Ngày 03-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh thức và sẵn sàng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:08 03/08/2010
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 12, 32-48

Thực tình mà nói con người được sinh ra nơi trần gian luôn phải đấu tranh để sinh tồn. Con người lúc nào cũng vậy, con người phải lao động cần cù, cật lực để kiếm miếng cơm manh áo. Người ta phải có những sáng kiến, những kế hoạch để làm việc để tồn tại. Nhưng nhiều khi vì quá chú tâm tới của cải vật chất, quá chú ý tới lương thực hằng ngày, con người quên đi cái đích mình phải nhắm tới. Cái đích đó là sự sống vĩnh cửu, là sự sống đời đời, lương thực không hư không nát. Chúa nhắc nhở, Chúa cảnh tỉnh con người trong nhiều trường hợp, trong nhiều hoàn cảnh “ Hãy tỉnh thức và sẵn sàng “.

Tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan đợi tân lang tới, tỉnh thức và sẵn sàng như người khôn ngoan canh chừng tên trộm cắp, như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi làm về, như người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ mình. Tỉnh thức ở đây có nghĩa là biết ngủ trong tỉnh thức, biết cầm đèn cháy sáng trong tay, biết lắng nghe tiếng gõ cửa. Tỉnh thức không phải cứ nằm đó mắt mở chầm chầm, không phải không ngủ nhưng là biết mau mắn chỗi dậy trong lúc mình đang ngủ mê. Điều này, giống như một tên trộm rình mò một nhà nào đó để đào ngạch, khoét vách. Chúa nói với con người rằng Chúa đến thật bất ngờ: ” Vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến “ ( Lc 12, 40 ). Con người với thân phận của mình, con người với thân xác của mình: lúc khỏe, lúc bệnh. Con người giống như kiếp hoa phù du, sớm nở tối tàn. Con người giống như bóng câu cửa sổ. Con người rất mong manh dễ bể, dễ vỡ.Chính vì thế, Chúa đến với từng người, với con người thật bất ngờ. Do đó, chúng ta thường đọc thấy lời này Maranatha xin hãy đến. Maranatha một gợi ý về ngày cuối cùng, về ngày tận thế, ngày cánh chung.Ngày mà Chúa sẽ khởi đầu cuộc sống mới của con người trong ngày vinh quang tràn đầy thần lực của Thiên Chúa. Bởi vì chính Chúa trong ngày chung cuộc sẽ cho con người vui hưởng hạnh phúc của Ngài: ” Ngài sẽ cho các ngươi ngồi vào bàn ăn và lần lượt hầu hạ các ngươi “. Tuy nhiên, sự lo âu của con người trước cái chết sẽ không hủy diệt niềm tin của họ, nên Giêsu muốn con người và mỗi người chúng ta: ” Hãy sống như những người đang chờ đợi chủ về “. Sự chết, ngày tận thế xưa đã tác động các tín hữu Thessalonica đến nỗi họ không làm gì cả. Chính vì thế, thánh Phaolô phải chấn chỉnh họ: ” Không, ngày của Chúa chưa đến ! Phải sống, phải làm việc “ ( 2 Thess ). Chúa Giêsu buộc con người và mỗi người phải có đời sống, thái độ tỉnh thức: ” Hãy là những người đang chờ đợi “. Đợi chờ như người quản lý trung thành và khôn ngoan.

Việc Chúa đến bất ngờ là một biến cố vui mừng. Biến cố này sẽ trở nên vô nghĩa và bất hạnh đối với những kẻ không khôn ngoan, không tỉnh thức, không trung thành, gắn bó và chu toàn bổn phận. Những ai tỉnh thức, khôn ngoan và trung thành thì việc Chúa đến bất ngờ là một biến cố thật thú vị…

Maranatha, lạy Chúa xin mau đến.Tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến.Tỉnh thức và sẵn sàng để nhắm đích tới là Nước Trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống khôn ngoan, trung thành và tỉnh thức để đón Chúa đến. Amen.
 
Tỉnh thức là một biểu hiện của tình yêu
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:20 03/08/2010
Chúa nhật 19 thường niên.C (Lc 12, 32-48)

Một cô vợ trẻ có quá khứ xấu xa, đã từng là gái bao, gái gọi suốt nhiều năm; vậy mà vì quá yêu thương cô, một chàng trai cao thượng chẳng màng đến quá khứ đen tối ấy, chấp nhận cưới cô làm vợ, với hy vọng tình yêu tha thiết của chàng sẽ cải thiện cuộc đời cô.

Cưới nhau chưa được bao lâu thì vì kế sinh nhai, người chồng phải buồn sầu giã biệt người vợ yêu quý, ra đi lao động dài hạn ở nước ngoài, chưa biết đến bao giờ mới thấy ngày đoàn tụ.

Mặc dù đã thề nguyền trọn đời yêu thương và chung thủy với chồng, nhưng khi chồng xa nhà chưa được bao lâu, người vợ quên phắt lời thề hứa chung thủy hôm nào, quay trở lại cuộc đời trăng hoa trác táng như cũ. Cô nghĩ rằng ít nữa vài ba năm sau chồng mới trở về, vậy thì đến cuối thời gian đó mình sẽ tu tỉnh lại và sửa soạn đón chồng về thì cũng chẳng sao.

Suy nghĩ của người vợ bất trung trên đây chẳng khác gì suy tính của người tôi tớ xấu trong Tin Mừng (Lc 12, 32-48) hôm nay: “Chủ ta còn lâu mới về" và y bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa…” Thế rồi hậu quả đau thương sẽ đến: “chủ của tên đầy tớ ấy đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.”

Nhiều khi chúng ta cũng suy nghĩ và hành động như người vợ bất trung hay như tên tôi tớ thiếu tỉnh thức trên đây: “Mình còn lâu mới chết, ngày giờ Chúa gọi còn xa. Ít ra mình cũng còn sống được vài ba chục năm nữa. Vậy thì tha hồ sống buông tuồng theo đam mê dục vọng, ăn chơi thoả thích, chờ đến khi được bảy, tám chục tuổi rồi ăn năn sám hối cũng chẳng muộn gì. Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ, Người chẳng nỡ bắt tội đã qua!”

Nhưng thử nghĩ lại xem: Một người vợ lợi dụng thời gian vắng chồng để làm điều vô luân bất chính như trên có xứng đáng với tình yêu của chồng không? Có xứng đáng chung hưởng hạnh phúc với chồng trong ngày đoàn tụ không?

Và tôi, người học theo sách của con người bất trung ấy, chờ khi nào sắp chết mới chịu tu thân sửa mình và mới sống trung thành với Chúa, có xứng đáng chường mặt ra chào đón Chúa trong ngày Người đến gõ cửa nhà mình không? Có xứng đáng bước vào Ngôi Nhà hoan lạc mà Người đã dành sẵn cho những tôi tớ trung thành trên quê trời không?

Vậy thì khi lên tiếng mời gọi: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”, Chúa Giê-su mong muốn chúng ta luôn luôn “chung thủy” với Chúa và sẵn sàng đón Chúa trở lại như người tôi tớ chờ đợi chủ về giữa đêm khuya hay như người vợ hiền dành trọn con tim và lòng chung thủy cho người chồng đi xa không biết đến bao giờ mới trở lại.
 
Cần tỉnh thức và sẵn sàng
Phanxicô Xaviê
14:49 03/08/2010
Như một chuyện khó tin mà có thật, đó là chuyện của chàng thanh niên ở Tây Đức trước đây, đã một mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ Liên Xô cũ, rồi an toàn đáp xuống quảng trường đỏ. Người thanh niên Tây Đức tên là Matthias Rust này điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một sồ khách hiếu kỳ. Sau đó, anh đã bị công an Liên Xô bắt giữ. Đây là một chuyện chưa từng xảy ra trên lãnh thổ vốn có hệ thống phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.

Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền Liên Xô lúc bấy giờ e ngại và giật mình về sự sơ sót của mình. Đó có thể được xem như là một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của một cường quốc về vũ khí như Liên Xô. Mà tai nạn thì luôn là một bất ngờ con người không bao giờ lường trước được. Không ai học được chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.

Người Kitô hữu luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố. Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tể của sự sống chính là Ngài, và kêu mời con người luôn sẵn sàng đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Thiên Chúa cho con người thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng phó thác.

Bài đọc 1 trích sách Kn 18, 6 – 9 gợi lại đêm tối nổi tiếng trong lịch dử Do thái giáo. Đêm ấy các tổ phụ đã được biết trước. Không những Chúa đã báo trước cho Abraham mà chính Môsê sau này cũng báo cho con cái Israel biết. Họ chỉ biết khi có niềm tin. Họ có tin vào Chúa và lời của Ngài, họ mới chờ đợi cái đêm hôm ấy. Đêm để thấy các thánh được cứu độ và thù địch bị diệt vong. Đêm Đức Chúa giải thoát dân riêng Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ vào đất hứa. Nên con cái Itrael đã âm thầm tế lễ Thiên Chúa, thực hiện những công việc theo lệnh Chúa truyền, đồng tâm một lòng cùng chung phúc may và hiểm họa, biểu hiện niềm tin duy nhất bằng cách cất tiếng hát ca tụng Chúa cùng với các tổ phụ.

Tác giả sách Khôn Ngoan cho chúng ta thấy con cái Israel đã được giải thoát nhờ niềm tin, một niềm tin chung vững vàng căn cứ nguyên vào lời Chúa… Chính từ ngày ấy Chúa giải thoát dân bằng cánh tay hùng mạnh, người ta mới có kinh nghiệm và khuyến khích để tin vào những lần giải thoát khác mà Chúa nói là sẽ còn kỳ diệu hơn nữa, để mỗi khi ăn lễ Vượt Qua và mỗi khi trông chờ ơn Cứu độ, mọi người phải có niềm tin vững vàng, một niềm tin Chúa sẽ cứu cả cộng đồng trong đó có mình.

Do đó nếu bài thư Dt 11, 1 – 19 lấy gương Abraham để khuyến khích mỗi người chúng ta luôn luôn tiến bước về tương lai với niềm tin vững chắc, thì với bài trích sách Khôn Ngoan, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta đặt niềm tin tương lai vào sự gắn bó chung với Giáo Hội. Thật vậy, chúng ta không tiến về tương lai một mình, nhưng cùng với toàn thể nhân loại được cứu độ. Chúng ta phải cất cao bài hát của các tổ phụ, tức là nói lên niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa và Lời Hứa của Ngài. Bài tin mừng Lc 12, 32 – 48 sẽ truyền lại cho chúng ta giáo huấn rõ ràng hơn của Chúa.

Thoạt đầu Chúa nói với các môn đệ, tức là với tất cả những người tin Chúa. Về sau Chúa nói riêng với các tông đồ tức là với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Với tất cả mọi người, Chúa Giêsu có một lời khích lệ âu yếm, Người nói: ”Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Lời nói vắn tắt nhưng rất thâm thúy, có sức an ủi vì khơi lên niềm tin vững mạnh. Nó cho thấy Chúa thấu suốt hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Nhưng Người cũng khẳng định thân phận của chúng ta rất tốt đẹp. Hiện tại chúng ta là những con chiên vừa nhỏ vì ít ỏi, vừa nhỏ vì yếu thế. Giáo Hội luôn luôn như vậy vừa ít số, vừa không có thế lực. Thường khi chỉ là con thuyền nhỏ trong cơn bão táp trần gian. Nhưng Chúa bảo đừng sợ vì Chúa Cha đã hứa ban Nước Trời cho chúng ta. Giáo Hội đang là chính Nước Trời ấy có sự phong phú của Thiên Chúa và nắm giữ mọi phương tiện cứu rỗi. Những ai tin như vậy sẽ thấy bình an và vững vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên đức tin không phải chỉ là cái nhìn bình an. Nó là khởi điểm và là động lực. Nó đã làm cho Abraham lên đường và giúp ông luôn luôn cất bước cho đến hết cuộc đời. Nó đã khiến con cái Israel tập họp trong đêm xuất hành để vượt qua. Nó cũng phải đưa chúng ta vào hành động.

Vì thế Chúa nói với tất cả các môn đệ: hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, tức là cả đêm ngày luôn ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Ở đây, Chúa cũng gợi lên một ý tưởng. Với bất cứ người nào tỉnh thức, sẵn sàng mở cửa khi Chúa gõ, Người sẽ vào và ngự trong nhà người ấy, tức linh hồn họ. Thái độ tỉnh thức mà Chúa căn dặn mọi người chính là sự cởi mở, nhạy cảm với những điều có liên hệ đến Nước Trời, tức là đến Chúa và Giáo Hội, đến ơn cứu độ của Người luôn sẵn sàng đi vào đời sống của chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ hằng ngày. Chỉ khi nào người ta giữ tâm hồn cởi mở và nhạy cảm đối với những gì có thể làm tăng ơn Chúa và mở rộng Nước Trời, lúc đó họ mới là con người sẵn áo đai lưng và chong đèn sáng, họ mới ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Một đức tin như vậy mới sống động và tích cực, giống đức tin của tổ phụ Abraham và của cộng đồng dân Chúa nói trong các bài đọc Kinh thánh Chúa nhật XIX thường niên năm C hôm nay.

Cuối cùng, riêng với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, Chúa muốn căn dặn qua câu trả lời cho Phêrô. Họ phải tỏ ra là quản lý trung thực và khôn ngoan. Không những phải tỉnh thức và sẵn sàng đón chủ về, mà trong khi chờ đợi còn phải phục vụ gia nhân cho đầy đủ, xả kỷ, yêu thương.
 
Dư Âm Năm Linh Mục: Linh Mục, Ngài Là Ai?
GB Xuân Ly Băng
22:16 03/08/2010

Dư Âm Năm Linh Mục: Linh Mục, Ngài Là Ai?



Từ xa xưa đến mãi về sau, thiên hạ vẫn không ngừng đặt ra câu hỏi đó.

Linh mục, ngài là ai?

(Lắm lúc lẩn thẩn Linh mục cũng chẳng hiểu nổi chính mình)

Linh mục, ngài là ai?

Có những lúc người ta thượng tôn ngài như là sứ Đức Chúa Trời, là cha phần linh hồn.Vì ngài là Người của Thiên Chúa, là người quản lý và ban phát các mầu nhiệm Nước Trời.
Nhưng cũng đã có thời người ta hốt hàng trăm, hàng ngàn Linh mục dốc xuống sông, biển hoặc đưa lên máy chém.
Thời gian bách hại người ta săn đuổi Linh mục như săn đuổi dã thú trong rừng sâu.

Linh mục, ngài là ai?

Mở được Cửa Trời.
Và khoá được Cửa Ngục.
Khiến Thiên Thần Chúa reo mừng.
Và Quỉ ma khóc lóc.

Linh mục, ngài là ai?

Mở được mắt cho người mù.
Để họ thấy ánh Mặt Trời.
Mở được tai cho người điếc.
Để họ nghe Lời hằng sống.
Ban bánh Trường Sinh cho người lữ thứ.

Linh mục, ngài là ai?

Mà Giáo hội không thể thiếu vắng ngài?
Để muối đời cho mặn lại.
Để giải sáng cho thế giới khỏi tối tăm.
Để gặt hái về bao nhiêu lúa đồng đang rục chín.
Để kéo dài Ơn Cứu Độ của Chúa trong thời gian.

Linh mục, ngài là ai?

Ngài chỉ là một người tầm thường như mọi người tầm thường khác.
Cũng yếu đuối mỏng dòn, và bất tất.
Có lúc ngài nằm bên lòng Chúa trong bữa Tiệc ly.
Và có lúc ngài hèn nhát trong sân Thượng Tế.
Có lúc ngài hào phóng như Maria rửa chân Chúa.
Và có lúc ngài nói như tên phản bội. “các ông cho tôi bao nhiêu…”

Ôi Linh mục, ngài là ai?

Câu trả lời nằm gọn trong Trái Tim Chúa.
Xin Chúa thứ tha, gìn giữ và thánh hóa Linh mục mọi nơi và mọi thời

GB.Xuân Ly Băng. 2.08.2010
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tinh thần im lặng theo chân phúc Rossmini
Vũ Văn An
01:42 03/08/2010
Trên giường bệnh tại Stresa, chân phúc Rosmini được người bạn thân là Alessandro Manzoni, tác giả I Promessi Sposi, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất tại Ý lúc đó, năng lui tới thăm viếng. Một ngày kia, Manzoni hỏi chân phúc muốn nhắn nhủ gì cho những người ở lại, ngài chỉ nói vắn tắt: “Hãy giữ im lặng”. Mấy lời này không phải là những lời tình cờ, mà nói lên cả một thái độ, một lối sống mà chân phúc đã biến thành của riêng mình từ lúc còn trẻ và không ngừng nhắn nhủ những người được ngài chăm sóc về tâm linh.

Chúng ta, những người hằng ngày điếc tai với thế giới hiện đại, không biết có nhận ra giá trị lời khuyên của người vừa được Đức Bênêđíctô XVI nâng lên hàng chân phúc năm 2007 sau hơn 100 năm bị liệt vào hàng gần như lạc giáo (Xem VietcatholicNews, 9 Jul 2010)? Ngay Stresa thôi cũng nói với ta nhiều điều về thế giới ồn ào hiện nay. Cái làng đánh cá trầm lặng trong thế kỷ 18 ở bờ nam của Hồ Cả (Lago Maggiore), mà hồi chân phúc Rossimi còn sống, cảnh thanh bình êm ả chỉ bị khuấy động bởi những tiếng lốp cốp của cỗ xe ngựa chạy qua đường Simplon tới Domodossola và Thụy Sĩ, thì nay đã trở thành một địa điểm du lịch hiện đại cho hàng ngàn du khách Y và du khách Âu Châu. Bình thường dân số Stresa chỉ là 3,000 dân. Nhưng trong những tháng hè và dịp đặc biệt, số dân ấy thường xuyên lên đến 30,000 người. Nữ Hoàng Victoria, trước đây một thế kỷ, từng đến nghỉ mát tại Baveno, ngôi làng kế cận Stresa, đã làm cho vùng này trở thành nổi tiếng. Từ đó, và nhất là từ Thế Chiến II, tại Casa Bolongaro, nơi chân phúc Rossmini qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 1855, đã mọc lên đủ loại khách sạn. Cảnh ồn ào, đôi lúc đến điếc tai, là chuyện thường tình suốt ngày suốt đêm trong nhiều tháng mỗi năm. Thử hỏi, liệu thinh lặng có còn dính dáng gì tới một bầu khí như thế nữa hay không, bầu không khí khá điển hình trong thời đại ta?

Nếu Stresa đã đặt ra câu hỏi biểu tượng, thì nó cũng cho ta câu trả lời biểu tượng. Giữa cảnh ồn ào điếc tai, Casa Bolongaro, nay là Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu Rossmini, vẫn duy trì được sự thanh bình và thư thái của nó. Với mảnh vườn riêng, nằm sau con đường chính, và gần như bị che khuất bởi hai cây tuyết tùng khổng lồ, Casa có được nét trầm lặng, duyên dáng khác xa những người láng giềng to lớn và ồn ào. Quan sát gần hơn, nét trầm lặng và duyên dáng ấy càng gia tăng hơn nữa. Thư viện khổng lồ, nét tinh tế của những hàng cột đỡ mặt tiền căn nhà và bầu khí nói chung hết sức thanh thản của nó quả là một tương phản rõ nét với khu vực chung quanh. Nhưng dù khác biệt, nó vẫn là một thành phần của Stresa, một thế giới trong một thế giới. Có thể nói, nó là trái tim nội thẳm của cuộc hiện sinh ngoại diện của thị xã. Nó là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi về tính hợp thời và ý nghĩa của im lặng ở thời đại ta, và tóm lược được chiều hướng mà chân phúc Rossmini muốn để lại cho ta về ý nghĩa bên trong của sự im lặng.

Đối với chân phúc Rossmini, sự im lặng có một tầm quan trọng hết sức lớn lao. Giống mọi người khác cùng sống với ngài ở Calvario di Domodossola trong những ngày đầu mới lập Tu Hội Bác Ái, chân phúc chọn một câu thánh kinh rất có ý nghĩa, ghi ở lối vào phòng mình. Câu ấy là: Bonum est praestolari cum silentio salutare Dei [Im lặng chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa thực là điều tốt] (Ai Ca 3: 26). Những chữ này tóm lược hết các hoài mong và hy vọng của ngài, và làm ta nhớ tới các câu khác trong Thánh Kinh: “Sức mạnh của ngươi nằm trong im lặng và hy vọng” (Is 30:15) và “Hãy thinh lặng, và biết rằng ta là Thiên Chúa” (Tv 46:10).

Tuy nhiên, việc chân phúc Rossmini chấp nhận và yêu sự thinh lặng không bắt đầu tại Calvario. Lúc 17 tuổi, ngài đã viết một bài tựa là “Ngày Cô Tịch” (Il Giorno di solitudine). Trong bài độc thoại với linh hồn này, ngài nói tới việc cư ngụ với chính mình và Thiên Chúa, rồi kết luận: “Hãy chọn thinh lặng chống lại cái ồn ào của phù hoa. Cái ồn ào này làm điếc lỗ tai của trí hiểu và trái tim, và hãy tiến tới việc thích lắng nghe lời Chúa nói, một cách cẩn trọng trong thinh lặng”.

Thành thử ngay lúc đó, Rossmini đã cảnh giác trước các nguy hại của sự ồn ào, vì nó chỉ làm điếc thêm chứ không hề cổ vũ sự hiểu biết. Ngài cũng đã nêu rõ mục đích của im lặng là để dễ dàng lắng nghe Lời Chúa. Thứ cô tịch này hết sức chủ yếu đối với ngài, và theo ngài, đối với mọi Kitô hữu, như ngài từng nói trong “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo” (Maxims of Christian Perfection): “Môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải luôn sống trong cõi cô tịch nội tâm, trong đó, để mọi sự khác qua một bên, họ sẽ tái khám phá ra một mình Thiên Chúa và chính linh hồn mình. Môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải luôn có Thiên Chúa hiện diện với mình, thờ lạy sự cao cả của Người; và cả chính linh hồn họ nữa, họ phải mỗi ngày mỗi hiểu rõ các yếu đuối và tình trạng như không của nó”.

Tuy nhiên, sự thanh tĩnh mà chân phúc Rossmini thèm muốn và coi như chủ yếu đối với cuộc sống Kitô hữu không phải là sự im lặng hay cô tịch bề ngoài. Ngài chú tâm tới sứ điệp bên trong và thiêng liêng của nó. Ngài nói rõ khía cạnh đó khi mô tả các phương tiện cần có giúp Kitô hữu đạt được cùng đích của mình. Ngài nói như sau về cuộc sống cô tịch của ngài tại Calvario khi sống suốt mùa chay ở đó lần đầu tiên (năm 1828): “Cô tịch rất thân thiết đối với tôi vì nó giúp ta đi sâu vào tư duy của mình và tạo ra quanh ta một xã hội tốt hơn xã hội loài người. Nhưng không phải núi non cùng thung lũng kia, không phải cái thứ bình an và im lặng kia chiếm hữu tâm hồn tôi… Đối với chúng ta, các nơi chốn vật lý quá chật hẹp; nơi chốn của ta chính là Thiên Chúa. Ở nơi ấy, chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng quam arcta est via quae ducit ad vitam! [con đường dẫn tới sự sống sao mà hẹp thế!]. Khoảng rộng bao la, nơi niềm vui tâm hồn mở rộng đến vô biên, sau một dải đất hẹp (Epistolario Ascetico, vol. 1, p. 248).

Các tu sĩ của ngài, những người được mời gọi sống bậc cầu nguyện và sau đó thực hành mọi điều kiện cần thiết cho bậc sống ấy, cũng không coi sự im lặng bề ngoài như lối sống cần thiết. Hiến pháp của Tu Hội Bác Ái nhấn mạnh rằng: “Bậc sống chiêm niệm được ta chọn lựa trước nhất đòi ta phải yêu thích sự cô tịch thánh thiện nhờ đó ta có thể chú tâm tới Chúa một cách thiết tha và không ngừng, bao lâu sự yếu hèn của ta cho phép”.

Ấy thế nhưng, khi trình bày và giải thích cho Thánh Maddalena di Canossa về kế hoạnh lập Tu Hội Bác Ái, chân phúc Rossmini khẳng định rằng: “Đây không phải là lúc trốn chạy, nhưng tranh đấu… Ngay các tu sĩ, những người tự ý rời bỏ thế gian, cũng sẽ hành động một cách không hoàn hảo nếu cùng một lúc họ không chịu từ bỏ sự im lặng ưa thích của chốn thâm cung tu viện để giúp đỡ anh chị em mình khi họ cần đến mình. Ngày nay, việc hoàn toàn rời bỏ thế gian phải được hiểu theo nghĩa tinh thần, như các tông đồ vốn hiểu. Ta không thể hài lòng với sự rời bỏ bề ngoài”. Chân phúc cũng nói tới “việc không ngừng tĩnh tâm tinh thần ngay giữa các bận bịu bên ngoài”.

Ta cũng cần nhấn mạnh điều này: lời mời gọi im lặng được ngỏ với mọi người. Vì các lời trích từ “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo” vốn nhằm nói với mọi Kitô hữu: “Mọi Kitô hữu, mọi môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, bất kể bậc sống và điều kiện sống ra sao, đều được kêu gọi sống hoàn thiện: vì tất cả đều được kêu gọi sống Phúc Âm, vốn là luật của hoàn thiện; và Thầy Chí Thánh từng nói với mọi người như sau: ‘Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời của các con là Đấng Hoàn Thiện”.

Ấy thế nhưng, một lần nữa, ngài cũng viết: “Người Kitô hữu khiêm nhường và sốt sắng, người tự ý chỉ chọn cuộc sống ẩn dật mà họ mộ mến vì đức khiêm nhường thành thật, rất có thể phải pha mình vào cuộc sống hoạt động. Nếu ý Chúa muốn, họ còn có thể phải lao mình vào biển đời của lo toan và rắc rối, của kinh doanh và nghiệp vụ, cả quan yếu lẫn không quan yếu, cả đáng kính lẫn khinh bạc, để phục vụ người lân cận, theo thứ bậc Chúa muốn họ đi để đến với Người”.

Cho nên, theo nhận định của chân phúc Rossmini, sự im lặng bên trong phải được coi là chủ yếu đối vời đời sống người Kitô hữu; sự im lặng bề ngoài phải được duy trì bao xa có thể, nhưng sự im lặng bên trong mới nói lên tinh thần từ bỏ mình của người Kitô hữu trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

Các lý do phải giữ im lặng bên trong

Đâu là động lực của sự im lặng bên trong? Ta có thể gọi động lực đầu tiên là nhu cầu ‘im lặng hữu thể’ (ontological silence). Nói cách khác, chính hữu thể của ta trong tư cách tạo vật đòi ta phải im lặng hoàn toàn, phải tùy thuộc hoàn toàn, trước Đấng Tạo Hóa. Trước thánh nhan của Người, mà ta luôn luôn ở trước thánh nhan của Người, ta không thể làm gì khác ngoại trừ chờ lời Người phán. Với cái nhìn này, ta thấy rõ sự hư không của ta, nhìn nhận sự tùy thuộc hoàn toàn của ta, một sự tùy thuộc chính là sự hiện hữu của ta trong tư cách tạo vật. Ta hãy nghe lời phát biểu của Thánh Tôma Aquinô: “Sáng thế không phải là sự thay đổi, nhưng là chính sự tùy thuộc của hữu thể tạo vật vào nguyên lý đã dựng nên nó” (Contra Gentes, II, c. 18).

Ta được mời gọi giữ im lặng chính vì ta tùy thuộc vào Đấng đã dựng nên ta. “Thiên Chúa phán…và liền có như vậy” (St 1:6-7). Sức mạnh của lời Chúa tương phản hẳn với lời vô hiệu của ta. Nhiều khi ta bảo: “như nói với đầu gối”. Sự im lặng của ta trước Đấng Tạo Hóa sẽ bị bẻ gẫy duy bởi những ồn ào lộn xộn do sự độc lập của tội lỗi mang lại. “Hãy nghe đây, hỡi nhà Israel, Chúa và là Thiên Chúa của ngươi là Chúa duy nhất…” (Đnl 6:4). Nhưng làm sao có được việc nghe nếu không có sự im lặng tùy thuộc để lắng nghe.

Động lực thứ hai khiến ta im lặng bên trong là nhu cầu ‘im lặng của đức tin”. Ta quả là tạo vật, nhưng là tạo vật tội lỗi, nghĩa là tự mình không còn khả năng tiếp xúc với Đấng Thiên Chúa đã dựng nên mình. Ta cần ơn đức tin cứu rỗi: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3: 21–25). Thời khắc cứu rỗi được đánh dấu trong Cựu Ước bằng sự im lặng. Lúc Pharaô gần đuổi kịp người Do Thái đang trốn chạy, lời của Môsen nói với dân của ông thật đơn giản: “Chúa sẽ chiến đấu cho các ngươi, các ngươi chỉ cần thinh lặng” (Xh 14:14). Hay câu sau của Sách Ai Ca mà ta đã trích dẫn: “Im lặng chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa thực là điều tốt” (Ai Ca 3: 26).

Còn trong Tân Ước, lệnh truyền còn rõ ràng hơn nữa: muốn cứu rỗi phải tiếp nhận Lời Chúa bằng đức tin. “Ta đang sống trong thời sau hết lúc Thiên Chúa nói với ta qua Con của Người” (Dt 1:2) và ta không thể bước vào thời của ta nếu ta không tiếp nhận Ngôi Lời nhập thể: với mọi người tiếp nhận Người, Người ban quyền trở nên con cái Thiên Chúa; là những người sinh ra không phải do máu cũng không do ý muốn xác thịt, hay ý muốn của người đàn ông, nhưng do Thiên Chúa” (Ga 1:11).

Nhưng, kẻ vừa được thụ thai đâu có nói lời nào, dù họ đã nhận được khả năng nói. Việc họ chấp nhận khả năng này chỉ diễn ra trong im lặng, trong việc họ tiếp nhận Ngôi Lời, Đấng, khi hiến mạng sống cho họ, sẽ nói ở trong họ và cứu vớt họ. Chân phúc Rossmini diễn tả điều ấy rất minh bạch, súc tích và đẹp đẽ khi ngài cầu nguyện như sau: “Lạy Cha, khi Con Cha cầu nguyện trong con, là con cầu nguyện cùng Cha”. Chân phúc không có ý nói ngài muốn dùng lời cầu nguyện của Chúa Con chỉ như một điển hình. Ngài muốn nói như Thánh Augustinô rằng “Khi chúng ta kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’ thì chính Chúa Thánh Thàn chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và là đồng thừa kế với Ðức Kitô” (Rm 8: 15–17).

Động lực thứ ba khiến ta im lặng nội tâm là nhu cầu thực hành việc hãm mình. Việc này, với ơn Chúa, sẽ cho ta cơ hội lắng nghe Lời Chúa hoàn hảo hơn. Ta có thể gọi nó là ‘im lặng tu đức’ (ascetical silence), được chân phúc Rossimni tóm tắt như sau: “Để có được thói quen tĩnh tâm tinh thần thường xuyên, điều cần là phải cố gắng nhiều ngay từ lúc đầu và phải cương quyết khổ chế bản thân trong bất cứ điều gì làm tâm trí mình sao lãng và đi ngược lại trạng thái tĩnh tâm và nhớ đến Chúa; ta phải không ngừng xin Chúa Giêsu Kitô ban cho ta ơn đó; chỉ nhờ kiên tâm cầu nguyện sốt sắng, tinh thần ta mới ổn định và sẵn sàng đạt được tình trạng thường xuyên an tịnh trong Chúa, một sự an tịnh sẽ không bao giờ mất đi vì các hoạt động ở bên ngoài, nếu ý chí ta không sa vào điều xấu. Hãy nhớ, sức mạnh mà ta dùng để thông đạt với Chúa và kết hợp với Người là một sức mạnh khác với mọi sức mạnh ta dùng để hoạt động ở bên ngoài. Bởi thế, khi người ta đạt tới một trạng thái chiêm niệm và kết hợp nào đó rồi, thì dù họ hành động bằng các sức mạnh vốn điều khiển các hoạt động bên ngoài đi nữa, các sức mạnh ấy cũng không gián đoạn được sức mạnh tối cao từng đem lại sự an tịnh và thư thái trong Chúa”.

Nhưng điều đó không ngăn cản người thánh thiện “tiến hành các hoạt động bên ngoài của họ một cách tốt đẹp hơn, cũng như các hoạt động bên ngoài kia cũng không khiến họ sao lãng việc thông đạt nội tâm, đầy yêu thương với Chúa. Bình thường, trạng thái tốt đẹp ấy chỉ có thể đạt được bởi các linh hồn trung tín, bền đỗ, ngay từ đầu, biết nghiêm túc tự khổ chế và không ngừng chuyên chăm cầu nguyện”.

Khía cạnh tu đức có tính nhiệm nhặt này cần được nhấn mạnh nếu ta muốn nắm được toàn bộ giáo huấn của chân phúc. Tuy nhiên, trước khi làm được việc đó, ta cần nắm vững ta đang đương đầu với điều gì. Loại khổ hạnh đang bàn ở đây, trong cuộc sống hằng ngày, thường được thực hành ở một bình diện tầm thường. Điều này sẽ được bàn sau. Nhưng nhờ ơn Chúa, con người cũng có thể đạt được một bình diện rất cao trong đó việc cầu nguyện có tính huyền nhiệm tự biến thành một hy sinh tột đỉnh. Đó là điều từng được chân phúc Rossmini đề cập tới một cách chi tiết. Ngài viết: “Tại sao ta thấy việc cầu nguyện lại ít được con người thế tục biết đến? Tại sao lại có quá ít Kitô hữu đạt được đỉnh cao nhất của nó? Trong hành vi nâng tâm hồn lên Chúa này, người yêu tìm thấy những niềm vui hết sức tuyệt vời, niềm sảng khoái trọn vẹn, ánh sáng chói lọi nhất, sự sống mạnh mẽ nhất, sự gần gũi thân mật với Chúa nhất. Thế thì tại sao lại hiếm hoi như thế? Đơn giản chỉ vì ai muốn đạt tới đỉnh cao của nó, phải từ bỏ hoàn toàn cái bản nhiên của mình, phải từ bỏ chính mình và lao thẳng vào thẩm cung người khác, tức, thẩm cung lòng Chúa. Hành động ấy thực sự là một kiểu tự tha hóa tinh thần mình. Ở đây, ta không tìm kiếm điều gì, không thấy bất cứ tạo vật nào. Ở đây, mọi trợ giúp đến từ các hình ảnh khả giác đều chấm dứt, dù cách này vẫn là cách suy nghĩ thông thường của ta. Ở đây, ta tìm kiếm Thiên Chúa, một tìm kiếm hoàn toàn khác với việc tìm kiếm các sự thiện trong thiên nhiên; ở đây không có hình ảnh nào có thể mô tả được Sự Thiện này, không một sự tương tự nào trong toàn vũ trụ có thể làm ta mường tượng được. Việc kết hợp yêu thương của linh hồn với Thiên Chúa, mà ta coi là lời cầu nguyện cao nhất khi nó đạt được độ ngọt ngào nhất, đòi ta phải xa lánh một cách phổ quát, một cách trọn vẹn mọi sự vốn thoả mãn và cần thiết đối với bản tính nhân loại của ta; nó đòi ta phải quên, phải từ bỏ từ bên trong bất cứ điều vui thú nào, bất cứ điều gì vốn được các quan năng nhân bản tìm kiếm, bất luận ở dưới đất hay ở tầng trời vật lý, và sau cùng phải từ bỏ chính mình… Các linh hồn quảng đại cần phải hy sinh biết bao mới có thể nếm được một phần Đấng Yêu Dấu, cái phần đã được nhượng cho, được ban phát ở đời này, và một phần Đấng Thần Linh, Đấng mà không một phàm nhân nào đã thấy hoặc đã nếm mà thoát chết: “Ngươi không thể thấy mặt Ta; vì không một người nào thấy Ta mà còn sống sót”. Vâng đúng thế, việc nâng cao linh hồn cầu nguyện, linh hồn chiêm niệm, cắt đứt khỏi mọi giác quan xác thân, quên hết thời gian và không gian và mọi thụ tạo, và chỉ còn chăm chăm, bất động nhìn vào một mình Thiên Chúa thì có khác chi một sự chết, chết thật rồi! Bởi thế, nếu muốn tận hiến cho việc thể hiện tối hậu tấm tình yêu hân hoan nhất nhưng đầy chiến đấu và dằn vặt này, chắc chắn ta phải có quyết tâm anh hùng” (La Dottrina della Carità, 200–1).

Nhưng như đã nói, trong cuộc sống hằng ngày, ta chỉ nên bắt đầu xem sét thực hành sự im lặng ở một bình diện thấp hơn thế. Nhiều người cho rằng: trong hoàn cảnh hiện nay, những gì được chân phúc Rossmini nói đến từ hơn thế kỷ rưỡi trước đây về sự cần thiết của im lặng bây giờ còn cần thiết hơn nữa. Điều này không biết có đúng như thế không hay vì ngụp lặn trong cảnh náo nhiệt ồn áo quen rồi, nên ta đã quên khuấy cả nhu cầu giữ thinh lặng, nhu cầu im lặng tâm hồn để lắng nghe Lời Thiên Chúa? Bạn hãy nghĩ lại những gì đã nghe và đã thấy trên truyền thanh và truyền hình gần đây. Hãy tự hỏi đã đọc gì trên nhật báo hôm nay. Hãy ôn lại bất cứ cuộc thảo luận nghiêm túc nào trong tuần. Bạn đã tiêu phí biết bao thời gian cho những truyện vô bổ mà đáng lý ra nên dành cho sự im lặng. Và hình như ta thấy điều ấy rất bình thường!

Câu hỏi quan trọng hơn là: “Tôi có thể sống mà không cần những điều trên hay không?” hay “Tôi có thể sống với Chúa và với bản thân mình hay không?” Những câu hỏi như thế rất quan trọng vì nó giúp ta hiểu rõ vấn nạn thực sự của thế giới ngày nay nói chung. Vậy thử hỏi: tôi có thể sống với chính bản thân mình hay không? Hỏi như thế, ta thấy câu trả lời sẽ rõ ràng ngay, và giải thích được tại sao ta lại trốn chạy sự im lặng. Ta sử dụng kỹ thuật hiện đại, tức các phương tiện truyền thông, cách này hay cách khác, để trốn chạy chính mình. Ta sẽ không vào sa mạc, theo kiểu nói của Thánh Kinh, vì ta không tin sẽ tìm được điều gì giá trị ở đấy. Thái độ ấy là thái độ duy nhân bản hiện nay, và đức tin cần đánh đổ thái độ này bằng cách chứng tỏ cho người ta thấy: ở cõi cô tịch và im lặng của sa mạc, có điều gì đó không phải chỉ là cái bản ngã tùy thể của ta. Ở đó, ta tìm thấy sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa.

Đối với mọi cuộc sống trọng tinh thần, ta phải nhấn mạnh tới sa mạc như bước minh nhiên đầu hết và như thái độ mặc nhiên không bao giờ chấm dứt. Sa mạc là một hằng số trong Thánh Kinh và là một nét lớn trong cuộc sống của chính Chúa nhập thể. Nó không thể bị triệt tiêu trong cuộc sống các môn đệ Người bất kể bậc sống hay điều kiện sống của họ ra sao. Chân phúc Rossmini nói rõ điều này trong một lá thư gửi một thiếu phụ sống ngoài đời: “Có điều này chắc chắn. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, bà có thể tạo ra sự cô tịch ngay trong tâm hồn bà và sống trong đó với Người [Chúa] bằng đức tin y hệt như trong tu viện kín. Cô tịch trong tâm hồn! Điều này qúy giá hơn biết bao so với bức tường tu viện. Ở đấy, ngay trong chính mình, bà hãy dựng lên những bức tường lửa mà chỉ Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng vốn là lửa, mới có thể đi qua. Những bức tường ấy chính là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Khi tình yêu này tăng tiến trong tâm hồn đến mức trở thành chủ động trong ta, nó sẽ khiến ta chán ghét sự vật trần thế, dù là vinh dự và vui thú bao nhiêu chăng nữa…Nó biến chúng trở thành hình khổ đối với ta vì chúng chính là thế nếu so sánh với những điều ở trên trời”.

Thoạt đầu, sa mạc là điều khó khăn vì ta bước vào nơi xem ra là đất hoang. Như người Do Thái xưa trong sa mạc, ta trách móc: "Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi." (Ds 11: 4–6).

Ta không thèm manna, bánh của các thiên thần, vì vị giác ta đã ra hư đốn; ta không dành tai cho im lặng vì ta sợ mất ồn ào là điều đang mang lại cho ta sự an toàn giả tạo có được điều gì đó không phải là cái tôi trống rỗng của mình.

Ở đây, ta nhớ tới lời của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết năm 1993. Ngài bảo: “Con người hiện đại gần như sợ hãi phải ở một mình; anh ta sợ sự im lặng, sợ cái trống vắng của im lặng. Dường như các phương tiện truyền thông muốn ngăn cản không cho con người ở một mình với chính anh ta. Nhưng cùng một lúc, trong anh ta lại có một sự tởm gớm đối với cuộc oanh kích của truyền thông; trong anh ta có một ước muốn nào đó, có thể chỉ là tiềm ẩn, được thoát khỏi cảnh nô lệ miên viễn gây ra do tất cả những điều thế gian có thể cung hiến” (Il cinema e la fede. La Messa é finita? Cf. Osservatore Romano, 11 tháng 11 năm 1993).

Từ thẳm sâu, ta biết: tốt hơn nên sống với vấn nạn chân thực còn hơn trao thân cho một giải pháp dễ dãi, kiểu cà phê uống liền. Đức Gioan Phaolô II từng nói: “Đây là điều con người thời nay cần có; anh ta thường thiếu khả năng im lặng vì sợ gặp gỡ chính mình, sợ cảm thấy trống rỗng khiến mình phải tra vấn ý nghĩa của chính mình; con người đành lấy ồn ào làm mình điếc tai. Mọi người chúng ta, tin hay không tin, đều cần một sự im lặng để Đấng Khác lên tiếng lúc nào và cách nào Người muốn, để ta hiểu được lời của Người” (Orientale Lumen, n. 16).

Ta cũng cần lưu ý tới tính khí và nền văn hóa Tây Phương, một nền văn hóa có xu hướng thiên về phân tích. Họ thường hay đi tìm các kết luận thuận lý cho sự an toàn của mình. Họ muốn được giải thích, nhưng không thấy rằng mọi giải thích, nếu muốn là giải thích chân thực, thì sau cùng phải bám rễ vào điều tự nó hiển nhiên (self-evident), vào điều không thể giải thích được, nhưng, chính vì thế nó đứng ở đầu nguồn mọi giải thích. Trong cuộc sống của người trọng tinh thần, thái độ này có thể trở thành một quyến rũ thật sự. Thường thì ta chỉ giống những người đốt nến tìm đường giữa lúc mặt trời chiếu sáng chói chang hơn là để cái nhìn của mình hành động trọn vẹn dưới sự thúc đẩy của ơn thánh.

Lời khuyên của chân phúc Rossmini về sự im lặng bề ngoài trong cuộc sống hằng ngày của ta chứng tỏ ngài rất nghiêm túc đối với vấn đề ấy; lời khuyên này cũng giúp ta hiểu được sự thực nằm dưới cách diễn đạt súc tích, khô khan một nội dung mà thoạt mới đọc người ta có cảm tưởng là dễ dãi và đạo hạnh một cách cường điệu. Thí dụ, trong “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo”, ta hay gặp những câu như: còn về phần mình, người Kitô hữu tự chọn cho mình một ‘cuộc sống ẩn dật, một cuộc sống càng cô tịch, càng thinh lặng và dấu ẩn bao nhiêu càng hay”; ‘lòng yêu thích sự ẩn dật khiến họ không muốn liên hệ với những người họ không có trói buộc nào cả’; ‘Người Kitô hữu… muốn trở nên hoàn thiện phải chọn một cuộc sống ẩn dật, thinh lặng và bận bịu. Việc chọn sống ẩn dật ấy bao hàm một quyết tâm không ra ngoài một cách không cần thiết… Sự thinh lặng họ chọn sẽ dẫn họ tới việc tránh những lời nói vu vơ càng nhiều càng hay, nghĩa là, những lời nói không dính dáng gì tới việc lớn mạnh của họ cũng như của người khác hay không cần thiết đối với nhiệm vụ và nhu cầu của cuộc sống họ’. Đọc qua loa các câu đại loại như thế, ta dễ có cảm tưởng đó chẳng qua chỉ là những điển hình cực đoan nhất của lối văn nhà đạo hay tu đức. Nhưng nếu hiểu chúng như những bước thực tiễn lúc ban đầu để ta được ‘hoàn toàn đưa vào trong Thiên Chúa’ hay như chân phúc Rossmini thường dùng câu Xuất Hành 19:4 để ám chỉ: “Các ngươi thấy đó… Ta đã mang các ngươi trên cánh đại bàng và đưa các ngươi đến với Ta”, thì đó là lời mời gọi ta ra khỏi thế giới mộng mơ do chính ta tạo ra để bước vào thế giới thực tại vốn tùy thuộc hành động sáng tạo và cứu chuộc đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Khát vọng thinh lặng có tính Kitô Giáo này hoàn toàn tiếp nối truyền thống sống đạo của những con người thánh thiện suốt trong lịch sử Giáo Hội mà điển hình nhất là lối sống của các tu sĩ dòng thánh Bruno (Chartreux). Tất nhiên lối sống này không hẳn thích hợp cho mọi người, nhưng những nét chính yếu họ nhấn mạnh về sự thinh lặng thì ai ai cũng áp dụng được, và những điều đó tóm lược được hết những gì chúng ta vừa nói về sự thinh lặng này.

“Im lặng là lắng nghe: không phải nỗi chờ mong ray rứt được nghe những lời lọt vào lỗ tai ta hay tràn ngập trái tim ta, mà là bình thản tiếp nhận Đấng đang hiện diện và đang hành động một cách thầm lặng trong cõi thâm cung của ta. Thực thế, im lặng phối hợp việc không nói lời nào trên môi miệng và trong trái tim với việc đối thoại sống động cùng Thiên Chúa. Ta không nên vướng vào những cuộc đối thoại dài dòng về chủ đề này nhưng hãy đọc chính lời của Thánh Bruno: ‘hoa trái của sự im lặng chỉ người cảm nghiệm được nó mới thấy…’. Im lặng là thế này: để Chúa nói trong ta lời tương đương với chính Người. Lời ấy tới tai ta mà chính ta không biết bằng cách nào, mà ta không có khả năng diễn tả các đường nét chính xác của nó; chỉ biết: chính Lời Thiên Chúa đến với ta và vang dội trong trái tim ta” (The Wound of Love, tr. 63–4, London 1994).

Sự im lặng của Đức Mẹ

Nói về sự im lặng mà không nói tới gương mẫu im lặng của Đức Mẹ khi tiếp nhận Ngôi Lời là một điều thiếu sót. Những lời đẹp đẽ và thích đáng nhất về sự im lặng này có thể trích dẫn từ Đức Gioan Phaolô II, từ chân phúc Rossmini và từ thi hào Paul Claudel.

Đức Gioan Phaolô II từng nói như sau về sự im lặng của Đức Mẹ: “Gương sáng của Đức Mẹ làm Giáo Hội hiểu rõ hơn giá trị của sự im lặng. Sự im lặng của Ngài không những chỉ là việc điều độ về lời nói mà trên hết còn là khả năng đầy khôn ngoan nhớ lại và nhắc lại trong một chớp nhoáng của niềm tin trọn mầu nhiệm Ngôi Lời thành người và mọi biến cố thuộc cuộc sống dương gian của Người. Sự im lặng để tiếp nhận Ngôi Lời này, khả năng biết suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô này đã được Đức Mẹ lưu truyền cho những người biết tin. Trong một thế giới ồn ào và đủ mọi thứ thông điệp này, chứng tá của Ngài giúp ta biết đánh giá được sự im lặng hết sức phong phú về tâm linh và khích lệ ta phát triển tinh thần chiêm niệm. Đức Mẹ làm chứng cho giá trị của một cuộc sống khiêm hạ và ẩn dật. Ai trong chúng ta cũng thường yêu cầu và đôi lúc đòi hỏi quyền được đánh giá trọn vẹn con người và các phẩm tính bản thân của mình. Ai cũng nhậy cảm đối với lòng qúy mến và trọng vọng. Chính Phúc Âm cũng nhiều lần cho thấy các Tông Đồ đã thèm muốn chỗ đầu hết trong vương quốc Chúa Kitô như thế nào và tranh luận với nhau xem ai là người vĩ đại nhất. Khiến Chúa Giêsu phải dạy họ nhiều bài học về sự cần thiết phải khiêm nhường và có tinh thần phục vụ (xem Mt 18:1-5; 20: 20-28; Mc 9:33-37; 10:34-45; Lc 9:46-48; 22:24-27). Đức Mẹ, trái lại, không bao giờ thèm muốn vinh dự hay địa vị ưu thế. Ngài luôn tìm cách chu toàn Thánh Ý Chúa bằng cách sống một cuộc sống phù hợp với kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha. Đức Mẹ tỏ lộ cho tất cả những ai thường cảm thấy sự nặng nề của một cuộc sống bề ngoài xem ra vô nghĩa thấy rõ: cuộc sống ấy thực ra hết sức qúy giá nếu họ chịu sống nó vì tình yêu Chúa và tình yêu anh em” (Osservatore Romano, 23 tháng 11 năm 1995).

Chân phúc Rossmini thì nói những lời sau đây về Đức Nữ Trinh, những lời rõ ràng đi trước các lời lẽ trên đây của Đức Gioan Phaolô II: “Đàng khác, người Kitô hữu lúc nào cũng phải suy niệm và mô phỏng đức khiêm nhường sâu sắc của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Đấng mà Thánh Kinh mô tả là luôn ở trong trạng thái thanh thản, bình an và yên tĩnh. Cuộc sống được Đức Mẹ tự ý chọn là cuộc sống của khiêm nhường, ẩn dật và thinh lặng. Chỉ có tiếng nói của Thiên Chúa hay sự thúc giục của Đức Ái đối với Thánh Nữ Isave mới lôi kéo Ngài ra ngoài cuộc sống ấy mà thôi. Theo sự phán đoán nhân bản, ai lại chẳng nghĩ: sao Thánh Kinh nói ít đến thế về tạo vật hoàn hảo nhất trong các tạo vật? Không nhắc chi đến bất cứ công trình nào của Ngài; ấy thế nhưng đời Ngài, một đời mà thế giới mù lòa coi như chuỗi dài những bất động liên tục, đã được Thiên Chúa công bố là siêu việt nhất, đạo hạnh nhất, cao thượng nhất trong mọi cuộc đời, và do đó, Nữ Trinh khiêm nhường và ẩn dật này đã được Đấng Toàn Năng nâng lên địa vị cao trọng nhất, lên tòa vinh quang cao cả hơn bất cứ con người và thiên thần nào”.

Còn thi hào Paul Claudel thì sao? Trong bài thơ “Je n’ai rien à offrir” (Con chẳng có chi để tiến dâng) ông đã viết như sau:

Con chẳng có chi để tiến dâng, chẳng có chi để khẩn cầu!

Lạy Mẹ chí ái, con chỉ đến ngắm Mẹ.

Chẳng có chi – song được ở với Mẹ, Lạy Mẹ Maria,

chỉ một lúc thôi

khi mọi sự lặng thinh

tại chốn này

nơi Mẹ ngự.
 
Tập 2 bộ sách “Chúa Giêsu Narazeth” của ĐGH
Phụng Nghi
07:16 03/08/2010
VATICAN CITY - Tập thứ hai trong bộ sách Chúa Giêsu Nazareth sẽ là một thách đố tính cách học thuật về Kinh thánh trong thời đại tân tiến và sẽ khơi dậy nơi người đọc sự suy nghĩ sâu xa hơn về Đức Giêsu.

Đó là ý kiến của Mark Brumley, giám đốc Nhà xuất bản Ignatius Press, được chỉ định để xuất bản tập sách nói trên trong ấn bản bằng Anh ngữ.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Mark Brumley phát biểu rằng ông trông đợi là tập thứ hai này, với những suy tư về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, sẽ khơi động “một cuộc đàm thoại lớn lao về tính học thuật của Kinh Thánh trong thời đại tân tiến” không chỉ trong phạm vi Giáo hội, mà còn giữa người Công giáo với người Tin Lành, giữa người Kitô giáo và người theo đạo Do thái. Ông nói: “Mục tiêu của Đức giáo hoàng là làm cho con người suy tư sâu xa hơn về Chúa Giêsu”.

ĐGH Benedict XVI đã hoàn tất công trình này hồi đầu năm nay. Công trình là sự tiếp nối tập thứ nhất của bộ sách Chúa Giêsu Nazareth. Sách hiện đang được dịch từ nguyên bản tiếng Đức sang nhiều ngôn ngữ. Nếu mọi chuyện xuôi chảy theo đúng dự liệu, thì bản dịch Anh ngữ sẽ phát hành đồng loạt cùng với ấn bản bằng các ngôn ngữ khác vào đầu Mùa Chay năm 2011.

Ignatius Press và nhà xuất bản Liberia Editrice Vaticana của Tòa thánh đã đạt được một thỏa thuận, theo đó thì Ignatius Press (trú sở đặt tại San Francisco, Hoa kỳ) sẽ phát hành ấn bản Anh ngữ của tập sách. Tập thứ nhất đã được Doubleday phát hành năm 2007. Cha Joseph Fessio, người sáng lập và biên tập của Ignatius Press nói rằng công ty của ngài đang “nao nức chờ đợi” tập sách mới nhất này “bởi vì sách sẽ chứa đựng những suy tư của Đức thánh cha về các huyền nhiệm trọng tâm của đức tin Công giáo.”

Những câu hỏi gây tranh cãi

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 29 tháng 7, Ignatius Press nói rằng tập sách thứ hai này sẽ có thể đề cập đến những vấn nạn gây tranh cãi chẳng hạn như: “ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu? Chúa Giêsu có thiết lập Giáo hội để thực hiện công trình của Người? Người quan niệm thế nào về sự thương khó và cái chết của mình? Còn chúng ta nên quan niệm như thế nào? Và, quan trọng hơn cả, là Chúa Giêsu có thực sự phục sinh từ cõi chết?”

Trong bản thông cáo báo chí, Brumley cho biết: “Chúa Giêsu vẫn là nhân vật gây tranh luận. Những Kitô hữu tin rằng Người là Con Thiên Chúa, là vị sáng lập ra Giáo hội, và là đấng Cứu chuộc nhân loại. Còn đối với người không theo Kitô giáo, Chúa Giêsu gần như là những gì khác hẳn: một huyền thoại, một nhà cách mạng, hoặc là một tiên tri mà các giáo huấn đã bị tín đồ hiểu lầm, xuyên tạc.” Cuốn sách sẽ đưa người đọc mặt đối mặt với những thách đố về Chúa Giêsu.

Thảo luận đại kết

Ignatius Press nói đang trù liệu một số hoạt động để chuẩn bị cho ngày phát hành tập sách nhằm mục đích khơi động các cuộc thảo luận về những đề tài cuốn sách đề cập tới: “Chúng tôi thực tình muốn có được sự thảo luận rộng rãi này, vì thế chúng tôi đang làm việc với người Tin Lành, khảo sát về vấn đề tính cách học thuật của Kinh thánh và những vấn nạn nó đặt ra liên quan đến cách trình bầy về Chúa Giêsu trong Tin mừng. Chúng tôi nao nức về việc tung cuốn sách ra cùng một lúc, và nao nức về hiệu quả sẽ có trong phạm vi rộng rãi của văn hóa.”

Ignatius Press cũng sẽ phát hành một bản hướng dẫn học hỏi để mở rộng những cuộc thảo luận này, do đó sẽ cung ứng cho các nhóm trong giáo xứ, các sinh viên hoặc các chủng sinh một điểm xuất phát để nói về những vấn đề sách nêu ra. Brumley cho biết rằng ngài hy vọng sẽ thấy có những cuộc thảo luận “rất mực tính tế” về một đề tài đặt ra “rất dễ tiếp cận.”

Đức ông Giuseppe Costa, giám đốc nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana của Tòa thánh, là một trong số rất ít người đã được đọc cuốn sách này của Đức thánh cha. Ngài cho biết hôm 29 tháng 7 rằng một trong những điều ấn tượng nhất là “tính cách tâm linh phong phú mà cuốn sách chuyên chở.”

Ngài cũng cho biết những khó khăn trong việc phiên dịch một tác phẩm như thế: “Đức giáo hoàng là một nhà thần học lớn, do đó muốn phiên dịch sách của ngài, cần phải có một kiến thức về thần học, nền thần học tâm linh. Ngoài ra, tiếng Đức là một ngôn ngữ rất phong phú, rất chính xác và mô tả đầy đủ được một số những quan niệm rất phức tạp.”

Đức ông Costa nói ngài nghĩ rằng cuốn sách sẽ chứng tỏ là tác phẩm “gây rất nhiều hiệu quả cho người đọc.” Tập thứ nhất trong bộ sách Chúa Giêsu Nazareth, đặt trọng tâm vào sứ vụ công khai của Chúa Giêsu đã bán được 2 triệu ruỡi bản trên khắp thế giới.

Đang sáng tác tập chót

Trong khi đó, Đức thánh cha đã bắt đầu làm cuốn thứ 3 và là cuốn chót trong bộ sách. Ngài dùng nhiều thời gian trong kỳ nghỉ hè vào tháng 7 để viết cuốn này. Người phát ngôn của Tòa thánh, linh mục Federico Lombardi tuyên bố trên đài Truyền hình Vatican hôm 23 tháng 7 vừa qua rằng tập chót trong bộ sách sẽ dành để nói về “Các sách Tin mừng thời thơ ấu” và tập trung vào những gì các Tin mừng của Thánh Matthêu và Luca đã nói về thuở đầu đời của Chúa Giêsu.

Cha Lombardi nói: rõ ràng “Đức thánh cha canh cánh bên lòng được mang dự án lớn lao đã khởi thảo từ nhiều năm trước đến giai đoạn kết thúc.”

Trong phần mở đầu tập thứ nhất, Đức thánh cha nói rằng bộ sách này đã được ngài “ấp ủ từ lâu “ và “chỉ là biểu hiện công cuộc tôi đi tìm kiếm khuôn mặt của Chúa.”
 
Chút tâm tình hành hương xứ Ars nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
09:44 03/08/2010
CHÚT TÂM TÌNH HÀNH HƯƠNG XỨ ARS

NHÂN NGÀY LỄ KÍNH THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY.


Trong chuyến hành hương Năm Linh Mục, chúng tôi đến Roma dự Đại lễ bế mạc Năm Linh Mục. Sau đó đến trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Chúa nhật 13.6.2010, chúng tôi đến xứ Ars, ở lại đây tĩnh tâm hai ngày một đêm, cầu nguyện và dâng lễ tại nhà thờ xứ Ars bên thi hài cha Thánh Vianney và trầm tư nơi căn nhà ngài từng sống 41 năm. Nhiều đoàn linh mục khắp thế giới đến đây dâng lễ và cầu nguyện. Thật ý nghĩa khi đến Ars để thinh lặng xét mình nơi nhà thờ và nhà xứ mà Cha Thánh đã từng sống.

Từ khách sạn bình dân, chúng tôi đi bộ gần cây số đến khu trung tâm hành hương. Không có cảnh xe cộ ồn ào, không có những quán ăn tấp nập và chẳng thấy những khách sạn đồ sộ, những phố xá sầm uất. Một thị trấn thật yên bình giữa cây xanh bao phủ.

Xem hình ảnh chứng tích của thánh Gioan Vianney

Nhà thờ giáo xứ Ars nằm trên một quả đồi thấp, giữa một thị trấn nhỏ mà thơ mộng. Bước vào khuôn viên có phòng cầu nguyện đặt tượng thánh nhân, nến cháy liên lỉ. Sau khi quỳ gối cầu nguyện, chúng tôi viếng thăm nhà xứ. Tất cả các căn phòng vẫn còn giữ nguyên trạng như những ngày thánh nhân còn sống, quá đơn sơ và nghèo nàn… Nhà bếp lụp xụp, khói đen phủ kín tường gạch trét vôi, mấy cái nồi niêu soong chảo cũ kỷ treo trên tường. Cái nồi luộc khoai lang treo lơ lững, bên dưới có bóng điện nhỏ như ngọn lửa cháy, chiếu rõ màu đen bụi khói qua năm tháng. Khoai lang luộc là thức ăn hàng ngày của cha xứ. Cái bàn ăn bằng gỗ cùng với hai cái ghế gỗ nhỏ toát lên cuộc sống đạm bạc của chủ nhân. Cầu thang gỗ dẫn lên gác. Căn phòng nhỏ thấp, nơi thánh nhân sống hơn 30 năm, có chiếc giường bị cháy xém do ma quỷ đốt, một cây súng dài rất cổ treo trên tường, nghe kể là các vị Hội đồng giáo xứ trực nhà xứ đem vào để bảo vệ cha xứ, một cái đồng hồ như là sáng kiến đặc biệt của cha Vianey chia đều công việc 24 giờ trong ngày của ngài, trong phòng còn có quan tài bằng gỗ sồi, sau 40 năm chôn trong lòng đất, khi khai quật ngôi mộ, xác cha thánh vẫn còn tươi nguyên, một phép lạ Chúa ban. Bị ma quỹ quấy phá nhiều năm, cha thánh chuyển qua phòng khác là nơi dành cho Đức Giám Mục khi đến đây ban phép Thêm Sức. Căn phòng thứ hai này cũng rất nhỏ và thấp, các đồ dùng trong phòng rất giản dị, nghèo nàn. Cái bàn nhỏ bên trên còn để cuốn sách nguyện, từ đó nhìn lên có tượng thánh giá, có mấy tượng ảnh Đức Trinh Nữ Maria, cái giường ngũ nhỏ kê sát tường, nơi thánh nhân ngũ cho đến khi qua đời, đôi giày bạc màu thời gian với khổ chân người nông dân vẫn còn đó, bên cạnh có tủ sách khá nhiều cuốn sách dày, được biết ngài đã đọc và và đánh dấu nhiều trang sách. Thật quá đơn sơ khi nhìn ngắm các vật dụng. Căn phòng ọp ẹp này lại là nơi sinh sống của một con người vĩ đại trong sự giản dị thanh thoát. Nối giữa hai căn phòng ấy hiện nay là phòng trưng bày những đồ dùng hàng ngày như áo lễ, áo dòng, dù, sắc…tôi cảm động nhất khi nhìn và đọc lịch sử về cái áo lễ, mẹ của ngài đã dành nhiều thời gian để may cho con trai cái áo lễ vì nhà quá nghèo, ngày lễ mở tay, cha Gioan Maria Vianey đã mặc áo lễ do bàn tay mẹ làm nên vào năm 1810. Trên gác là kho lúa mì, cha xứ dùng để nuôi các em cô nhi. Chúa hay làm phép lạ cho kho lúa có đầy để nuôi trẻ mồ côi.

Chúng tôi đi thăm nhà thờ. Từ phía sau nhà thờ, nhìn bao quát, thấy những cánh đồng lúa mì trải dài ngút mắt. Một bảo tàng sáp ghi lại những sự kiện về cuộc đời vị thánh cũng rất khiêm tốn nằm thấp dưới chân đồi. Ngôi nhà nguyện dành cho những cuộc hành hương lớn, đặc biệt ngày 4 tháng 8 hằng năm, có thể đồng tế cho hàng ngàn linh mục, cũng được thiết kế âm xuống lòng đất, bên ngòai là sân cỏ rộng dành cho khách hành hương cắm trại. Có những quày hàng nhỏ bán đồ lưu niệm cho khách hành hương.

Chúng tôi đăng ký xin được dâng lễ. Người coi phòng thánh là người da đen tận tình giúp đỡ. Đoàn chúng tôi cử hành Thánh lễ tại chính bàn thờ mà ngày xưa Thánh nhân hằng ngày vẫn dâng lễ, đặt dưới tầng hầm. Thánh lễ hôm ấy sốt sắng lạ thường.

Giáo hội Pháp xây dựng nơi hành hương nổi tiếng này với dáng vẻ hiền lành, đơn giản, khiêm tốn, đúng với cuộc đời của vị thánh đã sống ẩn khuất suốt 41 năm trong âm thầm, lặng lẽ hy sinh vì đàn chiên. Ngay đến Vương cung Thánh đường bằng đá cẩm thạch được dân chúng đóng góp xây dựng sau khi ngài được tuyên Thánh, cũng được xây nối liền sau ngôi nhà thờ năm xưa với gác chuông cũ rêu phong, những khung cửa sổ bạc màu. Bước vào nhà thờ, tôi nhìn thấy tòa giải tội nơi Thánh Gioan Vianney đã từng ngồi miệt mài mỗi ngày hàng chục tiếng đồng hồ, bất kể mùa hè hay mùa đông. Tôi ngồi nơi tòa giải tội vài phút và thầm cầu nguyện với cha thánh. Bên phải Nhà thờ có bàn thờ dâng lễ, phía trên có thi hài cha thánh. Nhiều người đang quỳ gối cầu nguyện sốt mến. Thánh lễ được cử hành hầu như liên tục trong ngày. Hai ngày tĩnh tâm tại đây, tôi chứng kiến nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện và dâng lễ.

Bí quyết nên thánh của Cha Gioan Vianney là nguồn trợ lực vô biên từ Bí tích Thánh Thể, và con đường mục vụ khởi đầu bằng tòa giải tội. Ngài không thông hiểu tiếng La tinh, nhưng lại thấu hiểu được tâm hồn con người. Ngài có những lời khuyên đơn sơ, nhưng lại dễ lay động lòng người. Ngài khuyên hối nhân bằng lời yêu thương nhẹ nhàng đầy Thần Khí nhưng lại hiệu quả lớn lao cho người ta trút bao gánh nặng tội lỗi, đắng cay khổ đau. Ngài miệt mài nơi tòa giải tội để đánh thức niềm tin và đưa người ta trở về với Chúa. Biết bao con người đã tìm lại bình an và niềm vui từ tòa giải tội này. Biết bao tâm hồn đón nhận ơn Chúa từ bí tích hòa giải. Ngồi nơi tòa giải tội của cha Vianney mà tâm hồn lâng lâng niềm hạnh phúc trong sứ vụ linh mục. Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà giải tội bước ra. Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hoà với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Như thế Cha Vianney là người rất hạnh phúc. Chúa phán với tiên tri Edêkiel: "Edêkiel, Ta đã đặt ngươi làm kẻ canh thức Israel. Nếu ngươi không khuyến cáo các người ác bỏ đàng tội, thì nó sẽ phải chết. Nhưng Ta sẽ hỏi tội ngươi về máu nó đã đổ ra" (Ed 3,17-18). Món nợ của Linh mục đối với Chúa là phải làm hết sức mình để cứu đoàn chiên khỏi tội. Vinh quang của Linh mục là được chia sẻ vinh quang của Đức Mẹ và các thánh là những người đã cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu con người khỏi tội lỗi.

Cuộc hành hương đến xứ Ars cần phải tìm đến bức tượng nổi tiếng: Cha Gioan Maria Vianney đứng hỏi đường về xứ Ars với em bé chăn chiên. Tôi với Cha Bùi Hoàng đi tìm, hỏi han và đi hộ hơn 1 km leo lên đồi qua những đồi lúa mì chìn vàng những đồi bắp đang xanh màu lá. Tượng được xây trên một khu đất hẹp, sát bên con đường trải nhựa nhỏ lên dốc. Bức tượng ghi dấu một câu chuyện bất hủ. Ngày đến nhận xứ Ars, Cha Vianney đã hỏi em bé chăn chiên một câu như một lời tiên tri linh ứng sau này: “Con hãy chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời”. Câu này được ghi đậm nét dưới chân bức tượng như một lời nguyện ước của mọi khách hành hương. Ngày xưa, ngài đã chỉ dẫn cho giáo dân xứ Ars đã mất đức tin, bê tha rượu chè, cờ bạc, đàng điếm… được trở về với Chúa, thì ngày nay cũng xin chỉ dẫn cho chúng con biết đường ngay nẻo chính để sau này được trở về Nhà Cha trên trời. Nhìn đôi bàn tay cha thánh, tôi nghĩ về đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người. Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người. Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.

Có một giai thoại rất lý thú về bức tượng này. Nhà điêu khắc Louis Castex (1866-1954) đã chọn anh Gabriel Matagrin (18 tuổi) làm mẫu tạc tượng cha xứ Ars và chọn Antoine Givre (10 tuổi) là con của mình để tạc em bé chăn chiên. Bức tượng rất có thần, ai đến chiêm ngưỡng cũng cảm thấy Cha Thánh hiển hiện sống động, một tay đặt trên vai em bé và một tay chỉ hướng về trời. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nhân mà người đóng vai Cha Thánh, sau này đã đi tu, trở thành giám mục giáo phận Grenoble, cách Lyon 80km: Đức cha Gabriel Matagrin. Còn em bé cũng được Chúa gọi trở thành linh mục chính xứ St. Martin l’Argentière, Cha Antoine Give.

Trên đường về lại nhà thờ, chúng tôi được giới thiệu một nơi đào tạo linh mục có tên là Foyer Sacerdotal Jean-Paul II. Đây là sáng kiến của Đức thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khi ngài đến xứ Ars. Ngài đã kêu gọi xây dựng ở đây một nơi làm sống dậy tinh thần của Cha Thánh Gioan Maria Vianney. Có khoảng 200 đại chủng sinh thuộc nhiều quốc tịch, trong đó Việt nam có hơn mười người, thuộc các giáo phận miền Bắc, miền Trung, không có ai thuộc các giáo phận miền Nam. Chủng viện được xây dựng trên một quả đồi dốc thoai thoải, rất khang trang và hiện đại, cách xa giáo xứ chừng 1km.

Hôm nay ngày 4.8, Giáo hội mừng lễ kính Thánh Gioan Maria Vianney. Ngài đã sống một cuộc đời thánh thiện, toàn tâm toàn lực phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em. Ngài ăn uống kham khổ, sống đơn sơ nhiệm nhặt. Ngài hy sinh hãm mình hằng ngày để xin Chúa biến đổi lòng của từng anh chị em giáo dân, giúp họ biết sống thân tình với Chúa, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự.

Để có được năng lực tốt nhất mà phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em của mình, thánh Gioan Maria Vianney hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa. Ngài chìm lắng suốt đời trong cầu nguyện. Cả một ngày sống của Gioan Maria Venney là một ngày sống để cầu nguyện. Thánh nhân bắt đầu ngày cầu nguyện của mình từ nửa đêm về sáng, khi mới một giờ đêm. Khi mọi người còn đang yên giấc, thánh nhân đã vào nhà thờ, quỳ trước nhà tạm, thầm thỉ với Chúa, chiêm ngắm Chúa.

Thánh Gioan Maria Vianney đã miệt mài ngồi tòa giải tội. Ngài hầu như đọc được tất cả những điều sâu kín trong lòng người, khiến người ta tìm lại được niềm tin, sự bình an của tâm hồn.

Linh đạo Linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã long trọng tuyên bố: “Tinh thần của Thánh Gioan Maria Vianney vẫn còn hợp thời, vẫn còn cần thiết cho các linh mục trong cơn khủng hoảng hiện nay”. Hàng chục ngàn linh mục hiện diện trong ngày bế mạc Năm Linh Mục tại quảng trường Thánh Phêrô, cũng như toàn thể linh mục trên thế giới đã được mời gọi: hãy để trái tim của mình đập cùng một nhịp với trái tim của Thánh Gioan Maria Vianney mục tử, trong một thế giới đầy biến động này.

Nguyện xin thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các linh mục, cầu bàu cùng Chúa cho anh em linh mục chúng con. Amen.
 
Hành hương Năm Thánh Giacôbê Tông Đồ
Linh Tiến Khải
11:42 03/08/2010
Phỏng vấn Đức Cha Julián Barrio Barrio, Tổng Giám Mục Santiago di Compostella, về Năm Thánh Giacôbê Tông Đồ

25-7-2010 là lễ kính thánh Giacôbê Tông đồ. Vì năm nay 2010 là Năm Thánh Giacôbê, nên thánh lễ đã được Đức Cha Julián Barrio Barrio, Tổng Giám Mục Santiago di Compostella, cử hành long trọng hơn mọi năm. Tham dự thánh lễ đã có hoàng gia và các giới chức chính quyền. Vua Juan Carlos đã đọc lời kinh phó thác nước Tây Ban Nha cho sự chở che của thánh Giacôbê Tông Đồ. Lễ nghi phó thác này đã được vua Phipippo IV thành lập hồi thế kỷ thứ XVII để cầu khẩn ơn lành cho dân nước Tây Ban Nha.

Từ thế kỷ XI tới nay hàng chục triệu tín hữu từ nhiều nước Âu châu hàng năm đã hành hương về đền thánh Santiago di Compostella theo gương thánh Tông Đồ. Trong Năm Thánh Giacôbê, số tín hữu hành hương cũng gia tăng mạnh. Trong 20 ngày đầu tháng 7 đã có trên 20.000 tín hữu hành hương đi bộ đến đền thánh, gia tăng 37% so với năm 2009. Và vào cuối tháng 7 đã có hơn 36.000 khách hành hương.

Trong số các khách hành hương có rất đông người trẻ Italia. Đa số tín hữu di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là người già, nhưng giới trẻ thường đi bộ 100 cây số cuối cùng để đến Santiago di Compostella. Chẳng hạn các bạn trẻ giáo phận Ventimiglia Sanremo đã kết thúc lộ trình hành hương 10 ngày hôm 25-7 với 100 cây số đi bộ. Đoàn hành hương tổng giáo phận Perugia gồm 203 bạn trẻ đã khởi hành ngày mùng 1-8 và sẽ đến Santiago di Compostella ngày 12 tháng 8. Đức Cha Gualtiero Bassetti sẽ cùng các bạn trẻ đi bộ 100 cây số cuối cùng tới đền thánh. Các bạn trẻ đã quyết định biến các ngày hành hương trở thành dịp tĩnh tâm, sống tinh thần khắc khổ, nên không đem điện thoại di dộng theo. Thay vì xài tiền riêng, họ góp chung tiền với nhau và chỉ mua những gì tối thiểu cho nhu cầu hằng ngày. Đức Cha Dante Lafranconi, Giám Mục Cremona cũng hướng dẫn một phái đoàn giáo phận hành hương Santiago di Compostella trong các ngày 27 đến 31 tháng 8. Giới trẻ Roma cũng sẽ lên đường bước theo vết chân thánh Giacôbê trong các ngày từ 15 đến 22 tháng 8. Chuyến hành hương này do văn phòng mục vụ giới trẻ Roma tổ chức. Nhiều tín hữu giáo phận Chiavari và Milano cũng tham dự cuộc hành hương tới Santiago di Compostella trong các ngày này.


Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Julián Barrio Barrio, Tổng Giám Mục Santiago di Compostella, về Năm Thánh Giacôbê Tông Đồ.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Barrio, Năm Thánh Giacôbê nhằm mục đích nào?

Đáp: Năm Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hoán cải, hồi sinh đức tin và ý thức về gốc rễ kitô của chúng ta để trung thành với căn tính kitô của mình.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hy vọng rằng Năm Thánh Giacôbê giúp tín hữu suy tư về ơn gọi của mình. Nó có nghĩa là gì thưa Đức Cha?

Đáp: Trong sứ điệp gửi lễ khai mạc Năm Thánh Giacôbê Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói cho chúng ta biết rằng Năm Thánh bắt đầu một thời gian đặc biệt của ân sủng và sự tha thứ, trong đó chúng ta phải nhớ lại ơn gọi nên thánh, đắm chìm trong Lời Chúa, nhận biết Chúa Kitô đến gặp gỡ chúng ta, đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời và hiến mình cho chúng ta đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Việc cử hành Năm Thánh Giacôbê là một địp quan phòng giúp tiếp nhận sứ điệp cứu độ của Chúa; thức tỉnh khỏi cảnh ngủ mê trước ơn trọng đại là tình yêu của Thiên Chúa, được biểu hiện trong lòng thương xót của Người, mà đôi khi chúng ta không có khả năng nhận ra giữa bầu khí dửng dưng đối với tôn giáo, không chắc chắn luân lý và đánh mất đi ý thức về sự siêu việt đang lan tràn trong xã hội ngày nay. Năm Thánh Giacôbê là dịp củng cố niềm hy vọng kitô của chúng ta. Tôi chắc chắn là Năm Thánh Giacôbê sẽ góp phần thức tỉnh ý thức tôn giáo của nhiều người trong các cộng đoàn của chúng tôi và nơi các dân tộc. Việc hoán cải liên tục và việc giảng dậy kiên trì sẽ tạo thuận lợi cho đức tin và việc làm chứng cho đức tin. Lời cầu nguyện và tình bác ái sẽ thăng tiến sự thánh thiện của tín hữu. Việc củng cố niềm hy vọng sẽ thúc đẩy công tác rao truyền Tin Mừng liên tục cho xã hội, phù hợp với truyền thống phong phú của Giáo Hội.

Hỏi: Mặc dầu có khủng hoảng và chủ trương tương đối văn hóa, lộ trình hành hương về đền thánh Santiago di Compostella hằng năm vẫn lôi cuốn hàng chục ngàn tín hữu. Họ tìm kiếm điều gì vậy thưa Đức Cha?

Đáp: Có nhiều tín hữu hằng năm hành hương đền thánh Santiago di Compostella, nhưng số tín hữu đặc biệt đông trong Năm Thánh Giacôbê. Tất cả khiến chúng tôi nghĩ rằng số người tham dự đông hơn các Năm Thánh khác. Tầm quan trọng của cuộc hành hương và Năm Thánh phản ánh trong các lời của Đức Thánh Cha, khi người khẳng định rằng Giáo Hội Compostella, qua mối dây liên kết có từ lâu đời với thánh Giacôbê, đâm rễ sâu nơi Tin Mừng của Chúa Kitô, cống hiến kho tàng tinh thần đó cho tín hữu và con cái mình trong vùng Galizia, cũng như các vùng khác của nước Tây Ban Nha, Âu châu và mọi xó xỉnh trên toàn thế giới. Lộ trình hành hương là khoảng không gian và thời gian giúp tìm lại chính mình, tìm lại người khác và tìm lại Thiên Chúa.

Hỏi: Đi hành hương đền thánh Santiago di Compostella trong Năm Thánh Giacôbê có ý nghĩa gì thưa Đức Cha?

Đáp: Nó có nghĩa là ý thức được ý nghĩa của Năm Thánh. Đây không phải là một cuộc trốn chạy tinh thần, cũng không phải là một diễn văn tôn giáo với mục đích là chính nó, nhưng là một dấn thân của người hành hương đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, đọc hiểu thực tại cuộc sống như là tín hữu, biến đổi cuộc sống của mình dựa trên con người mới là Đức Giêsu, và qua sự biến đổi đó góp phần vào việc canh tân xã hội chúng ta theo tinh thần Tin Mừng. Hơn là một biểu tượng bề ngoài Năm Thánh diễn tả một ý niệm xác định về con người và tương quan của nó với Thiên Chúa. Nó là sự hiện diện của sự thánh thiêng trong con tim nền văn minh của chúng ta. Nó là sự phân biệt giữa thế tục và tinh thần, bằng cách để cho các vấn đề tinh thần bước vào trong không gian của cuộc sống công cộng một cách đơn sơ và không phiền phức.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong một cuộc họp mới đây các Giám Mục Tây Ban Nha và Pháp đã biểu lộ ước muốn biến lộ trình hành hương tới đền thánh Giacôbê bên Compostella trở thành một dụng cụ rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu hơn, có đúng thế không?

Đáp: Có rất nhiều tín hữu hành hương cảm thấy nhu cầu cần được đồng hành trên bình diện thiêng liêng trên con đường hành hương. Họ hành hương với các vấn nạn cuộc sống và ước mong có được các câu trả lời. Trong nghĩa này chúng tôi tìm xem có các khả thể mục vụ nào giúp đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của tín hữu trên con đường hành hương, để họ được tiếp đón, có chỗ ăn uống ngủ nghỉ và nhất là được trợ giúp về mặt thiêng liêng.

Chúng tôi đã nhắc lại rằng ngay từ ban đầu con đường hành hương tới đền thánh Giacôbê Tông Đồ là con đường của đức tin và văn hóa, và là một biến cố rất ý nghĩa đối với cuộc sống và hình ảnh của Âu châu. Đức Gioan Phaolô II đã từng nhấn mạnh nhiều trên phần đóng góp quan trọng của con đường hành hương đến đền thánh Giacobê tại Compostella cho sự hiệp nhất và toàn vẹn của Âu châu. Chính trong nhà thờ chính tòa Compostella Đức Gioan Phaolô II đã nói: ”Toàn đại lục Âu châu đã tìm lại được chính mình chung quanh việc tưởng niệm thánh Giacôbê Tông Đồ, trong các thế kỷ trong đó Âu châu đã được xây dựng như là một lục địa hiệp nhất trên bình diện tinh thần. Vì thế chính văn hào Goethe đã nói rằng ”ý thức về Âu châu nảy sinh khi hành hương”. Con đường hành hương là một không gian rất thích hợp để rao giảng Tin Mừng và cảm thấy được loan báo tin vui.

Hỏi: Thế mà tại sao lại có nhiều người nói tới cuộc đi bộ này như thể nó chỉ có mục đích du lịch. Đức Cha có lo sợ tín hữu đánh mất đi ý nghĩa đích thật của cuộc hành hương hay không?

Đáp: Chắc chắn là nền văn hóa ngày nay có thể ảnh hưởng trên ý niệm hành hương đi bộ tới đền thánh Giacôbê ở Compostella. Lo lắng mục vụ của Giáo Hội là làm sao để cuộc hành hương đừng đánh mất đi căn tính của nó, bằng cách nhắc nhở cho mọi người biết rằng mục tiêu và chính cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô qua thánh Giacôbê Tông Đồ trao ban cho ý nghĩa cho cuộc hành hương. Có đúng thật là vài người thực hiện cuộc hành hương đi bộ tới đền thánh Giacôbê với mục đích tìm hiểu văn hóa, hay với chủ ý du lịch hoặc ưa thích môi sinh và thiên nhiên, nhưng nếu họ rộng mở con tim cho sự siêu việt, họ sẽ đạt điều kiện là người hành hương, và con đường hành hương có thể biến thành con đường Damasco dẫn đến cuộc đổi đời của thánh Phaolô, hay con đường Emmaus khiến cho hai môn đệ được gặp Chúa Kitô Phục Sinh, và giúp họ tái khám phá ra sự mới mẻ của Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

(Avvenire 25-7-2010)
 
Đức Cha d’Ornellas nói về tình huynh đệ linh mục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:29 03/08/2010
Dưới đây là bài chia sẻ của Đức Cha Pierre d’Ornellas, Tổng Giám Mục giáo phận Rennes, Dol và Saint-Malo, Pháp Quốc về thiên chức linh mục.

Các linh mục không hề đơn độc. Chính trong thân thể Đức Kitô và trong Giáo Hội mà họ được mời gọi để phục vụ.

Trước tiên là bởi vì không ai chịu chức linh mục cho chính mình. Đây sẽ là cánh cửa mở rộng cho hết mọi thể thức cá nhân chủ nghĩa và vậy thì các linh mục chỉ trở nên những chàng thanh niên già dặn mà thôi ! Tiếp đến, là bởi vì linh mục không được làm nên để sống đơn độc. Ơn gọi linh mục không giống như các vị ẩn tu hay đan sĩ.

Qua việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến, các linh mục lãnh nhận bí tích Truyền Chức để hành động nhân danh Đức Kitô. Trong Người, họ trở nên những người phục vụ. Chính Đức Giêsu tử nạn và Phục Sinh không ngừng xây dựng Giáo Hội của mình. Trong đó, Người là Đầu và hiện diện một cách màu nhiệm trong lòng của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo. Người cũng là sự sống của Giáo Hội. Chính Người đã đi bước trước và chọn gọi một số người để đi theo mình và để hiến dâng cuộc đời cho Ngài trong bậc sống linh mục. Người trở nên bạn hữu với họ.

Nếu chúng ta nắm bắt tốt chỗ của Đức Kitô, nếu đức tin của chúng ta sống động trong Ngài, lúc đó sẽ hiểu được rằng giữa các linh mục cùng sống một tình « huynh đệ thân mật ». Trong thực tế, họ chia sẻ một tình bạn với Đức Kitô, dẫu cho mỗi cá nhân có cách thức sống riêng của mình. Tất cả đều là những người phục vụ, dầu cho mỗi người có phong cách phục vụ riêng.

Chúng ta hãy đi xa hơn nữa. Các linh mục hành động nhân danh Đức Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành. Theo Ngài, họ dấn thân trong mục vụ bằng cách đến với những người nam và nữ để loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ và để quy tụ họ nơi bàn tiệc Thánh Thể. Không có một linh mục nào hơn một linh mục khác trong mục vụ. Bởi vì đâu là bí quyết của mục vụ ? Bí quyết của Đức Giêsu là tình yêu. Tất nhiên, mỗi linh mục có khả năng nhiều hay ít về cái này hay cái khác. Người này biết làm tốt với những người cao tuổi, người khác thì lại có thế mạnh với giới trẻ. Thế nhưng các linh mục này đều được kết hợp bởi một bí quyết chung: tình yêu đối với những người mà họ được gửi đến.

Nếu chúng ta đo lường tốt điểm nào ở đó tình yêu là trọng tâm của tất cả mục vụ, lúc ấy dễ dàng hiểu rằng các linh mục sống giữa họ « một tình huynh đệ thân mật ». Vậy thì chúng ta nên hiểu biết tầm quan trọng của đoạn trích này trong Công Đồng Vatican II khi nói về linh mục: « Một tình huynh đệ thân mật nối kết họ với nhau vì cùng cộng đồng tư tế và sứ mệnh: tình huynh đệ này cần phải thể hiện một cách bộc phát và sẵn lòng dưới dạng thức tương trợ lẫn nhau nhiều về tinh thần hơn là vật chất, mục vụ hơn là cá nhân, trong những cuộc hội họp, trong hiệp thông cuộc sống, công việc và bác ái ».
 
Hội thảo về giới trẻ Công Giáo tại Angola
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:57 03/08/2010
Radio Vatican - Một cuộc hội thảo quốc gia bàn về « tầm ảnh hưởng thực tiễn của những chính sách chung trong cách giải quyết những vấn nạn hiện nay đối với người trẻ » trong nước do Ủy Ban Giới Trẻ Công Giáo Angola tổ chức diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6 tháng Tám.

Trong suốt năm ngày làm việc, các tham dự viên thảo luận về sida, những chính sách của chính phủ đối với giới trẻ, những quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, Hiến Chương Châu Phi về người trẻ, cũng như khả năng lãnh đạo của người trẻ tại Angola, ý thức về hệ sinh thái của người trẻ.

Sự kiện này, ủng hộ khẩu hiệu « Chúng tôi tin tưởng nơi các bạn trẻ », quy tụ khoảng 150 bạn trẻ của các tỉnh thành khác nhau trong toàn quốc, Hãng Thông Tấn Xã Angola cho hay.

Ủy Ban Giới Trẻ Công Giáo là một thuộc cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Angola và Sao Tomé với mục đích giúp đỡ người trẻ Công Giáo thể hiện hành động mục vụ trên trên cấp độ tổng giáo phận và giáo phận tại Angola.
 
Vatican lên án việc dùng tế bào gốc của phôi thai để thử nghiệm trên con người
Bùi Hữu Thư
18:34 03/08/2010
VATICAN (CNS) – Vatican lên án quyết định mới đây của các giới chức Hoa Kỳ cho phép bắt đầu dùng các tế bào gốc của phôi thai để thử nghiệm trên các bệnh nhân.

Đức Giám Mục Elio Sgreccia, Viện Trưởng Danh Dự của Giáo Hoàng Học Viện về Đời Sống nói: Việc hủy hoại các phôi thai trong các cuộc nghiên cứu này cũng y như “việc hy sinh mạng sống con người” và phải bị lên án.

Nha Điều Hành Thức Ăn và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cuối cùng cho phép việc thử nghiệm các tế bào gốc phôi thai để chữa trị các bệnh nhân bị chấn thương thần kinh cột sống, khiến cho Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên cho phép thử nghiệm các tế bào này trên con người

Geron Corp., Công Ty Hoa Kỳ được FDA cho phép, đang dự trù thử nghiệm trên một nhóm nhỏ các bệnh nhân bị tê liệt vì chấn thương cột sống.

Công ty này đã được FDA chấp thuận năm vừa qua, nhưng sau khi các con chuột được chữa trị bằng tế bào gốc đã phát hiện có các bướu trong cột sống, chính phủ bắt ngưng các cuộc thử nghiệm khi nhiều người lưu tâm về sự an toàn của phương thức này. Việc chấp thuận mới đây của chính phủ nhắm thử nghiệm sự an toàn của phương pháp chữa trị này cũng như hiệu quả của nó.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 31 tháng 7 với đài phát thanh Vatican, Đức Giám Mục Sgreccia nói chính khoa học cũng công nhận phôi thai “là một con người đang thành hình.”

Ngài nói: việc hủy diệt phôi thai “hoàn toàn bị lên án” trên phương diện đạo lý, bất kể đến một sự bào chữa nào cho việc sử dụng phôi thai.

Vị giám mục người Ý nói các tế bào gốc chưa được chứng minh là hiệu nghiệm trong việc chữa trị. Ngài nói: các tế bào phôi thai hết sức “mạnh mẽ” nghĩa là chúng có thể cấu tạo nên toàn thể một cơ quan, không chỉ một loại tế bào đặc biệt mà thôi.

Ngài nói: tuy nhiên, cho dù có thể có những kết quả tốt trong việc sử dụng các tế bào này, “trên phương diện luân lý, đây vẫn là một tội ác.”

Giáo Hội hỗ trợ các cuộc nghiên cứu và trị liệu sử dụng các tế bào gốc của người lớn và các tế bào gốc lấy ra từ máu của cuống ruột.
 
Top Stories
Vietnamese martyrs, examples of spirit of shared responsibility
Asia-News
14:39 03/08/2010
The example of saints Peter Doan Cong Qui and Emmanuel Le Van Phung held up by the bishop of Long Xuyen duringn the ceremony for their 150th anniversary. 60 priests concelebrated alongside Mgr. Joseph Hoang Xuan Tieu. Attended by hundreds of seminarians, nuns and about three thousand faithful.

Long Xuyen (AsiaNews) - The spirit of shared responsibility in Catholic communities, of which Saints Peter Doan Cong Here and Emmanuel Le Van Phung were examples was the focus of reflections by Mgr. Joseph Hoang Xuan Tieu, bishop of Long Xuyen, South Vietnam, during celebrations (pictured) for the 150th anniversary of the two martyrs.

The Vietnamese Church is very proud of its 117 martyrs. This pride motivates the Catholic community of Gieng Island. It also makes them precursors and a symbol of communion in a spirit of shared responsibility, to love and live together in society.

The commemorative ceremony was held in Gieng Island, a community chosen by the Catholic bishop for the anniversary and the pilgrimage of the jubilee year of the Vietnamese Church. The ceremony, held July on 31, was attended by hundreds of seminarians from the major seminary of Saint Qi Cai Rang and from the major seminary of the Diocese of Can Tho, as well as nuns of the Congregation of Lovers of the Holy Cross of Cai Nhun and the congregation of Sisters of Providence of Gieng Island.

The mass was concelebrated 60 priests in the presence of about three thousand faithful. During his homily, Mgr. Joseph Hoang Xuan Tieu illustrated how the two martyrs were exemplary cases of the spirit of shared responsibility. They lived their faith and faced difficulties together, to the point of shedding their blood in witness to Jesus. The priest Doan Cong Qui was pastor to the Catholic community of Dau nuoc of which the layman Emmanuel Le Van Phung was a member. The collaborated with each other, they were united and in communion with all other members of the small parish.

"The spirit of shared responsibility - he said then - is a truly original characteristic which emerged from Vatican II. In all the Catholic communities, the spirit of co-responsibility of bishops must be amply demonstrated towards dioceses, priests and parishioners”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
UNESCO thêm 5 địa danh trong đó có Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội được ghi vào danh mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
Dominic David Trần
08:41 03/08/2010
UNESCO thêm 5 địa danh trong đó có Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội được ghi vào Danh mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới.

TORONTO-SAO PAULO-UNESCO theo Thông Tấn Xã AP (The Associated Press) thì Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong ngày Chúa Nhật 01 tháng Tám 2010 đã công bố nêu thêm 5 địa danh văn hóa vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa của Thế Giới, trong đó bao gồm Hoàng Đế Thành Thăng Long- tại Hà Nội, Việt Nam. (The Imperial Citadel of Thăng Long- Ha Noi in Viet Nam. Xin xem bài chuyển ngữ và hình ảnh phụ đề riêng.)

Hoàng Đế Thành Thăng Long, đã được Vương Quốc Đại Việt xây dựng nên vào thế kỷ thứ 11 sau Công Nguyên, đã chính thức trở thành điạ danh thứ 900 được nêu tên trong Danh Mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới Cần được bảo vệ. Cùng với 4 địa danh khác cũng được công bố thuộc Sở Hữu Di Sản Văn Hóa Thế Giới đã nâng tổng số địa danh này lên đến 904 vào ngày 01/08/2010.

Các địa danh khác gồm có: thứ 901 là các di tích kỷ niệm lịch sử tại Đông Phương, Trung Cộng; thứ 902 là các di chỉ khảo cổ Sarazm thuộc nước Tajikistan; thứ 903 là Thành phố Giám Mục Albi tại Pháp; và thứ 904 là các hệ thống vòng kênh đào được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan.

Trong ngày thứ Bảy 31/07/2010, UNESCO cũng nêu thêm 9 địa danh vào Danh Mục Di sản Văn Hóa Thế Giới; bao gồm Đảo san hô Bikini Atoll trong quần đảo Marshall, Thái Bình Dương: nơi đây đã là khu vực dùng để thử nghiệm các loại Bom Hạch Nhân Nguyên Tử trong các năm 1940 và 1950. UNESCO tức Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng các vụ thử nghiệm các loại Bom Hạch Nhân và Nguyên Tử đã có "những hậu qủa lớn và nghiêm trọng" đến địa chất và môi trường sinh thái của các quần đảo san hô trên Thái Bình Dương - và đồng thời cũng đã biểu hiện như là "buổi mở đầu của thời đại hạt nhân nguyên tử".

Cùng được kể vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới trong ngày thứ Bảy 31/07/2010 còn có Khu vực Turaif thuộc Ả Rập Xê Út; Các Nhà Tù thời Thực Dân tại Úc Đại Lợi; Khu vực Đài Quan sát Thiên văn Jantar Mantar tại Ấn Độ; Khu Vực Đền thờ Ardabil tại

Ba Tư Iran; Quần thể lịch sử Phức hợp về Chợ trời Tabriz cũng tại Iran Ba Tư; và Các ngôi làng lịch sử Hahoe và Yangdong ở Nam Hàn.

Các Hội Nghị của Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc để xem xét, tuyển chọn và đưa thêm các địa danh văn hóa vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa cần được bảo vệ sẽ kết thúc vào ngày thứ Ba 03/08/2010.
 
Khóa huấn luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể tại Trung tâm Mục vụ Bắc Ninh
Giuse Đinh Ngôn
09:04 03/08/2010
Khóa huấn luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể tại Trung tâm Mục vụ Bắc Ninh

Từ ngày 25 - 31.7.2010, khóa huấn luyện huynh trưởng cấp I đã được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Bắc Ninh. Ban huấn luyện gồm có cha Giuse Nguyễn Hồng Phước, DCCT, trưởng Huy, quý nữ tu Đaminh và Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh. Đây là khóa huấn luyện thứ ba trong tổng số bốn khóa huấn luyện huynh trưởng tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận trong mùa hè năm nay. Có tới hơn 100 anh chị tham dự khóa học, đông hơn hẳn số học viên của hai khóa học huynh trưởng cấp II vừa diễn ra từ ngày 31.05 - 12.06.2010. Cũng nên biết rằng: đào tạo huynh trưởng nhằm phát triển phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đức Giám mục giáo phận Bắc Ninh.

Xem hình khoá huấn luyện

Trong khóa huấn luyện, quý cha, quý nữ tu và ban huấn luyện không chỉ trao cho các anh chị huynh trưởng kiến thức về nhân bản, giáo lý, Kinh Thánh và các kỹ năng sinh hoạt tổ chức mà còn đem lại niềm vui và sự sống của Chúa cho họ qua những những giờ lên lớp, sinh hoạt vui chơi, đêm lửa thiêng, Chầu Thánh Thể và Thánh lễ… Thời gian khóa huấn luyện đã trở thành thời gian các học viên có được những kỉ niệm đẹp đẽ và những cảm nghiệm đức tin sâu xa.

Ngày 31.07.2010, thánh lễ bế giảng đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Bắc Ninh. Có 103 anh chị được trao khăn và tuyên hứa.

Mong sao các huynh trưởng trở nên những chiến sĩ đức tin, hăng hái luyện tập cho các em thiếu nhi lòng mến Chúa tha thiết qua các việc cầu nguyện, hi sinh, vâng lời, làm việc tông đồ, học hỏi Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Các anh chị sẽ là những người cộng tác đắc lực trong việc huấn luyện các em là tương lai của Giáo hội.

SAU ĐÂY LÀ LỜI CẢM ƠN CỦA CÁC HỌC VIÊN:

Lời Cảm ƠnTrọng Kính Quý Cha Tuyên Úy, Cha Sa Mạc Trưởng cùng Cha Giáo Giuse.

Kính thưa quý Dì trợ úy, ban huấn luyện và các trưởng.

Con xin thay mặt hơn 100 anh chị em Huynh Trưởng và dự bị Huynh Trưởng nói lên lời cảm ơn. Chúng con, những anh chị em Huynh Trưởng, xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban cho chúng con những điều kiện thuận lợi để tham dự khóa huấn luyện Huynh Trưởng cấp I tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo Phận.

Thánh Giá là chữ tình

Thiên Chúa là chữ yêu

Cả hai kết nên điều

Thiên Chúa là tình yêu.


Chỉ vì chữ yêu, vì hai chữ tình yêu, mà Cha giáo và ban huấn luyện đã không quản ngại đường sá xa xôi, cách xa hàng ngàn cây số về đây để dạy dỗ và chỉ bảo chúng con. Có thể nói sự trưởng thành nơi mỗi anh chị em Huynh Trưởng chúng con phần lớn là do công lao của quý Cha, quý Dì và các Trưởng. Ban huấn luyện không những chỉ dạy cho chúng con những kiến thức kỹ năng sinh hoạt mà còn đem lại nhiều niềm vui và sự sống của Chúa qua những Thánh Lễ, các giờ lên lớp, giờ sinh hoạt, vui chơi, ca hát. Tuy thời gian của khóa huấn luyện không nhiều nhưng lại là những khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với những kỷ niệm đẹp, những tình thân và những cảm nghiệm đức tin sâu xa.

Với kiến thức mà chúng con đã thu lượm được không nhiều nhưng chúng con luôn có niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, một mùa gặt bội thu. Những anh chị em Huynh Trưởng chúng con rất tự hào và hạnh phúc khi được mang trên mình hai dòng chữ thiêng liêng “Huynh Trưởng” mà Chúa đã trao ban. Để chúng con trở nên những Tông Đồ của Chúa, những chiến sĩ đức tin giúp cho các em Thiếu Nhi biết tận tình mến Chúa qua các việc dâng ngày, cầu nguyện, hi sinh, vâng lời và kết hợp với Chúa nhờ rước lễ hàng ngày, chúng con cũng rất cần những lời cầu nguyện của Quý Cha, Quý Dì và ban huấn luyện để chúng con vững vàng bước những bước chân đi vào giữa đời hôm nay, trở nên ánh sáng, nên muối men cho đời, cho tinh thần của Chúa Giêsu đã mời gọi chúng con.

Chúng con xin chân thành cảm ơn ban phục vụ đã hi sinh tận tình chăm lo cho chúng con nơi nghỉ ngơi và ăn uống chu đáo. Nhờ những sự trợ giúp quý giá này mà chúng con có thể vượt qua những khó khăn bước đầu và học tập tốt hơn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho quý Cha Tuyên Úy, Cha Sa Mạc Trưởng, Cha Giáo Giuse, quý Dì, trưởng Huy, trưởng Dương, trưởng Tú luôn được bình an trong Chúa và Mẹ Maria, có một đức khôn ngoan để chu toàn sứ vụ cao cả mà Chúa trao phó. Đó là những tâm tình và những lời tri ân của anh chị em Huynh Trưởng chúng con xin gửi đến quý Cha, quý Dì, Cha Giáo Giuse và các trưởng.

Anh chị em chúng con xin đồng kính chúc!

--

Hãy sống như dòng sông, để biết yêu nguồn cội.

Hãy sống như ngọn núi, để vươn tới tầng cao.
 
Liên Đoàn Sinh Viên Công giáo Miền Bắc: Linh thao năm 2010
Gioan Ngọc Phú
09:13 03/08/2010
Liên Đoàn Sinh Viên Công giáo Miền Bắc: Linh thao năm 2010

Hà Nội - Chiều ngày 01/08/2010, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội - cơ sở II tại Cổ Nhuế, cánh cửa đã mở rộng để chào đón các bạn sinh viên của Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Miền Bắc tới tham dự tuần linh thao do Cha Giuse Phạm Thanh Liêm,SJ phụ trách và hướng dẫn, cùng trợ giúp Ngài còn có quý Thầy và quý sơ đồng hành với các bạn Sinh viên.

Xem hình tuần linh thao

Kể từ năm 2005, năm đầu tiên tuần linh thao được dành cho các bạn sinh viên Công giáo do ý của Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt - Nguyên Tổng giám mục Hà Nội, Ngài đã quan tâm đến các bạn sinh viên cách đặc biệt, không chỉ về tri thức mà còn quan tâm đến cả phần hồn của các bạn nữa và Ngài đã chọn ngày 01/08 hằng năm làm ngày khai mạc tuần linh thao dành cho các bạn sinh viên Công giáo trong giáo tỉnh Hà Nội.

Sau những ngày “Tiếp sức mùa thi Đại học”, hôm nay các bạn sinh viên Công giáo Miền Bắc đã tề tựu về Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, ghi danh để tham dự tuần linh thao, các bạn ý thức mình đang kiếm tìm, đang thao thức về một đời sống thiêng liêng để gắn bó mật thiết với Chúa. Vâng, đây là một cơ hội tốt để đáp ứng những khát mong ấy.

Với sự mở rộng của Liên Đoàn Sinh Viên Công giáo Miền Bắc, các bạn sinh viên tham gia linh thao khá đông, vì thế Cha hướng dẫn phải chia thành 2 đợt, đợt I tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội và đợt 2 tại Giáo phận Thanh Hóa. Những năm đầu tiên chỉ với hơn 30 bạn tham gia, nhưng con số ngày càng tăng, và đợt I năm nay số các bạn đến tham gia đã tăng lên 246, gần gấp đôi so với năm 2009. Mặc dù Chủng Viện đang còn chật hẹp chưa đáp ứng đủ với số lượng đông, nhưng các bạn đã rất hi sinh “giường 1” của các Thầy chủng sinh, nay được các bạn sinh viên “nằm đôi”.

Vậy, Linh Thao là gì mà các bạn đến tham dự ngày một tăng như thế? Theo Thánh Inhã Loyola đã giải thích là: "Hai tiếng linh thao ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm bằng miệng lưỡi (tức là khẩu nguyện) hay bằng tâm trí (tức là tâm nguyện) và các việc thiêng liêng khác... Vì như đi dạo, đi bộ, chạy, là những việc thể thao, thì cũng thế, linh thao là tất cả những phương cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình".

Sau giờ khai mạc, đề tài đầu tiên mà Cha hướng dẫn dành cho các bạn là “Tôi mơ ước gì?”, đã cho các bạn tự đặt câu hỏi cho chính mình trong đời sống, cả mơ ước trong quá khứ và hiện tại đang mơ ước gì?

Mỗi bạn trong tay một cuốn Kinh Thánh, một tập giấy, một cây bút, và trong lòng một thao thức kiếm tìm ý Chúa. Hi vọng và cầu chúc các bạn luôn có những giây phút tĩnh lặng cần thiết, những giây phút suy gẫm, chiêm niệm và cầu nguyện thật sốt sắng trong suốt tuần linh thao, để các bạn có thể tìm ra ý Chúa muốn trong cuộc đời mình.
 
Trại Hè Anphongsô 2010 Tại Bổng Điền - Thái Bình
Thanh Quang CSsR
09:24 03/08/2010
Trại Hè Anphongsô 2010 Tại Bổng Điền - Thái Bình

Sau những ngày tháng miệt mài với trường lớp, với sách vở, các em thiếu nhi đã được chào đón mùa hè 2010. Mùa hè 2010 thực sự đã đến với các em thiếu nhi trên khắp Đất Việt. Các em đón mùa hè như thế nào? Các em tự mình đi tìm cho mình "sân chơi" hay ai khác cho các em vui hưởng "sân chơi" lành mạnh bổ ích, ý nghĩa? Có lẽ đây chính là câu hỏi mà các nhà có trách nhiệm hay những nhà giáo dục đã đặt ra để đi tìm câu trả lời hữu hiệu nhất. Thấy mình cần phải trả lời cho câu hỏi đó tốt nhất và hiệu quả nhất, nên tôi đã tìm mọi cách để tổ chức một cuộc trại bổ ích cho các em thiếu nhi Công Giáo trong vùng Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình. Tôi đã tận dụng cơ hội tốt trong dịp các thầy Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế (thầy Phêrô Nguyễn Lương Bằng, thầy Giuse Trần Xuân Nguyên và thầy P.X. Trần Văn Bắc) về thực tế hè một tháng tại Bổng Điền và phối hợp với thầy Giuse Phêrô Nguyễn Quý Phúc (dạy đàn nhạc kiêm hướng đạo sinh) để tổ chức cuộc trại quy mô này.

Xem hình trại hè

Trại hè năm nay mang tên là "Trại Hè Anphongsô", với chủ đề "Chạnh Lòng Thương", được diễn ra vào ngày 31.7 và 1.8.2010. Sở dĩ trại hè mang tên Anphongsô vì trùng vào lễ thánh Anphongsô và chúng tôi cũng muốn để mừng kính Ngài. Chúng tôi chọn chủ đề "Chạnh lòng thương" vì muốn nhắc nhở và giáo dục các em thiếu nhi hãy biết học ở nơi Chúa Giêsu và thánh Anphongsô lòng chạnh thương đối với những con người khốn cùng, bơ vơ tất bạt, những con người bị đẩy ra bên lề xã hội. Cũng qua cuộc trại, chúng tôi muốn huấn luyện cho các em biết sống liên đới, quan tâm đến người khác, biết chia sẻ tất cả niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn với người khác. Chúng tôi cũng muốn nhắm đến việc huấn luyện, rèn luyện cho các em biết sống khép mình vào khuôn khổ của kỷ luật, kỷ cương, trật tự, đoàn kết yêu thương nhau, cùng giúp nhau vượt khó, vượt khổ, cùng giúp nhau sống đạo, sống chứng tá cho Chúa. Chính vì thế, cuộc trại này cũng mang tính huấn luyện rất cao.

Năm nay chúng tôi có 6 trại: trại Giáo xứ Bồng Tiên với tên "Têrêsa - yêu mến"; Giáo xứ An Lạc với tên trại là "Phaolô - nhiệt thành"; Giáo xứ Thuận Nghiệp với tên "Anphongsô - chạnh thương"; Giáo Họ Thượng Điền với tên "Vinh Sơn - hăng say"; Giáo Họ truyền giáo Bổng Điền với tên "Maria - vâng phục"; Giáo Họ Tăng Bổng với tên "Giuse - công chính";. Tất cả những tên trại chúng tôi đều nhắm đến việc giáo dục cho các em về môt nhân đức hoặc một đức tính nào đó.

Đúng 8 giờ sáng 31.7.2010, "Trại hè Anphongsô" đã được cha Quản Nhiệm Giuse Phạm Thanh Quang CSsR khai mạc. Sau thánh lễ mừng kính thánh Anphongsô và khai mạc cuộc trại, các em được tập họp để chuẩn bị cho các cuộc thi đua mang tính quyết định. Lúc đầu, các em chưa quen đi vào nề nếp kỷ cương, tác phong còn lề mề chậm chạp, hàng lối chưa ngay ngắn nên tất cả các đội trưởng của các trại đều bị phạt thụt dầu 30 cái. Thấy các em bị phạt như thế, tôi cảm thấy thương quá, nhưng biết làm sao được! Nhưng sau đó, các em đã thực sự ý thức và đi vào khuôn khổ cách tự giác rất cao, thậm chí ngày càng thêm phấn khởi. Tôi thiết nghĩ hiệu quả của công việc huấn luyện đã và đang bắt đầu. Kế đó, các em đã nhanh chóng bước vào phần thi cắm trại trong thinh lặng hoàn toàn! Rồi các em bước sang phần thi nấu ăn với hình thức "bếp treo" lủng lẳng, lơ lửng giữa trời cũng trong thinh lặng hoàn toàn! Qua đây chúng tôi muốn huấn luyện cho các em tinh thần làm việc cần cù, sáng tạo, hợp tác, có óc quan sát đọc ra ý nhau, hiểu ý nhau, cùng với các bạn có thể xoay sở trong các tình huống, biết vận động trí não để hỗ trợ cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Sau đó là phần chấm thi cắm trại và nấu ăn. Khi Ban Giám khảo đến từng trại để chấm thi, các em tự giới thiệu trại của mình, tên trại, các thành viên, ý lực sống của tên vị thánh của trại các em; các em cũng tự giới thiệu các món ăn mà các em đã nấu nướng trong bầu khí hết sức hào hứng phấn khởi. Đội nào cũng muốn mình nhất!!!

Cái nắng chói chang gay gắt đã bao phủ lấy các em như thể hạn chế tối đa cuộc chơi hoặc muốn đẩy lùi cuộc chơi của các em nhưng vẫn không thể thắng được! Các em đã chiến thắng! Các em vẫn dọc ngang, vẫn đội nắng vàng để chơi, để nấu ăn với nhiệt độ trên dưới 36,37 độ. Làm sao có thể vì nắng nóng mà chậm chạp, mà để thua các bạn mình được! Cứ chơi hết mình, cứ chơi cho thỏa thích, và cũng chỉ vì cơ hội được tham gia cuộc trại thì quá hiếm hoi! Đúng vậy, có nhiều bạn đã không được tham gia cuộc chơi vì vượt quá con số quy định nên đành đứng ngoài cổng nhìn vào trong tâm trạng thèm thuồng tiếc nuối!

Các hoạt động tiếp theo là các em được chơi các trò chơi như thi câu cá hết sức hào hứng và thú vị, đốt lửa trại mang tính linh thiêng, sinh hoạt vòng tròn đầy sôi động, trò chơi đồng đội thật quyết liệt. Phần đặc sắc đáng chú ý đó là phần diễn văn nghệ. Vì có phần chuẩn bị từ xa khá lâu, nên các em diễn xuất như dân chuyên nghiệp! Do phần này quá hấp dẫn nên dân chúng ở bên ngoài (chủ yếu anh em lương dân) đã tràn vào rất đông, khiến sân chật cứng và thêm phần động viên các em diễn xuất càng lúc càng hay!

Sau chương trình văn nghệ, các em tiếp tục được chơi các trò chơi đầy hứng thú. Khi đã hết giờ chơi chính thức, các em còn muốn chơi thêm nữa khiến Ban tổ chức chúng tôi thêm lúng túng vì nằm ngoài dự kiến và đành để các em chơi vậy! Cuối cùng chúng tôi phải quyết định cho các em dừng cuộc chơi để tắm rửa, nghỉ ngơi hầu lấy sức cho các hoạt động sôi động ngày hôm sau. Sau hiệu lệnh lúc 12 giờ đêm, các em đã thinh lặng hoàn toàn. Tất cả đều im phăng phắc để rồi mỗi em tìm cho mình một giấc ngủ say, lấy lại tất cả lượng calori đã bị tiêu tốn bởi các hoạt động sôi động trước đó.

Sang ngày hôm sau, 1.8.2010, các em đã thức dậy trong tinh thần sảng khoái và dường như khí lực đã được phục hồi hoàn toàn! Đến giờ, các em được thầy Phúc tập hát để chuẩn bị cho thánh lễ ngày Chúa Nhật. Các em tập hát với chất giọng khỏe khoắn đầy khí thế. Sau thánh lễ, các em được quý thầy cho chơi các trò chơi thi đua đồng đội hết sức thú vị và hào hứng. Đội nào cũng cố gắng hết sức để chiếm phần thắng về mình nhưng thi đua thì cũng có kẻ thắng người thua. Bên thắng thì quá hào hứng còn bên thua thì cũng không quá thất vọng vì nỗi buồn của kẻ thua cuộc đã được san sớt cho toàn đội khiến các em chỉ buồn trong chốc lát mà thôi. Tiếp đó các em bước sang phần nấu ăn tự do. Đội nào cũng có sáng kiến làm cho các món ăn của mình phong phú và ngon miệng.

Sau giờ nghỉ trưa, các em bước vào phần chơi hội chợ vui nhộn và hấp dẫn. Theo dự kiến của chúng tôi, em nào cũng phải trúng một phần quà, không ai ra về với hai bàn tay trắng. Tuy vậy, không có nghĩa là các trò chơi hội chợ mang tính đơn giản hay dễ trúng. Có em ném bóng hay ném vòng mãi cũng không trúng, lại phải chạy nhanh sang gian hàng khác. Có em cứ phải vòng đi vòng lại từ gian hàng này sang gian hàng khác hầu có thể dành phần quà về cho mình. Nhưng cuối cùng các em cũng chiến thắng chính mình với sự kiên trì, kiên nhẫn. Có em thì được cái mũ bảo hiểm, có em thì được cái ô (dù), có em thì được bình dầu gội đầu, em khác được hộp bánh, em khác nữa được cuốn sổ cây bút, em khác nữa thì lại được lon nước ngọt,… Các em tay xách nách mang phần quà của mình trông thật khí thế hào hứng.

Đúng 4 giờ, chúng tôi cho các em nhổ trại, quét dọn vệ sinh khu vực trại của mình, rồi tập họp lại để tổng kết, nghe công bố điểm thi đua. Các em ai cũng mong ngóng phần thắng cao nhất thuộc về đội của mình. Kết quả cuối cùng như sau: Đội An Lạc và Thượng Điền đoạt giải nhất, đội Bồng Tiên và Thuận Nghiệp hạng nhì, đội Tăng Bổng và Bổng Điền hạng ba. May quá không có em nào hay đội nào kiện cáo gì về kết quả nhận được! Nếu có kiện cáo thì rắc rối to cho chúng tôi!

Cuối cùng, mỗi đội đã nhận được phần quà của mình sau bao cố gắng nỗ lực vượt khó, vượt khổ trong cuộc trại.

Cuộc trại đã được cha Quản Nhiệm bế mạc vào lúc 5 giờ chiều. Các em ra về để trở lại với giáo xứ, giáo họ của mình, trở về với việc học hành của mình trong sự tiếc nuối, bịn rịn. Nhiều em không muốn ra về nữa chứ! Cuộc vui nào mà không có ngày tàn? Cuộc hội tụ nào mà không có lúc phải chia tay? Ôi một quy luật quá nghiệt ngã! Các em đành phải tuân theo cái quy luật nghiệt ngã này vậy! Tuy có buồn năm phút nhưng chắc chắn các em không đến nỗi quá thất vọng, thậm chí ngược lại là đàng khác, rằng các em sẽ tiếp tục nuôi hy vọng năm tới mình sẽ lại được cùng quý cha, quý thầy, và các bạn tham gia cuộc trại lớn hơn, hoành tráng hơn, lợi ích hơn, vui nhộn hơn, ý nghĩa hơn. Chúc ước mơ đơn sơ nhỏ bé của các em thành hiện thực. Chúc các em học hành thật giỏi, tràn đầy niềm vui hạnh phúc, sống thật tròn đầy và ý nghĩa. Chúc các em không ngừng trở nên gương sáng cho các bạn khác, trở nên con cái ngoan hiền trong gia đình và trở nên người Kitô hữu, người con cái gương mẫu trong Hội Thánh để làm chứng cho Chúa. Chúc các em bay cao và bay xa trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Ước gì tương lai tốt đẹp sẽ chào đón các em ở phía trước.

Bổng Điền – Thái Bình ngày 2.8.2010

Thanh Quang CSsR – josptquang@yahoo.com
 
Chương trình Hành Hương Lễ kính Đức Mẹ Maria Lên Trời Hồn Xác – Ngày 13 đến 14 tháng 8 năm 2010 tại La Vang
Ban Truyền Thông TGP Huế
15:56 03/08/2010
Chương trình Hành Hương Lễ kính Đức Mẹ Maria Lên Trời Hồn Xác – Ngày 13 đến 14 tháng 8 năm 2010 tại La Vang

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, ngày 01 tháng 8 năm 2010, thông báo Chương Trình Hành Hương Lễ kính Đức Mẹ Maria Lên Trời Hồn Xác, từ ngày 13 đến 14 tháng 8 năm 2010 tại La Vang như sau:

Chương trình Chiều 13/08/2010:

- 17 giờ 30: Thánh Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác do Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng chủ sự.

- 20 giờ 30: Kiệu Thánh Thể do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự.

- 22 giờ 00: Giờ Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự.

Chương trình Sáng 14/08/2010:

- 06 giờ 00: Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang

Thánh Lễ Trọng Thể kính Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác do Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự.
 
Chủng Sinh Đại Chủng Viện Hà Nội Mừng Lễ Bổn Mạng Gioan Maria Vianey.
Quang Diệu
22:20 03/08/2010
Chủng Sinh Đại Chủng Viện Hà Nội Mừng Lễ Bổn Mạng Gioan Maria Vianey.

HÀ NỘI: Trong hai ngày mồng 03 – 04 tháng 08 năm 2010, tại Giáo xứ Sở Hạ – Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội – tập thể chủng sinh khóa 2006, Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội đã tổ chức họp mặt thường niên để mừng lễ Bổn mạng của lớp – Thánh Gioan Maria Vianey.

Theo thông lệ, cứ vào đầu tháng 08 hàng năm, 51 anh em chủng sinh lớp K2006 thuộc Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội lại quy tụ với nhau để gặp gỡ, chia sẻ và nhất là để mừng lễ quan thầy của lớp – thánh Gioan Maria Vianey. Lễ quan thầy năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì nằm trong bối cảnh Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam và được trao cho anh em chủng sinh Tổng Giáo Phận Hà Nội đảm trách. Vì thế, anh em đã chọn xứ Sở Hạ - Nơi có đền thánh Phê-rô Lê Tùy – để tổ chức mừng lễ.

Xem hình chủng viện Hà Nội mừng lễ thánh quan thầy

Chương trình được mở đầu bằng việc anh tập trung về Tòa Tổng Giám mục Hà Nội để chào thăm Đức Tổng Phê-rô, Đức cha Giám đốc Laurenso và quý Bề Trên giáo phận. Sau khi dùng cơm trưa tại Đại Chủng Viện, anh em di chuyển về xứ Sở Hạ để bước vào chương trình chính thức.

Sau khi gặp gỡ và chào hỏi cha xứ Phanxico Xavie Nguyễn Quốc Khánh, anh em đã có trận đấu giao lưu bóng đá với giới trẻ của Giáo xứ. Trận đấu đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho các cầu thủ và cổ động viên về cách chơi và tinh thần hòa đồng của cả hai đội.

Trước Thánh lễ, các chủng sinh đã có những giây phút hồi tâm trước Thánh Thể Chúa. Tâm tình chính yếu của giờ chẩu là tạ ơn Chúa về ngày họp mặt, về vị thánh Quan Thầy mà anh em đang mong muốn học đòi các nhân đức và về tất cả những hồng ân mà Chúa đã ban cho. Anh em cũng cầu nguyện cho Cha xứ, cho giáo xứ và cho chính ơn gọi của mình. Trong những giây phút trước Thánh Thể Chúa, anh em cũng xin lỗi Chúa về những thiếu xót của mình qua Bí tích Hòa Giải.

Cao điểm của ngày họp mặt là Thánh lễ mừng Bổn mạng lúc 18h30. Đầu thánh lễ, anh em cùng rước kiệu thánh Gioan Vianey và đoàn đồng tế. Thánh lễ do cha xứ Sở Hạ Phanxico Xavie Nguyễn Quốc Khánh chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có cha chủ nhiệm Bruno Phạm Bá Quế và cha xứ Đàn Giản Giuse Hoàng Kim Cương. Thánh lễ cũng có sự tham dự của đông đảo các em thiếu nhi và bà con giáo dân thuộc xứ Sở Hạ và các họ lân cận.

Tiếp sau Thánh lễ là chương trình giao lưu văn nghệ giữa quý thầy và cộng đoàn giáo xứ. Các tiết mục văn nghệ tham gia thuộc nhiều thể loại và nhiều đối tượng. Xen kẽ giữa các tiết mục văn nghệ là những cuộc phỏng vấn nhanh với Cha xứ, quý thầy và giáo dân. Chương trình giao lưu tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa.

Sau chương trình giao lưu, anh em chủng sinh đã cùng chung vui trong bữa tiệc huynh đệ. Trong bữa tiệc, anh em cùng gặp gỡ, chúc mừng với những nụ cười ròn rã.

Ngày thứ nhất của chương trình họp mắt kết thúc lúc 22h00.

Khởi đầu ngày thứ hai của chương trình họp mặt là Thánh lễ lúc 5h30. Sau Thánh lễ, anh em đã có cuộc gặp gỡ riêng. Trong lúc họp mặt riêng, anh em đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những kinh nghiệm trong hơn hai tháng hè vừa qua. Cuối buổi họp riêng, anh em được giao lưu với Cha xứ. Trong buổi giao lưu, Cha xứ đã chia sẽ những kinh nghiệm mục vụ thật quý giá và bổ ích.

Trước khi chia tay nhau, anh em đã viếng Đền Thánh tử đạo Lê Tùy thuộc họ Bằng Sở, xứ Sở Hạ. Tại đây, anh em đã dâng những lời cầu nguyện và nghe lại tiểu sử oai hùng của thánh nhân. Từ đó, anh em thêm yêu mến, tin tưởng và hăng say sống đời dâng hiến hơn nữa.

Chương trình họp mặt kết thúc lúc 10h00 ngày 04 tháng 08 năm 2010.

Tưởng cũng nên biết, lớp K2006, Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội hiện có 50 chủng sinh đến từ 8 giáo phận Miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm và Thái Bình. Tập thể chủng sinh K2006 đã chọn thánh Gioan Maria Vianey làm thánh Bổn Mạng và việc mừng lễ được tổ chức xoay vòng theo 8 giáo phận. Việc anh em chủng sinh Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức năm nay là một phần trong chương trình ấy.

QUANG DIỆU
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đối thoại?
Lykhách
13:31 03/08/2010
Đối thoại từ đâu?
Đối thoại bắt đầu từ nhìn nhận một sư thật
Của hai đối tượng có hai lối nhìn tuy bất nhất
Chấp nhận cái được người - có thể cái mình mất
Hơn thua không cần - nhưng chân thật cùng nhau
Dĩ nhiên đối thoại không cần thiết phải đối đầu
Nhưng đối thoại cũng không khẩn cầu quanh co
Sự thật là gì - phải gọi chính danh của nó
Dù sự thật nghẹn ngào - sự thật chẳng thơm tho…

Khi nhân danh đối thoại nhưng sự thật bị ruồng bỏ
Nhân danh khôn ngoan: sự thật chỉ cần biết nhóm nhỏ
Nhân danh nhạy cảm: sự thật lộ liễu không nên nói rõ
Nhân danh đại diện: mặc cả lợi riêng trên bất công, đau khổ
Thì đối thoại chỉ thực sự là: một bên xin - một bên cho!
Một bên sợ - một bên nói cho có!
Để chia chác lợi quyền, nhân nghĩa diễn trò!

Đối thoại thành thật ý cần sáng tỏ
Đối thoại công bình không cần xin xỏ
Đối thoại khôn ngoan không cau có
Đối thoại ngay thẳng không bỏ nhỏ
Không bé xé to
Không to hóa nhỏ
Không không là có
Không có là không.

Chấp nhận đối thoại nghĩa chấp nhận bất đồng
Chấp nhận dị biệt nhưng nhất trí khai thông
Đối thoại là việc của lý trí tìm chân lý
Của trái tim hướng về thiện mỹ
Nên đối thoại tự có định luật bất di:
Trước khi đối thoại có giá trị:
Phải đối thoại trong lẽ công lý,
Khi công bình chưa được thực thi
Thì bác ái là mỹ từ vô giá trị
Như đồ tể cao rao lời từ bi!

Những ai có thể đứng ra đối thoại?
Kẻ biết lắng nghe - và dám lên tiếng nói
Chẳng sợ cường quyền - biết xót đau khổ con người
Đối thoại chân thành phải lắng nghe những kiếp đời thấp nhất
Để kẻ trên cao biết đâu là sự thật
Sự thật đất nước, con người:
Những sự thật đầy nước mắt mồ hôi
Những sự thật đọa đày thế côi đau khổ
Những sự thật bị chôn vùi cuồng nộ
Những sự thật bị uy quyền báng bổ
Những sự thật khốn cùng trăn trở
Những sự thật nguy cơ nô lệ
Những sự thật chờ đợi nín thở, thờ ơ…

Lương tâm thời đại dần hóa cằn khô
Tai mắt quen tham nhũng - nhìn chân tay hối lộ
Hóa trơ lì, mất khả năng xấu hổ
Hóa vô cảm, vô lương, vô hậu, vô tình
Dối trá được a-dua bởi im lặng đồng minh
Đối thoại cầm hơi kéo dài dã tâm thôn tính
Khi sự thật non sông cần phải được nói đến
Sự thật tình người lại càng chẳng thể quên

Đối thoại chăng? trước khổ đau anh em mà câm nín?
Đối thoại chăng? trước bất công khuyên anh em nhẫn nhịn
Đối thoại chăng? khi trên thì gian tham dưới thì xu nịnh
Đối thoại được chăng - hay lên tiếng biểu đồng tình?
Để thét giùm cho những miệng bị uy quyền bịt kín
Để nói giùm những kẻ có miệng nói lại làm thinh?

Hạ tắc loạn luôn bởi thượng bất chính
Dân tộc tối tăm vì sự thật chẳng dám cùng nhìn
Lòng người rã rời vì kẻ càng cao càng bất nhân toan tính
Tình người hụt hơi bởi đồng tiền lên ngôi bá chủ nhân sinh!
Sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục nín thinh?
Loay hoay - đối thoại - đối đầu - hay tiếp tục câm nín?!
 
Thông Báo
Khóa Giáo Lý Việt Nam tại TGP Los Angeles
Pt Nguyễn văn Phước
09:13 03/08/2010
Tổng Giáo Phận Los Angeles sẽ có khóa Giáo Lý do Cha Nguyễn Việt Hưng ICM thuộc Tu Hội Tận Hiến hướng dẫn, Cha cũng là trưởng Ban Giáo Lý toàn quốc.

Thời gian: Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2010, Thứ bảy từ 8:30a-6p và Chúa Nhật từ 8:30am-3:00pm

Địa điểm: Cộng Đoàn Phục Sinh, San Gabriel.

Lệ phí cho khóa là $60.00 bao gồm các bữa ăn sáng, trưa, tài liệu học tập

Tất cả các Thầy Cô đã có văn bằng trong quá khứ, xin tiếp tục học hỏi, mỗi năm là 10 giờ và sau 3 năm sẽ cấp chứng chỉ lại. Khi đi khóa Giáo lý nầy cũng sẽ được trừ giờ (Credit).

Để ban tổ chức có thể lo chu đáo. Xin qúi vị ghi danh đóng tiền sớm, mọi thắc mắc xin lien lạc với Thầy Phó Tế Nguyễn văn Phước, Email: vanpnguyen@yahoo.com - ÐT: 310-354-6954
 
Khóa Đặc Sủng Thánh Linh Công Giáo
Thùy Châu
09:14 03/08/2010
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Mt 11:28

“Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Gn 16:13

Cộng Đòan Thánh Tâm Kính Mời Qúy Cha, Tu Sĩ và ông Bà Anh Chị Em đến tham dự: Khóa Đặc Sủng Thánh Linh Công Giáo do Lm. Đinh Thanh Sơn phụ trách

• Đón nhận ân sủng và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần biến đổi ta.

• Có thì giờ gần gũi mật thiết với Chúa Giêsu, và cầu nguyện cho các ơn cần thiết.

• Học biết cầu nguyện và ca ngợi Chúa trong Thánh Thần…

• Được Chúa chữa lành nội tâm cũng như thể xác…

Địa điểm: Nhà Thờ Our Lady of Peace, CĐ Thánh Tâm (Van Nuys) 15444 Nordhoff St., North Hills, CA 91343

Thời gian: Chiều thứ Sáu, 27 tháng 8/2010: Từ 6pm – 9pm

Thứ Bảy, 28 tháng 8/2010: Từ 9am – 5pm

Chúa Nhật, 29 tháng 8/2010: Từ 9am - 3pm

Lệ phí: cho khoá $30/1 người

Thức ăn có bán cho tối thứ Sáu, trưa Thứ Bảy, & trưa Chúa Nhật.

Liên lạc: ▪ Bác Tự 818-895-7373/818-383-0917, ▪ Cô Thùy Châu, Email: tracypham@wlac.edu
 
Chương trình Hành Hương Lễ kính Đức Mẹ Maria Lên Trời Hồn Xác tại La Vang
LM Lê Sĩ Hiền
09:17 03/08/2010
LA VANG - Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, ngày 01 tháng 8 năm 2010, thông báo Chương Trình Hành Hương Lễ kính Đức Mẹ Maria Lên Trời Hồn Xác, từ ngày 13 đến 14 tháng 8 năm 2010 tại La Vang như sau:

Chương trình Chiều 13/08/2010:
- 17 giờ 30: Thánh Lễ Vọng Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác do Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng chủ sự.
- 20 giờ 30: Kiệu Thánh Thể do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự.
- 22 giờ 00: Giờ Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự.

Chương trình Sáng 14/08/2010:
- 06 giờ 00: Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang
Thánh Lễ Trọng Thể kính Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác do Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự.
 
Văn Hóa
Là Đất Hứa Chúa ban
Trầm Thiên Thu
19:41 03/08/2010
TÀI SẢN

Abraham bán nhà

Bỏ quê hương, tài sản

Đến một nơi lạ lẫm

Abraham dâng con

Tên gọi Isaac

Là tài sản duy nhất

Làm hiến tế thành tâm

Sara hiếm muộn con

Bà cũng là vô sản

Nhưng Tình Chúa vô hạn

Cho Sara sinh con

Dân Do thái tay không

Tiến vào miền sa mạc

Đó là vùng đất chết

Nhưng họ vẫn vâng lời

Con vô sản một đời

Có gì đâu mà bán

Nhưng con lại tư sản

Đầy tội lỗi, kiêu sa!

Nhạc, thơ – chút tài hoa

Con xin bán tất cả

Chỉ mong được theo Chúa

Cho trọn bước đời con
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chuồn Chuồn Trên Ao Sen
Đặng Đức Cương
22:11 03/08/2010

CHUỒN CHUỒN TRÊN AO SEN



Ảnh của Đặng Đức Cương

Chuồn chuồn bay vừa

Trời mưa dịu mát

Bà ngừng tay quạt

Bé ngủ ngoan ngoan

Chuồn chuồn đang loan

bản tin thời tiết.

(Trích thơ của Vũ Duy Chu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền