Ngày 03-09-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công giáo Trung quốc yêu cầu trả tự do cho một Giám Mục bị nhà cầm quyền bỏ tù từ năm 1996.
Đặng Tự Do
01:28 03/09/2015
Người Công Giáo tỉnh Hà Bắc, Trung quốc, đã gởi kiến nghị lên nhà nước yêu cầu phóng thích Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân (Su Zhimin 蘇志民), là Giám Mục giáo phận Bảo Định, đã bị nhà cầm quyền bỏ tù từ năm 1996.

Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Trung quốc là Tập Cận Bình công bố lệnh ân xá cho các tù nhân cao tuổi. Đức Cha Giacôbê năm nay đã 82 tuổi.

Đấng bản quyền của giáo phận Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay là Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân (An Shuxin 安樹新). Ngài được cả Tòa Thánh và nhà cầm quyền Bắc Kinh công nhận. Tuy nhiên, một số lớn linh mục và anh chị em giáo dân không công nhận quyền bính của ngài và tha thiết yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho Đức Cha Giacôbê về coi sóc giáo phận.

Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân là Giám Mục Thầm Lặng được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục Phó giáo phận Bảo Định với quyền kế vị. Ngài bị bắt vào tháng 5 năm 1996 cùng với Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân. Trong vòng 10 năm người ta không biết chính xác các ngài bị giam giữ tại đâu.

Ngày 24/08/2006, Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân được trả tự do nhưng bị quản thúc tại gia. Đức Cha Giacôbê Tô Chí Dân tiếp tục bị giam giữ. Tháng 11 năm 2003, có người thấy Đức Cha Giacôbê đang nằm điều trị trong bệnh viện của Công An Bảo Định. Từ đó cho đến nay người ta không biết ngài bị giam giữ nơi nào.

Trong một quyết định gây kinh ngạc và sững sờ cho các linh mục và anh chị em giáo dân tại Bảo Định, cuối tháng Mười năm 2009, Đức Cha Phanxicô An Thụ Tân và 10 linh mục thầm lặng quyết định gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Hệ quả của hành động này là Trung quốc nhanh chóng công nhận ngài là Giám Mục giáo phận Bảo Định.
 
Phi Châu sẽ giúp thế giới bảo tồn ý nghĩa đích thực của hôn nhân Kitô Giáo
Đặng Tự Do
01:29 03/09/2015
Đức Hồng Y Robert Sarah nói với một tuần báo Công Giáo tại Benin rằng Phi Châu chắc chắn sẽ giúp thế giới bảo tồn được ý nghĩa đích thực của hôn nhân Kitô Giáo.

“Tôi có niềm tin tuyệt đối vào văn hóa Phi châu,” Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích nói. “Tôi chắc chắn rằng Phi châu sẽ cứu các gia đình.”

Phát biểu với tờ La Croix du Benin trong chuyến thăm Benin, nơi ngài tham dự cuộc hành hương kính Đức Mẹ toàn quốc, Đức Hồng Y nhận xét rằng ngày xưa Thánh Gia Nagiarét đã tìm thấy nơi trú ngụ an toàn ở Ai Cập, tức là ở châu Phi thì ngày nay “trong thời hiện đại này châu Phi một lần nữa sẽ cứu các gia đình. “

Là người gốc Guinea, Đức Hồng Y Sarah, đã nói tại Benin về việc xuất bản cuốn sách mới của mình có tựa đề God or Nothing “Chọn Thiên Chúa hay mất hết không còn gì cả”. Trong cuốn sách này, Đức Hồng Y trình bày những suy tư của ngài về tình trạng của những người Công Giáo ly dị và tái hôn. Ngài nói rằng họ đang “trong một tình huống về khách quan là mâu thuẫn với lề luật pháp của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y cũng tấn công những trào lưu cực đoan về hôn nhân và tính dục của con người, và cáo buộc là các tổ chức giàu có và những chính phủ ở phương Tây “đang cố gắng áp đặt triết lý này bằng mọi cách có thể, đôi khi đến mức bắt buộc một cách sỗ sàng.”
 
Ngày hội học dành cho ký giả để chuẩn bị cho chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Phanxicô
Vũ Van An
01:39 03/09/2015
Theo tin Zenit ngày 31 tháng 8 vừa qua, các viên chức của Tòa Thánh cùng nhiều giám mục, giáo sĩ và nhiều nhà học thuật khắp thế giới đã tụ về Philadelphia vào đầu tuần này để mở ngày hội học về Đức Phanxicô và chuyến đi Hoa Kỳ sắp đến của ngài, cho hơn 200 ký giả chuyên viết về tôn giáo.

Ngày hội học có tên “Giáo Hội Nhìn Gần” này do Trường Truyền Thông của Đại Học Santa Croce ở Rôma tổ chức, với sự bảo trợ của tạp chí Columbia. Ngày hội học này là một phần trong hội nghị thường niên của Hiệp Hội Những Người Viết Tin Tức Tôn Giáo.

Trong số các diễn giả có Đức TGM Joseph Kurtz của Louisville và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; Đức TGM Bernardito C. Auza, Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc; Đức TGM José H. Gomez của Los Angeles; Đức TGM Charles J. Chaput của Philadelphia; Giáo Sư Guzman Carriquiry, Thư Ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Mỹ Châu La Tinh, và Đức Cha Jean Laffitte, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Ngày hội học cũng có sự tham dự của nhiều chuyên gia đại học, các tác giả viết về Đức Phanxicô, và các viên chức truyền thông của hội đồng giám mục và của tổng giáo phận Philadelphia.

Đây là dịch bản ngắn của một chương trình dài 1 tuần lễ tựa là “Giáo Hội Nhìn Gần: Tường Thuật Đạo Công Giáo Thời Đức Phanxicô” được tổ chức tại Rôma mỗi hai năm một lần, dành cho các ký giả viết về Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tuần lễ hội học tới sẽ diễn ra tại Rôma trong các ngày 5-11 tháng Chín, 2016.

Sau đây là bản tóm lược chương trình ngày hội học do Cha Thomas Rosica, phụ tá nói tiếng Anh của Phòng Báo Chí Tòa Thánh:

Ban Hội Học 1: Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới và Cuộc Thăm Viếng của Đức Giáo Hoàng

Ban này tập chú vào các vấn đề hậu cần. Các diễn giả bao gồm Helen Osman, Thư Ký Truyền Thông, Hội Đồng GM Hoa Kỳ; Donna Farrell, Giám Đốc Chấp Hành Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, Philadelphia 2015; Kenneth Gavin, Giám Đốc Phòng Truyền Thông, Tổng Giáo Phận Philadelphia; Meg Kane, Phó Chủ Tịch của Brian Communications và là chiến lược gia truyền thông của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Helen Osman thảo luận về mức độ lưu ý cao đối với chuyến đi lần này của Đức Phanxicô: hơn 8,000 ký giả đã xin đăng ký.

Donna Farrell nói tới sự quan trọng của biến cố này đối với Philadelphia. Chuyến viếng thăm thành phố này của một vị giáo hoàng trước đây chính là chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II, cách nay 36 năm, vào năm 1979. Lần này có khác. Vì Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia sẽ “lớn nhất trong lịch sử” với các tham dự viên đến từ hơn 100 quốc gia.

Ban Hội Học 2: Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Các Huyền Thoại và Thực Tại

Ban này được sự phối trí của Greg Erlandson, Chủ Tịch & Nhà Xuất Bản Tờ Our Sunday Visitor. Các diễn giả bao gồm Cha John Paul Wauck, Giáo Sư Đại Học Santa Croce; Maryann Cusimano Love, Phó Giáo Sư tại ĐH Công Giáo America; Alejandro Bermúdez, Giám Đốc Chấp Hành của hãng tin Catholic News Agency; và Austen Ivereigh, Phối Trí Viên của Catholic Voices.

Theo Cha John Wauck, các hành động và lời nói của Đức GH Phanxicô đã chứng tỏ rằng “lòng thương xót không bất tương hợp với sự phán xét” và nó cũng không bất tương hợp với các đòi hỏi nghiêm túc. Theo Cha, nó bao gồm các việc thương người về cả phần xác lẫn phần hồn. Cha cũng nhấn mạnh: Đức Phanxicô chính là mẫu mực của một lòng thương xót đầy “thách thức đối với mỗi người chúng ta”.

Mary Ann Cusimano tiên đoán 4 chủ đề Đức Phanxicô sẽ đề cập tới trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: 1) nghèo khó; 2) hành tinh và sinh thái; 3) con người (tác động của sinh thái đối với con người); và 4) hòa bình. Theo Cusimano, “chúng không phải là những vấn đề riêng rẽ hay có tính kỹ thuật, nhưng là các triệu chứng của một thế giới đã đánh mất bản sắc mình… Khi mối liên hệ của ta với Thiên Chúa đã tan vỡ, thì các mối liên hệ của ta với người khác và với môi trường cũng bị ảnh hưởng”. Cusimano nhấn mạnh rằng “Đức Giáo Hoàng không ý thức hệ” nên ta không thể xếp ngài vào các phạm trù tả hữu cổ truyền.

