Ngày 18-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 20 Quanh Năm 19/8/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:27 18/08/2018
Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

"Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi".

Trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: "Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta". Và bảo những kẻ mê muội rằng: "Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc,

miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.

Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện,

bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa,

vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi;

bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói,

nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

3) Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta,

ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa.

Ai là người yêu quý cuộc đời,

mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.

4) Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác,

và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa.

Hãy lo tránh ác và hành thiện,

hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.

Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

"Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

"Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.
 
CN 20B. Của ăn mà ai cũng thoả mãn
LM. Alf. Nguyễn Công Minh. OFM
08:38 18/08/2018
Đối với phần đông chúng ta, phân đoạn Thánh Kinh này thật khó hiểu. Bởi nó được phát biểu bằng một ngôn ngữ của một thế giới hoàn toàn xa lạ với chúng ta, có thể là ghê rợn và thô kệch nữa: ăn thịt người, uống máu bạn. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này, với thế giới thời cổ, nó cũng khá quen thuộc.

Vào thời cổ, khi dâng sinh tế, con vật ít khi được thiêu hủy trọn vẹn, dẫu là toàn thiêu, nhưng thường chỉ được thiêu một phần tượng trưng nơi bàn thờ, tuy là toàn thể con vật được dâng lên cho vị thần. Một phần thịt được chia cho các thầy tế lễ kể như thù lao của họ, một phần khác được chia lại cho người dâng lễ tế, để người ấy tổ chức bữa tiệc thiết đãi bạn bè mình ngay trong khuôn viên đền thờ. Trong bữa tiệc ấy vị thần cũng được xem như một vị khách. Hơn nữa, khi thịt đã dâng cho thần rồi, người ta cho rằng thần đã nhập vào đó, nên khi người ta ăn thịt ấy, là ăn chính vị thần của mình.

Tuy vậy, người Do Thái không phải thuộc thời thượng cổ, nên lời nói của Chúa, “nhai thịt người ta và uống máu kẻ khác” vẫn là sống sượng

Đoạn Tin Mừng này có thể nói gồm bốn ý :

1- Phản ứng. Trước hết là phản ứng của người Do thái về lời tuyên bố của Chúa Giêsu, khi Chúa nói thịt Ngài là của ăn ban cho họ được sống muôn đời. Phản ứng của họ lần này có vẻ mạnh hơn trước. Họ xô xát và tranh luận với nhau. Gioan ghi : Họ tranh luận sôi nổi. Lần trước, Chúa Giêsu nói Ngài là bánh từ trời, họ bảo ông từ đất thì có, vì bố ông là Giuse, mẹ ông là Maria sờ sờ ra đó, chứ đâu phải từ trời. Lần này lại dám nói bánh đó là thịt. Ai ăn thịt ngài thì được sống. Người Do Thái đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen : là một người như họ, làm sao có thể lấy thịt mình cho họ ăn ? Giêsu đâu phải là Thoại Khanh để lóc thịt đùi nấu canh cho mẹ chồng khi chồng là Châu Tuấn đang dùi mài kinh sử ở Kinh Đô. Giêsu cũng chẳng phải là Giới Tử Thôi lấy thịt đùi mình nấu dâng Tấn Văn Công trên đường chạy nạn cạn lương.

2. Không cải chánh. Phần thứ hai, trước phản ứng có vẻ dữ dội của người Do thái, Chúa Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”, nghĩa là hiệu năng dinh dưỡng mà thịt máu Chúa đem lại cho kẻ lãnh nhận, là sự sống muôn đời và sự phục sinh từ trong cõi chết. Hơn xa “thực phẩm chức năng” mà có thời làm mưa gió tại nước ta. Bán rất đắt, nhiều người bỏ tiền triệu mua, xem như của ăn tiên phật. Nhưng thất vọng. Làm sao bằng thần lương của Chúa được.

3- Tác động. Phần thứ ba, Chúa Giêsu cho biết của ăn của uống này tác động như thế nào. Của ăn vật chất chúng ta ăn thì biến thành thịt máu ta. Chúng ta ăn thịt heo, thì thịt heo thành thịt máu ta, chứ không phải ta thành con lợn. Còn thịt máu Chúa mà chúng ta ăn, chúng ta uống, lại đưa chúng ta vào một sự kết hiệp mật thiết với Ngài : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Tức là ngược lại : ta nên giống Chúa. Thánh Phaolô nói kiểu khác mà cũng một ý tưởng : “Tôi sống, không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 3,20)

4- So sánh. Cuối cùng, Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu lực của manna mới : manna cũ, những người ăn đã chết. Manna mới, những người ăn sẽ sống đời đời. Chính người Do thái gợi ra câu chuyện manna, thì Chúa Giêsu lại dùng ngay câu chuyện ấy để so sánh và mạc khải về bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống muôn đời. Ăn Chúa, tức kết hợp làm một với Chúa, trở nên như Chúa, mà Chúa hằng sống đời đời, nên ta cũng đời đời hằng sống.

Ngày nay không ai thắc mắc như người Do Thái xưa, vì không thấy thịt sống, máu tươi ở đâu cả, mà chỉ thấy có bánh và rượu. Nhưng đó đích thực là Thịt và Máu Chúa thật, ẩn dưới hình thức rượu và bánh, chứ không phải bánh tượng trưng cho Thịt, rượu tượng trưng cho Máu đâu. Ai ăn bánh này, sẽ nên một với Chúa, và kết hợp với nhau..

Lần kia, có một thương gia giàu có. Trong nhà ông còn có người con trai vừa mới lập gia đình và vợ anh. Người con trai có tấm lòng nhân hậu và ân cần làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo. Ít lâu sau, người vợ trẻ sinh một bé trai. Để ăn mừng, ông nội của bé chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Gần đến ngày tổ chức bữa tiệc, người con hỏi :

“Thưa cha, xin cha cho con biết, cha định sắp xếp chỗ ngồi cho khách như thế nào ? Nếu cha theo đúng tục lệ xếp người giàu ngồi ở đầu bàn và người nghèo ở cuối cùng, gần bếp, điều ấy sẽ làm con khổ tâm. Cha biết rất rõ con yêu thương người nghèo như thế nào. Vì đây là tiệc mừng của con, xin cha cho con tôn vinh những người không có danh phận. Xin cha hứa với con cha sẽ xếp người nghèo ở đầu bàn và người giàu ở cuối bàn, gần khói bếp”.

Cha của anh lắng nghe chăm chú và đáp lại : “Con ơi, khó mà thay đổi thế gian. Con thử nghĩ xem : Tại sao người nghèo đến dự tiệc ? Bởi vì họ đói và muốn ăn thức ăn ngon. Tại sao người giàu đến dự tiệc ? Để được vinh dự. Họ đến không phải để ăn, bởi vì nhà họ có đầy đủ.

“Bây giờ con hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi xếp người nghèo ở đầu bàn. Họ ngồi đó, cảm thấy rất e dè như mọi con mắt đang nhìn mình, và vì thế họ thẹn thùng không dám ăn cho thật no. Và thế là họ không thưởng thức trọn vẹn những món họ ăn. Con không nghĩ, vì quyền lợi của họ, tốt hơn nên xếp cho họ ngồi chỗ không ai để ý đến, ở đó họ có thể ăn uống thỏa thuê mà không phải xấu hổ đó sao ?

“Còn nữa, giả sử cha làm theo điều con yêu cầu và xếp người giàu ngồi ở cửa ra vào. Con không nghĩ họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm sao ? Họ không đến để ăn mà vì vinh dự. Và phải chăng con không cho họ điều mà họ muốn sao ?

Vào thời các tông đồ, có bữa ăn agape trước “bữa ăn của Chúa” (tức thánh lễ bây giờ). Người giàu mang đồ ăn đến để say sưa, người nghèo đói meo không có gì (x. 1Cr 11, 17tt). Bữa ăn agape đã biến mất sau đó, để rồi nay dự “bữa ăn của Chúa” ai nấy đều thoả mãn, vì ai cũng như ai, một miếng bánh nhỏ, nhưng gói giá trị to là chính Thân Thể Chúa.

Khi đưa Mình Thánh cho một người đau liệt gần chết, tôi đọc đoạn Lời Chúa này : “Ai ăn Thịt Ta sẽ được sống muôn đời,” tôi thấy những giọt lệ lăn trên mắt người bệnh. Lúc đó ta mới thấy giá trị của bánh hằng sống là Thịt của Chúa. Lúc gần chết mới thấy bánh ban sự sống thật.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Đón Nhận Thánh Thể Để Nên Giống Chúa
LM. Đan Vinh
08:40 18/08/2018
Đón Nhận Thánh Thể Để Nên Giống Chúa

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 6,51-58

(51) Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được ?” (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.

2. Ý CHÍNH : Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều, tại hội đường thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã giảng về Bánh Hằng Sống là bí tích Thánh Thể. Nội dung bài giảng được tóm lược như sau: Ai ăn Thịt và uống Máu Người, tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập, thì ở đời này sẽ được kết hiệp mật thiết với Người, được tham phần vào sự sống thần linh của Người, và đến ngày tận thế sẽ được sống lại để hưởng hạnh phúc muôn đời với Người.

3. CHÚ THÍCH :

- C 51 : + Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống...: Đức Giê-su tự xưng là tấm Bánh với hai đặc tính thần linh là “hằng sống” và “từ trời xuống”. + Bánh Tôi sẽ ban tặng: Sẽ ban là chưa ban ngay lúc này, nhưng sẽ ban khi lập bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly sau này (x. Mt 26,26-28). + Chính là Thịt Tôi đây : Thịt (Sarx) trong ngôn ngữ Hy Lạp ám chỉ con người toàn diện gồm cả xác lẫn hồn. Thịt ở đây cũng chính là Thịt (Sarx) trong câu: “Ngôi Lời đã hóa thành “nhục thể” – hay là “Thịt” (Sarx) hoặc “người phàm” (Sarx) - và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Ở đây, “Bánh” được liên kết với “Thịt” và với “Sự Sống”, là hai đặc tính của bí tích Thánh Thể. + Cho thế gian được sống : Thịt của Đức Giê-su tức là bánh Thánh Thể, là lương thực thần linh, sẽ đem lại hiệu quả là ban sự sống cho người lãnh nhận.

- C 52-53 : + Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được ? : Dân chúng Do Thái nghe Đức Giê-su giảng và đã hiểu đúng ý của Người. Đó là Người cho người ta ăn chính Thịt của Người. Họ thắc mắc và phản đối Đức Giê-su vì nghĩ rằng Người đã hóa điên khùng nên mới ăn nói bừa bãi như vậy. + Thật, Tôi bảo thật các ông: Trước sự thắc mắc về việc cho người ta ăn Thịt của mình, Đức Giê-su đã không làm dịu kiểu nói này lại và cũng không cải chính để tránh cho họ hiểu sai ý mình, nhưng Người lại tiếp tục xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình : Đây là cách diễn tả khác nhằm nhấn mạnh sự thật này: người ta chỉ có sự sống của Chúa nơi bản thân khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tức là ăn Thịt và uống Máu của Người.

- C 54-56 : + Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết : Kẻ lãnh nhận Thịt Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ được tham phần vào sự sống đời đời và được Đức Giê-su cho sống lại vào ngày tận thế. + Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống : Trong bốn câu liền (c. 53.54.55.56), Tin Mừng Gio-an dùng cặp từ: Thịt (Sarx) và Máu (Haima) để chỉ con người toàn diện của Đức Giê-su. + Thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy : Hiệu quả của việc lãnh bí tích Thánh Thể là người ta được kết hiệp thân mật với Chúa Giê-su. Nghĩa là được “ở lại” trong Người, đón nhận sự sống dồi dào của Người và trở thành bạn tâm giao của Người, như thánh Phao-lô đã viết : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

- C 57-59 : + Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy : Đức Giê-su nói đến sự sống siêu nhiên nhờ bí tích Thánh Thể. Ai ăn Bánh Thánh Thể thì sẽ được tham phần vào sự sống siêu nhiên phát xuất từ nơi Chúa Cha thông qua Chúa Giê-su. + Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời : Sự sống siêu nhiên mà Bánh Thánh Thể ban cho người lãnh nhận, khác với sự sống tự nhiên thể xác do bánh Man-na mang lại. Vì thế mà dân Ít-ra-en xưa, dù đã ăn Man-na trong sa mạc nhưng vẫn bị chết do tội đã phạm. Còn ai ăn Bánh do Chúa Giê-su ban trong bí tích Thánh Thể thì sẽ được sống đời đời, nhờ đón nhận được sự sống siêu nhiên của Người.

4. CÂU HỎI : 1) Bánh Thánh do Đức Giê-su hứa ban có hai đặc tính thần thiêng nào ? 2) Bánh đó sẽ được ban khi nào và là Bánh gì ? 3) Từ Thịt (Sarx) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gì ? 4) Khi Đức Giê-su hứa sẽ ban Bánh Hằng Sống là Thịt của Người trong bí tích Thánh Thể, người Do Thái đã hiểu ra sao ? Có hiểu đúng với ý Người muốn nói không ? Tại sao ? 5) Khi thấy họ phản đối, Đức Giê-su không những không thay đổi điều vừa nói hay nói nhẹ đi, mà Người càng nhấn mạnh hơn qua câu nào ? 6) Ai ăn Thịt uống Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được hiệu quả nào ? 7) Trong 4 câu liền (câu 53.54.55.56), Đức Giê-su dùng hai từ Thịt và Máu ám chỉ điều gì ? 8) Câu nào cho thấy hiệu quả của việc ăn Thịt uống Máu Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể ? Thánh Phao-lô viết về sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua câu nào ? 9) Sự sống siêu nhiên nhận được do bí tích Thánh Thể là sự sống nào ? 10) Sự sống siêu nhiên nhận được từ Bánh Thánh Thể thời Tân ước với sự sống tự nhiên từ Manna thời Cựu ước khác nhau thế nào ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MẸ SẴN SÀNG CHỊU CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG:

Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh quốc có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ góa chồng, mang theo một đứa con thơ còn bú sữa mẹ. Sau khi thuyền khởi hành được mấy ngày, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm đã bị gãy. Từ đó, con thuyền lênh đênh trôi trên mặt biển nhiều ngày. Lương thực trên thuyền đã dần dần cạn kiệt. Nhiều người bắt đầu bị chết đói và sau đó bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ trẻ kia cũng đã bị chết đói, trong khi đứa con nằm bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cứa đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu của mình thay cho sữa mẹ đã hết. Bà đã hy sinh chịu chết để cho đứa con của bà được sống ! Về sau đứa trẻ kia lớn lên đã trở thành một vị dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ đến công ơn trời biển của người mẹ đã hy sinh lấy máu mình để làm lương thực nuôi ông khỏi bị chết. Rồi một hôm, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình, và đề nghị quốc hội chọn một ngày trong năm để tôn vinh các bà mẹ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với mẹ của mình. Đó là nguồn gốc ngày Quốc Tế Các Bà Mẹ hiện nay.

2) CƠM BÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG ĐÓI CÓ GIÁ TRỊ NGÀN LẦN HƠN KIM CƯƠNG:

Đây là câu chuyện có thực của một nhà thám hiểm. Sau mười ngày một mình băng qua sa mạc Phi châu, một nhà thám hiểm nọ sắp kiệt sức vì bị lạc đường và đã ăn hết số lương thực mang theo. Ông ta đi theo hướng mặt trời mọc, nhưng rồi đi đến chỗ nào cũng chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đến được một ốc đảo có hồ nước và cây cỏ xanh tươi. Sau khi uống nước no nê, ông lại lại bị cơn đói hành hạ. Đột nhiên ông thấy một chiếc bị bằng da nằm lăn lóc ở gần chỗ đang ngồi. Hy vọng tìm được một chút lương thực trong chiếc bị da kia để tiếp tục lên đường, nhưng thay vì thấy lương thực ông lại chỉ thấy nhiều viên kim cương óng ánh rất đẹp. Ông cay đắng thốt lên với nỗi thất vọng : “Những viên kim cương này đâu có giá trị gì khi ta sắp chết đói ?” Nói rồi ông ôm chiếc bị da chứa kim cương thiếp ngủ vào cõi chết.

Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm cũng băng qua sa mạc, họ đã thấy một bộ xương người đang ngồi dựa vào tảng đá, hai tay ôm chặt chiếc bị da, trong có nhiều viên kim cương quý giá, nhưng lại trở thành vô ích đối với người bị đói đang cần được ăn.

3) CỬ HÀNH THÁNH LỄ TRONG NHÀ TÙ:

Đức Hồng Y PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê NGUYỄN VĂN THUẬN đã viết lại những trang hồi ký trong thời gian ngài bị biệt giam trong tù. Ngài tóm gọn thành một tập sách nhỏ mang tựa đề "Năm chiếc bánh và hai con cá" để chia sẻ cho giáo triều Rô-ma trong dịp tĩnh tâm mùa chay thập niên 90. Ngài thú nhận, sức mạnh lớn nhất nâng đỡ ngài trong những năm tháng tù ngục là được cử hành Thánh lễ cho dù lén lút, nhưng rất cảm động và sâu lắng. Thánh lễ ngài dâng một mình trong bóng tối của nhà tù, không kèn không trống, cũng chẳng có ánh đèn hay một bông hoa trang trí nào. Áo tù ngài mặc thay cho áo lễ. Đôi bàn tay sần sùi của ngài đựng những giọt rượu nho thay cho chén thánh. Bánh lễ chứa trong hộp đựng thuốc ho. Những Thánh lễ rất âm thầm và giản đơn, không ồn ào, không một chút hoành tráng bề ngoài, chẳng có ca đoàn hay người giúp lễ.. nhưng sao chép lại gần sát với chính Thánh lễ mà Chúa Giê-su đã cử hành năm xưa trên thập giá.

4) VIỆC BÁC ÁI TỪ THIỆN BẮT NGUỒN TỪ LÒNG MẾN BÍ TÍCH THÁNH THỂ:

Trong một cuộc họp mặt đông đảo các Kitô hữu tại một nhà thờ ở Tây Đức để đón chào mẹ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA, người ta đã dâng cho mẹ một bó hoa rất đẹp. Bỡ ngỡ trước lòng quý mến và trọng kính mà người ta đã dành cho mình, mẹ Têrêxa mới đầu tỏ ra hơi lúng túng, nhưng sau đó vài phút, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa đi thẳng lên cung thánh, mẹ quỳ gối nơi bậc bàn thờ rồi đặt bó hoa trước nhà tạm. Cử chỉ này cho thấy mẹ Têrêxa rất quý trọng phép Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã nhận được tình yêu và nghị lực cho cuộc sống dấn thân và phục vụ vô vị lợi của mẹ.

Qua các hoạt động bác ái, mẹ Têrêxa và các nữ tu dòng của mẹ đã nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi, đã phục vụ hàng ngàn người nghèo đói, đã chăm sóc, chữa trị hàng trăm ngàn bệnh nhân và an ủi hàng chục ngàn người hấp hối. Nhưng vượt lên trên tất cả những hoạt động nhằm phục vụ cho sự sống thể xác, mẹTêrêxa đã đặc biệt chú trọng đến một nhu cầu mà mẹ thường nhấn mạnh và cho là căn bản, nó cần thiết hơn cả cơm ăn áo mặc nữa, nhu cầu đó là muốn được chấp nhận và được yêu thương.

3. THẢO LUẬN : Mỗi người chúng ta cần làm gì để được biến đổi nên tốt hơn sau mỗi lần rước lễ ?

4. SUY NIỆM :

Câu chuyện bà mẹ nuôi con bằng dòng máu của mình, là hình ảnh tuyệt hảo nói lên tình thương của Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể. Người đã tự hiến mình trở thành Bánh thiêng nuôi dưỡng và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Vậy Bánh Thánh Thể là bánh gì?

1) Sứ mệnh của bánh :

Bánh là lương thực có thể ăn được và giúp người ta duy trì sự sống (Ga 6,51). Bánh không sống cho mình, mà luôn sống “vì và cho” con người. Chúa Giê-su tự xưng mình là Bánh, vì Người đã tự hủy bản thân, hy sinh chính mình để cho loài người chúng ta được sống. Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân cho tha nhân được sống, thì bấy giờ ta mới trở thành tấm bánh giống như Bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su.

2) Chúa Giê-su là tấm Bánh Thánh Thể để người ta ăn :

Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã chủ trương chiêm ngưỡng và thờ lạy Bánh Thánh Thể hơn là hãy cầm lấy mà ăn như lệnh truyền của Chúa Giê-su. Động từ ăn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng hôm nay, như một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giê-su là: hãy siêng năng tham dự bữa tiệc Thánh Thể do Người khoản đãi, với hai của ăn cao quý trên bàn thờ là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.

3) Chúa Giê-su cho biết ba hiệu quả của bí tích Thánh Thể như sau:

- Một là họ sẽ được sống lại trong ngày tận thế và được sống muôn đời: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55).

- Hai là sẽ phát sinh mối giây thân tình giữa Chúa và kẻ ăn tiệc Thánh Thể: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

- Ba là sẽ được sống nhờ Người: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

4) Phải ăn Bánh Thánh Thể thế nào để phát sinh công hiệu? :

Ngày nay tuy các tín hữu đã lên rước lễ nhiều hơn, nhưng phần đông lại rước lễ cách hờ hững : Quả thật, ít có vị khách quí nào lại bị chủ nhà tiếp đón lạnh nhạt như Chúa Giê-su Thánh Thể ! Do đó, dù có năng tham dự thánh lễ và lên rước lễ hằng ngày, nhưng nhiều tín hữu vẫn không gặp được Chúa Giê-su, không nhận được biến đổi giống Chúa, nên họ vẫn sống vô cảm, ích kỷ, tự mãn, lười biếng và vô trách nhiệm… như bao năm qua ! Cần đổi mới cách rước lễ để có thể gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp với Người và ngày một được ơn biến đổi nên giống Người hơn.

5) Diễn tiến một buổi cho bệnh nhân rước lễ tại gia:

Một nữ tu được cha sở nhờ mỗi sáng Chúa Nhật mang Mình Thánh Chúa đến thăm viếng và cho bệnh nhân rước lễ. Chị đã kể lại diễn tiến của một buổi cho rước lễ như sau:

- Khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, làm dấu Thánh giá và đọc một đoạn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật, rồi nói lên bài học Chúa muốn dạy qua bài Tin Mừng.

- Tiếp đến tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha như Chúa dạy.

- Rồi tôi giơ Mình Thánh lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Và cụ đáp lại: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.

- Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ và cho cụ uống chút nước suối để rước hết mụn bánh thánh.

- Sau một lát thinh lặng, tôi giúp cụ dâng lời cầu nguyện:

“Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Ước gì Mình Thánh Chúa con vừa lãnh nhận, gia tăng sức khoẻ hồn xác cho con. Xin thương chữa con mau lành bệnh. Xin ban ơn nâng đỡ con và giúp con được sống mãi mãi với Chúa trên thiên đàng. Từ nay con xin hứa sẽ luôn nở nụ cười với người chung quanh, sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ trái ý gặp phải để đền tội con và cầu xin cho một tội nhân được ơn trở về với Chúa, cho một người lương quen biết được sớm nhận biết tin yêu Chúa để cũng được hưởng niềm vui ơn cứu độ với con.- Amen”.

- Cuối cùng nói chuyện thân tình, hứa luôn cầu nguyện và hẹn gặp lại vào tuần sau.

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy có sự giống nhau giữa thân phận làm Bánh của Chúa với thân phận làm người của con. Nhờ ăn Bánh Thánh Thể của Chúa, con sẽ được biến hóa nên tấm bánh thơm ngon, được bẻ ra để phục vụ tha nhân. Ước gì con dám đón Chúa vào vùng mờ tối của lòng con, để sự hiện diện của Chúa làm cho con được bừng sáng lửa tin yêu. Ước gì sau khi được đón Chúa vào lòng, con sẽ trở thành một Nhà Tạm di động, luôn có Chúa là Tình Yêu, để chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân, hầu sau này họ cũng được hưởng hạnh phúc đời đời với con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyên gia bảo vệ trẻ em nói: Báo cáo lạm dụng Pennsylvania khủng khiếp
Đồng Nhân
16:20 18/08/2018
Tin Vatican - Người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma đã nói về sự tàn phá mà các nạn nhân cảm thấy sau khi đưa ra báo cáo Bồi thẩm đoàn Pennsylvania về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Tài liệu chi tiết về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở tiểu bang Pennsylvania Hoa Kỳ liên quan tới hơn 300 giáo sĩ. Cuộc điều tra cho thấy trong vòng 70 năm qua có hơn 1.000 trẻ em đã bị các thành viên của 6 giáo phận lạm dụng.

Tổn thương và tức giận

LM. Hans Zollner S.J. người đứng đầu Trung tâm bảo vệ trẻ em tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, nhận định về báo cáo của Bồi thẩm đoàn, mô tả rằng những con số được nêu ra thật “khủng khiếp” và thêm rằng tin tức này đã làm các nạn nhân “không chỉ Pennsylvania ở Mỹ mà còn cho tất cả nạn nhân bị lạm dụng bởi giáo sĩ và những người khác rúng động khi nghe rằng có rất nhiều người đã phải chịu đựng và đang bị tổn thương.”

Cần giành lại niềm tin

Ghi nhận bị tổn thương và tức giận sau khi đọc bản báo, LM Zollner nói thêm rằng: “Không thể lấy lại niềm tin mà không làm việc nhất quán và đều đặn để tiến tới một Giáo hội minh bạch rõ ràng và hơn thế cần cam kết Giáo hội là nơi an toàn cho tất cả những người dễ bị tổn thương.”

Hành động

Khi được hỏi về hành động cụ thể mà Giáo Hội cần phải thực hiện để giải quyết tai họa này, LM Zollner nói “sự tức giận được hướng đặc biệt tới các Giám Mục và cũng từ đó sẽ cần phải làm sao để chúng ta tìm được cách thế mà mỗi giám mục và mỗi linh mục phải chịu trách nhiệm cá nhân và có theo tổ chức thể chế. ” LM Zollner cũng nhận định rằng: Cho đến nay luật của Giáo hội còn mơ hồ về điểm này.
 
Tập Cận Bình đưa ra chính sách Hán Hóa Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc
Nguyễn Long Thao
18:33 18/08/2018
Toàn bộ Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, dù quốc doanh, hay hầm trú, sẽ phải “Hán Hóa” (Sinicization”). Nói khác đi Kitô giáo phải đồng hóa với văn hóa Trung Hoa và trên hết Kitô Giáo phải tuân phục Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chính sách mới của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước muốn kiểm soát mọi Giám Mục, Linh Mục, giáo dân về cách suy nghĩ của họ, về lịch sử Giáo Hội Trung Hoa, về cách diễn giải thần học, học thuyết xã hội, nghệ thuật, kiến trúc, phụng vụ. Tóm lại, Đảng Công Sản Trung Quốc muốn thống trị toàn bộ tư duy và lương tâm người Công Giáo Trung Quốc.

Theo chỉ thị mới, vào cuối tháng 8 này, tất cả các giáo phận phải đệ trình Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước và Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc một kế hoạch 5 năm (2018-2022) theo đó, các giáo phận phải đề ra kế hoạch thực thi chính sách “Hán Hóa” Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Để giúp các giáo phận, Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước đưa ra một dự thảo mẫu để các giáo phận theo đó thi hành, đạt được mục tiêu Hán Hóa Giáo Hội Trung Quốc.

Bản dự thảo gồm 15 trang trong đó từ ngữ tên Chúa Kitô được nhắc 1 lần, từ ngữ Phúc Âm được 4 lần, từ ngữ Đảng Cộng Sản được 5 lần, nhưng tên của Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước được nhắc đến 15 lần.

Chủ thuyết “Hán Hoá” do Chủ Tịch Tập Cận Bình đề xướng đã được đưa ra vào tháng 5 năm 2015. Ông ban hành sắc lệnh quy định các tôn giáo phải Hán Hóa nếu muốn ở lại Trung Quốc (religions must "sinicize" if they want to stay in China).

Chính sách Hán Hóa buộc các tôn giáo hoạt động tại Trung Quốc phải độc lập với cơ sở hay chính quyền ở ngoại quốc, như Công Giáo phải biệt lập với Vatican, phải tuân phục các chính sách của Đảng Công Sản Trung Quốc, chấp nhận chủ nghiã xã hội theo đặc tình Trung Quốc, hội nhập nền thần học và giáo lý Công Giáo theo văn hóa Trung Hoa. Thánh nhạc, hội hoạ, kiến trúc cũng phải theo văn hoá Trung Quốc.

Tóm lại, Hán Hóa đối với tôn giáo là tôn giáo phải là của Trung Quốc, phải tuân phục đường lối chính sách của đảng cộng sản Trung Quốc.

Nguyễn Long Thao
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng Thương Xót Chúa Ở Đâu ?
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
20:21 18/08/2018
Lòng Thương Xót Chúa Ở Đâu ?

Lòng Thương Xót là một tên gọi khác của Thiên Chúa. Những ai vất vả gồng gánh nặng nề, những ai ngày đêm lo toan tất bật, những ai đang vật lộn bệnh tật khổ đau, những ai mang trên vai trách nhiệm tài chánh lớn lao, những ai đang nắm giữ vận mệnh to lớn của bao người, cách chung hết thảy chúng sinh long đong trên chốn dương trần, đều có thể nhận ra sự dịu dàng chăm sóc của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Lúc này lúc khác, mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta đã từng và chắc chắn sẽ có lần rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc: sự sống mong manh qua một sự cố, kinh tế nguy cấp vì biến động bất ngờ, tình trạng hôn nhân, gia cảnh sắp tan vỡ vì thờ ơ chủ quan vv… Và rồi ta nhận được sự che chở diệu kỳ để thoát ra cảnh khốn đốn ấy. Ta đón nhận lại sự sống huyền linh hồi sinh, ta cảm nhận lại yêu thương ngọt ngào, ta vượt qua được thời kỳ tài chánh khủng hoảng. Phải! Chính lúc đó, tại thời điểm đó, lòng đạo đức cá nhân vụt tăng để biết được Thiên Chúa quá đỗi ngọt ngào yêu thương. Ta vội chạy đến với Lòng Thương Xót.

Thế nhưng, Lòng Thương Xót Chúa ở đâu vậy?

Những người luôn sống trong bình an với Ơn Nghĩa Chúa sẽ trả lời nhanh là, Lòng Thương Xót Chúa ở khắp mọi nơi, trong lòng ta, trong gia đình ta, nơi thôn xóm phố phường của mình, giáo xứ mình, nơi tất cả những người ta gặp gỡ. Cảm nhận để rồi sẻ chia, để rồi đi đến yêu thương tha nhân như chính mình. Khi sự sống hồi sinh, trong tình trạng con người mới, họ như quên đi tất cả những vụn vặt khác của cuộc đời là ghen tuông ganh ghét, là giành giật bon chen, là so đo hơn thiệt. Tất cả chẳng là gì so với cái quý giá khôn sánh là sự sống, sự bình an. Và như thế họ sống vui từng ngày, cất cao Lời Kinh Hoà Bình khi mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Họ trở nên khí cụ bình an của Chúa, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Những người khác sẽ rất có thể chạy đến trung tâm hành hương để xin Lễ, tạ ơn vì đã tai qua nạn khỏi, mọi sự vuông tròn như ý. Nhưng họ phải đến đúng Trung Tâm Lòng Chúa Thương Xót cơ. Câu hỏi đặt lại ở đây một lần nữa: Lòng Thương Xót Chúa ở đâu?

Phải chăng Lòng Thương Xót là tên gọi của một nơi chốn do một người đặt ra? Một linh mục ngoài Bắc đã kể cho tôi nghe về chuyện một số hộ giáo dân có cơ ngơi rộng rãi, họ tổ chức tôn kính Lòng Thương Xót. Sau đó họ mời gọi các linh mục thân quen đến thăm, tham dự có mặt như kiểu để chứng nhận “nhãn hiệu cầu chứng”. Và vì có một số vị thế giá đến đó, nên nhiều giáo dân khác đổ xô tới đến nỗi giám mục cũng rất khó giải quyết tình trạng lộn xộn. Lòng đạo đức mà!

Tại sao nhiều người cứ rủ nhau đến đúng trung tâm Lòng Thương Xót Chúa nào đó? Vì linh mục ở đó ban ơn, hay chuyển ơn giỏi hơn các linh mục khác? Vì “Chúa” ở đó tốt lành hơn ở các nơi khác? Hay vì tâm thức đơn sơ có vay có trả, nên phải đến đúng nơi có cái tên gọi mà mình đã xin ơn, đã khấn nguyện.

Các linh mục cổ võ Lòng Thương Xót Chúa thật là tốt lành, ước chi mọi linh mục đều khuyến khích và tạo điều kiện cho lòng đạo đức đó. Tuy nhiên, xin các ngài hãy dẫn họ đến với Chúa, đừng đến với bản thân mình. Đừng tạo cho mình một “fan club” chuyên đi kêu gọi người khác đến với mình, với trung tâm của mình theo kiểu các công ty đa cấp, nhóm bán hàng khuyến mãi, kinh hoàng đến mức khi muốn xin ơn gì chỉ cần nhắn tin vào số điện thoại này, đường dây nóng nọ, là xong (!). Đừng để người ta tin rằng họ được ơn lành là do bản thân linh mục tài giỏi.

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Lòng Thương Xót Chúa trải dài muôn thế hệ.

Ước gì mỗi người nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa trên cuộc đời mình, để ta biết hiến thân và phụng sự Chúa trong mọi người. Thiên Chúa yêu ta khi ta mang gánh nặng nề, khi ta khổ đau bệnh tật, khi ta bị khinh chê sỉ nhục. Thiên Chúa yêu ta khi ta thành công vui vẻ, khi ta mạnh khoẻ bình an, khi ta được yêu thương trân trọng. Người luôn yêu thương ta.

Lòng Thương Xót Chúa, đời đời con ca tụng

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

EAPI, Ateneo de Manila University
 
Thông Báo
Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam 2018 Tại Victoria, Australia
Khắc Thái
19:54 18/08/2018
Để đánh dấu kỷ niệm 10 năm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tổ chức tại Sydney với chủ đề: “Được Tạo Dựng Cho Sự Vĩ Đại”

Tự sâu thẳm mỗi chúng ta đều có tiềm năng cho điều phi thường. Bất luận hành trình đức tin của ta thế nào, hay những rào cản thế giới hướng vào chúng ta ra sao, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa dựng nên chúng ta để trở nên vĩ đại!

Chúng tôi mời gọi các bạn trải nghiệm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trẻ trung từ một chiều kích khác biệt, trong một sự kiện độc nhất vô nhị của cộng đoàn thông qua âm nhạc, các cuộc hội thảo và các bài tham luận đầy hứng khởi.

Các chủ đề:

Chúng ta được tạo dựng để làm gì?

Tình yêu và tương quan

Đối diện với những thách đố đức tin trong môi trường mới

Bạn có muốn trở thành nhân chứng?

Được chọn và sai đi

Các diễn giả và nhạc sĩ:

Sơ Trish Franklin (IBVM), Lm. Thomas McFadden(OFMCap),

Thầy Nam Nguyen (CSsR), Andrew and Tara Scibberras, Genevieve Bryant, 4Te

11am-8pm, Ngày 15 tháng 9 năm 2018

Cộng đoàn Thánh Gioan Hoan – 46 Otter St, Collingwood

Thiết yếu phải đăng ký

Phù hợp cho lứa tuổi 16-35

Đăng ký qua mạng: http://bit.ly/VCYF2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Núi Cheo Leo
Nguyễn Đức Cung
07:42 18/08/2018
ĐƯỜNG NÚI CHEO LEO

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Dù cho đường núi cheo leo

Bên tôi có Chúa chẳng lo sợ gì.

(nđc)