Ngày 02-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Môn đệ theo Chúa triệt để
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:15 02/09/2022

MÔN ĐỆ THEO CHÚA TRIỆT ĐỂ

Chúa Giêsu khẳng định: Ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, cả mạng sống mình, và vác thập giá mình mà theo Chúa. Mới nghe đã thấy choáng rồi. Tại sao Chúa lại đòi hỏi các môn đệ theo Ngài triệt để như vậy? Bởi vì Chúa là trên nhất, và mất lại là được.

1. Chúa trên nhất. Gia đình nào cũng đặt bàn thờ Chúa cao hơn bàn thờ tổ tiên ông bà. Chúng ta thường đọc kinh: “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự.” Đặt là thế, đọc là vậy, nhưng trong đời sống, khi quyết định chọn lựa, chúng ta có thực sự đặt Chúa lên trên nhất không? Biết đâu chẳng có lúc chúng ta bỏ cả lễ Chúa Nhật để đi làm một việc, gặp 1 người, Chúa bị đặt xuống hàng dưới. Biết đâu, nhiều khi ta quyết định chọn lựa dựa theo trào lưu xã hội chứ không theo Lời Chúa hướng dẫn, Chúa bị đặt ra bên lề. Thế nên cần phải triệt để đặt Chúa trên nhất trong đời sống.

2. Mất lại được. Từ bỏ thường khiến chúng ta cảm thấy mất mát, nên khó từ bỏ. Tuy nhiên, tin mừng của cuộc đời là: Tình yêu giúp con người tự nguyện từ bỏ, và trong tình yêu, từ bỏ lại được. Khi yêu thích thứ gì thì người ta sẵn sàng từ bỏ những thứ khác để dồn sức say mê với thứ mình yêu thích: khi yêu kiến thức, người sinh viên sẽ từ bỏ những cuộc vui chơi để được sự nghiệp học hành. Trong tình yêu nam nữ, khi yêu say đắm người con gái, chàng trai sẽ rời bỏ cha mẹ, anh chị em, để được cưới nàng làm vợ, ở trọn đời bên nhau. Từ bỏ chứng tỏ yêu nhiều.

Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài đã từ bỏ trời cao xuống đất thấp ở với con người, Ngài đã từ bỏ cả mạng sống để cứu độ nhân loại. Thế nên, nếu chúng ta thực sự muốn làm môn đệ Chúa, thì tất nhiên phải từ bỏ cách triệt để vì say mê Chúa, để được Chúa làm gia nghiệp đời con. Amen.
 
Ngày 03/09: Chúa Giêsu và ngày Sabbath – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
07:23 02/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 02/09/2022

49. Chỉ cần yêu mến Thiên Chúa là nguyên nhân mà bằng lòng sống trong vũng khóc lóc (thế gian) này, thì tất cả mọi khuyết điểm, Thiên Chúa sẽ bù cho lại cho.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 02/09/2022
87. AI KHÔNG SỢ ĐAU

Một đám người cùng tập họp nhau lại thảo luận: trên thân thể con người chỗ nào không sợ lạnh và không sợ đau.

Một người nói:

- “Chỗ không sợ lạnh là cái mặt, bởi vì bất luận là mùa đông mùa hè, nó đều không mặc áo; chỗ sợ lạnh nhất là cái rắm, nó trốn ở trong trong cái bụng, đột nhiên đánh rắm rồi vội vàng xộc vào trong mũi”.

Người khác nói:

- “Không sợ đau nhất là cánh tay, bất luận ai dùng vật gì mà đánh, thì đầu tiên vẫn là cánh tay chận lại”.

Có người lập tức phản bác, nói:

- “Không, không phải, mặc dù cánh tay không sợ đau, nhưng nếu đánh quá mạnh thì cũng sưng bầm lên. Tôi thấy không sợ đau nhất chính là nước mắt nước mũi. Nếu không tin, anh càng đánh thì nó càng từ trong mắt trong mũi chảy ra đấy”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 87:

Thân thể con người chỗ nào cũng sợ đau và chỗ nào cũng sợ lạnh cả, nhưng nơi đau nhất và lạnh nhất chính là quả tim biết yêu thương.

Giáo Hội Công Giáo là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su mà Chúa Thánh Thần chính là quả tim và tất cả chúng ta –người Ki-tô hữu- là những chi thể của thân thể mầu nhiệm ấy, cho nên dù mình tự đánh mình hay người khác đánh mình thì Giáo Hội đều đau, mà nơi đau nhất lạnh nhất chính là quả tim –Chúa Thánh Thần- bởi vì chính Ngài là nguyên lý hợp nhất, bởi chính Ngài ban sự khôn ngoan và tài năng cho các chi thể, để nhờ đó mà các chi thể biết cách hổ tương cho nhau trong khi vui cũng như buồn.

Con người ta ai cũng có một quả tim biết đau: đau trong gia đình, đau ngoài xã hội và đau nơi đoàn thể cộng đồng của mình. Nhưng người không có đức tin giải quyết cái đau này bằng mắt đền mắt, răng đền răng, cho nên đau càng đau hơn, lạnh càng lạnh hơn...

- Tim biết đau biết lạnh là qủa tim yêu thương.

- Tim biết đau biết lạnh là quả tim biết tha thứ.

- Tim biết đau biết lạnh là tim biết xây dựng.

- Tim biết đau biết lạnh là quả tim biết cảm thông.

- Tim biết đau biết lạnh là quả tim nhớ khuyết điểm của mình mà quên khuyết điểm của tha nhân, nhớ ưu điểm của tha nhân và quên ưu điểm của mình...


Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, và chúng ta là những chi thể của thân thể mẩu nhiệm ấy, nên chúng ta cũng biết chia sẻ nổi đau và cái lạnh của Đức Chúa Giê-su trên thân thể Giáo Hội: Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 02/09/2022
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 14, 25-33.

“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”


Anh chị em thân mến,

Muốn làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải từ bỏ mọi sự, đó là một lựa chọn dứt khoát mà Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với những người muốn theo Ngài. “Từ bỏ những gì mình có” –theo quan niệm của giáo dân- thì chỉ có những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa mới từ bỏ mà thôi, còn giáo dân thì từ bỏ cũng tốt mà không từ bỏ thì cũng chẳng sao, phải vậy không?

Người phải từ bỏ những gì mình có trước hết chính là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, không phân biệt ai là người đi tu hoặc không đi tu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói câu này trong bối cảnh có rất đông người cùng đi đường với Ngài (Lc 14, 25) và “trong anh em bất luận là ai không từ bỏ hết những gì mình có…” (Lc 14, 33) chắc chắn trong số những người này vừa có các tông đồ vừa có những người hâm mộ lời của Ngài giảng dạy, cho nên không thể tách biệt người phải từ bỏ và người không từ bỏ ra hai bên.

1. Từ bỏ mọi sự những gì mình có.

Giáo dân hay linh mục, tu sĩ nam nữ đều có bổn phận từ bỏ mọi sự để vác thập giá đi theo Đức Chúa Giê-su, đó không còn là lời khuyên nữa nhưng là mệnh lệnh.

Từ bỏ và vác thập giá phải đi đôi với nhau, bởi vì khi từ bỏ là bạn và tôi phải hy sinh: từ bỏ ăn sung mặc sướng tức là hy sinh không hưởng thụ; từ bỏ của cải thế gian tức là hy sinh không bon chen kiếm tiền kiểu đầu tắt mặt tối, mà quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người Ki-tô hữu; từ bỏ thú vui do danh vọng đưa đến, tức là hy sinh sống như không có quyền lực danh vọng.

2. Tử bỏ là vác thập giá?

Có một vài linh mục địa phận (triều) nghĩ rằng: mình chỉ hứa vâng lời giám mục của mình mà thôi, còn sống khó nghèo là của các cha dòng (tu sĩ), do đó tuy không giàu có như những đại gia, nhưng các linh mục đa phần là có tiền bạc, rất ít các linh mục địa phận nghèo khó và sống nghèo, cho nên cái mà linh mục phải từ bỏ trước tiên chính là tiền bạc, để các ngài được thong dong rao giảng sự nghèo khó mà không bị chống đối, dĩ nhiên đó là cách giảng Lời Chúa hay nhất cho giáo dân trong thời đại ngày nay.

Cái mà các tu sĩ nam nữ phải từ bỏ chính là cái tôi kiêu ngạo của mình, bởi vì có một số các tu sĩ nam nữ -đôi lúc- coi giáo dân như là “công dân hạng thứ trong trong Giáo Hội”, nên có những thái độ và lời nói không mấy khiêm tốn với họ, và như thế việc truyền giáo sẽ không được thuận buồm xuôi gió…

Từ bỏ tức là vác thập giá, nếu các mục tử của Chúa biết vui với người vui và khóc với người khóc, thì đích thị mỗi vị mục tử là mỗi chứng nhân sáng chói nhất của Tin Mừng.

Còn chúng ta là những giáo dân thì từ bỏ những gì? Bởi vì giáo dân cũng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su cho nên chúng ta cũng phải từ bỏ những gì mà Ngài muốn chúng ta từ bỏ.

Từ bỏ cái tôi kiêu ngạo để khiêm tốn chấp nhận thói quen xấc láo của anh em, thì cũng là vác thập giá mình; từ bỏ thói quen phê bình người khác để nói lời thông cảm, là hy sinh để được người anh em; từ bỏ thói quen giận dữ với người khác, để hiền lành vác thập giá theo Đức Chúa Giê-su…

Anh chị em thân mến,

Đem cái áo mới mua, đem một số tiền bạc cho người khác thì dễ, nhưng đem cái mình quý nhất cho người khác thì rất khó, cái mình quý nhất là mạng sống, là cái tôi muốn hưởng thụ trong một xã hội dư thừa vật chất…

Từ bỏ mình cũng là đồng thời vác thập giá mình mà theo Đức Chúa Giê-su, nếu từ bỏ mà không muốn vác thập giá thì chưa trọn vẹn trở nên môn đệ của Ngài, cũng như chưa thật sự là anh em bạn hữu của mọi người…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hồn nhiên như Thiên thần
Lm. Minh Anh
21:44 02/09/2022

HỒN NHIÊN NHƯ THIÊN THẦN
“Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”.

William Davis nói, “Tính cách của bạn là những gì nói cho Chúa biết bạn là ai. Danh tiếng của bạn là những gì người ta nghĩ về bạn. Tốt nhất, đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu nói của Davis được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh rất dễ thương mà chúng ta thường bỏ lỡ cách đáng tiếc, đó là sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ. Luca ghi lại cách chơn chất, “Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”. Thật đơn sơ! Vậy mà thước phim ghi nhanh đó nói lên rất nhiều điều!

Các môn đệ quả là thanh thản và tự do! Họ tự do tận hưởng cuộc sống, vói tay hái những gié lúa để lót lòng thay cho một bữa lỡ, hầu có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tại sao họ thanh thản? Bởi họ đang ở với Chúa! Ngài là bảo đảm an sinh và sức mạnh tinh thần của họ, những con người sẽ làm bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào Thầy họ muốn; họ không câu nệ giờ giấc, ăn uống hay ngủ nghỉ. Các môn đệ không bị cuốn vào những quy tắc và tính toán của con người; họ chỉ tập trung vào Chúa Giêsu. Niềm tin nơi họ tăng lên khi họ biết Chúa Giêsu và tìm học những gì cần thiết để phụng sự Ngài; họ học cách quên mình vì tình yêu. Họ đi theo Ngài và sẽ đi đến bất cứ nơi đâu Ngài dẫn họ đến; họ không phân tâm bởi các chuẩn mực xã hội hoặc những gì người khác nghĩ. Các môn đệ đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’.

Tương phản với các môn đệ hào hiệp là các Pharisêu hẹp hòi. Các biệt phái mất tự do khi khoác cho mình nhiệm vụ bảo vệ luật, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”. Ôi! Đó không phải là nhiệm vụ mà là một nỗi sợ, sợ lỗi luật. Họ không được lôi kéo bởi tình yêu Thiên Chúa khi tự cho mình là đúng vốn được thúc đẩy bởi đố kỵ. Thật quái dị khi họ may dài tua áo, gắn nhiều thẻ kinh… cốt để rình rập Chúa Giêsu! Họ đã làm gì trên đồng lúa hửng chín? Dò thám, tìm điều gì đó để chỉ trích! Xem ra họ muốn kể công, “Chúng tôi không lên tiếng, thì ai đây?”. Bi thảm ở chỗ là ‘các nhà lãnh đạo tôn giáo’ này không có gì tốt hơn để làm, họ lãng phí cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu Chúa Giêsu, học biết Ngài, may ra hiểu hơn đôi chút lề luật mà họ rất yêu quý. Nơi họ, vắng bóng sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ!

Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói, “Đừng đi ra ngoài những gì đã viết!”. Không những không đi ra ngoài, Phaolô còn đi vào tận trong ý nghĩa, mục đích, của điều được viết. Điều quan trọng nhất được viết là gì nếu không phải là “Thiên Chúa và Chúa Kitô?”. Chính vì thế, Phaolô chấp nhận bị coi là điên dại, chịu khinh thị vì Chúa Kitô; ngài tâm sự cách ‘hồn nhiên như thiên thần’, “Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài”.

Anh Chị em,

Như vậy, để có thể ‘hồn nhiên như thiên thần’, các môn đệ, Phaolô và cả chúng ta không để cho lề luật điều khiển mình mà là Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô thu hút bạn và tôi, chúng ta mới thật sự nên tự do và trí lòng thanh thản. Các biệt phái không có Chúa Kitô nên cuộc sống họ bị vận hành bởi lề luật. Vì thế, họ nhìn người khác, xét đoán người khác trên luật; luật đã chi phối cuộc sống của họ, họ mất tự do! Trước những con người hãnh tiến đó, chúng ta học cách Chúa Giêsu xử thế! Ngài kiềm chế, nhẫn nhịn, và mời gọi một sự cảm thông từ phía những kẻ chống Ngài; Ngài khích lệ họ với sự tôn trọng, kèm theo một thách thức, ‘Các ông đã không đọc Cựu Ước sao?’. Ngài nói với họ những lời yêu thương, hy vọng, và ‘hồn nhiên như thiên thần’; nhẹ nhàng nhưng kiên quyết; thách đố nhưng thuyết phục. Ngài muốn gợi cho họ rằng, họ nên nhìn xa hơn lề luật, hướng về Đấng đặt ra lề luật, “Con Người làm chủ ngày Sabbat!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đơn giản hoá cuộc sống của con để con ‘hồn nhiên như thiên thần’; dạy con cách gỡ rối và giúp những ai đã phức tạp hoá cuộc sống của họ với bao lắng lo, sợ hãi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa là nhất, bỏ tất để theo
Lm. Nguyễn Xuân Trường
21:46 02/09/2022

Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ CHÚA LÀ NHẤT BỎ TẤT ĐỂ THEO



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại sao thánh lễ do Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lại kéo dài đến 3 giờ?
Đặng Tự Do
07:30 02/09/2022


Thánh Pio đã cử hành thánh lễ với cảm xúc tuyệt vời, cẩn thận thực hiện mọi khía cạnh của thánh lễ.

Việc cử hành Thánh lễ của Thánh Piô Năm Dấu Thánh là huyền thoại, như nhiều người đã nói thánh lễ có thể kéo dài đến ba giờ.

Tại sao thánh lễ của ngài lại kéo dài như vậy?

Đối với Thánh Piô Năm Dấu Thánh, việc cử hành Thánh lễ liên quan đến toàn bộ con người của ngài. Đó là điểm nhấn trong ngày và là nguồn sức mạnh của ngài.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh sẽ bắt đầu một ngày của mình lúc 3:30 sáng, dậy để bắt đầu chuẩn bị cho Thánh lễ, mà mãi đến 5:30 mới bắt đầu. Ngài dành thời gian này để suy gẫm và cầu nguyện, chuẩn bị tâm hồn cho Thánh lễ.

Khi đến lúc Thánh Piô Năm Dấu Thánh cử hành thánh lễ, ngài sẽ trở nên rất xúc động, với đầy đủ kiến thức về những gì ngài đang làm.

Theo cuốn sách Padre Pio: The True Story, Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã có thể đi vào cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô mỗi khi ngài cử hành Thánh lễ.

Ngài tin rằng mình được trực tiếp hồi tưởng lại Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã phải chịu trong cuộc Khổ nạn của Người, thì tôi cũng phải chịu một cách tương xứng, chừng nào có thể cho một con người. Và tất cả điều này xảy ra bất kể sự không xứng đáng của tôi, mà chỉ nhờ vào lòng thương xót của Chúa.”

Với ý nghĩ này, không có gì ngạc nhiên khi Thánh Piô Năm Dấu Thánh rất xúc động trong Thánh lễ, thường khóc thành tiếng, như nhiều người đã được tận mắt chứng kiến.

Tại bàn thờ, Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã được biến hình. Khuôn mặt ngài tái nhợt, rạng rỡ, và đôi khi đẫm nước mắt. Có một cường độ trong lòng nhiệt thành của ngài; có những cơn co thắt đau đớn của cơ thể... Mọi điều về ngài cho chúng ta biết ngài đang sống Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô mãnh liệt như thế nào. Người ta có ấn tượng rằng không gian và thời gian đã bị hủy bỏ giữa bàn thờ đó và đồi Canvê.

Hơn nữa, một lý do khác đằng sau độ dài của Thánh lễ của Pio là sự chú ý của ngài đến từng chi tiết trong thánh lễ.

Cha Giovanni của giáo phận Baggio nhận xét: “Ngài dường như đang suy ngẫm về từng lời nói, và được thực hiện bởi chính ngài bằng mọi hành động của nghi thức. Ngài đọc với cảm xúc, với một giọng trầm và gần như mệt mỏi, không vội vàng, phát âm rõ ràng từng từ.

Việc thánh hiến bánh và rượu là cao điểm của Thánh lễ do Thánh Piô Năm Dấu Thánh cử hành, và “Cha Clement Naef lưu ý rằng dường như Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã dành mười đến mười lăm phút để tôn thờ bánh và rượu đã được thánh hiến.”

Sau này, Thánh Thánh Piô Năm Dấu Thánh không thể cử hành Thánh lễ dài như vậy, và thánh lễ của ngài chỉ kéo dài khoảng một giờ.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh lễ còn hơn cả những gì mắt thường có thể nhìn thấy và có ý nghĩa đưa chúng ta đến đồi Canvê, nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Source:Aleteia
 
Cộng hòa Tiệp: rung chuông ở Prague để tưởng nhớ 9.000 quả chuông bị trưng dụng và nấu chảy trong Thế chiến thứ hai
Đặng Tự Do
07:31 02/09/2022


Kể từ hôm Chúa Nhật 28 tháng 8, thủ đô Prague đã tổ chức lễ tưởng niệm 9.801 quả chuông đã bị phát xít Đức chiếm giữ và nấu chảy thành vũ khí ở Bohemia và Moravia trong Thế chiến thứ hai. Như Đài phát thanh Praha đã đưa tin, chiếc chuông kỷ niệm được sản xuất tại Xưởng đúc chuông Grassmayr lịch sử ở Innsbruck và nặng 9.801 kg. Dự án “# 9801” được khởi xướng bởi Hiệp hội Sanctus Castulus, trong những năm gần đây đã mang lại sức sống mới cho một số nhà thờ ở Prague thông qua các can thiệp trùng tu và cải tạo.

Theo Hiệp hội Sanctus Castulus, 90% chuông nhà thờ và tháp ở những nơi công cộng đã bị quân đội Đức đánh cắp và cướp bóc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lệnh trưng dụng được công bố vào ngày 26 tháng 11 năm 1941 và những chiếc chuông được thu thập trong mùa hè năm 1942 để đưa đến Đức nấu chảy.

Quả chuông kỷ niệm vừa được khánh thành sẽ được trưng bày đến cuối tháng 9 trên bờ sông Smetana, ở trung tâm thành phố, nơi quả chuông đầu tiên được chuyển đến Đức cách đây 80 năm. Sau đó, vào năm 2024, nó sẽ được chuyển đến một địa điểm khác trên sông Vltava gần Cầu Charles nổi tiếng, và sẽ được rung vào những dịp đặc biệt. Chuông đổ chuông với âm F0 đặc biệt thấp và mang dòng chữ “Hòa bình tại thế” được chọn trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Tiếng chuông “nhắc nhở chúng ta về sự mất mát văn hóa này” và, những người quảng bá cho biết, “hàng ngàn giọng nói im lặng được thay thế bằng tiếng chuông sống động và mạnh mẽ”. Từ xa xưa, chuông luôn đóng một vai trò xã hội: “Chúng tôi tin rằng tiếng chuông # 9801 sẽ giúp mọi người không quên những gì đã gắn kết chúng ta và không đầu hàng”, Hiệp hội Sanctus Castulus nhận xét.
Source:SIR
 
Nhật ký trừ tà số 204: Quỷ vương Baphomet đe doạ nhà trừ tà
Đặng Tự Do
07:32 02/09/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #204: Baphomet Threatens Exorcist”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 204: Quỷ vương Baphomet đe doạ nhà trừ tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Baphomet, một con quỷ cấp cao, là kẻ chiếm hữu hàng đầu trong một trường hợp đặc biệt khó chịu. Người phụ nữ trẻ đau khổ thường xuyên bị ma quỷ hành hung và thao túng. Các buổi trừ tà diễn ra căng thẳng và đầy những tiếng chửi thề, la hét, gầm gừ, cử chỉ dâm dục và nôn mửa.

Vào cuối buổi trừ tà gần đây nhất, người phụ nữ trẻ đã trở lại chính mình sau khi ở trong trạng thái yêu quái hoạt động trong gần một giờ. Nhà trừ tà hỏi, như ngài thường làm vào cuối mỗi phiên trừ tà, “Con có khỏe không? Điều gì đã xảy ra trong phiên trừ tà? “ Cô ấy nói với Nhà trừ tà, “Baphomet giận cha. Nó nói rằng tối nay nó sẽ đón cha vào lúc nửa đêm tối nay.”

Đây không phải là lần đầu tiên những con quỷ đe dọa một người trong chúng tôi. Đôi khi họ sẽ nói thẳng với Nhà trừ tà khi nào họ sẽ tấn công và những lúc khác thì nó nói thông qua những người bị quỷ ám đang được trừ tà. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi là khi chúng nói rằng chúng sẽ tấn công các linh mục, chúng thực sự sẽ làm như vậy. Đó không phải là một thứ hù doạ. Tuy nhiên, Kẻ ác không được phép làm bất cứ điều gì hơn Chúa cho phép và Ngài luôn ban cho những ân sủng để vượt qua bất kỳ sự tấn công nào của ma quỷ.

“Biết trước nguy hiểm là một lợi thế.” Vài giờ trước nửa đêm, một linh mục trừ quỷ khác đã vui lòng cầu một số lời cầu nguyện giải cứu cho vị linh mục. Điều này có tác dụng làm giảm bớt phần nào cuộc tấn công sắp tới. Sau đó, ngài dâng mình cho Đức Trinh Nữ xin Đức Mẹ bảo vệ, tưới nước thánh quanh phòng và đi ngủ.

Khoảng nửa đêm, Nhà trừ tà bị đánh thức bởi một cơn kích động dữ dội và những cám dỗ. Sau đó là những cảm giác hoàn toàn tăm tối. Nhận ra nguồn gốc của những cuộc tấn công tinh thần mạnh mẽ này, Nhà trừ tà sau đó đã nói to ba lần: “Tôi dâng những tấn kích này để giải phóng người đau khổ.”

Ngay lập tức, các cuộc tấn công giảm bớt cường độ. Sự dâng hiến này này không chỉ giúp ích cho người đau khổ, mà nó còn gây ấn tượng với những con quỷ, một lần nữa, rằng tất cả những nỗ lực của chúng đều tự chuốc lấy thất bại. Mọi việc chúng làm cuối cùng đều làm rạng danh Thiên Chúa và thêm các linh hồn vào Nước Thiên Chúa.

Các cuộc tấn công đã không tan biến hoàn toàn cho đến khi một vài giờ trôi qua. Sau đó, vị linh mục trở lại giường và ngủ ngon lành, một lần nữa cảm nghiệm được quyền năng vượt trội của Chúa Kitô và sự đánh bại Sa-tan của Ngài.

Sợ hãi Satan và tay sai của hắn chỉ tiếp thêm sức mạnh cho ma quỷ. Đức tin không chỉ đơn giản là thừa nhận rằng Thiên Chúa tồn tại. Đức tin ngụ ý tin tưởng vào Thiên Chúa và vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phó thác hoàn toàn vào tay Chúa.

Sẽ không có linh mục nào sống sót lâu trong cuộc chiến tinh thần đôi khi dữ dội mà không có sự phó dâng cá nhân trong tay Chúa như vậy.
Source:Catholic Exorcism
 
Báo cáo của Liên Hợp Quốc về người Duy Ngô Nhĩ đã được phát hành, Trung Quốc cực lực phản đối.
Trần Mạnh Trác
11:20 02/09/2022


(Tổng hợp) Một báo cáo cuả Liên Hợp Quốc phát hành ngày 31 tháng 8 năm 2022 kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm "tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người" đối với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur,) một dân tộc thiểu số Hồi giáo ở miền Tây Tân Cương.

Nhưng báo cáo đã không đi xa tới việc mô tả đó là một tội diệt chủng.

Kịch tính cuả việc phát hành.

Bản báo cáo đáng lẽ phải phát hành từ 4 năm qua, nhưng dưới sức ép cuả Trung Quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc là bà Michelle Bachelet đã chần chờ mãi.

Bà Bachelet cho biết đã phải chống lại áp lực cuả cả việc công bố và không công bố. Vào tháng 6, bà thông báo rằng báo cáo sẽ được công bố vào cuối nhiệm kỳ 4 năm của mình vào ngày 31 tháng 8, gây ra một sự bùng nổ trong các chiến dịch 'đi đêm' của cả hai bên về vấn đề này.

Bà Bachelet đổ lỗi cho việc "chính trị hóa" vấn đề của một số quốc gia, nói rằng nó khiến "sự tham gia trở nên khó khăn hơn và... việc xây dựng lòng tin cũng như khả năng thực sự có tác động trên mặt đất trở nên khó khăn hơn".

Bà Bachelet bảo vệ sự trì hoãn, cho rằng việc bà tìm kiếm đối thoại với Bắc Kinh về bản báo cáo không có nghĩa là bà "nhắm mắt làm ngơ" trước nội dung của nó. Nhưng Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đó là "không thể bào chữa".

Cuối cùng, báo cáo đã được công bố chỉ 13 phút trước khi kết thúc nhiệm kỳ của bà.

Các nhà phê bình cho rằng sự việc trên là một vết đen rõ ràng trong sự nghiệp chính trị của bà.

Nội dung

Báo cáo bao gồm lời khai của 40 người nói rằng họ đã bị giam giữ tùy tiện và chịu các hình thức tra tấn và sỉ nhục khác nhau, bao gồm cả việc hiếp dâm.

“Các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được thực hiện trong khu Tự Trị Tân Cương (XUAR, Xinjiang Uygur Autonomous Region) trong bối cảnh Chính phủ áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống cực đoan”, theo lời cuả bản bá cáo.

“Việc thực hiện các chiến lược này và các chính sách liên quan trong nội bộ khu XUAR đã dẫn đến nhiều mô hình chồng chéo lên nhau, gây ra các hạn chế nghiêm trọng và quá mức đối với một loạt các quyền cuả con người. Các hạn chế này đặc trưng là phân biệt đối xử, vì các hành vi cơ bản thường ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo”.

Ít nhất kể từ năm 2017, ước tính lên tới 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong hàng trăm “trại cải tạo”.

Bên trong các trại, người Duy Ngô Nhĩ được cho là phải chịu nhiều hình thức tra tấn - chẳng hạn như bị đánh đập khi thẩm vấn, bị biệt giam, bỏ đói, mất ngủ và tuyên truyền chính trị.

Bên ngoài các trại, người Duy Ngô Nhĩ bị theo dõi bởi lực lượng cảnh sát đông đảo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Nhắc lại trước đây, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các hình thức nô lệ đương đại đã xác định hai phương pháp cưỡng bức lao động ở Tân Cương, một trong số đó là hệ thống giam giữ người thiểu số và buộc họ phải làm việc, trong khi hệ thống kia chuyển lao động nông thôn sang các hình thức có tay nghề thấp, được trả lương thấp.

Trong khi đó chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các chương trình ấy cung cấp cơ hội làm việc cho người thiểu số. Nhưng báo cáo cho thấy rằng “các chỉ số về lao động cưỡng bức chỉ ra bản chất không tự nguyện của các cộng đồng bị ảnh hưởng và đã xuất hiện trong nhiều trường hợp”.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã kết hợp văn hóa và các hoạt động tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Chính phủ đã có lúc phủ nhận các trại tập trung này là không tồn tại nhưng sau đó đã chuyển sang bảo vệ hành động của mình như là một phản ứng hợp lý đối với mối đe dọa về an ninh quốc gia.

Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng bao gồm cáo buộc ép buộc phải lắp các thiết bị tránh thai và thậm chí triệt sản hoàn toàn, theo cáo buộc từ một số phụ nữ.

Theo lời một cựu nhân viên bệnh viện trong khu vực, các bệnh viện đã phá thai muộn hơn đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và giết những đứa trẻ sơ sinh Duy Ngô Nhĩ để thực thi chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc. Do đó tỷ lệ sinh sản cuả người Uyghur, từng là cao nhất nước, đã chứng kiến ​​mức sinh bị giảm mạnh trong những năm gần đây.

Trong báo cáo gần đây nhất, bà Bachelet viết rằng một số phụ nữ được phỏng vấn đã đưa ra cáo buộc về việc kiểm soát sinh sản cưỡng bức, đặc biệt là đặt vòng tránh thai cưỡng bức và khả năng triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Kazakhstan. Một số phụ nữ nói về nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc bao gồm “đi học tập” hoặc “bỏ tù” vì vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình; một số phụ nữ cho biết họ buộc phải phá thai hoặc buộc phải đặt vòng tránh thai sau khi đã đạt đủ số con theo chính sách kế hoạch hóa gia đình.

“Các lời khai đầu tay này, mặc dù số lượng hạn chế, nhưng được coi là đáng tin cậy,” báo cáo nêu rõ.

Báo cáo kết luận rằng “khái niệm của Trung Quốc về chủ nghĩa cực đoan vừa mơ hồ, trải rộng và mở (cho các áp dụng mới)”, cộng thêm vào là việc thiếu các biện pháp bảo vệ cho người dân Tân Cương, đã “trên thực tế dẫn đến việc tước đoạt quyền tự do trên quy mô lớn của các thành viên Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo ở XUAR. ”

“Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm chủ yếu là người Hồi giáo, theo luật và chính sách, trong bối cảnh các quyền cơ bản cuả cá nhân và tập thể bị hạn chế và tước bỏ, có thể cấu thành tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người ”.

Phản ứng cuả Trung quốc

Bắc Kinh gọi đây là "trò hề" do các cường quốc phương Tây dàn xếp. Bắc Kinh bác bỏ kết quả điều tra, với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói với các phóng viên rằng "cái gọi là đề xuất được ghép lại với nhau dựa trên thông tin sai lệch để phục vụ các mục tiêu chính trị".

Ông Vương Văn Bân cũng tố cáo báo cáo là "hoàn toàn không hợp lệ và là một công cụ chính trị phục vụ Mỹ và một số lực lượng phương Tây", chỉ trích rằng việc chỉ dựa trên lời khai của 40 người được phỏng vấn, nói rằng một con số nhỏ như vậy là "không đủ làm mẫu để đi đến một kết luận nghiêm trọng chống lại một quốc gia về vấn đề nhân quyền. "

Phái đoàn của họ tại hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, hôm thứ Năm cũng bác bỏ những phát hiện của báo cáo mà họ cho là "bôi nhọ và vu khống Trung Quốc" và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng các hành động của họ ở Tân Cương là phản ứng đối với chủ nghĩa khủng bố trong khu vực và họ đang mang lại cơ hội làm việc cho các dân tộc thiểu số.

Phản ứng cuả Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã chính thức coi các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng vào tháng 1 năm 2021. Và vào tháng 6 năm 2022, Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ có hiệu lực, cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương trừ khi có thể chứng minh rõ ràng rằng chúng đã được sản xuất mà không sử dụng lao động cưỡng bức.

Các quan chức Hoa Kỳ hoan nghênh bản báo cáo. Ủy ban Quốc hội-Hành pháp về Trung Quốc (CECC) đưa ra một tuyên bố gọi bản báo cáo là “(một kết luận) tồi tệ” là “một buộc tội sâu sắc về các vụ lạm dụng nghiêm trọng thực hiện trong khu vực, bao gồm tra tấn, bạo lực tình dục, các chính sách cưỡng chế kiểm soát dân số, lao động cưỡng bức, và gia đình ly tán. "

“Kết luận rằng việc bắt giữ tùy tiện hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và những người khác có thể đã phạm tội ác chống lại loài người chứng thực những gì mà những người ủng hộ nhân quyền và các thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hải ngoại đã ghi nhận trong nhiều năm. Làm như vậy, báo cáo gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, phải hành động ngay để đảm bảo trách nhiệm giải trình cho những tội ác tàn bạo do các quan chức Trung Quốc gây ra trong XUAR ”, theo lời cuả Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (D-OR) và dân biểu James McGovern viết. (D-MA), là Chủ tịch và phó Chủ tịch của CECC.

CECC cũng kêu gọi các quốc gia hạn chế việc hồi hương người Duy Ngô Nhĩ và thay vào đó cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho họ, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác đưa ra những đạo luật riêng cuả mình về việc ngăn chặn lao động cưỡng bức đối với người Uyghur.

Phản ứng quốc tế

Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã lên án các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, với hai Hồng Y người châu Á và 74 nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 8 năm 2020 gọi việc chính phủ Trung Quốc đối xử với người Uyghurs là “một trong những thảm kịch nhân loại nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Holocaust”.

Có khoảng 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo, sống ở Tân Cương. LHQ cho biết các thành viên không theo đạo Hồi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong báo cáo.

Ngoại trưởng Anh bà Liz Truss, người đi đầu trong cuộc tranh cử thay thế ông Boris Johnson làm thủ tướng, lưu ý rằng bản báo cáo “bao gồm những bằng chứng đau buồn, những lời kể trực tiếp từ các nạn nhân, khiến Trung Quốc phải xấu hổ trong mắt cộng đồng quốc tế. ”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết báo cáo này đặt nền tảng vững chắc cho các hành động tiếp theo của Liên hợp quốc nhằm thiết lập trách nhiệm giải trình cho các vụ lạm dụng. Theo lời ông John Fisher, phó giám đốc vận động toàn cầu của Tổ chức cho biết: “Chưa bao giờ LHQ đứng lên chống lại Bắc Kinh và đứng cùng các nạn nhân lại quan trọng đến thế đối với tở chức LHQ."

Bà Rahima Mahmut, giám đốc Vương quốc Anh của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (Uyghur Omer Kanat), cho biết bà cảm thấy nhẹ nhõm khi báo cáo cuối cùng đã được công bố - nhưng không hy vọng nó sẽ thay đổi hành vi của chính phủ Trung Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng “không còn việc kinh doanh như thường lệ."

Giám đốc Điều hành cuả Uyghur Omer Kanat cho biết thêm: “Bất chấp những lời từ chối kiên quyết của chính phủ Trung Quốc, LHQ hiện đã chính thức công nhận rằng những tội ác kinh hoàng đang xảy ra”.

Các nhà hoạt động vì quyền của người Duy Ngô Nhĩ đang kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra và yêu cầu các doanh nghiệp trên khắp thế giới cắt đứt mọi quan hệ với bất kỳ ai tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý người Uyghur.

Ông Tom Tugendhat, một nghị sĩ và là chủ tịch ủy ban lựa chọn các vấn đề đối ngoại của Vương quốc Anh, cho biết những phát hiện của báo cáo thể hiện một "cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng" và bác bỏ lập luận của Bắc Kinh rằng những cáo buộc này đang kích động tình cảm chống Trung Quốc.

Chính phủ Đức kêu gọi trả tự do cho tất cả những người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tùy tiện.

Hậu quả tiếp theo.

Tuy nhiên, không có nhiều áp lực từ bên trong Trung Quốc: vấn đề vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã là một chủ đề cấm kỵ và bị kiểm duyệt gắt gao - cho đến chiều thứ Năm, báo cáo của Liên Hợp Quốc vẫn chưa được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông chính thống hoặc mạng xã hội của Trung Quốc.

Không có gì trong báo cáo của Liên hợp quốc là ràng buộc pháp lý; (CNN đưa tin,) ngay cả khi đa số các quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bỏ phiếu để thành lập một cuộc điều tra chính thức, thì vẫn không có cơ chế nào buộc Trung Quốc phải tuân thủ.
 
Đụng độ nổ ra sau khi giáo sĩ Hồi Giáo dòng Shiite ở Iraq từ chức, 15 người chết
Đặng Tự Do
17:12 02/09/2022


Một giáo sĩ dòng Shiite có ảnh hưởng đã tuyên bố hôm thứ Hai rằng ông sẽ từ chức khỏi chính trường Iraq, khiến hàng trăm tín hữu của ông tức giận xông vào cung điện chính phủ và gây ra các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Ít nhất 15 người biểu tình đã thiệt mạng.

Những người biểu tình trung thành với giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã dùng dây thừng kéo hàng rào xi măng bên ngoài cung điện và phá vỡ cổng cung điện. Nhiều người đổ xô vào các salon xa hoa và đại sảnh lát đá cẩm thạch của cung điện, nơi gặp gỡ quan trọng của các nguyên thủ Iraq và các chức sắc nước ngoài.

Quân đội Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và thủ tướng đã đình chỉ các phiên họp của Nội các để đối phó với bạo lực. Các quan chức y tế cho biết hàng chục người biểu tình đã bị thương do trúng đạn và hơi cay và các cuộc đánh xáp lá cà với cảnh sát chống bạo động.

Khi màn đêm buông xuống, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã đụng độ với nhóm an ninh Lực lượng Huy động Bình dân, gọi tắt là PMF. Một lực lượng nhỏ từ sư đoàn đặc nhiệm và sư đoàn 9 của quân đội Iraq cũng tham gia để ngăn chặn các chiến binh khi các cuộc đụng độ tiếp tục kéo dài nhiều giờ bên trong Vùng Xanh, nơi đặt các tòa nhà của chính phủ Iraq.

Ít nhất một binh sĩ thuộc sư đoàn lực lượng đặc biệt, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trong Khu vực Xanh, đã thiệt mạng. Nhiều người khác, bao gồm một phụ nữ dân sự, bị thương. Một số loạt đạn súng cối đã được nghe thấy.

Tiếng súng máy nổ vang khắp trung tâm Baghdad.

PMF là một nhóm vũ trang bao gồm các nhóm bán quân sự được nhà nước công nhận. Đó là những nhóm quyền lực nhất liên kết với các đối thủ của al-Sadr trong phe chính trị do Iran hậu thuẫn.

Các quan chức an ninh cho biết súng cối và súng phóng lựu đạn đã được sử dụng trong các cuộc đụng độ. Đây là đỉnh điểm của sự bế tắc chính trị khó giải quyết giữa các phe đối địch.

Chính phủ Iraq rơi vào bế tắc kể từ khi đảng của ông al-Sadr giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 nhưng không đủ để bảo đảm một chính phủ đa số. Việc ông từ chối đàm phán với các đối thủ người Shiite được Iran hậu thuẫn và sau đó rút lui khỏi các cuộc đàm phán đã đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn và biến động chính trị trong bối cảnh tranh cãi trong nội bộ người Shiite ngày càng gia tăng.

Phần lớn dân số Hồi giáo của Iraq được chia thành hai giáo phái, người Shiite và người Sunni. Dưới thời Saddam Hussein, người Shiite bị đàn áp cho đến khi cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đảo ngược trật tự chính trị. Bây giờ người Shiite đang chiến đấu với nhau, với sự tranh chấp xoay quanh quyền lực và tài nguyên nhà nước. Cuộc chiến còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Đức Hồng Y Louis Sako của Iraq âu lo rằng trong bối cảnh bất ổn kéo dài, có lẽ các Kitô Hữu sẽ sớm biến mất khỏi Iraq.

Để nâng cao lợi ích chính trị của mình, al-Sadr đã kết hợp tài hùng biện của mình với chủ nghĩa dân tộc và chương trình cải cách, gây tiếng vang mạnh mẽ trong số những người ủng hộ rộng rãi, những người thuộc các thành phần xã hội nghèo nhất của Iraq và đã từng bị loại khỏi hệ thống chính trị.

Nhiều người đầu tiên là tín hữu của cha ông, một nhân vật được tôn kính trong đạo Hồi Shiite. Họ đang kêu gọi giải tán quốc hội và bầu cử sớm mà không có sự tham gia của các nhóm Shiite do Iran hậu thuẫn, những nhóm mà họ coi là chịu trách nhiệm về hiện trạng chia rẽ hiện nay.

Trong các cuộc đụng độ hôm thứ Hai, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã tập trung tại Quảng trường Tahrir của thủ đô để “bảo vệ” những người biểu tình, một trong những chỉ huy của lực lượng này cho biết.
Source:AP
 
Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga hoãn vô thời hạn do căng thẳng sâu sắc trong nội bộ
Đặng Tự Do
17:13 02/09/2022


Hôm 25 tháng 8, trong một tuyên bố chưa từng có Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga cho biết sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc họp.

Tuyên bố viết: “Vì tình hình quốc tế tiếp tục ngăn cản nhiều thành viên của các Hội đồng Giám mục đến Mạc Tư Khoa, nên các cuộc họp đã bị hoãn lại cho đến một ngày sẽ được xác định sau”.

Tuyên bố nói thêm rằng một cuộc họp ban thường trực vào tháng 12 có thể sẽ xác định lại vấn đề này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 17 tháng 4, Thượng Hội đồng cũng đã quyết định hoãn Hội đồng Giám mục cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm nay vì tình hình quốc tế.

Lý do các thành viên ở các nước khác không thể đến Mạc Tư Khoa, nếu là đúng, cho thấy Nga đang bị cô lập như thế nào trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các nguồn tin thông thạo cho rằng lý do chính trong việc hoãn vô thời hạn là đã có những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Chính Thống Giáo Nga. Một số các Giám Mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang có ý muốn “phong thánh” cho Daria Dugina, một phụ nữ quá khích hô hào chiến tranh xâm lược Ba Lan và Ukraine, và đã qua đời trong một vụ đặt bom làm nổ tung chiếc xe hơi cô đang lái. Putin ca ngợi Daria Dugina như một hình mẫu người Nga yêu nước nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Kirill ca ngợi cô ta như một hình mẫu tín hữu Chính Thống Giáo, mặc dù khi sống cô ta hô hào chống lại các giá trị cốt lõi của Kitô Giáo như yêu thương và xem mọi người là bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa.
Source:Inter Fax
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô: Làm thế nào chúng ta lại có thể chúc phúc cho cuộc chiến này, như Kirill đã làm?
Đặng Tự Do
17:14 02/09/2022


Thượng phụ Đại kết Bartholomew một lần nữa bày tỏ sự lên án cuộc chiến bắt đầu từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị của những người trẻ Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ do Tòa Thượng phụ Đại kết tổ chức vào đầu tháng 9, Đức Thượng phụ nói rằng “Tôi đã bày tỏ lập trường của Tòa Thượng phụ Đại kết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đau thương này. Tôi đã nói rằng điều đó là không chính đáng và không thể chấp nhận được “.

Ngài tiếp tục: “Đáng buồn thay, Thượng phụ Mạc Tư Khoa nói rằng đó là một cuộc thánh chiến và cố gắng biện minh cho nó và giải thích nó bằng các thuật ngữ tâm linh và tôn giáo”.

“Nhưng tôi đã tự mình sửa sai ngài và nói rằng đó không phải là một cuộc thánh chiến mà là một cuộc chiến ma quỷ và ác độc. Khi hàng ngàn tân binh của cả hai bên bị giết, và không chỉ binh lính mà còn cả dân thường, làm sao chúng ta có thể dùng hai tay để chúc phúc cho cuộc chiến này, như Thượng Phụ của Mạc Tư Khoa đã làm?”

Ngài cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể chọn một cách khác để giải quyết các vấn đề của mình với Ukraine mà nước này có biên giới. “Putin đã chọn cách tồi tệ nhất. Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc sớm hơn, và muốn các cường quốc phương Tây giúp thuyết phục Nga”.

Mở đầu bài phát biểu của mình, đề cập đến đại hội, Thượng phụ Đại kết tuyên bố rằng Tòa Thượng phụ Đại kết, với tư cách là Giáo hội Mẹ, luôn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến giới trẻ.

“Chúng tôi có người Nga, người Ukraine, người Gagauzia, người Gruzia, người Rumani, v.v. và tất cả chúng tôi đều vây quanh họ với tình cảm như nhau mà không phân biệt đối xử ủng hộ người này hay người kia. Tất cả họ đều là con cái của Tòa Thượng Phụ chừng nào họ còn sống ở đây, ở Thổ Nhĩ Kỳ này”.

Ngài nhấn mạnh rằng “theo luật chính thống của Giáo hội Chính thống, không Giáo hội nào khác có quyền tài phán đối với Chính thống giáo sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ Tòa Thượng phụ Đại kết, là Giáo hội địa phương. Cả Tòa Thượng phụ Nga, Tòa Thượng phụ Rumani, hay Tòa Thượng phụ Bulgaria. Không có Giáo Hội nào có thẩm quyền. Tất cả những người trẻ này, những người sẽ tập trung vào thứ Tư tới tại khách sạn để dự hội nghị, tất cả đều là những đứa con tinh thần của Tòa Thượng Phụ Đại kết.”

Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng “chúng tôi muốn thể hiện tình yêu và tình cảm của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, sự quan tâm của Giáo Hội đối với các thành viên của xã hội, những người trong các lãnh vực cuộc sống. Và rằng họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Đại kết, bất kể nguồn gốc quốc gia của họ. Và Tòa Thượng Phụ có quyền và có bổn phận đáp ứng nhu cầu tôn giáo và tâm linh của họ”.

Các ngôn ngữ của hội nghị là tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Nga.
Source:Orthodox Times
 
Hội nghị thượng đỉnh các nghệ sĩ tài tử thế giới ở Vatican trong tuần này
Vũ Văn An
20:12 02/09/2022

Theo Cerith Gardiner của Aleteia, ngày 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi với một số tên tuổi lớn trong ngành giải trí để “suy nghĩ về cách phát triển các dự án có tác động cao có thể biến đổi tích cực nền văn hóa”.



Nhân dịp này, Đức Phanxicô tuyên bố "Cái đẹp làm lành, sắc đẹp chữa lành!" với các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế tập trung tại Vatican.

Hẳn là một cảnh tượng khá bất thường ở Vatican khi thấy một số gương mặt quen thuộc nhất của kỹ nghệ điện ảnh và âm nhạc. Mặc dù không phải tất cả những người tham gia đều là người Công Giáo, nhưng mục đích của cuộc họp là mở ra một cuộc thảo luận về cách “tận dụng nghệ thuật, phương tiện truyền thông và giải trí để kích hoạt sự biến đổi văn hóa nhằm cổ vũ công ích, các giá trị phổ quát và sự gặp gỡ giữa mọi người”.

Trong một cuộc họp kéo dài hai giờ tại Casina Pio IV, trụ sở của Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học, trong Vườn Vatican, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở những người tụ tập của thế giới giải trí: “Các bạn là những người rao giảng cái đẹp”.

Đức Phanxicô tiếp tục giải thích tầm quan trọng của nghệ thuật vì nó “lôi kéo chúng ta đến một con đường” và dọc theo con đường khám phá này, chúng ta hoàn toàn nhận thức được rằng “có ai đó đang chờ đợi mình”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở những người tham gia rằng chúng ta phải thể hiện “sự tôn trọng con người, đối với con đường mà họ đang đi.”

Các nghệ sĩ đã chia sẻ cam kết của họ đối với hội nghị thượng đỉnh, một cam kết đã phát triển trong họ trong tuần ở Ý. Nhờ phạm vi rộng lớn và tầm ảnh hưởng của thế giới giải trí và nghệ thuật, bất cứ thay đổi hoặc dự án tích cực nào phát xuất từ hội nghị thượng đỉnh này đều có thể truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Như Đức Thánh Cha đã chỉ ra, nghệ thuật “mở ra những cánh cửa, làm xúc động các cõi lòng và giúp tiến về phía trước”.

Mặc dù qúy vị có thể biết một số nghệ sĩ đã ngồi cùng Đức Phanxicô, nhưng dưới đây là một số thông tin chi tiết hơn về họ và lý do tại sao họ có thể được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh, do Vitae Global Foundation phát động.

Jonathan Roumie

Roumie đã tạo dựng được tên tuổi khi đóng vai Chúa Giêsu trong loạt phim The Chosen tuyệt vời do đám đông tài trợ. Điều thú vị là nam diễn viên người Mỹ có cha là người Ai Cập và mẹ là người Ái Nhĩ Lan và thực sự đã được rửa tội trong Giáo Hội Chính thống Hy Lạp, nhưng anh đã gia nhập Công Giáo sau khi rời thành phố New York.

Roumie đang hoạt động tích cực trong Giáo hội và không chỉ là một thừa tác viên Thánh thể, mà còn là phó chủ tịch của hai hội đồng: Hiệp hội Truyền thông Công Giáo và Công ty Kịch nghệ G.K. Chesterton.

Marcus Mumford

Những người hâm mộ Mumford & Sons sẽ đánh giá cao những giai điệu rock dân gian tuyệt đẹp của Marcus Mumford. Cha mẹ của ca sĩ có hồn này là những nhà lãnh đạo quốc tế của các Nhà thờ Vineyard, một loại hình Kitô giáo Tin lành tân đặc sủng (phần nào giữa Tin lành và Ngũ tuần).

Anh kết hôn với người yêu thời thơ ấu của mình, diễn viên Carey Mulligan, và cặp vợ chồng này có với nhau hai mặt con.

Patricia Heaton

Nữ diễn viên nổi tiếng và mẹ của 4 cậu con trai là một người Công Giáo sùng đạo có chị gái là một nữ tu dòng Đa Minh. Bà rất cởi mở về quá khứ của mình và nỗi đau mà bà cảm thấy khi cuộc hôn nhân đầu tiên của bà thất bại, trên thực tế, điều này đã đưa bà đến một “vùng hoang dã Thệ phản”, và sau đó đã trở lại vòng tay của Giáo Hội Công Giáo.

Có lẽ lý do khiến bà được người hâm mộ yêu mến chính là sự trung thực của bà. Qua tính hài hước, bà đề cập đến những thử thách và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời đứng dậy giải quyết những vấn đề gần gũi với trái tim và đức tin của bà.

David Oweloyo

Bạn có thể không quen với cái tên này, nhưng nam diễn viên người Anh này đã đóng một số vai đoạt giải thưởng trong các bộ phim như Selma, The Butler, The Help, Lincoln và Jack Reacher.

Oweloyo đến Vatican cùng vợ, Jessica, người mà anh đã kết hôn từ năm 1998. Người Kitô hữu sùng đạo này từng chia sẻ về vai anh thủ diễn Martin Luther King Jr trong Selma: “Tôi luôn biết rằng để đóng vai Tiến sĩ King, tôi phải có Thiên Chúa chảy qua tôi bởi vì khi bạn nhìn thấy Tiến sĩ King đọc những bài phát biểu đó, bạn sẽ thấy rằng ông đang di chuyển trong việc xức dầu của mình.”

J Balvin

Có lẽ ngôi sao sặc sỡ nhất để gặp Đức Giáo Hoàng là Hoàng tử của Reggaeton, J Balvin. Ca sĩ người Colombia có lượng người theo dõi lớn ở Mỹ Latinh và lên tiếng về những vấn đề gần gũi với trái tim anh, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela.

Nghệ sĩ này có lẽ là một trong những người tham gia khác thường hơn. Mặc dù được nhà văn Marlon Bishop mô tả là “một chàng trai tốt với nét nghịch ngợm được chăm chút khéo”, Balvin nhắm mục tiêu mang lại phẩm giá cho mọi người, một điều gần gũi với trái tim của Đức Giáo Hoàng.
 
Chân phước Giáo Hoàng John Paul I, tiền thân của phong thái của Đức Phanxicô
Thanh Quảng sdb
20:44 02/09/2022
Chân phước Giáo Hoàng John Paul I, tiền thân của phong thái của Đức Phanxicô.

Đức John Paul I có biệt danh là vị Giáo hoàng mỉm cười, được chào đón tại Quảng trường Thánh Phêrô Vatican vào năm 1978.

(Tin Vatican)

Ai biết được liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có nghĩ đến Đức John Paul I khi Ngài tiến ra hành lang của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô sau khi đắc cử vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 hay không?

Đức Mario Bergoglio đã gây ấn tượng cho mọi người trong lần xuất hiện đầu tiên qua sự giản dị của ngài. ĐTC nhớ "Ngay khi trọng trách được ủy thác cho tôi, những người bạn đã đến động viên chúc mừng tôi.” Đức Phanxicô nhớ lại: "Tại phòng bầu cử, Đức nguyên Tổng giám mục của São Paulo ngồi cạnh tôi, khi cuộc bầu chọn sắp kết thúc, ngài đã an ủi tôi. "Kể từ cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Landon vào năm 913, các Đức Thánh Cha đã lấy tên của một vị tiền nhiệm. Nhưng Luciani và Bergoglio đã đi chệch hướng với truyền thống đó. Luciani và Bergoglio trở thành thứ Đức Thánh Cha đương đại, vị tiền nhiệm của Ngài chỉ phục vụ một thời gian ngắn, nhưng cả hai đều có nguồn gốc gia đình ở miền bắc Ý.

Đức John Paul I tâm sự: "Tôi rất muốn trở thành một tu sĩ Dòng Tên; thì Tôi lại là một vị Giáo hoàng..." Là Tu sĩ Dòng Tên, như Đức Phanxicô… Nhưng cả hai đều có chung một chức vị là Đức Giáo Hoàng, nhưng cả hai thể hiện trách vụ của mình một cách đơn giản như để một đứa trẻ làm gián đoạn giờ triều yết, hoặc dừng lại ở đường phố Vatican, để nói chuyện với những người qua lại v.v. Ngày sau khi đắc cử, Đức Phanxicô đã đến trả tiền khách sạn - nơi ngài đã ở trước mật nghị.

Ông Bernard Lecomte, một chuyên gia Vatican, cho hay: “Cả hai là những tôn sư, họ xuất thân từ nông thôn, sống hòa hợp mọi người và hòa vào cuộc sống thực tế hàng ngày.

Một vị là Thượng phụ của Venice, Luciani có tâm tình của một vị quản xứ. Ngài sẽ viết một thông điệp về người nghèo, nhưng không sống đủ lâu để làm điều đó. Albino Luciani sinh năm 1912 trong một gia đình nông dân ở vùng Veneto, miền Bắc nước Ý. Được lãnh nhận chức linh mục vào năm 1935, Ngài đã nhanh chóng được Giáo chủ Venice, tương lai là thánh Giáo hoàng John XXIII phong lên làm giám mục Vittorio Veneto vào năm 1958. Sau đó, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đổi Ngài về Venice năm 1969 và phong lên tước hàm Hồng Y năm 1973. Luciani đã có một sự nghiệp thành công, mặc dầu khẩu hiệu giám mục của ngài là “Khiêm Nhường”, "Humilitas". 1978, các Hồng Y được triệu về Rome để bầu chọn Đức Thánh Cha đầu tiên sau Công đồng Vatican II (1962-65). Nhiều xu hướng đã được biết đến qua đợt bầu phiếu đầu tiên, nhưng vào ngày 26 tháng 8 trong vòng bỏ phiếu thứ tư, tất cả đã chọn Luciani. Jean-Louis de La Vaissière, cựu phóng viên Vatican cho AFP hay: “Ngài và Đức Phanxicô có chung một ước muốn được gặp gỡ với mọi người, bằng những từ ngữ và hình ảnh đơn giản. Nhưng cả hai đều trung thành với giáo lý Chúa Kitô”. Và, giống như Đức Phanxicô, ngài đã áp đặt một phong cách Giáo hoàng, không theo các giao thức cũ. Không nghi ngờ Ngài là vị Giáo hoàng cuối cùng người Ý, đã chuẩn bị cho cuộc bầu chọn Đức Karol Wojtyla của Krakow, Ba lan. Một phép lạ ở Buenos Aires đã xảy ra sau hai mươi sáu năm triều đại Giáo hoàng của Thánh Giáo Hoàng John Paul II đã nhanh chóng làm lu mờ đi hành ảnh vị Giáo hoàng mìm cười, ngay cả khi người kế vị của Ngài tuyên bố rằng "Quá trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I, người mà triều đại Giáo hoàng chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử, được mở ra vào năm 2003.

Vào Chủ nhật tới Đức Phanxicô sẽ tuyên bố "Chân phước" cho Đức John Paul I. Đức Phanxicô tuyên bố: “Qua Đức John Paul I, Chúa đã để lại cho chúng ta thấy kho tàng duy nhất là đức tin, một đức tin đơn sơ của các tông đồ”.
 
9 Điều Mọi Người Công Giáo Nên Biết về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất
Đặng Tự Do
21:18 02/09/2022
Lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật 04 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất lên bậc chân phước.

Trước đó, lúc 6 giờ 30 chiều thứ Bảy, ngày 03 tháng Chín, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma sẽ có buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho đại lễ này. Chúa nhật, ngày 11 tháng Chín tiếp đó, tại làng Canale d’Agordo, quê hương của ngài, thuộc tỉnh Belluno Veneto, sẽ có lễ tạ ơn trọng thể.

Nhân dịp này, tờ National Catholic Register có bài sưu khảo nhan đề “John Paul I: 9 Things Every Catholic Should Know”, nghĩa là “9 Điều Mọi Người Công Giáo Nên Biết về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thứ Nhất: Tiểu sử vắn tắt của ngài

Bậc Đáng kính Gioan Phaolô Đệ Nhất có tên khai sinh là Albino Luciani, chào đời vào ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại thị trấn Canale d'Argordo thuộc tỉnh Belluno miền bắc nước Ý. Ngài là vị giáo hoàng gần đây nhất sinh ra ở Ý và là vị giáo hoàng đầu tiên được sinh ra trong thế kỷ 20.

Ngài được bầu làm giáo hoàng vào ngày 26 tháng 8 năm 1978. Ngài qua đời chỉ một tháng sau đó. Mặc dù thời gian làm Giáo hoàng Rôma ngắn ngủi, nhưng ngài đã có tác động đến mức một số người Công Giáo đã tìm kiếm sự cầu thay của ngài như một vị thánh. Vatican đã công nhận một sự chữa lành kỳ diệu được cho là của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất và ngài được phong chân phước vào ngày 4 tháng 9.

Đây là những điều cần biết thêm:

Thứ Hai: Gioan Phaolô Đệ Nhất được biết đến là “Giáo hoàng tươi cười”

Nụ cười ăn ảnh của giáo hoàng đã giúp củng cố danh tiếng và biệt danh của ngài.

Danh tiếng của ngài vang vọng phong cách mục vụ của ngài: ngài đã thu hút sự khen ngợi về khả năng gần gũi với những người bình thường. Ngài có thể trình bày Kitô giáo và giáo lý Công Giáo theo cách dễ tiếp cận.

Ví dụ, ngài đã nói chuyện với trẻ em Ý trước ngày đầu tiên đi học của chúng trong những lời nhận xét trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào ngày 17 tháng 9, 1978.

Ngài lấy ví dụ về nhân vật trong truyện dân gian Pinocchio: “Không phải cậu bé trốn học một ngày nọ để đi xem rối; nhưng cậu bé khác, Pinocchio, người thích đến trường. Đến nỗi trong suốt cả năm học, mỗi ngày, trong lớp, cậu ấy là người đầu tiên vào học và cũng là người cuối cùng ra về”.

Thứ Ba: Đức Giáo Hoàng thừa nhận rằng ngài đã không học được cách trở thành một giám mục tốt. Nhưng ngài hứa sẽ cố gắng.

Khi một cộng đoàn đông đảo tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ nhậm chức mục tử toàn thể Hội Thánh của ngài, ngài đã cam kết một tinh thần phục vụ.

Ngài nói: “Tất cả mọi người ở đây, dù lớn hay nhỏ, hãy yên tâm về sự sẵn sàng phục vụ họ theo Thánh Linh của Chúa”.

Ngài tiến đến việc trở thành giáo hoàng với sự khiêm tốn. Trong bài giảng ngày 23 tháng 9, 1978 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngài nói: “Mặc dù tôi đã làm Giám mục tại Vittorio Veneto và Venice được hai mươi năm rồi, nhưng tôi thừa nhận rằng tôi vẫn chưa 'học được cách tốt nhất’ để làm một Giám Mục.”

“Đó là luật của Thiên Chúa rằng người ta không thể làm điều tốt cho bất cứ ai nếu trước hết người ta không chúc lành cho người đó… Tôi có thể bảo đảm với anh chị em rằng tôi yêu mến anh chị em, rằng tôi chỉ mong muốn được tham gia vào sự phục vụ cho anh chị em và đặt những quyền năng kém cỏi mà tôi có, dù chúng nhỏ bé đến đâu, theo ý của tất cả”.

Thứ Tư: Ngài là vị Giáo hoàng có hai tên. Tại sao ngài chọn 'Gioan Phaolô'?

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên mang hai tên. “Gioan” và “Phaolô” nhằm vinh danh hai người tiền nhiệm của ngài, Thánh Giáo hoàng Gioan 23 và Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Đức Gioan 23, nguyên là Thượng phụ Venice, đã phong ngài làm giám mục. Đức Phaolô Đệ Lục đã phong ngài là Thượng phụ Venice và là Hồng Y.

Đức Giáo Hoàng Luciani giải thích lý do tại sao ngài chọn trở thành “Giáo hoàng Gioan Phaolô” đầu tiên trong bài phát biểu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của ngài tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 8, 1978, một ngày sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng:

“ Đức Giáo Hoàng Gioan đã quyết định tấn phong chính tôi trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, dù không xứng đáng, tôi đã kế vị ngài ở Venice trên Ghế của Thánh Máccô, ở Venice vẫn còn đầy rẫy các kỷ niệm về Đức Giáo Hoàng Gioan. Ngài được những người chèo thuyền, các Sơ, và mọi người nhớ đến”.

“Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục không chỉ phong tôi làm Hồng Y, mà vài tháng trước đó, trên cây cầu rộng ở Quảng trường Thánh Máccô, ngài ấy đã khiến tôi đỏ mặt tía tai trước sự chứng kiến của 20.000 người, bởi vì ngài ấy đã cởi bỏ áo choàng của mình và đặt trên vai tôi. Chưa bao giờ tôi đỏ mặt đến thế!”

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã làm giáo hoàng trong 15 năm. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô nói rằng người tiền nhiệm của ngài đã cho “không chỉ tôi mà cho toàn thế giới thấy cách yêu thương, cách phục vụ, cách lao động và chịu khổ vì Giáo hội của Chúa Kitô”.

“Tôi không có 'sự khôn ngoan từ trái tim' của Đức Giáo Hoàng Gioan, cũng không phải sự chuẩn bị và văn hóa của Đức Giáo Hoàng Phaolô, nhưng tôi ở vị trí của các ngài,” ngài nói với những người tụ tập trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. “Tôi phải tìm cách phục vụ Giáo hội. Mong rằng anh chị em sẽ cầu nguyện giúp cho tôi”.

Một ngày trước khi chết, ngài giải thích một lời cầu nguyện mà mẹ ngài đã dạy cho ngài

Mặc dù ngài không biết điều đó, nhưng buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 9 của Đức Gioan Phaolô là buổi tiếp kiến cuối cùng của ngài. Ngài suy ngẫm về một lời cầu nguyện do mẹ ngài dạy.

Lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa con, với tất cả tấm lòng, trên hết mọi sự, con yêu mến Chúa, Đấng tốt lành vô hạn và là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con, và vì yêu mến Chúa, con yêu mến người lân cận của mình và tha thứ cho những tội lỗi họ đã gây ra. Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến Chúa nhiều hơn.”

“Đây là một lời cầu nguyện rất nổi tiếng, được tô điểm bằng những câu Kinh thánh,” Đức Giáo Hoàng nhận xét. “Mẹ tôi đã dạy nó cho tôi. Tôi đọc thuộc lòng nhiều lần mỗi ngày ngay cả bây giờ, và tôi sẽ cố gắng giải thích cho anh chị em nghe từng chữ một, như một giáo lý viên giáo xứ sẽ làm.”

Suy ngẫm về những lời cuối cùng của người cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu Chúa nhiều hơn”, Đức Gioan Phaolô giải thích rằng chúng ta nên yêu Chúa “thật nhiều”. Chúng ta không được dừng lại ở thời điểm hiện tại, “nhưng với sự giúp đỡ của Ngài, tình yêu sẽ tiến triển.”

Thứ Năm: Không phải là Triều đại Giáo hoàng ngắn nhất, chỉ gần như vậy

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất đã cai quản Giáo Hội trong 33 ngày, từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 1978. 33 ngày làm giáo hoàng của ngài là ngắn thứ 10. Vị giáo hoàng cuối cùng có triều đại giáo hoàng ngắn ngủi như vậy là Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 11, triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài 27 ngày vào tháng 4 năm 1605.

Thứ Sáu: Một cái chết gây chấn động

Cái chết của một vị giáo hoàng ngay sau khi ngài đắc cử đã gây ra cú sốc lớn đến mức nó tiếp tục thu hút sự chú ý.

Cuốn sách “John Paul I: The Chronicle of a Death”, nghĩa là “Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất: Biên niên sử của một cái chết” xuất bản năm 2017 của phóng viên Vatican Stefania Falasca là một nỗ lực gần đây thảo luận kỹ lưỡng về những ngày cuối cùng của ngài. Công việc của cô dựa trên các báo cáo y tế, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của Vatican.

Cô kể lại rằng vào buổi tối trước khi qua đời, Đức Giáo Hoàng bị một cơn đau dữ dội ở ngực trong khoảng 5 phút, một triệu chứng của một vấn đề về tim. Việc này diễn ra trước bữa tối khi ngài đang cầu nguyện Kinh Chiều với thư ký người Ái Nhĩ Lan, Đức Ông John Magee.

Khi cơn đau giảm bớt, giáo hoàng từ chối đề nghị gọi bác sĩ Renato Buzzonetti, là bác sĩ riêng của ngài. Ông chỉ được thông báo về tình tiết này sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời.

Nguyên nhân cụ thể của cái chết của ngài có thể sẽ không bao giờ được xác định một cách chắc chắn bởi vì không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện theo quy định của Vatican. Đức Cha Enrico Dal Covolo, người từng là cáo thỉnh viên về án phong hiển thánh của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất, cho biết các hồ sơ y tế được thu thập như một phần của quy trình cũng hỗ trợ kết luận rằng Đức Giáo Hoàng qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên.

Có nhiều tin đồn khác nhau về cái chết của Đức Gioan Phaolô I, bao gồm cả những suy đoán giật gân về một âm mưu ám sát của các nhóm bất chính có quan tâm đến vai trò của Vatican trong tôn giáo, chính trị hoặc tài chính.

Thứ Bẩy: Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất đã viết “Những bức thư ngỏ” cho Mark Twain, Pinocchio và Vua David

Cuốn sách năm 1976 của ngài Illustrissimi là một bộ sưu tập tiểu thuyết giàu trí tưởng tượng: “thư ngỏ” cho các nhân vật lịch sử, các vị thánh, nhà văn nổi tiếng và các nhân vật tưởng tượng. Một số có phong cách vui tươi, trong khi những bài khác tham gia vào bình luận xã hội, lời khuyên cá nhân hoặc phản ánh tâm linh.

Một số là vấn đề của sự sùng kính tôn giáo. Một bộ sưu tập những bức thư này kết thúc với bức thư của Đức Gioan Phaolô mà ngài đã viết “với sự run sợ” cho Chúa Giêsu Kitô.

“Đối với Chúa, con cố gắng duy trì một cuộc trò chuyện liên tục. Nhưng để dịch nó thành những lá thư thì rất khó: đây là những điều cá nhân… Và ngoài ra, con còn có thể viết gì cho Chúa, về Chúa, sau tất cả những cuốn sách đã viết về Chúa?” bức thư cho biết.

Bày tỏ sự không hài lòng với bức thư ngỏ gửi đến Chúa Kitô, vị giáo hoàng tương lai kết luận: “Điều quan trọng không phải là một người nên viết về Chúa Kitô, mà là nhiều người phải yêu mến và noi gương Chúa Kitô”.

Thứ Tám: Ngài chưa bao giờ là Cha Sở của một Giáo xứ

Bất chấp danh tiếng “mục vụ” của mình, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất tương lai chưa bao giờ làm Cha Sở lãnh đạo một giáo xứ! Ngài là cha phó cho nhà thờ quê hương của mình ở Canale d'Agordo chỉ trong sáu tháng sau khi được thụ phong vào tháng 7 năm 1935. Trong cuộc đời của mình, ngài là một giáo sư chủng viện và hiệu trưởng chủng viện. Ngài đã giữ một số vai trò lãnh đạo trong Giáo phận Belluno e Feltre trước khi ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của Vittorio Veneto ở miền bắc nước Ý. Từ đó, ngài trở thành Thượng phụ Venice, Hồng Y và giáo hoàng.

Thứ Chín: Phép lạ phong chân phước ở Á Căn Đình

Candela Giarda, một bé gái 11 tuổi đến từ Paraná, đông bắc Á Căn Đình, bị rối loạn chức năng não và nhiễm trùng trong bối cảnh co giật không kiểm soát được. Sau đó cô được chẩn đoán mắc Hội chứng động kinh liên quan đến nhiễm trùng do sốt.

Mẹ của cô gái, Roxana Sosa, đến cầu nguyện trong nhà thờ Công Giáo cạnh bệnh viện Buenos Aires và gặp một linh mục, Cha José Dabusti.

Một cuộc điều tra của Vatican sau đó đã đưa tin.

Vào ngày 22 tháng 7 năm 2011, các bác sĩ cho biết Candela đang phải đối mặt với “cái chết sắp xảy ra,” Khi Cha Dabusti đến cầu nguyện với mẹ của cô gái, ngài đề nghị họ cầu nguyện để được chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất.

Mặc dù Sosa không biết nhiều về vị giáo hoàng đã khuất, nhưng cô đã cầu nguyện riêng với ngài. Linh mục và các nhân viên điều dưỡng của phòng chăm sóc đặc biệt đã tham gia cầu nguyện cho cô.

Candela đã cho thấy sự cải thiện chỉ sau một đêm. Hai tuần sau, các bác sĩ đã tháo ống thở cho cô. Bệnh động kinh của cô ấy đã được chữa khỏi một tháng sau đó và cô ấy đã được xuất viện vào ngày 5 tháng 9, 2011.

Cô gái trẻ ngày nào giờ đã là một thiếu nữ ngoài 20 tuổi. Năm ngoái, cô đang theo học ngành thú y.

Cha Dabusti đã báo cáo phép lạ rõ ràng cho các quan chức Vatican và làm theo chỉ dẫn của họ để ghi lại mọi thứ đã xảy ra.

Thật tình cờ, Đức Tổng Giám Mục của Buenos Aires vào thời điểm đó là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô tương lai. Sau cuộc điều tra thích hợp của các viên chức Giáo hội, Đức Phanxicô vào ngày 21 tháng 10 năm 2021 đã công nhận phép lạ do lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô.
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tâm Tình Dịp Mừng Ngân Khánh Thành Lập Giáo Xứ Phúc Lộc, Ban Mê Thuột
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:22 02/09/2022
Tâm Tình Dịp Mừng Ngân Khánh Thành Lập Giáo Xứ Phúc Lộc (1997-2022)

Lòng biết ơn là một trong những nhân đức nền tảng làm nên con người đúng nghĩa. Vô ơn là bất đạo. Kẻ “ăn cháo đái bát” được xem như còn thua nhiều loài vật. Dịp Ngân khánh, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập cộng đoàn giáo xứ Phúc Lộc hôm nay quả là dịp thuận tiện để chúng ta bày tỏ niềm tri ân cảm tạ lên Thiên Chúa cũng như nhiều đấng bậc tiền nhân.

Xem Hình

Tạ ơn Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta từ nhiều miền của đất nước về nơi đây thành cộng đoàn. Dù rằng lý do di dân thì đa phần là vì sinh kế và nhiều nguyên cớ cá nhân, nhưng mục đích thành lập cộng đoàn thì chỉ có một đó là để gìn giữ và sống đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa tạo dựng con người không phải như những cá nhân riêng lẽ. Xã hội tính là một trong những đặc tính làm nên căn tính của loài người. Không ai là một hòn đảo. Và theo nhãn quan đức tin, dưới ánh sáng của
lời mạc khải, chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa muốn ban hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân trần với tính cách cộng đoàn. Một giáo xứ hình thành chính là ơn lành của Thiên Chúa ban. Ơn lành Chúa ban không chỉ cho các thành viên trong cộng đoàn mà còn qua cộng đoàn Người tuôn ban phúc ân cho anh chị em lương dân, bà con khác đạo hữu quan từ gần đến xa.

“Các con là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian”. Muối chỉ thực sự là muối khi ướp mặn được cho các thực phẩm cần giữ tươi. Ánh sáng có ra là để chiếu sáng các vật thể và môi trường chung quanh. Lời tạ ơn đúng và đẹp lòng Thiên Chúa nhất đó là sử dụng ơn lành Chúa ban theo thánh ý của Người. Và cũng thế tấm lòng của các tiền nhân đã góp công sức dệt xây cộng đoàn giáo xứ 25 năm qua không gì hơn là thấy cộng đoàn giáo xứ ngày càng phát triển về mọi mặt từ đời sống đức tin đến lãnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội trong tình yêu liên đới và chí cống hiến.

Hiểu được chân lý này, khi tổ chức mừng kỷ niệm Ngân khánh, 25 năm thành lập giáo xứ, cộng đoàn chúng ta không chỉ ‘ôn có để tri ân” mà còn phải biết “ôn cố để tri tân”. Nếu giả như mừng kỷ niệm Ngân khánh với các tổ chức bên ngoài và kết thúc với thánh lễ tạ ơn long trọng cùng với tiệc mừng đông vui thì quả là còn nhiều hạn chế, thậm chí là đáng tiếc.

Nhìn lại quá khứ dòng lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Phúc Lộc vốn được xem là cái nôi đức tin của bà con hai huyện Cư Jút và Krông Nô, cộng đoàn chúng ta dâng lời tạ ơn chân thành lên Thiên Chúa và tiền nhân. Từ cái nôi giáo xứ Phúc Lộc xưa thì nay đã hình thành 4 giáo xứ là Phúc Lộc, Phúc Thành, Quảng Đà và Phúc Bình với gần 25.000 tín hữu
Công Giáo, trong đó số tín hữu tại giáo xứ hiện nay đã gần 9000. Không tính các giáo xứ đã tách riêng, nguyên tại giáo xứ Phúc Lộc hiện nay thì hoa trái ơn gọi đã lên tới con số 46 gồm 4 linh mục, 42 tu sĩ nam nữ và chủng sinh cùng với nhiều em đang theo đuổi ơn gọi tại quý hội dòng. Xin gửi đến cộng đoàn một vài con số thống kê cách tương đối hiện nay như sau: 280 Quý chức từ trưởng phó khu trở lên ban chấp hành các Giáo Họ các Ban ngành và đoàn thể và Ban Thường vụ Hội đồng giáo xứ. Tập thể Ba Huynh đoàn Đaminh là 276 thành viên, Anh chị em Legio số thành viên chính thức là 64 và 360 thành viên tán trợ. Con số 280 anh chị em người lớn là ca viên của các ca đoàn và gần 92 giáo lý viên cũng đáng chúng ta trân trọng. Giáo xứ được diễm phúc có sự hiện diện của 3 hội dòng là Nữ Vương Hòa Bình, Trinh Vương và Mến Thánh Giá Khiết Tâm. Quý hội dòng tại giáo xứ đã quy tụ được 140 thành viên gia đình Mến Thánh Giá tại thế; 84 anh chị em gia đình Trinh vương và gần 100 thành viên gia đình Nữ Vương Hòa Bình.

Giáo xứ hiện nay cũng đang đóng góp cho xã hội nhiều con cái. Trên 30 người tham gia trong lãnh vực y tế, trong đó có 13 bác sĩ. Khoảng 42 thầy cô giáo đang hoạt động trong ngành giáo dục các cấp. Ban bác ái giáo xứ 11 năm qua đã giúp trên 30 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong và ngoài tỉnh nhà, trong đó có 26 ca mổ tim và trên 220 ca mổ mắt. Bên cạnh đó đã có 26 gia đình nghèo được tặng căn nhà bác ái, một con số khiêm tốn nhưng cũng đáng để tạ ơn.

Ôn cố để tri tân là cách thế tri ân Thiên Chúa và các đấng bậc tiền nhân đẹp nhất. Một phần tư thế kỷ đã qua và một giai đoạn mới bắt đầu. Mừng kỷ niệm Ngân khánh không phải gói gọn trong các tổ chức sinh hoạt, lễ lạc, tiệc tùng nhưng là để chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa về vai trò và sứ mạng của chúng ta trong giai đoạn mới sắp tới. Một giáo xứ nằm dọc hai bên quốc lộ 14, nơi tiếp ranh giữa hai tình Đăk Lăk và Đăk Nông, một giáo xứ với số lượng tín hữu, với mặt bằng kinh tế và văn hóa không quá “khiêm tốn” thì ắt phải có vị trí, vai trò gì đó cho xã hội, cho quê hương đất nước, cho Giáo hội.

25 năm qua, 14 năm dưới sự bảo trợ của thánh Phaolô với tước hiệu “trở lại”, chúng ta nỗ lực chủ yếu cho công cuộc xây dựng cộng đoàn. 11 năm tiếp theo cũng dưới sự bảo trợ của thánh Phaolô nhưng với tước hiệu “tông đồ” cộng đoàn giáo xứ chúng ta thực tập công cuộc rao giảng Tin Mừng, làm men làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian. Có thể nói giai đoạn này, sau 25 năm thành lập, cộng đoàn giáo xứ chúng ta cách mạnh mẽ hơn ra đi loan báo Tin Mừng khi thuận tiện cũng như không thuận tiện. Và theo cái nhìn của thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, chính khi tích cực tham gia góp phần làm phát triển xã hội, làm thăng tiến giáo hội là chúng ta thực sự rao giảng Tin Mừng.

Thiết nghĩ rằng dịp kỷ niệm Ngân khánh hôm nay là cái mốc lịch sử để giáo xứ Phúc Lộc chúng ta lớn mạnh hơn về nhiều phương diện, nhất là phương diện đức tin, một đức tin trưởng thành, thấm nhuần Lời Chúa theo sự hướng dẫn của Giáo hội. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Chắc chắn cộng đoàn chúng ta cần nhiều ơn Chúa và nỗ lực nhiều hơn để làm vững vàng đức tin của những người biết sống có trách nhiệm trong tinh thần liên đới với chí cống hiến cách cụ thể và thiết thực.

Hôm nay cũng là ngày Quốc Khánh, ngày chúng ta cầu nguyện cho quốc thái dân an. Xin Chúa ban cho các nhà lãnh đạo quốc gia nước nhà vừa có tâm vừa đủ tầm để xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng trong công lý và hòa bình. Với tâm tình một con dân đất Việt, xin có một ước mong nhỏ, đó là mong sao sớm có ngày Pháp Luật nước nhà mở rộng quyền lãnh đạo quốc gia cho mọi thành phần công dân Việt Nam, bất phân niềm tin và chính kiến. Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột (02-9-2022)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh chương trình của Thiên Chúa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:53 02/09/2022
Hình ảnh chương trình của Thiên Chúa

Con người xưa nay ai cũng mong muốn có đời sống khoẻ mạnh, có hạnh phúc bình an niềm vui trong đời sống.

Nhưng rất tiếc, nhiều điều không diễn xẩy ra như mong muốn. Đời sống phải đối diện gặp nhiều khó khăn, nhiều thử thách khủng hoảng chao đảo…

Như từ hơn hai năm nay bệnh đại dịch Covid 19 truyền nhiễm lây lan đe dọa sức khoẻ đời sống nhân loại trên hoàn cầu, nạn lũ lụt, hạn hán cháy rừng tàn phá rừng cây, ruộng đồng hoa mầu, đe doạ ngôi nhà thiên nhiên, rồi chiến tranh bên đất nước Ukraina gây cảnh tử vong, tàn phá đường xá nhà cửa, đời sống kinh tế và nền hòa bình thế giới bị đe dọa…

Tất cả đã cùng đang diễn xẩy ra không như con người ao ước mong muốn sự tốt đẹp thịnh vượng, bình an cho đời sống! Thực trạng đó đưa đến suy nghĩ thắc mắc tại sao lại xảy ra những hình ảnh tiêu cực như thế cho đời sống?

Kinh Thánh sách Khôn Ngoan ( Kn 9,13-18) có tin tưởng suy tư: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa có chương trình tốt đẹp cho đời sống con. người.

Nhưng con người chúng ta không thể luôn luôn nhận ra và cùng không hiểu nổi chương trình của Thiên Chúa:” Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? “ ( Kn 9,13).

Chúng ta phải sống chịu đựng cảnh thử thách, sự tiêu cực không như mong muốn, nhưng làm sao có thể hiểu được chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa cho đời sống mình?

Kinh Thánh nơi sách Khôn Ngoan đưa ra hướng dẫn:” Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống.” ( Kn 9,17).

Như vậy phải chăng với sự khôn ngoan của Thiên Chúa và Thần linh của Ngài chúng ta có thể hiểu được nhiều sự tốt hơn?

Được cho là khôn ngoan, khi người nào đó từ tận trong trái tim tâm hồn có thể hiểu nhận ra nếp sống hài hòa tốt đẹp với những người khác, với thiên nhiên trong trời đất.

Cũng được cho là khôn ngoan, khi người nào đó có thể đi đến quyết định tốt đẹp đúng đắn trong những hòan cảnh tế nhị khó khăn có nhiều đòi hỏi thách đố.

Kinh Thánh trình bày trong niềm xác tín, sự khôn ngoan của Thiên Chúa to lớn bao la, Ngài là người ban phát, là Thầy dậy là mẫu mực của khôn ngoan. Thiên Chúa tự chính mình là sự khôn ngoan.

Sự khôn ngoan của Ngài thể hiện nơi sự sáng tạo trong vũ trụ, sáng tạo sự sống con người và nuôi dưỡng sự sống con người về thân xác, hơi thở cùng trí khôn suy nghĩ phát triển suy nghĩ.

Người Kitô giáo chúng ta tin nhận rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xuống trần gian sống làm người giữa chúng ta, đã chỉ ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô là người khôn ngoan nhất trên vũ trụ. Ngài đã đến trần gian sống gây mang niềm vui hạnh phúc. Sự khôn ngoan của ngài thể hiện nơi sự chữa lành, nơi sự nâng đỡ ủi an con người.

Như thế, dù không sao hiểu được những tiêu cực trong đời sống xẩy ra, nhưng với sự tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là sự khôn ngoan, Đấng không bỏ rơi con người, nhưng hằng đưa bàn tay ra nâng đỡ che chở công trình vũ trụ cùng con người trong mọi trường hợp.

Thiên Chúa ban tặng con người Thần Linh của Người, mà chúng ta gọi là Đức Chúa Thánh Thần. Thần linh Thiên Chúa giúp tâm trí hiểu nhận ra chương trình của Ngài cho đời sống.

Con người qua Chúa Giêsu Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần hiểu nhận ra, Thiên Chúa cùng hằng đồng hành với trên con đường đời sống.

Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho con người trên đường lữ hành trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Câu Chuyện Bà Goá Tên Liêm
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:02 02/09/2022
Câu Chuyện “Bà Goá Tên Liêm”

(Chút tâm tinh tri ân cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh)

Trong cái “cõi ta bà” tạm bợ, vô thường nầy, mỗi ngày có bao nhiều người được sinh ra và đồng thời cũng có bao nhiêu con người giã từ cuộc sống.
Dưới ánh mắt người đời và với các mối tương giao xã hội, chắc chắn có rất nhiều người đến trong trần gian và ra đi về vĩnh hằng như một thoáng mây mau tan, như một làn gió qua vội mất hút, như một hạt bụi, hạt sương sớm tan đi vào cõi hư vô... cách lặng thầm chẳng ai hay mà cũng không ai biết hay quan tâm, như lời Thánh Vịnh trong Kinh Cựu Ước đã từng diễn cảm:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (Tv 103,15-16) !
Thật vậy, trong những ngày cuối tháng 8 của năm 2022 nầy, hằng ngày đã có biết bao nhiêu người chiến sĩ của của hai bên: Ukraina và Liên bang Nga đã nằm xuống trên những trận địa khói lửa mịt mù kéo dài đã hơn nửa năm trời; cùng với bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc tại đây và khắp nơi trên thế giới: Syria, Irak, Afghanistan, Soudan, Somalia, Myanmar... Chắc chắn trong số đó, có rất nhiều người tan thây nát thịt, xác thân hoà lẫn với đất đá cỏ cây, mà chính người người thân yêu chỉ biết nghẹn ngào khóc thầm trong đau thương vọng tưởng !
Và nếu thế giới có chú tâm, các kênh truyền thông có rầm rộ nhắc đến, thì đó là cái chết của những “chính khách quan trọng” mang tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với cuộc diện chính trị thế giới như cái chết của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev qua đời ở tuổi 91 ngày 30.8.2022 vừa qua, hay cái chết vì khủng bố của nữ nhà báo Nga Daria Dugina ngày 20.8 trước đó !
Đối với con người, thường tình, là như thế. Nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng đã đem con người từ hư vô vào sự sống và cũng chính là Đấng kêu gọi con người từ bỏ cuộc sống tạm bợ thế trần để về bên Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu thì lại không như thế.
Thật vậy, dưới ánh mắt và trong trái tim của Thiên Chúa, mỗi một sự sống của vạn vật đều “có giá” và “đáng giá”; bởi vì đều là “kỳ công của chương trình tạo dựng”. Một cánh huệ ngoài đồng, một cây cỏ dại bên đường hay một chú chim se sẻ... nay còn mai mất đều được Ngài trân trọng “cho có mặt trên đời”, bảo vệ để hát vui và khoe sắc dưới ánh sáng mặt trời (Mt 6,25-30).
Loài vật đã là như thế huống hồ chi con người, là “linh ư vạn vật”, là “tạo vật mang ảnh hình Thượng Đế” (St 1, 27), là quý nhân được chính Thượng Đế “khắc ghi vào giữa lòng bàn tay của Ngài” (Is 49, 16)...
Riêng với chúng tôi, những người con, người cháu trong đại gia đình của bà Martha Nguyễn Thị Liêm, một “bà goá ghèo” vừa qua đời ở tuổi 101 tại một giáo xứ Thanh Bình, giáo hạt An Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc, đã xác tín và cảm nhận thật rõ nét “tình thương của Thiên Chúa” dành cho hết mọi người, đặc biệt cho “những người bé mọn” như cách cảm nhận trong bài Magnificat của “Bà goá nghèo vĩ đại Maria”:
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người... (Lc 1,49-50).
Thật vậy, trong cái đất nước Việt Nam với gần 100 triệu dân, với 7 triệu giáo dân Công Giáo, thì bà Martha Nguyễn Thị Liêm, một bà goá nghèo, nằm liệt gần 5 năm trên giường bệnh, một giáo dân nhà quê gốc rạ chính hiệu, di cư trôi nổi từ một xứ đạo nhỏ Trà Câu thuộc giáo phận Qui Nhơn cho đến Trung Ngãi, Thanh Bình thuộc Xuân lộc, nào có gì để người ta quan tâm biết đến khi còn sống cũng như lúc qua đời !
Thế nhưng, Chúa biết rõ, Giáo Hội quan tâm và mọi anh chị em tín hữu yêu thương cầu nguyện chia sẻ...; và đây chính là dấu chỉ của mầu nhiệm Hiệp Thông trong Hội Thánh mà bất cứ người Công Giáo nào cũng tuyên xưng: “Tôi tin các thánh thông công”.

Chính trong ý nghĩa nầy, chúng con, toàn thể con cháu trong đại gia đình bà Martha, xin được một lần nữa tri ân cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa đã dành cho má, bà chúng con là Martha Nguyễn Thị Liêm, từ khi còn sống suốt 101 năm cho đến khi được Chúa gọi về ngày 24.8.2022 và được cộng đoàn dân Chúa tiển đưa về nơi an nghỉ cuối cùng ngày 27.8.2022.

Chúng con cảm tạ tình thương Chúa được thể hiện cách cụ thể và rõ nét qua:
- Trước hết, Đức Cha Matthêô, Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, ngay từ khi vừa được tin má chúng con qua đời đã ân cần chia sẻ nỗi đau buồn, hiệp thông trong cầu nguyện; và dù vì lý do sức khoẻ không tham dự nhưng đã dâng lễ cầu nguyện cho má chúng con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục giáo phận Qui Nhơn, người vẫn dành cho má con cũng như toàn thể anh chị em con sự quý mến đầy ưu ái của một người cha và đã hiệp thông chia sẻ nỗi đau và cầu nguyện cho má con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Quý Đức Cha thuộc giáo phận Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, quý Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh và Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục giáo phận Xuân lộc, đã gởi thư Phân ưu và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Martha. Riêng Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân đã đích thân đến viếng thăm và cầu nguyện trước linh cửu má chúng con tại tư gia. Chúng con tri ân Quý Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận Bắc Ninh đã gởi thư Phân ưu và hiệp thông cầu nguyện cho má chúng con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục giáo phận Bà Rịa đã chuyển lời Phân ưu và hiệp thông cầu nguyện cho má chúng con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, nguyên Giám mục giáo phận Bà Rịa đã chuyển lời Phân ưu và hiệp thông cầu nguyện cho má chúng con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường đã chuyển lời Phân ưu và hiệp thông cầu nguyện cho má chúng con. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết, đã gởi lời phân ưu và động viên chia sẻ chúng con cùng hiệp thông cầu nguyện. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám Mục giáo phận Hải Phòng, Đức Cha đã luôn dành cho má chúng con tâm tình quý mến đậm đà chân thật như đứa con trai trong gia đình; đã luôn thăm viếng, ủi an mỗi khi có dịp, khi má chúng con còn khoẻ, lúc yếu đau; và hôm nay, đã sẵn sàng gác lại một bộn bề mục vụ của giáo phận để về chủ sự Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa trong ngày An táng má. Chúng con tri ân Đức Cha.
- Chắc chắn, còn nhiều Đức Cha, qua cách nầy hay cách khác, đã hiệp thông, sẻ chia và cầu nguyện cho má chúng con và gia đình chúng con. Chung con xin tri ân Quý Đức Cha.
- Chúng con cảm ơn Cha Tổng Đại Diện giáo phận Bà Rịa, Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, nguyên Tổng Đại diện giáo phận Xuân Lộc, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Bề trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam, cha Giuse Trần Thăng Hưng, Bề trên Phụ tỉnh Dòng Cát Minh Việt Nam, đã viếng thăm, yên ủi, hiệp dâng Thánh lễ. Chúng con tri ân Quý Cha.
- Chúng con cảm ơn quý cha Hạt trưởng và quý cha thuộc các giáo phận Qui Nhơn, Phan Thiết, Xuân lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Tổng giáo phận Sài Gòn... đã viếng thăm, cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ. Chúng con tri ân Quý cha.
- Chúng con cảm ơn quý cha và quý thầy thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Mẹ Chúa Cứu chuộc, Dòng Cát Minh, Dòng Xitô Phước Sơn, Dòng Don Bosco... đã viếng thăm, cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ. Chúng con tri ân Quý cha.
- Chúng con cảm ơn quý Chị Tổng phụ trách và quý nữ tu, đệ tử thuộc các Hội Dòng Giáo hoàng hay giáo phận, các Tu đoàn và Hiệp Hội Tông đồ... đã viếng thăm, cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ. Chúng con tri ân quý bà, quý dì, quý chị.
- Chúng con xin cảm ơn quý cha, chủng sinh và nữ tu trong gia đình huyết tộc và linh tộc đã viếng thăm, cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ. Chúng con tri ân.
- Chúng tôi cảm ơn chính quyền các cấp ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã cử người đại diện viếng thăm, gởi vòng hoa và lời phân ưu đến gia đình. Xin cảm ơn Quý vị.
- Chúng tôi cảm ơn quý hội đoàn, đoàn thể giáo dân thuộc nhiều giáo xứ, giáo phận, quý tổ chức đoàn thể xã hội, hội người cao tuổi, quý bà con bạn bè gần xa, quý ân thân nhân... đã ân cần viếng thăm, chia buồn, viếng xác, canh thức cầu nguyện, gởi vòng hoa phúng điếu và hiệp dâng Thánh lễ tiễn đưa má chúng con về nơi yên nghỉ cuối cùng. Xin cảm ơn quý vị.
- Xin cảm ơn bà con nội ngoại, huyết tộc hoặc thiêng liêng, bà con đồng hương Trà Câu, Quảng Ngãi trong nước cũng như ở hải ngoại đã gởi lời phân ưu, xin dâng lễ và hiệp thông cầu nguyện cách này cách khác. Xin chân thành cảm ơn.
- Chúng con đặc biệt cảm ơn hai cha chánh xứ và phó xứ Thanh Bình cùng toàn thể các cộng đoàn, quí nữ tu và ban ngành đoàn thể trong giáo xứ. Hai cha và toàn thể cộng đoàn giáo xứ Thanh Bình đã luôn tận tình chăm sóc má chúng con khi còn sống, nhất là khi yếu đau liệt lào, và hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức tang lễ má con, nhất là trong Phụng vụ Thánh lễ An Táng nầy.
- Chúng tôi không quên cảm ơn các y bác sĩ thuộc các bệnh viện Thánh Tâm huyện Thống Nhất và bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai đã tận tình chăm sóc má chúng tôi trong suốt nhưng năm đau liệt. Xin cảm ơn chính quyền các cấp thuộc ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, Đồng Nai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để má được an cư trên vùng đất nầy và an nghỉ thật ấm cúng trang trọng. Đặc biệt, cảm ơn bác sĩ Tuấn, bác sĩ Năm, chuyên viên massage cô Tuyền, cô Loan, đội ngũ cấp cứu phòng khám Đa khoa Long Bình Tân, anh Bảy Lòng, Mười Chút thuộc giáo xứ Hoà Bình; chị Thanh, em Hùng, chị Chính, chị Cậy, cô Hồng... thuộc giáo xứ Thanh Bình đã luôn cận kề sớm hôm với má trong suốt nhiều năm qua.
- Xin cảm ơn dịch vụ tang lễ Thiên Thu đã tận tình dành mọi điều kiện tốt nhất để tang lễ được diễn ra trong ấm cúng, trang trọng và chỉn chu theo đúng các yêu cầu phụng vụ và mục vụ tang lễ của người Công Giáo.
- Xin cảm ơn các ban Truyền Thông thuộc các giáo phận Qui Nhơn, Xuân lộc, giáo hạt An Bình, giáo xứ Thanh Bình, kênh thông tin Vietcatholic hải ngoại, Dòng Cứu Thế... đã trân trọng đưa tin cùng những tâm tình thương mến. Xin trân trọng cảm ơn.

Chúng con biết được, trong dịp tang lễ nầy, có rất nhiều người vì lòng trân trọng và thương mến má chúng con, đã từ rất xa: Hải Phòng, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hoà, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận,... đã đến thăm viếng, chia buồn, cầu nguyện; chắc chắn có rất nhiều người mà chúng con quên sót không thể cảm ơn đầy đủ trong dịp này. Tuy nhiên, chúng con tin rằng, một khi má con được về bên Chúa, má chúng con sẽ không quên sót một ai trong tình yêu, sự biết ơn và chuyển cầu của má. Dĩ nhiên má sẽ không quên sự chăm sóc miệt mài của chị Bốn, em Như đã thay cho chị Ba và các em chăm sóc má; bà ngoại sẽ không quên tình hiếu thảo thương yêu của cháu Trúc Anh, bé Vân, các cháu, đã lo lắng chăm nom hết tình cho ngoại; không quên tình hiệp nhất hiếu thảo của các gia đình các cháu ngoại, đặc biệt các cháu rễ, từ việc đóng chiếc áo quan cho ngoại cũng như những chi tiết nhỏ nhặt trong những ngày tang lễ…

Với 101 năm hiện diện trên trần thế, làm sao má chúng con tránh khỏi những bất toàn, yếu đuối của thân phận con người. Vì thế, chúng con cũng xin được đại diện cho má nói lên lời xin lỗi mọi người. Riêng gia đình chúng con, trong nỗi đau mất mẹ, mất bà đã đã không tránh khỏi bị động và lúng túng trong việc tổ chức tang lễ. Kính xin toàn thể mọi người bỏ qua mọi lỗi lầm thiếu sót. Xin mọi người hiệp lời cầu nguyện lòng thương xót Chúa tha thứ mọi lỗi lầm để linh hồn Martha được an yên hưởng phúc trường sinh.

Như một bà goá nghèo chỉ có những đồng xu nhỏ là những đứa con, bà goá Martha đã dâng cho Chúa cả thảy bốn đứa con trai làm linh mục để phục vụ Chúa trong các giáo phận Qui Nhơn, Bà Rịa và Dòng Chúa Cứu Thể và một người con gái thuộc Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Như cái nhìn trìu mến của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Giáo Hội cũng đã ưu ái nhìn về má con như thế, khi cách đây đúng mười năm, vào ngày lễ thánh nữ Monica 27.8.2012, Đức Giám Mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Xuân Lộc, đã trao cho má con SẮC PHONG VÀ HUY CHƯƠNG HIỆP SĨ ĐẠI THÁNH GIÁ - PHẨM HÀM THÁNH SILVESTER (Ordo Sancti Silvestri Papae) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, được làm tại Rome, cạnh đền thờ Thánh Phêrô, ngày 16/5/2012; trên sắc phong có chữ kí của Đức Hồng Y Tarcisiô Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Khi nhắc lại tất cả những sự kiện trên liên quan đến cuộc sống, đặc biệt, đến sự sự ra đi về với Chúa, nhất là sự kiện cử hành Thánh lễ An Táng mà Giáo Hội dành cho một giáo dân, một người phụ nữ vô danh tầm thường, bà Martha Nguyễn Thị Liêm, quả thật, để chúng con và hy vọng, rất nhiều người, càng thêm xác tín vào chính lời của Chúa Giêsu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20).
Chính trong ánh sáng và niềm hy vọng mang chiều kích “hiệp hành” của dân Chúa đó, sẽ không có ai trong “vòm trời Hội Thánh” cảm thấy mình chỉ là “một tinh cầu giá lạnh” hay “một vì sao trơ trọi cuối trời xa” (Trong bài thơ ‘Những Sợi Tơ lòng’ của cố thi sĩ Chế Lan Viên), mà luôn mãi sẽ là “những kẻ vất vả mang gánh nặng nề được yên nghỉ trong vòng tay Cha” (Mt 11,28); những kẻ mà chính Đấng Đã Bị đóng đinh chết trên thập giá và đã sống lại vinh quang đã từng xác quyết: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11,25-26).
Vâng, câu chuyện của “Bà goá tên Liêm” trong mấy ngày qua, phải chăng, cũng là chuyện của “những người bé mọn” mà thánh sử Matthêu đã đề cập đến từ hai ngàn năm trước !

Lm. Giuse Trương Đình Hiền (Thay mặt con cháu trong gia đình bà cố Martha Nguyễn Thị Liêm)


 
Cá nhân tính và ngôi vị tính theo Jacques Maritain
Vũ Văn An
18:10 02/09/2022

Trên tạp chí International Journal of Philosophy and Theoology (Triết học và Thần học Quốc tế) mùa Hè năm 1991, Donald Demarco, giáo sư triết tại cao đẳng St. Jerome, Ontario, Gia Nã Đại, cho rằng thuyết nhân vị dựa trên tư tưởng Thánh Tôma Aquinô của Jacques Maritain là luồng tư duy chống lại việc thế giới đương thời tôn vinh lòng ích kỷ. Demarco cho rằng với hơn 50 cuốn sách, viết suốt trong nửa thế kỷ và được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới, Jacques Maritain xứng đáng với danh hiệu “triết gia Công Giáo vĩ đại nhất” thời nay.



Trong các cuốn sách, bài báo và bài giảng của mình, Maritain nhiều lần và một cách nhiệt thành kêu gọi Giáo hội đưa thần học và triết học của mình tiếp xúc với các vấn đề ngày nay. Những tư tưởng tự do của ông liên quan đến các vấn đề chính trị và công bằng xã hội đã khiến ông trở thành kẻ thù cay đắng nơi các nhà tư tưởng cực bảo thủ của Giáo hội. Thậm chí, nhiều mưu toan đã được thực hiện, mặc dù không thành công, nhằm vận động để các cuốn sách của ông bị Vatican lên án.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tôn vinh Maritain trong Công đồng Vatican II, và vào năm 1967, đã ghi công lao chưa từng có cho ông vì đã truyền cảm hứng cho thông điệp mang tính bước ngoặt của ngài về công bằng kinh tế, tức thông điệp Populorum Progressio. Như đã nói trong một bài trước, ngài cũng cân nhắc việc phong Maritain làm Hồng Y, nhưng nhà triết học đã từ chối đề nghị này.

Khi ông qua đời vào năm 1973, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công khai mô tả ông là “bậc thầy của nghệ thuật suy tư, cách sống và cầu nguyện”.

Maritain từng tự gọi mình là "một người mà Thiên Chúa đã lật từ trong ra ngoài như một chiếc găng tay." Trong một bức thư gửi nhà thơ Jean Cocteau, ông viết: “Tôi đã hiến cuộc đời mình cho Thánh Tôma, và lao động để truyền bá học thuyết của ngài. Vì tôi cũng vậy, tôi muốn trí hiểu được lấy khỏi Ác quỷ và trả lại cho Thiên Chúa”. Thật vậy, không có nhà tư tưởng Công Giáo hiện đại nào đã nỗ lực để đạt được mục tiêu này hơn Jacques Maritain.

Ngôi vị và Cá nhân

Trong cuốn The Person and the Common Good (Ngôi vị và lợi ích chung), tức tác phẩm rõ ràng nhất và nhất quán nhất của Maritain về ngôi vị, ông hỏi liệu ngôi vị có đơn giản chỉ là bản ngã [self] và không là gì khác hơn không. Đây là một câu hỏi thích hợp để nêu ra trong bối cảnh nền văn hóa hiện đại thường đồng nhất hóa hai yếu tố này. Chúng ta thấy việc đồng nhất hóa này trong các cách diễn đạt khác nhau của chủ nghĩa duy cá nhân khi họ chủ trương rằng một cá nhân có quyền theo đuổi các đối tượng họ mong muốn mà không xem xét tác dụng của việc theo đuổi này đối với người khác. Câu nói nổi tiếng của Jean-Paul Sartre trong vở kịch No Exit của ông ta - “Địa ngục là những người khác” - phản ảnh việc thiếu quan tâm phổ biến này mà những người vị bản ngã vốn dành cho người khác. Điểm qua danh sách những cuốn sách tự mình giúp mình bán chạy nhất đủ để chứng thực điểm này: Winning Through Intimidation; How to Be Your Own Best Friend; Having It All; Own Your Own Life; Creative Divorce [Chiến thắng nhờ đe dọa; Làm thế nào để trở thành người bạn tốt nhất của chính bạn; Có trọn nó; Sở hữu cuộc sống của riêng bạn; Ly hôn sáng tạo}; và Getting Divorced from Mother and Dad [Ly dị Cha Mẹ].

Ngày nay, vấn đề của Maritain có thể có giá trị hơn bao giờ hết, vì xã hội hiện tại bận tâm vô độ tới chủ nghĩa vị kỷ. Nhiều nhà phê bình văn hóa đương thời đã nghiên cứu hiện tượng này rất chi tiết. Một vài tác phẩm đáng chú ý có thể kể ra đây như: Culture of Narcissism [Văn hóa tự mê m,ệt mình] của Christopher Lasch; Psychology as Religion: The Cult of Self-worship [Tâm lý học như Tôn giáo: Đạo tôn thờ bản than] của Paul Vitz; The Heresy of Self-Love [Dị giáo về tự yêu mình] của Paul Zweig; The Inflated Self [Bản ngã thổi phồng] của David Myers; và The Age of Sensation [Thời náo động] của Herbert Hendin. Các tạp chí nổi tiếng và hầu như tất cả các quảng cáo thương mại đều dựa trên quan điểm cho rằng nhân vị chỉ đơn thuần là bản ngã, là trung tâm của trải nghiệm khoái lạc và thu mua của cải vật chất. Tiểu thuyết gia Thomas Pynchon đã nắm bắt được yếu tính của bản ngã tiêu dùng khi ông nói về một trong những nhân vật của mình như “đang đi dạo dọc các lối đi của một siêu thị bóng loáng, khổng lồ, thực hiện chức năng duy nhất của mình đối với nhu cầu”.

Maritain không muốn làm người vụ luân dạy đời. Ông không xỉ vả điều xấu hoặc sự hẹp hòi của cái tôi. Ông khuyên chúng ta không nên vội vàng gạt bỏ cái tôi, và nhấn mạnh rằng không ai có thể trở thành thánh mà không có ý thức mạnh mẽ về cái tôi của mình.

Ông muốn đưa chúng ta đi sâu hơn vào vấn đề. Bề ngoài, xem ra có sự mâu thuẫn. Ông nhắc đến Pascal, người khẳng định rằng “cái tôi là đáng ghét.” Mặt khác, Thánh Tôma nói rằng “Ngôi vị biểu thị điều hoàn hảo nhất trong toàn bộ tự nhiên.” Điều hết sức rõ ràng là không thể đánh đồng cái tôi với ngôi vị vì điều “đáng ghét” không thể là điều “hoàn hảo nhất trong toàn bộ tự nhiên”. Làm thế nào có thể giải quyết được mâu thuẫn rõ ràng này?

Maritain tránh mâu thuẫn bằng một phân biệt chủ yếu giữa cá nhân tính và và ngôi vị tính (individuality and personality). Chúng ta nên lưu ý ở đây rằng điều có thể phân biệt được bằng tâm trí không nhất thiết có thể phân biệt được trong thực tại. Xin đơn cử một thí dụ, chúng ta có thể phân biệt trong tâm trí bên phải và bên trái của một tờ giấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta cắt bỏ mặt phải của tờ giấy, chúng ta không thành công trong việc gỡ bỏ mặt phải để chỉ còn lại cho chúng ta một tờ giấy chỉ có mặt trái. Bằng cách cắt mặt phải, chúng ta chỉ có một mảnh giấy nhỏ hơn mà vẫn có mặt phải theo tỷ lệ bằng nhau với phần đối diện bên trái của nó. Chúng ta không thể tách bên phải khỏi bên trái trong thực tại mặc dù chúng ta có thể thực hiện sự phân biệt rất hữu ích và thiết thực giữa chúng trong tâm trí.

Vì vậy, mặc dù chúng ta có thể phân biệt cá nhân tính với ngôi vị tính, chúng ta không thể tách chúng ra khỏi nhau trong hữu thể nhân bản cụ thể. Người ta đã nói về Maritain rằng phương châm của cuộc đời triết học của ông là "phân biệt để hợp nhất." Triết học là phân biệt (Philosophiae est distinguere). Nhưng mục đích cuối cùng của nó không phải là phân mọi thứ thành những mảnh vụn, mà là đánh giá sâu sắc hơn tính đa dạng bên trong tính thống nhất, cấu trúc nhiều mặt của hữu thể, cách thức trong đó đối tượng nghiên cứu triết học được tích hợp. Maritain muốn chúng ta hiểu cá nhân tính và ngôi vị tính (vốn là những nguyên tắc, chứ không phải những thực tại độc lập) kết hợp ra sao để tạo thành một con người đơn nhất, thống nhất, giống như thân xác và linh hồn.

Nhận xét của Pascal rằng “cái tôi là đáng ghét” xuất hiện trong tác phẩm cổ điển của ông, cuốn Pensées. Nhà khoa học, toán học, triết học và nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại của thế kỷ 16 giải thích rằng chúng ta ghét cái tôi bởi vì nó có thể tự coi mình là trung tâm của mọi sự, một sự áp đặt đối lập trực tiếp với công lý.

Nói tóm lại, cái tôi có hai phẩm chất: nó không công bằng vì nó tự cho mình là trung tâm của mọi sự; nó không nhất trí với người khác vì nó cố gắng hăm dọa họ; vì mỗi cái tôi đều là kẻ thù và muốn trở thành bạo chúa của mọi người khác. Bạn loại bỏ được sự khó chịu của nó, nhưng không loại bỏ được sự bất công của nó.[1]

Maritain cũng lập luận tương tự, rằng cực vật chất, vốn chỉ là “cái bóng của ngôi vị tính,” có xu hướng thu hút mọi sự về chính nó. Ngược lại, cực tâm linh, vốn liên quan đến ngôi vị tính đích thực, là điều được Thánh Tôma nghĩ đến khi ngài nói tới nguồn gốc của sự đại lượng và hào phóng.

Sự phân biệt giữa cá nhân tính và ngôi vị tính có nguồn gốc trong thế giới cổ đại. Người Hy Lạp có hai từ ngữ chỉ sự sống: bios và zoe. Điều trước dùng để chỉ sự sống cá nhân, sự sống chứa đựng bên trong một sinh vật đơn lẻ. Tuy nhiên, điều sau đề cập đến hình thức sống siêu việt, sự sống có thể được chia sẻ. Tín lý Kitô về Chúa Ba Ngôi cũng theo những dòng tương tự. Mỗi ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi đều sở hữu cá nhân tính riêng. Tuy nhiên, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có một nguồn sống dư tràn mà các ngôi này chia sẻ với nhau một cách mật thiết đến nỗi cả ba cùng tạo thành một Thiên Chúa đơn nhất, hợp nhất.

Gần đây hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh lại việc hôn nhân giữa người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và là một communio personarum [cộng đồng (một sự hiệp thông) của các ngôi vị], một sự kết hợp hai trong một xác thịt của hai cá nhân vượt quá các điểm độc đáo riêng để chia sẻ ngôi vị tính của họ với nhau trong một thể thống nhất vừa thánh thiêng vừa sâu sắc. [2]

Nhà tâm lý học Paul Vitz đã giải thích rằng khái niệm “ngôi vị” là thành quả của thần học Do Thái và Kitô giáo. Tách khỏi gốc rễ này, “ngôi vị” bị cắt xén thành một “cá nhân tự hiện thực hóa mình, chỉ lo phát triển cái tôi thế tục của mình”. [3] Thành thử khi Carl Rogers đặt tựa đề cho công trình nổi tiếng nhất của ông, tức cuốn On Becoming a Person [Về việc Trở thành một Ngôi vị] nói về việc bồi dưỡng cái tội tự hiện thực hóa, thế tục, ông ta hoàn toàn sai lầm. Theo Vitz, phải gọi cuốn sách do Rogers viết là Về việc Trở thành một cá nhân.” [4]

Maritain ám chỉ đến sự đóng góp của nhà triết học hiện sinh Nicolas Berdiaeff vào kho tàng chủ nghĩa nhân vị. Nhà tư tưởng lỗi lạc người Nga này đã viết một cách say mê và sâu rộng về “ngôi vị”. Đối với Berdiaeff, khái niệm ngôi vị nằm bắt được đặc tính hai mặt, phân cực của hữu thể nhân bản. Những chữ sau đây có thể được viết bởi chính Maritain:

Con người là một ngôi vị không phải do tự nhiên mà là do tinh thần. Do tự nhiên, họ chỉ là một cá nhân. Tính ngôi vị không phải là một đơn tử [monad] tham gia vào một phẩm trật các đơn tử và lệ thuộc vào nó. Tính ngôi vị là một tiểu vũ trụ, một vũ trụ hoàn chỉnh. Chỉ riêng tính ngôi vị mới có thể mang lại với nhau một nội dung phổ quát và là một vũ trụ tiềm năng trong một hình thức riêng lẻ…. Đơn tử đóng kín, khép kín, nó không có cửa sổ cũng không có cửa ra vào. Tuy nhiên, đối với tính ngôi vị, vô tận mở rộng cửa, nó đi vào vô tận, và tiếp nhận vô tận vào chính nó; trong sự tự mặc khải của nó, nó hướng tới một nội dung vô tận. [5]

Sau khi giải quyết sự mâu thuẫn biểu kiến bằng cách phân biệt các cực vật chất và tinh thần, Maritain sau đó tiếp tục thảo luận sâu hơn về khái niệm cá nhân tính.

Cá nhân tính [Individuality]

Theo nghĩa căn bản mà hầu hết mọi người đều có thể hiểu được, chỉ có các cá nhân mới hiện hữu trong thế giới ngoài tâm trí của thực tại cụ thể. Các ý tưởng và những thứ tương tự không có sự hiện hữu thực sự, nghĩa là chúng không có khả năng thực hiện hành vi hiện hữu. Ở đây, Maritain đang viết với tư cách một nhà hiện sinh lặp lại chủ nghĩa hiện sinh của thầy mình, là Thánh Tôma Aquinô. Đối với Tiến sĩ Thiên thần, “Hiện hữu là điều hoàn thiện của những điều hòa thiện”; nó là điều nhờ đó mà một điều gì đó trở nên thực tại thực sự. Là “hành động đầu tiên” của một yếu tính, hiện hữu cụ thể hoá một yếu tính trong thực tại.

Ở điểm này, chúng ta phải lưu ý điều này: không phải yếu tính hiện hữu (và chắc chắn không phải hiện hữu hiện hữu), mà là chủ thể nằm ở bên dưới (hoặc “bản thể”[supposit]). Chính “bản thể” này thực hiện hành vi hiện hữu và làm nó đi vào thế giới thực. Đối với Maritain và Thánh Tôma, thực tại bao gồm các chủ thể thực hiện sự hiện hữu và biểu lộ một yếu tính. Đây là một điểm chủ chốt và cho phép nhà triết học phân biệt các thực thể thực chất với những yếu tính hay hình thức lý tưởng của Platông trôi nổi trong bầu trời trừu tượng.

Do đó, cá nhân tính chung cho tất cả mọi sự vật hiện hữu. Như thế, thiên thần và Thiên Chúa là những cá nhân. Các thuần thần là các cá nhân theo mô thức của họ. [6] Họ khác nhau như loài này khác loài nọ, chẳng hạn như ngựa khác với bò. Các hữu thể thiêng liêng là những cá nhân, mặc dù họ không bị “cá nhân hóa”, [7] nghĩa là “bị cá nhân hóa bởi chất thể.” [8]

Con người, bởi vì họ là vật chất, nên cá nhân tính của họ bắt nguồn từ chất thể. Tuy nhiên, chất thể tự nó chỉ là tiềm năng [potency] tiếp nhận các mô thức. Bản chất của nó, trong yếu tính, liên hệ đến điều có thể mặc mô thức [inform] cho nó. Về phương diện này, nó gần giống như phần cứng máy tính chỉ đơn thuần là một tiềm năng để nhận thông tin chứa trong phần mềm lập trình.

Bởi vì bản chất ký sinh triệt để này của chất thể, Maritain coi nó như một loại “không hiện hữu” tự trong nó. Và vì tính liên quan trong yếu tính của nó với mô thức, ông nói về chất thể như một “sự thèm khát hiện hữu”. Cùng với nhau, chất thể và mô thức kết hợp với nhau để tạo thành một thể thống nhất về bản thể. Nhân vị là một bản thể đơn nhất, thống nhất hóa, một toàn thể năng động, là tổng hợp của thể xác và linh hồn.

Ngôi vị tính [personality]

Sau khi thảo luận về khía cạnh cá nhân của con người, Maritain chuyển sang nhiệm vụ khó khăn hơn là phát biểu ý nghĩ của ông về ngôi vị tính. Ông bắt đầu cuộc khảo luận của mình bằng việc giải thích tình yêu là một chuyển động tự hướng tới trung tâm ngôi vị tính của một con người ra sao. Tình yêu không quan tâm đến các yếu tính, hay phẩm tính, hay khoái lạc, mà đến việc khẳng định trung tâm siêu hình của ngôi vị tính người được yêu. Tình yêu không làm ngơ các phẩm tính của người được yêu. Thật vậy, nó là một với chúng. Hơn nữa, người yêu không bằng lòng bày tỏ tình yêu của mình bằng những món quà chỉ tượng trưng cho tình yêu của mình. Họ tự cho đi chính họ như một món quà.

Tại trung tâm siêu hình của ngôi vị tính là khả năng tự cho đi như một ngôi vị và tiếp nhận sự hiến dâng của một ngôi vị khác. Điều này không thể có nếu những người yêu nhau không phải là những chủ thể có khả năng khẳng nhận hỗ tương giữa chủ thể này với chủ thể nọ. Tình yêu bắt nguồn từ siêu hình học của tính liên chủ quan [inter-subjectivity].

Điều được Maritain dẫn đến đây là một khái niệm từng khiến các sinh viên đau đầu rất nhiều, đó là khái niệm tồn hữu [subsistence]. Đây là một quan niệm có phê phán vì nó cần để xác lập, về mặt triết học, thực tại của chủ thể (đối lập với khách thể). Ngược lại, chủ thể quan trọng vì chỉ có chủ thể mới có thể hiện hữu như một ngôi vị.

Chủ thể hiện sinh (giống như chính hiện hữu) không có khả năng khái niệm hóa. Nó không phải là một đối tượng của suy nghĩ, một điều chúng ta có thể nắm bắt bằng trí hiểu. Do đó, nó có xu hướng vắng mặt trong nhiều nền triết lý, đặc biệt những nền triết lý có khuynh hướng duy lý. Trí hiểu biết sự vật như là các đối tượng. Nhưng tình yêu di chuyển trên một bình diện khác và yêu người khác như một chủ thể. Bản chất của chủ thể là như thế đến nỗi nó vượt lên trên sự vận hành của trí hiểu. Về phương diện này, chủ thể là một điều “siêu khả niệm.” [9] Tuy nhiên, nó phải được giả định, vì nó không phải là yếu tính hiện hữu tồn tại, mà là chủ thể. Yếu tính là điều mà một sự vật là; trong khi chủ thể là điều có một yếu tính, điều thực hiện sự hiện hữu và hành động, là điều “tồn hữu”.

Tính chủ quan đánh dấu biên giới ngăn cách triết học với tôn giáo. Triết học bao gồm mối liên hệ của trí hiểu với đối tượng; trong khi tôn giáo đi vào mối liên hệ của chủ thể với chủ thể. Tình yêu cho chúng ta cơ hội thiết lập mối liên hệ giữa ngôi vị với ngôi vị. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên tôn giáo trở thành một khuôn mẫu cho trải nghiệm về tính liên chủ thể này.

Chủ quan tính vừa nhận vừa cho. Qua trí hiểu, nó tiếp nhận bằng cách siêu hiện hữu trong nhận thức. Qua ý chí, nó cho đi bằng cách siêu hiện hữu trong tình yêu. Nhưng vì cho thì tốt hơn nhận, nên nhờ tình yêu mà một ngôi vị đạt tới mặc khải tối cao về thực tại ngôi vị của mình. Họ đồng thời khám phá ra sự hào phóng căn bản trong hiện hữu của mình, trong đó họ nhận ra chính ý nghĩa của hữu thể sống động của họ [10].

Như thế, tình yêu sẽ phá sập các rào cản khiến người ta luôn xa cách nhau, khiến họ coi nhau như đồ vật. Nó làm cho hữu thể chúng ta yêu trở nên một chúng ta khác, nghĩa là, một chủ thể tính khác đối với chúng ta, một chủ thể tính khác vốn là của chúng ta. Tình yêu có tính làm hoàn hảo các ngôi vị của chúng ta; nó giúp chúng ta đạt được một cách trọn vẹn hơn mục đích hiện hữu của mình, mà theo cách nói của Maritain, vốn là việc “làm chủ bản thân với mục đích tự hiến.” [11]

Sự sống của nhân vị không phải là việc tự bảo tồn hay tự làm mình lớn hơn như sự sống của cá nhân, mà là việc tự phát triển và tự hiến mình. Nó giả thiết sự hy sinh, và sự hy sinh không thể nào vô ngôi vị được. Chủ nghĩa cá nhân tâm lý, hết sức đặc trưng của thế kỷ 19 và 20, là mặt trái của chủ nghĩa nhân vị.

Nhân vị tính chia sẻ cuộc sống được vun bồi của chính nó với cuộc sống của những người khác. Trong diễn trình phát triển sự hiệp thông ngôi vị này với những người khác, cần có đối thoại. Tuy nhiên, như Maritain đã chỉ ra, sự hiệp thông như vậy hiếm khi khả hữu. Thật vậy, như một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân vị khác, Martin Buber, đã nhận xét, sự kiện người ta “không còn có thể tiếp tục đối thoại chân thực với nhau nữa là một triệu chứng sắc nét nhất của bệnh lý thời đại chúng ta”. Do đó, sự xa lánh, cả bản thân lẫn trí thức, dường như là đặc điểm của con người hiện đại hơn là sự kết hợp yêu thương, bản vị. Tình trạng bất hạnh này trực tiếp gắn liền với khía cạnh vật chất của con người mà lực kéo nội tâm đã lôi kéo họ xa khỏi người khác. Chỉ những ngôi vị mới tham dự đối thoại, vì chỉ có các ngôi vị mới có khả năng tham gia vào cuộc sống chung. Như các cá nhân, con người bị chia rẽ và xa lánh nhau. Như Maritain từng nhận xét, "cái ác xuất hiện khi, trong hành động của chính chúng ta, chúng ta dành ưu thế cho khía cạnh cá nhân của con người chúng ta."

Tiểu thuyết gia Công Giáo, Walker Percy, đã mô tả trạng thái tha hóa này của con người hiện đại trong cuốn Lost in the Cosmos: The Last Self-Help Book [Mất hút trong Vũ trụ: Sách Tự giúp Cuối cùng] của ông. Giống như Maritain, Percy nhìn thấy cội rễ của tình trạng khó xử này trong việc Descartes cô lập cái tôi có ý thức khỏi mối liên hệ thể xác với cả tính toàn vẹn ngôi vị cũng như vị trí của nó trong vũ trụ. Ông viết, “kể từ thời Descartes, cái tôi đã bị mắc kẹt, tách khỏi mọi điều khác trong Vũ trụ, một tâm trí tuyên bố mình hiểu được các vật thể và thiên hà nhưng do chính hành vi hiểu biết này, bị bỏ rơi trong Vũ trụ, mà nó không có mối liên hệ nào với.” [12]

Khái niệm “nhân vị tính” của Maritain có nhiều hệ luận tôn giáo sâu sắc (nhất là Kitô giáo). Qua việc thông đạt yêu thương với người khác, ngôi vị bắt đầu đánh giá cao sự phong phú vô tận của chủ quan tính. Hình ảnh về vô tận này ngụ ý một Nguồn sung mãn vô hạn. Như thế, con người có liên hệ trực tiếp với thể tuyệt đối và chỉ tìm thấy sự đầy đủ của nó trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Ý niệm này nhất quán với việc Kinh thánh coi con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Hình ảnh” mà Kinh thánh đề cập đến, là hình ảnh thiêng liêng của Thiên Chúa nơi con người, giúp con người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, và nhờ ân sủng, tham dự vào Sự sống của Người.

Như một ngôi vị, hữu thể nhân bản là một toàn thể, là tổng hợp của thể xác và linh hồn. Nhưng, như Maritain đã nhận xét ở một chỗ khác, con người là một “toàn thể cởi mở”.[13] Sự cởi mở này cho phép nhiều sự hợp nhất hóa bổ xung và cao hơn. Do chính bản chất của mình, con người hướng đến đời sống xã hội và các phương thức hiệp thông chỉ có thể đạt tới sự thành toàn cuối cùng trong Thiên Chúa mà thôi. Có một sự hào phóng triệt để được ghi khắc chính bên trong hữu thể ngôi vị, một phẩm tính vốn là yếu tính của tinh thần. Không có gì mâu thuẫn cho ngôi vị cho bằng cô đơn một mình. Do bản chất không thể biến đổi của hữu thể thiêng liêng của mình, nhân vị muốn biết và yêu. Nhưng hơn thế nữa, nó muốn chia sẻ nhận thức và tình yêu đó với những người khác. Hơn nữa, nó muốn sự chia sẻ này đạt đến mức độ hoàn hảo chỉ có thể được thực hiện với Thiên Chúa.

Ghi chú:

[1] Blaise Pascal, Pascal’s Pensees, bản tiếng Anh của Martin Turnell (New York: Harper & Row, 1962), § 141, p. 78.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, The Original Unity of Man and Woman (Boston:Daughters of St. Paul, 1981), p. 76.

[3] Paul Vitz, “Empirical Sciences and Personhood: From an Old Consensus to a New Realism,” Theological Powers and the Person, A. S. Moraczewski et al., eds. (St. Louis: The Pope John Center, 1983), p. 191.

[4] Ibid., p. 207.

[5] Nikolai Berdyaev, Slavery and Freedom, bản tiếng Anh của R. M. French (New ork: Scribner’s Sons, 1944), pp. 21-22.

[6] Maritain, Scholasticism and Politics (Garden City: Doubleday,1960), p. 65.

[7] Ibid.

[8] Maritain,The Degrees of Knowledge, bản tiếng Anh của Gerald Phelan (New York: Scribner’s Sons, 1959), p. 233.

[9] Maritain, Existence and the Existent, bản tiếng Anh của L. Galantiere & G. Phelan (Garden City: Doubleday, 1957), p. 71.

[10] Ibid. p. 90.

[11] Ibid, p. 89.

[12] Walker Percy, Lost in the Cosmos: The Last Self-Help Book (New York: Washington Square Press,1984), p. 47.

[13] Maritain,The Rights of Man and Natural Law, bản tiếng Anh của Doris Anson (New York: Scribner’s Sons, 1947), p. 5.

https://media.christendom.edu/1991/06/the-christian-personalism-of-jacques-maritain/
 
VietCatholic TV
Quân Nga mất tinh thần bỏ chạy trên tất cả các mặt trận. Hàng loạt thị trấn Ukraine được giải phóng
VietCatholic Media
03:22 02/09/2022


1. Ukraine công bố đoạn phim cho thấy quân Nga bỏ chạy tán loạn ở Kherson

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Run or Die'—Ukraine Mocks Retreating Russians in Kherson Counter-Offensive”, nghĩa là “’Chạy hay là chết’ – Ukraine ché nhạo quân Nga đang bỏ chạy trong cuộc phản công ở Kherson”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Video đăng trên trang Twitter của Bộ Quốc phòng Ukraine chế giễu binh sĩ Nga đã lan truyền trên mạng xã hội.

Đoạn video dài 40 giây được đăng vào thứ Tư và đến nay đã có hơn 900.000 lượt xem. Đoạn clip ngắn gọn đưa ra tối hậu thư cho các binh sĩ Nga và yêu cầu họ rời khỏi vùng Kherson ở Ukraine nếu không sẽ đối mặt với cái chết.

Kyiv đã tiến hành một cuộc phản công trong khu vực, nơi bị lực lượng của Tổng thống Nga Putin chiếm giữ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Hôm thứ Tư, Ukraine nói rằng quân đội của họ đã giết chết hơn 200 binh sĩ Nga.

Video có nhạc nền là bài hát “Run Rabbit Run” năm 1932, cho thấy cảnh những người lính Nga bị bắn bởi hỏa tiễn, hỏa lực pháo binh và lính bắn tỉa. Video chế nhạo gọi những người lính Nga là “khách không mời mà đến” và phát cảnh một người lính Nga đang cảnh báo đồng đội về cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.

Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Nam của Ukraine cho biết “tình hình trong khu vực hoạt động của chúng tôi vẫn còn khó khăn, nhưng đã được kiểm soát bởi lực lượng phòng vệ”. Báo cáo cho biết các lực lượng vũ trang của quốc gia này đã giết chết 201 quân nhân Nga và phá hủy 6 kho đạn của Nga, 12 xe tăng T-72, cùng một loạt thiết bị và vũ khí quân sự của Nga.

Một số chuyên gia đã kết luận rằng khu vực Kherson có giá trị chiến lược đối với Ukraine.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Wesleyan, nói với Newsweek: “Việc chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng của tỉnh Kherson trên bờ tây của Dnepro sẽ là một chiến thắng lớn về tâm lý và chính trị đối với Kyiv.

“Thành phố Kherson là thủ phủ duy nhất đã rơi vào tay Nga. Nó cũng sẽ khiến người Nga khó phát động một cuộc tấn công chiếm Odesa hơn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một phần lớn lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở bờ đông của Dnepro, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.”

2. Nga bỏ chạy trong nhiều cuộc tấn công ở Donetsk

Ukraine đã hạn chế đưa ra các tin tức và hình ảnh liên quan đến cuộc tổng phản công ở Kherson. Tuy nhiên, trong một ngoại lệ, chiều thứ Năm, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã đưa ra một đoạn clip ngắn 40 giây cho thấy quân Nga đang bỏ chạy tán loạn tại Kherson. Đoạn clip với bài hát trong hậu cảnh là bài “Run Rabbit Run” ra đời năm 1932 đã thu hút hàng triệu người xem trong vài giờ.

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 2 tháng 9, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết, ở Donetsk quân Nga cũng bỏ chạy ở tất cả các cuộc giao tranh với quân đội Ukraine.

Theo Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, quân Nga đã mở các cuộc tấn công rất lớn tại vùng Donetsk nhằm giảm áp lực cho Kherson. Tuy nhiên, tình hình ở khu vực phía đông Donetsk hầu như không thay đổi, bất chấp nhiều tuần nỗ lực của các lực lượng Nga và đồng minh của họ trong lực lượng dân quân Donbas.

Mục tiêu tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chiếm tất cả các khu vực Donetsk và Luhansk, nhưng các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát hơn 1/3 Donetsk.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng một lần nữa quân Nga đã cố gắng tấn công theo nhiều hướng, về phía thành phố Sloviansk và các thị trấn Bakhmut và Avdiivka.

Trong tất cả các cuộc tấn công này, các lực lượng Nga đã không thành công và đã rút lui sau khi chịu các tổn thất kinh hoàng.

Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các cuộc tấn công hạng nặng bằng xe tăng, pháo và súng cối đang diễn ra ở phía nam nơi các lực lượng Ukraine đang cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga.

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân Nga đã bắn vào 15 khu định cư trong khu vực, chủ yếu dọc theo biên giới của các khu vực Mykolaiv và Kherson, vốn là chiến tuyến có các cuộc giao tranh lớn trong hơn hai tháng qua.

3. Quan chức cho biết: Putin cho quân đội thời hạn giữa tháng 9 để chiếm thêm đất Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Gives Army September Deadline to Take More Ukraine Land: Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Putin cho quân đội thời hạn giữa tháng 9 để chiếm thêm đất Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một quan chức quân đội Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho quân đội của ông ta thời hạn cuối cùng là vào ngày 15 tháng 9 để tiến tới biên giới hành chính của khu vực phía đông Donetsk trong cuộc chiến đang diễn ra.

Vào tháng 6, hãng tin AP, dẫn nguồn từ các quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự, báo cáo rằng có vẻ như Nga đã chiếm giữ khoảng một nửa tỉnh Donetsk, nơi có phe ly khai thân Nga. Mặc dù vẫn chưa rõ Nga có thể giành được hay mất bao nhiêu lãnh thổ ở Donetsk kể từ đó, nhưng quân đội Nga hiện dường như phải tuân theo chỉ thị này để chiếm đóng hoàn toàn trong khoảng hai tuần.

Oleksiy Gromov, Phó cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng người Nga “tiếp tục nắm giữ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng như Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson và Mykolaiv và cũng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại cuộc tấn công”.

“Các lực lượng chiếm đóng của Nga một lần nữa đang thay đổi kế hoạch và hành động của họ theo lệnh của Putin để tiến tới biên giới hành chính của vùng Donetsk vào ngày 15 tháng 9”.

Newsweek đã không thể xác minh một cách độc lập thời hạn cuối cùng được dự kiến là ngày 15 tháng 9 được Putin đưa ra đối với việc chiếm đóng hoàn toàn Donetsk. Bộ Quốc phòng Nga đã được liên hệ để xác nhận và đưa ra bình luận.

Tiến độ lấn chiếm đất đai trong vùng Donetsk của cả hai bên trong cuộc chiến đang diễn ra dường như đã chậm lại trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuần trước cho biết Nga đang “cố tình” làm chậm tốc độ của cuộc tấn công ở Ukraine để giảm thiểu thương vong cho dân thường, một lời giải thích bị Bộ Quốc phòng Ukraine chế nhạo. Ukraine đã báo cáo về việc Nga rút lui và các cuộc phản công đang diễn ra ở khu vực miền nam Kherson bị chiếm đóng rất thành công, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết có “giao tranh đáng kể” đang diễn ra tại một số điểm ở rìa lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Donetsk và các khu vực khác.

Sau khi Shoigu tuyên bố cố tình làm chậm tốc độ của Nga vào tuần trước, ISW cho biết trong đánh giá ngày 24/8 rằng tuyên bố của ông có thể là một nỗ lực để bào chữa cho “những lợi ích không đáng kể” mà quân đội của Putin đã đạt được trong sáu tuần trước đó. ISW đánh giá rằng sau khi quân đội Nga nối lại các hoạt động sau thời gian tạm dừng hồi tháng 7, lực lượng này mới chỉ chiếm được khoảng 450 km vuông trên lãnh thổ mới. Trong khi đó, Nga đã mất tới 45.000 km vuông lãnh thổ kể từ ngày 21/3.

4. Báo cáo cho thấy: Nga có thể cạn kiệt vũ khí, đạn dược vào cuối năm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Might Run Out of Weapons, Ammunition By End of Year: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy: Nga có thể cạn kiệt vũ khí, đạn dược vào cuối năm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các hãng tin quốc tế đưa tin trong tuần này rằng quân đội Nga có thể sẽ thiếu hụt trầm trọng vũ khí và đạn dược trước cuối năm khi tiếp tục chiếm đóng Ukraine. Điều này đặt ra thêm nhiều vấn đề cho quân đội nước này, vốn đang phải vật lộn để duy trì những vùng đã chiếm được.

Insider có trụ sở tại Latvia đưa tin hôm thứ Ba rằng các lệnh trừng phạt gần đây đối với Nga và các cuộc phản công thành công của quân đội Ukraine đã khiến kho dự trữ đạn pháo và xe bọc thép của nước này sụt giảm nhanh chóng, trong khi khả năng tiến hành các cuộc không kích và bắn hỏa tiễn dẫn đường có thể sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay..

Với việc Nga không có khả năng bổ sung vũ khí, cùng với tốc độ bắn hiện tại, Insider ước tính rằng quân đội sẽ cạn kiệt vũ khí vào cuối năm nay, do một loạt sai lầm tỏ tường của quân đội, bao gồm tổn thất phương tiện lên tới hàng nghìn chiếc và sự gia tăng thương vong.

“Bị cắt nguồn cung cấp thiết bị, phụ tùng và vật liệu của phương Tây, đồng thời bị hạn chế về nguồn nhân lực và năng suất lao động, các nhà sản xuất pháo và đạn dược của Nga chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ trong tương lai gần khi phải cắt giảm sản lượng”, Insider đưa tin.

“Có thể trong năm 2022-2023, họ vẫn có thể duy trì tốc độ sản xuất đã đạt được trong những năm trước đó, nhưng trong những năm tiếp theo, sự sụt giảm của họ là không thể tránh khỏi”.

Các dấu hiệu khác cho thấy quân đội Nga vẫn tiếp tục phải vật lộn. Nhận định bi quan của tờ Insider về triển vọng của nước này trong cuộc chiến diễn ra khoảng một tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một sáng kiến mới nhằm tăng cường hàng ngũ quân đội của đất nước từ 137.000 đến 1.15 triệu quân, một nỗ lực nhằm thay thế con số thương vong ước tính từ 60.000 đến 80.000 người của Nga trong chiến tranh cho đến nay.

Các quan chức Quốc phòng Mỹ đã nghi ngờ khả năng đạt được những mục tiêu đó của Nga, viện dẫn kết quả vốn đã thiếu sót của nước này trong việc đáp ứng các mục tiêu tuyển dụng trước đó cũng như mức độ tương đối cao của lính nghĩa vụ tham gia chiến tranh.

“Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào các lực lượng vũ trang Nga, trước cuộc xâm lược, họ có thể đã thiếu 150.000 quân so với mục tiêu tuyển quân”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ được Ngũ Giác Đài trích dẫn nói với các phóng viên trong tuần này.

5. 'Bayraktar' của Ukraine so với máy bay không người lái mới do Iran cung cấp

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's 'Bayraktar' Compared to Russia's New Iran-Supplied Drones”, nghĩa là “'Bayraktar' của Ukraine so với máy bay không người lái mới do Iran cung cấp”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Tuần trước, tình báo Mỹ cho biết Iran đã gửi cho Nga hàng trăm máy bay không người lái, bất chấp cảnh báo của Mỹ khi cuộc chiến Ukraine tiếp diễn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 và nhanh chóng nhận được nhiều lời chỉ trích từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, những người lo ngại về việc quân đội của Putin đang gây ra các tội ác chiến tranh mờ ám trên quy mô lớn. Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy các nỗ lực phòng thủ của Ukraine, các đồng minh của họ, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã gửi những vũ khí mạnh mẽ giúp kìm chân các lực lượng Nga.

Tình báo Mỹ nói với hãng tin AP về các máy bay không người lái của Iran vào tuần trước, nhấn mạnh rằng họ không chắc liệu Nga có đang sử dụng máy bay không người lái của Iran hay không nhưng các máy bay không người lái của Iran có nhiều khả năng được sử dụng cho chiến tranh.

Vụ giao hàng bằng máy bay không người lái bị cáo buộc chỉ ra rằng Nga và Iran đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn khi Putin thấy Iran là một người bạn tốt. Nhưng nó cũng sẽ gây thêm áp lực cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ Baykar giao máy bay không người lái có vũ trang cho Ukraine.

Dưới đây là cách các máy bay không người lái mới do Iran cung cấp chống lại Bayraktar TB2 của Ukraine.

Trong khi không biết chính xác Iran cung cấp máy bay không người lái nào cho Nga, CNN đưa tin trong tháng này rằng Tehran đã giới thiệu hai mẫu máy bay không người lái - Shahed-129 và Shahed-191 - cho Nga vào tháng 6.

Iran đã ca ngợi Shahed-129 là một trong những máy bay không người lái mạnh nhất của họ, vì vậy nếu chúng được gửi đến Nga, như các chuyên gia đã nói, nó có thể thúc đẩy hoạt động quân sự của Nga. Một số chuyên gia tin rằng máy bay không người lái được thiết kế dựa trên máy bay không người lái Predator do Mỹ sản xuất đã bị rơi ở Iran, theo Washington Post.

Máy bay không người lái của Iran có thể có tầm bay xa hơn, trọng tải cao hơn

Shahed-129 có thể bay xa hơn đáng kể so với Bayraktar TB2. Baykar giới thiệu phạm vi liên lạc khoảng 300 km - hoặc khoảng 186 dặm - cho máy bay không người lái của mình. Trong khi đó, Shahed-129 của Iran có tầm bắn 2.000 km - tương đương khoảng 1.242 dặm, theo báo cáo từ Viện Washington.

Theo Viện Washington, Shahed-129 cũng có thể mang trọng tải nặng hơn khoảng 882 pound. Baykar cho biết Bayraktar TB2 chỉ có khả năng chở khoảng 331 pound.

Theo Viện Washington, một máy bay không người lái khác mà Iran có thể cung cấp cho Nga là Ababil-3, có tầm bắn khoảng 250 km (155 dặm). Nó chỉ có thể bay trên không trong khoảng tám giờ. Theo Viện Washington, Iran cũng có thể cung cấp cho Nga các máy bay không người lái khác như Mohajer-6 hoặc Shahed-123.

Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ có tốc độ cao, độ bền tốt hơn

Trong khi các máy bay không người lái của Iran có tầm bay xa và trọng tải cao, thì các máy bay không người lái được cung cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ cho Ukraine lại có những lợi thế riêng. Máy bay không người lái Bayraktar có thể di chuyển nhanh hơn Shahed-129. Tốc độ tối đa của Bayraktar là khoảng 138 dặm / giờ, trong khi Shahed-129 đạt tốc độ tối đa khoảng 93 dặm / giờ, theo trang web quân sự ArmedForces.eu.

Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ có độ bền lâu hơn, có nghĩa là chúng có thể di chuyển trong một khoảng thời gian lớn hơn. Baykar cho biết máy bay không người lái của họ có khả năng di chuyển trong 27 giờ, trong khi Shahed-129 chỉ có thể di chuyển trong 24 giờ, theo Viện Washington.

Bayraktar TB2 có khả năng bay cao hơn một chút, đạt độ cao tối đa khoảng 25.000 feet, Baydar cho biết. Shahed-129 có độ bay cao khoảng 23.950 feet, theo ArmedForces.eu.

Ababil-3 có thể di chuyển với tốc độ khoảng 121 dặm / giờ và có độ bay cao khoảng 16.404 feet, theo Military Factory.

Ukraine nhận được nhiều viện trợ nước ngoài hơn

Trong khi Iran có thể cung cấp cho Nga các máy bay không người lái có tiềm năng mạnh, Ukraine cũng đã nhận được viện trợ quân sự mới trong những tuần gần đây. Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine sáu thiết bị không người lái dưới nước để giúp gỡ mìn dọc theo bờ biển của họ, Reuters đưa tin.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết Mỹ có kế hoạch tăng cường sản xuất Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142, gọi tắt là HIMARS, một loại vũ khí mạnh mẽ được cho là đã thúc đẩy quân đội Ukraine trong những tháng gần đây.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.
 
Tiệp rung chuông tưởng nhớ 9000 quả chuông bị tịch thu làm vũ khí. Quỷ Baphomet tấn công linh mục
VietCatholic Media
07:29 02/09/2022


1. Tại sao thánh lễ do Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lại kéo dài đến 3 giờ?

Thánh Padre Pio đã cử hành thánh lễ với cảm xúc tuyệt vời, cẩn thận thực hiện mọi khía cạnh của thánh lễ.

Việc cử hành Thánh lễ của Thánh Piô Năm Dấu Thánh là huyền thoại, như nhiều người đã nói thánh lễ có thể kéo dài đến ba giờ.

Tại sao thánh lễ của ngài lại kéo dài như vậy?

Đối với Thánh Piô Năm Dấu Thánh, việc cử hành Thánh lễ liên quan đến toàn bộ con người của ngài. Đó là điểm nhấn trong ngày và là nguồn sức mạnh của ngài.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh sẽ bắt đầu một ngày của mình lúc 3:30 sáng, dậy để bắt đầu chuẩn bị cho Thánh lễ, mà mãi đến 5:30 mới bắt đầu. Ngài dành thời gian này để suy gẫm và cầu nguyện, chuẩn bị tâm hồn cho Thánh lễ.

Khi đến lúc Thánh Piô Năm Dấu Thánh cử hành thánh lễ, ngài sẽ trở nên rất xúc động, với đầy đủ kiến thức về những gì ngài đang làm.

Theo cuốn sách Padre Pio: The True Story, Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã có thể đi vào cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô mỗi khi ngài cử hành Thánh lễ.

Ngài tin rằng mình được trực tiếp hồi tưởng lại Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã phải chịu trong cuộc Khổ nạn của Người, thì tôi cũng phải chịu một cách tương xứng, chừng nào có thể cho một con người. Và tất cả điều này xảy ra bất kể sự không xứng đáng của tôi, mà chỉ nhờ vào lòng thương xót của Chúa.”

Với ý nghĩ này, không có gì ngạc nhiên khi Thánh Piô Năm Dấu Thánh rất xúc động trong Thánh lễ, thường khóc thành tiếng, như nhiều người đã được tận mắt chứng kiến.

Tại bàn thờ, Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã được biến hình. Khuôn mặt ngài tái nhợt, rạng rỡ, và đôi khi đẫm nước mắt. Có một cường độ trong lòng nhiệt thành của ngài; có những cơn co thắt đau đớn của cơ thể... Mọi điều về ngài cho chúng ta biết ngài đang sống Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô mãnh liệt như thế nào. Người ta có ấn tượng rằng không gian và thời gian đã bị hủy bỏ giữa bàn thờ đó và đồi Canvê.

Hơn nữa, một lý do khác đằng sau độ dài của Thánh lễ của Pio là sự chú ý của ngài đến từng chi tiết trong thánh lễ.

Cha Giovanni của giáo phận Baggio nhận xét: “Ngài dường như đang suy ngẫm về từng lời nói, và được thực hiện bởi chính ngài bằng mọi hành động của nghi thức. Ngài đọc với cảm xúc, với một giọng trầm và gần như mệt mỏi, không vội vàng, phát âm rõ ràng từng từ.

Việc thánh hiến bánh và rượu là cao điểm của Thánh lễ do Thánh Piô Năm Dấu Thánh cử hành, và “Cha Clement Naef lưu ý rằng dường như Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã dành mười đến mười lăm phút để tôn thờ bánh và rượu đã được thánh hiến.”

Sau này, Thánh Thánh Piô Năm Dấu Thánh không thể cử hành Thánh lễ dài như vậy, và thánh lễ của ngài chỉ kéo dài khoảng một giờ.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh lễ còn hơn cả những gì mắt thường có thể nhìn thấy và có ý nghĩa đưa chúng ta đến đồi Canvê, nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Source:Aleteia

2. Cộng hòa Tiệp: rung chuông ở Prague để tưởng nhớ 9.000 quả chuông bị trưng dụng và nấu chảy trong Thế chiến thứ hai

Kể từ hôm Chúa Nhật 28 tháng 8, thủ đô Prague đã tổ chức lễ tưởng niệm 9.801 quả chuông đã bị phát xít Đức chiếm giữ và nấu chảy thành vũ khí ở Bohemia và Moravia trong Thế chiến thứ hai. Như Đài phát thanh Praha đã đưa tin, chiếc chuông kỷ niệm được sản xuất tại Xưởng đúc chuông Grassmayr lịch sử ở Innsbruck và nặng 9.801 kg. Dự án “# 9801” được khởi xướng bởi Hiệp hội Sanctus Castulus, trong những năm gần đây đã mang lại sức sống mới cho một số nhà thờ ở Prague thông qua các can thiệp trùng tu và cải tạo.

Theo Hiệp hội Sanctus Castulus, 90% chuông nhà thờ và tháp ở những nơi công cộng đã bị quân đội Đức đánh cắp và cướp bóc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lệnh trưng dụng được công bố vào ngày 26 tháng 11 năm 1941 và những chiếc chuông được thu thập trong mùa hè năm 1942 để đưa đến Đức nấu chảy.

Quả chuông kỷ niệm vừa được khánh thành sẽ được trưng bày đến cuối tháng 9 trên bờ sông Smetana, ở trung tâm thành phố, nơi quả chuông đầu tiên được chuyển đến Đức cách đây 80 năm. Sau đó, vào năm 2024, nó sẽ được chuyển đến một địa điểm khác trên sông Vltava gần Cầu Charles nổi tiếng, và sẽ được rung vào những dịp đặc biệt. Chuông đổ chuông với âm F0 đặc biệt thấp và mang dòng chữ “Hòa bình tại thế” được chọn trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Tiếng chuông “nhắc nhở chúng ta về sự mất mát văn hóa này” và, những người quảng bá cho biết, “hàng ngàn giọng nói im lặng được thay thế bằng tiếng chuông sống động và mạnh mẽ”. Từ xa xưa, chuông luôn đóng một vai trò xã hội: “Chúng tôi tin rằng tiếng chuông # 9801 sẽ giúp mọi người không quên những gì đã gắn kết chúng ta và không đầu hàng”, Hiệp hội Sanctus Castulus nhận xét.
Source:SIR

3. Nhật ký trừ tà số 204: Quỷ vương Baphomet đe doạ nhà trừ tà

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #204: Baphomet Threatens Exorcist”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 204: Quỷ vương Baphomet đe doạ nhà trừ tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Baphomet, một con quỷ cấp cao, là kẻ chiếm hữu hàng đầu trong một trường hợp đặc biệt khó chịu. Người phụ nữ trẻ đau khổ thường xuyên bị ma quỷ hành hung và thao túng. Các buổi trừ tà diễn ra căng thẳng và đầy những tiếng chửi thề, la hét, gầm gừ, cử chỉ dâm dục và nôn mửa.

Vào cuối buổi trừ tà gần đây nhất, người phụ nữ trẻ đã trở lại chính mình sau khi ở trong trạng thái yêu quái hoạt động trong gần một giờ. Nhà trừ tà hỏi, như ngài thường làm vào cuối mỗi phiên trừ tà, “Con có khỏe không? Điều gì đã xảy ra trong phiên trừ tà? “ Cô ấy nói với Nhà trừ tà, “Baphomet giận cha. Nó nói rằng tối nay nó sẽ đón cha vào lúc nửa đêm tối nay.”

Đây không phải là lần đầu tiên những con quỷ đe dọa một người trong chúng tôi. Đôi khi họ sẽ nói thẳng với Nhà trừ tà khi nào họ sẽ tấn công và những lúc khác thì nó nói thông qua những người bị quỷ ám đang được trừ tà. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi là khi chúng nói rằng chúng sẽ tấn công các linh mục, chúng thực sự sẽ làm như vậy. Đó không phải là một thứ hù doạ. Tuy nhiên, Kẻ ác không được phép làm bất cứ điều gì hơn Chúa cho phép và Ngài luôn ban cho những ân sủng để vượt qua bất kỳ sự tấn công nào của ma quỷ.

“Biết trước nguy hiểm là một lợi thế.” Vài giờ trước nửa đêm, một linh mục trừ quỷ khác đã vui lòng cầu một số lời cầu nguyện giải cứu cho vị linh mục. Điều này có tác dụng làm giảm bớt phần nào cuộc tấn công sắp tới. Sau đó, ngài dâng mình cho Đức Trinh Nữ xin Đức Mẹ bảo vệ, tưới nước thánh quanh phòng và đi ngủ.

Khoảng nửa đêm, Nhà trừ tà bị đánh thức bởi một cơn kích động dữ dội và những cám dỗ. Sau đó là những cảm giác hoàn toàn tăm tối. Nhận ra nguồn gốc của những cuộc tấn công tinh thần mạnh mẽ này, Nhà trừ tà sau đó đã nói to ba lần: “Tôi dâng những tấn kích này để giải phóng người đau khổ.”

Ngay lập tức, các cuộc tấn công giảm bớt cường độ. Sự dâng hiến này này không chỉ giúp ích cho người đau khổ, mà nó còn gây ấn tượng với những con quỷ, một lần nữa, rằng tất cả những nỗ lực của chúng đều tự chuốc lấy thất bại. Mọi việc chúng làm cuối cùng đều làm rạng danh Thiên Chúa và thêm các linh hồn vào Nước Thiên Chúa.

Các cuộc tấn công đã không tan biến hoàn toàn cho đến khi một vài giờ trôi qua. Sau đó, vị linh mục trở lại giường và ngủ ngon lành, một lần nữa cảm nghiệm được quyền năng vượt trội của Chúa Kitô và sự đánh bại Sa-tan của Ngài.

Sợ hãi Satan và tay sai của hắn chỉ tiếp thêm sức mạnh cho ma quỷ. Đức tin không chỉ đơn giản là thừa nhận rằng Thiên Chúa tồn tại. Đức tin ngụ ý tin tưởng vào Thiên Chúa và vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phó thác hoàn toàn vào tay Chúa.

Sẽ không có linh mục nào sống sót lâu trong cuộc chiến tinh thần đôi khi dữ dội mà không có sự phó dâng cá nhân trong tay Chúa như vậy.
Source:Catholic Exorcism
 
Pháo binh Putin bắn hỏa tiễn nổ tung thành phố Nga. Hạ viện Moscow họp khẩn, hô hào ám sát Zelenskiy
VietCatholic Media
15:29 02/09/2022


1. Thống đốc Nga phàn nàn pháo binh Nga phóng hỏa tiễn tấn công một thành phố của chính mình

Sáng thứ Sáu 2 tháng 9, Vyacheslav Gladkov, thống đốc Belgorod đã lên tiếng phàn nàn trên các phương tiện truyền thông Nga về vụ pháo binh Nga đã phạm sai lầm chết người khi tấn công vào quận Komsomolske, phía tây nam Belgorod của Nga. Ông ta không đưa ra các con số thương vong cụ thể nhưng xác nhận có các thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Missile Launch Goes Spectacularly Wrong in Video”, nghĩa là “Vụ phóng hỏa tiễn của Nga diễn ra sai lầm ngoạn mục trong video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các video lan truyền trên mạng xã hội dường như cho thấy khoảnh khắc một vụ phóng hỏa tiễn của Nga đã bị sai lầm một cách ngoạn mục.

Các quan chức quân đội Ukraine cho biết, vào đêm thứ Tư, quân đội Nga đã phóng 6 hỏa tiễn phòng không S-300 về hướng Kharkiv ở đông bắc Ukraine, tuy nhiên, một trong số các hỏa tiễn đã đi chệch hướng và đánh trúng một quận ở thành phố Belgorod của Nga, gần biên giới Ukraine.

Các quan chức quân đội Ukraine cho biết một số người dân Belgorod đã ghi lại khoảnh khắc này trên máy ảnh.

Tài khoản tình báo nguồn mở OSINT Technical đã chia sẻ một số đoạn clip được cho là cho thấy việc pháo kích không thành công trên Twitter, cho thấy rằng “đã xảy ra sự việc nghiêm trọng với hệ thống hướng dẫn.”

Trong một đoạn clip dài 19 giây, người ta có thể thấy hỏa tiễn đang di chuyển về phía trước, trước khi chệch hướng, quay vòng vòng, và cuối cùng rơi xuống đất, tạo ra một vụ nổ.

Các kênh Telegram địa phương cho rằng nó rơi ở khu vực quận Komsomolske, phía tây nam Belgorod.

Trước đó, Vyacheslav Gladkov, thống đốc khu vực Belgorod, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng một số vụ nổ đã được báo cáo trong thành phố, các xe cứu thương được điều động khẩn cấp và hệ thống phòng không của khu vực đang hoạt động. Ông nhấn mạnh rằng các tiếng còi báo động vang lên trong thành phố là do biến cố này nhằm trấn an dân chúng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Đây không phải là lần đầu tiên thiết bị quân sự của Nga bị trục trặc.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội hồi tháng 6 xuất hiện cho thấy khoảnh khắc một hệ thống phòng không của Nga gặp trục trặc và hỏa tiễn dường như quay ngược trở lại điểm mà nó được bắn đi.

Hỏa tiễn phòng không được phóng từ thành phố Alchevsk ở vùng Luhansk của Ukraine, dường như thay đổi quỹ đạo sau khi phóng và tấn công gần chính hệ thống đã phóng ra nó.

Đoạn clip do kênh Telegram Kyiv Operative đăng tải lần đầu cho thấy khoảnh khắc một hỏa tiễn quay ngoắt và bay theo hướng ngược lại ngay sau khi phóng, tạo ra một vụ nổ lớn khi va chạm và phóng tia lửa lên bầu trời.

Nhiều còi báo động và còi báo động vang lên ngay sau khi vụ nổ xảy ra.

Không rõ liệu có bất kỳ thiết bị nào bị phá hủy hoặc hư hỏng hay không, hoặc liệu có bất kỳ thương vong nào trong số các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn hay không.

Nguyên nhân của sự việc kỳ lạ không được tường trình rõ ràng.

Và vào tháng 6, các lực lượng Nga đã cố gắng thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố, nhưng hỏa tiễn đầu tiên đã phát nổ trên bầu trời thành phố ngay sau khi phóng và vỡ vụn, gây ra một đám cháy không xa các tòa nhà dân cư trong khu vực, hãng tin Ukraine 24TV đưa tin vào thời điểm đó.

2. Các chính trị gia Nga kêu gọi thay đổi trọng tâm chiến tranh ở Ukraine, xoay qua sử dụng sách lược khủng bố

Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho thế giới, các nhà lập pháp Nga đang hô hào Putin dùng đến sách lược khủng bố khi cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga rơi vào bế tắc và quân Nga đang lúng túng trước cuộc tổng phản công của người Ukraine tại Kherson. Lời kêu gọi này cho thấy các chính trị gia Nga không quan tâm gì đến luật pháp quốc tế. Nó cũng cho thấy giới tinh hoa Nga bắt đầu nói năng mê sảng. Ngay từ đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai, Putin đã phái một lực lượng đặc biệt với nhiệm vụ là bắt giữ hay giết chết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ngay lúc đó, làm không được, bây giờ hô hào thì đúng là nói năng mê sảng. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Politicians Call to Change Ukraine War Focus, Eliminate Zelenskiy”, nghĩa là “Các chính trị gia Nga hô hào thay đổi trọng tâm chiến tranh Ukraine, tiêu diệt Zelenskiy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các nhà lập pháp Nga đang kêu gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin ở Ukraine phải chuyển trọng tâm để mục tiêu chính của nó trở thành “loại bỏ” Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và chính quyền của ông.

Hai đại biểu của Duma Quốc gia Nga, tức là Hạ Viện Nga - Sergei Mironov và Mikhail Sheremet - đã hô hào sự thay đổi trong các nhận xét riêng biệt trong tuần này.

Trong một video lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Tư, Mironov nói: “Các hành động khủng bố vẫn tiếp tục. Darya Dugina đã bị giết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bị pháo kích. Có vẻ như hoạt động quân sự đặc biệt tương tự có thể tràn sang hoạt động chống khủng bố”.

Mironov, người cũng là người đứng đầu đảng chính trị Một Nước Nga Xứng Đáng, với chủ trương tái lập Liên Xô cũ, nói thêm rằng một trong những mục tiêu chính của nhiệm vụ chống khủng bố là “tiêu diệt thể lý các thủ lĩnh băng đảng” và mô tả Zelenskiy là “thủ lĩnh của nhà nước Đức Quốc xã và là tên trùm khủng bố chính.”

Newsweek không thể xác minh video được quay khi nào hoặc ở đâu. Tuy nhiên, vào ngày 25/8, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin Mironov cho biết việc thay đổi cục diện cuộc chiến của Putin sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga đạt được một trong những mục tiêu của mình.

Mironov cho biết: “Một trong những mục tiêu mà tổng thống đặt ra, là phi phát xít hóa Ukraine, sẽ không đạt được nếu không có sự thanh lý chế độ khủng bố tội phạm Zelenskiy,” Mironov nói, sau cuộc họp đột xuất của Duma Quốc gia.

Sheremet, người sinh ra ở khu vực sáp nhập Crimea, cũng đề xuất rằng hoạt động của Putin ở Ukraine nên tập trung vào việc “chống khủng bố”.

Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm thứ Tư, Sheremet cho biết Ukraine đã “trở thành thành trì và là điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Phó chủ tịch Duma cáo buộc Kyiv đã “phá hủy” dân số của mình, pháo kích vào các thành phố yên bình và nhà máy Zaporizhzhia. Ông ta mô tả những cuộc tấn công này và “những nỗ lực gây hấn chống lại các quốc gia láng giềng” là tội ác.

“Vì vậy, tôi tin rằng bản chất của hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine nên được thay đổi. Đây không chỉ là một hoạt động đặc biệt mà còn là một hoạt động chống khủng bố,” Sheremet nói, đồng thời nói thêm rằng Kyiv là mối đe dọa đối với” toàn bộ thế giới văn minh.

Vào ngày 24 tháng 2, Putin tuyên bố rằng ông đang phát động “hoạt động quân sự đặc biệt” để bảo vệ những người đã bị chế độ Kyiv “làm nhục và diệt chủng”.

Tổng thống Nga cho biết chính phủ của Zelenskiy đang nhắm vào những người ở vùng Donbas của Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tìm cách phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đưa ra xét xử những kẻ đã gây ra nhiều tội ác đẫm máu chống lại dân thường, bao gồm cả chống lại công dân của Liên bang Nga,” ông Putin nói trong bài phát biểu của mình.

Putin và các quan chức Nga khác đã nhiều lần cho rằng Ukraine được lãnh đạo bởi “những người theo chủ nghĩa tân quốc xã”, mặc dù bản thân Zelenskiy là người Do Thái và có các thành viên trong gia đình bị giết trong cuộc diệt chủng người Do Thái.

Các chuyên gia quân sự tin rằng mục tiêu cuối cùng của Putin là chiếm toàn bộ Donbas và đánh chiếm các khu vực có tầm quan trọng chiến lược khác, bao gồm Kherson, nơi đang xảy ra cuộc phản công của Ukraine.

Malcolm Chalmers, Phó tổng giám đốc của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, nói với Newsweek vào tháng 6 rằng ông tin rằng Ukraine có thể đảo ngược một số lợi ích lãnh thổ của Nga, chẳng hạn như Mariupol và Kherson.

Chalmers nói: “Hoàn toàn có khả năng nhiều lợi ích lãnh thổ mà người Nga đạt được sẽ bị đảo ngược.

Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Ukraine và Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Reznikov cho biết Thụy Điển sẽ cung cấp “những công cụ quan trọng và có giá trị” cho quân đội Ukraine

Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine “một số công cụ quan trọng và có giá trị” cần thiết cho quân phòng thủ Ukraine trên tuyến đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov đã cho biết như trên.

Ông viết: “Tin vui về một gói hỗ trợ quân sự mới từ Thụy Điển, mà bạn và đồng nghiệp của tôi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Peter Hultqvist, đã xác nhận hôm nay.

Không tiết lộ chi tiết, ông lưu ý rằng quân đội Ukraine trên tiền tuyến sẽ được cung cấp “một số công cụ quan trọng và có giá trị”.

Theo báo cáo của Ukrinform, dự thảo ngân sách cho năm tới của Đan Mạch liệt kê Ukraine là nước được ưu tiên hàng đầu về hỗ trợ tài chính và quân sự.

4. Podolyak phản ứng với “mục tiêu” mới của chiến tranh do Putin đề ra, nhắc nhở Putin rằng lịch sử nên được ghi nhớ

Mykhailo Podolyak, cố vấn chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã phản ứng trước những tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về một “mục tiêu” mới của cuộc chiến.

Ông nói: “Tuyên truyền của Nga kể từ tháng 2 cho rằng NATO đã khiêu khích họ”. Putin hôm nay nay: “Mục tiêu của chúng ta là xóa bỏ cái gọi là Ukraine, chúng ta phủ nhận sự tồn tại của một đất nước như vậy”. Vào Ngày tri thức ở Nga, bài học lịch sử nên được ghi nhớ. Ukraine - nơi mà tất cả bắt đầu. Ukraine cũng sẽ là nơi kết thúc sự xấu xa của ông ta.”

Theo RBC, tại Kaliningrad, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về “mục tiêu” mới của cuộc chiến ở Ukraine. Theo ông, một “khu vực chống Nga” được cho là đã được tạo ra ở Ukraine, đe dọa Nga. Chính vì thế, nhiệm vụ của quân Nga là phải xóa bỏ sự tồn tại của cái gọi là quốc gia Ukraine. “Không tồn tại một quốc gia như thế,” Putin nói.

Vào ngày 24 tháng 2, Liên bang Nga bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc chiến chống lại Ukraine - cuộc xâm lược toàn diện. Những kẻ xâm lược ném bom và pháo kích các thành phố và làng mạc yên bình của Ukraine, tra tấn và giết chết dân thường.

5. Đồng minh của Putin muốn thêm 500.000 binh sĩ vào Chiến trường Ukraine

Chính trị gia người Nga ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin được cho là ủng hộ dự thảo bổ sung thêm từ 300.000 đến 500.000 quân cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine khi Nga tìm cách tăng cường nhân lực của mình.

Aleksandr Borodai, người phục vụ trong Duma Quốc gia Nga và đã từng lãnh đạo phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014, nói với The New York Times rằng nếu không có dự thảo như vậy, các đơn vị Nga sẽ vẫn đông hơn lực lượng của Ukraine. Nhưng ông nói rằng đó là một “sự bất công rõ ràng” khi cuộc sống ở thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga vẫn như trước khi chiến tranh bắt đầu, trong khi quân đội Nga tiếp tục chết và bị thương.

Nga đã không cung cấp ước tính về thiệt hại quân của họ ở Ukraine kể từ cuối tháng 3 khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin họ đã mất khoảng 1.351 binh sĩ. Ukraine đã chỉ ra con số thiệt mạng cao hơn nhiều đối với Nga, với ước tính gần đây nhất của họ đưa tổn thất quân đội Nga lên gần 50.000 người kể từ khi bắt đầu cuộc chiến từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 1 tháng 9.

Trong khi đó, tiến độ trên mặt trận chiến tranh của cả hai bên dường như đã chậm lại trong những tuần gần đây, điều này có thể khiến Nga đánh giá cao hơn tầm quan trọng của việc tăng cường quân đội của mình.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga đang “cố tình” làm chậm tốc độ của cuộc tấn công ở Ukraine để giảm thiểu thương vong dân sự, một lời giải thích bị Bộ Quốc phòng Ukraine chế nhạo.
 
Kirill muốn phong thánh cho Daria gây căng thẳng sâu sắc trong Chính Thống Giáo. GH ở Iraq gặp nguy
VietCatholic Media
17:11 02/09/2022


1. Đụng độ nổ ra sau khi giáo sĩ Hồi Giáo dòng Shiite ở Iraq từ chức, 15 người chết

Một giáo sĩ dòng Shiite có ảnh hưởng đã tuyên bố hôm thứ Hai rằng ông sẽ từ chức khỏi chính trường Iraq, khiến hàng trăm tín hữu của ông tức giận xông vào cung điện chính phủ và gây ra các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Ít nhất 15 người biểu tình đã thiệt mạng.

Những người biểu tình trung thành với giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã dùng dây thừng kéo hàng rào xi măng bên ngoài cung điện và phá vỡ cổng cung điện. Nhiều người đổ xô vào các salon xa hoa và đại sảnh lát đá cẩm thạch của cung điện, nơi gặp gỡ quan trọng của các nguyên thủ Iraq và các chức sắc nước ngoài.

Quân đội Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và thủ tướng đã đình chỉ các phiên họp của Nội các để đối phó với bạo lực. Các quan chức y tế cho biết hàng chục người biểu tình đã bị thương do trúng đạn và hơi cay và các cuộc đánh xáp lá cà với cảnh sát chống bạo động.

Khi màn đêm buông xuống, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã đụng độ với nhóm an ninh Lực lượng Huy động Bình dân, gọi tắt là PMF. Một lực lượng nhỏ từ sư đoàn đặc nhiệm và sư đoàn 9 của quân đội Iraq cũng tham gia để ngăn chặn các chiến binh khi các cuộc đụng độ tiếp tục kéo dài nhiều giờ bên trong Vùng Xanh, nơi đặt các tòa nhà của chính phủ Iraq.

Ít nhất một binh sĩ thuộc sư đoàn lực lượng đặc biệt, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trong Khu vực Xanh, đã thiệt mạng. Nhiều người khác, bao gồm một phụ nữ dân sự, bị thương. Một số loạt đạn súng cối đã được nghe thấy.

Tiếng súng máy nổ vang khắp trung tâm Baghdad.

PMF là một nhóm vũ trang bao gồm các nhóm bán quân sự được nhà nước công nhận. Đó là những nhóm quyền lực nhất liên kết với các đối thủ của al-Sadr trong phe chính trị do Iran hậu thuẫn.

Các quan chức an ninh cho biết súng cối và súng phóng lựu đạn đã được sử dụng trong các cuộc đụng độ. Đây là đỉnh điểm của sự bế tắc chính trị khó giải quyết giữa các phe đối địch.

Chính phủ Iraq rơi vào bế tắc kể từ khi đảng của ông al-Sadr giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 nhưng không đủ để bảo đảm một chính phủ đa số. Việc ông từ chối đàm phán với các đối thủ người Shiite được Iran hậu thuẫn và sau đó rút lui khỏi các cuộc đàm phán đã đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn và biến động chính trị trong bối cảnh tranh cãi trong nội bộ người Shiite ngày càng gia tăng.

Phần lớn dân số Hồi giáo của Iraq được chia thành hai giáo phái, người Shiite và người Sunni. Dưới thời Saddam Hussein, người Shiite bị đàn áp cho đến khi cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đảo ngược trật tự chính trị. Bây giờ người Shiite đang chiến đấu với nhau, với sự tranh chấp xoay quanh quyền lực và tài nguyên nhà nước. Cuộc chiến còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Đức Hồng Y Louis Sako của Iraq âu lo rằng trong bối cảnh bất ổn kéo dài, có lẽ các Kitô Hữu sẽ sớm biến mất khỏi Iraq.

Để nâng cao lợi ích chính trị của mình, al-Sadr đã kết hợp tài hùng biện của mình với chủ nghĩa dân tộc và chương trình cải cách, gây tiếng vang mạnh mẽ trong số những người ủng hộ rộng rãi, những người thuộc các thành phần xã hội nghèo nhất của Iraq và đã từng bị loại khỏi hệ thống chính trị.

Nhiều người đầu tiên là tín hữu của cha ông, một nhân vật được tôn kính trong đạo Hồi Shiite. Họ đang kêu gọi giải tán quốc hội và bầu cử sớm mà không có sự tham gia của các nhóm Shiite do Iran hậu thuẫn, những nhóm mà họ coi là chịu trách nhiệm về hiện trạng chia rẽ hiện nay.

Trong các cuộc đụng độ hôm thứ Hai, Saraya Salam, một lực lượng dân quân liên kết với al-Sadr đã tập trung tại Quảng trường Tahrir của thủ đô để “bảo vệ” những người biểu tình, một trong những chỉ huy của lực lượng này cho biết.
Source:AP

2. Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga hoãn vô thời hạn do căng thẳng sâu sắc trong nội bộ

Hôm 25 tháng 8, trong một tuyên bố chưa từng có Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga cho biết sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc họp.

Tuyên bố viết: “Vì tình hình quốc tế tiếp tục ngăn cản nhiều thành viên của các Hội đồng Giám mục đến Mạc Tư Khoa, nên các cuộc họp đã bị hoãn lại cho đến một ngày sẽ được xác định sau”.

Tuyên bố nói thêm rằng một cuộc họp ban thường trực vào tháng 12 có thể sẽ xác định lại vấn đề này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 17 tháng 4, Thượng Hội đồng cũng đã quyết định hoãn Hội đồng Giám mục cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm nay vì tình hình quốc tế.

Lý do các thành viên ở các nước khác không thể đến Mạc Tư Khoa, nếu là đúng, cho thấy Nga đang bị cô lập như thế nào trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, các nguồn tin thông thạo cho rằng lý do chính trong việc hoãn vô thời hạn là đã có những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Chính Thống Giáo Nga. Một số các Giám Mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang có ý muốn “phong thánh” cho Daria Dugina, một phụ nữ quá khích hô hào chiến tranh xâm lược Ba Lan và Ukraine, và đã qua đời trong một vụ đặt bom làm nổ tung chiếc xe hơi cô đang lái. Putin ca ngợi Daria Dugina như một hình mẫu người Nga yêu nước nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Kirill ca ngợi cô ta như một hình mẫu tín hữu Chính Thống Giáo, mặc dù khi sống cô ta hô hào chống lại các giá trị cốt lõi của Kitô Giáo như yêu thương và xem mọi người là bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa.
Source:Inter Fax

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô: Làm thế nào chúng ta lại có thể chúc phúc cho cuộc chiến này, như Kirill đã làm?

Thượng phụ Đại kết Bartholomew một lần nữa bày tỏ sự lên án cuộc chiến bắt đầu từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo về hội nghị của những người trẻ Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ do Tòa Thượng phụ Đại kết tổ chức vào đầu tháng 9, Đức Thượng phụ nói rằng “Tôi đã bày tỏ lập trường của Tòa Thượng phụ Đại kết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đau thương này. Tôi đã nói rằng điều đó là không chính đáng và không thể chấp nhận được “.

Ngài tiếp tục: “Đáng buồn thay, Thượng phụ Mạc Tư Khoa nói rằng đó là một cuộc thánh chiến và cố gắng biện minh cho nó và giải thích nó bằng các thuật ngữ tâm linh và tôn giáo”.

“Nhưng tôi đã tự mình sửa sai ngài và nói rằng đó không phải là một cuộc thánh chiến mà là một cuộc chiến ma quỷ và ác độc. Khi hàng ngàn tân binh của cả hai bên bị giết, và không chỉ binh lính mà còn cả dân thường, làm sao chúng ta có thể dùng hai tay để chúc phúc cho cuộc chiến này, như Thượng Phụ của Mạc Tư Khoa đã làm?”

Ngài cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể chọn một cách khác để giải quyết các vấn đề của mình với Ukraine mà nước này có biên giới. “Putin đã chọn cách tồi tệ nhất. Chúng tôi muốn cuộc chiến này kết thúc sớm hơn, và muốn các cường quốc phương Tây giúp thuyết phục Nga”.

Mở đầu bài phát biểu của mình, đề cập đến đại hội, Thượng phụ Đại kết tuyên bố rằng Tòa Thượng phụ Đại kết, với tư cách là Giáo hội Mẹ, luôn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến giới trẻ.

“Chúng tôi có người Nga, người Ukraine, người Gagauzia, người Gruzia, người Rumani, v.v. và tất cả chúng tôi đều vây quanh họ với tình cảm như nhau mà không phân biệt đối xử ủng hộ người này hay người kia. Tất cả họ đều là con cái của Tòa Thượng Phụ chừng nào họ còn sống ở đây, ở Thổ Nhĩ Kỳ này”.

Ngài nhấn mạnh rằng “theo luật chính thống của Giáo hội Chính thống, không Giáo hội nào khác có quyền tài phán đối với Chính thống giáo sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ Tòa Thượng phụ Đại kết, là Giáo hội địa phương. Cả Tòa Thượng phụ Nga, Tòa Thượng phụ Rumani, hay Tòa Thượng phụ Bulgaria. Không có Giáo Hội nào có thẩm quyền. Tất cả những người trẻ này, những người sẽ tập trung vào thứ Tư tới tại khách sạn để dự hội nghị, tất cả đều là những đứa con tinh thần của Tòa Thượng Phụ Đại kết.”

Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng “chúng tôi muốn thể hiện tình yêu và tình cảm của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, sự quan tâm của Giáo Hội đối với các thành viên của xã hội, những người trong các lãnh vực cuộc sống. Và rằng họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Đại kết, bất kể nguồn gốc quốc gia của họ. Và Tòa Thượng Phụ có quyền và có bổn phận đáp ứng nhu cầu tôn giáo và tâm linh của họ”.

Các ngôn ngữ của hội nghị là tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Nga.
Source:Orthodox Times