Ngày 24-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lịch Phụng Vụ tháng 9/2011
LM Anphong Trần Đức Phương
03:00 24/08/2011
Trong tháng 9 này, chúng ta sẽ mừng các Chúa Nhật 23, 24, 25, và 26 thường niên, Năm A. Ngoài ra chúng ta cũng mừng những lễ đặc biệt: Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (ngày 8/9); Thánh Danh Đức Maria (ngày 12/9); Suy Tôn Thánh Giá (ngày 14/9); Đức Mẹ Sầu Bi (ngày 15/9).

CHÚA NHẬT 23 (4/9): Trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đồng hành trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, sở làm, hội đoàn, giáo xứ. Chúng ta cần đoàn kết thương yêu nhau, nâng đỡ lẫn nhau, cùng nhau cầu nguyện và giúp nhau sửa đổi lỗi lầm. Bài đọc 1 (Êgiêkiel 33:7-9): mọi người đều có trách nhiệm yêu thương và sửa đổi lỗi lầm cho nhau, giúp nhau trở về “đường ngay nẻo chính.” Bài đọc 2 (Thơ Rôma 13:8-10): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta giới răn chính là yêu thương nhau, “yêu thương tha nhân như chính mình” và xa tránh tội lỗi, như ngoại tình, gian dối, vu khống… Bài Phúc Âm (Matthêu 18:15-20): Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương giúp nhau sửa đổi đời sống, tha thứ lỗi lầm cho nhau, và biết đồng tâm nhất trí trong lời cầu nguyện, vì khi chúng ta họp nhau cầu nguyện thì Chúa ở giữa chúng ta và nghe lời chúng ta nguyện cầu.

LỄ SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA (8/9): Hôm nay chúng ta hợp cùng toàn thể Giáo Hội để mừng ngày Mẹ Maria sinh ra. Ngày Mẹ sinh ra là khởi đầu niềm vui cho nhân loại, vì Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng muôn dân trông đợi. Bài Đọc 1 (Sách Tiên Tri Mika 5:1-4; hoặc Thư Rôma 8:28-30). Bài Phúc Âm (Matthêu 1:1-16, 18-23).

CHÚA NHẬT 24 (11/9): Tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối, dù chúng ta phải luôn luôn sửa đổi đời sống để mỗi ngày nên thánh thiện hơn, nhưng chúng ta vẫn là những con người mang nhiều khuyết điểm; vì thế chúng ta cần thông cảm và tha thứ lỗi lầm cho nhau, không phải chỉ “bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy!” Sự tha thứ đặc biệt quan trọng giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, để gia đình chúng ta luôn là “mái ấm,” tràn đầy hạnh phúc. Bài Đọc 1 (Sách Đức Huấn ca 27:30 - 28:7): Thiên Chúa là Đấng nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ những yếu đuối và lầm lỗi của chúng ta; vì thế chúng ta cũng hãy hết lòng tha thứ cho nhau. “Tích lòng giận giữ, thù hận, báo thù…đều đáng ghê tởm!” Bài Đọc 2 (Thơ Rôma 14:7-9):Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: là con cái Chúa, chúng ta không được sống ích kỷ, chỉ biết sống cho mình; nhưng hãy biết sống quảng đại, sống cho Chúa và tha nhân. Bài Phúc Âm (Matthêu 18:21-35) Chúa Giêsu kể dụ ngôn “Người quản lý bất lương” và dạy chúng ta hãy tha thứ cho nhau, như Chúa luôn tha thứ cho chúng ta khi chúng ta biết ăn năn sửa đổi lỗi lầm và tha thứ cho nhau.

LỄ KÍNH THÁNH DANH ĐỨC MARIA (12/9): Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy tôn kính Thánh Danh của Mẹ “Maria”, và năng kêu cầu Danh Mẹ, nhất là khi gặp cám dỗ hay khi chịu khó khăn, thử thách. Bài Đọc 1 (1 Thimôthê 2:1-8); Bài Phúc Âm (Luca 7:1-10).

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ (14/9): Hôm nay chúng ta tôn thờ Thánh Giá Chúa. Thánh Giá là một điều nhục nhã đối với thế gian; nhưng đối với chúng ta, Thánh Giá là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta; vì Chúa Giêsu đã chịu chết nhục nhã trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy năng suy ngắm sự thương khó của Chúa khi đi đàng Thánh Giá, khi chiêm ngưỡng Thánh Giá Chúa và xin cho chúng ta biết can đảm “bỏ mình đi, vác Thánh Giá hàng ngày theo chân Chúa,” nhất là khi gặp đau khổ, thử thách, bệnh tật…Bài Đọc 1 (Sách Dân Số 21:4-9); Bài Đọc 2 (Philipphê 2:6-11); Bài Phúc Âm (Gioan 3:13-17).

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI (15/9): Ngay sau ngày Lễ Kính Thánh Giá, chúng ta dâng lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi để tưởng niệm những đau khổ Mẹ đã chịu để đồng công cứu chuộc nhân loại. Mẹ đã thưa lời “xin vâng” khi Thiên Thần báo tin Mẹ được diễm phúc chịu thai Chúa Con qua tác động của Chúa Thánh Thần. Mẹ cũng thưa lời “xin vâng” khi phải sinh Chúa Con nơi hang đá bò lừa, và khi phải chứng kiến những cực hình mà Chúa Con phải chịu trong cuộc khổ nạn, nhất là dưới chân Thánh Giá. Bài Đọc 1 (Thơ Do Thái 5:7-9); Bài Phúc Âm (Gioan 9:25-27; hoặc Luca 2:33-35).

CHÚA NHẬT 25 (18/9): Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là hoàn toàn do lòng nhân hậu của Chúa, chứ không phải chỉ là do nỗ lực riêng của chúng ta; vì thế chúng ta luôn phải khiêm tốn, hạ mình xuống và tạ ơn Chúa. Bài Đọc 1 (Tiên tri Isaia 55:6-9): Qua Tiên tri Isaia, Chúa dạy chúng ta hãy bỏ đường lối gian ác, bất lương và thật tâm trở về với Chúa, thì Chúa sẽ tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng ta. Đường lối và tư tưởng của Chúa thì vượt qua mọi sự suy nghĩ và tư tưởng của chúng ta. Bài Đọc 2: (Thơ Philipphê 1:20-24, 27): Thánh Phaolô mời gọi chúng ta “hãy luôn sống xứng đáng với Tin Mừng của Chúa” đã rao giảng cho chúng ta. Dù sống hay chết, chúng ta luôn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Matthêu 20:1-16): Chúa Giêsu kể dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” để dạy chúng ta đừng ghen tị với người khác, mọi ơn lành và ơn cứu độ đều chỉ do lòng Chúa thương ban cho mọi người, tùy theo lòng nhân hậu của Chúa đối với mỗi người.

CHÚA NHẬT 26 (25/9): Tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và đem ra thực hành là điều kiện để được ơn cứu rỗi. Dù chúng ta đã trót phạm những lỗi lầm; nhưng nếu chúng ta nhận biết tội lỗi chúng ta và hạ mình xuống, ăn năn hối cải và xin Chúa thứ tha, thì chúng ta sẽ được Chúa thương tha thứ; nếu chúng ta cứng lòng, tự phụ như nhóm “thượng tế và kỳ lão” tự cao tự đại, không chịu nghe theo lời Chúa, mà chỉ tự phụ vào chính mình chống lại Chúa và giết Chúa trên thập giá, thì phải chịu án phạt. Bài Đọc 1 (Sách Tiên tri Êgiêkiel 18:25-28): Đường lối của Chúa luôn chính trực và khoan dung. Những kẻ gian ác mà biết ăn năn sám hối lỗi lầm, từ bỏ tội lỗi, thì vẫn được tha thứ; trái lại những người từ bỏ con đường công chính mà đi theo con đường gian ác thì phải bị luận phạt. Bài đọc 2 (Thơ Philipphê 2:1-11): Thánh Phaolô nêu lên gương sáng của Chúa Giêsu “dù là Thiên Chúa thật, nhưng vì yêu thương chúng ta, người đã tự hạ mình xuống, trở nên như chúng ta và chết nhục nhã trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy biết hạ mình, sống khiêm nhượng và sống “đồng tâm nhất trí với nhau” và tha thứ, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Bài Phúc Âm (Matthêu 21: 28-32): Chúa Giêsu kể dụ ngôn về “hai người con”: một người hứa ngoài miệng mà không thực hành; một người từ chối lúc ban đầu, nhưng sau đó hối hận, nên quyết tâm thực hành Lời Chúa, người con nầy đã “làm theo ý Cha mình và đáng được thưởng công.” Kể dụ ngôn đó, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hãy luôn biết sám hối lỗi lầm, từ bỏ tính kiêu căng, và hạ mình xin ơn tha thứ để được cứu rỗi; dù chúng ta có lỡ lỗi lầm như “những người làm điếm hay thu thuế!”

Chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau, xin Chúa nhờ lời Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương và giúp đỡ mọi người trong mọi nơi chúng ta sống hằng ngày, nhất là trong gia đình và ở sở làm.
 
Theo Thầy Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:02 24/08/2011
Chúa Nhật 22 thường niên

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự nếu họ mất vì Thầy Giêsu thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải "đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải "từ bỏ chính mình", tức là "tư tưởng của loài người", mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy "anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ.

Từ bỏ là một quy luật.

- Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

- Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ... có thế mới phát triển dần thành người lớn.

- Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

- Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia... mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.

Như thế từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày. Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản "mất mạng sống mình vì Thầy". Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?" (Mt 16,26). Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là "mất mạng sống mình vì Thầy" (Mt 16,25). Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được ? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên : "Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng" (Gr 20,7). Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để "ngày thứ ba sẽ chỗi dậy" (Mt 16,21) từ cõi chết. Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ "tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,25), vì Thầy là "sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là "con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Cầu nguyện

"Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Têrêxa Calcutta).
 
Ngược dòng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:56 24/08/2011
Chúa Nhật 22 thường niên

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).

Đường lên Giêrusalem là con đường của tình yêu. Đường lên núi Sọ là con đường hiến dâng. Chúa Giêsu đã đi trọn con đường dương thế. Chúa Giêsu được sinh ra trong máng cỏ tanh hôi và lạnh lẽo. Cùng cha mẹ trốn sang quê người đất lạ, rồi trở về quê nhà sống âm thầm tại Nazarét và tới tuổi trưởng thành Chúa ra đi rao giảng tin mừng cứu độ. Cuối đời, 33 tuổi, Chúa vác thánh giá lên đồi Calvê dâng hiến lễ toàn thiêu đền tội cho nhân loại. Những con đường Chúa đã đi qua đều mang dấu ấn của tình yêu. Chúa Giêsu đã đi trọn con đường dẫn về Nhà Cha trên trời.

Mỗi năm khi kết thúc các khóa học ra trường, chúng ta nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ đang dấn thân vào đời. Những nam thanh nữ tú ra trường với bằng cấp thật đáng khen ngợi. Họ bắt tay vào công việc dựng xây dựng đời sống tương lai bằng tất cả nhiệt huyết. Họ đã phải miệt mài phấn đấu vất vả từng ngày trên ghế nhà trường và nơi huấn luyện. Họ thành công bước đi trong niềm hãnh diện. Nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm, có danh vọng và địa vị, có tình yêu gia đình con cái và có gia sản riêng tư. Nhiều bạn sẽ thành công trên đường đời và sống hạnh phúc vui tươi trong gia đình ấm cúng.

Suy niệm bài phúc âm và nghe lời Chúa mời gọi: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24). Tôi muốn rẽ vào một ngõ hẹp để chiêm ngắm mầu nhiệm của ơn gọi hiến thân. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, xin chúc mừng tất cả các ơn gọi hiến thánh. Tất cả các ứng sinh, các đệ tử, chủng sinh, khấn sinh, khấn tạm, khấn trọn, phó tế và linh mục đã và đang tiếp tục bước theo Thầy Chí Thánh trên con đường trọn lành. Các tu sĩ nam nữ đã đáp lại mời mời gọi của Chúa Giêsu đi vào con đường hẹp. Con đường của sự hy sinh và từ bỏ. Con đường của sự khó nghèo và trong sạch. Con đường của lòng thương xót và tha thứ. Con đường nhỏ hẹp dẫn chúng ta vào hạnh phúc đời này và đời sau. Các tu sĩ đã chọn Tám Mối Phúc Thật làm kim chỉ nam cho đời tu.

Rảo qua trên các mạng lưới, tin báo và thiệp mời, chúng ta vui mừng đón nhận những chứng nhân thời đại. Tất cả các Nhà Dòng hay các Đại Chủng Viện, nơi nào cũng có các tu sĩ nam nữ tuyên khấn hay chịu chức Phó tế, Linh mục. Các tu sĩ nam nữ khấn tạm, viễn khấn, kỷ niệm ngân khánh và kim khánh khấn dòng. Các khấn sinh hay tiến chức đều là những người trẻ đạo đức, thông minh và nhiệt thành. Những tâm hồn thanh thoát dám trút bỏ bụi trần theo tiếng gọi của Đấng Phục Sinh để phục vụ tha nhân. Họ được Chúa chúc phúc ngay trong cuộc sống hiện tại: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5,8). Tôi chỉ biết quỳ lặng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chúa đã làm những việc vĩ đại lạ lùng giữa nhân loại.

Tôi thật cảm động khi chứng kiến những lớp người trẻ dám hiến thân mình phục vụ Chúa, Giáo Hội và tha nhân. Kết thúc khóa huấn luyện, năm tu học và tu thân tích đức. Mùa dâng hiến ghi dấu bao nhiêu bạn trẻ đã nằm xuống khấn hứa sống khó nghèo, độc thân và vâng lời. Họ đã vững bước sống Hiến Chương Nước Trời: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3). Chúng ta không thể tưởng tượng được tại sao những thanh niên, thiếu nữ đang tuổi xuân thì, tràn đầy nhựa sống, tương lai sáng lạn đầy hứa hẹn với danh vọng quyền thế và hạnh phúc lứa đôi. Động lực nào làm cho các Tu Sĩ nam nữ, các Dì, các Thầy, các Cha dám từ bỏ mình và vác thánh giá mình mà theo Chúa? Các tu sĩ đã chọn lội ngược dòng lên đỉnh đồi Calvê như Chúa Giêsu dẫn các tông đồ lên Giêrusalem.

Tôi rất vinh dự được tham dự lễ khấn lần đầu tại Nguyện Đường Nhà Dòng ở Linh Xuân, Thủ Đức. Nghi thức tiên khấn tạm 3 năm trong tinh thần của Dòng Thánh Đaminh. Có 43 Dì thật trẻ trung, vui tươi và khuôn mặt hiền dịu thánh thiện bước lên gian cung thánh trước mặt Mẹ Bề Trên Tổng Quyền để đọc lời tuyên khấn giữ ba nhân đức cao cả. Các Dì trẻ đã trải qua những tháng năm được huấn luyện về đời sống nhân bản cả trí, đức và dục. Chúng ta không thể chỉ đếm con số các Dì tuyên khấn, nhưng nhìn thấu vào từng trái tim nồng cháy yêu thương và từng mảnh tâm hồn dám hiến dâng. Trong tâm tình tạ ơn, xin chúc mừng quí Dì mừng Ngân Khánh và Kim Khánh. Quí Dì đã trải qua cuộc lữ hành phục vụ đầy chông gai và thánh giá. Đời hiến dâng không phải một ngày, một tháng hay một năm mà là cả cuộc đời. Ôi đẹp thay những bước chân đi gieo mầm cứu rỗi!

Các tu sĩ nam nữ đang là niềm hy vọng cho mọi người. Họ là đèn sáng soi trong đêm tối sai lầm tội lỗi, là muối ướp mặn những thói hư tật xấu, trụy lạc và là men làm dậy những ươn lười, thất vọng, chán nản và buông thả. Các tu sĩ là gương soi và mẫu mực trong cuộc sống bị tràn ngập dối gian, lừa đảo và bất trung bất tín. Các tu sĩ là trụ bám cho nhiều người sa cơ lỡ bước. Ngày xưa tổ phụ Abraham đã trả giá với Chúa để xin Chúa tha thứ hình phạt cho hai thành Sôđôma và Gômôra. Abraham nài xin với Chúa rằng nếu ông kiếm được 10 người công chính trong hai Thành Phố này, thì xin Chúa tha phạt cho cả thành. Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? " Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."(Stk. 18,32). Cuối cùng ông đã thua cuộc trả giá với Chúa và hai Thành Phố bị lửa sinh diêm đốt cháy thành tro bụi: Thiên Chúa làm mưa diêm sinh và lửa từ Thiên Chúa, từ trời, xuống Sôđôma và Gômôra (Stk. 19,24).

Mọi ơn gọi đều phát xuất từ tổ ấm gia đình. Gia đình là vườn ươm ơn gọi. Có ơn gọi trong đời sống lứa đôi và ơn gọi sống đời tu trì độc thân dâng hiến. Mỗi người đều được mời gọi nên hoàn thiện trong bậc sống của mình. Con đường đi lên thì bao la bát ngát và đầy thử thách chông gai. Chúa gọi mời chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Ai cũng có thể nên hoàn thiện và nên thánh. Trong lịch sử của Giáo Hội hiện đại đã có những bà mẹ từng sống đời đôi bạn đã trở nên những vị thánh như Elizabeth Seton, Jane Frances de Chantal, Edith Stein và vị đáng kính Dorothy Day. Chúng ta có thể sống thánh và nên thánh ngay trong đời sống gia đình thường nhật bằng cách chu toàn bổn phận mình.

Cộng đoàn cũng là nơi phát triển ơn gọi. Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi hiến dâng và nâng đỡ ơn gọi. Trong thế giới vật chất hưởng thụ và cuộc sống an vui tự tại, ngày nay có ít các bạn trẻ muốn rẽ vào ngõ hẹp và đi ngược dòng. Nhất là nơi các nước văn minh, ơn gọi dâng hiến càng ngày càng hiếm. Giáo Hội rất cần sự cộng tác và xả thân của chúng ta trong cánh đồng truyền giáo. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã nhìn thấy các nhu cầu cần thiết của mùa thu hoặch: Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." (Mt 9,37-38). Ngày nay khuynh hướng số con cái trong đời sống gia đình giảm bớt, nên ơn gọi dâng hiến cũng theo đà giảm xuống. Chúng ta cần cầu nguyện, khuyến khích, khuyên dạy, giáo dục và nói về ơn gọi dâng hiến với con cái. Ít nhất mỗi họ tộc hay dòng tộc cố gắng cống hiến cho Giáo Hội một người thợ lành nghề làm việc trong vườn nho của Chúa. Cây tốt ắt sinh trái tốt. Có gieo sẽ có gặt.

Người gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong vui sướng. Đâu ai muốn sống trong đau khổ, buồn sầu hay thương đau. Chúng ta tìm mọi cách thoát khỏi cái khổ và sự bắt bớ tù tội. Thật là ngược dòng đời, Chúa chúc phúc cho những ai sầu khổ: Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,4). Chúa lại chúc phúc cho những người bị ruồng rẫy bách hại: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10). Chúa không hứa cho chúng ta giầu sang, chức quyền, danh vọng địa vị trong cuộc sống tạm này. Kinh nghiệm sống đạo cho thấy, phục vụ cho nhà Chúa không luôn xuông xẻ và dễ dàng. Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan. Các đấng bậc trong Giáo Hội cũng chịu trăm ngàn cay đắng để dìu dắt đoàn chiên đi trong đường lối của Chúa. Chúa chỉ hứa Nước Trời làm gia sản mai sau. Biết rằng bước theo con đường của Chúa thật là có phúc. Chúa chúc phúc cho những ai biết chạnh lòng thương: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7).

Theo Chúa, chúng ta đặt niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Chúa Giêsu nhỏ nhẹ: Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. cái khổ của ngày ấy (Mt 6,34). Chúng ta tin rằng Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta đâu. Chúng ta chỉ cần dâng hiến cho Chúa môt chút, Chúa sẽ biến thành muôn vàn. Giống như phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá của em trẻ dâng cho Chúa. Chúa Giêsu bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mt 10. 29-30). Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống. Xin Chúa dẫn chúng con đến nguồn sống đích thực để chúng con được uống no say tình Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho các ơn gọi thánh hiến, đặc biệt tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên, các linh mục và giám mục đang phục vụ trong vườn nho nhà Chúa, được ơn bền đỗ trong ơn gọi và biết chu toàn bổn phận của mình.
 
Thập giá con đường chúng ta đi
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:57 24/08/2011
Chúa Nhật 22 thường niên

Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẩm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16,-,24).

“Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Hạnh Phúc khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc”. Giáo lý Hội Thánh Công giáo mở đầu bằng chân lý này và cũng là câu trả lời cho vấn nạn muôn thưở rằng ta sống ở đời này để làm gì. Kitô hữu vốn nằm lòng câu giáo lý của một thời: Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời. Như thế hạnh phúc đời đời hay sự sống vĩnh phúc chính là mục đích tối hậu của đời người. Khi sinh thời, để trả lời cho một chàng thanh niên đạo hạnh vốn đã giữ các giới răn từ thưở bé, muốn có sự sống đời đời, thì Chúa Giêsu nói rằng hãy về bán tất cả của cải, phân phát cho kẻ khó, rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22). Thế thì ta có thể khẳng định rằng theo Chúa Kitô là cách thế để có hạnh phúc vĩnh cửu. Hay nói ngược lại, muốn có hạnh phúc vĩnh cửu là phải theo Chúa Kitô. Và muốn theo Chúa Kitô là phải vác thập giá mình.

Theo Chúa Kitô là theo Con Đường Sự Thật, Sự Sống, và Tình Yêu. Nguyên chỉ với những thiện hảo chóng qua đời này cũng đòi hỏi phải trả giá. Tomas Edison, ông tổ phát minh bóng đèn điện đã khẳng định một tất yếu của cuộc sống: một lần thành công là kết quả của chín mươi chín lần thất bại. Để trung thành với sự thật và công bố sự thật, ngôn sứ Giêrêmia đã phải hứng chịu bao truân chuyên, khốn khó, và có khi, tưởng như sẽ bị mạng vong. Số phận các sứ ngôn khác và những người công chính cũng chẳng hơn gì (x. Mt 23,29-32). Để làm phát triển sự sống với hoa trái tốt xinh thì trước đó hạt giống phải chịu cảnh thối rửa đi (x.Ga 12,24). Để thực sự là yêu trong sự phục vụ người mình yêu đến cùng thì tất yếu phải bỏ mình, hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Những gì phải trả ở trên, đó chính là thập giá mà Chúa Kitô muốn đề cập.

Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng thập giá không phải là đối tượng mà chúng ta muốn cách trực tiếp. Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.

Lật giở các trang Tin Mừng, chúng ta cần chân nhận sự thật này: Chúa Kitô không bao giờ trực tiếp kiếm tìm thập giá. Điều mà Người luôn kiếm tìm đó là thánh ý Chúa Cha. Ngay phút giây nhập thể vào đời, tác giả thư Do Thái đã cảm nhận tâm ý của Ngôi Lời: “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5). Lễ vật hy sinh thì Chúa Cha không muốn và Chúa Cha cũng chẳng thích gì khi Con mình phải đổ máu. Điều Chúa Cha muốn là Chúa Con nhập thể, tìm cách bày tỏ cho nhân loại thấy tình yêu bao la vô bờ và hoàn toàn nhưng không của Người.

Thập giá chính là đối tượng trực tiếp mà giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ kiếm tìm để đặt trên vai người mà họ cho là “phản động”, xách động quần chúng đi ngược với tập truyền tiên tổ, dám phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất… “Chẳng thà một người chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 11,50), và bên cạnh đó, vị thế và quyền lợi của những bậc vị vọng như tư tế, biệt phái, luật sĩ cũng khỏi bị lung lay và sứt mẻ.

Thế mà Chúa Kitô vẫn không ngần ngại lên Giêrusalem để đón nhận khổ hình thập giá, không phải vì chính thập giá nhưng là để vâng phục Chúa Cha nhằm tìm cách bày tỏ cho nhân gian thấy tình yêu cua Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện và đến cùng. Cho dù các ngươi có đặt thập giá trên vai ta, cho dù các ngươi có đâm thủng trái tim ta, cho dù các ngươi có giết chết ta cách nhục nhã, thì ta vẫn không hề bỏ các ngươi mà còn đứng về phía các ngươi để cầu bàu cho các ngươi (x.Lc 23,34). Chúa Kitô đón nhận thập giá không phải vì thập giá mà là để mình chứng rằng không có gì có thể ngăn cản được việc Người yêu thương chúng ta (x.Rm 8,38-39).

Như thế thập giá không phải là đích đến, mà chỉ là một cái giá cần phải trả, một thách đố cần vượt qua của hành trình yêu thương. Khi ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Giêrusalem, thực ra Phêrô có ý tốt với Thầy. Thế nhưng, ông đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Tưởng rằng Phêrô bị quở trách nhưng không phải ông mà chính là Satan bị quở trách. Satan lợi dụng ý tốt của Phêrô để cám dỗ Chúa Giêsu. Ma quỷ thật lắm tinh ranh. Chúng sử dụng cả những điều thiện hảo thường tình để cám dỗ ta đứng lại và không đạt đến sự thiện hảo cuối cùng.

Dẫu biết rằng chẳng có một sự thiện hảo nào mà không đòi phải trả giá nghĩa là đòi phải có sự nỗ lực, gắng công, thế nhưng thập giá vẫn mãi còn đó sự thách đố cho người tự nguyện sống đạo yêu thương, cho người can đảm làm chứng cho sự thật, cho người tích cực gìn giữ và làm phát triển sự sống. Nếu cứ chăm chăm dán mắt hay quy lòng vào sự khó khăn đầy nghiệt ngã của thập giá thì e rằng nhiều khi chân ta sẽ chùn bước. Ước gì Kitô hữu chúng ta trên đường theo Chúa Kitô biết ngước nhìn đến chân trời tươi sáng, nơi mà tình yêu, sự thật và sự sống hiển trị, thì sẽ có cơ may vượt qua các trở ngại cần phải vượt qua là thập giá, cho dù khó khăn, vất vả, đau thương vẫn có đó và mãi còn đó. Hiểu được sự thật này thì chúng ta không chỉ biết lắng nghe lời nhận định của Franklin: “Đường đến thành công không hề có bước chân của người ngại khó, sợ khổ”, mà còn cần phải xác tín rằng “đường đến Nước Trời sẽ chẳng hề có bước chân của người e ngại vác thập giá vì không quyết tìm hạnh phúc đích thực cho chính mình và tha nhân”.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 24/08/2011
MỘT SỢI LÔNG CŨNG KHÔNG NHỖ
N2T

Một con khỉ sau khi chết thì đi gặp diêm la vương yêu cầu kiếp sau được làm người. Diêm vương rất mực trịnh trọng nói:
- “Ngươi đã muốn làm người, thì phải nhổ tất cả lông trên thân của ngươi thì mới được làm người”.
Nói xong bèn kêu tả hữu quỷ to quỷ nhỏ đè con khỉ ra mà nhổ long, mới nhổ được một sợi lông thì con khỉ la lớn: “Đau chết được”.
Diêm vương cười lớn nói:
- “Một sợi lông mày cũng không muốn nhổ, thì làm sao muốn làm con người được chứ ?”

Suy tư:
Con khỉ muốn làm con người nhưng lại không muốn nhổ sạch lông trên thân của mình, thì giống như người tội lỗi muốn trở thành người lương thiện, nhưng lại không muốn nhổ sạch những thói quen xấu, những tư tưởng độc hại và những hành vi tội lỗi có thể làm mất linh hồn của mình và làm gương xấu cho người khác.
Con khỉ thì mãi mãi vẫn là con khỉ chứ không thể là con người, bởi vì Thiên Chúa dựng nên nó là khỉ chứ không phải là người. Nhưng người tội lỗi thì vẫn có cơ hội và vẫn có thể trở thành người tốt, người lương thiện, bởi vì họ được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, tức là làm người, được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội, nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su.
Muốn làm người lương thiện là điều tốt, nhưng phải nhổ tất cả các tật xấu, quyết tâm sống làm người lương thiện thì càng tốt hơn.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 24/08/2011
N2T


15. Chỉ có trong tâm đồng hóa với Chúa Giê-su chịu đóng đinh thì chưa đủ, mà phải làm con chiên chuộc tội nhân loại.

(Linh mục Charles de Foucauld)
 
Môn đệ với Thập Giá
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
20:16 24/08/2011
Chúa nhật 22 Thường niên A

Trong những năm gần đây, hiện tượng các nghệ sĩ, ca sĩ đeo Thánh giá lúc trình diễn ngày càng phổ biến. Thánh giá lớn, thánh giá nhỏ; thánh giá bằng gỗ, bằng sứ, thánh giá bằng kim loại; thánh giá mang trên cổ, đeo bên tai hoặc vòng trên tay… Thánh giá càng độc, càng khác lạ càng gây ấn tượng! Ngược lại, người Công giáo mang Thánh giá ngày càng ít đi. Phải chăng dấu hiệu Thánh giá đang mất dần ý nghĩa của nó vốn là biểu trưng căn tính người Kitô hữu ? Hay phải chăng hiện tượng đó là hệ quả của việc nhiều Kitô hữu muốn dấu, hoặc nghiêm trọng hơn, là muốn quên đi căn cước thật của mình ? Với Chúa Giêsu, Đấng đã từng vác thập giá và chết trên thập giá, Thánh giá vừa bày tỏ niềm say mê dành cho Chúa Cha và thế giới, vừa là lời loan báo về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. (x. 5 phút/ngày cho Lời Chúa). Chính vì thế, Ngài mời gọi Chúng ta mang lấy Thập giá, và chấp nhận những hệ luỵ của Thập giá : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24).

Đây là những lời rất thẳng thắn và chân thành mà Chúa Giêsu nói với “đám đông những người” đang đi theo Ngài. Bởi chưng, người ta theo Chúa vì rất nhiều lý do và nhiều động cơ. Có người theo Chúa vì muốn có được địa vị này địa vị kia trong vương quốc mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Có người đi theo Chúa vì thấy cái lợi trước mắt là không lo đói không lo khát. Ngài đã từng hoá bánh ra nhiều để nuôi sống cả năm ngàn người một cách ngoạn mục cơ mà! Có người theo Chúa vì nhận ra Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ uy quyền và đáng tin cả trong lời nói và trong hành động…..

Biết rõ lòng những kẻ đi theo mình như thế, nên Ngài nói thẳng thắn với họ, chứ không nói theo kiểu úp mở, hay như kiểu tiếp thị, quảng cáo để chiêu dụ khách hàng. Ngài nói thẳng rằng theo Ngài thì phải từ bỏ, bỏ hết những gì mình tha thiết nhất, kể cả mạng sống, vả lại còn phải vác thập giá nữa. Dĩ nhiên, sự từ bỏ mình và vác thập giá mình không phải luôn là điều dễ thực hiện, nhưng có theo Chúa trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận như vậy, thì mới xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đòi hỏi ta vác thập giá một mình. Chính Ngài đã vác Thập giá đi trước. Ngài đi trước để dẫn đường cho chúng ta. Không những thế, Ngài còn thêm sức cho ta để ta có thể vác thập giá đi theo Ngài đến cùng.

Trên thực tế, có nhiều người muốn theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ, càng không muốn vác thập giá mình. Thập giá của mình, chứ chưa nói đến chuyện vác thập giá của người khác. Những người đó không xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu. Cũng có người tôn thờ thập giá nhưng không vác thập giá. Có người quý chuộng Thập giá Chúa Giêsu, nhưng không quý chuộng thập giá mình. Một điểm đáng lưu tâm nữa trong lời mời gọi của Chúa Giêsu là hãy vác thập giá “hằng ngày”. Vác thập giá không phải chỉ một ngày hai ngày, hoặc chỉ vác thập giá của hôm qua hay hôm nay, mà là hằng ngày, mọi ngày trong suốt cuộc đời.

John Newton đã nói rằng : “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi !” .

Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con cảm thấy chán nản buông xuôi vì những thử thách quá nặng nề. Xin Chúa thêm sức cho chúng con, nhất là cho chúng con có đôi vai đủ lớn và đôi chân đủ mạnh để chúng con có thể vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa đến cùng. Amen.
 
Lễ kính Thánh Mônica: Sống Thánh Giữa Đời
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
20:17 24/08/2011
Có bao nhiêu vị thánh mà cả mẹ lẫn con đều được tuyên phong là thánh ? Trong lịch sử Giáo hội, con số này rất ít, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay…. Tuy nhiên, mẫu số chung nơi tất cả các vị thánh đó là các ngài đều có những người mẹ đạo hạnh thánh đức. Quả đúng như vậy. Mẹ hiền mới có con thảo. Mẹ lành mới có con thánh. Nhờ người mẹ thánh thiện Mônica hôm nay, mà Giáo hội có vị đại thánh Augustinô ngày mai. Thế nhưng thử hỏi Mônica đã nên thánh như thế nào ?

- Trước hết, Mônica đã nên thánh nhờ sự hiền hoà nhẫn nhục

Năm 22 tuổi, Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoại đạo dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng độc ác, và tuổi tác lại gấp đôi Mônica! Với tính hiền lành và nhẫn nhục, Monica đã biến cuộc hôn nhân "khập khễnh" của mình thành êm đềm. Thánh nữ đã đối xử tốt đẹp với cả chồng lẫn mẹ chồng, khiến sau một thời gian ngài đã hoàn toàn chinh phục được chồng lẫn mẹ chồng và các em của chồng. Lý do khiến người chồng không mạnh tay với thánh nữ vì ngài đã giữ không bao giờ mạnh miệng với chồng. Và nhất là không bao giờ bà nóng giận hay mất kiên nhẫn với chồng và với đứa con hư hỏng là Augustinô, kể cả khi bị Augustinô. lừa dối và làm tổn thương.

- Thứ đến, Mônica đã nên thánh nhờ sự kiên tâm cầu nguyện

Không phải chỉ cầu nguyện một năm, hai măm mà cầu nguyện liên lỉ suốt một đời, cầu nguyện trong nước mắt, trong đau khổ. Khi thấy con mình mất đức tin, theo lạc giáo chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội và ngày càng dấn sâu trên con đường tội lỗi, thì Mônica càng tha thiết cầu nguyện, càng cậy trông vào Chúa. Đêm đêm trước bàn thờ Chúa, ngài vẫn sốt sắng cầu nguyện cho chồng, cho con. Cầu nguyện kiên trì, cầu nguyện liên lỉ.

- Sau nữa, Mônica đã nên thánh nhờ sự âm thầm hy sinh

Không lúc nào không nghĩ đến con, lo lắng cho con, và tìm mọi cách để đưa con về đời sống tốt lành. Chính vì thế, bà đã không hề lùi bước trước bất kỳ một hy sinh nào, chỉ để mong con quay về với Chúa. Hy sinh trong kinh nguyện, trong hãm mình, trong chay tịnh; hy sinh trong đau khổ, trong nước mắt. Bà đã khóc nhiều, đến nỗi người ta nói rằng bà không còn nước mắt để khóc nữa. Thánh Amrôsiô đã an ủi bà : “Nước mắt bà sẽ không vô ích đâu, bà hãy cứ vững lòng trông cậy. Augustinô con bà sẽ trở lại”.

Chính tình yêu hải hà đối với chồng, đặc biệt đối với con, là Augustinô, đã khiến thánh Mônica trở nên hiền hoà nhẫn nhục, kiên tâm cầu nguyện, âm thầm hy sinh. Và phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica là gì ?

Phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica còn hơn cả những gì mà ngài cầu mong và ước nguyện. Chồng của Mônica đã trở lại cùng Chúa, đã chịu phép rửa và đã được chết trong ân nghĩa của Chúa. Còn đối với Augustinô, con mình, Mônica chỉ xin cho được ơn trở lại làm Kitô hữu, làm con cái Chúa. Thế nhưng, Chúa đã ban cho ngài nhiều hơn thế. Augustinô chẳng những trở thành một Kitô hữu chân chính, mà còn trở thành một linh mục. Không chỉ dừng lại ở đó, ngài còn trở thành một giám mục tài đức và hơn nữa còn là một trong bốn vị đại tiến sĩ lừng danh của Hội Thánh.

Tuy nhiên, phần thưởng mà Chúa ban cho thánh Mônica trên trời còn lớn lao và bội hậu gấp ngàn lần. Đúng như lời Thánh vịnh : “Gieo trong nước mắt, gặt trong vui cười”. Sau khi đã chinh phục được chồng, và đưa được người con về với Chúa, thánh nữ Monica đã hân hoan giã từ cõi đời khi mới có 56 tuổi đời : “Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giáo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện ”.

Xin Chúa ban cho các bà mẹ trên thế giới, cách riêng cho các bà mẹ trong giáo xứ luôn biết sống theo gương thánh nữ Mônica để nhờ đó gia đình được hạnh phúc và yên vui. Amen.

LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị thánh gương mẫu tuyệt vời về sự kiên trì cầu nguyện và tận tụy hy sinh lo cho đời sống đức tin của gia đình và hạnh phúc của chồng con. Trong tâm tình tri ân và cảm tạ, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện xin:

1. Giáo Hội là Mẹ Thiêng Liêng của tất cả các Kitô hữu chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin cho Giáo Hội được luôn hết lòng hăng say trong việc truyền thông sự sống và trao ban ơn cứu độ cho hết mọi người trên thế giới.

2. Chúng ta cùng cầu xin cho các bà mẹ đang gặp đau khổ trong đời sống gia đình và thử thách trong việc giáo dục con cái. Xin cho họ luôn biết nhìn lên thánh nữ Mônica, và biết biến đau khổ và nước mắt thành những lời kinh nguyện tha thiết nhất dâng lên Chúa, hầu được Người ban thêm sức mạnh và niềm cậy trông.

3. Trong ngày mừng lễ Bổn Mạng hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu xin cho các Bà Mẹ Công Giáo trong giáo xứ chúng ta hằng biết noi gương bắt chước thánh nữ Mônica, dùng đời sống đạo hạnh làm phương thế hữu hiệu hầu thánh hóa gia đình và biến đổi chồng con mình nên những người hữu ích cho xã hội và Giáo Hội.

Chủ tế : Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hân hoan mừng kính thánh Mônica là vị thánh đã nêu gương đời sống thánh thiện cho các Bà Mẹ Công Giáo. Xin Chúa thương nhận lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp mà cho tất cả các Bà Mẹ Công Giáo cũng biết ăn ở đạo hạnh, ngỏ hầu trở nên những người vợ hiền đức, những người mẹ mẫu mực trong gia đình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới, bẩy lý do để hy vọng
Vũ Văn An
03:13 24/08/2011
Tất cả chúng ta đều có bổn phận xây dựng xã hội

Đó là phát biểu của Đức Cha Xavier Novell Goma, giám mục Solsona, miền Catalogne. Vị giám mục 42 tuổi, kể như “em út” của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha này, đã dành cho La Croix một cuộc phỏng vấn.

Được hỏi: Đức Cha có cái nhìn ra sao đối với tuổi trẻ Công Giáo Tây Ban Nha, Đức cha Goma đã cho hay: Một số người trẻ có tham gia giáo xứ và các phong trào. Họ là những người được đào tạo, rất sẵn sàng. Thành công của Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một minh hoạ cho công việc của họ, cho sự hiện diện của họ, cho khả năng động viên bạn bè vốn ít dấn thân hơn họ. Biến cố này sẽ đem đến nhiều hoa trái cho tương lai Madrid và vùng phụ cận. Nhưng Tây Ban Nha cũng được kể là vùng hết sức thế tục hóa. Trong những vùng này, giới trẻ Công Giáo cho rằng cần phải thay đổi Giáo Hội, Giáo Hội đang bế tắc, cần phải tiến theo chiều khác. Thái độ này không đem lại kết quả nào.

Theo Đức Cha Goma, thế hệ Công Giáo trẻ ngày nay có khác với các thế hệ đàn anh của họ, vì họ đến với đức tin bằng gắn bó, chứ không do cha truyền con nối. Nhiều người trẻ có cha mẹ là Công Giáo, nhưng đâu có theo cha mẹ đến nhà thờ, vì bạn bè họ không chia sẻ đức tin với họ…

Báo La Croix có nêu ra một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy có những căng thẳng khá lớn giữa người trẻ Công Giáo và người không Công Giáo tại Tây Ban Nha liên quan đến sự hiện diện hữu hình của Giáo Hội trong xã hội. Về điểm này, Đức Cha Goma cho rằng những căng thẳng này có lẽ do những cuộc tranh luận hiện đang xẩy ra chung quanh các dự luật của chính phủ như dự luật về việc kết liễu sự sống. Mục đích của những dự luật này là nhằm thế tục hóa xã hội. Đức Cha cũng nghĩ tới các dự luật liên quan tới gia đình và mối liên hệ đàn ông và đàn bà. Đàng khác, người trẻ Công Giáo cũng buộc phải biểu dương trước các hình ảnh tiêu cực về Giáo Hội do giới truyền thông đại chúng vẽ ra. Cũng có trường hợp, nhưng rất hiếm, họ đã ngăn cản những cuộc trình diễn kịch nghệ rõ ràng có tính phạm thượng, nhất là tại Barcelona vào năm ngoái, nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại đấy. Người ta thông cảm các phản ứng này, dù không tuyệt đối chia sẻ.