Alejandro Bermudez thăm dò sự quan trọng của hiện tượng Đức GH Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Mỹ Châu La Tinh. “Điều chủ yếu là phải cung cấp ngữ cảnh để hiểu ngài”. Ông cũng mô tả Đức Giáo Hoàng Phanxicô như “người không thể tiên đoán được”, nên trong cuộc viếng thăm này, người ta tin có nhiều bất ngờ sẽ xẩy ra.

Austen Ivereigh mô tả Đức GH Phanxicô như “tác nhân của thay đổi”, nhưng theo ông, lời lẽ và việc làm của ngài thường bị đọc sai vì chúng được giải thích qua những lăng kính “phát sinh từ óc hoang tưởng cấp tiến và óc lo lắng bảo thủ, những thứ vốn nuôi sống lẫn nhau”. Trong các cải tổ chủ yếu trong nội bộ Giáo Hội, ông nhấn mạnh tới “việc phục hồi lòng thương xót” và chú tâm đổi mới vào truyền giáo và phúc âm hóa. Nhưng “trọng điểm là cuộc cải tổ này không nhằm thay đổi giáo huấn Giáo Hội mà đúng hơn nhằm làm cho nó trở thành dễ dàng hơn để người ta dễ nắm được nó”.

Ban Hội Học 3: Chờ Mong Gì Nơi Đức Phanxicô: Cái Nhìn Của Người Trong Cuộc

Ban này được sự phối trí của Daniel Arasa, Giáo Sư tại ĐH Giáo Hoàng Santa Croce. Các diễn giả bao gồm: Guzmán Miguel Carriquiry Lecour, Thư Ký Ủy Ban Giáo Hoàng về Mỹ Châu La Tinh; và Cha Thomas Rosica, Phụ Tá Nói Tiếng Anh của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Giáo Sư Carriquiry thảo luận bản chất mục vụ của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này của Đức Phanxicô. Ông quả quyết rằng “Đức Giáo Hoàng là nhân chứng của lòng cảm thương và dịu dàng âu yếm của Thiên Chúa, Đấng rất giầu lòng thương xót”. Carriquiry cho hay: nếu ta quên mất điểm chủ yếu này mà hiểu sứ điệp của ngài theo hướng chính trị, thì “ta liều mình nhấn mạnh đến những điểm rời rạc cách bất cân xứng đến nỗi không khám phá được tính toàn diện và thống nhất của chúng”. Carriquiry cũng cho hay: Đức Giáo Hoàng đích thân nói với ông rằng chuyến viếng thăm Cuba của ngài có đặc điểm mục vụ chứ không có ý định đề cập tới mối liên hệ chính trị giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Cha Rosica trình bầy các gợi ý khác đối với việc theo dõi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng. Ngài nhấn mạnh tới chiều kích thiêng liêng của nó, vì Đức Giáo Hoàng sẽ “ban bố sứ điệp Tin Mừng”. Cha tiên đoán rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập tới các chủ đề tự do tôn giáo và sinh thái. Cha khuyến khích các ký giả hiện diện làm quen với các quan niệm và ý niệm chủ yếu của Đức Giáo Hoàng như đã được trình bầy trong Evangelii Gaudium Laudato Si’. Trong tư cách đứng đầu cơ sở truyền thông Salt and Light Catholic Television Network (www.saltandlighttv.org), Cha mạnh dạn khuyên các ký giả nên xem các cuốn video hay các bản văn như một chuẩn bị kiến thức cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, trong đó có cuốn phim tài liệu dài 75 phút nói về Đức GH Phanxicô tựa là “Hiệu Quả Phanxicô” và một cuốn đặc biệt về Laudato Si’.

Ban Hội Học 4: Về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Ý Nghĩa Gia Đình

Ban này được sự phối trí của Mary Hasson, Chuyên Viên và Giám Đốc Nghị Hội Phụ Nữ Công Giáo thuộc Trung Tâm Đạo Đức & Chính Sách Công Cộng. Các diễn giả gồm: Carl Anderson, Hiệp Sĩ Tối Cao của Hội Hiệp Sĩ Colombus; Đức Cha Jean Laffitte, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình; và Helen Alvaré, Giáo Sư Đại học Luật Khoa George Mason.

Carl Anderson nói về “liên tục tính giữa các giáo huấn của hai Đức Phaolô VI và Đức Phanxicô” và ông trưng dẫn câu nói của Đức Phanxicô rằng “gia đình cung cấp nơi chốn chính để ta có thể vươn tới sự cao cả”. Vốn là tác giả cuốn “Our Lady of Guadalupe: Mother of the Civilization of Love”, Anderson nhấn mạnh tới vai trò của Đức Mẹ Guadalupe trong tư tưởng Đức Phanxicô.

Đức Cha Laffitte nói rằng Đức GH Phanxicô “muốn giúp mọi người ý thức được rằng ta không thể ngưng việc phục vụ của ta với việc chỉ khẳng định các chân lý tín lý và các giới răn đạo đức, mà ta còn phải quan tâm tới cách người ta có thể tiếp nhận tin vui của Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh sống của họ hiện nay”.

Giáo sư Alvaré nhấn mạnh hai chiều kích chủ yếu trong giáo huấn của Đức Phanxicô về gia đình: 1) “Gia đình là một nơi chốn không thể thay thế được nếu muốn tiến tới chỗ biết Thiên Chúa”; theo bà đây là một ý tưởng có sự liên tục với các giáo huấn của hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI; và 2) “Sự thực này: Giáo Hội nên vươn tay ra với những người đang chịu nhiều vấn nạn gia đình”. Nói về các thách đố liên quan tới thuyết phái tính, bà kêu gọi phải nghiên cứu nhiều thêm mà không bị vướng vào các trói buộc ý thức hệ.

Ban Hội Học 5: Sắc tộc, Gia Đình và Bộ Mặt Đang Thay Đổi của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ

Ban này được sự phối trí của Jonathan Reyes, Giám Đốc Chấp Hành Văn Phòng Công Lý, Hòa Bình và Phát Triển Nhân Bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Các diễn giả gồm Đức Cha José H. Gomez, TGM Los Angeles; Mark Gray, Giám Đốc Văn Phòng Thăm Dò Công Giáo CARA của ĐH Georgeton; và W. Bradford Wilcox, Phó Giáo Sư, ĐH Virginia.

Đức TGM Gomez nói rằng Tổng Giáo Phận Los Angeles rửa tội “nhiều trẻ em hơn New York, Chicago, Philadelphia, và D.C. gộp lại, và phần lớn các trẻ em này là con cái di dân, mà đa số là người nói tiếng Tây Ban Nha”. Ngài cũng cho hay “trọng tâm Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ đã chuyển từ Tây qua Đông và từ Bắc xuống Nam”.

Đức TGM Gomez nói tới “các nỗi đau tâm lý và thiêng liêng của người di dân bất hợp pháp với nhiều căng thẳng và thách thức họ phải chịu đối với cuộc hôn nhân và gia đình của họ”. Một trong năm người di dân bị tống xuất đã bị lấy khỏi một gia đình, tạo ra nhiều khó khăn lớn lao. Ngài kêu gọi Giáo Hội phải nhân nhượng nhiều hơn trong phương thức mục vụ của mình, biết lưu ý tới các dị biệt văn hóa.

Đức TGM Gomez cũng đề cập tới ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đối với cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “vị giáo hoàng đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha, vị giáo hoàng đầu tiên phát xuất từ Mỹ Châu La Tinh, và ngài lại là con của những người di dân.Vị giáo hoàng đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha này sắp tới Mỹ Châu để ban cho ta vị thánh đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha”, đó là Thánh Junipero Serra. Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Đây không phải chỉ là một biến cố sắc tộc và tôn giáo. Nó còn là một biến cố giúp ta suy nghĩ tới lịch sử và di sản của ta, và tìm lại được lịch sử và bản sắc của ta” vì “người nói tiếng Tây Ban Nha là những cha ông đầu tiên lập ra quốc gia này”.

Trả lời những lời chỉ trích việc phong thánh cho Chân Phúc Junipero Serra, Đức TGM Gomez nhận định rằng Chân Phúc Junipero Serra đã hiến đời mình cho việc giảng dạy Tin Mừng và ngài chăm sóc các người Thổ Dân Mỹ Châu; ngài là người đầu tiên bênh vực người Thổ Dân Mỹ Châu chống lại các lạm dụng của binh lính Tây Ban Nha.

Wilcox và Gray trình bầy các dữ kiện thống kê liên quan tới các thực hành và bản sắc tôn giáo của người nói tiếng Tây Ban Nha. Theo Wilcox, 61% người nói tiếng Tây Ban Nha nhận mình có tôn giáo, so với 50% người da trắng. Wilcox cho biết: cuộc nghiên cứu của ông chứng tỏ người nói tiếng Tây Ban Nha coi trọng gia đình hơn người da trắng, và họ ít ly dị hơn người da trắng. Tuy nhiên, ông bảo: oái oăm thay, người nói tiếng Tây Ban Nha lại thường hay có con ngoại hôn hơn. Gray đề cập tới việc lớn mạnh của người Nói Tiếng Tây Ban Nha trong Giáo Hội Công Giáo, cho rằng 28% người Công Giáo Hoa Kỳ sinh tại ngoại quốc.

Ban Hội Học của Các Giám Mục về Đức Phanxicô và Chuyến Tông Du của Ngài

Ban này được phối trí bởi Cha John Paul Wauck, Giáo Sư ĐH Santa Croce. Các diễn giả gồm Đức Cha Joseph Kurtz, Tổng Giám Mục Louisville và đương kim Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ; Đức TGM Bernardito C. Auza, Sứ Thần Tòa Thánh và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc; và Đức TGM của Philadelphia, Charles J. Chaput.

Đức TGM Kurtz đề cập tới chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng từ vọng nhìn quốc gia. Ngài nói: Đức Giáo Hoàng “sẽ tới như một mục tử và như một tiên tri tốt lành” để kêu gọi người ta trở về. Đức TGM Kurtz tiên đoán rằng Đức Phanxicô sẽ “nói về quyền tự do được phục vụ và có thể phục vụ trong khu vực công cộng”.

Đức TGM Auza kêu gọi một “khoa giải thích đúng đắn” để giải thích chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô: “Ngài nói như một mục tử, một người cha, chứ không phải một nhà lãnh đạo chính trị”. Đức Tổng Giám Mục cho rằng việc Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc là một điều thích hợp vì “các lo âu của Liên Hiệp Quốc cũng là các lo âu của Giáo Hội”. Đối với Đức TGM Auza, cuộc viếng thăm Liên Hiệp Quốc là “một khẳng nhận Liên Hiệp Quốc và sự ngưỡng mộ của Tòa Thánh đối với định chế này” nhưng Đức TGM Auza cũng tiên đoán rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không tránh việc thảo luận các điểm bất đồng giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Quốc.

Đức TGM Chaput đưa ra một vài con số liên quan tới Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Ngài cho biết 17,000 người sẽ tham gia Hội Nghị, và tiên đoán chừng 700,000 sẽ tham dự các lễ hội với Đức Giáo Hoàng vào Thứ Bẩy, 26 tháng Chín, và chừng 1 triệu người sẽ tham dự Thánh Lễ Bế Mạc (Chúa Nhật, 27 tháng Chín). Gần 45 triệu dollars đã quyên góp được cho các chi phí của đại hội.

Đối với Đức TGM Chaput, “Thành phố Philadelphia và Giáo Hội địa phương xứng đáng được hưởng nhiều hơn là các vấn nạn của thập niên trước. Họ xứng đáng được hân hoan”. Và niềm hân hoan này là điều chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ đem tới.
 
Bài giảng tại Santa Marta: Con tin Chúa là Thiên Chúa hằng sống, còn con chỉ là kẻ có tội
Đặng Tự Do
14:20 03/09/2015
Khả năng nhận ra mình là kẻ tội lỗi đem lại cho chúng ta sự sửng sốt trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 3 tháng 9 lễ Thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng và Tiến Sĩ Hội Thánh.

Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày kể về câu chuyện mẻ cá lạ. Sau khi làm việc suốt đêm mà không bắt được gì, thánh Phêrô, với niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu, đã thả lưới xuống biển. Đức Thánh Cha sử dụng câu chuyện này để nói về đức tin như là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Trước hết, ngài lưu ý cộng đoàn rằng Chúa Giêsu đã dành phần lớn thời gian của Ngài trên đường phố, với đám đông dân chúng; và rồi khi chiều tối, Ngài lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện – nhưng trước đó Ngài đã gặp dân chúng, đã tìm kiếm họ.

Trong cuộc gặp gỡ với Chúa, chúng ta có hai thái độ khác nhau. Thái độ thứ nhất là thái độ của Phêrô, của các Tông Đồ, và của đám đông dân chúng.

Đức Thánh Cha nói:

“Tin Mừng sử dụng cùng một từ để chỉ thái độ của dân chúng, của các Tông Đồ, và của Phêrô. Đó là ‘họ sửng sốt’. Sự kinh ngạc, trên thực tế, nắm lấy họ, và tất cả gì thuộc về họ khi cảm giác sửng sốt này ập đến.... Những người nghe Chúa Giêsu và những gì Ngài nói cảm thấy điều ngạc nhiên này là ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ’”

Thái độ thứ hai là thái độ của những nhóm người gặp gỡ Chúa Giêsu nhưng không cho phép sự ngạc nhiên này len lỏi vào con tim của họ.

Đức Thánh Cha đã nêu ra những ví dụ. Ngài nói:

“Các luật sĩ đã nghe Chúa Giêsu, nhưng họ tính toán trong bụng: ‘Ừ, ông ta thông minh đấy, ông ta là một con người nói những điều đúng, nhưng chúng ta không thể đồng ý với những điều này, không thể được. Họ đã tính toán, và họ đã quyết định giữ khoảng cách với Ngài.”

“Quỷ sứ cũng thế”, Đức Thánh Cha nói thêm, “Chúng cũng tuyên bố rằng Chúa Giêsu là ‘Con Thiên Chúa’, nhưng cũng như các luật sĩ và những người Pharisêu bất lương, chúng không có khả năng ngạc nhiên, chúng đã đóng cửa lòng mình trong sự tự mãn, và trong niềm tự hào của mình. Trái lại, Phêrô nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng ngay lúc đó ông tự nhận mình là kẻ có tội”.

“Bọn quỷ đến để nói sự thật về Ngài, nhưng chúng không hề nói gì về bản thân mình. Chúng không thể làm khác đi được. Niềm tự hào của chúng quá lớn đến mức ngăn cản chúng nói sự thật về mình. Các luật sĩ nói: ‘Đây là một con người thông minh, một giáo sĩ có khả năng đấy, còn biết làm phép lạ nữa kia!’ Nhưng họ không nói: ‘Chúng tôi là những kẻ rất tự phụ dù chúng tôi còn nhiều thiếu xót, chúng tôi đều là những kẻ có tội’. Không có khả năng nhận ra mình là kẻ tội lỗi khiến cho chúng ta không có được những lời thú nhận thật sự về Chúa Giêsu. Và đây là sự khác biệt.”

“Đó là sự khác biệt giữa sự khiêm tốn của người thu thuế, là người nhận ra mình là kẻ tội lỗi; và niềm tự hào của người Pharisêu là người đang huênh hoang nói tốt về chính mình.

Khả năng nói rằng chúng ta là những người tội lỗi mở ra trước chúng ta sự ngạc nhiên trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ thật sự. Trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, ngay cả nơi những người thánh hiến: Có bao nhiêu người có khả năng nói rằng Chúa Giêsu là Chúa? Nhiều lắm! Nhưng thật khó biết bao để nói một cách chân thành rằng: ‘Tôi là kẻ có tội.’ Thật dễ dàng để nói về tội lỗi của người khác, phải không? Khi một người được ngồi lê đôi mách chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia... Chúng ta tất cả đều là những bậc thầy về những chuyện như thế, không phải sao? Để đến với một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô một lời tuyên xưng gồm hai mặt như sau là cần thiết: ‘Ngài là Con Thiên Chúa, và tôi là kẻ có tội’ - nhưng không được nói chung chung mà phải rõ ràng rằng tôi là kẻ có tội vì điều này, vì điều nọ, vì điều kia, và vì những điều này nữa…”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng:

“Phêrô, sau đó đã quên đi sự ngạc nhiên trong cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa và đã chối Chúa. Nhưng vì ông khiêm tốn, ông đã được cho gặp Chúa, và khi ánh mắt họ gặp nhau, ông đã khóc, ông quay trở lại với lời xưng thú ‘Tôi là kẻ có tội.’”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của ngài với lời nguyện “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn để gặp Ngài, nhưng cũng để cho phép chính mình gặp Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng quá đẹp này, là biết kinh ngạc này trong cuộc gặp gỡ với Ngài. Và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được tuyên xưng trong cuộc sống của chúng ta: ‘Lạy Chúa, Chúa thật là Con Thiên Chúa hằng sống; Con tin điều đó. Còn con chỉ là kẻ có tội; Con tin như thế.”
 
Đức Thánh Cha có tinh thần cải cách nhưng vẫn yêu chuộng các hình thức đạo đức bình dân.
Bùi Hữu Thư
13:43 03/09/2015
Naples, Ý, 1/9/2015: Các tín hữu tại đây vẫn còn bàn tán nhiều về Đức Thánh Cha Phanxicô và Máu Thánh Januaris. Trong một chuyến tông du đến thành phố xưa cổ này nằm dưới bóng mát của Núi Vesuve, Đức Thánh Cha đã bước vào nhà thờ chánh tòa địa phương để cầu nguyện với Thánh Januarius, thánh bổn mạng của Naples. Máu của vị thánh cách nay 1.700 năm đã khô đọng, được biết là có thể bỗng nhiên trở thành thể lỏng, một hiện tượng được các tín hữu tin là một phép lạ đến từ Trời. Những người tụ tập quanh đó đã chăm chú theo dõi trong khi Đức Thánh Cha cầu nguyện và hôn bình bằng bạc chứa đựng thánh tích là máu đã cô đọng lại.

Và ô này!, vết máu đen đã tan chẩy. Đức Hồng Y Naples, quỳ bên Đức Thánh Cha đã vui mừng loan báo sự việc thiêng liêng là máu đã tan chẩy, khiến cho tất cả các tín hữu hiện diện đã hoan hô và vỗ tay vang giậy. Sau đó chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận mầu nhiệm này, trong đó phân nửa bình máu đã chẩy lỏng. Theo những người có mặt Đức Thánh Cha đã nói: “Điều này có nghĩa là Thánh Januarius yêu mến chúng ta phân nửa thôi. Chúng ta cần phải loan truyền Lời Chúa nhiều hơn để ngài sẽ yêu mến chúng ta nhiều hơn.”

Đối với nhiều người, Đức Thánh Cha là giáo hoàng đầu tiên gốc Châu Mỹ La Tinh, là một nhà cải cách, một người cương quyết dẫn đưa Giáo Hội bước vào một thời đại mới. Tuy nhiên trong khi ngài chuẩn bị để viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, triều đại giáo hoàng của ngài có vẻ có nhiều mâu thuẫn. Trước hết, vị giáo hoàng đã trở nên nhân vật được giới trí thức và ngay cả giới vô thần mến chuộng, lại vẫn ôm ấp những hình thức đạo đức bình dân nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

Nhiều hơn các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra yêu chuộng các hình thức sùng kính bình dân, kể cả việc tôn kính các thánh tích, như máu, xương và trang phục của các vị Thánh, cũng như việc tôn kính Đức Mẹ Maria qua các cuộc rước kiệu và các nghi thức khác. Các quan sát viên tại Vatican cho rằng Đức Thánh Cha thực sự đang cổ võ một hình thức đạo đức Công Giáo nhiệt thành và bí nhiệm đã được giới bình dân ưa chuộng, đặc biệt là trong giới người nghèo tại Châu Mỹ La Tinh của ngài.

Khăn liệm thành Turin

Vào tháng 6 năm nay Đức Thánh Cha đã tôn kính Khăn Liệm Thành Turin, và cầu nguyện trước khăn liệm được tin rằng là khăn tẩm liệm Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha không chính thức công nhận sự xác thực của khăn kiệm, nhưng ngài đã giúp cho có hai xe búyt chở những người vô gia cư thành Rôma đến thăm Khăn Liệm và đã thâu hình một sứ điệp để tuyên xưng khăn liệm: “Chúng ta hãy lắng nghe những gì khăn kiệm âm thầm nói với chúng ta qua chính sự chết. Chính lời cuối của Thiên Chúa đã được gửi đến với chúng ta qua khăn liệm thánh.”

Mới đây Đức Thánh Cha đã yêu cầu thi hài của Thánh Pio, mà người dân Ý kêu ngài là Padre Pio được trưng bầy trước công chúng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trong năm tới. Sáu tháng sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, lần đầu tiên Vatican đã trưng bầy các mảnh xương được tin rằng là xương của Thánh Phêrô.

Đồng thời với chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ, thi hài của thánh Maria Goretti người Ý 11 tuổi, bị một người thân trong gia đình đâm chết năm 1902, cũng sẽ du hành đến nhiều thành phố tại Hoa Kỳ.
Năm 2007, ngài đã tạo ảnh hưởng lớn giữa các giám mục Châu Mỹ La Tinh khi ngài ban hành một tông thư nhấn mạnh tầm quan trọng của “cách thức người nghèo gặp gỡ Chúa trong các thánh điện.”

Enrico Piscopo, phát ngôn viên 75 tuổi của giáo phận Naples kể lại lần Đức Thánh Cha Benedict XVI tới thăm nơi này giữa một trận bão đầu mùa đông vào tháng 10, năm 2007. Ông nói: “Hôm đó có mưa đá rất nặng, Đức Hồng Y Naples cầm bình đựng máu thánh Januaris cho Đức Thánh Cha Benedict XVI hôn. Ngài ôm lấy rất lâu, rất lâu, nhưng máu không tan chẩy.” Rita Santoro, người thiếu phụ 69 tuổi bán các thiệp có lời nguyện trước nhà thờ chánh tòa. Bà chờ Đức Thánh Cha bước ra, ngài đã chạm tay vào đầu bà ta, và sau đó bà cho hay bệnh đau bao tử của bà đã lành.

Bà Santoro nói: “Đối với tôi, việc máu thánh tan chẩy là một phép lạ. Điều này có nghĩa là Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành cho Naples. Chúng tôi đang gặp rất nhiều vấn đề khó khăn tại đây và chúng tôi rất cần được chúc lành.”
 
Một bàn thờ sẽ được dùng trong dịp Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hoa Kỳ đã thành hình trong một xưởng mộc.
Pt Huỳnh Mai Trác dich
15:56 03/09/2015
Frederick – USA -( AFP) – Thầy Sáu David Cahoon là một thợ mộc lành nghề đang làm bàn thờ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lễ trước hàng vạn người ở Wahington DC vào tháng tới: gần sắp đáo hạn .

“Còn 37 ngày nữa” thầy nói vào ngày thứ hai, mồ hôi lấm tấm trên trán, chiếc bàn thờ và cái ghế ngồi đang thành hình trong xưởng thợ của thầy cách thủ đô một giờ lái xe.

Thầy nói “Không thể trể hạn được . . . thật là hân hạnh và diễm phúc khi làm công việc này!”
Thật là may mắn vì rất là đơn sơ theo như thông điệp gởi cho các giám mục về môi sinh và hâm nóng hoàn cầu nên chúng tôi dùng toàn loại gổ ép được tái chế một thứ gổ rất thông dụng tại Hoa Kỳ.
. .
Ngoài ra chiếc ghế dành cho Đức Giáo Hoàng, còn phải làm thêm 12 ghế phụ, gồm 8 ghế dành cho các phó tế, một bục đọc sách thánh để đọc Phúc Âm .
“Chúng tôi không dùng gổ từ rừng rậm” Nam Mỹ, Cahoon, 58 tuổi, hãnh diện nói với hảng tin AFP về người thợ cùng làm chung là Carlos Hernandez đang dủa bào các khía cạnh của chiếc bàn thờ

- Người cộng tác và thầy Sáu Dave Cahoon nói với giới truyền thông về công việc của họ về chiếc bàn thờ trong dịp Đức Thánh Cha đến viếng thăm Hoa Kỳ.
- Giống như Chúa Giêsu làm nghề thợ mộc . . .
“Thầy Sáu Dave” theo gương Chúa Giêsu, có ơn gọi làm nghề thợ mộc, đã quen thuộc với khó khăn khi nhận lãnh công việc này của Tòa Thánh .
Lai nữa, thầy cũng đã làm bàn thờ trước đây cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi Ngài đến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 2008.

Này thầy Sáu, anh có muốn làm bàn thờ nữa không? Thầy nhớ lại lời của Đức Giám Mục hỏi khi Tòa Thánh xác nhận cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô .
“Bởi vậy thầy sáu Dave đã nhận công việc này.”

Người thợ mộc Carlos Hernandez Cavero cùng phụ giúp trong việc làm bàn thờ .

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Washington DC vào ngày 22 tháng 9 và sẽ đến New York và Philadelphia, Pensylvania .
Chiếc bàn thờ mới sẽ là điểm quan trọng của Đức Giáo Hoàng dâng lễ bên phía Đông của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội .
Vương Cung Thánh Đường này ở Đông Bắc Washington DC là một trong những thánh đường đồ sộ ở Bắc Mỹ và là 1 trong 10 thánh đường lớn nhất trên thế giới, hàng năm có khoảng một triệu khách hành hương đến thăm viếng .

Cũng tại nơi bàn thờ mà thầy sáu Cahoon đã tạo dựng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong hiển thánh cho Cha Junipero Sera, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha đã truyền bá Đạo Công Giáo tới California vào thế kỷ XVIII .

Dự án được chấp thuận
Thợ mộc Lawrence Wroten, phác họa chiếc ghế dùng cho Đức Giáo Hoàng khi Ngài đến viếng thăm Washington DC . . .
Bàn thờ là kết quả cuộc thi (gồm có 18 nhóm) của các sinh viên Trường Đại Học Công Giáo Châu Mỹ (CUA), ngay bên cạnh Vương Cung Thánh Đường . . .
Bàn thờ chào đón Đức Giáo Hoàng người Argentina thuộc Dòng Tên, với 4 chiếc cột tượng trưng cho 4 lời khấn hứa của tất cả mọi thành viên của Dòng Tên .
Tất cả gồm 4 cột trụ tạo thành 3 vòng cung, tượng trưng Thiên Chúa Ba Ngôi . Mặt bàn là một phiến đá có thể tháo gở ra được.
“Thật ra mọi cảm hứng của chúng tôi là từ ngôi thánh đường” Joe Taylor 23 tuổi nói, anh ta là thành viên của nhóm trúng giải, anh vừa tốt nghiệp kiến trúc của trường Đại Học Công Giáo CUA”.

“Chúng tôi muốn có một bàn thờ có những điểm tương đồng với Đền thờ và có thể ở lại vĩnh viễn tại đó.”
Thật là trùng hợp vì chương trình muốn có một bàn thờ gắn vĩnh viễn ở đó sau khi Đức Giáo Hoàng đến thăm viếng, vì ngôi thánh đường này kiến trúc theo nghệ thuật Byzantine-Romanesque .

Trong bộ đồng phục thợ mộc màu xanh của những người thợ mộc, mang tên Xưởng Thợ Thánh Giuse, Cahoon tuyên bố là thầy cảm thấy “hãnh diện và được ơn phước.”

