Ngày 13-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con sẽ về trời ngày hôm nay
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
10:32 13/08/2010
Nói về Đức Maria, có không biết bao nhiêu lời ca, bài viết tôn vinh Mẹ mà vẫn còn như thiếu. Giữa muôn vàn phụ nữ, Mẹ được ưu ái chúc phúc vì đã vâng giữ trọn vẹn Lời Thiên Chúa.

Cô thiếu nữ Maria ngày ấy, như bao người, đã có một cuộc sống âm thầm, khiêm hạ. Mái ấm gia đình Nadareth, nơi đầy ắp kí ức của một tuổi thơ tươi đẹp, một tuổi thơ không vẩn đục, không vương tội lỗi đã cho Mẹ lớn lên, trở thành ái nữ của Thiên Chúa. Chính môi trường thánh thiêng ấy đã ươm mầm cho ơn gọi làm Mẹ Thiên Chúa được trổ sinh.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu đó kỳ diệu, lạ lùng ngoài sức tưởng tượng, kỳ vọng của con người. Không ai dám nghĩ ngôi làng bé nhỏ, với những con người bình dị kia lại chính là nơi Con Thiên Chúa chọn làm quê hương để sinh ra, để lớn lên. Không ai dám nghĩ rằng, cô gái Maria chân chất hôm nào sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa làm kỳ diệu lắm, kỳ diệu đến nỗi, con người không bao giờ dám nghĩ tới.

Trong thân phận là một thiếu nữ bé nhỏ, chân thành như bao thiếu nữ Do Thái, Mẹ đã được sao sáng Thiên Chúa chiếu toả trên cuộc đời Mẹ. Kể từ khi sứ thần loan báo, Mẹ sẽ cưu mang Con Đấng cứu đời, thì cuộc đời Mẹ mở ra trang sử mới, một trang sử được viết bằng lòng mến, sự thánh thiện, quảng đại và hiến dâng trọn vẹn. Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý và lấy Lời Ngài làm lẽ sống đời mình. Tất cả cũng nhờ bởi lòng Thiên Chúa nhân hậu, thương xót mà ngàn đời Mẹ được đất trời hoan chúc.

Nếu nói vì một người nữ mà nhân loại phạm tội, thì cũng vì một người nữ mà toàn dân được cứu. Mẹ được Thiên Chúa ưu ái cũng chính vì Mẹ chu toàn thánh ý, cũng vì Mẹ chọn vâng phục tuyệt hảo. Mẹ đã chỉ sống cho Thiên Chúa chứ không cho riêng mình. Mẹ đã chọn hạnh phúc của Thiên Chúa làm hạnh phúc đời mình. Và Mẹ đã dâng hiến, một lần dứt khoát, trọn vẹn. Cuộc đời Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và chỉ thuộc về một mình Ngài mà thôi.

Cưu mang Thiên Chúa, Mẹ không chỉ giữ riêng lòng mình nhưng còn biết chia sẻ cho người. Mẹ đã mang mầm sống, mang tình yêu Đức Kytô đến với muôn dân. Không chỉ hiến dâng ước mơ, Mẹ còn dâng hiến trọn vẹn xác hồn, không níu giữ bất cứ điều gì cho riêng Mẹ, tất cả là cho Thiên Chúa và tha nhân. Cả đời Mẹ đã chỉ sống cho, sống vì người khác.

Không dễ chu toàn thánh ý, Mẹ cũng đã phải trải qua bao băn khoăn, thao thức mới can đảm từ khước tuổi xuân bản thân mà sống cho tuổi xuân của Thiên Chúa, cùng với Ngài làm cho mầm sống Giêsu lớn lên mỗi ngày. Thế nhưng, chỉ một lần dâng hiến là trọn vẹn, không bao giờ biết đòi lại, Mẹ không còn sống cho mình nữa. Cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ cưu mang cả kho tàng Tình Yêu và chia sẻ Tình Yêu ấy cho mọi người. Do vậy, đến bất cứ nơi nào, Mẹ cũng làm cho Thiên Chúa được lớn lên, được hiện diện.

Không quản ngại, bất chấp gian nan, lên đường Mẹ mang tình yêu Thiên Chúa lan toả khắp hoàn cầu. Sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa nơi đâu cũng mang lại niềm vui cứu độ. Dòng suối ân tình Mẹ trải rộng suốt ngàn năm của thế kỉ. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ thực sự trở thành niềm an ủi thương yêu cho tất cả thế giới. Bất kỳ ai nép mình vào lòng Mẹ, nương nhờ Mẹ đều được Mẹ cầu bầu lên Thiên Chúa. Mẹ từ bi, nhân ái, luôn thầm lặng trợ lực cho nhân loại trước toà Chúa. Không người nữ thế trần nào đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng Mẹ, chỉ vì Mẹ đoan nguyện trở nên tỳ nữ thấp hèn của Ngài. Chính sự khiêm hạ thẳm sâu và lòng mến tột cùng ấy đã làm cho Mẹ hạnh phúc. Mẹ trở nên diễm phúc trong Đấng cứu chuộc Mẹ.

Phần thưởng Mẹ xứng đáng lãnh nhận hôm nay, Giáo Hội hoan hỉ tuyên dương Mẹ, tiên vàn nhờ bởi lòng thương xót và nhân hậu của Ngài đã ưu ái trên Mẹ, nhưng cũng bởi vì sự hy sinh, quảng đại đáp trả của Mẹ, mà Mẹ trọn đời được chúc phúc. Tôn vinh Mẹ hôm nay trọn vẹn hồn xác về trời cũng chính là tôn vinh tình thương và quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Xác hồn Mẹ vẹn tuyền vì Mẹ được yêu thương cứu độ. Ca mừng Mẹ cũng chính là xác tín hơn vào tình thương Thiên Chúa và cuộc sống bất diệt vĩnh cửu trên quê trời, nơi thân xác được phục sinh vinh hiển nhờ bởi giá máu cứu chuộc của Đức Kytô.

Tôn vinh Mẹ về trời cũng là tôn vinh niềm tin chúng ta đang dõi bước theo Mẹ. Mẹ đã chiến thắng thần chết và sự ác vì vâng phục và chu toàn thánh ý Thiên Chúa, thực thi lời Ngài. Nếu biết chọn Lời Ngài làm gia nghiệp, chúng ta cũng được cùng chung hưởng vinh phúc với Mẹ trên thiên đàng như vậy.

Người ta cứ vẫn nói mãi với nhau về sự sống bất diệt, về một thân xác không hư nát, thì hôm nay Giáo Hội mặc khải cho có thật. Chỉ cần biết sống chu toàn thánh ý Thiên Chúa, bạn sẽ có ngay cuộc sống không bao giờ chết. Điều xem ra rất dễ mà lại vô cùng khó, có lẽ chỉ mình Đức Maria, Mẹ mới làm được chuyện ấy. Chẳng thế mà Mẹ đã không ngớt lời tôn vinh chúc tụng ân huệ Thiên Chúa đó sao?

Lạy Chúa, Giáo Hội hôm nay mừng vui vì Mẹ được tôn vinh cả hồn xác lên trời, con thật vui với niềm vui của Mẹ, và con có quyền tin tưởng cầu xin, hy vọng Mẹ chuyển cầu cho con được chung hưởng vinh phúc của Mẹ. Nhưng trớ trêu thay, hồn xác lên trời hay dưới đất không quan trọng mà quan trọng là thay vì hồn ở trên trời thì con lại gửi cho đất, vậy có lên trời cũng ý nghĩa gì đâu. Hồn xác Mẹ cùng về với Thiên Chúa, vì Mẹ đặt trọn vẹn vào nơi ấy, còn con xác hồn ở mỗi nơi, hồn con thuộc về trời nhưng con lại gửi về đất và nô lệ nó, có được đưa lên trời con cũng xin quay trở lại đất, bởi quá đam mê tham vọng nơi đó. Xin giúp con sống tại thế nhưng hồn xác biết gửi trên thiên quốc, để như Mẹ con chỉ còn biết chăm lo cho sự sống trên trời mà buông tha mọi ràng buộc dưới đất. Chớ gì con biết sống phút giây hiện tại như thể con sẽ về trời ngay hôm nay vậy, có như vậy mới dám hy vọng con biết tha thứ, không còn tham muốn níu giữ riêng mình điều gì khác ngoài Ngài nữa.
 
Mẹ đi trước dẫn bườc đàn con
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:43 13/08/2010
Giáo phận Vinh có truyền thống mừng lễ Mẹ Lên Trời rất tưng bừng và long trọng vì đây là lễ Quan Thầy của toàn giáo phận. Năm nào cũng thế, đông đảo giáo dân từ khắp các xứ đạo thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều náo nức về TGM Xã Đoài mừng lễ. Đặc biệt đối với các giáo dân làm nghề biển, ngày lễ Mẹ Lên Trời còn có vị trí thiêng thánh hơn nữa. Dù trời yên biển lặng và dù cá nhiều đến mấy đi chăng nữa, thì vào dịp lễ Mẹ Lên Trời, các ngư dân Công giáo đều tạm chia tay với trùng dương sóng biếc để về mừng đại lễ. Bài thơ nhan đề “Lễ Mẹ Hồn Xác Lên trời” của tác giả Ngô Xuân Tịnh nói lên bầu khí tưng bừng rộn vui của con dân giáo phận Vinh trong ngày đại lễ này:

“Giáo phận Vinh
Chọn ngày Giáo hội
Tôn vinh Mẹ hồn xác lên trời
Làm ngày lễ bổn mạng
Hơn bốn trăm năm mươi ngàn người con trong giáo phận
Cả những đứa con lạc xa ly tán
Khắp mọi vùng tổ quốc thân yêu
Những Việt kiều sống ly hương tại nhiều nước trên thế giới
Những con tim hân hoan thổn thức bồi hồi
Cùng nao nức đón mừng ngày hội lớn
Xã Đoài ơi,
Không niềm hạnh phúc nào tuyệt hảo hơn
Khi quây quần dưới thánh nhan diễm lệ
Đã ấp yêu đàn con bao thế hệ ……”

Tất nhiên, không chỉ có ở giáo phận Vinh mà khắp nơi trên toàn thế giới, đâu đâu các tín hữu cũng đều hân hoan mừng biến cố trọng đại: Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cả trước khi Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (01.11.1950) thì hầu như toàn thể thế giới Công giáo đều đã tin và đã mừng kính lễ này vào bậc lễ trọng nhất, lễ buộc. Thế thì khi nói mừng Mẹ Lên Trời, cụ thể là chúng ta mừng những gì ?

- Mừng Mẹ lên trời, trước hết là mừng Mẹ trở thành thụ tạo đầu tiên được về trời cả hồn lẫn xác:

Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã viết: “Không có thể xác, không thể hiện hữu trên mặt đất này. Không có thể xác, không thể nói đến mầu nhiệm nhập thể. Nói khác đi, nhờ thể xác của Đức Maria mới có sự hiện hữu của Đức Maria trên trần gian và mới có mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong cung lòng Đức Maria. Chính vì thể xác của Đức Maria đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc Ngôi Hai làm người, và là nơi thực hiện tình mẫu tử cao cả và thiêng liêng giữa Đức Maria và con của Ngài là Đức Kitô. Cho nên, Thiên Chúa đã dành cho Đức Maria đặc ân là được miễn trừ khỏi hư nát trong mồ và được Thiên Chúa đưa hồn xác Đức Mẹ về trời là điều hợp lý”.

Có người nói vui rằng trên Thiên Đàng hiện nay chỉ có hai thân xác: một của Chúa Giêsu và một của Đức Mẹ. Thực sự là đúng như vậy. Trong lịch sử Kitô Giáo, có hai trường hợp được tin nhận là đã được về trời cả hồn lẫn xác, đó là trường hợp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại. Ngài đã về trời cả hồn lẫn xác sau khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài. Và trường hợp thứ hai là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ cũng được về trời cả hồn lẫn xác sau khi hoàn tất cuộc đời này, như lời tuyên tín của Đức Piô XII. Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa, nên đã về trời bằng quyền năng riêng của Ngài. Phần Đức Maria, Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác không phải do quyền năng riêng của Mẹ, nhưng nhờ năng quyền của Thiên Chúa.

Như thế, phải quả quyết rằng trong tất cả các con cái loài người, thì Đức Mẹ là thụ tạo đầu tiên được về trời cả hồn lẫn xác. Điều này có thể giải thích cho câu hỏi tại sao khi hiện ra nơi này nơi kia Đức Mẹ thường hiện ra với cả hình hài thân xác. Dĩ nhiên là thân xác phục sinh xinh đẹp, tinh tuyền và diễm lệ, thân xác mà những ai đã từng được diễm phúc diện kiến đều ngây ngất mê say.

- Mừng Mẹ lên trời, thứ đến còn là mừng Mẹ trở thành người đầu tiên được kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô:
Dẫu rằng kế hoạch cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa vẫn chưa hoàn tất nơi trần gian này, nhưng có một điểm trong kế hoạch ấy đã hoàn tất mỹ mãn, đó là việc Thiên Chúa ban cho nhân loại chúng ta một người Mẹ. Và nếu trong tất cả các Kitô hữu, Đức Mẹ là Kitô hữu đầu tiên được thông phần trọn vẹn vào đau khổ và cái chết của Đức Kitô, Con Mẹ, để chuộc tội cho nhân loại, thì chắc chắn sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Mẹ được Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên hưởng vinh quang trên trời, nơi Mẹ dự phần trọn vẹn vào vinh quang Phục Sinh của Con mình, thể hiện trước sự Phục Sinh của tất cả các chi thể của Nhiệm Thể Người.

Khi công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Giáo Hoàng đã không chọn ngày nào khác, nhưng lại chọn ngày lễ các thánh nam nữ (01.11) để công bố. Điều này muốn nói lên rằng giữa hàng ngũ các thánh của Chúa, Đức Mẹ trổi vượt trên tất cả về sự thánh thiện và lòng yêu mến Chúa. Sự thánh thiện vô song này mở đường cho Đức Mẹ đi tiên phong trước mọi thụ tạo tiến về cùng Chúa, hưởng vinh quang trọn vẹn với Chúa bằng toàn bộ con người, gồm cả xác lẫn hồn. Nói khác đi, ngoài Đức Mẹ, thì chưa có thụ tạo nào được kết hợp tron vẹn với Đức Kitô, vì thân xác vẫn còn nằm trong lòng đất đợi ngày phục sinh, ngày tận thế.

Trong ý nghĩa đó, ngày Mẹ Lên Trời là ngày mà Mẹ Maria đã trông chờ từ lâu để được đoàn tụ cùng Chúa Con Giêsu. Ngày mà Mẹ Maria mong đợi để được diện kiến Thánh Nhan Chúa Cha mắt tận mắt mà không còn phải qua thị kiến nữa ! Thiết nghĩ, như hầu hết mọi cư dân trên toàn thế giới được chứng kiến Ngày Khai Mạc World Cup 2010 trang trọng ra sao, thì Ngày Mẹ Maria về trời, chắc hẳn sẽ còn trọng đại hơn thế bội phần !

- Mừng Mẹ lên trời, sau nữa còn là mừng Mẹ trở thành người tiên phong dẫn đoàn con về trời với Mẹ:

Tiếng hát “Mẹ ơi, bao người lạc bước lưu đày…” trong những giờ kinh nguyện vẫn còn êm đềm ngân vang trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu. Phận người lưu lạc, còn gì diễm phúc hơn khi biết mình có một người Mẹ vẫn đợi chờ nơi quên trời. Thánh Phaolô nói: “Quê hương chúng ta ở trên Trời” (Phil 3,20). Nơi đó chúng ta có một người Cha vẫn đợi chờ chúng ta từng giây phút, và ngày Ngài đến phán xét, hẳn là chúng ta sẽ run sợ biết bao trước sự công minh vô cùng của Ngài. Nhưng phúc thay, nơi quê hương thiên giới, chúng ta còn có một người Mẹ vẫn ngày đêm mong chờ đón đợi. Và chúng ta tin chắc rằng trong ngày phán xét chí công ấy, Hiền Mẫu của chúng ta sẽ đến ngự bên Con của mình, để làm trạng sư bênh đỡ cho chúng ta. Mẹ lên trời và trở thành Nữ Hoàng Thiên Quốc, không phải chỉ để cho chúng ta quỳ ở xa xa chiêm ngắm và ca ngợi Mẹ. Mẹ Hồn Xác Lên Trời và trở thành Nữ Vương Hoà bình, không phải chỉ để cho chúng ta đến với Mẹ và cảm được sự bình an. Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng Mẹ vẫn đi đi về về giữa Thiên Quốc và trần gian để che chở đoàn con, như Mẹ đã thực hiện qua muôn thế hệ, và để chúng ta được nhỏ to tâm sự với Mẹ. (x. “Chúng ta đang chờ Mẹ bảo lãnh”, Gioan Lê Quang Vinh, Vietcatholic.net).

Khi Chúa Giêsu về Trời, chắc chắn với uy quyền và lòng hiếu thảo, Người bảo lãnh Mẹ Người về trời nhanh chóng, cả hồn lẫn xác. Và bây giờ đến lượt Mẹ, Mẹ cũng sẽ bảo lãnh cho đoàn con của Mẹ, trong đó có con dân giáo xứ, giáo phận chúng ta. Nói cách khác, Mẹ về trời, Mẹ cũng sẽ dành cho chúng ta mỗi người một tấm vé. Dĩ nhiên, vé về trời không mua bằng tiền như vé vào dự World Cup, hay Chung Kết Hoa Hậu người Việt 2010, nhưng mua bằng các nhân đức, mua bằng đời sống gắn kết với Mẹ và gắn kết với Chúa Giêsu Con của Mẹ.

Xin cho mỗi người chúng ta hết lòng yêu mến Mẹ và nhất là bắt chước các nhân đức của Mẹ, để mai sau cũng được lãnh tấm vé từ chính tay của Mẹ, mà ung dung bước vào cửa thiên đàng vui hưởng vinh phúc muôn đời với trọn cả xác hồn. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
11:02 13/08/2010
SƯỜN GÀ (gân gà)

N2T


Thời Tam quốc, Tào Tháo xuất binh tiến đánh Lưu Bị, sau khi tiến vào Hán Trung thì phát hiện có rất nhiều tình huống bất lợi cho binh lính của mình, Tào Tháo muốn lui binh, nhưng vì sĩ diện lại thêm quá gượng, nên có thể nói là tiến thối lưỡng nan, do đó mà khi các bộ tướng của ông ta khi đến xin lĩnh giáo khẩu lệnh, ông ta đang lúc lòng dạ rối bời thì buộc miệng nói: “sườn gà” (có sách dịch là “gân gà”), bộ tướng là Dương Tu sau khi biết được thì lập tức thu gom hành lý để chuẩn bị rời khỏi đó, có người cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi ông ta nguyên nhân, ông ta trả lời:

- “Cái sườn gà ấy nếu ăn thì chẳng có gì là ngon cả, mà nếu quăng bỏ đi thì cảm thấy tiếc, bây giờ chúa công đem việc Hán Trung so với sườn gà, thì rõ ràng là lưu ở đây thì chẳng có ý nghĩa gì, cho nên mọi người có thể chuẩn bị về nhà là vừa”.

(Tam quốc chí, Ngụy thư, Võ đế ký)

Suy tư:

Đối với người thích nhậu thì chân cánh hoặc đầu gà là tuyệt vời, đối với người thích ăn thịt thì đùi gà là ngon nhất, nhưng sườn gà thì quả là khó nuốt.

Có một vài người Ki-tô hữu ít cầu nguyện, cho nên cảm thấy theo Chúa thật không dễ dàng, tiến thối lưỡng nan, thế là họ muốn “bỏ đạo” một vài tháng để đi làm áp phe; có một vài người Ki-tô hữu vì thường hay chỉ trích ông cha này ham tiền, ông cha nọ làm lễ không sốt sắng, và họ tiến thối lưỡng nan không muốn đi xưng tội làm hòa với Chúa và anh chị em, thế là từ từ họ xa cách Chúa...

“Sườn gà” thì khó ăn thật, nhưng bỏ đi thì tiếc; theo Chúa thì khó thật nhưng bỏ đi thì uống công theo đạo lâu nay...

Chỉ có cầu nguyện, tham dự các bí tích và thánh lễ thì mới làm cho đức tin của chúng ta được mạnh khỏe trưởng thành mà thôi.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 20 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
11:04 13/08/2010
CHỦ NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng là đem sự chia rẻ”.


Bạn thân mến,

Có nhiều người giáo dân thắc mắc về câu nói trong bài Tin Mừng hôm nay của Chúa Giê-su: Ngài đến không phải để đem hòa bình nhưng đem sự chia rẻ. Như thế là Chúa Giê-su tự mâu thuẩn với lời dạy của mình, bởi vì chỉ có ma quỷ mới đem chia rẻ đến cho người ta mà thôi.

Hoà bình không phải tự nhiên mà có nhưng phải nổ lực đấu tranh và có khi mất cả mạng sống của mình.

Chúa Giê-su đến, chính Ngài là sự chia rẻ giữa các dân tộc như tiên tri Si-mê-on đã loan báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người chống báng…”. Chia rẻ không có nghĩa là Ngài muốn thế gian chia rẻ nhau, nhưng con người ta sẽ vì tin vào Ngài mà chia rẻ nhau, và như thế “”những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” khi chính họ tin và nhận biết Chúa Giê-su chính là Cứu Chúa của họ.

Do đó, những kẻ tin vào Chúa Giê-su sẽ bị người ta bách hại, người bách hại đó có khi là người thân của mình, vì họ chưa nhận ra được chân lý từ Chúa Giê-su nên họ chống đối khốc liệt khi người thân của họ tin vào Chúa Giê-su. Mầm chia rẻ đã chớm rõ khi trong gia đình có người tin vào Chúa Giê-su và có người còn giữ đạo ông bà hay tin một tôn giáo khác, ngay cả những người tin vào Chúa Giê-su đã cảm thấy sự chia rẻ ngay trong gia đình khi mình tin vào Thiên Chúa duy nhất, hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn nơi con người của họ, hạnh phúc vì đã tìm được đường đi đến sự sống đời đời, hạnh phúc vì đã tìm được Thiên Chúa của mình; đau khổ là vì những người thân trong gia đình chưa biết Thiên Chúa, đau khổ vì mình tin vào Chúa Giê-su mà gia đình bất hoà chia rẻ…

Vì thế, người tín hữu cần phải phấn đấu cho niềm tin của mình, phải chiến đầu với những cám dỗ do ma quỷ và thế gian khiêu chiến để đem lại hoà bình cho gia đình và cho mọi người, phải chiến đầu không ngơi nghỉ với hồng ân của Thiên Chúa ban cho, tức là kiên trì với đức tin và sống gương mẫu theo tinh thần Phúc Âm của Chúa.

Hoà bình không phải chỉ nói bằng miệng, nhưng là được nói bằng con tim chân thành và thể hiện nơi hành động.

Chúa Giê-su đến trong thế gian, Ngài không chỉ loan báo tin vui Nước Trời mà thôi, nhưng Ngài còn hành động với quả tim yêu thương chân thành. Ngài đã kiến tạo hoà bình trong tâm hồn của những ai đến với Ngài, bằng những lời lẽ mộc mạc đơn sơ dễ hiểu với hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật.

Quả thật như thế, không một ai đến với Chúa Giê-su mà tâm hồn không được bình an, bởi vì khi đến với Ngài người ta chỉ thấy Ngài là con người của hoà bình và của yêu thương, người ta lũ lượt tuôn đến với Ngài như đàn chiên đi sau người mục tử nhân hậu.

Hoà bình trong tâm hồn là hồng phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Con Một của mình là Đức Giê-su, và những ai chân thành kiến tạo hoà bình thì cũng sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, đó là lời hứa của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Một lời hứa được đặt vào trong hiến chương của Nước Trời là một bảo đảm cho những kẻ tin vào Ngài.

Bạn thân mến,

Lửa mà Chúa Giê-su đem đến trong thế gian không phải là lửa thiêu đốt phá hoại và gây chết chóc đau khổ cho nhân loại, nhưng đó là lửa yêu mến, lửa của tình yêu được xuất phát từ quả tim yêu thương nhân loại vô bờ bến của Ngài.

Lửa yêu thương này, Chúa Giê-su muốn đốt –trước hết- là trong lòng của bạn và tôi, để khi ngọn lửa ấy phát sinh hiệu quả trong mình, thì bạn và tôi sẽ châm qua cho người khác bằng chính những việc làm bác ái, yêu thương và phục vụ của chính bản thân mình.

Bạn và tôi đừng để tâm hồn mình ra nguội lạnh, nhưng mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta cầu xin Chúa Giê-su gia tăng lửa yêu mến, để chúng ta kiến tạo hoà bình ở những nơi mà chúng ta đang sống và phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
11:06 13/08/2010
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ trọng)

Tin mừng: Lc 1, 39-56

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để mỗi người trong chúng ta suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Maria, Mẹ là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

1. Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Maria là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ; Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản mà người Ki-tô hữu phải có để được trở thành người giáo hữu, biết noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

2. Đấng cầu bàu

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian trong bụng mẹ, Đức Mẹ Maria cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế khi Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác, thì chính đó là một cách tôn vinh của Thiên Chúa dành cho những ai khi còn sống ở trần gian này đã yêu mến và thực hành lời của Chúa…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và rất xứng đáng, và càng chính đáng và xứng đáng hơn nữa khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Maria, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4).

Bạn thân mến,

Mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua nơi con người của Mẹ, mà chúng ta cũng cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của chính bạn và tôi, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân là để đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Chúa và Mẹ Maria. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Me mà thôi, chứ không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ, và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Maria luôn cầu bàu cho chúng ta, khi còn ở đời này biết yêu mến những sự trên trời, để sống như đang sống với Mẹ trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

jmtaiby@yahoo.com

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
11:09 13/08/2010
N2T


8. Học vấn của thánh nhân chỉ cần hai việc: một là công việc hai là chịu đau khổ, đem hai việc này làm càng tốt thì thánh đức càng lớn.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
11:11 13/08/2010
N2T


500. Khi khiêm tốn xin chỉ vẽ thì có thể bé nhỏ; khi thí nghiệm đột phá thì có thể vĩ đại.
 
Hướng về trời
Lm Vũđình Tường
12:50 13/08/2010
Cuộc đời đức trinh nữ Maria luôn hướng về trời. Điều này cô thôn nữ thành Nazareth ước ao, mong mỏi từ lúc còn nhỏ. Cô âm thầm khấn hứa sống trọn đời hiến dâng xác hồn cho Thiên Chúa. Đời sống hiến dâng liên kết cô thôn nữ, mặc dầu thân xác đang sống nơi trần thế, nhưng tâm hồn cô luôn hướng về trời. Ngày ngày cô nhìn lên trời cao thẳm, trong xanh, dâng Chúa tấm lòng son sẻ, ước mong kết hợp đời mình với Chúa. Điều này xảy ra trước khi được sứ thần báo tin làm Mẹ Thiên Chúa.

Kinh ngạc

Cuộc đời của cô là cuộc đời luôn hướng về trời. Điều này cô gái nhỏ miền quê âm thầm giữ kín trong lòng. Tâm tư thầm kín này tỏ lộ khi sứ thần Thiên Chúa loan báo cô được đầy tràn ân phúc trở thành Mẹ Thiên Chúa. Lúc đó người ta mới kinh ngạc, không ngờ nơi thôn xóm nhỏ bé kia có tâm hồn cao thượng, luôn hướng về trời. Tâm hồn cao thượng đó lại đến từ một cô gái miền quê hẻo lánh.

Kinh ngạc đến độ chính ông Giuse, người chồng tương lai cũng không ngờ.

Kinh ngạc đến độ ba vua phương đông biết tin, đi gần đến nơi vẫn không nhận biết.

Kinh ngạc đến độ vua Hêrôđê, quyền hành trong tay, thế lực bao trùm cả vùng vẫn không ngờ nơi dương gian có kẻ luôn hướng tâm hồn về trời.

Nathanael kinh ngạc khi nghe Phillip nói,‘Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazaret’. Nathanael thốt lên: ‘từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được’ Gioan 1,46

Không ai tưởng tượng được nơi thôn xóm nghèo nàn có người trinh nữ hiến dâng trọn cuộc sống cho Chúa. Ngài đón nhận tâm hồn cao thượng đó và sai Con Một Ngài đến trong cung lòng người trinh nữ.

Không phải chỉ người xưa kinh ngạc mà người thời nay cũng kinh ngạc không kém. Ngày lễ kính Đức Mẹ linh hồn và xác về trời cũng gây bao tranh luận kinh ngạc cho nhiều người. Mẹ làm cho cả thế giới kinh ngạc.

Mẹ làm cho cả sứ thần Thiên Chúa kinh ngạc khi thưa với sứ thần

'Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng.' Sứ thần đáp: 'Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng bà.' Luca 1,34-35.

Đầy ơn Chúa

Tâm tình của cô là chọn cuộc sống khiêm nhường và độc thân, sống đời trinh nữ, hiến dâng cho Thiên Chúa. Cô thôn nữ nhỏ tuổi, ở tuổi vị thành niên, hiến trọn đời mình cho Chúa. Nếu ơn Chúa không đong đầy tràn, cô thôn nữ đã không làm được việc tốt lành, trọn hảo hiến dâng. Nhờ đầy ơn Chúa, cô đã mạnh dạn và trung tín trong lời khấn hứa. Ơn Chúa xuống dư tràn vì đời cô luôn liên kết với Chúa trong tình yêu, lòng mến. Chính vì yêu và mến, liên kết trong tình yêu mà cô trở thành gương mẫu trung tín tuyệt vời cho các Kitô hữu từ đời nọ đến đời kia khen là cô có phúc vì Thiên Chúa đã làm cho cô những điều trọng đại.

Như thế Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời chính là mừng kính một cuộc đời đầy ơn phúc, Thiên Chúa hằng ở cùng bà, bà có phúc hơn mọi người nữ như lời sứ thần truyền tin. Cuộc đời của bà là cuộc đời phó dâng xác hồn cho Chúa và luôn hướng về trời nơi đó Con bà là Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha.

Đoàn tụ gia đình

Đức Kitô yêu mến mẹ Ngài vô tận. Trên thập tự trước giờ lâm tử Ngài ước ao làm tròn chữ hiếu. Trao phó Mẹ Ngài cho người môn đệ yêu mến. Gioan nhận trách nhiệm chăm sóc Đức Trinh Nữ Maria, theo lời thầy mình phó thác. Tình yêu nối kết những ai sống trong tình yêu. Khi yêu nhau muốn sống gần bên nhau. Đức Kitô yêu mến Mẹ Maria nên điều hợp lí cho thấy Ngài sẽ mau mắn đón Mẹ về trời. Mẹ về trời trước hết mọi người là một đặc ân Chúa ban.

Ngày lễ chúng ta mừng kính hôm nay nói lên tâm tình con thảo của Đức Kitô, nói lên chữ hiếu Con dành cho Mẹ. Đây cũng là một ơn phúc nữa cho Mẹ Maria. Giáo Hội mừng kính ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, lễ Đức Trinh Nữ Maria lên trời cả hồn lẫn xác, nhưng không có ngày lễ tương tự cho cha nuôi Đức Kitô, thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ.

Điều hợp lí là Thánh Giuse cùng đoàn tụ với Đức Kitô và bạn mình là Đức Maria. Cảnh gia đình đoàn tụ, xum họp là điều tốt lành. Đức Kitô có lòng yêu mến Mẹ Maria thì Ngài cũng có lòng yêu mến cha Thánh Giuse không kém. Mặc dầu Giáo Hội chưa bao giờ có lễ kính thánh Giuse lên trời nhưng tình cha con thắm thiết, làm sao ngăn cách, chia lìa, cũng như tình mẫu tử. Vì thế tôi cho là ngày lễ mừng Đức Trinh Nữ hồn xác lên trời cũng là ngày mừng gia đình thánh gia đoàn tụ trên thiên quốc. Đức Kitô, Thánh Mẫu Maria và thánh gia trưởng Giuse.

Tạ ơn

Mẹ Maria sống cuộc đời không ngừng tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì những ơn trọng đại Thiên Chúa ban cho mẹ, do lòng khiêm nhường, sống trọn lành và luôn hướng về trời. Kinh Magnificat trở thành kinh tạ ơn nhiều người tạc dạ ghi tâm. Nhiều người mượn tâm tình tạ ơn của Đức Trinh Nữ để dâng lời ca tụng Thiên Chúa. Làm thế chính là kết hợp với lời của Đức Trinh Nữ chung lời tạ ơn Chúa. Chúa luôn lắng nghe và đáp lại lời Mẹ kêu xin. Ai kết hợp với lời tạ ơn của Đức Trinh Nữ dâng sẽ sống trong hy vọng tràn trề lời cầu xin sẽ được Chúa đón nhận. Đức Trinh Nữ Maria qua đời để được về trời toại nguyện ý muốn tuổi thơ. Một đời hướng về trời, quê hương thật và vĩnh cửu.
 
Lòng hướng về Trời cao như Mẹ
Anmai, CssR
17:33 13/08/2010
Chúa nhật 20 TN C Đức Mẹ lên Trời (Kh 11, 19a-12, 1-6a.10; 1 Cr 15, 20-26; Lc 1, 39-56)

Thiên Chúa đã tạo ra con người có nam có nữ. Người nữ đầu tiên có mặt trên cõi đời này là bà Evà. Bà được Thiên Chúa trao ban cho thiên chức làm mẹ và là người mẹ đầu tiên trên mặt đất. Bà được sung sướng hưởng hạnh phúc cùng chồng trong vườn địa đàng. Tưởng chừng bà an phận và hạnh phúc với những ân huệ Chúa ban tặng nhưng không, bà đã muốn hơn, muốn đi xa hơn cái hạnh phúc đó để bà đã giơ tay hái trái cấm theo lời đường mật của con rắn. Thế nhưng, thực tế ai ai cũng thấy rằng cuộc đời của Evà quá bất hạnh khi giơ tay ăn “trái cấm” ấy. Người chồng cũng vậy, vì chung chia “trái cấm” với vợ mình nên cũng phải trả giá cho sự liều lĩnh cãi lời Thiên Chúa.

Từ ngày ấy, tình nghĩa đã bị đánh mất và rồi Thiên Chúa đã đặt mối thù giữa người đàn bà yếu đuối ấy với con rắn và ngược lại. Người đàn bà thù con rắn còn con rắn để khi con rắn sơ hở là giơ chân đạp còn con rắn thì đăm đăm canh gót chân của bà mà cắn.

Từ ngày ấy, cuộc sống của hai ông bà hoàn toàn thay đổi với cuộc đời vất vả nhọc công để đi tìm cái ăn miếng mặc.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã không ngoảnh mặt làm ngơ khi con người phạm tội, khi con người bất tuân. Thiên Chúa đã chọn lựa, Thiên Chúa đã thay thế một người đàn bà khác để cứu độ con người.

Người đàn bà ấy đã được ca ngợi trong Thánh Thi kinh chiều II lễ kính Đức Mẹ:

Kính chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu
Đấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời,
Chói là trinh tiết gương soi,
Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung.
Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự
Gáp-ri-en thần sứ tặng ban,
Chữ “E-va” Mẹ đảo vần
Thành “A-ve” gửi bình an cho đời.


Lời Thánh Thi ngắn gọn nhưng hết sức tuyệt vời. Lời Thánh Thi đó đã gợi lại cái tên của con người. Eva là con người đã bất tuân còn Ave đã thưa hai tiếng xin vâng khi nghe lời sứ thần truyền.

Bất tuân đã chôn vùi cuộc đời của mình ở dưới đất và xin vâng đã hướng cuộc đời mình ở trời cao.

Cuộc đời của con người bị ràng buộc bởi những gì bởi đất vì con người tự đất sinh ra nhưng quê hương đích thực là ở trên trời. Chỉ có những ai tin mới đón nhận được điều này vì lẽ với những người không tin thì họ cho rằng cuộc đời của họ nơi dương gian này mà thôi. Với những người không tin, chết coi như là hết, coi như là chấm dứt cuộc đời này. Còn với những người tin thì quê hương của họ ở trên trời, nơi thượng giới.

Những trang sách Khải Huyền là những trang sách được viết nên, được vẽ nên hình ảnh của một nước trời qua ngòi bút mà nhiều người cho là của Thánh Gioan. Chính nhờ lòng tin mà Gioan đã viết lại, đã vẽ lại hình ảnh của Nước Trời. Hôm nay, chúng ta được nghe Gioan diễn tả của một Nước Trời, một Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mà Gioan thấy như thế này: Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

Hình ảnh tiên trưng về người đàn bà mang thai và đứa con bà cưu mang ấy sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con của bà được đưa lên tận ngai của Thiên Chúa, còn bà thì được đến một nơi mà Thiên Chúa đã dọn sẵn.

Đã quá rõ cho hình ảnh của một người có tên là Maria. Mẹ Maria đã được một ơn hết sức đặc biệt là được biết rõ Nước Thiên Chúa ngay từ những ngày còn thơ bé. Mẹ Maria lên Đền Thờ cầu nguyện mỗi ngày và nhờ Thần Khí Chúa soi sáng, hướng dẫn để Mẹ sống tuân hành theo Thánh Ý Chúa mỗi ngày trong cuộc đời. Mẹ Maria tuy sống ở cõi tạm này nhưng lòng của Mẹ luôn hướng về Trời cao.

Chúng ta vừa nghe Thánh Luca thuật lại cuộc thăm viếng, cuộc gặp gỡ hết sức tuyệt vời của 2 người phụ nữ có Chúa trong mình. Cuộc gặp gỡ này phải chăng được gọi là cuộc gặp gỡ của 2 người có ơn Thánh Chúa trong mình. Mẹ Maria có ơn Thánh và Êlisabet được cưu mang đứa con trong bụng cũng nhờ ơn Thánh. Hai người rất đỗi vui mừng. Bà Maria vừa vào nhà thì bà Êlisabet quá vui mừng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

Vừa nghe lời chào mừng ấy thì Maria đáp lại:

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."


Để đáp lại tâm tình như Mẹ Maria không phải là chuyện đơn giản. Phải có ơn Chúa trong cuộc đời mới nhận ra Chúa chính là Đấng cứu độ trần gian, là Đấng cứu độ của cuộc đời mình. Thật ra mà nói, ơn Chúa có rồi nhưng chuyện quan trọng là người ta có mở lòng ra để đón hay không mới là chuyện quan trọng. Eva có ơn Chúa nhưng Eva đã khép lòng lại.

Ơn Chúa, ơn cứu độ của Chúa có đó nhưng con người có tin nhận hay không mà thôi.

Đức Kitô đã chết, đã sống lại và đã lên trời để mở lối cho những ai tin Người nhưng người ta có tin hay không tin. Điều này, Thánh Phaolô vừa nói trong thư thứ nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô: Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô.

Quả thật, Đức Kitô đã chết nhưng đã mở đường cho những kẻ thuộc về Người.

Mẹ Maria và các thánh cũng là những con người bé mọn nhưng tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã về trời ngự bên hữu Thiên Chúa để rồi Mẹ Maria và các thánh cũng đã được hưởng nhan Thánh Chúa.

Mừng Mẹ Maria hồn xác lên Trời hôm nay cũng là dịp để cho mỗi người xác tín lại niềm tin của mình. Hoặc là chọn lựa như Eva để sống cuộc đời lầm lũi ở dưới đất hoặc là chọn lựa như Mẹ Maria hướng về Trời cao.

Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ cho mỗi người chúng ta sống như Mẹ là sống trong trần gian nhưng không thuộc vào trần gian, sống nơi trần thế nhưng hướng về Nước Trời để mai ngày sau khi rời cõi tạm, ta cũng được Chúa cho hưởng vinh quang Nước Trời như Chúa đã thưởng cho Mẹ vậy.
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Kiên Trì Làm Chứng Về Chúa
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
19:10 13/08/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA / CN20TN-C A- KIÊN TRÌ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA

B- GỢI Ý CHIA SẺ VỀ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

(Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội đoàn-Phong trào)

A- Gợi ý Sống và chia sẻ dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần:

Bài đọc 1: Giêrêmia (38:4-6;8-10) Thưa Đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Họ thả ông xuống hầm và ông đang chết đói…(câu 9)

1/ Tôi có thái độ nào khi bị hành hạ, bỏ chết như ngôn sứ Giêrêmia?

2/ Chia sẻ việc Chúa đã cứu mạng sống bạn trong khi làm chứng?

Thư Do thái (12:1-4) Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề ô nhục. (câu 2)

1/ Theo Chúa thường bị ghét bỏ, khinh chê, tôi đã có hành động nào?

2/ Những nhân đức bạn đã bắt chước Đức Kitô khi phục vụ tha nhân?

Tin Mừng: Luca (12:49-53) Vì từ nay, năm người cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (câu 52)

1/ Sao Chúa nói: Ngài không đến để ban bình an mà đem sự chia rẽ?

2/ Cho biết lý do các thành phần trong gia đình sống đạo khác nhau ?

3/ Việc dung hoà giữa các Nhóm, Đoàn thể.. về cách sống Lời Chúa?

B- Câu Kinh Thánh thúc đẩy tôi chọn làm Châm ngôn Sống:

THẦY NHỮNG ƯỚC MONG LỬA ẤY SẼ BÙNG LÊN (c. 49)

* Ngay bây giờ bạn và tôi phải làm gì? (For Action)

1- Phát động các Nhóm chia sẻ Lời Chúa tại Hội Đoàn &Phong Trào.

2- Thực hiện Ban Xã hội để đi thăm viếng người ốm đau nghèo khổ.

C- Bạn và tôi dựa vào Lời Chúa để cầu nguyện: (Prayer in Action)

Lạy Cha, Đức Kitô đã nói: Thầy đã ném lửa vào mặt đất và ước mong lửa ấy sẽ bùng lên. Xin giúp con cháy lên ngọn lửa mến Chúa, dù có sự chống đối nghịch lại Phúc âm ngay cả trong gia đình, cộng đoàn. Vì họ chưa nhận được sự quan trọng của Lời Chúa. Con noi gương Mẹ Maria luôn ca ngợi Chúa như trong Kinh Mgnifiacat.

B- GỢI Ý CHIA SẺ LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Luca 1, 39-56)

1/ Mẹ Maria vội vã lên đường thăm bà chị họ là bà Ê-lisa-bet, đã dạy cho tôi bài học nào trong cuộc sống gia đình và xã hội ?

2/ Khi bà Ê-li-sa-bet nghe tiếng Đức Mẹ chào bà đã nhận được ngay những ơn gì của ai? Và bà đã nói về Đức Mẹ thế nào?

3/ Bà Ê-lisa-bet đã xưng danh Đức Mẹ là gì ? Cho biết lý do? Tại sao Đức Mẹ thật có phúc và xứng đáng nhận tước hiệu trên?

4/ Bạn biết vì sao Đức Mẹ được gọi là người Tín Hữu đầu tiên?

5/ Kinh Mangificat “Ngơi Khen phỏng theo bài ca của bà An-na (x. 1 Sm 2, 1-10), Mẹ Maria đã nói lên những tâm tình nào?

6/ Tôi thấy những điểm chính nào của Mẹ trong kinh Ngợi Khen hợp với bạn nhất? Xin diễn giải thêm những cảm nghĩ của bạn?

6/ Tôi nghĩ sao Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực những người hèn yếu và hạ kẻ giầu? (c. 51 - x. Tv 118, 15-16)

*** Công Đồng Vatican dạy về việc sùng kính Đức Mẹ:

1- Nhờ Mẹ hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, Mẹ đã mang thai Chúa Giêsu, Mẹ đã sinh con và nuôi nấng, Mẹ đã dâng con cho Chúa Cha trong Đền Thánh, đã đau khổ với cái chết của của Con trên Thánh giá, Mẹ đã tuân phục vô điều kiện trong đức tin…Mẹ đã trung thành trong việc chấp thuận cứu rỗi.

2- Vì thế, trong Giáo hội, Mẹ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị Bảo trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy đúng đắn, để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng cao cả duy nhất của Đức Giêsu Kitô.

3- Hãy ngước mắt nhìn lên Đức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời, dưới ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể. Khi các Tìn hữu được nghe rao giảng về Ngài, họ được mời gọi đến kết hợp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Thiên Chúa hơn.

4- Giáo hội chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong giới hạn, tùy theo hoàn cảnh và nơi chốn và tinh thần của Tín hữu, giúp họ làm vinh danh và tôn giữ Lời Chúa, vì Người mà muôn vật được tạo thành. (x. Col 1, 15-16 và 19)

5- Hãy làm sáng tỏ đúng mức vai trò đặc ân của Đức Mẹ, luôn quy hướng về Chúa Kitô nguồn mạch toàn thể chân lý. Các Tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm; nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật… (x. CĐ Vatican 2: Đức Trinh Nữ Maria và Giáo hội # 62-67)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn v. Định

Kiên
 
Xin Đức Mẹ Lên Trời cứu giúp hiện tình Đức Tin
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
23:38 13/08/2010
Đức Mẹ Maria đã được hồn xác lên trời. Trời nói đây là thiên đàng. Thiên đàng là quê hương, mà mọi người con Chúa đều nhắm tới. Được vào thiên đàng là hạnh phúc sau cùng, mà mọi người tin Chúa đều mong đợi nhất.

Để được lên thiên đàng, phải đi đúng đường. Đường đó đã được đức tin dạy.

Giáo lý đức tin không thay đổi. Nhưng thế giới những người tin đã và đang thay đổi.

1/ Khủng hoảng đức tin

Mới rồi, tại Fatima, ngày 12 tháng 5 năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: "Thời nay, đức tin tại nhiều vùng rộng lớn đang trong nguy cơ tàn lụi". Đức Thánh Cha muốn nói tới những nơi đã có đức tin. Những nơi ấy là những vùng rộng lớn. Chúng ta được phép hiểu đó là những châu lục, những nước, những miền, những giáo phận. Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha đáng được chúng ta suy nghĩ.

Thực rất đau lòng, khi phải nhận rằng: Đang có khủng hoảng về đức tin trong Hội Thánh. Khủng hoảng đó có những mức độ khác nhau. Nơi thì đổ vỡ như một toà nhà bị phá. Nơi thì khô cạn, như một dòng sông thiếu nước. Nơi thì hoang vu, như một cánh đồng nhiều cỏ ít lúa.

Khủng hoảng nặng nhất về đức tin hiện nay có thể nhận thấy ở mấy điểm này đang xảy ra ở nhiều nơi:

- Sự kiêu căng và đời sống buông thả.

- Mất ý thức về tội.

- Giảm bớt lòng tin đối với các bí tích.

- Nghi ngờ sự hiện hữu của thiên đàng, hoả ngục.

- Trốn tránh mầu nhiệm thánh giá.

- Coi nhẹ đời sống nội tâm.

- Sự cứu độ nhân loại sẽ được thực hiện bằng nhiều cách, mà không cần đến Thiên Chúa.

- Hạ giá các vấn đề đạo đức, mà chỉ trọng các vấn đề kinh tế và hưởng thụ.

- An tâm với những hình thức giữ đạo bề ngoài, còn trọng tâm Phúc Âm thì bỏ.

Tại Việt Nam, khủng hoảng về đức tin còn nhẹ, nhưng không vì thế mà được chủ quan coi thường.

2/ Nguyên nhân khủng hoảng

Nếu tìm hiểu nguyên nhân sự sa sút của tình hình đức tin và đạo đức, chúng ta có nhiều cái nhìn.

Theo cái nhìn của các thánh tông đồ xưa, tình hình sa sút đức tin và đạo đức là do Satan, các ngôn sứ giả và các thói xấu chung của tập thể và tính yếu đuối của con người.

Theo cái nhìn của các bậc có trách nhiệm hiện nay, tình hình sa sút phần lớn là do sự xuất hiện và bành trướng các chủ thuyết xấu, các phong trào tệ hại trong xã hội. Như chủ thuyết thế tục hoá, tương đối hoá. Như phong trào hưởng thụ, thực dụng, kiêu căng tự đắc.

Nguyên nhân phổ thông nhất là sự bỏ dần việc cầu nguyện. Sự phát triển tính kiêu căng, tính ác độc và thói sống buông thả cũng là nguyên nhân đáng kể của sự suy thoái đức tin.

3/ Hậu quả cuộc khủng hoảng

Dù nguyên nhân là gì, thì sự sa sút về đức tin và về đạo đức cũng chắc chắn sẽ đưa tới tình trạng nguy hiểm, đó là tội lỗi sẽ tăng, do đó hình phạt cũng sẽ tăng và sẽ mau xảy tới.

Kinh Thánh quả quyết: Hậu quả dành cho kẻ phạm tội sẽ là hình phạt. Hình phạt nặng nhất sẽ là không được lên thiên đàng, hơn nữa còn phải bị ném xuống hoả ngục, chịu hành hạ muôn đời muôn kiếp.

Hình phạt bởi tội là rất khủng khiếp. Khủng khiếp ở đời sau, và cũng có thể ngay ở đời này.

Chúa Giêsu xuống thế làm người, là để cứu con người khỏi sa vào đàng tội, kẻo sẽ phải chịu khổ cực, nhưng sẽ được lên thiên đàng.

Đức Mẹ, những lần hiện ra ở La Salette, Lộ Đức, Fatima, đều khuyên nhủ loài người hãy sám hối, bỏ đàng tội, trở về với Chúa. Cùng với lời khuyên đó, Đức Mẹ cảnh báo nhiều hình phạt sẽ tới, nếu người ta cứ tiếp tục đi sâu vào con đường tội lỗi.

4/ Những việc nên làm

Mặc dù có những khuyên răn và cảnh báo, tình hình sa sút về đức tin và đạo đức vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Trước tình hình này, chúng ta nên làm gì?

Thiết nghĩ, việc đầu tiên ta nên làm là hãy đến bên Đức Mẹ, cầu nguyện với Đức Mẹ, ở lại với Đức Mẹ, khiêm tốn hỏi Đức Mẹ và lắng nghe Đức Mẹ.

Chúng ta sẽ được Đức Mẹ cho biết: Chính bản thân ta cũng rất cần nhạy bén về nguy cơ suy thoái đức tin và đạo đức. Biết đâu chính ta đã và đang góp phần vào tình hình suy thoái hiện nay.

Tác giả sách Khải Huyền cho thấy: Nguyên nhân góp phần vào việc suy thoái đạo đức và đức tin nhiều khi không phải là những tội ghê gớm, mà mới chỉ là những tình trạng không đủ tích cực. Như sự nguội lạnh (x. Kh 3,16), sự dung túng những kẻ bê bối (x. Kh 2,20), sự chấp nhận những thầy dạy điều sai lạc (x. Kh 2,15), sự đánh mất tình yêu thuở ban đầu (x. Kh 2,4), thiếu tỉnh thức (x. Kh 3,2).

Việc thứ hai nên làm tiếp đó là khẩn khoản xin Đức Mẹ ban ơn giúp chúng ta đón nhận ơn đức tin.

Thực chất đức tin không phải là chấp nhận suông một hệ thống tín điều, mà là khiêm tốn đón nhận Lời Chúa, tình yêu Chúa, ý Chúa, đời sống của Chúa và chính Chúa Giêsu. Thái độ mở lòng ra, khiêm tốn đón nhận, để rồi gắn bó với Chúa Giêsu, sẽ làm cho ta cảm nhận được ánh sáng và ngọt ngào thiêng liêng. Từ đó đời sống đức tin của ta sẽ là dấn thân đi trên con đường dẫn tới thiên đàng một cách có bảo đảm chắc chắn.

Việc thứ ba thiết tưởng nên làm là xin Đức Mẹ giúp chúng ta được nên giống Đức Mẹ ở thái độ "xin vâng ý Chúa". Chúa Giêsu phán: "Không phải những người thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng là những người thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21). Ý muốn rõ ràng nhất và quan trọng nhất của Chúa là chúng ta yêu thương nhau và ở lại trong tình yêu của Chúa. Với mọi dấn thân, mà bác ái đòi hỏi.

Sau cùng, chúng ta cần nhận thức điều này:

Đức tin là một hồng ân của Chúa. Hồng ân đó kèm theo một chương trình của Chúa. Những người được Chúa ban ơn đức tin cũng nhận được một sự Chúa sai đi. Qua đời sống thường ngày, chúng ta sẽ làm chứng về Đấng mà chúng ta tin. Vì "Tôi biết tôi tin vào ai" (2 Tm 1,12).

Cúi xin Đức Mẹ trên trời thương cứu giúp tình hình đức tin của đoàn con đang hành hương trên cuộc sống trần gian khổ ải này.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Công Giáo nước Đức
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
08:28 13/08/2010
Giáo Hội Công giáo nước Đức

Có lẽ không có Giáo Hội công giáo nước nào trên thế giới có điều khoản luật lệ về đạo và đời: Người tín hữu Công giáo – cho cả người tín hữu đạo Tin lành nữa - nếu muốn, được quyền ra tòa án xin thôi không muốn là người thuộc Giáo Hội Công giáo nữa!

Và một khi Tòa án đã chấp thuận ý muốn của người xin thôi ra khỏi Giáo Hội. Phán quyết đó có hiệu lực về phương diện hành chánh pháp lý cả đạo lẫn đời.

Lý do xin ra khỏi đạo có nhiều cùng phức tạp. Nhưng xưa nay lý do không muốn đóng thuế nhà thờ - hay còn gọi là thuế tôn giáo cho Giáo Hội - là lý do được nêu ra cùng nói đến nhiều.

Nhưng cũng có lý do vì bất mãn, không chấp nhận cơ chế Giáo Hội, những lối xử sự gương không tốt trong Giáo Hội, những thay đổi trong Gíao Hội địa phương hay toàn cầu…. Những điều đó cũng khiến một số người tín hữu, ít là ra về mặt luật pháp giấy tờ tìm con đường quay lưng lại với Giáo Hội.

Trong dòng thời gian năm nào cũng có hàng ngàn người rời bỏ hàng ngũ Gíao Hội qua con đường giấy tờ luật pháp.

Theo thống kê được Hội đồng Giám Mục Đức công bố, năm 2009 có 123.681 người tín hữu quay lưng lại với Giáo Hội Công giáo. Đây là thời điểm có những tranh luận sôi nổi gay gắt về việc Gíao Hội Roma chấp thuận cho những người tín hữu theo phái bảo thủ Pius tách rời khỏi Giáo Hội trở về hiệp thông với Giáo Hội mẹ Roma, và sự chối bỏ gây ra gương mù của Giám Mục Richard Williamsen, thuộc phái Pius, chứng tích lịch sử về trại giam tập trung giết người Do Thái của Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai.

Năm 2008 có 121.155 người tín hữu Công giáo xin ra khỏi hàng ngũ Giáo Hội Công giáo.

Công bố cho biết, người tín hữu Công giáo chiếm 30,5 % dân số toàn nước Đức, với 24,9 triệu tín hữu.

Năm 2008 trên toàn nước Đức trong 27 Giáo phận có 185.600 người; và năm 2009 có 179.000 người lãnh nhận làn nứơc Bí tích rửa tội gia nhập Gíao Hội.

Giáo Hội Công giáo nước Đức có 27 Giáo Phận trong đó có 07 Tổng giáo phận.

Số người tín hữu Công Giáo tham dự lễ nghi phụng vụ Thánh lễ đều đặn từ 13,4% giảm xuống còn 13,00%.

Số Linh mục triều thuộc Giáo phận có 13.158 vị. Số Linh mục Dòng có 2.209 vị.

Số Nữ tu có 21.982 vị; số Thầy Dòng nam có 4.609 vị. Ngoài ra còn có 1.906 người tín hữu nam nữ thuộc các Tu hội sống giữa đời.

Hội Đồng Giám Mục Công giáo nước Đức lần đầu tiên họp nhau ở Würzburg năm 1848. Năm 1867 Hội đồng giám mục họp ở Fulda lập thành qui chế của Hội Đồng kéo dài một thế kỷ đến Công đồng Vatican thứ hai.

Năm 1966 Hội đồng Giám mục cải tổ qui chế cơ cấu cho phù hợp với Giáo luật theo như Công đồng Vaticano thứ hai ấn định. Và từ đó có tên chính thức thành Hội Đồng Giám Mục Đức.

Hàng năm Hội Đồng Giám Mục Đức hộp hai lần vào mủa Xuân và mùa Thu.

Giáo Hội Công giáo hoàn vũ cũng như tại địa phương quốc gia đất nước, Giáo phận, xứ đạo phát triển sống động đặt nền tảng trên Đức tin vào Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội luôn cần người tín hữu cùng chung vai sát cánh xây dựng đời sống đức tin trong Giáo Hội.

Trước tình cảnh đời sống đức tin ở xã hội bên Âu châu, ở nước Đức nói riêng, ngày càng thưa nhạt không còn như trứơc nữa, không những về số lượng, mà cả về phẩm chất sự thực hành sống động đang dần đi xuống, Giáo Hội nơi đây đang tìm phương cách đổi mới về cấu trúc tổ chức xứ đạo.

Cấu trúc đổi mới không chỉ thu gọn lại cho phù hợp với hòan cảnh đời sống xã hội cùng tâm tính con người hôm nay, nhưng còn làm cho nội dung chính yếu là đời sống đức tin, tin mừng sứ điệp của Chúa được loan báo rộng rãi sống động cho con người.

Thời Giáo Hội như nam châm thu hút hàng trăm, hay hàng ngàn người bên Âu Châu đã qua thuộc vào dĩ vãng. Giáo Hội bên này như đang bắt đầu xây dựng lại cấu trúc nền tảng đức tin thời Giáo Hội truyền giáo lúc ban đầu.

Phải chăng đời sống Gíao Hội cũng giống đường vòng cung lên tới tột đỉnh rồi xuống dốc, và lại bắt đầu đi lên!

Dẫu vậy:

„Jesus Christus heri et hodie ipse et in saecula“ ( Hebraeos 13,8)

„Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn luôn là một!“ ( Dt 13,8)

Mùa Hè, ngày 13.08.2010
 
giới trẻ nói tiếng Sapnish ở Hoa Kỳ đang đánh mất căn tính Công giáo
Giuse Trần Thế Bài
17:39 13/08/2010
(CWNews 11.08) - Một cuộc thăm dò mới cho thấy: Đa số dân gốc nói tiếng Tây ban Nha sinh sống ở Mỹ đều tự xưng là tín hữu Công giáo,nhưng những người trẻ tuổi hơn có vẻ như không gắn bó với Giáo Hội và với các lập trường của Giáo Hội về những vấn đề chủ chốt. Cuộc điều tra trên 1.500 người Mỹ gốc Tây Ban Nha do Unvision và AP đã tìm thấy rằng 62% là người Công giáo. Nhưng điều tra nầy phát hiện một sự khác biệt rõ ràng giữa các thề hệ, với 80% những người trên 65 tuồi tự xưng là tín hữu Công giáo và chỉ 55% những người trong các lứa tuổi 18 và 30 làm như thế. Cuộc thăm dò nầy phát hiện những phân hoá mang tính thế hệ tương tự như vậy về các vấn đề như là nạo phá thai và hôn nhân đồng tính, với những lớp cao niên hơn ủng hộ mạnh mẽ các giáo huấn Công giáo, trong khi lớp trẻ gốc Tây Ban Nha ít ủng hộ hơn.
 
Các cơ quan Công giáo đã quyên góp được trên 300 triệu Mỹ kim giúp đỡ Haiti
Giuse Trần Thế Bài
17:41 13/08/2010
(CNS 12.08) - Tính đến hết ngày 10.08, các cơ quan Công giáo trên toàn thế giới đã quyên góp được hơn 303 triệu USD trợ giúp Haiti, và các qũy trợ giúp vẫn tiếp tục đến hằng ngày, gồm tiền quyên góp do HĐGM Hoa Kỳ (chiếm gần mọt nửa), Các Hội Cứu Trợ Công giáo, mạng Caritas Quốc Tế toàn cầu và những cơ quan nhỏ khác có kết nối với các cơ quan Công giáo tài trợ các công tác ở Haiti. Con số tổng cộng có thể lớn hơn nhiều, vì các con số do Caritas Quốc Tế bỏ ngoài tiền do các tổ chức và các dòng tu nằm ngoài mạng Caritas đã quyên góp gây qũy. Các cơ quan bất vụ lợi ngoài Công giáo ở Mỹ đã quyên góp thêm 1,1 tỷ USD cho Haiti. Cha Dòng Oblate Andrew Small, giám đốc Quyên Trợ Cho Giáo Hội ở Nam Mỹ thuộc HĐGM Hoa Kỳ nói: ” Các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ không chỉ công bằng. Tôi cho là họ còn hơn cả công bằng”.
 
Chủ đề giới Trẻ Hàn Quốc: Hy vọng nơi Chúa (Hope in God)
Giuse Trần Thế Bài
17:42 13/08/2010
(UCAN 13.08) Khoảng 3.000 tín hữu trẻ Công giáo tham dự Đại Hội Giới Trẻ Hàn Quốc tại Imjingak, gần đường phân giới tuyến Bắc Nam Triều Tiên, để tìm kiếm hoà bình trong Thiên Chúa.

ĐGM Peter Lee Ki-heon giáo phận Uijeongbu nói với những người tham dự vào ngày khai mạc 12.08: ” Những người trưởng thành trẻ tuổi ở Hàn quốc lo âu về thiếu công ăn việc làm và băn khoăn về tương lai của họ. Hôm nay, tôi xin các Bạn hãy gạt bỏ tất cả mọi sợ hãi của các bạn và dùng thời gian nầy để tìm kiếm tình yêu và an bình tâm hồn của Thiên Chúa”.

Rất nhiều các cuộc đàm đạo và thảo luận trong ngày đầu tiên nầy tập chú vào hy vọng trong cuộc sống của người trẻ. Cha Lee Moon-hwan,một trong nững nhà tổ chức sự kiện nầy, nòi: ” Giống như chúng ta nhìn thấy kẽm gai đang chia cắt hai miền Triều Tiên, cũng có kẽm gai đang chia cắt cuộc sống đích thực khỏi cuộc sống chỉ có trong tưởng tượng đối với giới trẻ ngày nay.

Mục tiêu của Đại Hội Giới Trẻ Hàn Quốc nầy là đem niềm hy vọng thật sự cho những người tham dự,sao cho họ có thể vượt qua thời buổi khó khăn với sự trợ giúp của Thiên Chúa”. Đại hội nầy do giáo phận Uijeongbu đăng cai tổ chức và được Uỷ Ban Các Giám Mục đặc trách giới trẻ tài trợ. Đây là một đại hội trong chương trình chuẩn bị cho Đại Hội Thế Giới Giới Trẻ sẽ diễn ra ở Madrid,Tây Ban Nha năm 2011.
 
ĐHY Zen nói: Hy vọng tình hình ở Trung quốc đối với tín hữu Công giáo sẽ cải thiện
Giuse Trần Thế Bài
17:43 13/08/2010
(CNA 13.08) - ĐHY giám mục danh dự giáo phận Hong Kong,Joseph Zen, - cùng đi với một nhóm 9 nữ tu Salêdiêng người Hoa tại buổi triều yết chung của Đức Thánh Cha ở Castel Gandolfo - cho biết Ngài hy vọng tình hình đối với tín hữu Công giáo ở Trung Quốc sẽ cải thiện, mặc cho những khó khăn về tự do tôn giáo vẫn còn trong đất nước nầy.

Ngài nói thêm rằng chứng từ của các tín hữu giữa sự đàn áp lan rộng là căn bản cho tương lai của Giáo Hội Công giáo ở đó. Ngài nói: ” Cần phải theo những hướng dẫn do Đức Giáo Hoàng [Biển Đức XVI] trình bày trong thư 200 gửi các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc” vốn vẫn chưa được phổ biến rộng rãi do sự đàn áp của chính quyền. Tương lai của Giáo Hội ở Trung Quốc tùy thuộc vào chứng từ trong im lặng nhưng hiệu quả của các tín hữu Công giáo.
 
Nữ quyền và nữ tính
Vũ Văn An
19:45 13/08/2010
Alice von Hildebrand, nhũ danh Alice Jourdain, là một triết gia kiêm thần học gia Công Giáo. Bà sinh năm 1923 tại Brussels, Bỉ. Tới Mỹ năm 1940, bà học tại Đại Học Fordham, nơi Dietrich von Hildebrand làm giáo sư, và đậu tiến sĩ tại Đại Học này. Từ năm 1947, bà dạy triết tại Hunter College thuộc City University of New York và đã chính thức về hưu từ năm 1984. Bà kết hôn với Dietrich von Hildebrand, năm 1959, sau khi người vợ thứ nhất của ông qua đời. Bà hiện sống ở Mỹ, vẫn tiếp tục giảng dạy và trước tác, đồng thời phổ biến các công trình triết học và thần học của chồng. Bà nổi tiếng với hai tác phẩm The Privilege of Being a Woman (2002) và The Soul of a Lion: The Life of Dietrich von Hildebrand (2000).

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003 với hãng tin Zenit, bà cho rằng người phụ nữ muốn không bị vướng vào cạm bẫy của chủ nghĩa duy nữ, nên mô phỏng gương sống kiên cường nhưng khiêm nhường của Đức Maria. Theo bà, Đức Maria chính là mô thức hoàn hảo của nữ tính. Đối với bà, sống trong thế giới duy tục hóa ngày nay, người phụ nữ cần nhớ rằng chu toàn vai trò làm mẹ có giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa.

Nhân dịp này bà cho biết lý do tại sao bà viết cuốn “The Privilege of Being a Woman”. Bà cho rằng nọc độc của chủ nghĩa duy tục đã thấm sâu vào xã hội hiện đại. Người đàn ông chính là nạn nhân đầu tiên của nó. Trong xã hội ấy, con người càng ngày càng xác tín hơn rằng muốn là một người nào đó, họ phải thành công ở trên đời. Mà thành công ở đây có nghĩa là có tiền, có quyền lực, có danh tiếng, được thừa nhận, có tính sáng tạo, khai phá…

Nhiều người hy sinh cả cuộc sống gia đình để đạt được mục tiêu trên: họ chỉ về nhà để thư giãn hay vui chơi. Việc làm mới là phần đời sống được họ xem trọng. Vô số các cuộc hôn nhân đã vì thái độ này mà tiêu tan. Các bà vợ có lý để cảm thấy mình chỉ như những vật phụ thuộc, để thư giãn. Các ông chồng dành rất ít thì giờ cho các trao đổi yêu thương, vì quá bận với công việc. Con cái ít thấy người cha. Người vợ đau khổ không những là điều dễ hiểu, mà đôi khi còn bị coi là điều hợp lý nữa.

Nhưng còn phụ nữ thì sao, họ có xác tín được rằng làm người đàn bà là một điều tốt hay không? Theo Alice von Hildebrand, điều kỳ cục là phong trào duy nữ, thay vì làm cho phụ nữ ý thức sâu sắc hơn cái đẹp và phẩm giá làm vợ và làm mẹ của họ, cũng như sức mạnh tâm linh mà họ vốn tác động trên người chồng của mình, thì lại thuyết phục để họ xác tín rằng cả họ nữa cũng phải bước theo não trạng duy tục. Nghĩa là cả họ nữa cũng phải gia nhập lực lượng lao động; cả họ nữa cũng phải tự chứng tỏ rằng mình là một ai đó bằng cách chiếm bằng cấp, đua tranh với đàn ông ngay trong thị trường lao động, chứng tỏ cho đàn ông thấy mình chẳng thua kém gì họ, và nếu có cơ hội, còn có thể trổi hơn họ nữa.

Phụ nữ tự du mình vào ý niệm coi nữ tính như một yếu đuối. Họ bắt đầu coi khinh các nhân đức, như nhẫn nại, quên mình, tự hiến, hiền dịu, và tự đặt cho mình mục tiêu trở nên giống đàn ông về mọi phương diện. Một số phụ nữ còn tự thuyết phục để xác tín rằng mình phải dùng cả ngôn ngữ thô tục để cho bọn phái “mạnh” biết rằng chúng chị không phải là những con búp-bê yểu điệu vô nghĩa như bọn em vẫn nghĩ.

Cuộc chiến phái tính cứ thế diễn biến. Những người rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa duy nữ muốn trở thành đàn ông về mọi phương diện và sẵn sàng bán cái quyền có từ lúc sinh ra đời (birthright) lấy cái nồi cháo (tương tự). Họ trở nên mù lòa không thấy sự kiện này là đàn ông và đàn bà, dù bình đẳng về phẩm giá hữu thể, đã được Thiên Chúa quyết định tạo nên khác nhau: Người đã tạo nên họ có nam có nữ. Họ khác nhau nhưng bổ túc cho nhau.

Alice von Hildebrand cho rằng: mỗi giới tính đều có những điểm mạnh; và mỗi giới tính cũng đều có những điểm yếu. Theo kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa, người chồng có nhiệm vụ giúp vợ vượt thắng các điểm yếu ấy để mọi trân châu bảo ngọc của nữ tính nàng đạt đến trạng thái tuyệt hảo, và ngược lại.

Biết bao nhiêu người đàn ông đã thực sự trở nên “chính họ” nhờ tình yêu của vợ. Biết bao nhiêu người đàn bà đã được cái dũng và sự can đảm của chồng biến đổi. Thảm trạng của thế giới ngày nay là chúng ta đã trở thành những người bỏ đạo. Nhiều người đã vất bỏ các gia bảo đã được mạc khải ban tặng, đó là thể siêu nhiên.

Xét trong yếu tính, tội nguyên tổ chủ yếu là cuộc tấn công chống lại phẩm trật giá trị: con người muốn trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa nữa. Hình phạt vì thế mà thật khủng khiếp: thân xác con người nổi loạn chống lại linh hồn. Ngày nay, việc lật nhào phẩm trật giá trị này còn đi xa hơn nữa đến nỗi Peter Singer chối phăng luôn cả tính trổi vượt của con người đối với con vật, và người ta lo cứu mấy con cá voi con, còn trẻ thơ nhi thì để mặc tình bị sát hại.

Toàn bộ đảo lộn hết: hôn nhân tan vỡ; nhiều người không thèm tính tới chuyện kết hôn; các vụ sống chung chỉ kéo dài bao lâu chúng còn thoả mãn cá nhân. Các liên hệ không tự nhiên từng bị Platông kết án nặng nề nay trở thành thời thượng và đòi quyền được đặt lên ngang tầm với những mối liên hệ do Thiên Chúa sắp xếp.

Yếu mà mạnh

Theo Alice von Hildebrand, dưới quan điểm duy tự nhiên (naturalistic), người đàn ông mạnh hơn: không những vì họ mạnh hơn về thể lý, nhưng còn vì họ có óc sáng tạo hơn, nhiều khám phá hơn và nhiều năng xuất hơn. Phần lớn các công trình vĩ đại của thần học, của triết học và mỹ thuật đều là công trình của đàn ông. Đàn ông là những kỹ sư vĩ đại, các kiến trúc sư vĩ đại.

Nhưng sứ điệp Kitô Giáo dạy rằng: dù tất cả các công trình khám phá ấy có giá trị, song chúng chỉ là tro bụi so với đức hạnh. Vì người đàn bà, từ bản tính, vốn có mẫu tính. Thực vậy, người đàn bà nào, bất luận có chồng hay không, đều được mời gọi làm mẹ sinh lý, làm mẹ tâm lý hay làm mẹ thiêng liêng, nên họ trực giác thấy rằng trước mặt Thiên Chúa, cho đi, nuôi dưỡng, chăm sóc người khác, chịu đau khổ với họ và vì họ (làm mẹ bao hàm chịu đau khổ) thì có giá gấp bội hơn việc chinh phục các quốc gia hay bay lên mặt trăng.

Đọc cuộc đời Thánh Têrêxa Thành Avila hay Thánh Têrêxa Thành Lisieux, ta hẳn lưu ý tới sự kiện này: các vị không ngừng nhắc tới “sự yếu đuối” của mình. Cuộc đời các người đàn bà anh hùng này, và của nhiều người đàn bà khác, dạy ta điều này: ý thức và chấp nhận sự yếu đuối của mình, đi đôi với niềm tín thác vô bờ vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa đã đem lại cho các linh hồn ưu tú này một sức mạnh lớn lao đến thế vì đó là sức mạnh siêu nhiên.

Sức mạnh tự nhiên không thể đọ với sức mạnh siêu nhiên. Chính vì thế, Đức Maria, người đàn bà diễm phúc, đã “mạnh như một đạo quân xếp hàng vào trận”. Nhưng đồng thời, Ngài cũng được xưng tụng là “nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh”.

Như Dom Prosper Gueranger từng nhắc tới trong cuốn “Năm Phụng Vụ”, sức mạnh siêu nhiên này giải thích tại sao ma qủy lại sợ trinh nữ khiêm nhường này còn hơn cả Thiên Chúa. Chỉ vì sức mạnh siêu nhiên của Ngài, một sức mạnh vốn đạp dập đầu nó, làm nó nhục nhã hơn là sức mạnh của Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao ngày nay Tên Xấu Xa đang phát động một cuộc chiến tàn bạo nhất chống lại nữ tính từng có chỗ đứng trong lịch sử thế giới. Vì gần tới ngày tận cùng của thời gian và biết rằng chiến bại cuối cùng của mnìh đã gần kề, hắn đang tăng gấp đôi các cố gắng của hắn nhằm tấn công kẻ thù vĩ đại của hắn là người đàn bà. Sách Sáng Thế 3:15 nói rằng: “Ta sẽ đặt sự thù nghịch giữa ngươi và người đàn bà”. Chiến thắng cuối cùng là của nàng, như đã thấy nơi người đàn bà mặc áo mặt trời.

Alice von Hildebrand nói rằng: sứ mệnh người đàn bà ngày nay có tầm quan trọng hết sức chủ yếu. Xét về một phương diện, họ là chìa khóa đưa tới sáng suốt, tỉnh táo (sanity), bước đầu dẫn tới hồi tâm. Vì siêu nhiên dựa trên tự nhiên và nếu không trở lại với sự tỉnh táo tự nhiên, thì nét cao cả của sứ điệp siêu nhiên cũng sẽ mãi mãi không bao giờ đến được với ta.

Tại sao người đàn bà nắm được chìa khóa này? Vì ảnh hưởng của họ đối với đàn ông hết sức lớn lao khi họ hiểu đúng vai trò và sứ mệnh của mình. Ai trong chúng ta cũng từng nghe các linh mục thổ lộ rằng ơn gọi của họ là do mẹ họ hay bà họ gợi hứng.

Thánh Nữ Monica, nhờ hợp tác với Thiên Chúa, đã đem được người con trai hoang đàng của mình về với Thiên Chúa. Mẹ của Thánh Bernard, mẹ của Thánh Phanxicô de Sales, người chỉ lớn hơn ngài có 15 tuổi, và mẹ của Thánh Gioan Bosco đều là những nhân tố chủ yếu trong hành trình nên thánh của con trai mình.

Khuôn mẫu của nữ tính

Theo Alice von Hildebrand, người đàn bà nắm được chìa khóa trên vì họ là người canh giữ sự trong sạch. Điều này thấy rõ ngay trong cấu trúc cơ thể họ, một cấu trúc nhằm che dấu một cách trong trắng các cơ quan thân mật riêng tư. Vì các cơ quan của họ được “che màn” (veiled) cho thấy sự huyền nhiệm và thánh thiêng của chúng, nên người đàn bà được đặc ân vô giá là chia sẻ giới tính với đức diễm phúc Maria, tạo vật thánh thiện nhất trong mọi tạo vật.

Chủ nghĩa duy nữ vốn khởi sự tại các nước Thệ Phản, vì một lý do giản dị là các nước này quay lưng lại với mẹ Chúa Kitô, như thể Chúa Cứu Thế cảm thấy bị tước mất vinh dự vốn được dành cho Mẹ yêu dấu của mình. Như sách Khải Huyền đã ám chỉ, Đức Maria quả là khuôn mẫu của người đàn bà. Nhờ chạy đến với Ngài, cầu nguyện cùng Ngài và chiêm niệm các nhân đức của Ngài, người đàn bà sẽ tìm được đường trở lại với cái đẹp và phẩm giá sứ mệnh của mình.

Đức Maria dạy ta hai qui luật dẫn ta tới thánh thiện. Qui luật thứ nhất: “Tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin hãy làm cho tôi như lời thiên thần nói”. Điều này có nghĩa: sứ mệnh người đàn bà là để mình được ơn thánh làm cho mầu mỡ (fecundated), là tiếp nhận một cách thánh thiện. Qui luật thứ hai: “Hãy làm bất cứ điều gì Người nói”. Đây chính là chương trình thánh thiện Giáo Hội dành cho ta. Hiển nhiên, nếu người đàn bà hiểu được sứ điệp này, thì hôn nhân, gia đình và Giáo Hội sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng khủng khiếp đang đè nặng lên chúng ta. Như Phụng Vụ từng nói, “Thiên Chúa đã đặt sự cứu rỗi vào tay một người đàn bà”.
 
Top Stories
Vietnam - Vatican: Mgr.Ngo Quang Kiet, former archbishop, has returned to Hanoi and now lives in a monastery
J. B. Vu
13:06 13/08/2010
Hanoi (AsiaNews) - Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, the former archbishop of Hanoi, long contested by the regime, has returned to his diocese and now lives in the monastery of Chau Son. Yesterday he received a visit from the new Archbishop, Mgr. Peter Nguyen Van Nhon and his assistant, Mgr. Laurent Chu Van Minh.

For years Archbishop Ngo, a staunch defender of the rights of the Church of Hanoi, was subjected to a violent government campaign. On 13 May he resigned from his post as archbishop of the northern diocese, giving way to Mgr. Nguyen Van Nhon, who at 72 years of age had only recently been appointed coadjutor bishop of Hanoi.

The government exploited the news by suggesting that the Vatican was following a "roadmap" set by the regime that has long wanted to get rid of Mgr. Ngo.

The move provoked tensions among the faithful of the diocese and the entire Vietnamese Church, which have not yet been completely resolved, and which Mgr. Ngo tried to calm in a letter to the faithful of his diocese, that stated he had personally asked to be replaced at the helm of the diocese for health reasons.

After his resignation he had travelled to the United States for health reasons. The government had long wanted him removed; he claims he lobbied the Vatican for his resignation. A “familial” meeting between Mgr. Ngo and Mgr. Nguyen Van Nhon, his successor.

The same May 13, Mgr. Ngo left for the United States "in silence and in secret for health reasons ". On 6 August he returned to Hanoi and is now living in the monastery of Chau Son. The news was made public by his brother, who lives in Houston, Texas. Yesterday, then, Mgr. Ngo received the visit of Mgr. Nguyen Van Nhon, the auxiliary bishop and some priests of the archdiocese.

According to the website of the Vietnamese bishops' conference, "the meeting took place in an emotional, familial and joyful atmosphere."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ bổn mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:36 13/08/2010
SYDNEY - Sáng thứ Sáu 13/08/2010 rất đông đủ các Hội Đoàn Đoàn Thể đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly, Sydney hành hương ngày 13 và mừng kính Lễ Quan Thầy của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney.

Xem hình ảnh

Mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Linh hướng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney làm phép tượng Thánh Nữ Monica, sau đó kiệu cung nghinh tượng Thánh Nữ Monica về hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse. Cuộc kiệu rất trang nghiêm, mọi người sốt sắng dâng lên Đức Mẹ chuỗi kinh Mùa Mừng cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Cộng Đồng và Giáo Hội Việt Nam.

Khi kiệu tượng Thánh Nữ Monica đã về đến Hội Trường và an vị phía trên bàn thờ, kế tiếp phần đọc sơ lược tiểu sử của Thánh Nữ Monica. Ngài sinh ở Phi Châu là một người mẹ rất mẫu mực hiền đức luôn sùng kính tôn thờ Thiên Chúa. Đặc biệt Thánh nữ hết lòng cầu nguyện cho con trai là Thánh Augustino được ơn trở lại. Với sự kiên trì trong cầu nguyện của Thánh nữ Monica đã nhìn thấy con mình được rửa tội và trở lại trước khi Thánh nữ qua đời.

Sau khi chấm dứt phần đọc tiểu sử. Thánh lễ do quý Cha Đặng Đình Nên, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Paul Văn Chi, Nguyễn Thái Hoạch cùng đồng tế. Sau bài giảng là nghi thức Xức Dầu bệnh nhân cho các vị cao niên, các vị đau yếu trong Cộng Đồng. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Đinh Kiên Giang Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney, kế tiếp Bà Phạm Thị Hiền Phó Hội Trưởng lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách và tất cả mọi người đã dành thời gian quý báu đến tham dự mừng lễ Quan Thầy của Hội Monica. Cha Linh hướng Đặng Đình Nên cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha và chúc mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo Tổng Giáo Phận Sydney.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong nhà ăn Trung Tâm, và tham dự cuộc xổ số may mắn lấy hên.
 
Hội Dòng Đaminh Đức Mẹ Mân Côi (Lạng Sơn) với lễ khấn Dòng và mừng Kim Khánh
Nguyễn Quang Ngọc
10:42 13/08/2010
Sài Gòn, trong niềm vui của Hồng Ân Thánh Hiến, Hội Dòng Đaminh Đức Mẹ Mân Côi (Lạng Sơn) đã tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các chị em được ơn trung thành sống đời thánh hiến,vào lúc 09h00 thứ năm ngày 12 tháng 08 năm 2010. Đức Hồng Y Gioan Boatixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo Phận Sài Gòn chủ tế Thánh Lễ Tạ Ơn và Nghi Thức Tuyên Khấn Trọn Đời, Kim Khánh Khấn Dòng tại Thánh Đường Giáo xứ Lạng sơn hạt Xóm Mới (25/1 Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp). Cùng tháp tùng với Đức Hồng Y, có sự hiện diện quý cha thân hữu trong nhà dòng, quý cha trong hạt. Ngoài ra còn có sự tham dự Soeur Tổng Phụ Trách Maria Bùi Thị Điểm, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và đông đảo bà con Giáo dân trong xứ.

Hình ảnh lễ khấn và mừng kim khánh

Đức Hồng Y Gioan Baotixita trong bài giảng lễ, Ngài đã chia sẽ từ các bài đọc Sách Thánh và Tin Mừng nói về đời sống trong Cộng đoàn, trong Giáo hội có nhiều việc khác nhau, nhưng chung quy lại là đón nhận ánh sáng, hồng ân cứu độ và sức mạnh từ Thánh Thần. Muốn thực thi không phải dễ dàng, mà gặp khó khăn từ giới hạn, sự yếu hèn và lòng tham, sân, si, của mỗi người. Từ sức mạnh của Thánh Thần giúp tiến bước trên con đường sự thật, giúp ích cho Giáo xứ, Cộng đoàn, cho Giáo hội và xã hội, đất nước của mình. Đã nhiều lần mình bắt Chúa phải theo ý mình. Có cầu nguyện mới nhận được ánh sáng, sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhìn vào đó để biết mình có sống, có kết hợp với Chúa hay không? Trái lại là do ảnh hưởng của Satan và đồng minh. Cần cầu nguyện cho các chị tuyên khấn và cả các tu sĩ biết sống cùng Chúa Thánh Thần trong lời nói, việc làm. Cũng xin Cộng đoàn cầu nguyện cho cả những người khác nữa luôn mãi.

Sau bài giảng, là phần nghi thức tuyên khấn trọn đời, các chị tân khấn xin nguyện đoan hứa: sống khiết tịnh, thanh bần, và tuân phục theo tu luật Thánh Âu Tinh, và luật dòng chị em Đaminh tại Việt Nam, thánh hiệu Đức Mẹ Mân Côi cho đến chết. Con quyết tâm, con tin phó thác đời con cho hội dòng, để nhờ ơn Chúa Thánh Linh, và sự phù trợ của Đức Trinh Nữ Maria, cha Thánh Đaminh và các Thánh. Con quyết tâm cùng với chị em, sống đức ái hoàn hảo theo ơn gọi Đaminh.

Sau phần tuyên khấn, Bề Trên Tổng Quyền chúc bình an cho từng Khấn sinh. Kể từ giờ phút này, các chị em là những phần tử chính thức của hội dòng, được chung hưởng mọi quyền lợi trong Cộng đoàn.

Kế tiếp, Đức Hồng Y làm phép và trao nhẫn cho các Khấn sinh. Chiếc nhẫn đơn sơ nhỏ bé nhưng nhắc nhở các chị, từ nay các chị thuộc về Chúa, để các chị chỉ yêu mến và sống cho Ngài.

Tiếp đến, Đức Hồng Y cử hành nghi thức Kim Khánh Khấn Dòng, chị Khấn sinh quỳ tuyên lại lời khấn. Lạy Chúa, năm mươi năm, hành trình cuộc đời dâng hiến của con đã luôn được lấp đầy bằng tình thương yêu của Chúa. Nguyện cho đời sống của con sẽ là bài ca ngợi tình yêu Chúa đến muôn đời. Hôm qua, hôm nay, mai kia tương lai hay cả cuộc đời. Chúa chính là phần gia nghiệp, Chúa chính là nguồn tình yêu. Dù đời đổi thay hôm mai, một lòng tin yêu son sắt, nguyện trung kiên theo bước chân Ngài.

Sau nghi thức Kim Khánh Khấn Dòng, cả Cộng đoàn sốt sắng và long trọng tiếp tục Thánh lễ: phần Phụng Vụ Thánh Thể.

Xin nguyện cho các chị Khấn sinh, được luôn mãi trung thành với lời đoan hứa trong tin yêu và phó thác.
 
Truyền giáo tại Việt Nam - Thử xem lại!
FX. Trần Kim Ngọc, OP.
10:57 13/08/2010
Truyền giáo tại Việt Nam - Thử xem lại!

Dẫn nhập

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang mừng kỷ niệm hai sự kiện lớn trong lịch sử truyền giáo của mình, 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm. Hai sự kiện này nói lên mức độ trưởng thành của một cơ cấu tổ chức. Lịch sử truyền giáo vẫn đang tiếp diễn trên dân tộc Việt Nam. Mỗi thời mang một sắc thái riêng. Thời đầu, các vị thừa sai đã không quản ngại để mang hạt giống Tin Mừng vào mảnh đất thân yêu này (1). Sau khi Lời Sự Sống được gieo trồng trên quê hương Việt Nam, vì nhiều lý do phức tạp, người ta cố tìm cách để trù dập hay thậm chí là muốn nhổ tận gốc mầm của Lời Sự Sống; thế nhưng mọi nỗ lực tận diệt đó đều không thành trước sức mạnh nội tại của Lời (2). Thời kỳ cấm cách qua đi, bầu trời trở lại bình yên, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn; tuy nhiên trong cái thời ổn định này, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng hầu như bị chững lại. Nêu lên những thành quả của cha anh để xem xét là tại sao con cháu lại không làm cho cây ra hoa kết quả (4).

1. Thời khai sinh

Công cuộc truyền giáo trên đất nước Việt Nam được bắt đầu kể từ năm 1533. Với một khởi đầu không mấy ai biết đến, khởi đầu đó chỉ được ghi lại như sau: “Năm Nguyên Hoà nguyên niên, đời Lê Trang Tông, có một dương nhân tên là I-Ni-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ.”

Nhìn lại quá khứ cách đây mấy trăm năm khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, thì động lực nào đã khiến những vị thừa sai - những người chẳng có họ hàng máu mủ gì với đất nước và con người Việt Nam chúng ta, đã nhiệt tình, can đảm, hết mình và xả thân vì mảnh đất và con người sống trên mảnh đất này bất chấp mọi khó khăn gian khổ khi phải vượt biển sóng dữ trùng khơi? Chính “tình yêu Đức Kitô thôi thúc” (xc. 2 Cr 5,14) họ mạnh dạn (xc. 2 Cr 5,8.11) và can đảm dám từ bỏ tất cả đến mức quên mình vì phần rỗi chúng ta (xc. 2 Cr 5,1-21). Họ nhiệt tình vì Nước Chúa mà quên đi mọi gian lao vất vả và thậm chí là bất chấp cả cái chết. Không có gì ngăn cản lòng họ nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng. Lửa truyền giáo cháy lên trong trái tim nhiều vị thừa sai. Chỉ xét xem thời gian lênh đênh gian khổ trên sóng nước mà các vị thừa sai đã phải trải qua cũng nói lên tinh thần quyết tâm và kiên cường đối với sứ vụ cao cả là gieo niềm tin và hy vọng cho những con người vừa xa vừa lạ: xa về khoảng cách địa lý; lạ về ngôn ngữ, tập quán và văn hoá.

Khi đặt chân đến một miền đất xa xôi và lạ lẫm như thế, các vị thừa sai đã làm gì để rao truyền sứ điệp cứu độ? Chúng ta cứ thử tìm hiểu và thử nghĩ xem. Xin đừng thần thoại hay thần thánh hoá các vị thừa sai là họ có khả năng thần thông, làm phép lạ này kia hay có tài biến đổi những người dân trong chốt lát thành những Kitô hữu sốt sắng. Các vị đã sống thật con người giữa những con người xa lạ, rồi từ từ cảm hoá những con người xa lạ đó bằng tình yêu thương. Chính tình yêu Đức Kitô thôi thúc họ thì cũng chính tình yêu ấy biến đổi những con người xa lạ ấy trở thành người thân, người nhà của các vị thừa sai, trở thành môn đệ của Đức Kitô.

2. Thời cấm cách

Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức, Giáo Hội tại Việt Nam tưởng chừng như không có một tí đất nào để sống sót, chứ đừng nói vươn lên. Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé và yếu sức nhờ vào sức mạnh nào, quyền năng nào hay thần lực nào để có thể tồn tại trước bao thử thách đau thương đó? Câu trả lời tuỳ thuộc vào cái nhìn của mỗi người! Đối với người không có đức tin, thì có lẽ họ sẽ trả lời là do sự gian xảo của các tín hữu, những người vẫn bị coi là “quân tả đạo”, “tà đạo”...; đối với người theo chủ nghĩa cục bộ, câu trả lời có lẽ là nhờ sự tiếp sức của thế giới ngoại xâm, nhờ thực dân...; đối với người có niềm tin, thì câu trả lời chắc chắn là nhờ vào quyền năng Thiên Chúa, các tín hữu mới có thể vượt qua mọi thử thách, đau khổ, bắt bớ và tù đày.

Những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc không làm suy giảm đức tin của các tín hữu nhưng lại làm cho đức tin ấy kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và sáng hơn. Các tín hữu đã cảm nghiệm được động lực thiêng liêng để có đủ sức chịu đựng tất cả, như lời thánh Phêrô nói: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,6-9).

Từ năm 1833 đến 1862 là thời kỳ bách hại đạo nghiệt ngã, nhưng số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng từ 320.300 năm 1800 lên đến 426.000 vào năm 1855. Tại sao trong thời kỳ khó khăn như thế mà công cuộc truyền giáo vẫn phát triển mạnh. Chẳng lẽ chúng ta cứ mong Giáo Hội luôn luôn bị bách hại để có thêm người tín hữu? Phải chăng chúng ta cứ mong có nhiều đầu rơi máu chảy để có nhiều người khác theo đạo? Có nhất thiết như thế không? Phải chăng là cần có những trang sử hào hùng để có thật nhiều vị tử đạo? Hằng ngày chúng ta vẫn thường cầu nguyện cho Giáo Hội được bình an và tự do để thi hành sứ vụ Chúa giao phó là gì, nếu không muốn nói là có bớt những bắt bớ, cấm cản và tù đày...?!

3. Thời ổn định

Trong thời kỳ bị bách hại ráo riết, thế mà Giáo Hội vẫn cứ phát triển mạnh, lan rộng nhanh, đức tin kiên cường, người tín hữu hết mình vì Đạo Thánh. Còn thời bình thì sao? Một điều thật nghịch lý là càng được yên ổn bao nhiêu thì Giáo Hội lại không tiến được tí nào bấy nhiêu! Chúng ta thử lấy hai con số cách nhau hơn 30 năm để so sánh: năm 1970, theo thống kê của Thánh Bộ Truyền Giáo dân số Việt Nam là 38.113.000 trong đó có 2.491.839 người tín hữu, người công giáo chiếm 6,5% dân số; theo thống kê năm 2004, dân số Việt Nam là 82.300.000 trong đó 5.670.000 tín hữu, người công giáo chiếm tỉ lệ 6,88%. Hai con số ấy chênh nhau không là bao, cho thấy công cuộc truyền giáo đang khững lại, nếu không muốn nói là không có một sự truyền giáo nào. Vì tỉ lệ gia tăng số người công giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước.

4. Thử xét mình lại xem!

Điều gì đã khiến công cuộc rao giảng Tin Mừng tiến chậm? Phải chăng là do mất lửa truyền giáo? Chúng ta hằng ngày vẫn kêu gọi và cầu nguyện cho việc truyền giáo; lại có cả một năm là Năm Thánh Truyền Giáo (2003); trong năm này có nhiều băng rôn, khẩu hiệu treo trong hầu hết các nhà thờ trong suốt năm này, nhiều khoá học tập thư chung của HĐGM gửi cho cộng đồng Dân Chúa... Trong suốt năm thánh này, lửa truyền giáo đã được đốt lên. Lửa đó đã kịp cháy chưa? Lửa đó có cháy lên trong trái tim của mỗi con người tín hữu không? Hay là chỉ cháy lên nơi những khẩu hiệu? Xong rồi tắp ngúm mất tiêu!

Truyền giáo không tiến triển tí nào, phải chăng là thiếu nhân sự? Hẳn là không phải thế. Bởi vì tại Việt Nam ơn gọi tu trì trong những năm gần đây đều tăng; số dòng tu nước ngoài vào tuyển ơn gọi cũng đông; nhiều dòng mới được thành lập; số giáo lý viên tăng; các hội đoàn ngày thêm nhiều... Và các dòng tu lo việc truyền giáo cũng không thiếu. Nói rộng ra, mỗi người tín hữu là một người truyền giáo, vậy hơn sáu triệu người thì phải có hơn sáu triệu nhà truyền giáo! Nhân sự thật dồi dào! Có điều là sử dụng được đấy thôi!

Vậy thì do thời thế chăng? Lý do này lại không có tính thuyết phục tí nào, bởi vì ngày hôm nay, chúng ta có nhiều phương tiện hơn, có nhiều điều kiện hơn,... Trong những thời kỳ khó khăn cấm cách, đức tin chẳng lớn lên mạnh mẽ đó sao?!

Có phải là do thiếu tài chính? Cứ rảo quanh một vòng đất nước, rõ ràng là có nhiều nhà thờ mới được xây dựng, có nhiều công trình mới được hoàn thành... Thiếu tài chính mà đâu đâu cũng thấy xây nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý,... ? Tài chính có vẻ không có cho quỹ truyền giáo, nhưng có lẽ không thiếu!

Có nhiều câu hỏi nữa cần đặt ra, nhưng chừng ấy cũng đủ để mỗi Kitô hữu Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ. Đừng nói là các vị thừa sai hồi xưa có cái này cái kia, nên mới truyền giáo được như thế! Mà mỗi người hãy tự hỏi chính mình tại sao mình lại không đi truyền giáo và không truyền giáo được!

Thay lời kết

Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là truyền rao ơn cứu độ cho muôn dân. Mỗi người Kitô hữu là thành phần trong gia đình ấy, do đó, chúng ta cũng có thể nói được là mỗi thành phần trong gia đình ấy đều được mời gọi ra đi truyền giáo. Hơn bao giờ hết, Năm Thánh 2010 là một lời mời gọi khẩn thiết Giáo Hội gửi đến mỗi người tín hữu Việt Nam và cũng là một lời thách thức để xem người tín hữu Kitô tại Việt Nam sau năm thánh đặc biệt này có làm gì được cho quê hương này không. “Con hơn cha là nhà có phúc”, có lẽ các thế hệ cha anh của chúng ta đã có công vun trồng lên ngôi nhà Giáo Hội tại Việt Nam này đều mong muốn chúng ta làm hơn thế nữa cho dân tộc này! Mong thay!
 
Khai mạc Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời ''Cùng Mẹ ra khơi loan báo tin Mừng''
Trương Trí
12:08 13/08/2010
LAVANG - Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời năm nay nhằm ngày Chúa nhật, nên theo chương trình, Tòa Tổng Giám mục Huế và Trung tâm Hành hương La Vang dời ngày khai mạc vào chiều thứ sáu 13.8 và bế mạc vào sáng thứ bảy 14.8. Năm nay cũng chỉ là hành hương thường niên, nhưng số lượng khách hành hương quy tụ về bên Mẹ cũng rất đông.

Hình ảnh hành hương La Vang

Từ 15giờ chúng tôi đã có mặt tại Thánh địa La Vang, con đường từ quốc lộ 1 vào đã được mở rông hơn một nửa tính từ cổng Trung tâm. Nhờ đó xe cộ từ khắp nơi về đây có chỗ đậu rộng rải và an toàn. Cổng chính Trung tâm vừa được xây dựng xong khang trang và thật hoành tráng để chuẩn bị cho ngày Đại lễ Bế mạc năm Thánh Giáo hội Việt Nam. Những bức tường thành bao quanh với hệ thống cống rãnh đúc bằng bêtông, dọc theo những bức tường thành là hệ thống nhà vệ sinh khép kín, sạch sẽ. Từng đoàn người từ khắp mọi miền đất nước tấp nập tiến vào Thánh địa.

Đến 17giờ30, chừng 1ngàn anh chị em trật tự viên gồm Hướng đạo sinh, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ và Gia trưởng thuộc Giáo phận Huế bắt đầu triển khai giữ gìn trật tự chuẩn bị cho Thánh lễ khai mạc. Ba đội trống và kèn đồng của giáo xứ chính tòa Phủ Cam, giáo phận Thái Bình và giáo phận Vinh lần lượt tấu nhạc chào mừng. Đoàn rước được dẫn đầu với Thánh giá đèn hầu, các nữ tu, các tu sĩ, lễ sinh, chủng sinh và các thầy đại chủng sinh. Đoàn đồng tế do Đức Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế F.X. Lê Văn Hồng chủ sự, cùng với Đức Giám mục phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức Giám mục giáo phận Vinh PhaoLô Nguyễn Thái Hợp và trên 100 linh mục trong và ngoài nước cùng đồng tế. Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 100 ngàn khách hành hương tham dự thánh lễ vọng mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay.

Đoàn rước từ nhà hành hương trung tâm tiến về Linh Đài Đức Mẹ trong tiếng hát của bài ca nhập lễ “Kính mừng Nữ Vương” tôn vinh Mẹ thật uy nghiêm, cộng đoàn hướng về Đức Mẹ thật sốt sắng.

Mở đầu thánh lễ, linh mục quản nhiệm La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền thay mặt Ban tổ chức chào mừng quý Đức Giám mục, các linh mục, các bề trên dòng và toàn thể cộng đoàn dân Chúa từ khắp mọi miền đất nước hành hương về bên Mẹ La Vang nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, đồng thời ngài cũng công bố thánh lễ khai mạc do Đức Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế F.X.Lê Văn Hồng chủ tế.

Sau thánh lễ, Đức cha chủ tế đã mời các Đức cha cùng ban phép lành trọng thể, cộng đoàn cung kính đón nhận.

Đúng 20giờ30, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể đã chủ sự cuộc rước kiệu Thánh Thể, các Đức Giám mục và các linh mục đều mặc áo Alba tay cầm nến sáng sốt sắng đi trước bàn kiệu, các em thiếu nhi thuộc giáo phận Đà Lạt trong lễ phục Thiên Thần múa rãi hoa tôn vinh Thánh Thể thật sinh động. Trong bầu trời đêm, lung linh ánh nến thêm phần uy nhiêm và trang trọng. Kết thúc buổi rước kiệu tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến sự liên kết mật thiết của Mẹ trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu.

Sau buổi rước kiệu, các linh mục đã ngồi tòa giải tội cho những ai có nhu cầu, rất đông người lãnh nhận bí tích hòa giải, chân thành sám hối với ước mong tâm hồn thanh sạch để được đến gần Mẹ chí Thánh.
 
Giáo xứ Cồn Dầu mừng 80 năm thành lập, 135 năm đón nhận Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô
Toma Trương Văn Ân
12:54 13/08/2010
ĐÀ NẴNG - Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Tiền Nhân, Giáo dân Cồn Dầu đã được đón nhận Tin Mừng 135 năm và 80 năm đặt nền móng xây nhà thờ đầu tiên, tại sân trước của nhà thờ hiện nay, chính thức hình thành Giáo Xứ.

Hình ảnh Lễ Mừng và di vật lâu đời

Hôm 9 / 8 / 2010, Giáo xứ Cồn Dầu đã tổ chức đêm diễn nguyện Tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Tiền Nhân với những bài ca, vũ điệu, nghi thức niệm hương, tưởng niệm làm mọi người có mặt xúc động.

Hành trình Đức Tin Giáo xứ Cồn Dầu trải dài 80 năm, mang bao dấu ấn Thiên Chúa, lúc ẩn dấu tiềm tàng, lúc hiện lộ rõ như những chứng tích Tình yêu Thiên Chúa trong lộ trình 40 năm sa mạc dân Israel.

Công lao bao đời Linh Mục, cách đặc biệt tri ân Cố Thiên (LM Donatus Stephanus Mallard) tiiên khởi khai mở, Cố Thiết (LM Pierre Gallioz) thiết lập Giáo xứ, Cố Mừng (LM Tadeo Nguyễn Hữu Mừng) phát triển Giáo xứ, nhiều thế hệ Cha Ông đã gây dựng phát triển Đức Tin và mảnh đất này.

Những bài hát ca tụng Cồn Dầu:
Bài hát: Dâng Lời Tạ Ơn - Trương Văn Ân
Bài hát: Ghi Ơn Tiền Nhân - Trương Văn Ân
Bài hát: Đến với Cồn Dầu - Trương Văn Ân
Bài hát: Tình quê Cồn Dầu - Trương Văn Ân
Bài hát: Gởi nắng, gời gió - Cát Tiên

Lúc 8 giờ 30 sáng 10 /8 / 201, ĐGM GiuSe Giám Mục Giáo phận cùng Đồng Tế với hơn 40 Linh Mục, khoảng 1200 người tham dự gồm Giáo dân Cồn Dầu, bà con gốc Cồn Dầu ở Easup (Đắc Lắc) và Trà Cổ (Hố Nai) cùng dâng Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Bổn mạng Giáo xứ), Tạ Ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các vị Tiền Nhân, với sự hiện diện quý khách tôn giáo bạn, đại diện các thôn làng lân cận, khách mời và Chính Quyền địa phương.

ĐGM mời gọi mọi người hiện diện biết đặt niềm tin vào Chúa, Đấng ban an bình và sự hiệp nhất, cầu nguyện cho linh hồn bà Maria Tân, anh Toma Năm và những Người đã chịu khó khăn thiệt thòi trong thời gian vừa qua, cầu cho các vị lãnh đạo Chính Quyền được sáng suốt để mọi người được hưởng an bình hạnh phúc, bác ái và nghĩa đồng bào được thực thi, biết quan tâm và tôn trọng lợi ích của người nghèo.

ĐGM đã dùng đoạn Tin Mừng Thánh Mác Cô, chương 5 thuật lại việc Chúa chữa lành cho người bị quỷ ám, sau khi được chữa lành, anh này muốn xin đi theo Chúa, nhưng Chúa đã nói anh hãy về làm chứng cho bà con tại quê hương của anh. ĐGM chia sẽ ơn gọi khi nhận lãnh Tác Vụ Linh Mục và được sai về quê hương Hà Lam, Quê Hương của Ngài làm Mục Vụ, nhiều thách đố vì Bụt nhà không thiêng, để khẳng định mỗi người chúng ta cũng được Chúa sai về nói với chính bà con quê hương của mình với những khó khăn nhất định.”anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người yêu thương anh như thế nào”( Mc 5, 19 )

Cuối Thánh Lễ, sau phần cám ơn của vị đại diện Giáo xứ, ĐGM đã tặng Giáo xứ tấm tranh mỹ thuật vẽ cánh đồng Cồn Dầu, xa xa là ngôi Thánh Đường mới, trên bầu trời vầng sáng, một đàn én cao vút bầu trời của nữ Họa Sĩ Nguyễn Thị Quang Vinh tặng cho Tòa Giám Mục năm 2006 và đã được treo ở phòng khách TGM. nhìn bức tranh tuyệt đẹp và nhiều ý nghĩa, mọi người không khỏi xao lòng, vì có thể một ngày không xa, cảnh vật Cồn Dầu sẽ không còn như vậy nữa.

Tiếp đó các em thiếu nhi đã vũ bài Ave Maria của Schuber với giai điệu mượt mà vũ điệu uyển chuyển, nâng tâm hồn mỗi người lên Tiên cảnh, nơi Đức Maria và các Thánh chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa.

ĐGM đã ban Phép Lành với ơn Toàn Xá trong năm thánh 2010.

Tạ Lễ là một hợp xướng “Dâng Lời Tạ Ơn” cảm tạ Thiên Chúa và tri ân các vị Tiền Nhân được sáng tác để dùng cho dịp Đại Lễ này ( có bài hát đính kèm ) làm rung động mọi người.

Sau Thánh Lễ, buổi tiệc mừng được tổ chức chu đáo, kèm theo một chương trình văn nghệ đặc sắc “cây nhà lá vườn” để lại nhiều ấn tượng tốt với mọi người.

Bịn rịn chia tay với anh chị em Cồn Dầu, mọi người đều nguyện một điều như lời bài hát tạ Lễ “nguyện xin Chúa dẫn đưa ( Cồn Dầu ) trên muôn dặm trường, đường tương lai nguyện nương vào Chúa thôi”.
 
''Việc Chúa làm cho ta, Ôi vĩ đại!''
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, O.P.
21:56 13/08/2010
Ngày xưa, khi dân Do thái được Chúa đưa về từ Ba-by-lon, nơi họ phải làm tôi 70 năm, họ đã vui mừng cất tiếng tung hô: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại.”

Cả một dân tộc bị bứng đi khỏi nơi chốn nhau cắt rốn trong một thời gian khá dài, đã nói lên tâm trạng ngỡ ngàng và niềm vui chan chứa của mình khi trở về trong những câu thơ:

“Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về
Ta tưởng minh như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói
Rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.”


Thật vậy. Làm sao không tưởng là mơ, khi chẳng có một nhà cách mạng hay anh hùng dân tộc nào đứng lên khởi nghĩa, thế mà dân Do thái lại được giải thoát khỏi ách nô lệ, trở về quê cha đất tổ, không tốn phí một chút tài lực hay nhân lực. Số là Chúa đã soi lòng cho vua Ki-rô để họ ra đi, lại còn xuất tiền trong công quỹ giúp họ xây dựng lại đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Khi nhớ lại biến cố này, có người đã liên tưởng đến cuộc trở về của Đức Cha Giu-se Ngô quang kiệt chiều ngày 6 tháng Tám mới đây. Khi ngài ra đi cách đột ngột đêm ngày 12.5.2010, ít ai nghĩ rằng ngài có thể trở lại Việt Nam chỉ gần ba tháng sau khi vắng mặt. Người ta không hy vọng ngài trở về, vì chính quyền Hà nội nhất quyết bằng bất cứ giá nào phải đẩy ngài ra khỏi Hà nội và Việt nam. Ngài đã ra di trong nỗi buồn sầu và tiếc thương của rất nhiều người, vì người ta vẫn nghĩ rằng chẳng bao giờ ngài còn được trở về nữa.

Ấy thế mà nay ngài đã trở về ! Ngài không còn mất ngủ, sức khoẻ được phục hồi nhanh chóng. Những ai yêu mến và nhớ thương ngài, nay hẳn lấy làm vui mừng và sung sướng. Đọc các lời phát biểu và xem hình ảnh trên một số trang mạng, người ta cảm nhận được điều đó. Đã có những lời cầu nguyện và tạ ơn: cầu nguyện cho ngài được bình an mạnh khoẻ và tạ ơn vì Chúa đã đưa ngài về, cũng như xưa đã đưa dân Do thái trở lại Giê-ru-sa-lem.

Việc Chúa làm thật vĩ đại, ngoài sức tưởng tượng và suy đoán của con người. Mới dây thôi, người ta còn đề nghị Vatican không để cho ngài về trong tháng Mười vào dịp họp của HDGM, cũng không cho giữ một chức vụ nào tại Vatican. Ý định tống khứ thật là quyết liệt. Nhưng sự việc lại diễn ra theo một lối khác. Bình thường mà nói, dễ gi ngài về được và có về thì cũng chưa chắc đã được vào.

Thế mà nay ngài đã về, đã vào và đang ở đó như một ngọn đèn chầu, đêm ngày cầu nguyện cho sụ thật và công lý được tôn trọng trong tư thái bình an và siêu thoát. Nhìn bên ngoài thi xem ra như đó là một sự dàn xếp ngầm giữa các bên liên hệ, nhưng nhìn theo con mắt đức tin thì phải nghĩ rằng đó là một sự sắp đặt nhiệm mầu của Chúa, một công việc vĩ đại của Người.

Thật đúng như lời thánh vịnh 125:

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra di, đi mà mà nức nở
Mang hạt giống vãi gieo;
Lúc trở về, về reo hớn hở
Vai nặng gánh lúa vàng.”
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Là Vinh Dự hay là Nghiệp Chướng đây? Nghề làm luật sư biện hộ cho Đức Giáo Hòang
Trần Mạnh Trác
13:52 13/08/2010
Những ngày gần đây, nghề làm luật sư cho giáo hội quả là gian nan. Cãi một vụ án ở ngoài đời đã khó rồi, mà cãi cho một giáo hội lấy 'sự thương yêu và tha thứ' làm gốc thì càng khó hơn. Nghĩa là, nếu đối phương đập (nghĩa bóng) cho anh một trận ở trên tòa thì anh chỉ có quyền né, chứ không có quyền đập lại, và dĩ nhiên đừng mơ tưởng tới những mánh khóe đâm sau lưng đối phương như thói đời.

Nói một cách cụ thể hơn, phận sự lên tòa của anh là làm bia đỡ đạn.

Thảo nào giáo hội đã thua dài dài, tiền bồi thường trả ra như nước.

Xin Chúa cứu chữa.

Vậy mà có người cả gan nhận làm luật sư cho Đức Giáo Hòang!

"Tôi là luật sư của Tòa Thánh," ("I am counsel for the Holy See," ) Jeffrey S. Lena, năm nay 51 tuổi, tự giới thiệu mình với đối thủ là bà Lee Boyd của tổ hợp Luật Sư Howarth and Smith trong vụ kiện Vatican Bank tại California hồi năm 2000.

Lúc đó Lena đang dạy học tại University of Turin bên Ý thì được mời đi giúp vụ kiện này bởi vì nó xảy ra gần quê nhà của anh là vùng San Francisco.

Trong vụ kiện, nhiều người sống sót từ Holocaust tại Croatia, Ukraine và Yugoslavia đã kiện Vatican Bank, cho rằng nhà băng đã nhận hằng triệu dollars là trị giá tài sản của họ bị cướp giật bởi Quốc Xã Đức.

"Rõ ràng anh ta không phải là một luật sư nặng ký," Bà Boyd nhận xét "anh ta không có vẻ hăng hái, cũng không trông sáng sủa như phần đông các luật sư hùng biện trên tòa. Anh ta chỉ thụ động. Trông như là một thầy cãi ở miệt vườn, không có khả năng nhìn thấy vần đề lớn trước mặt. Tôi nghĩ là anh ta sẽ không thể sống được trong một thế giới của những tổ hợp luật sư lớn. Anh ta không thuộc lớp ấy và cũng không thể sánh vai với tầng lớp ấy (các LS của tổ hợp lớn). Tôi không thể hiểu tại sao Vatican không thuê một tổ hợp luật sư giống như các nước khác vẫn làm mà lại thuê cái anh Jeff Lena này, thật là một bí ấn"

Những lời khinh thường ấy không được bền lâu. Kết quả là Tòa Thượng Thẩm quận 9, tuy cho rằng những tranh cãi về tài chánh thì không nên dùng nguyên tắc chính trị mà giải quyết, nhưng ngân hàng Vatican rõ ràng là một cơ sở của nước ngoài và vì thế những luật lệ Hoa Kỳ không thể áp dụng trên một quốc gia có chủ quyền.

Khi được hõi về câu chê bai của bà Boyd, Jeff Lena chỉ trả lời ngắn gọn: "Dĩ nhiên bà ấy phải khó chịu bởi vì tôi đã đánh bại bà ta.."

Nhưng không chỉ có phe địch mới tỏ vẻ khinh thường anh, mà ngay cả những đồng minh cũng đánh giá thấp anh.

"Ông ta được thuê vì người ta cần một ai đó ", theo nhận xét của Mark Chopko, tổng tư vấn cho Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ từ năm 1987 cho đến 2007, và hiện làm việc cho một tổ hợp ở Washington. "Những tranh chấp về thương mại thì mất nhiều lao lực; giới hữu trách của Roma chắc nghĩ rằng họ cần một luật sư về thương mại."

Hình như sự lựa chọn của Vatican về một luật sư chưa nổi tiếng và chưa có thành tích đã chạm vào tự ái của nhóm luật sư đang đại diện cho các giáo phận Mỹ.

"Nó không hẳn là ghen tị. Nhưng là một cảm giác 'làm thế nào mà ai đó ở ngòai kia (Vatican) lại biết có một người có chuyên môn như thế này mà chúng tôi đã không bao giờ nghe nói về anh ta cả'?" theo lời luật sư James Geoly, luật sư của tổng giáo phận Chicago và đang là đại diện cho một bị đơn trong vụ án ở Oregon có liên hệ tới Tòa Thánh.

""Cho nên chúng tôi đã phải trải qua một giai đoạn làm quen với nhau. Nhưng rất nhanh chóng Jeff đã kết thân với tất cả các luật sư của các giáo phận. Và họ đã biết và đánh giá anh ta rất cao", ông nói thêm.

Cũng vậy, đối thủ của Lena cũng đánh giá anh rất cao sau những lần so găng.

Anderson, người đang kiện Tòa Thánh tại Oregon, cho biết ông dự kiến Vatican sẽ thuê một tổ hợp "tay thì đeo găng trắng, nhưng máu lại là lọai máu xanh,".

Nhưng sau khi đụng trận với Jeff, ông bộc lộ: "Anh ta tuy không phải là một đại hãn (bigshot) trong một công ty lớn, nhưng anh ta quả là một luật sư ghê gớm".

Trong vụ án Oregon, luật sư Kelly Clark đòi hỏi cung Đức Hồng Y William Levada, tổng giám mục cũ của Portland, Oregon, và bây giờ là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin tại Vatican. ĐHY Levada đã trả lời xong các cuộc hỏi cung từ năm 2006 về sự kiện các linh mục lạm dụng tình dục.

Nhưng Clark còn có vài khiếu nại về cuộc hỏi cung đó. Bất ngờ Lena tung ra một tá hạn chế về những gì có thể hỏi, với lý do là ĐHY Levada bây giờ là một quan chức của nước ngoài cho nên có quyền đặc miễn Ngọai Giao.

Cuối cùng, thì thẩm phán đã đồng ý với Lena mà hạn chế Clark chỉ được hỏi thêm những gì mà ĐHY Levada có trách nhiệm trong thời gian ở Portland mà thôi.

Lena cho biết vị thẩm phán đã làm đúng khi công nhận rằng các giáo phận là độc lập với Tòa Thánh.

"Đức Giáo Hàng không phải là một ông tướng năm sao đang điều binh khiển tướng, " Lena nói. "Các Giám mục cũng không phải là thuộc hạ hay là phụ tá của giáo hoàng. Quyền của một giám mục đến từ Chức Vụ của mình.. Giám Mục điều khiển giáo phận của mình và trách nhiệm những gì xảy ra."

Được bạn và thù nể sợ cũng chưa phải là điều đáng nói, chiến thắng trên tòa vẫn là mục tiêu tối hậu.

Mấy ngày qua, báo chí sôi nổi vì một chiến thắng ngọan mục.

Một luật sư thành công nhiều vụ kiện chống lại các giáo phận Công giáo Mỹ vứa tuyên bố bỏ cuộc.

"Để chiến thắng Vatican thì cũng giống như bạn phải có đủ sức lực mà xoay chuyển hết tất cà các hành tinh và mặt trăng vào một hàng với nhau," luật sư Bill McMurry tuyên bố sau khi ông nộp đơn bãi nại tại tòa án Kentucky, chấm dứt vụ kiện Vatican về tất cả các lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ Công giáo tại Hoa Kỳ, thường được coi là vụ kiện có nhiều cơ may thắng cuộc nhất.

"Chúng tôi không muốn đập đầu vào bờ tường mãi nữa. Nó vượt khỏi bàn tay của tôi vì bây giờ chúng tôi không thể đáp ứng được những gánh nặng mà tòa án đã đặt trên nguyên đơn"

McMurry đã thắng 26 triệu dollars tại Giáo phận Louisville năm 2003 và ông muốn thừa thắng xông lên nhắm vào chính Đức Giáo Hòang.

Để chống lại, tháng trước Lena nộp tài liệu với tòa kháng án Quận 8 Hoa Kỳ ở Louisville tuyên bố rằng Đức Giáo Hòang được đặc miễn khỏi thẩm quyền của tòa án Hoa Kỳ vì ngài là người đứng đầu của một quốc gia có chủ quyền; Lena cũng xác định các giáo phận là độc lập và bác bỏ luận cứ cho rằng chính sách của giáo hội năm 1962 là giữ bí mật trước chính quyến dân sự vế các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục.

McMurry nói rằng ông nghĩ Lena là một luật sư có tài, mặc dù lần đầu tiên khi ông nghe "tay mơ" này xưng là luật sư chính của Tòa Thánh ông đã nghĩ rằng "anh ta nói sạo."

Còn có hai vụ kiện Tòa Thánh nữa ở Hoa Kỳ. Ở Oregon do Anderson chủ xướng và ở Wisconsin cũng do Anderson nộp đơn. Anderson mới đây tiết lộ ông thu được trên 60 triệu tiền lời từ các vụ kiện ở cấp giáo phận và cũng như McMurry muốn mở kho tàng của Vatican.

Trước sự thất bại của McMurry, Anderson tuyên bố vụ kiện của ông vẫn tiếp tục, nhưng các nguồn tin thân cận cho biết ông ta đang chuẩn bị bãi nại vào tháng sau, vào dịp mà Lena sẽ đệ đơn đòi hủy bỏ vụ kiện tại Oregon một lần thứ hai.

Còn vụ kiện ở Wisconsin? Theo Lena cho biết thì cho tới nay bên nguyên cáo vẫn chưa nộp bằng chứng tội phạm và cũng chưa đòi hỏi lấy khẩu cung.

Hình như Lena đã tìm ra chìa khóa của sự thành công. Con người "cù lần" này đã để mặc cho các đối thủ mở rộng chiều kích của các vụ kiến trong nhiều năm để rồi vỏn vẹn đặt ra một câu hỏi rất căn bản, một cách rất nôm na là: "Nếu các anh muốn kiện Đức Giáo Hòang, thì trước tiên các anh có cái quyền đó không đã?"

"Vatican chỉ là một chủ quyền nhỏ,"Lena nói, "nhưng không có nghĩa là quyền của nước đó có thể bị chà đạp trong vấn đề này."

Mà khi nói tới chủ quyền quốc tế thì ngay cả tổng thống Mỹ cũng lên tiếng phụ họa. Không môt ai muốn thầy cảnh một ông tổng thống Mỹ phải trình diện trước tòa án Afganistan theo trát đòi của họ cả.

Đó là chưa kể những con mắt thế giới lo ngại nhìn vào cách giải quyết của tòa án Hoa Kỳ. Áp lực quốc tế là rất lớn, do đó cái hậu thuẫn mà Lena tự nhiên có sau lưng thì cũng vô cùng lớn.

So sánh một tổ hợp luật sư có nhiều chi nhánh và đông đảo luật sư dưới trướng với một anh luật sư "solo" mà văn phòng là một cái gác xếp để sách của vợ thì quả là một sự so sánh bất tương xứng. Nhưng ngươc lại nếu nhìn về khía cạnh chi phí của một tổ hợp lớn muốn quảng bá danh tiếng qua những vụ kiện xuyên quốc gia với chi phí của một luật sư nhỏ không cần quảng cáo thì sự chênh lệch về chi phí cũng sẽ là vô cùng lớn.

Các tổ hợp có mục đích làm tiền thì họ sẽ lùi bước sớm trước một nghiệp vụ tốn kém, trước khi bị phá sản.

McMurry than phiền đã bỏ ra 600 ngàn để chỉ theo đuổi một mối dây mà thôi. Còn Anderson thì chưa cho biết ông đã chi bao nhiêu, nhưng chắc chắn là cũng lớn lắm.

Rõ ràng Của Thiên thỉ trả Địa,

Còn về phần Lena, hình như anh không thoải mái với sự nổi tiếng mới của mình.

"Hai tuần trước, tôi là một luật sư chỉ biết tới trường hợp của riêng tôi", Lena nói với Associated Press. "Bây giờ thì khác rồi."

Lena từ chối chụp hình cho bài viết của AP, nói rằng anh đã nhận được nhiều đe dọa vì biện hộ cho Vatican. Anh đã chuyển văn phòng nhỏ của mình đến một địa điểm bí mật ở Berkeley.

Khi Washington Post bắt kịp với Lena tuần trước, "anh đang cố gắng để cắt bớt cà phê. Anh nhìn rất mệt mỏi. Với đôi mắt nâu thâm quầng, tóc hoa râm, có dáng đàn bà. móng tay không cắt, mặc áo nỉ quần bluejeans, anh nhìn không giống như là một luật sư biện hộ cho đức giáo hoàng, vị lãnh đạo tối cao của một Giáo Hội phổ quát, là hoàng tử của các tông đồ và là đại diện của Chúa Kitô trên Trái Đất"

Thế mà người đàn ông khiêm tốn ở Berkeley này lại là trung tâm giải quyết các vụ bê bối lạm dụng tình dục có liên hệ tới Vatican.

Bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ mà Vatican là bị cáo, thì Lena có mặt ở đó để bảo vệ.

Tại Kentucky, anh đại diện cho đức Giáo hoàng Benedict trong một trường hợp liên quan đến lạm dụng trẻ em của giáo sĩ. Tại Mississippi, anh chống lại cáo buộc rằng Vatican có tham gia vào một chương trình rửa tiền. Tại New York, Lena bảo vệ Tòa Thánh trong một tranh chấp thương mại liên quan đến giấy phép cho việc sử dụng hình ảnh của viện Bảo Tàng Vatican.

Nguồn gốc Lena làm việc với Vatican bắt đầu như thế nào là một bí ẩn mà anh từ chối soi sáng.

"Tôi không bao giờ muốn bị công chúng nhòm ngó", anh nói sau ba giờ đồng hồ trốn trong một phòng xử án trống ở Austin để tránh các nhiếp ảnh gia. "Và điều này xảy ra giống như đột nhiên cửa sổ nhà riêng của tôi bị mở toang vào chốn công cộng. Tôi muốn giữ sự riêng tư của tôi."

Lena sống với vợ và con trai trong một mái nhà ở Berkeley Hills. Anh không có máy TV cho mãi đến mùa Giáng sinh vừa qua. Gia đình anh đã sở hữu căn nhà này từ những năm 1960. ông nội của anh, Lino Lena, di cư từ Ý sang, cha của anh, Leland, là giáo viên công lập, đã tham chiến tại Việt Nam trên một tầu tuần dương.

Lớn lên trong một gia đình Công giáo, Lena và hai em đã theo cha mẹ đi lễ Chúa nhật và đi tìm trứng trong mùa Phục Sinh. Lena vốn có tính nhút nhát, hay bị hỏang (cerebral) và rất thể thao. Theo người em trai tên là Justin đang sống ở Nam Dakota thì anh thích nghiên cứu về môn chơi tennis và đã từng học tiếng Latin.

Các câu hỏi về quyền hạn của luật Hội Thánh và pháp luật dân sự luôn luôn lẩn quẩn trong tâm trí của Lena khi anh lớn lên.

Vào năm 1962, ĐGH John XXIII, còn được gọi một cách trìu mến là "Vị Giáo Hòang nhân từ," ban hành một chính sách lên án các tội phạm trong tòa giải tội là những tội phạm "thối tha," và gọi các giáo sĩ có hành động nhơ bẩn đối với trẻ em là "những con thú vật." Nhưng lúc ấy mối quan tâm của Giáo hội cũng là để bảo vệ các linh mục thể hiện quan điểm đối lập khỏi bị trừng phạt oan uổng bởi các giám mục đầy uy quyền. Cho nên cũng nhấn mạnh đến chính sách giữ bí mật trong giáo hội và chính quyền dân sự, liên quan đến những hình phạt nặng nề của giáo hội như việc bãi nhiêm một linh mục.

Tốt nghiệp Trung Học với số điểm khá cao, nhưng Lena tuyên bố anh thích công việc thể thao hơn, anh làm việc cho một công ty xây dựng và giúp người em họ xây nhà ở Oakland Hills.

Anh chỉ trở nên hiếu kỳ về mặt trí tuệ khi theo học tại trường Đại học California tại Santa Cruz, Anh tốt nghiệp năm 1982, và lấy được MA về lịch sử tại Đại học California tại Berkeley vào năm 1986, tiểu luận cao học của anh là vai trò của các tôn giáo trong việc định hình lịch sử của nước Mỹ.

Năm 1988 anh kết hôn với cô Adele D'Alessando, quê ở Milan bên Ý, và học lớp tiến sĩ về lịch sử; anh hoàn tất khóa học và thi khảo hạch xong nhưng không bao giờ trình luận án. Cùng lúc đó, anh bắt đầu giảng dạy môn lịch sử tại Berkeley và Đại học Maryland.

Năm 1993, Lena theo học trường luật Hastings College, và làm bạn với Ugo Mattei, một học giả pháp lý nổi tiếng người Ý mà Lena gọi là một bậc thầy.

Với sự giúp đỡ của Mattei, Lena chuyển từ trường luật ở Berkeley sang nghiên cứu tại Đại học Milan bên Ý. Sau khi hoàn tất bằng luật của mình, Lena đi qua Ý vào năm 1996 làm giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học của Ý.

Tại một nơi nào đó dọc theo con đường đời ở bên Ý, Lena đã gặp một mối quan hệ làm thay đổi cuộc sống của anh với Tòa Thánh. Lena chỉ vỏn vẹn cho biết anh đã trở thành cố vấn cho Vatican qua "hiệp hội học thuật và chuyên nghiệp Ý" và từ chối yêu cầu giải thích thêm về sự kết nối đó.

Mattei, người đã chấm dứt những quan hệ với Lena, thì tuyên bố là do ông ta giới thiệu.

"Tôi giới thiệu anh ta với Vatican cho một số trường hợp ở Mỹ không còn liên quan đến các vấn đề hiện tại", ông Mattei nói trong một e-mail. Ông nói thêm, "Chúng tôi làm việc chặt chẽ với nhau cho Vatican như là một cặp vợ chồng, kéo dài được ba năm, nhưng đó là dưới thời của Đức Giáo Hoàng trước và với vị Quốc Vụ Khanh trước (Tổng trưởng Ngọai giao)."

Nhưng Mattei, người từng gọi tờ báo "Tuyên ngôn Cộng sản Ý" là tờ báo yêu thích của mình, thì khó mà là một môi giới giữa Lena và Vatican. "Mattei là một người cánh tả", theo lời ông Antonio Gidi, người đồng sáng tác một cuốn sách về luật với Mattei. Ông Gidi cũng cho biết Mattei cũng đã cùng viết cuốn "Plunder" ("cướp bóc") với Laura Nader, chị của Ralph Nader. "Ông ấy và đức giáo hòang thì xung khắc như nước với lửa."

Một nguồn tin hiểu biết hơn, nhưng xin giấu tên, thì nói rằng Mattei đã từng giới thiệu Lena với Franzo Grande Stevens, là một luật sư hàng đầu từng đại diện cho cố chủ tịch Gianni Agnelli của hãng Fiat, và chính ông Stevens sau này đã chọn Lena để bảo vệ vụ kiện Ngân hàng Vatican.

Lena cho biết anh chưa bao giờ phải "bị khảo giáo lý" cho chức vụ luật sư của Vatican vào năm 2000.

Quan điểm bào chữa cho Vatican của Lena là dựa theo một nguyên tắc bao quát rằng một nhà nước chỉ có thẩm quyền trên một nước có chủ quyền khác khi thực sự có những hành động gây ra thiệt hại bởi chính chính phủ của nước ngoài ấy. Nếu một nhà nước mà giành lấy quyền trên một quốc gia khác, thì sự cân bằng tinh tế của quyền lực quốc tế sẽ bị suy yếu.

"Đối với một số trường hợp thì yêu cầu đặc miễn này có vẻ không công bằng," Luật sư Paul Clement, người giúp việc cho Lena trong vụ án Oregon, nói "Nhưng chung chung thì đó là một chính sách bao quát."

Theo giới thạo tin của giáo hội, thì Lena cũng đã than phiền rằng các quan chức Vatican đã thất bại về việc phát huy quan điểm của giáo hội một cách rõ ràng, rằng có quá nhiều hồng y đã đưa ra những lời tuyên bố không chính thức và rằng giáo hội cũng cần phải gióng lên tiếng nói của mình trước sự kiện các luật sư đối thủ tuyên bố vung vít về giáo hội.

"Trong thời gian tôi đối đầu với Jeff, rõ ràng anh ta đã trở thành một phát ngôn viên của Vatican trước công chúng, họ dựa vào lời khuyên và tư vấn của anh ta," McMurry nói. "Tôi biết rằng mới đây anh ta đã thất vọng vì nhiều tài liệu bị lộ ra báo chí, Jeff thực sự đã bị phân tán khi mà anh đáng lẽ phải ở nhà để viết luận án nhưng thực sự anh đã phải ở Vatican để kiểm soát thiệt hại. "

Nhưng Lena nói lại: "Đối với tôi đó không phải là kiểm soát thiệt hại, mà là cung cấp tư vấn. Sự thất vọng không phải là ở các lời tuyên bố của các cá nhân, dĩ nhiên, ai cũng có quyền tuyên bố một cách tự do. Nhưng sự thất vọng là vì các phương tiện truyền thông cố tình nói sai, hoặc bình luận sai về các quan điểm của các cá nhân có liên hệ với Tòa Thánh. "

Tòa thánh Vatican dường như cũng nhận được tín hiệu của Lena là phải rõ ràng. Tuần trước, Tòa Thánh đã đăng trực tuyến một hướng dẫn mới cho các giám mục trên khắp thế giới rằng, "Những luật lệ dân sự liên quan đến việc phải báo cáo tội phạm cho cơ quan thích hợp thì luôn luôn phải được tuân theo. "

Đối với một số người đã từng làm việc với Lena, thì hình như đó là kết quả của việc anh thúc đẩy giáo hội tiến về tương lai.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (7)
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:40 13/08/2010
hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (7)

Điều Răn Thứ Sáu
: „Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục

Điều Răn Thứ Sáu đòi buộc con người phải luôn giữ gìn tư tưởng, lời nói và hành động của mình được đoan trang đứng đắn, phù hợp với luân thường đạo lý ở đời, chứ không được suy tư, ăn nói hay hành động thô tục, dâm đãng. Nghĩa là cấm không được trai gái lăng loàn, nam nữ không được sống đời sống vợ chồng ngoài hôn nhân, không được ăn nói bằng những lời hoa tình tục tĩu hay nhìn ngắm hình ảnh ô uế khiêu dâm. Bởi vì, con người đã được dựng nên giống Thiên Chúa, tức mỗi người, dù nam hay nữ, đều mang trên mình hình ảnh tinh tuyền thánh thiện của Thiên Chúa như Kinh Thánh đã khẳng định: „Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ“ (St 1,27). Và thánh Tông đồ Phaolô cũng đã viết trong Thư I gửi các Kitô hữu ở Cô-rin-thô: „Thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô“ (1Cr 6,15), và: „Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần đang ngự trị“ (1Cr 6,19). Thánh nhân lại còn bổ túc thêm: „Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội khác người ta phạm ngoài thân xác, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình“ (1Cr 6,18).

Dĩ nhiên, như đã nói trên, tội phạm đến Điều Răn Thứ Sáu không chỉ giới hạn trong hành động bên ngoài mà thôi, nhưng cả đến những tư tưởng thầm kín trong lòng nữa, mà kiểu nói phổ thông quen thuộc thường gọi một cách thanh nhã là „lòng động lòng lo“, hay: „tư tưởng về đàng trái“. Chính Chúa Cứu thế đã dạy rõ ràng: „Anh em đã nghe luật dạy rằngChớ ngoại tình“, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn trong lòng, thì đã ngoại tình với người ấy rồi“ (Mt 5,27tt).

Ngoài ra, Điều Răn Thứ Sáu cũng gián tiếp nhằm đề cao và bảo vệ các giá trị gia đình, vì gia đình đã được chính Tạo Hóa xe kết và thiết lập nên ngay từ nguyên thủy, khi Người dựng nên người nam và người nữ (x. St 1,27-28), và do đó, gia đình thực sự là tế bào sống, là nền tảng vững chắc nhất của mọi xã hội. Gia đình còn thì xã hội còn. Gia đình có hạnh phúc đầm ấm, thì xã hội mới an bình thịnh vượng. Trái lại, nếu gia đình tan rã, thì xã hội cũng sẽ bị xáo trộn, cũng sẽ trở nên bất an và hỗn loạn.

Như đã nói trên, Thiên Chúa đã dựng nên con người, gồm có nam và nữ. Nhưng nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà, không chỉ dựa theo sự cấu trúc khác nhau của họ về mặt cơ thể bên ngoài. Thiên Chúa đã dựng nên con người là đàn ông hay đàn bà khác nhau trong con người toàn diện – tức bao gồm cả tâm sinh lý – là đàn ông hay đàn bà, chứ không phải là đàn ông hay đàn bà chỉ dựa theo sự khác biệt về thể xác. Nói cách khác, con người là đàn ông hay đàn bà xét cả về hai mặt thể xác và linh hồn, thể lý và tâm lý, là đàn ông hay đàn bà. Hai phái tính dị biệt nhau.

Nhưng ở đây, một điểm quan trọng hoàn toàn mang tính chất đặc thù của nó, đó là sự dị biệt giữa hai phái tính, giữa nam và nữ, giữa đàn ông và đàn bà, là một sự dị biệt kỳ diệu do chính Tạo Hóa đã thiết đặt nên. Vì thế, sự dị biệt ấy giữa hai phái tính không hề mâu thuẫn, không hề đối kháng hay phủ nhận lẫn nhau, nhưng trái lại, cả hai cùng cần đến sự dị biệt ấy để có thể bổ túc và tương trợ lẫn nhau. Đúng vậy, cả hai người nam và người nữ đều cần có nhau, đều cần đến nhau, để bù đắp những gì còn thiếu nơi con người nam/nữ của mình, để hoàn thiện con người nam/nữ tự nhiên của mình. Sự bổ túc hỗ tương cần thiết này giữa nam nữ đã được gói ghém đầy đủ trong câu nói rất cụ thể của người Việt Nam chúng ta: „Trai khôn tìm vợ, gái khôn tìm chồng“. Có lẽ ở đây, chúng ta cũng cần ghi nhận thêm điều này là sự quyến luyến và tìm kiếm lẫn nhau giữa hai phái tính nam-nữ là một bản năng tự nhiên đã được chính Tạo Hóa ghi tạc vào trong bản chất của mỗi người nam/nữ, hầu họ hiện thực được mệnh lệnh mà Người đã ban truyền cho họ ngay từ nguyên thủy khi Người dựng nên họ: „Các ngươi hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất“ (St 1,28b). Vì thế, hiện tượng ngược lại, tức hiện tượng hai người cùng phái tính có nhu cầu chỉ muốn „gần gũi“ với nhau, chứ không với người khác phái, nghĩa là nam chỉ yêu thương và tìm kiếm nam, nữ chỉ yêu thương và tìm kiếm nữ, là tình trạng bất bình thường, phản tự nhiên, mà nguyên nhân có thể là do sự bất toàn nơi cấu trúc cơ thể, do bị rối loạn tâm sinh lý một cách bẩm sinh hay do các ảnh hưởng ngoại tại gây nên, như sự giáo dục, môi trường sống: gia đình, xã hội, khí hậu, bệnh tật, v.v…!

Kinh nghiệm về sự dị biệt đặc thù và sự bổ túc hỗ tương giữa hai phái tính nam-nữ này, chắc chắn các nhà tâm lý và nhất là những người sống bậc vợ chồng đã cảm nghiệm được một cách rõ ràng và cụ thể hơn ai hết. Và vì cả hai người nam và nữ, vì cả hai vợ chồng đều cần đến sự bổ túc tâm sinh lý hỗ tương ấy, nên họ đã có thể vượt qua được nhiều thử thách khó khăn và nhiều cạm bẫy nguy hiểm trong đời sống lứa đôi; do đó, người đời mới có câu: „Bỏ thì thương vương thì tội“, hay như câu dân ca miền Hà Tĩnh còn bộc lộ sự tương quan tình cảm vợ chồng một cách tuy đơn sơ nhưng cũng rất sâu sắc: „Anh ơi, xin chớ vội mà bực mình. Em xin kể mà để anh tỏ tường… Giận thì giận mà thương thì thương, giận thì giận mà thương càng thương, (…)“.

Đó quả là một huyền nhiệm cao cả của tình yêu lứa đôi, của tình yêu vợ chồng, nhất là khi tình yêu hôn nhân của họ lại được Thiên Chúa chúc phúc bằng Bí tích Hôn Nhân với sự chứng dám của Giáo Hội, thì đời sống gia đình của họ càng được củng cố và càng trở nên keo sơn bền chặt hơn. Đó cũng là lý do để cắt nghĩa hiện tượng tại sao trong đời sống vợ chồng hằng ngày: dù có bất đồng và xung khắc đến đâu đi nữa, sau đó cả hai vẫn có thể can đảm bỏ qua cho nhau và làm hòa lại với nhau.

Vâng, Kinh Thánh đã dạy: „Cả hai (vợ và chồng) trở nên một xương một thịt“ (St 1,24b). Ở đây, cụm từ „một xương một thịt“ không chỉ được hiểu về chuyện chăn gối hay sự gắn bó về mặt thể xác giữa hai vợ chồng mà thôi, nhưng còn được hiểu về chính chủ thể, về chính con người của hai người. Nghĩa là cả hai vợ chồng trở thành như một người, người này là một nửa của người kia và ngược lại. Điều đó cũng muốn nói rằng cả hai cùng bình đẳng, cùng có chủ quyền trên thể xác và đời sống của nhau, chứ không ai là sở hữu chủ của ai, chứ không còn quan niệm lạc hậu „tam tòng“ hay tình trạng sai trái „chồng vua, vợ tớ“ của thời phong kiến xa xưa nữa, để rồi người chồng muốn quyết định mọi sự trong gia đình ra sao tùy ý; trái lại, cả hai cùng bàn hỏi, cùng quyết định và cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau và như nhau. Nói tắt, cuộc sống và tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình phải được cả hai cùng giải quyết trong tình yêu thương vợ chồng thuận hòa đầm ấm và với đầy đủ ý thức trách nhiệm: trách nhiệm đối với Thiên Chúa, trách nhiệm đối với nhau cũng như trách nhiệm đối với con cái. Đó chính là tôn chỉ và mục đích chân chính và thánh thiện của gia đình Kitô giáo.

Bởi vậy, nguồn gốc chính khiến con người không muốn tuân giữ Điều Răn Thứ Sáu và chối bỏ các giá trị nền tảng của gia đình là tội vô đạo, tội vô thần, tức tội phủ nhận Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng; vì một khi con người không chấp nhận Thiên Chúa, thì hậu quả tất yếu là con người cũng sẽ coi thường và chối bỏ các Giới Luật và các luân thường đạo lý mà Người đã cho ghi tạc vào lương tri của mỗi người để mưu cầu hạnh phúc chân thực cho họ. Vâng, một khi con người phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì tất nhiên họ cũng chối bỏ các cơ cấu và các giá trị nền tảng mà Người đã thiết lập cho xã hội nhân loại, trong đó có đời sống luân lý gia đình và các giá trị cơ bản của nó.

Đó cũng là lý do tại sao Đảng Cộng Sản vô thần ở Nga Sô liền sau khi cướp được chính quyền từ tay Nga Hoàng vào năm 1917 đã lập tức cho thi hành một cách cực đoan và bằng bạo lực chính sách „tam vô“ của họ: vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc. Nghĩa là họ chủ trương rằng không có Thiên Chúa và bắt buộc mọi đảng viên cũng như những người sống dưới ách thống trị của họ cũng phải chối bỏ tôn giáo, chối bỏ Thiên Chúa. Do đó, họ đã ra tay triệt hạ bình địa hàng ngàn hàng vạn các Giáo đường cổ kính tại Nga và tại Đông Âu, là những gia sản văn hóa quý báu của cả nhân loại; và họ đã đối xử một cách bất công và tàn bạo đối với các tín hữu Kitô giáo nói chung và các tín hữu Công Giáo nói riêng. Bằng chứng cụ thể, rõ ràng và mới mẻ nhất là những vụ hành hung đánh đập các Kitô hữu một cách vô cùng man rợ và vô nhân đạo vừa qua tại ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, như: ở Tam Tòa (Quảng Bình), ở Loan Lý (Huế), ở Thái Hà và ở Đồng Chiêm (Hà Nội), v.v… Nhiều người trong số các Kitô hữu, nạn nhân của bọn người vô thần vừa nhắc tới ở trên, mãi cho tới nay vẫn còn nằm điều trị ở các bệnh viện, bị nằm liệt giường hay đã trở nên tàn phế suốt đời. Đây hẳn là một vết đen đã hằn sâu lên trang sử dân tộc Việt Nam mà những kẻ gây nên vết đen đó sẽ khó tránh khỏi sự kết án của lịch sử.

Và hành động tiếp theo mà họ sẽ đương nhiên thực thi, đó là việc phá bỏ cơ cấu gia đình và mọi giá trị đạo đức luân lý gia đình của thế giới văn minh, để trở lại tình trạng sống bán khai của người thời tiền sử, vào thời mà con người còn ăn lông ở lỗ, còn chui rúc trong các hang động như thú vật, chưa biết suy nghĩ hợp lý, chưa có tiếng nói, chưa có ý niệm luân lý, chưa có ý niệm gia đình, và chỉ biết sống một cách thực vật tương tự như loài vật: đói ăn, khát uống, khi các nhu cầu sinh lý tự nhiên đòi hỏi thì tự tiện tìm cách thỏa mãn ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào, hoàn toàn tương tự như loài vật, v́à chẳng những không c̣òn luật lệ hay ý thức đạo đức luân lý nào ngăn cản họ nữa, nhưng chính cách sống vô luân đó là chủ trương của bộ máy chính quyền vô thần tại Nga vào lúc bấy giờ. Nhưng tình trạng sống phóng túng theo thú tính, vô luân, vô gia đình ấy đã phải vội chấm dứt, vì những hậu quả đã xảy ra liền sau đó thật vô cùng khủng khiếp: Con người mất hết tính người, sống và hành động hoàn toàn tương tự như những con vật: vô lý trí, vô kỷ luật, vô luân lý, vô trách nhiệm, chém giết nhau là chuyện bình thường, vì thế, đã khiến đất nước Nga vào lúc bấy giờ chực rơi xuống vực thẳm sự hỗn loạn và sự tiêu diệt.

Còn ngày nay, chế độ Cộng Sản vô thần đã tan rã và giải thể tại Liên Sô và tại các nước thuộc khối Đông Âu, nhưng ảnh hưởng tai hại của nó cũng như ảnh hưởng tiêu cực của các trào lưu duy vật, duy xác thịt và phóng đãng, v.v… vẫn còn đó, vẫn còn bám rễ sâu trong quan niệm sống của con người, kể cả nơi một số không nhỏ các Kitô hữu. Họ cho rằng việc xây dựng gia đình hay không và xây dựng gia đình như thế nào: theo đúng luật Chúa và luân thường đạo lý ở đời hay chỉ hai người nam-nữ sống chung với nhau, để „thích ở, dở thì bỏ đi“, v.v… hoàn toàn là vấn đề tư riêng của họ, chứ họ không cần tham khảo luật Chúa, luật Giáo Hội hay các thuần phong mỹ tục của xã hội nhân quần. Nguyên tắc để họ chọn lựa người bạn đời và xây dựng gia đình của họ hoàn toàn được đặt cơ sở trên xác thịt và trên những yếu tố thuần túy vật chất, còn Thiên Chúa, Giáo Hội và các yếu tố luân lý đạo đức tuyệt đối không có chỗ trong hôn nhân và gia đình của những người ấy.

Đó là lý do chính để cắt nghĩa tại sao hiện tượng đổ vỡ và tan rã quá dễ dàng của các gia đình ngày nay và đưa tới những hậu qua vô cùng đau thương về tinh thần và vật chất cho chính các đương sự, cho các con cái của họ và cho toàn thể xã hội. Ví dụ ở Bắc Mỹ và Tây Âu: trong một trăm gia đình thì có từ ba mươi đến bốn mươi gia đình ly dị nhau, còn ở Bắc Âu: trong một trăm gia đình thì đã có tới sáu mươi gia đình tan vỡ. Bởi vậy, thánh Phaolô đã từng cảnh cáo một cách chí lý: Ai gieo gì thì sẽ gặt được hoa quả của thứ đó; ai gieo trong xác thịt thì sẽ gặt được hoa quả của xác thịt là sự chết và sự bất hạnh, còn ai gieo trong Thánh Thần thì sẽ gặt được hoa quả của Thánh Thần là sự sống và sự hạnh phúc (x. Gl 5,19-24).

Vậy, để khả dĩ chu toàn được Điều Răn Thứ Sáu, chúng ta cần phải sử dụng các phương pháp cần thiết thích hợp, chẳng hạn:

1) Các phương pháp tiêu cực:

* tránh lười biếng ở nhưng, tránh cảnh ăn không ngồi rồi;

* tránh giao du với bạn bè xấu, với những người vô tín ngưỡng;

* tránh xem những phim ảnh hay báo chí dâm dật, đồi trụy;

* tránh các dịp trai gái thân giao quá tự do, mất nết và phóng đãng, mà nhiều khi người ta đã khéo che đậy dưới lớp sơn hấp dẫn „văn hóa“, „nghệ thuật“, v.v…

* tránh ăn uống, chè chén say sưa quá độ và mất hết tự chủ.

2) Các phương pháp tích cực:

* luôn có lòng đạo đức, biết kính sợ Thiên Chúa;

* luôn biết siêng năng sốt sắng cầu nguyện;

* luôn có lòng bác ái thương người,

* luôn biết giúp đỡ người nghèo khổ, già yếu, neo đơn;

* luôn biết can đảm xa tránh các dịp tội.

Vì lời thánh Phaolô cảnh cáo các tín hữu xưa tại Ê-phê-sô vẫn còn thời sự và sống động hơn bao giờ hết: „Anh em hãy biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa“ (Ep 5,5)

(Còn tiếp)
 
Tin Đáng Chú Ý
Quân đội Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ về cuộc tập trận quân sự mới nhất trong khu vực
Chris Buckley / Ngọc Thu dịch
10:32 13/08/2010
BẮC KINH (Reuters) - Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu có một phản ứng cứng rắn đối với kế hoạch của Hoa Kỳ gửi một tàu sân bay tham gia vào các cuộc tập trận hải quân gần bờ biển của họ, nói rằng "sự tôn trọng" đã bị đe dọa.

Một bình luận trên Nhật báo Quân đội Giải phóng [Trung Quốc], hôm thứ Năm đã đặt sự thù hận qua các cuộc diễn tập hải quân của Washington với đồng minh Nam Hàn, và qua những lời chỉ trích trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông, nơi Đài Loan và các nước Đông Nam Á cũng đòi chủ quyền.

“Một đất nước cần có sự tôn trọng, và quân đội cũng cần sự tôn trọng. Nếu ai đó không làm tổn thương tôi, tôi sẽ không làm tổn thương anh ta; nhưng nếu có ai đó làm tổn thương tôi, tôi phải làm tổn thương anh ta”, Thiếu tướng Lạc Nguyên đã viết trên báo.

“Đối với người dân và quân đội Trung Quốc, chúng tôi rất nghiêm túc trong vấn đề này”.

Các bình luận tức giận của những tiếng nói hàng đầu trong Quân đội Trung Quốc, [mặc dù] đã được kiểm duyệt cẩn thận, cũng đã nhấn mạnh áp lực quân sự Trung Quốc có ảnh hưởng lên Bắc Kinh do chính sách thủ công của nó.

Hồi tháng trước, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tổ chức diễn tập hải quân chung ở biển Nhật Bản ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, đã làm cho Trung Quốc lên án, và đã đáp trả bằng nhiều cuộc diễn tập quân sự công khai riêng của họ.

Ông Geoff Morrell, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết tuần trước, một tàu sân bay Hoa Kỳ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu George Washington, đã tham gia vào cuộc tập trận trước đó, sẽ tham gia vào cuộc diễn tập tiếp theo ở Hoàng Hải, giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Cuộc diễn tập hồi tháng 7 ban đầu dự kiến diễn ra ở Hoàng Hải - gần bờ biển Trung Quốc - nhưng đã được chuyển đến phía bên kia bán đảo Triều Tiên sau khi có các phản đối từ Bắc Kinh.

Theo một bản chép lại trên trang web của Lầu Năm Góc, ông Morrell đã không đưa ra ngày giờ cho các cuộc tập trận hải quân chung sắp tới.

Bình luận trên Nhật báo Quân đội Trung Quốc chỉ ra rằng, sự va chạm qua bất kỳ hoạt động quân sự mới nhất của Mỹ trên vùng biển gần Trung Quốc, sẽ tiếp tục bám sát các quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn.

Hoa Kỳ đang “đẩy ranh giới an ninh của họ đến trước cửa nhà của những người khác - Hoàng Hải, Nam Hải (tức biển Đông) và v.v…”, ông Lạc đã viết. “Trong mắt họ, an ninh của các quốc gia và các dân tộc khác chỉ là thứ yếu, thậm chí vô nghĩa”.

Báo chí Trung Quốc đã đăng tải một số bài bình luận gay gắt kể từ khi căng thẳng hàng hải bùng lên giữa Bắc Kinh và Washington, phục hồi lại các va chạm trong mối quan hệ đảo lộn đầu năm nay.

Tuy nhiên, những lời nói mạnh mẽ của ông Lạc đăng trên báo hàng đầu của quân đội Trung Quốc cho rằng PLA thấy uy tín của mình bị đe dọa và muốn có một số phản ứng từ Bắc Kinh.

“Chúng tôi không muốn làm kẻ thù của bất cứ nước nào”, ông Lạc đã viết.

“Nhưng bất cứ ai làm ngơ lập trường chính thức và lợi ích cốt lõi của chúng tôi, khăng khăng làm và hài lòng về việc đó, và bắt nạt chúng tôi quá mức, chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi”.

Bắc Kinh nói rằng các cuộc diễn tập quân sự trong vùng biển gần đó đe dọa an ninh của họ. Hoa Kỳ và Nam Hàn nói rằng mục đích của họ nhằm răn đe Bắc Hàn, mà họ đổ lỗi cho việc tàu hải quân Nam Hàn bị ngư lôi đánh chìm hồi tháng 3.

Ông Lạc là một người thuộc một nhóm sĩ quan PLA, sử dụng blog và báo chí như là diễn đàn để nói lên quan điểm cứng rắn về các vấn đề chính sách đối ngoại. Hồi tháng 2, ông đã viết rằng Trung Quốc có thể trả đũa, chống lại Hoa Kỳ trong việc bán vũ khí cho Đài Loan, bằng cách bán phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ.

(Nguồn: http://ca.reuters.com/article/topNews/idCATRE67B11W20100812)
 
Việt Nam được cho là ‘khôn ngoan’ trong vấn đề Biển Đông
VOA
13:33 13/08/2010
WASHINGTON DC - Thứ Sáu, 13 tháng 8 2010 -- Tàu USS John McCain của Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng hôm 10 tháng 8 trong chuyến thăm được gọi là chuyến “giao lưu văn hóa” chỉ hai ngày sau khi một phái đoàn gồm các lãnh đạo chính phủ và quân đội Việt Nam bay từ thành phố Đà Nẵng ra thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington trong vùng Biển Đông.

Bản tin trên The Christian Science Monitor trích lời cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Việt Nam hồi thập niên 1970, ông Frederick Brown nói rằng “đó thật là một điều phi thường nếu nhìn lại đã có thời Hoa Kỳ đánh bom Việt Nam”. Ông Brown nói thêm rằng “đó là điều mà giờ đây cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn thực hiện, đó là một mối quan hệ giữa quân đội với quân đội hai nước”.

Bài viết cũng nhận định mối quan hệ đang ngày càng nảy nở giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là rõ rệt hơn so với mối quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện giờ muốn cân bằng giữa cường quốc này với cường quốc kia trong khi Trung Quốc thì đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng đối với các nước xung quanh họ.

Thêm vào đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên và bực tức khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ xem việc giúp giải quyết các tuyên bố về chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông là một mối quan tâm của quốc gia tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội.

Theo trang tin điện tử Montreal Gazette.com hôm 28/7, nhật báo China Daily của nhà nước Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ tìm cách “khơi lại hận thù” về chủ quyền các hòn đảo ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo các nước láng giềng tại Đông Nam Á rằng chính sách của Washington trực tiếp chống lại Trung Quốc và cố ý khuấy động các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.

Báo chí Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang thiết lập thêm một lực lượng NATO tại Châu Á để kiềm chế Trung Quốc, mà bằng chứng cụ thể là các cuộc diễn tập hải quân chung với Nam Triều Tiên và hành động được xem là can thiệp vào các vấn đề tại khu vực Biển Đông.

Ông Carl Robinson, một nhà báo và nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ, người đã từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam “như thường lệ, đang đứng về tất cả các bên, giống như những gì họ từng làm trong thời chiến” khi dựa vào cả Trung Quốc và Liên Xô cũ. Ông nói thêm rằng “đó là điều rất khôn ngoan và thật đáng tiếc là người Mỹ đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và cùng tham gia vào cuộc chơi”.

Còn vị cựu tổng lãnh sự, ông Brown thì nói với The Christian Science Monitor rằng “quí vị sẽ không thấy ai nói rằng chúng tôi đang tìm cách kìm hãm Trung Quốc và điều cuối cùng Việt Nam muốn là loan báo rằng họ là một liên minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm cách phản đối xu hướng của Trung Quốc cho rằng ‘Cái gì của tôi là của tôi, và cái gì của anh cũng là của tôi’.

Ông Mark Fitzpatrick, một cựu chuyên gia về phổ biến vũ khí tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện đang làm việc tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, người đã đến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, nói rằng việc Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ là ‘vô cùng hợp lý’.

Ông Fitzpatrick nói thêm rằng đối với Việt Nam, nước đã từng có những tranh chấp biên giới với Trung Quốc và hiện đang quan ngại về các tuyên bố cũng như sự khẳng định ngày càng mạnh mẽ chủ quyền của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ là một đối tác ‘tự nhiên và được hoan nghênh hơn’ khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi vào quá khứ và cả hai nước đang cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. (Nguồn: The Christian Science Monitor, China Daily, Asia News Network, Taiwan News)

(Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-china-08-13-2010-100615644.html)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chốn Mù Sương
Dominic Đức Nguyễn
22:06 13/08/2010

CHỐN MÙ SƯƠNG



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Đầu non mây trắng đang gần

Hay màn sương phủ trên tầng non cao

Vì ai dạ mãi cồn cào

Vì ai thân xác hanh hao héo gầy.

(Trích thơ của Sương Anh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền