Ngày 09-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:24 09/08/2016
93. NĂM NAY CHẾT CÓNG.
Tề vương vì muốn được thảnh thơi mãi mãi, nên hạ lệnh cho quân sĩ xây bức trường thành dài bốn ngàn dặm, nhưng trước mắt quốc sự chưa được yên ổn.
Ngải Tử bèn nói với Tề vương:
- “Sáng hôm nay tuyết rơi rất sớm, tôi đến triều bái đại vương, nhìn thấy hai bên đường dân nghèo lõa thể nằm trên tuyết nhìn trời mà hát, tôi liền trách chúng nó không được làm như thế và hỏi duyên cớ, đám dân nghèo nói : “Nếu hôm nay tuyết lành rơi đúng lúc thì điềm báo trước là sang năm được mùa bội thu. Chỉ đáng tiếc là năm nay chúng tôi phải chết cóng, việc này không phải giống với việc xây thành hôm nay sao ?”
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 93:
Tâm lý con người ta ai cũng muốn được nghỉ ngơi thoải mái, nhưng nghỉ ngơi thoải mái mà để người khác phải mệt xác, đau khổ vì mình, thì quả thật không nên.
Chỉ có tinh thần tự nguyện mới làm cho con người vui sướng thoải mái.
Có một bà giáo dân nọ nói với tôi: “Thưa cha, nếu con không vào đạo binh Đức Mẹ thì con sẽ chửi nát mồ thằng cha đó”; lại có một giáo dân khác nói: ”Nếu không phải là mùa chay thì con đánh bỏ mẹ bà nó !”...
Cuộc sống phục vụ của các nữ tu nơi các bệnh viện thật là thú vị, vì các chị phục vụ với tinh thần tự nguyện, các chị tự nguyện mệt mỏi nơi thể xác và có khi trong tâm hồn để cho các bệnh nhân được thoải mái, sung sướng và cảm thấy được an ủi; các chị đã tự nguyện phục vụ Đức Chúa Giê-su đang ở trong các bệnh nhân, tinh thần tự nguyện ấy thật cao cả và đáng khâm phục, các chị không nói: “Nếu tôi không phải là nữ tu thì tôi có thèm làm những chuyện mệt nhọc như thế này...”, nhưng các chị luôn tâm niệm rằng: “Tôi là một nữ tì của Thiên Chúa, tôi tự nguyện phục vụ Chúa trong những anh chị em bệnh nhân của tôi, vì đó là bổn phận của tôi –bổn phận của một tôi tớ.
Phục vụ trong yêu thương là tự nguyện trở nên tối tớ của mọi người trong Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:26 09/08/2016

14. Thoát cái vỏ bên ngoài của mình là bỏ đi tất cả chủ quyền của mình, coi mình như đầy tớ của tha nhân.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
: Lễ Đức Mẹ về trời: Mẹ về trời, niềm hy vọng của chúng ta
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:33 09/08/2016
Mẹ về Trời, niềm hy vọng của chúng ta

LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lc 1, 39-56)

Con rồng trong sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng « rình người nữ sắp sinh con để nuốt lấy đứa trẻ » (Kh 12, 4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Người sẽ toàn thắng.

Chúng ta biết, cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác là không cùng. Con người dù tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn mang trong mình sự mỏng giòn.

1. Sự mỏng giòn của con người

Vốn mỏng giòn yếu đuối, cộng thêm lo âu, phiền muộn về sức khỏe, việc làm, về công việc gia đình phải gánh vác, những mập mờ vô định ngày mai của cuộc đời, lo con còn trẻ, cha mẹ khi đã về già, ốm đau bệnh tật, khủng hoảng về luân lý…tất cả đè nằng lên lòng trí con người. Làm sao không khỏi ngạc nhiên khi thấy thời đại chúng ta đang tụt hậu trước những biến cố của cuộc đời?

Trước những bất hạnh của thế giới, có người buông xuôi không làm gì hết, để mặc cho số phận. Có người cấp tiến hơn, quyết định từ bỏ một phần và tự sát. Có người từ chối truyền lại sự sống mà họ đã lãnh nhận và không chịu nhận cái khả năng có thể cho tương lai của chính họ và xã hội. Dần dần những nhà trẻ sẽ thay thế nhà hưu dưỡng !

Giữa cảnh đời lữ thứ, người kitô hữu sống ra sao ? Đức tin của chúng ta thế nào khi đối diện với các thực tại như thế? Lễ Đức Maria hồn xác về Trời mang lại cho họ hy vọng gì trong cuộc sống?

2. Cuộc chiến thắng !

Chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo Hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không ?

Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời : « Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc » (1 Cr 15, 20 ). Đức Giêsu sống lại, có người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Việc Đức Maria hồn xác lên Trời là một thực tại khác : Đức Maria không phải là Thiên Chúa ; Mẹ là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1 Cr 15, 20-26). Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966).

Đức tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !

3. Sống trong hy vọng

Kinh Tạ Ơn của Đức Maria nêu rõ : « Chúa đã ra oai cánh tay thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng, Chúa lật đổ những người quyền thế, và nâng dậy những kẻ khiêm nhường. Phận đói nghèo Chúa ban của đầy dư... Vì Người nhớ lại lòng thương xót » (x. Lc 1, 39-56). Chắc chắn Thiên Chúa không thể để chúng ta bị nghèo đói đè bẹp, khi chúng ta tin vào lời Chúa hứa.

Mừng kính Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì sự hiện hữu của nhân loại. Thánh Phaolô nói: « Anh em khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng» (1 Tx 4, 13). Chúng ta cố gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.

Người trẻ sống hy vọng, khi họ hướng đến một tương lai khác và muốn sống quảng đại như Chúa muốn.

Những người ở bậc gia đình sống niềm hy vọng, bằng cách hiệp nhất cùng nhau, thủy chung trong đời sống vợ chồng để yêu thương, trao ban hạnh phúc và sự sống cho con cái.

Những người nam sống niềm hy vọng khi mau mắn đáp lại tiếng gọi Chúa để trở nên những linh mục, phó tế trong Giáo Hội, và lấy làm hạnh phúc vì được cộng tác vào sứ mạng cao cả của Đức Kitô Mục Tử ! Chúng ta thật bất hạnh nếu chúng ta không có niềm hy vọng !

Người sống hy vọng còn là người dấn thân cải thiện đời sống xã hội và làm việc công ích, lương thiện với mọi người, chăm sóc những người ốm đau, bệnh tật, già nua để trao ban cho họ niềm tin và giá trị về sự hiện hữu của chính mình. Những người sống hy vọng cũng còn là người tránh xa bom đạn, bạo lực chiến tranh, không ham báo thù.

Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng, hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất, thì thật phúc cho chúng ta, như Mẹ Maria khiêm nhường phục vụ Chúa : « Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước! » (Lc 1, 48)

Nếu như khi xưa Mẹ Thiên Chúa đã đến với bà Êlisabet, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng : hỡi con, hãy tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con. Amen !

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Không thể chấp nhận cái chết của những người Syria vô tội.
Bùi Hữu Thư
08:09 09/08/2016
Ngài nói: “trẻ em và các thường dân khác đang phải trả một giá đắt vì những trái tim khép kín của những nhà cầm quyền.”

Vatican: 2 tháng 8, 2016:

Sau khi đọc kinh Truyển Tin hôm nay với những tín hữu tập trung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô lại lên tiếng kêu gọi cho hòa bình tại Syria.

Ngài nói: “Anh chị em thân mến, đáng buồn thay vì chúng ta cứ tiếp tục tiếp nhận các tin tức từ Syria liên quan đến các nạn nhân chiến tranh là thường dân, đặc biệt là tại thành phố Aleppo.”

Tuần qua, Cơ Quan Trợ Giúp các Giáo Hội Thiếu Thốn thông báo lời kêu gọi của các sơ Dòng Kín Camêlô tại Aleppo: https://zenit.org/articles/a-cry-for-help-from-carmelite-nuns-in-aleppo-syria/
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể chấp nhận sự việc có biết bao nhiêu người vô tội không tự bảo vệ – trong số này có rất nhiều trẻ em – đang phải trả giá rất đắt cho chiến tranh – chỉ vì những trái tim trai đá và sự tham lam mưu cầu hòa bình của những kẻ quyền bính.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cam đoan ngài rất quan tâm đến dân chúng Syria, ngài hứa luôn cầu nguyện và liên đới với họ.

Ngài nói: “Chúng ta hãy kết hiệp với các anh chị em người Syria của chúng ta trong lời cầu nguyện và tình liên đới, và chúng ta hãy trao phó họ cho tình mẫu tử che chở của Đức Trinh Nữ Maria.”

Ngài mời các tín hữu cầu nguyện trong thịnh lặng rồi cùng đọc một Kinh Kính Mừng.

Vatican Radio ghi nhận: kháng chiến quân đang cố gắng đột phá để xuyên qua một giải đất nhỏ do quân chính phủ đang chiếmn giữ để nối kết với các khu vực nổi giậy của họ nằm bên phía Tây Syria cùng với khu bao vây phía Đông Aleppo, và như vậy họ phá tan được vòng vây của quân chính phủ khởi sự từ tháng vừa qua.

Cuộc chiến hết sức kịch liệt kể từ thứ sáu, khi quân kháng chiến bắt đầu tấn công mạnh mẽ. Đã có báo cáo trong cuối tuần qua về sự thiệt mạng của thường dân và sự thiệt hại của các cơ sở dân sự vô tình hay là mục tiêu bị phá hủy bằng đại bác. Các báo cáo này cũng kể đến một vụ oanh tạc bằng máy bay gần một bệnh viện phía Tây Bắc Syria ngày thứ bẩy khiến cho 10 người thiệt mạng kể cả trẻ em, gây thiệt hại nặng cho các cơ sở của bệnh viện.

Ít ra cũng có một cơ quan y tế bác ái đã cho hay trong tháng 7 là tháng nặng nhất tính đến nay về các vụ tấn công các trung tâm y tế tại Syria, với 43 vụ tấn công các cơ sở y tế họ đã ghi nhận.
Sự đổ nát tại Aleppo, Syria
 
Nhật Bản: Hội đồng Giám mục cử hành ''Tuần Thập Nhật vì Hòa Bình''
Chân Phương
08:35 09/08/2016
Nhật Bản: Hội đồng Giám mục cử hành "Tuần Thập Nhật vì Hòa Bình"

TOKYO - Để hưởng ứng "Lời kêu gọi vì Hòa bình" mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra tại Hiroshima vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản cử hành "Tuần Thập Nhật vì Hòa Bình" từ ngày 6 đến 15 tháng 8. Những ngày này được chọn vì liên quan đến ngày Tưởng niệm Vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki và Ngày kỉ niệm kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến cũng được tổ chức trong khoảng thời gian này. Năm nay đánh dấu lần thứ 35 chúng ta cử hành các sự kiện nói trên.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Nhật Bản viết rằng: "Nền hòa bình thế giới đã tan biến và liên tục bị đe dọa bởi các biến cố như cuộc chiến ở Syria, các hoạt động khủng bố của các thành phần cực đoan và những băng nhóm khác, các cuộc xung đột vũ trang liên quan đến việc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên và các mưu đồ bành trướng bá quyền.

Nhiều người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ bị thiệt mạng hoặc bị thương, họ buộc phải rời khỏi quê hương xứ sở, không được hưởng một cuộc sống bình thường. Tấn công khủng bố xảy ra tại các thành phố lớn ở Âu Châu, Hoa Kỳ hoặc tại các quốc gia Hồi giáo. Nhiều người Nhật Bản đã trở thành nạn nhân".

"Dựa vào năng lực của nhân loại và ơn Chúa giúp, chúng tôi muốn thực hiện lý tưởng cao đẹp trong việc loại trừ không chỉ vũ khí nguyên tử mà còn tất cả các loại vũ khí và mọi hình thức bạo lực trên khắp thế giới. Tại đất nước chúng tôi, chúng tôi không thể làm ngơ trước các vụ giết người xảy ra trên bình diện thường ngày, hoặc sự phân biệt đối xử dựa vào nguồn gốc xuất thân, văn hóa, giới tính, bạo lực gia đình, thù hận, tình dục hoặc quấy rối.

Nơi nào không có hoà bình thì nơi đó con người sẽ bị loại trừ, bị đô hộ, bị thiếu tôn trọng hoặc bị phân biệt đối xử. Bằng cách nỗ lực để mang đến sự viên mãn và hạnh phúc trong tâm hồn lẫn thể xác, trong công việc và đời sống riêng tư, và trong mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân nói riêng, chúng ta phải bắt đầu xây dựng hòa bình ở trong chính chúng ta. Chúng ta đều có thể làm điều đó và tất cả chúng ta phải làm điều đó. Đây chính là con đường chắc chắn để kiến tạo hòa bình thế giới". (Fides)

Chân Phương
 
Pakistan: Cả một thế hệ các luật sư bị giết trong một vụ tấn công khủng bố
Đặng Tự Do
17:14 09/08/2016
Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố dã man tại nhà thương Quetta, bên Pakistan làm cho ít nhất 70 người chết và hơn 120 người bị thương. Một vụ tấn công giết chết cả một thế hệ các luật sư của thành phố này.

Sáng thứ Hai 8 tháng 8, ông Bilal Anwar Kasi, Chủ tịch luật sư đoàn tỉnh Balochistan bị 2 người lạ mặt võ trang bắn trên đường tới tòa án.

Khi thi hài ông được đưa đến bệnh viện Baluchistan, bọn khủng bố đã cho nổ bom tự sát ngay tại cổng vào khu cấp cứu của nhà thương nơi tập trung các luật gia trong thành phố và các ký giả.

Tờ Washington Post cho biết cả một thế hệ các luật sư của thành phố này đã bị giết chết trong vụ tấn công. Đức Thánh Cha Phanxicô, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban-Ki-Moon và nhiều nhân vật trên thế giới đã đồng thanh lên án hành động dã man này.

Trong điện văn gửi Đức Cha Victor Gnanapragasam, là Giám Quản Tông Tòa Quetta, được công bố hôm thứ Ba 9-8, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha rất đau buồn khi hay tin quá nhiều người bị thiệt mạng sau vụ tấn công tại nhà thương Baluchistan ở Quetta. Ngài chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân những người quá cố, với chính quyền và toàn thể quốc gia, đồng thời ngài cầu nguyện cho nhiều bị thương là những nạn nhân của một hành vi bạo lực vô nghĩa và tàn ác. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban ơn an ủi và can đảm cho những người đang khóc thương và những người bị tổn thương vì thảm trạng này”.

Đức Cha Joseph Arshad, Giám Mục giáo phận Faisalabad, Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình Pakistan, cũng ra một thông báo lên án vụ khủng bố đẫm máu tại Quetta. Thông cáo có đoạn viết: “Giết người vô tội là một hành vi vô nhân đạo và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ủy ban và Giáo Hội Công Giáo cương quyết đứng cạnh nhân dân tỉnh Balochistan trong giờ phút này, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa những kẻ phạm tội ác đáng kinh tởm này ra trước công lý”.

Thủ tướng Nawaz Sharif bày tỏ đau buồn và lo âu về vụ khủng bố này. Trong khi đó, các luật sư và ký giả đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại nhiều thành phố ở Pakistan.
 
Sứ điệp của Tòa Thánh nhân biến cố Hiroshima và Nagasaki
Đặng Tự Do
17:41 09/08/2016
Cha Michael Czerny, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã công bố một sứ điệp của Hội Đồng tại Hiroshima hôm 6 tháng 8 nhân kỷ niệm cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.

Sứ điệp có đoạn viết:

“Khi chúng ta tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử 71 năm trước đây, cầu xin Năm Thánh Lòng Thương Xót và lễ Chúa Biến Hình linh hứng, giảng dạy và hướng dẫn chúng ta.

Xin cho những biến cố này mở lòng chúng ta ra với lòng thương xót Chúa Cha trên trời để lòng nhiệt thành tràn ngập tâm hồn chúng ta. Nguyện xin ân sủng của sự tha thứ, hòa giải, đoàn kết và hy vọng chạm đến mỗi người chúng ta, mỗi cộng đồng đức tin và mỗi nhóm xã hội chúng ta gặp gỡ trên đường đời”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
50 năm cống hiến cho việc giáo dục thế hệ trẻ của một nữ tu
VietCatholic Network
08:29 09/08/2016

 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Thánh Đaminh
Văn Minh
21:53 09/08/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Thánh Đaminh

“Ai đã tra tay vào cầy mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Câu lời Chúa trên đã được Thánh Đaminh bắt chước và dấn thân vào công cuộc truyền giáo, ra đi rao giảng Tin Mừng cho khắp tứ phương thiên hạ trong suốt cuộc đời của mình.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Đaminh – bổn mạng của giáo họ Đaminh, giáo xứ Vĩnh Hòa, được diễn ra lúc 17g30 thứ Hai, ngày 08.08.2016, do cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Antôn Nguyễn Thanh Hà, Dòng Ngôi Lời.

Tham dự Thánh lễ, ngoài bà con giáo dân trong giáo họ Đaminh, còn có các em thiếu nhi cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ Vĩnh Hòa.

Trước Thánh lễ, lúc 17g00, đại diện quý chức trong Ban Chấp hành (BCH) giáo họ cùng bà con giáo dân trong giáo họ Đaminh có mặt tại nhà cụ Trùm Điều để cùng nhau nguyện kinh, cầu nguyện. Sau đó, vị đại diện Thừa Tác viên đọc tiểu sử Thánh Đaminh và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm về các nhân đức của Thánh nhân, hướng tâm hồn cộng đoàn tham dự Thánh lễ được sốt sắng.

Sau giờ nguyện kinh, lúc 17g15, quý cha cùng cộng đoàn long trọng kiệu tượng Thánh Đaminh từ nhà cụ Trùm Điều đi qua các con hẻm nhỏ hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã tiến vào thánh đường hiệp dâng Thánh lễ.

Sau bài công bố Tin Mừng, cha Antôn Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: Thánh Đaminh sinh năm 1170 tại Tây Ban Nha, trong một gia đình được bố mẹ cưng chiều và chăm lo cách đặc biệt. Tuy nhiên, Thánh Đaminh lại chọn cho mình con đường đi khắc khổ, và dành dụm tiền của mình giúp đỡ cho những người nghèo. Ngài theo học tại chủng viện Palencia, và được lãnh nhận thiên chức linh mục. Thánh nhân đã sống đời khó nghèo và hăng say chuyên cần cầu nguyện làm gương sáng cho mọi người, cùng với lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria lần chàng chuỗi kinh Mân Côi mỗi ngày, nhờ đó mà ngài đã đưa bao linh hồn khô khan, nguội lạnh, trở về với Chúa. Qua đây, ước mong mỗi người trong chúng ta, cách riêng đối với giáo họ Đaminh hãy học hỏi nơi Thánh nhân sống khiêm nhường, yêu thương, và chia sẻ bác ái cho những ai đang gặp khó khăn, bất hạnh, nơi xung quanh mình. Đặc biệt, là cho những người còn chưa biết Chúa, hầu mai nầy được cùng nhau hưởng vinh phúc trên quê trời.

Sau phần hiệp lễ, giáo họ Đaminh cùng cộng đoàn giáo xứ đọc kinh “Năm Thánh Lòng Thương Xót”. Sau đó, ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hòa, đại diện giáo họ Đaminh lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý cha khách, quý chức HĐMVGX cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp từ, cha xứ Gioakim thay mặt giáo xứ chúc mừng bổn mạng giáo họ Thánh Đaminh, và các quý ông nhận Thánh Đaminh làm quan thầy được nhiều hồng ân Thiên Chúa, lòng hăng say phục vụ giáo xứ trong sứ vụ tông đồ của mình, và cùng nhau đưa giáo họ ngày một phát triển hơn nữa.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau đó, quý cha cùng quý chức đại diện trong giáo họ chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Được biết, giáo họ Đaminh hiện có 286 hộ gia đình Công Giáo, 178 nóc nhà, với 1233 nhân khẩu cư ngụ trong các con hẻm nhỏ thuộc phường 05, quận 11. Đây là giáo họ có nguồn nhân lực đóng góp trong sứ vụ tông đồ, cũng như các công việc khác của giáo xứ luôn được xem là giáo họ đi đầu từ trước đến nay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công an, Cán bộ, Chế độ và Côn đồ?
lykhách
16:38 09/08/2016
Công an, Cán bộ, Chế độ và Côn đồ?

Công an cởi áo thành côn đồ
Áo quần tề chỉnh thành cán bộ
Các bác tài thời nay rõ khổ
Chạy đâu cũng đụng con cháu… bác Hồ!

Ậy, tớ nào dám phê phán Bác Hồ
Bác được sánh như Phật…ôi nam mô!
Phật danh Bác kể hằng hà sa số
Phật tính Bác cỡ Mao, Lê-nin, Sịt-ta-lin… chết chẳng chôn mồ

Hôm nay tớ nhiệt liệt hoan nghênh
Quốc hội nước nhà toàn đại biểu mới tinh
Họp phiên đầu tiên cho tớ gởi lời thành kính
Chúc mừng được đảng bố trí ăn trốc ngồi trên

Đại biểu bầu ắt đã đúng… quy trình
Há dân quèn có quyền tự tiến lĩnh
Phiếu bầu cao giống như (mọi lần) dự tính
Đảng cử - dân bầu rõ đâu đó phân minh

Quái lạ! kỳ này tự ứng cử khá nhiều
Nhưng ngài Tổng Lú quá cao chiêu
Đâu để thành phần…"thế này, thế nọ..” đại biểu
Dở chứng mắng Tàu hay hạch đảng thì tiêu!

Quý ngài toàn những thành phần ưu tú
Nên ưu tiên được đảng ưu ái ban cho
Nên bỏ thói quen ngồi họp gà gật ngủ
Nhai lại nhai đi chính sách đảng như cỏ bò!

Nên chăng kỳ này quý ngài nhắc đến chút quốc nhục?
Cá chết đầy, rừng tàn mạt, biển Tàu lộng như hải tặc
Dù hèn mấy thì cũng nên đăng đàn bức xúc
Chả nhẽ đại biểu nước nhà mãi luồn trôn, cúi mặt?

Sĩ xưa chẳng xứng mặt quan thì thà về làm ruộng
Quan tước thời nay lại chuộng kiểu luồn trôn
Xét cho cùng đảng, đoàn đại số vô liêm sĩ
Thiểu số còn lại vì bám lấy đồng lương!

Chao ôi dân nước nông nỗi này
Biển chết, rừng tàn, dân khí đồi suy
Trí thức thời nay dị ứng chữ “chính trị”
Chuộng danh hài, chuộng sao, chuộng xe, chuộng ăn nhậu… quên đi!

Nước mắt ngư dân không làm mặn thêm biển cả
Mồ hôi nông dân chẳng còn cần ruộng vườn đang công trình hóa
Khốn khổ công nhân không thể mềm lòng bọn tư bản đỏ
Chế độ này chẳng thể sửa đổi nhưng cần thiết đập bỏ

Công an cởi áo thành côn đồ
Cán bộ giàu nhanh cũng tâm địa côn đồ
Khi gian ác chính là bản chất chế độ
Sao còn học chi thứ giả đạo đức bác Hồ?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (27)
Vũ Văn An
19:08 09/08/2016
VIII. Hướng về nền văn hóa thương xót

1. Tầm cỡ và tham số của nhà nước an sinh xã hội hiện đại

Chúa Giêsu sai các môn đệ của Người và Giáo Hội vào thế gian. Thành thử, với sứ điệp thương xót của mình, Giáo Hội không thể giới hạn các hoạt động của mình vào lãnh vực cá thể, bản thân hay lãnh vực bên trong Giáo Hội mà thôi. Có thể nói, Giáo Hội không thể thu mình ở phòng mặc áo lễ. Giáo Hội phải là men bột, là muối, là ánh sáng thế gian (xem Mt 5:13tt; 13:33) và phải dấn thân nhân danh thế giới. Tuy nhiên, Giáo Hội không có năng quyền chuyên biệt nào đối với các vấn đề kỹ thuật trong các chính sách kinh tế hay xã hội. Vì các vấn đề liên quan tới trật tự kinh tế và xã hội có sự độc lập chính đáng và thực sự có nền tảng. Không phải các nhà thần học, mà là các giáo dân có khả năng mới có trách nhiệm chính đối với các vấn đề này (1).

Dĩ nhiên, sẽ là điều hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng trật tự kinh tế và xã hội chỉ xử lý các vấn đề kỹ thuật thuộc sự kiện mà thôi. Nó xử lý con người cũng như kế sách và văn hóa sự sống nhân bản, sự hiện hữu có tính cộng đoàn, và, trong nhiều trường hợp, cả sự sinh tồn của con người nữa. Cơm bánh là điều tuyệt đối cần thiết cho sự sống, nhưng con người nhân bản không phải chỉ sống nhờ cơm bánh mà thôi. Họ hơn điều họ ăn nhiều. Họ cần sự chăm sóc có tính nhân bản và cần người khác xử sự với họ ít nhất cũng bằng một chút lòng thương xót. Do đó, việc kinh tế hóa đương thịnh hiện nay đối với lãnh vực xã hội đang làm giảm và thậm chí “cắt cụt” con người nhân bản. Khi xẩy ra điều này, xã hội sẽ đánh mất linh hồn của nó và trở thành một hệ thống vô hồn.

Bởi thế, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay, xét cho cùng, là một cuộc khủng hoảng nhân học và tâm linh. Người ta lo lắng về giá mua sự vật và tự hỏi không biết đồng tiền có giá trị gì không, mà quên hỏi điều gì mới có giá trị và mới xứng đáng với con người và xã hội nhân bản. Muốn không để cho câu hỏi điều gì có giá điều gì đem lại sự sống cho con người nhân bản không bị lãng quên, Giáo Hội phải có tiếng nói trong những vấn đề đạo đức nền tảng liên quan tới kinh tế và xã hội; Giáo Hội phải được can dự vào đó, không phải vì mình hay vì tư lợi, mà chỉ vì lợi ích người ta và vì tình nhân ái xã hội (2).

Vấn đề công lý là điều chủ yếu đối với trật tự xã hội đích thực. Theo định nghĩa cổ điển của Cicero, công lý hệ ở việc dành cho mỗi người những gì vốn là của họ (suum cuique) (3). Ngay từ đầu, Thánh Augustinô cũng đã nhấn mạnh tới ý nghĩa nền tảng của công lý đối với hệ thống chính trị.

“Nếu để công lý qua một bên, thì còn gì là các vương quốc nếu không phải là những bọn cướp? Vì các bọn cướp là chi nếu không phải là các vương quốc nho nhỏ. Chính bọn cướp cũng bao gồm nhiều người, được thống trị bởi thẩm quyền một tên đầu đảng, được nối kết với nhau bằng một thỏa ước liên minh, và chia chác chiến lợi phẩm tùy theo thỏa thuận cứng rắn giữa chúng với nhau” (4).

Trên nguyên tắc, trong khi có sự nhất trí hết sức rộng rãi liên quan tới ý nghĩa của công lý đối với việc trật tự hóa xã hội cách thích đáng, thì nhiều người vẫn còn nêu lên nhiều luận bác về ý nghĩa của thương xót. Họ lý luận rằng thương xót chắc chắn là một nhân đức Kitô Giáo nền tảng nhưng nó không có chỗ đứng trong kế sách của xã hội thế tục. Họ cho rằng thương xót phá hoại cam kết đối với chính nghĩa công lý và, qua việc bố thí, nó chỉ dùng để khoét nhiều lỗ hổng trong mạng lưới xã hội, chứ không hề lên khuôn lại hệ thống để nó trở nên công chính hơn. Qua các trợ giúp tự phát đó đây, thương xót bị tố cáo là che đậy các bất công của hệ thống xã hội, thay vì thay đổi triệt để hệ thống ấy (5). Ngay Mẹ Têrêxa Thành Calcutta và việc Mẹ bênh vực một cách gương mẫu cho những người nghèo nhất trong số người nghèo, cũng không tránh được lời chỉ trích này.

Từ một viễn ảnh khác hẳn, Adam Smith, ông tổ của lý thuyết kinh tế tự do, cũng đã tiến tới một chỉ trích tương tự. Để vượt qua các vấn đề xã hội thời ông, Smith đã không muốn dựa vào tình yêu người lân cận và lòng nhân thương xót, mà muốn sử dụng tư lợi, hay đúng hơn, việc theo đuổi lợi nhuận. Ông xây dựng lý thuyết của mình không trên lòng vị tha, mà đúng hơn, trên lòng vị kỷ và ông tin tưởng rằng “bàn tay vô hình” của thị trường sẽ mang lại trật tự xã hội (6). Như cảnh khốn cùng của chủ nghĩa tư bản thoạt đầu đã chứng minh, đây chỉ là môt giả thuyết ngây thơ.

Marx trút hết sự chế giễu của ông lên sự hòa hợp tiền chế này. Thực vậy, hệ thống tư bản thoạt đầu đầy tàn bạo của thế kỷ 19 quả không hề dẫn tới một trật trự xã hội nào, mà dẫn tới cảnh khốn cùng không thể nào tả xiết nơi các công nhân kỹ nghệ. Trong khi các giả thuyết duy lạc quan của Adam Smith diễn khởi từ một hình ảnh nhân loại hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, đúng hơn, hoàn toàn vị kỷ, thì Marx và chủ nghĩa Marx diễn khởi từ một hình ảnh nhân loại cũng một chiều không kém và có tính duy tập thể, một hình ảnh không hề nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của mọi hữu thể nhân bản và, trong thực hành, đã chà đạp nó dưới chân, vi phạm nó một cách không thương xót. Cảm thương và thương xót bị quăng ra bên đường.

Hai chủ nghĩa duy tự do và Mácxít diễn khởi từ những khởi điểm khác nhau; nhưng chúng đều khởi đi từ một hình ảnh một chiều và sai lạc về nhân loại. Và do đó, chúng đã làm cho quần chúng trở thành nghèo nàn do việc phát triển kỹ nghệ của thế kỷ 19. Vì thế, ý tưởng nhà nước an sinh xã hội hiện đại đã xuất hiện như một phản phát triển thuộc một loại khác hẳn. Ngược với việc chăm sóc người nghèo đã được Giáo Hội khai triển trong các thế kỷ đầu tiên, nhà nước an sinh xã hội hiện đại không chỉ quan tâm đến việc trợ giúp hay giảm thiểu nghèo đói và túng thiếu trong các trường hợp cá thể, mà còn quan tâm đến việc loại trừ cảnh nghèo tập thể nữa, được coi như một hiện trạng hết sức tồi tệ về phương diện xã hội (7). Trách vụ bảo đảm điều đúng và điều chính đáng cho mọi người và xây dựng một trật tự công chính cho toàn bộ cơ chế chính trị không phải là một việc có thể đạt được chỉ dựa vào cá nhân; nó đòi các chính sách có tính qui chế của chính phủ. Bởi thế, ý tưởng căn bản về nền kinh tế xã hội thị trường là nhà nước thiết lập ra các tham số giúp cho nền kinh tế thị trường tự do trở thành khả hữu (8). Các tham số này giả thiết phải đem lại cho mọi người cơ hội để họ tự lập lên khuôn đời họ một cách tôn trọng nhân phẩm và cơ hội tham gia vào việc phát triển xã hội. Hơn nữa, các tham số này còn giả thiết phải lót nệm chống lại các đe dọa đối với đời sống (tuổi già, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn), nhờ thế nói lên một thứ liên đới được định chế hóa.

Ý tưởng kinh tế thị trường xã hội tự chứng minh cho nó. Trên nguyên tắc, nó phù hợp với các điều lệ, vốn đã có trong Sách Thánh, nhằm qui định việc sắp xếp đời sống của xã hội, tức, phẩm giá của mỗi cá nhân, sứ mệnh làm việc và lên khuôn thế giới, công lý, và bảo vệ tài sản, mà còn cả các nghĩa vụ xã hội vốn từ đó phát sinh (9). Như thế, ý tưởng này nói lên một tiến bộ trong chủ nghĩa nhân đạo, một chủ nghĩa, cả trong viễn ảnh Kitô Giáo, cũng cần phải được duy trì và khai triển thêm để đáp ứng với các hoàn cảnh đang thay đổi.

Tuy nhiên, cùng một lúc, điều rõ ràng là ý tưởng nhà nước an sinh xã hội hiện đại cũng gặp những hạn chế của nó vì nhiều lý lẽ và nhiều cách khác nhau; do đó, nó cần được khai triển thêm (10). Cũng như trong quá khứ, người ta không thể lấy tỷ lệ phát triển kinh tế gia tăng đều đặn làm khởi điểm cho việc tài trợ hệ thống an sinh. Mối tương quan có tính số học giữa khu vực sản xuất và khu vực được nó nâng đỡ đã thay đổi một cách đáng kể vì các thay đổi dân số học và tuổi thọ trung bình lớn hơn. Các phát triển kỹ thuật vì xử lý, nhiều cách khác nhau, bằng máy móc và điện tử, những việc trước đây vốn được làm bằng tay, nên đã làm mất đi nhiều chỗ làm và do đó tạo ra nạn thất nghiệp. Điều này cho thấy không những một vấn đề vật chất mà cả một vấn đề nhân bản toàn diện nữa, gây ảnh hưởng tới cảm quan tự trọng bản thân, nhất là đối với giới trẻ và những người thất nghiệp lâu dài. Nó có thể trở thành một thùng thuốc nổ xã hội.

Vấn đề có thực sẽ xuất hiện từ các diễn trình hoàn cầu hóa hiện nay về kinh tế và tài chánh. Các diễn trình này sẽ dẫn tới tình thế trong đó, các nền kinh tế quốc gia càng ngày càng kém độc lập đi và kết cục sẽ là một hệ thống lệ thuộc hoàn cầu. Trước việc hoàn cầu hóa kinh tế này, ngày giờ của các nhà nước an sinh xã hội tự chủ, vốn miễn nhiễm đối với các ảnh hưởng bên ngoài, sẽ cáo chung (11). Vì hầu như không có các hệ thống kiểm soát hoàn cầu, kiểu nhà nước, hoặc chỉ có những hệ thống yếu ớt, nên phần lớn ảnh hưởng sẽ nghiêng về lợi ích của trò chơi thị trường, thông thường vốn tự do, không bị kiềm chế, cụ thể là lợi ích của tư bản; đối với lợi ích này, chỉ các dữ kiện thuần kinh tế, chứ không phải các giá trị nhân bản hoặc những gì có giá trị nhân bản, là đáng kể. Do đó, đối với thị trường tư bản, điều đáng kể nhất là lợi nhuận và tỷ lệ lời lãi. Kết quả là số phận cá thể của nhiều con người nhân bản và thậm chí, số phận của toàn bộ nhiều dân tộc, sẽ lâm nguy. Đại đa số người ta ít nhiều trở thành bất lực khi bị phó mặc cho các lực lượng bốc đồng này và các đe dọa kèm theo đối với cuộc sống của họ.

Ngoài ra, hố phân cách giữa các nước giầu ở Phương Bắc và các nước nghèo ở Phương Nam sẽ gia tăng. Hố phân cách cũng sẽ gia tăng giữa các vùng thịnh vượng (ở Phương Nam) nơi các cá nhân được sống dư dật, và các vùng khốn khổ, nơi nhiều người, đặc biệt các trẻ em, chết vì đói. Sự phân chia của cải cực kỳ bất công trên thế giới đã dẫn tới áp lực phải di cư hàng loạt, tạo gánh nặng cho hệ thống kinh tế và xã hội của các nước đã phát triển về kinh tế và xã hội, và hơn nữa còn có thể đẩy họ vào khủng hoảng. Cho tới nay, mọi cố gắng nhằm vượt qua tình huống cực kỳ bất công này và đạt được một trật tự kinh tế thế giới tương đối công chính chỉ thu lượm được rất ít tiến bộ. Điều chúng ta cần là một nền kinh tế thị trường có tính hoàn cầu, nhưng việc này trước nhất giả thiết phải có một hình thức cai trị hoàn cầu (12), một hình thức mà nếu xét một cách thực tiễn, chỉ có thể đạt được bằng các thoả hiệp liên chính phủ. Bất hạnh thay, các thoả hiệp này khó có thể thực hiện được.

Mặt khác, trong nhiều thập niên qua, tác phong tiêu thụ và các đòi hỏi của người tiêu thụ đã gia tăng. Do đó, các đòi hỏi đối với hệ thống xã hội cũng gia tăng đến nỗi, trong nhiều trường hợp, hệ thống này không còn được bảo bọc bởi sức mạnh kinh tế và thu nhập thuế khóa nữa. Ta đã đánh mất mức cân đo đúng đắn, ta đã và đang sống quá các phương tiện của mình và do đó, đã đem hệ thống xã hội của ta tới chỗ mất cân bằng. Nhiều quốc gia đang mang nợ khiến họ trở thành chúa chổm và sa vào cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Do đó, hiện đang có cảnh nghèo mới, không những cho các cá nhân, mà còn cho cả các quốc gia và cộng đồng nữa, những quốc gia và cộng đồng hết còn khả năng tự tài trợ mình và cung cấp các dịch vụ xã hội cần thiết. Cuộc khủng hoảng nợ nần có thể gây lâm nguy cho hệ thống kinh tế và xã hội như một toàn thể. Trong nhiều trường hợp, cuộc khủng hoảng này khiến những khoản cắt bỏ trong các dịch vụ xã hội của nhà nước trở nên cần thiết. Việc tái cơ cấu hoặc bãi bỏ hệ thống an sinh nhà nước lúc đó có thể dẫn tới nhiều vấn đề xã hội mới. Mặt khác, nợ nần thái quá dẫn tới những khoản tiền lời nặng nề mà thế hệ hiện nay không thể trả được hay không muốn trả, đành phải để nó chồng chất lên các thế hệ sắp đến. Vì thế, có vấn đề công lý giữa các thế hệ với nhau.

Tất cả các điều trên, dĩ nhiên, khiến nhiều công dân lo âu sợ hãi. Họ thấy ý tưởng nhà nước an sinh xã hội bị thách thức trở lại vì việc hoàn cầu hóa và các khuynh hướng tân tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện khiến nhiều cá nhân trở nên giầu có do tham lam trâng tráo, gây hại đến nhiều người khác. Trong tình huống này, giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng đang bị thách thức một cách mới mẻ. Câu hỏi đặt ra là: trong tình huống này, các Kitô hữu có thể làm gì đối với một xã hội có óc xã hội và biết thương xót? Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có thể và nên khai triển thêm ra sao? Trong tình huống này, lòng thương xót của Kitô Giáo có thể thu lượm được một ý nghĩa mới nào không, vuợt quá vấn đề công lý nền tảng?

Kỳ sau: 2. Sự liên tục trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội
____________________________________________________________________________________________
(1) Xem Lumen Gentium, 36tt; Gaudium et Spes, 36, 42, 56, 76; Apostolicam Actuositatem, 7.
(2) Xem Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, phát hành. Xem một số trình bầy có tính cổ điển: Oswald von Nell-Breuning, Gerechtigkeit und Freiheit: Grundzüge katholischer Soziallehre (Vienna: Europaverlag, 1980); Joseph Hӧffner, Christian Social Teaching, bản dịch của Stephen Wentworth và Grerard Finan Arndt (Cologne: Ordo Socialis, 1996). Các trình bầy gần đây theo quan điểm nhân học: W. Korff, “Sozialethik” Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder, 1993-2001), 9:767-77; Reinhard Marx, Das Kapital: Ein Plädoyer für den Menschen (Munich: Pattloch, 2008).
(3) Cicero, De legibus, 1,6,19. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Thelogiae, pt. II/II, q. 58 a. 1. Về một loạt các vấn đề liên quan tới ý niệm công lý, xin xem ghi chú 42 bên dưới.
(4) Thánh Augustinô, Kinh Thành Thiên Chúa, IV, 4.
(5) Về điểm này, xem G. Wingen, “Barmherzigkeit IV”, Theoliogische Realenzyklopädie, do Gerard Müller, Horst Balz, và Gerhard Krause hiệu đính (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 5:233-38.
(6) Xem Marx, Das Kapital, 72tt.
(7) Franz-Xaver Kaufmann, Herausforderungen des Sozialstaates (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1997); Kaufmann, Varianten des Wohlfahrtsstaates: Der deutsche Sozialstaat im internationalen Vergleich (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 2003); Kaufmann, Sozialpolitik und Sozialstaat: Soziologische Analysen (Wiesbaden: Verlag füsozialwissenschaften, 2005).
(8) Các lý thuyết gia có thế giá: W. Eucken, W. Rӧpke, A. Rüstow, A. Müller-Armack, L. Erhard, và nhiều người khác. Xem A. Anzenbacher, “Soziale Marktwirtschaft”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, 9:759-61.
(9). Xem Chương III, 6.
(10) Jürgen Habermas, “Die Krise des Wohlfahrtsstaates und die Erschӧpfung utopischer Energien”, trong Zeitdiagnosen: Zwӧlf Essays (Frankfurt a.M.: Suhrkamp, 2003), 27-49; cả bài “Glaunen und Wissen” trong cùng tác phẩm, 249-62; Wolfgang Ockenfels, Was kommt nach dem Kapitalismus? (Augsburg: Bay Sankt Ulrich, 2011).
(11)Marx, Das Kapital, 16tt.
(12) Đòi hỏi bị tranh cãi và quả tình không thực tiễn này đã được Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nêu ra trong tài liệu của nó, “Hướng tới việc Cải Tổ Các Hệ Thống Tài Chánh và Tiền Tệ trong Bối Cảnh Thẩm Quyền Công Cộng Hoàn Cầu” (2011).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình
Thérésa Nguyễn
20:36 09/08/2016
MÔT MÌNH
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Môt mình có lúc hay hay
Loay hoay lại thấy
hai mình hay hơn….
(tn)