Đối với nhóm Bất Mãn (Indignados), Giáo Hội nói với họ: “Các bạn không xa chúng tôi! Nhiều điều các bạn đòi hỏi, chúng tôi cũng đòi hỏi! Nhưng còn có những bất công lớn lao khác mà các bạn chưa nói tới. Chúng tôi yêu cầu các bạn đòi hỏi không những các thay đổi kinh tế, một giai cấp chính trị gương mẫu hơn, một thay đổi về liên hệ với thế giới thứ ba, mà còn phài đòi hỏi việc xây dựng lại nền luân lý xã hội, việc thực sự bênh vực gia đình và bênh vực tất cả những ai không có cơ may sống sót. Chúng tôi muốn cung hiến các bạn một khí cụ tốt hơn để các bạn trở thành những người thay đổi xã hội. Đó là Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người”. Theo Đức Cha Goma, muốn thay đổi xã hội, đưa ra các đề xuất có tính duy lý mà thôi không đủ, càng không đúng khi chủ trương bạo động. Tất cả chúng ta đều có bổn phận xây dựng xã hội. Ta không thể ngồi chờ chính trị thay đổi ván bài.

Tính đa dạng nơi giới trẻ Công Giáo

Đối với Frédéric Mounier của tờ La Croix, trong số các hình ảnh rõ rệt đập vào mắt ta tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ta thấy có sự đa dạng thật lớn lao trong các khuôn mặt trẻ trung của Giáo Hội. Một sự đa dạng mà Đức Bênêđíctô XVI đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy sống nó trong tình hiệp thông.

Sáng sớm Chúa Nhật 21 tháng 8, tại phi trường Cuanro Vientos của Madrid, trong số hàng trăm nghìn người trẻ la liệt đó đây, ta thấy có những thiếu nữ ăn vận ngắn ngủi thức giấc giữa đoàn nữ tu Cát Minh trùm đầu, áo dài tới chân, cùng cử hành giờ kinh sáng. Áo dòng, cổ cồn Rôma và sơ mi hở cổ cùng chung sống vui vẻ giữa hàng giáo sĩ khắp hoàn cầu. Người ta có thể nhân thừa đến bất tận những hình ảnh tương phản ấy trong đám đông.

Trước cơn cám dỗ khiến mỗi người đều muốn tự dựng lên cho mình một Giáo Hội nho nhỏ theo họa ảnh của mình, trong cái ấm cúng của một thứ đồng nhất đầy an tâm, bất luận mầu sắc ý thức hệ hay phụng vụ, Đức Giáo Hoàng nói một cách minh nhiên: “Những ai chạy theo cơn cám dỗ muốn tự mình bước đi theo ý mình hay sống đức tin theo não trạng cá nhân chủ nghĩa đang rất thịnh hành trong xã hội, những người ấy liều mình không bao giờ gặp được Chúa Giêsu Kitô, hoặc kết cục sẽ phải chạy theo một hình ảnh lầm lẫn về Người”. Đức Giáo Hoàng nói như thế với hơn 1 triệu rưỡi người trẻ hành hương, trong bài giảng Thánh Lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Cũng thế, hôm trước, ngài cũng kêu gọi các chủng sinh “vâng lời” Giáo Hội. Vì, nói một cách đơn giản, Giáo Hội “vừa rất khác nhau vừa rất gắn bó với nhau”. Với các chủng sinh này, ngài nhấn mạnh: “Hãy triệt để trung thành với Tin Mừng, trong khi vẫn duy trì mối tương quan yêu thương với thời đại và những con người chúng con đang sống với”. Còn ở buổi canh thức, ngài nói với giới trẻ: “Các con đừng sợ thế gian, cả tương lai và sự yếu đuối của các con nữa, đừng sợ!”.

Còn có điều gì nói rõ hơn rằng đức tin Công Giáo không co cụm vào chính mình cũng như những người giống như mình, cũng không sợ thế gian?

Bẩy lý do đáng chúc mừng sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid.

Năm ngoái, vào giờ này, Giáo Hội Công Giáo đang liếm những vết thương của mình sau những thất bại lớn nhất trong các giao tế công cộng. Nhiều nhà báo cho rằng vụ tai tiếng do một số linh mục ấu dâm đang báo trước giờ kết thúc của Giáo Hội. Họ bảo rằng các tín hữu chán chường đến độ đã bỏ đạo hàng loạt.

Nhưng nếu lời tiên đoán ấy đúng, thì bạn giải thích ra sao sự hiện diện của gần 2 triệu người trẻ tại Madrid trong những ngày cuối tuần để lắng nghe một vị giáo hoàng 83 tuổi người Đức? Tất cả những người trẻ này biết rất rõ hành vi xấu xa của một nhóm linh mục bẩn thỉu nhưng cái biết này không hề làm lung lay lòng tín thác của họ nơi Giáo Hội và người lãnh đạo của Giáo Hội này.

Bởi thế, nếu bạn có cảm tình với Công Giáo, Ngày Giới Trẻ Thế Giới đem lại cho bạn dư thừa lý do để hy vọng. Theo Michael Cook, chủ bút MercatorNet, dưới đây là 7 trong số các lý do đó.

Thế hệ trẻ đang đi với Giáo Hội

Gần 2 triệu người trẻ tham dự đã thực hiện một cố gắng ngoạn mục để củng cố các xác tín của họ. Dù phần lớn các người hành hhương đến từ Tây Ban Nha và các lân bang như Pháp, Ý, vẫn đã có hàng trăm ban trẻ đến từ những nước như Úc và Tân Tây Lan. Khoảng 150 bạn trẻ đến từ Nga! Các hy sinh trong chi phí du hành kéo dài và ăn ở thiếu tiện nghi cho thấy họ cương quyết dấn thân làm thành phần của Giáo Hội Công Giáo.

Tương phản với Cuộc Họp Thượng Đỉnh Tuổi Trẻ Thế Giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York. Đã đành Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon có cái sức quyến rũ của một thứ rau diếp héo tàn, nhưng cuộc họp này chỉ thu hút được vài trăm người. Làm sao gây được tác động trên thế hệ sắp tới?

Đức Bênêđíctô XVI đưa ra một nghị trình luân lý

Tuần trước, Thủ Tướng David Cameron của Anh phản ứng chống lại các cuộc bạo động tại Luân Đôn và nhiều thành phố khác bằng cách tố cáo chủ nghĩa duy tương đối về luân lý. Ông nói: “Điều xẩy ra tuần qua đã cho thấy cái thứ trung lập về luân lý, cái chủ nghĩa tương đối ấy sẽ không còn tự tung tự tác nữa”. Đúng như thế. Bạn có thể gọi đó là con dao thịt đầu tiên được một nhà lãnh đạo thế giới hàng đầu dùng để đánh phá “cái tàn bạo của chủ nghĩa duy tương đối”!

Phần Đức Bênêđíctô XVI, ngài từng lên án cái thứ chủ trương quá chú trọng đến hiệu năng chính trị (political correctness) mà gây thiệt cho các cố gắng luân lý. Hiển nhiên, các nhà lãnh đạo đang lắng nghe ngài.

Ta nên nhớ lại lời từ giã Đức Giáo Hoàng của Cameron dịp ngài thăm Anh năm ngoái: “Ngài đã thực sự thách thức cả nước chúng tôi ngồi thẳng lên và chịu suy nghĩ”. Xem như thế, người ta thấy quả Cameron đã ngồi thẳng lên và suy nghĩ. Đáp ứng của ông đối với cuộc bạo loạn hẳn đã lấy thẳng từ các chỉ dẫn của Đức Bênêđíctô XVI.

Bể nghĩ chỉ gồm một người và làm việc không công

Bể nghĩ đây chỉ một cơ quan nghiên cứu để đưa ra chính sách mà Anh Ngữ thường gọi là “think tank”. Bể nghĩ này chỉ có một “chuyên viên” và làm việc hoàn toàn không tính lương. Về vấn đề này, trong một khảo luận đăng trên tờ New York Times tuần rồi, nhà phê bình phim Neal Gabler than phiền rằng ngày nay việc suy tư sâu rộng đã không còn nữa. Ông bảo rằng: “chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng ở phía sau các ý niệm (post-idea world)”, tức một thế giới trong đó, các ý niệm lớn khiến ta phải suy tư, tức các ý niệm người ta không thể tiền tệ hóa được, càng ngày càng ít giá trị hơn đến nỗi ít có người chịu khai sinh ra chúng và ít có cơ quan môi giới nào chịu phân phối chúng, kể cả liên mạng. Các ý niệm táo bạo đã trở thành quá khứ.

Tuy nhiên, điều ấy có đúng chăng, thì chỉ là ở New York, chứ không ở Rôma. Rõ ràng Gabler không đọc Đức Bênêđíctô XVI bao nhiêu về luân lý, triết lý, thẩm mỹ, kinh tế và trách nhiệm xã hội. Ấy thế nhưng nhiều người trẻ đã đọc ngài rất nhiều. Trong một thế giới mà các ý tưởng không còn chói sáng nữa, thì việc này hứa hẹn mang lại nhiều khả thể tích cực. Thế hệ tiếp nối suy nghĩ ra sao, hẳn ta có thể nói.

Một lối thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu

Đức Bênêđíctô XVI đề cập tới nó trước nhất. Với một nền kinh tế thế giới đang trên bờ vực thẳm, người ta hối hả đi tìm giải đáp. Chắc chắn tại cội rễ của cuộc khủng hoảng có một điều gì đó còn quan yếu hơn cả việc quản trị sai lầm các đòn bẩy kinh tế. Chắc chắn khoa kinh tế học không phải chỉ là các con số thống kê và tiền bạc.

Nhưng đó chính là điều Đức Bênêđíctô XVI và các vị tiền nhiệm của ngài vốn nói. Thí dụ trên chuyến máy bay qua Madrid, ngài nói với các nhà báo rằng: “(Ta thấy) điều xẩy ra trong các cuộc khủng hoảng trước đây đã được xác nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này: đó là chiều kích đạo đức không phải là một điều gì đó ở bên ngoài các vấn đề kinh tế, mà nó là một chiều kích bên trong và có tính nền tảng. Nền kinh tế không thể điều hành được khi chỉ dựa vào nguyên tắc tự điều chỉnh của thị trường, trái lại, nó cần một lý lẽ đạo đức để điều hành vì con người”.

Hạ bệ thứ tính dục hạ nhân phẩm và chủ nghĩa duy tiêu thụ

Vấn nạn lớn nhất trong 200 năm qua là: tự do thực sự là gì? Phải chăng là được làm bất cứ điều gì tôi muốn? Hay phải sống theo sự thật? Điều xã hội ta đang cung hiến cho giới trẻ chính là sự tự do tiêu thụ cho đến khi thẻ tín dụng của họ lên đến mức tối đa hết còn tiêu xài, là hưởng tính dục bất cứ lúc nào mình thích và với bất cứ ai mình ưa, là sống vô tư trong cái bong bóng vị kỷ. Nhưng theo Đức Bênêđíctô XVI, một quan niệm như thế chỉ hạ giá con người. Hạnh phúc chỉ tới khi ta chịu khám phá ra sự thật. Nhiều người trẻ ngày nay vỡ mộng với nền văn hóa South Park mà hiện họ đang sống. Do đó, lời Đức Giáo Hoàng có nghĩa đối với bất cứ ai muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

“Việc khám phá ra Thiên Chúa hằng sống đang gợi hứng cho giới trẻ và mở mắt họ nhìn thấy các thách thức của thế giới họ đang sống, với đủ các khả thể và giới hạn của nó. Họ thấy sự hời hợt, chủ nghĩa duy tiêu thụ và chủ nghĩa duy khoái lạc đang trổi vượt, họ thấy sự tầm thường hóa tính dục đang thắng lướt, không còn liên đới, rẫy đầy thối nát. Họ biết rằng: không có Thiên Chúa, khó có thể đương đầu với các thách thức ấy cũng như sống hạnh phúc được, nhờ thế họ biết hăng say đua tìm cuộc sống chân thực. Nhưng với Thiên Chúa ở bên cạnh, họ sẽ lãnh nhận được ánh sáng để tiến bước và các lý do để hy vọng, không còn bị giới hạn trước các lý tưởng cao nhất của họ nữa, nhờ thế họ sẽ dấn thân một cách quảng đại để xây dựng một xã hội trong đó nhân phẩm và tình huynh đệ chân thực được tôn trọng”.

Chân lý có sức mạnh hơn là việc tính toán những con số phức tạp

Bài diễn văn đáng ghi nhớ nhất của Đức Bênêđíctô XVI tại Tây Ban Nha là bài diễn văn đọc tại trường kiến trúc El Escorial, được coi là viên ngọc của ngành kiến trúc Tây Ban Nha. Trong tư cách một giáo sư đại học, ngài say sưa nói về việc cần phải cung cấp cho các sinh viên không phải chỉ là việc huấn luyện nghề nghiệp chuyên môn mà thôi. “Như Platông từng nói ‘phải tìm kiếm sự thật lúc còn trẻ, kẻo sau này nó sẽ thoát khỏi tay bạn’. Hoài bão cao thượng này là món quà quí giá nhất mà quí vị có thể trao cho các sinh viên của quí vị, một cách đích thân và qua gương sáng. Nó quan trọng hơn là kiến thức kỹ thuật, hay các dữ kiện lạnh lùng và chỉ có tính chức năng”.

Ngài cho hay: đại học phải là một nơi trú ẩn tránh khỏi sức tấn công của ý thức hệ chứ không phải là “một quan niệm thực dụng và có tính kinh tế mà thôi, một quan niệm coi con người chỉ như người tiêu thụ”. Đối với giới trẻ, còn gì đáng quyến rũ hơn là đi tìm ý nghĩa tối hậu của vũ trụ và cố gắng hiểu được ý nghĩa chân chính của việc làm người? Nếu có một ý niệm táo bạo nào đã trở thành quá khứ, thì đó chính là chủ nghĩa thực dụng. Ở đây, Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra một phương thức thay thế.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới vẫn là bí quyết giữ kín nhất

Một nhà báo bạn của Michael Cook có viết một bài song song với bài xã luận (op-ed) trên một nhật báo ở Sydney. Bài này không được ông chủ bút thưởng lãm. Ông ta bảo: “chúng tôi cũng đã có biến cố này tại Sydney cách đây 3 năm. Những chuyện như thế này chỉ để làm đầy các cột báo của chúng tôi mà thôi”. Tệ hơn, tờ New York Times, tờ báo ưu tú của công luận Hoa Kỳ, không thèm tường thuật về Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Thực sự, đó là điều khó hiểu: một cuộc tụ tập của gần 2 triệu người trẻ từ khắp mọi quốc gia trên thế giới mà lại không phải là một tin tức, nhất là sau biến cố mấy trăm người cùng lứa tuổi với họ đập phá Luân Đôn. Há không có ai đó ở ngoài kia nối các dấu chấm ấy lại?

Nhưng cần gì phải ta thán? Giới truyền thông và trí thức chỉ biết chú ý tới bọt và bong bóng, ít khi chịu để ý tới những luồng ngầm dưới sâu. Họ có tiên đoán được sự xuất hiện của phong trào đấu tranh Hồi Giáo, việc Liên Xô xụp đổ, cái xì của Trái Bom Dân Số hay Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Hoàn Cầu?

Những câu truyện lớn nhất chính là những câu truyện tiềm tàng, bí ẩn. Đức Bênêđíctô XVI hiểu rõ điều đó. Như chính ngài đã nói với các nhà báo: “Các hạt giống của Thiên Chúa rất thầm lặng; chúng không xuất hiện trên các bảng thống kê, và các hạt giống mà Chúa gieo với Ngày Giới Trẻ Thế Giới giống như các hạt giống được Tin Mừng nói tới: phần rơi trên đường, hư mất; phần rơi trên đá, cũng bị hư mất; phần rơi vào bụi gai, bị chết ngạt; nhưng phần rơi xuống đất tốt thì sinh nhiều hoa trái”.

Không được giới truyền thông để ý, gần 2 triệu người trẻ đã lên đường làm một cuộc hành trình sẽ dẫn họ tới việc hòa hợp xứ sở họ với những niềm tin Kitô Giáo sâu sắc. Từ từ, thế giới sẽ thay đổi. Ba mươi năm nữa, giới truyền thông chắc chắn sẽ ngạc nhiên lớn.
 
Nhật báo L'Osservatore Romano công bố thu chi tài chính của Đại hội Giới trẻ thế giới Madrid
Nguyễn Trọng Đa
02:58 24/08/2011
Kẻ thắng lớn là nền kinh tế Tây Ban Nha

ROMA - Số liệu tài chính của Đại hội Giới trẻ thế giới được nhật báo L'Osservatore Romano bằng tiếng Ý công bố ngày 24-8 cho thấy: tiền chi là hơn 50 triệu euro (chính xác là 50.482.621 euro, hay 72.748.000 USD), từ sự đóng góp của các bạn trẻ tham dự Đại hội, các giáo phận, và 165 nhà tài trợ. Về mặt tài chính, “kẻ thăng lợi chính là nền kinh tế Tây Ban Nha".

Thông cáo chính thức đưa ra chi tiết các khoản thu và chi tại Đại hội: “70% là tiền đóng góp của các khách hành hương, và 30% là các khoản tài trợ và hiến tặng: Không có tiền đóng góp nào của chính phủ Tây Ban Nha hoặc chính quyền địa phương".

Chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Cơ quan tổ chức Đại hội, Đức Hồng Y Stanislas Rilko, đã khẳng định rằng Đại hội Giới trẻ thế giới ở Madrid là một sự kiện hoàn toàn "tự thu chi tài chính”.

Nói chính xác hơn: 31, 5 triệu euro là do các người đăng ký tham dự Đại hội đóng góp; 16, 5 triệu euro của các nhà tài trợ; 2, 4 triệu euro là tiền hiến tặng tư nhân.

Về phần chi: 12, 2 triệu euro được phân bổ cho việc tổ chức sự kiện lớn (tại Plaza Cibeles, sân bay Cuatro Vientos); 5, 5 triệu euro trang trải các chi phí chung của ban thư ký và tiếp đón khách hành hương; 4, 7 triệu euro cho mochillas, ba lô; 7, 2 triệu euro được phân bổ cho cơ sở hạ tầng; 4, 2 triệu euro cho các chương trình văn hóa và cẩm nang hướng dẫn cho khách hành hương; 1, 2 triệu euro cho an ninh và gần 4 triệu euro cho "các tình nguyện viên”.

Giám đốc điều hành và phát ngôn viên Đại hội Giới trẻ thế giới năm 2011 Madrid, ông Yago de la Cierva, cũng nói với nhật báo L’Osservatore Romano rằng"2.500 euro đã được chi cho các điều trị sức khỏe, một con số không đáng kể so với một sự kiện tầm cỡ thế này". Số lượng phương tiện truyền thông đã cộng tác với Đại hội là trên 50 hãng tin.

Ông Yago de la Cierva nói rõ: “Cuối cùng, các thẻ ăn ở nhà hàng cho thấy các khoản thu nhập quan trọng ở Tây Ban Nha vào tháng Tám, vốn thường là tháng ‘chết’ về doanh thu du lịch”.

Người ta ước tính rằng hơn 100 triệu euro (141,6 triệu USD) là lợi nhuận cho thương gia và nhà hàng, tức là một số tiền cao gấp bốn lần so với những gì đạt được trong cùng kỳ của năm 2010: Ban tổ chức đã kết luận rằng kẻ chiến thắng chính là "nền kinh tế Tây Ban Nha". (Zenit.org 23-8-2011)
 
Người Philippines ở Madrid cảm nghiệm sự hiệp nhất của Giáo Hội để gặp Chúa Kitô
Nguyễn Trọng Đa
03:05 24/08/2011
Madrid - "Cảm nghiệm ở Đại hội Giới Trẻ Thế Giới là một cơ hội cảm nghiệm sự hiệp thông với Giáo Hội và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô", - linh mục Garcia, người Philippines, Dòng Truyền giáo Đức Mẹ Thánh Giá, người cùng đi với một số bạn trẻ của giáo xứ mình đến Madrid, nói với hãng tin AsiaNews.

Hơn hai ngàn người Philippines đã đến Madrid để tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế Giới. Trong số này, khoảng 400 người là thành phần của phái đoàn thuộc Ủy ban Giới trẻ của Hội đồng Giám mục Philippines, phần còn lại là các người trẻ và linh mục từ nhiều giáo xứ và giáo phận khác nhau trong cả nước. Một số người trong số họ đã tự du lịch đến Madrid.

Cha Garcia giải thích rằng tại Đại hội Giới Trẻ Thế Giới, các bạn trẻ tuổi có một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm đức tin và sự hiệp nhất, vốn giúp họ sống tốt cuộc đời cho Chúa Kitô và Giáo Hội. Cha nói: “Tại Philippines, chúng tôi không gặp khó khăn trong việc dạy giáo lý cho các bạn trẻ. Đất nước chúng tôi là chủ yếu Công giáo. Nhưng ĐTC Gioan Phaolô II đã mời gọi các Giám mục dạy đức tin cho các thế hệ mới một cách đơn giản, thông qua âm nhạc, thể thao và các cách khác để giúp đỡ người khác hiểu rõ hơn về sứ điệp Kitô giáo".

Theo linh mục, việc trải nghiệm vẻ đẹp của Kitô giáo có thể giúp các bạn trẻ đạt đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin, như ĐTC Biển Đức XVI đã nêu ra trong bài phát biểu khai mạc của mình. "Khi các người trẻ hiểu được sự vĩ đại của Kitô giáo, không còn là khó khăn cho họ để dâng cuộc sống của họ cho Thánh Giá. Chúng tôi không phải thuyết phục họ về điều này, nhưng họ phải có khả năng sờ chạm, với hai bàn tay của mình, những gì đức tin có thể tạo ra trong xã hội thế tục hôm nay".

Philippines,cùng với Đông Timor, là quốc gia duy nhất có đa số tín hữu Công giáo ở châu Á. Sự hiện diện của một Giáo Hội linh động và hoạt động đã cho phép trong những năm gần đây đào tạo nhiều linh mục và tu sĩ. Các vị được gửi ra nước ngoài để truyền giáo, phục vụ các cộng đồng di dân và giáo xứ, nhằm giúp đỡ ở các nước ngoài đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ơn gọi.

ChaJoaquin là một linh mục trẻ, một người sinh ở tỉnh Occidental Negros, miền tây Visayas, Philippines, nhưng đã làm việc với các bạn trẻ của một giáo xứ nhỏ ở Los Angeles (Mỹ) trong nhiều năm. Cha đến Madrid với 34 người trẻ, thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, bao gồm cả người Philippines và người Mexico, lần đầu tiên tham dự một Đại hội Giới Trẻ Thế Giới.

Mặc dù rất nhiều sắc tộc và ngôn ngữ hiện diện tại Madrid, cha Joaquin nói rằng nhóm bạn trẻ của cha đã không gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác với các người trẻ khác. Cha nói: “Tôi nghĩ rằng ở đó không có rào cản giữa người Công giáo với nhau, mặc dầu khó để hiểu được tiếng nói, chúng tôi hiểu các cử chỉ. Tuy nhiên, cảm giác là có một sự hiệp nhất hoàn vũ. Chúng tôi đều muốn biết những người ấy là ai, họ làm gì trong cuộc sống và tại sao họ có mặt ở đây".

Cha nhấn mạnh rằng nhờ Đại hội này, "các bạn trẻ hiểu rằng họ không đơn độc trong cảm nghiệm của mình về đức tin". (AsiaNews 23-8-2011)
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Brasil: Niềm vui và hy vọng cho giới trẻ
Bùi Hữu Thư
06:42 24/08/2011
Đức Tổng Giám Mục Orani J. Tempesta, Rio de Janerio
Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro phản ứng trước thông cáo của Tòa Thánh về Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp tới

Rôma, ngày 23 tháng 8, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Vì Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần tới sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Bresil, Orani João Tempesta đã nhắc đến niềm vui và hy vọng đại hội sẽ khơi dậy tại đây cho giới trẻ Bresil.

Ngài đã chia xẻ trên đài Radio Vatican là "Ngay từ năm 2006, giới trẻ Bresil đã mong đợi được nghe tin này." Thật ra Hội Đồng Giám Mục Bresil đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Benedict XVI lời thỉnh cầu này trong chuyến ngài viếng thăm Bresil. "Bây giờ thì điều này đã được công bố chính thức."

Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro tiếp, "Giới trẻ Bresil với tất cả những vần đề họ gặp phải - cũng giống như các bạn trẻ trên toàn thế giới - họ trông đợi cơ hội này với rất nhiều hy vọng, với niềm hân hoan và với trách nhiệm là phải làm những gì tốt đẹp hơn để có một thế giới công chính hơn, thân hữu hơn, và Kitô giáo nhiều hơn."

Ngài đã tiếp nhận tin này "với những tâm tình hân hoan lớn lao là sẽ được thấy những bạn trẻ trong nước và cũng băn khoăn về trách nhiệm phải tiếp nhận trên một triệu người trẻ tại Rio de Janeiro, xứ Bresil." Ngài tiếp: "Nhưng tôi tin rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và sự hợp tác của người dân Bresil, chuíng tôi sẽ thành công trong việc tiếp đón tốt đẹp tất cả mọi người."

Khi được hỏi về điệp văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi giới trẻ loan báo Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro đã nhận xét rằng tại Madrid, đã có một giới trẻ đặc biệt Phúc Âm hóa.

Ngài kết luận: Giới trẻ thực sự là những người "tiên phong hỗ trợ" cho Giáo Hội, và "tôi tin rằng khi họ trở về nhà, trong cộng đồng của họ, tại các giáo xứ và các giáo phận cuủa họ, họ sẽ tự nguyện và hân hoan loan báo Chúa Giêsu Kitô như niềm hy vọng cho thế giới."
 
Công giáo và Caritas thay đổi chất lượng cuộc sống ở Sri Lanka
Trầm Thiên Thu
06:42 24/08/2011
SRI LANKA (UCANews, 23-4-2011) – Tại giáo xứ Seemawelia hẻo lánh và nghèo khổ, thuộc giáo phận Chilaw, nơi có lễ hội đa tôn Munneswaram diễn ra hàng năm. Giáo hội địa phương và một nhóm Công giáo đang hợp tác với Caritas xây dựng những ngôi nhà bằng gạch để thay thế những căn nhà đất tồi tàn được dùng làm chỗ ở từ nhiều năm qua.

Một căn nhà ở Seemawelia
Trớ trêu là vật liệu để xây dựng những căn nhà này lại chính là những thứ mà cư dân đang đứng trên đó. Họ thường phải đến đó đào đất sét cho nhà máy gạch, họ đã lấy đất sét làm nhà tạm thời hết năm này qua năm khác. Tổ chức Caritas đã cho họ biết về những gì có sẵn và khuyến khích họ.

Nissanka Fernando, nhân viên Caritas, nói: “Chúng tôi tin rằng mọi người đều có thứ gì đó. Trách nhiệm của chúng tôi là chỉ cho họ thấy họ có thứ gì”.

Dân chúng được hỗ trợ thêm nhờ sự giúp đỡ của Lm Jude Nicholas Fernando, giám đốc Trung tâm Gia đình Tông đồ Giáo phận kiêm chủ tịch Tổ chức Phi chính phủ Dimuthu của Sri Lankan. Nhờ sự hỗ trợ của một hội từ thiện ở Ý, tổ chức Dimuthu đã mua đủ đất để xây dựng 43 căn nhà mới.

Ấn tượng với nỗ lực và sự nhiệt thành của dân làng, Lm Fernando cũng giúp các thiết bị để đào và chuyển đất sét. Hiện nay, những viên gạch đang được hình thành và có ba thợ nề lành nghề của làng đang được một số người khác phụ việc.

Những căn nhà mới sẽ tạo sự khác biệt về chất lượng cuộc sống tại giáo xứ “khỉ ho cò gáy” này, nơi mà người ta phải chịu đựng sự nghèo khổ trong những căn nhà tạm. Chị Menika Kumari, mẹ của 3 đứa con, nói: “Mùa mưa ở đây khủng khiếp lắm. Các con tôi dễ mắc nhiều chứng bệnh như sốt và ho”.

P. K. Padmasira nói: “Đàn ông phải ra khỏi làng đi kiếm sống, làm việc ở các nông trại mà mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 250 ru-pi (2 USD)”.

Các trường học gần nhất cũng cách khá xa. Một lần nữa, tổ chức của Lm Fernando đã giúp ích bằng dự án cung cấp những chiếc xe đạp cho các con em trong giáo xứ.
 
Cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời
Linh Tiến Khải
10:26 24/08/2011
Cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời. Vì số đông người trẻ đến từ khắp nơi trên trái đất, nó đã là một dịp đặc biệt giúp suy tư, đối thoại, trao đổi các kinh nghiệm tích cực và nhất là để cầu nguyện với nhau và canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô, Người Bạn trung thành.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 3.000 tín hữu va du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 24-8-2011 tại Castel Gandolfo. Vì Đức Thánh Cha vừa mới công du Tây Ban Nha về, nhân Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ XXVI tại Madrid, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một vài cảm tưởng về chuyến viếng thăm.

Đức Thánh Cha đã định nghĩa biến cố này như sau: Như anh chị em biết, đó đã là một biến cố giáo hội gây xúc động; khoảng 2 triệu người trẻ đến từ mọi đại lục đã tươi vui sống một kinh nghiệm tình huynh đệ, gặp gỡ Chúa, chia sẻ và lớn lên trong đức tin: một thác ánh sáng đích thật. Tôi cảm tạ Thiên Chúa về ơn qúy báu trao ban hy vọng cho tương lai Giáo Hội: các bạn trẻ với ước muốn vững vàng chân thành đâm rễ sâu trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin, và cùng nhau tiến bước trong

Giáo Hội. Dĩ nhiên, tôi không thể miêu tả trong ít lời các giờ phút sâu đậm mà chúng tôi đã sống. Tôi còn có trong trí niềm hăng say không thể kìm hãm được của người trẻ khi họ tiếp đón tôi tại quảng trường Cibeles, các lời nói của họ diễn tả sự chờ mong, ước muốn mãnh liệt hướng tới chân lý sâu thẳm và bén rễ sâu trong đó, chân lý mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết trong Chúa Kitô.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã duyệt qua các cuộc gặp gỡ khác nhau của ngài. Trong tu viện El Escorial đồ sộ đầy ắp lịch sử tu đức và văn hóa, ngài đã gặp các nữ tu trẻ và các giáo sư đại học trẻ tuổi. Với các nữ tu Đức Thánh Cha đã nhắc cho các chị nhớ tới vẻ đẹp của ơn gọi sống trung thành, và tầm quan trọng của công tác phục vụ tông đồ cũng như chứng tá ngôn sứ. Đức Thánh Cha nói ngài bị ấn tượng bởi sự hăng say của các chị, bởi một đức tin trẻ trung, tràn đầy can đảm đối với tương lai, cũng như ý chí phục vụ nhân loại của các chị. Ngài đã nhắn nhủ các giáo sư trẻ tuổi hãy là các nhà đào tạo các thế hệ mới bằng cách hướng dẫn họ trong việc tìm kiếm chân lý, không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả cuộc sống nữa, ý thức rằng Chân Lý là chính Chúa Kitô. Khi gặp Chúa Kitô là chúng ta gặp chân lý. Vào ban chiều trong buổi đi đàng Thánh Giá, một đám đông người trẻ khác nhau đã sống việc tham dự sâu xa vào các cảnh cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô: thánh giá Chúa Kitô trao ban nhiều hơn những gì nó đòi hỏi, nó trao ban tất cả, bởi vì nó dẫn đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

Ngày hôm sau là thánh lễ trong nhà thờ chính tòa Almudena với các đại chủng sinh, là những người trẻ muốn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô để khiến cho Người hiện diện mai sau như là các thừa tác viên của Chúa. Tôi cầu mong các chủng sinh lớn lên trong ơn gọi linh mục của họ! Trong số các chủng sinh có vài người đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trước đây. Và tôi chắc chắn rằng tại Madrid Chúa cũng đã gõ cửa trái tim của nhiều người trẻ, để họ theo Ngài trong chức thừa tác linh mục hay cuộc đời tu sĩ với lòng quảng đại.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói cuộc viếng thăm một trung tâm các người trẻ tàn tật đã cho tôi thấy sự kính trọng và tình yêu thương lớn lao đối với mọi người và đã là dịp để tôi cám ơn hàng ngàn người thiện nguyện làm chứng cho Tin Mừng bác ái và sự sống trong thinh lặng.

Buổi canh thức ban chiều và thánh lễ kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là hai thời điểm rất sâu đậm: vào ban chiều rất đông đảo người trẻ đã tưng bừng, không sợ hãi trước mưa gió, thinh lặng thờ lậy Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, để chúc tụng Ngài, cảm tạ Ngài, xin ơn trợ giúp và ánh sáng. Rồi trong ngày Chúa Nhật giới trẻ đã biểu lộ niềm vui tràn đầy của họ khi cử hành Chúa trong Lời Ngài và trong Bí tích Thánh Thể, để ngày càng được tháp nhập vào Chúa hơn, và củng cố đức tin và cuộc sống kitô của họ. Sau cùng trong bầu khí hăng say tôi đã gặp các người thiện nguyện và cám ơn họ vì sự quảng đại của họ. Với các lễ nghi tạm biệt tôi đã rời đất nước Tây Ban Nha và ghi khắc trong tim các ngày lớn lao này như một ơn vĩ đại.

Đức Thánh Cha đã tóm tắt kinh nghiệm chuyến đi Tây Ban Nha để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ như sau.

Các bạn thân mến, cuộc gặp gỡ tại Madrid đã là một biểu lộ đức tin tuyệt vời đối với nước Tây Ban Nha và trước nhất là đối với toàn thế giới. Vì số đông người trẻ đến từ khắp nơi trên trái đất, nó đã là một dịp đặc biệt giúp suy tư, đối thoại, trao đổi các kinh nghiệm tích cực và nhất là để cầu nguyện với nhau, và canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô, Người Bạn trung thành. Tôi chắc chắn rằng các bạn trẻ đã trở về nhà mình với quyết tâm là men trong đám đông, bằng cách đem lại cho họ niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin. Về phần tôi, tôi tiếp tục đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện, để họ trung thành với các dấn thân đã cam kết. Tôi xin phó thác các hoa trái của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Maria.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã loan báo đề tài các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới như sau:

Giờ đây tôi muốn loan báo các đề tài cho các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới đây như sau. Ngày Giới Trẻ năm tới diễn ra trong các giáo phận sẽ có khẩu hiệu là ”Anh em hãy vui luôn trong Chúa!” rút ra từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (4,4); trong khi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2013 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro. Khẩu hiệu sẽ là lệnh truyền của Chúa Kitô: ”Hãy ra đi làm cho các dân tộc trở thành môn đệ của Thầy” (x. Mt 28,19). Ngay từ bây giờ tôi xin tín thác nơi lời cầu nguyện của mọi người việc chuẩn bị các thời điểm quan trọng này.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã không quên cảm ơn các giới chức đạo đời, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, các Giám Mục các nơi khác trên thế giới, Hội Đồng Tòa Thánh Giáo Dân, các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ. Ngài cũng lập lại lời cám ơn hoàng gia, chính quyền và các cơ cấu hiệp hội Tây Ban Nha, toàn dân nước và tất cả những ai đã cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài.

Trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người Đức Thánh Cha đã chào các nhóm bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.
 
Dư âm Đại hội giới Trẻ Madrid
LM Anphong Trần Đức Phương
13:00 24/08/2011
“Lời Chúa Giêsu Kitô có mục đích là đi vào các tâm hồn và bén rễ sâu ở đó.”

Thế là Đại Hội Giới trẻ Thế Giới tại Madrid đã kết thúc.

Dù chúng ta không thể đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, chúng ta cũng đã được xem đầy đủ các tin tức, các hình ảnh sinh hoạt sống động qua mạng lưới toàn cầu, qua truyền hình, qua các phương tiện truyền thông….Một cách nào đó, “cả thế giới hôm nay có mặt ở Madrid!”

Tạ ơn Chúa, mọi sự đều được tốt đẹp. Đức Giáo Hoàng đã trở về lại Roma. Các bạn trẻ cũng đã lên đường trở về lại quê hương của mình, dù gần như các nước ở Âu Châu; hay xa, thật xa như các nước ở Phi Châu, ở Nam Mỹ, ở Á Châu… Về lại quê hương Việt Nam.

Dù về đâu, tất cả đều mang theo về quê hương bao kỷ niệm thân thương, quý báu, cũng như một sức sống mới, một lòng nhiệt thành hơn để chúng tay xây dựng đất nước và củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa và Giáo Hội.

Dù đã xa nhau và biết bao giờ có dịp gặp lại, những ảnh hưởng Đại Hội vẫn sâu đậm và tồn tại mãi mãi ở mọi người. Ảnh hưởng đó cũng còn lại mạnh mẽ tại quốc gia Tây Ban Nha, và vang âm đến mỗi quốc gia khắp mặt địa cầu, đem lại bao lợi ích tinh thần, sức sống cho các Bạn Trẻ và bao người rải rắc khắp nơi trên thế giới.

Các bạn trẻ từ khắp nơi, dù khác biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói… vẫn thấy mình thật gần gũi nhau trong cùng một gia đình Giáo Hội, thưởng thức được bao cảnh đẹp của đất nước Tây Ban Nha. Các bạn trẻ Tây Ban Nha cũng được dịp gặp gỡ bao bạn trẻ khắp nơi trên thế giới về dự Đại Hội. Đất nước và Giáo Hội Tây Ban Nha cũng được hưởng bao ảnh hưởng tốt và sức sống Đức Tin sẽ vươn lên.

Mặc dù có những nhóm người biểu tình chống đối vì cho là đất nước Tây Ban Nha đã tiêu pha quá nhiều tiền bạc để tổ chức Đại Hội, và dành quá nhiều ưu tiên cho các bạn trẻ về dự Đại Hội, trong khi Tây ban Nha cũng đang gặp phải nạn suy thoái kinh tế như các nước trên thế giới; mà tiền đó lại do tiền đóng thuế của dân chúng! Thế nhưng Ban Tổ Chức đã xác quyết và chứng minh là tiền bạc tiêu pha để tổ chức Đại hội không hề lấy ở quỹ quốc gia Tây ban Nha, mà do những nhà hảo tâm giúp đỡ và Giáo hội cùng đóng góp vào . Hơn nữa, bao nhiêu Bạn Trẻ và các khách hành hương đến dự Đại Hội cũng đã tiêu pha bao nhiêu tiền bạc cho đất nước Tây ban Nha.

Đức Giáo Hoàng cũng đã đến, không phải chỉ để chủ tọa Đại Hội, nhưng đã hoà mình vào với Giới Trẻ để cùng cầu nguyện, cùng sinh hoạt, gặp gỡ và chia sẽ và ban các Bí tích, giảng dạy Giáo Lý, cùng với các vị Hồng y, Giám Mục và Linh Mục.

Dư âm của đại hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ còn vang vọng qua thời gian và tiếp nối cho đến Đại Hội lần tới vào năm 2013 tại Rio de Janeiro (Brazil). Các bạn trẻ Brazil đã lãnh nhận Thánh Giá Hành Hương rước về quê hương và bắt đầu một cuộc hành trình mới tiếp nối Đại hội Madrid qua thời gian cho đến Đại Hội lần tới.

Chia sẻ niềm vui và sức sống Đức Tin của các Bạn Trẻ có mặt ở Madrid, Đức Giáo Hoàng nói:

“Cha rất vui mừng thấy chúng con hiện diện nơi đây tại Madrid. Cha cầu nguyện để những ngày này sẽ là những ngày tốt đẹp, những ngày cầu nguyện, nhờ đó chúng con sẽ tăng cường được mối tương quan với Chúa Giêsu…Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con…”

“Trong khi phải đối diện với sự yếu đuối mà đôi khi áp đảo chúng ta, chúng ta vẫn có thể cậy trông vào lòng thương xót của Chúa là Đấng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trở lại và ban cho chúng ta sự tha thứ qua Bí Tích Giải tội.”

Một lần nữa chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Chúa. Xin Chúa, nhờ lời Đức Mẹ Maria và các Thánh chuyễn cầu, chúc lành cho mỗi người chúng ta, đặc biệt cho giới trẻ, cho Giáo Hội và cho thế giới chúng ta.
 
Trên mặt trận Phò Sự Sống: Phó Tổng Thống Biden bị tố cáo đã bán đứng nhân quyền của người phụ nữ Trung Hoa
Trần Mạnh Trác
16:11 24/08/2011
(CNA 23-8-11) .- Một nhân vật cổ võ nhân quyền hàng đầu tại Hạ viện Mỹ cho biết Phó Tổng thống Joe Biden đã phản bội người phụ nữ và trẻ em Trung Quốc khi ông tuyên bố ông không "đóan mò" nhưng "hoàn toàn thông cảm" chính sách Một Con của Trung Quốc.

"Chính sách chỉ được có Một Con cho mỗi cặp vợ chồng là một chính sách tàn nhẫn, vô nhân đạo và là sự tấn công chống lại người phụ nữ có hệ thống nghiêm trọng nhất từ trước đến nay", là lời tuyên bố ngày 23 tháng 8 của dân biểu Chris Smith (R-N.J.). "với vai trò của một vị Phó Tổng thống mà công khai tuyên bố rằng ông hoàn toàn thông cảm cho chính sách Một Con là một việc làm vô lương tâm."

"Thay vì khuyến khích chính sách đó, ông ta nên làm như tất cả chúng ta là bảo vệ người phụ nữ Trung Quốc khỏi sự tàn bạo cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản của nhà nước."

Phó Tổng thống Biden đã phát biểu như trên khi ông tới thăm trường Đại học Tứ Xuyên ở thành phố Thành Đô trong khuôn khổ viếng thăm cấp quốc gia tại Trung Hoa. Ông đã đề cập đến tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ khi phải chi trả cho các chương trình xã hội lúc mà số lượng người về hưu vượt quá số lượng người làm việc, một vấn đề mà ông nói rằng Trung Quốc đang chia sẻ những nỗi khó khăn.

"Qua những cuộc đàm luận với một số nhà lãnh đạo của các bạn, rõ ràng những quan tâm tương tự đang được chia sẻ ở đây", Biden nói.

"Chính sách của nước bạn đã là một trong những điều mà tôi hoàn toàn hiểu - Tôi không đoán mò - việc Một Con cho mỗi gia đình. Kết quả là nước bạn đang ở trong một vị thế mà một người có thu nhập phải chăm sóc bốn người về hưu. (Một vị thế như vậy là) Không bền vững. "

Lời phát biểu tại Thành Đô của ông Biden đã bị chỉ trích mạnh mẽ và rộng rãi, đặc biệt là từ các nhà hoạt động phò sự sống và các đối thủ chính trị của ông.

Chủ tịch hạ Viện John Boehner (R-Ohio) cho biết rằng ông "vô cùng đau buồn trước lời phát biểu đó ... cách riêng chính sách Một Con của Trung Quốc đã đưa tới những cưỡng chế triệt sản và phá thai cho nên bất kỳ quan chức của Mỹ nào cũng không nên quay mặt làm ngơ".

Vào ngày 23 tháng 8, trang web Daily Caller báo cáo rằng họ đã nhận được một e-mail từ cô Kendra Barkoff là phát ngôn viên của Biden, nói rằng "chính quyền Obama mạnh mẽ phản đối tất cả các khía cạnh giới hạn sinh sản, bao gồm cưỡng chế phá thai và triệt sản của Trung Quốc."

Cô Barkoff cho biết chính ông Biden "tin rằng những thực hành như vậy là những việc đáng ghê tởm." Cô cho biết lời nhận xét của ông chỉ là một cách để "tạo ra tranh luận chống lại chính sách Một Con trước khán giả Trung Quốc."

Đáp lại lập luận trên của cô Barkoff, Dân biểu Smith đã chỉ ra rằng hồ sơ giao dịch của chính quyền Obama đối với Trung Quốc, cách riêng về vấn đề dân số, đã không hỗ trợ luận điệu "phản đối mạnh mẽ" của cô Barkoff.

"Chính quyền này đã từ lâu ủng hộ chính sách độc ác này bằng sự im lặng và bằng những hỗ trợ tài chính cho các tổ chức như UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc) là quĩ hỗ trợ chương trình tàn bạo của chính phủ Trung Quốc", DB Smith lập luận.

Ông nhấn mạnh đến những điếu kinh dị mà chính sách kiểm soát dân số của Trung quốc đã gây ra.

"Nếu một phụ nữ bị bắt là đã mang thai mà không có phép rõ ràng của chính phủ để được sinh con, thì cô ta bị buộc phải phá thai," Ông Smith nói. "Những phụ nữ chưa chống bị bắt phải hủy thai. Nhà Nước sẽ giết tất cả những bào thai bị phát hiện có nguy cơ trở thành khuyết tật. "

"Phạt tiền cho đến phá sản... phạt tù, tra tấn, tịch thu tài sản, đuổi việc, không được học lên cao, tịch thu nhà ở và không có chăm sóc sức khỏe là những vũ khí mạnh mẽ được sử dụng bởi các cán bộ kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo sự tuân thủ. Thật là không ngạc nhiên khi biết rằng có hơn 500 phụ nữ Trung Quốc tự tử mỗi ngày."

Dân biểu Smith nói rằng chính Tổng thống Obama đã "bán đứng" phụ nữ và trẻ em Trung Quốc trong các cuộc họp với vị Chủ tịch Trung Quốc.

Tổng thống Obama "không nói một lời nào về những tội ác nhân quyền khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Washington đầu năm nay, thay vào đó, ông tổ chức một dạ yến nhà nước cho ông ta."

"Phụ nữ Trung Quốc", DB Smith nói, "cần chúng ta hỗ trợ," chứ không phải là "tiếp tay với nhà nước Trung Quốc"
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và chính trị tôn giáo Tây Ban Nha
Vũ Văn An
19:57 24/08/2011
Bầu không khí đạo hạnh và vui tươi của tuần lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid đã được Giáo Hội tối đa hóa bằng cách tránh không nói tới mối căng thẳng vốn hết sức nặng nề giữa chính phủ xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha của ông Zapatero và Giáo Hội Công Giáo, qua các đạo luật cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Các căng thẳng này vẫn còn đó và vẫn xuất hiện lộ liễu trong những ngày đầy hân hoan này.

Thực vậy, tờ La Stampa ngày 22 tháng 8 cho chạy hàng tít: Phu nhân Zapatero: hoàng hậu chống Đức Giáo Hoàng. Vì bà là bà vợ duy nhất của các chính khách Tây Ban Nha nhất định không chịu gặp Đức Bênêđíctô XVI trong suốt mấy ngày ngài ngụ tại thủ đô Tây Ban Nha. Và thực tế, bà không hề xuất hiện tại bất cứ biến cố nào của tuần lễ những Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2011. Đây là lần đầu tiên, một đệ nhất phu nhân không tham dự cuộc nghinh đón vị giáo hoàng tới viếng thăm nước mình. Ngược lại, chồng bà đã gặp Đức Bênêđíctô XVI đến hai lần.

Lần đầu tiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã cùng Vua Juan Carlos và hoàng hậu Sophia nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại sân bay quốc tế Madrid. Thành phố này chuẩn bị hơn bao giờ hết để đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào, dù ETA (1) không còn là mối lo nữa, vì họ đã tuyên bố đình chiến vào hồi tháng Giêng năm nay. Hệ thống an ninh mà chính phủ xã hội chủ nghĩa của Thủ Tướng José Luís Rodríguez Zapatero sắp về vườn khai triển là một trong hai hệ thống lớn nhất từng được khai triển sau thời Franco. Hệ thống kia được khai triển dịp hôn lễ của Đông Cung Thái Tử Philippe, con đầu lòng của Vua Carlos. Dịp đó, nửa số quốc vương và hoàng hậu của thế giới và nhiều quốc trưởng cũng như thủ tướng các quốc gia tới tham dự.

Chẳng qua vì cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào tháng 11 khiến chính phủ Zapatero không muốn có bất cứ sự lộn xộn nào. Tuy nhiên, theo tờ Il País, cũng là vì họ không muốn làm phật lòng Đức Giáo Hoàng. Mười nghìn cảnh sát viên và dân phòng đã được phối trí để canh chừng từng bước đi của ngài cũng như để ý tới đám đông vĩ đại gồm hàng triệu người trẻ tuốn vào thủ đô. Cảm tình nồng hậu mà Đức Giáo Hoàng tỏ bày với thành phố này trong suốt chuyến viếng thăm cho thấy Tây Ban Nha “da trắng” đang ngẩng cao đầu một lần nữa sau 8 năm cai trị của Zapatero và cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa từng làm cho Vatican và hàng giám mục Tây Ban Nha bất mãn. Theo nhiều cuộc thăm dò, Đảng Nhân Dân (Partido Popular) dưới sự lãnh đạo của Mariano Rajoy, một người Công Giáo, chắc chắn sẽ thắng cuộc tuyển cử tháng Mười Một. Tây Ban Nha đã bỏ rơi José Luís Rodríguez Zapatero, người sẽ không ra tranh cử vào tháng Mười Một tới, từ những cuộc bầu cử miền và địa phương hồi mùa xuân năm nay. Việc vắng mặt của phu nhân Zapatero trong các lần gặp gỡ chính thức với Đức Giáo Hoàng khiến giới truyền thông liên kết bà với những cuộc biểu tình chống Đức Giáo Hoàng gần đây.

Sau những năm căng thẳng, Tòa Thánh đã mở một trang mới với Zapatero, “tên phá hoại Kitô Giáo”, tiếp theo một cuộc chuyện trò thân mật giữa Đức Bênêđíctô XVI với thủ tướng xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha vào thứ sáu tuần qua. Tờ El Mundo của Tây Ban Nha viết rằng: “Rôma vui vẻ mở trang mới với Zapatero, như thói quen trong chiến thuật ngoại giao tinh tế của Tòa Thánh, chứ không ấn con giao của mình sâu hơn”. “Zapatero đang rời chức vụ của mình và Đức Giáo Hoàng đã tiếp đãi ông một cách thân ái: nhưng ông cũng không còn gây lo ngại cho Giáo Hội nữa và cây cầu bằng bạc đã được bắc cùng với nước thánh dành cho kẻ thù đang trốn chạy”. Trong cuộc gặp gỡ tại Toà Sứ Thần Tòa Thánh tại Madrid, Đức Giáo Hoàng tặng thủ tướng xã hội chủ nghĩa, cha đẻ của các đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và phá thai, một cây bút bằng bạc. Ông vốn được mô tả là “kẻ thù dữ dằn nhất trong những năm gần đây” của Giáo Hội Tây Ban Nha. Các giám mục nước này thường gọi ông là “tên phá hoại Kitô Giáo, một người giương cao lá cờ của chủ nghĩa duy thế tục và tệ hơn nữa còn gọi ông là người bách hại Giáo Hội”. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ tại Tòa Khâm Sứ, Đức Bênêđíctô XVI không nhắc chi đến những chuyện đó, trái lại đã cùng ông thảo luận về tình hình kinh tế Châu Âu, cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo ở Vùng Sừng Châu Phi và những cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập.

Đây là cuộc gặp gỡ thứ năm giữa hai nhân vật này và có lẽ là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vị. Trong khi ấy, Đức Bênêđíctô XVI cũng gặp mặt thủ lãnh đối lập người Công Giáo là Mariano Rajoy, tại phòng áo lễ của nhà thờ chính tòa Almudena. Cuộc gặp mặt này hiện nay không chỉ còn là một cử chỉ lịch sự nữa. Vì mọi cuộc thăm dò đều tiên đoán rằng Rajoy sẽ thắng cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đương kim thủ tướng sẽ không ra tranh cử, vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang giáng cho ông một đòn chí tử. Mọi cuộc thăm dò đều cho thấy mức ủng hộ ông đã xuống rất thấp và ứng cử viên xã hội chủ nghĩa là Alfredo Rubalcaba thua Rajoy đến 10 điểm. Lãnh tụ Đảng Nhân Dân đã tuyên bố rằng ông sẽ tu chính hay bãi bỏ các đạo luật từng làm đau đầu Vatican và các giám mục Tây Ban Nha trong mấy năm qua. Nhất là các đạo luật cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị chớp nhoáng (express divorce) và an tử. Việc lên cầm quyền của tân chính phủ bình dân sẽ đem lại một thúc đẩy mới cho chiến lược tân phúc âm hóa của Giáo Hội tại Châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề của làn sóng tục hóa và chủ nghĩa duy tương đối.

Cuộc “trở lại” từ thù thành bạn

Trước đó, ngày 18 tháng 8, nhân cuộc gặp gỡ giữa Đức Bênêđíctô XVI và Zapatero tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Madrid, cũng tờ báo trên cho chạy hàng tít: Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Cuộc “Trở Lại” của Zapatero từ thù thành bạn.

Theo bài báo trên, Madrid đang gửi nhiều tín hiệu ngoại giao đầy khích lệ tới Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến các liên hệ giữa Vatican và chính phủ tiền đạo của chủ nghĩa duy thế tục. Kể từ những cuộc chiến tranh nặng nề bằng lời giữa chính phủ và hàng giám mục Tây Ban Nha về hôn nhân đồng tính và nền giáo dục Công Giáo, Zapatero đang mở ra một con đường đối thoại với Vatican. Sự đóng góp của ông cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã vượt quá cả mong ước của Tòa Thánh và có người cho rằng đạo luật phá thai của ông không đến nỗi như Vatican từng nghĩ. Chính vì thế, phe phò phá thai cũng như các phong trào chống giáo hoàng đã lên tiếng chỉ trích ông khá nặng nề.

Cách cứng rắn đương đầu với những cuộc biểu tình của nhóm Bất Mãn (Indignados) và với những người phản đối Đức Giáo Hoàng quả đã đánh dấu khúc quẹo thực sự của Zapatero trong thái độ đối với Vatican, vì rõ ràng ông ta đã chọn một thứ “ostpolitik” (chính trị xích gần nhau) đầy tính hoà giải và hợp tác đối với Tòa Thánh. Thật khác với lúc mới chiến thắng Aznar, một người Công Giáo hạng nặng, với chính sách duy thế tục cực đoan, ông đã khiến nhiều giới chức của Vatican buông ra nhiều so sánh tiêu cực, đến độ coi ông “còn tệ hơn Fidel Castro” vì thái độ chống Giáo Hội của ông. Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha cho rằng sở dĩ Zapatero dịu giọng đi là vì những thất bại trong các cuộc bầu cử cấp địa phương và vì tỷ lệ chấp thuận của dân chúng đối với ông xuống thấp, ông không muốn thách thức hàng triệu người Công Giáo nữa, những người từng xuống đường phản đối các chính sách duy thế tục của ông.

Mặt khác, trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, các giúp đỡ của Giáo Hội để đạt được một nền hòa bình xã hội là điều mà nước ông không thể không cần tới. Thủ Tướng Tây Ban Nha vốn hy vọng mình không lâm vào cảnh này, nhưng Giáo Hội tỏ ra hết sức cương quyết trong hành động xuống đường để phản đối các sáng kiến có tính xã hội chủ nghĩa về hôn nhân đồng tính, luật sửa đổi ly dị và trên hết luật về giảng dạy tôn giáo. Giáo Hội đang chuẩn bị tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ tại Madrid vào tháng 12 tới. Người ta còn nhớ năm 2004. Lúc ấy quả là một cuộc chiến tranh công khai giữa Giáo Hội và chính phủ. Ủy Ban Giáo Dục của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã huy động các giáo phận cũng như các phong trào, hiệp hội và đoàn thể Kitô Giáo chống lại “sự kỳ thị mà chính phủ này muốn khuyến khích qua việc giảng dạy tôn giáo”. Ủy Ban nhiều lần lên tiếng chỉ trích thái độ của chính phủ xã hội chủ nghĩa, một thái độ được Ủy Ban mô tả là “đóng cửa đối thoại”.

Ghi chú

(1) ETA, viết tắt của Euskadi Ta Askatasuna, tức Phong Trào Tổ Quốc Và Tự Do Cho Basque, một tổ chức đòi độc lập của người Basque.
 
Top Stories
Brazil Bishops Ready for Challenge of WYD '13
Zenit
03:25 24/08/2011
Awaiting Pope's Announcement of the Theme


MADRID, Spain, AUG. 23, 2011- Leading bishops of Brazil are ready and eager to host World Youth Day 2013, though they admit it will be a "great challenge."

At a press conference Sunday in Madrid, Cardinal Raymundo Damasceno Assis, president of the Brazilian episcopal conference; Archbishop Orani João Tempesta of Rio de Janeiro; and Bishop Eduardo Pinheiro da Silva, president of the bishops' commission for youth; said that the choice of Rio de Janeiro as the next WYD host city is a "very special moment for the Church in Brazil."

After expressing his gratitude to the Holy Father for entrusting Rio de Janeiro and Brazil with this "great challenge," Archbishop Tempesta explained that he will shortly contact the Pontifical Council for the Laity to begin the preparations.

The archbishop stated that WYD '13 will be held at the end of July (when schools are on vacation in Brazil), and he said he is already awaiting the Pontiff's announcement of the theme.

Continent

Cardinal Damasceno spoke of the organization of the Church in Latin America through CELAM, the Latin American episcopal council. He said this will make it easier to work together and attract the "largest possible number of young people and many more countries."

The cardinal also noted that the preparatory work will be intense, as WYD will be taking place a year ahead of the soccer World Cup, which Brazil will host in 2014.

"We have one year less to prepare the Day; this means more intense work because we have no time to lose," he said.

Cardinal Damasceno reminded that Latin America is the continent with the largest number of Catholics, and he assured that WYD "will bring many fruits, not only for Brazil's youth but for the whole continent."

For his part, Bishop Pinheiro da Silva predicted that WYD '13 "will show a Church that is alive and creative, in part because of the young people. Brazilian youth, with their creativity, will give us a lovely Day for the whole world."

The bishops added that the Brazilian government is very eager to host the event.

Rio's WYD will be the second in South America. Buenos Aires, Argentina, hosted World Youth Day in 1987.
 
Joy in Rio as Youth Gear Up for 2013
Zenit
03:26 24/08/2011
"We Are Going to Prepare Every Detail With Love"

RIO DE JANEIRO, Brazil, AUG. 23, 2011 - It was only 7 a.m. and a throng of Brazilian young people had been awake for hours. Smiles lit up their tired faces: The Pope is coming here.

The youth who gathered Saturday and early Sunday morning for the Madrid-Rio WYD vigil -- an event enabling the Brazilians to follow the papal events live from Madrid -- welcomed with elation Benedict XVI's announcement of the next WYD host city.

"Rio's youth will gain much from this event," said Father Leandro Cury, director of Cathedral Radio. "I am very happy to know that the Pope is entrusting to us the mission of hosting the youth of the world to reflect on the faith, and on the living of it in today's world."

The episcopal vicar for social communication, Father Marcos William Bernardo, presided over a Holy Mass at the same time that Pope Benedict XVI was celebrating the WYD closing Mass in Madrid. The Pontiff's homily was broadcast live for the Brazilians.

During several moments of the celebration, which began around 4:30 a.m. (local time in Brazil, 9:30 a.m. in Madrid), flashes of the WYD Mass were transmitted by Catholic networks and media.

At the end of the vigil in Rio, around 7 a.m., the joy that conquered exhaustion could still be perceived in the smiles of young people who immediately invaded the streets.

Fabiana Targino of the Youth Ministry office of the South Vicariate, observed that to experience a WYD is a unique emotion in the life of any person.

"We saw that, though belonging to different countries and cultures, what unites us is the same faith in Christ Jesus. To know that the next WYD will be in Rio is an indescribable emotion, a dream come true," she said.

"It is a joy to receive the Pope in our city," Targino added. "We are going to prepare every detail of the next Day with much affection and love. May we be able to show the world that we are bearers of peace."
 
Benedict XVI: Smallest Donations Count in God's Eyes
Zenit
03:27 24/08/2011
VATICAN CITY, AUG. 23, 2011 (Zenit.org).- Benedict XVI is encouraging a generous response to a charity drive in Argentina, assuring that "even the smallest donation counts for God."

The Más por Menos (More for Less) campaign will be held Sept. 11 in all Argentinean parishes.

"As the Lord teaches us in the Gospel, even the smallest donation counts for God," the Holy Father affirmed in a message sent to Bishop Adolfo Uriona of Anatuya, president of the bishops' commission for aid to the poor.

The Pontiff reflected that a donation should reflect "that divine charity capable of detaching even from what is necessary in order to help a neighbor, that charity that is not shown only on rare occasions, but which should permeate the Christian life, thus conforming it to the life of the God of love, of whom we are called to be the image and witness."

"A charity," he continued, "that in the intimate union with God inexcusably calls us to union with our neighbor."

The Bishop of Rome concluded by entrusting the campaign to Our Lady and offering his apostolic blessing.

The donations from the collection will be distributed among 25 dioceses of Argentina.
 
Pope: Nothing to Fear About the Future
Zenit
03:28 24/08/2011
VATICAN CITY, AUG. 23, 2011 (Zenit.org).- It is possible to look to the future with confidence -- because Christ has wrenched man's destiny from darkness.

This is the affirmation Benedict XVI is sharing with the Meeting of Friendship Among Peoples, which is under way this week in Rimini, Italy.

In a papal message of Aug. 10, sent by the Pope's secretary of state, Cardinal Tarcisio Bertone, the Holy Father stated that "man cannot live without the certainty of his destiny."

The message was a reflection on existence and certainty, as the theme of this 32nd Rimini Meeting is "And existence becomes an immense certainty."

"On what certainty can man reasonably found his existence?" the message asked. "What is, at bottom, the hope that does not deceive? With the advent of Christ the promise that nourished the hope of the people of Israel attains its fulfillment, it assumes a personal face. In Christ Jesus, man's destiny was wrenched definitively from the nebulosity that surrounded him. Through the Son, in the power of the Holy Spirit, the Father unveiled to us definitively the positive future that awaits us."

Cardinal Bertone said that the Risen Christ is the "ultimate and definitive foundation of existence, the certainty of our hope."

"Only the certainty that is born of faith enables man to live the present intensely and, at the same time, to transcend it, perceiving in it the reflection of the eternal to which time is ordered," he stated. "Only the recognized presence of Christ, source of life and destiny of man, is capable of reawakening in us the nostalgia of Paradise and thus to project the future with confidence, without fear and false illusions."

The papal message asserted that Christians today are more than ever called to give "reason for the hope that is in us."

"The Church, rendering present in time the mystery of God's eternity, is the appropriate subject of this certainty," the cardinal explained. "In the ecclesial community the pro-existence of the Son of God is reached; in it eternal life, to which all existence is destined, can already be experienced."

Heaven, he continued, is the "definitive fulfillment of friendship with Christ and among ourselves."

Citing a French religious, Cardinal Bertone said that "heaven is, in truth, where Christ is. Thus the heart that loves desires no other joy than to live always close to the beloved."

"Thus," he stated, "existence, is not a blind proceeding, but it is a going to the one we love. Hence, we know where we are going, toward whom we are directed, and this orients the whole of our existence."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họ Đạo CTTĐVN - Atlanta hướng về Hội Chợ Mùa Thu 2011
Lê Hạnh
09:50 24/08/2011
ATLANTA, Georgia – Theo thông lệ hằng năm, cứ vào dịp lễ Lao Động (Labor Day), Họ Đạo CTTĐVN - Atlanta lại tổ chức Hội Chợ Mùa Thu. Hội Chợ năm nay sẽ diễn ra từ ngày 2/9 đến ngày 4/9/2011, tại khuôn viên Thánh Đường của Họ Đạo.

Hội Chợ Mùa Thu thu hút hàng nghìn người Việt bao gồm Công Giáo và không Công Giáo cùng đến tham dự. Nhiều người đến từ các tiểu bang lân cận như: Florida, South Corolia, Tennesse, Alabama… Chủ trương của Hội Chợ là tạo dịp để bà con giáo dân và bạn bè cùng tề tựu vui chơi lành mạnh nhân dịp nghỉ lễ Lao Động. Theo cha Phanxicô Xaviê Trần Quốc Tuấn, quản nhiệm Họ Đạo, cho biết: “Hội Chợ Mùa Thu năm ngoái rất nhộn nhịp, ước tính có khoảng 30.000 lượt người đến tham dự. Hội Chợ năm nay sẽ được tổ chức qui mô và có thêm những tiết mục đặc sắc hơn.”

Tuy ngày 2/9 mới diễn ra Hội Chợ, nhưng từ trước nửa tháng, bầu khí Hội Chợ đã bắt đầu nhộn nhịp với các khâu chuẩn bị lều bạt, thực phẩm, bán vé số… Theo Sơ Ngọc Oanh, OP, thư ký của Họ Đạo, cho biết: “Các đoàn thể đang chuẩn bị hoàn thiện các tiết mục tham gia. Có nhiều những anh chị giáo dân rất nhiệt tình. Có những người làm thiện nguyện cả ngày. Có những người sau khi đi làm ở công sở về, họ lại tranh thủ đến Nhà Thờ để chuẩn bị cho Hội Chợ, nhiều khi làm đến nửa đêm mới về.”

Hội Chợ Mùa Thu diễn ra như một Lễ Hội bao gồm những hoạt động văn hóa và tâm linh.

Hội Chợ năm nay có chủ đề “Con Rồng Cháu Tiên” với các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ danh tiếng biểu diễn, các trò chơi giải trí, xổ số lô-tô, thi hoa khôi, y phục truyền thống, các món ăn ba miền thuần túy quê hương…

Hội Chợ có chương trình thuyết trình và hội thảo với các chủ đề: Thách đố niềm tin, Hạnh phúc gia đình: quá khứ và hiện tại, Ngôn ngữ của tình yêu, Giữ cháy ngọn lửa tình yêu.

Trong những ngày Hội Chợ, sẽ có các Thánh Lễ, các giờ chầu Thánh Thể, các cha sẽ ngồi tòa giải tội.

Trong những ngày này, cả Họ Đạo đã và đang có các giờ chầu Thánh Thể cả ngày để cầu nguyện cho Hội Chợ diễn ra thành công tốt đẹp.
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân mẫu LM Nguyễn Đức Vệ vừa qua đời
LM Stanislao Nguyễn Đức Vệ
02:54 24/08/2011
Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa” (Lc 23,46)
Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh,
Gia đình chúng con vô cùng thương tiếc báo tin:
Cụ bà : Catarina LÊ THỊ BÀI
Sinh ngày 26 tháng 06 năm 1926
tại An Lạc, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Đã từ trần vào lúc 02 giờ 40 phút ngày 22 tháng 08 năm 2011
(nhằm ngày 23 tháng 07 năm Tân Mão)
tại Tư gia số 248 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP. HCM.
Hưởng thọ 85 tuổi.

Chương trình lễ tang
Lễ Nhập quan vào lúc 18 giờ 30 ngày 22 tháng 08 năm 2011.
Lễ Động quan vào lúc 5 giờ 30 ngày 25 tháng 08 năm 2011.
Thánh lễ An táng được cử hành vào lúc 6 giờ 30 Thứ Năm ngày 25 / 08 /2011,
tại Thánh đường Giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang
số 195/29 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP. HCM.
do ĐGM phụ tá Giáo phận Huế – Phanxico Xavie Lê Văn Hồng chủ lễ.
Sau đó an táng tại Nghĩa trang Giáo xứ Thiên Phước, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.

Xin hiệp thông cầu nguyện cho Linh hồn Catarina sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Trân trọng kính báo.
Thay mặt Tang gia
Trưởng Nam
 
Văn Hóa
Trường Ca Thánh Nữ Maria - Đoạn 1,2,3 của Phạm Đức Huyến - Vũ Đình Ân
Bùi Hữu Thư
05:37 24/08/2011
Hân hạnh giới thiệu "Trường Ca Thánh Nữ Maria - Đoạn 1,2,3"
Thơ: Hàn Mạc Tử
Nhạc: Phạm Đức Huyến - Vũ Đình Ân

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giã Bạn
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:51 24/08/2011
GIÃ BẠN
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Tung đôi cánh nhỏ bạn lên đường
Phủ đầy con nước nỗi vấn vương,
Người đi ngàn dặm thân đơn chiếc
Người về soi bóng đáy dòng thương.
(Joseph Nguyễn Tro Bụi)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền