chúng tôi suốt 15, 20 năm qua, không bỏ lỡ cơ hội nào… và họ đây bao gồm cả một số Kitô hữu”.

Dĩ nhiên, người Hồi Giáo lo sợ cho số phận tự do tôn giáo ở Úc, nhất là trong phạm vi giáo dục, phải dạy những điều đi ngược lại niềm tin căn bản của tôn giáo mình. Nhưng nào được tự do nói điều mình nói đâu mà không làm mất lòng một số người. “Thành thử chúng tôi mất cơ hội nói lên tiếng nói của mình trong cuộc tranh luận này và điều này là điều sai”.

Thực ra, riêng rẽ vẫn có những nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên tiếng. Chủ Tịch Hội Đồng Imam Queensland, Yusuf Peer, nói rằng hôn nhân đồng tính là điều không thể chấp nhận được đối với Hồi Giáo. Hội Đồng Imam Toàn Quốc cũng quả quyết rằng “Hồi Giáo đặt đơn vị gia đình ở tâm điểm một xã hội lành mạnh, và trong bối cảnh này, quyền của con cái được chăm nom và dưỡng dục bởi cả cha lẫn mẹ là quyền phải được bảo vệ. Hồi Giáo cũng minh nhiên và không hàm hồ quả quyết rằng liên hệ hôn nhân chỉ được phép giữa một người đàn ông và một người đàn bà; bất cứ mối liên hệ hôn nhân nào khác đều không được Hồi Giáo cho phép”.

Nhưng quan điểm ấy không được cộng đồng Hồi Giáo nhất tề chấp thuận. Nhóm Hồi Giáo Vì Các Giá Trị Tiến Bộ chẳng hạn minh nhiên ủng hộ hôn nhân đồng tính và tháng Tám vừa qua, nhóm Người Hồi Giáo Vì Bình Đẳng Hôn Nhân đã được thành lập. Fahad Ali, phát ngôn viên của nhóm và trước đây làm việc với Hội Đồng AIDS của Tiểu Bang New South Wales, nói rằng “Có sự đa dạng trong niềm tin và ý kiến về hôn nhân bình đẳng bên trong cộng đồng Hồi Giáo… có sợi chỉ bình đẳng và công bình xã hội mạnh mẽ trong Kinh Kôrăng và chúng tôi nghĩ nó rất có thể áp dụng vào vấn đề hôn nhân đồng tính”.

Kỳ sau: Đức Phanxicô có ủng hộ hôn nhân đồng tính, như một số người Công Giáo Úc nghĩ không?
 
Thượng viện Pakistan thông qua luật cưỡng bách học môn Hồi Giáo tứ lớp 1 đến lớp 12
Đặng Tự Do
18:16 03/09/2017
Trong tuần qua, Thượng viện Pakistan đã thông qua dự luật bó buộc việc dạy và học kinh Qur'an ở các trường công lập. Văn bản bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục truyền đạt giáo lý kinh Qur'an cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, bất kể học sinh ấy có theo Hồi Giáo hay không.

Dự luật này nhấn mạnh rằng “cần phải hiểu sứ điệp của Thiên Chúa, để bảo đảm sự lan rộng của Hồi Giáo trong xã hội, để khuyến khích hòa bình và ổn định, để thúc đẩy các giá trị tối cao của con người về chân lý, sự trung thực, toàn vẹn, khoan dung và những hiểu biết khác”. Thêm vào đó, một bản ghi nhớ của chính phủ lưu ý rằng dự luật sẽ giúp Nhà nước hoàn thành trách nhiệm theo hiến pháp, như Điều 31 triệt 2 của Hiến pháp nói rằng “Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện các giáo lý của kinh Qur'an”.

Các trường thuộc Giáo Hội Công Giáo và Tin lành ở Pakistan cũng bắt buộc phải dạy môn Hồi Giáo cho học sinh Hồi giáo, trong khi chưa có quy định cụ thể nào đối với các học sinh không phải Hồi giáo.

Luật sư Nasir Saeed, là một tín hữu Công Giáo và là giám đốc của “Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý dành cho các tín hữu Kitô” nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng: “Biện pháp này nhằm tăng cường Hồi giáo hóa trong xã hội Pakistan, và điều này có thể thúc đẩy sự không dung nạp tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ buộc trẻ em phải học Kinh Koran, ngoài ra, luật này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đối với các học sinh không theo đạo Hồi, vì họ bị buộc phải tuân theo những bài học đó”.
 
Sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố rằng “Chúng ta không tìm cách hủy diệt hoàn toàn một quốc gia…chúng ta có nhiều lựa chọn để thực hiện.”
Giuse Thẩm Nguyễn
18:23 03/09/2017
(CNNews.com) Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đã cảnh cáo vào hôm Chúa Nhật sau khi họp với ban an ninh quốc gia về việc Pyongyang (Bình Nhưỡng) thử loại vũ khí hạt nhân lần thứ sáu rằng bất cứ sự đe dọa nào của Bắc Hàn nhắm vào Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ gặp phải “phản ứng bằng quân sự to lớn.”

Trả lời các phóng viên ngoài Tòa Bạch Ốc, ông nói rằng “Bất cứ sự đe dọa nào nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ, gồm cả Guam và các đồng minh của chúng ta, nó sẽ gặp phải phản ứng quân sự to lớn, hiệu quả và toàn diện.”

Mattis nói rằng Kim Jon-Un nên lắng nghe “tiếng nói đồng nhất” của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mà các thành viên đều đồng lòng cam kết phi hạt nhân tại bán đảo Đại Hàn.

“Bởi vì chúng ta không tìm kiếm sự hủy hoại toàn bộ một quốc gia là Bắc Hàn, nhưng chúng ta có nhiều chọn lựa khác.” Và nhấn mạnh rằng sự cam kết giữa các nước đồng minh Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Nhật Bản thì “rất chắc chắn”.

Lời tuyên bố của ông được đưa ra sau cuộc họp với các nhân vật cao cấp thuộc an ninh quốc gia là Tổng Thống Trump và Phó Tổng Thống Mike Pence về việc Bình Nhưỡng huyên hoang tuyên bố là đã thử nghiệm thành công loại bom hydro có khả năng gắn vào hỏa tiễn xuyên lục địa.

Đây là lần thứ sáu Bắc Hàn thực hiện việc thử vũ khí hạt nhân, một lần vào năm 2006,2009,2013 và hai lần vào năm 2016.

Nha Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ báo cáo rằng đất rung ở độ 6.3 Mw trong vùng mà chế độ này thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân. Trong trường hợp bị nổ thì Trung Tâm Thông Tin Động Đất sẽ không thể xác định được là loại nào, hạt nhân hay một loại nào khác.

Cuộc thử nghiệm mới đây của Bắc Hàn tạo nên độ rung nhỏ, giới hạn từ 4.3 đến 5.3Mw.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Thiên thần hộ thủ của người tị nạn sắp phải đi tù
Đặng Tự Do
18:29 03/09/2017
Đối với hàng chục ngàn người nhập cư tuyệt vọng, khi những chiếc tàu thuyền mỏng manh của họ đang gặp nguy hiểm bị nhận chìm trong sóng nước Địa Trung Hải, số điện thoại di động của cha Mussie Zerai có nghĩa là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Không biết bao nhiêu lần trong 14 năm qua, những người tị nạn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Châu Âu đã đặt niềm tin của họ vào cha Mussie Zerai, và gọi cho ngài đang khi gặp khó khăn. Ngài đã thông báo với cảnh sát biển Italia về những trường hợp khẩn cấp để họ cứu các thuyền nhân.

Cha Zerai, một linh mục Công giáo người Eritrea, có biệt danh là “thiên thần hộ thủ của những người tị nạn”. Ngài được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2015. Nhưng bây giờ, khi dư luận chung ở Ý quay ngược lại với những người nhập cư từ Châu Phi và Trung Đông , ngài đang bị điều tra bởi một công tố viên quyết liệt quy cho ngài tội đưa người vào Ý bất hợp pháp. Một số báo chí ở Italia không ngần ngại mô tả ngài như một thứ “ma quỷ”.

Trong một chương trình truyền hình, cha Zerai, cười phá lên trước định mệnh oái oăm này. Ngài nói: “Trước đây, tôi đã không hề xem bản thân mình như một thiên thần và bây giờ tôi không chấp nhận ai đó gọi tôi là ma quỷ. Tôi chỉ là một người bình thường. Khi tôi biết cuộc sống của một người đang gặp nguy hiểm, nghĩa vụ của tôi là cứu họ.”
 
Linh mục Mỹ đã đến Bắc Hàn 52 lần e rằng không thể đến được quốc gia này nữa
Đặng Tự Do
19:02 03/09/2017
Cha Gerard Hammond đã đến Bắc Hàn 52 lần, hoặc có thể là 53 lần, nhiều lần quá đến nỗi ngài không thể nhớ chính xác được. Nhưng bây giờ, vị linh mục 84 tuổi của tổng giáo phận Philadelphia sợ rằng ngài sẽ không thể trở lại Bắc Hàn được vì những hạn chế mới có hiệu lực vào thứ Sáu mùng 1 tháng 9.

Cha Gerard Hammond là giám đốc chương trình bác ái dành cho Bắc Hàn của dòng Mary Knoll từ năm 1995 đến nay.

Những hạn chế mới đang tạo ra các khó khăn nghiêm trọng cho các tổ chức viện trợ, các nhà giáo dục và các chuyên viên thể thao.

Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng là một tổ chức tư nhân do Mỹ điều hành, có 10 người mang hộ chiếu Hoa Kỳ đang hoạt động trong khuôn viên nhà trường. Những nhà giáo dục này đang cố gắng tìm cách trở lại Bắc Hàn để tiếp tục giảng dạy trong niên khóa mới, bắt đầu từ thứ Hai 4 tháng 9.

“Công dân Hoa Kỳ làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng đang sốt sắng cầu nguyện và chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao để có thể quay trở lại trường”. Ông Park Chan-mo, là Hiệu trưởng trường đại học này nói. Ông Chan-mo là người Triều Tiên có quốc tịch Mỹ.

Các giới hạn đã được áp đặt sau cái chết của Otto Warmbier, một du khách người Mỹ, hôm tháng Sáu vừa qua sau 17 tháng bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên. Hai người Mỹ gốc Triều Tiên hoạt động tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, cũng như một doanh nhân, hiện đang bị giam tại Triều Tiên.
 
Quân đội Phi Luật Tân tái chiếm được nhà thờ chính tòa Marawi
Đặng Tự Do
19:54 03/09/2017
Tại một cuộc họp báo nhằm thông báo về việc tái chiếm Nhà Thờ Chính Tòa Marawi, Thiếu tướng Carlito Galvez, chỉ huy lực lượng chính phủ ở Marawi, đã bác bỏ các báo cáo của các phương tiện truyền thông Phi Luật Tân nói rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đưa Cha Teresito Soganub ra khỏi thành phố này. Ông khẳng định rằng Cha Teresito là Tổng Đại Diện của giáo phận Marawi và một số các tín hữu Công giáo khác bị quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt làm con tin vẫn còn sống sau hơn ba tháng bị giam cầm.

Quân đội đã trưng bày các vật phẩm tôn giáo mạ vàng bao gồm chén thánh và thánh giá mà bọn khủng bố đã bỏ lại khi tháo chạy hôm 25 tháng 8.

Một số vật dụng bị hư hỏng khi bọn khủng bố tấn công nhà thờ vào ngày 23 tháng 5, là ngày đầu tiên của cuộc xung đột.

Cô Marilyn Suganob-Ginnivan, em gái của cha Teresito, cho biết gia đình rất vui mừng khi biết tin ngài vẫn còn sống.

“Chúng tôi đang liên tục cầu nguyện cho sự an toàn của ngài và các con tin khác. Xin Chúa cứu họ khỏi cái chết”, cô nói với ucanews.com.

Galevez cho hay, quân đội hy vọng thành phố sẽ trở lại bình thường, vì vùng chiến trận đã thu hẹp xuống chỉ còn “400 đến 600 mét vuông”.

Quân đội cũng cho biết hôm 25 tháng Tám họ đã chiếm lại Nhà thờ Hồi giáo Marawi và Trung tâm Hồi giáo vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte đến thăm các quân nhân.

Những người lính đã tìm thấy một đường hầm bên trong nhà thờ Hồi giáo, nơi quân nổi dậy có thể đã từng sử dụng để cất giữ đạn dược.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Quy Nhơn : Đêm lửa trại Làng Sông
Làng Sông
08:38 03/09/2017
GIÁO PHẬN QUI NHƠN HỘI TRẠI HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH : ĐÊM LỬA TRẠI LÀNG SÔNG

Ở giữa những cội sao già 125 tuổi, trước sân ngôi từ đường mái cổ rêu phong, ngọn lửa bập bùng làm ấm lên con tim của hàng trăm bạn trẻ đang canh thức đêm nay để tình tự với nhau câu chuyện của một đời theo Chúa !

Mà có sai đâu ! Cho dù nền nhạc có là giai điệu dập dềnh thời thượng của rock, của pop, của rap, hay “nhừa nhựa” thân quen của “Mr. Đàm”, hoặc u ẩn liu xiu của “chiều lên bản thượng…”…thì tên gọi Giêsu vẫn như một điệp khúc, một “leimotiv” chạy dài xuyên suốt qua 18 tiết mục của 18 đơn vị về tham dự hội trại junior cấp giáo phận lần thứ 1.

Xem Hình

Riêng với các juniores về tham dự hội trại lần nầy, đêm nay thật thỏa lòng mong ước ; vì không những được một đêm mãn nhãn thưởng thức văn nghệ lửa trại của các anh chị em mình trên mọi miền Giáo phận mà qua đó thể hiện tinh thần hiệp thông và sẻ chia sứ mệnh tông đồ.

Thật vậy, có mấy khi Tân Dinh mà gặp được Trà Kê, có mấy khi mà Tịnh Sơn giao lưu cùng Quảng Ngãi ! Họa hiếm lắm Tân Quán mới có dịp ngồi gần Đông Mỹ, Chợ Mới được một lần gặp gỡ Sơn Nguyên…!

Và đó chính là những nẻo đường của cuộc “đại hành hương Năm Thánh”, cuộc hành trình của đức tin, xuất phát từ điểm khởi đầu là Đức Kitô và con đường yêu thương của Ngài để từ đó xuyên qua mọi biên giới, mọi ngã rẽ cuộc đời, mọi trái tim con người đang dẫn lối đưa đường những bước chân hành hương loan Tin Mừng Cứu độ !

Xuyên qua ngọn lửa cháy sáng bừng lên trong đêm tối, những bước chân nhịp nhàng,, những cánh tay vươn lên, những lời ca hòa trong những giai điệu khi mạnh mẽ hùng tráng, khi dịu dàng lắng đọng, các tiết mục lửa trại của các đơn vị junior đã như một tín thư sinh động, một sứ điệp nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, gọi mời tất cả cùng “lên đường” để “THẤY CHÚA, GẶP CHÚA, MẾN CHÚA VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA” như khẩu hiệu xuyên suốt của 2 ngày hội trại hành hương Năm Thánh Hồng ân.

Hy vọng, “ngọn lửa đêm trại hành hương” sẽ sáng mãi, ấm mãi trong cõi lòng các bạn !

 
Giáo Phận Vĩnh Long : Ngày Gia Đình Tiểu Chủng Viện 2017
Người Giồng Trôm
08:51 03/09/2017
Không phải như ai kia đã nói : “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” nhưng ở đây còn hơn thế nữa. Đơn giản, những “người này” ngày hôm nay quy tụ về Tiểu Chủng Viện trong tương lai, nếu được Chúa chọn sẽ trở thành những Chài Trưởng như các Chài Trưởng trong giáo phận hay cũng sẽ là “Chài Trưởng Chăn Vịt” – Đức Giám Mục đáng kính của Giáo Phận Vĩnh Long.

Thật ra mà nói, ngày hôm nay, vấn đề Ơn Gọi là vấn đề nan giải từ các dòng tu cho đến Giáo Phận. Ơn gọi ngày hôm nay ít đi đã đành vì chất lượng sống của Xã Hội mà còn kém chất lượng bởi ảnh hưởng lối giáo dục “ăn xổi - ở thì” mà đa phần chủng sinh gặp phải.

Hôm nay, 2 tháng 9 là ngày đặc biệt hướng về ơn gọi của Giáo Phận Vĩnh Long bởi lẽ hôm nay là ngày họp mặt Gia Đình Tiểu Chủng Viện của Giáo Phận. Đơn giản, ngày hôm nay là ngày cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi của Giáo Phận. Ngày mà các bạn trẻ được quy tụ với nhau, ở bên nhau, học hỏi cũng như chia sẻ về đời tu các bạn sẽ chọn trong tương lai. Chủ đề của Ngày Tiểu Chủng Viện Năm nay được gói ghém trong ý tưởng của bài hát : “Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà. Anh em chúng ta có chung một người cha. Dù có đi xa vẫn mong quay về nhà…”

Xem Hình

Vì có những giáo xứ ở khá xa với Tiểu Chủng Viện nên nhiều đoàn đã “khăn gói quả mướp” lên đường về Tiểu Chủng Viện để tránh kẹt phà kẹt xe. Những đoàn gần đã đặt chân đến Tiểu Chủng Viện từ tờ mờ sáng. 6 g 30, các đoàn bắt đầu đổ về Tiểu Chủng Viện thật đông như trẩy hội.

Đến Tiểu Chủng Viện, các đoàn bắt đầu đăng ký tên tuổi để tiện việc tổ chức cho Ban Tổ Chức. Sau đó, các bạn có thể trao đổi thăm hỏi nhau tùy thích.

8 giờ 00, Phanxicô Phạm Thanh Phong, một chủng sinh dự bị đã tập trung anh em với nhau vào Hội Trường Tiểu Chủng Viện. MC đã giới thiệu quý Cha trong Ban Mục Vụ ơn gọi của Giáo Phận và đặc biệt, giới thiệu người Cha thân thương của gia đình Giáo Phận là Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương - Tổng đại diện của Giáo phận.

Sau những thủ tục chào hỏi, sinh hoạt nhẹ, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương gởi đến các bạn đề tài “Dự Tu Sống Có Chương Trình” để các bạn học hỏi. Đức Ông mời gọi tất cả anh em hãy có một chương trình sống sao cho tốt giữa một môi trường “xô bồ” của giới trẻ và xã hội ngày nay, để đạt được mục đích là trở thành linh mục và phải là linh mục thánh thiện của Giáo Hội.

Cao điểm của phụng vụ cũng như ngày sống của đời Kitô hữu và cách riêng đời tu đó chính là Thánh Lễ. Đức Cha Phêrô kính yêu của Giáo Phận đã chủ tế Thánh Lễ tạ ơn lúc 10 giờ. Cùng đồng tế với Đức Cha có quý Cha trong Ban Mục Vụ Ơn Gọi của Giáo Phận.

Với chất giọng miền Nam trầm ấm, Đức Cha đã dựa vào Trang Tin Mừng vừa công bố Mt 25,14-30 để gợi lên ơn gọi và tài năng của mọi người chúng ta có thể so sánh như những nén bạc được Ông Chủ trao phó: có người được năm nén, có người ba nén và cũng có người một nén. Mới khởi đầu ơn gọi của chúng ta là những anh em dự tu hay những anh em mới bắt đầu tìm hiểu ơn gọi, có thể chỉ là một nén thôi, nhưng anh em đừng đem đi chôn giấu nó. Nó có thể bị lạc mất hoặc nó trở nên vô ích, mà hãy đem nó đi làm lợi là phát triển cho ơn gọi của mình được lớn lên…

Thánh Lễ kết thúc, tất cả cùng quy tụ lại với nhau dùng bữa cơm thân tình.

Nghỉ ngơi một lát, các bạn họp nhau theo mỗi tỉnh với Cha phụ trách ơn gọi của tỉnh mình.

Giờ chia sẻ này, các bạn đã mạnh dạn cũng như cởi mở chia sẻ cho nhau những khó khăn, cũng như những kinh nghiệm vượt qua những trở ngại để giữ gìn ơn gọi của mình trong các môi trường: đại học, công ty, họ đạo …

14g00 anh em trở lại hội trường để cùng với quý Cha trong ban đào tạo và Ban Mục Vụ giải đáp những thắc mắc có liên quan đến đời sống ơn gọi, cũng như những điều kiện để được gia nhập Tiểu Chủng Viện. Để cho bầu khí sinh động và kém phần nhàm chán, các tiết mục bỏ túi được trình diễn cách đơn sơ và chân tình đậm chất miền Nam như người miền Nam.

Sau những chia sẻ, Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện đúc kết lại những ý tưởng và kế đó, Đức Ông Barnabê đã ban huấn từ cùng phép lành trước khi các bạn ra về.

Một ngày trôi qua thật nhanh nhưng đã ghi lại trong lòng các bạn ấn tượng sâu đậm của mình trước ngưỡng cửa của ơn gọi, của lựa chọn dấn thân của mỗi người. Ước gì những ước nguyện thánh thiện của các bạn cứ mãi mãi theo đuổi các bạn từ bây giờ cho đến ngày bước chân vào các dòng tu, Chủng Viện của Giáo Phận và cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Xin Chúa là Cha Giàu Lòng Thương Xót chúc lành cho những ước nguyện tốt đẹp của những tâm hồn trẻ trung và nhiệt huyết này. Xin quý Cha nghĩa phụ, quý Cha Sở và ông bà cha mẹ tiếp tục cầu nguyện cũng như đồng hành với các bạn để các bạn chọn cho mình đúng con đường ơn gọi của mỗi người và như lòng Chúa mong muốn.
 
ĐGM giáo phận Quy Nhơn thăm hội trại Làng Sông
Làng Sông
09:04 03/09/2017
Chiều nay, thứ Bảy 2.9.2017, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Vị Chủ chăn thân yêu của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến thăm hội trại junior tại Làng Sông. Các trại sinh junior đã nghênh đón Đức Cha bằng những tràng pháo tay dòn dã cùng với những nụ cười hân hoan, kính mến.

Xem Hình

Sau những lời chào mừng của anh trưởng comitium, Đức Cha đã ân cần ban huấn từ. Đức Cha chia sẻ niềm vui hội trại, hướng các em đến cuộc hành hương trọng đại của cộng đoàn Giáo phận khởi đi từ sự kiện khai mạc Năm Thánh 400 năm. Đức Cha ghi nhận sự kiện hội trại junior hôm nay là một cuộc tập họp mang dấu ấn hành hương tiên khởi của các hội đoàn trong Giáo phận. Hy vọng với tinh thần “chiến sĩ của Mẹ Maria”, các hội viên junior sẽ là những tông đồ cần thiết và đầy hy vọng cho Giáo phận.

Sau đó, Đức Cha đã đến viếng thăm và chụp hình lưu niệm với 18 đơn vị giáo xứ và Ban Điều Hành trại.

Trước khi lên đường, Đức Cha đã ưu ái ban phép lành cho hội trại. Ngày mai, Đức Cha sẽ về bắc Bình Định chủ sự Thánh Lễ Trạm Năm Thánh giáo hạt Bồng Sơn.

 
Văn Hóa
Lễ kính Mẹ Têrêsa Calcutta : Phục vụ tuyệt với - Tình yêu vĩ đại
Đính văn Tiến Hùng
18:18 03/09/2017

Một Lối Sống Đơn Giản.
Một Tâm Hồn Tuyệt Vời

*Kết quả của Im lặng là Cầu nguyện.
Kết quả của Cầu Nguyện là Đức tin.
Kết quả của Đức tin là Tình yêu.
Kết quả của Tình Yêu là Phục vụ.
Kết quả của Phục Vụ là Bình an.
( Tâm niệm sống của Mẹ Teresa )

*CẦU NGUYỆN.
Chính Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện qua kinh ‘Lạy Cha’ :’Lạy Cha chúng tôi ở trên trời….’
(Mt.6: 5-13)

-Cầu nguyện cho tâm hồn con lắng đọng,
Để con được sống bên Chúa nhiều hơn,
Để dâng lời cảm tạ Chúa ban ơn,
Cho con cùng tha nhân mình phục vụ.

*ĐỨC TIN.
“Những gì các ngươi làm cho anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”
( Mt.25: 40- 45 )

-Đức Tin không hành động, Đức Tin chết,
Xin cho con tuân giữ lời Chúa truyền,
Bao người nghèo đói đau khổ triền miên,
Con nhận diện tha nhân là chính Chúa.

*TÌNH YÊU.

“Thiên Chúa đã thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
( Mt.3: 16 )

-Tình yêu Chúa cao vời trên Thập Giá,
Nhưng biết bao người giả điếc làm ngơ,
Kẻ nghèo khổ, bệnh hoạn…bị chối từ,
Cho con biết giơ hai tay che chở.

*PHỤC VỤ.
“Vậy nếu Ta là Thày là Chúa mà còn rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau. Ta đã nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi thế nào, các ngươi cũng phải làm như vậy.”
( Yn.13: 14& 15 )

-Phục vụ đừng nên tính bằng con số,
Mỗi việc làm cần mang đến thương yêu,
Đừng nghĩ rằng ta phải cho thật nhiều,
Có Tình yêu đặt vào mới đáng kể.

*BÌNH AN
“Bình an cho các con!” ( Lc.24: 36 )

-Bình an cho nhân thế như Lời Chúa,
Chỉ đến với những ai có thiện tâm,
‘Biết quên mình là gặp lại bản thân,
Chính lúc chết là muôn đời vui sống’

*Ôi! Mẹ Thánh Tê-rê-sa
Đời sống đơn giản lại là Vĩ Nhân,
Danh thơm tỏa sáng xa gần,
Sứ Thần Thiên Chúa thế trần kính yêu.
Con luôn ghi nhớ những điều,
Giáo huấn của Mẹ sớm chiều không quên.

*Những Giáo Huấn Tuyệt Vời của Mẹ Teresa Calcutta:

- Lạy Chúa Giê-su! Xin giải thoát con khỏi ao ước được nổi tiếng.
- Tôi chỉ sợ một điều là tiền bạc. Sự tham lam ham mê tiền bạc là động lực khiến Giu-đa bán Chúa.
- Hãy dành thì giờ sống Bác ái! Đó là chìa khóa cửa Thiên đàng!
- Càng có ít, chúng ta càng cho nhiều, mới nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là Chân lý l của Tình yêu.
- Sự thánh thiện không hệ tại ở việc phi thường mà là chấp nhận những gì Chúa gởi đến cho chúng ta với một Nụ Cười.
- Căn bệnh hiểm nghèo nhất của Tây phương hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao, nó là bệnh bị khước từ, bị ghét bỏ và không được chăm sóc.
- Sự đói khát ngày nay rộng lớn hơn, đó là sự đói khát tình thương.
- Nếu bạn cùng cầu nguyện, bạn sẽ ở cùng với nhau và yêu thương nhau như Chúa yêu thương mỗi người chúng ta.
- Không có tinh thần hy sinh, không có đời sống cầu nguyện, không có chân thành xám hối, chúng ta không thể gánh vác nổi công việc của chúng ta.
- Nếu chúng ta thực sự muốn thế giới được hòa bình, hãy bắt đầu thương yêu nhau ngay từ trong gia đình.
- Yêu thương thì không hạch sách, và bác ái không phải là bố thí.
- Giết một hài nhi để sống theo ý mình muốn, đó là điều vô cùng hèn hạ.
- Không phải bao nhiêu công việc chúng ta làm, nhưng là bao nhiêu lòng thương mến mà chúng ta đặt vào mỗi công việc.
- Dĩ vãng thì đã qua và tương lai thì chưa đến, chúng ta phải sống mỗi ngày như đó là ngày cuối cùng của chúng ta.
- Khi đến giờ chết, chúng ta không bị xét xử theo số công việc tốt mà chúng ta đã làm nhiều hay ít hay số bằng cấp mà chúng ta đạt được trong đời sống. Chúng ta sẽ bị xét xử theo lòng bác ái mà chúng ta đã thể hiện khi còn sống.

*Sơ lược Tiểu sử Mẹ Teresa.

- 1910 : Sinh tại Albabani, nhưng sang truyền giáo mang quốc tịch Ấn Độ.
- 1950 : Sáng lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái tại Calcutta.
- 1979 : Nhận giải Nobel Hòa Bình.
- 1971 : Đức Giáo Hoàng Phao-lô Đệ Lục trao tặng Mẹ Giải Hòa Bình Giáo Hoàng Gioan 23.
- 1983 : Nhận Huy Chương Tự Do cao quí nhất Hoa Kỳ do Tổng Thống Ronald Reagan trao tặng.
- 91-95: Thăm Việt Nam 5 lần để trao đổi với chính quyền về việc thành lập Chi Dòng.
- 1997 : Từ trần tại Calcutta và chính phủ Ấn tổ chức trọng thể nghi lễ Quốc Tang để ghi nhớ công đức Mẹ.
- 2003 : Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong Chân Phước Mẹ Teresa.
- Ngày nay Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ thành lập đã có 610 cơ sở trên 123 quốc gia với hơn 4000 đệ tử nam nữ cùng trên 100.000 tình nguyện viên từ ái hăng say trong việc săn sóc gíúp đỡ người nghèo, bệnh tật, tù nhân, trẻ mồ côi, người vô gia cư,
người hấp hối…. bị xã hội bỏ rơi.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú : Dựa theo nội dung tác phẩm ‘ Mother Teresa a simple path ‘ của Lucinda Vardey.




























'





 
Tản mản đời tha hương: Thiên đàng hai kiếp
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
18:30 03/09/2017
Lời mở

Người viết muốn nhắc đến tên của nhà tỷ phú Bill Gates, nhân vật phi thường của nước Hoa Kỳ cũng như của toàn thế giới ngày hôm nay. Bà con khắp nơi chẳng những bái phục khả năng làm giàu của ông, mà còn yêu mến ông như một đại ân nhân của nhân loại (cùng đồng hành với người vợ đầy lòng nhân ái Melinda). 2 vợ chồng ông không hề lên tiếng khoe khoang về bất cứ thành tích nào của mình, cũng như chẳng bao giờ mở miệng than phiền chỉ trích ai, nhất là hung hăng kết án một nhân vật nào trên đời.

Qua cuộc sống an nhàn tự tại, tâm hồn và tâm trí bình thản ngày đêm của 2 ông bà hiện nay, ta phải dùng từ ngữ ‘Thiên đàng hai kiếp’ để nói về Bill Gates: mường tượng rằng với tình thương bác ái đầy ắp, cộng với lối sống tâm linh cao cả tràn ngập ơn thiêng hứa hẹn một kiếp sau hạnh phúc lâu dài (người Công giáo nghĩ tới viễn cảnh nước Thiên đàng vĩnh cửu). Qua báo chí, ai cũng nghe nói ông bà Gates đang có cái ‘mối’ thứ nhất ( hệ trọng hang đầu ) trong 8 mối Phúc Thật của đạo Chúa: giàu có, nhưng lòng trí không ham mê, không dính bén và làm nô lệ cho tiền bạc của cải. Nhà đạo gọi đó là ‘tinh thần nghèo khó’.

Cuộc đời khác lạ:

Ngay từ lúc còn trẻ, chàng Bill luôn ưu thích chơi và tìm hiểu về ‘lập trình máy tính’ và ‘phần mềm’. Thế là chàng làm bạn cùng Paul Allen rồi cả hai xâm mình lập ra một công ty lấy tên là MICROSOFT, sau này được cả thế giới làm quen qua hệ điều hành WINDOWS.

Chàng Bill đã vào học đại học danh tiếng Harvard, nhưng học lớp thì ít mà học riêng về máy tính thì nhiều. Cái đầu đầy hình ảnh toán học lúc nào cũng đòi nghiên cứu không ngừng nghỉ. Rồi chuyện phải tới đã tới, dẫu chưa tốt nghiệp, chàng cùng Paul di chuyển về Albuquerque ( New Mexico ) đem vốn liếng máy tính tự học hợp tác với hãng MITS vào năm 1975. Nhưng thấy tương lai vẫn mờ mịt, chàng bèn chuyển bến về Bellevue ( bang Washington ) để mở mang thêm sự nghiệp. Vào năm 1980, chàng thử cộng tác với ‘đại gia’ IBM lẫy lừng thế giới thời đó, nhưng rồi vẫn thấy cảnh cơm không lành canh không ngọt, nên 2 bên đã rã đám vào ngay năm sau.

Đợi tới năm 1985, chàng cho ra mắt máy tính cá nhân (PC) đầu tiên, mang thương hiệu Microsoft Windows. Thế giới say mê liền. Bill chẳng những tài giỏi về chuyện phát triển kỹ thuật, mà còn xuất chúng về quản lý cũng như phát triển và điều hành thương vụ. Người ta đã phải gọi chàng là thiên tài kinh doanh của thời đại (Bill cũng đầu tư nhiều cổ phần vào một số công ty và dịch vụ khác.)

Tiền vào như nước, nhưng chàng không vì thế mà tìm sống anh nhàn sung sướng cho cá nhân và gia đình. Cho nên từ năm 2006, Bill bắt đầu dành thời giờ cho công cuộc làm từ thiện. Dĩ nhiên chàng lần lượt trao các trọng trách quản lý của công ty cho các cộng sự viên thân tín, dù mình vẫn đứng tên chủ tịch.

Về mặt gia đình, chàng cưới nàng Melinda vào đúng ngày tết dương lịch 1994. Hiện nay 2 người đã có 3 mặt con: 2 trai 1 gái. Cả nhà sống êm ấm tại Medina, bang Washington, không xa trụ sở Microsoft Bellevue là bao. Ai cũng thấy ông không ưa cuộc sống xa xỉ ăn chơi, không quá cưng chiều con cái, không ham đi máy bay hạng sang, dù luôn phải di chuyển (mãi tới năm 1997 phải mua 1 máy bay riêng vì nhu cầu công việc đòi hỏi).

Ai cũng biết gia đình Bill Gates chi ra hàng tỷ đô la để góp phần cứu giúp từng triệu triệu người trên thế giới. Quỹ từ thiện này đặc biệt lo cứu đói, lo chống lại nhiều thứ bệnh dịch nguy hiểm cho con người, cùng với việc nghiên cứu ngăn chặn bệnh bại liệt, sốt rét, bệnh HIV, lo cải thiện vệ sinh và môi trường, giúp bao bà mẹ và trẻ sơ sinh nghèo, đồng thời nghiên cứu hữu hiệu về một số thực phẩm và trái cây như chuối, khoai mì...Công cuộc hy sinh tiền bạc này còn được ông bà hứa sẽ tiếp diễn cho đến khi không còn khả năng, đồng thời Bill Gates cũng tha thiết kêu gọi các nhà tỷ phú khác cùng ra tay ‘cứu khổ’ bao đồng loại xấu số đang chịu đựng ngày đêm khắp nơi.

Có dịp Bill Gates đọc được một bài ‘nghiên cứu riêng’ về sự giàu có của mình thế này: ”Bil Gates mỗi giây kiếm được 250 đô la, một ngày là 20 triệu và một năm chừng 8 tỷ. Nếu ông tặng 15 đô cho mỗi người trên cả thế giới, thì ông vẫn còn giữ được 5 triệu. Còn nếu ai tính gia tài của Bill Gates bằng tiền 1 đô, thì có thể rải tiền từ trái đất lên tới mặt trăng, và rồi phải dùng hơn 700 máy bay Boeing loại 747 để chở số tiền này. Và giả như ông sống thêm 35 năm nữa, thì mỗi ngày phải tiêu gần 7 triệu đô mới hết gia tài mình”. Bill đã bình thản trả lời: ”Tiền bạc tôi được trời ban để lo cho anh em đồng loại. Nếu không làm gì, nó là vô nghĩa hoàn toàn”.

Lòng bác ái của chàng Bill thực sự được hướng dẫn và khích lệ bởi bà vợ Melinda, một người Công giáo đạo đức thật sự. Bà đau xót khi lần đầu qua Phi Châu thấy dân chúng nghèo khổ và bị lắm thứ bệnh hành hạ quá, thế là dứt khoát hy sinh chuyện ăn chơi tiêu sài cá nhân, để ra tay ‘cứu nhân độ thế’. Bà luôn thấm lời dạy của Phúc Âm và giáo lý Công giáo về tình thương yêu đồng loại. Thế là từ năm 2000, bà cùng chồng dấn thân thực sự vào việc gây quỹ BMGF (Bill&Melinda Gates Foundation). Từng bước một, 2 vợ chồng hứa sẽ dần dần hiến tặng 95 % tài sản khổng lồ của mình cho việc từ thiện.

Hướng đi đặc biệt:

Trong một dịp nói chuyện cùng các sinh viên, Bill Gates mời gọi họ đón nhận những ý tưởng cao cả như sau: “Các bạn hãy tập làm quen và chấp nhận những bất công và khiếm khuyết của thế giới hôm nay, thay vì phàn nàn thất vọng. Hãy chung tay làm cho thế giới khá hơn. Hãy ráng âm thầm vươn lên bằng phát triển năng lực, đừng quá đề cao cái tôi và niềm tự hào cá nhân qua mấy mảnh bằng đại học. Thất bại là cơ hội nhắc ta phải cố gắng hơn, thay vì chán nản bỏ cuộc. Hãy đền ơn dưỡng dục của bố mẹ bằng chuyện sống ‘trưởng thành’ của bạn. Vào trường đời, đừng chỉ tìm và chờ ngày nghỉ để dưỡng sức phè phỡn, nhưng hãy làm việc hết mình, cho đến mức thành công và trổi vượt bạn bè. Ở nhà, chớ phí phạm thời giờ vào chuyện cứ dán mắt vào máy truyền hình, nó sẽ làm hư bạn, khiến bạn bị chi phối bởi nhiều ý nghĩ lệch lạc hủy hoại chính mình. Cuối cùng hãy bỏ thói quen hễ không vừa ý là phê bình, chỉ trích và lên án. Cần kiên nhẫn và rút kinh nghiệm từng ngày”.

Vừa nói vừa thực hành làm gương, Bill Gates và gia đình đã và đang có cuộc sống quân bình, thảnh thơi và hạnh phúc. Người ta bắt đầu nhắc bảo nhau tiến thân theo lối sống Bill Gates: Kiên trì theo đuổi những điều mình ưa thích, làm việc không ngại mệt mỏi, luôn nhìn về phía trước, đêm ngày học hỏi để phát triển thêm (ông đọc chừng 50 cuốn sách mỗi năm), quảng đại nâng đỡ thế hệ sau, và nhất là mở rộng tâm hồn nâng đỡ những phần tử kém may mắn trên đời.

Chồng thì thế, lại được bà vợ hiền vô cùng giá trị. Từ nhỏ Melinda đã học sống cực nhọc với cha mẹ tại bang Texas. Không thua kém Bill trong việc học hỏi tiến thân, nàng đã nhất quyến đậu thủ khoa trường trung học Công giáo Ursuline, gần giáo xứ Thánh Monica của gia đình tại tỉnh nhà Dallas, để chắc chắn được nhận vào một đại học nổi tiếng (sau này là đại học Duke ở North Carolina). Ngày đọc diễn văn từ giã trường trung học, nàng đã nhẹ nhàng khuyên bạn bè nên dứt khoát tiến tới cái lý tưởng cuộc đời mình hằng ôm ấp, thêm vào đó là tâm tình biết ơn và đền ơn cho đời, bằng cách quảng đại chia sẻ những thứ mình đang và sẽ có. Dĩ nhiên khi lấy chồng, Melinda thúc bách Bill phải cùng nhau đi vào con đường cao cả này, qua việc sống vị tha bác ái.

Bà con mình nghĩ sao ?

Dĩ nhiên ai cũng thèm được như Bill Gates và gia đình. Phần may mắn do số phận, ta hãy để qua một bên. Bây giờ bàn tới cái nghị lực và kiên trì, ai cũng phải nhìn nơi đây một bài học to lớn.

Hãy nghe chàng Bill thổ lộ một lần nữa thế này: ”Ai cũng phải học hỏi suốt đời. Sách là thày dạy hàng đầu, nhưng thế giới và con người cũng dạy ta ngàn vạn điều hay. Ta phải tạo kỷ luật sống và tiến thân cho chính ta. Đặc biệt chớ nên phen bì so sánh cùng kẻ khác. Mà quan trọng nhất là học biết ơn và đáp lại cho đời, bằng sự chia sẻ chân thành. Chả ai một mình thành công mà không dựa vào sự hỗ trợ của tha nhân, họ cho ta lời khích lệ, hỗ trợ niềm tin, như tạo cho ta đôi cánh bay cao vút lên. Thành ra, khi có cơ hội, ta cần đền đáp cho bất cứ ai cần đến ta. Đây không là chuyện vui bên lề, nhưng chính là nhiệm vụ to lớn của ta. Mà nên nhớ: Cho đi 1, bạn sẽ nhận lại 10. Cho tha nhân là cho chính mình”.

Thật đúng với lời dạy của Phúc Âm Chúa quá !

Mà quả thực, 2 ông bà nhà Gates luôn xác nhận rằng mình đang làm những việc này thể theo lời Chúa dạy.

Sống trên đời, ai cũng khát khao hạnh phúc. Chúng ta bây giờ phải nhìn thẳng vào bản thân Bill và Melinda Gates, để tự kết luận rằng, để được sống hạnh phúc, lúc nào ta cũng phải học tự tin, vươn lên và cầu tiến, sau đó là bài học chia sẻ và CHO ĐI, dù chúng ta đang còn rất nghèo. Chớ đợi khi thành tỷ phú mới ra tay. Cho đi nụ cười. Cho đi lời khích lệ an ủi. Cho đi dù chỉ là một mẩu bánh mì bé nhỏ hay một manh áo mỏng manh. Vì cho đi là lẽ sống và nguồn hạnh phúc thật. Cho đi là làm đẹp cho cuộc đời, nhưng cũng là căn gốc của niềm vui thật trong tâm hồn.

Chúa Ky Tô đã phán rõ rằng ngày tận thế phán xét, Ngài chỉ chọn những ai biết sống yêu thương tha nhân để cho vào nước Thiên đàng. Nhưng Thiên đàng phải được bắt đầu ngay từ bây giờ.

Phải gặp Chúa trong chính đời sống mình, để rồi chia sẻ tình yêu của ngài cho tha nhân.

Mẹ thánh Tê-rê-xa bên xứ Ấn Độ đã đem cả cuộc đời để chứng minh cho chân lý này.

Vậy có thể bảo Bill Gates đang tạo ‘Thiên đàng 2 kiếp’ không ?
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau Chiều Vàng
Tấn Đạt
23:28 03/09/2017
BÊN NHAU CHIỀU VÀNG
Ảnh của Tấn Đạt

Bên nhau dưới buổi chiều vàng
Tạ ơn Thượng đế thiên đàng nơi đây.
(bt)