Ngày 29-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cao cả và bi đát
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
02:05 29/08/2018
Chúa Nhật 22 Thường Niên B

Thánh với phàm, thiêng với tục là những phạm trù tôn giáo mà mọi thời và mọi nơi đều biết đến.

Cái thánh thiêng là cái cao cả siêu việt, khác lạ, đáng kính và nhiều khi đáng sợ.

Cái phàm tục là cái thông thường, cái tầm thường, nhiều khi còn có thể đáng khinh và bị coi là ô uế dơ dáy.

Trong các tôn giáo sơ khai, cái thánh thiêng hiện diện ở khắp nơi trong mọi sự từ núi cao đến sông dài, từ đền thờ tới gốc đa, gốc đề, từ tượng thần đến cái bình vôi, từ cá sấu đến các tinh tú.

Trái lại, ngày nay trong thế giới tục hoá, mọi sự đều được giải thiêng, chẳng có gì thánh thiêng ngoài khoa học thực nghiệm duy lý với các định luật, các công thức.

Trong tiếng Do thái,Thánh có nghĩa là tách biệt. Cái linh thiêng là cái gì tách biệt khỏi cái thường ngày, tách khỏi cái tầm thường thông tục.Cái thánh thiêng là cái gì khác lạ cao xa, ở bên ngoài, ở bên kia, ở bên trên cái thông thường. Do đó,Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh, bởi vì Người cao cả, siêu việt tuyệt đối khác lạ. Người là Đấng siêu việt. Đấng cao cả, linh thiêng phải ngự ở những nơi linh thiêng cao cả. Đó là những ngọn núi thánh, những Đền thờ, những nơi tách biệt khỏi chốn phàm trần. Những người được tuyển chọn để phục vụ Đấng Thánh cũng phải là những người tách biệt khỏi người phàm. Hàng Tư tế trong dân Do thái chỉ được chọn từ chi tộc Lêvi. Họ phải là những người không tỳ vết, không tật nguyền, phải giữ những luật lệ khắt khe hơn người thường.Tất cả những gì dành riêng cho Đấng Thánh, những gì được coi như thuộc về Người, đều là những cái thánh: núi thánh, đền thánh, nơi thánh, ngày thánh, đồ vật thánh. Phạm đến những cái đó là phạm đến chính Đấng Thánh.

Quan niệm linh thánh như vậy muốn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục.Từ đó người ta đẩy xa Đấng Thánh ra khỏi cuộc đời và ngày càng đóng khung Người vào trong phạm vi của núi thánh, Đền thờ, nơi thánh, nơi cực thánh. Không gian của Người ngày càng bị thu hẹp lại.

Dân Israel được gọi là Dân Thánh, dân riêng của Chúa, thuộc về Chúa. Họ tự coi mình là sở hữu Thiên Chúa: Người là của riêng họ, thuộc về họ. Dân Israel chờ đợi một vị thiên sai ngự đến trong cung thánh đền thiêng.

Trong một thế giới mà cái thánh thiêng và cái phàm tục được xác định rạch ròi tỉ mỉ như thế, chúng ta mới thấy việc Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thánh làm người, một người phàm ở giữa những người phàm gặp phải sự chống đối quyết liệt.

Ngay từ giây phút nhập thể, Đức Giêsu đã không đến trong Đền thờ mà lại đến trong căn nhà nhỏ bé ở Nazareth. Thiên Chúa làm người trong lòng một thôn nữ vô danh đối với người Do thái. Rồi khi chào đời, Người đã lấy chuồng bò lừa làm nhà ở, lấy máng cỏ làm nôi, lấy những kẻ mục đồng vốn bị người Do thái coi là uế tạp làm bầu bạn.Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu sống như một người tầm thường giữa những người nghèo khổ, đồng hành ăn uống với những người bị coi là tội lỗi, thâu nhận người thu thuế làm môn đệ.

Trang Tin mừng hôm nay kể về một sự kiện trong chuỗi những chống đối quyết liệt đó. Các Biệt phái Kinh sư trách các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Rửa tay trước khi ăn, đối với người Do thái là một quốc tục, một thánh lệ. Các người Pharisiêu và Kinh sư nói riêng và dân Do thái nói chung, thường rất khắt khe với tục lệ này. Họ cho đó là một nghi thức truyền thống quan trọng phải tuân giữ triệt để, chứng tỏ mình thanh sạch trước mặt mọi người. Vì thế, họ chất vấn Đức Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay mà dùng bữa?

Đức Giêsu đã cho biết thế nào là sạch thế nào là dơ, thế nào là thánh thiêng, thế nào là phàm tục. Của ăn được nấu chín là sạch. Cái làm cho dơ đó là lòng người. Cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay dữ, tốt hay xấu, sạch hay dơ.

Có câu chuyện trong sách Tông đồ công vụ (10,11-16). Vào trước giờ ăn trưa, Thánh Phêrô cầu nguyện và xuất thần: “Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống, trong đó có mọi giống vật bốn chân, rắn rết và mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: Phêrô, đứng dậy làm thịt mà ăn! Phêrô thưa: lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch. Có tiếng phán với ông lần thứ hai: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, ngươi đừng gọi là ô uế. Việc đó xảy đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời.”. Như vậy những gì Thiên Chúa sáng tạo đều là sạch, con người không thể coi là nhơ bẩn.

Đức Giêsu bác bỏ hoàn toàn quan niệm về sạch dơ của người Do thái. Đối với Người, không có gì bên ngoài lại làm cho con người ra dơ trước mặt Thiên Chúa. Cái gì dơ, cái gì tội lỗi chính là từ trong lòng người mà phát xuất ra. Đó là: tà dâm, trộm cắp giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, kêu ngạo, ngông cuồng.Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

Người đời đã phải than thở rằng : “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường”; “Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”. Tục ngữ có câu: “Khẩu Phật tâm xà” hay “ Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm” để diễn tả hạng người mang mặt nạ che dấu lòng dạ ác độc bên trong, loại người mà “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Chân giả, tay giả, tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ giả ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm ngũ quả, hoa nến nhang đèn đều giả… Mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu. Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Thánh Gioan đã lật tẩy: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4); “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).

Cõi lòng hay thế giới nội tâm làm cho con người nên cao cả nhưng nó cũng làm nên sự bi đát. Cao cả và bi đát đan xen trong lòng người như ánh sáng và bóng tối.

Con người nên cao cả là nhờ thế giới nội tâm với tư duy, cảm xúc, phân tích, đúc kết, kinh nghiệm… Nhờ có thế giới nội tâm mới có khoa học, có sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Cũng chính cái thế giới nội tâm này làm cho con người trở nên bi đát. Bề ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo đức, bề trong mới là phần quyết định. Chỉ có con người mới có giả hình, lừa đảo, gian dối, mưu mô, thủ đoạn. Đức Giêsu đã nhận xét: “ Không phải những gì từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng từ trong lòng mới xuất phát những cái làm cho người ta ra ô uế” (Mt 15,19).

Đức Giêsu nhấn mạnh sự thanh tẩy từ bên trong. Người chẳng phản đối chuyện rửa tay. Người chỉ phê bình thói hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là rửa cõi lòng. Cái ô uế thực sự đáng sợ không đến từ việc đụng chạm hay ăn uống mà nó lại nằm trong lòng người. Nó không từ ngoài vào mà từ bên trong ra.

Đối với Đức Giêsu, yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ý hướng bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có gía trị hay không. Đức Giêsu luôn sống tình thương với mọi người, luôn “chạnh lòng thương”.Tình thương chính là sự thánh thiện. Tình thương là thanh sạch. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương.Tình thương là chia sẽ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương, thanh sạch.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết trong cuốn “Giọt máu” một câu rất sâu sắc “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đấy là chí thánh”.Tác giả hiểu ý nghĩa của từ chí thánh theo đúng những gì là phàm tục, thế gian là cõi hồng trần bụi bặm. Cái chí thánh chính là dìm mình, hoà vào trong bùn lầy, trong tội lỗi để làm cho từ vũng bùn lầy, từ vực thẳm tội lỗi ấy nở hoa, rực lên sự thánh thiện. Tôn giáo nhắm trực tiếp vào nội tâm con người, vì thế có lẽ nó còn hữu hiện hơn xã hội rất nhiều trong việc chế ngự cái xấu, cổ vũ cái tốt. Bởi vì tôn giáo chân chính nào cũng đều kêu gọi, động viên, giáo dục con người làm lành lánh dữ, vươn lên làm chủ phần hạ đẳng nơi mình để thăng hoa phần cao thượng trong sáng. Người ta có thể không sợ dư luận hay luật pháp (vì còn có thể che dấu luồn lách), nhưng một khi đã tin vào Ðấng Linh Thiêng và nếu đó là một niềm tin sống động, người ta khó có thể không sợ sự phán xét của lương tâm và nhất là của Ðấng họ thờ kính.

Thường thì khi vừa sinh ra, người ta có cái tâm hồn hậu nhưng cái trí dại khờ. Càng lớn lên, trí càng khôn ngoan nhưng tâm càng vẩn đục. Đi cho trọn đường trần là trí học biết được càng nhiều càng tốt những khôn ngoan mà tâm vẫn giữ được cái hồn hậu của tuổi ấu thơ.
Đối với người Kitô hữu, nếu như xã hội mong muốn và chờ đợi chúng ta sống đạo đức một, thì chính Chúa còn đòi buộc chúng ta phải "thánh thiện" trăm ngàn lần hơn:"Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ nhìn thấy công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,14.16).

Con người sống ở đời cần có một tấm lòng, một trái tim yêu thương chân thành. Thiên Chúa đã ra lệnh truyền cho con người: “ Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Người còn phán: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi môt trái tim mới” (Ed 36,25). Một trái tim mới biết yêu thương hay một tấm lòng để người ta sống tốt đẹp với nhau.

Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.

Trong đời sống tâm linh, người Kitô hữu cần phải tu dưỡng cái tâm, phải có tâm ngay lành, luôn tôn trọng sự công bằng, yêu thương mọi người. Cần có một tấm lòng, tâm tốt thì mọi việc làm sẽ đẹp lòng Chúa.
Người Kitô hữu mỗi ngày đến nhà thờ dự tiệc Thánh Thể. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương và thanh sạch của Chúa.Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bác ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian.

 
Thế nào là một người có lòng đạo đức thực sự ?
Lm Đan Vinh
05:36 29/08/2018
CHÚA NHẬT 22 TN B
Dnl 4,1-2.6-8 ; Gc 1,17-18.21b-22.37 ; Mc 7,1-8.14-15.21-23

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23

(1) Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. (2) Họ thấy một vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. (3) Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống tiền nhân: Họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; (4) thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. (5) Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (6) Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (7) Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.- (8) Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”… (14) Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ: (15) Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế… (21) Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, (22) ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. (23) Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế”.

2. Ý CHÍNH:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tranh luận với các người Pha-ri-sêu và kinh sư, về việc “thanh sạch” và “nhơ uế” theo Lề Luật. Đức Giê-su đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để phê phán thứ tôn giáo hình thức vụ luật của các người Pha-ri-sêu và kinh sư. Họ lầm lạc khi bỏ thi hành giới răn Thiên Chúa để tuân giữ cặn kẽ tập tục của loài người. Theo Người, lòng đạo đích thực không dựa trên các việc làm hình thức theo Luật, nhưng ở tại tâm tình mến Chúa khi làm các việc ấy.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Những người Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là “Những kẻ sống tách biệt”. Thành viên trong nhóm phần đông là thường dân thuộc giai cấp trung lưu. Tuy nhiên cũng có một số tư tế, Lê-vi và kinh sư. Thời Đức Giê-su, nhóm này được dân chúng kính trọng vì có đời sống đạo đức gương mẫu. Họ thường thành lập những cộng đoàn nhỏ, chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và tuần giữ cặn kẻ mọi điều Luật Mô-sê dạy. Họ tin kẻ chết sống lại, có thiên sứ và quỷ thần, trái với người phái Xa-đốc (x. Cv 23,7-8). + và kinh sư: Kinh sư hay luật sĩ là những nhà chuyên môn về Thánh kinh vì nghiên cứu Thánh kinh kỹ lưỡng và lâu dài. Số ít trong nhóm kinh sư là tư tế, nhưng phần lớn là thường dân ủng hộ lập trường của nhóm Pha-ri-sêu. Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân. Các kinh sư là người giải thích và áp dụng Luật Mô-sê vào đời sống của dân chúng. Các kinh sư cùng với thượng tế và kỳ mục là ba thành phần trong Thượng hội đồng Do thái tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 23,6). + Về quan hệ giữa Đức Giê-su với các người Pha-ri-sêu và kinh sư: Nói chung Tin mừng phê phán mạnh mẽ các người Biệt phái và kinh sư: Gio-an Tẩy giả gọi họ là “nòi rắn độc”, do thái độ cố chấp không chịu hồi tâm sám hối để sinh hoa trái của họ (x. Mt 3,7-10). Đức Giê-su đòi môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu (x. Mt 5,20). Người đã kiện toàn Luật Mô-sê và sửa lại các lời giải thích hẹp hòi vụ Luật của họ về sự giận ghét tha nhân (x. Mt 5,21-26), về tội ngoại tình (x. Mt 5,27-30) về việc ly hôn (x. Mt 5,31-32), về sự thề thốt ( Mt 5,33-37), về sự trả thù (x. Mt 5,38-40) và cách đối xử với kẻ thù (x. Mt 5,43-48). Đức Giê-su cũng quở trách họ về nhiều tật xấu như: tự mãn về công đức của mình (x. Lc 18,9-14), khinh thường tha nhân (x. Mt 9,10-13), khinh “dân đen” không biết Luật (x. Ga 7,49), nói mà không làm (x. Mt 23,2-3), ham mê danh vọng (x. Mt 23,6-7), dẫn đường đui mù (x. Mt 23,16-22), coi trọng điều tùy phụ mà bỏ qua điều chính yếu (x. Mt 23,23-26), đạo đức giả hình (x. Mt 23,27-28). Về phần các kinh sư cũng chống lại Đức Giê-su: Họ nói Người bị quỷ ám (x. Mc 3,22). Họ liên kết với nhóm Hê-rô-đê tìm cách hãm hại Đức Giê-su (x. Mc 3,6). Sau phép lạ cho La-da-rô sống lại, các người Pha-ri-sêu cùng với Thượng Hội Đồng Do thái đã quyết định giết Đức Giê-su (x. Ga 11,53). Tuy nhiên, trong số các người Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng Do thái cũng có ông Ni-cô-đê-mô đã lên tiếng bênh vực Đức Giê-su (x. Ga 7,50-52) và ông Ga-ma-li-ên đã bào chữa cho các Tông đồ (x. Cv 5,34-39). Thời Giáo Hội Sơ Khai, cũng có một người Pha-ri-sêu tên là Sa-un, quê thành Tác-xô, đã cải đạo và trở thành môn đệ Đức Giê-su là thánh Phao-lô (x. Cv 22,1-21). + Họ từ Giê-ru-sa-lem mà đến: Nghe biết về các hoạt động của Đức Giê-su ở Ga-li-lê, các người có trách nhiệm về tôn giáo ở thủ đô Giê-ru-sa-lem đã phái người đi điều tra thực hư. + Dùng bữa mà tay còn ô uế: Các kinh sư ở Giê-ru-sa-lem coi việc dùng bữa mà không rửa tay là làm cho con người ra ô uế theo Luật. Việc rửa tay ở đây không nhằm giữ vệ sinh, mà để thanh tẩy tâm hồn theo lễ nghi của đạo Do thái.
- C 3-4: + Người Do thái: Ở đây chỉ về mọi người dân Do thái. Nhưng ở nhiều chỗ khác, nhất là trong Tin Mừng Gio-an, “Người Do Thái” ám chỉ những kẻ thù ghét chống đối Đức Giê-su (x. Ga 2,18; 5,18; 6,41; l 8,22.48; 9,18). + Rửa tay: Luật Mô-sê đề ra nhiều điều khoản buộc phải thanh tẩy bằng nước như: Khi chuẩn bị lãnh chức vụ (x. Xh 29,4), trong lễ Xá Tội (x. Lv 16,4.24), khi lỡ tay chạm đến xác chết (x. Lv 11,40 ; 17,15), khi thanh tẩy khỏi ô uế bởi bệnh phong cùi (x. Lv 14,8), thanh tẩy khỏi ô uế dục tình (x. Lv 15,1-32). Về sau tập tục còn quy định lễ nghi thanh tẩy cách tỉ mỉ hơn như: Phải lấy nước ở trong bình bằng đồng hay bình sành.... Phải rửa từ khuỷu tay xuống.... Phải rửa hai lần: Lần trước để làm sạch tay bẩn, lần sau để làm sạch nước bẩn còn dính trên tay...
- C 5-8: + Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế dùng bữa?: Mọi người Do Thái đều giữ các tập tục tẩy rửa, nhưng người Do Thái miền Giu-đê vì gần Giê-ru-sa-lem nên tuân giữ khỏan luật này chặt chẽ hơn miền Ga-li-lê, vì người miền Ga-li-lê thường xuyên tiếp xúc với dân ngoại và vì đất đai khô cằn ít nước hơn. Từ đó ta hiểu lý do tại sao các môn đệ của Đức Giê-su vốn xuất thân từ miền Ga-li-lê, đã không giữ tập tục rửa tay trước khi dùng bữa. + Những kẻ đạo đức giả: Đức Giê-su gọi các người Pha-ri-sêu và kinh sư từ Giê-ru-sa-lem kia là những kẻ đạo đức giả, nghĩa là chỉ lo làm các việc đạo đức hình thức bề ngoài, mà thiếu tâm tình mến Chúa bề trong. + “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”: Những điều ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm Lời Đức Chúa trách dân Do Thái thời xưa, đã được Đức Giê-su áp dụng cho các người Pha-ri-sêu và kinh sư Do Thái hôm nay khi họ tiếp tục coi trọng các truyền thống của loài người hơn việc tuân giữ giới răn của Thiên Chúa.
- C 14-15: + Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người....: Luật Mô-sê (Lv 11,1-30) qui định một số loài vật thanh sạch và ô uế như sau: Loài vật thanh sạch mà người Do thái được ăn là: Mọi thú vật có móng chân chẻ làm hai và nhai lại, các vật sống dưới nước có vây có vảy. Loài vật ô uế không được ăn và không được đụng đến xác chết của chúng là: Lạc đà, ngân thử, thỏ rừng, heo; Tất cả các loài sống dưới nước mà không có vây, không có vẩy; Một số loài chim như đại bàng, diều hâu, ó biển... Chuột, thằn lằn, tắc kè...+ Về vấn đề đồ ăn thanh sạch và ô uế: Đức Giê-su có một quan điểm vừa khác biệt với Luật Mô-sê vừa kiện toàn Luật này khi tuyên bố: Mọi đồ ăn tự nó là sạch (x. Mc 7,18). Cái có thể bị dơ, phát ra điều dơ, làm cho người ta ra dơ, chính là “lòng” người, vì: “Lòng đầy thì miệng mới nói ra” (x. Lc 6,45).
- C 21-23: + Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu...: Đức Giê-su giải thích thêm về Luật cấm : Đó là những người có lòng dạ hư hỏng, tư tưởng xấu xa, tâm tình gian ác, ý định bất chính.... + Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ trong xuất ra: cái làm ô uế con người, bắt nguồn từ trong tâm hồn hay lương tâm, chứ không phải là các thức ăn từ bên ngòai ăn vào.

4. CÂU HỎI:

1) Bạn biết gì về các người Pha-ri-sêu và kinh sư Do thái thời Đức Giê-su?
2) Trong thời gian giảng đạo, quan hệ giữa Đức Giê-su với các Biệt phái và kinh sư thế nào?
3) Các Biệt phái và kinh sư trong Tin Mừng hôm nay từ đâu mà đến với Đức Giê-su và họ đã chất vấn Người về vấn đề gì?
4) Luật Mô-sê buộc người Do thái phải thanh tẩy bằng nước trong những trường hợp nào? Về sau, các kinh sư còn giải thích thêm về khoản luật này ra sao?
5) Tại sao môn đệ Đức Giê-su lại không giữ tập tục rửa tay trước khi dùng bữa?
6) Tại sao Đức Giê-su gọi các Biệt phái và kinh sư là bọn đạo đức giả?
7) Đức Giê-su đã trích dẫn lời nào của ngôn sứ I-sai-a trách dân Do thái?
8) Theo Luật Mô-sê thì đồ ăn nào được coi là sạch và đồ ăn nào bị coi là nhơ uế?
9) Quan điểm của Đức Giê-su về sự sạch hay nhơ uế của đồ ăn ra sao? Cái thực sự làm cho tâm hồn người ta ra nhơ uế là gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8):

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG MẾN THỰC SỰ PHẢI BIỂU LỘ QUA HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG:

Một nhà triệu phú kia trước khi chết đi đã viết di chúc để lại toàn bộ gia tài lớn lao cho đứa con đã đi du học nước ngoài từ nhỏ, nên không ai trong dòng họ còn nhớ được khuôn mặt của anh này. Sau khi tin tức về cái chết của nhà triệu phú được đăng trên báo thì có ba chàng thanh niên đến tự nhận là con trai duy nhất của nhà triệu phú, để yêu cầu lãnh phần sản nghiệp. Sau khi suy nghĩ, viên quan tòa đã cho phóng lớn bức hình chụp chân dung của nhà triệu phú, rồi trao ba khẩu súng cho ba chàng thanh niên kia và bảo: Ai trong ba người bắn trúng mắt của nhà triệu phú thì sẽ được lãnh phần gia nghiệp của ông để lại. Chàng thanh niên thứ nhất đến và giơ súng bắn. Chàng thanh niên thứ hai cũng thế. Cả hai viên đạn đều bắn gần trúng mắt của bức hình. Đến phiên anh chàng thứ ba cầm súng với vẻ mặt u buồn. Anh ta im lặng suy nghĩ và cuối cùng nói: “Tôi chịu thua vì tôi không thể cầm súng nhắm bắn vào mặt của ba tôi”. Viên quan toà liền tuyên bố: “Chính anh thứ ba mới thực sự là con trai duy nhất của nhà triệu phú, vì suy nghĩ và hành động của anh chứng tỏ lòng hiếu thảo của một đứa con đích thực.”

Cũng vậy, lòng mến Chúa đích thực phải biểu lộ qua việc yêu người thân cận như yêu bản thân mình, như Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta học sống theo Người. Chính lòng mến Chúa bên trong được thể hiện qua hành động bác ái cụ thể bên ngoài mới là bằng chứng đích cực của một con người đạo đức thực sự.

2) CẦN TRÁNH LỐI GIỮ ĐẠO HÌNH THỨC:

BÁC-CƠ-LÂY (Barclay) kể một câu truyện khác như sau: Có một người Hồi Giáo kia tìm cách giết một kẻ thù để giành quyền kết hôn với một cô gái đẹp. Một hôm, gặp kẻ thù ở chỗ vắng vẻ và nhân lúc kẻ kia không đề phòng, hắn ta rút dao chém một nhát khiến người kia bị thương và vội vàng bỏ chạy. Người Hồi Giáo đã đánh lén kia liền tiếp tục truy đuổi, quyết tâm tiêu diệt tình địch bằng được. Trong lúc đang hăng hái đuổi theo thì bỗng nghe thấy một hồi chuông nhà thờ Hồi giáo gần đó báo giờ kinh ban chiều, hắn ta lập tức nhảy xuống khỏi mình ngựa, trải chiếc chiếu luôn mang theo bên mình, quỳ hướng mặt về thủ đô Méc-ca đọc bài kinh chiều thật mau, rồi sau đó lại leo lên mình ngựa tiếp tục cuộc truy đuổi kẻ thù!!!

3) TÊN CƯỚP ĂN CHAY:

Một hôm, Cha MƠ-RÂY (Murray) đang âm thầm đi trên một phố vắng vào lúc đêm khuya để mang Mình Chúa cho một bệnh nhân sắp chết. Khi đi tới một góc phố vắng, bỗng một tên cướp nhảy xồ ra chĩa súng về phía cha ra lệnh: “Đứng lại! Mau nộp tiền ra đây, nếu không tao bắn nát óc!“ Cha Mơ-rây sợ hãi vội vàng mở nút chiếc áo khoác đang mặc và lấy ra một chiếc ví. Tên cướp trông thấy chiếc áo đen của giáo sĩ cha mặc bên trong chiếc áo khóac, trên cổ có đeo “côn” màu trắng, thì hắn biết là linh mục. Hắn lập tức dịu dọng và ấp úng nói: “Thưa cha, con rất tiếc vì con không biết là cha. Con thành thật xin lỗi cha. Xin cha vui lòng cất tiền đi”. Bây giờ cha Mơ-rây mới hòan hồn trở lại. Ngài móc trong túi ra một gói thuốc lá và mời hắn một điếu! Nhưng thật bất ngờ! Tên cướp xua tay từ chối với lời giải thích như sau: “Xin cám ơn cha, con đã quyết tâm sẽ chừa bỏ tật hút thuốc lá trong Mùa Chay này rồi !!!”.

3. THẢO LUẬN:

1) Phải chăng chúng ta nên bỏ các việc đạo đức bề ngoài như: làm dấu Thánh giá, dự lễ, đi rước, ngắm nguyện, ăn chay, kiêng thịt, bố thí.... mà chỉ cần “giữ đạo tại tâm” là đủ?
2) Tuần này bạn sẽ làm gì để chứng tỏ về lòng mến thực sự?

4. SUY NIỆM:

1) Lòng đạo đức thực sự không hệ tại ở việc đọc kinh dài dòng:

Người Hồi Giáo trong câu chuyện trên đã tuân giữ luật đọc kinh 5 lần mỗi ngày của đạo Hồi, nhưng lại không ngần ngại phạm tội ác là nhúng tay vào máu của kẻ thù. Rồi tên cướp Công Giáo trong câu chuyện thứ hai đã quyết tâm bỏ thuốc lá để tỏ lòng sám hối Mùa Chay, nhưng lại đi trấn lột tài sản của kẻ khác. Rồi các người Pha-ri-sêu và kinh sư Do thái tuy giữ nghiêm ngặt tập tục thanh tẩy bằng nước trước khi dùng bữa, nhưng lại coi thường điều răn quan trọng của Thiên Chúa là “thảo kính cha mẹ”, khi cho phép con cái lấy của cải lẽ ra dùng để nuôi dưỡng cha mẹ già yếu, biến của đó thành “Cô-ban”, nghĩa là “Của Thánh đã hiến dâng cho Thiên Chúa”, rồi cho đứa con không phải phụng dưỡng cha mẹ già yếu nữa! Cũng vậy, ngày nay có những người chỉ chú trọng thực hiện một số việc đạo đức theo luật như đọc kinh, dự lễ Chúa Nhật, ăn chay kiêng thịt, bố thí... mà không chú trọng thanh tẩy tâm hồn, không giữ luật công bình bác ái trong cách ứng xử với tha nhân. Lối giữ đạo đó chỉ là hình thức bề ngoài.

2) Mến Chúa thực sự trong lòng phải biểu lộ bằng việc yêu người bên ngoài:

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Truyền thống cha ông, luật lệ và các lễ nghi đối với Thiên Chúa đều tốt và cần tiếp tục được duy trì, nhưng không được quên điều quan trọng không kém là phải thực thi giới răn yêu người. Tôn kính Thiên Chúa bằng việc dự lễ đọc kinh là bổn phận căn bản của người tín hữu, nhưng chúng ta cần làm với một “trái tim mới” và một “Thần Khí mới” (x. Ed 18,31) theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su.

3) Lòng mến Chúa thực sự phải bắt đầu từ trái tim:

Lệnh truyền của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en: "Ta sẽ thanh tẩy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới" (Ed 36,25tt). Đổi mới trái tim là đổi mới tất cả. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở mỗi tín hữu chúng ta: Truyền thống, luật lệ và nghi thức cử hành tại nhà thờ đều là những việc cần làm, nhưng không được quên điều căn bản của lề luật là sống tình mến Chúa yêu người. Tôn kính Thiên Chúa qua việc phụng vụ tại nhà thờ là điều cần làm, nhưng điều quan trọng hơn là phải kèm theo thực thi tình người từ trong gia đình đến khu xóm và ngoài xã hội... Vì như lời Chúa dạy: “Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. Người tín hữu chúng ta cần phân biệt trong các giới răn đâu là điều chính đâu là điều phụ. Cần ưu tiên thực hành điều chính trước, rồi đương nhiên sẽ thực hiện được những điều tùy phụ theo sau.

4) Muốn có lòng mến thực sự phải năng cầu xin ơn Chúa giúp:

Nguyên việc tuân giữ các việc đạo đức như dự lễ đọc kinh, ăn chay kiêng thịt, làm việc bác ái... cũng chưa chứng tỏ có lòng đạo đức thực sự, vì người ta có thể làm các việc đó để khoe khoang công đức và để được người đời ca tụng... hơn là vì lòng mến Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa trách dân Ít-ra-en: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì ở xa Ta” (Mc 7,6; Is 29,13).

Để chứng tỏ lòng đạo đức thực sự, chúng ta phải cầu nguyện kết hiệp với Chúa Giê-su, như thánh Phao-lô đã dạy: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).- “Từ nay tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Mỗi ngày chúng ta nên làm việc bổn phận như đi học, làm việc và phục vụ tha nhân… kèm theo một lời nguyện tắt như: “Lạy Chúa Giê-su. Con xin làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa và cầu cho một người lương sớm nhận biết tin yêu Chúa”.

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi trái tim con nên giống trái tim Chúa. Ước gì con nhìn mọi sự và mọi người với một cái nhìn bao dung đầy tình thương xót noi gương Chúa xưa. Xin ban Thánh Thần Tình Yêu đốt nóng lòng con. Xin giúp con siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày cách sốt sắng, để kín múc được sức sống ân sủng từ nguồn mạch yêu thương vô tận là Thánh Tâm Chúa, để con gieo rắc tình thương của Chúa đến cho mọi người, an ủi những người sầu khổ, chia sẻ cơm bánh cho kẻ khó nghèo, phục vụ những người bệnh tật và bị bỏ rơi… hầu con được trở nên môn đệ thực sự của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Giữ Luật với lòng mến Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:11 29/08/2018
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII – B

(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Phụng vụ Lời Chúa thường niên B năm tuần vừa qua bị gián đoạn bởi chương 6 Tin Mừng Gioan xen vào, hôm nay chúng ta trở lại với chương 7 Tin Mừng Macô, Chúa Giêsu giúp các môn đệ cũng như người đương thời đào sâu ý niệm về sự trong sạch và những luật lệ liên quan. Về vấn đề này, thư thánh Giacôbê trong bài đọc II cũng soi sáng cho chúng ta khi ngài viết : « Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này» (Gc 1,27 ).

Đạo trong sạch

Từ thế kỷ thứ II, người Do thái đưa ra luật cấm không được giao du và ăn uống với dân ngoại, để khỏi bị ô uế. Người Pharisiêu cho rằng tôn giáo của họ phát xuất từ Thiên Chúa, tẩy sạch là một nghi lễ công cộng, "vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước" (Mc 7), thế nên họ chướng tai gai mắt khi thấy môn đệ Chúa Giêsu "dùng bữa với bàn tay không trong sạch" (Mc 7,3). Người Do thái chỉ ăn sau khi đã rửa tay (x. Mc 7,3), các tập tục của họ gắn bó với "truyền thống" (Mc 7,4), thể hiện lòng trung thành với "Thiên Chúa, Đấng ở gần họ" (x. Dnl 4, 7) như Môise đã nói.

Cần phải ghi nhận rằng, Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật. Nhưng dạy người ta chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa, và nghĩ rằng thực hành tỉ mỉ của các quy tắc Luật định là vinh quang ; mặt khác, theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng.

Lòng trong sạch

Khi tuyên bố : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế " (Mc 7), cái đó không chạm tới lòng người ta, nhưng vào trong bụng và kết thúc trong cống rãnh. Theo Chúa Giêsu, điều gì làm cho chúng ta ô uế : " Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế".

Những gì là nhơ bẩn, ô uế, hay những ý định và hành động xấu xa không đến từ bên ngoài, mà đến từ lòng dạ xấu xa và xa rời Thiên Chúa. Thiên Chúa không hiện diện khi lòng người rời xa Chúa.

Tôn giáo được Chúa Giêsu thiết lập không giảm thiểu vào các nghi lễ bên ngoài, gồm một mớ những học thuyết và đạo đức giả ; đây là sự mặc khải về khuôn mặt của Thiên Chúa trong nhân loại nơi con người Chúa Giêsu. Việc thực hành đạo dù lớn hay nhỏ, chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi được sinh ra từ tình yêu, được tháp tùng bởi tình yêu và được tiêu thụ trong tình yêu.

Yêu thương là chu toàn Luật Chúa

Tập tục của tiền nhân người Do thái thích giữ với lòng đạo đức ấy lại trái với Luật Môise. Đó là lý do tại sao Êsai nói : "Bạc của ngươi hóa thành ten chì, rượu đã trá pha nước lã" (Is 1,22), cho thấy người xưa kết hợp sống giới luật của Chúa với một truyền thống nhạt nhòa, nghĩa là họ đã thiết lập một luật biến chất trái với Luật Chúa. Chúa Giêsu trách họ : Tại sao các ông phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông? (Mt 15,3) Họ bỏ qua những điều cần thiết, thêm vào những khoản phụ và giải thích theo lối khác, việc họ làm lột tẩy họ là những kẻ đạo đức giả hình.

Họ cương quyết bảo vệ các tập tục, nhưng không tuân thủ Luật Chúa. Thậm chí họ đổ lỗi cho Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabát khi chữa bệnh, điều mà Luật không cấm. Tuy nhiên, họ không nhận lỗi về mình đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, luật của họ thiếu hẳng tình yêu. Tình yêu này, trên thực tế, là điều răn thứ nhất và trọng nhất, và thứ hai là tình yêu của người lân cận.

Thánh Phaolô cũng nói : Yêu mến là chu toàn cả Lề luật (Rm 13,10) và khi tất cả chỉ còn lại Tin, Cậy, Mến. Ấy là bộ ba! Nhưng trong bộ ba ấy, Mến lớn hơn cả! ( 1Cor 13,13). Và giả như tôi được ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, toàn cả trí tri; và giả như tôi được tất cả lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không! (1Co 13,2). Nếu không có bác ái thì tất cả chỉ là không.

Chính bác ai mang lại sự hoàn hảo cho con người, vì ai yêu mến Thiên Chúa là hoàn hảo trong thế giới hiện tại và tương lai. Vì chúng ta sẽ không bao giờ ngừng yêu mến Thiên Chúa, nhưng hơn thế nữa sẽ chiêm ngắm và yêu mến Ngài đồng thời thương tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

LỀ LUẬT LÀ DẤU CHỈ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII – B

(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Chúa Nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người còn có những Luật Lệ của Thiên Chúa. Lề Luật ấy là yếu tố nòng cốt của Do thái giáo cũng như Kitô giáo, nơi Lề Luật, chúng ta tìm thấy sự hoàn hảo trong tình yêu (x. Rm 13,10). Và Lề Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng hay sự gò bó đối với con người, đúng hơn Lề Luật là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là thần dân của Chúa, cùng với họ viết lên một lịch sử tình yêu.

Vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St ). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉ của Ngài là Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ và dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).

Thánh chỉ của Chúa được ban qua trung gian Môisen, và Môisen có bổn phận phải thông truyền cho dân như sau: "Và bây giờ, hỡi Israel, hãy nghe các luật điều và phán quyết ta dạy các ngươi thi hành, ngõ hầu các ngươi được sống mà vào chiếm lấy đất Thiên Chúa của cha ông các ngươi muốn ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).

Với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. Như thế tôn giáo lạc mất ý nghĩa đích thật của nó là sống trong thái độ lắng nghe Thiên Chúa để làm theo ý muốn của Ngài. Tôn giáo tự giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thỏa mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đã đành với thời gian qua đi con người có xu hướng bóp méo những lời khuyên Tin Mừng, và sau khi đã suy xét, họ thay đổi hoặc bóp nghẹt bởi do dự : "Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng …" (Mc 7, 4). Vì thế những người sống đạo bình dân, đã không nghe lời các tiến sĩ luật và những người pharisiêu, họ gắn bó với Lời Chúa hơn là vấn đề con người chú trọng. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình chống lại các kinh sĩ và các Pharisiêu : "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng : 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7, 7; x. Is 29,13). Và Người kết luận : "Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7, 8). Cả tông đồ Giacôbê, trong thư của người, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Người viết cho các kitô hữu như sau: "Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình" (Gc 1,22).

Lúc sinh thời, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhân danh toàn thể Giáo hội ngỏ lời xin lỗi vì những điều không tốt con cái mình đã gây ra trong suốt chiều dài của lịch sử, trong nghĩa đó ngài bộc bạch rằng con cái mình "đã đi quá xa Tin Mừng".

Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế" (Mc 7,15). Chỉ có những gì từ lòng người xuất ra, từ trong tòa án lương tâm của chúng ta mới có thể làm chúng ta ra ô uế. Chính sự độc ác này làm hư hỏng cả và nhân loại. Lòng thương xót của chúng ta không chính đáng với chính mình, nhưng giữ tâm hồn chúng ta không bị nhơ bẩn, "rửa tay" (của Philatô dẫn đến cái chết cả Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta điều đó).

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu diễn tả điều ấy cách chắc chắn trong cuốn Nhật Ký Tâm Hồn : "(…) Khi chiêm ngắm thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, tôi đã hiểu rằng Giáo hội có một trái tim tình yêu cháy bỏng". Từ trái tim ấy, Tin Mừng tình yêu trào dâng những điều tốt hảo, cụ thể là giúp đỡ những ai cần giúp "vì ta đói, các người đã cho ăn..." (Mt 25,35).

Xin Ðức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là con cái Mẹ biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và chân thành, để Mẹ hướng dẫn các tư tưởng, các lựa chọn và hành động của chúng ta mỗi ngày. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhận định của Tiến sĩ George Weigel về chứng từ của ĐTGM Viganò
Đặng Tự Do
05:42 29/08/2018
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có bài nhận định sau về tình hình nghiêm trọng hiện nay trong Giáo Hội theo sau việc công bố chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài viết của Tiến sĩ George Weigel đăng trên First Things với tựa đề “Why We Stay, and the Viganò Testimony” (Tại sao chúng ta ở lại [trong Giáo Hội] và chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò)


Bài đọc Sách Thánh trong các Thánh lễ Chúa Nhật trong mùa hè kinh hoàng này thích hợp một cách lạ lùng, bắt đầu bằng những lời nguyền rủa của tiên tri Giêrêmia chống lại những kẻ chăn cừu xấu xa làm cho đoàn chiên Chúa phải thất lạc và tan tác (ngày 25 tháng 7) và tiếp tục qua câu chuyện về sự bỏ đi của nhiều môn đồ sau “lời khó nghe” trong diễn từ về Bánh Trường Sinh (ngày 26 tháng 8). Và hoàn toàn có thể hiểu được rằng có một số đáng kể những người Công Giáo đã bị nghẹt thở trong từ “thánh thiện” trong vài tháng qua, khi được yêu cầu khẳng định điều đó về Giáo Hội trong Kinh Tin Kính và Kinh Tiền Tụng. Nhưng trong khi dễ hiểu, điều này vẫn nói lên một sự hiểu lầm. Lý do tại sao được đưa ra ngay sau câu chuyện bỏ Chúa ra đi trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan 6: 60-66, khi Chúa hỏi Mười Hai môn đệ Ngài họ không bỏ đi với những người khác sao, và ông Phêrô trả lời, “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

Sự sống đời đời được ban cho chúng ta một cách bí tích trong mọi Thánh Lễ. Đó là điều chúng ta tin; đó là lý do tại sao chúng ta vẫn còn trong Giáo Hội; và đó là lý do tại sao tất cả chúng ta phải thực hiện mọi nỗ lực, từ việc xa lìa những trạng thái tách biệt chúng ta với sự sống trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, đến việc cải cách những cái gì phải được cải cách để người khác biết và yêu mến Chúa Giêsu và cảm nghiệm được những hoa trái ban sự sống trong tình bạn với Người. Cuộc khủng hoảng hiện nay của Giáo Hội là một cuộc khủng hoảng về sự trung tín và khủng hoảng về sự thánh thiện, một cuộc khủng hoảng của những bất trung và một cuộc khủng hoảng của những tội lỗi. Đây cũng là một cuộc khủng hoảng phúc âm hóa, khi các mục tử không còn có đủ uy tín để công bố Tin Mừng là điều mà thế giới này đang rất cần như những tít lớn trong các bản tin hàng ngày chỉ ra.

Hậu quả ngay lập tức sau khi “chứng từ” của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò được công bố, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết về tội lỗi của Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục Washington, nhưng đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại McCarrick được Đức Bênêđictô XVI áp đặt trước đó (nhưng chưa từng được thực thi một cách nghiêm túc), những chỉ trích bên trong Giáo Hội ngay lập tức được dấy lên mạnh mẽ và được vang dội lại qua các phương tiện truyền thông. Trong bầu không khí nóng bừng này, hầu như không ai có thể nói bất cứ điều gì mà không làm dấy lên những nghi ngờ và những lời buộc tội. Nhưng vì tôi biết rất rõ Đức Tổng Giám Mục Viganò trong thời gian ngài phục vụ như là đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Washington, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nói về ngài, là điều mà tôi hy vọng sẽ giúp người khác xem xét những tuyên bố rất, rất nghiêm túc này của ngài.

Thứ nhất, Đức Tổng Giám Mục Viganò là một nhà cải cách dũng cảm, đã bị cấp trên trực tiếp trục xuất ra khỏi Vatican bởi vì ngài đã quyết tâm đối đầu với tham nhũng tài chính ở phủ Thống Đốc, cơ quan hành chính của quốc gia Thành Vatican.

Thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Viganò, theo kinh nghiệm của tôi, là một người trung thực. Chúng tôi thường nói về nhiều chuyện lớn, nhỏ, và tôi chưa bao giờ có ấn tượng rằng tôi đã được trao cho bất cứ thứ gì khác ngoài những gì ngài tin theo lương tâm của mình là sự thật. Điều đó không có nghĩa là ngài nói cái gì cũng trúng; là một người khiêm tốn và chuyên chăm cầu nguyện, ngài sẽ là người đầu tiên thừa nhận điều đó. Nhưng nó cho thấy rằng cố gắng để miêu tả ngài như một người cố tình gây ra những lời buộc tội sai lầm, như một người nào đó không phải là một nhân chứng trung thực với những gì ngài tin tưởng, là không thuyết phục. Khi ngài viết trong chứng từ của mình rằng ngài “sẵn sàng khẳng định [những cáo buộc này] với lời thề trước mặt Chúa là chứng nhân của tôi”, ngài thực sự muốn nói như thế một cách tuyệt đối. Đức Tổng Giám Mục Viganò biết rằng, trong lời thề nghiêm trọng như thế, ngài đặt linh hồn mình trong tay ngài; có nghĩa là ngài biết rằng nếu ngài nói sai, ngài sẽ mất linh hồn đời đời.

Thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Viganò là một giáo sĩ trung thành thuộc về một thế hệ và một hình thái đào tạo nhất định, được nuôi dưỡng để có lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Sự huấn luyện của ngài trong ngành ngoại giao Tòa Thánh hình thành nên bản năng đặt việc bảo vệ Đức Giáo Hoàng lên ưu tiên hàng đầu, các ưu tiên thứ hai, thứ ba và thứ hàng trăm của mình cũng là bảo vệ Đức Giáo Hoàng. Nếu ngài tin rằng những gì ngài nói bây giờ là sự thật, và Giáo Hội cần phải tìm hiểu sự thật đó để thanh tẩy chính mình khỏi những gì đang cản trở sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, thì ngài đang phải cố đè bẹp một bản năng ăn sâu vào mình vì những lý do hết sức nghiêm trọng.

Những gì Đức Tổng Giám Mục Viganò làm chứng dựa trên cơ sở trực tiếp, cá nhân, và trong nhiều trường hợp qua những kinh nghiệm được đúc kết trong các tài liệu ở Rôma và Washington xứng đáng được đón nhận một cách nghiêm túc, không được tùy tiện bác bỏ hoặc lờ đi. Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, rõ ràng đồng ý như thế, như tuyên bố ngày 27 tháng 8 của ngài đã làm rõ. Đó là một bước tiến nữa hướng tới sự thanh tẩy và cải cách mà chúng ta cần.


Source: - First Things - Why We Stay, and the Viganò Testimony
 
Đức Cha Thomas John Paprocki: ĐTC nên trả lời các cáo buộc của ĐTGM Viganò một cách thỏa đáng
Anthony Nguyễn
20:58 29/08/2018
Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ toàn văn tuyên bố của Đức Cha Thomas John Paprocki, Giám Mục Springfield, Illinois, Hoa Kỳ

Tuyên bố từ Đức Giám Mục Thomas John Paprocki liên quan đến chứng từ của cựu Sứ Thần Tòa Thánh

SPRINGFIELD - Cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, đã tiết lộ một tập hợp các sự kiện và hoàn cảnh gây hoang mang sâu sắc vì các tiết lộ này liên quan đến nhận thức, hành động và sự lơ là ở cấp độ cao nhất của Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục Viganò đã đưa ra chứng từ bằng văn bản của mình nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “phải thành thật nói rằng khi nào là lần đầu tiên ngài biết về những tội ác của McCarrick, là người đã lạm dụng quyền lực của mình với các chủng sinh và linh mục. Dù thế nào đi nữa, Đức Giáo Hoàng đã biết điều này từ tôi vào ngày 23 tháng 6 năm 2013 và tiếp tục bao che cho con người ấy.”

Khi được hỏi về điều này trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng trở về từ Ái Nhĩ Lan vào ngày 26 tháng Tám, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Hãy đọc kỹ lời tuyên bố và đưa ra quyết định riêng của bạn. Tôi sẽ không nói một lời nào về điều này.” Thành thật mà nói, nhưng với tất cả sự tôn trọng cần thiết, câu trả lời đó không thỏa đáng. Với mức độ nghiêm trọng của nội dung và những hệ quả trong tuyên bố của cựu Sứ Thần Tòa Thánh, điều quan trọng là tất cả các sự kiện của tình huống này phải được xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng và cẩn thận. Hướng tới mục đích đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các quan chức Vatican và Đức Đương kim Sứ Thần Tòa Thánh nên công khai các hồ sơ thích hợp cho thấy ai biết những gì và khi nào về Tổng Giám mục (trước đây là Hồng Y) McCarrick và đưa ra các trách nhiệm giải trình mà Đức Thánh Cha đã từng hứa.

Về vấn đề này, tôi đồng ý hoàn toàn với tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ngày hôm qua “tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy. Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng.”




Source: Diocese of Springfield in Illinois - Statement from Bishop Thomas John Paprocki Regarding the Testimony of the Former Apostolic Nuncio
 
ĐTGM Salvatore J. Cordileone của San Francisco: Tôi và các Giám Mục khác đòi hỏi một cuộc điều tra toàn diện và khách quan
Đặng Tự Do
22:16 29/08/2018
Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ toàn văn bản tuyên bố của Đức Cha Salvatore J. Cordileone Tổng giám mục San Francisco, Hoa Kỳ

Tuyên bố của Đức Cha Salvatore J. Cordileone Tổng giám mục San Francisco về chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò

Ngày 29 tháng 8, 2018

Kính gửi các tín hữu của Tổng Giáo Phận,

Chúa Nhật vừa rồi chúng ta đã chứng kiến điều mà nhiều người gọi là một “quả bom” trong Giáo Hội: đó là sự công bố “chứng từ” của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cáo buộc những băng hoại và bao che ở mọi cấp độ Giáo Hội dựa trên kiến thức cá nhân sâu rộng và lâu dài của ngài.

Tôi đã biết rất rõ Đức Tổng Giám Mục Viganò trong những năm ngài phục vụ trong tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh ở tại Hoa Kỳ này. Tôi có thể chứng thực rằng ngài là một người thực thi sứ vụ của mình với sự cống hiến hết mình, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Thánh Phêrô ủy thác cho ngài bởi Đức Thánh Cha để “củng cố các anh em mình trong đức tin”, và là người sẽ làm như vậy với sự hy sinh cá nhân tuyệt vời và hoàn toàn không tính đến việc thăng tiến “sự nghiệp” của mình - tất cả đều nói lên tình yêu trọn vẹn và chân thành đối với Giáo Hội. Hơn thế nữa, dù không có những thông tin đặc quyền về trường hợp của tổng giám mục McCarrick, từ những thông tin tôi có liên quan đến một vài tuyên bố khác mà Đức Tổng Giám Mục Viganò đưa ra, tôi có thể xác nhận rằng những điều này là sự thật. Các tuyên bố của ngài, do đó, phải được xem xét nghiêm túc. Bác bỏ cách nhẹ nhàng các tuyên bố này sẽ tiếp tục một nền văn hóa phủ nhận và che đậy. Tất nhiên, để xác nhận các tuyên bố của ngài một cách chi tiết, một cuộc điều tra chính thức sẽ phải được tiến hành, một cuộc điều tra toàn diện và khách quan. Do đó, tôi rất biết ơn Đức Hồng Y DiNardo vì đã công nhận giá trị của việc tìm kiếm những câu trả lời có “kết luận và dựa trên chứng cớ”, và tôi cùng với các giám mục khác kêu gọi cuộc điều tra như thế và việc thực hiện mọi biện pháp khắc phục cần thiết dưới ánh sáng của những phát hiện này.

Tôi được bổ nhiệm làm giám mục vào ngày 5 tháng 7 năm 2002, ba tuần sau cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ở Dallas để phê chuẩn Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Người trẻ, và vẫn ở cao điểm của thảm kịch những phơi bày lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi hàng giáo sĩ.

Vào thời điểm đó, tôi được yêu cầu chủ sự một buổi cầu nguyện khi kết thúc một cuộc họp về cuộc sống gia đình do giáo phận tổ chức thu hút những người tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Tôi đã gặp một linh mục người Úc mà tôi đã quen biết trong suốt những năm học ở Rôma, và ngài đã chúc mừng tôi được bổ nhiệm Giám Mục. Tôi trả lời, “Cảm ơn, nhưng đây không phải là thời điểm tốt để trở thành giám mục.” Tôi sẽ không bao giờ quên phản ứng của ngài đối với tôi. Ngài nói “Nhưng đây là thời điểm tốt để trở thành một giám mục vĩ đại.”

Những gì ngài nói với tôi lúc đó, giờ đây tôi có thể nói với mọi người Công Giáo vào thời điểm này. Giáo Hội cần được thanh tẩy. Thanh tẩy luôn luôn là đau đớn. Các nạn nhân thân yêu của tôi: anh chị em biết điều này hơn ai cả; xin biết đến lời cầu nguyện và tình yêu của chúng tôi dành cho anh chị em, và chúng tôi tiếp tục ở đây với anh chị em, để hỗ trợ anh chị em và giúp anh chị em chữa lành bằng các nguồn lực sẵn có của chúng ta.

Tôi tin rằng Thiên Chúa đang bắt đầu tiến trình thanh tẩy đau đớn này cho chúng ta bây giờ, nhưng để nó hoạt động, chúng ta phải hợp tác. Thiên Chúa đã luôn luôn dựng nên những vị thánh vĩ đại trong những thời điểm hỗn loạn tương tự trong Giáo Hội. Tôi kêu gọi tất cả chúng ta phải tái thánh hiến chúng ta cho việc cầu nguyện, sám hối và tôn thờ Thánh Thể, để Thiên Chúa ban phước cho chúng ta với ân sủng này.

Xin vui lòng nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi đối với tất cả các linh mục của chúng ta, là những người vẫn gần gũi dân mình, nâng đỡ và chăm sóc mục vụ trong thời gian khủng hoảng này; lòng biết ơn đối với tất cả các thầy phó tế của chúng ta, là những người hỗ trợ cho các linh mục trong trách nhiệm này và mang Phúc Âm đến cho những người mà nếu không có các vị phó tế này thì không thể tiếp cận được; lòng biết ơn đối với tất cả các điều phối viên hỗ trợ các nạn nhân của chúng ta và cho tất cả những người hỗ trợ các nạn nhân trên con đường đau đớn chữa lành; lòng biết ơn dành cho tất cả các các giáo viên và quản lý viên của Chủng viện Thánh Patrick vì công việc khó khăn của anh chị em trong việc cung cấp việc đào tạo sâu sắc và lành mạnh cho các linh mục tương lai của chúng ta, cho việc đổi mới Giáo hội ở góc vườn nho của Chúa này; và lòng biết ơn dành cho các chủng sinh của chúng ta vì sự nhiệt tình và lòng quảng đại của anh em trong việc đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa phục vụ trong thừa tác vụ linh mục; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là lòng biết ơn đối với anh chị em, là các tín hữu dân Chúa, vì lời cầu nguyện của anh chị em, vì tình yêu và sự quan tâm của anh chị em đối với Giáo Hội, khiến anh chị em đòi hỏi phải có sự thay đổi hiệu quả và có tính chất quyết định, cũng như sự hỗ trợ của anh chị em dành cho các linh mục của chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả ân sủng để trở nên những nhân tố cho sự thay đổi và thanh tẩy mà Ngài đang kêu gọi chúng ta vào lúc này.

Trân trọng trong Chúa chúng ta,

+Đức Cha Salvatore J. Cordileone
Tổng giám mục San Francisco



Source: Archdiocese of San Francisco - Letter on the Testimony of Archbishop Viganò
 
Nhìn lại chuyến đi Ái Nhĩ Lan của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:34 29/08/2018
Mặc dù gặp nhiều thách đố như Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát biểu trong cuộc họp báo trên không, Đức Phanxicô vẫn lạc quan về chuyến đi của ngài tại Ái Nhĩ Lan.



Thách đố thì ai cũng biết: giải quyết tai tiếng lạm dụng tình dục và che đậy lạm dụng này, dù chủ đích của chuyến đi là cử hành vẻ đẹp của gia đình. Hai khía cạnh này cùng nổi bật ngay trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm: hàng ngàn người hoan hô ngài tại một vận động trường nhưng trước đó vào buổi sáng, thủ tướng, lãnh tụ công khai đồng tính đầu tiên của Ái Nhĩ Lan, không ngại liệt kê với ngài các thất bại của Giáo Hội.

Đức Phanxicô sẵn sàng nghe những phê phán ấy và đáp ứng một cách tích cực. Theo tạp chí Crux, trong 7 bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô đề cập đến các tội ác lạm dụng tình dục 4 lần. Hai lần thì ai cũng đã dự đoán: 1 lần (lần đầu) với các nhà cầm quyền dân sự và 1 lần (lần cuối) với các giám mục.

Ngài lên án “các tội ác ghê tởm” lạm dụng tình dục, nhưng không đề cập chi đến điều hàng ngàn nạn nhân bị lạm dụng khắp thế giới đang nóng lòng muốn biết: các giám mục che đậy tội ác lạm dụng sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao và bởi ai?

Ngài chỉ nói đến điều đó trên đường từ Dublin trở lại Rôma khi được các phóng viên đặt câu hỏi. Theo ngài, các tòa án đặc nhiệm (ad-hoc) được thiết lập mỗi khi có lời tố cáo chống lại một vị giám mục. Ngài nêu trường hợp cựu Tổng Giám Mục Guam, Đức Cha Anthony Sablan Apuron. Tòa án này được lập ra để xử vụ của ngài và thấy ngài có tội đới với “một số lời tố cáo” trong đó có lời tố cáo lạm dụng. Đức Phanxicô cho hay chính ngài đang thụ lý việc kháng án của vị giám mục này cùng với một nhóm chuyên gia giáo luật.

Hai lần khác Đức Phanxicô đề cập đến việc lạm dụng tình dục có mầu sắc mục vụ nhiều hơn. Cả hai diễn ra hôm Chúa Nhật. Một ở Đền Thánh Đức Mẹ tại Knock và một trong Thánh Lễ Đại Trào Bế Mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Gia Đình. Tại Đền Đức Mẹ, ngài nói: “tôi nài xin sự tha thứ của Chúa cho các tội lỗi này và vụ tai tiếng cùng phản bội mà rất nhiều người khác trong gia đình Thiên Chúa vốn cảm nhận. Tôi xin Mẹ Diễm Phúc cầu bầu cho sự hàn gắn nơi các nạn nhân và củng cố mọi thành phần thuộc gia đình Kitô Giáo chúng ta trong quyết tâm không bao giờ còn cho phép các tình huống này xẩy ra nữa”.

Lời lẽ của ngài được hoan hô vang dậy cũng như “kinh nguyện thống hối” ngài đọc sau đó trước khoảng 300,000 tín hữu bất chấp thời tiết xấu tham dự Thánh Lễ do ngài chủ tế tại Công Viên Phoenix, Dublin. Ngài cho các phóng viên hay, ngài làm thế sau khi gặp các nạn nhân bị lạm dụng.

Các lời xin lỗi trên không phải là những lời xin lỗi đầu tiên của Đức Phanxicô. Ngài nói chúng bất cứ khi nào có dịp. Nhưng các nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Ái Nhĩ Lan dường như “cố thủ” trong các nhận định tiêu cực của họ.

Thực vậy, theo Elise Harris của tờ Crux, song song với Thánh Lễ tại Công Viên Phoenix, một nhóm nhỏ hơn gồm các người chỉ trích Đức Phanxicô đã tụ tập nhau để nói lên quan điểm của họ. Trong số này, có Donna Dent. Cô ta phát biểu: “tôi nghĩ vị giáo hoàng trơ tráo không thể tưởng tượng được khi không chịu qùy gối tạ lỗi. Tôi không nghĩ ngài nên cử hành Thánh Lễ”. Cô ta chỉ trích luôn những người tham dự Thánh Lễ của ngài “họ bịt mắt trước mọi điều Giáo Hội từng làm”.

Cô là 1 trong số khoảng 2,500 người tụ tập tại Vườn Tưởng Niệm ở Dublin để phản đối sự hiện diện của Đức Phanxicô tại Dublin. Người đứng đầu cuộc tụ tập này, O’Gorman, cho rằng tuy Đức Phanxicô lên tiếng trực tiếp về việc Giáo Hội lạm dụng từ lúc tới Ái Nhĩ Lan, đề cập đến vấn đề này trong hầu hết các bài diễn văn, nhưng lời lẽ của ngài thiếu sức mạnh cần thiết để được coi là nghiêm túc về vấn đề này. Theo ông, ngài cần nói rõ:Vatican sẵn sàng chịu tính sổ. Nói cách khác, Giáo Hội định chế cần phải “sở hữu việc che đậy cho dù ngài không trực tiếp chịu trách nhiệm”.

Garrett O’Keeffe, một người phản đối khác, cho rằng những người cử hành chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng không đúng khi ít có hành động nào được đưa ra trong trận tuyến chống lạm dụng. Ông bảo Đức Phanxicô không nên đến Ái Nhĩ Lan: “dù ngài có bò từ phi trường vào thành phố thì điều này vẫn chưa đủ. Ngài cần công bố các hồ sơ, ngài cần trả những gì mắc nợ, ngài cần thực sự thống hối và buộc phải tường trình cho toàn thế giới thấy các vụ lạm dụng đa dạng”.



Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn thấy nhiều điều tích cực ở Ái Nhĩ Lan đặc biệt qua hai biến cố: nói chuyện với 350 cặp đính hôn và kết hôn và Lễ Hội Các Gia Đình.

Với các cặp đính hôn và kết hôn, ngài nói rằng nơi quan trọng nhất để truyền thụ đức tin là mái ấm gia đình nhờ “gương sáng âm thầm của cha mẹ... Đức tin được truyền thụ quanh ‘bàn ăn gia đình’, trong chuyện vãn thông thường, bằng ngôn từ mà chỉ tình yêu duy trì mới biết cách nói...”

Tại Phoenix Park, ngài bảo các gia đình nên dành thì giờ cho nhau, thiết lập cuộc đối thoại với nhau.

Có lẽ Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin đúng, khi phát biểu trong thánh lễ tại Phoenix Park: “Đối với con, dường như là một nghịch lý khi nói một hơi rằng đức tin ở Ái Nhĩ Lan mạnh mẽ, và đức tin ở Ái Nhĩ Lan mong manh".

Một số quan sát viên địa phương cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là một khởi điểm tốt hướng tới việc tái tạo niềm tin nơi Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan. Trong cuộc viếng thăm trung tâm dành cho người vô gia cư do Dòng Capuchin điều khiển, Đức Phanxicô trình bầy một số ý tưởng cho thấy việc này có thể diễn ra cách nào.

Ngài nói với các tu sĩ ở đó: “Việc làm chứng của các con dạy các linh mục biết lắng nghe, biết gần gũi, biết tha thứ và không đòi hỏi quá đáng”. Với các người vô gia cư, ngài bảo: “Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội. Hãy cầu nguyện cho các linh mục. Hãy cầu nguyện cho các cha Capuchin. Hãy cầu nguyện cho các giám mục, cho giám mục của các con. Và cũng hãy cầu nguyện cho cha nữa”.

Nữ ký giả Claire Giangravè, cũng của tờ Crux, thì cho rằng phần đông các tín hữu Công Giáo có mặt để nghinh đón Đức Phanxicô ở Dublin đều nghĩ Đức Phanxicô sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đậy lạm dụng tình dục.

Theo nữ ký giả trên, chỉ căn cứ vào đám đông lớn lao và đầy phấn chấn ở Phoenix Park thì khó có thể quả quyết đang có tai tiếng lạm dụng tình dục và các lời tố cáo che đậy phát tán khắp nơi. Mary Royam, lội mưa lội gió, thời tiết lạnh lẽo tới Công Viên từ sớm, cho rằng “có nhiều chuyện tiêu cực, cả trong báo chí nữa, vào tuần trước và quả là đáng yêu khi cuối cùng cũng diễn ra và chúng tôi rất sung sướng được ở đây”.

Nhiều người khác tin rằng Đức Phanxicô cam kết xử lý cuộc khủng hoảng tình dục và đem thay đổi lại cho Giáo Hội. Teresa, từ quận Armagh ở Bắc Ái Nhĩ Lan, cho hay “Bạn không thể để một ít trái táo thối làm hư cả thùng rượu. Tôi rất buồn cho mọi nạn nhân, nhưng tôi nghĩ vị này sẽ thay đổi sự việc và sẽ làm tốt hơn cho các nạn nhân”.

Teresa nói rằng Ái Nhĩ Lan, một nước vốn kinh qua các cuộc cách mạng, các cuộc nội chiến, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục rộng lớn và nhiều khó khăn tài chánh và kinh tế, nhưng vẫn là một quôc gia “mạnh mẽ” vì nhân dân Ái Nhĩ Lan cố kết với nhau qua mọi thách thức. Cô tin rằng “người này”, ám chỉ Đức Phanxicô, “sẽ giải quyết được mọi chuyện”.

Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin quả đã phản ảnh được bối cảnh trên, một bối cảnh được chính Đức Phanxicô xác nhận trong câu trả lời cuối cùng của cuộc họp báo trên không trên đường từ Dublin trở về Rôma:

“Tôi xin nói ít điều với những người Ái Nhĩ Lan có mặt ở đây. Tôi thấy nhiều đức tin ở Ái Nhĩ Lan. Rất nhiều đức tin. Thật vậy, người Ái Nhĩ Lan đã và đang chịu nhiều đau khổ vì các tai tiếng. Nhiều lắm. Nhưng vẫn có đức tin ở Ái Nhĩ Lan. Đức tin ấy mạnh mẽ. Và người Ái Nhĩ Lan cũng biết phân biệt. Và tôi xin trưng dẫn điều hôm nay tôi nghe được từ một giáo phẩm: người Ái Nhĩ Lan biết phải phân biệt ra sao giữa sự thật và sự thật nửa vời. Có một điều gì đó ở bên trong họ. Đúng là nó đang trong diễn trình khai triển, hàn gắn khỏi các tai tiếng này. Đúng là có các chủ trương đang được mở ra nhằm tự tách họ ra xa bất cứ đức tin nào. Nhưng người Ái Nhĩ Lan có một đức tin bén rễ sâu xa. Tôi muốn nói điều này vì đó là điều chính mắt tôi được thấy, tai tôi được nghe, được thông tri trong hai ngày qua”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Loan tin vui của Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Hồng Kông
Thúy Hoàng
08:23 29/08/2018
HỒNG KÔNG - Thứ ba, ngày 28/8/2018 -- Hàng năm dòng Thánh Phaolô ở Hồng Kông thường định kỳ 2 lần cử hành lễ tuyên khấn cho các nữ tu ở đây. Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên với kỷ lục nhiều nhất và chỉ riêng các sơ người Việt, như là một ơn thiêng trong Năm Thánh mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hình ảnh 12 Sơ rước nến sáng tựa như 12 Thánh tông đồ: 8 sơ vĩnh khấn và 4 sơ tiên khấn.

Xem hình ảnh

Thánh lễ diễn ra hết sức trang nghiêm, sốt sắng và cảm động. ĐGM Michael Yeung Ming Chueng chủ tế, đông đảo quý cha đồng tế, trong đó có rất nhiều linh mục người Việt từ các dòng đang phục vụ tại Hồng Kông. Đặc biệt có 6 linh mục cùng các thân nhân phụ mẫu của quý sơ từ Việt Nam đã tới Hồng Kông để tham dự Thánh lễ trọng thể này. Ngoài ra giáo dân Hồng Kông và CĐCGVN cũng góp mặt đông đủ.

8 Sơ vĩnh khấn gồm:

  • Sr Têrêsa Clara Nguyễn Thị Loan
  • Sr Anna Cecilia Trương Thị Linh
  • Sr Therese Faustina Nguyễn Thị Minh Thoa
  • Sr Anne Maria Bùi Thị Phương Trinh
  • Sr Marie Elisabeth Nguyễn Thị Sương Mai
  • Sr Marie Augustine Đỗ Thị Bích Huệ
  • Sr Anne Pauline Nguyễn Thị Kim Thoa
  • Sr Marie Assumption Phan Thị Minh Thơ


4 Sơ tiên khấn gồm:

  • Sr Têrêsa Angela Trần Thị Kim Tuyết
  • Sr Mary Thomas Trương Thị Lụa
  • Sr Annie Nguyễn Thị Dịu
  • Sr Rose Mary Đặng Thị Mai Hằng.


Họ đang tu trì và sống tận hiến thông qua việc học tập, truyền giáo, hay phục vụ và làm việc tại bệnh viện, trường học các cấp của dòng St Paul-Hồng Kông.

Cảm tạ Chúa vì hồng ân Chúa ban cho giáo hội Việt Nam, cho giáo phận Hồng Kông, những đóa hồng tươi thắm vẫn hàng ngày đang tỏa ngát hương trong khu vườn của Chúa. Xin chúc mừng quý sơ và gia đình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhân cách John McCain và Việt Nam
Phạm Trần
21:40 29/08/2018
Tổ tiên người Việt có câu :”Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, có thể là tiếng “tốt” hay tiếng “xấu” tùy theo cách sống và hành động khi chưa lìa đời .Nhưng đối với Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain của Tiểu bang Arizona, người qua đời ngày 25/08/2018 ở tuổi thọ 81, sau một năm điều trị bất thành chứng ung thư não, thì sự ra đi của ông đã để lại một di sản chính trị không thay thế được của nước Mỹ.

Riêng đối với người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, thì ông John McCain đã chiếm trọn trái tim yêu thương và kính phục của cả thù lẫn bạn ở cả hai bờ chiến tuyến.

DÒNG DÕI BINH NGHIỆP

Tiểu sử phổ biến cho thấy ông John Sidney McCain III sinh ngày 29/08/1936 tại căn cứ không vận Coco Solo, vùng kinh đào Panama khi còn thuộc quyền qủan trị của Mỹ. Cha ông khi ấy là Sỹ quan Hải quân John S. McCain Jr. Ông nội của ông,John S. McCain Sr cũng xuất thân từ Viện Hải quân (Naval Academy), Annapolis, Maryland. Cả hai vị, về sau đều là Tướng 4 sao, Tự lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Sự nghiệp chính trị của Nghị sỹ McCain có chiều dài dài 36 năm, bắt đầu với chức vụ Dân biểu 2 nhiệm kỳ từ 1983 đến 1987, và sau đó đắc cử Nghị sỹ liên tiếp 6 lần , từ năm 1987 cho đến ngày qua đời.

Ông cũng 2 lần ra ứng cử Tổng thống. Lần đầu vào năm 2000 khi ông tranh cử, nhưng thất bại trước Thống đốc George W. Bush của Tiểu bang Texas để đại diện đảng Cộng hòa chống ứng cử viên Dân chủ Al Gore, khi ấy là Phó Tổng thống. Ông Bush sau đó đã đánh bại ông Gore để trở thành Tổng thống thứ 43 của Hiệp Chủng Quốc.
Lần thứ nhì, năm 2008, ông chính thức được đảng Cộng hòa đề cử tranh chức Tổng thống với đối thủ của đảng Dân Chủ, Thượng nghị sỹ da mầu Barack Obama của tiểu bang Illinois. Tuy nhiên, ông McCain, người chọn Bà Sarah Palin, Thống đốc Tiểu bang Alaska, làm ứng viên Phó Tổng thống đã thất bại, chỉ thu được 173 phiếu Cử tri đoàn, trong khi liên danh Barack Obama-Joe Biden chiếm được 365 phiếu với gần 53% phiếu đại chúng.

Sau cuộc bầu cử, Nghị sỹ John McCain thừa nhận ông đã có quyết định chính trị sai lầm khi chọn bà Palin, một người thiếu kinh nghiệm chính trị tầm cỡ quốc gia và ít kiến thức ngoại giao hơn đối thủ của bà, Nghị sỹ Joe Biden của tiểu bang Delaware, đương kim Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện.

Tuy nhiên, dù thất bại tranh cử Tổng thống đến hai lần nhưng ông McCain vẫn không rời chính trường Mỹ. Ông tiếp tục củng cố vị trí chính trị của một Nghị sỹ Cộng hòa cấp tiến nhưng không bảo thủ qúa khích như nhiều đồng viện khác.

Vào năm 2014, sau khi phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, Nghị sỹ McCain được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân sự có nhiều uy quyền (Chairman of the Senate Armed Services Committee), sau khi từng làm Chủ tịch các Ủy ban người Mỹ bản thổ (Senate Indian Affairs Committee, đặc trách những vấn đế liên quan đến các sắc dân Native American, Native Hawaiian, and Alaska Native) và Ủy ban Thương mại (Senate Commerce Committee)

Tại nghị trường, ông nổi tiếng là Nghị sỹ cương nghị, thẳng thắn và luôn luôn giữ vững lập trường về những quyết định lập pháp mà ông cho là đúng và có lợi cho người dân và đất nước Hoa Kỳ. Nhà lập pháp McCain cũng không ngần ngại chỉ trích gay gắt những sai lầm của các viên chức cầm quyền Cộng hòa, kể cả Tổng thống. Ông cũng đã nhiều lần bỏ phiếu ngược lại với ý muốn của lãnh tụ đảng mình tại Quốc hội, nhưng lại sẵn sàng thỏa hiệp với phe Dân chủ đối lập khi thấy tương nhượng sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho đất nước.

BẰNG CHỨNG

Điển hình như vào năm 1983, thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan cầm quyền, ông đã yêu cầu rút Thủy quân lục chiến Mỹ khỏi chiến trường Li-Băng (Lebanon) vì thấy không có lý do gì lại để mạng sống của lính Mỹ bị đe dọa bởi các phe trong cuộc nội chiến ở Lebanon.

Ông cũng chỉ trích chính quyền Reagan đã vi phạm luật cấm vận của Quốc hội khi bí mật bán vũ khí cho Ba Tư (Iran) để, thứ nhất nhờ Iran cứu 7 con tin Mỹ bị phe Hồi giáo qúa khích Hezbollah, đồng minh của Iran, bắt giữ ở Lebanon. Thứ hai, dùng tiền bán vũ khí để giúp phe đối lập ở Nicaragua (Nam Mỹ) chống Chính quyền theo Xã hội Chủ nghĩa khuynh hướng Cộng sản Cuba của Danieal Ortega.

Sang thời Tổng thống Cộng hòa Gorge W. Bush, Nghị sỹ McCain công khai chỉ trích đường lối theo đuổi chiến tranh ở Iraq, bắt đầu tứ năm 2003, mà không tăng quân để chiến thắng. Ông gây ngạc trong cho dư luận và gây xáo trộn trong đảng Cộng hòa khi tuyên bố “bất tín nhiệm” Bộ trường Quốc phòng Donald Rumsfeld, người do chính Tổng thống Bush lựa chọn.

Đến năm 2004, khi ông Bush ra tái tranh cử chống lại ứng viên Dân Chủ, Nghị sỹ John Kerry, tiểu bang Massachusetts,một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và là bạn của ông thì Nghị sỹ McCain đã bênh vực thành tích tham chiến và lập trường của ông Kerry khi ông ta bị tấn công trong cuộc vận động tranh cử.

Nhưng quyết định lịch sử sẽ lưu truyền mãi tại Thượng viện, đồng thời phản chiếu tính cương quyết không thế lực nào có thể lay chuyển được ông McCain, đã xẩy ra vào sáng sớm ngày 28/07/2017. Đó là khi ông một mình rời ghế tiến lên trước mặt Phó Tổng thống Michael Pence, các lãnh tụ hai đảng và toàn thể Thượng viện để “thumb down”, hay bỏ phiếu “không tán thành” Dự luật của phe Cộng hòa nhằm xóa bỏ Đạo luật bảo hiểm Y tế của Tổng thống Dân chủ Barack Obama, hay còn được gọi là Obama Care.

Vì quyết định bỏ hàng ngũ của 3 Nghị sỹ Cộng hòa John McCain, Susan Collins và Lisa Murkowski mà dự luật đã bị bác với số phiếu 49-51.

Lý do Nghị sỹ John McCain và hai đồng viện không đồng ý vì Dự luật chỉ bác bỏ Obama care mà không có luật mới thay thế để bảo đảm người dân được liên tục bảo vệ.

MCCAIN-TRUMP

Hành động cuối đời của Nghị sỹ McCain đã khiến Tổng thống Cộng Hòa Donal Trump tức giận vì ông đã hứa với cử tri trước cuộc bầu cử năm 2016 rằng việc làm đầu tiên của ông sau đắc cử là xóa bỏ Obama Care.

Từ thất bại này, quan hệ giữa ông Trump và Nghị sỹ MacCain càng xa nhau hơn, nhất là khi ông Trump bị ông McCain chỉ trích có hành động thân thiện qúa mức với người đứng đầu chính quyên Nga, Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin, cựu Giám đốc cơ quan tình báo KGB của Nga.

Tình báo Mỹ đã cáo buộc ông Putin ra lệnh và chỉ huy KGB phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với kế hoạch đánh bại ứng cử viên Dân chủ, bà Hilarry Clinton bằng chiến dịch tin giả và bịa đặt để giúp ông Trump đặc cử.

Mặc dù ông Putin phủ nhận và Tổng thống Trump cũng bác bỏ tin nói ông và Ban tranh cử của ông đã toa rập với Nga để dành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng cuộc điều tra của Ủy viên đặc nhiệm RobertMueller vẫn tiếp tục để tìm ta manh mối.

Khi còn sinh thời, Nghị sỹ McCain ủng hộ việc làm của ông Mueller và tuyên bố chống lại bất cứ quyết định nào nhằm ngăn cản, hay chấm dứt giữa đường cuộc điều tra. Ông cũng ủng hộ việc làm của các cơ quan tình báo Mỹ trong việc thẩm định hành động phá hoại của Nga nhằm vào sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ.

Nhưng không phải liên lạc giữa ông Trump và Nghị sỹ McCain chỉ rắc rối từ sau khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc mà đã có từ trước ngày bầu cử. Khi quan sát cuộc tranh cử của ông Trump, nghị sỹ McCain nói rằng ông Trump đã tạo ra những chuyện khùng điên trong đảng Cộng hòa (fired up the crazies). Ngay lập tức, ứng cử viên Donal Trump phản pháo chê bai danh hiệu “anh hùng” (hero) của ông McCain.

Danh hiệu này đã được báo chí, người dân Mỹ và nhiều đời chính khách của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trao tặng để ca tụng hành động can trường của ông khi máy bay oạnh tạc, do ông lái trong một phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1967, bị bắn rơi và ông bị bắt làm tù binh và bị tra tấn cực hình nhiều lầntrong 5 năm rưỡi (từ 1967 đến 1973).

Nghị sỹ McCain cũng đã nhiều lần từ chối được trả tự do sớm để hồi hương, sau khi phía Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội biết cha ông, tướng 4 sao John S. McCain Jr được Tổng thống Dân chủ Lyndon Johnson bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương vào năm 1968. Tướng McCain Jr. cũng có nhiệm vụ chỉ huy các hoạt động của Hải quân trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Theo hồi ký của ông McCain viết về thời gian bị bắt làm tù binh, ít nhất là hơn 2 năm ông đã bị biệt giam, bị đánh đập dã man, bị ngược đãi và không được chăm sóc sức khỏe theo đúng quy ước quốc tế về tù binh chiến tranh. Lý do vì ông không chịu khai báo hay nhìn nhận tội của mình mỗi khi bị hỏi cung dài giờ và bị bỏ đói.

Và cứ mỗi lần ông McCain nói với quản giáo trại tù rằng ông không muốn được thả trước những quân nhân vào tù trước ông thì ông lại bị biệt giam trong phòng tối oi bức, ẩm thấp, không có vệ sinh hay tắm rửa cá nhân mà còn bị đánh đập

Nhưng đối với ông Trump thì khác. Ông ta chưa hề vào quân ngũ sau 4 lần được tạm hoãn để tiếp tục học vấn. Lần thứ 5 vào năm 1968, khi ông Trump 24 tuổi thì ông nhận được 1-Y medical deferment, sau khi Bác sỹ ông đi khám chứng minh không đủ sức khỏe để nhập ngũ. Bác sỹ chứng nhận cho ông bị “bone spurs in his heels”, chứng đau xương ở gót chân. (theo Steve Eder and Dave Philipps, the New York Times, ngày 01/08/2016)

Trong thời gian tranh cử Tổng thống, báo chí cũng đã thảo luận và nghi vấn nhiều về trường hợp ông Trump, một con nhà triệu phú trong ngành xây cất ở New York thời bấy giờ, không phải nhập ngũ để tham chiến ở Việt Nam.Vì vậy, nhiều người, kể cả báo chí và các viên chức đảng Cộng hòa đã bất bình và phản đối khi nghe ông Trump coi thường người anh hùng John McCain.

Ông Trump nói với báo chí:”He was a war hero because he was captured…I like people who weren’t captured.” (Ông ta (McCain) là một anh hùng chiến tranh vì ông ta bị bắt…Tôi thích những người không bị bắt).

Mặc dù bị xúc phạm nhưng Nghị sỹ John McCain vẫn trung thành với đảng Cộng hòa để lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Donald Trump. Ông chỉ rút lại quyết định chính trị này sau khi cuốn băng ghi âm lời nói của ông Trump vào năm 2005 được phơi bầy trên báo Washington Post, trong đó ông Trump đã có những lời lẽ coi thường phụ nữ và mô tả những hành động hôn hít và sờ mó lộ liễu thiếu đạo lý và vô nhân phẩm củachính ông.

MCCAIN-VIỆT NAM

Đới với Việt Nam Cộng sản và người Việt Nam trong nước thì nhân vật John McCain đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử hòa giải và bình thường quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau chiến tranh kết thúc ngày 30/04/1975.

Đối với người Việt tị nạn ở nước ngoài, đặc biệt ở Hoa Kỳ thì ông McCain không những chỉ được kính trọng về nhân cách của một Chính trị gia, một Nhà lập pháp lỗi lạc của nước Mỹ mà ông còn là một ân nhân đã giúp cư dân Việt Nam rất nhiều.

Trước hết hãy nói về máy bay ném bom của ông McCain bị bắn rơi ờ Hà Nội và tiến trình thiết lập bang giao giữa Hoa Thịnh Đồn và Hà Nội.

Chuyện của ông ở tù bắt đầu từ ngày 26 Tháng 10 năm 1967 và kéo dài cho đến ngày 14/03/1973 thì ông được thả. Chuyện này diễn ra sau Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh và trao trả tù binh được ký giữa 4 phe, một bên là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa và bên kia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Chình phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Chuyện tù ở Hỏa Lò, hay “Hanoi Hilton” của ông McCain thì dài, nhắc lại chỉ thấy hổ thẹn trong tư cách là một người Việt Nam.Chỉ xin vắn tắt vài đoạn.

Sau khi cách dù kéo ông rơi xuống hồ Trúc Bạch thì, theo lời ông kể trong Hồi ký:”Vài cán binh Bắc Việt đã bơi ra kéo tôi vào bờ và ngay lập tức họ bắt đầu lột đồ tôi ra, theo như thủ tục chung của họ. Tất nhiên vì đây là ngay trung tâm thành phố nên có đông người tụ tập, và tất cả bọn họ đã hò reo, gào hét, chửi rủa, phun nước miếng và đá tôi túi bụi. Khi họ đã cởi gần hết quần áo của tôi ra, tôi mới bắt đầu thấy đau nhói nơi đầu gối phải. Tôi gượng dậy và nhìn xuống nó. Bàn chân phải nằm xéo lên đầu gối trái của tôi, gần như vuông góc. Tôi thốt lên, “Chúa ơi! Chân tôi”. Dường như điều này làm họ điên tiết dù tôi không biết lý do tại sao. Một kẻ trong số họ dộng báng súng trường xuống vai tôi một cú khá nặng. Một kẻ khác đâm lưỡi lê vào chân tôi. Đám đông này thực sự đang nổi cuồng….”

“…Trong ba hay bốn ngày sau, tôi tỉnh lại vài lần giữa cơn mê man bất tỉnh. Dù vậy tôi cũng bị đưa ra khảo cung nhiều lần – điều mà chúng tôi gọi là một cuộc “kiểm tra vấn đáp”. Đó là những lúc tôi bị đánh với đủ gán ghép về tội phạm chiến tranh. Bắt đầu bị đánh ngay ngày đầu tiên. Tôi không thèm khai bất cứ điều gì ngoại trừ họ tên, cấp bậc, số quân và ngày tháng năm sinh. Họ đánh tôi dập vùi, đánh tôi bất tỉnh. Họ liên tục hăm dọa, “Mày sẽ không nhận được bất kỳ chữa trị thuốc men gì cho đến khi mày mở miệng”. Tôi không tin lắm. Tôi nghĩ rằng nếu ráng cầm cự, thế nào rồi họ cũng đưa tôi đến bệnh viện. Tôi được tên lính canh cho ăn một tí thức ăn và uống chút nước. Nước thì tôi còn nuốt được, nhưng đồ ăn vẫn tiếp tục bị ói ra. Lúc đó, bọn họ chỉ muốn khảo tin tức quân sự chứ không phải tin tức chính trị. Nhưng mỗi khi họ hỏi tôi một cái gì đó, thì tôi cũng chỉ khai tên họ, cấp bậc, số quân và ngày tháng năm sinh chừng đó. …Người canh tôi là thằng bé 16 tuổi, chắc vừa lên khỏi ruộng lúa. Trò tiêu khiển ưa thích của thằng bé là ngồi cạnh giường tôi và đọc một cuốn truyện có vẽ hình một ông già cầm khẩu súng trường trong tay, đang ngồi trên thân máy bay một chiếc F-105 bị bắn hạ. Thằng bé chỉ trỏ gì đó vào mình, rồi tát và đánh tôi. Nó làm điều đó một cách đầy khoái trá. Nó đút tôi ăn vì cả hai cánh tay của tôi đã bị gãy. Nó bưng vào chén mì gói có chút xương sụn, rồi đút tôi. Các xương sụn rất khó nhai. Tôi ngậm đầy miệng đâu ba bốn muỗng gì đó rồi nuốt trộng. Tôi chẳng ăn thêm được nữa, thế là thằng bé bưng ăn hết. Mỗi ngày hai lần tôi ăn khoảng ba hoặc bốn muỗng thức ăn như vậy.
(Theo bản dịch cùa Đinh Yên Thảo -Văn Việt, Việt Nam)

Ông John McCain đã nhiều lần được cai tù cho biết thượng cấp của anh ta muốn cho ông về nước sớm, sau khi họ biết cha ông, tướng 4 sao John S. McCain Jr, là Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương từ năm 1968. Nhưng ông McCain từ chối và muốn Bắc Việt thả những người bị bắt tù trước ông. Tất nhiên phía Chính quyền Việt Nam không đồng ý, nhưng cứ mỗi lần ông McCain từ khước yêu cầu thì liền bị hành hạ, bị bỏ vào phòng tối biệt giam khe khắt.

Ông kể tiếp:”Tôi bị biệt giam từ thời điểm 1968 đó trong hơn hai năm trời. Tôi không được phép gặp mặt, nói chuyện hay giao tiếp với bất kỳ tù nhân đồng ngũ nào. Phòng giam của tôi tạm vừa phải- khoảng 10×10, có cửa ra vào chắc chắn mà không có cửa sổ. Hệ thống thông gió là hai lỗ nhỏ ở trên trần nhà, khoảng 6×4 inch. Mái nhà bằng thiếc nên phòng nóng như thiêu. Phòng mờ mờ đêm cũng như ngày, nhưng họ luôn bật một bóng đèn nhỏ để có thể quan sát tôi. Tôi bị nhốt trong đó suốt hai năm….”

Vế một đồng đội can đảm, ông McCain kế:”Bây giờ để tôi kể với bạn câu chuyện của đại úy Dick Stratton. Anh bị bắn rơi vào Tháng Năm 1967, lúc vài nhóm phản chiến Mỹ đã nhao nhao la làng rằng Hoa Kỳ ném bom Hà Nội dù chúng tôi chưa làm vào thời điểm đó. Dick bị bắn rơi phía ngoài Hà Nội, nhưng họ muốn có một lời thú tội nhân lúc một ký giả Mỹ đang có mặt. Đó là vào mùa Xuân và mùa Hè năm 67 – chắc mọi người còn nhớ những câu chuyện rất giật gân về những thiệt hại do bom Mỹ? “Thỏ” và những tên khác thẩm vấn Dick Stratton rất tàn bạo. Tay Dick đầy các vết hằn dây thừng đã bị nhiễm trùng. Chúng thực sự bóp dẹp anh để có được một lời thú nhận rằng, anh đã ném bom Hà Nội như một bằng chứng sống. Chúng rút móng tay và gí tàn thuốc lá vào người anh. Dick bị dồn đến mức không thể nói “không”. Nhưng khi chúng đưa anh đến buổi họp báo, anh làm một hành động cúi chào – anh cúi chào 90 độ theo hướng này, anh cúi chào 90 độ theo hướng khác, đủ bốn góc. Với đám “gooks” thì không phải điều gì quá lạ lẫm vì chúng quen với việc cúi chào vậy. Nhưng bất kỳ người Mỹ nào nhìn thấy hình ảnh của một người Mỹ gập mình đến thắt lưng để cúi chào vậy cũng biết rằng có điều gì đó không ổn, có điều gì đó đã xảy ra với anh ta. Đó là lý do tại sao Dick làm những gì anh đã làm. Sau đó chúng tiếp tục tạo áp lực để anh ta nói rằng anh ta không bị tra tấn. Chúng tra tấn anh để buộc phải nói rằng anh không bị tra tấn. Dick vừa ra tuyên bố mạnh mẽ tại cuộc họp báo một vài tuần trước ở đây rằng anh muốn thấy Bắc Việt bị buộc tội là tội phạm chiến tranh. Anh ấy là một người cao quý….”

(Đinh Yên Thảo, Văn Việt, Việt Nam)

Người tù John McCain đã bị đưa đi chỗ này chỗ kia nhưng điều kiện ăn ở và bị hành hạ, hầu như mỗi ngày, cũng không thay đổi

Sau dịp quay lại thăm nhà tù Hỏa Lò, hay còn được gọi là Hanoi Hilton năm 2000, cựu tù binh John McCain đã nói với báo New York Times New York Times rằng chính phủ Việt Nam đã cố tình xóa đi những gì đã xẩy ra cho tù bình Mỹ trong nhà tù, trong đó có việc tra tấn mỗi ngày và bị nhồi sọ tuyên truyền.

Ông nói:”’I still bear them ill will,” he said of the prison guards, ”not because of what they did to me, but because of what they did to some of my friends — including killing some of them.” (Tạm dịch: Tôi vẫn buộc những kẻ canh tù là vô nhân đạo, không phải vì những gì họ đối xử với tôi mà những gì họ đã làm đối với một số trong các bạn tôi, kể cả hành động giết một số tù binh.”

MCCAIN-NHÂN QUYỀN

Với tình cảnh như thế, và với thời gian dài 5 năm rưỡi bị hành hạ trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh thì chỉ một người có lòng vị tha cao thượng và ý chí muốn quên đi quá khứ đau buồn của chiến tranh như Nghị sỹ John McCain mới có thể tình nguyện đưa hai nước thù địch Mỹ-Việt xích lại gần nhau.

Ông John McCain đã làm việc này từ chuyến thăm Hà Nội đầu tiên năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ông đã cùng với hai Nghị sỹ John Kerry và Bob Kerry, cũng là các cựu chiến binh Việt Nam, thực hiện nhiều chuyến đi Việt Nam sau đó để đặt nền tảng cho thiết lập bang giao Việt-Mỹ vào năm 1995, dưới thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.

Nhưng sau hành động ngoại giao là nỗ lực tìm kiếm những đồng đội của họ còn mất tích trong cuộc chiến, vì nếu chưa có bang giao thì công tác tìm kiếm còn nhiều khó khăn, nhất là khi Việt Nam không coi đó là nhiệm vụ của mình.

Riêng cá nhân ông McCain đối với Việt Nam không dừng ở đây. Trong nhiều dịp đến Hà Nội hay gặp các viên chức Cộng sản Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn, ông đã thẳng thắn yều cầu Việt Nam tôn trọng nhân quyền, dân chủ, tự do và thả hết tù nhân chính trị.

Bằng chứng này đã được Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng nói với báo Dân Việt ở Việt Nam ngày 27/08/2018

Ông Trung tiết lộ:” Khi tôi sang Hoa Kỳ, ông John McCain đã mời tôi tới Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp gỡ này ông có nói mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần được nâng lên tầm đối tác chiến lược nhưng ông cũng đưa ra bốn vấn đề mà ông cho rằng Việt Nam phải làm”

Đó là, ông Trung nói với Dân Việt :

“Yêu cầu đầu tiên họ nói chúng ta phải bỏ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa để theo kinh tế tự do;

Thứ hai là Việt Nam phải thả ngay tù nhân chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm. Việc này tôi nói lại với họ, đây không phải là tù nhân chính trị mà là những người vi phạm pháp luật Việt Nam;

Điều thứ bahọ nói Đảng CSVN bỏ vai trò lãnh đạo quân đội, quân đội phải phi chính trị, tôi nói chính trị Việt Nam là như vậy, không thể phi chính trị hóa quân đội được;

Thứ tư họ nói Việt Nam phải tự do báo chí, việc này tôi đã nói với họ: Việt Nam rất tự do báo chí, không có gì ngăn cấm báo chí cả, còn báo chí kích động bạo lực, kích động lật đổ chính quyền, xâm phạm quyền bí mật cá nhân thì mới ngăn cấm… Báo chí Việt Nam kể cả phản ánh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng kể cả đối với cán bộ trung, cao cấp thì Đảng và Nhà nước Việt Nam đều ủng hộ chứ không ngăn cản. Tôi nói thẳng với họ chúng tôi chẳng có gì là không tự do báo chí cả.”

Quan điểm và điều kiện thiết lập quan hệ “chiến lược” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam của Nghị sỹ John McCainlà bằng chứng lúc nào ông cũng muốn nhân dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền con người, điều mà Hà Nội vẫn từ chối để tiếp tục độc quyền lãnh đạo và cai trị dân theo điều kiện của đảng cầm quyền.

Còn những điều biện bạch và bao biện của ông Võ Tiến Trung không xóa được những đòi hỏi của ông McCain mà chỉ lột ra rõ hơn dự dối trá về dân chủ, nhân quyền và thiếu các quyền tự do ở Việt Nam.

Đối với người Việt ở hải ngọai, nhất là ở Mỹ, ông McCain đã có công rất lớn khi ông hoạt động không ngưng nghỉ để cứu các cựu tù nhân của Việt Nam Cộng hòa từng bị Cộng sản giam cầm và cưỡng bách lao động trong các trại được gọi là “Cải Tạo”.

Có khoảng 500,000 ngàn người tị nạn Việt Nam đã được đưa vào Mỹ qua chương trình Orderly Departure Program (ODP). Và qua tu chính án John McCain, hàng nghìn con cái của cựu tù nhân “lao động cải tạo” đã được đi theo cha mẹ sang Hoa Kỳ cho đến tháng 9/2009.

Ngoài ra Nghị sỹ John McCain còn có công trong việc thông qua Luật the Amerasian Homecoming Act, cho phép từ 23 đến 25 ngàn con lai và từ 60 đến 70 ngàn thân nhân nhập cư vào Hoa Kỳ.
Tóm lại, dù đứng bên này hay bên kia chiến tuyến, người Việt Nam nào cũng phải biết ơn Nhà lập pháp lỗi lạc đã có lòng thương người cao cả John McCain. Ông đã đóng góp cho Việt Nam có được cuộc sống hôm nay, và cũng nhờ ông mà hàng ngàn gia đình các chiến hữu người Việt đồng minh của ông ở miền Nam Việt Nam mới dược sống tự do và dân chủ ở Hoa Kỳ.

Xin vĩnh biệt, tạ ơn và kính phục nhân cách lỗi lạc của Ngài John McCain. -/-

Phạm Trần
(08/018)


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp một số vấn đề phụng vụ:
Nguyễn Trọng Đa
08:17 29/08/2018
Giải đáp phụng vụ: Việc tân linh mục chúc lành cho Giám mục có thuộc về nghi lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Bạn đọc G. C. từ Dhaka, Bangladesh, đã nêu ra một số câu hỏi về các chủ đề phụng vụ đa dạng. Tôi sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn từng câu hỏi một.


Hỏi 1: Hầu như mỗi năm, chúng con có thêm một số đông tân linh mục. Trong một số giáo phận, con nhận thấy rằng sau khi truyền chức linh mục, một số chưởng nghi đã yêu cầu tân linh mục hãy chúc lành trước tiên cho các Giám mục hiện diện, rồi chúc lành cho các linh mục, và sau đó là tín hữu tham dự. Khi các Giám mục đến, các vị quỳ xuống trước bàn thờ, vá tân linh mục chúc lành cho các vị, sau đó các linh mục tiến đến và quỳ xuống trước bàn thờ, và tân linh mục chúc lành cho họ. Khi tôi hỏi họ từ đâu có tập tục này, họ trả lời rằng họ đã nhìn thấy nó đâu đó ở châu Âu. Thưa cha, có đúng là nghi thức chăng, và có huấn thị nào về việc này không?

Đáp: Chắc chắn có một số Giám mục, có sáng kiến riêng xin phép lành đầu tiên của các linh mục mà các vị mới truyền chức. Đây là một vấn đề về tình mến cá nhân và là một biểu hiện của tình phụ tử thiêng liêng. Nó không phải là một phần của nghi lễ, và tôi không biết liệu nó là một tập tục được thiết định ở quốc gia châu Âu nào đó chăng.

Tại một Thánh Lễ truyền chức, chính Giám mục chủ phong ban phép lành trọng thế cuối lễ. Tân linh mục chỉ ban phép lành sau khi Thánh lễ kết thúc. Nhiều tân linh mục thích dành phép lành đầu tiên của mình cho cha mẹ của họ, vì vậy tôi nghĩ rằng sự thực hiện phép lành đầu tiên được chính thức hóa này không nên được khuyến khích.

Hỏi 2: Trong các dịp lễ lớn, như truyền chức phó tế hay linh mục, cung hiến nhà thờ mới, đón tiếp một Giám mục hoặc một Sứ thần Tòa thánh, có ba hoặc bốn Giám mục đồng tế trong Thánh lễ. Tất nhiên cũng có rất nhiều linh mục. Tại buổi lễ, khi tất cả các Giám mục đứng quanh bàn thờ, chúng con không có chỗ cho các phó tế bên cạnh Giám mục nữa. Cũng vậy, khi Giám mục chủ tế ngồi, cũng không có chỗ cho các phó tế ngồi cạnh ngài, bởi vì tất cả các Giám mục đồng tế đã ngồi cạnh ngài. Xin cha cho con biết các nhận xét của cha? Thứ hai, trong các dịp trọng đại khi có nhiều Giám mục tham dự, vào cuối Thánh lễ, Giám mục chủ tế đề nghị tất cả các Giám mục khác cùng tham gia trong việc ban phép lành cuối lễ, và tất cả các Giám mục cùng chúc lành cho mọi người. Vậy có đúng luật phụng vụ không?

Đáp: Sự việc Giám mục cbủ tế có thầy phó tế tháp tùng là một cách thức nhấn mạnh vai trò chủ tọa của ngài, mặc dù chỗ ngồi của họ là gần ngài, nhưng không nhất thiết là phải sát một bên. Các Giám mục đồng tế khác thường không ngồi bên cạnh Giám mục chủ lễ, mặc dù các vị phải có một vị trí nổi bật so với các vị đồng tế khác.

Trong Kinh nguyện Thánh Thể, các thầy phó tế đứng hơi đằng sau các vị đồng tế. Tuy nhiên, các vị đồng tế này, ngay cả khi là Giám mục, cũng không cản trở thầy phó tế khi thầy phải đến gần bàn thờ để thực hiện công việc của mình. Nếu không gian là chật hẹp, thì chỉ cần một thầy phó tế phục vụ tại bàn thờ là đủ.

Trong các buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha thường mời tất cả các Giám mục có mặt cùng tham gia với Ngài trong việc ban phép lành, nhưng điều này không bao giờ được thực hiện tại Thánh Lễ. Sự thực hành mời tất cả các Giám mục cùng ban phép lành trong Thánh lễ không phải là một sự thực hành phụng vụ đúng nghĩa, vì việc ban phép lành này là thuộc vị chủ tế.

Hỏi 3: Trong giờ kinh Phụng vụ, khi một người đọc bài đọc ngắn, ở một số nơi, người ấy bắt đầu bằng câu: "Đọc Sách thánh", và kết bài là "Đó là Lời Chúa". Tất nhiên, trong phần giới thiệu, rõ ràng rằng Lời Chúa sắp được công bố. Và ở nhiều nơi, ngưởi đọc đến bàn để đọc, và quay trở về mà không nói gì. Thưa cha, cách nào là đúng theo hướng dẫn? Bởi vì không có gì được nhắc đến rõ ràng, đôi khi nó tạo ra một chút lẫn lộn.

Đáp: Không có lời chào nào được chỉ định cho việc đọc bài đọc ngắn, vì thông lệ trong giờ kinh là chỉ đơn giản công bố hoặc đọc bài đọc. Câu đáp ngắn cấu thành câu đáp cho bài đọc ngắn, do đó người đọc không nói thêm gì vào cuối bài.

Hỏi 4: Trong Thánh Lễ: Trong sách bài đọc tiếng Ý, sau bài Tin Mừng, người đọc nói: "Parola del Cristo". Một số linh mục của chúng con được du học ở Ý. Sau khi trở về đất nước Bangladesh của chúng con, họ cũng đọc như vậy. Ngay cả các linh mục người Ý ở đây cũng nói như thế. Vào cuối bài Tin Mừng, họ cũng nói: "Đó là Lời Chúa Kitô". Xin cha làm rõ câu nào là chính xác: "Đó là Lời Chúa" hay "Đó là Lời Chúa Kitô"? Người dân chúng con đôi khi thấy bối rối về điều này.

Đáp: Thực ra, sách bài đọc tiếng Ý nói "Parola del Signore", hay "Đó là Lời Chúa", sau bài Tin Mừng và tương đương với "Đó là Lời Chúa" cho các bài đọc khác nữa. Không có lúc nào câu "Đó là Lời Chúa Kitô" được sử dụng cả. Bản dịch đa dạng này mang lại ý nghĩa kép của cụm từ Latinh "Verbum Domini", vốn được chứng thực bởi các câu trả lời khác nhau của người ta ở cuối bài đọc. Tuy nhiên, cần phải làm sáng tỏ rằng không ai có thể thay đổi các bản dịch phụng vụ được chuẩn thuận, theo sáng kiến riêng của mình, cho dù mình đã học hành bất cứ nơi đâu.

Hỏi 5: Việc xông hương: Trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM], rõ ràng là nói xông hương vào sách đọc. Ở đất nước chúng con, không có Sách Tin Mừng. Chúng con có Kinh Thánh và Sách bài đọc bằng tiếng Bengali. Vì vậy, khi chúng con rước sách Kinh Thánh trước khi đọc, chúng con lấy hương theo và xông hương vào đầu bài đọc một. Thực ra, chúng con xông hương cho cả Kinh Thánh hay sách bài đọc, và không phải lúc nào cũng trước khi đọc Tin Mừng. Một khi chúng con xông hương vào lúc bắt đầu đọc, chúng con không xông hương khi đọc Tin Mừng nữa. Nếu chúng con không xông hương lúc ban đầu, thì chúng con phải xông hương lúc đọc bài Tin Mừng, theo chỉ thị của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma. Ý kiến của cha là như thế nào ạ?

Đáp: Chỉ có Sách Tin Mừng mới được đưa đi rước và được đặt trên bàn thờ vào đầu Thánh Lễ. Nhưng đây có thể là một bản ngắn của Sách Tin Mừng, ngay cả trong một ngôn ngữ khác. Nếu cần, có thể chèn bản sao đọc bài đọc trong ngày vào cuốn sách này. Đồng thời, nếu không có Sách Tin Mừng, sách Bài đọc có thể được xông hương vào thời điểm đọc Tin Mừng theo cách thông thường. Trong trường hợp này, sách Bài đọc được đặt sẵn lên giảng đài (ambo) từ đầu Thánh Lễ, và không được rước vào lúc đầu. Vì các lựa chọn này xuất hiện, tôi thấy không có lý do gì để không tuân theo sự thực hành Công Giáo, vốn dành việc xông hương đến thời điểm đọc Tin Mừng.

Hỏi 6: Theo như con biết, thầy phó tế có thể ban phép lành Thánh Thể. Nếu các linh mục và Giám mục có mặt trong giờ thánh, thì liệu việc thầy phó tế ban phép lành Thánh Thể là đúng chăng? Nếu không, ai sẽ là người thích hợp nhất để ban phép lành Thánh Thể, Giám mục hay linh mục?

Đáp: Ngoại trừ khi có một số trở ngại chính đáng, một Giám mục là ưu tiên trước linh mục, và linh mục là ưu tiên trước phó tế. Một thầy phó tế không nên ban phép lành Thánh Thể, khi một linh mục hiện diện và sẵn sàng làm việc này.

Hỏi 7: Trong Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện cho Đấng bản quyền địa phương. Nếu có một hay nhiều Giám Mục Phụ Tá nữa, liệu có cầu nguyện cho các vị không?

Đáp: Như đã được chỉ định trong Sách lễ, đây là một khả năng nhưng không phải là bắt buộc. Nếu có nhiều Giám Mục Phụ Tá, nên sử dụng một công thức chung là "Đức Giám Mục N. của chúng con, và các Giám Mục Phụ Tá của ngài”.

Hỏi 8: Đức Tổng Giám Mục hiện tại của chúng con đã nhận dây pallium (phù hiệu bằng dây len trắng của chức Tổng Giám mục) từ tay Đức Sứ thần, trong lễ nhậm chức của ngài. Ngài sử dụng dây pallium của mình trong tất cả các dịp quan trọng trong giáo phận: lễ bổn mạng giáo xứ, lễ truyền chức, cử hành lễ ngân khánh hay kim khánh,… Có điều khoản nào nói về việc sử dụng dây pallium như thế nào chăng? Nó được sử dụng tùy chọn hay là bắt buộc?

Đáp: Dây pallium (một dải len trắng tròn với dây đeo) được các Tổng Giám mục chính tòa sử dụng, khi các vị chủ tọa tại bất kỳ Thánh lễ trang trọng nào trong Giáo tỉnh riêng của các ngài. Nó có thể không được đeo bên ngoài giáo tỉnh. Luật pháp hiện tại về cơ bản trao quyền cho chính Tổng Giám mục để xác định các dịp sử dụng nó.

Liên quan đến câu hỏi ngày 28-4 về việc tân linh mục chúc lành cho Giám mục, một độc giả từ Kampala, Uganda, đã hỏi: "Liệu trong trường hợp khẩn cấp một Giám mục có thể ủy quyền cho linh mục truyền chức cho linh mục khác không? Đức Giám Mục có chức tư tế tối cao của Chúa Kitô, và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Tuy nhiên, ngay cả linh mục cũng được nên đồng hình với chức tư tế của Chúa Kitô trong việc truyền chức: Một Kitô khác (alter Christus)! Làm thế nào gọi là chức tư tế tối cao của Chúa Kitô nơi một Giám mục so với chức tư tế tối cao của Chúa Kitô nơi một linh mục được truyền chức?”.

Câu hỏi này thực sự đòi hỏi một luận đề thần học với nhiều sắc thái, và một câu trả lời ngắn gọn là hơi duy đơn giản.

Với lưu ý này trong tâm trí, tôi sẽ nói như sau. Các giám mục có chức tư tế tối cao đầy đủ của Chúa Kitô và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Các linh mục có một sự tham gia kém hơn, và các phó tế có một sự tham gia khác, vốn không đòi hỏi chức tư tế, nhưng mà để phục vụ tại bàn thờ, bàn Lời Chúa, và phục vụ người nghèo.

Mặc dù rất khó để tránh các thuật ngữ như "nhiều hơn" và "ít hơn”, khi nói về mức độ của truyền chức thánh, cần phải nói rằng mỗi thừa tác vụ là thực sự cần thiết để thực hiện sứ mệnh chính xác của mình trong Hội Thánh. Sự việc rằng một số chức năng được dành riêng cho các thừa tác viên đặc biệt không có nghĩa là các thừa 1ác viên khác bị tước đoạt các chức năng này, nhưng do các chức năng ấy là không cần thiết cho nhiệm vụ cụ thể của họ.

Trong ý nghĩa này, tác vụ của Giám mục, có đầy đủ chức tư tế, vượt ra ngoài quyền năng truyền chức và trực tiếp đòi hỏi chức năng của mình là mục tử và nguyên lý hiệp nhất của Hội thánh địa phương, mà nhờ đó sự hiệp nhất với Hội Thánh phổ quát được thiết lập. Các linh mục và phó tế, trong các thừa tác vụ của mình, cộng tác với Giám mục, và tính hiệu quả giáo hội của thứa tác của họ đòi hỏi sự hiệp thông với ngài.

Về vấn đề trong trường hợp khẩn thiết, các Giám mục nghi lễ Latinh có thể ủy quyền cho các linh mục cử hành Bí tích Thêm sức. Năng quyền này chỉ có thể được sử dụng một cách hợp lệ trong phạm vi giới hạn của giáo phận mà thôi. Các linh mục Công Giáo phương Đông thường ban phép Thêm sức cho trẻ sơ sinh, sau khi làm phép rửa tội cho các em.

Tuy nhiên, việc truyền chức linh mục là không được ủy quyền (Điều 1012 của Bộ Giáo luật). Chỉ có Giám mục có quyền truyền chức cho linh mục và phó tế. Các linh mục không có quyền này, vì nó không cần thiết cho sứ vụ của họ.

Đã có cuộc tranh luận về việc liệu một Giáo hoàng có thể cho phép các linh mục truyền chức linh mục cho người khác không. Lý do duy nhất mà khả năng này được nêu ra là do sự tồn tại của một số tài liệu thời Trung cổ, mà trong đó có ba Giáo hoàng, giữa các năm 1400 và 1489, trao đặc quyền cho một số viện phụ truyền chức cho các phó tế và linh mục.

Các tài liệu này là đáng ngờ về giá trị thần học, các hoàn cảnh lịch sử thực sự là khá u ám và các đặc quyền nói trên đều bị rút lại sau đó. Tuy nhiên, các việc truyền chức như thế đã không được tuyên bố là không hợp lệ, và do đó, nó vẫn là một vấn đề giả định, nếu một sự nhượng bộ chính xác của Giáo hoàng có thể cho phép ngoại lệ trở nên một quy tắc chung. (Zenit.org 28-4 và 12-5-2009)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Diêm Dúa
Lê Trị
07:46 29/08/2018
DIÊM DÚA
Ảnh của Lê Trị
Chim muông mặc áo của Trời
Lụa vàng vải gấm người đời cũng thua.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/08/2017: Kinh hoàng - Nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Mỹ yêu cầu ĐTC từ chức
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:36 29/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bác bỏ những cáo buộc chống lại ngài của cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ tuyên bố của một cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ rằng ngài đã được thông báo vào năm 2013 về những cáo buộc liên quan đến những hành vi tình dục sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi giới truyền thông nên đưa ra những nhận xét khách quan trên cơ sở những phán đoán hợp lý về một tài liệu đang gây chấn động dư luận đã được Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố. Tuy nhiên ngài sẽ không trả lời những cáo buộc này.

“Tôi sẽ không nói một lời nào về chuyện này,” Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay từ Dublin về Rôma chiều tối Chúa Nhật 26 tháng 8. “Tôi tin rằng bản tuyên bố tự nó đã nói về mình. Và bạn có khả năng của một ký giả để rút ra những kết luận riêng của mình”

Trong một cuộc họp báo kéo dài 44 phút trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã đọc chứng từ dài 11 trang của Đức Tổng Giám Mục Viganò vào sáng Chúa Nhật, và nói thêm “Tôi phải nói với các bạn một cách chân thành rằng, tôi phải nói điều này, với các bạn và tất cả những ai quan tâm, hãy đọc bản tường trình cẩn thận và đưa ra quyết định của riêng bạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó nói thêm với nhà báo đã hỏi câu hỏi này trên chuyến bay: “Tôi đang chờ nhận xét của bạn về tài liệu, tôi mong muốn như thế.”

Trước đó, trong một diễn biến gây sững sờ, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, người từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ 2011 đến 2016 đã gởi cho các cơ quan truyền thông Công Giáo một chứng từ dài 11 trang A4 viết bằng tiếng Ý.

Theo Đức Tổng Giám Mục Viganò, từ năm 2009 hay 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nguyên Hồng Y McCarrick tương tự như những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô áp đặt hôm 20 tháng 6 vừa qua, và đích thân Đức Tổng Giám Mục Viganò đã nhắc lại những biện pháp này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 6 năm 2013, sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thoái vị.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình.

Đức Tổng Giám Mục Viganò còn cáo buộc rằng McCarrick sau đó khuyên Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm một số giám mục cao cấp trong hàng giáo phẩm Công Giáo Hoa Kỳ, trong đó có Hồng Y Cupich ở Chicago và Hồng Y Tobin ở Newark.

Cựu sứ thần đã kết thúc chứng từ của mình bằng cách kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức, cùng với tất cả các giám mục đã “bao che” cho McCarrick.

2. Tuyên bố của Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ sau những cáo buộc do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đưa ra

Theo sau những cáo buộc nghiêm trọng do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016, đưa ra, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã triệu tập Ủy ban Thường trực của Hội đồng Giám Mục vào ngày thứ Hai 27 tháng 8 và đưa ra tuyên bố sau

Trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, tôi và Ủy ban Thường trực của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đón nhận lời khích lệ của ngài rằng “vết thương vẫn đang mở [của tội ác lạm dụng] này thách thức chúng ta phải mạnh mẽ và quyết liệt trong việc theo đuổi sự thật và công lý”.

Hôm mùng 1 tháng Tám, tôi đã hứa rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ theo đuổi đến cùng nhiều vấn nạn được đặt ra xung quanh hành vi của Tổng Giám mục McCarrick với toàn bộ quyền hạn của mình; và khi đã đến tận cùng giới hạn thẩm quyền của mình, Hội Đồng Giám Mục sẽ đạo đạt lên những vị có thẩm quyền cao hơn. Vào ngày 16 tháng 8, tôi đã kêu gọi có một cuộc Thanh Tra Tông Tòa, làm việc cùng với một ủy ban giáo dân quốc gia được ban cấp thẩm quyền độc lập, để tìm kiếm sự thật. Hôm qua, tôi đã triệu tập Ủy ban Thường trực một lần nữa, và Ủy ban tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy.

Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.

Tôi rất tha thiết được có một buổi triều yết với Đức Thánh Cha để nhận được sự hỗ trợ của ngài cho kế hoạch hành động của chúng ta. Kế hoạch đó bao gồm các đề xuất chi tiết hơn để: tìm ra những câu trả lời này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc báo cáo các hành vi lạm dụng và những hành vi sai trái của các giám mục và cải thiện các thủ tục giải quyết khiếu nại chống lại các giám mục. Lấy cảm hứng từ lá thư gần đây của Đức Thánh Cha gởi cho toàn thể dân Chúa, và tự sắc “As a Loving Mother” - “Như một Người Mẹ Từ Ái”- của ngài hai năm trước, tôi tin tưởng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chia sẻ mong muốn của chúng ta muốn có hiệu quả cao hơn và minh bạch hơn trong vấn đề kỷ luật giám mục. Chúng tôi lặp lại tình cảm yêu mến của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha trong những ngày khó khăn này.

Đối với những người bị lạm dụng và những gia đình có người thân yêu bị lạm dụng, tôi xin lỗi. Anh chị em không cô đơn. Từ năm 2002, hàng trăm nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp trên toàn quốc đã làm việc với Giáo Hội để hỗ trợ những người bị lạm dụng và ngăn chặn sự lạm dụng trong tương lai. Trên toàn quốc, Giáo hội có chính sách tuyệt đối không khoan dung đối với các linh mục và phó tế lạm dụng, và những chính sách về đào tạo môi trường an toàn, kiểm tra lý lịch những người làm việc với trẻ em, các điều phối viên hỗ trợ những nạn nhân, và nhanh chóng báo cáo với chính quyền dân sự, cũng như các ủy ban điều tra do giáo dân điều hành ở các giáo phận.

Nói cách khác, chúng tôi đã làm ngã lòng anh chị em. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp những người lớn bị quấy rối tình dục bởi những người ở các vị trí quyền lực, và trong trường hợp của bất kỳ hành vi lạm dụng hoặc quấy rối do một giám mục gây ra. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn. Giáo Hội càng bị vùi dập trong bão tố, tôi càng được nhắc nhớ rằng nền tảng vững chắc của Giáo Hội là Chúa Giêsu Kitô. Những thất bại của con người không thể dập tắt ánh sáng của Tin Mừng. Lạy Chúa, nhờ lòng thương xót của Người, xin chỉ cho chúng con thấy con đường đến ơn cứu rỗi.

Ngày 27 tháng 8, 2018

+ Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo

Tổng Giám Mục Galveston-Houston

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ

3. Đức Tổng Giám Mục Gänswein bác bỏ tin của New York Times nói Đức Bênêđíctô xác nhận cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò là đúng

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đã bác bỏ tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận các cáo buộc của Đức Cha Carlo Viganò cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ là đúng.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chưa hề đưa ra lời bình luận nào về 'bản ghi nhớ' của Đức Tổng Giám Mục Viganò và sẽ không làm như thế đâu”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với tờ Die Tagespost của Đức. Tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận những cáo buộc này là không có cơ sở. “Tin giả thôi!” Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã đề cập đến một báo cáo trên New York Times trích dẫn một thành viên trong kênh tin tức Mỹ “EWTN” thường trú tại Rôma, là Timothy Bush. Theo ông, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã xác nhận những lời cáo buộc được đưa ra trong bản tuyên bố dài 11 trang của Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Viganò tuyên bố rằng cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các quan chức Vatican cao cấp khác đã được thông báo từ năm 2013 về những cáo buộc lạm dụng chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đức Cha Jean-Francois Lantheaume, cựu đệ nhất tham vụ tại toà sứ thần Tòa Thánh ở Washington D.C cũng xác nhận như vậy.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô đã “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình.

4. Lễ nghi tạm biệt Ái Nhĩ Lan

Lúc 18:30, Đức Thánh Cha đã ra Sân bay Quốc tế Dublin để đáp máy bay về lại Rôma kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 24 của ngài bên ngoài lãnh thổ Italia.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ nghi tiễn biệt diễn ra tại phi trường quốc tế Dublin.

Lúc 18:45 Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay trở lại Rôma. Vào lúc 23 giờ ngài đã về đến sân bay quân sự Ciampino của Rôma. Từ đó, ngài dùng trực thăng để về lại Vatican.

5. Cảm tưởng của danh ca Andrea Bocelli khi hát tại cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình ở Dublin

Hôm 25 tháng 8, trong Lễ Hội gặp gỡ quốc tế các gia đình tại sân vận động Croke Park, danh ca Andrea Bocelli đã hát cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cho hàng trăm ngàn gia đình tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vatican News, danh ca khiếm thị này đã nói về tầm quan trọng của đức tin, gia đình và âm nhạc.

Danh ca người Ý có giọng nam cao (tenor) đã từng hát trong cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình vào năm 2015, tại Philadelphia. Lần này anh sẽ hát tại công viên Croke ở Dublin, sử dụng âm nhạc để truyền đạt thông điệp của sự kiện và, như anh nói, là để các gia đình có “một kỷ niệm đẹp mang về nhà”.

Tin tức về sự tham gia của Bocelli tại cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới đã tạo ra rất nhiều phấn khởi trong số những người hâm mộ anh và khiến các nhà tổ chức lạc quan hy vọng. Nhưng chàng nghệ sĩ cũng có một số ý tưởng cá nhân về ý nghĩa của sự kiện này.

“Khi bạn lên trên sân khấu”, Bocelli nói, bạn “cho đi và nhận được rất nhiều”. Khi một nghệ sĩ biểu diễn thành công, “khán giả phản ứng với một tình cảm trìu mến và biết ơn, điều đó thật đáng hài lòng”.

Bocelli nói rằng anh hy vọng trường hợp này sẽ xảy ở Ái Nhĩ Lan, quốc gia anh đặc biệt ưa thích, và là nơi anh có nhiều người hâm mộ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường thách thức các gia đình trở nên một nguồn mạch và một gương sáng về niềm vui cho thế giới. Andrea Bocelli tin rằng âm nhạc và ca hát có thể đóng góp cho gương sáng đó. Trong trường hợp của anh, mục đích của các bài hát, “là để trao ban niềm vui, mang đến một khoảnh khắc nhẹ nhàng trong đó tinh thần có thể bay bổng và suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, về những điều thực sự quan trọng”.

Mối liên hệ rõ ràng nhất giữa đức tin và các ca khúc đã được thánh Augustionô trình bày trong câu nói nổi tiếng của ngài: “Hát là hai lần cầu nguyện”.

6. Hậu quả bi đát của Phúc trình Pennsylvania: linh mục hiền lành thánh thiện bị đánh bất tỉnh trong phòng thánh

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Byzantine đã bị tấn công vào hôm thứ Hai ngay trong phòng thánh sau thánh lễ buổi sáng.

Cha Basil Hutsko đã bị chấn thương ở đầu trong vụ tấn công tại nhà thờ St Michael, ở Merrilville, Indiana. Ngài đang trải qua các cuộc kiểm tra y khoa để xác định mức độ thương tích.

Kẻ tấn công, vẫn chưa bị bắt và chưa thể xác định là ai, đã tấn công cha Hutsko từ phía sau.

Cha Thomas Loya, giám đốc Văn phòng Tôn trọng Cuộc sống của Giáo phận Công Giáo nghi lễ Byzantine Ohio cho biết:

“Kẻ tấn công đã bóp cổ ngài và đập đầu ngài xuống đất khiến ngài bất tỉnh nhân sự. Trước khi bất tỉnh, cha Basil nghe kẻ tấn công nói: ‘Cú này là để trả thù cho tất cả trẻ con!’”

Cha Basil tin rằng hung thủ muốn ám chỉ đến những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đã được nêu trong phúc trình Pennsylvania; và các nơi khác.

“Cha Hutsko, ở độ tuổi 60, là một linh mục thánh thiện không có chút tai tiếng nào.” Cha Loya cho biết như trên khi nói chuyện với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 21 tháng Tám.

Cha Hutsko ở một mình trong nhà thờ sau khi hoàn thành phụng vụ buổi sáng vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Kẻ tấn công chắc hẳn là cao to và khá mạnh, bởi vì cha Hutsko là một người cao lớn và rất khỏe mạnh. Kẻ tấn công đeo găng tay, không để lại dấu vân tay nên việc truy tìm hung thủ rất khó khăn.

Cuối cùng cha Hutsko tỉnh dậy. Ngài cảm thấy hơi lảo đảo và báo cáo sự việc với cảnh sát.

“Cảnh sát đến, nhưng họ vẫn không tìm ra hung thủ.” Cha Loya nói.

“Khi tôi nói chuyện với ngài tối qua, ngài cho biết cảm thấy bất an trong một khu vực mà ngài cảm thấy rất bình an trước đó.”

Cha Loya kết luận rằng: “Cha Hutsko là một nạn nhân ngẫu nhiên vô tội - một mục tiêu ngẫu nhiên. Tất cả các giáo sĩ bây giờ phải cảnh giác. Không hoang tưởng, nhưng cảnh giác.”

7. Giám Mục Anh đề nghị Đức Thánh Cha triệu tập khẩn cấp Thượng Hội Đồng Giám Mục về tội ác lạm dụng tính dục

Đức Cha Philip Egan của Giáo phận Portsmouth, ở miền nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm điêu đứng Giáo Hội.

Bức thư đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. Đức Cha Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.

“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Cha Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”

Đức Cha Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.

Đức Cha Egan đề nghị rằng một Thượng Hội Đồng Giám Mục như vậy có thể được tổ chức sau những “công nghị ở địa phương”, trong đó các Giám Mục tham dự và lắng nghe ý kiến của anh chị em giáo dân. Công nghị ấy được điều hành hoàn toàn bởi các thành viên giáo dân là những người có chuyên môn cụ thể về các vụ lạm dụng tính dục, và những người tham gia vào việc hình thành chính sách bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác.

Kết quả của các cuộc họp này có thể được đưa vào tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma.

Các chủ đề được đề xuất cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận có thể bao gồm “căn tính linh mục [hoặc] giám mục” và đưa ra các hướng dẫn về “lối sống và những hỗ trợ cho việc tuân giữ luật độc thân”, đề xuất ra các “quy tắc sống cho các linh mục [và] các giám mục” và thiết lập “các hình thức giám sát hàng giáo sĩ”

Theo Đức Cha Egan, kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giáo Sĩ có thể được dùng trong việc thay đổi giáo luật và giúp các giáo phận soạn thảo “các quy luật dành cho giáo sĩ”.

Đức Cha Egan phàn nàn rằng trong khi các chủng viện có nhiều cấu trúc và phương tiện hỗ trợ cho việc giám sát và đánh giá các chủng sinh, các giám mục địa phương không có những phương tiện như thế để giám sát hàng giáo sĩ.

“Cần phải tạo ra các cơ hội để giúp các giám mục trong trách nhiệm của họ đối với hàng giáo sĩ và giúp các giáo sĩ nhận ra rằng họ không phải là ‘những người hoạt động độc lập riêng lẻ’ nhưng là các thừa tác viên chịu trách nhiệm tuân theo sự chỉ đạo và lãnh đạo của giáo phận.”

8. Đức Cha Robert Morlino nói: Căn nguyên của các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là thứ văn hóa đồng tính

Lên tiếng về các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gần đây, Đức Cha Robert Morlino Giám mục Madison, Wisconsin, nói rằng Giáo Hội Công Giáo phải tái xác nhận những xác tín của mình để có thể chỉ ra tội lỗi và từ khước tội lỗi. Đồng thời, Giáo Hội cũng phải thừa nhận và nhổ tận gốc một thứ văn hóa đồng tính giữa một số giáo sĩ đã và đang gây ra những tổn hại lớn lao cho Giáo hội.

Đức Cha Robert Morlino cũng kêu gọi người Công Giáo tham gia với ngài trong các hành động phạt tạ vì các hành vi tội lỗi và vô đạo đức về tình dục giữa các phó tế, linh mục và giám mục Công Giáo.

“Trong một thời gian dài chúng ta đã giản lược thực tại tội lỗi - chúng ta đã từ chối gọi tội lỗi là tội lỗi - và chúng ta đã miễn tội cho những lỗi lầm nhân danh một khái niệm sai lầm về lòng thương xót. Trong nỗ lực nhân danh nhu cầu cởi mở hơn với thế giới, chúng ta đã trở nên quá sẵn sàng để từ bỏ Đường, Sự Thật và Sự Sống. Để tránh gây bất bình, chúng ta bán đứng chính chúng ta để nói những lời ngọt ngào và dịu dàng với những người khác” Đức Cha Robert Morlino đã viết như trên trong một bức thư mục vụ được công bố hôm 18 tháng Tám.

Đức Cha Morlino cho biết ngài đau buồn tột độ khi đọc những câu chuyện về lạm dụng tình dục trong báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố hôm 14 tháng 8, và những cáo buộc chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick, là người bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như tấn công tình dục và ép các linh mục, chủng sinh quan hệ tình dục với mình trong nhiều thập niên.

Đức Cha Morlino đặc biệt thẳng thắn trong đánh giá của ngài về nguyên nhân của những tội ác này: “Trong những tình huống cụ thể này, chúng ta đang nói về những hành vi tình dục biến thái – hầu hết là những hành vi tính dục đồng tính - của các giáo sĩ. Chúng ta cũng đang nói về các hành vi dụ dỗ đồng tính và lạm dụng tính dục các chủng sinh và các linh mục trẻ bởi các linh mục, giám mục và Hồng Y đầy quyền thế. Chúng ta đang nói về những hành vi và hành động của một số người, nói ngắn gọn, là những người có chức thánh, không chỉ vi phạm những lời hứa thiêng liêng họ đã tuyên hứa, mà còn chà đạp lên luật luân lý tự nhiên áp dụng cho tất cả mọi người. Nói quanh co che đậy bằng bất cứ điều gì khác sẽ chỉ là lừa dối và làm vấn đề trầm trọng hơn nữa.”

“Đã đến lúc phải thừa nhận rằng có một thứ văn hóa đồng tính luyến ái trong hàng giáo sĩ Giáo Hội Công Giáo đang gây ra những tàn phá lớn lao trong vườn nho của Chúa. Giáo huấn của Giáo hội minh định rõ ràng rằng khuynh hướng đồng tính tự nó không phải là tội lỗi, nhưng tự bản chất đó là một sự rối loạn khiến cho bất kỳ người đàn ông nào bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng này không thể trở thành một linh mục”, ngài nói thêm.

Đức Cha Morlino đã viết thư cho các chủng sinh trong giáo phận của ngài rằng họ nên thông báo ngay cho ngài biết về bất kỳ hành vi lạm dụng tình dục, ép buộc, hoặc những hình thức vô luân mà họ là nạn nhân hay họ chứng kiến trong các chủng viện.

“Tôi sẽ ra tay ngay lập tức và mạnh mẽ. Tôi sẽ không chấp nhận điều này trong giáo phận của tôi hoặc bất cứ nơi nào tôi gửi người đến để được đào tạo”.

Đối với các linh mục của Madison, Đức Cha giải thích kỳ vọng của ngài rằng mỗi người phải “sống trong chức tư tế của mình như một linh mục thánh thiện, một linh mục làm việc chăm chỉ, và một linh mục thuần khiết và hạnh phúc - như chính Chúa Kitô đang kêu gọi anh em làm. Hãy sống một cuộc sống thanh bần và khiết tịnh để anh em hoàn toàn có thể trao ban sự sống của mình cho Chúa Kitô, Giáo Hội và những người mà Ngài đã kêu gọi anh em phục vụ. Chúa sẽ ban cho anh em những ân sủng cần thiết để có thể làm như vậy.”

Đức Cha Morlino cũng viết thư cho anh chị em giáo dân, yêu cầu họ báo cho ngài biết bất kỳ trường hợp lạm dụng tình dục hoặc vô đạo đức nào mà họ có thể biết.

Đức Cha đã kết thúc lá thư của ngài với một lời kêu gọi thánh thiện và cầu nguyện.

“Hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta trong tư cách là một Giáo Hội phải chấm dứt việc chấp nhận tội lỗi và sự dữ. Chúng ta phải loại bỏ tội lỗi khỏi cuộc sống của chính mình và hướng về sự thánh thiện. Chúng ta phải từ chối im lặng khi đối mặt với tội lỗi và tà ác trong gia đình và cộng đồng của chúng ta và chúng ta phải đòi hỏi các mục tử của chúng ta - bao gồm cả chính tôi - rằng bản thân các ngài phải quyết chí ngày này qua ngày khác hướng đến sự thánh thiện. Chúng ta phải luôn làm điều này với sự tôn trọng yêu thương đối với các cá nhân nhưng với một sự hiểu biết rõ ràng rằng tình yêu đích thực không bao giờ có thể tồn tại nếu không có chân lý.”

“Tôi yêu cầu tất cả các bạn tham gia cùng tôi và toàn bộ giáo sĩ của Giáo phận Madison trong việc thực hiện các hành động công khai và cá nhân để phạt tạ Trái tim chí thánh của Chúa Giêsu và trái tim vô nhiễm của Đức Maria vì tất cả tội lỗi tình dục ghê tởm của các thành viên trong hàng giáo sĩ”

9. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhận định về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan của Đức Thánh Cha

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã có cuộc phỏng vấn với Vatican News về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã đề cập đến một số vấn đề chính bao gồm nạn lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Ái Nhĩ Lan và các nơi khác, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội ngày nay và sự đóng góp của các gia đình Kitô trong đời sống của Giáo hội.

Thưa Đức Hồng Y Parolin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Ái Nhĩ Lan để dự Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Chủ đề gia đình ngày càng trở nên là chủ đề tập trung trong triều Giáo hoàng của ngài. Chúng ta có thể mong đợi thêm những gì sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và Tông Huấn Amoris Laetitia?

Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha trước hết sẽ tái khẳng định Tin Mừng của gia đình, đó là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tin Mừng của các gia đình có nghĩa là tập trung và nhấn mạnh vị thế cần thiết của gia đình trong xã hội và trong Giáo Hội đương đại. Và kế đó là hỗ trợ sứ mệnh của gia đình trong thế giới ngày nay, một sứ mệnh yêu thương, chung thủy, giáo dục và tạo ra sự sống mới. Nhưng tôi chắc chắn rằng sự hiện diện tương tự của Đức Thánh Cha sẽ là sự khích lệ cho các gia đình trong nỗ lực đem tình yêu đến thế giới này và thực sự giúp các cá nhân và xã hội đạt tới hạnh phúc mà mọi người đang tìm kiếm.

Thưa Đức Hồng Y, theo ý kiến của ngài, sự đóng góp lớn nhất mà các gia đình Kitô có thể mang đến cho Giáo Hội ngày hôm nay và cho những người không có kinh nghiệm cá vị về đức tin là gì?

Như tôi đã nói trước đây, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải làm chứng cho niềm vui Phúc Âm. Khả năng tiếp cận với người mình thương mến là một khả thể đặc biệt để truyền đạt đâu là những gì mang lại hạnh phúc trong thế giới này - trước một thế giới chúng ta trải nghiệm quá nhiều lần sự cô đơn và cô lập, là một vấn đề lớn ngày hôm nay. Sau đó, gia đình có sứ mệnh và vai trò mang lại cảm thức về tình hiệp thông, tình yêu thương, cảm thức tôn trọng cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp thiết yếu mà các gia đình và đặc biệt là các gia đình Kitô có thể mang đến cho thế giới.

Thưa Đức Hồng Y, các chủ đề tế nhị như di cư, khủng hoảng gia đình và thái độ đối với người đồng tính cũng sẽ được đề cập đến tại Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới ở Dublin. Giáo hội phải nói gì ngày hôm nay với những người không chia sẻ những giá trị và tầm nhìn của mình về thế giới?

Vâng, dĩ nhiên, Giáo Hội phải tiếp tục đề nghị chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình, với niềm tôn trọng, và với tình cảm yêu thương. Giáo Hội phải tiếp tục làm như vậy và đặc biệt là phải đưa ra các gương sáng. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tháp tùng với những người trong những tình huống của họ như Đức Thánh Cha đã nói từ đầu triều giáo hoàng của ngài rằng Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta phải tận dụng cơ hội chăm sóc mọi người, tháp tùng với họ, đặc biệt là bắt đầu lắng nghe họ và thiết lập một cuộc đối thoại với họ.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần đòi hỏi rằng các gia đình phải được hỗ trợ bởi các định chế với các chính sách phù hợp. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu, thưa Đức Hồng Y?

Chuyện này không phải là dễ dàng đâu. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu với chính mình, tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần rằng chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta, từ gia đình của chúng ta. Sau đó, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc chuẩn bị bí tích hôn nhân cho những người trẻ và tháp tùng với các gia đình - đặc biệt là khi họ rơi vào những tình huống căng thẳng và xung đột. Và tất nhiên đây là một dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội đã làm rất, rất nhiều theo nghĩa đó, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm theo hướng này. Tôi nghĩ rằng phần thứ hai là Giáo hội, với tiếng nói tiên tri của mình, cũng phải nhắc nhở các chính khách, những người hoạt động trong chính trường, trong các định chế, rằng họ có nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình và đáp ứng những mong đợi và nhu cầu của họ.

10. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lên tiếng về tội ác lạm dụng tính dục của các giáo sĩ

Tiếp tục cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trả lời câu hỏi sau:

Thưa Đức Hồng Y, Ái Nhĩ Lan đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến tông du cuối cùng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1979. Quốc gia này đã in hằn những câu chuyện khủng khiếp về nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ và những người khác. Đất nước này cũng đã bị sốc bởi báo cáo gần đây tại Pennsylvania. Đức Hồng Y muốn nói gì với người dân Ái Nhĩ Lan về vấn đề này?

Thật khó nói lên lời, bởi vì vụ tai tiếng lạm dụng tình dục này đã thực sự ảnh hưởng, và tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta, đến mọi người và nó có tác động tàn khốc đến cuộc sống và chứng tá mà Giáo Hội trao ra cho thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta nhiều lần, và ngài tiếp tục nhắc chúng ta như thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chăm sóc những người đã bị hại - những nạn nhân của hiện tượng bi thảm này. Tôi nghĩ rằng Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan đã nhìn nhận những thất bại của mình và đồng thời đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn trong tương lai những gì đã từng xảy ra trong quá khứ. Và rồi, trên khuôn khổ này, chú ý đến các nạn nhân, nhìn nhận và ăn năn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và trong nỗ lực để ngăn chặn những điều như vậy có thể tái diễn, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hãy xem cuộc hành trình của Đức Thánh Cha như một hành trình của hy vọng, để giúp Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan và các gia đình nói chung tham gia vào một cuộc hành trình với một niềm hy vọng là chúng ta thực sự có thể thay đổi và chúng ta có thể xây dựng một xã hội trong đó các trẻ em và người dễ bị tổn thương được an toàn, chắc chắn và thực sự Giáo Hội có thể đóng vai trò của mình nếu chúng ta sống theo Tin Mừng.