Ngày 26-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy ở khiêm nhường
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
08:54 26/08/2010
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu là con người nhẹ nhàng, dễ thương, hòa đồng với hết mọi người, không phân biệt giai cấp, giầu nghèo, tốt xấu. Xem chừng ra Ngài muốn xa lánh bọn luật sĩ và biệt phái vì, theo Tin mừng của thánh Matthêu và Marcô, họ là những kẻ thù của Đức Giêsu. Nhưng thánh Luca cho biết Đức Giêsu vẫn giao du với người biệt phái vì trong số họ vẫn có nhiều người tốt, có cảm tình với Ngài, và hôm nay cho biết Ngài còn đến dùng tiệc tại nhà một ông biệt phái. Còn về phía những người biệt phái, họ vẫn nghi kỵ và theo dõi Ngài, và có thể bắt bẻ Ngài về bất cứ một phương diện nào.

Hôm nay Đức Giêsu được mời đến dự tiệc tại nhà một thủ lãnh biệt phái. Trong bữa tiệc thường có những câu chuyện vui trao đổi giữa các thực khách để làm cho bữa tiệc càng thêm ngon miệng. Nhân dịp này, Đức Giêsu không nói chuyện vui, nhưng lại đưa ra những lời giáo huấn mạnh mẽ làm cho những khách mời cảm thấy khó chịu, vì những lời ấy đánh trúng tim đen của họ. Ngài khuyên họ hãy ở khiêm nhường, đừng tranh nhau chỗ nhất, chỗ danh dự trong đám tiệc. Đừng tự đánh giá mình, hãy để cho người ta đánh giá và định đoạt. Ngoài ra, Ngài còn khuyên họ hãy có tinh thần bác ái vô vị lợi khi mời khách đến dự tiệc, đừng tính toán hơn thiệt… Và giáo huấn của Ngài được kết tụ trong câu: ”Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”(Lc 14,11).

Theo kinh nghiệm hằng ngày, trong con người chúng ta có sẵn mầm mống của sự kiêu ngạo và kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu từ đó phát sinh ra các nết xấu khác. Sở dĩ chúng ta kiêu ngạo là vì chúng ta chưa biết mình, chưa nhận ra chân dung con người thật của mình. Nếu nhìn thẳng vào mình, chúng ta sẽ thấy mình quá yếu đuối, bất toàn, đầy những nết xấu. Một khi đã nhìn ra con người thật của mình thì chúng ta chỉ chú tâm vào việc sửa mình, canh tân con người mình cho nên hòan hảo. Với cái nhìn thẳng thắn và thành thật đó, tự nhiên chúng ta sẽ có thái độ khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Hc 3,19-21.30-31

Đọan sách Huấn ca này gom góp nhiều huấn dụ khôn ngoan về sự khiêm nhường. Bài học mà người thầy muốn huấn dụ học trò là: hãy ở khiêm nhường. Các vị công hầu vương bá thì theo đuổi mộng làm chủ thế giới và loài người, những người tín hữu của Chúa thì biết rằng mọi sự mình có là do Chúa thương ban. Vì thế, họ khiêm tốn tận dụng những ơn Chúa ban để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa.

Theo bài huấn dụ hôm nay thì:

- Ai làm việc khiêm tốn thì được người ta yêu mến.

- Chính Thiên Chúa cũng yêu thương những kẻ khiêm tốn.

- Ai kiêu căng thì rước lấy sự tai hại vô phương cứu chữa.

+ Bài đọc 2: Dt 12,18-19.22-24a

Thánh Phaolô so sánh bầu khí giữa Cựu ước và Tân ước. Trong đạo cũ, người Do thái có ông Mai- sen làm trung gian, họ đến cùng Thiên Chúa trong bầu khí e dè sợ sệt với những hiện tượng bên ngòai làm cho người ta khiếp sợ.

Nay trong Tân ước, các Kitô hữu có Đức Kitô làm trung gian, họ được sống trong bầu khí cởi mở thân tình, họ tiến tới cùng Thiên Chúa, được tham gia vào cộng đoàn con cái Thiên Chúa, họ được tự do tụ họp về trong “Thành đô Thiên Chúa hằng sống để dự hội vui”(Dt 12,22), họ cung kính thờ Chúa và sống hiệp thông cùng các thiên thần và các thánh trong niềm an vui tin cậy.

+ Bài Tin mừng: Lc 14,1.7-14

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bữa tiệc tại nhà một ông thủ lãnh biệt phái tại Pêrê.

Chính trong khung cảnh một bữa ăn tại nhà một ông biệt phái để cho Đức Giêsu tham gia vài “câu chuyện trong bàn ăn”, những lời khá bất ngờ trong dịp này. Theo tập tục, trong bàn tiệc, các khách mời lần lượt góp chuyện, nhưng thường là những vấn đề nhẹ nhàng dễ chịu. Còn Đức Giêsu, Ngài không ngại làm người nghe khó chịu khi chọn đề tài là sự khiêm tốn (Lc 12,7-11).

Qua bàn tiệc Chúa dạy ta:

- Thái độ nên có là khiêm tốn nhũn nhặn, đừng nhảy tót lên chỗ cao, mà bị mời xuống thì quê mặt.

- Đối với khách mời, nên vì lòng quảng đại hiếu khách mà mời, không nên vì lợi lộc.

Hai lời dạy áp dụng vào Nước Trời cũng hợp: Nước Trời chỉ dành cho kẻ khiêm nhường và có tinh thần khó nghèo (Lc 14,21).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Hãy biết nhìn xuống

I. ĐỨC GIÊSU ĐI DỰ TIỆC

1. Đức Giêsu được mời đi dự tiệc

“Một ngày sabát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa”(Lc 14,1).

ĐứcGiêsu không xa lánh những người biệt phái, Ngài cũng giao du với họ, đôi khi còn ăn uống với họ. Hôm đó, vào một ngày sabát, Đức Giêsu được mời vào nhà ông thủ lãnh biệt phái để dùng bữa. Người biệt phái này được gọi là thủ lãnh vì ông có nhiệm vụ điều khiển nhóm biệt phái, thường trong nhóm biệt phái có nhiều thủ lãnh khác nhau.

Biến cố này xẩy ra vào khoảng tháng giêng hay tháng hai năm 30. Họ thường dùng bữa với nhau một cách vui vẻ và thoải mái. Họ là những người biết luật và giữ luật kỹ lưỡng. Họ đã nghe nói về Đức Giêsu qua các dư luận khác nhau. Hôm nay họ mới lợi dụng cơ hội hiếm có này để quan sát Ngài lần đầu tiên.

Việc Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một người biệt phái chứng tỏ là một con người dễ thương, hòa đồng, có khả năng đi đến với hết mọi người. Việc dùng bữa tại nhà ông biệt phái cho thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người biệt phái không nhất thiết là tiêu cực như quan niệm trong Tin mừng Matthêu và Marcô, coi hạng biệt phái là thù địch của Ngài. Và như vậy, cho thấy Đức Giêsu muốn nêu lên khía cạnh Ngài sẵn sàng ban ơn cứu độ cho cả những người biệt phái nữa.

Vào bàn tiệc, Đức Giêsu quan sát một vòng, và thấy ngay một thói xấu thường xẩy ra nơi những người biệt phái là chọn chỗ nhất, chỗ danh dự (Mt 23,5-7). Họ cho đây là một thói quen nên không thấy ngượng ngùng gì.

2. Giáo huấn của Đức Giêsu

Trong bữa tiệc, người ta thường nói chuyện vui vẻ, có những câu chuyện vui, có cả những chuyện tiếu lâm nữa, cốt làm cho bữa tiệc càng thân tình, làm cho khách ăn càng ngon miệng. Riêng Đức Giêsu trong dịp này, Ngài không nói chuyện vui mà Ngài đưa ra một giáo huấn làm cho người nghe phải khó chịu. Giáo huấn ấy đề cập tới hai điểm: việc dự tiệc và đãi tiệc, nghĩa là nói đến sự khiêm nhường và bác ái vô vị lợi.

a) Việc dự tiệc

Khi thấy người ta chen lấn nhau chọn chỗ nhất, chỗ danh dự, Đức Giêsu đưa ra cho họ những lời giáo huấn. Lời giáo huấn của Ngài là bài học xử thế khéo léo ở trong xã hội khi giao tế với nhau. Ngài nói với họ dựa theo một đoạn trong sách Châm ngôn: ”Trước mặt vua, con đừng kiêu hãnh, đừng dành giật chỗ người vị vọng. Vì thà để người ta mời con: ”Xin mời ông lên” còn hơn là bị hạ xuống trước mặt quan tướng”(Cn 25,6-7).

Đàng khác, việc sắp xếp chỗ là của chủ nhà, vì chủ nhà mới biết địa vị ngôi thứ của khách mời. Còn người tự chọn chỗ danh dự cho mình là người tự tô vẽ cho mình có khi không đúng sự thật, có thể bị mời xuống hàng dưới. Như vậy, danh dự của mình không phải do tự mình tô vẽ, mà do thực tế khách quan người ta công nhận nơi mình và đặt mình ngồi vào đó. Kẻ tự tô vẽ danh dự có thể bị vỡ mặt.

Từ trong quan niệm về cách xử sự giao tế ở trần gian, Đức Giêsu bước sang lãnh vực tôn giáo. Theo đó, danh dự thật không phải là người trần gian gán cho mà danh dự đó phải do Thiên Chúa ban cho. Mà Thiên Chúa thường nâng cao kẻ thấp hèn. Vì thế Ngài nói: ”Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

b) Việc đãi tiệc

Đức Giêsu lại tiếp tục đưa ra lời khuyên khác về tinh thần bác ái vô vị lợi. Theo thói người đời, trong tiệc cưới thì người ta mời người thân, bạn bè, ân nhân…chứ ai mời người nghèo khó đến dự tiệc ? Thế mà Đức Giêsu lại khuyên người ta làm những việc có vẻ ngược đời: ”Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”(Lc 14,13).

Khi mời dự tiệc, người Do thái luôn làm theo óc tính toán, phải có lợi. Cái lợi là sẽ được người ta đền đáp, đúng là “ăn sang ăn giả”. Ngược lại, Đức Giêsu dạy làm ơn và phục vụ không cần người ta đền đáp, vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp và sẽ được đền đáp trọng hậu. Vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù là những người loan báo Nước Trời. Do đó, đến với người nghèo khó là dấu hiệu ta thủ đắc Nước Trời cách chắc chắn.

II. NÓI VỀ KIÊU NGẠO VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Trong câu nói của Đức Giêsu: ”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, chúng ta thấy câu nói này có hai vế với hai tính cách trái ngược nhau, đó là kiêu ngạo và khiêm nhường.

1. Ai nâng mình lên

Ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có gía trị và được mọi người công nhận, và tôn trọng giá trị của mình. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1,26-27; 9,6), nhưng ở mức độ hòan hảo của một tạo vật giới hạn, đương nhiên kém Ngài rất xa vì Ngài ở mức độ hòan hảo của một Thiên Chúa vô hạn. Mức hòan hảo của con người về sau lại bị tổn thương vì tội nguyên tổ. Vì thế, từ sâu thẳm, con người vẫn muốn vươn lên hoàn hảo, muốn sống yêu thương, muốn thực hiện Chân Thiện Mỹ, nghĩa là muốn càng ngày càng trở nên giá trị hơn, giống Thiên Chúa hơn. Đấy quả là một chiều hướng rất tốt.

Nhưng do tội lỗi và nhất là tính kiêu ngạo, sự xấu đã nhập vào bản thể của con người, khiến cho chiều hướng tốt ấy bị lạc hướng. Thay vì cố gắng trở nên hòan hảo, có giá trị thật (điều này khó, đòi hỏi con người cố gắng nhiều và quên mình đi), thì con người lại muốn trở nên có vẻ hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương, như có giá trị, như giống Thiên Chúa. Điều này giảm bớt cho con người biết bao khó khăn và nỗ lực. Thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự từ bên trong, con người tìm cách để mình có vẻ như, hay được coi như, và được đối xử như có giá trị, bất chấp bên trong có giá trị thực hay không (JKN).

Như chúng ta đã biết kiêu ngạo dẫn đến thảm họa cho nhân lọai qua lời cám dỗ của ma quỉ: ”Ông bà sẽ nên như những vị thần, biết điều thiện ác”(St 3,5) trong câu chuyện ông A dong và bà Evà ăn trái cấm, và được gọi là tội tổ tông truyền.

Theo sách giáo lý công giáo, số 1866 thì kiêu ngạo được xếp vào “các mối tội đầu” phát sinh ra các tội và các nết xấu khác. Đó là: Kiêu ngạo, hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh”.

Chúng ta thừa hiểu rằng ai cũng mang trong mình mầm mống của sự kiêu ngạo. Nó thường núp bóng dưới nhiều hình thái khác nhau:

- Tự ái là khi bị sỉ nhục liền cảm thấy mất mặt, sinh ra tức giận và tìm cách hạ bệ đối phương ngay.

- Khoe khoang tức là lợi dụng mọi cách mọi dịp để làm cho mình được nổi bật hơn kẻ khác.

- Ganh đua là khi thấy người khác hơn mình thì khó chịu, rồi tìm dịp xoi mói hay tìm cách đưa mình lên.

Tất nhiên, tất cả những biểu hiện đó là xấu, đôi lúc là tội nữa và trái ngược lại với sự khiêm nhường.

Truyện: Chiếc tầu Titanic

Kỷ niệm đáng ghi nhớ và đáng học hỏi nhất cho con người thời nay là câu chuyện chiếc tầu Titanic. Người ta nghĩ rằng bàn tay con người có thể làm nên một con tầu không thể chìm là một sự vô cùng kiêu ngạo. Mọi con tầu do con người chế tạo đều có thể chìm. Bằng việc tuyên bố chúng ta có thể làm ra một con tầu không có thể chìm được với kỹ thuật tân tiến hiện đại đã thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm 12,3; 1Cr 4,7). Tinh thần kiêu căng đó đã thúc đẩy người ta viết vào mạn tầu mấy chữ: ”No Pope, no God”: không có giáo hoàng, không có Thiên Chúa ! Và trong chuyến hải hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, sự gì đã xẩy ra như chúng ta đã biết. Một tai họa đã giáng xuống như câu chuyện xây tháp Bebel trong Cựu ước(St 11,4).

2. Ai hạ mình xuống

Đối lại với tính kiêu ngạo, Đức Giêsu đã khuyên ta hãy ở khiêm nhường. Chính Ngài đã phán: ”Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,29).

Vậy khiêm nhường là gì ? Và thế nào mới được gọi là khiêm nhường ? Phải chăng khiêm nhường là tự hạ mình xuống, phủ nhận giá trị thực của mình hay giảm thiểu nó đi ?Không phải thế, Đức Khiêm nhường mang nhiều chiều kích sâu xa hơn và tốt đẹp hơn nhiều. Khiêm nhường không phải là ít nghĩ về mình, mà là không nghĩ gì về mình, bởi vì: ”Con Người không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ”(Mc 10,45).

Nhà giảng thuyết trứ danh của nước Pháp, cha Lacordaire đã nói: ”Khiêm nhường không phải là thấy mình xấu xa hơn, tầm thường hơn, nhưng là biết rõ những gì ta còn thiếu”. Khiêm nhường lấy sự thật làm nền tảng. Tự gắn cho mình cái sai ta không có, phóng đại những lỗi lầm ta không phạm, từ chối không nhìn nhận những khả năng của mình, tự cho mình thua kém mọi người, đó không phải là cách sống khiêm nhường; nhưng đó là dấu hiệu của một quan điểm sai lầm, hay một khuynh hướng bệnh hoạn. Muốn thực hiện khiêm nhường chỉ cần nhìn nhận những khuyết điểm, thấy mình tội lỗi, giới hạn, biết rằng trong tất cả mọi lãnh vực có nhiều người khác vượt xa tôi:

Ở nhà nhất mẹ nhì con,

Ra đường lắm kẻ con dòn hơn mẹ con ta.

Một lần nữa, ta phải khẳng định rằng, khiêm nhường không là gì mà chính là chấp nhận sự thật về mình. Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường là “humility”. Chữ Humility do chữ La tinh “Humus” có nghĩa là đất, tro bụi mà từ đó con người đã được tạo dựng theo như sách Sáng thế đã mô tả (St 2,7). Do đó, khiêm nhường có nghĩa là hạ mình xuống tới đất. Nó nhắc nhở chúng ta lời kêu gọi của Giáo hội trong ngày thứ Tư lễ Tro về sự thật của thân phận con người: ”Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”.

Truyện: Đọc truyện Tây du ký.

Ai trong chúng ta cũng đã có lần được xem phim Tây du ký của Trung quốc. Một cuốn phim thật hay và hấp dẫn người xem từ đầu tới cuối và còn muốn xem nhiều lần. Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta thấy các nhân vật trong phim cũng hợp với lời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Những hạng tôn mình lên làm Tề Thiên Đại Thánh: bằng Trời, bằng thánh vĩ đại, làm Đại vương, Ma vương, Nữ vương, Hòang hậu, Hòang tử, Công chúa đều bị lột mặt nạ là những đồ khỉ, nhện, thỏ, rắn rết, heo, bò, dê ngựa, hổ báo, sư tử, quỷ vương, buộc phải hiện hình trở về kiếp sống quái vật.

Những thứ nâng mình lên như thế thì vô kể.

Những thứ hạ mình xuống thì ít lắm. Chỉ thấy có Đường Tăng. Ông luôn luôn xưng mình là bần tăng, vô tài, bất lực trước mọi thử thách nguy hiểm, ông chỉ biết thương người, cầu kinh, khấn Phật, cầu kẻ này, nhờ kẻ kia, nhờ cả đến con khỉ Ngộ Không dẫn đường chỉ lối, cứu giúp, giải vây. Chính nhờ hạ mình xuống mà ai cũng thương mến, kính phục và liên kết với ông. Chính nhờ sự hạ mình xuống mà ông tránh được hiểm họa tranh chấp, đánh lộn, oán thù. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông đã lãnh được bộ Kinh dạy ông thành Thánh, thành Phật. Ông đã hạ mình xuống thì được mọi người tôn lên.

Ngoài thứ khiêm nhường thật ra, lại còn thứ khiêm nhường giả tạo nữa. Điều quan trọng ta cần phải đạt được là sự khiêm nhường đích thực bên trong, chứ không phải là sự khiêm nhường giả bộ bề ngòai. Khuynh hướng giả trá nói trên cũng có thể thúc đẩy chúng ta làm ra vẻ khiêm nhường. Chẳng hạn, khi mình có tài hoặc khả năng đặc biệt được nhiều người chiếu cố, nhờ cậy thì mình giả vờ hạ bệ mình bằng cách thoái thác, từ chối, nhưng kỳ thực đó là thủ thuật buộc người ta phải lụy phục, nài nỉ thêm. Lại có người vì để được một lợi lộc gì hay để đạt được một tham vọng nào đó thì luôn tỏ ra nhã nhặn, hiền lành, dễ bảo trước mặt người có quyền để lấy lòng, mua chuộc. Hoặc vì yếu thế mà phải tỏ ra lụy phục, nhưng sau lưng thì phê bình chỉ trích, nói xấu người ta.

Người khiêm nhường đích thực không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vênh vang khi được ca ngợi tôn vinh. Chỉ có những người khiêm nhường đích thực ấy mới luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc, thanh nhàn, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu quí.

Phải thành thật với mình, nhận ra cái ưu đểm và khuyến điểm của mình và luôn nhận ra mình còn yếu đuối cần có sự trợ giúp của Chúa vì: ”Không có Thầy, các con không thể làm gì được” ! “Các con hãy ngồi vào chỗ cuối” ! Đức Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại lời đó. Trước mặt Thiên Chúa, phải biết mình yếu đuối, nhỏ bé, ở chỗ cuối, để rồi hoàn toàn trông cậy vào Chúa, đồng thời hoàn toàn từ bỏ niềm cậy trông vào sức lực của riêng mình. Phải nhỏ bé như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Lc 9,48).

Truyện: Nhận thức đúng thân phận mình.

Tương truyền rằng trước cánh cửa nhà mồ bị khóa chặt, hồn nữ hòang Sissi gõ cửa. Từ nơi thăm thẳm vang lên giọng nói oai nghiêm của vị Cha Già giữ cửa:

- Ai đó ?

Hồn nữ hòang kiêu sa đáp:

- Tôi là nữ hòang Ao quốc, hòang hậu xứ Hungari.

Tiếng vị Cha Già lạnh lùng:

- Ta không biết.

Tưởng người giữ của chưa hiểu biết về mình, hồn nữ hoàng lại gõ của. Lần này tiếng hỏi của vị Cha Già gắt hơn:

- Ai đó ?

Hồn nữ hoàng lại cao giọng đáp:

- Ta là nữ hòang Elizabeth Sissi của Ao quốc, hòang hậu xứ Hungari, hoàng hậu xứ Bôhême, hoàng hậu của Giêrusalem, nữ lãnh chúa của xứ Transylvanie, đại quận chúa của Toscane và Cracovie…

Lại một lần nữa Cha Già trả lời:

- Ta không biết.

Nghe xong tiếng trả lời của Cha Gia: ”Ta không biết”, vừa thất vọng đau đớn vừa tủi nhục xấu hổ, hồn nữ hoàng vội quì xuống, lột bỏ hết mọi chức tước cao ngạo của trần thế và khiêm tốn thưa lại một cách giản dị:

- Con là Elizabeth Sissi, một kẻ có tội đáng thương và con tha thiết cầu xin Chúa nhân từ xót thương.

Tức thì tiếng chìa khóa tra vào ổ, vị Cha Già lên tiếng ân cần nói:

- Con hãy vào đi.

Dù câu chuyện chỉ là giả tưởng, nhưng dụng ý của nó muốn nói rằng: giá trị đích thực của một con người ở đời này và đời sau không hệ tại nơi những gì bên ngoài mình có được hay mình chiếm được, mà là do biết rõ mình thế nào. Nghĩa là khi còn sống phải biết sống làm sao để mọi người yêu mến kính phục và khi đã qua đời lại được Chúa xót thương và được thần thánh hỗ trợ thì mỗi người chúng ta gắng sức học hỏi và sống theo bí quyến căn bản này: “Khiêm nhường”. Vì đây chính là chìa khóa để mở được cánh cửa vào thiên đàng (Quê Ngọc).

3. Hạ mình xuống để phục vụ

Đức Giêsu phán: ”Con Người đến không phải được phục vụ nhưng đến để phục vụ”(Mc 10,45). Phục vụ là hành động của một người tôi tớ, mà người tôi tớ thì phải phục vụ cho ông chủ. Đức Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ chúng ta để tôn chúng ta lên làm Chúa, còn Ngài lại trở thành tôi tớ. Ngài làm gương cho chúng ta về tinh thần bác ái vô vị lợi.

Sách có chữ rằng: ”Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly”: Giầu có thì thiên hạ bâu, nghèo khó thì bà con rời rạc.

Theo cách xử sự thông thường người ta thích những người giầu có, giao du với họ trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Nếu có phục vụ người ta thì cũng chỉ phục vụ “theo nguyên tắc: ”Do ut des”: cho đi để lấy lại.. Chỉ những ai có tinh thần siêu nhiên và siêu thóat thì mới có thể có được một sự phục vụ vô vị lợi.

Phục vụ là: ”Cho đi”, nhưng cái cho đi cũng có nhiều lý do:

- Người ta có thể ban cho vì bổn phận. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa và cho lòai người có thể như cách chúng ta trả thuế lợi tức, như phải thanh toán một bổn phận không thể trốn tránh được, lòng không vui chút nào.

- Người ta có thể cho hoàn toàn vì động cơ tư lợi. Dầu có ý thức hay không, người đó có thể coi của mình cho như một thứ vốn đầu tư. Họ kể mỗi món tiền cho đi cho thêm một con số vào trương mục của mình trong ngân hàng của Chúa. Cho cách này không phải do lòng rộng rãi, mà chỉ là sự ích kỷ có tính toán.

- Có người cho để cảm thấy mình là người trên. Cho như thế có thể là một sự độc ác. Việc đó làm tổn thương người nhận hơn là từ chối thẳng thừng. Làm như vậy, người ban cho đứng trên bậc cao của mình để nhìn xuống người thọ nhận. Người đó có thể vừa cho vừa thuyết giáo trên đầu kẻ nhận một bài giảng vắn tắt và đầy tự mãn. Thà không cho gì hết còn tốt hơn là chỉ cho để thỏa mãn tính khoe khoang và tính thích cậy quyền. Các rabbi Do thái có câu nói rằng: cách cho tốt nhất là khi kẻ ban không biết mình cho ai và kẻ nhận cũng không biết mình nhận từ đâu.

- Có người cho vì không thể không làm thế. Đó là cách cho duy nhất thành thật. Luật của Nước Trời là kẻ nào ban cho để được thưởng công, kẻ đó sẽ được phần thưởng, nhưng kẻ nào ban cho mà không nghĩ đến phần thưởng thì phần thưởng của kẻ ấy sẽ chắc chắn. Chỉ có một sự ban cho đích thực là cho vì sức mạnh của tình yêu tràn ra không thể kìm chế. Thiên Chúa ban cho vì Ngài yêu thương thế gian và chúng ta cũng phải làm như vậy.

III. BÀI HỌC CHO NGÀY HÔM NAY

Đức Giêsu không dạy điều gì mà Ngài đã không làm trước, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Bài học về khiêm nhường và bác ái hôm nay được minh họa bằng chính cuộc sống của Ngài mà thánh Phaolô đã ca tụng trong thư gửi cho tín hữu Philipphê: ”Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Pl 2,6-9).

Đọan thư Philipphê ngầm so sánh Đức Giêsu với A dong và nói lên cái nghịch lý giữa “lên” và “xuống”. Adong đã muốn lên “bằng Thiên Chúa” và kết quả là đẩy loài người xuống vực sâu. Còn Đức Giêsu tuy vẫn là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải đòi cho luôn luôn được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã khước từ tất cả, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn. Kết quả là Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban chính hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… Thật đúng như lời Đức Giêsu đã nói: ”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Chúng ta cũng thường theo con đường của Adong tưởng rằng khẳng định được mình khi nâng mình lên trước mặt những người khác. Những cái “mình” mà ta khẳng định ấy chỉ là những dáng vẻ bề ngòai chứ không phải là bản thân đích thực của ta.

Triết gia Socrate đã khởi đầu triết lý của mình bằng câu: ”Anh hãy tự biết mình”. Biết mình là cái khó vô cùng. Người ta có thể biết được nhiều sự trên trời dưới đất, biết được những cái xa xôi, biết được cả những cái cực kỳ tinh vi, nhưng có cái gần nhất mà không biết. Đó là bản thân mình. Còn triết gia Blaise Pascal thì nói: ”Tôi chỉ biết có một điều là tôi chẳng biết gì cả”. Nếu không biết được gì khác thì làm sao biết được mình vì biết mình là một điều khó.

Vì vậy, mọi sự cần bắt đầu với việc tu thân, canh tân chính đời sống của mình. Để làm được điều căn bản này cần phải biết nhìn xuống và nhìn vào bản thân mình, biết khiêm tốn nhìn vào cuộc sống của mình theo ánh sáng Lời Chúa để được soi sáng mà nhìn thấy những gì tiêu cực, xấu xa cần được thanh luyện sửa chữa.

Truyện vui: Phải biết nhìn xuống.

Có một hòang tử nọ tên là Mukasaki, có một thái độ tự cao tự đại đến độ cả khi đi, ông cũng không bao giờ nhìn xuống đường. Ông bước đi trong tư thế làm oai, ngực đứng thẳng, mắt ngước lên, mọi người trong vùng đặt cho hoàng một tên riêng là: ”Người không bao giờ nhìn xuống” và hoàng từ Mukasaki xem ra cũng rất thích biệt hiệu này, ông tuyên bố: ”Những bậc vĩ nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trời cao mà thôi”.

Một ngày nọ, hoàng tử được mời đến dự đại tiệc tại cung đình. Để khoe cho mọi người nhìn thấy bộ áo cẩn ngọc qúi giá có một không hai của mình, hoàng tử quyết định không ngồi xe ngựa nhưng hiên ngang đi bộ từ nhà đến cung đình, dĩ nhiên là với thái độ kiêu hãnh không bao giờ nhìn xuống. Dân chúng tuốn ra hai bên đường trầm trồ khen áo đẹp và quí, điều này lại làm cho hoàng tử thêm kiêu hãnh. Hoàng tử đến cung đình sau hết mọi người và hiên ngang bước vào. Mọi người cười rộ lên, hoàng tử kiêu hãnh nói:

- Tại sao mọi người cười tôi như vậy ?

Một trong những người khách mới trả lời:

- Xin hoàng tử nhìn xuống đôi chân mình sẽ biết lý do tại sao ?

Hoàng tử nhìn xuống, mặt bỗng đỏ bừng lên vì hổ thẹn. Cả hai đế giầy của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa, vì không bao giờ nhìn xuống, hoàng tử giẫm lên không biết bao nhiêu đống phân ngựa từ nhà đến cung đình để dự tiệc.

Hoàng tử trong câu chuyện vui trên không bao giờ nhìn xuống và đã giẫm lên những đống phân ngựa. Nếu chúng ta không biết nhìn lại mình, kiểm điểm cuộc sống mình để biết canh tân khỏi những khuyết điểm và tật xấu, thì chắc chắn chúng ta sẽ chồng chất không biết bao nhiêu tật xấu. Tự phụ kiêu ngạo làm ta nên mù quáng trước những tật xấu của chính mình. Thêm vào đó, chúng ta lại dễ chiều theo khuynh hướng moi móc chuyện xấu của anh chị em, và như thế càng ngày chúng ta càng lún sâu vào trong tật xấu mà không hay biết gì cả( R.Veritas).
 
Những bước chân của Thầy Roger đến Taizé
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:05 26/08/2010
ROMA, (Zenit.org) - Cách đây 70 năm, ngày 20 tháng Tám năm 1940, « lần đầu tiên Thầy Roger Schutz đặt chân đến Taizé… ». Đó là nội dung bài xã luận của tác giả Giovanni Maria Vian đăng trên tờ báo Osservatore Romano hôm thứ Sáu vừa qua, để ca ngợi Thầy Roger và cộng đồng Taizé nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.

Trong khi đến « ngọn đồi Taizé » vào mùa hè năm ấy khi mà nước Pháp oằn mình trong chiến tranh, vị mục sư trẻ thuộc phái Calvin người Thụy Sĩ ấy hoàn toàn không hình dung ra rằng trong một bước chân tương lai sau đó, những bạn trẻ Châu Âu khác, nhiều và nhiều vô kể sẽ tìm đến ngọn đồi ấy nằm trong trái tim của vùng Bourgogne.

Vị ân nhân đón tiếp những người tị nạn và người Do Thái trong thế chiến luôn bị cuốn hút bởi ơn gọi đời sống đan viện. Chính ngài và một số anh em nữa, « tất cả đều theo đạo Tin Lành, nhưng lại nhạy bén với sự phong phú của nhiều luồng Kitô giáo khác », đã cam kết ngay trong năm 1949 sống đời sống cộng đoàn theo linh đạo Bênêđictin và thánh Inhaxiô, đã được ấn định trong quy luật sống Taizé một vài năm sau đó », Tổng Biên Tập Giovanni Maria Vian kể lại.

Ngay trong năm đó, « Thầy Roger cùng với một trong số các anh em đầu là Max Thurian được Đức Piô XII tiếp kiến, kể từ năm 1958 trở đi những cuộc gặp gỡ với các Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, người viếng thăm Taizé vào năm 1986, trở thành thông lệ hàng năm nhằm bày tỏ sự gần gũi dành cho cộng đoàn ngay cuối những năm 60 qua sự gia nhập của đông đảo anh em Công Giáo ».

Và rồi « một thanh niên Công Giáo trẻ trung người Đức, thầy Alois Löser, được thầy Roger chỉ định là người kế vị để đứng đầu cộng đoàn nhiều năm trước khi bị ám sát vào ngày 16 tháng Tám năm 2005 ».

Vị Tổng Biên Tập tờ Osservatore Romano cũng gợi lại biến cố « công đồng người trẻ » vào dịp tháng Tám năm 1974 với sự tham gia của hơn 40 ngàn bạn trẻ Châu Âu tại Taizé. « Đối với họ, trong các thập niên, Thầy Roger giữ thói quen truyền thống vào mỗi buổi tối có một bài suy niệm ngắn ». « Sau buổi cầu nguyện, ngài dừng lại để đón tiếp hay lắng nghe những ai muốn nói với ngài hoặc lại gần Thầy ».

Taizé, ông Giovanni Maria Vian lặp lại sau hết, « đã không bao giờ muốn thiết lập một phong trào, nhưng đã luôn luôn thúc đẩy dấn thân trong các giáo xứ và trong những thực tại địa phương: bằng cách cùng lúc thực hành đón tiếp, cổ võ bình an của mối phúc Tin Mừng, làm việc vì sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội cũng như các cộng đồng tin vào Đức Kitô, chỉ cho thấy sự sống động và tính hiệu quả của con đường đại kết thiêng liêng ».

Taizé đã biết dung hòa « những phong phú của các niềm tin Kitô giáo khác nhau: sự chú ý đến Kinh Thánh của Tin Lành, vẻ huy hoàng của phụng vụ Chính Thống giáo, tính trung tâm điểm Bí Tích Thánh Thể của Công Giáo ».
 
Tôi là người khiêm tốn nhất trần gian
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
14:37 26/08/2010
Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên, Năm C

Xưa lẫn nay và đến muôn đời, người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó”(Hc 3,18.20.28).

Bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là khiêm tốn đích thực đây? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng (x. Mt 11,28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).

Sự thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7,29; 16,28; 17,1-26). Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.

Sự thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6,38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4,34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).

Khi truyền bảo những người dọn tiệc đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những người tàn tật, đui mù, nghèo hèn.. chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.

Trong một dịp tỉnh tâm, một linh mục bạn thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trỗi vượt tất cả. Con thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian”. Quả thật, dù là giám mục hay linh mục, dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, thảy chúng ta đều vướng phải cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thưở nào đã khiến tiên tổ và cả chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St 3,1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.

Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu…nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm…Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”(Lc 23,41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
 
Lời thì thầm
Cao Huy Hoàng
14:42 26/08/2010
Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên, Năm C

Mở đầu phần Lời Chúa Chúa Nhật 22 năm C, với đoạn trích sách Huấn Ca thật nhẹ nhàng nhưng chất chứa cả kho tàng của Nước Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng là Đức Giêsu Khiêm Hạ và Tự Hủy hoàn toàn. Khiêm hạ vì đã chấp nhận trở nên “người-tôi-tớ-đau-khổ” của Thiên Chúa để phục vụ chương trình Thiên Chúa cứu chuộc loài người. Tự hủy hoàn toàn nên hiến lễ tinh tuyền đẹp lòng Thiên Chúa Cha, không giữ lại điều gì cho mình kể cả mạng sống, và được Thiên Chúa Cha siêu tôn. Lời vàng ấy như sau:

“Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa” ( Hc 3, 19 – 21 ).

Thư Thánh Phaolô lại hướng chúng ta đến đỉnh cao của ơn cứu độ, không phải là đỉnh cao của danh vọng hư ảo có thể sờ mó được ngay như ta vẫn đang thèm thuồng… nhưng là đỉnh cao của núi Sion, của Đền Thánh Thiên Chúa, của niềm vui tuyệt hảo, của ơn cứu chuộc, của những người công chính… Nơi ấy, chính Đức Giêsu Kitô đã tiến lên nhờ sự khiêm hạ tuyệt đối và tự hủy hoàn toàn của Ngài:

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên Trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên Trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu” ( Dt 12, 22 – 24a ).

Cả hai đoạn trích đều dẫn chúng ta tới ý chính của Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là hãy phục vụ Nước Thiên Chúa trong tinh thần khiêm nhường tuyệt đối. “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ).

Lời căn dặn của Chúa trong bối cảnh một bữa tiệc, có nhiều người biệt phái được mời đến dự tiệc và họ tranh nhau ngồi vào chỗ nhất.

Tranh giành một chỗ nhất vì họ nghĩ đến cái thế giá của họ trong đạo cũ, chỉ chuộng hình thức bên ngoài mà bên trong đầy dẫy những gian tham độc ác, những điều tệ hại vô luân bất chính. Họ cũng làm việc, nhưng làm việc là để người khác phải phục vụ mình, không phải mình phục vụ người khác. Chúa không tỏ ra ghét họ đâu, nhưng Chúa muốn cho họ một bài học của tinh thần khiêm tốn phục vụ, và phục vụ vô vị lợi, cho dù chỉ là một chỗ ngồi cao trọng trong bàn tiệc cuộc đời.

Chúa Giêsu đã dạy: “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" ( Lc 14, 11 ). Lời dạy này là cả một thực tế đời sống Con Thiên Chúa trên trần gian. Quả thật, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của Ngài cách hiền hòa như lời dặn của sách Huấn Ca. Ngôi Con Thiên Chúa Toàn Năng, đã trở nên “hiền lành như con chiên bị đem đi giết”. Ngài biểu lộ đức Khiêm Nhường và Hiền Lành của Thiên Chúa, Đấng không tru diệt loài người tội lỗi bằng quyền phép vô biên của Ngài, nhưng cứu chuộc loài người bằng tình yêu thương bao la vĩ đại. Tình yêu thương ấy thôi thúc Đức Giêsu khiêm nhường tự hạ đi trong kiếp nghèo, kiếp khổ, kiếp lầm than của nhân loại và tự hủy cuộc đời mình để những người cùng đi với Ngài trong đau thương sẽ cùng về với Ngài trong vinh quang.

Mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi bước theo con đường Khiêm Hạ của Đấng Cứu Thế để chiếm đoạt Nước Thiên Chúa cho mình và đưa dẫn mọi người vào với Nước Thiên Chúa..

Trong khi có tin rằng một số nơi trên thế giới, người ta đang rao bán những Nhà Thờ, người ta không còn tham dự Thánh Lễ ngày thường, người ta không còn tổ chức Giáo Xứ cách chặt chẽ với những sinh hoạt Tông Đồ Giáo Dân, thì ngược lại, thật đáng vui mừng, ở Việt Nam người vẫn còn đáp lại ơn gọi Linh Mục Tu Sĩ khá đông; và đặc biệt hơn nữa, số tín hữu Việt Nam làm việc cho Nước Thiên Chúa trong vai trò Tông Đồ Giáo Dân hiện nay đang rất nhiều, rất nhiều… Mỗi người mỗi công việc: Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ông Câu, Ông Biện, Ông Trùm, Hội viên các hội đoàn Legio, Bà Mẹ Công Giáo, Gia Trưởng, Ca Đoàn, Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Phụng Sự, Giáo Lý Viên, Ban Trợ Liệt, Trợ Táng, Bảo Vệ Sự Sống, người chuyên cầu nguyện và khuyên răn người nguội lạnh trở lại, an ủi và mở đường hy vọng cho những kẻ ngã lòng v.v…

Nhưng, Lời Chúa hôm nay gợi ý cho mỗi người chúng ta hãy thử hỏi lại lòng mình rằng “chúng ta đang làm việc cho Thiên Chúa để danh Chúa được cả sáng hay là để danh mình được ca tụng, để thu hồi về cho Thiên Chúa những linh hồn hay để đem lại cho mình những vinh quang trần thế, những mối lợi chóng qua !?!”

Chúng ta đang sống trong tinh thần của Tin Mừng Chúa Giêsu, trong Đạo của Chúa Giêsu khiêm nhường và tự hủy. Sao ta có thể vẫn còn loay hoay mãi trong cách sống của những người Pharisêu 2.000 năm trước: cố tìm cho mình một chỗ đứng, một chỗ ngồi trong Đạo Thánh Chúa. Thỉnh thoảng lại nghe vài tin buồn không đáng có đã xảy ra từ những tranh chấp vụn vặt về quyền hành của ông kia bà nọ trong Giáo Hội, Giáo Xứ, của hội đoàn này, hội đoàn nọ, vì ảnh hưởng cá nhân hay ảnh hưởng của những sinh hoạt nổi trội, thật đáng tiếc. Hãy hỏi lại lòng mình là mình đang phục vụ Nước Chúa hay phục vụ cho vinh quang của mình ?

Thay vì tranh giành với nhau chút uy tín thì thiết tưởng hãy khiêm tốn và nhanh nhẹn xắn tay áo lên phục vụ những vị khách lạ lùng của Thiên Chúa kia kìa: “những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù” ( Lc 14, 13 ). Còn phải kể đến những vị khách quí khác cũng là bạn hữu của Chúa Kitô đang bị áp bức từng ngày từng đêm, những bạn hữu Chúa Kitô đang phải chiến đấu cho công bằng, cho sự thật, cho tự do, cho cơm áo, cho chính nghĩa… mà không thấy một bóng dáng ông kia bà nọ nào cảm thương hay tiếp sức.

Thay vì tranh công đổ lỗi thì hãy khiêm tốn mà chu toàn bổn phận theo như sứ vụ đã nhận lãnh:

- tiếp đón và phục vụ những vị khách đau khổ, đói tình thương, khát chân lý, và nhìn nhận họ là bạn hữu chí thiết của Chúa Giêsu.

- nhìn nhận sự can thiệp của Ơn Chúa tác động vào công việc của mình chứ không phải tự sức mình có thể.

- Vui mừng và hãnh diện vì có sức phù trợ của Chúa, chứ không vui mừng và hãnh diện vì khả năng tuyệt vời của mình.

- Và cũng thế, nếu ta có làm được những gì tốt đẹp là cho vinh quang Thiên Chúa chứ không phải cho uy tín hay danh dự cá nhân mình.

Niềm vui khi chu toàn sứ vụ, chắc chắn không phải là niềm vui đến từ những lời khen tặng, ca tụng, tôn vinh của những con người trần thế. Bởi vì, những lời khen tặng ấy cũng chẳng thật thà gì trong một thế giới đang đua nhau về kỷ thuật quảng bá cá nhân này, tẩy chay cá nhân nọ.

Niềm vui của người làm việc cho vinh quang Thiên Chúa là niềm vui nghe được tiếng thì thầm mãn nguyện của Chúa Giêsu, Đấng Khiêm Nhường, Đau Khổ đã cùng đồng hành với mình trên mọi nẻo đường sứ vụ.

Trong buổi tĩnh huấn các Giáo Lý Viên tháng qua, nhân mừng Lễ Thánh Anrê Phú Yên Bổn Mạng Giáo Lý Viên, tôi được nghe một chia sẻ:

“Xong một ngày làm việc, hay xong một buổi dạy Giáo Lý, em vẫn thường đến với Thánh Thể Chúa và được nghe những lời thầm thì rất trầm ấm, rất thân thương, rất chân thành của Chúa Giêsu. Ôi những lời vàng hạnh phúc quý giá tuyệt đối trong đời em.

Nhưng điểm hẹn gặp Chúa Giêsu để được nói và được nghe những lời thầm thân thương ấy, cũng không nhất thiết là ở Nhà của Cha, nơi Đức Giêsu Ngự trong Nhà Tạm, nhưng là bất cứ nơi đâu. Tâm hồn em là chính Nhà Tạm của Chúa Giêsu đang ngự thật, và chỉ cần một khoảng lặng nhỏ em cũng đủ lắng nghe tiếng Người.

Có lần em trên đường đi dạy Giáo Lý về, em kể với Chúa “Chúa nghe con nói nà, hôm nay em Định không thuộc bài, con định phạt em ấy, nhưng hỏi ra mới biết, ba của em ấy có đạo mà không đi Nhà Thờ, còn bà nội em thì không cho học Giáo Lý ở nhà, vì “ở nhà tao không có cái đạo nớ, đạo của mẹ con mày”. Con rất buồn nà ! Vậy mà, em thấy như Chúa đang mĩm cười, và thì thầm với em: “Vui lên đi nà, Anh Hai đã hiểu em rồi ! Để đó Anh liệu”. Thế là em không buồn gì nữa. Ra về, lòng nhẹ thênh”...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được làm mọi việc với Chúa, để mỗi việc con làm không phải là của con nữa, mà là của Chúa đang thực hiện nơi con người yếu đuối hèn kém của con. Thành công của con là thành công bởi Chúa, và niềm vui của con là được nghe tiếng Chúa thì thầm mỗi khoảng lặng riêng Chúa và con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:38 26/08/2010
GIẢI THƯỞNG

N2T


“Giải thưởng”, hai chữ này mặc dù đến đời nhà Đường mới xuất hiện, nhưng cái gọi là giải thưởng này, trước đây ba ngàn năm thời đại Tây Châu đã sớm xuất hiện rồi, và có thể nói đây là quốc gia sớm nhất trên thế giới có ban giải thưởng.

Tương truyền rằng giữa thời nhà Thương và nhà Châu rất thịnh hành về những hoạt động bắn cung, hồi ấy có một quan sứ tên là “Tư Thường”, cứ mỗi lần sau khi thi bắn cung xong thì vẫn cứ trao một giải thưởng như nhau cho người thắng: đó là một lá cờ treo trên cây tre khô, lá cờ này dùng cái đuôi con bò tót và lông chim màu sặc sỡ để làm, sau này gọi là “giải thưởng”.

Về sau đến đời nhà Hán và nhà Đường, người ta bèn thay đổi không dùng đuôi bò và lông chim nhiều màu nữa, mà dùng bằng vải gấm, cho nên nó thành cây cờ nhiều màu cực đẹp, và thế là nó trở thành tên gọi chính thức là “giải thưởng”.

(Đường chích ngôn)

Suy tư:

Có thưởng và có phạt đó là một “trò chơi” công bằng, ai làm hay làm giỏi làm đúng thì được thưởng, ngược lại ai làm sai làm dở làm điều xấu thì bị phạt, có như thế mới đem lại sự phấn khởi cho mọi người là: người tốt nổ lực tốt thêm, người chưa tốt thì cố gắng phấn đấu thành người tốt.

Trong đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu cũng thế, Chúa Giê-su Ki-tô hứa ban thưởng thiên đàng cho những ai biết yêu mến và thực hành Lời Chúa, Ngài cũng hứa cứu với tất cả những ai vì yêu mến Chúa mà sống bác ái yêu thương tha nhân, và chắc chắn sẽ có hình phạt dành cho những ai cố tình sống trong tội lỗi và khi lìa khỏi đời này trong tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa, hình phạt đó là đau khổ đời đời trong hỏa ngục.

Không phải “giải thưởng” có từ thời Tây Châu, mà là có từ khi tạo thiên lập địa, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, thì Đức Chúa đã hứa ban thiên đàng cho những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và tuân giữ những giới răn của Ngài, mà hứa ban không phải là giải thưởng hay sao ?

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:38 26/08/2010
N2T


18. Phàm việc gì từ Thiên Chúa mà đến, hoặc những thống khổ mà Thiên Chúa cho phép đến từ con người, nếu chúng ta chấp nhận chúng nó, thì tất cả giá trị công đức đều vượt qua tất cả những chọn lựa từ sự quyết chí của bản thân chúng ta.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:40 26/08/2010
N2T


510. Ý nghĩa của cuộc sống chính là: vừa theo đuổi, vừa sửa chữa cho đúng, vừa khẳng định.

 
Dự tiệc và đãi tiệc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:22 26/08/2010
Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên, Năm C

Chúa Giêsu được thủ lãnh nhóm Pharisiêu mời dùng tiệc. Nhân bối cảnh bữa tiệc Chúa Giêsu dạy hai bài học: khi được mời dự tiệc và khi đứng ra đãi tiệc.

1. Khi được mời dự tiệc.

Được mời dùng bữa, Đức Giêsu quan sát thấy ai cũng muốn ngồi chỗ nhất. Không phải vì chỗ nhất ăn ngon hơn mà vì chỗ đó danh dự hơn. Chỗ ngồi là danh dự. Những người Pharisêu là những người rất mộ đạo, và tự coi mình là những người gương mẫu. Tuy nhiên, ở đây họ tranh giành những chỗ ngồi danh dự. Điều đó cho thấy, thực ra họ rất tự mãn, phù phiếm và ích kỷ. Họ không ở đó để làm vinh dự cho chủ nhà nhưng để làm vinh dự cho chính họ.

Chỗ ngồi và người ngồi cái nào quan trọng hơn ? Có câu chuyện kể về một người chủ nhà mở một bữa tiệc và mời nhiều người đến dự. Trong số khách đến dự có một học giả nổi tiếng tên là Daniel. Khi Daniel đến, chủ nhà mời ông ngồi bàn trên. Nhưng Daniel từ chối và nói rằng ông muốn ngồi chung với những người bình dân nghèo hèn. Sau Daniel còn có nhiều khách lần lượt đến. Ai cũng giành ngồi bàn trên và những bàn gần phía trên. Chỉ có cái bàn tận cuối cùng, bàn của Daniel đang ngồi là còn trống chỗ. Sau cùng, ông thị trưởng đến. Vì không còn ghế trống ở bất kỳ bàn nào khác nên chủ nhà buộc lòng mời ông thị trưởng ấy đến ngồi bàn cuối chung với bàn của Daniel. Vị thị trưởng thắc mắc: nhưng đây là bàn cuối cùng mà ! Chủ nhà nhanh trí đáp: thưa không, đây là bàn danh dự vì là bàn có ông Daniel đang ngồi. Vị thị trưởng hết thắc mắc và ngồi vào chỗ chủ nhà chỉ. Ý nghĩa câu chuyện là: không phải chỗ ngồi làm cho người ngồi được vinh dự, ngược lại, chính người ngồi làm cho chỗ ngồi được vinh dự.

Phần lớn, những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước. Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Người Pharisiêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường. Giacôbê và Gioan thích ngồi ghế bên tả, bên hữu Đức Giêsu. Philatô cho đóng đinh Đức Giêsu vô tội vì ông sợ mất ghế.

Bài Phúc Âm cho thấy, ai cũng muốn ngồi chỗ nhất nên chỗ nhất thiếu chỗ, có những bậc vị vọng đành phải ngồi xuống chỗ dưới. Có lẽ Đức Giêsu không muốn tranh giành, lại coi thường những chức danh phù phiếm nên đã tự động ngồi vào ghế chót.Trong tình huống ấy, chủ nhà buộc lòng phải mời những vị khách không mấy quan trọng xuống khỏi chỗ nhất. Chủ nhà mời Đức Giêsu lên chỗ nhất, một phần vì uy tín của Người, nhưng cũng để nghe Người nói. Nhân hoàn cảnh đó, Đức Giêsu dạy bài học cách sống khiêm tốn: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Không có đời sống tâm linh chân thật nếu không có sự khiêm nhường.

Đi ăn tiệc cứ chọn chỗ cuối cùng mà ngồi. Nếu được chủ nhà mời lên thì thật vinh dự. Tự cho phép mình ngồi chỗ trên hết, lỡ bị chủ nhà mời xuống thì thật là xấu hổ.

Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên, coi thường mình hay sợ người khác, rụt rè không dám nhận trách nhiệm. Khiêm tốn là biết mình đã nhận được tất cả từ Chúa và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân. Bài đọc 1 ca ngợi đức khiêm tốn. Sự hiền hoà và khiêm tốn là nhân đức căn bản và quý giá của con người. Nhờ khiêm tốn, con người khám phá được sự cao trọng của Thiên Chúa và mở ngõ cho con người đi vào sự khôn ngoan. Lời dạy này là kết tinh của kinh nghiệm biết bao bậc hiền triết khôn ngoan từ thuở xưa. Chính Chúa Giêsu cũng lấy đức khiêm tốn làm một trong các mối phúc của bài giảng trên núi và mời gọi mọi người hãy học cùng Người là Đấng hiền lành và khiêm tốn trong lòng. Ai sống hiền lành và khiêm tốn thì được nghĩa trước mặt Chúa và được mọi người yêu mến.

Ngày nay, khiêm nhường thường bị người đời coi là thua kém, là yếu hèn, là nhu nhược. Trái lại Thiên Chúa nâng cao những ai khiên nhường. Khiêm nhường được ví như nền móng của ngôi nhà. Nền móng càng sâu, ngôi nhà càng cao, càng vững chắc.

2. Khi đứng ra đãi tiệc

Người ta dễ đánh giá người khác dựa trên chiếc ghế của họ. Thật ra, một người quét đường có lương tâm lại có giá trị gấp nhiều lần một giám đốc tham ô lãng phí. Người ta thường thích giao lưu với những người có thế giá, có học thức, có của cải để dễ nhờ vả khi cần. Nhưng Đức Giêsu khuyên rằng: khi mời tiệc nên mời những người nghèo khó, tật nguyền. Đây cũng là một trong các nghịch lý của Tin Mừng đi ngược nhiều với thế gian. Ngài dạy làm ơn và phục vụ không cần người ta đền đáp vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp. Như thế Đức Giêsu mong muốn người tín hữu vượt qua óc tính toán vụ lợi để yêu thương phục vụ những người bất hạnh.

Đức Giêsu muốn minh định cái nguyên tắc thuộc linh cao cả, cái động lực vô vị lợi cho các hành vi thiện đức: đừng bao giờ ban ơn để rồi được nhận lại. Ngài không bảo đừng bao giờ mời người giàu hay chỉ mời người nghèo, nhưng đừng phục vụ với hậu ý kiếm lợi. Nếu chỉ phục vụ với chủ ý mưu lợi cho tha nhân mà không nghĩ tới mình được trả trong đời này hay đời sau, thì hành vi đó lại chắc chắn được thưởng trong ngày Chúa quang lâm vinh hiển.

Đức Giêsu muốn nói đến bữa tiệc Nước Trời, nơi đó mọi người đều được mời đến dự, không phân biệt đối xử, đặc biệt mời những người nghèo, vì người nghèo dễ dàng nhận lời mời hơn những người giàu có, quyền thế. Bữa tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đã dọn sẵn, và chỉ những ai khiêm tốn, bé nhỏ, nghèo khó mới được vào dự tiệc. “Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế và lòng trí kiêu căng. Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, phận nhỏ. Người nghèo đói Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-54). Quyền thế trần gian đối với Thiên Chúa chỉ là yếu hèn. Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà ban sức mạnh cho người yếu đuối.

Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường và bác ái, bài học về cách dự tiệc và cách đãi tiệc. Đó là bài học về những cách sống trong cuộc đời. Lời Chúa dạy xem ra đảo lộn mọi trật tự xã hội trần thế. Nhưng sống Tin mừng luôn là lội ngược dòng và Thiên Chúa luôn đứng về phía những người khiêm nhường, những người thấp hèn trong địa vị xã hội, những người bị áp bức bất công. Sống khiêm nhường và yêu thương người nghèo là con đường đi đến Nước Trời. Người tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc tận nguồn sự khiêm hạ trong tình yêu.
 
Thi hài Thánh nữ Bernadette sau 122 năm.
Trầm Thiên Thu
19:33 26/08/2010
Điều đáng ghi nhớ là các nữ tu hồi đó được an táng trong một hòm gỗ thông và không được ướp hương thơm như ngày nay.

Đây là một trong hơn 200 điều lạ về các thi hài không hư nát mà chỉ có thể thấy được đối với đa số các vị thánh của Giáo hội Công giáo La mã.

Đây là các tấm hình Thánh nữ Bernadette đã chết 122 năm trước tại Lộ đức (Lourdes, Pháp) và đã được an táng. Thi hài Thánh nữ mới được phát hiện 30 năm trước. Sau khi Giáo hội quyết định khám nghiệm thi hài Thánh nữ, và thấy thi hài vẫn như người sống. Nếu bạn đến Lộ đức, bạn có thể thấy thi hài Thánh nữ Bernadette tại nhà thờ Lộ đức. Thi hài Thánh nữ không phân hủy vì khi còn sống, Đức Mẹ luôn hiện ra với Thánh nữ, trao các sứ điệp và lời khuyên cho nhân loại để sống đúng đắn. Nhiều pháp lạ đã xảy ra tại Lộ đức và vẫn còn xảy ra cho đến ngày nay..

Các khoa học gia đã ngạc nhiên về điều này vì thi hài không theo quy luật tự nhiên, thay vì mùi hôi thối thì lại là mùi thơm như hoa mỗi khi hòm kính được mở ra. Một số người cho biết họ đã ngửi thấy mùi thơm khi đi ngang qua gần quan tài. Bạn có thể kính viếng nhà thờ Lộ đức để xác nhận sự thật này và tìm cho mình một mầu nhiệm sống động trong thời đại chúng ta.
 
Vinh hay Nhục
Lm Vũđình Tường
22:17 26/08/2010
Cảm thấy vinh hạnh, hãnh diện hay mất mặt, nhục nhã là hai trạng thái đối nghịch trong giao tế xã hội. Con người xã hội dựa vào những cảm xúc này để xử thế, đối xử với nhau trong cuộc sống. Chúng giúp cho cá nhân nhận định, phân biệt khi nào cần nói gì, phải hành xử ra sao trong giao tế xã hội. Chúng đóng vai trò lớn trong việc giúp ổn định xã hội. Giúp người khác nhận biết, phân biệt, phán đoán người họ đang tiếp xúc thuộc thành phần tế nhị, tử tế, thẳng thắn hay thô bạo, hung tợn, gian trá.

Con người bình thường nào cũng cố gắng tránh tình trạng bị bẽ bàng, mắc cở nơi công cộng, gây nên bởi lối hành xử hung bạo, thiếu tế nhị, hoặc thiếu khiêm nhường. Kẻ gieo gió sẽ gặt bão. Mắc cở, nhục nhã xảy ra khi người nào đó tự kiêu, sai lầm, đánh giá quá mức về tầm quan trọng của mình trước đại chúng.

Sống tự tin

Người chủ trương sống khiêm nhường, tế nhị, ít lo lắng về phê phán, nhận định của đại chúng. Họ sống trong tự tin vì luôn cố gắng hành xử nhã nhặn với mọi người, ngay cả với người tỏ ra kình chống, xung khắc lập trường. Khi nghe lời phàn nàn, chê bai họ đón nhận mong học được điều tốt từ nhận định. Họ vui mừng và khiêm nhường đón nhận tiếng vỗ tay khen hoặc lời ca tụng với tâm tình biết ơn. Người có lòng bác ái, vị tha không vênh vang khi được đại chúng đón chào nhưng đón nhận và cố gắng sống khiêm nhường, tế nhị hơn về thành quả đạt được.

Tiệc làng

Đức Kitô được thủ lãnh trong dân mời đến nhà riêng dự tiệc. Khách được mời toàn là những bậc vị vọng trong dân, người có thế giá, địa vị vững chắc trong xã hội. Ngài chứng kiến cảnh người ta tranh nhau ngồi ghế danh dự nơi bàn tiệc. Là người lãnh đạo trong dân mà còn kèn cựa, hơn thua nhau li, tấc như thế thì không thể lãnh đạo tốt, đối xử nhân lành với con dân. Tệ đoan này nằm sâu trong cốt tủy của xã hội và là nguyên nhân gây ra bất công, lạm quyền. Đức Kitô, tuy là khách được mời, cũng không thể làm ngơ trước thái độ tranh danh lợi, trọng tiếng hơn trọng tình người. Ngài dùng hình ảnh tiệc cưới giải thích cho cả nhóm thủ lãnh lẫn chủ nhà về tư cách, đạo đức và giao tế xã hội nơi công chúng.

Ngài đưa ra hai nguyên tắc chung cho việc tham dự tiệc. Nguyên tắc thứ nhất liên quan đến việc chủ nhân chọn và mời khách. Nguyên tắc thứ hai liên quan đến việc khách hành xử khi được mời dự tiệc.

Với chủ nhân

Luật không thành văn qui định giới nào làm bạn, giao thiệp với giới đó. Phải phân biệt giai cấp rõ ràng, mạch lạc. Giai cấp thấp không thể ngồi ngang giai cấp cao. Thủ lãnh trong dân, bạn của họ phải là những thủ lãnh khác, ngang giai cấp, cùng địa vị xã hội. Giai cấp thấp hơn không được bén mảng đến gần. Vì thế bữa tiệc hôm nay chủ nhà là người lãnh đạo mời toàn khách có vai vế, thế đứng trong xã hội. Hôm nay họ là khách dự tiệc; mai mốt họ lại là chủ tiệc, mời lại người đã mời họ. Họ sống theo nguyên tắc ‘hòn đất ném đi hòn chì ném lại’. Thời Đức Kitô, cô nhi, quả phụ, người nghèo là những người bị xã hội chà đạp, coi thường, đẩy ra sống ngoài lề xã hội. Đức Kitô nhắc nhở những chủ nhân, người có khả năng mở tiệc, khi mời khách đừng quên mời những người sống ngoài lề xã hội. Họ không có gì để trả, không đủ khả năng mời lại nhưng họ suốt đời nhớ tấm thịnh tình chủ tiệc dành cho. Suốt đời họ khắc cốt, ghi tâm, tâm tình bác ái chủ tiệc mời họ.

Mời cô nhi, quả phụ đến nhà dự tiệc là hành động của đức ái và đồng thời thực hiện đức khiêm nhường. Chấp nhận đặt mình ngang hàng với thứ dân hay ít ra hoà đồng với họ, ngồi cùng bàn, tỏ ra coi trọng giá trị, mạng sống con người. Bất kể họ thuộc giai cấp nào trong xã hội, lãnh đạo hay thứ dân, giầu có hay nghèo nàn, giá trị con người cũng ngang nhau vì cùng do Chúa tạo nên, cùng được Chúa cứu độ. Làm thế là đặt giá trị con người cao hơn địa vị, danh vọng, học thức tiền tài.

Với thực khách

Với khách dự tiệc Đức Kitô cũng khuyên họ nên tế nhị với chủ nhà. Tranh nhau ghế danh dự làm khó cho chủ nhà vì chiều người này, mất lòng người nọ. Chọn ai, bỏ ai là vấn đề không dễ giải quyết trong giao tế xã hội. Khách được mời dự tiệc để chia sẻ niềm vui với chủ tiệc. Gây khó dễ cho chủ tiệc, dưới bất cứ hình thức nào, đều làm sai mục đích, lạc í nghĩa việc được mời.

Tiệc nước trời

Phúc Âm không nhắc đến tiệc nước trời nhưng nhiều lần Đức Kitô ví nước trời như tiệc cưới hoàng gia. Chủ tiệc chính là Đức Chúa và mọi người bất kể sang hèn, giầu nghèo, địa vị nào trong xã hội đều được mời dự tiệc cưới. Chủ tiệc là Đấng duy nhất xếp đặt ai ngồi nơi nào, chốn nào. Việc chọn ghế không chú trọng gì đến tiền của, vật chất hay địa vị trần thế người đó gánh vác. Chủ tiệc dùng đức khiêm nhường và lòng mến người đó đối xử với Đức Chúa và với tha nhân làm thước đo.

Xin mời ông bạn lên trên cho…. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. C.14

Người trước kia thọ ơn, nay có dịp trả ơn. Họ ghi khắc trong tim ân tình thời nghèo mạt được tiếp đón nay sẽ tôn vinh những ai đối xử với họ bằng việc bác ái, yêu thương. Người hiền đức được nghe

Ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. C.14
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pháp chọn Taizé để chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid 2011
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
14:21 26/08/2010
ROMA, (Zenit.org) -Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, từ ngày 16 đến ngày 21 tháng Tám 2011, 200 đại biểu đến từ các giáo phận, cộng đoàn dòng tu và các phong trào đoàn thể của Giáo Hội sẽ nhóm họp từ Chúa Nhật ngày 29 đến thứ Tư ngày 1 tháng Chín 2010 tại Taizé, thuộc tỉnh Saône-et-Loire, Pháp quốc để cùng nhau trao đổi và thông tin với sự tham dự của Timothy Radcliffe, tu sĩ dòng Đaminh, Hội Đồng Giám Mục Pháp cho hay.

Cuộc gặp gỡ cấp quốc gia này cũng là một cơ hội khám phá các bạn trẻ Công Giáo đến từ các tỉnh và vùng lãnh thổ hải ngoại để cùng chuẩn bị cho kỳ Đại Hội Giới Trẻ 2011.

Cuộc họp báo tại chỗ sẽ diễn ra tại Taizé lúc 11h45 thứ Hai ngày 30 tháng Tám. Những thông tin đầu tiên về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid 2011 sẽ được thông báo trước sự hiện diện của Đức Cha Benoît Rivière, Giám Mục giáo phận Autun, Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Pháp; Timothy Radcliffe, O.P.; Thầy Aloïs, Bề Trên Cộng Đoàn Taizé (vừa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập).

Ngày Quốc Tế Giới trẻ được thiết lập do sáng kiến của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1986. Sự kiện mang tầm cỡ thế giới này, được Giáo Hội tổ chức cho các bạn trẻ ở độ tuổi từ 18 đến 30, quy tụ cứ hai hoặc ba năm một lần hàng trăm ngàn khách hành hương là người trẻ.

Chủ đề được chọn cho lần này được trích từ thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tính hữu Côlôxê: « Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn » (Col 2,7). Mọi thông tin liên quan đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới được đăng tải tại địa chỉ www.jmj2010madrid.fr
 
Thông điệp từ ĐGH: Mẹ Teresa, một ''món quà vô giá'' cho Giáo Hội và Thế Giới
Paul Minh Nhật
14:28 26/08/2010
Bức thông điệp của ĐTC Benedict XVI cho năm đánh dấu kỉ niệm 100 năm ngày sinh của chân phước Teresa đã được đọc vào sáng nay bởi ĐGM Lucas Sirkar trong suốt buổi lễ được cử hành trong nhà nguyện của nhà mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái tại Calcutta.

Kolkata - Đánh dấu năm đặc biệt kỉ niệm 100 năm ngày sinh của mẹ Teresa Calcutta mà đã bắt đầu từ hôm nay, ĐGH Benedict XVI "một cách thiêng liêng chính ngài đã tham dự" những buổi cử hành và bày tỏ sự chắc chắn rằng nó sẽ cho phép "giáo hội và thế giới hân hoan cảm tạ Chúa vì món quà vô giá mà mẹ Teresa đã để lại trong suốt cuộc đời của mình".

Bức thông điệp được kí tên bởi ĐGH, gửi cho nữ tu Prema, bề trên tổng quyền dòng Các Thừa Sai Bác Ái, yêu cầu các nữ tu tiếp tục công việc của Mẹ Teresa, là trở nên "gần gũi hơn với con người của Đức Giê-su, người khao khát cho các linh hồn được thỏa mãn bởi thừa tác vụ của các con với ngài trong người nghèo khổ nhất của những người nghèo… người đau bệnh, người cô đơn và người bị bỏ rơi"

Với ĐGH, Mẹ Teresa đã là một tấm gương của thế giới như những lời của thánh Gioan: "Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo"(1 Ga: 11-12)

Thông điệp đã được đọc vào sáng hôm nay trong thánh lễ được cử hành bởi đức TGM Lucas Sirka, Calcutta trogn nhà mẹ của Dòng Thừa Sai Bác Ái.
 
Giáo dân Cồn Dầu xin tỵ nạn ở Thái
Đào Văn
18:26 26/08/2010
Vụ lôn xộn tại Cồn Dầu xảy ra hồi tháng 5-2010


Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói đã nhận được đơn xin tỵ nạn của 34 người từ Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, trốn khỏi Việt Nam sau vụ lộn xộn hồi tháng Năm.

Vụ lộn xộn xảy ra ngày 04/05 tại khối phố Cồn Dầu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, trong lễ tang bà Maria Đặng Thị Tân, sinh năm 1918.

Gia đình bà Tân muốn chôn cất bà tại nghĩa trang Cồn Dầu, nhưng chính quyền địa phương nói đã thông báo đây là "khu vực giải toả thuộc Dự án Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, không được chôn cất, nhằm đảm bảo tiến độ của dự án".

Trong vụ này, sáu giáo dân bị khởi tố tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ. Một giáo dân khác, ông Nguyễn Thành Năm, chết sau khi bị công an bắt.

Sau vụ này, hàng chục người đã trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tỵ nạn chính trị.

Người phát ngôn của UNHCR tại Geneve, ông Andre Mahecic, nói với BBC:

Ông Mahecic: Tôi được biết là vào tháng Sáu năm nay, chúng tôi được thông báo về việc một nhóm người từ Giáo xứ Cồn Dầu tới Thái Lan. Chúng tôi đã đăng ký họ trong hai đợt ngày mùng ba và 21 tháng Sáu.

Tổng cộng chúng tôi tiếp nhận 20 trường hợp, với 34 người. Đó là vì trường hợp xin tỵ nạn có thể là người trong gia đình đi cùng nhau.

Chúng tôi sẽ tổ chức phỏng vấn đợt đầu để xác định tư cách tỵ nạn, xem họ có cần bảo vệ của quốc tế hay không, vào tháng 10 và tháng 11 tới.

Chúng tôi đang phải giải quyết nhiều trường hợp nên phải sắp xếp lịch dựa trên sự cấp thiết của các trường hợp xin tỵ nạn.

BBC: Chúng tôi được tin rằng họ đang lẩn trốn ở một số nơi và không thể xuất đầu lộ diện do quan ngại gặp rắc rối với nhà chức trách sở tại.

Ông Mahecic: Điều đó cũng không lạ, vì theo luật xuất nhập cảnh của Thái Lan, những người xin tỵ nạn ở các thành phố có thể bị bắt giữ vô thời hạn. Bởi vậy cũng dễ hiểu nếu họ muốn lẩn trốn và tránh né sự chú ý trong quá trình tìm kiếm trợ giúp của UNHCR.

Con số của chúng tôi là khoảng 14% những người đang chờ xin quy chế tỵ nạn, kể cả trẻ em, đang bị cảnh sát Thái Lan giam giữ.

Chúng tôi đang hợp tác với nhà chức trách Thái Lan về chủ đề này nhưng những gì là luật pháp của nước sở tại thì chúng ta buộc phải tuân thủ.

BBC: Thưa ông, những người Việt Nam này đã tới Thái Lan từ tháng Sáu, mà tới tận tháng 10 họ mới được phỏng vấn. Liệu thời gian chờ đợi như vậy có quá dài không, khi mà họ gặp nguy cơ bị bắt và phải lẩn trốn.

Ông Mahecic: Hiện ở các thành phố của Thái Lan có khoảng 2.100 người đang chờ để xin tỵ nạn. Thông thường họ trông đợi được đi định cư ở một nước thứ ba.

Quá trình thẩm vấn, điều tra quy chế tỵ nạn kéo dài chừng nào chúng tôi thấy cần thiết. Mục tiêu là để xác định xem người xin tỵ nạn có đúng là cần được quốc tế bảo vệ hay không.

Có đầy đủ quy định về quá trình này, cũng như các tiêu chuẩn cần thiết. Tôi xin khẳng định rằng quá trình xem xét rất nghiêm túc có chuẩn mực và do vậy không thể nhanh chóng được.

BBC: Năm ngoái có một số trường hợp người Thượng ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam khiếu nại với chúng tôi rằng UNHCR đã "không giúp đỡ" họ, thậm chí gạt bỏ hay không công nhận những bằng chứng mà họ đưa ra. Ông nói thế nào về cáo buộc này ạ?

Ông Mahecic: Tôi không thể bình luận về các trường hợp cụ thể, nhưng điều mà tôi có thể khẳng định một lần nữa là mọi việc của chúng tôi đều theo thủ tục và quy định rõ ràng.

Không phải tất cả các đơn xin tỵ nạn đều có lý do chính đáng và đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là xác định xem ai thực sự cần được sự bảo trợ của quốc tế.

Tôi cũng xin bảo đảm rằng tất cả các trường hợp đều được xem xét kỹ càng và ngay cả khi đơn xin tỵ nạn bị bác thì người làm đơn cũng có thể khiếu nại xem xét lại.

BBC: Riêng với số giáo dân Cồn Dầu, chúng tôi được biết đã có các vận động từ chính giới Hoa Kỳ ủng hộ cho họ, và họ cũng là các tín đồ Công giáo. Các yếu tố đó ảnh hưởng thế nào tới quá trình xem xét đơn xin quy chế tỵ nạn của họ, thưa ông?

Ông Mahecic: Tôi không nghĩ việc vận động hành lang có ảnh hưởng.

Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận dạng những ai đang bị nguy cơ truy bức, hãm hại, cần được che chở vì chính kiến, vì chủng tộc, hay vì thuộc vào một nhóm tôn giáo nào đó... dựa trên những nguyên tắc của Công ước Quốc tế về tỵ nạn năm 1951. Trong đó có những tiêu chí rất rõ ràng.

Thông qua quy trình các cuộc thẩm vấn, điều tra kỹ lưỡng để xem xét tất cả các bằng chứng có thể, chúng tôi ra quyết định về quy chế tỵ nạn cho người làm đơn hoặc bác đơn của người đó.

Quy trình này nhằm tránh sai phạm trong việc xét đơn.
 
Cuộc tranh luận về linh đạo giới trẻ (2)
Vũ Văn An
19:48 26/08/2010
Những người ngoại giáo tí hon xinh đẹp

Bill Farrelly, người giữ một mục trên tờ Marist Messenger, thì chú trọng nhiều hơn tới Thế Hệ X, có thể nói như thế, nghĩa là Thế Hệ đi trước thế hệ Y, hay thế hệ cha mẹ của thế hệ này. Theo ông, muốn “nắm” được Thế Hệ Y thì phải nắm được Thế Hệ X. Đầu dây mối rợ của hiện tượng xa rời Giáo Hội nằm chính trong Thế Hệ X này.

Ngày 16 tháng 6 vừa qua, Farrelly cho đăng một bài tựa là “Những người ngoại giáo tí hon xinh đẹp” (Beautiful little pagans). Ông bắt đầu bằng một lời thống thiết “Vì Chúa Kitô, xin Giáo Hội hãy tỉnh dậy!”. Ông bảo: ông không có ý phạm thượng, mà chỉ đưa ra một lời khẩn khoản, đồng thời dóng lên tiếng nói thất vọng của mình khi khám phá ra lý do tại sao 7 trong số 8 đứa cháu của ông cứ tiếp tục làm người ngoại giáo tí hon xinh đẹp. Lý do ấy là: ông đã cố gắng truyền lại cho con cái ông niềm tin của ông, nhưng con cái ông đã từ khước không truyền lại cho con cái chúng cùng một niềm tin ấy, thậm chí từ khước luôn cả việc rửa tội cho chúng.

Farrelly cho hay: con cái ông là những con người đứng đắn, biết lo lắng, trung thực và biết yêu thương. Ông tôn trọng quyết định của chúng trong việc ngưng không tham dự Thánh Lễ nữa, vì chúng có quyền lựa chọn như thế. Nhưng điều ông không hiểu và dường như con cái ông không hiểu là chúng đã vô tình tước mất quyền lựa chọn ấy của con cái chúng, vì chúng đã không cho con cái chúng có dịp tiếp xúc với đức tin như chính chúng từng được cha mẹ chúng cho tiếp xúc.

Đó là mối thất vọng đầu. Mối thất vọng sâu xa hơn và thực chất hơn, theo Farrelly, phát xuất từ Giáo Hội. Bởi thế ông mới tha thiết khẩn khoản: “vì Chúa Kitô, xin Giáo Hội hãy tỉnh dậy!”. Ông cho rằng số đông các vị hồng y và giám mục phải chịu trách nhiệm về những điều đang xẩy ra. Các ngài là nguyên nhân chính khiến cho quá nhiều người trưởng thành ngưng không tham dự Thánh Lễ nữa và do đó không cho con cái mình theo học các trường Công Giáo hay Kitô Giáo nữa. Các ngài chịu phần trách nhiệm lớn hơn cả khiến những trẻ em này không được rửa tội và chỉ nhận được một nền giáo dục thế tục.

Farrelly bảo: ông biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang phải đương đầu với rất nhiều trở ngại, các ngài không tạo ra chủ nghĩa duy vật, một chủ nghĩa đang làm con người thời nay, cả người tin lẫn không tin, quay mặt khỏi Thiên Chúa và luân lý. Nhưng xem ra nhiều vị không muốn hay không có khả năng xử lý các thách đố này. Ông không chối cãi việc vẫn có những vị giám mục và hồng y can đảm, sẵn sàng đương đầu với các thách đố này và biết rằng Giáo Hội phải trở nên thích ứng hơn với cuộc sống hằng ngày của người ta. Nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu cũng đang dấn thân trên nẻo đường này. Ông ngả mũ kính cẩn chào các nhà lãnh đạo ấy.

Ông chỉ mong giáo dân từ Thánh Lễ Chúa Nhật trở về, cảm thấy mình được tươi mát trở lại, được thúc đẩy trở lại nhờ những bài giảng có linh hứng, có thách thức. Theo ông, nhiều bài giảng chỉ lặp đi lặp lại, nghe buồn nản và chẳng dính dáng gì. Người ta, nhất là người trẻ, rất mong được thông tri. Các giáo hội Kitô Giáo khác đã chứng tỏ rằng muốn người ta đến với mình, mình phải làm cho việc thông tri thiêng liêng dính dáng với cuộc sống của thế kỷ 21. Và điều quan trọng là: nếu người lớn đến, thì trẻ em sẽ đến. Và rồi một ngày kia, khi chúng lớn khôn, chúng sẽ tự quyết định có nên tiếp tục đến hay không.

Bởi thế, Farrelly cho hay: ông tiếp tục cầu nguyện để những đứa cháu của ông nhận được cơ may mà cha mẹ ông từng đem lại cho ông, mà ông và vợ ông từng đem lại cho con cái mình. Ông cũng cầu nguyện cho các vị giám mục và hồng y để các ngài làm dễ diễn trình tạo cơ may ấy.

Phản ứng

John Kelly ở Adelaide nghĩ rằng nhận định của Farrelly về trách nhiệm của hàng giáo phẩm có hơi quá đáng. Theo ông, cha mẹ nào cũng đều có trách nhiệm phải chuyển giao đức tin cho con cái. Ông tin rằng các cố gắng của ta cộng với lời cầu nguyện sẽ không uổng công. Lời của Thánh Ambrôsiô với Thánh Nữ Monica về cậu thanh niên Augustinô là một khích lệ và bảo đảm rất lớn.

Một độc giả khác, Gary Edmonds, thì cho rằng lý do khiến các anh chị em ông không tham dự Thánh Lễ là vì Chân Lý đã không được truyền lại cho họ một cách hữu hiệu. Nói rằng Chúa Giêsu yêu bạn quả có đúng, nhưng đàng sau câu nói ấy còn có một câu truyện, một ý niệm, một cuộc sống cần được gia đình rao giảng. Nếu người ta không nắm được Chân Lý ấy thì không hẳn là do bài giảng của một linh mục nào đó, mà vì bạn vẫn còn nói một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của con cái. Phải rao giảng ngay ở chỗ họ đang hiện hữu. Hãy sử dụng loại suy (analogies), liên hệ đức tin với một điều gì đó họ ưa thích.

Nhưng phản ứng chi tiết nhất là của David Timbs, ở Albion, Victoria. Ngày 23 tháng 8 vừa qua, “blog” của hãng tin Cathnews cho đăng tải đóng góp của ông, tựu trung, cũng để nói lên nỗi lo ngại về hiện tượng quá chú trọng tới giới trẻ, tới Thế Hệ Y, mà phần nào quên lãng các thế hệ khác.

Bản phúc trình về nền linh đạo của Thế Hệ Y

David Timbs đặc biệt lưu ý tới bản phúc trình năm 2004 do Đại Học Công Giáo Úc thực hiện về linh đạo của Thế Hệ Y, dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Úc Châu. Thế hệ Y được mô tả là mắc hội chứng quá tự yêu mình (narcissistic), thiếu động lực, thiếu cam kết và kỷ luật. Người ta có thể cho rằng họ được bảo vệ quá đáng, được khích lệ và nuông chiều thái quá. Đây là một thế hệ bị quyến rũ bởi câu thần chú “bạn có thể trở thành bất cứ điều gì bạn muốn” và ít khi nghe cha mẹ nói chữ “không” cũng như ít khi chịu học biết các biên giới xã hội. Mỹ từ “quyền lợi” thường được nghe thấy, chứ hạn từ “trách nhiệm” thì ít khi được nghe.

Riêng về phương diện tôn giáo, Bản Phúc Trình của Đại Học Công Giáo Úc cho ta một số thống kê khá lý thú về Thế Hệ Y: 31% nhận mình là duy nhân (humanist), ý thức rất ít hay không ý thức gì về “Thiên Chúa” hay “một quyền lực cao hơn” theo nghĩa tín điều; 17% cho mình không thuộc một hệ thống tuyên tín nào; 32% không có ý kiến; chỉ có 19% tự nhận mình thực hành niềm tin. Điều cũng lý thú là những người trả lời cuộc thăm dò cho biết họ rất ít quan tâm tới các giáo phái hay những nhóm tôn giáo ngoại biên (religious side-shows). Xem ra những hứa hẹn “yêu thương” và phúc âm thịnh vượng của một Kitô Giáo nhạc rock không lôi cuốn họ lâu dài.

Theo David Timbs, những sự kiện trên đem đến cho Giáo Hội một bằng chứng rõ ràng rằng Giáo Hội cần phải xem sét cả việc mình tự trình bày với giới trẻ ra sao lẫn việc mình đã lượng giá chương trình nối vòng tay lớn về phúc âm của mình như thế nào. Ông bảo sự lo lắng và bất mãn của Bill Farrelly một phần có lẽ đã phát sinh từ việc lãnh đạo nghèo nàn trong Giáo Hội, không biết nhìn trước. Có lẽ các ngài đang xây dựng những đền đài và viện bảo tàng lộng lẫy cho giới trẻ mà quên không chăm lo mục vụ cho thửa vườn (Gioan XXIII). David Timbs cũng cho rằng Mark Johnson có lý khi cho rằng Giáo Hội đã qui hướng các năng lực rao giảng Tin Mừng của mình một cách nghèo nàn vào giới trẻ. Cha mẹ là người cần được giúp đỡ để hiểu các hậu quả của việc dẫn đưa con cái mình vào thứ bí tích “xã hội học”, tức cái thứ nghi thức vào đời theo kiểu Clayton: cơ hội để chụp hình (photo op) với những món quà hậu hĩnh và tiệc tùng sau đó. Phó sản của cái thứ “bí tích” này là so sánh, là nhận vơ, là loại bỏ và cả bắt nạt nhau về phương diện xã hội và kinh tế. Hỏi thực tại lâu dài nào còn tồn tại nơi đứa trẻ sau khi những cái đó qua đi? Phép Rửa, Phép Thánh Thể và Phép Thêm Sức dẫn đưa nó vào thứ cộng đồng Kitô Giáo nào? Cam kết lâu dài và diễn tiến nằm ở đâu? Những dịp như Giáng Sinh và Phục Sinh cũng thế. Chúng đã bị rút gọn để trở thành những chuyện “con nít”. Quả cha mẹ của Thế Hệ Y đã âm thầm trao con cái mình cho những ông quản trị viên của thị trường ngoài kia.

David Timbs trích dẫn Michael Carr-Gregg, một tâm lý gia trẻ, người đã nhận diện ra bốn thế giới có tương quan với nhau mà tuổi trẻ gọi là nhà: thế giới bên trong, thế giới gia đình, thế giới bạn bè và thế giới trường học. Mới đây, ông ta còn thêm thế giới thứ năm, tức thế giới liên mạng. Đó là các lãnh vực xã hội hóa của tuổi trẻ nhưng đáng sợ thay, 90% sự tương hành qua lại giữa các thế giới này đã được thực hiện bằng điện tử! Và điều dễ hiểu là các thế giới đó đem đến thật nhiều sợ hãi, lo âu và hỗn độn cho nhiều người trẻ đang chới với đương đầu với những sức mạnh quá lớn đến không thể xử lý được. Dễ bị khai thác và thao túng là đặc điểm nổi bật của tuổi trẻ khắp nơi, đến nỗi nếu để một mình, họ khó có thể lèo lái cách an toàn trong các thế giới ấy. Các người trẻ Công Giáo của chúng ta cũng thế thôi.

Tuy nhiên, theo David Timbs, một trong những khám phá ấm lòng của Phúc Trình trên là dù Thế Hệ Y dành rất ít thì giờ hay không dành chút thì giờ nào cho Giáo Hội định chế, nhưng họ hết sức mến phục bộ mặt không vô nghĩa, bộ mặt rất bình dân nhưng lại nhiều thách đố của Chúa Giêsu. Tín điều đã mất hẳn đối với họ, nhưng Chúa Giêsu chân thực của Phúc Âm thì không, Người vẫn liên hệ với kinh nghiệm nhân bản. Người vẫn có thể nói với họ và nói cho họ bằng một giọng thuyết phục và dễ hiểu. Điều ấy hình như chúng ta thiếu đã lâu.

Tuy nhiên, theo Alex Reichel, ở Oyster Bay, Sydney, sự chú ý tới Chúa Giêsu của Thế Hệ Y trên đây chỉ là chuyện mây gió (ephemeral) và chưa được dị biệt hóa khỏi cảm tính. Muốn làm cho Chúa Giêsu hiện thực thật sự thì cần phải yêu Thánh Kinh. Thánh Thần của Chúa Giêsu vượt qua mọi biên giới xã hội. Hãy đọc Tông Đồ Công Vụ sẽ thấy: Chúa Giêsu chân thực kia đã thành lập một Giáo Hội.

Đối với Bản Phúc Trình của Đại Học Công Giáo Úc, Marjorie ở Brisbane nhận xét rằng đó không hẳn là một cuộc thăm dò giới trẻ Công Giáo mà thôi, bởi lẽ đa số các sinh viên thuộc Đại Học này không nhất thiết là người Công Giáo. Tuy nhiên, bản thăm dò trên có những câu hỏi khá chi tiết về đức tin Công Giáo như về Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể. Chỉ có điều bản thăm dò đã không giải thích các câu trả lời theo hậu cảnh đức tin của sinh viên.

Bởi thế, theo Garry ở Ipswich, Queensland, đã đến lúc phải có một cuộc nghiên cứu dựa trên việc tham dự Thánh Lễ của giới trẻ, nhất là của các học sinh tiểu và trung học. Hiện nay, nhiều dữ kiện thống kê đang cho thấy việc tham dự Thánh Lễ tại các nhà thờ Công Giáo của hai lớp người này khá nghèo nàn. Trong trường hợp các học sinh tiểu học, những em không thể tham dự Thánh Lễ nếu không được cha mẹ đưa đi, điều hiển nhiên là phải tập chú các cố gắng mục vụ vào cha mẹ. Cha mẹ có tham dự Thánh Lễ, con cái họ mới có dịp tham dự. Riêng đối với các học sinh trung học, vấn đề có phức tạp hơn. Nhiều cuộc nghiên cứu còn cho thấy, sau khi rời trung học, đa số các em còn ngưng hẳn việc tham dự Thánh Lễ. Người ta, vì thế, nghiêng hẳn về lối giải thích: Không có gì trong Thánh Lễ lôi cuốn và vận dụng được các em.

Fran, ở Brisbane, tự nhận mình là người sinh trong thập niên 1960. Thế hệ của bà (ông?) được người ta liệt vào thế hệ thứ 2 của những người Công Giáo không được học (uneducated). Thành thử, Thế Hệ Y, một Thế Hệ không được giáo dục, không được học về đức tin thì làm sao biết và hiểu được đức tin ấy? Fran là người may mắn nhờ được “thách thức” bởi bà mẹ và sở thích đọc và thích học hỏi các sách vở tiền Công Đồng Vatican II. Phúc đức khác của Fran là gặp được những “người đi lễ” hằng ngày hiểu biết đức tin, sẵn sàng đồng hành với bà (ông?). Fran thú nhận: ít gặp được vị nào trong hàng ngũ ơn gọi tu trì chịu dạy theo Thánh Kinh và Huấn Quyền.

Chủ điểm Bản Phúc Trình “Nền Linh Đạo Thế Hệ Y”

Trên VietCatholicNews, từ 16 tháng 6 năm 2008, chúng tôi có cho đăng tải một loạt bài về bản Phúc Trình “Nền Linh Đạo Thế Hệ Y” của Đại Học Công Giáo Úc, nhân dịp sắp sửa khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney. Đúng như Marjorie ở Brisbane nhận xét, bản phúc trình này nhằm khám phá nền linh đạo của tuổi trẻ Úc nói chung, chứ không hẳn tuổi trẻ Công Giáo Úc nói riêng. Tuy nhiên, nó cung cấp thật nhiều dữ kiện hữu ích cho mục vụ giới trẻ Công Giáo, và nhất định là một gợi ý, hay đúng hơn, một kích thích tố giúp Hội Đồng Giám Mục Úc nói chung và Đức Hồng Y George Pell của Sydney nói riêng mạnh dạn đứng ra đăng cai tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, một ngày giới trẻ tuyệt vời dưới bầu trời lồng lộng của Thánh Giá Phương Nam. Chỉ cần nhớ lại đêm Chầu Thánh Thể với 400,000 con người, trong đó, có cả người Kế Vị Phêrô, im lặng rập mình thờ lạy Ngôi Hai Nhập Thể, đại diện cho cả và thiên hạ cùng vũ trụ tinh hà, cũng đủ lấy lại sở hụi tổ chức rồi.

Nói thế có vẻ “tâng bốc” giá trị của Bản Phúc Trình quá đáng. Thực ra, nó chỉ nhằm thăm dò nền linh đạo của lớp người được họ tổng kết là theo khuynh hướng của chủ nghĩa duy cá nhân, một chủ nghĩa hết sức thách thức quan niệm cổ truyền cho rằng xã hội chỉ vững ổn khi các thành viên của nó có chung các giá trị và niềm tin giống nhau. Không biết hình ảnh 400,000 con người trong đêm vọng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney có đánh đổ được phần nào cái khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa này hay không. Nhưng rõ ràng đó là ý nguyện của những người đứng ra tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, và là ý nguyện của người sáng lập ra ngày này, Đức Cố Giáo Hoàng và là Người Tôi Tớ của Chúa, Gioan Phaolô II.

Bản Phúc Trình cũng nhấn mạnh điều này, điều mà Farrelly nhấn mạnh rất đúng: Thế Hệ Y không được lên khuôn do các biến cố mới đây, mà chính nền văn hóa Úc và cha mẹ họ đã lên khuôn cho họ. Chính Thế Hệ Được Mùa Con Nít, tức cha mẹ họ, đã sống qua thời kỳ có những biến chuyển lớn về xã hội và văn hóa trong hai thập niên 1960 và 1970. Thành thử, cố gắng tái phúc âm hóa cần được tập chú vào cha mẹ của Thế Hệ Y. Trong các nhà thờ Công Giáo Úc hiện nay, sự vắng bóng các cha mẹ này hết sức rõ ràng. Và phải chăng hiện tượng ấy cũng đang xẩy ra cho các cộng đồng Công Giáo Việt Nam, nhất là các cộng đồng hải ngoại?

Một điểm nữa được Bản Phúc Trình nhấn mạnh, ngược với Garry ở Queensland, là họ không dựa vào con số tham dự Thánh Lễ để nghiên cứu thái độ giới trẻ đối với tôn giáo mà dựa vào linh đạo hay cuộc sống tâm linh. Đã đành, tại Israel, linh đạo liên hệ đến ý niệm thần linh, đến ý niệm Thiên Chúa. Từ thế kỷ 17 trở đi, nó chỉ phong cách bản thân của từng người đối với việc tôn giáo. Nhưng những lúc gần đây, linh đạo có một định nghĩa rộng rãi hơn nhiều, trong đó, tôn giáo định chế chỉ đóng một phần rất nhỏ. Ai cũng có thể tự định nghĩa được linh đạo của riêng mình. Khởi đầu cuộc nghiên cứu, nhiều người từ khước hoàn toàn ý niệm ‘tâm linh’ tuy họ vẫn có một lối sống, một thế giới quan, một hệ thống giá trị và đạo đức riêng. Thành ra, để không độc đoán loại trừ một ai, các tác giả đã đưa ra một định nghĩa hết sức rộng rãi về linh đạo: để chỉ bất cứ thế giới quan nào bạn có và bất cứ hệ thống giá trị nào đi đôi với thế giới quan kia, dù trong cách nói năng của bạn, bạn từ khước không dùng các hạn từ như linh đạo, tâm linh.

Từ đó, các tác giả đưa ra ba mẫu linh đạo: Truyền Thống, Chiết Trung (eclectic) và Duy Nhân (humanist). Linh Đạo Truyền Thống để chỉ những ai nhận mình là Kitô hữu, tham dự các giáo hội Kitô giáo, cũng như một số tín hữu thuộc các tôn giáo lớn có tính hoàn cầu, như Hồi Giáo, Phật Giáo và Ấn Giáo, vốn là các truyền thống tôn giáo cực kỳ lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, họ chỉ đại diện rất ít trong cuộc nghiên cứu này. Tóm lại, tuy Truyền Thống ở đây chỉ các Kitô Hữu và Các Truyền Thống Khác, nhưng cốt chính vẫn nhằm vào các Kitô hữu, bởi lý do đơn giản họ là nhóm đa số gắn bó với con đường truyền thống.

Chiết Trung là những người tin theo hai hay nhiều hơn các niềm tin Tân Đại (New Age), bí truyền hay Đông Phương. Thí dụ, tin tái sinh, tin đồng bóng (psychics), tin bói toán hay thuật chiêm tinh. Thêm vào đó, họ còn có thể thực hành tới bốn thể loại tôn giáo và tâm linh Tân Đại, bí truyền hay Đông Phương sau đây: yoga, tai-chi, bói bài hay bói toán. Phải nói ngay, một số người tự nhận là Chiết Trung vẫn duy trì một số niềm tin của Kitô giáo, như tin có sự sống đời sau, tin thiên thần, ma qủy v.v… Tuy chưa biết liệu các niềm tin này có phù hợp với quan điểm truyền thống của Kitô giáo hay không. Căn cứ vào tính chiết trung của họ, nghĩa là cái quan điểm sẵn sàng ‘thu nhặt’ đủ thứ, thì các niềm tin kia khó mà đi đúng hướng của Kitô giáo chính thống.

Nhóm Duy Nhân là nhóm khá đông của Thế Hệ Y. Nên các tác giả muốn tìm hiểu cái nhìn của họ về cuộc đời. Gọi họ là Duy Nhân, vì xem ra nhóm này không muốn đi theo một con đường tâm linh nào, kể cả con đường Truyền Thống lẫn các nẻo đường Chiết Trung của Tân Đại, của bí truyền và của Đông Phương. Xem ra họ nhất định quay gót đối với các nền linh đạo ấy. Mà thật ra, họ không duy nhân theo nghĩa cực đoan của hội duy nhân hay hội duy lý. Họ không nhất thiết giận dữ chống đối tôn giáo cổ truyền, mà có phần tỏ ra khoan dung đối với các tôn giáo ấy. Nên theo định nghĩa, họ không bài tôn giáo, họ chỉ không chọn con đường ấy cho bản thân họ.

Nhiều người duy nhân cho hay họ tin Thiên Chúa. Thành thử, các tác giả Phúc Trình chia các người Duy Nhân theo nhiều cấp bậc khác nhau. Có những người duy nhân kiên định, nghĩa là những người cho hay họ không tin Thiên Chúa và chưa bao giờ tin cả. Tuy nhiên vẫn có một biên giới chung giữa người duy nhân và người truyền thống, trong đó, có người trước đây từng có liên hệ với Kitô giáo hay một tôn giáo truyền thống nào đó, nhưng nay đã rời khỏi các tôn giáo này, nhưng vẫn giữ lại một số niềm tin nào đó. Những người này không những có thể nói họ tin Thiên Chúa, mà cho dù họ nói họ không tin đi chăng nữa, thì họ vẫn tin vào một lực sống hay một hữu thể cao siêu nào đó.

Nói cho ngay, căn cứ vào con số thống kê, ta thấy 48% Thế Hệ Y tin Thiên Chúa. Nhưng điều đó có thể gây hiểu lầm. Vì còn 30% nữa cho biết họ không biết chắc. Ngay những người nói họ không tin Thiên Chúa, ta vẫn có thể hiểu họ muốn nói: “chúng tôi không tin Đấng Thiên Chúa của các anh, hay Đấng Thiên Chúa của các tôn giáo định chế”. Còn những người không biết chắc, thì hết hai phần ba cho biết họ tin vào một hữu thể hay một lực sống cao hơn trong vũ trụ. Và đa số họ còn tin thêm rằng hữu thể hay lực sống cao hơn đó quan tâm chăm sóc tới họ nữa. Thành thử ra, có đến 80% Thế Hệ Y tin có một cái gì đó ở bên ngoài kia, và có tới 70% Thế Hệ Y tin cái gì bên ngoài kia ấy quan tâm tới họ. Một trong các tác giả của phúc trình, là Michael Mason, cho rằng đó là hình ảnh có tính cá nhân hóa rõ rệt đối với ‘cái gì đó ở bên ngoài kia’, một cái gì họ tin là có thật.

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy nhóm Truyền Thống chiếm 44 %, nhóm Chiết Trung chiếm 17% còn nhóm Duy Nhân chiếm 31%. Như thế đủ thấy nhóm Duy Nhân khá đông. Đông hơn con số thống kê chính thức của điều tra dân số. Nhưng đâu là vai trò của các Giáo Hội, một lãnh vực vốn là chuyên môn của Mason, vì ngài là một linh mục. Theo ngài, đây là phạm vi chính của cuộc điều tra. Và ở đây, người ta thấy các Giáo Hội như Anh Giáo và Công Giáo cũng chẳng lôi cuốn Thế Hệ Y gì lắm so với một vài giáo hội khác. Anh Giáo chiếm khoảng 8% Thế Hệ Y, ít hơn con số Thống Kê Dân Số là chừng 8% hay 9%. Có khá nhiều người Anh Giáo thuộc Thế Hệ Y cho biết trước đây họ từng theo Anh Giáo nhưng nay không còn thuộc hệ phái ấy nữa. Các tác giả hỏi những người hiện nay không còn thuộc bất cứ giáo hội nào xem họ có thuộc giáo hội nào khi còn nhỏ tuổi hơn không, thì phần lớn nói là họ thuộc một giáo hội nào đó, cho đến cuối ban tiểu học. Việc chuyển tiếp từ tiểu học qua trung học thường là lúc người trẻ quyết định giáo hội không là của họ nữa. Và trong cả hai nhóm Anh Giáo và Công Giáo, đến hơn một phần tư trả lời “Có”, tôi vốn thuộc giáo phái ấy, tôi vốn nghĩ mình là Anh Giáo hay Công Giáo, nhưng nay, tôi hết nghĩ như thế nữa.

Tuy nhiên, những giáo phái như Luthêrô, Giáo Hội Chúa Kitô, Baptist, Pentecostal chiếm đến 16% Thế Hệ Y và họ nổi bật về nhiều phương diện trong niềm tin và thực hành Kitô giáo. Về phía Công Giáo, xem ra nhiều người thuộc Thế Hệ Y có phần tâm linh cao hơn là thế hệ cha mẹ họ, tức Thế Hệ Được Mùa Con Nít (Baby Boomers). Xem ra họ ý thức mạnh hơn đến mối liên kết bản thân của họ với Thiên Chúa. Và hình như cũng vì vậy mà có sự thay đổi trọng tâm từ chính trị qua bản thân nữa.

Đối với các tôn giáo khác như Hồi Giáo chẳng hạn, thì tuy họ rất mạnh về một số niềm tin và thực hành tôn giáo, nhưng việc tham dự các buổi phụng vụ, thì có vẻ lại không bằng các nhóm Kitô giáo khác. Có thể vì họ sống không gần các đền thờ chăng. Họ có chịu ảnh hưởng bởi trào lưu thích ứng với hiện đại và đổi thay không? Điều này không tránh khỏi, vì mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh bởi gia tài sắc tộc của họ với các yếu tố tôn giáo của nó, họ vẫn tỏ ra hết sức Úc Châu ở nhiều phương diện khác. Giữa các niềm tin từng tạo nên tôn giáo của họ, họ nghĩ họ có quyền muốn lựa và lọc niềm tin nào họ thích, họ có khuynh hướng muốn nhìn nhận rằng các giá trị luân lý chỉ là tương đối, và không hề có điều đúng và điều sai tuyệt đối cho mọi người. Thành ra, nói chung, một số các nhấn mạnh có tính duy cá nhân, vốn là đặc điểm nổi bật của Thế Hệ Y, cũng đã tìm được đường xâm nhập các nhóm tôn giáo khác như Hồi Giáo, Phật Giáo và Ấn Giáo.

Nhưng cần lưu ý một điều những người trả lời không thuộc một trong các giáo hội định chế trên không có nghĩa là họ thuộc Nhóm Vô Tôn Giáo. Nghĩ như thế không đúng. Vì tuy không thuộc một giáo hội định chế nào, nhiều người vẫn duy trì một số niềm tin tôn giáo và tham dự một số các thực hành tôn giáo riêng tư. Đúng như nhà xã hội học Hans Moll ở thập niên 1970 đã nói: phần lớn những người thuộc nhóm “Vô Tôn Giáo” thực sự là đại biểu cho những người thực hành tôn giáo cách riêng tư, một thứ cảm nhận linh đạo cá thể. Ông ta gọi họ là các tín hữu riêng tư. Nhưng ngày nay, trong ngành xã hội học về tôn giáo, người ta đang tranh luận gay gắt xem liệu những tín hữu riêng tư ấy có giữ được chút tôn giáo nào trong họ hay không. Nhiều người cho rằng cái gì đơn độc (solitary) cũng hết sức mỏng dòn, dễ vỡ.

Nhưng phải nói sao về những người cho là mình vô tôn giáo nhưng là người tâm linh? Theo Andrew Singleton, tại Hoa Kỳ, người ta đã tìm hiểu nhiều về mối liên hệ giữa những người thưa Có, tôi là người tâm linh, nhưng không phải là người tôn giáo. Thiển nghĩ nhóm chiết trung cho ta một số ý niệm ở đây, vì họ vốn ủng hộ một loạt các niềm tin khác nhau và một số ít hơn các thực hành, nên ta có thể gọi họ là tâm linh nhưng đứng ngoài biên giới tôn giáo. Tuy nhiên, trong cuộc điều tra này, các tác giả tránh không đặt ra các câu hỏi liên quan đến tâm linh đối nghịch với tôn giáo. Vì trong các cuộc phỏng vấn trước khi thực hiện cuộc điều tra này, họ thấy rằng phần lớn giới trẻ không thực sự hiểu rõ linh đạo là thế nào. Mà có yêu cầu người trẻ định nghĩa chữ linh đạo đi chăng nữa, hay họ nghĩ gì về chữ này, thì phần đông tỏ ra lúng túng. Thành thử, các tác giả chỉ đặt những câu hỏi đại loại như “bạn có nghĩ là bạn sống lối sống đó không? Hay nếu không, thì là lối sống nào? Một lối hỏi gián tiếp. Nói cách khác, theo Michael Mason, giới trẻ không dùng hạn từ linh đạo. Điều ấy không mấy quan trọng. Các tác giả dùng cách khác để đề cập tới nội dung của linh đạo. Dù sao, ở đây, hạn từ này cũng không được dùng rộng rãi như tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, các tác giả phỏng vấn người trẻ mà có em chỉ mới 12 tuổi, nên chữ linh đạo có một nghiã rộng rãi hơn chữ tôn giáo.

Lược tóm trên đây đủ cho thấy cuộc điều tra trên không thể bị coi là một phí phạm, trái lại là một đóng góp lớn để điều hướng mục vụ giới trẻ trong tương lai. Giới trẻ thực ra không hẳn là một giới người, một thế hệ cứng ngắc, nó có tính lưu chẩy và tùy cố gắng đúng chỗ của ta mà dòng chẩy của nó hướng về phía nào. Đối với chúng ta, hướng đó vẫn luôn là hướng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Kitô lịch sử đã đành, nhưng nhất là Đấng Kitô đang sống động trong lòng Giáo Hội, trong lịch sử nhân loại.
 
Top Stories
Vietnam: En tenant son premier congrès à Hanoi, Caritas Vietnam renforce ses positions pour mieux servir les plus pauvres
Eglises d'Asie
06:45 26/08/2010
Eglises d'Asie, 26 août 2010- Pour la première fois, l’association Caritas de la province ecclésiastique de Hanoi a réuni les plus engagés de ses militants dans un congrès qui s’est tenu les 24 et 25 août derniers dans l’enceinte du grand séminaire Saint-Joseph de la capitale (1). Y participaient des volontaires de base, des prêtres et des religieuses des divers groupes régionaux et paroissiaux de l’association, des prêtres responsables au niveau diocésain, ainsi que l’archevêque de Hanoi, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, Mgr Joseph Nguyên Van Yên, vice-président de la commission caritative et sociale, et le P. Nguyên Ngoc Son, directeur national et animateur de longue date de Caritas Vietnam.

La tenue de ce congrès du célèbre groupe caritatif revêtait une certaine importance. Cette association, dépendante de la Conférence épiscopale, existait au Vietnam (dans le Sud) depuis 1965. Cependant après le changement de régime d’avril 1975, ses responsables reçurent des nouvelles autorités politiques l’ordre de cesser toute activité et de transmettre les institutions et les moyens d’action de l’association aux organes gouvernementaux compétents. Il a fallu ensuite la longue persévérance et les efforts, quelquefois publics, le plus souvent discrets, de divers volontaires pour que l’association reprenne ses activités, officieusement puis officiellement. En 2008, après plus de 30 ans d’absence, Caritas, l’organisme catholique d’action sociale et caritative, faisait sa réapparition officielle sur la scène publique, aussi bien au niveau national que dans les diocèses et les paroisses. Munie d’une reconnaissance officielle mais « circonstanciée », accordée le 2 juillet 2008 par le Bureau gouvernemental des Affaires religieuses, l’association catholique pouvait tenir ses premières assises nationales, les 22 et 23 octobre 2008, à Xuan Lôc (2).

Les débats du congrès de Hanoi ont porté sur de nombreux domaines. L’organisation de l’association ainsi que les orientations qui guident ses activités ont été exposées de manière claire et détaillée. L’attention des participants a été attirée sur les grandes questions sociales d’aujourd’hui et sur les tâches qu’elles nécessitaient: le combat contre le fléau du sida, la protection de la vie et la lutte contre l’avortement, les activités en faveur des handicapés, les soins et les traitements médicaux à apporter aux malades des milieux pauvres, l’aide aux enfants scolarisés de ces mêmes milieux, les programmes d’urgence en cas de fléaux naturels (surtout les cyclones et les inondations annuelles).

Au nom de tous les participants, Mgr Nguyên Van Yên, vice- président de la commission épiscopale pour les affaires caritatives et sociales, a tiré les conclusions de ces débats: « Dans le passé, Caritas Vietnam a rencontré de nombreuses épreuves dues au régime social. Grâce à l’aide de la Providence, nos activités caritatives et sociales continuent et rendent de grands services. Désormais, notre association s’efforcera de fortifier ses positions dans les paroisses au service des plus démunis » (3).

(1) Voir: http://www.chuacuuthe.com/
(2) Voir EDA 194
(3) voir référence citée en note (1)

(Source: Eglises d'Asie, 26 août 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Bông Hồng Xanh trở lại tỉnh Đồng Tháp thăm nhà thờ Thiên Phước
Maria Vũ Loan
06:13 26/08/2010
Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi trở lại huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp lần thứ ba ngày 25.8.2010 để phát học bổng, nhưng lần này, chúng tôi không đi về phía tay phải sang cù lao Tây mà rẽ trái đến thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông để thăm nhà thờ Thiên Phước, các cụm dân cư nghèo ở đây rồi vào khu bảo tồn thiên nhiên nữa.

Xem hình ảnh

Chương trình học bổng Bông Hồng Xanh 2010 – 2011

Năm học mới đã bắt đầu trên khắp đất Việt. Cũng như những bàn tay nhân ái và các tổ chức từ thiện khác, nhóm chúng tôi đã trao đến các bạn nhỏ học sinh những phần tiền học phí phần nào giúp các em bớt khó khăn để đến trường. Năm nay, tuy quí cha và quí ân nhân chung tay giúp sức không nhiều nhưng chúng tôi cũng đạt được một nửa yêu cầu của chương trình với 100 phần học phí cho ở Bình Phước, Suối Quýt (Long thành), Đồng Tháp, trường Lạc Long Quân quận Tân Bình và một vài em ở Long Khánh, quận Bình Tân.

Tại sao chúng tôi cứ đến Đồng Tháp để phát cho những học sinh quần chúng với số tiền nhỉnh hơn những nơi khác? Vì học sinh trường THCS Tân Phú huyện Thanh Bình này luôn có nguy cơ bỏ học, trường học ẩn trong vùng sâu, cơ sở vật chất nghèo nàn, học sinh suy dinh dưỡng so với tuổi, cha mẹ các em làm ruộng, làm mướn và tập giáo viên ở đây rất chân thành. Thầy hiệu trưởng thổ lộ: “Khi nhóm của cô báo rằng sẽ cho 30 phần thì có đến 100 sổ nghèo nộp lên văn phòng. Chúng tôi chọn lựa và nhờ các thầy cô đi thực tế, tức là đến nhà các em để biết rõ hoàn cảnh…”. Lòng chúng tôi xao xuyến, cứ ước gì mình là tỷ phú! Hôm nay có bốn em vắng mặt làm chúng tôi hơi buồn. Thầy dạy toán nói rằng: “Cô cứ yên tâm, chúng em sẽ trao tận tay các cháu, chắc mấy em đó mừng lắm!”

Nếu hằng năm tôi cứ được phát học bổng thế này thì sự nghiệp giáo dục của tôi là một hành trình dài đến cuối cuộc đời. Thật là vui! Nhưng hy vọng việc làm này trở thành tuyệt vời khi chân dung của chúa Kitô được lộ diện trong việc làm nhỏ bé của nhóm chúng tôi.

Sau ít phút trà nước thân tình, chúng tôi được quí thầy cô dẫn đường sang huyện Tam Nông để thăm nhà thờ Thiên Phước ở gần khu bảo tồn Tràm Chim.

Nhà thờ Thiên Phước ở thị trấn Tràm Chim

Xe vừa dừng ở cổng nhà thờ, chúng tôi đều nghĩ rằng nhà thờ khang trang và đẹp thế này thì giáo dân chắc cũng khá giả. Nhưng không, cha nói chúng tôi cứ đi thăm Tràm Chim, một vườn quốc gia bảo tồn thiên nhiên có nhiều loài chim, nhất là sếu đỏ trú ngụ, rồi khi dùng cơm trưa, cha con sẽ trò chuyện thêm.

Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười có diện tích tự nhiên là 7.612 ha, được chính thức công nhận là vườn quốc gia Tràm Chim từ năm 1999. Cảnh quan thiên nhiên đẹp vì có sông nước, rừng tràm xanh ngát, thực vật phong phú, có hàng chục loài cá, gần 200 loài chim. Vào mùa nước nổi, người ta thấy có sen, súng, lúa trời, củ năng, lác; các loài động vật như lươn, rắn, rùa, trăn; các loại cá đồng và chim như diệc, vịt trời, cồng cộc, trong đó có sếu đầu đỏ là loài quí hiếm.

Hằng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc đàn sếu bay về Tràm Chin cư trú. Sếu kiếm ăn từ ếch nhái, côn trùng, củ năng mọc trên bãi đã cạn, sau đó chúng tìm đến các đầm nước để uống và tắm. Chúng bay lượn, múa hót lảnh lót. Đẹp nhất là nhìn chúng lúc hoàng hôn chiều tà.

Giờ đây, cái tên Tràm Chim đã quen thuộc ở trong nước và ngoài nước. Nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu và Tràm Chim trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Về Đồng Tháp, đến Tràm Chim Tam Nông để ngắm đàn sếu múa đôi, nghe rừng tràm xào xạc, chắc chắn người ta sẽ có những kỷ niệm về thiên nhiên thật khó quên.

Trong bữa cơm trưa đạm bạc có canh chua cá lóc, cha sở và quí ông biện nói với chúng tôi khá nhiều điều. Nhà thờ Thiên Phước trông khang trang như thế nhưng có năm giáo điểm - Phú Nông, Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Cường A, Phú Cường B - mà giáo dân vừa nghèo vừa khốn khó trong việc giữ đạo. Khốn khó vì giáo điểm Phú Cường A phải dâng lễ trong nhà ông Bảy. Có năm giáo điểm thì chỉ có một nơi đã được xây còn lại đều dâng lễ ở nhà dân. Giáo điểm Phú Nông và Phú Cường A đã mua được nền, chỉ mong có điều kiện để xây.

Từ ngày thành lập giáo xứ đến nay có năm cha chánh xứ, các cha đều nhiệt thành trong việc truyền giáo là chăm lo cho giáo dân của năm giáo điểm như được cử hành phụng vụ Lời Chúa hàng tuần vào ngày Chúa nhật, dâng lễ hàng tháng, dạy giáo lý. Cha chánh xứ đương nhiệm Gioan B. Nguyễn Văn Học còn quan tâm giáo dục đức tin và văn hóa cho giới trẻ, thiếu nhi; đồng thời kết hợp với nhà trường để giúp đỡ học sinh. Hằng tháng, dựa vào kết quả học tập và hạnh kiểm do nhà trường cung cấp, giáo xứ kịp thời khen thưởng hoặc sửa dạy. Nhờ vậy, các em đã tiến bộ rất nhiều được xã hội (huyện, xã) nhìn nhận và lấy làm gương điển hình cho các địa phương khác.

Mùa Giáng Sinh và Phục Sinh cha mướn xe bốn bánh đón giáo dân ở các giáo điểm về nhà thờ chính dự lễ và cùng ăn bữa cơm thân ái. Thỉnh thoảng, giáo xứ cũng cho nhà nghèo gạo; tùy theo trường hợp mà giúp phương tiện sống như cho xuồng, lưới để đánh cá; một số hộ nhận xe đẩy để bán rau, thực phẩm tươi, tạp hóa…có người gọi đùa những xe đẩy đó là “chợ di động”!

Nghỉ trưa được một giờ đồng hồ, chúng tôi đi đến tận nhà học sinh nghèo phát cho các em. Vì chưa biết chỗ này ra sao nên chúng tôi chỉ giúp 10 phần để thăm dò. Sau đó, chúng tôi đi vào giáo điểm Phú Cường A để tận mắt nhìn thấy nơi dâng lễ tại nhà ông Bảy. Đúng là, nếu Chúa không sinh ra trong nghèo hèn thì không biết Ngài có chấp nhận hiện diện nơi này không?

Chúng tôi đang định lên ghe để đến giáo điểm Phú Cường B mà nghe nói cuộc sống của người dân rất khó khăn, thì trời đổ mưa to. Thế là đành ngồi ở cái sàn gỗ mà ăn dưa hấu rồi nghe quí ông biện kể chuyện về đời sống dân Đồng Tháp.

“Ở vùng này có sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng. Khi nước sông Mêkông lên thì cũng gọi là mùa nước nổi, là “mùa cứu đói” cho người nghèo vì cứ nước lên là có cá. Nào là cá trạch, cá rô, cá lóc, cá linh là đặc sản vùng này.

Có thể nói huyện Tam Nông là nơi nghèo nhất của tỉnh Đồng Tháp vì đa số người dân làm ruộng, mà ở đây đất rất phèn, thu hoạch lúa không được nhiều, thậm chí có vụ mùa, gặt lúa về mà không có hạt! Còn lại số dân không có đất thì làm những việc như phụ hồ, làm mướn (nhổ cỏ, nhổ kiệu) và việc không tên như dũ rơm, ôm lúa, bắt chim, bắt ốc bươu vàng.

Dũ rơm là khi máy tuốt lúa thải ra những cọng rơm, rơm còn dính vài hạt lúa thì dũ ra, được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, gọi nôm na là mót lúa “tân thời”. Ôm lúa là ôm những bó lúa đưa vào máy tuốt lúa; những người không nghề nghiệp thì lội xuống ruộng bắt ốc bươu vàng (một loại ốc ăn hại lúa) bán cho mấy người nuôi cá băm ra cho cá tra cá lóc ăn. Bắt chim là một nghề không tên nhưng phải “biết nghề”, tức là phải lấy một con chim mồi,cho vào lưới để trên sân, rồi phải giả kêu tiếng con chim mồi, mấy con chim “dại khờ” kia mới sà xuống, lưới ụp vào. Lấy chim đổi gạo thì làm sao mà đủ ăn? Ngoài việc trồng lúa, người ta còn trồng thêm dưa hấu để ăn cho vui! Ngoài lúa và dưa hấu, ở đây chẳng trồng được gì nữa!”

Mưa tạnh, chúng tôi ra về, chỉ kịp chụp cho hai ông biện tấm hình đang đứng trên miếng đất cây mọc xanh um mà cha đã mua để làm nhà nguyện thay cái “nhà nguyện ông Bảy”. Dọc đường trời lại mưa làm ai cũng ướt như chuột lột. Mấy bát phở thơm ngon làm chúng tôi ấm lại.

Tạm biệt huyện Tam Nông có Tràm Chim đẹp hoang vắng, nhà Thiên Phước với năm giáo điểm vùng sâu. Hẹn một dịp khác trở lại chúng tôi sẽ nói về lược sử của giáo xứ và hành trình vào thăm bốn giáo điểm còn lại.

Về đến Sài Gòn là mười giờ đêm thế mà chúng tôi vẫn thấy trong người khỏe khoắn sau hành trình 200 km. Có phải đó là ơn Chúa ban cho chúng tôi khi sải những bước chân vào vùng sâu vùng xa đó?
 
Thánh lễ truyền chức Phó tế tại giáo phận Phan Thiết
LM Nguyễn Hữu An & Hồng Hương
06:41 26/08/2010
PHAN THIẾT - Trong tâm tình Hiệp thông Tạ ơn và chúc mừng, toàn thể Giáo phận Phan Thiết hướng lòng về Nhà thờ Chính Toà của Giáo phận để cùng với Đức Giám Mục Giáo Phận chức cử hành Thánh lễ Phong chức cho 11 Phó Tế vào lúc 9 giờ sáng ngày 26.8.2010.

Hình ảnh lễ truyền chức

- Thầy Phaolô Trần Trọng Hiếu, tốt nghiệp khóa VIII ĐCV Thánh Giuse Sài gòn.
- 10 Thầy tốt nghiệp lớp Thần học đặc biệt ĐCV Sao Biển Nha Trang.
1.Phaolô Nguyễn Trọng Báu
2.Phêrô Nguyễn Văn Bình
3.Tôma Nguyễn Hải Châu
4.Giuse Nguyễn Tiến Dũng
5.Phêrô Nguyễn Thanh Hải
6.GB Nguyễn Trường Hải
7.GB hoàng Đại Hoàng
8.Phêrô Nguyễn Công Minh
9.Phêrô Nguyễn Tri Phương
10.Giuse Ngô Đình Quý

Hiện diện chung chia niềm vui và cầu nguyện cho 11 thầy có quý cha Giám đốc và quý cha giáo sư ĐCV Sao Biển Nha Trang, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, Chủng viện Thánh Nicôla Phan Thiết (là những nơi các thầy đã được theo học và huấn luyện), gần 80 linh mục, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, ân thân nhân các Tân chức, và đông đảo bà con giáo dân các Giáo xứ lân cận và cộng đoàn Dân Chúa chung lời cầu nguyện.

Nghi thức phong chức phó tế được cử hành ngay sau bài Tin Mừng, nghi thức gồm ba phần: tuyển chọn, phong chức và diễn nghĩa. Phần tuyển chọn, các thầy lần lượt tiến lên trước mặt Đức Giám Mục sau lời giới thiệu của cha Giám đốc Chúng viện Nicôla rằng 11 thầy xứng đáng được lãnh chức Phó tế. Toàn cộng vỡ oà niềm vui trong tiếng vỗ tay sau lời Đức Cha Giuse ưng thuận: “Nhờ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ ơn Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta, chúng tôi tuyển chọn các anh em chúng ta đây lên chức phó tế”.

Đức cha Giuse nói đến chức Phó tế như sau:

Đầu tháng 8 vừa qua người ta nhắc nhiều đến những cuộc đổ bộ. Cuộc đổ bộ trước hết là của cơn bão số 3 vào các tỉnh Bắc Trung bộ, khiến người dân ngoài đó đang phải lo chống đỡ. Cuộc đổ bộ thứ hai là sự có mặt bất ngờ của 4 hoa hậu trái đất cùng một lúc gốc người nước ngoài đến Hà Nội để nói về môi trường sống. Và hôm nay giữa cộng đoàn chúng ta đây chứng kiến cuộc đổ bộ của 11 Phó Tế thuộc giáo phận Phan Thiết, đến để xin Chúa Thánh Thần đóng ấn vào đời sống. Các Thầy sẽ được thánh hiến và dấn bước trên đường phục vụ. Vì thế, xin được chia sẻ với cộng đoàn và các anh em về chức Phó tế.

1. Phó tế là chức thánh.

Từ thế kỷ II, trong Giáo hội đã có bộ ba: Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế trong cùng một hàng giáo sĩ cùng chen vai sát cánh bên nhau để phục vụ đời sống dân Chúa.

Phó tế chính là bước khởi đầu trong hàng giáo sĩ. Cả ba cấp bậc phó tế, linh mục và giám mục đều cùng thuộc về một chức thánh, nhưng lại khác nhau về bản chất cũng như cấp độ. Nếu như giám mục được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong tư cách là đầu, các linh mục trong tư cách là mục tử, thì phó tế lại đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong tư cách là những người phục vụ. Khác nhau là ở chỗ đó, nhưng lại liên kết với nhau cùng làm việc trong cánh đồng truyền giáo, tức là cộng đoàn dân Chúa. Được cấu trúc vào hàng giáo sĩ, 11 anh em được Thánh Thần đóng ấn qua việc xức dầu thánh, ban sức mạnh để rồi các anh em sẽ trở thành những người phục vụ có chức thánh trong Giáo Hội Công Giáo. Anh em sẽ phục vụ bàn tiệc Lời Chúa qua việc đọc sách thánh và giúp vào việc rao giảng. Các anh em sẽ phục vụ bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể qua việc chuẩn bị của lễ, giúp lễ, trao mình Thánh Chúa, và anh em còn phục vụ một chiếc bàn thứ ba nữa là bàn tiệc bác ái,đồng thân đồng lân với những người nghèo khổ, những người có nhu cầu cần đến sự giúp đỡ của Giáo hội. Có khi là những lời khuyên, có khi là những nghi thức gia nhập Giáo hội, có khi là sự giúp đỡ vật chất. Phó tế có chức thánh trong tư cách phục vụ, đón nhận họ, tiếp nhận họ tận tình.

2. Phó tế là một tác vụ.

Phó tế là một nhiệm vụ được thi hành. Tôi vẫn thích chia sẻ vui với anh em về ngày lãnh chức phó tế. Tối ngày anh em phải đi dự tiệc thôi à. Tối ngày đi ăn cỗ. Nhưng không phải trên bàn ăn trong tư cách là thực khách mà là đi đi lại lại giữa các bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, và bàn tiệc bác ái để thi thố tinh thần phục vụ. Cũng là người phục vụ, nhưng là người phục vụ có chức thánh, cho nên phục vụ với tất cả con người, với tất cả chức vụ mà Giáo hội trao phó cho mình. Sẽ khác lắm nếu như với những người phục vụ bên ngoài xã hội. Họ ăn lương, làm xong việc, phủi tay ra về; còn anh em đây là những người phục vụ theo gương Chúa Kitô, Đấng đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ người khác. Các anh em sẽ cộng tác với linh mục, cộng tác với giám mục để nhận lãnh những công tác và chu toàn phụng vụ cho cộng đoàn dân Chúa. Có thể ngày một ngày hai anh em chưa thấy những nỗi nặng nề, nhưng kéo dài trong một thời gian. Anh em có thể có lúc mệt mỏi, có lúc nhận ra nhiệm vụ của mình nặng nhọc, nhất là anh em phải gắn liền với tác vụ được mời gọi phải làm, chẳng hạn như đọc sách nguyện hàng ngày, giữ luật lời khấn, phục vụ bàn thờ như đã phục vụ bàn tiệc bàn ăn ngoài cuộc sống bác ái. Nó cứ quyện lại với nhau, có lúc anh em sẽ cảm thấy mỏi mệt. Nhưng chính lúc càng mỏi mệt bao nhiêu anh em càng nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, và nhất là huy động toàn lực do Chúa Thánh Thần ban sức mạnh qua việc xức dầu thánh hôm nay để anh em sẽ nhận thấy niềm vui ở những lao nhọc của anh em. Đó là một tác vụ đẹp và cũng là một tác vụ còn hiếm hoi trong giáo phận chúng ta trong thời gian gần đây. Hy vọng giáo phận của chúng ta càng ngày có nhiều người lãnh chức phó tế để phục vụ bàn tiệc cần thiết thuộc về chức vụ, tác vụ phó tế.

3. Phó tế là một giai đoạn chuyển tiếp.

Chức Phó tế là khởi đầu trong hàng giáo sĩ, có thể thời gian vắn dài tùy theo Chúa muốn, tùy theo công việc cụ thể của mục vụ giáo phận. Trong tương lai, anh em sẽ tiến đến hàng linh mục. Nhưng từ nay cho đến lúc lãnh nhận chức linh mục là cả một thời gian anh em được mời gọi để trải ra tinh thần phục vụ. Sẽ là nặng nề, nếu như anh em không gắn bó hết tâm hồn với mầu nhiệm mà anh em cử hành, chức thánh mà anh em lãnh nhận, cũng như tác vụ mà anh em thi hành. Nhưng sẽ là nhẹ tênh, sẽ là diễm phúc nếu anh em biết gắn bó nên một của lễ duy nhất là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Hôm nay, các linh mục trong ngoài giáo phận, các tu sĩ nam nữ, các anh em Đại Chủng sinh hiệp thông, và nhất là các thân nhân và quý khách của các anh em diện diện nơi đây, vừa để chung vui với anh em, vừa để chung lời cầu nguyện cho anh em trong bước đường tương lai. Hy vọng anh em sẽ tận hưởng được tất cả những nguồn lực, niềm vui để tâm huyết của anh em bước theo ơn gọi được ghi dấu bằng thánh chức phó tế sẽ được sống một cách trọn vẹn với tất cả tâm tình của mình. Cùng một việc làm nhưng với trái tim sẽ khác lắm với việc làm để chu toàn nhiệm vụ. Cầu chúc anh em gặp được hạnh phúc khi tiếp cận với tác vụ thánh cũng như với cộng đoàn dân Chúa, nơi anh em được gởi đến.

Trong lời nguyện nhập lễ, anh em cũng để ý ở đó Giáo Hội đã cố ý nhắc đến 3 chữ K: Khôn Ngoan trong hành động, Kiên trì trong cầu nguyện, Khiêm Nhường trong phục vụ. Xin được nhắc lại để anh em nhớ và cũng như là châm ngôn cho đời sống của anh em. Cầu chúc anh em biết cách sống và vận dụng 3 chữ K ấy trong đời sống phục vụ của mình.

Phần hai là nghi thức phong chức Đức Cha thinh lặng đặt tay trên đầu từng thầy và đọc lời nguyện phong chức: “ Lạy Cha, chúng con nài xin Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các thầy này, để nhờ Người các thầy được bảy ơn Cha thêm sức, sẽ trung thành thi hành thừa tác vụ phục vụ”. Lời cầu tiếp với việc “xin cho các thầy được dồi dào các nhân đức Phúc Âm: chân thành yêu thương, lo cho người bệnh và người nghèo, khiêm tốn thi hành quyền bính, sống đời trong sạch, tuân giữ kỷ luật đời sống thiêng liêng. Xin Cha cho nếp sống các thầy chiếu giãi luật Cha, để nhờ làm gương về cách ăn nết ở, các thầy được dân thánh noi theo. Và khi nêu bằng chứng lương tâm tốt lành, các thầy được kiên trì và vững mạnh trong Đức Kitô, cũng như ở trần gian, noi gương Con Cha là Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ”. Trong thinh lặng, từng lời nguyện của ngài như thấm sâu vào tận đáy lòng 11 thầy và cộng đoàn. Phần cuối là nghi thức diễn nghĩa, Đức Cha trao dây stola, tân phó tế đeo dây stola mới, kế đó từng thầy tiến đến quỳ trước mặt Đức Giám Mục để nhận Sách Phúc Âm từ tay ngài với lời dặn dò “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Nghi thức phong chức Phó tế kết thúc với lời chúc bình an cho các Tân Phó tế của Đức Cha. Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

“Thánh ý Ngài con sẽ vâng theo”, câu Thánh Vịnh 119,145b mà 11 Tân Phó tế chọn làm châm ngôn sống trong ngày lãnh chức Phó tế đã nói lên tâm tình sống của các thầy trong hành trình theo Chúa. Bao nhiêu gian nan thử thách mà từng thầy đã trải qua để có được ngày hồng phúc hôm nay. 25 năm, 18 năm... quãng đường chăm chỉ theo đuổi ơn gọi linh mục được đong đầy bằng ơn Chúa với biết bao cố gắng tu luyện của các thầy, với bao đầu tư của Giáo phận, bao lời cầu nguyện hy sinh của mọi người để đến ngày các thầy lãnh nhận chức Linh mục giờ đây bước đầu đã thành sự thực. Xin hiệp lời chung vui tạ ơn, và cầu chúc 11 Tân Phó tế sống hạnh phúc trong hành trình mới với trong ân nghĩa Chúa và tình thân của mọi người.

Lãnh nhận chức thánh Phó tế, các Thầy tiếp tục đi giúp xứ, thi hành tác vụ để chuẩn bị tiến tới chức thánh Linh mục.

Xin cho các thầy được dồi dào các nhân đức Phúc Âm: chân thành yêu thương, lo cho người bệnh và người nghèo, khiêm tốn thi hành quyền bính, sống đời trong sạch, tuân giữ kỷ luật đời sống thiêng liêng. Xin cho nếp sống các Thầy chiếu giãi luật Chúa, để nhờ làm gương về cách ăn nết ở, các Thầy được dân thánh noi theo. Và khi nêu bằng chứng lương tâm tốt lành, các thầy được kiên trì và vững mạnh trong Đức Kitô cũng như ở trần gian, noi gương Đức Kitô là Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ. (Lời nguyện phong chức).
 
Giáo xứ Du Sinh Đalat hành hương Năm Thánh 2010
Dân Du-Sinh
16:28 26/08/2010
Tuy tọa lạc trên một ngọn đồi cao nhất thành phố Đà-lạt, nhưng giáo xứ Du-sinh không có nhà cao cửa rộng hoặc villa từ cao ngắm cảnh Đà thành, mà Du Sinh có thể gọi là giáo xứ nghèo, với đa số dân đạo là người lao động trồng rau, bó chổi và một vài nhà buôn bán nhỏ. Vì thế, việc giáo xứ đi hành hương Lavang xa tít là một ước mơ xa vời !

Xem hình ảnh

Nhưng rồi ước mơ xa đó lại bỗng gần, nhờ Năm Thánh ! Một trong những việc đạo đức bình dân của Năm Thánh là hành hương. Giáo xứ đã hành hương gần (hơn trăm người đi bộ non 4 cây số hành hương nhà thờ Chính Toà hôm thứ hai 21-6-2010), nay hành hương xa thì chẳng có gì là quá lạ.

Ngay từ đầu năm 2010, cha Xứ (Lm An-phong Nguyễn Công Minh, dòng Phanxicô) cùng với Ban Hành Giáo đã lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc Hành hương này, nhưng mãi đến quá nửa năm, mới định được ngày cất bước: sau lễ Mẹ Lên Trời, 16-8-2010. Tổng cộng là 135 người đi, vừa khít 3 xe 45 chỗ. Với số giáo dân khoảng 1.000, thì con số 135 người bỏ nhà đi cả tuần, quả là vượt sức nghĩ. Nhưng càng đông càng vui ! Và thế là mọi chuẩn bị từ xe cộ, chỗ ăn, chỗ ngủ đều được lên kế hoạch. Sau đây là những dòng nhật ký vắn ghi lại cuộc hành hương dài của giáo xứ:

Thứ hai, ngày 16/8

13g: mọi người tập trung tại Nhà Xứ Du-sinh, 13g30 xuống Nhà Thờ cầu nguyện và nghe cha Xứ dặn dò những điều cần thiết. 13g45 lên xe và trên 3 chiếc xe 45 chỗ của Công Ty Phương Trang, cha Xứ cùng 134 giáo dân Giáo xứ Du-sinh lên đường bắt đầu cuộc Hành Hương. Xe lăn bánh đúng 14g như “qui định”.

17g45 đoàn Hành Hương đến Nha-Trang. Đoàn kéo nhau vào nghỉ ngơi và dùng cơm tối nơi tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Thanh Hải, Đồng Đế. Nhiều người nằm vì say xe khi xuống đèo; một vài người định bỏ cuộc đi, nhưng nhờ thuốc chống nôn và lời động viên từ thân hữu, đã trỗi dậy.

19g15 xe lăn bánh trở lại, lao vào màn đêm thực hiện cuộc trường chinh dài nhất: 670 cây số từ Nha-Trang đến thẳng Huế.

Thứ ba, ngày 17/8

6g sáng mọi người đã thấy Huế. Đoàn đến Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế nghỉ ngơi, ăn sáng. Trước khi đi thăm Huế, đoàn viếng Nhà Thờ Dòng, cầu cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn thương giúp. 9g sáng, cha Hưng trong Dòng dẫn đi một vòng thăm Huế. Trước tiên là Đại Nội, để thấy nơi vua chúa triều Nguyễn làm việc và cư ngụ (cũng như đã ra những chỉ dụ cấm đạo gắt gao !).

Rời Đại-nội lúc 10g45, đoàn lên đường đến Đan-viện Thiên-An (dòng thánh Bênêdictô) để tìm kiếm sự an bình từ trời đến. Nhiều người cũng tìm được bình an nơi dầu tràm, mật gấu và lời cầu của đan viện. Sau đó lên xe đi viếng Nhà Thờ Phủ Cam -Nhà Thờ Chính tòa Huế. Viếng các nhà thờ Chính Toà trên đường đi qua là một trong những việc mà đoàn hành hương nhắm tới. Quá ngọ, đoàn mới trở về Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế để dùng cơm trưa, giá rẻ (20 ngàn) nhưng đồ ăn lên tới 6 món ! Ai cũng phục lăn, nhất là các bà quen đi chợ. Ăn cơm xong, đoàn nghỉ ngơi đến 13g30 lại lên đường tiến về đích điểm của cuộc Hành Hương: LA-VANG.

15g đoàn đến La-vang. Rất nhiều người nghe tên Lavang đã lâu nhưng nay mới lần đầu tận mắt thấy linh địa Mẹ. Sau khi đã ổn định chỗ ở dưới sự sắp xếp của các dì Con Đức Mẹ Thăm Viếng, đoàn kiếm chỗ ăn nhờ các dì Mến Thánh Giá Huế. Mỗi dòng có phận vụ riêng. Dòng lo ăn, dòng lo ở. 16g cha xứ Du Sinh cùng với một cha trẻ thuộc xứ Trung Lao địa phận Bùi Chu đồng tế trước tượng đài Thánh Mẫu La-vang. Sau Thánh Lễ, mọi người được tự do đi viếng Đức Mẹ, thăm nhà nguyện và các công trình kiến trúc trong khuôn viên Thánh Địa. 19g đoàn dùng cơm tối và 20g cùng nhau quây quần trước Tượng Đài Mẹ Lavang đọc kinh Mân Côi. Sau đó về ngủ để dưỡng sức cho hành trình của ngày hôm sau. Một số người nhất định không ngủ, mà thức với Mẹ tại linh đài Mẹ.

Thứ tư, ngày 18/8

4g đoàn lên đường đi Phong-Nha, Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Vì quãng đường bộ hôm nay xe phải lăn bánh lên tới 600 cây số, nên lên đường sớm là lẽ đương nhiên. Trên đường đi, ăn sáng bằng bánh chưng Nhật Lệ được mua ở Huế từ trưa hôm trước.

7g15 đoàn đến Phong-Nha. 8g đoàn thuyền gồm 10 chiếc chở 144 người (135 cộng với 9 người nhà xe) đi vào động Phong-Nha. Chỉ đi thăm động nước thôi đã chiếm trọn ba giờ đồng hồ, kể cả đi ghe. 4 bà bầu, 1 người già mới mổ và các ông bà già khác cũng hăng hái đi động. “Đã đến được đây thì xá gì một quãng ghe đò.” Họ lý luận như thế và cứ vậy mà leo lên ghe. Sau khi tham quan các động, đoàn đã trở về bến mới là nhà thờ xứ Hà Lời, nơi cha xứ là cha Bính nổi tiếng “thế giới” nhờ bị hành hung vụ Tam Toà trước đây. Đoàn ghé nhà nghỉ Phương Hà gần ngay đó ăn cơm do các chị Mến Thánh Giá Vinh phục vụ (vùng này người ta gọi các sơ là chị).

Khoảng 1g15 trưa, đoàn quay xe trở về sau khi vươn ra xa nhất của chuyến hành hương là Phong Nha, thuộc hạt Hướng Phương, tuyến đầu của giáo phận Vinh, cách Đalat 1.040 km đường bộ ! Quãng đường trở về là những bước dừng ý nghĩa. Điểm dừng đầu tiên là Trung tâm Hành Hương Trà-Kiệu, tỉnh Quảng-nam, giáo phận Đà Nẵng. Trước khi đến đây, rất nhiều người lần đầu (và cũng là lần cuối !) chui qua hầm Hải Vân nổi tiếng nằm phân cách Huế và Đà Nẵng.

7g tối, xe đến Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu. 19g30 cha Xứ dâng lễ tại Nhà Thờ Trà-Kiệu, sau đó đoàn dùng bữa tối do các sơ Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Trà Kiệu phục vụ. 21g cha Xứ cùng mọi người lên đồi Đức Mẹ Trà-Kiệu đọc kinh Mân Côi.

Thứ năm, ngày 19/8

Sau một đêm nghỉ ngơi, 5g sáng đoàn dâng Thánh Lễ tại Đồi Đức Mẹ Trà-Kiệu, với hình tượng Mẹ Trà Kiệu mặc áo trắng dài từ trên cao và linh mục chủ sự cũng mặc áo lễ chỉ một màu trắng, không in thêu, cho phù hợp. Sau Thánh Lễ, đoàn ăn sáng với tô mì Quảng, vì đây đang là đất Quảng (Nam).

7g xe lăn bánh, về đến Qui-Nhơn lúc 13g, trời hơi mưa nên mát mẻ. Đoàn ghé dùng cơm hộp tại cộng đoàn các sœurs Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, nơi có trại phong Qui Hoà mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã nằm dưỡng bệnh trong những ngày cuối đời. Nhà cộng đoàn nằm sát bãi biển, nên một số người lợi dụng nhúng chân nước mặn xem sao. Sau khi ăn cơm xong, đoàn đi thăm nơi Hàn Mặc Tử đã trị bệnh và đã qua đời, chiêm ngưỡng những bài thơ viết tay của thi sĩ, hoặc nghỉ ngơi đôi chút.

14g45 đoàn đi viếng Nhà thờ đá Ghềnh Ráng, sau đó đi viếng Nhà Thờ Chính Tòa Qui-Nhơn, là chị em (gần sinh đôi) với nhà thờ Chính Toà Đalat, vì cùng một kiến trúc sư.

16g lên đường về Phú Yên và đích đến là xứ Mằng Lăng, quê hương và là nơi có đền Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Về đến Mằng Lăng hơn 5 giờ chiều, đoàn nghỉ ngơi đến 19g ăn tối và 20g lần chuỗi năm sự thương trước Đền Á Thánh Anrê Phú Yên, khi trời bắt đầu mưa lất phất, mang lại hơi mát cho con người.

Trong Năm Thánh 2010, năm qui về cội nguồn đức tin, sẽ là có lỗi nếu ai đó không về nguồn đức tin, tức tìm đến hạt giống tiên khởi là máu của á thánh Anrê Phú Yên [máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu (Tertulianô)]. Tội sẽ nặng hơn nhiều, nếu đi ngang qua mà không ghé vào. Vì thế Du Sinh nếu không muốn mang tội nặng, nhất thiết phải tìm về nơi đây.

Thứ sáu, ngày 20/8

5g Thánh Lễ tại Nhà Thờ Mằng Lăng do hai cha Xứ Du-sinh và Mầng-lăng đồng Tế. Sau Thánh Lễ, cha Xứ Mầng-lăng giới thiệu về lịch sử giáo xứ và tiểu sử á thánh Anrê Phú Yên. Sau đó, đoàn chia thành 3 nhóm theo tiêu chí 3 xe vào viếng Đền Anrê Phú Yên, được kiến tạo thành một đền hầm, trong đó có lưu giữ thánh tích và di vật liên quan đến thời kỳ truyền giáo sơ khai của Giáo Hội Việt Nam. 7g mọi người ăn sáng và 8g đoàn rời Mằng Lăng lên đường về Nha Trang.

12g hơn, đoàn về đến Nha Trang, vào cộng đoàn Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Thanh Hải, mỗi người được nhận một hộp cơm và tự do đi chợ, đi thăm, đi tắm biển tùy ý.

15g lên xe đi viếng Nhà Thờ Chính Tòa Nha Trang (quen gọi là Nhà Thờ Đá), nơi có ngai toà của đức cha Giuse Võ Đức Minh, gốc Đalat, nay là giám mục chính toà Nha Trang. Trước đức cha Minh, là đức cha Phaolô Nguyễn văn Hoà cũng từ Đalat xuống làm giám mục chính toà Nha Trang. Tưởng biển và núi cách xa nhau, nhưng rồi ra cũng quen thuộc cả ! Sau khi đọc kinh viếng Nhà Thờ Đá, đoàn chia tay biển lên xe để trở về núi. Kim giờ lúc đó chỉ con số 4.

20g đoàn về đến giáo xứ Du-Sinh, Đalat, kết thúc cuộc Hành Hương xuyên suốt một phần ba đất nước.

Chúng con xin cảm tạ Thiên Chúa qua lời cầu của Mẹ Maria đã ban cho chúng con một cuộc Hành Hương tràn đầy ý nghĩa, giúp chúng con trưởng thành hơn trong Đức Tin, và gìn giữ chúng con An Lành trong suốt cuộc hành trình.

-Giáo dân giáo xứ Du-Sinh chúng con xin chân thành cám ơn cha xứ An-phong Nguyễn Công Minh đã tổ chức cho chúng con một buổi Hành Hương tràn đầy ý nghĩa trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam.

-Chúng con cám ơn cha G.B. Nguyễn Thành Hưng, dòng Chúa Cứu Thế Huế đã giúp đỡ, sắp xếp cho chúng con trên đường Hành Hương.

-Chúng con xin cám ơn quý Sœurs các dòng liên hệ tại các địa điểm hành hương đã giúp chúng con nơi ăn chỗ ngủ trong suốt cuộc hành trình.

-Chúng con cũng xin cám ơn cha Phêrô Nguyễn Cấp, chánh xứ Mằng-Lăng đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho chúng con một điểm dừng chân thật tuyệt vời để chúng con tìm hiểu về lịch sử Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam trong buổi sơ khai.

-Giáo Xứ Du-Sinh cũng xin cám ơn Anh Chị Nga-Quang, Giáo xứ Thanh Hải đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc Hành Hương này, đặc biệt về mặt sức khoẻ.

Giáo Xứ Du-Sinh chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy ơn lành cho Quý vị ân nhân đã góp phần giúp cuộc Hành Hương của Giáo xứ chúng tôi thành công tốt đẹp. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dân Cồn Dầu xin tỵ nạn ở Thái Lan
BBC
08:41 26/08/2010
Giáo dân Cồn Dầu xin tỵ nạn ở Thái Lan

Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói đã nhận được đơn xin tỵ nạn của 34 người từ Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, trốn khỏi Việt Nam sau vụ lộn xộn hồi tháng Năm.

Vụ lộn xộn xảy ra ngày 04/05 tại khối phố Cồn Dầu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, trong lễ tang bà Maria Đặng Thị Tân, sinh năm 1918.

Gia đình bà Tân muốn chôn cất bà tại nghĩa trang Cồn Dầu, nhưng chính quyền địa phương nói đã thông báo đây là "khu vực giải toả thuộc Dự án Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, không được chôn cất, nhằm đảm bảo tiến độ của dự án".

Trong vụ này, sáu giáo dân bị khởi tố tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ. Một giáo dân khác, ông Nguyễn Thành Năm, chết sau khi bị công an bắt.

Sau vụ này, hàng chục người đã trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tỵ nạn chính trị.

Người phát ngôn của UNHCR tại Geneve, ông Andre Mahecic, nói với BBC:

Ông Mahecic: Tôi được biết là vào tháng Sáu năm nay, chúng tôi được thông báo về việc một nhóm người từ Giáo xứ Cồn Dầu tới Thái Lan. Chúng tôi đã đăng ký họ trong hai đợt ngày mùng ba và 21 tháng Sáu.

Tổng cộng chúng tôi tiếp nhận 20 trường hợp, với 34 người. Đó là vì trường hợp xin tỵ nạn có thể là người trong gia đình đi cùng nhau.

Chúng tôi sẽ tổ chức phỏng vấn đợt đầu để xác định tư cách tỵ nạn, xem họ có cần bảo vệ của quốc tế hay không, vào tháng 10 và tháng 11 tới.

Chúng tôi đang phải giải quyết nhiều trường hợp nên phải sắp xếp lịch dựa trên sự cấp thiết của các trường hợp xin tỵ nạn.

BBC: Chúng tôi được tin rằng họ đang lẩn trốn ở một số nơi và không thể xuất đầu lộ diện do quan ngại gặp rắc rối với nhà chức trách sở tại.

Ông Mahecic: Điều đó cũng không lạ, vì theo luật xuất nhập cảnh của Thái Lan, những người xin tỵ nạn ở các thành phố có thể bị bắt giữ vô thời hạn. Bởi vậy cũng dễ hiểu nếu họ muốn lẩn trốn và tránh né sự chú ý trong quá trình tìm kiếm trợ giúp của UNHCR.

Con số của chúng tôi là khoảng 14% những người đang chờ xin quy chế tỵ nạn, kể cả trẻ em, đang bị cảnh sát Thái Lan giam giữ.

Chúng tôi đang hợp tác với nhà chức trách Thái Lan về chủ đề này nhưng những gì là luật pháp của nước sở tại thì chúng ta buộc phải tuân thủ.

BBC: Thưa ông, những người Việt Nam này đã tới Thái Lan từ tháng Sáu, mà tới tận tháng 10 họ mới được phỏng vấn. Liệu thời gian chờ đợi như vậy có quá dài không, khi mà họ gặp nguy cơ bị bắt và phải lẩn trốn.

Ông Mahecic: Hiện ở các thành phố của Thái Lan có khoảng 2.100 người đang chờ để xin tỵ nạn. Thông thường họ trông đợi được đi định cư ở một nước thứ ba.

Quá trình thẩm vấn, điều tra quy chế tỵ nạn kéo dài chừng nào chúng tôi thấy cần thiết. Mục tiêu là để xác định xem người xin tỵ nạn có đúng là cần được quốc tế bảo vệ hay không.

Có đầy đủ quy định về quá trình này, cũng như các tiêu chuẩn cần thiết. Tôi xin khẳng định rằng quá trình xem xét rất nghiêm túc có chuẩn mực và do vậy không thể nhanh chóng được.

BBC: Năm ngoái có một số trường hợp người Thượng ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam khiếu nại với chúng tôi rằng UNHCR đã "không giúp đỡ" họ, thậm chí gạt bỏ hay không công nhận những bằng chứng mà họ đưa ra. Ông nói thế nào về cáo buộc này ạ?

Ông Mahecic: Tôi không thể bình luận về các trường hợp cụ thể, nhưng điều mà tôi có thể khẳng định một lần nữa là mọi việc của chúng tôi đều theo thủ tục và quy định rõ ràng.

Không phải tất cả các đơn xin tỵ nạn đều có lý do chính đáng và đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là xác định xem ai thực sự cần được sự bảo trợ của quốc tế.

Tôi cũng xin bảo đảm rằng tất cả các trường hợp đều được xem xét kỹ càng và ngay cả khi đơn xin tỵ nạn bị bác thì người làm đơn cũng có thể khiếu nại xem xét lại.

BBC: Riêng với số giáo dân Cồn Dầu, chúng tôi được biết đã có các vận động từ chính giới Hoa Kỳ ủng hộ cho họ, và họ cũng là các tín đồ Công giáo. Các yếu tố đó ảnh hưởng thế nào tới quá trình xem xét đơn xin quy chế tỵ nạn của họ, thưa ông?

Ông Mahecic: Tôi không nghĩ việc vận động hành lang có ảnh hưởng.

Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận dạng những ai đang bị nguy cơ truy bức, hãm hại, cần được che chở vì chính kiến, vì chủng tộc, hay vì thuộc vào một nhóm tôn giáo nào đó... dựa trên những nguyên tắc của Công ước Quốc tế về tỵ nạn năm 1951. Trong đó có những tiêu chí rất rõ ràng.

Thông qua quy trình các cuộc thẩm vấn, điều tra kỹ lưỡng để xem xét tất cả các bằng chứng có thể, chúng tôi ra quyết định về quy chế tỵ nạn cho người làm đơn hoặc bác đơn của người đó.

Quy trình này nhằm tránh sai phạm trong việc xét đơn.
 
Mỹ sẽ bán đứng Việt Nam tại Biển Đông?
Trần Mạnh Trác
16:41 26/08/2010
Những diễn biến ngọai giao gần đây đã gây ra một luồng dư luận sôi nổi là phải chăng Mỹ đang muốn liên minh với Việt Nam để đối phó với một nước Trung Hoa đang mưu đồ bá quyền, mà trường hợp trước mắt là những lấn ép lãnh hải tại Biển Đông?

Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên nắm lấy cơ hội nghìn năm một thuở này mà duy tân như nước Nhật đã từng làm.

Dĩ nhiên là, trong một bàn cờ rối như ở Biển Đông thì có một nước cờ mà đi cũng là một niềm vui, dù cho rằng tòan thể thế cờ hình như vẫn còn là một thế kẹt.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là, đây có phải là khởi đầu của một thế cờ mới chăng?

Biển Đông là một bàn cờ có nhiều tay chơi cho nên diễn biến ra sao còn tùy thuộc vào não trạng của từng tay chơi một.

Não trạng của con cọp Trung Hoa khổng lồ thì ai cũng rõ biết, đó là nó đang muốn sổ lồng, nó muốn cả vùng Biển Đông là cái ao tắm của nó.

Não trạng của các nước nhỏ quanh vùng thì rõ ràng là "thủ". Giống như một anh chàng tay không bỗng thấy mình đứng trước một con cọp dữ thì vũ khí chính chỉ là tiếng hét mà thôi.

Còn não trạng của "con cọp giấy" Hoa Kỳ (tên mà Mao đặt cho Mỹ năm 1956) là gì?

Vì đây là một tay chơi vừa nhập cuộc cho nên việc tìm hiểu anh ta cho rõ ràng là rất cần thiết.

Nếu có thể lấy lịch sử mà đóan trước tương lai, thì nước Mỹ là một nước luôn luôn hành động và trung thành theo đuổi một tư tưởng "thịnh thời". Những tư tưởng này có nhiều hình thức và tên gọi khác nhau (như lý thuyết, chương trình, sách lược) nhưng chung qui thì đó là một lọai đồng thuận phát sinh ra bởi một môi trường tự do tư tưởng, lưỡng đảng và chính sách minh bạch mà ra.

Thử nhìn lại một số tư tưởng "thịnh thời" gần gũi với chúng ta nhất.

Sau thế chiến thứ hai, người Mỹ tin rằng để chống lại chủ thuyết Cộng Sản đang phát triển mạnh trong các nước bị tàn phá thì điều cần phải làm là tái thiết. Do đó họ đã bỏ ra 44.3 tỷ Mỹ Kim từ năm 1945 cho đến 1953 để phục hồi nền kinh tế Âu Châu. Những chương trình viện trợ đó thường được gọi chung là Marshall Plan (Truman, 1948).

Marshall Plan không những chặn đứng Cộng Sản ở Châu Âu mà còn đưa Tây Âu đến một thời cực thịnh chưa từng thấy, và đó cũng là lý do gián tiếp của sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết sau này.

Bên phía Á Châu thì người Mỹ tin rằng với những quốc gia nhược tiểu nhưng có nhiều liên hệ về văn hóa lịch sử như Trung Hoa, Việt Nam,Thái Lan và Mã Lai, thì một quốc gia bị đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ dính chùm của các quốc gia khác. Dwight D. Eisenhower đặt tên lập luận đó là lý thuyết Domino (Domino Theory, 1954.) vì nó giống như một hàng domino, một con cờ bị lật sẽ dồn những con cờ khác lật theo.

Vì vậy suốt từ năm 1950 cho tới 1980 người Mỹ đã không tiếc tiền đổ vào miền Đông Nam Á để be bờ, ngăn chặn. Những nỗ lực này thất bại vì Trung Hoa và bán đảo Ấn Trung (trong đó có Việt Nam) đã bị mất, nhưng đổi lại các quốc gia khác trong vùng như Thái Lan, Mã lai, Ấn Độ và Indonesia đã có đủ thời gian để tự cải tiến và vượt qua cái hấp dẫn của chủ nghĩa Cộng Sản.

Sự kiện chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975 tuy bị coi là một thất bại của lý thuyết Domino nhưng thực ra nó còn là hệ lụy của một chủ thuyết mới ở Mỹ. Lúc này người Mỹ đã nhận ra rằng cả hai bên Tư Bản và Cộng Sản đã phát triển vũ khí hạt nhân nhiều đến nỗi, ngay cả lực lượng trừ bị lọai thứ ba cũng đủ sức tiêu diệt tòan thể nhân lọai nhiều lấn (nghĩa là nếu một nước bị tấn công bất ngờ và lực lượng nguyên tử lọai tấn công bị tiêu diệt tới hai lần liên tiếp thì lực lượng nguyên tử lọai thứ ba cũng vẫn có thể tự sát cả thế giới.) Trong một bối cảnh như thế thì chiến thắng là vô nghĩa và do đó con đường phải đi là hòa hõan với nhau (Detente), cuộc chiến về quân sự đã lỗi thời và chiến tuyến mới chính là kinh tế. Từ năm 1969 cho tới 1977 Nixon và Kissinger đã làm hòa với Nga, làm bạn với Tàu để mở rộng thị trường trong một chính sách hòa hõan và xáp lại gần nhau (Detente and Rapprochement). Việt nam là một con cờ lỗ lã trong nước cờ kinh tế này, và vì thế mà bỏ đi càng sớm thì càng tốt.

Từ năm 1981 cho đến 1989 sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đã vững mạnh đến nỗi Reagan có thể chủ trương "Hòa Bình trong thế mạnh" (peace through strength). Ông không để cho Liên Bang Xô Viết rảnh tay lo việc kinh tế nữa bằng cách giáp công ba mặt: (1) Không bán cho LBXV những kỹ thuật cao, (2) cạnh tranh hàng hóa để mặt hàng LBXV mất giá và (3) tăng cường chi phí quốc phòng làm cho LBXV phải chạy đua. Trong những năm sau cùng của cuộc chiến tranh lạnh, Moscow đã phải chi tới 25% GDP (tổng sản lượng quốc gia) cho kinh phí quân sự mà vẫn không theo kịp Mỹ trong khi tòan dân đói khát phải xếp hàng cả nửa ngày để mua được một mẩu bánh mì. Cuộc chiến đã kết thúc không một tiếng súng trong thời Tổng Thống Bush (cha).

Từ đó cho đến nay, Những tin tưởng cuả Hoa Kỳ vẫn phản ảnh những ưu tiên đã có từ thời Nixon và Kissinger. Nghĩa là vẫn tìm thị trường phát triển bằng cách kết thân với Trung Quốc. Nhưng với sự chỗi dậy của Nga và sự phát triền hải quân của Tàu mới đây, nhiều lý thuyết gia Mỹ đã bắt đầu đặt lại phương trình.

Một lý thuyết gia được nói tới nhiều là George Friedman. Trên tạp chí hàng đầu của giới trí thức Mỹ, khi người ta đăng bài của Tổng Thống Obama về những kỳ vọng của 40 năm sắp tới, ngay bên cạnh người ta cũng đăng ý kiến của ông về viễn ảnh thế giới 40 năm sau (The Smithsonian, special issue, Our 40th Anniversary 1970-2010.)

Có thể gọi ông là một quân sư vì ông là chủ tịch của một hãng tình báo tư, hãng STRATFOR. Hãng của ông cung cấp tình báo cho các chính phủ và các cơ sở thương mãi. Đây là hãng tư nhân duy nhất được nối mạng với hệ thống chiến tranh giả định của chính phủ HK (Joint Theater Level Simulation by the Joint Warfighting Center.)

Không rõ ông có tiếng nói gì trong những chính sách của Obama hay không, nhưng là một tiến sĩ chính trị tại Cornell University, ông đã viết nhiều sách tiên đóan về tương lai thế giới như The Next 100 Years, America's Secret War, The Intelligence Edge, and The Future of War.

Ông là người duy nhất trong các tác giả hiện đại đã tính tóan một vấn đề dựa trên các dữ liệu của cả hai yếu tố kinh tế và quân sự.

Những tiên đóan của ông có khi lạ lùng khó tin, nhưng quan trọng không phải là ở sự việc có xảy ra hay không, hoặc sẽ xảy ra đúng ngày giờ không, mà là những yếu tố cấu tạo ra sự việc có tính cách thuyết phục hay không.

Ông tiên đóan:

Năm 2020 Nước Tàu sẽ phân chia.

Năm 2050 Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra giữa các liệt cường là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Nhật.

Tại sao Ba Lan (nền Kinh Tế thứ 21 trên thế giới) sẽ trở thành liệt cường trong vòng 40 năm thì đó là việc cần phải chờ xem và Friedman cũng không đưa ra nhiều chứng cớ rõ ràng. Tuy nhiên ông nói Ba Lan vì ở giữa hai gọng kìm Đức và Nga cho nên sẽ luôn luôn là đồng minh trung thành của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ (nền Kinh Tế thứ 17) là nước tiền tiến nhất của khối Hồi Giáo, có quân đội hùng mạnh nhất Châu Âu, đang là một thế lực hải quân ở Địa Trung Hải, sẽ có thể trở thành trung tâm của khối Hồi Giáo và sẽ cần một lực lượng hải quân rộng hơn để nối liền các quốc gia hồi giáo quanh vùng Ấn Độ Dương.

Về việc nước Tầu, Friedman cho rằng Trung Hoa sẽ không thể trở thành một đe dọa cho Mỹ vì trong sân nhà của Trung Hoa sẵn có một tỷ người đang đói rách, khác chủng tộc, và sống trong các vùng khô cằn. Một quốc gia với vóc dáng kinh tế và quân sự chưa vững vàng như vậy thì việc lo nội trị đã đủ là một vấn đề rồi. Chưa kể đó là những yếu huyệt sẽ quật ngã Trung Hoa nếu chiến tranh tòan diện xảy ra, cho nên Trung Hoa sẽ tránh những đụng độ lớn.

Nước Nhật là quốc gia có nền kinh tế ngang ngửa với Trung Hoa, nhưng dân Nhật đòan kết, nền kinh tế và quân sự vững bền. Con đường sống của Nhật là hàng hải cho nên họ ưu tiên phát triển hải quân và đang đứng đầu Á Châu. Mỗi năm chi phí quốc phòng của Nhật là 45.8 tỷ, chỉ sau Hoa Kỳ và Anh Quốc, to gấp rưỡi chi phí của Tẩu (29.9 tỷ). Quan trọng hơn, kinh phí đó chỉ là 1% GDP của họ, có nghĩa là họ có thể tăng gấp 3 lực lượng hải quân một cách dễ dàng (Mỹ 3.6% GDP kể chung các binh chủng.)

Friedman không đề cập nhiều đến Ấn Độ và Ba Tây. Có thể ông cho rằng Ấn Độ sẽ không bao giờ thách thức Mỹ, hoặc như nhiều nhà phân tích khác (i.e Joel Kotkin) thì Ấn Độ sẽ không tiến xa chỉ vì xã hội Ấn luôn luôn phân hóa. Còn Ba Tây thì cho đến nay vẫn chưa là một hải lực quan trọng.

Friedman tiên đóan Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật sẽ thách thức sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ và cuộc chiến sẽ khởi đầu bằng những đụng độ trên không gian để tiêu diệt vệ tinh viễn thông điều khiển tầu bè của nhau.

Như đã nói ở trên, những tiên đóan của Friedman lạ lùng và khó tin, nhưng quan trọng không phải là ở sự việc có xảy ra hay không mà là những chứng cớ. Về điểm này thì hầu như các bình luận gia của Mỹ đồng ý với nhận xét của Friedman về hai nước Nhật và Tầu, ít ra là chưa có nhiều ý kiến đối lập.

Thế kỷ 21 cho thấy tầm quan trọng về kinh tế của khu vực Thái Bình Dương, số lượng giao thương đã vượt qua Đại Tây Dương.

Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất tiếp cận với cả hai đại dương cùng một lúc, và là cường quốc duy nhất kiểm sóat tất cả các mặt biển trên trái đất. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ tùy thuộc vào Hải Quân. Cho nên sẽ không ai được thách thức Hải Quân của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ kềm giữ những ai có tham vọng phát triển Hải Quân để trở thành một mối lo cho họ.

Hoa Kỳ trong một tương lai gần sẽ vẫn là vô địch về kinh tế và quân sự. Trong vòng 40 năm tới, dân số Hoa Kỳ sẽ trẻ lên 42%, trong khi Trung Hoa già đi 10%, Âu Châu già đi 25% Nam Hàn già đi 30% và Nhật 40% (Theo ước tính cùa sở kiểm tra dân số Hoa Kỳ.) Sự trẻ trung hóa đó cộng với một nền giáo dục thúc đẩy công nghệ cao (các trường Đại Học Mỹ đào tạo nhiều kỹ sư hơn Ấn Độ và Nhật xét theo cả hai hai phương diện tỳ số và số lượng,) cộng với yếu tố đất rộng, nhiều tài nguyên nội địa, là những lý do giúp Hoa Kỳ duy trì vị thế độc tôn này.

Nếu giới quân sự Mỹ có ý kiến tương đồng với Friedman về những thế lực có thể thách thức sức mạnh của Mỹ trong tương lai thì quốc gia mà Mỹ lưu tâm trong vùng Thái Bình Dương là Nhật chứ không phải là Trung Hoa. Và lý do Mỹ phải bảo vệ đường biển tại Biển Đông là có chủ ý không cho Nhật có cái lý do là cần phát triển hải quân thêm nữa để bảo vệ lấy mình.

Một khi Trung Quốc nhượng bộ quyền hải lưu của Nhật và Mỹ vừa đủ, thì thái độ của Hoa Kỳ sẽ lập tức đổi chiều. Mỹ vẫn coi trọng thị trường rộng lớn của Trung Hoa và vẫn coi Trung Hoa là không nguy hiểm.

Việt Nam trở nên quan trọng với Mỹ chỉ vì Trung Quốc đã đi quá đà cần phải điều chỉnh lại. Nhưng sự quan trọng này là tạm bợ và không thỏai mái vì kinh nghiệm đã làm cho Mỹ không tin vào Việt Nam được. Sự liên kết hay tương trợ này chỉ có thể kéo dài nếu Việt Nam được sự hậu thuẫn chính trị trong nước Mỹ và, tuy chưa đủ khả năng kiểm sóat Biển Đông thì cũng phải có khả năng phá rối.

Nhìn vào thế cờ Biển Đông, cho đến khi Việt Nam thực sự là một tay chơi có bản lĩnh và căn cơ, Việt nam vẫn chỉ là một nước cờ người khác tạm dùng.

Và nếu thực sự như vậy, thì những lạc quan của người Việt khắp nơi vẫn giống như những giọt bọt bèo mau vỡ mà thôi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khôn ngoan đích thực
Phanxicô Xaviê
09:01 26/08/2010
Việt Nam có câu tục ngữ “Đồng tiền liền khúc ruột”, nói lên não trạng chung của con người mọi thời đại, đối với họ đồng tiền như một phần thân thể nên chúng đã trở thành “vật bất ly thân”... Trên nhiều bình diện, mấy ai lại không lo tích lũy cho mình các của cải vật chất (tiền bạc, nhà cửa, máy móc, ruộng vườn… ) và tinh thần (kiến thức, danh vọng, tình yêu… ). Cộng thêm bản chất luôn thay đổi và tinh thần cầu tiến (có khi trở thành tham vọng), con người có nguy cơ rơi vào tình trạng suốt đời chỉ lo tích lũy, mà không kịp tiêu hóa hoặc sinh lợi (phục vụ). Giống như chàng thanh niên trong câu chuyện sau đây:

Hôm ấy, trời vừa rạng sáng, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: ”Xem chừng anh mơ ước được giàu có lắm thì phải ? Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có bao nhiêu sức thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi sẽ cho anh hết”. Quá sung sướng, tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa. Cũng vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, huyền ảo chiếu ánh mặt trời đã xế chiều, cuốn hút chàng. Lại một vòng nữa…cứ thế chàng tiếp tục chạy. Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên mọi nẻo đường. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm tỉ phú. Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc men săn sóc… nhưng vô hiệu. Chàng tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá mức. Cuối cùng, người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất, vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.

Lòng tham không cần bị nhiều của cải cám dỗ mới nổi tính tham. Như những người ăn mày gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể “ăn thua đủ” với những ai lấy cắp chúng. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như một mục đích. Giáo huấn của Chúa Giêsu qua bài Tin mừng Lc 14,25-33 sẽ giúp chúng ta hiểu giá trị sâu xa của sự từ bỏ những cái hữu hạn, bất toàn ấy để đạt được cái vẹn toàn, hoàn hảo hơn.

Nhiều người mến mộ Chúa Giêsu, nhưng không phải ai cũng trở thành môn đệ Người. Muốn là môn đệ Chúa, phải tuân thủ những đòi hỏi khắt khe của tình yêu, một tình yêu dám chết cho người mình yêu được diễn tả cụ thể qua việc từ bỏ. Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy: ”Ai đến với Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta”. Động từ Do thái “ghét” (dứt bỏ, từ bỏ), ở đây được hiểu theo nghĩa so sánh, có nghĩa là đặt ở hàng thứ yếu, không ngang hàng. Nên lời Chúa dạy ở trên chỉ có nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn cha mẹ, vợ con,… Do đó, theo Chúa là đi theo tiếng gọi của tình yêu. Một tình yêu dấn thân trọn vẹn, đòi hỏi phải yêu mến Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Theo Chúa là một chuyện nghiêm túc cả đời người, phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, không thể theo một cách nửa vời, hời hợt. Như trong dụ ngôn người xây tháp và vị vua chuẩn bị ra trận cho thấy tính nghiêm túc của vấn đề: phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu tan. Hành trình theo Chúa đòi hỏi phải liên tục, xuyên suốt cuộc đời mỗi người và chắc chắn cũng để lại không ít đau khổ, dằn vặt. Bởi từ bỏ mọi sự để theo Chúa không chỉ là từ bỏ những gì mình có, những gì ở bên ngoài mình mà từ bỏ những gì thiết thân nhất, tình cảm sâu xa nhất và hơn hết là phải từ bỏ chính mình. Dĩ nhiên, Chúa chẳng vô lý đòi hỏi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, vợ con, bạn hữu, mạng sống và của cải. Vì con người ở đời phải có những thứ ấy. Và nếu nó giúp ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ ? Nhưng khi những thứ ấy trở thành chướng ngại vật, thì hôm nay Chúa bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn.

Thánh Phaolô trong bài thư (Plm 9-10.12-17) gửi cho một người bạn ở Côlôsê là Philêmon cũng đặt ông này trước một lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn khỏi nhà ông là tên nô lệ, nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của ông. Philêmon sẽ đón nhận anh như một ông chủ thế gian gặp lại tên nô lệ đã trốn đi, hay ông cư xử như một môn đệ của Chúa, đón nhận anh như một người anh em, một đồng đạo và là bạn hữu ? Ông có thể xử sự theo lẽ tự nhiên hoặc theo tiếng gọi của Chúa ? Chúng ta không được biết Philêmon xử trí như thế nào. Nhưng một bức thư thống thiết đầy tình người của Phaolô, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Khiến Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian, cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để xử sự như một người môn đệ tốt của Chúa Giêsu. Ông xứng đáng trở thành gương mẫu cho chúng ta khi nghe tiếng Chúa mời gọi trong những trường hợp cụ thể của cuộc đời trần thế. Do đó, chúng ta phải khiêm tốn cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp để biết lựa chọn cách khôn ngoan. Sự khôn ngoan đích thực nơi Thiên Chúa sẽ đến với những ai biết lắng nghe lời Người và khiêm tốn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
 
Các bài tham luận tọa đàm: Đề tài 3: Công Giáo Phú Yên trước và sau 1885
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
10:28 26/08/2010

CÔNG GIÁO PHÚ YÊN TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1885



Đề tài này đã giới hạn những gì sẽ được trình bày. Đối tượng: Công giáo; không gian: Phú Yên; thời gian: trước và sau năm 1885. Với biến cố Văn Thân 1885, Phú Yên cùng với Bình Định và Quảng Ngãi là 3 tỉnh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất về cơ sở vật chất và con người cho nên có thể dùng làm cột mốc thời gian để đánh dấu một khởi điểm với không ít khó khăn bởi vì việc xuất phát từ con số không có vẻ dễ dàng hơn là bắt đầu lại từ đống tro tàn, ít ra về mặt tâm lý. Với nhiều hạn chế về các tài liệu tham khảo, những điều được trình bày sau đây chỉ là một cuộc “cỡi ngựa xem hoa”.

1. MỘT VÀI SỰ KIỆN Ở PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1885.

- Trước năm 1885, công việc truyền giáo và điều hành các giáo xứ đều phụ thuộc vào các thừa sai. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, họ mang sẳn tính “tự cao tự đại”, ít chú tâm đến nền văn minh Việt Nam, ít chịu học hỏi và sống theo những cái hay cái đẹp của Việt Nam. Nhiều người cố sống như người Việt Nam nhưng chỉ là mặt hình thức trong cách ăn mặc, nhà ở, còn cách cảm nghĩ, cách lý luận, cách nhìn sự vật theo người Việt thì ít người làm được[1]. Bởi thế cho nên mới xảy ra những câu chuyện đáng tiếc do không hiểu biết phong tục địa phương. Theo phong tục Việt Nam, “người dưới đến với người trên hay mang theo đồ lỡi (bởi từ lễ) đi theo, tuỳ khả năng mình, nhất là các bà; hoặc cho người nhà bưng đồ lỡi đến trước, rồi mình đến sau. Phải như thế thì mới được coi là con người có lễ. Người dưới biếu người trên thì người trên phải nhận, từ chối tức là khinh dễ người ta; người trên cho người dưới dù là món vật nhỏ, thì người dưới cũng phải cám ơn rối rít, tù chối tức là láo xược!. .. các thừa sai vào Việt Nam thấy bổn đạo hay đem đồ lỡi các cha, lúc đầu có phần khó chịu, không muốn nhận, dù biết đó là tấm lòng thành của họ. Vào năm 1672, một viên quan lớn ở Phú Yên đích thân đến thăm một vị thừa sai, mang theo gạo, sáp và bạc,nhưng nhà thừa sai chân ướt chân ráo, vừa bước vào xứ trầm hương yến sào, từ chối: “Chúng tôi đến đây không phải để lãnh nhận của gì, nhưng là để cứu giúp về mặt trần thế và thiêng liêng cho những ai cần đến”. Bề ngoài viên quan tỏ vẻ thán phục, nhưng ngấm ngầm bực mình, vì nhà thừa sai coi thường ông là quan lớn ở tỉnh Phú Yên. Sau đó viên quan mời nhà thừa sai tới dinh quan, tiếp đãi mứt quý, đến đêm thì nhà thừa sai bị ói mửa, bệnh nặng, may mà qua khỏi. Người ta hồ nghi chính quan đó đã bỏ thuốc độc”[2]

- Đức cha phó Labbé (1648-1723) đi mục vụ tại Phú Yên và qua đời tại đây. Năm 1697, Ngài được miền truyền giáo Đàng Trong gởi đi Roma và Paris để tường trình công việc của miền truyền giáo và trong thời gian đó ngài được chọn và tấn phong làm giám mục phó cho Đức Cha Perez. Ban đầu ngài không nhận vì sợ gặp phải những khó khăn với Đức Cha Perez là người không thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (Đức Cha Perez sinh ở Ténassérim, thuộc vương quốc Xiêm, có cha là người Manille và mẹ là người Xiêm. Ngài học ở chủng viện Xiêm và được Đức cha Lambert de la Motte phong chức linh mục). Đức cha Labbé được ghi nhận là chết tại vùng phụ cận nhà thờ Mằng Lăng chứ không ghi chính xác tại đâu. Nhờ vào bức thư của thừa sai Flory viết vào tháng Bảy 1723, chúng ta có thể biết thêm về cái chết của ngài. “Khi giám mục hiệu toà Tilopolis bị lâm bệnh nặng hiểm nghèo phải chết trong tỉnh Phú Yên, tôi ở bên ngài và không muốn rời xa ngài vì thấy rằng ngài không qua khỏi; thế nhưng Đức Cha lại không tin rằng căn bệnh là nguy hiểm nên buộc tôi phải đi tỉnh Chàm cách Phú Yên mười ngày đường; khi vừa đến nơi thì tôi hay tin ngài mất nên vội quay về để an táng ngài; tuy nhiên không thể cử hành lễ an táng ngay bởi vì người ta buộc phải giữ xác ngài lại gần hai tháng trong nhà thờ để giáo dân khắp nơi và ngay cả lương dân đến kính viếng theo như phong tục của xứ này. .. Sau khi cho đào một hầm mộ nhỏ bên dưới bàn thờ của ngôi nhà thờ chính ở tỉnh Phú Yên, tôi đã đặt vào đó xác của ngài mà người ta đã khâm liệm trước khi tôi đến với tất cả đồ trang sức theo phẩm trật giáo chủ. Giáo dân ở Ninh Hoà và Nha Trang, nơi thường trú của Đức Cha, cũng đến nằn nì xin xác của ngài về, nhưng tôi xin họ để ngài ở lại đây là nơi mà Chúa Quan Phòng đã sắp xếp như thế. Ngài chết ngày 24 tháng Ba năm nay (1723) và tôi hạ huyệt ngài ngày 13 tháng Năm”[3]

- Thường thì sau khi công việc truyền giáo phát triển mạnh, bước tiếp theo là lập chủng viện để đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Có lẽ nhìn thấy được triển vọng phát triển tại vùng Phú Yên cho nên Đức cha địa phận có ý định lập một chủng viện tại Phú Yên. Thư Đức cha Labartette gởi cho giám đốc chủng viện Thừa sai ngày 7 tháng Ba 1804 viết: “Tôi xin cha Gire rời An Đỗ, nơi ngài làm việc từ 7, 8 năm nay để đến Phú Yên, nơi mà từ khi thừa sai Arcet qua đời thì chưa có thừa sai nào đến cả. Tôi gởi theo ngài một người đồng hành là một linh mục chịu chức tháng Chín vừa qua tên là Can (Cần?). Ngài đã đến nơi và tôi hy vọng rằng mùa lúa sẽ dồi dào. Ở đây có nhiều giáo dân rất tốt”[4]. Tuy nhiên, 5 tháng sau, trong thư gởi cho thừa sai Boiret ngày 6 tháng Tám 1804, Đức Cha viết: “Thừa sai Gire đã chết tại Phú Yên ngày 20 tháng Sáu khi ngài vừa mới đến. Cha Gire bị bệnh tự chảy máu suốt hai hay ba tháng. Ngài bị bệnh trên đường đi nhưng vì thấy mình còn mạnh khoẻ. Ngài đã không chạy chữa và chận đứng kịp thời. Đến khi bệnh trở nặng và ngài chạy chữa khi không còn thời gian. .. Ngài rất khoẻ mạnh và làm việc nhiều, ngài được gởi đến Phú Yên để tìm cách lập một chủng viện tại đây[5].

- Công cuộc truyền giáo lên Kontum được bắt đầu ở Phú Yên. Thời vua Thiệu Trị 1839, nổ ra nhiều cuộc bách hại. Đức Cha Thể thấy khó mở mang và rao giảng ở miền dưới nên tính đường lên phía cao nguyên, lúc này không thuộc quyền cai trị của vua Annam. Trước tiên Đức Cha sai một giáo dân tên cả Ninh đi từ Cam Lộ lên phần đất của người Sêđăng để thăm dò. Sau đó ngài lại sai ông cả Qườn ở Phú Yên lên ngã người Jơrai, kết quả là cả hai ngã cũng không thành công. Năm 1842, ngài lại sai 2 thừa sai là cha Miche (Mịch) và cha Duclos (Lộ) đi ngõ Cheo Reo lên phía người Jơrai. Bị một người ngoại giáo đi theo buôn bán tố cáo, các ngài bị bắt giải về Phú Yên. Sau khi có tàu Pháp đến cửa Hàn (Đà Nẳng) đòi tha thì 2 cha mới được về. Những người khác đi theo 2 cha có thầy Cuông phải chết rủ tù còn những người khác bị tra tấn rồi thả về. Thất bại không nãn chí, Đức cha Thể tính con đường thứ hai là từ An Khê lên xứ Bahnar. Ngài sai thầy Năm Do, quê Đồng Hâu, Bồng Sơn, phong chức phó tế, giả lái buôn đi lên xứ Bahnar. Miền truyền giáo Kontum bắt đầu phát triển từ đây.

2. BIẾN CỐ VĂN THÂN 1885 TẠI PHÚ YÊN.

Khi tướng Courcy chiếm Huế, Vua Hàm Nghi chạy trốn khỏi kinh thành, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan nhanh ra với khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả”. Thực ra khẩu hiệu này bắt nguồn từ chính sách cấm đạo, giết đạo của các vua Nguyễn. Việc tàn sát người Công giáo được gắn với công cuộc chống Pháp khởi đầu từ cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh năm 1874, lần đầu tiên khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” được đưa ra. Các phong trào khởi nghĩa sau này cũng theo chủ trương đó. Tuy nhiên không phải ai cũng ủng hộ chủ trương này. Tiến sĩ Phan Sĩ Thục đã sớm nhìn thấy những hạn chế của nó. Cụ chủ trương “Bình Tây”, làm đường cho vua Hàm Nghi và các tướng sĩ rút vào nơi an toàn nhưng không tán thành “sát tả”. Cụ nói: “Tả đạo cũng là dân nước Việt ta. Để dân lương giáo chém giết lẫn nhau thì sức Cần vương bị phân tán, lòng người chia rẽ không thể đánh Tây được”. Điều đó thể hiện một nhãn quan chính trị sâu sắc, vượt lên những hạn chế của lịch sử, biết phân biệt kẻ thù để đoàn kết toàn dân tăng cường lực lượng của cuộc kháng chiến đồng thời thể hiện tấm lòng thương dân sâu sắc của Cụ[6].

Trong những cuộc sát tả, thiệt hại nặng hay nhẹ thường là tuỳ thuộc vào khả năng tự vệ của các giáo dân. Giáo dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi đã không tự vệ nên hầu như bị xoá sạch. Trái lại, ở Quảng Nam, Nghệ Tỉnh, giáo dân đứng ra tổ chức tự vệ nên con số nạn nhân có giới hạn.

Khi so sánh những cuộc sát tả ở quy mô cả nước người ta nhận thấy ở Bắc Kỳ mức độ thiệt hại ít hơn. Nhà sử học Charles Fourniau đã phân tích lý do như sau: điều này tuỳ thuộc vào thái độ khác nhau của phong trào Cần Vương đối với người Công giáo, ở Bắc Kỳ thì nhóm Văn Thân có vẻ mềm dẻo và chính trị hơn ở Trung Kỳ. Những người lãnh đạo phong trào cố khai thác sự khác nhau giữa các thừa sai Tây Ban Nha và chính quyền Pháp. Họ không tìm giết các tân tòng nhưng cố lôi kéo họ ra khỏi sự chi phối của hàng giáo sĩ thừa sai. “Nhiều yết thị được dán khắp chợ Ngọc Dương. .. cấm các thầy giảng đi lại khắp xứ nếu không sẽ bị giết”[7]. Kế đến là họ thích bòn tiền từ các làng công giáo hơn là biến chúng thành tro bụi. “Làng Kẻ Sặt, một ngôi làng công giáo khá giàu đã phải chịu đóng phạt rất nặng là 6000 nén bạc”[8]. Hơn nữa, do người Trung Kỳ gắn bó với Đạo Khổng hơn nên khó chấp nhận một tôn giáo ngoại lai trong khi người Bắc Kỳ cởi mở hơn khi đụng chạm đến những vấn đề phát sinh do sự hiện hiện của người ngoại quốc mà họ đã quen thuộc từ 10 năm nay rồi. Nhưng lý do chính là quân Pháp đã chiếm đóng ở Bắc Kỳ từ năm 1882 và người dân cũng đã kinh nghiệm được sự tấn công của quân đội Pháp từ năm 1872. Sự hiện diện của lực lượng Pháp đã làm cho các nhóm Văn Thân phải dè dặt. Dưới mắt những nhà ái quốc thì các cộng đồng Công giáo là những kẻ phản bội nhưng không thể là mục tiêu chính của họ được: dầu tức giận nhưng các lực lượng kháng chiến không thể phát huy năng lực để tổ chức những cuộc thảm sát trong các cộng đồng Công giáo[9].

Trước biến cố Văn Thân năm 1885, Công giáo ở tỉnh Phú Yên có 6.700 giáo dân. Con số này hầu như bị xoá sạch chỉ trong tháng Bảy và Tám 1885. Cuộc “sát tả” bùng nổ tại nhiều họ đạo và để lại nhiều nấm mồ tập thể như tại Bến Buôn (Đồng Dài), Suối Ré, Đồng Tre, Thạch Thành, Hoa Vông, Cây Da, Thầy Đông … Cùng với sự trợ giúp vủ khí và nhân lực của các quan lại địa phương, nhóm Văn Thân vây các làng Công giáo, giết các giáo dân không có vủ khí tự vệ hoặc chôn sống họ trong những hố tập thể, lấp cát lên rồi đốt rơm bên trên để không còn ai sống sót. Ở cửa Ma Liên, từ thôn Phú Quý xuống Long Thuỷ có một khu mồ mả gọi là Cồn Xương, “nằm ở phía Đông núi Mây mà theo lời đồn thì đây là nơi các vua chúa nhà Nguyễn sát hại và chôn sống hàng ngàn người trong cuộc thanh trừng “tả đạo”[10]. Đây là số người tìm đường tháo chạy ra biển nhưng đã bị phục kích và thảm sát. Có 4 giáo dân thoát chết nhờ được bạn bè địa phương giấu trong nhà và sau đó được một chủ thuyền đồng ý đưa họ vào Sàigòn. Ông chủ thuyền này cũng bằng lòng đưa cha Iribarne, cha Bảo và cha Hậu đi. Họ hẹn ngày 20 tháng Tám sẽ lên đường nhưng nhóm Văn Thân đã đến trước. Thừa sai Iribarne lên ngựa chạy trốn nhưng bị chận bắt tại Quán Cau và bị chém đầu. Họ đem đầu cha Iribarne đến nhà cha già Bảo mà vì tuổi tác nên không chạy trốn được. Sau khi cho cha Bảo xem thấy đầu của cha Iribarne, họ cũng chém đầu cha Bảo luôn. Cha Hậu cũng bị chém sau đó.[11]

Khoảng 900 giáo dân còn lại tập trung tại họ Cây Da bên cạnh thừa sai Chatelet để tử thủ. Trong cuộc chống cự, thừa sai Chatelet đã bị giết, thầy Cậy bị chém đầu nhưng nhờ giả chết nên còn sống sót. Cuối cùng, nhờ sự tiếp cứu của toán quân gồm 283 giáo dân từ Qui Nhơn do thừa sai Auger và cha Huề chỉ huy. Tất cả 900 người được cứu thoát và được an toàn đưa về Qui Nhơn bằng đường bộ qua ngả Hà Nhao (Đa Lộc) vào ngày 20 tháng Mười 1885.[12]

Nhắc đến phong trào “Bình Tây sát Tả” tại Phú Yên, người ta không thể nào không nói đến thủ lĩnh của phong trào là Tú tài Lê Thành Phương. Việc làm của ông xuất phát từ lòng yêu nước trước nguy cơ xâm lược của giặc ngoại xâm, nhưng “Ngoài chủ trương chống Pháp – kẻ thù cơ bản xâm phạm đến độc lập chủ quyền đất nước, khởi nghĩa Lê Thành Phương còn xem giáo dân là những kẻ thù bên trong. Việc đồng nhất bọn thực dân cướp nước và bà con giáo dân là ngộ nhận và sai lầm đáng tiếc”[13].

Ngày nay, các nhà sử học đã phê phán chủ trương của phong trào này đã chia rẽ hai bên lương giáo, làm mất sự đoàn kết cũng như sức mạnh của dân tộc mà nhờ đó quân Pháp mới có thêm cơ hội thôn tính đất nước. “Cuộc nổi dậy của phong trào quốc gia ở Trung kỳ có mục tiêu đầu tiên là tiêu diệt người công giáo đã có hai thất bại: không đạt được mục đích và có vẻ như họ đã nhầm lẫn mục tiêu; hơn nữa, vết nứt rạn trong tinh thần đoàn kết quốc gia mạnh mẻ hơn bao giờ hết đã làm suy yếu khả năng động viên lực lượng để chống lại sự chiếm đóng của ngoại bang”[14]. “Cục diện “bình Tây sát Tả” tự phát nổi lên hết sức khủng khiếp, trở thành một thảm hoạ lớn của nhân dân; một dấu ấn đau buồn của dân tộc, bắt nguồn từ chính sách thiển cận về Công giáo của triều Nguyễn …Với Công giáo, do hoàn cảnh truyền giáo đặc biệt, nên triều Nguyễn đã cảnh giác từ sớm với các giáo sĩ và gây nên sự ngộ nhận đáng tiếc đối với những người theo tôn giáo này. Các vua nhà Nguyễn đã không khôn khéo tạo nên thời cơ mới từ Công giáo để cải cách duy tân đất nước của thời cận đại mà biến nó thành nguy cơ của dân tộc và của chế độ trước áp lực của thực dân phương Tây. Triều Nguyễn thực hiện một số giải pháp chống kẻ thù, đã mắc phải sai lầm khi đẩy giáo dân vào thế đối lập triều đình; đồng nhất giáo dân với kẻ thù dân tộc. Tiềm lực dân tộc do đó bị rạn vỡ; thục dân Pháp lợi dụng sự phân hoá đó để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ….”[15]

Phong trào Văn Thân đã nhìn người Công Giáo với con mắt thù địch cho nên mặc dù với chủ trương “bình Tây sát Tả” nhưng trong thực tế họ chỉ biết “sát Tả” mà không dám “bình Tây”. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: “Không thể chối cãi rằng các nhà Văn Thân yêu nước đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việc “sát tả” là điều kiện thứ nhất của việc “bình Tây”, không biết phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả những người đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ “gìn giữ văn minh Nho giáo” cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt Nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. “Bình Tây” thì chắc mọi người dân đồng ý, còn “sát Tả” thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng; các nhà Văn thân khởi nghĩa vô hình trung đã tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp.” [16]

3. PHÚ YÊN, 40 NĂM SAU BIẾN CỐ VĂN THÂN

(Trích dịch “Quarante ans de Phu Yen”, Mémorial de Quinhon, số tháng Ba 1927,tr. 30-36; số tháng Năm 1927, tr. 52; số tháng Sáu 1927, tr. 58-59)

Sau đợt bách hại năm 1885, Toà Giám Mục vẫn còn ở tại Qui Nhơn, vào năm 1887 cha Guitton được gởi vào Phú Yên với các cha phó là cha Huề và cha Đạt: người thứ nhất coi sóc phần phía Tây (Cây Da) và người thứ hai lãnh phần phía Nam (Hoa Vông). Trong tỉnh vẫn còn 800 giáo dân, họ từ Qui Nhơn trở về hoặc từ chổ ẩn nấp trên núi xuống.

Ngày 10 tháng Tư năm sau đó (1888), cha Lacassagne từ Hồng Kông về Phan Rang và từ Phan Rang trở về được sai làm cha sở toàn tỉnh với toàn quyền tự do lựa chọn trung tâm cho mình, hoặc ở Mằng Lăng, hoặc ở Hoa Vông. Ngài đã chọn Mằng Lăng. Vì có sẵn cơ sở ở Hoa Vông, ngài cố gầy dựng lại phước viện cũ tại Mằng Lăng.

Theo báo cáo vào tháng Chín 1888, Đức Cha Van Camelbeke đã chia tỉnh này thành hai địa sở: Mằng Lăng với cha Lacassagne làm cha sở và cha phó Huề ở Cây Da; cha Guitton làm cha sở Hoa Vông và cha Đạt làm cha phó.

Cha Guitton không thích có cha phó; Quán Cau và các địa sở chung quanh nhập về sở Mằng Lăng cùng với cha Đạt. Hơn nữa, cha Guitton muốn ở tại Hóc Gáo để tránh khỏi phải lo cho các nữ tu ở tại Hoa Vông. Ngày 17 tháng Mười, Đức Cha Van Camelbeke gọi về các nữ tu đang ở Làng Sông và Gò Thị.

Trong tháng Chín và kéo dài suốt nhiều tháng sau đó đã có nhiều vụ kiện cáo về của công ở Mằng Lăng hoặc Hoa Vông. Vào khoảng cuối năm thì Đức Cha Van Camelbeke đi Pháp và cha Fourmond trở thành bề trên của miền truyền giáo.

Sau lễ Phục Sinh năm 1889, phân chia ranh giới làng Trà Kê và Tân Bình, làm đám xây nhà cho tu viện ở Mằng Lăng (khởi công xây dựng). Cuối tháng Năm, cha Nhuận đến thay thế cho cha Đạt ở Quán Cau, tuy nhiên cha Đạt vẫn còn ở trong địa sở. Vào tháng Mười thì các nữ tu đến ở tại Mằng Lăng.

Tháng Sáu 1890, Đức Cha Van Camelbeke từ Pháp trở về, cuối tháng Bảy ngài gọi cha Phục từ Bình Thuận về và sai đi Quán Cau thay thế cha Nhuận, cũng làm cha phó cho cha Lacassagne. Cuối năm đó, cha Degrange (Trọng) đến học tiếng Việt tại Quán Cau và cha Phục trở thành cha phó cho cha Guitton và được gởi đến các xứ mới như Đất Đỏ, Đồng Cam, Hoa Châu vv…

Ngày 12 tháng Giêng 1891, cha Degrange chết tại Mằng Lăng và được chôn cất ở đó. Gần ngôi mộ bằng vôi của ngài là mộ của thầy Trạng, thầy giảng, chết ít lâu sau đó. Cuối cuộc tĩnh tâm tháng Hai, cha Lacassagne bị bệnh nên phải đi Đà Nẵng, cha Huề coi sóc địa sở. Vào tháng Tám, có cuộc khỏi nghĩa của Bá Sự, ông bị bắt vào tháng Giêng 1892 và bị xử tử. Đầu tháng Năm năm ấy (1892) bắt đầu xây móng và tháp nhà thờ Mằng Lăng.

Vào ngày 13 tháng Giêng 1893, tân linh mục Nhi được gởi đi Cây Da và cha Huề đi Cũng Sơn. Với sự đồng ý của Đức Cha, cha Guitton đổi đi Ninh Hoà nên cha Huề thay thế ở Phú Điền, cha Nhi chuyển đến thay thế ở Cũng Sơn. Cha Bản từ Ninh Hoà về nhận sở Cây Da thế cho cha Nhi.

Sau cuộc tĩnh tâm ngày 20 tháng Hai 1895, cha Dubulle được bổ nhiệm ở Hoa Vông với cha Phục làm cha phó; cha Huề đi Ninh Hoà thay thế cho cha Guitton trở về Pháp. Cùng thời gian này, cha Wendling được bổ nhiệm và đi đến địa sở Cây Da của mình vào ngày 4 tháng Tư, cha Nhi làm cha phó ở tại Tịnh Sơn. Cha Bản vẫn làm cha phó cho cha Lacassagne ở tại Gò Duối.

Năm 1896, Cha Lacassagne đi Hồng Kông sau cuộc tĩnh tâm để phục hồi sức khoẻ và để điều chỉnh lại một trong những sáng chế của ngài (động cơ vĩnh cửu). Cha Wendling phải tạm thời thay thế nhưng thực tế thì chỉ có mình cha Bản coi sóc mà thôi. Cha Lacassagne trở về vào ngày 20 tháng Năm 1896.

Tháng Tám 1897, cha Hương đến thế cha Bản ở Gò Duối để cha Bản đi Đồng Quả. Vào tháng Chín, cha Labiausse đến học tiếng ở Sông Cái.

Cuối tháng Ba 1898, cha Labiausse làm cha phó cho cha Blais ở Kỳ Bương. Vào tháng Tám, cha Cao vừa được phong chức đến thế cha Hương để cha Hương đi Đồng Quả.

Tháng Giêng 1899, cha Jean thế cha Dubulle ở Hoa Vông để cha Dubulle về Nam Bình (đổi sở). Cuối tháng Tám, cha Dụng đi Hoa Châu để thế cho cha Phục được bổ nhiệm ở Mằng Lăng.

Cuối tháng Tư và tháng Năm 1900 xảy ra cuộc khỏi nghĩa của Võ Trứ. Vào tháng Sáu, cha Phục chết ở Mằng Lăng. Ngày 1 tháng Tám, cha Lacassagne qua đời tại Đà Nẵng khi được 44 tuổi và phục vụ tại Mằng Lăng được 12 năm. Cha Wendling thay thế ngài và cha Perreaux được bổ nhiệm xứ Cây Da.

Sau cuộc tĩnh tâm tháng Hai 1901, cha Porcher được bổ nhiệm xứ Cây Da và cha Perreaux đi Sông Cầu để chuẩn bị cho cô Paullette de Blainville, con gái ông Công Sứ, được rước lễ lần đầu vào lễ Phục Sinh ngày 7 tháng Tư tại Mằng Lăng. Ngày hôm sau, cha Perreaux lên đường đi chủng viện Đại An. Trong tháng Tư và Năm và cho đến ngày 14 tháng Sáu, cha Panis đi ban bí tích Thêm sức trong toàn tỉnh Phú Yên. Cả tỉnh chưa có lễ ban bí tích Thêm sức từ năm 1883. Ngày 14 tháng Bảy, cha Nhi được đổi đi và được cha Cẩm thay thế ở Tịnh Sơn. Ngày 20 tháng Chín, di hài cha Lacassagne được đem về từ Đà Nẵng và chôn cất trong nhà thờ Mằng Lăng. Ngày 9 tháng Mười Một, Đức Cha Van Camelbeke qua đời tại Làng Sông và ngày 19 cùng tháng ấy cha Fourmond thở hơi cuối cùng tại Sàigòn.

Ngày 15 tháng Tư 1902, cha Geffroy, bề trên miền truyền giáo, đã đến Mằng Lăng để đi thăm mục vụ tỉnh Phú Yên. Ngày 19 tháng Ba, cha Grangeon được chọn làm giám mục và được tấn phong tại Làng Sông ngày 17 tháng Tám, sau cuộc tĩnh tâm chung của các thừa sai.

Tháng Giêng 1904, tân linh mục Huấn được sai đi làm cha phó cho cha Jean ở Hoa Châu. Ngày 7 tháng ba, sau cuộc tĩnh tâm trở về, có đám khánh thành nhà thờ Sông Cầu. Những người tham dự gồm các cha Guéno, Seiller, Dubulle, Wendling, Jean, Labiausse, Vallet, Porcher, Perreaux, Souverbielle, Bonnal, Lalanne, Cao, Dụng, các quan và một số người Âu châu. Buổi tối có bắn pháo hoa và trình diễn văn nghệ. Ngày hôm sau là lễ làm phép nhà thờ Sông Cầu và sau đó mọi người đi Mằng Lăng. Chỉ có các cha Labiausse và Perreaux là đi Làng Sông ngay sau đó. Cha Dụng ở Hoa Châu được bổ nhiệm ở Mằng Lăng (Thầy Đông). Vào tháng Năm, cha Huề trở thành cha sở Tịnh Sơn thay cha Cẩm. Cuối tháng Bảy, Đức Cha gọi Bà Nhất Tuyên đi Gò Thị, Bà Nghi về Mằng Lăng, chẳng bao lâu sau đó thì Bà Tựu thay thế Bà Nghi.

Ngày 15 tháng Năm 1905, cha Degas làm phó cho cha Jean và ở tại Hóc Gáo. Ngày 30 tháng Năm 1905, thầy Cách di chuyển quả chuông lớn của Mằng Lăng từ bờ biển về nhà thờ. Cùng năm ấy, nhà thờ xong phần mái. Tháng tám, cha Giảng làm cha phó cho cha Porcher ở Cây Da và cha Porcher định cư ở Đồng Tre ngày 10 tháng Tám và vào tháng Giêng 1906 thì chuyển về một ngôi nhà mới.

Cuối tháng Tám 1906, các cha Wendling và Jean đi Hồng Kông và trở về Mằng Lăng vào ngày 14 tháng Giêng 1907.

Tháng Giêng 1907, cha Degas được bổ nhiệm đi Ninh Hoà và mất ngày 27 tháng bảy. Tháng Tư, cha Porcher đi Làng Sông để xin Đức Cha về ban bí tích Thêm sức.

Ngày 8 tháng Tư, Đức cha Grangeon đến Gò Duối cùng với các cha Hamon, Dubulle và Porcher. Cha Wendling đón các ngài ở đấy. Lễ ban bí tích Thêm sức ở đấy vào ngày 9. Ngày 10 đi Sông Cầu thăm ông Trú Sứ và vào đến Mằng Lăng trước đêm. Chúa Nhật ngày 14 làm phép nhà thờ và chuông. Ngày 15, Đức Cha đi Đồng Tre (cha Hamon trở về Bình Định), ngày 18 đi Trà Kê và ngày 20 làm phép nhà thờ Trà Kê. Ngày 22 đi Tịnh Sơn. Đức cha bị té xuống một rãnh nước ở dốc Trà Kê nhưng không có gì nguy hiểm. Họ ăn tối tại Gia Bá, nghỉ chân tại Đá Trắng và cuối cùng đến Tịnh Sơn. Ngày 24 ở Hoa Châu, ngày 27 ở Hóc Gáo và ngày 28 làm phép nhà thờ Hoa Vông. Ngày 3 tháng Năm trở về Mằng Lăng rồi đi Suối Ré vào ngày 5 rồi sau đó trở về Làng Sông.

Vào tháng Tư 1908, cha Cẩm được bổ nhiệm làm cha phó ở Hoa Vông và ngày 23 tháng Tám cha Guillot đến làm cha phó ở Mằng Lăng. Cuối năm đó thì nhà các thầy giảng và cô nhi Mằng Lăng được xây dựng xong.

Ngày 29 tháng Giêng 1909, cha Guillot đi Thầy Đông (hoặc Sai Đông) và cha Dụng thay thế ngài tại Mằng Lăng.

Cuối tháng Giêng 1910, cha Jean xin đổi xứ, ngày 3 tháng Hai ngài rời xứ Hoa Vông đến Mằng Lăng để đi Làng Sông. Ngày 23 cùng tháng ấy, cha Guillot rời Thầy Đông để đi lên xứ người Thượng, Cha Lalanne được bổ nhiệm cha sở Hoa Vông, ngài đến Mằng Lăng ngày 7 tháng Ba và khởi hành vào chiều thứ Sáu ngày 11 cùng với cha Cẩm đến đón ngài. Cha Cao được bổ nhiệm cha phó Thầy Đông và cha Linh thay thế ngài ở Gò Duối. Ngày 1 tháng Năm, cha Giảng đi làm cha phó Bàu Gốc và cha Dung thay thế ngài ở Trà Kê.

Tháng Giêng 1911, cha Huấn được bổ nhiệm cha sở Tịnh Sơn thay thế cho cha Huề đi nghỉ hưu. Tân linh mục Ban được bổ nhiệm làm cha phó ở Hoa Vông.

Cuối tháng Hai 1912, cha Cao đổi đi làm cha phó cho cha Panis. Vào tháng Năm, cha Dụng được bổ nhiệm làm cha sở Lệ Sơn và cha Cẩm ở Phú Điền đến thế cho ngài ở Mằng Lăng. Ngày 24 tháng Mười, tân linh mục Tuyên đến Mằng Lăng để đi Hoa Vông làm cha phó cho cha Lalanne.

Tháng Bảy 1913, cha Cẩm bị bệnh nên đi về gia đình tại Nha Trang để nghỉ dưỡng và chết ở đó ngày 4 tháng Chín. Tân linh mục Châu đến thế cha Cẩm làm cha phó tại Mằng Lăng. Cuối tháng này, cha Lalanne đi Hồng Kông và trở về vào tháng Hai 1914.

Đầu tháng Giêng 1914, cha Ban được sai đi xứ Thượng. Từ ngày 18 tháng Hai cho đến 16 tháng Tư, Đức Cha Jeanningros đi thêm sức tại Phú Yên.

Ngài đi xe hơi đến Gò Duối cùng với cha Bonhomme vào chiều ngày 18 tháng Hai. Các cha Wendling và Porcher đi trước Đức Cha cho đến Thạch Khê. Cha Bonhomme trở về vào ngày 20 và Đức Cha đã ban bí tích Thêm sức tại Gò Duối cùng ngày. Sáng ngày 21, Đức Cha đi Sông Cầu sau khi ghé thăm Lệ Uyên. Ngày 22 ngài ban bí tích Thêm sức tại Sông Cầu rồi đi bằng xe hơi đến Mằng Lăng vào buổi chiều. Ngày 22, cha Lalanne đến Mằng Lăng và Đức Cha ban bí tích Thêm sức vào các ngày 26, 27, và 28. Chiều thứ Sáu ngày 27, Đức Cha đi thăm Diêm Điền và thứ Bảy ngày 28 đi thăm Xóm Làng, Chợ Mới và Đồng Cháy. Chiều Chúa Nhật ngày 1 tháng Ba, ngài thăm Thầy Đông bằng thuyền. Sáng thứ Ba ngày 3 tháng Ba ngài đi thăm Đồng Thổ và dùng bữa trưa tại Sông Cái. Buổi chiều ngài đến Đồng Tre.

Lễ Thêm sức tại Đồng Tre vào các ngày thứ Năm ngày 5 và Chúa Nhật ngày 8. Sáng thứ Bảy ngày 7 ngài đi thăm Suối Ré và Chúa Nhật làm phép nhà thờ Đồng Tre. Thứ Hai ngày 9 ăn trưa ở Cây Da; buổi chiều ghé thăm Suối Ké và đến Trà Kê. Lễ ban bí tích Thêm sức vào các ngày thứ Tư ngày 11 và thứ Năm ngày 12. Ngày cuối cùng đi thăm Trại Lét và ăn trưa ở Cà Lúi. Thứ Sáu ngày 13 thăm Suối Bạc vào buổi chiều.

Chiều Chúa Nhật 15 đi Tịnh Sơn ghé thăm Đá Trắng và làm lễ Thêm sức ở Tịnh Sơn ngày 18. Chiều 19 đi Hoa Châu để làm lễ Thêm sức vào Chúa Nhật ngày 22. Cùng ngày, ngài đi thăm Đồng Cam. Thứ Hai ngày 23 ăn trưa ở Định Chỉ và trở về qua ngỏ Đồng Lâm. Chiều thứ Tư ngày 25 đi Hóc Gáo; thứ Bảy ngày 28 làm phép nhà thờ và thêm sức ở Hóc Gáo. Chiều cùng ngày ngài ghé thăm Phú Điền và Phú Cốc rồi đến Hoa Vông. Ngày 31 tháng Ba và 1 tháng Tư lễ thêm sức tại Hoa Vông; ngày 2 ghé thăm Cây me và ăn trưa ở Quán Cau; buổi chiều thăm Tân Lập rồi về Mằng Lăng. Đoạn đường trở về từ Hoa Vông đến Mằng Lăng đi bằng xe hơi.

Chúa Nhật ngày 5 đi thăm Gò Chung bằng thuyền; ngày 7 lễ Thêm sức tại đó. Lễ Phục Sinh ngày 12 có thánh lễ trọng thể tại Mằng Lăng. Ngày 14, Đức Cha đi Sông Cầu và ghé ngang qua thăm Lò Giấy. Hôm sau, thứ Năm ngày 16, Đức Cha Jeanningros từ Gò Duối trở về Bình Định.

Ngày 17 tháng Tư, cha Châu được bổ nhiệm đi Cây Da (Bình Định). Cha Thiên đi làm cha phó ở Mằng Lăng ngày 12 tháng Sáu.

Ít ngày sau ngày 15 tháng Tám 1915, cha Thiên bị bệnh phải đi chữa bệnh tại gia đình ở Mương Lỡ và trở về ngày 31 tháng Mười Hai. Trong thời gian ngài vắng mặt, có cha Cao thay thế; ngài đi nhà thương vào tháng Giêng 1916 và cuối tháng Hai được bổ nhiệm làm cha phó Hộ Diêm.

Tháng Hai 1916, cha Jean, cha quản lý, cha Dorgeville, Wendling, Porcher, Lalanne tĩnh tâm tại Mằng Lăng. Cuộc tĩnh tâm bắt đầu ngày 21 tháng Hai và kết thúc vào chiều 24. Cha Porcher ra đi ngày thứ Sáu, cha Lalanne ngày thứ Bảy và các cha Bình Định khởi hành chiều ngày 28.

Ngày 12 tháng Chín tại Mằng Lăng có cuộc tĩnh tâm dành cho các cha Annam và kết thúc vào sáng ngày 16. Tham dự gồm có cha Thiên và Linh ở Mằng Lăng, cha Dung ở Đồng Tre, cha Huấn ở Tịnh Sơn. Chỉ thiếu cha Tuyên ở Hoa Vông.

Ngày 10 tháng Mười, cha Tuyên được bổ nhiệm đi Trà Kiệu. Cha Huấn làm cha sở Hoa Châu và Tịnh Sơn.

Tháng Tư 1917 trong thời gian cha Lalanne bị động viên quân dịch, cha Linh coi sở Hoa Vông. Ngày 1 tháng Tư, cha Lalanne đi Sàigòn bằng đường bộ.

Ngày 16 tháng Năm 1918, Đức Cha Jeanningros đi cùng với cha Jannin đến Gò Duối để làm bí tích Thêm sức. Lễ Thêm sức vào ngày 17 và buổi chiều đi Sông Cầu. Ngày 18 ăn trưa ở Délégation (cơ quan hành chánh đặc biệt gọi là Đại Lý do một ông Bang tá cầm đầu), ngày 19 lễ Thêm sức tại Sông Cầu rồi đi Mằng Lăng vào buổi chiều cùng ngày. Lễ Thêm sức tại Mằng Lăng vào các ngày 21, 22, 23. Cùng ngày cha Jannin lên đường đi Qui Nhơn và buổi chiều Đức Cha đến dùng bữa tại nhà ông Quan Phủ Khôi. Ngày 25, cha Khiêm đến làm cha phó Mằng Lăng thay thế cho cha Thiên được bổ nhiệm làm cha sở Vạn Giã.

Ngày 27 khởi hành đi Đồng Tre làm bí tích Thêm sức vào các ngày 28 và 29. Ngày 30 đi Trà Kê có ghé qua thăm Cây Da và thêm sức ở Trà Kê vào các ngày 31 tháng Năm và 1 tháng Sáu. Ngày 2 tháng Sáu có rước kiệu lễ Mình Máu Chúa và ngày 3 đi Tịnh Sơn ghé thăm Đá Trắng. Ngày 4 thêm sức ở Tịnh Sơn và ngày 5 đi Hoa Châu để làm lễ Thêm sức vào ngày 7. Ngày 8 đi thuyền đến Thành Nghiệp rồi từ đó đi ngựa. Ăn trưa ở Hóc Gáo và buổi chiều thì đến Phú Điền dưới cơn mưa rào. Làm phép Thêm sức vào sáng ngày 10 rồi đi Hoa Vông để thêm sức vào ngày 11.

Ngày 12, Đức Cha Jeanningros đi về phía Nam. Các cha Wendling và Porcher tháp tùng ngài cho đến Tuy Hoà dùng bữa trưa tại nhà ông Sonnic.

Ngày 15 tháng Bảy, các cha Jean và Dorgeville đến Mằng Lăng; ngày hôm sau đến phiên cha Porcher đến và rồi ra đi vào ngày 19. Ngày 4 tháng Tám, hai người đồng sự của chúng tôi cùng với cha Wendling dùng thuyền đi lên La Hai rồi từ đó đi bộ lên đến Đồng Tre và đến nơi vào sáng ngày 5. Ngày 9 trở về và dừng chân ở Hạ Bằng mãi cho đến trưa mới về Mằng Lăng. Ngày 12, hai cha đi xe kéo về Bình Định.

Từ ngày 9 đến 13 tháng Chín có cuộc tĩnh tâm ở Mằng Lăng dành cho 4 linh mục Annam là các cha Khiêm, Dung, Huấn và Linh.

Ngày 11 tháng Chạp 1918, cha Porcher được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Vông và đi nhận nhiệm sở mới. Cha Linh tạm thay thế ở Hoa Vông thì được sai đi Hộ Diêm. Ở Đồng Tre, cha Porcher để cho cha phó của mình là cha Dung làm cha sở cả Đồng Tre – Trà Kê.

Ngày 26 tháng Năm 1919, cha Jean về tạm thay thế ở Mằng Lăng và cha Wendling đi Sàigòn ngày 2 tháng Sáu. Ngày 15 tháng Chín, theo lệnh bác sĩ, cha Wendling lên tàu về Pháp. Ngày 6 tháng Chạp, cha Châu được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre.

Từ Pháp trở về, cha Lalanne ghé qua Mằng Lăng vào ngày 7 tháng Hai để đi lấy hành lý ở Hoa Vông. Ngày 10 tháng Chín, Đức Cha Jeanningros từ phía Nam trở về Mằng Lăng rồi ra đi vào thứ Ba ngày 14. Ngày 26 tháng Chín là hoàn tất nhà nguyện của phước viện Mằng Lăng.

Ngày 14 tháng Tám 1922, cha Nho được bổ nhiệm làm cha phó trú tại Mằng Lăng và sáng ngày 16 cha Khiêm đi Sông Cầu. Tháng Tám xây nhà vuông Sông Cầu. Các ngày 10 và 11 tháng Mười Một, lụt ngấp nghé hè nhà vuông Mằng Lăng; nước vào đến phòng ngủ phước viện.

Ngày 16 tháng Tư 1923, Khâm Sai Toà Thánh là Đức Cha Lécroart đi vào thăm tỉnh Phú Yên. Cha Jean đi đón ngài tại Làng Sông. Phái đoàn dừng chân ở Sông Cầu lúc 7g30 và đến Hoa Vông vào lúc 9g30, cha Porcher chào đón phái đoàn lúc vừa bước chân ra khỏi xe hơi bằng cờ hiệu, trống etc. Sau cơm trưa, họ khởi hành vào lúc 11g30. Gặp cha Salomez ở phái bên kia Sông Ba nhưng chiếc xe hơi quá nhỏ nên cha Jean phải tiếp tục hành trình cho đến khi gặp cha Thiên ở vịnh Vũng Rô ở Khánh Hoà, từ đó trở về Hoa Vông lúc 4g10.

Ngày 4 tháng Sáu 1923, cha Thiên được bổ nhiệm và đi Trà Kiệu; không còn ai ở Sông Cầu. Ngày 16 cùng tháng, các Đức Cha Grangeon, Marcou, Allys và Gordaliza đi Sàigòn, đón cha Jean ở bến Phường Lụa và mọi người ăn trưa ở Hoa Vông. Vào lúc 13g15 họ tiếp tục hành trình đi Sàigòn.

Ngày 6 tháng Tám 1923, Đức Cha Grangeon đến Mằng Lăng và ở lại ngày hôm đó. Ngài dẫn cha Cao đang yếu sức theo để nghỉ ngơi tại nhà người em là ông thầy Tám (Tài). Ngày 5 tháng Chín, cha Châu ở Đồng Tre được bổ nhiệm cha sở và đi nhận nhiệm vụ ở Châu Me. Ngày 9 cùng tháng, làm phép các cơ sở mới của phước viện Mằng Lăng: nhà lớn, lẫm lúa và tập viện. Ngày 24 tháng Mười, cha Cao qua đời tại nhà em mình là Thầy Tám. Ngày 5 tháng Mười Một có điện tín và thư của Đức Cha đến Mằng Lăng thông báo về cái chết của cha Wendling ở Monbethon vào ngày 3.

Ngày 10 tháng Năm 1924, cha Huấn bị bệnh nên cha Jean phải đưa xe hơi lên Tịnh Sơn đón về chăm sóc tại nhà các Thầy.

Có bão lớn vào lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng Mười 1924. Nhà thờ bị tốc mái làm hư hỏng hàng ghế ngồi. Nhà cửa bị bay hết ngói, nhà lẫm hư hại một nửa. Ngựa bị chôn vùi trong đống đổ nát của chuồng ngựa phía Nam. Cô nhi viện bị tàn phá: hai người chết. Ở phước viện thì chỉ có nhà nguyện còn đứng vững; nhà lẫm sập tường và bay mất ngói.

Tại các xứ đạo, trừ nhà thờ Đồng Thổ còn đứng vững thì không còn ngôi nhà nào. Nhà nguyện phước viện – nhà ngủ của các nữ tu – dùng làm nhà thờ ở Mằng Lăng. Phía Bắc Sông Cầu có sóng thần, nhà thờ bị phá huỷ, nhà xứ thì còn. Ở Lệ Uyên, nhà thờ bị sập và bị sóng cuốn đi. Ở Gò Duối thì không còn gì. Ở Diêm Điền có 7 người chết dưới đống đổ nát; ở Lệ Uyên 9 người bị sóng thần cuốn đi. Ở các miền còn lại trong tỉnh có gió rất mạnh nhất là phía Bắc.

Ngày 28 tháng Năm 1925, cha Guéno đi nhận nhiệm sở ở Hà Dừa, ngài đến Mằng Lăng vào lúc 11g và ngày hôm sau đi Hoa Vông. Ngày 28 tháng Tám, cha Phước cũng ghé qua Mằng Lăng để đi Đồng Tre. Cha Vallet đi đà Lạt cũng ghé nghỉ đêm tại Mằng Lăng vào ngày 6 tháng Mười Một.

Ngày 3 tháng Ba 1926, các cha Solvignon và Le Darré từ Đà Lạt về ghé Mằng Lăng; cha Gagnaire ghé từ ngày 22 cho đến 27 tháng Tư; các cha Garrigue vè Gallioz đi xe hơi từ Hộ Diêm ghé ngày 21 tháng Năm; các cha Escalière và Cretin ghé ngày 16 tháng Bảy.

Ngày 5 tháng Chín, nhà thờ Mằng Lăng đã được sửa sang và đã có thể dâng thánh lễ tại đó. Ngày 26, cha Phước ở Đồng Tre được bổ nhiệm đi Trà Kiệu. Ngày 11, cha Jean nhắc lại lời xin đổi việc. Đức Cha bổ nhiệm ngài về sở quản lý và cha Saulot đến thay thế ngài tại Mằng Lăng sau vài tháng nghỉ hè.

Nhưng ngày 25 tháng Hai, cha Saulot lại phải xắp xếp hành lý vì được bổ nhiệm đi Đà Nẵng, lúc này chỉ có mình cha ở Mằng Lăng. Cha Porcher đến thay thế ngài ở Mằng Lăng ngày 14 tháng Ba nhưng chưa thể chuyển giao sở Hoa Vông của ngài cho người kế nhiệm vì cha Phiến chưa đến. Ngày 17 tháng Ba, cha Perreaux tháp tùng cha Jean đến Mằng Lăng để tính sổ và giao xứ. Nhân dịp này, cha Nho lên Đồng Tre để làm cha sở - một sở mới tách biệt với Trà Kê, và cha Luận đến ở Mằng Lăng với nhiệm vụ cha phó tại chổ.

Các thầy

Sau cuộc bách hại, vào năm 1887, người ta thấy có các thầy sau đây: 1) tại Hoa Vông với cha Guitton: thầy Nhi chỉ ở vài tháng rồi đến thầy Nho và thầy Thiết. Thầy Thiết sau đó về Kim Châu năm 1894 để dạy tiếng Việt cho cha Wendling, rồi theo ngài đi Kiều Đông và năm 1895 ở Phú Yên. 2) tại Mằng Lăng với cha Lacassagne có thầy ba Hiệp, thầy Định, thầy Hứa, thầy Cậy. Thầy Cậy được gọi làm linh mục và được thầy Châu thay thế nhưng chẳng bao lâu sau thì thầy Châu cũng được gọi đi học thần học và được thầy năm Nhi đến thế. Với cha Degrange thì có thầy Trạng cũng chết ít lâu sau cha Degrange và được chôn bên cạnh ngài tại nghĩa trang Mằng Lăng (mả vôi).

Thầy năm Nhi sau khi lãnh chức phó tế đã trở về Mằng Lăng. Ngày 12 tháng hai thầy được phong chức linh mục. Thầy Sô đến thay thế cùng với thầy Tài là người vào những năm 1895 và 1896 đã thành lập các sở như Sông Cầu, Gò Duối …

Cha Wendling đã gọi đến Mằng Lăng các thầy ba Hiệp, chết vào ngày 9 tháng Giêng 1902; thầy An lập gia đình ở Xóm Quán vào năm 1903 và thầy Sô. Từ trên Cây Da xuống, cha Wendling dẫn theo thầy Cách, thầy lập gia đình và chết ở Mằng Lăng. Vào tháng Mười Một 1901, thầy Hiệu chết và được mai táng ở Thầy Đông. Thầy Sang người gốc Nha Trang đã chết ở Mằng Lăng vào tháng Giêng 1905.

Năm 1906 ở Mằng Lăng có các thầy: thầy Lập kết hôn vào tháng Tám 1908 tại Mằng Lăng; thầy Sô lập gia đình tháng Mười Một 1907 tại Mằng Lăng và chết ở Đồng Cháy, và thầy Phò.

Vào tháng Chín 1911 thầy Quảng đến thay thế thầy Hạnh người đã lập gia đình ở Mằng Lăng. Thầy Quảng sau đó được sai đi Kiều Đông và được thầy Chẩn thay thế vào tháng Chín 1912, tháng Bảy 1913 thầy Chẩn trở về chủng viện. Cuối tháng Chạp năm ấy thầy Thế đến Mằng Lăng. Cả ba thầy trên đều lập gia đình: thầy Quảng tại Đồng Dài, thầy Chẩn tại Gò Thị và thầy Thế tại Thầy Đông vào năm 1918.

Thầy Hiển ở Mằng Lăng từ tháng Hai 1918 đã đổi đi và được thầy Cao thay thế vào ngày 5 tháng Chín 1919, ngày nay là cha Luận. Ngày 16 tháng Chín cùng năm ấy có thầy Lai đến. Ngày 18 tháng Tám 1920 thầy Cao được gọi về Đại An mà không có ai thay thế. Tháng Mười Một 1920, thầy Mẹo bị cho về. Tháng Ba 1921 thầy Lai bị bệnh nên đi Qui Nhơn mà không trở lại. Thầy Phò trở về gia đình và giúp cho cha sở Thác Đá; tháng Bảy thầy Thành ra trường đã đến thay thế cho thầy Phò; vào tháng Tám thầy Kinh đến thế cho thầy Hùng được sai đi sở Tân Dinh.

Tháng Tám 1923, thầy Kinh được gọi về Đại An, thầy Xuân đến thế vào tháng Tám 1925 sau đó cũng được gọi về và thầy Đô đến thế. Đức Cha đã đổi thầy Thành vào tháng Mười Hai và được thầy Sâm đến thay thế giờ còn ở Mằng Lăng. Thầy Đô về nhà vào đầu năm 1927 này.

Trong vài hàng ghi chép này, còn thiếu chính xác nhiều và cũng chưa phải là hoàn hảo. Chúng tôi xin đón nhận những sửa sai và thông tin bổ túc. Xin các đồng sự khác chỉ bảo cho chúng tôi những thông tin có liên quan đến địa hạt của mình để dần dần sẽ viết nên lịch sử của miền truyền giáo của chúng ta. (hết phần dịch)

Nhận xét

Dựa theo bài tường thuật trên, ta có thể có ra những nhận xét sau đây:

- Thời kỳ sau năm 1885, Mằng Lăng trở thành trung tâm truyền giáo quan trọng của cả tỉnh Phú Yên (được đề cập đến khoảng 78 lần), là nơi dừng chân của các Đức Cha, các thừa sai và các cha Việt Nam. Các cuộc tĩnh tâm trong toàn tỉnh đều được tổ chức tại đây.

- Các cha Việt Nam luôn làm cha phó cho các thừa sai. Mãi đến tháng Năm 1904, cha Huề lần đầu tiên mới chính thức làm cha sở Tịnh Sơn (lúc 52 tuổi, trong khi cha Lacassagne làm cha sở Mằng Lăng lúc 32 tuổi).

- Cha Guitton thuộc túp người đặc biệt, dường như không thể hoà nhập với cuộc sống và công việc truyền giáo tại Việt Nam. Làm cha sở Hoa Vông nhưng luôn ở tại Hóc Gáo, sau đó xin đổi đi Ninh Hoà và cuối cùng trở về Pháp, xuất khỏi Hội Truyền Giáo. Không ai biết chết ở đâu và năm nào.

- Cha Lacassagne, cha sở Mằng Lăng, cũng là một nhà khoa học đã sáng chế ra một loại động cơ vĩnh cửu. Chúng ta không biết được nguyên tắc hoạt động của cổ máy này nhưng có lẽ sẽ tìm được bản miêu tả về sáng chế này trong văn khố của MEP.

- Thường là 6 hoặc 7 năm mới có một đợt Thêm sức và mỗi đợt kéo dài từ 1 cho đến 2 tháng. Từ năm 1883 cho đến 1901 (18 năm), Phú Yên mới có đợt ban bí tích Thêm sức do cha Panis cử hành, lúc này ngài đang làm Bề trên Tiểu chủng viện Đại An. Đợt Thêm sức này kéo dài hai tháng rưỡi, từ tháng Tư, Năm cho đến 14 tháng Sáu. Năm 1907 (6 năm) Đức cha Grangeon vào Phú Yên 1 tháng để ban bí tích Thêm sức. Từ ngày 18 tháng Hai cho đến 16 tháng Tư 1914 (7 năm), Đức Cha Jeanningros đi thêm sức tại Phú Yên (kéo dài 2 tháng).

- Các cuộc tĩnh tâm được tổ chức riêng dành cho các thừa sai Pháp và các cha Việt Nam, hoặc vì lý do ngôn ngữ, hoặc để dể dàng trao đổi công việc với nhau với những người “cùng hội cùng thuyền” hoặc có sự phân biệt nào khác (?).

- Các địa sở Sông Cầu, Gò Duối … là do các thầy Sô, thầy Tài thành lập.

- Có khá nhiều thầy lập gia đình tại Mằng Lăng như thầy Cách, Lập, Sô, Hạnh. ..

KẾT LUẬN

Nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet đã viết: “Ai muốn phán đoán đúng tương lai phải tham khảo những thế kỷ đã qua…. Không gì tốt hơn là những sự việc đã được chứng minh”. Một cái nhìn thoáng qua về một giai đoạn lịch sử hình thành giáo hạt Phú Yên sẽ giúp chúng ta gắn bó và tin tưởng vào mãnh đất này mà người xưa khi định danh cho nó đã gói ghém trong đó lòng mong ước sự thịnh vượng và an bình. Ngày nay, Phú Yên gồm 17.000 giáo dân với 12 giáo xứ. Khi so sánh với con số giáo dân 1885, số giáo dân chỉ tăng lên 10.000 người trong vòng 125 năm, xem ra mỗi năm chỉ tăng được 80 người, một con số quá khiêm tốn. Tuy nhiên, thừa hưởng một đức tin vững mạnh và tinh thần truyền giáo không ngại gian khó của các bậc cha ông, chắc chắn con số khiêm tốn này không tồn tại lâu dài mà sẽ tăng triển cùng với đất Phú trời Yên.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Đỗ Quang Chính, Hoà mình vào xã hội Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2008, tr. 54-56

[2] Đỗ Quang Chính, Tản mạn lịch sử giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2008, tr. 88.

[3] A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, T. I, Paris, 1923, tr. 641

[4] Ibid. tr. 443

[5] Ibid. tr. 482

[6] http://vanhoanghean.vn/tap-chi/nguoi-xu-nghe/341-tien-si-phan-si-thuc-1822-1891.html

[7] O.P.F. Paris, Mgr Colombert, 19, Aout 1885

[8] Ibid. Mgr Onate, 24 Octobre 1885

[9] Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale, tr. 89

[10] Nguyễn Đình Chúc, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên, NXB Thanh Niên, 2007, tr. 150

[11] Missions Catholiques, Tome XVII, 1885, Lyon, tr. 566

[12] Cf. “Giải cứu 900 giáo dân tỉnh Phú Yên”, tại http://www.phuyencatholic.net/Giaicuuvanthan.htm

[13] Đào Nhật Kim, Một số đặc điểm của cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương ở Phú Yên (1885-1887), http://www.baophuyen.com.vn/DesktopModules/TinTuc/PrintNews.aspx?iId=3152.

[14] Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896: Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale, tr. 54

[15] Đỗ Bang, “Về chính sách tôn giáo của triều Nguyễn, những kinh nghiệm lịch sử”, Nghiên cứu tôn giáo, số 6/2007, tr. 30

[16] Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập I, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. TPHCM, 1993. Dẫn lại theo bài của Giáo sư Lê Hữu Mục, Cụ Sáu đối diện với phong trào Văn Thân, Canada, 1996, tr. 359.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vịnh Bodega California
Nguyễn Ngọc Danh
09:01 26/08/2010

Vịnh Bodega California



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Hải âu phi xứ xa mãi xa

Ghềnh đá vọng âm sóng vỡ òa

Như lời ai gọi từ biển nhớ

Ngày Hè trên Vịnh Bo-de-ga

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền:Trái Tim Tôi Ngập Tràn Vui Sướng
Lm. Trần Cao Tường
09:04 26/08/2010

Trái Tim Tôi Ngập Tràn Vui Sướng



Ảnh của Cao Tường

Ống sáo này Người mang qua đồi qua lũng

mà phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời

khi bàn tay bất tử của Người âu yếm vuốt ve

trái tim nho nhỏ trong tôi ngập tràn vui sướng

thốt thành lời không sao kể xiết.

Tagore, Lời Dâng #1

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Vàng Và Bướm
Diệp Hải Dung
22:07 26/08/2010

HOA VÀNG VÀ BƯỚM



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (Hình chụp tại Trung Tâm Bringelly Sydney)

Bướm bay trong nắng dương hồng

Tìm trong ánh mắt thấy lòng nhớ ai.

(Trích thơ của Nguyễn Đình Hoài Việt)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền