Ngày 22-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:04 22/08/2009
SỰ NGHI NGỜ CỦA CHIM CÁNH CỤT

N2T


Chim cánh cụt hỏi Đấng tạo hóa:

- “Cái gì là lòng tin?”

Đấng tạo hóa trả lời:

- “Đối với sự việc mong đợi thì có thể nắm vững; đối với sự việc chưa nhìn thấy thì có thể xác định”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

“Tô-ma vì đã thấy Thầy, nên anh tin, phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 19, 29).

Tin là phó thác: tôi tin vào Thiên Chúa, tôi phó thác đời sống tôi cho Ngài, không nghi ngờ gì cả.

Tin là yêu: tôi tin Thiên Chúa, cho nên tôi yêu mến Ngài.

Tôi không thấy Ngài, nhưng tôi tin, tôi yêu và tôi hy vọng vào Ngài, bởi vì Giáo Hội dạy tôi như thế, vũ trụ vạn vật đã “nói” như thế và trí óc tôi bảo như thế, và nhất là Chúa Giê-su đã dạy tôi như thế.

Vợ tin chồng, nhưng không vững bền, vì chồng cũng là con người, cho nên cũng có lúc không đáng tin như tin Thiên Chúa.

Bạn bè tin tưởng nhau, nhưng cũng không được bảo đảm, vì cũng có lúc bạn bè lừa dối nhau vì lợi danh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng không hề lừa dối ai.

Tin là yêu chứ không phải lợi dụng, tin là hy vọng chứ không phải nại nhiều lý do để rồi thất vọng, tin là phó thác chứ không nghi ngờ vào Đấng đã vì yêu mà chết thay cho tội lỗi của tôi và của nhân loại, đó là Chúa Giê-su.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 21 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:05 22/08/2009
CHỦ NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 54a.60-69

“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”


Bạn thân mến,

Sau khi có một số môn đệ bỏ Chúa Giê-su mà đi, vì họ nghe không lọt tai lời của Ngài nói: "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời”, nhưng không phải tất cả các môn đệ đều bỏ đi, bởi vì vẫn còn nhóm Mười Hai, các ngài vẫn trung kiên theo Chúa, dù các ngài cũng đã nghe được những lời “khó nghe” ấy của Chúa Giê-su.

Trong cuộc sống đã có biết bao lần bạn và tôi chọn lựa bỏ cái này và giữ lại cái kia, cái chúng ta bỏ là cái mà mắt chúng ta cho là xấu xí nhìn không đẹp, tay chúng ta không dám rờ, miệng chúng ta không dám nếm, tóm lại là tại vì nó xấu, nó không đẹp; cũng vậy, cái mà chúng ta giữ lại, chúng ta theo đuổi là cái mà mắt chúng ta thấy đẹp, tay chúng ta sờ được, miệng chúng ta nếm và ăn được, đó là những cái tốt đẹp vật chất trong cuộc sống hằng ngày của bạn và tôi.

Cũng có lần trong cuộc sống, bạn và tôi đã thưa với Chúa Giê-su như thánh Phê-rô: “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con biết theo ai ?” nhưng rồi cũng đã nhiều lần chúng ta đã bỏ Chúa để đi theo những đam mê của thế gian và ma quỷ; bạn và tôi tuyên xưng Chúa là Đấng Hằng Sống ở trong nhà thờ, nhưng bên ngoài nhà thờ thì chúng ta đã từ bỏ Chúa qua cách ăn nết ở không đúng với tinh thần Phúc Âm; cũng đã có nhiều lúc bạn và tôi nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa mới là Đấng có lời ban sự sống đời đời cho con”, nhưng chúng ta vẫn thích lời nói ngon ngọt của thế gian hơn, chúng ta vẫn thích nghe và cố thuộc nằm lòng những câu nói đưa đến sự chết của thế gian, hơn là nghe và thực hành lời đem lại sự sống cho chúng ta, đó là Lời Chúa.

Bạn thân mến,

Một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nhưng có mấy giờ, mấy phút bạn và tôi ngồi đọc, ngồi nghe, hoặc ngồi suy gẫm lời của Chúa là lời đem lại sự sống đời đời cho bạn và tôi ?

Chúng ta có giờ ngủ, giờ học hành, giờ làm việc, giờ giải trí, nhưng không có giờ cầu nguyện, và nếu có thì vẫn cứ bị chúng ta xén bớt mỗi ngày, và thậm chí có khi chúng ta không thèm nhớ đến giờ cầu nguyện, giờ tham dự thánh lễ của mình nữa, bởi vì tâm hồn của chúng ta đã chọn lựa những điều mà thế gian cho là vinh quang, là phú quý và danh dự.

Đã có lần bạn và tôi lo âu buồn bả khi địa vị của mình đang lung lay, chúng ta chán nản cuộc đời vì bạn bè, người thân phản thùng phản phé, chúng ta hận đời đen bạc là vì chúng ta quá tin tưởng vào tình yêu của con người... Tất cả những thứ ấy đều chứng tỏ cho chúng ta thấy là chúng ta chưa trọn vẹn theo Chúa, chưa thành tâm tìm kiếm và nương cậy vào Chúa

Chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống đời đời, đó là một xác tín chắc chắn của thánh Phê-rô tông đồ; chỉ có Chúa mới là nơi chúng ta cậy trông và nương tựa, ngoài Chúa ra chúng ta sẽ không tìm được ai khác có thể làm cho chúng ta được sống đời đời, đó là chân lí, là hi vọng và là niềm vui của bạn và tôi, và của những người Ki-tô hữu đang sống ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:10 22/08/2009
N2T


33. Một người biết mình quá tội nghiệp thì không cậy vào mình, mà ngưỡng vọng vào Thiên Chúa là Đấng mà họ yêu mến nhất.

(Thánh Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:12 22/08/2009
N2T


206. Tâm tình bình thường mà thanh thản thoải mái, thì ở lúc này ngày hôm nay bạn mới có thể có tất cả.

 
Lội ngược dòng
LM Phêrô Hồng Phúc
15:17 22/08/2009
Đối với loài người thì không có thể,
nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể
”.

Chúa Giêsu đã đưa ra mô hình sau để chúng ta kiểm nghiệm:
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không lên án những người giàu, bởi vì giàu có hay nghèo khó đều là của cải Chúa ban trên mặt đất này. Bản thân của cải chưa nói lên điều gì, sở hữu của cải cũng chưa phải là tội hay là phúc. Điều quan trọng, người ta dùng của cải để giúp đỡ anh em hay là họ ham mê của cải đến mức độ tích trữ, thậm chí tìm mọi cách tham lam mưu mô để chiếm đoạt của cải của người khác. Tội hay phúc từ đó mới phát sinh.
Những người mà lòng tham vô đáy, tìm mọi mưu mô và chiếm đoạt của mọi người, để làm giàu cho mình dù là họ không đạt được ý nguyện, có khi trong tay cũng chẳng có tiền của nữa nhưng lòng tham vẫn là lòng tham, giàu có vẫn là giàu có. Những hạng như vậy: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn những người giàu có kiểu đó mà vào được Nước Trời.

Có những người của cải Chúa ban có thể họ được rất nhiều nhưng họ có cơ hội để giúp đỡ anh em, chị em, hoặc là những công việc từ thiện, những công việc truyền giáo, họ có rất nhiều tiền của mà họ vẫn là những người có tinh thần nghèo khó.

Như vậy Chúa Giêsu đề cao tinh thần nghèo khó và Chúa kết án lòng tham vô độ của con người khi chỉ muốn hưởng thụ và đam mê đời này. Một kiểm nghiệm trên để cho chúng ta thấy rằng tiền của hay thế giới vật chất chưa phải là điểm đến của chúng ta, lời mời gọi mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta cao hơn, xa hơn và vì thế khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy, chúng con được gì”. Đức Giêsu không ngần ngại cho chúng ta thấy một hoa trái thật là lớn lao: “Thầy nói thật với các con: không ai đã bỏ cha mẹ vợ con ruộng nương vì Thầy, vì Phúc âm mà không được gấp trăm ngay ở đời này và ngày sau được ngự trên tòa xét xử mười hai chi tộc Israel”(Mt 19,29); Khi Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả bên hữu trong Nước Thầy, Chúa Giêsu từ chối. Thế nhưng hôm nay Chúa Giêsu lại hứa cho tất cả những ai từ bỏ mọi sự mà theo Chúa sẽ được ngồi trên tòa xét xử mười hai chi tộc Israel, tức là ở nơi vinh dự cao sang, nhưng đó là vinh dự cao sang của Nước Trời, mặc dầu thế, ngay ở đời này họ cũng được gấp trăm. Chúa không nói ai bỏ ra một nghìn đồng Chúa sẽ cho một trăm nghìn đồng, ai bỏ ra một triệu đồng Chúa sẽ cho trăm triệu đồng. Nhưng Chúa nói gấp trăm về nhiều phương diện: sự bình an, niềm vui, hạnh phúc… Họ là những người được chúc phúc ngay ở đời này, họ cảm thấy về ý nghĩa đời sống, về sự may lành, về những gì mà Thiên Chúa gìn giữ yêu thương quan phòng dẫn dắt họ, nghĩa là họ đi trong ánh sáng, trong niềm vui, những điều đó gấp trăm gấp nghìn lần những gì mà của cải hứa hẹn hưởng thụ trong mệt mỏi, trong rã rời, trong âu lo thậm chí trong chán nản và thất vọng.

Hôm nay, với mô hình Chúa đưa ra để cho chúng ta lựa chọn và rõ ràng là có những người đã lựa chọn sai cho nên có những kẻ trước hết danh vọng, chức quyền, của cải ngất trời ở đời này thì lại lên sau hết. Còn có những người đã dám hy sinh từ bỏ đến cả mạng sống của mình, từ bỏ của cải, từ bỏ đam mê, từ bỏ hưởng thụ, họ là những người nghèo khó, thậm chí là những người hành khất, họ nên giống Chúa Giêsu lang thang nhưng họ sẽ là những người ở đời này là bé mọn là rốt hết sẽ lên trước nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đưa ra mô hình mà chúng con thấy khó thực hiện quá!
Tất cả đều là đảo ngược so với những suy nghĩ,
những bước đi tự nhiên của chúng con.
Nhưng chúng con đã thấy các thánh là những người thực hiện
theo những bước đi lội ngược dòng mà Chúa đề ra.
Các thánh đã đạt tới đỉnh điểm của hạnh phúc,
Các thánh đã đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời.
Xin cho chúng con ngày hôm nay dám từ bỏ,
dám lội ngược dòng để chúng con là những người rốt hết,
sẽ được nên những người trước nhất trong ngày sau hết.
Xin đừng để chúng con leo lên bậc trước nhất
để rồi ngày sau hết ngã xuống bậc rốt hết.
Chúa gọi chúng con đi ngược dòng
chính là trở về với cội nguồn ơn cứu độ.
Xin Chúa ban ơn để chúng con đạt tới ơn cứu độ đời đời. Amen.
 
''Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?''
Tuyết Mai
17:57 22/08/2009
Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa". (Ga 6, 61-70).

Thật sự câu hỏi của Thầy Giêsu hỏi 12 môn đệ và được Thánh Phêrô trả lời với Thầy như thế không có gì là ngạc nhiên lắm đâu!? Bởi Chúa Giêsu chẳng những biết câu trả lời của Thánh Phêrô như thế nào mà Ngài còn biết cả lòng dạ của tất cả 12 môn đệ của Ngài ra sao nữa cơ mà! Bởi Ngài là Thiên Chúa, Con duy nhất của Thiên Chúa Cha và còn gọi là Đức Chúa Trời nữa! Nên không một sự gì mà Thầy không biết. Nhưng nếu Thầy hỏi cùng câu hỏi trên mà hỏi chúng con, thì thật sự rất mà khó lòng cho chúng con trả lời với Thầy ra sao để Thầy khỏi buồn lòng đây!? Thầy còn lạ gì lòng dạ của chúng con!? Trước mặt Thầy và anh chị em thì chúng con trả lời một cách rất ư là dối lòng. Chúng con chắc hẳn sẽ trả lời rằng chúng con theo Thầy chứ còn theo ai!? Ai trên đời này có thể hơn Thầy cho được!? Nhưng thực sự thì theo Thầy chúng con chẳng được lợi lộc chi, bởi Ngài chẳng ban phát gì tiền bạc, danh vọng, lợi thú, và quyền hành, mà trần thế chúng con rất phải lận đận, bôn ba, bon chen, cực khổ, tranh dành, gian xảo, lừa đảo, mánh mung, mới có được.

Theo Thầy ư!? Thầy cho chúng con được những gì chứ!? Theo Thầy là chúng con sẽ sống như những con người du thủ du thực, không nhà không cửa không nơi gối đầu, bị bao nhiêu người chống Thầy tìm bắt bớ chúng con vì chúng con chọn đi theo Thầy ư!? Đi theo Thầy để cả một cuộc đời của chúng con là vác Thánh Giá, là từ bỏ, là hy sinh, là tứ cố vô thân, là mất mát!? Đi theo Thầy là cả một đời chỉ biết tìm kiếm cho những gì không có nơi trần gian này!? Thầy chỉ biết hứa chúng con những sự trên trời, nhưng Thầy lại để chúng con sống trên trần gian này đầy dẫy những vui thú chung quanh luôn ngày đêm cám dỗ và lôi cuốn. Làm sao chúng con có thể từ bỏ được chúng chứ!? Khi mà mọi thứ chúng con xem chúng như là những nhu cầu cần thiết cho đời sống của chúng con. Ai lại không thích trời hè nóng nực được ngồi trên một chiếc xe thật đắt tiền và được trang bị mọi thứ cho mình thưởng thức như máy lạnh, ghế da nệm êm, thoang thoảng mùi da của ghế vì xe mới toanh, chạy phon phon trên xa lộ êm như ru ngủ,.... ấy là con chỉ mới nói về chiếc xe thôi đấy! Ai lại đang đói bụng không thèm được vào một nhà hàng xơi một tô phở nóng đang bốc khói vào mùa đông giá lạnh, thú vị biết là dường nào!? Ai lại không thích được ở nhà 2 3 tầng lầu, ngay ngoài mặt đường, bên trên cao lan can nhìn xuống dưới vừa nhìn người qua kẻ lại, xe cộ đông như đan cưởi, trên tay cầm một ly sinh tố thưởng thức một cách nhẹ nhàng thanh cảnh trước khi tìm một giấc ngủ bình an trên một chiếc giường có người làm dọn sẵn thật đẹp đẽ thật thơm tho!? Ai lại không sung sướng khi mình được làm ông chủ hay bà chủ, dưới mình có biết bao nhiêu người hầu kẻ hạ!? Để quát tháo, để ra lịnh, để sai biểu, để được nịnh hót, để được trọng nể và sợ sệt, khi mọi quyền sinh sát trên con người ta là nằm trong quyền hành của mình!?

Bấy nhiêu Thầy đã hiểu vì sao mà chúng con không chọn đi theo Thầy chưa!? Vâng, trong mọi thời đại thì Thầy sẽ gặp không ít người là đi theo Thầy giả hiệu mà thôi! Họ đi theo Thầy là vì họ rất là thương mại, họ thương mại đến độ họ chỉ lợi dụng danh của Thầy để họ làm mờ mắt thiên hạ. Họ lợi dụng danh của Thầy để họ lấy lòng tin của thiên hạ mà bịp bợm, mà khéo gạt người ta ngay trước mắt, mà làm những điều gian manh, xảo xá, gian lận, mượn tiền, cho đến khi mọi người hiểu ra thì họ đã ôm một số tiền thật lớn và đã cao bay xa chạy, không còn biết tông tích của họ ở đâu nữa rồi! Vâng, có rất nhiều người lợi dụng danh của Chúa mà buôn thần bán thánh. Miệng của họ thì luôn là Thánh và là tất cả những gì thiện hảo, nhưng chỉ trong khuôn viên của nhà thờ mà thôi! Chỉ cần bước ra khỏi khuôn viên của nhà thờ thì chúng con mới có dịp thấy được con người thật của những anh chị em này!? Thầy ơi! Đi theo Thầy chúng con, phải chịu đè nén biết bao nhiêu những xỉ vả, nhiếc mắng, nhục mạ, thóa mạ, chửi bới, và đánh đập, được chăng!?

Lậy Thầy Giêsu nhân lành và thánh thiện! Chúng con đây là một số rất nhỏ, sống không tốt lành gì trong quá khứ, nhưng nay đã dốc lòng chừa, biết tội lỗi và ăn năn thống hối, trở về với Chúa nhờ được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dắt. Chúng con nguyện sẽ theo Chúa suốt cả cuộc đời còn lại của chúng con, bởi Chúa Thánh Linh soi sáng cho chúng con hiểu rằng, cuộc đời trần gian này chỉ dẫn đưa chúng con đến hỏa ngục; hỏa ngục ngay trong lòng của mình; hỏa ngục ngay trong gia đình của mình, hỏa ngục ngay trong tư tưởng; hỏa ngục ngay trên trần gian, nếu chúng con cứ cố bám víu vào những vật chất vô tri vô giác, nhưng đầy hiểm họa ngay chính bản thân và cho linh hồn đời đời kiếp kiếp mà chúng con không hay không biết.

Nay chúng con đã được Thiên Chúa thức tỉnh, chúng con xin được có lời khuyên cùng anh chị em chúng con ai hiện còn đang tham sân si và chưa được giác ngộ.

* Theo Thầy Giêsu để được Thầy ban Bình An của Thầy. Không gì sung sướng cho bằng Bình An của Thầy đã giúp chúng con khỏi mọi lo lắng, bâng khuâng, trăn trở, bận tâm, bon chen, vất vả, tất bật, tranh dành, đêm ngủ không ngon, ngày lo canh cánh, không biết ngày mai chúng con sẽ ra sao!?? Và biết bao nhiêu câu hỏi không có thể giải quyết được gì!?

* Theo Thầy Giêsu để được hạnh phúc ngày đêm vì được Lời của Thầy soi đường dẫn lối như Kim Chỉ Nam hướng chúng con về Nhà Cha chúng con ở Quê Trời. Vì Lời của Thầy dậy chúng con hãy bắt chước nhân đức tốt lành của Thầy, trở nên giống Thầy, vì Thầy là Đấng muôn đời quyền năng và thiện hảo. Vì theo Thầy chúng con mới có những lời ban sự sống đời đời. Và theo Thầy, nghe Lời Châu Báu của Thầy, sống theo Lời Thầy chỉ dậy, thì làm sao chúng con có thể đi sai đường lạc lối được cơ chứ!? Thầy là vị Mục Tử tốt lành của tất cả chúng con. Có phải Thầy đã hy sinh mạng sống mình mà Cứu Chuộc tội lỗi cho toàn thể nhân loại của chúng con!? Thầy là Đường, là Chân Lý, là Sự Thật, và là Sự Sống muôn đời của chúng con.

* Theo Thầy vì Thầy là Đấng Cứu Tinh của toàn thể nhân loại của chúng con. Theo Thầy chúng con muôn đời được sống hạnh phúc, cả đời này và cả đời sau, không khác gì những đứa con ngoan luôn được cha mẹ chở che, gìn giữ, và lo toan cho đủ mọi bề, và là những đứa con cưng của cha mẹ, được hứa mai này sẽ hưởng tất cả gia tài và những gì mà cha mẹ để lại. Ấy là những của cải đồ sộ của trần gian mà tất cả chúng con hằng ao ước!?? So sánh sao bằng Thầy đã hứa ban cho chúng con một cuộc sống hạnh phúc miên viễn ở trên Trời đang chờ đợi chúng con nếu chúng con theo Thầy. Một Nơi hạnh phúc thật mà trần gian không có. Một Nơi mà Mắt chúng con chưa từng được thấy. Tai chúng con chưa từng được nghe. Ai có tai thì nghe!??? Amen.
 
Tâm sự với Chúa mỗi ngày trong tuần
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
18:01 22/08/2009
Thứ Hai sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 23,13-22

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Đức tin là ân ban của Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin đủ, để chúng con thấy Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Xin nâng đỡ đức tin còn yếu kém, để chúng con dám sống theo đòi hỏi Tin mừng của Chúa. Xin tháo gỡ nơi chúng con những cách tôn thờ giả tạo, để chúng con sống chân thành trước mặt Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thương tha thứ những lỗi lầm chúng con đã phạm. Đôi khi vì tội lỗi của chúng con đã gây nên gương mù cho những người xung quanh. Đôi khi vì những lời nói, những việc làm thiếu tình bác ái đã làm cho chúng con thiếu tín nhiệm giữa với tha nhân. Chúng con quá nặng hình thức mà quên đi điều quan yếu là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Chúng con đáng được Chúa quở trách “dân này thờ ta bằng môi bằng miệng còn lòng trí thì xa cách Ta”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thật sự trưởng thành trong Đức tin và tình yêu Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa dạy và thực thi trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Thứ ba sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 23,23-26

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con tạ ơn Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Dù rằng chúng con tội lỗi, Chúa vẫn yêu thương, vì tình Chúa cao hơn tội lỗi chúng con, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xưa Chúa đã buồn vì đời sống giả hình của những người biệt phái. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ dạy người khác về đạo nhưng họ lại sống thiếu công bình bác ái. Họ vạch lối chỉ đường nhưng bản thân họ lại lầm lạc sai lối. Nhưng Chúa ơi! Có lẽ Chúa cũng đang buồn vì lối sống thiếu tình yêu của chúng con? Chúa cũng buồn lắm khi mà số người đến nhà thờ vẫn đông nhưng lại ít người tham dự thánh lễ cho tích cực sốt sắng. Chúa càng buồn hơn khi mà con số theo đạo thì nhiều mà giữ đạo chẳng bao nhiêu! Xin Chúa thứ tha, vì chúng con vẫn còn đó những thói hư tật xấu: vẫn tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Chúng con có đạo nhưng thiếu thực hành đạo, nên vẫn còn đó những thù hận, bất trung và phản bội tràn lan trong đời sống thường ngày của chúng con. Chúng con mang danh ky-tô nhưng những lời con nói, việc con làm lại phản ky-tô vì thiếu tình yêu đối với tha nhân. Xin ban cho chúng con ơn hoán cải để chúng con dám sống chân thật trước mặt Chúa và mọi người.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết tuân giữ luật pháp của Chúa trong công bình, lòng nhân và thành tín. Xin cho lời chúng con nói, việc chúng con làm luôn ngôn hành như nhất để làm vinh danh Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 23, 27-32

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống thần linh của Chúa qua việc tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Chúa còn bổ dưỡng sức sống thần linh qua chính Mình Máu Thánh Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con biết canh tân đời sống mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Đấng chân thật. Chúa cũng muốn chúng con sống ngay thẳng, thật thà. Chúa không muốn chúng con sống quanh co giả dối. Nhưng Chúa ơi, thói giả hình, giả tạo vẫn tồn đọng trong lối sống của chúng con. Chúng con chưa ngôn hành như nhất. Chúng con nói thì hay nhưng làm thỉ dở. Chúng con tuyên xưng Chúa trên môi miệng nhưng lại nuôi dưỡng trong lòng những gian ác, điêu ngoa, những tư tưởng dâm ô tội lỗi. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong. Xin thêm sức để chúng con có thể canh tân cuộc sống của chính mình theo như lòng Chúa mong ước.

Lạy Chúa, Chúa ưa thích những tâm hồn đơn sơ, trong trắng, xin giúp chúng con biết chân thành phụng sự Chúa với trọn tâm hồn và thân xác. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 24,42-51

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Qua bí tích Thánh Thể, Chúa ở lại với chúng con. Chúa đi vào cuộc đời chúng con để đồng hành, chia sẻ với những lo toan của cuộc sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết sống chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống trần thế để làm vinh danh Chúa. Chúa cho chúng con trông coi gia sản của Chúa để chúng con ban phát cho nhau những ơn lành đã lãnh nhận từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết chu toàn bổn phận Chúa đã trao. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa đến trong cuộc đời chúng con. Chúa đến không chỉ mỗi ngày trong Thánh Thể, nhưng còn nhiều lần trong ngày, qua dung mạo của tha nhân đang cần chúng con yêu thương, cảm thông và giúp đỡ. Có thể họ là những người thân trong gia đình mà chúng con đang phải có trách nhiệm yêu thương. Có thể họ là những người nghèo khổ, đói rách hay bệnh tật đang cần chúng con cảm thông, giúp đỡ. Xin cho chúng con đừng trốn tránh hay làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân và mau mắn giúp đỡ với lòng bác ái vị tha.

Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa để chúng con ra đi gieo yêu thương vào lòng nhân thế hôm nay. Amen

Thứ Sáu sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 25,1-13

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúng con thật hạnh phúc vì giờ đây Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con, chúng con xin phó dâng cuộc đời cho Chúa. Xin ban ơn soi sáng để chúng con luôn nhận ra ý Chúa và thực thi ý trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận và nói được như thánh nữ Têrêsa: Tất cả đều là Hồng ân. Vui - buồn – sướng – khổ, giầu có hay nghèo hèn, đều là ân ban của Chúa. Vì giá trị cuộc đời không phải là những cái có vật chất hay những tình cảm mau qua, mà là sự hiện diện của Chúa. Có Chúa ở bên và cùng đồng hành. Đó chính là món qùa qúy gía nhất mà chúng con cần phải trân trọng nâng niu. Ôi, còn có gì hạnh phúc và êm đềm hơn khi được chính Chúa cùng chia sẻ buồn vui trong những thăng trầm của cuộc đời. Sự hiện diện của Chúa như người cha luôn mang lại cho con cái niềm tin, nghị lực, sức phấn đấu và sự ủi an. Vâng, sự hiện diện của Chúa, tựa như đá tảng vững chắc cho chúng con nương nhờ, như thành lũy chở che cho chúng con trong những đêm trường băng giá.

Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 21 thường niên Mt 25,14-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Chúa hiến dâng cuộc đời để tận hiến cho nhân loại chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết dùng cuộc đời để phục vụ tha nhân và tôn vinh danh Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con đức tin như là nén bạc ân phúc Chúa tặng ban. Chúa ban cho chúng con do lòng quảng đại của Chúa mà không do công đức của chúng con. Xin giúp chúng con biết chia sẻ ân phúc Chúa tặng ban cho anh chị em chúng con. Vì “đức tin không việc làm là đức tin chết”. Xin dạy chúng con biết học nơi Mẹ Maria không chỉ ca ngợi ân phúc Chúa tặng ban mà con dấn thân phục vụ trong tinh thần khiêm hạ như nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin cho đôi chân chúng con cũng nhanh lẹ như Mẹ Maria, để đem niềm vui có Chúa ở cùng ra đi xây dựng tình người và thi thố lòng bác ái dấn thân.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sinh lợi nén bạc Chúa trao, qua đời sống yêu thương và phục vụ những người nghèo khó, tật nguyền, những người bất hạnh, yếu đuối bên cạnh chúng con. Amen
 
Chọn lựa: một hành vi không dễ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:13 22/08/2009
Chúa nhật XXI Thường niên B

Cả anh em nữa, anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không ? Chúa Giêsu không hỏi: anh em có tiếp tục theo Thầy không mà lại hỏi thẳng thừng: anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không. Một câu hỏi không thuộc dạng mời gọi như trước đây mà là đặt vấn đề chọn lựa rõ ràng, dứt khoát.

Kitô hữu chúng ta theo đạo không phải là theo một học thuyết mang tính triết lý hay thần học nào đó, nhưng là theo một "con người", theo một "ai đó", một "Đấng nào đó". Đấng hay con người mà chúng ta lựa chọn đi theo, lựa chọn để gắn bó, đó là Đức Giêsu Kitô. Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật XX TN B đặc biệt lưu ý chúng ta đến hành vi lựa chọn. Chọn lựa một công việc để làm kế sinh nhai quả không mấy dễ. Chọn lựa một bậc sống thật lắm phân vân đủ bề. Chọn lựa một con người để làm bạn đời trăm năm cũng lắm sự nhiêu khê. Và chọn lựa Đấng để trao gửi hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì thế, khi phải chọn lựa trong một vấn đề quan trọng, chúng ta cần có đủ cơ sở một cách nào đó.

Sau khi nhắc lại cho dân tình yêu của Thiên Chúa qua các kỳ công Người đã thực hiện để bảo vệ dân, Giosuê khẳng khái trước toàn dân rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” ( Gs 24,15 ). Và dân đã đáp lại rằng họ không hề có ý định bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác ! Họ sẽ thờ phụng Thiên Chúa, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của họ dùng quyền năng thực hiện những dấu lạ lớn lao để đem họ cùng với cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ mà vào đất hứa. Như thế, cơ sở để dân Chúa xưa chọn thờ phụng Người đó là vì Người quyền năng đã đưa họ ra khỏi nhà nô lệ.

Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, một kiểu đặt vấn đề đòi hỏi có sự chọn lựa dứt khoát thì Phêrô đã thay mặt nhóm Mười Hai trả lời: “ Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( Ga 6,68 ). Không kể trường hợp một phần tử trong nhóm không tin, thì câu trả lời của Phêrô nói lên sự chọn lựa của cả nhóm Tông Đồ. Và sự chọn lựa ấy đặt cơ sở trên điều này: vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Để nói lên được những lời này, chắc chắn cùng với các bạn, Phêrô đã từng chứng kiến uy quyền của Thầy khi khiến nước lã hóa thành rượu ngon ( x.Ga 2,1-12 ). Các vị đã từng nghe Thầy nói với viên sĩ quan cận vệ nhà vua rằng: “Ông cứ về đi, con ông sống” và đứa con trai của ông ta đang đang hấp hói đã đuợc cứu sống ( x. Ga 4,46-54 ). Và các ngài chưa thể quên lời tạ ơn mới đây của Thầy đã giúp cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê chỉ từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ( x. Ga 6,1-15 ).

Không ai tự nguyện dấn thân theo một lý tưởng, thực hiện một trách vụ hay gắn bó với một con người mà không ấp ủ một hoài bão, một ước mơ hay niềm hy vọng nào đó. Xưa, dân Do Thái chọn tôn thờ Thiên Chúa là để một mặt khỏi bị Người giáng họa, trừng phạt, mà trái lại sẽ được Người chúc phúc và che chở trước các “kẻ thù” lân bang ( Gs 24,19-20 ).

Cái hoài bão, uớc mơ, đúng hơn là cái mục đích việc Phêrô thay mặt anh em chọn gắn bó với Thầy đó là vì “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Sự sống đời đời là một ước mơ của con người, mọi thời và mọi nơi. Dù đủ đầy của cải vật chất, dù nắm trong tay quyền sinh sát của bậc đế vương thì con người vẫn cảm nhận cái hữu hạn của cuộc sống đời này. Danh vọng quyền lực, của cải hay tiền tài không thể giúp ta kéo dài cuộc sống đến vô tận. Một thanh niên có nhiều sản nghiệp đã đến tham vấn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ? Sau khi biểu anh ta giữ các giới răn, Chúa Giêsu đã mời gọi anh ta hãy bán của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến mà theo Người ( x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,28-30 ).

Chọn lựa là hy sinh. Một câu nói cho thấy một lẽ tất yếu của việc chọn lựa, Chọn ra đi thì phải hy sinh chuyện không ở lại, chọn việc cất tiếng nói thì đương nhiên phải mất thái độ giữ im lặng, đã chọn tôn thờ Thiên Chúa thì phải bỏ các thần của dân ngoại ( x. Gs 24,23 )… Tuy nhiên sự hy sinh trong việc chọn lựa không chỉ dừng lại ở các nội dung xem như đối lập của sự chọn lựa mà còn có đó sự hy sinh ngay trong chính hành vi chọn lựa. Sự hy sinh ở đây được hiểu như một sự đánh cược, một sự dân thân, một sự “liều lĩnh” nào đó. Vì chưng, chúng ta vốn khó có được các cở sở một cách chắc chắn kiểu trăm phần trăm khi chọn lựa một điều gì đó. Chúng ta dễ nhận ra ngay hiện thực này qua việc các bạn thanh niên nam nữ chọn bạn đời hay chọn ơn gọi tu trì. Như thế, sự hy sinh ở đây có thể hiếu như sự can đảm dấn thân, chấp nhận nhiều “cái giá” phải trả khi chọn lựa.

Cái giá mà chúng ta phải trả khi chọn lựa đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Người đó chính là “vác thập giá”. “Ai không các thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” ( Lc 14,27 ). Cái giá mà Phêrô sẽ phải trả được Đấng Phúc sinh báo trước: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đế nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” ( Ga 21,18-19 ).

“Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà cần có tôi” ( thánh Âugustinô ). Tự do là một quà tặng cao quý Chúa ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình Người dựng nên. Tự do là một ân ban cao quý và cũng là một thử thách ắt có của tình yêu. Được sống đời đời hay phải chết đời đời có nghĩa là được hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân mãi mãi, các khả thể này đang tùy ở sự lựa chọn của chúng ta. Ai lại không muốn được sự sống đời đời, được hạnh phúc bất diệt, nhưng vấn nạn khó vượt qua đó là chúng ta thường e ngại phải trả giá.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha được tháo bó bột tay, quá trình hồi phục bắt đầu
Peter Nguyễn Minh Trung
00:02 22/08/2009
CASTEL GANDOLFO (CNA) - Hôm nay, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vừa công bố một thông báo cho biết bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha, Patrizio Polisca, đã tháo bó bột nơi cổ tay phải của ngài ra.

Sau khi bị bó bột hơn một tháng, Đức Thánh Cha đã được bác sĩ riêng tháo băng và chụp lại X quang nơi cổ tay phải của ngài. Trước đó, ngày 16-07, Đức Thánh Cha đã bị gãy xương cổ tay khi đang nghỉ hè ở Bắc Italia.

Kết quả chụp X quang cho thấy vết nứt của xương đã lành lặn đúng như các chuyên gia dự đoán.

Bác sĩ Polisca nói: "Những kết quả cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp."

Giờ đây, Đức Thánh Cha sẽ bước vào giai đoạn trị liệu để phục hồi hoàn toàn chức năng của tay phải.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/new.php?n=16904)
 
Ơn gọi tại Hoa Kỳ lựa chọn các hội dòng truyền thống
Bùi Hữu Thư
04:32 22/08/2009
Cuộc nghiên cứu cho thấy gương sáng đời sống tu trì là một yếu tố quan trọng

NEW ORLEANS, Louisiana, ngày 20, tháng 8, 2009 (Zenit.org).- Sự hấp dẫn của ơn gọi tại Hoa Kỳ vào các dòng tu là nhờ gương sống đạo của các tu sĩ, đặc biệt là chứng nhân của họ về một niềm hân hoan, một thái độ cam kết và một lòng sốt mến rất bình dị.

Điều này được khẳng định mới đây bởi một phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Thực Dụng về Mục Vụ Tông Đồ của Đại Học Georgetown. Phúc trình về “Các ơn gọi mới đây cho đời sống tu trì” được soạn thảo cho Đại Hội Quốc Gia về Ơn Gọi Tu Trì, được tổ chức tuần qua tại New Orleans.

Cuộc nghiên cứu thăm dò các thành viên mới của các dòng tu và hội dòng khác nhau, 85% nói họ đặc biệt chọn một cộng đồng vì họ “rất bị thu hút” bởi gương sáng của các tu sĩ ở đây.

Trong số các ơn gọi mới này, khoảng ba phần tư cho hay đầu tiên họ cảm thấy bị thu hút vào đời sống tu trì vì có cảm giác được mời gọi và có ước muốn tăng trưởng về đàng thiêng liêng.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện trong năm qua tại các dòng tu đại diện cho 80% tất cả các tu sĩ trên toàn quốc, cho thấy các nhóm thành công nhất trong việc thu hút và giữ được các thành viên mới đang thực hành một loại đời sống tu trì truyền thống hơn.

Theo thể loại này, "các thành viên sống với nhau trong một cộng đồng và tham gia hàng ngày vào Thánh Lễ, cầu nguyện Kinh Thần Vụ, và cùng thực hành các hình thức đạo đức với nhau."

Phúc trình nói tiếp, “họ cũng mặc áo dòng, cùng sinh hoạt trong các sứ vụ tông đồ chung, và bầy tỏ sự trung thành của họ đối với Giáo Hội và những giảng dậy của huấn quyền."

Phúc trình khẳng định, "Tất cả các đặc tính này đặc biệt thu hút các giới trẻ đang bước vào đời sống tu trì ngày nay”

Khoảng cách giữa các thế hệ

Một sắc thái hấp dẫn nhất đối với các thành viên mới, theo phúc trình, là kinh nguyện chung.

Đa số cho hay đây cũng là điều nuôi dưỡng họ nhiều nhất, nhất là trong bí tích Thánh Thể hàng ngày và Phụng Vụ Giờ Kinh.

Phúc trình ghi nhận là có những khoảng cách giữa các thế hệ trong các cộng đồng, nhất là giữa thế hệ sanh ra sau năm 1982 và thế hệ Vatican II, sanh từ năm 1943 đến 1960."

Các ứng viên trẻ sẵn sàng trình bầy lý do được thu hút vào đời sống tu trì hơn là các thành viên lớn tuổi vì họ mong muốn “dấn thân nhiều hơn với Giáo Hội và với hội dòng của họ vì sự trung thành của hội dòng này đối với Giáo Hội."

Phúc trình ghi nhận là nhiều người cũng cho hay quyết định lựa chọn một hội dòng “bị ảnh hưởng bởi việc thực hành quy chế về áo dòng."

Nói chung, các tu sĩ tại Hoa Kỳ đều lớn tuổi, với 75% nam tu sĩ và 91% nữ tu đã khấn trọn năm nay đã hơn 60 tuổi. Ngoài ra, đa số các tu sĩ dưới tuổi 60 đều đã trên 50.

Tuy nhiên, phúc trình ghi nhận rằng mặc dù đa số các tu hội có con số người già khá đông, một vài nhà dòng tiếp tục thu hút các tân ứng viên và tại một vài nơi “đang thấy có sự gia tăng đáng kể.”

Trung bình, số tuổi của các ứng viên nam là 30 khi họ vào tu viện, và phái nữ là 32.

Năng lực mới

Các thành viên mới này thuộc về các sắc dân thiểu số khác nhau nhiều hơn so với nhóm tu sĩ đã khấn trọn hiện nay, có 94% da trắng.

Ngược lại, các ơn gọi mới gồm có 58% da trắng, 21% Sìpanít/Latino, 14% Á Châu/Thái Bình Dương, và 6% da đen.

Đa số với 68%, có ơn gọi vào lứa tuổi 21, và 53% cho biết họ đã có ý tưởng này trước năm 18 tuổi. Cũng thế, 27% phái nữ và 19% phái nam đã trả lời họ đã nghĩ đến ơn gọi trước năm 14 tuổi.

Nhiều tu viện cho biết có nhiều chương trình ơn Thiên Triệu và nhận định khác nhau, nhắm vào các lứa tuổi khác nhau.

Những chương trình thông dụng nhất là “Hãy Đến mà Xem,” để cảm nghiệm, để sống và tham dự các biến cố trong dòng, tham dự các buổi tĩnh tâm nhận định, và các sinh hoạt về sứ mệnh hay sứ vụ tông đồ.

Tuy nhiên, ngoài các chương trình này, cuộc nghiên cứu cho hay chính các thành viên, và các gương sống đạo đức của họ là yếu tố quan trọng nhất khiến cho các ứng viên lựa chọn dòng tu của họ.

Hiện thời, có ít nhất 2.630 ơn gọi mới trong giai đoan sơ khởi của việc đào tạo vào đời sống tu trì trên khắp quốc gia.

Cuộc nghiên cứu ghi nhận rằng nhiều tu sĩ bầy tỏ hy vọng và “tin rằng một thế hệ trẻ trung hơn đang đem lại một năng lực mới và một sự lạc quan mới cho đời sống tu trì."
 
Thập Giá Chúa Kitô là sức mạnh, hy vọng và vui mừng để vượt qua bách hại
Nguyễn Hoàng Thương
16:16 22/08/2009
Thập Giá Chúa Kitô là sức mạnh, hy vọng và vui mừng để vượt qua bách hại

Bhubaneshwar, Ấn Độ (AsiaNews) - Chúa Nhật 23 tháng Tám sẽ đánh dấu kỷ niệm 1 năm vụ bạo lực quy mô lớn chống Kitô giáo ở bang Orissa, nhất là ở Kandhamal. Tất cả bắt đầu khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo mong muốn báo thù cho cái chết của vị lãnh đạo tinh thần, Thầy giảng Laxamananda Saraswati bị những người cộng sản Mao sát hại. Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục của Cuttack-Bhubaneshwar đã có cuộc trò chuyện với Tin Tức Á Châu về những gì xảy ra trong một năm qua. Các phần tử cực đoan đã tìm cách "để đạt được mục tiêu tẩy sạch Kitô giáo của họ. Tuy nhiên, sứ mạng của chúng ta cũng sẽ tiếp tục". Dù cho đau buồn, tôi "đã nhận được sự an ủi to lớn từ người dân, từ đức tin và quyết tâm của họ để tiếp tục là Kitô hữu".

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của Đức Tổng Giám Mục Raphael Cheenath:

Qua thời kỳ đen tối trong lịch sử của Kandhamal này, sự an ủi mang đến cho tôi sức mạnh mà Thiên Chúa quan phòng đã soi dẫn chúng tôi. Tôi đã hết sức đau khổ và cực kỳ đau đớn về những hành động hung ác và tàn bạo nhắm đến người dân chúng tôi; vào lúc ấy trên khuôn mặt của tất cả những người bị bách hại, họ vẫn trung thành làm chứng tá cho Chúa.

Đó là những thời khắc không có câu trả lời cho những kêu khóc và than van của người dân của chúng tôi; đó là những lần hết sức đau khổ. Nhưng tôi đã nhận được sự an ủi to lớn từ người dân, từ đức tin và quyết tâm của họ để tiếp tục là Kitô hữu. Đối với tôi đây là niềm khích lệ cá nhân hết sức to lớn.

Giờ một năm đã trôi qua. Nhiều người dân chúng tôi vẫn còn sống trong các trại tạm cư; nhiều người hơn đã dời đến các thị trấn và các bang lân cận, nhưng một số lượng rất lớn trong số họ đã quay trở về nhà mình. Hiện vẫn còn những mối đe dọa cho người dân chúng tôi; có những nhóm chống phần tử quá khích được lập nên để xây dựng lại nhà thờ và nhà ở, và cũng có những lúc thờ ơ trong quản trị, nhưng tôi vẫn có thể nói rằng tiến bộ đã được thực hiện.

Tu sĩ chúng tôi đã là mục tiêu cụ thể trong nghị trình của những kẻ quá khích, những kẻ tấn công tàn bạo hung ác vào các linh mục và nữ tu chúng tôi, những người làm lụng cực nhọc một cách vị tha và phục vụ người nghèo, người sống bên lề của vùng đất này, mà không hề có một sự phân biệt đối xử nào.... Những công việc giáo dục và các sứ mạng truyền giáo khác đã trao phó cho người nghèo nhất và người dễ bị tổn thương nhất nơi đây, nhưng chúng đã bị ngược đãi bởi đám đông phần tử quá khích. Thậm chí Cha Bernard đã không chịu nổi những trận đòn.

Tuy nhiên, đây là thời điểm để suy tư về ơn gọi riêng của chúng tôi là những linh mục. Chúng tôi đã đáp trả lời kêu gọi để phục vụ, cần phải suy tư về những phát triển mới trên thế giới và những thách đố mới trong thừa tác vụ. Cuối cùng, chúng ta phải đào sâu thêm đức tin của chúng ta và tìm kiếm sự nuôi dưỡng tinh thần để được trung tín với thừa tác vụ của mình. Ơn gọi linh mục này, nhất là trong Năm Linh Mục, ban cho chúng ta ân huệ và mời gọi chúng ta hết lòng dấn thân phục vụ Dân Chúa.

Các phần tử quá khích sẽ không bao giờ từ bỏ ý định; họ sẽ tiếp tục nghị trình của họ và tìm cách đạt được mục tiêu tẩy sạch Kitô giáo. Tuy nhiên, sứ mạng của chúng ta sẽ tiếp tục – sự bách hại sẽ không làm chúng ta lùi bước. Thập Giá Chúa Kitô là sức mạnh, hy vọng và vui mừng của chúng ta...

Bao lâu những tội ác nghiêm trọng được tự do tung tăng, càng khuyến khích sự chai ì của những người có nhiệm vụ bảo vệ người thiểu số, thì những cuộc tấn công vào những người dễ bị tổn thương và vô tội chúng tôi sẽ còn tiếp tục.

Chúng tôi kêu gọi ngày 23 tháng Tám là "Ngày vì Hòa bình và Hòa Hợp", vì vụ sát hại Thầy giảng Laxmananada Saraswati và bạo lực chống Kitô giáo không bao giờ xảy ra lần nữa. Thế giới phải được biết đến hòa bình và hòa hợp, và chúng ta phải chống lại các xu hướng dẫn đến tội ác cực đoan như thế. Bạo lực và đổ máu sẽ chỉ mang đến sự hủy diệt cho nhân loại; vì lý do này, chúng ta phải tìm cách hoạt động vì tình yêu, có nghĩa là hành động vì hòa bình.

Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha khả kính của chúng ta, người đã mạnh mẽ lên án bạo lực ở Orissa. Lắng nghe Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cầu nguyện cho Kandhamal là khoảnh khắc tuyệt vời của sự an ủi; đó là sự am hiểu mà người thiện chí trên khắp thế giới bày tỏ sự liên đới của họ đối với đau khổ của người dân Kandhamal.
 
HĐGM Hoa Kỳ mở trang Web về bản dịch Sách Lễ Rôma mới để người Công Giáo làm quen với những thay đổi
Nguyễn Hoàng Thương
16:18 22/08/2009
Washington D.C. (ZENIT) – Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã mở một trang Web nhằm mục đích giáo dục người Công Giáo về những thay đổi sắp tới trong Thánh Lễ với bản dịch Sách Lễ Rôma mới.

Thông cáo báo chí hôm 21/8 của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho hay trang web này bao gồm nguồn tài liệu của các bản văn phụng vụ, mẫu đối đáp từ bản dịch sách lễ mới, và những trả lời cho các câu hỏi thường gặp. Ủy ban Phụng Tự của Hội Đồng Giám Mục bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ nguồn chính yếu dành cho những người có trách nhiệm thi hành bản văn.

Chủ tịch Ủy ban Phụng Tự, Đức Giám Mục Arthur Serratelli của Paterson, New Jersey, cho hay trong buổi giới thiệu trực tuyến về trang web: "Trong những năm kể từ Công Đồng Vatican II, chúng ta đã học được rất nhiều về việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ và các bản văn mới này phản ánh sự hiểu biết mới". Ngài cho hay thêm: "Các bản văn mới dễ hiểu, trang nghiêm và chính xác"; "Nó không chỉ cố gắng làm cho ý nghĩa của văn bản có thể tiếp cận được người nghe, mà còn cố gắng phám phá sự phong phú về Thánh Kinh và thần học trong bản văn Latin".

Trong suốt năm năm qua, các đại diện của các Hội đồng Giám Mục từ các quốc gia nói tiếng Anh khác nhau đã thực hiện công việc phiên dịch Sách Lễ Rôma phiên bản mới được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố nhân dịp Năm Thánh 2000.

Vào tháng Mười Một tới, những phần cuối cùng sẽ được Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ xem xét và thông qua, sau đó sẽ được gởi đến Tòa Thánh Vatican phê chuẩn và cho phép sử dụng theo thẩm quyền. Trang Web cho hay việc phê chuẩn cuối cùng bản văn hoàn chỉnh được dự trù diễn ra vào đầu năm 2010.

Đức Giám mục Serratelli cho hay: "Chúng ta có một cơ hội lớn trong suốt thời gian này, không chỉ để học hỏi về những thay đổi, học hỏi về những bản văn sửa đổi, mà còn đào sâu hiểu biết của bản thân chúng ta về phụng vụ". Ngài nói thêm: "Chúng tôi khuyến khích các linh mục, phó tế, tu sĩ, các thừa tác viên phụng vụ, tất cả các tín hữu giúp ích bản thân họ có thông tin về điều mà chúng ta đang sẵn sàng sử dụng".

Hội đồng Giám Mục đưa ra dự thảo bản dịch mới, hiện không được phép sử dụng trong phụng vụ nhưng nhằm mục đích làm cho các linh mục và giáo dân làm quen với những thay đổi sắp tới.

Trang Web hy vọng "rằng khi mà thời điểm sử dụng bản văn cho việc cử hành Thánh Lễ đến, các linh mục sẽ được đào luyện xứng hợp, các tín hữu sẽ có sự hiểu biết và hiểu rõ giá trị những gì đang được khẩn cầu, và những phối trí âm nhạc của bản văn phụng vụ sẽ được sẵn sàng cho việc sử dụng".

Địa chỉ trang Web về bản dịch Sách Lễ Rôma mới của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ: www.usccb.org/romanmissal
 
Các nước Tây Âu phải có lập trường cứng rắn bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu
Linh Tiến Khải
22:59 22/08/2009
Một số nhận định của ông Franco Frattini, ngoại trưởng Italia và Linh Mục James Channan, Bề trên phó tỉnh dòng Đa Minh Pakistan về các vụ bách hại Kitô hữu tại Pakistan

Từ hai tháng 7 và tháng 8 năm 2009 đã xảy ra các vụ bách hại và tấn kích các Kitô hữu bên Pakistan, do các nhóm hồi cuồng tín chủ mưu. Ngày 30-6-2009 giới chức lãnh đạo đền thờ hồi giáo đã khích động một nhóm 600 tín hữu hồi tấn công nhà của 100 tín hữu Kitô tại Bahmani thuộc quận Kasur trong bang Punjab. Họ tố cáo các tín hữu Kitô tội phạm thượng chống lại Hồi giáo. Ngày 1-8-2009 một nhóm khoảng 1000 người hồi cuồng tín, trong đó có nhiều người đeo mặt nạ, đã cướp bóc và đốt phá thêm 75 tư gia và 2 nhà thờ của Kitô hữu trong làng Korian, thuộc quận Toba Tek Singh trong bang Punjab, khiến cho 7 người bị chết cháy trong đó có 2 trẻ em.

Luật phạm thượng đã do tướng Zia Ul Haq đưa ra năm 1986 nhằm củng cố quyền lực chính trị của mình. Nó tương đương với khoản 295 B và 295 C của hình luật Pakistan. Khoản B liên quan tới các xúc phạm tới kinh Coran có thể bị tù chung thân, khoản C xử tử hình hay tù chung thân những ai nói xấu hay nói phạm đến Mahomed. Năm 2004 chính quyền Pakistan đã tu chính luật này để tránh các lạm dụng và khẳng định rằng cảnh sát phải điều tra chắc chắn nội vụ, trước khi bắt giữ nạn nhận thay vì bắt giữ ngay như trước kia. Nhưng các vụ lạm dụng luật phạm thượng để trả thù cá nhân hay để thủ lợi vẫn tiếp tục. Các lời buộc tội thường vu vơ và vô lý, nhưng đủ để cho các nhóm hồi cuồng tín đánh chết người vô tội.

Giáo Hội Công Giáo Pakistan có 1,2 triệu tín hữu sống trong 7 giáo phận gồm 113 giáo xứ và 250 cứ điểm truyền giáo. Nhân lực của Giáo Hội gồm 8 Giám Mục, 269 Linh Mục, 840 nam nữ tu sĩ, và 630 giáo lý viên.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của ông Franco Frattini, ngoại trưởng Italia, về các vụ bách hại Kitô hữu tại Pakistan.

Hỏi: Thưa ngoại trưởng Frattini, ngoại trưởng nghĩ gì về các vụ Kitô hữu bị các nhóm hồi cuồng tín bách hại tại Pakistan trong thời gian qua?

Đáp: Tại Italia và bên Âu châu này chúng tôi đã luôn luôn lắng nghe tiếng kêu của cộng đoàn hồi giáo. Và chúng tôi đã luôn luôn tìm cách chú ý tới các đòi hỏi của họ và hiểu các quyền lợi của họ. Như thế mà tại sao tại nhiều nơi trên thế giới tự do tôn giáo của các Kitô hữu lại bị người hồi khước từ? Tại sao lại có các vụ tấn công được mưu toan giàn xếp trước trong bang Punjab? Tai sao lại xảy ra các vụ bách hại và tấn kích tập thể chống lại các Kitô hữu như thế?

Tôi vẫn còn nhớ các lời tổng thống Barack Obama đã nói tại Cairo, thủ đô Ai Cập: các lời quan trọng trao ban cho thế giới hồi giáo một niềm hy vọng mới. Giờ đây chúng tôi mạnh mẽ đòi hỏi rằng niềm hy vọng, mà chúng tôi đã cho các tín hữu hồi có được, không bị lấy mất khỏi các tín hữu Kitô. Và chúng tôi đòi hỏi điều đó một cách mạnh mẽ nhất. Nhưng lời nói thôi không đủ, cần phải có các sự kiện, các hành động. Nghĩ rằng có thể chiến thắng thách đố này bằng cách giới hạn trong việc bầy tỏ nỗi đau đớn và bất bình là khờ đại. Giờ đây tới phiên Âu châu. Liên hiệp Âu châu không thể không chú ý tới sự kiện này, không thể nhắm mắt bịt tai làm ngơ. Và tôi chờ đợi nơi Hội Đồng Bộ Trưởng môt dấu hiệu mạnh mẽ trong phiên họp vào tháng 9 tới này.

Hỏi: Lá thư ngoại trưởng gửi cho ông Carl Bildt, ngoại trưởng Thụy Điển, Chủ tịch theo lượt của Liên hiệp Âu châu, có phải là bước đầu tiên hay không?

Đáp: Vâng, nó là bước đầu tiên. Italia hay Âu châu thôi cũng không đủ. Toàn thế giới văn minh phải đồng thanh mạnh mẽ lên tiếng trước Liên Hiệp Quốc rằng tự do tôn giáo có nghĩa là tự do cho tất cả mọi tôn giáo.

Hỏi: Ngoại trưởng có tin rằng các lời nói có thể biến thành sự kiện không? Có lẽ đã có một sự nhậy cảm nào đó bên Tây Phương chăng?

Đáp: Tôi xin nói thật: sự nhậy cảm đó còn ít, chưa đủ, chưa đạt được mức đúng đắn phải có... Ít nhất là cho tới nay. Sau những vụ xảy ra bên Punjab, đã chỉ có Italia là lên tiếng phản đối. Nhưng trong qúa khứ qúy vị có nhớ một tiếng nói nào của Liên Hiệp Âu châu chống lại các bạo lực có hệ thống xảy ra bên Somalia không?

Hỏi: Somalia mà cả Ấn Độ và Irak nữa cũng đã không có nước nào lên tiếng có đúng vậy không, thưa ngoại trưởng?

Đáp: Đúng thế. Đã có qúa nhiều thinh lặng trong khối Âu châu. Và Italia đã là quốc gia duy nhất lên tiếng yêu cầu tôn trọng tự do tôn giáo. Sau các biến cố xảy ra trong bang Orissa bên Ấn Độ, chính chúng tôi đã nêu vấn đề trong hội nghị thượng đỉnh giữa Âu châu và Ấn Độ dưới quyền chủ tịch của Pháp. Rồi sau các vụ Kitô hữu bị người hồi bách hại tại Mossul, chính chúng tôi đã sang viếng thăm Irak...

Hỏi: Ngoại trưởng có bao giờ tự hỏi tại sao Liên Hiệp Âu châu lại vắng mặt như thế không?

Đáp: Có thể họ nghĩ rằng bảo đảm quyền lợi hoàn toàn của người hồi có nghĩa là tái tạo quân bình cho các bất công qúa khứ chăng... Các Kitô hữu bị coi như là thành phần của thế giới mạnh mẽ cường lực... Họ là thế giới Mỹ, thế giới Âu châu, họ không có gì để mà che chở cả.

Thế nhưng trái lại, các vụ tấn kích ngày càng gia tăng. Và giờ đây là lúc phải nói rằng đủ rồi. Sự kiện có qúa nhiều bạo lực đòi buộc Liên Hiệp Quốc phải đối phó với vấn đề và đưa ra một tín hiệu... Tôi mới hội kiến với ngoại trưởng Ali Tikri của Libia, tân chủ tịch của Liên Hiệp Quốc và tôi đã trình bầy với ông sự chờ mong của chính quyền Italia trong phiên họp tới...

Hỏi: Thế còn quyền tự do tôn giáo và việc đối thoại liên tôn thì sao thưa ngoại trưởng?

Đáp: Các quyền của Kitô hữu là vấn đề đại đồng, của toàn thế giới, chứ không phải chỉ là vấn đề liên quan tới Kitô hữu. Và quyền tự do tôn giáo là nguồn gốc và tổng kết của tất cả các quyền tự do khác của con người. Không phải tôi nói điều này mà chính Đức Gioan Phaolo II đã khẳng định như thế.

Hỏi: Ngoại trưởng có nhận được tin tức gì từ Punjab hay không?

Đáp: Đại sứ Italia tại Pakistan có cho tôi biết rằng đây là lần đầu tiên chính quyền có phản ứng. Họ đã bắt giữ nhiều người hồi cuồng tín gây ra các vụ bách hại và tấn kích dã man các Kitô hữu. Lý do là vì chính quyền Italia đã phản ứng mãnh liệt và họ đã hiểu. Italia sẽ tiếp tục cộng tác và trợ giúp Pakistan trên con đường khó khăn củng cố chính trị và kinh tế. Nhưng chúng tôi yêu cầu chính quyền Pakistan phải có hành động mạnh mẽ chống lại các nhóm hồi cuồng tín đang bách hại các Kitô hữu.

*** Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục James Channan, Bề trên phó tỉnh dòng Đa Minh Pakistan, về các vụ bách hại Kitô hữu tại Pakistan.

Hỏi: Thưa cha Channan, có thể nói tới các vụ bách hại tôn giáo không hay đây chỉ là các hành động tội phạm viện cớ lòng tin thôi?

Đáp: Các hành động khủng bố phá hoại và bách hại chống lại các Kitô hữu đã được thi hành nhân danh tôn giáo, với lời vu khống phạm tới Kinh Coran. Luật phạm thượng tức các khoản 295 B 295 C trong Luật Hình sự Pakistan kết án tử những ai nói phạm đến Mahomed và xúc phạm tới Kinh Coran. Và cái chết đó có thể xảy ra qua bàn tay giận dữ của một nhóm người hồi. Trong trường hợp các thẩm phán nói người đó vô tội, thì người ấy phải bỏ xứ đi sống ở một nơi khác, vì mạng sống của họ luôn gặp nguy hiểm. Ngoài ra cũng nên ghi nhận rằng số tín hữu hồi bị tù vì tội phạm thượng là khoảng 400 người, tức đông hơn số các tín hữu Kitô rất nhiều.

Chỉ khác có điều là trong trường hợp của các Kitô hữu, nếu có ai bị tố cáo phạm thương, thì toàn cộng đoàn kitô bị tấn công và bách hại.

Hỏi: Như vậy thì có thể làm gì trong các điều kiện này thưa cha?

Đáp: Chén nước đã đầy qúa rồi. Các Kitô hữu Pakistan yêu cầu nhà nước hủy bỏ hai khoản luật phạm thượng đã gây ra các vụ bạo hành trong các tuần vừa qua. Các Giám Mục Công Giáo và Tin Lành đã tuyên bố toàn nước để tang ba ngày, và chúng tôi đã đóng cửa các trường học trong ba ngày. Trong nhiều thành phố như Lahore, Islamabad, Rawalpindi, Multan, Bahawalpur, và Sargodha, Kitô hữu đã tham dự các buổi tuần hành phản đối làn sóng bách hại Kitô hữu, và họ yêu cầu chính quyền đưa các thủ phạm ra trước công lý, cũng như bảo đảm cho tín hữu có nhiều an ninh hơn đối với mạng sống và nhà cửa của họ. Đại Imam đền thờ hồi giáo Lahore, ông Maulana Abdul Khabir Azad đã liên đới với các Kitô hữu và mạnh mẽ lên án các vụ bách hại này. Ông coi chúng là các âm mưu tạo căng thẳng giữa các cộng đoàn và nhằm đánh phá các nỗ lực đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo.

Hỏi: Thưa cha Channan, các tín hữu Kitô đã tố cáo chính quyền là chậm trễ và thờ ơ trong việc ngăn chặn các vụ bạo hành này, có đúng thế không?

Đáp: Có thể nói rằng cảnh sát và lực lượng an ninh tai Gojra đã không ngăn chặn các vụ tấn kích chống lại các Kitô hữu. Khi mọi sự đã xong rồi, nhà của các Kitô hữu đã bị cướp bóc và đốt phá khiến cho 7 người bị chết cháy rồi, thì ngày mùng 1-8-2009 chính quyền Punjab mới gửi dân quân tới. Và phải có áp lực mạnh của Đức Cha Joseph Couts, Giám Mục Faisalabad và Đức Cha John Samuel của Giáo Hội Tin Lành Pakistan, cũng như của thủ tướng bang Punjab, và tín hữu đã phải đem quan tài của các nạn nhân để ngang đường xe lửa và đe dọa không chôn cất họ, chính quyền địa phương mới viết bài tường trình nội vụ.

(Avvenire 5-8-2009)
 
Cầu xin cho các linh mục có con tim giống Con Tim của Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Linh Tiến Khải
23:00 22/08/2009
Trong buổi tiếp kiến 2000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 19-8-2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho các linh mục biết noi gương sống thánh thiện của thánh Jean Eudes, để nhiệt thành làm chứng cho tình yêu Chúa bằng cuộc sống và chức thừa tác hầu mưu ích cho toàn dân thánh.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Giovanni Eudes, là vị tông đồ không biết mỏi mệt của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Người đã sống tại Pháp trong thế kỷ XVII, là một thế kỷ ghi đậm dấu vết các hiện tượng tôn giáo và các vấn đề chính trị nghiêm trọng. Đó là thời gian của chiến tranh 30 năm, đã tàn phá không chỉ một phần của miền Trung Âu châu, mà cũng tàn phá các tâm hồn nữa. Trong khi sự khinh rẻ lòng tin Kitô lan tràn từ phía vài trào lưu tư tưởng thống trị thời đó, thì Chúa Thánh Thần đã khơi dậy một cuộc canh tân tinh thần đầy lòng sốt mến với các nhân vật lỗi lạc như Đức Hồng Y De Bérulle, thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh Luigi Maria Grignon de Montfort và thánh Giovanni Eudes. ”Trường phái Pháp” lớn của sự thánh thiện đó đã làm nảy sinh ra các hoa trái, trong đó có cả thánh Giovanni Maria Vianney. Do mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng ngày 31 tháng 5 năm 1925 vị tiền nhiệm của tôi, Đức Pio XI, đã tôn phong hiển thánh cha Giovanni Eudes và Cha Sở họ Ars, cống hiến cho Giáo Hội và toàn thế giới hai mẫu gương ngoại thường của sự thánh thiện linh mục.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong bối cảnh của Năm Linh Mục tôi thích nêu bật tinh thần tông đồ của thánh Giovanni Eudes, đặc biệt đối với việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận. Cuộc sống của các thánh giải thích Kinh Thánh. Trong kinh nghiệm cuộc sống, các thánh đã kiểm thực sự thật của Tin Mừng, và như thế các ngài đẫn đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết Tin Mừng. Năm 1563 Công Đồng Chung Trento đã công bố các điều lệ cho việc thành lập các chủng viện giáo phận để đào tạo hàng linh mục, vì Công Đồng ý thức được rằng tất cả cuộc khủng hoảng của cuộc cải cách, đã bị điều kiện hóa bởi việc đào tạo thiếu sót khiến cho các linh mục không được chuẩn bị đầy đủ cho chức linh mục một cách đúng đắn trên bình diện trí thức và tinh thần, trong con tim và trong tâm hồn. Nhưng bởi vì việc áp dụng và thực hiện các điều lệ đó đã bị chậm trễ tại Đức cũng như tại Pháp, thánh Giovanni Eudes đã nhận ra các hậu qủa của sự thiếu sót đó. Là một cha xứ ý thức một cách sáng suốt về sự thiếu sót này nơi đa số hàng giáo sĩ, thánh nhân đã thành lập một dòng tu chuyên lo việc đào tạo các linh mục. Trong thành phố đại học Caen ngài thành lập một chủng viện đầu tiên, và kinh nghiệm này được đánh giá cao đến độ nó lan sang các giáo phận khác.

Con đường nên thánh, mà người theo đuổi và chỉ cho các môn sinh, đặt nền tảng trên sự trung thành với tình yêu mà Thiên Chúa đã vén mở cho nhân loại trong Con Tim linh mục của Chúa Giêsu và trong Con Tim hiền mẫu của Mẹ Maria. Trong thời đại của sự tàn ác và đánh mất đi nội tâm đó, thánh nhân đã hướng tới con tim để nói với con tim một lời của các Thánh Vịnh, mà thánh Agostino đã chú giải rất hay. Thánh nhân muốn mời gọi con người, và đặc biệt là các linh mục tương lai, chú ý tới con tim, bằng cách chỉ cho thấy con tim linh mục của Chúa Giêsu và con tim hiền mẫu của Mẹ Maria. Mỗi một linh mục phải là chứng nhân và tông đồ của tình yêu đó của con tim Chúa Giêsu và con tim Mẹ Maria.

Áp dụng vào cuộc sống của các linh mục ngày nay Đức Thánh Cha nói:

Cả ngày nay nữa, chúng ta cũng cảm thấy cần có các linh mục làm chứng cho lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa, với một cuộc sống hoàn toàn bị Chúa Kitô ”chinh phục”, và học được điều này ngay từ các năm chuẩn bị trong các chủng viện. Sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn ”Pastores dabo vobis”, trong đó ngài lấy lại và cập nhật các điều lệ của Công Đồng Chung Trento, và nhấn mạnh trên sự tiếp nối cần thiết giữa lúc khởi đầu và việc thường huấn. Đối với ngài và đối với chúng ta đó là một điểm khởi hành đích thật cho một cuộc canh cải cuộc sống và công tác tông đồ của các linh mục. Và nó cũng là điểm then chốt để cho việc truyền giáo mới không chỉ đơn sơ là một khẩu hiệu hấp dẫn, mà được diễn tả ra trong thực tại. Các nền tảng cho việc đào tạo chủng sinh tạo thành ”chất mầu mỡ thiêng liêng” không thể thay thế, trong đó chủng sinh học biết Chúa Kitô, để cho mình từ từ trở thành đồng hình dạng với Chúa, là Thượng Tế và Mục Tử Nhân Lành duy nhất.

Do đó thời gian sống trong Chủng Viện được coi như là việc hiện thực lúc, trong đó Chúa Giêsu, sau khi chọn các tông đồ và trước khi sai các vị ra đi rao giảng, xin các vị ở lại với Ngài (x. Mc 3,14). Khi thánh sử Marco kể lại ơn gọi của mười hai tông đồ, thánh sử nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã nhắm hai mục đích: thứ nhất là để các vị ở với Ngài, thứ hai là để các vị được sai đi rao giảng. Nhưng khi luôn luôn đi với Chúa, thì các vị thực sự loan báo Chúa Kitô và đem thực tại Tin Mừng đến với thế giới.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chi em thân mến, trong Năm Linh Mục này tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các linh mục và cho các người đang chuẩn bị lãnh nhận ơn ngoại thường này là chức Linh Mục thừa tác. Tôi xin lấy lại lời khích lệ thánh Giovanni Eudes nói với các linh mục: ”Hãy hiến dâng mình cho Chúa Giêsu để bước vào trong Con Tim mênh mông vĩ đại của Chúa, chứa đựng Con Tim của Mẹ Thánh Ngài và của tất cả các Thánh, và để biến mất trong vực thẳm của tình yêu, của tình bác ái, của lòng xót thương, của sự khiêm nhường, trong sạch, nhẫn nại, vâng phục và thánh thiện” (Coeur admirable, III, 2).

Tiếp đến Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Ngài đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat và Ý.

Ngài xin mọi người cầu nguyện nhiều cho các linh mục và các chủng sinh trong Năm Linh Mục để các vị ngày càng đi sâu vào Trái Tim của Chúa Giêsu và có được các nhân đức của Chúa, sống thánh thiện và hăng say trong các công tác tông đồ mục vụ.

Chào giới trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha cầu mong gương sáng của thánh Giovanni Eudes giúp từng người ngày càng tiến tới trong tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trao ban ý nghĩa tràn đầy cho tuổi trẻ, cho khổ đau và cho cuộc sống gia đình.
 
Top Stories
Tam Toa parishioners helpless and in awe as their church land being bulldozed by Quang Binh government.
Emily Nguyen
14:17 22/08/2009
One month after having continually been terrorized by the police and their thug-collaborators, Tam Toa parishioners on Aug 20 once again witnessed the return of the perpetrators. This time with bulldozers to plow the entire area surrounding the church.

Before being bulldozed
After being bulldozed
Fresh in the mind of the Tam Toa faithful are vivid memories of how they encountered violence and death threats as a result of their effort to rebuild the church already in ruin on July 20, 2009 when their religious needs happens to be in conflict with the interest of the government. As they were setting up a makeshift tent for church service on the ground of the old Tam Toa church ruins, provincial police came to attack them, leaving hundreds injured and dozens were taken away by the police. Even the two local priests Fr. Paul Nguyen Dinh Phu and Fr. Peter Nguyen The Binh were beaten severely, igniting an outraged reaction from Catholics and non-Catholics alike throughout the country and around the world.

Facing tough criticism at the inhumane way Tam Toa incident was handled, Quang Binh government withdrew their uniformed law enforcement forces from the scene, but they began to send henchmen with violent nature out to create a culture of fear among Tam Toa faithful. All these hooligans did was roaming the street looking for any Catholic victim to harass, assault, rob and threaten to deter them from coming to Tam Toa to offer their support to fellow Christians.

Simultaneously the state controlled media also began to make false, ugly accusations against people whom they viewed as leaders of this "isolated incidents". However their ignoble attempt was quickly recognized and condemned by the public and began to ease off.

All the maneuvers took place while bishop Paul Maria Cao Dinh Thuyen was away from home, attending an Adlimina visit in Rome. The 83 year old shepherd upon receiving the terrible news from his home diocese returned and took the role of a leader and a protector in demanding the government hands off his flock. Under his leadership and guidance, 178 parishes throughout the diocese of Vinh stood firm and held massive protest on several occasions to demand justice for Tam Toa and its faithful.

On the Aug. 2 and again on Aug. 15 demonstration, co-incidentally on the feast of the Assumption, which was reportedly joined by 200,000 Christians throughout Vinh diocese, the bishop in his seemingly feeble physical had expressed his pain and agony upon the news of the faithful from his diocese being threatened, assaulted; their daily activities even their livelihoods have become in peril because of police constant harassment.

He also dismissed the criticism aimed at his priests by local authority which has been widely broadcasted, accusing (the priests) of being disobedient to their superior by "trampling on the laws of the country” and “inciting the faithful into the illegal constructing a house” ad praised the congregation for their union, communion and support they had been offering to the people of Tam Toa. One of the statements he made during this rally has become historical "Vinh diocese doesn't have just one Cao Dinh Thuyen but rather 500,000 Cao Dinh Thuyen", prompting so much appreciation and admiration not only from his faithful in Vinh but also from Vietnamese Catholics around the world.

The bishop also condemned the "extreme and wrongful measures Quang Binh police had taken against Tam Toa faithful and priests". He however called for the congregation to "live in accordance with the Bible, as the Church doesn't encourage violence and abuse, but rather express our faith and pray, putting everything in God's hands, and do hid will "

Under his leadership, Vinh faithful are patiently waiting for the government to reconsider their decision to turn their beloved church into a politically motivated tourist attraction, however one has to wonder if their effort has been invested in a wrong authority and their hope to resume worshiping services in their beloved church has gone in smoke with the latest action by Quang Binh government's action in recent days.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha William Skylstad viếng thăm giáo phận Đà Nẵng
JB. Trần Ngọc
01:46 22/08/2009
ĐÀ NẴNG - Đức Cha William Skylstad, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (NCCB), Giám mục giáo phận Spokane, thuộc Bang Washington, Hoa Kỳ, là khách mời đặc biệt tại Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 9 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) vừa diễn ra tại Manila. Sau khi Hội nghị kết thúc, Ngài đã viếng thăm một số giáo phận tại Việt Nam, trong đó có giáo phận Đà Nẵng. Tháp tùng Ngài, có bà Virginia, chuyên viên Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Ngoại vụ, đặc trách Châu Á Thái Bình Dương và Cha Gioachim Lê Quang Hiền, nguyên Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện đang là quản xứ giáo xứ thánh Antôn, giáo phận Spokane.

Phái đoàn đã tới sân bay Đà nẵng vào lúc 23 giờ 15, tối 18 tháng 8 năm 2009 (trễ hơn giờ dự kiến hơn 2 tiếng!). Dù chuyến bay đến muộn, nhưng phái đoàn Đà Nẵng có Đức Cha Giuse, một số cha, cùng số bạn trẻ ra tận sân bay đón tiếp cách nồng nhiệt với những vòng hoa tươi thắm, những bài ca chào đón vui tươi rộn rã.

Trong ngày 19. 8, phái đoàn đã đi thăm hai di sản văn hóa thế giới: Thánh Địa Mỹ Sơn và Phố Cổ Hội An, kính viếng Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Đền Thánh Anrê Phú Yên (Phước Kiều). Cùng đi với phái đoàn, có Đức Cha Giuse, một số cha, các bạn trẻ thuộc ca đoàn tiếng Anh Emmanuel (ca đoàn phụ trách lễ tiếng Anh vào sáng chủ nhật lúc 10 giờ tại nhà thờ Chính Tòa). Các cha quản xứ kiêm quản hạt Trà Kiệu và Hội An đã trình bày sơ lược cho phái đoàn bối cảnh lịch sử của các địa danh Trà Kiệu, Hội An, Phước Kiều.

Cao điểm trong chuyến viếng thăm là thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Chính Tòa vào lúc 17 giờ chiều ngày 19.8 do Đức Cha Giuse chủ tế. Cùng đồng tế có Đức Cha William Skylstad, Cha Joachim Lê Quang Hiền, 40 cha trong Giáo phận, và đông đảo giáo dân nội thành về tham dự thánh lễ. Trong bài giảng lễ, với giọng tiếng Anh của người Mỹ thật chậm và rõ, đôi khi pha lẫn chút hài hước, Đức Giám mục Spokane đã nói đến mối hiệp thông trong Giáo hội, sự hiệp thông để tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô là xây dựng Nước của Thiên Chúa trong công lý, bình an và niềm vui. Người tín hữu dù ở Mỹ hay ở Việt Nam cũng được mời gọi xây dựng Nước của Thiên Chúa tại nơi mình đang sống. Người ta có thể cảm nhận được qua chia sẻ vắn gọn của ngài mối thân tình, ấm cúng, vui tươi của một mục tử tận tụy đem Bánh Lời Chúa trao ban cho đàn chiên. Bài giảng của ngài kết thúc với tiếng Amen và lời kêu mời thật dễ thương: anh chị em hãy cười lên một chút! Cộng đoàn đáp lại với tràng pháo tay va tiếng ròn rã.

Trước phép lành cuối lễ, các đại diện giáo dân dâng hoa chúc mừng phái đoàn. Đức Cha William nói lên niềm vui khi thấy sức sinh động của các cộng đồng Dân Chúa tại Mỹ cũng như tại Việt Nam. Ngài cám ơn Đức Cha Giuse và Giáo phận đã dành cho phái đoàn nhiều ưu ái. Dịp này, là người con linh mục của Giáo phận, Cha Gioachim Lê Quang Hiền xúc động nhắc lại các kỷ niệm ngày xưa còn bé khi làm chú giúp lễ ở nhà thờ Chính Tòa, bày tỏ tâm tình gắn bó với giáo phận nhà, ước mong trong tương lai còn có cơ hội để trở lại phục vụ Giáo phận mẹ.

Kết lễ đoàn đồng tế đã chụp chung tấm hình lưu niệm và sau đó là bữa tiệc đứng tại Tòa giám mục kết thúc ngày viếng thăm thắm đượm tình hiệp thông nối kết hai giáo phận. Sáng ngày 20 tháng 8, phái đoàn tiếp tục lên đường đi đến thăm Linh địa LaVang, giáo phận Huế.
 
Phái Đoàn Hành Hương Niềm Tin từ Úc Châu thăm Âu châu và Do thái
Jo. Vĩnh
02:26 22/08/2009
PARIS - Phái đoàn hành hương “Niềm Tin Úc Châu” do 2 linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB và Joseph Nguyễn Thanh Liêm hướng dẫn và sơ Maria Vũ Mỹ Nga, lên đường hành hương và du lịch qua các quốc gia: Singapoe, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Do Thái, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Canada. Phái đoàn gồm 5 nhóm:

Nhóm Adelaide: 10 người; Nhóm Brisbane: 10 người; Nhóm Melbourne: 15 người; Nhóm Perth: 16 người; Nhóm Mỹ: 05 người (từ USA qua Úc du lịch, rồi nhập chung với nhóm Adelaide + 02 người Melbourne).

Nhóm Adelaide và Mỹ rời Úc Châu sớm nhất. Khởi hành, đầu tiên từ Úc qua Singapore du lịch trước 3 ngày, nhóm này đi thăm quan hầu hết các nơi thắng cảnh của Singapore. Bộ mặt các phố phường của quốc gia Singapore rộng rãi, sạch sẽ và tươi mát với những hàng cây cảnh trông mát mắt cộng với những bóng cây to xanh tươi xòe ra che phủ trên đường phồ trông thật ngoạn mục.

Người dân Singapore sống nhờ vào ngành thương mại và du lịch. Chính phủ Singapore chăm sóc cho dân chúng một cách đặc biệt. Hướng dẫn viên du lịch cho biết 90% dân Singapore đều có căn nhà riêng, tự mình làm chủ, đa phần sống trong các chung cư. Mỗi đầu người dân Singapore đi làm, chính phủ sẽ giữ lại 15% tổng số lương tháng, để dành vào khỏan ngân sách gia cư, để đầu tư mua nhà. Giá nhà đất ở Singapore rất cao, có chỗ lên đến 4,000 dollars Mỹ một mét vuông.

Thứ Sáu ngày 31 tháng 7 tất cả 5 nhóm chúng tôi đều bay qua Hồng Kông. Nhóm Adelaide và từ Singapore sang Hông Kông vào sáng sớm, được bus tour chở đi thăm quan và các phố phường và chợ búa bên Hồng Kông qua 3 quần đảo Lan Tou, Territory, Hồng Kông Island và khu phố Kow Loon trong đất liền, bến cảng Tshan Shan Shui. Khoảng 10 giờ tối tất cả 5 nhóm chúng tôi hẹn gặp nhau trong phi trường Hồng Kông, tập trung thành phái đoàn hành hương Niềm Tin Úc Châu tổng cộng gồm 56 người, cùng đáp chuyến bay lúc 11 giờ 15 khuya từ Hồng Kông sang Thụy Sĩ.

Thăm Thụy Sĩ:

Thụy sĩ là một quốc gia trung lập, ngoại giao hầu hết với tất cả các nước lớn, nhỏ trên toàn thế giới. Người dân Thụy Sĩ nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau, có tỉnh nói tiếng Đức, tỉnh nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tỉnh nói tiếng Tây Ban Nha. Nếu bạn nói được tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng Ý, sang Thụy Sĩ du lịch sẽ không bị lạc lõng. Theo thống kê cho biết:

Thụy sĩ có diện tích: 41.285 Kilômét vuông. Thủ đô là thành phố Bern
Dân số Thụy sĩ có khoảng: 7.5 triệu người
-63% nói tiếng Đức sống ở các vùng trung tâm Thụy Sĩ và phía Đông - Bắc
-20.4% nói tiếng Pháp, sống ở vùng phía Tây
-6.5 nói tiếng Ý sống ở vùng phía Nam
-0.5 nói tiếng Rhaeto Romatic những người này đa sống ở vùng đông nam và có khỏang 9% nói đa ngữ
Thụy Sĩ nổi tiếng về kỹ nghệ sản xuất đồng hồ, sản xuất chocolate Lindt, Toblerone, đặc biệt kỹ thuật quản trị Ngân Hàng.

Chúng tôi ghé tham quan thành phố Zurich là một thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ, đa số các cơ quan đầu não của công ty tài chánh và ngân hang nổi tiếng thế giới đều tọa lạc tại đây. Zurich có 400,000 dân. Có dòng sông Limat thơ mộng, nước cạn có thể lội qua được, nhưng nước chảy cuồn cuộn như một con suối, thượng nguồn của sông phát xuất từ dãy núi Alpes chảy nước đổ xuống hồ Zurich... Chúng tôi đặt chân đến Thụy Sĩ vào đúng ngày lễ nghỉ Quốc Khánh 01/8 của Thụy Sĩ. Vì là ngày nghỉ đại lễ và week end, mặc dù đã gần 11 giờ sáng, nhưng thành phố vẫn còn vắng te.

Chúng tôi được Hướng Dẫn Viên du lịch dẫn đi tham quan chung quanh thành phố Zurich, qua các dãy nhà, các dinh thự, các nhà thờ cổ kính đã xây cả mấy trăm năm về trước, nằm dọc trên một dòng sông nhỏ nối liền với hồ Zurich. Nhìn tổng quát bộ mặt thành phố Zurich có vẻ thanh bình và hiền hòa, không náo nhiệt như các thành phố lớn thương mại của các quốc gia trên thế giới. Qua một ngày thăm quan thành phố Zurich và một đêm thưởng lãm bắn pháo bông của người dân Thụy Sĩ mừng Quốc Khánh rất ngoạn mục.

Thăm So Thái:

Sáng Chúa Nhật ngày 02/8, phái đoàn chúng tôi rời Thụy Sĩ đi Do Thái. Qua 3 tiếng 45 phút bay từ Thụy Sĩ sang Do Thái. Khoảng 3 giờ chiều, máy bay đáp Phi Trường Tel Aviv. Xe bus và Hướng Dẫn Viên du lịch Do Thái ra đón chúng tôi và đưa khách sạn Shalom của thành phố Jerusalem vào khoảng gần 6 giờ chiều, nhận phòng xong, tắm rửa, vệ sinh cá nhân rồi xuống phòng ăn trên lầu III, vừa ăn vừa ngắm cảnh thành phố Jerusalem lúc chiều hoàng hôn và ban đêm trông rất đẹp.

Các thành phố bên Do Thái là một quốc gia nằm trong Sa Mạc toàn là thung lũng và đồi trọc. Họ có những kiểu nhà kiến trúc khá tân kỳ, màu sắc hài hòa. Hầu như 90% là nhà lầu và các cao ốc hình dáng thiết kế tương tự nhau, từ thung lũng lên đến các trườn đồi, màu sắc trắng đục tự nhiên của những cục đá và những cục gạch tường màu bạch truật, như màu sắc của tòa nhà Bạch Ốc của phủ Tổng Thống Mỹ, tạo nên những đẹp khang trang và trong sang của thành phố.

Do Thái mùa này rất nóng và khô cằn, không có sông ngòi. Dân Do Thái phải dùng nước biển chuyển lọc sang thành nước ngọt, cho dân chúng dùng.

Bốn ngày trên đất Do Thái, chúng tôi đi viếng hầu hết các nơi Thánh Địa theo sách kinh thánh và các làng mạc mà Chúa Kitô đã từng sinh sống. Từ hang Belem nơi Chúa sinh ra đến các đoạn Chúa đi rao giảng tin mừng qua hoang địa Sa Mạc cầu nguyện 40 đêm ngày, đoàn hành hương thay nhau vác thánh giá lên đồi Golgotha nơi Chúa bị đóng đinh chịu chết. Chúng tôi chui tận vào trong hang mồ chôn xác Chúa, mọi người xếp hang quỳ gối hôn các tảng đá lấp mồ Chúa, tảng đá đặt thi hài Chúa lúc tẩm liệm. Chúng tôi đến làng đánh cá và nhà thánh Phêrô, hồ Galilê và xuống thuyền đi lòng vòng quanh hồ vào nhà hang thưởng thức hương vị cá thánh Phêrô. Cá Phêrô ngày nay giống như loại cá hanh, được các đầu bếp nhà hàng chế biến chiên dòn rất ngon. Mỗi con cá chiên dòn thánh Phêrô, chúng tôi phải $18.00 Euro (tương đương $30 đô Úc) cho bữa ăn này.

Rời Do Thái lúc 2 giờ sáng, chúng tôi đáp chuyến bay trở lại Thụy Sĩ, ngồi đợi trong phi trường 6 tiếng đồng hồ, phái đoàn hành hương lên đường đáp chuyến bay qua đáp xuống nước Cộng Hòa Croatia khoảng 4 giờ chiều, xe bus đón sẵn chúng tôi tại phi trường chở sang nước Cộng Hòa Bosnia và Eskonia, nơi Đức Mẹ Međugorje (Medjugorje) hiện ra với 6 thiếu niên dưới thời kỳ Cộng Sản Nam Tư cai trị.

Đáp chuyến tàu du lịch đêm băng qua biển Balkan sang Ý. Tàu Corana Blue Line rất lớn có sức chứa trên 2,000 du khách, hàng trăm xe hơi và xe tải, có hồ tắm như trên đất liền. Nhận chìa khóa và phòng ngủ dưới tàu xong, chúng tôi đem mồi nhậu và bia lên boong tàu nhâm nhi thưởng lãm cảnh ngoạn mục thành phố lúc tàu rời bến cảng và cảnh âm u cùng làn sóng bạc đầu của biển cả lúc ban đêm. Đèn điện trên sáng rực như một thành phố nổi trên biển. Đi dạo một vòng trên dưới của tàu. Tôi ghé vào quan sát, các nhà hàng, quán bia rượu của các tầng lầu trong tàu, có cả Casino nữa. Hành khách năm ngồi la liệt trên các khoang tàu. Tàu có nhiều loại vé và nhiều khu khác nhau. Khu dành cho khách economy rẻ tiền, chỉ ngồi ghế không có chỗ nằm, khu nằm tập thể. Riêng phái đoàn chúng tôi đã được các tu sĩ trưởng đoàn booking cabin phòng ngủ như Hotel, 2 người một phòng có phòng tắm và toilet riêng.

Thăm Italia:

Tới Ý, địa danh đầu tiên chúng tôi ngừng là Lacianô, nơi phép lạ Thánh Thể xảy ra vào thế kỷ thứ 8, lúc một linh mục dòng Biển Đức nghi ngờ về sự hiện thân của Đức Kitô và trong lúc dâng lễ cuối cùng Ngài bẻ bánh, thì một sự lạ xảy ra là bánh biến thành thịt chảy máu dàn dụa xuống chén thánh. Thịt này bây giờ khô lại được đặt trong mặt nhật và máu đọng lại thành năm cục khô được kính cẩn đựng trong ly pha lê cho khách hành hương tới kính viếng... Dù trải qua 12 thế kỷ rồi mà thịt máu này vẫn còn nguyên vẹn không bị tan rữa...

Phái đoàn sốt sắng dâng lễ trên bàn thờ chính... Một linh mục Balan dòng Phanxicô ưu ái cho phái đoàn đến gần nơi lưu trữ thịt máu của Chúa để chiêm ngắm và cầu nguyện. Ngài rất thích thánh ca Việt Nam, nên Ngài đã yêu cầu chúng tôi hát bản thánh ca cung kính Mình Máu Thánh Chúa. Cha rất vui vàcảm ơn phái đoàn.

Sau đó phái đoàn trực chỉ thành phố Assisi để kính viếng nơi sinh trưởng, sinh sống vaw an nghỉ của Thánh Phanxicô Khó Khăn và nữ thánh Clara... Vì thời gian gấp rút nên phái đoàn thăm viếng nhanh chóng để về Roma. Chúng tôi tới khách sạn đã gần 11 giờ khuya. Tuy thế chúng tôi vẫn được ăn bữa cơm tối thịnh soạn trong nhà hàng của Hotel Casa Tra Noi.

3 ngày tại Thánh đô Vatican, chúng tôi hân hạnh được diện kiến Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI tại nhà nghỉ mát Galdofo. Phái đoàn may mắn có người được đứng gần ĐTC, có người xa nhưng tất cả được vào trong sân với khoảng 5000 khách hành hương khác để nghe ĐTC nói chuyện, trong lời mời gọi cầu nguyện cho các linh mục trong năm linh mục... ĐTC không quên chào các phái đoàn hành hương... Ngài chào anh chị em Việt Nam đến từ Úc Châu trong tiếng reo hò “we love you” của PĐ.

Trong ngày còn lại chúng tôi đã viếng thăm đền thờ thánh Phêrô, Phaolô ngoại thành, Đền thờ Đức Bà Cả, đền thờ thánh Gioan Latêranô và Hang Toại đạo cũng như hý trường Colossê... Nơi nơi phái đoàn cầu nguyện và dâng lễ tại hang Toại Đạo Calistô để cầu nguyện cho niềm tin trung thành hiệp nhất với Giáo Hội Hoàn Vũ mà ĐTC là đầu. Chúng tôi cũng không quên cầu nguyện cho GH Việt Nam trong những hoàn cảnh và thời điểm khó khăn hôm nay.

Thăm Ba Lan

Từ Roma chúng tôi bay đi Balan, tới thủ dô Warsowa và nay mắn được cha Khánh và cộng đoàn Việt Nam nhỏ bé chào đón với cả tâm tình nờng ấm... Cha Khánh và Hội đồng giáo xứ ra tận phi trường đón và đưa về khu dân cư Việt Nam thưởng lãm món phở. Dù tô phở thiếu nhiều thứ như rau, gia vị... nhưng vì thèm cơm, thèm phở nên ai cũng khen ngon va hết lòng cám ơn cha Khánh và cộng đoàn. Sau khi ăn trưa chúng tôi trực chỉ về Krakow, nơi sinh trưởng của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II... Có tới Balan mới thấy được một đất nước người dân tuy còn nghèo nhưng đất nước rất sạch và người dân sùng mộ và đạo đức. Phái đoàn chúng tôi tới ngay vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời nên cả hai trung tâm hành hương Đức mẹ một trên đồi Wiadowice và Czesochowa hay còn gọi là Ảnh Đức Bà Đen mà tương truyền là do thánh sử Luca vẽ... Cả hai nơi cũng như trung tâm Lòng Thương Xót Chúa đông nghẹt khách hành hương và nhà thờ nào cũng trong ngoài đông nghẹt người dự lễ và cầu nguyện... Phái đoàn đã làm giờ cầu nguyện Lòng thương xót Chúa và dâng lễ tại vương cung thánh đường của Lòng Thương xót Chúa.

Đến kinh thành Ánh Sáng Paris:

Ngày 17/8 chúng tôi bay ra khỏi Ba Lan trên chuyến bay Easy Jet... Chúng tôi đã khổ sở vì hành lý vì qúa 20 ký cũng như những túi sách tay lên máy bay... Tuy nhiên chúng tôi đã qua được cái ải phi trường Krakow, Balan để tới Paris Pháp Quốc bình an. Trong 3 ngày tại Paris chúng tôi có dịp đi thăm khu phố XIII quận lỵ và là trung tâm người Việt tại Paris và nhiều địa danh của thành phố hoa lệ này, đặc biệt đồi Montmart thăm Đền thờ Thánh Tâm, Nhà thờ Đức Bà và Tour Effel v.v...

Ngày 19/8 chúng tôi trực chỉ về Lisieux thăm viện tu nơi Thánh Têrêsa Hài Dồng đã sinh sống, viếng mộ Ngài trên con đường về Lộ Đức, Madird và Lisbol hai thủ đô của tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Trung tâm Fatima, London Anh quốc và chấm dứt tại California Hoa Kỳ... để ai nấy tự động đi thăm viếng thân nhân và trở lại Úc theo lịch trình riêng của từng người...
 
Hành Hương Theo Bước Chân Thầy (2)
Vũ Văn An
09:39 22/08/2009
Hấp hôn

Bỏ núi Tabor, đoàn hành hương chúng tôi tới Cana, nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên biến sáu chum nước đầy thành rượu ngon cho một đám cưới. Biến cố này được duy nhất Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại tại chương 2. Địa danh Cana còn được Phúc Âm này nhắc tới hai lần nữa nhân đề cập đến việc Chúa chữa lành đứa con của một sĩ quan cận vệ của nhà vua (4:46-54) và việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a (Galilê) trong đó có Na-tha-na-en, quê ở Cana (21:1-2). Ngoài ra, địa danh này không được một tài liệu nào khác nhắc đến.

Theo Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, ấn bản 1914, người ta không tìm được dấu chỉ nào chắc chắn cho biết nơi chốn của Cana, ngoại trừ nó không xa Nadarét hay Ca-phác-na-um và du khách muốn đi từ Giêrusalem tới Nadarét phải băng qua nó hay đi qua gần nó. Căn cứ vào đó, mặc dù có đến ba nơi khác là Kenet-el-Jalil, Ain Kana (thuộc Israel) và Qana (thuộc Lebanon) cũng cho mình là Cana “dấu lạ”, truyền thống có từ thế kỷ thứ 8 vẫn cho nơi đó chính là Kafr Kanna hiện nay, cách đông bắc Nadarét chừng 7 cây số. Ngày nay, Cana đã thành một thị trấn náo nhiệt. Vào thời Thập Tự Chinh, đã có một nhà thờ được xây tại địa điểm người ta tin là Chúa đã làm phép lạ hóa nước thành rượu. Địa điểm này hiện nay thuộc quyền sở hữu của Dòng Phanxicô. Dòng này đã xây một nhà thờ mới lớn hơn, trên nền nhà thờ cũ. Chính trong nhà thờ này, hai cặp vợ chồng trong đoàn chúng tôi (già có, sồn sồn có) đã được “hấp hôn” trong một nghi thức đơn giản do một vị tuyên úy Việt Nam cùng đi với đoàn chủ sự, trước sự chứng kiến và hợp nguyện của cả đoàn. Được nghe lại đoạn Phúc Âm Thánh Gioan mô tả “dấu lạ” đầu hết của Chúa Giêsu xẩy ra ngay tại địa điểm này gần hai ngàn năm trước mà biểu tượng còn kia với sáu chiếc chum xếp ngay ngắn phía đàng sau bàn thờ và được vị linh mục rẩy nước thánh trên đôi bàn tay đang nắm lấy nhau, dù già như bọn tôi cũng vẫn là một ấn tượng sâu sắc, ít nhất cũng sâu sắc hơn tấm giấy đã được đóng dấu sẵn của Custodia Di Terra Santa mà người tiếp nhận phải tự điền tên vào, chứng nhận chúng tôi đã “lặp lại lời thế hứa kết hôn tại nơi thánh này”. Và chắc chắn đậm đà hơn mùi rượu Cana mà sau đó chúng tôi có mua đem về khách sạn đãi bạn bè.

Truyền Tin

Từ Cana, chúng tôi trở lại Nadarét, cách đó không xa. Cựu Ước không hề nhắc chi tới Nadarét. Nó vô danh đến độ có người cho rằng nó không hiện hữu, cho mãi tới thế kỷ thứ hai công nguyên. Họ nghĩ như thế, vì mặc dù nhà khảo cổ trứ danh dòng Phanxicô là cha Belarmino Bagatti, trong những cuộc khai quật ở đây trong các năm 1955 đến 1965, từng khám phá ra nhiều đồ gốm có từ Giữa Thời Đại Đồ Đồng (từ năm 2,200 đến năm 1500 trước công nguyên) và các đồ xứ, các vựa lúa và cối xay từ Thời Đại Đồ Sắt (từ năm 1,500 tới năm 586 trước công nguyên), nhưng đối với các thời Assyri, Babilon, Ba Tư, Hy Lạp và đầu thời Rô Ma, cha không khám phá được gì về phương diện khảo cổ. Rất có thể khu vực này hết người định cư từ năm 720 trước công nguyên, lúc người Assyri tàn phá nhiều thị trấn trong khu vực này.

Tuy nhiên, cả bốn Phúc Âm lẫn Tông Đồ Công Vụ đều nêu đích danh Nadarét đến 29 lần như là quê hương của Chúa Giêsu. Chính Philatô, Tổng Trấn Rôma, cũng đã cho viết tấm bảng “Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái” đóng vào thập giá của Người. Hiển nhiên, Nadarét phải hiện hữu vào thời Chúa Giêsu. Theo ước đoán của cha Bagatti, lúc ấy, cùng lắm, Nadarét chỉ là một khu nông nghiệp nhỏ với chừng 20 gia đình. Hai nhà khảo cổ James Strange và John Dominic Crossan cũng cùng một ước đoán như thế. Các ước đoán này khá ăn khớp với lời nhận định của Na-tha-na-en khi nghe Phi-líp-phê nhắc tới Nadarét lần đầu tiên: “Từ Nadarét, làm sao có được điều gì hay ho?” (Ga 1:46).

Đầu thế kỷ 20, khi đến Nadarét, Morton chỉ thấy đó là một thị trấn có những ngôi nhà mầu trắng như tuyết, những hàng bách nhọn hoắt như mũi đòng, thật nhiều vườn vả và ôliu và cảm giác khó chịu khi bị các em bé chìa tay bên vệ đường xin bố thí (baksheesh) và những người đàn bà níu kéo chào hàng. Tuy có nhắc đến nhiều thánh điểm, nhưng Morton chỉ nói đến Suối Đức Mẹ, cho đó là nơi duy nhất có sức thuyết phục và vẫn còn là nguồn cung cấp nước duy nhất cho Nadarét, và Nhà Thờ Thánh Gabriel. Ngày nay, Nadarét đã thay đổi nhiều, trở thành một thành phố hiện đại, thủ phủ và là thành phố lớn nhất miền Bắc Do Thái với dân số sấp sỉ 70, 000 người mà phần đông là công dân Ả Rập của Do Thái, trong đó, 31.3% là Kitô hữu, 68.7% theo Hồi Giáo. Việc buôn bán đã trở thành qui củ, và cảnh xin ăn ngoài phố không còn như thời Morton đến thăm. Nhà cửa san sát, vẫn còn những hàng bách cao vút và thỉnh thoảng đây đó những vườn ôliu xanh rờn. Người dân Nadarét không hẳn hiếu khách, nhưng có tác phong kinh doanh hơn xưa.

Địa điểm đầu tiên tại Nadarét được chúng tôi tới thăm là Nhà Thờ Thánh Gabriel của anh em Chính Thống Giáo. Danh xưng chính thức của nhà thờ này là Nhà Thờ Chính Thống Giáo Thánh Gabriel hay Nhà Thờ Chính Thống Giáo Truyền Tin. Theo Giáo Hội Chính Thống, chính tại đây, khi đi kín nước giếng, Đức Mẹ đã được thiên thần Gabriel hiện ra báo tin Ngài sẽ thụ thai Chúa Giêsu. Ngôi thánh đường này đã có từ thời Byzantine, nhưng cấu trúc còn đến ngày nay được xây cất năm 1769, trên ngay một con suối mà vào thời ấy vốn là nguồn cung cấp nước duy nhất cho Nadarét đã từ mấy ngàn năm trước. Nước suối vẫn còn chẩy bên trong hậu cung Nhà Thờ hiện nay và cung cấp nước cho chiếc giếng cách đó chừng 140 thước, thường được gọi là Giếng Đức Mẹ. Chúng tôi được dịp viếng cả hai cấu trúc ấy. Giếng Đức Mẹ là một cấu trúc tân thời. Rất tiếc, chúng tôi chỉ đi băng qua nó, nên không thấy tình trạng nước non ra sao. Riêng suối nước nằm cuối một chiếc hang thấp hình vòm được Thập Tự Chinh xây từ thế kỷ 12 thì luôn có nước róc rách nghe rất vui tai. Khách hành hương liệng bạc cắc xuống khá nhiều, chắc là để cầu may mắn, kiểu “giếng ước” (wishing well), khiến suối nước tăng vẻ lóng lánh nhờ ánh sáng phản chiếu từ các đồng bạc cắc ấy. Tường của hang được trang trí bằng gạch của người Armenian và có một đường nhỏ dẫn xuống suối giúp người ta có thể dùng gáo nhỏ bằng kim khí để múc nước. Chúng tôi không được hân hạnh ấy. Nhưng thực ra, các bích họa tỉ mỉ vẽ cùng khắp trên tường và trần Nhà Thờ lôi cuốn chúng tôi nhiều hơn. Và theo truyền thống Chính Thống Giáo, bàn thờ chính được che bằng một tấm màn ảnh thánh gọi là “iconostasis”. Bởi vì Giáo Hội anh em này thường nhấn mạnh tới khía cạnh mầu nhiệm của các Bí Tích. Mọi đồ thánh, đồ trang trí và con người trong một ngôi nhà thờ Chính Thống đều toát ra một nét mầu nhiệm nào đó. Bình hương, vâng bình hương cùng khắp, không những được treo lủng lẳng bằng ba sợi dây tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa như Công Giáo chúng ta, mà còn gồm cả 12 quả chuông nhỏ tượng trưng cho 12 Tông Đồ, rồi ảnh thánh, hình dáng ngôi nhà thờ, các linh mục mặc áo đen, ca những khúc ca lạ, để râu dài, nhà thờ thiếu sưởi ấm, các cây nến và cả âm nhạc nữa … tất cả đều nhắc các tín hữu Chính Thống nhớ tới tính mầu nhiệm của Đạo và nhà thờ bao giờ cũng được xây theo chiều hướng ấy (3).

Giống như phần lớn các nhà thờ Chính Thống khác, Nhà Thờ Thánh Gabriel khá nhỏ về kích thước, mục đích là để dễ đem người ta vào việc thờ phượng chung, mặc dù việc thờ phương chung này không hoàn toàn giống như việc thờ phượng chung trong các giáo hội Phương Tây. Chính Thống Giáo quan niệm rằng việc thờ phượng đó đưa tín hữu vào việc cùng tham dự một công việc thánh để rồi sau đó lại tách rời họ ra và nhắc họ nhớ rằng điều thánh thiện ở bên trong, còn điều không thánh thiện thì ở bên ngoài kia. Nhà thờ thường mờ mờ ảo ảo và thường không có hệ thống sưởi ấm để nhắc tín hữu nhớ rằng ánh sáng và sức nóng duy nhất của Chúa phát xuất từ cây nến và tư tưởng bạn phải tập trung quanh cây nến ấy.

Địa điểm Truyền Tin của anh em Chính Thống được chọn như trên vì dựa vào bản văn Kitô Giáo thuộc thế kỷ thứ hai, tức phúc âm ngoại thư gọi là Phúc Âm Đầu Hết của Giacôbê (Jacobi Protevangelium). Theo phúc âm này, Đức Mẹ là một trong bẩy trinh nữ được chọn từ dòng dõi Đavít để đan một tấm màn mới cho Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ Giêrusalem. Một ngày kia, khi đang đi kín nước tại suối nước trong thành Nadarét, ngài nghe có tiếng phát ra: “Kính chào, cô đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng cô, cô có phúc hơn mọi người nữ”. Ngài nhìn qua bên phải và tìm xem tiếng chào đó từ đâu mà tới và bắt đầu run sợ. Rồi ngài trở về nhà, đặt vò nước bên cạnh, ngồi xuống, lấy sợi ra và bắt đầu đan. Lúc ấy, một thiên thần hiện ra với ngài…”. Trình thuật của Luca (1:26-38) chỉ nhắc đến tên thành Nadarét, chứ không nhắc chi tới địa điểm xẩy ra biến cố Truyền Tin, mặc dù các bản văn Tân Ước tiếng Việt đều dịch là “sứ thần vào nhà trinh nữ” hay “vào nơi trinh nữ ở”.

Truyền thống Công Giáo và Tin Lành nói chung vẫn cho là sứ thần Gabriel truyền tin cho Thánh Nữ Đồng Trinh tại nhà ngài như lời dịch của bản văn tiếng Việt. Và địa điểm Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin hiện nay đã trở thành thánh điểm hành hương từ thế kỷ thứ 4, như là nơi Đức Mẹ được chính thức mời gọi làm Mẹ hạ sinh Chúa Cứu Thế.

Vương Cung Thánh Đường này là một tòa kiến trúc tân thời do Giáo Hội Công Giáo xây trên các tàn tích cũ của các nhà thờ thời Byzantine và Thập Tự Chinh. Hang Truyền Tin trong các nhà thờ này đã được nhìn nhận là địa điểm truyền tin từ thế kỷ thứ 4. Người ta không rõ nhà thờ đầu tiên được xây ở đấy năm nào, nhưng một bàn thờ đã được nhắc đến vào năm 384 và đến năm 570, người ta có nhắc tới một ngôi nhà thờ tại đó.

Ở bên dưới nhà thờ hiện nay, khảo cổ đã đào được một nhà thờ theo kiểu Byzantine, đã có từ thế kỷ thứ 4 hay thế kỷ thứ 5. Nó có ba cánh, một hậu cung kéo dài và một tiền đình lớn. Một đan viện nhỏ được xây ở phía nam nhà thờ. Năm 680, một người hành hương tên Arculf cho hay đã thấy hai nhà thờ tại Nadarét, một ở tại Suối Đức Mẹ, một tại địa điểm hiện nay. Nhà thờ Byzantien tại địa điểm Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin hiện nay tồn tại tới cuối hế kỷ thứ 9, lúc 12 đan sĩ có liên hệ tới nhà thờ này được nhắc tới trong Bản Tưởng Niệm năm 808. Nhà thờ này sau đó có lẽ đã bị hủy hoại trước hoặc trong thời Thập Tự Chinh; Năm 1106-1108, đan viện trưởng Daniel ghi lại rằng nó bị bỏ hoang và đã được Tancred (lãnh tự Thập Tự Chinh đầu tiên) và người Franks tái thiết toàn diện.

Nhà thờ do Thập Tự Chinh xây lớn hơn nhà thờ Byzantine. Nhà thờ này có ba cánh và sáu gian. Một đền thánh nhỏ ở cánh phía bắc chứa Ngôi Nhà Đức Mẹ ở phía dưới. Về phía nam của nhà thờ, người ta thấy nhiều cơ sở của một đan viện, và về phía bắc, là toà giám mục. Sau trận đánh năm 1187, cư dân Kitô Giáo của Nadarét vào trú ẩn trong nhà thờ này nhưng tất cả đều bị sát hại. Nhà thờ do đó bị phạm thánh, nhưng vẫn được để yên. Năm 1192, Salah al-Din cho phép một số giáo sĩ được trở lại và cho phép Kitô hữu lui tới nhà thờ. Vua Thánh Louis đã tới hành hương tại đây năm 1251. Tuy nhiên, vào năm 1263, một tiểu vương Baybars tấn công Nadarét và phá bình địa ngôi nhà thờ này. Kitô hữu vẫn được phép viếng hang truyền tin, mà chính người Hồi Giáo cũng tôn kính, tuy nhiên họ không được phép tái thiết nhà thờ. Qua thế kỷ 14, muốn vào Hang Truyền Tin, khách hành hương phải trả lệ phí vào cửa cho người Hồi Giáo canh hang.

Cũng trong thế kỷ này, các tu sĩ dòng Phanxicô thiết lập một tu viện tại Nadarét và dường như đã kiểm soát được thánh điểm này trong một thời gian vào giữa thế kỷ thứ 16. Họ tái thiết và chiếm giữ tòa giám mục cũ và bắt đầu sửa chữa lại ngôi nhà thờ vào năm 1620. Tuy nhiên, suốt trong các thập niên 1600, họ bị trục xuất nhiều lần. Cuối cùng, vào năm 1730, các tu sĩ này hoàn tất được ngôi thánh đường mới và thánh đường này được nới rộng vào năm 1871.

Nhà thờ trên được phá năm 1955 để xây dựng ngôi thánh đường hiện nay, trên nền các ngôi thánh đường có trước, như trên đã nói. Ngôi thánh đường mới, được thánh hiến năm 1969, là ngôi thánh đường lớn nhất tại cả vùng Trung Đông, là nhà thờ xứ cho 7,000 người Công Giáo tại Nadarét và là thánh điểm hành hương chính của các khách hành hương Công Giáo và Thệ Phản. Đỉnh Vương Cung Thánh Đường là một mái vòm vĩ đại cao 55 thước, có hình dáng Bông Huệ Đức Bà, trùm phủ lên chính hang truyền tin cổ truyền. Từ khắp các ngả Nadarét, người ta có thể nhìn thấy Vương Cung Thánh Đường này. Nó gồm hai nhà thờ, giống như Nhà Thờ Lộ Đức, nhà thờ trên và nhà thờ dưới. Nhà thờ trên được trang trí bằng các tranh ghép Đức Mẹ do các cộng đồng khắp thế giới dâng tặng. Nhà thờ dưới vây quanh Hang hay Động Truyền Tin, nơi thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ và đó chính là cao điểm của Vương Cung Thánh Đường này.

Khi chúng tôi bước vào nhà thờ dưới, thì một bầu khí thờ phượng thực sự đang diễn ra: các sinh viên đại học Paris đang hàng hàng lớp lớp ngồi quanh Hang Truyền Tin, đắm mình vào chiêm niệm. Lặng lẽ bước qua các hàng ngũ sinh viên này, chúng tôi tiến sát gần Hang, lúc ấy được đóng kín bằng một hàng song sắt kiên cố. Nhìn vào trong thấy một bàn thờ có hàng chữ “Verbum caro hic factum est” (Ngôi Lời Đã Thành Nhục Thể Tại Đây). Bản thân tôi cứ mải miết hướng vào hàng chữ ấy mà quay mà chụp, dù bên tai, tiếng người hướng dẫn bảo tôi: chụp phiến đá ở phía dưới bàn thờ mới đúng. Lúc say mê nhìn ngắm các bức tranh ghép tại nhà thờ trên, một bản đồng ca của các sinh viên đại học Paris từ nhà thờ dưới vọng lên qua mái vòm vĩ đại đang tỏa sáng khắp nơi, khách hành hương như sống lại biến cố truyền tin ngày nào, trong đó, một thiếu nữ rất trẻ “dám” trao cả cuộc đời trinh nguyên cho một lời báo tin vô cùng sửng sốt vì đột ngột. Nhờ thế, mà muôn đời ngả mũ kính chào Cô, trong đó có đoàn hành hương bé nhỏ chúng tôi, một đoàn hành hương với thật nhiều tâm tình hỗn tạp.

Đến với Đất Thánh, Morton bảo rằng ông cố gắng loại bỏ tâm thức như lúc còn ở Anh. Vì ở đấy, mỗi lần nghĩ tới Chúa Kitô hay Mẹ Thánh Người, ông chỉ có thể nghĩ đến các Đấng Thiêng Liêng đang ở trên thiên đàng, sẵn sàng nghe lời ông tâm sự, trò truyện, chứ không phải các Đấng Làm Người từng sống, từng ăn, từng ngủ, từng lo âu mệt mỏi, từng lê bước trên những con đường bụi bặm, gập ghềnh. Và bởi thế, có những lúc ông thấy bối rối vì hàng thế kỷ đạo hạnh đã cạnh tranh nhau để xác định cho bằng được chỗ nào là chỗ các Ngài đã bước chân qua, hòn đá nào, ngóc ngách nào các Ngài từng đặt chân tới. Cuối cùng, Morton kết luận: “Nhưng đối với tôi, xem ra không quan trọng bao nhiêu việc có phải thực sự là con đường này, hay nơi kỷ niệm kia. Điều quan trọng là đã có hàng bao nhiêu người đàn ông đàn bà dấn thân trên những nẻo đường này, vào những nơi kỷ niệm kia và đã bắt gặp cái nhìn của Chúa Kitô”. Tâm thức của Morton cũng là tâm thức của tôi khi đứng tại nhà thờ trên của Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin, sau khi thăm Nhà Thờ Chính Thống Giáo Thánh Gabriel, và được chứng kiến lòng đạo ở cả hai nơi.

Lòng đạo ấy càng ngày càng tìm được nhiều biểu thức mới lạ hơn, như các bức tranh đại biểu cho mọi dân tộc trên thế giới đang trang hoàng các bờ tường bao quanh Vương Cung Thánh Đường, trong đó có cả bức tranh Đức Mẹ Việt Nam. Điều đáng tiếc là các bức tranh này phần lớn không mô tả biến cố truyền tin mà chỉ vẽ hình Đức Mẹ bồng con. Thiển nghĩ chắc vì biến cố ấy siêu việt quá, khó lòng dùng cây cọ hay bất cứ phương tiện gì để lột tả. Không lạ gì, chính Hang hay Động Truyền Tin cũng chỉ bao gồm một bàn thờ đơn giản với hàng chữ chân phương “Ngôi Lời Đã Thành Nhục Thể Tại Đây” để chỉ người biết chiêm niệm mới nắm bắt được chút gì của biến cố mầu nhiệm này.

Bỏ Nhà Thờ Truyền Tin, chúng tôi đi theo một sân dài, dọc tu viện Phanxicô mà bên dưới ngổn ngang các đồ vật do khảo cổ khai quật từ ngôi làng Nadarét nguyên thủy, tới nhà thờ Thánh Giuse, nằm song song với Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin, để cử hành Thánh Lễ trong ngày. Theo truyền thuyết, Nhà Thờ Thánh Giuse được xây trên xưởng mộc của Thánh Gia. Nhưng truyền thống sau đó cho rằng nó được xây trên chính ngôi nhà của Thánh Giuse và Thánh Gia. Cái hang bên dưới nhà thờ được các cư dân thời Đế Quốc La Mã sử dụng làm chỗ chứa nước và lương thực, một lối sắp xếp khá tiêu biểu cho các căn hộ vào thời ấy. Nơi này vào thời Byzantine, đã được biến thành nơi thờ phượng. Thời Thập Tự Chinh, nghĩa là thế kỷ 12, một nhà thờ khác đã được xây trên nhà thờ thời Byzantine. Đó chính là nhà thờ Nuôi Dưỡng hay Nhà Thánh Giuse. Nhà thờ này sau đó bị người Ả Rập phá hủy vào năm 1263 sau khi đánh bại Thập Tự Quân. Năm 1745, tức dưới thời đế quốc Thổ (Ottoman), các tu sĩ Phanxicô mua lại nhà thờ Thập Tự Quân đã đổ nát và xây ở đấy một nhà nguyện vào năm 1754. Ngôi nhà thờ mới hiện nay được các tu sĩ Phanxicô tái thiết năm 1914 bên trên các nhà thờ và hang trước đây.

Trong nhà thờ, có nhiều tranh và kính mầu vẽ các sinh hoạt của Thánh Gia, trong đó có khung kính mầu diễn tả lễ cưới của Thánh Giuse và Đức Mẹ. Nhưng khung kính mầu cảm động nhất là cảnh Thánh Giuse hấp hối trong tay Đức Mẹ và Chúa Giêsu lúc ấy đã trưởng thành. Một tay đỡ lấy tay phải dưỡng phụ, tay kia Chúa đưa lên chúc phúc cho ngài. Đức Mẹ thì một tay đặt lên vai chồng mình, tay kia nắm lấy tay trái của ngài, mắt không rời người chồng thân yêu đang sắp xa lìa hai mẹ con. Không còn cảnh nào nhân bản bằng cảnh chia ly này.

Dĩ nhiên phải có tranh mô tả Chúa Giêsu học nghề thợ mộc với Thánh Giuse. Lúc tới Nadarét vào đầu thế kỷ 20, Morton cho hay ông thấy cả một dẫy phố những tay thợ mộc mà phần đông đều là Kitô hữu gốc Ả Rập, đang bận rộn cùng cưa cùng bào, mà sản phẩm phổ thông nhất là những chiếc nôi bằng gỗ, đu đưa được, thường sơn mầu xanh, một mầu người ta tin có thể xua được ma qủy. Khi đứng trong các cửa tiệm đó, ông tự hỏi: thực ra Chúa Giêsu có làm nghề thợ mộc hay không. Thánh Máccô gọi Người là “thợ mộc” (6:3), nhưng Thánh Mátthêu chỉ gọi Người là “con bác thợ mộc” (13:55). Chỉ dựa vào các ví von của Chúa Giêsu để chứng tỏ Người là một bác thợ mộc chuyên nghiệp quả là việc khó. Thí dụ, Người từng ví con đường cứu rỗi như “chiếc cổng hẹp”, khuyên ta nên “xây nhà trên đá” chứ không xây trên cát, cho rằng “ách” của Người nhẹ nhàng, hay nói về người chủ vườn nho dựng tháp canh cho vườn nho, hoặc ông vua xây tháp mà không chịu ngồi tính toán phí tổn… tất cả cho thấy Người rất quen thuộc với công việc của một người thợ mộc. Nhưng những ví von ấy không đủ để chứng tỏ Người hành nghề thợ mộc, vì Người cũng có những hiểu biết như thế về nhiều ngành nghề khác và từng đem những hiểu biết ấy vào các giáo huấn của Người. Ngày nay, không còn một con phố nào ở Nadarét dành riêng cho các bác thợ mộc. Và những chiếc cưa, chiếc bào, chiếc đục cổ truyền có chăng chỉ còn trong Khách Sạn Thánh Gia gần Đền Thờ Hồi Giáo và khu chợ chính của Nadarét, nơi chúng tôi dùng bữa trưa ngày đầu tiên trên Đất Thánh.

Chú thích

(3) Experiencing the Orthodox Church: Mystify, Mystify Me by Polina Slavcheva, SofiaEcho.com, 4/25/2006.
 
Dòng Chúa Cứu Thế Saigòn có thêm 9 tân phó tế
Anmai, CSsR
15:22 22/08/2009
SAIGÒN - Sáng nay 22-8, hoà chung niềm vui với Giáo Hội mừng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, Dòng Chúa Cứu Thế dâng Thánh Lễ tạ ơn trao sứ vụ phó tế cho quý thầy mãn chương trình Học Viện niên khoá 2003-2009. Các tiến chức hôm nay lãnh sứ vụ phó tế là quý thầy:

Vinhsơn Liêm Nguyễn Trường Chính
Giuse Trương Văn Minh
Gioan Nguyễn Đức Phú
Phêrô Lê Thanh Phục
Vinhsơn Phạm Cao Quý
Giuse Phạm Đình Trí
Phêrô Phan Công Trường
Máctinô Vũ Đồng Tùng
Giuse Trương Hoàng Vũ

Đặt tay trao sứ vụ phó tế cho quý thầy hôm nay là Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục chánh tòa Giáo Phận Cao Bằng Lạng Sơn. Sự hiện diện và ban chức thánh của Đức Giám mục Cao Bằng Lạng Sơn trong Thánh Lễ sáng nay mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc là mời gọi Dòng Chúa Cứu Thế tiến về các miền truyền giáo, đó cũng là ý hướng quan trọng nhất mà Công hội Tỉnh nhiều lần xác quyết.

Với giọng nói truyền cảm và lời huấn hết sức ngắn gọn và ý nghĩa của Đức Cha đã để lại “một chút gì đó” gọi là tâm tình phục vụ mà Đức Cha muốn gửi đến cộng đoàn và cách riêng là quý thầy lãnh sứ vụ hôm nay về sứ vụ phó tế: “phó tế là những thừa tác viên của Lời Chúa, của các mầu nhiệm Thánh và của đức ái”.

Đức Cha đã gợi lên hình ảnh của ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất cho cộng đoàn phụng vụ hôm nay. Ngài gợi lên hình ảnh của một con người nhỏ bé, không biết ăn, không biết nói nhưng nhờ sức mạnh của Chúa và ơn của Chúa, Giêrêmia đã hoàn thành một cách tốt đẹp sứ mạng loan báo lời Chúa mà Chúa đã mời gọi. ..

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Cha Giám Tỉnh không quên cảm ơn Đức Cha đã cất bước từ vùng núi Cao Bằng - Lạng Sơn đã nhận lời mời đến với Dòng Chúa Cứu Thế trong Thánh lễ đặc biệt sáng hôm nay. Cha Giám Tỉnh cũng nhắc lại một chút khẩu hiệu, sứ mạng mà Đức Cha Giuse đã chọn khi làm mục tử của Chúa là đến với miền núi, đến với anh chị em dân tộc và đến với người nghèo …

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha, một lần nữa chia sẻ hết sức chân tình tâm tình của Ngài, cuộc đời của Ngài với cộng đoàn. Hình ảnh của Giêrêmia cũng có lẽ là hình ảnh của Ngài, Ngài là người không biết ăn, không biết nói nhưng tin rằng Chúa sẽ dẫn dắt Ngài. Cũng trong tâm tình đó, Đức Cha như muốn “nói riêng” với quý thầy Phó tế hôm nay cũng khiêm tốn trao phó cuộc đời mình trong tay Chúa như Giêrêmia vậy.

Và, hết sức đặc biệt, Đức Cha nhắc nhở các thầy hôm nay phải cố gắng sống đời sống đức tin và đức ái thật tốt và nhất là sống lời Chúa thì mới có thể rao giảng được trong thế giới hôm nay, trong thế giới mà nền văn hoá sự chết, nền văn hoá đặt vào danh vọng và tiền bạc hơn là Chúa. Bên ngoài sự hào nhoáng của tiền bạc, của danh vọng ấy chính là con đường dẫn ta đi xa Chúa hơn …

Thánh lễ trao sứ vụ Phó tế hôm nay kết thúc với diễn ý Chúa Giêsu trao gởi cho các môn đệ xưa thật thân thương được Cha Quang Uy viết:

Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em
Mau mau lên đường loan báo Tin Mừng Thiên Chúa
Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em
Sống giữa muôn đời, làm chứng cho tình yêu
.

Vâng ! Sứ vụ của môn đệ Chúa nói chung và phó tế, cách đặc biệt là lên đường và loan báo một tình yêu của Thiên Chúa giữa một thế giới còn nhiều đổ nát về tình yêu, tình người.

Thánh lễ trao sứ vụ rồi cũng qua đi, bầu khí tưng bừng của ngày lễ hội cũng sẽ hết. Rồi nay mai đây, các thầy sẽ nhận bài sai lên đường phục vụ của Cha Giám Tỉnh. Bước đường phục vụ tương lai đang mở ra trước mắt các thầy, ắt hẳn sẽ còn và còn rất nhiều khó khăn trong hành trình mới.

Nguyện xin Chúa, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Cha Thánh Anphongsô và các thánh - chân phúc trong Dòng luôn che chở và phù trì trên mọi nẻo đường mà quý thầy sẽ tiến bước.

Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương – 2009

Anmai, CSsR
 
Lễ tuyên khấn lần đầu và khấn trọn đời tại Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
Trương Trí
15:55 22/08/2009
HUẾ - Lúc 6 giờ sáng ngày 22-08-2009, giữa bầu khí trong lành ban mai, hòa chung niềm hân hoan của Hội dòng Con Đức Mẹ đi viếng Huế và thân nhân gia đình các nữ tu tuyên khấn. Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân kỷ niệm 6 năm ngày Cung hiến Nguyện đường của Hội dòng, đồng thời mừng hồng ân tuyên khấn của các nữ tu.Cùng đồng tế có Đức Giám mục phụ tá Phanxicô xaviê Lê Văn Hồng,Đan Viện phụ đan viện Thiên an và các linh mục trong cũng như ngoài giáo phận.

,u>Xem hình ảnh

Trong âm vang bài ca nhập lễ: “Lòng con hân hoan bước vào cung điện nhà Chúa, dâng lên Chúa bài ca cảm tạ biết bao ân tình Chúa đã tặng ban... Dâng lên Chúa trọn cả xác hồn dẫu cho trần gian mưa nắng đổi thay.” Đoàn đồng tế tiến vào nguyện đường được dẫn đầu bởi các nữ tu nghiêm trang cầm Thánh giá với đèn hầu hai bên, cha mẹ và các tân khấn sinh vinh dự đứng trong đoàn rước Đức Cha chủ tế và đoàn đồng tế.

Sau phần phụng vụ lời Chúa, trước khi cử hành nghi thức tuyên khấn Đức Tổng Giám mục xướng kinh Chúa Thánh Thần,tiếp đó trong bài huấn từ Ngài trích trong Tin mừng: các môn đệ hỏi Chúa Giêsu “ Ai là người lớn nhất trong nước trời”, Ngài đưa một em bé vào ngồi giữa các môn đệ và nói: nếu ai trong các con không trở nên như trẻ nhỏ này thì chẳng được vào nước trời. Các tông đồ ngạc nhiên trước sự kiện này:kẻ lớn nhất lại là người nhỏ nhất.Trong Tin mừng đã nhiều lần làm đảo lộn như thế.Chúa Giêsu đã nêu lên luật Môisê dạy rằng:Anh em hảy yêu thương đồng loại và hảy ghét kẻ thù.Còn Thầy bảo anh em:Hảy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ đã ngược đãi anh em.Chúa Giêsu còn bảo:Những người đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót và người đứng hàng cuối sẽ lên trên hết.Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất còn ai thí mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được mạng sống ấy.Đức Tổng Giám mục còn nói:Trẻ em có những tính xấu nhưng lại có nhiều tính tốt nổi trội hơn.Trẻ em không giận hờn lâu,không lừa dối,không mưu mô tính toán,không phản bội,không màng danh lợi.Trẻ em ngây thơ hồn nhiên và khiêm tốn.

Thật vậy,với tôn chỉ Hội dòng:Khó nghèo,đơn sơ và phó thác vào Chúa.Đức Tổng Giám mục đã huấn dụ cho các nữ tu đời sống khiết tịnh và trở nên đơn sơ như những trẻ em,vì đó chính là những người lớn nhất trong nước trời.

Với phần nghi thức tuyên khấn lần đầu, nữ tu Giám tập xướng tên và giới thiệu các tân khấn sinh với Đức Tổng Giám mục đại diện Hội Thánh và các các chị đã đọc lời tuyên khấn lần đầu. Nữ tu Maria Ane Nuyễn Thị Lợi tổng phụ trách Hội Dòng đã dâng khăn lúp lên Đức Tổng Giám mục để Ngài làm phép và trao cho các tân khấn sinh như dấu chỉ hoàn toàn thuần phục Chúa Kitô và hiến thân phục vụ Hội Thánh. Sau đó Ngài cũng đã trao luật sống cho các khấn sinh.

Nghi thức vĩnh khấn: Sau khi đọc lời tuyên khấn trọn đời cho Chúa, Đức Tổng Giám mục chủ sự đã đọc lời nguyện chúc một cách long trọng. Các chị đã phủ phục trước bàn thờ để dâng lời ca ngợi khen Thiên Chúa và “xin tiếp nhận con”. Nữ tu Tổng Phụ trách Hội Dòng cùng các nữ tu trong ban giám đốc thay mặt Hội Dòng ôm hôn các Tân khấn sinh vĩnh khấn để biểu tỏ sự chấp thuận vào cuộc sống chung với chị em trong Hội Dòng, cùng nhau sẻ chia mọi công việc để cùng Hội dòng phát triển trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cộng đoàn.

Các tân khấn sinh đã trải qua một thời gian thử thách sau khi tiên khấn để thực hiện lối sống theo ba lời khuyên của Tin mừng. Chính thời gian ấy đủ để các khấn sinh vĩnh khấn nhận thức được ơn gọi của mình là tận hiến cuộc đời cho Chúa.

Cuối thánh lễ, trước khi Đức Tổng Giám mục chủ sự ban phép lành, nữ tu Maria Ane Nguyễn Thị Lợi tổng phụ trách đã thay mặt Hội Dòng nói lời tri ân Đức Tổng Giám mục, Đức giám mục phụ tá, Đức Đan viện phụ, các linh mục đồng tế, các bề trên dòng cũng như tất cả cộng đoàn đã vì tình yêu thương Hội Dòng mà đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và hiệp thông lời cầu nguyện cho Hội Dòng. Đồng thời cũng cám ơn cha mẹ và gia đình các tân khấn sinh đã dâng hiến con cái mình cho Chúa, xin Chúa luôn quan phòng và ban nhiều ơn lành cho Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá, Đức Đan viện phụ, các linh mục, các vị ân nhân và toàn thể cộng đoàn.

Sau thánh lễ các tân khấn sinh và gia đình thân nhân hân hạnh được chụp hình lưu niệm với Đức Tổng Giám mục và đoàn đồng tế, đồng thời tham dự tiệc mừng để chia sẻ niềm vui với Hội Dòng và các tân khấn sinh.

Cũng trong dịp kỷ niệm ngày cung hiến Nguyện đường, vào sáng ngày 20.8, Hội Dòng cũng đã tiến hành nghi thức nhập dòng cho 14 em thanh tuyển vào “Nhà Tập”, 15 em vào “Nhà Thử” và 40 nữ tu tuyên lại lời khấn.

Hội Dòng con Đức Mẹ đi viếng với mục đích quan trọng hàng đầu là Truyền Giáo vì Truyền Giáo là tâm tình và là hoạt động ưu tiên trong đời sồng cộng đoàn thể hiện qua:

- Cầu nguyện, hy sinh, làm chứng tá cho Chúa bằng đời sống khó nghèo.
- Thăm viếng ủi an những người nghèo khổ, bệnh tật, già cả neo đơn.
- Tham gia mục vụ tại các giáo xứ.
- Hoạt động bác ái trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục và y tế.

Trong tất cả các họat động đều ưu tiên cho người nghèo và lương dân.

Hiện nay, ngoài Nhà Mẹ và các cộng đoàn của Hội Dòng con Đức Mẹ đi viếng đang phục vụ tại Tổng Giáo phận Huế, Hội Dòng còn có các cộng đoàn phục vụ tại các giáo phận Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, Bà Rịa và Sài Gòn đang ngày càng vững mạnh.
 
Hội nghị toàn quốc của Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc Hội Đồng GMVN
LM Tạ Huy Hoàng
16:02 22/08/2009
SAIGÒN - Ngày 20 tháng 8 năm 2009, tại Trung tâm văn hóa Công giáo Việt Nam (Nhà truyền thống Tổng giáo phận Sài Gòn), số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, UBGD trực thuộc HĐGMVN đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, qui tụ các đại biểu đặc trách giáo dân từ mọi miền đất nước. Vì nhiều lý do, trên 90 tham dự viên về dự hội nghị mới chỉ là các đại biểu thuộc 19 giáo phận; trong đó có sự tham dự của không ít những anh chị em giáo dân thường xuyên gắn bó với sinh hoạt của Văn phòng ủy ban giáo dân. Nếu căn cứ vào thư của Đức cha chủ tịch mời khoảng hai hoặc ba vị đại biểu mỗi giáo phận, thì sự hiện diện của trên 90 đại biểu dự hội nghị đã thực sự là niềm khích lệ lớn lao cho Ban tổ chức.

Xem hình ảnh

UBGD hiện do Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục giáo phận Long Xuyên, làm chủ tịch. Văn phòng của ủy ban đang tạm đặt tại giáo xứ Thánh Tống Viết Bường, J10 Hương Giang, phường 15, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, mà linh mục chính xứ, cha Giuse Tạ Huy Hoàng, là Tổng thư ký của ủy ban.

Thời gian buổi sáng được dành trọn để các đại biểu thảo luận về bài viết “Vai trò người giáo dân trong Giáo hội Việt Nam 50 năm qua”. Các đại biểu của 19 UBGD giáo phận đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực và hết sức quý báu cho việc hoàn thiện bài viết này. Sau khi hiệu đính, bài viết sẽ được gửi cho Ủy ban năm thánh 2010 để kịp xuất hiện trong Kỷ yếu Năm Thánh, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2010).

Sau bữa cơm trưa tự chọn, đơn giản, thân mật và đầy tình giao lưu huynh đệ (với ít nhiều trao đổi sôi nổi), các đại biểu đã trở lại phòng họp lúc 13 giờ 15. Trong sinh hoạt hội nghị của Hội thánh, chưa mấy khi có được một hội nghị mà ở đó giáo dân đã hăng hái phát biểu, nói lên những tâm tư nguyện vọng của mình. Các giáo sĩ hiện diện chăm chú lắng nghe với tất cả chân thành và hiểu biết.

Suốt buổi chiều, Hội nghị đã thảo luận về nhiệm vụ thực hiện một đề cương quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ.

Trong thực tế, có những giáo phận đã có những quy chế rõ ràng về việc tổ chức và điều hành các hội đồng mục vụ, từ cấp giáo xứ đến giáo phận; có giáo phận còn đang cho thử nghiệm; có giáo phận vẫn còn theo thói quen lâu đời…. Ban tổ chức hội nghị đã để cho mọi phát biểu được “trăm hoa đua nở”, với nguyện ước là sẽ tìm ra được một mẫu số chung cho Hội thánh Việt Nam trong tình thế hiện nay.

Hội nghị toàn quốc UBGD trực thuộc HĐGMVN đã kết thúc trong ngày.
 
Mời giáo dân tham dự Thánh lễ khai mạc nhân dịp Đại Hội các Linh mục Việt Nam tại Hoa Kỳ ở Santa Clara, California
Nguyễn Trọng Hiền
17:55 22/08/2009
SANTA CLARA, CA – Linh mục Phan Quang Cường, Trưởng Ban Tổ Chức Hành Trình Emmaus 3: Họp Mặt Huynh Đệ Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ, kính mời toàn thể giáo dân San Jose, California, và những vùng lân cận tham dự hai Thánh lễ:

  • Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội tại nhà thờ Our Lady of Peace, Santa Clara, California: Thứ hai 24 tháng 8, 6:30 pm. LM Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo tại Hoa Kỳ, chủ tế, cùng với trên 130 linh mục đồng tế.
  • Thánh Lễ trọng thể tại nhà thờ chánh tòa Christ of the Light, Oakland, California: Thứ Tư 26 tháng 8, 10 am. ĐGM Mai Thanh Lương, Giám mục phụ tá Giáo phận Orange, California, chủ tế, cùng với 130 linh mục đồng t ế.
Hành Trình EMMAUS III - Hơn 130 linh mục Việt Nam tại Hoa Kỳ đang trên đường bay về San Jose để dự Đại Hội “Hành Trình EMMAUS III” hay còn gọi là: “Xin Cho Chúng Con Nên Một.” tại Santa Clara Marriott Hotel, từ thứ Hai 24 - thứ Năm 27 tháng 8 năm 2009.

Các linh mục Việt Nam sẽ đến San José từ khắp các tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Các ngài thuộc các nhà thờ và địa phận khác nhau. Riêng tại San Jose các linh mục Việt Nam tham dự Đại Hội gồm có: LM Phan Quang Cường (Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội), LM Nguyễn Văn Thư, Đức Ông Đỗ Văn Đĩnh, LM Nguyễn Đình Truyền, LM Lưu Đình Dương, LM Đinh Đức Hảo, LM Phan Thế Lực và LM Trần Đình Thảo.

Chương trình Đại Hội được dự trù hàng ngày như sau:

Thứ Hai, 24 tháng 8 – Ngày khai mạc Đại Hội “Ai đón tiếp kẻ Thày sai đến là đón tiếp Thày, ai đón tiếp Thày là đón tiếp Đấng đã sai thày.” (Ga 20; Mc 9:37) Buổi chiều, các linh mục sẽ có mặt và ghi danh tại Marriott Hotel. Sau dó, lúc 6:30 giờ chiều tất cả các linh mục hiện diện sẽ cùng nhau sắp hàng đi bộ từ Marriott Hotel băng qua Đại Lộ Great America để tiến về thánh đường Our Lady of Peace - Nữ Vương Hòa Bình để cử hành thánh lễ khai mạc Đại Hội. LM Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo tại Hoa Kỳ, đến từ tiểu bang Georgia, sẽ chủ tế thánh lễ, cùng với 131 linh mục đồng tế, và LM Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic đến từ Tổng Giáo phận Los Angeles phụ trách phần thuyết giảng.

Thứ Ba, 25 tháng 8 - “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày yêu thương anh em.” (Ga 13:34; 15:12) Buổi sáng, LM Đào Quang Chính sẽ thuyết trình, đề tài “Phục Vụ Nhữnh Sắc Dân Khác Nhau.” Sau đó sẽ có Thánh lễ do LM Nguyễn Đức Trọng chủ tế và LM Nguyễn Nam Thảo, SJ giảng thuyết. Buổi chiều, Các thuyết trình viên gồm có Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, Nữ Tu Thúy Liễu, LM Trịnh Tuấn Hoàng sẽ thuyết trình đề tài, “Sự Liên Đới Giữa Linh Mục Và Tu Sĩ.”. Sau đó, Sư Huynh LaSan Trần Trọng An-Phong, LM Nguyễn Hoài Chương và LM Đồng Minh Quang (cha sở nhà thờ Chánh toà Oakland) sẽ cùng nhau nói về vấn đề, “Tại Sao Giới Trẻ Bỏ Đạo và Làm Thế Nào Để Hướng Dẫn Họ Trở Lại.”

Thứ Tư, 26 tháng 8 - “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thày ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Đức cha Mai Thanh Lương sẽ chủ tế Thánh lễ, cùng với 131 linh mục đồng tế vào lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Chánh tòa Oakland, Christ of the Light, và LM Nguyễn Đông Hùng thuyết giảng. Kế đến vào lúc 11:30 giờ sáng Đức cha Lương sẽ thuyết trình đề tài “Làm Sao Để Phát Triển Tình Huynh Đệ”, sau đó là phần thảo luận. Buổi chiều ngày hôm nay các LM sẽ có chương trình du ngoạn và thăm danh lam thắng cảnh thành phố San Francisco.

Thứ Năm, 27 tháng 8 - “Không phải anh em đã chọn Thày nhưng chính Thày đã chọn anh em.” Ga 15:16) Đề tài thuyết trình: “Linh Mục và Bí Tích Thánh Thể” (Thần Học Bí Tích & Chức Năng Chủ Tế) sẽ do LM Nguyễn Khắc Hy, SS thuyết trình, và sau đó các linh mục sẽ cùng nhau thảo luận.

Sau cùng, để kết thúc Đại Hội, LM Phan Quang Cường sẽ chủ tế Thánh lễ bế mạc vào lúc 10 giờ 45 sáng, và tân Linh mục Lê Trung Tướng thuyết giảng. Đại hội bế mạc lúc 12 giờ trưa.
 
Vì tương lai của Xã hội và Giáo hội
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:20 22/08/2009
Không ai phủ nhận chân lý: Giới trẻ hôm nay là xã hội, là Giáo Hội ngày mai. Một trong những nỗ lực của các Giáo Hội địa phương lẫn toàn cầu để xây dựng tương lai đó là tổ chức những ngày Đại hội Giới trẻ. Một vài ngày tập trung giới trẻ để sinh hoạt, để nghe thuyết trình, thảo luận, chia sẻ… quả là đáng quý, đáng trân trọng. Nhiều kết quả tốt đẹp thu hái được thật đáng khích lệ. Thế nhưng, gần đây, như một quả bom bùng nổ qua kết quả nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự với đề tài: “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức - nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường đại học tại TP HCM trong giai đoạn hiện nay”, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ có tính khả tín rõ nét, cho dù con số sinh viên được tham khảo chưa đến 1000. Kết quả khảo sát cho thấy:

  • 36% sinh viên cho biết làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt;
  • 32% chấp nhận hành vi vô ơn;
  • 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng;
  • 28% có tư tưởng trả thù, báo oán;
  • 18% nói sẵn sàng đưa lợi ích cá nhân lên trên hết;
  • 60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ…
(Báo Pháp luật TPHCM ngày 22-6-2009; Tuần báo Cgvdt số 1713).

Biết rằng xưa lẫn nay, không có kết quả nghiên cứu nào mang tính khách quan hoàn toàn và phản ánh thực tại cách chính xác. Tuy nhiên với con số tuyệt đối là gần cả ngàn sinh viên được chọn lựa có chủ đích để mang tính đại diện thì kết quả nghiên cứu cũng mang nét khả tín cách nào đó. Hơn nữa, độ tin cậy của con số tương đối cũng khiến chúng ta giật mình để rồi cùng nhau đặt vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, đến cung cách ứng xử, lối sống, nếp nghĩ của tầng lớp vốn là tương lai của xã hội. Đã khảo sát số liệu phản ánh một hiện tượng xã hội nào đó thì phải truy tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp. Đây chính là mục đích nhắm của các nhà nghiên cứu, khảo sát. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cùng các cộng sự ở trên, xin được góp một cái nhìn để truy tìm các nguyên nhân và từ đó đề ra một giải pháp khắc phục.

Trước hết chúng ta cùng điểm qua một vài nhận định của những người hữu trách hoặc có tâm huyết trong và ngoài Giáo Hội về thực trạng nền giáo dục tại Việt Nam.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam năm 2008, tác giả Hoàng Cúc qua bài viết về chuyện giáo dục đã nhận định rằng dân Việt chúng ta và nhất là nhũng vị nắm quyền điều hành đất nước đang mắc cái bệnh “tự huyễn hoặc”. Tự huyễn hoặc về bản thân, về dân tộc, về tập thể lãnh đạo là một trong những hình thức tự cao, tự đại, tự mãn. (x. bản tin Vietcatholic News- Thứ Ba 18/11/2008) Hệ quả tất yếu là không nhìn nhận đúng hiện trạng của mình, lừa dối kẻ khác và lừa dối cả bản thân. Dĩ nhiên bản thân nhận ra ngay sự không tương hợp giữa thực tại và điều mình nghĩ, điều mình nói, nhưng khi sự giả dối tồn tại cách lâu dài và mang tính phổ biến thì dần dà người ta an tâm trong sự giả dối ấy, chưa kể có khi, có người lại nhầm lẫn sự giả dối ấy là chân lý.

Ngay cả những vị hữu trách trong ngành giáo dục cũng đã nhìn nhận hiện trạng này khiến Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đã phát động chiến dịch nói không với bệnh thành tích và sự gian dối trong thi cử. Năm 2009 Bộ Giáo Dục Đào tạo đã ra đề thi trong kỳ thi tuyển đại học khối C với nội dung yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. Không lâu sau đó, báo Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn “Sống trung thực, được gì?” (Tuần Báo CG và Dt số 1719 trang 9).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng căn bệnh giả dối của xã hội chúng ta hôm nay là hậu quả của ba tầng tàng dư văn hóa: xã hội phong kiến tôn thờ đạo Khổng, cái văn minh salon phong khách của Pháp và cái giáo điều, giả dối trong mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu cũ. (Vietnamnet Thứ ba 11/8/2009) Mức khách quan và chính xác của nhận định này ra sao chúng ta cũng nên xem xét. Tuy nhiên, cần chân nhận rằng cái nguyên nhân gây ra căn bệnh giả dối không thể xuất phát tư những người thấp cổ bé miệng hay khố rách áo ôm, mà phải từ những người ở địa vị cao, chức quyền lớn. Cha ông chúng ta đã thừa nhận sự thật này: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Một trong những sự bất chính của những người ở vai vế trên, đó là thiếu ngay thẳng với bản thân mình cũng như với xã hội. Bên cạnh đó, những luật lệ chế tài cũng thường thiếu công minh với những người bên trên khi họ vi phạm một lỗi gì đó. Quan xử tình, dân xử nhặt hoặc kiểu đứng nhìn con hổ tha con trâu mà tìm cách đánh cho được con mèo tha con cá vẫn còn là chuyện thường ngày. Tiến Sĩ Trịnh Hòa Bình đã làm so sánh: “Ở một số quốc gia có sự tương đồng về văn hóa với Việt nam chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, tại sao một cựu Tổng thống có thể tự tử vì xấu hổ, dĩ nhiên đã có nhận tội, tại sao một Thủ Tướng hay một vị Bộ trưởng sẵn sàng từ chức khi làm một điều gì đó sai trái hay khi để một hậu quả nào đó xảy ra, dù mình không trực tiếp gây ra, nhưng nó lại nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình ? Còn ở Việt nam chúng ta thì sao đây ?

Một giáo viên bộc bạch tâm tình trên phương tiện truyền thông rằng cho dù phong trào nói không với bệnh thành tích đã phát động được vài năm, nhưng môi trường giáo dục vẫn còn rất nặng về thành tích (Tuổi trẻ ngày 21-7-2009). Cùng với giáo viên ấy, nhà giáo Khổng Thành Ngọc băn khoăn thêm: “đó là chưa kể đến môi trường công cộng mà người trẻ hằng ngày vẫn tham dự. Ở đó khó lòng phân định thật – giả, đúng – sai, phải – trái …ở đó không ít tình cảnh sự thật bị bóp méo, thiện chí bị nghi ngờ. Sự tráo trở, đổi trắng thay đen vẫn phơi bày trước mặt người ta (CG và DT số 1719 trang 9). Là Kitô hữu Công giáo, hẳn nhiên chúng ta đã không thể không bức xúc trước sự kiện các phương tiện truyền thông chính thức đã cố tình cắt xén để xuyên tạc, bóp méo lời phát biểu vốn rất chân tình, rất đầy tình yêu quê hương của Đức Tống Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt thời gian vừa qua mà cho đến nay vẫn chưa thấy một lời đính chính hay xin lỗi công khai.

Trong bối cảnh ấy, ngày 25-9-2008 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã minh nhiên trình bày “Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” mà một trong những nhận định ấy là: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối luơng tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này”.

Cùng với những nhận định của các bậc vị vọng và những người đang thao thức với tiền đồ dân tộc trên, xin được góp một cái nhìn, cho dù rất có thể vẫn còn mang tính phiếm diện. Xin được mượn một phạm trù mà giáo sư Dương Ngọc Dũng đã dùng, đó là tình trạng “phi chuẩn”, đồng thời xin thêm một phạm trù khác là “sự lệch chuẩn” trong nhận thức của con người xã hội chúng ta nói chung.

Sự phi chuẩn trong nhận thức về nguồn gốc các hiện hữu:

Vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của một trào lưu triết học hay của một tôn giáo nào đó đều là một cái nhìn dưới một góc cạnh nào đó về con người, về thế giới, về vũ trụ. Lịch sử nhân loại cống hiến cho chúng ta nhiều cái nhìn khác nhau, bổ túc cho nhau và có khi là đối nghịch nhau. Về nguồn gốc của các hiện hữu, chúng ta có thể xếp thành ba cái nhìn chính: nhất nguyên, nhị nguyên và vô nguyên (không có nguyên nhân nào). Cuộc sống và cách sống của con người chúng ta và của xã hội thường bị chi phối bởi cái nhìn về nguồn gốc các hiện hữu.

Dù là nhất nguyên hay nhị nguyên thì những cái nhìn này vẫn có chuẩn mực để hướng dẫn lối sống của con người. Trái lại với cái nhìn của triết học duy vật – vô thần thì sự hiện hữu của vũ trụ của con người không có nguyên nhân nào cả. Mọi sự hiện hữu được xem là tự nhiên nếu không muốn gọi là ngẫu nhiên. Đã là ngẫu nhiên thì có thể thế này, có thể thế khác và nhất là không mang giá trị nào cả. Nếu đã nhìn các hiện hữu này là do tự nhiên hay ngẫu nhiên và sự tồn tại của chúng là do sự đấu tranh sinh tồn thì con người sẽ chẳng chịu bất cứ sự chi phối nào bên trên. Ngoài ra nếu hiểu rằng sự tồn tại của bản thân là do kết quả của sự đấu tranh sinh tồn thì vô tình hay hữu ý chúng ta sẽ đặt lợi ích của chính mình lên trên hết, trước hết. Điều này dẫn đến hệ quả là ở các thể chế chọn quan điểm duy vật – vô thần làm nền tảng, sẽ có chủ trương lấy “mục đích biện minh cho phương tiện”, một lối hành xử trái với tiêu chuẩn luân lý tự nhiên và dĩ nhiên trái với luân lý Kitô giáo.

Để có độc lập, có tự do…người ta bất chấp mọi phương tiện, sẵn sàng sử dụng mọi hình thức bạo lực. Để bảo vệ cái thành quả được gọi là “cách mạng”, người ta cũng sẵn sàng sử dụng mọi hình thức độc đoán, độc tài, độc quyền lẫn độc ác. Để duy trì và phát triển lợi ích cá nhân hay tập thể của mình người ta sẵn sàng sử dụng mọi hình thức gian dối, bất công... Đã có đó nhiều nhà lãnh đạo các nước theo chủ nghĩa duy vật – vô thần như Gopbachop, Triệu Tử Dương, sau khi hồi tâm đã nhìn nhận rẳng hậu quả của chủ nghĩa duy vật – vô thần mà nhiều quốc gia chọn lựa chỉ đem đến bạo lực, hận thù, bất công, gian dối.

Khi đã đặt lợi ích của mình lên trên hết và khi nhìn nhận lợi ích ấy là do kết quả của sự đấu tranh sinh tồn thì người ta luôn cảnh giác với tha nhân như là “kẻ thù”. Chính vì thế mà các khẩu hiệu như cảnh giác với thù trong, giặc ngoài, cảnh giác với các thế lực thù địch, với diễn biến hòa bình, với thế lực phản động… được nêu lên nhan nhãn. Nếu tất cả là vì lợi ích của mình thì người ta không từ bỏ mọi thủ đoạn bất chính, gian tà. Để bảo vệ sự bất công thì người ta sẵn sàng sử dụng bạo lực. Để hợp pháp hóa sự bất chính thì người ta sử dụng sự gian dối. Và ngược lại người ta lại dùng sự bạo lực để duy trì sự gian dối. Nhiều người nhận định rằng hai hình thái gian dối và bạo lực luôn đi song hành với nhau, nếu chúng muốn tồn tại. Không có bạo lực thì sự gian dối sẽ bị vạch trần. Nếu sự thật được phát huy và gìn giữ thì bạo lực sẽ không còn có đất sống.

Sự lệch chuẩn trong việc thiết lập bậc thang các giá trị:

Đã là người thì phải sống có đạo đức. Đạo đức con người được quy định và thẩm định căn cứ trên các giá trị được nhìn nhận. Hệ thống giáo dục đất nước ta nói riêng và nhiều nước xã hội chủ nghĩa nói chung đã một thời lại đặt “đạo đức cách mạng” làm tiêu chuẩn hàng đầu và làm nền tảng cho việc thẩm định tư cách đạo đức con người. Ngoài ra người ta còn đồng hóa chủ nghĩa xã hội với quê hương, với dân tộc. Như thế đã có một sự lệch chuẩn trong việc thiết lập bậc thang giá trị. Vì vô tình hay vô tri và cũng có thể là cố ý, người ta đồng hóa những người không ủng hộ cách mạng là không có đạo đức, những người không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước. Chắc chắn tổ tiên ông bà chúng ta sẽ không hài lòng, đúng hơn là rất bất bình với cháu con, vì thời các ngài đâu có cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Chưa kể đến đại đa số dân chúng hiện nay của cả gần như toàn thế giới (ngoại trừ vài nước còn theo chủ nghĩa xã hội) đang không theo hay không biết gì đến cách mạng vô sản hay chủ nghĩa xã hội.

Vì quá nhấn mạnh đến thuộc tính cách mạng nên chúng ta đã bỏ qua cái nền tảng là con người. Với công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986, hệ thống giáo dục nước nhà mới thoặt nhận ra sự khập khiễng, hụt hẫng này để rồi tìm cách xây dựng cái nền tảng là đạo đức làm người với các tiêu chí đạo đức truyền thống Đông phương như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, lòng tôn sư, sự hiếu đạo…Tuy nhiên, từ sự nhận thức đến thực tiễn hành động vẫn còn đó nhiều khoảng cách khó vượt qua, nhất là khi cái cơ chế duy vật vốn hình thành tâm lý duy hiệu năng bằng mọi giá đã thống trị, chi phối các hoạt động xã hội một thời gian khá dài.

Ngoài ra còn còn cần phải kể đến các chủ trương, chính sách đang làm bó tay những người có tâm huyết, các nhà đạo đức, các tập thể tôn giáo trong việc giáo dục con người. Sợ rằng chủ nghĩa xã hội sẽ bị người ta đào thải, đúng hơn là sợ rằng vai trò lãnh đạo, cầm quyền của mình bị lung lay (mất quyền lực sẽ kéo theo mất quyền lợi), nên những người cai trị đất nước vẫn còn cố giữ hệ thống giáo dục đào tạo của mình với một vài cố gắng cải cách mà thực tế là chưa đi đến đâu, thậm chí nhiều mặt còn tệ hại hơn trước.

Một vài giải pháp cho việc giáo dục:

Là con cái Chúa trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, cùng với Hội Đồng Giám Mục, chúng ta không thể và không được phép làm người đúng bên ngoài, bàng quan với tiền đồ đất nước, với tương lai của dân tộc và dĩ nhiên là với Giáo Hội Việt Nam. Trước tình trạng sự thật bị rẽ rúng, lòng cao thượng bị cho là vô ích, lương tâm đang thua lương tháng…, chúng ta cần xăn tay áo làm ngay những gì trong tầm tay và quyết vươn tới những gì đang ngoài tầm tay của mình để cải thiện nền giáo dục nước nhà, để đào tạo lương tri của người trẻ hầu góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho quê hương, dân tộc, cho Giáo Hội địa phương.

1. Nhận diện rõ chân tướng, nguồn gốc của bạo lực và sự gian dối: Chúa Kitô đã minh nhiên vạch trần bộ mặt của thần dữ: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Xuất hiện ngay từ đầu buổi lịch sử nhân loại, dưới hình con rắn, thần dữ đúng là tên xảo quyệt nhất, không ngừng tìm đủ cách để cám dỗ con người (x. St 3, 1).

2. Chỉnh sửa bản thân trong sự thật và tình nhân ái: Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Một tiến trình như mang tính quy luật. Không ai có thể cho điều mình không có. Trước hết, trên hết, những người tiền bối, cha mẹ, ông bà, những bậc quyền cao, chức trọng, những người đang nắm trọng trách trong Giáo Hội hay ngoài xã hội, cách riêng nhưng người đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia công tác giáo dục đào tạo… hãy hoàn thiện chính bản thân trong chân lý và tình yêu.

Để sống trong sự thật chắn chắn cần sự can đảm và khiêm nhu. Sự thật nhiều khi dễ mất lòng. Nói lên sự thật nhiều khi sẽ mất phần. Bảo vệ sự thật nhiều khi phải thiệt thân. Nhìn nhận sự thật, nhất là những sự thật không hay, chẳng đẹp của bản thân thì không dễ chút nào. Cái danh vọng hảo dù biết rằng hảo, nhưng cũng khó từ bỏ làm sao. Một trong những sự thật cần đối diện và nhiều khi cần thú nhận với tha nhân là ta không toàn tri, toàn năng và toàn hảo. Nói cách khác, sai và lầm là chuyện đương nhiên của kiếp người. Xin chớ quanh co, bào chữa hay dùng kế sách cả vú lấp miệng em. Giới trẻ hôm nay không còn quá đơn sơ “kiểu khù khờ” đâu, nhất là với sự trợ lực của nền công nghệ thông tin hiện đại. Hơn nữa, dù ta có thể lừa dối một người nhiều lần, hay ta có thể dối lừa nhiều người một lần, nhưng ta thật khó lòng lừa dối nhiều người nhiều lần, cách riêng là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng không một ai có thể ‘qua mặt” Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can.

Để sống trong tình yêu, ngoài ân sủng Chúa ban thì không gì hơn hãy truy vấn về ý nghĩa mục đích đời mình cũng như nguồn gốc sự hiện hữu của mình. Đã có hai ngài tiến sĩ nước ta hành hạ cách nhẫn tâm người mẹ sinh ra mình suốt trên hai mươi năm ròng rã, đã biện minh rằng mình làm người, chào đời chỉ do ngẫu nhiên qua sự kết hợp của hai cá thể khác giống khi tìm thú vui thể xác. Trước hiện tượng cá biệt này thì nguyên người bình thường trong xã hội cũng xá dài và kết luận: “hết nói”. Quả thật làm sao có thể nói chuyện với hai tiến sĩ mà chưa thành người !

Khi nhìn nhận mình làm người, chào đời là do một ai đó, nhờ những ai đó, thì chắc hẳn sự việc làm người của ta không ngẫu nhiên chút nào nhưng sẽ vì ai đó, cho những ai đó. Câu hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì ? Đã từng là câu hỏi đầu tiên trong sách giáo lý Công giáo. Không nguyên gì người Công giáo, các bậc hiền triết, các thức giả, những người có lương tri cũng thường trăn trở với nội hàm của câu hỏi này, tức là mục đích, ý nghĩa của đời người.

Không ai là một hòn đảo. Nhốt riêng, nuôi riêng một con vật như con chó, con heo, con gà…thì lớn lên chúng vẫn thành gà thành heo thành chó… còn con người nếu không có tha nhân, như một vài trẻ lạc trong rừng thì khi lớn lên chúng sẽ không trở thành người đúng nghĩa. Như thế, tính xã hội không chỉ là một thuộc tính của con người mà còn là một yếu tính làm nên con người. Đã là người thì phải ở trong tương quan với ai đó. “ Trăm năm trong cõi người ta”, thi hào Nguyễn Du mở đầu pho tình sử “ Truyện Kiều” như thầm khẳng định rằng cõi đời này không riêng gì của một ai. Đã có ta là phải có người. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Tấm lòng nhân được dệt xây trên nền tảng chân lý này. Sống mà không có tấm lòng thì chưa phải là người cách đúng nghĩa. Con người không chỉ là hữu thể trong các mối tương quan với tha nhân xét theo không gian địa lý của hôm nay mà còn với những người đi trước và với các thế hệ tiếp bước theo sau. Chính vì thế, khi đã là người thì phải biết gắn bó với cội nguồn tiên tổ và phải biết sống cho có hậu.

3. Kiến tạo môi trường sống đầy tình nhân ái và trong sự thật. Môi trường đầu tiên phải nói đến đó là gia đình. Thẳng thắn, trung thực là những yếu tố không thể thiếu để gìn giữ sự bền vững của tình yêu hôn nhân và gia đinh. Cần thừa nhận rằng mối dây hôn nhân và tình nghĩa huyết nhục là môi trường thuận lợi để cho sự thật hiện diện và tình yêu phát triển. Trong môi trường này, chính người cha, người mẹ là những người có trách nhiệm hướng dẫn giáo dục con cái sống trong sự thật, tôn trọng sự thật, giáo dục con cái tấm lòng nhân ái, sống quảng đại yêu thương.

Kế đến là trường học mà ở đó vai trò của các thầy cô giáo thật quan trọng. Các vị ấy đã được ví là những kỷ sư tâm hồn. Đến tuổi đến trường thì con trẻ chịu ảnh hưởng thầy cô giáo rất lớn. Cô giáo không chỉ như mẹ hiền mà nhiều khi với trẻ bé, lời dạy của thầy cô còn “nặng ký” hơn cả mẹ cả cha ở nhà. Nhiều người thành danh, có vị vọng trong xã hội luôn ghi khắc hình ảnh và lời dạy bảo các thầy cô giáo mẫu mực đã giúp họ, lớn lên, trưởng thành và vào đời. Một thầy cô giáo vừa độ lượng, vừa công minh và công tâm sẽ giúp học sinh biết sống trung thực và yêu mến sự thật, biết sống tương thân tương ái và quảng đại dấn thân quên mình.

Ngoài ra còn phải kể đến các môi trường lưu xá, trọ học của các em học sinh, sinh viên. Nếu những người phụ trách các nơi ấy có tấm lòng và biết cách hướng dẫn thì không chỉ hạn chế được những tệ nạn thường có nơi mà nhiều thanh thiếu vốn khác nhau về xuất xứ, về hoàn cảnh gia đình nay lại chung sống với nhau, mà trái lại có thể giúp các bạn ấy sống trưởng thành, có tinh thần trách nhiệm và tình liên đới. Muốn được vậy thì trước hết cần phải có những luật lệ, quy định nghiêm minh, rõ ràng. Ngoài tấm lòng nhân và bản lãnh sư phạm, thì các vị hữu trách cũng cần có những sáng kiến tạo những hoạt động bác ái xã hội giúp những em trọ học sống tình liên đới với tha nhân theo khả năng và hoàn cảnh.

Các môi trường đặc biệt như chủng viện, tu viện thì đã có Giáo Hội chỉ dạy cách tường tận và sâu sát. Xin được bỏ qua các môi truờng này.

Chúng ta không thể không nói đến môi trường giáo xứ với các lớp giáo lý, các sinh hoạt hội đoàn… Hiện tượng các em thiếu nhi làm bài thi giáo lý vẫn quay cóp là chuyện cũng không hiếm. Đại Chủng Viện Hà Nội khi tổ chức thi tuyển ứng sinh cũng đã từng đề ra các tiêu chí mà một trong các tiêu chí ấy là sự thành thật khi làm bài kiểm tra. Ứoc gì các linh mục quản xứ cùng các cộng tác viên nỗ lực biến các giáo xứ thành những mái gia đình thực sự.

Cuối cùng là các môi trường ngoài xã hội: công sở, chợ phố…Với những môi trường này, chắc chắn không thể thiếu các luật lệ nghiêm minh cùng với những chế tài công thẳng. Chắc hẳn các tổ chức xã hội, các quốc gia không thể lơ là chuyện này. Tuy nhiên vấn đề cần đặt ra là thái độ thực thi luật lệ của những người “lập pháp, hành pháp và tư pháp” ra sao, có công bình và ngay thẳng không ? “ Pháp bất vị thân”. Nếu lời dạy của cha ông được chân thành tuân giữ thì công lý và sự thật sẽ ngự trị, đồng thời tình người từ đó sẽ rộng lan.

4. Giáo dục con em biết cách kiếm tìm các thiện hảo bằng những phương thế chính đáng, hợp pháp, tôn trọng sự công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến. Học hành để đổ đạt cao là điều tốt, thi đổ để có văn bằng, chứng chỉ là điều tốt, có được một nghề để sinh sống là điều tốt, có được một vai trò, vị trí quan trong trong xã hội là một điều tốt, kiếm được nhiều tiền cũng là điều tốt…Tuy nhiên cần hướng dẫn giáo dục làm sao để con em chúng ta nỗ lực, gắng công tìm kiếm các thiện hảo ấy cách hợp pháp và chính đáng, nghĩa là trong sự công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến.

Một học sinh cố công học tập rồi làm bài, thi cử cách ngay thẳng, không quay cóp hay giở tài liệu là đang sống trong sự thật. Em không chỉ học cho mình mà còn biết giúp đỡ các bạn học kém, đó là đang sống tình liên đới. Học ngành y không chỉ mai ngày làm bác sĩ kiếm tiền mà còn mang hoài bão sẽ tìm ra những phương thế, phương thuốc chữa trị các bịnh nan y thì đó là người đang có chí cống hiến.

5. Gợi mở một cái nhìn về chiều sâu thuộc linh, xây dựng một lối sống, một cung cách ứng xử cao thượng, biết hướng thượng. Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua chiều kích tâm linh. Trong đức tin, chúng ta xác quyết rằng không ai có thể làm được điều gì tốt đẹp nếu không có ân sủng Chúa ban. Chúa Kitô đã khẳng định: “Không có Thầy, chúng con không làm được sự gì” (Ga 15,5). Là những nhà giáo dục Kitô giáo, chúng ta cần khai mở cho thanh thiếu niên biết nhìn các sự vật hiện tượng với cái nhìn vượt quá những gì khả giác, biết xem xét bản chất hơn là dừng lại ở hiện tượng, biết truy tìm nguyên nhân các hiện hữu cho đến cùng, biết trân trọng các giá trị tinh thần hơn là những giá trị vật chất, biết nghĩ đến thực tại thường tồn hơn là chỉ dừng lại ở những thực tại chóng qua, nhất thời…

Để đạt điều này thì ngoài các cử hành Phụng vụ, các em cần được tiếp cận với Lời Chúa thường xuyên để Lời Chúa trở thành một loại hình văn hóa chi phối nếp nghĩ, cung cách ứng xử, các hoạt động của các em một cách tự động, tự nhiên. Bên cạnh đó chúng ta cần phải tập cho các em thói quen cầu nguyện hằng ngày. Việc dâng mình ban sáng và kiểm điểm bản thân khi đêm về không phải chỉ là những thói quen đạo đức mà đúng là những nhân đức đáng quý và rất hữu ích. “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Những hoạt động bác ái, tông đồ cụ thể là những phương thế giáo dục, đào tạo rất hữu hiệu. Qua những hoạt động cụ thể ấy các em không chỉ phát triển các khả năng mà còn lớn lên trong nhận thức cũng như niềm tin, đồng thời hoàn thiện bản thân mình.

Cha ông chúng ta nhận thức sự thật này: “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Leo núi là công việc đòi hỏi nhiều gắng công. Để cho tương lai của xã hội và của xã hội mang mầu sắc tươi sáng thì cùng với ơn Chúa, các nhà giáo dục cần phải đào tạo giới trẻ cách toàn diện trong sự kiên trì và bền bỉ.
 
Năm Linh Mục: Chuyện về cha
Micae Nguyễn Ngọc Sáng
18:54 22/08/2009
Năm nay là “năm Linh Mục 2009.” Cầu nguyện cho các cha là một việc, yểm trợ các cha trong việc làm của các ngài là việc khác, nhớ tới các cha lại là một việc khác nữa mà đó là mục đích của bài viết này.

Ông cha… phát thơ

Tuy xứ tôi nghèo và họ đạo tôi nghèo nhưng hầu hết ai cũng có một mái nhà, mà nhà thì phải có một số nhà, một địa chỉ, một tên đường. Lúc đó, đường xá cũng có tên như sau này. Tôi còn nhớ lại được con đường chạy ngang trước nhà thờ là đường Thành Thái, bên hông trái của nhà thờ là đường Mgr Nguyễn Bá Tòng, bên hông phải là đường Giáo Định, phía sau nhà thờ là đường Dr Phạm Hữu Chí, còn con đường đi ngang nhà tôi!… Do đó nếu hỏi “nhà anh” số mấy đường gì thì không mấy người nói được địa chỉ nhà mình, nên những người đi làm việc xa quê, gởi thơ về thăm nhà thì cứ ghi ngoài bao thơ: Kính gởi Cha Sở, bên dưới ghi to tướng hai chữ Bà Rịa, thì thế nào thơ cũng tới tay cha. Xong bên dưới ghi thêm: Nhờ cha trao dùm thơ này lại cho ba con (hay má con) là ông, bà … thì thơ sẽ đến tay người thân. Còn gì tiện lợi cho bằng!

Cha có một chiếc xe “Mobilette”. Mỗi lần đi đâu “xa”, cha phải nách xe từ trên nhà cha, xuống khoảng 7 bậc thềm! Nếu không phải đi kẻ liệt mà để làm công tác … phát thơ, cha treo ở “cổ” xe một cái bị nhỏ, đựng đầy thơ trong đó. Đi tới nhà ai, cha khỏi cần kêu. Nghe tiếng “xành xạch” của máy xe, bà con chạy ra để chào cha. Cha ngoắc, bà con chạy ra nhận thơ. Đôi lúc, cha chạy xe vô luôn trong sân nhà là để vào nhà hỏi thăm, thăm viếng. Thơ nào cha không tìm trao được, cha rao trong nhà thờ. Vậy mà hay hơn, thơ về tới “nhà giây thép” rồi, nhiều khi cả một hai tuần sau thơ mới tới nhà người ta…

Ông cha thiệt thà

Làm linh mục mà không thiệt thà sao được, nhưng cái điều muốn nói ở đây là ông cha đã quá thiệt thà, đến độ người ta phải ngạc nhiên. Cha là một du khách đến Hoa Kỳ. Cha đến một giáo xứ để thăm người em bà con xa, xa bằng con đường cha đã đi từ Việt Nam qua đến cái xứ này, nhưng quả tình là cha có bà con. Cha đến cử hành thánh lễ, cùng đồng tế với cha chánh xứ. Thấy cha ăn mặc xềnh xoàng, mặt cha lúc nào cũng có vẻ nhìn ngơ ngác, một bà đã đến chào cha. Bà “gởi” cho cha 500 đô la, trong một bao thơ. Cha mở ra xem. Cha hỏi bà:

- Bà đưa cho tôi nhiều vậy?

Bà đáp:

- Dạ con dâng cho cha để cha về sửa nhà thờ!

Cha làm bà và nhiều người khác ngạc nhiên:

- Không! Nhà thờ tôi còn tốt lắm, không cần phải sữa chữa. Nếu bà cho tôi để sửa nhà thờ thì tôi không dám nhận. Nếu như bà có ý muốn xin lễ thì số tiền này nhiều quá..

Bà cười, lấy lại bao thơ, để lại một tờ không to lắm, không nhỏ lắm. Cha nhận và cám ơn bà…

Con có cha

Thật là cảm động! Trong đời tôi đã có nhiều lần đưa đón cha đi cha đến, nhưng chưa có lần nào như lần này. Sau khi được cha sở báo cho biết là họ đạo có cha phó mới, hôm đó là một ngày thứ năm, một ngày thường trong tuần nhưng nhà thờ đông nghẹt. Tất cả ba chuông lớn nhỏ của nhà thờ đều đổ vang: một ngày trọng đại. Nhà thờ đã chật ních người, chỉ có “qưới chức” và đại diện các hội đoàn còn ở bên ngoài nhà thờ để rước cha phó “mới” từ nhà cha, đi vòng nhà thờ, rồi đi vào nhà thờ bằng cổng chánh. Ban hát cất tiếng:

Con Vua Cả (à).. bước đi (ì).. rất đẹp...

Thánh lễ bắt đầu, cha sở và cha phó mới đồng tế. Đức Cha dự lễ. Đến phần giảng, cha sở cám ơn Đức Cha, giới thiệu cha phó. Cha phó phát biểu, rồi Đức Cha ngõ lời. Đức Cha nói, người ta ngồi nghe nhưng tâm hồn vẫn còn thờ thẩn với lời phát biểu của cha phó mới mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai:

- Kính thưa Đức Cha! Con vô cùng cám ơn Đức Cha đã làm lễ phong chức cho con, và hôm nay Đức Cha còn đưa con đi đến nhiệm sở… Con cám ơn cha sở…
- Kính thưa Quí ông bà, con không có cha vì cha con đã mất khi con mới lên ba, nhưng nay về đây, ở họ đạo này, con có cha sở, con coi cha sở như là cha của con, xin cha hãy nhận con như là con của cha..
- Kính thưa Quí ông bà, con cũng không còn mẹ vì mẹ cũng đã mất sáu tháng trước ngày con chịu chức. Quí bà ở vào tuổi của mẹ con, con sẽ coi như là mẹ của con. Quí ông, con sẽ coi như là chú, bác của con. Mấy người trẻ, con sẽ coi như là anh hay em của con…


Vậy là cha còn có đủ hết: sống xa quê, xa gia đình nhưng cha có đủ cả cha mẹ anh em tại cái xứ xa lạ mà cha mới tới.

Một đời hiến dâng

Khi cha còn ở họ tôi, tôi còn nhỏ quá. Rồi khi cha đổi đi, tôi cũng còn quá nhỏ để biết sao là “đổi đi”, và cha đã đổi đi đâu? Hiểu biết một chút, nói về cha, tôi nhớ đến tên cha có ghi trên giấy chứng nhận rửa tội của tôi, không phải của mỗi một mình tôi mà của toàn bộ bốn anh em tôi. Nếu có ai hỏi tôi về cha, tôi sẽ trả lời ngay: đó là cha sở cựu của họ đạo tôi. Tôi sẽ làm lanh mà dẩn giải cho người hỏi tôi rằng:

- cha là một “thầy đờn”, bây giờ gọi là nhạc sĩ;
- cha là tác giả của hai cuốn sách nhạc Ca Ngợi Trái Tim Chúa GiêsuCa Ngợi Trái Tim Đức Bà;
- cha là tác giả của bài hát “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần” vang tiếng một thời;

Cho đến năm đó, sau khi “tìm được tung tích” của người cha già, tôi theo má tôi vào Chủng Viện Sài Gòn để thăm cha, cha đang nghỉ hưu ở đó. Cứ hễ chiều chiều, cha hay lê từng bước, từng bước chậm đến bên cửa sổ ở bệnh xá của Đại Chủng viện. Cha đứng đó, hai tay tựa lên bục cửa sổ, mặt hơi ngước lên, nhìn ra trời. Thỉnh thoảng cha quay mặt vòng theo mấy con chim đang bay ngoài trời. Cha đứng ngắm đàn chim chiều bay chặng cuối của đoạn đường đi về tổ

Một lần đến thăm cha, nghe tiếng gõ lốc cốc của mấy xe hủ tiếu mì ở đường Luro trước Chủng Viện, cha hỏi:

- Con có tiền không con?
- Dạ có! Cha cần chi cha?

Cha cười rồi chậm rãi nói:
- Con xuống nhà bếp, mượn cái “ga mên” rồi ra đằng trước mua mì vô cha con mình ăn!

Má con tôi làm theo lời. Cha ăn ngon lành, và đó là lần cuối…

Cha sở thông báo trong nhà thờ: sau mấy ngày nằm im trên giường, bên cạnh có các thầy Đại Chủng Viện canh, sau một cái hắt hơi nhẹ, cha đã ra đi. Họ đạo đã cầu lễ cho cha sở cựu ba ngày. Phương tiện khó khăn nhưng rồi sau đó, có địp đi Sài Gòn, má tôi quyết định đi cho được lên “đất thánh các cha” ở Chí Hòa để “gặp, thăm” cha một lần. Vào đất thánh, hai má con tôi chia nhau, mỗi người đi tìm ở một dãy, và rồi đã gặp được mộ phần của cha, ở dãy bên phải, hơi sâu bên trong, với tấm mộ bia có đề:
RIP
Paulus Đoàn Công Đạt


Xin chỉ hư phần xác

Hôm đó là ngày 29 tháng 11, ngày áp lễ kính thánh Anrê tông đồ. Theo thông lệ hằng năm, tôi đến thăm người bạn mà bổn mạng là thánh Anrê, để chúc mừng, và … chung vui. Trong khi còn chờ đợi, đang đứng trước cửa nhà, một người thanh niên đến hỏi thăm:

- Có anh N. ở nhà không?

Tôi trả lời có và nói anh đợi một chút để tôi vào kêu N. ra. Khi N. ra, hai người chào nhau mừng rỡ. N. muốn bước ra bắt tay để mời người thanh niên vào nhà thì người thanh niên kia lùi lại. Anh cười nói:

- Ngày mai là lễ thánh quan thầy của N., mình nhớ nên mình đến thăm. Ngày mai trong thánh lễ mình sẽ nhớ cầu nguyện đặc biệt cho N. và gia đình. Nhớ cầu nguyện cho mình với! Cầu cho mình nếu có hư thì hư phần xác chứ đừng hư phần hồn!

N. nó lại tiếp tục bước xuống bực thềm nhà để mời anh ta vào chơi nhưng anh đã tiếp tục lùi lại rồi từ giả, quay sang tôi nói vỏn vẹn hai chữ: “chào anh” rồi quày quả ra đi. Tò mò đến cực độ, tôi hỏi ngay:

- Ai vậy?

- Đó là linh mục Th., bạn N., bạn cùng lớp ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, sau khi chịu chức, anh ấy tình nguyện đi phục vụ ở trại cùi Phước Lý!

N. nó lại còn thêm:

- Gia đình ảnh khá giả lắm, ảnh học giỏi nhất lớp, ba ảnh …, gia đình ảnh …

Tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai những tiếng nói của thằng bạn “đàn em” nhưng không chút quan tâm đến những gì nó đang nói mà tôi suy nghĩ: đời linh mục, đời hi sinh.

Có nhiều cha thì chuyện về các cha như những chuyện kể trên đây còn nhiều. Nay nhân năm linh mục, xin đóng góp một số chuyện để phụ họa vào bao nhiêu chuyện khác về đời các linh mục.
 
Thánh lễ mừng 85 năm dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
20:55 22/08/2009
Huế, Việt Nam (23/8/2009) Các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế vừa có Thánh lễ đồng tế trọng thể, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập và tạ ơn 5 năm cung hiến đền thờ của hội dòng.

Cố linh mục Giuse Trần Văn Trang thành lập hội dòng năm 1924; từ ba ngôi nhà tạm bợ gạch xây bằng vôi, lợp ngói để làm nhà ở, nhà ăn và nhà bếp. Đến ngày 22/8/2003 hội dòng mới có nguyện đường xứng đáng.

Trong thánh lễ hôm 22/8, Đức Tổng giám mục Huế, chủ tế nhắc tới ngôi đền thờ được cung hiến cách đây 5 năm với lễ khai mạc Năm Thánh. Ngài phân tích: “ các nữ tu là đền thờ của Chúa Thánh Thần” do đời sống thánh thiện, vui tươi, khiêm tốn để phục vụ tha nhân bằng tâm hồn đơn sơ như một trẻ em.

“ Của lễ dâng lên Thiên Chúa trong ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường chính là các khấn sinh ”. Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể nói. Có hai nữ tu vĩnh khấn và 5 nữ tu tiên khấn.

Các chị Maria Nguyễn Thị Toàn, Maria Goretti Nguyễn Thị Trâm Anh, Têrêxa Trần Thị Nhung, Maria Trần Hoàng Nhật Phương, Matta Văn Thị Kim Phượng, Anna Dương Thị Thanh Hương, Maria Bùi Thị Bích Thuận là những nữ tu đã cảm nghiệm được bài học đầu tiên: “khó nghèo-đơn sơ- phó thác” khi mới vào dòng.

Trong thời gian gần đây, các chị đã phục vụ trẻ em khuyết tật tại Kim đôi, dạy chữ dạy nghề cho các em lớn tuổi không được nhà trường đón tiếp, chị bề trên Agnès Nguyễn Thị Lợi nói rằng các khấn sinh đều có sinh hoặt với bệnh nhân phung cùi ở thôn Hòa Vân –Đà Nẵng.

Đây là Thánh lễ kỷ niệm 85 năm thành lập dòng và lễ khấn dòng đầu tiên kể từ khi chị Lợi được chọn làm bề trên điều hành hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế.

Hội dòng hiện có 25 cộng đoàn lớn nhỏ và 7 điểm mục vụ lưu động từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, Bà Rịa và Sài Gòn với số nữ tu chừng 180 người đã khấn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư ngỏ của người mẹ gửi một người mẹ
Trần Thị Kim Liên
00:13 22/08/2009
Kính gửi bà Trần Thị Lệ - mẹ luật sư Lê Thị Công Nhân,

Khi đọc bài báo về chuyến thăm con gái của bà vào ngày 20 tháng 7/ 2009 trên báo Người Việt, tôi xúc động vô cùng. Ở vị trí một người mẹ, tôi không thể cầm lòng khi hình dung đứa con gái thân yêu, thiên thần của mình lại đang trong cảnh lao tù, sống cùng với những tội phạm hình sự: Sáu mươi người chung trong một phòng giam nhỏ, diện tích nằm nghỉ là 2 m X 0,8 m/người; bệnh tật mà lại phải tắm trần ngoài trời bằng nước giếng, bất kể tiết trời nóng nực hay giá lạnh…

Ls Lê thị Công Nhân trong tù
Trong cuộc đời, gian khổ đã từng, con cái đã trưởng thành nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi về cảnh ngộ “con bé” (1) của bà - một nữ luật sư còn trẻ tuổi, đầy năng động trong hoạt động chuyên môn, xã hội với một trái tim trong sáng, nhiệt huyết lại lâm vào hoàn cảnh như vậy. Trước mặt cô là cả một triển vọng sáng lạn về cuộc đời và sự nghiệp, thế mà chỉ vì đấu tranh cho dân chủ, tự do mà bị thế lực bảo thủ lỗi thời đang thống trị xã hội cản đường, hành hạ và đưa cô vào chốn lao tù…

Tôi viết thư này để thỏa được phần nào nỗi bức xúc của chính mình về sự việc ấy và cũng mong làm vơi đi đôi chút cho bà và tất cả những người mẹ đã có được những người con đáng tự hào mà rơi vào hoàn cảnh chớ trêu, như của sứ mệnh thời đại giao cho. Không thể chối từ, dẫu rằng thật lắm gian truân.

Tôi không làm nghề báo, nghề văn nên việc viết ra được những cảm xúc không phải là điều dễ dàng, nhưng có gì từ nơi sâu thẳm của tấm lòng người mẹ thúc giục tôi phải viết ra những dòng này. Chắc bà cũng hiểu rằng, cũng như tôi, phụ nữ chúng ta ở thời đại này đâu phải là vô cảm, thờ ơ với thời cuộc, nhưng họ đều có những hạn chế riêng tư. Và họ thường thể hiện tấm lòng của mình ở đâu đó, qua nhiều hình thức cũng không kém phần kết quả.

Với chức năng người mẹ, chúng ta đã gắn cả cuộc đời mình với những đứa con tự thuở lọt lòng, những tháng năm khi còn tấm bé. Ta xót xa cả khi chúng vấp phải những điều không hay nho nhỏ. Ta lo sợ đến hoảng hốt khi chúng ốm đau, bệnh tật. Và ta thật hạnh phúc khi mỗi khi ngắm nhìn chúng trong giấc ngủ yên lành với nụ cười trên môi. Lúc ấy, ta cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại mà quên đi biết bao nhiêu gian truân, bao điều nhiễu nhương đang lởn vởn quanh mình giữa cuộc đời vốn đầy bất trắc này.

Trong cái thời buổi không mấy an bình này, mọi giá trị văn hóa bị đảo lộn, lý tưởng chỉ còn là một ảo ảnh giả dối, mong manh; nhân cách bị xem thường; quyền lực và lợi ích cá nhân được coi là tối thượng; đạo đức xã hội xuống cấp một cách thảm hại thì việc nuôi dạy một đứa trẻ nên người là điều thật không dễ dàng.

Trong cuộc đời, đôi lúc người ta tin vào định mệnh - vào sự sắp đặt từ trước của đấng tối thượng, nhưng dù sao thì quy luật của xã hội, của cuộc sống muôn đời vẫn đúng: Gieo nhân nào, có quả ấy. Vượt qua khốn khó ắt có ngày vinh quang… Ơn trời, con cái chúng ta đã qua được cái thuở còn non nớt, ngơ ngác trước cuộc đời. Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, mới ngày nào, nay chúng đã trưởng thành, đã có chính kiến rõ ràng về cuộc sống. Quý giá hơn cả là chúng có được nhân cách, có lòng nhân ái, biết nhận ra lẽ phải và căm ghét cái tham, điều độc ác.

Là người mẹ bình thường, ai chẳng mong con cái mình gặp nhiều thuận lợi trong bước trưởng thành. Mong chúng có nghề nghiệp, rồi lập gia đình, làm ăn lương thiện, có tiền đồ sáng sủa để mình được yên vui lúc tuổi già. Nhưng ông trời vốn hay thử thách con người, đã dành cho chúng ta mỗi người một cảnh ngộ, có cả niềm hạnh phúc xen lẫn với nỗi khổ đau.

Có ai dám mơ tưởng là sẽ được thỏa mãn hoàn toàn với con cái, mong muốn chúng gập toàn “vận may” trên con đường mưu cầu hạnh phúc ? Ngay cả khi cái hạnh phúc ấy chỉ nhằm toan tính cho riêng mình!

Đó là chuyện của đời thường.

May mắn thay, trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà, mỗi khi đất nước lâm vào cảnh khốn cùng, thường thấy xuất hiện những người con xuất sắc từ dân chúng mà ra – những vị anh hùng. Mỗi người trong họ, ít nhiều đã góp phần làm chuyển biến tình hình, cứu nguy cho đất nước trong những lúc hiểm nghèo và thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử. Vì thế chúng ta mới có được một đất nước tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Điều khác nhau giữa xưa và nay là ở chỗ trong quá khứ thường lưu truyền lại về những nhân vật lịch sử đáng kính mà kẻ thù là bọn ngoại xâm; nhưng ngày nay, những người anh hùng trong giai đoạn lịch sử ngắn ngủi này của chúng ta lại phải đối mặt với bọn nội xâm.

Với những kẻ tự nhận là đại diện của dân, vì dân, nhưng trong mọi ý tưởng và hành động của họ đều đi ngược lại với truyền thống của dân tộc và xu thế thời đại. Thậm chí họ càng ngày càng lộ rất rõ sự hèn kém trong việc dẫn dắt, điều hành đất nước, đã đưa dân tộc ta từ thế chủ động sang thế bị động, phụ thuộc; làm mất dần ý chí tự cường để dẫn tới nguy cơ rơi vào vòng kiềm tỏa của ngoại bang.

Những người dân VN có chút lương tri không khỏi đau lòng khi nghe tin những thanh niên, sinh viên biểu tình ôn hòa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn phản đối TQ xâm lược Hoàng – Trường Sa đã bị đàn áp thẳng tay bằng dùi cui và bắt bớ (2). Những người dân đấu tranh cho công lý, cho dân chủ, nhân quyền, thì bị bỏ tù vì bị gán tội chống phá nước cái Nhà nước cộng hòa đầy bất công và tham nhũng này.

Một đất nước không nhỏ với dân số trên 80 chục triệu con người thông minh, cần cù lao động, điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi, mà sau hơn 30 năm có hòa bình, vẫn ở vào mức phát triển kém của thế giới.

Những người cầm quyền đã rất lúng túng trong việc mạo nhận theo đuổi học thuyết Mác-Lê Nin lỗi thời. Mà chính nó đã làm băng hoại cả một nền đạo đức truyền thống của dân tộc có từ hàng ngàn năm nay; đã làm phung phí một lượng vô giá về sức người, sức của và trí tuệ của nhiều thế hệ trong các cuộc cải cách nội bộ phi nhân tính (cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa tư tưởng, cải tạo công thương nghiệp…) để có được quyền lực tuyệt đối. Cho đến ngày hôm nay, họ vẫn còn đang mò mẫm đi tìm “con đường phát triển xã hội” ở vị trí thua kém các nước trong khu vực tới vài thập kỷ phát triển.

Chúng ta như không thể chịu nổi, thấy đau xót và nhục nhã mỗi khi nghe tin những người lao động Việt Nam bị chủ nước ngoài đánh đập tàn nhẫn ngay trên quê hương mình; hàng đoàn thiếu nữ VN bị chào bán, lựa chọn như một thứ hàng hóa thời nô lệ - để hòng lấy được một tấm chồng già, có chốn dung thân ở nước ngoài, rồi có chút tiền chu cấp cho gia đình đang trong cơn khốn khó; hàng trăm ngư dân phải vật lộn ngoài biển sâu sóng dữ vì miếng cơm manh áo của gia đình đã phải sống trong khổ nhục, tù tội ở trại giam nước ngoài hàng tháng, hàng năm trời chỉ vì sự vô trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo hộ công dân và quản lý lãnh hải của mình…

Trong khi đó, những người cầm quyền đã dùng cả một lực lượng hùng hậu “chuyên chính vô sản” để “chăm sóc” những công dân muốn nói lên sự thật, đòi công bằng xã hội. Họ đã vận hết công lực của cả một bộ máy chính quyền để đàn áp nhân dân, bảo vệ bằng được cái quyền độc đoán của mình nhằm tiếp tục khai thác món lời ngon lành trước mắt.

Ls Nguyễn thị Công Nhân bị bắt vào nhà tù
Quy luật vận động xã hội cho thấy khi bộ máy thống trị thể hiện đầy đủ bản chất vô luân của nó, thì cũng là lúc thời kỳ mạt vận đang đến. Nhân tố tích cực nổi lên. Phong trào quần chúng và những nhân vật lịch sử dần xuất hiện để cáo chung cho thời kỳ đen tối và lật sang một trang mới cho lịch sử đất nước.

Chúng ta không thể nào quên được biết bao tấm gương sáng ngời trong lịch sử: Một Bà Triệu “muốn đạp bằng muôn sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, để cứu muôn dân ra khỏi cảnh lầm than”; Một Trần bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”; Một Nguyễn Trãi khóc vĩnh biệt cha nơi biên ải để rồi nằm gai nếm mật, giúp minh Chúa dành lại được non sông; Một Nguyễn Thái Học hy sinh cả tuổi trẻ và tình yêu tuyệt vời của mình khi mới 29 tuổi đời vì lý tưởng cao cả của đảng Quốc Dân.…

Ngày nay trong sự nghiệp chống nội xâm, đòi tiến bộ xã hội - chúng ta có quyền liên tưởng đến những người con của thời đại này đã dám hy sinh tự do cá nhân của mình, chịu cảnh tù đầy chỉ vì mưu cầu tự do, nhân quyền cho dân tộc. Chúng ta đã có một Nguyễn văn Lý vào tù ra tội, đã từng đạp đổ vành móng ngựa của tòa án cường quyền; có một Nguyễn Tiến Trung còn rất trẻ, đã bằng trí tuệ, sự dũng cảm tuyệt vời của mình đã làm được những điều mà các bậc lão thành trong và ngoài nước cảm phục; một Cù Huy Hà Vũ đã dám ngang nhiên đâm đơn kiện một Thủ tướng Chính phủ đầy quyền lực vì đã ký quyết định cho một dự án nhiều khả năng gây hậu quả tai hại khôn lường cho đất nước – điều chưa từng có trong thế giới cộng sản độc tài. Ta lại cũng có một Lê Thị Công Nhân kiên định, đã dám hy sinh những ngày tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cho lý tưởng tự do dân chủ, chấp nhận cảnh lao tù khắc nghiệt mà không thèm ngỏ một lời xin ân xá (3).

Anh hùng không làm nên lịch sử, nhưng lịch sử phải có những anh hùng. Anh hùng cũng chỉ là những đứa con của người mẹ. Mà bà mẹ gian truân và bao dung nhất chính là Tổ quốc của chúng ta.

Thực tế cho thấy, khi cần thiết, không thiếu những người con trung hiếu sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự trường tồn của MẸ.

Chuyến thăm con, vào sinh nhật của cháu, bà đã tặng chiếc bánh ‘gâteau’ chocolat và bó hoa có 30 bông hồng vàng – “mà cháu rất thích”. Món quà đó thật ý nghĩa. Nhưng với một người con bất khuất - “không chịu đầu hàng”(4), lại không hề nghĩ đến bản thân mình mà chỉ lo cho những người cùng bị bắt - thì món quà mà những người mẹ chúng tôi muốn gửi cho cháu qua lá thư này là lòng mến phục sâu sắc nhất của mình.

Nó là vô giá và sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm niệm của chúng tôi và trong suốt cả cuộc đời đáng tự hào của Nhân.

Xin chúc bà và gia đình được luôn mạnh khỏe và bình yên.

Hà Nội 19 tháng 8 năm 2009
Người mẹ - giáo viên, email: tranthikimlien09@ gmail.com


Ghi chú:
(1) – Bà Lệ thường gọi con gái yêu (Lê Thị Công Nhân) là “con bé”.
(2) – Sự việc sảy ra nhiều lần vào năm 2008.
(3) – Công an đã nhiều lần gợi ý, đề nghị luật sư Nhân (hoặc gia đình) làm đơn “nhận tội và xin khoan hồng”, nhưng cô và gia đình đều từ chối.
(4) – Trước khi bị bắt Nhân đã tuyên bố là “Sẽ không chịu đầu hàng”.
 
Giáo xứ Tam Tòa - đốt lò hương cũ soi lại gương xưa
Nguyễn Đức Cung
04:19 22/08/2009
Trong bức thư gửi cho các linh mục trên toàn thế giới nhằm thiết lập năm linh mục (từ 19.6.2009 đến 19.6.2010) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 “ngày sinh” của cha sở họ đạo Ars (Pháp quốc), Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI có viết: “Cha Sở Thánh họ đạo Ars đã từng có thói quen nói: “Thiên chức linh mục, đó là tình yêu của thánh tâm Chúa Giêsu”[1]. Kiểu nói cảm động này trước tiên cho phép chúng ta gợi lên với lòng trìu mến và biết ơn hồng ân bao la là các linh mục không chỉ cho Giáo Hội, nhưng còn cho chính nhân loại. Tôi nghĩ đến tất cả các linh mục đang giới thiệu cho các tín hữu và cho toàn thế giới lễ vật khiêm tốn và thường ngày những lời nói và cử chỉ của chúa Kitô, đang nỗ lực gắn bó với Ngài bằng tư tưởng, ý chí, tình cảm và phong cách của tất cả cuộc sống của họ. Làm sao mà tôi không thể làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được? Làm sao mà tôi không thể ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao linh mục mà, cho dầu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với ơn gọi của mình: ơn gọi “làm bạn của Chúa Kitô”, đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi?” [2].

Những dòng tư tưởng thâm sâu xuất phát dưới ngòi bút của vị lãnh đạo hơn một tỉ tín đồ Công Giáo trên khắp thế giới về căn tính linh mục thật là đúng với cuộc đời của rất nhiều vị mục tử đã sống và phục vụ Tin Mừng tại giáo xứ Tam Tòa kể từ khi được thành lập ở phủ trị Đồng Hới với cái tên giáo xứ Động Hải (cuối thế kỷ XVII) rồi đổi thay danh xưng qua trường kỳ lịch sử cho đến hiện tại. Các vị mục tử đó là người ngoại quốc hay bản xứ trong thiên chức linh mục mà về sau có vị đã trở thành giám mục, hồng y đã được phúc tử đạo dưới hình thức này hay hình thức khác, đã vất vả trong sứ vụ tông đồ với giáo xứ, với con chiên, âm thầm hoặc công khai, đã phải đối diện với nhiều khó khăn và sự thiếu thông hiểu nhưng vẫn trung thành với ơn gọi của mình, đã đem hết sức khỏe và tinh thần phục vụ không chỉ giáo dân và cả người bên lương nữa, và quả thật không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo mà cho nhân loại không phân biệt tôn giáo hay sắc dân vì các hoạt động mang tính công ích của họ. Chân dung các vị mục tử nhân từ (bonus pastor) vẫn còn hiện hữu trong lịch sử giáo xứ Tam Tòa tưởng cũng cần được vẽ lại dù chỉ với những nét đan thanh để giúp làm hành trang tư tưởng qua công cuộc đấu tranh vì Công lý và Sự thật cho người giáo dân trong xứ đạo bé bỏng nhưng kiên cường Tam Tòa hôm nay.

1.- Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (Bình), vị cha chung kiên cường của Giáo phận Huế trong thời kỳ “phân sáp”.

Joseph SOHIER sinh ngày 22.9.1818 tại giáo xứ Désertines, tỉnh Mayenne, thuộc giáo phận Mans vùng Tây Bắc Pháp quốc. Thuở nhỏ ngài nhập Tiểu chủng viện Précigné tỉnh Sarthe ở gần phía Đông Mayenne từ 1834 đến 1838 [3] rồi gia nhập Đại chủng viện Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris được thụ phong linh mục ngày 21.5.1843 và nhận quyết định đi truyền giáo tại miền Nam Việt Nam, tới Sài Gòn ngày 21.12.1843.

Năm 1844, linh mục Sohier đi ra thăm một người bạn cũ là linh mục Jean-Paul Galy (1810-1869) đang truyền đạo ở Kẻ Sen, một xứ đạo thuộc vùng núi Quảng Bình cách Tam Tòa hiện nay 17 cây số. Đây là buổi sơ ngộ đầu tiên nhưng lại là một mối lương duyên gắn bó mật thiết linh mục Sohier với người giáo dân Kẻ Sen, Kẻ Hạc, Kẻ Bàng mộc mạc, chân chất từ đó cho đến khi chết.

Ra về nhớ trống Kẻ Sen,
Nhớ chuông Kẻ Hạc, nhớ kèn Thiệu-Yên.


Sohier xin nhập giáo phận Bắc Đàng Trong từ năm 1850 khi giáo phận mới thành lập và sau này nổi tiếng là một giám mục của thời kỳ phân sáp, giai đoạn lịch sử đau thương nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Thời kỳ phân sáp đối với người Công Giáo Việt Nam bắt đầu với chỉ dụ ban hành ngày 17.01.1860 dưới triều vua Tự Đức và chấm dứt với hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) cũng trong thời đại ông vua này.

Trước thời kỳ phân sáp, ngày 27.8.1850 một sắc chỉ của Tòa Thánh được công bố nhằm thiết lập giáo phận Bắc Đàng Trong tức Giáo phận Huế với lãnh thổ được xác định từ đèo Hải Vân ở cực nam tỉnh Thừa Thiên ra cho tới sông Gianh – nguồn Son ở phía bắc và Đức cha Pellerin (tức cố Phan) lúc trước làm Giám mục phó cho Đức Cha Cuénot (cố Thể) được cử làm giám mục tiên khởi. Trụ sở Tòa giám mục lúc đó không đặt ở Huế mà đóng tại làng Di Loan, phủ Vĩnh Linh, Quảng Trị để tránh bớt áp lực nặng nề của triều đình Huế trong chính sách bắt đạo. Ý thức được sức mạnh của Giáo hội nằm ở trong hàng ngũ các tông đồ giáo dân cho nên Giám mục Pellerin lưu tâm đào tạo và củng cố các cán bộ giáo dân tức là các thầy giảng bậc nhì đó là các ông Biện, Câu, Trùm trong các họ đạo, chia giáo phận thành ba giáo hạt và đặt ba vị Trùm Hạt (Câu Cả):

- Hạt Thừa Thiên: Micae Hồ Đình Hy làm Trùm Hạt.
- Hạt Quảng Trị: P.X. Lê Thiện Thìn người Trí Bưu.
- Hạt Quảng Bình: Matthêu Nguyễn Văn Phượng (tức Đắc) người Lý Nhơn, Kẻ Lái

địa phương gọi là Kẻ Náu là một họ nhánh của giáo xứ Sáo Bùn) làm Trùm Hạt (kiêm nhiệm Trùm xứ Sáo Bùn - Tam Tòa).

Trong năm 1851, khi phong trào bắt đạo lên cao, Giám mục Pellerin đã chọn Linh mục Tổng đại diện Sohier làm Giám mục phó với quyền kế vị trong tương lai.

Ngày 17.8.1851 tại nhà thờ Di Loan, Quảng Trị, Linh mục Joseph Hyacinthe Sohier được phong Giám mục với hiệu tòa Gadare, cũng có mũ gậy giám mục nhưng mũ bằng giấy kim tuyến và gậy là một chiếc gậy bằng tre [4]. Đức Cha Pellerin, trong thư gửi về cho mẹ ở Pháp cũng kể chuyện ngài được phong Giám mục như sau: “Vào cuối tháng 9.1846, Đức cha Cuénot gọi con (Pellerin) đến nơi ẩn náu kín đáo của Ngài và lập tức Ngài ra lệnh cho con thực hiện cuộc “cấm phòng”8 ngày. Rồi vào một đêm, 4.10.1846, đêm lễ Đức Bà Mân Côi, trời mưa gió tầm tã, dưới mái nhà rơm của tu viện Mến Thánh Giá ở Gò Thị, ánh sáng le lói bập bùng trong căn phòng nhà nguyện, lễ tấn phong Giám mục được diễn ra. Mũ giám mục bằng giấy, gậy bằng cây gỗ, không giày không vớ. Nhẫn và Thánh giá bằng vàng được các thiếu nữ con các quan mới gia nhập đạo tặng cho. Khách dự gồm vài linh mục, vài ông Chức việc của hai họ đạo Gò Thị và Gia Hựu, các nữ tu Mến Thánh Giá và chủng sinh thì khá đông.” [5] Khi tình hình bách hại đạo Công Giáo lên cao điểm. Giám mục Pellerin đã tích cực phát động phong trào truyền giáo, xây dựng lực lượng tông đồ giáo dân, đào tạo linh mục, củng cố các dòng Mến Thánh Giá. Giáo phận Huế lúc bấy giờ có 2 Giám mục, 2 linh mục thừa sai ngoại quốc, 16 linh mục Việt Nam, 2 chủng viện (Di Loan và Kẻ Sen), 15 đại chủng sinh, 50 tiểu chủng sinh, 7 tu viện Mến Thánh Giá và 25.285 giáo dân trong ba giáo hạt Quảng Bình – Quảng Trị –Thừa Thiên [6]. Tháng 10.1856, Giám Mục Pellerin rời Giáo phận nhưng sau đó không trở lại được vì tình hình “phân sáp” quá căng thẳng và mọi công việc giao lại cho Giám mục phó Sohier.

Nếu kể về những vất vả gian lao của vị “giám mục phân sáp” thì phải nói đến Đức Cha Joseph Hyacinthe Sohier (tên Việt là Bình).

Tuy địa bàn cơ sở chủ yếu đóng tại làng Di Loan (Quảng Trị) nhưng Giám mục Bình phải đi chuyển địa điểm luôn khi thì ở đó lúc ra Quảng Bình qua Sáo Bùn về Kẻ Sen vì ở đấy có chủng viện. Ngài bị quan quân tróc nã ráo riết từ nơi này sang nơi khác, lúc cùng đường phải chạy sâu vào núi Trôốc Voi, Trôốc Miễu gần đập Cơn Gạo trong dãy núi đá vôi hiểm trở Kẻ Sen – Kẻ Bàng. Tấm lòng vị mục từ luôn luôn nghĩ đến chủng sinh qua những lời thông báo của giám mục gửi đến các linh mục: “Tất cả các chủng sinh đã rời chủng viện, bỏ học hành thiếu thốn. Các cha sở phải lấy của chung mà giúp đỡ. Hiện giờ các chủng sinh chỉ nhờ lời an ủi khuyên bảo và sửa dạy của quý cha thôi.” Địa điểm thực hiện công tác mục vụ như truyền chức linh mục, thánh lễ luôn tổ chức tại nhà giáo dân, thầm lặng nhưng trang nghiêm. Ngài luôn luôn cải trang để tránh bị theo dõi. Đói khát, bệnh tật, khí hậu lam chướng luôn luôn là những thử thách đối với vị lãnh đạo tinh thần của Giáo phận.

Tháng 7.1860, Giám mục Bình trốn trong một túp lều xiêu vẹo ở Kẻ Sen, kê tấm ván làm giường ngủ và cũng là bàn viết, đắp chiếc chiếu cói. Lần nọ, một người Công giáo tên Nhiêu Hân đi tố cáo Đức cha, quan quân truy lùng bắt được một giáo dân tên Bình. Nhưng đây là một vụ bắt nhầm, ông Bình này bị đánh đập rồi được thả về với vợ con. Một lý trưởng làng Kẻ Sen lại cũng là Công giáo tên Phanxicô Xavie Huỳnh Văn Đức cũng bị bắt vì quan quân cho đó là “Đức Thầy” tức là chức vị Giám mục của Đức Cha. Ông này cũng bị đánh đập nhưng rồi được tha. Rất nhiều trường hợp Đức cha đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, thí dụ, lý trưởng làng Lộc Thọ (làng Vĩnh An) tên Đệ là một người ngoại giáo đã cho Giám mục và thừa sai Barbier (thuộc giáo phận nam Đàng Ngoài) tá túc trong nhà nhưng rủi thay có người đi tố cáo nên quan quân ập đến. Bà chủ nhà, vợ ông lý trưởng liền kéo Đức cha xuống chuồng heo, bảo Đức cha nhảy xuống cái hầm, bà lấy cái mẹt lớn đậy lên miệng hầm. Lính lục soát khắp nhà, nhưng không để ý tới cái chuồng heo nên Đức cha thoát nạn. [7] Thoát khỏi nhà lý Đệ, Đức Cha lại trốn vào núi, len lỏi vào chốn thâm sơn cùng cốc gọi là “Khe nước lắng” trên hữu ngạn sông Dinh, thuộc làng Kẻ Sen. [8] Sau khi bất lực không tìm ra được tung tích của Giám mục Bình, quan quân phải tâu về triều Huế là “ông Bình” đã chết rồi nhưng quả thật “ông Bình” vẫn còn sống. Nhiều người ngoại giáo đã không tố cáo mà còn nuôi Đức cha nữa. Một gia đình lương dân nọ ở làng Sao Sa tiếp tế lương thực nuôi Đức cha bằng cách mỗi ngày ông chủ gia đình mang theo mình khi thì mo cơm, khi thì ít củ khoai, củ sắn tới dấu tại một điểm hẹn ở bìa rừng rồi về. Tối đến, có người từ trong rừng ra lay về nuôi Đức Cha, nhờ đó Đức Cha sống lần hồi qua ngày. Người làm ơn đó không phải Công Giáo mà cũng không quen biết. Rõ ràng là xã hội nào cũng có những con người “tính bản thiện” và hành động theo ý quan phòng của Thiên Chúa.

Công tác mục vụ hằng ngày của Giám mục cũng phải ngụy trang, che dấu như các linh mục tu sĩ khác. Chẳng hạn áo lễ, chén thánh, tượng ảnh phải dấu dưới đáy một rổ rau hay rổ sắn (khoai mì) do một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá mang đi trước, rồi Đức cha Bình cải dạng là một ông lão quê, đi đôi guốc mộc, hoặc có khi quần trắng áo thụng đen chầm chậm theo sau. Cứ vậy hết năm này qua năm khác...

Sức khỏe hao mòn dần, tinh thần luôn căng thẳng nên nhiều lần Giám mục Bình dự tính ra trình diện nộp mình cho quan quân nhưng một số linh mục như Nguyễn Ngọc Huệ, Trần Hữu Ninh đi theo Đức Cha trong những ngày lưu lạc rất lo sợ nên tìm cách an ủi, trấn giữ tinh thần Đức Cha với những lời lẽ thiệt hơn. Linh mục Trần Hữu Ninh [9] nói: “Vậy thưa Đức Cha, thà Đức cha cứ tiếp tục đi trốn, đi núp còn hơn là cứ khăng khăng ra nộp mình.” Sau đó, linh mục Trần Hữu Ninh cầm lấy tay Giám mục Sohier trịnh trọng thưa: “Thưa Đức cha, con cấm Đức cha không được nộp mình!”

Sau hiệp ước Nhâm Tuất (5.6.1862), vua Tự Đức tha đạo, nên Giám Mục Sohier rời Kẻ Sen về Kim Long, tổ chức thánh lễ Tạ Ơn rất trọng thể tại đây. Đức cha Sohier làm một cử chỉ rất tế nhị mang ý nghĩa tuyên dương khen thưởng linh mục Martino Nguyễn Văn Thanh trước cộng đoàn dân Chúa vì linh mục này trong mấy năm bắt đạo đã cải trang khi thì đi gánh nước thuê, khi thì người quét chợ, lúc làm nhân viên ban âm công (nhà đòn) v. v..., liên lạc chỗ này nơi nọ để làm công tác mục vụ, thu lượm tin tức liên hệ tới sự an nguy của Giáo Hội. Đức Cha nhường quyền chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn này cho linh mục Nguyễn Văn Thanh. Trong dịp lễ đặc biệt này, người Công Giáo đi dự rất đông và họ rất ngạc nhiên, xì xào nói với nhau: “Ủa, tưởng là ai, té ra là cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba...”

Ngày 10.7.1864 Giám Mục Sohier vào Sài Gòn đi Âu châu đem theo hai thầy Nguyễn Ngọc Tuyên và Nguyễn Hữu Thơ cố ý vận động Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ cho Giáo phận Huế và cho cả Việt Nam. Tại Rôma, Đức Cha đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tiếp kiến. Đức Cha cho hai thầy Tuyên và Thơ vào học Đại chủng viện Mans và ngày 17.12.1864, ngài phong chức linh mục cho thầy Sáu Nguyễn Ngọc Tuyên và chức Phó tế cho thầy Nguyễn Hữu Thơ.

Về nước, Đức Cha ban hành các chỉ thị điều hành họ đạo, xây cất các cơ sở tôn giáo, chủng viện, dòng tu, tòa giám mục, cơ sở từ thiện bác ái, thành lập khu dinh điền khai phá đất hoang ở vùng Thanh Tân – Ồ Ồ thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Dịp này Đức cha cho lập nhà trẻ (Viện dục anh) ở giáo xứ Sáo Bùn (tên cũ của Tam Tòa) do thừa sai Pontvianne phụ trách, giúp cho triều đình Tự Đức mở trường dạy Pháp ngữ ở Huế, tham gia phái đoàn thương nghị giữa Trần Đình Túc và Francis Garnier tại Hà Nội.

Tháng 6.1876 Giám mục Sohier đi thăm giáo dân ở Quảng Bình, tới viếng các xứ đạo ở phía nam Quảng Bình như Mỹ Hương, Đại Phong, Mỹ Phước, Xuân Hồi, Trung Quán, ghé giáo xứ Sáo Bùn để ban phép Thêm Sức, tới viếng xứ đạo Kẻ Sen là bản doanh quen thuộc của ngài trong các thời kỳ khó khăn. Tại đây, ngài bị bệnh kiết lị và từ trần ngày 3.9.1876 an táng trong nhà thờ giáo xứ Kẻ Sen. Một tấm bia mộ do Tòa Giám Mục Huế đưa ra vài năm sau đó được đặt trên mộ Đức Cha khắc mấy câu chữ Nôm được kể như lời trối sau cùng của ngài: “Chúng con hãy cầu nguyện cho cha. Ví bằng cha đặng lên Thiên đường thì cha chẳng quên chúng con đâu.”

Có thể nói Giám mục Sohier là một vị chủ chăn vĩ đại chịu biết bao phong trần khốn khổ cùng với giáo dân nghèo khổ Thiên - Trị - Bình, đã Việt Nam hóa qua phong thái áo thụng the đen, mang giày hạ, đầu chít khăn nhiễu, tay cầm quạt, ngồi bên bàn gỗ gụ. Những vất vả gian lao của vị mục tử tốt lành này đã là chất liệu khích lệ tinh thần giữ đạo bền vững của người giáo dân Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Kẻ Hạc, Sáo Bùn v.v... trong thời gian khó khăn đúng như lời Đức Kitô nói trong Kinh Thánh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên” [10]. Trải qua một thời gian rất điêu đứng vì chính sách bắt đạo, phân sáp của vua Tự Đức, nhiều giáo dân, giáo sĩ chết vì đạo, biết bao cơ sở phụng tự như nhà thờ, tu viện, chủng viện, viện dục anh bị phá hủy, tịch thu, Giám mục Sohier thay vì oán hận vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn, lại tỏ ra hết sức sốt sắng giúp vua trong một số công tác được nhờ cậy đến, bằng tất cả tấm lòng nhân từ của một vị chủ chăn Công Giáo. Thái độ khôn ngoan đó cũng là yếu tố giúp cho đạo Công Giáo dễ dàng phát triển trong các giai đoạn lịch sử về sau. Giáo dân Sáo Bùn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã nhìn vào tấm gương sáng của chủ chăn làm phương thức hành động trong việc gìn giữ và tô bồi đức tin của mình.

2.- Giám mục Martin Jean Pontvianne, nguyên Quản nhiệm giáo xứ Sáo Bùn (Tam Tòa), vị mục tử của thời kỳ hậu “phân sáp”.

Linh mục Martin Jean PONTVIANNE sinh ngày 1.3.1839 tại làng Yssingeaux, miền Haute-Loire vốn là một miền cao nguyên đồi núi thuộc sơn khối Massif Central Pháp quốc, thiếu thời theo học Tiểu chủng viện Monistrol, rồi tiếp tục chuyển lên học Đại chủng viện của Hội Truyền Giáo Paris từ ngày 23.10.1860, thụ phong linh mục ngày 30.5.1863 cùng một lần với linh mục Dangelzer.

Vâng lệnh Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris, hai linh mục Pontvianne và Dangelzer đặt chân lên Sài Gòn ngày 16.7.1863 mà địa điểm được chỉ định là Giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế), nhưng lúc bấy giờ tình hình cấm đạo còn rất khó khăn nên cha Pontvianne tạm thời làm tuyên úy nhà tù Côn Đảo trong thời gian chờ đợi đến Huế.

Sáu tháng sau, linh mục Pontvianne (tên Việt Nam là Phong) cùng với linh mục Dangelzer ra Huế và từ ngày 16.9.1864 nhận nhiệm vụ mới dưới quyền Giám mục Sohier. Nhiệm sở đầu tiên của cha Pontvianne khi nhận bài sai là giáo xứ Sáo Bùn, một cứ điểm truyền giáo trước đây thuộc các linh mục Dòng Tên nằm phía nam phủ trị Đồng Hới khoảng 3 cây số, giáo dân nghèo nàn thưa thớt. Giáo xứ Sáo Bùn (sau này đổi tên là Tam Tòa, sau biến cố Văn Thân đốt phá năm 1886) lúc bấy giờ chưa có nhà xứ cũng như chưa có nhà thờ mới. Linh mục Pontvianne tạm trú trong chái căn nhà của 3 thừa sai thuộc giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) được sử dụng làm nhà thờ. Cũng như trường hợp của linh mục Pontvianne phải chờ tại Sài Gòn, ba vị thừa sai người Pháp là linh mục Desvaux (cố Đề), linh mục Croc (cố Hòa), linh mục Roy (cố Thuần) phải nằm đợi tại Sài Gòn vì chưa vào Giáo phận Vinh được. Đến tháng 8 năm 1862, sau hòa ước Nhâm Tuất, ba vị thừa sai này tưởng đã vào Giáo phận Vinh được nên đi tàu thủy ra cửa Đồng Hới nhưng đã bị các quan ở Quảng Bình bắt giữ vì họ không có giấy thông hành của Súy phủ Pháp ở Sài Gòn. Tuy vậy các quan ở đây cũng cất cho các vị thừa sai đó một ngôi nhà 3 gian, 2 chái trên nền nhà thờ cũ họ Sáo Bùn để các vị đó có nơi cư trú. Ba tháng sau các vị đó được tự do, các linh mục Desvaux và Roy ở lại phục vụ tại Giáo phận Huế còn linh mục Croc ra Giáo phận Vinh. [11] Ngôi nhà tạm trú của 3 vị thừa sai đã trở thành nhà thờ họ đạo Sáo Bùn, và linh mục Pontvianne khi nhận bài sai ra làm cha sở giáo xứ Sáo Bùn đã ở trong chái nhà này. Năm 1867, khi có thêm thừa sai Claude Bonin (cố Ninh, 1839-1925) về làm Phó xứ Sáo Bùn vì số lượng giáo dân ngày càng tăng thêm, linh mục Pontvianne xây nhà thờ mới [12]. Với cương vị là quản xứ, linh mục Pontvianne chuyên tâm trong công tác giảng dạy giáo lý cho anh chị em tân tòng, mở các kỳ khảo hạch giáo lý trong giáo hạt. Trong thời gian coi sóc giáo xứ Sáo Bùn, linh mục Pontvianne có tinh thần bác ái rất đặc biệt nhất là chăm lo nuôi người nghèo khó. Có một người hành khất đau yếu được ngài đem về nuôi trong nhà đến lúc chết ngài giúp đỡ lo tống táng cho ông ta.

Vâng lệnh Giám mục ở Huế, cha Pontvianne lập ở giáo xứ Sáo Bùn một nhà nuôi trẻ mồ côi gọi là Viện Dục Anh hằng ngày tiếp nhận các trẻ em bị cha mẹ vứt bỏ ngoài đường, các trẻ em mồ côi hay cha mẹ nghèo quá không nuôi nổi cha đều nhận hết và giao cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chăm sóc nuôi nấng. Giáo xứ mặc dầu đa số giáo dân đều là những người làm nghề nông hay chài lưới với cuộc sống rất cơ cực nhưng vẫn đóng góp để giúp cha sở nuôi các em ở Viện Dục Anh. Sau này khi giáo xứ Sáo Bùn bị Văn Thân đốt phá năm 1886, Viện Dục Anh cùng toàn bộ giáo xứ chạy ra Tam Tòa (Đồng Hới) và vẫn tiếp tục công tác xã hội đầy khó khăn vất vả đó cho đến năm 1954.

Năm 1876, Giám mục Sohier qua đời, giáo phận chưa có Giám mục kế vị nên linh mục Louis Etienne Dangelzer (tên Việt Nam là Đăng, 1839-1904) được cử làm Tổng đại diện (Cha Chính) từ năm 1866 tạm nắm quyền điều hành giáo phận. [13]

Ngày 31.8.1877, Tòa thánh bổ nhiệm linh mục Pontvianne lúc đó đang làm cha sở giáo xứ Sáo Bùn kiêm Quản hạt Quảng Bình làm Giám mục Hiệu tòa Butra điều khiển Giáo phận Huế và lễ tấn phong giám mục được cử hành ngày 12.5.1878 tại Tòa Giám Mục ở Kim Long (Huế).

Sau lễ tấn phong, Giám mục Pontvianne đi thăm các họ đạo trong khắp giáo phận nhưng nửa chừng bị bệnh nặng phải trở về Huế. Từ đấy, sức khỏe yếu dần, ngài phải qua Hồng Kông trị bệnh tại bệnh viện Bêtania được vài tháng nhưng đến ngày 30.7.1879 Đức Cha qua đời, hưởng dương 40 tuổi, sau 16 năm làm linh mục, và 14 tháng làm Giám mục Giáo phận Huế. Ngài được chôn cất tại nghĩa trang Bêtania ở Hồng Kông.

Nhìn lại cuộc đời của Giám mục Pontvianne thật là ngắn ngủi trong 16 năm làm linh mục thì hết 13 năm sống tại giáo xứ Sáo Bùn nhưng đặc biệt vì tấm lòng bác ái của ngài lo cho người nghèo khổ bất hạnh, cho các trẻ em mồ côi ở Viện Dục Anh Sáo Bùn đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. [14]

3.- Giám Mục Alexandre-Paul Marie Chabanon, nguyên Chánh xứ Giáo xứ Sáo Bùn (Tam Tòa), với chính sách “đổi mới” tại Giáo phận Huế.

Nếu gọi là diễm phúc đối với giáo xứ Sáo Bùn có được những vị linh mục đạo đức tốt lành đảm nhiệm chức vụ chủ chăn, về sau được Tòa Thánh Rôma cất nhắc lên hàng Giám Mục có tên tuổi trong Giáo phận Huế thì cũng phải kể là những hồng ân giáo dân toàn giáo phận hưởng nhờ do những cải cách độc đáo dưới thời Alexandre - Paul Chabanon làm giám mục (1930-1936).

Alexandre – Paul CHABANON sinh ngày 7.7.1873 tại làng Antre, tỉnh Lozère, giáo phận Mende, thủ phủ tỉnh Lozère, nằm phía Đông – Đông Nam Pháp quốc. Tân chức được thụ phong ngày 28.6.1896, được chỉ định sang phục vụ tại Việt Nam tại giáo phận Bắc Đàng Trong và đặt chân tới Huế ngày 26.8.1896.

Linh mục có tên Việt Nam là Giáo, nhận lãnh “bài sai” từ Giám mục Allys (Đức Cha Lý) về làm phó xứ Trí Bưu (Quảng Trị) dưới quyền chánh xứ là linh mục Claude Bonin (cố Ninh, 1839-1925) từ năm 1896 đến 1899.

Trong cuốn Quá trình lịch sử Đại chủng viện Huế của linh mục J.B. FRoux (cố Ngôn), người ta được biết cha Chabanon được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Phú Xuân dưới quyền Linh mục giám đốc Alphonse Izarn (cố Y, 1861-1919); cha Chabanon là một trong ba vị giáo sư đầu tiên được giữ chiếc ghế này tại Đại chủng viện.

Năm 1905, linh mục Chabanon rời Đại chủng viện, giao ghế giáo sư lại cho linh mục Adolphe Delvaux (cố Văn) và về làm chánh xứ giáo xứ Tam Tòa, kiêm Hạt trưởng Hạt Quảng Bình thay thế linh mục Jean Louis Bonnand (cố Bổn, 1854-1919) cho đến năm 1908. Phó xứ Tam Tòa lúc bấy giờ là linh mục Phạm Ngọc Chiếu. Theo tập kỷ yếu Nhà thờ Tam Tòa Đà Nẵng, Sau 50 năm qua ba thời kỳ xây dựng, linh mục Chabanon làm chánh xứ Tam Tòa từ 1905-1908. Một số tư liệu trong nước ghi nhầm năm 1918 cha Chabanon rời xứ Tam Tòa nhưng sau đó không nói rõ ngài đi nhiệm sở nào mà chỉ cho biết ngài ở Pháp về năm 1930. Có thể trong thời gian từ 1908 đến 1930 cha Chabanon đi Pháp nhưng có lẽ chỉ ở bên đó vài năm thôi chứ không thể kéo dài đến 22 năm được?

Năm 1918, Giám mục Allys cử cha Chabanon giữ chức giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân sau khi cha Alfred Marie Barthélémy qua đời tại Huế, ngày 13.5.1918. Cha Chabanon làm Giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân ngày 16.8.1918 cho đến khi được cử làm Giám mục phó, năm 1930, tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục nhiệm vụ Giám đốc Đại chủng viện cho đến ngày chính thức lãnh đạo giáo phận, sau khi Đức Cha Allys từ chức [15]. Ngày 28.10.1930, tại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, linh mục Chabanon được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục phó, hiệu tòa Bitylie, do Đức Khâm sứ Colomban Dreyer chủ phong. Lúc bấy giờ Đức Cha Allys bệnh hoạn nhiều và hơn nữa bị mù nên Đức Cha phó vẫn tiếp tục nhiệm vụ Giám đốc Đại chủng viện.

Năm 1924, tại Đại chủng viện Phú Xuân (Huế) có tổ chức Hội đồng Kinh nghuyện (Commission des Prières) của Hội đồng Giám mục Đông dương mục đích là san định lại một số kinh sách dùng thống nhất trong các giáo phận ở Việt Nam, chuyển đổi một số danh từ tiếng La Tinh sang tiếng Việt đạt mức hoàn chỉnh, đặt dưới sự điều khiển của cha Chabanon, từ đó xuất hiện các danh từ thánh-giá thay cho câu-rút (crux), thánh-thần thay cho spiritus sanctus, phúc-âm thay cho Ê-vang (evangelium), giám-mục thay cho vít-vồ (évêque) v.v...

Tháng 6 năm 1931, Giám mục Allys từ nhiệm nên Giám Mục phó lên chấp chính quyền lãnh đạo giáo phận.

Một trong những việc làm của Giám Mục Chabanon là canh tân một số thông lệ đã có từ trước để cho có sự tốt đẹp hơn đó là cử một linh mục Việt Nam làm chánh xứ và một linh mục Pháp làm phó xứ: Linh mục André Marc EB (1904-1981) như vậy là xóa đi tình trạng bất bình đẳng giữa linh mục “bản xứ” với linh mục “mẫu quốc”. Việc làm mang tính cách đổi mới này có khả năng phá bỏ bức tường ngăn cách sự hội nhập bình đẳng và thiêng liêng giữa linh mục Ta và linh mục Tây, đồng thời cũng phá tan dư luận của những kẻ xấu mồm xuyên tạc là có sự kỳ thị giữa cha Pháp và cha Việt. Dĩ nhiên ai cũng phải thừa nhận rằng các linh mục thừa sai khi sang truyền giáo ở nước ta vốn được học hành, huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm đến nơi đến chốn, không bị phá phách, đàn áp, truy đuổi gắt gao như các chủng sinh ở Việt Nam trong thời các vua chúa nhà Nguyễn. Cho nên, việc các linh mục Việt Nam làm phó xứ, phụ tá cho các cha Tây cũng là điều hiển nhiên thôi, và cũng là dịp để học hỏi thêm. Nhưng cũng thật là không nên khi tình trạng đó vẫn cứ kéo dài mãi bởi thế quyết định của Giám Mục Chabanon được coi là một hành động “cách mạng” thật đáng hoan nghênh!

Đức Cha Chabanon cũng đã không ngần ngại bổ nhiệm linh mục Đỗ Khắc Mỹ giữ chức Quản Hạt vốn là một chức vụ quan trọng xưa nay chỉ trao vào tay các cha thừa sai người Pháp mà thôi.

Người ta cũng kể rằng những khi có việc phải họp chung, trước kia thường thì các linh mục người Pháp dù còn trẻ vẫn được ngồi trên, nhưng dưới thời Giám Mục Chabanon, việc ngồi được quy định theo niên tuế, ai lớn tuổi ngồi ghế trên, ai nhỏ tuổi ngồi ghế dưới, không cứ gì linh mục người Việt hay người Pháp.

Trong lãnh vực giáo dục, Giám Mục Chabanon đã tiếp nối công trình xây dựng và hoàn tất một trường trung học tư thục Công Giáo nổi tiếng ở Việt Nam là Trường Trung Học Providence tại Huế, thường gọi là Trường Thiên Hựu. Cái tên “Thiên Hựu” là do linh mục Sảng-Đình Nguyễn Văn Thích [16], một bậc túc nho của chốn cố đô đặt cho lấy từ trong sách Trung Dung “Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư “ nghĩa là: Trời chiếu cố người dân ở dưới trần nên kẻ thì cho làm vua, kẻ thì cho làm thầy. Trường này là lò đào tạo biết bao nhân tài Việt Nam, về sau nhiều người trở thành tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa và Miền Bắc như Trần Văn Lý, Hà Thúc Ký, Bùi Xuân Bào, Trần Điền, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Hồ Sĩ Khuê, Lâm Lễ Trinh, v.v... con em người Pháp tại Đông Dương, cùng con em các dân tộc Lào, Cao Miên, Thái Lan. Chất lượng giảng dạy dồi dào cùng với chương trình các bộ môn phong phú đã gây được uy tín của Trường khắp nơi trong toàn quốc.

Tháng 10 năm 1933, Trường khai giảng với vị hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên là Linh mục Tiến sĩ Ngô Đình Thục, bào huynh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, về sau làm Giám Mục Vĩnh Long (1938) và Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế (1961-1963).

Về phương diện tu đức, với khả năng uyên bác trong lãnh vực tín lý, thần học, Giám Mục Chabanon là tác giả bộ luật của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, thường gọi là Dòng nữ Phú Xuân (Kim Long) được áp dụng từ thập niên 30 của thế kỷ trước cho đến ngày nay.

Ngoài ra Giám Mục cũng là người nâng đỡ, khuyến khích Dòng Khổ Tu Phước Sơn được thành lập từ năm 1918 tại khu đất của cụ Nguyễn Hữu Bài ở vùng đồi núi Quảng Trị và được thừa nhận vào đại gia đình Xi-Tô trong nhiệm kỳ của Giám Mục Chabanon tại Giáo phận Huế.

Ngày 29.6.1935, Giám Mục Chabanon đã đứng phụ phong cho Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer, cùng với Đức Cha Nguyễn Bá Tòng trong lễ tấn phong Tân Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, người Ba Châu, nguyên Giám đốc Tu viện Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm (Sacré Coeur) ở Thợ Đúc, Huế, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Huế.

Mùa Thương Khó năm 1936, Giám Mục Chabanon ngã bệnh, sức khỏe suy sụp dần nhưng ngài không rõ bệnh gì, nên vẫn cứ làm việc. Ngài cố gắng dâng Lễ phục sinh rồi về phòng nằm nghỉ. Dự định ngày 24.4.1936 thì lên đường về Pháp nhưng ngày 23.4 Đức Cha Allys qua đời nên ngài rán đến lạy, cầu nguyện và từ biệt Đức Cha Allys đang quàn ở nhà. Hôm sau ngài lên đường vào Đà Nẵng và lên tàu về Pháp có cha Fasseaux tháp tùng nhưng khi gần đến Djibouti thì sức khỏe ngài suy nhược hẳn, phải chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4.6.1936 Giám Mục Chabanon từ trần tại bệnh viện Marseille, thọ 63 tuổi, 40 năm linh mục, 6 năm Giám Mục Giáo phận Huế. [17]

Trong buổi lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tại Nhà thờ lớn Hà Nội do Đức cha Anselmô Tađêo Lê Hữu Từ chủ phong và hai Đức cha Francois Gomez de Santiago Lễ (OP) và Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi phụ phong, sau khi Cha Paulo Léo Seitz Kim (MEP) đọc diễn từ chúc mừng, vị tân Giám mục người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội đã hướng ngay về phía các Giám mục Việt Nam và dõng dạc tuyên bố: “Que serions-nous sans eux?” (Không có các vị thừa sai thì chúng ta sẽ ra sao?) . Thật là một câu nói hàm súc, một thái độ trọng thị, một tâm tình chung thủy, cũng hệt như cảm nghiệm của Geoges Bernanos khi nói “Tout est grace” (Tất cả đều là hồng ân) [18].

Chắc chắn với cuộc đời hy sinh mang Tin Mừng đến cho những vùng đất xa xôi ở Viễn Đông, những chốn bùn lầy nước đọng, nghèo khổ như giáo xứ Sáo Bùn, tiền thân của Tam Tòa, với kiến thức uyên bác của một bậc thầy lăn lộn nhiều năm ở đại chủng viện, Giám mục Chabanon - mà tư tưởng cấp tiến của ngài là những điểm son chói rạng trong trang sử của Giáo Hội Việt Nam – đã trở nên mẫu mực cho nhiều thế hệ linh mục lúc bấy giờ và cả trong hiện tại.

4.- Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nguyên Phó xứ Tam Tòa, chứng nhân đức tin của thời hiện đại.

Trong tác phẩm Rise, let us be on our way, (Chúng ta dậy đi nào) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Có những vị thánh tử đạo khác gần với thời đại chúng ta. Việc đó làm tôi nhớ đến những lần gặp gỡ của tôi với Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, người giảng Tĩnh tâm tại Vatican trong Năm Thánh 2000. Vào ngày 18 Tháng Ba năm 2000, khi cám ơn về những suy tư của Ngài, tôi đã nói rằng: “Là một chứng nhân của thập giá trong những năm dài tù ngục ở Việt Nam, ngài đã nhắc đến những chuyện thật và các giai đoạn khổ đau của mình ở trong tù, qua đó làm phấn chấn chúng ta với niềm an ủi chắc chắn rằng ngay cả khi mọi cái đều sụp đổ chung quanh chúng ta và có thể ngay cả trong chúng ta nữa, thì Đức Kitô vẫn còn là nguồn trợ lực không suy suyển của chúng ta.” [19]

Theo gia phả của dòng họ Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, ơn thánh tẩy đã đến với tổ tiên ngài từ năm 1698. Ngài sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam, Huế. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Ấm (tục gọi Bát Ấm) và thân mẫu là cụ bà Ngô Đình Thị Hiệp, em của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tổ tiên cả hai dòng tộc nội ngoại của ngài đều là những bậc quyền quý, danh gia vọng tộc ở chốn cố đô nhưng đồng thời cũng là những giáo dân chịu bắt bớ, giết hại, đau khổ vì đạo Chúa nhất là trong thời kỳ “phân sáp”[20].

Thuở nhỏ ngài học ở Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị và Đại Chủng Viện Kim Long, Huế.

Thụ phong linh mục ngày 11.6.1953 và được bổ nhiệm làm Phó xứ giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã trở thành Giáo Hạt dưới quyền của linh mục chánh xứ là Đôminicô Hoàng Văn Tâm (1948-1954). Giáo xứ Tam Tòa lúc bấy giờ đã là một nơi sầm uất với dân cư trên gần bốn nghìn người làm đủ các nghề nhưng có ba nghề chính là nghề đúc đồ đồng (cụ Nguyễn Thi, truyền nhân từ làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy), nghề làm nước mắm (cụ Nguyễn Phi Long, bà Nguyễn Thị Gẫm), nghề chạm đồ gỗ (cụ Nguyễn Sá, cụ Hoàng Văn Giao) cùng một số giáo dân và tu sĩ, linh mục, thanh niên ở Bắc sông Gianh, Hà Tĩnh, Nghệ An chạy trốn Việt Minh vào đây như các linh mụcTrương Cao Khẩn, Nguyễn Viết Khai, Nguyễn Phương, Nguyễn Tiến Huynh v.v... lác đác từ năm 1947 cho đến 1954. Giáo dân Tam Tòa đã mở rộng vòng tay ân cần đón tiếp, giúp đỡ họ. Một số dân trong làng làm việc cho chính quyền quốc gia như vào công an, quân đội, dạy học, công chức v.v... Lúc bấy giờ giáo xứ Tam Tòa đã có hai linh mục Đỗ Bá Ái và Trần Văn Cần làm Phó Xứ, ngoài ra còn có linh mục Nguyễn Phương (Giáo phận Vinh) mới phong chức ở Huế cũng được gửi ra Tam Tòa. Thêm vào đó còn có một linh mục người Pháp, cha Neyroud (cố Sáng) làm Tuyên Úy Quân đội Pháp cũng ở chung tại nhà xứ. Nhà xứ lúc bấy giờ là một tòa nhà hai tầng, khang trang rộng rãi với một vườn cây cổ thụ cao vút tỏa rợp bóng mát bên dòng sông Nhật-Lệ. Thánh lễ ngày chúa nhật có ba phiên, đặc biệt có phiên 10 giờ sáng dành cho người Pháp ở trong thành phố Đồng Hới tục gọi là “Lễ Tây”.

Về phương diện sinh hoạt giáo dục, giáo xứ Tam Tòa giai đoạn 1947-1954 đã có một trường trung học từ lớp đệ thất đến đệ tứ (tức lớp 6 đến lớp 9) dạy hai sinh ngữ Anh và Pháp do các sư huynh Dòng Thánh Tâm phụ trách gọi là Trường Trung học Chân Phước Phượng, một trường tiểu học có tên Phước Viện Học Đường do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa điều hành. Một nữ tu viện Dòng Mến Thánh Giá có khoảng 50 nữ tu, tập sinh nằm trên đường Truyền Giáo (Rue de la Mission) đối diện với nhà xứ. Ở cuối làng trên một khu đất cao ráo người ta xây một nhà nuôi trẻ mồ côi gọi là Viện Dục Anh do một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá coi sóc, có khoảng 100 em bé.

Trong giáo xứ Tam Tòa việc làm ăn buôn bán rất phát đạt. Ngành đúc đồ đồng, đúc chuông nhà thờ, chuông chùa phát triển tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình. Ngành chế biến nước mắm có hãng “Phi Long con cá vàng” đưa hàng ra bán tại nhiều tỉnh ở Bắc Việt, đặc biệt là ngành chạm trổ đồ gỗ với những sản phẩm lưu hành khắp nơi, tham dự nhiều cuộc đấu xảo ở Marseille, Paris với hãng đồ gỗ Fatima của ông Nguyễn Công Hội, hãng chế tạo gạch ngói của ông Nguyễn Công Phát, nhiều xe đò của ông Hoàng Phái chạy vào nam ra bắc, đi Lào, tàu biển chở hàng đi Sài Gòn, Hà Nội của ông Hoàng Liễn (tức ông Bát Viếng) v.v...

Linh mục Nguyễn Văn Thuận ở giáo xứ Tam Tòa khoảng 4 tháng, bị bệnh phổi nên phải vào lại Huế. Cái duyên nợ của ngài đối với giáo xứ Tam Tòa tuy ngắn ngủi nhưng người giáo dân ở đây cảm thấy hãnh diện mỗi khi nhắc đến tiểu sử vị hồng y thánh thiện này.

Sau cuộc di cư năm 1954, ngài làm Phó xứ cho một linh mục Pháp là cha Barbon (cố Triết), rồi thành lập giáo xứ Phanxicô Xavie ở Huế cho giáo dân Việt Nam, Nhà thờ Phanxicô Xavie thường gọi là Nhà thờ Nhà nước vì có đông dân Tây thường dự lễ chúa nhật ở đây. Ngài làm quản xứ giáo xứ này, kiêm Tuyên úy lao xá Thừa thiên, Tuyên Úy Trường Pellerin, Tuyên Úy Bệnh Viện Huế. Năm 1955 ngài lập Tráng đoàn La Vang.

Năm 1956, linh mục Nguyễn Văn Thuận du học tại Rôma và năm 1959 đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật và trở về làm Giáo sư Tiểu chủng viện Huế.
Năm 1962, linh mục được cử làm Giám Đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện khi cơ sở này mới được thành lập.
Tổng Đại diện Huế năm 1964.

Năm 1967, ngài được Tòa Thánh Vatican cử làm Giám Mục Giáo Phận NhaTrang và lễ tấn phong Giám mục diễn ra ngày 24.6.1967, lúc 5 giờ chiều tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, dưới sự chủ phong của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Angelo Palmas và sự phụ phong của hai Giám Mục Nguyễn Kim Điền và J.B. Urrutia. Ngài chọn khẩu hiệu là “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes).

Ngày 10.7.1967, ngài đến nhận chức Giám Mục Giáo Phận Nha Trang dưới sự chủ tọa của Đức Khâm Sứ Angelo Palmas.

Trong thời gian tại chức Giám mục Nha Trang (từ 10.7.1967 đến 23.4.1975), ngoài việc điều hành giáo phận, ngài đã thực hiện cac công tác như sau:

- Thành lập Hội Đồng Giáo Dân gồm 1200 vị được bầu từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, được huấn luyện, tĩnh tâm hằng năm.
- Khuyến khích các đoàn thể Công giáo Tiến hành tiếp tục hoạt động và phát triển.
- Thành lập Ban Công lý và Hòa bình ngày 1.1.1969
- Thành lập Phong trào Học hội Kitô Giáo.
- Thành lập “Trung Tâm Văn Hóa Chàm” năm 1968, ấn hành Thánh kinh bằng tiếng Rơglai và ấn hành tự điển Chàm – Việt – Pháp.
- Công bố “Quy Chế Giáo Dân”.
- Phát hành “Tuần báo Dấn Thân” [21].
- Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội HĐGMVN 1967-1975.
- Chủ tịch Ủy ban Phát triển HĐGMVN 1967-1975.
- Cố Vấn Ủy ban Giáo Hoàng về Giáo dân 1971-1978.

Ngày 23.4.1975, Tòa Thánh phong ngài làm Tổng giám mục hiệu tòa thành Vadesitana và ngày 24.4.1975 cử ngài làm Phó Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị.

Ngày 27.6.1975, Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn – Gia Định công bố quyết định không cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận ở trong cương vị tại nhiệm sở mới và từ đây là khởi đầu một giai đoạn đau thương đối với ngài.

Ngày 1.7.1975 Ủy Ban Quân Quản gởi cho ngài một văn thư yêu cầu trở lại nơi cư trú trước ngày 30.4.1975. Ngày 15.8.1975 ngài được mời tới Dinh Độc Lập rồi bị bắt ở đó đưa về Nha Trang nhưng không phải về Tòa Giám Mục Nha Trang mà đưa đến giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để chịu tình trạng quản chế.

Vào 8 giờ sáng ngày 18.3.1976, công an tới giáo xứ Cây Vông, đọc lệnh bắt giam ngài vu cho tội dính líu đến vụ nhà thờ Vinh Sơn cách đó hơn 400 cây số, đem ngài giam tại trại Phú Khánh. Ngài ghi lại tình trạng bị giam giữ và cảm nghĩ của mình tại trại tù này như sau: “Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm. Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy. Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!” [22].

Ngày 29.11.1976, ngài được chuyển từ trại Phú Khánh vào trại Thủ Đức và ngày 1.12.1976 cùng với nhiều tù nhân khác xuống tàu Trường Xuân đưa ra Bắc. Các diễn biến này được ngài kể lại như sau: “Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc – một cuộc hải trình dài 1700 cây số. Cùng với các tù nhân khác tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1,500 người, trong tình cảnh không thể tả được.Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói: “Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi”. (Cv 20, 22-23). Tôi đã sống trong lo âu suốtđêm hôm ấy.Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi.” [23]

Ngày 5. 12.1976 tàu cập bến Hải Phòng, ngài bị đưa lên trại Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú để lay lời khai tổng quát sau đó ngày 5.2.1977 ngài bị tách riêng ra đưa về trại Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, phía nam Hà Nội. Trước khi rời trại Vĩnh Quang, một tù nhân đã lấy cái bao tải chùi chân ở cửa ra vào, giặt sạch và may thành cái bao cho ngài đựng các đồ cần thiết. [24]

Ngày 13.5.1978, Cục trưởng Cục Công An gặp ngài và cho biết ngài được phóng thích nhưng bị quản chế tại Giang Xá và 13 ngày sau, ngày 26.5.1978 xe công an tới đưa ngài về Giang Xá là một họ đạo nhỏ có khoảng 350 giáo dân ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, phía nam Hà Nội. Ngài bị cấm làm mục vụ, cấm giảng dạy, bị theo dõi gắt gao nhưng cuối cùng ngài đã cảm hóa được những cán bộ có trách nhiệm canh giữ ngài cũng như các giáo dân có nhiệm vụ theo dõi ngài. Những người đó gồm cả công an quản giáo xin ngài dạy cho ngoại ngữ Anh, Pháp và về sau họ lại là những người giúp đỡ ngài trong cảnh tù tội.

Ngày 21.11.1988, Bộ Nội Vụ có lệnh phóng thích ngài nhưng không cho về Nha trang hay Sài Gòn mà buộc ngài cư trú ở Tòa Giám Mục Hà Nội. Sau đó ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam và lên đường qua Rôma ngày 21.9.1991.

Các tác phẩm hình thành trong giai đoạn lao lý gồm có: Đường Hy Vọng (viết năm 1975 khi bị quản thúc ở xứ đạo Cây Vông, Nha Trang; Đường hy vọng dưới ánh sáng của lời Chúa và Công đồng Vatican II (viết năm 1979 tại Giang Xá, Hà Nội); Những người lữ hành trên đường hy vọng (viết tại Giang Xá, Hà Nội).

Ra hải ngoại, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận còn viết thêm Năm chiếc bánh và hai con cá, Chứng nhân hy vọng v.v... và tất cả các tác phẩm của ngài đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Ngày 24.11.1994, Tòa Thánh Rôma đã bổ nhiệm ngài làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình tại Vatican (chức vụ ngang hàng Thứ Trưởng). Chủ Tịch là Đức Hồng Y Roger Etchegary và ngày 24.6.1998, ngài được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng này (ngang hàng Tổng Trưởng) thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegary.

Với chức vụ mới này, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đại diện cho Tòa Thánh chủ tọa nhiều cuộc họp quan trọng tại Vatican, đi nhiều nơi trên thế giới để giảng thuyết và làm việc, giảng thuyết tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma trong Năm Thánh 2000, gặp gỡ các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên khắp thế giới, nhất là hằng năm tại Chi Dòng Đồng Công, Carthage, TB Missouri.

Cuối năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được tặng hai giải thưởng hòa bình. Giải thứ nhất là Man For Peace (Người Phục Vụ Hòa Bình) và giải thứ hai là Artefice della Pace (Người kiến tạo hòa bình) . Ngày 9.6.1999, Đức ổng Giám Mục Nguyễn văn Thuận đã được Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Quốc Gia Bội Tinh Đệ Nhất Đẳng. Ngày 21.1.2001, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được tấn phong lên Hồng Y.

Nhật báo Los Angeles Times mà số lượng in rất lớn, trong số ra ngày 21.2.2001 có đăng một bài nhận định dưới nhan đề là “The Men Who Would Be Pope” (Những người có thể lên ngôi giáo hoàng” dự đoán 14 vị Hồng Y có nhiều khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Đặc biệt. Theo tác giả, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình có rất nhiều khả năng được bầu kế vị Đức Gioan Phaolô II. Các báo Ý và Pháp cũng có dự đoán tương tự. [25].

Theo Giám mục Bùi Tuần, lần gặp Đức Hồng Y tại Rôma, ngài đã nghe Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tâm sự: “Có vinh quang thì sẽ có thánh giá. Thêm vinh quang là thêm thánh giá. Vinh quang càng lớn thì thánh giá càng nặng. Rồi chú sẽ thấy. Sau chức Hồng Y, thế nào một thánh giá nặng sẽ đặt trên vai tôi.” [26] Quả thật, Đức Hồng Y đã nói tiên tri về bệnh nặng của ngài.

Năm 2001, ngài bị một bướu lạ ở bụng nên phải qua Hoa Kỳ để giải phẫu. Đầu năm 2002 bệnh tái phát. Ngày 28.4.2002 ngài về Úc thăm thân mẫu mừng sinh nhật 100 năm của mẹ trước khi mổ lại lần thứ hai vào ngày 8.5.2002 tại Milano. Vì sức khỏe ngài quá yếu nên không tiếp tục cuộc giải phẫu nữa. Ngày 16.9.2002 ngài từ trần tại Rôma.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận mất đi để lại muôn vàn tiếc thương cho Giáo Hội Việt Nam cũng như Giáo Hội hoàn vũ. Người giáo dân Tam Tòa khóc thương một vị mục tử thánh thiện và tài năng mặc dù sự hiện diện của ngài ở giáo xứ trước đây chỉ một thoáng chốc tựa như bóng câu qua cửa.

Trong cuốn sách Rise, let us be on our way, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về các giám mục rằng: “Có biết bao nhiêu giám mục mạnh mẽ, hiên ngang là mẫu gương đưa đường chỉ lối cho nhiều người... Điều gì là bí quyết chung của các ngài? Tôi nghĩ rằng đó là vì các ngài đã can đảm sống cho đức tin. Các ngài đã dành mọi sự ưu tiên cho đức tin trong toàn bộ cuộc sống và trong mọi điều các ngài đã làm; một đức tin can trường không chút sợ sệt được củng cố bằng các thử thách, một đức tin với lòng can đãm phóng khoáng nghe theo mọi tiếng gọi của Thiên Chúa – mạnh mẽ trong đức tin...” [27]

Ngày nay, giáo dân Tam Tòa đang bước vào con đường tử đạo mới nối tiếp truyền thống đức tin của cha ông. Hình ảnh thập giá của Đức Kitô ngày xưa đã in xuống trên xứ đạo nhỏ bé với tháp chuông nhà thờ đổ nát lung linh soi bóng bên dòng sông Nhật-Lệ cũng đang lặng lẽ chuyển mình. Nhật-Lệ ngoài ý nghĩa nôm na là “nước mắt đổ từng ngày” (Vietcatholic.net ngày 20.8. 2009, Hà-Minh Thảo, Người Công Giáo Tam Tòa đang vác Thánh giá) lại còn là “vẻ đẹp chói chang của mặt trời” (các tư liệu bằng chữ Hán khi viết đến hai chữ Nhật-Lệ đều viết chữ Lệ là đẹp, chứ không viết chữ Lệ là nước mắt) chắc chắn sẽ xua tan màn đêm của sự ác. Nếu những tấm gương hy sinh và lòng nhân từ của các vị giám mục mà tên tuổi và cuộc đời của họ có thoáng qua hay chạm nhẹ chút ít vào lịch sử của giáo xứ này như men trong bột thì chân dung của các vị linh mục đạo đức, những mục tử tốt lành của giáo xứ Sáo Bùn, rồi Tam Tòa qua trường kỳ lịch sử sẽ được minh họa trong các công trình nghiên cứu kế tiếp được kể như là muối của đất, góp vào nỗ lực xây dựng sức mạnh thần quyền chống lại bạo lực của ma quỷ. Tam Tòa ngày nay (2009) dẫu có khác ít nhiều so với Tam Tòa ngày xưa (1954) nhưng vẫn là một tâm thức Công giáo duy nhất bởi được sinh ra từ “một Chúa, một Đức tin, một Phép rửa” , và nhất là với tinh thần hiệp thông rộng lớn với Giáo Phận mẹ Vinh, Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, chắc chắn cuối cùng trên trận tuyến đấu tranh cho Sự Thật, “công lý sẽ đẩy lùi bất công”.

New Jersey August 21, 2009

CHÚ THÍCH:
1.- “Le Sacerdoce, c’est l’amour du Coeur de Jésus” (in Le Curé d’Ars, Sa pensée, Son Coeur. Présentés par l’Abbé Bernard Nodet, éd. Xavier Mappus, Foi Vivante, 1966, p 98. (Vietcatholic.net ngày 21.6.2009).
2.- Vietcatholic.net, ngày 21.6.2009, Thư của ĐTC Benêđictô XVI gửi các Linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục.
3.- Archives MEP, tr. 583.
4.- Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, một nhà nghiên cứu sử học quen thuộc của Giáo phận Huế, vốn có nhiều liên hệ với linh mục Léopold Cadière (cố Cả), cho biết trước năm 1952, tại chủng viện An Ninh (Quảng Trị) còn lưu giữ chiếc gậy tre của Giám Mục Sohier. Qua biết bao biến thiên của dòng lịch sử, không rõ chiếc gậy tre đó nay nằm ở đâu? (“Lịch sử Giáo phận Huế”, Tập 2, tr. 44).
5.- Báo "Đức Mẹ La Vang”, số 9 – tháng 5, 1963, theo tư liệu của Linh mục Adolphe Delvaux (cố Văn).
6.- “Lịch sử giáo phận Huế” tập 2, tài liệu của Lm Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Ngọc, tr. 41.
7.- Lm Nguyễn Văn Hội, Sđd, tr. 65.
8.- Sông Dinh, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, từ núi Ba Gền (Ba Rền) trong rặng Trường Sơn Bắc, thuộc xã Thái Xá chảy ra biển đông ở nột cửa rất hẹp và nông ở xã Hoàn Lão, xưa gọi là cửa An Náu (Đinh Xuân Vịnh, “Sổ tay Địa danh Việt Nam”, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 1996, tr. 135).
9.- Linh mục Trần Hữu Ninh, có tên khác là Oai, Uy, người Da Môn, sinh năm 1830, thụ phong linh mục 17.12.1853 ở An Vân, theo Đức Cha Sohier lánh nạn ở Kẻ Sen, Quảng Bình, có ảnh hưởng đối với Đức Cha Sohier trong thời gian lánh nạn. Cha Ninh chết tại Kẻ Sen, mai táng trong nhà thờ Kẻ Sen, cạnh mộ ĐC Sohier.
10.- Gio-an 10: 11-13; Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Tân Ước, Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 438.
11.- Lm. Nguyễn Văn Ngọc, “Trang sử Giáo xứ Tam Tòa”, tlđd, tr. 18-19.
12.- Lm Nguyễn Văn Ngọc, tlđd, tr. 21.
13.- Archives MEP, tr. 171.
14.-Lu-ca 6: 38; Nhóm phiên dịch, Sđd, tr. 282.
15.- J.B. Roux, tlđd, bản Việt ngữ Lm. PVL tháng 6.1931.
16.- Xem thêm Đoàn Khoách (biên tập – thực hiện), Sảng Đình Thi Tập của J.M.THÍCH, Thanh Tịnh xb., California, USA, 2001. Chính linh mục Nguyễn Văn Thích đã đề nghị đổi tên trường Pellerin là trường Bình Linh, đặt tên cho một vườn trẻ của ngài là Vườn trẻ Hương Linh (cả hai cốt ý nhớ núi Ngự Bình và sông Hương), tên Thiên An vốn là cơ sở dòng Bênêđíctô ở Huế cũng là tên do cha Thích đặt cho.
Năm 1924, Hội đồng Kinh nguyện (Commission des Prières) của Hội đồng Giám mục Đông dương họp tại Đại chủng viện Phú Xuân dưới quyền chủ tọa của linh mục Chabanon là Giám đốc Đại chủng viện, mục đích là để điều chỉnh lại một số danh từ xuất phát từ tiếng Latinh được phiên âm ra tiếng Việt thí dụ Crux là Câu-rút, Evangelium là Ê-Vang, Sancti là Xăng-ti, Évêque là Vít-Vồ v.v... Trong Hội đồng Kinh nguyện này, linh mục Nguyễn Văn Thích lúc bấy giờ chỉ có chức Phó Tế cũng được mời tham dự vì ngài có kiến thức uyên thâm về thần học và ngôn ngữ (Việt, Hán, Pháp, Latinh) nên được chỉ định làm thành viên chính thức của đoàn đại biểu Giáo phận Huế. Cha Thích đã kể lại rằng các từ Thánh Giá (Crux), Phúc Âm (Evangelium), Thánh Thần (Spiritus Sanctus) là do Cha đề xuất và được toàn thể Hội nghị thông qua. Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị, cha Thích đã hóm hỉnh chấm dứt bằng câu nói: “Xin các cha bỏ Câu-rút lại đây và hãy vác Thánh-Giá mà về.” (Đoàn Khoách, Sđd, tr. 335).
Trong một bài viết đăng trên một Website điện tử, linh mục Trần Văn Kiệm (hiện ở Atlanta, TB Georgia, Hoa Kỳ), tác giả nhiều sách viết về văn học Việt Nam, tự điển chữ Nôm, sách dịch Thánh Kinh, khi phê bình Bộ Kinh Thánh do Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ do Tổng Giáo phận Sài Gòn in và phát hành trong nước, đã nói rằng dùng chữ Thánh Giá là không đúng, vì thánh giá là xe của vua đi, nhưng có lẽ linh mục Kiện đã nhầm, bởi vì chữ giá trong “thánh giá” của cha Thích viết trên chữ gia (là thêm vào), dưới chữ mộc (là cây) nghĩa là cái giá, còn chữ giá của cha Kiệm viết trên chữ gia (thêm vào) dưới chữ mã (ngựa) có nghĩa là đóng xe ngựa hay xe ngựa vua đi.
17.- Tham khảo từ một số tư liệu trong nước.
18.- Lê Ngọc Bích (chủ biên), Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, Giám Mục Người Nước Ngoài qua chặng đường 1659-1975, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr. 23.
19.- John Paul II, Rise, let us be on our way, Nxb. Warner Books, 2000, tr. 198. Nguyên văn: “There are other martyrs closer to our own times. It moves me to remember my meetings with Cardinal Francois-Xavier Nguyên Van Thuân, who preached the Curial retreat at the Vatican in the Year of Jubilee. On March 18, 2000, as I thanked him for his meditations, I said: “ A witness of the cross in the long years of imprisonment in Vietnam, he has frequently recounted the realities and episodes from his sufferings in prison, thus reinforcing us in the consoling certainty that when everything crumbles around us, and perhaps even within us, Christ remains our unfailing support.”
20.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang xb. 2000, tr. 169.
21.- Tóm tắt theo “Kỷ yếu địa phận Nha Trang”, 1972 (Kỷ niệm 300 năm Đức cha Lambert de la Motte đến Nha Trang), tr. 12-13.
22.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Sđd, tr. 141-142.
23.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Sđd, tr. 126-127.
24.- Lữ Giang, Vài dòng về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Tạp chí Đất Mẹ, số 101, Tháng 10 năm 2002, trang 9.
25.- Lữ Giang, tlđd, tr. 11.
26.- Giám mục Bùi Tuần, Hiến dâng đời mình làm của lễ, Tạp chí Đất Mẹ, báo đã dẫn, tr. 13.
27.- John Paul II, Sđd, tr. 198. Nguyên văn: “There were so many other strong, steadfast bishops who by their example showed the way for others... . What is their common secret? I think it was their courage to live their faith. They gave priority to their faith in the whole life and in everything they did; a bold and fearless faith, a faith strengthened by trials, a faith with the courage to follow generously every call from God – fortes in fide...”
 
Văn bản của UBND Đồng Hới tự ý ra thông cáo cho thi công tu bổ tại khu nhà thờ Tam Tòa
PV VietCatholic
15:04 22/08/2009
 
Ánh mặt trời đã khuất
Chu Văn, Radio Veritas
18:32 22/08/2009
Radio Veritas Asia - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong những ngày này, nhắc đến "Ánh Mặt Trời", ai ai cũng phải nghĩ ngay đến cố tổng thống Kim Dae Jung của Hàn Quốc, người vừa qua đời hôm thứ Ba 18 tháng 8 năm 2009 hưởng thọ 85 tuổi. Người ta liên tưởng đến ông như ánh mặt trời đã khuất là bởi vì ông là cha đẻ của chính sách được mệnh danh là "Ánh Mặt Trời" vừa mang lại dân chủ cho Hàn Quốc vừa chủ trương hòa giải với Bắc Hàn.

Cựu TT Kim Dae Jung và khi vừa ra tù
Cố tổng thống Kim Dae Jung sinh ngày 03/12/1925. Xuất thân từ một gia đình bình dân tại một vùng xa xôi hẻo lánh, ông đã vươn lên nhờ có lòng tin và chí phấn đấu cầu tiến. Năm 32 tuổi ông nhập đạo Công giáo và bước chân vào chính trường sau khi thành công trong một công ty đóng tầu. Con người đã từng vào tù ra khám, bị đày đi lưu vong và năm lần bị ám sát hụt này luôn khẳng định rằng chính niềm tin Công giáo đã nâng đỡ ông trong những giờ phút khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Ông đã cực lực lên án chính sách độc tài của tổng thống quân phiệt Phác Chính Hy. Năm 1961, ông đắc cử vào Quốc Hội. Năm 1971 ông suýt đánh bại Tổng Thống Phác trong một cuộc tranh cử sít sao, khi chiếm được 46 phần trăm phiếu cử tri.

Ông bị ám sát hụt 5 lần và một lần bị bắt cóc ở Tokyo, Nhật Bản, đưa về Hán Thành. Trước bao nhiêu trở ngại và hiểm nguy, ông luôn kiên trì phấn đấu nhằm mục đích nắm được chính quyền để thực hiện hoài bảo của mình là đem lại tự do, dân chủ, no ấm cho dân tộc và nhất là hoà bình cho xứ sở. Nhưng đối thủ chính trị của ông không phải là ít và cũng chẳng cao thượng gì; họ luôn đặt ông trước những nghịch cảnh hầu như không thể vượt qua. Nhưng rồi cuối cùng ông cũng đắc cử Tổng Thống vào năm 1998 và ở địa vị này tới năm 2003.

Trong thời gian này ông đã làm được một việc có thể tạo niềm tin và hy vọng cho nhân dân Hàn Quốc ở cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Ðó là ông đã thuyết phục đựợc chủ tịch Kim Jong Il của Bắc Hàn đón tiếp ông tại thủ đô Bình Nhưỡng, để hai bên thù địch cùng nhau bàn thảo về phương cách cho nhân dân hai miền có dịp gặp nhau, cho những gia đình đã gần một thế kỷ bị phân tán vì chiến tranh hay vì ý thức hệ chính trị có dịp đoàn tụ. Ông đã đích thân bay tới Bình Nhưỡng như một thợ săn say mồi nhập vào hang cọp. Chủ tịch Kim đã đích thân đón tiếp ông một cách long trọng. Và cuộc đàm phán đã diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6 năm 2000.

Có người dè bỉu nói rằng sở dĩ ông làm được việc đó là vì đã phải chi ra của công qũy 500 triệu Mỹ Kim, để mua chuộc đối phương. Nhưng dầu sao ông cũng muốn bằng cách này hay cách khác may ra giúp đỡ người dân Bắc Hàn đang bị đói.

Sáng kiến này đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa bình năm 2000. Cho tới nay ông là người Ðại Hàn đầu tiên và cũng là người duy nhất nhận giải thưởng cao quý này, vì ông là người đầu tiên có sáng kiến mở cuộc họp thượng đỉnh với Bắc Hàn để giải trừ chiến tranh và thống nhất tổ quốc trong hoà bình, mặc dầu chưa thành công.

Cũng phải kể thêm rằng ông là lãnh tụ quốc gia đầu tiên theo đạo Công giáo trong một đất nước mà hiện nay vẫn còn đa số dân theo Phật giáo, mặc dầu mấy thập niên gần đây số người cải đạo theo Tin lành đã lên đến 40 phần trăm.

Về mặt này, có thể nói ông cũng giống như cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm của Việt Nam. Nhưng số ông may mắn hơn vị Tổng Thống Công giáo Việt Nam nhiều. Ông Diệm cũng 5 lần bị mưu sát và đảo chính và cũng thóat chết nhiều lần. Nhưng lần cuối cùng đã không thóat được. Vì hoàn cảnh Việt Nam thời ấy khác xa Ðại Hàn.

Nếu ông Ngô Ðình Diệm đã được cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B, Johnson ca ngợi như một Churchill của Á Châu, thì cố tổng thống Kim Dae Jung cũng được nhiều người goi là Nelson Mandela của Ðại Hàn. Cả hai đều bị tù đày và cùng theo chủ trương tranh đấu bất bạo động.

Có lẽ cựu Tổng Thống Ðại Hàn Dân Quốc đã theo dõi kỹ cuộc chiến Việt Nam trong thời gian ông họat động tại Quốc Hội cho nên gần đây, chỉ vài tháng trước khi mất, ông đã nói với đài BBC rằng cần phải tiếp tục chính sách "Ánh Sáng Mặt Trời", nghĩa là đấu tranh bất bạo động vì đó là con đường đúng đắn nhứt. Ông nói như sau: "chưa có trường hợp nào mà các nước cộng sản bị đánh bại bằng chiến tranh hay bị bao vây kinh tế."

Quả thực, các chế độ cộng sản tại Ðông Âu và Liên xô đã sụp đổ không phải vì sức mạnh quân sự của thế giới tự do. Và ngày nay, người ta lại càng thấy rõ rằng sẽ chẳng có chế độ cộng sản nào còn rơi rớt lại trên thế giới sẽ sụp đổ vì chiến tranh.

Tác giả Minh Võ đã giải thích rằng, "vì Cộng Sản chiến đấu cho một mục tiêu ảo tưởng, cho một đế quốc nào đó ngoại lai, Cho nên nó không ngần ngại hy sinh đến người lính cuối cùng, bằng mọi phưong tiện dã man tàn bạo, mà chúng ta lại không nỡ nhìn thấy những cái chết vô lý như thế. Chúng cũng bắt chiến sĩ tử chiến với phương tiện vũ trang, quân trang, lương thực tối thiểu, cho nên dù trong hoàn cảnh kinh tế nào cũng không chịu đầu hàng."

Bắc Hàn hiện đang là quốc gia cộng sản nghèo đói nhứt, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng thiên đường mù của họ. Các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vừa qua cho thấy Bắc Hàn có lẽ sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những lời răn đe của thế giới tự do. Nhưng có lẽ thế giới sẽ phải suy nghĩ khi Bắc Hàn cử một phái đoàn đến Hán Thành để tham dự tang lễ của cổ tống thống Kim Dae Jung.

Cố tổng thống Kim Dae Jung đã nằm xuống. Nhưng Ánh Mặt Trời của hòa giải, của bất bạo động, của thương thuyết và của tình thương mà chắc chắn ông đã múc lấy từ niềm tin Công giáo, hẳn sẽ không bao giờ tắt, nhưng luôn luôn làm lóe lên những tia hy vọng.

Ðó là những tia sáng mà người ta cũng đã thấy được qua các cuộc biễu dương đức tin của người giáo dân Thái Hà và Tam Tòa. Không một tấc sắt trong tay, không một lời thúc quân đầy hận thù sắc máu, người Công giáo Việt nam vẫn có thể làm chứng rằng chỉ có bất bạo động, chỉ có tình thương mới có thể thắng được hận thù, tham lam và ích kỷ trong lòng người.

Ðã cố gắng sống như một Ánh Mặt Trời của Yêu thương và Hy vọng như một Kim Dae Jung thì khi nằm xuống, chắc chắn người ta sẽ không sợ sẽ bị miệng người đời nguyền rủa. Chỉ có một sự thật luôn tồn tại đó là sự thật của Tình Yêu.
 
Giáo xứ Mỹ Dụ GP Vinh rước kiệu và hiệp thông với giáo xứ Tam Tòa
Nhân Hòa
18:39 22/08/2009
VINH 21/8/2009 - Nhân ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức rước kiệu trọng thể cung nghinh Đức Mẹ, hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa. Chúng tôi thấy có sự hiện diện của cha Nguyễn Anh Tuấn, quản xứ Kẻ Gai, cùng với cha Phạm Quang Long, quản xứ Mỹ Dụ, và động đảo giáo dân Mỹ Dụ cũng như các giáo xứ lân cận.

Đoàn rước đi quanh làng Đoài Yên, nơi nhận Đức Maria Trinh Nữ Vương làm quan thầy. Đoàn rước cũng đi ngang xóm lương, và anh em lương dân đứng xem cách tôn nghiêm thành kính. Từng đoàn người tay cầm nến trên tay, ánh sáng lung linh như muốn xóa tan đêm tối của bạo lực và bất công mà anh chị em giáo dân Tam Tòa phải đương đầu.

 
Văn Hóa
Con ma ngày
Tuyết Mai Texas
01:27 22/08/2009
Con ma ngày giữa thu vàng ọp ẹp
Nhai lốp cốp xương khô dưới đáy hồ
Đói muôn năm chưa thỏa cuộc vong nô
Ăn nhơ nhảm cho qua ngày đoạn tháng

Càng biết hồ thu sắp cùng sắp cạn
Càng vội vàng ngấu nghiến cả giang sơn
Cả nhân sinh, cả linh địa, linh hồn
Để tránh tiếng chết oan đời ngu dại

Con ma ngày, đã bưa mồi phế thải
Của trần gian vốn sắc sắc không không
Một bầy tiên của con cháu Lạc Hồng
Bỗng hóa tục mấy nghìn đời hậu duệ

Sẽ bút nào ghi, sẽ sử nào kể?
Chỉ mong tòa thiêng phán xét chí công
Con ma nhơ nhảm biến giống Tiên Rồng
Thành lũ ngợm nhe răng cười đắc chí

Tam Tòa trên cao, có Tam Ngôi Vị
Vẫn bao dung chờ đợi chút thành tâm
Lòng xót thương sẽ tha thứ lỗi lầm
Con ma ngày, hãy qui hàng, sám hối!
 
Quê hương tôi
Lý Việt Thắng
01:33 22/08/2009
Tháp chuông cao bao năm đứng lặng buồn
Từ thu ấy ngập tràn những tang thương
Người em nhỏ ngày nào ngồi chung lớp
Hòa bình rồi sao nước mắt còn vương ?

Sau cuộc chiến ta lưu lạc mười phương
Vẫn cô đơn dù đi giữa phố phường
Muốn quay về thăm người thương năm cũ
Hồn chợt khóc vì không thấy quê hương

Quê hương là hoa tự do đua nở
Là đời người có muôn triệu niềm mơ
Là lũy tre là giòng sông lững lờ
Khi chiều về đẹp tựa một bài thơ

Quê hương là tiếng chuông chiều vang vọng
Là đêm về mau bước thỏa chờ mong
Là tiếng kinh mẹ già đêm khấn nguyện
Là tiếng cười hò hẹn dưới trăng trong

Quê hương là luống rau với liếp cà
Để cha già vui thú tháng ngày qua
Không sợ lũ gian manh đến cướp nhà
Cướp ruộng đất cuối đời vẫn thiết tha

Quê hương là bài tình ca bất tận
Từ cao nguyen biển cả đến lòng dân
Là công lý là nhân ái thiết thân
Tình đồng bao hương thơm tỏa xa gần

Quê hương là gối mộng dệt bình yên
Không còn lũ công an đến nhiễu phiền
Không bạo quyền lũ côn đồ cướp phá
Giữa phố phường hay giữa chốn công viên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Sen Trắng
Dominic Đức Nguyễn
06:19 22/08/2009

NHỮNG CÁNH SEN TRẮNG



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Cảm ơn hoa nở (như tâm nở)

Những đóa vô ưu những cánh thiền…

(Trích thơ của Du Tử Lê)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Kabbala – Kyrie Eleison
Nguyễn Trọng Đa
14:28 22/08/2009
Kabbala
Kabbala, huyền môn Do thái. Là một hệ thống thông thiên học huyền bí riêng biệt cho Do thái giáo ở châu Âu sau thế kỷ 12. Khi người Do Thái bị trục xuất ra khỏi Tây Ban Nha, họ mang hệ thống thông thiên học này về Palestine. Theo phái huyền môn, Thượng đế, Đấng Tối Cao, Đấng Vô Cùng, và là Đấng Vô Biên tự biểu lộ Ngài trong Thập duyên, vốn tạo ra việc tạo dựng thế giới đầu tiên, rồi thế giới này tạo ra thế giới thứ hai; mỗi thế giới tạo ra thế giới kế tiếp. Con người được tạo ra bởi một Duyên và linh hồn tiền hữu của con người trở về với Thượng Đế qua sự luân hồi. Đấng Thiên Sai sẽ ra đời vào cuối thời gian, và lúc ấy thế giới sẽ trở về với Nguồn Cội, hỏa ngục sẽ chấm dứt và hạnh phúc sẽ khởi đầu. Đối với người theo huyền môn, Thượng Đế này là một phản ứng có ý thức với Thiên Chúa của Kitô giáo. Theo từ ngữ phái huyền môn, việc cứu độ con người được hoàn tất qua việc tuân giữ luật cách chặt chẽ. Phái huyền môn tạo ảnh hưởng luân lý cao trên các thành viên, và nhiều người thuộc phái này, chẳng hạn Riccio và Jacob Franck, đã trở thành người Công giáo.
Kairos
Kairos, thời cơ, thời gian, thời cục. Nghĩa đen là “một quãng thời gian.” Được dùng trong Kinh thánh, nó là thời gian trong một nghĩa quan trọng về tôn giáo, chẳng hạn “hãy tận dụng thời buổi hiện tại" (Cl 4:5) và “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến" (Mc 13:33).
Kal
Kal, Kalendae – ngày đầu mỗi tháng
Kalends
Kalends, hoặc calends, là ngày đầu mỗi tháng trong lịch Roma cổ. Từ ngữ đôi khi được dùng trong văn kiện chính thức của Giáo hội.
Kenosis
Kenosis, tự hủy, hư vị hóa. Là việc Chúa Kitô tự nguyện từ bỏ đặc quyền của Chúa để khiêm nhượng chấp nhận thân phận con người. Thánh Phaolô mô tả sự tự hủy này một cách phù hợp cho tín hữu Phi-líp-phê như sau: “Chúa Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế." (Pl 2:6-7). (Từ nguyên Greek kenosis, sự trống rỗng, sự trút hết.)
Kerygma
Kerygma, Loan báo sứ điệp, Loan báo nội dung cơ bản Tin Mừng. Rao giảng hay loan báo, để phân biệt với dạy hay giáo huấn (didache) trong Tin mừng của Chúa Kitô. Trước khi Tin mừng được viết ra, Tin mừng được đã được rao giảng (Rm 16:25), nhưng ngòai rao giảng còn được dạy nữa (Mt 28:19) để cho Tin mừng được thấu hiểu càng nhiều càng tốt (Mt 13:19). (Từ nguyên Hi Lạp K_rygma, công bố; từ chữ keryks, báo trước.)
Kerygmatic Theology
Thần học Sứ điệp Tin Mừng. Là môn thần học nhấn mạnh đến việc dùng tín lý trong rao giảng, trái với việc nghiên cứu học thuật hay suy diễn về chân lý tôn giáo.
Kevelaer (Shrine)
Đền thánh Đức Mẹ Kevelaer. Là một địa điểm hành hương ở miền bắc nước Ðức, không xa biên giới nước Hà Lan. Là một đền thánh Ðức Mẹ nơi có nhiều trẻ em tật nguyền và đau ốm được chữa lành. Năm 1641 một thương gia trong ba đêm liền nghe có một tiếng nói với ông, “Hãy xây một đền thánh để tôn kính ta tại đây.” Cùng lúc đó vợ ông thấy một Bà yêu kiều hiện ra, và nhắc tới một người lính lưu động đang bán một ảnh Ðức Mẹ bằng giấy rẻ tiền. Bà tìm ra người lính này và mua bức ảnh Đức Mẹ, nhưng do có quá nhiều người tuôn đến nhà tranh nhỏ của bà, bà liền tặng bức tranh cho nhà thờ của làng. Liên tiếp các người mù, kẻ bại liệt, người câm và điếc, nhất là trẻ em, đến viếng nhà thờ đều được chữa lành và người ta đồn rằng Ðức Trinh Nữ và Thánh Tử trong bức tranh mờ là các Đấng đầy lòng thương xót. Ðể có nơi đủ chứa đám đông, người ta thấy cần xây dựng một tòa nhà lớn hơn, và một bức tượng mới làm bằng đá, nhưng giống như hình trong bức tranh giấy, đã thay thế bức hình cũ rất quan trọng. Đức Giáo hòang Piô IX đã gửi viên đá đầu tiên từ Rôma cho tòa nhà mới, và năm 1892 bức tượng đã được đội triều thiên cách trọng thể. Ngay cả trong những năm chiến tranh ở Ðức, hàng ngàn người đã đến đền thánh, nơi cả bức tượng mới và bức tranh phai mờ đều là trung tâm điểm của sự tôn kính.
Keys
Chìa khóa. Là biểu tượng của việc Chúa trao quyền thiêng liêng cho thánh Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời" (Mt 16, 19). Quyền đặc biệt trong Giáo hội được trao cho thánh Phêrô được diễn tả bằng hai chìa khóa, chìa khóa là biểu tượng đầu tiên được gán cho bất cứ vị thánh nào, trong khi lưỡi gươm được dùng để biểu tượng cho thánh Phaolô.
K.H.S.
K.H.S., Hiệp sĩ Thánh Mộ.
Kiddushin
Kiddushin, nghĩa đen là “sự thánh hóa”, nghi thức hôn phối Do Thái và bậc sống hôn nhân. Nghi thức chủ yếu torng lễ cưới Do thái là việc đeo nhẫn, trong đó chú rể xỏ nhẫn vào ngón trỏ bàn tay phải của cô dâu và đọc: “Em được thánh hóa với anh, theo luật Moses (Mô-sê) và luật Do thái.” Nghi lễ diễn ra dưới một Huppah hay một mái che, tượng trưng ngôi nhà mới mà chú rể đưa cô dâu về đó.
Kindness
Lòng tốt, sự tử tế, ân cần. Là một trong các hoa quả của Chúa Thánh Thần; là phẩm chất hiểu được sự đồng cảm và quan tâm đến người nghèo hoặc gặp khó khăn. Nó được diễn tả trong việc nói năng nhã nhặn, sự cư xử rộng lượng và tha thứ các xúc phạm nếu có.
Kirk
Kirk, Giáo hội Scotland. Tên này được áp dụng cho Giáo hội Scotland ở Hội đồng Tây phương. Nó cũng được dùng thay thế cho từ ngữ “Giáo hội”, để phân biệt Giáo hội Chính thức hóa ở Scotland với các Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Cải cách. Từ ngữ này cũng dùng trong một số vùng ở miền Bắc nước Anh. (Từ nguyên Anglo-Saxon cirice, circe, giáo hội.)
Kiss, Liturgical
Nụ hôn phụng vụ. Là việc hôn chạm môi như một dấu hiệu tôn kính trong các nghi lễ phụng tự công cộng. Tần suất của cử chỉ này đã được giảm nhiều kể từ Công đồng chung Vatican II, nhưng vẫn được qui định. Linh mục phải hôn bàn thờ lúc bắt đầu và lúc kết thúc thánh lễ, và ngài cũng hôn sách Bài đọc sau khi đọc Tin mừng.
Kiss Of Peace
Nghi thức chúc hôn bình an. Còn gọi là Pax (Bình an), là sự chào chúc lẫn nhau giữa các tín hữu trong Thánh lễ, như một cử chỉ hiệp nhất với nhau và lòng mến Chúa Kitô. Chắc chắn được thực hành từ thế kỷ thứ hai, nghi thức ngày càng bị hạn chế ở Tây phương. Kể từ Công đồng chung Vatican II, nghi thức được tái lập để trở nên thường xuyên trong phụng vụ Thánh lễ. Bản văn chính thức của nghi thức nói: “Rồi tùy theo hòan cảnh [pro opportunitate], phó tế hoặc linh mục nói thêm: “anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, và mọi người, tùy theo phong tục địa phương, trao cho nhau dấu chỉ bình an và bác ái; trong khi đó linh mục chúc bình an cho phó tế hay thừa tác viên.”
Kneeling
Quỳ gối. Là quỳ bằng đầu gối như một cử chỉ tôn kính. Nghi thức Thánh lễ Mới qui định rằng tín hữu quỳ gối ít là trong khi Truyền phép.
Knife And Book
Dao và sách. Là các phù hiệu của thánh Bartholomew (Batôlômêô), người rao giảng Tin Mừng ở Ấn Độ, nơi ngài chịu tử vì đạo bằng lóc da sống. Đây là cách thức ngài được diễn tả trong bức họa “Ngày phán xét” của danh họa Michelangelo ở Nhà nguyện Sistine, Roma.
Knights Of Columbus
Hiệp sĩ Côlombô. Là tổ chức huynh đệ quốc tế của quí ông Công giáo, được thành lập năm 1882 bởi Linh mục Michael J. McGivney, ở New Haven, Connecticut (Mỹ). Tổ chức này được thành lập dựa trên các nguyên tắc bác ái, đòan kết, và yêu nước, và mục đích của tổ chức là cung cấp một hệ thống lợi ích bảo hiểm huynh đệ cho các thành viên, cổ vũ các quan hệ văn hóa, và dấn thân vào một số họat động tôn giáo, giáo dục và xã hội. Các Hiệp sĩ trình bày sự diễn tả mới của Công giáo Tiến hành. Mục đích của họ “có ý nghĩa bởi vì họ rất hòa hợp với chủ ý của Giáo hội.” Số thành viên của tổ chức trên thế giới là hơn một triệu người.
Knock, Our Lady Of
Đền thánh Đức Mẹ Knock. Là Ðền thánh dâng kính Ðức Mẹ Ireland tại hạt Mayo, từ năm 1879. Ngày 21-8 năm ấy, trong một cơn mưa xối xả, hình Ðức Mẹ, thánh Giuse, và thánh Gioan Tông đồ xuất hiện trên đầu hồi của nhà thờ làng, bao trùm trong ánh sáng chói chang. Bên cạnh các Ngài là một bàn thờ, với cây Thánh giá bên trên và một Con Chiên dưới chân Thánh giá. Không có một lời nào phát ra từ các hình tượng này. Đến ngày hôm sau linh mục chính xứ mới được thông báo tin này, vì những người nhìn xem đã quá sửng sốt không thể bỏ hiện trường được. Hai lần vào năm 1880 cuộc hiện ra lại xảy ra, nhưng do làn ánh sáng quá chói lòa nên người ta không thể nhận ra bất cứ ai ngọai trừ Đức Mẹ Maria. Các phép lạ xác thực đã lôi kéo hàng trăm người tới làng. Ðức Tổng giám mục tổng giáo phận Tuam bắt đầu mở cuộc điều tra. Khỏang 15 người đã làm chứng rằng những gì họ thấy không phải là hình vẽ hoặc là ảo ảnh. Giáo quyền xác quyết lời chứng, và tuyên bố rằng các cuộc hiện ra “là đáng tin cậy và thỏa đáng.” Ðịa điểm ấy hiện nay trở thành một đối tượng hành hương quốc gia. Ðức Giáo hòang Gioan Phaolô II đã kính viếng đền thánh ngày 30-9-1979, để đánh dấu 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu, và dâng hiến người dân Ireland cho Mẹ Thiên Chúa.
Knowledge
Kiến thức, hiểu biết, tri thức. Là bất cứ hành vi, chức năng, tình trạng hoặc hiệu quả của họat động tâm trí. Điều cốt yếu cho tri thức là cái gì có thực ngoài tâm trí được tái trình bày trong tâm trí, bằng điều được gọi là sự giống nhau cố ý hay sự tương tự với đối tượng biết được. Do đó kiến thức là sự đồng hóa của tâm trí với vật thể. Kết quả là có sự kết hợp đồng hóa giữa người biết và vật được biết. Chúng ta trở thành cái mà chúng ta biết.
Knowledge Of God
Hiểu biết Chúa. Theo Công đồng chung Vatican I, “Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Đấng Tạo Dựng chúng ta và là Chúa chúng ta có thể biết một cách chắc chắn bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, từ những vật được tạo thành" (Denzinger 3026). Vì vậy, chứng tá đầu tiên về sự hiểu biết Chúa chính là thế giới tạo thành như thánh Phaolô tuyên bố: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người " (Rm 1:20). Hơn nữa, tâm trí con người “có thể chứng minh” sự hiện hữu và các thuộc tính của Chúa bằng cách lý luận từ các hiệu quả trong vũ trụ đến nguyên nhân tối hậu của chúng (Thánh Giáo hòang Piô X, Lời thề chống lại phong trào Tân tiến, Denzinger 3538). Tuy nhiên, Chúa cũng tự tỏ lộ mình một cách siêu nhiên trong điều thường được gọi là Mặc khải, như được tìm thấy trong Kinh thánh và Thánh truyền. Mặc khải này là cần thiết về luân lý để giúp mọi người hiểu biết Chúa một cách dễ dàng, với sự xác thực và không sai lầm. Mặc khải cũng là tuyệt đối cần thiết “bởi vì Chúa trong sự thiện vô biên của Ngài đã đưa con người đến một cùng đích siêu nhiên”, vốn đòi hỏi sự hiểu biết của con người về vận mạng của mình và các phương thế để đi đến đó (Denzinger 3005).
Know-Nothingism
Phong trào bất khả tri. Là một phong trào chống Công giáo bất hợp pháp trong chính trị Mỹ, vào các năm 1852-58. Mọi người được cho là được tạo dựng cách bình đẳng, ngọai trừ người Công giáo, người nước ngoài và người da màu. Khi được hỏi về triết học của họ, họ trả lời: “Tôi không biết.” Mục tiêu chính của họ là người Công giáo Ireland, mà họ muốn tước hết quyền dân sự và riêng tư. Nạn nhân của họ chịu đựng các hành vi bạo lực quần chúng. Năm 1852 các kẻ tin mù quang này đã tổ chức “Hội đồng tòan quốc nước Mỹ vùng Bắc Mỹ.” Họ hứa giữ lời thề bí mật về mục tiêu của mình, và hứa chỉ bầu vào chức vụ công quyền các công dân Mỹ sinh tại Mỹ, mà không phải là người Công giáo hoặc người kết hôn với người Công giáo. Năm 1855 họ thực hiện cuộc bầu cử ở chín bang và 75 thành viên của họ vào Quốc hội, nhưng thất bại của họ trước đảng Dân chủ năm 1856 và sự gia tăng chống đối tình trạng nô lệ đã làm cho họ suy yếu, như là một quyền lực thống nhất.
Koimesis
Koimesis, Lễ an giấc nghìn thu. Là lễ an giấc của Đức Trinh Nữ Maria, hoặc lễ Đức Mẹ ngủ, được cử hành trong phụng vụ Byzantine.
Koine
Koine, tiếng Hi lạp phổ thông. Là tiếng Hi Lạp phổ thông của người vùng Địa Trung Hải trong thế kỷ thứ nhất. Cũng là tiếng Hi Lạp này mà Tin Mừng được viết thành chữ, để phân biệt với tiếng Hi Lạp Attic hay cổ điển, vốn được dùng trong thời Hòang Kim của Athens nơi giới trí thức.
Koinonia
Koinonia, cộng đoàn, hiệp thông, thông công. Là cộng đòan, nhất là cộng đòan tín hữu, mà thánh Luca nói rằng họ tạo ra sự hiệp thông (koinonia) giữa các kẻ tin, tham dự lễ bẻ bánh chung với nhau và để mọi sự làm của chung (Cv 2:42-47). Đây cũng là từ ngữ ưa thích của thánh Phaolô để xác định sự hiệp nhất của các tín hữu với Chúa Kitô và với nhau, và chính từ ngữ này dùng trong các bản kinh Tin kính đầu tiên để chỉ sự hiệp thông của các thánh, nghĩa là các tín hữu ở trần gian, các linh hồn ở luyện ngục và các thánh trên thiên đàng.
Korah
Korah, Cô-rắc. 1. Là con trai của ông Esau (Ê-xau) và bà Oholibamah (O-ho-li-va-ma, St 36:5); 2. là tên người trưởng thị tộc của dòng họ Korah, một phường hội nhạc công của Đền thờ (Xh 6:24). Tên này xuất hiện ở phần đầu một số Thánh vịnh (Tv 42); 3. là con trai của Kohath (Cơ-hát). Ông dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại ông Moses (Mô-sê) và Aaron (A-ha-ron), khi hỏi “tại sao các ông lại đè đầu đè cổ cộng đồng của ĐỨC CHÚA?" (Ds 16:3). Đức Chúa ủng hộ Moses trong cuộc đối đầu này. Đất mở ra và nuốt chửng Korah và các bạn bè phản lọan của ông (Ds 16:35).
K.P.
K.P., Hiệp sĩ Piô IX; Hiệp sĩ thánh Patrick.
K.S.G.
K.S.G., Hiệp sĩ thánh Gregory.
K.S.S.
K.S.S., Hiệp sĩ thánh Silvester
Kulturkampf
Kulturkampf, phong trào “Đấu tranh văn hóa”. Là một phong trào ở Phổ, Bavaria, Hesse, và Baden để làm cho Giáo hội Công giáo phải tùng phục Nhà nước và độc lập với Roma. Giáo sư Rudolf Virchow (1821-1902), nhà khoa học tự do, người đặt tên cho phong trào, đã gọi đây là cuộc đấu tranh cho nền văn minh. Bismarck và Falk, các thủ lĩnh chính trị, đã được các kẻ địch với Giáo hội trong và ngòai Quốc hội Đức ủng hộ tích cực. Mục tiêu của họ là tiêu diệt ảnh hưởng của Giáo hòang và xây dựng một giáo hội quốc gia, củng cố sức mạnh của Tin lành. Các Dòng tu bị các luật quá quắt buộc phải công lập hóa các trường học của mình hoặc phải rời đất nước. Hàng giáo sĩ bị phạt hay bị trừng phạt do thực thi các chức vụ giáo hội, các Giám mục và linh mục bị giam giữ, các cơ sở từ thiện tôn giáo bị đóng cửa. Với việc nhà nước nắm quyền kiểm sóat giáo dục, người ta hy vọng rằng sẽ nắm quyền tuyệt đối trên đời sống trí thức của dân tộc Đức. Sự thống nhất tôn giáo, nghĩa là đạo Tin lành, được xem là cần thiết cho sự đòan kết quốc gia. Do đó, Giáo hội Công giáo, hoặc là phải bị đồng hóa hoặc phải bị tiêu diệt trong lợi ích của đòan kết chính trị. Thủ tướng Otto von Bismarck trục xuất các tu sĩ Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Vinh Sơn, và các giáo viên giáo lý, đặt toàn bộ giáo dục vào tay chính quyền dân sự, và thông qua Luật Tháng Năm, vốn phạt vạ, trục xuất hoặc giam cầm mọi giám mục và giáo sĩ nào chống đối việc thế tục hóa các trường học Công giáo. Việc phụng tự Công giáo sớm trở thành bất khả, và hôn nhân dân sự là bắt buộc. Tuy nhiên, hàng giáo sĩ vẫn trung thành và sức mạnh kháng cự của họ lớn mạnh dần, dưới sự lãnh đạo tài ba của Ludwig Windthorst (1812-91) thuộc Đảng Trung tâm Công giáo, và với sự trợ giúp của các người Tin lành phản đối sự cố chấp hẹp hòi ấy. Phong trào Kulturkampf đã giúp hợp nhất các người Công giáo trong một chính đảng mạnh, vốn làm xa cách chủ nghĩa xã hội và phục hồi người Công giáo vào các chức vụ có uy thế trong chính quyền. Năm 1878, dưới triều Đức Giáo hòang Lêô XIII, sự tái lập hòa bình đã khởi đầu. Các luật chống người Công giáo dần đà bị hủy bỏ. Khỏang năm 1882 nước Phổ đã thiết lập tòa đại sứ tại Vatican.
Kyrie Eleison
Kyrie Eleison, Kinh thương xót. Là công thức cầu nguyện “Xin Chúa thương xót chúng con," được đọc hay hát lặp đi lặp lại trong nghi thức thống hối đầu Thánh lễ của Phụng vụ Roma. Câu này được dùng liên kết với câu Christie Eleison, "Xin Chúa Kitô thương xót chúng con." Là một trong ít kinh nguyện Hi Lạp trong thánh lễ Latinh, nó hầu như là phần còn lại của một kinh cầu phụng vụ. Kinh này cũng được đọc trong Kinh Nhật tụng và nhiều kinh cầu khác, nhất là trong Kinh cầu các Thánh. Trong các Giáo hội Đông phương, Kinh thương xót vẫn còn, nhưng không có câu Christie Eleison.