Ngày 22-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Theo Thầy, mất đi được lại
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:39 22/08/2011
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 16, 21-27

Chúa Giêsu ra điều kiện và đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ của Người :” Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo “ ( Mt 16, 24 ) hay “ Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy “ ( Mt 16, 25 ). Theo Thầy là phải từ bỏ chính mình. Theo Thầy là vác thập giá mình mà theo. Người môn đệ Chúa chỉ hạnh phúc thực sự khi đành bỏ mất cuộc đời tạm bợ mau qua để được sự sống vĩnh cửu mai sau…

Chúa Giêsu loan báo cuộc thống khổ của Ngài. Và Ngài cho biết phần của Ngài trong Giao ước. Ngài quyết định lên đường lên Giêrusalem. Thánh Phêrô quả chưa hiểu gì về ý định cứu thế của Thầy, nên Phêrô tìm cách cản ngăn Chúa Giêsu. Tôma cũng vậy, Ông không hiểu chút nào về con đường cứu độ của Chúa, do đó, Tôma đã rất thành thực thưa với Thầy :” Đường của Thầy làm sao chúng con biết mà đi “. Chúa Giêsu đã trả lời cho Tôma :” Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống “. Ý định cứu rỗi của Chúa, con đường cứu thế của Chúa ngay các môn đệ cũng chẳng một sớm một chiều mà hiểu được. Chúa lên Giêrusalem là để thi hành thánh ý Chúa Cha, cứu rỗi nhân loại, cứu độ con người. Khi loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng đồng thời mời gọi các môn đệ, và mọi Kitô hữu hãy vác thập giá của mình để bước đi theo Ngài. Theo Chúa Giêsu là lời mời gọi khẩn thiết của Đạo Đức Kitô. Điểm chính yếu của Tin Mừng do Chúa Giêsu rao giảng là chính Ngài, một Con người, một Vị cứu tinh, một Đấng cứu độ. Kitô giáo chỉ có thể tồn tại khi nó được nuôi dưỡng bằng chính con người của Đức Kitô. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là nỗi ô nhục, là sự thất bại theo sự suy nghĩ của thế gian, nhưng là sự chiến thắng sự chết. Chúa đành mất cái tạm bợ, cái hào nhoáng, cái mau qua ở trần gian này để vinh thắng sự chết và về ngự bên hữu Chúa Cha. Chính vì thế, chính trong mầu nhiệm thập giá chúng ta đón nhận khổ đau, gian khó, chính trong mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô, con người, nhận loại, Kitô hữu, môn đệ Chúa đón nhận đau khổ với tất cả lòng tin, sự đau khổ của chúng ta sẽ có ý nghĩa cứu độ. Chính trong Đức Kitô chúng ta sống mầu nhiệm đau khổ của thập giá như thánh Phaolô đã viết :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Đức Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công cuôc cứu rỗi của Ngài . Thánh Phaolô cũng tiếp tục cho chúng ta thấy:” Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô “.

Theo Chúa Kitô không phải là một việc ngẫu hứng, hay tùy tiện muốn theo hay không theo. Theo Đức Kitô là một đòi hỏi hết sức gắt gao và là một việc nghiêm túc, cẩn trọng. Thánh Phaolô, Vị Tông đồ dân ngoại, đã được Chúa cho hiểu rõ về Ngài…Chúa đã mạc khải cho thánh nhân và Ngài đã nắm bắt, cảm nghiệm sâu xa cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Nên, thánh nhân đã khẩn nài những người tín hữu Roma hãy dâng hiến thân xác mình như “ một lễ hy sinh sống động thánh thiện và đáng cho Thiên Chúa chấp nhận “. Bởi vì, theo Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha của Ngài sẽ thưởng phạt ai nấy xứng viêc họ làm ( Mt 16, 27 ).

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta đều nhận ra : “ Ai muốn cứu mạng sống của mình thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống “. Đây là một nghịch lý. Một sự trớ trêu của Tin Mừng : “ Cho “ sẽ “ Được “. “ Tìm “ sẽ “ Gặp “. “ Gõ “ sẽ “ Mở “. Các môn đệ của Chúa đã bỏ tất cả mà theo Chúa, nên Ngài đã cho họ gấp bội ở đời này và được cả đời sau.

Các thánh là những người đã sống Tám Mối Phúc, chính vì thế các Ngài đáng được Chúa thưởng công. Các thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống vì Chúa, đã hy sinh cái tạm bợ để được Quê Trời vĩnh cửu.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã hy sinh cho người nghèo, Mẹ đã được thưởng công và lãnh triều thiên Thiên Quốc.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từ bỏ cái tạm bợ trần gian để hiến thân cho Chúa trong đời sống thánh hiến. Nên, thánh nữ đã trở nên một vị thánh thời danh.

Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho nhân loại bằng chính cái chết cao cả của Ngài và Ngài đã được tôn vinh :” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Tất cả Kitô đều có những cái phải từ bỏ, đó là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những tính hư nết xấu của mình, tính ngạo mạn, tính ích kỷ của mình để được Chúa Kitô ở cùng.

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn ( Lời nguyện nhập lễ, Chúa nhật thường niên XXII, năm A ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Điều kiện để theo Chúa Giêsu ?
2.Theo Chúa có là một nghịch lý không ?
3.Tại sao cho là được, gõ sẽ mở, tìm là gặp ?
4.Chúng ta có cần từ bỏ không ?
5.Từ bỏ những gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD 2011: Thánh Lễ Bế Mạc
VietCatholic Network
09:11 22/08/2011
Sáng sớm hôm nay, Chúa Nhật 21/8, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã cử hành thánh lễ Bế Mạc ngày Quốc Tế Giới Trẻ kéo dài từ hôm thứ Ba 16/8 cho đến nay.


Lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh Cha đã được các bạn trẻ chào đón nồng nhiệt tại sân bay Cuatro Vientos cách trung tâm thành phố 8km về phiá Tây Nam. Theo thống kê sơ khởi của cảnh sát, con số các bạn trẻ tham dự thánh lễ bế mạc sáng nay có lẽ đã vượt quá con số ước tính ban đầu là 2 triệu bạn trẻ.

Trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã ban huấn dụ chi các bạn trẻ như sau:

Với việc cử hành Thánh Lễ này chúng ta đã đạt đến cao điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Lòng cha tràn ngập niềm vui khi thấy chúng con tụ họp ở đây với vô số các bạn từ khắp nơi trên thế giới. Cha nghĩ đến Chúa Giêsu đang trìu mến nhìn chúng con. Phải, Chúa yêu chúng con và gọi chúng con là bạn hữu (x. Ga 15:15) của Người. Người tiến ra để gặp chúng con và Người muốn đồng hành với chúng con trên cuộc hành trình của chúng con, để mở cửa cho chúng con vào một cuộc sống sung mãn, và cho chúng con được chia sẻ chính sự thân mật của Người với Chúa Cha. Về phần chúng ta, chúng ta đã biết được sự vô biên trong tình yêu của Người và muốn quảng đại đáp lại tình yêu ấy bằng cách chia sẻ với những người khác niềm vui mà chúng ta đã nhận được. Chắc chắn rằng có nhiều người ngày nay đang cảm thấy bị thu hút bởi dung mạo Đức Kitô và muốn biết Người một cách rõ ràng hơn. Họ nhận ra rằng Người là câu trả lời cho nhiều thắc mắc sâu thẳm nhất của chúng ta. Nhưng Người thật sự là ai? Làm sao mà một người sống trên thế gian qua xa xưa lại có những gì giống như tôi hôm nay?

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Mt 16:13-20) đưa ea cho chúng ta hai cách để biết Chúa Giêsu. Một là nhận biết Ngài cách khách quan, thông qua dư luận người đời. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?”, các môn đệ trẻ lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người khác bảo là Êlia, và những ngưởi khác nữa lại bảo là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào khác.” Nói cách khác, Đức Kitô được người ta coi không khác hơn những nhân vật tôn giáo khác đã đi trước Người. Rồi Chúa Giêsu hướng về các môn đệ mà hỏi các ông: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô trả lời bằng điều mà chúng ta thường mệnh danh là Lời Tuyên Xưng Đức Tin Đầu Tiên: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đức tin là điều gì trỗi vượt hơn những sự kiện thực nghiệm hay lịch sử; nó là khả năng hiểu được mầu nhiệm về Đức Kitô trong tất cả bề sâu của Ngài.

Nhưng đức tin không phải là kết quả của nỗ lực của con người, của lý luận nhân loại, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa: “Phúc cho con, Simon con ông Giôna! Vì không phải xác thịt và huyết thống mặc khải điều này cho con, nhưng Cha Thầy trên Trời.” Đức tin thực sự được bắt đầu từ Thiên Chúa, Đấng mở lòng Ngài ra cho chúng ta và mời chúng ta chia sẻ chính đời sống thần linh của Ngài. Đức tin không đơn thuần cung cấp thông tin về Chúa Giêsu là ai; nhưng đứng trước sự kiện Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta trước, đức tin đòi hỏi một liên hệ cá nhân với Đức Kitô, một sự phó thác toàn thể con người của mình, cùng với tất cả sự hiểu biết, ý chí và cảm giác của mình. Cho nên câu hỏi của Chúa Giêsu: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” chung cuộc là một thách đố đối với các môn đệ để đưa ra quyết định cá vị về Người. Đức tin vào Đức Kitô và việc làm môn đệ liên hệ rất chặt chẽ với nhau.

Và vì đức tin liên hệ đến việc đi theo Thầy, nó phải luôn luôn trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và trưởng thành hơn, đến độ dẫn đến một liên hệ gần gũi hơn và mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Thánh Phêrô và các môn đệ khác cũng phải lớn lên cách này, cho đến khi các ngài gặp Chúa Phục Sinh và được Người mở mắt các ngài để thấy sự sung mãn của đức tin.

Các bạn trẻ thân yêu, hôm nay đây Đức Kitô cũng đang hỏi chúng con cùng một câu hỏi mà Người đã từng hỏi các Thánh Tông Đồ: “Chúng con bảo Thầy là ai?” Hãy trả lời Người với sự quảng đại và lòng cam đảm, thích hợp với những tâm hồn trẻ như tâm hồn của chúng con. Hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống cho con. Con muốn trung thành theo Chúa và được Lời Chúa dẫn dắt. Chúa biết con và Chúa yêu con. Con tín thác vào Chúa và đặt trọn cuộc đời con trong tay Chúa. Con muốn Chúa thành sức mạnh nâng đỡ con và niềm vui không bao giờ rời xa con”.

Chúa Giêsu trả lời cho lời tuyên xưng của Thánh Phêrô bằng cách nói về Hội Thánh: “Và Thầy bảo con, con là Phêrô, nghĩa là Đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Những lời ấy có ý nghĩa gì? nếu không phải là lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh trên tảng đá đức tin của Thánh Phêrô, là người tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa.

Như vậy, Hội Thánh, không chỉ là một cơ chế nhân loại, như những cơ chế khác. Nhưng Hội Thánh được gắn liền với Thiên Chúa. Chính Đức Kitô gọi Hội Thánh là Hội Thánh “của Người”. Đức Kitô không thể tách rời khỏi Hội Thánh được như đầu không thể tách rời khỏi thân thể (x. 1 Cor 12:12). Hội Thánh không rút sự sống ra từ chính mình, nhưng từ Chúa.

Các bạn trẻ thân yêu, như người Kế Vị Thánh Phêrô, cha van nài chúng con hãy củng cố đức tin này là đức tin được truyền lại cho chúng ta từ thời các Tông Đồ. Hãy làm cho Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thành trọng tâm của cuộc sống chúng con. Nhưng Cha cũng xin nhắc nhở chúng con rằng theo Chúa Giêsu trong đức tin có nghĩa là đi bên cạnh Người trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Chúng ta không thể theo Chúa Giêsu bằng cách riêng của mình. Bất cứ ai dám đi theo Chúa “bằng cách riêng của mình”, hoặc tiếp cận đời sống đức tin với chủ nghĩa cá nhân đang quá thịnh hành ngày nay, sẽ có nguy cơ không bao giờ thật sự gặp được Chúa Giêsu, hay chung cuộc sẽ theo một Giêsu giả.

Có đức tin có nghĩa là tìm sự nâng đỡ từ đức tin của các anh chị em chúng con, cũng như chính đức tin của chúng con được dùng để nâng đỡ đức tin của người khác. Các bạn thân mến, cha xin chúng con hãy yêu Hội Thánh là [người] đã sinh ra chúng con trong đức tin, giúp chúng con lớn lên trong sự hiểu biết về Đức Kitô và dẫn chúng con đến việc khám phá ra vẻ đẹp của Tình Yêu Người. Lớn lên trong tình bằng hữu với Đức Kitô phải có nghĩa là nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia cách vui vẻ vào đời sống của các giáo xứ, các cộng đồng và các phong trào của chúng con, cũng như việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật, năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, và vun trồng đời sống cầu nguyện cá nhân và suy niệm Lời Chúa.

Tình bằng hữu với Chúa Giêsu cũng sẽ dẫn đưa chúng con đến việc làm nhân chứng cho đức tin ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi gặp sự chối từ hay thờ ơ. Chúng ta không thể gặp Đức Kitô mà không muốn làm cho những người khác biết Người. Đừng giữ Đức Kitô cho riêng mình! Hãy chia sẻ với tha nhân niềm vui về đức tin của chúng con. Thế giới cần chứng từ về đức tin của chúng con, và chắc chắn rằng nó cần Thiên Chúa. Cha nghĩ rằng sự hiện diện của rất nhiều người trẻ ở đây, đến từ khắp nơi trên thế giới, là một bằng chứng tuyệt vời về thành quả của mệnh lệnh mà Đức Kitô truyền cho Hội Thánh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Chúng con cũng được trao cho công tác phi thường là làm môn đệ và thừa sai của Đức Kitô trong những vùng đất và quốc gia khác đầy những người trẻ đang tìm kiếm một điều gì lớn lao hơn, và vì lòng họ bảo họ rằng thật sự có những giá trị chân thật hơn, nên họ không để cho mình bị quyến rũ bởi những lời hứa xuông của một cách sống không có một chỗ nào dành cho Thiên Chúa.

Các người trẻ thân yêu, cha cầu nguyện cho chúng con với một lòng yêu mến chân thành. Cha dâng tất cả chúng con cho Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ đồng hành với chúng con luôn luôn bằng sự bầu cử từ mẫu của Mẹ, và dạy chúng con làm sao luôn trung thành với Lời Chúa. Cha xin chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, như người Kế Vị Thánh Phêrô, để ngài luôn củng cố đức tin của các anh chị em ngài. Nguyện xin cho tất cả chúng ta trong Hội Thánh, các mục tử cũng như các tín hữu, xích lại gần Chúa mỗi ngày một hơn. Xin cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện của đời sống và là những nhân chứng hữu hiệu cho sự thật là Đức Chúa Giêsu Kitô quả thật là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại và nguồn mạch hằng sống của niềm hy vọng của chúng ta. Amen.

Cuối thánh lễ Bế Mạc, Đức Thánh Cha đã công bố ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới sẽ diễn ra vào năm 2013 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng thời gian diễn ra Đại hội này được xếp đặt sớm hơn một năm, nhằm tránh xung đột với việc tổ chức Giải Vô địch Bóng đá thế giới (World Cup), sẽ được tổ chức tại Brazil năm 2014.

Sau thánh lễ Bế Mạc, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ những thiện nguyện viên vào lúc 5h30 trước khi ngài ra phi trường Barajas để trở về Rôma kết thúc tốt đẹp cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Madrid.

Kính thưa quý cha và anh chị em,

Trên đường tới một Tây Ban Nha đang gặp khủng hoảng xã hội nặng nề, ngài biết rõ: rất nhiều người trẻ lâm vào tình thế bấp bênh, mất hết viễn tượng. Nên ngài đã trình bày với các nhà báo đôi điều về học thuyết xã hội của Giáo Hội: “Con người phải ở tâm điểm của kinh tế. Kinh tế phải từ bỏ lợi nhuận tối đa và lưu ý tới ích chung cũng như việc làm cho mọi người. Nó phải bảo vệ hành tinh của ta”.

Đức Bênêđíctô XVI nhắc người ta nhớ tới tính trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh.

Đứng trước người trẻ của năm 2011, là thế hệ của khủng hoảng kinh tế, chắc chắn Đức Bênêđíctô đã đề xuất một lối sống khác đặt căn bản trên dấn thân, tình huynh đệ và sự tiết độ theo đường hướng của thông điệp Đức Ái trong Sự Thật. Nhưng không hẳn chỉ đọc một sứ điệp, nhân cơ hội này, ngài cũng đã mời gọi giới trẻ trở về với những điều nền tảng của đức tin. Chỉ cần nhìn vào chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này: "Bén rễ và xây dựng trong Chúa Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức tin", một câu trích từ Thánh Phaolô, ta sẽ thấy trọn vẹn "chương trình thần học" của Đức Bênêđíctô XVI.

Giống như ở Cologne, và hơn nữa, ở Sydney, Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra phong độ riêng của ngài bằng cách nhấn mạnh tới những giờ phút cử hành bí tích và tôn thờ Thánh Thể. Năm nay, Đức Giáo Hoàng còn ngồi tòa giải tội cho người trẻ nữa. Điều này đem lại cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới dáng dấp một "bài giáo lý vĩ đại". Để, như ngài từng nói ở Sydney, biến những ngày này thành "đỉnh cao cho con đường trên đó ta đi gặp gỡ nhau, và trên đó ta cùng đi gặp gỡ Chúa Kitô".

Trong thánh lễ chào đón tại Plaza de Cebeles, Đức Thánh Cha thúc giục các bạn trẻ:

Các con thân mến, hãy lắng nghe những lời của Chúa, những lời có thể đem lại cho các con "tinh thần và cuộc sống" (Ga 6:63), là như những gốc rễ nuôi dưỡng sự sống của các con, là quy luật của cuộc sống mà so sánh chúng ta - tâm hồn nghèo khó, khao khát công lý, đầy lòng thương xót, tinh khiết trong trái tim, những người yêu hòa bình - con người của Chúa Kitô. Khi chúng ta nghe lời Chúa thường xuyên mỗi ngày như là một người không lừa dối, là nơi mà chúng ta muốn chia sẻ con đường của cuộc sống. Tất nhiên, các con biết rằng khi chúng ta không đi bên cạnh Chúa Kitô, người hướng đạo của chúng ta, chúng ta bị lạc trên những con đường khác, giống như con đường mù quáng và ích kỷ, hoặc đường phỉnh nịnh tâng bốc, lừa dối và hay thay đổi, những con đường để lại sự trống rỗng và thất vọng khi tỉnh giấc.
 
Danh sách 34 Tiến sĩ Giáo Hội
Nguyễn Trọng Đa
05:47 22/08/2011
Danh sách 34 Tiến sĩ Giáo Hội
(theo thứ tự thời gian phong danh hiệu Tiến sĩ)

1.Thánh Ambrôsiô (khoảng 340-397), Giám mục giáo phận Milan, Ý, đối thủ lớn của lạc thuyết Arian, đã viết bài và giảng thuyết rất nhiều [phong Tiến sĩ Giáo hội năm 1298].

2.Thánh Âu Tinh thành Hippo (khoảng 354-430), Giám mục Bắc Phi, tác giả của cuốn “Tự thú” (Confessions), “Thành đô Thiên Chúa” (City of God), và nhiều luận đề, phản bác các phong trào dị giáo, là một trong các nhà thần học có ảnh hưởng nhất của Giáo hội phương Tây, được gọi là "Tiến sĩ Ân sủng" [ 1298].

3.ThánhHiêrônimô (Jerome, khoảng 343-420), dịch Cựu Ước từ tiếng Do Thái qua tiếng Latinh, và duyệt lại bản dịch của cuốn Tân ước để làm thành phiên bản Phổ thông (Vulgate) của Kinh Thánh, được gọi là "Cha đẻ của Khoa học Kinh Thánh" [1298].

4.Thánh Grêgôriô Cả (khoảng 540-604), Giáo hoàng, củng cố ngôi giáo hoàng và làm việc nhiều cho cải cách giáo sĩ và đan tu [1298].

5.Thánh Athanasiô (khoảng 297-373), Giám mục giáo phận Alexandria, đối thủ lớn của lạc thuyết Arian, được gọi là "Cha đẻ của tính Chính Thống" [1298]

6.Thánh Gioan Kim Khẩu (khoảng 347-407), Tổng Giám Mục tổng giáo phận Constantinople, nhà giảng thuyết lừng danh, tác giả của nhiều bài bình giải Kinh thánh và các thư Tân ước, bổn mạng các nhà thuyết giáo [1568].

7.Thánh Basiliô Cả (khoảng 329-379), Giám mục giáo phận Caesarea ở Tiểu Á, phản bác các sai lầm của lạc thuyết Arian, viết nhiều luận đề, bài giảng và luật sống đan tu, được gọi là "Cha đẻ lối sống đan viện của phương Đông" [1568].

8.Thánh Grêgôriô ở Nazianzus (khoảng 330-390), Giám mục giáo phận Constantinople, đối thủ của lạc thuyết Arian, viết các luận đề thần học quan trọng cũng như nhiều thư và bài thơ, được gọi là "Ông Demosthenes của Kitô giáo ", và ở phương Đông, được gọi là "Nhà thần học" [1568] .

9.Thánh Tôma Aquinas (1225-1274), Dòng Đaminh người Ý, viết sách triết học, sách thần học và tín lý Công Giáo một cách có hệ thống, bổn mạng của các trường Công Giáo và giáo dục Công giáo, một trong các nhà thần học có ảnh hưởng nhất ở phương Tây [1568].

10.Thánh Bonaventura (khoảng 1217-1274), dòng Phanxicô, Giám mục giáo phận Albano, Ý, Đức Hồng Y [1588].

11.Thánh Anselmô thành Canterbury (1033-1109), Tổng Giám Mục, được gọi là "Cha đẻ của triết học thần học Kinh viện" [1720].

12.Thánh Isidore thành Seville (khoảng 560-636), Giám mục Tây Ban Nha, nhà bách khoa, và học giả ưu tú cua thời đại Ngài [1722].

13.Thánh Phêrô Kim Ngôn (Chrysologus, khoảng 400-450), Tổng Giám Mục tổng giáo phận Ravenna, Ý, nhà giảng thuyết và là nhà văn, phản bác lạc giáo nhất tính thuyết [1729].

14.Thánh Lêô Cả (khoảng 400-461), Đức Giáo Hoàng, đã viết tác phẩm Kitô học và nhiều tác phẩm khác chống lại các lạc giáo của thời Ngài [1754].

15.Thánh Phêrô Damian (1007-1072), tu sĩ Dòng Biển Đức và Đức Hồng y người Ý, nhà cải cách Giáo Hội và hàng giáo sĩ [1828].

16.Thánh Bênađô ở Clairvaux (khoảng 1090-1153), viện phụ Xitô người Pháp và là nhà cải tổ đời đan tu, được gọi là "Tiến sĩ mật ngọt” [1830].

17.Thánh Hilariô Poitiers (khoảng 315-368), một trong các nhà văn giáo lý Latinh đầu tiên, chống lại lạc thuyết Arian [1851].

18.Thánh Anphongsô thành Liguori (1696-1787), sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thần học luân lý xuất sắc và là nhà hộ giáo nổi tiếng, thánh bổn mạng của các vị giải tội và nhà luân lý [1871].

19.Thánh Phanxicô thành Sales (1567-1622), Giám mục giáo phận Geneva, nhà văn sách thiêng liêng, thánh bổn mạng của các nhà văn và báo chí Công giáo [1877].

20.Thánh Cyril thành Alexandria (khoảng 376-444), Giám mục, tác giả của nhiều luận đề tín lý chống lạc thuyết Cảnh giáo (Nestorian) [1882].

21.Thánh Cyril thành Giêrusalem (khoảng 315-386), Giám mục, giáo lý viên, đối thủ mạnh mẽ của lạc thuyết Arian [1882].

22.Thánh Gioan thành Damascus (khoảng 675-749), đan sĩ người Syria, nhà văn sách tín lý, được gọi là "Diễn giả chảy vàng” [1890].

23.Thánh Bêđa Khả kính (khoảng 673-735), tu sĩ Dòng Biển Đức ở Anh, được gọi là "Cha đẻ của Lịch sử nước Anh" [1899].

24.Thánh Ephrem người Syria (khoảng 306-373), chống đối Ngộ Đạo thuyết và lạc thuyết Arian với các bài thơ, bài thánh ca, và các bài viết khác của Ngài [1920].

25.Thánh Phêrô Canisius (1521-1597), linh mục dòng Tên người Hà Lan, giáo lý viên, một gương mặt quan trọng trong cuộc Chống-Cải cách ở Đức [1925].

26.Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591), người sáng lập Dòng Cát Minh Đi Chân đất, được gọi là "Tiến sĩ Thần Nghiệm" [1926].

27.Thánh Rôbertô Bellarminô(1542-1621), linh mục dòng Tên người Ý, Tổng giám mục tổng giáo phận Capua, thời Cải Cách, viết nhiều tác phẩm bênh vực tín lý thời Cải cách, và các tác phẩm về Giáo hội học và mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước [1931].

28.Thánh Anbêtô Cả (khoảng 1200-1280), tu sĩ Đaminh người Đức, Giám mục giáo phận Regensburg, thầy dạy của thánh Thomas Aquinas, bổn mạng các nhà khoa học, được gọi là "Tiến sĩ Phổ quát" và "Tiến sĩ chuyên gia" [1932].

29.Thánh Antôn thành Pađua (1195-1231), nhà thần học đầu tiên của dòng Phanxicô, nhà giảng thuyết, được gọi là "Tiến sĩ Phúc Âm" [1946].

30.Thánh Lôrensô thành Brindisi (1559-1619), linh mục Dòng Phanxicô Lúp Vuông (Capuchin), nhà giảng thuyết có ảnh hưởng lớn thời hậu Cải cách [1959].

31.Thánh Têrêsa thành Ávila (1515-1582), Nữ tu Dòng Cát Minh Tây Ban Nha, khởi xướng phong trào Dòng Cát Minh Đi Chân đất, nhà văn giỏi về sách thiêng liêng và sách thần nghiệm, vị nữ Tiến sĩ đầu tiên của Giáo hội [1970].

32.Thánh Catarina thành Siena (khoảng 1347-1380), Dòng Ba Đaminh người Ý, tác giả sách thần nghiệm, cũng tích cực hỗ trợ các cuộc Thập Tự Chinh và chính sách của Đức giáo hoàng [1970].

33.Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897), nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp, đã viết cuốn tự truyện thiêng liêng mô tả "con đường nhỏ" về sự hoàn thiện thiêng liêng của mình [1997].

34.Thánh Gioan thành Avila (1500-1569), linh mục triều người Tây Ban Nha,là một nhà đại giảng thuyết chống lại cuộc cải cách của Tin Lành tại Tây Ban Nha, là tác giả của nhiều tác phẩm về Kinh Thánh, thần học, tu đức và nhân văn, là bổn mạng hàng giáo sĩ triều Tây Ban Nha, và của các vị tuyên úy quân đội [2011?] (Theo www.uscatholic.org)
 
Lúc từ giã: ĐTC Biển Đức XVI nhắc đến tâm hồn Công giáo sâu lắng của Tây Ban Nha
Nguyễn Trọng Đa
06:42 22/08/2011
ĐTC Benêdictô XVI nói: “ĐTC cảm thấy tốt khỏe tại nước này”

ROMA – Trước khi rời Tây Ban Nha, sau bốn ngày ở lại nước này để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 26, ĐTC Biển Đức XVI đã chào một "quốc gia lớn", vốn "có thể tiến triển mà không từ chối tâm hồn đạo đức và Công giáo sâu lắng của mình".

ĐTC Biển Đức XVI đã được chào đón tại sân bay Barajas bởi Vua Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha. Trên đường băng của sân bay, hàng chục trẻ em mặc đồng phục của đội Vệ binh Thụy Sĩ đang chờ đợi để chào tiễn ĐTC Biển Đức XVI lên đường về Roma. Bên cạnh đó, hàng chục bạn trẻ lại hô vang "Esta es la Juventud del Papa": "Đây là giới trẻ của Đức Giáo hoàng”.

Trong bài diễn văn phát biểu của Ngài sau bài diễn văn của vua Juan Carlos, ĐTC Biển Đức XVI đã chào những ngày nhiều sự kiện đã diễn ra tại Madrid, và chúng "vẫn còn khắc sâu" trong "trí nhớ" và "trái tim" của Ngài.

Ngài nói "Thưa Bệ hạ, ĐTC Biển Đức XVI cảm thấy tốt khỏe ở Tây Ban Nha!". Ngài cũng lên tiếng cám ơn chính phủ, hàng ngàn tình nguyện viên và lực lượng an ninh. Ngài nói thêm: “Tây Ban Nha là một quốc gia lớn, có cuộc sống chung lành mạnh, cởi mở, đa dạng và tôn trọng nhau; đất nước này biết và có thể tiến triển mà không từ chối tâm hồn đạo đức và Công giáo sâu lắng của mình".

Trong khi cám ơn các bạn trẻ vì sự “tham gia vui vẻ, nhiệt tình và mãnh liệt của họ", ĐTC Biển Đức XVI mời họ hãy “tung gieo đến tận cùng thế giới kinh nghiệm vui tươi và sâu sắc của đức tin, vốn được sống trong đất nước cao quý này". Ngài nói thêm: "Đặc biệt, các bạn hãy chuyển niềm vui của mình cho những người đã muốn đến đây, nhưng không thể đến được vì nhiều lý do khác nhau. Các bạn hãy giúp đỡ bạn bè và các đồng nghiệp của mình khám phá ra rằng yêu mến Chúa Kitô là sống trong sự viên mãn".

Khi rời đất nước này, ĐTC Biển Đức XVI nói rằng Ngài tự tin vào tương lai. "Vâng, lễ hội đức tin mà chúng tôi đã chia sẻ cho phép chúng tôi nhìn về phía trước, với sự tin tưởng vào Chúa Quan phòng, Đấng hướng dẫn Giáo hội qua bao mê cung của lịch sử! Vì vậy, Giáo hội vẫn trẻ trung và giữ được sức sống của mình, ngay cả khi phải đối mặt với tình huống khó khăn”.

Ngài nói thêm: "Giới trẻ phản ứng nhanh khi người ta đề nghị họ, với sự chân thành và sự thật, gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Bây giờ họ trở về nhà minh như những nhà truyền giáo của Tin Mừng, ‘đượcbén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô, vững vàng dựa vào đức tin’,và họ sẽ cần sự giúp đỡ trên con đường này".

Chính vì thế ĐTC Biển Đức XVI muốn giao phó cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ và các nhà giáo dục Kitô giáo 'sự quan tâm đến giới trẻ, vì họ muốn đáp trả bằng niềm vui cho lời mời gọi của Chúa”. "Xin đừng sợ đề ra cho giới trẻ sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô trong toàn bộ sứ điệp, và mời họ đến với các bí tích mà qua đó Chúa làm cho ta tham dự vào cuộc sống của chính Chúa”.

Cuối cùng ĐTC Biển Đức XVI bảo đảm cầu nguyện cho người Tây Ban Nha và đặc biệt cho "các cặp vợ chồng và gia đình đang gặp khó khăn đủ loại, cho những người đang túng thiếu, người bệnh, người già và trẻ em, và cho những người không thể tìm được việc làm. Tôi cũng cầu nguyện cho giới trẻ Tây Ban Nha nữa".

Trước khi lên máy bay, ĐTC Biển Đức XVI chào các vị Hồng y và Giám mục hiện diện. Cùng với đoàn tùy tùng, lúc 18g10 Ngài lên máy bay của hãng hàng không Tây Ban Nha Iberia để trở về Roma. (Zenit.org 21-8-2011)
 
Ngày Giới trẻ Thế Giới (WYD) kết thúc thành công rực rỡ ngòai sức tưởng tượng
Trần Mạnh Trác
16:14 22/08/2011
(CatholicCulture, 21-8) Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã lên tiếng kêu gọi tới gần 2 triệu người trẻ hiện diện tại phi trường Madrid trong nghi lễ bế mạc là hãy trở thành những "tông đồ của thế kỷ 21."

"Không có lý do gì để đánh mất trái tim (lòng hăng say,)" Đức Giáo Hoàng nói, Ngài bảo đảm rằng giới trẻ đương thời sẽ phản ứng tích cực với thông điệp Tin Mừng, bởi vì "khi các bạn đem tin Mừng đến cho họ, với lòng chân thành và trong sự thật, thì (với họ) đó là một cuộc gặp gỡ với chính Chúa Giêsu Kitô."

Ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế Giới (WYD) thứ 26 đã dự kiến buổi lễ bế mạc có thể có đến 1 triệu người tham dự. Nhưng trên thực tế con số tham dự đã lên gần gấp đôi.

Khi chuẩn bị lên máy bay về lại Roma, Đức Giáo Hoàng Benedict cảm ơn tất cả những người đã giúp công tổ chức cho sự kiện này. Ngài đánh giá cao nước chủ nhà về tinh thần hiếu khách cũng như về truyền thống đức tin Công Giáo lâu đời của họ.

Tinh thần hiếu khách của người Tây Ban Nha súyt nữa bị lu mờ vì một số các cuộc biểu tình giận giữ chống lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, một số đã bùng nổ bạo lực. Những người biểu tình tuy không chống cuộc viếng thăm của ĐGH hoặc chống Ngày Giới Trẻ, nhưng lấy cớ rằng chi phí của chuyến viếng thăm là quá lớn, đặc biệt trong hòan cảnh kinh tế khó khăn với nhiều người thất nghiệp. Ban tổ chức đã chính thức trả lời rằng tòan thể chi phí của Ngày Giới Trẻ đã được trang trải bằng những thu nhập từ những người tham gia và từ các nhà tài trợ tư nhân hay công ty. Riêng về phần chính phủ Tây Ban Nha, phần lớn chi phí là cho vấn đề an ninh, và các cuộc biểu tình đã làm cho số chi phí này tăng gấp bội. Tuy nhiên so với những lợi ích tài chánh đem lại cho nền kinh tế Tây Ban Nha thì những chi phí như thế là một việc đầu tư lý tưởng.

Một trong những khoảnh khắc gây ấn tượng nhất của WYD xảy ra vào tối thứ Bảy, 20 tháng 8, khi một trận bão với sấm sét dữ dội đã đổ nước như thác vào buổi canh thức cầu nguyện tại sân bay Madrid, và đánh sập hệ thống âm thanh, buộc Đức Giáo Hoàng phải cắt ngắn bài nói chuyện về hôn nhân và gia đình. Mặc dù dưới cơn mưa tầm tã và gió lộng thổi, Đức Giáo Hoàng đã từ chối không rời khỏi nơi hành lễ, Ngài nhấn mạnh rằng cần phải ở lại để dẫn dắt các bạn trẻ trong nghi thức chầu Thánh Thể sau đó. Sau khi cơn bão qua đi, Ngài khen ngợi những người hành hương trẻ về sự kiên trì của họ.

Trước đó trong ngày, trong thánh lễ dành cho các chủng sinh ở Madrid, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng Ngài đã nâng Thánh Gioan Avila lên làm "tiến sĩ Giáo Hội," là vị tiến sĩ thứ 34 của Giáo Hội. Lời công bố bất ngờ đã tạo nên một tràng pháo tay nồng nhiệt tự phát từ 6.000 chủng sinh, và là niềm hoan lạc cho tất cả những người đã đến WYD từ tất cả các giáo phận trên toàn thế giới.

Trong buổi bế mạc, Đức Giáo Hoàng đã thông báo Ngày Giới Trẻ Thế giới thứ 27 sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 2013.
 
Mười hai bức thư viết từ Madrid
Vũ Văn An
21:05 22/08/2011
Họ là 12 trong số hàng nghìn bạn trẻ có mặt tại thủ đô Tây Ban Nha tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Nhật báo La Croix thu thập các lá thư của họ nói về các cảm tưởng họ có được nhân những ngày đại hội lần này.

« Tôi mong bạn nhìn thấy hình ảnh đích thực của Chúa Kitô »

Carlos thân mến,

Bạn có khỏe không ? Ở đây mọi chuyện đều yên ổn. Tôi biết tôi nhấn mạnh hơi nhiều nhưng với tôi điều đó quan trọng đến nỗi tôi mong bạn tới đây dù tất cả những điều này không khiến bạn hào hứng bao nhiêu. Bạn nghĩ rằng Giáo Hội giả hình vì Giáo Hội nói rằng phải giúp đỡ người khác nhưng lại thủ tiền bạc cho riêng mình. Thực ra, Giáo Hội là một tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới. Tôi biết bạn là người vô thần, nên tôi không có ý thuyết phục bạn đâu, nhưng vì bạn là bạn của tôi nên tôi muốn kể cho bạn nghe tất cả những điều tôi cảm nhận và sống trong mấy ngày này.

Giáo Hội không phải chỉ là mấy người già lão đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Giáo Hội còn hơn thế nhiều. Chúng tôi phát xuất từ mọi ngả của thế giới, trẻ cũng như không trẻ, tất cả đều muốn theo gương của Chúa Giêsu. Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, có những người từ rất xa tới như Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi, Kênia... Tôi ước chi bạn thấy Giáo Hội có tính hoàn cầu, đa văn hóa. Bạn đã biết nhiều về tôi nhưng tôi không phải là một ngoại lệ, chúng tôi đều là những con người bình thường, thích túc cầu, thích đi ra ngoài, đi du lịch, vui chơi với bạn bè... Nhưng chúng tôi muốn sống cuộc sống của chúng tôi cách trọn vẹn, nên giống Chúa Giêsu. Đối với bạn, điều tuyệt vời há không phải là nhiều người trẻ thuộc các nguồn gốc khác nhau như thế đã có thể tụ về một nơi vì một lý do như nhau sao ?

Tôi biết rằng điều trên có vẻ phức tạp và thực sự nó phức tạp thật. Quả thực tôi có nhiều may mắn được sự nâng đỡ của gia đình nhưng tôi cũng nhận được nhiều nâng đỡ từ cộng đoàn tôi thuộc về nữa. Cũng vì lý do này, tôi sẽ không để lỡ cơ hội mời bạn tới đây để bạn thấy rõ hình ảnh chân thực của Giáo Hội vì tôi tin rằng điều ấy sẽ mở mắt bạn, hướng dẫn bạn như mới, làm bạn ngạc nhiên và đồng thời đem tới cho bạn những giải đáp chắc chắn mà bạn đang rất cần. Đối với tôi, Thiên Chúa là nụ cười, là niềm vui và tôi đã chứng thực điều đó ngay tại Madrid này. Có những người nghĩ rằng Thiên Chúa có nghĩa là hạn chế, gò bó, nhưng thực ra thì ngược lại. Người là tự do tuyệt đối. Đối với Kitô Hữu, đi lễ mỗi Chúa Nhật không phải chỉ là một bắt buộc, nó còn là niềm vui, một đặc ân nữa.

Mặt khác, báo chí luôn nói tới Giáo Hội bằng cách cho đăng tải truyện một cha xứ phạm tội ấu dâm, những điều hoàn toàn tiêu cực, vì có thế, báo họ mới bán chạy. Điều không được họ đăng tải là những linh mục, những nữ tu thánh thiện luôn ở lại cuối cùng tại một đất nước tan hoang vì chiến tranh nhưng lại là những người đầu tiên xuất hiện tại những nơi mắc thiên tai bão lụt.

Carlos thân mến, tôi hy vọng ít nhất bạn cũng sẽ suy nghĩ những gì tôi viết cho bạn ở đây, vì Ngày Giới Trẻ Thế Giới thực sự là một cơ may độc đáo giúp ta cảm nhận Giáo Hội và nói với thế giới rằng vẫn còn rất nhiều người trẻ sẵn sàng sống cuộc sống họ theo gương Chúa Giêsu.

Claudio, 22 tuổi, người Tây Ban Nha

« Đức tin chưa chết tại Âu Châu »

Gửi gia đình ở Sénégal và Gabon của tôi, đặc biệt gửi ‘Trésor’

Tôi đã sống Ngày Giới Trẻ Thế Giới với hàng nghìn người trẻ khác từ khắp nơi trên thế giới. Tôi, người muốn được thăm xứ sở này, tôi đã được toại nguyện. Tôi cũng muốn các bạn được thấy niềm vui này, tuổi trẻ này. Tuy nhiên, các bạn luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của tôi, từng ngày, từ khi tôi rời Sénégal một năm nay. Cuộc sống tại Salamanque dần dần đã vào nề nếp.

Tôi đã nhận được nhiều dấu ấn. Giữa trường đại học và giáo xứ nơi tôi gặp được gia đình thứ hai của tôi, tôi không thiếu điều gì. Các nữ tu cho tôi ăn ở đã coi tôi gần như người trong nhà : đôi khi các bà còn hỏi xem tôi có muốn đi tu không ! Nhưng tôi thấy mình muốn làm mẹ gia đình nhiều hơn, có công ăn việc làm... Mấy ngày gần đây, tôi can dự nhiều vào việc chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong tư cách thiện nguyện, và sau đó, trong tư cách người hành hương tại Madrid. Theo tôi, đây là một dấn thân rất quan trọng.

Từ ngày rời xa các bạn, tôi luôn nghĩ đi nghĩ lại câu sau đây của Tin Mừng : Chúa Giêsu là « đường, là sự thật và là sự sống ». Tôi tin rằng nếu ta cố đạt tới cả ba điều đó, là ta có tất cả. Với tôi, làm chứng cho đức tin cạnh những người trẻ khác chính là cách để tạ ơn đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã mang đến cho tôi. Ngày Giới Trẻ Thế Giới chứng minh rằng tuổi trẻ Kitô Giáo đang sống, đức tin chưa chết tại Âu Châu và tất cả chúng ta đều đang sẵn sàng biến đổi sự vật. Việc đổi mới luôn khởi đầu bởi tuổi trẻ.

Madeleine, Sénégal.

«Điều tôi không tìm thấy trong cuộc sống sinh viên »

Gauthier thân,

Điều tôi đang sống hết sức mạnh mẽ. Thấy mình ở giữa những người trẻ có đức tin quả là điều nâng đỡ và làm mình thêm sinh lực. Sức mạnh của Giáo Hội là có được biết bao khuôn mặt nhưng lại chỉ thuộc về một thân thể, là khi sống những cuộc tụ tập như thế này. Việc cầu nguyện hàng ngày mang lại bình an cho tôi và giúp tôi nhìn rõ hơn vào điều tôi cần thay đổi trong các thói quen của mình. Điều này có thể kỳ cục đối với bạn, nhưng chính trong đó, tôi mới thực sự có thể tâm đầu ý hợp với Thiên Chúa. Tôi ước ao có thể thông truyền sự bình an này cho những người tôi gặp gỡ khi trở về, và những người đã xa rời tình yêu của Thiên Chúa.

Từ mấy ngày qua, những giây phút mạnh mẽ nhất chính là những giây phút chúng tôi có dịp chia sẻ về điều chúng tôi đang sống, trong các nhóm nhỏ do chính chúng tôi lập ra, gọi là các khuynh đoàn. Chúng tôi dành thì giờ đọc lại các biến cố từng gây ấn tượng cho chúng tôi và đem chúng ra chia sẻ với nhiều người khác. Bạn biết đấy thoạt đầu tôi ăn nói không được. Rồi dần dà, tôi lấy được tự tin và cứ thế phóng mình theo. Điều này đem lại cho tôi điều tôi không thể tìm thấy trong cuộc sống sinh viên của mình, một cuộc sống đôi khi rất phiến diện và không có ý nghĩa. Đó là một lỗ tai biết lắng nghe, một sức mạnh làm chứng cho đức tin, những cuộc đời biết hướng về Chúa. Tôi hy vọng có thể chia sẻ được niềm vui này khi trở về.

Maud, 21 tuổi, nữ sinh viên, Paris

« Con thú thực rằng con ngạc nhiên vì nhiều điều »

Ba thân yêu,

Con nhớ ba. Con rất muốn có ba ở đây với tất cả bọn con. Ở đây, con được sống những giây phút rất tốt. Con học được nhiều điều về tôn giáo, và về Thiên Chúa. Thực là ngạc nhiên khi được thấy mọi người có mặt ở đây vì cùng một điều duy nhất như nhau. Mọi sự đều sống động, mọi người đều hân hoan. Con được gặp những người đến từ khắp nơi trên trái đất, được quan sát cách họ cầu nguyện, được học các thánh ca mới của nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Ba là người nói với con nhiều nhất về tôn giáo, đã dẫn dắt con vào Giáo Hội, và đã giúp con khám phá ra đức tin. Con biết ba hài lòng về việc con ở đây. Ba đã hết lòng khuyến khích con đến đây. Khi lên đường, con không biết điều gì đang chờ đợi con. Hôm nay, con thú thực con ngạc nhiên vì nhiều điều. Tất cả giúp con vững tin.

Hẹn gặp ba nay mai.

Tatiana, nữ sinh viên Belize, Trung Mỹ

«Các Kitô hữu tới cầu nguyện trong nhẩy múa »

Areej thân mến,

Rất buồn cho em đã không có chiếu khán tới Tây Ban Nha! Các chị là một triệu người tại Madrid! Tụ tập tất cả người trẻ lại đây để giúp họ biết Chúa Kitô cách mới mẻ quả là một ý tưởng hay. Chị không tới Madrid chỉ để thấy Đức Giáo Hoàng. Mà còn để hiểu cách các Kitô hữu sống Ngày Giới Trẻ Thế Giới ra sao. Chị, một người Hồi Giáo,chị từng biết nhiều Kitô hữu, nhưng lần này, chị có cảm tưởng chị còn đi xa hơn nữa.

Điều hơi tức cười, là chị đi hành hương vào giữa tháng Ramadan. Ở đâu đó, chuyện này dám lôi thôi lắm ! Nhưng tại xứ sở mình, người ta hay bảo nhau :
« Không ai được vào thiên đàng nếu không muốn người khác được hưởng điều chính mình ước muốn ». Chị cũng thấy câu này trong sách Tin Mừng nữa, từ chính miệng Chúa Giêsu. Sau cùng, bản chất của mọi tôn giáo đều là lòng yêu người, dù dưới nhiều hình thức khác nhau. Chị đã tham dự nhiều Thánh Lễ. Chị thấy những lúc rước lễ vừa ngạc nhiên vừa lôi cuốn. Ngạc nhiên vì ở đây, các Kitô hữu vừa cầu nguyện vừa nhẩy múa. Họ nối kết việc cầu nguyện với việc hội hè. Trong Thánh Lễ, ngay vị giám mục cũng ca hát và nhẩy múa với người trẻ ! Hôm qua, chị đã quan sát các người hành hương xưng tội. Thực là một hồng phúc được chứng kiến các vị linh mục ngồi nghe họ khúc nhôi. Một số người hành hương khóc. Các vị linh mục không nhìn thẳng vào người trẻ khi họ thú tội để tránh không cho họ cảm tưởng là các ngài kết án họ. Quả là điều quan trọng khi người ta có thể thổ lộ hoàn toàn với một ai đó.

Chị đem cả Syria vào lời cầu nguyện để mọi người tìm lại được hòa bình và tình yêu, những thứ ta đang mất mát nhiều trong thời buổi này. Chị hy vọng cùng em trở lại với những Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần tới. Người ta cho biết : lần ấy sẽ diễn ra tại Ba Tây. Chị ôm hôn em cũng như mọi người trong gia đình, nhất là má».

Oras, 29 tuổi, sinh viên công chánh, người Syria, theo Hồi Giáo, viết cho em gái.

«Khám phá cả gia đình Kitô Giáo này»

Một ngày kia, đang khi đi làm về, tôi khoe một đồng nghiệp: « tôi sẽ qua Tây Ban Nha ». Nghe thế , đồng nghiệp này hỏi lại « Tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới hả ? Điều này không có trong nghị trình của tôi ». Nhưng tôi thì có, và giờ đây, tôi đang có mặt tại Madrid, tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên. Cuộc tụ tập này tôi nghe nói từ lâu, nhưng tôi không có thì giờ nghĩ tới vì dù sao đức tin của tôi cũng đả thiếp ngủ từ lâu. Nay thì tôi có thể nói rằng tôi đã tỉnh ngủ và đức tin của tôi đang tìm cách lớn lên và con người tôi đang cố gắng gặp gỡ, thử nghiệm, nắm bắt...

Tôi đã sống 3 năm trong một trung tâm của l’Arche (Nhà Tầu), chính tại đây, tôi đã tìm lại được đức tin Kitô Giáo của tôi. Từ một năm nay, kể từ ngày lên đường, tôi luôn tìm tòi, khám phá, sống nơi Thiên Chúa sống, nói năng và được ca tụng trong xã hội, trong thế giới. Và tôi khám phá ra rất nhiều điều trong đó. Qua tháng Giêng, ánh sáng Ngày Giới Trẻ Thế Giới đến với tôi, tôi bị cám dỗ bởi ý nghĩ được thấy, được khám phá cái gia đình Kitô Giáo vĩ đại này và được làm thành viên của nó ! Trong một năm bận bịu làm ăn (nhất là về chuyên nghiệp), tôi đã trải qua nhiều giây phút khô khan, vô bổ, cô đơn. Tôi thèm khát Thiên Chúa nhưng không biết phải đi đâu, nhẩy múa bằng chân nào. Ngày Giới Trẻ Thế Giới là món quà vĩ đại cho cuối năm đó. Những từ ngữ sau cứ lởn vởn mãi trong đầu: niềm vui và đại hội nhưng cũng có huấn dụ, Chúa Thánh Thần và cầu nguyện nữa.

Tôi mong ước Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ giúp tôi trong các chọn lựa tương lai, nhất là các chọn lựa liên quan tới chỗ đứng của tôi trong Giáo Hội vì tôi khá nhẹ dạ. Tôi cũng muốn được soi sáng về ơn gọi của tôi. Rất có thể lắm ! Nhưng nhất là tôi muốn có một lượng tình yêu và hy vọng dư thừa để đi tiếp con đường trần gian đôi lúc khá phức tạp này. « Bén rễ và xây dựng trong Chúa Kitô... » Điều này thật có ý nghĩa đối với tôi. Hôm nay, tôi nhận ra tôi rất cần Người để tiến bước, để bén rễ trong Người và để đem hoa trái lại cho Người, để chia sẻ hạnh phúc này quanh tôi.

Adrienne, 26 tuổi, người Laval, viết cho một người bạn.

« Ở đây có điều gì đó quí như châu báu »

Damien thân mến,

Mấy lúc gần đây, bọn mình không có dịp chuyện trò với nhau. Tất cả đã thay đổi. Em hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn, nhưng em hoài nghi điều ấy, vì tâm hồn chúng ta đang tiến theo hai chiều rất đối nghịch. Với em, anh đã chọn con đường hờ hững. Quả là đau lòng. Em muốn chỉ cho anh con đường sự sống, nhưng anh lại không muốn biết.

Em muốn anh có mặt ở đây. Chỉ cần anh thấy những người trẻ này, những người thực sự hạnh phúc trong đức tin của họ, hẳn anh sẽ suy nghĩ. Hãy tin em : ở đây, có điều gì đó quí như châu báu. Nếu anh muốn thấy nó, anh phải bỏ những gì anh hiện có, những bám víu của anh, và sẵn sàng lên đường mạo hiểm, một điều không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Anh đã biết em nhiều, nhưng nay, chúng ta không còn là bạn nữa. Em đã chọn con đường sự sống là chính Chúa Giêsu. Và với anh, em thấy em xa Người quá. Em cầu xin cho anh và tin rằng một ngày kia, anh sẽ hiểu mọi chuyện.

Anh còn nhớ thỏa thuận của chúng ta không ? Đừng quên nó nhé. Em biết nếu anh tìm kiếm tình yêu, anh sẽ gặp được Chúa Giêsu.

Monika, 30 tuổi, người Ba Lan.

« Chị tham dự với toàn thế giới để cử hành, mừng vui trong Thiên Chúa »

Sharon, em gái thân yêu của chị,

Em luôn khuyến khích chị thăng tiến đức tin của chị. Là người trẻ hơn, em thường năng đi nhà thờ, nhiều hơn chị. Nhiều lần, em còn kích thích chị tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhưng chị không chịu. Nhưng rồi 10 năm sau, chị đã theo lời khuyên của em. Chị đang có mặt tại Tây Ban Nha để, có thể nói, tái khám phá ra Thiên Chúa. Chị luôn luôn là người Công Giáo, nhưng đức tin của chị không phải lúc nào cũng mạnh.

Hôm nay, chị đang đứng ở ngã ba đường đời của chị. Chị cố gắng bước tới, và chị thực sự trông mong cuộc hành trình này sẽ chuẩn bị, giúp chị bước một bước mới trong đời. Chị thực sự muốn em biết rằng chị muốn xây dựng đời chị trên Chúa Kitô. Hiện nay, Chúa Kitô là tâm điểm của sự thay đổi này. Hôm nay, chị thấy chị tin tưởng nhiều vào Giáo Hội, và đức tin của chị vững mạnh hơn. Ở đây, ở Madrid này, quả là tuyệt diệu khi nghĩ chị đang cùng toàn thể thế giới tham dự vào việc cử hành mừng kính Thiên Chúa. Chị ôm hôn em.

Terrel, 27 tuổi, một sinh hoạt viên tại một cơ sở tuyên úy sinh viên tại Montréal, Gia Nã Đại.

« Là người Công Giáo không nhất thiết có nghĩa là cực đoan »

Má của con

Bầu không khí ở đây nồng ấm lắm, lại vui tươi và đầy cầu nguyện. Con quyết định sống những Ngày Giới Trẻ Thế Giới này để có được một cái đà cho đức tin của con, giúp con sức mạnh biết tin ngay trong những giây phút cô đơn và giữ vững được nhịp điệu đời mình. Hôm trước, bọn con tới nhà thờ chính tòa Vic để chầu Thánh Thể. Ở đấy con nghĩ tới má vì đó là nơi người ta giữ thánh tích của Cha Xứ Ars ! Quả là kỳ diệu được nối kết thì giờ cầu nguyện, nghe giáo lý, suy nghĩ đào sâu với việc hội hè ngay sau đó. Điều cũng làm con phấn khởi là nhận ra rằng làm người Công Giáo không nhất thiết phải cực đoan và đánh mất cá tính riêng của mình, để trở nên một nhãn hiệu nào đó. Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới này rất tương hợp với các hoài mong của con, cả về phương diện linh hoạt lẫn phương diện linh đạo. Đàng khác, chính nhờ các cuộc thảo luận chung, con đã khám phá ra mục đích của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Con ước ao tìm thấy trong Ngày này niềm tín thác nơi Thiên Chúa mà con vốn thiếu sót. Con sẽ kể cho má nhiều hơn khi con về nhà... nếu con còn hơi, còn tiếng !

Alice, Versailles

« Con hy vọng một ngày kia con sẽ có thể chia sẻ tình yêu này với ba »

Ba thân yêu,

Con muốn ba ở đây xiết bao để thấy những việc này ! Con hiện diện cùng với giới trẻ của Pháp, của Châu Phi, của Venezuela... Từ khắp thế giới, chúng con về đây để cử hành đức tin của chúng con và giúp nhau xích gần lại Chúa. Khi chúng con chơi đùa, trò truyện hay cùng nhau cử hành, con cảm nhận được tình yêu không cưỡng nổi của Chúa. Con thấy khó có thể mô tả được xúc cảm này, chỉ biết là tuyệt diệu thôi. Đôi lúc mắt con nhòa những lệ.

Ba thử tưởng tượng xem con sống như thế nào giữa hàng nghìn người trẻ đủ mọi nguồn gốc, hành hương tìm tình yêu Thiên Chúa này. Một trong những lý do khiến con rất yêu mến đức tin Công Giáo là : nó có tính hết sức phổ quát. Hôm qua, con tham dự một Thánh Lễ bằng tiếng Tây Ban Nha. Dù con không hiểu một chữ Tây Ban Nha nào, nhưng con biết chính xác vị linh mục đang làm gì. Con thấy mình hợp nhất với hàng triệu bạn trẻ khắp thế giới.

Con hy vọng một ngày kia con sẽ có thể chia sẻ tình yêu và ánh sáng này với ba, và với tất cả những ai luôn hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa. Con cũng hy vọng rằng ba sẽ cùng con và má gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhưng trong lúc chờ đợi, ba luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của con, Cynthia rất yêu ba.

Cynthia, nữ sinh viên 19 tuổi, người Arkansas, Mỹ

« Chúng tôi khám phá ra một Thiên Chúa trẻ trung »

Carlos thân mến,

Tôi đang sống những cảm nghiệm tuyệt vời của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Trong cuộc tụ tập vĩ đại này, tôi được gặp rất nhiều người trẻ Kitô Giáo từ khắp thế giới, với đủ mọi phong tục và ngôn ngữ... Tôi đã nhận ra một điều quan trọng : muốn học biết Thiên Chúa thực sự là ai, ta phải đi tìm Người, không phải trong những điều lớn lao, mà là trong các chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày. Nhiều người còn có thể khám phá ra Người qua người chung quanh. Nhiều người khác khám phá ra Người bằng cách dấn thân vào môi trường... Ở đây, nhờ ca hát, chúng tôi đã khám phá ra một Thiên Chúa trẻ trung, một Thiên Chúa trẻ thơ đang liên tiếp sống trong chính chúng tôi. Niềm vui này đang đẩy chúng tôi tới đây, từ Chúa tới đây. Cuộc tụ tập này cũng cho tôi thấy rằng tuổi trẻ thật hết sức cởi mở, khoan dung. Đúng thế, ở đây, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Thành thử khi trở vế giáo xứ, tôi sẽ tường trình mọi việc này. Hẹn gặp bạn nay mai.

Erick, 24 tuổi, Venezuela

« Tôn trọng và yêu thương người lân cận »

Dì Arousiag thân mến

Con muốn ngỏ lời cám ơn dì rất nhiều đã tạo cơ hội cho con tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ở đây, thì giờ qua đi rất nhanh vì thời khóa biểu của chúng con dầy đặc. Tất cả những việc này giúp con hiểu biết Lời Chúa hơn và củng cố đời sống Kitô hữu của con nhiều lắm. Ở đây, con đại diện cho Arménie, trưởng nữ của Giáo Hội Đông Phương, giữa rất nhiều các quốc tịch khác nhau. Nên con cố gắng mang theo các giá trị dân tộc. Chúng con đã nhiều lần hát các bài truyền thống của Arménie trước cộng đoàn Thánh Gioan tại nhà thờ chính tòa Oviedo.

Con rất muốn, một ngày nào đó, có thể tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới cùng với mọi người bạn của con, vì cuộc biểu dương của giới trẻ này quả là thời điểm diệu kỳ của Chúa, trong khi tại Arménie, sự việc đôi khi rất khó khăn. Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã mở mắt giúp con thấy nhiều điều căn bản như lòng tôn trọng và yêu thương người lân cận. Đây không còn là một quan niệm trừu tượng nữa mà là một xúc cảm rất thực khiến con tràn trề hạnh phúc.

Hasmik, người Arménie
 
Top Stories
Benedict XVI's Farewell Address to Spain
Vatican Press
08:22 22/08/2011
"Spread Throughout the World the Profound and Joyful Experience of Faith"

MADRID, Spain, AUG. 21, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today at the departure ceremony of the Pope's visit to Spain, held at the International Airport of Madrid Barajas. The Holy Father was in the nation's capital to preside at the 26th World Youth Day.

Your Majesties,
Distinguished National, Autonomous Regional and Local Authorities,
Your Eminence the Archbishop of Madrid and President of the Spanish Episcopal Conference,
Your Eminences and Dear Brother Bishops,
Dear Friends,

The time has come for us to say good-bye. These days spent in Madrid, in the company of so many young people from Spain and from throughout the world, will remain deeply etched in my mind and heart.

Your Majesty, the Pope felt at home in Spain! And the young people who were the heart of this World Youth Day found a warm welcome here and in the many cities and towns of the country, which they were able to visit in the days before these celebrations.

I thank Your Majesty for your gracious words and for your presence at my arrival in Spain and now at my departure. I thank the national, autonomous regional and local authorities for the helpfulness and understanding which they showed before this international event. I also thank the thousands of volunteers who ensured the orderly unfolding of the many activities of this meeting: the various literary, musical, cultural and religious events of the Festival joven, the catecheses given by the Bishops and the main events in the presence of the Successor of Peter. I thank the police and security forces, and all those who helped by providing a wide variety of services: from the music and the liturgy to the details of transportation, health care and meals.

Spain is a great nation whose soundly open, pluralistic and respectful society is capable of moving forward without surrendering its profoundly religious and Catholic soul. In these days, it once more made this clear, revealing its technical and human resources in the service of an undertaking of immense consequence and promise: that of helping young people to become more deeply rooted in Jesus Christ, our Saviour.

A particular word of gratitude is due to the organizers of World Youth Day: to the Cardinal President of the Pontifical Council for the Laity and all the personnel of that Office, to the Archbishop of Madrid, Cardinal Antonio María Rouco Varela, his Auxiliary Bishops and the whole Archdiocese, and in particular to the General Coordinator, Monsignor César Augusto Franco Martinez, and the many generous members of his staff. The Bishops worked generously and diligently in their Dioceses to prepare for the celebrations, together with their priests, consecrated persons and the lay faithful. To all I express my gratitude and I pray that the Lord will bless your apostolic labors.

Nor can I fail to offer heartfelt thanks to the young people for having come to the World Youth Day and for their joyful, enthusiastic and intense presence. To them I say thank you, and I congratulate you for the witness which you gave in Madrid and in the other cities of Spain in which you stayed. Now I ask you to spread throughout the world the profound and joyful experience of faith which you had here in this noble country. Share your joy especially with those who would have liked to come but were unable to do so for various reasons, with all those who were praying for you and with all those whose hearts were touched by these celebrations. By your closeness and your witness, help your friends to discover that loving Christ means living life to the full.

I leave Spain very happy and grateful to everyone. But above all I am grateful to God, our Lord, who allowed me to celebrate these days so filled with enthusiasm and grace, so charged with dynamism and hope. The feast of faith which we have shared enables us to look forward with great confidence in Providence, which guides the Church across the seas of history. That is why she continues to be young and full of life, even as she confronts challenging situations.

This is the work of the Holy Spirit, who makes Jesus Christ present in the hearts of young people in every age and shows them the grandeur of the divine vocation given to every man and woman. We were also able to see how the grace of Christ tears down the walls and overcomes the barriers which sin erects between peoples and generations, in order to make all mankind a single family which acknowledges its one Father and which cultivates, by work and respect, all that he has given us in creation.

Young people readily respond when one proposes to them, in sincerity and truth, an encounter with Jesus Christ, the one Redeemer of humanity. Now those young people are returning home as missionaries of the Gospel, “rooted and built up in Christ, and firm in the faith”, and they will need to be helped on their way. So I urge Bishops, priests, Religious and Christian educators in particular, to care for those young people who want to respond enthusiastically to the Lord’s call. There is no reason to lose heart in the face of the various obstacles we encounter in some countries. The yearning for God which the Creator has placed in the hearts of young people is more powerful than all of these, as is the power from on high which gives divine strength to those who follow the Master and who seek in him nourishment for life. Do not be afraid to present to young people the message of Jesus Christ in all its integrity, and to invite them to celebrate the sacraments by which he gives us a share in his own life.

Your Majesty, before returning to Rome, I would like to assure the people of Spain of my constant prayers, especially for married couples and families who are facing various kinds of difficulties, the needy and the infirm, the elderly and children, as well as those who have no work. I pray in particular of the young people of Spain. I am sure that they will contribute the best they have to offer through their faith in Christ, so that this great country can face the challenges of the present hour and can continue along the paths of peace, solidarity, justice and freedom. Along with these intentions, I entrust the sons and daughters of this noble land to the intercession of the Virgin Mary, our heavenly Mother, and to them all I willingly impart my blessing. May the joy of the Lord always fill your hearts. Thank you.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana

 
Pope on Life after World Youth Day ''Help the Church Grow... in the Hearts of Many''
Vatican Press
08:24 22/08/2011
MADRID, Spain, AUG. 21, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today before and after reciting the midday Angelus with the youth attending the 2011 World Youth Day, held at Cuatro Vientos Air Base in Madrid.

Dear Friends,

You are now about to go back home. Your friends will want to know how you have changed after being in this lovely city with the Pope and with hundreds of thousands of other young people from around the world. What are you going to tell them? I invite you to give a bold witness of Christian living to them. In this way you will give birth to new Christians and will help the Church grow strongly in the hearts of many others.

During these days, how often I have thought of the young people at home who are waiting for your return! Take my affectionate greetings to them, to those less fortunate, to your families and to the Christian communities that you come from.

Let me also express my gratitude to the Bishops and priests who are present in such great numbers at this Day. To them all I extend my deepest thanks, encouraging them to continue to work pastorally among young people with enthusiasm and dedication.

[Spanish] I greet the Archbishop of the Forces affectionately and I warmly thank the Spanish Air Force, which very generously permitted Cuatro Vientos Air Base on this, the centenary of the foundation of the Spanish Air Force. I place all Spanish Air Force personnel and their families under the maternal protection of Our Lady of Loreto.

In this context, I recall that yesterday marked the third anniversary of the grave accident at Barajas Airport which caused many deaths and injuries, and I express my spiritual closeness and my deep affection for all those touched by that unfortunate event, and well as for the families of the victims, whose souls we commend to the mercy of God.

I am pleased now to announce that the next World Youth Day will be held in 2013, in Rio de Janeiro. Even now, let us ask the Lord to assist all those who will organize it, and to ease the journey there of young people from all over the world, so that they will be able to join me in that beautiful city of Brazil.

Dear friends, before we say good-bye, and while the young people of Spain pass on the World Youth Day cross to the young people of Brazil, as Successor of Peter I entrust all of you present with this task: make the knowledge and love of Jesus Christ known to the whole world! He wants you to be the apostles of the twenty-first century and the messengers of his joy. Do not let him down! Thank you very much.

[French] My dear young people of the French-speaking world, today Christ asks you to be rooted in him and with him, to build your lives upon him who is our rock. He sends you out to be his witnesses, courageous and without anxiety, authentic and credible! Do not be afraid to be Catholic, and to be witnesses to those around you in simplicity and sincerity! Let the Church find in you and in your youthfulness joyful missionaries of the Good News of salvation!

[English] I greet all the English-speaking young people present here today! As you return home, take back with you the good news of Christ’s love which we have experienced in these unforgettable days. Fix your eyes upon him, deepen your knowledge of the Gospel and bring forth abundant fruit! God bless all of you until we meet again!

[German] My dear friends! Faith is not a theory. To believe is to enter into a personal relationship with Jesus and to live in friendship with him in fellowship with others, in the communion of the Church. Entrust the whole of your lives to Christ and bring your friends to find their way to the source of life, to God. May the Lord make you happy and joy-filled witnesses of his love.

[Italian] My dear young Italians! Greetings to all of you. The Eucharist that we have celebrated is the risen Christ present and living in our midst: through him, your lives are rooted and built upon Christ, strong in faith. With this confidence, depart from Madrid and tell everyone what you have seen and heard. Respond with joy to the Lord’s call, follow him and remain always united to him: you will bear much fruit!

[Portuguese] Dear Portuguese-speaking young people and friends, you have met Jesus Christ! You will be swimming against the tide in a society with a relativistic culture which wishes neither to seek nor hold on to the truth. But it was for this moment in history, with its great challenges and opportunities, that the Lord sent you, so that, through your faith, the Good News of Jesus might continue to resound throughout the earth. I hope to see you again in two years’ time at the nest World Youth Day in Rio de Janeiro, Brazil. Till then, let us pray for each other, witnessing to the joy that brings forth life, rooted in and built upon Christ. Until we meet again, my dear young people! God bless you all!

[Polish] Dear young Poles, strong in the faith, rooted in Christ! May the gifts you have received from God during these days bear in you abundant fruit. Be his witnesses. Take to others the message of the Gospel. With your prayers and example of life, help Europe to rediscover its Christian roots.

© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
 
Analysis: Gaddafi collapse will embolden Arab rebels
Samia Nakhoul / Reuters
08:57 22/08/2011
BEIRUT (Reuters) - The implosion of Libyan leader Muammar Gaddafi's 41-year-old rule will put a new spring in the step of the Arab revolutions and demonstrate once again that these entrenched autocratic governments are not invincible.

From the Atlantic coast to Gulf shores, live images on Arab satellite channels of rebels pouring into Tripoli, trampling on pictures of Gaddafi and chanting "From alley to alley, door to door," taunting the leader with his own threats to hunt down his enemies, will rattle Arab leaders facing similar revolts.

Arab capitals have been enthralled as street protests forced Tunisia's Zine al-Abidine Ben Ali to flee the country he had ruled for 23 years and Egypt's Hosni Mubarak to step down after 30 years in power and now Gaddafi's government to decompose.

Arabs who this month have seen Mubarak and his sons appear behind bars and who now see the rule of the longest-serving Arab ruler collapsing must wonder what else is possible.

From Syria to Yemen, Arab autocrats who sought to use force and repression to contain pent-up popular aspirations and fend off uprisings must have pause for thought after events in Libya.

"It is an important development because it shows there are different ways in which Arab regimes will collapse. It just shows once you get a momentum developing and the right combination -- a popular will for change and regional and international support -- no regime can withstand that," said Beirut-based Middle East analyst Rami Khouri.

"Syria has this combination of a popular uprising with regional and international backing. These authoritarian regimes, even if they are strong, collapse in the end. We have three transitions now, Tunis, Egypt and Libya and more are to follow."

Khouri said a revolt in Bahrain by a Shi'ite majority seeking more rights from the Sunni Al Khalifa ruling family had failed because it lacked regional and international backing.

It is true, experts say, that Gaddafi's downfall depended crucially on Western military intervention, which evidently is not going to be repeated in Syria or elsewhere -- debt-laden Western powers, still deeply involved in Iraq and Afghanistan, have no appetite for new fronts in the Muslim world.

The five-month NATO bombing campaign in Libya prevented Gaddafi's forces from recapturing the rebel city of Benghazi and quelling the revolt that erupted on February 17, which would have been a discouraging reversal for restive Arabs elsewhere.

PERSISTENCE PAYS

"It shows that if the protesters, opposition, freedom fighters or rebels in Yemen or in Syria persist they may be able to topple the regime," said Middle East analyst Geoff D. Porter.

"People's views of the Arab spring were formed by Tunisia and Egypt where protests lasted up to a month. They thought Libya will be impossible because it didn't fit the Tunisia and Egypt model," he said. "Libya's protests will encourage and embolden protesters in Syria and Yemen although they miss a big component which is the support of NATO."

Scenes of popular rejoicing in Tripoli after Gaddafi's forces apparently melted away suggest many in the capital had loathed their leader, but had not previously dared defy him for fear of retribution.

"This is another day, a new page in Libya's history. We are witnessing a new dawn and a new history of freedom," said Mohammed Derah, a Libyan activist in Tripoli.

Anti-Gaddafi demonstrations in Tripoli early on in the revolt were forcibly suppressed.

"Libya showed that Gaddafi didn't have the support he claimed he had. One may be able to make the comparison to Syria and Yemen where joining a revolution is a big risk. (People) may not support the regime but they wouldn't risk their lives until rebels show up," Porter said in reference to the paucity of demonstrations in Syrian cities such as Damascus and Aleppo.

Experts said economic and oil sanctions imposed on Gaddafi had played a big role in bringing his forces to their knees and similar actions against Syria could have a similar impact.

Assad, who faces growing international calls to step down over his crackdown on more than five months of protests which U.N. officials say have cost around 2,000 civilian lives, warned the West on Sunday that Syria would not tolerate any outside interference, saying unrest had become more militant.

"As for the threat of a military action ... any action against Syria will have greater consequences (on those who carry it out), greater than they can tolerate," he said.

No country has proposed any military intervention in Syria, which borders Israel, Lebanon, Iraq, Turkey and Jordan -- and has powerful allies in Shi'ite Iran and Lebanon's Hezbollah.

"Assad is probably afraid he will be in the same camp but he thinks he has different international relations than Gaddafi, who had no friends. Assad has the support of Tehran and Hezbollah and that changes the international community's calculus," Porter said.

For Khouri, the Libyan rebel success will shake the confidence of rulers such as Assad, who apparently believe their military-backed governments are immune to popular discontent.

"Assad lives in a world of his own. He doesn't live in a real world. He is oblivious to the new reality. These dictatorships feel invincible," Khouri said

"What we are seeing is that they are not invincible. They are very vulnerable. Most of these regimes have been in power for decades and decades and have reached the end of the line."

(Editing by Jon Boyle)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Làng Nam: Tổng Kết Năm Học Giáo Lý 2010-2011
Đức Thịnh
06:03 22/08/2011
Sáng nay, Chúa nhật – 21.08.2011, vào lúc 07h00’, giáo xứ Làng Nam đã tổ chức lễ tổng kết năm học giáo lý 2010-2011.

Xem hình ảnh

Trong lễ tổng kết năm học giáo lý 2010-2011, sau những lời nhận xét, đánh giá tình hình dạy vào học giáo lý năm vừa qua của Thầy điều hành giáo lý xứ và những lời huấn từ của linh mục quản xứ, Antôn Hoàng Trung Hoa, giáo xứ Làng Nam đã trao giấy khen và phần thưởng cho những giáo họ và học sinh đạt thành tích tốt về giáo lý trong năm vừa qua ở cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Bên cạnh việc khen thưởng cho các học sinh có thành tích tốt, giáo xứ cũng trao phần thưởng cho một số Giáo lý viên có thành tích tốt trong việc dạy giáo lý, cùng tặng quà cho tất cả các giáo lý viên trong bốn giáo họ của giáo xứ.

Sau phần khen thưởng các học sinh và thầy cô đạt thành tích tốt trong việc học và dạy giáo lý, giáo xứ cũng trao phần thưởng cho những học sinh đạt danh hiệu học sinh khá giỏi ở trường phổ thông trong năm học vừa qua, với điều kiện đi kèm, là phải trên điểm trung bình về giáo lý.

Giáo xứ cũng trao phần thưởng cho hai bạn đậu đại học và hai bạn đậu cao đẳng trong kỳ thi vừa qua.

Cũng dịp này, giáo xứ cũng trao phần thưởng cho 8 tổ trại trong đợt trại hè “Điểm Tựa Giêsu” vào cuối tuần qua.

Xin chia sẻ niềm vui với những tập thể và cá nhân đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua, và xin chúc cho giáo xứ ngày một phát triển nhiều hơn!
 
Giáo xứ Mỹ Lộc Cung nghinh Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội
Emmanuel Vũ Thị Hiên
06:07 22/08/2011
BẮC NINH - Giáo Xứ Mỹ Lộc Hạt Bắc Giang từ 05g sáng ngày 21/08/2011, một đoàn xe (xe khởi động, xe đoàn kèn, xe Thánh Giá, xe BHG và đại diện các bạn trẻ, các xe khác. . . . ) đã được chuẩn bị đầy đủ xăng dầu, băng cờ, khẩu hiệu tập trung tại nhà xứ Mỹ Lộc và đúng 05g30 xuất phát đi đến nhà xứ Nghĩa Hạ để Cung Nghinh Cây Thánh Giá Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội vượt qua con “Sông Thương” để về với giáo xứ Mỹ Lộc.

Xem hình ảnh

Có lẽ đây là lần đầu tiên giáo dân giáo xứ Mỹ Lộc hiểu được ý nghĩa của Cây Thánh Giá đã được cung nghinh qua tám giáo phận và năm nay đã về đến giáo phận Bắc Ninh; hơn thế nữa, giáo dân cảm động và nôn nóng chuẩn bị thật chu đáo mọi sự để “Đón Chúa vào nhà mình”. Vì khi nghe cha xứ Giuse Nguyễn Văn Khiêm nói đến tinh thần chuẩn bị cho ngày đón Thánh Giá thì nhiều người còn ngỡ ngàng nói rằng: “ Thánh Giá thế nào mà lại chuẩn bị đón long trọng hơn đón Đức Cha; đức cha bây giờ cũng có đón long trọng đâu.. . ”.

Nhưng quả thật, qua những câu băng rôn được treo khắp đó đây “Thập Giá Đức Kitô niềm vinh dự của chúng ta. Thập Giá Đức Kitô là suối nguồn ơn cứu độ”. Và đó cũng là lời chào mừng Thánh Giá do cha xứ Giuse Nguyễn Văn Khiêm chủ sự, ngài mời gọi cộng đoàn kính cẩn cúi đầu chào đón Thánh Giá Chúa.

“Lạy Chúa, Chúa đã dùng thập giá mà cứu độ trần gian, Chúa đã dùng thập giá để xoá bỏ mọi hận thù, chia rẽ của nhân loại; bởi đó mà Chúa đã công bố: từ nay Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 14 -15). Một lời tuyên bố xoá bỏ hố sâu ngăn cách, làm cho nhân loại hân hoan vì đã được trở lại vị trí làm con cái Cha cả trên trời và là anh em với Chúa”. Niềm vui đó đã được các bạn trẻ nắm tay nhau cất lên Bài Ca Chủ Đề “Anh em một nhà thương mến nhau” của linh mục nhạc sĩ Quang Uy.

Tiếp theo đó, là thánh lễ trọng thể Suy Tôn Thánh Giá Chúa đã được cử hành một cách trang trọng và sốt sáng do cha xứ Giuse Nguyễn Văn Khiêm chủ tế, có đầy đủ quý cha trong hạt Bắc Giang cũng như quí cha trong Toà Giám Mục cùng đồng tế; Thánh lễ thật ý nghĩa với bài giảng của cha quản hạt Giuse Nguyễn Huy Tảo bắt đầu bằng một câu đố: Thánh nào không có linh hồn? Một số bạn trẻ đã đoán là Thánh Giá, và đây đó cũng có một số người đã tự hỏi: Làm thế nào mà hai miếng gỗ ấy có thể tác động đến cuộc đời của một con người như vậy? Vì miếng gỗ đó có linh hồn là Đức Giêsu.

Các bạn trẻ ơi, chúng mình hãy nhìn lên Thánh Giá để có thể thấy sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa và “hãy mang Thánh Giá đi khắp thế giới như là dấu chỉ tình yêu của Đức Giêsu” (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II). Thánh Giá là niềm hy vọng của mọi tín hữu. Thánh Giá là giá cữu chuộc trần gian.

Tuy nhiên, đã gọi là Thánh Giá thì không có Thánh Giá nào nhẹ nhàng trơn tru. Chúng ta hãy chấp nhận mọi biến cố trong đời như là Thánh Giá để cùng vác với Chúa lên đồi Canvê. Thánh Giá là con đường dẫn chúng ta đến sự sống. Hãy chạy đến với Chúa và dành những thời gian qúi báu trong một tuần hồng phúc này để suy niệm Mầu Nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Amen.
 
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức tại Giáo Xứ Kim Ngọc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:18 22/08/2011
PHAN THIẾT - Chúa nhật 21/08/2011 là một ngày hồng ân, Giáo xứ Kim ngọc hân hoan đón chào Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận, đến chủ sự Thánh Lễ ban Bí Tích Thêm Sức cho 117 em thiếu nhi.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm, với tâm trạng hân hoan, các em thiếu nhi, cha mẹ đỡ đầu hội đồng mục vụ đã nao nức xếp thành hai hàng dài chuẩn bị đón chào Đức Giám Mục. Cộng đoàn chào đón bằng những tiếng vỗ tay hoan hô, hoà với lời ca tiếng hát chào mừng.

Để có chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại hôm nay, các em đã học giáo lý nhiều năm và đặc biệt suốt những tháng mùa hè, các em dự lễ và và học giáo lý hàng ngày. Chúa nhật tuần trước đã có 85 em được Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu.Các thầy các nữ tu và các giáo lý viên đã tận tình hướng dẫn giáo lý. Các em thiếu nhi, cha mẹ và những người đỡ đầu, đã chuẩn bị dọn mình xưng tội, rước lễ và tập luyện các nghi thức để được sốt sắng đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha suy niệm câu chuyện phúc âm Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét. Trong hội đường, Chúa long trọng tuyên bố đoạn Sách Thánh Isaia được ứng nghiệm nơi Ngài. Sự ứng nghiệm đang tái diễn trong cộng đoàn phụng vụ : Chúa Thánh Thần ngự xuống, xức dầu và sai đi. Đức Cha mời gọi mọi người, đặc biệt các em lãnh bí tích hôm nay, hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn hầu trở nên giống Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và qua đó trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô, làm cho Nước Chúa được lan rộng trong thế giới hôm nay. Đức Cha nhấn mạnh, 117 em đón nhận Chúa Thánh Thần như là một đánh dấu cho giai đoạn lớn lên về mặt thể xác và về đời sống tâm linh. Trong ba chữ T của giai đoạn khai tâm Kitô hữu: Thanh Tẩy, Thánh Thể và Thêm Sức, thì bí tích Thêm Sức là một giai đoạn ghi dấu ấn của lứa tuổi trưởng thành để đón nhận một sứ vụ.

Đức Cha xức dầu ghi ấn tín Thánh Thần: “Hãy nhận lấy ấn tin ơn Chúa Thánh Thần.”

Truyền thống Kitô giáo coi việc xức dầu như là cách chia sẻ với người lãnh nhận những sứ vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương đế. “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9).

Chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa Kitô là lãnh nhận trách nhiệm chia sẻ Tin Mừng với người khác.
Chia sẻ sứ vụ tư tế của Chúa Kitô là lãnh nhận quyền tự hiến với Chúa Kitô để dâng lên Chúa Cha mỗi lần cử hành Thánh Thể.
Chia sẻ sứ vụ vương đế của Chúa Kitô là tham gia vào cộng đồng đức tin để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất này.

Cầu chúc các em vừa được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, luôn sống xứng với hồng ân lãnh nhận và luôn sẵn sàng để Chúa Thánh Thần thúc đẩy đổi mới để càng ngày càng sống mạnh mẽ hơn trong Đức Tin và luôn can đảm làm chứng Chúa trước mặt mọi người.

KHÚC ĐỒNG DAO TƯƠI XANH
(Thương tặng 117 em thiếu nhi lãnh Bí Tích Thêm Sức)
Vĩnh Toàn

Con muốn viết những dòng thơ tươi xanh.
Những nhạc khúc với cây đàn muôn điệu.
Khi lòng con tuổi còn niên thiếu.
Được Thánh Thần ngự đến viếng thăm.
Ngài vĩnh hằng từ ngàn ngàn năm.
Là ngọn lửa trên đầu con bừng sáng.
Là tia chớp trong tim con chói rạng.
Cánh chim hòa bình tô thắm tuổi xuân xanh.
Kể từ đây đời đẹp tựa bức tranh.
Mỗi sáng sớm, gọi tên Ngài thầm thỉ.
Khi vấp ngã, khi truân chuyên, lo nghĩ…
Có Ngài đồng hành, con hoan hỷ bước nhanh.
Con muốn viết lời đồng dao tươi xanh.
Ca ngợi Chủ Chăn cho lòng con no thỏa.
Ân tình Chúa, ân tình Cha thắm đỏ.
Trên đồng cỏ bạt ngàn, con vang khúc tri ân.
Lời đồng dao con ca bên suối mát trong lành.
Là khúc hát ngọt ngào, khúc nhạc thần tiên.
Có Mẹ của con, Thánh Mẫu dịu hiền.
Dạy con hát Xin Vâng tình tha thiết.
Từ đây trong con lớn lên Ơn Hiểu Biết,
Ơn Khôn Ngoan, Lo Liệu Tính Toan,
Ơn Thông Minh với Sức Mạnh vẹn toàn,
Lòng Kính Sợ Chúa Cha và Chuyên Chăm Đạo Đức.
Con muốn cao cung đến trọn đời không dứt.
Dấu ấn thiêng này thắp sáng lòng con.
Để mỗi ban mai trong ánh nắng huy hoàng.
Con lại hát lời đồng dao xanh thắm.
 
Hội các Bà Mẹ Công Giáo hạt Hàm Thuận Nam mừng Thánh bổn mạng
Paul Nguyễn văn Sự
06:22 22/08/2011
PHAN THIẾT - Trong bầu khí chuẩn bị đón mừng lễ kính thánh Bổn mạng hàng năm, Hội Các bà mẹ Công Giáo giáo hạt Hàm Thuận Nam thuộc Giáo phận Phan Thiết đã tổ chức đại hội trọn ngày 18.8.2011.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm, khuôn viên Nhà thờ giáo xứ Hiệp Đức (Km32) đã rộn ràng tiếng cười nói của các hiền mẫụ từ 13 giáo xứ trong giáo hạt tề tựu về họp mặt. Nhà thờ Hiệp Đức tuy rộng, nhưng không đủ sức chứa cho gần 1200 người mẹ về dự, vì thế cả hành lang và khu vực sân nhà xứ cũng được các hiền mẫu tận dụng tối đa.

- Đúng 7giờ, Đại hội được long trọng khai mạc dưới sự chủ tọa của Cha Hạt trưởng Fx. Đinh-tiên-Đường, cùng với sự hiện diện của Cha đặc trách hội CBMCG giáo hạt Pet. Trần-thanh-Tú. Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong Hạt và đại diện Ban trị sự Giáo phận, các giáo hạt bạn cũng về dự.

Trong huấn từ khai mạc, Cha chủ tọa đã đề cao vai trò người phụ nữ trong xã hội và Giáo hội thời đại mới . . . Ngài nói, trên thế giới khoảng cách giữa nữ và nam giới ngày càng được thu hẹp, bằng chứng là có nhiều phụ nữ tài ba đã được tín nhiệm bầu vào các chức vụ lãnh đạo quốc gia, Trong Giáo hội cũng không thiếu những tấm gương người phụ nữ đã đóng góp xây dựng làm rạng danh cho Nước Chúa và Hội Thánh, điển hình là người mẹ Monica mà Hội đã chọn làm bổn mạng, người mẹ vượt qua đau khổ để dẫn dắt con trai hư hỏng Augustino biết quay về tận hiến cho Chúa và rồi trở thành một vị Thánh Giám mục tiến sĩ của Hội Thánh.

- Sau giờ khai mạc, Cha đặc trách hội Pet. Trần-thanh-Tú thuyết trình đề tài: “vai trò của CBMCG trong việc giáo dục đức tin và luân lý gia đình”. Suốt một tiếng đồng hồ, Ngài đã trích dẫn những chứng từ sống động, tổng hợp từ các nguồn trên báo chí, Internet . . . để giúp các hiền mẫu thêm hành trang trong việc giáo dục con cái ở thời kỳ được gọi là khó khăn nhất từ trướ tới nay.

- 10giờ15 Các hiền mẫu được tiếp xúc với Bác sĩ tâm lý Theresa Nguyễn-lan-Hải từ Giáo phận Sài gòn nói chuyện về: “Vai trò người mẹ trong việc giáo dục giới tính cho con cái”, một vấn đề mà nhiều phụ huynh rất ngại ngùng đề cập với con cái đến tuổi chuẩn bị vào đời.

Với phong cách dí dỏm, thực tế, và với những kinh nghiệm, Bác sĩ Lan Hải đã đem đến cho cử tọa một bầu khí cởi mở, tươi vui, những tràng cười thoải mái đã xua đi cái ngột ngạt oi bức của cái nóng cuối hè.

Nhờ sự khéo léo sắp xếp chương trình của Ban trị sự Hội, như sau mỗi bài thuyết trình, được xen kẽ hai ba tiết mục văn nghệ do đơn vị Giáo xứ đảm trách, vì thế mà suốt ngày đại hội, các hiền mẫu vẫn cảm nhận được sự tươi vui, thoải mái, nhẹ nhàng.

- 10giờ30 Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Giuse Vũ-duy-Thống chủ sự cùng với Cha Hạt trưởng Hàm-Thuận-Nam, Cha Tổng phụ trách Hội Các bà mẹ Giáo phận Aug. Nguyễn-văn-Lạc cùng với 12 Linh mục trong giáo hạt. Chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha cũng đề cao vai trò ngườqqi mẹ trong gia đình, việc dạy dỗ con cái trở nên người Kitô hữu gương mẫu, người công dân tốt trong xã hội có tầm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt chung của cả Giáo hội lẫn xã hội . . .

Sau Thánh lễ, Đức Cha, quý Cha dùng cơm trưa chung với các hiền mẫu.

- 13giờ30 Cha Tổng phụ trách Hội CBMCG giáo phận đã gặp gỡ, động viên, chia sẻ những khó khăn mà vai trò làm mẹ, làm vợ của các hiền mẫu, Ngài cũng biểu dương những người trong BTS hội, trao chứng nhận phép lành Tòa Thánh cho các chị em và thuyết trình đề tài: “Monica - mẫu gương của BMCG”.

- Phần còn lại của chương trình ngày đại hội là “thi đua học hỏi”. Mỗi giáo xứ có 3 đại diện, được chia theo nhóm, thi đua dưới hình thức trắc nghiệm với 4 đề tài: + Hôn nhân Kitô giáo; + Lời Chúa; + Thủ bản của Hội; và + Đại hội dân Chúa;

Cha đặc trách đã áp dụng phần kỹ thuật tiên tiến, hiện đại làm cho cuộc thi thêm hào hứng và vô tư trong việc chấm điểm.

Sau 4 vòng thi, hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, 3 giáo xứ đạt kết quả cao nhất là: I. Giáo xứ Thuận-Nghĩa; II. Giáo xứ Hòa-Vinh; III. Giáo xứ Phaolô. Ngoài 3 phần thưởng cho các đơn vị đoạt giải, các giáo xứ còn lại đều được nhận quà lưu niệm.

Lễ phát thưởng và bế mạc được tiến hành lúc 17giờ cùng ngày dưới sự chủ tọa của Cha Hạt trưởng và Cha đặc trách cùng hiện diện. Các hiền mẫu đã trở về cuộc sống thường nhật sau một ngày họp măt sinh hoạt Thánh thiện.

Nguyện xin Thiên-Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và Thánh nữ Monica cho các hiền mẫu chu toàn trọng trách thiên chức làm mẹ trong gia đình.
 
CĐ La Vang Cabramatta úc châu mừng lễ Thánh bổn mạng và 30 năm thành lập
Diệp Hải Dung
19:34 22/08/2011
SYDNEY - Chiều Chúa Nhật 21/08/2011 vào lúc 2 giờ 30 giờ chiều các Hội Đoàn Đoàn Thể và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta mừng kính Lễ Bổn Mạng Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta – Sydney, kỷ niệm 30 năm hành trình Niềm Tin 1981 – 2011.

Xem hình ảnh

Mọi người đều tập trung trước tượng đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ, và Ban Tây Nhạc Cecilia do anh Trương Minh Tịnh hướng dẫn trình tấu nhạc phẩm Kính Mừng Nữ Vương rất lôi cuốn và sôi động để kính Nữ Vương La Vang và chào đón quan khách cũng như mọi người.

Sau đó 3 hồi chiêng trống truyền thống Việt Nam, Cha Patrick Mac Auliffe Chính xứ Cabramatta xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đặt ngay bên đài Mẹ Từ Ái, đồng thời Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo Đoàn Cabramatta điều hợp tất cả mọi người cùng cầu nguyện trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang và cung nghinh kiệu Thánh tượng Mẹ rước vào nhà thờ và an vị trên cung Thánh.

Ông Huỳnh Công Lợi Ban Mục Vụ Giáo Đoàn tuyên đọc đôi dòng về Đức Mẹ hiện ra ở La Vang Việt Nam cùng với những hình ảnh Mẹ La Vang với bản dịch Việt Ngữ cho Giáo Xứ Úc hiểu được lịch sử Mẹ La Vang. Suốt thời kỳ bách hại từ năm 1798 đến năm 1801 nhiều Giáo Dân phải trốn vào rừng rậm gần Quảng Trị miền Trung VN. Ở đó họ rơi vào cảnh lầm than đói khát, bệnh tật, nhưng sẵn sàng chuẩn bị để chết cho Đạo, chết vì Đạo. Một hôm đang lúc cộng đoàn giáo dân tụ tập với nhau để cầu nguyện, họ bỗng thấy xuất hiện một Bà Chúa lộng lẫy trong luồng sáng rất lạ trên đầu. Trên tay Bà bồng một em bé rất đẹp là Chúa Giêsu. Bà là Mẹ Thiên Chúa đến với đàn con để an ủi khích lệ. Đức Mẹ La Vang đã hứa với đàn con Mẹ: "Mẹ nhận lời chúng con cầu xin và từ nay về sau, hễ ai đến khẩn cầu cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời cầu xin và ban ơn theo ý nguyện." Sau cuộc bách hại vào năm 1802, giáo dân rời bỏ khu rừng họ từng ẩn lánh để trở về với với thôn làng mình từng sinh sống. Từ đó câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang hoang dại đã loan truyền khắp chốn và mang theo thông điệp của Mẹ. Hiện nay La Vang chính là Linh Địa hành hương của tất cả con cái của Mẹ trên toàn thế giới và ngày 22/08/1961 đền thờ Đức Mẹ La Vang được thánh hiến trở nên Vương Cung Thánh Đường do sắc chỉ “Để muôn đời ghi nhớ” của Đức Giáo Hoàng Gioan 23. Đến năm 2003 Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm phép 6 tượng Đức Mẹ La Vang tại Roma và công du khắp năm châu.

Sau khi chấm dứt phần đọc sơ lược về di tích Đức Mẹ hiện ra ở La Vang. Thánh lễ cử hành gồm quý Cha Paul Văn Chi, Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Mai Đào Hiền, Cha Đặng Đình Nên, Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Quang Thiện, Cha Patrick Mac Auliffe Chính xứ và Cha Nguyễn Văn Quang từ Perth

Trong bài giảng Cha Trần Quang Thiện đã nói về những nơi Đức Mẹ hiện ra và ban phép lạ chữa lành, đặc biệt tại La Vang Việt Nam, Đức Mẹ đã hiện ra và cứu giúp giáo dân tránh khỏi những bệnh tật và Mẹ cũng đã phù trì giáo dân thoát khỏi những đau khổ trong cuộc bắt đạo vào thời kỳ đó. Chúng ta hãy luôn đến cầu xin Mẹ, để Mẹ an ủi và dẫn dắt chúng ta đến với Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Patrick Mac Auliffe Chính xứ Cabramatta ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và Cha nói mới thấm thoát đây mà Giáo Đoàn đã thành lập 30 Năm, suốt hành trình dài đó mọi người trong Giáo Đoàn đã đóng góp giúp ích cho Giáo Xứ rất nhiều. Sau cùng Cha cầm tờ Booklet và nói mọi ngườI hãy giữ lấy Booklet này và đem về để giữ một tài liệu quý báu về Mẹ La Vang. Anh Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc mừng Lễ Quan Thầy của Giáo Đoàn Cabramatta và Anh cũng thay mặt Cộng Đồng cám ơn Giáo Đoàn Cabramatta đã đóng góp trợ giúp cho Cộng Đồng trong nhiều năm qua. Sau cùng ông Hà Pi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn kỷ niệm 30 năm Hành Trình Niềm Tin của Giáo Đoàn. Đặc biệt cám ơn qúy Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Giáo Đoàn và quý ân nhân đã đóng góp công của trợ giúp cho Giáo đoàn tổ chức Lễ mừng kính Bổn Mạng hôm nay.

Thánh lễ kết thúc quý Cha cùng mọi người qùy trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang dâng lời nguyện lên Mẹ cầu cho Gia Đình, Giáo Đoàn và Cộng Đồng và sau đó đoàn Múa Lân của Giáo đoàn đón tiếp quý Cha, quý Quan Khách cùng mọi người từ cuối nhà thờ đến hội trường tham dự tiệc liên hoan mừng kính Bổn Mạng và tham dự văn nghệ do Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Đoàn, Hội Trống Diên Hồng, trình diễn và xổ số lấy hên trong niềm hân hoan vui mừng.
 
Sinh hoạt Huynh trưởng Thiếu Nhi và Giáo lý tại Giáo xứ Cồn Cả
Anthony Trung Thành
06:40 22/08/2011
VINH - Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 8, Giáo xứ Cồn Cả tổ chức tổng kết Giáo Lý. Lễ tổng kết Giáo lý năm nay diễn ra trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Xem hình ảnh

Trong lời huấn dụ : Cha quản xứ đề cao tầm quan trọng của việc học Giáo Lý nhất là hiểu biết Kinh thánh vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Sau đó, Cha quản xứ cám ơn các Thầy Cô Giáo Lý Viên đã có nhiều hy sinh cho công việc dạy giáo lý trong năm vừa qua. Để thể hiện lòng biết ơn đó, Ngài trao cho mỗi Giáo Lý Viên một món quà nhỏ. Cũng để khuyến khích việc học giáo lý, Cha quản xứ trao phần thưởng cho 37 em đạt điểm trong kỳ thi Giáo lý hạt và kỳ thi Giáo lý xứ vừa qua. Phần thưởng lớn nhất là một chiếc xe đạp trị giá 1 500 000 VND.
Giáo xứ Cồn Cả hiện có 41 Giáo lý viên và 1500 học sinh giáo lý.

Cũng trong dịp này, Cha xứ đón nhận 8 anh chị thuộc đoàn thiếu nhi Thánh thể Ngành Nghĩa vào chức vụ Huynh Trưởng trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo xứ.
Được biết, sinh hoạt hàng tuần của PTTNTT là : ngoài việc siêng năng tham dự Thánh lễ, chầu Thánh thể, đọc và suy niệm Lời Chúa…PTTNTT còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoài trời, thăm viếng những người tàn tật, ốm đau, những người già neo đơn trong giáo xứ và những vùng lân cận.
Phong trào TNTT ở Giáo xứ Cồn Cả được thành lập năm 2007, hiện nay có hơn 500 đoàn viên với 55 huynh trưởng.
 
Thánh lễ khai giảng Lớp Tu Đức của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng
Giuse Trần ngọc Huấn
08:19 22/08/2011
LẠNG SƠN - Vào hồi 19h00 chiều ngày 22 tháng 08 năm 2011, lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, đã chủ sự Thánh lễ kính Đức Maria, đồng thời khai giảng năm học mới của lớp Tu Đức tiền Đại chủng viện của Giáo phận.

Thánh lễ có sự hiện diện của cha Giuse Nguyễn ngọc Thể - Đại diện Giám mục và Chính xứ Nhà thờ Chính Tòa, cha Phêrô Đỗ văn Tín – Đặc trách mục vụ Ơn gọi của Giáo phận, cha Giuse Nguyễn bình Trọng – Phụ trách lớp Tu Đức, và quý cha. Mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Chính tòa và nam nữ tu sỹ đã hiệp dâng Thánh lễ trong bầu khí phụng vụ sốt sắng và trang trọng.

Đối với Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, từ nhiều năm qua, ơn gọi dâng hiến rất ít ỏi, đa phần các linh mục và nam nữ tu sỹ từ các giáo phận khác đến phục vụ. Có những thời điểm, cả Giáo phận chỉ còn duy nhất một linh mục và một nữ tu trên dưới trăm tuổi, cùng với Đức Giám mục làm mục vụ trong miền đất truyền giáo rất rộng lớn này. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người thanh niên nam nữ từ các giáo phận đã tự nguyện đến dấn thân cho ơn gọi nơi Giáo phận này, nhờ đó con số linh mục, nam nữ tu sỹ và chủng sinh được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, tại Giáo phận Lạng sơn – Cao bằng, có 15 linh mục đang phục vụ (trong đó có 8 linh mục triều và 7 linh mục thuộc các hội Dòng và tu hội), và trên 40 chủng sinh, ứng sinh, dự tu. Có thể nói, so với số giáo hữu khoảng 6.000 nhân danh, Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng hiện nay có số nhân sự phục vụ vào hàng đứng đầu các giáo phận trong cả nước, xét trên tỷ lệ giáo dân.

Từ mấy năm trở lại đây, tại Tòa Giám mục Lạng Sơn luôn có các chú thuộc lớp Ứng sinh tiền Đại chủng viện. Anh em từ các giáo phận quy tụ về đây, mang trong mình thao thức theo đuổi ơn gọi và ước muốn dấn thân phục vụ miền đất truyền giáo, để làm nên lớp ơn gọi của Giáo phận truyền giáo. Từ các lớp này, nhiều anh em đã được đi tu học tại các Đại chủng viện và Học viện liên dòng trong cả nước, nhờ đó con số chủng sinh của Giáo phận ngày một gia tăng.

Chia sẻ trong Thánh lễ khai giảng lớp Tu Đức tiền Đại chủng viện hôm nay, trong bầu khí ngày lễ kính Đức Maria Trinh Nữ Vương Đức cha Giuse đã nói lên ý nghĩa của việc chọn ngày này làm ngày cầu nguyện và khởi đầu cho hành trình ơn gọi mới của các Chú trong Giáo phận. Con số ít ỏi, chỉ với 06 anh em trong lớp, nhưng cũng nói lên cả một sự phấn đấu và hy sinh, một ước nguyện dấn thân cao đẹp cho hành trình dâng hiến phục vụ. Noi gương Đức Mẹ, luôn tín thác và xin vâng theo thánh ý Chúa, mỗi ứng sinh hôm nay cũng phải luôn bước đi trong tình yêu và thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, để biến đổi và làm thăng tiến ơn gọi cuộc đời mình theo chương trình của Thiên Chúa, vì Giáo hội và cho Dân Chúa.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức cha Giuse vui mừng giới thiệu Ban Đặc trách mục vụ ơn gọi của Giáo phận, ngài cũng giới thiệu 06 chú trong lớp Tu Đức tiền Đại chủng viện với Cộng đồng Dân Chúa hiện diện. Mọi người hiệp ý chúc mừng anh em trong khởi đầu hành trình mới của ơn gọi, đồng thời cầu nguyện cho anh em được luôn sống trọn vẹn ơn gọi và sứ vụ của mình.

Thánh lễ kết thúc với phép lành của Đức cha chủ sự. Cộng đoàn Phụng vụ cùng sốt sắng dâng lên Đức Mẹ bài Thánh ca Magnificat trong ngày lễ kính Người.
 
Lễ Vĩnh Khấn Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang
Tâm Phúc
11:48 22/08/2011
NHA TRANG - Sáng ngày 22.8.2011, trong niềm vui tạ ơn Thiên Chúa, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Giáo phận Nha Trang hân hoan mừng Lễ Vĩnh Khấn của 9 nữ tu lớp Tú. Thánh lễ trọng thể do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận chủ sự.

Xem hình ảnh

Cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám mục Giáo phận, Cha Tổng Đại Diện, Quý cha Giám đốc Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang và Chủng Viện Thánh Nicôla Phan Thiết, Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha sở, Quý Cha Ân – Thân nhân trong và ngoài Giáo phận. Sự hiện diện của Quý tu sĩ, Quý Phụ Huynh, Quý Ân – Thân nhân trong ngày vui như một khích lệ và nâng đỡ cho các Tân Vĩnh Khấn trên hành trình tận hiến.

Với nến sáng trên tay và một trái tim dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, 9 chị nữ tu tiến vào nguyện đường như những trinh nữ khôn ngoan hân hoan tiến vào tiệc cưới Nước Trời. Hôm nay đây, sau 6 năm sống giao ước thánh hiến, cảm nghiệm được đủ niềm hạnh phúc và những thách thức trong đời sống tu trì, các chị vẫn can đảm và quyết tâm tuyên khấn trọn đời sống tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Một lần nữa, quý phụ huynh lại hiện diện trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé này để cùng Hội Dòng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao trọng Chúa đã ban cho ái nữ yêu quý của mình.

Thánh lễ diễn ra gồm các phần: Nghi thức mở đầu, Phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức tuyên khấn trọn đời, phụng vụ Thánh Thể và phần kết lễ.

Nghi thức tuyên khấn được khởi đầu bằng việc các ứng sinh tiến lên trước cung thánh dâng thỉnh nguyện lên Chị Tổng Phụ Trách xin khấn trọn đời giữ 3 lời khuyên Phúc Âm theo hiến pháp của Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Tiếp đến là huấn từ của Đức Cha Giuse. Với giọng trìu mến của Người Cha, Ngài chúc mừng các Ứng sinh với hồng ân được lãnh nhận hôm nay do tình thương của Thiên Chúa. Ngài nhắn nhủ các ứng sinh khi đã chọn Chúa làm đối tượng duy nhất của mình thì phải biết dứt khoát từ bỏ mọi điều không xứng hợp với bậc sống của mình để luôn giữ một trái tim tinh tuyền, vẹn sạch xứng đáng thuộc về Chúa theo gương Đức Mẹ Maria. Đức Cha cũng cầu chúc cho các Ứng sinh luôn tìm ra được niềm hạnh phúc đích thực trong suốt cuộc đời thánh hiến của mình.

Sau bài huấn từ, Đức Cha thẩm vấn các ứng sinh về sự xác định ước muốn trọn đời theo sát dấu chân Chúa Giêsu trong lời khuyên Phúc Âm, theo Linh đạo – Sứ Mạng và Đoàn sủng của Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ. Sau mỗi câu thẩm vấn của Đức Cha, với giọng xác tín và cương quyết, 9 ứng sinh mạnh dạn đáp lời “Thưa con muốn”. Tiếp theo là Kinh Cầu Các Thánh, các ứng sinh phủ phục sát đất để ý thức thân phận yếu hèn của mình và xin sự trợ giúp của Chư Thánh và tất cả mọi người.

Phần đọc lời Tuyên khấn của từng nữ tu được xem là phần trọng tâm của nghi lễ khấn hôm nay. Từng ứng sinh tiến lên mồi lửa từ nến Phục Sinh, đến quỳ đặt tay trong tay Chị Tổng Phụ Trách của Hội Dòng đọc lời tuyên khấn trọn đời. Sau khi các ứng sinh tuyên khấn, Đức Cha chủ tế đọc lời nguyện thánh hiến. Tiếp đến, đại diện cho Đức Kitô Lang Quân, Đức Cha trao nhẫn giao ước vào tay các Tân Vĩnh Khấn. Chị Tổng Phụ Trách tuyên bố sáp nhập các Tân Vĩnh Khấn làm thành viên vĩnh viễn của Hội Dòng. Nghi thức tuyên khấn kết thúc bằng việc trao hôn bình an của Ban phụ trách dòng.

Sau phần hiệp lễ, Chị Tổng Phụ Trách Imelda Thanh Bình, thay mặt Hội Dòng dâng lời tri ân Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý tu sĩ, Quý Phụ Huynh và cộng đoàn. Tiếp lời, thân phụ nữ tu Tú Vân, giáo xứ Hiệp Nghĩa, Gp Phan Thiết trong lời cảm ơn Hội Dòng đã thổ lộ tâm tình của những người làm cha mẹ có con đi tu, ông bộc bạch “Mười lăm năm kể từ khi chúng con dâng con vào Hội Dòng thì hình như trái tim chúng con cũng bắt đầu sống tập sống đời tu trì. Chúng con cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được dâng con cho Chúa, nhưng đồng thời cũng học được sự từ bỏ và hy sinh”. Nhắn nhủ với các Tân Vĩnh Khấn, ông thân tình “Chắc chắn không có gì đẹp lòng Chúa và Mẹ Khiết Tâm hơn hai tiếng Xin Vâng mà các con thưa lên hôm nay. Hãy trung thành bước theo Chúa Giêsu, luôn vui vẻ quên mình để phụng sự Thiên Chúa, qua việc phục vụ Giáo hội và xã hội trong những môi trường mà chúng con được sai đến, cho dù có lúc phải vác thánh giá mà đi theo Ngài”.

Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ là một hội dòng Giáo phận thuộc Giáo phận Nha Trang được Đức Cha Marcelô Piquet Lợi, Giám Mục Tiên khởi Gp Nha Trang, thành lập vào ngày 15.9.1958. Ngài đã chọn Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria làm Tước Hiệu, Bổn Mạng và Linh Đạo của Hội Dòng. Nhân sự của Dòng hiện nay khoảng 300 nữ tu phục vụ trong 53 cộng đoàn tại các Giáo phận Nha Trang, Phan Thiết, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn và một số chị đang tu học – truyền giáo tại hải ngoại.

Điều 53 trong Hiến Pháp Dòng ghi rõ: “Tuyên khấn là một hành vi phụng tự, niêm ấn tình yêu thánh hiến của chúng ta, đứa chúng ta vào tương quan giao ước với Thiên Chúa, trong Đức Kitô”. Vì vậy, qua việc tuyên khấn trọn đời, 9 nữ tu lớp Tú sẽ thuộc trọn về Thiên Chúa, được tháp nhập vĩnh viễn vào Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang. Trong niềm vui mừng Lễ Vĩnh Khấn, xin Mẹ Khiết Tâm và triều thần thánh trên trời, chuyển cầu cùng Chúa ban cho 9 nữ tu tuyên khấn hôm nay được ơn trung thành với giao ước Thánh mà các hị cam kết trọn đời tuân giữ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trái Ngon Vườn Nhà
Lê Trị
22:09 22/08/2011
TRÁI NGON VƯỜN NHÀ
Ảnh của Lê Trị
Giàu dưa gang, sang trái vải.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
WYD 2011 - Video Bài Huấn Từ của ĐTC trong Thánh Lễ bế mạc Đai Hội Giới Trẻ lần thứ XXI tại Madrid
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:05 22/08/2011
TRƯỚC THÁNH LỄ

Các bạn trẻ thân mến,

Cha đã nghĩ nhiều đến chúng con trong những lúc mà chúng ta xa nhau. Cha hy vọng là chúng con có thể ngủ nghỉ được chút đỉnh mặc dù thời tiết bất lợi. Cha chắc rằng từ bình minh chúng con đã ngước mắt lên trời nhiều lần, không phải chi đôi mắt mà trên hết tất cả tâm hồn, để biến dịp này thành lời cầu nguyện. Thiên Chúa biến đổi tất cả mọi sự thành tốt. Với niềm tin tưởng và tín thác vào Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chúng ta hãy bắt đầu cử hành Thánh Lễ, đầy nhiệt tâm và sức mạnh trong đức tin của chúng ta.

BÀI GIẢNG

Các người trẻ thân yêu,

Bằng việc cử hành Thánh Lễ này chúng ta đã đạt đến cao điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Được thấy chúng con tụ họp ở đây với vô số người từ khắp nơi trên thế giới làm cho lòng cha tràn đầy niềm vui. Cha nghĩ đến tình yêu đặc biệt mà Chúa Giêsu đang dùng để nhìn chúng con. Phải, Chúa yêu chúng con và gọi chúng con là bạn hữu (x. Ga 15:15). Người đi ra để gặp chúng con và Người muốn đồng hành với chúng con trên cuộc hành trình của chúng con, để mở cửa cho chúng con vào một cuộc sống sung mãn, và cho chúng con được chia sẻ chính sự gần gũi của Người với Chúa Cha. Về phần chúng ta, chúng ta đã biết được sự vô biên của tình yêu của Người và muốn đại lượng đáp lại tình yêu Người bằng cách chia sẻ với những người khác niềm vui mà chúng ta đã nhận được. Chắc chắn rằng có nhiều người ngày nay đang cảm thấy bị thu hút bởi dung mạo Đức Kitô và muốn biết Người một cách rõ ràng hơn. Họ nhận ra rằng Người là câu trả lời cho nhiều thắc mắc thầm kín nhất của chúng ta. Nhưng Người thật sự là ai? Làm sao mà một người sống trên thế gian qua xa xưa lại có những gì giống như tôi hôm nay?

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Mt 16:13-20) để nghị với chúng ta hai cách để biết Chúa Giêsu. Một là biết cách khách quan, dựa vào dư luận hiện hành. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai?”, các môn đệ trẻ lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người khác bảo là Êlia, và những ngưởi khác nữa lại bảo là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào khác.” Nói cách khác, Đức Kitô được người ta coi như một nhân vật tôn giáo khác, như những vị đến trước Người. Rồi Chúa Giêsu hướng về các môn đệ mà hỏi các ông: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô trả lời bằng điều mà chúng ta gọi là Lời Tuyên Xưng Đức Tin Đầu Tiên: “Thầy là Đấng Kitô (Mêsia), Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đức tin còn hơn là những sự kiện thực nghiệm hay lịch sừ; nó là khả năng hiểu được mầu nhiệm về con người Đức Kitô trong tất cả bề sâu của con người ấy.

Nhưng đức tin không phải là kết quả của nỗ lực của con người, của lý luận của con người, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa: “Phúc cho con, Simon con ông Giôna! Vì không phải xác thịt và huyết thống mặc khải điều này cho con, nhưng Cha Thầy trên Trời.” Đức tin được bắt đầu với Thiên Chúa, Đấng mở lòng Ngài ra cho chúng ta và mời chúng ta chia sẻ chính đời sống thần linh của Ngài. Đức tin không đơn thuần cung cấp tin tức về Chúa Giêsu là ai; nhưng đòi hỏi một liên hệ cá nhân với Đức Kitô, một sự phó thác toàn thể con người của mình, cùng với tất cả sự hiểu biết, ý chí và cảm giác của mình, cho việc tự tỏ mình ra của Thiên Chúa. Cho nên câu hỏi của Chúa Giêsu: “Nhưng các con bảo Thầy là ai?” chung cuộc là một thách đố đối với các môn đệ để quyết định một cách cá nhân về Người. Đức tin vào Đức Kitô và việc làm môn đệ liên hệ rất chặt chẽ với nhau.

Và vì đức tin liên hệ đến việc đi theo Thầy, nó phải luôn luôn trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và trưởng thành hơn, đến độ dẫn đến một liên hệ gần gũi hơn và mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Thánh Phêrô và các môn đệ khác cũng phải lớn lên cách này, cho đến khi các ngài gặp Chúa Phục Sinh và được Người mở mắt các ngài để thấy sự sung mãn của đức tin.

Các người trẻ thân yêu, hôm nay Đức Kitô cũng đang hỏi chúng con cùng một câu hỏi mà Người hỏi các Tông Đồ: “Chúng con bảo Thầy là ai?” Hãy trả lời Người với lòng đại lượng và cam đảm, thích hợp với những tâm hồn trẻ như tâm hồn của chúng con. Hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa là Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống cho con. Con muốn trung thành theo Chúa và được Lời Chúa dẫn dắt. Chúa biết con và Chúa yêu con. Con tín thác vào Chúa và đặt trọn cuộc đời con trong tay Chúa. Con muốn Chúa thành sức mạnh nâng đỡ con và niềm vui không bao giờ rời xa con”.

Chúa Giêsu trả lời cho lời tuyên xưng của Thánh Phêrô bằng cách nói về Hội Thánh: “Và Thầy bảo con, con là Phêrô [Đá], và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Những lời ấy có ý nghĩa gì? Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên tảng đá đức tin của Thánh Phêrô, là người tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa.

Như vậy, Hội Thánh, không chỉ là một cơ chế nhân loại, như những cơ chế khác. Nhưng Hội Thánh được gắn liền với Thiên Chúa. Chính Đức Kitô gọi Hội Thánh là Hội Thánh “của Người”. Đức Kitô không thể tách rời khỏi Hội Thánh được như đầu không thể tách rời khỏi thân thể (x. 1 Cor 12:12). Hội Thánh không rút sự sống ra từ chính mình, nhưng từ Chúa.

Các người trẻ thân yêu, như người Kế Vị Thánh Phêrô, cha van nài chúng con hãy củng cố đức tin này là đức tin được truyền lại cho chúng ta từ thời các Tông Đồ. Hãy làm cho Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thành trọng tâm của cuộc sống chúng con. Nhưng Cha cũng xin nhắc nhở chúng con rằng theo Chúa Giêsu trong đức tin có nghĩa là đi bên cạnh Người trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Chúng ta không thể theo Chúa Giêsu bằng cách riêng của mình. Bất cứ ai dám đi theo Chúa “bằng cách riêng của mình”, hoặc tiếp cận đời sống đức tin với chủ nghĩa cá nhân đang quá thịnh hành ngày nay, sẽ có nguy cơ không bao giờ thật sự gặp được Chúa Giêsu, hay chung cuộc sẽ theo một Chúa Giêsu giả.

Có đức tin có nghĩa là tìm sự nâng đỡ từ đức tin của các anh chị em chúng con, cũng như chính đức tin của chúng con được dùng để nâng đỡ đức tin của người khác. Các bạn thân mến, cha xin chúng con hãy yêu Hội Thánh là [người] đã sinh ra chúng con trong đức tin, giúp chúng con lớn lên trong sự hiểu biết về Đức Kitô và dẫn chúng con đến việc khám phá ra vẻ đẹp của Tình Yêu Người. Lớn lên trong tình bằng hữu với Đức Kitô phải có nghĩa là nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia cách vui vẻ vào đời sống của các giáo xứ, các cộng đồng và các phong trào của chúng con, cũng như việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật, năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, và vun trồng đời sống cầu nguyện cá nhân và suy niệm Lời Chúa.

Tình bằng hữu với Chúa Giêsu cũng sẽ dẫn đưa chúng con đến việc làm nhân chứng cho đức tin ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi gặp sự chối từ hay thờ ơ. Chúng ta không thể gặp Đức Kitô mà không muốn làm cho những người khác biết Người. Đừng giữ Đức Kitô cho riêng mình! Hãy chia sẻ với tha nhân niềm vui về đức tin của chúng con. Thế giới cần chứng từ về đức tin của chúng con, và chắc chắn rằng nó cần Thiên Chúa. Cha nghĩ rằng sự hiện diện của rất nhiều người trẻ ở đây, đến từ khắp nơi trên thế giới, là một bằng chứng tuyệt vời về thành quả của mệnh lệnh mà Đức Kitô truyền cho Hội Thánh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Chúng con cũng được trao cho công tác phi thường là làm môn đệ và thừa sai của Đức Kitô trong những vùng đất và quốc gia khác đầy những người trẻ đang tìm kiếm một điều gì lớn lao hơn, và vì lòng họ bảo họ rằng thật sự có những giá trị chân thật hơn, nên họ không để cho mình bị quyến rũ bởi những lời hứa xuông của một cách sống không có một chỗ nào dành cho Thiên Chúa.

Các người trẻ thân yêu, cha cầu nguyện cho chúng con với một lòng yêu mến chân thành. Cha dâng tất cả chúng con cho Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ đồng hành với chúng con luôn luôn bằng sự bầu cử từ mẫu của Mẹ, và dạy chúng con làm sao luôn trung thành với Lời Chúa. Cha xin chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, như người Kế Vị Thánh Phêrô, để ngài luôn củng cố đức tin của các anh chị em ngài. Nguyện xin cho tất cả chúng ta trong Hội Thánh, các mục tử cũng như các tín hữu, xích lại gần Chúa mỗi ngày một hơn. Xin cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện của đời sống và là những nhân chứng hữu hiệu cho sự thật là Đức Chúa Giêsu Kitô quả thật là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại và nguồn mạch hằng sống của niềm hy vọng của chúng ta. Amen.