Ngày 06-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 19C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:04 06/08/2019
Chúa Nhật 19 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 12: 32-48)
CHỜ ĐỢI


Kho tàng ẩn dấu trên trời,
Rộng tay bố thí, cho người khó khăn.
Dù cho trộm cướp tìm săn,
Sẽ không lai vãng, thù hằn bon chen.
Tiền tài hư nát sang hèn,
Thực hành bác ái, muối men giữa đời.
Kho tàng chất chứa trên trời,
Không còn mối mọt, sinh lời vẻ vang.
Thắt lưng tỉnh thức gọn gàng,
Canh ba canh bốn, sẵn sàng đón đưa
Chủ về gõ cửa xin thưa,
Đèn chong thắp sáng, ngăn ngừa bóng đêm.
Kẻ thù lén lút nhẹ êm,
Đêm đen đào ngạch, bên thềm không hay.
Các con thức tỉnh đêm ngày,
Con Người sẽ đến, không hay không ngờ.
Như người lính gác mong chờ,
Rạng đông ló dạng, phất cờ hân hoan.
Chuyên tâm cầu nguyện lo toan,
Ngày giờ Chúa đến, khôn ngoan đón chào.

Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Hãy sẵn sàng vì chúng ta không biết giờ nào chủ sẽ về. Tỉnh thức và sẵn sàng không phải ngồi canh chừng trong tâm trạng bất an, nhưng chu toàn công việc hằng ngày. Sẵn sàng không có nghĩa là phải hoàn tất mọi việc. Một tu sĩ đang quét dọn trong tu viện. Chợt một người đến hỏi: Nếu một giờ nữa anh phải chết, anh sẽ làm gì ? Vị tu sĩ trả lời: Tôi tiếp tục quét cho xong.

Hình ảnh người chủ đi dự tiệc cưới trở về và kẻ trộm đào ngạch khoét vách chỉ sự đến bất ngờ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta lấn cấn trong việc mưu sinh. Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi lắng lo ở đời, bởi phù hoa thế tục và của cải vật chất. Con người vì lòng tham, có một muốn hai và cứ thế lăn xả không ngừng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức luôn, vì chúng ta không biết sự gì sẽ xảy ra ngày mai. Có biết bao nhiêu sự cố xảy ra hằng ngày như tai nạn máy bay, tai nạn giao thông xe cộ và chết chóc bất thường.

Truyện kể: Tại Tô Châu, nhà sư Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo. Trong phòng ông có làm một chiếc quan tài dài năm tấc và có nắp đóng mở. Khách đến thăm hỏi: Ngài chế cái này để làm gì ? Nhà sư đáp: Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Người đời ai cũng qúi vinh hoa, công danh và làm lụng vất vả. Suốt đời chẳng nghĩ đến cái chết. Chỉ lo thu tích của cải và thụ hưởng thú vui. Họ sống như thể không bao giờ chết. Khi nhìn ngắm quan tài, chúng ta sẽ tìm ra được các giải đáp trong cuộc đời.

Trên đường xa lộ có những bảng ghi: An toàn là bạn, tai nạn là thù. Ai cũng muốn được an toàn. Trên xe thắt giây an toàn và trên máy bay, các chiêu đãi viên luôn luôn nhắc nhở thắt giây an toàn vì không biết sự gì sẽ xảy ra. Càng sống trong xã hội văn minh, càng có nhiều thứ bảo hiểm an toàn. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng những bảo hiểm sẽ giúp chúng ta an toàn về sức khỏe, nhân thọ và sinh mạng. Có bảo hiểm thì tốt nhưng không thể thay thế cho sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Hãy sẵn sàng vì chúng ta không biết ngày giờ. Sẵn sàng trả lời cho Chúa những công viêc chúng ta sinh lợi trong cuộc sống đời này. Chúa nói rằng: Vì người ta đã ban cho ai nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều. Khả năng, thời giờ và của cải Chúa ban là để sinh lợi, không chỉ riêng cho chúng ta mà sinh ích chung cho con người và xã hội.

THỨ HAI, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 17, 21-26).
NỘP THUẾ


Đền thờ thu thuế người dân,
Chu toàn bổn phận, thế nhân cuộc đời.
Quản thu chất vấn đôi lời,
Thầy và môn đệ, vào nơi chốn này.
Cũng cần nộp thuế trả vay,
Phê-rô đáp lại, là Thầy trả cho.
Vua quan đòi thuế tự do,
Miễn đòi con cái, rút kho ngoại kiều.
Khỏi phiền vấp phạm giáo điều,
Thả câu bắt cá, tiền tiêu thuế phần.
Vâng theo luật buộc thế trần,
An bình xã hội, thuế thân chu toàn.
Công dân bổn phận lo toan,
Hai phần hồn xác, khôn ngoan dự trù.
Cuộc đời nghĩa vụ khiêm nhu,
Hoàn thành sứ mệnh, chân tu tuyệt vời.

THỨ BA, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 18, 1-5.10.12-14).
TRẺ NHỎ


Người nào lớn nhất Nước Trời,
Đó là trẻ nhỏ, gọi mời đơn sơ.
Ai mà đón nhận trẻ thơ,
Vì danh Thiên Chúa, thiên cơ từ trời.
Đừng khinh con trẻ trong đời,
Thiên thần của chúng, trên trời quan chiêm.
Ông già bà cả tị hiềm,
Chúa thương trẻ nhỏ, nỗi niềm dấu yêu.
Tâm hồn thanh khiết yêu kiều,
Thánh nhan chiêm ngưỡng, huyền siêu cao vời.
Chúa chiên cứu chữa người đời.
Lạc đường yếu bệnh, gọi mời chăm lo.
Một con chiên lạc đi mò,
Kiếm tìm khắp chốn, lắng lo từng ngày.
Tâm tình bé mọn thẳng ngay,
Cha Ta yêu mến, thương thay phận người.

THỨ TƯ, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 18, 15-20).
SỬA LỖI


Anh em lỗi phạm điều răn,
Hãy đi sửa dạy, ăn năn tội tình.
Tách riêng góp ý một mình,
Động lòng sám hối, nghĩ tình lắng nghe.
Khi nào tự ái dấu che,
Cần nên giải quyết, bạn bè giúp cho.
Hai ba nhân chứng phụ lo,
Kiêu kỳ phản đối, nhường cho cộng đoàn.
Cứng đầu cứng cổ đa đoan,
Không màng vâng phục, lăng loàn kẻ dưng.
Chúa trao chìa khóa Tin mừng,
Giam cầm tháo gỡ, không ngừng thứ tha.
Hai người cầu nguyện cùng Cha,
Hiệp lời hiệp ý, thiết tha van nài,
Cha Thầy Đấng ngự trên ngai,
Trên trời ban phước, thiên tài giáng ân.

THỨ NĂM, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 18, 21-19, 1).
THA THỨ


Hãy học tha thứ người ta,
Bảy lần là đủ, bỏ qua lỗi người.
Chúa rằng rộng lượng ở đời,
Bảy mươi lần bảy, gọi mời thứ tha.
Lỗi lầm ai đã kinh qua,
Con người yếu đuối, dễ sa tội đời.
Vua kia tính sổ nợ đời,
Một người mắc nợ, không nơi nương nhờ.
Xin vua tha nợ nằm chờ,
Thương tình xóa sạch, nào ngờ Vua tha.
Ra ngoài gặp bạn không nhà,
Cố tình bóp cổ, trấn tra đòi tiền.
Bạn bè gặp khó liên miên,
Tà tâm độc ác, phát điên dập trù.
Vua nghe câu truyện thằng ngu,
Bắt giam trả nợ, ngồi tù biết thân.

THỨ SÁU, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 19, 3-12).
HÔN NHÂN


Hôn nhân kết nối hai người,
Một nam một nữ, ơn trời khấng ban.
Từ đầu tác tạo thế gian,
Hóa công xếp đặt, trao ban vào đời.
Gia đình nồng cốt tuyệt vời,
Tinh yêu gắn bó, cao vời biết bao.
Không nên chia cách thân trao,
Cả hai nên một, kết giao vợ chồng.
Điều mà Thiên Chúa ước mong,
Gia đình kết hợp, nối dòng cháu con.
Cuộc đời chồng vợ sắt son,
Chung tình thuận ý, núi non một lòng.
Lữ hành cuộc sống thong dong,
Gia đình hạnh phúc, cầu mong vững bền.
Nguyện cầu phúc lộc ơn trên,
Chu toàn thánh ý, đáp đền thiên ân.

THỨ BẢY, TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
(Mt 19, 13-15).
TRẺ THƠ


Tinh thần trẻ nhỏ dấu yêu,
Hồn nhiên trong trắng, mỹ miều dễ thương.
Tâm hồn bé mọn náu nương,
Chúa thương ôm ẵm, hoa hương cuộc đời.
Đơn sơ thanh khiết vào đời,
Trở nên trẻ nhỏ, Nước Trời phúc ân.
Không nên quở trách biệt phân,
Cũng đừng ngăn cản, cận thân với Thầy.
Đặt tay chúc phúc cả bầy,
Bé trai trẻ gái, xum vầy hát ca.
Hãy để chúng đến với Ta,
Thương yêu trìu mến, ơn Cha tuyệt vời.
Cửa vào ngõ hẹp Nước Trời,
Khiêm nhu phó thác, sống đời thân thương.
Lời khuyên đưa dẫn mở đường,
Sống như trẻ nhỏ, tựa nương quan phòng.
 
Tỉnh thức và sẳn sàng đón Chúa đến
Lm Đan Vinh
18:42 06/08/2019
Chúa Nhật 19 Thường Niên C
Kn 18,6-9 ; Dt 11,1-2.8-19 ; Lc 12,32-48

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,32-48
(32) “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”. (35) Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (38) “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (41) Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?”. (42) Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc. (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. (46) Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. (47) Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

2. Ý CHÍNH:
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến, bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:
- Tỉnh thức như người đầy tớ trung tín, thức canh để sẵn sàng mở cửa đón chủ về nhà vào bất cứ giờ nào lúc đêm khuya (c 35-38).
- Tỉnh thức như người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ sẵn sàng canh phòng không để nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).
- Tỉnh thức như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận cấp phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).

3. CHÚ THÍCH:
- C 32-34: + Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ: Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an các ông: đừng vì thế mà khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy bán của cải mình đi mà bố thí: Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà phục vụ tha nhân. + Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách: Cần phải tích trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy mất... Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu xác định kho tàng của mình là của cải thiêng liêng, thì các môn đệ sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.
- C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây là thái độ Mô-sê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi nước Ai cập (x. Xh 12,11). Đây cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giê-su lại đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: Ông chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su sắp lên trời trước khi Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay: Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong ngày tận thế chung của nhân lọai. Mọi người đều phải sẵn sàng mở cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ !: Ở đây Đức Giê-su đã thêm một mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn...: Việc này khó xảy ra trong thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).
- C 38-40: + Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. + Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến...: Đây là dụ ngôn về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. + Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet vách đột nhập vào nhà.
- C 41-44: + Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ? : Câu hỏi của Phê-rô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Ki-tô hữu (các câu 42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở: Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là người trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.
- C 45-48: + Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”...: Đức Giê-su nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ là chính Người, như là một cách để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những người lãnh đạo cộng đoàn. + Đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa: Đây là tội thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm vụ của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra: Đức Giê-su sẽ đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ...: Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều...: Thiên Chúa sẽ đòi mỗi người phải trả lẽ về những ơn đã nhận được và về các trách nhiệm đã được Chúa trao phó.

4. CÂU HỎI:
1) Tại sao các môn đệ của Đức Giê-su không nên sợ hãi giờ chết ?
2) Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người sẽ tái lâm ?
3) Các người lãnh đạo cộng đòan cần có thái độ nào để đón chờ Chúa đến ?
4) Tại sao các môn đệ lại bị phán xét nặng hơn thường dân ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHIẾC QUAN TÀI NHẮC NHỚ SỰ CHẾT :
Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: “Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy ?” Nhà sư trả lời : “Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ : người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.

Thật ít có ai lại có thói quen suy nghĩ về cái chết của mình, và cũng ít người nào coi cái chết như một người bạn luôn đi bên cạnh để giúp mình vượt qua những nỗi chán chường cuộc sống như nhà sư trong câu chuyện trên. Phần nhiều, người ta thường bôn ba khắp nơi để kiếm tiền, và thu tích cho mình có nhiều tiền bạc, rồi khi có nhiều tiền lại tìm cách thụ hưởng các thú vui do tiền bạc mang lại, như thể họ sẽ không bao giờ phải chết. Lời Chúa dạy hôm nay đòi chúng ta có thái độ chờ sự chết đến bất ngờ giống như một người đầy tớ thức canh chờ mở cổng đón chủ đi ăn cưới về nhà lúc nửa đêm.

2) DÂNG NGÀY BUỔI SÁNG VÀ NĂNG DÂNG LỜI NGUYỆN TẮT:
Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ !” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời : “Vì mỗi sáng khi vừa thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt :”Con làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa”. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần như vậy thôi”.

3) DÙNG TIỀN BẠC ĐỂ MUA BẠN HỮU NGAY KHI CÒN SỐNG :
Lời Chúa Giê-su hôm nay dạy chúng ta : "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33).

Một bà lão ăn mày kia tên là MA-RY. Bất kể mùa đông giá rét, hằng ngày bà lão đều vất vả đi bộ rảo qua các đường phố xóm ngõ để ăn xin, trên người chỉ mặc một manh áo cũ đã bị sờn rách. Bà kể lể hoàn cảnh túng cực của mình, kèm theo vẻ ngoài tiều tụy nghèo khổ, nên đã được nhiều người thương tình bố thí. Tối đến bà lại trở về túp lều gỗ, ăn uống những món ăn thừa thãi do người ta bố thí. Vì sống quá kham khổ nên cuối cùng bà đã bị bệnh và bị chết đột quị trong túp lều bẩn thỉu của mình mà không ai hay biết. Mấy ngày sau, khi xác chết của bà đã bốc mùi, nhà chức trách thuộc sở vệ sinh Thành Phố được tin đã tìm đến nơi. Họ thấy bà lão đã chết đang nằm trên giường, nhưng ngón tay của bà như vẫn đang chỉ vào một góc nhà. Họ đã cho đào bới góc nhà ấy và cuối cùng đã tìm thấy một hộp sắt trong hộp có chứa tới 127.000 đô la, một món tiền khổng lồ, nhưng số tiền lớn lao đó lại không giúp ích gì được cho chủ nhân của nó.

4) PHẢI KHÔN NGOAN CHUẨN BỊ CHO GIỜ CHẾT SẼ ĐẾN :
Kho truyện cổ Tây Phương có kể tích truyện về một anh hề trong cung điện nhà vua, được vua trao cho phủ việt là biểu tượng của vương quyền, để giúp vui cho nhà vua.
Một hôm nhà vua truyền gọi anh hề lại gần và nói:
- Ngươi hãy giữ lấy cây phủ việt nầy cho đến khi nào tìm được một người khác ngây ngô khờ dại hơn ngươi thì hãy trao cây phủ việt này lại cho hắn ta.
Từ đó, mỗi khi triều đình có tiệc thết đãi bá quan văn võ, anh hề đều được vời đến giúp vui. Với cây phủ việt trên tay và với dáng điệu ngông nghênh, anh hề đã rất thành công trong việc chọc cười để mua vui cho nhà vua và quan khách. Rồi đến một ngày kia, nhà vua bị lâm bệnh rất nặng. Biết mình không thể qua khỏi, vua liền cho gọi anh hề lại gần và buồn rầu nói như tâm sự với anh:
- Này anh hề. Ta sắp sửa phải từ giã mọi người để đi du lịch đến một nơi rất xa.
- Thế Đức vua sắp đến nơi nào vậy ? anh hề hỏi.
- Ta cũng chẳng biết nữa.
- Thế Đức vua đi có lâu không ?
- Ta sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ trở lại nơi đây nữa.
- Thế Đức vua đã chuẩn bị xong hành trang mang theo chưa ?
- Chưa hề.
Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu nhà vua như sau :
- Vậy xin mời Đức Vua hãy cầm lấy cây phủ việt nầy. Thảo dân xin trao nó lại cho Đức Vua. Bởi vì mãi đến hôm nay thảo dân mới tìm được một người khờ dại hơn thảo dân.

5) LUÔN TỈNH THỨC NHƯ MỘT NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN:
Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận vườn hoa đã được chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo óc thẩm mỹ hiếm có. Một hôm một du khách đi qua nơi đây, thoáng nhìn khu vườn ông đã thấy say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra cổng và chủ khách chào hỏi làm quen với nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, phối hợp màu sắc… câu chuyện dần dần đưa họ đến chỗ thân tình.
Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?”- “Khoảng 40 năm rồi” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông ấy có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông ta có hay trao đổi thư từ với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi đều nhận được ngân phiếu từ ông ta gửi qua bưu điện để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến để thưởng ngoạn công trình của cụ đâu?” – “Tôi lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản chăm sóc khu vườn này, thì mình phải tận tụy chứ. Bất cứ khi nào ông chủ về ông sẽ phải hài lòng với việc làm của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, thì chính tôi trước tiên cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do tay mình làm nên”.

Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, không vì cặp mắt của chủ mà vì tinh thần trách nhiệm. Ông coi việc của chủ như việc của mình, nên đã hết lòng chu toàn mọi việc. Thái độ của ông chính là thái độ mà Chúa muốn mỗi người chúng ta hôm nay phải có khi phụng sự Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa liền mở ngay cho chủ. Nếu canh hai hoặc canh ba chủ trở về mà thấy như vậy thì phúc cho đầy tớ ấy”.

3. SUY NIỆM:

1) Tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần “Tỉnh thức và sẵn sàng” như sau:
-Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm, để khi chủ vừa về tới gõ cửa là mở ngay.
-Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh khỏi bị kẻ trộm đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và bình an tâm hồn. Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “.
-Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc người quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta “nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”, thì anh ta sẽ “phải chung số phận với những tên thất tín”. Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả, lười biếng không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phao-lô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống ấy như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).

2) Cụ thể phải tỉnh thức và sẵn sàng thế nào ? :
- “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”:
Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ, cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn đức Tin, chứa đầy dầu ân sủng đức Cậy, để luôn cháy sáng đức Mến giữa đời thường.
- Sống tốt giây phút hiện tại : Hãy luôn ý thức để sống thật tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,32-34).
- Chu toàn việc bổn phận : Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác, như tên quản lý trong bài Tin mừng đã “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Người đó sẽ bị phạt nặng vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ bê bổn phận của mình. Làm tốt việc bổn phận không phải chỉ là làm cho xong, mà còn phải làm với tinh thần trách nhiệm và với lòng mến Chúa yêu người. Thi hào Tagore đã nói như sau : "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận chính là niềm vui".
- Sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào : Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh… Hiện nay nhiều người tuy rất “tỉnh thức” khi chuyên cần đọc kinh lần hạt, nhưng lại đang “mê ngủ” trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức trong việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy “làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường” như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã nêu gương. Nhờ đó chúng ta sẽ chiếu ánh sáng tin yêu, giúp nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy : “Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em trên trời” (Mt 5,16).
- Chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng : Những ai không có tiền vẫn có thể chu toàn sứ vụ tông đồ bằng việc phục vụ tha nhân. Mẹ Tê-rê-sa CAN-QUÝT-TA và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo hay người bệnh tiền bạc vật chất, nhưng đã cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu trong xã hội hôm nay. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ các tiện nghi vật chất và đam mê thấp hèn... mà không dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời, là chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu như sau: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi !” (Ep 5,14).
- Sống Đức Tin bằng việc phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng : Noi gương đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham. Dù không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng hôm nay chúng ta cứ mạnh dạn tiến bước theo Lời Chúa dạy, vì tin rằng : có Chúa đang đồng hành với chúng ta, và cuối cùng chắc chắn chúng ta sẽ về tới Đất Hứa là Thiên Đàng nơi đầy tràn hạnh phúc và bình an.

TÓM LẠI : Là quản lý trung tín, ta không được phản bội Chúa khi dùng những ơn Chúa ban để chống lại Ngài. Cũng đừng dùng sức mạnh để đàn áp bóc lột người khác. Đừng dùng tài năng để tìm lợi riêng cho bản thân mình. Đừng biến thân xác tốt đẹp trở thành món hàng để mua bán… Nhưng hãy dùng tất cả những điều Chúa ban để “làm vinh danh cho Thiên Chúa và để cứu rỗi các linh hồn”. Hãy biết cho đi vì : Càng cho đi, ta lại càng trở nên giàu có; Càng phân phát, ta lại càng được dư dật; Càng quảng đại chia sẻ, ta lại càng xứng đáng được Chúa ban hạnh phúc đời sau.

4. THẢO LUẬN :
1) Bạn đã thấy một người nào bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa ?
2) Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không và ngay hôm nay bạn sẽ làm gì để sẵn sàng đón cái chết đến bất ngờ ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, mới chính là kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát ở đời sau. Xin giúp con sống giữa thế gian nhưng luôn biết hướng lòng về những sự trên trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Mozambique, Madagascar và Mauritius từ 4/9/2019 đến 10/9/2019
Thanh Quảng sdb
16:09 06/08/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Mozambique, Madagascar và Mauritius từ 4/9/2019 đến 10/9/2019

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho hay cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một một chuyến tông du đến Mozambique, Madagascar và Mô-ri-xơ vào tháng Chín tới này.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới các đảo Madagascar và Mauritius của Ấn Độ Dương và tới quốc gia Đông Nam Phi Mozambique.
Trong một công bố vào thứ Tư vừa qua, Giám đốc lâm thời của Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ông Alessandro Gisotti, cho hay cuộc tông du dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 10 tháng 9.
Ông cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các thành phố Maputo ở Mozambique, Antananarivo ở Madagascar và Port Louis ở Mauritius. Chương trình cho chuyến tông du sẽ được công bố trong thời gian tới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm ba quốc gia này như một sứ giả của hòa bình, hy vọng và hòa giải, tất cả các chủ đề của chuey61n tông du được nổi bật trong các logo chính thức của cuộc tông du này.
 
Trong vòng 16 giờ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phải ra đến hai bản tuyên bố liên quan đến hai vụ thảm sát hàng loạt
Đặng Tự Do
20:43 06/08/2019
Chỉ 16 giờ sau vụ thảm sát thứ nhất tại El Paso, Texas, lúc 1:05 phút sáng Chúa Nhật Connor Betts, 24 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên bắn nhanh đã nổ súng thảm sát bừa bãi trong khu vực các hàng quán bán khuya của thành phố Dayton, tiểu bang Ohio.

Chỉ trong vòng 30 giây sau khi y nổ súng, một cảnh sát viên đang có mặt tại hiện trường đã bắn chết y; nhưng khẩu tiểu liên của y bắn với tốc độ quá nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 giây ngắn ngủi ấy, y đã có thể bắn chết 9 người, trong đó có em gái mình Megan Betts, 22 tuổi; và làm bị thương 27 người khác.

Các tiết lộ sơ khởi của FBI cho thấy Connor Betts không có khuynh hướng bài di dân như tên sát thủ gây ra vụ thảm sát tại El Paso Texas. Động cơ bạo lực của tên này xuất phát từ các hình ảnh bạo lực và khiêu dâm.

Kinh hoàng trước các vụ thảm sát diễn ra dồn dập, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), và Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về vụ nổ súng bi thảm này:


Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của những người bị sát hại ở Dayton đêm qua. Những sinh mạng bị mất đi cuối tuần này buộc chúng ta phải đối diện với một sự thật khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ có thể lầm rằng các vụ xả súng thảm sát hàng loạt là một ngoại lệ biệt lập. Chúng là một dịch bệnh chống lại cuộc sống mà, nói một cách công tâm, chúng ta nhất định phải đương đầu.

Lòng thương xót của Thiên Chúa và trí khôn buộc chúng ta phải hướng tới các hành động phòng ngừa. Chúng tôi khuyến khích tất cả người Công Giáo phải tăng cường cầu nguyện và hy sinh để chữa lành và kết thúc những vụ xả súng thảm sát này. Chúng tôi khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện và lên tiếng cho những thay đổi cần thiết đối với các chính sách và văn hóa của quốc gia chúng ta.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các ủy ban liên quan của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phác thảo một chương trình nghị sự canh tân các chính sách và các chiến dịch mục vụ nhắm đề cập đến những phương thức chúng ta có thể giúp trong việc chống lại căn bệnh xã hội đã lây lan trong quốc gia chúng ta.

Hội Đồng Giám Mục từ lâu đã ủng hộ luật lệ về súng ống có trách nhiệm và gia tăng các tài nguyên để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.

Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống và Quốc hội gạt sang một bên các lợi ích chính trị đảng phái và tìm cách bảo vệ cuộc sống vô tội tốt hơn.

+ Đức Hồng Y Daniel DiNardo,
Chủ tịch USCCB

+ Đức Cha Frank J. Dewane
Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn USCCB
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tôi đi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Carthage Missouri 2019
Bách Việt-Houston,TX
21:06 06/08/2019
Tôi đã ghi danh với chuyến xe bus của Cộng đoàn Công Giáo VN tại giáo xứ St. Elizabeth Ann Seton, Houston,TX gần 6 tháng trước, vì tôi được biết anh chị Thuyết+Yến sẽ là người lo lắng, tổ chức cho chuyến xe Bus này gần một năm trước và cũng là lần đầu tiên anh chị đã hi sinh volunteer, đứng ra tổ chức cho cộng đoàn này. Cộng Đoàn St Elizabeth được thành lập 11 năm trước đây, với số giáo dân VN cũng có khoảng bảy tám trăm người, và hiện nay cha Gregory Trần Vy thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc làm quản nhiệm và làm phó xứ tại đây. Giáo dân tại giáo xứ này có hơn 10,000 gia đình ghi danh có lẽ là một trong những GX lớn nhất Houston, hiện có 4 LM phục vụ, và Chúa Nhật cũng phải mượn thêm một số LM khác đến giúp, Tôi cũng rất hãnh diện thuộc cộng đoàn này vì nhà thờ có chầu thánh thể 24/24, ngày thường có 2 thánh lễ, ngày thứ sáu và thứ năm có 3 thánh lễ, rất gần với nhà tôi.

Về khí hậu, thời tiết trong 3 ngày đại hội thật cũng lạ lùng, theo đài tiên đoán thời tiết thì 3 ngày này tại Carthage MO. sẽ mưa 70%-80%, và thời tiết trong tháng 8 tại đây cũng rất là nóng bức, nhưng thật sự 3 ngày đại hội năm nay: khoảng 74 độ F vào 7:00AM và 84độ F vào buổi trưa thời tiết thật là dễ chịu, mát mẻ. chỉ có bị một trân mưa thật to vào buổi chiều thứ bảy khoảng 4:30PM khi cuộc cung nghinh tượng Mẹ Fatima sắp khởi hành, làm cho cuộc cung nghinh Mẹ phải lùi lại khoảng hơn nửa giờ, nhưng sau cùng dù mưa to gío lớn cuộc rước tượng Mẹ Fatima cứ tiến hành con cái Mẹ rất nhiều người, ướt hết vì cơn mưa đổ xuống chan hòa, thật cảm phục lòng yêu kính Mẹ của giáo dân VN. một điều lạ là khi mà thánh tượng Mẹ và đoàn rước về tới khán đài chính thì cơn mưa ngưng, và ánh sáng mặt trời lại ló rạng ! nhưng cuộc thả bong bóng được lùi lại trước thánh lể đại trào 15’( 7:45 PM). Tất cả các chương trình, thánh lễ trong 3 ngày đại hội đã được diễn ra thật tốt đẹp.

Nhìn từ phía phải của lễ đài chính Tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy 3/8/2019 8:30PM

Xe Bus chứa khoảng 56 người của chúng tôi đã khởi hành từ 5 giờ sáng ngày thứ năm 1/8/2019 và đã tới nhà dòng khoảng 4:45PM cùng ngày số người đã tới đây từ hồi nào mà đông qúa, người người đi lại tấp nập, xe cộ thì kẹt cứng, xe Bus của chúng tôi cố gắng đi tới lều gần hội trường các Thánh tử đạo chỉ còn gần 200 met, vậy mà không sao vô nổi vì trước mặt là 3 xe Bus to khác cũng không sao ra khỏi và họ yêu cầu xe chúng tôi phải lùi ra tôi đã phải gọi tới cha trưỡng ban và cảnh sát để giúp đỡ vì ông tài xe bus của chúng tôi là người đầu tiên đến đây, ông sợ qúa vì ông không hiểu sao mà người nhiều như thế! cứ nói là muốn unload và stop từ xa xa, nhưng tôi yêu cầu ông cứ kiên nhẫn và sau cùng cũng đã tới được căn lều của chúng tôi. Trong thánh lễ khai mạc 7:00PM tối thứ năm số người tham dự kín cả phía lễ đài chính và công trường Nữ Vương Hoà Bình. Trong những ngày Thánh mẫu này có đến 5 đức cha, 2 là người gốc Việt 3 Đức cha là người bản xứ( một đức cha địa phận nhà và một đức cha từ Floria một từ Wichita,KS.

Dâng nước VN sau khi kiệu Mẹ Fatiam về khan đài chính chiều thứ Bảy 3/8/2019

Tôi cũng đi tham dự đại hội khá nhiều lần nhưng có lẽ năm nay là năm có số người đông nhất, cũng phải tới trên 90,000 người tham dự. Tôi có hỏi cha đặc trách về tiếp tân số các linh Mục và sisters năm nay ? cha nói trên 2 trăm LM và trên 2 trăm Sisters. Tôi thấy ngay trong thánh lễ khai mạc chiệu thứ năm 1/8/2019 lúc 7:00PM số người tham dự đầy kín phía lễ đì và công trường Nữ Vương Hòa Bình; trong thánh lễ đại trào chiều thứ bảy 3/8/2019 lúc 8:00PM phía lễ đài, công trương Nử Vương Hoà Bình và chung quanh nhà 3 lầu đã đày kín người, không còn nhúc nhich, ngay cả lúc 7:30PM khi các cha, các đức cha di chuyển từ nhà ngủ qúy cha tới đền thánh Khiết tâm để vân áo cho thánh lể lúc 8:00PM các ngài cũng phải, rất khó khăn, chen chúc trong biển người di chuyển chật cứng!!

Nhìn từ công trường Nữ Vương Hoà Bình Thánh lễ đại trào chiều thứ Bảy 8:00PM 3/8/2019

Tôi cũng được nghe một số giờ hội thảo do cha Trần Hữu Thảo lúc 10AM ngày thứ Sáu tại HTMẹ Lên trời với đề tài Về gia Đình nhà tôi, thật là đầy đủ dể hiểu, cảm động làm cho tôi cũng phải rơi nước mắt, có rất nhiều những những vấn nạn về gia hình hôm nay! 12:PM với đề tài tìm hiểu nguyên nhân giới trẻ bỏ nhà thờ ? do cha Minh Trân hướng dẫn, cũng rất là dể hiểu, bổ ích; Tôi không tham dự những cuộc hội thảo của cha Toàn, cha Hy hay cha Quang Hồng vì tôi biết rằng các cha nói hay qúa và số người thì cũng qúa đông và đầy chật …văn nghệ tối thứ Sáu do SBTN cũng rất là sôi động hứng thú, với những bản nhạc yêu quê hương, đấu tranh của nhạc sĩ Trúc Hồ và Việt Khang; các bản hoạt cảnh do các em thuộc GX Phan văn Minh Florida rất là công phu và đẹp mắt ! về vấn đề an ninh thì cũng rất là chặt chẽ, cẩn thận, cảnh sát tuần tra 24/24, một số các em trẻ có lẽ họ thức xuất đêm ? có đêm tôi không ngủ được 2 giờ sáng lên đền thánh cầu nguyện với Mẹ thì thấy người ta cũng còn đang cầu nguyện, rất nhiều em còn thức và nói chuyên tại công trườngNữ Vương Hoà Bình ! cảnh sát cứ từng đôi đi tuần họ vào cả đền Thánh, dưới hầm. Rất cảm động khi nhìn thấy rất đông các em thiếu nhi Thánh thể đồng phục dàn hàng giữ trật tự, giúp các cha đưa mình thánh Chúa ! Chương trình văn nghệ dành cho giới trẻ tại HTCT tử đạo vào tối thứ bảy 10:00 PM tôi cũng đáo qua xem sao, thấy các em đang hứng thú với nhũng ban nhạc vui nhộn đèn mầu lấp lánh mà tôi cũng chả hiễu gì ! Năm nay tôi thấy các cột đèn nhà dòng đã thay cột cũ dùng cốt đèn mới cao hơn và thật là sáng, toàn bằng bóng Lead, chắc cũng bộn tiền …

Các quán ăn thì rất là ngon, tôi đã thử rất nhiều quán, lúc nào cũng đầy up người, quán Biển nhớ có món bún riêu thật tuyệt vời, tôi đã ăn hai ba lần cũng chỉ bún riêu. Chiều thứ Bảy sau khi kiệu về, quán nào cũng không kịp phục vụ các em phục vụ chạy mệt nghỉ mà khách vẩn phải chờ, phải chờ… Bắp nếp qúan số 1, rất là chạy, hai cooler dầy up bắp mang ra mà chỉ trong 10 phút là hết sạch làm tôi đã phải đợi chuyến khác !

Trong xe bus này chúng tôi hân hạnh có 10 thành viên của ca đoàn Tin Yêu thuộc GX Lavang Houston, trong số này có ca trưởng và cũng là nhạc sĩ Vĩnh Phương người đã trong ban giám khảo kỳ thi chọn lọc giọng ca vàng Houston, anh cũng sáng tác bài hát dâng lễ được hát trong thánh lễ đại trào tối thứ Bảy NTM vừa qua, thật là hay du dương !anh nói anh không phải là ca sĩ nhưng anh đã hát cho anh chị em trên xe bus nghe một bản nhạc quen thuộc, nhưng rất là ấn tượng, làm nhiều người mủi lòng và rơi lệ đó là bản “Mẹ VN ơi chúng con vẫn còn đây”có MC, ca sĩ thật duyên dáng tên là Michell Hoàng cũng là lần đầu tiên dự đại hôi, không ngờ đây là cơ hội thật là tuyệt vời nghe hội thảo, dự các lễ nghi tôn giáo đến nỗi quyên cả gọi về cho O. Xã bệnh tật ỡ nhà và cố gắng từ đây sẽ đi đại hội thường xuyên, một số ca sĩ Thảo, Nga cũng hát vài bản ca thật hay. Đặc biệt nhất là một vài giọng ca thật ấm và điêu luyện của một bác mặc dù trên 70 tuổi, thật là tuyệt vời! cũng có một số anh chị em thuộc GX khác nên việc sinh hoạt văn nghệ, trong khi hành trình dài rất là xôm tụ, khi từ nhà dòng về lại Houston được thêm cha Tiến Đức thuộc địa phận Hà Nội và sister Kim Anh dòng Đa Minh-Hải phòng hiện đang du học tại Hoa Kỳ đi cùng thật là một hồng ân Chúa ban, các ngài đã chia sẽ, kinh nghiêm mục vụ, với những câu truyện tếu, sinh hoạt thật là hứng khởi làm cho cuộc hành trình dài hầu như rút ngắn lại. trong cuộc hành trình trên xe, chúng tôi cũng đã đọc kinh 50 kinh văn côi, lần chuỗi Chúa Tình Thương lúc 3 giờ, nhắc nhở nhau yêu mến Đức Mẹ, xin Chúa Mẹ chúc lành. Tạ ơn Chúa.

Sơ Kim Anh là một trong những người đi tham dự Đại Hội Missouri lần đầu đã phát biểu, thật là lạ lùng, phấn khởi khi nhìn thấy hàng ngàn, hàng vạn người hành hương, sốt sáng thánh thiện đã làm cho nơi này trở nên nơi thánh, Sơ còn dí rỏm phỏng vấn một số anh chị em về lý do gì anh chị em không ngại đường xa, tiện nghi thiếu thốn đã đến dự Đại hội trong những ngày qua ? có anh chị em nói, vì muốn được học hỏi thêm đạo, xem những gương lành của người khác mà làm cho đức tin mình vững chãi thêm,tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, được gặp mặt đồng hương, family union …, có anh còn ước muốn chụp chung anh chị em trên xe một tấm hình, nhưng ước mong đó không được thực hiện vì trời đã tối rồi. có bác tâm sự: Chúa cho còn sống chúng tôi cố sẽ đi hàng năm cho tới khi không còn đi được nữa. Có anh phát biểu sau hơn chục năm trở lại nơi này, thât là amazing, cách tổ chức thật là hoàn hảo, không còn hoàn hảo thêm được ! Xe bus của chúng tôi đã tới nhà thờ St. Elizabeth khoảng 8:30PM ngày chủ Nhất 4/8/1019 bình yên, Ta ơn Chúa.

Xin cám ơn anh chị Thuyết+Yến người đã có công tổ chức xe Bus và lo liệu từ A-Z để cho chúng em có được một cuộc hành hương ý nghĩa và vui vẻ và cũng cám ơn cả nhà, vui qúa, vui qúa.

Bách Việt-Houston,TX
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam Quốc Nội Cần Sự Giúp Đỡ
Hà Minh Thảo
21:45 06/08/2019
Từ khi bước vào mùa Hè 2019, ba biến cố quốc tế giữa Việt Nam và các nước đáng cho chúng ta, những Việt quốc gia còn nhớ cội nguồn Dân Tộc, lưu tâm. Nói đến cộng sản là phải nghĩ đến sự bất tín : hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 chưa đủ để các chánh trị gia rút kinh nghiệm. Hay tuy biết sự bất tín đó, nhưng vẫn cố làm vì quyền và tiền, mặc kệ hành động đó gây sự đau khổ cho người dân Việt không cộng sản. Người Việt hải ngoại, đặc biệt người Mỹ gốc Việt có quyết tâm giúp đồng bào quốc nội tìm lại Dân Quyền như đã có và đã mất sau thời Việt Nam Cộng hòa…

I.- KẺ LẠM DỤNG THƯƠNG MẠI TỒI TỆ NHẤT.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business ngày 26.06.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định như vậy đối với cộng hòa xã hội việt nam mà ông đã cố tình quên những vi phạm về nhân quyền của nước này để đạt những lợi lộc về buôn bán và kinh tế. Trước đó, ngày 19.09.2017, tại diễn đàn Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, ông Donald Trump đã có bài phát biểu ‘nảy lửa đốt cháy các nước côn đồ, sát nhân’, như Iran, và những quốc gia xã hội chủ nghĩa như Bắc Hàn hay Venezuela. Nhưng, hình như ông vẫn muốn tiếp tục vuốt ve việt cộng như từ thời Obama đã mở cửa rao bán võ khí sát nhân. Hai lần đến Việt Nam, tháng 11.2017 dự Hội nghị APEC và 02.2019, nhân thượng đỉnh Mỹ và Bắc Hàn, Tổng thống Trump chỉ đề cập đến buôn bán, nhưng nhắc rất ít về nhân quyền mà việt cộng phải tôn trọng đối với đồng bào.

Chính quyền Hà Nội đã phải lên tiếng cam kết không để Việt Nam biến thành cửa ngõ cho phép bất kỳ một quốc gia nào lách thuế nhập cảng của Mỹ. Nhưng có lẽ Washington chưa hài lòng với thiện chí đó của Việt Nam. Do vậy, đối với Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài không hẳn là một điềm lành vì phải theo lịnh cộng sản đàn anh hay tư bản Mỹ.

Hoa Kỳ đã bắt đầu đánh thuế trên thép Hàn Quốc từ tháng 12/2015 và Đài Loan từ tháng 02/2016. Số liệu thống kê đã cho thấy các dấu hiệu đáng nghi : Trong thời gian từ lúc thép hai nước này bị thuế cho đến tháng 04/2019, lượng sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam đến Mỹ đã đột ngột tăng nhanh từ 332% và 916% so với cùng kỳ trước đó. Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra và đã cáo buộc nhiều doanh nghiệp đã xuất cảng sản phẩm thép từ Việt Nam để tránh né thuế phá giá nhập cảng sang Mỹ. Một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đã đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc Tàu lên đến 531% từ cuối năm 2017.

Ðầu năm 2018, Hoa kỳ khởi động tấn công nền kinh tế Tàu và có thể vào cả hệ thống chính trị độc tài nước này. Một làn sóng ngấm di dời vùng đầu tư từ các xí nghiệp Tàu vào Việt Nam. Khi ông Trump tăng cao thuế lên hàng hóa Tàu thì làn sóng xí nghiệp này tiến vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ mỹ kim đăng ký vốn đầu tư từ Tàu vào Việt Nam. Sự kiện này làm nhà nước Mỹ giận dữ là Việt Nam đã trở thành một kẻ gian tiếp tay cho hàng Tàu gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Mỹ. Do đó, họ trừng phạt bằng đánh thuế ‘thép Việt có nguồn gốc Tàu’ từ tháng 12/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định có đến 90% sản phẩm thép từ Việt nhập vào Mỹ có xuất xứ từ Tàu, tức Việt Nam đã thông đồng với Tàu cộng để lừa người Mỹ.

Tháng 05/2018, ông Jeffrey Gerrish, Phó Đại diện Thương mại Mỹ, đã đến Hà Nội để gặp Vương Đình Huệ, Ủy viên bộ chính trị kiêm Phó thủ tướng,

phụ trách kinh tế của Việt Nam để ‘san bằng thâm hụt thương mại’ theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhằm buộc Việt Nam phải hạ mức thâm hụt buôn bán xuống mức dưới 8 tỷ mỹ kim/năm. Thế mà, ngày 29.07.2019, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại đã phải cảnh báo Hà nội phải có biện pháp cắt giảm thặng dư thương mại Việt Nam trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục tăng áp lực lên các quốc gia Đông Nam Á trong các trao đổi thương mại với Hoa Kỳ. Thâm hụt thương mại Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng và chính phủ Mỹ ‘đã nói rõ với Việt Nam rằng họ phải có biện pháp để giảm mức thâm hụt thương mại ‘không bền vững’ này’. Thặng dư mậu dịch hàng năm Việt Nam với Mỹ lên đến gần 40 tỷ mỹ kim năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2019, số thặng dư đó đã tăng 43% so với mức 21,6 tỷ mỹ kim một năm trước đó. Ngoài ra, Washington, tháng 5/2019, đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước bị nghi ngờ thao túng tiền tệ để đẩy mạnh xuất cảng.

II. HIỆP ÐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – ÂU CHÂU.

Sau khi được Tổng trưởng các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu phê chuẩn, ngày 30.06.2019, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Âu châu (EVFTA, Europa Vietnam Free Trade Agreement, tiếng Anh và Accord de Libre-échange entre l’Union européenne et le Vietnam, tiếng Pháp) đã được ký kết tại Hà Nội bởi Cao ủy Thương mại Liên hiệp Âu châu Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh.

Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Liên hiệp Âu châu được khởi động năm 2012 và hoàn tất vào ngày 02.12.2015. Chiếu theo quyết định tháng 05/2017 của Tòa án Công lý Âu châu, Ủy ban Âu châu đã phân tách thành hai hiệp định khác nhau (Hiệp định thương mại và Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Âu châu) đã được ký kết cùng ngày, nhưng với các thủ tục phê chuẩn khác nhau.

Bà Cecilia Malmström, do AFP trích dẫn, cảnh cáo : « Việt Nam là một thị trường năng động đầy hứa hẹn, với trên 95 triệu người tiêu thụ ». Tuy nhiên « Hiệp định này cũng nhằm tăng cường việc tôn trọng nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động ». Bà nhấn mạnh, Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT, Organisation International du Travail, tiếng Pháp và ILO, International Labor Organization, tiếng Anh) về thương lượng tập thể.

Lời tuyên bố của bà thật mạnh mẽ, hơn cả của các lãnh đạo Hoa Kỳ, nhưng có thực hiện được hay không là điều thật đáng nghi ngờ khi Nghị viện Liên âu, cơ quan dân cử duy nhất của Liên minh Âu châu, đã biểu quyết bởi gần như toàn thể nghị viên khá nhiềâu các Nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam, nhưng các Cao ủy viên (Hành pháp) đến Hà Nội thương lượng đã lờ đi các Nghị quyết đó.

III. CĂNG THẲNG TẠI BÃI TƯ CHÍNH.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung cộng vẫn tiếp tục sau nhiều tuần tại Bãi Tư Chính nơi Biển Đông, gồm việc các đại diện ngoại giao hai nước liên tiếp đưa ra những bình luận mang tính chỉ trích, cao buộc lẫn nhau trong những ngày qua. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một cuộc biểu tình nào do người dân tổ chức trên bất cứ nơi nào trên toàn Việt Nam. Điều này khác hẳn với những cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ tại nhiều nơi vào mùa hè năm 2014, khi Tàu cộng đưa một giàn khoan thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Những người cổ súy cho tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội đã đưa ra chung một lời giải thích về sự kiện này. Họ nói rằng người dân đã bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Tàu cộng trong quá khứ, nhưng đã bị nhà nước đáp trả bằng sự ‘ngược đãi’, đánh đập thô bạo. Vì vậy, ngày nay, họ có thái độ ‘thờ ơ’.

Nghệ sĩ kiêm đạo diễn Nguyễn Công Vượng, ngày 27.07.2019, viết trên Facebook cá nhân : « Những người yêu nước bị tổn thương … Có lẽ hiếm nơi nào như Đất Nước chúng ta khi lòng yêu Nước là có tội! ... Và rồi bây giờ nếu Sơn Hà có biến thì những người Yêu Nước khi xưa đôi khi họ dửng dưng, thậm chí Nhà Nước có cho phép và kêu gọi xuống đường biểu tình thì những Nhân Sĩ, Tri Thức, những nhà Dân Chủ tiên phong cũng sẽ chẳng xuống đường nữa!

Trong khi đó, trái lại, ngày 26.07.2019, Dân biểu Mỹ Eliot L. Engel, Chủ tịchỦy ban Ðối ngoại Viện Dân biểu, ra tuyên bố về việc Trung quốc ‘can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát’, trong đó ông ‘lên án Trung quốc’ và bày tỏ ủng hộ Việt Nam. Ngày 23.07.2019, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz nói Tuần duyên Mỹ (USCG) quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam và tái khẳng định cam kết lâu dài đối với an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp.

Trong cuộc họp báo hôm 11.06.2019, Phó Đô đốc Linda L. Fagan, Chỉ huy Tuần duyên Mỹ phụ trách vùng Thái Bình Dương, tuyên bố : « Tuần duyên Mỹ ủng hộ mối quan hệ đối tác toàn diện với Cảnh sát Biển Việt Nam, cùng làm việc để củng cố năng lực thực thi pháp luật và hàng hải của Việt Nam ».

Thật đáng tiếc khi các viên chức dân cử và quân sự Mỹ đã ủng hộ Việt Nam cộng sản về mặt biển, nhưng không biết Tàu đỏ đã có mặt trên đất liền và đã Hán hóa người dân Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ðó là chưa kể đến các đặc khu Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà số phận đã được an bài. Càng đáng nguyền rũa hơn khi H. Kissinger, tháng 01/1974, vì sợ Tàu cộng trách, nên không dám giúp Hải Quân Việt Nam Cộng hòa bảo toàn quần đảo Hoàng sa.

Một năm trước đó, Hiệp định Paris ngày 27.02.1973 được ký kết để cả đôi bên Mỹ và Bắc Việt đều vi phạm để đưa đến ngày quốc nạn 30.04.1975.

Ðáng khinh họ hơn nữa khi họ không ‘cập nhật hóa’ : Ngày 30.07.2019, Trung tướng Ngô Minh Tiến (Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội việt cộng tuyên bố tại Lễ Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa, do Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam tổ chức « Vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam và Trung Quốc mà còn là tâm nguyện, khát vọng của thế giới văn minh ngày nay ». Ðồng bào trong và ngoài nước nghĩ sao về lời tuyên bố này ?

Trưa ngày 06.08.2019, một số người dân gồm các nhà hoạt động dân sự tiến hành căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu chống Tàu cộng trước Tòa đại sứ Trung cộng tại Hà Nội, lối 20 phút. Biểu ngữ mang nội dung ‘Yêu cầu chính phủ Việt Nam nộp đơn kiện Trung Quốc lên tòa quốc tế’. Những người tham gia biểu tình hô vang các khẩu hiệu ‘Hoàng Sa, Việt Nam! Trường Sa, Việt Nam! Đả đảo Trung Quốc xâm lược Bãi Tư Chính!’...

IV. KHẨN KHOẢN ÐỀ NGHỊ.

A. Nhà Tù Cộng sản.

Sau khi Việt Nam trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc, những người dân ‘không muốn bỏ nước ra đi’ nuôi chút hy vọng cộng đảng ‘biết điều’ với sự khuyến khích của quốc tế cho hưởng chút Tự Do mà người dân Việt Nam Cộng hòa đã có trước đó. hời gian trôi đi và trôi đi… tính đến nay đã trên 40 năm, chúng ta thấy được gì ?

1. Ngày 07.07.2018, công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, cư ngụ tại thành phố Orange County (California), bị bắt giam khi đang trên đường từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh. Ngày 24.06.2019, ‘trong phiên tòa diễn ra chưa đầy 4 giờ đồng hồ’, ông Michael và ba người Việt Nam đã bị Tòa án Việt Nam tuyên án 12 năm tù vì bị cáo buộc tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Trong suốt thời gian bị giam giữ gần một năm trước khi xử án, ông Michael không được phép gặp thân nhân hay tiếp xúc với luật sư bào chữa.

Ngày 25.07.2019, bà Helen Nguyễn, vợ của ông Michael Nguyễn, đã ra điều trần trước Hạ viện Mỹ với tư cách nhân chứng cho các vụ vi phạm nhân quyền ở các nước Đông Nam Á. Bà tố cáo nhà nước Việt Nam đàn áp những tiếng nói bất đồng, trong đó có những nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt như chồng bà, ông Michael Nguyễn. ‘Chồng tôi đã bị tước quyền được xét xử một cách công bằng theo luật pháp quốc tế. Chính phủ Hoa Kỳ, một quốc gia tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân, nên làm tất cả những gì có thể làm được để anh Michael được phóng thích. Liên Hiệp Quốc, một tổ chức tiên phong quốc tế về nhân quyền, phải khẳng định rằng các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, phải nghiêm túc tuân thủ các định chế quốc tế, các công ước quốc tế về nhân quyền’.

Lên tiếng tại buổi điều trần, dân biểu Brad Sherman, Chủ tịch Tiểu ban phụ trách các vấn đề Á châu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cảnh báo Việt Nam nên coi trọng mối quan hệ giao thương với Mỹ bằng cách hãy trả tự do cho ông Michael.

2. Trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa ngày 14.03.1988, bộ trưởng bộ quốc phòng Lê Đức Anh đã ra lịnh ‘không được nổ súng’ trong trường hợp Tàu cộng đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa. Hậu quả là hải quân Tàu đã dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 lính hải quân Việt Nam.

3. Ngày 28.12.2012, công dân Nguyễn Hoàng Vi, sinh ngày 03.04.1987, đang ngồi ở công viên Bách Tùng Diệp, Thành Hồ, bị rất đông công an bắt về đồn Công an Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Trên xe và tại đồn, chúng đã cướp hai điện thoại và tiền bạc cùng đánh đập chị rất dã man. Sau đó, một nữ an ninh mặc thường phục bắt chị Vi phải cởi hết quần áo để khám xét mà không có một lệnh nào. Chị Vi từ chối, chúng cưỡng chế lột hết quần áo, chỉ còn đồ lót truớc mặt các nam an ninh và ngang nhiên quay phim cảnh lột đồ và khi nạn nhân chỉ còn đồ lót, rất lâu.

Do sức khỏe kiệt quệ, cơ thể chị lạnh run và nôn mửa liên tục… Sau đó, chúng bắt chị Vi phải lột hết đồ lót để tiếp tục khám người. Chị vẫn không đồng ý. Chúng cho 4 người cưỡng chế thô bạo, khiêng chị đặt nằm lên bàn làm việc trong phòng, lột hết những mảnh vải cuối cùng. Sau đó, 4 phụ nữ, người nắm tay, nắm chân kéo 2 tay 2 chân dang ra, rồi dùng tay chọc vào chỗ kín chị trước sự chứng kiến của các nam an ninh khiến chị Vi rất đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Chị chỉ biết đau đớn la hét giữa bầy sói bạo tàn. Cuối cùng, cô bé an ninh Q. 1 đã nói với những kẻ khác là: ‘Chú Hải bảo làm như vậy’. Ðúng hắn là Lê Minh Hải, Bí thư Thành Hồ, sau 15 năm làm hung thần sắp trở thành củi đốt do ‘thanh trừng nhau’ bởi phú Trọng.

4. Ngày 02.08.2019, chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đặng Minh Mẫn, sinh năm 1985, người thứ ba trong gia đình có ba người bị nhà nước việt cộng kết án do phản đối sự bá quyền của Tàu cộng trên Biển Đông, đã về đến nhà sau 8 năm tù khắc nghiệt và đang phải chịu 5 năm quản chế.

Ngày 05.06.2011, khi biển đảo Việt Nam dần dần bị mất thì cả ba mẹ con bà Đặng Ngọc Minh đều đi phản đối. Năm 2013, cô Minh Mẫn cùng mẹ và anh trai bị đưa ra xét xử trong phiên tòa xử 14 thanh niên Công Giáo với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ khi cô viết và sơn ‘HS.TS.VN’ (Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam).

5. Trò ‘tự ứng cử Ðại biểu Quốc hội việt cộng’.

Sau ngày 30.04.1975, đại đa số người yêu nước vẫn chọn Việt Nam làm Quê hương để, sát cánh cùng đồng bào bảo vệ nhau và bảo vệ Tổ Quốc trước một nhà nước phục tùng Tàu và được quốc tế công nhận, trong đó có Hoa kỳ, nước ký Hiệp định Paris để tìm đường tháo chạy trong danh dự.

Trong số những nhân vật đó, chúng tôi chọn giới thiệu Luật sư Lê Quốc Quân, người đã được tuần báo Nouvel Observateurs ngày 13.09.2013 vinh danh là một trong 50 người góp phần làm cho khuôn mặt nhân loại thay đổi trong tương lai (Les 50 qui changent le monde), đang bị tạm giam do bị ghép tội ‘trốn thuế’ : một trong những nhân tài Người Việt ?

Năm 1997 khi còn là sinh viên Đại học Luật, ông đã tự ứng cử nhưng đã bị dọa đuổi học và phải rút đơn. Tháng 3/2007, khi đang cầm trên tay Hồ sơ ứng cử Ðại biểu Quốc hội khóa 12 thì bị bắt. Trước đó, ông là nhà tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Ông đã được hai tổ chức này khen ngợi vì lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo và thể chế chính trị đa nguyên.

Ngày 08.03.2007, sau khi tham gia một khóa học của tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) ở Mỹ, ông bị bắt sau khi trở lại Việt Nam. Phản ứng trước sự kiện này, ứng cử viên Tổng thống Mỹ John McCain, và cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright, đã viết thư phản đối, và tổ chức Amnesty International gọi ông là Tù nhân lương tâm. Đại sứ Mỹ Michael Marine đã mời vợ ông tới dùng trà tại tòa đại sứ nhưng bị công an Hà nội ngăn trở. Nhà nước việt cộng buộc tội ông là đã có những hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng không dám mang ông ra tòa và đã phải phóng thích ông ba tháng sau đó.

Ðể được ghi danh tự ứng cử, ứng cử viên phải qua ba vòng Hiệp thương là Họp lấy tín nhiệm tại nơi làm việc và nơi cư ngụ:

- Sáng 29.03.2011, đại diện Công ty Giải pháp Việt, nơi ông Quân làm việc, đã đến Văn phòng Mặt trận Tổ quốc Hà nội nộp Biên bản lấy tín nhiệm của ông tại cơ quan. Tổng số 14 nhân viên trong công ty đã bày tỏ sự tin tưởng vào đạo đức, khả năng và tâm huyết của ông đối với đất nước và với nghề luật. 100% nhân viên tin tưởng rằng ông có thể làm tốt nhiệm vụ là người đại diện nhân dân.

- Tối ngày 30.03.2011, để hoàn tất thủ tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, Luật sư Lê Quốc Quân đã phải tham dự cái thủ tục gọi là ‘lấy tín nhiệm cử tri’ do Ủõy ban Nhân dân phường tổ chức. Lúc hơn 20 giờ, một đoàn người đi ra từ khu nhà ông Quân, trong đó có ông và rất đông thân hữu của ông, sau một đoạn đường, đến nơi gọi là hội trường diễn ra cuộc họp đêm ấy. Nó tối tăm, nhỏ bé cạnh một trường trung học, tưởng như nhà bảo vệ của trường, hóa ra là nhà văn hóa của một tổ dân cư khác nơi ông Quân cư trú. Rất đông những kẻ đeo băng ‘bảo vệ’, tay lăm lăm cầm dùi cui đứng chặn trước cửa ra vào. Câu chuyện bắt đầu hồi gay cấn từ đây, nó diễn ra khá lâu, khoảng gần một tiếng đồng hồ. Khi tới nơi, mọi người mới té ngửa ra biết mình không được vào tham dự, bốn bảo vệ đứng chặn trước cổng cùng nhiều người không đeo băng bảo vệ khác. Chúng tuyên bố ‘tao là bảo vệ, tao có quyền cho ai vào thì người đó được vào’, nên không một cử tri nào vào được.

Anh em ông Quân thấy xuất hiện rất nhiều gương mặt lạ và tỏ vẻ vô cùng hung hăng. Khi trưởng ban tổ chức đến, ông Quân và các bạn chất vấn ông này việc tại sao lại thay đổi địa điểm tổ chức từ tổ 64 là tổ ông Quân ở sang tổ 50, hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, nơi này là một nhà 2 tầng, hội trường trên lầu và chỉ có một cầu thang nhỏ hẹp, chính quyền có thể kiểm soát mọi việc lên xuống của những tham dự viên. Hắn lúng túng trả lời ‘chúng tôi chỉ thuê được ở đây’. Lý do là nếu tổ chức tại tổ 64 thì nhiều người trong tổ ông Quân sẽ đến dự (vì gần) và bỏ phiếu tín nhiệm ông. Vì thế, chính quyền ‘gian lận’ đã chuyển ra tổ 50 thì nhiều người trong tòa nhà ông Quân ở đều là trí thức và ngại chuyện chính trị nên sẽ không đi tham dự. Ngoài ra, các cử tri hôm nay được Chính quyền phường Yên hòa đã cử người đi vận động từng gia đình trong khắp phường để đi dự và chống lại ông Quân.

Người chủ tọa và 4-5 cử tri nêu ra chuyện ông Quân bị an ninh bắt giam 100 ngày từ 19.03.2007. Theo viên chủ tọa, trích các tài liệu của công an, ông bị bắt vì tội hình sự ‘hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ông Quân phản bác lại, cho rằng đó là một vụ ‘bắt oan’ và không hề có bản án của Tòa sau đó, nên ông hoàn toàn vô tội. Khi bỏ phiếu bằng giơ tay, do dốt luật hay cố tình làm vậy, trong khoảng 40 người, chỉ có 3 người ủng hộ ông Quân.

Hiệp thương lần 3. Phiên họp sẽ không có mặt người tự ứng cử.

Do Luật sư Quân bị loại nơi Hiệp thương lần 2, nên để kể tiếp, chúng tôi cần nhờ đến trường hợp Luật sư Võ An Ðôn.

Ông, cư ngụ tại Phú yên, ngày 11.02.2016, tâm sự về kinh nghiệm phũ phàng trong cuộc ‘ứng cử’ của bản thân năm 2011 như sau: « Năm 2011, khi lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, tôi được 100% người dân địa phương ủng hộ, sau đó lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc là Đoàn luật sư, tôi cũng được 100% tín nhiệm. Đến khi hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh thì tôi bị loại, không được lọt vào Danh sách ứng cử viên Ðại biểu Quốc hội».

Đau đớn nhất cho tâm huyết và thân phận trí thức trẻ Võ An Đôn là ở chỗ này: « Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm ». Đau lắm, nhưng ông đâu chừa! Năm nay, ông lại quyết tự ứng cử, tranh cử. ‘Ứng thì được. Nhưng tranh thì tranh với ai? Ai cho ông tranh trong guồng máy đảng trị?’ Ông vẫn bất chấp và tâm sự: « Mục đích tôi tự ứng cử Ðại biểu Quốc hội lần trước và lần này không phải là tôi muốn làm đại biểu Quốc hội để được hưởng nhiều bổng lộc ban phát, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch với vở kịch vụng vờ, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời. Dù biết trước rằng 99,99% người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị loại, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới ». Nhiều người hoan hô Luật sư Võ An Đôn biểu lộ ý chí và khí phách kẻ sĩ thời đại!

B. Xin Người Việt Hải Ngoại giúp Ðồng bào Quốc nội.

Những trường hợp chúng tôi kể trên đây cho thấy đồng bào trong nước kéo dài đời sống thiếu vắng tự do, nhân quyền. Nếu chúng ta có dịp theo dõi tin tức trong nước, với một nhà nước do cộng đảng cử với tam quyền lẫn lộn, người dân, mất dân chủ tính, trở thành bất lực trước độc tài đảng trị. Họ trông cậy hứa hẹn nhân quyền qua các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Nhưng hơn 40 năm qua, đồng bào chúng ta thất vọng vì những lời hứa ‘lèo’ đến ‘tết công gô’ cũng vẫn còn là lời hứa.

Do đó, đống bào xin hướng về hải ngoại, những quốc gia có truyền thống bầu cử dân chủ, nhất là Hoa Kỳ.

Thật vậy, tại nước này, mùa tuyển cử quan trọng Hành pháp và Lập pháp 2020 vừa bắt đầu. Ðồng thời, xuất hiện nhiều nhân tài người Mỹ gốc Việt đang làm rạng danh Dân tộc với Khoa học gia Dương Aùnh Nguyệt, sáu Tướng Quân đội hàng đầu thế giới (bốn nam, hai nữ) cùng hàng ngàn bác sĩ, kỹ sư và giáo sư.

Khẩn cầu Quý Vị dùng sáng kiến mình để vận động các ứng cử viên hứa giúp đồng bào quốc nội có cơ hội tự do bầu lãnh đạo tài đức. Xin cám ơn.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Dẫn nhập
Vũ Văn An
18:34 06/08/2019
PHẦN THỨ NHẤT: CHỨNG TỪ CỦA CÁC BẢN VĂN THÁNH KINH VỀ NGUỒN GỐC THẦN THIÊNG CỦA NÓ

1.Dẫn Nhập

5. Đầu tiên, chúng ta xem xét Hiến chế tín lý Dei Verbum của Công đồng Vatican II và Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Verbum Domini hiểu ra sao về mặc khải và linh hứng, hai hành động thần thiêng vốn là nền tảng để nắm vững Sách thánh như Lời của Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta sẽ chứng tỏ các trước tác Thánh Kinh chứng thực ra sao nguồn gốc thần thiêng của chúng. Tân Ước, về phần mình, chỉ xem xét mối liên hệ với Thiên Chúa qua sự trung gian của Chúa Giêsu. Phần thứ nhất của tài liệu này được kết thúc với một suy tư về các tiêu chuẩn có khả năng đưa ra ánh sáng chứng từ của các trước tác Thánh Kinh về chủ đề nguồn gốc thần thiêng của chúng.



1.1 Mặc khải và linh hứng trong Dei Verbum và Verbum Domini

Hiến chế Dei Verbum đề cập tới vấn đề mặc khải bằng những lời lẽ sau: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1:9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2:18; 2Pr 1:4) "(Dei Verbum n. 2). Thiên Chúa tự mặc khải Người trong một "nhiệm cục mặc khải" (Dei Verbum - DV - số 2). Người tự tỏ mình ra trong sáng thế: "Thiên Chúa, Đấng tạo dựng (Ga 1: 3) và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, ban cho con người, trong các loài được tạo dựng, một chứng từ không ngừng về chính Người (xem Rm 1: 19-20) "(DV số 3, xem Verbum Domini số 3; xem VD - Số 8). Thiên Chúa tự tỏ mình ra đặc biệt trong con người, được tạo ra "giống hình ảnh của Người" (ST 1:27, xem VD, 9). Việc mặc khải sau đó được triển khai, bằng cách bao gồm "các hành động và lời nói liên quan mật thiết với nhau" (DV, số 2), trong lịch sử cứu độ của dân Israel (DV, 3, 14-16), và đạt đến đỉnh cao "trong Chúa Kitô, Đấng vừa là Đấng Trung Gian vừa là sự viên mãn của Mặc Khải" (DV, số 2, xem VD, các số 4, 17-20). Verbum Domini đề cập đến chiều kích Ba Ngôi của mặc khải bằng các lời lẽ này: "Đỉnh cao mặc khải của Thiên Chúa Cha đã được Chúa Con cung ứng nhờ hồng ơn của Đấng Bào Chữa (Ga 14:16), tức Thánh Thần của Chúa Cha và Con của Người, Đấng dẫn chúng ta đến toàn bộ sự thật '(Ga 16,13)" (VD, 20).

Linh hứng liên quan chuyên biệt tới các sách Thánh Kinh. Dei Verbum tuyên bố rằng Thiên Chúa là "Đấng linh hứng và là tác giả các sách của cả hai Giao Ước" (DV, số 16), và, một cách chính xác hơn: "Để soạn tác các cuốn sách thánh thiêng, Thiên Chúa đã chọn những con người được Người cậy nhờ trong việc sử dụng trọn vẹn các khả năng và phương tiện của họ, để, trong khi chính Người hành động trong họ và bởi họ, họ viết bằng bản văn, như các tác giả thực sự, tất cả những gì phù hợp với ý muốn của Người, và chỉ những điều này mà thôi » (DV, 11). Như một hoạt động thần thiêng, linh hứng, do đó, trực tiếp liên quan đến các tác giả nhân bản: những người này được linh hứng đích danh, và các trước tác họ soạn tác sau đó được tuyên bố là các trước tác được linh hứng (DV, 11,14).

1.2 Các trước tác Thánh Kinh và nguồn gốc thần thiêng của chúng.

6. Chúng ta đã thấy rằng Thiên Chúa là tác giả duy nhất của mặc khải, và các cuốn sách của Thánh Kinh, những cuốn sách cho phép việc truyền tải mặc khải của Thiên Chúa, được Người linh hứng. Thiên Chúa là "tác giả" của những cuốn sách này (DV, số 16), nhưng qua những con người được Người chọn. Những người này không viết dưới việc đọc chính tả nhưng là "tác giả thực sự" (DV, 11), những người sử dụng các khả năng riêng và tài năng riêng của họ. Số 11 của Dei Verbum không nêu rõ chi tiết mối liên hệ giữa những người này và Thiên Chúa hệ ở điều gì, ngay cả khi các ghi chú (18-20) có tham chiếu một lối giải thích truyền thống dựa trên tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ.

Chúng ta, những người hướng về các sách Thánh Kinh và tìm cách biết được điều chính chúng nói về sự linh hứng của chính chúng, chúng ta nhận thấy: trong Thánh Kinh, chỉ có hai bản văn của Tân Ước minh nhiên nói về linh hứng thần thiêng, và áp dụng khái niệm này vào các trước tác Cựu Ước:

2 Tm 3,16: "Mọi sách thánh đều được Thiên Chúa linh hứng; nó hữu ích cho việc giảng dạy, tố cáo điều ác, sửa sai, giáo dục công lý".

2 Pr 1,20-21: " Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”.

Việc thuật ngữ "linh hứng" hiếm xuất hiện có hậu quả là chúng ta không thể giới hạn việc tìm kiếm của chúng ta vào lĩnh vực ngữ nghĩa hạn chế như vậy.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các bản văn Thánh Kinh, chúng ta có thể nhận thấy sự kiện có ý nghĩa này: mối liên hệ giữa tác giả của chúng và Thiên Chúa liên tục được phát biểu rõ ràng theo nhiều cách khác nhau, tất cả đều để chứng tỏ các bản văn tương ứng phát xuất từ Thiên Chúa ra sao. Đối tượng cuộc điều tra của chúng ta là đem ra ánh sáng những manh mối trong các bản văn Thánh Kinh có thể tiết lộ mối liên hệ của các tác giả với Thiên Chúa, do đó cho thấy nguồn gốc thần thiêng của những cuốn sách này, nói cách khác là sự linh hứng của chúng. Ý định của chúng ta là trình bày một "hiện tượng học" về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và tác giả nhân bản, trung thành với những cách mà theo đó, mối liên hệ này được chứng thực trong các trang của Thánh Kinh, do đó nhấn mạnh sự kiện này: chúng chứa đựng Lời phát xuất từ Thiên Chúa. Trong tài liệu này, Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh không nhằm mục đích chứng minh chính sự kiện linh hứng của các trước tác Thánh Kinh: công việc này thuộc Thần học Căn bản. Khởi điểm của chúng ta là sự thật của đức tin, theo đó các sách Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng và truyền tải Lời của Người. Đóng góp chuyên biệt của chúng ta hệ ở việc làm rõ khái niệm linh hứng này, như đã được phát biểu trong chứng từ của chính các trước tác Thánh Kinh.

Chúng ta có thể gọi là "việc tự chứng thực" (autoattestation) hiện tượng chuyên biệt được tìm thấy trong các trước tác Thánh Kinh này, một hiện tượng nói lên mối liên hệ giữa các tác giả của chúng với Thiên Chúa và nguồn gốc thần thiêng của chúng. Việc tự chứng thực, được định nghĩa như thế, sẽ là tâm điểm cuộc khảo sát thực hiện trong tài liệu này.

7. Các văn kiện giáo hội mà chúng ta đã trích dẫn nhiều lần (Dei Verbum Verbum Domini) sác lập sự khác biệt giữa 'mặc khải' và 'linh hứng', là những điều vốn tạo thành hai hành động thần thiêng khác biệt nhau. "Mặc khải" được trình bày như hành động căn bản của Thiên Chúa, qua đó Người truyền đạt Người là ai và mầu nhiệm ý chí của Người là gì (xem DV 2), đồng thời làm cho con người có khả năng tiếp nhận mặc khải . Mặt khác, "linh hứng" là hành động qua đó Thiên Chúa làm cho một số người nào đó, do Người lựa chọn, có khả năng truyền đạt một cách trung thành sự mặc khải của Người bằng bản văn (xem DV, 11). Linh hứng giả thiết mặc khải và phục vụ việc truyền đạt mặc khải một cách trung thành trong các trước tác Thánh Kinh.

Khởi từ chứng từ của các trước tác Thánh Kinh, chúng ta chỉ có thể suy ra một vài manh mối liên quan tới mối liên hệ chuyên biệt hiện hữu giữa tác giả nhân bản và Thiên Chúa, trong chính hoạt động viết lách. Đây là lý do tại sao "hiện tượng học" mà chúng ta đề nghị trình bày, liên quan đến cả mối liên hệ giữa tác giả nhân bản và Thiên Chúa, và nguồn gốc thần thiêng của các bản văn Thánh Kinh đã vẽ nên một bức tranh rất chung chung và đa dạng. Chúng ta sẽ thấy rằng khái niệm chuyên biệt về linh hứng hầu như không bao giờ được giải thích trong Thánh Kinh, và cũng không nhận được ở đó việc làm sáng tỏ nào. Khái niệm này liên quan đến bản chất chuyên biệt của chứng từ nơi các sách Thánh Kinh khác nhau: thực thế, nếu, một mặt, các bản văn liên tục chỉ rõ nguồn gốc thần thiêng của nội dung và thông điệp của chúng, thì rất ít điều được nói về cách chúng đã được viết ra hoặc nói về bản thân chúng như là tài liệu bằng bản văn. Kết quả là, khái niệm rộng rãi về mặc khải và khái niệm, chuyên biệt hơn, về việc chứng thực bằng bản văn (linh hứng) được hình dung như một diễn trình độc đáo. Thông thường, nếu người ta nói đến một trong các khái niệm này, thì khái niệm kia cũng được giả thiết. Tuy nhiên, do sự kiện đơn giản các biểu thức mà chúng tôi trích dẫn xuất phát từ các bản văn viết, nên rõ ràng là các tác giả của chúng mặc nhiên khẳng định rằng bản văn của họ tạo nên cách phát biểu sau cùng ghi lại một cách ổn định bằng bản văn các hành động của Thiên Chúa tự mặc khải chính Người.



1.3 Các trước tác Tân Ước và mối liên hệ của chúng với Chúa Giêsu.

8. Liên quan đến các trước tác của Tân Ước, chúng ta ghi nhận một tình huống chuyên biệt: nếu chúng chứng thực mối liên hệ của các tác giả của chúng với Thiên Chúa, thì đó chỉ là qua con người của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã công bố cách chính xác lý do của hiện tượng này: "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy " (Ga 14: 6). Câu khẳng định này dựa trên nhận thức đặc biệt mà Chúa Con có về Chúa Cha (x. Mt 11,27, Lc 10,22: Ga 1,18).

Tác phong của Chúa Giêsu đặc biệt có ý nghĩa và mang tính giáo huấn đối với các môn đệ của Người: Tin Mừng làm nổi bật việc đào tạo Người dành cho họ và trong đó diễn tả một cách điển hình rằng mối liên hệ với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa là điều chủ yếu để lời của một Tông đồ hay hay một trước tác Tin Mừng trở thành "Lời của Thiên Chúa". Theo các nguồn của chúng ta, chính Chúa Giêsu không viết gì cả và không đọc gì cho các môn đệ của Người viết cả. Điều Người làm có thể được tóm tắt như sau: Người kêu gọi một số người bước theo Người, chia sẻ cuộc sống của Người, làm chứng cho hành động của Người, có được một nhận thức ngày một sâu sắc hơn về con người của Người, lớn lên trong niềm tin vào Người, và trong sự hiệp thông cuộc sống với Người. Đây là cách có thể mô tả hồng phúc Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người và cách thức Người chuẩn bị để họ trở thành các Tông đồ của Người, để công bố sứ điệp của Người: lời của họ phải thế nào đó để Chúa Giêsu mô tả các Kitô hữu tương lai là "những người, nhờ lời của chúng, sẽ tin vào Con "(Ga 17,20). Và Người nói với các kẻ Người sai đi: "Ai nghe các con là nghe Thầy; bất cứ ai bác bỏ các con là bác bỏ Thầy; và người bác bỏ Thầy là bác bỏ Đấng đã sai Thầy»(Lc 10,16, xem Ga 15,20). Lời của các kẻ Người sai đi chỉ có thể là nền tảng cho đức tin của tất cả các Kitô hữu bởi vì, phát xuất từ sự kết hợp mật thiết nhất với Chúa Giêsu, nó là lời của Chúa Giêsu. Mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu, khi được sống bằng một niềm tin mãnh liệt và minh nhiên vào con người của Người, tạo thành nền tảng chính cho "linh hứng" này, một linh hứng khiến các Tông đồ có khả năng thông truyền, bằng miệng hoặc bằng bản văn, thông điệp của Chúa Giêsu, Đấng vốn là "Lời của Thiên Chúa ". Không phải là việc thông truyền theo nghĩa đen các lời lẽ được Chúa Giêsu thốt ra có tính quyết định, mà là việc công bố Tin Mừng của Người. Tin Mừng Gioan tượng trưng một minh họa tuyệt vời của khẳng định này, vì trong Tin Mừng này, tất cả các lời đều phản ảnh phong cách của Thánh Gioan và đồng thời, trung thành truyền tải tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói.

9. Ở đây, dựa trên nền Tin Mừng Gioan, ta thấy vẽ ra mối liên hệ mật thiết giữa bản chất mối liên hệ với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa ("linh hứng") và nội dung của thông điệp được truyền đạt như Lời của Thiên Chúa (“chân lý”). Trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Gioan là như sau: Thiên Chúa Cha và tình yêu vô biên của Người đối với thế giới được mặc khải trong Con của Người (Ga 3:16). Điều này tương ứng với nội dung của Hiến chế Dei Verbum số 2 (Thiên Chúa và mặc khải cứu rỗi). Thông điệp này không thể được tiếp nhận và hiểu theo phương thức nhận thức thuần túy tri thức, hoặc theo lối học thuộc lòng. Chỉ trong niềm tin vào Người và tình yêu của Người, hồng phúc của Thiên Chúa mới có thể được tiếp nhận, như chứng tá đã chứng tỏ. Do đó, chúng ta thấy rằng thông điệp trung tâm ("chân lý") và cách thức tiếp nhận nó để giải thích về nó ("linh hứng") tự tạo điều kiện cho nhau. Nhưng trong cả hai trường hợp, đây là vấn đề hiệp thông trọn vẹn và mãnh liệt đời sống với Chúa Cha, được Chúa Giêsu mặc khải: hiệp thông sự sống vốn là ơn cứu rỗi.

1.4 Tiêu chuẩn để đưa ra ánh sáng mối liên hệ với Thiên Chúa trong các trước tác Thánh Kinh.

10. Phù hợp với những gì chúng ta đã tìm thấy trong các sách Tin mừng, đức tin sống động vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là đối tượng chính của những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người, và chính đức tin này đặc trưng cho mối liên hệ căn bản của họ với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Đức tin này là một hồng phúc của Chúa Thánh Thần (Ga 3:5; 16:13) và được sống trong một sự kết hợp mật thiết, minh nhiên và bản thân với Chúa Cha và với Chúa Con (Ga 17:20-23). Nhờ đức tin này, các môn đệ được nối kết với con người của Chúa Giêsu, Đấng "vừa là Đấng Trung Gian vừa là sự viên mãn của Mặc khải" (DV, số 2), và họ nhận được từ Người nội dung chứng từ tông đồ của họ, bất luận Người phát biểu bằng miệng hay bằng bản văn. Vì một chứng từ như vậy phát xuất từ Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, nên nó chỉ có thể là Lời phát xuất từ chính Thiên Chúa. Mối liên hệ bản thân của đức tin (1) với nguồn nhờ đó Thiên Chúa tự mặc khải Người ra (2) là hai thuật ngữ có tính quyết định giúp chúng ta có thể coi lời nói và việc làm của các Tông đồ phát xuất từ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là "đỉnh mặc khải của Thiên Chúa Cha" (VD, 20), một đỉnh cao được đi trước bởi một "nhiệm cục" phong phú mặc khải thần thiêng. Như chúng ta đã đề cập, Thiên Chúa tự mặc khải Người trong sáng thế (DV, số 3), và đặc biệt trong con người được tạo ra "giống hình ảnh Người" (St 1:27). Người tự mặc khải cách đặc biệt trong lịch sử dân Israel, trong "các hành động và lời nói liên quan mật thiết với nhau" (DV, 2). Qua cách này, ta nhận ra nhiều hình thức mặc khải của Thiên Chúa, đạt đến sự viên mãn và đỉnh cao của nó trong con người của Chúa Giêsu (Dt, 1:1-2).

Trong trường hợp các sách Tin mừng (và nói chung trong các trước tác tông đồ), hai yếu tố có tính quyết định lên đặc điểm cho nguồn gốc thần thiêng là đức tin sống động trong Chúa Giêsu (1), và chính con người của Chúa Giêsu, Đấng là đỉnh cao của mặc khải thần thiêng (2). Trong việc nghiên cứu nguồn gốc thần thánh của các trước tác Thánh Kinh khác, hai tiêu chuẩn sẽ được sử dụng:

- niềm tin bản thân vào Thiên Chúa (theo "giai đoạn" chuyên biệt của nhiệm cục mặc khải) được chứng thực ra sao?
- mặc khải tự tỏ hiện ra sao trong các bản văn Thánh Kinh khác nhau?

Mỗi bản văn Thánh Kinh xuất phát từ Thiên Chúa thông qua đức tin sống động nơi tác giả của nó, và qua sự trung gian của mối liên hệ của tác giả này với một (hoặc nhiều) hình thức đặc thù của sự mặc khải thần thiêng. Không hiếm việc một bản văn Thánh Kinh dựa trên một bản văn được linh hứng trước đó và do đó chia sẻ cùng một nguồn phát xuất thần thánh.

Những tiêu chuẩn này rất hữu ích để lên đặc điểm cho chứng từ của các trước tác Thánh Kinh khác nhau, và để xem chúng phát xuất ra sao từ Thiên Chúa, như các bản văn luật, lời lẽ khôn ngoan, sấm ngôn tiên tri, lời cầu nguyện đủ loại, lời khuyên tông đồ, do đó, để xem Thiên Chúa là tác giả của chúng ra sao, thông qua sự trung gian của các tác giả nhân bản. Tùy vào tình huống, các cách phát biểu nguồn phát xuất thần thánh đều khác nhau, và do đó không thể so sánh chúng với một "việc Thiên Chúa đọc chính tả" đơn giản, giống hệt như nhau trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, đức tin bản thân vào Thiên Chúa của tác giả phàm nhân và sự ngoan ngoãn của họ đối với các hình thức mặc khải thần thiêng khác nhau được chứng thực trong mọi tình huống.

Do đó, khi nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh và tìm kiếm cách mà chúng chứng thực mối liên hệ của các tác giả của chúng với Thiên Chúa, chúng ta tìm cách cụ thể hơn để chứng tỏ linh hứng được trình bầy cách nào như mối liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng linh hứng và là tác giả, và những con người, các tác giả chân chính được Người chọn lựa.

Kỳ tới: 2. Chứng thực các bản văn đã được chọn của Cựu Ước
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Mong sớm có Ông CHÓP
Trà Lũ
21:15 06/08/2019
Lá thư Canada: Mong sớm có Ông CHÓP

‘ Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song, đàn nhịp nhàng hát vang vang nhạc hoà thơ đón hè sang...’

Sáng nay đài mạng đã đánh thức tôi dậy với bài ca mùa hè quen thuộc trên đây. Bài hát hay quá. Xin cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân tài ba đã dẫn chúng tôi vào mùa nóng thân yêu này. Quả vậy, Canada đã vào hè, trời xanh bát ngát, nắng vàng hây hây, cỏ cây tưng bừng. Nghe nói bên Âu Châu trời nóng trên 40 độ C, còn ở đây chỉ vào khoảng 25 độ, dễ chịu hết sức. Đây đúng là thời tiết đất thiên đàng. Chính vì vậy mà Canada vừa đưọc xếp hạng có vườn hoa đẹp nhất thế giới, đó là vườn Butchart của thành phố Victoria ở bang BC miền tây. Sau vườn hoa của Canada này rồi mới tới vườn Exbury bên Anh, rồi mới tới vườn hoa bên Hà Lan... Vườn hoa Butchart của Canada rộng tới 20 mẫu, có hoa quanh năm, mùa nào hoa nấy. Đây là hoa vật chất, còn hoa tinh thần thì vườn hoa trí thức của Canada cũng đẹp ghê lắm: 50% dân số Canada có bằng đại học. Mặt trí thức này thì nhất Canada rồi mới đến Do Thái, rồi Nhật, rồi mới đến Hoa Kỳ, hạng thứ 4. Các cụ bên Hoa Kỳ đừng buồn nha, vì đây là sưu tầm của Tổ chức Phát Triển và Hỗ Tương Kinh Tế Thế Giới, OECD 2019...

Riêng thành phố Toronto của tôi thì mùa hè này đang có lễ hội Carnival 2019 kéo dài trong 4 tuần lễ. Lễ hội này thu hút hơn 2 triệu du khách. Đây là cuộc họp mặt của những sắc dân Caribbean ở Trung Mỹ, họ không chọn Hoa Kỳ mà chọn Canada làm nơi gặp nhau. Họ trình diễn văn nghệ, ca hát, nhảy múa, triển lãm, ăn uống, đua thuyền. Đây là lần tổ chức thứ 52. Riêng năm nay thì chắc những đấng liền ông có máu xấu trong người sẽ đi xem đông lắm vì là năm đầu tiên các nữ vũ công Trung Mỹ sẽ phơi ngực trần, topless là quyền mới của nữ giới.

Xin ngưng chuyện thời sự Canada để được nói chuyện nước ngoài. Nước đầu tiên là nước hàng xóm Hoa Kỳ. Tin về Cụ Donald Trump luôn luôn dẫn đầu. Chưa bao giờ có một vị tổng thống nào được nhắc nhiều đến như thế. Khen cũng nhiều và chê cũng lắm. Kể cũng lạ, 90% giới truyền thông là chống Trump, thế mà Trump vẫn phây phây không sợ hãi gì cả. Năm 1975, VNCH thua trận là vì truyền thông Hoa Kỳ. Ấy thế mà bây giờ ông Trump vẫn tỉnh bơ, đủ biết cái gân của Trump mạnh và lớn biết chừng nào. Trong làng ăn nhậu của tôi thì phe liền ông luôn luôn ủng hộ và ca ngợi Trump. Chúng tôi thấy ông Trump đã và đang thật sự ‘ Make Ameria great again’: giảm thuế, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm, kinh tế quốc gia lên, chống khủng bố, chống di dân lậu, chống Trung Cộng bành trướng kính tế gian lận. Chứng cớ rành rành, ấy thế mà những người ghét Trump vẫn lờ đi. Nhớ lại, kỳ tranh cử 2016 vừa qua, Đảng Cộng Hoà có 16 ứng viên sáng giá, thế mà Trump đã đánh bại các vị này để được đại diện Cộng Hoà ra đối diện với Hillary Clinton của Dân Chủ. Hillary có hầu hết các giới truyền thông và 10 đại học danh tiếng hỗ trợ, ấy thế mà thua. Điều này rõ ràng chứng minh khả năng của Trump. Phe liền ông chúng tôi rất khâm phục 2 vị Việt Nam đã công khai và mạnh dạn ca ngợi Trump với lý luận rất sắc bén. Hai vị xưng tên rõ ràng: Bằng Phong Đặng Văn Âu và Dương Đại Hải, chứ không như những người chửi Trump mà không dám xưng danh, hay chỉ dùng bút hiệu, như vậy là vừa hèn vừa nhát. Gần đây tôi còn thấy một tác giả nữa, ký tên là Vũ Linh, đã phản biện một vị chửi Trump. Lời lẽ của Vũ Linh rất đanh thép và trí thức như hai ông Âu và Hải trên đây. Phục 3 ông qúa.

À, tôi còn quên việc Henry Kissinger khen Trump. Ngài Kissinger này, nay 94, đã trả lời phỏng vấn báo chí và khen Trump những 13 điều. Độc gỉa lên mạng sẽ truy cập được bài phỏng vấn nổi tiếng trong tháng 7 vừa qua này. Cụ cáo già Mỹ gốc Do Thái, cuối đời còn phải lên tiếng khen ông Trump thì quả thực ông Trump giỏi qúa chứ. Nhiều người vẫn tin rằng mai đây Trump sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 2 đấy các cụ ạ.

Xin hết chuyện cụ Trump để bàn sang chuyện cụ Tập. Ông vua Tàu này đang quậy tứ tung, hầu như khắp thế giới. Riêng Biển Đông thì Vua Tập cố tình chiếm toàn vùng. Đối với VN thì họ Tập cố chiếm đất chiếm biển. Hiện nay TC đang cho tàu Hải Dương 8 thăm dò trái phép ở bãi Tư Chính của VN, VN đã lên tiếng 3 lần yêu cầu TC chấm dứt vi phạm này. Người VN trong nước cũng như ngoài nước, hơn 800 vị đã yêu cầu nhà nước đưa TC ra toà án quốc tế. Nhưng cho tới nay CSVN vẫn im lặng. Lạ chưa các cụ ?

Nghe tôi nói tới đây thì ông ODP cười hì hì rồi bảo: CSVN không dám kiện vì lẽ chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người Tàu. Tàu sẽ không kiện Tàu đâu. Cả làng ồ lên thì ông ODP bảo trên mạng vừa tung ra nguồn tin Nguyễn Phú Trọng là người Hoa Nam, tên là Hoàng Vi, con của Hoàng Văn Hoan. Chính vì vậy mà trong 20 năm qua TC đòi gì thì Trọng cũng gật đầu. Mạng có trưng dẫn hình Trọng lúc còn trẻ với tên viết bằng chữ Tàu rõ ràng! Thiệt hay giả đây các cụ ?

Nóí xong chuyện Trọng là người Tàu thì ông ODP kể luôn sang một chuyện cười cũng dính tới Tàu. Ông bảo việc này rất kỳ diệu. Bạn tôi kể rằng: trong siêu thị mà thấy ai nói to oang oang thì ta bảo nhỏ: bạn nói khẽ chứ kẻo người ta tưởng mình là người Tàu; ở ngoài đường mà thấy ai xả rác bừa bãi thì ta cũng bảo bạn đừng xả rác như vậy kẻo người ta bảo mình là người Tàu... Câu này hiệu nghiệm lắm vì ngày xưa ta có nhắc nhở cách mấy thì họ vẫn nói to vẫn xả rác, nay thì chỉ nói: Bạn đừng... nói to, xả rác, như vậy kẻo thiên hạ nghĩ bạn là người Tàu’ là có kết quả tốt ngay. Các cụ có thấy lời khuyên này thấm thía không ? Các cụ cứ thử mà coi.

Chị Ba Biên Hòa bây giờ mới lên tiếng: Xin Chúa cho nước VN chúng con thoát giặc Tàu! Cụ Chánh nói tiếp ngay: muốn thoát Trung thoát Tàu thì chỉ có một cách duy nhất là thoát CS. Muốn thoát CS thì ta phải cầu mong nước VN ta có một Gorbachew. Chính nhờ ông đảng viên CS đầu não này tỉnh mộng và mở mắt nên mới giải thể được đảng CS Nga. Bây giờ ta cũng xin nước ta có một Gorbachew, dân ta thường gọi là Ông Gô Bá Chóp. Chả lẽ hơn 3 triệu đảng viên CSVN không một ai có đôi mắt và tấm lòng ái quốc như lãnh tụ Gô Bá Chóp này sao ? Lạy Chúa lạy Phật xin cho nước VN chúng con sớm xuất hiện một minh quân như bên Nga...

Cả làng đều gật đầu với lời xin này. Anh John thấy làng thèm chuyện cười bèn kể chuyện LU và LON: Vừa đây có vĩ nhân trong quốc hội ở Hà Lội đề nghị chống ngập lụt bằng cách mua lu hứng nước mưa, và chuyện Hà Lội cấm trưng bảng quảng cáo về Coca Cola bằng chữ ‘Mở Lon Việt Nam’. Lý do chữ Lon này sẽ gợi ra toàn ý tục không à. Mấy bà trong làng tôi còn ngây thơ trong trắng bèn hỏi chữ LON tục ở chỗ nào. Ông H.O. cười hề hề rồi bảo các bà cứ cho chữ Lon đội mũ và thêm dấu vào coi... Mấy bà nghe xong thì mới hiểu, bèn phá ra cười như nắc nẻ và phục sự thông thái của các đỉnh cao trí tuệ loài người ở Hà Lội.

Nhân chuyện quảng cáo, anh John xin kể tiếp một chuyện khác cũng ở Hà Nội. Rằng có du khách từ Âu Châu kia thấy nhiều chỗ viết trên tường 3 chữ này ‘Cam Dai Bay’. Ông thắc mắc. Bay, tiếng Anh nghĩa là cái Vịnh. Xưa nay ông chỉ nghe nói tới Ha Long Bay, Cam Ranh Bay, chưa bao giờ nghe cái tên vịnh thứ ba này. Nay tại Hà Nội ông thấy nhiều chỗ quảng cáo Cam Dai Bay thì thắc mắc không biết cái vịnh mới này ở đâu. Anh bèn hỏi và được trả lời với tiếng cười: Đây không phải tên cái vịnh. Vì không có dấu nên ông mới nghĩ nó là tiếng Anh. Thực ra, đó là lời cấm bằng tiếng Việt, ‘cấm đái bậy’ đó ông ơi! Xin hết ý.

Bà cụ B.95, chỉ hiểu sơ sơ các câu chuyện trên đây nên vẫn thèm nghe chuyện của anh John. Anh bảo anh có nhiều chuyện cười lắm, bây giờ xin cho anh kể từ từ, nhớ chuyện gì kể chuyện đó nha. cả làng gật đầu vì cái anh rể da trắng Canada thông minh này. Anh bèn kể.

- Chuyện thứ nhất: Một cô gái kia rất đẹp và thông minh. Cô có rất nhiều cây si. Cha mẹ cô rất sốt ruột về chuyện chọn chồng cho cô. Bữa đó ông bà cho triệu tập 3 chàng công tử si mê cô nhất. Ông bà yêu cầu mỗi chàng tự giới thiệu về mình. Anh thứ nhất nét mặt tự tín nói: bố mẹ cháu có mấy chục tỷ đồng trong ngân hàng, bố mẹ cháu hứa sẽ cho cháu số tiền này khi cưới vợ. Anh thứ hai nói: nhà cháu có rất nhiều bất động sản, giá trị cũng vài chục tỷ đồng. Các bất động sản này sẽ thuộc về cháu vì cháu là con một. Anh thứ ba nói: Hiện nay cháu chẳng có gì cả ngoài đứa con hiện đang thành hình trong bụng con gái của hai bác. Nếu các bạn là bố mẹ cô gái thì các bạn sẽ gả con gái cho cậu nào ?

- Chuyện thứ hai: Một hôm kia, cô thư ký âu yếm nói với giám đốc: Anh ơi, em có bầu rồi ! Giám đốc mỉm cười rồi trả lời: lạ nhỉ, anh đã triệt sản từ lâu rồi mà ! Cô thứ ký tỏ ra bối rối, rồi gỉa bộ mỉm cười: Em chỉ nói đùa với anh thôi mà ! Giám đốc nhìn cô một lúc, rồi cũng mỉm cười đáp: Thì anh cũng thế, cũng chỉ đùa thôi mà. Vậy các bạn nghĩ cô này có bầu thật không?

- Chuyện thứ ba: Một ông chồng nổi tiếng ăn chơi. Năm đó ông bỏ vợ và con ở nhà rồi đi làm nơi xa. Đi hoang ít lâu, ông viết bức thư gửi cho vợ như sau:

...Em yêu quý, Kỳ này làm ăn khó khăn vất vả và lương chẳng có bao nhiêu, mấy tháng nay anh chả dành đưọc gì để gửi về cho em và con. Vậy thay vì gửi tiền thì anh gửi kèm đây 1000 nụ hôn nha.

Một tháng sau cô vợ đã viết thư trả lời chồng:

... Em đã nhận đủ 1000 nụ hôn anh gửi về, hôm nay rảnh em xin bá cáo việc chi tiêu các nụ hôn đó như sau:

- Đóng cho hiệu trưởng trường con đi học 100, nên từ nay con chúng ta đi học miễn phí

- Đóng cho nhân viên cục thủy điện 100 nên từ nay nhà ta không bị cắt điện và cúp nước

- Đóng cho anh trưởng đồn công an khu vực 100 nên không ai đến làm phiền em cả

- Đóng cho anh hàng xóm 500 nên từ nay em không phải đi chợ nấu ăn nữa, mọi thứ anh ấy lo hết.

- Còn lại 200 thì em để dành đề phòng những chuyện bất trắc có thể xảy ra.

Thư em viết đã dài, em xin dừng bút.

Cả làng đang thích thú nghe thì anh John xin hết chuyện. Cụ B.95 giơ tay phản đối ngay: Sao bữa nay không có chuyện về tiếng Việt tuyệt vời như mọi khi vậy ? Đề tài này thì anh John nhiều lắm. Anh bèn xin kể 2 chuyện nữa: Rằng có bà nội kia mới có cháu nội đầu tiên nên bà cưng nó hết sức. Bà cho nó ăn, nó ngủ, bà dạy nó tập nói tiếng Việt. Bữa đó là sinh nhật năm thứ hai, bố mẹ nó làm tiệc mừng con mình 2 tuổi. Họ hàng và bạn bè đến rất đông. Cuối tiệc bà nội khoe rằng thằng cháu đích tôn này đã biết nói và nói tiếng Việt rất giỏi. Mọi người muốn nghe cháu bà nói tiếng Việt. Bà nội rất thích vì được dịp khoe cháu. Bà bế nó vào lòng và làm dấu cho nó nói. Bà chỉ vào bà rồi hỏi: Ai đây ? Thằng bé tỏ ra bối rối. Bà nó giục liên tục: cháu nói to lên cái gì bà hay nói với cháu đó. Thằng bé nhìn bà rồi lấy ngón tay chỉ vào bà và nói to: Tổ cha mi ! Cả tiệc phá ra cười. Thì ra hàng ngày bà cưng cháu, lúc bà thích cháu quá thì thường mắng yêu nó bằng câu quen miệng này.

Anh John thấy cả làng thích câu chuyện này quá, bèn kể thêm chuyện về tình yêu. Rằng trong tiếng Việt có kiểu nói ‘ thấy mẹ’ để chỉ là hết sức, như ngon thấy mẹ, thích thấy mẹ, mê thấy mẹ, đẹp thấy mẹ... Nghĩa là khi có ý nói là ‘hết sức’ thì dùng hai tiếng này. Riêng có tình yêu thì không bao giờ ta nói ‘ yêu thấy mẹ’! Nói xong anh John hỏi cả làng: Tại sao ta không thể nói ‘yêu thấy mẹ’ ?

Cả làng đã không ai trả lời được câu hỏi này. Thấy vậy hai cô Huế bèn trêu Chị Ba Biên Hoà: Chị dạy anh John tiếng Việt thì ắt chị phải biết câu trả lời. Chị Ba tỏ ra bối rối vì chị không thể ngờ anh John chồng mình thông minh và giỏi như vậy. Để tránh trả lời câu hỏi trên, chị đáp: Tôi xin khất để về nhà nghiên cứu. Đầu óc tôi hiện nay đang bị rối bung về 2 chuyện thời sự. Rồi để không cho ai hỏi thêm, chị kể ngay:

- Cuối tháng 7 vừa qua, tôi đọc trên mạng thấy có bài viết về BĂNG CHÁY, một loại nguyên liệu cực lớn cho tương lai, có rất nhiều trên Biển Đông, nó sẽ thay thế dầu khí hiện nay. Chính vì vậy mà Trung Cộng đang điên cuồng việc chiếm vùng biển này. Theo các tạp chí khoa học, Băng Cháy là một thứ khí ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, tên khoa học là Gas Hydrate. Khi làm cho nó phân giải ra thì ta sẽ có khí methane rất lớn và một phần nhỏ là nước. Nó lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường, và chỉ vùng Biển Đông của VN mới có đặc sản này. CSVN đã cho nghiên cứu về Băng Cháy, và chưa muốn công bố kết quả. Chỉ biết Trung Cộng đang hung hăng trên miền có Băng Cháy. Tôi không biết việc băng cháy này thực hư bao nhiêu.

- Rồi ngay sau đó, ngay đầu tháng Tám này, theo Người Việt Daily News, thì những hạt gạo ở Quảng Trị của VN có 2 chất quý hơn vàng, trị được bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh gút. 2 chất này có tên khoa học là Manilactone A, gọi tắt là MA, và chất Momilactone B, gọi tắt là MB. Theo báo VNExpress thì 2 chất MA và MB này đã được một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm hoá sinh bên Anh bán ra thị trường với giá cắt cổ: 1.25 triệu/ 1 gram, tức là đắt hơn vàng 30.000 lần. Chất này có ở trong hạt gạo tỉnh Quảng Trị. Nông dân ở đây đã bón lúa với phân vi sinh.

Chị Ba nói tiếp: Câu hỏi ở trong đầu tôi lúc này là 2 sự kiện quý báu trên đây có thật không và có thật ở VN không, hay đây chỉ là 2 tin vịt cố để cắt nghĩa việc Tàu Cộng đang hăm hở chiếm Biển Đông của ta ?

Mọi người quay vào Cụ Chánh xin câu trả lời. Cụ lắc đầu rồi tâm sự: Xin khất, xin khất vì hiện nay lão đang nhớ tới lễ giỗ năm thứ 66 của một người nổi tiếng ở làng Bưởi ngoại ô Hà Nội. Đây là một cao nhân cũng là một nạn nhân của CSVN. Đó là bà Cụ Nguyễn Thị Năm, còn gọi Bà Cát Hanh Long. Bà là một địa chủ giàu có, đầy công nuôi dưỡng Việt Minh thời bắt đầu chống Pháp. Bà cống hiến rất nhiều tiền, vàng và công sức cho Việt Minh. Bà nuôi Hồ Chí Minh, và cả nhóm Pham Văn Đồ, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, nhưng CSVN đã vô ơn bạc nghĩa, đã nhắm mắt vâng lời cố vấn Tàu đem xử tử bà trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1953. Sử sách nào cũng còn ghi rõ việc làm của loài ác thú này.

Hằng ngày lão vẫn cầu xin cho quê VN ta sớm xuất hiện một ông Gô Bá Chóp để dẹp tan đảng CS. Đúng như Ông Chóp nói: không sửa không chữa được CS, phải dẹp nó đi mà thôi.

Các cụ nghĩ sao về lời này cơ ?

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bướm Hoa Bên Thềm
Thérésa Nguyễn
21:36 06/08/2019
BƯỚM HOA BÊN THỀM
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Nắng soi Hoa Bướm bên thềm
Ngắm xem lòng thấy êm đềm bình an.
(tn)
 
VietCatholic TV
Thư ĐTGM Chủ Tịch HĐGM Ba Lan về vụ tấn công linh mục, cướp áo lễ để làm đám cưới đồng tính
Giáo Hội Năm Châu
19:23 06/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Báo cáo của cảnh sát tại Szczecinie cho biết 3 người hoạt động đồng tính đã tấn công Cha Aleksander Ziejewski, là cha sở nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả tại thành phố này vào chiều Chúa Nhật 28 thánh Bẩy để cướp áo lễ và các đồ Phụng Vụ với ý định dùng trong một “đám cưới đồng tính”, theo cung cách chế giễu Phụng Vụ Công Giáo.

Trước diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Tổng Giám Mục Poznań, là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, và Phó Chủ Tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu đã viết một lá thư cho cha Aleksander Ziejewski. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang tiếng Việt:


Kính thưa Cha Aleksander Ziejewski, cha sở nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả Szczecinie

Tôi thật đau buồn khi nhận được tin về cuộc tấn công thể lý nhắm vào cha diễn ra hôm Chúa Nhật tuần trước tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Szczecinie.

Tôi xin gửi đến cha những lời bày tỏ tình đoàn kết và hỗ trợ tinh thần cũng như sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi cho cha và cho các cộng sự của cha, là những người bị thương tổn trong vụ tấn công này.

Tôi cảm thấy âu lo trước những biểu hiện thù hận đức tin càng ngày càng gia tăng đối với các tín hữu, và cả các linh mục, cũng như những hành vi mạo phạm các vật dụng thánh, các địa điểm và những thứ dùng trong việc phụng tự, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Công Giáo ở Ba Lan.

Tôi rất buồn khi thấy sự leo thang các hành vi thù địch đối với các tín hữu, bao gồm cả việc sử dụng các hình thức bạo lực biểu tượng và thể lý. Trong một xã hội đa nguyên, sự khác biệt về thế giới quan là một vấn đề tất nhiên. Tuy nhiên, chúng không bao giờ có thể là một cái cớ biện minh cho các thứ hành vi vô nhân đạo như thế.

Tôi yêu cầu các thủ phạm phải suy nghĩ lại, và tôi xin tất cả những người thiện chí cầu nguyện cho Giáo hội và cho cả những người có những hành vi thù hận tương tự.

Cảm ơn cha, vì tinh thần phục vụ nhiệt thành và sự hy sinh của cha, chúc cha sớm bình phục.

Trân trọng, và tôi gửi đến cha phép lành của tôi

+ Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki
Tổng giám mục Poznań
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan
Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE)


Warsaw, ngày 29 tháng 7 năm 2019.


Source: Konferencji Episkopatu Polski