Ngày 30-08-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:15 30/08/2014
LẠC ĐÀ BỊ BỆNH
N2T

Lạc đà bị bệnh té ngã bên vệ đường, đợi cứu giúp, con voi đi qua đường, nhưng đi tất tất bật bật, nói:
- “Thật là áy náy, tôi phải đi nhanh để xây thánh điện nên không có giờ rãnh để giúp anh”,
- “Tôi bận đi đầu tư gấp, đợi kiếm chút lời thì có thể dâng hiến cho nhà thờ một món tiền lớn”- hà mã áy náy nói với lạc đà xong rồi đi mà không ngoảnh đầu lại.
Đấng tạo hóa buồn nói:
- “Này các con, thánh điện càng đẹp hơn, tiền bạc có nhiều thêm nữa, thì cũng không quan trọng bằng một sinh mệnh”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, thật là một câu nói đầy tính triết lý sống.
Đức Chúa Giê-su đã kể ra dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, để chê những người thích coi trọng hình thức bên ngoài mà bỏ ngơ công việc bác ái: tới nhà thờ trễ một chút có chết thằng tây nào đâu, còn người anh em đang nằm đó sắp chết lại không cứu giúp! Đụng đến người ngoại đạo là ô uế, sợ lỗi luật, mà không cúi xuống đỡ người hoạn nạn, thì chẳng khác chi cầm gáo nước lạnh tạt vào mặt Chúa, bởi vì khi đã hành động như thế thì làm ô uế Chúa hơn là đụng vào xác chết.
Bác ái là không kể tốt xấu, ô uế, da đen da trắng, không kể quốc gia dân tộc, không kể có bà con thân thuộc hay không; bác ái cũng không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, thông minh hay đần độn v.v…
Người Công Giáo cần sống bác ái.
Các tu sĩ lại cần sống bác ái gấp đôi.
Các linh mục càng sống bác ái cách tuyệt vời hơn.
Bác ái chính là đồng phục của người Ki-tô hữu, đó là cách rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

-----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:22 30/08/2014
N2T

51. Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho vua Giê-su ngự trị trong lòng mọi người.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:24 30/08/2014
THỂ DỤC CHO LINH HỒN
Giáo dân khoe với cha sở là mỗi ngày từ sáng sớm đã đi công viên tập thể dục nên thân thể khỏe mạnh. Cha sở hỏi mấy giờ thì bắt đầu đi tập thể dục, ông ta nói:
- “Sáng bốn giờ rưỡi bắt đầu ra công viên, tập thể dục đến sáu giờ, sau đó đi uống cà phê tán dóc với mấy ông bạn...”
Cha sở nói:
- “Vậy thì ông có tập thể dục cho linh hồn được khỏe mạnh không ?” Cha sở nói tiếp: “Tôi đề nghị ông tập thể dục xong thì đừng uống cà phê tán dóc với bạn bè, nhưng ghé qua nhà thờ dự lễ sáng, đó là tập thể dục cho linh hồn khỏe mạnh đó, ích lợi cả hồn lẫn xác.”
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại diện Tòa Thánh tại LHQ: đáp ứng bạo lực tòan cầu bằng đối thoại và liên đới
Vũ Văn An
18:29 30/08/2014
Theo tin Zenit ngày 27 tháng Tám, Đức TGM Silvano Tomasi, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh cạnh LHQ tại Genève vừa tuyên bố rằng các bạo động đang diễn ra tại Iraq đã đánh thức cả thế giới. Ngài thúc giục cộng đồng quốc tế bênh vực và bảo vệ các nhân quyền căn bản của các nạn nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit vào hôm thứ Ba, Đức TGM không những phát biểu quan điểm của ngài về việc liệu các bạo động đang leo thang tại Trung Đông có phải là một loại Thế Chiến III hay không, như có lần Đức GH Phanxicô đã nói, ngài còn cho biết điều gì đang được thực hiện và điều gì cần phải thực hiện để chấm dứt các hành động bạo tàn.

Ngài cũng đề cập tới lời suy đoán TT Obama sẽ gặp các Thượng Phụ Đông Phương và các GM Hoa Kỳ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, và tác dụng có thể có của chuyến viếng thăm LHQ năm 2015 của Đức Giáo Hoàng.

***

ZENIT: Tại cuộc họp báo tổ chức hôm qua tại cuộc gặp gỡ Rimini hàng năm, khi được hỏi Tòa Thánh đang làm gì đếp đáp ứng cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Đức TGM đã nói rằng Tòa Thánh đề nghị một cuộc gặp gỡ trong đó, các giám mục của các lãnh thổ bị ảnh hưởng tại Iraq sẽ thông báo cho TT Mỹ Barack Obama về tình hình đang diễn ra. Đức TGM có thể giải thích thêm điều này không?

Đức TGM Tomasi: Tôi không biết sẽ có cuộc gặp gỡ với TT Obama. Nhưng tôi có nghe sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các giám mục ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó có đại diện của các Giáo Hội Trung Đông và có lẽ các ngài sẽ gặp gỡ các giám mục của Mỹ, nhưng đó là giả thuyết tôi đưa ra. Ngoài việc ấy ra, tôi không có một lịch trình chính thức. Nên chúng ta phải chờ thêm chút nữa xem sự việc sẽ diễn biến ra sao. Tôi nghĩ vào tuần lễ thứ hai của tháng Chín, cuộc gặp gỡ trên dự định sẽ diễn ra và ta cần xem sẽ diễn ra thế nào, thực ra, ai sẽ tham dự, liệu sẽ có cuộc gặp gỡ ấy hay không ngoài việc tuyên bố là có và các mục tiêu chuyên biệt của nó sẽ là gì.

ZENIT: Theo kinh nghiệm của Đức TGM, ngài có nghĩ điều quan trọng là TT Mỹ nên tham dự, để có được một kết quả cụ thể, một đáp ứng từ phía Hoa Kỳ?

Đức TGM Tomasi: Tôi nghĩ điều hữu ích là bất cứ ai cũng cần lắng nghe những người từng có mặt ngay tại chỗ, những người đem tới kinh nghiệm và nhận thức đúng về những gì đang diễn ra trong các cộng đồng của họ, nhất là các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác vốn hiện diện tại các khu vực Đồng Bằng Ninivê và Mosul. Nhận thức trực tiếp luôn giúp ta đưa ra được các quyết định cụ thể và khôn ngoan.

ZENIT: Đức TGM có tin rằng phái viên của Đức Giáo Hoàng tới Iraq, Đức HY Filoni, hay phúc trình của ngài, đề cập tới các vi phạm của Hồi Giáo Trị ISIS mà ngài quan sát được ngay tại chỗ, sẽ được trình cho LHQ hay không?

Đức TGM Tomasi: Dường như … Tại Genève, một cuộc họp đặc biệt của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, sẽ được triệu tập vào ngày 1 tháng Chín. Rất có khả năng sẽ có tiếng nói trực tiếp từ Vatican, có thể là đích thân Đức HY Filoni, người mới thăm viếng các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Bắc Iraq và các trại tỵ nạn nơi các nạn nhân của cái gọi là Quốc Gia Hồi Giáo Trị buộc phải trốn chạy tới để sống sót. Cuộc họp này có thể rất hữu ích. Chắc chăn hữu ích khi Cộng Đồng Quốc Tế mạnh mẽ bảo vệ Các Quyền Căn Bản của mọi người tại Bắc Iraq và cung cấp trợ giúp nhân đạo họ rất cần trong tình hình tuyệt vọng hiện nay vì họ trốn chạy với chỉ một mảnh vải che thân. Các Kitô hữu cũng có cùng những nhân quyền như bất cứ công dân nào khác và căn cước tôn giáo của họ không thể là cớ để họ bị kỳ thị.

ZENIT: Và Đức HY Filoni sẽ nói chuyện với LHQ?

Đức TGM Tomasi: Rất có thể. Các quyết định vẫn còn đang trong diễn trình được đưa ra.

ZENIT: Đức TGM có thể cho biết Đức HY Filoni sẽ nói những gì trong phúc trình của ngài, và nhận xét của Đức TGM về điều này?

Đức TGM Tomasi: Theo các cuộc phỏng vấn của truyền thông và nhiều bình luận công cộng khác, Đức HY nói tới số phận của mọi người tỵ nạn do cái gọi là quốc gia Hồi Giáo trị gây ra, việc giết người vô tội, nhu cầu quốc tế cần can thiệp với những tài nguyên cần thiết như nước và thực phẩm giúp cho các cộng đồng rời cư này sống sót. Ngài cũng kêu gọi phải che chở các cộng đồng này và khả thể hồi hương an toàn cho họ. Cộng Đồng Quốc tế không thể tự giả thuyết là người Kitô Giáo, người Yazidis và các nhóm thiểu số tôn giáo khác đơn thuần muốn di cư chỉ vì bị nhận diện là các nhóm tôn giáo.

Để kết luận, tôi nghĩ hai nhận xét sau đây là quan trọng hơn cả: trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và che chở. Các thượng phụ Đông Phương, cả Chính Thống lẫn Công Giáo, vừa nhận định rằng cần có sự hiện diện của “Mũ Xanh” LHQ tức lực lượng duy trì hòa bình của LHQ, là lực lượng tạm thời can thiệp vào và bình định tình hình để bảo đảm việc hồi hương của người tỵ nạn.

ZENIT: Đức TGM nghĩ Tòa Thánh nên làm những gì để đáp ứng? Và hiện có chăng? Sẽ có chăng?

Đức TGM Tomasi: Đối diện với nhiều bùng nổ bạo động tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng cách riêng tại Trung Đông, Tòa Thánh đã tích cực dấn thân qua tiếng nói của Đức Thánh Cha, Đức Phanxicô, người đã không tiếc bất cứ cố gắng hay lời lẽ nào nhằm nói rằng con đường hợp lý duy nhất cho tương lai là con đường đối thoại và thương thuyết, để người ta có thể sống chung với nhau, tôn trọng nhau, thậm chí nhìn nhận các dị biệt của nhau, nhưng phải thừa nhận nhân tính nền tảng mà tất cả chúng ta đều có.

Bước đầu tiên trong việc đáp ứng nền văn hóa bạo lực này là thừa nhận phẩm giá và sự bình đẳng của nhau, như là các thành viên của gia đình nhân loại. Sau đó, Đức Thánh Cha thêm sự cấp thiết của cầu nguyện và động viên mọi tài nguyên thiêng liêng của cộng đồng thế giới để van xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình vì hòa bình quả là một ơn phúc của Thiên Chúa.

Và điều này nữa, ta cần động viên cộng đồng quốc tế để họ nhận lãnh trách nhiệm, vì khi một quốc gia không thể bảo vệ các công dân của họ vì nhiều lý do, thì điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải nhận lấy nhiệm vụ che chở những người dân này.

ZENIT: Và nhiệm vụ che chở những người dân này bao gồm cả vũ khí?

Đức TGM Tomasi: Việc chọn các phương thế để che chở sẽ được các quốc gia, các thành viên của cộng đồng quốc tế, quyết định. Giáo Hôi không có trách vụ ấn định các phương thế chuyên biệt nên dùng để che chở các người dân cần được che chở. Giáo Hội sẽ nhắc nhở điều này: ta có bổn phận che chở và trách nhiệm này phải được thi hành qua bộ máy mà cộng đồng quốc tế đã tạo ra cho mình để đương đầu với những tình thế khẩn trương như tình thế ta đang đương đầu hiện nay ở Bắc Iraq.

ZENIT: Theo Đức TGM, các cộng đồng Kitô Giáo trên thế giới nên làm những gì một cách chuyên biệt để giúp các người dân này?

Đức TGM Tomasi: Đức Thánh Cha đã yêu cầu chúng ta cầu nguyện và tạo một công luận có lợi cho việc che chở những người dân đang gặp nguy cơ này. Cộng đồng quốc tế được kêu gọi phải che chở các nạn nhân của áp bức không được chính phủ họ bảo vệ hay đang gặp nguy cơ diệt chủng bất luận họ là Kitô hữu, Shiite hay Sunni. Các nhân quyền căn bản của bất cứ con người nào cũng đáng được che chở, vì mỗi người chúng ta đều có phẩm giá bằng nhau và giá trị bằng nhau như là thành viên của gia đình nhân loại và là con cái Thiên Chúa.

ZENIT: Âu Châu đang làm gì để giúp các người dân này?

Đức TGM Tomasi: Là thành viên của cộng đồng quốc tế, Liên Hiêp Âu Châu nên tham gia vào việc tìm ra giải pháp thích đáng cho cuộc khủng hoảng này.

ZENIT: Nếu Đức Giáo Hoàng tới LHQ, liệu việc này có tạo ra điều gì khác biệt hay không? Nếu có, thì tại sao lại như vậy?

Đức TGM Tomasi: Dạ, các kinh nghiệm quá khứ cho thấy các cuộc viếng thăm LHQ của các Đức Giáo Hoàng luôn phát sinh ra không những chú ý trong giới truyền thông, mà cả nhạy cảm lớn lao, một ý thức trách nhiệm mới mẻ nơi cộng đồng quốc tế đúng nghĩa nữa. Hy vọng rằng, nếu Đức GH Phanxicô quyết định đi thăm LHQ, tôi dám chắc việc này không những sẽ làm người ta lưu ý tới các vấn đề liên quan tới hòa bình và công lý trên thế giới, mà có lẽ ngài còn làm sống lại một cảm thức bổn phận để cộng đồng quốc tế thấy mình có trách nhiệm phải thi hành việc che chở các nạn nhân của bất cứ hình thức bạo lực hay bất công nào.

ZENIT: Đức GH Phanxicô từng cho hay: tình hình ở Trung Đông là “Thế Chiến III”, dù chỉ xẩy ra “từng mảng”. Đức TGM có đồng ý đây là Thế Chiến III không? Tại sao?

Đức TGM Tomasi: Đức Thánh Cha bắt kịp trí tưởng tượng của thế giới khi nói rằng chúng ta đang đối diện với một Thế Chiến. Kiểu nói này buộc ta phải suy nghĩ tới rất nhiều cuộc tranh chấp trên thế giới từ Cộng Hòa Trung Phi, Libya, Congo tới Syria và Bắc Iraq, ấy là mới chỉ kể một số. Việc bùng nổ bạo lực này đang qui định tình hình thế giới. Đúng vậy, hiện đang có nhiều trung tâm quyền lực với những quyền lợi riêng biệt hay khác biệt, và việc hoàn cầu hóa văn hóa, trong đó người ta chỉ chú trọng tới quyền lợi bản thân hay quốc gia, đang khuyến khích việc sử dụng vũ khí để giải quyết các dị biệt. Đức GH Phanxicô kêu gọi chúng ta ủng hộ thứ văn hóa khác, thứ văn hóa liên đới và đối thoại, làm phương thế duy nhất để xây dựng môt tương lai chung cho hòa bình và tiến bộ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Quan điểm của Đức TGM Tomasi được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ủy Ban Đại Kết và Liên Tôn Sụ Vụ của Hội Đồng này, ngày 21 tháng Tám, lên tiếng tái xác nhận sự cam kết đối thoại của mình với các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi Giáo.

Chủ Tịch Ủy Ban trên, Giám Mục Phụ Tá TGP Baltimore, Denis Madden, liệt kê các căng thẳng giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo tại nhiều nơi trên thế giới làm lý do chính để tái xác nhận nhu cầu đối thoại.

Các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng mặc dù “chúng tôi muốn nói lên nỗi buồn, thực ra sự giận dữ của chúng tôi, đối với các hành vi bạo động và xách nhiễu bừa bãi và đôi khi có hệ thống, các hành vi, đối với Kitô hữu cũng như người Hồi Giáo, đang đe dọa phá vỡ sự hòa hợp từng nối kết chúng ta trong sự hỗ trợ, thừa nhận và tình bằng hữu hỗ tương”, nhưng các ngài cũng buồn trước việc một số Kitô hữu, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, lên tiếng cố tình bác bỏ lời kêu gọi đối thoại với người Hồi Giáo.

Theo các ngài, cuộc đối thoại này đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực: “Qua đối thoại, chúng ta đã có thể khắc phục được phần lớn sự ngu dốt chung của chúng ta, thói quen không tin tưởng nhau, và nỗi sợ từng làm ta tê liệt”.

Các ngài viết thêm: “giống Đức Giáo Hoàng, chúng ta xác tín rằng gặp gỡ và đối thoại với những người khác với chúng ta đem lại cơ hội tốt nhất để (thực hiện) việc phát triển huynh đệ, làm giầu cho nhau, làm chứng và sau cùng phục vụ hòa bình”.

Khóc cho các Kitô hữu bị thảm sát, không khóc cho cuộc đối thoại với Hồi Giáo

Nhưng nhiều người Công Giáo không đồng ý đối thoại trong hoàn cảnh này. Một trong những người này là Phil Lawler. Viết trên CatholicCulture.org ngày 29 tháng Tám, Lawler cho rằng có những Kitô hữu như Đức HY Oscar Rodriguez Maradiaga tỏ ý lo sợ cuộc bách hại các Kitô hữu một cách tàn bạo của Hồi Giáo Trị ISIS sẽ đẩy lui “các tiến bộ trong cuộc đối thoại Kitô Giáo - Hồi Giáo”.

Điều ấy có thực. Nhưng các lãnh tụ Hồi Giáo Trị bất cần. Các tuyên bố công khai của họ không hề nhắc tới ý muốn đối thoại. Và các chính sách tàn bạo của họ rất cân xứng với các tuyên bố hiếu chiến của chúng. Chúng không có một ý muốn chia sẻ ý tưởng nào với người Kitô hữu Iraq; chúng chỉ muốn tận diệt họ. Mục tiêu tối hậu của chúng không phải đạt tới một hiểu biết hòa bình với thế giới Tây Phương, mà là khuất phục nó.

Nhắc tới các cố gắng đối thoại trong quá khứ, Lawler tỏ ý tiếc việc người Hồi Giáo đã không tiếp nhận công thức đối thoại sự thật của Đức Bênêđíctô XVI phát biểu tại Regensburg. Chính vì thế mà từ đó đến nay, Hồi Giáo đấu tranh, với chính sách bạo lực, càng ngày càng mạnh hơn. “Ấy thế mà thay vì đẩy mạnh luận điểm của ngài, các nhà lãnh đạo Giáo Hội nói chung đã đạp pêđan ngược để chạy xa khỏi nó. Thay vì đòi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo có trách nhiệm tham gia chiến dịch chống khủng bố, các giáo phẩm lại giả vờ cho rằng không có bất cứ nối kết nào giữa đức tin Hồi Giáo và bạo lực khủng bố”.

Nhắc tới tuyên bố của Ủy Ban Đại Kết và Liên Tôn Sự Vụ của HĐ/GM Hoa Kỳ trên đây, Lawler tỏ ý tiếc: các vị giám mục chỉ nói chung chung, không nhắc gì tới “hàng trăm Kitô hữu đang chết và việc chặt đầu một người Mỹ được trình chiếu trên YouTube. Đây quả là một việc không phục vụ sự thật chút nào”.

Lawler đề cập tới bài báo mấy ngày qua của Karen House, cựu chủ nhiệm tờ Wall Street Journal, tựa là “Đã tới lúc người Saudis đứng lên”, để nói rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo cũng nên có cùng một lập trường như thế trong cuộc đối thoại của mình với các đối tác Hồi Giáo. “Hãy nói với các giáo sĩ Hồi Giáo rằng đã đến lúc họ phải đứng lên. Hãy nói với họ: chúng ta rất muốn đối thoại, nhưng chỉ đối thoại khi họ hoàn toàn tách khỏi những kẻ xúi giục, vi phạm hay biện minh cho bạo lực phe phái”.
 
Đức Thánh Cha gặp gia đình vị bộ trưởng Pakistan bị Hồi Giáo quá khích giết hại
Đặng Tự Do
07:16 30/08/2014
Mẹ và em trai bộ trưởng Shabaaz Bhatti, người đã bị giết vào năm 2011 đã được gặp Đức Giáo Hoàng khi hai người viếng thăm Rôma hôm thứ Tư 27 tháng Tư vừa qua. Ông Shabaaz Bhatti là người Công Giáo đầu tiên trong nội các Pakistan nơi ông phụ trách Bộ Các Nhóm Thiểu Số Pakistan.

Paul Bhatti, em trai ông cho biết

"Đức Thánh Cha đã rất xúc động. Ngài nhắm mắt lại, nắm chặt bàn tay của mẹ tôi và ôm chầm lấy bà. Những cử chỉ ấy nói lên rất nhiều điều."

Bà Marta Bhatti, năm nay đã 87 tuổi cũng đã rất xúc động khi được gặp Đức Giáo Hoàng.

Ông Shabaaz Bhatti đã phản đối mạnh mẽ luật Phạm Thượng của Pakistan vì luật này được người Hồi Giáo lợi dụng để đàn áp thẳng tay các Kitô hữu. Trong rất nhiều trường hợp, luật này được sử dụng để vu cáo các Kitô hữu trong các tranh chấp dân sự giữa cá nhân với nhau.

Ông Paul Bhatti đã thay anh giữ chức vụ này sau khi anh ông bị ám sát chết. Ông nói với các ký giả rằng bạo lực hiện nay ở Iraq và Pakistan phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.

Ông cho biết:

"Những gì đang xảy ra ở Iraq và Pakistan và các phần khác của thế giới, không chỉ đơn thuần là vấn đề tôn giáo. Chúng là những kẻ khủng bố đang lợi dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được mục tiêu cá nhân của họ. Tại Pakistan, tôi đã gặp những người Hồi giáo tốt, những người đã ủng hộ tôi làm bộ trưởng. "

Đồng thời, ông lo ngại rằng người Hồi giáo cực đoan sẽ biến Pakistan thành một Iraq, nơi mà khủng bố và vô luật pháp đang thắng thế.

"Đây là một khả năng, bởi vì chúng tôi đang phải đối phó với những kẻ khủng bố Hồi giáo quá khích đến mức chúng tấn công cả những người Hồi giáo thiểu số khác. Trước tiên chúng ta phải xác định xem động cơ nào đang thúc đẩy những thứ bạo lực, phân biệt đối xử và chia rẽ con người với nhau và giết người một cách tàn bạo như thế."

Để ngăn chặn hận thù, ông nói, giáo dục và đối thoại giữa các tôn giáo là quan trọng, đặc biệt là nơi thế hệ trẻ.

"Những trẻ em nào được nuôi dưỡng theo một ý thức hệ cực đoan, và lớn lên cùng với những kẻ đánh bom tự sát, thì các em sớm muộn cũng trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải giúp đỡ những đứa trẻ này."

Bhatti nói rằng ông và gia đình vẫn đang bị đe dọa bởi những kẻ cực đoan. Ông không cảm thấy nhu cầu phải trả thù đối với cái chết của anh trai mình. Nhưng thay vào đó, ông muốn dành thời gian của mình để giúp đỡ những người vô phương tự vệ như anh trai của ông là Shahbaz đã từng làm trước khi bị giết.
 
Đức Giáo Hoàng gọi điện thoại cho một linh mục Iraq
Đặng Tự Do
19:09 30/08/2014
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi điện thoại cho một linh mục tại một trại tị nạn ở Iraq để bày tỏ sự gần gũi của mình với các tín hữu bị bách hại đang tạm trú trong trại tị nạn và hứa làm mọi cách để hỗ trợ cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi cho Cha Behnam Benoka vào ngày 19 tháng 8, tức là một ngày sau khi trở về từ chuyến tông du của ngài tới Hàn Quốc. Cha Benoka là linh mục chính xứ nhà thờ quận Bartella, là một thị trấn Kitô Giáo nhỏ gần Mosul. Cha cũng là Phó Giám đốc chủng viện Công Giáo Ankawa. Tuy nhiên, cả hai nơi thân thiết nhất với ngài giờ đây đã rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Ngài hiện đang làm việc tại một trại tị nạn ở phía bắc Iraq, giúp đỡ các Kitô hữu chạy trốn khỏi bạo lực của khủng bố Hồi giáo.

Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đã vô cùng xúc động bởi lá thư ngài nhận được từ cha Benoka một ngày trước đó. Đức Giáo Hoàng đã nhận được lá thư từ tay của một nhà báo, là một người bạn của vị linh mục, trên chuyến bay từ Hàn Quốc trở về Roma.

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ với cha Benoka lòng biết ơn đối với các tình nguyện viên làm việc trong các trại tị nạn và tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ của ngài và sự gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, cùng với lời hứa rằng ngài sẽ tiếp tục làm hết sức mình để giúp đỡ các tín hữu Kitô Iraq.

Trong thư gửi Đức Giáo Hoàng, vị linh mục bày tỏ lòng biết ơn đối với lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng nhằm kêu gọi sự kết thúc những đau khổ và bách hại các Kitô hữu đang phải chịu và gióng lên trước thế giới tiếng kêu cứu trước tình hình bi thảm mà hàng trăm ngàn tín hữu Kitô phải đối mặt. Cha cho biết thêm:

"Tình hình các tín hữu rất là đau khổ. Họ chết dần mòn vì đói khát. Các tín hữu Kitô nhỏ bé đang sợ hãi và không biết phải làm gì. Chúng con, các linh mục, tu sĩ, rất ít ỏi và sợ là không thể đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của anh chị em chúng ta. "

"Thưa Đức Thánh Cha, con e sợ nhiều người sẽ phải chết, đặc biệt là những trẻ sơ sinh mỗi ngày phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn và một tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Con sợ rằng cái chết sẽ cướp đi một số người khác nữa. Xin gửi cho chúng con những lời chúc của Đức Thánh Cha để chúng con có thể có sức mạnh tiếp tục sống và để chúng con vẫn còn đương cự nổi. "

Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của cha Benoka, đã kết thúc cuộc điện đàm bằng lời chúc bình an của ngài và xin Chúa ban cho họ ân sủng được kiên trì trong đức tin.
 
Diễn từ của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế.
J.B. Đặng Minh An dịch
22:47 30/08/2014
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chia sẻ những suy tư của ngài với các nhà lập pháp Công Giáo thế giới hôm thứ Sáu 29 tháng 8 trong hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế.

Hội nghị đã diễn ra từ 28 đến 31 tháng 8 tại Frascati bên ngoài thành Rôma với sự tham dự đông đảo của các nghị sĩ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về việc thúc đẩy các giá trị Kitô giáo và đạo đức trên trường chính trị. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi lời chào đến hội nghị này.

Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế đã được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và nghị sĩ Anh Lord David Alton.

Trong diễn từ trước hội nghị, Đức Hồng Y Pietro Parolin nói:

Thưa Đức Hồng Y, và quý nhà lập pháp đang tham gia cuộc họp thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế, các bạn thân mến,

Tôi chào tất cả các bạn. Tôi thấy hạnh phúc được đến đây với các bạn, các nhà lập pháp và các cộng sự viên, những người đang tích cực tham gia vào đời sống công cộng và chính trị của các quốc gia và cộng đồng địa phương, và những người mà công việc chuyên môn được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo. Tôi muốn cảm ơn quý vị vì những gì quý vị đang làm để thúc đẩy những chứng tá Công Giáo mạch lạc trên thế giới. Tôi biết rằng quý vị đang hiện diện nơi đây bởi vì quý vị có lòng nhiệt thành với "thành phố tại thế" và vì lòng nhiệt thành ấy mà muốn quý vị muốn luân lý và những nhân đức Kitô giáo được đâm rễ sâu xa và chân thực hơn bao giờ nơi các cộng đồng trên toàn thế giới để cùng nhau chúng ta có thể đạt đến "thành phố thiên quốc".

Mới hôm qua, chúng ta đã mừng lễ thánh Augustinô, người đã đưa ra cho chúng ta hình ảnh của hai thành phố này. Lịch sử không mơ hồ và tự nó cũng chẳng phải là một sự tình cờ; nó liên quan đến sự chuyển động của hai tình yêu và cuộc xung đột giữa hai tình yêu này. Hai tình yêu này – ngài viết - làm phát sinh hai thành phố: tình yêu trần thế là thứ tình yêu vị kỷ đến mức dửng dưng đối với Thiên Chúa; và tình yêu thiên đường, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vị tha đến mức quên mình (Thành Phố của Thiên Chúa , XIV, 78). Trong những thời điểm khó khăn của những cuộc xung đột liên tục và những cuộc nổi dậy quy mô, như trong sự sụp đổ của Rôma và cuộc xâm lược của người Vandal là những người đã bao vây thành Hippo ngay vào lúc thánh Augustinô đang hấp hối, ngài không những không đánh mất con tim, nhưng đã theo đuổi tới cùng cuộc tranh luận dữ dội, trong khi mời gọi mọi người xem đức tin là chìa khóa để giải quyết các vấn nạn. Ngài dành toàn bộ tác phẩm, Thành phố của Thiên Chúa, để học cách thấu hiểu hoàn cảnh hiện tại và để thiết lập một trật tự mới cho cuộc sống trong xã hội. Đó là một tác phẩm xây dựng trên luận lý của sự khôn ngoan, đặt trái tim con người ở vị trí trung tâm và chỉ ra bản chất thực sự của niềm hy vọng Kitô giáo. Tôi tin rằng trong thời điểm khó khăn của chúng ta hiện nay cũng vậy, chắc chắn có những chỉ dấu quý giá xuất hiện rõ ràng từ những kinh nghiệm và lời dạy của Thánh Augustinô.

Các bạn thân mến, chúng ta có thể nói mà không do dự rằng Giáo Hội cần đến các bạn trong sứ mệnh phổ quát của mình, và đến lượt mình, các bạn cũng cần Hội Thánh như Mẹ và Thầy của tất cả chúng ta.

Trong sự đa dạng của sứ vụ của mình đối với thế giới, Giáo Hội có một sứ mạng duy nhất (x Apostolicam Actuositatem, 2): là khôi phục lại tất cả mọi thứ trong Chúa Kitô. Trước sứ mạng này, Giáo Hội cần các bạn, các nhà lập pháp Công Giáo, bởi vì việc hình thành luật pháp của các bạn là một phần quan trọng của sứ vụ tông đồ giáo dân - là "thấm đượm tinh thần Tin Mừng và cải thiện trật tự trần thế". Trong tư cách là những người hình thành nên chính sách, vai trò của các bạn không chỉ đơn giản là sống "ở giữa thế giới", nhưng còn là "men trong thế giới" để nâng đỡ các gia đình, các cộng đồng địa phương và các quốc gia tương ứng. Thách thức cam go của các bạn là mang ánh sáng đức tin đến với những vấn đề căng thẳng trên thế giới ngày nay, nghĩa là, đối thoại với xã hội và văn hóa, và nói lên một cách khiêm tốn từ ánh sáng mà đức tin đưa ra cho chúng ta (x Evangelii Gaudium, 238) .

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng chúng ta đang cố gắng "đốt lên một ngọn lửa giữa lòng thế giới" (Evangelii Gaudium, 271). Điều này có nghĩa là, bằng lời nói, bằng những chứng tá và bằng những hành động pháp lý và chính trị của mình được hướng dẫn bởi đức tin, các bạn được mời gọi để thúc đẩy một xã hội công bằng hơn, đặt trọng tâm nơi phẩm giá của con người.

Giáo Hội biết công việc của các bạn là không dễ dàng. Giáo Hội hiểu được những mối đe dọa trên cuộc sống gia đình, dưới hình thức các chính sách và luật lệ cho phép và thậm chí còn cố tình đẩy nhanh quá trình phân rã của gia đình. Giáo Hội cũng nhận thức đầy đủ các nhu cầu cấp thiết để giảm bớt tình trạng nghèo khổ và hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất trong xã hội. Và vì thế, như Giáo Hội cần đến các bạn, các bạn cũng cần đến Giáo Hội. Giáo Hội đặt để nơi các bạn bí tích của mình, những lời cố vấn khôn ngoan của mình và cam kết của mình với các chân lý đạo đức của luật tự nhiên. Giáo Hội hỗ trợ các sáng kiến đang được tiến hành của các bạn để phục vụ lợi ích chung thông qua những luật lệ tốt đẹp. Về phần mình, Đức Thánh Cha và các giám mục khuyến khích công việc của các bạn cho vương quốc của Chúa Kitô trên trần thế, trong sự hiệp nhất với sứ vụ mục tử của các ngài.

Các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn lớn lên trong sự thánh thiện, trong khi hoán cải sâu xa hơn để chứng tá và cuộc đối thoại của các bạn với thế giới có thể mang lại kết quả lâu dài! Cầu xin cho các bạn luôn luôn phấn đấu để nhen nhóm "một ngọn lửa giữa lòng thế giới", nhờ những chứng tá nhất quán và kiên nhẫn của các bạn với các giáo huấn của Giáo Hội.

Tôi phó thác sứ vụ của các bạn nơi sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Thomas More. Tôi rất vui mừng nhân dịp này có thể chuyển đến với bạn những lời chúc mừng của Đức Thánh Cha, và Phép Lành Tòa Thánh của ngài như bảo chứng lời cầu nguyện cho ân sủng, sức mạnh và sự bền đỗ tuôn đổ trên công việc của các bạn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ nhậm chức của đức tân Giám Mục giáo phận Mỹ Tho
Têrêsa Mai An
08:51 30/08/2014
LỄ NHẬM CHỨC CỦA ĐỨC TÂN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN MỸ THO

Đức Cha PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM

Ngày 30 tháng 08 năm 2014

Được tin Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc về Sài Gòn làm Tổng Giáo phận ngày 22.03.2014, dân Chúa Giáo phận Mỹ Tho không khỏi nuối tiếc vì một vị chủ chăn thánh thiện, hết lòng yêu thương, và chăm sóc đoàn chiên đã không còn đồng hành trực tiếp với Giáo phận nữa. Nhưng Chúa cũng an bài cho Giáo phận Mỹ Tho một vị Chủ chăn mới là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm qua văn thư bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26.07.2014. Đức Cha Phêrô trước đây là Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngài là một người có tài giảng thuyết, và có tài lãnh đạo được nhiều người quý mến.

Xem Hình

Trong hân hoan và vui mừng, ngày 30.08.2014, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận đã đón tiếp vị tân Giám mục Mỹ Tho với bầu khí trang trọng và sốt mến. Từ sáng sớm, khi bình minh vừa ló dạng, tiếng nhạc của đội kèn tây Giáo xứ Fatima tại khuôn viên Nhà thờ Chánh Tòa vang lên, như mời gọi mọi người quy tụ về nơi nhà chung, để chào đón vị tân Chủ chăn Giáo phận. Từng đoàn người từ các giáo xứ tấp nập đổ dồn về đây. Cũng như quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha và quý khách từ các Giáo phận khác cũng đến chung vui với Giáo phận Mỹ Tho thân yêu này. Các nữ tu của Dòng Mến Thánh Giá Tân An, dòng thánh Phaolô tỉnh dòng Mỹ Tho, quý chủng sinh, cùng với các bạn trẻ làm hàng rào đón tiếp trước cổng Tòa Giám mục.

Lúc 05g00, phái đoàn Giáo phận Mỹ Tho gồm Cha TĐD, quý cha quản hạt, Bề Trên Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An, dòng Thánh Phaolô tỉnh dòng Mỹ Tho, và đại diện các hội đoàn của Giáo phận đến Sài Gòn để đón Đức Cha Phêrô. Lúc 08g30, xe chở Đức Cha Phêrô đã đến Mỹ Tho cùng với phái đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngài vừa bước xuống xe, tiếng chuông Nhà thờ Chánh Tòa vang lên rộn rã, những tràng pháo tay giòn tan cùng những nụ cười thân tình của mọi người đã đón tiếp ngài. Cha Tổng Đại Diện (TĐD) Giáo phận Phaolô Trần Kỳ Minh, cùng một vài cha đón tiếp ngài. Những tia nắng nhẹ yếu ớt giờ đây trở nên mạnh hơn, ấm hơn, lòng người trở nên phấn khởi hơn vì được diện kiến vị tân Giám mục. Cha quản đốc Nhà thờ Chánh Tòa Giacôbê Hà Văn Xung đã đón tiếp ngài trước cửa Nhà thờ, trao thánh giá cho ngài hôn, và que rảy nước để ngài rảy trên những người hiện diện.

Sau khi rảy nước thánh, Đức Cha tiến vào nhà thờ và quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể trong khi cộng đoàn hát: “Đây lòng Chúa ái tuất”. Sau đó, quý Cha rước Đức Cha qua Tòa Giám mục để nghỉ ngơi, và chuẩn bị phẩm phục bắt đầu thánh lễ.

Lúc 9g20, tại phòng khách Tòa Giám mục, với sự hiện diện của Đức TGM Leopoldo Girelli, quý Đức Tổng, quý Đức Giám Mục, Đức Cha Phêrô đã đặt tay lên sách thánh và hứa trung thành với sứ vụ mới.

Thánh lễ đồng tế lúc 9g30 tại Nhà thờ Chánh Tòa diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng. Đoàn đồng tế gồm quý Đức TGM, quý Giám mục và quý Cha TĐD trong phẩm phục trắng, và vàng từ Tòa Giám mục tiến vào thánh đường thật trang trọng. Đồng tế với Đức Cha Phêrô, có sự hiện diện quý báu của:

1. Đức TGM Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam.

2. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

3 Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội.

4. Đức Cha Lôrenxô Chu Văn Minh – Giám mục phụ tá Giáo phận Hà Nội.

5. Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt - Giám mục Bắc Ninh - Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

6. Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục Bùi Chu.

7. Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Lạng Sơn.

8. Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Giám mục Giáo phận Phát Diệm (nghỉ hưu).

9. Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục Thanh Hóa - Ủy Ban Mục vụ di dân.

10. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP – Giám mục Giáo phận Vinh.

11. Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Tổng Giám Mục Huế - Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

12. Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.

13. Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục Giáo phận Cần Thơ.

14. Đức Cha Giuse Trần Văn Tiếu – Giám mục Giáo phận Long Xuyên.

15. Đức Cha Giuse Trần Văn Toản – Giám mục phụ tá Giáo phận Long Xuyên.

16. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.

17. Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm – Giám mục Giáo phận Bà Rịa.

và khoảng 230 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, quý khách, và đông đảo giáo dân trong Giáo phận ước tính khoảng 1200 người.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, Cha Gioan Trần Phước Cương - chủ tịch linh mục đoàn - công bố tông thư bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại giảng đài. Sau lời công bố long trọng, Cha chưởng ấn Phaolô Phạm Đăng Thiện làm biên bản theo quyết định của giáo luật trước sự chứng kiến của ban tư vấn.

Để bày tỏ lòng vâng phục và tôn kính Giám mục, Cha quản đốc Nhà thờ Chánh Tòa đại diện cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tiến lên trước cung thánh nói lên tâm tình vâng phục đối với vị chủ chăn Giáo phận. Sau đó từng vị đại diện tiến lên gần Đức tân Giám mục, chào mừng ngài trong sự thân thiện và kính trọng.

Thánh lễ tiếp tục với Kinh Vinh Danh. Các bài đọc trong Thánh lễ quy hướng về ơn gọi của người môn đệ Chúa. Khi Ngài trao ban một sứ vụ, Ngài sẽ ban ơn và ở cùng người ấy.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha Phêrô đã trình bày hai hình ảnh sống động của Giáo Hội. Hình ảnh thứ nhất, là một Giáo Hội khép kín, co cụm trong sợ hãi và ẩn mình sau cánh cửa đóng kín. Hình ảnh thứ hai là một Giáo Hội mở ra cho sứ vụ. Sứ vụ công bố, loan báo và làm chứng cho Tin mừng. Biến cố khổ nạn của Chúa Giêsu vẫn còn đó nhưng được nhìn trong một ánh sáng mới, ánh sáng của sự hiện diện trong cộng đoàn các môn đệ. Và vì thế, những nỗi sợ hãi được thay thế bằng sự bình an và sức sống mới.

Qua hai hình ảnh của Giáo Hội, Đức Cha nhắn nhủ cộng đoàn cũng hãy thi hành sứ vụ phổ quát trong Giáo Hội địa phương. Thi hành trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo Hội.

Ngài cũng nói về sứ vụ của ngài lãnh nhận trong ngày hôm nay, là một sứ vụ vừa là vinh dự và vừa là một trách nhiệm đối với ngài. Vì thế, ngài xin quý Đức TGM, quý Đức Cha, tiếp tục nâng đỡ và đồng hành với ngài trong sứ vụ mới. Ngài cũng nói lên tâm tình tri ân đến từng thành phần trong Giáo Hội mà ngài đã từng phục vụ.

Kết thúc bài giảng, Ngài cũng nói lên niềm mong ước mọi thành phần dân Chúa cộng tác với ngài trong tình hiệp nhất, yêu thương, để trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mọi người sẽ cùng nhau xây dựng Giáo phận thân yêu thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, và dấn thân cho sứ vụ. Và ngài cũng ước mong mọi người mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần để hăng say loan báo Tin mừng bình an và sự tha thứ của Chúa cho mọi người.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, Cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng phiên dịch cho Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh chúc mừng Đức Tân Giám mục Mỹ Tho, và chúc mừng Giáo phận Mỹ Tho trong giai đoạn phát triển mới.

Hiệp thông với Giáo phận Mỹ Tho, Đại diện của Hội đồng Giám mục là Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc- chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam- chúc mừng Đức Cha Phêrô trong sứ vụ mới, và chúc mừng Giáo phận Mỹ Tho trong bước phát triển mới. Ngài cũng nói lên tâm tình của quý Đức Cha về Đức Cha Phêrô. Với tư cách là vị tiền nhiệm, Đức Cha Phaolô đã nhắn nhủ quý linh mục Giáo phận tích cực cộng tác với vị tân Giám mục Giáo phận để giúp cho Giáo phận ngày một tiến triển hơn nữa.

Thay mặt cho toàn Giáo phận, Cha TĐD Phaolô tri ân quý Đức TGM, quý Đức Cha, quý Cha, và toàn thể quý khách đã đến hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo phận trong ngày vui trọng đại này. Cha TĐD cũng không quên cám ơn Đức Hồng Y Filoni, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo đã gởi thư chúc mừng ngày hồng ân của Giáo phận Mỹ Tho. Trong dịp này, Cha TĐD cũng đã tri ân Đức TGM Phaolô, 15 năm hết lòng hy sinh, dấn thân, phục vụ để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Ngài cũng nhắc đến ưu tư hàng đầu của Đức TGM là giáo dục đức tin cho dân Chúa, và việc đào tạo linh mục, chủng sinh và tạo điều kiện cho các tu sĩ nam nữ dấn thân trong sứ vụ truyền giáo.

Thánh lễ kết thúc sau khi cộng đoàn nhận phép lành trọng thể của Đức Cha Phêrô.

Thánh lễ hôm nay như đánh dấu một bước tiến mới của Giáo phận Mỹ Tho trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì đã ban cho Giáo phận một vị chủ chăn tài giỏi nhưng khiêm tốn. Thật ý nghĩa, ngày nhậm chức Giám mục Giáo phận của Đức Cha Phêrô cũng là ngày kỷ niệm 34 năm ngày thụ phong linh mục của ngài. Cầu chúc vị tân Chủ chăn tràn đầy ơn khôn ngoan và sức mạnh của Chúa trong sứ vụ mới.

Têrêsa Mai An
 
Giáo xứ Lộc Mỹ mừng thánh Mônica
Phêrô Nguyễn Thiệu
09:47 30/08/2014
Chiều 27/8, thánh lễ mừng thánh Mônica đã được diễn ra trọng thể tại giáo họ, giáo xứ Lộc Mỹ. Đây là dịp để giới phụ nữ, đặc biệt là những người làm mẹ suy tôn, tưởng nhớ và cầu nguyện với thánh nữ, vị thánh luôn được nhắc đến như là quan thầy của các bậc hiền mẫu.

Hình ảnh

Thánh nữ Mônica vẫn được gọi bằng cái tên quá đỗi thân thương: “Mẹ Mônica”. Quả vậy, hiếm có người mẹ nào trên thế gian lại yêu thương và hi sinh vì gia đình mình như Mẹ Mônica. Cuộc đời Mẹ gắn liền với Thánh Thể, với lời cầu nguyện và những dòng nước mắt. Sống trong đau khổ suốt cả cuộc đời, Mẹ đã dâng tất cả lên với Thiên Chúa, nhờ tình yêu của Chúa quan phòng để mong cho gia đình “ngoại đạo” của Mẹ nhận biết Giáo Hội Chúa.

Nhận thấy những thánh tính của Mẹ Mônica cùng sự hướng dẫn của Cha quản xứ Rafael Trần Xuân Nhàn, những bậc làm mẹ giáo họ đã nhận thánh nữ làm quan thầy. Đây là lần đầu tiên, bậc làm mẹ nơi đây có được một vị thánh quan thầy cho riêng giới mình. Qua đó chia sẻ, học tập nhân đức của Mẹ mà áp dụng và cuộc sống gia đình.

Trong ngày lễ quan trọng này, giới hiền mẫu nơi đây đã vinh dự được Đức Cha Phao lô Maria Cao Đình Thuyên cùng quý cha trong hạt Cửa Lò hiệp dâng thánh lễ. Niềm phấn khởi càng lớn hơn được nghe những lời chia sẻ của Đức Cha Phao Lô Maria. Trong phần quảng diễn Lời Chúa, Đức Cha đã nhấn mạnh đến những sự đặc biệt của tấm gương Mẹ Mônica. Thánh nữ là người Mẹ “sinh con hai lần”. Lần thứ nhất là sự sinh nở tự nhiên. Lần thứ hai, Thánh nữ “sinh lại” con của mình trong Bí tích Rửa tội, qua sự tận tụy, qua lời cầu nguyện và những dòng nước mắt hi sinh. Chính nhờ sự kiên trì mà Mẹ đã làm cho cả gia đình khô khan trở thành một tổ ấm đạo đức, thánh thiện gồm một vị đại Tiến sĩ Augustino và hai thầy tu dòng.

Để làm nổi bật vai trò của người mẹ, Đức Cha đã nhận định rằng, trong hôn nhân người nam nên chọn cho con cái mình một người mẹ, hơn là chọn cho mình một người vợ. Vai trò của người nam và người nữ là ngang nhau. Nếu người nam là sức sống của gia đình, thì người vợ sẽ là hơi thở. Người nam thành lập gia đình, còn người vợ xây nên “tổ ấm”. Đức Cha cũng không quên cảnh báo những khó khăn mà một người mẹ sẽ gặp phải trong đời sống gia đình, nhất là trong thời đại này. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để những người mẹ hoàn thành sứ mạng và thêm công trạng trước mặt Thiên Chúa.

Nhắc lại nhân đức của Mẹ Mônica, Đức Cha nhắn nhủ đến giới phụ nữ, đặc biệt là những người được ân phúc làm mẹ. Rằng, hãy năng kết hiệp cùng Thánh Thể Chúa, hãy kiên trì cầu nguyện, hãy yêu và tận tụy vì gia đình mình như Chúa đã yêu thương hi sinh cho nhân loại.

Dấu vết dễ nhớ nhất trên khuôn mặt Mẹ Mônica là dòng lệ đã in thành ngấn trên da. Đến nỗi, ngày lìa cõi thế, mắt Mẹ đã không còn nhắm lại được nữa. Chính dòng nước mắt ấy đã làm nên cho Hội thánh vị Đại Tiến sĩ. Nhân đức của Mẹ sẽ còn sáng mãi cho giới hiền mẫu. Để rồi mai đây, nhân đức đó sẽ soi sáng và thánh hóa đôi bàn tay các bà mẹ, xây nên một Giáo Hội như ý Thiên Chúa.
 
Giới Trẻ giáo xứ Phúc Lâm mừng lễ bổn mạng Thánh Augustinô
Phúc lâm
09:51 30/08/2014
Lúc 5 giờ chiều ngày 28/8/2014, Giáo xứ Phúc Lâm, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc. Linh mục đặc trách giới trẻ Gioan Baotixita Phạm Đức Nhân, phó xứ, đã tổ chức lễ mừng Thánh Augustino, Bổn mạng Giới Trẻ trong Giáo xứ.

Hình ảnh

Trước lễ, là cuộc kiệu rước Thánh Augustino do các bạn trẻ phụ trách. Đoàn rước tiến bước vào cung thánh hòa vang bài ca nhập lễ: "Một trái tim tội tình, lầm lũi đi trong đời. Bơ vơ bơ vơ... Augustino dâng trái tim đáp lại tiếng gọi nhiệm mầu. Augustino dâng trái tim cho một tình yêu ngàn trùng."
Tiếng hát của các bạn trẻ hôm nay trầm bổng, mạnh mẽ, du dương, như ngọn lửa thôi thúc tâm hồn mọi người “Hãy trở về với Chúa”.

Chia sẻ với các bạn trẻ trong thánh lễ mừng bổn mạng hôm nay, linh mục giảng lễ đã ân cần trao gởi đến các bạn tâm tư tình cảm của Thánh Augustino.

"Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa."


Và cha giảng lễ mong rằng, Giới Trẻ trong giáo xứ hãy học cách noi gương Thánh Augustino, biết tìm kiếm Chúa, tìm kiếm chân lý một cách mãnh liệt, để mỗi người được hưởng niềm vui hạnh phúc trong tâm hồn.

Nhận phép lành cuối lễ, các bạn trẻ hân hoan ra về trên các con đường làng bê tông hóa, có những ngọn đèn pha cao áp, với những ngôi nhà xinh đẹp tỏa sáng ánh điện muôn mầu.
 
Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa khai giảng niên học 2014-2015
BTT Giáo phận Thanh Hóa
09:54 30/08/2014
Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa khai giảng niên học 2014-2015

Ngày 29.8.2014 tại hội trường đa năng Tòa Giám mục Thanh hóa, Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2014-2015. Tham dự lễ khai giảng có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận, quý cha trong Ban Thường Vụ Tiểu Chủng Viện, quý cha, quý thầy cô, quý soeurs trong Ban Giảng Huấn, ứng sinh Tiểu Chủng Viện và các vị khách mời.

Xem Hình

Năm học 2014-2015, Tiểu Chủng Viện có 3 lớp. Lớp A gồm 26 ứng sinh vừa mới kết thúc năm thực tập tại các giáo xứ. Theo chương trình đào tạo, đây năm tu đức, năm cuối cùng của chương trình đào tạo tại TCV trước khi được chọn vào Đại Chủng Viện. Lớp B có 21 ứng sinh. Lớp C, 20 ứng sinh vừa trúng tuyển trong kỳ thi hè 2014 vừa qua. Tổng số ứng sinh của 3 lớp trong năm học 2014-2015 là 67 ứng sinh. Ngoài ra, Tiểu Chủng Viện hiện có 19 chú trong chương trình đi thực tập tại các giáo xứ trong năm nay.

Trước thềm năm học mới, Cha Giám đốc TCV Lê Bảo Tịnh, Giuse Vũ Thanh Long cho biết: “Hôm nay không chỉ khai giảng năm học mới. Đúng hơn là khai mở một năm đào tạo. Vì nơi đây, người ứng sinh không chỉ dừng lại ở việc lĩnh hội những kiến thức chuyên môn, nhưng trước hết họ được đào tạo trở thành những người trưởng thành về nhân cách cùng với lòng quả cảm dám xả thân và dấn thân cho một sứ vụ cao cả đó là loan báo Tin Mừng tình yêu đến mọi loài thọ tạo”.

Cha chia sẻ tiếp: “Ngày mai, làm sao chúng ta có được những chứng nhân đức tin can trường, những linh mục quả cảm, những mục tử như lòng Chúa mong muốn, nếu như hôm nay, ngay từ những ngày đầu chập chững trên đườn tu, các ứng sinh ngại khó, sợ khổ, ngại phấn đấu, sợ hy sinh, không dám xả thân vì đại cuộc, không dám sống chết cho một niềm tin.

Vì vậy TCV Lê bảo Tịnh chính là nơi đầu tiên để các ứng viên lịnh mục tương lai của giáo phận Thanh hóa hình thành nhân cách, trau dồi kiến thức, thụ huấn thiêng liêng…và nhất là được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”.

Trước đó, trong cuộc họp định hướng đào tạo năm học 2014-2015 với Ban thường vụ và Ban giảng huấn Tiểu Chủng Viện, tại Tòa giám mục, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nhắc lại 4 chiều kích trong công tác đào tạo ứng viên linh mục (Tri thức, nhân bản, tâm linh, mục vụ). Đồng thời vị chủ chăn giáo phận cũng lưu ý đến phương pháp sư phạm, giáo trình, thái độ ứng xử, tính nghiêm túc trong thi cử học tập tất cả nhằm đào tạo “thế hệ linh mục tương lai vừa có nhân cách vừa tri thức đảm nhận tốt sự vụ của họ trong môi trường xã hội hôm nay”.

Ngài cũng đánh giá cao sự hiện diện rất ý nghĩa của quý thầy cô giảng viện Đại Học Hồng Đức, dù không cùng niềm tin, nhưng trong những năm qua đã nhiệt tâm cộng tác giúp Tiểu Chủng Viện trong công tác giảng huấn.

Đức cha cũng chia sẻ: “những năm qua, giáo phận đã nỗ lực tối đa để đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân sự để phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả đào tạo và hiện thực hóa những chỉ dẫn của Giáo hội trong công tác huấn luyện ứng viên linh mục”.

Chính Đức cha Giuse đã thành lập Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh năm 2005. Xây dựng TCV năm 2008. Hiện tại, TCV cũng đã có cơ sở gồm tòa nhà 4 tầng với tổng diện tích 2000 m2 và sân chơi thể thao ngoài trời…Đội ngũ giảng viên của TCV năm nay gồm 17 thầy cô (chưa kể giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ). Trong số đó, có một số là giảng viên của trường Đại học Hồng Đức.

Bước vào năm học mới, Tiểu Chủng Viện đã đầu tư lắp đặt phòng lab phục vụ cho các lớp học ngoại ngữ, mua sắm thêm các trang thiết bị cho môn thánh nhạc, xắp xếp tổ chức lại thư viện với mục tiêu giúp cho công tác đào tạo đạt kết quả cao hơn.
 
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu khai giảng lớp thường huấn
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
18:57 30/08/2014
GĐPTTTCG: Lớp Thường Huấn nâng cao đợt 1/2014

Lúc 08 giờ 30 ngày 30 ngày Thứ Bảy 30/ 08/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Chí Hòa, số 149 Bành Văn Trân P.7, Quận Tân Bình, Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP/TP.HCM (GĐPTTTCG TGP/TP.HCM ) đã khai giảng lớp thường huấn nâng cao đợt 1 năm 2014 dành cho các học viên thuộc khu vực I.

Xem Hình

Đây là chương trình thường huấn nhằm bồi dưỡng cho các thành viên Ban chấp hành các cấp nâng cao kiến thức chuyên sâu về vai trò trách nhiệm của người tông đồ giáo dân. Góp phần đưa sinh hoạt của đoàn thể đi vào nề nếp, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào các sinh hoạt của Giáo Hội địa phương.

Được biết chương trình thường huấn gồm 03 đợt, đợt 01 được tổ chức tại 3 khu vực:

- Khu vực I: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Chí Hòa, Hóc Môn, Phú Thọ, Tân Sơn Nhì. Tổ chức ngày Thứ Bảy 30/ 08/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Chí Hòa, số 149 Bành Văn Trân P.7, Quận Tân Bình,

- Khu vực II: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Gia Định, Gò Vấp, Thủ Đức, Xóm Mới. Tổ chức ngày Thứ Bảy 06/ 09/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Thanh Đa, số 801/67 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Quận Bình Thạnh,

- Khu vực III: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Bình An, Sài Gòn Chợ Quán, Thủ Thiêm, Tân Định, Xóm Chiếu. Tổ chức ngày Thứ Bảy 13/ 09/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Bùi Phát, số 453/105KC Lê Văn Sỹ, P.12, Quận 3.

208 học viên (hv) khu vực I thuộc các Giáo hạt: Hóc Môn (72 hv), Tân Sơn Nhì (52 hv), Chí Hòa (51 hv) và Phú Thọ (33 hv) đã được hướng dẫn và thảo luận về:

- Đề tài 1: “Xây dựng tinh thần hoạt động Tông đồ nơi thành viên Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu” – (Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, Tổng linh hướng GĐPTTTCG giảng huấn)

- Đề tài 2: Giới thiệu chương 1 & 2 Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Ô. Đaminh Phan Văn Hùng, phó Trưởng ban ngoại vụ GĐPTTTCG/TGP) và thảo luận qua các câu hỏi gợi ý.

- Đề tài 3: Sống và thực hành Lời Chúa: “ Các ông cũng thế, hãy vào làm vườn nho cho Ta” (Mt 20, 3-4) và học hỏi chương 1 & 2 Tông huấn “Ơn gọi và sứ mệnh người tín hữu giáo dân” (Cha Đaminh Đinh Văn Vãng, linh hướng GĐPTTTCG Giáo hạt Chí Hòa giảng huấn)

Kết thúc lớp hường huấn nâng cao đợt 1/2014 khu vực I, các học viên đã cùng nhau suy tôn Thánh Thể với chủ đề “Thánh Thể và ơn gọi phục vụ” tại Thánh đướng Giáo xứ Chí Hòa để tạ ơn Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ban cho buổi thường huấn thành công tốt đẹp.