Ngày 12-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông cho người ra đi và Niềm An Ủi cho cho người còn lại
Phaolô Phạm Xuân Khôi
00:26 12/08/2008
Mấy hôm nay tôi cứ bàng hoàng về sự ra đi bất ngờ của những anh chị em tôi trong tai nạn trên đường từ Houston đi Missouri tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vừa qua. Có nhiều người hỏi tôi là tại sao Thiên Chúa lại định cho những người con ngoan của Mẹ phải chết thảm thiết như thế. Xin thưa rằng Thiên Chúa không là tác giả của sự dữ vì Ngài “vô cùng tốt lành và mọi sự Ngài làm đều tốt lành” (x. GLCG 385). Sự chết là hậu quả của tội lỗi. Trước hết là tội Ađam, rồi đến tội riêng của mỗi người chúng ta. Trong tai nạn này, chúng ta còn có thể qui tội cách chung cho một nền văn hóa vật chất, đặt tư lợi trên cả mạng sống con người, mà đôi khi chính chúng ta cũng là đồng lõa, và cách riêng cho sự bất cẩn của hãng cho thuê xe. Vì tham lam họ đã cho thuê một chiếc xe không được phép chạy xuyên bang mà họ biết rằng thiếu an toàn. Không những thế, họ còn dùng một bánh xe đắp vỏ chứ không phải là bánh xe mới ở phía trước, nơi tay lái, nên tai nạn mới thảm khốc như thế.

Tuy nhiên đối với những người tin tưởng vào Thiên Chúa thì Ngài có thể biến sự dữ thành sự lành để “sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài” (Rom 8:34). Với những người không có niềm tin thì cái chết là điều đáng kinh sợ. Còn đối với những ai tin yêu Chúa thì chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Chết là được biến đổi trong Đức Kitô, vì chết là được tham dự vào cái chết của Người để được cùng sống lại với Người. Chúng ta vững tin và hy vọng chắc chắn rằng sau khi chết người công chính sẽ sống mãi với Ðức Kitô Phục Sinh và Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Sự sống lại này là công trình của Ba Ngôi, và là niềm tin cốt yếu của đức tin Kitô giáo. (x. GLCG 988-991).

Đức Mẹ cũng đã lià bỏ cuộc đời dương thế trong sự luyến tiếc của các Thánh Tông Đồ, và đang được hưởng phúc trường sinh với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Việc Mẹ được Lên Trời cả Hồn Lẫn Xác là dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng cho những ai chết trong ân sủng Chúa và là niềm an ủi cho chúng ta, là những người còn đang lữ hành nơi dương thế. Nếu chúng ta tiếp tục sống trong ơn nghĩa Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ được cùng sống với Chúa, với Mẹ và với những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta trong cuộc sống mai sau.

I. Sự sống lại của Ðức Kitô và của chúng ta

Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa mặc khải từng bước trong các sách Maccabê 2, Ðaniel và Khôn Ngoan. Những người Pharisiêu và nhiều người đương thời với Chúa Giêsu cũng tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã giảng dạy rõ ràng về việc kẻ chết sống lại khi tranh luận với phái Xa Ðốc. Người còn liên kết đức tin về sự phục sinh với bản thân của Người: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11:25). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các tín hữu đã liên kết đức tin vào Người cùng sự sống lại của chúng ta lại với sự sống đời đời (x. GLCG 992-996).

Cách sống lại. Khi chết, hồn lìa xác, thân xác bị hư nát và linh hồn đến gặp Thiên Chúa trong tình trạng chờ được tái hợp với thân xác. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh (x. GLCG 997-1001).

Sống lại với Đức Kitô. Nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ngay từ đời này. Ðược kết hợp với Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa". Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang". Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại (x. GLCG 1002-1004).

II. Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Trong tất cả các Kitô hữu, Đức Mẹ là Kitô hữu đầu tiên. Mẹ là người thông phần trọn vẹn vào cái chết của Đức Kitô, như ông Simêon đã nói với Mẹ khi dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh, “Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà, để những tư tưởng thầm kín của nhiều tâm hồn được tỏ lộ” (Lc 2:35). Lời tiên tri này đã được thể hiện khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá thông phần đau khổ và cái chết của Con Mẹ để chuộc tội cho nhân loại (x. Ga 19:25-27). Hội Thánh dạy rằng sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Mẹ được Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên hưởng vinh quang trên trời, nơi Mẹ dự phần vào vinh quang Phục Sinh của Con Mẹ, thể hiện trước sự Phục Sinh của tất cả các chi thể của Nhiệm Thể Người (x. GLCG 966).

Vì thế, ngay từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Mẹ được Chúa đưa về Trời cả Hồn lẫn Xác sau khi mãn phần. Người Công giáo, Chính Thống giáo, và ngay cả các ông tổ Tin Lành đều tin tín điều này vì tất cả đều tin rằng Mẹ được Thiên Chúa giữ gìn khỏi mọi tội lỗi từ khi thụ thai, kể cả tội Tổ Tông. Chính Lutherô đã viết: “Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Ðức Trinh Nữ Maria đầy Thánh Thần, cho nên Mẹ không có tội lỗi gì cả.” ( Luther's Works, 52, 39). Vì cái chết và xác phàm bị tan rữa là hậu quả của tội lỗi (x. Rom 5:12; TV 16:10; STK 3:19), mà Mẹ không vướng mắc một tội lỗi nào, nên thân xác được Mẹ Lên Trời thay vì bị hư nát dưới quyền lực sự chết. Mẹ được chia sẻ với Con Mẹ ơn chiến thắng tội lỗi, sự chết, và ma quỷ (Dt 2:14-15), như Thiên Chúa đã nói trước trong sách Sáng Thế Ký (x. STK 3:15).

Vậy Mẹ chính là “hoa quả đầu mùa” của Công Trình Cứu Độ của Ðức Kitô, là Ðấng chung cuộc sẽ chiến thắng sự chết và làm cho các thánh có một thân xác vinh hiển và không hay chết. Ân huệ Hồn Xác lên Trời được áp dụng trước cho Ðức Mẹ thật là hợp lý vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa - đồng thời cũng để “biểu tượng” cho thế giới được cứu độ sẽ đến.

Cựu Ước đề cập đến những biến cố tiền trưng cho Mông Triệu như truyện ông Enoch (STK 5:24; DT 11:5) và ngôn sứ Elijah (2CV 2:11) được rước lên Trời, và Tân Ước nói đến các người lành sống lại sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (Mt 27:52-3).

Phần lớn người Tin Lành không tin việc Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời vì họ không thấy được kể lại trong Thánh Kinh. Thật là phi lý và không chấp nhận được khi quả quyết rằng một sự kiện không xảy ra vì không được kể lại trong Thánh Kinh. Ðiều này cũng điên rồ như nói rằng Chúa Giêsu không làm một phép lạ nào khác ngoài những phép lạ tìm thấy trong Thánh Kinh (Xem Ga 20:30, 21:25).

Tài liệu sớm nhất nói đến việc Mẹ Lên Trời cả Hồn lẫn Xác là De Obito S. Dominae, được viết vào thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Ở Ðông Phương, các thánh Andrê đảo Crete, thánh Gioan Damescene, thánh Modestô thành Giêrusalem, và nhiều thánh khác đều nhắc đến việc Mẹ Lên Trời (x. Jarroslaw Pelican, Mary Through the Centuries, History Bookclub, NY, 1996, Chương 15 và Kevin O. Johnson, Rosary, Pangaeus Press, Dallas, TX, 1996, pp 338-351).

Bằng chứng hùng hồn nhất của việc Mẹ Lên Trời là “Ngôi Mộ Trống”. Năm 451, tại Công đồng Chalcedon, khi Hoàng đế Marcianô muốn làm chủ di hài của Mẹ thì thánh Giuvenal, Giám Mục Giêrusalem, thưa với ông rằng: “Ðức Mẹ tạ thế trước sự hiện diện của các thánh Tông Ðồ, trừ thánh Tôma. Khi thánh Tôma yêu cầu mở mộ Mẹ thì chỉ có ngôi mộ trống; từ đó, các thánh Tông Ðồ kết luận rằng xác Mẹ đã được đưa lên Trời” (x. Kevin O. Johnson, Rosary, p. 350).

Lễ Ðức Mẹ Lên Trời được cử hành tại Palestine trước năm 500. Khoảng năm 700, lễ này là một trong những lễ chính tại Rôma, và cũng là Lễ Buộc. Nhưng mãi đến ngày 1 thánh 11, năm 1950, ÐTC Piô XII mới công bố Tín Ðiều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Nếu việc Ðức Mẹ Lên Trời không quá sức khác biệt với những gì xảy ra trong Thánh Kinh, và những quan điểm thần học liên hệ được tìm thấy cách gián tiếp từ Thánh Kinh, cùng được minh xác bởi sự chứng nhận của Truyền Thống Kitô Giáo thời sơ khai, thì tin vào điều này không có gì gọi là “thờ thần tượng” hay “thiếu căn bản Thánh Kinh”.

III. Cái Chết trong Ðức Kitô của các Kitô hữu

Muốn được phục sinh với Ðức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người. Chết là hồn lìa khỏi xác. Hồn sẽ hợp lại với xác trong ngày kẻ chết sống lại (x. GLCG 1005).

Chết. Là người ai cũng phải chết. Chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Đức tin cho chúng ta biết rằng chết là "tiền công của tội lỗi". Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Ðối với những người chết trong ân sủng Ðức Kitô, chết là được biến đổi trong Đức Kitô, vì chết là tham dự vào cái chết của Người để được cùng sống lại với Người. Nhờ vâng phục, Ðức Kitô đã biến đổi cái chết thành lời chúc lành cho chúng ta (x. GLCG 1006-1009).

Cái chết của Kitô hữu mang một ý nghĩa tích cực nhờ Ðức Kitô. Qua bí tích Thánh Tẩy, các Kitô hữu đã cùng chết với Người cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa cho ta sống ở thế gian để làm theo ý Chúa và quyết định số phận đời đời của mình. Qua cái chết, Thiên Chúa gọi ta về với Ngài. Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết như chúng ta phải chết ngay hôm nay. Chúng ta xin Ðức Mẹ bầu cử cho chúng ta trong giờ chết, và phó mình trong tay Thánh Giuse, quan thày của những người chết lành (x. GLCG 1010-1019).

IV. Thiên Chúa đang biến Sự Dữ thành Sự Lành

Tuy nhiên thật là đau lòng trước những cái chết và thương tích thảm thiết như thế đã xảy ra, nhưng Thiên Chúa nhân từ đang biến sự dữ kinh hoàng này thành sự tốt lành cho những ai tin cậy vào Ngài, và cho nhiều người khác. Ở đây tôi xin đan cử bốn điều lành mà Thiên Chúa đang làm trong những ngày qua từ tai nạn thảm khốc này.

Cho chính những người ra đi. Chắc chắn rằng khi sửa soạn đi dự Đại Hội Thánh Mẫu, những người này đã sửa soạn tâm hồn để đến với Mẹ, cho nên chúng ta có thể tin rằng họ đã ra đi trong ân nghĩa Chúa. Thêm vào đó, nếu chỉ là cái chết thông thường thì có lẽ không có mấy người cầu nguyện cho họ. Nhưng với tai nạn này, họ được không biết bao người cầu nguyện cho. Không những chỉ trong các giáo xứ Việt Nam, mà còn cả các giáo xứ Mỹ. Không những chỉ ở Hoa Kỳ mà còn khắp nơi trên thế giới.

Cho gia đình của các nạn nhân. Lời cầu nguyện và sự chăm lo cho các gia đình nạn nhân đến từ Đức Hồng Y cho đến các anh em bạn hữu khắp nơi và sự giúp đở của các đoàn thể, cũng là một niềm an ủi lớn lao cho các gia đình nạn nhân, không những chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất nữa.

Cho các tín hữu khác. Tai nạn này là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng không ai biết giờ nào mình chết để luôn sẵn sàng. Nó thúc đẩy nhiều người trong chúng ta tự vấn và điều chỉnh lại cách sống của mình.

Cho việc Truyền Giáo. Phản ứng của các tín hữu khắp nơi về tai nạn này nói lên một cách hùng hồn Đức Tin, tình đoàn kết và yêu thương nhau của các phần tử trong Hội Thánh. Qua tai nạn này, Đức Tin, tình đoàn kết và yêu thương ấy làm cho toàn thế giới biết rằng Hội Thánh Công Giáo là một gia đình của con cái Thiên Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ nhân tai nạn này mà đưa nhiều người đến cùng Đức Kitô.

V. Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông vững vàng cho những người đã ra đi và Niềm An Ủi cho những người còn ở lại

Chỉ còn mấy ngày nữa là đế Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Công Đồng Vaticanô II trong Chương 8, Mục V, tựa đề, “Ðức Maria, Dấu Chỉ Lòng Cậy Trông Vững Vàng Và Niềm An Ủi Cho Dân Chúa Ðang Lữ Hành”, đã viết rằng:

"Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển Hồn Xác Lên Trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2Phr 3:10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành" (Lumen Gentium, 68).

Chúng ta có thể mượn lời của Công Đồng mà nói rằng, Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông vững vàng cho những người đã ra đi và Niềm An Ủi cho những người còn ở lại. Đồng thời chúng ta có thể tin cách chắc rằng hiện giờ ở trên Trời Mẹ đang mở rộng đôi tay đón chào những chiến binh trong Đạo Binh của Mẹ trở về sau một cuộc chiến đấu can trường nơi trần thế. Và tin tưởng rằng Mẹ sẽ luôn ở bên những người thân yêu của họ còn đang lữ hành nơi dương thế để nâng đỡ ủi an như Mẹ hiền nâng niu những người con thảo của Mẹ.

Ôi lạy Mẹ, là Nữ Vương Trời Đất. Chúng con xin phó thác linh hồn anh chị em chúng con trong tay Mẹ. Xin thương đón nhận họ về Quê Trời với Mẹ. Họ đã chiến đấu nơi trần gian dưới là cờ của Mẹ và họ đã ra đi trên đường đến nơi tôn vinh Mẹ. Giờ đây xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho họ và chóng đưa họ về với Mẹ để họ được sống mãi bên Mẹ Muôn đời. Xin Mẹ an ủi những người con đau khổ của Mẹ còn nơi dương thế, những người đang bị thương tích và những người đã mất người thân. Xin giúp họ biết hợp cùng Mẹ dâng những đau khổ này lên Thiên Chúa như xưa Mẹ đã làm dưới chân Thánh Giá, để liên kết các đau khổ họ đang chịu cùng cái chết của những người thân yêu họ với đau khổ của Mẹ và cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá tạo thành một của lễ thơm tho đẹp lòng Chúa Cha, và cầu nguyện cho thế giới đang bị đe dọa bởi nền văn hóa sự chết. Amen.
 
Lòng tin của người ngoại giáo
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:59 12/08/2008
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 15, 21-28

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, con người không khỏi nửa cười nửa khóc, hoặc ngạc nhiên đến lạ lùng trước thái độ của Chúa Giêsu. Có lúc Chúa tỏ ra rất nghiêm khắc nhưng có lúc Ngài cũng mềm lòng trước tâm tình dễ thương của con người, trước thái độ kiên trì, lời khẩn khoản thật khiêm tốn của con người. Tin Mừng của thánh Matthêu 15, 21-38 hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Người đàn bà ngọai giáo xứ Canaan nhận mình nhỏ bé như “chó con” được ăn” những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống “. Đây là thái độ hết sức khiêm tốn của người đàn bà ngoại giáo này. Thái độ của một người cầu nguyện với hết tâm hồn, với hết đức tin của mình.

TIN MỪNG MUỐN NÓI GÌ ?:

Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đứa con gái của người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan bị quỉ ám. Ngưới đàn bà này bị dân Do Thái coi như ở ngoài, nghĩa là không thuộc về phe họ, do đó, đối với dân Do Thái bà là đồ bị chúc dữ và bị khinh bỉ.

Đức Kitô thương yêu mọi người, Ngài không loại trừ ai, không bỏ rơi ai, miễn là họ biết mở lòng ra, biết khẩn cầu Ngài và thật lòng muốn được Ngài cứu chữa. Con gái của người đàn bà Canaan bị quỉ ám, đang ở vào tình trạng hết sức tuyệt vọng: các thầy thuốc giỏi, danh tiếng đều bó tay, vô phương cứu chữa. Bà đã hoàn toàn tuyệt vọng theo mặt tự nhiên. Chính đức tin diễn tả ra nơi bà qua lời khẩn khoản nài van, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót và đã chữa lành con của bà được khỏi ngay lúc đó. Đức tin mạnh mẽ của bà cũng như đức tin của Viên Bách Quản khiến Chúa thay đổi ý định của Ngài. Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ được Chúa Cha sai tới với con cái Israen, một dân tộc tự kiêu, tự hào vì là dân riêng của Chúa. Họ hãnh diện về đức tin của cha ông và của chính họ. Tuy nhiên, trước lòng tin mạnh mẽ và thái độ khiêm tốn cầu nguyện của người đàn bà, Chúa đã làm phép lạ để cứu chữa một người bị quỉ ám, không phải là dân Do Thái, là dân ngoại bị dân Do thái khinh chê và coi là đồ chó. Bà đã kêu xin Chúa thương xót cứu chữa con gái của bà. Rồi bà quỳ mọp xuống đất trước mặt Chúa Giêsu xin Ngài thương cứu giúp con bà, và với một thái độ hết sức khiêm tốn chấp nhận lời so sánh hết sức tủi nhục, so sánh mình với đồ chó. Bà đã có một đức tin rất mạnh mẽ như Viên Bách Quản, một đức tin son sắt thúc đẩy bà khẩn cầu hết lời, hạ mình chấp nhận những hất hủi, những tủi nhục, những khinh miệt có thể gọi được là tột độ đến thế. Bà đã có một đức tin sâu sắc để có thể chấp nhận những thử thách của Chúa Giêsu ban đầu. Bà không bực tức, không chán nản, không thất vọng, bà luôn chứng tỏ niềm tin mạnh mẽ và kiên trì.

GƯƠNG ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN DẠY TA NHỮNG GÌ ?:

Lời khẩn cầu của người đàn bà xứ Canaan thật khiêm tốn nhưng đầy tin tưởng và mạnh mẽ, kiên trì, phó thác. Do đó, Chúa Giêsu không nỡ từ chối. Đức Kitô đã ban cho người đàn bà Canaan được thỏa lòng mong ước, đồng thời công khai khen ngợi lòng tin của bà trước mặt các môn đệ. Chúa Giêsu muốn dạy con người về mẫu gương cầu nguyện: khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Mẫu gương về lời cầu nguyện và đức tin của người đàn bà ngoại giáo này gợi cho chúng ta xét lại thái độ cầu nguyện của chúng ta và đức tin của chúng ta ra sao mỗi lần chúng ta gặp những bất trắc, những thử thách nơi trần gian này. Liệu đức tin của chúng ta có mạnh mẽ hay thua kém nhiều người ngoại giáo và nhiều người lương ? Đức tin là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban tặng cho con người. Tuy nhiên để diễn tả đức tin và để chứng tỏ đức tin, chúng ta: ” Phải quỳ gối cầu xin ”( Pascal ). Trong mọi trạng huống của cuộc đời, dù cầu xin chưa được, chúng ta vẫn cứ kiên trì để cầu xin và khiêm tốn, van nài, tin tưởng và phó thác như người đàn bà Canaan. Chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời chúng ta: ” Cứ xin thì được. Cứ gõ thì mở. Cứ tìm thì gặp “. Chúng ta thực sự tin tưởng vào tình thương vô biên của Chúa.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Người đàn bà Canaan đã hoàn toàn tin vào sức mạnh quyền năng của Chúa. Bà tin, bà nhận được hồng ân cao quí của Chúa. Chúa đã chữa con bà ngay lúc bà tin khẩn khoan nài van. Và đây là một kinh nghiệm trong đời sống đức tin. Chúng ta đã có kinh nghiệm về đức tin như người đàn bà Canaan chưa ? Khi gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có đủ sáng suốt, can đảm, tin tưởng, phó thác xin Chúa cứu giúp không ? Chúng ta có coi Chúa là tất cả khi chúng ta cầu xin không ?

Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1) Người đàn bà Canaan là người thế nào ?

2) Người Do Thái có ưa thích những người ngoại giáo không ? Họ coi những người này là loại người nào ?

3) Đức tin của người đàn bà Canaan như thế nào ?

4) Tại sao dân Do Thái lại ví người ngoại như chó má ?

5) Ông bà anh chị em đã có thái độ nào khi gặp khó khăn thử thách ?
 
Đức tin Công giáo và Lương tâm nghề nghiệp
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
10:26 12/08/2008
ĐỨC TIN CÔNG GIÁO VÀ LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP

Đối với nhà giáo một trường công ở tỉnh lỵ, thì làm môn đệ Đức Chúa GIÊSU KITÔ ngày nay có nghĩa là quảng đại phục vụ học sinh. Hoặc nói đúng hơn, tận tâm tận lực thi hành bổn phận của mình, hầu giúp người trẻ vừa mở rộng kiến thức vừa hấp thụ nền giáo dục vững vàng, để có thể tự chuẩn bị cho tương lai. Nhà giáo cũng đồng nghĩa nhà giáo dục, mặc dầu việc giáo dục người trẻ dành ưu tiên và nhiều trách nhiệm hơn cho các bậc làm cha làm mẹ.

Nhiều lúc đi trong hành lang của trường, tôi chứng kiến cảnh các thiếu niên nam nữ ôm hôn nhau. Tôi thông cảm với trái tim non nớt của các em. Tuy nhiên, tôi không nhắm mắt làm ngơ. Tôi luôn luôn luôn tìm cơ hội để nói với các em về vẻ đẹp của một tâm hồn trong trắng trong một thân xác trong sạch. Rồi tôi cũng giải thích với các em về lòng kính trọng người khác và kính trọng chính mình. Đôi khi tôi cũng cảm thấy ngại ngùng vì phải đề cập đến các vấn đề tế nhị thuộc phạm vi tôn giáo và luân lý đạo đức. Nhưng tôi tự nhủ:

- Mình phải làm, vì đây là một trong những bổn phận chính yếu, hàng đầu của một nhà giáo, tức nhà giáo dục!

Ngoài ra tôi cảm thấy có bổn phận phải hướng dẫn các em trong cung cách cư xử thường ngày, vì tôi là bà giáo đứng tuổi và là tín hữu Công Giáo chân chính. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy thật đau lòng khi thấy các học sinh của tôi mù-tịt về giáo lý hoặc về các bản văn Kinh Thánh. Người trẻ ngày nay sống bất cần THIÊN CHÚA hoặc sống như thể THIÊN CHÚA không hiện hữu!

Hiện tượng đáng buồn này thúc đẩy tôi phải tìm mọi cách để làm chứng tá cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ loài người. Tôi thường rao giảng luân lý bằng chính cuộc sống Đức Tin của tôi. Rồi tôi chọn những đoạn văn có phẩm chất luân lý cao để từ đó nói với các thanh thiếu niên về lòng quảng đại, tình huynh đệ, tình liên đới. Tôi để ý thấy người trẻ thường nhạy cảm về các vấn đề thuộc phạm vi nhân bản, bác ái.

Hàng năm - nơi trường tôi dạy - chúng tôi tổ chức chiến dịch ”Một Bát Cơm” để giúp một trường tiểu học nghèo bên Phi châu. Chiến dịch được tất cả các học sinh hưởng ứng. Thường thường, số tiền quyên góp lên rất cao, khiến chúng tôi có thể mua nhiều dụng cụ học sinh và thể thao. Đôi khi chúng tôi cũng góp phần xây cất những lớp học mới cho các trường tiểu học nghèo.

Đối với các bạn đồng nghiệp, tôi cũng cố gắng sống chứng tá Đức Tin Công Giáo. Các bạn tôi biết rõ tôi là tín hữu Công Giáo sống đạo đàng hoàng chứ không phải chỉ mang danh Công Giáo mà thôi! Tuy nhiên, đề cập vấn đề tôn giáo với các bạn đồng nghiệp thì khó hơn. Bởi lẽ, không ai thích nghe rao giảng hoặc bị sửa dạy cả! Do đó, tôi không lên mặt giảng dạy ai, nhưng chỉ thẳng thắn nói lên quan điểm Kitô Giáo mỗi khi cần phải can đảm làm chứng tá cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Giáo Hội Ngài. Tôi thường nhớ đến và cầu nguyện cho các học sinh của tôi cũng như cha mẹ chúng. Đặc biệt trong những lúc thi cử, tôi nâng đỡ chúng bằng lời cầu nguyện chân thành.

Đối với tôi, để có thể sống chứng tá nhà giáo Kitô cách hữu hiệu trong thế giới tục hóa ngày nay, cần phải thực thi trước tiên tình yêu thương.

Tôi yêu thương các học sinh bằng cách tận tâm giảng dạy chúng. Rồi tôi cũng theo dõi và lắng nghe các vấn đề khó khăn của các em. Điều quan trọng lôi cuốn các em không phải là lời hay ý đẹp, nhưng là hành động cao cả, quảng đại và anh hùng. Chung quanh người trẻ, có quá nhiều người lớn, nói mà không làm, không sống điều mình giảng dạy.

Người trẻ chờ đợi những mẫu gương sống tích cực của người lớn để bắt chước theo. Hay nói đúng hơn, người trẻ cần trông thấy trước mắt những nhà giáo dục, những vị tôn sư, những bậc chỉ đạo, dám sống điều mình nói và dám công khai bênh vực cho chân lý, cho công bằng và cho hòa bình.

Đó cũng là những mục tiêu tôi cố gắng đạt đến, trong tư cách là nữ giáo sư Công Giáo.

Chứng từ của Bà Claudine nữ giáo sư Công Giáo Pháp.

... ”Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng. Nếu con thỏa mãn các tham vọng của mình, thì con làm cho kẻ thù con thích thú. Đừng tìm vui trong khoái lạc xa hoa, đừng cấu kết với bọn nào như thế. Đừng vay mượn để tiệc tùng mà hóa ra nghèo, và không còn đồng xu dính túi. Một người thợ say sưa sẽ không giàu có được, kẻ coi thường lợi nhỏ sẽ rơi vào nghèo túng. Rượu và đàn bà làm hư hỏng những kẻ thông minh; ai mê gái điếm sẽ thành vô liêm sỉ. Con người ấy sẽ thành cơ nghiệp cho giòi bọ, và cuối cùng, con người vô liêm sỉ sẽ bị diệt vong” (Sách Huấn Ca 18,30-33/19,1-3).

(”Annales d'Issoudun”, Avril/1996, trang 122)
 
Mẹ diễm phúc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:42 12/08/2008
MẸ DIỄM PHÚC

Ngày 1.11.1950, đúng vào dịp lễ các thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố cho toàn thể thế giới Công giáo rằng: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Dời Dồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc.” Kể từ lời tuyên bố trong thánh lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác, trở thành chân lý đức tin cho toàn thể thế giới Công giáo.

Chỉ trong một lời tuyên tín ngắn gọn và quan trọng để tuyên bố một tín điều, Đức Giáo Hoàng đã liệt kê cùng lúc đầy đủ bốn đặc ân vô cùng cao cả, ngoài Đức Maria không có bất cứ ai có được. Đó cũng là bốn chân lý tuyệt đối của lòng tin thuộc về đời sống và nhân đức riêng tư của Đức Maria mà mỗi người Kitô hữu phải tin:

- Đức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa.
- Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ không hề mắc tội tổ tông truyền từ ngay khi thành thai trong lòng mẹ.
- Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời, dù mang thai và sinh con, Mẹ vẫn trinh khiết vẹn toàn.
- Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Mẹ được Chúa triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Trong lịch Phụng Vụ, tháng Năm là tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, tháng Mười cũng dành kính Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi. Tháng Tám này, tuy Giáo Hội không chính thức dành để tôn kính Mẹ, nhưng lại là khoảng thời gian đặc biệt trong năm dành cho các cuộc hành hương kính Đức Mẹ. Cứ nhìn vào các cuộc hành hương được tổ chức trong và ngoài nước trong tháng 8 này thì chúng ta cũng thấy rõ lòng sùng kính và yêu mến Mẹ của người Công Giáo Việt Nam đặc biệt đến thế nào.

Ngày lễ hôm nay, Giáo hội mừng kính một tạo vật đầu tiên, Mẹ Maria đã được khải hoàn và bước vào quê hương thiên quốc. Bầu khí phụng vụ mang một sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ nay, Mẹ có vai trò quan trọng là Nữ Vương Trời Đất, Mẹ nhân loại.

Lên trời là lên ở đâu?

Lên trời là kiểu nói bị chi phối bởi cách suy nghĩ của chúng ta. Sống trong thời gian, các biến cố luôn xảy ra gắn liền với không gian. Trời không phải là môt nơi chốn, lên không phải là nơi đó cao hơn. Thời gian và không gian chẳng có ý nghĩa gì đối với Thiên Chúa vì Thiên Chúa siêu thời gian. Giáo hội mừng lễ Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác là mừng việc Thiên Chúa đưa Mẹ ra khỏi trần gian bị tội lỗi làm nhiễm độc một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối. Mẹ được đưa về trời ở cùng Chúa Kitô trong vinh quang. Tín điều khẳng định: sự liên kết Đức Mẹ với Chúa Kitô Phục sinh trên trời cả hồn lẫn xác.

Mẹ chết rồi sống lại và về trời hay là không phải chết?

Thế kỷ 19, một số người cho rằng Mẹ không phải phải chết, họ cho rằng Mẹ không mắc nguyên tội nên không chết vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Đa số cho rằng Mẹ đã chết và sau đó sống lại. ĐGH Piô XII không nói đến vấn đề này, không nói Mẹ không phải chết cũng không nói Mẹ đã chết và đã sống lại mà chỉ rằng sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế người được cất về trời cả hồn lẫn xác.

Có thể hiểu rằng: Mẹ đã chết rồi sống lại cũng như chính Đức Kitô đã chết và sống lại và Mẹ sống lại là nhờ quyền năng Chúa Kitô. Sự chết là hình phạt do tội lỗi gây nên. Adam-Eva bất tử trong địa đàng, vì phạm tội bất tuân nên đau khổ sự chết tràn vào trần thế. Sự chết không phải là hình phạt đối với Mẹ. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nên không nhận lấy hậu quả sự chết của tội Adam. Nhưng sự chết đối với Mẹ là một sự tự hiến dâng làm của lễ như Chúa Kitô. Vì thế, thân xác của Mẹ không thể hư nát như thân xác chúng ta. Thiên Chúa đã đưa thân xác Mẹ vào cõi vinh quang cùng với hồn để Mẹ hưởng vinh phúc trên thiên quốc. Từ đây cái chết đã thay đổi ý nghĩa: chết là về với Chúa, là niềm vui. Chúa Phục Sinh, Lên Trời là do thiên tính vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Mẹ sống lại lên trời là do hồng ân Thiên Chúa ban. Ý thức như vậy nên phụng vụ Giáo Hội gọi sự Phục Sinh Lên Trời của Chúa Giêsu là Ascenciô (đi lên). Đối với Đức Mẹ là Assumptio (được nhắc lên). Hồn Xác Lên Trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Thiên Thần đã ngợi khen: Đấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà. Và Mẹ đã hát lên bài ca Magnificat: phận nữ tỳ hẹn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính là vì Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch (vào khoảng giữa tháng tám) các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan để các Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ, và cầu cho cha mẹ có được đời sống an lành phước lộc. Đại Lễ Vu Lan là dịp các Phật tử nhớ ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong ngày này, nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Một vị thiền sư Việt Nam đi du học ở Nhật thấy tập quán này hay và có ý nghĩa nên du nhập tập quán này vào Việt Nam. Bài hát quen thuộc và phong trào "Bông Hồng Cài Áo" được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó.

Tình mẹ thương con bao la như trời như biển. Nói đến tình mẹ thì không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu câu hò, điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
.”

Chẳng ai trong chúng ta lại không biết câu hát này. Với giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh thật bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết thành một bài hát tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.

Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế, dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu đâu tình mẹ cũng vẫn cứ mãi mãi là như thế.

Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc, nhất là diễn tả tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai trong chúng ta có thể chối từ. Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm Mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Ngài đã đến trong lòng Đức Mẹ, giúp ta cảm nghiệm được những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại tình yêu thương đó.

Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu để chia sẻ với người, với đời tình yêu mà ta đã nhận được với lời tha thiết nguyện xin.
 
Chốn/Cõi/Lửa/Đời Đời
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
17:43 12/08/2008
Cảm nghiệm Sống # 45

CHỐN /CÕI /LỬA ĐỜI ĐỜI (Mt 25: 41-46)

Cuộc đời trên trần gian chẳng qua chỉ là một cuộc tổng dượt trước cuộc diễn xuất thật. Bạn và tôi sẽ có thời gian dài hơn nhiều sau khi bước qua phía bên kia của sự chết: CÕI / CHỐN ĐỜI ĐỜI.

1- Đời sống này chỉ là chuẩn bị cho đời sau, nhiều nhất thì bạn sống được khỏang một trăm năm; nhưng trong cõi đời đời thì bạn và tôi sẽ sống mãi mãi. Vi thế ông Abraham Lincincoln nói: Thượng Đế tạo nên con người không chỉ sống có một ngày! Không, không, con người được tạo dựng để cho cõi bất diệt.

2- Một ngày kia tim bạn sẽ ngưng đập, đó là dấu chấm dứt cho thể xác cũng như thời gian trên trần gian; nhưng chưa phải là chấm hết cho bạn. Thân thể chỉ là nơi tạm trú của tâm linh bạn. Kinh Thánh gọi thân thể là: Nhà Tạm/ Cái Lều, còn thân thể tương lai bạn trên Thiên đàng là “Nhà Đời Đời.” Kinh Thánh nói: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất này bị thiêu huỷ đi, thì chúng ta có một căn nhà vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa dựng nên, chứ không phải do tay người phàm làm ra.” (2 Cor 5, 1)

3- Cuộc đời trần gian cho tôi nhiều lựa chọn; nhưng chốn đời đời chỉ có hai lựa chọn: Thiên đàng hay Địa ngục. Mối tương giao giữa tôi với Chúa trên trần gian sẽ quyết định mối tương giao giữa tôi với Ngài trong cõi đời đời. Nếu tôi yêu thương tha nhân thì tôi sẽ được mời đến sống trong cõi đời đời bằng không sẽ vào lửa đời đời.

4- Khi sống trong ánh sáng của cõi đời đời, bạn sẽ thay đổi cách sống như: dùng tiền bạc và thời gian một cách khôn ngoan hơn, ít ham mê các thú vui thời trang, xếp đặt lại công việc cho tốt hơn. Thánh Phaolô nói: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.” (Phil 3,7)

5- Nhưng sự chết không phải là kết thúc của tôi, mà là chuyển tiếp sang chốn đời đời, nó sẽ phải trả lẽ về những việc lành dữ tôi đã làm, nó sẽ đánh vào một sợi dây đàn nào đó rung lên trong cõi đời đời. Ngày hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng trên biển, cõi đời đời là toàn bộ phận còn lại, tôi không thấy được dưới mặt tảng băng.

6- Sống trong cõi đời đời như thế nào, bạn không thể nắm bắt hết sự kỳ diệu và vĩ đại của Thiên đàng. Ngôn ngữ con người cũng không thể nào truyền đạt hết về chốn đời đời. Kinh Thánh viết: Điều mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.”(1Cor2,9

7- Tuy nhiên, Thiên Chúa đã cho bạn nhìn thoáng qua về chốn đời đời trong Lời của Ngài đang chuẩn bị một căn nhà đời đời cho bạn. Một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ phán: “Hỡi các người được Cha Ta ban phúc, hãy đến thừa hưởng Nước Thiên đàng đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lâp địa.” (Mt 25,34)

8- Thời gian tốt nhất để mọi người suy niệm vể cõi đời đời, đó là trong các đám tang. Bạn không nên coi thường mà không chịu chuẩn bị gì cả, vì sự chết sẽ xảy đến bất ngờ, bạn chớ nên thờ ơ.!

Cũng như chín tháng bạn ở trong bụng mẹ, tự nó không đầy đủ ý nghĩa, mà nó còn chuẩn bị cho đời sống lớn lên ở ngoài. Cũng vậy, cuộc đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Nếu bạn liên kết với Chúa hàng ngày thì không sợ chết, vì nó là cửa dẫn vào cõi đời đời.

9- Giờ phút cuối cùng của bạn sẽ đến; nhưng nó không phải là kết thúc cuối cùng của bạn: nó là NGÀY SINH NHẬT CỦA BẠN để đi vào CÕI ĐỜI ĐỜI. Vì Hội Thánh gọi đời trần gian là THỜI THAI NGHÉN, là đoàn người vô số kẻ trước người sau được sinh ra trong, với và cùng Đức Kitô. Sách Khải Huyền viết: “Bây giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ, đất cũ đã biến đi…không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.” (Kh 21, 1- 4)

Thánh Phaolô nói: “Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững; nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai.” (Do thái 13,14) hay nói rõ hơn: Thế giới này không phải là quê hương của chúng ta. Chúng ta chờ đợi một quê hương vĩnh cửu ở trên Trời.

10- Khi so với cõi đời đời, thời gian của tôi trên mặt đất này chỉ là một nháy mắt; nhưng hậu qủa của nó thì tồn tại đời đời. Những việc làm của tôi ở đời này là số phận của đời sau: “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Kitô, đễ mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt xấu đã làm khi còn ở trong thân xác. (2 Cor 5,10) ( xét xử trong giờ chết mỗi người.)

Như vậy, bạn và tôi hãy sống tốt mỗi ngày như ngày cuối cùng của đời mình, như thế mới là người khôn ngoan. Hoặc nhiệm vụ của chúng ta phải CHUẨN BỊ mỗi ngày là NGÀY CUỐI CÙNG.

Phó tế GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 12/08/2008
NGÀN VÀNG KHÓ MUA

Người bủn xỉn thu tập năm mươi vạn đồng bảng Anh, lên kế hoạch một năm thảnh thơi hưởng thụ qua ngày tháng, rồi sau đó mới lên kế hoạch làm thế nào đầu tư cho thật tốt. Vừa đúng lúc, tử thần gáng lâm bắt ông ta từ giả trần thế.

Người này tìm mọi cách cầu cứu, tìm đủ mọi lý do đế tử thần cho ông ta sống thêm nhiều ngày nữa, tử thần nhất định không chịu.

- “Để tôi sống thêm ba ngày nữa, tôi sẽ chia cho ngài phân nửa gia tài của tôi.”

Tử thần chẳng thèm nghe ông ta, chỉ kéo ông ta đi.

- “Để tôi sống thêm một ngày nữa được không ? Tôi dùng mồ hôi và máu để kiếm tất cả những thứ đó, ngài có thể lấy đi tất cả.”

Tử thần vẫn trơ như gỗ đá.

Tử thần cho phép người ấy chỉ được mấy phút đủ để viết mấy chữ nhắn lại:

- “Người có nhiệt tình giúp đỡ người khác may mắn đọc mẩu nhắn tin này, nếu cuộc sống của bạn có thể qua ngày tháng, thì không nên lãng phí cuộc sống đi kiếm tiền. Sống cho thật tốt nhé ! Năm mươi vạn đồng bảng Anh của tôi, ngay cả sống một giờ cũng không mua được.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Khi một tỉ phú hay triệu phú chết đi, người ta hỏi: “Họ để lại những gì ?” câu trả lời đương nhiên là:” “tất cả.” Nhưng, cũng có một câu trả lời khác là: “Họ không để lại gì cả, họ bị cướp mất hết.”
N2T


Suốt một đời lam lũ kiếm tiền, xây dựng nhà cửa, tiền bạc gởi ngân hàng này ngân hàng nọ, vàng bạc gởi ngân hàng nước ngoài cho nhiều, đến khi bệnh hoạn nằm xuống, thì cả kho vàng cũng không mua được một giờ mạnh khỏe, huống hồ mua lấy mạng sống !

Có người khi chết đi thì để lại một ngân khoản to lớn, làm cho con cái chia rẻ kiện cáo nhau để dành số gia tài ấy; có người chết đi để lại nhà cửa ruộng vườn mà cả đời đổ mồ hôi, đổ máu và có khi bán cả lương tâm để cho có gia tài ấy, bây giờ không đem theo gì được, ngay cả một đồng xu để xuống...âm phủ mà tiêu dùng cũng không được.

Cha mẹ khôn ngoan và đạo đức thì để lại cho con cháu cái đức, chính cái đức này làm cho con cháu ngày càng gắn bó yêu thương nhau hơn, bởi vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Mạng sống thì vô giá, không một giá nào có thể mua được, nhưng mạng sống càng có giá trị hơn khi cuộc sống ấy đầy ắp đức hạnh mến Chúa yêu người...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 12/08/2008
N2T


37. Người quen cầu nguyện thì cuộc sống tốt, người sống tốt thì cầu nguyện tốt.

(Thánh Augustine)
 
Lời nguyện trong cơn đau
LM Trần Tân
19:45 12/08/2008
LỜI CẦU TRONG CƠN ĐAU

(Xin dâng lời cầu và hiệp thông cùng tất cả các gia đình và cộng đoàn
có thành viên trong tai nạn thảm khốc tại Sherman, trên đường đi Ngày Thánh Mẫu 2008)


Đoàn con hiền thảo, dặm đường xa
Nô nức về nơi tháp báu ngà
Lòng trĩu ưu tư, tìm dẫn dắt
Hưởng nguồn thiên phúc, Chúa bao la

Hung tin vụt đến, nghẹn lời ca
Hiệp nhất muôn tim, lệ thấm nhoà
Mẹ hẳn thấu tình con thảo hiếu
Cúi đầu vâng ý nhiệm mầu Cha.

Cõi lòng hiền mẫu, Ma ri a
Cầu Chúa ủi an lúc xế tà
Thống khổ cõi trần còn rướm máu
Vết thương hằn dấu trên mình da

Lòng con đến với Mẹ thương yêu
Như những đoá hoa thật mỹ miều
Diệu vợi đường dài con vội vã
Cánh kia bay bổng đến huyền siêu

Truân chuyên lữ thứ, bước trần gian
Cõi sống vĩnh hằng, phúc vượt ngàn
Kiên vững niềm tin thờ kính Chúa
Bước đường thánh giá chẳng từ nan.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bốn mươi năm ''Sự Sống Con Người''
Vũ Văn An
02:30 12/08/2008
Bốn mươi năm “Sự Sống Con Người”

Tính dục không phải là một thứ thể thao vật lộn

Đối với việc tiếp nhận một thông điệp giáo hoàng về những phương tiện hợp luân lý cho việc kế hoạch hóa gia đình, thì khó tưởng tượng được có lúc nào bất thuận lợi hơn là mùa hè 1968. Bây giờ, 40 năm sau ngày ban hành, thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chắc chắn sẽ nhận được sự lắng nghe xứng đáng của nó.

Tại sao? Tại vì thế giới phát triển hiện đang bị khủng hoảng về dân số sau nhiều thập niên gặp sinh xuất xuống thấp thê thảm. Tại vì, các thiếu phụ ngày nay đã hình dung rõ một sự thật mà các bà mẹ của họ không nắm được trong thập niên Sáu Mươi. Sự thật đó là: cuộc cách mạng tính dục, mà sở dĩ có được, một phần là nhờ các phương tiện ngừa thai đầy rẫy, chỉ tuyệt diệu cho các đấng mày râu chuyên lợi dụng, chứ chẳng tuyệt diệu chút nào cho nữ giới. Và tại vì “thần học thân xác” của Đức Gioan Phaolô II đã tạo cho giáo huấn cổ điển của Giáo Hội một chiếc khung đầy hấp dẫn và có tính nhân bản.

Trung Đoàn Khinh Binh Công Giáo (The Catholic Lite Brigade) chắc chắn sẽ biến năm kỷ niệm này thành một dịp để mừng khen hai thế hệ bất đồng thần học. Những tâm hồn khôn ngoan hơn sẽ ngẫm nghĩ tới cảnh đắm tầu nhân bản do cuộc cách mạng tính dục gây ra, nhất là cho phụ nữ, và suy nghĩ lại.

Hiện nay vẫn còn nhiều mơ hồ lẫn lộn về giáo huấn của Giáo Hội đối với sự trong sạch của hôn nhân vì phần lớn các nhà lãnh đạo có chức thánh đã không giải thích nó cách rõ ràng rành mạch. Việc lãnh đạo trong trận tuyến này chủ yếu lại do các học giả và các nhà tranh đấu giáo dân đảm nhiệm, những người như Janet Smith kiên cường, Richard Doerflinger từng làm việc cho Hội Đồng Giám Mục Mỹ, những người thuộc thế hệ trẻ hơn như Christopher West, Helen Alvare, Colleen Carroll Campbell, Pia de Solenni và Mary Eberstadt (có bài hết sức sáng chói về “Sự Sống Con Người” đáng mọi người đọc, đăng trên số tháng Tám-Chín của tờ First Things). Nhờ những con người can đảm trong chương trình kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên này và phong trào tân phụ nữ Công Giáo, điều Đức Phaolô VI muốn nói chắc chắn sẽ có cơ hội được lắng nghe, một phần vì nó được nói bằng một ngữ vựng rất quen thuộc với thế hệ trẻ thuộc thế kỷ 21.

Nên lặp lại một lần nữa, vì truyền thông chính dòng ngoài kia thường vẫn sai lầm xưa nay: Giáo Hội Công Giáo không truyền dạy một thứ ý thức hệ bằng bất cứ giá nào về sinh nở (fertility). Ngược lại: Giáo Hội ấy chỉ truyền dạy rằng mọi cặp vợ chồng đều có trách nhiệm luân lý phải chào đón sự sống mới như một hồng ân Chúa ban, phải cân nhắc số con mình có thể dưỡng dục và giáo dục, và phải sắp xếp cuộc sống vợ chồng phù hợp với hai trách nhiệm trên.

Giáo Hội chỉ can đảm chống lại nền văn hóa đương đại bằng cách dạy rằng các phương tiện hợp luân lý để điều hòa sinh nở phải qua sinh (vật) học chứ không qua kỹ thuật học. Giáo Hội đề nghị: kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên, theo nhịp điệu của sinh học, tôn trọng được cả sự toàn vẹn của người đàn bà lẫn bản chất đặc biệt của liên hệ phu phụ. Có thể nói thế này, nếu bạn muốn, việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên tôn trọng được cả hình ảnh tình yêu tính dục vợ chồng lẫn bản chất kép của nó, vừa như một chia sẻ tình yêu vừa như một chia sẻ sự sống. Phương tiện kỹ thuật học trong việc kế hoạch hóa gia đình ngăn cản việc đó.

Không ai nghĩ việc ấy dễ dàng. Mà thực ra cũng chả có ai nghĩ hôn nhân là chuyện dễ dàng cả. Tuy nhiên, các chứng tá của những người Công giáo trung thành sống chân lý về tình yêu và trách nhiệm vợ chồng cho hay nhịp điệu yêu thương tính dục và tiết dục định kỳ theo kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đã thăng tiến mối liên hệ, sâu sắc hóa đối thoại và phong phú hóa cuộc hôn nhân của họ về cả mặt nhân bản lẫn mặt thiêng liêng.

Sự khinh miệt mà một số nơi dành cho “Sự Sống Con Người” và kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên có thể không liên hệ tới việc thẩm định theo luân lý các phương pháp kế hoạch hóa gia đình khác nhau cho bằng có liên hệ nhiều hơn tới các thẩm định khác nhau về chính cuộc cách mạng tính dục. Vì dù sao, “tự nhiên” vẫn là các chữ thánh thiêng của thế giới thế tục. Thế thì tại sao lại có cái thứ sóng thần đả kích chống lại Đức Pholô VI và đề nghị của ngài coi kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên là phương thức nhân đạo và nhân bản hơn?

Chúng tôi nghĩ: hẳn nó có liên quan tới sự kiện này “Sự Sống Con Người” đặt để ra một giới mốc văn hóa: Giáo Hội Công Giáo nhất định không chiều theo tinh thần thời đại như phần đông các bộ phận tôn giáo khác trước đó đã làm. Giáo Hội Công Giáo nhất định không chịu tuyên bố tính dục chỉ là một thứ thể thao vật lộn (contact sport) khác, chẳng phải vì Giáo Hội hay cả thẹn (prudish) hay bị ẩn ức hay ghét đàn bà, nhưng vì Giáo Hội coi trọng người đàn ông và người đàn bà, và vì Giáo Hội quan niệm tình yêu Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là một tình yêu vợ chồng. Quả là một niềm vui lớn khi khám phá ra nhiều thiếu phụ ngày nay nhận ra điều ấy.

Những tín hữu cách khác

Trên đây là nhận định của George Weigel (The Tidings) nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đức Phaolô VI ban hành thông điệp “Sự Sống Con Người”. Tại các giáo hội còn đang ở trong tình thế truyền giáo, như Giáo Hội Việt Nam, các cố gắng để hiểu khác đi bức thông điệp trên cũng không hẳn là hiếm hoi. Còn nhớ hồi ấy, linh mục Trương Bá Cần, qua những ấn phẩm loại bỏ túi gọi là “Chọn”, đã cố gắng trình bầy một số những điểm mà theo ngài ‘lương tâm’ vợ chồng không buộc phải theo.

Trong bài báo của mình, sau khi kể ra các phản ứng của kẻ ngoại thù đối với Thông Điệp, Mary Eberstadt (First Things, Aug/Sept 2008), nhắc tới thái độ những người đồng đạo mà cô gọi là “Những Người Công Giáo Cách Khác” (Catholic Otherwise Faithful), tức những người chủ trương rằng: “Tôi là Công Giáo chứ, nhưng tôi không đâu có khùng điên vì nó”. Họ bảo “Tôi vui lòng ủng hộ những lập trường sáng suốt của Công Giáo về án tử/công bằng xã hội/dân quyền, nhưng tôi không bao giờ tin theo những giáo huấn lỗi thời về ly dị/đồng tính luyến ái/và nhất là ngừa thai”. Eberstadt kể lại trường hợp Sean Hannity, xướng ngôn viên chương trình tin tức của FoxNews, người từng vỗ ngực với khán thính giả của mình rằng mình là người Công Giáo “tốt” và “ngoan đạo” nhưng vẫn tin rằng “ngừa thai là việc tốt”. Mặt khác, đối với anh ta, ngừa thai chỉ là vấn đề tầm phào so với các vấn đề khác. Anh lớn tiếng hỏi: các linh mục lấy quyền gì mà bảo anh ta phải làm thế này phải làm thế nọ, trong khi Thánh Kinh nói rõ: đừng kết án để khỏi bị kết án! Anh ta cũng tỏ ra sững sờ khi ai đó dám tước đoạt quyền Rước Lễ của anh chỉ vì anh ta dám tự quyết định cho mình phải làm người Công Giáo như thế nào.

Các tiên đoán được chứng nghiệm

Những người như trên lẽ dĩ nhiên cười nhạo tính nghiêm chỉnh của “Sự Sống Con Người”. Họ có biết đâu rằng 40 năm sau ngày ra đời, các tiên đoán của thông điệp không những được các lực lượng thực nghiệm chứng minh mà còn được chứng minh bằng những tín liệu chưa có vào thời thông điệp được ban hành, của các học giả không hề có bất cứ một thứ quan tâm nào đối với giáo huấn của thông điệp, và hơn nữa còn là các tín liệu do chính những kẻ thù công khai của Giáo Hội nữa.

Ai cũng rõ, “Sự Sống Con Người” đã đưa ra bốn tiên đoán về hậu quả của việc lan tràn các phương tiện ngừa thai nhân tạo: tiêu chuẩn luân lý trong xã hội sẽ xuống thấp; bất trung sẽ gia tăng; người đàn ông bớt kính trọng người đàn bà; các chính phủ cưỡng bức việc sử dụng kỹ thuật học về sinh sản.

Trong các năm tiếp sau “Sự Sống Con Người”, nhiều tư tưởng gia sáng chói của Công Giáo, dựa vào nhiều chứng cớ, đã cho rằng các tiên đoán trên được căn cứ trên các sự kiện xã hội. Đức Ông George A. Kelly chẳng hạn đã đề cập đến khía cạnh ấy trong khảo luận năm 1978, tựa là “Viên Thuốc Đắng Cộng Đồng Công Giáo Phải Nuốt” (Bitter Pill the Catholic Community Swallowed) và các đóng góp của Janet E. Smith, như “Humanae Vitae: A Generation Later” và tuyển tập “Why Humanae Vitae Was Right: A Reader”.

Các nhà khoa học xã hội trung thực

Nhưng chính các nhà khoa học xã hội, hoàn toàn hoạt động trong môi trường thế tục, đã cho công bố các chứng cớ thực nghiệm chứng thực các tiên đoán của thông điệp. Nhà xã hội học W. Bradford Wilcox, trong một bài báo năm 2005, đã viết như sau: “Các học giả hàng đầu từng nghiên cứu các chủ đề này không phải là Kitô hữu, và phần lớn không phải là những nhà bảo thủ về chính trị hay xã hội. Đúng hơn, họ là những nhà khoa học xã hội trung thực muốn theo các dữ kiện đi tới bất cứ chỗ nào chúng muốn đưa”.

Hãy xem nhà kinh tế học George Akerlof, người đoạt giải Nobel, chẳng hạn. Trong một bài báo nổi tiếng năm 1996, đăng trên tờ “Quarterly Journal of Economics”, Akerlof dùng ngôn ngữ kinh tế hiện đại, giải thích tại sao cuộc cách mạng tính dục, trái với các dự đoán chung, nhất là các dự đoán của những người bên trong và bên ngoài Giáo Hội vẫn thường mong muốn cho giáo huấn về kiểm soát sinh đẻ phải thay đổi, đã dẫn tới việc gia tăng cả về số con hoang lẫn số lần phá thai. Trong một bài báo khác đăng trên tờ “Economic Journal” cách nay 10 năm, ông trình bầy các liên kết có tính thực nghiệm giữa việc giảm thiểu kết hôn và làm cha có kết hôn, cả hai là hậu quả rõ rệt của cuộc cách mạng ngừa thai, với hiện tượng gia tăng cùng một lúc các tác phong hay thấy nhất nơi các đàn ông độc thân: giền ma túy, bị bắt bỏ tù, bị bắt giữ…

Ngoài ra, Akerlof còn nhìn thấy mối liên kết chặt chẽ giữa việc suy giảm kết hôn và gia tăng nghèo đói ở một phía và phía kia là các bệnh xã hội. Ông giải thích các khám phá của mình bằng một ngôn từ không chuyên môn trên tạp chí “Slate” như sau: “Dù người ta vẫn còn hoài nghi về các nguyên nhân tạo ra các thay đổi xã hội, nhưng lý thuyết kỹ thuật học gây ngỡ ngàng quả có phù hợp với các sự kiện. Kỹ thuật học mới mẻ về sinh sản đã được chấp nhận quá nhanh, và trên một quy mô quá lớn. Các khuôn mẫu về hôn nhân và sinh nở cũng thay đổi một cách đáng kể như thế, và cùng một lúc như vậy”.

Cùng với các điển hình của khoa học xã hội thế tục xác nhận điều các tư tưởng gia Công Giáo tiên đoán, ta còn thấy nhiều chứng minh khác cho thấy các hậu quả tiêu cực đối với con cái và xã hội. Trong đó, có Daniel Patrick Moynihan, người nghiên cứu về gia đình da đen; Judith Wallerstein, người nghiên cứu về tác động của ly dị đối với con cái; Barbara Dafoe Whitehead, người khảo sát các hậu quả của cảnh làm cha mẹ đơn chiếc đối với con cái; Sara McLanahan và Gary Sandefur với cuốn sách giá trị “Growing Up with a Single Parent”; và David Blankenhorn với cuốn “Fatherless America”, một tóm lược đầy đủ các tín liệu thực nghiệm không đẹp chút nào về cảnh tan vỡ của gia đình.

Song song với những tác phẩm trên, không thiếu các tác phẩm phân tích các ích lợi của hôn nhân như James Q. Wilson với cuốn “The Marriage Problem”, Linda Waite và Maggie Gallagher với cuốn “The Case for Marriage”, Kay Hymowitz với cuốn “Marriage and Caste in America”, và Elizabeth Marquardt với cuốn “Between Two Worlds: The Inner Lives of Children of Divorce”. Còn nhiều cuốn khác nữa cùng cho thấy các dữ kiện đã càng ngày càng nhiều ra sao để hỗ trợ cho quan điểm chứng tỏ rằng cuộc cách mạng tính dục thực đã đem lại tai họa cho nhiều bộ phận trong xã hội, một quan điểm đã được mài dũa cho sắc bén hơn nữa nhờ hàng mấy thập niên khảo sát mối tương quan giữa hệ thống phúc lợi công và việc tắc nghẽn của gia đình (nhất là trên các trang của tạp chí “Public Interest”, không phải của Công Giáo). Ngoài ra, cũng phải kể một số tác phẩm khác nhằm chứng minh rằng các hành vi tư riêng, nhất là các thói quen hậu cách mạng tính dục, vẫn có những hậu quả công hết sức to lớn như Charles Murray với cuốn “Losing Ground” và Francis Fukuyama với cuốn “The Great Disruption”.

Các cố gắng tô son

Ngay những cố gắng đó đây nhằm vẽ ra một khuôn mặt vui tươi cho các khuynh hướng đương đại cũng không dấu được cái tỷ lệ hết sức cao trong lịch sử nơi các tan vỡ gia đình và nơi những người mẹ không cheo cưới. Như trong “Crime, Drugs, Welfare—and Other Good News,” một bài báo mới đây và gây tranh cãi nhiều đăng trên tờ “Commentary”, Peter Wehner và Yuval Levin chào đón sự kiện các ông cho là mức độ tai họa và tắc nghẽn xã hội dường như đang cải thiện nhiều so với trước như các tội ác bạo hành và tội ác đối với tài sản, nạn thiếu niên nghiện ngập và sử dụng thuốc lá. Tuy thế, họ vẫn phải ghi nhận rằng “Một số các chỉ điểm chủ yếu nhất về xã hội, tức các chỉ điểm cho thấy điều kiện và sự vững mạnh của gia đình Mỹ, cho đến nay vẫn chưa chịu nhấc mình lên”.

Thành thử ra, ngoại trừ một số ít như Stephanie Coontz vẫn còn nghĩ khác, bất cứ ai nắm được các bằng chứng trên cũng phải nhìn nhận rằng cuộc cách mạng tính dục đã làm suy yếu các mối dây ràng buộc gia đình và các mối dây này được nhìn nhận là một chỉ điểm quan trọng của phúc lợi trẻ em; đàng khác, đa số đã nhìn nhận rằng việc gia đình tan vỡ không phải chỉ là một vấn đề đối với các cá nhân mà còn đối với cả xã hội. Một số học giả còn liên kết các vấn đề này với chính cuộc cách mạng ngừa thai.

Nhà sinh học xã hội Lionel Tiger, người từng mô tả tôn giáo như một độc tố, nhưng đã luôn nhấn mạnh tới tính trung tâm của cuộc cách mạng tính dục đối với các vấn đề độc đáo ngày nay. Cuốn “The Decline of Males” xuất bản năm 1999 của ông đặc biệt gây tranh cãi nơi các nhà duy nữ vì đã đưa ra luận điểm cho rằng thuốc ngừa thai phụ nữ đã thay đổi thế quân bình giữa hai phái tính một cách đầy lo ngại (nhất là đã tước mất khỏi nam giới bất cứ lời nói quyết định nào về việc liệu họ nên có con hay không).

Ông cũng làm nhiều người nheo mày khi liên kết việc ngừa thai với việc tan vỡ gia đình, làm nghèo nàn phụ nữ, khó khăn trong mối liên hệ giữa hai giới tính, và cảnh làm mẹ đơn chiếc. Cũng như nhiều nhà thần học Công Giáo, ông cũng đã đưa ra mối liên kết nhân quả giữa việc ngừa thai và phá thai, thẳng thừng cho rằng “với việc ngừa thai hữu hiệu do phụ nữ kiểm soát, người ta thấy lại càng có nhiều vụ phá thai hơn bao giờ… Ngừa thai tạo ra phá thai”.

Huyền thoại của con cháu Malthus

Các chứng cớ thực nghiệm của bốn mươi năm qua cũng tiêu diệt luôn cái huyền thoại “khoa học” mà những người chống đối “Sự Sống Con Người” từng tự khoác cho mình, nhất là thứ khoa học tiên đoán ngày tận thế vì nạn nhân mãn.

Thứ ‘khoa học’ đó phát sinh từ khảo luận nổi tiếng của Thomas Robert Malthus ở cuối thế kỷ 18 tựa là “Essay on Population”, trong đó có cái nhìn mới lạ cho rằng nhân loại sẽ gặp cơn dịch dư người dẫn tới thảm họa. Dù ra đời ở một thời điểm và tại một nơi khác hẳn, chủ thuyết Malthus lại rất thịnh hành ở Mỹ đầu thập niên 1960. Trên thực tế, “Sự Sống Con Người” chỉ xuất hiện hai tháng trước cuốn sách thành công nhất trong việc bình dân hóa tư tưởng của Malthus là cuốn của Paul R. Ehrlich tựa là “The Population Bomb”, một cuốn sách bắt đầu bằng câu sau: “Trận chiến nuôi sống nhân loại đã kết thúc. Trong các thập niên 1970 và 1980, hàng trăm triệu người sẽ chết đói bất chấp bất cứ chương trình cấp tốc nào được đưa ra hiện nay”.

George Weigel cho rằng không có lúc nào bất thuận lợi cho “Sự Sống Con Người” ra đời bằng năm 1968. Ta có quyền nói: không có lúc nào thuận tiện cho Ehrlich rao bán cái lý thuyết ảm đạm cho bằng năm ấy. Dù là một chuyên gia chuyên nghiên cứu các loài bướm, nhưng ông ta đã có sẵn một công chúng Mỹ, trong đó có cả một thế hệ Công Giáo, sẵn sàng tiếp nhận tư tưởng khủng khiếp của ông về viễn ảnh của nhân loại.

Nhiều người, vì không một chút căn bản siêu hình học nào, nên đã bị lôi cuốn vào thứ rao bán tận thế này đã đành. Nhưng cả đối với những người Công Giáo nóng ruột, nỗi sợ thặng dư dân số vẫn là điều hấp dẫn. Và nếu thặng dư dân số là một vấn đề, thì giải pháp hiển nhiên sẽ là: Hãy bảo Giáo Hội vứt bỏ lệnh cấm kiểm soát sinh đẻ đi là vừa!

Thực ra không hẳn chỉ là trùng hợp khi nỗi lo lắng muốn cứu vớt hành tinh địa cầu kia lại ăn khớp xít xao với cái hậu quả hết sức vị kỷ, tức cái mưu cầu được tự do hơn mà hưởng tính dục nhờ thuốc viên ngừa thai. Các người Công Giáo bất đồng có nhiều lý do đặc biệt để nhấn mạnh tới ngành ‘khoa học thặng dư dân số’này. Nhân danh nền luân lý cao hơn, họ biện luận rằng ta nên bênh vực việc kiểm soát sinh đẻ vì nó là điều ít xấu xa hơn trong hai điều xấu (một chủ trương được Charles Curran hết lòng bênh đỡ).

Nhưng chỉ non một thế kỷ sau, những lắng lo đối với sinh xuất hỏa tiễn kia đã trở thành khoa học giả hiệu giống hệt như khoa tướng sọ (phrenology). Nói như thế hình như có bất công đối với khoa tướng sọ. Vì không những văn chương thặng dư dân số bị các nhà tư tưởng bỏ rơi để chọn thứ khoa học nhiều tiến bộ hơn, mà nó còn bị minh chứng là hoàn toàn sai lạc đến độ ngày nay người ta đã đưa ra lý thuyết sắc cạnh cho thấy điều ngược hẳn lại: tình trạng “thiếu sinh” (dearth birth) đang làm “bạc đầu” thế giới tiến bộ.

Thực vậy, nền khoa học thặng dư dân số bị băng hoại đến độ năm nay, nhà sử học của Đại Học Columbia là Matthew Connelly đã cho xuất bản cuốn “Fatal Misconception: The Struggle to Control World Population” và thu lượm được một phê phán sáng giá trên tờ “Publishers Weekly”. Đây có lẽ là đòn chí tử đối với lối biện bác thặng dư dân số mà nhiều người hy vọng dùng được để phá đổ giáo huấn của Giáo Hội. Điều này lại càng có ý nghĩa vì Connelly thực ra muốn dùng biện bác của mình để chống lại Giáo Hội Công Giáo. Có lúc ông đã quả quyết không cần phải ghi chú chi rằng việc kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên đã làm phần lớn các cặp vợ chồng thất bại khi đem ra thí nghiệm thử.

“Fatal Misconception” hùng hồn minh chứng rằng chủ trương của phe kiểm soát dân số thặng dư chỉ là một lầm lẫn trắng trợn. Trước nhất, ông cho rằng họ sai lầm trong vấn đề sự kiện: “Hai điều phái này cho là đóng góp lâu dài cho lịch sử: họ đã kéo Á Châu thoát khỏi cảnh nghèo và giúp duy trì hành tinh ta vẫn là nơi cư ngụ được”. Cả hai điều ấy đều sai. Connelly còn triệt hạ cả yêu sách cho rằng phe này đạt được cơ sở luân lý cao hơn. Ông chứng minh rằng không những phe này không giúp được ai, mà một cách tích cực còn gây hại rất nhiều người. Thảm họa lớn nhất của phe này là nghĩ rằng người ta biết lợi ích của người khác rõ hơn chính những người ấy… Yếu tính của việc kiểm soát dân số, dù là nhắm vào các di dân, những người ‘bất xứng’ hay các gia đình bị coi là quá lớn hay quá nhỏ, chính là ra luật cho người khác mà không cần phải trả lẽ đối với họ. Điều này xem ra hấp dẫn người ta cách mạnh mẽ, vì với sự truyền bá sâu rộng của các phong trào giải phóng, người ta bắt đầu thấy việc kiểm soát dân số dễ dàng và có lợi hơn là kiểm soát đất đai lãnh thổ. Đó là lý do tại sao những người chủ trương hoàn toàn chính xác khi coi nó như một chương khác trong công trình chưa hoàn tất của chủ nghĩa đế quốc.
 
Đức Hồng Y và Giám Mục Hoa Kỳ phân ưu đến các gia đình giáo dân bị nạn lật xe buýt.
Ngọc Loan
07:19 12/08/2008
Sherman, Texas: 17 giáo dân Việt Nam từ bang Houston đã tử nạn vào khoảng 1 giờ đêm rạng sáng thứ Sáu 8/8, khi xe buýt chở khách hành hương trên đường tới Dòng Đồng Công Việt Nam, bị mất tay lái trên xa lộ phía trên và lao xuống con đường ở phía dưới.

Khi được hung tin, vào sáng ngày thứ Sáu 8/8, Đức Giám Mục James V. Johnston tại Springfield Cape Girardeau, Mo., đã đưa ra thông tư phân ưu, trong đó có đoạn viết “Giáo Hội chúng ta thật đau buồn sâu xa vì tai nạn thảm thương này”. Đức Giám Mục Johnston đã xin giáo dân cầu nguyện xin Thiên Chúa an ủi đến những người khóc thương, chữa lành những người bị thương tích, xót thương và đón nhận những người quá cố vào nơi an nghỉ đời đời.

Cùng sáng ngày hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Daniel N. Dinardo tại Houston cũng đã phân ưu trong một thông tư nói rằng, Đức Hồng Y và toàn Tổng Giáo Phận Galveston-Houston đã thương khóc cho những nạn nhân tai nạn xe buýt, hiệp thông đến các Cộng Đoàn của họ và gia đình họ.

Đức Hồng Y Dinardo nói:”Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ chúng ta, Mẹ Maria để yên ủi đến các gia đình, mà giờ này đây họ biết rằng thân nhân của họ đang hiện diện với con của Mẹ là Chúa Giêsu”.

Riêng tại Dallas, Giám Đốc Văn Phòng Thông Tin của Giáo Phận, Annette Gonzales Taylor đã cho biết Giám Mục sở tại là Đức Giám Mục Kevin J. Farrell hiện đang ở nước ngoài không có mặt ở nhà.

Khi được hung tin tại nạn xảy ra, gia đình của những người qua đời và những người bị thương đã vội vàng tới Dallas vào sáng sớm, trong khi đó một số giáo dân khác thì tụ về Giáo Xứ Mẹ La Vang và Giáo Xứ các Thánh Tử Đạo để nghe ngóng tin tức về các nạn nhận. Những Thánh Lễ cầu hồn đã được cử hành tại các giáo xứ Việt Nam ở Dallas và Houston vào tối cùng ngày.

12 giáo dân đã tử nạn tại chỗ, 5 giáo dân khác đã qua đời tại bệnh viện. Khi được hay tin tai nạn xảy ra, Giáo Xứ St Patrick tại Dennison và Giáo Xứ St Mary tại Sherman là 2 giáo xứ gần nơi xảy ra tai nạn đã chuẩn bị chỗ cho các gia đình tụ họp, nghỉ ngơi, cho họ ăn uống và cống hiến những sự giúp đỡ mà họ có thể làm được.

Tất cả những người bị thương đã được cấp tốc đưa tới bệnh viện tại địa phương, tại đây các vị linh mục tuyên úy Hoa Kỳ đã phải hối hả xức dầu và trợ giúp tinh thần, môt mặt khác các Cha phải cố tìm người thông dịch cũng như sự trợ giúp mục vụ từ các linh mục Việt Nam tại địa phương gần đó. Một điều khó khăn khác là các linh mục Việt Nam tại Dallas đã về Missouri cho ngày Đại Hội Thánh Mẫu.

Hội Chữ Thập Đỏ và Hội Bác Ái Công Giáo tại Dallas đã cống hiến để các gia đình đến từ Houston tìm nơi tạm trú trong khi phải săn sóc người thân trong bệnh viện và họ cũng giúp đỡ để thu xếp để các thi hài được mang về nơi gia đình của họ.

Giám Đốc Văn Phòng Thông Tin của Giáo Phận Dallas, Annette Gonzales Taylor cũng cho biết, khi tai nạn xảy ra tại hiện trường rất khó mà nhận diện ra họ vì những người bị thương thì bất tỉnh cùng với những người tử nạn. Vì tai nạn xảy ra lúc 1 giờ đêm rạng sáng Thứ Sáu, cho nên giáo dân đã thiu thiu đi ngủ và hơn nữa họ không mang theo giấy tờ tùy thân.

Mỗi năm cuối tuần trước ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hàng chục ngàn người đổ về Carthage, Mo., Dòng Đồng Công Việt Nam để tham dự Đại Hội Thánh Mẫu.

Nhật báo Texas đã tường trình rằng Bộ An Tòan Giao Thông Vận Tải đang điều tra tai nạn và chính quyền An Toàn Động Cơ Vận Tải Liên Bang đã ra lệnh đình chỉ ngay tức khắc tất cả các xe buýt của công ty Iguala Busmex, không được lưu hành và rời bến và gọi hãng xe này là một “nguy cơ sắp tới”. Iguala Busmex có chân trong công ty Angel Tours.

Bộ An Toàn Giao Thông Vận Tải đã cho biết vào hôm Chúa Nhật 10/8 rằng, “hoàn toàn khiếm khuyết bảo trì” của công ty này đã đưa đến tai nạn thảm khốc trên. Riêng chiếc xe buýt khác của công ty cũng đã chở khách hành hương tới Dòng Đồng Công an toàn nhưng cũng bị lưu lại tại bến không được lưu hành theo lệnh của chính quyền của Liên Bang.
 
Các giám mục New Zealand kiên định lập trường luân lý trong bầu cử
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:45 12/08/2008
New Zealand (NZHerald) – Hôm 11/08, các giám mục Tân Tây Lan đã đưa ra một tập sách hướng dẫn người Công Giáo trong việc bầu cử, trong đó trình bày lập trường của Giáo Hội về phá thai, đồng tính, nghiên cứu phôi mầm và an tử. Nhưng tuyên bố của các giám mục nói rằng Giáo Hội không là tổ chức chính trị và “không khuyên bảo người ta bỏ phiếu thế nào, cũng không ủng hộ bất kỳ đảng phái chính trị nào”.

Giáo Hội luôn kiên định tuyên bố rằng mình không phải là đảng phái chính trị, nhưng đây không phải lần đầu tiên Giáo Hội Tân Tây lan dùng bầu cử để cổ võ cho các quan điểm luân lý của mình, nhất là các đề tài bỏ phiếu theo lương tâm. Giáo Hội đã mạnh mẽ vận động chống lại Đạo Luật Kết Giao Dân Sự - Civil Union Bill (cho phép kết hợp đồng tính), trong đó thúc giục giáo dân nhớ lại cách mà các nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu khi đưa đạo luật ra biểu quyết vào năm 2005. Tập sách cũng thúc giục người Công Giáo bỏ phiếu bầu cử vì “lợi ích chung” hơn là vi quyền lợi cá nhân, lặp lại tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng các công dân có trách nhiệm sử dụng lá phiếu của mình theo đường hướng này.

Tuyên bố của các Giám Mục cũng đưa ra lập trường phản đối phá thai, nghiên cứu tế bào phôi mầm, an tử và các cặp đồng tính nâng đỡ trẻ em. Về các cặp đồng tính, tập sách cho hay Giáo Hội tin rằng trẻ em cần phải được sự chú ý của cả cha lẫn mẹ, vì mỗi người góp phần khác nhau trong sự phát triển của chúng. Tuyên bố đề nghị các cử tri ngăn chặn “các quan điểm chính trị về các cặp đồng tính xung đột với lẽ phải thông thường”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cân bằng chất lượng cuộc sống và gia đình đến lúc cần chống lại “những đòi hỏi của chủ nghĩa tiêu dùng buông thả”.

Tuyên bố kêu gọi lòng trắc ẩn trong các chính sách về người tị nạn, viện trợ quốc tế và mềm dẻo hơn đối với các tù nhân: “Bất đồng tranh cãi hiện đang diễn ra giữa những người tìm kiếm sự nghiêm khắc hơn, hình phạt lâu hơn đối với các tù nhân và những người tìm kiếm nhiều cơ hội hơn cho việc hoà giải và phục hồi nhân phẩm”.

Tuyên bố cũng đề nghị đòi hỏi các ứng cử viên biểu quyết ra sao đối với vấn đề an tử và các vấn đề lương tâm. Tuyên bố đề nghị chống lại “sự sát nhập không thích hợp đối với một đảng phái hay một số vấn đề đơn lẻ hoặc một tệ nạn sùng bái cá nhân”. Tuy nhiên tuyên bố cũng thừa nhận rằng những người ủng hộ có thể muốn bỏ phiếu cho đảng nhỏ hơn, và cho hay chiến lược bầu cử với ý định tiềm ẩn sự liên minh đưa đến vấn đề cần quan tâm: “để đưa vào Nghị viện những người có những giá trị và toàn vẹn cá nhân”.

Tuyên bố cũng vận động các phạm vi chính sách rộng hơn như làm thế nào để các luật về việc làm tác động đến đời sống gia đình và làm thế nào các đảng phái chống chọi với nghèo khổ. Về vấn đề trái đất ấm dần lên, tuyên bố đề nghị các cử tri yêu cầu các đảng phái phải giải quyết thế nào trong việc các quần đảo Thái Bình Dương có nguy cơ bị thay thế bằng việc mực nước biển dâng lên.
 
Giáo Hội và tình hình chiến sự tại Ossezia
Linh Tiến Khải
13:19 12/08/2008
Giáo Hội và tình hình chiến sự tại Ossezia

Một số nhận định của Đức Cha Giuseppe Pasotto, Giám quản tông tòa công giáo Latinh Georgia và Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Bang Nga về tình hình tại đây.

Trong chính ngày khai mở Thế Vận Hội mùng 8-8-2008 quân đội Georgia đã tấn công Tskhinvali, thủ phủ miền nam Ossezia, là vùng đòi tách rời khỏi Georgia. Nga đã phản công Ngay tức khắc và bỏ bom nhiều thành phố trong đó có Tskhinvali, phi trường thành phố Kopotnari, Gori và thành phố cảng Poti trên biển Đen, cũng như căn cứ không quân Viziani và phi trường quân sự Marneuli. Binh sĩ Georgia đã chiếm Tskhinvali trong vài giờ trước khi bị quân đội Nga đẩy lui.

Chỉ nội trong vài ngày giao tranh số người chết đã lên tới gần 2000 và 100 ngàn dân phải bồng bế nhau đi lánh nạn. Chính quyền Matscơva đã tức khắc gửi hàng trăm xe tăng và hàng ngàn quân sang Ossezia để tái chiếm thành phố Tskhinvali, và binh sĩ Nga tiếp tục tấn công các lực lượng của Georgia, mặc dù phía Georgia đã kêu gọi ngưng chiến. Tình hình chiến sự đã gây âu lo vì đây là vùng vốn đã xảy ra chiến tranh giành độc lập từ năm 1990.

Trong buổi đọc kinh Tuyền Tin tại Bressanone trưa Chúa Nhật 10-8-2008, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình cho vùng nam Ossezia. Ngài nói: ”Tôi tha thiết cầu mong các hành động quân sự chấm dứt ngay lập tức, và nhân danh gia tài Kitô chung xin ngưng các xung đột và trả thù bạo lực, có thể biến thành một xung đột rộng lớn hơn. Trái lại hãy trở về với con đường thương thuyết và đối thoại tôn trọng và xây dựng để tránh gây thêm xâu xé và khổ đau cho các dân tộc vùng này. Tôi cũng mời gọi cộng đồng quốc tế và các nước có ảnh hưởng đối với tình hình này làm mọi sự có thể để yểm trợ và thăng tiến các sáng kiến nhằm đạt tới một giải pháp hòa bình lâu bền cho sự chung sống cởi mở và tôn trọng nhau. Cùng với các anh em chính thống chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện và tin tưởng phó thác cho sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mọi Kitô hữu”.

Chiến tranh đã xảy ra trong vùng này từ năm 1990, khi vùng nam Ossezia muốn tách rời khỏi Georgia và tự tuyên bố là ”Cộng hòa liên xô”, nhưng bị quốc hội Georgia phủ nhận. Tháng Giêng năm sau đó tổng thống Mikhail Gorbaciov hủy bỏ các sắc lệnh của Georgia và gửi quân sang trấn đóng tại Ossezia. Đầu năm 1992 quân Ossezia đánh bại binh sĩ Goergia và tổ chức trưng cầu dân ý, lựa chọn độc lập và hiệp nhất với miền Bắc Ossezia thuộc Liên Bang Nga. Vào tháng 6 cùng năm hai bên ngưng chiến và chấp nhận một lực lượng 500 binh sĩ hỗn hợp của cả ba nhóm Nga, Georgia và bắc Ossezia giữ gìn an ninh trật tự vùng này. Nhưng từ đó vẫn tiếp tục xảy ra các xung đột, trầm trọng nhất là vào tháng 8 năm 2004 với nhiều người chết.

Năm 2005 tổng thống Saakashvili của Georgia đề nghị cho vùng Ossezia nhiều quyền tự trị hơn, nhưng tổng thống Kakoity của Ossezia từ chối chấp nhận và đòi độc lập. Năm 2006 người Osseti trưng cầu dân ý và bỏ phiếu tuyên bố độc lập, thế là tháng 8 năm đó các xung đột lại tái diễn.

Và chiến tranh tái bùng nổ ngày mùng 8-8-2008, khi quân đội Georgia tấn công chiếm đóng Tskhinvali, thủ đô Nam Ossezia. Quân Nga trả đũa bỏ bom nhiều thành phố Georgia và tái chiếm Tskhinvali.

Caucase là vùng nóng bỏng vì có nhiều chủng tộc khác nhau sinh sống. Khi cho quân can thiệp vào vùng này Nga muốn tái trở thành cường quốc và nhắm ba mục đích chính: trước hết là ngăn chặn không cho du kích quân Ceceni tái hoạt động mạnh; thứ hai là hủy diệt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thứ ba là tránh mọi can thiệp của các nước khác vào các chương trình năng lượng. Ống dẫn dầu Baku Ceyhan giá 3 tỷ mỹ kim, dài 249 cây số, đã hoạt động từ một năm nay và chạy qua vùng Caucase này, có chỗ chỉ cách Ossezia 55 cây số. Mỗi ngày nó chuyên chở 1 triệu thùng dầu thô sang cho Tây Âu và 37% thuộc hãng dầu của Anh quốc.

Nghĩa là ngoài các căng thẳng chủng tộc, còn có lợi lộc quân sự cũng như các lợi lộc kinh tế nữa. Chính vì thế tổng thống Bush đã lên án chiến tranh Ossezia và nói nó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi tại Liên Hiệp Quốc các nước không tìm được sự đồng thuận nào. Ông Ban Ki Moon chỉ tuyên bố là cộng đồng quốc tế rất âu lo trước chiến cuộc và Liên Hiệp Âu châu đang cố giàn xếp một cuộc ngưng chiến. Tin mới nhất cho biết tổng thống Nga đã ra lệnh ngưng chiến, nhưng chính quyền Georgia vẫn than rằng các cuộc dội bom tiếp tục.

Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tôn giáo, Caritas quốc tế và nhiều tổ chức bác ái khác đã cùng Caritas Georgia lập tức huy động công tác cứu trợ dân chúng tại Ossezia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giuseppe Pasotto, Giám quản tông tòa công giáo Latinh Giorgia và Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Georgia về tình hình tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha Giám quản, tình hình tại Georgia và đặc biệt là Ossezia hiện nay ra sao?

Đáp: Tình hình rất là khó khăn. Người ta mới cho tôi biết là thành phố Gori và các vùng có người ở khác mới bị bỏ bom. Xem ra không có tiến triển tích cực nào trong lúc này. Ngay cả khi truyền hình Nga cho biết là quân đội Nga đã tái chiếm Tskhinvali, người Georgia thì lại phản bác tin này. Điều lạ đối với tôi đó là cuộc chiến mới bắt đầu được hai ngày mà đã có các buổi không tạc và bỏ bom nhiều vùng khác nhau. Một vài vùng bị bỏ bom không phải là các mục tiêu quân sự. Tôi hiểu là dân chúng một vùng có thể gặp cảnh khó khăn, nhưng trải đài xung khắc ra các vùng khác theo kiểu này đối với tôi là điều lạ.

Hỏi: Đức Cha giải thích tình hình chiến sự dồn dập này như thế nào?

Đáp: Tổng thống Georgia đã tuyên bố tình trạng chiến tranh. Tôi cũng không biết lý do tại sao. Cần phải lắng nghe các phe khác nhau mới biết được, bởi vì từ đây thì cũng khó mà có thể hiểu tình hình. Phía Georgia thì nói rằng họ phải can thiệp sau khi đã nhận được rất nhiều khiêu khích. Tổng thống Georgia thời nói rằng sau khi đã giơ má để bị tát nhiều lần, sau cùng chính quyền đã phải gửi cảnh sát tới, chứ không phải quân đội. Người ta nói cả hai phía Georgia và Nga đều sẵn sàng. Nhưng tôi lấy làm lạ vì chính khi bộ trưởng Georgia đi tham dự cuộc họp thương lượng thì xung khắc bùng nổ.

Hỏi: Cuộc sống của dân chúng trong thủ đô Tblisi hiện nay ra sao thưa Đức Cha? Các cuộc thương thuyết đã được mở chưa và có vấn đề nào không?

Đáp: Không. Hiện nay có rất nhiều căng thẳng. Cũng có người bỏ đi. Trong các thành phố khác tình hình cũng rất là khó khăn. Đã có các cuộc dội bom trên đường phố và có nhiều nhà cửa bị hư hại. Tại những nơi như thế thì tình hình khó khăn hơn. Và có người sợ rằng những gì đã xảy ra tại Gori cũng có thể xảy ra tại thủ đô Tblisi.

Hỏi: Đức Cha có liên lạc được với cộng đoàn công giáo Georgia không?

Đáp: Có, tôi đã nói chuyện với nhiều linh mục khác nhau. Tôi cũng đã nói chuyện với linh mục ở Gori và cha cho biết là sẽ về thủ đô Tblisi. Cha cho biết căn nhà gần nhà chúng tôi đã bị bỏ bom. Cha sống trong tình trạng mà mọi người dân Gerogia đang phải sống hiện nay.

Hỏi: Các cộng đoàn chính thống phản ứng ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Đức Thượng Phụ Chính Thống xin mọi người tham dự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Các đại diện các tôn giáo và chủng tộc thiểu số chúng tôi đã cùng gặp gỡ nhau để đưa ra tuyên ngôn chung kêu gọi ngưng chiến hoàn toàn và tôn trọng các quyền con người. Chúng tôi đã yêu cầu các quốc gia khác đừng xâm nhập lãnh thổ quốc gia và đặc biệt yêu cầu Nga giữ vai trò giảng hòa. Chúng tôi đã công bố tuyên ngôn nói trên sau một giờ thảo luận với nhau. Kinh nghiệm gặp gỡ đã rất là đẹp.

Hỏi: Đã không có vấn đề tôn giáo nào trong cuộc xung đột này, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng thế. Tôi tin rằng vấn đề chỉ liên quan tới sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Sau đây là một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Liên Bang Nga về tình hình tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng ngày 11-8-2008 Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini, Sứ Thần Tòa Thánh tại liên bang Nga tha thiết kêu gọi ngưng chiến tại Ossezia vì chiến cuộc tại vùng này có nguy cơ lan tràn trong toàn Âu châu. Đức Sứ Thần Tòa Thánh cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với lời kêu gọi Đức Thánh Cha Biển Đức đã đưa ra trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Bressanone trưa Chúa Nhật vừa qua: đó là xin cộng đồng quốc tế can thiệp để các phe liên hệ chấm dứt ngay chiến cuộc, xin giới truyền thông đưa tin tức trung thực khách quan, và xin cộng đồng quốc tế liên đới trợ giúp người tị nạn.

Đức Cha nói: ”Vùng này cần có hòa bình ổn định vì nó là vùng đất bản lề có thể làm nổ tung toàn đại lục âu châu. Lời kêu gọi của tôi cũng là lời cầu nguyện và van nài hướng tới Chúa và mọi người thiện chí, để xin mọi người hiểu cho rằng các cuộc chiến như cuộc chiến tại Ossezia chỉ gây ra tàn phá và khiến cho những người nghèo nhất, yếu đuối nhất phải thiệt thòi. Chúng tôi xin các phe liên hệ ngưng ngay các hoạt động quân sự và tái đối thoại với nhau. Đặc biệt chúng tôi xin cộng đồng quốc tế đừng để các nước này bị lẻ loi trong những lúc khổ đau này, nhưng hãy liên đới, hiện diện, và lo lắng cho vùng đất bé nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này. Đức Tổng Giám Mục Mennini cũng cho biết tín hữu chính thống và công giáo liên bang Nga và Georgia cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình mau trở lại với dân chúng vùng này.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh Đức Sứ Thần có cảm tưởng gì trước tình hình chiến sự hiện nay tại Ossezia?

Đáp: Tôi xin bầy tỏ các tâm tình của mọi tín hữu Kitô Nga và đặc biệt của các anh chị em công giáo, hướng tới các miền này trong vùng Caucase, nơi từ vài ngày qua đã xảy xa một cuộc xung đột có thể có các chiều kích rất thê thảm. Cuộc xung đột này đã gây ra biết bao nhiêu nạn nhân không chỉ giữa các binh sĩ mà nhất là giữa các thường dân, thuộc nhiều chủng tộc và quốc tịch khác nhau bị bó buộc phải bỏ nhà cửa làng mạc để tản cư. Khi nghĩ tới lời kêu gọi mà Đức Thượng Phụ Alexis II Giáo Chủ Chính Thống Nga đã đưa ra, tôi tha thiết cầu xin Chúa giải thoát tất cả mọi người liên lụy trong cuộc chiến này, nhất là các Kitô hữu, khỏi cái mù quáng của thù nghịch. Sự thù nghịch ấy lại càng nghiêm trọng hơn và không thể chấp nhận được, khi nó được dưỡng nuôi trong con tim của những người cùng chung một niềm tin Kitô. Tôi xác tín rằng còn có những con đường khác giúp các phe liên hệ ngồi vào bàn thương thuyết với nhau trong công bằng và danh dự để tìm ra một giải pháp lâu bền và thỏa đáng đối với mọi người.

Hỏi: Theo Đức Sứ Thần, đâu là giải pháp có thể có và Giáo Hội có thể làm gì để góp phần giải quyết các xung khắc?

Đáp: Dĩ nhiên Giáo Hội có một khí giới rất mạnh đó là lời cầu nguyện. Nhưng Giáo Hội cũng có thể thôi thúc các tổ chức quốc tế tác động trên các phe liên hệ, vì hai bên đã cho biết là sẵn sàng ngồi vào bàn thương thuyết dẫn đưa tới một thỏa hiệp bao gồm các giải pháp lâu bền, trong sự tôn trọng nhau và đáp ứng được các khát vọng của tất cả mọi dân tộc liên lụy.

Hỏi: Tại Nga người ta đang hít thở bầu không khí như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Chắc chắn là người dân Nga âu lo, vì 90% người dân Osseti đều có giấy thông hành Nga. Có nhiều người tình nguyện ra chiến trường. Và đây sẽ là một đại họa, vì nó có thể khiến cho chiến cuộc lan tràn. Có thể hiểu được các cảm tính và xúc động của người dân, nhưng chúng ta phải cầu nguyện để lý trí và lương tri thắng cảm xúc và nhất là để cho ký ức về các gốc rễ Kitô chung thắng sự thù nghịch.

Hỏi: Hiện nay người ta cho biết đã có tới 30 ngàn người chạy sang Nga tị nạn. Công tác tiếp đón người ti nạn ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Nhiều người đã sang vùng Bắc Ossezia là phần của Liên Bang Nga và tôi tin chắc là các giới chức hữu trách đang làm mọi sự để tiếp đón và trợ giúp họ. Nhưng điều này chỉ thoa dịu một phần những khổ đau của họ mà thôi. Chúng ta có thể tưởng tượng một buổi sáng phải bỏ nhà cửa cơ nghiệp và những người thân yêu để ra đi và không biết tin tức gì về họ. Có một nỗi khổ đau vô ích và cuộc chiến này là một tai ương vô ích.

Hỏi: Thưa Đức Cha chúng ta đều biết là cộng hòa Georgia được Hoa Kỳ ủng hộ trong khi Nga thì lại ở phía bên kia, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Liên Bang Nga đều có nhiều lợi lộc chung, và vì thế được mời gọi cộng tác với nhau. Cả hai nước không thể từ nhiệm vai trò cường quốc của mình là vai trò bảo đảm hòa bình tại nhiều miền trên thế giới này.

(RG 10-8-2008 Avvenire 9.10-8-2008 RG 9.11-8-2008)
 
Một người Việt Nam được bầu làm Chủ Tịch Christian Life Communities (CLC) -Hoa Kỳ
Trương Thành Hào
18:39 12/08/2008
Washington, DC- Cứ ba năm một lần các cộng đoàn Christian Life Communities (CLC) từ khắp năm châu gửi đại biểu về tham dự Đại Hội CLC Thế Giới. Đại Hội lần này sẽ diễn ra từ ngày 13/8/2008 đến ngày 23/8/2008 tại Fatima Bồ Đào Nha. Các đại biểu đến từ Hoa Kỳ gồm bà Anne Marie Brenna, chủ tịch đương nhiệm CLC-USA, ông Lê Thanh Liêm, tân chủ tịch CLC-USA, và cô Angelique Ruhi-Lopez, đại diện giới trẻ của CLC-USA.

Ông Lê Thanh Liêm, nguyên trưởng cộng đoàn Đồng Hành Việt Nam, và cũng là thành viên của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, vừa được CLC-USA bầu vào chức vụ chủ tịch cho nhiệm kỳ 2008-2011 trong tháng 7 vừa qua. Trong cương vị chủ tịch, ông Liêm sẽ phối hợp các sinh hoạt của hơn 100 cộng đoàn và nhóm CLC trên toàn cõi Hoa Kỳ, bao gồm các cộng đoàn nói tiếng Anh, cộng đoàn Cuba và gốc Mỹ Latinh, cộng đoàn Đại Hàn, cộng đoàn Phi Luật Tân, và cộng đoàn Đồng Hành Việt Nam. CLC-USA, thành viên của CLC quốc tế, bao gồm các cộng đoàn và nhóm sinh hoạt theo linh đạo của thánh I-nhã Loyola.

Với một lịch sử dài hơn 500 năm, CLC là một trong những phong trào giáo dân đầu tiên trong giáo hội được thành lập để giúp người tín hữu sống đạo giữa đời. Được chính thức thành lập vào năm 1548, từ những lý do có tính cách lịch sử, đã có một giai đoạn các cộng đoàn CLC địa phương được biết đến dưới danh xưng Hiệp Hội Thánh Mẫu với người Công giáo Việt Nam. Chính thức trở lại với danh xưng Christian Life Community (CLC)/Communauté de la Vie Chrétienne (CVX) vào năm 1971 với phê chuẩn của Tòa Thánh, cộng đoàn CLC ngày nay đã trở thành một cộng đoàn có tính cách hoàn vũ bao gồm hơn 60 cộng đoàn quốc gia trong đó có Hoa Kỳ.

Cộng đoàn Đồng Hành của người Việt Nam tại hải ngoại, chính thức trở thành thành viên của CLC-USA vào cuối năm 2004. Hiện diện một cách quen thuộc tại các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Canada và Âu Châu từ hơn 30 năm nay, các cộng đoàn Đồng Hành địa phương đã và đang cộng tác vào việc tổ chức các buổi tĩnh tâm theo linh đạo I Nhã, các khóa cầu nguyện tại gia Thao Luyện Nhẹ Nhàng, các khóa tĩnh tâm cho giới trẻ (Kairos, Touch My Heart) và thanh thiếu niên (Caritas) cũng như các khóa hội thảo Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân hiện đang giúp ích rất nhiều người. Ngoài ra, cộng đoàn Đồng Hành cũng góp phần trong việc thành lập các nhóm linh thao trong các đại học và cung cấp việc linh hướng cho cá nhân tại một số địa phương.

Việc một người Việt được tín nhiệm vào vai trò Chủ Tịch của cộng đoàn CLC-USA, phản ảnh những đóng góp ngày càng lớn của cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong sứ mạng canh tân đời sống đạo tại Hoa Kỳ, là một tin vui và một niềm hãnh diện cho cả cộng đoàn người Việt Công giáo chúng ta.
 
Misereor- cơ quan trợ giúp phát triển của Hội Đồng Giám Mục Đức mừng 50 thành lập
Đặng Thế Dũng
20:52 12/08/2008
Tin Aachen/Đức Quốc (Apic 12 tháng 8): Vào ngày 17 tháng 8 này, MISEREOR, cơ quan trợ giúp phát triển của Hội Đồng Giám Mục Đức, mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, với thánh lễ trọng thể tại Nhà Thờ Chính Toà ở Aachen (Aix-la-Chapelle), nơi có trụ sở của Misereor, và sau đó là tiệc tiếp tân tại Toà Đô Chính của thành phố.

Đức Cha Robert Zollitsch
Misereor là cơ quan trợ giúp phát triển lớn nhất không những của Hội Đồng Giám Mục Đức, mà còn lớn nhất trong toàn thể giáo hội công giáo, được thành lập vào năm 1958, do sáng kiến của ĐHY Josef Frings.

Tên gọi “MISEREOR” bằng tiếng latinh, được lấy từ câu nói của Chúa Giêsu, được ghi lại trong Phúc Âm theo thánh Marcô: Misereor super turbam “Ta thương xót đoàn dân này”. Trụ sở chính đặt tại thành phố Aachen, cũng được biết đến với tên gọi bằng tiếng Pháp là AIX-LA-CHAPELLE.

Misereor trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Đức, và Đức Cha Robert Zollitsch hiện là chủ tịch của tổ chức.

Cộng tác với những tổ chức khác, Misereor trợ giúp phát triển cho các quốc gia Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ Latinh.

Trong 50 năm qua, kể từ khi được thành lập đến nay, MISEREOR đă trợ giúp cho hơn 100,000 dự án phát triển tại 139 quốc gia trên thế giới, với tổng cộng số tiền lên khoảng 8 tỉ âu kim (euro).
 
Top Stories
No 'Yahweh' in songs, prayers at Catholic Masses, Vatican rules
Catholic News Service
20:04 12/08/2008
WASHINGTON (CNS) -- In the not-too-distant future, songs such as "You Are Near," "I Will Bless Yahweh" and "Rise, O Yahweh" will no longer be part of the Catholic worship experience in the United States.

At the very least, the songs will be edited to remove the word "Yahweh" -- a name of God that the Vatican has ruled must not "be used or pronounced" in songs and prayers during Catholic Masses.

Bishop Arthur J. Serratelli of Paterson, N.J., chairman of the U.S. bishops' Committee on Divine Worship, announced the new Vatican "directives on the use of 'the name of God' in the sacred liturgy" in an Aug. 8 letter to his fellow bishops.

He said the directives would not "force any changes to official liturgical texts" or to the bishops' current missal translation project but would likely have "some impact on the use of particular pieces of liturgical music in our country as well as in the composition of variable texts such as the general intercessions for the celebration of the Mass and the other sacraments."

John Limb, publisher of OCP in Portland, Ore., said the most popular hymn in the OCP repertoire that would be affected was Dan Schutte's "You Are Near," which begins, "Yahweh, I know you are near."

He estimated that only "a handful" of other OCP hymns use the word "Yahweh," although a search of the OCP Web site turned up about a dozen examples of songs that included the word.

OCP is a nonprofit publisher of liturgical music and worship resources.

Limb said the company would be contacting composers to "ask them to try to come up with alternate language" for their hymns. But he said hymnals for 2009 had already been printed, so the affected hymns would not include the new wording for at least another year.

Even when the new hymnals are out, "it may take time for people to get used to singing something different," he added in an Aug. 11 telephone interview with Catholic News Service.

At Chicago-based GIA Publications, another major Catholic publisher of hymnals, no major revisions will be necessary, because of the company's longtime editorial policy against use of the word "Yahweh."

Kelly Dobbs-Mickus, senior editor at GIA Publications, told CNS Aug. 11 that the policy, which dates to 1986, was based not on Vatican directives but on sensitivity to concerns among observant Jews about pronouncing the name of God. As an example, she cited Heinrich Schutz's "Thanks Be to Yahweh," which appears in a GIA hymnal under the title "Thanks Be to God."

Bishop Serratelli said the Vatican decision also would provide "an opportunity to offer catechesis for the faithful as an encouragement to show reverence for the name of God in daily life, emphasizing the power of language as an act of devotion and worship."

His letter to bishops came with a two-page letter from the Vatican Congregation for Divine Worship and the Sacraments, dated June 29 and addressed to episcopal conferences around the world.

"By directive of the Holy Father, in accord with the Congregation for the Doctrine of the Faith, this congregation.. . deems it convenient to communicate to the bishops' conferences.. . as regards the translation and the pronunciation, in a liturgical setting, of the divine name signified in the sacred Tetragrammaton," said the letter signed by Cardinal Francis Arinze and Archbishop Malcolm Ranjith, congregation prefect and secretary, respectively.

The Tetragrammaton is YHWH, the four consonants of the ancient Hebrew name for God.

"As an expression of the infinite greatness and majesty of God, it was held to be unpronounceable and hence was replaced during the reading of sacred Scripture by means of the use of an alternate name: 'Adonai,' which means 'Lord,'" the Vatican letter said. Similarly, Greek translations of the Bible used the word "Kyrios" and Latin scholars translated it to "Dominus"; both also mean Lord.

"Avoiding pronouncing the Tetragrammaton of the name of God on the part of the church has therefore its own grounds," the letter said. "Apart from a motive of a purely philological order, there is also that of remaining faithful to the church's tradition, from the beginning, that the sacred Tetragrammaton was never pronounced in the Christian context nor translated into any of the languages into which the Bible was translated."

The two Vatican officials noted that "Liturgiam Authenticam," the congregation's 2001 document on liturgical translations, stated that "the name of almighty God expressed by the Hebrew Tetragrammaton and rendered in Latin by the word 'Dominus,' is to be rendered into any given vernacular by a word equivalent in meaning."

"Notwithstanding such a clear norm, in recent years the practice has crept in of pronouncing the God of Israel's proper name," the letter said. "The practice of vocalizing it is met with both in the reading of biblical texts taken from the Lectionary as well as in prayers and hymns, and it occurs in diverse written and spoken forms," including Yahweh, Jahweh and Yehovah.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tọa đàm về ''Giới tính- Tính dục- Sự sống con người'' tại nhà thờ Nam Hòa- Saigòn
Maria Vũ Loan
09:11 12/08/2008
SAIGÒN - Vào tối ngày 11/8/2008, tại nhà thờ Nam Hòa đã tổ chức một buổi tọa đàm có chủ đề “Giới tính – Tính dục – Sự sống con người” do nữ bác sĩ Lan Hải, một thành viên của Ủy ban Bác Ái Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trình bày.

Bác sĩ Lan Hải
Buổi tọa đàm này do Ban Mục Vụ Gia Đình của giáo xứ tổ chức, được các bạn trẻ và nhiều giáo dân hưởng ứng. Có bốn tiêu đề được trình bày trong bốn lần, vào các ngày thứ hai trong tháng.

- Con người là một kỳ quan.
- Mầu nhiệm sự sống.
- Điều hòa sinh sản theo phương pháp tự nhiên.
- Hôn nhân trước bi kịch phá thai.

Với cách giảng dạy hấp dẫn, tiêu đề “Mầu nhiệm sự sống” được nữ bác sĩ Lan Hải trình bày rất dí dỏm, tạo được niềm vui khi truyền thụ các kiến thức mà trong đời sống thường ngày, người ta rất ngượng ngịu nếu nói ra.

Đặc biệt là một số từ ngữ “nhà đạo” và các từ ngữ thanh tao được đan xen vào lời nói làm cho các bạn trẻ Công giáo thấy nhẹ nhàng trước nội dung bài rất tế nhị này. Thí dụ như “tử cung” thì bác sĩ dùng từ “cung lòng người mẹ”, một số bộ phận của con người thì được gọi là các “cơ quan đoàn thể”, tạo bầu khí rất vui tươi.

Mở đầu, để giới thiệu bài là một câu nói rất hay của Shackpeare:

Hạt giống tốt sinh ra hạt giống tốt,
Nhan sắc mỹ miều sẽ tạo ra mỹ miều,
Sự sản sinh tuy rằng do Tạo Hóa
Nhưng thực hiện nó là nhiệm vụ của con người


Với hình ảnh trực quan sinh động, các bạn trẻ được hiểu về quá trình hình thành con người và những lý do sơ suất hoặc không hiểu biết dẫn đến việc đưa vào đời những con người lệch lạc, những dị tật…

Nhiều bạn trẻ bỡ ngỡ khi biết rằng viên thuốc ngừa thai xuất hiện từ năm 1960, làm một cuộc cách mạng tình dục ở Châu Âu, Châu Mỹ. Tác hại của viên thuốc ấy và nhất là sự nguy hiểm của việc phá thai, mà người ta gọi cái kiểu mập mờ, đánh lận con đen là “điều hòa kinh nguyệt!”

Sự sống đáng quí vì:

Người đàn bà là mảnh ruộng,
Người đàn ông gieo hạt, chỉ có Thiên Chúa mới làm cho nó mọc lê
n.”

Bài nói chuyện có quá nhiều chi tiết, nhưng rõ ràng mạch lạc, vừa đủ để người tham dự hiểu rõ ngọn ngành nhiều điều; thí dụ như dùng thuốc ngừa thai làm cho đứa trẻ mặc cảm trong giới tính của mình, trở thành người bị đồng tính luyến ái; trong suốt thời kỳ mang thai, nên để bà mẹ và thai nhi được nghe nhạc sẽ rất tốt cho khả năng toán học của bé sau này. Giáo Hội không cho thụ tinh nhân tạo, phá thai, an tử, tự tử.

Ngoài việc trình bày về phần chuyên môn, bác sĩ còn kể thêm những mẩu chuyện vui để minh họa, trích dẫn những câu thơ và lời nói có giá trị thực tế làm cho tiếng cười vang lên trong hội trường một cách tự nhiên.

Kết thúc bài nói chuyện, bác sĩ đã trích câu nói của một linh mục rất ý nghĩa trước thực tế tính dục bị lạm dụng và thế giới hôm nay đã xuất hiện nhiều người khuyết tật, lệch lạc tâm lý, hệ thần kinh tổn thương…

Ai đã đặt bạn vào trong quĩ đạo của sự sống muôn thuở?
“ Hãy phục hồi tình yêu cho sự sống,
Trả lại sự sống cho tình yêu


Buổi tọa đàm kết thúc, đáp ứng nhu cầu học hỏi và cần được học hỏi của những bạn trẻ đang và sẽ sống bậc hôn nhân trong đời.
 
Vị tân giám mục Bắc Ninh có nhiều gắn bó với những bệnh nhân phong
Nguyễn Xuân Trường
13:13 12/08/2008
BẮC NINH - chiều ngày 11.8.2008, Đức Giám mục vừa được bổ nhiệm Cosma Hoàng Văn Đạt đã ban bí tích xức dầu cho một bệnh nhân tân tòng tại bệnh viện đa khoa Bắc Ninh - bệnh nhân đó cũng là một người phong. Tiếp đến, vào sáng ngày 12.8.2008, ngày lễ kính nhớ thánh tử đạo Việt Nam Antôn Nguyễn Đích, quan thày của người phong Việt Nam, ngài đã tới dâng lễ tại nguyện đường trại phong Quả Cảm Bắc Ninh. Tham dự thánh lễ có khoảng 20 bệnh nhân phong, hầu hết những người này đều do Đức Giám mục đã rửa tội cho họ trước đây. Đầu thánh lễ, Đức Giám mục xin những người phong cầu nguyện cho Đại hội Thánh Mẫu La Vang sắp tới diễn ra tốt đẹp và cũng cầu nguyện cho ngài trong sứ vụ mới vì ngài xác tín “người đau khổ cầu cứu và Chúa đã lắng nghe”.

Như VietCatholic đã đưa tin, vào ngày 4.8.2008 vừa qua, Ðức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã chính thức chỉ định linh mục Cosma Hoàng Văn Ðạt, S.J. làm Giám mục giáo phận Bắc Ninh. Cuộc đời của tân giám mục có nhiều liên hệ yêu thương với người phong. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài đã luôn ấp ủ một ước mơ bình thường nhưng cũng thật phi thường, đó là: được đến phục vụ anh chị em phong cùi. Năm 1986, mơ ước chan chứa yêu thương ấy đã trở thành sự thật: ngài được trao sứ vụ chăm sóc trại phong Thanh Bình, Sài Gòn. Từ đó đến nay, ngài đã trở thành vị ân nhân, trở thành người cha, người anh em thân tình của biết bao bệnh nhân phong trong khắp các trại phong Việt Nam. Chính tình nghĩa thân mật với bệnh nhân phong mà ngài thường thích gọi các trại phong là các “gia đình phong”. Cũng chính do những nghĩa cử yêu thương ngài dành cho người phong, mà những người phong đã là phái đoàn đầu tiên mang lẵng hoa ướp đẫm tấm lòng biết ơn đến Tòa giám mục Bắc Ninh chúc mừng sau khi ngài được bổ nhiệm làm Giám mục.

Trong thánh lễ cử hành cho người phong, Đức Giám mục cũng đã cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo cho em Maria Triệu Thị Lành, một con em của người phong. Như thế, người đầu tiên Đức Giám mục hân hoan mở rộng vòng tay đón nhận em vào gia đình giáo phận Bắc Ninh cũng lại là một con em người phong. Ngài đã trao tặng em một món quà vô cùng ý nghĩa là cuốn Kinh Thánh: “Lời Chúa cho mọi người” như nguồn lương thực thần linh nuôi dưỡng em và em có thể trò chuyện, gặp Chúa trong Lời của Ngài.

Đức Giám mục nói với các bệnh nhân phong: “Chúa cho tôi về ở Tòa giám mục Bắc Ninh. Như thế tôi không chỉ ở gần các ông bà trong trại phong Quả Cảm hơn về khoảng cách địa lý, mà thực sự tôi còn ở gần các ông bà hơn trong tình cảm con tim”. Đúng vậy, người phong tin rằng, Đức Giám mục luôn chung thủy với họ, dù có lãnh nhận sứ vụ mới cao cả hơn thì ngài vẫn không rời xa họ, ngài vẫn mãi luôn là người cha, người anh em của bệnh nhân phong. Đức Giám mục khẳng định: Trên cương vị Giám mục, ngài sẽ là “bàn tay” trợ giúp những tấm lòng đến với người phong.

Tạ ơn Thiên Chúa đã thương trao ban Đức cha Cosma cho giáo phận Bắc Ninh. Tin rằng Chúa đã chọn Đức cha, thì Người cũng sẽ ban cho Đức cha đủ ơn cần thiết để hoàn thành sứ vụ mới: sứ vụ của vị mục tử đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Khi là linh mục, Ngài đã luôn mang Tình Thương và Sự Sống đến cho nhiều người, nhất là những người bé mọn đau khổ, thì nay là Giám mục, tin rằng Ngài sẽ tiếp tục mang Tình Thương và Sự Sống đến cho nhiều người hơn, nhất là những người trong giáo phận Bắc Ninh của Ngài.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của ĐHY Phạm Minh Mẫn về cứu trợ nạn nhân lũ lụt mièn núi phía Bắc Việt Nam
+ ĐHY JB Phạm Minh Mẫn
13:37 12/08/2008
Thư của ĐHY Phạm Minh Mẫn về cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền núi phía Bắc Việt Nam

Ngày 11 tháng 08 năm 2008

Kính gởi: Quý Cha chánh, phó xứ,
Quý Tu sĩ nam nữ
và toàn thể anh chị em giáo dân
trong gia đình Tổng giáo phận

Quý cha và anh chị em tu sĩ, giáo dân thân mến,

Như anh chị em đã biết, trận mưa to bất thường vào đêm 8.8.2008 đã gây ra một cơn lũ quét kinh hoàng. Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (báo SGGP 11.8.2008) cho biết đã có 143 người chết và mất tích thuộc 9 tỉnh miền núi phía Bắc do cơn lũ quét gây ra (trong đó tỉnh Lào Cai là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất ). Ngoài số người chết và mất tích, nhiều trăm ngàn người đang phải sống trong các lều trại tạm bợ, sống trên mái nhà hoặc phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn thực phẩm, nước sạch và thuốc men…do nhà cửa bị ngập nước hoặc bị cuốn trôi. Do sạt lở từ những khối đất đá khổng lồ, rất nhiều nạn nhân bị thương, bị vùi lấp. Bên cạnh đó nhiều ngàn hecta lúa, hoa màu bị mất trắng hoàn toàn, nhiều đoạn đường bị nhận chìm trong biển nước gây tắc nghẽn giao thông.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho biết đến nay mực nước sông vẫn tiếp tục lên cao và một vài ngày nữa mưa to sẽ tiếp tục diễn ra tại khu vực Đông Bắc và đồng bằng ven biển. Vì thế, nguời dân thuộc miền núi phía Bắc vẫn còn phải đối phó với nguy cơ lũ quét có thể xảy ra lần nữa.

Trong tình hiệp thông và liên đới huynh đệ với các nạn nhân thiên tai, tôi tha thiết kêu gọi toàn thể các linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc các Hội dòng, Tu hội, và anh chị em giáo dân đang sống trong 200 giáo xứ tại Tổng Giáo phận Thành phố, hãy hy sinh tiết giảm chi tiêu, nhất là trong ăn uống và mua sắm, từ nay cho đến hết tháng 8 này, để chia sẻ với anh chị em của chúng ta đang sống trong khổ đau cùng cực, thiếu thốn trăm bề, giúp họ có điều kiện xây dựng lại cuộc sống của mình; chúng ta hãy đọc lại lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ trong Thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô: "Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu" (2 Cr 8,14), … "Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền cũng không miễn cưỡng, vì "ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương" (2 Cr 9,7).

Khi mỗi người trong chúng ta làm như vậy là chúng ta đáp lại tình thương hải hà của Thiên Chúa là Cha như thánh Phaolô đã nói: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó" (2 Cr 1,3-4).

Quà tặng của quý cha, quý tu sĩ và anh chị em sẽ được chuyển đến gia đình các nạn nhân, qua Toà Giám Mục các giáo phận nằm trong khu vực đang bị lũ quét.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Ma-ri-a Hồn-Xác-Về-Trời, mà chúng ta sắp mừng kính, ban muôn ơn lành xuống trên hết thảy anh chị em.

PS. Chỉ nhận hiện kim và xin quý cha chuyển cho cha Hạt trưởng để các ngài trao cho Toà Tổng Giám mục hoặc trao trực tiếp cho văn phòng Toà Tổng Giám mục.

+ G.B. Phạm Minh Mẫn
Hồng y Tổng Giám Mục
 
Thông Báo
Phân Ưu của Dòng Đức Mẹ Đồng Công, Tỉnh Dòng Mẹ Lên Trời
LM. Micae Trần Mại, CMC
12:24 12/08/2008
Dòng Đức Mẹ Đồng Công, Tỉnh Dòng Mẹ Lên Trời
1900 Grand Avenue, Carthage, MO 64836
ĐT. 417-358-7787 - Dongcong.net - email: cmc@dongcong.net


v/v Thành kính phân ưu

Carthage, Missouri, Ngày 11 Tháng 08 Năm 2008

Kính thưa ông bà anh chị em thân nhân những người đã được Chúa gọi về trong tai nạn trên đường đi tham dự Ngày Thánh Mẫu năm 2008 và những ông bà và anh chị em bị thương trong tai nạn trên.

Đại diện anh em thuộc Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, đại diện tất cả mọi người tham dự Ngày Thánh Mẫu năm 2008, tôi xin gửi tới ông bà anh chị em những lời phân ưu rất chân thành và sâu xa của chúng tôi.

Kính thưa ông bà và anh chị em, chúng tôi cũng như mọi người tham dự Ngày Thánh Mẫu năm nay rất xúc động khi nghe tin về cái tai nạn rất đau thương này! Khi thông báo cái tin đau buồn này, Cha Vũ Minh Nhiên, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Thánh Mẫu rất xúc động. Ngài đã phải ngưng lại mấy lần mới nói xong mấy lời thông báo - dù rất ngắn ngủi! Từ khi nghe được tin buồn này, tôi đã kêu gọi mọi người tham dự Ngày Thánh Mẫu trong các thánh lễ sau đó cầu nguyện cho ông bà anh chị em và những người đã được Chúa gọi về. Cho tới ngày hôm nay, Chi Dòng Đồng Công chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho quý vị và những người thân yêu.

Thưa ông bà anh chị em, với con mắt nhân loại, đây là một điều không may, một tai nạn khủng khiếp xảy đến cho chúng ta, cho ông bà anh chị em và những người thân yêu. Mầu nhiệm đau khổ này thật không dễ hiểu chút nào! Nhưng cũng có những lý do làm cho chúng ta, những người tin vào Chúa được an ủi rất nhiều:

1. Những anh chị em đã được Chúa gọi về là những người đã hy sinh mạng sống cho Chúa! Thưa ông bà và anh chị em, ai cũng phải chết một lần. Mỗi người chết vì một lý do. Những anh chị em này chết trên con đường đi hành hương! Những người anh chị em này chắc chắn sẽ được đón nhận Tình Thương và Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa cách đặc biệt.

2. Những anh chị em gặp tai nạn này đã được rất nhiều người cầu nguyện cho. Mấy chục ngàn người đã sốt sắng cầu nguyện cho những anh chị em gặp tai nạn này. Đức Cha Giáo Phận Fort Worth, trong bức thư Ngài gửi tới Chi Dòng Đồng Công để phân ưu, Ngài cho biết là Ngài đã kêu gọi tất cả các giáo xứ trong Giáo Phận Fort Worth cầu nguyện cho những anh chị em gặp nạn trong các thánh lễ Chúa Nhật cuối tuần đó. Đức Hồng Hồng Y Bênađô Law bên Rôma, một vị rất quý mến người Việt Nam; Đức Cha Giacôbê Johnston, Giám Mục Giáo Phận Springfield- Cape Girardeaux; Đức Cha John Leibrecht, Nguyên Giám Mục Giáo Phận Springfield-Cape Girardeaux, Missouri; Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, California; nguyên Thượng Nghị Sỹ John Mc Cain, hiện là Ứng Cử Viên Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng Hoà, gửi lời chia buồn và cầu nguyện cho ông bà và anh chị em, những người bị thương, những người thuộc gia đình những người Chúa đã gọi về, và cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đã qua đi. Tôi biết chắc rằng tất cả mọi người trên thế giới, nhất là những đồng bào Việt Nam chúng ta ở khắp nơi, khi nghe biết cái tin rất đau buồn này, cũng sẽ cầu nguyện cho quý vị nữa.

3. Mấy chục ngàn người tới tham dự Ngày Thánh Mẫu ước ao được "nhìn" thấy và được cảm nghiệm phần nào tình thương yêu của Chúa và Đức Mẹ. Những anh chị em gặp tai nạn này, dù không thể tới nơi để tham dự Ngày Thánh Mẫu như lòng mong ước, nhưng bây giờ đã cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa một cách đặc biệt. Riêng những anh chị em đã được Chúa gọi về, thực sự đã "tới nơi" để gặp Chúa và Đức Mẹ cách nhãn tiền.

Kính thưa ông bà và anh chị em, trong lúc rất đau buồn vì mất đi những người thân yêu, trong lúc đang đau đớn trong thể xác vì những vết thương do tai nạn, xin Thiên Chúa nâng đỡ, an uỉ ông bà và anh chị em. Ước gì trong hoàn cảnh rất đau buồn này, chúng ta vẫn tin và tin chắc rằng: Thiên Chúa, Đấng mà trọn đời chúng ta tôn thờ và yêu mến, luôn luôn là Thiên Chúa của Tình Thương!

Trọng kính,

LM. Micae Trần Mại, CMC
(Giám Tỉnh)
 
Văn Hóa
Vu lan kính mẹ!
Anmai, CSsR
12:59 12/08/2008
Vu lan kính mẹ!

“… Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới
Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ


Với ý mượt mà nhưng đầy chất thực tế Trần Long Ẩn đã gợi lại cho mỗi người chúng ta một thực tại hết sức đau buồn về người mẹ của mỗi người chúng ta. Dẫu biết rằng mỗi mùa xuân sang tôi, vợ chồng tôi, con cái tôi và cả gia đình tôi thật vui đón mừng đón mừng xuân mới nhưng ai oán đâu đó bên dưới của niềm vui xuân mới một nỗi đau khôn tả đó là tôi cũng phải xa mẹ thêm chút nữa. Biết cái ngày đó là cái ngày chẳng ai muốn nó đến nhưng rồi nó lại đến.

Là con cái trong gia đình, đối diện với cái thực tế đau đớn đó ta sống thế nào với Cha mẹ ???

Chuyện buồn trong căn nhà nhỏ ở đường Hồ Đắc Duy - Cố Đô Huế của Đăng Khoa đăng trên Vietcatholic ngày 11 tháng 8 ai đọc xong không khỏi chạnh lòng. Nếu đó là sự thật thì đau quá! Ông bà xưa đã nói: “một mẹ nuôi mười con - mười con không nuôi được một mẹ !”. Hoàn toàn đúng cho trường hợp của ông bà Lựu – Đào. Cụ 90, bà 83 ! Ông bà không phải là vô sinh, ông bà không phải là không có đứa con nào! Ông bà có đến những 9 người con nhưng hầu như tất cả nói không sai sự thật là đều quay lưng với ông bà để ngày mỗi ngày ông cụ 90 tuổi đời vẫn phải nai lưng ra kiếm từng đồng bạc để nuôi vợ, nuôi thân! Cũng chẳng dám trách bầy con của ông bà, chắc có lẽ cuộc đời của họ quá kham khổ để họ không thể lo cho ông bà bữa cháo bữa cơm. Nhưng một vài đứa trong chín đứa thôi chứ chẳng lẽ cả 9 đứa đều phải lao đao với cuộc sống? Và giả như lao đao thì cái tuổi già của ông bà cũng chẳng mong gì hơn cơm cháo qua ngày đoạn tháng.

Nghĩ đến cụ Lựu, cụ Đào tôi lại nhớ đến một gia đình của một nữ tu nọ tận vùng đất đỏ Tây Nguyên. Vào nhà thăm bà cố thì phải nói rằng bà cố may mắn hơn cụ Lựu, cụ Đào về cái khoản vật chất chứ tinh thần thì như một cọng rơm khô bị bỏ rơi giữa đám lúa non mơn mởn. Bà cố năm nay cũng 85 rồi, cũng mệt mỏi, cũng bệnh lên tật xuống chẳng còn sống được bao lâu với con cháu nhưng con cháu cứ luận điệu rằng do công lên việc xuống nên cứ để bà đơn côi. Thậm chí, chỉ có một chuyện đơn giản là chỉ cần có một người cạnh bà để đỡ nâng bà khỏi té thôi nhưng cũng chẳng tìm ra, thi thoảng có đứa cháu rớt tốt nghiệp 12 ngủ với bà như là cho xong bổn phận.

Chào bà cố đi về nhưng lòng tôi nó làm sao đó! Cũng chạnh thương cho vị nữ tu ngoài 50 tuổi - đứa con thân yêu của bà – đã dâng mình cho Chúa. Vị nữ tu ấy cũng đã từng đề nghị với gia đình là thuê một người về chăm sóc mẹ nhưng gia đình không đồng ý. Không phải là không có tiền thuê người giúp nhưng mà họ sợ tai tiếng là không chăm sóc mẹ. Họ có chăng che giấu được cái vỏ bọc bên ngoài nhưng còn lương tâm họ họ đâu có thể che đậy mãi.

Một gia đình quen biết nọ đã dâng hiến một chị, một em cho Chúa để rồi gia đình quá trống trải, cô đơn. Biết rằng chị tư và anh năm của mình đã dâng trọn cuộc đời cho Chúa, biết rằng mình mà lập gia đình thì không còn giờ nhiều để lo cho mẹ nên cô em út đã quên đi cái cõi riêng, cái hạnh phúc của mình để lo cho mẹ. Thời gian thấm thoát qua đi, ngày mỗi ngày mẹ càng thêm tuổi, người em út đấy năm nay cũng đã ngoài năm mươi, tóc đã điểm bạc. Thương mẹ, thương anh, thương chị và có lẽ muốn cộng tác vào đời dâng hiến của anh chị nên cô út chấp nhận sống đời cô đơn để lo cho mẹ.

Cô út lo cho mẹ từng ly từng tý đến độ chỉ cần nhìn ánh mắt của mẹ là hiểu mẹ cần gì, muốn gì. Một lần nọ dùng cơm với gia đình, chị tư - vị nữ tu – cũng tỏ ra chăm sóc cho mẹ khi mẹ đang dùng bữa. Thế nhưng, làm sao quen được với người em của mình, vị nữ tu ấy đã xé miếng thịt gà cho mẹ mà không theo “sớ” của nó làm sao mẹ nuốt được ! Sau những dịp họp mặt gia đình hiếm có đấy, chị tư lại về cộng đoàn, anh năm lại trở vào chủng viện để coi chủng sinh. Chỉ còn lại hình ảnh người mẹ già và người em út đang dìu nhau trong những năm tháng cuối đời của mẹ. Chị tư, anh năm cũng phần nào yên tâm phụng sự Chúa nhờ sự hy sinh vất vả của người em út.

Ai cũng có cha, ai cũng có mẹ nhưng cách hành xử của con cái dành cho cha, dành cho mẹ tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người. Có người sẽ xử với cha mẹ mình như con cái của cụ Lựu, cụ Đào, bà cố của sơ nọ vùng Tây Nguyên, có người sẽ xử như cô em út kia có anh và chị quảng đại dâng hiến đời mình cho Chúa.

Mỗi mùa xuân về, mỗi mùa vu lan đến nhắc nhở cho chúng ta về tình cha, nghĩa mẹ!

Chắc chắn một điều mà không ai phủ nhận được như Trương Quang Lục bộc bạch, đó là:

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao
Trên đồng xa có muôn ngàn cây lúa
Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca
Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời
.

Vâng ! Cha và mẹ, chỉ có một trên đời chứ không thể nào có hai cha và hai mẹ ruột của ta được. Vì rằng chỉ có một và một mà thôi nên phận làm con, ta hãy sống sao cho đúng cái chữ đạo, chữ hiếu của con người, cách riêng người Việt Nam.

Đến đây tôi chợt nhớ chuyện “chiếc gáo dừa” tôi học từ ngày còn bé rất thâm thúy và thực tế. Con cái đối xử với cha mẹ mình thế nào thì sau này con cái của mình cũng sẽ đối xử với mình như vậy thôi. Và sách Huấn Ca đã từng nói với mỗi người chúng ta: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho cha mẹ an lòng” (Hc 3,3-6).

Một lần nữa, mùa Vu Lan – Mùa Báo Hiếu lại về mở ra cho mỗi người chúng ta về việc thờ cha kính mẹ của mỗi người chúng ta. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi cách thức hãy làm đẹp lòng cha, vui lòng mẹ khi cha mẹ còn sống vì nếu không khi cha mẹ mất rồi ta có muốn bù đắp gì cho cha mẹ đều nằm ngoài tay với !
 
Olympic Bắc Kinh 2008: Bao giờ?
Nguyễn Trung Tây, SVD
23:56 12/08/2008

Olympic Bắc Kinh 2008: Bao giờ?

Từ hôm thứ Sáu, 8 tháng 8 của Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh cho tới bây giờ, trong nhà dòng của tôi, chủ đề Olympics bỗng dưng trở thành một đề tài khá nóng bỏng trong những bữa ăn. Đặc biệt, cộng đồng dòng tu Úc Đại Lợi của tôi lại rất quốc tế, Nam Hàn có, Nam Dương có, Việt Nam nè, rồi Fuji, Tonga, Phi Luật Tân, Ba Lan, Anh, Hòa Lan, Mỹ, đủ mặt, đủ các sắc dân. Sáng sáng sau thánh lễ sáng, chúng tôi ngồi đếm xem coi Úc Đại Lợi tổng cộng đã đạt được mấy huy chương vàng, bạc và đồng đang là con số mấy? Bắc Kinh giờ vẫn đang đứng đầu bảng chứ? Rồi chúng tôi lại bắt đầu điểm danh các nước khác, Mỹ thì sao? Michael Phelps với giấc mơ đoạt tám huy chương vàng của môn bơi lội giờ đã cầm trong tay mấy cái huy chương rồi? Nam Hàn thì sao? Sau Nam Hàn, các đôi mắt đổ vào nhìn các cha các thầy người Anh, Hòa Lan, Nam Dương, Fuji, Tonga, Ba Lan, rồi tới phiên tôi cũng được chiếu cố. Nhưng tự nhiên mấy chục con mắt khựng lại, rồi cũng có người hỏi,

— Việt Nam đã đạt được huy chương vàng nào rồi?

Tôi ngớ ngẩn ra, bởi vì đã có huy chương vàng nào đâu… Nhưng thật may có hai người nhào vào cứu nguy. Một ông thầy Fuji nói to,

— Việt Nam cũng đạt được một huy chương rồi, một cái bạc.

Ông thầy Nam Hàn thì nói,

— Cha đâu phải Việt Nam, cha ở bên Mỹ mà. Mỹ hôm nay xếp hạng hai, trên cả Nam Hàn rồi.

Cha bề trên người Phi Luật Tân thì ngậm ngùi,

— Nước Phi cũng đã nhận được huy chương nào đâu.

Rồi ngài nói luôn,

— Ưu tiên hàng đầu của Phi Luật Tân vẫn là miếng cơm manh áo. Cơm thì còn chưa có, nói chi tới thể thao…

Thế ư, câu nói của cha bề trên thật là chí lý, bởi người Việt Nam mình vẫn cứ nói, “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Người nhà giàu thì mới để ý đến vấn đề nhân quyền, người nhà nghèo thì chép miệng, “Thật đúng là dỗi hơi! Cơm chưa có mà đổ vào lỗ miệng kia kìa…”. Chẳng thế mà bàn về cùng một vấn đề, Cô dâu và Công nhân Đài Loan, nhà dòng Úc Châu thì lúc nào cũng khuyến khích tôi, còn người Việt Nam qua một vài lần tiếp xúc tại quê hương thì mỉm cười nói nửa đùa nửa thật, “Cũng chỉ là một vấn đề di dân mà thôi”.

Thế ư?

Hồi mới tới Úc, tôi được tham dự một khóa học Cultural Orientation giới thiệu văn hóa và phong tục nước Úc. Vào ngày cuối cùng của khóa học hai tuần, tôi học về những môn thể thao của Úc. Ông hướng dẫn viên buổi học người Úc gốc tây cho biết, phong trào thể thao của Úc cũng chỉ mới phát triển gần đây thôi, đặc biệt là sau Đại hội Olympics Moscow năm 1980. Lần đó, phái đoàn thể thao của Úc chỉ đoạt được tổng cộng tất cả là 9 huy chương, 2 vàng, 2 bạc, và 5 đồng. 7 trong tổng số 9 huy chương này là của môn bơi lội. Moscow 1980, Úc Châu xếp hạng khiêm nhường thứ 15.

Sau lần thất bại nặng nề đó, chính phủ Úc mở ra nhiều trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc. Chưa hết, giữa các khu phố với nhau, chính quyền địa phương còn mở ra nhiều trung tâm thể thao tại nhiều góc phố để thanh niên và giới hâm mộ thể thao có phương tiện học hỏi và rèn luyện thêm về thể thao. Trung tâm thể thao Aquatic của Box Hill nơi tôi cư ngụ, ngày nào cũng tấp nập người ra người vào đông như kiến. Kẻ bơi dưới hồ, người chạy trên máy. Đặc biệt nhất, hồ bơi rộng lớn của trung tâm lúc nào cũng đông nghẹt trẻ em bé tí ti nhưng đã được bố mẹ mang tới hồ bơi tập tành để làm quen với nước và để học bơi lội.

Cứ thế! Và cũng bởi Úc là một trong những cường quốc của thế giới, đời sống kinh tế rất cao, thiếu nhi và thanh niên của quốc gia này ngày ngày đứng đợi xe bus chở tới trường đi học, chiều về chơi banh, đi bơi, quật tennis, chơi foofball.

Cứ thế, làm chi phong trào thể thao toàn quốc không lên cao. Để rồi vào năm 2000, đại hội Olympics Sydney, Úc Đại Lợi rực rỡ hạng tư với 58 huy chương, 16 vàng, 25 bạc, và 17 đồng, sau Bắc Kinh hạng ba, Nga hạng hai, và Mỹ nhất bảng.

Tới ngày hôm nay, thứ Tư, 13 tháng 8, Úc hạng năm với 10 huy chương, 3 vàng, 2 bạc, và 5 đồng.

Việt Nam tham gia Thế Vận Hội lần đầu vào năm 1952. Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa năm đó về nhà tay trắng.

Năm 1980, Thế Vận Hội Moscow tại Liên Bang Sô Viết, Việt Nam không đạt được một huy chương nào.

Năm 1988, Thế Vận Hội Seoul tại Đại Hàn, Việt Nam vẫn thế.

Năm 1992, Thế Vận Hội Barcelona tại Tây Ban Nha, Việt Nam vẫn tiếp tục khiêm nhường với không một huy chương.

Năm 1996, Thế Vận Hội Atlanta tại Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn tay trắng.

Vào năm 2000, Thế Vận Hội Sydney tại Úc, Việt Nam đạt được 1 huy chương bạc của môn Taekwondo.

Vào năm 2004, Thế Vận Hội Athens tại Hy Lạp, Việt Nam vẫn cứ nghèo với huy chương.

Vào năm 2008, Thế Vận Hội Bắc Kinh tại Trung Hoa, tính tới ngày hôm nay, thứ Tư, 13 tháng 8, Việt Nam đoạt được một huy chương bạc môn cử tạ.

Ngồi nhẩm tính làm toán giữa hai quốc gia, Úc Đại Lợi và Việt Nam, tự nhiên cảm thấy buồn buồn.

Tôi tham dự Đại Hội Giới Trẻ với tất cả rộn ràng và khí thế đã được tạo nên bởi những sinh hoạt thuần túy tôn giáo trong suốt một tuần lễ, cộng với đêm Canh Thức với 125 ngàn người ngủ tại sân đua ngựa Randwick và đoàn hành hương 500 ngàn người vai sát vai trong một thánh lễ dài ba tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật kết thúc. Về tới nhà, tụi tôi hỏi nhau,

— Bao giờ tới phiên Việt Nam tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nhỉ?

Tự nhiên tôi nhớ tới lời phát biểu của một em thanh niên địa phận Huế trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe vào năm 2005. Lần đó, em nói với Đức Hồng Ý,

— Con nhờ Đức Hồng Y nói với Đức Giáo Hoàng để Ngài sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ tại Việt Nam.

Thông minh quá! Hay quá! Một câu nói khéo, thật là hay. Nhưng vẫn lại là câu hỏi bao giờ?

Bao giờ?

Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008 vừa qua, tôi gặp phái đoàn hành hương Nam Hàn đông đảo cầm cao cờ Nam Hàn ngạo nghễ chen vai với các bạn trẻ của quốc tế. Nam Hàn tính cho tới ngày hôm nay và giây phút này, đang đứng hạng ba trong bảng, với 12 huy chương, 5 vàng, 6 bạc, và 1 đồng. Nam Hàn của Đại Hội Olympics 1988 vẫn rực rỡ hãnh diện vươn cao trong Thế Vận Hội 2008.

Tháng Mười năm 2005, tôi có cơ hội đi qua đất Medjugorje hai tuần lễ cầu nguyện cùng với phái đoàn hành hương của đài Radio Giờ Của Mẹ. Tới đâu cũng vậy, từ nhà thờ cho tới đồi Thánh Giá cao ngất trời, kéo xuống ngọn đồi đá nơi Đức Mẹ hiện ra, tôi thường xuyên gặp phái đoàn Đại Hàn xuất hiện đông đảo quấn khăn trên cổ, tay cầm tràng hạt sốt sắng cầu nguyện, ánh mắt ngẩng cao nhìn người dân bản xứ Bosnia và dân hành hương của tứ xứ.

Vào tháng Mười Hai năm 2007 vừa qua, tôi có dịp tham gia một khóa học Kinh Thánh tại Do Thái. Lớp học của tôi trong vòng một tháng đi khắp nơi, từ Bắc Galilee kéo dọc theo dòng sông Jordan đi tới Biển Chết, rồi về lại kinh thành Jerusalem. Đi tới đâu tôi cũng thấy phái đoàn hành hương với mấy xe bus cầm cờ Nam Hàn dương cao. Người Nam Hàn đấy, cũng vẫn với dáng đứng thẳng băng nhìn vào đôi mắt của người tứ xứ kéo về đất Do Thái.

Câu hỏi “Bao giờ?” của tôi, Nam Hàn đã trả lời vào năm 1988 với Thế Vận Hội Seoul, qua một lần tôi gặp họ năm 2005 tại Medjugorje và năm 2007 tại Do Thái. Người Nam Hàn tiếp tục trả lời câu hỏi “Bao giờ?” qua một tuần Đại Hội Giới Trẻ Sydney tháng 7 năm 2008 rộn ràng với rừng cờ Nam Hàn ngạo nghễ tung bay trên khắp các nẻo đường Sydney. Và bây giờ của ngày hôm nay với hạng ba trong bảng vàng của Olympics Beijing 2008.

Cứ thế, tôi vẫn cứ lẩn thẩn đi ra đi vào tự hỏi,

— Còn mình thì tới bao giờ nhỉ?

Một người anh lớn nói với tôi,

— Cái phận nhược tiểu thì nó như vậy đấy?

Tôi cự nự,

— Chán anh bỏ xừ!

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hưu
Lê Trị
00:17 12/08/2008

HƯU



Ảnh của Lê Trị

Nhớ ngày nào dọc ngang đây đó

Nay về già đội gió gội mưa

Ngẫm chuyện thuở xưa, thoáng ngậm ngùi!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền