Ngày 24-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn lựa : Một hành vi không dễ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:05 24/08/2018
Chúa Nhật XXI TN B

Cả anh em nữa, anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không? Chúa Giêsu không hỏi: anh em có tiếp tục theo Thầy không mà lại hỏi thẳng thừng: anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không. Một câu hỏi không thuộc dạng mời gọi như trước đây mà là đặt vấn đề chọn lựa rõ ràng, dứt khoát.

Kitô hữu chúng ta theo đạo không phải là theo một học thuyết mang tính triết lý hay thần học nào đó, nhưng là theo một "con người", theo một "ai đó", một "Đấng nào đó". Đấng hay con người mà chúng ta lựa chọn đi theo, lựa chọn để gắn bó, đó là Đức Giêsu Kitô. Chọn lựa một công việc để làm kế sinh nhai quả không mấy dễ. Chọn lựa một bậc sống thật lắm phân vân đủ bề. Chọn lựa một con người để làm bạn đời trăm năm cũng lắm sự nhiêu khê. Và chọn lựa Đấng để trao gửi hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì thế, khi phải chọn lựa trong một vấn đề quan trọng, chúng ta cần có đủ cơ sở một cách nào đó.

Sau khi nhắc lại cho dân tình yêu của Thiên Chúa qua các kỳ công Người đã thực hiện để bảo vệ dân, Giosuê khẳng khái trước toàn dân rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24,15) . Và dân đã đáp lại rằng họ không hề có ý định bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác. Họ sẽ thờ phụng Thiên Chúa, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của họ dùng quyền năng thực hiện những dấu lạ lớn lao để đem họ cùng với cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ mà vào đất hứa. Như thế, cơ sở để dân Chúa xưa chọn thờ phụng Người đó là vì Người đã giải thoát họ khỏi cảnh đời nô lệ.

Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, một kiểu đặt vấn đề đòi hỏi có sự chọn lựa dứt khoát thì Phêrô đã thay mặt nhóm Mười Hai trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Không kể trường hợp một phần tử trong nhóm không tin, thì câu trả lời của Phêrô nói lên sự chọn lựa của cả tập thể Tông Đồ. Và sự chọn lựa ấy đặt cơ sở trên điều này: vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Để nói lên được những lời này, chắc chắn cùng với các bạn, Phêrô đã từng chứng kiến uy quyền của Thầy khi khiến nước lã hóa thành rượu ngon (x.Ga 2,1-12). Các vị đã từng nghe Thầy nói với viên sĩ quan cận vệ nhà vua rằng: “Ông cứ về đi, con ông sống” và đứa con trai của ông ta đang đang hấp hối đã đuợc cứu sống (x.Ga 4,46-54 ). Và các ngài chưa thể quên lời tạ ơn mới đây của Thầy đã giúp cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê chỉ từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá (x.Ga 6,1-15).

Không ai tự nguyện dấn thân theo một lý tưởng, thực hiện một trách vụ hay gắn bó với một con người mà không ấp ủ một hoài bão, một ước mơ hay niềm hy vọng nào đó. Xưa, dân Do Thái chọn tôn thờ Thiên Chúa là để một mặt khỏi bị Người giáng họa, trừng phạt, mà trái lại sẽ được Người chúc phúc và che chở trước các “kẻ thù” lân bang (Gs 24,19-20).

Cái hoài bão, uớc mơ, đúng hơn là cái mục đích việc Phêrô thay mặt anh em chọn gắn bó với Thầy đó là vì “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Sự sống đời đời là một ước mơ của con người, mọi thời và mọi nơi. Dù đủ đầy của cải vật chất, dù nắm trong tay quyền sinh sát của bậc đế vương thì con người vẫn cảm nhận cái hữu hạn của cuộc sống đời này. Danh vọng quyền lực, của cải hay tiền tài không thể giúp ta kéo dài cuộc sống đến vô tận. Một thanh niên có nhiều sản nghiệp đã đến tham vấn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? Sau khi biểu anh ta giữ các giới răn, Chúa Giêsu đã mời gọi anh ta hãy bán của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,28-30).

Chọn lựa là hy sinh. Một câu nói cho thấy một lẽ tất yếu của việc chọn lựa. Chọn ra đi thì phải hy sinh chuyện không ở lại, chọn việc cất tiếng nói thì đương nhiên phải mất thái độ giữ im lặng, đã chọn tôn thờ Thiên Chúa thì phải bỏ các thần của dân ngoại (x.Gs 24,23)… Tuy nhiên sự hy sinh trong việc chọn lựa không chỉ dừng lại ở các nội dung xem như đối lập của sự chọn lựa mà còn có đó sự hy sinh ngay trong chính hành vi chọn lựa. Sự hy sinh ở đây được hiểu như một sự đánh cược, một sự dân thân, một sự “liều lĩnh” nào đó. Vì chưng, chúng ta vốn khó có được các cở sở một cách chắc chắn kiểu trăm phần trăm khi chọn lựa một điều gì đó. Chúng ta dễ nhận ra ngay hiện thực này qua việc các bạn thanh niên nam nữ chọn bạn đời hay chọn ơn gọi tu trì. Như thế, sự hy sinh ở đây có thể hiếu như sự can đảm dấn thân, chấp nhận nhiều “cái giá” phải trả khi chọn lựa.

Cái giá mà chúng ta phải trả khi chọn lựa đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Người đó chính là “vác thập giá”. “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Cái giá mà Phêrô sẽ phải trả được Đấng Phục sinh báo trước: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đế nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,18-19).

“Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà cần có tôi” (thánh Âugustinô ). Tự do là một quà tặng cao quý Chúa ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình Người dựng nên. Tự do là một ân ban cao quý và cũng là một thử thách ắt có của tình yêu. Được sống đời đời hay phải chết đời đời có nghĩa là được hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân mãi mãi, các khả thể này đang tùy ở sự lựa chọn của chúng ta. Ai lại không muốn được sự sống đời đời, được hạnh phúc bất diệt, nhưng vấn nạn khó vượt qua đó là chúng ta thường e ngại phải trả giá vì phải chọn lựa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới bàn đến đủ vấn đề mà thoạt nhìn có vẻ như trái ngược nhau
Vũ Văn An
00:29 24/08/2018
Ngày thứ hai của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, tức ngày 22 tháng Tám, người ta được nghe nhiều bài trình bầy liên quan đến gia đình, mà thoạt nhìn hoặc thoạt nghe, người ta có cảm tưởng chúng đi theo các hướng đối nghịch nhau.

Gia đình truyền thống



Thực vậy, theo tạp chí Crux, số ngày 22 tháng Tám, lên tiếng trong đại hội, Đức Hồng Y Schönborn, Tổng Giám Mục Vienna, Áo, nói rằng gia đình là chuyện thuộc bản tính nhân loại vì đời sống gia đình truyền thống, theo nghĩa Do Thái – Kitô Giáo, tương hợp với xu hướng căn bản của bản nhiên con người, theo đó, “con cái muốn cha mẹ chúng trung thành và ở lại mãi với nhau”.

Ngài nói thế khi hướng dẫn một bàn chủ tọa thảo luận liên tôn gồm Đức Tổng Giám Mục Michael Jackson của Dublin, thuộc Giáo Hội Ái Nhĩ Lan (Anh Giáo); Tổng Linh Mục Mikhail Nasonov của Giáo Hội Chính Thống Nga, và Giáo Sĩ (Rabbi) Zalman S. Lent thuộc cộng đồng Lubavitcher ở Dublin.

Giáo Sĩ Lent cho hay trong Do Thái Giáo, “nơi thánh thiêng nhất không phải là đền thờ mà là mái ấm gia đình, vì nó là nơi các truyền thống của chúng tôi được giảng dậy và lưu truyền qua các thế hệ”.

Nhưng ông cho hay: trong một “thế giới truyền thông độc ác và phi xã hội”, con cái đang phải đương đầu với “các thách thức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại” chủ yếu là hàng loạt rộng lớn các tư liệu gây bối rối trên liên mạng. “Chúng ta quen hướng dẫn con cái chúng ta qua phố phường để tránh những điều không hay, nhưng ngày nay chúng ta cho chúng tư liệu ấy được gói đẹp đẽ như một món quà”.

Các cuộc trưng bầy

Cuộc Gặp Gỡ không phải chỉ để nghe mà còn để thấy nữa. Một trong các cuộc trưng bầy là của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Đang Có Nhu Cầu, một cơ quan bác ái Công Giáo quốc tế nhằm giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại.

Trong các đồ trưng bày có bức hình của một nhà thờ ở Qaraqosh trên bình nguyên Nineveh, bắc Iraq, bị ISIS phá hủy; một số dụng cụ để ban các bí tích, trong có có chiếc chén thánh từng bị ISIS dùng để tập bắn. Michael Kinsella của tổ chức này cho rằng mục đích cuộc trưng bày là để đánh động ý thức nhiều người về hiện trạng: các Kitô hữu vẫn “đang bị ném vào hang sư tử ở Coliseum, họ vẫn đang sống trong Hang Toại Đạo”. Hơn nữa, Giáo Hội ở Phương Tây, và Giáo Hội ở Trung Đông, ở Châu Phi hay ở Châu Á đều cùng là một Giáo Hội. Khi người ở một vùng đau khổ, người ở các vùng khác cũng đau khổ, và khi Giáo Hội ở một vùng khẳng định đức tin của họ, “chúng ta cũng nên được khẳng định”.

Tính bổ túc nam nữ

Trở lại với các cuộc thảo luận, ba gia đình từ Hoa Kỳ, Pháp và Tây Ban Nha, theo Crux, đã tham gia chủ đề “Luận Lý Học Bổ Túc: Tại Sao Các Bà Mẹ Và Ông Bố Lại Quan Trọng trong Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương)”.

Claire và John Grabowsky, thuộc ủy ban Giáo Dân, Hôn Nhân, Gia Đình và Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phát biểu rằng “các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà là điều quan trọng và là một hồng phúc của Thiên Chúa. Phải có cả hai mới dưỡng dục và đào tạo tốt cho con cái”.

Theo Marie Gabrielle và Manuelle Mènager từ Pháp, “hiện nay, có sự khẩn thiết phải chia sẻ Tin Mừng từ trái tim gia đình”. Họ lo lắng trước nền văn hóa phá hoại tính bổ túc nam nữ, dẫn đến việc “đua tranh và ý niệm cho rằng chúng ta không còn cần đến nhau nữa”.

Sợ đồng tính

Cuộc thảo luận tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, bước sang ngày 23 tháng Tám, được nghe một giọng nói mà nhiều người cho là lạc điệu đối với bối cảnh cử hành vẻ đẹp của gia đình. Đó là linh mục James Martin, Dòng Tên, người lên tiếng tại đây để chỉ trích các mục tử “sợ đồng tính” với đề tài “Tỏ bầy sự hoan nghênh và tôn trọng tại các giáo xứ của chúng ta đối với Những Người ‘LGBT’ và các gia đình của họ”.

Linh mục này cho rằng các mục tử “sợ đồng tính”, công khai hay im lặng, “đều hết may mắn”. Họ nên cố gắng lắng nghe các giáo dân LGBT “tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ trong việc đào tạo họ như các Kitô hữu và người Công Giáo” hơn là “chỉ nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội mà không xem xét chi tới kinh nghiệm sống của họ”.

Thẳng thừng hơn, linh mục này bảo: “Đừng giản lược người LGBT vào lời kêu gọi khiết tịnh mà mọi người chúng ta vốn chia sẻ” vì “Người LGBT không chỉ là đời sống tính dục của họ và nếu bạn nói về khiết tịnh với người LGBT, thì cũng nên nói nhiều như thế với người dị tính”.

Không lạ gì, bên ngoài trụ sở hội thảo, sau khi linh mục Martin đọc bài diễn văn, khoảng một chục thành viên của một nhóm LGBT tự gọi là “Ca Đoàn Cầu Vồng” trình diễn hai bài ca: "Something Inside So Strong" và "We Are Family”.

Sự hiện diện tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới của Linh Mục Martin gây ra nhiều tranh cãi, đến nỗi đã có một kiến nghị gồm 16,000 chữ ký yêu cầu hủy bỏ sự hiện diện này.

Phản ứng của một hội nghị song hành

Ban tổ chức Cuộc Gặp Gỡ vẫn để linh mục Martin diển giảng tại diễn đàn của mình, mặc dù, họ có bỏ hình ảnh cặp “hôn nhân” đồng tính ra khỏi “logo” đại hội dù bị Chính Phủ Ái Nhĩ Lan phản đối.

Dù sao, việc trên cũng đủ để một cuộc gặp gỡ khác lên tiếng tố cáo Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới là cổ vũ lối sống đồng tính.
Theo Crux, Hội Nghị Các Gia Đình Công Giáo, tổ chức song song với Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, cho hay họ không muốn tạo chia rẽ, nhưng họ muốn “trình bầy sự thật một cách tích cực”.

Cuộc hội thảo của họ nhấn mạnh đến đồng tính luyến ái và cho rằng lá thư xin lỗi của Đức Phanxicô thiếu sót vì không chịu nêu tên nền văn hóa đồng tính.

Đa số các diễn giả trong hội nghị này quả quyết rằng nguyên nhân nằm sâu dưới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục hiện nay là đồng tính luyến ái. John Lacken, tổng thư ký của Viện Lumen Fidei, viện đứng ra tổ chức Hội Nghị, cho rằng linh mục Martin cổ vũ một thứ ý thức hệ “tượng trưng cho một đe dọa đối với phúc lợi con cái chúng ta, và cả chính ơn cứu rỗi của chúng nữa”.

Theo Elise Harris của tờ Crux, Anthony Murphy, sáng lập viên Viện Lumen Fidei, thì cho rằng sự hiện diện của Linh Mục Martin phá hoại kế hoạch của Thiên Chúa dành cho gia đình, vốn được đặt trên căn bản cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.
Murphy cho rằng đây cũng là dấu chỉ thối nát trong Giáo Hội vì linh mục Martin “không có chỗ đứng nào trên diễn đàn cổ vũ gia đình cả”.
Theo Murphy, “phần lớn những điều Cha Martin nói đều rất hàm hồ. Ngài là người rất khéo léo, một diễn giả rất có tài, [nhưng] ngài thích nói hàm hồ và gieo rắc hồ đồ vào lúc người giáo dân nói riêng, và các gia đình, không cần thứ chính trị giáo sĩ ấy. Chúng ta cần giáo huấn rõ ràng để có thể ra đi, được trang bị để đưa ra các thông điệp phản lại nền văn hóa [đương thịnh] cho thế giới”.

Gia đình có nhu cầu đặc biệt



Nhưng xét cho cùng, tiếng nói LGBT của Cha Martin chỉ là tiếng nói đơn độc tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin. Cuộc Gặp Gỡ này được nghe nhiều tiếng nói khác rất thiết thực về gia đình và rất hợp giáo lý của Giáo Hội.

Như gia đình Bradley chẳng hạn với con gái tật nguyền Meabh. Theo Claire Giangravé của tờ Crux, khi Meabh sinh ra, không có bong bóng, hoa lá hay bạn bè nào chờ em từ bệnh viện trở về nhà. Bằng giọng nói thì thầm, người ta cho cha mẹ em hay đáng lẽ tốt hơn nhiều nếu họ chịu phá thai em!

Cha mẹ em đã làm ngược lại dù hiện nay, em không tự đút ăn được và không thể nói. Mọi sự cần đến người khác: cha mẹ đầy yêu thương và hai anh chị cưng chiều luôn âu yếm mơn trớn em và do bản năng biết rõ ý nghĩ, trò đùa và nhu cầu của em; họ chứng tỏ với chúng ta rằng ngôn ngữ âu yếm đôi khi không hề cần tới lời nói.

Điều đáng khâm phục là họ đi tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin! Một gia đình thật đặc thù và đầy gương sáng. Họ đại diện cho thực tại âm thầm và đôi khi cố ý dấu mặt của các gia đình đang chăm sóc các thành viên có những nhu cầu và lo lắng đặc biệt. Marian Bradley, mẹ em, hiện là giảng sư Tôn Giáo Học và Giáo Dục Học tại Đại Học St Mary ở Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan, nói rằng họ hy vọng Giáo Hội sẽ dẫn đường trong việc “đem các gia đình như gia đình chúng tôi từ bên ngoài, vào trung tâm, vốn là chỗ họ nên hiện diện trước nhất”.

Gia đình Bradley dự nhóm hội thảo với đề tài “Các Gia Đình và Giáo Xứ; Hỗ Trợ Các Gia Đình Có Nhu Cầu Đặc Biệt”. Marian mô tả hình ảnh quen thuộc của loại gia đình này như sau: “niềm vui chờ mong sự sống mới, rồi các khuôn mặt đầy ưu tư của các bác sĩ và y tá, những giọng nói thì thầm, bé sơ sinh bị nhanh chóng đem đi, và rồi, bỗng nhiên, sợ hãi, bất trắc, lo âu xao xuyến. “Chúng tôi chỉ biết nhìn, bất lực, mất hút trong nỗi sợ của riêng mình”. Chưa hết, về nhà, không những “đau đớn, mất mát và thách thức” mà vòng bạn bè bỗng trở nên nhỏ hơn. Nhưng rồi bà an tâm khám phá ra “không có gì hợp luận lý trong tình yêu của bậc làm cha làm mẹ; nó hoàn toàn có tính bản năng, mạnh mẽ, đầy nghị lực, năng động và không biết sợ”. Bà bảo: “Nó là thứ tình yêu không biết gì tới giới hạn”.

Gia đình Bradley cho hay họ nhận được linh hứng từ Thánh Kinh và Đức Phanxicô. Marian nói rằng “bất cứ khi nào tôi sống trong thế giới tật nguyền với gia đình của riêng tôi, tôi đều cảm thấy như chúng tôi mất hút, biến thành vô hình. Bỗng Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện và bắt đầu nói thứ ngôn ngữ của chúng tôi. Ngài nói về lòng âu yếm dịu dàng và ngài nói về tình yêu, ngài nói về việc ai trong chúng ta cũng đều quan trọng cả...”

Marian rất ngạc nhiên khi thấy các tấm hình Đức Phanxicô ôm hôn người bệnh và người khuyết tật, đem các trẻ em có nhu cầu đặc biệt lên giáo hoàng xa và loan truyền thông điệp về phẩm giá và chăm sóc. Bà bảo “bỗng chốc, chúng tôi không còn vô hình nữa”.

Bà cũng cho rằng “nghịch lý Chúa Giêsu trên thập giá” luôn gợi hứng cho bà như một biểu tượng của việc sức mạnh và yếu đuối cùng hiện hữu với nhau: “Khi Chúa Giêsu lâm vào lúc yếu nhất và dễ tổn thương nhất trên thập giá, theo đức tin Kitô giáo của chúng ta, chính là lúc Người mạnh mẽ nhất. Những người trong xã hội chúng ta bề ngoài xem ra yếu đuối, bạn có thể cho họ bị đẩy qua bên lề, nhưng thực sự họ là những người thực sự sống đức tin của chúng ta”.

Ta cũng nên biết Ái Nhĩ Lan vừa bỏ phiếu cho phép phá thai, một quyết định bị Marian coi là “tàn hại đối với các gia đình như gia đình chúng tôi”. Bà bảo: “tôi không nghĩ người dân ở Ái Nhĩ Lan biết họ bỏ phiếu vì điều gì. Tôi nghĩ họ bỏ phiếu chống lại một Giáo Hội nơi có những lạm dụng và những điều như thế, tôi nghĩ họ nổi giận”.

Gia đình di dân tị nạn



Christopher White cũng của tờ Crux thì lưu ý đến khía cạnh khác trong các thảo luận tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin: di dân tỵ nạn. Thực vậy, Cuộc Gặp Gỡ này đã thảo luận việc người tỵ nạn có thể giúp phục hồi các mối dây nối kết gia đình mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới.

Trong cuộc thảo luận “Không có nơi ngả đầu: Đáp ứng Kitô Giáo đối với các di dân và người tị nạn”, cha Michael Czerny, dòng Tên, phó tổng thư ký Phòng Di Dân và Người Tị Nạn của Tòa Thánh, nói rằng “Chúa chúng ta vốn hoàn toàn tự đồng hóa với những người buộc phải di cư”.

Cha nói thêm rằng ta thường quá tập chú vào việc thế giới phải giúp đỡ người tị nạn ra sao mà không suy nghĩ xem người tị nạn và di dân có khả năng hiến tặng những gì cho thế giới. Cha cho hay: “Các gia đình di dân dễ bị tổn thương không phải chỉ thiếu thốn và đáng được hưởng lòng thương xót của ta. Họ cũng chào đón, họ cũng có khả năng bảo vệ người dễ bị tổn thương, cổ vũ việc phát triển toàn diện người khác, và kết cục có thể tích nhập tốt hơn những ai khởi đầu đã để họ nhập cư”.

Cha Mark Madden của tổng giáo phận Liverpool, Anh, người từng làm việc với các người tị nạn Trung Đông trong nhiều năm, nhận định rằng trong khi đời sống gia đình đang bị xói mòn gần khắp thế giới, “một trong những điều làm giầu chúng ta hơn cả khi làm việc với các gia đình tị nạn là họ chỉ cho ta thấy phải làm thế nào để trở thành một gia đình đích thực và đúng nghĩa”.
 
Tổng giáo phận St. Louis mời viện chưởng lý xem xét hồ sơ
Trần Mạnh Trác
07:42 24/08/2018
St Louis, Missouri, 23-8-2018 ( CNA ) .- Đức Tổng Giám Mục Robert J. Carlson đã mời viện chưởng lý của Missouri tiến hành kiểm tra các văn kiện trong mật khố cuả giáo phận liên quan đến những cáo buộc về lạm dụng tình dục, với mục đích tìm thêm một báo cáo độc lập từ giới tư pháp.

Trong lá thư đề ngày 23 tháng Tám gửi cho Chánh Chưởng Lý của Missouri là ông Joshua D. Hawley, ĐTGM Carlson nói rằng ngài nhận thức là đã có một số thành phần công chúng mong muốn có một cuộc điều tra cuả Tiểu Bang về Giáo Hội Công Giáo.

"Chúng tôi đã luôn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật trong mọi cuộc điều tra về những vấn đề này và sẽ tiếp tục làm như vậy", ĐTGM Carlson nói.

Tại Missouri, Chánh Chưởng Lý tiểu bang không có quyền triệu tập một bồi thẩm đoàn như ở Pennsylvania, do vậy ông Hawley, trong một cuộc họp báo, cho biết ông đã "cảm động" bởi lời đề nghị hợp tác đầy đủ từ tổng giáo phận. Ông cảm ơn Đức Tổng Giám Mục đã có lời mời qua bức thư nói trên.

"Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo và sự cam kết của Ngài về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình công khai", ông Hawley viết.

Ông Chánh Chưởng Lý xác nhận rằng ông sẽ tập hợp một nhóm luật sư giàu kinh nghiệm và nhiều công tố viên để tiến hành một cuộc điều tra "mạnh mẽ, lục soát, và toàn diện" (“vigorous, searching, and comprehensive inquiry”) để xem xét tài liệu và phỏng vấn các nạn nhân và nhân chứng.

Đức Tổng Giám Mục Carlson lưu ý rằng Tổng Giáo Phận đã có các bước điều tra cuả mình rồi, được thực hiện để đảm bảo rằng các quy trình xử lý khiếu nại là đủ.

“Năm ngoái, tôi đã ra chỉ thị để cho một nhân viên FBI đã về hưu nhưng dầy kinh nghiêm; xem xét về môi trường an toàn để bảo vệ trẻ em và các cá nhân dễ bị tổn thương . Bà ấy cho biết các thể thức của chúng tôi là phù hợp và mạnh mẽ. ”

Trong một tuyên bố được phát hành trước lá thư, ĐTGM Carlson nói rằng ngài nhận thấy báo cáo cuả bồi thẩm đoàn Pennsylvania là rất sâu sắc.

“Các linh mục là những người cha tâm linh cuả giáo dân, và các giám mục là những mục tử của đàn chiên, có nhiệm vụ phải bảo vệ người dân dưới sự chăm sóc của họ. Nhưng chúng ta biết rằng trong nhiều trường hợp đã không xảy ra như thế. Lòng tin của các tín hữu đã bị xúc phạm. ”

Đức Tổng Giám Mục Carlson là người lãnh đạo Tổng Giáo Phận St. Louis từ năm 2009, thay thế Đức Hồng Y Raymond Burke. ĐHY Burke từng là tổng giám mục St. Louis từ năm 2004-2008, cho đến khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Tối Cao Pháp Viện - tòa án tối cao của Vatican. Trước đó, tổng giáo phận được lãnh đạo bởi Hồng Y Justin Francis Rigali từ 1994-2003.

Trong cuộc họp báo, ông Chánh Chưởng Lý Hawley nói rằng cuộc điều tra sẽ là "thăm dò và toàn diện" và bắt đầu càng sớm càng tốt, kết quả và khuyến nghị có thể bao gồm việc chuyển giao hồ sơ cho các công tố viên địa phương.

Đức Tổng Giám Mục Carlson nói rằng “chúng ta phải thay mặt cho các nạn nhân của sự lạm dụng này để mang đến cho họ tình thương, sự chữa lành và ánh sáng của Chúa Kitô.”
 
Công Giáo Ấn Độ kỷ niệm 10 năm vụ tàn sát người Công Giáo ở Odisha
Nguyễn Long Thao
09:45 24/08/2018
Các Kitô hữu ở Ấn Độ đang chuẩn bị tổ chức Thánh lễ tại bang Bhubaneswar vào ngày 25 tháng Tám để kỷ niệm 10 năm biến cô bạo lực xảy ra vào năm 2008 nhằm tàn sát các Kitô hữu ỏ bang Odisha, miền đông Ấn Độ.

Đức Tổng Giám Mục John Barwa cùng với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI) sẽ cử hành Thánh Lễ kỷ niệm lần thứ 10 tại Trường St. Joseph Convent of Bhubaneswar về chủ đề “Hòa Giải, Tạ Ơn và Ân Sủng”.

Bạo lực chống người Kitô giáo tại Kandhamal, Ấn Độ năm 2008
Ngày kỷ niệm được gọi là Ngày Kandhamal, vì phần lớn bạo lực đã xẩy ra tại Quận Kandhamal thuộc thẩm quyền của Tổng Giáo phận Cuttack-Bhubaneshwar. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nói ở nhiều nơi khác, các tín hữu không thể đến Bhubaneswar được vì đường xá xa xôi và vì đang có mưa lớn tại đây. nhưnd tại những nơi này, cũng sẽ có những nghi lễ kỷ niệm ở mức độ khác nhau.

Đức TGM cho cơ quan tin tức của Vatican biết: Ngày 28 tháng 8, các Kitô hữu sẽ tổ chức một cuộc biểu tình tại Phulbani để trao kiến nghị cho thủ hiến bang Naveen Patnaik đòi hỏi công lý và số tiền bồi thường mà nhiều nạn nhân và gia đình của họ đã phải chờ đợi cả 10 năm nay.

Được biết vào tháng 8 năm 2008, cuộc bạo loạn chống người Công Giáo đã xẩy ra. Sau vụ này, Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết chính quyền phải bồi thường 210 triệu Rupees cho các nạn nhân. Nhưng cho tới nay, sau 10 năm, chính quyền mới giải ngân được 150 triệu Rupees và vào khoản 30% các nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường,

Đức TGM cũng cho biết điều đáng mừng là sau vụ bạo loạn, tình hình giáo hội ở Odisha và Kandhamal đã phát triển mạnh nhờ sự hỗ trợ giữa các cộng đồng, sự hợp tác và thống nhất hành động giữa các giáo phái Kitô giáo khác nhau. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội và sự thống nhất chính trị giữa các tín hữu. Ơn gọi linh mục và nam nữ tu sĩ cũng gia tăng đáng kể.

Đức TGM nói Tổng Giáo Phận đang tiến hành thủ tục xin Tòa Thánh công nhận sự tử đạo của các tín hữu đã chết vì đức tin trong cuộc bạo loạn năm 2008.

Nguyễn Long Thao
 
Văn thư của ĐGH là một tín hiệu mạnh mẽ trao quyền.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:47 24/08/2018


Trong một nhận xét tuy ngắn nhưng mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna mô tả rằng văn thư của ĐGH Phanxicô gởi cho toàn dân Chúa là một tín hiệu mạnh mẽ trao quyền cho các cộng đồng Công Giáo trên toàn thế giới để tiết lộ sự lạm dụng, hỗ trợ các nạn nhân, đòi hỏi trách nhiệm của những kẻ phạm tội và mong chờ sự quản lý của các giám mục.”

Nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Scicluna rõ ràng nhấn mạnh đến ba điểm chính của văn thư gồm 2000 từ của ĐGH: Nhiệm vụ của người Công Giáo là vạch trần sự lạm dụng, nhiệm vụ của Giáo Hội là giúp đỡ các nạn nhân và trách nhiệm của các giám mục là hoàn thành đầy đủ một cách có lương tâm nhiệm vụ của họ.

Được coi là lần đầu tiên về chủ đề này, ĐGH Phanxicô vào hôm thứ Hai đã gởi một văn thư cho toàn dân Chúa, hứa là sẽ nỗ lực hết sức để tạo ra một nền văn hóa có khả năng ngăn ngừa một cách hữu hiệu những tội phạm lạm dụng tình dục để nó không xảy ra nữa. Ngài cũng lập luận rằng tính bao che cho những tội phạm như thế và để nó tiếp tục lâu dài cần phải được ngăn chặn. Lời của ĐGH đã nói như vậy trong một “Văn thư gởi cho toàn dân Chúa” và đã được dịch ra bẩy ngôn ngữ khác nhau.

ĐGH đã viết văn thư này vào trước chuyến đi từ 25-26 tháng Tám của ngài đến Ái Nhĩ Lan và sau bản báo cáo gây tổn thương của Bồi Thẩm Đoàn của Pennsylvania về lạm dụng tính dục và sự bao che ở sáu giáo phận.

Một tội hình, chứ không chỉ đơn thuần là một tội.

Vào năm 2009/2010, Đức Giáo Hoàng Benedict đã viết một văn thư công khai gởi cho những người Công Giáo Ái Nhĩ Lan xin lỗi về những vụ bê bối lạm dụng đã được tiết lộ. ĐGH Benedict nói với các nạn nhân và những người còn sống sót rằng: “Các con đã chịu đau đớn quá nhiều và cha thành thật xin lỗi.” ĐGH Phanxicô, thì một cách khác, chọn đưa vấn đề này ra cho tất cả tín hữu Công Giáo và không chỉ cho cộng đồng người Ái Nhĩ Lan mà ngài sẽ tới thăm.

Greg Burke,người đứng đầu Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng văn thư này không chỉ nói về Ái Nhĩ Lan, Hoa Kỳ và Chile, nhưng văn thư gởi đến toàn thể cộng đồng dân Chúa. Ông nói rằng thật là quan trọng khi ĐGH gọi lạm dụng là một tội hình và không chỉ đơn thuần là một tội. Bruke nói rằng nội dung văn thư của ĐGH được hình thành bởi những gì mà nạn nhân đã nói với ngài trên mười năm qua. ĐGH không chỉ nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các giám mục về sự cảnh giác và trách nhiệm, nhưng ngài cũng kêu gọi tất cả các Kitô hữu thực hiện phần vụ của mình.

Ý nghĩa về nhận xét của Đức Tổng Giám Mục.

Lời nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Scicluna đặc biệt có ý nghĩa vì ngài đã từng đứng tại tuyến đầu trong cuộc đấu tranh của Giáo Hội chống lại nạn lạm dụng tình dục trẻ em từ thời giáo triều của ĐGH Gioan Phaolo II. ĐGM Scicluna đã thành công trong việc điều tra tại những nơi mà những người khác đã thất bại. Như vụ Marcial Maciel degallado, người sáng lập dòng Legionaries of Christ (Đạo Binh Kitô) có lẽ là vụ nổi tiếng nhất của ngài.

Những người viết bản tường trình về vụ lạm dụng ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã ghi nhận rằng rất ít vụ lạm dụng xảy ra sau năm 2002. Việc này phần lớn nhờ vào sự phục vụ của ĐTGM Scicluna đã mang lại cho Giáo Hội Hoa Kỳ một cấu trúc pháp lý và những kết cấu khác để có thể điều hành và sửa phạt sự lạm dụng.

Đức Giáo Hoàng Phanxico rất tin tưởng ĐTGM Scicluna trong nhiều vụ điều tra quan trọng, nhiệm vụ quan trọng mới đây nhất là ngài được gởi qua Chile. ĐGH Phanxicô đã thay đổi cách đánh giá sau khi đọc tường trình của ĐGM Scicluna, gặp gỡ và xin lỗi các nạn nhân và chấp nhận sự từ chức của một số các giám mục.

.
Source: Newbook “Pope’s letter is a strong signal that empowers”
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần II, Chương IV
Vũ Văn An
21:03 24/08/2018


Chương IV: Nghệ thuật đồng hành

120. Toàn bộ truyền thống tâm linh nhấn mạnh đến tầm quan trọng căn bản của việc đồng hành, đặc biệt trong diễn trình biện phân ơn gọi. Người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG bày tỏ nhu cầu này nhiều lần, nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của chứng từ và nhân đạo của người đồng hành với họ. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cũng đã nhấn mạnh việc giới trẻ đang yêu cầu các nhà lãnh đạo giáo hội sẵn lòng cung cấp việc phục vụ này như thế nào, và làm nổi bật việc các nhà lãnh đạo khó khăn ra sao trong việc bảo đảm điều này.

Có thể nói "đồng hành" nhiều cách

121. «Mọi người trẻ, không trừ ai, đều có quyền được hướng dẫn trong hành trình cuộc sống» (DP III, 2). Đồng hành ơn gọi là một diễn trình có khả năng giải phóng tự do, cũng như khả năng để hiến tặng và hòa nhập các chiều kích khác nhau của cuộc sống bên trong một chân trời ý nghĩa. Vì lý do này, một cuộc đồng hành đích thực sẽ cố gắng trình bày ơn gọi không phải như một số phận tiền định, một trách vụ phải thi hành, một kịch bản đã viết sẵn, phải được chấp nhận bằng cách tìm ra cách để thực thi nó một cách hữu hiệu. Thiên Chúa coi trọng sự tự do mà Người đã ban cho con người, và đáp trả lời kêu gọi của Người là một sự cam kết đòi hỏi việc làm, trí tưởng tượng, sự táo bạo và sẵn lòng thực hiện sự tiến bộ bằng cả lối thử, sai thì làm lại.

122. Các câu trả lời mà chúng ta nhận được cho thấy một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC xem xét việc đồng hành bằng các hạn từ “rộng rãi” (bao gồm cả các cuộc hội họp không thường xuyên, lời cố vấn tốt, các buổi đối thoại về các chủ đề khác nhau); đối với các Hội Đồng khác, nó là một điều gì đó chuyên biệt hơn và nằm trong phạm vi của “luyện thi Kitô giáo” (Christian coaching). Những người đồng hành với giới trẻ có thể là đàn ông và đàn bà, tu sĩ và giáo dân, các cặp vợ chồng; cộng đồng cũng đóng một vai trò quyết định. Do đó, việc đồng hành với người trẻ của Giáo hội mang nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp khác nhau, đan xen nhiều chiều kích khác nhau và sử dụng các phương tiện đa dạng, tùy thuộc vào bối cảnh nơi nó diễn ra và mức độ tham gia vào giáo hội và vào đức tin của những người được đồng hành.

Đồng hành thiêng liêng

123. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC coi việc đích thân đồng hành thiêng liêng như là nơi ưu tuyển, nếu không muốn nói là nơi duy nhất, để biện phân ơn gọi. Đây là một cơ may để học cách biết nhìn nhận, giải thích, lựa chọn, theo một quan điểm đức tin, lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (xem EG 169-174). Trong mối liên hệ đồng hành bản thân, điều quan trọng là nhận ra sự khác biệt giữa cách tiếp cận nam và nữ, cả đối với người đồng hành lẫn những người được đồng hành. Về mặt này, sự phong phú của truyền thống biết nói đến việc làm cha và làm mẹ tinh thần cần phải được thâm hậu hóa và duy trì.

124. Đồng hành thiêng liêng có những đặc điểm chuyên biệt làm nó khác với các hình thức đồng hành bản thân khác như huấn đạo, huấn luyện, dìu dắt, dạy kèm, vv Tuy nhiên, cũng có những mối liên hệ và liên kết giữa chúng. Muốn tránh việc không nhìn thấy tính thống nhất giữa con người và đặc điểm toàn diện trong mối liên hệ đồng hành, ta cần thăm dò tính bổ túc giữa việc đồng hành thiêng liêng theo nghĩa hẹp và các hình thức gần gũi khác mà, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có liên quan đến các cá nhân có thể giúp người trẻ biện phân và góp phần vào việc đào luyện lương tâm và tự do của họ.

Đồng hành tâm lý

125. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy, «sự biện phân thiêng liêng không loại trừ các hiểu biết thông sáng trong các lãnh vực hiện sinh, tâm lý, xã hội hay luân lý rút ra từ các khoa học nhân văn. Nhưng đồng thời, nó cũng vượt quá chúng » (GE 170). Cách riêng, cần chỉ rõ điều gì phân biệt việc đồng hành thiêng liêng với việc đồng hành tâm lý hay tâm lý trị liệu, một khoa, nếu chịu cởi mở đối với siêu việt, có thể trở thành nền tảng cho con đường hội nhập và tăng trưởng. Loại đồng hành thứ hai tập trung vào các nguồn tài nguyên, các giới hạn và biến hóa của con người trong việc hoàn thành các mong ước của họ. Còn đồng hành thiêng liêng thì nhắm một cách chuyên biệt hơn vào việc kích hoạt cuộc đối thoại thân mật giữa con người và Thiên Chúa trong cầu nguyện, khởi đi từ Tin Mừng và toàn bộ Sách Thánh, ngõ hầu tìm ra cách có tính bản vị nhất để đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi. Một nền sư phạm cẩn trọng sẽ cho phép việc hội nhập chiều kích tâm lý vào việc đồng hành thiêng liêng: không những chỉ lắng nghe và tương cảm (empathy), mà còn biện phân trong khi tương tác với Lời Chúa; không những chỉ tín thác, mà còn cố gắng nhận ra rằng niềm vui Tin Mừng đánh thức sự cao quí trong các ước muốn của chúng ta; không những chỉ là những giấc mơ, mà còn là những bước tiến thực sự vượt qua các khó khăn của đời sống.

Đồng hành và Bí tích Hòa giải

126. Đặc sủng đồng hành thiêng liêng không nhất thiết phải gắn liền với thừa tác vụ thụ phong. Trong truyền thống cổ xưa của chúng ta, những người cha và những người mẹ thiêng liêng đều là các giáo dân, đôi khi là các đan sĩ, nhưng không phải là giáo sĩ. Thói quen, qua đó, việc đồng hành hiện nay được kể như một trong số các vai trò được giao cho các linh mục có nguy cơ giới hạn nó vào cuộc đối thoại thường trùng lắp với việc cử hành bí tích thống hối. Mặc dù có sự gần gũi, các thừa tác viên hòa giải và các nhà đồng hành thiêng liêng có những mục đích, phương pháp và ngôn ngữ khác nhau. Đồng hành ơn gọi, theo nghĩa hẹp, đúng ra không phải là "chất thể" của bí tích hòa giải, vốn là sự tha thứ tội lỗi; tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích là điều không thể thiếu nếu muốn có tiến bộ trong cuộc hành trình này. Chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng, trong mối liên hệ giữa đồng hành và bí tích, các truyền thống thiêng liêng khác nhau đã khai triển nhiều nhạy cảm khác nhau.

Gia đình, đồng hành đào tạo và đồng hành xã hội

127. Các hoàn cảnh trong đó cuộc sống bình thường diễn tiến cung cấp nhiều cơ hội để gần gũi, một sự gần gũi giúp ta đồng hành với từng người trong hành trình phát triển của họ, theo nghĩa chuyên biệt thiêng liêng hay theo nghĩa nhân bản rộng rãi hơn. Có những trường hợp trong đó loại đồng hành này được xếp vào các nhiệm vụ có tính định chế của những người cung cấp nó, nhưng có những trường hợp, nó được đặt căn bản trên sự sẵn lòng, năng lực và sự cam kết của các cá nhân có liên quan.

Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc đến vai trò không thể thiếu của các gia đình trong việc biện phân ơn gọi, đặc biệt khi cha mẹ là những vai trò khuôn mẫu trong việc truyền cảm hứng đức tin và sự tận tụy: cha mẹ luôn là các nhân chứng đầu tiên, và thậm chí càng là thế ở những nơi thiếu các thừa tác viên thụ phong. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra, khi các gia đình quá nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thành công kinh tế hay nghề nghiệp, và điều này, cuối cùng, sẽ cản trở khả thể có được một cuộc hành trình biện phân ơn gọi mạnh mẽ. Đôi khi, việc tan vỡ gia đình dẫn người trẻ đến chỗ không còn tin tưởng vào khả thể lập kế hoạch cho tương lai và có được những niềm hy vọng lâu dài.

Đồng hành, cả dưới các tên gọi khác nhau, nằm ở trung tâm chú ý của nhiều hệ thống giáo dục, cả ở cấp trường học lẫn ở cấp đại học. Trước khi là một nhiệm vụ được giao phó cho các cá nhân chuyên biệt, nó là một thái độ sư phạm căn bản và một khung suy nghĩ thấm nhập toàn bộ cộng đồng giáo dục. Sự dìu dắt trong việc đào tạo chuyên nghiệp với viễn tượng chuẩn bị có việc làm, cũng là điều tự nó có giá trị. Như một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã cho thấy, các loại đồng hành này là «các máng chuyển quan trọng nhất qua đó các trường học, các đại học và các định chế giáo dục khác đóng góp vào sự biện phân ơn gọi của giới trẻ"; hơn nữa, chúng còn tạo dịp kích thích cách tiếp cận thực tại có phê phán khởi đi từ một viễn tượng Kitô giáo và việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Cuối cùng, có một số bối cảnh, vai trò và nghề nghiệp trong đó người lớn tiếp xúc với người trẻ, có lẽ vì những vấn đề chuyên biệt, có thể cung cấp một cuộc đồng hành làm thuận lợi cho diễn trình trưởng thành nhân bản hay giải quyết các tình huống có vấn đề: chúng ta có thể nghĩ tới vai trò của huấn luyện viên thể thao, những người có trách nhiệm giáo dục hoặc làm việc trong các loại định chế chuyên biệt (nhà tù, nơi trú ẩn đủ loại, văn phòng huấn đạo hoặc các trạm y tế) hoặc chuyên nghiệp (bác sĩ, nhà tâm lý học, nhà giáo dục, v.v.). Dù trong các trách nhiệm có giới hạn của họ, kể cả các chuyên gia, chúng ta phải nhìn nhận rằng những hình thức đồng hành này có thể có ý nghĩa thiêng liêng, và đóng một vai trò nào đó trong diễn trình biện phân ơn gọi.

Đồng hành trong việc đọc các dấu chỉ thời đại

128. Người trẻ bị thách thức bởi thực tại xã hội mà họ phải đối diện, một thực tại thường gợi ra những cảm xúc mạnh mẽ: việc giải thích của họ đòi có sự đồng hành và có thể trở thành phương thế để nhận diện các dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần khiến người trẻ và Giáo Hội chú ý. Sự thịnh nộ của người trẻ trước cảnh tham nhũng lan tràn, bất bình đẳng về cấu trúc gia tăng, khinh thường nhân phẩm, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số, bạo lực có tổ chức, và bất công dường như không được xem xét thỏa đáng, nếu chúng ta nhìn vào các câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC. Xem ra không có chỗ để thảo luận những vấn đề này trong các cộng đồng Kitô hữu. Ngoài ra, ở nhiều nơi trên thế giới, người trẻ thấy mình ở giữa bạo lực, trong tư cách thủ phạm hay nạn nhân, và họ dễ trở thành mồi ngon cho người lớn thao túng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị vô lương tâm biết cách khai thác các tham vọng đầy lý tưởng của giới trẻ để phục vụ lợi ích riêng của họ. Trong các bối cảnh khác, sự bách hại tôn giáo, chủ nghĩa cuồng tín và bạo lực chính trị đang làm nản niềm hy vọng về một tương lai hòa bình và thịnh vượng trong trái tim người trẻ. Đây cũng là những biên giới, trong đó, khả năng tiên tri trong việc đồng hành của Giáo hội phải đóng được một vai trò.

Đồng hành trong cuộc sống hàng ngày và trong các cộng đồng Giáo Hội

129. Cuối cùng, còn có việc đồng hành hàng ngày, thường im lặng nhưng không kém phần quan trọng, được cung cấp bởi những người giải thích cuộc sống của họ một cách hoàn toàn nhân bản qua chứng từ của họ. Cũng có tính nền tảng không kém và trong ngôn từ ơn gọi như thế, ta thấy có việc đồng hành bởi các cộng đồng Kitô giáo như một toàn thể, một cuộc đồng hành, nhờ mạng lưới liên hệ của nó, đề ra một lối sống và đứng chung hàng với những người đang trên hành trình hướng tới hình thức thánh thiện bản thân của họ. Như một trong các thánh bộ của Tòa Thánh từng tuyên bố, «khía cạnh cá thể của việc đồng hành biện phân chỉ có thể hữu hiệu nếu là một phần của kinh nghiệm Kitô Giáo có tính đối thần (theologal), huynh đệ và sinh ích. Thực vậy, chính từ cộng đồng, phát sinh ước muốn hiến mình, vốn là điều kiện tiên quyết cho việc biện phân đúng nghĩa các cách chuyên biệt để sống sự biện phân này».

Các phẩm tính của người đồng hành

130. Các nhà đồng hành được kêu gọi tôn trọng mầu nhiệm mà mỗi người đều mang trong mình và tin tưởng rằng Chúa vốn làm việc ở trong họ. Các nhà dìu dắt được mời gọi nhận ra họ là một mẫu mực có thể gây ảnh hưởng đối với người khác qua chính con người họ, hơn là qua những gì họ làm hoặc đề nghị. Sự tương tác sâu sắc về xúc cảm, một sự tương tác được tạo ra trong khung cảnh đồng hành thiêng liêng – không phải là chuyện ngẫu nhiên nếu truyền thống nói tới việc làm cha làm mẹ thiêng liêng, và do đó, tới mối liên hệ sinh sản sâu sắc - đòi người đồng hành phải có một sự đào tạo vững vàng, và khả năng tự mình cố gắng, trước hết, về mặt thiêng liêng và, ở một mức độ nào đó, cả về mặt tâm lý nữa. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể thực sự phục vụ người khác, bằng cách lắng nghe và biện phân, và tránh được các nguy cơ thường gặp nhất liên quan đến vai trò của họ: thay thế những người họ đồng hành trong việc tìm kiếm các lựa chọn và chịu trách nhiệm đối với chúng, phủ nhận hoặc dẹp bỏ sự xuất hiện các vấn đề tính dục và, sau cùng, vượt các ranh giới và can dự một cách không thích đáng và phá hoại đối với những người họ đang giúp đỡ trong hành trình thiêng liêng, đến độ gây ra các lạm dụng và phụ thuộc thực sự. Khi điều này xảy ra, ngoài những thương tích gây ra cho những người được đồng hành, một bầu khí sợ hãi và ngờ vực bắt đầu lan rộng, một điều làm nản thói quen đồng hành.

131. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận ra rằng đồng hành là một việc phục vụ có tính đòi hỏi, khi đụng đến đức tính bản thân của những người làm việc đó: «Người trẻ đang yêu cầu [...] có được các người đồng hành hữu hiệu và đáng tin cậy, những người tràn đầy niềm tin; những người bắt chước Chúa Kitô, Đấng vốn sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc trong khi cổ vũ mối tương quan với Thiên Chúa và Giáo Hội ». Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến việc các người đồng hành có khả năng ra sao trong việc gây cảm hứng cho lòng tin và là những người khôn ngoan, «những người không sợ bất cứ điều gì, biết cách lắng nghe và được Chúa ban cho hồng phúc nói lời đúng vào đúng lúc» (GMTHĐ, trả lời câu hỏi số 2).

132. Người trẻ của dự cuộc Hặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã mô tả chính xác khuôn mạo của người đồng hành: «một Kitô hữu trung thành biết dấn thân vào Giáo hội và thế giới; một người luôn tìm kiếm sự thánh thiện; một người tâm giao không phán xét; tích cực lắng nghe các nhu cầu của người trẻ và đáp ứng cũng tích cực; yêu thương và tự biết mình cách sâu xa; thừa nhận các giới hạn của mình và biết hưởng các niềm vui và nỗi buồn của cuộc hành trình thiêng liêng” » (GMTHĐ 10). Đối với người trẻ, điều đặc biệt quan trọng là các người đồng hành nhận ra nhân tính và tính dễ sai lầm của mình: “Đôi khi người đồng hành được đặt trên bệ cao, và khi họ ngã xuống, sự tàn hại có thể ảnh hưởng đến khả năng người trẻ trong việc tiếp tục dấn thân với Giáo Hội” (GMTHĐ 10). Họ cũng nói thêm rằng «người đồng hành không nên dẫn dắt người trẻ như những người thụ động theo mình, nhưng đi bên cạnh họ, cho phép họ trở thành những người tham gia tích cực trong cuộc hành trình. Họ nên tôn trọng quyền tự do luôn đi kèm với diễn trình biện phân của người trẻ và trang bị cho họ các công cụ để thực hiện điều này một cách hữu hiệu. Các người đồng hành nên hết lòng tin vào khả năng của người trẻ trong việc tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Họ nên nuôi dưỡng những hạt giống đức tin nơi người trẻ, mà không mong ngay lập tức nhìn thấy hoa trái việc làm của Chúa Thánh Thần. Vai trò này không và không thể bị giới hạn vào các linh mục và tu sĩ, nhưng giáo dân cũng nên được trao quyền để đảm nhận một vai trò như vậy. Tất cả những người đồng hành như thế sẽ được hưởng lợi nếu được đào tạo tốt và tham gia vào việc đào tạo liên tục» (GMTHĐ 10).

Sự đồng hành của các chủng sinh và người trẻ thánh hiến

133. «Đồng hành bản thân là một phương thế không thể thiếu trong việc đào tạo» (RFIS 44) các chủng sinh, nhưng việc này cũng có thể dễ dàng áp dụng cho các tu sĩ nam nữ đang được đào tạo. Trước hết, điều này phục vụ việc biện phân ơn gọi và xác nhận đặc sủng: cả các cá nhân lẫn Giáo Hội đều cần xác minh các lựa chọn đã làm. Để đạt được mục đích này, điều cốt yếu là các người đồng hành dành một chỗ có thực chất cho tự do trong chính bản thân họ: gợi hứng lòng tin đòi phải từ bỏ các hình thức kiểm soát trá hình; khám phá ra việc đào tạo có thể bị gián đoạn và việc giúp người ta khám phá các nẻo đường thay thế không nên bị loại bỏ một cách tiên thiên, hoặc bị coi như một thất bại, ngay cả trong các tình huống thiếu các thừa tác viên thụ phong hay các vị thánh hiến nam nữ. Đồng thời, việc đồng hành này sẽ góp phần vào diễn trình trưởng thành nhân bản và Kitô giáo của những người đang được đào tạo và là một đầu tư thực sự vào việc đào tạo, nhằm tạo ra một lớp người đàn ông và đàn bà đủ các phẩm tính cần thiết để đồng hành với người khác giúp họ khám phá ra ơn gọi và theo ơn gọi này. Người ta học được việc đồng hành trước nhất bằng cách chấp nhận được đồng hành.

134. Kinh nghiệm của các nhà đào tạo cho thấy các ứng viên của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến là những người trẻ thời nay cùng chia sẻ các đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa và cách tiếp cận thế giới của những người cùng trang lứa, bắt đầu với sự phổ biến các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số. Đồng hành sẽ phải tập chú vào việc thâm hậu hóa đời sống thiêng liêng của bản thân họ, cũng như động lực tông đồ của họ, cổ vũ sự tổng hợp việc chịu khó làm việc, các nỗi thất vọng và sự khô khan; nếu các khó khăn tâm lý xuất hiện, thì ngoài việc đồng hành thiêng liêng, một việc đồng hành chuyên biệt sẽ cực kỳ hữu ích. Đồng thời, việc đồng hành thiêng liêng sẽ cố gắng ngăn cản các ứng viên khỏi lãng phí thời gian bằng cách giúp họ bám trụ vào giai đoạn họ đang trải qua, dù tạm thời, chứ không sống trong sự mong chờ đến lúc việc đào tạo kết thúc. Việc gặp gỡ Chúa diễn ra trong lúc hiện tại, cả với những người đang sống trong các viện đào tạo.

135. Một thách thức mà thời ta ngày càng làm gia tăng là sự tích nhập các dị biệt. Đặc biệt trong các bối cảnh đào tạo có nhiều người từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau, người trẻ sẽ phải được đồng hành để đối phó với cuộc đối thoại liên văn hóa, chuẩn bị cho những gì xã hội đòi hỏi vào cuối diễn trình đào tạo của họ. Nếu một mặt, người trẻ thiết tha muốn được gặp gỡ với các nền văn hóa khác, thì mặt khác họ lại gặp khó khăn trong việc đối phó với các dị biệt, vì họ phát xuất từ các xã hội vốn sử dụng các phương thế phòng ngừa rất mạnh mẽ chống lại tính đa dạng, thậm chí cố gắng phủ nhận, tiêu chuẩn hóa hay hạ giá tính đa dạng này.

136. Đồng hành cũng sẽ rất quan trọng để giải thích thỏa đáng bối cảnh của người ta, những bối cảnh, ngày nay, càng ngày càng trở thành đa dạng về tuổi nhập học, trình độ giáo dục, việc đào tạo trước đó, các kinh nghiệm nghề nghiệp và xúc cảm trước đây, bối cảnh giáo hội (giáo xứ, các hiệp hội, phong trào, vv). Đồng hành là một phương thế chủ chốt để có được cách tiếp cận thực sự có tính bản vị đối với các nẻo đường đào tạo, mà người trẻ chắc chắn đánh giá cao, vì họ vốn coi các đề xuất có tính tiêu chuẩn là quá khổ hạnh. Điều này cũng có thể áp dụng vào thứ đồng hành chuyên biệt giảng dạy trong diễn trình học tập của họ.

Kỳ sau: PHẦN III: CHỌN LỰA: CÁC NẺO ĐƯỜNG HỒI TÂM MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO
 
350 cặp vợ chồng người Ái Nhĩ Lan đang chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhà thờ Chính tòa Đức Maria
Thanh Quảng sdb
22:30 24/08/2018
350 cặp vợ chồng người Ái Nhĩ Lan đang chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhà thờ chính tòa Đức Maria
Nhà thờ Chính Tòa Dublin

Đức Thánh Cha Phanxicô đang chờ đợi một cuộc họp đặc biệt do lời yêu cầu của 350 cặp vợ chồng mới kết hôn người Ireland.
Mở đầu cuộc tông du mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ireland tham dự Đại Hội Gia đình Thế giới sẽ diễn ra vào chiều thứ Bảy khi Ngài tới viếng Nhà thờ chính tòa Đức Maria ở Dublin. Tại đây Ngài sẽ gặp gỡ 350 cặp hôn nhân đang đính hôn hay mới làm lễ cưới.
Cha Kieran Mc Dermott, chính sở của Nhà thờ Chính tòa Đức Maria tại Dublin cho Đài Vatican hay những gì sẽ xảy ra trong biến cố này và về tầm quan trọng của Nhà thờ chính tòa đối với người dân Ireland.
Giáo hoàng đã lên kế hoạch cho chuyến viếng thăm này!
Cuộc họp với các cặp vợ chồng đang đính hôn hay vừa mới kết hôn sẽ diễn ra theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, Cha Mc Dermott cho hay. Các cặp vợ chồng này đến từ các giáo phận của nước Ireland.
Trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến, các cặp vợ chồng này sẽ tham dự một cuộc hội thảo mục vụ 90 phút dựa trên chương 4 của Tông huấn về Niềm vui Tình Yêu (Amoris Laetitia).
Điều gì sẽ xảy ra trong chuyến thăm
Bên trong nhà thờ Chính tòa Dublin

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tới, trước tiên ngài sẽ dành một khoảnh khắc cầu nguyện trong yên lặng trước bàn thờ dành riêng cho các nạn nhân bị lạm dụng tính dục được thiết lập từ năm 2010. Sau đó, một cặp vợ chồng mừng lễ kỷ niệm Kim khánh thành hôn sẽ đại diện cho tất cả chào đón ĐTC. Sau đó, hai cặp vợ chồng khác sẽ đệ lên Đức Thánh Cha Phanxicô những câu hỏi và xin Ngài giải đáp...
Cha Mc Dermott dự đoán
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giảng giải ý nghĩa của tình yêu kết hôn theo ý niệm của ngày hôm nay và ơn gọi gia đình ngày nay. ĐTC cũng nói về các thế hệ gia đình trong tương lai…. Chúng tôi không biết ĐTC sẽ nói gì, nhưng chúng tôi đang mong chờ những gì Ngài sẽ nói với chúng tôi, và những gì chúng tôi có thể học hỏi được từ Ngài, cũng như từ kinh nghiệm của cuộc sống gia đình mà ĐTC thường đề cập tới.
Nhà thờ Chính tòa Thánh nữ Maria
Cha Mc Dermott giải thích Nhà thờ Chính tòa tại Dublin tương đối hiện đại bởi vì nước Ireland bị ảnh hưởng “thời cực thịnh” Cải cách của nước Anh. Nhà thờ Chính tòa Đức Maria được xây cất khi Đức Tổng Giám Mục Troy đã thành lập một ủy ban xây dựng vào khoảng năm 1803 và người dân thành phố Dublin đã quyên góp tiền bạc để xây cất. Nhà thờ đã được Đức Tổng Giám Mục Daniel Murray thánh hiến vào năm 1825 nhân ngày Lễ Thánh Laurence O’Toole, quan thầy của Tổng Giáo Phận. Nhà thờ nằm ở phía bắc của thành phố Dublin trong một khu phố dân cư lao động. "Người dân Dublin có một tình cảm và yêu quí dành cho nhà thờ Chính tòa" cha Dermott chia sẻ vậy. Cha cũng cho hay nhiều "sự kiện quan trọng, chẳng hạn như các quốc tang và hội họp toàn quốc” thường được cử hành tại nhà thờ chính tòa này.
 
Dân chúng Ái Nhĩ Lan đang nao nức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
23:06 24/08/2018
Dân chúng Ái Nhĩ Lan đang nao nức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vào thứ bảy này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay đến Ireland để tham dự Đại hội hế giới về Gia Đình gọi tắt là (WMOF2018).
Được biết vào năm 1980, một linh mục trẻ dòng Tên từ Buenos Aires đến Dublin để học tiếng Anh tại Học Viện Dòng Tên ở phía nam thành phố Dublin, tên ngài chính là Jorge Bergoglio.
Chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài sau một năm chuyến tông du của Đức thánh Giáo hoàng John Paul II được đón tiếp nồng nhiệt tại một vùng đất đã được thấm nhuần đức tin một cách sâu xa và vững mạnh.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tới Ái Nhĩ lan vào ngày thứ Bảy này, Ngài sẽ đến với một đất nước có nhiều đổi thay sau 40 năm qua.
Một nước Ireland thay đổi
Nước Ireland đã trải qua một cuộc suy thoái sâu đậm vào thập niên 80; một cuộc bùng phát kinh tế được mệnh danh là "Con Hổ xứ Celtic" vào đầu thập niên 2000; nhưng cũng kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên đó.
Về đức tin của quốc gia này, được gọi là hòn đảo của các Thánh và các Học Giả, nhưng mới đây các vụ bê bối về lạm dụng tình dục đã làm chấn động cả Giáo Hội, để lại những dấu tích không thể xóa nhòa. Dư âm của sự hận thù và thất vọng từ những nạn nhân đau khổ, đang đòi hỏi phải có những hành động cụ thể. Nhưng nhiều người cũng hy vọng sau những đen tối đức tin sẽ được bừng sáng, nên đây thực sự là thời điểm tốt đẹp để Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm viếng Ireland.
Vào đêm trước của chuyến viếng tông du này, mọi hoạt động thấy vẫn bình lặng, nhưng không phải là không có dấu hiệu về các biện pháp gìn giữ an ninh và lo lắng về giao thông. Các bài nói chuyện của ĐTC sẽ suy tư và phản ảnh chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II, tập trung vào những thách đố mà Giáo Hội đang phải đối diện, kinh qua hành trình của ĐTC, những cuộc gặp gỡ với những người đang chờ đợi chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là: khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Dublin, Ngài sẽ tham dự Đại hội về gia đình và được biết có cả trăm ngàn người đang chờ đợi chào đón ngài...
 
Văn Hóa
Đại Hội Gia Đình Thế Giới
Đinh Văn Tiến Hùng
21:22 24/08/2018

*Tin Mừng Gia Đình : Niêm Vui Cho Thế Giới.
Hiệp thông cùng Đại Hội GĐTG lần 9 tại Dublin, Ái Nhĩ Lan ( 21-26/8/18 )
*”Các gia đình ngày nay phải đối diện với nhiều thách đố trong các nỗ lực của họ muốn hiện thân cho tình yêu trung thành, nuôi dưỡng con cái bằng các giá trị vững chắc và trở thành chất men cho sự tốt,
Tình yêu và quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng lớn hơn…”
( Trích Thông điệp ĐTC Phanxicô ngỏ lời chào mừng Đại Hội GĐTG tại Ái Nhĩ Lan )

Hãy hỏi Gia đình có phải là chốn,
Sau khi bạn không còn có nơi về ?
Nhưng dù bạn đã chối bỏ lời thề,
Vẫn còn bao cánh tay đang chờ đón.

Bạn phải biết hôn nhân là ơn gọi,
Vì yêu thương Thiên Chúa đã lập ra,
Gia đình tiên khởi A-đam E-và,
Là bí tích đầu tiên trao nhân loại.

Luật Chúa truyền ta không được hủy hoại,
Suốt một đời sướng khổ vẫn bên nhau,
Sống trung trinh thắm thiết bạc mái đầu,
Tình yêu gắn bó đến khi vĩnh biệt.

Hoa trái tình yêu chính là con cái,
Là phần thưởng tuyệt hảo của Chúa Trời,
Phải dưỡng nuôi giáo dục cho nên người,
Hữu dụng cho đời, rạng danh Giáo Hội.

Nếu hôn nhân đi lạc đường sai lối,
Đem bao trẻ thơ bất hạnh vào đời,
Không cha không mẹ vì bị bỏ rơi,
Sa ngã đó mau hồi tâm xám hối.

Ngày nay cuộc sống hôn nhân tội lỗi,
Bởi đam mê trụy lạc sống cho mình,
Sống buông thả, cho là nét văn minh,
Nhưng đó là văn minh của thần chết.

Không Gia đình nhân loại bị hủy diệt,
Không Gia đình nhân loại sẽ về đâu,
Không Gia đình nhân loại trên địa cầu,
Cũng chỉ là vật vô tri vô giác.

Thảm họa đó được Giáo Hội minh xác :
‘Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Về Gia Đình’
Tìm hướng đi cho thế giới hồi sinh,
Trong ơn gọi của Tình Yêu Thiên Chúa.

Chẳng muộn đâu nếu biết mình thất hứa,
Nhưng thực tâm hối cải muốn quay về,
Như đứa con phung phá trở về quê,
Cha Nhân Từ sẽ thứ tha tất cả.

Đón trời mới muôn trăng sao sáng tỏa,
Hoa địa cầu nở rực rỡ sắc màu,
Chim hòa bình bay lượn khắp địa cầu,
Gia đình hạnh phúc, trẻ thơ ngoan đẹp.

Gương sáng ngời Gia đình Na-gia-rét,
Thánh Giuse và Trinh Nữ Maria,
Cùng Chúa Giêsu yêu mến chan hòa,
Thánh Gia Thất thật tấm gương cao cả !

Thánh Gia đã soi đường cho nhân loại,
Đem yêu thương trùm phủ khắp không gian,
Nơi hạ giới sẽ tựa chốn thiên đàng,
Vang lời ca Hòa bình cho nhân thế.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sống Khoẻ
Vũ Đình Huyến Lm.
07:28 24/08/2018
SỐNG KHOẺ
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)
Sống vui sống khoẻ là đời thần tiên.
(bt)