Ngày 30-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khiêm nhường và Bác ái
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
02:18 30/08/2019
Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm C

Đọc Tin Mừng thánh Luca kể chuyện Chúa Giêsu dự tiệc tại nhà thủ lãnh các biệt phái, và có lời trách cứ từ khách dự tiệc đến chủ nhà, chúng ta dễ cho rằng Chúa quá đáng: Sao Chúa lại "chơi quê" người khác đến vậy?

Đã là tiệc, luôn có hai đối tượng: chủ và khách được mời. Thấy nhiều khách tìm chỗ nhất để ngồi, Chúa Giêsu lên tiếng: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ nhà đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết...". Nói như thế khác gì đuổi khách dự tiệc: "Xuống đi, xuống chỗ chót mà ngồi...".

Chưa dừng ở đó. Thấy toàn khách sang trọng tới dự tiệc, Chúa quay qua chủ nhà, ban cho ông mấy lời như tạt gáo nước lạnh: "Khi ông dọn tiệc, đừng mời bạn bè, anh em, bà con láng giềng giàu có.... Hãy mời những người nghèo, mời những người què quặt, đui mù vì họ không có gì trả lễ...".

Chúa Giêsu đúng là người thích gây sự? Với những lời chỉ trích công khai, chắc chắn Chúa sẽ bị không ít người thù ghét.

Nếu bạn và tôi gặp phải trường hợp của Chúa Giêsu, chắc không đời nào lại như thế. Chúng ta không dám lên tiếng, không dám day dưa vào chuyện người khác, càng không dám làm "thầy đời" của anh chị em. Bởi ta chẳng có tư cách nào để chỉnh đốn ai. Nhưng với Chúa Giêsu, luôn ý thức mình là Thiên Chúa, là Đấng mọi người phải tôn thờ, Người tự biết mình có quyền làm như vậy.

Đó là ý thức của Chúa Giêsu. Về phía chúng ta, nếu nhìn xa hơn và suy nghĩ sâu hơn bản chất của lời Chúa nói, ta sẽ phải đặt lại vấn đề: Có thật Chúa đang "chơi quê" người khác? Người gây sự với họ? Hoàn toàn không đúng như thế.

Nếu tôi gây sự với ai, muốn hạ nhục ai, thì hàm ý trong lời của tôi chứa đựng sự thù ghét. Chúa Giêsu không nuôi lòng thù ghét để tìm cách vỗ vào mặt người ta để trả thù và làm cho người ta sượng sùng.

Trong lời của Chúa Giêsu không hề chứa đựng ác ý. Đúng hơn, Người rút ra từ những câu chuyện đời thường để dạy loài người, dạy từng người qua từng thời đại những bài học.

Bởi rút ra từ thực tế và kinh nghiệm cuộc sống, những bài học Chúa trao ban đều dễ hiểu, dễ nhớ, cụ thể, phù hợp mọi nơi mọi lúc. Bài Tin Mừng hôm nay có hai bài học quý giá, rút ra từ những lời phê phán đối với chủ và khách.

1. Sự khiêm nhường.

Đối với khách dự tiệc, nếu Chúa bảo đừng ăn trên, ngồi trốc, thì sau đó là một kết luận: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". Bài học này làm ta nhớ lời Ngợi khen của Đức Maria: "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những người quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" (Lc 1, 51-52).
Thiên Chúa luôn luôn yêu thương những ai khiêm nhường, những ai mang thân phận nhỏ bé. Từ ngàn xưa, lịch sử đã chứng minh lòng yêu thương đó. Chẳng hạn, để lãnh đạo dân Người, Thiên Chúa không chọn ai khác, nhưng lại chọn một Môsê ngọng ngệu.

Để tiếp tục công cuộc giải phóng dân, Thiên Chúa nâng lên địa vị quốc vương một Đavít chỉ là đứa em bé bỏng, sức yếu, lực kém trong số các anh em.

Chuẩn bị cho Con Một của mình làm người, Thiên Chúa chọn một vị tiền hô là Gioan Tẩy giả sinh ra từ người mẹ già bị mang tiếng là son sẻ, lớn lên giữa cảnh nghèo hèn chỉ có núi đồi làm bạn, hoang địa làm nhà cư trú.

Đến khi Chúa Giêsu làm người, để chuẩn bị cho một dòng tộc cưu mang ơn cứu độ đời đời, Thiên Chúa tuyển chọn cho mình mười hai tông đồ dốt nát, đầy bất toàn, yếu đuối.

Chính Đức Maria là một bằng chứng về lòng Chúa yêu thương những người phận nhỏ. Muốn có một người mẹ để sinh ra làm người, Chúa không chọn bất cứ phụ nữ trang đài nào, lại chọn Đức Mẹ, vốn là một thiếu nữ nghèo hèn, không tiếng tăm, chìm khuất giữa làng quê Nagiarét bình dị. Đúng là "Chúa nâng cao những người phận nhỏ", bởi một lẽ đơn giản vô cùng: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

2. Lòng bác ái:

Nếu Chúa bảo ông chủ nhà hãy mời người nghèo,người thấp bé, người tật nguyền dự tiệc, thì sau đó có một kết luận: "Ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Chúa yêu thương chúng ta. Người đòi chúng ta, một khi đã đón nhận lòng yêu thương, hãy chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em quanh mình, nhất là những người nghèo, người bất hạnh.

Đừng quên rằng, thực hành bác ái, sự trao ban và cho đi chính mình, lòng yêu thương quan tâm đến anh chị em xung quanh là tấm vé để ta vào Nước Trời.

Hai bài học được rút ra từ Tin Mừng hôm nay có một tương quan rất lớn. Bởi lòng yêu thương bao giờ cũng cần khiêm nhường. Không có khiêm nhường thật, không bao giờ có bác ái, yêu thương đúng nghĩa, mà chỉ là khoe khoang, chỉ là bố thí nếu có cho ai cái gì.

Mặt khác, một người kênh kiệu, thích ra oai tác oái làm sao có thể yêu thương người khác. Yêu thương và khiêm nhường là hai bài học của một thái độ sống. Nếu ta xưng mình là con Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, chắc chắn thái độ sống của ta sẽ là sự khiêm nhường và bác ái thẳm sâu.

Bạn thân mến, chính vì nêu gương sống yêu thương và khiêm nhường, Chúa Kitô, Thiên Chúa quyền năng nhưng đã hạ mình sống kiếp phàm nhân. Là Thầy Cả của mọi người, Chúa cúi mình rửa chân cho môn đệ. Là Đấng bất tử và là chủ của sự sống, Chúa chấp nhận chết thương đau để cứu độ loài người. Xứng đáng được tôn vinh trên trời cao thẳm, Chúa lại chọn cho mình chỗ rốt hết trong nhân lọai...

Chúa Kitô chính là bài học sống động về tình yêu và lòng khiêm nhường cho tất cả những ai muốn nên giống Người.

Là Kitô hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm bài học sống động là chính cuộc đời Chúa Kitô và nghe theo lời Người dạy mà sống khiêm nhường và bác ái trong cuộc sống của mình. Biết chấp nhận sống như thế, chúng ta mới mong vững niềm hy vọng "sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại" (Lc 14, 14).

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:57 30/08/2019

22. Một chút cần thiết cũng không nên ảnh hưởng đến sự hoàn mỹ của bản thân chúng ta, nhưng nên đem tất cả những thứ ấy quy về Thiên Chúa.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:59 30/08/2019
101. AI LÀ VỢ VƯƠNG

Triệu vương Lý Đức Thành trấn thủ Giang Tây, một hôm kêu mấy tên ca nữ cùng với người vợ trẻ dung mạo đẹp đẽ là Lương Quốc Quân mặc áo quần giống nhau, xếp hàng đi vào trước cung đình, để một tướng sĩ phân biệt ai là vợ của ông ta.

Nguyên là ông tướng sĩ nầy đã được giải thích qua phú quý nghèo hèn, để khi vừa nhìn thì có thế phân biệt được lời đã nói. Thật ra ông tướng sĩ này làm gì có bản lĩnh này chứ, nhưng ông ta vẫn khom lưng lạy Triệu vương nói:

- “Trên đầu có mây vàng thì đó là vợ của ngài ạ”.

Các ca nữ đều hiếu kỳ quay lại nhìn lên đầu Lương Quốc Quân, chỉ có một mình Lương Quốc Quân mắc cở nên không dám ngẫng đầu lên. Thế là ông tướng sĩ chỉ cô ta nói:

- “Đây là vợ của ngài”.

(Cổ kim tiếu sứ)

Suy tư 101:

Vợ của vương thì chắc chắn là phải mặc đồ trang sức đẹp hơn người thường, cho nên dù cho hóa trang mặc đồ như các ca nữ thì ông tướng sĩ kia vẫn cứ cho là phải có vương miện vàng trên đầu.

Làm con cái của Thiên Chúa thì chắc chắn cũng phải mặc đồ trang sức khác hơn người thường, đồ trang sức của người làm con Thiên Chúa không phải là mặc áo soa Pháp đắc tiền, không phải mặc quần jean loại xịn nhất cũng không phải mang nhẫn vàng nhẫn ngọc cho nhiều, những đồ trang sức này nay mới mai cũ và rồi sẽ quăng đi khi hết thời. Nhưng đồ trang sức của con cái Thiên Chúa chính là yêu thương, là khiêm tốn, là bác ái, là phục vụ, những đồ trang sức này càng mặc càng mới, càng mang càng đẹp và làm cho mọi người cùng cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta mang nó trên mình...

Vợ của vương thì luôn có áo quần sang trọng đẹp đẽ trong nhà để mặc, người Ki-tô hữu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có những người chung quanh cần mặc đồ trang sức của chúng ta, tức là cần chúng ta quan tâm phục vụ và chia sẻ...

Cái “mây vàng” trên đầu của người Kitô hữu chính là yêu thương vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên 1/9/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
22:07 30/08/2019
Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

"Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa".

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa.

Xướng: Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần.

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

"Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chết đã 4 tháng vẫn còn khả năng gây khốn khổ cho tổng giáo phận Seattle
Đặng Tự Do
18:00 30/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tổng giáo phận Seattle đang phải đối mặt với hàng loạt các câu hỏi sau khi một người đàn ông địa phương được ban phép lành rất long trọng trong một Thánh lễ trước khi đi tự tử.

Robert Fuller, một bệnh nhân HIV và ung thư, đã tự sát vào ngày 10 tháng Năm.

Hôm 27 tháng 8, Associated Press loan tin về những ngày cuối cùng của Fuller bao gồm một bức ảnh và lời kể về phép lành mà ông nhận được tại Giáo xứ St. Therese thuộc tổng giáo phận Seattle, năm ngày trước khi ông kết thúc cuộc đời.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 27 tháng 8, Tổng giáo phận Seattle cho biết:

“Câu chuyện về ông Fuller là mối quan tâm rất lớn cho Đức Tổng Giám Mục vì nó có thể gây ngộ nhận giữa người Công Giáo và những người cùng chia sẻ sự tôn kính của chúng ta đối với cuộc sống con người.”

Sau khi Fuller tham dự thánh lễ cuối cùng tại giáo xứ của mình, Cha Quentin Dupont, một linh mục dòng Tên, đã hướng dẫn những đứa trẻ vừa mới được rước lễ lần đầu đến tụ tập quanh người đàn ông này. Vị linh mục, các trẻ em và các thành viên khác trong giáo xứ giơ tay chúc phúc cho Fuller. Toàn bộ các hành động này đã được ghi hình và chụp ảnh bởi một nhà báo của AP. Nói cách khác, tất cả câu chuyện đã được dàn dựng bởi ông Fuller và Associated Press.

Tổng giáo phận Seattle cho biết trước mắt chưa có một hình thức kỷ luật nào được công bố nhưng một cuộc điều tra sâu rộng đang được tiến hành để xác định những gì đã xảy ra trong Thánh lễ ngày 5 tháng Năm, trước và sau đó; cũng như trách nhiệm của những người có liên quan trong gương mù thê thảm này.

Theo thông tấn xã Công Giáo Catholic News Agency, trường hợp của ông Fuller có những yếu tố rất nghiêm trọng.

Ông Fuller, đã nhiễm HIV vào thập niên 1980, được chẩn đoán có khối u ung thư ở đáy lưỡi vào mùa hè năm 2018. Vào cuối đời, ông ta phụ thuộc vào ống truyền dinh dưỡng và không muốn theo đuổi phương pháp hóa trị. Thay vào đó, ông ta bày tỏ ý định muốn được trợ tử.

Bất chấp các giáo huấn của Giáo Hội, Fuller là người cổ vũ cho trợ tử trong hơn ba thập kỷ qua và là thành viên của Hiệp hội Hemlock. Ông ta nói với AP rằng vào thập niên 1980, ông ta đã cho một người bạn bị HIV dùng thuốc quá liều, để giúp người ấy kết liễu cuộc đời.

Tiểu bang Washington đã thông qua Đạo luật “Death With Dignity” vào năm 2008, và kể từ đó, khoảng 1,200 người đã chọn chết bằng trợ tử.

Theo AP, Fuller đồng ý cho đăng toàn bộ câu chuyện của ông để “chứng minh cho mọi người trên khắp đất nước này luật hỗ trợ tự tử hoạt động như thế nào”, như một cách cổ vũ cho trợ tử và an tử. Như thế, cho đến khi chết, ông Fuller đã kiên quyết chống lại các giáo huấn của Giáo Hội cho đến cùng.

Trong bài báo, AP cho biết Fuller trước đó đã cố tự tử bằng cách uống thuốc quá liều những dược phẩm mà ông ta đã đánh cắp khi còn là một y tá tâm thần tại một bệnh viện ở Seattle. Tuy nhiên, sau khi ông ta đã uống thuốc thì trời bắt đầu mưa. Ông gọi điện thoại kêu xe cấp cứu đưa ông vào nhà thương. Ông giải thích với thông tấn xã AP rằng ông ta không muốn chết trong một thời tiết lạnh và ẩm ướt.

Vào ngày 10 tháng 5, Fuller đã tiêm thuốc gây chết người, trộn với những thức uống mà ông yêu thích vào ống truyền dinh dưỡng. Luật trợ tử tại tiểu bang bắt buộc bệnh nhân phải tự dùng thuốc.

Trước khi qua đời, ông Fuller cũng đã tổ chức một bữa tiệc với bạn bè và gia đình, và đã kết hôn dân sự với người bạn đời của mình, là một người đàn ông tên là Reese Baxter. Baxter cũng là người chăm sóc của Fuller. Fuller đã chết khoảng chín giờ rưỡi sau đó.

Kết quả tạm thời cho đến khi tổng giáo phận ra thông báo vào ngày 27 tháng 8 có thể tóm lược như sau:

“Câu chuyện trên AP được đính kèm với một bức ảnh trong đó ông Fuller nhận được sau Thánh lễ. Vào thời điểm bức ảnh này, lãnh đạo giáo xứ đã không nhận thức được ý định của ông Fuller.”

“Sáng hôm đó, vị linh mục trong bức ảnh được báo cho biết là ông Fuller sắp chết và muốn nhận được phép lành của cộng đồng đức tin. Mãi đến sau này, hàng lãnh đạo giáo xứ mới biết kế hoạch thật sự của ông ta. Họ đã báo ngay cho cha sở, là người đã cấp tốc gặp ông Fuller để thảo luận về món quà thiêng liêng của cuộc sống con người và cách chúng ta được mời gọi tôn trọng và tôn kính món quà đó như các môn đệ của Chúa Giêsu.”

Trong khi đó hãng tin AP lại cho rằng kế hoạch của ông Fuller được “nhiều giáo dân trong giáo xứ St. Therese biết và tán thành”. Ông Fuller bắt đầu tham gia thường xuyên các thánh lễ tại St. Therese vào cuối đời mình.

Hãng tin AP nêu đích danh một giáo dân trong hàng lãnh đạo của giáo xứ là ông Kent Stevenson, là người đã nói với AP rằng Fuller đã lựa chọn cái chết một cách “kiên trì và rõ ràng, sẵn sàng và tỉnh táo.”

Trong các bản tin hàng tuần của giáo xứ, ông Kent Stevenson, người phụ trách Thánh Ca trong các buổi lễ luôn được nêu tên cùng với cha sở, vị phó tế trong giáo xứ và người phụ trách kế toán.

Tổng giáo phận cho biết họ đang “xem xét các sự kiện được báo cáo trong câu chuyện này, mặc dù đã diễn ra vài tháng trước.” Tuyên bố nói thêm rằng các Giám Mục của tổng giáo phận Seattle sẽ “làm mọi việc cần thiết để làm sáng tỏ bất kỳ sự ngộ nhận hoặc hoang mang nào, mà câu chuyện này này có thể gây ra.”

Tổng giáo phận Seattle được lãnh đạo bởi Đức Tổng Giám Mục James Peter Sartain, 67 tuổi, và Tổng Giám mục Phó Paul Etienne, 60 tuổi, cùng với hai Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Eusebio Almaguer, 65 tuổi, và Đức Cha Daniel Mueggenborg, 57 tuổi. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Paul Etienne về Seattle vào tháng Tư vừa qua để hỗ trợ cho Đức Tổng Giám Mục Sartain, sau khi ngài yêu cầu Đức Giáo Hoàng giúp đỡ vì ngài gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận Seattle có 856,000 người Công Giáo trong tổng số 5,610,000 dân, chiếm 15.3%. Anh chị em tín hữu sinh hoạt trong 145 giáo xứ dưới sự chăm sóc mục vụ của 292 linh mục trong đó có 196 linh mục triều và 96 linh mục dòng. Ngoài ra, còn có 322 nữ tu và 115 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Tổng giáo phận nói với Catholic News Agency rằng Cha Dupont, một thành viên của tỉnh dòng Tên miền Tây, được mời trợ giúp dâng các thánh lễ cuối tuần cho hai giáo xứ, trong đó có giáo xứ cả St. Therese.

Người phát ngôn giải thích rằng tổng giáo phận có mối quan hệ lâu dài với cộng đồng Dòng Tên địa phương, và các linh mục của dòng thường hỗ trợ tổng giáo phận bằng cách cử hành các Thánh lễ tại các giáo xứ địa phương không đủ các linh mục triều.

Tỉnh Dòng Tên đã từ chối trả lời các yêu cầu bình luận của Catholic News Agency.

Sách giáo lý Công Giáo khoản 2258 dạy rằng

“Sự sống của con người là điều linh thánh, vì từ ban đầu sự sống này nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa và luôn liên kết với cứu cánh duy nhất của mình là chính Đấng Sáng Tạo. Từ khởi thủy cho đến cùng tận đời người, chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống: trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép trực tiếp hủy hoại mạng sống người vô tội”

Và nói thêm rằng:

“Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn tật nguyền phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống càng bình thường càng tốt.” (SglCg 2276)

“Với bất cứ lý do nào và bất cứ phương thế nào, việc trực tiếp giết chết để tránh đau vẫn là nhằm chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được. Do đó, có ý làm hoặc bỏ không làm một việc tự nó đưa đến cái chết, để chấm dứt sự đau đớn của một người, là một tội cố ý giết người, tội nghiêm trọng nghịch với phẩm giá con người và với lòng tôn kính Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Tạo Thành con người.” (SglCg 2277)

“Dù bệnh nhân sắp chết, vẫn phải tiếp tục chăm sóc bình thường. Về mặt luân lý, việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, để làm dịu bớt sự đau đớn của người hấp hối, ngay cả khi có nguy cơ rút ngắn cuộc sống vẫn được xem là xứng hợp với nhân phẩm, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích hay như phương tiện, nhưng chỉ được tiên đoán và chấp nhận như điều không thể tránh. Săn sóc người hấp hối là một hình thức đặc biệt của đức bác ái vô vị lợi, cần được khuyến khích.” (SglCg 2279)

Cuối cùng, sách giáo lý nhấn mạnh rằng:

“Mỗi người chịu trách nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống. Chính Người vẫn là Chủ tối thượng của sự sống. Chúng ta có bổn phận đón nhận với lòng biết ơn và gìn giữ sự sống để tôn vinh Thiên Chúa và được cứu độ. Chúng ta là người quản lý chứ không phải là chủ của sự sống mà Chúa đã trao ban. Chúng ta không có quyền định đoạt về mạng sống mình.” (SglCg 2280)


Source:Catholic News Agency
 
Đức cha Stefano Xu Hongwei được tấn phong Giám mục của Hanzhong
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:36 30/08/2019
Đức cha Stefano Xu Hongwei được tấn phong Giám mục của Hanzhong

Đây là lễ tấn phong giám mục thứ hai kể từ Thỏa thuận Trung Quốc và Vatican ngày 22.9.2018. Buổi lễ long trọng tổ chức ngày 28.8 tại Nhà thờ chính tòa thánh Micae ở Hanzhong được chủ tọa do Đức cha Ma Yinglin, giám mục Kunming (Yunnan) và chủ tịch Hội đồng giám mục Trung Quốc, một trong bảy giám mục được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bãi bỏ “vạ tuyệt thông”.

Ngoài ra, còn có sự hiện diện của 7 Đức Giám Mục thuộc vùng Shaanxi: Đức Giám Mục Wu Qinjing của Zhouzhi; Đức giám mực Tong Chanping của Weinan; Đức Giám Mục Yang Xiaoting of Yulin; Đức Giám Mục Dang Mingyan của Xian; Đức Giám Mục Yu Runshen của Hanzhong; Đức Giám Mục Han Yingjin của Sanyuan; Đức Giám Mục Wang Xiaoxun của Ankang; 80 linh mục đồng tế, một nhóm nữ tu, một đám đông cả ngàn người.

Trong buổi lễ, Hội đồng Giám mục Trung Quốc đọc sắc lệnh tấn phong giám mục. Tại một thời điểm nhất định, văn bản chính thức xác định rằng "Đức Giáo Hoàng đã phê chuẩn ứng viên". Trong quá khứ, các giám mục chính thức chỉ được bổ nhiệm bởi Hội đồng Giám mục. Đối với một số linh mục, đây là dấu hiệu cho thấy "thỏa thuận đang hoạt động". Tuy nhiên, các linh mục khác chỉ ra rằng theo cách này, Đức Giáo Hoàng chỉ có chức năng "phê chuẩn" và không "bổ nhiệm" giám mục, do đó ngài tuân thủ phương pháp Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm Đức cha Xu theo "phương pháp Trung Quốc" - cũng như của Đức cha Yao Shun - diễn ra theo kiểu rất "thế tục": trong một khách sạn, dưới sự kiểm soát thận trọng của chính quyền dân sự, rất giống với một cuộc bầu cử chính trị. Sự thiếu rõ ràng này được xem xét cẩn thận bởi các nhân vật thân cận với Vatican, họ tuyên bố rằng Đức cha Xu được Tòa thánh chọn từ lâu trước khi được bổ nhiệm chính thức.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican đã đưa ra một thông tin ngày 28.8, nói rằng hai Giám mục Trung quốc đầu tiên đã được tấn phong với bổ nhiệm của Tòa Thánh, kể từ sau khi Thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung quốc được ký kết vào tháng 22/9/2018 tại Bắc Kinh.

Đức cha Stefano Xu Hongmei, 44 tuổi, thụ phong linh mục năm 2002. Từ tháng 7 năm 2004 đến tháng 6 năm 2008, ngài học tại Đại học Giáo hoàng Urbanianum ở Rome (Vatican), tốt nghiệp Cao học mục vụ; từ tháng 11 năm 2008 đến tháng 4 năm 2010, ngài tiếp tục nghiên cứu mục vụ tại giáo phận Vancouver (Canada). Vào tháng 4 năm 2010, ngài được bổ nhiệm làm chính xứ Nhà thờ chính tòa West Street ở quận Hantai. Vào tháng 12 năm 2015, ngài trở thành thành viên của Ủy ban Công Giáo Tỉnh (gồm hai hội: Hội yêu nước và Hội đồng Giám mục). Năm 2012, và năm 2017, ngài cũng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Chính trị Tư vấn Nhân dân Trung Quốc tại quận Ren Hantai. Vào ngày 11 tháng 4 năm 2019, ngài được chọn làm giám mục của giáo phận Hanzhong. Châm ngôn của ngài là: "Phục vụ trong Chân lý và Bác ái".

Giáo phận Hanzhong là một khu vực truyền giáo cổ của Hội Giáo hoàng về Truyền giáo Nước ngoài (PIME). Giáo phận có khoảng 30 ngàn tín hữu, được phục vụ bởi 30 linh mục và 11 nữ tu, trong một thời gian dài giáo phận bị phân chia giữa một cộng đồng ngầm và một cộng đồng chính thức, với hai giám mục khác nhau. Sự hòa giải vẫn đang tiến triển bắt đầu trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời. Giáo phận Hanzhong có 27 linh mục, 8 nữ tu và một chủng sinh, phục vụ cho 20 ngàn tín hữu Công Giáo tại 21 giáo xứ.

Nguồn Asia News
 
Có nhiều hy vọng đấng Đáng Kính gốc ‘Con Lai’ Henriette cuả New Orleans sẽ được phong Chân Phước.
Trần Mạnh Trác
16:32 30/08/2019
Little Rock, Ark., Ngày 30 tháng 8 năm 2019 ( CNA ) Vào tháng 12 năm 2007, cô Christine McGee, sinh viên đaị học 19 tuổi ở Arkansas, đã được người mẹ đưa gấp vào bệnh viện ở Little Rock, Arkansas, để cấp cứu.

Cô Christine được chẩn đoán là bị chứng phình động mạch, và chỉ còn chờ chết. Lúc đến bệnh viện thì cô đã hôn mê và không còn phản ứng nào nữa.

Hôm nay, Christine đã được lành bệnh. cô vừa nhận lãnh văn bằng Thạc sĩ tại Đại học Loyola ở New Orleans và đã có thể lái xe và sống độc lập.

Sự phục hồi của cô có thể là một phép lạ đưa đến việc phong thánh cho một vị nữ tu gốc ‘con lai’ (Creole) ở Louisiana, theo lời các nhà chức trách cuả Giáo Phận Little Rock Arkansas.

Sự việc là trong khi Christine bị đau ốm như thế, mẹ cuả cô đã cầu nguyện lên đấng Đáng Kính (ĐĐK) Henriette DeLille để xin chữa lành cho con gái mình.

“Ngay từ khi biết về căn bệnh của mình, chính cô cũng đã bắt đầu cầu nguyện với ĐĐK Henriette. Và mặc dù có vẻ như không có gì khả quan, cô vẫn giữ vững niềm tin,” theo lời cuả Sơ Doris Goudeaux, đồng giám đốc cuả Ủy ban Vận động Phong thánh cho ĐĐK Henriette DeLille.

ĐĐK Henriette là một phụ nữ ‘con lai’ tự do (không còn là nô lệ), sinh năm 1812 tại New Orleans, có cha là người gốc Pháp giàu có, mẹ là một người ‘con lai’ gốc Tây Ban Nha và châu Phi. ĐĐK Henriette được giáo dục suốt thời thơ ấu để trở thành một phần của một chế độ lúc bấy giờ gọi là chế độ Placage (Lớp mạ bên ngoài, ơn huệ, xoa dịu.)

Theo chế độ Placage thì những người phụ nữ da màu tự do (là danh xưng dành cho những người gốc Phi Châu hoặc Lai Phi Châu không còn là nô lệ) được tham gia vào các cuộc hôn nhân không giá thú (common law) với những chủ đồn điền da trắng giàu có, để họ có một gia đình ‘âm thầm’ sống trong những đồn điền vùng quê hẻo lánh. Đó là một hệ thống ‘phân biệt’ cứng nhắc, nhưng cũng mang đến cho nhiều phụ nữ ‘con lai’ một cuộc sống thoải mái và đôi khi có những sự sang trọng.

Được đào tạo kiểu Pháp về văn học, âm nhạc, khiêu vũ và y tá, Henriette đã được chuẩn bị để trở thành một người ‘vợ rơi’ của một người đàn ông da trắng giàu có nào đó.

Tuy nhiên, khi lên 20 tuổi, Henriette tuyên bố rằng niềm tin tôn giáo của cô không thể dung hòa được với lối sống Placage mà cô được dậy giỗ. Cô đã có một cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, và tin rằng hệ thống Placage vi phạm giáo huấn của Giáo hội về sự tôn nghiêm của hôn nhân.

Năm 1836, Henriette hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, cô sử dụng số tiền thừa kế để lập ra một công đoàn tu hành nhỏ mà hồi đó đã chẳng được ai công nhận cả, đặt tên là ‘Các nữ tu Dâng Mình vào Đền Thánh của Đức Trinh Nữ Maria’ (Sisters of the Presentation of the Blessed Virgin Mary), ngày nay được gọi là dòng Thánh Gia (Sisters of the Holy Family).

Cho đến lúc chết, Henriette và các nữ tu dạy tôn giáo và văn hoá cho những người nô lệ, mặc dù việc làm ấy lúc đó là một hành động bất hợp pháp, có thể bị xử tử hoặc bị tù chung thân. Các nữ tu cũng khuyến khích những phụ nữ ‘da màu tự do’ kết hôn với những người đàn ông thuộc tầng lớp của họ để được lãnh phép hôn phối theo luật Giáo hội. Nhà dòng dưới thời cuả ĐĐK Henriette cũng đã thành lập một viện dưỡng lão cho những người già neo đơn bệnh tật, và còn nhiều công việc khác nữa.

Vào năm 1988, Mẹ Bề trên của nhà dòng đã xin mở hồ sơ phong thánh cho nữ tu Henriette DeLille, dẫn tới việc phong tước hiệu ‘Tôi tớ của Thiên Chúa,’ và sau đó được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tuyên phong là đấng Đáng Kính vào ngày 27 tháng 3 năm 2010.

Một phép lạ nhờ vào sự can thiệp của ĐĐK Henriette là cần thiết cho việc phong chân phước, là giai đoạn tiếp theo trong quá trình phong thánh.

Giáo phận Little Rock, Arkansas đã nghiên cứu và thu thập thông tin về sự chữa lành của cô Christine McGee, và họ tin rằng có thể là một phép lạ.

Bởi vì phép lạ xảy ra trong Giáo Phận Little Rock, cho nên họ phải là những người thực hiện cuộc điều tra, và họ đã bắt đầu từ năm 2015.

Theo tờ báo Arkansas Catholic, thì tòa án cuả giáo phận đã kết thúc hồ sơ và chính thức đệ trình các tài liệu lên bộ Phong thánh ở Vatican.

“Chúng tôi thực hiện công việc thu thập tìm hiểu thực tế cho Tòa Thánh, Cha Greg Luyet, JCL, nói. Cha Luyet là vị đại diện tư pháp cho Giáo phận Little Rock và đã giám sát các quá trình liên quan đến giáo luật trong giai đoạn phong thánh này.

Sơ Doris, đồng giám đốc cuả Ủy ban Vận động Phong thánh, cũng nói với báo Arkansas Catholic rằng Bộ Phong Thánh đã ban hành một nghị định có hiệu lực pháp lý, vào tháng 12 năm 2018, xác nhận rằng giáo phận đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tài liệu cần thiết để có thể xem xét về một phép lạ.

Hiện tại trong số những hồ sơ phong thánh cuả Hoa Kỳ thì có ít nhất là bốn người Công Giáo gốc Phi Châu khác nữa, đó là bà Julia Greeley (dòng 3 Phan Sinh), ông Pierre Toussaint (cựu nô lệ), Mẹ Mary Lange và Cha Augustus Tolton. Nếu phép lạ khỏi bệnh cuả cô Christine McGee nói trên được chấp nhận, thì ĐĐK Henriette sẽ tiến lên một bước gần hơn để có thể trở thành vị thánh đầu tiên cuả những người Mỹ Lai gốc Phi Châu được phong thánh ở Hoa Kỳ.
 
Phản ứng từ phía Anh Giáo đối với nhận định của Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên về Satan
Lệ Hằng, F.M.A.
16:52 30/08/2019
ROME - Cha Erich Junger, một nhà trừ quỷ Anh giáo, đã tham gia vào hàng dài những người lên tiếng quan ngại trước những lời bình luận gần đây của Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, theo đó Satan không phải là một thực thể, mà chỉ là một biểu tượng.

Phát biểu với Crux, Cha Junger, một thành viên của Giáo hội Anh giáo Bắc Mỹ, gọi tắt là ACNA, nói rằng ngài không phát biểu với tư cách là một phát ngôn viên của Giáo Hội Anh Giáo, nhưng như một linh mục và một nhà trừ quỷ. Ngài cho biết đã “bị kinh hoàng và thật ngỡ ngàng” khi thấy một nhân vật quan trọng như vậy trong Dòng Tên lại xem ma quỷ chỉ là “một thực tại có tính biểu tượng, chứ không phải là một thực tại cá vị”.

ACNA là một phần của Khối Hiệp Thông Anh giáo không trực thuộc Tổng Giám mục Canterbury, nhưng họ hiệp thông với một số tỉnh Anh Giáo ở Nam bán cầu. Trong khối Hiệp Thông Anh Giáo, ANCA được kể là nhóm gần gũi nhất với Công Giáo. Họ theo truyền thống Anh-Công Giáo về trừ tà. Về Phụng Vụ, họ tuân thủ rất nhiều các thực hành và nghi thức của Giáo Hội Công Giáo, và có xu hướng sử dụng nghi thức Công Giáo Rôma.

Cha Junger nhận xét rằng lời bình luận của Cha Sosa “là nguy hiểm và không phù hợp với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo như đã được ghi rõ trong Sách Giáo Lý Công Giáo.”

Mặc dù Dòng Tên đã làm hết mình để “giảm thiểu những thiệt hại” sau bài phát biểu của vị Bề Trên Tổng Quyền, Cha Junger cho biết ý kiến của Cha Sosa là “rất đáng ngạc nhiên và bất ngờ” đối với nhiều người. “Tôi không đồng ý chút nào với ngài, nhiều linh mục Anh giáo chính thống, các giám mục và giáo dân mà tôi quen biết, đặc biệt những người đang tham gia vào các mục vụ Trừ tà và Cầu nguyện Giải thoát cũng không một ai đồng ý.”

Tranh luận đã bùng nổ vào tuần trước trong cuộc gặp gỡ Rimini thường niên do phong trào Hiệp thông và Giải phóng của Italia tổ chức, trong đó Cha Sosa đã được mời để nói chuyện về chủ đề “Học cách nhìn thế giới với con mắt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ma quỷ “tồn tại như một sự nhân cách hóa cái ác trong các cấu trúc khác nhau, nhưng không phải là các ngôi vị [persons], bởi vì không phải là ngôi vị chính là một cách để nó làm điều ác. Ma quỷ không phải là một ngôi vị như nhân vị. Đó là một cách xấu xa để chúng hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên nói hôm 21 tháng Tám.

“Thiện và ác giao chiến với nhau trong một cuộc chiến vĩnh viễn nơi lương tâm con người và chúng ta có cách để chỉ ra chúng. Chúng ta nhìn nhận Chúa là thiện, toàn thiện. Các biểu tượng là một phần của hiện thực, và ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị [personal reality]”, ngài nói thêm.

Phát biểu của cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên gây nên một làn sóng chỉ trích rất mạnh trong giới Công Giáo. Chỉ một ngày sau đó, Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế nói trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 22 tháng Tám rằng:

“Sự tồn tại thực sự của ma quỷ, với tư cách là một chủ thể cá vị biết suy nghĩ và hành động và đã chọn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, là một chân lý đức tin và luôn là một phần của tín lý Kitô giáo.”

Trích dẫn một lịch sử lâu dài các giáo huấn của Giáo hội về bản chất của Satan, bao gồm cả một số trích dẫn từ Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm gần đây của ngài, tổ chức trừ quỷ nói rằng người Công Giáo buộc phải xác tín rằng Satan là một thực thể cá vị, một thiên thần sa ngã.

“Giáo hội, được xây dựng trên Kinh Thánh và Tông Truyền chính thức dạy rằng ma quỷ là một loài thụ tạo và là một thực tại cá vị, và Giáo hội cảnh báo những người, như Cha Sosa, chỉ coi ma quỷ là một biểu tượng.”

Đây không phải là lần đầu tiên Cha Sosa gây xôn xao với những bình luận về ma quỷ. Sau khi được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên vào năm 2016, năm 2017, ngài nói với tờ El Mundo rằng, “chúng ta đã chế tác ra những hình ảnh biểu tượng như Quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau nhận xét gây tranh cãi của cha Sosa vào năm 2017, một phát ngôn viên của Cha Sosa đã nói với tờ Catholic Herald rằng, “giống như tất cả những người Công Giáo khác, Cha Sosa tuyên xưng và dạy bảo những gì Giáo hội tuyên xưng và dạy bảo. Ngài không giữ một tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong tín lý của Giáo Hội Công Giáo.” Tuy nhiên, các phát biểu được lặp đi lặp lại của ngài khiến cho nhiều người tỏ ra rất nghi ngại.

Trong các bài giảng thánh lễ ban sáng tại nhà nguyện Santa Marta, và trong nhiều phát biểu khác của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lên tiếng cảnh báo Satan là một thực thể và thúc bách các tín hữu chống lại những cám dỗ của nó.

Từ năm 2005, Đại học Giáo Hoàng Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ ở Rôma đã mở một khóa đào tạo về trừ tà không chỉ cho các linh mục Công Giáo mà cả những vị thuộc các hệ phái Kitô khác. Năm nay, Cha Junger đã phát biểu trong hội nghị bàn tròn đại kết đầu tiên của khóa học.

Theo Cha Junger, quan điểm Kitô giáo nói chung về ma quỷ là rất rõ ràng: “Satan là một thực thể cá vị, là một thiên thần sa ngã, nổi loạn chống lại Thiên Chúa và như thế đã biến thái vì sự kiêu ngạo và lòng căm thù của mình.”

Trích dẫn đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 4,1-11) kể về sự kiện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, Cha Junger nhận xét rằng “Nếu Satan chỉ là một biểu tượng, thì trong trình thuật này Chúa nói chuyện với ai? Ai đã đưa ra những hứa hẹn, thử thách, và cám dỗ? Biểu tượng và ẩn dụ không thể làm những thứ như thế.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Chúa Giêsu nói về Satan theo nghĩa đen và trực tiếp, chứ không phải là một phép ẩn dụ hay câu chuyện ngụ ngôn.”

Cha Junger giải thích thêm rằng trong khi có một số giáo phái muốn làm giảm nhẹ hình ảnh về ma quỷ, chạy theo một thứ thần học “vui vẻ cả làng”, đại đa số các hệ phái Kitô có thế giá như Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo, Lutheran và Baptist, và những hệ phái khác – đều “rất rõ ràng trong tin tưởng cho rằng Satan là có thật và là một mối đe dọa rất nguy hiểm.”

Dựa trên kinh nghiệm của mình như một chuyên gia trừ quỷ, Cha Junger cảnh báo về sự nguy hiểm khi đánh giá thấp sức mạnh của ma quỷ. Đưa ra một khái niệm sai lầm về Satan thì có “khác gì là đánh giá thấp bất kỳ kẻ thù nào, phàm nhân hay siêu nhiên. Nó sẽ dẫn mọi người đến chỗ đánh giá thấp đáng kể sức mạnh của kẻ thù, và đánh giá quá cao sức mạnh của mình, đặc biệt là nếu họ tự ru ngủ mình rằng kẻ thù chưa thực sự bắt đầu tấn công.”

Ngài kết luận rằng: “Bỏ qua hoặc giảm thiểu mối đe dọa của kẻ thù này rõ ràng sẽ là một ý tưởng tệ hại với những hậu quả thảm khốc.”


Source:Crux

 
Giữa những gọng kềm lịch sử một thành phố có đến 1001 nhà thờ bị bỏ hoang nhiều thế kỷ
Đặng Tự Do
17:05 30/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tờ Aleteia, số ra ngày 26 tháng Tám, tường thuật về một câu chuyện bi thảm khiến nhiều người xúc động: giữa những gọng kềm của lịch sử một thành phố có đến 1001 nhà thờ đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ qua.

Ani là một thành phố của dân tộc Armenia được thành lập từ thời trung cổ, hiện nay thuộc tỉnh Kars của Thổ Nhĩ Kỳ, sát biên giới Armenia.

Từ năm 961 đến năm 1045, Ani là thủ đô của vương quốc Armenia Bagratid bao phủ phần lớn Armenia và miền đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ani được gọi là thành phố của 1001 nhà thờ. Thành phố này đứng tại giao lộ nhiều tuyến đường thương mại. Do đó, nhiều công trình tôn giáo, cung điện, thành lũy và các công trình kiến trúc tiên tiến nhất về mặt kỹ thuật và nghệ thuật trên thế giới đã được xây dựng tại đây. Trong thời cực thịnh, Ani được kể là một trong 10 thành phố lớn nhất thế giới, với dân số có lẽ lên đến hàng trăm ngàn người.

Danh tiếng về sự lộng lẫy và tráng lệ của thành phố này đã luôn Thành Cát Tư Hãn mơ mộng có ngày xua quân viễn chinh đến tận đây. Mộng không thành, Thành Cát Tư Hãn ủy nhiệm công việc này cho người kế nhiệm là Oa Khoát Đài. Năm 1236, quân Mông Cổ đến tận đây cướp phá.

Thành phố Ani sa sút từ đó. Sau khi bị tàn phá trong trận động đất năm 1319, từ một thành phố lớn thứ 10 trên thế giới, Ani bị các cường quốc trong khu vực sâu xé và bị thu nhỏ thành một ngôi làng và dần bị bỏ rơi và chìm vào lãng quên. Đến thế kỷ thứ 17, không còn ai nhắc đến thành phố này.

Ani là một biểu tượng di sản văn hóa, tôn giáo và quốc gia được đa số người Armenia công nhận. Theo nhà sử học Razmik Panossian, Ani là một trong những biểu tượng rõ ràng nhất và hữu hình nhất về sự vĩ đại của người Armenia trong quá khứ và do đó là nguồn tự hào của họ.

Từ thế kỷ 14, Ani được cai trị bởi các triều đại Thổ Nhĩ Kỳ cha truyền con nối. Thành phố này thực sự bị bỏ hoang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ gây ra tội ác diệt chủng người Armenia, tại Ani cũng như tại nhiều làng mạc và thành phố khác.

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Thánh Cha lúc đó là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là “tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại.”

Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ ngày 23/4/1915 đến khi kết thúc thế giới chiến tranh lần thứ nhất trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất ra sa mạc cho chết đói... Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không ai trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm vào tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra. Không chỉ Đức Thánh Cha Phanxicô, các triều Giáo Hoàng trong và sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất đều lên án tội ác diệt chủng này.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ani nằm ngay ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Liên Sô, một đoạn của Bức màn sắt. Trong những năm 1950, Ani là một phần trong yêu sách lãnh thổ của Liên Xô đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1968 đã có các cuộc đàm phán giữa Liên Sô và Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Ani sẽ trao trả cho Armenia để đổi lấy hai ngôi làng của người Kurd được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không có kết quả cụ thể nào từ các cuộc đàm phán.

Giữa các gọng kềm của lịch sử như thế, thành phố nơi có đến 1,001 ngôi nhà thờ đành bị bỏ hoang vì không ai muốn lập nghiệp tại đây.

Vào tháng 3 năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đề cử Ani vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Năm 2016, nguyện vọng này của Thổ Nhĩ Kỳ được chấp thuận vào ngày 15 tháng 7 năm 2016.

Ngày nay, các du khách có thể đến thăm thành phố này bằng cách thuê xe taxi từ trung tâm của tỉnh Kars, chạy một vòng thăm thành phố chết, và các thánh đường bỏ hoang, không một bóng người…rồi về.


Source:Aleteia
 
Phán quyết của Chánh Án Weinberg về Kháng Cáo của Đức Hồng Y Pell:: Bằng chứng của Potter, người giữ phòng áo
Vũ Văn An
19:36 30/08/2019
Potter

492 Potter đã từng là người coi phòng áo của Nhà thờ Chính tòa từ năm 1963 đến năm 2001. Vai trò của ông thực sự là vai trò của một người chăm sóc, chịu trách nhiệm chuẩn bị các buổi phụng vụ. Ông bảo đảm để rượu lễ, phải được dùng trong Thánh lễ, được giữ trong một nơi ‘an toàn’ đặc biệt, đó là một hầm lớn trong phòng áo của các linh mục. Ông nói rằng từ năm 1996 trở đi, chỉ có rượu nho trắng, chứ không bao giờ rượu nho đỏ, đã được sử dụng. Ông xác nhận rằng đương đơn không bao giờ ở một mình khi mặc lễ phục.

493 Theo Potter, Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật luôn được cử hành lúc 11giờ 00 sáng. Thông thường, Đức Tổng Giám Mục sẽ là chủ tế, mặc dù đôi khi, ngài được hai linh mục khác giúp đỡ. Cũng có Portelli, khoảng tám hoặc hơn các người giúp lễ, và ca đoàn Nhà thờ Chính tòa, gồm khoảng 40 hoặc 50 cậu bé và một số người lớn.

494 Khi được hỏi liệu ông có nhớ đương đơn đã từng chủ trì, thay vì cử hành, Thánh lễ, Potter nói rằng ông nhớ, mặc dù họa hiếm mới xẩy ra. Trong một dịp như vậy, đương đơn sẽ ngồi trên ghế giám mục, mặc phẩm phục ca đoàn, thay vì ‘đầy đủ lễ phục đại trào’ liên hệ đến việc cử hành Thánh lễ.

495 Trách nhiệm của Potter là chuẩn bị lễ phục cho Đức Tổng Giám Mục, đặt chúng sẵn để ngài mặc. Ông cũng phải đặt sẵn các lễ phục cho bất cứ linh mục nào khác tham gia việc đồng tế Thánh lễ.

496 Theo Potter, đương đơn chỉ luôn sử dụng phòng áo của Tổng Giám mục. Ông không nhớ có lúc nào căn phòng đó lại không có sẵn để sử dụng. Còn về đám rước sau Thánh lễ, nó diễn ra ở bên ngoài nếu thời tiết tốt, nhưng ở bên trong nếu trời ẩm ướt.

497 Trong một đám rước ở bên ngoài, khi đến được cửa chính, ca đoàn sẽ đi quanh Nhà thờ Chính tòa để vào Trung tâm Knox. Đương đơn sẽ ở lại các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa để chào hỏi mọi người đôi khi 20 phút hoặc nửa giờ. Potter nói rằng:

Trong khi đó, một người trong chúng tôi, Đức Ông - Cha Portelli và bản thân tôi sẽ ở lại với Đức Tổng Giám Mục. Nếu cha Portelli ở đó, tôi sẽ quay trở lại Nhà thờ Chính tòa và thu dọn cung thánh, mọi thứ của cung thánh và đưa chúng trở lại phòng áo.

498 Khi được ông Gibson thẩm vấn, Potter nhớ lại rằng việc tân trang Nhà thờ Chính tòa đã mất gần sáu năm để hoàn thành. Công việc vẫn đang được thực hiện trong một thời gian sau khi đương đơn được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục. Trong khoảng thời gian vài tháng đó, đương đơn đã không cử hành Thánh lễ trong Nhà thờ Chính tòa. Potter nói thêm rằng ‘... phòng áo của Đức Giám Mục [sic] của chúng tôi không được ngài sử dụng trong thời gian đó’ [141].

499 Potter sau đó được hỏi về việc thánh hiến bàn thờ mới trong Nhà thờ Chính tòa. Ông được nhắc nhở về chuyến viếng thăm của một Hồng Y người Mỹ vì dịp đặc biệt đó. Ký ức của ông là nó diễn ra năm 1996. Tuy nhiên, ông đã hoàn toàn sai về điều đó vì hoàn toàn rõ ràng là biến cố ấy diễn ra vào năm 1997. Sau đó, Potter đã thừa nhận sai lầm của mình và đã sửa lại.

500 Potter nói rằng một trong những nhiệm vụ của ông, trước Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, là đổ đầy các bình rượu (cruets) bằng rượu lễ. Ông đã làm điều đó trong phòng áo của các linh mục. Có những hộp rượu nho được giữ trong hầm, với hơn một chục chai trong mỗi hộp. Hầm là một phòng lớn có thể đi vào, có năm kệ để lưu trữ. Ông nhớ bồn rửa, còn gọi là secorium, trong phòng áo của các Linh mục, ở phía bên trái của tủ lưu trữ bằng gỗ. Bất cứ rượu nào không được sử dụng trong Thánh lễ sẽ được rửa sạch trong khu vực đó. Rượu có tính thánh thiêng, nên không thể để nơi trống không. Một khi đã làm phép, không được phép đơn thuần đổ nó xuống đất, hoặc đổ qua các đường ống bình thường.

501 Khi được hỏi liệu có lúc nào một chai được sử dụng để rót rượu vào các bình rượu không được đưa vào nơi an toàn, Potter nói:

... qua nhiều năm kinh nghiệm của tôi, ngay sau khi tôi hoàn thành việc đổ đầy các bình rượu, tôi lập tức cất các chai đó đi và không bao giờ để chúng ở bên ngoài.

502 Ông Gibson hỏi ép Potter xem liệu có thể có một dịp nào đó, trong Thánh lễ, khi đó một chai rượu lễ không được đưa trở lại hầm, mà đúng hơn, để lại trong khu vực ở kệ. Potter đã kiên quyết rằng điều này không bao giờ xảy ra, ít nhất liên quan đến Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Ông nói:

... một khi các bình rượu được đổ đầy cho Thánh lễ 11 giờ, mọi thứ đều được khóa kín trong nơi an toàn. Không bị bỏ lại ở bên ngoài để ai cũng thấy.

503 Potter nói rằng không có rượu nào có thể đụng tới từ tủ gỗ không khóa. Trách nhiệm của ông là bảo đảm rằng mọi thứ được lưu trữ một cách thích đáng sau các nghi lễ. Khi được hỏi thêm về việc liệu một chai rượu lễ có thể bị để lại ở bên ngoài không, câu trả lời của ông là nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một 'dịp hiếm có'. Ông nói rằng điều đó thực sự chỉ có thể xảy ra nếu có một Thánh lễ khác diễn ra ngay sau Thánh lễ trọng thể 11:00 sáng Chúa Nhật. Lúc đó, sẽ có thêm các bình rượu nữa sẵn sàng để được đổ đầy, để được sử dụng cho Thánh lễ tiếp theo.

504 Potter nói rằng khi Cha xứ Nhà thờ Chính tòa, McCarthy, đảm nhận vai trò của mình ở Nhà thờ Chính tòa, ngài đã nhấn mạnh rằng chỉ có rượu lễ trắng được đặt mua. Rượu này phần lớn được chứa trong các chai màu trắng trong suốt. Ông nói rằng phòng áo của các linh mục sẽ bị khóa trong khi Thánh lễ được cử hành, và ông sẽ chỉ mở khóa khi đoàn rước đang đi xuống lối đi giữa, dọc theo gian giữa, sau Thánh lễ. Ông sẽ làm như vậy để cả ông lẫn các người giúp lễ có thể đưa mọi thứ từ cung thánh trở lại các phòng áo.

505 Bằng chứng của Potter là một khi Thánh lễ kết thúc, và cuộc rước bắt đầu, ông ta sẽ phải mất khoảng 5 phút trước khi bắt đầu di chuyển các vật phẩm từ cung thánh trở lại phòng áo của các linh mục. Những vật phẩm này bao gồm chén thánh, bình đựng Mình Thánh (ciborium) và bộ bình rượu. Ông cũng sẽ di chuyển các cây nến và bình xông hương vào phòng tiện ích của các người giúp lễ. Ông cho phép giáo dân có cơ hội năm phút để vào cung thánh, quỳ gối và cầu nguyện. Ông mô tả đây là ‘thời gian riêng tư’. Ông nói rằng ông sẽ không mở khóa phòng áo của các linh mục trước khi khoảng thời gian đó trôi qua.

506 Potter nói rằng ông đã tham gia đám rước vào cuối năm 1996 vì đương đơn mới được bổ nhiệm làm Tổng giám mục, và cần được giới thiệu về các thực hành địa phương vẫn được giữ tại Nhà thờ Chính tòa. Vào lúc đó, cả ông lẫn Portelli đều ở cùng đương đơn, hỗ trợ ngài ở phía trước Nhà thờ Chính tòa, và sau đó hộ tống ngài trở lại bên trong. Đến lúc đó, ca đoàn đã cởi phẩm phục và trở về nhà.

507 Potter mô tả Portelli như người ‘thường xuyên’ ở cùng với đương đơn, gặp gỡ giáo dân sau Thánh lễ. Ông được hỏi một buổi chào hỏi như vậy sẽ kéo dài bao lâu. Ông đã đề cập đến tính bình dân của Đức Tổng Giám Mục, và nói rằng nó kéo dài từ 20 đến 30 phút. Ông nói thêm rằng ‘ông gần như có thể vặn đồng hồ’ dựa theo cách đương đơn chào thăm mọi người. Ông nói rằng ông quả nhớ được việc đương đơn đứng ở các bậc thềm phía trước vào năm 1996 khi lần đầu tiên, ngài bắt đầu cử hành Thánh lễ với tư cách Tổng Giám mục.

508 Khi ông Gibson nói với Potter rằng đương đơn có thể đã ở các bậc thềm phía trước trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với 10 phút, ít nhất là trong một số ngày, ông trả lời rằng còn tùy vào ‘buổi lễ mà ngài sẽ tham dự sau đó'. Tuy nhiên, Potter đã khăng khăng nói rằng điều này không xảy ra vào dịp đầu tiên đương đơn cử hành Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật. Ông nói thêm 'ngài [đương đơn] phải mất một thời gian để điều chỉnh và [ngài] ở lại đó để chào hỏi mọi người trong vài tháng tại Nhà thờ Chính tòa Chính tòa'[142].

509 Ông Gibson, trước đây đã tìm cách không thành công để moi từ Potter điều này: đương đơn có thể đã đứng ở các bậc thềm đàng trước trong chưa đầy 10 phút, lúc này hỏi liệu ông ta có thể làm như vậy không quá 10 phút, hoặc một phần tư giờ không. Potter chấp nhận rằng điều này có thể có, nhưng nói thêm rằng ông không 'nhớ ngài chỉ dành một thời gian ngắn trừ khi thời tiết khắc nghiệt. .. lúc ngài không thể đứng ở bên ngoài. ..' Potter nói thêm, trong mọi trường hợp, một linh mục phụ tá sẽ ở với Đức Tổng Giám Mục và sẽ đi với ngài. Ông khẳng định một cách dứt khoát rằng đương đơn sẽ không bao giờ không được đồng hành, và để ở một mình. Bản ghi chép đọc như sau:

ÔNG GIBSON: Và khi ông nói ‘trong hầu hết trường hợp’, sẽ có một số trường hợp khi các linh mục không ở đó để hỗ trợ ông ta nhưng ông ta không được tháp tùng và ở một mình?

POTTER: Không, một người trong chúng tôi sẽ xuống và đón ngài ở cửa và đưa ngài trở lại qua Nhà thờ Chính tòa.

ÔNG GIBSON: Vậy khi ông nói ‘hầu hết trường hợp’, ông muốn đề cập đến điều gì?

POTTER: Nếu cha Portelli không ở đó, ngài sẽ cho tôi biết. Tôi sẽ đi xuống và đón Đức Tổng Giám Mục để đưa ngài trở lại.

ÔNG GIBSON: Có thể là trong khi ông đang dọn dẹp cung thánh thì Tổng Giám mục Pell đã trở lại phòng áo nơi ông ta sẽ cởi lễ phục và ông không hiện diện ở đó không?

POTTER: Không, tôi sẽ luôn bảo đảm việc chúng tôi đích thân chăm sóc ngài. Tôi có trách nhiệm bảo đảm với Đức Tổng Giám Mục - chúng tôi ở đó để chăm sóc ngài.

ÔNG GIBSON: Có thể Tổng Giám mục Pell - đã lo việc phòng áo của mình mà không có mặt ông sau thánh lễ?

POTTER: Theo hiểu biết của tôi, thì không. Vì tôi phải giúp ngài, cởi áo choàng cho ngài, các lễ phục của ngài và bảo đảm rằng các lễ phục này được treo và sau đó đưa áo khoác cho ngài - hoặc áo khoác và những thứ tương tự.

ÔNG GIBSON: Vì vậy, ông nói rằng không thể nào Tổng Giám mục Pell ở trong phòng áo của mình mà không có ông hiện diện với ông ta sau thánh lễ?

POTTER: Không, chúng tôi luôn ở đó để giúp đỡ ngài.

ÔNG GIBSON: Rất tốt. Ông có thể nói một cách tuyệt đối (categorically) rằng Tổng Giám mục Pell không bao giờ đơn độc khi ông ta trở lại phòng áo của mình để cởi lễ phục?

POTTER: Không, luôn luôn có một người - có một linh mục phụ tá hoặc một người trong chúng tôi trong phòng áo sẽ đến và chào thăm Đức Tổng Giám Mục.

510 Nếu bằng chứng của Potter được chấp nhận, hoặc thậm chí chỉ được bồi thẩm đoàn coi là một trình thuật ‘khả hữu một cách hợp lý’, thì điều hợp luận lý là lý lẽ công tố sẽ bị hủy bỏ. Dòng thời gian đơn thuần là quá chặt chẽ.

511 Nhận ra sự kiện đó, ông Gibson đã nói với Potter, bằng cách đối chất, rằng vào ngày 5 tháng 12 năm 2016, ông đã có một cuộc trò chuyện với Trung sĩ thám tử Christopher Reed, người cung cấp thông tin. Trong diễn trình trò chuyện đó, chủ đề Đức Tổng Giám Mục ở một mình khi trở lại phòng áo đã được mang ra thảo luận. Ông Gibson gợi ý cho rằng Potter đã nói với Reed rằng có thể đương đơn đã ở trong phòng áo mà không có Potter. Potter trả lời:

Nếu tôi đang làm điều gì đó đặc biệt và ngài ở đó, nhưng ngài có một phụ tá - - -

... nếu tôi không có mặt với ngài, một trong các linh mục sẽ ở với ngài. Vì vậy, điều đó có nghĩa tôi không phải [hiện diện] ở mọi lúc. Ngài đã có một ai đó ở với ngài.

512 Ông Gibson cũng nói với Potter rằng ông ta đã nói với Reed rằng ông ta không thể nói một cách tuyệt đối đương đơn không bao giờ ở một mình khi trở lại phòng áo sau thánh lễ. Potter trả lời:

... vì đôi khi tôi ở một khu vực khác và khi tôi trở lại [,] một trong những linh mục hoặc. .. Portelli có ở đó nhưng tôi không nhất thiết phải nói [sic] tôi thấy ông ấy mọi lần.

513 Ông Gibson sau đó đã dựa vào các câu trả lời của Potter cho các câu hỏi của Reed, trong cuộc phỏng vấn này, vì nghi ngờ về độ tin cậy trong bằng chứng của ông này. Về thực chất, trên cơ sở các câu trả lời này, ông ta đã mời bồi thẩm đoàn đặt bằng chứng của Potter sang một bên.

514 Khi ông Gibson hỏi Potter về áo choàng của Tổng Giám mục, ông đã mô tả chúng bằng những thuật ngữ giống như của Portelli. Bản ghi chép đọc như sau:

ÔNG GIBSON: Bản chất của áo anba được Tổng Giám mục Pell mặc là nó cho phép hoặc có thể được di chuyển sang một bên, tôi gợi ý, cho phép để lộ dương vật của một người ra nếu họ muốn?

POTTER: Xin lỗi, tôi hoàn toàn không đồng ý như thế, thưa quan tòa, vì điều này xét về phương diện nhân bản không thể nào làm được, vì áo anba được cột bằng một dây lưng, và khóa chặt và không thể di chuyển được. Dây lưng cột quanh thắt lưng ngài, và rồi với dây lưng, một dây stôla còn được đặt lên trên - ở khu vực đó nữa, nên không có cách nào áo anba có thể được di chuyển trong khu vực đó - - -

...

QUAN TÒA: Ông Potter, xin ông kết thúc câu trả lời của ông. Kết thúc câu trả lời của ông. Ông đã kết thúc câu trả lời của ông chưa?

POTTER: Vì vậy, điều ấy không thể có vì kích thước của các túi khá nhỏ và một khi đã mặc thêm áo lễ (chasuble) - ngài không bao giờ tự mình đi lại với áo anba, hoàn toàn luôn luôn với lễ phục, áo lễ che phủ mọi thứ, và lúc ấy, không có cách nào ngài có thể di chuyển xung quanh với hai tay trong túi hoặc ở khu vực đó.

ÔNG GIBSON: Tất nhiên, áo lễ không ngăn cản việc với tới dây kéo quần hoặc vùng ở háng, phải không?

POTTER: Những gì ngài mặc không có cách nào ngài có thể làm điều đó.

515 Trong cuộc đối chất của ông Richter, và mặc dù sau một số lời nhắc nhở, Potter đã thừa nhận lỗi của mình khi chuyển năm 1997 sang năm 1996 như là năm khi việc thánh hiến bàn thờ mới diễn ra.

516 Potter đồng ý rằng Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật đầu tiên, được Đức Tổng Giám Mục mới cử hành, là một biến cố rất có ý nghĩa. Nó đã được tiến hành trước một cộng đồng chật cứng. Ông nói rằng ông có một hồi ức chuyên biệt về ngày hôm đó, và khăng khăng cho rằng Portelli đã ở lại với đương đơn suốt buổi, để giúp đỡ ngài.

517 Potter đồng ý rằng phòng áo của các linh mục, chứ không phải phòng áo của Đức Tổng Giám Mục, đã được sử dụng trong Thánh lễ trọng thể Chúa Nhật đầu tiên đó. Một lần nữa, ông khẳng định, như ông đã làm từ trước đến nay, rằng Đức Tổng Giám Mục không bao giờ bị để ở một mình. Ông cũng kiên quyết nói rằng ông sẽ không để cửa phòng áo mở khi bỏ di tham dự Thánh lễ. Đó là vì các linh mục đồng tế đã để áo khoác và đồ vật có giá trị trong căn phòng đó.

518 Potter nói rằng toàn bộ Thánh lễ sẽ không kết thúc đối với các người giúp lễ cho đến khi họ thực sự đi vào phòng áo của các Linh mục sau Thánh lễ, và cúi đầu trước thánh giá. Ông nói rằng có rất nhiều người qua lại trong và xung quanh phòng áo của các Linh mục sau Thánh lễ, vì các vật phẩm được đưa từ cung thánh đến căn phòng đó. Ông đã can dự vào diễn trình đó. Ngoài ra, còn có các linh mục trở lại phòng áo để cởi lễ phục.

519 Potter nói rằng ca đoàn luôn nằm dưới sự kiểm soát có kỷ luật của người ca trưởng (Mallinson), người, về vấn đề này, được các thành viên trưởng thành của ca đoàn phụ giúp. Ông nói rằng ông không nghi ngờ gì về những vấn đề này. Ông kiên quyết cho rằng tất cả đều là những vấn đề mà ông đích thân biết.

520 Cũng như Portelli, nếu bằng chứng của Potter được chấp nhận, điều này sẽ chấm dứt lý lẽ của công tố. Cùng một kết quả như thế cũng sẽ xảy ra nếu trình thuật của Potter được coi là một phiên bản ‘khả hữu cách hợp lý’ về các biến cố có liên quan.

Kỳ tới: Bằng chứng của McGlone
 
Linh mục Dòng Tên than thở: Tôi đã bị lừa vào trò chế nhạo giáo huấn Công Giáo
Đặng Tự Do
20:25 30/08/2019
Các phản ứng giận dữ đã bùng lên trên các mạng truyền thông xã hội sau khi thông tấn xã AP loan tin một linh mục Dòng Tên là Cha Quentin Dupont đã hướng dẫn các em nhỏ mới vừa được rước lễ lần đầu đến chúc phúc cho một người đàn ông chọn cái chết êm dịu để kết liễu cuộc đời mình.

Nhiều anh chị em giáo dân tại St. Therese phàn nàn rằng con em của họ mới vừa được rước lễ lần đầu đã bị lôi kéo vào một trò công khai chế nhạo giáo huấn Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người. Nhiều người không muốn thấy mặt Cha Dupont tại giáo xứ của mình nữa. Thậm chí, nhiều người còn đi xa đến mức kêu gọi Cha Quentin Dupont phải bị huyền chức.

American Magazine, tạp chí của Dòng Tên tại Mỹ, đã có cuộc phỏng vấn ngài. Thông tấn xã Catholic News Agency có bài tường thuật sau.

Hôm thứ Sáu 30 tháng Tám, một linh mục được chụp hình đang chúc phúc cho một người đàn ông có ý định tự tử cho biết rằng ngài không hề biết ý định của người đàn ông đó, và nếu ngài biết về kế hoạch người đàn ông đang muốn thực hiện, ngài sẽ hành động hoàn toàn khác.

“Tôi tin rằng cuộc sống là một ân sủng. Tôi tin rằng đó là một ân sủng từ Thiên Chúa và là cơ hội để mỗi ngày chúng ta có thể học hỏi từ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúa đang cố dạy chúng ta yêu thương qua các thánh thư và các gương mẫu về Chúa Kitô và các thánh. Tôi cảm thấy thật bàng hoàng nếu có một sự lầm lạc rằng tôi, hoặc một thành viên của hàng giáo sĩ hoặc của dòng tu hay tổng giáo phận này, có thể nghĩ khác hoặc có thể đưa ra một tuyên bố công khai khác như thế” Cha Quentin Dupont, SJ, nói với tạp chí American ngày 30 tháng 8.

Cha Dupont là một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Washington ở Seattle, và được mời cử hành Thánh lễ cuối tuần tại Giáo xứ St. Therese ở Seattle. Ngài đã trở thành tâm bão của các chỉ trích trên khắp thế giới chứ không riêng tại Hoa Kỳ sau khi Associated Press loan tin về những ngày cuối cùng của một người đàn ông tên là Robert Fuller bao gồm một bức ảnh và lời kể về phép lành mà ông nhận được tại Giáo xứ St. Therese thuộc tổng giáo phận Seattle, năm ngày trước khi ông tự kết liễu cuộc đời mình.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 27 tháng 8, Tổng giáo phận Seattle cho biết:

“Câu chuyện về ông Fuller là mối quan tâm rất lớn cho Đức Tổng Giám Mục vì nó có thể gây ngộ nhận giữa người Công Giáo và những người cùng chia sẻ sự tôn kính của chúng ta đối với cuộc sống con người.”

Sau khi Fuller tham dự thánh lễ cuối cùng tại giáo xứ của mình, Cha Quentin Dupont, một linh mục dòng Tên, đã hướng dẫn những đứa trẻ vừa mới được rước lễ lần đầu đến tụ tập quanh người đàn ông này. Vị linh mục, các trẻ em và các thành viên khác trong giáo xứ giơ tay chúc phúc cho Fuller. Toàn bộ các hành động này đã được ghi hình và chụp ảnh bởi một nhà báo của AP. Nói cách khác, tất cả câu chuyện đã được dàn dựng bởi ông Fuller và Associated Press.

Cha Dupont nói với tờ American rằng khi ban phép lành “tôi đã hoàn toàn không hề biết gì hết về ý định tự tử của ông Fuller. Tôi không phải lúc nào cũng là một phần trong các cuộc trò chuyện xảy ra trong cộng đồng giáo xứ St. Therese. Tôi đã được cung cấp thông tin rất hạn chế và tôi có kiến thức rất tối thiểu về tình hình của ông Fuller.”

“Tôi đã làm những gì tôi nghĩ là thích hợp về phương diện mục vụ với những kiến thức mà tôi đã có. Nhưng hóa ra tôi đã lầm, tôi không biết những phần chính trong câu chuyện này, nếu biết tôi sẽ có phản ứng hoàn toàn khác.”

Có những bằng chứng cho thấy nhiều thành viên trong cộng đồng giáo xứ St Therese đã biết trước kế hoạch của Fuller. Ông ta thông báo trên trang Facebook rằng tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại giáo xứ vào ngày 17 tháng 5 và sắp xếp để một ca đoàn biểu diễn tại bữa tiệc “end-of-life” do ông khoản đãi vài giờ trước khi tự sát.

Tuy nhiên, Cha Dupont nói với tờ America rằng ngài hoàn toàn không được cho biết về những kế hoạch đó khi ngài đến giáo xứ ngày 5 tháng Năm.

“Tôi đến nhà thờ và tôi thấy một giáo dân ở đó và tôi hỏi họ về tình hình của ông ta. Họ nói: ‘Đây là Thánh lễ cuối cùng của Bob Fuller', và tôi đã rất bối rối và vì vậy tôi hỏi người ấy thật sự muốn nói gì. Anh ta nói, ‘Bob sẽ chết.’ Tôi không biết nhiều về ông Fuller. Tôi biết ông ta bị bệnh nặng và tôi nghĩ điều đó có nghĩa là việc điều trị của ông ấy đã hết phương cứu chữa, các phương thức điều trị đã bị bãi bỏ và Fuller biết rằng không còn sống được bao lâu. Và tôi tiếp tục con đường đến nhà thờ và tôi đã gặp một vài giáo dân khác cũng nói rằng đây là Thánh lễ cuối cùng của Bob. Qua những cuộc trò chuyện đó, tôi nhận ra rằng người đàn ông mà tôi biết đang đau yếu muốn được tôi ban phép lành.”

“Vì vậy, chúng tôi bắt đầu trao đổi về việc ban phép lành vào cuối Thánh lễ. Sau thánh lễ, chúng tôi cùng ban phép lành cho ông ta.”

“Tôi nghĩ rằng tôi đang đứng trước một tình huống mục vụ với một người đàn ông biết mình sắp chết. Tôi muốn chắc chắn rằng anh ta cảm thấy được chăm sóc bởi Giáo Hội.”

Cha Dupont nói rằng ngài biết một cameran chuyên nghiệp đang quay lại toàn bộ buổi lễ ngày 05 Tháng Năm. “Tôi hoàn toàn không nhớ có được ai giới thiệu với tôi người quay phim này là một phóng viên báo chí hay không. Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi người ấy là liệu các phim ảnh có tôi trong đó sẽ được đưa ra trước công chúng hay không và như thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng người quay phim ấy có mặt vì muốn ghi lại những hình ảnh thánh lễ cuối cùng và ông ta muốn có một kỷ vật, một kỷ niệm, về Thánh lễ này, cộng đồng này, rồi sau đó khi nằm liệt giường ông ta có thể cảm nhận được sức mạnh và tình yêu của cộng đồng dành cho ông ấy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà ông đã thuê để chụp vài tấm hình để có chúng như những kỷ niệm và quà lưu niệm cho chính mình”

Vị linh mục nói rằng một giáo dân đã nói với ngài về kế hoạch tự tử của Fuller ngay sau Thánh lễ.

“Tôi đã hoàn toàn không có ý tưởng gì về ý định của ông ta trước đó. Khoảnh khắc tôi biết về ý định của anh ấy, tôi hoàn toàn choáng váng. Tôi đã bàng hoàng; và tôi thực sự rất bối rối. Tôi vẫn rất bối rối cho đến nay”.

Theo thông tấn xã Công Giáo Catholic News Agency, trường hợp của ông Fuller có những yếu tố rất nghiêm trọng.

Ông Fuller, đã nhiễm HIV vào thập niên 1980, được chẩn đoán có khối u ung thư ở đáy lưỡi vào mùa hè năm 2018. Vào cuối đời, ông ta phụ thuộc vào ống truyền dinh dưỡng và không muốn theo đuổi phương pháp hóa trị. Thay vào đó, ông ta bày tỏ ý định muốn được trợ tử.

Bất chấp các giáo huấn của Giáo Hội, Fuller là người cổ vũ cho trợ tử trong hơn ba thập kỷ qua và là thành viên của Hiệp hội Hemlock. Ông ta nói với AP rằng vào thập niên 1980, ông ta đã cho một người bạn bị HIV dùng thuốc quá liều, để giúp người ấy kết liễu cuộc đời.

Tiểu bang Washington đã thông qua Đạo luật “Death With Dignity” vào năm 2008, và kể từ đó, khoảng 1,200 người đã chọn chết bằng trợ tử.

Theo AP, Fuller đồng ý cho đăng toàn bộ câu chuyện của ông để “chứng minh cho mọi người trên khắp đất nước này luật hỗ trợ tự tử hoạt động như thế nào”, như một cách cổ vũ cho trợ tử và an tử. Như thế, cho đến khi chết, ông Fuller đã kiên quyết chống lại các giáo huấn của Giáo Hội cho đến cùng.

Trong bài báo, AP cho biết Fuller trước đó đã cố tự tử bằng cách uống thuốc quá liều những dược phẩm mà ông ta đã đánh cắp khi còn là một y tá tâm thần tại một bệnh viện ở Seattle. Tuy nhiên, sau khi ông ta đã uống thuốc thì trời bắt đầu mưa. Ông gọi điện thoại kêu xe cấp cứu đưa ông vào nhà thương. Ông giải thích với thông tấn xã AP rằng ông ta không muốn chết trong một thời tiết lạnh và ẩm ướt.

Vào ngày 10 tháng 5, Fuller đã tiêm thuốc gây chết người, trộn với những thức uống mà ông yêu thích vào ống truyền dinh dưỡng. Luật trợ tử tại tiểu bang bắt buộc bệnh nhân phải tự dùng thuốc.

Trước khi qua đời, ông Fuller cũng đã tổ chức một bữa tiệc với bạn bè và gia đình, và đã kết hôn dân sự với người bạn đời của mình, là một người đàn ông tên là Reese Baxter. Baxter cũng là người chăm sóc của Fuller. Fuller đã chết khoảng chín giờ rưỡi sau đó.

Tổng giáo phận Seattle cho biết trước mắt chưa có một hình thức kỷ luật nào được công bố nhưng một cuộc điều tra sâu rộng đang được tiến hành để xác định những gì đã xảy ra trong Thánh lễ ngày 5 tháng Năm, trước và sau đó; cũng như trách nhiệm của những người có liên quan trong gương mù thê thảm này.


Source:Catholic News Agency
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nếp sống lòng khiêm nhường
Lm. Đaminh Nguyễn Ngôc Long
09:34 30/08/2019
Xưa nay trong lịch sử nhân loại cung cách sống lòng khiêm nhường luôn được đề cao nhắc nhở. Nếp sống lòng khiêm nhường đi liền vào đời sống làm người trên trần gian chiều hướng thượng lên Thiên Chúa nơi trời cao và chiều ngang đường chân trời với con người đồng loại.

Sách Huấn Ca, sách văn chương giáo dục của người Do Thái và là sách Kinh Thánh của Công Giáo, nói đến nếp sống này:

„ Con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.“ ( Hc 3, 18.20).

Nếp sống lòng khiêm nhường mang lại ý nghĩa gì cho đời sống?

Nói đến sống khiêm nhường, thường hay nghĩ đến cung cách sống rụt rè tự hạ thấp mình xuống, làm mình như bé nhỏ lại, hay sống yên lặng làm thinh…và nếu chỉ như thế thì tiêu cực qúa. Không, không nếp sống lòng khiêm nhường không như thế, mà còn phản chiếu nếp sống sự chân thật, sự tích cực đời sống nữa.

Lòng khiêm nhường theo tiếng latinh là „Humilitas“, trong chữ này có chữ „Humus“ có nghĩa là đất, nền nhà, nền thửa ruộng vườn.

Những nhu cầu căn bản hằng ngày của con người như hơi thở, ngủ nghỉ, ăn uống, nhà vệ sinh nói lên rõ nét: Con người, đời sống ngươi cần có những nhu cầu và là loài chóng qua, ngươi thuộc về đất! Ngươi không cám ơn mình. Ngươi là tạo vật được tạo dựng từ đất. Dẫu vậy ngươi là người được yêu mến và được tạo thành do ý muốn của Đấng tạo dựng nên ngươi… Đấng tạo Hoá đã ban cho ngươi sự sống. Vậy nếu ngươi sống lòng khiêm nhường, là ngươi sống lòng chân thành nhận biết Người!

Nếp sống như thế không là cung cách làm cho bị mất nhân cách bị hạ nhục xuống hàng thấp bé, nhưng là cung cách được giải thoát. Người trồng cây làm vườn, nhất là những người sống nghề nông trồng tỉa hoa mầu đều biết sự quan trọng và gía trị của nền đất, và sự phong phú tươi tốt của hạt giống có thể nẩy nở phát triển khi được gieo xuống thửa ruộng nền đất tốt mầu mỡ.

Huminlitas, lòng khiêm nhường, là cung cách căn bản nâng đỡ nếp sống con người. Nếp sống lòng khiêm nhường nhận Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình là cung cách sống lòng kính trọng Thiên Chúa, cùng không làm cho trở nên thấp bé kém cỏi, nhưng nói lên sự cao cả của mình.

Lòng khiêm nhường - Humilitas - ăn rễ sâu nơi nền đất mang lại thực phẩm sức sống trong tương quan với Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên con người cùng nuôi sống họ.

Nếp sống lòng khiêm nhường của con người nói lên rõ nét con người là một loài thụ tạo bất toàn và chóng qua. Họ biết mình tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đấng cao cả hơn tất cả và có bổn phận cám ơn Người luôn mãi. Đó là chương trình đời sống, và là cánh đồng học hỏi suốt dọc đời sống mình. Thửa đất tốt mầu mỡ hứa hẹn mang lại kết qủa mùa màng thu hoạch dồi dào.

Humilitas, nếp sống lòng khiêm nhường là nghệ thuật sống. Nó giúp giải thoát con người khỏi áp lực đòi hỏi do chính mình đề ra muốn một mình hơn, là trung tâm của tất cả.

Humilitas, nếp sống lòng khiêm nhường không làm cho đời sống bị đè bẹp hạ thấp, nhưng nâng cao lên và cho có gía trị qúi báu.

Nếp sống lòng khiêm nhường là cung cách sống tình liên đới với người khác cùng sống lòng bác ái với tha nhân.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bé Vui Chơi
Tấn Đạt
22:17 30/08/2019
BÉ VUI CHƠI
Ảnh của Tấn Đạt

Trẻ yêu hết, nụ cười ngay thật
Đồ chơi toàn những vật tầm thường.
Trẻ chơi không biết chán chường
Nụ cười nghe cả Thiên đường bên trong.
(Trích thơ của Lm. Hồng Phúc)
 
VietCatholic TV
Tại sao con gái duy nhất của Stalin trở thành người Công Giáo? Bài học cho mỗi gia đình chúng ta.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:59 30/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 29 tháng Tám, tờ Aleteia, có nghĩa là “Chân lý”, đã đăng một bài của tác giả John Burger, có tựa đề “How Stalin’s daughter became a Catholic” – “Con gái của Stalin trở thành một người Công Giáo như thế nào?”

Tầm quan trọng của ông bà trong cuộc sống của một người không thể bị đánh giá thấp. Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong cuộc đời của Einil Stalina, giờ đây được gọi là Svetlana Alliluyeva.

Từ thời thơ ấu, cô có tên là Einil Stalina, con gái duy nhất của nhà độc tài Liên Sô Josef Stalin. Sau đó, trước những tội ác kinh hoàng của người cha, cô đổi sang lấy họ mẹ, và khi kết hôn với một người Mỹ, cô trở thành Lana Peters. Sau khi chồng qua đời, cô lấy lại tên Svetlana Alliluyeva.

Sinh năm 1926, cô lớn lên trong bầu không khí bài bác Thiên Chúa. Cha cô lúc ấy đã cai trị một Đảng Cộng sản và đang làm hết sức mình để giảm thiểu vai trò của tôn giáo trong cuộc sống của mọi người, hoặc lợi dụng tôn giáo để thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản.

Mặc dù từng là một chủng sinh Chính Thống Giáo, năm 1931, cha cô đã ra lệnh cho nổ tung nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc tại thủ đô Mạc Tư Khoa để có chỗ xây “Cung điện Sô Viết”. Đó là một dự án không bao giờ được hoàn thành.

Tuy nhiên, về lâu dài, sức mạnh tạm thời đó không mạnh hơn gương sáng của bà Ekaterine Geladze, người mẹ của Stalin, một người đàn bà nhà quê ở miền đất Georgia xa xôi.

“36 năm đầu tiên tôi đã sống trong nhà nước vô thần Liên Sô không phải là một cuộc sống hoàn toàn không có Thiên Chúa. Tôi đã được giáo dục bởi cha mẹ vô thần, bởi một trường học thế tục hóa, bởi toàn bộ xã hội duy vật sâu sắc của chúng tôi nơi không ai được nhắc đến Thiên Chúa” Svetlana đã viết trong cuốn tự truyện của mình có tên “Hai mươi lá thư cho bạn bè.” Cô cho biết thêm “Bà nội của tôi, Ekaterine Geladze, là một nông dân gần như không biết chữ, góa bụa nhiều năm, nhưng là người nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Rất ngoan đạo và chăm chỉ, bà đã từng mơ ước đứa con trai duy nhất còn sống của mình, là cha tôi, một ngày nào đó trở thành một linh mục. Tất nhiên, giấc mơ đó không bao giờ thành hiện thực.”

Bà ngoại của Svetlana, là bà Margaret Allilouieva, cũng đóng một vai trò quan trọng. Svetlana cho biết bà ngoại cô “đã rất hân hoan được nói chuyện với chúng tôi về Thiên Chúa: từ bà, chúng tôi đã lần đầu tiên được nghe nói về những từ ngữ như linh hồn và Thiên Chúa. Đối với bà, Thiên Chúa và linh hồn là nền tảng của cuộc sống.”

“Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho những người bà thân yêu của tôi có cơ hội để truyền lại cho chúng tôi những hạt giống đức tin; mặc dù bề ngoài họ khúm núm với trật tự mới của xã hội, họ vẫn giữ niềm tin vào Thiên Chúa, một niềm tin đã ăn sâu trong trái tim của họ”

Những hạt giống đó được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm sống và tưới gội bằng nhiều nước mắt. Svetlana nhớ lại, lần đầu tiên trong đời, cô cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Đó là lúc đứa con trai 18 tuổi của cô bị bệnh nặng. “Tôi không biết bất cứ một lời cầu nguyện nào, thậm chí Kinh Lạy Cha cũng không biết,” cô viết. “Chúa nhậm lời tôi, tôi biết điều đó. Sau biến cố này, một cảm giác mãnh liệt về sự hiện diện của Chúa đã xâm chiếm tôi.”

Trong thời gian đó, cô đã gặp một Cha Nicolás Goloubtzov, là người đã bí mật rửa tội cho những người trưởng thành trong một xã hội không có đức tin. Biến cố này xảy ra tại một Nhà thờ Chính thống Nga vào ngày 20 tháng 5 năm 1962. Lúc đó, Stalin đã qua đời và bị coi là kẻ thù của nhân dân. Cha Nicolás là người đã hướng dẫn cô về các tín điều căn bản của Kitô giáo.

Năm năm sau, tức là năm 1967, cô đào thoát khỏi Liên Sô và sống ở Thụy Sĩ, và tại đây lần đầu tiên cô gặp người Công Giáo. Khi được định cư tại Hoa Kỳ, cô đã chứng kiến một sự đa dạng về các truyền thống tôn giáo.

“Tôi cần phải khám phá những gì là đúng trong sự đa dạng của những truyền thống tôn giáo và có lúc hoang mang trước những gì tôi đã thành tâm tôi tin tưởng. Tôi tìm trong Chính thống các giải pháp cho cuộc sống cá nhân của mình,” cô nói. “Những câu trả lời cho các câu hỏi của tôi có vẻ quá trừu tượng. Bất chấp tình bạn tôi vốn có với những nhà trí thức Chính thống giáo, cơn khát tinh thần của tôi vẫn chưa được thỏa mãn.”

Một ngày nọ, cô nhận được một lá thư từ Cha Garbolino, một linh mục Công Giáo ở Pennsylvania. Cha Garbolino đã mời cô đi hành hương tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 50 năm các cuộc hiện ra ở đó. Cô không thể đi vì lý do sức khoẻ, nhưng đã giữ liên lạc thư từ trong gần 20 năm với Cha Garbolino. Năm 1976, cô kết bạn với một cặp vợ chồng Công Giáo ở California và thường xuyên gặp gỡ họ trong hai năm. “Lòng sùng mộ kín đáo của ông bà và những lời cầu nguyện cho tôi và con gái tôi đã làm chúng tôi xúc động vô cùng,” cô viết.

Năm 1982, cô và con gái chuyển đến Cambridge, Anh. “Liên lạc của tôi với những người Công Giáo đã trở thành tự nhiên, nhẹ nhàng và đầy khích lệ”. Những cuốn sách đáng chú ý như Raissa Maritain [người vợ gốc Nga của Jacques Maritain đã cải đạo sang Công Giáo] đã giúp tôi đến gần hơn với Giáo Hội Công Giáo.

Cuối cùng, cô theo đạo Công Giáo và trở thành người đi lễ hàng ngày. “Trước đây, tôi cảm thấy không sẵn sàng tha thứ và ăn năn, và tôi nghĩ không bao giờ có thể yêu thương kẻ thù của mình. Nhưng tôi cảm thấy rất khác so với trước đây, kể từ khi tôi tham dự Thánh Lễ mỗi ngày. Bí tích Thánh Thể đã được làm thay đổi cuộc sống và trở thành cần thiết cho tôi. Bí tích hòa giải với Thiên Chúa mà chúng ta xúc phạm, từ bỏ và phản bội mỗi ngày, xua đi cảm giác tội lỗi và nỗi buồn xâm chiếm chúng ta: tất cả những điều này khiến chúng ta thấy cần phải nhận lãnh bí tích ấy thường xuyên.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân đây Kim Thúy xin được nói thêm một chút về nhà độc tài Stalin.

Nhà độc tài Stalin không xa lạ lắm đối với người Việt Nam. Thật thế, trong bài thơ “Đời đời nhớ Ông”, nhà thơ Tố Hữu viết:

“Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!”

Bài thơ này được kể vào một trong những bài thơ “Xạo hết chỗ nói”. Con nít vừa chào đời kêu được tiếng “ba”, tiếng “má” đã là mừng. Con nít vừa chào đời mà đã phát âm được “Xít-ta-lin” thì đúng là ma quỷ hiện hình.

Stalin sinh ngày 18 tháng 12 năm 1878 trong một gia đình nông dân nghèo tại Gori, ngày nay thuộc lãnh thổ nước Georgia. 11 ngày sau khi chào đời, Stalin được rửa tội trong Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Gia đình y rất nghèo đến mức y là người con duy nhất của họ sống sót qua thời niên thiếu. Bản thân Stalin cũng mắc nhiều thứ bệnh. Mặt của ông ta đầy những vết sẹo của bệnh đậu mùa. Stalin trải qua một thời niên thiếu khó khăn. Cha nghiện rượu đánh đập tàn nhẫn cậu ta và người mẹ đến mức họ phải trốn đi.

Một linh mục Chính Thống Giáo đã giúp Stalin có được một trình độ học vấn cơ bản bằng cách gởi cậu ta vào một chủng viện Chính Thống Giáo. Tại đây cậu ta nổi bật về môn văn chương Nga. Tuy nhiên, do không có chí tu hành, chỉ mượn chủng viện như một cơ hội học tập, Stalin sớm gia nhập trào lưu cộng sản lúc bấy giờ vẫn chưa cướp được chính quyền. Y thoát ly khỏi chủng viện để tự do tham gia các hoạt động cướp bóc, bắt cóc tống tiền. Y liên tục bị bắt và được trả tự do nhiều lần trước khi bị lưu đầy sang Siberia.

Sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười vào năm 1917, Stalin được cử vào Bộ Chính Trị đảng cộng sản Liên Sô và ngoi lên được địa vị cao nhất sau khi Lenin qua đời vào năm 1924.

Do không có trình độ kinh tế, lại ngạo mạn, Stalin đề ra các kế hoạch ngũ niên, làm xáo trộn việc sản xuất lương thực gây ra nạn đói nghiêm trọng trong hai năm 1932-1933 khiến 7.5 triệu người chết đói tại Ukraine và 2 triệu người chết đói tại Kazakhstan.

Để đối phó với các chỉ trích, Stalin phát động chiến dịch “Đại Thanh Trừng”. 700,000 người bị tử hình trong thời gian từ 1934 đến 1939; và hàng triệu người bị đầy đi Tây Bá Lợi Á.

Stalin qua đời năm 1953. Nikita Khrushchev lên thay kết tội Stalin là kẻ thù của nhân dân và cáo buộc Stalin gây ra nạn đói thứ hai vào năm 1949 còn kinh hoàng hơn nạn đói 17 năm trước đó. Khrushchev cũng tố cáo Stalin đã phạm vào những tội ác chiến tranh kinh hoàng như việc ra lệnh giết chết 60,000 quân Ba Lan.


Source:Aleteia
 
Người chết đặt bom hẹn giờ, 4 tháng sau mới nổ điêu đứng tổng giáo phận Seattle
Giáo Hội Năm Châu
17:39 30/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tổng giáo phận Seattle tin rằng linh mục Dòng Tên Quentin Dupont chỉ là nạn nhân trong trò chế nhạo giáo huấn Công Giáo tại giáo xứ St. Therese.

Các phản ứng giận dữ đã bùng lên trên các mạng truyền thông xã hội sau khi thông tấn xã AP loan tin một linh mục Dòng Tên là Cha Quentin Dupont đã hướng dẫn các em nhỏ mới vừa được rước lễ lần đầu đến chúc phúc cho một người đàn ông chọn cái chết êm dịu để kết liễu cuộc đời mình.

Nhiều anh chị em giáo dân tại St. Therese phàn nàn rằng con em của họ mới vừa được rước lễ lần đầu đã bị lôi kéo vào một trò công khai chế nhạo giáo huấn Công Giáo về sự thánh thiêng của mạng sống con người. Nhiều người đi xa đến mức kêu gọi Cha Quentin Dupont phải bị huyền chức.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 28 tháng Tám, Tổng giáo phận Seattle bày tỏ niềm tin rằng Cha Quentin Dupont, mới được thụ phong linh mục vào cuối năm 2018, chỉ là nạn nhân trong một vở kịch được dàn dựng bởi thông tấn xã AP và ông Robert Fuller, là người chọn cái chết êm dịu.

Toàn văn tuyên bố của Tổng giáo phận Seattle như sau:

“Bản tin của Associated Press tự nhiên khiến người đọc giả định một số điều về vị linh mục và ý định của ngài. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng có một thực tế rất khác đã xảy ra. Chúng tôi đã xem xét điều này và có thể xác nhận rằng vị linh mục ban phép lành đã không biết về ý định của ông Fuller. Linh mục này là một linh mục được mời đến dâng lễ, tình cờ có mặt tại nhà thờ St. Therese vào ngày Chúa Nhật đặc biệt đó khi Cha Sở đang cử hành thánh lễ tại giáo xứ thứ hai của ngài.

Phép lành được thực hiện sau Thánh lễ bởi một vị linh mục có mối quan tâm muốn mang lại sự an ủi cho người mà ngài vừa được biết là sắp chết. Vị linh mục không biết có sự hiện diện của bất kỳ nhiếp ảnh gia tin tức nào, mặc dù ngài biết có người đang chụp ảnh.

Mặc dù rõ ràng là một số bạn bè của ông Fuller, tại giáo xứ này, biết rõ ý định của ông ta, Cha Sở giáo xứ St. Therese ban đầu không biết. Cuối cùng, khi ông Fuller gặp gỡ Cha Sở để yêu cầu lên kế hoạch cho đám tang của ông ta, ngài đã thảo luận về món quà của cuộc sống và cố gắng thuyết phục ông ta thay đổi suy nghĩ của mình. Ngài nói rõ rằng cả ngài và giáo xứ đều không thể hỗ trợ cho kế hoạch kết liễu mạng sống của ông ta. Sau khi ông Fuller nói rõ ràng rằng ông ta sẽ không thay đổi ý định của mình, Cha Sở đã tìm đến ban lãnh đạo của tổng giáo phận để thảo luận về tình hình. Đức Tổng Giám Mục Sartain đồng ý rằng trách nhiệm của Giáo Hội là chăm sóc mục vụ cho những người than khóc. Với suy nghĩ này, ngài đã cho phép Cha Sở cử hành tang lễ với một số điều kiện nhất định để bảo đảm không ai ngộ nhận rằng Giáo Hội thừa nhận hay hỗ trợ cách này cách khác cho cách thức mà ông Fuller kết thúc cuộc đời. Mục đích của đám tang là cầu nguyện cho linh hồn của ông ta và mang lại sự an ủi cho những người than khóc.”

Một ngày sau đó, để đáp lại tuyên bố của tổng giáo phận Seattle, thông tấn xã Cathlolic News Agency, tung ra các bài viết của chính Robert Fuller trên Facebook của ông ta vào ngày 16 tháng Ba trong đó nói rằng tất cả các chi tiết liên quan đến đám tang của ông ta đã được dàn xếp xong. Ông cho biết thêm rằng một linh mục đã “chúc phúc” cho kế hoạch tự sát của ông ta.

Ông viết như sau:

“Tôi hoàn toàn không chút dè dặt gì về những gì tôi đang làm. Và linh mục của tôi cũng là người khích lệ tôi đã chúc phúc cho tôi. Và ngài là một tu sĩ dòng Tên!!!”

Fuller không trực tiếp nêu tên linh mục được đề cập trong bài viết của mình. Cha sở của giáo xứ St. Therese, là Cha Maurice Mamba, không phải là một tu sĩ dòng Tên. Kiểm tra các bản tin giáo xứ trong quá khứ cho thấy chỉ có một linh mục Dòng Tên, là Cha Quentin Dupont, thường xuyên cử hành Thánh lễ Chúa Nhật mà Fuller thường tham dự. Ngài đã cử hành thánh lễ tại đó tám lần trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2018 đến ngày 5 tháng 5.

Cha Dupont là linh mục chủ tế trong Thánh lễ vào ngày 5 tháng 5. Sau thánh lễ, ngài đã cùng với các trẻ em vừa được rước lễ lần đầu và các giáo dân khác, đưa tay ra chúc phúc cho ông Fuller.

Trong tuyên bố ngày 28 tháng Tám, Tổng giáo phận Seattle nói rằng Cha Dupont không nhận thức được hoàn cảnh khi ngài ban phép lành cho ông Fuller.

“Chúng tôi đã điều tra vụ này và có thể xác nhận rằng vị linh mục đã ban phép lành cho ông Fuller [vào ngày 5 tháng Năm] không hề biết ý định của ông ta. Vị linh mục này là một linh mục được mời đến dâng lễ, tình cờ có mặt tại nhà thờ St. Therese vào ngày Chúa Nhật đặc biệt này trong khi Cha sở đang cử hành thánh lễ tại giáo xứ thứ hai của ngài. Phép lành được thực hiện sau Thánh lễ bởi vị linh mục này chỉ nhằm mang lại sự an ủi cho người mà ngài vừa được biết là sắp chết. Vị linh mục đã không nhận thức được sự hiện diện của bất kỳ nhiếp ảnh gia tin tức nào, mặc dù ngài biết có người đang chụp ảnh”, thông báo của tổng giáo phận cho biết như trên vào ngày 28 tháng 8.

Các bài viết khác đăng trên Facebook của ông Fuller kể lại rằng ông ta đã gặp các nhân viên của giáo xứ để lên kế hoạch cho những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bao gồm một bữa tiệc được tổ chức trong vài giờ trước khi ông ta tự sát vào ngày 10 tháng 5; cũng như đám tang của chính ông ta.

Vào ngày 3 tháng 5, Fuller viết rằng ông ta còn một tuần để sống. Ông cảm ơn “gia đình đức tin” tại St. Therese, và mời mọi người tham gia với mình trong Thánh Lễ vào ngày 5 tháng Năm, và tiệc mừng ngày 10 tháng 5 là ngày ông qua đời.

Ngoài các bài viết liên quan đến đám tang của ông và vị linh mục đã “chúc phúc” cho ông, Fuller cho biết một số các vị lãnh đạo giáo xứ biết về kế hoạch kết liễu cuộc sống của ông, và tán đồng quyết định của ông.

Vào ngày 3 tháng Ba, Fuller viết trên Facebook rằng ông đã sắp xếp với một trong những nhạc sĩ tại giáo xứ để hát trong bữa tiệc mừng trước khi tự sát. Ba tuần sau, ông cho biết một ca đoàn giáo xứ sẽ đến biểu diễn.

Ông viết vào ngày 24 tháng Ba:

“Hôm nay tôi đã hỏi đạo diễn dàn hợp xướng của chúng tôi xem ông và các nhạc sĩ và ca sĩ khác có thể đến biểu diễn trong một tiếng rưỡi đầu tiên của bữa tiệc không và ông trả lời dứt khoát là YES. Tất nhiên rồi.”

Trong bữa tiệc này, Fuller đã kết hôn dân sự với người bạn đời của mình, là một người đàn ông tên là Reese Baxter. Baxter cũng là người chăm sóc của Fuller. Fuller đã chết khoảng chín giờ rưỡi sau đó.


Source:Catholic News Agency