Ngày 02-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:08 02/09/2019

25. Nên chú ý đến khuyết điểm của mình mà không nên chú ý đến khuyết điểm của người khác, luôn nghĩ rằng mình thấp kém hơn tất cả mọi người.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:14 02/09/2019
3. ANH EM GIỐNG NHAU

Trương Bá Giai, Trương Trung Giai là hai người nhưng rất giống nhau.

Một lần nọ, vợ của Trung Giai sau khi chải chuốt ăn mặc xong nhìn thấy Bá Giai thì cho rằng đó là chồng mình nên nên nủng nịu hỏi nhỏ:

- “Mình thấy em hôm nay trang điểm có đẹp không ?”

Bá Giai vội vàng đáp:

- “Tôi là Bá Giai”.

Vợ của Trung Giai đỏ mặt đỏ mày lật đật bỏ đi. Một lúc sau lại thấy Bá Giai thì cho là chồng mình nên nói:

- “Vừa mới mắc phải sai lầm lớn, thấy Bá Giai mà tưởng là mình !”

Bá Giai mắc cở nói:

- “Thì tôi vẫn là Bá Giai đây mà !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 3:

Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về việc anh em hoặc chị em sinh đôi trong thế giới này, bởi vì mắt thịt của con người ta không phân biệt được đâu là người của mình và đâu là người không phải của mình vì hai người quá giống nhau.

Thánh Gioan Tông Đồ cảnh cáo chúng ta coi chừng các tên phản Ki-tô, ngài nói rằng các tiên tên phản Ki-tô này không phải ở ngoài nhưng ở trong Giáo Hội và chúng nó không ở trong hàng ngũ của chúng ta. Nó ở trong chúng ta vì chúng cũng đi lễ như chúng ta, chúng cũng nói lời đạo đức như chúng ta, chúng cũng tỏ ra bác ái với mọi người như chúng ta, chúng cũng viết sách viết báo như chúng ta.v.v… nhưng tất cả những cái chúng làm đó là để lôi kéo người khác về phe với chúng và thực chất là chống đối Giáo Hội, chúng nó và chúng ta -người Ki-tô hữu- nhìn bên ngoài thì giống nhau như hai chị em sinh đôi, nhưng tâm hồn chúng nó thì đã thuộc về ma quỷ chống phá Giáo Hội.

Mắt thịt của chúng ta không nhận ra họ là những phản Ki-tô, nhưng nhờ ơn Thiên Chúa giúp chúng ta sẽ nhận ra họ chính là những kẻ phản Ki-tô đó là khi họ lên tiếng chỉ trích, chống đối các bậc bề trên hợp pháp của Giáo Hội.

Thật tội nghiệp cho họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày 1/9/2019: Các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành cùng đánh chuông cầu nguyện cho Hồng Kông
Giang Thanh
14:39 02/09/2019
HONGKONG - Cuộc chiến ở Hồng Kông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả 2 bên đều thể hiện thái độ cương quyết. Phía chính quyền bà Lâm Trịnh không những không giữ lời hứa đối thoại cởi mở cùng nhân dân, mà còn đồng thuận với cảnh sát cho mạnh tay trấn áp hơn. Từ ngày 30/8, đã có nhiều lệnh bắt bớ không chính đáng với các đối tượng bị tình nghi là thủ lãnh. Trong khi phía quần chúng cũng càng lúc càng hun thêm lòng căm phẫn, giới trẻ được củng cố ý chí quyết tâm hơn, đập phá khắp nơi, cắt camera giám sát, sửa ký hiệu đèn giao thông đường phố và bến tàu điện ngầm, thậm chí phục kích đả thương cảnh sát, ném bom xăng chống trả, đốt cờ Trung Cộng …vv…

Giờ đây, toàn bộ lịch biểu tình mà ủy ban nhân quyền dân vận phát động đều bị cục cảnh sát từ chối, thậm chí việc mít tinh cũng không được phê chuẩn, đồng nghĩa với việc cảnh sát có quyền bắt bớ những người tham gia xuống đường. Tuy nhiên, trong 1 điều luật ở Hồng Kông, các cuộc mít tinh tôn giáo nghiễm nhiên được coi là hợp pháp mà không cần phải xin phép. Do vậy vào ngày thứ Bảy 31/8, người ta đã kêu gọi nhiều tôn giáo khác nhau liên hiệp hành động, hát vang Thánh Ca trong khi di chuyển, với chủ đề “Cầu nguyện cho tội nhân”. Họ cũng tràn ra các ngả đường. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, hơi cay, súng cao su, sau đó truy đuổi đánh đập thẳng tay và bắt bớ nhiều người. Nhưng người ta cũng phát hiện ra vô số cảnh sát trà trộn giả danh, dẫn đầu các hành động công kích, tạo hiện trường giả, áp đặt tiếng ác cho nhóm biểu tình.

Chúa Nhật ngày 1/9, tất cả các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành đồng loạt đánh chuông vào lúc 1h trưa để cầu nguyện cho Hồng Kông, cụ thể là “Cầu nguyện cho tội đồ Lâm Trịnh”. Vào buổi chiều, mặc cho việc ấn tín về lệnh cấm quấy nhiễu sân bay vẫn còn hiệu lực, người dân vẫn đúng kế hoạch kéo đến. Một số chuyến bay đã bị hủy, cục quản lý sân bay phải thực thi các biện pháp an ninh cẩn mật. Dân chúng trong nhiều vai diễn khác nhau để hợp pháp tiến vào gần sân bay, họ tự nhận là những nghiên cứu sinh, là người làm công, hoặc đưa đón người thân, v.v… Nhưng mỗi khi khẩu hiệu xướng lên thì tất cả đều hô vang hưởng ứng. Họ cũng dùng các hình thức phát tờ rơi thông tin cho du khách để lý giải tình hình của Hồng Kôngđồng thời loan truyền với thế giới. Chiều tối khi các phương tiện giao thông công cộng hoàn toàn bị đình chỉ, nhiều nhóm phải đi bộ hàng chục km ra ngoài phố. Trong chớp nhoáng, dân chúng lập tức huy động hơn 5000 chiếc xe ca tự nguyện đến cứu trợ người biểu tình an toàn rút khỏi khu vực sân bay. Nghĩa cử cao đẹp này đã được thế giới ca ngợi như là phiên bản của cuộc di tản Dunkirk trong thế chiến thứ II và là hình ảnh ấn tượng nhất trong những ngày qua.

Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới ở Hồng Kông, nhưng rất nhiều trường trung học, đại học và học viện đã hưởng ứng chiến dịch bãi khóa. Dù trời mưa bão, vẫn có 30 ngàn học sinh, sinh viên góp mặt trên Bách Vạn đại lộ tại CUHK. Đây là trường ĐH luôn dẫn đầu các hoạt động đồng hành với xã hội trong mọi cuộc chiến dân chủ. Hiệp hội sinh viên tuyên bố sẽ cương quyết duy trì bãi khóa đến ngày 13/9. Nếu các yêu sách vẫn không được đáp ứng, họ có thể nâng cấp chống đối. Họ cũng nhấn mạnh tinh thần “bãi khóa nhưng không ngừng học tập”.

Tại trường trung học St Francis Canonssian, cái nôi học đường của bà đặc khu trưởng, các nữ sinh quỳ trước cổng trường giơ khẩu hiệu khẩn nài “Trịnh sư tỷ, xin hãy thấu lòng sư muội”. Trước kia ngôi trường Band 1A danh tiếng này từng tự hào vì bà Lâm Trịnh bao nhiêu thì nay ắt đau lòng bấy nhiêu.

Tại một số bệnh viện công lập, đội ngũ Y bác sĩ cũng đình công, mít tinh. Nhiều quận khác trong Hồng Kôngvẫn có các nhóm nhỏ được phân bố làm tắc nghẽn giao thông, gây sự cố trong các trạm tàu điện ngầm. Các cuộc nổi dậy tiếp diễn khắp nơi tới đêm khuya.

Cho đến tận bây giờ, nhìn Hồng Kôngngổn ngang “thương tích”, giới học giả vẫn xót xa đặt câu hỏi: tại sao Lâm Trịnh tuyên bố được “Luật dẫn độ đã chết” mà bà lại không thể chuyển ngữ nó thành “triệt tiêu”, chôn vùi nó vĩnh viễn? Chỉ cần một lời vàng ngọc của bà thốt ra lúc này sẽ làm dịu lòng toàn bộ dân chúng, căng thẳng sẽ được tích cực gỡ cởi. Từ một tín đồ Công Giáo, nay bà đang bị xem như một tội đồ. Trong một phát ngôn vừa được tiết lộ, bà nói: Nếu được lựa chọn, bà sẽ từ chức để tạ lỗi thần dân. Khi các mâu thuẫn xã hội càng nhân cấp càng đi càng xa, sẽ càng khó tìm lại lối quay về, cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc. Xin hãy cùng tiếp tục cầu nguyện cho Hồng Kông.
 
Một học sinh lớp 7 đã tặng món tiền trúng giải $15,000 cho bệnh viện nhi đồng.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:24 02/09/2019


Món quà quảng đại sẽ giúp nghiên cứu cách trị bệnh cho trẻ em.

Theo trang mạng Kake.com thì một trong những điều tuyệt vời nhất về trẻ em là cách mà chúng gây cảm hứng cho người lớn để trở nên người tốt hơn. Đây chính là trường hợp của một em học sinh lớp 7, tên là Diesel Pippert thuộc trường Western Reserve, đã quyết định biếu tặng tất cả số tiền trúng giải là $15,000 cho Bệnh Viện Thánh Jude, một Bệnh Viện Nghiên Cứu về Trẻ Em.

Hành động vượt trội này của Pippert đã được chia sẻ trên Facebook của nhà trường nhằm để cao lòng quảng đại của học sinh. Pippert đã cho đi phần thưởng về gia súc mà em đã thắng được tại một Hội Chợ lớn về bán gia súc tại Quận Hạt Huron để giúp bệnh viện nghiên cứu tìm kiếm cách chữa trị bệnh tật cho trẻ em. Nhà trường đã ngay lập tức gọi Pippert là một anh hùng, nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng học sinh này đã biểu lộ mức độ tử tế và lòng trắc ẩn ít khi gặp được ở nhiều người lớn. Bạn trẻ này thực sự đã mang lại tiếng thơm cho gia đình, trường học và cộng đồng của cậu.


Source: aleteia.org 7th grader gives $15,000 winnings to children’s hospital
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video đến cho dân chúng Madagascar trước chuyến tông du của Ngài.
Thanh Quảng sdb
18:51 02/09/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp bằng video đến cho dân chúng Madagascar trước chuyến tông du của Ngài.

Chuyến tông du ba quốc gia lần thứ hai của ĐTC sẽ diễn ra vào ngày 6 đến 8 tháng 9 này.
Ngày 1 tháng 9 năm 2019 Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video tới cho dân chúng Madagascar, là chặng dừng chân trong chuyến tông du ba quốc gia của Ngài bắt đầu từ ngày 4 tháng 9 này. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ thăm Mozambique và Mauritius.
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn những ai đang vất vả chuẩn bị cho chuyến tông du của ngài, đặc biệt là những tâm tình cầu nguyện, của cá nhân, gia đình và cộng đoàn giáo xứ hay trong các bệnh viện và nhà tù…
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện không có ranh giới dù cho khi ngài đến thăm Madagascar, hay các nơi khác vì với lời cầu nguyện ngài sẽ đến được với mọi người, và ngài cũng khẩn cầu Thiên Chúa chúc lành cho tất cả.
Đức Thánh Cha Phanxicô vào lưu ý rằng Madagascar nổi tiếng về vẻ đẹp thiên nhiên và đây là điểm then chốt mà thông điệp “Laudato si!” đã đề cập tới, chúng ta phải có nhiệm vụ gìn giữ nó.
Tuy nhiên, còn một vẻ đẹp khác mà chính Thiên Chúa đã tặng ban Con một ngài cho chúng ta, đó chính là sự thánh thiện của các bạn! Vì lý do này, mà tôi muốn đến để củng cố niềm tin và chia sẻ niềm tin với anh chị em và ĐTC nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria ban cho anh chị em đươc món quà sung mãn này.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp bằng cám ơn những người bạn Madagascar và Ngài hẹn gặp lại họ rất sớm!
 
Phán quyết của chánh án Weinberg về kháng cáo của ĐHY Pell: Các bằng chứng còn lại
Vũ Văn An
19:36 02/09/2019
David Dearing

537 David Dearing khoảng 13 tuổi vào năm 1996. Ông là một cậu bé được nhận học bổng trong ca đoàn Nhà thờ Chính tòa, và cũng học tại trường trung học St Kevin. Ông thường xuyên tham dự thánh lễ trọng thể Chúa Nhật.

538 Ông được hỏi liệu có từng thấy đương đơn mặc áo lễ mà không ở cùng Portelli không. Ký ức của ông là họ luôn ở bên nhau. Ông mô tả Portelli như ‘Vệ sĩ’ của đương đơn, và như ‘chiếc bóng’ của ngài ở mỗi dịp. Ông nhớ đương đơn dừng lại ở các bậc thềm phía trước dẫn vào Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ, và sau đó không gặp lại ngài khi đoàn rước tiếp tục đi quanh góc, dọc theo phía nam của Nhà thờ Chính tòa. Ông cũng nhớ lại khi thấy đương đơn vẫn còn mặc áo, đứng ở bậc thềm đàng trước và nói chuyện với giáo dân, sau khi chính ông ta đã cởi áo. Lúc đó khoảng 10 hoặc 15 phút sau Thánh lễ.

539 David Dearing nói rằng trong diễn trình rước kiệu ở bên ngoài, có một hàng trật tự và kỷ luật dưới sự giám sát chặt chẽ của Finnigan, một người kiên quyết bảo đảm rằng các ca viên cư xử đúng mực. Ông không bao giờ nhìn thấy bất cứ ca viên nào đi chệch khỏi hàng. Nếu làm thế, chắc chắn họ sẽ được nói đôi điều. Điều này đặc biệt quan trọng trong khi ca đoàn ở nơi công khai mọi người đều thấy. Kỷ luật sẽ được duy trì cho đến khi ca đoàn tới hành lang vệ sinh, và đi qua cổng thép.

Rodney Dearing

540 Rodney Dearing là cha của David Dearing. Trước đây, ông vốn là một cộng tác viên mục vụ, hoặc phụ tá cho linh mục tại các giáo xứ khác nhau. Bản thân ông cũng là thành viên của ca đoàn Nhà thờ Chính tòa từ năm 1993 đến năm 2002. Bởi vì ông là một người trưởng thành và là giọng trầm vào thời điểm đó, vị trí của ông trong đoàn rước là ở phía sau.

541 Rodney Dearing đã được hỏi về thói quen liên quan đến đoàn rước sau Thánh lễ. Ông nói rằng nó sẽ tiếp tục ra khỏi cửa trước của Nhà thờ Chính tòa, ngoại trừ Tổng Giám mục và vị Chuởng Nghi, những người sẽ ở lại phía sau cửa chính. Ông không biết có bất cứ dịp nào khi điều đó không xảy ra. Ông có thể nhớ, sau khi cởi áo, quay trở lại quanh cửa trước để nói lời chào Đức Tổng Giám Mục, người vẫn còn ở đó. Ông nói rằng điều này xảy ra khá thường xuyên.

542 Rodney Dearing nói rằng ca đoàn phải ‘biểu diễn’ trong khi đang trên đường tới phòng diễn tập của nó. Mặc dù là những cậu bé, họ đuợc đòi phải giữ trật tự và kỷ luật. ‘Gây lộn xộn’ (mucking up) là điều không được dung thứ. Trật tự như vậy luôn được duy trì. Tuy nhiên, ông đồng ý rằng có thể có một ‘chen lấn nhau’ (bunching up) ở hành lang vệ sinh, gần cửa kính, một khi ca đoàn không còn trong tầm nhìn của công chúng nữa.

543 Khi được hỏi liệu một cặp ca viên có thể tách ra, không bị ai trong đoàn rước chú ý hay không, ông nói 'không, khi có 10 người lớn ở phía sau, quan sát, có thể nhìn thấy phía trước họ'. Ông lưu ý về trang phục khác biệt của ca đoàn do các cậu bé mặc. Khi ông Gibson hỏi ông liệu ông có nhận rằng có khả thể hai cậu bé có thể tách hàng, mà không bị chú ý hay không, ông nói rằng ông không nghĩ điều đó có thể xảy ra. Nó chưa bao giờ xảy ra, như ông biết.

544 Trong cuộc đối chất của bà Shann, cố vấn cấp dưới tại phiên xử và trước Tòa án này, Rodney Dearing nói rằng ông biết truyền thống xưa và Luật Giáo hội dạy rằng một Giám mục, trong khi mặc áo, không bao giờ được để ở một mình. Ông nhận diện một bức ảnh của đương đơn trong lễ phục đặc thù mà ông thấy đương đơn mặc vào năm 1996. Ông nói rằng nói chung, ông là một trong những người cuối cùng rời khỏi phòng ca đoàn sau khi ca đoàn đã cởi áo, và ‘một cách khá thông thường’ ông thấy đương đơn, vẫn mặc áo lễ, và vẫn nói chuyện với giáo dân ở các bậc thềm phía trước Nhà thờ Chính tòa. Bất cứ khi nào Rodney Dearing thấy đương đơn mặc áo lễ, ngài luôn ở cùng Portelli.

545 Bản ghi chép của cuộc đối chất đọc như sau:

BÀ SHANN: Vì vậy, cáo buộc của công tố ở đây là hai giọng nữ cao mặc áo ca đoàn chuồn khỏi một đám rước ở bên ngoài ở một thời điểm trước cửa kính dẫn vào gian phía Nam mà không ai để ý. Điều đó có thể không?

RODNEY DEARING: Tôi không tin như vậy.
...

BÀ SHANN: Nếu hai cái đầu biến mất, việc biến mất được chú ý ở thời điểm đó sẽ có biện pháp để định vị họ phải không?

RODNEY DEARING: Hoàn toàn đúng.

546 Bà Shann hỏi ông về hành lang phòng áo trong khoảng thời gian 10 đến 15 phút sau Thánh lễ. Ông nói rằng nó ‘rất nhộn nhịp’.

Mallinson

547 Mallinson đã từng là người đánh đàn ống (organist) tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick, từ năm 1976 đến 1999. Ông cũng đảm nhận nhiệm vụ ca trưởng trong thời gian đó. Vào thời điểm phiên xử thứ hai, ông đã ở tuổi 84. Ông đưa ra bằng chứng về việc sử dụng phòng mặc áo nhỏ của ca đoàn, sau này được gọi là phòng của Giám đốc âm nhạc.

548 Mallinson nói rằng bất cứ khi nào ông nhìn thấy đương đơn mặc áo trong tư cách Tổng giám mục, Portelli cùng ở với ngài. Nếu, vì một lý do nào đó, Portelli phải ở một nơi khác, Mallinson nói rằng ông tin rằng Potter sẽ tháp tùng Tổng Giám mục, mặc dù ông nhận rằng ông không nhớ rõ điều đó từng xảy ra. Ông đồng ý rằng đương đơn là một 'người chặt chẽ đối với nghi thức', và 'bảo thủ về mặt phụng vụ và truyền thống của Giáo hội'. Ông cũng đồng ý rằng lần đầu tiên đương đơn cử hành Thánh lễ long trọng tại Nhà thờ chính tòa vào ngày 15 tháng 12 năm 1996 là một ‘dịp quan trọng’.

549 Mallinson nói rằng nếu một đứa trẻ ‘chuồn khỏi’ đám rước, ông tin ông sẽ được báo cho biết về điều đó. Ông sẽ nêu nhiều câu hỏi. Ông nói rằng Finnigan ‘hơi hung dữ một chút’ và, quả thực, là người chặt chẽ về kỷ luật. Ông đã đích thân chứng kiến Finnigan ‘la oang oảng với những người’ trò chuyện quá nhiều trong cuộc rước.

550 Khoảng năm 1996, trong Giáo hội có một nhận thức chung về vấn đề giáo sĩ lạm dụng. Thành thử, có sự quan tâm rất lớn ở thời điểm đó để theo dõi các cậu bé trong ca đoàn. Mallinson không nhớ việc hai cậu ca viên từng biến mất, dù chỉ tạm thời.

551 Mallinson không hề là một nhân chứng dễ uốn nắn đối với ban bào chữa [145]. Khi ông Richter nói với ông rằng, trong khi chơi đàn ống sau Thánh lễ, ông có thể thấy hai ca viên trẻ mặc áo choàng trở lại Nhà thờ chính tòa sau cuộc rước, điều đó có xảy ra không, ông không đồng ý.

Cox

552 Cox trước đây là Giám đốc Âm nhạc tại Nhà thờ chính tòa. Ông đã ở đó từ giữa đến cuối thập niên 1990. Ông là phụ tá cho người chơi đàn ống và người trưởng ca đoàn cho đến năm 1999, và sau đó đảm nhận những vai trò đó từ Mallinson.

553 Cox không có ký ức chuyên biệt nào về bất cứ Thánh lễ long trọng nào vào Chúa Nhật trong phần sau của năm 1996. Tuy nhiên, ông đã có thể đưa ra bằng chứng về thói quen, hoặc thực hành, được tuân theo trong những dịp này.

554 Liên quan đến đám rước ở bên ngoài Nhà thờ chính tòa, ông nói rằng các cậu bé có xu hướng trò chuyện, mặc dù họ không được khuyến khích làm như vậy. Họ được chờ mong duy trì thái độ nghiêm trang cho đến khi họ trở về phòng ca đoàn. Đội hình sẽ tan tại điểm khi họ đến cửa kính, ở cuối hành lang vệ sinh.

555 Khi được hỏi liệu một cuộc điểm danh có được thực hiện sau khi ca đoàn trở lại phòng diễn tập, Cox nói không, nhưng nói thêm rằng có rất ít cơ hội để bất cứ ai biến đi.

556 Cox đã mô tả hành lang phòng áo, sau Thánh lễ, như một ‘hoạt động như tổ ong’. Các người giúp lễ đã rất bận rộn trong việc lấy đồ lễ khỏi cung thánh và đưa chúng trở lại phòng áo. Điều này sẽ bắt đầu ngay khi đám rước rời khỏi Nhà thờ chính tòa. Sẽ có người bỏ mọi thứ vào phòng áo của các Linh mục. Ông đặc biệt nhớ Potter đã tham gia vào hoạt động đó.

557 Cox nhắc lại rằng vào tháng 12 năm 1996, các buổi diễn tập đã được lên kế hoạch sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Ông đã được cho xem một tài liệu liên quan đến các buổi diễn tập này, từng được lưu hành trước cho các phụ huynh, cho thấy rằng chúng sẽ bắt đầu vào lúc 12:00 giờ. Ông mô tả thời gian bắt đầu này là ‘một điều mơ tưởng’.

558 Cox nói rằng khi chính ông tham gia đám rước, và đứng sau ca đoàn, ông canh chừng các ca viên như ‘một con chó chăn cừu’ (a sheepdog). Ông lượn quanh họ, bảo đảm rằng họ không làm bậy. Cách riêng, ông đồng ý rằng Finnigan bảo đảm rằng không một ca viên trẻ nào đã biến mất, và cuộc rước vẫn có trật tự trong suốt buổi. Cuộc rước được coi là một phần của Thánh lễ cho đến khi ca đoàn đến cửa kính. Đó là một nhóm có kỷ luật.

559 Bản ghi chép đọc như sau:

ÔNG RICHTER: Nếu có trẻ nhỏ nào chạy ra sau đám rước đang xếp hàng ở hành lang vệ sinh để chúng vào với phần còn lại của ca đoàn, chúng có phải đi qua một số người lớn không?

COX: À, đơn giản là việc đó không xảy ra.

ÔNG RICHTER: Nó chắc chắn không bao giờ xảy ra trong trí nhớ của ông?

COX: Không.

ÔNG RICHTER: Nó chắc chắn không bao giờ xảy ra như ông đã nghe ai nói về nó?

COX: Không.

ÔNG RICHTER: Và nếu điều đó có xảy ra, nếu về mặt lý thuyết nó đã xảy ra, thì đây là một tình huống mà một người trưởng thành, như Thầy Finnigan hoặc ông hoặc một ai đó có thẩm quyền, một người trưởng thành nào đó trong ca đoàn sẽ nói, 'bạn đang ở đâu vậy?'

COX: Nó không bao giờ xảy ra.

560 Cox đã mô tả cảnh xung quanh các phòng áo của các linh mục, ít lâu sau khi Thánh lễ kết thúc, như một cảnh trong đó một số người hiện diện. Các linh mục ở đó, để cởi lễ phục. Potter ở đó, cũng như nhiều người giúp lễ đem trả lại các dĩa chén thánh, hay những thứ tương tự, từ cung thánh vào phòng áo.

Finnigan

561 Finnigan trước đây là một Tu sĩ Dòng Christian Brother, nhưng đã bỏ dòng này vào năm 2003. Ông đã dạy ở nhiều trường khác nhau, cả ở Victoria lẫn ở các tiểu bang khác. Ông cũng liên hệ với việc giám sát các ca viên tại Nhà thờ Chính tòa. Chính ông cũng là thành viên của ca đoàn cho đến lễ Giáng sinh năm 1996. Chức vụ của ông tại Nhà thờ Chính tòa được mô tả là ‘giám sát ca đoàn’ (choir marshal). Vai trò này gần giống như vai trò một thầy giáo, vì ông cung cấp sự giám sát và kỷ luật cho các ca viên.

562 Finnigan mô tả con đường mà đám rước sẽ đi sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, trong trường hợp rước ở bên ngoài, ra khỏi cửa phía tây của Nhà thờ Chính tòa (lối vào chính), rồi quay lại đi vào phòng ca đoàn qua chiếc cửa kính ở cuối hành lang vệ sinh. Ông nói rằng các ca viên được yêu cầu đi rước một cách trang trọng trong khi chờ để di chuyển vào hành lang đó vì luôn có rất nhiều du khách có mặt, chụp hình.

563 Finnigan nhớ các buổi diễn tập thêm vào Chúa Nhật trong phần sau của năm 1996. Những buổi diễn tập đó đã được tổ chức sau khi Thánh lễ kết thúc.

564 Finnigan nói rằng ông đi sau các ca viên trong khi họ đang đi rước. Ông sẽ ở giữa ca đoàn và gian phía Nam khi các cậu bé tiến bước. Ông nói rằng nếu hai cậu bé ‘chuồn khỏi”, ông sẽ thấy họ làm như vậy, trừ khi ông bị phân tâm. Ông chưa bao giờ nghe về bất cứ điều gì như vậy xảy ra. Ông đồng ý rằng ông là một người kỷ luật nghiêm khắc.

565 Finnigan được hỏi Tổng Giám mục làm gì khi đoàn rước tiến bước. Ông nói rằng ông nhớ Đức Tổng Giám Mục thường đứng trên các bậc cửa phía tây và chào hỏi giáo dân [146].

566 Liên quan đến các buổi diễn tập, Finnigan nói rằng các ca viên trẻ sẽ được dự kiến ngồi ở hàng ghế đầu. Nếu, vì lý do gì bất cứ, họ không có mặt, những chiếc ghế ấy sẽ để trống, ai cũng thấy. Ông chưa bao giờ nhận thấy bất cứ ai biến mất trong các buổi diễn tập. Ông đặc biệt nhớ những buổi diễn tập ấy đã diễn ra.

567 Finnigan nói rằng ông nhớ hai Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật do đương đơn cử hành vào tháng 12 năm 1996. Ông cũng nhớ rằng có những linh mục khác đồng tế trong những ngày đó. Ông biết rằng họ sẽ mặc áo lễ và cởi áo lễ trong phòng áo của các Linh mục. Ông chưa bao giờ thấy Tổng Giám mục, ở một mình, khi mặc áo lễ. Ông nói rằng ngay sau Thánh lễ, có người ở khắp mọi nơi trong hành lang phòng áo. Họ đến và đi, vào và ra khỏi phòng áo của các Linh mục, trong ít nhất 10 đến 15 phút sau khi Thánh lễ kết thúc.

Connor

568 Connor là một người giúp lễ tại Nhà thờ Chính tòa từ năm 1994 đến tháng 11 năm 1997. Trong thời gian ở đó, ông đã giữ một cuốn nhật ký chi tiết về các cuộc hẹn và sự kiện. Bao gồm trong số này là các ghi chú về các Thánh lễ chuyên biệt. Ông ghi lại loại Thánh lễ, thí dụ, đó là Thánh lễ trọng thể hay Thánh lễ thông thường. Ông cũng ghi lại tên của vị chủ tế và vai trò nào, nếu có, ông đã đóng. Ông nói về tờ Kairos, tạp chí của Giáo Hội Công Giáo, là tờ nói đến những vấn đề liên quan đến Nhà thờ Chính tòa được cộng đồng Công Giáo lớn hơn quan tâm. Ông đã tham dự mọi Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật khi có thể.

569 Vào tháng 9 năm 2018, giữa các phiên xử đầu tiên và thứ hai, Connor đã cung cấp cho Trung sĩ thám tử Reed cuốn nhật ký của mình. Ông không có ký ức độc lập nào về các sự kiện được nêu ra trong đó. Tuy nhiên, bằng chứng của ông có hiệu quả này là việc cuốn nhật ký chứa một bản ghi chính xác về những gì đã diễn ra vào thời điểm liên quan.

570 Connor nhớ lại đương đơn đã cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Có hai dịp khi đương đơn có mặt tại Nhà thờ Chính tòa, nhưng không phải là chủ tế. Đương đơn lúc đó là vị chủ trì. Ngài mặc trang phục ca đoàn, một áo chùng với một áo các phép, rất khác với áo choàng của Tổng Giám mục khi cử hành Thánh lễ. Ông mô tả áo chùng (soutane) như có những nút giả nhưng có tính trang trí ở bên ngoài.

571 Connor nói rằng đương đơn chỉ cử hành Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật hai lần tại Nhà thờ chính tòa vào năm 1996. Ông được hỏi về một mục trong nhật ký ngày 23 tháng 2 năm 1997, tức Chúa Nhật cuối cùng của tháng đó. Cha Brendan Egan được liệt kê như vị chủ tế, và đương đơn là vị chủ trì.

572 Trong cuộc đối chất, Connor đã đồng ý với ông Richter rằng đương đơn sẽ ở phía sau đám rước, ngay cả khi ngài chỉ chủ trì, thay vì cử hành Thánh lễ. Ông nói rằng ông nhớ Portelli ở cùng đương đơn trong cả hai dịp này, vào năm 1996, đương đơn đã cử hành thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật.

573 Connor nói rằng khi Thánh lễ bắt đầu, các cánh cửa dẫn vào các phòng áo luôn bị khóa. Để có vào được, Potter phải mở khóa chúng. Phòng áo của các linh mục bị khóa cho đến khi Thánh lễ kết thúc. Vào thời điểm đó, Potter sẽ mở cửa để các người giúp lễ có thể đi vào.

574 Theo Connor, Potter luôn ở hoặc trong phòng áo hoặc đi đi lại lại giữa phòng áo và cung thánh. Connor cho biết đây là thói quen bất biến của Potter. Ông nói rằng đó cũng cùng là một cách được tiếp nhận vào ngày 23 tháng 2 năm 1997. Diễn trình dọn dẹp sau Thánh lễ sẽ luôn mất 10 phút hoặc hơn, với những người liên tục ra vào phòng áo.

575 Connor không nhớ bất cứ dịp nào căn phòng đó đã không khóa và không được trông coi. Đương đơn chỉ quay trở lại khu vực phòng áo sau khi đã chào hỏi mọi người khi kết thúc Thánh lễ. Ông mô tả đây là ‘thực hành bất biến’ của đương đơn.

576 Connor nói rằng ông thấy đương đơn trở về từ các bậc thềm phía trước của Nhà thờ Chính tòa, khoảng 10 phút sau khi cuộc rước kết thúc. Ông không nhớ lại bất cứ dịp nào đương đơn, trong khi vẫn mặc áo lễ, mà lại không được tháp tùng.

577 Khi bị thẩm tra lại, Connor khẳng định rằng đương đơn luôn ở lại trước Nhà thờ Chính tòa sau Thánh lễ, để chào đón các giáo dân. Ông nói rằng đương đơn làm như vậy ngay cả khi trời mưa.

Parissi và Bonomy

578 Parissi là thành viên của ca đoàn nhà thờ từ năm 1991 đến năm 2001. Ông nói rằng sau khi Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật kết thúc, ông nhớ đương đơn, dịp rỗi rãi, hoặc vào phòng ca đoàn, hoặc ít nhất đi ngang qua. Đương đơn thường nói ‘cảm ơn các con’ và‘chúc mừng vì đã hát hay trong Thánh lễ’. Đương đơn không còn mặc áo lễ vào giai đoạn đó.

579 Khi được hỏi liệu hai người trong số các ca viên có thể tách khỏi đám rước mà không bị chú ý hay không, khi ca đoàn đi qua gian phía Nam trong khi quay trở lại phòng ca đoàn, câu trả lời của ông là 'à không'. Ông nói thêm khó có thể không lưu ý một ca viên, mặc áo choàng đầy đủ, chạy đi. Ông đồng ý rằng có một đường nhìn rõ ràng suốt đường rước kiệu. Đường rước này gồm từng hai người một, cùng diễn hành với nhau. Bất cứ sự phạm kỷ luật nào đều không xảy ra cho đến khi ca đoàn đi vào hành lang vệ sinh, và gần cửa kính.

580 Một khi ca đoàn đã trở lại phòng ca đoàn, có diễn trình treo áo choàng, những áo có đánh số. Các cậu bé cũng sẽ phải hoàn lại các bản nhạc, và sau đó ngồi vào vị trí được phân bổ cho đến khi được phép ra về.

581 Bonomy là thành viên của ca đoàn từ năm 1990 đến 1998. Năm 1996, ông ở tuổi 15. Khi được hỏi về sự di chuyển của đám rước, sau khi nó rời khỏi Nhà thờ Chính tòa, ông nói rằng ca đoàn sẽ ‘diễn tiến bình thường, trở lại phòng mặc áo'. Họ sẽ đi qua cửa kính. Cuộc rước vẫn còn trật tự ở giai đoạn đó vì họ đang trình diễn với mọi người. Khi cửa kính mở ra, mọi người mới giải tán.

582 Bonomy nói rằng ông đã thấy đương đơn trong hành lang phòng áo, vào những thời điểm khác nhau, cả khi mặc áo lễ lẫn khi không mặc áo lễ. Ông chỉ thấy ngài mặc áo lễ và không được tháp tùng trước Thánh lễ, nhưng không bao giờ sau Thánh lễ.

583 Trong đối chất, Bonomy không nghi ngờ gì rằng nếu một vài cậu bé trước mặt ông quyết định ‘chuồn’ (buzz off), ông sẽ thấy điều đó xảy ra. Ông chưa bao giờ nghe thấy bất cứ điều gì như vậy đã xảy ra, và đó sẽ là một vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nếu nó xảy ra.

Kỳ tới: Tóm tắt các lý lẽ của công tố và bào chữa
 
Văn Hóa
Dừng lại bên đời
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:52 02/09/2019
Giữa nhịp đời ồn ào, hối hả, phải đối mặt cùng quá nhiều bon chen, giành giật, nghiệt ngã, mỏi mệt..., cần lắm những khoảnh khắc dừng lại để khám phá lại mình, để nhận diện chính mình.

Đàng khác, đời mỗi người phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lo toan, phiền muộn. Dòng đời mải miết lôi ta vào vòng xoáy của nó. Cứ thế mà ta trôi theo nó như cuộn vào cơn lốc, như ào ào cuốn vào cơn lũ dữ, đầy tất bật, đầy mê mải, vừa mệt nhoài, vừa vô nghĩa.

Vì thế mà phải dừng lại, phải tự nhìn và phản tĩnh bản thân.

Bởi nhiều lần giật mình nhìn lại, ta mới thản thốt: mình đã bỏ lại sau lưng tuổi xuân hồng, bỏ những cuộc hạnh phúc đan xen nhiều mộng mị, bỏ những dang dở mà phần chắc là không còn thời gian thích hợp để nối cho trọn, bỏ tất cả những bươn chãi nhọc nhằn...., để giờ này, chẳng những ta chẳng còn gì, chẳng được gì, mà như đang đánh mất nhiều ý nghĩa sâu nặng của cả một quảng đời...

Bỗng dưng ta yêu quá một cuộc sống chân chất, dung dị. Ta thấy yêu, thấy quý vô cùng giá trị của một cuộc sống bình thường, một việc làm đơn giản, một hành động tuy không lớn nhưng mang ân tình, chứa chất nhiều thành ý khiến người nhận lẫn người cho đều hạnh phúc….

Dừng lại bên đời để nhìn lại chính đời ấy, ta còn nhận ra, không chỉ mình ta, nhưng là cả nhân gian này giống nhau như đúc khuôn: Sinh ra trong cuộc đời, dù là ai, thành phần nào, thành công hay thất bại, có niềm tin hay không, đã có lúc sinh ra, thì đều phải sống, phải bước tới mà không bao giờ có thể quay lui, hay chầm chậm lại, nhưng bị thời gian đẩy về phía trước để dù muốn dù không, phải bước cho trọn kiếp người.

Cần lắm những khoảnh khắc dừng lại để nhìn đời, mà nhận ra đời chẳng bao giờ biết thương ai, lại cứ đẩy người đồng hành với nó đi miệt mài như vốn nó đã như thế từ vạn vạn kiếp.

Nhìn lại bên đời để thấy đời vội vã, không phải để run rẫy hay tiếc nuối, nhưng để biết yêu thương, biết sống cho hoà hợp, sống chân thành, vị tha, không ích kỷ, không vụ lợi, không xấu xa, bẩn thỉu,….

Nhìn lại bên đời để biết giữ cho mình không bao giờ nghiêng ngã, mà luôn sống bằng cõi tâm trong sáng, hướng đến mục đích tốt đẹp, và thực hành những chân, thiện, mỹ.

Cần nhớ: Khi biết sống vì mọi người xung quanh, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của chính mình, cuộc sống sẽ không còn đau khổ hay bi luỵ, thay vào đó là những vui tươi, là yêu thương, chia sẻ, xung quanh sẽ mãi là một màu xanh của những dịu dàng, những tin tưởng...

Không ai có thể chọn cho mình một nơi sinh ra nhưng ai cũng đều có quyền chọn cho mình mục đích sống. Vậy sao ta không chọn một cuộc sống mang nhiều ý nghĩa, sống để không hổ thẹn với lương tâm, để có thể tự hào nhìn cuộc đời bằng ánh mắt viên mãn, tự hào.

Nhìn lại bên đời để cố mà sống ngay thẳng, ngẩng cao đầu không hối hận hay nuối tiếc, đừng để khi quay đầu nhìn lại, ta phải ngậm ngùi, tiếc xót: “giá như ta tích cực hơn", "giá như ta đừng làm như thế”, "giá như ta suy nghĩ thoáng hơn"...

Nhìn lại bên đời để tận hưởng từng khoảnh khắc, để yêu thật nhiều những phút giây hiện tại. Ta sẽ căng hết sức mình để sống tốt nhất phút hiện tại. Ta sẽ làm cho đời ta thật ý nghĩa bằng từng phút giây hiện tại. Và như thế, ta sẽ không như nhiều người, cứ mãi nuối tiếc đời mình.

Ngược lại, sống thật dồi dào và chắt chiu từng phút giây trôi qua để mang lại cho chính đời mình những ý nghĩa phong phú, mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta chẳng còn gì nấm nuối, nhưng sẽ vừa ý với chính mình, vừa ý với thành quả mà mỗi phút giây ta đã căng mình sống tối đa.

Nhìn lại bên đời, ta không cho phép mình chấp nhận hay buông xuôi theo những khó khăn mà cuộc đời mang đến.

Dù đối diện cùng hoàn cảnh nào, ta phải cố nhận thức rằng mình là ai, đang làm gì, đang hướng đến cái gì, và quan trọng là phải giữ cho được là chính mình, để ta can đảm giải quyết. Nếu cần cắt đứt, phải cắt đứt. Nếu cần tiếp tục, phả lao vào mà tiến đến đoạn kết….

Tóm lại: Đời người chỉ sống có một lần. Ta cần sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì đã từng hoài phí. Sống làm cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng, ta từng ti tiện, hèn đớn... Rồi một ngày xuôi tay nằm xuống, ta hãnh diện mỉm cười từ giả thế trần trong bình an, trong suy nghĩ đẹp mà mọi người dành cho ta.

Ôi ta hạnh phúc. Hạnh phúc chứa chan mà vẫy chào tất cả...

 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha Phanxicô bị kẹt trong thang máy. Việt Nam vừa mất thêm một cơ hội có Tân Hồng Y.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:01 02/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Mỗi trưa Chúa Nhật, trừ trường hợp đang tông du ở hải ngoại hay tại các giáo phận của Italia, đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha sẽ xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài tại dinh Tông Tòa của Vatican để cùng đọc Kinh Truyền Tin, hoặc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng nếu là mùa Phục sinh, với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, ngày Chúa Nhật 1 tháng Chín vừa qua, ngài đã không xuất hiện như thường lệ. Mãi 7 phút sau đó, mọi người mới thấy ngài xuất hiện. Đức Thánh Cha giải thích về sự chậm trễ này như sau:

"Tôi phải xin lỗi vì sự chậm trễ này, nhưng có một chuyện bất ngờ. Tôi đã bị kẹt trong thang máy đến 25 phút! Điện áp sụt giảm đột ngột và thang máy dừng lại. Tạ ơn Chúa, lính cứu hỏa đã đến giải cứu – cám ơn anh em rất nhiều! - và sau 25 phút làm việc, họ đã xoay sở để thang máy chạy trở lại. Chúng ta hãy cho đội cứu hỏa nghe một tràng pháo tay!"

Trong các buổi đọc Kinh chung với các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha thường đọc một đoạn suy tư ngắn liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày. Đôi khi ngài cũng trình bày một vấn đề thời sự vừa diễn ra để kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi các biến cố. Sau đó, ngài cùng đọc Kinh Truyền Tin, hoặc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng nếu ngày Chúa Nhật đó thuộc về mùa Phục sinh.

Trong bài suy niệm trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu luôn chỉ cho chúng ta con đường khiêm hạ, và nhắc nhở chúng ta phải học sống khiêm nhường!

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên hôm nay, Chúa Giêsu tham dự một bữa tiệc tại nhà của một trong những người Pharisêu nổi tiếng, và Ngài nhận thấy mọi người tranh nhau tìm cách chiếm chỗ nhất trong bàn tiệc.

Vì vậy, Chúa Giêsu chia sẻ hai câu chuyện ngụ ngôn về những người ganh đua với nhau để chiếm chỗ tốt nhất, đó là một thái độ khá phổ biến vào thời Chúa Giêsu, và ngay cả trong thời đại của chúng ta.

Không chỉ khi chúng ta được mời dự tiệc, nhưng thông thường, trong mọi việc chúng ta thường tìm kiếm vị thế quan trọng nhất để khẳng định sự vượt trội được giả định của mình so với những người khác. Thực tế cho thấy những cuộc đua này là lý do đầu tiên làm tổn thương cộng đồng, cả cộng đồng dân sự và cộng đồng giáo hội, vì nó hủy hoại tình huynh đệ.

Dụ ngôn đầu tiên Chúa Giêsu đề cập đến các vị khách có khuynh hướng chiếm vị trí tốt nhất. Chúa Giêsu cảnh báo không nên làm như vậy, bởi vì một vị khách nổi tiếng hơn có thể đến sau ta, và khi đó tình huống này dẫn ta đến một khoảnh khắc xấu hổ khi phải di chuyển đến chỗ rốt hết.

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ ngược lại. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta không nên tìm kiếm sự chú ý và đánh giá của người khác theo sáng kiến của mình, mà nên để những người khác tự nguyện trao những điều ấy cho chúng ta.

Đức Phanxicô cũng lưu ý rằng trong dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu đề cập đến những người chủ nhà và khuyên bảo họ hãy mời những người không thể trả ơn, như người nghèo, người què, người tàn tật, và đui mù.

Trong dụ ngôn này cũng vậy, Chúa Giêsu đi ngược lại hoàn toàn với trào lưu thường thấy ở đời, khi cao rao luận lý của Thiên Chúa.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, chìa khóa để diễn giải bài học của Chúa Giêsu là thế này: những người hành xử theo cách này sẽ được Chúa ban cho những phần thưởng thiêng liêng, vượt trội hơn nhiều so với những gì thế gian có thể trao cho chúng ta.

Khi làm một điều gì đó cho tha nhân chỉ vì bánh ít trao đi, bánh quy trao lại thì không phải là Kitô hữu. Trên thực tế, luận lý này giản lược các mối quan hệ thành các giao dịch thương mại.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có lòng quảng đại vị tha, để mở đường cho một niềm vui lớn hơn nhiều, niềm vui được tham gia vào chính tình yêu của Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, tất cả chúng ta, trong bữa tiệc trên trời.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng:

“Khiêm nhường và quảng đại mới là thái độ phải có của các tín hữu Kitô.”

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ tuyên bố một Công Nghị tấn phong Hồng Y sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 10. Khi công bố danh sách 10 vị Tân Hồng Y, Đức Thánh Cha nói rằng xuất xứ của các Tân Hồng Y thể hiện ơn gọi truyền giáo của Giáo hội là tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất.

Danh sách các Tân Hồng Y được tấn phong kỳ này là:

1. Đức Cha Miguel Angel Ayuso Guixot, mccj - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

2. Đức Tổng Giám Mục Jose Tolentino Medonça - Thủ thư của Hội Thánh Công Giáo.

3. Đức Tổng Giám Mục Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo - Tổng Giám mục Jakarta

4. Đức Tổng Giám Mục Juan de la Caridad García Rodríguez - Tổng Giám mục San Cristóbal, Havana, Cuba.

5. Đức Tổng Giám Mục Fridolin Ambongo Besungu, o.f.m. cap - Tổng giám mục Kinshasa

6. Đức Tổng Giám Mục Jean-Claude Höllerich, sj - Tổng Giám mục của Luxembourg

7. Đức Giám Mục Alvaro L. Ramazzini Imeri - Giám mục di Huehuetenamgo

8. Đức Tổng Giám Mục Matteo Zuppi - Tổng Giám mục Bologna.

9. Đức Tổng Giám Mục Cristóbal López Romero, sdb - Tổng Giám mục Rabat

10. Cha Michael Czerny, sj – Phó Tổng Thư Ký Phân bộ Người di cư và tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản

Cùng với các vị Tân Hồng Y đang tại chức này, Đức Thánh Cha cũng tấn phong Hồng Y cho hai Tổng giám mục và một Giám mục về hưu đã phục vụ Giáo hội một cách nổi bật:

1. Đức Tổng Giám Mục Michael Louis Fitzgerald - Tổng Giám mục Hiệu Tòa của Nepte

2. Đức Tổng Giám Mục Sigitas Tamkevicius, sj - Tổng Giám mục Hiệu Tòa của Kaunas

3. Đức Giám Mục Eugenio Dal Corso, psdp - Giám mục Hiệu Tòa của Benguela

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho các vị Tân Hồng Y. Ngài nói:

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Tân Hồng Y để khi củng cố sự gắn bó của các ngài với Chúa Kitô, họ có thể giúp đỡ tôi trong sứ vụ Giám mục Rôma vì lợi ích của tất cả các tín hữu Dân Thánh của Thiên Chúa.”


Source:Vatican News
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 1/9/2019: Đài Chân lý Á châu mừng 50 năm loan báo Tin Mừng
VietCatholic Network
11:18 02/09/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 01 tháng 09, 2019.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích sáng kiến đối thoại liên tôn.

3- Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Bartolomaios kêu gọi chống cháy rừng.

4- Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ Paraguay là chứng tá của Tin vui Cứu độ.

5- Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi nhân dân Mozambique.

6- Tuyên ngôn về hòa giải giữa Balan và Ukraine.

7- 150 Kitô hữu bị bắt vì đức tin tại Eritrea.

8- Các Giám mục Bồ Đào Nha chống việc dạy lý thuyết “Giới tính” tại các trường học.

9- Đài Chân lý Á châu mừng 50 năm loan báo Tin Mừng.

10- Đức Giám Mục đầu tiên được tấn phong kể từ thỏa thuận Trung Quốc và Vatican.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Ngọt Ngào Tình Yêu.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết