Ngày 17-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 20 Mùa Thường Niên 18/8/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:31 17/08/2019
Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

"Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Vua Sêđêcia phán rằng: "Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì". Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: "Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn". Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: "Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

Xướng: Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi.

Xướng: Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa.

Xướng: Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ.

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4

"Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

Ðó là lời Chúa.
 
Tính quyết liệt của Tin Mừng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:57 17/08/2019
Chúa Nhật XX Thường Niên C
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53

Ở Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã định nghĩa: tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ; tin không đơn thuần tuân giữ một số lề luật và một số tín điều; nhưng tin chính là gặp gỡ, gắn bó và bước theo Đức Kitô. Và như thế tin cũng có nghĩa là chọn cách sống, con đường, và giá trị mà Giêsu đề ra làm lý tưởng cho cuộc đời chúng ta để vươn tới.

1- Phải lội ngược dòng

Nhưng việc sống theo Giêsu đòi buộc chúng ta phải trả giá và hy sinh, nếu không muốn nói là phải lội ngược dòng của cuộc sống, để trung thành với những giá trị mà Đức Kitô đã đề ra. Chính vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu được xem một cuộc chiến liên lỉ với sự dữ và bất công của xã hội. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một lời minh chứng cho chúng ta về điều đó.

Ở bài đọc I, tiên tri Giêrêmia được lệnh của Thiên Chúa để lên án sự giả dối của các tiên tri giả chỉ nói những lời xu nịnh làm vui lòng nhà vua và thuộc hạ của ông. Sự thật mất lòng! Tiên tri phải trả giá, bị bắt và bỏ xuống giếng cho chết đói. May thay vua đã đổi ý và còn cứu sống ông (x. Gr 38,4-9).

Đó là sứ vụ của vị ngôn sứ đích thực. Đó cũng là sứ vụ của mỗi Kitô hữu đích thực. Sứ vụ phải lội ngược dòng xã hội để chiến đấu với điều giả dối và bất công. Bởi thế, tác giả của bài đọc II mời gọi: “Chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi chúng ta” (Dt 12,1).

2- Lửa của Đức Kitô

Cũng trong chiều hướng đó, bài Tin Mừng hôm nay là một trong những lời “chói tai” của Chúa Giêsu: Trước hết Chúa nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, “lửa” ở đây đó là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Người muốn cho “lửa” đó được bùng lên có nghĩa là Người muốn cho mọi người khắp nơi trên thế giới được nhận biết chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Và mỗi người được lửa là Thánh Thần nung nấu, đốt nóng, và thanh luyện những tính hư tật xấu, để được nên giống Chúa Kitô.

Tiếp theo, Chúa Giêsu có một câu nói làm cho các môn đệ và cả chúng ta cũng phải ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống đối lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu và nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,51-53).

Tại sao lại có sự phân rẽ này? Như chúng ta đã nói: theo Chúa là chúng ta quyết sống theo những giá trị mà Chúa đã đem đến trong thế gian này. Và để trung thành với những giá trị của Tin Mừng đó, nhiều lúc đòi buộc chúng ta phải quyết liệt hy sinh những giá trị khác, phải đi ngược lại với những cách hành xử của những người xung quanh và người thân trong gia đình. Từ đó, sự chống đối và chia rẽ sẽ xuất hiện giữa cha mẹ với con cái, giữa anh với em.

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng: sự phân rẽ ở đây không phải là mục đích của Chúa Giêsu nhưng là hậu quả của việc theo Người. Và cuộc chiến ở đây không phải là một cuộc chiến giữa con người chống con người, nhưng là cuộc chiến chống lại sự dữ, điều xấu trong con người; đó là sự va chạm giữa các chọn lựa và các giá trị của người theo và không theo Chúa. Nhưng chính nhờ sự phân rẽ này mà con người có thể thiết lập lại bậc thang giá trị cuộc sống, với những giá trị đích thực và với sự bình an đích thực trên trái đất. Vâng, theo Chúa là chúng ta phải lội ngược dòng đời, phải chấp nhận sự đối kháng của người khác, phải chiến đấu với thế lực sự dữ và ma quỷ.

3- Một ví dụ điển hình

Thánh Phanxicô Assisi là một ví dụ điển hình trong sự dấn thân theo Chúa đành phải chấp nhận đối đầu với cha mình. Người cha đưa con ra tòa với hy vọng thuyết phục người con từ bỏ con đường điên rồ mà anh đang dấn thân vào. Nhưng trước mặt quan tòa và mọi người, Phanxicô đã cởi bỏ quần áo trả lại cho cha, và dõng dạc tuyên bố: “Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời.”

Đấy là tính quyết liệt của Tin Mừng, là cái giá phải trả đối với những ai dám bước theo Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng những ai tin vào Chúa thì không bao giờ cô đơn trong cuộc chống lại sự dữ, xin cho lửa tình yêu và chân lý của Chúa luôn bừng cháy trong tim của chúng con, để chúng con luôn cam đảm chọn lựa và sống theo những giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Nhìn Thẳng Vào Đức Kitô Đi Làm Ngôn Sứ
LM.Trương Đình Hiền.
08:46 17/08/2019
Chúa Nhật 20 TN Năm C 2019

Cách đây hơn 2 năm, vào đêm 6/1/2017 tại Nha Trang, trong đêm chung kết Hoa Hậu Việt Nam, một cô gái “tóc tém, da nâu” đã nhận được vòng nguyệt quế : Cô H’Hen Nie, người dân tộc Ê-đê đầu tiên, trở thành Hoa hậu Việt Nam 2017.

Sở dĩ nhắc đến sự kiện nầy trong “bàn Tiệc Lời Chúa”, chắc chắn không phải để bàn tới “sắc đẹp, tài ứng xử hay gia thế của “người đẹp Ê-đê; mà chính là lời chia sẻ của cô sau khi đăng quang :

“Từ nhỏ tôi là người theo đạo, tôi tin rằng Chúa có kế hoạch và chương trình cho mỗi người, từ nhỏ tôi đã tin vào điều nầy, tôi luôn nghĩ Chúa có gì tốt đẹp dành cho mình. Trong từng vòng thi, tôi đều cầu nguyện và xin Chúa cho mình sự bình an, bình tĩnh. Tôi luôn nói một câu rằng “Chúa cho con tỏa sáng theo ý muốn tốt lành của Chúa”.

Ở giữa một “đấu trường sắc đẹp” mà giá trị vật chất, quảng cáo, tiếng tăm, tiền tài…được tôn lên hàng thần thánh, thì tôi cho rằng những lời phát biểu về đức tin của cô gái Ê-đê quả thật là một “lời rao giảng Tin Mừng”, hay nói theo ngôn ngữ của thời đại, “tiếp thị Tin Mừng” quá xuất sắc và đầy can đảm.

Bằng chứng là dưới bản tin nầy, đã có hơn 10 ngàn lượt like và gần 4 ngàn lượt chia sẻ mà nội dung đều ca tụng Chúa và trân trọng vai trò “ngôn sứ” cùng sự làm chứng đức tin của Hen.

Bàn tiệc lời Chúa hôm nay cũng muốn chuyển tải đến chúng ta sứ điệp về “ơn gọi ngôn sứ”, về việc “tiếp thị Tin Mừng”, giới thiệu Tin Mừng, giới thiệu Chúa Giêsu cho anh em.

Trước hết, Bài đọc 1 vừa thuật lại cho chúng ta “sự cố bị thả giếng” của chàng ngôn sứ thích nói chuyện ngược đời Giêrêmia.

“Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng…”.

Để hiểu thêm về sự cố nầy, có lẽ chúng ta phải ngược dòng thời gian, trở về khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, thời hoạt động ngôn sứ của Giêrêmia, thuở mà vương quốc Giuđa đang rơi vào khủng hoảng để rồi đi tới diệt vong bởi hoàng đế Na-bu-co-no-so (626-587).

Như lời trần tình của chính đương sự, Giêrêmia thi hành sứ mệnh ngôn sứ trong một tình trạng đầy giằng co và thử thách, vừa nơi tâm hồn mình vừa với những áp lực ngoài xã hội :

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, ầm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 7-9).

Quả thật, Lời Chúa qua tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta thấu hiểu phần nào thân phận nghiệt ngã muôn nơi muôn thuở của những ngôn sứ : Phải công bố Lời của Thiên Chúa cho dù Lời đó đi ngược lại tâm thức và xu hướng của con người; phải chấp nhận hậu quả thương đau chứ không chịu thoả hiệp để yên thân.

Và đó lại chính là con đường, là chọn lựa của chính vị Đại Ngôn Sứ, mà Giêrêmia mới chỉ là hình bóng tiên trưng. Vâng, Tin Mừng Luca chúng ta vừa nghe, đã cho thấy chính Đức Kitô đã thi hành sứ mệnh ngôn sứ “mang lửa Thánh Thần và tình yêu đến cho thế giới” và sẵn sàng “dấn thân vào “Phép rửa của khổ nạn” để cứu độ con người. Và con đường để Ngài hoàn tất sứ mệnh ngôn sứ đầy nhiêu khê đó phải trả giá bằng một cuộc chiến thương đau :

“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ…”.

Thế nhưng, cũng kể từ khi “Cây Thập Giá” được dựng lên trên đồi Sọ và “Treo Vị Đại Tiên Tri Giêsu trên đó”, thì sự chia rẽ sâu thẳm nhất giữa đất và trời, giữa nhân loại với nhau đã khép lại, để nhường chỗ cho một Vương Quốc Nước Trời mở ra, Vương quốc của sự thật và tình yêu, của hoà bình và công lý.

Nối tiếp “con đường ngôn sứ” của Giêrêmia, nhất là của Chúa Giêsu, suốt 2000 năm nay, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nam nữ dấn thân chọn lựa và thực thi sứ mệnh ngôn sứ cao cả nhưng cũng đầy gian nan nầy, một số đông đảo mà thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay đã dùng hình ảnh : “chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh”. Và không chỉ được sự nâng đỡ chắc chắn bởi “đám mây nhân chứng” nầy, chúng ta, mọi Kitô hữu thuộc bất cứ đấng bậc nào, ơn gọi nào, nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, được gọi mời đi làm nhân chứng, tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của chính Chúa Kitô.

Dĩ nhiên, trước những giới hạn và mõng dòn của phận người, làm sao không có những lúc chúng ta nãn lòng, mệt mỏi, muốn chùn bước thối lui trước “chén đắng” của sứ mệnh (như trải nghiệm của Giêrêmia và của cả Chúa Giêsu); nhưng, như lời động viên của Thánh Vịnh 139 mà Hội Thánh vang ca hôm nay :

“Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi….

Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ.”

Không chỉ là lời cầu nguyện, mà hơn nữa, phải là một hành trang, một ngọn đuốc sáng mang theo để lên đường. Vâng, hành trang đó, ánh sáng đó chính là lời mà thư Do Thái ân cần nói với chúng ta : “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu không ở đâu xa. Ngài đang ở đây, trong bàn Tiệc Thánh Thể nầy. Amen.

LM.Trương Đình Hiền.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:38 17/08/2019

10. Thích được nhục mạ là biểu lộ sự khiêm tốn và đạo đức.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:44 17/08/2019
89. THAY NHAU ĂN CƠM

Có một người rất thích đánh cờ, thường hay qua nhà hàng xóm để đấu cờ.

Có một lần, anh em người hàng xóm luân phiên nhau đại chiến với ông ta, giết nhau cả nữa ngày mà cũng khó phân khó giải. Đến giờ ngọ, chủ nhân thay đổi nhau đi vào ăn cơm.

Sau giờ ngọ, người mê đánh cờ cảm thấy đói trong bụng, tinh thần mệt mỏi, nhìn thấy khí sắc của hai đối thủ vẫn như cũ, thì tỉnh ngộ hẳn lên, bèn cười nói:

- “Hôm qua tôi đi du ngoạn nơi chùa nhìn thấy cái nồi khí (nồi để chưng đồ ăn) trong nhà bếp, bề cao một trượng có thừa”.

Chủ nhân kinh ngạc hỏi:

- “Cái nồi quá cao làm sao xới cơm ra để ăn được ?”

Người mê đánh cờ trả lời:

- “Tốp hoà thường này rất là chước hoạt, trên cái nồi chưng họ bắt lên cái thang dài, một người chui vào ăn, ăn xong thì chui ra kêu người khác vào ăn...”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 89:

“Xa luân chiến” là một trận pháp lợi hại khiến cho đối phương từ hăng hái đến rã rời và cuối cùng thì bị thua, nhưng đó là trận pháp đại quy mô không nên dùng khi đánh cờ bởi vì như thế là không công bằng.

Ma quỷ vốn là tên đại bịp và không công bằng cho nên nó thường hay dùng chiến thuật “xa luân chiến” để tấn công những người đạo đức, tức là những người muốn sống theo Lời Chúa dạy. “Xa luân chiến” của ma quỷ là từ từ đưa ra những cám dỗ xem ra không thiệt hại gì cho lắm, tức là nó làm cho chúng ta đi vào sự tội cách nhẹ nhàng êm ái mà chúng ta cứ ngỡ là mình làm đúng, cho đến khi sực tỉnh thì đã thấy mình đang tắm trong bùn nhơ tội lỗi...

Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó không bao giờ làm cho chúng ta có cảm giác phạm tội khi làm sai, do đó mà Đức Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ là ý đó vậy.

“Xa luân chiến” của người Kitô hữu là cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện, thử hỏi ma quỷ nào dám chiến thắng người luôn cầu nguyện chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 20 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:48 17/08/2019
Chúa Nhật 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.


Bạn thân mến,

Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Đức Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Đức Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

1. Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nổ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Đức Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…”(Lc 2, 34). Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế ”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”(Lc 2, 35a) khi chính họ tin và nhận biết Đức Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Đức Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Ngài. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Đức Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Đức Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đấu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến, để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

1. Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động.

Đức Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật (5, 3-12).

Quả thật như thế, không một ai đến với Đức Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho nhân loại.

Bạn thân mến,

Lửa mà Đức Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Đức Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái yêu thương và phục vụ của chính mình.

Đừng để lửa trong tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Đức Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đến phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Notre Dame de Paris – Cuộc rước long trọng và cảm động Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08/2019
Đặng Tự Do
18:34 17/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một năm, người Pháp có 11 ngày quốc lễ, trong đó có ngày 15 tháng Tám, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc rước kiệu rất cảm động ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Notre Dame de Paris, đúng 4 tháng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi 2 phần 3 mái nhà thờ.

Các tín hữu đã rước một tượng Đức Mẹ được những người lính cứu hỏa anh dũng cứu khỏi trận hỏa hoạn hôm 15 tháng Tư. Vừa đi, họ vừa ca hát và lần hạt Mân Côi.

Hôm thứ Ba, tòa đô chính Paris đã phong tỏa các con đường chung quanh nhà thờ chính tòa Paris với lý do cần phải giải quyết mức độ nhiễm độc chì sau trận hỏa hoạn. Công việc này phải mất gần 3 tháng mới có thể hoàn tất được.

Động thái này khiến nhiều người âu lo là cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời phải bị hủy bỏ. Tuy nhiên, may mắn là hàng ngàn các tín hữu vẫn có thể tập trung trên cầu Saint Luis gần nhà thờ đang được trùng tu. Họ đi dọc theo bờ kè gần đó về phía Nhà thờ Saint Sulpice ở tả ngạn sông Seine. Cuộc rước, bắt đầu lúc 9g20 sáng, đã do Đức Tổng Giám Mục Paris Michel Aupetitdẫn đầu.

Nói chuyện với France 24, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói:

“Cuộc rước này diễn ra hàng năm. Mọi người đến để nương tựa vào trái tim của Đức Maria, trái tim của một người mẹ. Rõ ràng ngày hôm nay là một ngày với các cảm xúc thật đặc biệt.”

“Vâng, nhà thờ chính tòa vẫn sống động và tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra với ngôi nhà thờ này. Khi ta đến bên giường của một người bị thương, thì chính là vì người ấy vẫn còn sống,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Các tín hữu đi trong đám rước đã mang theo một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria được vua Charles thứ 10 của Pháp tặng cho nhà thờ vào năm 1830.

“Tất cả mọi người đang chú ý chăm sóc cho nhà thờ chính tòa. Đến đâu, tôi cũng thấy có một cảm xúc tuyệt vời dành cho Đức Mẹ và ngôi nhà thờ dâng kính Mẹ của chúng ta.”

Trong những năm trước cuộc rước kiệu thường đang bắt đầu ở tiền sảnh của nhà thờ Đức Bà, nhưng toàn bộ khu vực và một số đường phố gần đó đã được rào lại dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của những công nhân trong đội khử độc chì.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã nhắc lại lời khấn của Vua Louis XIII khi thánh hiến nước Pháp vào ngày 10 tháng 2 năm 1638 cho Đức Maria. Ngài cũng đề cập đến nội dung thư Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các tín hữu Công Giáo Paris, trong đó Đức Thánh Cha bày tỏ “sự gần gũi về tinh thần” với họ. “Giống như một người mẹ thực sự, Đức Maria đồng hành cùng chúng ta, chiến đấu cùng chúng ta và lan truyền không mệt mỏi cho chúng ta sự gần gũi của tình yêu Chúa.” Đức Thánh Cha hy vọng các tín hữu Paris sẽ trở thành “những người xây dựng một nhân loại mới bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô”. Ngài cũng xin Đức Mẹ cầu bầu để việc tái thiết viên ngọc kiến trúc của thành phố này là một dấu chỉ mạnh mẽ cho sự tái sinh và hồi sinh đức tin nơi các tín hữu Pháp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra chung quanh nhà thờ chính tòa thành phố Strasbourg ở miền Đông nước Pháp gần biên giới với Đức trong khu vực lịch sử Alsace.

Thành phố Strasbourg cũng là nơi có trụ sở của Nghị Viện Âu Châu. Tất cả các cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu đều đóng ở một trong ba thành phố là Brussels, Luxembourg và Strasbourg.

Tổng giáo phận Strasbourg là một trong 9 tổng giáo phận đặc biệt của Pháp không có giáo phận phối thuộc, và là tổng giáo phận duy nhất tại Pháp trực thuộc Tòa Thánh. Sử sách nhắc đến tổng giáo phận này rất sớm, ít nhất là từ năm 343 đã có tổng giáo phận này.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, trong tổng số 1,843,000 dân trong vùng, 1,380,000 dân là người Công Giáo chiếm tỷ lệ 74.9% sinh hoạt trong 767 giáo xứ, được chăm sóc bởi 722 linh mục, 80 phó tế, 1,050 nữ tu, 282 nam tu sĩ không có chức linh mục.


Source:Crux

 
Tầu bệnh viện mang tên Đức Phanxicô đem lời Chúa và chăm sóc sức khỏe tới Vùng Amazon
Vũ Văn An
16:22 17/08/2019
Theo VaticanNews, “Tầu Bệnh viện Đức Giáo Hoàng Phanxicô” đã đến Tổng giáo phận Belem và chuẩn bị bắt đầu làm việc tại các khu vực thuộc Vùng Amazon, nơi chỉ có thể tiếp cận bằng đường sông.

Trong một buổi lễ ra mắt tàu, một bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đọc, trong đó Đức Thánh Cha bày tỏ sự hài lòng tuyệt vời được tham gia với những người dự phần “vào khoảnh khắc tạ ơn Chúa đầy vui mừng này”. Ngài nhận định rằng con tàu bệnh viện “sẽ mang Lời Chúa và cung cấp việc được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho những người thiếu thốn nhất”, dọc theo một dải đất của vùng Amazon kéo dài khoảng một nghìn kilô mét.

Đáp lại mệnh lệnh của Chúa

“Ngoài việc là một cử chỉ cụ thể đẹp đẽ hướng tới Thượng hội đồng giám mục Vùng Amazon, Đức Giáo Hoàng nói, “bệnh viện trên sông này trước hết là một lời đáp lại mệnh lệnh của Chúa, Đấng tiếp tục phái các môn đệ của mình đến công bố Nước Thiên Chúa và để chữa lành người bệnh”. Thực thế, Đức Thánh Cha nói rằng, “sứ mệnh nguyên thủy” của tàu bệnh viện mới sẽ là cổ vũ “sự sống dồi dào” được Chúa Giêsu đề nghị với mọi người nam nữ.

Trong bức thư của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại một lần nữa hình ảnh của Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”, nơi “chào đón mọi người mà không phân biệt hay điều kiện”; ngài lưu ý rằng với sáng kiến mới này, Giáo hội cũng có thể được coi là “một bệnh viện trên sông nước”.

Dấu hiệu của đức tin và liên đới

Ngài nói “Như Chúa Giêsu, khi xuất hiện đi bộ trên mặt nước, làm dịu cơn bão và củng cố đức tin của các môn đệ, chiếc thuyền này sẽ mang lại cả sự an ủi và yên tĩnh tinh thần cho những thăng trầm của những người đàn ông và đàn bà túng thiếu, bị bỏ rơi cho số phận của họ” .

Đức Thánh Cha kết thúc bức thư của ngài bằng lời cảm ơn Đức cha Bernardo Bahlmann của Óbidos (Brazil), người đề xướng chính của sáng kiến, cùng với các Cha dòng Phanxicô của Providence, vì “dấu chỉ đức tin và tình liên đới Kitô giáo này”.
 
Con tàu bệnh viện của Đức thánh cha Phanxicô mang Lời Chúa, chăm sóc sức khỏe đến cho khu vực Amazon
Thanh Quảng sdb
17:41 17/08/2019
Con tàu bệnh viện của Đức thánh cha Phanxicô mang Lời Chúa, chăm sóc sức khỏe đến cho khu vực Amazon
.

Đức thánh cha Phanxicô đã gửi thư chúc mừng tới con tàu bệnh viện phát xuất từ Tổng Giáo Phận Belém de Pará ở Ba tây (Brazil) và đang tiến về vùng Amazon.
Theo tin Vatican thi con tàu bệnh viện mang tên Đức thánh cha Phanxicô đã phát xuất từ Tổng giáo phận Belem và chuẩn bị bắt đầu làm việc cho các khu vực thuộc các làng mạc trong vùng Amazon, những nơi mà chỉ có thể tiếp cận được bằng đường sông.
Trong một buổi lễ ra mắt tàu, Đức thánh cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự vui mừng hân hoan của ngài với những ai tham gia vào chuyến tầu bệnh viện, và mời tất cả hãy cùng nhau tạ ơn Chúa. Con tàu bệnh viện sẽ mang Lời Chúa và cung cấp những chăm sóc về sức khỏe cho những người nghèo khổ nhỏ bé nhất, sống rải rác dọc theo những con sông dài cả nghìn cây số tại vùng Amazon.

Đáp lại lời mời gọi của Chúa
Đáp laại những thao thức của Thượng hội đồng các Giám mục vùng Amazon, Đức thánh cha Phanxicô cho hay con tàu bệnh viện này là một lời đáp lại những lời mời gọi của Chúa, Người tiếp tục sai phái các môn đệ của mình ra đi loan báo Tin mừng Nước Chúa và chữa lành các bệnh tật. Thực tế, Đức Thánh Cha cho hay: Sứ mệnh đầu tiên của con tàu bệnh viện mới này là mang lại sức sống dồi dào mà Chúa Giêsu thương ban cho tất cả mọi người nam nữ trên toàn cầu.
Trong bức thư của mình, Đức thánh cha Phanxicô đã nhắc lại một lần nữa hình ảnh Giáo hội là một bệnh viện chữa lành cho tha nhân, chào đón tất cả mọi người không phân biệt hay đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì!

Dấu hiệu của đức tin và sự đoàn kết
Như Đức Giêsu, khi đi trên mặt nước, Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió im lắng hầu củng cố niềm tin cho các tông đồ. Đức thánh cha cho hay con tàu bệnh viện này sẽ mang lại sự chữa lành tinh thần cũng thể chất và sự bình an trước những biến động của những người nghèo đói túng cực, bị bỏ mặc cho số phận hẩm hiu của họ .
Đức Thánh Cha kết thúc bức thư của mình bằng một lời cảm ơn tới Đức cha Bernardo Bahlmann của Óbidos (Brazil), người đã cùng với các giáo sĩ trong Giáo phận đề xướng ra sáng kiến này để nói lên niềm tin và sự hiệp thông trong toàn Giáo hội.
 
Chuyến tông du thứ 31 của Đức Thánh Cha - Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Mozambique
Đặng Tự Do
23:14 17/08/2019


Tổng quát

Mozambique là một quốc gia ở đông nam Phi châu, phía đông giáp với Ấn Độ Dương, bắc giáp Tanzania, tây giáp Malawi, Zambia, và Zimbabwe, nam giáp Swaziland và Nam Phi.

Với tổng diện tích 799,380 km2 (khoảng 2.5 lần Việt Nam) trong đó 786,380 km2 là đất liền, Mozambique là quốc gia lớn thứ 36 trên thế giới.

Từng là một cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, Mozambique là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Tuy chưa bao giờ bị Anh quốc đô hộ, Mozambique cũng xin gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung.

Quốc kỳ của một quốc gia là một biểu tượng cao quý của một dân tộc. Phê bình quốc kỳ của một nước có lẽ là một điều không nên. Tuy nhiên, nhiều lần tại Liên Hiệp Quốc đã nảy ra những tranh luận về quốc kỳ của Mozambique. Ngày 25 tháng 6 năm 1975, sau khi giành được quyền kiểm soát đất nước từ tay người Bồ Đào Nha đảng cầm quyền FRELIMO, có khuynh hướng Mácxít, đưa ra một lá cờ “không giống ai” trong đó vẽ một khẩu AK-47 và một cái cuốc. Quốc kỳ như hiện nay, trong đó khẩu AK, và cái cuốc còn được vẽ lớn hơn, đã được chính thức sử dụng từ ngày 1 tháng Năm 1983. Nhìn lá cờ này, nhiều người không khỏi “chạnh lòng” nghĩ đến Pol Pot và Ieng Sary và những tên đồ tể khác trên thế giới.

99.7% trong tổng số 28.8 triệu dân Mozambique là người gốc Phi châu (Makhuwa, Tsonga, Lomwe, và Sena). 0.3% còn lại là người Âu Châu và Ấn Độ. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, như Sudan chẳng hạn, người Ả rập gần như biến mất khỏi Mozambique mặc dù họ đã từng thống trị vùng này từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 16.

Tiếng nói chính thức được dùng tại Mozambique là tiếng Bồ Đào Nha.

Lịch sử cận đại

Tháng 7 năm 1497, nhà thám hiểm Vasco da Gama lãnh đạo một hạm đội gồm 4 chiếc tàu rời cảng Lisbon thám hiểm Phi Châu. Tháng 12 năm đó, ông vượt qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi sang bờ phía Đông, khám phá ra những vùng đất người Âu Châu chưa bao giờ đặt chân đến, trong đó có Mozambique. Hầu hết các vùng đất này đang nằm dưới ách cai trị của những người Hồi Giáo Ả rập.

Tháng Ba, 1498, ông giả làm một người Hồi Giáo để vào yết kiến quốc vương Mozambique. Chẳng may, kế hoạch bị lộ, ông phải rút lui. Tuy nhiên, ông khám phá ra vùng đất này thật lý tưởng cho các chiến hạm Bồ Đào Nha. Nơi đây có thể cung cấp nước ngọt, gỗ và nhân công. Tóm lại là một chặng dừng chân lý tưởng của các chiến hạm Bồ Đào Nha trên đường viễn chinh nhằm thu phục các quốc gia vùng Vịnh và Á Châu.

Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây.

Tháng 4 năm 1974, Bồ Đào Nha trải qua một thời kỳ khó khăn với cuộc đảo chính quân sự ở Lisbon. Nhân cơ hội này, Mặt trận giải phóng Mozambique, gọi tắt là FRELIMO, được sự ủng hộ của cộng sản Trung Quốc từ thập niên 1960, đã giành được quyền kiểm soát lãnh thổ này. Mozambique giành được độc lập khỏi tay Bồ Đào Nha ngày 25 tháng 6 năm 1975.

Nhưng ngay sau đó, từ năm 1976 đến năm 1992, nước này lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu, cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người. FRELIMO muốn thiết lập một thể chế độc tài độc đảng theo ý thức hệ cộng sản tại Mozambique. Mặt trận kháng chiến quốc gia, gọi tắt là RENAMO, khởi nghĩa chống lại mưu toan này. Lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực, Nam Phi và Rhodesian đã giúp RENAMO, trong khi khối cộng sản bao gồm cả Trung Quốc và Liên Sô giúp cho FRELIMO.

Cộng đoàn thánh Egidio đã giúp đưa hai bên đến bàn hòa đàm tại Rôma chấm dứt 15 năm nội chiến với Hiệp Định Tổng Quát Rôma ngày 4 tháng 10, 1992.

Căng thẳng lại bùng lên giữa hai phe từ năm 2013 đến nay. Trong cuộc họp báo hôm 27 tháng Ba vừa qua, Ông Alessandro Gisotti, lúc ấy là Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho các ký giả biết một trong các mục tiêu trong chuyến tông du này của Đức Thánh Cha là tìm cách vãn hồi hòa bình tại Mozambique.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chưa đến quốc gia này, hòa bình xem ra đã được lập lại. Thật vậy, hôm mùng 1 tháng Tám vừa qua, lãnh tụ RENAMO, là Ông Ossufo Momade, và tổng thống Filipe Nyusi đã ký kết với nhau một hiệp định hòa bình. Ông Ossufo Momade cho biết ông chấp nhận ký hiệp định này để thể hiện lòng tôn trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chính trị

Mozambique theo chế độ cộng hòa, đa đảng. Bên cạnh đảng cầm quyền hiện nay là Đảng FRELIMO, còn có các đảng RENAMO, Đảng Dân chủ Mozambique (PDM), Đảng Liên minh dân chủ Mozambique (CODEMO), Đại hội Độc lập Mozambique (COINMO).

Tổng thống, là người đứng đầu nhà nước, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống hiện nay là Ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO, nhậm chức vào ngày 15 tháng Giêng 2015. Ông là vị tổng thống thứ Tư của Mozambique từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1975.

Thủ tướng do Tổng thống chỉ định là người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng hiện nay là Ông Carlos Agostinho do Rosário, cũng là một thành viên của đảng FRELIMO.

Quốc hội Mozambique có 250 ghế, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu và có nhiệm kỳ 5 năm. Hiện nay, Quốc hội do Đảng FRELIMO chiếm đa số.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mozambique

Lúc 8 giờ sáng ngày 4 tháng Chín, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay Rome Fiumicino để bay sang phi trường quốc tế của thủ đô Maputo, bắt đầu chuyến tông du thứ Sáu bên ngoài nước Ý trong năm nay.

Lúc 6:30 chiều, ngài sẽ đến sân bay Maputo, nơi sẽ có nghi thức đón tiếp trọng thể. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Sáng thứ Năm ngày 5 tháng 9, lúc 9:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm tổng thống Filipe Nyusi tại dinh tổng thống gọi là Palacio da Ponta Vermelha

Sau cuộc hội kiến với tổng thống kéo dài trong 30 phút, cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Lúc 11 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn với giới trẻ tại vận động trường có mái che Maxaquene.

Lúc 4:15 chiều Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Sáng thứ Sáu, 6 tháng Chín, lúc 8:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm bệnh viện Zimpeto gần thủ đô Maputo.

Tiếp đó, lúc 10 giờ sáng, ngài cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto

Lúc 12:25 trưa, Đức Thánh Cha sẽ ra sân bay Maputo. Tại đây sẽ có nghi thức tiễn Đức Thánh Cha bay sang phi trường quốc tế Antananarivo của Madagascar.

Giáo Hội tại Mozambique

Cả ba quốc gia trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 31 của Đức Thánh Cha là Mozambique, Madagascar, và Mauritius đều là các quốc gia nơi dân số Kitô Giáo chiếm đa số.

Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây, và nhờ công lao của các cha dòng Phanxicô Bồ Đào Nha, Đạo Công Giáo được phát triển rất mạnh kể từ đó. Dù thế, nhiều nhà sử học không cho rằng Đạo Công Giáo bắt đầu đến với quốc gia này vào năm 1505. Có những chứng cứ cho rằng các tín hữu Kitô đã có mặt từ rất lâu tại đây nhưng bị người Hồi Giáo tận diệt.

Theo thống kê vào tháng Bẩy, 2018, Mozambique có 8.784 triệu người Công Giáo, tức là chiếm 30.5% trong tổng số 28.8 triệu dân.

Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, Giáo Hội tại Mozambique có 3 tổng giáo phận và 9 giáo phận, với 337 giáo xứ, được coi sóc bởi 659 linh mục và 1,182 nữ tu.

Giáo Hội sở hữu 21 bệnh viện và 8 nhà dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật.

Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao đầy đủ với Mozambique vào ngày 17 tháng 11 năm 1974. Ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu hồi Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambique, là Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, về Vatican đảm nhận chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay cho Đức Hồng Y Angelo Becciu được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piergiorgio Bertoldi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ này từ ngày 19 tháng Ba năm nay.

Tổng giáo phận Maputo.

Ngày 21 tháng Giêng, năm 1612, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Ngũ đã thiết lập miền Giám Quản Tông Tòa Mozambique. Năm 1783, Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Lục đã nâng lên hàng giáo phận. Và cuối cùng, ngày 4 tháng Chín năm 1940, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận.

Ngày 18 tháng Chín, 1976, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đặt tên lại là tổng giáo phận Maputo.

Tổng giáo phận hiện được Đức Tổng Giám Mục Francisco Chimoio, dòng anh em hèn mọn coi sóc.

Tỷ lệ người Công Giáo nếu tính chung cả nước Mozambique là 30.5%. Riêng thủ đô Maputo tình hình khả quan hơn. Maputo có 1,223,000 người Công Giáo trong tổng số 3,040,000 dân, tức là 40.2%.

Anh chị em tín hữu Công Giáo sinh hoạt trong 44 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 98 linh mục trong đó có 34 linh mục triều và 64 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 147 nữ tu và 172 nam tu sĩ không có chức linh mục.


Source:Crux
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá
Dominic Đức Nguyễn
08:33 17/08/2019
THÁNH GIÁ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

THÁNH GIÁ biểu hiệu bao la,
Trổ sinh hoa trái : Thứ tha tội đời.
THÁNH GIÁ vinh quang rạng ngời,
Chiến thắng thần chết, tơi bời Satan.
THÁNH GIÁ luôn được bảo toàn,
Là chứng tích để thế gian ngắm nhìn
(Trích thơ của Vinh Sơn)
 
VietCatholic TV
Cuộc hành hương đi bộ 5000 cây số từ Paris đến Jerusalem của hai thiếu nữ Pháp
Giáo Hội Năm Châu
16:00 17/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hai cô gái đi bộ hơn 7 tháng, từ Paris đến Jerusalem, không có một xu trong túi. Một cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân hầu hiểu biết thêm về tha nhân và về chính mình.

Bài viết của Tác giả Jean Charles Putzolu

Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ Paris.

Cô Camille Desveaux đã mơ ước dự án này trong âm hồn từ khi cô mới14 tuổi. Đó là một giấc mơ, ẩn dấu trong cô, cô chưa bao giờ chia sẻ với ai. Ba năm trước cuộc hành trình, cô quyết định cho ba mẹ biết ước mơ của cô. Cô phải thuyết phục ba mẹ và nếu ba mẹ đồng ý cho cô thực hiện thì cô mới đi...

Trong thời gian đó, Camille gặp Guilemette de Nortbecourt tại đại học. Cả hai rất hợp nhau, thế là tình bạn được nảy nở. Camille quyết định không nói với Guillemette bất cứ điều gì về dự án của cô cho đến khi họ cùng thuê một căn hộ và sau khi hoàn tất văn bằng đại học. Khi Camille chia sẻ với Guillemette, cô khám phá ra rằng cả hai đều có cùng một mơ ước. "Trong lúc đó, tôi cũng đang tìm kiếm một cái gì tuyệt đối: Tôi khao khát tìm được Chúa. Ý tưởng về một cuộc hành hương được hình thành rõ nét qua một linh mục, Cha Louis Hervé Guiny. Camille không nghi ngờ gì về chính mình. Cô quyết tâm khám phá lãnh vực tâm linh, nhưng dự án của cô chỉ ấp ủ trong lòng một mình cô, chứ chưa có một người thứ hai nào biết. Phải mất cả tuần cô mới chia sẻ với cô bạn và họ quyết định cùng nhau khởi hành.

Hai cô được chúc lành trước khi lên đường

Ngày 10 tháng 9 năm 2018, ngày họ khởi hành, họ đã hiệp dâng Thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Paris lúc 8 giờ sáng. Cả hai nài xin các linh mục chúc lành cho ý định này và đồng hành với họ trong tâm tình cầu nguyện. Gia đình của hai cô cũng hiện diện trong thánh lễ gồm ba chị em Camille và bốn anh em của Guillemette. Ngay sau Thánh lễ, hai cô đã lên đường trước những ánh mắt ngâm ngùi âu lo của những người thân yêu.

Họ trải qua bốn ngày đầu tiên trong thành phố Paris, bàn bạc cùng nhau đâu là những điểm dừng chân trong lịch trình… tìm đến nhà của bạn bè và những người quen. Bắt đầu từ ngày thứ năm, họ đã mạo hiểm tới những nơi xa lạ. Họ không biết họ sẽ ngủ ở đâu đêm đó và mối lo nhất là họ không có một đồng xu dính túi... Guillemette nói: "Đây là một quyết định đầy sáng suốt và ý thức", chúng tôi muốn tự mình giã từ mọi sự và trầm mình vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, vì chính Ngài là người đã gieo vào tâm hồn hai cô và hướng dẫn các cô thực hiện được cuộc hành trình này… Xa xa họ trông thấy một lâu đài và tự nhủ: "Nơi đây chắc chắn phải có nhiều phòng! Hy vọng chủ nhân sẵn sàng tiếp đón các cô! Thế là các cô đã tiến về đó, đến trước cửa và bấm chuông...

Cảm nghiệm sự khiênm hạ khi phải ngửa tay ăn xin

Đây mới chỉ là ngày thứ năm và lần đầu tiên, hai cô phải khẩn khoản nài xin lòng hiếu khách từ một người xa lạ hoàn toàn... Những chân tình van xin của họ đã bị từ chối một cách lịch sự. Họ cảm nhận ra rằng thật nhục nhã khi phải ăn xin. Nhưng họ đã quyết tâm, và không lúc nào họ nghĩ đến việc từ bỏ cuộc hành hương đi bộ này. Họ gõ một cánh cửa khác và cửa đã mở ra chào đón hai cô với một trái tim rộng mở. Theo Camille, họ đã học được rất nhiều từ những cuộc gặp gỡ này. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi lòng tốt của gia đình này. Đôi khi lòng tốt ẩn giấu tận đáy lòng chúng ta và phải được khơi dậy". Bà Veronica đã rộng mở cửa nhà đón họ. Thực tế, bà để hai cô một mình ở nhà, vì bà đã có chương trình đi xem kịch hát đêm đó… Camille và Guillemette đã ổn định cho đêm nay. Sáng hôm sau, trong bữa sáng, hai cô có thời gian để hiểu rõ hơn về bà chủ đã cho họ trú ngụ.

Một buổi tối khác, sau khi băng qua Thụy Sĩ, qua dãy núi Alps của Ý, Slovenia và Croatia, họ đến được Bosnia Herzegovina. Ở đó, họ được chào đón bởi Pierre, một người Serb 80 tuổi cặm cụi làm việc. Ông ta không biết tiếng nước ngoài. May mắn thay, con gái Slavica của ông biết một chút tiếng Anh, ít nhất đủ để hiểu nhau. Pierre đồng ý tiếp đón hai chúng tôi. Camile cho hay: "Ông ấy dành cho chúng tôi một cái giường, và ngày hôm sau khi thức giấc, chúng tôi thấy ông ngủ trên đi văng vì đã nhường giường của mình cho chúng tôi. Tôi tự nghĩ trong trường hợp tôi, không biết tôi có thể làm được điều tương tự như thế hay không!

Mùa đông Balkan

Ba của Guillemette là một người lính, ông ta đã cảnh báo hai cô về mùa đông khắc nghiệt mà họ có thể phải đối diện ở Balkan. Trong thời gian hành hương của họ, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019, nhiệt độ ôn hòa, không lạnh quá âm12 độ, nhưng đây là thời gian có nhiều cảnh quan đẹp đặc biệt. Guillemette nhớ lại khi họ ở Bulgaria, họ đã đi bộ trong tuyết giá suốt ngày dù có nắng ấm mặt trời… Những phong cảnh trước mắt chúng tôi đã cho chúng tôi cảm hứng, chiêm ngắm và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng hóa công.

Với bà Rustem, vợ của "muhtar" (trưởng làng) Kocahidir, Thổ Nhĩ Kỳ, bà đã cho chúng tôi ngay cả đồ ngủ

Gà tây

Sự khác biệt về văn hóa có thể tự tạo ra những vấn đề cho hai cô, vai đeo ba lô nặng 10 ký và một đôi giày tốt. Cô Guillemette chia sẻ: “Không ai niềm nở với chúng tôi, và cũng chẳng ai quan tâm tới sự an nguy của chúng tôi; trái lại họ còn bị cánh đàn ông nhìn họ với ánh mắt soi mói, có thể họ nghĩ chúng tôi là những cô gái mại dâm"; nên "Chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận và không dám mỉm cười với những người mà chúng tôi gặp gỡ. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm khó khăn nhất trong cuộc hành trình của chúng tôi, dù chúng tôi không ngừng trầm trồ khen ngợi trước những tòa nhà nguy nga tại phi thường.

Các giáo xư, nơi họ được chào đón

Đối diện với những lần bị từ chối, thì hai cô cảm thấy lòng ấm áp khi được các giáo xứ rộng mở đón tiếp họ. Họ được các nhà thờ các Giáo xứ Công Giáo ở Pháp và Ý, các giáo xứ Công Giáo và Tin lành ở Thụy Sĩ và các giáo xứ Chính thống tiếp đón họ. "Mỗi lần, tại các giáo xứ, chúng tôi thực sự học hỏi được các nền văn hóa khác nhau và lòng hiếu khách".

Từ Serbia đến Hy Lạp, khi đối diện với khó khăn thông đạt bằng ngôn ngữ, khi tiếp xúc cá nhân với cá nhân… May mắn chúng tôi được các vị Thượng phụ của Chính thống viết cho chúng tôi những lá thư giới thiệu, các vị nói về cuộc hành hương của chúng tôi: những lá thư này giống như hộ chiếu giúp đỡ chúng tôi.

Chúng tôi cũng được chào đón tại các làng mạc của người Hồi giáo. Chúng tôi thường tìm đến nhà ông trưởng làng trước. Người ấy sẽ dàn xếp cho các cô, hoặc giúp hai cô tìm kiếm phòng trọ trong cộng đồng. Trong 248 đêm ngày hành hương, chúng tôi chưa gặp phải cảnh ngủ đầu đường xó chợ bao giờ.

Camille và Guillemette chỉ có một cái điện thoại di động và đây là phương tiện duy nhất họ có để liên lạc với cha mẹ và gia đình để thông tin cho gia đình được yên tâm về cuộc hành trình của họ. Càng đi họ càng có thêm những người bạn mới, danh sách các số liên lạc trên điện thoại của họ nhiều thêm lên và các mối liên kết đó tạo cho họ những trợ lực liên tục: Trong một tin nhắn, Guillemette nói: "Nhiều người đã chào đón chúng tôi và chúng tôi chân thành cám ơn họ. Chúng tôi cố gắn làm như vậy, dù có tốn phí thời gian… Những khi chúng tôi cảm thấy thất vọng, thì những tin nhắn của những người này đã cho chúng tôi can đảm. Mỗi đêm hai cô thường kể về cuộc hành hương của họ cho những người đón tiếp họ. Camille trong đôi mắt ngấn lệ, nói tới những kỷ niệm khó quên. Họ có hàng trăm hình ảnh về các cuộc gặp gỡ và họ không quên một ai...

Đi hành hương với một người bạn và dành 24 giờ mỗi ngày với nhau trong 7 tháng, có nghĩa là có những lúc bất đồng ý kiến với nhau... Kể từ khi bắt đầu vào ngày 10 tháng 9, họ có cơ hội tìm hiểu nhau nhiều hơn và khám phá thêm về bản thân người bạn. Guillemette thừa nhận "Tôi nhận ra niềm tự hào giữa chúng tôi, mặc dù thỉnh thoảng xảy ra một bất đồng nào đó! " Chúng tôi đã tranh luận với nhau, và bỏ qua nhiều cái ngớ ngẩn". Camille nhớ lại một trong những tranh cãi nặng lời và lố bịch xảy ra khi họ ở Ý: "Chúng tôi phải quyết định nên lội qua sông hay đi qua cây cầu. Con sông không sâu nhưng bạn không nhìn thấy đáy. Một người trong vùng đã khuyên chúng tôi nên đi tới cây cầu mà qua". Điều phân vân là cây cầu cách đó hai cây số và Camille không muốn đi đường vòng. Còn Guillemette thì khăng khăng phải đi qua bằng cây cầu, vì đây là một quyết định khôn ngoan và an toàn. Họ cười khi kể lại giai thoại này, và nhận ra rằng cuộc tranh cãi đó hoàn toàn vô nghĩa. Họ cãi nhau nhiều lần, những lúc mệt mỏi và tinh thần chán nản ... Nhưng họ đã vượt qua những phút giây ấy và nghiệm ra rằng họ phải gắn bó với nhau và không thể tách rời nhau được.

Gần đất thánh

Rời Serbia và trước khi vào Thổ Nhĩ Kỳ, họ đi qua Bulgaria. Họ hiểu rằng, trước khi rời Paris, họ không thể vượt qua Syria vì chiến tranh. Họ phải gián đoạn cuộc hành trình bằng máy bay. Họ rời Adalia để đến Cộng hòa Bắc Síp, một phần của hòn đảo không được cộng đồng quốc tế công nhận và do người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Sau đó, họ lại lên đường để qua đảo và tiếp tục gõ cửa và mong đón nhận được những tấm lòng hiếu khách.

Từ Larnaka, họ bay thẳng đến Tel Aviv. Họ đã đáp xuống phi trường cách xa Jerusalem chừng 40 km cây số: bảy tháng đã trôi qua, và mục tiêu cuối cùng của họ đã nằm trong tầm tay với. Có người đề nghị họ đến thẳng Núi Ô-liu ở phía đông mà tiến vào thành thánh Jerusalem. Họ quyết định đi bộ thêm vài ngày nữa vòng quanh Jerusalem từ phía nam. Họ đã đến Bêlem. Hai cô nói lên ý nghĩa của chuyến đi vòng vòng này, vì họ muốn đi lại các dấu chân của Chúa Kitô và đây cũng là mục tiêu của cuộc hành hương này.

Quang cảnh thành Jerusalem

Camille và Guillemette đã đi được 215 ngày, trung bình mỗi ngày họ đi từ 25 đến 35 cây số, lâu lâu họ phải nghỉ một vài ngày nghỉ để dưỡng sức. Việc leo lên Núi Ô-liu đến từ phía đông không dài lắm nhưng độ dốc sẽ làm cho cuộc đi bộ mệt mỏi. Họ chưa nhìn thấy Jerusalem, nhưng họ đã chuẩn bị những cảm xúc và tâm tình cho những giây phút đầu tiên này trong nhiều tuần qua. Chưa ai trong họ đã đến thăm Thánh Địa. Họ đi từ Nhà nguyện Chúa lên trời, tiến về Núi Ô-liu, đi qua các Nhà thờ Hồi giáo, để đến nhà thờ nơi Chúa dậy kinh Lạy Cha, và trước khi họ đặt chân tới Jerusalem mà họ đã mong chờ suốt bảy tháng qua. Khung cảnh Jerusalem thật tráng lệ. Phía trước Lăng mộ của Omar là Đền thờ, một công trình to lớn ngạo nghễ bao trùm toàn bộ Thành phố Jerusalem cổ. Họ dừng lại một lúc và kêu lên: "Cuối cùng chúng ta đã đến!" Sau đó, họ bắt đầu đi ra ngoài thành Jerusalem, dừng chân ở Vườn Gethsemane, qua nhà Đức Maria qua đời mà Giáo hội Chính thống gọi là nhà nơi Đức Mẹ thiếp ngủ đi một giấc ngủ và được đưa về trời. Tại vườn Gethsemane, nơi Chúa Giêsu đã cầu nguyện với các Tông đồ và cũng chính nơi đây Chúa bị phản bội và bắt giữ. Họ lại trở về Thành phố Cổ, băng qua Suk, nghênh qua Con đường Thập giá - Via Dolorosa tiến lên đồi Canve (Holy Sepulcher) và mồ chôn Chúa, qua Cổng Herod, tiến vào Bức tường Than khóc nơi đây các người Do thái cầu nguyện, học hỏi và suy niệm Kinh Thánh. Dòng Đa Minh đã chào đón họ một cách thân tình. Đó là ngày 13 tháng 4 năm 2019. Họ đã đi được 5.000 km.

Cuộc Hành trình từ Paris tới Jerusalem

Bây giờ là lúc để nghỉ ngơi.

Trong khu vườn của trường Kinh thánh, họ ngủ trong một ngôi nhà nhỏ mà các tu sĩ dòng Đa Minh dành cho họ. Kể từ ngày khởi hành từ Paris, họ chưa bao giờ ngủ ngoài trời. Dòng Đa Minh đã chăm sóc họ trong 10 ngày. Họ rất hạnh phúc và chan hòa niềm vui.

Cuộc sống sau cuộc hành hương

Họ chưa bao giờ nghĩ về điều đó, vì họ hoàn toàn phó thác cho Chúa quan phòng, vì Người đã dẫn dắt họ suốt cuộc hành trình từ Paris đến Jerusalem. Họ mong ước "vun đắp" sự gần gũi thân tình này với Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Ở Paris, khi kết thúc đại học, họ đã tìm được việc làm. Camille làm việc cho tổ chức giúp gây quỹ châu Âu để hỗ trợ các dự án cho các công ty Pháp. Guillemette là một y tá trong Hiệp hội Perce-Neige, giúp đỡ những người khuyết tật. Họ đã phải bỏ công việc của mình để thực hiện cuộc hành hương này, và họ không biết họ sẽ làm gì khi trở về Pháp. Nhưng họ xác tín rằng: “cuộc sống của họ sẽ không thể tồn tại, nếu không có Chúa!” Cuộc hành hương này đã khơi dậy trong họ một ơn gọi… Họ không bỏ qua bất cứ điều gì như Camille chia sẻ "Cô thường nghĩ lại về Pierre, người Serb 80 tuổi, người đã cho chúng tôi tá túc qua đêm trong chính căn phòng của ông". "Tôi mong ước trong một vài năm tới tâm hồn tôi cũng được lớn lên và ghi đậm nét những nghĩ cử yêu thương mà cô đã trải nghiệm trong cuộc hành hương này.