Ngày 02-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:36 02/09/2016
10. DIỄN VIÊN VUI THÚ LUYỆN TẬP.
Thời ngũ đại, hậu Đường hoàng đế Trang Tôn Lý Tồn Húc có một lần đi đến huyện Trung Mâu săn bắn, trên đường đi, đội kỵ binh giẫm nát vườn tược của dân chúng.
Quan lịnh huyện Trung Mâu chặn trước đầu ngựa, nói với Trang Tôn:
- “Bẩm trình bệ hạ, thức ăn của dân do trời, tất cả mồ hôi và máu của họ đều ở trên ruộng vườn điền trang, thiết tưởng không nên tự ý giẫm nát hủy diệt.”
Trang Tôn giận nói: “Cút !”, và giương roi quất ngựa mà đi. Tên diễn viên tùy hành Kính Tân Ma đuổi theo viên huyện lịnh, đem ông ta đến trước mặt Trang Tôn, nói với huyện lịnh:
- “Mày là một tên huyện lịnh, lẽ nào ngươi không biết thiên tử của chúng ta đang đi săn sao ? Tại sao mày dung túng dân chúng trồng hoa màu để cung cấp thuế má, tại sao không để dân chúng đói, sao không bỏ trống chỗ này để cho thiên tử chúng ta tung hoành săn bắn ? Tội mày thật là đáng chết vạn lần !”
Nói xong, yêu cầu Trang Tôn đem tên huyện lịnh đi xử tử. Trang Tôn nghe xong liền cười lớn, ra lệnh thả tên huyện lịnh. Một số phụ họa theo diễn viên Kính Tân Ma cố ý hỏi Trang Tôn tại sao thả tên huyện lịnh, Trang Tôn nói:
- “Kính Tân Ma đang châm biếm ta, lời của ông ta thật đúng, trẩm biết sai rồi !”
(Ngũ đại sử ký)

Suy tư 10:
Người thức thời là người biết “tới lui” nhịp nhàng theo hoàn cảnh, mà không bị mang tiếng là a dua, nịnh hót.
Người thức thời là người biết lắng nghe những góp ý của người khác để phân tích, xét mình, chọn lựa và sau cùng quyết định sống cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Người thức thời có thể là người tốt và cũng có thể là người xấu, nhưng cách giải quyết vấn đề của họ đều hợp với hoàn cảnh cá nhân và tập thể. Nhưng nếu một người tín hữu Công Giáo thức thời, thì cái thức thời của họ nhất định là làm theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy: “Anh em hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu.”
Người tín hữu thức thời là người luôn thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống, bởi vì –đối với họ- Lời Chúa dạy thì không thể sai lầm và đem lại phúc trường sinh cho họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 23 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 02/09/2016
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 14, 25-33.
“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”


Anh chị em thân mến,
Muốn làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải từ bỏ mọi sự, đó là một lựa chọn dứt khoát mà Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với những người muốn theo Ngài. “Từ bỏ những gì mình có” –theo quan niệm của giáo dân- thì chỉ có những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa mới từ bỏ mà thôi, còn giáo dân thì từ bỏ cũng tốt mà không từ bỏ thì cũng chẳng sao, phải vậy không ?

Người phải từ bỏ những gì mình có trước hết chính là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, không phân biệt ai là người đi tu hoặc không đi tu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói câu này trong bối cảnh có rất đông người cùng đi đường với Ngài (Lc 14, 25) và “trong anh em bất luận là ai không từ bỏ hết những gì mình có…” (Lc 14, 33) chắc chắn trong số những người này vừa có các tông đồ vừa có những người hâm mộ lời của Ngài giảng dạy, cho nên không thể tách biệt người phải từ bỏ và người không từ bỏ ra hai bên.

Từ bỏ mọi sự những gì mình có.
Giáo dân hay linh mục, tu sĩ nam nữ đều có bổn phận từ bỏ mọi sự để vác thập giá đi theo Đức Chúa Giê-su, đó không còn là lời khuyên nữa nhưng là mệnh lệnh.

Từ bỏ và vác thập giá phải đi đôi với nhau, bởi vì khi từ bỏ là bạn và tôi phải hy sinh: từ bỏ ăn sung mặc sướng tức là hy sinh không hưởng thụ; từ bỏ của cải thế gian tức là hy sinh không bon chen kiếm tiền kiểu đầu tắt mặt tối, mà quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người Ki-tô hữu; từ bỏ thú vui do danh vọng đưa đến, tức là hy sinh sống như không có quyền lực danh vọng.

Tử bỏ là vác thập giá .
Có một vài linh mục địa phận (triều) nghĩ rằng: mình chỉ hứa vâng lời giám mục của mình mà thôi, còn sống khó nghèo là của các cha dòng (tu sĩ), do đó tuy không giàu có như những đại gia, nhưng các linh mục đa phần là có tiền bạc, rất ít các linh mục địa phận nghèo khó và sống nghèo, cho nên cái mà linh mục phải từ bỏ trước tiên chính là tiền bạc, để các ngài được thong dong rao giảng sự nghèo khó mà không bị chống đối, dĩ nhiên đó là cách giảng Lời Chúa hay nhất cho giáo dân trong thời đại ngày nay.

Cái mà các tu sĩ nam nữ phải từ bỏ chính là cái tôi kiêu ngạo của mình, bởi vì có một số các tu sĩ nam nữ -đôi lúc- coi giáo dân như là “công dân hạng thứ trong trong Giáo Hội”, nên có những thái độ và lời nói không mấy khiêm tốn với họ, và như thế việc truyền giáo sẽ không được thuận buồm xuôi gió…

Từ bỏ tức là vác thập giá, nếu các mục tử của Chúa biết vui với người vui và khóc với người khóc, thì đích thị mỗi vị mục tử là mỗi chứng nhân sáng chói nhất của Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,
Còn chúng ta là những giáo dân thì từ bỏ những gì ? Bởi vì giáo dân cũng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su cho nên chúng ta cũng phải từ bỏ những gì mà Ngài muốn chúng ta từ bỏ .

Từ bỏ cái tôi kiêu ngạo để khiêm tốn chấp nhận thói quen xấc láo của anh em, thì cũng là vác thập giá mình; từ bỏ thói quen phê bình người khác để nói lời thông cảm, là hy sinh để được người anh em; từ bỏ thói quen giận dữ với người khác, để hiền lành vác thập giá theo Đức Chúa Giê-su…

Đem cái áo mới mua, đem một số tiền bạc cho người khác thì dễ, nhưng đem cái mình quý nhất cho người khác thì rất khó, cái mình quý nhất là mạng sống, là cái tôi muốn hưởng thụ trong một xã hội dư thừa vật chất…

Từ bỏ mình cũng là đồng thời vác thập giá mình mà theo Đức Chúa Giê-su, nếu từ bỏ mà không muốn vác thập giá thì chưa trọn vẹn trở nên môn đệ của Ngài, cũng như chưa thật sự là anh em bạn hữu của mọi người…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:56 02/09/2016
9. ÂM THANH TỪ ĐÂU MÀ ĐẾN.
Giáp hỏi Ất:
- “Gỗ đánh vào chuông đồng thì phát ra âm thanh, vậy âm thanh này là do khúc gỗ mà ra hay là từ đồng mà phát ra ?”
Ất nói:
- “Âm thanh đương nhiên là do đồng mà phát ra, nếu anh dùng khúc gỗ mà đánh vào bức tường thấp thì sẽ không có âm thanh.”
Giáp nói:
- “Chưa chắc, dùng khúc gỗ mà đánh vào trung tâm của tiền đồng, thì sẽ không phát ra âm thanh.”
Ất không phục, nói lại:
- “Chuông là vật trống rỗng, đồng tiền là vật đặc, nói chính xác hơn, âm thanh phát ra từ trong đồ vật trống rỗng.”
Giáp phản bác nói:
- “Dùng gỗ hay bùn làm cái chuông, thì cũng có thể phát ra âm thanh sao ?”
Hai người tranh cãi mãi không thôi, cho đến khi khàn cả cổ, nói không ra tiếng mới hết tranh cãi.
(Lục Nhất bút ký)

Suy tư 9:
Có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có hận thù; có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có chia tay đường ai nấy đi; có những cuộc tranh cãi sau khi kết thúc thì chỉ có đau thương. Bởi vì tất cả những cuộc tranh cãi ấy không có tình thương và chân lý, cũng có nghĩa là không có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bởi vì tất cả những cuộc tranh cãi ấy đều do quỷ kiêu ngạo hướng dẫn con người ta.
Chúa Thánh Thần là chân lý, là sự thật, chống đối lại chân lý và cố tình chối bỏ sự thật là xúc phạm đến Thánh Thần. Thấy những việc tốt lành của người anh em làm cho mọi người, nhưng vì kiêu ngạo, vì ghen ghét, vì thù hận nên đã cố tình xuyên tạc sự thật nơi anh em, thì đó không còn là xúc phạm đến người anh em chị em nữa, mà là xúc phạm đến Thánh Thần, là tố cáo và nhục mạ Thánh Thần, vì Ngài là tình yêu, là chân lý và là sự thật.
“Lạy Chúa Thánh Thần, trong cuộc sống của chúng con, chúng con đã nhiều lần vì kiêu ngạo và ghen ghét mà vu khống, cáo gian và nhục mạ anh em chị em của chúng con, như thế cũng có nghĩa là chúng con vu khống, cáo gian và nhục mạ Chúa, vởi vì Chúa là Thần Chân Lý, là Sự Thật và là Tình Yêu mà Đức Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng con biết. Xin Chúa ban cho chúng con được biết luôn yêu mến sự thật, nhất là những sự thật nơi việc làm của người anh chị em chúng con, để tình yêu của Chúa được tỏa lan đến mọi người. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:57 02/09/2016

31. Thánh đức vâng lời hủy diệt tất cả tình dục của xác thịt, khiến cho xác thịt giống như đã chết cho mình rồi, để phục tùng linh hồn như phục vụ tha nhân vậy.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Khả năng
Lm Vũđình Tường
05:59 02/09/2016
Có những sự vật chúng ta có thể trông thấy và những sự vật chúng ta không thể trông thấy. Sự vật có thể trông thấy thuộc về thế giới hữu hình hay còn gọi là thế giới vật lí; sự vật không thể trông thấy thuộc thế giới vô hình hay còn gọi là tâm linh. Sự vật ta trông thấy ta có thể đo lường, cân nhắc và chế tạo. Sự vật không trông thấy không thể đo lường, phân tích nhưng có thể cảm nghiệm qua giác quan, mà giác quan chính là con tim. Ngoài cảm nghiệm ra con người không còn cách nào khác chứng minh chúng tồn tại. Sự vật thuộc về thế giới vật lí hữu hình dành cho khối óc; trong khi sự vật thuộc về thế giới tinh thần và tâm linh thuộc vể khả năng tìm kiếm của con tim.

Người bình thường nào cũng có khả năng trời ban để nhận biết thế giới vật chất hữu hình quanh ta. Khả năng nhận biết này khác biệt tuỳ người, có người nhận biết chính xác, tinh tế, kẻ khác lại kém tinh tế, ít chính xác. Kinh nghiệm sống và công việc liên quan cũng giúp người ta nhận xét sự việc nhanh chóng và chính xác. Nhận xét sự việc quanh ta là một nghệ thuật sống và nghệ thuật này không những đã liên quan mà còn quan trọng cho cuộc sống. Thí dụ nhận xét sai lầm về vấn đề gia đinh đưa đến gia đình đổ vỡ, tan nát; đánh giá sai lầm khi lái xe có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm, có khi ân hận cả đời; thẩm định sai trong thương trường có thể khiến cho thương nghiệp lụn bại.

Một vài cách trợ giúp cho việc nhận xét. Thứ nhất là khả năng đón nhận tin tức chính xác. Thứ đến là nhớ những tin tức đó giúp cho việc phân tích, nhận định trước khi đưa đến lí luận hợp lí cho quyết định cuối cùng. Phương cách này hữu ích và cần thiết cho việc làm của khối óc nhưng lại không thực tế khi áp dụng vào con tim bởi khối óc cần dữ kiện để thẩm định sự việc, trong khi con tim không dựa vào dữ kiện nhưng chú trọng nhiều vào cảm xúc và kinh nghiệm trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Vì thế không thể so sánh cảm xúc cá nhân. Ai cảm nhận được thì người đó hưởng mà khó có thể chia sẻ cho người khác cùng hưởng chung.

Có sự liên kết mật thiết giữa khối óc và con tim. Sự liên hệ mật thiết giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành niềm tin của con người. Nhận biết này cho biết thế giới hữu hình sớm muộn gì cũng qua đi để biến vào trong thế giới vô hình. Một số khẳng định chết là hết, không còn gì; số khác không quả quyết như thế nhưng cho là chết rồi vẫn còn lại chút gì đó; số khác thì quả quyết chết chỉ là đổi thay chứ không biến đi và đây chính là niềm tin Kitô hữu về sự chết. Mối liên kết này chỉ có thể nhìn thấy qua con tim. Mà muốn nhìn thấy bằng con mắt, nghe được tiếng nói của con tim thì cần phải mở rộng tấm lòng để lắng nghe, cảm xúc và thay đổi theo chỉ dẫn của con tim.

Khối óc có khả năng phán đoán những gì chúng ta có thể làm và những gì ngoài khả năng con người; con tim không phán đoán nhưng có khả năng nhận thức về thế giới vô hình, đặc biệt về tình yêu, bởi con tim là nguồn gốc của tình yêu. Mở rộng tâm hồn đón nhận tiếng nói của tình yêu và hành xử theo hướng dẫn của tình yêu chính là đường lối của Đức Kitô. Mọi cố gắng chối bỏ sự hiện hữu của tình yêu trong cuộc sống là tự lừa dối mình. Người ta có thể chối bỏ được mọi sự nhưng không ai có thể chối bỏ được tình yêu bởi chối bỏ tình yêu là chối bỏ sự sống. Ai cũng muốn sống an vui và nhận biết rõ ràng tình yêu con người sống lâu hơn thân xác. Điều này có nghĩa là sau khi thân xác chết đi tình yêu đó tồn tại, vẫn sống. Không ai có thể chối bỏ được thực tế này. Như thế thân xác con người chết đi, tình yêu không chết nhưng biến vào trong thế giới vô hình, hay thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh thuộc về Đức Kitô. cố gắng chối bỏ thế giới vô hình là một điều không thể làm được, người ta tự lừa dối mình bằng cách tạo cho nó một cái tên khác để lừa dối lương tâm. Nhận xét sai làm của thân xác huỷ diệt thân xác, nhận xét sai lầm của tâm linh giam hãm linh hồn mình trong đau khổ.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Điệu kiện để trở nên môn đệ Đức Chúa Giêsu
Lm. Đan Vinh
08:24 02/09/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN C

Kn 9,13-18 ; Plm 9b-10.12-17 ; Lc 14,25-33

ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 14,25-33

(25) Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. (28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) “Anh ta đã khởi công xây mà chẳng có sức làm cho xong việc”. (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống, bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? (32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

2. Ý CHÍNH: Bấy giờ có đông người đi theo Đức Giêsu lên Giêrusalem. Nhưng họ lại tưởng Người sắp đi lãnh đạo cuộc cách mạng chống lại đế quốc Rôma giành độc lập theo chủ nghĩa Thiên Sai Do thái. Để đám đông khỏi bị ảo tưởng về sứ vụ cứu thế của mình, Đức Giêsu đã dạy họ ba điều kiện để có thể theo làm môn đệ cua Người: Một là họ phải yêu mến Người trên cả tình cảm gia đình ruột thịt và mạng sống của mình. Hai là họ phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng và vác thập giá mình mà đi theo Người. Ba là họ phải khôn ngoan suy tính kỹ trước khi quyết định theo Người giống như một người sắp xây tháp cao hay như một ông vua sắp đem quân đi giao chiến với quân thù.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25-27: + Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu : Cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem (x. Lc 9,51) trùng hợp với cuộc hành hương của người Do thái lên dự lễ Vượt Qua tại Đền thờ Giêrusalem. Vì thế có nhiều người cùng đi với Đức Giêsu làm thành một đám người rất đông. + “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con”...: Tiếng Do thái không có lối văn so sánh. Do đó, khi muốn diễn tả ý hơn kém, người ta thường dùng lối văn song đối như “yêu” đối với “ghét” hay “từ bỏ”. Như vậy “từ bỏ” cha mẹ... chỉ có nghĩa là “yêu ít hơn”. Chính Mát-thêu đã hiểu như thế khi viết: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy”... (Mt 10,37). Do đó khi nghe Đức Giêsu dùng kiểu nói có vẻ cứng rắn như “từ bỏ cha mẹ”, chúng ta sẽ không nghĩ rằng Người loại bỏ giới răn thứ tư là “Thảo kính cha mẹ” (x. Lc 18,20). Ở đây, Người đòi những ai muốn làm môn đệ phải dành mọi sự quý giá nhất cho Người. + “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy": Những ai muốn theo Đức Giêsu thì phải vác thập giá mình mà theo Người. Thập giá hôm nay là những hy sinh và từ bỏ mà người tín hữu phải chấp nhận khi bước theo Chúa.

- C 28-30: + Ai trong anh em muốn xây một cây tháp...: Đây là một ví dụ cho thấy cần phải suy nghĩ kỹ trước khi khởi sự làm một việc quan trọng. Chỉ những ai bền chí, có suy trước tính sau và không nản lòng thối chí mới có thể theo làm môn đệ của Người.

- C 31-33: + Hoặc có vua nào...: Cũng như việc quyết định giao chiến của một ông vua cần phải cân nhắc thận trọng thế nào, thì việc quyết định đi theo Đức Giêsu cũng cần phải được suy tính kỹ càng trước khi quyết định như vậy. + Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được: Đây là lần thứ hai Đức Giêsu nhắc đến sự từ bỏ của cải như điều kiện để trở thành môn đệ của Người.

4. CÂU HỎI: 1) Khi đòi những ai muốn làm môn đệ của mình phải dứt bỏ tình cảm gia đình hoặc từ bỏ cả mạng sống của mình, phải chăng Đức Giêsu đã phế bỏ điều răn thứ tư dạy “con cái phải thảo kính cha mẹ” ? 2) Đức Giêsu đòi môn đệ phải vác thập giá mình mà theo Người. Vậy thập giá ám chỉ điều gì ? 3) Đức Giêsu đã nêu ra hai dụ ngôn nào để dạy môn đệ phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định theo Người ? 4) Câu nào cho thấy Đức Giêsu đòi môn đệ phải từ bỏ cả những của cải vật chất nữa ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (Lc 14,26):

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG HY SINH TẬN TỤY CỦA MỘT BỀ TÔI TRUNG THÀNH:

Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.

Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân, thì Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo làm môn đệ của Người ?

2) LÒNG HY SINH PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC CỦA NELSON MANDELA:

Nelson Mandela, một người thông minh muốn lập nghiệp như mọi người khác. Hans Muler, một thương gia, nhìn thế giới qua lăng kính của luật cung cầu, đã nói với Mandela: "Tất cả là tiền bạc. Bởi vì giàu sang và tiền bạc đồng nghĩa với hạnh phúc. Anh phải chiến đấu cho điều đó: Tiền bạc và không gì ngoài tiền bạc. Một khi bạn có đủ tiền bạc, bạn không muốn cái gì khác trên đời". Nếu Nelson Mandela làm theo lời khuyên của Hans Muler, ông có thể làm rất tốt cho bản thân. May mắn thay cho Nam Phi. Thay vì lo cho bản thân, Nelson Mandela đã quyết định cống hiến cuộc đời mình cho việc phục vụ đất nước.

Để làm điều đó, Mandela đã phải hy sinh, ông viết: "Đối với tôi, không phải là một việc dễ dàng khi phải xa cách vợ con, giã từ những ngày xưa tươi đẹp ấy, và sau một ngày làm việc hăng say ở văn phòng. Tôi có thể quay về với gia đình trong bữa ăn tối, thay vì phải sống như một người bị cảnh sát săn đuổi liên tục, sống xa cách những người thân yêu nhất, phải đối diện liên tục với những sự bất trắc như bị nhận dạng và bắt giữ. Đó là một đời sống cực kỳ khó khăn hơn cả chịu án tù (Trích "Hành trình đến tự do", 1994, Little, Brown and Company). Nelson đã chịu 27 năm tù đày vì yêu đất nước. Ông đã trở thành tổng thống vĩ đại của Nam Phi.

3) TÔI LÀ THỨ BA:

GHÊN SÊ-Ơ (Gale Sayers), một cầu thủ chơi ở hàng hậu vệ của đội banh CHI-KÊ-GÔ BE-Ơ (Chicago Bears) vào thập niên 1960, được đánh giá là một trong những hậu vệ chạy nhanh nhất trong làng bóng đá chuyên nghiệp Hoa kỳ. Chung quanh cổ của cậu lúc nào cũng đeo lủng lẳng một chiếc mề đay bằng vàng, trên có khắc ba chữ “I am Third” nghĩa là “Tôi là thứ Ba”. Khi được hỏi lý do, anh đã cho biết như sau: “Chúa là thứ Nhất, tha nhân là thứ Hai, và tôi là thứ Ba”. Trong quyển tự thuật cuộc đời của mình, Ghên viết: “Tôi cố gắng sống câu nói ghi trên tấm mề đay của tôi. Không hẳn lúc nào tôi cũng sống được như vậy. Nhưng dù sao việc đeo câu ấy cũng giúp tôi khỏi đi trệch đường quá xa” (Theo Mark Link SJ).

4) MƯỜI NĂM LÀM VIỆC VẤT VẢ ĐỂ TRẢ GIÁ CHO ƯỚC MƠ ĐƯỢC ĐỔI ĐỜI:

Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết. Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp : cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp ; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.

Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy. Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả. Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa.

Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau :

- Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế ? Marie giật mình hỏi.

- Tất cả chỉ tại bạn đó.

- Sao lại tại tôi ?

Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói :

- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi cho bạn mượn là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.

Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39.600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua. Phải chi nếu Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá cô phải trả đâu đến nỗi cao quá như vậy !

5) SẴN SÀNG HY SINH MỌI SỰ ĐỂ PHỤNG SỰ CHÚA:

Odette, một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quý tộc ở nước Bỉ. Năm 17 tuổi, cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt trở về. Từ lâu, cha mẹ đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon ở một lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con cái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã chuẩn bị hôn lễ một cách kín đáo. Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vèn màn nhìn qua cửa sồ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đàu. Hỏi đầy tớ, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Họ đưa cô xuống nhà nguyện của lâu đài. Nơi đây, có đông đủ quý khách, và linh mục tuyên úy của lâu đài cũng đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có muốn nhận Simon là chồng theo luật Giáo Hội không? Cô đã dõng dạc tuyên bố “Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng, bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng hco Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào, cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con”.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng cô. Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đáu đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp của cô. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không ai cấm cản con đi theo Chúa Kitô nữa”.

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó, nữ tu Odette được chị em chọn làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

3. SUY NIỆM:

1) Ba điều kiện để theo làm môn đệ của Chúa Giêsu:

a) Một là phải có tinh thần siêu thoát từ bỏ:

Mọi thành quả ở trần thế này, đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì cố gắng mới có thể đạt thành mỹ mãn: Chẳng hạn: một lực sĩ muốn chiếm huy chương vàng thế vận hội Ôlympic, phải hy sinh tập luyện ngày đêm trong thời gian dài mới hy vọng chiếm được huy chương danh dự. Một người mẫu muốn có thân hình thon gọn, với ba vòng chuẩn, đòi phải ăn uống kiêng khem và tập thể dục hằng ngày… Chỉ cần lơ là một chút là thân hình sẽ mất đi vẻ thẩm mỹ ngay. Cũng thế, một sinh viên muốn thi đậu và đậu thủ khoa trong trường Đại học, hay muốn trở thành bác sĩ, luật sư… cũng phải trải qua bao năm dùi mài kinh sử. Ngoài ra, những người bệnh cao huyết áp do có nhiều chất Cholesterol trong máu hay bị bệnh thừa cân béo phì… cũng phải theo chế độ ăn kiêng vất vả trong một thời gian dài mới có thể giảm cân và tránh bị đột quỵ. Còn các tín hữu chúng ta: Nếu muốn trở thành những người môn đệ của Chúa Giêsu và hy vọng sau này được về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, đòi chúng ta phải hy sinh từ bỏ theo lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai đến với tôi mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Ghét bỏ trong câu nói của Đức Giêsu nghĩa là gì? : Vì tiếng Do thái không có thể văn so sánh hơn kém, nên người Do thái thường dùng lối văn song đối như: "yêu và ghét bỏ". Ghét bỏ chỉ có nghĩa là yêu ít hơn. Câu này tương đương với câu Chúa nói trong Tin Mừng Mat-thêu như sau: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mt 10,37). Qua đó, Đức Giêsu đòi những ai muốn làm môn đệ của Người phải tôn Người lên hàng đầu, trên cả tình yêu dành cho người thân như: cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và trên cả mạng sống mình nữa. khi cần phải chọn một trong hai thì người môn đệ phải ưu tiên chọn Đức Giêsu.

b) Hai là phải vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu:

Thập giá ở đây được ví như một cây gậy đi đường rất hữu ích cho một vận động viên leo núi: Vì nếu không có cây gậy dò đường và chống đỡ thì họ sẽ dễ dàng bị mệt mỏi, chán nản bỏ cuộc nửa chừng và có thể còn bị tai nạn rơi xuống vực thẳm nữa. Nhờ biết bỏ đi những rào cản, người môn đệ mới dễ dàng vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu.

Người tín hữu cần biết chấp nhận thập giá là các thử thách gặp phải như: Bị kẻ gian giật điện thoại di động, cướp xe cộ… chúng ta sẽ không quá buồn phiền do tiếc của. Hoặc khi có cha mẹ, vợ chồng hay người thân qua đời… Chúng ta cũng không quá đau buồn đến nỗi buông xuôi mọi sự. Khi làm ăn thua lỗ, thi rớt đại học, bị người yêu bỏ rơi… chúng ta cần bình tĩnh đón nhận, coi đó như thập giá phải vác để làm môn đệ Đức Giêsu.

c) Ba là phải khôn ngoan và kiên trì:

Khôn ngoan suy tinh xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi để theo Đức Giêsu hay không. Giống như một người muốn xây một cây tháp phải khôn ngoan suy nghĩ về khả năng tài chính của mình. Hoặc như một ông vua trước khi xuất chinh phải biết đánh giá tình hình để có quyết định phù hợp. Có thể sau khi đi theo Chúa nhiều người vẫn bị nản lòng bỏ Chúa khi găp hoàn cảnh khó khăn. Khi đó hãy nhìn gương của các tông đồ: ban đầu các ông theo Đức Giêsu là để hy vọng sẽ được chia sẻ quyền lực địa vị trong Nước Trời mà Người sắp thiết lập. Nhưng Đức Giêsu đã dần dần thanh luyện suy nghĩ của các ông. Nhưng phải đợi đến sau khi Chúa phục sinh, nhờ ơn Thánh Thần, các ông mới hiểu rõ điều kiện để đi theo làm môn đệ Chúa; và can đảm từ bỏ mọi sự. John Newton đã nói: "Những khổ sở mà đời ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nhỏ nó ra để mỗi ngày Người chỉ chất lên vai chúng ta một khúc thôi... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Thế nhưng, nhiều người lại không làm như vậy: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay, mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và cả của ngày mai. Nên họ đã không thể vác nổi !".

2) Chúng ta phải làm gì để xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu ? :

a) Sống là chấp nhận từ bỏ: Hôm nay có những điều xấu chúng ta phải từ bỏ như: rượu chè, ma túy, trụy lạc... Tuy nhiên cũng có những điều tốt mà chúng ta vẫn phải từ bỏ để chọn một điều tốt hơn như: Bỏ nghề đang làm để làm nghề mới phù hợp với ơn gọi tu sĩ, chọn ngành học vừa hợp với khả năng lại vừa phù hopwj với ơn Chúa kêu gọi... Từ bỏ thường hay làm cho ta tiếc nuối và đòi phải biết hy sinh. Chẳng hạn: Từ bỏ chiếc giường êm ấm để thức dậy đi lễ sáng; Từ bỏ một cuốn phim hay đang xem trên Ti-vi để đọc kinh tối chung gia đình; Từ bỏ đi chơi ngày Chúa nhật để theo học lớp giáo lý hôn nhân và đi làm công tác xã hội... Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều cơ hội để chọn lựa. Bình thường, người ta dễ chọn cái tầm thường hơn điều cao cả; Chọn khoái lạc thấp hèn hơn là hạnh phúc vững bền; Chọn ích kỷ có lợi cho bản thân hơn vì ích chung tập thể.

b) Kitô hữu là người dứt khoát chọn theo làm môn đệ Đức Giêsu: nghĩa là chọn đi con đường hẹp. Đức Giêsu đòi môn đệ phải coi Người trọng hơn tất cả mọi mối dây tình cảm như tình cha con, vợ chồng, danh vọng của cải... Những điều nói trên tuy đáng quí, nhưng cũng chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Kitô hữu là người dám từ bỏ tất cả để noi gương Đức Giêsu, Đấng đã từ bỏ vinh quang thần linh để trở nên một người trần thế. Từ bỏ chính là chọn vào Nước Trời ngang qua cửa hẹp cùng với Đức Giêsu. Đây là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ: Sự từ bỏ ở đây không phải chỉ cần làm một lần là đủ, nhưng muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải không ngừng từ bỏ. Cần tránh thái độ nửa chừng thỏa hiệp. Bây giờ không còn phải là thời gian ngồi suy tính nữa, mà mỗi người chúng ta phải dứt khoát từ bỏ mọi vướng víu để trung thành đi theo làm môn đệ Đức Giêsu đến cùng.

c) Làm môn đệ là học tập để làm như Thầy Giêsu: Từ bỏ noi gương Chúa Giêsu, Đấng nêu gương từ bỏ mình: Từ bỏ trời cao để xuống đất nơi đất thấp, từ bỏ chức vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm con loài người, tự nguyện sống nghèo khổ, nhận lấy tội lỗi của loài người và chịu chết đền tội thay loài người. Nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Người đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.

4. THẢO LUẬN: 1) Nếu phải từ bỏ tất cả những gì bạn đang có như tiền bạc, địa vị, đam mê... để trở thành môn đệ Đức Giêsu, thì theo bạn, từ bỏ điều nào là khó nhất ? 2) Khi gặp một người yêu ghét đạo công giáo, nhất định không cử hành lễ nghi hôn phối trong nhà thờ thì bạn cần làm gì ? 3) Cụ thể hiện tại bạn quyết tâm từ bỏ điều gì đang cản trở bạn theo làm môn đệ Đức Giêsu ?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã nhiều lần dạy chúng con rằng: Muốn trở thành môn đệ của Chúa thì chúng con phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng và vác thập giá là việc bổn phận hằng ngày mà theo chân Chúa. Chúa ơi, đây quả thật là một điều cam go và không dễ thực hiện chút nào ! Bởi vì con cảm thấy dường như lúc nào cũng có những thập giá đè nặng trên vai con: bệnh tật, đau khổ, công việc, sự vất vả hy sinh, mất mát và thất bại... Mà thập giá ấy lại sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời con. Thập giá con phải mang không thể tập thành thói quen và luôn biến dạng mỗi ngày mỗi khác... Chính vì thế mà con đã ý thức rằng: Theo Chúa đòi con phải luôn trong tư thế từ bỏ và hy sinh. Không phải chỉ cố chịu đựng một lần, nhưng là chịu đựng suốt đời. Từng giờ phút qua đi là những giờ phút con phải vác thập giá để tiến bước theo Chúa đến đỉnh đồi Can-vê. Xin giúp con sẵn sàng vác cây thập giá đời con, vì tin rằng chính Chúa cũng đang vác thập giá đi trước con và hằng ban ơn nâng đỡ, giúp con đủ sức vác thập giá đời mình đi theo Chúa đến trọn cuộc đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Sống khôn ngoan để làm môn đệ Chúa Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:54 02/09/2016
SỐNG KHÔN NGOAN ĐỂ LÀM MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ

(Chúa Nhật XXIII TN C)

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi... Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27-33). Những điều kiện Chúa Kitô đặt ra trên đây là cho hết mọi người chứ không riêng gì một ai. Tin Mừng Luca ghi rõ là khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu và Người đã nói những lời ấy với tất cả đám đông. Kitô hữu chúng ta có lẽ quá quen với hình ảnh thập giá và cả sự từ bỏ nhờ các cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong mùa Chay thánh. Quen quá có thể hóa nhàm, và hệ quả kéo theo là không nắm được, đúng hơn là không hiểu đúng, chưa hiểu hết nội hàm của thập giá cũng như sự từ bỏ.

Nếu hiểu được thập giá và sự từ bỏ đúng như sự tự hủy và như thập giá của Chúa Kitô, đó là chịu án bất công, là chẳng còn hình tượng người ta nữa, là nên như người bị phỉ nhổ, như người bị Thiên Chúa đoán phạt... thì có lẽ khó có ai dám trả lời cách hiên ngang là con muốn theo Chúa, con muốn làm môn đệ của Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tiên liệu nhiều khó khăn mà những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người phải chịu, nên đã căn dặn rằng cần khôn ngoan suy xét cẩn thận. Đừng để chuyện “xôi hỏng, bỏng tay” xảy ra vì thiếu khôn ngoan cân nhắc sự tình cũng như định lượng sức mình. Đừng mạo hiểm khởi công xây tháp mà không thể hoàn thành để rồi bị người ta chê cười! Đừng mạo hiểm đem quân đi đánh nước người khi không đủ sức để rồi mang lấy thất bại thảm hại! Ai? Ai trong chúng ta, từ người hèn kém tội lỗi đến người tài cao, đức đầy dám nói mình đủ sức làm môn đệ của Chúa Kitô? Ai có thể tự nhận mình đủ đức, đủ tài, đủ khả năng để đi theo Chúa Kitô trên con đường thập giá?

Vậy thử hỏi phải làm sao đây? Bản thân kẻ hèn này xin tự thú nhận mình thật bất tài và bất xứng. Với sức riêng mình, tôi không thể nào làm môn đệ Chúa Kitô được. Với khả năng và cả đạo hạnh riêng mình, tôi không thể nào vác được thập giá mình, cũng không thể nào từ bỏ hết những gì mình có để theo Chúa Kitô. Không lẽ rút lui hoặc giơ hai tay xin hàng? Với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể được. Ngay đêm Tiệc Ly, Chúa Kitô đã mở cho chúng ta con đường thoát khỏi cảnh bế tắc này. Chính Người đã tự nguyện rủ bỏ vị thế là Thầy và là Chúa để cúi xuống với từng người trong các môn đệ (x.Ga 13). “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu” (Ga 15,15).

Hãy biết khôn ngoan làm bạn của Chúa Giêsu. Đỉnh cao của mạc khải là ở đây. Chúa Kitô không muốn chúng ta làm tôi tớ hay làm môn đệ mà là bạn hữu của Người. Cái hình ảnh Giavê Thiên Chúa ngày ngày đi dạo với tổ tiên Ađam- Evà gợi mở thực tại tốt đẹp này. Có được người bạn là Giêsu Kitô thì chuyện thập giá mình sẽ không còn là vấn đề. Vì chính người bạn Giêsu luôn sẵn sàng nâng đỡ, đồng hành và có khi vác thay thập giá cho ta. Bài thơ “vết chân trên cát” của thi hào Tagor là một cảm nghiệm về một chân lý trong tình bạn. Con ơi, những lúc bão cát nổi lên, con chỉ còn thấy một dấu chân, đó là dấu chân của Ta, vì những lúc ấy là lúc Ta đang cõng con trên vai Ta.

Khi đã là bạn hữu thì không có gì là khoảng cách, là bí mật. “Tất cả những gì Thầy đã nghe biết bởi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”(Ga 15,15). Khi ta biết mở cõi lòng, biết bày tỏ mọi bí ẩn tâm can cho Giêsu, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ những việc lành đã làm đến những sự dữ xấu xa đã phạm thì ta đang trao dâng hết những gì ta có, cho người bạn Giêsu. Và đây chính là lúc ta thực sự bỏ hết những gì mình có (Avoir – To have). Chính khi ta mở tâm trí đón nhận chân lý Chúa Kitô tỏ bày và sống theo chân lý ấy thì chúng ta đã thực sự từ bỏ những gì chúng ta là (Être – To be).

Ý định của Chúa nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần Khí thánh” (Kn 9,17). Nếu Chúa Kitô không tự nguyện cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nếu Người không minh nhiên tỏ bày rằng Người không còn gọi các môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu, chắc hẳn con đường về trời, con đường theo chân Chúa Kitô quả là vượt quá tầm tay, vượt quá khả năng loài người chúng ta.

Vấn đề đặt ra là khi nào và làm sao chúng ta có được sự chắc chắn, dù tương đối, rằng chúng ta đang là bạn hữu của Chúa Giêsu? Một trong những cách thế hữu hiệu để làm bạn Chúa Giêsu đó là hãy làm như Người đã làm (x.Ga 13,15). Đó là nhận nhau như người anh em thân thuộc, như là bằng hữu nghĩa thiết. Đây là nội dung chính những dòng thư của Thánh Phaolô gửi đến ông Philêmon. Ngài xin Philêmon đón nhận lại Ônêsimô, không phải như một người nô lệ mà như một người anh em rất thân mến, dù cho Ônêsimô đáng phải chết vì là nô lệ mà đã bỏ trốn khỏi nhà của chủ. (Bài đọc 2). Đón nhận nhau như là anh em, như là bằng hữu thì không chỉ phải loại bỏ những hành vi đàn áp, bất công, quan liêu kẻ cả… mà còn phải thực tâm chia sẻ những gì mình đã có được, đã nghe biết, đã hưởng nhận...cho nhau.

Giả như đang còn đó những sự việc, những sự thật đáng nói, cần chia sẻ mà các vị bề trên còn giữ kín với người bề dưới thì người bề dưới vẫn chỉ mãi là những nô lệ hay tôi tớ mà thôi. Một thực tế khó chối cãi đó là khi sự giữ kẻ, sự giữ bí mật xuất hiện trong đời sống vợ chồng thì người giữ kẻ, giữ bí mật cách nào đó không còn xem người phối ngẫu là bạn trăm năm, là bạn đời, chưa kể có trường hợp chỉ xem nhau như người tôi tớ.

Chưa nhận nhau làm bạn trong cách sống, trong cung cách đối xử, thì chắc chắn chúng ta chưa thật sự là bằng hữu của Chúa Kitô. Và cũng khá chắc chắn rằng quá trình vác thập giá mình, quá trình từ bỏ chính mình của chúng ta đang trong cảnh tình “đơn thương, độc mã”. Độc mã, đơn thương để chiếm được Nước Trời, để có được hạnh phúc thật quả là một sự liều lĩnh thiếu khôn ngoan và không lượng sức.

Biết sống, biết hành xử với nhau như là bạn hữu thì chúng ta luôn là bạn hữu của Chúa Kitô. Có người bạn Giêsu đồng hành thì chuyện vác thập giá, chuyện từ bỏ chính mình cho dù vẫn là khó nhưng luôn là có thể được. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Có người bạn có thể làm được mọi sự luôn ở bên ta, đồng hành với ta thì không có gì là không thể.

Làm bạn của Giêsu thì đã là môn đệ của Người. Đây là một kiểu khôn ngoan mà nhiều vị thánh như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu...đã chọn lựa. Các ngài đã bền chí vác thập giá mình đi trọn con đường đời vì nhờ có một người đã tự nguyện cúi xuống trên các ngài đó là Giêsu – Kitô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:41 02/09/2016

32. Dâng hiến hy sinh chẳng qua là giết dê bò; vâng lời là từ bỏ chủ ý của mình, chủ ý trong tâm so với thịt dê bò thì cao quý hơn nhiều. Cho nên đem chủ ý của mình dâng cho Thiên Chúa thì rất có công đức.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Nigeria phàn nàn tổng thống hứa cho nhiều làm chẳng bao nhiêu
Đặng Tự Do
00:54 02/09/2016
Đức Hồng Y Anthony Okogie, Tổng giám mục nghỉ hưu của thủ đô Lagos, Nigeria, đã kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari thực hiện những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử và mang lại những trợ giúp cho người nghèo.

Đức Hồng Y Okogie viết trong một bức thư ngỏ đến tổng thống Buhari.

“Hôm nay, những tiếng kêu gào vì đói khát vang vọng trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước rộng lớn chúng ta. Nigeria đói không chỉ thực phẩm, mà còn đói các nhà lãnh đạo tốt, cho hòa bình, an ninh, và công lý.”

Tổng thống Muhammadu Buhari từng là một tướng lãnh trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, ông vẫn thất bại trong việc ngăn chặn bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.

Những cuộc tấn công liên tục của Boko Haram đã khiến hơn 2.5 triệu người phải di dời trên khắp miền Trung và Tây Phi, với khoảng 2.1 triệu người chạy loạn trong nội bộ Nigeria. Hơn 172,000 người tị nạn đã chạy trốn qua biên giới các nước xung quang để tìm kiếm sự an toàn. Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã tăng các cuộc tấn công vào các nước láng giềng của Nigeria. Những quốc gia này giờ đây phải đối phó với cả những người tị nạn Nigeria và hơn 200,000 người dân của chính họ phải chạy giặc.

Đức Hồng Y đã kết luận với lời cầu chúc:

“Cầu xin cho không có trang nào trong lịch sử ghi lại rằng người Nigeria đã chết vì đói dưới thời cai trị của ngài”.

Tổng thống Muhammadu Buhari là một người Hồi Giáo đã thắng cử trong cuộc bầu cử năm ngoái 2105. Ông nhậm chức ngày 29 tháng năm 2015 thay cho tổng thống Goodluck Jonathan là một người Công Giáo.

Bất chấp những hứa hẹn đẹp như mơ của ông trong thời gian tranh cử, tình hình tại Nigeria đã tỏ ra ngày càng tồi tệ hơn.
 
Một linh mục Tây Ban Nha bị kỷ luật vì chúc lành cho một cặp đồng tính
Đặng Tự Do
00:09 02/09/2016
Một linh mục Tây Ban Nha có thể phải đối mặt với những hình thức kỷ luật nghiêm trọng sau khi cử hành một buổi lễ “chúc lành” cho một cặp đồng tính.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 30 tháng 8, Giáo phận Segorbe-Castellon, Tây Ban Nha nói rằng cha José Garcia “không phân biệt nổi thái độ niềm nở đi kèm với những chăm sóc mục vụ cho những người trong hoàn cảnh này, và sự chấp thuận rõ ràng một kết hiệp mà Giáo Hội không thể chấp nhận được.”

Đức Giám Mục Casmiro Lopes Llorente đã đích thân khiển trách cha José Garcia. Tuyên bố cho biết vị linh mục này đã “nhìn nhận trước Đức Giám Mục bản quyền tính chất sai lầm nghiêm trọng trong hành vi của mình.”

Giáo phận đang xem xét có nên áp dụng một hình thức kỷ luật chính thức hay không.
 
Tiểu sử chính thức của Mẹ Têrêsa thành Calcutta
J.B. Đặng Minh An dịch
16:10 02/09/2016
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Sáu 2 tháng Chín, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo giới thiệu với các ký giả những chi tiết liên quan đến Lễ Tuyên Thánh cho Mẹ Têrêsa vào ngày Chúa Nhật 4 tháng Chín.

Dưới đây là tiểu sử chính thức của Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ được Đức Hồng Y Angelo Amato, là Tổng trưởng bộ Tuyên Thánh, đọc trước Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h25 sáng Chúa Nhật.


Têrêsa Calcutta, nhủ danh Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 Tháng Tám năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu. Cô đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi. Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn cô tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.

Năm 1928, với mong muốn được phục vụ như là một nhà truyền giáo, cô bước vào Tu hội Chị em Loreto ở Ireland. Năm 1929, cô đến Ấn Độ, và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931 và khấn trọn vào tháng Năm năm 1937. Trong suốt hai mươi năm sau đó, cô đã giảng dạy ở Ấn Độ, và được nhiều người biết đến vì lòng bác ái, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và sự vui tươi.

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, cô nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Năm 1948, cô nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta. Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965. Đặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu đối với tình yêu và đối với các linh hồn bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Để mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ Têrêsa đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.

Tại thời điểm Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 05 tháng Chín năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia. Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ Têrêsa đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới. Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi. Từ trên Thiên Đàng, Mẹ tiếp tục “thắp lên một ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này.”

Phụ lục: Dưới đây là bản tiểu sử của Mẹ Têrêsa, dài hơn, đã được Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh (1998-2008) đọc trước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lễ tuyên phong Chân Phước ngày 19 tháng 10 năm 2003.

“Về huyết thống thì tôi là người Albany. Theo tính cách công dân thì tôi là một người Ấn Độ. Về phương diện đức tin thì tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi của mình thì tôi thuộc về thế giới. Với tâm hồn của mình thì tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Với một thân mình nhỏ con, và một đức tin sắt đá, Mẹ Têrêsa Calcutta được ủy thác cho sứ mạng truyền bá tình yêu khát khao của Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là cho thành phần nghèo nhất trong các thành phần nghèo khổ. “Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian và Ngài gửi các chị em và tôi đến với người nghèo như là tình yêu Ngài và lòng xót thương của Ngài”. Mẹ là một tâm hồn đầy tràn ánh sáng Chúa Kitô, cháy lửa mến yêu Người và bừng bừng một ước mong duy nhất đó là “làm giảm bớt cơn khát yêu thương các linh hồn của Người”.

Vị sứ giả sáng láng này của tình yêu Thiên Chúa chào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Albania, một thành phố tọa lạc ở giao điểm lịch sử Balkan. Mẹ là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu, được rửa tội với tên là Gonxha Agnes, được Rước Lễ Lần Đầu lúc 5 tuổi rưỡi và chịu phép Thêm Sức vào tháng 11/1916. Từ ngày Rước Lễ Lần Đầu, tình yêu các linh hồn đã triển nở trong tâm hồn bé. Bé mất cha bất ngờ khi mới lên tám. Bà mẹ góa kiên cường nuôi con cái, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính nết và ơn gọi của bé. Ngoài ra, đời sống đạo của bé cũng được nâng đỡ bởi vị linh mục Dòng Tên coi xứ Thánh Tâm là nơi bé sinh hoạt nữa.

Vào năm 18 tuổi, được thúc đẩy bởi ý định trở thành một nhà truyền giáo, cô Gonxha đã từ giã gia đình vào tháng 9/1928 để dâng mình cho Chúa trong Dòng Trinh Nữ Maria, tức tu hội Nữ Tu Loreto ở Ái Nhĩ Lan. Tại đây chị được đặt tên là Nữ Tu Maria Têrêsa theo Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Vào tháng 12 cùng năm, chị lên đường đi Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6 tháng Giêng năm 1929. Sau khi khấn lần đầu vào tháng 5/1931, Nữ Tư Têrêsa được chỉ định đến cộng đồng Loreto Entally ở Calcutta và dạy học ở Trường Thánh Maria phái nữ. Vào ngày 24/5/1937 chị khấn trọn, để trở thành, như chị nói, “hôn thê của Chúa Giêsu” cho “đến muôn đời bất tận”. Từ đó trở đi, chị được gọi là Mẹ Têrêsa. Mẹ tiếp tục dạy học ở Trường Thánh Maria và làm hiệu trưởng của trường này vào năm 1944. Là một con người chìm đắm trong cầu nguyện và hết sức yêu thương chị em dòng cũng như học sinh của mình, 20 năm sống trong dòng Loreto, Mẹ cảm thấy thật là hạnh phúc. Nổi tiếng là bác ái, vị tha và can đảm, chịu khó và có óc tổ chức, Mẹ đã sống trọn cuộc sống tận hiến của mình cho Chúa Giêsu, giữa chị em đồng tu, một cách trung thành và vui vẻ.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để dự tuần cấm phòng hằng năm, Mẹ Têrêsa đã được “ơn linh hứng”, một “ơn gọi trong ơn gọi” của Mẹ. Hôm ấy, Mẹ đã ở trong một trạng thái mà Mẹ không bao giờ giải thích được, là cơn khát yêu thương các linh hồn của Chúa Giêsu chiếm đoạt tâm hồn Mẹ, và ước muốn làm nguôi cơn khát của Người trở thành mãnh lực chi phối cuộc sống của Mẹ. Những tháng ngày sau đó, qua những thị kiến nội tâm, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ biết ý của Trái Tim Người muốn có “những chứng nhân tình yêu”, là những người “chiếu tỏa tình yêu của Người trên các linh hồn”. Người đã nài xin Mẹ: “Hãy đến để làm ánh sáng của Cha. Cha không thể đi một mình”.

Người đã tỏ cho Mẹ biết cái đau đớn của Người nơi thành phần nghèo khổ bị bỏ rơi, niềm sầu thương của Người ở chỗ vô tri của họ và niềm khát vọng được họ yêu mến. Người đã xin Mẹ Têrêsa hãy thành lập một cộng đoàn tu trì, Dòng Thừa Sai Bác Ái, dấn thân phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo. Mẹ mất gần hai năm trời để trắc nghiệm và phân định trước khi bắt đầu khởi sự. Vào ngày 17/8/1948, lần đầu tiên Mẹ mặc bộ sari trắng viền xanh dương và bước qua cổng tu viện Loreto thân yêu để tiến vào thế giới người nghèo.

Sau một khóa huấn luyện ngắn với Các Nữ Tu Thừa Sai Y Khoa ở Patna, Mẹ Têrêsa trở về Calcutta và tìm một nơi cư trú tạm thời với Các Sư Tỷ Nghèo. Vào ngày 21/12 lần đầu tiên Mẹ đi đến những khu nhà ổ chuột. Mẹ đã viếng thăm các gia đình, rửa các vết ghẻ lở cho một số trẻ em, chăm sóc cho một người già nằm bệnh trên đường phố và thuốc men cho một người đàn bà đang chết đói và bị lao phổi. Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng việc rước lấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và rồi lên đường, tay cầm tràng hạt, để tìm kiếm và phục vụ Ngài nơi “thành phần không được chú ý tới, không được yêu thương, không được chăm sóc”. Sau mấy tháng, Mẹ được những học sinh của Mẹ trước đó, từng người một, đến tham gia cộng tác với Mẹ.

Ngày 7/10/1950, hội dòng mới các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái đã được chính thức thành lập tại tổng giáo phận Calcutta. Vào đầu thập niên 1960, Mẹ Têrêsa bắt đầu gửi các Nữ Tu của dòng đến các vùng khác ở Ấn Độ. Sắc Lệnh Ca Ngợi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban gửi cho hội dòng của Mẹ đã khuyến khích Mẹ mở một nhà ở Venezuela. Chẳng bao lâu sau những nhà khác được thành hình ở Rôma và Tanzania, rồi dần dần ở hết mọi lục địa. Bắt đầu từ năm1980 và liên tục qua thập niên 1990, Mẹ Têrêsa đã mở những nhà ở hầu hết mọi quốc gia cộng sản, bao gồm cả ở Khối Sô Viết trước đây, Albania và Cuba.

Để đáp ứng hơn nữa cho cả nhu cầu về thể lý cũng như thiêng liêng, năm 1963 Mẹ Têrêsa đã lập hội dòng Các Tu Huynh Thừa Sai Bác Ái, năm 1976 ngành chiêm niệm cho các Nữ Tu, năm 1979 ngành Các Tu Huynh Chiêm Niệm, và năm 1984 Các Cha Thừa Sai Bác Ái. Tuy nhiên, ơn linh hứng của Mẹ không giới hạn vào những ai theo đuổi ơn gọi tu trì mà thôi. Mẹ đã thành lập tổ chức Đồng Cộng Tác Viên của Mẹ Têrêsa cũng như Đồng Cộng Tác Viên Phục Vụ Bệnh Nhân và Đau Khổ, những người thuộc nhiều tín ngưỡng và quốc tịch được Mẹ chia sẻ tinh thần cầu nguyện của Mẹ, tinh thần giản dị đơn sơ của Mẹ, tinh thần hy sinh của Mẹ và tinh thần tông đồ thực hiện những việc làm yêu thương khiêm tốn của Mẹ. Tinh thần này sau đó đã tác động nên Các Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái. Để đáp lại những lời yêu cầu của nhiều linh mục, vào năm 1981, Mẹ Têrêsa cũng đã bắt đầu Phong Trào Chúa Kitô cho Các Linh Mục như là một “đường lối thánh thiện nhỏ bé” cho những vị muốn tham dự vào đặc sủng và tinh thần của Mẹ.

Trong những năm phát triển nhanh này, thế giới bắt đầu chú ý tới Mẹ Têrêsa và công việc Mẹ đã khởi công thực hiện. Nhiều bằng tưởng thưởng, bắt đầu là Bằng Tưởng Thưởng Padmashiri của Ấn Độ vào năm 1962, rồi Giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đã tôn vinh công cuộc của Mẹ, khiến cho giới truyền thông lưu ý và bắt đầu theo dõi các sinh hoạt của Mẹ. Mẹ đã lãnh nhận cả các thứ giải thưởng và sự chú ý của thế giới “vì vinh quang Thiên Chúa và nhân danh kẻ nghèo”.

Cuộc đời lao nhọc của Mẹ Têrêsa chứng tỏ cho thấy niềm vui của yêu thương, sự cao cả và phẩm giá của hết mọi con người, giá trị của những điều nhỏ mọn được trung thành thực hiện vì yêu mến, và giá trị siêu việt của tình bằng hữu với Thiên Chúa. Thế nhưng còn một phương diện anh hùng khác của người nữ cao cả này đã được tỏ lộ chỉ sau khi người nữ ấy qua đời. Khuất kín trước mắt của tất cả mọi người, ngay cả với những người thân cận nhất với Mẹ, đó là đời sống nội tâm của Mẹ, đầy những cảm nghiệm đau thương sâu đậm liên lỉ của tình trạng bị xa lìa Thiên Chúa, thậm chí bị Ngài loại bỏ, mà lại cứ càng khát vọng tình yêu của Ngài. Mẹ đã gọi cảm nghiệm nội tâm này là “bóng tối tăm”. “Đêm tối đau thương” của linh hồn Mẹ, bắt đầu vào khoảng thời gian Mẹ khởi sự hoạt động cho người nghèo và đã tiếp tục cho đến hết đời của Mẹ, đã khiến Mẹ tiến đến chỗ được hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Nhờ bóng tối tăm Mẹ đã tham dự một cách lạ lùng vào cơn khát của Chúa Giêsu, vào khát vọng đau thương bừng cháy yêu thương của Người, và Mẹ đã tham dự vào nỗi cô đơn hiu quạnh nội tâm của thành phần nghèo khổ.

Trong những năm cuối đời của mình, mặc dù có những vấn đề trầm trọng về sức khỏe, Mẹ Têrêsa vẫn tiếp tục coi sóc Hội Dòng của Mẹ và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo cũng như của Giáo Hội. Vào năm 1997, con số nữ tu dòng của Mẹ đã gần 4 ngàn và đã thiết lập được 610 nhà ở 123 quốc gia trên thế giới. Vào 3/1997, Mẹ đã chúc lành cho vị thừa kế mới được tuyển bầu của mình làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thừa Sai Bác Ái, để rồi thực hiện nhiều chuyến xuất ngoại hơn. Sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lần cuối cùng, Mẹ đã trở về Calcutta và sống những tuần lễ cuối cùng của mình tiếp đón các khách viếng thăm và chỉ dẫn cho các Nữ Tu của Mẹ. Vào ngày 5/9, Mẹ đã chấm dứt cuộc sống trần gian. Mẹ đã được vinh dự chôn cất theo quốc táng do chính quyền Ấn Độ thực hiện, và thi thể của Mẹ được an táng tại Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ trở thành một địa điểm hành hương mau chóng và là nơi cầu nguyện cho dân chúng thuộc đủ mọi tín ngưỡng, giầu cũng như nghèo. Mẹ Têrêsa đã để lại chứng từ của một đức tin không lay chuyển, một niềm hy vọng bất khuất và một đức ái phi thường. Việc Mẹ đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu “hãy đến làm ánh sáng của Cha”, làm Mẹ trở thành một vị Thừa Sai Bác Ái, thành “mẹ của người nghèo”, làm biểu hiện của lòng xót thương trước thế giới, và là một chứng từ sống động cho tình yêu khát khao của Thiên Chúa.

Không đầy hai năm sau khi qua đời, căn cứ vào tiếng tăm thánh thiện lẫy lừng của Mẹ cùng với những thuận lợi xẩy ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành việc phong thánh cho Mẹ. Ngày 20/12/2002, Ngài đã chuẩn nhận sắc lệnh về các nhân đức anh hùng và phép lạ của Mẹ.
 
Hội Đồng Giám Mục Venezuela ủng hộ cuộc biểu tình chống chính quyền lên đến hàng triệu người
Đặng Tự Do
05:56 02/09/2016
Trong khi chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát động một chiến dịch bắt bớ các chính trị gia đối lập trước cuộc biểu tình ngày 01 tháng 9, các giám mục tại quốc gia này đã ra thông cáo khẳng định quyền của các công dân tuần hành chống chính phủ một cách hòa bình.

Bày tỏ tình đoàn kết với những người đang gánh chịu đau khổ, Hội Đồng Giám Mục Venezuela kêu gọi chính phủ phải “đảm bảo cho mọi công dân có quyền tự do trình bày ý tưởng của họ” cũng như “tự do đi lại trong nước”.

Một biển người kéo dài gần như vô tận khắp Caracas. Có thể có tới một triệu người ủng hộ phe đối lập đã tuần hành, hô vang các khẩu hiệu yêu cầu một cuộc trưng cầu nhằm truất phế Tổng thống Nicolas Maduro và bầu cử lại. Lãnh tụ đối lập Henrique Capriles nhận xét rằng cuộc tuần hành phản đối đã có một khí thế áp đảo.

Ông nói:

“Người dân Venezuela đang chiến đấu cho một cuộc trưng cầu dân ý, cho một giải pháp hợp hiến để thông qua một cuộc bầu cử, chúng tôi có thể đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, và có thể có một giải pháp cho quốc gia.”

Những người biểu tình đổ lỗi cho Maduro đã gây ra các vấn đề như lạm phát cao, thiếu hụt sản phẩm và tội phạm tràn lan. Phe đối lập hy vọng sẽ khởi động các cuộc trưng cầu trước cuối năm, để cuộc bầu cử mới có thể được tổ chức.

Tổng thống Nicolas Maduro vu cáo những người biểu tình là có âm mưu lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã diễn ra trong trật tự và hòa bình.
 
Báo chí Pháp vinh danh công trình bác ái của Mẹ Têrêsa giải Nobel Hoà Binh
Lê Đình Thông
08:16 02/09/2016
BÁO CHÍ PHÁP VINH DANH CÔNG TRÌNH BÁC ÁI CỦA MẸ THÁNH TÊRÊSA GIẢI NOBEL HÒA BÌNH


Trong một thế giới đầy bất an, cạn nguồn bác ái, luôn khẩn cầu lòng thương xót Chúa, Mẹ Têrêsa thành Calculta, vị nữ thánh của những người tứ cố vô thân (sainte des caniveaux), ra tay cứu vớt bao kẻ bần cùng do bẩn, đã được giới truyền thông Pháp đồng thanh ca ngợi nhân đại lễ phong thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành trọng thể vào Chúa Nhật 04/09 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mẹ Têrêsa dùng đôi tay nhăn nheo để xoa dịu những người bị đồng loại bỏ rơi, những người hấp hối, những người bệnh sida bị giòi bọ đục khoét trong các hang cùng ngõ hẻm Calcutta.

Năm 2003, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã phong chân phước cho Mẹ Têrêsa trước 300 ngàn khách thập phương. Đức Thánh Cha Phanxicô từng vinh danh Mẹ Têrêsa là hiện thân của Hội thánh chăm lo cho người nghèo. Lễ phong thánh là thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Nhiều vị quốc trưởng và thủ tướng sẽ sát cánh cùng với nhiều trăm ngàn tín hữu dân lời kinh Tạ Ơn trong đại lễ phong thánh.

Cô Gonxhe Agnes Bojaxhiu sinh ngày 26/08/1910 tại Kosovo, thuở đó còn do đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Năm 18 tuổi, Bojaxhiu vào dòng các nữ tu Đức Bà Lorette ở Dublin, lấy tên dòng là Têrêsa Hài đồng Giêsu. Vị nữ tu trẻ tuổi được gửi đi dạy học ở Calcutta, trong ngôi trường dành cho con nhà khá giả.

Têrêxa nhận được ơn gọi phục vụ những người nghèo khó. Năm 37 tuổi, Têrêsa khoác trên mình tấm sari trắng viền xanh, len lỏi vào các khu ổ chuột ngoại thành Calcutta, băng bó vết thương cho bao người bệnh. Một số học trò năm cũ trở thành các tập sinh của Dòng Thừa sai Bác ái. Năm 1952, việc chứng kiến một thiếu phụ hấp hối trên hè phố đã khiến mẹ yêu cẩu chính quyền cấp cho một ngôi nhà cũ để chăm sóc những người sắp chết. Sau đó, mẹ lập nhiều cô nhi viện, nhà cho người cùi, nhà cho các người bị bệnh tâm thần, nhà dành cho các thiếu nữ lỡ dại, nhà cho các bệnh nhân sida v.v. Từ những năm 60, các cơ sở từ thiện này hoạt động tại Ấn Độ, sau đó lan rộng khắp thế giới.

Ngày 24/09/1991, Mẹ Têrêsa đến Việt Nam thăm viện dưỡng lão Hà Sơn Bình. Ngày 08/11/1993, Mẹ Têrêsa trở lại Việt Nam lần thứ hai, mở một nhà Bác ái tại Saigon, sau đó tại Hà Nội để săn sóc những người neo đơn, già cả. Có chín nữ tu đến Việt Nam, 5 tại Saigon và 4 tại Hà Nội, nhưng qua năm sau đều bị chính quyền trục xuất.

Ngày 22/08/2000, Hội Dòng Mẹ Trêsa Calcutta mừng lễ khấn cho 21 nữ tu tại xứ Tân Hòa, Phú Nhuận (Saigon). Ngoài nhà mẹ ở Phú Nhuận, Hội dòng hiện có 13 cộng đoàn tại Xuân Lộc, Phan Thiết, Mỹ Tho, Long Xuyên, Phú Cường, Ban Mê Thuột.

Mẹ Têrêsa qua đời ngày 05/09/1997 tại Calcutta. Mỗi ngày, các nữ tu đều ghép cánh hoa rơi, ghi lại lời nhăn nhủ thế nhân đừng bỏ quên bao kẻ khốn cùng. Mẹ Têrêsa đã làm hai phép lạ : Năm 1998, một thiếu phụ Ấn Độ nhờ mẹ Têrêsa phù hộ mà được khỏi bệnh ung thư. Năm 2008, một thanh niên Brésil được lành các khố u trong não.

Giáo Xứ Paris, ngày 02/09/2016
Lê Đình Thông
 
Thánh Teresa Calcutta, người mẹ lòng thương xót
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:10 02/09/2016
Thánh Teresa Calcutta, người mẹ lòng thương xót

Vị nữ tu Teresa thành Calcutta qua đời ngày 05.09.1997 đã được Hội Thánh tôn phong lên hàng Chân Phước ngày 19.10.2003, và ngày Chúa Nhật 04.09.2016 được tôn kính trên bàn thờ trong Hội Thánh Công Giáo là đấng Hiển Thánh.

Cuộc đời 87 năm trên trần gian của mẹ Thánh Teresa gắn bó với số phận của những người nghèo vừa về miếng ăn lương thực , quần áo, thuốc men chữ bệnh, nhà cửa , và vừa về gía trị nhân phẩm con người cùng đau khổ tinh thần của họ nữa.

1. Gia đình, nôi nuôi dưỡng lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa mở mắt chào đời bên nước Albania, vùng phía Đông Âu châu, nằm trong liên bang Nam Tư Cộng sản cũ thời Thống Chế Tito. Albania là một nước nhỏ đại đa số dân cư theo Hồi giáo, đạo Công Giáo chỉ là một thiểu số trong xã hội này. Gia đình Mẹ Teresa là một gia đình khá giả nếp sống bậc trung lưu có cuộc sống hạnh phúc, theo đức tin Công Giáo truyền thống đạo đức.

Buổi sáng nào người mẹ gia đình Drana của Teresa cũng đều đưa ba người con của bà đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện dâng Thánh lễ. Buổi chiều tối gia đình tụ tập lại lần chuỗi mân côi, dù bận rộn hay có khách. Vì với gia đình đó là điều quan trọng hơn cả.

Ngay từ khi con còn nhỏ, người mẹ gia đình Drana đã dậy các con mình sống bác ái lòng thương xót theo phương hướng Phúc âm của Chúa: „Những gì các con làm cho một người bé nhỏ hèn mọn nhất trong các con, chính là các con làm cho Thầy.“ ( Mt 25,40).

Rồi hằng tuần, người mẹ Drana của Teresa có thói quen thăm hỏi những người bệnh nạn trong khu phố, và mang cho những người nghèo quần áo cũng như thực phẩm cần thiết. Bà muốn con mình ngay từ nhỏ đã biết cùng đồng hành với những người như thế. Bà thường nói với các con mình: „ Các con có phúc lắm, có nhà ở đẹp, có đầy đủ lương thực và quần áo. Các không con thiếu gì. Nhưng các con không được quên có nhiều người phải sống trong hoàn cảnh thiếu ăn, có những trẻ em không có quần áo , khi đau bệnh, chúng không có thuốc trị bệnh cần thiết để chữa bệnh.“.

Đời sống gương sáng của người mẹ Drana đã ghi khắc dấu vết sâu đậm trong tâm khảm đời sống của Teresa ngay từ nhỏ. Có lần Teresa lúc nhìn lại thời nhỏ còn ở nhà với mẹ mình đã tâm sự:“ Tôi không biết phải nói gì hơn nữa, gương sống của mẹ tôi, hay nếp sống đạo đức chăm chỉ đi nhà thờ cầu nguyện của mẹ tôi đóng vai trò ảnh hưởng rất quan trọng cho ơn kêu gọi của tôi trưởng thành chín mùi.“ .

Chính trong bầu khí chan chứa lòng thương xót đó của gia đình với những người chung quanh Teresa đã lớn lên và trở thành vị Thánh, người mẹ lòng thương xót sau này giữa lòng xã hội con người.

2. Con đường lòng thương xót

Lúc Teresa lên 12 tuổi đã cảm nghiệm thấy mình có ơn kêu gọi vào sống tu trì trong nhà Dòng, và còn thế nữa cảm nghiệm ra ơn kêu gọi trở thành một nhà truyền giáo sang Ấn Độ, bên Á Châu.

Năm 18 tuổi Teresa đã nói với mẹ mình và cha sở ý muốn đi truyền giáo sang Bengale bên Ấn Độ để cùng làm viếc với các Cha Dòng Tên Chúa Giêsu đang sinh sống nơi đó. Nhưng để thực hiện được ý muốn đó, Teresa phải nhập Dòng Đức mẹ Loreto ở bên Dublin nước Ái nhĩ Lan. Các nữ tu dòng Đức mẹ Loreto thời đó cũng đang hoạt động truyền giáo bên Bengale.

Teresa nghe theo tiếng gọi con đường đó và trở thành nữ tu của Dòng Loreto, rồi năm 1928 được sai sang Ấn Độ đến vùng Himalaja sống thời gian nhà tập tu luyện, sau đó đến Calcutta học thêm và trở thành Cô giáo môn lịch sử, địa lý trường trung học St. Mary s High School của nhà Dòng.

Nữ tu Teresa làm công việc trí thức dạy học ở trường học nội trú với nhiệt tâm đầy đủ trách nhiệm,. Nhưng tâm hồn luôn nghĩ đến việc truyền giáo cho những người nghèo nhất nơi những người nghèo bên Ân độ, mà vị nữ tu ngày đêm ấp ủ hoài bão lúc nào cũng mơ tưởng mong muốn được sống được làm. Vị Nữ tu Teresa tâm sự:“ Tôi là cô giáo, đây là một nếp sống mới với tôi. Ngôi nhà trường nội trú này rất đẹp cùng thuận lợi cho các học sinh. Tôi yêu thích việc dậy học. Tôi chịu trách nhiệm trông coi cả nhà trường, các nữ học sinh yêu mến tôi…“

Nhưng trong khu nhà trường nội trú đó, vị nữ tu Teresa không gặp được một ai là người nghèo đói bị bệnh hoạn, bị bị bỏ rơi ngoài đường phố.

Ngày 10. tháng Chín 1946 nữ tu Teresa đáp xe lửa đi Darjeeling vùng phía Tây Bengale, nơi xưa kia Teresa đã sống thời gian nhà tập, đi tĩnh tâm. Khi xe lửa đến nhà ga thành phố Calcutta, vị nữ tu cô gíao trường nội trú nhìn thấy tận mắt cảnh từng đám đông người nghèo, người đau khổ thiếu thốn nghèo khổ, bệnh tật đui què sống chen chúc vất vưởng ngoài đường, những bà mẹ trẻ bồng bế cõng con không quần áo trên lưng trên vai ăn xin ngoài phố xá…thật là một cảnh hãi hùng thương tâm với vị nữ tu trẻ tuổi Teresa. Tâm hồn vị nữ tu Teresa bồi hồi dao động vì cảnh tượng qúa thương tâm như thế.

Tâm hồn con mắt vị nữ tu Teresa càng mở ra to lớn hơn, và nữ tu Teresa đã có quyết định quay ngược lại với ơn kêu gọi mà chị đã cảm nghiệm được từ lúc còn ở quê nhà bên Albania: muốn trở thành nhà truyền giáo sống cho người nghèo khổ cùng cực bên Ấn Độ!

Chính mẹ Thánh Teresa sau này đã tâm sự nói về quyết định quay ngược lại tận căn rễ của mình:“ Trong đêm hôm đó mắt tôi đã mở ra nhìn thấy cảnh thương tâm cùng cực của con người nghèo khổ xấu số, và tôi cảm thấy tận sâu thẳm sự gì là căn bản ơn kêu gọi của tôi. Đó là tiếng gọi mới của Chúa nói với tôi , một ơn kêu gọi trong lòng ơn kêu gọi. Chúa kêu gọi tôi không được từ bỏ đời sống là nữ tu, nhưng hãy thay đổi nếp sống. Có thế mới phù hợp nhiều hơn với tinh thần phúc âm, với tinh thần truyền giáo, mà Chúa ký thác ban gửi cho tôi…Tôi cảm nghiệm ra rằng Chúa muốn tôi bỏ nếp sống thanh bình yên lặng tiện nghi nhà Dòng của tôi, mà đi ra ngoài đường sống phục vụ những người nghèo khổ. Với tôi sứ mạng đã rõ ràng: Tôi phải đi ra khỏi nhà Dòng và sống với những người nghèo khổ cùng cực. Chúa đã gọi tôi đến sống với những người không có sự gì ở thành phố Calcutta này…. Cuộc tĩnh tâm của tôi ở Darjeeling là những ngày suy nghĩ về sứ mạng ơn kêu gọi mới của tôi, mà tôi đã tiếp nhận trên đường tới đây. Sau đó về lại Calcutta, tôi quyết định thay đổi nếp sống đời tu.“.

Con đường dấn thân cho lòng thương xót với con người cùng khổ, cùng đinh trong xã hội Calcutta bên Ấn Độ bắt đầu từ quyết định thay đổi ra đi đến với họ của mẹ Thánh Teresa.

3. Nhà Dòng lòng thương xót: Dòng thừa sai bác ái.

Con đường thay đổi nếp sống của nữ tu Teresa để ra đi sống với và cho người nghèo cùng khổ không đơn giản dễ dàng. Vì phải vượt qua những chặng thử thách có phép chấp thuận của nhà Dòng Loreto cho nữ tu Teresa ra đi, phép của Đức Giám Mục Calcutta, phép của Thánh bộ giáo sỹ tu sỹ bên Roma, và sau cùng phép phê chuẩn của Đức Thánh Cha cho mẹ Teresa lập Dòng mới như mẹ thỉnh nguyện xin.

Sau những năm tháng khảo sát điều tra, ngày 7.10.1950 Tòa Thánh đã phê chuẩn chấp thuận cho mẹ Teresa thành lập Dòng Thừa sai bác ái bên Calcutta Ấn Độ để giúp phục vụ người nghèo khổ cùng cực trong xã hội.

Thế là ơn kêu gọi phục vụ truyền giáo cho người nghèo của mẹ Teresa về phương diện pháp lý theo luật đạo thành sự.

Ơn Kêu gọi hoài bão lòng mong ước đến sống truyền gíáo lòng thương xót giữa những người nghèo khổ, mà mẹ Teresa đã đón nhận ơn soi sáng từ Thiên Chúa nguồn tình yêu thương, giờ đây thành hiện thực cho đời mẹ.

Như các Dòng truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo . Dòng của Mẹ Teresa cũng có ba lời khấn: khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh, ngoài ra Dòng còn buộc các chị em nữ tu lời khấn thứ tư nữa: sống vị tha bác ái thương người.

Mẹ Teresa, vị sáng lập Dòng Thừa sai bác ái tâm sự: „ Chúng tôi có trách nhiệm bổn phận với lời khấn phục vụ cho hết mọi người không đòi hỏi thù lao được trả công . Lời khấn này có nội dung là chúng tôi không làm việc phục vụ cho người giầu có, không làm việc vì thù lao tiền bạc, chúng tôi không được nhận tiền bạc thù lao.“

Dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Teresa chọn áo Sari dài phủ kín thân thể của phụ nữ Ấn Độ vẫn thường mặc hằng ngày. Áo Sari mầu trắng bằng vải thô, bên vành áo có ba vạch mầu xanh da trời nói lên nghĩa mầu của bầu trời. Phía bên trái áo Dòng Sari có gắn cây Thánh Gía Chúa Giêsu, để nhắc nhở người nữ tu nhớ đến Chúa Giêsu.

Mẹ Teresa cắt nghĩa về áo dòng Sari: „ Chiếc áo Dòng Sari giúp người nữ tu cảm nhận mình là người nghèo giữa những người nghèo, nhận ra mình cũng là người bệnh tật đau khổ, là trẻ em, là những người gìa yếu bị bỏ rơi. Và với chiếc áo Dòng Sari cùng chia sẻ đời sống không có gì thừa tự để lại cho thế giới.“.

Chiếc áo Dòng áo Sari hèn mọn theo kiểu của người phụ nữ bình dân trong xã hội Ấn Độ nói lên sâu đậm căn tính lòng thương xót cùng đồng cảm với con người của Dòng Thừa sai bác ái do mẹ ThánhTeresa sáng lập.

4. Dụng cụ lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa lúc còn sinh thời đã thụât kể lại về nhà Dòng Thừa sai bác ái phục vụ cho người nghèo, trẻ con, người bệnh tật bị bỏ rơi trên toàn thế giới: Dòng chúng tôi có 3.500 chị em nữ tu nơi 95 quốc gia với 445 nhà., chúng tôi càng cần thêm nhiều ơn kêu gọi nữa do Chúa gửi đến…

Chúng tôi là dụng cụ của Thiên Chúa. Những công việc phục vụ cho bác ái tình yêu là những công việc phục vụ cho hòa bình. Chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ về chính trị. Chúng tôi chỉ muốn phục vụ giúp đỡ người nghèo khổ, vì họ cần đến tình yêu của chúng tôi…

Công việc dấn thân phục vụ người nghèo , người cùng khổ là chứng từ cụ thể cho đức tin. Nó cắt nghĩa cho người người nghèo, người đau khổ về tình yêu Thiên Chúa trao tặng cho họ. Ở Ấn Độ, một phóng viên người Hoa Kỳ quan sát tôi săn sóc người bệnh bị bệnh da lở loét rất nguy hiểm, anh ta nói với tôi: Dạ, việc như vậy dù có cho tôi một triệu Mỹkim, tôi cũng không làm!

Toi nói lại ngay: Đúng thế, tôi cũng chẳng làm dù có được một triệu Mỹkim! Nhưng tôi làm vì tình yêu Chúa. Người nghèo khổ bệnh tật này với tôi là thân thể Chúa Giêsu Kitô... Anh phóng viên nghe thế đứng yên lặng rất mủi lòng cảm động, và hiểu nhận ra sức mạnh nào đã kêu gọi cùng thêm sức nâng đỡ việc làm của chúng tôi…

Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng tìm đến nơi có những người lâm vào hoàn cảnh đau khổ mà không có ánh sáng niềm hy vọng. Đó là nơi những người nghèo khổ, đói khát và bị bệnh tật, nhất là những người bị bỏ rơi sinh sống vất vưởng. Chúng tôi đến những nơi đó do Chúa sai đến và chỉ cho chúng tôi việc phải làm…

Với Mẹ Thánh Teresa và Dòng của Mẹ, cầu nguyện với Chúa là suối nguồn kín múc sức mạnh cho việc làm bác ái lòng thương xót con người mà Chúa gửi sai đến.:“ Ngày sống làm việc của chúng tôi đặt trên căn bản cầu nguyện. Dòng chúng tôi là Dòng chiêm niệm ở giữa lòng trần gian. Vì thế cầu nguyện là căn bản đời sống nhà Dòng. Chúng tôi luôn luôn cầu nguyện khắp mọi nơi đang khi làm việc cũng như lúc đi dọc đường. Nếu chúng tôi không liên lỉ sống kết hợp với Chúa , chúng tôi đâu có thể có sức lực để sống dấn thân hy sinh phục vụ được.“

Khi người ta xin Mẹ tấm thẻ địa chỉ của Dòng, Mẹ Thánh Teresa rút trong túi áo Dòng Sari ra một mảnh giấy nhỏ rẻ tiền mầu xanh, trên có in dòng chữ bằng tiếng Anh:

„ Chúa Giêsu vui mừng hạnh phúc đến với chúng ta,
khi sự chân thật muốn được loan truyền,
khi sự sống muốn được cho bừng lên chỗi dậy,
khi ánh sáng muốn được bật chiếu tỏa lan ra,
khi tình yêu muốn được yêu mến,
khi niềm vui muốn được tiếp tục cho đi,
khi hòa bình muốn được xây dựng lan tỏa gieo rắc. ( Mẹ Teresa.)

Xin Mẹ Thánh Teresa cầu cho chúng con!

Năm Thánh lòng thương xót 2015-2016
Ngày tuyên phong hiển Thánh Mẹ Teresa 04.09.2016
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Viết theo: Renzo Allgri, Mutter Teresa, Ein Leben für die Ärmsten der Armen, Neue Stadt , München 1993, 1. Auflage

 
Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa
Hồng Thủy
13:54 02/09/2016
Ngày Chúa Nhật 4/9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hinh TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

- Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng Y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

- Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

- Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa Nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)
 
Khủng bố Hồi Giáo IS doạ giết Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
15:37 02/09/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo sư Ahmed el Tayeb (23/05/2016)
Dabiq, ấn phẩm của quân khủng bố Hồi Giáo IS nhằm kêu gọi “thánh chiến” chống lại các Kitô hữu, trong số mới nhất đã có bài công khai chỉ trích cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô và đe dọa giết ngài.

Bình luận về diễn biến này, Đức Hồng Y Louis Sako Raphael là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê của Babylon nói với thông tấn xã AsiaNews rằng đây là một phần trong chiến dịch tuyên truyền với mục tiêu tối hậu là “cực đoan hóa người Hồi giáo”

Đức Hồng Y chỉ ra rằng trang đầu của tờ Dabiq trong số ra gần đây trình bày hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo sư Ahmed el Tayeb, người đứng đầu Đại học Azhar Al bên Ai Cập. Mục tiêu của quân khủng bố Hồi Giáo IS không phải là Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 như tờ báo này nói; nhưng là giáo sư Ahmed el Tayeb và tất cả những lãnh tụ Hồi Giáo ôn hòa nào dám công khai chống lại ý thức hệ cực đoan của chúng.

Đức Thượng Phụ nói:

“Họ có trong tâm trí một kế hoạch cho một quốc gia thần quyền, dựa vào đạo Hồi. Đức Giáo Hoàng không phải là mục tiêu thực sự. Đây chỉ là trò tuyên truyền cho các mục đích chính trị.”
 
Tòa Thánh quay video 4K trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa
Đặng Tự Do
16:07 02/09/2016
Khoảng 600 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ xô đến Rôma để tường thuật lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, một buổi lễ đang được nhiều người coi là điểm nhấn của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn một chục nhà lãnh đạo các nước sẽ tham dự Thánh Lễ.

Trong số những người phát biểu tại cuộc họp báo đầy chật người tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào lúc 11h30 sáng thứ Sáu 2 tháng 9, có nữ tu Mary Prema Pierick, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái Mẹ Têrêsa, cha Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Mẹ và ông Marcilio Haddad Andrino, là người đàn ông Brazil đã được chữa lành cách kỳ diệu nhờ lời cầu bầu của Mẹ Teresa.

Andrino cho biết ông bị nhiễm trùng não và các bác sĩ đã mất hết hy vọng cứu sống ông. Vợ ông là Fernanda đã cầu nguyện với Mẹ Têrêsa và ngay sau đó ông thấy mình được chữa lành khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Ông bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Têrêsa và nhấn mạnh rằng trường hợp của ông chỉ là một ví dụ về lòng thương xót và tình yêu phong phú của Thiên Chúa. Trong vòng một năm, vợ ông đã có thai và nay họ đã có hai con mặc dù Andrino đã được các bác sĩ cho biết là các loại thuốc mạnh họ tiêm vào người anh trong lúc chữa bệnh cho anh đã làm anh vô sinh. Ông cho rằng hai đứa con của mình là "phần mở rộng của phép lạ đó."

Về mặt kỹ thuật của Thánh lễ phong thánh, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng sự kiện này sẽ được quay phim với hệ phân giải cao nhất là 4K và sử dụng chín máy ảnh truyền hình.

Cho đến nay, các frames hình trên các videos của VietCatholic gồm 1080 dòng, mỗi dòng có 1920 điểm sáng, từ chuyên môn gọi là pixels.

Các frames hình Tòa Thánh quay trong thánh lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa gồm 2160 dòng, mỗi dòng có 3840 điểm sáng. Như thế, số điểm sáng gấp 4 lần các videos VietCatholic đang phát. Hình ảnh, do đó, sẽ mịn và đẹp hơn.

Từ năm 2014, YouTube đã có khả năng phát được 4K. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thậm chí có khả năng phát được 8K.
 
Bóng tối nội tâm nơi Mẹ Têrêsa nghĩa là gì?
Nguyễn Việt Nam
18:36 02/09/2016
Trong tiểu sử chính thức của Mẹ Têrêsa được Đức Hồng Y Angelo Amato, là Tổng trưởng bộ Tuyên Thánh, đọc trước Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h25 sáng Chúa Nhật, có đoạn như sau:

“Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ Têrêsa đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới.”

Từ lâu, thuật ngữ “bóng tối nội tâm” nơi Mẹ Têrêsa thường bị xuyên tạc. Nhiều diễn giải sai lầm cho rằng đó là thái độ mang sắc thái vô thần, hoài nghi không biết Thiên Chúa có thực sự hiện hữu hay không,, khi đứng trước những đau khổ vô biên của kiếp người.

David Scott là một tác giả chuyên nghiên cứu về Mẹ Têrêsa và nữ tu Dorothy Day. Ông có nhiều bài viết được đăng trên báo Quan Sát Viên Rôma. Ông hiện là Vice Chancellor của tổng giáo phận Los Angeles chuyên về truyền thông của tổng giáo phận. Trong cuốn “The Love That Made Mother Teresa”, David Scott giải thích “bóng tối nội tâm” nơi Mẹ Têrêsa như một sự mòn mỏi trông chờ được kết hiệp mật thiết với Chúa, một tâm tình thường thấy nơi các vị thánh muốn được yêu mến Chúa hết linh hồn và trí khôn. Các vị cảm thấy đau khổ vì xa cách Chúa. Ông cho biết như sau:

Trong hơn năm mươi năm tiếp theo thị kiến và ngất trí ban đầu, Mẹ Têrêsa chìm trong một bóng tối, một sự im lặng tàn nhẫn. Mẹ chỉ được nghe tiếng nói của Thiên Chúa một lần nữa, và Mẹ tin rằng các cửa trời đã đóng lại đối với Mẹ. Mẹ Têrêsa càng mong muốn có một số dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, Mẹ càng thấy trống rỗng và hoang vắng.

Chúng ta luôn luôn nhìn thấy Mẹ mỉm cười. Mẹ có một nụ cười vui tươi, tinh nghịch, như thể ẩn chứa một số chuyện khôi hài bí mật. Đặc biệt là khi trẻ em quây quần xung quanh Mẹ, Mẹ cười rạng rỡ với niềm vui. Trong những lúc riêng tư, Mẹ có một cảm thức hài hước nhanh chóng bùng nổ, và đôi khi tăng gấp đôi trước những trận cười nghiêng ngả của người xung quanh. Vì vậy, nhiều người đã từng gặp gỡ Mẹ nói rằng Mẹ là người vui vẻ nhất mà họ từng gặp.

Bây giờ chúng ta biết rằng cuộc sống của Mẹ giống như một địa ngục sống. Khi Mẹ tâm sự với cha linh hướng của mình vào năm 1957: “Trong bóng tối.. . Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai mà Chúa bỏ con? Đứa con mà Ngài yêu thương giờ đây trở thành như là một trong những đứa Ngài ghét nhất, là đứa đã bị Người loại bỏ không ngó tới, không được ưu ái. Con gào lên nhưng không có ai trả lời.”

Mẹ Têrêsa đã sống trong một sa mạc tinh thần, hoảng sợ rằng Thiên Chúa đã từ chối Mẹ, hoặc tệ hơn, Ngài đang hiện diện trong bóng đêm lẩn trốn Mẹ. Như thể có một công thức kỳ lạ, Mẹ càng thành công và càng được ca tụng, thì cảm giác bị bỏ rơi càng lớn hơn và Mẹ cảm thấy tuyệt vọng hơn.

Có một thời gian ngắn, một tháng trong năm 1958, khi Mẹ có thể nhìn thủng bóng tối vây quanh. Ánh sáng của Mẹ đã đến trong một Thánh Lễ cầu siêu ngay sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Piô XII, là vị Giáo Hoàng đã cấp phép cho Mẹ rời dòng chị em Loreto và đến sống giữa những người nghèo.

Mẹ viết: “Thỉnh thoảng đêm dài đen tối biến mất cùng với nỗi đau lạc lỏng, cô đơn, một sự đau khổ kỳ lạ trong mười năm. Hôm nay, linh hồn tôi tràn đầy tình yêu, với niềm vui không kể xiết, với một kết hiệp không gián đoạn của tình yêu.”

Bốn tuần sau, bóng tối lại buông xuống: “Ngài đã biến mất, để lại tôi một mình.” Mẹ sống trong bóng tối này cho đến lúc kết thúc cuộc sống trên dương thế.

Các thánh khác cũng đã nói về sự đau khổ và cảm giác bị Chúa bỏ rơi. Trong thế kỷ thứ mười sáu, Thánh Gioan Thánh Giá mô tả các kinh nghiệm này là “đêm tối của linh hồn.” Nhưng chúng ta khó tìm được một vị thánh bị một bóng tối dày đặc rất dài như Mẹ Têrêsa phải chịu đựng.
 
Cáo thỉnh viên án tuyên thánh nói về Mẹ Têrêsa
Nguyễn Việt Nam
18:16 02/09/2016
Cha Brian Kolodiejchuk được ĐTC Gioan Phaolô II ban phép lành
Cha Brian Kolodiejchuk, linh mục dòng Thừa Sai Bác Ái Canada, là cáo thỉnh viên trong án tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, đưa ra những nhận xét sau với Vatican Radio:

“Mẹ rất có năng khiếu ăn nói. Mẹ là người thông minh, rất thực tế, có năng khiếu dạy học bẩm sinh, có khiếu tổ chức.. . Mẹ hát với một giọng hát tuyệt vời; Mẹ biết chơi nhiều nhạc cụ, biết làm thơ. Mẹ có nhiều năng khiếu”.

Cha Brian nói thêm rằng Mẹ Teresa mong đợi rằng bốn ngàn chị em dòng Thừa Sai Bác Ái biết sống tận hiến cho Chúa Giêsu và sống một cuộc sống đơn giản: “các chị em gia nhập dòng là các bác sĩ rất giỏi, các y tá và những người khác nữa - nhưng họ phải sống đơn giản như tất cả các chị em khác. Và bản thân Mẹ đã làm điều đó”.

“Mẹ che dấu đi sự thánh thiện sâu xa của mình bởi sự đơn giản bên ngoài trong cuộc sống và thậm chí cả trong những lời nói của mình”.

Mẹ Têrêsa đã từng nói: “Nếu tôi trở thành một vị thánh, tôi chắc chắn sẽ là một trong những người của Bóng Tối”. Mẹ cũng tin rằng mình sẽ “vắng mặt nơi thiên đàng.” Cha Brian giải thích như sau:

“Tôi nghĩ đó là tuyên ngôn của Mẹ Teresa về 'sứ mệnh' Mẹ sẽ làm khi Mẹ ‘về nhà Chúa’, như Mẹ thường nói. Từ những lá thư mà chúng tôi phát hiện sau khi cái chết của Mẹ, khi chúng tôi bắt đầu thu thập các tài liệu như đã được công bố trong cuốn ‘Mẹ Teresa – Xin Chúa Hãy Đến Và Là Ánh Sáng Của Con: các bài viết riêng tư của Thánh Calcutta’, trước sự ngạc nhiên, nếu không muốn nói là sốc của tất cả mọi người, ngay cả những chị em gần gũi nhất với Mẹ Têrêsa, chúng tôi phát hiện ra kinh nghiệm nội tâm mà Mẹ gọi là ‘Bóng tối’ và nhận ra rằng Mẹ là một người phụ nữ say đắm trong tình yêu với Chúa Giêsu.”

Cú sốc này rất là lớn bởi vì dường như năng lượng không bao giờ cạn kiệt và tài tổ chức của Mẹ Têrêsa đã khiến tất cả mọi người tin rằng Mẹ đã sống với những nhận thức về tình yêu an ủi của Chúa Giêsu dành cho Mẹ.

Tuy nhiên, cha Brian lưu ý rằng các lá thư tiết lộ “rằng Mẹ cảm thấy không được yêu thương, và không được Chúa Giêsu mong muốn. Mẹ cảm thấy rằng Mẹ không thể yêu Chúa Giêsu như lòng mong muốn vì Ngài chưa từng được yêu thương - đó là một kết luận táo bạo nếu bạn đọc các thư này một cách nghiêm túc”

Cha Brian nhớ lại khi ngài đọc một số thư này tại nhà mẹ ở Calcutta, Ấn Độ, cho các chị em là những người biết rất rõ Mẹ “Họ đã khóc vì họ biết rõ Mẹ và giờ đây họ biết Mẹ từng phải đau khổ thế nào.”

Rõ ràng nhất là các lá thư Mẹ viết trực tiếp cho Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ mô tả cùng Ngài sự đau đớn của mình đối với những nghi ngờ về sức mạnh đức tin của mình và tình yêu của Chúa Giêsu đối với Mẹ.

Mẹ viết: “Con sẵn sàng chịu đựng cho đến muôn đời nếu điều này là niềm vui của Chúa hoặc nếu người khác có thể được hưởng lợi từ điều này”

Cha Brian giải thích: “Sự cao thượng, sự vĩ đại của linh hồn này thật to lớn: Con muốn thỏa mãn cơn khát của Chúa với từng giọt máu mà Chúa có thể tìm thấy trong con.”

Đó là lý do các chị em đã khóc trong nhà Mẹ. “Nếu đó không phải là tình yêu dành cho Thiên Chúa, thì còn là gì nữa?”

Mẹ Têrêsa có nghĩ rằng mình cuối cùng sẽ được tuyên thánh hay không?

Khi được hỏi liệu Mẹ Têrêsa có nghĩ rằng mình cuối cùng sẽ được tuyên thánh hay không, cha Brian trả lời như sau:

“Tôi nghĩ rằng Mẹ là người đơn sơ và tinh khiết nhưng Mẹ không ngu ngốc hay ngây thơ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Mẹ chắc chắn đã có một cảm giác về điều đó.. .. Tại một cuộc họp báo, một nhà báo hỏi: ‘Vâng Mẹ Teresa, Mẹ có biết tại sao mọi người gọi Mẹ là một vị thánh sống không?’ Và Mẹ trả lời ‘anh hay chúng ta không nên ngạc nhiên nếu anh thấy Chúa Giêsu trong tôi bởi vì nghĩa vụ của tất cả chúng ta là nên thánh.’”

“Tôi nghĩ rằng Mẹ Têrêsa phải có một cảm thức nào đó rằng Mẹ sẽ được tuyên thánh nhưng tôi nghĩ rằng một trong những đức tính nổi bật khác của Mẹ là sự khiêm tốn. Mẹ là một trong những phụ nữ được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ XX - không chỉ trong Giáo Hội. Từ thời Thánh Phanxicô Assisi không ai có tiếng vang bên ngoài Giáo Hội. Tất nhiên chúng ta có các vị thánh tuyệt vời khác nhưng có ai có được tiếng vang như thế?.. Ngay cả trong văn hóa, bạn sẽ thấy trong một bộ phim hay một cuốn sách hoặc một tác phẩm nào đó, có người sẽ nói, ‘Anh nghĩ tôi là ai, Mẹ Teresa à?’ Tôi nói như thế để thấy trong văn chương, người ta đồng hóa Mẹ Teresa với lòng tốt, lòng tốt, lòng bác ái”
 
Viết Về Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái ở Perth, Tây Úc - Dịp Phong Thánh Mẹ Têrêsa, Calcutta
Lm Francis Lý văn Ca
22:02 02/09/2016
Viết Về Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Thánh Têrêsa, Calcutta - Perth

Dịp Lễ Phong Thánh của Mẹ 4.9.2016

Có lẽ cách nay hơn 20 năm tôi có dịp sang Ấn Độ lần đầu tiên tham quan một đất nước đa số là Hồi Giáo Hinduism, Ấn Độ Giáo Buddhism và Jainism… một số rất ít là Kitô Giáo. Người Công Giáo có khoảng 19.900.000 người trong tổng số dân là 1.340.813.214 người - dựa theo thống kê tháng 8 năm 2016.

Nhân dịp ngày Chúa Nhật 4.9.2016 Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh Đấng Đáng Kính Mẹ Têrêsa Ấn Độ tại Thánh Đô Rôma, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghiệm cá nhân với Mẹ người mà tôi ái mộ và được diễm phúc gặp Mẹ một lần trong cuộc đời. Qua lần gặp gỡ nầy, Mẹ đã thỉnh cầu Đấng Bản Quyền của Tổng Giáo Phận Perth cho phép các chị dòng của Mẹ sang Perth phục vụ. Dĩ nhiên trên phần đất Úc Châu nầy đã có sự hiện diện của Các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa trước đây rồi, nhưng ở Perth – Tây Úc thì chưa có Cộng Đoàn nào của Hội Dòng của Mẹ.

Tôi cũng có được diễm phúc gặp được Hai Vị Thánh trong cuộc đời, đó là: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ Thánh Têrêsa, Calcutta và Đấng Đáng Kính Chân Phước Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận trong thời gian Ngài bị lưu đày và tạm cư ngụ tại Foyer Phát Diện ở Rôma. Hy vọng hồ sơ mở án Phong Thánh của Ngài sẽ được kết thúc trong một tương rất gần.

Nhờ sự giúp đỡ của Quý Nữ Tu Dòng Bảy Tôi Tớ Đức Bà - Servite Sisters Order - ở Perth tôi đã sang thăm các vùng, địa phận mà Hội Dòng nầy phục vụ như ở Cheney, Trichy, Tutucorin, Velankanni… và sau cùng là tôi được lên Calcutta để gặp Mẹ Têrêsa, một vị ‘Thánh Sống’ của thời bấy giờ mà tôi ái mộ theo linh đạo sống vì mọi người và cho những người cùng khổ, kém may mắn trong xã hội… hôm nay.

Khi bước vào nhà nguyện của Ngôi Nhà Mẹ trong buổi sáng tinh sương của ngày hôm đó… cùng với quý linh mục đồng tế, tôi nhìn thấy sao nhiều Nữ Tu đến thế! Tất cả ngồi trên nền Nhà Nguyện theo phong tục của xứ sở Ấn Độ tham dự Thánh Lễ. Mắt tôi cứ cố tìm hình ảnh người Mẹ Têrêsa nầy mà sao không thấy ‘Mẹ Ở Đâu?’

Tôi đành hỏi nhỏ vị linh mục đồng tế ngồi cạnh là Mẹ Têrêsa ngồi ở đâu? Vị linh mục nầy trả lời: “Mẹ ngồi trước bàn thờ đó!”. Dáng người của Mẹ thật nhỏ nhắn thu mình còm lưng trước bàn thờ. Tôi nhìn Mẹ thật lâu và nhiều lần trong thánh lễ ‘độc nhất vô nhị’ trong đời linh mục của tôi.

Sau thánh lễ, Mẹ tiếp các linh mục và khách tham dự thánh lễ của ngày hôm ấy. Mỗi người nhận được một món quà nhỏ lưu niệm và sự chúc lành của Mẹ. Riêng các linh mục thì được mời ở lại ăn điểm tâm đạm bạc do Nhà Mẹ khoản đãi.

Vì tôi là khách ở xa, cho nên được ‘đặc ân’ gặp Mẹ lần nữa sau lần diện kiến chung với linh mục và khách… tôi ở lại phòng tiếp tân và một nữ tu chăm sóc Mẹ đưa Mẹ trở lại phòng khách…. Giây phút hội ngộ ‘Lịch Sử Trong Đời’ giữa Mẹ Têrêsa Calcutta và tôi…

Mẹ hỏi tôi: Cha từ đâu đến?

Tôi trả lời: Con đến từ Perth, Western Australia.

Mẹ hỏi tiếp: Nhưng Cha đâu phải là người Úc phải không?

Tôi trả lời: Thưa Mẹ, con sống và làm việc trong Tổng Giáo Phận Perth, nhưng con là người Việt Nam.

Mẹ Têrêsa dường như đang nhớ một điều gì đó…

Mẹ nói: Cách nay khá lâu rồi… (có thể là vào khoảng thập niên 1980) Mẹ đã sang Perth và thỉnh cầu Đấng Bản Quyền để gởi các nữ tu của Hột Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ sang Perth để phục vụ… Nhưng nhu cầu của những thập niên 1980… Tổng Giáo Phận chưa thấy có nhu cầu cần thiết…

Chợt Mẹ hỏi tôi: Bây giờ tôi vẫn còn nuôi nguyện vọng gởi các Nữ Tu sang Perth, Tây Úc phục vụ, Cha có thể giúp được tôi không?

Sau ít giây suy nghĩ tôi trả lời cho Mẹ: Con đang phục vụ Cộng Đoàn CG.VN tại Perth, Cộng Đoàn không có nhu cầu cần thiết, nhưng với Tổng Giáo Phận thì con sẽ về trình với ĐTGM Barry Hickey của TGP Perth về nguyện vọng của Mẹ, rồi con sẽ trả lời cho Mẹ sau.

Khi vể đến Perth, tôi gặp ĐTGM Hickey và trình Ngài về nguyện vọng của Mẹ….

Câu đầu tiên Ngài hỏi tôi: Cha có chỗ nào cho các Nữ Tu của Mẹ Têrêsa ở không?

Ngài nói thêm, khi đưa một Dòng Tu từ một nước khác hay ngoài địa phận vào trong TGP Perth, TGP hay giáo xứ phải cung cấp nơi ở cho Dòng…. và những nhu cầu tối thiểu để Hội Dòng sống và phục vụ…. theo Tổng Giáo Phận quy định…

Tôi trả lời ĐTGM Hickey: Giáo xứ Santa Clara của con đang trùng tu lại nhà Dòng Nữ Đa Minh…. con sẽ dọn qua nhà xứ mới sau khi trùng tu xong…. Như vậy các Nữ Tu của Mẹ Têrêsa sẽ cư ngụ tại nhà xứ hiện tại… Còn về sự sinh sống của các Nữ Tu… Nhà Dòng của Mẹ sẽ lo tự túc...

Đức TGM Barry Hickey chấp thuận và không bao lâu sau đó, Ngài đã viết một văn thư chính thức mời Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, Calcutta đến phục vụ trong TGP Perth. Có lẽ vào khoảng năm 2003-2004…

Vào khoảng năm 1997-1998, tôi có dịp sang Calcutta và đã đến Ngôi Nhà Mẹ của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái dâng thánh lễ tại Nhà Nguyện Mộ của Mẹ và lời đầu tiên khi bắt đầu thánh lễ, dường như không những tôi muốn nói với các nữ tu nhưng với linh hồn của Mẹ rằng: ‘Mẹ ơi! Con đã hoàn tất sứ mệnh Mẹ đã giao phó cho con”

Các nữ tu của Hội Dòng bắt đầu công việc của họ là phục vụ những người kém may mắn hay bị xã hội bỏ rơi, những người nghiện ngập… Hằng tuần, nhất là cuối tuần, các nữ tu đi đến các siêu thị… vào các buổi chiều để xin các chủ shop… những gì mà họ có thể cho đi sau một ngày buôn bán… với chiếc xe van thu nhặt… từ những siêu thị… hành trình tiếp tục của các nữ tu trong ‘tu phục sari’ như Mẹ Têrêsa, họ đến vùng Highgate, East Perth, Northbridge, City of Perth… nơi có nhiều nhà hàng sang trọng của Thủ Phủ Tây Úc…thực khách về đêm đầy đường phố, tấp nập ồn ào… chen lẫn với những thực khách về đêm đó, các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta âm thầm tìm đến những góc hẽm, bãi đậu xe, hay công viên gần đó, họ sẽ thấy có những người ngồi hay tụ tập ở đó… họ là những kẻ nghiệm ngập, không còn tiền để mua thức ăn… nhất là những người thổ dân địa phương… các nữ tu đã chia sẻ với họ những gì mà các nữ tu đã góp, đã xin từ những của tiệm, shop. Thế mới biết, ở giữa những xa hoa của thành phố vẫn có những người vô gia cư và thiếu ‘thực phẩm-tình người’.

Một điểm đặc thù của các nữ tu của Mẹ Thánh Têrêsa đáng cho chúng ta chú ý là các chị áp dụng câu nói của Chúa Giêsu trong một đoạn Tin Mừng: ”Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mat 20:28). Nếu những ai ở Perth đã có dịp gặp các chị tham dự những lễ nghi long trọng ở Nhà Thờ Chính Tòa… thông thường – sau lễ … thường có những buổi tiệc nhẹ khoản đãi khách… hoặc chúng ta gặp các chị tham dự những Nghi Lễ-Thánh Lễ ở các giáo xứ hay cộng đoàn… sau tất cả các nghi lễ đã kết thúc và chào hỏi những người quen biết… là các chị âm thầm ra về. Các chị dường như không ở lại tham dự tiệc.

Tôi còn nhớ, khi đến dâng lễ tại Nhà Nguyện của các chị khi còn ở Bentley hay sau nầy ở East Cannington, nếu tôi ở lại dùng điểm tâm sáng thì các chị sẽ phục vụ đơn sơ với thức ăn nhẹ: Bánh mì sandwich và cà phê hay trà. Các chị KHÔNG bao giờ ngồi cùng ăn mà chỉ đứng để phục vụ khách...

Sau một thời gian tạm cư ở tại giáo xứ Santa Clara, Bentley, vì nhu cầu phát triển của Cộng Đoàn Nữ Tu, các chị đã di dời từ Bentley đến East Cannighton. Tôi tiếp tục đến dâng lễ hằng tuần như ở Bentley cho đến khi tôi thuyên chuyển đến một giáo xứ mới… Cho dù di dời Cộng Đoàn đến một địa điểm tương đối thích hợp hơn nhưng công việc của các chị vẫn như ngày nào mới đến Perth nhưng sự phục vụ tăng thêm vì nhu cầu của thời gian và năm tháng.

Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 19.10.2003 tôi cùng ĐTGM Barry Hickey hiện diện trong thánh lễ phong Chân Phước người Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa: Mẹ Têrêsa Calcutta lên hàng Chân Phuớc-Bậc Đáng Kính và cũng nhờ hồng ân của Chúa và Mẹ Thánh Têrêsa, tôi được trao ban Mình Thánh Chúa trong thánh lễ Phong Chân Phuớc nầy.

Hôm nay ngồi ghi lại cuộc gặp gỡ ‘Lịch Sử’ của tôi và Mẹ Thánh 1994-1995… mới đây mà đã hơn 20 năm rồi… tính đến ngày tham dự lễ Phong Chân Phước Mẹ 19.10.2003… cũng mới đây mà đã gần 13 năm rồi… tính đến Chúa Nhật 4.9.2016 Lễ Phong Hiển Thánh của Mẹ Têrêsa Calcutta, Ấn Độ.

Cuộc hành trình của Mẹ Thánh Têrêsa cũng là hình ảnh cuộc hành trình của chúng ta là những ‘Lữ Hành’ còn trên đường về ‘Quê Trời-Quê Hương Vĩnh Cửu’. Mẹ đã đến nơi và đang hưởng triều thiên vinh hiển mà Chúa đã dành cho Mẹ và cho tất cả chúng ta nữa trong tương lai sau cõi đời nầy như Mẹ. Như đã trình bày, Mẹ đã đến phần đất mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Phần chúng ta còn đang ‘Lữ Hành’.

Trong ngày Mẹ được nâng lên hàng Hiển Thánh, chúng ta xin Mẹ ‘cầu thay nguyện giúp’ trước tòa Thiên Chúa - Là Đấng Đầy Lòng Thương Xót - đặc biệt trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót - cho chúng ta được xum họp cùng với Mẹ Thánh Têrêsa và triều thần thánh trên Thiên Quốc trong ngày sau hết của mỗi người trong chúng ta.

Linh mục Francis Lý văn Ca

St Francis of Assisi, Maida Vale Parish, Perth

3.9.2016
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Viết Về Công Đoàn Thừa Sai Bác Ái ở Perth, Tây Úc - Dịp Phong Thánh Mẹ Têrêsa, Calcutta
Lm Francis Lý văn Ca
16:03 02/09/2016
Viết Về Cộng Đoàn Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Thánh Têrêsa, Calcutta - Perth
Dịp Lễ Phong Thánh của Mẹ 4.9.2016


Có lẽ cách nay hơn 20 năm tôi có dịp sang Ấn Độ lần đầu tiên tham quan một đất nước đa số là Hồi Giáo Hinduism, Ấn Độ Giáo Buddhism và Jainism… một số rất ít là Kitô Giáo. Người Công Giáo có khoảng 19.900.000 người trong tổng số dân là 1.340.813.214 người - dựa theo thống kê tháng 8 năm 2016.

Nhân dịp ngày Chúa Nhật 4.9.2016 Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh Đấng Đáng Kính Mẹ Têrêsa Ấn Độ tại Thánh Đô Rôma, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghiệm cá nhân với Mẹ người mà tôi ái mộ và được diễm phúc gặp Mẹ một lần trong cuộc đời. Qua lần gặp gỡ nầy, Mẹ đã thỉnh cầu Đấng Bản Quyền của Tổng Giáo Phận Perth cho phép các chị dòng của Mẹ sang Perth phục vụ. Dĩ nhiên trên phần đất Úc Châu nầy đã có sự hiện diện của Các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa trước đây rồi, nhưng ở Perth – Tây Úc thì chưa có Cộng Đoàn nào của Hội Dòng của Mẹ.

Tôi cũng có được diễm phúc gặp được Hai Vị Thánh trong cuộc đời, đó là: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ Thánh Têrêsa, Calcutta và Đấng Đáng Kính Chân Phước Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận trong thời gian Ngài bị lưu đày và tạm cư ngụ tại Foyer Phát Diện ở Rôma. Hy vọng hồ sơ mở án Phong Thánh của Ngài sẽ được kết thúc trong một tương rất gần.

Nhờ sự giúp đỡ của Quý Nữ Tu Dòng Bảy Tôi Tớ Đức Bà - Servite Sisters Order - ở Perth tôi đã sang thăm các vùng, địa phận mà Hội Dòng nầy phục vụ như ở Cheney, Trichy, Tutucorin, Velankanni… và sau cùng là tôi được lên Calcutta để gặp Mẹ Têrêsa, một vị ‘Thánh Sống’ của thời bấy giờ mà tôi ái mộ theo linh đạo sống vì mọi người và cho những người cùng khổ, kém may mắn trong xã hội… hôm nay.

Khi bước vào nhà nguyện của Ngôi Nhà Mẹ trong buổi sáng tinh sương của ngày hôm đó… cùng với quý linh mục đồng tế, tôi nhìn thấy sao nhiều Nữ Tu đến thế! Tất cả ngồi trên nền Nhà Nguyện theo phong tục của xứ sở Ấn Độ tham dự Thánh Lễ. Mắt tôi cứ cố tìm hình ảnh người Mẹ Têrêsa nầy mà sao không thấy ‘Mẹ Ở Đâu?’

Tôi đành hỏi nhỏ vị linh mục đồng tế ngồi cạnh là Mẹ Têrêsa ngồi ở đâu? Vị linh mục nầy trả lời: “Mẹ ngồi trước bàn thờ đó!”. Dáng người của Mẹ thật nhỏ nhắn thu mình còm lưng trước bàn thờ. Tôi nhìn Mẹ thật lâu và nhiều lần trong thánh lễ ‘độc nhất vô nhị’ trong đời linh mục của tôi.

Sau thánh lễ, Mẹ tiếp các linh mục và khách tham dự thánh lễ của ngày hôm ấy. Mỗi người nhận được một món quà nhỏ lưu niệm và sự chúc lành của Mẹ. Riêng các linh mục thì được mời ở lại ăn điểm tâm đạm bạc do Nhà Mẹ khoảng đãi.

Vì tôi là khách ở xa, cho nên được ‘đặc ân’ gặp Mẹ lần nữa sau lần diện kiến chung với linh mục và khách… tôi ở lại phòng tiếp tân và một nữ tu chăm sóc Mẹ đưa Mẹ trở lại phòng khách…. Giây phút hội ngộ ‘Lịch Sử Trong Đời’ giữa Mẹ Têrêsa Calcutta và tôi…

Mẹ hỏi tôi: Cha từ đâu đến?

Tôi trả lời: Con đến từ Perth, Western Australia.

Mẹ hỏi tiếp: Nhưng Cha đâu phải là người Úc phải không?

Tôi trả lời: Thưa Mẹ, con sống và làm việc trong Tổng Giáo Phận Perth, nhưng con là người Việt Nam.

Mẹ Têrêsa dường như đang nhớ một điều gì đó…

Mẹ nói: Cách nay khá lâu rồi… (có thể là vào khoảng thập niên 1980) Mẹ đã sang Perth và thỉnh cầu Đấng Bản Quyền để gởi các nữ tu của Hột Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ sang Perth để phục vụ… Nhưng nhu cầu của những thập niên 1980… Tổng Giáo Phận chưa thấy có nhu cầu cần thiết…

Chợt Mẹ hỏi tôi: Bây giờ tôi vẫn còn nuôi nguyện vọng gởi các Nữ Tu sang Perth, Tây Úc phục vụ, Cha có thể giúp được tôi không?

Sau ít giây suy nghĩ tôi trả lời cho Mẹ: Con đang phục vụ Cộng Đoàn CG.VN tại Perth, Cộng Đoàn không có nhu cầu cần thiết, nhưng với Tổng Giáo Phận thì con sẽ về trình với ĐTGM Barry Hickey của TGP Perth về nguyện vọng của Mẹ, rồi con sẽ trả lời cho Mẹ sau.

Khi vể đến Perth, tôi gặp ĐTGM Hickey và trình Ngài về nguyện vọng của Mẹ….

Câu đầu tiên Ngài hỏi tôi: Cha có chỗ nào cho các Nữ Tu của Mẹ Têrêsa ở không?

Ngài nói thêm, khi đưa một Dòng Tu từ một nước khác hay ngoài địa phận vào trong TGP Perth, TGP hay giáo xứ phải cung cấp nơi ở cho Dòng…. và những nhu cầu tối thiểu để Hội Dòng sống và phục vụ…. theo Tổng Giáo Phận quy định…

Tôi trả lời ĐTGM Hickey: Giáo xứ Santa Clara của con đang trùng tu lại nhà Dòng Nữ Đa Minh…. con sẽ dọn qua nhà xứ mới sau khi trùng tu xong…. Như vậy các Nữ Tu của Mẹ Têrêsa sẽ cư ngụ tại nhà xứ hiện tại… Còn về sự sinh sống của các Nữ Tu… Nhà Dòng của Mẹ sẽ lo tự túc ...

Đức TGM Barry Hickey chấp thuận và không bao lâu sau đó, Ngài đã viết một văn thư chính thức mời Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, Calcutta đến phục vụ trong TGP Perth. Có lẽ vào khoảng năm 2003-2004…

Vào khoảng năm 1997-1998, tôi có dịp sang Calcutta và đã đến Ngôi Nhà Mẹ của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái dâng thánh lễ tại Nhà Nguyện Mộ của Mẹ và lời đầu tiên khi bắt đầu thánh lễ, dường như không những tôi muốn nói với các nữ tu nhưng với linh hồn của Mẹ rằng: ‘Mẹ ơi! Con đã hoàn tất sứ mệnh Mẹ đã giao phó cho con”

Các nữ tu của Hội Dòng bắt đầu công việc của họ là phục vụ những người kém may mắn hay bị xã hội bỏ rơi, những người nghiện ngập… Hằng tuần, nhất là cuối tuần, các nữ tu đi đến các siêu thị… vào các buổi chiều để xin các chủ shop… những gì mà họ có thể cho đi sau một ngày buôn bán… với chiếc xe van thu nhặt… từ những siêu thị… hành trình tiếp tục của các nữ tu trong ‘tu phục sari’ như Mẹ Têrêsa, họ đến vùng Highgate, East Perth, Northbridge, City of Perth… nơi có nhiều nhà hàng sang trọng của Thủ Phủ Tây Úc…thực khách về đêm đầy đường phố, tấp nập ồn ào… chen lẫn với những thực khách về đêm đó, các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta âm thầm tìm đến những góc hẽm, bãi đậu xe, hay công viên gần đó, họ sẽ thấy có những người ngồi hay tụ tập ở đó… họ là những kẻ nghiệm ngập, không còn tiền để mua thức ăn… nhất là những người thổ dân địa phương… các nữ tu đã chia sẻ với họ những gì mà các nữ tu đã góp, đã xin từ những của tiệm, shop. Thế mới biết, ở giữa những xa hoa của thành phố vẫn có những người vô gia cư và thiếu ‘thực phẩm-tình người’.

Một điểm đặc thù của các nữ tu của Mẹ Thánh Têrêsa đáng cho chúng ta chú ý là các chị áp dụng câu nói của Chúa Giêsu trong một đoạn Tin Mừng: ”Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mat 20:28). Nếu những ai ở Perth đã có dịp gặp các chị tham dự những lễ nghi long trọng ở Nhà Thờ Chính Tòa… thông thường – sau lễ … thường có những buổi tiệc nhẹ khoản đãi khách… hoặc chúng ta gặp các chị tham dự những Nghi Lễ-Thánh Lễ ở các giáo xứ hay cộng đoàn… sau tất cả các nghi lễ đã kết thúc và chào hỏi những người quen biết… là các chị âm thầm ra về. Các chị dường như không ở lại tham dự tiệc.

Tôi còn nhớ, khi đến dâng lễ tại Nhà Nguyện của các chị khi còn ở Bentley hay sau nầy ở East Cannington, nếu tôi ở lại dùng điểm tâm sáng thì các chị sẽ phục vụ đơn sơ với thức ăn nhẹ: Bánh mì sandwich và cà phê hay trà. Các chị KHÔNG bao giờ ngồi cùng ăn mà chỉ đứng để phục vụ khách...

Sau một thời gian tạm cư ở tại giáo xứ Santa Clara, Bentley, vì nhu cầu phát triển của Cộng Đoàn Nữ Tu, các chị đã di dời từ Bentley đến East Cannighton. Tôi tiếp tục đến dâng lễ hằng tuần như ở Bentley cho đến khi tôi thuyên chuyển đến một giáo xứ mới… Cho dù di dời Cộng Đoàn đến một địa điểm tương đối thích hợp hơn nhưng công việc của các chị vẫn như ngày nào mới đến Perth nhưng sự phục vụ tăng thêm vì nhu cầu của thời gian và năm tháng.

Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 19.10.2003 tôi cùng ĐTGM Barry Hickey hiện diện trong thánh lễ phong Chân Phước người Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa: Mẹ Têrêsa Calcutta lên hàng Chân Phuớc-Bậc Đáng Kính và cũng nhờ hồng ân của Chúa và Mẹ Thánh Têrêsa, tôi được trao ban Mình Thánh Chúa trong thánh lễ Phong Chân Phuớc nầy.

Hôm nay ngồi ghi lại cuộc gặp gỡ ‘Lịch Sử’ của tôi và Mẹ Thánh 1994-1995… mới đây mà đã hơn 20 năm rồi… tính đến ngày tham dự lễ Phong Chân Phước Mẹ 19.10.2003… cũng mới đây mà đã gần 13 năm rồi… tính đến Chúa Nhật 4.9.2016 Lễ Phong Hiển Thánh của Mẹ Têrêsa Calcutta, Ấn Độ.

Cuộc hành trình của Mẹ Thánh Têrêsa cũng là hình ảnh cuộc hành trình của chúng ta là những ‘Lữ Hành’ còn trên đường về ‘Quê Trời-Quê Hương Vĩnh Cửu’. Mẹ đã đến nơi và đang hưởng triều thiên vinh hiển mà Chúa đã dành cho Mẹ và cho tất cả chúng ta nữa trong tương lai sau cõi đời nầy như Mẹ. Như đã trình bày, Mẹ đã đến phần đất mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Phần chúng ta còn đang ‘Lữ Hành’.

Trong ngày Mẹ được nâng lên hàng Hiển Thánh, chúng ta xin Mẹ ‘cầu thay nguyện giúp’ trước tòa Thiên Chúa - Là Đấng Đầy Lòng Thương Xót - đặc biệt trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót - cho chúng ta được xum họp cùng với Mẹ Thánh Têrêsa và triều thần thánh trên Thiên Quốc trong ngày sau hết của mỗi người trong chúng ta.

Linh mục Francis Lý văn Ca
St Francis of Assisi, Maida Vale Parish, Perth
3.9.2016
 
La Mã Bến Tre hành hương kính mẹ ngày 2 tháng 9
Người Giồng Trôm
08:37 02/09/2016
LA MÃ BẾN TRE HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ NGÀY 2 THÁNG 9

Như là một ngày truyền thống, khởi đi từ “Thiếu Nhi Thành Tâm”, hôm nay, 2 tháng 9, đến hẹn lại lên, con cái của Mẹ từ nhiều nơi dắt díu nhau về với Mẹ trong ngày hành hương đặc biệt. Chuyện giản đơn là ngày 2 tháng 9 là ngày nghỉ nên thiếu nhi do Cha Thành Tâm phụ trách “rủ rê” nhau đi hành hương Mẹ La Mã Bến Tre. Và rồi, cứ ngày này hàng năm, “con cái” của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm cũng như chính Cha Thành Tâm cũng lên đường về với Mẹ La Mã Bến Tr. Vì là ngày nghỉ Lễ nên con cái của Mẹ có rộng thời gian để đến với Mẹ hơn.

Xem Hình

Từ sớm, con cái của Mẹ đã về với mảnh đất thiêng mang cái tên tưởng chừng xa lắm nhưng thật gần trong tỉnh Bến Tre: La Mã. Đoàn đoàn người dồn về La Mã khiến con đường khá chật hẹp nay lại chật hẹp hơn nhất là trong giai đoạn nâng cấp đoạn từ đầu đường ngã Ba Sơn Đốc vào đến cầu La Mã. Chính vì kẹt xe như vậy nên sự hiện diện của các vị khách quý cũng bị chậm trễ so với dự định. Một trong những chuyến xe đến chậm nhất của buổi sáng hôm nay đó chính là chiếc xe con chở linh mục nhạc sĩ dễ thương Thành Tâm. Linh Mục Nhạc Sĩ Thành Tâm khá thành công với tâm tình Mẹ La Mã qua tác phẩm “Nhìn lên Ảnh Mẹ” thật sâu lắng.

9 giờ 00, bên hông Nhà Thờ, chúng tôi đã thấy các tòa giải tội để sẵn cũng như có linh mục ngồi tòa để ban bí tích Hòa Giải cho những ai có nhu cầu làm mới lại tâm hồn và đời sống tâm linh. Khá nhiều người tìm đến các tòa để làm hòa với Chúa và làm hòa với anh chị em nhân dịp hành hương kính Mẹ.

10 giờ 00, cộng đoàn cùng nhau bước vào giờ hành hương kính Mẹ rất quen thuộc với quý tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (https://youtu.be/TCnk7Q5x6uA).

Bắt đầu giờ hành hương, một linh mục cũng như một giáo dân bộc bạch rằng chưa hề biết chuyện có “giờ hành hương kính Mẹ” như thế này.

Cha GioaKim – hướng dẫn giờ hành hương kính Mẹ hôm nay - mời cộng đoàn cùng nhìn lên Mẹ, Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cha kể lại chuyện Mẹ cứu hai cha con nhà ông Biện Hạp. Cha dẫn dắt tâm tình yêu thương chở che mà Mẹ Maria La Mã Bến Tre đã ưu ái dành cho con cái của Mẹ.

Với cảm xúc tình Mẹ thật lai láng, Cha GioaKim đã nghẹn lời khi nói về những ơn lành, những tình cảm mà Mẹ đã dành cho con cái. Chắc có lẽ Cha GioaKim Hà Ngọc Phú là người đã nhận nhiều ơn lành từ Mẹ.

10 g 30, đoàn đồng tế bắt đầu tiến ra Cung Thánh với nhạc khúc Từ muôn phương thật hùng hồn và xác tín: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta. Lòng hân hoan ta hòa chung tiếng hát nhịp nhàng, vui hát mừng mừng danh Chúa cứu độ ta. Tiến tiến bước lên đền đền thánh của Người. Cất tiếng hát vui lên dân thánh của Người. Tiến tiến bước loan truyền hống ân của Chúa Trời ta hát mừng tình thiên thu Chúa ta. ..”

Chủ tế Thánh Lễ tạ ơn hôm nay là Cha G.B. Võ Thành Tâm – chánh xứ Mỹ Lồng – đại diện cho quý linh mục hạt Bến Tre (Giáo phận Vĩnh Long). Cùng đồng tế trong Thánh Lễ hôm nay có Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung - Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre -, Cha Giuse Nguyễn Bá Long – chính xứ Xoài Mút (giáo phận Mỹ Tho) và nhiều Cha khác thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đến từ nhiều cộng đoàn khác nhau.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha G.B mời cộng đoàn cùng cầu nguyện, xin Mẹ chúc lành cho con em trong năm học mới cũng như dâng lên Mẹ những tâm tình, ước nguyện của cộng đoàn để Mẹ chuyển cầu lên Chúa.

Trong bài chia sẻ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung mời cộng đoàn cùng nhìn lại lời Chúa trong trang Tin Mừng ngày hôm nay khi Chúa nói với dân chúng rằng có thể nào khóc khi chú rể còn ở với tiệc cưới hay không ?. .. Và rồi Cha chia sẻ những phép lạ mà Mẹ Maria đã làm trong hơn 1 năm 3 tháng 21 ngày khi Cha về đây. Cha cũng tin rằng Mẹ Maria luôn chuyển cầu cho mỗi người. Nhìn lên Đức Mẹ, ước gì mỗi người xin cho thấy ơn tha thứ từ Chúa để ta đón nhận những biến cố trong cuộc đời. ..

Lời nguyện Hiệp Lễ kết thúc, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã – ngỏ đôi lời cảm ơn cộng đoàn. Cha không quên nói ước nguyện của Cha hay đúng hơn là của Đức Cha Phêrô, linh mục đoàn và Giáo Phận muốn Trung Tâm này ngày càng phát triển, có nơi nghỉ lại để cộng đoàn cùng tâm tình với Mẹ La Mã. Cha cảm ơn tất cả mọi người đã hiện diện, đã âm thầm cộng tác với Cha trong công việc xây dựng Trung Tâm hành hương này.

Sau khi nhận phép Lành cuối Lễ, cộng đoàn cùng nhìn lên Ảnh Mẹ để cùng với linh mục nhạc sĩ Thành Tâm thủ thỉ với Mẹ qua nhạc phẩm “Nhìn Lên Ảnh Mẹ”:

Nhìn lên ảnh Mẹ tay bồng Giêsu,

Con như chợt thấy một trời yêu thương

Bao la hạnh phúc, một vực sâu khoan dung

Nơi ánh mắt Mẹ Từ Nhân biết bao.

Ôi! Mẹ Ma-ri-a La Mã Bến Tre

Mẹ đang ở đâu. Ánh mắt dịu hiền

Chờ con chạy đến để Mẹ ui an.

Để Mẹ chở che.

Nhìn lên ảnh Mẹ, Mẹ Hằng Cứu Giúp

Như nghe Mẹ nói:"Mẹ là mẹ con

Sao con chẳng nhớ,dù con ra sao

Mẹ vẫn yêu con,Mẹ sẽ cứu con".

Ôi! Mẹ Ma-ri-a La Mã Bến Tre

Mẹ đang ở đâu. Ánh mắt dịu hiền

Chờ con chạy đến để Mẹ ui an.

Để Mẹ chở che.

Đời con có Mẹ thật là diễm phúc

Bao nhiêu hoạ phúc,được Mẹ quan tâm

Lo toan mọi lúc,nghèo may ra sao

Thì đã có Mẹ, còn lo lắng chi.

Ôi! Mẹ Ma-ri-a La Mã Bến Tre

Mẹ đang ở đâu. Ánh mắt dịu hiền

Chờ con chạy đến để Mẹ ui an.

Để Mẹ chở che.

Ôi! Mẹ Ma-ri-a La Mã Bến Tre

Mẹ đang ở đó. Ánh mắt dịu hiền

Chờ con chạy đến để Mẹ ủi an.

Để Mẹ chở che.

Thánh Lễ kết thúc, nhiều người nán lại để cầu xin Mẹ điều gì đó cho mình, cho gia đình và cho Giáo Xứ.

Nghỉ ngơi đôi chút, 13 g 00, “Thiếu Nhi Thành Tâm” gồm các anh chị huynh trưởng tiền nhiệm cũng như kế nhiệm cùng cộng đoàn dân Chúa giờ Chầu Thánh Thể. Giờ Chầu Thánh Thể thật sâu lắng của cộng đoàn cùng có sự hiện diện của Cha GioaKim Hà Ngọc Phú.

Đỉnh cao của đời sống Kitô hữu chính là Thánh Thể. Cộng đoàn cùng Mẹ Maria La Mã Bến Tre kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để rồi mầu nhiệm Tình Yêu của Thánh Thể lại lan tỏa trên đoàn con cái Mẹ.

Sau giờ hành hương, Thánh Lễ tạ ơn và đặc biệt giờ Chầu Thánh Thể và nhất là tin tưởng vào tình thương, sự trợ giúp, sự che chở của Mẹ Maria La Mã Bến Tre để rồi mỗi người hôm nay đến với Mẹ sẽ không trở về tay không.

Xin dâng lên Mẹ tất cả mọi tâm tư, ước nguyện của cộng đoàn giáo xứ, của gia đình cũng như của mỗi người chúng con để Mẹ chuyển cầu lên Chúa. Xin Mẹ thương phù trì, che chở chúng con, cách riêng ban cho chúng con ơn đức tin để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn luôn khắng khít với Chúa và Mẹ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Pétrus Trương Vĩnh Ký... một thân phận chìm nổi
Võ Khánh Tuyên
08:23 02/09/2016
PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ ... MỘT THÂN PHẬN CHÌM NỔI !

Ngày 1/9/1898, Pétrus Trương Vĩnh Ký qua đời sau quãng thời gian long đong, chìm nổi trong số phận gắn liền giai đoạn Thực dân Pháp đặt ách thống trị Nam Kỳ và toàn cõi Đông Dương !

Được giới học thuật Châu Âu liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới, Ông được xem là nhà văn , nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.Ngoài ra ông cũng được xem là Ông Tổ nghề báo Việt Nam, khi sáng lập tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định Báo.

Pétrus Ký thông thạo 27 ngoại ngữ, thuộc hàng những người biết nhiều ngoại ngữ nhất thế giới.

Khi Pháp mở trường thông ngôn , ông được mời vào giảng dạy. Ông cũng đã từng tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris tiếp kiến Hoàng Đế Napoléon III, bàn về việc chuộc 3 tỉnh Miền Đông Nam kỳ .

Cộng tác với người Pháp, nhưng cuộc đời thăng trầm của ông gặp phải sự nghi kỵ, bạc đãi của cả người Pháp và Nam Triều. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là "giặc".

Vào cuối đời, bị hắt hủi, Ông về ẩn dật ở nhà riêng Chợ Quán . Túng quẫn, bệnh tật, ông qua đời ở tuổi 62 , để lại cho đời hơn 100 tác phẩm có giá trị!

Trước năm 1975, Tên Ông được đặt cho 1 ngôi trường nổi tiếng ở Saigon. Và Trường Pétrus Ký là niềm tự hào của bao thế hệ học sinh Saigon khi xưa. Sau năm 1975, một lần nữa, Trương Vĩnh Ký cũng đã bị " xét lại" , không được nhắc tới như 1 con người tài năng . Trường Pétrus Ký cũng bị đổi tên thành Trường Chuyên Lê Hồng Phong !

Hàng ngày, đi ngang qua khu mộ của Pétrus Trương Vĩnh Ký ( Góc Trần Hưng Đạo- Trần Bình Trọng Quận 5 Saigon) , cứ thấy một nổi niềm vấn vương và ngậm ngùi . Mặt bằng đã bị lấn chiếm và chiếm dụng cho những mục đích khác. Tiếc cho một tài năng, tiếc cho một di tích mang dấu ấn đất Saigon xưa cũ !

Lịch sử ... bao giờ đánh giá công bằng cho Ông và các nhân vật khác, dưới cái nhìn trung thực và khách quan ?
 
Đạo Thiên Chúa Giáo hay Đạo Công Giáo?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
10:13 02/09/2016
ĐẠO Thiên Chúa GIÁO hay ĐẠO Công Giáo?

Hỏi: Xin cha giải thích: Đạo Thiên Chúa là gì và khác Đạo Công Giáo như thế nào?

Trả lời:

Trong thực tế, nhiều người đã vô tình lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay "Thiên Chúa Giáo" để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism), tức là Đạo thánh mà chính Chúa Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương tiện cần thiết để tiếp tục loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho hết mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.

Đó là Đạo cứu rỗi mời gọi tất cả mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Người, sau khi hoàn tất hành trình con người trên trần thế này..

Nếu xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ Tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nội dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội hay Đạo có danh xưng khác nhau như sau:

1- Do Thái Giáo (Judaism),

Hay còn gọi là Đạo Mai Sen (Mosaic Religion) là Đạo tôn thờ Một Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob) của dân Do Thái. Người cũng là Đấng, qua tay ông Mai Sen, đã giải phóng cho dân Do Thái thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn.Và cũng qua trung gian ông Mai-sen, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái xưa kia nói riêng, và cho cả nhân loại ngày nay nói chung- Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương.

Tín hữu DoThái thuộc Đạo này, cho đến nay, vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yaweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận - và cũng không biết- Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại khỏi chết vì tội. Họ cũng không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai. (Stk 18:1-15). Do Thái giáo không có cơ chế gọi là Giáo Hội (Church) như các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống giáo. Họ chỉ tụ tập trong các Hội đường(Sinagogue) để đọc Kinh Thánh, giống như tín hữu Công Giáo đển nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Họ vẫn giữ nghiêm nhặt ngày Sabbat tức ngày Thứ Bảy trong tuần.

Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Tin Mừng cứu độ của Người, nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo cho đến nay chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.

2- Công Giáo La Mã (Roman Catholicism)

Chính là KitôGiáo, tức là Đạo Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỉ và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.

Đạo Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Nhưng, Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của mầu nhiệm Ba Ngôi gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy là Ba ngôi vị riêng biệt, nhưng cùng một Thiên Chúa duy nhất đồng bản thể và uy quyền trong Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity), một mầu nhiệm mà anh em Do Thái giáo không biết và không tin.

Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament)với tổng cộng 73 Sách thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng đời sống đức tin nhờ nghe Lời Chúa để biết sống theo đường lối của Người.

Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Đức Giáo Hoàng (Pope) là vị Đại diện (Vicar) duy nhất của Chúa Kito trên trần thế trong sứ mệnh cai quản Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ (Universal Church) với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của Giám mục đoàn (College of Bishops) tức những người kế vị các Thánh Tông Đồ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, dạy dỗ chân lý và chăm sóc đoàn chiên của Chúa Kitô trong các Giáo Hội Công Giáo địa phường (local churches=dioceses) hiệp nhất niềm tin và hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, dưới quyền coi sóc thiêng liêng của Đức Thánh Cha.

Sau hết, Hàng Giáo Phẩm (Hierachy) Công Giáo gồm Đức Thánh Cha tức Giám Mục Roma đứng đầu với sự cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám mục Đoàn trong đó có Hồng Y Đoàn (College of Cảrdinals) là những người có chức năng tuyển chọn Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội, khi đường kim Giáo Hoàng qua đời, hay đột nhiên từ chức (Đức Thánh Cha Be-nê-đicto XVI năm 2012). Cộng tác và vâng phục Giám mục Đoàn là Linh mục đoàn và các Phó tế vĩnh viễn.

3- Chính Thống Giáo

là Nhánh Kitô Gíáo Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) đã tách ra khỏi hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số bất đồng về tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên đã có nhiều thiện chí và cố gắng để xích lại gần nhau. Cụ thể là hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lich sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Thượng Phụ Chính Thống Anathagoras năm 1966.

Công Giáo và Chính Thống Giáo đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bình của Đấng thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.

Vì Chính Thống Giáo có đủ các bí tích hữu hiệu, nên tín hữu Công Giáo được phép tham dự Thánh Lễ và lãnh các bí tích hòa giải và sức dầu nơi các linh mục Chính Thống, nếu không tìm được nhà thờ và linh mục Công Giáo nơi mình cư trú.

4- Tin Lành (Protestantism)

Là Nhánh KitôGíáo đã ly khai khỏi Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) tôn giáo do Martin Luther chủ xướng tại Đức năm 1517, lan qua Pháp với John Calvin, Thuy sĩ với Ulrich Zwingli .

Nhưng chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ khác nhau có tên chung như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians, Pentecostals, Quakers, Church of Christ v.v...Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior) cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ giảng dạy. (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ, quyền bính và Kinh Thánh. (họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ). Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin lành đều không công nhận vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã.Một điểm quan trọng nữa cần nói thêm là các nhánh Tin lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên họ không có các bí tích hiệu như Công Giáo Giáo và Chính Thống trừ phép rửa mà đa số họ có.Nhưng phép rữa của nhóm Bahai Hullah thì không được công nhận vì họ không rửa với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. Vì thế, nếu tín hữu của nhóm này muốn gia nhập Công Giáo, thì phải được rửa tội lại.

Sau hết,, các nhánh Tín Lành cũng không có cơ chế riêng gọi là Giáo Hội với Hàng giáo Phẩm qui củ như Công Giáo và Chiasnh Thông Giáo. Họ đều độc lập với nhau, nghĩa là không có ai là người đứng đầu chung cai trị ho.

5- Anh Giáo (Anglicanism=Anglican Communion)

Đây là nhóm Kitôgiáo đã tách khỏi Công Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong thế kỷ 16. Henry đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là Anh Giáo, nhưng hoàn toàn khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của nước Anh hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Rome)Người đứng đầu Anh Giáo là Vua hay Nữ Hoàng Anh hiện nay.

Nhưng cách nay bảy năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh giáo cũng với giáo sĩ của họ đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cựu Anh Giáo này sống và thực hành đức tin theo truyền thống văn hóa của họ, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-Tô16 ( đã về hưu năm 2012), ngày 9-11-2009 đã cho công bố Tông Thư "Anglicanorum coetibus"(Các tín hữu Anh Giáo) theo đó Tòa Thánh cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

Mới nhất, ngày15-1-2011, ba cựu giám mục Anh giáo đã được tấn phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục này, cha Keith Newton đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một Quản hạt tòng nhân đầu tiên mới được thành lập ngày 15-1-2011 để đón nhận các cựu tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sở dĩ có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước và sau này có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.

Lại nữa, vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ phong linh mục Công Giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.

Ngoài ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi (Islam) do Muhammad sáng lập vào năm A.D 622. Từ ngữ Islam trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa = (Submission to the will of God) nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và các Nhánh KitôGíáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v và kinh thánh của họ là kinh Koran.Lại nữa, họ không có liên hệ gì với các Giáo Hội Công Giáo, Chính Chính Thống Giáo và các Nhóm Tin Lành.

Như vậy, ngoài các Đạo nói trên, không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả, vì trong thực tế thì tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều tôn thờ Thiên Chúa (God) nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt về phương thức thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy). Nói khác đi, các Nhánh Kitô giáo và Do Thái giáo nói trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau về quan điểm thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và nhất là quyền bình. Do đó, không thể gọi Đạo Công Giáo là Đạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy sẽ lẫn lộn với các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên đây.

TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO Công Giáo?

Để trả lới câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi:

“Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19:5)

Như thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho họ Mười Điều Răn làm Giao ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do Thái.

Nhưng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ (hay còn gọi là ba Vua) dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy Chúa.(x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ.Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ riêng cho dân Do Thái.

Vì thế, trước khi về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19).

Đây là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập giá của Người. Vì thế từ ngữ “Công Giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát (universal), dành cho hết moi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa. Như vậy từ ngữ “Công Giáo” (catholicam = catholique = catholic…..) không hề có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì nhưng đã có ác ý dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy thí cũng tương tư như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water stone”! Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là Pecado original’.. chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả. Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.

Tóm lại, danh xưng phải chính xác về các vần đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và thiết lâp để mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau. Giáo Hội này " tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài điều khiển.", như Đại Công Đồng Vaticanô II đã nhìn nhận. (x LG số 8)

Đây là Giáo Hội duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ để tiếp tục rao giảng và chuyển chở ơn cứu độ của Chúa đến với những ai muốn tiếp nhận để được cứu rỗi . Giáo Hội này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng La Mã, là Người Đại Diện (Vicar) duy nhất của Chúa Kitô trên trần thế, với sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Chúa trong sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục trong toàn Giáo Hội.

Đó là những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo khác cùng tôn thờ Thiên Chúa nói chug nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Tuy họ chưa hiếp thông được với Công Giáo, là Giáo Hội thật mà Chúa Kitô đã thiết lập, nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn tha thiết tìm sự hợp nhất với các anh em cùng tin Chúa Kitô nhưng đang ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

Chúng ta cùng cầu xin cho sự hiệp thông (communion) và hiệp nhất (unity) này mau được thực hiên, vì chỉ có một Phép Rửa, Môt Đức Tin và một Tin Mừng.

Ước mong những giải thích trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra và xin chân thành cám ơn quí đọc giả khắp nơi đọc bài này của tác giả.
 
Văn Hóa
Thư gửi quý thầy cô trong năm học mới 2016!
Phạm Đình Ngọc, SJ.
08:19 02/09/2016
Thư gửi quý thầy cô trong năm học mới 2016!

Quý thầy cô kính mến,

Trước thềm năm học mới 2016-2017, hẳn là không chỉ các bậc phụ huynh mà còn quý thầy cô nữa, tất cả đều quan tâm nhiều đến việc giáo dục cho con em học sinh mình, làm sao để chúng có thể trở thành con người vừa có tài vừa có đức cho xã hội. Sự thành bại của một người phần lớn phụ thuộc vào nền giáo dục họ thụ hưởng; và sự thịnh suy của đất nước cũng tuỳ vào chất lượng giáo dục của quốc gia ấy. Một nền giáo dục tốt sẽ giúp xây dựng con người; con người được giáo dục tốt sẽ làm nên một đất nước giàu mạnh và văn minh. Bởi thế, từ xưa đến nay, chẳng thời nào hay xã hội nào dám coi thường chuyện giáo dục và làm sao để có một nền giáo dục tốt là nỗi bận tâm của hết thảy mọi người. Chắc chắn, giáo dục không phải là tuyên truyền, nhồi nhét hay áp đặt kiến thức cho người khác, nhưng là một nghệ thuật khơi dậy ngọn lửa hiếu tri và hướng thượng. Hiếu tri giúp người ta mở ra để chiêm ngắm tất cả thực tại và hướng thượng là hướng về chân lý. Đó là hai trục để giữ con người được hạnh phúc bình an.

Người ta tin rằng một giáo viên tốt có thể thắp lên được cho các em hướng đến những điều ấy. Đó là người luôn cố gắng tìm ra những cách thế mới để giúp người trẻ phát triển khả năng của chúng để suy tư, làm việc và yêu thương. Một cách nào đó, quý thầy cô là người dẫn các em vượt lên cái bình thường của chúng để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành và hạnh phúc hơn. Điều này không chỉ cần kỹ năng tri thức, nhưng cần tấm lòng của nhà giáo luôn đam mê với nghề. Một sự tận tâm dành cho học trò sẽ giúp giáo viên có đủ sáng kiến, đủ tình yêu để miệt mài trên bục giảng. Truyền đạt kiến thức thôi chưa đủ, mỗi nhà giáo đều cần giúp cho những chủ nhân tương lai của đất nước có được một nhân cách tốt đẹp; và họ làm điều đó bằng chính khuôn mẫu của mình. Những gì thầy cô làm và nói sẽ trở thành tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo. Dĩ nhiên điều ấy đòi hỏi người ta phải hy sinh nhiều! Và những thầy cô như thế thực cao cả và trân quý biết bao!

Nelson Mandela đã từng nói rằng thầy cô là những người có vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Đúng vậy! Bằng công việc của mình, chính thầy cô là người quyết định thế giới ngày mai sẽ ra sao. Cả nhân loại đang trao vào tay họ tương lai của mình. Nếu một thế hệ được giáo dục tốt, phía trước sẽ là ánh mai thật đẹp. Còn không, đó sẽ chỉ có thể là màn đêm u buồn của chết chóc. Nhà giáo dục Plato cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi cho rằng chúng ta có quyền ước mơ thế hệ trẻ sẽ nên những người tài năng đức độ, những con người có ích cho xã hội. Tương lai tươi sáng ấy của các em phụ thuộc rất nhiều trong từng giờ lên lớp, từng thái độ sống của quý thầy cô hôm nay. Bởi thế, vai trò của quý thầy cô trong xã hội chưa bao giờ bị xem thường hay coi nhẹ.

Học trò cần lắm những thầy cô có kinh nghiệm để hướng dẫn các em đứng trên chính đôi chân của chúng. Bởi như Jean Piaget cho rằng: “Nơi nhà trường, nguyên tắc và cũng là mục tiêu của giáo dục là giúp cho các em có khả năng tạo ra những điều mới mẻ, chứ không phải lặp lại những gì là nhàm chán từ đời này sang đời khác.” Quý thầy cô luôn mang trong mình sứ mạng của người đưa đò để giúp các em đến chân trời tri thức và kiến tạo cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn, nhân bản và đạo đức hơn. Quý thầy cô đưa các em sang sông, chính là để các em tự mình, bằng sức lực của mình, cộng với vốn liếng cơ bản đã nhận lãnh, tiếp tục công trình khám phá và dựng xây thế giới. Mỗi bờ sông mà các em được đưa đến chính là một thế giới mới đang mở ra và mời gọi các em tiến vào. Đó gọi là tri thức, là giáo dục. Quả vậy, trường học không phải là nơi để các em tìm đến những cái xấu. Đó chẳng thể là chỗ để sản sinh những quả tim khô cứng. Nơi mái trường, giáo viên cho các em thấy lẽ sống của cuộc đời.

Sự nghiệp giáo dục có thể không luôn cho thầy cô sự giàu sang phú quý về mặt vật chất, nhưng đưa quý thầy cô hướng đến sự cao cả của tâm hồn. Rồi mai đây, khi nhìn thấy những học trò thân yêu của mình thành công trong cuộc sống, thấy chúng đang dang rộng đôi tay để chung xây thế giới này, thầy cô sẽ vui mừng và hạnh phúc biết bao. Sẽ chẳng có gì sai trái khi khẳng định rằng thầy cô chính là cha mẹ thứ hai của từng học sinh nhỏ bé đang ngồi trước mắt. Sự nghiệp giáo dục chính là sự nghiệp trồng người, phải vất vả lắm, phải nhọc mệt lắm. Nhưng khi thấy cây lớn lên, đâm cành, sinh hoa, kết trái, sẽ chẳng có một niềm vui nào nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu hơn thế. Đào tạo thành công một con người sẽ đưa thầy cô lên một vị trí cao hơn. Tất cả xã hội biết ơn thầy cô chính vì lý do đó.

Kính chúc quý thầy cô giáo một năm học mới thật nhiều sức khỏe, tình yêu và nghị lực để hy vọng qua những nhà giáo tốt lành, mỗi thế hệ học trò trên quê hương Đất Việt có thể gieo ánh sáng huy hoàng cho hôm nay và tương lai. Chúng ta có một ước mơ cho chính chúng ta và thế hệ tương lai được đón nhận những thành công và được thụ hưởng cuộc sống bình an hạnh phúc!

Thân ái,

Phạm Đình Ngọc SJ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Người Đẹp Trên Hồ Sen
Mỹ Lê
19:11 02/09/2016
NGƯỜI ĐẸP TRÊN HỒ SEN
Ảnh của Mỹ Lê
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu..
(Ca dao)