Các công việc thường xuyên trước kia là sửa chửa các bậc thang của nhà xứ và sửa chửa các ghế ngồi của nhà thờ Thánh Gioan thuộc Giáo Hội Anh giáo ở Washington DC nơi mà các Tổng Thống Hoa Kỳ thường đến dự lễ .

Là một tín đồ Công Giáo mộ đạo, tự tay mình làm bàn thờ cho Đức Giáo Hoàng thật là vinh hạnh, Cahoon nói là mình rất hãnh diện cuộc viếng thăm sắp đến này .
Ông nói: “Như một đứa con chờ đợi cha mình đến thăm!”
Như mình đem chén bát đẹp đẽ mà dùng bữa với cha mình”.





 
Sống niềm tin: Bà Kim Davis ở Hoa Kỳ đấu tranh cho quyền lương tâm của con người
Giuse Thẩm Nguyễn
16:14 03/09/2015
Sống niềm tin: Bà Kim Davis ở Hoa Kỳ đấu tranh cho quyền lương tâm của con người

Trong mấy ngày qua, các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đều đưa tin về việc bà Kim Davis từ chối cấp giấy hôn thú cho những cặp đồng tính thuộc quận hạt Rowan, tiểu bang Kentucky. Khi thổ lộ tâm tình với luật sư của mình, bà Kim Davis nói:

"To issue a marriage license which conflicts with God’s definition of marriage, with my name affixed to the certificate, would violate my conscience. It is not a light issue for me. It is a Heaven or Hell decision."

Tạm dịch là: Cấp giấy hôn thú với chữ ký chứng nhận của tôi cho những cuộc hôn nhân trái với luật Chúa dạy, sẽ vi phạm quyền lương tâm của tôi. Đây không phải là chuyện nhỏ đối với tôi. Đây chính là một quyết định chọn thiên đàng hay chọn hỏa ngục. ( Kim Davis)


Kim Davis là ai?. Bà là người tin vào Thiên Chúa (Apostolic Christian) và là ủy viên dân cử hộ tịch của quận hạt Rowan, tiểu bang Kentucky. Bà đã nhiều lần từ chối cấp giấy kết hôn cho những người đồng tính từ ngày mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với 5/4 phiếu thuận, hợp thức hóa hôn nhân đồng tính trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, ngày 26 tháng 6 năm 2015.

Sáng Thứ Ba ngày 1 tháng 9 năm 2015, dù đã có lệnh của tòa án, của Thống Đốc tiểu bang Gov. Steve Beshear, bà vẫn lần thứ ba từ chối cấp giấy hôn thú.

Anh chàng đồng tính Mr. Ermold tiến lại gần bà Kim Davis vặn hỏi:

- Bà cậy vào quyền của ai mà không cấp giấy hôn thú cho chúng tôi ngày hôm nay?

Bà Kim Davis vui vẻ trả lời:

- Quyền cùa Thiên Chúa.

Nhóm người ủng hộ bà Kim, gồm chồng bà là Joe Davis, hô to " Ca Ngợi Chúa ", " Hãy Đứng Vững ", trong khi nhóm ủng hộ những người đồng tính thì hò hét " Hãy làm công việc của mình đi". Đứng giữ hai nhóm đối nghịch là viên cảnh sát quận hạt Rawon đang làm nhiệm vụ duy trì trật tự.

Luật sư của bà Kim Davis thuộc nhóm Liberty Cousel đã cùng với bà đấu tranh cho quyền lương tâm của con người trong những ngày qua. Dĩ nhiên người ta cũng dễ dàng tiên đoán kết thúc của vụ việc này. Đây không phải là trường hợp duy nhất coi thường lệnh của tòa ở Hoa Kỳ. Ngay sau khi tòa án Liên Bang chấp nhận hợp thức hóa đồng tính thì nhiều nơi đã có những chống đối và chính quyền đã tìm cách giải quyết ổn thỏa, ít nhất là trong giai đoạn này.

Sở dĩ người ta không cắt chức bà Kim khỏi chức vụ hộ tịch của quận hạt vì bà là là một dân cử. Muốn cho bà thôi việc thì không phải dễ và thường phải đợi đến kỳ bầu cử tới.

Một điều cũng rất đáng lưu ý là trong tiểu bang Kentucky, có tất cả 137 quận hạt có thể cấp giấy hôn thú,thế mà những cặp đồng tính lại không muốn đi nơi khác dễ dàng hơn, nhưng họ lại chỉ muốn xin hôn thú do bà Kim cấp thôi.

Chúng ta cũng nên biết thêm rằng khi quyết định về vấn đề hợp thức hoá hôn nhân đồng tính, những vị thẩm phán liên bang đã không hỏi ý kiến của toàn dân mà đã nhập nhằng cướp quyền của đa số trong một nước dân chủ. Ngay cả tiểu bang California của chúng ta, khi người dân quyết định từ chối hôn nhân đồng tính tới hai lần thì cuối cùng thế gian đã dùng toà án tối cao của tiểu bang để lật ngược ý kiến của đa số. Cuộc đấu tranh cho sự thật chắc chắn sẽ còn nhiều thử thách và hy sinh.

Chắc chắn là bà Kim Davis đã nhìn thấy rất rõ những hậu quả gây cho bà, có thể bị mất việc, bị kỳ thị, bị vào tù vì tội khinh thường lệnh tòa... nhưng dường như bà sẵn sàng chấp nhận tất cả vì bà muốn sống niềm tin của mình.

Và chúng ta không phải đợi lâu. Vào sáng Thứ Năm, ngày 3 tháng 9 năm 2015, bà Kim Davis đã bị chánh án David Bunning cho vào nhà tù Liên Bang với lý do là niềm tin của cá nhân không thể vượt trên quyền hạn của toà và như thế sẽ gây ra tiền lệ nguy hiểm. Bà Kim Davis đã thà vào tù để vâng Lời Thiên Chúa hơn là chấp hành luật của thế gian.

Ông quan toà này cũng viện lý là bà phải cấp giấy hôn thú cho mọi người, không phân biệt đồng tính, vì bà đã tuyên thệ làm tròn bổn phận của một viên hộ tịch cũng như ông đã tuyên thệ là một chánh án.

Trước khi bị dẫn ra khỏi toà, bà Kim đã nói với chánh án rằng bà không thể chấp nhận việc Toà Tối Cao hợp thức hoá hôn nhân đồng tính trên cả nước, bởi vì điều tệ hại ấy trái ngược với lời thề khi bà được chịu phép Rửa Tội để tái sinh lại trong Chúa.

Bà Kim Davis đã mạnh dạn tuyên xưng " I promised to love Him with all my heart, mind and soul because I wanted to make heaven my home", tạm dịch là " Tôi đã hứa là yêu Ngài hết lòng, hết trí khôn và hết linh hồn tôi bởi vì tôi muốn lên Thiên Đàng."

Tại sao lại có việc này xảy ra? Cũng chỉ tại cái quyết định 5/4 " bất công " (unjust) của các vị quan toà. Có người sẽ hỏi " Chấp nhận hay không việc hôn nhân đồng tính thì mình có hại gì nào ? Xin thưa là việc hợp thức hoá hôn nhân đồng tính sẽ cướp đi của chúng ta quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận.

Ở British Columbia, nhà thờ đồng ý cho một cặp mướn hội trường để tổ chức đám cưới. Khi biết rằng cặp hôn nhân này đồng tính, thì nhà thờ đã từ chối và đồng ý bồi thường thiệt hại. Thế nhưng cặp này đã đưa ra toà và nhà thờ đã phải chịu phạt.

Ở Canada, Đức Giám Mục giáo phận Calgary là Alberta, khi ngài gởi thư cho các giáo xứ giải thích về những điều Giáo Hội dạy về hôn nhân, thì liền bị lên án là vi phạm nhân quyền và đe doạ thưa ra toà.

Tuy nhiên chúng ta vẫn có nhiều chủ chăn can đảm như Đức Giám Mục Joseph E. Strickland của Giáo Phận Tyler, tiểu bang Texas. Ngài tuyên bố " Hợp thức hoá hôn nhân đồng tính là một bất công...và chúng ta có bổn phận là phải chống lại nó ". Ngài gởi thư đến các giáo xứ 3-4 lần cuối tuần, giải thích luật dạy của Giáo Hội về hôn nhân và Ngài cùng với các Giám Mục Hoa Kỳ gọi quyết định này của Tối Cao Pháp Viện là một sai lầm nghiêm trọng ( tragic error)

Còn rất nhiều vấn đề khác như ngừa thai, phá thai, Obamacare... đang từng bước gậm nhắm, phá hoại và thu hẹp giới hạn hoạt động của Giáo Hội Chúa nhân danh dân chủ, tự do, bình đẳng. ..

Qua sự việc này, tôi rất lấy làm băn khoăn và tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi cần phải làm gì để góp phần giải quyết những vấn nạn hiện nay nếu tôi muốn sống với những gì mình tin? Tham gia biểu tình hò hét trên đường phố hay giữ im lặng, hay phải làm gì khác?

Lạy Chúa, con tin Chúa luôn đồng hành với chúng con. Xin dạy con sống khôn ngoan như Chúa muốn con sống trong một thời đại mà người ta đang tìm cách loại Chúa ra khỏi. Xin thêm sức mạnh, thêm đức tin cho con.

Lạy Thày Giê-su, con thuộc về Ngài.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Cuba chuẩn bị đón tiếp ĐGH: Ngài là nhà truyền giáo cuả lòng thương xót.
Trần Mạnh Trác
19:33 03/09/2015
"Không phải là một điều dễ dàng khi phải sống không thân thiện với một người hàng xóm," ĐGM Wilfredo Pino Estevez cuả giáo phận Guantanamo-Baracoa viết như vậy trên tờ luân lưu gởi cho các tín hữu vào ngày 1 tháng 9 vừa qua."Vì thế mà việc Đức Giáo Hoàng, vị mục tử cuả Giáo Hội Hoàn Vũ, tới để tìm kiếm cho chúng ta thì rất quan trọng, đó là sự hoà giải và hoà bình giữa các dân tộc trên Thế Giới."

Cuộc thăm viếng Cuba cuả ĐTC Phanxicô là một dấu hiệu ưu ái cuả Ngài đối với một dân dân tộc trong một thời điểm mà mọi người đang "thở một làn không khí hy vọng" là mối giây liên hệ với Hoa Kỳ sẽ được cải thiện, theo nhận định cuả ĐGM Pino.

ĐTC Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại 3 thành phố Havana, Holguin và Santiago de Cuba trong cuộc thăm viếng đảo quốc này, sẽ diễn ra từ ngày 19 cho đến 22 tháng 9, trước khi Ngài bay qua Hoa Kỳ. Ngài đã được ca tụng là nhân tố hoà giải giúp cho cuộc tan băng lịch sử giữa Cuba và Hoa Kỳ. Ngài đã gửi thư riêng cho cả hai vị tổng thống Raul Castro và Barack Obama, và đã giúp cho hai bên thực hiện những cuộc tiếp xúc cao cấp tại Vatican.

Cả hai ông Obama và Castro đã đồng thời tuyên bố sự xáp lại ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến nay, sau trên năm 50 đóng cửa, hai quốc gia thù địch đã mở lại các toà đại sứ ở Havana và Washington DC và đang tiếp tục đẩy mạnh thêm các cuộc thương thuyết mới.

Trong buổi lễ khai trương toà đại sứ cuả Mỹ vào ngày 14 tháng 8, bộ trưởng ngoại giao John Kerry đã ngỏ lời cảm tạ ĐTC Phanxicô, đã "giúp hai quốc gia lật qua một trang sử mới," và ông nhìn tới ngày mà 2 quốc gia sẽ tái lập quan hệ đầy đủ, trong đó có việc bãi bỏ lệnh cấm vận.

"Có một căn bản ngoại giao thì việc nói chuyện sẽ được dễ dàng hơn, và nhờ nói chuyện, sự thông cảm sẽ được sâu sa hơn, dù cho chúng ta đều biết rằng sẽ còn có những điều mà cả hai bên chưa thể nhìn thẳng vào mắt nhau," ông Kerry nói.

Ở Cuba, ĐTC Phanxicô sẽ gặp ông Castro, giới trẻ, hàng giáo phẩm, các gia đình và các dòng tu. Đây là lần đầu tiên Ngài tới đảo quốc còn giữ chế độ Cộng Sản này.

"Chúng ta sẽ đón tiếp ĐGH như là một nhà 'truyền giáo cho lòng thương xót," ĐGM Pino viết. Nhiều người còn hy vọng cuộc viếng thăm sẽ chữa lành những vết thương giữa những người Cuba với nhau, đang chia rẽ vì ý thức hệ kể từ năm 1959.

"Đã từng có nhiều lần chúng ta tưởng như đang sống trong một thế giới vô tình. Đâu đâu cũng đầy dẫy sự nghèo khó về đạo đức, tôn giáo, xã hội, trí thức, tinh thần và vật chất, và người ta không còn nhạy cảm với đau khổ cuả người khác nữa," ĐGM Pino viết. "ĐGH Phanxicô, nhà truyền giáo cuả lòng thương xót, mời gọi chúng ta đừng mỏi mệt trong việc thực hành lòng xót thương."

Như vậy thì trong vòng 17 năm, nuớc Cộng Sản Cuba được vinh dự đón tiếp 3 vị giáo hoàng, ĐGH John Paul II vào năm 1998, ĐGH Benedict XVI vào năm 2012 và năm nay là phiên ĐGH Phanxicô.

"Ở trên thế giới này, thì chỉ có Brazil là có tới 3 vị giáo hoàng đến thăm như vậy," theo lời ĐGM Pino.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh hôn nhân và gia đình
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:01 03/09/2015
Hình ảnh hôn nhân và gia đình (2)

Hôn nhân và gia đình luôn là thắc mắc có từ nghìn xưa . Con người xưa nay thường hiểu đó là một khế ước xã hội, hay một định chế truyền thống do và của đời sống xã hội.

Đó là lối suy hiểu hôn nhân và gia đình theo khía cạnh trong tương quan đời sống xã hội giữa con người với nhau.

Nhưng theo khía cạnh tinh thần đạo giáo, khía cạnh thần học đạo đức, hôn nhân và gia đình còn có căn rễ sâu thẳm làm nền tảng cùng mang lại ý nghĩa chiều kích thánh thiêng cho hôn nhân và gia đình.

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đã có suy tư theo khía cạnh thần học về căn rễ của hôn nhân và gia đình:

„Hôn nhân và gia đình trên thực tế không là những kiến trúc xã hội mang tính cách bất thường. Không, hôn nhân và gia đình không là kết qủa của những tình trạng lịch sử cùng kinh tế đặc biệt khác thường. Trái lại, thắc mắc về tương quan thật sự giữa người đàn ông và phụ nữ có căn rễ thẳm sâu nơi bản tính con người, và chỉ có thể tìm được câu trả lời từ nơi đó.

Câu trả lời không thể tìm ra được, khi tách biệt giữa thắc mắc cũ và thắc mắc mới: Tôi là ai? Con người là gì? Và cũng không thể tách biệt khỏi thắc mắc về Thiên Chúa: Thiên Chúa có hiện hữu không? Thiên Chúa là ai? Khuôn mặt thực của Thiên Chúa thế nào?

Câu trả lời trong Kinh thánh cho hai vấn nạn thắc mắc này thống nhất cùng đúng trong các tình huống: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa do Thiên Chúa tạo thành, và Thiên Chúa chính ngài là tình yêu.. Vì thế ơn kêu gọi tình yêu phản ảnh lại điều con người được Thiên Chúa tạo dựng nên rập khuôn giống hình ảnh của Ngài: Con người cũng hành động giống như khuôn thước của Thiên Chúa, trong khi con người trở nên một người yêu thương.

Từ mối tương quan nền tảng giữa Thiên Chúa và con người nảy sinh tiếp một hệ qủa: mối dây liên kết không thể hủy diệt giữa tinh thần và thể xác. Con người thật ra là tinh thần, khi tinh thần tìm thấy được ở nơi thân xác dấu chứng. Và thân xác sống động khi có tinh thần phần trường sinh bất tử ở nơi nó.

Cũng vậy thân xác của người nam và người nữ, có thể nói được, cũng có bản tính chiều kích thần học. Con người không chỉ là một thân xác trơ trọi theo cách hiểu sinh vật học, nhưng là dấu chứng và sự trọn vẹn tràn đầy của bản tính con người.

Vì thế, tính dục ( Sexualitaet) của con người không là điều bên lề phụ thuộc của bản tính con người. Nhưng nó thuộc về bản chất tính con người. Trước hết khi tính dục hội nhập nơi một cá nhân con người, họ có thể tự cho mình một ý nghĩa của đời sống „ (Papst Benedicto XVI. , Diễn văn ngày mục vụ của Giáo phận Roma về đề tài Gia đình, 06.06.2005)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Tản mạn chuyện “hôn nhân” đồng tính: khía cạnh thỏa hiệp
Vũ Van An
20:32 03/09/2015
Nhưng tại sao người đồng tính đi từ chiến thắng này tới chiến thắng nọ? Linh mục Dwight Longenecker thì cho rằng không chỉ nhờ họ theo đuổi, cách đầy ý thức, một nghị trình và họa đồ tranh đấu hữu hiệu và triệt để, mà còn vì xã hội ta chịu để cho các luận điểm và chiến thuật của họ nhào nặn. Triết lý nằm ở bên dưới là xã hội ta trở nên quá duy tục đến độ các luận điểm của người đồng tính xem ra có nghĩa đối với hầu hết mọi người. Nói cách khác, ta vốn để mình sống theo ba thứ duy dễ mến nhưng đầy nguy hiểm: duy xúc cảm, khiến ta mủi lòng trước bất cứ ai bị nạn nhân hóa cách nào đó; duy thực dụng (utilitarianism), khiến ta nghĩ điều gì hữu hiệu đều tốt cả; duy bình đẳng, khiến ta cho rằng bình quyền là sự thiện duy nhất thúc đẩy mọi sự thiện khác. Chứ làm gì có chân lý khách quan. Đúng sai do ba thứ duy vừa nói quyết định. Bất cứ điều gì khiến ta hạnh phúc, xem ra hữu dụng và không kỳ thị ai, thì đều chấp nhận được cả. Ta mềm lòng trước các luận điểm đồng tính.

Thái độ mềm lòng của một số Giáo Hội Kitô Giáo

Chính vì thế, Giáo Hội Episcopal là Giáo Hội đầu tiên bằng lòng cử hành hôn lễ tôn giáo cho các cặp đồng tính. Thực vậy, ngày 1 tháng Bẩy, 2015, tại Salt Lake City, các giám mục của Giáo Hội này, trong đó, có Gene Robinson, người công khai ăn ở với người một đồng tính, đã bỏ phiếu chấp thuận điều vừa nói. Cùng một lúc, họ thông qua các phụng vụ và lễ nghi mới cho các cặp đồng tính muốn cưới nhau trong nhà thờ, thay đổi các khoản giáo luật liên quan tới hôn nhân, loại bỏ các hạn từ phái tính, thay thế các từ ngữ “đàn ông và đàn bà” bằng từ ngữ “cặp”.

Con đường dẫn tới kết quả trên đã bắt đầu từ năm 2012 tại Đại Hội Toàn Thể ở Indianapolis gồm đại diện của 109 giáo phận Hoa Kỳ và ngoại quốc. Lúc ấy, Giáo Hội này đã chấp thuận một nghi thức “tạm thời” dùng để chúc lành cho các cặp đồng tính rồi.

Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ phần đông phản ứng rất nhanh trước phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ban quyền hiến định cho các cặp đồng tính “cưới nhau”, gọi phán quyết này là một “sai lầm bi thảm”. Tuy nhiên, một số vị lại có một đường lối khác, khuyên tín hữu nên suy nghĩ sâu xa hơn. Đức TGM Blase Cupich của Chicago, chẳng hạn, nhân dịp này khuyên giáo dân nên hoan nghinh người đồng tính “một cách có thực chất”.

Ngài viết: “lòng tôn trọng này phải có thực chất, không chỉ hoa mỹ, và mãi mãi phản ảnh cam kết của Giáo Hội muốn đồng hành với mọi người… hỗ trợ mọi gia đình, bất kể hoàn cảnh của họ, vì thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều là bà con thân thích, cùng lữ thứ trong đời dưới sự chăm sóc cẩn mật của một Thiên Chúa đầy yêu thương”.

Dù có nhấn mạnh tới bản chất hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, các bình luận gia vẫn cho rằng tuyên bố của ngài nhằm mục đích tách xa lối phê phán nghiêm khắc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức TGM Cupich không đơn độc. Đức TGM Wilton Gregory của Atlanta, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cảnh cáo những ai thất vọng trước phán quyết trên đừng đưa ra các ngôn từ độc địa hay tác phong hèn hạ chống lại những người có ý kiến khác với mình.
Đức Cha Robert McElroy của San Diego thì cho rằng “Giáo Hội tiếp tục vinh danh tính độc đáo của cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà như một hồng phúc của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội chỉ làm thế một cách luôn tôn trọng sâu xa các mối liên hệ đầy yêu thương và có tính gia đình vốn làm phong phú cuộc đời của rất nhiều người đàn ông và đàn bà đồng tính, cũng là các anh chị em của ta và tối hậu là những người cùng hành hương với ta trong cuộc lữ thứ trần gian này”.

Dư luận Kitô hữu đổi chiều

Nhân dịp này, Robert P. Jones nhận định rằng phần lớn việc gia tăng ủng hộ gần đây đối với hôn nhân đồng tính phát xuất từ các hệ phái Kitô Giáo trước đây vốn chống đối nó. Thực vậy, hiện nay, càng ngày số người Hoa Kỳ có tôn giáo ủng hộ nó càng đông hơn. Còn nhớ năm 2003, khi Tiểu Bang Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, không nhóm tôn giáo chính nào có đa số ủng hộ thứ “hôn nhân” này cả: chỉ có 36% người da trắng Thệ Phản và 34% người Công Giáo ủng hộ nó mà thôi.

Ngày nay, các tỷ lệ trên đã thay đổi rất nhiều: American Values Atlas của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Công Cộng, dựa vào 40,000 cuộc phỏng vấn, cho thấy các kết quả sau: 84% người Phật Giáo, 77% người Do Thái Giáo, 62% người Thệ Phản da trắng, 61% người Công Giáo, 60% người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, và 56% Kitô hữu Chính Thống Đông Phương ủng hộ “hôn nhân” đồng tính.

Sự gia tăng trên vượt xa tỷ lệ gia tăng nơi những người không theo tôn giáo nào. Thực vậy, từ năm 2003, sự gia tăng của lớp người sau chỉ là 12%. Sự gia tăng này là 25% nơi người Công Giáo, 26% nơi người Thệ Phản da trắng. Ngay nơi người Thệ Phản da trắng nhưng theo khuynh hướng phúc âm, nghĩa là những người đa số vẫn chống đối hôn nhân đồng tính, sự gia tăng này cũng là 16%.

Chính sự gia tăng ấy đã làm lệch hẳn cán cân trong cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính, củng cố ý thức hệ của những người như Obama hay chánh án Kennedy trong việc công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính, biến nó thành một quyền hiến định.

Thái độ một số vị giáo phẩm nổi tiếng Công Giáo

Trong số các nhân vật nổi tiếng của Công Giáo góp phần làm dễ chiều hướng thay đổi trên, người ta hay nhắc tới Đức HY Walter Kasper, người mới đây lên tiếng ủng hộ quyết định thừa nhận hôn nhân đồng tính ở Ái Nhĩ Lan.

Thực vậy, sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Ái Nhĩ Lan vào ngày 22 tháng Năm, 2015 vừa qua, vị Hồng Y trên nói với nhật báo Ý Corriere della Sera rằng Giáo Hội cần đề cập đầy đủ hơn về vấn đề các cặp đồng tính, một vấn đề chỉ mới ở vòng ngoài Thượng Hội Đồng năm rồi. Ngài bênh vực lá phiếu thuận hôn nhân đồng tính của người Ái Nhĩ Lan, cho rằng : “một quốc gia dân chủ có bổn phận tôn trọng ý dân; và điều rõ ràng là nếu đa số dân chúng muốn những cuộc kết hợp đồng tính ấy, thì quốc gia có bổn phận phải thừa nhận các quyền như thế”.

Theo ngài, điều ấy chứng tỏ “ý niệm hậu hiện đại theo đó mọi sự đều bình đẳng rõ ràng mâu thuẫn với tín lý của Giáo Hội”. Nên ta phải tìm ra một ngôn ngữ mới, phải khắc phục việc kỳ thị vốn có truyền thống lâu dài trong nền văn hóa Kitô Giáo. Điều quan trọng, theo ngài, là phải tôn trọng các mối liên hệ đồng tính lâu bền, là các mối liên hệ có nhiều “yếu tố tốt lành”.

Cùng thời gian này, tức vào ngày 25 tháng Năm, 2015, tại ĐH Gregorian ở Rôma, có “Ngày Nghiên Cứu” do ba chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ, Pháp, và Đức tổ chức. Ai cũng biết chủ tịch HĐGM Đức, Đức HY Reinhard Marx, trong bài giảng lễ hôm trước, tức Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 24 tháng Năm, đã lên tiếng kêu gọi “một nền văn hóa chào đón” đối với người đồng tính.

Kết quả, trong số nhiều điểm khác, Ngày Nghiên Cứu trên đã nhấn mạnh tới điểm: Nền “thần học mới về tình yêu” phải nhấn mạnh rằng tính dục tự nó là biểu thức của tình yêu, là căn bản cho một liên hệ lâu bền. Nói cách khác, tình yêu đã đủ, chiều kích sinh sản không nhất thiết phải có. Nên Giáo Hội phải thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính.

Đức HY Reinhard Marx vốn được coi là người mạnh mẽ ủng hộ “nghị trình Kasper” và là người hùng hồn bênh vực “giá trị” của các cuộc kết hợp đồng tính. Đức Cha Markus Büchel, chủ tịch HĐGM Thụy Sĩ, trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng năm ngoái, cũng từng cho rằng sẽ có phương thức mục vụ mới theo chiều hướng đề xuất của Đức HY Kasper. Thông cáo chung của Ngày Nghiên Cứu cũng cho thấy các lý lẽ được Đức HY Kasper dùng để kêu gọi sự thay đổi sâu xa đối với các thực hành mục vụ nhằm đạt được tính khả tín lớn hơn nơi con người hiện đại.

Cũng phải kể tới một vị giáo phẩm khác, tuy không có tầm cỡ như các vị Hồng Y Kasper hoặc Marx, nhưng cũng đang là một ngôi sao sáng đang có triển vọng, ít nhất tại Thượng Hội Đồng sắp tới, đó là Đức Cha Johan Bonny của giáo phận Antwerp, Bỉ, người ngày 16 tháng 6, 2015, đã được Đức Phanxicô chấp thuận là thành viên tham dự định chế vừa kể, dù vẫn nổi tiếng xưa nay về việc bênh vực quyền đồng tính, đến nỗi đầu năm 2015, đã được Cavaria, hiệp hội Đồng Tính Bỉ, trao giải thưởng.

Thực vậy ngày 27 tháng 12, 2014, trong một cuộc phỏng vấn của tờ De Morgen, Đức Cha Johan Bonny chính thức kêu gọi Giáo Hội thừa nhận các mối liên hệ đồng tính. Trước đó, hồi tháng 9, 2014, ngài đã gửi một thư dài 22 trang tới Thượng Hội Đồng đặc biệt về gia đình, nhấn mạnh rằng Giáo Hội khẩn thiết phải nối kết với xã hội hiện đại, tôn trọng hơn nữa đối với đồng tính luyến ái, người ly dị và các lối liên hệ hiện đại.

Ngài viết: “Bản thân tôi thấy rằng Giáo Hội phải dành nhiều chỗ để thừa nhận phẩm chất thực sự của các cặp đồng tính nam nữ; và hình thức chia sẽ đời sống này nên thoả mãn cùng các tiêu chuẩn vốn tìm thấy nơi hôn nhân hợp giáo luật…

“Thực vậy, ta cần tìm cách thừa nhận chính thức loại liên hệ hiện đang hiện hữu giữa các cặp đồng tính nam nữ. Việc thừa nhận này có cần là một cuộc hôn nhân bí tích hay không? Có lẽ tốt hơn Giáo Hội nên suy nghĩ về tính đa dạng trong các hình thức liên hệ. Hiện ta đang có cuộc thảo luận tương tự về hôn nhân dân sự. Tại Bỉ, cùng một mô thức hôn nhân dân sự như thế hiện đang hiện hữu cho cả các mối liên hệ đàn ông đàn bà lẫn các liên hệ đồng tính”.

Trường hợp Ái Nhĩ Lan

Về kết quả trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan, Giáo Sư James Matthew Wilson trên tạp chí Crisis (CrisisMagazine.com) ngày 1 tháng Sáu, 2015, cho rằng tới năm 2001, hàng giáo phẩm nước này bị coi là giả hình và ngạo mạn, quyền lực của nó bị coi là tự phụ và thối nát. Việc tham dự Thánh Lễ giảm từ 90% xuống còn 60% và cứ thế tiếp tục giảm mãi. Nhà cầm quyền coi việc sa sút trong Giáo Hội như một điều cần dùng làm vốn để đẩy mạnh diễn trình duy tục hóa xứ sở: ông thủ tướng đem nàng hầu tới dự cơm tối với Tổng Giám Mục. Dân không coi việc đó là một tai tiếng mà là một điều gây ấn tượng.

Cuộc khủng hỏang kinh tế hoàn cầu năm 2008 làm nền kinh tế Ái Nhĩ Lan kiệt quệ. Tân thủ tướng Enda Kenny, người vốn tranh cử với cương lĩnh kinh tế tự do theo kiểu Âu Châu, không làm gì khác hơn là dẫn đất nước đi theo cánh tả. Mọi cuộc tranh chấp với Giáo Hội, ông ta đều thắng. Ông được ca ngợi là người can đảm, dám chống chọi một định chế đáng kính đến thế. Nhưng thực ra nào ông có can đảm chi khi đánh một trận đánh mà ông không thể nào thua được. Các thất vọng của xã hội Ái Nhĩ Lan ngày càng được biểu lộ qua thái độ khinh miệt đối với Giáo Hội.

Năm này qua năm khác, chính phủ điều tra các lạm dụng tính dục diễn ra trong các định chế do Giáo Hội điều khiển, rồi họ tìm ra những mồ chôn tập thể các trẻ em trong những căn nhà dành cho các bà mẹ không cheo cưới. Cuộc tìm ra này bị báo chí khai thác thổi phồng thêm. Nhưng nào có ai coi là thêm thắt; bất mãn và khinh miệt cứ thế gia tăng. Trong cái nước Ái Nhĩ Lan đương thời như thế, trình bầy mình như người Công Giáo trung thành đòi nhiều can đảm hơn là trình bầy mình như người thực hành kê gian.

Theo hãng tin Catholic World News ngày 3 tháng Sáu, 2015, chính Đức TGM Eamon Martin, giáo chủ Ái Nhĩ Lan, tuy bất mãn với kết quả cuộc trung cầu dân ý, nhưng khi nghe Đức HY Burke nói rằng cử tri Ái Nhĩ Lan còn tệ hơn người ngoại giáo, vì những người này tuy dễ dãi với tác phong đồng tính, nhưng chưa bao giờ coi nó là hôn nhân, đã cho rằng “tôi sẽ không dùng các ngôn từ như thế” mà dùng một ngôn từ trân trọng, không xúc phạm.

Theo Michael Kelly, nhân dịp này, giáo chủ Giáo Hội Ái Nhĩ Lan còn cho hay: “trọn bộ cuộc tranh luận này giúp chúng tôi hiểu cảm thức bị tha hóa và cô lập lớn lao mà nhiều người đồng tính từng cảm nhận, thậm chí từ chính Giáo Hội nữa”.

Margery Eagan, một bỉnh bút của tờ On Spirituality, ngày 3 tháng Sáu, nhìn kết quả trưng cầu Ái Nhĩ Lan dưới nhận định của học giả, kiêm thượng nghị sĩ và nhà tranh đấu đồng tính 71 tuổi tên là David Norris. Ông này cho rằng Giáo Hội mất thế giá như một sức mạnh luân lý tại Ái Nhĩ Lan, không những vì việc che lấp tai tiếng tính dục mà còn vì đội ngũ lãnh đạo tầm thường nữa. Norris cho rằng các vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đã cử nhiệm các vị Hồng Y và giám mục “rất bảo thủ và thực sự tầm thường về trí thức và không tiếp xúc được với thực tại hiện đại”.

Humanae Vitae và nguyên nhân gốc của hôn nhân đồng tính

Cũng nên nhớ, năm 2010, trong một lá thư đáng ghi nhớ gửi cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan, Đức Bênêđíctô XVI từng quả quyết rằng vấn đề sâu xa và thực chất là Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan đã đầu hàng chủ nghĩa duy tục, và không còn khả năng cổ vũ các phong thái sùng kính và tôn sùng như năng xưng tội và các hình thức đạo đức bình dân, các thực hành mà sau Công Đồng Vatican II nước này đã từ bỏ vì đã giải thích sai lầm ý niệm thương xót, tách rời lòng thương xót ra khỏi đức công bình.

Trên bình diện học lý, những người chỉ trích thông điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI đã xây nền cho cuộc chiến thắng của phe đồng tính. Thực vậy, Chân Phúc GH Phaolô VI từng tiên đoán rằng các thực hành ngừa thai rộng lớn thực tế sẽ tách biệt hai mục đích của tính dục là sinh sản và kết hợp và do đó sẽ dẫn tới nhiều thay đổi lớn lao về luân lý và xã hội học (xem HV, số 17). Triết gia người Anh Elizabeth Anscombe cũng cho rằng thừa nhận tính hợp pháp của ngừa thai sẽ dẫn tới việc không ai còn dám phản đối tác phong đồng tính, đa hôn v.v… Steven Greydanus cũng nghĩ thế. Theo ông đừng trách người đồng tính, họ chỉ là thiểu số. Đừng trách chính trị gia hay các giám mục. Cuộc khủng hoảng hôn nhân không phải là điều do các sức mạnh bên ngoài áp đặt lên chúng ta. Nó là điều chính chúng ta chấp nhận, khoan dung và ủng hộ. Hôn nhân đã bị định nghĩa lại từ nhiều thập niên trước đây bởi chính chúng ta qua “đơn hôn hàng loạt” (serial monogamy), sống chung, con cái sinh và dưỡng bên ngoài hôn nhân, thụ thai nhân tạo, thụ thai trong ống nghiệm, các thỏa thuận tiền hôn để sẵn sàng ly dị, văn hóa khiêu dâm, phá thai và ngừa thai. Nhưng gốc rễ của tất cả những điều vừa kể chính là điều sau cùng: ngừa thai. Việc này xẩy ra với các vợ chồng Công Giáo đâu có thua gì các vợ chồng không Công Giáo. Một khi tách biệt hai chiều kích kết hợp và sinh sản của giao hợp vợ chồng, thì các mặt trận khác ta đều thua cả.

Mặt khác, việc tái định nghĩa hôn nhân đã len lỏi vào học trình của một số trường Công Giáo Hoa Kỳ, vô tình coi loại gia đình có cha có mẹ kết hôn cũng chỉ là một trong các loại gia đình mà thôi. Đức TGM Gomez của Los Angeles kể thêm một yếu tố nữa trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ: ngài bảo cho tới năm 1970, tiếng nói của Giáo Hội không những được các tín hữu Công Giáo nghe theo mà cả người Thệ Phản và Do Thái Giáo cũng ủng hộ. Nay thì không còn như thế nữa. Giáo huấn của Giáo Hội không những bị chủ nghĩa duy tục chống đối mà cả các tín hữu cá thể nữa như chánh án Kennedy chẳng hạn cũng chống đối. Mặt khác, triết lý dẹp nhu cầu của con cái sang một bên, chỉ quan tâm tới nhu cầu người lớn cũng là nguyên nhân đưa tới “hôn nhân” đồng tính vì con cái đâu phải là điều thiết yếu.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Câu Cá
Nguyễn Đức Cung
20:46 03/09/2015
BẠN CÂU CÁ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Cò:
- Tạ ơn Thượng đế
ban cho tôm cá đầy ao đầy hồ.
Người:
- Cần cù ba bữa
Chúa thương hàng ngày.
Người/Cò:
- Amen.