Ngày 12-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa nhật 20 : Làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu
Lm. Đan Vinh
18:36 12/08/2013
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN C

Gr 38,4-10 ; Dt 12,1-4 ; Lc 12,49-53

LÀM BÙNG CHÁY NGỌN LỬA TIN YÊU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,49-53

(49) Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !”. (51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su dạy các môn đệ về sứ vụ của Người và những đòi hỏi đối với những ai muốn trở nên môn đệ của Người:

- SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU: là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức Giê-su còn là phải chịu một phép Rửa tức là chấp nhận trải qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người.

- NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI MÔN ĐỆ: Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Người sắp phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ

3. CHÚ THÍCH:

- C 49-50: + Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất: Trong Thánh kinh, Lửa biểu tượng sự phán xét của Thiên Chúa, nhất là trong ngày Tận thế, để thiêu hủy những kẻ gian ác và thanh luyện số ít người trung tín còn sót lại (x. Lv 10,2 ; Lc 3,9). Lửa cũng là biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa, đã làm cho lòng hai môn đệ làng Em-mau phải nóng lên, khi cùng đi đường đàm đạo với Chúa Phục Sinh (x. Lc 24,32), Lửa Thần Khí cũng đậu xuống trên đầu các Tông đồ để thánh hóa các ông vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3-19). Lửa còn là những đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu để thanh luyện con cái Ít-ra-en giống như vàng được thanh luyện trong lửa (x. Mc 13,1-4 ; Is 1,25). + Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên: Đức Giê-su mong ước ban Lửa Thần Khí cứu độ cho thế gian. Đó là nhiệm vụ duy nhất của Người. + Thầy còn một phép Rửa phải chịu: Phép Rửa có nghĩa là sự nhận chìm dưới mặt nước. Thời Giáo hội sơ khai người chịu phép Rửa phải được nhận chìm toàn thân trong một hồ nước và sau đó trồi lên. Phép Rửa này tượng trưng cho sự chết trong cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su: Người cũng đã chết và được an táng trong lòng đất, rồi ngày thứ ba Người đã trỗi dậy vinh quang. + Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất: Đức Giê-su thao thức chu toàn sứ vụ Chúa Cha trao phó là trải qua cuộc tử nạn và phục sinh để cứu chuộc loài người.

- C 51-53: + Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?: Hòa bình hay bình an (Shalom) là mức sung mãn của sự sống, là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. Is 9,5-6 ; Lc 1,79). + Không phải thế đâu: Thứ bình an Chúa ban không phải là thứ bình an dễ dãi, như Người đã nói: “Thầy ban bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Cũng không phải là thứ “bình an vô sự” mà các ngôn sứ giả đã mơ tưởng (x. Gr 6,16 ; Ed 13,10.16). + Nhưng là đem sự chia rẽ: Đứng trước Đức Giê-su, người ta phải lựa chọn dứt khoát: Tin theo hay chống lại Người. Sự lựa chọn này là nguyên nhân gây ra chia rẽ ngay trong nội bộ từng gia đình. + Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai...: Theo lời các Ngôn sứ thì sự chia rẽ là một đặc điểm của thời kỳ sau hết (x. Mk 7,6 ; Ml 3,24). Vào thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ là một thiểu số ở giữa một thế giới ngoại giáo lớn lao. Họ luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên trên tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và bước theo Người (x. Lc 14,26 ; 18,29-30).

4. CÂU HỎI: 1)Theo Thánh kinh, Lửa là biều tượng cho những gì ? 2) Phép Rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu ám chỉ điều gì ? 3) Bình an Đức Giê-su ban khác với bình an của thế gian thế nào ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại đến đem sự chia rẽ cho các gia đình thay vì đem bình an ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).

2. CÂU CHUYỆN:

Tại một giáo xứ kia, sắp đến ngày mừng ngân khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của cha sở. Giáo dân trong xứ đã âm thầm mở một cuộc lạc quyên để có tiền tổ chức liên hoan và biếu cha tiền vé máy bay và các chi phí khác cho một tháng nghỉ hè sắp tới của cha. Biết được ý định của giáo dân, cha sở đã phát biểu như sau: “Anh chị em thân mến. Tôi biết anh chị em lúc nào cũng quảng đại đối với tôi. Anh chị em đã dâng cúng tiền của để chi phí các khỏan sinh hoạt cho nhà thờ và cho tôi. Hiện nay tôi biết anh chị em đang quyên góp để cho tôi phương tiện đi nghỉ hè nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của tôi. Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị em. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với anh chị em nguyện ước tha thiết nhất trong cuộc đời linh mục của tôi là: làm thế nào để đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa; Làm thế nào để những anh chị em công giáo siêng năng đến nhà thờ tham dự các thánh lễ Chúa nhật. Vậy nguyện vọng của tôi nhân dịp mừng ngân khánh linh mục không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là làm sao có được 25 người quay về với Chúa. Cộng đoàn giáo xứ hiểu ý cha sở, nên trong ngày mừng ngân khánh linh mục của cha, họ đã chọn 25 người có quá khứ tội lỗi để xếp vào đòan dâng lễ vật hôm ấy. Những người này mặc quần áo trắng khi lên dâng lễ trên bàn thờ. Trong phần Lời nguyện Cộng đoàn, họ cũng nêu lên quyết tâm sẽ đi theo Chúa tới cùng và xin Chúa giúp họ từ bỏ những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc...

3. SUY NIỆM:

Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ vụ ban ơn cứu độ cho loài người. Tin mừng hôm nay cho thấy: Để thi hành sứ vụ Thiên Sai ấy, Người luôn thao thức theo ơn soi dẫn của Thánh Thần và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người cũng muốn các môn đệ là các tín hữu chúng ta hôm nay tích cực cộng tác trong sứ vụ cứu độ này.

1) SỨ VỤ CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Đức Giê-su đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Thao thức của Đức Giê-su là mong sớm hoàn tất công cuộc tử nạn và phục sinh theo ý Chúa Cha để cứu độ lòai người được diễn ta bằng hình ảnh phép Rửa.

-Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên! (Lc 12,49):

Lửa do Đức Giê-su ném vào mặt đất là gì ?

Là Lửa Thánh Linh được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai vào lễ Ngũ Tuần để gia tăng sức mạnh giúp Hội Thánh vượt qua nỗi sợ hãi và can đảm làm chứng cho Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian (x Cv 2,1-13).

Là Lửa Tin Yêu được Đức Giê-su mang vào thế giới tội lỗi, hận thù, giết hại lẫn nhau…, để làm bùng cháy lên tình thương “tứ hải giai huynh đệ”- bốn bể đều là anh em một nhà, hầu cho mọi người biết yêu thương nhau và tạo hạnh phúc cho nhau.

Đức Giê-su ước mong cho ngọn Lửa cứu độ ấy bùng cháy lên để thế giới sớm biến thành “Trời Mới Đất Mới” như sách Khải Huyền đã diễn tả như sau: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ: Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Cv 21,1.4). Khi ấy mọi dân nước đều nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và sống chan hòa hạnh phúc với nhau trong đại gia đình có “Thiên Chúa là Tinh Yêu” ngự trị (1 Ga 4,8).

-Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !”:

Phép Rửa dìm mình trong nước thanh tẩy la hình ảnh diễn tả mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Người luôn vâng theo ý Chúa Cha là cứu chuộc nhân loại ba8fng con đường « qua đau khổ vào vinh quang » như ba lần Người đã tiên báo với các môn đệ (x Mt 16,21 ; 17,22-23 ; 20,18-19).

Về sau, thanh Phao-lô Tông đồ cũng diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su hàm chứa trong nghi thức phép Rửa dìm mình trong nước của các tín hữu như sau: « Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại» (Rm 5,3-5).

Đức Giê-su được Chúa Cha trao sứ vụ cứu chuộc tội lỗi nhân loại băng con đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang » như Người đã chia sẻ với hai môn đệ làng Em-mau để động viên họ: « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? » (Lc 24,26). Trong suốt cuộc đời Đức Giê-su luôn thao thức và mong sớm hoàn tất công trình cứu độ tử nạn và phục sinh ấy theo thánh ý Chúa Cha.

2) NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI CÁC TÍN HỮU HÔM NAY:

-Chúng ta phải làm gì để cộng tác với Đức Giê-su làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu nơi bản thân, gia đình và môi trường sống?:

Ngoài việc năng cầu xin Thánh Linh đổ ơn xuống đầy lòng chúng ta khi cầu nguyện, mỗi tín hữu chúng ta còn phải năng học sông Lời Chúa trong các buổi sinh hoạt hằng tuần noi gương Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai. Nhờ đó chúng ta sẽ được gia tăng đức tin để dễ dàng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giê-su khi dự lễ và rước lễ, nhất là sẽ nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha nhân, noi gương hai môn đệ làng Em-mau sau khi gặp Chúa Phục Sinh (x Lc 24,13-35). Các thánh Tông đồ và những môn đệ tiên khởi đã làm cho lửa tin yêu bùng lên tại những miền đất xa lạ mà các ngài đặt chân đến. Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tin yêu này như sau: "Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa chưa đủ mạnh".

- Đức Giê-su đã ném lửa vào mặt đất và Người hằng mong ước lửa ấy bùng lên: Nhưng làm sao lửa tin yêu ấy bùng lên nếu không được các tín hữu chúng ta khơi lên ? Chính Đức Giê-su xưa đã đẩy lui bóng tối tử thần bằng ánh sáng Phục sinh và đã sai các môn đệ ra đi loan báo tin mừng khắp thế gian (Mt 28,19 ; Mc 16,15), thì nay Người cũng sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng Tình Thương, tích cực góp phần với các người thiện chí để xua tan bóng tối văn hóa sự chết là những bất công hận thù, nghèo đói, tội ác… bằng cách gieo vãi ánh sáng văn hóa sự sống là lối sống yêu thương khiêm nhường phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

- Sứ vụ của các tín hữu chúng ta là phải cộng tác với Chúa Ki-tô, giúp cho nỗi khắc khoải cứu độ của Người được sớm thành hiện thực như mẹ Tê-rê-sa can-quýt-ta đã luôn cộng tác với Chúa và cầu xin Chúa giúp như sau: “Lạy Chúa Giê-su thương mến. Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy làm tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.”

4. CÂU HỎI: 1) Thế giới hiện còn nhiều bóng tối của ma quỷ. Vậy tâm hồn bạn hiện đang ở trong bóng tối ganh ghét hay ánh sáng tình thương ? 2) Bạn sẽ làm gì để đẩy lùi bóng tối của ma quỷ là văn hóa sự chết như: tội lỗi, bạo lực, đam mê... và các tệ nạn xã hội ra khỏi môi trường sống là gia đình, khu xóm và nơi làm việc ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con tỏa hương thơm tình thương đến mọi nơi mà Chúa sai chúng con tới. Xin hãy đổ đầy tâm hồn chúng con bằng ngọn Lửa của Thánh Linh. Xin Chúa hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn chiếu tỏa ánh sáng của Chúa trước mặt người đời, qua thái độ và hành động đầy tình người của chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhiệt thành rao giảng Tin mừng của Chúa, không những bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động chứng tá, bằng trái tim đầy tình yêu thương của Chúa.

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải chọn lựa dứt khoát. Xin cho chúng con biết chọn theo Chúa, sẵn sàng tuyên chiến với các đam mê tội lỗi. Như hạt lúa cần phải bị mục nát đi, mới có thể mọc lên thành cây lúa. Như bác nông dân cần phải chịu vất vả một nắng hai sương nơi đồng lúa, mới có thể có được một mùa gặt bội thu. Xin Chúa cho chúng con sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ khi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ có thể phát sinh nhiều hoa trái bác ái giữa gia đình và hoa trái đức tin nơi nhiều người chưa nhận biết Chúa.

X)HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Chúa nhật 20: Bình An Chỉ Có Khi Sự Thật Lên Ngôi
Jos.Vinc. Ngọc Biển
20:54 12/08/2013
Bình An Chỉ Có Khi Sự Thật Lên Ngôi

(Chúa Nhật XX Thường Niên, C)

Nếu Tin Mừng Chúa Nhật XVIII, Đức Giêsu kêu gọi hãy dùng tiền của bất chính để mua lấy Nước Trời để được hạnh phúc thật, và Chúa Nhật XIX, Ngài nhấn mạnh đến thái độ “sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón chờ Chúa đến trong ngày Quang Lâm…,thì Chúa Nhật XX này, Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng và chương trình cứu độ của Ngài, khi loan báo về cuộc thương khó cũng như cái chết.

Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần:

phần I, Đức Giêsu muốn nói đến sứ mạng Thiên Sai của Ngài;

phần II, Ngài tiên báo về những hệ lụy do sứ mạng của Mình mang lại.

1. Sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu

Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Ngài đến để cứu độ con người, nhưng Ngài cứu độ không bằng quyền bính, mà bằng chính cái chết của mình để cứu độ nhân loại. Thật thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết về sứ mạng của Mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”.

Phép rửa mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự thương khó và cái chết của Ngài. Đồng thời những ai muốn bước theo Ngài thì cũng phải đón nhận phép rửa như Ngài đã chịu, tức là từ bỏ ý riêng, để vâng theo ý Chúa, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận cả cái chết để sống và làm chứng về những giá trị Tin Mừng.

Phép rửa và sứ mạng ấy, Đức Giêsu mong muốn cho mau đến: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” Ngọn “Lửa” ấy chính là Chúa Thánh Thần. Người đến để thanh luyện những tâm hồn sỏi đá, phân biệt sự thật và giả dối, Người đến còn là để xét xử trần gian.

Ngọn “Lửa” ấy cũng chính là ngọn “Lửa” của Tình yêu, Sự Thật, Công Bình.

Như vậy Đức Giêsu ao ước cho “Lửa” ấy bùng cháy lên để biến đổi trái đất này thành Trời mới Đất mới, những tâm hồn trai cứng thành mềm dẻo, biết yêu thương nhau, nâng đỡ và đồng hành với nhau để làm chứng cho Chúa trong sự thật, để yêu thương anh chị em như anh em một nhà.

Làm được điều đó là chúng ta đã đi vào trong quỹ đạo của Thiên Chúa, một quỹ đạo của sự thật, yêu thương, bình an và hoan lạc.

Nhưng để đạt được điều đó thật không dễ, bởi vì nó đòi hỏi ta phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thử thách, đau thương; phải chấp nhận hủy mình ra không để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, chấp nhận hủy diệt bản thân mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, tức là chấp nhận cái chết: chết đi cho con người cũ là con người tội lỗi, để thay vào đó là một con người mới, tâm hồn mới và thái độ mới theo hình ảnh của Đức Kitô.

2. Những hệ lụy của đời chứng nhân

Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của người môn đệ, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Tức là mâu thuẫn với chính Đức Giêsu, bởi vì Ngài được mệnh danh là “Hoàng Tử Hòa Bình”, hơn nữa, Ngài đến để đem bình an cho nhân loại! Ấy vậy mà hôm nay, Ngài lại bảo: tôi đến để đem chia rẽ? Nhưng không! Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: con đường bình an của Ngài là con đường hy sinh, của từ bỏ; con đường của sự chết vì chân lý. Và, muốn có được bình an thì phải đi trên con đường đó, để làm chứng cho sự thật, bảo vệ cho công lý, và xây dựng hòa bình. Chính Đức Giêsu cũng chỉ vì sự thật mà phải chết. Ngài không bị kết án vì đã dạy cho con người sống tốt; Ngài cũng không bị kết án vì đã làm ơn cho kẻ khác; nhưng Ngài bị kết án chỉ vì dám nói, sống và làm chứng về sự thật.

Như vậy, bình an của Chúa chỉ có thể đến được với những người có tâm hồn thật thà, ngay thẳng, biết lắng nghe, và thực hành Lời Chúa. Bình an của Đức Giêsu không phải là một thứ bình an theo kiểu người đời trao tặng cho nhau, cũng không phải là một thứ bình an làm cho con người ngủ mê… Nhưng bình an của Đức Giêsu đem đến cho nhân loại chính là thứ bình an chỉ có được qua hy sinh, được tôi luyện bằng những thử thách, và được lớn lên trong khuôn khổ thập giá.

Quả thật, hôm nay, lời của Đức Giêsu như là một lời tiên tri cho chính Ngài và sứ vụ của các môn đệ: sẽ có nhiều người chống đối vì họ không thể chấp nhận và thay đổi. Họ không muốn sống theo sự thật. Vì thế, ngay trong gia đình cũng luôn xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng vì có người theo và có người không theo; sẽ xảy ra những sự chia rẽ giữa những người tin và những người không tin: “Năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn dạy rằng: bình an chỉ có thể có khi sự thật, công lý được lên ngôi.

3. Bình an chỉ có được khi sự thật được tôn trọng

Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta không dám nói lên sự thật chỉ vì chúng ta sợ mất lòng và bị người ta ghét bỏ. Hơn nữa, có khi chúng ta lại còn đứng về phía bất công để kết án những người lương thiện chỉ vì họ sống thật thà với một lương tâm ngay thẳng.

Trong buôn bán, có nhiều kẻ ghét những người buôn bán thật thà; người hay nói dối (nổ) thì lại ghét những người nói thật…trong gia đình, những đứa con hay nịnh bợ thì lại được cha mẹ yêu hơn, còn những đứa con thật thà thì lại không được yêu…

Nhưng là Kitô hữu, chúng ta muốn được bình an thực sự của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác, đó là con đường thập giá, con đường của chính Đức Giêsu đã đi. Khi đứng về phía sự thật, là chúng ta chấp nhận những hệ lụy như chính Đức Giêsu đã chịu. Hậu quả đó có thể do ghen tức, trục lợi, hoặc chỉ vì dám nói lên những điều ngay thẳng… Đọc chuyện các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta thấy rất rõ điều này: có những đấng bị chính con cái tố cáo, bỏ tù chỉ vì ghen ghét; có những đấng bị bắt chỉ vì người nhà, bạn bè, học trò ham tiền, trục lợi… Khi bị bắt rồi, các ngài không chịu nói dối để được tha, thậm chí còn nhân cơ hội ấy để nói và làm chứng cho vua chúa quan quyền thời bấy giờ về sự thật, thế nên các ngài đã phải đón nhận cái chết như một sự trả lẽ cho sự thật.

Như vậy, muốn có hòa bình thực sự là khi và chỉ khi chúng ta đã quyết liệt chiến đấu để lựa chọn. Hòa bình chỉ có được khi nó thực sự tách biệt khỏi gian dối, hận thù và ghen tương; tách bóng tối ra khỏi ánh sáng nhờ ngọn “Lửa” của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đã ban xuống cho nhân loại.

Mong sao, tâm tư của Đức Giêsu sớm được thực hiện trên trần gian này: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”.

Lạy Chúa, xin giúp cho chúng con hiểu rằng: muốn có được bình an đích thực là chúng con phải từ bỏ con đường tội lỗi, hận thù và ghen ghét; đồng thời phải can đảm sống và làm chứng cho sự thật, một sự thật toàn vẹn. Ước gì ngọn lửa của tình yêu, sự thật và lòng mến thiêu đốt tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con được bình an và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu. Amen.
 
My Seven-Minute-Homily, 20th Sunday in Ordinary Time year C, August 18th 2013
Father Great Rice
20:55 12/08/2013
My Seven-Minute-Homily, 20th Sunday in Ordinary Time year C, August 18th 2013

Twentieth Sunday in Ordinary Time, Year C

The Book of the prophet Jeremiah 38. 4-6, 8-10; Letter of St. Paul to the Hebrews 12.1-4

and the Gospel of St. Luke 12. 49-53

Jesus is the Lord of peace. Jesus is a peacemaker. We follow Jesus to look for peace, peace in heart, peace in family and in community. How come Jesus says in today’s Gospel “I came to bring fire to the earth, and how I wish it were already kindled. Do you think that I have come to bring peace to the earth? No, I tell you, but rather division” And he continues his talk by giving many divisions right in one household: “father against son and son against father; mother against daughter and daughter against mother”.

It is hard to understand what Jesus means. We might come back to the first reading for a better understanding of the Gospel. In today’s first reading, Jeremiah was thrown into a cistern, no water in it, just mud and Jeremiah sank in the mud. What did he do so that he got a penalty from the officials of King Zedekiah? He told people leave the city because God will destroy this sinful city. He spoke what he has been told to say. He told the truth and he got penalty because of the truth. Before the eye’s of the officials of King Zedekiah, Jeremiah was a troublemaker “he is discouraging the soldier” as they said. Finally, he was rescued from the cistern because what he said was happening.

The second reading is taken from the letter of St. Paul to the Hebrews. Saint Paul encourages people to look for Jesus as the pioneer, as a perfect one of faith. Because Jesus has passed all struggles, sufferings and death and finally he rose again from the dead and now he has taken his seat at the right hand of the throne of God. St. Paul gives people a visible comparison: As long as we live, we are on the race that it set before us and the final goal is Jesus himself. To reach him, we should pass through struggles, suffering and death like Jesus did.

Jeremiah was a prophet, a messenger of God. Jesus also is a prophet, a messenger of God. Both of them were suffered a lot. Both were persecuted a lot. Both were on the race to reach the final goal. It is the salvation! it is the kingdom of God. To be faithful with the commission from God, they have to tell the truth, they have to make people think about their sins and they ask people to make a returning to God so that they can avoid from disaster, penalty from God. But people did not listen to them and before people’s eyes, they are troublemakers, they did not let them live in peace. They mean the peace of unspoken conscience. They don’t want any bother them by telling them about God, righteousness and true peace.

So when Jesus said “Do you think that I have to come to bring peace to the earth? No. I tell you, but rather division”. Jesus doesn’t mean that he is a troublemaker to the earth but he wants people have a true peace. The truth peace is Jesus himself. He is the way, the truth and the life. Because of him and the kingdom of God, people are divided from one another. Some go with him but some against him and because they do against him, they against with one another. So in some way, he becomes the reason of division.

However Jesus also says “I came to bring fire to the earth and how I wish it were already kindled”. The catechism of the Catholic Church reminds us that “while water signifies birth and the fruitfulness of life given in the Holy Spirit, fire symbolizes the transforming energy so that we would see the true peace that Jesus brings to the earth and we should be faithful with Jesus even there is division in the family.

I think that Pope Francis is the fire of the Holy Spirit. The pope uses that fire to burn down the distance from the Roman Pontiff and the people especially the poor. On July 18, 2013 at 01:55 pm., a Vatican spokesman said “during next week's World Youth Day in Rio de Janeiro, Pope Francis will be staying in a modest residency, visiting a slum and traveling without his Popemobile” Pope Francis really lives on earth, he stays in the side of the poor because majority of the population the world is poor and very poor. The pope becomes the real presence of Jesus, the poor in the world. We can say that the pope brings a big surprise and difference to the world. If we want to follow Jesus we have to do some things that are very different from tradition before.

The life we live is not an easy one, especially to live a catholic life. Sometimes we become those who make division in the family between husband and wife and children. Sometimes we become those who make division in the community not for any reason but for the fire of the Holy Spirit, for the renewal, for a better change for family. We should go to the end even suffering, struggles and discouragements. We should carry the fire to everywhere and to everyone so that they can see Jesus Christ, the pioneer, the perfect one that we are looking for. Amen

Oremus: O Lord Jesus, thank you for being with us as a friend, as a teacher and as Master. As a friend, you make us to be close to you. As a friend you share with us our struggles. As a teacher, you show us how to live a life with full of meaning. As a Master, you give us eternal life in heaven. Jesus, we follow you always! Amen.

Father Great Rice

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô khám phá Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng là một quà tặng cho Giáo Hội
Bùi Hữu Thư
09:39 12/08/2013
VATICAN (CNS) –

Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro, từ 23 đến 28, tháng 7, trong đám đông có thể thấy nhiều tín hữu giơ hai tay lên trời, người lắc lư qua lại, trên mặt mang sắc diện say mê hay hân hoan.

Các hình ảnh này, cùng với các sự xuất hiện trên sân khấu của các nhân vật nổi danh như Linh Mục Marcelo Rossi, một cha xứ của một đại giáo xứ, có các đĩa thâu và phim ảnh thường xuyên được xếp hạng hàng đầu tại quê hương Ba Tây của ngài, là những nhân chứng cho ảnh hưởng mạnh mẽ của Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng đối với Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh ngày nay.

Trong khi Giáo Hội tiếp tục mất đi nhiều thành viên trong vùng có dân số Công Giáo đông nhất thế giới, phong trào đoàn sủng nổi bật như một nguồn hy vọng, không những để chống lại sự cạnh tranh ghê gớm của Giáo Phái Ngũ Tuần Tin Lành, mà còn giúp tăng cường sức mạnh tinh thần nơi các tín hữu nói chung.

Mặc dầu chưa hiện diện được nửa thế kỷ, phong trào có ít ra là 120 triệu thành viên tại 230 quốc gia đã chịu “phép rửa bởi Chúa Thánh Thần,” theo một văn kiện được Dịch Vụ Canh Tân Đoàn Sủng Quốc Tế ấn hành năm 2012. Phong trào khởi xướng tại Hoa Kỳ, đã phát triển nhanh chóng tại Á Châu và Phi Châu. Nhưng điạ điểm tập trung của phong trào hiện nay là tại Châu Mỹ La Tinh, nơi 16 phần trăm người Công Giáo tự xưng là thành viên.

Một trong những nhà tiên phong của phong trào là linh mục Dòng Tên Edward Dougherty, nhà sáng lập Đài Truyền Hình Công Giáo Ba Tây “Seculo 21” (Thế Kỷ 21).

Khi linh mục sanh trưởng tại Louisiana di chuyển sang Ba Tây năm 1966, ngài đã khám phá một quốc gia, như đa số tại Châu Mỹ La Tinh, nơi ơn gọi và việc tham dự Thánh Lễ suy giảm. Ngài cũng được biết rằng một phong trào Công Giáo mới đây đã cổ võ cho công bằng xã hội trong vùng trong một vài trường hợp đã đưa tới sự sao lãng các giá trị trần thế khác.

Cha Dougherty nói với Catholic News Service tại Rio. "Cần có đời sống thiêng liêng.”

Trong khi đó, các người Tin Lành theo Giáo Phái Ngũ Tuần lại hăng say rao truyền sứ điệp của họ rất thành công trong dân số người Công Giáo truyền thống.

Giáo phái này “nói về nhu cầu linh đạo của người dân,” cha Dougherty nói. "Thông thường, các nhà thờ, các đền thờ của họ cởi mở hơn các nhà thờ Công Giáo,” và các mục sư của họ dễ dàng và luôn sẵn sàng thăm viếng giáo dân tại nhà của họ hơn các linh mục Công Giáo.

Một vài Giáo Hội Ngũ Tuần, nhất là các Giáo Hội không thuộc giáo phái nào như Giáo Hội Hoàn Vũ của Vương Quốc Thiên Chúa tại Ba Tây, cũng rao giảng “phúc âm của sự giầu có” về tài vật nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Đó là một sứ điệp hiển nhiên là hấp dẫn tại một quốc gia như Ba Tây, nơi mặc dầu có sự tăng trưởng về kinh tế mới đây, sản lượng quốc gia trên đầu người chỉ có $12.100.

Phong trào Ngũ Tuần vẫn tiếp tục gia tăng, từ 6 phần trăm dân số Ba Tây năm 1991 lên 13 phần trăm năm 2010, theo một tài liệu mới đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew dựa trên các dữ kiện thống kê dân số Ba Tây. Trong cùng một thời kỳ, phần chia xẻ của Công Giáo giảm từ 83 phần trăm xuống 65 phần trăm. Một cuộc thăm dò của Pew về Phong Trào Ngũ Tuần cho hay 45 phần trăm là người Công Giáo đã bỏ đạo.

Mặc dầu Phong Trào Canh Tân Đoàn Sủng Công Giáo đã có những gốc rễ đại kết chắc chắn, và các thành viên thường cầu nguyện chung với nhóm Ngũ Tuần, phong trào cũng hoạt động như một công cụ cho việc gìn giữ hay chiêu hồi các người Công Giáo đang bị nhóm Tin Lành cám dỗ.

Cũng như phong trào Ngũ Tuần, Canh Tân Đoàn Sủng Công Giáo nhấn mạnh về vai trò của Chúa Thánh Thần, có các vụ chữa bệnh bằng đức tin và nói tiếng lạ, và được loan truyền bởi các nhà truyền giáo đi gõ cửa từng nhà. Nhưng vai trò quan trọng phong trào đem lại cho Mẹ Maria và Thánh Thể bảo đảm rằng việc tồn sùng đoàn sủng Thánh Linh có một căn tính Công Giáo rõ rệt.

Cha Dougherty nói: Phong trào cũng khuyến khích các dịch vụ xã hội, ghi nhận là được linh ứng bởi biến cố căn bản của Giáo Hội, là Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ của Chúa Giêsu “ra đi trên đường phố” để rao giảng và giúp đỡ người nghèo khó ngay sau khi họ được tràn đầy Thánh Thần.

Căn tính Công Giáo mạnh mẽ rất thiết yếu cho việc phong trào được chấp nhận bởi các giới chức thẩm quyền trong Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh, vì rất nhiều vị lúc đầu đã dè dặt về hình thức thờ phượng khác lạ và vì giới lãnh đạo đa số là giáo dân.

Một trong những người nghi ngại là linh mục Jorge Mario Bergoglio, người Á Căn Đinh, nay là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay rời Rio: Vào cuối thập niên 70 và khởi đầu của thập niên 80, tôi không có nhiều thì giờ cho phong trào canh tân đoàn sủng. Có lần tôi đã nói như sau về họ: ‘những người này đã lầm lẫn giữa một nghi thức phụng vụ và những bài dậy khiêu vũ điệu Samba!'"

Ngài nói: "Bây giờ tôi hối tiếc. Bây giờ tôi cho rằng phong trào này, nói chung đã thực hiện được nhiều điều tốt lành cho Giáo Hội."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi không nghĩ rằng phong trào canh tân đoàn sủng chỉ ngăn cản mọi người không bỏ đạo để gia nhập các giáo phái Ngũ Tuần. Phong trào còn là một hình thức phụng sự cho chính Giáo Hội! Phong trào đổi mới chúng ta."

Đức Thánh Cha tiếp: "Phong trào này cần thiết, phong trào này là ân sủng của Chúa Thánh Thần”, khi ngài nói về các phong trào trong Giáo Hội nói chung." “Tất cả mọi người đều tìm kiếm một phong trào riêng cho mình, tùy theo đoàn sủng của mỗi người, nơi Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ."
 
Kho tàng đích thực của con người
Bùi Hữu Thư
04:05 12/08/2013


VATICAN, ngày 11, tháng 8, 2013 (Zenit.org) – Đây là bản dịch huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin hôm nay tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến, Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 12:32-48) nói với chúng ta về ước muốn được vĩnh viễn gặp gỡ Chúa Kitô, là một ước muốn giúp chúng ta luôn luôn sẵn sàng, với tinh thần thức tỉnh, vì chúng ta chờ đợi cuộc gặp gỡ này với tất cả trái tim, với tất cả con người.

Đây là một khía cạnh căn bản của đời sống. Có một ước mong chúng ta luôn luôn ôm ấp trong lòng, dù được biểu hiệu hay che dấu, chúng ta luôn luôn lưu giữ trong lòng. Điều quan trọng là cũng phải thấy giáo huấn này của Chúa Giêsu trong nội dung thực tế và hiện sinh theo đó Chúa truyền dậy. Trong trường hợp này, tác giả Phúc Âm trình bầy Chúa Giêsu, đang cùng đi với các môn đệ lên Giêrusalem, dự Lễ Vượt Qua, tới cái chết và sự Phục Sinh, và trong hành trình này Chúa giảng dậy họ, tâm sự với họ về những gì trong tâm tư, và những thái độ thầm kín trong tâm hồn Người. Trong các thái độ này là sự thờ ơ đối với những tài nguyên trần thế, việc tin tưởng vào sự an bài của Thiên Chúa và chính là sự thức tỉnh nội tâm, và mong đợi Nước Trời một cách tích cực.

Đối với Chúa Giêsu, đó là việc mong đợi được trở về nhà Cha. Đối với chúng ta đó là việc mong đợi chính Chúa Kitô, Người sẽ đến để đem chúng ta tới bàn tiệc vĩnh cửu, Người đã làm như vậy đối với Mẹ Người, Rất Thánh Mẹ Maria: Chúa đã đem Mẹ về Thiên Đàng với Người.

Phúc Âm này muốn cho chúng ta hay là Kitô hữu là người mang trong lòng một ước muốn sâu xa: là được gặp gỡ Chúa Kitô cùng với các anh chị em của mình, cùng với những bạn đồng hành trên đường. Và tất cả những gì Chúa Giêsu dậy chúng ta được tóm lược trong câu châm ngôn nổi tiếng này: Kho tàng ở đâu thì lòng bạn ở đó (Lc 12:34).

Trái tim có ước mong này… Nhưng tất cả chúng ta đều có ước mong này! Những người không có ước mong này thật nghèo nàn! Ước mong được bước tới chân trời này, và đối với chúng ta các Kitô hữu chân trời này là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ đích thực với Người, vì Người chính là sự sống và niềm vui của chúng ta, và làm cho chúng ta được hạnh phúc.

Nhưng tôi muốn hỏi các bạn hai câu hỏi. Câu thứ nhất: Tất cả các bạn có một trái tim mong ước không? Xin hay suy nghĩ và thầm trả lời trong tim: Bạn có trái tim mong ước không, hay là một trái tím khép kín, một trái tim ngủ say, một trái tim bị làm cho bị tê mê đối với những gì của đời sống? Ước muốn tiến bước đi gặp Chúa Giêsu.

Và câu hỏi thứ hai: Đâu là kho tàng của bạn, và bạn mơ ước?

Vì Chúa Giêsu bảo chúng ta: Nơi đâu là kho tàng của bạn thì tâm hồn bạn cũng ở đó, và tôi muốn hỏi? Điều gì quan trọng nhất, và thực tại nào quý giá nhất đối với bạn? Thực tại nào đang lôi kéo trái tim bạn như một nam châm? Cái gì đang thu hút trái tim bạn? Tôi có thể nói đây là tình yêu Thiên Chúa không? Có phải là ước muốn làm việc lành đối với tha nhân không, để sống vì Thiên Chúa và anh chị em không? Tôi có thể nói như vậy không? Tất cả mọi người trả lời âm thầm trong tim.

Nhưng có người có thể nói với tôi: Nhưng, thưa cha, con có công ăn việc làm, con có gia đình. Đối với con, điều quan trọng nhất là phải giúp cho gia đình con thăng tiến, và con được tiến thân trong sự nghiệp... Dĩ nhiên, điều này cũng quan trọng. Nhưng đâu là quyền lực liên kết gia đình? Chính là tình yêu, và Thiên Chúa là Đấng gieo rắc tình yêu trong tim chúng ta, gieo tình yêu Thiên Chúa trong tim chúng ta. Và đây chính là kho tàng đích thực.

Nhưng tình yêu Thiên Chúa là gì? Đây không phải là một cái gì mơ hồ, một tâm tình vô định. Tình yêu Thiên Chúa có một danh hiệu và một gương mặt: thánh danh và gương mặt Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Giêsu. Vì chúng ta không thể yêu không khí… Chúng ta có yêu mến không khí không? Chúng ta có yêu tất cả mọi sự không? Không, điều này không thể làm được!

Chúng ta yêu những con người, và người chúng ta yêu là Chúa Giêsu, là quà tặng của Chúa Cha ban cho chúng ta. Đây là tình yêu ban cho chúng ta giá trị và vẻ đẹp cho tất cả mọi điều khác; một tình yêu ban sức mạnh cho gia đình, việc làm, học vấn, tình bạn, nghệ thuật, và cho tất cả mọi sinh hoạt của con người. Và còn giúp cho cả những kinh nghiệm tiêu cực có ý nghĩa, vì tình yêu này giúp chúng ta vượt lên trên các kinh nghiệm này, để đi xa hơn, để không bị làm nô lệ cho sự dữ, nhưng làm cho chúng ta tiến xa hơn, và luôn luôn mở ra niềm hy vọng cho chúng ta.

Do đó, tình yêu Thiên Chúa nơi Giêsu luôn luôn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, và một chân trời hy vọng, chân trời tối hậu của cuộc hành hương của chúng ta. Bằng cách này ngay cả những tranh đấu và thất bại của chúng ta cũng có ý nghĩa. Tội lỗi chúng ta cũng có ý nghĩa trong tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu Thiên Chúa nơi Giêsu luôn luôn tha thứ, vì yêu thương quá nhiều nên luôn luôn tha thứ cho chúng ta.
 
Chúa Kitô và Giáo Hội chỉ là một, từ thánh Jeanne d'Arc tới thánh I-nhã
Bùi Hữu Thư
05:34 12/08/2013


Tweet của Đức Thánh Cha Phanxicô

ROME, ngày 11 tháng 8, 2013 (Le Monde vu de Rome) - "Chúa Kitô và Giáo Hội chỉ là một”: lời đáp trả nổi tiếng của thánh Jeanne d'Arc với những thẩm phán kết án bà có thể tóm lược tốt đẹp điện văn "tweet" do Đức Thánh Cha Phanxicô đăng trên chương mục @pontifex_fr của ngài.

Thực vậy, Đức Thánh Cha đã viết: “Người ta không thể nào tách biệt Chúa Kitô ra khỏi Giáo Hội. Ân sủng của Phép Rửa ban cho chúng ta niềm vui để đi theo Chúa Kitô trong Giáo Hội và cùng với Giáo Hội."

Đây là một chủ đề Thánh I-nhã thành Loyola rất ưa thích, ngài khuyến khích và đề nghị trong các bài tập Linh Thao những “quy luật” khác nhau để “cảm nhận” cùng với Giáo Hội: “Những quy luật phải theo để không bao giờ xa lạc những tâm tình đích thực chúng ta cần phải có trong Giáo Hội đấu tranh."

Đức Thánh Cha đã lập lại nhiều lần: Và điều này chỉ vì “Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô (l'Eglise est "l'Epouse du Christ").

Ngài nói: chẳng hạn trong quy luật thứ 13: “Cần phải tin rằng giữa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là phu quân, và Giáo Hội là hiền thê, chỉ có cùng một Thánh Thần hướng dẫn chúng ta và điều khiển chúng ta vì sự rỗi của linh hồn chúng ta, và chính là bởi Thánh Thần và chính Thiên Chúa này đã ban cho chúng ta Mười Điều Răn để hướng dẫn và điều khiển Giáo Hội Mẹ của chúng ta."
 
Dư âm WYD: Xem 3 triệu người chào mừng ĐGH bằng điệu muá 'flash mob' vỉ đại nhất thế giới.
Trần Mạnh Trác
14:05 12/08/2013
Mặc dù Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD/JMJ) đã kết thúc 2 tuần rồi nhưng dư âm hầu như vẫn còn chưa chấm dứt. Video cuả WYD được sao chép, nối kết, truy cập, tải xuống và đón xem với những con số kỷ lục. Đứng đầu là video âm nhạc.

Clip video từng được phát sóng trên toàn thế giới là bài hát Chầu Thánh Thể cảm động cuả Matt Maher đã bị vượt qua, sau đây là một video khác cuả romereports.com đang trở thành dẫn đầu:

Video chiếu cảnh sáng Chúa Nhật 28 Tháng 7 năm 2013, trước Thánh Lễ kết thúc ở bãi biển Copacabana của Rio, hàng triệu người hành hương đã tham gia một điệu muá tập thể 'flash mob' chào mừng Đức Giáo Hoàng, điệu muá đơn giản nhưng khí thế cuả thanh niên thì hân hoan cuồn cuộn dâng trào. Cảnh flash mob được đánh giá là vĩ đại nhất thế giới. Lời hát bằng tiếng Bồ Đào Nha có tiêu đề là 'Francisco.'

Xem và nghe video

Lời bài hát 'Francisco' như sau:

Ho! Ho! Ho! Hô! Hô! Hô!

Ho! Ho! Ho! Hô! Hô! Hô!

Seja bem vindo, bem vindo entre nós Xin hoan hô, chào mừng Ngài đến giữa chúng tôi

Que coisa boa ouvir tua voz Thật tuyệt vời nghe lời Ngài nói

É uma alegria poder te encontrar Rất hân hoan được tiếp đón Ngài

Ho! Ho! Ho! Hô! Hô! Hô!

Seja bem vindo, bem vindo entre nós Tôi lên tiếng cho bản thân tôi, và cũng là cho chúng bạn

Falo do fundo do meu coração Bằng một lời xuất phát tự đáy lòng

O seu sorriso é tudo de bom! Nụ cười của Ngài là tất cả nhân lành!

Bom! Bom! Bom! Sorriso bom! Nhân lành! Nhân lành! Nhân lành! Nụ cười thật nhân lành!

Điệp khúc (lập lại nhiều lần):

Hay! Ới ơi!

Vem, abra os braços como o Redentor Xin đến, hãy mở rộng cánh tay theo (tượng) Chuá Cứu Chuộc

Tua benção Francisco nos tráz Hỡi Đức Phanxicô, phép lành cuả Ngài mang tới cho chúng tôi

Mais um raio de luz, esperança, de amor e de paz ! Thêm một tia sáng, hy vọng, tình yêu và hòa bình!

(kết thúc)

De amor e de paz! Tình yêu và hòa bình!



 
ĐTC gọi điện thoại chia buồn với một người tuyệt vọng.
Trần Mạnh Trác
22:19 12/08/2013
Chúng ta đều biết kể từ ngày lên ngôi, ĐGH vẫn gọi ĐT riêng cho những người thân ở Argentina như ông thợ giầy, anh bán báo, thầy thư ký trường học vv.. Mới đây trong dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio, chúng ta lại được biết thêm rằng Ngài đã tiếp tục làm việc 'mục vụ nhà tù' ở Buenos Aires bằng cách gọi 2 tuần một lần cho những tù nhân trẻ mà Ngài đã từng khuyên bảo họ trong nhiều năm qua.

Mới đây, một người ý tên là Michele Ferri cho biết anh ta đã nhận được một cú ĐT bất ngờ cuả Đức Thánh Cha.

Anh Michele Ferri, 40 tuổi, là em trai của một ông chủ những trạm xăng ở thị xã Pesaro miền Bắc nước ý tên là Andrea, 51 tuổi, là người đã bị hạ sát hồi tháng 6 vừa qua bởi một nhân viên mà ông ta coi như là con ruột và một tòng phạm khác.

Michele Ferri đã phải vật lộn rất khó khăn với nỗi buồn phiền nhưng không thể vượt qua khỏi. "Tôi không thể tha thứ cho Thiên Chuá được," anh ta viết trên Facebook, "Tôi tha cho Chuá nhiều lắm rồi, nhưng lần này thì hết nổi rồi".

Cùng lúc đó anh viết một bức thư than phiền với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng thực tình anh không bao giờ nghĩ rằng sẽ được phản hồi.

Vào giữa trưa thứ Tư nóng bức ngày 7 tháng 8 vừa qua, ĐT cầm tay cuả anh bỗng reo lên, màn hình cho biết người gọi là "unlisted" (vô danh), nhưng Michele vẫn bắt máy.

"'Ciao (chào) Michele, đây là Đức Giáo Hoàng Phanxicô", một tiếng nói ở đầu dây bên kia vang lên.

Sự bất ngờ làm tim cuả anh đập nhanh. "Đó là một cảm giác chỉ có một lần trong đời," Michele cho biết trên trang Facebook.

Đầu tiên là ngạc nhiên rồi sau đó là hốt hoảng "bây giờ mình nên nói gì đây?" và sau nữa là nghi ngờ, "có lẽ đây là một trò đùa."

Tuy nhiên, sự nghi ngờ tan biến mau chóng khi Đức Thánh Cha nói chuyện với Michele về những gì anh đã viết cho ngài.

"Đức Thánh Cha nói với tôi rằng Ngài đã khóc khi đọc lá thư cuả tôi" anh thố lộ như vậy trên mạng xã hội với bạn bè cùng cảnh ngộ, nghĩa là những người đã phải ngồi xe lăn nhiều năm trời giống như anh. Anh không tiết lộ gì thêm về những điều riêng tư khác mà anh đã nói chuyện với ĐGH.

Michele cho các nhà báo biết rằng anh đã xin Đức Giáo Hoàng gọi cho mẹ mình, vì anh cũng đã viết một lá thư giống như vậy với bà, để cho bà ấy được thêm hy vọng. Và Ngài đã gọi cho bà. Đương nhiên, anh Michele đã báo tin cho bà mẹ biết trước để tránh việc bà ấy gác máy vì tưởng là một trò đùa.

"Ngài cũng nói với mẹ tôi rằng Ngài xúc động khi đọc lá thư của tôi", Michele noí. "Đức Thánh Cha thật là nhân từ, và đây là một món quà cho bà, một món quà nhân bản tuyệt vời."

Michelle nhấn mạnh "Đức Giáo Hoàng này rất đặc biệt, Ngài có một cái gì đó nhiều hơn so với những vị tiền nhiệm."

"Tôi đã có thể hỏi Ngài rất nhiều thứ khác, nhưng mà đầu óc của tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi thậm chí không thể nói được điều mình nghĩ...Tôi cảm thấy một cái gì đó rất khác, và những việc Ngài làm chứng tỏ điều đó. Ngài chắc chắn không cần được quảng cáo. Mọi người đã biết Ngài là ai và những gì Ngài làm," anh nói thêm.

Về câu hỏi về gia đình của anh đã ra sao sau cuộc điện đàm với Đức Thánh Cha, anh Michele trả lời: "Đức Giáo Hoàng đã truyền đạt một sự thanh thản tuyệt vời và Ngài đã cho chúng tôi hy vọng," và cú điện thoại này "làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi phần nào. " Tuy nhiên, cái chết cuả người anh là một vết thương rất chậm lành. "Đối với chúng tôi, cái chết của Andrea là một biến cố sẽ ở với chúng tôi mãi mãi," anh nói. "Tôi chưa sẵn sàng tha thứ cho hung thủ", anh nói thêm, "tôi muốn hỏi nó tại sao nó đã làm như thế."

Hai hung thủ đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ.
 
Túc cầu: hai đội banh quốc gia Ý và Á Căn Đình tại Vatican
Bùi Hữu Thư
19:27 12/08/2013

Tiếp kiến riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô

ROME, 12 tháng 8, 2013 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha sẽ không tới vận động trường thế vận tại Rôma để xem trận đấu giao hữu giữa hai đội banh Ý và Á Căn Đình ngày 14 tháng 8: “Tôi sẽ vẫn mời ngài tham dự trận đấu, nhưng tôi sợ là tôi sẽ run lắm vì cảm động”, theo lời ông Cesare Prandelli.

Các ủng hộ viên đã hy vọng được thấy Đức Thánh Cha Phanxicô tại vận động trường "Olimpico" tại Rôma, chiều ngày 14 tháng 8, để xem trận đấu giáo hữu Ý – Á Căn Đình, sẽ thất vọng khi được biết Đức Thánh Cha sẽ không có mặt trong trận đấu.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến các cầu thủ hai hội tuyển quốc gia tại Vatican trong một buổi tiếp kiến riêng.

Tin tức này đã được linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông của Tòa Thánh xác định, và đã được thông báo trên mạng của Hiệp Hội Túc Cầu Ý (Fédération italienne du football: Figc) là cuộc tiếp kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai, thứ ba 13 tháng 8, tại Sảnh Đường Clémentine của Cung Điện Tông Đồ.

Những người ủng hộ đã vững tin là họ sẽ được thấy sự hiện diện của con người hiền lành mặc áo trắng, và thấy ngài vui mừng mỗi khi đội banh San Lorenzo, hội tuyển của thành phố Buenos Aires đá trúng gôn. Đức Thánh Cha đã từng là một nhà hâm mộ nhiệt thành của đội banh này.

Ông Cesare Prandelli, Ủy viên kỹ thuật Ý, đã biết Đức Thánh Cha rất ham mê túc cầu. Ông đã mời ngài tham dự trận đấu giao hữu. Ông kể cho phóng viên của báo “La Gazetta dello Sport” trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Tại sao tôi lại nghĩ đến việc này? Tôi đã nghĩ đến nước Ý và Á Căn Đình, hai đội tuyển quốc gia này cùng đi từ một khách sạn để hân hoan đến gặp ngài.”

Uỷ viên kỹ thuật và Hội Tuyển Mầu Xanh “squaddra azzurra” sẽ phải tự an ủi với buổi tiếp kiến đặc biệt vào ngày 13 tháng 8. Ông Prandelli tiếp: “Hiệp Hội Túc Cầu đã chuẩn bị, và thứ ba tới, tôi sẽ rất sung sướng được gặp ngài.”

Mặc dầu cha Lombardi đã xác định là Đức Thánh Cha sẽ không có mặt trong trận đấu, ông Prandelli vẫn sẽ hăng hái nói với ngài: “Nếu Đức Thánh Cha không bận gì chiều ngày thứ tư, xin ngài hãy cố gắng đến sân vận động với chúng con.” Nhưng ông thú nhận: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không dám lên tiếng vì quá cảm động.”

Dù sao chăng nữa thì trận đấu này sẽ được thực hiện để vinh danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Mọi người sẽ thấy quang cảnh các ủng hộ viên đồng thanh tung hô Đức Thánh Cha, khi biết rằng ngài sẽ theo dõi trận đấu trên máy vô tuyến truyền hình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Giáo Hội Việt Nam 31/7 - 06/8/2013
Vietcatholic
20:34 12/08/2013
'>Tin GHVN Tuần 17 Năm 2013
1. Tin GP Đà Lạt.
Thánh lễ Truyền Chức Linh Mục Cho Phó Tế Phaolô Vũ Văn Doanh, Tại Nhà thờ Minh Giáo.
Vào lúc 9g30 thứ Bảy 27.72013, tại Nhà thờ Giáo xứ Minh Giáo, Giáo Hạt Đàlạt, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đàlạt đã cử hành Thánh lễ Truyền chức Linh mục cho thầy Phó tế Phaolô Vũ Văn Doanh, tu sĩ thuộc Tu Hội Tận Hiến - Nhập Thể - Truyền Giáo.
Đồng tế thánh lễ với Đức Cha Antôn có cha Tổng Đại diện Phaolô Lê Đức Huân, cha Tổng Phụ Trách Tu Hội Tận Hiến Giuse Nguyễn Việt Hưng, cha bề trên Đại Chủng Viện Malta, Quý cha Quản Hạt và 40 linh mục.
Tham dự Thánh lễ có đông đảo tu sĩ nam nữ, cha mẹ, thân nhân của tiến chức và giáo dân từ nhiều nơi trong và ngoài Giáo phận.
Bước vào Thánh lễ, Đức Cha Antôn mời gọi mọi người hiệp lòng cùng Tu hội và tiến chức tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho tiến chức và cầu nguyện cho chính mỗi người. Vì khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu đã được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô còn gọi là chức tư tế cộng đồng ; với tiến chức là chức linh mục thừa tác, để cộng tác với Đức Kitô trong việc rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo Dân Chúa.
Sau các bài đọc Lời Chúa, Cha Fx. Nguyễn Văn Hoàng, Tổng đại diện Nam Tu Hội Tận Hiến, giới thiệu và chứng nhận tiến chức là xứng đáng, Đức Cha Antôn chấp nhận, tuyển chọn thầy Phó Tế lên chức linh mục.
Tiếp đó, dựa vào huấn dụ trong Sách Nghi thức, Đức Cha đã ngỏ lời với công đoàn và tiến chức về nhiệm vụ linh mục.
Qua các lời hứa, tiến chức tỏ rõ quyết tâm theo Chúa đến cùng, và với lời hứa vâng phục, trung thành với Giám mục, tiến chức đã đặt trọn đôi tay của mình trong tay Đức Cha Antôn.
Cộng đoàn sốt sắng dâng lời kinh, hiệp cùng các thánh trên trời, khẩn cầu Thiên Chúa thêm ơn giúp sức cho tiến chức. Đức Cha Antôn và quý cha đồng tế đã đặt tay trên tiến chức như dấu chỉ nhận tiến chức vào linh-mục-đoàn ; rồi Đức Giám Mục đọc lời nguyện truyền chức, thông ban ơn Chúa Thánh Thần giúp tân chức thi hành nhiệm vụ linh mục. Sau lời nguyện truyền chức, Tân chức đã được cha nghĩa phụ giúp mặc phẩm phục. Nghi thức Truyền chức tiếp tục với việc Đức Giám Mục xức dầu trên đôi bàn tay của tân chức để từ nay, đôi tay này được thánh hiến để “thánh hóa dân Kitô-giáo và hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa”. Chén thánh cũng được trao để từ nay, Tân linh mục không những là người dâng lễ tế, mà còn phải tế lễ chính thân mình mỗi ngày. Cử chỉ trao hôn bình an kết thúc Nghi thức truyền chức.
Linh mục đoàn Giáo phận và Tu hội Tận hiến có thêm thành viên mới, để cùng với Giám mục, với bề trên, tân chức sống hiệp nhất, cộng tác và yêu thương phục vụ.
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Trước phép lành cuối Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Giuse Nguyễn Việt Hưng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Tu Hội. Ngài cám ơn Đức Cha Antôn - Đấng Bản quyền của Tu Hội, cám ơn quý cha, quý tu sĩ nam nữ và hết mọi người, luôn đồng hành và hiện diện với Tu Hội lúc buồn cũng như khi vui. Ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện để Tu Hội thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình.
Cha mới cũng nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn của mình, và trong sứ vụ mới, ngài xin mọi người tiếp tục thương yêu, nâng đỡ...
Phép lành của Thiên Chúa được Tân Linh mục ban trên cộng đoàn hiện diện, một lần nữa cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho Hội Thánh, cho từng người con của Ngài. Xin được mãi vang lên “lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la…” trong cả cuộc đời chúng con.
Khải Linh
2.Tin TGP Sàigòn.
Giáo xứ Thánh Giuse: Tổ chức Mùa Hè vui tươi
“Mỗi lần các ngươi làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Hằng năm cứđến mùa hè, giáo xứ Thánh Giuse,huyện Cần Giờ, TPHCM lại có những ngày Hè thật vui tươi và bổ ích. Các cháu đến đây được vui chơi và học tập, được bổ trợ kiến thức cùng những kỹ năng sống: yêu thương, đoàn kết và trách nhiệm.
Những tiết mục văn nghệ đã ghi lại hình ảnh ấn tượng của những ngày sinh hoạt Hè nơi đây. Từ quý cha, quý thầy, quý cộng tác viên cho đến các bậc phụ huynh trong và ngoài giáo xứ, đều chung tay hỗ trợ cho buổi khai mạc Hè 2013 bằng những hoạt động thật hữu ích vào ngày 17.6.2013.
Trong mùa Hè này, có hơn 170 em đăng ký sinh hoạt học tập và vui chơi. Các cháu được quý cha, quý thầy cùng các cộng tác viên trực tiếp giảng dạy không chỉ kiến thức văn, toán, anh văn mà còn được chính các cha, thầy hướng dẫn và rèn luyện những môn năng khiếu như: hội họa, đàn, trống, cầu lông, bóng đá… Sáu tuần ngắn ngủi, các em đã chăm chỉ học tập, vui chơi với chủ đề “Hè: Vui vẻ - Vui tươi - Vui khỏe”. Các cháu đã thi đua với nhau hằng tuần để giành thành tích cao nhất.
Các cháu không chỉ học trên lớp mà còn được học vốn sống phong phú khi tham quan công viên văn hóa Đầm Sen. Hơn 150 em được chia làm 5 đội với những cái tên thật đáng yêu như: Thiên nga, Đại bàng, Chúa sơn lâm… Mới 5 giờ sáng ngày 26.7.2013, các em đã có mặt đông đủ tham gia trong tinh thần vui tươi, đoàn kết và quyết tâm giành chiến thắng. Các hoạt động diễn ra liên tục và cuốn hút, nào là vòng lượn tuổi thơ, thảm bay, pháo thủ thiện xạ… Nhưng hứng thú nhất là khi các em được đùa vui với dòng sông lười, vượt thác nước mát lành.
Thế đấy, Hè thật là vui tươi và bổ ích, khỏe mạnh và hồn nhiên.
Để rồi sáng 27.7.2013, lễ bế mạc tổng kết Hè được diễn ra trong bầu không khí thân thương và vui tươi. Các cháu chia tay mùa Hè với những phần thưởng có giá trị, và trong niềm hân hoan: “Vui vẻ – Vui tươi – Vui khỏe”. Ước gì mùa Hè nào cũng được như thế!
Chào mùa Hè của giáo xứ Thánh Giuse. Chúng con cám ơn quý cha, quý thầy cùng tất cả mọi người đã cho chúng con những ngày Hè thật vui tươi và bổ ích! Chúa phán: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, sẽ không vào được Nước Trời” (Mt 18,3). Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận còn viết: "Một cử chỉ nhỏ nhặt nhất vì kẻ khác là một bước dẫn đến tình yêu." (ĐHV. 827).
3.Tin TGP Sàigòn
Gx. Trung Mỹ Tây: Chút tình tri ân mục tử
Thực hiện tâm tình tri ân với quý cha đã cống hiến trọn đời mình cho Giáo Hội, gia đình phạt tạ thánh tâm ( GĐPTTT) giáo xứ Trung Mỹ Tây do Ông đoàn trưởng Vincentê Đặng Văn Đáp, các ủy viên trong BCH cùng một số đoàn viên đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho quý cha tại nhà Hưu dưỡng các Linh mục của TGP Sài Gòn (149 Bành Văn Trân, P. 7, Q. Tân Bình) vào lúc 8g00 ngày 27/07/2013.
Tại văn phòng, đoàn đã được các nữ tu phụ trách tiếp đón, đồng thời giới thiệu sơ lược về quý cha tại nhà hưu dưỡng. Hiện nay, có 14 cha già, yếu và bệnh tật, đang nghỉ dưỡng sau một cuộc đời phục vụ Hội Thánh hết sức vất vả cả về tinh thần lẫn thể chất; phục vụ các ngài có 3 nữ tu cùng một số người phụ việc. Sau đó, các nữ tu đã thay nhau dẫn đoàn đến thăm quý cha tại phòng riêng. Phòng riêng của quý cha sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi để sinh hoạt và được bày trí theo sở thích như nhà riêng của mình.
Trước mặt chúng tôi là những con người đã từng “vang bóng một thời”. Có cha đã từng học cao hiểu rộng, viết bao nhiêu sách, dạy bao nhiêu học trò, đào tạo biết bao vị mục tử cho Giáo Hội; giờ biết mình tuổi già sức yếu lặng lẽ rút vào bóng tối để cho lớp đàn em tiến lên. Học trò của các cha bây giờ có người làm giám mục, bề trên, giám đốc, cha sở… đang hăng say, miệt mài với các công việc mục vụ nối tiếp truyền thống của cha anh. Tuy tuổi già sức yếu nhưng có ngài vẫn còn minh mẫn sáng tác và cần mẫn gõ từng con chữ trên máy vi tính, đồng thời tự tay in tặng mỗi thành viên chúng tôi một bản “Kinh của con Trời”.
Có những cha đã xây dựng bao nhiêu nhà thờ, trường học, coi sóc bao nhiêu giáo xứ, nhà trường, trung tâm.Nói chuyện với chúng tôi, các ngài vẫn hào hứng kể về những ngày Lễ, Tết… được tổ chức ở giáo xứ ngày ấy như khi còn là một vị cha sở đương chức. Có vị còn tự hào say sưa kể cho chúng tôi nghe về xứ đạo nơi ngài từng coi sóc là quê hương của vị Chân phước tử đạo duy nhất của Sài Gòn. Nhưng ngài cũng rất hóm hỉnh với câu trả lời về tuổi của mình là 90 nếu người hỏi là đàn ông, và 89 nếu người hỏi là quý bà!
Có những cha bước chân truyền giáo đã đi khắp các vùng sâu, vùng xa, đưa dẫn bao nhiêu người tin theo Chúa, thực hiện biết bao chương trình bác ái xã hội. Có những cha theo bước chân mục vụ, đồng hành cùng thời cuộc và thăng trầm của đất nước đã một thời trong chốn lao tù, trại cải tạo! Giáo dân của các ngài bây giờ nhiều người đã thành những “ông cố, bà cố”, nhà cao cửa rộng hoặc nắm giữ những địa vị cao trong nước cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Bây giờ có mấy người còn nhớ đến người cha của mình năm xưa?
Vui vẻ và hồn nhiên như con trẻ là vị mục tử có tuổi đời sắp bước vào tuổi “bách niên”, ngài ưu ái trao tặng cho mỗi thành viên một chuỗi tràng hạt Mân Côi với lời nhắn nhủ ví von, đó là mối dây để chúng ta liên lạc với nhau và là những bậc thang để chúng ta bước về quê Trời. Bên cạnh đó, có những cha sức khỏe rất yếu mà dấu hiệu còn lại của sự sống chỉ là hơi thở nhè nhẹ mong manh như sương khói.Nhìn các cha nằm thiêm thiếp trên giường, trong đầu chúng tôi lại vang lên câu hát của cố nhạc sĩ Viết Chung trong bài “Giờ đây, lạy Chúa”.
Trở lại văn phòng, chúng tôi cũng ngỏ lời tri ân và gởi những phần quà cho các nữ tu phục vụ. Các nữ tu tuy dáng vẻ còn khỏe mạnh nhưng tuổi đời cũng đã khá cao; đã bỏ lại sau lưng mấy chục năm cuộc đời thiếu nữ của mình để trở thành những “người mẹ” vô cùng đặc biệt: chăm sóc cho những “người cha” có rất nhiều “con”, mà vĩnh viễn không bao giờ lập gia đình! Khiêm tốn và lặng lẽ, các nữ tu đề nghị chúng tôi không nêu tên tuổi để công việc của các nữ tu mãi mãi vẫn là những công việc thầm lặng như công việc nội trợ thường ngày.Lòng chúng tôi như chùng xuống với ao ước giản dị là sẽ còn có dịp trở lại nơi này.Ước mong có nhiều giáo dân và các đoàn thể cũng như chúng tôi hôm nay được tới đây. Đến đây như một sự trở về nhà thăm viếng chính cha mẹ của mình; để nơi tĩnh lặng này được rộn ràng những bước chân, tíu tít lời thăm hỏi và rộn rã những nụ cười.
4. Tin TGP Sàigòn
Gia đình Doanh nhân Công Giáo hành hương tại nhà thờ Tân Triều
Chúa Nhật 28.7.2013, hơn 70 thành viên Gia đình Doanh nhân Công Giáo TGP cùng Cha Linh hướng Đaminh Nguyễn Đình Tân đã đến hành hương tại nhà thờ Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thuộc Giáo phận Xuân Lộc.
Đây là ngôi nhà thờ có từ năm 1778. Tháp chuông nhà thờ được xây dựng lại vào năm 1994, có 2 quả chuông được đúc tại châu Âu vào giữa thế kỷ XIX, trong đó một quả chuông đúc năm 1867 đã được dùng tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Họ đạo Tân Triều được coi là nơi đầu tiên hạt giống Đức tin được ươm trồng trong Tổng Giáo phận và là một trong những họ đạo cổ ở miền Nam (1627). Đây là quê hương của Thánh Phaolô Hạnh (1827 - 1859), được phúc Tử đạo ngày 28.5.1859 tại pháp trường Chí Hoà - Sài Gòn. Năm 2009, giáo xứ đã được phép của Tòa Thánh cử hành Năm Thánh mừng 150 năm cuộc tử đạọ hồng phúc của Thánh Phaolô Hạnh - người con của vùng đất Tân Triều, và mừng giáo xứ tròn 300 tuổi.
Tại đây, các thành viên trong Gia đình Doanh nhân Công Giáo đã đến chào thăm cha chánh xứ, làm giờ cầu nguyện trước tượng đài Thánh Phaolô Hạnh, nghe trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ từ khi thành lập đến nay.Thánh lễ do cha Linh hướng Đaminh Nguyễn Đình Tân chủ tế, đã nhấn mạnh vai trò cầu nguyện trong đời sống của từng Kitô hữu. Cha đã ví von trong bài giảng của mình rằng: “Để xuống được đây hành hương ngôi thánh đường này, anh chị em chúng ta đi qua rất nhiều cây cầu; cũng thế, để đến được với Chúa, chúng ta đến với Ngài bằng con đường cầu nguyện”.
“Cuộc hành hương không chỉ đem lại ơn toàn xá mà còn là dịp để các thành viên giao lưu, trò chuyện thân tình và gần gũi với nhau hơn”.Một thành viên tham dự chia sẻ.
Cuộc hành hương kết thúc sau khi cả đoàn tham quan làng bưởi Tân Triều nổi tiếng.
5.Tin GP Phan Thiết.
LIÊN ĐOÀN THANH SINH CÔNG PHAN THIẾTTỔ CHỨC TRẠI HÈ HUẤN LUYỆN
Sáng thứ sáu ngày 26/ 7/ 2013, tại Giáo xứ Vinh An lúc 7h 30 đã khai mạc trại hè huấn luyện của LĐTSC Phan Thiết . Tiếp nối chặng đường của những năm trước, năm nay trại hè huấn luyện dành cho các Thanh niên, Sinh viên học sinh Công Giáo và các Huynh trưởng hiện đang sinh hoạt trong các đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nhằm đào tạo, thăng tiến lớp trẻ để có khả năng thành lập đoàn đội hoặc trở thành người lãnh đạo trong tương lai.
Tham dự khai mạc có Cha Tôma Nguyễn Hải Châu linh hướng LĐTSC Phan Thiết, Cha Phêrô Trần Thanh Tú quản xứ Vinh An, quý Thầy Chủng viện Thánh Nicôla Phan Thiết. Ngoài ra, còn có Frere Bonaventura Nguyễn Văn Nghĩa linh hướng đoàn TSC Nha Trang, Sơ Anna Nguyễn Thị Lâm cố vấn đoàn TSC Galilê giáo xứ Cà Tang, trưởng Đinh Hoàng Ngọc nguyên tổng thư ký trung ương phong trào TSC Việt Nam, chị Lưu Nguyễn Thảo Vi và chị Xuân Quỳnh cựu LĐTSC Sài Gòn, các cô chú LĐTSC Phan Thiết và 150 sinh viên học sinh đến từ Sài Gòn, Phan Thiết và Nha Trang. Trong huấn từ khai mạc, Cha linh hướng bày tỏ niềm vui mừng khi thấy sự nhiệt tình tham gia của các bạn trẻ.Qua đó, Cha cầu chúc tất cả các bạn có những ngày trại thật ý nghĩa, gặt hái nhiều điều bổ ích, và một năm học mới đạt kết quả tốt.
Với chủ đề: TRÁCH NHIỆM mà khóa huấn luyện nhắm tới với mục đích khơi dậy nơi các bạn trẻ tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân, muốn làm tốt, làm đẹp giới trẻ theo tinh thần Tin Mừng bằng cách giúp các bạn trẻ nhìn đời sống hằng ngày qua các sự kiện đang xảy ra, ý thức khi làm một việc gì dù là rất nhỏ. Thứ đến, muốn trang bị cho các bạn trẻ biết về: Phương pháp hành động cho giới Thanh Sinh, Phương pháp suy niệm Phúc Âm, phương pháp kiểm điểm đời sống, các trò chơi, đố vui học hỏi, ý nghĩa của lửa trại… đến việc tự mình khám phá những cái mới, phát triển trí thông minh, lòng can đảm, biết tổ chức mời gọi bạn bè tham gia bắt đầu từ các trò chơi tập thể, các buổi thảo luận về vấn đề người trẻ hiện nay, các buổi giao lưu văn nghệ, song song với bổn phận chính là học tập cho giỏi, thành đạt và có nghề nghiệp ổn định.
Tiếp theo đó, vào lúc 16h 30 là Thánh Lễ Khai Giảng năm học mới 2013 – 2014. Hiện diện trong Thánh Lễ có Cha Tổng Đại Diện JB. Hoàng Văn Khanh chủ tế, cùng đồng tế có Cha Tôma linh hướng LĐTSC Phan Thiết và Cha Phêrô quản xứ Vinh An. Trong bài giảng lễ, Cha chủ tế mời gọi các bạn trẻ hãy hướng về đất nước Brazil, nơi có khoảng 1 triệu bạn trẻ đang quây quần bên Đức Thánh Cha Phanxicô để khám phá và củng cố đức tin của mình. Và hôm nay, chúng ta cũng tập trung lại nơi đây để khám phá đức tin của chính mình trong một xã hội đang mất dần cảm thức về tội lỗi, một xã hội mà trái tim con người đang bị đóng băng và vô cảm. Vì sao vậy?Bởi vì người ta sợ hy sinh, sợ mất danh vọng, chính điều đó đã làm cho đức tin bị trói buộc. Đối với các bạn trẻ đang có mặt nơi đây, tạ ơn Chúa vì chúng ta là các bạn trẻ được Chúa ban cho đức tin. Chính vì thế, trong trại hè huấn luyện với chủ đề “Trách Nhiệm” này, chúng ta hãy nhìn lại đức tin của chính mình, biết làm mới đức tin mỗi ngày khi chạy đến với Chúa Giêsu để Ngài mở trói đức tin, để chúng ta luôn hăng hái, có niềm tin sống động mà lên đường đem đức tin đến cho mọi người.
Khóa huấn luyện kết thúc, để lại trong lòng các bạn trẻ nhiều bài học sâu sắc và sống động. Mỗi ngày sống, mỗi giờ học của các trại sinh trong khóa huấn luyện này có thể được ví như một cuộc đào luyện, tập huấn thực sự về cả tâm linh lẫn những kỹ năng sống cho từng bạn trẻ, là cơ hội để các bạn trẻ học và biết cách sống trưởng thành những đức tính nhân bản Kitô giáo như: tinh thần kỷ luật, trung thực, lòng khiêm tốn, đức ái với tha nhân, sự vui tươi, kiên nhẫn, chấp nhận chính mình… Xin Chúa Giêsu luôn đồng hành với các bạn, xin Chúa chúc lành và ướp tâm hồn các bạn bằng tình yêu của Chúa, để các bạn ra đi và làm lan tỏa khắp nơi niềm vui của kẻ đã gặp Chúa và sống thân tình với Chúa.
6.Tin GP Đà Nẵng
LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN – PHƯỚC KIỀU 2013
Tại Đền thánh Phước Kiều, Giáo phận đã tổ chức Thánh Lễ mừng ngày sinh nhật thứ 369 của vị Tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, Chân Phước Anrê Phú Yên, 1644-2013. Đây là vùng đất thánh nhân đã làm chứng cho Đức Tin bằng cái chết anh hùng.
Ngay từ sáng tinh mơ, những chiếc xe ôtô từ các giáo xứ trong toàn giáo phận đã về đậu dọc 2 bên đường quốc lộ đoạn gần đền thánh. Cờ xí được trang trí rực rỡ đầy màu sắc lễ hội. Chỉ mới 06 giờ mà các thành viên của các tổ chức Công Giáo tiến hành trong giáo phận (Hướng đạo, Hùng tâm Dũng chí, và Thiếu Nhi Thánh Thể) đã xếp dọc 2 bên đường làm hàng rào danh dự để đón tiếp đoàn rước kiệu Thánh Tích từ ngoài đường vào đến sân nhà thờ nơi cử hành Thánh lễ.
06 giờ 30 sáng, đại lễ bắt đầu bằng việc rước Thánh Tích Chân Phước. Đi đầu là đại diện các giáo xứ, tiếp theo là đoàn dâng lễ, đội kèn tây, Quí Soeurs, quí thầy Đại Chủng Viện, bàn kiệu Thánh Tích, Quý Cha và cuối cùng là Đức Giám Mục giáo phận, chủ sự Thánh Lễ.
Trước khi đi vào Thánh lễ là bài tiến hương của giáo xứ Hội An đầy tâm tình dâng lên Chúa Ba Ngôi, tôn kính vị tử đạo tiên khởi của GH Việt Nam.
Ngay từlời đầu lễ, Đức Giám Mục Giáo phận mời gọi cộng đoàn hiệp thông với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đang diễn ra tại Brazin với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài mời gọi những người trẻ, anh chị em giáo lý viên trong ngày bổn mạng của mình, biết noi gương Chân Phước Anrê Phú Yên, nhận ra giá trị đức tin đã lãnh nhận và cố gắng sống đức tin mỗi ngày trong thời đại hôm nay.
Trong bài giảng, Đức Cha đã nêu lên ý nghĩa Thánh Giá của mỗi người trong đời sống. Thánh Giá là dấu hiệu trên đường bước theo Đức Kitô. Vì thế, ai không biết “vác lấy thánh giá đời mình mà bước theo Đức Kitô”, hoặc từ chối thánh giá, là bất xứng với danh hiệu Kitô hữu của mình. Bởi vì vác thánh giá của mình chính là biểu lộ niềm tin, là thông phần vào tử nạn và vinh quang của Đức Kitô, để tôn vinh Thiên Chúa và vì phần rỗi của con người.
Từ Phước Kiều, Á Thánh Anrê đã trở nên sao sáng trên bầu trời Giáo Hội, Ngài đã cảm nhận và say mê Thánh Giá, nên dám sống cho đức tin và dám chết vì đức tin. Thầy giảng Anrê vui mừng đón nhận phúc tử đạo vào ngày 26 tháng 7 năm 1644 khi mới 19 xuân xanh đầy sức sống, tại gò Xử, Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam. Với 3 nhát giáo, 2 nhát gươm âm thanh sau cùng phát ra từ vị Tử Đạo là thánh danh “ GIÊSU” mà Ngài yêu mến.
Chân Phước Anrê Phú Yên là niềm tự hào của Giáo Hội ViệtNam. Trong năm Đức Tin, người tín hữu càng cố gắng khám phá đức tin và sống đức tin cách mạnh mẽ hơn. Nhất là trong tinh thần sống Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận, nhìn nhận chúng ta được củng cố đức tin là nhờ máu của các vị Tử Đạo, trước hết hãy cảm ơn các Ngài, thứ đến, mọi thành phần dân Chúa trong gia đình Giáo phận nỗ lực sống đức tin theo gương các Ngài. Đặc biệt với các bạn trẻ trong giáo phận đang tham dự trại họp mặt hướng về ngày họp mặt giới trẻ thế giới tại Brazil: hãy biết chọn lựa sống đức tin, hãy biến nhiệt huyết của người trẻ thành nhiệt huyết của đức tin và “hãy đi và làm chứng cho Tin Mừng”.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Chánh văn phòng Toà Giám Mục, G.B Hồ Thái Sơn đọc quyết định của Đức Giám Mục công bố Qui chế Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ của Giáo phận Đà Nẵng. Qui chế này được thử nghiệm trong 4 năm kể từ ngày công bố. Đây cũng là một trong những chương trình hành động của hậu Đại Hội Dân Chúa Giáo phận.
Vũ khúc tôn kính chân phước Anrê Phú Yên do giới trẻ Hội An biểu lộ niềm hân hoan và tâm tình tạ ơn của từng người trong cộng đoàn. Với trang phục khoẻ khoắn, màu đỏ trắng diễn tả sức sống của Giáo Hội nói chung và những kitô hữu trẻ nói riêng quyết tâm noi gương vị tử đạo tiên khởi.
Trước khi ban phép lành với ơn toàn xá Đức Giám Mục nhắc nhở giáo dân hãy gia tăng việc tôn kính Chân Phước Anrê Phú Yên và năng đến với Vị Chân Phước nơi Đền Thánh Phước Kiều này để xin Ngài chuyển cầu cho những ơn phần hồn, phần xác.Thánh lễ kết thúc khi nắng bắt đầu lên. Mọi người ra về trong niềm cảm tạ tri ân Tình yêu Thiên Chúa và tôn kính vị chân Phước Anrê Phú Yên. Các bạn trẻ tổng kết trại đã bắt đầu từ Trà Kiệu ngày hôm trước.Khấn xin Chân Phước Anrê chuyển cầu cho từng người, từng gia đình và toàn giáo phận, cũng như toàn thể Giáo Hội Việt Nam hôm nay.
7.Tin GP Phan Thiết
Caritas Phan Thiết trao học bổng Nắng Mới đợt 1
Sáng Chúa Nhật 28/7/2013, tại nhà thờ Ma Lâm- huyện Hàm Thuận Bắc, 40 học sinh nghèo thuộc địa bàn các giáo xứ Cà Tang, Hồng Liêm, Ma Lâm và Hàm Phú đã đến nhận học bổng năm học 2013-2014 do Caritas Phan Thiết trao tặng. 20 chiếc xe đạp và 20 suất học bổng trao tặng trích từ quỹ Khuyến học Nắng Mới của Caritas Phan Thiết.
Em Mang Văn Bình, lớp 5, ở thôn đá bàn Ku Kê, cả cha mẹ bị bệnh nên nhờ dì của em đưa đến nhận xe, Bình tâm sự: “Biết con được cho xe đạp, cả nhà con đều mừng. Thường ngày con đi bộ 2 cây số đi học, vì nhà con không có chiếc xe nào nên con chưa biết đi xe đạp. Bố mẹ bảo khi nào nhận xe rồi con sẽ tập chạy xe để chở em đi học. Hôm nào không đi học thì bố mẹ con sẽ đi làm bằng xe đạp”.
Cha phó xứ Ma Lâm đại diện cha Quản xứ, quý phụ huynh và các em học sinh nhận học bổng cám ơn cha Giám đốc và Ban Caritas Giáo phận đã đến khích lệ tinh thần và tặng học bổng – xe đạp cho các em. Mong rằng những món quà này sẽ là động lực giúp các em học tập tốt hơn trong năm học mới.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, do mặt bằng dân trí thấp, hoàn cảnh nhiều gia đình nghèo, nhất là người dân tộc phải chạy ăn từng bữa nên người dân chưa coi trọng việc học cùng việc phải đóng học phí cho con em đến trường là quá sức với họ. Do đó, số học sinh có nguy cơ bỏ học để lao động phụ kinh tế cho gia đình là khá cao. Lập một Quỹ học bổng ổn định lâu dài lo cho các em là mong ước khát khao của Caritas Phan Thiết.Việc hỗ trợ đầu năm này của Caritas Phan Thiết tuy nhỏ về giá trị vật chất, nhưng là sự khích lệ lớn về tinh thần để các em và gia đình bớt được gánh nặng trong đầu năm học mới.
Qua đây, Caritas Phan Thiết cũng muốn gây ý thức hơn cho người dân về tầm quan trọng của học vấn với tương lai của con em. Caritas Phan Thiết ước mong có nhiều tấm lòng cùng chung tay đóng góp tuỳ theo khả năng cho Quỹ Khuyến Học Nắng Mới của Giáo phận.
8.Tin TGP Hà Nội
Giới trẻ giáo xứ Canh Hoạch và Phương Trung mừng lễ quan thầy Alphongsô
Các bạn trẻ của hai giáo xứ Phương Trung và Canh Hoạch hân hoan mừng lễ thánh An-phong-sô bổn mạng. Chương trình mừng lễ đã được chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước. Dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse Nguyễn Văn Hoàng.OP, rất nhiều bạn trẻ đã quy tụ về giáo xứ Canh hoạch để mừng lễ và gặp gỡ giao lưu.
Tham dự Chương trình mừng lễ Bổn Mạng có Cha Quản hạt Phao-lô Nguyễn Văn Đoàn, Cha giáo Phanxico Xavie Đào Trung Hiệu. OP, quý Thầy, quý Sơ và khoảng 500 bạn trẻ của hai xứ Phương Trung và Canh Hoạch, các bạn sinh viên Công Giáo Hải Hà, giới trẻ giáo xứ Thạch Bích, Mỗ Xá, Lam Điền, Đàn Giản...
Chương trình được bắt đầu vào lúc 16h30, do cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn – Quản Hạt Thanh Oai khai mạc. Sau đó các bạn trẻ được nghe thuyết trình về Năm Đức Tin với chủ đề: "Đức tin Công Giáo với người trẻ hôm nay" do Cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu.OP trình bày. Cuối phần thuyết trình, cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của các ban trẻ đặt ra liên quan đến cuộc sống của giới trẻ ngày nay. Thiết nghĩ các bạn trẻ hai xứ sẽ lãnh nhận được nhiều hoa trái đức tin, giúp các bạn đặt niềm tin vững chắc vào Đức Kitô.
Cao điểm của trương trình là Thánh lễ mừng kính thánh An-phong-sô Bổn mạng giới trẻ của hai xứ.Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng và ý nghĩa trong bối cảnh Năm Thánh Đức Tin của Giáo Hội toàn cầu và ngày Đại hội Giới trẻ Thế Giới được tổ chức tại Brazil.
Cuối Thánh lễ Cha Giuse Nguyễn Văn Hoàng.OP đã cử hành Nghi thức sai đi cho các bạn trẻ. Nghi thức mang ý nghĩa sâu sắc giúp các bạn trẻ ra đi chiếu sáng cho mọi người và mọi nơi.
Thánh lễ kết thúc với bài hát "Chúa sai tôi" vang lên trong lòng các bạn trẻ và mỗi người thúc giục các bạn lên đường làm nhân chứng đức tin cho Chúa và Giáo Hội hôm nay. "Giờ đây Chúa sai tôi đem tin yêu đến cho mọi người...Được Chúa sai đi, tôi hân hoan gieo rắc tình người, đem an vui cùng với nụ cười cho thế giới hôm nay.Mong sao cho bốn phương là con một Chúa, để tình người anh em thắp sáng bên nhau, để cuộc đời không còn những tiếng thương đau".

 
Cảm nghiệm qua cuộc hành hương thăm 13 giáo xứ hạt Phú Yên
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
20:33 12/08/2013
CẢM NGHIỆM VÀ SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM VÀ SỨ MẠNG HỘI THÁNH QUA CUỘC HÀNH HƯƠNG THĂM 13 GIÁO XỨ HẠT PHÚ YÊN

Trong mấy lần hành hương cuối giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn, chuyến viếng thăm 13 giáo xứ thuộc Hạt Phú Yên năm nay có một hành trình dày khít và phức tạp, lắm điều khó tiên liệu, nhưng lạ thay bản thân tôi lại được ơn cảm thấy bình an, không âu lo. Sống ở nhà hưu dưỡng, thiếu hẳn nhân sự, do ba khóa tĩnh tâm mùa hè liền nhau, tôi chỉ về lại Qui Nhơn sáng 24-7, đúng một tuần trước ngày khởi hành, thời gian chuẩn bị thật eo hẹp. Thế mà, thay vì diễn biến đầu voi đuôi chuột như nơi nhiều trường hợp tổ chức ngoài xã hội, ở đây mọi sự càng tiến hành càng nẩy nở tốt đẹp.

MỐI ĐỒNG CẢM CỦA ANH EM LINH MỤC

Ơn thứ nhất là nhân sự. Tới ngày 7-7 đã có đủ 3 anh em linh mục nhận lo tổ chức cho các trại sinh của ba Giáo hạt. Các cha đã đích thân gọi điện đến các cha xứ và lắm lúc đến từng bạn trẻ được mời. Một tuần trước ngày lên đường, cha Phêrô Lê Hoàng Vinh ở hạt Phú Yên và cha Giacôbê Bùi Tấn Mai ở hạt Quảng Ngãi đã cho biết các em nhận lời tham gia đông đủ; chỉ có ở hạt Bình Định, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang tốn nhiều tiền điện thoại mà mãi ba ngày trước khi đi mới có được một con số tương đối.

Thượng tuần tháng Sáu, đã có hai lần họp phác thảo. Ngày 16-7 tôi đang giúp một tuần tĩnh tâm tại Qui Hòa. Buổi chiều tôi ngưng lo cho khóa tĩnh tâm và mượn phòng hội của chị em Phan Sinh để họp trù bị lần thứ ba. Có 6 anh chị em trong Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ và một bạn trẻ nhận làm linh hoạt viên. Chúng tôi vừa bàn thảo và ghi chép vừa trao đổi với các nơi bằng điện thoại. Một vấn đề bất ngờ: Trong bảy người, chỉ có một mình tôi đã từng thăm cả 13 giáo xứ và giáo họ Sông Hinh nhưng không nắm vững đường đi. Tôi gọi cho cha Gioan Võ Đình Đệ nhờ dẫn đường thì cha lại bận giúp tĩnh tâm vào những ngày ấy. Cha đề nghị nhờ hai thầy có gia đình ở hạt Phú Yên. Cái khó là thời gian hành hương cũng trùng với những ngày anh em chủng sinh Qui Nhơn sinh hoạt chung. Tôi gọi điện xin phép cha Giám đốc chủng viện và ngài đồng ý cho hai thầy cùng đi. Ngài còn nhận lời cho đoàn Bình Định nghỉ đêm 30-7. Bà Nhất dòng Thánh Phaolô nhận lời cho đoàn Quảng Ngãi nghỉ đêm và cho cả hai đoàn Bình Định và Quảng Ngãi ăn tối và ăn sáng trước khi đi. Có sáu bạn trẻ qua điện thoại nhận lời làm tổ trưởng.

Hai năm đầu, nhóm tổ chức gặp nhiều khó khăn vì chưa mấy ai quan tâm, nhưng sang năm thứ ba, 2012, khi tổ chức hành hương thăm các giáo xứ hạt Quảng Ngãi, chúng tôi đã nhận được niềm an ủi rất lớn từ các Cha sở. Đoàn hành hương tới đâu cũng được ưu ái đón tiếp với những lời động viên khích lệ nồng nhiệt. Hơn nữa, sau đó, khi Câu lạc bộ Quảng Ngãi bước vào hoạt động, các Cha sở đã ủng hộ hết mình: cho xe đưa đón các em đến địa điểm tập huấn.

Năm nay, mối đồng cảm của các Cha ở giáo hạt Phú Yên càng nổi rõ hơn. Ngày thứ hai của cuộc hành hương Cha sở các giáo xứ Hoa Châu, Sơn Nguyên và Tịnh Sơn đều về Tuy Hòa tĩnh tâm, không có mặt lúc đoàn đến giáo xứ, nhưng vị nào cũng bố trí cho các nữ tu hoặc Hội Đồng Giáo Xứ đón tiếp nồng nhiệt. Không hề được dặn trước nhưng tất cả các cha, và cả các nữ tu cũng như những phụ huynh ngỏ lời trước các em đều phát biểu đồng quy về một điểm: Các em là những thành phần ưu tú của Giáo phận, cần chuyên tâm rèn luyện. Có được sự tập trung cao độ là nhờ tất cả những vị phát biểu đều đã hiểu rõ mục đích của các giải văn thơ Lm Đặng Đức Tuấn và chương trình sinh hoạt CLB là để phát hiện và đào tạo cho Giáo phận những tài năng trẻ.

Ngay tại Qui Nhơn, trước ngày lên đường, chúng tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ tận tình. Cha Anrê Huỳnh Tấn Nha đã cung cấp file bản đồ Giáo hạt Phú Yên và Cha Đệ sửa đi sửa lại mấy lần để đáp ứng đúng yêu cầu của chuyến đi. Khi bộ loa xách tay của chúng tôi gặp trở ngại, tôi gọi điện cho Cha sở Tân Quán hỏi mượn, ngài đồng ý ngay. Tôi nghe vọng lại Lời Chúa: “Không ai kể cái gì mình có là của riêng nhưng mọi sự là của chung”. Có lần tôi đã trấn an người chị em nữ tu phục vụ ở nhà hưu: “Không sao, Chị đừng lo. Nơi đây được gọi là Nhà Chung, mọi sự đều là của chung”. Trưa 30-7, tôi thưa Cha Phaolô Trương Đắc Cần về chuyến hành hương, ngài khen: “Tốt quá! Để cho tôi ủng hộ một triệu!”

ANRÊ PHÚ YÊN ĐANG CÓ MẶT

Cả những anh chị em giáo dân được nhờ cũng tích cực giúp đỡ, dù ai cũng đang bề bộn với bao nhiêu việc. Anh bạn nhận làm giúp bìa báo Hoa Biển và Giấy Khen, đang lúc phải lo gạch đá cho thợ làm nhà, vẫn cố gắng giúp, dù là đến mấy ngày cuối mới xong…

Hội thánh theo mô hình thuở đầu là một Hội thánh không biên giới. Có hai bạn trẻ Legio đi ngang qua, thấy tôi lúng túng với mớ khăn quàng người ta giặt rồi nhưng còn nhăn nheo chưa ủi, hai em đã nhận đem về nhà ủi giúp. Một sinh viên thuộc giáo xứ Tân Dinh, hai sinh viên từ giáo phận Nha Trang, một bạn trẻ Legio khác và một anh em lao động phổ thông đã đến giúp cắt các bảng tên, chia tổ, xếp bảng tên theo tổ, phân phối, đóng gói và bọc giấy màu các phần quà cho các giải thưởng, các giáo xứ, các suất học bổng…

Lịch trình chuyến đi khá phức tạp, khó tiên liệu chính xác, nhưng Chúa Quan phòng đã thương cho mọi sự xuôi chảy đâu vào đó. Những bạn trẻ nhận lời làm tổ trưởng đều đã thấm mệt với ngày hội giới trẻ liền trước đó, không thể quy tụ để bàn luận chuẩn bị. Chúng tôi đành sắp xếp họp các tổ trưởng vào 15 giờ ngày 30-7, chỉ vài giờ trước khi các trại sinh kéo đến, để giải thích công việc họ phải làm. Có hai người bị ngăn trở không đến kịp nhưng rất may, đã có hai bạn khác đến sớm, kịp đảm nhận thay công việc. 17g30, các trại sinh hạt Bình Định được xếp vào 6 tổ. Đúng 18 giờ, hai xe của hạt Quảng Ngãi mới tới, các trại sinh cũng được chia thành 6 nhóm và ghép vào 6 tổ đã sẵn của hạt Bình Định. Sau khi các trại sinh ăn tối và sinh hoạt làm quen thì trời đổ mưa, ru các trại sinh vào giấc ngủ để giữ sức cho chuyến đi dài.

Ngày 31-7, ba giờ sáng thức dậy tôi mới nhớ ra còn thiếu tờ chương trình ba ngày trại. Bốn giờ rưỡi tôi gọi điện nhờ Thầy Toàn qua xem lại và góp ý trước khi in ra cho Ban Điều hành, các tài xế và tổ trưởng.

Sau khi ăn sáng, mỗi trại sinh còn được các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tặng mỗi người một ổ bánh mì ngọt để ăn nửa bữa. Xe lăn bánh đúng 7 giờ và tới Mằng Lăng khoảng 8g30. Các trại sinh hạt Phú Yên đã được chia thành 6 nhóm, ghép vào 6 tổ và tiến hành nghi thức khai mạc. Mỗi trại sinh đều có trong tay bản đồ giáo hạt Phú Yên và tập mỏng giới thiệu cả 13 giáo xứ cùng tiểu sử Cha Đặng Đức Tuấn do cha Đệ thực hiện. Cha sở Phêrô Trương Minh Thái đang bận giúp anh em chủng sinh tại Qui Nhơn, cha phó Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng đưa các em vào viếng Chúa, rồi viếng đền Á Thánh Anrê Phú Yên. Rời Mằng Lăng, đoàn tiến về Chợ Mới. Cha Phêrô Nguyễn Cấp chia sẻ tâm tình của ngài về giải văn thơ Đặng Đức Tuấn, chiêu đãi trái cây và bánh kẹo. Tiếp đó đoàn xe tiến vào Thành phố Tuy Hòa theo ngả đường Hùng Vương để các em có dịp tham quan phía đông của Thành phố và cầu Hùng Vương. Đến Đông Mỹ sau 11 giờ vài phút. Mấy năm trước, cha FX Trần Đăng Đức đồng hành với đoàn Giáo hạt Phú Yên, năm nay ngài mới đổi về Đông Mỹ, còn chân ướt chân ráo, không cùng đi được nhưng tâm tình vẫn dào dạt và nguồn thơ vẫn lai láng. Các hội viên Legio đã lo cho đoàn một bữa trưa thật chu đáo.

Cuộc hành hương chính thức xuất phát từ Mằng Lăng, quê hương Á Thánh Anrê Phú Yên. Anrê Phú Yên không chỉ là một biểu tượng mà còn là một tình yêu đang hiện diện. Nơi cuộc hành hương này, một lần nữa Anrê Phú yên ngỏ lời với tôi về sự hiện diện của anh qua một con số. Đầu năm 1991, cha Phêrô Lê Văn Ninh ở Nha Trang và tôi khởi sự đầu tư cho Chương trình Giáo lý Phổ thông dưới sự bảo trợ của Thầy giảng Anrê Phú Yên, lúc ấy chưa được phong Chân phước. Đến năm 1994, cả hai chúng tôi mắc nợ rất nhiều, đang bàn nhau bỏ cuộc thì nhận được sự giúp đỡ hết sức bất ngờ từ cha Larañaga, Dòng Tên: 117.500.000 vnđ. Tôi đón lấy món tiền trên tay mà lòng hết sức xúc động. Tôi nhận ra ngay lời ngỏ tế nhị của Thầy giảng Anrê. 117 là 117 Thánh Tử đạo, còn 0,5 là chính Anrê Phú Yên, người sắp được tôn phong. Sự việc đã sớm được lặp lại để tôi khỏi nghĩ rằng mình đã suy tưởng chủ quan. Mấy tháng sau, tôi về thăm nhà ở giáo xứ Song Mỹ trong dịp tết. Mùng ba tết, tôi đang đứng đón xe lên Đà Lạt thì một cháu nhỏ chạy đến đem cho tôi số tiền lì xì các cháu gom được để góp phần in sách giáo lý cho các bạn ở vùng sâu vùng xa. Tôi suýt khóc vì số tiền đếm được đúng 117.500 vnđ. Năm 2000, Giáo xứ Việt Nam tại Paris thực hiện một đặc san chào mừng ngày Thầy giảng Anrê Phú Yên được phong Á Thánh và nhờ cha Bản nhắn tôi viết bài tham gia. Tôi kể lại hai câu chuyện trên và vì bài tôi đến muộn, được xếp ở cuối số báo, ngay tại trang 117. Một số lần khác đã xảy ra chuyện tương tự. Ngay năm 2013 này, vào lúc tôi gặp khó khăn trong việc tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường thì hầu như suốt một tuần liền, ngày nào tôi mở hộp thư email, số thư chưa đọc cũng đều lên tới con số 117. Chỉ một điều ấy đủ cho tôi bình an phó thác. Sau Giải Đặng Đức Tuấn lần thứ III, 2012, tôi lập một sổ tiết kiệm cho Giải thưởng lần thứ IV và học bổng hỗ trợ vào Đại học 2013. Sáng 25-7-2013, đưa sổ tiết kiệm tới Ngân hàng, tôi nhận được 117.440.000 vnđ, viết gọn lại cũng là 117,5. Rõ là vị Á Thánh đang hiện diện trong cuộc hành hương chúng tôi tổ chức thăm quê hương Phú Yên của Anh. Phút chốc, tôi hết sức bình an, ngay cả khi trước mắt công việc còn tràn ngập mà chưa có người làm.

PHÚ HÒA GIỮA PHÚ YÊN VÀ TUY HÒA

Sau bữa trưa, 13 giờ, đoàn rời giáo xứ Đông Mỹ đi Hóc Gáo. Ban Tổ chức đã quyết định chỉ thuê xe nhỏ để có thể đến thăm giáo xứ bé nhỏ và hẻo lánh này. Đường đi đã khá hơn xưa nhưng vẫn còn là một hóc, một góc, vì là đường cụt, đoạn chót trước khi đến nhà thờ còn rất hẹp. Tuy nhiên thay vì gáo, nay là lon. Cha sở Augustinô Nguyễn Văn Phú chiêu đãi mỗi người một lon xá xị, rồi bánh kẹo và trái cây. Ngài hy vọng trong đoàn hành hương năm sau sẽ có những bạn trẻ từ giáo xứ này.

Cha Phêrô Đặng Son quan tâm lo cho đoàn với tấm lòng của một vị Hạt trưởng. Khi nhờ cha phó Phêrô Lê Hoàng Vinh đồng hành với đoàn Giáo hạt Phú Yên và lo tổ chức lễ trao giải năm nay tại Tuy Hòa, ngài cũng ngỏ ý hy vọng cha Vinh có thể giúp đỡ lâu dài cho sinh hoạt này trong Giáo hạt. Khi đoàn về tới trước nhà xứ Tuy Hòa, cha Hạt trưởng đã ra đón và đích thân phân bố phòng nghỉ cho các em.

Sau thánh lễ do Cha Hạt trưởng chủ tế, với sự đồng tế của cha Phêrô Bùi Huy Ngọc cùng các cha trong đoàn và bài giảng sâu sắc của cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, là bữa ăn thịnh soạn của giáo xứ khoản đãi. Lễ phát thưởng tại Tuy Hòa thật trang trọng và ấm cúng. Theo sự hướng dẫn và bố trí của cha Vinh, các vị trong Hội Đồng Giáo Xứ đã chăm sóc từ dựng sân khấu (ngay trong buổi sáng trước đó), chuẩn bị các em tham gia các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đảm nhận phần dẫn chương trình và còn ủng hộ cả tiền bạc cho cuộc hành hương. Sau hai năm vắng mặt, năm nay Tuy Hòa đã lại có thêm một số em dự thi và đạt giải.

Sau các giải thưởng là phần trao học bổng Đặng Đức Tuấn cho mười em, và một em khác nhận riêng sau. Tổng cộng tiền học bổng năm nay là 20.500.000 vnđ. Các suất học bổng còn khiêm tốn, suất cao nhất chỉ mới có 3.750.000 vnđ. Dù sao, đây là lần đầu tiên có một chương trình học bổng chính thức do một ban ngành của Giáo phận trao tặng.

Giáo xứ Phú Hòa thuộc hạt Quảng Ngãi tiếp tục nhận Giải nhất đồng đội, suốt ba năm liền, với 67 tác giả và 156 bài dự thi, đạt 01 giải nhất, 1 giải nhì, 4 giải ba và 9 giải triển vọng. Cha sở Phú Hòa đã đầu tư khá giản dị: bất cứ em nào, hễ nộp bài dự thi là được nhận ngay một món quà nhỏ, cộng thêm điểm giáo lý. Sau cuộc thi, những em đạt giải thưởng còn được tuyên dương giữa cộng đoàn giáo xứ và có thêm những tưởng lệ khác. Kết quả, sau bốn năm, giờ đây khả năng viết tiếng Việt của học sinh Công Giáo Phú Hòa tiến bộ thấy rõ không ngờ.

Bước tiến nhanh vượt bực đã được khẳng định tại Phú Hòa ngay từ thời vị thừa sai đầu tiên: Cha Marie-André Garin (lấy tên Việt Nam là Châu), sinh năm1854, thụ phong linh mục mới 24 tuổi, năm 1878, sang Việt Nam học tiếng Việt tại Làng Sông hơn một năm rồi được gửi đi Quang Ngãi năm 1880. Ngài thiết lập cộng đoàn đầu tiên tại Văn Bân. Chỉ sau hai năm, ngài đã thiết lập 40 (bốn mươi) giáo điểm, tu bổ và xây mới nhiều nhà thờ nhỏ, mở một ngôi trường, thiết lập một cô nhi viện ở Phú Hòa và hai cô nhi viện khác. Khu vực ngài phụ trách được tách đôi, rồi lại tách đôi, mấy năm cuối ngài ở tại Phường Chuối (Tân Lộc). Năm 1885, Văn Thân nổi dậy. Viên quan địa phương mến phục ngài, cho ngài ẩn náu trong dinh quan để che chở ngài, nhưng không cầm lòng được trước thử thách giáo dân phải chịu, ngài đã về lại Phường Chuối để an ủi họ và bị thiêu sống cùng một số rất đông giáo dân vào ngày 18-7-1885, khi ngài mới được 31 tuổi. Chưa đầy 6 năm truyền giáo, ngài đã rửa tội 1.200 người lớn và gần 10.000 trẻ em lương dân. Vừa luyện tiếng Việt vừa dạy giáo lý, thế mà ngài đã gặt hái một kết quả nhiều hơn nỗ lực của toàn Giáo phận chúng ta trong sáu năm qua. Từ năm 2007 đến năm 2013, tổng số giáo dân trong giáo phận tăng từ 68.000 lên 71.000, 3000 người được rửa tội, hầu hết là trẻ em sơ sinh và những người được ơn theo Chúa dịp kết hôn.

ĐÀO TẠO NGƯỜI

Đàng sau thành quả và nhiệt tình của nhà truyền giáo 31 tuổi Marie-André Garin Châu, có một kinh nghiệm quan trọng: Vừa truyền giáo vừa đào tạo nhân sự để chính những người mới có thể điều hành cộng đoàn của họ và tiếp tay vào việc loan báo Tin mừng.

Chính kế hoạch đào tạo người đã giúp Nhật Bản nhảy vọt. Cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, một người Nhật là ông Fukuzawa Yukichi nhận ra nhu cầu khẩn cấp phải đổi mới nước Nhật. Đang khi Nguyễn Trường Tộ thất bại vì bao nhiêu bản điều trần đều bị đám cận thần thủ cựu của nhà vua bác bỏ thì Fukuzawa Yukichi không phí sức viết điều trần. Ông mở trường dạy cho giới trẻ thấy vấn đề. Lúc chiến tranh dữ dội, đại học của ông chỉ còn 18 sinh viên, ông vẫn kiên trì. Ông nỗ lực đào tạo và đã tự nhân mình lên nơi các bạn trẻ. Chính nhờ đó mà có nước Nhật ngày nay, đang khi đồng bào của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn ì ạch chưa biết đến bao giờ.

Cũng như Fukuzawa trước một nước Nhật cần đổi mới, mỗi chúng ta khi đối diện với cánh đồng truyền giáoViệt Nam và thế giới đều thấy nổi cộm lên vấn đề đào tạo người. Cần làm sao để mỗi tín hữu đều ngây ngất với Tin mừng mình nhận được và hăm hở loan truyền cho người khác, tự nguyện và hân hoan, như các bạn trẻ đang chia sẻ cho nhau đủ điều trên facebook, không cần ai thúc đẩy. Trách nhiệm đào tạo đòi ta phải suy nghĩ, tìm tòi và đảo ngược cách làm mục vụ. Đã bao năm qua ta lên lớp dạy học trò mà quên đào tạo, chỉ nhai đi nhai lại chuyện gì đó đã cũ mèm. Trước mắt chúng ta, dường như đoàn chiên Chúa từ trẻ tới già đều học chung một lớp, từ thập niên này sang thập niên khác, không bao giờ được xác nhận đã lên một lớp cao hơn, không bao giờ được tốt nghiệp, không bao giờ được ra trường để tự đảm nhận một sáng kiến riêng cho công cuộc chung… Việc đào tạo không đơn giản, nó là một quá trình, nó đòi hỏi sự xả thân, cho nên người ta dễ tránh né và tìm cách làm một chuyện gì đó thay vào để trấn an lương tâm, như người nọ gói nén bạc vào khăn đem chôn giấu. Thế nhưng Chúa Giêsu lại không chịu cho ta bày trò xoa dịu lương tâm. Chúa sẽ hỏi lý lẽ, sẽ lượng giá theo các chuẩn mực của Ngài và sẽ có những án lệnh quyết liệt theo sự đánh giá ấy.

Trở lại trường hợp chúng ta, trong Năm Đức Tin, Đức Giám Mục Giáo phận đã có thư gửi từng thành phần dân Chúa nhân ngày cử hành của họ. Đó là một khởi điểm tốt cho một chương trình đào tạo. Những năm tới, với sự đóng góp của Ban Điều phối Hội đồng Mục vụ, chắc hẳn những khóa đào tạo mùa hè sẽ được phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, vừa đỡ mệt cho các Ban Tổ chức cũng như các đối tượng tham dự, vừa đỡ tốn kém mà lại hữu hiệu hơn.

Cần có một kế hoạch đào tạo, không phải mạnh ai nấy làm nhưng theo một sự điều phối chung. Cần học với những Giáo phận giàu kinh nghiệm đào tạo giáo dân như Nha Trang, và kinh nghiệm xây dựng tinh thần Hội Thánh như Đà lạt, Kontum. Chúng ta không làm như những người tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người và là lương tâm của nhân loại, nhưng chúng ta học với chính Chúa của mình: khiêm nhượng và hiền lành, sáng sáng để cho Thánh Thần đánh thức và dạy cho biết lắng nghe như những môn sinh.

Đào tạo không phải là việc quá khó, Ơn Chúa Thánh Thần bao giờ cũng sẵn. Phần chúng ta thì đã có kinh nghiệm xem xét làm để đạt đúng mục đích. Ta xác định một mục đích khả thi rồi quan sát và phán đoán xem có thể vận dụng những gì và phải thêm những gì để có thể đạt đích, rồi bắt tay hành động. Với nỗ lực mấy năm qua, dần dần chúng tôi học được bài học ấy. Đang khi chấm loạt bài đầu tiên của các em, chúng tôi thấy việc đào tạo quả là thách đố hết sức lớn, nhưng lần hồi, qua từng bước dò dẫm, chúng tôi quyết tâm thực hiện, từng chút, theo những điều kiện và hoàn cảnh Chúa cho phép.

Thế rồi dần dần đã lóe lên những triển vọng. Qua các hội trại hành hương và các cuộc tập huấn, tình thân giữa các bạn trẻ ngày càng thắm thiết hơn. Những bạn đã lên Cao đẳng hoặc Đại học yêu thương dìu dắt các lớp đàn em. Từ đó chúng tôi hình dung thấy dăm bảy năm nữa Giáo phận sẽ có một đội ngũ trí thức trẻ, thuộc những giáo xứ và giáo hạt khác nhau nhưng từng quen biết nhau, có chung kỷ niệm với nhau và chia sẻ cùng một tinh thần Hội thánh. Với những nét ấy, họ sẽ hợp tác với nhau và với các chủ chăn cách mật thiết và hữu hiệu.

Thời gian qua, chưa mấy ai quan tâm, nhưng với Ngày năm đức tin của giới cầm bút 21-9 sắp tới, hy vọng các thành phần Dân Chúa trong giáo phận sẽ để ý hơn tới việc đào tạo này.

Ngay trong chuyến hành hương này, khi nhờ một bạn trẻ giúp việc điều hành, tôi mới nhận ra anh là một người giàu khả năng về trò chơi, băng reo và hát múa nhưng chưa có kinh nghiệm chỉ huy. Tôi phải dành khoảng 20 phút để chia sẻ cho anh những kinh nghiệm cơ bản. Người này chỉ phục vụ chuyến đi tới hết ngày thứ nhất. Do đó, sau buổi phát thưởng, anh đã chuyển giao còi điều khiển cho thầy Toàn. Người chủng sinh này chưa bao giờ điều khiển một cuộc trại hay một ngày dã ngoại. Tôi phải chia sẻ cho thầy từ cách lấy hơi để thổi còi, cách tập họp (chỉ duy nhất một cách tập họp hàng dọc), cách ra lệnh, cho đến khái niệm về hàng đội, làm việc qua hệ thống đội trưởng và đội phó, rồi kinh nghiệm xem xét làm. Những chuyện không khó nhưng chưa nghe ai chỉ dẫn và chưa có dịp thực tập. Cám ơn Chúa, chỉ có hơn mười phút tập huấn nhưng hôm sau chính thầy đã có những sáng kiến riêng để điều khiển hữu hiệu.

Càng thiếu người, ta càng cần biết tập trung vào điểm chính. Xác định những mục đích thật cụ thể rõ ràng và xem xét thật chính xác để tiến hành cho đạt mục đích. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta vừa làm vừa học. Cuối ngày đầu cầm còi, thầy trưởng ban điều hành đã thấy nên bỏ bớt những lần tập họp và điểm danh không cần thiết. Những chuyện phụ khác như chụp hình lưu niệm chung cả đoàn hay theo từng giáo hạt cũng không được nhớ đến hoặc bị cố tình bỏ qua. Chẳng cần ghi lại nhiều hình ảnh, khi mà cha Hạt trưởng Phú Yên đã nhắc lại câu Lời Chúa: “Tên các con đã được ghi trên trời”.

Nhu cầu đào tạo người điều khiển quá rõ cho nên trong những lần họp các tổ trưởng cũng như họp Ban Điều hành, tôi đã chia sẻ ý tưởng sang năm sẽ dùng chính cuộc hội trại trao giải để làm khóa đào tạo về kỹ năng chỉ huy. Qua điện thoại, chúng tôi cũng đã liên lạc được với một nhóm trưởng Hướng Đạo nhận lời giúp cho khóa đào tạo này. Một trong những kinh nghiệm của Hướng Đạo là “đội kiểu mẫu”, đi xa hơn cũng có thể nói là đào tạo bằng gương sáng. Đây cũng là định hướng đã được phổ biến cho các tổ trưởng và tổ phó trong đoàn hành hương. Hơn nữa, trong chuyến đi, tất cả các bạn trẻ đều may mắn được nhìn thấy những tấm gương chói ngời nơi các Cha sở và Cha phó các em đã tiếp xúc cũng như nơi các linh mục đồng hành với các em suốt mấy ngày, những tấm gương vui tươi, giản dị, tận tụy và hiệp nhất.

HIỆP THÔNG: GIAO THÔNG, ĐIỆN THOẠI VÀ INTERNET

Kinh nghiệm sinh hoạt linh mục đoàn Giáo hạt Phú Yên cho thấy chính Chúa Thánh Thần dùng hoàn cảnh để đào tạo những kẻ thuộc về Ngài. Sau 1975, nhiều năm liền, toàn hạt Phú Yên đếm không đủ mười linh mục. Gặp được nhau là chuyện hết sức quý, cho nên các cha dành mọi ưu tiên cho việc gặp gỡ trong ngày tĩnh tâm hàng tháng, coi là ngày hồng ân và hạnh phúc. Về sau, khi có thêm người và điều kiện thuận lợi, các cha đã tìm dịp để tổ chức tĩnh tâm xoay vòng tại những giáo xứ khác nhau. Tình anh em linh mục ấm áp mặn mà, sự quen biết của giáo dân với các linh mục trong Giáo hạt cũng gia tăng. Anh em linh mục trong Giáo hạt chỉ là một nhóm nhỏ và thường gặp nhau cho nên biết rõ hoàn cảnh, khó khăn và thuận lợi của nhau. Có gì vui buồn, chỉ cần nhắn nhau qua điện thoại là anh em cận kề ngay bên nhau vui vẻ. Trước khi đến với người khác, các tông đồ Chúa cần biết đến với nhau. Tình cờ, ước vọng của Thánh nữ Têrêxa Avila, vị cải tổ dòng Cát Minh, được thể hiện ở đây: Một cộng đoàn ít người để dễ hiểu rõ nhau, quan tâm đến nhau và cùng nhau xây dựng một góc thiên đường trên thế gian. Phía bắc Giáo phận, cộng đoàn linh mục Quảng Ngãi cũng nếm được cái hân hoan trong thử thách ấy. Càng là một nhúm ít người càng thấy cần đến nhau hơn và yêu thương nhau hơn. Gần đây, Đức Giám Mục Giáo phận xếp lịch tĩnh tâm tại ba Giáo hạt lệch ngày để ngài có thể hiện diện, tình hiệp thông ở các Hạt còn đượm thêm tình hiệp nhất trong toàn Giáo phận.

Sáng ngày 01-8, khi cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển rời Hoa Châu về Tuy Hòa tĩnh tâm thì đoàn chúng tôi tiến về giáo xứ ngài. Không sao, ngài đã dặn Bà Nhất cộng đoàn Phaolô ở nhà lo tiếp đón. Ngài còn nhắc nhở từ xa qua ĐTDĐ. Tới giáo họ Sông Hinh, công trường đang ngổn ngang trong những ngày đầu xây dựng nhà thờ. Đang khi các em ngồi dưới mái nhà nguyện tạm, nghe nói về việc truyền giáo tại Sông Hinh, thì một phụ nữ đến chào tôi. Chị là một giáo lý viên. Chị vừa đọc trên trang web của Giáo phận câu chuyện đạt giải nhất cuộc thi. Tôi mời chị chia sẻ để các trại sinh hiểu rằng với internet, thông điệp của các em có thể lan nhanh và lan rộng tận những vùng xa xôi hẻo lánh.

Tại Sơn Nguyên, cha Phêrô Nguyễn Xuân Bá đã nhờ Hội Đồng Giáo Xứ trực sẵn để đón đoàn chúng tôi. Đã có sẵn nước giải khát, nhưng một số em nhỏ tới đây đã lả người, các vị chức việc vội chạy đi mua trà xanh 0 độ cho các em. Chúng tôi cũng gọi về cho các nữ tu Mến Thánh Giá ở Tịnh Sơn biết tình trạng ấy. Do đó, khi chúng tôi về tới Tịnh Sơn thì thấy các Chị đang ráo riết vắt chanh kịp giúp cho các em tỉnh táo.

Cơm canh đã có sẵn. Sáu tổ chiếm sáu góc vườn. Sau bữa trưa, họp các tổ trưởng và tổ phó. Sinh hoạt mang tính đoàn đội là một hình ảnh đầy gợi ý cho sinh hoạt Hội thánh. Nơi các tiểu tổ Hội thánh, vai trò các tổ trưởng và tổ phó hết sức quan trọng. Cuối giờ nghỉ trưa thì Cha sở Giuse Lê Thu Thâu về tới, còn Cha Gioakim Bùi Văn Ninh đang bận việc chưa về. Một trong những mục tiêu chính của chuyến đi lần này là thành lập Câu lạc bộ cho Giáo hạt Phú Yên. Chính ở Tịnh Sơn hôm nay, trong giờ sinh hoạt riêng theo từng Giáo hạt, dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Lê Hoàng Vinh, Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Phú Yên đã hình thành và sẽ sinh hoạt lần đầu vào Chúa Nhật cuối tháng 9 để dọn mừng lễ Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Trong buổi họp có 6 bạn sinh viên, các bạn này sẽ không thể tham gia các buổi tập huấn nhưng sẽ đồng hành từ xa, cách riêng sẽ góp phần cổ võ phong trào luyện tiếng Việt tại giáo xứ của mỗi người.

Giáo Hội là hiệp thông. Ngày nay Chúa đang cho chúng ta những phương tiện tuyệt vời để sống hiệp thông. Không riêng ĐTDĐ và internet mà còn cả hệ thống đường sá. Hơn 20 năm trước, cũng đoạn đường này, từ ngã tư Cây Me lên Trà Kê, Cha Nguyễn Cao Hiên đi xe đạp hết nửa ngày, có lúc leo dốc đường rừng phải tháo bánh xe ra cột vào sườn xe để vác cho gọn. Thế mà giờ đây đoàn xe hành hương chỉ mất 20 phút. Trước cha Hiên một thế kỷ rưỡi, các nhà truyền giáo đã lên Trà Kê bằng ngựa? bằng chân? Không riêng những nẻo đường huyện Sơn Hòa, ngày nay khắp nông thôn của cả ba tỉnh đều có đường nhựa hoặc ít là đường bê tông có thể đi xe máy thật dễ dàng, nhưng hỏi có còn ai miệt mài đi truyền giáo? Đường đi khó đâu khó vì ngăn sông cách núi, đường đi dễ đâu dễ vì tráng nhựa, bê tông! Vấn đề là ta có còn muốn đến với anh chị em lương dân chăng? Sâu xa hơn, vấn đề là lửa truyền giáo đang ngùn ngụt cháy hay đã lụi tàn?

Các nhà truyền giáo nói tiếng Việt bỏ dấu sai nhưng đã viết tiếng Việt của thời các ngài rất chính xác. Đang khi đó, các sinh viên Việt Nam ngày nay đã xong cử nhân rồi viết tiếng Việt sai chính tả be bét, đặt câu rất ngớ ngẩn… Chính vì thế mới có chuyện tổ chức thi và tổ chức câu lạc bộ văn thơ cho trẻ em để khi lên đường theo ơn gọi tận hiến, những em được đào tạo theo chương trình này có thể diễn tả Tin mừng cách lưu loát và lôi cuốn, phục vụ mầu nhiệm hiệp thông…

GIÁO ĐIỂM TRÊN CAO – GẶT MÙA TRƯỚC, GIEO MÙA SAU

15 g 25, đoàn xe tới Trà Kê. Nhóm trẻ Nắng Thiên Đường đồng phục áo thun xanh dàn hàng chào đón, đưa mọi người qua cổng phụ. Qua khỏi cổng, mỗi trại sinh và cả các vị trong Ban Điều hành đều được ghi lên má một vết son sáng chói. Mỗi người một ly nước mía (quý hơn mọi phương thuốc bổ khỏe nào - theo nhận định của ban y tế) từ hai cái máy ép chạy hết công xuất. Rồi những lời nồng nhiệt của cha sở Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều và màn dân vũ chào đón của Nắng Thiên Đường. 17g30, cơm tối. 19g00 cha Triều chủ sự thánh lễ, cha Phêrô Lê Hoàng Vinh giảng lễ. Tiếp đến là đêm văn nghệ sôi động phối hợp giữa Nắng Thiên Đường và các đơn vị của đoàn hành hương. Không thấy có ngăn cách nào giữa chủ và khách, miền xuôi và miền ngược, ai cũng thấy đây là nhà Chúa, là nhà mình. Sau bữa ăn khuya, hơn 20 bạn sinh viên (kể cả những người vừa hết 12 năm nay) đã gặp nhau chia sẻ và đi tới quyết định lập Câu lạc bộ mini Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn sinh viên cụm Sài Gòn và cụm Nha Trang, chia sẻ cho nhau những sáng tác mới, giúp đỡ nhau khi học tập xa nhà và cùng nhắc nhau hướng về Giáo phận thân yêu.

Trà Kê là một giáo điểm trên cao, cách mặt biển hơn 300 mét, được các Thừa Sai Paris thành lập trong thập niên 1850. Năm 1867, vừa sau khi thụ phong linh mục, cha Tađêô Tín quê Phú Thượng được bổ nhiệm phụ trách Trà Kê, Cây Da và Đồng Tre cho tới khi cha François Chatelet (cố Thuông) đến thay thế. Ngày 26-08-1885, Cha François Chatelet bị Văn Thân sát hại tại Cây Da, cách Trà Kê khoảng 6 km. Lòng đất Cây Da đã được vinh hạnh đón nhận thân xác cha Chatelet và một số tín hữu cùng dâng hy lễ máu đào trong ngày lịch sử ấy. Hiện nay hài cốt Cha Chatelet đã được cải táng về bên hang đá Đức Mẹ của giáo xứ.

Một linh mục chứng nhân nổi tiếng thứ hai của Trà Kê là cha Antôn Dẫn, sn. 1907 tại Đất Sét, Khánh Hòa; thụ phong linh mục 1937; sau thời gian làm việc tại Bàu Gốc (1940), Tân Dinh (1942) và Gò Thị (1943), cha được gửi đến Trà Kê (1944), và bị thiêu cháy năm 1947 tại Trà Kê, còn sót lại quả tim không cháy.

Linh mục chứng nhân nổi tiếng thứ ba là cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (1922-2009) mà cuộc đời và gương sáng được ghi lại trong tập: Một tấm lòng cho người nghèo.

Trên đỉnh cao của Giáo hạt Phú Yên và Giáo phận Qui Nhơn, giáo điểm vùng núi này đang xuất hiện như một biểu tượng của Giáo Hội thời hiện đại. Có hai ngôi chợ bề thế ngay trước cổng nhà thờ: Dù ở thành phố hay thôn quê, Giáo Hội đang có sứ mạng loan Tin mừng cho người nghèo ngay giữa lòng xã hội tiêu thụ. Không những thế, tại nơi đây ta đang đọc được tín hiệu của một mùa gặt đã chín. Các vị mục tử và anh chị em tín hữu tại đây đã ghi dấu ấn nào vào lòng anh chị em lương dân để giờ đây, hễ nghe nhà thờ đổ chuông báo giờ kinh lễ là những người đang họp chợ hạ thấp giọng, cùng bảo nhau nói nhỏ tiếng để giáo dân làm việc thờ phượng?

Buổi chiều mới đến đây, hai anh em trong Ban Điều hành, với đồng phục của đoàn hành hương, tìm mua thuốc tại một tiệm thuốc tây trước chợ nhưng tiệm đóng cửa. Một chị chủ quán nhậu bình dân cạnh đó chỉ cho họ một tiệm thuốc khác cách khoảng 500m, và bảo: “Hai chú lấy xe tôi đi cho nhanh”. Họ chưa hề quen hai người này, chỉ cần biết đây là khách của nhà thờ đã đủ để tin cậy giao xe cho đi.

Năm 2011, gốc cây da cổ thụ tại khuôn viên nhà thờ Cây Da xưa được bứng đem về trồng tại khuôn viên nhà thờ Trà Kê, có lúc tưởng đã chết khô nhưng sau 2 năm đã nẩy chồi và phát triển. Nó vừa là chứng tích nối liền quá khứ vừa là thông điệp mở vào tương lai. Có một thời mùa gặt tưởng như bị dập tắt nhưng, ô không, nó lại đang nở rộ.

Hạt người xưa gieo đã nẩy mầm, ra lá, lên đòng. Lúa đã chín nẫu, nếu ta không chịu gặt, mưa lũ sẽ cuốn trôi tất cả. Chính vì thế trong giờ ăn khuya, tôi đã mạnh dạn đề nghị Cha Triều chỉ nên nới rộng nhà thờ bằng cửa xếp, đợi sau 2018 sẽ xây mới, từ đây tới năm 2018, cần tập trung vào vụ gặt người xưa đã gieo và gieo cho một vụ gặt mới. Ta hô hào truyền giáo nhưng lắm khi khá mơ hồ, không phân biệt gieo và gặt, lắm khi còn đòi phải gặt cái chính mình đã gieo! Tại sao cứ phải ghi rõ dấu ấn của riêng ta ? Những vụ gieo trồng của Chúa vốn không biên giới…

Không chỉ Trà Kê mà khắp cả Việt Nam, trước ngưỡng cửa kỷ niệm 500 năm vào 2033, và cách riêng là Giáo phận Qui Nhơn trong chương trình 10 năm hướng tới kỷ niệm 2018. Nếu chúng ta thật tình có ý dâng lên Chúa Cứu Thế những linh hồn anh chị em, chắc hẳn chúng ta cần đặt lại vấn đề. Đã bao nhiêu năm cằn cỗi do bị cầm chân với những công trình xây cất, tại sao ta không rủ nhau quyết tâm đẩy lùi hết mọi việc xây cất lớn nhỏ về sau 2018 để từ đây tới đó chỉ dành hết tâm huyết, nhân lực và tài lực cho công cuộc của Chúa Thánh Thần? Chúng ta ai cũng được đánh động trước thông điệp sống của Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng hình như còn ngần ngại chưa dám bước theo và thông điệp ấy đang có nguy cơ hấp hối, trở thành tiếng kêu vô vọng!

MỘT NHIỆM THỂ VÔ HÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI

Một thuận lợi lớn cho chuyến đi là những con đường nhựa mới làm. Đường Trà Kê về Đồng Tre tạo ấn tượng một thiên nhiên hùng vĩ, khoảng khoát và hài hòa. Nhà thờ Đồng Tre đang xây, đã nên hình nên dạng. Cha phó GB Võ Tá Chân dừng tay tiếp đón đoàn. Cha sở Antôn Nguyễn Huy Điệp đi vắng chưa về nhưng một tác giả cao niên của Đồng Tre, nhà thơ Hoàng Bảo Thoại, qua những lời chia sẻ, đã vẽ nên chân dung một người mục tử dám trở nên tất cả cho mọi người. Cánh đồng không chỉ được đánh dấu bằng tre mà hơn nữa, đã được gieo những hạt giống Tin mừng từ máu xương các anh hùng tử đạo xưa và nay, từ mồ hôi nước mắt và lời chứng khiêm nhường vui tươi của cha Phêrô Bùi Huy Bích, trên những nẻo đường Xuân Phước, La Hai, Suối Ré… Vấn đề được đặt ra một lần nữa: Cần có kế hoạch gặt mùa trước và gieo tiếp mùa sau…

Trên con đường bon bon từ La Hai về Đa Lộc, tôi đang vật lộn với chút hiểu biết Hán Việt để tìm ý nghĩa hai tiến Trà Kê thì xe đi qua một cây cầu cùng tên với một đầm nước mênh mông ờ Phù Mỹ: Trà Ổ. À thì ra, Trà ở đây không phải là chè nhưng có cùng một nguồn gốc xa xưa với Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Kiệu, rồi Trà Vinh ở cực Nam và lạ thay, ở tận phương Bắc cũng có Trà Lũ. Trà Lũ là một trong sáu địa danh được chọn để đặt tên cho sáu tổ của cuộc hành hương, giúp các trại sinh có một cái nhìn về Giáo Hội cả nước, cùng với Bãi Dâu, Măng Đen, Trà Kiệu, Nước Mặn, La Vang. Tôi chợt thấy hình ảnh đoàn lữ hành trên dặm dài lịch sử. Chúng tôi đang đi trên vùng đất huyền sử Chămpa, một dân tộc lừng lẫy một thời mà nay hầu như hoàn toàn biến mất chỉ còn đôi vết tích ký ức mịt mờ nơi những địa danh mà cả những người hết sức chuyên môn còn khó biết ý nghĩa, từ La Ngà, La Gi, La Hai, La Thai, La Hiên, La Tinh, La Vân, La Hà, La Tháp, La Nang và xa hơn ở phía Bắc: La Vang, La Nham… Cũng như về Chămpa, ký ức về chúng ta rồi sẽ chìm sâu và biến tan trong dòng lịch sử thì có gì để phải bận tâm khắc ghi dấu ấn của bản thân hay của thế hệ mình. Chỉ còn một đích nhắm: Góp tay chung xây vũ trụ mới, chung xây Nhiệm Thể Chúa Kitô, một thực tại vô hình, mênh mông bao la, không biên giới.

Cha sở Đa Lộc đang góp phần vào việc đào tạo người cho tương lai ấy, nơi ngôi nhà giáo lý sắp hoàn thành và nơi thùng sách giáo lý được gửi nhờ nơi một chiếc xe của đoàn hành hương. Đây là lượng sách mua sẵn cho niên khóa… 2014-2015, phòng khi nhóm cung ứng sách của Ban Giáo lý Giáo phận không đủ sách cung cấp. Nếu các học sinh đến lớp giáo lý hiểu được tấm lòng của một người cha như thế, hẳn các em sẽ chú tâm học hành với một thái độ mới.

Chúa Giêsu là nhà tổ chức đại tài, đã thực hiện Hội thánh Ngài theo công thức nhúm men dậy trong bột, vết dầu loang trên giấy. Hội thánh không theo quân chủ cũng không theo dân chủ nhưng phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ở đó, mỗi người là một ngôi vị không ai thay thế được; mỗi người đều cần được tôn trọng và hỏi ý, cách riêng là những người đã được trao một trách nhiệm. Theo công thức ấy và học theo kinh nghiệm xem xét làm của các phong trào tông đồ theo cảnh vực, các buổi họp để định hướng và kiểm điểm rất cần thiết. Chỉ là một cuộc hành hương ba ngày nhưng chúng tôi đã phải họp trù bị ba lần, họp các tổ trưởng trước khi tiếp nhận trại sinh và nhiều lần trong chuyến đi. Giờ đây, tại Đa Lộc, sau bữa ăn trưa, chúng tôi họp Ban Điều hành tổng kết ưu khuyết điểm cuộc trại để rút kinh nghiệm cho những năm sau. Tất cả và từng người đều được nói hết ý kiến của mình. Người đứng đầu có bổn phận lắng nghe, tiếp nhận, giải thích và điều chỉnh khi cần thiết. Hội thánh không là của riêng ai. Hội thánh là của chung tất cả, mỗi người đều có trách nhiệm dấn thân, mỗi người đều có vinh dự góp phần. Phần tôi, nhìn lại chuyến đi mà ngỡ ngàng. Mục đích thì lớn mà phương tiện thì ít ỏi; lộ trình thì phức tạp mà anh em mỗi người một nơi, không có điều kiện gặp nhau trước. Tôi chợt nhớ câu nói của một người bạn, cha Fabianô Lê Văn Hào SDB: “Anh cứ liều mạng rồi phép lạ sẽ xảy ra”. Ở đây tôi không liều mạng nhưng tôi biết tôi đã tin vào ai, và tôi đã không phải thất vọng khi dám tin vào Chúa và vào anh em mình.

Trên đường về Sông Cầu, chúng tôi sực nhớ chưa chuẩn bị quà cho các tài xế. Một gia đình Tin Lành tại Sông Cầu nhận lời giúp mua và gói sẵn 8 gói quà cho 8 xe, khi đi ngang chúng tôi sẽ ghé lấy. Mối quan hệ thân tình giữa chức sắc các tôn giáo tại Sông Cầu đã rất thắm thiết từ hồi cha Phaolô Trương Đắc Cần làm cha sở ở đây. Từ các chức sắc quan hệ gần gũi còn lan tới các cộng đồng tín hữu. Hiện nay, giáo xứ Sông Cầu có một đội trợ táng Công Giáo được mời phục vụ cả cho các tín hữu Cao Đài, Phật Giáo và Tin Lành. Người ta thích đội trợ táng này ở chỗ phục vụ tận tâm mà không uống rượu. Cha sở Phêrô Lê Nho Phú và cha phó Mat1thia Võ Nhân Thọ đã nồng nhiệt tiếp đón đoàn. Có một điều chúng tôi phải xin lỗi cha Phú là đã không để cho đoàn cùng lần chuỗi Lòng Chúa thương xót với bà con trong xứ, vào lúc ba giờ, khi đoàn vừa đến được mươi phút. Bản thân tôi đã đồng ý với cha Phú nhưng thầy giữ còi điều hành lại thấy cần phải xoay trở cách khác để kịp hẹn tại Gò Duối cho đoàn Quảng Ngãi có thể về sớm hơn phút nào hay phút đó. Không bằng bài giảng cao siêu, không lời phát biểu to tát, chỉ vài lời nhắn nhủ đơn sơ, cha Phú đưa mọi trại sinh quay về thực tại, thấy được nơi đầu tiên mình cần đem khả năng vượt trội Chúa đã trao ban để phục vụ là môi trường giáo xứ. Thật chân tình và sâu sắc, mọi người nhè nhẹ thở, từng hơi thở của trách nhiệm bắt đầu thấm tới tâm can.

Đoàn xe tới cổng nhà thờ Gò Duối giữa tiếng loa chào đón của Cha sở Phêrô Nguyễn Xuân Hòa. Có hơn mười sinh viên từ những giáo phận khác nhau đang học tại Qui Nhơn vào giúp cha Hòa phục vụ đoàn hành hương. Tại đây, cùng một lúc đoàn vừa chào thăm vừa chào từ biệt Cha sở. Tiếp đến là nghi thức bế mạc. Ở đây có một tiết mục đặc biệt không kém trang trọng: Cám ơn và tặng quà cho các tài xế. Đó là những anh em lương dân đã đóng góp tích cực và hữu hiệu cho chuyến đi. Một tài xế người lương là anh Hiệu ở chợ Phú Thạnh ghi nhận: việc tổ chức này tốn kém mà hữu ích, xây dựng được sự đoàn kết yêu thương trong Giáo Hội.

Mối đồng cảm của anh Hiệu một lần nữa cho thấy Hội Thánh vượt khỏi những ranh giới hữu hình. Tay bắt mặt mừng trong chuyến đi có nhiều anh em lương dân và những tín đồ các tôn giáo khác. Đồng hành với đoàn còn có sự hiện diện thiêng liêng của bao người đã khuất: Cha Dẫn, cha Nguyễn Cao Hiên và Á Thánh Anrê Phú Yên…

NƯỚC MẶN 2018: TRONG CHÚA THÁNH THẦN

Có được Phú Hòa của Garin Châu 1885 và Trà Kê của Chatelet Thuông 1885 là nhờ đã có Nước Mặn của Buzomi và Francesco de Pina 1618. Chữ Quốc ngữ đã khai sinh với Francesco de Pina, đã được trình làng với Alexandres de Rhodes, đã được sử dụng thành thạo với Garin và Chatelet, đã được vận dụng nhuần nhuyễn với Đặng Đức Tuấn và hôm nay đang được trau dồi với các thành viên Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn nơi những cuộc thi, những ngày tập huấn, những trang Hoa Biển và Hoa Rừng…

Chữ Quốc ngữ đã được khai sinh làm phương tiện cho các nhà truyền giáo học tiếng Việt để tiếp cận với người Việt và loan truyền Tin mừng cứu rỗi cho người Việt, làm một phương tiện của ơn Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, như lời ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục Kontum, chúng ta phải tự vấn: “Các vị thừa sai, cha ông của chúng ta trong đức tin, khi đến đất nước này, đã sáng nghĩ ra chữ quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hình như lớp con cháu, trong đó có chúng tôi, chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng. Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Thiết nghĩ sự vắng bóng những sáng tác Kitô giáo là một cái lỗi lớn mà con cháu các thừa sai, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm” (phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn).

Chúng ta nhắc đến Nước Mặn 1618 và nhắc đến trách nhiệm về chữ Quốc ngữ là để mơ về công cuộc loan báo Tin mừng chung trên toàn cả Giáo phận và Giáo Hội rộng lớn.

Thấm thoát, sắp tròn kỷ niệm 400 năm. Văn hóa, truyền giáo hay bất cứ cái gì khác trong Hội thánh đều phải bắt đầu từ Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu không bảo: “Trên đá này anh sẽ xây Hội thánh của anh” hay “anh sẽ xây Hội thánh của Thầy” nhưng là: “Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”. Chính Chúa đã xây và đang xây, chúng ta chỉ là những người hưởng ứng, những dụng cụ. Hội thánh mà cửa hỏa ngục không thắng được không phải là Hội thánh của con người nhưng là của Chúa và của Thánh Thần Ngài. Vì thế, cần nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần.

Chương trình mười năm đã trôi qua gần sáu năm, có lẽ do ta còn quá tin vào các phương tiện nhân loại cho nên chưa có kết quả nào đáng kể. Chỉ còn không đầy năm năm, hãy thử một lần thật sự tin vào Chúa Thánh Thần và phó thác hết cho Ngài. Nếu thật sự tin vào Chúa Thánh Thần và hưởng ứng công cuộc của Ngài trên chính nội tâm ta, thì năm 2018, số con cái Chúa trên địa bàn Giáo phận sẽ không chỉ gấp đôi. Những người giúp việc đóng góp nước lã và chính Chúa biến thành rượu ngon. Em bé đóng góp năm chiếc bánh với hai con cá và Chúa đã nuôi ăn hơn 5000 người còn dư. Nếu không được tao vào tay Chúa, nước lã sẽ mãi là nước lã, năm chiếc bánh và hai con cá chỉ nuôi được nhiều lắm là năm người. “Vì ngoài Ta, các con không thể làm gì.” Đã hơn năm năm rồi, ta chưa gặt hái gì cả vì chưa dám hưởng ứng công cuộc của Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa Thánh Thần lúc nào cũng dư thừa, nhưng ta có mở lòng đón nhận chăng.

Chính vì thế, trong lời chia tay Trà Kê, chúng tôi đã gửi gắm cho cộng đoàn ở đó một lời cầu nguyện, xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận dám thật sự mở lòng cho ơn Chúa Thánh Thần và dám để cho Chúa Thánh Thần hành động

Chính vì nghiệm thấy sự dẫn dắt và tác động của Chúa Thánh Thần như sờ đụng được trong suốt cuộc hành hương, khi tuyên bố kết thúc cuộc hành hương diễm phúc, tôi đã xin cả đoàn cùng hát lên bài hát đã hát lúc lên đường: Cầu xin Chúa Thánh Thần – vâng, kết thúc hành hương để tiếp tục lên đường cho công cuộc duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Qui Nhơn 08-8-2013

Linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Lộ Đức: văn nghệ ''Sống Đức Tin theo gương các thánh Tử Đạo Việt Nam
Đỗ Thục Hiền
20:30 12/08/2013
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC

CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP


« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam

Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 04/08/2013 : Giới trẻ trình diễn văn nghệ "Sống Đức Tin theo gương các thánh Tử Đạo Việt Nam”

Lộ Đức ngày 04/08/2013, ngày kết thúc Đại Hội Hành Hương của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Phap. Ban tổ chức Đại Hội đã trao cho Giới Trẻ trách nhiệm thực hiện một đêm văn nghệ diễn tả những điều đã thâu nhận được trong Đại Hôi. Chủ đề của đêm văn hóa và đức tin là “Sống Đức Tin theo gương các thánh Tử Đạo Việt Nam”, trong tinh thần “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Cha Thơ (Cộng đoàn Châteauroux) và chị Dung (Cộng đoàn Paris) dẫn chương trình đêm “Văn hóa và đức tin”. Sau lời chào của cha Thơ gửi đến tất cả dân Chúa Công Giáo Viet Nam, anh Văn - Phụ trách chương trình -có vài lời cám ơn tới những vị có trách nhiệm và ban tổ chức. Nhiều cộng đoàn đã đóng góp những màn múa hay kịch cho buổi văn nghệ. Tất cả đều xoay quanh ý nghĩa sống đức tin theo các thánh tử đạo Việt Nam, và sống đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Đêm văn hóa và đức tin bắt đầu bằng một đoạn phim ngắn của ngày lễ phong Thánh do Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaô-lô đệ nhị chủ sự tại Roma, một vị Giáo Hoàng đăc biệt thương mến Giáo Hội Việt Nam. Tiếp đến là bài múa Totus Tuus mở đầu chương trình dâng Đức Mẹ do cộng đoàn Paris trình bày. Nội dung của bài múa nói đến việc nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, các thánh Tử Đạo giữ lòng cậy trông vào Chúa Kitô Phục sinh. Totus tuus (Tout est à Toi) là một sứ điệp của Đức Cố Thánh Cha Gioan Phaolô. Ngài rất tôn kính Đức Mẹ và trao phó Đức Mẹ với châm ngôn này.

Cộng đoàn Lyon đóng góp ca kịch hoạt cảnh gương tử đạo Thánh Annê Lê thị Thành. Các Sœurs Chúa Quan Phòng Portieux với bài múa “Quê hương là chùm khế ngọt”. Cộng đoàn Paris múa tôn vinh các vị tử đạo qua bài “Chứng Nhân Hy Vọng” của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Cộng đoàn Toulouse trình bày hoạt cảnh Đức Tin : « Cuộc đối thoại bên giếng nước Jacob ». Các Sœurs Mến thánh giá Strasbourg với hoạt ca : « Lưu Danh Thiên Thu ». Các Sœurs Notre Dame du Calvaire với bài múa « Việt Nam quê hương tôi ». Cộng đoàn Saint Étienne đóng góp hai bài hát « Nhìn lên Nữ Vương từ nhân » và «Bài ca quê hương ». Cộng đoàn Paris lại cống hiến hoạt cảnh thánh tử đạo « Dũng Lạc bi kịch ».

Đêm văn hóa và đức tin kết thúc vói vũ điệu « Hãy thắp sáng lên » cùng với toàn thể khán giả tham dự. Đêm văn nghệ phần nào đã chứng tỏ lời ước nguyện của cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang, bày tỏ trong "Lời Khai Mạc" Đại Hội ngày 02/08/2013 đã được thực hiện : “chúng ta khai mạc Đại Hội Lộ Đức 2013 do Tuyên Úy Đoàn tổ chức để « Mừng 25 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam » với chủ đề « Sống Đức Tin theo gương tiền nhân ».

Đây là dịp để các Cộng Đoàn Việt Nam Công Giáo chúng ta cùng nhau hân hoan mừng kính các ngài, sống tình hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam và sống tính đoàn kết của những người Việt sống xa quê hương.

Nếu trong bài thánh ca 2 nhạc sĩ Hoàng Khánh và Kim Long ngân vang câu « từng đoàn người anh hùng tiến lên hy sinh vì tình yêu », thì chúng ta cũng là từng đoàn người từ khắp nơi trên đất Pháp và từ các quốc gia khác hân hoan tựu về Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức này để tôn vinh các Ngài và xin các Ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa giúp chúng ta sống niềm tin hôm nay.

Thay mặt Tuyên Úy Đoàn, tôi xin chào mừng tất cả quí quan khách và quí ông bà Anh chị em đến tham dự Đại Hội này và xin kính chúc tất cả được nhiều ơn thiêng trong những ngày Đại Hội, dười ánh mắt trìu mến của Mẹ Maria, để mai này chúng ta sẽ là những nhân chúng dũng cảm của Tình Yêu của Thiên Chúa và theo gương tiền nhân mà sống niềm tin giữa lòng đời.

Lộ-Đức, Ngày 04 tháng 08 năm 2013

Đỗ Thục Hiền, Đoàn Quốc Khánh và Trần Thanh Hương
 
Khóa học Truyền thông Thừa sai - Nghi Lộc 2013: ''Cùng với Thiên Chúa, chúng ta hãy lên đường!''
Tre Việt
09:12 12/08/2013
Khóa học Truyền thông Thừa sai - Nghi Lộc 2013: "Cùng với Thiên Chúa, chúng ta hãy lên đường!"

Hãy ra đi, hãy can đảm làm chứng cho sự thật mà Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống để bảo vệ. Chúng ta không đi một mình. Bên cạnh chúng ta luôn luôn có Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng đồng hành, quan phòng và chở che...

Xem Hình

Như tin đã đưa, ngày 05.08.2013, Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRNs) đã có mặt tại giáo xứ Nghi Lộc tổ chức lễ khai giảng khóa học Truyền thông Thừa sai (khóa VI – năm 2013). Khóa học diễn ra trong vòng 5 ngày. Và vào ngày 09.08.2013, cũng tại thánh đường giáo xứ Nghi Lộc, đã diễn ra thánh lễ bế giảng khóa học này.

Thánh lễ bế mạc được cử hành lúc 6 giờ tối. Cùng đồng tế với Cha quản xứ JB Đinh Công Đoàn có Cha Antôn Lê Ngọc Thanh và Cha Giuse Đinh Hữu Thoại – hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đồng thời là hai giảng viên chính của khóa học. Hơn 50 học viên, đến từ các giáo xứ trong và ngoài giáo phận Vinh, cùng đông đảo bà con giáo dân Nghi Lộc đã tham dự thánh lễ.

Khóa học đã kết thúc thành công và gặt hái được nhiều kết quả. 5 ngày cho việc tìm hiểu và làm quen với truyền thông, học hỏi về lĩnh vực viết báo, làm phóng sự của các bạn trẻ đến từ nhiều nơi, đặc biệt có những bạn đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Thuận... dù đường sá xa xôi nhưng các bạn đã không quản ngại, cùng về đây học tập, giao lưu. Tuy thực tế không cho phép các bạn được làm những phóng sự cụ thể, trực tiếp, hoàn chỉnh. Nhưng những bài giảng của Cha Antôn Lê Ngọc Thanh đã giúp các bạn thêm hiểu về cách làm và viết như thế nào cho đúng sự thật. Khóa học tuy ngắn nhưng nếu nắm vững được những kiến thức do các Cha giảng dạy thì các bạn cũng có thể làm được những việc mà thông thường chỉ có thể làm được một cách bài bản sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng!

Trong khóa học đã nêu ra những ví dụ cụ thể về tình trạng truyền thông hiện nay ở Việt Nam, cả những luận bàn, đánh giá về vấn nạn bóp méo sự thật, vu khống, bịa đặt để phục vụ lợi ích cho giới cầm quyền... và từ đó rút ra cho các bạn trẻ những kinh nghiệm để có thể trở thành những phóng viên, những người đưa tin mang tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô, kể cả khi phải chịu những oan trái vì sự thật, công lý! Đó cũng chính là nội dung của bài giảng trong thánh lễ hôm nay mà Cha Thanh đã chia sẻ.

Sau phần giảng lễ, 5 đôi bạn trẻ thay mặt cho cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa của lễ là rượu nho, bánh miến, hương trầm, những ngọn nến... tượng trưng cho ngọn lửa tinh thần đang bừng cháy trong những con tim yêu sự thật, luôn khát khao công lý và hòa bình. Những đóa hoa, trái cây thơm tho tượng trưng cho bao hy sinh, vất vả của cuộc sống thường ngày. Sau đó là nghi thức tuyên thệ đầy xúc động của các học viên. Tiếng gọi lên đường, hãy ra đi, hãy gieo những hạt giống đầy yêu thương, đầy tình huynh đệ vào mảnh đất đang thiếu vắng sự thật,công lý, hòa bình.

Thánh lễ kết thúc bằng những lời thề hứa cùng những nguyện ước của các bạn trẻ trong việc mang sứ điệp truyền thông đến khắp mọi nơi, ngang qua ơn bổ sức của Chúa Thánh Thần. Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và các bạn trẻ đã cùng hát bài ca “Thừa sai VRNs” để tặng Cha quản xứ cùng cộng đoàn dân Chúa. Sau thánh lễ là bữa tiệc vui liên hoan mừng ngày tốt nghiệp khóa Truyền thông Thừa sai. “Thừa sai” có nghĩa là lên đường! Buổi liên hoan với sự có mặt của quý Cha, HĐMV Giáo xứ, Ca đoàn Cecilia, các học viên và những người đã giúp đỡ các bạn trẻ trong công việc ẩm thực, hậu cần suốt khóa học. Ngoài ra còn có sự hiện diện của những ân nhân và thân nhân các thanh niên Công Giáo đang chịu cảnh tù đày bất công.

Có thể nói những gì các bạn trẻ đang làm, đang dấn thân là những việc “nguy hiểm” ở Việt Nam! Vì nó đòi hỏi các bạn một ý chí kiên cường, dám làm chứng cho sự thật, dám hy sinh bản thân vì một xã hội tốt đẹp và thiện hảo hơn. Để noi gương nhà truyền thông đầu tiên là Đức Giêsu. Ngài đã dám lên án những sai trái của giới cầm quyền Do Thái lúc bấy giờ, dẫu bị bắt bớ, phải chịu khổ hình và cuối cùng là cái chết trên cây Thập giá. Những cũng chính từ cái chết đó mà ngày này chúng ta được sống, được ban dồi dào sức mạnh, ơn trợ sức của Ngài, để ra đi và làm chứng cho sự thật, bất chấp những nguy hiểm mà chúng ta có thể gặp phải.

Mến chúc anh chị em học viên khóa Truyền thông Thừa sai VI luôn phát huy được những bài học rút từ kinh nghiệm quý giá mà các Cha đã truyền đạt, luôn vững vàng và khôn ngoan với sự soi sáng của Chúa Thánh Linh. Hãy ra đi, hãy can đảm làm chứng cho sự thật mà Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống để bảo vệ. Chúng ta không đi một mình. Bên cạnh chúng ta luôn luôn có Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng đồng hành, quan phòng và chở che!

Cùng với Thiên Chúa là Tình yêu, là Đường, là Sự thật và là Sự sống, chúng ta hãy lên đường!

GX Nghi Lộc, ngày 10.08.2013

Tre Việt
 
Hội đồng Comitium Hà Nội mừng 65 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam
Giuse Maria Nguyễn Ngọc Toàn
20:33 12/08/2013
Hội đồng Comitium Hà Nội mừng 65 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1).

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và mừng Đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đồng thời mừng kỷ niệm sinh nhật tròn 65 tuổi của Legio Mariæ hiện diện trên dải đất Việt Nam (12/08/1948 - 12/08/2013). Ngày 09/08/2913, Hội đồng Comitia Hà Nội và Nam Hà đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn tại Tiểu Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm – Sở Kiện.

Xem hình

Trải qua hai cơn bão số 5 và 6 liên tiếp gây mưa to, úng ngập, từ 3 giờ sáng các hội viên Legio từ khắp miền thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội: Cao Bằng - Lạng Sơn, Bắc Giang, Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ đến Khoan Vỹ, Ý Yên, Bắc Lý Nhân đã tấp nập lên xe về dự Lễ.

Trước khi diễn ra Thánh lễ tạ ơn là phiên họp Hội đồng định kỳ tháng 8 của Hội đồng Comitium Hà Nội. Đúng 07g30’ các đơn vị đã có mặt để tham dự rất đông đảo. Thật cảm động trước tinh thần Legio của các anh chị ủy viên và hội viên cùng các em Junior. Buổi họp định kỳ hôm nay mang một dấu ấn đặc biệt, đồng thời nói lên sự trưởng thành của Legio Mariæ TGP. Hà Nội. Cha Linh Giám Hội đồng Comitium Hà Nội đã huấn từ khen ngợi các hoạt động tông đồ của anh chị Legio, ngài động viên tinh thần phát huy kết quả đạt được và khuyên nhủ cố gắng vượt qua những khó khăn để hoạt động tích cực và có hiệu quả cao hơn nữa. Cha Linh Giám Hội đồng Curia Bắc Giang luôn đồng hành với Legio hôm nay cũng về tham dự và chia sẻ những ý kiến động viên, khích lệ.

Thánh Lễ Tạ ơn do Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội – Chủ tịch HĐGMVN chủ tế, cùng đồng tế có Đức Cha Giu se Nguyễn Văn Yến, Phó ban Bác ái Xã hội – HĐGMVN, quý Cha Linh Giám các Hội đồng Comitia Hà Nội, Nam Hà và trên 4.000 hội viên hoạt động và tán trợ cùng các em Junior của 2 Comitia Hà Nội và Nam Hà và các Curiæ trực thuộc tham dự thánh lễ. Ngoài ra, còn có cả những người yêu mến Legio đã tham dự thánh lễ trong Tiểu Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm – Sở Kiện.

Sau phần ca nhập lễ, anh Giuse Nguyễn Ngọc Toàn, Trưởng Hội đồng Comitium Nam Hà giới thiệu quá trình hình thành, phát triển của Legio Hà Nội.

Trong phần giảng lễ ĐTGM Phêrô đã nhấn mạnh:

“..Qua 65 năm Legio Mariæ hiện diện trên đất nước Việt Nam, phải nhìn nhận Legio Mariæ đã đóng góp một vai trò đáng kể trong công cuộc truyền giáo, những kết quả mang lại: nhiều người khô khan, lâu ngày xa Chúa nay trở lại, nhiều người chưa biết Chúa đã đón nhận Đức Tin, chịu Phép Rửa và những công việc khác… bằng những cuộc thăm viếng, những việc làm thiết thực của anh chị Legio đã chứng minh điều đó. Trong năm Đức Tin, tôi mong các anh chị hội viên Legio với đời sống cầu nguyện, thánh hóa bản thân, đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, noi gương Đức Ma-ri-a sống khiêm nhường, vâng phục để nhận lãnh những nhiệm vụ mang Đức Tin đến với những người chưa biết Chúa, tham gia tích cực vào công việc truyền giáo, cứu rỗi các linh hồn…”

Trước khi kết thúc Thánh lễ tạ ơn, thay mặt toàn thể hội viên Legio Mariæ TGP. Hà Nội, anh Trưởng Comitium Hà Nội dâng lời Tạ ơn Hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ muôn Hồng ân xuống trên Legio Mariæ Việt Nam, tạ ơn Mẹ Ma-ri-a đã luôn đồng hành.

Anh cũng tri ân cảm ơn ĐTGM Phêrô, quý Đức Cha, quý Cha Linh Giám đã luôn quan tâm nâng đỡ, động viên để Legio Hà Nội phát triển và đặc biệt hôm nay đã về dâng Thánh Lễ Tạ ơn kỷ niệm 65 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam.

Thánh lễ đã kết thúc, hội viên Legio ra về trong niềm vui, phấn chấn trước sự quan tâm chăm sóc của Giáo quyền, nguồn động viên tinh thần để sẵn sàng dấn thân phục vụ.

Vài nét về Hội Đồng Comitia Hà Nội và Nam Hà:

Præsidium đầu tiên “Đức Mẹ Lên Trời” được thành lập vào ngày 12/8/1948 tại Nhà thờ Hàm Long.

- Curia, ngày 15 tháng 04 năm 1954

- Comitium, ngày 21 tháng 03 năm 2005.

* Comitium Nam Hà, ngày 10 tháng 03 năm 2010.

* Đơn vị trực thuộc và nhân số:

15 Curiæ Senior, 1 Curia Junior, 172 Præsidia Senior và 37 Præsidia Junior với 2.338 hội viên hoạt động và 1.598 hội viên tán trợ, 90 nghĩa sĩ, 23 Bảo trợ tu sĩ và 21 Bảo trợ giáo dân (x. Tài liệu học tập Senatus Việt Nam).

Bài và ảnh: Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Ngọc Toàn
 
Tin về sức khoẻ của ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn
Vietcatholic
11:07 12/08/2013
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, sức khỏe của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Tổng Giám Mục Sài Gòn) hiện vẫn không được tốt lắm do tuổi cao sức yếu, vẫn phải nằm viện để bác sĩ theo dõi và điều trị. Tuy nhiên đầu óc ngài vẫn rất minh mẫn và trí nhớ rất tốt. ĐHY đã qua Singapore để chuẩn bị cho việc phẫu thuật cột sống, gần đây việc đi lại của ngài cần phải dùng đến xe lăn. Nếu nhanh có thể ngài sẽ được phẫu thuật ngay trong tuần và trở về lại Sài Gòn vào cuối tuần.Chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho ngài thật nhiều và xin Chúa luôn gìn giữ ngài để cuộc phẫu thuật được thành công tốt đẹp!
 
Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang, Miami mừng Lễ Bổn Mạng Đức Mẹ.
Lm. Giuse Nguyễn Kim Long
19:34 12/08/2013
Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang, Miami mừng Lễ Bổn Mạng Đức Mẹ.

Mùa Hè, thời tiết tại vùng Nam Florida, bao gồm Fort Lauderdale và Miami, nóng không khác gì bên Việt Nam. Nhiệt độ có những ngày lên đến 90F, và ánh mặt trời chói chang làm mồ hôi chảy ướt áo. Tuy nóng như vậy nhưng không ngăn cản được bước chân và tấm lòng yêu mến Đức Mẹ của những người con Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang. Chúa Nhật 11-08 là ngày Lễ Bổn Mạng của Cộng đoàn: Mừng kính Đức Mẹ Lavang.

Chương trình mừng Lễ bắt đầu với cuộc rước kiệu Mẹ từ ngoài Đài. Mặc dầu trời nóng, nhưng đúng 12:15pm, hầu như tất cả quí ông bà anh chị em, trừ một số người lớn tuổi, đã tể tựu tại Đài Mẹ. Cha chủ tế cùng với cha Quí từ địa phận Huế đã mở đầu phần cầu nguyện và xông hương kiệu Mẹ. Sau đó đoàn rước bắt đầu từ Đài Mẹ vào nhà thờ với Thánh gía nến cao, các em giúp lễ, Huynh trưởng Thiếu nhi, Hội CBMCG, Ban TĐ, quí vị TTV/TT và LC, quí Linh mục, kiệu Mẹ và đoàn giáo dân.

Thánh Lễ được bắt đầu ngay sau khi kiệu Mẹ và mọi người đã vào trong nhà thờ. Thánh Lễ diễn ra long trọng và sốt sắng hoà lẫn trong tiếng hát ngọt ngào của ca đoàn, tiếng trống chiêng hào hùng nổi lên từng hồi, và sự sốt sắng của cả cộng đoàn. Trong bài giảng, cha chủ tế nêu ra một vài điểm rất cụ thể trong cuộc đời của Đức Mẹ mà mọi người cần bắt chước trong đời sống người Kitô hữu: khiêm nhường, phó thác và trung thành chu toàn bổn phận của người vợ, người mẹ và người đồng công cứu chuộc với con mình.

Thánh Lễ tiếp tục với phần dâng của lễ đại do các đại diện của Cộng đoàn. Sau Thánh Lễ, mọi người được mời ra patio bên cạnh nhà thờ để cùng chia vui ngày đại lễ với tiệc trà đơn sơ.

Trước đó khoảng 2 tuần, Ban Tiếp Đón của Cộng đoàn cũng đã mừng Lễ Thánh Bổn mạng Martha, vị thánh của những người sống tinh thần phục vụ trong đơn sơ và thánh thiện.

Xin tạ ơn Chúa đã luôn gìn giữ và ban cho Cộng đoàn chúng con được bình an. Xin Mẹ Lavang chúc lành và giúp Cộng đoàn chúng con luôn yêu thương và đoàn kết, trở nên Cộng đoàn đức tin giữa xã hội hôm nay. Amen
 
Văn Hóa
Mẹ Lên Trời
Đinh Văn Tiến Hùng
19:43 12/08/2013
MẸ Lên Trời

( Lễ Kính 15/8 )

*”Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, vừa vô nhiễm,vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đem vào vinh quang Thiên Quốc cả Hồn lẫn Xác. Bởi những lý do Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và thể xác Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Mẹ”

(Ngày 1/11/1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành hiến chế Munificentissimus Deus: Thiên Chúa vô cùng vinh hiển,long trọng tuyên xưng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời )


*Tung hô.

Dâng dâng cuốn nhẹ mây trôi,

Thiên cung rộng mở diệu vời ca vang,

Đón chào Vương Mẫu Thiên đàng,

Cẩm bào lóng lánh huy hoàng rạng đông, (*)

Trăng soi tô gót sen hồng,

Triều thiên tỏa sáng mười hai sao trời.

Mênh mang trời đất reo vui,

Thần Thánh chào đón dâng lời tung hô,

Nữ Vương diễm tuyệt vô bờ,

Uy nghi lộng lẫy không dơ bụi trần.

*Diễm phúc.

Mẹ được tràn ngập hồng ân,

Tín thác nơi Chúa ‘Xin Vâng’ trọn đời,

Ôi cung lòng Mẹ tuyệt vời!

Ngôi Hai giáng thế làm người trần gian,

Cùng Mẹ nghèo khó cơ hàn,

Tình yêu Thập Giá trao ban cứu người,

Nhìn Con lệ Mẹ tuôn rơi,

Cùng chung khổ lụy với Người Con yêu,

Thế trần hồng phúc mọi điều,

Xác Hồn Thiên Quốc diễm kiều trinh trong.

*Vương quyền.

Nữ Vương quyền phép vô cùng,

Thần Thánh chiêm bài, muôn loài cây trông.

Nữ Vương nhân loại chờ mong,

Sinh dưỡng Thánh Tử Đồng Công cứu người,

Nữ Vương hiển trị đất trời,

Hòa bình ban xuống cho đời bình an.

Danh Người ác quỉ sa-tan,

Nghe đến khiếp sợ bàng hoàng trốn mau.

Tâm thành ta hãy nguyện cầu,

Vương quyền Thánh Mẫu có đâu sánh bằng

*Từ Mẫu.

Giờ đây Mẹ ngự trên trời,

Đoàn con dâng Mẹ muôn lời hoan ca,

Vương quyền Mẹ thật bao la,

Giao hòa xin Chúa thứ tha gian trần,

Riêng con sa ngã bao lần,

Vẫn luôn tin tưởng Mẹ gần bên con,

Dù cho biển cạn núi mòn,

Lòng con yêu Mẹ sắt son vững bền,

Thoát bụi trần, rời bến mê,

Mẹ con xum họp nơi quê Nước Trời.

Đinh văn Tiến Hùng

-Ghi chú: (*) “Một dấu hiệu vĩ đại hiện ra trên trời: một Bà có mặt trời bao quanh, chân đạp trên mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao…” (Khải Huyền 12: 1)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phố Vắng
Đặng Đức Cương
22:38 12/08/2013
PHỐ VẮNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Phố xá đêm nay sao vắng tanh
Vài cơn gió nhẹ thổi qua mành..
Sương đêm hơi ẩm trên làn tóc
Ngắm phố nghĩ đời chợt mỏng manh.
(Trích thơ của Nguyễn Khánh Chân)