Ngày 11-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những Ân Tình Đời Thường
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:05 11/08/2011
Những Ân Tình Đời Thường

( Chúa Nhật XX TN A )

Phải vào đạo Công giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.

Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.

Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng nhưng không do Chúa ban tặng. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x.Tim 2,3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56,6-7).

Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).

Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “ Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8).

Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.

Trong thời gian rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x.Ga 6,35; 9,35). Ngay đêm Tiệc lý, sau khi cử hành “Lễ tạ ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14,1).

Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” ( Gc 2,15-16 ).

Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.

Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Dấu Ấn Lòng Tin
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
10:06 11/08/2011
DẤU ẤN LÒNG TIN

CN 20 A

Đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an thật kiên nhẫn và mạnh mẽ. Bà không tự ái trước những quan niệm của người Do thái khinh thường dân ngoại và gọi họ là những con “chó con”. Thái độ của bà đã được Chúa Giêsu ghi nhận và lời nhận xét của Chúa cũng là nguyên nhân để Chúa ban ơn chữa bệnh cho con bà: “Này bà, bà có lòng tin mạnh. Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15, 28).

Người Kitô hữu hôm nay có thừa lý do để nhận ra cánh tay quyền năng của Thiên Chúa. Dấu ấn tình thương và sự quan phòng của Chúa trải dài trên muôn thế hệ và khắc ghi trên khắp không gian vũ trụ. Một Đức tin sống động là Đức tin nhận ra dấu ấn ấy qua những dấu chỉ của thời gian và không gian.

Da trời ai nhuộm mà xanh
Lòng người ai đã khơi thành biển sâu?
Ai người giải nghĩa nhiệm mầu
Ai người quyền lực tóm thâu đời đời?
Bóng ai phủ ngợp đất trời,
Tiếng ai vang vọng vượt thời, không gian?
Ai người chiến thắng Sa-tan,
Ai là chân lý cao quang sáng ngời?
Ai hằng thấu suốt lòng người,
Ai người điều khiển đất trời bao la?
Ai quyền sinh tử người ta,
Ai người danh hiệu là Cha đời đời?
Ai trung gian cả đất trời,
Ai là Cứu Thế cho người trần gian?
Vâng con xác tín hoàn toàn
Ngôi Lời Thiên Chúa đã mang thân người.
Giếng sâu in cảnh sao trời,
Linh hồn được đón Ngôi Lời viếng thăm.
Loài người bùn đất tối tăm,
Trở thành con Chúa muôn năm sáng ngời.
Chúa Trời sống với loài người,
Cho người sống với Chúa Trời cực sang
Cuộc trao đổi đến ngỡ ngàng:
Chúa mang lấy tội, người mang phúc trời!
Chúa là thẩm phán đời đời
Bằng lòng chấp nhận án người thế gian.
Chúa là Chúa cả Thiên đàng,
Trở thành nô lệ tự giam Nhà Chầu.
Chúa là Thiên Chúa nhiệm mầu
Trở thành mình Thánh ngự sâu lòng người!
Vâng con tin Chúa muôn đời,
Con yêu mến Chúa trong hơi thở dồn.
Trời cao, vực thẳm, suối nguồn,
Cao, sâu, dài, rộng- con luôn mến Người.
Vì yêu Chúa dựng đất trời
Nên toàn vũ trụ sáng ngời tình yêu.
Phải yêu mến Chúa bao nhiêu?
Yêu bằng vũ trụ khắp chiều không gian.
Sao con bối rối bàng hoàng?
Chúa yêu ta trước, dọn đàng cho ta.
Tình yêu đó thật bao la,
Chỉ cần ta biết nhận ra tình người.
Như sao kia sáng khắp trời,
Một tia trong mắt ta thời nhận ra.
Tình yêu Chúa rất bao la
Tình ta dù nhỏ cũng là tình yêu
Cũng mang đặc tính cao siêu,
Cũng là tình Chúa bao nhiêu mong chờ.
Tình yêu Chúa thật vô bờ,
Trào dâng lai láng từng giờ đắm say.
Nhà Chầu ân phúc lạ thay,
Con người gặp Chúa mọi ngày dương gian
Âm thầm mà rất rõ ràng

Uy quyền mà rất dịu dàng thiết tha;
Ẩn sâu mà lại chan hoà,
Dựng nên vũ trụ lại là của ăn,
Lặng im nhưng rất khuyên răn,
Siêu nhiên mà tỏ hiện bằng tự nhiên.
Như lăng kính rất diệu huyền
Quy về điểm sáng tinh tuyền yêu thương,
Như nguồn sức mạnh từ trường
Hút về tâm điểm phi thường tình yêu.
Chúa là Chúa cả cao siêu,
Chúa là Chúa của bao nhiêu nghĩa tình.
Thế gian là bóng là hình,
Đời yêu như một phúc vinh gọi mời.
Tình Cha hạnh phúc đời đời,
Sao người lãnh đạm, buông lơi, lạnh lùng?
Vâng con tin Chúa ở cùng
Hồn con bên Chúa cháy bùng lửa yêu.
Đời con nguyện hứa sớm chiều:
Đi vào quỹ đạo một điều yêu Cha./.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa
Qua mọi biến cố nhỏ nhặt của đời thường.
Xin cho chúng con nhận ra Chúa
trong những người anh chị em bé nhỏ nhất của đời người,
để qua tình yêu Chúa,
chúng con nhận ra tất cả thế giới là anh chị em con một Cha trên trời,
Cha yêu thương và săn sóc,
Cha quảng đại đón nhận và trao ban,
để chúng con đạt tới hạnh phúc thật trong sự sống đời đời Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục O'Brien phản đối việc thống đốc hỗ trợ hôn nhân đồng phái tính
Bùi Hữu Thư
17:25 11/08/2011
Thống Đốc O'Malley và Tổng Giám Mục O'Brien
BALTIMORE, MARYLAND (CNS) -- Hai ngày trước khi Thống Đốc Martin J. O'Malley tuyên bố quyết định yểm trợ đạo luật hợp thức hóa hôn nhân đồng phái tính tại Maryland ngày 22 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Edwin F. O'Brien, tổng giáo phận Baltimore gửi cho ông một lá thư riêng yêu cầu thống đốc O'Malley, một người Công Giáo, ngưng cổ võ cho việc tái định nghiã hôn nhân.

Đức Tổng Giám Mục O'Brien viết, và cũng đề cập đến việc thống đốc tiểu bang Nữu Ước Andrew Cuomo đã ký đạo luật cho phép có hôn nhân đồng tính tại tiểu bang này: "Tôi ý thức rõ ràng là những biến cố mới đây tại Nữu Ước đã gia tăng áp lực trên ông để ông phải hỗ trợ năng động cho đạo luật tái định nghiã hôn nhân."

Đức Tổng Giám Mục tiếp: "Là những người bênh vực cho các sự thật mà chúng tôi có bổn phận phải duy trì, chúng tôi tuyên bố với cùng một mức độ trầm trọng và cấp bách là chúng tôi phản đối việc ông đã cổ võ cho một mục đích mâu thuẫn sâu xa với đức tin của chúng tôi, ấy là chưa kể đến việc phản lại những giá trị tốt đẹp nhất của xã hội chúng ta."

Đức Tổng Giám Mục nói "chúng tôi thật khó đo lường được hành động của ông khi ông ấy quyết định này, cùng với sự kiện là những yêu cầu của chúng tôi năm ngoái là xin ông bảo trợ cho đạo luật hủy bỏ án tử hình và trợ giúp các học sinh trong các trường Công Giáo và các trường tư thục, đã không được ông đáp ứng."

Đức Tổng Giám Mục O'Brien đã đề cập đến dự liệu miễn thuế sẽ giúp đỡ cho các học sinh và giáo sư trong các trường Công Giáo và tư thục. Ông O'Malley yểm trợ cho việc miễn thuế, nhưng không đóng vai trò lãnh đạo trong việc thông qua đạo luật này.

Dự liệu này đã thất bại. Trong thư trả lời cho Đức Tổng Giám Mục O'Brien, ông thống đốc liệt kê một danh sách dài những điểm hai vị đã đồng ý -- kể cả việc hủy bỏ án tử hình, giảm thiểu các trường hợp các thai nhi bị chết yểu, "cổ võ cho phẩm giá của người lao động và sự công bằng về lương bổng," bảo vệ môi sinh, cho kẻ đói ăn, và chữa lành kẻ bệnh tật.

Ông O' Malley viết: "Tôi không giả dụ và không bao giờ giả dụ là có quyền thắc mắc hay ngăn cản quyền tự do của ngài về việc định nghĩa, giảng thuyết, hay ban các phép bí tích của giáo hội Công Giáo. Nhưng trong vấn đề nhân sự là công nhận quyền bình đẳng về dân sự cho hôn nhân của các cặp đồng phái tính, ngài và tôi đã bất đồng ý kiến."
 
Đức Hồng Y Marid cám ơn các thiện nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới
Lã Thụ Nhân
08:38 11/08/2011
Đức Hồng Y Marid cám ơn các thiện nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Madrid, Tây Ban Nha (CNA/Europa Press) .- Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela của Madrid, Tây Ban Nha đã bày tỏ lòng cảm ơn các thiện nguyện viên Ngày Giới Trẻ Thế Giới vì công việc khó khăn của họ và yêu cầu họ cầu nguyện để thời tiết không "quá nóng" vào tuần tới cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến thành phố Marid.

Đức Hồng Y đưa ra nhận xét của ngài trong một Thánh Lễ hôm 9 tháng Tám tại văn phòng trung ương Ngày Giới Trẻ Thế Giới để đón hàng ngàn thiện nguyện viên quốc tế bắt đầu đến Madrid trong tuần này.

Ngài nói với các 2.000 người tham dự ngài hy vọng rằng thời tiết sẽ không "quá nóng" trong thời gian chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng để tất cả mọi người "hoàn toàn có thể thưởng thức sự kiện". Ngài cũng cảm ơn các thiện nguyện viên trẻ sẵn sàng trải nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong hoạt động phục vụ tha nhân.

Trong Thánh Lễ, các thiện nguyện viên từ nhiều nước đã đọc trích đoạn Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ và tham gia hát thánh ca.

Sau Thánh Lễ, Đức Hồng Y Rouco đến thăm hơn 250 thành viên của đội ngũ tổ chức sự kiện.

Trong vài ngày tới, các thiện nguyện viên sẽ được chia thành các nhóm nhỏ và đóng chốt tại các khu vực cụ thể khắp thành phố Marid. Khoảng 3.000 thiện nguyện viên đã được huấn luyện sơ cứu, sơ tán và về an toàn. Những người trẻ chịu trách nhiệm giúp đỡ những người khuyết tật cũng được đào tạo chuyên môn.

Hơn 28.500 thiện nguyện viên sẽ hỗ trợ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ các nước như Ba Lan, Ý, Mexico, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Congo, Slovakia, Croatia, Brazil, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Hungary, Argentina và Lithuania.
 
Caritas Sri Lanka: người dân cần nền hòa bình bền vững
Lã Thụ Nhân
08:39 11/08/2011
Caritas Sri Lanka: người dân cần nền hòa bình bền vững

Một hội nghị được tổ chức bởi Caritas Sri Lanka - Sedec nêu bật các mục tiêu của các nhà lãnh đạo chính trị: phẩm giá cho người Tamil, xem xét lại vấn đề ngôn ngữ quốc gia, tháo dỡ chính quyền quân sự ở phía bắc.

Colombo (AsiaNews) - Thay đổi thái độ, học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và công nhận các quyền của người Tamil, trong đó có dấn thân "cần thiết" của các vị lãnh đạo tôn giáo: đây là những điểm chính mà chính phủ nên tập trung vào vì sự tốt đẹp của đất nước, vốn nổi lên từ một hội nghị của Caritas Sri Lanka - Sedec với chủ đề "Vai trò của các nhà lãnh đạo tương lai trong tiến trình chữa lành và hòa giải, hướng tới một nền hòa bình bền vững cho đất nước". Hiện diện tại hội nghị có các chính trị gia của chính phủ và phe đối lập, các chức sắc liên tôn giáo, các tu sĩ Phật giáo, các linh mục và các nhân vật nổi bật từ các tổ chức xã hội dân sự.

Các chính trị gia hiện nay đã nhất trí sự cần thiết để giải quyết vấn đề dân tộc. Dayasiri Jayasekara, một thành viên của Đảng Dân Tộc Thống Nhất (UNP) cho hay: "Tương lai của đất nước này sẽ bén rễ trên cơ sở sự hòa hợp và hòa bình giữa người Sinhala và người Tamil. Và sự trung gian của các tôn giáo góp phần cải thiện dân tộc và đất nước". Để đạt được điều này, chính trị gia thứ hai, MA Sumanthiran, thuộc Đảng Liên minh Dân Tộc Tamil (TNA) cho hay: "chúng ta nên nhận ra những thất bại của quá khứ, đừng giấu chúng dưới thảm". Chính trị gia người Tamil đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Rajapaksa: "Nếu chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, chúng ta nên đồng hành với nhau trong một quốc gia, chứ không phải là một đảng phái chính trị duy nhất".

Vijitha Herath, một thành viên của JVP (Janatha Vimukthi Peramuna, liên minh cầm quyền), cho biết: "Chúng tôi đã thắng chiến tranh nhưng không là hòa bình: quốc ca của chúng tôi vẫn là chỉ bằng tiếng Sinhala và gần đây [trong cuộc bầu cử vừa qua] chúng ta đã thấy các mối đe dọa mới và bạo lực chống lại người Tamil... Thông điệp nào chúng ta gởi cho người trẻ ở miền Nam và miền Bắc? Ít nhất giờ đây, người Tamil cần phải có tự do để sống với phẩm giá của mình. Nếu không có sự thống nhất quốc gia và quyền bình đẳng, sự phát triển chỉ là một huyền thoại ".

Hai năm sau khi kết thúc xung đột sắc tộc, vấn đề ngôn ngữ là một trong những sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất trong người dân: tiếng Sinhala là ngôn ngữ chính thức của giới chính trị và toàn bộ bộ máy hành chính. Sujeewa Senasinghe, thành viên đảng UNP giải thích: "Nếu trước tiên, ngôn ngữ là một vấn đề, thì ngày nay nó đã trở thành nguyên nhân gây ra các vấn đề khác. Nếu người Tamil lên tiếng vì quyền lợi của mình, anh ta bị xem là một kẻ khủng bố. Các chính trị gia cần phải đưa kiến nghị của họ vào thực hành".

Sau đó, Senasinghe chuyển sang các vị lãnh đạo Kitô giáo và Phật giáo, cáo buộc họ không bao giờ chỉ trích tổng thống hay chế độ của ông khi họ phạm sai lầm. Tuy nhiên, cha Mangalaraj của giáo phận Jaffna, chỉ ra khó khăn để giúp người dân ở phía bắc của đất nước, bởi vì quân đội vẫn còn quản lý khu vực, sợ hãi lan rộng trong người dân và tước quyền tự do ngôn luận của họ.
 
Croatia: Vị Kinh lược Tòa thánh đã can thiệp cho người Croatia gốc Do Thái trong Thế Chiến
Phạm Kim An
08:43 11/08/2011
Croatia: Vị Kinh lược Tòa thánh đã can thiệp cho người Croatia gốc Do Thái trong Thế Chiến

Vatican - Sau khi chế độ phát xít Ustashe được thành lập hồi tháng 4-1941 tại Croatia, Tòa Thánh đã phái một vị Kinh lược đến thăm để can thiệp cho người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai, theo nhật báo L'Osservatore Romano ngày 10-8.

Tòa Thánh đã chỉ thị cho Đan viện phụ Giuseppe Ramiro Marcone, người phụ trách đan viện lãnh thổ Ý tại Montevergine từ năm 1918 cho đến khi Ngài qua đời năm 1952, "hãy nỗ lực để tránh tiếp xúc chính thức với các chính quyền, vì sứ mạng của Ngài sẽ là phù hợp với mong muốn của Tòa Thánh, chi có tính chất tôn giáo thuần túy ... Đặc biệt, Đan viện phụ sẽ tư vấn và hỗ trợ Đức Cha Stepinac và hàng Giám mục trong cuộc chiến chống ảnh hưởng của tà ác về tuyên truyền chủ nghĩa ngoại giáo mới, vốn có thể được thực hiện trong việc tổ chức của nhà nước mới "(Đức Tổng Giám mục Aloysius Stepinac, sau này được ĐTC Gioan Phaolô II phong Chân phước, là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Zagreb, thủ đô Croatia).

Năm sau, khi người Croatia gốc Do Thái bị bắt giữ trong các trại tập trung, và có lệnh chở họ bằng tàu lửa đến trại Auschwitz, Đan viện phụ Marcone đã có thể bảo đảm việc trả tự do cho các người Do Thái đã kết hôn với người Công giáo.

Nhật báo L'Osservatore Romano đưa tin: “Đan viện phụ Marcone sau đó tự mình tổ chức vận chuyển một nhóm các trẻ em Do Thái - trong số đó có con trai của Đại giáo trưởng (Rabbi) ở Zagreb – đi qua Hungary và Romania để đến nước Thổ Nhĩ Kỳ trung lập cách an toàn".

Đại giáo trưởng Miroslav Freiberger ở Zagreb đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ĐTC Piô XII: “Đầy lòng kính trọng, tôi dám đến trước ngai Đức Thánh Cha để bày tỏ, với tư cách là Đại giáo trưởng ở Zagreb và lãnh đạo tinh thần của người Do Thái ở Croatia, lòng biết ơn sâu xa của tôi, và của giáo đoàn của tôi về lòng tốt không bến bờ, mà các vị đại diện của Tòa Thánh và các vị lãnh đạo của Giáo Hội đã tỏ ra cho anh chị em khốn khổ của chúng tôi”.

Bất chấp các nỗ lực của Chân Phước Stepinac để bảo đảm việc trả tự do cho mình, Đại giáo trưởng Do thái Freiberger đã bị giết hại tại trại tập trung Auschwitz vào năm 1943. (Catholic Culture 10-8-2011)

Phạm Kim An
 
Đức Hồng y buộc phải giải trình về lời nói có thể truyền chức linh mục cho phụ nữ
Phạm Kim An
08:44 11/08/2011
Đức Hồng y buộc phải giải trình về lời nói có thể truyền chức linh mục cho phụ nữ

Vatican – Đức Hồng y Bồ Đào Nha José da Cruz Policarpo được Tòa thánh mời về Vatican hồi tháng Bảy, để giải trình về các lời nói của Ngài, trong đó Ngài gợi ý rằng không có rào cản thần học lớn cho việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ.

Trước đó, Đức Hồng Y José da Cruz Policarpo đã nhíu mày ở Roma, khi Ngài nói với một phóng viên rằng "không có trở ngại cơ bản" cho việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. Một tuần sau đó, Đức Thượng Phụ Lisbon đã ban hành một tuyên bố công khai, khẳng định giáo huấn của Giáo Hội nói rằng phụ nữ không bao giờ có thể được truyền chức linh mục.

Giờ đây, một nhật báo Bồ Đào Nha đã tiết lộ rằng sau khi Đức Hồng Y Policarpo đưa ra nhận xét đầu tiên của mình, Ngài đã nhận được thư của Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, yêu cầu Ngài làm sáng tỏ tuyên bố ấy. Đức Hồng Y Policarpo cũng nhận được một thư của Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, mời Ngài đến họp ở Castel Gandolfo để thảo luận về vấn đề.

Hai thư của Vatican thuyết phục Hồng y Bồ Đào Nha hãy rút lại tuyên bố trước đó của mình, và khẳng định tuyên bố ràng buộc của ĐTC Gioan Phaolô II, trong tông thư năm 1994 Ordinatio Sacerdotalis (“Việctruyền chức linh mục”) của ĐTC, nói rằng Giáo Hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Trong tuyên bố công khai thứ hai của mình, Đức Hồng Y Policarpo nói rằng khi Ngài nói là không có trở ngại thần học cho việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, Ngài đã "không xem xét các tuyên bố mới nhất của huấn quyền về vấn đề này”. (Catholic Culture 10-8-2011)

Phạm Kim An
 
Man rợ! bào thai bị phá ở Trung Quốc được biến thành thuốc
Lã Thụ Nhân
08:46 11/08/2011
Man rợ! bào thai bị phá ở Trung Quốc được biến thành thuốc

Báo chí Hàn Quốc đưa ra những lời cáo buộc. Bệnh viện ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc dùng thi hài bào thai làm thành viên nang bán tại Hàn Quốc, nơi chúng được sử dụng cho các bệnh không thể chữa được. Seoul và Bắc Kinh bắt tay điều tra, nhưng cái gốc sai lầm như thế bắt nguồn từ chính sách một con của Trung Quốc và bạo lực do chế độ cộng sản gây ra nhân danh kế hoạch hóa gia đình.

Bắc Kinh (AsiaNews) – Chính quyền Trung Quốc đang điều tra cáo buộc trên báo chí Hàn Quốc rằng các thi hài bào thai từ tỉnh Cát Lâm đã bị bán bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nơi chúng được sử dụng cho mục đích điều trị.

Theo đài truyền hình SBS Hàn Quốc, một số bệnh viện ở Trung Quốc dường như đã bán các bào thai bị phá sau khi chúng bị biến thành "viên nang thịt người" chứa các thi hài. Báo chí Hàn Quốc cho hay những viên nang này đã được bán như thuốc điều trị cho một số bệnh không thể chữa được với chi phí 800.000 won (750 Mỹ kim) cho mỗi 100 viên.

Cơ quan hải quan Hàn Quốc yêu cầu các công tố viên điều tra kỹ vấn đề. Chính phủ Hàn Quốc thông báo rằng họ sẽ làm việc với Trung Quốc để ngăn chặn việc buôn bán "kinh khiếp" này. Các quan chức Trung Quốc cho hay họ sẽ thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt điều đó, họ cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc có "quy định chặt chẽ" để xử lý các thi hài bị phá bỏ.

Mặc dù cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng thực tế là nó liên quan đến các bào thai bị phá bỏ nên đã làm tăng thêm độ tin cậy của các bài báo. Mặc dù công khai tuyên bố ý định làm dịu đi 'chính sách một con' của mình, nhưng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi pháp luật một cách mạnh mẽ. Bất cứ ai vi phạm chính sách này và không thể trả tiền phạt đều bị buộc phải phá thai.

Theo phong tục truyền thống của Trung Quốc, các cặp vợ chồng có nghĩa vụ phải có con trai nối dõi để chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu. Do đó, vấn đề ép buộc phá thai bị làm tồi tệ hơn bởi sự lựa chọn giới tính. Hậu quả là hàng năm, hàng triệu bé gái không được sinh ra.

Reggie Littlejohn, người điều hành trang mạng Các Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới viết rằng: "Năm 2011, một năm sau khi Trung Quốc […] cam kết sẽ đưa tỷ lệ giới tính về mức bình thường, thì hiện nay có 119 bé trai được sinh ra cho mỗi 100 bé gái được ra đời. Khoảng cách giới tính đã không thu hẹp lại mà còn mở rộng ra. Không nên nhầm lẫn. Chính sách một con của Trung Quốc được thực thi thông qua việc ép buộc phá thai, ép buộc triệt sản, giết trẻ sơ sinh. […] Chính sách một con là cuôc chiến của Trung Quốc trên phụ nữ".

Phụ nữ và những người phản đối chính quyền Trung Quốc phải trả giá cho cuộc chiến này. Trường hợp nổi tiếng nhất là nhà hoạt động khiếm thị Chen Guangcheng. Ra tù vào tháng 9 năm 2010 sau bốn năm ngồi tù, ông cho biết ông vẫn còn bị quản thúc tại gia mà không có bản án.

Bị kết tội hủy hoại tài sản và tham gia vào đám đông để làm gián đoạn giao thông, thực sự vị luật sư là mục tiêu của nhà cầm quyền do công việc kiên định của ông thay mặt cho phụ nữ và vì sự phản đối của ông đối với các vụ phá thai ép buộc, vốn là thành phần của chính sách kế hoạch hóa gia đình được Trung Quốc thông qua vào cuối những năm 1970.
 
Ai chịu trách nhiệm cuộc khủng hoảng tại vùng Sừng Châu Phi?
Vũ Văn An
19:11 11/08/2011
Vùng Sừng Châu Phi, quê hương của 140 triệu người, đang bị tàn phá vì hạn hán, khiến 12 triệu người đang lâm vào cơn đói khát. Hàng triệu người đang có nguy cơ chết đói tại vùng này, ai là người chịu trách nhiệm. Có người đã liệt kê ra 10 lý do sau đây

1. Liên Hiệp Quốc

Chương Trình Thực Phẩm của Liên Hiệp Quốc rất chậm chạp trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng và hiện đang thất bại, không kìm hãm được cuộc khủng hoảng này. Nó cũng bị lũng đoạn bởi tranh chấp nội bộ và bị ngăn trở bởi việc Mỹ không chịu tháo khóan ngân khoản viện trợ.

2. Mỹ

Nhiều người đã lên tiếng tố cáo Mỹ trì hoãn việc tháo khoán các ngân khoản viện trợ vì sợ số tiền này sẽ rơi vào tay phe Hồi Giáo quá khích al-Shabab, là phe hiện đang kiểm soát phần lớn các vùng bị đói kém. Họ cũng tố cáo Mỹ chỉ lưu ý tới Somalia trong các vấn đề có “tương quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cướp biển và dầu hỏa”.

3. Hồi Giáo quá khích

Al-Shahab hiện chịu trách nhiệm đối với việc sát hại các nhân viên cứu trợ và cướp đoạt tiền mặt từ các nhóm cứu trợ vốn dành để giúp đỡ những người đang có nguy cơ chết đói tại Somalia.

4. Chính phủ Somalia

Chính phủ được nhìn nhận tại Somalia gần như không có lãnh thổ và có rất ít thẩm quyền bên ngoài Mogadishu. Nên gần như không có khả năng giúp đỡ các công dân đang đói khát của mình.

5. Kenya

Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Kenya đã gần như quên lãng số dân chúng sống dọc biên giới với Somalia và đã thiếu chuẩn bị để đương đầu với nạn đói hiện đang tàn phá trọn vùng Đông Phi.

6. Các nước khác thuộc Châu Phi

Khi đụng đến mình, phần đông các nước Châu Phi có thái độ “bọn tôi biết làm gì đây? Bọn tôi cũng có vấn nạn riêng của mình”.

7. Thay đổi khí hậu

Những thay đổi lớn lao về thời tiết càng ngày càng mang tới nhiều nạn hạn hán kéo dài và nghiệt ngã hơn. Các nước kỹ nghệ phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề này.

8. Tăng dân số

Vùng Sừng Châu Phi chứa tới 140 triệu người. Dân số này tiếp tục gia tăng trong khi số lượng gia súc và thực phẩm thì vẫn dậm chân tại chỗ.

9. Giới truyền thông

Giới truyền thông đóng vai chủ chốt trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị phải ra tay hành động trước cuộc khủng hoảng này. Nếu các nhà báo không quan tâm tới nó, thì điều ấy càng làm cho các nhà lãnh đạo kia sao lãng nó.

10. Chính bạn

Phần lớn người thuộc thế giới thứ nhất hay quên lãng nạn đói cho tới khi quá trễ.

Theo news.com.au, ngày 11 tháng 8, 2011
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhật ký Linh thao hè 2011 ngày thứ hai tại Thanh Hóa
SVCG Thanh Hóa
09:20 11/08/2011
Nhật ký Linh thao hè 2011 ngày thứ hai tại Thanh Hóa

Một ngày mới lại đến (10/08), một chút mưa nhẹ như báo hiệu hồng ân Thiên Chúa đã bắt đầu tuôn đổ trên ngày Linh thao thứ hai này.

5h45 - 6h45, giờ cầu nguyện đầu tiên với chủ đề đã nhận từ ngày hôm trước: “Tội của vua Đavid”. Có thể là nơi phòng hội, là góc nhà nguyện hay giữa Thánh đường… mỗi người chúng tôi tìm đến để chạm tới Chúa và tâm sự cùng Ngài. Một giờ cầu nguyện với ý thức về tội cùa chính mình, của xã hội, của loài người… đã giúp chúng tôi nhận ra mình yếu đuối đến chừng nào, để từ đó biết chạy đến mà nài xin lòng thương xót vô biên của Chúa.

Xem hình linh thao ngày thứ 2

7h - 8h, bữa sáng diễn ra, vẫn trong khúc nhạc Thánh ca tôn vinh danh Chúa, ý thức được đau khổ và tội lỗi của mình để từ đó biết ăn năn hối cải nơi Ngài Chí Thánh. Ngày thứ hai này, chúng tôi đã dần quen với bữa ăn không lời người nói, không tiếng cười đùa mà trong đó là sự bình lặng từ tâm khảm mỗi người.

8h - 9h, giờ lấy điểm thứ hai trong ngày với chủ đề: “Tội của tôi”, trích Kinh thánh Rm 1, 28-32 và Gl 5, 19-21. Chúng tôi được hướng dẫn để cầu nguyện với Chúa về con người mình, nhìn nhận về những tội lỗi đã phạm gây hủy hoại chính cuộc đời, làm nên cơ cấu tội xã hội mà gây hủy hoại đến nhân loại và vũ trụ.

9h - 10h, chúng tôi bước vào giờ cầu nguyện thứ hai, mang theo trong mình những tâm niệm về tội lỗi đã phạm trong đời qua môi trường sống, trong mỗi tương quan với Thiên Chúa và anh chị em. Có những bạn đã quỳ sấp mình dưới chân Chúa nhằm thống hối về lỗi lầm của mình và sốt sắng trong giây phút trò chuyện với Chúa. Chúng tôi ghi chép trong cuốn nhật ký những gì bắt gặp trong tâm hồn, những ước nguyện và đôi khi để trả lời cho câu hỏi do chính mình đặt ra.

10h15 - 9h15, Thánh lễ diễn ra khi những tâm tình, những nguyện cầu đã thấm nhuần nơi tâm hồn mỗi người, và cũng là lúc mà ngoài những giờ cầu nguyện hay lấy điểm chúng tôi được chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, hưởng lấy lời Ngài và đặt trọn tâm tình vào Đức Kitô. Kết thúc Thánh lễ, chúng tôi tiếp tục làm phút hồi tâm chung, tổng kết những gì qua một buổi sáng cầu nguyện.

11h45, giờ cơm trưa, mưa trở nên nặng hạt hơn, thế nhưng bầu khí Linh thao không hề thay đổi. Chúng tôi ăn của ăn nuôi dưỡng xác thịt, lắng nghe những lời tán tụng Danh Chúa, thông hối và xin ơn tha tội… qua những bài thánh ca chan chứa ân tình.

Sau giờ cơm trưa, chúng tôi cùng nghi ngơi để chuẩn bị tiếp tục với buổi chiều.

14h15 - 15h, Giờ lấy điểm thứ ba với chủ đề: “Người cha nhân hậu”, trích Kinh thánh Lc 15, 11-32. Sau những giờ cầu nguyện với những ý niệm về tội, giờ đây chúng tôi được nhìn thấy hình ảnh một người cha luôn yêu thương sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của con cái. Đó chính là hình ảnh Thiên Chúa- người Cha với tấm lòng bao la, rộng lớn luôn đợi chờ lời đáp trả tình yêu trong tự do và chờ đợi đến cùng.

15h - 16h, Giờ cầu nguyện thứ ba với dụ ngôn người cha nhân hậu. Dường như đây là lúc mà chúng tôi thấy cảm xúc của mình được trỗi dậy cao nhất. Qua những tháng ngày lầm lỡ và sa ngã, chúng tôi vẫn được nâng đỡ, vỗ về bởi tấm lòng người Cha nhân hậu tuyệt vời. Sự hối lỗi, sự nghẹn ngào trong vui mừng, có khi là những giọt nước mắt trên mỗi người rơi xuống, để thấy lòng bình yên.

“Quyết tiên bước về nhà Cha nhé, con yêu ơi đã bao tháng năm! Cha mong chờ đợi con trở về, và cùng Cha hát khúc yêu thương…” lời mời gọi luôn âm vang mãi, để mong con người trở về bên lòng Chúa nhân hậu.

16h - 17h, Nghỉ giải lao, sinh hoạt cá nhân.

17h - 17h45, giờ lấy điểm thứ tư trích Kinh thánh Lc 19, 1-10. Đã đưa chúng tôi gặp hình ảnh Đức Giêsu gọi ông Gia-kêu nơi thành phố Giê-ri-khô, với một đám đông dân chúng đang xen lấn, xô đẩy. Hình ảnh ông Gia-kêu phần nào nói lên bản chất con người, khi trốn tránh những sai lầm và xét đoán. Nhưng Đức Giêsu vẫn rộng lòng thương xót và ban ơn cứu độ, mà từ đó ông Gia-kêu có những hành động đáp trả lại yêu thương.

17h45 – 18h45, giờ cầu nguyện thứ tư. Chúng tôi mượn nhờ hình ảnh ông Gia-kêu mà liên tưởng đến con người mình, để nhận ra rằng con người mình thật tội lỗi và khát khao tìm gặp Chúa trong giờ phút này hay tìm cách lẩn trốn và ẩn nấp? Những câu hỏi đặt ra, và miên man trong những lời cầu nguyện dâng lên Chúa. Xin Ngài giúp mỗi người nhận biết mình là tội nhân nhờ cảm nghiệm được lòng thương xót nơi Đức Giêsu và có lòng sám hối thực sự, khao khát được về với Chúa.

Chiều đã buông xuống trong sự thinh lặng nơi này… mỗi người chúng tôi đang xét mình cho cẩn trọng để chuẩn bị cho Bí tích Hòa giải với Thiên Chúa trong giờ đầu buổi tối. Một chút chiều tím cũng đủ để cho trái tim con người lắng đọng hơn.

Sau giờ ăn tối, chúng tôi bước vào Bí tích Hòa giải lúc 19h45. Các tòa giải tội được sắp xếp ở nhiều nơi để tiện cho việc xưng tội của các Tham dự viên. Giờ phút này, mỗi người chúng tôi thực sự thống hối về những tội lỗi mình đã phạm, cùng xin Chúa là vị quan tòa nhân ái thương xót, thứ tha.

21h, giờ lấy điểm thứ nhất để bắt đầu cho ngày Linh thao thứ ba, trích Kinh thánh Lc 2, 1-20, với chủ đề: “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”. Qua những giờ phút cảm nhận tội lỗi và lòng thương xót Chúa, chúng tôi giờ đây được bước vào khung cảnh nơi Hang đá Belem mùa tuyết lạnh, khoảnh khắc Hài Nhi Giêsu sinh ra làm người trong sự vất vả mệt nhọc của Đức Maria và Thánh cả Giuse, để từ đó cảm nếm được tình yêu bao la mà Thiến Chúa dành cho con người.

22h - 23h, giờ canh thức đón Chúa Giáng sinh. Chúng tôi họp nhau bên hang đá nhỏ, để chiêm ngắm và cầu nguyện bên Hài nhi Giêsu. Thời gian đã về khuya, nhưng mỗi chúng tôi đều thấy vui hơn bên sự ra đời của Con Thiên Chúa- đấng cứu chuộc nhân loại, hầu được cảm sâu Mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa làm người nơi trần thế, để biết sống cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

23h, ngày Linh thao thứ hai kết thúc. Chúng tôi nghỉ ngơi trong niềm vui và bình an của Hài Nhi Giêsu.

 
Lễ phong chức 18 Phó Tế tại giáo phân Phan Thiết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:39 11/08/2011
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

LỄ PHONG CHỨC 18 PHÓ TẾ.

Hôm nay 11.8.2011, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức cho 18 Thầy Phó Tế tại Nhà thờ Chính toà.

1. Thầy Giuse Nguyễn Thanh Cảnh Gx Thuận Nghĩa
2. Thầy Giuse Nguyễn Anh Lâm Gx Thanh Hải
3. Thầy FX. Hồ Tấn Tú Gx Tánh Linh
4. Thầy Step. Bùi Vi Thành Gx Tinh Hoa
5. Thầy Giuse Trương Văn Hùng Gx Chính Tòa
6. Thầy G.B Trần Ngọc Linh Gx Tầm Hưng
7. Thầy Pet. Trần Thiện Khuê Gx Hòa Thuận
8. Thầy Antôn Trương Ngọc Cảnh Gx Tánh Linh
9. Thầy Giuse Phạm Hoài Sâm Gx Hiệp Nghĩa
10. Thầy FX. Nguyễn Phạm Hoài Thương Gx Ma Lâm
11. Thầy Giacôbê Tống Thành Luyến Gx Phú Hội
12. Thầy G. Vianney Dương Nguyên Kha Gx Thanh Xuân
13.Thầy Phaolô Nguyễn Bá Huân Gx Thọ Tràng
14.Thầy Giuse Hoàng Kim Long Gx Phước An
15. Thầy Phêrô Nguyễn Minh Triết Gx Vinh Lưu
16. Thầy Tôma Nguyễn Văn Hiệp Gx Hiệp Đức
17. Thầy Phaolô Hoàng Phương Hoàng Gx Vinh Thanh
18. Thầy Giuse Lê Văn Linh Gx Thánh Phaolô

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đồng tế thánh lễ với hai Đức Cha tiền bối Nicôla, Phaolô và khoảng 80 Linh mục trong và ngoài giáo phận. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, thân nhân và cộng đoàn Dân Chúa chung lời cầu nguyện.

Xem hình lễ phong chức phó tế

Trong bài giảng huấn, Đức cha Giuse nói đến chức Phó tế.

Anh chị em thân mến, vì những người này là con cái chúng tôi và là thân nhân bạn hữu của anh chị em sắp được cất nhắc lên chức phó tế, xin anh chị em hãy chú ý suy nghĩ xem họ sắp bước lên bậc như thế nào trong thừa tác vụ. Được dũng mãnh nhờ ơn Chúa Thánh Thần, họ sẽ giúp giám mục và hàng linh mục của ngài, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái. Họ sẽ là thừa tác viên phục vụ bàn thờ, loan báo Phúc Âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Chúa cho các tín hữu. Ngoài ra theo lệnh giám mục, họ sẽ khuyên bảo lương dân cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ tọa kinh nguyện, ban phép Thánh Tẩy, chứng hôn và chúc lành cho hôn phối, đem của ăn đàng cho người hấp hối, chủ sự các nghi thức an táng.

Qua việc đặt tay từ thời các Tông Đồ truyền lại, họ được thánh hiến và liên kết chặt chẽ hơn với bàn thờ, sẽ nhân danh giám mục hay các linh mục quản xứ chu toàn thừa tác vụ bác ái. Nhờ ơn Chúa giúp, họ hãy làm mọi công việc ấy, để anh chị em biết rằng họ thật sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.

Còn các con thân mến, các con sắp lên chức phó tế, Chúa đã nêu gương để các con làm theo như Người đã làm. Vậy, phó tế là thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các con hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ tha nhân như thế. Vì không ai có thể làm tôi hai chủ, nên các con hãy coi mọi đam mê xác thịt và tiền tài là ách nô lệ tà thần.

Vì các con tự nguyện tiến lên chức phó tế, các con phải là những người có tiếng tốt, đầy khôn ngoan và Thánh Thần, giống như những người ngày xưa các Tông Đồ tuyển chọn để thi hành thừa tác vụ bác ái. Các con sẽ thi hành thừa tác vụ của các con trong bậc độc thân. Vì chưng, đó vừa là dấu chỉ vừa là động lực bác ái mục vụ, đồng thời cũng là nguồn mạch phát sinh nhiều hoa trái trong thế gian. Bởi vì khi được lòng mến chân thành đối với Đức Kitô thúc đẩy, và sống đạo đức hoàn hảo trong bậc này, các con sẽ gắn bó dễ dàng hơn với Đức Kitô bằng một con tim không chia sẻ, sẽ được tự do để phục vụ Thiên Chúa và con người, sẽ thuận lợi hơn trong việc giúp cho người ta được tái sinh.

Được bén rễ sâu trong đức tin, các con hãy ăn ở trong sạch và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và người đời, là điều phù hợp với các thừa tác viên của Đức Kitô và với các người ban phát những mầu nhiệm Thiên Chúa. Các con đừng để mất niềm tin cậy vào Phúc Âm, vì các con không phải chỉ là những người nghe, mà còn phải là thừa tác viên của Phúc Âm. Gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng, các con hãy minh chứng bằng việc làm Lời Chúa mà các con rao giảng bằng miệng, để dân Kitô hữu được Chúa Thánh Thần làm cho sống, trở nên của lễ tinh tuyền được Chúa chấp nhận. Và tới ngày thế mạt, khi ra đón Chúa, các con có thể nghe Người phán: “Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng vui mừng với Chúa của ngươi.”

Lãnh nhận chức thánh Phó tế, các Thầy tiếp tục đi giúp xứ, thi hành tác vụ để chuẩn bị tiến tới chức thánh Linh mục.

Xin cho các thầy được dồi dào các nhân đức Phúc Âm: chân thành yêu thương, lo cho người bệnh và người nghèo, khiêm tốn thi hành quyền bính, sống đời trong sạch, tuân giữ kỷ luật đời sống thiêng liêng. Xin cho nếp sống các Thầy chiếu giãi luật Chúa, để nhờ làm gương về cách ăn nết ở, các Thầy được dân thánh noi theo. Và khi nêu bằng chứng lương tâm tốt lành, các thầy được kiên trì và vững mạnh trong Đức Kitô cũng như ở trần gian, noi gương Đức Kitô là Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ.(Lời nguyện phong chức).

Cầu chúc các Thầy Phó Tế lên đường thi hành tác vụ thánh trong niềm vui hạnh phúc và tương lai sẽ trở nên những linh mục đạo đức thánh thiện.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Cảm Nghĩ Về Ngày Hành Hương Thánh Mẫu tại Missouri năm 2011
Bách Việt
17:08 11/08/2011
Cảm Nghĩ Về Ngày Hành Hương Thánh Mẫu tại Missouri năm 2011

Năm nay thời tiết có vẻ khác thường nên sự nóng cũng đến sớm hơn, như ở TX từ tháng 6 đã có ngày nhiệt độ lên tới 99 độ F, vùng Midwest Hoa Kỳ năm nay củng nóng lạ thường nên làm nhiều người sợ nóng bức ,không giám đi hành hương Missouri trong tháng 8 này. Trên đường đi qua tiểu bang Oklahoma, có nơi nhiệt độ lên đến 110 độ F.Nhưng riêng tôi thấy số người năm nay cũng thật là đông đảo nhất là vào ngày thứ bảy tột đỉnh của Ngày Thánh Mẫu, có 1 số người ước tính vào khoảng 60-70 chục ngàn người. Vì ngay chiều thứ năm, ngày khai mạc cho Ngày Thánh Mẫu, trong Thánh lễ đã đông kín ngay cả lễ đài và Công Trường Nữ Vương Hòa Bình.

Tôi đã có mặt tại đất Mẹ không kém hơn 20 chục lần kể từ khi bắt đầu có Ngày Thánh Mẫu nơi đây 34 năm liền (1977)số người khiêm tốn chỉ 2,3 ngàn người, nhưng nay thì qúa đông gấp bội.Thật là việc Mẹ làm.

Những người hành hương về Missouri đều có những mục đích riêng, kẻ thì để tạ ơn CHúa Mẹ, người thì Xin khấn,câu khẩn, người thỉ để gặp gỡ bạn bè, người đồng hương hay học hỏi thêm tinh thần sông đạo, người ta từ muôn phương , có thể nói trên thế giới đổ về, có kẻ tận bên Việt Nam, úc Châu,Âu châu, Canada hay khắp các tiểu bang trong hoa Kỳ, họ không ngại đường xa, có kẻ lái hơn 20 giờ xe để về đây để đến với Mẹ dù thiếu thốn mọi bề, cho dù thời tiết nóng bức.

Cách đây 3 năm 2008 củng vào ngày này, kỷ niệm hơn chục người hành hương từ Houston,TX đã tử nạn trong chuyên xe bus Hành hương Misourri khi qua thành phố Sherman,TX,nhưng thật may cho tôi vì tôi cũng đi chiếc xe bus cùng hãng và khởi hành cùng giờ từ nhà thờ Lavang,Houston,TX trong ngày đó, tôi đã chứng kiến tận măt tai nạn khủng khiếp này vì xe bus của chúng tôi đi sau chỉ cách chuyến xe bus bị nạn khoảng 20'.Ban tổ chức ngày Thánh Mẫu cũng luôn nhắc nhở mọi người hành hương cùng cầu nguyện cho họ trong những ngày này.Xin Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người hành hương đã bị nạn kỳ hành hương Misourri 2008 .

Năm nay chúng tôi khởi hành từ 5:30AM sáng thứ năm và chúng tôi tới Đất Mẹ vào lúc 5:30PM chiều cùng ngày để kịp lễ KHAI MẠC Ngày Thánh Mẫu vào chiều thứ năm lúc 7:00PM. Khí hậu tại đây cũng hơi nóng bức vì thế trong Thánh lể Khai Mạc do Đức Giám Mục James Johnston, Giám Mục Springfield Misourri, chủ tế , và tuyên bố Khai Mạc Ngày Thánh Mẫu, hầu hết nhưng người tham dự đều có chiếc quạt phe phảy trông rất là đẹp mắt,tuy trời nóng bức nhưng người tham dự cũng đã đầy kín cả sân cỏ và mọi nơi, ngay sau Thánh lễ, tôi có đi một vòng quan sát , thấy chỗ nào cũng đầy up, không còn chổ hở chỉ trừ nhưng chỗ các cha các thày chăng giây cấm vào mà thôi khu vực đời calve rông rãi gần 30 bốn chục mẫu mới mua , hay tại dọc bên đường, sân banh... chỗ nào cũng đầy kín từ thứ năm .Tôi đã tham dự hầu hết các Thánh lễ lớn sáng thứ Sáu, tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy lể nào cũng đầy kín người là người. Sáng thứ Sáu có Thánh lễ cầu cho việc truyền giáo lúc 7:30AM do , chủ tế là cha Jose Lavestida Viện trưởng viện Thần học Notes Dame New Orleans,LA, ngài làm lễ bằng tiếng Việnam, người đã cố hòa đồng với người VN mà đa số người tham dự là người VN, thật rất có công! rồi chiều thứ sáu 7:00PM là lễ Đại trào tại lễ đài Kính Các Thánh Tử Đạo VN, chủ tế là Đức tổng Giám Mục Gregory Aymond, Tổng giáo phận News Orleans,LA cùng tất cả linh mục Đoàn, 2 Giám Mục VN phẩm phục màu đỏ thật trang trọng, ca đoàn ca những bài thánh ca "Tiếng nhạc oai Hùng "thật thánh thót và vinh dự.

Những buổi hội thảo liên tục nhưng rất là hấp dẫn, và hữu ích chỗ nào cũng đầy kín cả vì trong đó có máy lạnh mát mẻ, lại các thuyết trình viên khôi hài và hứng khởi và đầy kinh nghiệm có hạng như cha Toàn SJ, cha Hanh Kansas City MO, cha Phi Long dòng Chúa Cứu Thế, cha Quang Đán CMC, cha Thắng osb , các cha,các thày Dòng Ngôi Lời SVD, Ô. Cao Tấn Tỉnh BVL rất hợp với tâm lý từng lớp tuổi. Song song với hai buổi Văn nghệ đêm thứ Sáu và đêm thứ 7, tại hội trường các Thánh tử Đạo, cũng có những ban nhạc trẻ chơi nhạc sống bằng tiếng English cho những cô cậu không biết tiếng việt, cũng thu hút rất đông tuổi teen.

Vào chiều thứ Bảy lúc 5:00PM là cuộc Cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima, đây là cao điểm của những Ngày Thánh Mẫu,lúc này thật là nóng nảy vì mặt trời chiếu rọi , ai ai cũng đổ mồ hôi, chỉ tội cho các cha đang mặc hai ba áo, nhưng thật là lạ lùng khoảng 5:40PM một cơn mưa nhè nhẹ đổ xuống làm ướt cả áo, các thứ dù muôn màu sắc được căng lên trông rất là đẹp họ cứ tiếp tục đi ca hát và đọc kinh, cả những em bé được ba mẹ đẩy chiềc xe nôi đi kiệu Đức Mẹ ngon lành Thánh gía nến cao về đến cổng lúc đó kiệu Mẹ mới khởi hành ra đường không biết bao nhiêu là bong bóng với những lá cơ Đức Mẹ, cờ hội Thánh, Cờ VNCH được tung bay khi kiệu Mẹ về khán đài, mọi người đồng thanh đọc Kinh Khấn Xin trong Ngày Thánh Mẫu và dâng nước VN cho Trái tim Mẹ.

"Xin Mẹ cứu thoát chúng con khỏi nạn cộng sản vô thần duy vật để mọi người được sống trong tự do bình an và hạnh phúc."

Có 2 buổi văn nghệ và sổ số.Tối thứ Sáu với những màn vũ công phu ,hài kịch khôi hài và đẹp mắt của 1 số giáo xứ và cộng đoàn đóng góp, với MC Nguyễn ngọc Ngạn và các ca sĩ của Trung Tâm Thuý Nga và ban Nhạc Liberty-Canada rất hay và điêu luyện, chỉ tiếc là văn nghệ hôm thứ bảy hơi ít giờ làm các ca sĩ phải hát vội vàng . Tối hôm thứ Sáu văn nghệ Đông hơn tối thứ Bảy rất nhiều, người xem ngồi kín hết sân trước khán đài, nhưng tối thứ Bảy chỉ có 2/3 thôi vì 12 :00PM là phải ngưng mọi sự.

Vì trởi nóng nên các qúan bán sinh tố, nước lạnh, cà rem rất đông khách nhất là quán bán đá" Ta là đá" của cán em thiếu nhi toàn quốc Hoa Kỳ Hốt bạc, các quán ăn của các giáo xứ như Porth Arthur, Arlington,Oklahoma,Armarilo , Fatima ForthWorth,TX ;điạ phận Phú Cường VN, quán nào cũng đông cả: với đủ mọi mon ăn hợp khẩu vị: cà ghém, rau đay,mùng tơi đều có cả, có quán còn bán cả bê thui, dê sào để nhậu.

Tôi ngồi bên 1 anh chàng thanh niên và được nghe thấy anh thốt lên sau một buổi lễ đại trào " các cha các thày tổ chức tốt đẹp qúa "

Sau thánh lể bế mạc sáng sớm Chủ Nhật ngày mùng 7 tháng 8 năm 2011 lúc 7:00Am tại lễ đài do Đức cha Giuse Nguyển Tấn Tước giám mục phó gáo phận Phú Cường VN chủ tế và giảng thuyết, tôi không khỏi bùi ngùi, cảm động . Chúng tôi từ giã Đất Mẹ lúc 10:30AM để trở về nhà với muôn vàn luyến nhớ, nhất là khi nhìn thấy những đống rác kếch xù, khủng khiếp và những công việc thu dọn vất vả, bề bộn của các cha các thày khi mọi người ra về còn để lại mà lòng không khỏi ngậm ngùi ứa nước mắt./.

Bách Việt,( một kẻ hành hương Ngày Thánh Mẫu Missouri 2011
 
Linh Thao SVCG Hè 2011 Tại Thanh Hoá: Ngày Thứ Ba
BTT khóa LT
17:29 11/08/2011
Linh Thao Svcg Hè 2011 Tại Thanh Hoá: Ngày Thứ Ba

Ngày thứ ba của khóa Linh thao đến trong bầu khí rạng rỡ hơn qua giờ cầu nguyện mừng biến cố Chúa Giáng sinh làm người. Đó là chủ đề xuyên suốt từ điểm cuối cùng của đêm ngày thứ hai cho đến giờ cầu nguyện đầu tiên của ngày thứ ba này.

Xem hình linh thao ngày thứ 3

Buổi sáng ngày 11/08. Một chút mưa nhẹ vương trên cây cỏ. Không theo lịch chung của chương trình Linh thao thường lệ mà chúng tôi được tự do chọn lựa việc đến với Chúa trong giờ cầu nguyện thứ nhất trong ngày. Khoảng 7h00, bữa điểm tâm sáng diễn ra, giúp chúng tôi có đủ sức khỏe để tiếp tục cầu nguyện.

8h00 - 9h00, giờ lấy điểm thứ hai theo chủ đề “Chúa Giêsu chịu cám dỗ”, trích Kinh thánh Lc 4, 1-13. Đoạn Lời Chúa đưa chúng tôi vào khung cảnh hoang địa- nơi Đức Giêsu ăn chay, cầu nguyện và chịu ma quỷ cám dỗ. Để từ đó, mỗi chúng tôi có thể nhận biết được những cơn cám dỗ của mình và nhờ ơn Chúa để có thể vượt thắng được những cơn cám dỗ ấy.

9h00 - 10h00, giờ cầu nguyện thứ hai trong ngày. Ngoài trời mưa vẫn rơi nhẹ, không ồn ã mà hơi trầm buồn. Phải chăng đây cũng là lúc mỗi người chúng tôi nên nhìn lại những cám dỗ của bản thân về nhu cầu thể xác, về vật chất, tiền bạc, danh vọng, quyền lực… những thứ cám dỗ đầy mê hoặc từ cuộc sống này. Và để vượt qua được tất cả những cám dỗ đó, không thể cậy nhờ vào sức mình– vì con người thì yếu đuối và tham lam, mà là nhờ ân huệ và sự trợ giúp từ Thiên Chúa. Là những người trẻ, đây cũng là thời điểm chúng tôi tìm ra cho mình hướng đi cho con đường tương lai phía trước với những cám dỗ, cạm bẫy đang bủa vây, để chúng tôi biết con đường nào mới dẫn đến sự sống đích thực.

10h15 - 11h15, Thánh lễ. Miên man trong những dòng cảm xúc và cầu nguyện. Lúc này đây, chúng tôi được kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể nhiệm màu. Ngoài trời mưa vẫn rơi đều từng hạt, nhưng làm sao có thể át được tiếng hát, lời kinh chúng tôi dâng lên Thiên Chúa, tuy đơn sơ nhưng chứa chan ân tình. Sau Thánh lễ là Phút hồi tâm chung, để nhìn lại nửa quãng đường đã đi trong ngày với Chúa.

11h30, giờ cơm trưa. Vẫn như thường lệ, chúng tôi dùng bữa trong sự thinh lặng, chỉ có Thánh ca là vẫn vang vọng để giúp mỗi người đi sâu hơn vào bầu khí thiêng liêng trong những ngày sống tràn đầy hồng ân này.

Sau giờ cơm trưa và thu dọn, chúng tôi trở về phòng, nghỉ ngơi và sắp xếp lại đôi chút con người mình cho những giờ cầu nguyện vào buổi chiều.

14h00, tiếng chuông nhỏ vang lên đánh thức chúng tôi đến với Chúa. Trời hửng nắng, một chút nắng dịu nhẹ hơn khi thời gian đã bắt đầu chớm thu. Nắng như làm lan tỏa cái nồng nàn của tình yêu Thiên Chúa trên con người, không chói chang và nóng bỏng như những ngày giữa hạ, nhưng đong đầy sự vỗ về yên vui.

14h15 - 15h00, giờ lấy điểm thứ ba với chủ đề “Con đường của Phúc âm – con đường của sự sống”. trích Kinh thánh Mt 5, 1-48 đã giúp chúng tôi có thể đi tìm cho mình những ý nghĩa sống động cho đời sống Đức tin của mình, để từ đó xin cho được những điều mình khao khát. Là biết Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn và theo sát gót Chúa hơn. Từ giờ lấy điểm này, chúng tôi sẽ cầu nguyện xuyên suốt đến 18h45 theo đoạn Kinh thánh đã cho.

Bước vào giờ cầu nguyện từ lúc 15h00, mở những trang sách Phúc âm, chúng tôi đã bắt đầu tìm thấy cho mình những ý niệm về con đường của sự sống mới, sự sống khởi sinh từ Đức Giêsu Kitô. Từ những lề luật xưa đã dạy, đến cách Giêsu nói với mỗi người, đó là một sự đổi mới. “Phúc thay cho ai có tâm hồn nghèo khó… những ai sầu khổ… những ai hiền lành… những ai đói khát sự công chính… những ai biết xót thương… những ai có tâm hồn trong sạch… những ai xây dựng hòa bình… những ai bị bách hại vì sống công chính…”, mỗi phẩm chất này là những gì Chúa muốn nơi mỗi người trong đời sống Kitô hữu, để nhờ đó mà được ơn cứu rỗi đời đời. Chúa mời gọi mỗi người sống theo lề luật Ngài, biết yêu thương anh em như chính bản thân mình. Giờ đây nhìn lại, liệu có mấy ai trong chúng tôi đã sống như lòng Ngài mong ước?

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14). Đức Giêsu đang mời gọi chúng tôi sống trong một cách thức, qua đó cuộc sống của chúng tôi thật sự thành “muối” của sự thánh thiện cho thế giới hôm nay, cho những người đang sống bên chúng tôi. Ngài còn mời gọi mỗi người trở thành ánh sáng trong thế gian này, để dẫn người khác đến với Ngài, VÌ NGÀI LÀ ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN. Ngài nói với con người về một sự công chính, một sự thánh thiện mới không giống như những người kinh sư và biệt phái, không chỉ là những điều bên ngoài, những vỏ bọc hình thức, nhưng là xuất phát từ con tim một tình yêu chân thành và thật sự dành cho tha nhân. Nhìn lại những ngày đã sống, tự đặt ra những câu hỏi cho chính mình: Đã bao giờ chúng tôi trở nên muối và ánh sáng của Đức Kitô? Hay chỉ là nắm muối nhạt không có tác dụng và thứ ánh sáng thoi thóp bị bao trùm bởi bóng tối cuộc đời? Chúng tôi có biết rằng những gì mình làm đang góp phần tạo nên gương mặt Đức Giêsu trong lòng con người hôm nay và mai sau? Khuôn mặt ấy sẽ tươi vui, rạng rỡ và đầy hạnh phúc nếu chúng tôi làm những điều tốt đẹp, yêu tha nhân như chính mình, tìm kiếm nhan Thánh Chúa. Nhưng khuôn mặt ấy sẽ buồn rầu, đau khổ đến tột độ nếu như chúng tôi chỉ mê mải với vật chất, danh vọng, quyền lực phù hoa, rời xa con đường công bình, bác ái và yêu thương.

Bằng những lời luật xưa đã dạy, Đức Giê-su còn mở ra một chân lý mới của Ngài về mối tương quan giữa con người với chính mình, con người với con người, con người với Thiên Chúa. Đó là sự mới mẻ trong lề luật, nhưng không phải sự thay đổi. Vì chính Đức Giêsu đã nói rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn…” (Mt 5, 17). Để chính từ đó, chúng tôi sống một đời sống mới, không còn giận dữ, hận thù đối với anh chị em mình, để có một con tim trong sạch, một sự thủy chung son sắt trong tình yêu và đời sống gia đình, sự thành thật trong lời nói. Đặc biệt hơn, tình yêu thương sẽ lan tràn trong đời sống mỗi người, không còn “mắt đền mắt, răng đền răng” nữa, chỉ còn lại tình yêu như Đức Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Những giờ cầu nguyện đi qua, sự sống như dần hồi sinh tự trong tâm khảm mỗi người chúng tôi. Điều đó như minh chứng cho sức sống của Phúc âm giữa dòng chảy cuộc đời, một sức sống âm ỉ, bền chặt và sâu sắc. Mỗi giây phút cầu nguyện bên Lời Chúa, chúng tôi như được cảm nếm vị ngọt của sự sống- món quà do chính Ngài ban tặng khi không có hận thù và oán hờn, chỉ có tình yêu và sự công chính.

Ngày hôm nay, chúng ta hiểu những gì có trong Lời Chúa mà ngày hôm qua chúng ta chưa hiểu; Và ngày mai, chúng ta sẽ hiểu được những gì mà chúng ta chưa hiểu ngày hôm nay. Thiên Chúa đã sắp đặt như vậy, để mỗi ngày chúng ta được nuôi dưỡng bởi lời Ngài.

18h45, giờ cơm tối vẫn trong sự thinh lặng chỉ còn đó du dương của điệu nhạc Thánh ca.

19h45 - 20h45, chúng tôi đi vào giờ chia sẻ thiêng liêng cùng với người đồng hành. Đây là lúc chúng tôi chia sẻ với nhau về những tâm tình của một ngày cầu nguyện trong Chúa, những ơn đã nhận được và những kinh nghiệm để có được một giờ cầu nguyện tâm tình, sốt sắng. Sự chân thành, cởi mở đến từ con tim là điều thể hiện rõ trong những giây phút này.

21h - 21h45, giờ lấy điểm thứ nhất cho ngày cầu nguyện thứ tư. Chủ đề chúng tôi được gợi mở là “Hãy chèo ra chỗ sâu”, trích Kinh thánh Lc 5, 1-11. Biển hồ Ghen-nê-sa-rét hiện ra với ánh hừng đông phía chân trời và trên chiếc thuyền của Simon, Đức Giêsu đang ở giữa dân chúng và giảng dạy. Cùng với đó, hình ảnh của Simon- người thợ chài đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để trở thành Tông đồ Phêrô mà Chúa đầy yêu mến. Simon để Chúa Giêsu bước xuống thuyền của mình, cũng chính là lúc ông để Đức Giêsu bước vào cuộc đời của mình, để sự vâng phục và yêu mến là khởi đầu cho hành trình rao giảng Tin mừng theo chân Chúa.

Đây là một hình ảnh với những suy nghĩ cho chúng tôi về lời mời gọi của Chúa và sự quảng đại ngay trong bản thân mỗi người đến với lời mời gọi ấy. Liệu chúng tôi có sẵn sàng bỏ lại tất cả mà theo Đức Giêsu như những Môn đệ của Chúa, để rồi từ đó chúng tôi là những người “Chài lưới người”?

21h45, chúng tôi trở về phòng nghỉ đêm sau khi có phút hồi tâm chung nơi phòng hội.

Ngày linh thao thứ ba kết thúc, khép lại một ngày theo hành trình của Đức Giêsu từ khi bước vào trần gian. Có những giờ phút lòng chúng tôi xao động trong sự nghèo khó và đơn sơ của Hài Đồng Giêsu, có lúc lại giật mình bởi cơn cám dỗ của cuộc sống thường nhật, hay có khi được lật mở những trang mới của tri thức mà Đức Giêsu mang đến về việc học hỏi Phúc âm trong đời sống thường ngày, trong mối quan hệ với gia đình, nơi anh em đồng loại và nơi tha nhân. Màn đêm đã rủ xuống bức màn sâu thẳm, để từ đó có một ngày mới thức dậy và được yêu thương.

BTT khóa LT
 
Thông Báo
Thông báo Thánh lễ cầu nguyện cho thành viên của Cộng đoàn Vinh đang bị bắt giữ
Gioan Baotixita Cao Xuân Linh
08:34 11/08/2011
Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội
Tâm linh – Trí thức – Kết nối

Thông báo Thánh lễ cầu nguyện cho thành viên của Cộng đoàn đang bị bắt giữ

Kính gửi: Các thành viên trong cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, cùng toàn thể dân Chúa và những ai yêu chuộng công lý, hòa bình.

Kính thưa Quý vị, trong thời gian gần đây, trên các trang mạng và báo chí đã đăng tải các thông tin về việc những sinh viên và cựu sinh viên thuộc Giáo phận Vinh bị bắt giữ một cách mờ ám, trái pháp luật, tính đến nay đã có 8 người bị bắt giữ, trong đó có anh Gioan Baotixita Nguyễn Văn Duyệt

Anh Gioan Baotixita Nguyễn Văn Duyệt là một người con ưu tú của Cộng đoàn Vinh, luôn nhiệt thành hăng say trong mọi công việc Cộng đoàn, sống đạo đức, mẫu mực và hiện đang là trưởng Cộng đoàn Giuse Thợ, thuộc Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội.

Vậy Cộng đoàn Vinh tổ chức Thánh lễ để cầu nguyện cho những người anh em đang bị bắt giữ, và cầu nguyện cho sự thật, công lý, hòa bình ở Việt Nam.

Thời gian : vào lúc 19h, thứ sáu ngày 12 tháng 8 năm 2011

Địa điểm : Đền Giêrađô – Giáo xứ Thái Hà,

(180/2 Nguyễn Lương Bằng - Đống Đa – Hà Nội)

Kính mời tất cả anh chị em cùng toàn thể quý vị đến tham dự thánh lễ để hiệp thông và cầu nguyện để những người anh em của chúng ta sớm được trả lại tự do.

Chúng con tin rằng với ơn Chúa, qua lời bầu cử của Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, Thánh cả Giuse và lời cầu nguyện cùng sự cộng tác của Quý vị về phương diện này hay phương diện khác, những người anh em của chúng ta chắc chắn sẽ sớm được trả lại tự do.

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2011

T\m ban điều hành
Trưởng Cộng đoàn

Gioan Baotixita Cao Xuân Linh
 
Thông cáo báo chí của tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
DCCT
09:32 11/08/2011
 
Văn Hóa
Thủ đô Helsinski của Phần Lan nơi tận củng trái đất
Người Lữ Hành VietCatholic
08:33 11/08/2011
Tầu cập bến thủ đô Helsinski trong cơn mưa tầm tã… Cha tuyên úy Nguyễn Toàn Tri đã dàn xếp cô Oanh ra bến tầu đón chúng tôi về để dâng thánh lễ cho nhóm chị em Lòng Thương Xót Chúa và cầu nguyện cho một thanh niên mới qua đời. Tôi vui vẻ nhận lời.

Xem hình ảnh

Tầu du lịch đậu ở một bến riêng biệt và đa số du khách đều đi theo các chuyến xe du lịch đến chở họ đi thăm viếng. Riêng chúng tôi ra khỏi bến tầu tìm mãi cũng không phòng đợi nên đi quanh quẩn, còn người đến đón cũng khó tìm ra con đường vào bến tầu… dù chúng tôi lien lạc bằng điện thoại xem làm thế nào để gặp được nhau… Cuối cùng sau nhiều vất vả, chị Oanh cũng nhìn thấy chúng tôi và đưa về nhà Chị, ở đó đã sẵn có một số chị em đang chờ đợi.

Sau khi chào hỏi và vấn an, tôi đã cùng chị em cầu nguyện và dâng thánh lễ đầu tiên tại Phần Lan (Finland do chữ latinh finis có nghĩa là tận cùng đất).

Thánh lễ xong thì cũng là lúc cha Nguyễn toàn Tri -- hiện là tuyên úy phục vụ người Việtở Phần Lan -- và thầy Dũng tới để chở chúng tôi đi tham quan thành phố Helsinski. Một bữa cơm than mật có đủ thứ cá Phần Lan nấu theo kiểu Việt Nam, lại có cả đậu phụ là món chị Oanh tự tay làm và có cả món phở rất đặc biệt ăn thật ấm long.

Tại Phần Lan này từ trước tới nay có mố qúi linh mục tới phụ trách nhu cầu thiêng liêng cho giáo dân Việt Nam. Lúc đầu là Cha Thành từ Thụy Điển thỉnh thoảng tới đây tự nguyện giúp mục vụ. Sau đó là 2 linh mục Việt Nam khác tới giúp, nhưng nay đã rời Phần Lan. Từ gần 6 năm nay giáo dân Việt Nam ở Phần Lan có linh mục Tri là chính người đã lớn lên và thụ phong linh mục ở Phần Lan phục vụ cho anh chị em giáo dân Việt Nam.

Ơn gọi của Cha Tri thật là đặc biệt: Khi đến đây, Cha mới chỉ có 13 tuổi. Lớn lên và đi học trung học ở Phần Lan, đi quân dịch theo nghĩa vụ công dân của mọi người Phần Lan. Sau đó xin vào chủng viện và được gửi đi học tại Luân đôn, và tiếp tục học thần học tại Roma và được thụ phong linh mục tại Helsinski. Cả Phần Lan chỉ có 1 giáo phận và 7 giáo xứ và 23 linh mục. Tất cả các linh mục khác đều là linh mục dòng, và Cha Tri là linhh mục duy nhất của giáo phận Helsinski. Hiện tại có chứng 10 ngàn giáo dân Công giáo trong cả nước Phần Lan. Riêng người Việt Nam có chừng 6 ngàn người trong số đó có chừng hơn 1 ngàn người Công giáo Việt Nam.

Một điều đáng mừng hơn nữa là vào tháng 10 năm nay sẽ có một thầy Việt Nam là thầy Dũng sẽ được thụ phong linh mục cho giáo phận Helsinski. Sau khi thụ phong linh mục tân linh mục Dũng được bổ nhiệm thay thế Cha Tri phục vụ giáo dân Việt Nam và Cha Tri được giám mục gửi đi du học tại Roma dọn tiến sĩ thần học. (Chúng tôi có video phỏng vấn Cha Tri và Thầy Dũng về tình hình giáo hội tại Phần Lan và một số những đặc điểm đời sống tôn giáo và xã hội tại đây – sẽ được cho lên Net sau)

Vài nét giới thiệu về Phần Lan

Phần lan là quốc gia có tới 60.000 hồ lớn trong lãnh thổ của mình, nên đất nước luôn có mầu xanh tươi nhưng mùa đông quyết phủ một mầu trắng xoá trong mấy tháng trời. Phần Lan có thể nói là nơi Đông gặp Tây. Lịch sử Phần Lan phần lớn bị các quốc qia lân bang ảnh hưởng: bên phía Tây là nước Na-Uy và Thụy Điển, bên Đông là Nga sô. Phần Lan chỉ dành được độc lập từ năm 1917, như vậy qua cả từng trăm năm Phần Lan bị các đế quốc cai trị, trước tiên là người Thụy điển, tiếp đến là người Nga sô.

Người Phần Lan luôn luôn phải phấn đấu để danh tính và căn tính của mình được nhận, và sự phấn đấu này hình thành lên lịch sử và cá tính người người Fin.

Thủ đô của Phần Lan là Helsinski. Đây cũng là trung tâm văn hóa, kỹ nghệ, và nơi giầu nhất nhất. Dân số Helsinski có trên nửa triệu người và là thủ đô có các điểm đặc sắc khác hẳn với các thủ đô lân bang thuộc văn hóa Scandinavia. Từng được coi là nơi tiền đồn của Nga sô, tuy vậy Helsinski có một lối kiến trúc nhà cửa rất đặc biệt. Vì muốn có một sắc thái riêng nói lên sự độc lập của mình sau khi giành được nền độc lập, nhà kiến trúc gốc Đức là Carl Ludvig Engel đã vẽ lại thành phố từ sau trận cháy dữ dội phá hủy hầu như gần hết thành phố và đầu thế kỉ thứ 19.

Helsinski thời danh vì có nhiều công trình kién trúc bảo tang viện, trường đại học, nhà hát và các đại giáo đường.

Chúng tôi đặc biệt đi thăm vương cung thành đường Công giáo có lịch sử bề dài 100 năm, thánh đường quốc gia Tin lành mầu trắng và xanh nằm đồ sộ trên một miếng đất cao và gần trường Đại học quốc gia. Giáo đường Chính thống giáo rất đặc sắc nguy nga trên một ngọn đồi thuộc vùng của người Nga.

Một nhà thờ Tin Lành rất đặc biệt mà du khách không bỏ qua được thiết kế dục vào trong một khối đá lớn. Bên trong tranh trí rất đặc biệt, thanh tao và ấm úng.
 
Để Tăng Niềm Tin
Tuyết Mai
17:20 11/08/2011
Để Tăng Niềm Tin

Thời buổi càng văn minh càng hiện đại của ngày nay, càng đem nhân loại dần càng xa Chúa hơn. Đồng ý rằng thời buổi càng văn minh bao nhiêu càng làm cho chúng ta trở thành những con người của một thế giới và thời đại mới. Như những ai có tiền sắp sửa được thử bay lên không trung bằng những chiếc xe hơi hiện đại của thế kỷ. Một thế kỷ (era) có sự thay đổi không ngừng nghỉ. Con người ta càng ngày càng bận rộn đi tìm kiếm những gì mới lạ, để hưởng thụ và để có được.

Thôi thì muốn cái gì thì trước tiên chúng ta phải có tiền cái đã. Hễ làm biếng và muốn có tiền nhanh chóng, thì chúng ta đi mua vé số, vì cách này là dễ dàng nhất thưa anh chị em. Hễ trúng một cái thì được nghỉ ngơi cả đời luôn, để mà hưởng thụ với số tiền mình được trúng. Cái tốt thì tôi chưa được thấy, nhưng cái hại trước mắt thì ai cũng thấy. Nhưng trường đời thì ai cũng thấy cái bẫy sập chứa vàng trong ấy, cơ hội để vào cái bẫy chết ấy thì đòi hỏi hàng ngàn cơ hội mới có được, và mua vé số có phải là hình thức bài bạc hay không?. Mà hình thức của bài bạc, vé số, chơi đề là hình thức dụ dỗ của ma quỷ; chúng ta hết thảy nên xa tránh để đừng mang cái bệnh ghiền mà khổ cho chính mình cùng gia đình.

Cần được Đức Tin tăng trưởng, thoạt nghe thì rất khó, nhưng nếu chúng ta cố gắng và có ý chí để được Nước Trời, thì ai cũng có thể được Chúa giúp cho để tăng cho chúng ta Niềm Tin. Từ hời hợt, cho đến mãnh liệt, và cực độ. Muốn được tăng Đức Tin, trước tiên chúng ta phải từ bỏ bớt những gì thuộc về thế gian cái đã. Những sự thế gian đã càng ngày càng kéo chúng ta xa dần Thiên Chúa. Thế gian cũng giống như những Casino (Sòng Bài) tráng lệ. Chúng làm cho chúng ta cảm thấy rất thèm thuồng để mà được đến và sống trong đó một thời gian, mà nếu tiền có thể cung ứng. Càng có tiền nhiều thì chúng ta được dụ ở lâu hơn, chơi bài nhiều hơn, không thiếu những trò chơi chỉ đòi hỏi có tiền và tiền.

Trên đời thì dầy dẫy những đam mê những say đắm mà con người rất khao khát để có tiền dành dụm, mà đi đây đi kia; để khoe rầm với thiên hạ bằng những tấm hình chụp, chứng minh là mình có đi đây đi kia. Chứng minh với thiên hạ rằng mình có tiền để đi được khắp mọi nơi; biết tận hưởng, biết hưởng thụ, và biết thỏa mãn. Sống rất mode chứ không phải giả hiệu. Để làm gì thưa anh chị em?. Tôi hỏi đây thật là lầm lớn cho những ai chống đối vì họ thật có tiền, vì có phải chính tôi mới thật là đạo đức giả?. Không có mà đòi ao ước, rồi chính mình phải biện minh cho những gì mình không có, và không thực hiện được. Thành phần nghèo thật như tôi quả là ở khắp cùng thế giới. Nghèo tới độ ăn củ khoai mà tưởng tượng ra miếng thịt gà??. Đây là những tiêu biểu của những con người giầu và nghèo của thời buổi hôm nay. Giầu thì họ hưởng được tất cả, nhưng nghèo thì khác xa lắm lắm!. Cuộc sống nghèo khổ thì dù ở thời buổi nào đi chăng nữa cũng vẫn dầm mưa dãi nắng, mà cuốc mà cầy, mới có được củ sắn củ khoai để sống cho qua ngày. Nhưng có phải tình nghèo mà vui, hay đó chỉ là những câu nói nghe như tủi hờn, và cay cay trong khóe mắt?.

Nhưng tôi muốn anh chị em xác tín một điều là Thiên Chúa, Người rất yêu kẻ nghèo, vì Nước Trời là của họ. Chứ tôi chưa từng thấy đoạn nào trong Phúc Âm nói rằng Chúa yêu kẻ giầu có và khinh rẻ người nghèo bao giờ. Vì chính Chúa Giêsu Ngài là Con Trời, mà bỏ tất cả ngai vàng để xuống trần gian; sinh ra đời không một tấm áo, không nôi, và không gì để sưởi ấm. Ngược lại Ngài muốn thế giới nhìn thấy Ngài là con trẻ nghèo khổ còn hơn cả cái nghèo khổ của con người trần gian. Ngài sống cả một cuộc đời bằng nghề thợ mộc, bắt chước dưỡng phụ Giuse. Mái hạnh phúc của gia đình chỉ vỏn vẹn trong một mái tranh vách đất; thật nghèo khổ nhưng đượm thắm tràn đầy hạnh phúc và tràn đầy tình thương. Vì gia đình Thánh Gia luôn sống một đời đạo hạnh và tốt lành. Dậy Con Trẻ sống trong lễ nghi, trong đạo luật, và trong yêu thương. Mà nguồn tình yêu chính là hiến dâng lên cho Thiên Chúa Cha. Vì có phải những gì xẩy ra cho chính Chúa Giêsu là Chương Trình Cứu Độ con người, mà Thiên Chúa Cha đã sắp xếp cho Con Người phải gánh chịu?.

Đức Tin được mạnh mẽ bắt nguồn từ lòng tin vào Thiên Chúa. Sự nghèo khổ thường dậy con người ta phải biết hướng lên với Thiên Chúa. Vì từ thời Môisen trong suốt bao nhiêu năm trời con người làm nô lệ đã than khóc với Thiên Chúa, và Người đã nghe những lời than khóc đó!. Một lịch sử hào hùng và những cuốn phim cho chúng ta coi mãi mà không biết chán, là Môisen dẫn dắt dân của Người đi qua biển đỏ, và liền khi sau được đến miền đất hứa là thửa đất của mầu mỡ và mật ong, con người đã trở mặt với Thiên Chúa. Họ đã trở mặt, vô tình, bội bạc, và vong ơn; bằng cách cho đúc những ảnh tượng vớ vẩn mà cúi lậy thờ những tượng ảnh vô hồn đó!. Sự trở mặt đó đã làm Thiên Chúa phẫn nộ và họ đã bị sửa phạt, và Người đã cho ra 10 Điều Răn, để dậy con cái của Người.

Thật không có cái dại nào cho bằng cái dại mà không biết Thờ Phượng Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ, muôn loài, và muôn tạo vật. Chỉ có những gì của trần gian mà chúng ta hằng đeo đuổi đã làm mờ mắt của chúng ta mà thôi!. Chúng ta sa ngã đến độ chính chúng ta đã từ chối Thiên Chúa nhân lành của chúng ta mà đi theo đường hướng của ma quỷ chúng chỉ dẫn. Thật con người trần gian của chúng ta hết thảy chỉ đáng Chúa quẳng hết xuống hỏa ngục. Vì cái tham, sân, si của trần gian mà không một ai muốn bỏ. Không hiểu sao cái Tôi của chúng ta nó lại to lớn, mà càng to lớn chừng nào thì chúng ta càng xa lánh Thiên Chúa của chúng ta bấy nhiêu. Chúng ta mang danh là Kitô hữu, nhưng luôn đi hai hàng. Chúng ta mua vé số và cầu xin Thiên Chúa cho được trúng. Thưa Chúa nào mà giúp chúng ta được trúng số? Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta luôn dậy chúng ta phải chuyên cần làm việc để đổi miếng ăn. Như các nhà dòng cũng đã sống nghèo nhưng không chỉ đi cầu thực mà không đổi bằng sức lao động của chính mình.

Vâng, Đức Tin thường chỉ tìm thấy ở những con người nghèo, khiêm nhường, và có lòng bác ái. Trong sự sống nghèo mà chính trực thì luôn có Thiên Chúa hiện diện. Vì có Phải Người là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống và Người là Đấng muôn đời quyền năng. Chỉ có Người mới có thể cho chúng ta tất cả, nhất là sự sống muôn đời trên Quê Trời. Amen.

Tuyết Mai
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ruộng Đồng Cao Nguyên
Dominic Đức Nguyễn
22:02 11/08/2011
RUỘNG ĐỒNG CAO NGUYÊN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cầy sâu
Ra công chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền