Ngày 25-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 22A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:17 25/08/2020
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 16:21-27)
KHÓA NƯỚC TRỜI.


Giê-ru-sa-lem cao vời,
Là Thành Vua cả, gọi mời tiến thân.
Chúa về thành Thánh nhiều lần,
Chu toàn sứ mệnh, thế nhân cứu đời.
Khổ đau hiến tế diệu vời,
Con đường cứu độ, rạng ngời vinh quang.
Chết đi sống lại huy hoàng,
Cứu nhân độ thế, phát quang rạng ngời.
Theo Thầy, từ bỏ cuộc đời,
Hy sinh mạng sống, một thời khổ đau.
Tin vào hạnh phúc mai sau,
Thế trần cuộc sống, qua mau cõi đời
Hưởng nhan thánh Chúa muôn đời,
Trường sinh bất tử, tuyệt vời biết bao.
Phê-rô thắc mắc vì sao?
Thật lòng can gián, đừng vào Thánh Đô.
Sợ lo tâm trạng hồ đồ,
Sa-tan, Chúa mắng, nông nô đừng phiền.
Sáng danh Thiên Chúa nhân hiền,
Yêu thương tha thứ, cõi thiên tìm về.

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu khen thưởng. Chúa đã trao trách nhiệm cho ông cầm giữ, đó là chìa khóa Nước trời. Chúa tin tưởng và trao phó Giáo Hội cho Phêrô cai quản. Phêrô đã lãnh nhận trách nhiệm làm đầu có quyền cầm buộc và tháo cởi.

Phêrô đã nhận lãnh vai trò lãnh đạo, nhưng Phêrô chưa hoàn toàn hiểu được sứ mệnh Chúa muốn trao gởi. Ông đặt niềm tin nơi Chúa. Tính của ông rất bộc trực, mạnh mẽ và không quanh co trong ý nghĩ. Một mực nhiệt thành trong sứ mệnh. Chính vì thế, đã nhiều lần ông được Chúa khen và không ít lần bị Chúa mắng cho. Chúa từ từ huấn luyện, dậy dỗ và đưa ông vào con đường Chúa sẽ đi.

Con đường Chúa đi là con đường khổ đau và thập giá. Con đường của hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Vì là con người, Phêrô đã vui mừng nhận chìa khóa nước trời, nhưng lại muốn chối từ thánh giá. Ông chưa hiểu ý nghĩa của sứ mệnh.

Chúa nói với các môn đệ:”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Thầy.” Chúa đòi hỏi điều kiện theo Chúa không dễ đâu. Chúng ta có thể theo Chúa, nhưng chúng ta khó từ bỏ mình. Từ bỏ mình làm sao được khi mà các ước vọng cứ vật vã và lôi kéo chúng ta trở về với con người yếu đuối của chúng ta. Chúng ta muốn đuợc vinh quang và được khen thưởng, nhưng chúng ta lại không muốn vác thánh giá. Thánh giá chính là chìa khóa mở của Nước trời. Vác thập giá theo Chúa luôn là một cố gắng không ngừng.

Muốn làm môn đệ của Chúa, chúng ta phải chấp nhận đau khổ, hiểu lầm, chống đối và bị chối bỏ. Theo Chúa, thánh giá kề bên mỗi ngày. Ngước nhìn lên Thánh Giá, Chúa vẫn còn ở đó treo lơ lửng trên thập giá. Chúa mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa. Qua thập giá sẽ tới vinh quang.

THỨ HAI, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 4, 16-30).
ĐẤNG XỨC DẦU


Hội đường Sa-bát cầu kinh,
Đọc lời giao ước, tâm linh gọi mời.
Giê-su đọc rõ từng lời,
Thánh Thần Chúa ngự, sáng ngời trí khôn.
Xức dầu rao giảng siêu tôn,
Tin mừng loan báo, mở hồn thế nhân.
Kêu mời sám hối tội trần,
Chữa lành bệnh tật, chia phần phúc vinh.
Loan truyền giải thoát cực hình,
Người mù được thấy, an bình thiện tâm.
Hồng ân Năm Thánh quang lâm,
Giải trừ áp bức, giam cầm phóng sinh.
Hôm nay ứng nghiệm chứng minh,
Người thương kẻ ghét, lộ hình tư duy.
Đồng hương từ chối xét suy,
Nói lời xúc phạm, nghĩ suy trần đời.

THỨ BA, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 4, 31-37).
ĐẤNG THÁNH


Chúa vào giảng dậy nơi đây,
Có người quỷ ám, hay gây bất bình.
Tại sao tiêu diệt bọn mình,
Kêu to hét lớn, thật tình tuyên xưng.
Thời kỳ Chúa đến phục hưng,
Ngài là Đấng Thánh, Tin Mừng truyền rao.
Quỷ ma ghen tức thét gào,
Chuyện chi gây rối, tại sao xua trừ.
Cứu sinh sửa chữa tật hư,
Giê-su quyền thế, loại trừ dối gian.
Câm đi ra khỏi, đừng van,
Mọi người kinh hãi, ơn ban bởi trời.
Lạ lùng phép tắc cao vời,
Quyền năng ra lệnh, mọi người ngạc nhiên.
Danh người truyền khắp mọi miền,
Chữa trừ bệnh hoạn, cửa thiên cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 4, 38-44).
CHỮA LÀNH


Si-mon đón Chúa vào thăm,
Tại gia nhạc mẫu, bao năm mong chờ.
Bà đang sốt nặng bơ phờ,
Chúa cùng môn đệ, đợi chờ ghé qua.
Cảm thương yếu đuối tuổi già,
Chúa liền truyền lệnh, cho bà khỏi ngay.
Bà liền chỗi dậy tiếp tay,
Dọn cơm nấu nước, đẹp thay tấm lòng.
Nhiều người bệnh hoạn cầu mong,
Van xin chữa trị, bệnh phong hao gầy.
Quỷ ma ám ảnh quấy rầy,
Kêu lên Con Chúa, Đức Thầy Ki-tô.
Chúa rằng im tiếng đừng hô.
Âm thầm sứ mệnh, Chúa vô mọi miền.
Tin Mừng rao giảng trước tiên,
Kêu mời hối cải, gom chiên về đàn.

THỨ NĂM, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 5, 1-11).
THẢ LƯỚI


Chúa đi rao giảng Tin mừng,
Xuống thuyền cách bãi, đậu dừng loan tin.
Si-mon chài lưới đứng nhìn,
Chuyên môn thả lưới, vững tin nơi Thầy.
Nước sâu bắt cá sa lầy,
Phê-rô thưa Chúa, sáng ngày vô công
Suốt đêm cực nhọc ngóng trông,
Vâng lời thả lưới, bên hông mạn thuyền.
Cá nhiều nặng lưới kéo lên,
Bạn bè đồng nghiệp, thuyền bên góp phần.
Si-mon sụp lạy dưới chân,
Con người tội lỗi, thế nhân sống đời.
Xin Thầy hãy tránh xa rời,
Mọi người kinh ngạc, ơn trời khấng ban.
Chúa rằng đừng sợ thiên nhan,
Hãy đi chinh phục, thế gian tội tình.

THỨ SÁU, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 5, 33-39).
CẦU NGUYỆN


Môn đồ cầu nguyện ăn chay,
Gio-an Tẩy Giả, hăng say rao truyền.
Tông đồ của Chúa nhân hiền,
Bên Thầy cuộc sống, điền viên lữ hành.
Thầy trò không sống tìm danh,
Tân lang hiện diện, lòng thành sống vui.
Bao giờ đi khỏi, ngậm ngùi,
Tông đồ môn đệ, rút lui khẩn cầu.
Rượu nào bầu ấy giữ lâu,
Bầu da rượu mới, mong hầu tốt hơn.
Áo nào vải đó không sờn,
Không ai vá áo, vải đơn một chiều.
Ăn chay cầu nguyện giới điều,
Đúng thời đúng điểm, nhận nhiều ân thiêng.
Thực tâm sám hối tội khiên,
Hãm mình dẹp xác, ăn kiêng nguyện cầu.

THỨ BẢY, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 1-5).
SA-BÁT


Bứt bông lúa miến vò tay,
Mấy thầy Biệt Phái, chê ngay lỗi này.
Hôm nay Sa-bát có hay,
Làm điều không được, cấm ngày hôm nay.
Các thầy khó chịu lắm thay,
Phàn nàn với Chúa, sao Thầy không can.
Chu toàn điều luật bảo ban,
Thiện toàn lề luật, sẻ san tình người.
Chúa bênh môn đệ vài lời,
Đúng ngày Sa-bát, trong nơi thánh đền.
Đọc điều Đa-vít chẳng nên.
Cùng nhau ăn bánh, bên trên bàn thờ.
Dành riêng trưởng tế đụng sờ,
Tùy tùng lỗi luật, mong nhờ luật tha.
Giữ ngày Sa-bát đặt ra,
Con Người làm chủ, thứ tha lỗi lầm.
 
Vào trong vinh quang ngang qua thập giá
Lm Đan Vinh
20:41 25/08/2020

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A
Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27

VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 16, 21-27

(21) Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (23) Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (24) Rồi Đức Giê-su nói với môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (27) Vì con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

2. Ý CHÍNH: TIÊN BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ NHẤT
Sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, Đức Giê-su bắt đầu cho các môn đệ biết Người sắp vâng thánh ý Chúa Cha để đi con đường "Qua đau khổ vào trong vinh quang". Phê-rô lên tiếng khuyên can, nhưng ông đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách. Rồi Người tiếp tục đề ra điều kiện để đi theo làm môn đệ của Người là: bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Thiên Chúa, là phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. Ngoài ra, không còn đường nào khác đưa người ta lên trời.

3. CHÚ THÍCH:
- C 21: + Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ…: Đức Giê-su mặc khải việc Người sắp trải qua cuộc khổ nạn thập giá để vào vinh quang phục sinh tại núi thánh Xi-on của Thiên Chúa là thành Giê-ru-sa-lem, như Thánh kinh đã tiên báo (x. Tv 2, 6). Việc loan báo 3 lần về cuộc thương khó nhằm đánh dấu từng chặng đường tiến về Giê-ru-sa-lem, và cũng để chuẩn bị cho môn đệ khỏi ngỡ ngàng khi sự việc xảy ra.
- C 22-23: + Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !: Theo Phê-rô nghĩ thì sao Thầy phải chịu thua trước kẻ thù, để chúng bắt bớ giết hại cách nhục nhã rồi mới chiến thắng bằng cuộc phục sinh vinh quang? Tại sao Thầy không lập tức dùng sức mạnh để chiến thắng kẻ thù? + Xa tan, lui lại đàng sau Thầy !: Xa-tan theo nguyên nghĩa là “Tên cám dỗ” hay “Kẻ cản trở”. Lời can ngăn của Phê-rô nói đây gợi lại cơn cám dỗ của Xa-tan với nguyên tổ A-đam E-và xưa (x. St 3, 4-5). Cũng là cơn cám dỗ ma quỷ đã làm trong hoang địa với Đức Giê-su và đã bị Người xua đuổi: “Xa-tan kia, xéo đi !” (Mt 4, 10). Ở đây Đức Giê-su chỉ buộc Phê-rô lui lại vị trí môn đệ, nghĩa là phải chấp nhận đi theo sau Thầy (x. Mt 16, 24; Ga 21, 22b). + Anh cản lối Thầy: hoặc “anh làm cớ cho Thầy vấp phạm”. Cớ vấp phạm hay là một cái bẫy (x. Tv 124, 7), một hòn đá cản đường khiến người ta bị vấp ngã (x. Is 8, 14-15; Rm 9, 32-33). Vì suy nghĩ theo tình cảm tự nhiên và vì yêu mến Thầy, Phê-rô đã vô tình cản lối khi yêu cầu Người đừng theo con đường cứu độ đã được Chúa Cha định liệu là “Phải qua đau khổ để vào trong vinh quang” (x. Lc 24, 26). Trước đó, Phê-rô vừa được khen là có phúc vì đã tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng giờ đây ông lại bị thầy quở trách là tên cám dỗ, và là viên đá gây sự vấp ngã cho Thầy ! + Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người: tương tự như lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9).
- C 24-25: + Ai muốn theo Thầy: Ai nói đây tức là người tự nguyện trở thành môn đệ của Đức Giê-su, sẵn sàng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời với Người. Câu này cho thấy Đức Giê-su luôn tôn trọng tự do của con người. + Từ bỏ chính mình: Điều kiện để làm môn đệ Đức Giê-su là phải loại bỏ những trở ngại bên ngoài như tình thân gia đình và sự cản trở bên trong như các thói hư tội lỗi và cách suy nghĩ theo tính xác thịt của mình. + Vác thập giá mình mà theo: Cuối cùng còn phải chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng, chịu đựng những vất vả tai ương bách hại do thế gian và các thế lực thù địch với Thiên Chúa gây ra. + Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất: Lời tuyên bố có tính nghịch lý theo kiểu Do thái, dựa trên lòng tin vào một đời sống mới vĩnh hằng sau khi chết. Ai muốn cứu mạng sống thể xác bằng cách bỏ đạo để khỏi bị giết hại thì sẽ bị mất cả sự sống thiêng liêng ở đời sau. + Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy: Người khôn là người biết chọn cách sống đời tạm này như thế nào, để sau khi chết được sống lại và được sống vĩnh hằng. Đức Giê-su đưa ra một con đường đưa tới sự sống đời đời là phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh thiệt thòi, sẵn sàng bị mất mạng sống ở đời này. Ngoài ra, không còn con đường nào khác để được ơn cứu độ.
- C 26-27: + Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì? : Câu này lặp lại tư tưởng của câu trên. + Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người: Giá trị của cuộc sống thực sự chỉ tỏ hiện trong cuộc chung thẩm vào ngày tận thế. + Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm: Sự thưởng phạt công minh là động cơ khiến người ta sẵn sàng chấp nhận đi con đường hẹp là bỏ mình mà vác thập giá đi theo Chúa ngay ở đời này. Đức Giê-su quả quyết chính Người sẽ ngự đến vào ngày tận thế để làm thẩm phán xét xử mọi người tùy theo các việc bác ái họ đã làm hay bỏ qua không làm khi còn sống.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su phải cho các môn đệ biết về các biến cố Người sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem là phải chịu khổ nạn thập giá rồi mới vào vinh quang Phục Sinh? Người tiên báo ba lần nhằm mục đích gì?
2) Tại sao Phê-rô lại can trách Thầy và đã bị Thầy quở mắng thế nào? Tại sao?
3) Bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày cụ thể là bỏ những gì và làm những gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

2. CÂU CHUYỆN:

1) AI CŨNG ĐƯỢC TRAO CÂY THÁNH GIÁ HỢP VỚI KHẢ NĂNG CỦA MÌNH :
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó : có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo :
- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để lại đó và hãy lựa một cây thánh gía nặng vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng tại nghĩa địa và bắt đầu chọn một cây khác nhẹ hơn. Nhưng ông tìm mãi mà không tìm được cây như ý: cây thì quá dài, cây lại quá ngắn, cây thì nhẹ nhưng lại bị sù sì khó vác, cây thì tuy trơn tru nhưng lại quá nặng… Sau cùng ông nói với thiên thần :
- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác nó và đừng than van gì nữa.

2) SỨC MẠNH TINH THẦN CỦA CÂY THÁNH GIÁ :
Một người đàn bà đạo đức kia bị bệnh ung thư ngực rất đau đớn nhưng lại không dám mổ khối u vì sợ phải chịu đau đớn. Đến khi khối u phát triển nhanh thì bà mới chịu đi mổ, hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ thêm được một thời gian nữa. Bà có một cậu con trai tuổi thanh niên. Anh này trái với bà mẹ: khô khan việc đạo, đã bỏ dự lễ nhà thờ từ lâu. Hôm ấy, trước khi vào phòng mổ, bà yêu cầu bác sĩ cho phép con trai bà được chứng kiến cảnh bà chịu giải phẫu và yêu cầu này đã được chấp thuận. Thời đó, vì chưa có thuốc tê, nên bệnh nhân phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp mỗi lần bị mổ xẻ. Nhưng bà mẹ này đã can đảm cắn răng chịu đựng cơn đau. Đến khi con dao mổ đụng đến giây thần kinh thì bà mới oằn người lên và kêu to rằng: “Chúa ơi con đau quá, xin thương cứu con !”. Trườc cảnh mẹ bị đau đớn như vậy, anh con trai liền thốt ra lời phàn nàn xúc phạm đến Chúa. Nghe vậy, bà mẹ liền nghiêm nét mặt nói với con rằng: “Con hãy câm miệng lại ngay ! Con có biết là con đang làm cho mẹ phải chịu đau đớn nhiều hơn mấy ông bác sĩ này hay không? Vì con đã sỉ nhục chính Đấng đã ban sức mạnh và luôn động viên an ủi mẹ”. Nói rồi, bà mở bàn tay ra cho con thấy một cây thánh giá nhỏ mà bà đã luôn nắm chặt từ đầu ca mổ đến giờ. Cây thánh giá đó chính là thứ thuốc gây mê đã làm dịu đi cơn đau đớn khủng khiếp mà bà đang phải chịu đựng.
Sau mấy tháng quằn quại trong đau đớn, bà mẹ đạo đức ấy đã an nghỉ trong Chúa. Trước lúc lâm chung, bà đã trao cây thánh giá nhỏ cho anh con trai và dặn rằng: “Con ơi ! Hãy giữ lấy cây thánh giá này. Đó là vật đã giúp mẹ chịu đựng được biết bao gian khổ trong đời mẹ. Hy vọng rằng nhờ cây thánh giá này, con cũng sẽ tìm thấy niềm an ủi và cậy trông mỗi khi gặp gian nan thử thách sau này”. Anh con trai rất xúc động trước đức tin và tình thương của mẹ dành cho mình. Từ ngày đó anh đã luôn đeo cây thánh giá trên cổ, để nhắc nhở anh về người mẹ thân yêu. Từ đây cây thánh giá đã trở thành vật hộ mệnh, giúp anh can đảm vượt qua các cơn sóng gió trong cuộc đời, giống như người mẹ thân yêu của anh.

3) THÁNH GIÁ NẶNG NHẸ LÀ DO SUY NGHĨ CHỦ QUAN CỦA MÌNH:
Một hôm, Chúa Giê-su dẫn hai người trong số các môn đệ đến đầu đường, trao cho mỗi người một cây thập giá giống nhau và bảo:
- Mỗi người chúng con vác thập giá của mình đi đến cuối đường trước mặt kia. Thầy đợi các con ở đó.
Hai môn đệ vâng lời, vác thập giá mình đi. Người thứ nhất vác đi cách dễ dàng, chân nhanh bước, dường như thập giá không cản trở hay gây phiền hà gì cho anh cả. Chẳng bao lâu sau anh đã đến cuối đường, gặp Chúa đợi ở đó. Và Thầy trò vui mừng hớn hở.
Còn người thứ hai vác đi nặng nề, dường như anh vác không nổi, kéo lê thập giá đến chỗ Chúa Giê su chỉ định, và bị kiệt sức. Vừa thấy Chúa, anh đã phàn nàn than trách:
- Chúa thật bất công! Chúa đã trao cho con cây thập giá quá nặng, còn trao cho anh kia cây thập giá nhẹ nhàng, nên anh ta đã dễ dàng vác nó đến với Chúa trước con.
Chúa buồn rầu đáp:
- Con ơi! Thầy không đối xử bất công với con đâu. Cả hai thập giá đều giống nhau và nặng bằng nhau, không cây nào nặng hơn cây nào. Sở dĩ con cảm thấy nó quá nặng, vì con đã không chấp nhận nó. Suốt trên đường đi, con luôn than phiền cho rằng nó quá nặng. Rồi càng than trách thì thập giá lại càng trở nên nặng hơn cho con. Sở dĩ bạn con đã vác thập giá đến với Thầy trước con, vì tâm hồn nó tràn đầy yêu thương. Tình yêu làm cho thập giá dù có nặng đến đâu cũng trở nên nhẹ nhàng.
Vui lòng vác thập giá thì thập giá sẽ nên nhẹ. Trái lại, càng kéo lê thập giá thì thập giá sẽ lại càng nên nặng hơn.

4) GIÁ TRỊ THANH LUYỆN CỦA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ :
Người ta kể câu chuyện ngụ ngôn như sau : trong một khu rừng có một con hổ lớn dữ tợn. Lũ khỉ ghét con hổ này lắm. Một ngày kia, chẳng may, con hổ bị sa xuống hố do người thợ săn đào sẵn. Không kiếm ra cách nào thoát thân, con hổ chỉ còn biết ngồi chờ thần chết đến.
Lũ khỉ đi qua thấy thế mừng lắm, chúng chế diễu và thay nhau lấy đá, lấy đất và bẻ các cành cây ném xuống đầu con hổ cho bõ ghét. Con hổ chỉ biết ngồi chịu trận. Thấy thế, lũ khỉ thích chí lại càng ném hăng hơn. Nhưng không ngờ, chính những hòn đá, cành cây vứt xuống nhiều, làm cho cái hố dần đầy lên, đến nỗi cuối cùng con hổ đã có thể nhảy được ra ngoài hố.
Qua đó cho thấy : Đau khổ cũng có giá trị tích cực. Đau khổ làm người ta trưởng thành về đức tin hơn, giúp họ thanh luyện mình khỏi những đam mê tội lỗi. Người ta nên thánh nhờ chấp nhận đau khổ. Đây cũng là phương thế Đức Giê-su dùng để ban ơn cứu độ khi chọn con đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang » theo thánh ý Chúa Cha, như Người đã cầu nguyện : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha » (Mt 26.39).

3. SUY NIỆM :

1) ĐỨC GIÊ-SU CHẤP NHẬN ĐI CON ĐƯỜNG “QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG VINH QUANG”:
Theo Tin Mừng Mát-thêu, khi Đức Giê-su hé mở con đường cứu thế của Người : “Con Người sắp phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21), thì Phê-rô, môn đệ mới được khen có phúc vì đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, đã lên tiếng can Người rằng : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !”. Ông đã bị Đức Giê-su quỏ mắng: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 16, 22-23). Đức Giê-su đã phản ứng quyết liệt trước tư tưởng sai trái của Phê-rô bằng việc xua đuổi ông như đã từng xua đuổi ma quỷ khi chúng cám dỗ Người. Sau này Phê-rô đã dần dần hiểu được thánh ý Thiên Chúa, và đã chấp nhận đi con đường thập giá để cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Người.

2) HAI ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊ-SU :
Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Qua đó, ta thấy điều kiện để đi theo làm môn đệ Chúa là phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người. Người không ép buộc, nhưng mời gọi. Người cũng không bảo chúng ta tìm kiếm thập giá nào khác, nhưng là vui lòng vác chính cây thập giá đời mình. Mỗi người đều phải vác thập giá mình mà theo làm môn đệ của Chúa. Vậy để trở thành môn đệ Chúa Giê-su chúng ta phải làm gì?
- MỘT LÀ TỪ BỎ CHÍNH MÌNH : Đức Thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11.03.1970 đã nói: ”Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và ít được thiện cảm nhất là sự từ bỏ. Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mà chấp nhận thánh ý Chúa. Muốn từ bỏ mình đòi người ta phải bỏ đi ý riêng để vâng theo ý của Chúa”.
- HAI LÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ ĐI THEO CHÚA : Thập giá của mình phải vác đi theo Chúa Giê-su, chính là những tai nạn rủi ro, những điều phiền toái trong cuộc sống như: bệnh tật, các sự khó do tai nạn gặp phải, những thất bại thua lỗ trong công việc làm ăn, những người thân trái tính khó nết đang sống chung trong một mái nhà … Nếu chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những sự khó chịu và trái ý cực lòng này, thì chúng ta mới trở thành môn đệ của Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Người.

3) CÁI KẾT BI THẢM CỦA KẺ KHÔNG CHẤP NHẬN THẬP GIÁ:
Một văn sĩ Công Giáo người Anh tên là Gilbert Chesterten, đã thuật lại câu chuyện bi thảm về một kẻ thù ghét thập giá như sau :
“Tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, đối nghịch với niềm vui và cuộc sống.
Ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy cây thập giá trên tháp và liệng xuống dưới.
Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành sự điên loạn. Vào một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy cây thập giá. Rồi trước mặt và sau lung ông, nơi nào cũng đều có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm gậy đánh đổ tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn ra hình thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, người đàn ông đã phải dùng đến ngọn lửa, mới mau tiêu diệt được rừng cây thập giá kia. Rồi ngọn lửa bốc lên đã làm thiêu rụi cả căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương nằm chết bên cạnh dòng sông gần nhà ông”.
Cuối cùng nhà văn đã kết luận như sau: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gẫy thập giá, thì chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới mà trong đó bạn đang sống này”.

4) CHẤP NHẬN THẬP GIÁ ĐỂ SỐNG TIN YÊU PHÓ THÁC VÀO CHÚA:
Thánh Gióp thời xưa đã nêu gương kiên vững niềm tin vào Đức Chúa khi sẵn sàng chấp nhận chịu ma quỷ thử thách: Ông lần lượt bị lấy mất mọi sự: từ của cải, đoàn vật đến con cái và ngay bản thân cũng bị cùi… Cuối cùng ông đã được Chúa thương ban lại tất cả. Các thánh tử đạo cũng sẵn sàng từ bỏ mọi vinh hoa, giàu sang… chấp nhận mọi cực hình kể cả cái chết, để làm chứng cho Chúa, nên các ngài đã được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời đời, như lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

TRONG THỰC HÀNH: Nếu bạn mơ ước lên đại học, nhưng lại thi rớt, thì cũng đừng nản lòng. Hãy chấp nhận vác thập giá thất bại đó để theo Đức Giê-su. Vì qua thất bại đó, bạn tin rằng Chúa sẽ dẫn bạn đến một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Một người cao niên mơ ước làm giàu và có một gia đình hạnh phúc, nhưng lại luôn gặp thất bại, thì cũng đừng nản lòng. Vì Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Thiên Chúa là Cha yêu thương, chỉ muốn ban những điều tốt lành cho con cái, như lời Chúa Giê-su: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời. Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11, 13).

4. THẢO LUẬN:

1) Thập giá chúng ta phải vác đi hôm nay là những gì?
2) Gặp một người bị thất bại đang đau khổ và chán sống, bạn sẽ an ủi động viên họ thế nào?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con thấy Chúa luôn bình tĩnh chấp nhận đau khổ thập giá, sẵn sàng nhận phần thua thiệt để ban ơn cứu độ loài người chúng con. Nhìn lại mình, chúng con thật xấu hổ khi chỉ biết nghĩ đến mình và bịt tai nhắm mắt trước những bất hạnh của tha nhân chung quanh. Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết “bỏ mình” theo lời Chúa dạy: bỏ đi những lo toan ích kỷ, để phục vụ Chúa trong mọi người. Xin cho chúng con biết can đảm vượt qua những đau khổ do bệnh tật tai nạn, và sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Theo Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:42 25/08/2020


Chúa Nhật 22 Thường Niên A

Theo Chúa

Câu kết bài Tin Mừng tuần trước: “Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”, thật ngạc nhiên! Sau khi Chúa chuẩn nhận lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa lại cấm công khai điều ấy.Tại sao?

Thánh Matthêu không trực tiếp trả lời, nhưng kể tiếp “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Chúa bắt đầu một “chương mới” trong việc dạy dỗ các môn đệ. Bấy lâu nay, các ông chỉ thấy Chúa rao giảng và chữa lành, được đám đông tôn kính. Nay các ông đã nhận ra “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” thì “từ lúc đó Chúa bắt đầu tỏ” cho các ông biết con đường Chúa phải trải qua để lãnh nhận tất cả uy quyền và vinh quang của “ Đức Kitô Con Thiên Chúa” trong thân phận Con Người “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phản ứng của các môn đệ như thế nào?

Vẫn ông Phêrô bộc lộ thật mãnh liệt. Có lẽ những lời về đau khổ và cái chết làm cho ông ù tai rồi nên không nghe được lời cuối cùng. “Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy” Nhưng cái cách “ông kéo riêng Người ra” để nói nhỏ khiến Chúa phải làm toáng lên để khỏi các môn đệ khác ngộ nhận: “Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan. Lui lại đang sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ông Phêrô vừa được Cha trên trời mạc khải cho biết “tư tưởng của Thiên Chúa” về mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, bỗng quay lại với tư tưởng của loài người và trở thành Xatan cản lối. [Cái tên Xatan trong tiếng Aram vốn có nghãi là kẻ chống đối, còn trong tiếng Hylạp “dia-bolos” là kẻ gây chia rẽ bằng cách quăng một vật gì đó vào giữa hai người đang đi với nhau để tách hai người ra. Đó là nghề của Xatan từ ban đầu và bao lâu còn có con người trên mặt đất thì nó vẫn chưa thất nghiệp: xúi giục sự chống đối để chia rẽ con người với Thiên Chúa, chia rẽ người nam với người nữ, chia rẽ anh em, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ cả trong Hội Thánh của Chúa, dù Chúa đã bảo đãm là nó không phá nổi, nó vẫn cứ vùng vẫy cho tới ngày bị “quăng vào hồ lửa và diêm sinh” (Kh 20, 8; x.St 2-4) ]. Khi Xatan cám dỗ Chúa cách thô lỗ nhất là xúi Chúa bái lạy nó để được vinh hoa thế gian thì Chúa đuổi nó thẳng tay: “Xatan kia! Xéo đi” (Mt 4, 10). Bây giờ ông Phêrô, môn đệ được tuyển chọn, lại muốn cản đường Chúa, khác nào tiếng vọng của Xatan, nên Chúa quay lại qưở trách ông, nhưng không đuổi đi mà chỉ đuổi ông về vị trí môn đệ: làm môn đệ thì đi đàng sau Thầy; Chúa không cần một “Tôn Ngộ Không” đi trước dẫn đường! Ông đã nhận ra Chúa là “Đức Kitô Con Thiên Chúa” thì đừng theo tư tưởng của loài người nữa. Chúa như nhắc lời sách Isaia: “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các người không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng đó” (Is 55, 8-9). (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan, SJ).

Theo “tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói lên luật hy sinh cho những ai muốn làm môn đệ, gồm 3 điểm: từ bỏ mình, vác thập giá, và theo Chúa. Ba điểm đó, tuy là ba nhưng cũng chỉ là một: theo Chúa trên con đường khổ giá. Chúa lấy sự nhẫn nại đau khổ như một điều kiện để theo Ngài, làm đồ đệ Ngài: “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16, 24).

Thời gian ngắn trước đây Chúa Giêsu khen Phêrô và đặt Phêrô lãnh đạo Giáo Hội khi trao “Chìa khoá Nước Trời” cho Phêrô và đặt ông làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội. Ngay sau đó, Chúa lại khiển trách Phêrô đã gây cớ ngăn cản chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phêrô với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến không muốn điều gì xảy ra cho Thầy. Khi Chúa Giêsu tâm sự cùng các ông là Ngài sẽ vác thập giá và chịu đóng đinh, chịu chết trên thập tự, Phêrô nêu ý kiến can ngăn Chúa tránh xa thập giá. Chúa cho Phêrô biết điều ông suy nghĩ xem ra có vẻ tốt lành nhưng không phải đến từ trời cao mà đến từ trần thế. Ý kiến trần thế của Phêrô vấp phải hai lỗi lầm: Phêrô không hiểu rõ sứ mạng của Thầy là chết cho người mình yêu và Phêrô cũng không thể mường tượng ra được hy sinh là dấu chỉ của tình yêu chân chính, đích thực.

Phêrô theo Chúa là hình ảnh tuyệt đẹp. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng, Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ thầy sao? ”. Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về mối liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt, ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ.

Chúa không chấp thuận theo Chúa xa xa hay theo Chúa có điều kiện. Ngài muốn chúng ta theo Ngài thì phải triệt để, trọn vẹn và dứt khoát: “đã cầm cầy không có ngoái cổ lại”; “ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn… thì không xứng đáng là môn đệ ta”; “ai không đứng về phe ta là chống đối ta”; “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tất cả những điều này cho thấy Chúa muốn những ai theo Chúa thì quyết liệt thuộc về Chúa vì chỉ có Ngài mới có lời ban sự. Đó cũng là thái độ của các môn đệ Chúa sau này, sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Phaolô đứng trước công nghị không hề sợ hãi mà còn tuyên bố thuộc hẳn về Ngài dầu có phải chết, “chúng tôi không thể nào mà không rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại”.

Con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Con đường “đánh mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI viết: con đường “đánh mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x.Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Con đường Chúa đi không có tiện nghi trần thế mà chỉ có từ bỏ và thập giá. Nhưng Chúa mãi mãi là Tình Yêu. Chỉ có Chúa mới là Hạnh Phúc mà chúng ta đang mong chờ và tìm kiếm. Chúng ta vẫn có quyền chọn lựa, nhưng hãy nhớ rằng: “Bộ mặt thế gian sẽ qua đi”, và “dù được lợi cả thế gian mà mất mạng sống, thì ích gì cho chúng ta? ”.

Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi qua là con đường tình yêu, con đường thánh giá và vâng phục tự hiến. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Amen.
 
"Khốn cho các ngươi", Vẫn là Tin Mừng
Lm. Minh Anh
23:37 25/08/2020

“KHỐN CHO CÁC NGƯƠI”, VẪN LÀ TIN MỪNG

“Chân thành”, nguyên ngữ Latin “Sincera”, có một lịch sử lâu đời. Ngày xưa, thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, sứt sẹo, lỗ chỗ..., người Rôma lấy sáp ong miết vào rồi đánh cho bóng. Điều tương tự cũng xảy ra khi người ta lấy phấn sáp xoa vào mặt để che những vết chân chim. Những cột cẩm thạch nào không miết sáp, là dấu tuyền vẹn, được gọi là “Sine cera”. “Sine” là “không”; “cera” là “sáp”; “Sine cera” có nghĩa là không có sáp. Qua các thời đại, hai từ này ghép lại thành “Sincera”, tiếng Anh là “Sincere”, có nghĩa chân thực, chân thành.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự chân thực và gian dối; thánh thiện và xấu xa. Thư Thessalônica cho thấy sự tốt lành của Thánh Phaolô, một mục tử yêu thương lo cho đoàn chiên mình; Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu, Đấng thánh tuyệt đối, càng thương xót nôn nả hơn cho những người cứng lòng.

Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phaolô chân thành bộc bạch tấm lòng yêu thương không giả dối, chẳng hình thức cho tín hữu Thessalônica. Như một người cha thánh thiện, Phaolô khuyên dạy tín hữu bằng cách không ngại nêu lên những đức tính của mình, “Chúng tôi đã không lười biếng, không ăn bám của ai, nhưng làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho ai”; thậm chí, ngài không ngại xin họ noi theo, “Để anh em bắt chước chúng tôi”; ngài cũng thẳng thắn lên án kẻ lười biếng, vô kỷ luật rất nặng lời, “Ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.

Với bài Tin Mừng, nếu Bài Giảng Trên Núi có đến tám mối phúc thật khi Chúa Giêsu nói, “Phúc cho ai, phúc cho ai”; thì bài dạy dưới núi của Ngài cũng có bảy mối vô phúc khi Ngài bảo, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”. Hôm nay Ngài nói với hạng đạo đức giả, “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình; các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương người chết và mọi thứ nhơ nhớp. Cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là công chính, nhưng bên trong, đầy sự gian ác và giả hình”.

Một lần nữa, chúng ta chứng kiến một trong những điều lạ thường nhất của Tin Mừng khi Chúa Giêsu không thể cầm mình và trực tiếp lên án những lãnh đạo tôn giáo vụ hình thức. Ngài mô tả họ như ‘mồ mả tô vôi’. ‘Tô vôi’ theo nghĩa, họ sẽ sơn phết những gì có thể để bên ngoài tỏ ra là người thánh thiện, công chính; ‘mồ mả’ theo nghĩa, tội lỗi nhơ nhớp và sự chết đang ở trong họ. Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu có thể nghĩ ra một điều gì khác để lên án họ mạnh mẽ hơn.

Điều này chứng tỏ một chân lý: Chúa Giêsu là Đấng cực thánh, thánh thiện tuyệt đối. Ở đây, Ngài gọi đích danh sự xấu xa đúng tên của nó, Ngài không pha trộn Lời Ngài, cũng không đưa ra một lời khen không đúng hoặc giả vờ cho rằng mọi sự là tốt đẹp đang khi thực sự không phải như thế.

Lời Chúa mời gọi chúng ta chân thành tự vấn lương tâm. Dĩ nhiên chúng ta không được lên án người khác như Chúa Giêsu, nhưng dõi xem hành động của Ngài để áp dụng cho mình. Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào linh hồn mình để gọi đúng tên các tính hư nết xấu của bản thân; đồng thời, nhìn nhận tình trạng linh hồn vốn đang cần đến lòng thương xót Chúa hơn bao giờ hết. Thông thường, chúng ta không sẵn sàng để làm điều này và đây là vấn đề; hoặc chỉ vờ vịt khi cho rằng, mọi sự đều ổn và ngoảnh mặt với những “xương người chết và mọi thứ nhơ nhớp” đang lẩn quất trong linh hồn. Vì lẽ, điều này chẳng thích thú gì để nhìn thấy, chẳng dễ dàng gì để nhìn nhận.

Anh Chị em,

Nhìn vào linh hồn, gọi tên những gì mình thấy. Hy vọng, sẽ thấy những nhân đức ở đó; cùng lúc, có thể thấy một tội lỗi nào đó và hy vọng là không đến mức như những Pharisêu vốn “đủ mọi thứ nhơ nhớp”. Dẫu thế, nếu thành thực, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy một vài uế tạp cần tẩy sạch. Đừng đợi Chúa Giêsu vì quá xót thương và nóng lòng, Ngài phải đi đến chỗ vạch trần nó tô hô và nói những lời Ngài không muốn nhưng buộc phải nói, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, nhưng đó vẫn là Tin Mừng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “Khốn cho con”, thật xót xa! Xin giúp con nhận ra đó vẫn là Tin Mừng chỉ vì Chúa quá xót thương và nóng lòng đang muốn nói với con. Xin ban thêm ân sủng để con đủ sức tẩy sạch hoàn toàn hầu có thể yêu mến Chúa hơn”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Monica - Mẫu gương người mẹ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
23:50 25/08/2020
Mônica – Mẫu Gương Người Mẹ

Khi lập gia đình, chắc hẳn bất cứ người đàn ông nào cũng mong có được một người vợ hiền làm bạn trăm năm. Cha mẹ chồng nào cũng ước ao có được một nàng dâu thảo hiếu trong gia đình.

Sách Châm ngôn viết: “Ai tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và tìm thấy được ơn Đức Chúa ban” (Cn 18, 22); “Nhà cửa, tài sản là gia nghiệp của cha ông, còn người vợ khôn ngoan là do Đức Chúa ban” (Cn 19, 4). Do vậy, đối với người đàn ông, tìm được một người vợ khôn ngoan hiền hậu là có được một kho báu không gì sánh ví kịp. Sách Huấn ca nói đến mối phúc của người chồng: “Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi.Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may, dành cho những người kính sợ Đức Chúa…” (Hc 26, 1-3).

Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ với bản chất là dịu dàng, đoan trang, nhân hậu, bao dung, hiền hoà, kiên nhẫn và mềm mỏng. Người vợ nết na hiền ngoan bao giờ cũng chung thủy, bởi lẽ họ sẽ chuyên lo xây đắp hạnh phúc gia đình mình hơn là tìm những thú vui bên ngoài. Người vợ ngoan hiền ấy biết xây dựng mái ấm gia đình, làm cho cả nhà vui vẻ, chồng con được hạnh phúc: “Phụ nữ khôn ngoan xây dựng cửa nhà, phụ nữ dại dột tự tay phá đổ” (Cn 14, 1).

Thánh Mônica là một người vợ hiền, một nàng dâu thảo và là một người mẹ mẫu mực. Ngài đã hoàn thành sứ mạng làm vợ hiền dâu thảo. Ngài là mẫu gương cho mọi người mẹ trần gian trong thiên chức chăm sóc bảo vệ con cái.

Thật vậy, hoàn cảnh cuộc đời Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ gắt gỏng, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng. Nhưng ngài đã vượt thắng tất cả. Mặc dù ngài là một Kitô hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông rất nóng nảy và phóng túng. Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng gương mẫu đời sống và tâm tình cầu nguyện của Monica đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius được rửa tội vào năm 370. Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người thân. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của mẹ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Mẹ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho Augustinô ơn cải hóa, ơn đổi mới tâm hồn. Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình, Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô”.

Từ một gia đình có nhiều yếu tố mâu thuẫn; từ hoàn cảnh bi đát của cuộc sống gia đình, nhiều thách đố và khó khăn trong niềm tin, trong giáo dục; Mẹ Mônica vẫn luôn tín thác vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Mẹ Mônica tin tưởng cậy trông, kiên trì cầu nguyện, làm việc bác ái, gương sáng đức tin. Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc. Mônica đã giúp mọi người trở lại, người chồng nóng tính, người mẹ chồng ưa càu nhàu và người con thông minh nhưng bướng bỉnh. Augustinô trở về với Chúa và đã theo tiếng gọi của Thiên Chúa, dâng hiến cuộc đời cho sứ mạng Tin Mừng và Ngài trở nên Giám Mục tại Thành Hippon và là một vị thánh vừa uyên bác vừa thánh thiện. Từ nay mẹ Mônica đã có một gia đình hạnh phúc và thánh đức. Ngài hoàn thành sứ mạng và về với Chúa trong an bình.

Mẹ Mônica trở nên gương mẫu cho các Bà Mẹ Công Giáo. Ngài là bổn mạng của các người mẹ Công Giáo trong mọi thời đại. Xuyên thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao của Mônica vang vọng và lan tỏa trong Hội Thánh.

Mẹ Mônica diễm phúc trong tư cách là người mẹ. Con cái là triều thiên của cha mẹ.Triều thiên phải trả giá bằng nhiều đau khổ. Triều thiên của Mônica là Augustinô. Chính Augustinô trở nên tiến sĩ Hội Thánh, xuyên dòng lịch sử luôn nhắc đến với lòng trọng kính và biết ơn.

Nhưng làm thế nào mà Mônica có thể lãnh nhận được những triều thiên cao quí đó?

Thưa rằng: phải là một người vợ hiền, một người mẹ hiền.

Người vợ hiền sưởi ấm gia đình, quy tụ con cái. Như mặt trời mọc lên sưởi ấm thế nào, người vợ làm cho mọi thành viên trong gia đình cảm nhận được tình thương yêu hòa thuận. Mônica đã sống nhẫn nhục, yêu thương, tùng phục chồng, không nản chí và luôn dâng lên Chúa những lời kinh cầu nguyện trong nước mắt cho chồng… Hạnh phúc cho Mônica khi thấy người chồng của mình được ơn trở lại. Chắc chắn người chồng rất mãn nguyện và hãnh diện về người vợ hiền của mình.

Mônica người mẹ hiền. Monica luôn dạy con cái biết mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa. Hiền lành khi đối diện với những người con khó tính, muốn làm ngược ý mẹ, làm những điều phiền lòng mẹ. Yêu mến, biết ơn mẹ, một người mẹ hiền lành, nhẫn nhục, kiên trì, niềm tin vững vàng, Augustinô kể lại : “Tôi đã làm nước mắt mẹ tôi chảy nhiều như dòng suối, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không làm tôi mềm lòng. Một vị Giám Mục đã an ủi mẹ tôi và nói rằng : “Con bà không hư đâu vì Chúa nhìn tới nước mắt của bà. Một người mẹ đã khóc nhiều và cầu nguyện kiên trì cho con mình thì người con không bao giờ hư mất…”

Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Mônica mãn nguyện về cùng Chúa. Tâm tình cuối cùng Mônica nói với con: “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …”.
Hạnh phúc gia đình là một cây xanh tươi cần được nuôi dưỡng mỗi ngày. Đó là trách nhiệm của vợ chồng và con cái. Tuy nhiên người mẹ luôn là trái tim của gia đình, là trung tâm điều hành mọi sinh hoạt của gia đình, là nơi mọi thành viên cần đến để nương tựa và tìm sự an ủi. Với trái tim mang hình ảnh của tình yêu quảng đại vô vị lợi của Thiên Chúa, các bà mẹ có khả năng thấm thấu vào lòng người, hấp dẫn, thu hút, chinh phục chồng con, và có khả năng biến đổi cả thế giới này.

Mẹ hiền là hồng ân Thiên Chúa tặng ban.
Mẹ hiền là một nhà giáo dục.
Mẹ hiền là người gương mẫu và cẩn trọng.
Mẹ hiền là người quân bình trong tương giao và thái độ cương nhu.
Mẹ hiền là người biết chuẩn bị cho tương lai của con.
Mẹ hiền là người dạy lòng tự trọng cho con.
Mẹ hiền là người sống vì con và yêu con.

Xin Thánh Nữ Monica mẹ hiền ban cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như ngài. Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người. Xin cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.
 
Vẫn là những lời đầy xót thương
Lm. Minh Anh
23:57 25/08/2020

VẪN LÀ NHỮNG LỜI ĐẦY XÓT THƯƠNG

“Anh em chớ vội thay lòng đổi dạ”;
“Khốn cho các ngươi; khốn cho các ngươi”.


Kính thưa Anh Chị em,

Thoạt nghe lời Thánh Phaolô, “Anh em chớ vội thay lòng đổi dạ” và những quở trách của Chúa Giêsu, “Khốn cho các ngươi; khốn cho các ngươi”… chúng ta nghĩ, Lời Chúa đang cảnh báo hạng cứng tin hay nặng hơn, nguyền rủa phường vô đạo. Thế nhưng, sẽ rất ngạc nhiên khi nói, đây vẫn là những lời đầy xót thương và cũng là chủ đề Lời Chúa vốn chúng ta có thể dừng lại để suy tư.

Bài đọc thứ nhất chuyên chở tâm tình yêu thương của một mục tử đối với đoàn chiên. Thánh Phaolô cảnh báo tín hữu Thessalônica, “Đừng để ai lừa dối anh em” và nhất là, “Chớ vội thay lòng đổi dạ”; thế nhưng, sau khi khuyến cáo, ngài cầu xin Thiên Chúa thương ban ân sủng để những ai Chúa trao cho ngài được chuyên tâm “Bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.

Cũng thế, những lời của Chúa Giêsu dẫu bề ngoài xem ra khó nghe và gay gắt, “Khốn cho các ngươi”, nhưng đó thực sự vẫn là những lời đầy xót thương. Đầy xót thương vì lẽ Ngài đang cố gắng hết sức để giúp những người Pharisêu hiểu rằng, họ cần phải ăn năn và làm sạch lòng mình. Dẫu thông điệp thoạt nghe ban đầu là “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, nhưng thông điệp thực sự Chúa muốn nói mà chúng ta cần nghe là, ‘Trước hết, hãy làm sạch bên trong, hãy làm sạch bên trong’.

Đoạn Tin Mừng này có thể hé mở cho thấy hai tình trạng của linh hồn. Trước hết, bên trong của một con người có thể đang chất đầy “gian tham và nhơ bẩn” khi bên ngoài có vẻ sạch trong và thánh thiện; đây là vấn đề của biệt phái, họ rất quan tâm hình thức bên ngoài nhưng lại ơ hờ với nội tâm lòng mình và đó là vấn đề. Thứ đến, lời Chúa tiết lộ rằng, lý tưởng là hãy bắt đầu thanh tẩy bên trong, để khi điều đó xảy ra, thì bên ngoài hẳn cũng được làm sạch và nên rạng rỡ. Linh hồn ở tình trạng tốt lành này giả thiết trước đó nó đã được làm sạch tự nội tại và giờ đây, trở nên nguồn cảm hứng với những gì mỹ miều nhất. Điều làm cho một linh hồn xinh đẹp chính là trái tim của nó đã được thanh luyện và làm sạch thực sự; vẻ đẹp này không thể che giấu nhưng buộc phải toả rạng và ngời sáng cách tự nhiên, khiến những người chung quanh không thể không nhìn thấy. Nghĩa là chúng ta sẽ “làm và nói những gì tốt lành”, đây là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy.

Trong buổi khai mạc tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma năm 2019, cha Raniero Cantalamessa mượn lời của Thánh Augustinô để mời Đức Thánh Cha và mọi người xét mình, “Trở về với trái tim bạn. Tại sao bạn lại ra khỏi chính mình? Ra khỏi chính mình, bạn sẽ diệt vong. Tại sao lại theo những con đường hoang vắng? Hãy trở về từ cảnh lang thang từng đưa bạn đi quá xa như thế, hãy trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên. Trước tiên, hãy trở về với trái tim bạn; bạn đã đi lang thang và trở thành một người xa lạ với chính mình, bạn không biết chính bạn, tuy bạn vẫn đang kiếm tìm Đấng dựng nên bạn! Hãy trở về, trở về với trái tim bạn, tách mình ra khỏi thân xác bạn. Hãy trở về, hãy nhìn thấy ở đó những gì bạn có thể nhận thức về Thiên Chúa, vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa. Chúa Kitô ngự trong con người nội tâm và chính nơi con người bên trong của bạn, bạn sẽ được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với trái tim mình, ở đó, Thiên Chúa đang tiếp tục nói những lời đầy xót thương; nhờ biết lắng nghe, chúng ta sẽ để cho ơn thánh Chúa thanh luyện tâm hồn, trí lòng và ước muốn và như thế, mỗi người sẽ được thanh sạch từ bên trong; cùng lúc, chúng ta hãy để Chúa Giêsu tự do mang theo ân sủng Thánh Thần của Ngài đi vào lòng mình và hành động mạnh mẽ theo cách của Ngài. Vì Thiên Chúa, sau khi làm sạch con người từ bên trong, cũng sẽ làm cho việc làm và lời nói của chúng ta cũng nên tốt lành và thánh thiện như Người, vì chính Người cũng đang điều khiển thế giới này một cách thánh thiện và tốt lành bằng lòng thương xót.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ quở trách con bằng những lời xót thương, xin mạnh tay tẩy sạch con từ bên trong; may ra sự thánh thiện và vẻ tinh tuyền nơi con có thể toả rạng như Chúa muốn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúng tôi báo hại chúng ta. Dân tình ngửa mặt kêu trời!
Đặng Tự Do
04:06 25/08/2020
Tin tức nổ ra rằng Cha Matthew Hood của Tổng giáo phận Detroit vào mùa hè này mới biết mình chưa được rửa tội hợp lệ - mặc dù ngài đã được thụ phong linh mục vào năm 2017.

Cha Hood nghĩ rằng mình đã được rửa tội khi còn nhỏ. Nhưng, được thúc đẩy bởi một thông báo phát hành gần đây từ Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, của Vatican, Cha Hood đã xem lại đoạn video về buổi lễ rửa tội của mình và nhận ra rằng vị phó tế đã nói “Chúng tôi rửa tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thay vì “Tôi rửa con..”

CDF hồi đầu tháng này đã làm rõ rằng bất kỳ phép rửa tội nào được thực hiện với “công thức” tự biên tự diễn “Chúng tôi rửa tội” đều không hợp lệ, và bất kỳ ai được cử hành bí tích theo “công thức” này sẽ được coi là chưa từng lãnh nhận bí tích rửa tội.

Đùng một cái, Cha Hood đã từ một linh mục Công Giáo trở thành “no thing”. Về mặt kỹ thuật, ngài thậm chí không phải là một người Công Giáo.

Trong khi tin tức này gây hoang mang nặng nề cho Cha Hood, tình hình, ít nhất là đối với ngài, tương đối dễ dàng khắc phục. Nói một cách ngắn gọn, ngài đã được rửa tội, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Sau khi tĩnh tâm, ngài được thụ phong phó tế, và sau đó thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 8.

Nhưng tất nhiên, hiệu ứng từ sự kiện này lan rộng và xa hơn rất nhiều. Trước hết, việc Cha Hood chưa rửa tội hợp lệ có nghĩa là các Thánh lễ, bí tích Thêm Sức, bí tích Xá Giải và xức dầu - và ít nhất là một số cuộc hôn nhân - mà Cha Hood đã thực hiện với tư cách là một linh mục đều không hợp lệ.

Cha Stephen Pullis, giám đốc tân Phúc Âm hóa và tông đồ truyền giáo của tổng giáo phận Detroit cho biết tổng giáo phận đang khuyến khích những người đã nhận các bí tích từ Cha Hood hoặc thầy Phó tế Mark Springer liên hệ với tổng giáo phận. Nhiều người có thể phải được rửa tội lại, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Gay go nhất là các cuộc hôn nhân. Thống kê năm 2019 của National Center for Health Statistics cho biết trong năm 2019, tại Hoa Kỳ có 2, 132, 853 cuộc hôn nhân. Bên cạnh đó, có đến 782, 038 vụ ly dị [1]. Một cặp vợ chồng đang có chuyện hục hặc với nhau, nhận được tin phép hôn phối của mình không thành sự, họ sẽ phản ứng ra sao? Khó biết lắm luôn á. Thế là “Chúng tôi” báo hại chúng ta rồi!

Câu chuyện không dừng lại ở những người có liên hệ với Cha Hood hay Phó tế Springer. Khi nghe tin về phép rửa tội không thành của Cha Hood, một số người Công Giáo chẳng có liên hệ gì với hai vị này - cũng có thể bị thôi thúc, như Cha Hood đã làm, là xem lại các đoạn băng ghi hình lễ rửa tội của chính họ để bảo đảm rằng phép Rửa Tội của họ là hợp lệ.

Nhưng có nhất thiết phải làm như thế không? Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã nói chuyện với chính Cha Hood, và với hai nhà thần học, để tìm hiểu về vấn đề này.

Cha Thomas Petri, linh mục dòng Đa Minh, một nhà thần học luân lý tại Viện Nghiên cứu Đa Minh ở Washington, DC, nói với CNA rằng không có gì là vô lý khi ai có video về lễ rửa tội của mình muốn xem lại để yên tâm.

“Nếu tôi có một video như thế, tôi sẽ xem lại lễ rửa tội của chính mình, để cho chắc chắn, ” Cha Petri nói.

Trong trường hợp không có video, Cha Petri cho biết cố gắng chỉ dựa vào trí nhớ có thể không hữu ích. Ngài nói, những người có mặt tại lễ rửa tội có thể đã không chú ý kỹ, và mọi người nói chung rất dễ bị nhầm lẫn.

“Có một đoạn video tại nhà là một chuyện, nhưng cố gắng điều tra thông qua các nhân chứng là một việc khác. Nó sẽ tóm lấy cuộc sống của bạn... trong phần lớn các trường hợp, phần lớn sẽ ổn và hợp lệ. Tôi nghi ngờ chúng ta đang nói về một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ những trường hợp không hợp lệ.”

“Tôi nghĩ rằng bạn không nên đi vào một tiến trình chông gai mà chẳng ai muốn như thế, trừ khi bạn có bằng chứng rất thật, rất chắc chắn rằng bạn phải theo đuổi tiến trình đó. Tất cả mọi người, đặc biệt là các linh mục, nên chú ý đến những gì diễn ra trong mỗi lễ rửa tội, và cử hành các bí tích theo cách mà Giáo hội đã truyền dạy, ” ngài nói.

“Việc thay đổi các từ ngữ trong Phụng Vụ tạo ra những vấn đề thực sự. Và đôi khi điều này được thực hiện với ý hướng tốt lành - muốn tỏ ra có vẻ dễ thương và muốn kết nối với gia đình - nhưng lại sử dụng sai cách. Làm như thế thật là một cách không thích hợp.”

Tuy nhiên, Cha Petri cho biết điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ những gì Giáo hội dạy: “Chính Thiên Chúa bảo đảm các bí tích, nhưng chính Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích.”

“Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa vẫn có thể ban cho ta các ân sủng, và chúng ta biết rằng Ngài ban các ân sủng cả bên ngoài các bí tích. Vì vậy, tôi nghĩ chỉ trong những trường hợp có bằng chứng cho thấy nó không thực sự hợp lệ thì chúng ta mới phải lo lắng, ” Cha Petri nói.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Phát hiện ra rằng phép rửa tội của bạn không hợp lệ không có nghĩa là bạn không thể nhận được bất kỳ ân sủng nào trong suốt cuộc đời mình. Thay vào đó, bất kỳ ân sủng nào bạn nhận được từ Thiên Chúa trong đời của bạn sẽ được ban cho bạn một cách ‘ngoại thường’”.

Trong khi những ân sủng này đến một cách “bình thường” thông qua một phép rửa tội hợp lệ, có những cách khác, “ngoại thường” hơn để nhận được những ân sủng của phép rửa tội, chẳng hạn như một “phép rửa tội từ lòng ao ước” dành cho những người sắp chết.

Cha Petri nhận xét rằng: “Trường hợp của Cha Hood thực sự là một ví dụ điển hình về cách ân sủng của Thiên Chúa có thể hoạt động bên ngoài các bí tích.”

“Bằng cách nào đó, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, ngài đã nhận ra được ơn gọi làm linh mục, mặc dù ngài chưa được rửa tội.”

“Tất nhiên, bất cứ ai chưa được rửa tội hợp lệ nên tìm cách chịu phép Rửa Tội hợp lệ càng sớm càng tốt. Nếu nó xuất hiện từ bằng chứng video cho thấy phép Rửa Tội của bạn không hợp lệ, hãy liên hệ với giáo phận của bạn.”

Cha Mark Morozowich, hiệu trưởng khoa thần học và nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết những người khác được rửa tội bởi cùng một phó tế đã rửa tội bất thành cho Cha Hood, nên xem lại các băng ghi hình, nếu có thể, hoặc ít nhất là phải tìm hiểu xem liệu các phép rửa tội của chính họ có thể cũng đã không hợp lệ.

“Nếu ông ấy làm điều đó trong một trường hợp, ông ấy cũng có thể làm điều đó trong những trường hợp khác hay không, đó là một điều đáng tự hỏi.”

Giáo hội giả định phép rửa tội có hiệu lực trừ khi có bằng chứng ngược lại. Tuy nhiên, ngài khuyến khích bất cứ ai nghi ngờ tính hợp lệ trong phép rửa tội của mình, hãy liên hệ với linh mục địa phương hay tổng giáo phận của họ.

Những lời của bí tích là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, “chúng ta luôn phải nhớ rằng Thiên Chúa không muốn một người ra hư mất, nhưng muốn họ sống. Và nếu một người cả đời tin vào Chúa, và tin rằng họ đã được rửa tội, thì Chúa sẽ mang họ đến với chính Ngài.”

“Mặc dù người này có thể đã bị từ chối những ân sủng cụ thể của phép rửa tội, nhưng điều đó không có nghĩa là anh ta không có một cuộc sống được Chúa chúc phúc.”

Về phần mình, Cha Hood nói rằng ngài hy vọng câu chuyện của mình sẽ không khiến mọi người lo lắng. Chính ngài đang học cách tin tưởng vào sự Quan phòng của Chúa.

“Tôi nghĩ đối với tình huống của riêng tôi, chúng tôi đã có thể hành động bởi vì điều gì đó đã được làm rõ ràng, và tôi nghĩ Chúa mong muốn điều đó xảy ra. Tôi không nghĩ rằng mọi người cần phải bất thình lình nghi ngờ tính hợp lệ trong phép rửa tội của chính mình. Nói chung, bí tích rửa tội thường được cử hành một cách chính xác trong Giáo hội, ” ngài nói.

“Nếu ai đó biết chắc chắn rằng những từ ngữ sai đã được sử dụng, thì họ có thể phải hành động. Nhưng nếu bạn không biết, hoặc không có bằng chứng, bạn không cần phải lo lắng về điều đó.”

“Lo lắng về điều đó không đến từ Chúa. Chúa Giêsu nói 'đừng lo lắng về bất cứ điều gì.' Vì thế, lo lắng vô cớ chỉ xuất phát từ Ma Quỷ”.

“Nếu bạn biết có một video, hãy tìm kiếm và xem nó. Nhưng ngoài ra, không có lý do gì để lo lắng nhiều hơn về điều này.”

Cha Morozowich nói thêm, việc rửa tội không hợp lệ không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt trong cuộc sống của một người, như trường hợp của Cha Hood bây giờ.

“Hoạt động của Thiên Chúa sẽ không bị cản trở bởi thái độ hay sự kém cỏi của một con người.”

Trong một tweet hôm 23 tháng 8, Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence nhấn mạnh rằng:



“Điều rất quan trọng là các linh mục và phó tế phải cử hành các bí tích một cách chính xác, đúng theo yêu cầu của Giáo hội. Không làm như vậy là vi phạm lòng bác ái và công lý đối với Dân Chúa. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngay cả khi con người thất bại, Thiên Chúa sẽ bổ sung.”

[1] Marriage and Divorce - https://www.cdc.gov/nchs/fastats/marriage-divorce.htm


Source:Catholic News Agency
 
Những tiết lộ gây kinh ngạc cho người Mỹ của Đại Sứ Nikki Haley sẽ làm thay đổi sâu sắc cuộc bầu cử
J.B. Đặng Minh An dịch
14:12 25/08/2020


Bài diễn văn quan trọng của cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley vạch rõ khác biệt giữa Tổng thống Trump và ông Joe Biden.

Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã có một bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa năm 2020. Bài diễn văn này được đánh giá rất cao từ các chính trị gia của Úc Đại Lợi. Với một phong cách ôn tồn nhưng quả quyết, bài nói chuyện của Nikki Haley với các chứng cứ xác thực của một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, được xem là hơn hẳn bài nói chuyện của bà Kamala Harris đầy hùng hổ và những lời hứa hẹn suông.

Chào buổi tối. Thật vui khi được trở lại Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa.

Tôi sẽ bắt đầu với một câu chuyện nhỏ. Đó là về một Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Và đó là diễn từ của cô ấy cho đại hội này. Cô ấy đã kêu gọi bầu lại cho vị Tổng thống Đảng Cộng hòa mà cô ấy phục vụ... Và cô ấy đã lên tiếng kêu gọi đối thủ đảng Dân chủ của ông ấy... một cựu phó tổng thống từ một chính quyền thất bại.

Vị đại sứ đó đã nói, và tôi xin trích dẫn, “Đảng Dân chủ luôn đổ lỗi cho nước Mỹ trước.” Đó là năm 1984. Vị Tổng thống ấy là Ronald Reagan. Và những lời của Đại sứ Jeane Kirkpatrick ngày nay vẫn đúng như thế.

Joe Biden và đảng Dân chủ vẫn đang đổ lỗi cho nước Mỹ trước. Donald Trump luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Ông đang tìm kiếm thêm bốn năm trong tư cách là Tổng thống.

Thật là một vinh dự cả đời cho tôi khi được làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, Liên Hiệp Quốc không dành cho những người yếu tim. Đó là một nơi mà những kẻ độc tài - những kẻ giết người – và - những tên trộm cướp tố cáo nước Mỹ... và sau đó chìa tay ra yêu cầu chúng ta phải trả các hóa đơn của họ.

Vâng, Tổng thống Trump đã chấm dứt tất cả những điều đó. Với sự lãnh đạo của ông ấy, chúng ta đã làm được những gì Barack Obama và Joe Biden từ chối không chịu làm. Chúng ta đã đứng lên vì nước Mỹ... và chúng ta đã chống lại kẻ thù của mình.

Obama và Biden đã để cho Bắc Triều Tiên đe dọa Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã bác bỏ nhược điểm đó và chúng ta đã thông qua các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất đối với Bắc Triều Tiên trong lịch sử.

Obama và Biden để Iran thoát khỏi tội giết người và theo đúng nghĩa đen đã gửi cho họ một chiếc máy bay đầy tiền mặt. Tổng thống Trump đã làm điều đúng đắn và phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Obama và Biden đã lãnh đạo Liên Hiệp Quốc để tố cáo người bạn và đồng minh của chúng ta, là Israel. Tổng thống Trump đã chuyển đại sứ quán của chúng ta đến Jerusalem - và khi Liên Hợp Quốc cố gắng lên án chúng ta, tôi tự hào đã dùng quyền phủ quyết của nước Mỹ.

Tổng thống này có một kỷ lục về sức mạnh và thành công. Cựu phó tổng thống Biden có thành tích về sự yếu kém và thất bại. Joe Biden là nhân vật rất tốt cho Iran và bọn khủng bố Hồi Giáo IS... rất tuyệt vời cho đảng Trung Quốc cộng sản... và ông ấy là phúc lộc dành cho tất cả những ai muốn nước Mỹ này phải xin lỗi, giảm thiểu và từ bỏ các giá trị của chúng ta.

Donald Trump có một cách tiếp cận khác. Ông ấy cứng rắn với Trung Quốc, và ông ấy đã đối đầu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và đã chiến thắng. Và ông ấy nói với thế giới những gì họ cần lắng nghe.

Tại quê hương, Tổng thống là sự lựa chọn rõ ràng về công ăn việc làm và nền kinh tế. Ông ấy đã đưa nước Mỹ tiến lên, trong khi Joe Biden kìm hãm nước Mỹ lại.

Khi Joe là phó tổng thống, tôi là thống đốc của tiểu bang South Carolina. Chúng tôi đã có một sự phát triển khá tốt. Các nhà sản xuất đủ loại đổ xô đến tiểu bang của chúng tôi từ nước ngoài, tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người Mỹ. Mọi người gọi South Carolina là “con thú của miền đông nam”, nơi mà tôi yêu thích.

Mọi thứ chúng tôi đã làm đều diễn ra bất chấp Joe Biden và ông chủ cũ của ông ta.

Chúng tôi cắt giảm thuế. Họ lại nâng thuế lên. Chúng tôi giảm bớt thủ tục. Họ lại chồng chất thêm nhiều nhiệm vụ hơn.

Và khi chúng ta mang lại những công việc được trả lương cao, Biden và Obama đã kiện chúng tôi. Tôi đã đánh trả... và họ đã bỏ cuộc.

Một chính quyền Biden-Harris sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Lần trước, sếp của Joe là Obama... lần này, đó là Pelosi, Sanders và Biệt đội tử thần. Tầm nhìn của họ đối với nước Mỹ là chủ nghĩa xã hội. Và chúng ta biết rằng chủ nghĩa xã hội đã thất bại ở mọi nơi.

Họ muốn bảo người Mỹ phải sống thế nào... và suy nghĩ về những gì. Họ muốn chính phủ tiếp quản việc chăm sóc sức khỏe. Họ muốn cấm khoan tìm dầu mỏ và giết chết hàng triệu việc làm. Họ muốn tăng thuế rất cao đối với các gia đình lao động.

Joe Biden và cánh tả xã hội chủ nghĩa sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế của chúng ta. Nhưng Tổng thống Trump đang dẫn đầu một kỷ nguyên đầy những cơ hội mới.

Trước khi Trung Quốc cộng sản giáng cho chúng ta coronavirus, chúng ta đã phá vỡ toàn bộ các kỷ lục về kinh tế. Đại dịch đã khiến chúng ta lùi bước, nhưng không lâu đâu. Trước đây Tổng thống Trump đã phục hoạt nền kinh tế của chúng ta, và ông ấy sẽ phục hoạt nó một lần nữa.

Có một lĩnh vực quan trọng nữa mà Tổng thống của chúng ta đã rất đúng. Ông ấy biết rằng sự thanh trừng chính trị và thứ “văn hóa hủy bỏ” là nguy hiểm và đơn giản chỉ là những sai lầm.

Phần lớn thành viên trong Đảng Dân chủ, giờ đây ưa thích nói rằng nước Mỹ là phân biệt chủng tộc. Đó là một lời nói dối. Mỹ không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc.

Điều này rất đúng với cá nhân tôi. Tôi là đứa con gái tự hào là con của những người nhập cư Ấn Độ. Họ đến Mỹ và định cư tại một thị trấn nhỏ phía nam. Cha tôi đội khăn xếp. Mẹ tôi mặc sari. Tôi là một cô gái da nâu trong thế giới những người da đen và da trắng.

Chúng tôi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng bố mẹ tôi không bao giờ đâm ra bất bình và căm ghét. Mẹ tôi đã xây dựng một doanh nghiệp thành công. Cha tôi đã dạy 30 năm tại một trường cao đẳng có lịch sử lâu đời của người da đen. Và người dân Nam Carolina đã chọn tôi là người thiểu số đầu tiên và là nữ thống đốc đầu tiên của họ.

Nước Mỹ là một câu chuyện đang được diễn ra. Bây giờ là lúc để xây dựng dựa trên tiến bộ đó và làm cho nước Mỹ trở nên tự do hơn, công bằng hơn và tốt hơn cho tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao thật bi thảm khi thấy rất nhiều đảng viên Đảng Dân chủ nhắm mắt làm ngơ trước bạo loạn và cuồng nộ.

Người dân Mỹ biết chúng ta có thể làm tốt hơn. Và tất nhiên chúng ta biết rằng mỗi cuộc đời người da đen đều có giá trị.

Cảnh sát người da đen đã bị bắn khi đang thi hành nhiệm vụ - mạng sống của họ đáng giá chứ. Các chủ doanh nghiệp nhỏ người da đen đã chứng kiến công việc trong đời của họ bốc cháy - mạng sống của họ đáng giá chứ. Những đứa trẻ da đen đã bị bắn hạ trên sân chơi - mạng sống của chúng cũng rất quan trọng. Và cuộc sống của họ đang bị hủy hoại và cướp đi bởi bạo lực trên đường phố của chúng ta.

Không cần phải như thế này. Nó không giống như thế này ở Nam Carolina năm năm trước. Tiểu bang của chúng tôi đã trực diện với cái ác. Một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng bước vào Nhà thờ Mẹ Emanuel trong một buổi Học Kinh Thánh. Mười hai người Mỹ gốc Phi đã kéo ghế và cầu nguyện với hắn ta trong một giờ. Sau đó, hắn ta bắt đầu bắn.

Sau thảm kịch kinh hoàng đó, chúng tôi không hề quay lưng lại với nhau. Chúng tôi đã đến với nhau – người da đen và da trắng, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Cùng nhau, chúng tôi đã đưa ra những lựa chọn khó khăn cần thiết để hàn gắn - và xóa bỏ một biểu tượng gây chia rẽ, một cách hòa bình và trong niềm tôn trọng nhau.

Những gì đã xảy ra sau đó nên cho chúng ta hy vọng bây giờ. Nước Mỹ không hoàn hảo. Nhưng các nguyên tắc mà chúng ta yêu quý là hoàn hảo. Nếu có một điều tôi đã học được, đó là ngay cả trong ngày tồi tệ nhất của chúng ta, chúng ta vẫn may mắn được sống ở Mỹ.

Đã đến lúc chúng ta phải giữ phước lành đó cho thế hệ mai sau. Tổng thống nước này, và Đảng này, cam kết thực hiện nhiệm vụ cao cả đó.

Chúng ta tìm kiếm một quốc gia cùng nhau vươn lên, không tan rã trong tình trạng vô chính phủ và cuồng nộ. Chúng ta biết rằng cách duy nhất để vượt qua những thách thức của Mỹ là nắm lấy những điểm mạnh của Mỹ.

Chúng ta đang nỗ lực hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...

Nơi mọi đứa trẻ được học ở một ngôi trường đẳng cấp quốc tế, do cha mẹ chúng chọn...

Nơi mọi gia đình được sống trong một cộng đồng an toàn với những công việc tốt...

Nơi mà mọi doanh nhân có quyền tự do thành đạt và truyền cảm hứng...

Nơi mọi tín đồ có thể thờ phượng mà không sợ hãi và mọi mạng sống đều được bảo vệ...

Nơi mà mọi cô gái và chàng trai, mọi người nam nữ, thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo, đều có được bức tranh đẹp nhất về cuộc sống tốt đẹp nhất.

Trong cuộc bầu cử này, chúng ta phải chọn ứng cử viên duy nhất có tầm nhìn đó, và là người sẽ tiếp tục thực hiện tầm nhìn này. Tôi ủng hộ Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence.

Và nước Mỹ có lời hứa của chúng tôi. Chúng ta sẽ xây dựng dựa trên tiến trình của quá khứ và mở ra lời hứa cho tương lai của chúng ta. Tương lai đó bắt đầu khi người dân Mỹ tái bầu cho Tổng thống Donald Trump.

Cảm ơn bạn. Chúc ngủ ngon. Và cầu xin Chúa luôn phù hộ cho nước Mỹ.


Source:New York Times
 
Port Moresby, Trường kỹ thuật Don Bosco kêu gọi: Năm Quản lý Chất thải
Thanh Quảng sdb
18:54 25/08/2020
Port Moresby, Trường kỹ thuật Don Bosco kêu gọi: Năm Quản lý Chất thải

Đánh dấu năm năm Tông huấn Laudoto Sì của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra đời, trường kỹ thuật Don Bosco (DBTI) ở Port Moresby đã khởi xướng một “Kế hoạch Quản lý Chất thải” kéo dài một năm.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Kế hoạch Quản lý Chất thải tại trường Kỹ thuật Salêdiêng Don Bosco (DBTI) ở Port Moresby là cách thế mà người trẻ đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Hoa Thiêng (The Strenna)

Theo truyền thống mỗi năm, Dòng Salêdiêng Don Bosco tập trung nỗ lực thực thi một “Hoa Thiêng” gọi là Strenna, do Cha Tổng quyền, linh mục Angel Artime đề ra. Strenna của năm nay là đào tạo “Những tín hữu tốt lành, những công dân đúng đắn”.

Một bài báo được đăng trên trang mạng (web) của Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon giải thích rằng năm Quản lý chất thải của trường kỹ thuật Don Bosco (DBTI) nhằm thực thi Tông huấn Laudato Si 'của Đức Giáo Hoàng nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tông huấn được phát hành, bắt đầu từ ngày 24 tháng 5 năm nay... Ngoài ra, kế hoạch này còn đào tạo những người trẻ thành “những người khởi xướng cụ thể cho việc chăm sóc môi trường như cách thiết thực giúp họ trở thành những người công dân gương mẫu”.

Theo bài viết của linh mục Ariel Macatangay SDB, hiệu trưởng trường kỹ thuật Don Bosco (DBTI) cho hay kế hoạch tập trung vào Tông huấn Laudato Si, đang được trường “đề ra các chương trình hành động cho mỗi tháng”. Điểm nhấn cho các tháng 6, 7 và 8 tập trung vào ba động từ thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và rất thiết thực giúp làm sạch môi trường đó là: Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế.

Chương trình Quản lý Chất thải của trường Kỹ thuật Don Bosco (DBTI)

Cha Macatangay viết: Cần có một hệ thống quản lý chất thải thích hợp cho kế hoạch (DBTI). Ngoài những nỗ lực tập trung vào việc thu gom rác như mua thêm nhiều thùng rác, đặt ở nhiều nơi và hàng tuần đi thu lại, rồi phân loại rác, có thứ có thể bán được như sắt vụn, bao ny long, chai lọ… “chúng tôi cố gắng xử lý rác để không cần bỏ chúng đi làm ô nhiễm môi trường”…

Để đạt được mục tiêu này, Cha Macatangay kêu gọi các vị hữu trách quan tâm hỗ trợ các học sinh và nhân viên của trường.

Những sáng kiến quản lý chất thải này diễn ra ngay trong thời đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Hiện tại, học sinh và các nhân viên của trường đang nỗ lực rất nhiều trong việc quản lý chất thải. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt các thành viên của các ban mục vụ và các hội đoàn, sẽ chung tay ý thức và đóng góp vào kế hoạch quản lý chất thải này.

Tương lai của Papua New Guinea

Cuối cùng, Cha Macatangay viết cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, những người trẻ trở thành những người bảo vệ các sáng kiến và hành động cụ thể trong việc chăm sóc và bảo tồn môi trường. “Chúng tôi hy vọng những người trẻ của trường kỹ thuật Don Bosco (DBTI) và dân chúng địa phương của chúng tôi có thể nỗ lực chung tay vào công việc quản lý chất thải và góp phần vào việc biến hải đảo Papua New Guinea trở thành Thiên đường của vùng Đại Châu Dương”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Câu hỏi 75 Năm Sau Nạn Đói Năm Ất Dậu : Có Thật Việt Minh Đã Cướp Gạo Cứu Đói ?
Phạm Cao Dương
16:19 25/08/2020
Câu hỏi 75 Năm Sau Nạn Đói Năm Ất Dậu : Có Thật Việt Minh Đã Cướp Gạo Cứu Đói?

(19/8/1945 - 19/8/2020)

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường,

Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!

Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,

Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.

Khắp đường xa những xác đói rên nằm

Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.

Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt

Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma.

(Bàng Bá Lân, Đói!)

Việt Nam! Bao năm ròng rên xiết lầm than!

Dưới ách quân tham tàn, đế quốc sài lang,

Loài Phát-xít cướp thóc lúa, cướp nguồn sống dân mình.

(Lời của bài hát Diệt Phát-xít của Nguyễn Đình Thi)

“Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia (…). “

(Đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa nói với Thủ Tương Trần Trọng Kim,

Tháng 7/1945)

Đâu là nguyên nhân của Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945, một trận đói chưa từng có trong lịch sử, đã cướp đi mạng sống của hai triệu người dân Việt? Và, Mặt trận Việt Minh khi ấy có thật đã ra quân cứu đói?

Trong những lý do khiến Việt Minh thành công trong việc xách động quần chúng nổi lên cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 19/8/1945, người ta thường chỉ chú trọng tới những gì người Pháp, người Nhật làm và quy tất cả tội ác cho “Thực Dân Pháp và Phát-xít Nhật” mà bỏ đi hay cố tình bỏ quên nhiều yếu tố khác trong đó có sự kiện chính Việt Minh cũng đã chận bắt các ghe chuyên chở thóc gạo từ Nam ra Bắc và sự kiện mặt trận này cướp phá các kho thóc của người Nhật đem lên núi để nuôi du kích, cán bộ. Tệ hơn nữa, Việt Minh còn bán gạo ăn cướp ra thị trường để làm kinh tài cho Đảng, một hành động vừa đánh trống, vừa ăn cướp.

75 năm đã trôi qua. Đã đến lúc mọi người phải được quyền biết sự thực để khỏi tủi hương linh những nạn nhân thuộc đủ mọi hạng người, già, trẻ, lớn, bé... đã phải chịu những cái chết đau đớn, oan uổng, tức tưởi nhưng đã bị lợi dụng bởi những trái tim độc ác, vì quyền lợi riêng tư không đập cùng nhịp với tim của cả dân tộc.

Việt Minh chặn cướp các ghe thuyền chở thóc gạo từ miền Nam ra Bắc, đem giấu đi hay chở lên núi nuôi cán bộ, du kích và làm kinh tài cho Đảng khiến nạn dịch trở nên trầm trọng hơn

Ai cũng biết ngoài những nguyên nhân sâu xa đã có từ trước mà người viết đã có dịp trìmh bày trong Chương 3 của tác phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945-30/8/1945 (Amazon ấn và phát hành, 2017 và 2018), một trong nguyên nhân trực tiếp vô cùng quan trọng của Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 là nguồn gạo tiếp tế từ Nam ra Bắc không thực hiện được vì lý do chiến tranh, máy bay Mỹ thường xuyên oanh tạc tất cả các đường xe lửa, đường bộ và đường biển. Để giải quyết vấn đề này, Chính Phủ Trần Trọng Kim ngay sau khi nhậm chức, vào Tháng Năm năm 1945 đã đặc phái Bộ Trưởng Tiếp Tế Nguyễn Hữu Thí vô Nam vận động mua gạo chở ra Bắc, đồng thời dùng các thuyền mành thay vì dùng tầu lớn phát xuất từ các hải cảng nhỏ ở Miền Nam thay vì hải cảng Saigon.

Nỗ lực chở gạo từ Nam Ra Bắc này tuy nhiên đã không mang lại được những kết quả mong muốn vì sự oanh tạc của máy bay đồng minh vẫn tiếp tục và vì sự kiện nằm ngoài tầm tay của mình thì người Việt lại gặp phải một trở ngại mới do chính người mình gây ra. Đó là Việt Minh từ các chiến khu Quảng Ngãi, trong đó có Chiến Khu nổi tiếng Ba Tơ, kéo xuống chận bắt các thuyền chở thóc gạo đi ngang qua vùng biển của tỉnh này, lấy tất cả chở lên núi. Sự kiện này được Sử Gia Mỹ David G. Marr ghi trong tác phẩm của ông căn cứ vào tài liệu của huyện Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo đó Việt Minh đã chặn bắt nhiều thuyền bè chở gạo từ Nam ra Bắc, lấy hết gạo, đem giấu đi hay chở lên núi cho du kích của họ [1], bất chấp hàng triệu đồng bào của họ đang dài cổ ôm bụng rỗng, lang thang chịu rét chờ đợi với hàng ngàn người chết la liệt mỗi ngày và vào lúc toàn thể mọi người từ Nam chí Bắc, từ chính quyền trung ương tới những người trẻ bình thường chung sức cứu nạn, từ Bà Hoàng Thái Hậu mẹ Vua Bảo Đại đến các sinh viên, học sinh trong Phong Trào Khất Thực ở Hà Nội, kể cả những người thường bị Cộng Sản coi là Việt Gian thân Pháp như Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh ở Nam Kỳ,

Việt Minh cướp phá các kho thóc gạo của người Nhật ở miền Bắc cũng có mục tiêu tương tự: nuôi du kích, cán bộ và bán lại cho dân chúng làm kinh tài cho Đảng

Sự kiện cướp phá các kho thóc gạo của người Nhật này đã được các sách vở, tài liệu của những người Cộng sản chính thức ghi nhận coi như một thành tích quan trọng của Việt Minh nhằm mục đích tuyên truyền cho việc cướp chính quyền của họ. Theo Việt Minh tuyên truyền, mục tiêu của việc cướp phá các kho gạo này là để phân phát cho các nạn nhân nhưng theo hai tác giả Trần Hữu Đính và Lê Trung Dũng trong tác phẩm Cách Mạng Tháng Tám 1945, những Sự Kiện Lịch Sử xuất bàn năm 2000 tại Hà Nội, thì không hoàn toàn như vậy. Hai tác giả này viết:

“Ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ như Cao Bằng, Sơn la, Thái Nguyên, Yên Bái, trong khi các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân khởi nghĩa đánh đồn, chiếm huyện thì đều tiến hành phá các kho thóc, muối chia cho dân, hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích.” [2]

Mục tiêu sau, mục tiêu “tích trữ cho bộ đội, du kích” hầu như ít khi được các tác giả trong chế độ Công Sản khi họ viết về hiện tượng Việt Minh xúi dân phá các kho thóc, gạo nhắc đến, mặc dầu ai cũng biết nhu cầu tích trữ thóc gạo để dùng trong các chiến khu của Việt Minh để nuôi cán bộ và du kích ngay từ những ngày đầu là một mục tiêu tối cần thiết bên cạnh các mục tiêu kinh tài khác mà Nguyễn Lương Bằng, từ năm 1943, được Trường Chinh trao cho trách nhiệm. Sự kiện này đã được chính Nguyễn Lương Bằng, người sau này sẽ là Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kể lại và được nhà báo Thép Mới ghi như sau:

Tôi từ làng Thượng Cát chỉ huy các mối buôn, thôi thì buôn đủ thứ, buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn mật Mai Lĩnh bán vào Hà Nội, buôn gỗ trai làm lược bán về dưới chợ Bằng. [3]

Nên để ý là Việt Minh ở các chiến khu hồi này rất cần tiền để duy trì và phát triển các sinh hoạt của họ vì, cũng theo Nguyễn Lương Bằng qua hồi ký kể trên, vào khoảng cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi được Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phân công “phụ trách dân vận một bộ phận an toàn khu, phụ trách binh vận và phục trách về tài chính”, ông có hỏi “quỹ của Đảng ta còn bao nhiêu tiền” thì được Trường Chinh trả lời “Tất cả còn hai mươi bốn đồng.” [4] Hai mươi bốn đồng cho ngân sách của một mặt trận đông trên năm sáu ngàn người, có phạm vi hoạt động bao trùm các tỉnh miền thượng và trung du Bắc Bộ và đang mạnh mẽ bành trướng xuống miền đồng bằng đủ nói lên nhu cầu kiếm tiền, kiếm gạo của Việt Minh là cần thiết đến mức độ nào.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là những hoạt động kinh tài này có ảnh hưởng gì tới sự gia tăng của giá bán và nạn khan hiếm lúa gạo hay không và lượng gạo do những tổ chức của Nguyễn Lương Bằng bán ra có phải là gạo cướp từ các kho chứa của nhà nước đương thời hay không? Câu trả lời phần nhiều nếu không nói thẳng là có. Vậy thì bên cạnh việc người Nhật thu mua thóc gạo, người ta không thể không nói tới chủ trương cướp phá các kho thóc gạo của Việt Minh rồi đem lên núi làm lương thực cho bộ bội, du kích, cán bộ của họ hay phương tiện kinh tài và lũng đoạn kinh tế, xã hội, như là những nguyên do của Trận Đói Năm Ất Dậu và nạn khan hiếm thóc gạo, có tiền mua không được, cho tiền nạn nhân không lấy.

PHÁ-CƯỚP THÓC-GẠO

Tác giả Vũ Ngự Chiêu trong bài viết của ông cũng nhắc tới sự cản trở của Việt Minh khi ông nói về việc tổ chức này cung cấp tin tình báo cho các oanh tạc cơ Mỹ vào lúc lực lượng này gia tăng hoạt động nhắm vào các đường giao thông khiến cho Chính Phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển tin tức. Sử gia này cũng nhắc tới sự kiện Bộ Trưởng Xã Hội Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn chết ngày 23 tháng 7 (năm 1945) và việc Việt Minh xúi giục nông dân phá các kho thóc ở các địa phương. [5] Sự thực thì hành động xúi bẩy dân chúng phá các kho thóc ở các địa phương này nằm trong chủ trương của Việt Minh. Bằng chứng là trong Lời Kêu Gọi của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Chống Nạn Cứu Đói với nguyên văn “…ai là người đương đói khổ, phải rủ nhau kéo đến phủ huyện, tỉnh trưởng, đốc lý đòi phát gạo; chẹn các xe lương và phá những kho thóc của giặc Nhật mà ăn…” hay “Đói! Đói! Phải giữ lấy thóc gạo. Phải phá những kho thóc gạo của giặc” hay “Đói! Đói! Phải đánh đuổi Nhật Pháp mới khỏi đói” [6] Hiện tượng phá các kho thóc gạo từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1945 do Việt Minh xúi bẩy và được Mặt Trận ghi nhận như những thành tích lớn lao của họ đã xảy ra ở rất nhiều nơi và được đăng trên các báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng. Một vài trường hợp điển hình người ta có thể kể là ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Đề Thám (tức Bắc Giang) ngày 13 tháng 3, phủ Thuận Thành, tỉnh Ngô Gia Tự (tức Bắc Ninh) ngày 15 tháng 3, tỉnh Tán Thuật (tức Hưng Yên) liên tiếp các ngày 9, 10, 12, 14 tháng 5 và 8 tháng 6, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16 tháng 5, tỉnh Nguyễn Thái Học (tức Vĩnh Yên) ngày 13 tháng 6 …[7]

Hành động thúc đẩy dân chúng hay tự mình phá kho thóc, kèm theo với sự xúi bẩy dân chúng không nộp thuế, đòi phát gạo…này đã được Việt Minh “kết hợp với phong trào đấu tranh vũ trang trong toàn quốc”. Thay vì gây khó khăn cho người Nhật hay người Pháp, họ đã gây ra rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các nhà cầm quyền địa phương người Việt đương thời, đặc biệt là các tổng lý và các tri phủ, tri huyện là những người trực tiếp lo việc thâu mua và coi giữ các kho thóc gạo trong địa phương của họ, từ đó cho Chính Phủ Trần trọng Kim. Nhiều người đã bị bao vây, đánh đập hay bị giết vì đằng sau những người dân thuần túy là những “đội danh dự”, những cán bộ và những tự vệ, những du kích võ trang Việt Minh, những người luôn luôn mang theo mình “một cuộn dây thừng để bắt Việt gian”.[8] Mặt khác, khi xúi người dân đi cướp các kho thóc này, Việt Minh đã biến những người dân thật thà, vô tội thành những kẻ phạm tội, bị lộ diện và bị truy tố. Không còn cách nào để trốn tránh pháp luật, những con người khốn khổ và ngây thơ này đã phải bỏ lên chiến khu cùng với những gì họ cướp được. Chiến dịch xúi dân cướp phá các kho thóc gạo của Việt Minh như vậy còn đem thêm lợi ích khác cho họ là được thêm người gia nhập hàng ngũ du kích của họ. Trường hợp của “chú Thấu” trong hồi ký của Nhà Văn Vũ Thụy Hoàng là một trường hợp điển hình.[9] Cũng cần phải để ý là các tỉnh có các kho thóc bị cướp kể trên không phải là những tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hà Đông…, nơi nạn đói hành hoành mà là các tỉnh ở miền trung du không xa các cứ địa của Việt Minh là mấy. Người dân bị đói nhiều ngày chỉ còn da bọc xương, lê không nối, nằm chết dọc đường khi kéo nhau lên các tỉnh hay phủ huyện lỵ ở miền suôi để kiếm ăn, như Thi Sĩ Bàng Bá Lân miêu tả trong bài thơ Đói của ông, sức đâu mà kéo lên các địa điểm ở tít trên các miền trung du này để cướp phá các kho thóc như được kể:

Những thây ma thất thểu đầy đường,

Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!

Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,

Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.

Khắp đường xa những xác đói rên nằm

Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.

Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt

Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma.

Họ cũng không thể lên đó để lãnh thóc, gạo, cơm, hay cháo từ tay các cán bộ. Việt Minh cũng khó có thể đem thóc hay gạo xuống các tỉnh miền suôi để phát cho họ. Trường Chinh sau này khi viết về hiện tượng cướp các kho thóc gạo cũng đã đưa ra những con số và hình ảnh mà người đọc không thể không nghĩ là ông đã phóng đại: “Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ bị quần chúng chiếm chia cho dân nghèo. Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng. Nông dân Bắc-giang, Thái-nguyên, Bắc-cạn v.v… nổi dậy chiếm đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất.” [10] Câu hỏi được đặt ra một lần nữa ở đây là những thóc gạo cướp được đã được chở đi đâu? Nếu không phải là lên chiến khu nuôi du kích, cán bộ hay đem bán lại làm kinh tài cho Đảng như trường hợp xảy ra ở Quảng Ngãi cho thóc gạo chở từ Nam ra Bắc để cứu đói hồi còn chiến tranh như đã nói ở trên và sau này, sau biến cố 19 tháng 8 (1945) vào những ngày đầu của tháng 9 cùng năm mà tác giả David G. Marr đã nêu lên trong tác phẩm thứ hai viết về giai đoạn này của ông.[11]

Nó cũng là một cái cớ được Việt Minh triệt để khai thác nhằm lên án sự bất lực của chính phủ đương thời hầu xách động quần chúng nông thôn nổi lên cướp chính quyền khi cơ hội đến với họ. Một hành động “vừa đánh trống, vừa ăn cướp”, “vừa ăn cướp, vừa la làng” và họ đã thành công. Chính quyền đã về tay họ một cách dễ dàng và có chính nghĩa.

VIỆT MINH CÓ CỨU ĐÓI KHÔNG?

Sự thực thì nạn đói đã không kéo dài. Ngay từ tháng 5 nhờ vụ lúa chiêm được mùa và với nhu cầu lương thực không còn nhiều như trước do con số quá cao người chết, nạn đói đã giảm dần để sang đến tháng 6 thì gần như không còn nữa.[12] Tất cả đã xảy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền hay nói cách khác, Việt Minh không những không đóng góp được gì vào nỗ lực cứu đói trong thời gian này mà còn xúi bẩy, góp tay, thúc đẩy và cản trở trầm trọng những hoạt động của chính phủ cũng như của các nhà cai trị địa phương. Chuyện Chính Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh cứu đói sau đó coi như một thành tích của chính quyền mới thực sự chỉ là chuyện cuối mùa, vuốt đuôi không đúng sự thực bằng những thóc gạo họ đã cướp được trước kia chưa dùng tới không cho thì cũng để mục và vất đi mà thôi.

Độc giả cần phải để ý là Việt Minh và Cộng Sản là một và mục tiêu tối hậu của Đảng Cộng Sản là phá bỏ xã hội cũ để thiết lập xã hội xã hội mới theo xã hội chủ nghĩa nên đối với họ cướp chính quyền chỉ là một giai đoạn và tất cả chỉ là phương tiện và mọi phương tiện đều tốt kể cả mạng sống của người dân. Quan điểm này đã được biểu lộ qua những lời của Lê Trọng Nghĩa, đại diện Việt Minh, nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim, khi hai người gặp nhau ở Phủ Khâm Sai Bắc Bộ vào khoảng cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm 1945 và để từ chối hợp tác với chính phủ của Thủ Tướng Kim để cùng lo việc nước, tránh hại cho dân:

Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định (...). Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia (…). Chúng tôi sẽ cướp quyền để cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường. [13]

Đây là một lời nói sắt máu, đầy bạo lực về mạng sống của chính đồng bào mình tưởng khó ai có thể mở miệng thốt ra nhưng sau đó không lâu đã được Đại Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp lập lại gần giống như vậy với Tướng Pháp Jean-Julien Fonde trước khi xảy ra cuộc chiến Việt Minh – Pháp, 1946-1954 là “Những cái chết – một triệu cái chết của người Việt Nam – không quan trọng”. Câu nói này được in trên mặt hộp bìa đựng của cuốn 1 của bộ phim tài liệu Vietnam, A Television History ( The deaths - one million Vietnamese deaths – not important) [14]. Nhận định này sau đó đã được họ Võ lập lại nhiều lần khi được các ký giả ngoại quốc phỏng vấn trong thời gian chiến tranh và lần chót vào năm 1995, hai mươi năm sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm chấm dứt trên truyền hình Mỹ, cả thế giới đều được nghe. Khi được hỏi là trong cuộc chiến từ ba triệu rưởi đến bốn triệu người đã bị giết, ông có hối tiếc không? Bằng tiếng Pháp quen thuộc, Võ Nguyên Giáp đã dứt khoát trả lời “Không chút nào! Tôi không hối tiếc chút nào!”

Thật khó tưởng tượng cho một người Việt Nam bình thường nhưng nó đã được các lãnh đạo Việt Minh khác rồi sau này Cộng Sản Bắc Việt từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh... lập đi lập lại trong suốt cuộc chiến để biện minh cho chủ trương kháng chiến trường kỳ của họ. Điều này nói lên lý do thắng trận của người Cộng Sản và thua trận của người Quốc Gia cũng như người Pháp và phía đồng minh sau này. Sự kiện Việt Minh chận cướp các thuyền bè chở thóc gạo từ Nam ra Bắc và cướp phá các kho thóc gạo ở đồng bằng miền Bắc đem lên các chiến khu nuôi cán bộ và du kích và làm kinh tài cho Đảng giữa lúc Nạn Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu đang hoành hành ở miền Bắc khiến hàng triệu người bị chết la liệt, có tiền không có gạo mà mua nhưng vẫn đổ hết tội cho Pháp và Nhật là một chủ trương coi tất cả chỉ là giai đoạn là phương tiện của Đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải được làm sáng tỏ và ghi nhận. Điều Lê Trọng Nghĩa không nói rõ hay chưa nói rõ hay không thể nói rõ là mười phần chết chín và phần còn lại là phần dân nào muốn đi theo Xã hội chủ nghĩa Cộng sản? Nhưng những gì Việt Minh đã làm ở thời ông và những gì Đảng Cộng Sản đã và đang làm sau này đã chứng minh ngay giới lãnh đạo của đảng này cũng không biết cho đến cuối Thế Kỷ 21 cũng chưa biết Xã hội chủ nghĩa này sẽ như thế nào?

Bằng chứng như ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã từng nói:”Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa (Tuyên bố tại Hà Nội, ngày 24/10/2013)

Điều nên biết là ngược lại, trước đó không lâu, trước khi Việt Minh cướp chính quyền, Hoàng Đế Bảo Đại đã ban hành Dụ Số 1, ngày 17/3/1945 lấy khẩu hiệu Dân Vi Quý làm căn bản cho đường lối cai trị đất nước của ông, đưa nhà vua hay giới cầm quyền xuống địa vị không quan trọng, dựa trên nguyên tắc “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử.

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát và chén rượu giải oan

75 năm đã trôi qua. Tẩt cả những gì đã xảy ra trong suốt 75 năm qua nay đã trở thành lịch sử. Các nhân vật ít nhiều liên hệ các biến cố kinh hoàng hay được tận mắt thấy được thảm cảnh của năm Ất Dậu 1945 và những năm sau đó đều đã không còn nữa, nhưng những cái chết đầy oan khiên, rải rắc khắp đầu đường, xó chợ của hai triệu nạn nhân Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu, rồi nhiều triệu dân nữa trong những năm kế tiếp, đã ngấm sâu vào tiềm thức của dân tộc Việt Nam và mãi mãi tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Nỗi oan khiên này còn lâu mới có thể siêu thoát được dù cho các chùa khắp trong nước cũng như ở Hải Ngoại ít nhiều vẫn giữ được truyền thống vô cùng đáng quý của người Việt là hàng năm làm lễ giải oan, xá tội cho các vong nhân vào ngàt Rằm Tháng Bảy với tục cúng cháo lá đa cho các cô hồn:

Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

Trong dịp này người ta thường đọc bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, một tuyệt tác phẩm của Thi Hào Nguyễn Du, với một giọng vô cùng thê lương, thảm thiết khiến cho người nghe không khỏi mủi lòng, ngậm ngùi, rơi lệ, qua những câu mở đầu:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô.

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác mưa sa.

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh...

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

Hương lử đã không nơi nương tựa,

Hồn mồ côi lần lữa bấy niên,,

Còn chi ai khó ai hèn,

Còn chi mà nói kẻ hèn người ngu.

Tiết đầ thu lập đàn giải thoát,

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi,

Muôn nhờ Đức Phật từ bi,

Giải oan, cứu khổ tìm về Tây hương....

hay như Nhà Thơ Tô Thùy Yên đã ngậm ngùi:

Chén rượu hồng đây xin rưới xuống,

Giải oan cho cuộc biển dâu này!

Phạm Cao Dương

[1] Marr, David G. Vietnam 1945, the Quest for Power, Berkeley, University of California Press, 1995, tr. 102-103.

[2] Trần Hữu Đính và Lê Trung Dũng. Cách Mạng Tháng Tám 1945, Những Sự Kiện Lịch Sử. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, 2000, tr. 206.

[3] Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Hồi Ký Cách Mạng. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1995, tr. 125.

[4] - như trên -, tr. 123.

[5] Vũ Ngự Chiêu. “The Other Side of the Vietnamese Revolution: The Empire of Việt Nam (March – August 1945”, trong Jornal of Asian Studies, vol.XLV, No. 2, tr. 308.

[6] Trần Huy Liệu và Văn Tạo, Cao Trào Đấu Tranh Tiền Khởi Nghĩa”, Tài Liệu Tham Khảo Lịch Sử Cách Mạng Cận Đại Việt Nam, Tập XI. Hà Nội:Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1957, trang 97 và kế tiếp.

[7] - như trên -, tr. 103 và kế tiếp.

[8] Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tập Hồi Ký. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 2006, tr. 42.

[9] Vũ Thụy Hoàng, “Đêm Hà Nội Nổ Súng, Chiến Tranh Việt Pháp bùng nổ 50 năm trước”, Hồi Ký, trong Thế Kỷ 21, Năm Thứ Tám, số 92, December 1996, tr. 35.

[10] Trường Chinh, Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân Việt-Nam, Tác Phẩm Chọn Lọc, Tập I. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1975, tr. 346.

[11] Marr, David G, Vietnam, State, War, and Revolution (1945-1946). Berkeley: University of California Press, 2013, tr. 321. Theo tác giả này, trong những ngày đầu tháng 9 năm 1945, ở Hà Nội người ta nhận được tin là 150 thuyền chở 4.850 tấn gạo ra Hải Phòng để rồi một tuần sau đó được biết thêm là nhiều thuyền trong số các thuyền này bị chặn cướp bởi những nhóm nguời không rõ nguồn gốc. Khi bị khiển trách, các ủy ban nhân dân liên hệ đã trả lời một cách không mấy thuyết phục là các cán bộ địa phương tưởng những gạo này là của người Nhật.

[12] Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the Revolution”, đã dẫn, tr. 308.

[13] Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi. Saigon, Vinh Sơn, 1969, tr. 86-87. Phạm Cao Dương, Bảo Đại-Trần Trong Kim và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945. Hoa Kỳ, Amazon tái bản và phát hành, 2018, tr. 200 và kế tiếp.

[14] Judith Vecchione, Viêtnam: A Television History, Vol. 1, The Roots of War, The First Vietnam War 1946-1954, Boston, WGBH, 1985 and 1987,
 
VietCatholic TV
WHO kêu gọi thế giới lo tìm kiếm vắc xin theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng
Giáo Hội Năm Châu
04:12 25/08/2020
 
Thấy được làm tới, Thổ Nhĩ Kỳ biến một đền thờ Công Giáo thứ hai thành đền thờ Hồi Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:16 25/08/2020


1. Bất chấp các phản đối của dư luận quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ lại biến một nhà thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo

Một tháng sau khi đền thờ Hagia Sophia được chuyển đổi từ bảo tàng thành đền thờ Hồi Giáo, một nhà thờ Công Giáo khác ở Istanbul, nổi tiếng với những bức tranh khảm Byzantine tinh tế, cũng bị biến thành đền thờ Hồi Giáo.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, hôm thứ Sáu đã ra lệnh rằng đền thờ Công Giáo ở quận Chora với niên đại 700 năm - hiện là Bảo tàng Kariye - phải được biến thành một đền thờ Hồi Giáo với các hoạt động đầy đủ.

Lịch sử của đền thờ Công Giáo này phản ánh lịch sử của đền thờ Hagia Sophia.

Đền thờ Công Giáo mới bị biến thành đền thờ Hồi Giáo, được xây vào thế kỷ thứ tư và được đặt tên là nhà thờ Đấng Cứu Chuộc. Ngôi nhà thờ toạ lạc tại vùng đất ngày nay gọi là quận Chora của thủ đô Istanbul. Ban đầu ngôi nhà thờ này là một phần của một tu viện kế bên.

Hình thức như hiện tại của nhà thờ có từ đầu thế kỷ 14 và được đánh giá cao nhờ những bức tranh khảm và bích họa tuyệt tác.

Sau khi Đế quốc Ottoman chinh phục Istanbul vào năm 1453, nhà thờ đã được lấy làm nơi thờ phượng của người Hồi giáo, và các bức tranh và đồ khảm trên tường được phủ bằng thuốc nhuộm và vôi.

Năm 1945, nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục tuyên bố tòa nhà là một di tích quốc gia, và công việc bảo tồn và trùng tu mở rộng đã được thực hiện trên các tác phẩm nghệ thuật của nhà thờ cũ trước khi được mở cửa như một bảo tàng viện vào năm 1958.

Giống như Hagia Sophia, tòa nhà được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Vào tháng 11 năm 2019, tòa án cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Hội đồng Nhà nước, đã ra phán quyết rằng công trình kiến trúc này nên được sử dụng trở lại sử dụng như một đền thờ Hồi Giáo.

Phán quyết này được sử dụng làm tiền lệ cho quyết định gây tranh cãi vào tháng 7 của tòa án nhằm chuyển đổi nhà thờ cũ Hagia Sophia từ bảo tàng trở lại thành đền thờ Hồi Giáo.

Erdoğan ra lệnh vào ngày 21 tháng 8 rằng Nhà thờ Chora, một địa điểm được nhiều người đến thăm ở khu vực Fatih của Istanbul, phải được biến thành một nhà thờ Hồi giáo và mở cửa cho người Hồi giáo thờ phượng.

Các nhà thờ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các Hagia Sophia ở các thành phố İznik và Trabzon, cũng đã được chuyển đổi trở lại thành đền thờ Hồi Giáo trong những năm gần đây.

Nhà sử học Fabrice Monnier nói với tờ Le Figaro của Pháp rằng ông tin rằng tình hình tại Nhà thờ Chora khác với tình hình ở các nhà thờ khác, vì kích thước của các bức tranh và đồ khảm ở đó.

Ông nói: “Những bức tranh khảm và bích họa tuyệt đẹp của nó bao phủ gần như tất cả các bức tường và mái vòm của nhà thờ. Thật khó để tưởng tượng làm sao người ta có thể che phủ hoàn toàn chúng để biến thành một đền thờ Hồi Giáo.”

Quyết định liên quan đến Hagia Sophia và Chora được cho là một nỗ lực của Erdoğan nhằm thu hút các cử tri Hồi giáo sau khi đảng AK của tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul vào năm 2019.

2. Thủ tướng Iraq khích lệ các Kitô hữu quay về cố hương

Thủ tướng Mustafa Al-Kazemi đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu Kitô là những người ông gọi là “những đứa con nguyên thủy của đất nước” hãy quay về cố hương và cam kết hỗ trợ.

Ông Al-Kazemi khuyến khích các tín hữu Kitô đã rời Iraq trong những năm gần đây trở về quê hương, Vatican News cho biết như tr6n, trích dẫn một báo cáo của Hãng thông tấn Quốc tế Assyria, gọi tắt là AINA.

Ông Al-Kazemi đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, và một số giám mục khác ở Baghdad. Theo Đức Hồng Y, có một số lượng lớn các Kitô hữu muốn trở lại.

“Giáo hội ủng hộ các sáng kiến của thủ tướng Al-Kazemi nhằm đạt được an ninh và ổn định trên khắp Iraq, ” Đức Thượng Phụ Sako nói. “Những người theo đạo Thiên chúa tự hào về căn tính Iraq của họ và họ cảm thấy yên tâm hơn, trước việc chính quyền Al-Kazemi xử lý nghiêm minh trước các hình thức bách hại Kitô hữu”.

Theo một tuyên bố của chính phủ, thủ tướng nói rằng “Iraq là đất nước của tất cả mọi người, và những người theo đạo Thiên chúa là những người con nguyên thủy của đất nước này, và không có sự khác biệt giữa người dân trong cùng một đất nước, vì mọi người đều là những đối tác trong việc xây dựng. tương lai của Iraq.”

Thông tấn xã AINA báo cáo rằng thủ tướng nói rằng ông ấy rất nghiêm túc trong việc hỗ trợ các gia đình Kitô hữu và giải quyết các vấn đề của họ.

“Chúng tôi rất vui vì những người theo đạo Thiên chúa sẽ trở lại Iraq và đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước. Người dân Iraq thuộc tất cả các giáo phái đang khao khát một Iraq mới tin tưởng vào hòa bình và bác bỏ bạo lực”, vị Thủ tướng vừa nhậm chức hôm 7 tháng 5 cho biết.

Cộng đồng Kitô hữu ở Iraq đã phải chịu áp lực trong nhiều năm, nhưng cuộc xâm lược của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2014 khiến mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ vừa đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng dân số kitô có thể giảm xuống chỉ còn 23, 000 người trong 4 năm tới. Nhiều người lo sợ rằng ISIS đang có kế hoạch trở lại và do dự khi trở về nhà của họ.

Trước thềm cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào năm 2003, Kitô hữu có khoảng 1.5 triệu người. Ngày nay, chỉ còn lại 1/6 con số này.
 
Đảng Dân Chủ Mỹ nói 91% Biden sẽ thắng Trump, Đảng Tự Do Úc tin rằng ông Trump sẽ thắng oanh liệt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:32 25/08/2020


1. Tổng thống Trump sẽ giành được chiến thắng ở nhiều tiểu bang hơn bao giờ sau hội nghị gây sốc của đảng Dân Chủ

Phó Chủ tịch Đảng Tự do Teena McQueen của Úc Đại Lợi nói rằng Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cho đến nay đã thất bại trong việc thảo luận các kế hoạch hoặc chính sách, và bà “chưa hề nghe thấy cụm từ Trung Quốc bật ra từ cái miệng nào của họ.”

“Thật là lố bịch, ” bà McQueen nói với Paul Murray, người dẫn chương trình của Sky News Australia trong một show truyền hình.

“Tổng thống Trump sẽ giành được chiến thắng ở nhiều tiểu bang hơn bao giờ hết sau các diễn biến trong vài ngày qua.”

Bà McQueen nói rằng bà cảm thấy tự tin rằng ông Trump sẽ đưa ra một điều gì đó rất thú vị vào tuần tới.

“Rất dễ dàng để đánh bại đảng Dân Chủ trong lần bầu cử này, bạn không cần phải là Einstein.”

Ông Biden đã chính thức chấp nhận đề cử ra tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào ngày cuối cùng trong đại hội toàn quốc của đảng.

Trong bài diễn văn của mình ông Biden và bà Harris chỉ biết tập trung vào việc tấn công Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà không đưa ra được một chính sách hấp dẫn nào đối với cử tri Mỹ.

Trong bài diễn văn của mình, ông Biden, năm nay đã 77 tuổi, dường như cố hết sức để tránh phạm vào các sai lầm hơn là cố gắng nói một bài diễn văn hùng biện.

Paul Murray tiên đoán rằng:

“Cuộc bầu cử chỉ còn 74 ngày nữa, và người đàn ông 77 tuổi này sẽ tìm cách giảm thiểu những sai lầm của mình, và để làm được điều đó, ông ấy sẽ xuất hiện ít nhất có thể.”

Các đảng phái ở Úc thường bất đồng với nhau về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, liên quan đến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ sắp tới họ dường như rất thống nhất với nhau ở điểm là cầu mong sao cho Tổng thống Trump được tái đắc cử. Sau những xung đột giữa Úc và Trung Quốc, một chính quyền mới ở Hoa Kỳ thân thiện với Trung Quốc là một cơn ác mộng đối với kinh tế Úc.


Source:Sky News Australia

2. Các đại hội của đảng Dân Chủ lặng lẽ bỏ đi cụm từ Under God

Lời tuyên thệ dưới cờ của người Mỹ theo truyền thống được đọc như sau:

“I pledge allegiance to the flag of the United States of America and to the Republic for which it stands, one Nation under God, indivisible, with liberty and justice for all.”

Nghĩa là:

“Tôi cam kết trung thành với lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và với nước Cộng hòa mà lá cờ này đại diện, một Quốc gia dưới quyền Chúa, không thể chia cắt, với quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người.”

Sau khi một số cuộc họp kín tại Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ bỏ qua cụm từ “dưới quyền Chúa” trong lời tuyên thệ, các Hiệp sĩ Kha Luân Bố nói với CNA rằng những từ này đại diện cho một niềm tin cơ bản của người Mỹ và cho biết đoàn Hiệp sĩ rất tự hào về vai trò của mình trong việc bổ sung lời hứa.

“Đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố tự hào về vai trò là khí cụ của mình trong việc thuyết phục Quốc hội thêm cụm từ 'dưới quyền của Chúa' trong lời tuyên thệ vào năm 1954, ” ông Carl Anderson, Hiệp sĩ tối cao của các Hiệp sĩ Kha Luân Bố nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 20/8.

“Những lời này thể hiện một niềm tin cơ bản mà chúng ta đã trân trọng như một quốc gia kể từ khi thành lập, đó là chúng ta đang được Thiên Chúa ưu đãi với những quyền bất khả xâm phạm nhất định, ” ông Anderson nói thêm.

Nhận xét của Anderson được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo cho rằng tại các cuộc họp được tổ chức như một phần của Đại hội Quốc gia đảng Dân chủ, các đại biểu đã bỏ qua các từ “dưới quyền của Chúa” khi họ đọc lời tuyên thệ, đặc biệt trong các cuộc họp của LGBTQ.

Lời tuyên thệ như hiện nay được sáng tác vào năm 1892 và được Quốc hội chính thức công nhận vào năm 1942. Các Hiệp sĩ Kha Luân Bố đã có công trong việc khuyến khích những từ “dưới quyền của Chúa” được chính thức đưa vào lời tuyên thệ vào đầu những năm 1950.

Cùng với các nhóm khác, đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố ủng hộ việc đưa cụm từ này vào, và vào đầu năm 1954, Quốc hội đã thông qua một dự luật để làm điều đó. Tổng thống Dwight Eisenhower đã ký thành luật vào Ngày Quốc kỳ, tức là ngày 14 tháng 6 năm 1954.

“Bằng cách này, chúng ta tái khẳng định tính siêu việt của đức tin tôn giáo trong di sản và tương lai của nước Mỹ. Bằng cách này, chúng ta sẽ không ngừng củng cố những vũ khí tinh thần đó để mãi mãi là nguồn lực mạnh mẽ nhất của đất nước chúng ta, dù trong hòa bình hay trong chiến tranh, ” tổng thống Eisenhower nói vào thời điểm đó.

Hiệp sĩ tối cao Anderson cho biết cụm từ nhắc nhở người Mỹ về “một niềm tin cơ bản mà chúng ta đã giữ với tư cách là một quốc gia kể từ khi thành lập, như Tổng thống John F. Kennedy đã bày tỏ trong bài diễn văn nhậm chức của mình rằng các quyền của chúng ta với tư cách là người Mỹ không đến từ sự giàu có của quốc gia nhưng từ bàn tay của Chúa.”


Source:Catholic News Agency

3. Nhà thờ đầu tiên ở Ukraine được dâng kính Thánh Gioan Bosco.

Ngày 16 tháng 8 năm 2020, các tu sĩ Dòng Salêdiêng đã tổ chức kỷ niệm 205 năm ngày sinh Ðấng sáng lập, Thánh Gioan Bosco. Việc cử hành càng thêm long trọng và ý nghĩa vì lần đầu tiên tại Ukraine một Nhà thờ được dâng kính Thánh Gioan Bosco.

Các tu sĩ Salêdiêng bày tỏ niềm vui trước sự kiện này: “Ðây là một sự kiện rất ý nghĩa. Chúng tôi rất vui bởi vì với việc dâng kính này phương pháp sư phạm của Thánh Bosco và hệ thống giáo dục giới trẻ của ngài sẽ được phổ biến hơn trong xã hội Ukraine. Ðiều này cho thấy đất nước mong muốn một tương lai tốt hơn cho thiếu nhi và giới trẻ”.

Nhà thờ mới nằm ở Korostiv, thuộc tỉnh Scole, miền tây Ukraine, và được xây dựng bên cạnh Trung tâm Salêdiêng “Domenico Savio”, thường được dành cho các buổi tĩnh tâm.

Trong Thánh lễ, ngoài các đại diện Dòng Salêdiêng ở Ukraine, còn có các đại diện chính quyền và người dân địa phương. Các tu sĩ cho biết do đại dịch virus corona, số người tham dự Thánh lễ phải hạn chế. Tuy nhiên, một tập tài liệu thông tin về cuộc đời và sứ mạng của vị thánh người Ý đã được các tu sĩ chuẩn bị, để đặc sủng của ngài ngày càng được biết đến ở Ukraine.

Cần nhấn mạnh rằng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Dòng Salêdiêng ở Ukraine đã xúc tiến nhiều dự án xã hội nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus. Ðặc biệt, tại Lviv, Giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Trung tâm giới trẻ Salêdiêng đã làm khẩu trang và khăn trải giường, trao tặng cho bệnh viện.

Ngoài ra, nhiều gói thực phẩm đã được phân phát cho những người khó khăn, nghèo khổ và neo đơn nhất. Trong mùa Phục sinh, tiệm bánh mì xã hội của Hội dòng đã chuẩn bị bánh truyền thống hình chim bồ câu cho những người lính phục vụ ở miền đông Ukraine. Sau cùng, những người trẻ đã được đồng hành thiêng liêng qua các “nguyện xá trực tuyến” trên mạng xã hội.


Source:ANSA