Ngày 28-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hơn cả gánh nặng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:57 28/08/2020
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A

HƠN CẢ GÁNH NẶNG

Chúa nhật thứ XXII thường niên năm 2020 chỉ cách lễ Thánh Monica có ba ngày. Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Chúa nhật này mời gọi: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16, 24).

Hơn ai hết, cuộc đời Thánh Monica chính là phản ánh trung thực lời mời gọi này. Thánh Monica sáng rực trong việc chấp nhận bỏ mình, không phải ngày một ngày hai, nhưng là một đời làm vợ, làm mẹ của mình. Thánh nhân vác thập giá một cách anh dũng, trung thành để theo Chúa không hề có lúc nào suy giảm hay chao đảo, mất thăng bằng...

Đến tuổi trưởng thành, Monica vâng lời cha mẹ, cam phận làm vợ người đàn ông lớn tuổi, ngoại đạo, nát rượu, vũ phu tên là Patriciô. Cuộc hôn nhân nhiều năm với ông, nếu không có đức tin, đó quả thật là cảnh địa ngục nơi trần thế dành cho bà. Nhiều lúc quá cô đơn, quá đau khổ, bà chỉ biết khóc một mình và tự hỏi: “Tôi đã làm gì nên tội mà phải chịu cảnh đọa đày thế này? ”.

Nhưng rồi Monica chấp nhận và vượt qua trong một sức mạnh thiêng liêng truyệt vời, đó chính là đời sống cầu nguyện. Nhiều lần Mônica thưa với Chúa: “Lạy Chúa, thánh giá này Chúa đã gởi đến cho con, con xin lãnh nhận. Là phận hèn yếu đuối, xin Chúa giúp sức cho con lãnh nhận linh hồn Patriciô để hoán cải ông”.

Bà suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa và lấy đó làm sức mạnh tiếp tục sống, tiếp tục chấp nhận thánh giá. Bà tự nhủ: “Chúa Kitô xưa làm gì nên tội mà chịu đóng đinh vào thập giá? Phải chăng vì lòng thương yêu loài người quá bội nên Người xuống thế liều mình chịu chết chuộc tội cho thiên hạ”.

Cuối cùng hoa quả ngọt ngào Mônica hái lượm sau bao năm tháng nhẫn nhục trong đau khổ và nước mắt, là sự hoán cải và xin theo đạo của ông Patriciô.

Con đường khổ giá của Thánh nữ Monica chưa dừng ở đó. Sau khi chồng chết, bà còn đổ nước mắt nhiều hơn vì đứa con cả Augustino hoang đàng, trụy lạc, theo lạc giáo Manet, chống Hội Thánh Công Giáo.

Bà lặn lội đường xa, xuống tàu bỏ quê hương châu Phi đến La Mã rồi lại Milan của nước Ý, tìm cho được và ra sức khuyên can đứa con vô luân, vô đạo ấy.

Một lần nữa nước mắt khổ lụy của người mẹ đã đánh động tâm hồn Augustino. Anh hồi tâm xin được rửa tội. Sau khi trở thành tín hữu Kitô, Augustino đi tu trở thành linh mục và được tấn phong Giám mục thành Hippon.

Trong quyển “Tự Thuật”, Giám mục Augustinô nhớ lại: “Cho tới ngày tôi rửa tội, nước mắt mẹ tôi đã chảy thành sông để dâng lời cầu nguyện cho tôi…”.

Nhưng cuối cùng, cuộc đời đầy khổ giá của Thánh nữ Monica được đền đáp trong vinh quang. Không những chính bà trở thành vị Thánh lớn trong Hội Thánh, người con lớn của bà, kẻ từng ngụp lặt trong tội lỗi cũng nên thánh.

Hội Thánh Công Giáo mừng lễ Thánh Monica ngày 27.8 hàng năm, thì chỉ một ngày sau, ngày 28.8, Hội Thánh mừng kính Thánh Augustino, hoa quả của lòng trung thành yêu mến Chúa mà thánh nữ Monica đã nêu gương.

Suy ngẫm về cuộc đời và ơn gọi của Thánh nữ Mônica, chúng ta cầu xin thánh nữ dạy chúng ta can đảm sống lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” theo đúng tấm gương mà Thánh nữ để lại.

Vinh quang hay ngọt ngào nào cũng đều có giá để ta phải trả. Giá để mua hạnh phúc chắc chắn không nhỏ chút nào. Nó đòi hy sinh rát buốt; đòi đánh đổi qua những mất mát, những đơn độc, những quặn thắt tâm hồn; đòi nước mắt chan hòa khổ lụy... Đó là sự từ bỏ chính mình.

Từ bỏ mình không dừng lại đó. Nó còn bao hàm cả những ngăn ngừa ta phạm tội như: từ bỏ “cái tôi” cao ngạo, ích kỷ, ương ngạnh, cố chấp. Từ bỏ nếp sống tự do dễ dãi; sự nuông chiều bản thân; sự dễ dàng tha thứ trước những sai sót do bản thân gây nên; sự yêu bản thân thái quá đến nỗi trở thành chướng ngại cản lối ta đặt mình vào tâm tư, hoàn cảnh của người khác, để có thể đón nhận nhau, bổ túc cho nhau trong từng nếp nghĩ, nếp sống...

Chỉ có ai can đảm dám từ bỏ như thế mới có thể vác nổi thập giá và theo Chúa trên con đường thập giá ấy.

Thập giá mỗi ngày của mình là mồ hôi thấm đầy miếng cơm manh áo; là những đau đớn, rệu rã, vật vã thể xác trước mọi đối đầu cùng nghịch cảnh, khổ đau, bế tắc; là những vật lộn, những bon chen hằng ngày vì sự tồn vong của mình, của gia đình mình; là những đau đớn của bệnh tật, hay phải chứng kiến người thân chiến đấu cùng bệnh tật; là những muộn phiền do thiếu đồng cảm lẫn nhau trong gia đình, ngoài xã hội...



Hãy nhớ lời Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong "Đường Hy Vọng”:

-“Tránh gian khổ con đừng mong làm thánh" (câu 702).

- "Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. ‘Ai chưa bỏ mình vác thánh giá’ thì chưa ‘theo Thầy’ được. Đó là điều kiện tiên quyết" (câu 157).

- "Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh giá, ôm choàng Thánh giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ" (câu 694).

Bắt chước thánh monica, bắt chước Đức Hồng Y, chúng ta xin Chúa hãy là nguồn sức mạnh nâng đỡ trong mọi gian lao, thử thách. Hãy trao gánh nặng đời mình vào tay Chúa, xin Chúa cho chúng ta đủ sức gánh lấy thập giá qua từng ngày sống của mình.

Có ơn Chúa đi cùng nghị lực của bản thân, ta sẽ đủ mạnh để đón lấy gánh nặng, thậm chí hơn cả gánh nặng.
 
Thập Giá: Con Đường Chúng Ta Đi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:08 28/08/2020
Chúa Nhật XXII TN A

Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẩm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

“Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Toàn Bích khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc”. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo mở đầu bằng chân lý này và cũng là câu trả lời cho vấn nạn muôn thưở rằng ta sống ở đời này để làm gì. Kitô hữu vốn nằm lòng câu giáo lý của một thời: “Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”. Như thế hạnh phúc đời đời hay sự sống vĩnh phúc chính là mục đích tối hậu của đời người. Khi sinh thời, để trả lời cho một chàng thanh niên đạo hạnh vốn đã giữ các giới răn từ thưở bé, muốn có sự sống đời đời, thì Chúa Giêsu nói rằng hãy về bán tất cả của cải, phân phát cho kẻ khó, rồi đến mà theo Người (x.Mt 19, 16-22). Thế thì ta có thể khẳng định rằng theo Chúa Kitô là cách thế để có hạnh phúc vĩnh cửu. Hay nói ngược lại, muốn có hạnh phúc vĩnh cửu là phải theo Chúa Kitô. Và muốn theo Chúa Kitô là phải vác thập giá mình.

Theo Chúa Kitô là theo Con Đường Sự Thật, Sự Sống, và Tình Yêu. Nguyên chỉ với những thiện hảo chóng qua đời này cũng đòi hỏi phải trả giá. Tomas Edison, ông tổ phát minh bóng đèn điện đã khẳng định một tất yếu của cuộc sống: “một lần thành công là kết quả của chín mươi chín lần thất bại”. Để trung thành với sự thật và công bố sự thật, ngôn sứ Giêrêmia đã phải hứng chịu bao truân chuyên, khốn khó, và có khi, tưởng như sẽ bị mạng vong. Số phận các sứ ngôn khác và những người công chính cũng chẳng hơn gì (x.Mt 23, 29-32). Để làm phát triển sự sống với hoa trái tốt xinh thì trước đó hạt giống phải chịu cảnh thối rửa đi (x.Ga 12, 24). Để thực sự là yêu trong sự phục vụ người mình yêu đến cùng thì tất yếu phải bỏ mình, hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15, 13). Những gì phải trả ở trên, đó chính là thập giá mà Chúa Kitô muốn đề cập.

Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng thập giá không phải là đối tượng mà chúng ta muốn cách trực tiếp. Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.

Lật giở các trang Tin Mừng, chúng ta cần chân nhận sự thật này: Chúa Kitô không bao giờ trực tiếp kiếm tìm thập giá. Điều mà Người luôn kiếm tìm đó là thánh ý Chúa Cha. Ngay phút giây nhập thể vào đời, tác giả thư Do Thái đã cảm nhận tâm ý của Ngôi Lời: “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10, 5). Lễ vật hy sinh thì Chúa Cha không muốn và Chúa Cha cũng chẳng thích gì khi Con mình phải đổ máu. Điều Chúa Cha muốn là Chúa Con nhập thể, tìm cách bày tỏ cho nhân loại thấy tình yêu bao la vô bờ và hoàn toàn nhưng không của Người.

Thập giá chính là đối tượng trực tiếp mà giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ kiếm tìm để đặt trên vai người mà họ cho là “phản động”, xách động quần chúng đi ngược với tập truyền tiên tổ, dám phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất… “Chẳng thà một người chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 11, 50), và bên cạnh đó, vị thế và quyền lợi của những bậc vị vọng như tư tế, biệt phái, luật sĩ cũng khỏi bị lung lay và sứt mẻ.

Thế mà Chúa Kitô vẫn không ngần ngại lên Giêrusalem để đón nhận khổ hình thập giá, không phải vì chính thập giá nhưng là để vâng phục Chúa Cha nhằm tìm cách bày tỏ cho nhân gian thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện và đến cùng. Cho dù các ngươi có đặt thập giá trên vai ta, cho dù các ngươi có đâm thủng trái tim ta, cho dù các ngươi có giết chết ta cách nhục nhã, thì ta vẫn không hề bỏ các ngươi mà còn đứng về phía các ngươi để cầu bàu cho các ngươi (x.Lc 23, 34). Chúa Kitô đón nhận thập giá không phải vì thập giá mà là để mình chứng rằng không có gì có thể ngăn cản được việc Người yêu thương chúng ta (x.Rm 8, 38-39).

Như thế thập giá không phải là đích đến, mà chỉ là một cái giá cần phải trả, một thách đố, một chướng ngại cần vượt qua của hành trình yêu thương. Khi ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Giêrusalem, thực ra Phêrô có ý tốt với Thầy. Thế nhưng, ông đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Tưởng rằng Phêrô bị quở trách nhưng không phải ông mà chính là Satan bị quở trách. Satan lợi dụng ý tốt của Phêrô để cám dỗ Chúa Giêsu. Ma quỷ thật lắm tinh ranh. Chúng sử dụng cả những điều thiện hảo thường tình để cám dỗ ta đứng lại và không đạt đến sự thiện hảo cuối cùng.

Dẫu biết rằng chẳng có một sự thiện hảo nào mà không đòi phải trả giá nghĩa là đòi phải có sự nỗ lực, gắng công, thế nhưng thập giá vẫn mãi còn đó sự thách đố cho người tự nguyện sống đạo yêu thương, cho người can đảm làm chứng cho sự thật, cho người tích cực gìn giữ và làm phát triển sự sống. Nếu cứ chăm chăm dán mắt hay quy lòng vào sự khó khăn đầy nghiệt ngã của thập giá thì e rằng nhiều khi chân ta sẽ chùn bước. Ước gì Kitô hữu chúng ta trên đường theo Chúa Kitô biết ngước nhìn đến chân trời tươi sáng, nơi mà tình yêu, sự thật và sự sống hiển trị, thì sẽ có cơ may vượt qua các trở ngại cần phải vượt qua là thập giá, cho dù khó khăn, vất vả, đau thương vẫn có đó và mãi còn đó. Hiểu được sự thật này thì chúng ta không chỉ biết lắng nghe lời nhận định của Franklin: “Đường đến thành công không hề có bước chân của người ngại khó, sợ khổ”, mà còn cần phải xác tín rằng “đường đến Nước Trời sẽ chẳng hề có bước chân của người e ngại vác thập giá vì không quyết tìm hạnh phúc đích thực cho chính mình và tha nhân”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Con đường Chúa đi
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
09:27 28/08/2020

CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27

Con đường Chúa đi

Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu câu hỏi “Đức Giêsu là ai.” Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về sứ vụ cứu độ hay con đường mà Chúa Kitô phải thực hiện để cứu độ loài người, đó là con đường thập giá, và điều kiện để theo Chúa. Chúng ta lần lượt dừng lại ba điểm chính yếu sau đây từ bài Tin Mừng:

1. Thập giá, một con đường phải đi

Sau khi Phêrô tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô và gọi ông là đá “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết con đường thập giá mà Người phải đi qua: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Đây là mạc khải gây sốc! Đây là những lời nghe rất chói tai và không thể chấp nhận được đối với các môn đệ lúc bấy giờ. Vì thế, Phêrô đã ngăn cản Chúa Giêsu bước vào con đường này. Bởi lẽ, lời tiên báo này hoàn toàn trái ngược với những gì họ hình dung và chờ đợi về Đấng Mêsia. Họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nhưng họ không thể chấp nhận một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và bị giết. Họ hình dung một kiểu Mêsia mang màu sắc chính trị; Người đến trong quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa để giải phóng dân tộc Do Thái thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã; Người sẽ giải quyết những khó khăn và mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng Chúa Giêsu quở trách Phêrô khi nói rằng: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23).

Nếu trước đó, Phêrô được gọi là đá tảng vững chắc để xây dựng Hội Thánh, giờ đây, Phêrô lại trở thành “viên đá gây cớ vấp ngã, ” bởi ông không chấp nhận thập giá và ngăn cản Chúa đi vào con đường khổ nạn. Cũng như Phêrô, chúng ta cũng thường bị cám dỗ hình dung và sáng chế một Thiên Chúa theo quan niệm của riêng mình. Chúng ta muốn một vị Thiên Chúa theo nhu cầu và ước muốn của mình hơn là vị Thiên Chúa được mạc khải bởi Chúa Kitô. Chúng ta muốn theo Chúa Giêsu Kitô nhưng không muốn chấp nhận thập giá của Người.

Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, thập giá là con đường cứu độ, là sứ vụ mà Người phải thực hiện. Chúa Kitô chọn con đường thập giá để cứu độ loài người, vì qua thập giá Người đi tới vinh quang. Thập giá mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa và tình yêu tuyệt vời của Người. Thập giá là sự điên rồ đối với con người, nhưng đã trở thành sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

2. Điều kiện làm môn đệ Chúa

Đức Giêsu đã mở ra một con đường và mời gọi những ai muốn theo Người bước theo: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

Quả thế, đời sống Kitô hữu hệ tại trong việc “theo Thầy” hay “theo sát dấu chân Chúa Giêsu.” Là môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là ở với Người, bước theo Người, và sống như Người. Càng gần với Chúa, càng nên giống Chúa, càng là môn đệ đích thực của Chúa. Để theo Chúa, chúng ta được mời gọi hãy “từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo.” Ở đây chúng ta cần tìm hiểu thành ngữ “từ bỏ chính mình” có nghĩa là gì? Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý nói đến tự tử hay từ bỏ sự sống mình. Người không đòi hỏi phải từ bỏ “điều chúng ta là, ” những gì tốt đẹp nơi chúng ta, nhưng là “điều cản trở chúng ta trở nên.” Chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế, có điều gì đó rất cao quý.

Nói cách khác, chúng ta từ bỏ những khuynh hướng xấu, tội lỗi, tất cả những gì làm cho hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta bị hoen ố, xấu xí và méo mó. Chúng ta từ bỏ chúng và phục hồi vẻ đẹp, sự thánh thiện và tốt lành nơi tâm hồn chúng ta. Bỏ mình cũng có nghĩa là từ bỏ “cái tôi ích kỷ” ngăn cản chúng ta đến với Chúa và tha nhân. Bởi vì, cái tôi ích kỷ là kẻ thù của sự thánh thiện, khi cái tôi trở thành rốn vũ trụ, chúng ta trở nên kiêu ngạo. Nên để theo Chúa, cần phải từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng, cái tôi ích kỷ, từ bỏ tư lợi hẹp hòi, như thế, chúng ta mới dành cho Chúa những không gian cần thiết, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào đường lối của Thiên Chúa, trở thành những môn đệ đích thực của Chúa.

3. “Mất - được, ” một logic biện chứng

Phần cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về một điều mới mẻ, đó là logic “mất - được”:

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25).

Những lời của Chúa Giêsu xem ra đi ngược với trào lưu cuộc sống hiện tại. Thế giới xung quanh chúng ta và cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi não trạng của một nền văn hóa hậu hiện đại. Con người hôm nay chạy theo lợi nhuận, sở hữu vật chất và hưởng thụ thú vui như là mục đích của đời sống. Người ta chủ trương: “Cần phải tận hưởng cuộc sống tối đa, hãy hưởng thụ và hãy làm điều bạn thích.” Sống trong một não trạng như thế, chúng ta cũng bị ảnh hưởng tinh thần thế gian. Chúng ta muốn trốn chạy thập giá và hy sinh. Bởi thế, thánh Phaolô trong bài đọc II nhắc nhở chúng ta:

“Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa; cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).

Trong bối cảnh đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay lại càng có tính thời sự. Chúa thách thức chúng ta với logic “mất - được”: “Ai dám mất mạng sống mình vì Thầy, người ấy sẽ tìm lại được sự sống.” Nghĩa là ai dám hiến mình, trao ban, người đó sẽ tìm lại được một cách sung mãn và phong phú. Đây là quy luật của sự sống, của hạnh phúc và tình yêu. Đây là biện chứng của logic “mất - được.” Sự ích kỷ sẽ làm cho đời sống con người bế tắc, nghèo nàn, như câu chuyện thần thoại Hy Lạp về chàng Narcissus, anh ta chỉ yêu mình, say mê mình, nên kết thúc đời mình bằng cái chết vô tích sự trên bờ hồ. Nhưng chỉ tình yêu hiến dâng và phục vụ tha nhân mới mang lại cho cuộc sống chúng ta sự phong phú và niềm hạnh phúc đích thực.

Trong lịch sử, có biết bao người đã sống theo lý tưởng này, họ đã hiến mình để tìm hạnh phúc cho người khác, họ đã hy sinh chính mình vì người khác, nên họ được nhận lại một cách dồi dào và phong phú hơn ai hết, như các thánh, các nhà truyền giáo, như các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên thế giới. Chẳng hạn như một Mẹ Têrêsa Calcutta, một Phanxicô Xaviê, một Charles de Foucauld, một Maximiliano Kolbe, như các thánh Tử Đạo Việt Nam v.v… Họ là những người đã đi theo con đường của Đức Giêsu khi hiến thân phục vụ tha nhân. Họ đã tìm lại được sự sống một cách viên mãn và phong phú nhất.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng biết bước theo Thầy Chí Thánh và biết từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa, cũng biết hiến mình phục vụ tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Theo Chúa Phải Từ Bỏ Mình, Vác Thập Giá Mình
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
20:47 28/08/2020
Suy niệm Chúa Nhật 22 TN A

(Mt 16, 21 - 27)

Sau lời tuyên xưng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) Simon con ông Giona được khen là người "có phúc" (Mt 16, 16), vì được Chúa Cha, "Đấng ngự trên trời mạc khải cho" (Mt 16, 16-17).

Lời khen kèm theo lời hứa: "Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời". Nhưng liền sau đó ông bị khiển trách nặng nề vì đã bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế : "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (Mt 16, 22-23), lý do vì ông can gián Chúa.

Xem video và nghe bài giảng

Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa qua miệng Isaia đã quả quyết: "Ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi" (Is 55, 8).

Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu, họ thực sự không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời, hay là thần thánh gì hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt với đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.

Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?

Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng Người phải "đi Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều vì các bô lão, các thủ lãnh, các tư tế và các ký lục, bị giết chết và sống lại ngày thứ ba" (Mt 16, 21). Tất cả xem ra bị đảo lộn trong con tim của các môn đệ.

Làm sao "Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới lên tiếng: "Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy" (Mt 16, 22). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận Thánh giá. Vì Thánh giá là biểu tượng cao nhất của tình yêu.

Đúng là: "Trời cao hơn đất (bao nhiêu), cũng vậy, đường lối của Ta vượt hơn đường lối của các ngươi, và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý nghĩ của các ngươi" (Is 55, 9). Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên.

Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha. Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời với Phêrô: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm" (Mt 16, 23).

Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới chỗ thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Người.

Theo Chúa phải từ bỏ

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống" (Mt 16, 24).

Chúng ta tự hỏi: "Từ bỏ" mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.

Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ "điều chúng ta là", nhưng điều "chúng ta đã trở nên". Chúng ta là những hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31).

Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa.

Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là "ảnh dưới đất", ngược với "ảnh trên trời", giống như Chúa Kitô. Do đó "từ bỏ chính chúng ta", là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.

Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền.

Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.

Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không có khả năng nói “không” với chúng ta.

Theo Chúa là chấp nhận thập giá

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đanh. Con đường "đánh mất chính mình", để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường "đánh mất chính mình", là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình". (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính minh, vác thập giá mình và theo Thầy" (Mt 16, 24). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, "đánh mất đi sự sống" là một thất bại.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết như sau: "Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận... chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo" (Chúa nhật IV Mùa Chay, 9/5/1975, AAS 67 (1975) 300-301).

Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: "Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại" (Catechisis Illuminandorum XIII, 1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).

Lạy Chúa, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai
Lm. Minh Anh
23:03 28/08/2020

KHÔNG BAO GIỜ THẤT VỌNG VỀ AI, BỎ MẶC AI

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến Giêrêmia, vị ngôn sứ thời Cựu Ước và Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ thời Tân Ước. Thật tương đồng khi cả hai vị được sai đến với vua dân của mình để nói cho họ điều Thiên Chúa muốn, rằng, như một người cha giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cố chấp của con người. Đấng không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai; Người làm hết sức có thể để đưa tội nhân trở về. Đó cũng là chi tiết chúng ta dừng lại hôm nay.

Thời Giêrêmia, dân chúng tưởng chu toàn lề luật là đủ, họ buông mình làm điều trái mắt Chúa. Người sai Giêrêmia, “Ngươi hãy thắt lưng, chỗi dậy, nói cho họ biết tất cả những gì Ta truyền cho ngươi. Đừng run sợ trước họ”. Giêrêmia nói, rồi đây thành thánh sẽ hoang tàn, dân sẽ lưu đày nếu cứ phản nghịch. Lời ông bị coi là phạm thượng, dân mưu sát ông đến mấy lần; ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Dẫu thế, Giêrêmia vẫn mạnh mẽ đến cùng. Chính Thiên Chúa ban cho ông sức mạnh chỉ vì Người hằng xót thương dân. Các học giả cho biết, Giêrêmia can trường thi hành sứ vụ những sáu mươi năm; quả Chúa không bỏ mặc dân, Người không hề không thất vọng.

Chẳng khá hơn thời Giêrêmia, xã hội thời Gioan cũng ví tựa vũng bùn khi tôn giáo bị lãng quên, phong hoá ra suy đồi, điển hình như việc Hêrôđê lấy vợ anh mình. Giữa trũng bùn tanh hôi đó, Gioan xuất hiện như một đoá sen ngát hương, kêu gọi vua tôi trở về, “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”; “Vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Và hệ luỵ là một cái chết oan khốc của một nhân cách phi thường trong ngày sinh nhật của một ông vua tầm thường; rượu nồng hoà với máu tươi, bánh thơm dọn với thịt người. Tất cả chỉ để thoả dạ một người tình nham hiểm của một vị vua ngông cuồng. Một vị thánh đã chết tức tưởi, vô duyên, khởi từ một điệu múa dáng duyên của một cô bé có duyên, con của một bà mẹ sắc duyên.

Thế mà câu chuyện buồn nhất, thê lương nhất ấy lại hé lộ một niềm vui và niềm hy vọng lớn nhất, rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai; Người làm hết sức có thể để đưa tội nhân trở về. Thánh Marcô viết, “Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe”. Do sự yếu kém luân lý đạo đức, Hêrôđê, người rất muốn gặp Chúa Giêsu, vẫn sống trong tội; thế nhưng, tiếng chuông dóng lên từ Gioan vẫn chạm được lương tâm ông, khiến ông phải phân vân và bối rối; điều đó cho thấy ân sủng của Thiên Chúa đang khuấy động lòng vua; Thánh Thần của Người đang lay chuyển trái tim ông, chỉ cho ông biết tội mình, hầu tìm về con đường sáng. Gioan biết, điều mình nói sẽ dẫn Gioan đến cái chết nhưng Thiên Chúa đã ban sức mạnh để Gioan chiến thắng; lòng thương xót của Thiên Chúa không cho phép Gioan rút lui cũng chỉ vì Người không bỏ mặc tội nhân nhưng ban ân sủng và Thánh Thần để mỗi người có cơ hội trở về.

Vì thế, đừng ai đánh mất hy vọng về chính mình hay về bất cứ một ai xem ra đang hư mất, đang ngấp nghé cửa hoả ngục hay đang ngụp lặn trong tội. Nếu là chính mình, với lòng sám hối, hãy trở về; nếu là người khác, chúng ta tiếp tục yêu thương, cầu nguyện, đợi chờ và nói cho tội nhân biết điều Thiên Chúa muốn. Đó sẽ là một cuộc trở về trọn vẹn Thiên Chúa đang chờ mong, cả triều thần thánh thiên đàng đang chực ùa ra để vỗ tay và reo hò. Thiên Chúa có thể thay lòng đổi dạ những tội nhân khốn cùng nhất vì Người là Đấng xót thương, không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai.

Anh Chị em,

Thật tiếc cho Hêrôđê, chỉ một chút xíu nữa, một chút thiện chí cuối cùng, để ông không đổ máu đấng thánh vô tội và không đánh mất linh hồn mình. Và nếu Thiên Chúa đã sai Gioan đến với một vị vua thời Tân Ước thì hơn 1, 000 năm trước đó, Thiên Chúa cũng đã sai một người đến với một vị vua khác của thời Cựu Ước nhưng câu chuyện kết thúc đẹp đẽ hơn, có hậu hơn với nhiều tình tiết tuyệt vời để chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai. Đó là câu chuyện Nathan đến với vua Đavít. Tội của Đavít còn tầy đình hơn, Đavít đã cướp vợ và giết người trước khi Nathan đến; Hêrôđê chỉ mới cướp vợ nhưng chưa giết người trước khi Gioan đến. Chỉ khác một điều, Đavít có mà Hêrôđê không có, đó là thiện chí cuối cùng; qua Nathan, Đavít kịp nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, vua đã sám hối ăn năn khóc lóc thảm thiết và lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa lại dẫy đầy để thứ tha tất cả. Thiên Chúa không thất vọng về ai, bỏ mặc ai cũng là Đấng trở thành nguồn cảm hứng cho Đavít để thế gian có một kho tàng Thánh Vịnh vô giá của một thánh vương vốn đã từng là một đại tội nhân, đặc biệt với kiệt tác vô thời gian của ngài là Thánh Vịnh 50 mà chúng ta có thể nghêu ngao mỗi khi làm việc đền tội, nếu muốn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Hôm nay ngày thứ bảy, con hướng lòng về Đức Mẹ là “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội”, xin Mẹ giúp con; nhờ ơn Chúa, con sẽ biến tội nên hồng phúc; xin đừng để con tội chồng tội, vì Chúa không bao giờ thất vọng về ai, bỏ mặc ai”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Tổng thống Trump: Obama-Biden vỗ béo Trung Quốc bằng công ăn việc làm của người Mỹ
J.B. Đặng Minh An dịch
05:00 28/08/2020


Tối thứ Năm 27 tháng 8, theo giờ địa phương Washington DC, tại sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã đọc bài diễn văn kéo dài 71 phút chính thức chấp nhận là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.

Sau lời giới thiệu của cô con gái Ivanka Trump, tổng thống nói:


Thưa các bạn, các vị đại biểu và các vị khách quý: Tôi đứng trước các bạn đêm nay rất vinh dự được các bạn ủng hộ; tự hào về những tiến bộ phi thường mà chúng ta đã cùng nhau đạt được trong bốn năm qua; và tràn đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng mà chúng ta sẽ xây dựng cho nước Mỹ trong bốn năm tới!

Khi chúng ta bắt đầu buổi tối hôm nay, suy nghĩ của chúng ta hướng về những con người tuyệt vời vừa trải qua cơn thịnh nộ của cơn bão Laura. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức tiểu bang và địa phương ở Texas, Louisiana, Arkansas và Mississippi, đang làm mọi cách để cứu các mạng sống. Cơn bão thật là dữ dội, nó là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ trong 150 năm qua, dù thế, thương vong và thiệt hại trong 24 giờ qua ít hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra. Điều này là do công sức to lớn của FEMA, các cơ quan thực thi pháp luật và mỗi tiểu bang. Tôi sẽ viếng thăm vào cuối tuần này. Chúng ta là một gia đình quốc gia, và chúng ta sẽ luôn bảo vệ, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.

Ở đây đêm nay là những người đã giúp cuộc hành trình của tôi trở nên khả thi, và lấp đầy cuộc sống của tôi với rất nhiều niềm vui.

Tôi muốn cảm ơn Đệ nhất phu nhân tuyệt vời của chúng ta, vì sự phục vụ đáng kinh ngạc của bà đối với đất nước và trẻ em của chúng ta. Tôi cũng muốn cảm ơn cô con gái tuyệt vời Ivanka của tôi về lời giới thiệu chương trình, và tới tất cả các con và cháu của tôi - tôi yêu họ hơn những lời lẽ có thể diễn tả. Tôi biết em trai tôi Robert hiện đang nhìn chúng ta từ trên trời cao. Em tôi là một người em tuyệt vời và rất tự hào về công việc mà chúng ta đang làm. Chúng ta cũng hãy dành một chút thời gian để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với một người đã luôn bên cạnh chúng ta để chiến đấu và đứng lên vì những giá trị của chúng ta - một người có đức tin sâu sắc và niềm tin kiên định: đó là Phó Tổng thống Mike Pence. Người vợ yêu quý của anh ấy, một giáo viên và là mẹ các quân nhân, Karen Pence, cũng có mặt với Mike.

Hỡi đồng bào Mỹ, tối nay, với tấm lòng biết ơn và lạc quan vô bờ bến, tôi tự hào chấp nhận đề cử này cho chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Đảng Cộng hòa, đảng của Abraham Lincoln, luôn đoàn kết, quyết tâm và sẵn sàng chào đón hàng triệu đảng viên Dân chủ, Độc lập, và bất cứ ai tin tưởng vào SỰ TUYỆT VỜI của nước Mỹ và trái tim chính nghĩa của Nhân dân Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ mới với tư cách là tổng thống, chúng tôi sẽ lại xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử - nhanh chóng trở lại trạng thái có công ăn việc làm đầy đủ, thu nhập tăng vọt và sự thịnh vượng kỷ lục! Chúng ta sẽ BẢO VỆ HOA KỲ chống lại mọi mối đe dọa, và bảo vệ Mỹ trước mọi nguy hiểm. Chúng ta sẽ dẫn dắt HOA KỲ đến những biên giới mới của tham vọng và khám phá, và chúng ta sẽ vươn tới những đỉnh cao mới của thành tựu quốc gia. Chúng ta sẽ thắp lại niềm tin mới vào các giá trị của chúng ta, niềm tự hào mới về lịch sử của chúng ta, và một tinh thần đoàn kết mới CHỈ có thể được thực hiện thông qua tình yêu đối với đất nước của chúng ta. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nước Mỹ KHÔNG phải là một vùng đất bị trùm kín trong bóng tối, trái lại, nước Mỹ là ngọn đuốc soi đường cho toàn thế giới.

Tập trung tại đây, tại Tòa Bạch Ốc xinh đẹp và uy nghiêm của chúng ta - được cả thế giới biết đến với cái tên Nhà Nhân dân - chúng ta không thể không ngạc nhiên trước điều kỳ diệu là Câu chuyện nước Mỹ vĩ đại của chúng ta. Đây là ngôi nhà với những pho tượng lớn hơn người thật như tượng của Teddy Roosevelt và Andrew Jackson, những người đã tập hợp người Mỹ đến những tầm nhìn táo bạo về một tương lai lớn hơn và tươi sáng hơn. Trong những bức tường này có những vị tướng ngoan cường như Tổng thống Grant và Eisenhower, những người đã lãnh đạo binh lính của chúng ta vì mục tiêu tự do. Từ những mảnh đất này, Thomas Jefferson đã gửi Lewis và Clark vào một cuộc thám hiểm táo bạo để băng qua một lục địa hoang dã và chưa được khám phá. Giữa đêm đen của một cuộc Nội chiến đẫm máu, Tổng thống Abraham Lincoln đã nhìn ra những ô cửa sổ này trên Đài tưởng niệm Washington đã hoàn thành một nửa - và cầu xin Chúa, trong sự Quan phòng của Ngài, cứu lấy sự hiệp nhất của chúng ta. Hai tuần sau trận Trân Châu Cảng, Franklin Delano Roosevelt chào đón Winston Churchill, và ngay bên trong tòa nhà này, họ khởi sự đưa người dân của chúng ta vào con đường chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong những tháng gần đây, quốc gia của chúng ta, và toàn bộ hành tinh, đã bị tấn công bởi một kẻ thù vô hình mới và mạnh mẽ. Giống như những người Mỹ dũng cảm trước chúng ta, chúng ta đang gặp thử thách này. Chúng ta đang cung cấp các liệu pháp cứu người, và sẽ sản xuất vắc-xin TRƯỚC cuối năm, hoặc thậm chí có thể sớm hơn! Chúng ta sẽ đánh bại VIRUS, chấm dứt đại dịch và nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều đã hiệp nhất các thế hệ trong quá khứ là niềm tin không thể lay chuyển vào vận mệnh của nước Mỹ, và niềm tin không thể phá vỡ vào Nhân dân Mỹ. Họ biết rằng đất nước của chúng ta được Chúa chúc phúc và có một mục đích đặc biệt trên thế giới này. Chính niềm tin đó đã truyền cảm hứng cho sự hình thành liên bang của chúng ta, sự mở rộng về phía tây của chúng ta, xóa bỏ chế độ nô lệ, thông qua các quyền công dân, chương trình vũ trụ và lật đổ chủ nghĩa phát xít, chuyên chế và chủ nghĩa cộng sản.

Tinh thần Mỹ cao cả này đã chiến thắng mọi thử thách, và nâng chúng ta lên đỉnh cao những nỗ lực của con người.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả sự vĩ đại của chúng ta với tư cách là một quốc gia, mọi thứ chúng ta đạt được hiện đang bị đe dọa. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Chưa từng có thời điểm nào cử tri đứng trước sự lựa chọn rõ ràng hơn giữa hai đảng, hai tầm nhìn, hai triết lý, hay hai chương trình nghị sự.

Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta có CỨU được Giấc mơ Mỹ, hay liệu chúng ta lại cho phép một chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa PHÁ HỦY tương lai mà chúng ta ấp ủ.

Nó sẽ quyết định liệu chúng ta có nhanh chóng tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao hay không, hay liệu chúng ta lại nghiền nát các ngành công nghiệp của mình và gửi hàng triệu công việc này ra nước ngoài, như đã từng làm trong nhiều thập kỷ trước.

Lá phiếu của bạn sẽ quyết định liệu chúng ta có bảo vệ những người Mỹ tuân thủ luật pháp hay chúng ta trao quyền thống trị tự do cho những kẻ bạo lực vô chính phủ, những kẻ kích động và tội phạm đe dọa công dân của chúng ta.

Và cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta sẽ bảo vệ lối sống của người Mỹ, hay chúng ta lại cho phép một phong trào cấp tiến hoàn toàn phá bỏ và phá hủy nó.

Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ, Joe Biden và đảng của ông ta đã nhiều lần công kích Mỹ là vùng đất của sự bất công về chủng tộc, kinh tế và xã hội. Vì vậy, tối nay, tôi hỏi các bạn một câu rất đơn giản: Làm sao Đảng Dân chủ lại có thể đòi lãnh đạo đất nước của chúng ta khi nó dành quá nhiều thời gian để xé nát đất nước này?

Theo quan điểm lạc hậu của cánh tả, họ không coi Mỹ là quốc gia tự do, công bằng và đặc biệt nhất trên trái đất. Thay vào đó, họ thấy đây là một quốc gia gian ác phải bị trừng phạt vì tội lỗi của mình.

Đối thủ của chúng ta nói rằng sự cứu rỗi cho CÁC BẠN chỉ có thể đến từ việc trao quyền lực cho HỌ. Đây là một bài ca nhàm chán được lặp đi lặp lại bởi mọi phong trào đàn áp trong suốt lịch sử loài người.

Nhưng ở đất nước này, chúng ta không tìm đến các chính trị gia chạy theo danh vọng để được cứu rỗi. Ở Mỹ, chúng ta không tìm đến chính phủ để phục hồi linh hồn của mình - chúng ta đặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa toàn năng.

Joe Biden không phải là vị cứu tinh cho linh hồn nước Mỹ - hắn là kẻ hủy diệt công ăn việc làm của nước Mỹ, và nếu có cơ hội, hắn ta sẽ là kẻ hủy diệt Sự Vĩ Đại của Hoa Kỳ.

Trong 47 năm, Joe Biden đã nhận tiền quyên góp của những công nhân, trao cho họ những cái ôm và thậm chí là những nụ hôn, và nói với họ rằng ông ta cảm thấy nỗi đau của họ - và sau đó ông ta trở lại Washington và bỏ phiếu chuyển công việc của họ đến Trung Quốc và nhiều vùng đất xa xôi khác. Joe Biden đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để thực hiện việc triệt phá những giấc mơ của Người Lao Động Mỹ, xuất khẩu công việc của họ, mở cửa biên giới và gửi con trai và con gái của họ đi chiến đấu trong các cuộc chiến viễn chinh bất tận.

Bốn năm trước, tôi ra tranh cử Tổng thống vì tôi không thể nào tiếp tục nhìn thấy sự phản bội đất nước của chúng ta lâu hơn nữa. Tôi không thể ngồi yên khi các chính trị gia chuyên nghiệp để các nước khác lợi dụng chúng ta về mặt thương mại, biên giới, các chính sách đối ngoại và quốc phòng. Các đối tác NATO của chúng ta là một ví dụ, chúng ta đã chịu thiệt thòi, họ đóng góp rất ít trong ngân sách quốc phòng. Nhưng trước sự thúc giục mạnh mẽ của tôi, họ đã đồng ý trả thêm 130 tỷ đô la mỗi năm. Con số này cuối cùng sẽ lên tới 400 tỷ đô la. Tổng thư ký Stoltenberg, người đứng đầu NATO, đã rất ngạc nhiên và nói rằng Tổng thống Trump đã làm điều mà không ai khác có thể làm được.

Kể từ thời điểm tôi bỏ lại cuộc sống cũ phía sau, là một cuộc sống rất tốt đẹp, tôi đã không làm gì khác hơn ngoài chiến đấu cho CÁC BẠN.

Tôi đã làm điều mà giới chính trị của chúng ta không bao giờ mong đợi và không bao giờ có thể tha thứ, khi phá vỡ quy tắc cốt yếu của Chính trị Washington. TÔI ĐÃ GIỮ LỜI CỦA MÌNH.

Cùng nhau, chúng ta đã chấm dứt sự thống trị của giai cấp chính trị thất bại - và họ đang tuyệt vọng lấy lại quyền lực của mình bằng mọi cách cần thiết. Họ giận tôi vì thay vì đặt HỌ LÊN TRƯỚC, tôi lại đặt NƯỚC MỸ LÊN ĐẦU!


Source:New York Times
 
Diễn từ của Tổng thống Trump: Tố láng những phản bội và thảm họa gây ra bởi Obama-Biden
J.B. Đặng Minh An dịch
07:49 28/08/2020


Xem Phần I: Obama-Biden vỗ béo Trung Quốc bằng công ăn việc làm của người Mỹ

Vài ngày sau khi nhậm chức, chúng tôi đã gây chấn động Chính giới Washington và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của chính quyền cũ, là hiệp định đang giết chết công ăn việc làm của chúng ta. Sau đó, tôi đã phê duyệt các Đường Ống Dẫn Dầu Keystone XL và Dakota, chấm dứt Thỏa thuận Khí hậu Paris không công bằng và tốn kém, và lần đầu tiên bảo đảm Độc lập Năng lượng Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thông qua việc cắt giảm các quy định và mức thuế quan kỷ lục, với một tốc độ mà chưa ai từng thấy trước đây. Trong vòng ba năm ngắn ngủi, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Những người trong cuộc ở Washington yêu cầu tôi ĐỪNG đứng lên chống lại Trung Quốc - họ đã cầu xin tôi cứ để Trung Quốc tiếp tục đánh cắp công ăn việc làm của chúng ta, trấn lột chúng ta và tha hồ cướp bóc đất nước của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ lời với Người dân Mỹ. Chúng ta đã thực hiện hành động cứng rắn nhất, táo bạo nhất, mạnh mẽ nhất và ngoan cường nhất chống lại Trung Quốc trong Lịch sử Hoa Kỳ.

Họ nói rằng không thể chấm dứt và thay thế NAFTA - nhưng một lần nữa, họ đã sai. Đầu năm nay, tôi đã kết thúc cơn ác mộng NAFTA và ký thành luật Thỏa thuận Mexico Canada hoàn toàn mới. Giờ đây, các công ty xe hơi và những công ty khác đang xây dựng các nhà máy và xí nghiệp của họ ở Mỹ, chứ không phải là sa thải nhân viên của họ và bỏ rơi chúng ta.

Có lẽ không có lĩnh vực nào mà các nhóm lợi ích đặc biệt ở Washington cố gắng ngăn cản chúng tôi hơn là chính sách nhập cư của tôi vì thiện ích của Hoa Kỳ. Nhưng tôi không chịu lùi bước - và ngày nay biên giới của Hoa Kỳ an toàn hơn BAO GIỜ. Chúng ta đã KẾT THÚC việc bắt và thả, ngăn chặn việc xin tị nạn gian lận, triệt hạ những kẻ buôn người săn phụ nữ và trẻ em, và chúng ta đã trục xuất 20, 000 thành viên các băng đảng và 500, 000 ngoại kiều tội phạm. Chúng ta đã xây dựng 300 dặm Tường Biên Giới - và chúng ta có thêm 10 dặm mới mỗi tuần. Bức tường sẽ sớm được hoàn thiện và nó đang hoạt động ngoài mong đợi của chúng ta.

Chúng ta được tham gia vào buổi tối hôm nay bởi các thành viên của công đoàn Tuần tra Biên giới, đại diện cho các nhân viên biên giới dũng cảm của đất nước chúng ta. Cảm ơn tất cả.

Khi tôi biết rằng Chính quyền Thung lũng Tennessee sa thải hàng trăm Công nhân Mỹ và buộc họ phải đào tạo những người nước ngoài thay thế cho họ với đồng lương thấp hơn, tôi đã ngay lập tức cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và giờ đây, những người Công nhân Mỹ tài năng đó đã được tuyển dụng trở lại và đang trở lại cung cấp điện cho Georgia, Alabama, Tennessee, Kentucky, Mississippi, North Carolina và Virginia. Họ đã quay lại công việc cũ và một số người ở đây với chúng ta tối nay. Xin hãy đứng dậy.

Tháng trước, tôi đã can thiệp vào Big Pharma và ký các sắc lệnh để giảm giá thuốc theo toa của các bạn một cách mạnh mẽ và để cho những bệnh nhân bị bệnh nặng tiếp cận được với các phương pháp chữa bệnh hiệu quả, chúng ta đã thông qua luật lệ được chờ đợi hàng thập kỷ là luật về quyền được yêu cầu thử các phương pháp trị liệu. Chúng ta cũng đã thông qua các luật về Trách nhiệm giải trình và Lựa chọn dành cho các cựu chiến binh

Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, chúng ta đã phê chuẩn hơn 300 thẩm phán liên bang, bao gồm cả hai Thẩm phán Tòa án Tối cao mới tuyệt vời. Để mang lại sự thịnh vượng cho các thành phố bị lãng quên của chúng ta, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để thông qua các cải cách lịch sử về tư pháp hình sự, cải cách nhà tù, các vùng cơ hội, tài trợ dài hạn cho các trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen lịch sử, và, trước khi Virus Trung Quốc xâm nhập, chúng ta đã đạt được một tình trạng thất nghiệp tốt nhất trong lịch sử liên quan đến những người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á. Tôi đã làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ Abraham Lincoln, tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa. Tôi đã làm được nhiều việc hơn trong ba năm cho cộng đồng da đen so với Joe Biden đã làm trong 47 năm — và khi tôi được bầu lại, sẽ còn nhiều điều tốt hơn thế nữa!

Khi tôi nhậm chức, Trung Đông hoàn toàn hỗn loạn. ISIS đang hoành hành, Iran đang trỗi dậy, và cuộc chiến ở Afghanistan chưa có hồi kết. Tôi đã rút khỏi cái thỏa thuận hạt nhân khủng khiếp, một chiều với Iran. Không giống như nhiều tổng thống trước tôi, tôi đã giữ lời hứa, công nhận thủ đô thực sự của Israel và chuyển Đại sứ quán của chúng ta đến Giêrusalem. Nhưng chúng ta không chỉ nói về nó như một địa điểm trong tương lai, chúng ta còn xây dựng nó. Thay vì chi 1 tỷ đô la cho một tòa nhà mới theo kế hoạch, chúng ta đã lấy một tòa nhà hiện có ở một vị trí tốt hơn và khánh thành với chi phí dưới 500, 000 đô la. Chúng ta cũng công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và trong tháng này, chúng ta đã đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông đầu tiên sau 25 năm. Ngoài ra, chúng ta đã xóa sổ 100% cái gọi là nhà nước của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, và tiêu diệt kẻ sáng lập kiêm lãnh đạo của nó là Abu Bakr al-Baghdadi. Sau đó, trong một chiến dịch khác, chúng ta đã tiêu diệt tên khủng bố số một thế giới, Qasem Soleimani.

Không giống như các chính quyền trước đây, tôi đã giữ nước Mỹ bên NGOÀI các cuộc chiến tranh mới - và quân đội của chúng ta đang trở về nhà. Chúng ta đã chi gần 2.5 nghìn tỷ đô la để xây dựng lại hoàn toàn quân đội của mình, vốn đã cạn kiệt rất nhiều khi tôi nhậm chức. Điều này bao gồm ba lần tăng lương riêng biệt cho các chiến binh vĩ đại của chúng ta. Chúng ta cũng ra mắt Lực lượng Không gian, một binh chủng mới đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi Lực lượng Không quân được thành lập cách đây gần 75 năm.

Chúng ta đã dành 4 năm qua để khắc phục thiệt hại mà Joe Biden gây ra trong 47 năm qua.

Hồ sơ của Biden là một danh sách đáng xấu hổ về những phản bội và sai lầm thảm khốc nhất trong cuộc đời chúng ta. Ông ta đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho mặt trái của lịch sử. Biden đã bỏ phiếu cho thảm họa NAFTA, một thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ban hành; ông ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một trong những thảm họa kinh tế lớn nhất mọi thời đại. Sau những thảm họa do Biden gây ra đó, Hoa Kỳ mất một phần tư công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Những công nhân bị sa thải ở Michigan, Ohio, New Hampshire, Pennsylvania, và nhiều tiểu bang khác không muốn những lời nói đồng cảm đầu môi chót lưỡi rỗng tuếch của Joe Biden, họ muốn có việc làm trở lại!

Với tư cách là phó tổng thống, ông ta ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn có thể coi là bản án tử hình đối với ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ; ông ta đã ủng hộ thỏa thuận thương mại Hàn Quốc khủng khiếp, vốn đã lấy đi nhiều việc làm của đất nước chúng ta. Ông ta nhiều lần ủng hộ việc ân xá hàng loạt cho những người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta đã bỏ phiếu cho Chiến tranh Iraq; ông phản đối sứ mệnh tiêu diệt Osama bin Laden; ông ta phản đối việc giết Soleimani; ông ta đánh giá thấp sự trỗi dậy của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và cổ vũ sự trỗi dậy của Trung Quốc như là “một sự phát triển tích cực” đối với Mỹ và thế giới. Đó là lý do tại sao Trung Quốc ủng hộ Joe Biden và rất muốn ông ta giành được chiến thắng.

Trung Quốc sẽ sở hữu đất nước của chúng ta nếu Joe Biden đắc cử. Không giống như Biden, tôi sẽ buộc Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thảm kịch mà họ đã gây ra.


Source:New York Times
 
Diễn từ của Tổng thống Trump: Virus Tầu độc địa và bạo loạn đường phố
J.B. Đặng Minh An dịch
09:36 28/08/2020


Xem Phần I: Obama-Biden vỗ béo Trung Quốc bằng công ăn việc làm của người Mỹ
Xem Phần II: Tố láng những phản bội và thảm họa gây ra bởi Obama-Biden

Vài ngày sau khi nhậm chức, chúng tôi đã gây chấn động Chính giới Washington và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của chính quyền cũ, là hiệp định đang giết chết công ăn việc làm của chúng ta. Sau đó, tôi đã phê duyệt các Đường Ống Dẫn Dầu Keystone XL và Dakota, chấm dứt Thỏa thuận Khí hậu Paris không công bằng và tốn kém, và lần đầu tiên bảo đảm Độc lập Năng lượng Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thông qua việc cắt giảm các quy định và mức thuế quan kỷ lục, với một tốc độ mà chưa ai từng thấy trước đây. Trong vòng ba năm ngắn ngủi, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Những người trong cuộc ở Washington yêu cầu tôi ĐỪNG đứng lên chống lại Trung Quốc - họ đã cầu xin tôi cứ để Trung Quốc tiếp tục đánh cắp công ăn việc làm của chúng ta, trấn lột chúng ta và tha hồ cướp bóc đất nước của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ lời với Người dân Mỹ. Chúng ta đã thực hiện hành động cứng rắn nhất, táo bạo nhất, mạnh mẽ nhất và ngoan cường nhất chống lại Trung Quốc trong Lịch sử Hoa Kỳ.

Họ nói rằng không thể chấm dứt và thay thế NAFTA - nhưng một lần nữa, họ đã sai. Đầu năm nay, tôi đã kết thúc cơn ác mộng NAFTA và ký thành luật Thỏa thuận Mexico Canada hoàn toàn mới. Giờ đây, các công ty xe hơi và những công ty khác đang xây dựng các nhà máy và xí nghiệp của họ ở Mỹ, chứ không phải là sa thải nhân viên của họ và bỏ rơi chúng ta.

Có lẽ không có lĩnh vực nào mà các nhóm lợi ích đặc biệt ở Washington cố gắng ngăn cản chúng tôi hơn là chính sách nhập cư của tôi vì thiện ích của Hoa Kỳ. Nhưng tôi không chịu lùi bước - và ngày nay biên giới của Hoa Kỳ an toàn hơn BAO GIỜ. Chúng ta đã KẾT THÚC việc bắt và thả, ngăn chặn việc xin tị nạn gian lận, triệt hạ những kẻ buôn người săn phụ nữ và trẻ em, và chúng ta đã trục xuất 20, 000 thành viên các băng đảng và 500, 000 ngoại kiều tội phạm. Chúng ta đã xây dựng 300 dặm Tường Biên Giới - và chúng ta có thêm 10 dặm mới mỗi tuần. Bức tường sẽ sớm được hoàn thiện và nó đang hoạt động ngoài mong đợi của chúng ta.

Chúng ta được tham gia vào buổi tối hôm nay bởi các thành viên của công đoàn Tuần tra Biên giới, đại diện cho các nhân viên biên giới dũng cảm của đất nước chúng ta. Cảm ơn tất cả.

Khi tôi biết rằng Chính quyền Thung lũng Tennessee sa thải hàng trăm Công nhân Mỹ và buộc họ phải đào tạo những người nước ngoài thay thế cho họ với đồng lương thấp hơn, tôi đã ngay lập tức cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và giờ đây, những người Công nhân Mỹ tài năng đó đã được tuyển dụng trở lại và đang trở lại cung cấp điện cho Georgia, Alabama, Tennessee, Kentucky, Mississippi, North Carolina và Virginia. Họ đã quay lại công việc cũ và một số người ở đây với chúng ta tối nay. Xin hãy đứng dậy.

Tháng trước, tôi đã can thiệp vào Big Pharma và ký các sắc lệnh để giảm giá thuốc theo toa của các bạn một cách mạnh mẽ và để cho những bệnh nhân bị bệnh nặng tiếp cận được với các phương pháp chữa bệnh hiệu quả, chúng ta đã thông qua luật lệ được chờ đợi hàng thập kỷ là luật về quyền được yêu cầu thử các phương pháp trị liệu. Chúng ta cũng đã thông qua các luật về Trách nhiệm giải trình và Lựa chọn dành cho các cựu chiến binh

Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, chúng ta đã phê chuẩn hơn 300 thẩm phán liên bang, bao gồm cả hai Thẩm phán Tòa án Tối cao mới tuyệt vời. Để mang lại sự thịnh vượng cho các thành phố bị lãng quên của chúng ta, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để thông qua các cải cách lịch sử về tư pháp hình sự, cải cách nhà tù, các vùng cơ hội, tài trợ dài hạn cho các trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen lịch sử, và, trước khi Virus Trung Quốc xâm nhập, chúng ta đã đạt được một tình trạng thất nghiệp tốt nhất trong lịch sử liên quan đến những người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á. Tôi đã làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ Abraham Lincoln, tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa. Tôi đã làm được nhiều việc hơn trong ba năm cho cộng đồng da đen so với Joe Biden đã làm trong 47 năm — và khi tôi được bầu lại, sẽ còn nhiều điều tốt hơn thế nữa!

Khi tôi nhậm chức, Trung Đông hoàn toàn hỗn loạn. ISIS đang hoành hành, Iran đang trỗi dậy, và cuộc chiến ở Afghanistan chưa có hồi kết. Tôi đã rút khỏi cái thỏa thuận hạt nhân khủng khiếp, một chiều với Iran. Không giống như nhiều tổng thống trước tôi, tôi đã giữ lời hứa, công nhận thủ đô thực sự của Israel và chuyển Đại sứ quán của chúng ta đến Giêrusalem. Nhưng chúng ta không chỉ nói về nó như một địa điểm trong tương lai, chúng ta còn xây dựng nó. Thay vì chi 1 tỷ đô la cho một tòa nhà mới theo kế hoạch, chúng ta đã lấy một tòa nhà hiện có ở một vị trí tốt hơn và khánh thành với chi phí dưới 500, 000 đô la. Chúng ta cũng công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và trong tháng này, chúng ta đã đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông đầu tiên sau 25 năm. Ngoài ra, chúng ta đã xóa sổ 100% cái gọi là nhà nước của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, và tiêu diệt kẻ sáng lập kiêm lãnh đạo của nó là Abu Bakr al-Baghdadi. Sau đó, trong một chiến dịch khác, chúng ta đã tiêu diệt tên khủng bố số một thế giới, Qasem Soleimani.

Không giống như các chính quyền trước đây, tôi đã giữ nước Mỹ bên NGOÀI các cuộc chiến tranh mới - và quân đội của chúng ta đang trở về nhà. Chúng ta đã chi gần 2.5 nghìn tỷ đô la để xây dựng lại hoàn toàn quân đội của mình, vốn đã cạn kiệt rất nhiều khi tôi nhậm chức. Điều này bao gồm ba lần tăng lương riêng biệt cho các chiến binh vĩ đại của chúng ta. Chúng ta cũng ra mắt Lực lượng Không gian, một binh chủng mới đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi Lực lượng Không quân được thành lập cách đây gần 75 năm.

Chúng ta đã dành 4 năm qua để khắc phục thiệt hại mà Joe Biden gây ra trong 47 năm qua.

Hồ sơ của Biden là một danh sách đáng xấu hổ về những phản bội và sai lầm thảm khốc nhất trong cuộc đời chúng ta. Ông ta đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho mặt trái của lịch sử. Biden đã bỏ phiếu cho thảm họa NAFTA, một thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ban hành; ông ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một trong những thảm họa kinh tế lớn nhất mọi thời đại. Sau những thảm họa do Biden gây ra đó, Hoa Kỳ mất một phần tư công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Những công nhân bị sa thải ở Michigan, Ohio, New Hampshire, Pennsylvania, và nhiều tiểu bang khác không muốn những lời nói đồng cảm đầu môi chót lưỡi rỗng tuếch của Joe Biden, họ muốn có việc làm trở lại!

Với tư cách là phó tổng thống, ông ta ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn có thể coi là bản án tử hình đối với ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ; ông ta đã ủng hộ thỏa thuận thương mại Hàn Quốc khủng khiếp, vốn đã lấy đi nhiều việc làm của đất nước chúng ta. Ông ta nhiều lần ủng hộ việc ân xá hàng loạt cho những người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta đã bỏ phiếu cho Chiến tranh Iraq; ông phản đối sứ mệnh tiêu diệt Osama bin Laden; ông ta phản đối việc giết Soleimani; ông ta đánh giá thấp sự trỗi dậy của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và cổ vũ sự trỗi dậy của Trung Quốc như là “một sự phát triển tích cực” đối với Mỹ và thế giới. Đó là lý do tại sao Trung Quốc ủng hộ Joe Biden và rất muốn ông ta giành được chiến thắng.

Trung Quốc sẽ sở hữu đất nước của chúng ta nếu Joe Biden đắc cử. Không giống như Biden, tôi sẽ buộc Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thảm kịch mà họ đã gây ra.

Trong những tháng gần đây, quốc gia của chúng ta và phần còn lại của thế giới, đã phải hứng chịu một đại dịch chưa từng thấy trong đời người mà Trung Quốc để cho lây lan trên toàn cầu. Chúng ta rất biết ơn khi được tham gia đêm nay bởi một số y tá đáng khâm phục và những người phản ứng đầu tiên của chúng ta - xin vui lòng đứng lên và nhận lời cảm ơn sâu sắc của chúng tôi. Nhiều người Mỹ đã buồn bã khi mất đi những người bạn và những người thân yêu vì căn bệnh khủng khiếp này. Là một quốc gia, chúng ta thương tiếc, chúng ta đau buồn, và chúng ta giữ trong trái tim mình mãi mãi những ký ức về tất cả những mảnh đời bi thảm đó. Để vinh danh họ, chúng ta hãy đoàn kết. Giữa những ký ức về họ, chúng ta sẽ vượt qua.

Khi Virus Trung Quốc tấn công, chúng ta đã phát động cuộc tổng động viên quốc gia lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II. Viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, chúng ta đã sản xuất một nguồn cung cấp máy thở lớn nhất thế giới. Không một người Mỹ nào cần máy thở lại bị từ chối máy thở. Chúng ta đã vận chuyển hàng trăm triệu khẩu trang, găng tay và áo choàng cho các nhân viên y tế tuyến đầu của mình. Để bảo vệ những người cao niên của đất nước mình, chúng ta đã gấp rút cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm và nhân sự cho các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn. Binh chủng Công binh xây dựng các bệnh viện dã chiến, và binh chủng Hải quân triển khai các tàu bệnh viện lớn của chúng ta.

Chúng ta đã phát triển, ngay từ đầu, hệ thống thử nghiệm lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Mỹ đã thử nghiệm nhiều hơn tất cả các quốc gia Âu Châu cộng lại, và hơn tất cả các quốc gia ở Tây Bán cầu KẾT HỢP lại. Chúng ta đã tiến hành hơn 40 triệu cuộc thử nghiệm so với quốc gia kế tiếp.

Chúng ta đã phát triển một loạt các phương pháp điều trị hiệu quả, bao gồm một phương pháp điều trị mạnh mẽ được gọi là Huyết tương hồi phục sẽ cứu sống hàng ngàn người. Nhờ những tiến bộ mà chúng ta đã đi tiên phong, tỷ lệ tử vong đã giảm 80 phần trăm kể từ tháng Tư.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp của Liên minh Âu châu cao hơn gần ba lần so với chúng ta. Nhìn chung, các quốc gia ở Âu Châu đã có tỷ lệ tử vong vượt hơn 30% so với Hoa Kỳ.

Chúng ta đã ban hành gói cứu trợ tài chính lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhờ Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương của chúng ta, chúng ta đã cứu hoặc hỗ trợ hơn 50 triệu việc làm ở Mỹ. Kết quả là, chúng ta đã thấy sự thu hẹp kinh tế nhỏ nhất so với bất kỳ quốc gia Tây phương lớn nào, và chúng ta đang phục hồi nhanh hơn nhiều. Trong ba tháng qua, chúng ta đã đạt được hơn 9 triệu việc làm, đó là một kỷ lục mới.

Thật không may, ngay từ đầu, các đối thủ của chúng ta đã cho thấy mình không có gì khác ngoài khả năng phản biện. Khi tôi có hành động táo bạo là ban hành lệnh cấm hành khách từ Trung Quốc sang, Joe Biden đã gọi đó là hành động cuồng loạn và bài ngoại. Nếu chúng ta lắng nghe Joe, hàng trăm nghìn người Mỹ nữa sẽ chết.

Thay vì làm theo các hướng dẫn khoa học, Joe Biden muốn gây ra sự đóng cửa đau đớn trên toàn bộ đất nước. Việc đóng cửa của ông ta sẽ gây ra những tổn hại không thể tưởng tượng được và có ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ em, gia đình và công dân của đất nước chúng ta thuộc mọi bối cảnh.

Cái giá phải trả cho việc đóng cửa của Biden sẽ được tính bằng việc gia tăng sử dụng ma túy, trầm cảm, nghiện rượu, tự tử, đau tim, tàn phá kinh tế và hơn thế nữa. Kế hoạch của Joe Biden không phải là giải pháp cho virus, mà là đầu hàng.

Chính quyền của tôi có một cách tiếp cận khác. Để cứu càng nhiều sinh mạng càng tốt, chúng tôi đang tập trung vào khoa học, sự kiện và dữ liệu. Chúng tôi đang tích cực bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất - đặc biệt là người cao niên - đồng thời cho phép những người Mỹ có nguy cơ thấp trở lại nơi làm việc và trường học một cách an toàn.

Quan trọng nhất, chúng ta đang thuyết phục các thiên tài khoa học của Mỹ sản xuất một loại vắc-xin trong THỜI GIAN KỶ LỤC. Trong Chiến dịch Warp Speed, chúng ta có ba loại vắc-xin khác nhau đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ngay bây giờ, trước nhiều năm so với những gì đã đạt được trước đó. Chúng ta đang sản xuất trước, để hàng trăm triệu liều sẽ nhanh chóng có sẵn.

Chúng ta sẽ có một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả trong năm nay, và chúng ta sẽ cùng nhau tiêu diệt vi-rút.

Tại đại hội đảng Dân chủ, các bạn hầu như không nghe thấy một lời nào về chương trình nghị sự của họ. Nhưng đó không phải là vì họ không có. Đó là bởi vì chương trình nghị sự của họ là một bộ những đề xuất cực đoan nhất từng được đưa ra bởi một ứng cử viên của một đảng lớn. Joe Biden tuyên bố ông ta là “đồng minh của Ánh sáng”, nhưng khi nói đến chương trình nghị sự của mình, Biden muốn giữ các bạn hoàn toàn trong bóng tối.

Ông ta đã cam kết tăng thuế 4 nghìn tỷ đô la đối với hầu hết các gia đình Mỹ, điều này sẽ làm sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế đang cải thiện nhanh chóng của chúng ta và một lần nữa đe dọa thị trường chứng khoán. Mặt khác, cũng như tôi đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, tôi sẽ cắt giảm thuế hơn nữa đối với những ông bố, bà mẹ chăm chỉ, chứ không phải là tăng thuế. Chúng ta cũng sẽ cung cấp các khoản tín dụng để mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ - và chúng ta sẽ áp đặt thuế quan đối với bất kỳ công ty nào rời Mỹ để sản xuất ở nước ngoài. Chúng ta sẽ bảo đảm các công ty và công việc của chúng ta ở lại đất nước của chúng ta, như tôi đã và đang làm. Chương trình nghị sự của Joe Biden là Made in China. Chương trình nghị sự của tôi là MADE IN USA.

Biden đã hứa xóa bỏ việc sản xuất dầu, than, đá phiến sét và khí đốt tự nhiên của Mỹ - gây lãng phí cho các nền kinh tế của Pennsylvania, Ohio, Texas, North Dakota, Oklahoma, Colorado và New Mexico. Hàng triệu việc làm sẽ bị mất và giá năng lượng sẽ tăng cao. Chính những chính sách này đã dẫn đến tình trạng mất điện tê liệt ở California chỉ mới tuần trước. Làm thế nào Joe Biden có thể tự nhận mình là “đồng minh của Ánh sáng” khi nhóm của ông ta thậm chí không thể tiếp tục giữ được ánh sáng các ngọn đèn?

Chiến dịch của Joe Biden thậm chí đã xuất bản một nghị quyết về chính sách dài 110 trang đồng tác giả với Thượng nghị sĩ Cánh tả Bernie Sanders. Tuyên ngôn Biden-Bernie kêu gọi đình chỉ TẤT CẢ việc trục xuất những ngoại kiều cư trú bất hợp pháp, thực hiện việc trả tự do cho những người đang bị Bộ di trú giam giữ trên toàn quốc; và cung cấp cho những ngoại kiều bất hợp pháp này các luật sư miễn phí bằng tiền đóng thuế của người dân. Joe Biden gần đây đã giơ tay trên diễn đàn tranh luận và hứa tặng ngân sách chăm sóc sức khỏe của CÁC BẠN cho những người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta cũng hỗ trợ các Thành phố Che chở đang bảo vệ những người cư trú bất hợp pháp phạm tội. Ông ta hứa sẽ chấm dứt các lệnh cấm đi lại vì an ninh quốc gia từ các quốc gia theo chủ nghĩa thánh chiến, và ông cam kết sẽ tăng 700% số người tị nạn. Kế hoạch Biden sẽ loại bỏ biên giới của Hoa Kỳ giữa một đại dịch toàn cầu.

Biden cũng tuyên bố sẽ phản đối việc Lựa chọn Trường học và đóng cửa các trường Bán công, tước bỏ nấc thang cơ hội dành cho trẻ em Da đen và Tây Ban Nha.

Trong học kỳ thứ hai, tôi sẽ MỞ RỘNG các trường bán công và cung cấp LỰA CHỌN TRƯỜNG cho mọi gia đình ở Mỹ. Và chúng ta sẽ luôn đối xử với giáo viên của chúng ta với sự tôn trọng to lớn mà họ đáng có.

Joe Biden tuyên bố rằng ông ta có sự đồng cảm với những người dễ bị tổn thương - tuy nhiên nhóm mà ông ta lãnh đạo ủng hộ việc phá thai trong những thời kỳ chót của thai kỳ đối với những đứa trẻ không có khả năng tự vệ ngay cả cho đến thời điểm SINH RA. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ nói về sự tôn nghiêm đạo đức, nhưng họ không thấy có vấn đề gì với việc làm ngừng nhịp tim đập của một đứa trẻ ở tháng thứ 9 của thai kỳ.

Các chính trị gia đảng Dân chủ từ chối bảo vệ cuộc sống vô tội, và sau đó họ giảng cho chúng ta về đạo đức và ơn cứu rỗi linh hồn nước Mỹ? Đêm nay, chúng ta tự hào tuyên bố rằng tất cả trẻ em, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều có QUYỀN SỐNG ĐƯỢC THIÊN CHÚA BAN CHO.

Trong Hội nghị Đảng Dân chủ, các từ “Dưới quyền của Chúa” đã bị xóa khỏi Lời tuyên thệ - không phải một lần mà là hai lần, bất kể thực tế là, Thiên Chúa chính là xuất xứ của họ.

Nếu phe cánh tả giành được quyền lực, họ sẽ phá hủy các vùng ngoại ô, tịch thu súng của các bạn và bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ xóa bỏ Tu chính án thứ hai của các bạn và các quyền tự do Hiến định khác.

Biden là con ngựa thành Troy cho chủ nghĩa xã hội. Nếu Joe Biden không có đủ sức mạnh để chống lại những người theo chủ nghĩa Marx với đôi mắt ngông cuồng như Bernie Sanders và những người cực đoan theo ông ta, thì làm sao ông ta có thể đứng lên VÌ các bạn?

Khía cạnh nguy hiểm nhất của chương trình nghị sự của Biden là cuộc tấn công vào an toàn công cộng. Tuyên ngôn Biden-Bernie kêu gọi Hủy bỏ tiền bảo lãnh, ngay lập tức thả 400, 000 tội phạm ra đường và vào các khu xóm của các bạn.

Khi được hỏi liệu anh ta có ủng hộ việc cắt giảm tài trợ của cảnh sát hay không, Joe Biden trả lời: “Đúng thế”. Khi nữ Dân biểu Ilhan Omar gọi sở cảnh sát Minneapolis là căn bệnh ung thư “đã thối rữa tận gốc”, Biden đã không rút lại sự ủng hộ đối với cô ta và cũng chẳng bác bỏ luận điểm sai trái này của cô ta – trái lại, ông ta còn tự hào đăng điều đó trên trang web của mình.

Đừng mắc sai lầm, nếu các bạn trao quyền lực cho Joe Biden, cánh tả cực đoan sẽ tiêu diệt các Sở Cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Họ sẽ thông qua luật liên bang để giảm bớt việc thực thi luật pháp trên toàn quốc. Họ sẽ làm cho mọi thành phố trông giống như Portland, Oregon do Đảng Dân chủ điều hành. Không ai được an toàn trên nước Mỹ của Biden.

Chính quyền của tôi sẽ luôn đứng về phía những người nam nữ thực thi pháp luật. Mỗi ngày, các nhân viên cảnh sát đã liều mạng để giữ an toàn cho chúng ta, và hàng năm, rất nhiều người đã hy sinh tính mạng của mình trong khi làm nhiệm vụ.

Một trong những người Mỹ đáng khâm phục này là Thám tử Miosotis Familia. Cô ấy là một phần của đội Anh hùng Mỹ được gọi là NYPD hoặc Tinh hoa của New York. Ba năm trước vào ngày cuối tuần 4 tháng 7, Thám tử Familia đang làm nhiệm vụ trên xe của cô ấy thì cô ấy bị phục kích ngay sau nửa đêm và bị giết bởi một con quái vật ghét cô ấy chỉ vì cô ấy đeo huy hiệu cảnh sát.

Thám tử Familia là một bà mẹ đơn thân - cô ấy đã yêu cầu làm ca đêm để có thể dành nhiều thời gian hơn cho các con của mình. Hai năm trước, tôi đã đứng trước Điện Capitol Hoa Kỳ cùng với những đứa trẻ đó, và nắm tay Bà của chúng khi họ thương tiếc trước sự mất mát khủng khiếp này và chúng ta tôn vinh cuộc sống phi thường của Thám tử Familia.

Ba đứa con của thám tử Familia ở với chúng ta tối nay. Genesis, Peter và Delilah, chúng ta rất biết ơn khi có các con ở đây tối nay. Tôi hứa với các con rằng chúng ta sẽ trân trọng mẹ các con trong ký ức của chúng ta mãi mãi.

Chúng ta phải nhớ rằng phần lớn các viên chức cảnh sát ở đất nước này là cao quý, can đảm và đáng được tôn trọng. Chúng ta phải cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật, là ngành cảnh sát của chúng ta, sự hỗ trợ quyền lực của họ. Họ sợ phải hành động. Họ sợ mất lương hưu. Họ sợ bị mất việc làm và sợ rằng họ không thể làm được việc của mình. Và những người đau khổ nhất chính là những người tuyệt vời mà họ vô cùng muốn bảo vệ.

Khi có hành vi sai trái của cảnh sát, hệ thống tư pháp phải quy trách nhiệm đầy đủ và hoàn toàn cho những người làm sai, và điều đó sẽ xảy ra. Nhưng điều mà chúng ta không bao giờ có thể có ở Mỹ - và không bao giờ được phép - là LUẬT GIANG HỒ. Bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể, Đảng Cộng hòa lên án bạo loạn, cướp bóc, đốt phá và bạo lực mà chúng ta đã thấy ở các thành phố do Đảng Dân chủ điều hành như Kenosha, Minneapolis, Portland, Chicago và New York.

Bạo lực và nguy hiểm đang xảy ra trên đường phố của nhiều thành phố do Đảng Dân chủ điều hành trên khắp nước Mỹ. Vấn đề này có thể dễ dàng được khắc phục nếu họ muốn. Chúng ta luôn phải có luật lệ và trật tự. Tất cả các tội phạm liên bang đang được điều tra, truy tố và trừng phạt ở mức tối đa của pháp luật.

Khi những kẻ vô chính phủ bắt đầu phá hủy các bức tượng và tượng đài của chúng ta, tôi đã ký một lệnh, mười năm tù giam, và tất cả đã dừng lại.

Trong suốt đại hội của họ, Joe Biden và những người ủng hộ ông hoàn toàn im lặng về việc những kẻ bạo loạn và tội phạm đang gieo rắc tình trạng hỗn loạn ở các Thành phố do đảng Dân chủ khởi xướng. Đối mặt với tình trạng vô chính phủ và tình trạng hỗn loạn của cánh tả ở Minneapolis, Chicago và các thành phố khác, chiến dịch của Joe Biden đã không lên án nó nhưng họ GÂY QUỸ cho nó. Ít nhất 13 thành viên trong đội ngũ nhân viên chiến dịch của Joe Biden đã quyên góp vào quỹ cứu trợ nằm đưa những kẻ phá hoại, những kẻ đốt phá, cướp bóc và bạo loạn ra khỏi nhà tù.

Hiện diện ở đêm nay là gia đình đau buồn của Đại úy cảnh sát đã nghỉ hưu David Dorn, một cựu chiến binh 38 năm của Sở Cảnh sát St. Louis. Vào tháng 6, Đại úy Dorn bị bắn chết khi cố gắng bảo vệ một cửa hàng khỏi những kẻ bạo loạn và cướp bóc. Chúng ta rất vinh dự được có sự tham gia tối nay của vợ của anh ấy, cô Ann và các thành viên yêu quý trong gia đình là Brian và Kielen. Với mỗi người trong số các bạn, tôi muốn nói chúng ta sẽ không bao giờ quên di sản anh hùng của Đại úy David Dorn.

Chừng nào tôi còn là Tổng thống, tôi sẽ bảo vệ quyền tuyệt đối của mọi công dân Hoa Kỳ là được sống trong an ninh, nhân phẩm và hòa bình.

Nếu Đảng Dân chủ muốn sát cánh với những kẻ vô chính phủ, những kẻ kích động, bạo loạn, cướp bóc và đốt cờ, điều đó tùy thuộc vào họ, nhưng tôi, với tư cách là Tổng thống của các bạn, sẽ không tham gia. Đảng Cộng hòa sẽ vẫn là tiếng nói của những anh hùng yêu nước, những người giữ cho nước Mỹ được an toàn.

Năm ngoái, hơn 1, 000 người Mỹ gốc Phi đã bị sát hại do tội ác bạo lực chỉ tại bốn thành phố do Đảng Dân chủ điều hành. 10 thành phố nguy hiểm hàng đầu trong cả nước đều do đảng Dân chủ điều hành, và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Thêm hàng nghìn người Mỹ gốc Phi là nạn nhân của tội phạm bạo lực trong các cộng đồng mà Joe Biden này và cánh tả phớt lờ những Nạn nhân Mỹ này. TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀM NHƯ THẾ.

Nếu Cánh tả Cấp tiến nắm quyền, họ sẽ áp dụng các chính sách tai hại của mình đối với mọi thành phố, thị trấn và các vùng ngoại ô ở Mỹ.

Khó tưởng tượng nổi tình thế sẽ ra sao nếu những người được gọi là biểu tình ôn hòa trên đường phố nắm được mọi đòn bẩy quyền lực trong Chính phủ Hoa Kỳ.

Các chính trị gia cấp tiến tuyên bố lo ngại về sức mạnh của các thể chế Mỹ. Nhưng ai, chính xác là ai, đang tấn công họ? Ai đang thuê các giáo sư, thẩm phán và công tố viên cấp tiến? Ai đang cố gắng bãi bỏ việc thực thi các quy luật về nhập cư và thiết lập các quy tắc ngôn luận nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến? Trong mọi trường hợp, các cuộc tấn công vào các thể chế của Mỹ đang được tiến hành bởi cánh tả cực đoan.

Hãy luôn nhớ rằng: họ đang đuổi theo TÔI, bởi vì TÔI đang chiến đấu cho BẠN.

Chúng ta phải giành lại nền độc lập của mình khỏi sự đàn áp của cánh tả. Người Mỹ đang kiệt sức khi cố gắng theo cho kịp danh sách các từ và cụm từ được phê duyệt mới nhất, cũng như các sắc lệnh chính trị ngày càng hạn chế hơn. Nhiều thứ bây giờ có một cái tên khác, và các quy tắc liên tục thay đổi. Mục tiêu của việc hủy bỏ văn hóa là làm cho những người Mỹ tử tế sống trong nỗi sợ hãi bị đuổi việc, trục xuất, xấu hổ, sỉ nhục và bị đuổi khỏi xã hội như chúng ta biết. Cánh tả muốn ép các bạn nói những gì các bạn biết là SAI, và khiến các bạn sợ hãi khi nói những gì các bạn biết là ĐÚNG.

Nhưng vào ngày 3 tháng 11, các bạn có thể gửi cho họ một tin nhắn sấm sét mà họ sẽ không bao giờ quên!


Source:New York Times
 
Diễn từ của Tổng thống Trump: Viễn tượng trong 4 năm tới
J.B. Đặng Minh An dịch
16:19 28/08/2020


Xem Phần I: Obama-Biden vỗ béo Trung Quốc bằng công ăn việc làm của người Mỹ
Xem Phần II: Tố láng những phản bội và thảm họa gây ra bởi Obama-Biden
Xem Phần III: Diễn từ của Tổng thống Trump: Virus Tầu độc địa và bạo loạn đường phố

Joe Biden là người yếu thế. Ông ta nhận lệnh hành quân từ những kẻ đạo đức giả cấp tiến, những người đã xô nhào thành phố của họ trong khi chạy trốn khỏi hiện trường của đống đổ nát. Cũng chính những người theo chủ nghĩa cấp tiến này muốn loại bỏ việc lựa chọn trường học, trong khi họ ghi danh cho con cái mình vào các trường tư thục danh tiếng nhất của cả nước. Họ muốn mở biên giới của chúng ta ra trong khi sống trong những công thự và cộng đồng kín đáo. Họ muốn đánh bại cảnh sát, trong khi họ có những cận vệ vũ trang bảo vệ cho mình.

Tháng 11 này, chúng ta phải lật mặt tầng lớp chính trị thất bại này cho đến mãi mãi. Tôi còn được ở đây, còn họ thì không - là do CÁC BẠN. Chúng ta sẽ cùng nhau viết chương tiếp theo của câu chuyện Hoa Kỳ Vĩ Đại.

Trong vòng bốn năm tới, chúng ta sẽ đưa Mỹ trở thành Siêu cường Sản xuất của Thế giới. Chúng ta sẽ mở rộng các Vùng cơ hội, đưa chuỗi cung ứng y tế về nước và chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi.

Chúng ta sẽ tiếp tục giảm thuế và các quy định ở mức chưa từng thấy trước đây.

Chúng ta sẽ tạo ra 10 triệu việc làm trong 10 tháng tới.

Chúng ta sẽ tuyển dụng NHIỀU cảnh sát hơn, tăng hình phạt đối với những hành vi tấn công cơ quan thực thi pháp luật và tăng cường các công tố viên liên bang tại các cộng đồng có số trường hợp tội phạm cao.

Chúng ta sẽ CẤM các Thành phố Bao Che cho những ngoại kiều cư trú bất hợp pháp, và bảo đảm rằng chăm sóc sức khỏe liên bang được bảo vệ cho Công dân Mỹ - chứ không phải cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Chúng ta sẽ có những đường biên giới vững chắc, tấn công những kẻ khủng bố đang đe dọa người dân của chúng ta, và giữ nước Mỹ KHÔNG xảy ra những cuộc viễn chinh bất tận và tốn kém.

Chúng ta sẽ chỉ định các công tố viên, thẩm phán và chánh án, những người tin tưởng vào việc thực thi LUẬT - chứ không phải vào các chương trình nghị sự chính trị của riêng họ.

Chúng ta sẽ bảo đảm công lý bình đẳng cho các công dân thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng.

Chúng ta sẽ đề cao quyền tự do tôn giáo của các bạn và bảo vệ quyền giữ và mang vũ khí trong Tu chính án thứ hai của các bạn.

Chúng ta sẽ bảo vệ Medicare và An sinh Xã hội.

Chúng ta sẽ luôn, và rất mạnh mẽ, bảo vệ những bệnh nhân có tiền sử bệnh tật, và đó là lời cam kết của toàn thể Đảng Cộng hòa.

Chúng ta sẽ KẾT THÚC việc thanh toán các chi phí y tế bất ngờ, yêu cầu minh bạch giá cả, và giảm hơn nữa chi phí thuốc theo toa và chi phí bảo hiểm y tế.

Chúng ta sẽ mở rộng đáng kể việc phát triển năng lượng, tiếp tục giữ vị trí số một trên thế giới và giữ cho nguồn Năng lượng Mỹ độc lập.

Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua tới 5G, và xây dựng không gian mạng cũng như hệ thống hỏa tiễn phòng thủ tốt nhất thế giới.

Chúng ta sẽ khôi phục hoàn toàn việc giáo dục lòng yêu nước cho các trường học của chúng ta, và luôn bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên các trường đại học.

Chúng ta sẽ khởi động một kỷ nguyên mới trong Tham Vọng Không Gian của Hoa Kỳ. Mỹ sẽ đưa người PHỤ NỮ đầu tiên lên Mặt Trăng - và Hoa Kỳ sẽ là quốc gia đầu tiên cắm cờ của mình trên sao Hỏa.

Đây là chương trình nghị sự thống nhất quốc gia sẽ đưa đất nước chúng ta lại VỚI NHAU.

Vì vậy, tối nay, tôi nói một lần nữa với tất cả người Mỹ: Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta. Chưa bao giờ có sự khác biệt giữa hai đảng, hoặc hai cá nhân, về hệ tư tưởng, triết học hay tầm nhìn như lúc này.

Các đối thủ của chúng ta tin rằng Mỹ là một quốc gia sa đọa.

Chúng ta muốn con trai và con gái của chúng ta biết một sự thật: Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử thế giới!

Đất nước của chúng ta không được xây dựng bằng cách hủy bỏ văn hóa, đưa ra các quy tắc ngôn luận và những áp đặt nghiền nát tâm hồn. Chúng ta KHÔNG phải là một quốc gia của những linh hồn nhút nhát. Chúng ta là một quốc gia của những người Mỹ yêu nước mãnh liệt, tự hào và độc lập.

Chúng ta là một quốc gia của những người hành hương, những người tiên phong, những người dám mạo hiểm, những nhà thám hiểm và những người đi trước, những người không chịu bị trói buộc, kìm hãm hoặc bị kiềm chế. Người Mỹ có chất thép trong xương sống, gan góc trong tâm hồn và lửa nhiệt tình trong trái tim. Không có ai giống như chúng ta trên trái đất.

Tôi muốn mọi trẻ em ở Mỹ biết rằng các bạn là một phần của cuộc phiêu lưu thú vị và đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử nhân loại. Cho dù gia đình các bạn đến từ đâu, xuất thân của các bạn là gì không quan trọng, ở Mỹ, BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ THĂNG TIẾN. Chỉ cần làm việc chăm chỉ, tận tâm và có động lực, các bạn có thể đạt được bất kỳ mục tiêu và khát vọng nào.

Tổ tiên người Mỹ của chúng ta đã đi thuyền qua đại dương đầy hiểm nguy để xây dựng một cuộc sống mới trên một lục địa mới này. Họ đã vượt qua những mùa đông băng giá, vượt qua những con sông hung hãn, băng qua những đỉnh núi đá, băng qua những khu rừng nguy hiểm và làm việc từ bình minh cho đến tối. Những người tiên phong này không có tiền, không có danh tiếng - nhưng họ có nhau. Họ yêu gia đình của họ, họ yêu đất nước của họ, và họ yêu Chúa của họ!

Khi cơ hội vẫy gọi, họ cầm Kinh thánh của mình lên, thu dọn đồ đạc, leo lên những toa xe có mái che và lên đường về phía Tây cho cuộc phiêu lưu tiếp theo. Những người chăn nuôi và thợ mỏ, cao bồi và cảnh sát trưởng, nông dân và những người định cư - họ đã vượt qua Mississippi để chinh phục Wild Frontier.

Những huyền thoại ra đời - Wyatt Earp, Annie Oakley, Davy Crockett và Buffalo Bill.

Người Mỹ đã xây dựng những ngôi nhà tuyệt đẹp của họ trên Open Range. Chẳng bao lâu họ đã có nhà thờ và cộng đồng, sau đó là các thị trấn, và cùng với thời gian, các trung tâm công nghiệp và thương mại lớn. Đó là con người họ. Người Mỹ biết cách xây dựng tương lai, và không xé bỏ quá khứ!

Chúng ta là quốc gia đã chiến thắng trong một cuộc cách mạng, lật đổ chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa phát xít, và đưa hàng triệu người đến với tự do. Chúng ta đã xây dựng các tuyến đường sắt, xây dựng những con tàu vĩ đại, nâng cao các tòa nhà chọc trời, cách mạng hóa ngành công nghiệp và khơi mào cho một kỷ nguyên khám phá khoa học mới. Chúng ta đặt ra các xu hướng về nghệ thuật và âm nhạc, các đài phát thanh và phim ảnh, thể thao và văn học - và chúng ta đã làm tất cả với phong cách, sự tự tin và tinh tế. Bởi vì ĐÓ là con người của chúng ta.

Bất cứ khi nào con đường sống của chúng ta bị đe dọa, các anh hùng của chúng ta đã đáp lại những tiếng gọi.

Từ Yorktown đến Gettysburg, từ Normandy đến Iwo Jima, những người Mỹ Yêu nước đã lao vào các khẩu đại bác, lằn tên mũi đạn và lưỡi lê để giải cứu Tự Do của Hoa Kỳ.

Nhưng nước Mỹ không dừng lại ở đó. Chúng ta nhìn lên bầu trời và tiếp tục tiến về phía trước. Chúng ta xây dựng tên lửa nặng 6 triệu cân, và đưa ra nó hàng ngàn dặm vào không gian. Chúng ta đã làm điều đó để hai người yêu nước dũng cảm có thể đứng cao và chào lá cờ Hoa Kỳ kỳ diệu của chúng ta được cắm trên mặt Mặt trăng.

Đối với Mỹ, không gì là không thể.

Trong bốn năm tới, chúng ta sẽ chứng minh mình xứng đáng với di sản tráng lệ này. Chúng ta sẽ đạt đến những tầm cao mới tuyệt đẹp. Và chúng ta sẽ cho thế giới thấy rằng, đối với nước Mỹ, không có giấc mơ nào nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Cùng nhau, chúng ta không thể bị ngăn cản. Cùng nhau, chúng ta bất khả chiến bại. Bởi vì cùng nhau, chúng ta là CÔNG DÂN đáng tự hào của HOA KỲ. Và vào ngày 3 tháng 11, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ mạnh hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào hơn, và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết! Cảm ơn các bạn, xin Chúa phù hộ cho các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho nước Mỹ - Chúc các bạn ngủ ngon!

Source:New York Times

 
Tổng thống Hàn Quốc hướng đến các Giám mục Công Giáo để giúp chống lại coronavirus
Đặng Tự Do
16:48 28/08/2020


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay còn gọi là Văn Tại Dần, người đang phải đối mặt với áp lực gia tăng đối với một số chính sách của mình, đã tổ chức một bữa tiệc trưa cho các nhà lãnh đạo Công Giáo, và yêu cầu các Đức Giám Mục hợp tác trong việc giải quyết coronavirus COVID-19.

“Chúng ta phải vượt qua coronavirus, và chúng ta sẽ cố gắng hết sức để vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ” tổng thống nói trong cuộc họp, đồng thời cho biết thêm rằng ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo khác trong tương lai gần.

Từng được coi là mô hình mẫu mực trong việc đối phó với đại dịch, Nam Hàn đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm coronavirus dẫn đến việc đình chỉ các cử hành Phụng Vụ công cộng lần thứ hai và thậm chí có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bế tắc.

Tham dự bữa tiệc trưa với tổng thống có Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Yeom Soo-jung, 염수정) Tổng Giám mục Hán Thành; Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hi Tông (Kim Hee-jong) của Giáo phận Quang Châu (Gwangju, 광주시); Đức Tổng Giám Mục Tađêô Triệu Hoán Cơ (Cho Hwan-kil) của Đại Khâu (Deagu, 대구시); Đức Giám Mục Phêrô Lý Cơ Hiến (Lee Ki-heon) của Nghị Chính (Uijeongbu, 의정부시); Đức Giám Mục Gioan Kim Khẩu Quyền Hiếu Châu (Kwon Hyok-ju) của An Đông (Andong, 안동시); và Đức Giám Mục Lagiarô Nhĩ Hương Thực (You Heung-sik) của Đại Điền (Daejeon, 대전광역시).

Theo văn phòng tổng thống, trong cuộc họp, tổng thống Văn Tại Dần đã ca ngợi Giáo Hội Công Giáo vì hành động nhanh chóng trong việc tuân theo các hạn chế kiểm dịch của chính phủ trong đợt COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc vào tháng Hai.

Khi quốc gia tìm cách ngăn chặn đợt bùng phát hàng loạt thứ hai, tổng thống Văn, một người Công Giáo, đã yêu cầu Giáo hội trở thành “gương mẫu” trong việc kiềm chế lây lan, và nhấn mạnh rằng nếu các biện pháp ngăn ngừa hiện tại không thành công, ông sẽ buộc phải gia tăng mức độ cách ly xã hội, gây “thiệt hại kinh tế khôn lường”.

Tổng thống Văn: “Con xin quý Đức Cha quan tâm đến tâm hồn mọi người, đang bị đánh gục bởi đại dịch coronavirus kéo dài và truyền cho họ lòng can đảm và khả năng lãnh đạo cần thiết để đoàn kết mọi người vượt qua thử thách này”.

Đáp lời tổng thống Văn, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành cam kết sự hỗ trợ và hợp tác của Giáo hội, và nói: “Chúng tôi sẽ ở bên cạnh tổng thống và khuyên mọi người trung thành thực hiện phần việc của họ ở vị trí của họ.”

Trong cuộc gặp gỡ với các Giám mục Công Giáo, tổng thống Văn nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ “làm hết sức mình” để ngăn chặn sự bùng phát mới và nhanh chóng “giảm thiểu các thiệt hại kinh tế.”

“Coronavirus đã khiến mọi người quá khó khăn và mệt mỏi, ” ông nói và cho biết thêm rằng ông dự định tham dự sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Thái Kiến (Kim Taegon, 김대건) linh mục đầu tiên của Hàn Quốc, đã tử đạo vào năm 1846.

Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông ban phép lành kết thúc cuộc họp và cầu nguyện xin Chúa ban cho tổng thống Văn “ơn khôn ngoan của Solomon” để vượt qua coronavirus và bảo đảm “an ninh quốc gia.”


Source:Crux
 
Hội dòng Truyền giáo Columbans quảng bá Lễ hội sáng tạo qua loạt tài liệu trực tuyến
Thanh Quảng sdb
19:26 28/08/2020
Hội dòng Truyền giáo Columbans quảng bá Lễ hội sáng tạo qua loạt tài liệu trực tuyến

Các tài liệu trực tuyến của Hội dòng Columbans nhằm khám phá ra sự đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan đến giáo huấn xã hội Công Giáo trong những bối cảnh khác nhau nơi mà các tu sĩ truyền giáo Columbans đang hoạt động.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Hội dòng Truyền giáo Columbans, đánh dấu một Lễ hội sáng tạo mới bằng một loạt tài liệu trực tuyến về vẻ đẹp đa dạng sinh học và những mối đe dọa mà nó phải đối diện.

Lễ hội Sáng tạo là lễ hội hàng năm mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện và hành động trong Giáo hội trên toàn thế giới để bảo vệ sự sáng tạo của Chúa, ngôi nhà chung của chúng ta. Mùa lễ hội Sáng tạo được bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, với Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự sáng tạo, và kéo dài tới ngày 4 tháng 10, Lễ Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh quan thầy của thiên nhiên, người được các tín hữu của nhiều tôn giáo kính mến.

Chuỗi tài liệu trực tuyến về “Năm thánh Trái đất” (Jubilee for the Earth)

Các nhà truyền giáo Columbans đang quảng bá một loạt phim mang tên “Năm thánh Trái đất – nói lên nét đa dạng sinh học và câu chuyện thiêng liêng của chúng ta”. Bộ phim tài liệu dài sáu tập, mỗi tập khoảng 15 phút, dự kiến sẽ được phát hành vào thứ Hai, ngày 31 tháng 8, trước Lễ hội sáng tạo.

Bộ phim tài liệu này được văn phòng Công lý và Hòa bình (JPIC) của Hội dòng Columbans ở Washington và các tu sĩ Columbans làm việc ở nhiều lãnh vực khác nhau trên thế giới như ở Ireland, Mỹ, Anh, Phi, Hồng Kông, Hàn Quốc và Myanmar đóng góp.

Học thuyết xã hội của Giáo hội

"Dựa trên nền tảng của Giáo huấn Xã hội Công Giáo và kinh nghiệm của các tu sĩ Columbans, sáu tập tài liệu về 'Năm thánh Trái đất' sẽ khám phá ra cách chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và dòng giống anh chị em của chúng ta là là những người có đức tin và là công dân của hành tinh này" Các cha thầy dòng Columbans giải thích như trên trong trang web của Hội dòng.

Các tài liệu trực tuyến nhằm khám phá những nét sinh học đa dạng và các vấn đề liên quan đến công bằng kinh tế, đối thoại liên tôn giáo, di cư, hòa bình và phi quân sự hóa. Sự bảo toàn công trình sáng tạo là một phần trong chương trình dấn thân của các tu sĩ Columbans như Đấng sáng lập Tu hội Columbans đã nói: “Nếu bạn muốn biết Đấng Tạo hóa, thì hãy nhìn vào các công trình sáng tạo của Ngài”.

Trong loạt tài liệu trực tuyến các cha thầy Columbans giải thích rằng: “Giờ đây hơn bao giờ hết, chúng tôi biết rằng con người cần thiết phải hàn gắn lại mối quan hệ đã bị rạn nứt giữa chúng ta với các thụ tạo do Chúa sáng tạo”.

Một số các linh mục Columbans, truyền giáo góp mặt trong các tài liệu trực tuyến gồm có: Cha Brian Vale (Úc và New Zealand), Cha Dan Troy (Trung Quốc), John Din (Phi) và Ellen Teague (Anh) kêu gọi thực hành Tông huấn Laudato Si.

Cuộc khủng hoảng sinh thái ở Pakistan

Cha Liam O'Callaghan, làm việc tại Giáo phận Hyderabad ở Pakistan, chia sẻ suy tư của mình trong tập 3 của bộ phim về cuộc khủng hoảng sinh thái ở Pakistan. Là Điều phối viên Văn phòng Công lý và Hòa bình quốc gia (JPIC), ngài cho biết những cố gắng “làm nổi bật sự đa dạng và đối thoại giữa các tôn giáo trong bối cảnh của Hồi giáo.”

Cha Liam O’Callaghan, nhà truyền giáo người Ireland nói với Thông tấn xã UCA rằng: “Bốn mươi phần trăm các loài sinh vật biển đã biến mất khỏi vùng biển bị ô nhiễm ở Karachi do chất thải và nước thải công nghiệp chưa được xử lý đổ ra biển.”

Cha O’Callaghan cho biết đây là sứ mệnh và nhiệm vụ mà Giáo hội phải tham gia, vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo. Cha cho hay chính phủ đã đưa ra các kế hoạch lớn để làm sạch môi trường nhưng dường như không được thực thi! "Chỉ có những nỗ lực chung mới có thể cứu được hệ sinh thái này."

Cha O'Callaghan đã gửi các tài liệu trực tuyến đến cho 15 giáo xứ ở Hyderabad và đã chia sẻ trên các trang Facebook của Ủy ban Công lý Hòa bình và Đối thoại giữa các tôn giáo (JPIC). Cha cho biết đã có hơn 1.500 người đăng ký.

Với sự giúp đỡ của các tu sĩ Columbans khác, Cha O'Callaghan cho hay, vào năm 2015, nhóm đã dịch Tông huấn “Laudato Si” sang tiếng Urdu. Cha cũng dọn một bản tóm tắt của tài liệu cho các trường học, giáo xứ và các nhóm cộng đồng.

Các tu sĩ Columbans

Hội dòng Truyền giáo Thánh Columban được thành lập vào năm 1917 tại Ireland do hai linh mục Edward Galvin và John Blowick. Tu Hội được gọi theo tên của nhà truyền giáo người Ailen đầu tiên của châu Âu, Thánh Columbanus hay Columban, người đã qua đời vào năm 615.

Ngày nay, Hội dòng Columbans đang hoạt động ở 15 quốc gia trên thế giới.
 
Tuyên bố của Đức Hồng Y Seán P. O’Malley về tình hình nghiêm trọng liên quan đến một linh mục phò Joe Biden
Đặng Tự Do
23:47 28/08/2020
Ngày 23 tháng 8, trên trang Facebook của mình, Đức Ông Paul Garrity, phụ trách Lexington Catholic Community, viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng

“I am pro-life and I believe in a woman’s right to choose. I will vote for Joe Biden for president because I believe that Joe Biden is pro-life like me. I believe that any woman who becomes pregnant should have the right to choose to give birth to her baby, ” nghĩa là “Tôi là người ủng hộ cuộc sống và tôi tin vào quyền lựa chọn của phụ nữ. Tôi sẽ bầu cho Joe Biden làm tổng thống vì tôi tin rằng Joe Biden cũng ủng hộ cuộc sống như tôi. Tôi tin rằng bất kỳ người phụ nữ nào khi mang thai đều có quyền lựa chọn sinh con cho mình.”

Đức Ông Paul Garrity cũng đã liệt kê các nhu cầu khác nhau về thể chất, tình cảm và xã hội của các bà mẹ và nhận định rằng họ cần được “hỗ trợ toàn diện” trong quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dạy con cái. Nếu những nhu cầu khác nhau ấy không thể được đáp ứng, họ có quyền lựa chọn sinh con hay không.

Ý kiến của Đức Ông Paul Garrity đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên các mạng xã hội vì ý kiến của ngài công khai đối kháng với giáo huấn của Giáo Hội về tội ác phá thai. Riêng tại địa phương, các nhóm giáo dân tại cộng đoàn Lexington Catholic nói rằng họ không muốn thấy ngài hiện diện trong giáo xứ của họ nữa, và các cuộc biểu tình phản đối được dự trù diễn ra vào cuối tuần này.

Trước các phản ứng dữ dội, Đức Ông Paul Garrity đã gỡ bỏ khỏi Facebook của ngài. Nhưng e rằng đã quá trễ.

Một thỉnh cầu của các nhóm trong giáo xứ đã được gởi cho Đức Hồng Y Seán P. O’Malley, Tổng Giám Mục Boston, yêu cầu ngài đưa Đức Ông đi chỗ khác. Trong khi phân định một giải pháp thích hợp, Đức Hồng Y đã ra một tuyên bố.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cộng đồng Công Giáo có quyền mong đợi các linh mục của Tổng giáo phận và những người được giao phó truyền lại đức tin phải rõ ràng và dứt khoát về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến việc tôn trọng và bảo vệ sự sống từ giây phút thụ thai đầu tiên cho đến khi chết tự nhiên. Giáo huấn này là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội.

Liên quan đến các tuyên bố của các giáo sĩ, các tu sĩ và anh chị em giáo dân làm mục vụ hoặc phục vụ trong Tổng giáo phận Boston, theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, với tư cách là đại diện của Tổng giáo phận, họ không được tán thành hoặc phản đối các ứng cử viên tranh cử hoặc các đảng phái chính trị. Chỉ thị này cũng áp dụng cho các giáo xứ và các tổ chức có liên hệ trực tiếp với Tổng giáo phận.

Vai trò giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo là nhằm mang các nguyên tắc tôn giáo và luân lý vào cuộc sống của xã hội, cộng đồng thịnh vượng chung và quốc gia của chúng ta. Chủ trương của chúng ta nhắm đến việc bảo vệ cuộc sống con người ở mọi giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh, bao gồm các vấn đề về bình đẳng xã hội và kinh tế, ảnh hưởng lan rộng của phân biệt chủng tộc có hệ thống và chào đón người nhập cư và người tị nạn.

Người Công Giáo được khuyến khích đóng một vai trò tích cực trong đời sống công cộng của chúng ta và thực hiện nghĩa vụ cơ bản của một nền dân chủ, đó là bầu cử. Chúng ta được kêu gọi mang ánh sáng của đức tin và lý trí vào các trách nhiệm công dân của chúng ta khi chúng ta cố gắng xây dựng một nền văn minh của tình yêu.


Source:The Boston Pilot
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhu cầu cần có nước
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:11 28/08/2020
Thời tiết mùa Hè như những ngày trung tuần tháng Tám 2020 vừa qua ở u Châu, nhiệt độ vượt mức 30 độ C lên gần tới mức 40 độ C, gây ra sức nóng bức qúa mức làm khô hạn, héo tàn chết cỏ cây, cùng gây ra vấn đề đe dọa làm suy yếu sức khoẻ cho người và cho thú vật. Vì thiếu không có đủ nước.

Trong hoàn cảnh đó hơn lúc nào hết nước là nhu cầu rất cần thiết cho sự sống được phát triển tốn tại trong thiên nhiên.

Cây cỏ ruộng đồng, thú vật và con người cần có nhu cầu căn bản cần nước hàng ngày. Từ sáng sớm đến chiều tối đi ngủ, con người luôn cần nước cho đời sống. Nên nước luôn là vấn đề thời sự sống còn cho các nơi trên thế giới, như những đất nước khô hạn, sa mạc bên vùng bên Trung Đông, bên Phi châu…

Nước là vật thể trong suốt không có hình hài, trôi chảy xuyên suốt qua mọi ngóc nghách, trườn vượt mọi bức rào cản chắn lối, cùng không có thể nắm giữ giọt nước, dòng nước lại được. Nhưng nước lại là chất dinh dưỡng cho sự sống được phát triển tồn tại về mặt thể lý cho mọi sinh vật trong thiên nhiên. Và nước cũng là hình ảnh biểu tượng thiêng liêng cho đời sống tinh thần đạo đức.

Thánh Phanxicô thành Assisi không phải là nhà nghiên cứu khoa học thiên nhiên cũng không là nhà thần học, nhưng qua thực tế đời sống đã có tâm tình suy tư về hình ảnh thiêng liêng của nước:

„ Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Nước, thật ích lợi và khiêm nhường, quí hóa và trinh trong.“ ( Bài ca mặt trời)

Khát nước là nhu cầu căn bản của sự sống thân thể con người. Thánh tiên tri Isaia nói đến nhu cầu khát nước trong ý nghĩa hình ảnh biểu tượng sự khao khát ( nước) về sự sống, về Thiên Chúa, về nguồn nước tâm linh.

„ĐỨC CHÚA sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi,

giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng;

xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.

Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm

như mạch suối không cạn nước bao giờ.“ (Isaia 58.11)

Nước là yếu tố căn bản trong Bí tích Rửa tội. Nước được tưới gội trên đỉnh đầu em bé nhận lãnh Bí tích rửa tội.

Nơi cửa ra vào thánh đường có bình nước Thánh nhắc nhớ đến làn nước Bí tích rửa tội ngày xưa đã lãnh nhận là hình ảnh dấu chỉ sự sống mới trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lần hiện ra ngày 25.03.1858 Đức Mẹ Maria đã nói với Bernadette : „Con hãy uống nước này và lấy nước đó mà rửa mặt“. Lời này cũng là lời mời gọi cho mỗi người khi đến hành hương nơi dòng nước Đức Mẹ Lộ Đức. Vì thế, xưa nay ai đến đây cũng đều lấy nước suối Đức Mẹ Lộ Đức rửa mặt, uống, cùng lấy mang về, hay vào hồ dành riêng để tắm.

Cách đây 87 năm ( 1933-2020) Đức Mẹ Maria đã hiện ra với cô Mariette Beco tám lần từ tháng Một đến tháng Ba 1933 ở Banneux nước Belgium. Đức Mẹ đi đàng trước, nhưng quay mặt về phía Mariette Beco và đoàn người đi theo, dẫn tới dòng suối nước nhỏ bên vệ đường trong rừng Banneux và bảo:“ Con hãy nhúng tay vào dòng suối nước này dành cho mọi dân tộc!”

Dòng suối nước Banneux từ ngày đó trở thành dòng suối nước linh thiêng. Ngày nay đi hành hương đến kính viếng Đức Mẹ Banneux, ai cũng đều ra đó nhúng tay vào chậu bể nước chảy và đọc kinh cầu nguyện. Hay có những còn người hứng nước ở các vòi nước chảy ra từ dòng suối đem về nhà dùng uống hay rửa mặt…

Nước mang lại sự tươi mát thịnh vượng cho các sinh vật. Nước chảy tới đâu mang lại sự đổi mới, cùng sức khoẻ phấn khởi, như khi chúng ta tắm dưới vòi nước, bơi lội trong dòng sông.

Mỗi hớp nước uống nhắc nhớ đến sự sống là món qùa tặng tròn đầy của Thiên Chúa ban cho.

Hình ảnh đôi bàn tay với những giọt nước tràn đầy vốc xoa lên rửa mặt mũi cho sạch mát nhắc nhớ song song đến sự tẩy rửa tâm hồn tinh thần cho nên thanh sạch.

Từ đầu năm nay bệnh đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm khắp nơi trên thế giới. Để khử trừ ngăn cản đề phòng không cho vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm, một phương pháp vệ sinh cần thiết cấp bách lúc này là nhiều lần trong ngày phải rửa tay bằng nước cho sạch sẽ gìn giữ sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần..

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
HĐGM Hoa Kỳ bày tỏ sự hài lòng đối với chính quyền Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:42 28/08/2020


1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự hài lòng đối với chính quyền Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới

Như chúng tôi đã đưa tin, hôm thứ Năm 20 tháng 8, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc gắn viện trợ của Hoa Kỳ với chính sách hỗ trợ sự sống.

Chỉ vài ngày sau đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB lại có một bản tuyên bố khác bày tỏ sự hài lòng đối với chính quyền Trump trong nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới.

Đức Cha David J. Malloy, Giám Mục Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc tế và Hòa bình của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau trước việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Hội Đồng Giám Mục rất vui trước việc chính quyền Hoa Kỳ giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và còn vui hơn nữa khi lưu ý rằng theo một phần của thỏa thuận này, Nhà nước Israel tuyên bố sẽ đình chỉ nỗ lực sáp nhập lãnh thổ tranh chấp. Điều này thật đáng mừng vì các cuộc đối thoại giữa Israel với chính quyền Palestine trước đó đã không đi đến đâu.

Các Giám Mục Công Giáo của Hoa Kỳ từ lâu đã cho rằng cả về mặt đạo đức và là cơ sở cho hòa bình lâu dài, hai bên phải thương lượng trực tiếp và đi đến một thỏa hiệp công bằng, tôn trọng nguyện vọng và nhu cầu của cả hai dân tộc. Với tư cách là các giám mục Công Giáo, chúng tôi tham gia vào khát vọng này và biết rằng còn nhiều việc phải làm trong việc theo đuổi hòa bình ở khu vực này.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong chuyến thăm lịch sử tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2019: “Đối thoại, hiểu biết và quảng bá rộng rãi văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường là những vấn đề đang đè nặng lên một phần lớn nhân loại…”

Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ đóng góp vào hòa bình theo chiều hướng đó.


Source:USCCB

2. Barack Obama có xứng đáng nhận giải Nobel không?

Sau khi hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được ký kết, nhiều người cho rằng nếu như năm 2009 giải Nobel hòa bình được trao cho Obama thì người xứng đáng nhận giải này năm nay là Tổng thống Donald Trump. Ông xứng đáng nhận giải thưởng đó hơn Obama cả ngàn lần.

Barack Obama đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009. Khi nhận giải thưởng này, ông nhìn nhận rằng ông nhận không phải như một phần thưởng cho những thành tích của mình mà như một “lời kêu gọi hành động”.

Những tranh cãi chung quanh giải Nobel không phải là điều mới lạ; như tờ New York Times viết: “Giải Nobel bắt đầu chọn người chiến thắng vào năm 1901, và gần như lâu nay, một số lựa chọn của nó đã bị coi là bị chính trị hóa, phe phái hẹp hòi hoặc đơn thuần chỉ là các sai lầm.” Vụ trao giải Nobel hòa bình cho Lê Đức Thọ vào năm 1973 đến nay vẫn là một vết nhơ của giải thưởng này.

Một trong những tranh cãi nổi tiếng nhất của nó là khi Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2009. Học giả truyền thông Robert Terrill viết: “Chính quyền Obama đã bị rơi vào tình thế khó xử khi phải cố gắng hạ thấp một trong những giải thưởng cao quý nhất hành tinh…” Ông Barrack Obama tự nhận là không có thành tích nào đáng để được trao giải thưởng này. Cử mừng rình rang thì rất là kỳ vì thế, phát ngôn viên báo chí của Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ là Lynn Sweet, nói một cách cộc cằn rằng:

“Không có lễ kỷ niệm nào được cử mừng tại Nhà Trắng cho giải Nobel.”

Trong suốt tiến trình chọn lựa của ủy ban Nobel Oslo, các phương tiện truyền thông đã chế giễu Obama là một “siêu sao quốc tế không có thành tích”. Nhà bình luận cánh hữu Rush Limbaugh nói rằng ủy ban Nobel đã tự “đánh bom liều chết” và làm giảm uy tín của giải thưởng thành “một giải thưởng trao cho bất cứ con người nổi đình nổi đám nào trong những ngày này.”

Một số người gièm pha Obama có lý. Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho những nhà bất đồng chính kiến và những người đấu tranh cho tự do có lịch sử lâu dài về sự hy sinh cá nhân to lớn chống lại áp bức tàn bạo. Để so sánh, thành tích của Obama không có bao nhiêu. Và sau đó là sự trớ trêu ngay lập tức khi trao Giải thưởng Hòa bình cho một tổng thống đang lôi kéo đất nước vào chiến tranh tại Syria. Vài ngày trước khi kết thúc tối hậu thư của Obama dành cho tổng thống Syria Bashar al-Assad, ngày 7 tháng 9, 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mới được bầu làm Giáo Hoàng cách đó chưa đến 6 tháng đã phải tổ chức một buổi cầu nguyện tại quảng trường Thánh Phêrô nhằm chặn đứng bàn tay của Obama.

Chính Obama đã tuyên bố công khai rằng ông không cảm thấy mình xứng đáng với giải thưởng, nhưng đã chấp nhận giải thưởng này trên tinh thần những gì nó có thể đại diện.


Source:JStor

3. Tổng thống Hàn Quốc hướng đến các Giám mục Công Giáo để giúp chống lại coronavirus

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay còn gọi là Văn Tại Dần, người đang phải đối mặt với áp lực gia tăng đối với một số chính sách của mình, đã tổ chức một bữa tiệc trưa cho các nhà lãnh đạo Công Giáo, và yêu cầu các Đức Giám Mục hợp tác trong việc giải quyết coronavirus COVID-19.

“Chúng ta phải vượt qua coronavirus, và chúng ta sẽ cố gắng hết sức để vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ” tổng thống nói trong cuộc họp, đồng thời cho biết thêm rằng ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo khác trong tương lai gần.

Từng được coi là mô hình mẫu mực trong việc đối phó với đại dịch, Nam Hàn đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm coronavirus dẫn đến việc đình chỉ các cử hành Phụng Vụ công cộng lần thứ hai và thậm chí có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bế tắc.

Tham dự bữa tiệc trưa với tổng thống có Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Yeom Soo-jung, 염수정) Tổng Giám mục Hán Thành; Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hi Tông (Kim Hee-jong) của Giáo phận Quang Châu (Gwangju, 광주시); Đức Tổng Giám Mục Tađêô Triệu Hoán Cơ (Cho Hwan-kil) của Đại Khâu (Deagu, 대구시); Đức Giám Mục Phêrô Lý Cơ Hiến (Lee Ki-heon) của Nghị Chính (Uijeongbu, 의정부시); Đức Giám Mục Gioan Kim Khẩu Quyền Hiếu Châu (Kwon Hyok-ju) của An Đông (Andong, 안동시); và Đức Giám Mục Lagiarô Nhĩ Hương Thực (You Heung-sik) của Đại Điền (Daejeon, 대전광역시).

Theo văn phòng tổng thống, trong cuộc họp, tổng thống Văn Tại Dần đã ca ngợi Giáo Hội Công Giáo vì hành động nhanh chóng trong việc tuân theo các hạn chế kiểm dịch của chính phủ trong đợt COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc vào tháng Hai.

Khi quốc gia tìm cách ngăn chặn đợt bùng phát hàng loạt thứ hai, tổng thống Văn, một người Công Giáo, đã yêu cầu Giáo hội trở thành “gương mẫu” trong việc kiềm chế lây lan, và nhấn mạnh rằng nếu các biện pháp ngăn ngừa hiện tại không thành công, ông sẽ buộc phải gia tăng mức độ cách ly xã hội, gây “thiệt hại kinh tế khôn lường”.

Tổng thống Văn: “Con xin quý Đức Cha quan tâm đến tâm hồn mọi người, đang bị đánh gục bởi đại dịch coronavirus kéo dài và truyền cho họ lòng can đảm và khả năng lãnh đạo cần thiết để đoàn kết mọi người vượt qua thử thách này”.

Đáp lời tổng thống Văn, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành cam kết sự hỗ trợ và hợp tác của Giáo hội, và nói: “Chúng tôi sẽ ở bên cạnh tổng thống và khuyên mọi người trung thành thực hiện phần việc của họ ở vị trí của họ.”

Trong cuộc gặp gỡ với các Giám mục Công Giáo, tổng thống Văn nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ “làm hết sức mình” để ngăn chặn sự bùng phát mới và nhanh chóng “giảm thiểu các thiệt hại kinh tế.”

“Coronavirus đã khiến mọi người quá khó khăn và mệt mỏi, ” ông nói và cho biết thêm rằng ông dự định tham dự sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Thái Kiến (Kim Taegon, 김대건) linh mục đầu tiên của Hàn Quốc, đã tử đạo vào năm 1846.

Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông ban phép lành kết thúc cuộc họp và cầu nguyện xin Chúa ban cho tổng thống Văn “ơn khôn ngoan của Solomon” để vượt qua coronavirus và bảo đảm “an ninh quốc gia.”


Source:Crux