Ngày 10-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/8: Lời ngọt thì lọt đến xương. Linh mục Giuse Vũ Hải Đăng, SDĐ. Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
01:40 10/08/2021

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 10/08/2021

15. Không nên dựa vào sức mình nhưng phải nương dựa vào Thiên Chúa, bởi vì nếu con cậy vào mình thì linh hồn con sẽ buồn phiền bất an, bởi vì nó chưa tìm được lý do để giữ mình.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:49 10/08/2021
22. NGƯỜI COI TƯỚNG HIẾM THẤY

Cố Hạc Minh có sở trường là coi tướng, tất cả lời ông ta nói đều ứng nghiệm, cho nên mọi người gọi ông ta coi tướng giống như thần tiên.

Một lần nọ, có tên vô loại là Đào Ký đến yêu cầu ông ta coi tướng, Cố Hạc Minh nói hắn ta trên mặt có tướng “sát văn”, nội trong ba ngày thì có nạn bị tù tội, bởi vì lời nói quá thẳng thắn làm cho Đào Ký kích động, nên hắn ta dùng hết sức đánh cho Cố Hạc Minh một đấm, nào ngờ ra tay quá mạnh lại đánh trúng chổ hiểm nên Cố Hạc Minh chết tại chổ, do đó Đào Kỳ bị bắt bỏ tù.

Mọi người đều tán dương Cố Hạc Minh coi tướng thật thần kỳ, nhưng cũng trách ông ta là chỉ tinh thông coi tướng người khác, nhưng lại không thể coi tướng cho mình, đáng tiếc thật !

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 22:

Con người ta ai cũng thích coi tướng số để biết vận mạng tương lai của mình, nhưng chuyện vận mạng tương lai không ở trong tay con người, mà là trong tay Thiên Chúa; cuộc đời con người có thể xuất hiện trên khuôn mặt, màu sắc, ngôn hành.v.v…nhưng quyết định ngày giờ để ứng nghiệm điềm tốt xấu lành dữ là ở nơi Thiên Chúa.

Định mệnh và cuộc sống tốt đẹp của con người đều do tâm mà ra chứ không phải do tướng mạo, cho nên tâm là gốc mà tướng mạo là ngọn, gốc tốt thì ngọn vững, gốc xấu thì ngọn lung lay.

Gốc của người Ki-tô hữu là một cái tâm đầy yêu thương, không yêu thương thì không có phục vụ, không yêu thương thì không có tương thân tương ái, không có hòa bình.

Tướng mạo của người Ki-tô hữu đều bộc phát ra bên ngoài việc làm bác ái của họ, cứ nhìn đó mà biết họ là người như thế nào…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Được lại cả đồng lúa
Lm. Minh Anh
05:19 10/08/2021
ĐƯỢC LẠI CẢ ĐỒNG LÚA
“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”.

Thánh Laurensô Giáo Hội kính nhớ hôm nay, tử đạo vào thế kỷ thứ 3. Vị thánh vĩ đại này đã từ bỏ mọi sự theo đúng nghĩa đen, kể cả mạng sống mình. Là phó tế nhà thờ Chính toà Rôma, ngài lo việc bác ái. Tháng 8 năm 258, hoàng đế ra sắc chỉ xử tử tất cả các giáo sĩ. Sau khi giết Giáo hoàng Sixtô II, họ bắt Laurensô; trước khi giết, họ buộc ngài giao mọi tài sản của Giáo Hội trong ba ngày. Thế nhưng, Laurensô đã phân phát tất cả cho người nghèo. Ngày thứ ba, trình diện tổng trấn, Laurensô mang theo không phải của cải vật chất mà là của cải thật; đó là những kẻ nghèo, khổ đau, tàn tật và đui mù. Ngài tuyên bố, Giáo Hội thực sự giàu có và người nghèo là ‘kho báu’ đích thực của Giáo Hội. Tức giận, quan tuyên án tử hình bằng lửa, Laurensô vui lòng lãnh phúc tử đạo.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình ở đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”. Đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ và gây sốc của Chúa Giêsu mà cả bốn Tin Mừng đều ghi nhận. Gioan sử dụng cụm từ “yêu” và “ghét”; Chúa Giêsu là hạt lúa đã “ghét” mạng sống mình, để về sau, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’.

Bằng cách yêu cuộc sống mình, chúng ta đánh mất chúng; nhưng bằng cách ghét cuộc sống mình, chúng ta bảo tồn chúng. Thoạt đầu, người ta có thể nghĩ, “yêu” và “ghét” ở đây đã vô tình bị đảo ngược; họ có thể kết luận, điều Chúa Giêsu muốn nói là, “Ai ghét sự sống mình, sẽ mất nó”; và “Ai yêu sự sống mình, sẽ giữ được nó!”. Nhưng đó không phải là những gì Chúa Giêsu nói; thực tế, Ngài đã nói điều ngược lại! “Yêu” và “ghét” ở đây không được hiểu theo cách bình thường. Ngài sử dụng từ “yêu” để chỉ sự ích kỷ hoặc tự cho mình là trung tâm; “ghét” để chỉ lòng vị tha hay quên mình. Nói cách khác, ai ích kỷ, cuối cùng, sẽ mất tất cả; nhưng ai thực sự vị tha và xả thân cho tha nhân, cuối cùng, sẽ đạt được tất cả. Như hạt lúa chịu mục nát để ‘được lại cả đồng lúa’ vậy!

Giáo huấn sâu sắc này của Chúa Giêsu sẽ thật khó hiểu nếu chúng ta không được dạy dỗ bởi ân sủng của Thánh Thần. Đành rằng, sống vị tha là tốt, nhưng lý trí lại cho biết, trước hết và tốt hơn hết là phải nâng cao bản thân; lý trí có thể kết luận, hạnh phúc được tìm thấy khi được giàu có, địa vị, quyền lực và sự tôn trọng. Thế nhưng, hình thức sống ích kỷ, lấy mình làm trung tâm này, dẫu hấp dẫn ở mức độ thuần tuý của con người, thực ra lại là ‘con đường phá sản’ tất cả những gì thực sự tốt đẹp.

Ngược lại, khi chúng ta cho phép ân sủng Thánh Thần mách bảo cho lý trí biết rằng, sống vị tha mới là điều tốt nhất, thì bao điều tốt lành sẽ đến. Sống vị tha có nghĩa là đôi mắt chúng ta luôn hướng về điều lành cho người khác; là hoàn toàn cam kết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân bất kể giá nào. Cho đi mọi sự trong phục vụ và yêu thương, đó là cách duy nhất để Ngài ban lại cho chúng ta nhiều hơn những gì có thể hy vọng. Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Ngài có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các việc lành phúc đức”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình reo lên, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Hãy làm như Chúa Giêsu, trở thành hạt lúa mục nát, gieo vào lòng đời, để ‘được lại cả đồng lúa!’.

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không yêu bản thân mình. Thế nhưng, yêu cách nào, đó là điều Tin Mừng hôm nay muốn nói. Là con người, Chúa Giêsu cũng yêu mình; thế nhưng, Ngài đã chọn “ghét” mạng sống, trở nên hạt lúa mục nát trong không gian, thời gian và luật lệ thế trần. Nhờ đó, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’ Nước Trời. Noi gương Thầy Chí Thánh, Laurensô đã “ghét” bản thân, trở nên bánh hiến tế trên lò lửa yêu mến hầu mang lại một mùa gặt bội thu cho Giáo Hội. Bước theo Chúa Giêsu như thánh Laurensô, chúng ta được mời gọi trở nên hạt giống mục nát, mang các linh hồn về cho Chúa, bằng cách ghét những gì mà thân xác dung dưỡng, bản thân ky cóp. Khi nghĩ đến người khác, biết cho cách vui lòng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa yêu thương và ban thưởng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con không chỉ mở lòng đón nhận bao quà tặng nhưng không của Chúa, mà còn bắt chước cuộc sống vị tha của Ngài, bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và anh em. Lạy thánh Laurensô, ngài đã ‘được lại cả đồng lúa’, xin cầu bàu cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ân Huệ Nhưng Không
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:28 10/08/2021
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ân Huệ “Nhưng Không”

Dự án “Thương quá Sài Gòn ơi” của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao 24.000 “Tấm vé nghĩa tình” với tổng giá trị 8 tỷ đồng cho người lao động khó khăn, người nghèo khổ trong đại dịch Covid-19 tại hơn 10 Quận / Huyện trên địa bàn Sài gòn thông qua chương trình Siêu Thị Mini 0 đồng. Mỗi ngày STMN 0 đồng phục vụ cho 200 người có phiếu. Mỗi người được tự do lựa chọn các sản phẩm mình thích trong số hơn 30 mặt hàng thiết yếu đã được các nhân viên đặt trên kệ hàng…(x.tgpsaigon.net).

Giữa bao khó khăn của những ngày đại dịch, đã xuất hiện nhiều siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng… âm thầm hoạt động, nhằm trợ giúp đồng bào đang thiếu thốn hay đang về quê được ấm lòng. Trước kia, mọi thứ đều phải mua bằng tiền. Nhưng nay, có nhiều thứ không mang giá trị của đồng tiền mà là giá trị của tình thương, nghĩa đồng bào.

Có thể nói, những cái 0 đồng ấy là ân huệ “nhưng không” của đồng bào trao tặng nhau. Cho đi mà không cần báo đáp. Cho đi chỉ vì yêu thương. Đơn giản thế thôi mà nghĩa tình thật cao cả.

“Nhưng không” là từ ngữ nhà Đạo.Theo Từ điển Công Giáo: nhưng không là không có chi cả, vô điều kiện. Tính nhưng không là đặc tính của việc Thiên Chúa ban ân huệ cho con người một cách vô điều kiện mà không đòi một sự báo đáp. Việc tạo dựng từ hư vô, được sinh ra làm người là những ơn hoàn toàn nhưng không (x.GLHTCG 338). Thiên Chúa cứu rỗi con người cũng hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Ngài (x.GLHTCG 218;1699). Tính nhưng không đó được biểu lộ cách đặc biệt trong Bí tích Thánh tẩy cho trẻ em (x.GLHTCG 1250).Trong trường hợp này, các trẻ nhỏ vốn chưa có thể tự mình lựa chọn, vẫn có thể nhận được ơn cứu rỗi. Thiên Chúa còn ban cách nhưng không vinh phúc vĩnh cửu, làm cho con người “được ‘thông phần bản tính Thiên Chúa’ (2Pr 1,4) và sự sống muôn đời” (GLHTCG 1721).

Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa ban những “Ân huệ nhưng không” qua bốn đặc ân hồng phúc: Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trinh Khiết Trọn Đời, Hồn Xác Lên Trời. Những hồng phúc này không do công lao Mẹ lập được, mà do tình thương của Thiên Chúa: “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,48-49). Bốn hồng phúc này liên kết với nhau. Vì sinh Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Mẹ Maria được làm Mẹ Thiên Chúa. Địa vị cao trọng ấy xứng đáng để Mẹ được Thiên Chúa giữ gìn, hồn không vương nguyên tội, xác trinh khiết vẹn toàn. Và khi kết thúc cuộc sống trần gian, Mẹ được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Thiên Quốc.

Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave. Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do thái. Hàng ngày Đức Mẹ cầu nguyện với Thánh Vịnh.

Những lời ngợi ca Magnificat nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn này lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Trong kỹ thuật hàng không, máy bay cần có 3 thông số quan trọng: bộ phận định hướng tốt, làm nhẹ thân tàu và tăng cường sức đẩy động cơ. Mẹ về Trời, đó là định hướng cho mỗi người theo Mẹ. Càng nhẹ nhàng khi trút bỏ cồng kềnh vật chất, mỗi người sẽ thênh thang cuộc sống nhẹ bay lên cao trong đời sống thiêng liêng. Mỗi tín hữu cần trang bị đời mình qua việc đón nhận hồng ân và cộng tác tích cực sống đạo hạnh, như thế sức đẩy động cơ sẽ mạnh lên. Thực hiện 3 thông số ấy, mọi người sẽ gặp gỡ nhau trên quê hương vĩnh phúc với Mẹ Đầy Ơn Phúc.

Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau này cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).

Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng, có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở; với niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, tin yêu phó thác nơi lòng thương xót Chúa.



Hôm nay mừng Mẹ Lên Trời

Ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.
 
Maria diễm phúc hơn mọi người nữ
Lm. Đan Vinh
05:38 10/08/2021
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI (15/08)
Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; 1 Cr 15,20-26; Lc 1,39-56
MA-RI-A DIỄM PHÚC HƠN MỌI NGƯỜI NỮ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,39-56
(39) Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.(46) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (48) Phận tỳ nữ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! (50). Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngươi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.(53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (54) Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. (56) Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng gồm ba phần như sau: Phần I (39-40): Đức Ma-ri-a vội vã lên đường thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét. Hai bà mẹ đều được chúc phúc vì đã quảng đại đáp lời mời cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phần II (41-46a): Thai nhi Gio-an trong dạ mẹ đã hân hoan nhảy mừng đón Thai Nhi Giê-su đến ban ơn cứu độ. Phần III (46b-56): Đức Ma-ri-a dâng lời kinh Ma-nhi-phi-cát ca ngợi tình thương cứu độ của Đức Chúa.

3. CHÚ THÍCH:
- C 39: + Lên đường vội vã: Chỉ một thời gian ngắn sau biến cố Truyền tin, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (hay cũng gọi là I-sa-ve), mà sứ thần đã cho biết bà mới có thai được 6 tháng. Bà này đã chịu tủi hổ trước mặt người đời, vì bị son sẻ không con. + Đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa: Thành mà Đức Ma-ri-a định tới là một trong mười một địa hạt miền Giu-đê. Nhiếu người nghĩ đó là A-in Ka-rim, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem 6 cây số về phía Tây. Con đừong từ Na-da-rét đến A-in Ka-rim dài 150 cây số.
- C 40-41: + bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét: Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ chính là cơ hội để thai nhi Giê-su gặp gỡ thai nhi Gio-an là tiền hô của Người. + Đứa con trong bụng nhảy lên: Gio-an Tẩy Giả bắt đầu sứ vụ ngôn sứ bằng động tác nhảy mừng trước Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang ẩn mình trong dạ mẹ, giống như vua Đa-vít xưa đã nhảy mừng khi ra đón Hòm Bia Giao Ước. Truyền thống coi sự kiện này là dấu hiệu Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. + Bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã tác động khiến bà Ê-li-sa-bét nhận biết cô em họ Ma-ria đang mang Đấng Mê-si-a đến viếng thăm nhà mình.
- C 42-44: + Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc: Bà Ê-li-sa-bét ca tụng Ma-ri-a diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì thai nhi trong lòng Ma-ri-a là Đấng được Thiên Chúa chúc phúc. + Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?: “Chúa tôi” ở đây là danh xưng của Đấng Mê-si-a. Nhờ được Thần Khí tác động mà bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra Chúa của mình là Thai nhi mà cô em Ma-ri-a đang cưu mang. Danh xưng Đức Giê-su là “Chúa” được Tin Mừng Lu-ca sử dụng đến 40 lần. + Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng: Ê-li-sa-bét chia sẻ cho Ma-ri-a sự lạ mà bà vừa cảm nghiệm. Đó cũng là lý do khiến bà nhận biết Đức Ma-ri-a đang cưu mang Thai Nhi Cứu Thế.
- C 45: + Em thật có phúc, vì đã tin: Ma-ri-a đã tin vào những lời Chúa phán với mình khi sứ thần truyền tin sẽ được thực hiện, và trở thành người tín hữu đầu tiên của thời Tân Ước. Ngược lại với ông Da-ca-ri-a chồng bà vì không tin và đòi thấy dấu lạ, nên đã bị câm cho đến khi các điều sứ thần nói xảy ra (x. Lc 1,20).
- C 46-50: +“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa: Sau khi nghe bà Ê-li-sa-bét khen là có phúc, Ma-ri-a đã quy hướng lời ca khen đó về cho Thiên Chúa trong bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat). Bài này mô phỏng theo bài ca mà bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-en, sau khi được Đức Chúa cho sinh con trai và mang đứa trẻ lên Đền Thờ tại Si-lô thời Tư tế Ê-li, để thánh hiến dâng cho Đức Chúa (x. 1 Sm 2,1-10). Kinh này nhấn mạnh hai đìều: Một là người nghèo hèn bé mọn được Chúa bênh vực (x. Xp 2,3; Mt 5,3); Hai là dân Ít-ra-en được Chúa tuyển chọn và yêu thương (x. Đnl 7,6). Đức Ma-ri-a đã hát lên bài ca này để bày tỏ lòng tri ân của mình (cc 46-49) và của toàn dân It-ra-en (cc 50-55), vì nay đã đến thời điểm lời hứa cứu độ của Đức Chúa được thực hiện.
- C 51-55: + Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh: Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực người hèn yếu (x. Tv 118,15-16). + Vì Người nhớ lại lòng thương xót: Cựu Ước thường ghi là “Thiên Chúa nhớ lại” để diễn tả việc Người luôn trung thành với lời hứa và thi hành những lời Ngừơi đã phán qua các ngôn sứ (x. St 8,1; 9,15; Xh 2,24). Lu-ca cũng không quên ghi lại lời chúc tụng như bài ca của Da-ca-ri-a trước đó: “Người nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).
- C 56: + Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng: Ở lại để giúp đỡ bà chị Ê-li-sa-bét, làm các việc nhà thay cho bà trong thời kỳ cuối trước khi bà sinh con. Nhưng Đức Ma-ri-a chỉ phục vụ đúng mức mà thôi. + rồi trở về nhà: Một tuần sau ngày bà Ê-li-sa-bét sinh nở, sau khi con trẻ được đặt tên và chịu phép Cắt Bì để được gia nhập vào dân Ít-ra-en, thì Đức Ma-ri-a đã trở về quê nhà là thành Na-da-rét.

4. CÂU HỎI:
1) Lý do nào khiến Đức Ma-ri-a vội vã lên đường viếng thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét?
2) Truyền thống Công Giáo khẳng định Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền từ lúc nào?
3) Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã gọi Đức Ma-ri-a bằng tước hiệu gì?
4) Tại sao bà Ê-li-sa-bét khen Đức Ma-ri-a diễm phúc, khác với ông Gia-ca-ri-a chồng bà?
5) Bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat) có nguồn gốc thế nào trong Cựu Ước và nội dung gồm những gì?
6) Đức Ma-ri-a ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét bao lâu và để làm gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:
Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (41-42a),… và: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (45). Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (46).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỨC MA-RI-A HÒM BIA CỦA GIAO ƯỚC MỚI:
+ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA HÒM BIA GIAO ƯỚC: Hòm bia hay Khám Giao Ước là một chiếc thùng được làm bằng gỗ keo hình chữ nhật, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. Được dát bằng vàng ròng cả trong lẫn ngoài (x. Xh 37, 1-2). Bên trong chứa đựng hai tấm bia ghi Mười điều răn do chính Thiên Chúa viết và ban cho dân It-ra-en qua trung gian của Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 20,1-17; Đnl 5,2-21). Về sau Mô-sê còn viết sách Luật và truyền đặt bên cạnh Hòm Bia (x. Đnl 31,24-27). Trên Hòm Bia có một cái nắp đậy được gọi là Nắp Xá Tội. Hai bên đầu nắp có hai bức tượng thần hộ giá (Kê-ru-bim) bằng vàng gò đặt đối diện nhau và cùng cúi mặt xuống nắp. Hai tượng này có cánh giương lên và phủ trên nắp (x. Xh 25,18-20). Chính nơi Hòm Bia này mà Đức Chúa hiện ra nói chuyện với dân Người và đáp lại lời họ kêu xin (x. Xh 25,22; 1 Sm 4,4). Trong cuộc hành trình qua sa mạc, Hòm Bia Giao Ước luôn được khiêng đi trước dẫn đường cho dân Ít-ra-en. Vua Đa-vít đã đem cả Hòm Bia Giao Ước lẫn Lều Thánh về Giê-ru-sa-lem và làm cho thành này trở thành trung tâm của Vương quốc cả về chính trị lẫn tôn giáo. Vua Sa-lô-môn đã đặt Hòm Bia Giao Ước vào nơi Cực Thánh của Đền Thờ sau khi xây dựng xong. Đối với nhà vua cũng như toàn dân, Hòm Bia Giao Ước mang ý nghĩa lãnh đạo và che chở, đồng thời cũng là lời khuyến cáo phải sống theo thánh ý Thiên Chúa đang ngự giữa dân Người. Sau khi đế quốc Ba-by-lon tàn phá Đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 587 trước Công Nguyên, họ cũng phá hủy cả Hòm Bia Giao Ước. Từ đó tất cả ý nghĩa của Hòm Bia Giao Ước đều chuyển sang Đền Thờ thứ hai và thành thánh Giê-ru-sa-lem, được coi là ngai tòa và là bệ chân của Thiên Chúa.

+ ĐỨC MA-RI-A, HÒM BIA CỦA GIAO ƯỚC MỚI: Trong Tân Ước, Đức Ma-ri-a được công nhận là nơi Thiên Chúa cư ngụ, giống như Hòm Bia của Giao Ươc mới. Nơi Đức Ma-ri-a, quyền năng của Thiên Chúa đã được tỏ hiện, đúng như sứ thần đã nói với Người: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1,35). Thực vậy, vinh quang Thiên Chúa đã bao phủ trên Ma-ri-a giống như cột mây cột lửa đã rợp bóng trên dân It-ra-en để bang trợ, phù giúp dân vượt qua biển Đỏ về miền Đất Hứa (x. Xh 14,19-20). Trong biến cố Truyền tin, ngay sau lời thưa “Vâng” của Người, Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Ma-ri-a thụ thai mà vẫn còn trinh khiết, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập vào Thai nhi ấy, trở thành người có xác có hồn giống như chúng ta (x. Lc 1,38), ngoại trừ không có tội. Đó là Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Tóm lại, Đức Ma-ri-a cũng đựơc ví như Hòm Bia của Giao Ước Mới, nơi mà “Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga 1,14), và Đức Giê-su trở thành Đấng “Em-ma-nu-en” Nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Đức Ma-ri-a là Mẹ cưu mang Hài Nhi Giê-su trong lòng, nên Người cũng được ví như Hòm Bia Thiên Chúa.

2) MẸ LUÔN CỨU GIÚP NHỮNG AI TIN CẬY KÊU CẦU:

ĐU-LỚT HAI-ĐƠ (Douglas Hyde) vốn là một người vô tín và thù ghét đạo Công giáo. Ông là chủ bút một tờ báo lớn ở nước Anh. Với tư cách là chủ bút, ông nghiên cứu về Giáo hội để viết những bài phê bình chống đối gay gắt. Tuy nhiên một điều lạ lùng đã xảy ra, là ông càng nghiên cứu về giáo lý bao nhiêu, thì tâm trí ông lại càng thêm tin tưởng vào các chân lý ấy bấy nhiêu. Tuy vậy ông vẫn chưa quyết định dứt khóat tin theo đạo ngay.
Một hôm, trên đường từ nhà đến tòa soạn ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, lúc xe lửa đến trạm dừng, Đu-Lớt thấy tấm biển ghi “Nhà thờ Công giáo” ở bên đường, ông liền thử vào bên trong nhà thờ xem sao. Ông ngồi vào hàng ghế ở cuối nhà thờ và rồi thắc mắc tại sao mình lại có mặt ở đây? Bấy giờ ông thấy một cô gái bước vào nhà thờ, nét mặt âu lo buồn khổ. Cô ta đi thẳng đến trước tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên trái cung thánh nhà thờ và quỳ dưới hình Đức Mẹ một hồi lâu. Sau đó, cô đứng dậy đi xuống cuối và ra khỏi nhà thờ. Khi cô đi ngang, Đu-lớt nhận thấy nét mặt của cô ta đã bình thản trở lại chứ không còn lo âu sầu não như khi mới bước vào nhà thờ.
Ngay lúc đó Đu-lớt quyết định thử làm theo cô gái là cũng đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ. Sau này ông đã viết trong cuốn “tôi tin” (I believed) như sau: “Tôi không biết người ta đã cầu nguyện với Đức Mẹ thế nào? Cuối cùng tôi nghe thấy chính mình sắp nói ra một điều gì đó thích hợp. Tuy nhiên khi bắt đầu thốt ra thì tôi lại thấy lời đó có vẻ kỳ cục làm sao ! Nhưng điều này không quan trọng gì. Tôi biết rõ là sự tìm kiếm bấy lâu nay của tôi đã đạt tới đích… Lúc ra khỏi nhà thờ, tôi cố gắng hồi tưởng lại những gì tôi nói và hầu như tôi bật cười khi nhớ lại những lời ấy. Chúng giống hệt những lời ngân lên trong một điệu khiêu vũ !” Cuối cùng Đu-lớt đã đạt tới đức tin vào Chúa Giê-su nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

3) NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ ĐẶC ÂN HỒN XÁC LÊN TRỜI CỦA ĐỨC MA-RI-A:

Ngoài truyền thống hay Thánh Truyền là ký ức tông truyền, Giáo Hội còn dựa trên một số đoạn Thánh Kinh cho thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết rất mật thiết với Con Mình và luôn chia sẻ tất cả thân phận của con, để xác tín đặc ân Hồn Xác Lên Trời của Mẹ:
+ “Dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,14-15): Câu này có ba cách hiểu: Một là “Sự chiến thắng của dòng giống người đàn bà trên dòng giống con rắn” (Bản văn tiếng Do Thái). Hai là “Người đàn bà sẽ đạp lên đầu mi” (Bản văn tiếng La Tinh), khẳng định vai trò của Mẹ Đấng Mê-si-a trên con rắn hỏa ngục là ma quỷ (x. Kh 12,13.17). Ba là “Người đó sẽ đánh vào đầu mi” (Bản văn Bảy mươi tiếng Hy Lạp), được hiểu là Đức Giê-su, Đấng sẽ chiến thắng con rắn ma quỷ.
+ “Đấng đầy ân sủng, luôn được Thiên Chúa ở cùng” (x. Lc 1,28): Đầy ơn phúc và luôn có Chúa tức là hoàn toàn trong sạch thánh thiện, nên Người không phải chết như loài người chúng ta. “Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31): Đức Ma-ri-a được chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng sẽ thay vua Đa-vít cai trị Ít-ra-en và triều đại của Người sẽ luôn vững bền.
+ Đức Ma-ri-a là E-và Mới: Đã cộng tác với Đức Giê-su là A-Đam mới, để vâng phục Chúa Cha (x. Rm 5,12-19; PI 2,6-11). Mẹ đã tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn (x. Ga 19,25), thì cũng được dự phần vào sự phục sinh vinh quang với Người.

4) TỪ TÍN ĐIỀU MẸ THIÊN CHÚA ĐẾN MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI:

+ Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).
+ Riêng Lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.

Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng Va-ti-ca-nô I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người, tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục một lá thư và yêu cầu trả lời như sau: “Đức cha và hàng giáo sĩ, giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều hay không?” Hầu hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện như vậy. Thế là vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung vào ngày 15 tháng 8 hằng năm.

+ Đức Thánh Cha đã xác quyết: “Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời” (trích CGKPV trang 334).

3. SUY NIỆM:

1) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ ĐỨC GIÊ-SU:
Là Mẹ đã thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su: Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nhờ có Chúa ở cùng, và luôn kết hiệp mật thiết với Người. Sau lời thưa “xin vâng”, Ma-ri-a đã đuợc thụ thai mà vẫn bảo toàn đức trinh khiết nhờ ơn Thánh Thần (x. Lc 1,28-38). Sau đó Ma-ri-a theo “Ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,4-7).

2) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ HỘI THÁNH:
+ Tin Mừng Gio-an viết: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su có Mẹ Người, chị của Mẹ Người là bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy Mẹ và môn đệ mình thương mến đứng bên, Đức Giê-su nói với Mẹ Người rằng: “Thưa bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,25-27).
+ Thánh Phao-lô cũng dạy: “Thiên Chúa đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh. Mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x. Ep 1,22b-23); “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18). Như vậy Đức Ma-ri-a là Mẹ của Đức Giê-su là Đầu, thì cũng là Mẹ của thân thể Đức Giê-su là Hội Thánh, trong đó có mỗi tín hữu chúng ta.
+ Người nêu gương khiêm nhường cho các tín hữu qua việc luôn lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng (x. Lc 1,30-36). Người cũng nêu gương bác ái khi chủ động thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét, đem niềm vui ơn cứu độ đến cho gia đình Gia-ca-ri-a, làm cho thai nhi Gio-an “nhảy mừng’ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Sau đó Người còn ở lại 3 tháng để phục vụ, giúp đỡ việc nhà cho bà Ê-li-sa-bét trong ba tháng trước ngày bà sinh con, rồi trở về nhà mình (x. Lc 1,39-56). Người cũng quan tâm đến đôi tân hôn trong bữa tiệc cưới bị thiếu rượu tại thành Ca-na khi cầu thay nguyện giúp đội tân hôn với Đức Giê-su, xin Người can thiệp giúp đôi này. Dù Giờ chưa đến, nhưng Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên là biến nước lã trở thành rượu ngon để giúp họ (x. Ga 2,1-11).

3) ĐỨC MA-RI-A LÀ ĐẤNG ĐẦY ƠN PHÚC:
Ma-ri-a đầy ơn phúc và được Chúa luôn ở cùng như lời chào của sứ thần truyền tin (x. Lc 1,28).
+ Ma-ri-a có phúc vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.
+ Ma-ri-a có phúc vì đã tin: Bà Ê-li-sa-bét đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
+ Ma-ri-a có phúc vì được làm Mẹ Đức Giê-su. Là Hòm Bia Giao Ước Mới, Đức MA-RI-A chứa đựng chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để ở cùng chúng ta (x. Ga 1,14; Mt 1,23).
+ Nhưng nhất là có phúc vì đã trở thành môn đệ Đức Giê-su như Đức Giê-su đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người Mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Do đó, Đức Giáo Hòang Phao-lô VI đã gọi Đức Ma-ri-a là “môn đệ tiên khởi và tuyệt hảo nhất của Đức Ki-tô”.

4) ĐỨC MA-RI-A ĐƯỢC RƯỚC VỀ TRỜI ĐỂ CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA:
+ Việc Hội Thánh tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” dạy chúng ta phải ý thức về thiên đàng đời sau. Chúng ta chỉ được lên trời nếu ngay từ đời này đã sống theo Lời Chúa Giê-su và đi con đường đau khổ thập giá của Người như Đức Ma-ri-a xưa.
+ Đức Ma-ri-a lên trời, nhưng luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta là con cái Người. Ta hãy xin ơn được chết lành trong tay Đức Mẹ và sau này được hưởng hạnh phúc thiên đàng cùng Mẹ.
+ “Đến với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a” (Ad Jesum per MA-RI-Am): Chúng ta cần hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a mỗi khi cầu nguyện với Thiên Chúa, noi gương Hội Thánh thời sơ khai (x. Cv 1,14). Ta hãy gắn bó với Mẹ và nhờ Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn lành hồn xác cho ta như Mẹ đã làm cho đôi tân hôn tại tiệc cưới thành Ca-na xưa (x. Ga 2,3).
+ Sống đức Tin, Cậy, Mến với Chúa noi gương Đức Mẹ: Tin những Lời Chúa phán, tìm hiểu ý Chúa dạy và xin vâng ý Chúa muốn, chấp nhận mọi may rủi xảy đến cho ta với lòng cậy trông phó thác.

4. THẢO LUẬN:
1) Việc về trời của Đức Mẹ (Lễ Mông Triệu) giống và khác với việc lên trời của Chúa Giê-su (Lễ Thăng Thiên) ra sao?
2) Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì để sau này cũng được Chúa ban thưởng hạnh phúc lên trời với Mẹ?

5. NGUYỆN CẦU:

1) LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Hôm nay con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thực hiện việc lớn lao nơi Đức trinh Nữ Ma-ri-a, là người con thân yêu và là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Chúa đã thương cho Mẹ trở nên giống Con của mình là Chúa Giê-su: nhờ giữ đức trinh khiết vẹn toàn, tâm hồn không vương chút bùn nhơ tội lỗi; Nhờ biết đặt trọn niềm tin vào lời Chúa phán sẽ được thực hiện; Nhờ luôn xin vâng ý Chúa để trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai; Nhờ biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa; Nhờ thông phần với nỗi đau khổ của Chúa Giê-su trên đường thánh giá... mà Mẹ Ma-ri-a đã được Chúa ban thưởng bội hậu lên trời cả hồn lẫn xác.

2) LẠY ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ RẤT NHÂN TỪ. “Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Hôm nay cùng với Hội thánh hoàn cầu, chúng con long trọng mừng lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ trong cơn gian nan thử thách: khi bị thất bại trong việc làm ăn, những khi không biết phải làm gì để vượt qua khó khăn… Trong những giờ phút đau thương ấy, xin cho chúng con biết chạy đến nép mình dưới tà áo Mẹ, để được Mẹ che chở ủi an, để được Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giê-su, ban cho chúng con ơn lành hồn xác. Nhất là xin Mẹ đừng để khi nào chúng con đi vào con đường lầm lạc. Xin dạy chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa Giê-su con yêu của Mẹ, như Mẹ đã dạy các gia nhân tại tiệc cưới Ca-na: « Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo » (Ga 2,5).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Đón nhận Thánh Thể để được nên giống Chúa
Lm. Đan Vinh
06:51 10/08/2021
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN B
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58
ĐÓN NHẬN THÁNH THỂ ĐỂ ĐƯỢC NÊN GIỐNG CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 6,51-58

(51) Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được?” (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.

2. Ý CHÍNH:
Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều, tại hội đường thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã giảng về Bánh Hằng Sống là bí tích Thánh Thể. Nội dung bài giảng được tóm lược như sau: Ai ăn Thịt và uống Máu Người, tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập, thì ở đời này sẽ được kết hiệp mật thiết với Người, được tham phần vào sự sống thần linh của Người, và đến ngày tận thế sẽ được sống lại để hưởng hạnh phúc muôn đời với Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 51: + Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống...: Đức Giê-su tự xưng là tấm Bánh với hai đặc tính thần linh là “hằng sống” và “từ trời xuống”. + Bánh Tôi sẽ ban tặng: Sẽ ban là chưa ban ngay lúc này, nhưng sẽ ban khi lập bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly sau này (x. Mt 26,26-28). + Chính là Thịt Tôi đây: Thịt (Sarx) trong ngôn ngữ Hy Lạp ám chỉ con người toàn diện gồm cả xác lẫn hồn. Thịt ở đây cũng chính là Thịt (Sarx) trong câu: “Ngôi Lời đã hóa thành “nhục thể” – hay là “Thịt” (Sarx) hoặc “người phàm” (Sarx) - và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Ở đây, “Bánh” được liên kết với “Thịt” và với “Sự Sống”, là hai đặc tính của bí tích Thánh Thể. + Cho thế gian được sống: Thịt của Đức Giê-su tức là bánh Thánh Thể, là lương thực thần linh, sẽ đem lại hiệu quả là ban sự sống cho người lãnh nhận.
- C 52-53: + Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được?: Dân chúng Do Thái nghe Đức Giê-su giảng và đã hiểu đúng ý của Người. Đó là Người cho người ta ăn chính Thịt của Người. Họ thắc mắc và phản đối Đức Giê-su vì nghĩ rằng Người đã hóa điên khùng nên mới nói như vậy. + Thật, Tôi bảo thật các ông: Trước sự thắc mắc về việc cho người ta ăn Thịt của mình, Đức Giê-su đã không làm dịu kiểu nói này lại và cũng không cải chính để tránh cho họ hiểu sai ý mình, nhưng Người lại tiếp tục xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình: Đây là cách diễn tả khác nhằm nhấn mạnh sự thật này: người ta chỉ có sự sống của Chúa nơi bản thân khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tức là ăn Thịt và uống Máu của Người.
- C 54-56: + Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết: Kẻ lãnh nhận Thịt Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ được tham phần vào sự sống đời đời và được Đức Giê-su cho sống lại vào ngày tận thế. + Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống: Trong bốn câu liền (c. 53.54.55.56), Tin Mừng Gio-an dùng cặp từ: Thịt (Sarx) và Máu (Haima) để chỉ con người toàn diện của Đức Giê-su. + Thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy: Hiệu quả của việc lãnh bí tích Thánh Thể là người ta được kết hiệp thân mật với Chúa Giê-su. Nghĩa là được “ở lại” trong Người, đón nhận sự sống dồi dào của Người và trở thành bạn tâm giao của Người, như thánh Phao-lô đã viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
- C 57-59: + Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy: Đức Giê-su nói đến sự sống siêu nhiên nhờ bí tích Thánh Thể. Ai ăn Bánh Thánh Thể thì sẽ được tham phần vào sự sống siêu nhiên phát xuất từ nơi Chúa Cha thông qua Chúa Giê-su. + Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời: Sự sống siêu nhiên mà Bánh Thánh Thể ban cho người lãnh nhận, khác với sự sống tự nhiên thể xác do bánh Man-na mang lại. Vì thế mà dân Ít-ra-en xưa, dù đã ăn Man-na trong sa mạc nhưng vẫn bị chết do tội đã phạm. Còn ai ăn Bánh do Chúa Giê-su ban trong bí tích Thánh Thể thì sẽ được sống đời đời, nhờ đón nhận được sự sống siêu nhiên của Người.

4. CÂU HỎI:
1) Bánh Thánh do Đức Giê-su hứa ban có hai đặc tính thần thiêng nào?
2) Bánh đó sẽ được ban khi nào và là Bánh gì?
3) Từ Thịt (Sarx) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gì?
4) Khi Đức Giê-su hứa sẽ ban Bánh Hằng Sống là Thịt của Người trong bí tích Thánh Thể, người Do Thái đã hiểu ra sao? Có hiểu đúng với ý Người muốn nói không? Tại sao?
5) Khi thấy họ phản đối, Đức Giê-su không những không thay đổi điều vừa nói hay nói nhẹ đi, mà Người càng nhấn mạnh hơn qua câu nào?
6) Ai ăn Thịt uống Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được hiệu quả nào?
7) Trong 4 câu liền (câu 53.54.55.56), Đức Giê-su dùng hai từ Thịt và Máu ám chỉ điều gì?
8) Câu nào cho thấy hiệu quả của việc ăn Thịt uống Máu Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể? Thánh Phao-lô viết về sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua câu nào?
9) Sự sống siêu nhiên nhận được do bí tích Thánh Thể là sự sống nào?
10) Sự sống siêu nhiên nhận được từ Bánh Thánh Thể thời Tân ước với sự sống tự nhiên từ Manna thời Cựu ước khác nhau thế nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MẸ SẴN SÀNG CHỊU CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG:
Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh quốc có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ góa chồng, mang theo một đứa con thơ còn bú sữa mẹ. Sau khi thuyền khởi hành được mấy ngày, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm đã bị gãy. Từ đó, con thuyền lênh đênh trôi trên mặt biển nhiều ngày. Lương thực trên thuyền đã dần dần cạn kiệt. Nhiều người bắt đầu bị chết đói và sau đó bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ trẻ kia cũng đã bị chết đói, trong khi đứa con nằm bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cứa đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu của mình thay cho sữa mẹ đã hết. Bà đã hy sinh chịu chết để cho đứa con của bà được sống ! Về sau đứa trẻ kia lớn lên đã trở thành một vị dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ đến công ơn trời biển của người mẹ đã hy sinh lấy máu mình để làm lương thực nuôi ông khỏi bị chết. Rồi một hôm, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình, và đề nghị quốc hội chọn một ngày trong năm để tôn vinh các bà mẹ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với mẹ của mình. Đó là nguồn gốc ngày Quốc Tế Các Bà Mẹ hiện nay.

2) CƠM BÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÓI GIÁ TRỊ NGÀN LẦN HƠN KIM CƯƠNG:
Đây là câu chuyện có thực của một nhà thám hiểm. Sau mười ngày một mình băng qua sa mạc Phi châu, một nhà thám hiểm nọ sắp kiệt sức vì bị lạc đường và đã ăn hết số lương thực mang theo. Ông ta đi theo hướng mặt trời mọc, nhưng rồi đi đến chỗ nào cũng chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đến được một ốc đảo có hồ nước và cây cỏ xanh tươi. Sau khi uống nước no nê, ông lại lại bị cơn đói hành hạ. Đột nhiên ông thấy một chiếc bị bằng da nằm lăn lóc ở gần chỗ đang ngồi. Hy vọng tìm được một chút lương thực trong chiếc bị da kia để tiếp tục lên đường, nhưng thay vì thấy lương thực ông lại chỉ thấy nhiều viên kim cương óng ánh rất đẹp. Ông cay đắng thốt lên với nỗi thất vọng: “Những viên kim cương này đâu có giá trị gì khi ta sắp chết đói?” Nói rồi ông ôm chiếc bị da chứa kim cương thiếp ngủ vào cõi chết.
Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm cũng băng qua sa mạc, họ đã thấy một bộ xương người đang ngồi dựa vào tảng đá, hai tay ôm chặt chiếc bị da, trong có nhiều viên kim cương quý giá, nhưng lại trở thành vô ích đối với người bị đói đang cần được ăn.

3) CỬ HÀNH THÁNH LỄ TRONG NHÀ TÙ:
Đức Hồng Y PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê NGUYỄN VĂN THUẬN đã viết lại những trang hồi ký trong thời gian ngài bị biệt giam trong tù. Ngài tóm gọn thành một tập sách nhỏ mang tựa đề "Năm chiếc bánh và hai con cá" để chia sẻ cho giáo triều Rô-ma trong dịp tĩnh tâm mùa chay thập niên 90. Ngài thú nhận, sức mạnh lớn nhất nâng đỡ ngài trong những năm tháng tù ngục là được cử hành Thánh lễ cho dù lén lút, nhưng rất cảm động và sâu lắng. Thánh lễ ngài dâng một mình trong bóng tối của nhà tù, không kèn không trống, cũng chẳng có ánh đèn hay một bông hoa trang trí nào. Áo tù ngài mặc thay cho áo lễ. Đôi bàn tay sần sùi của ngài đựng những giọt rượu nho thay cho chén thánh. Bánh lễ chứa trong hộp đựng thuốc ho. Những Thánh lễ rất âm thầm và giản đơn, không ồn ào, không một chút hoành tráng bề ngoài, chẳng có ca đoàn hay người giúp lễ.. nhưng sao chép lại gần sát với chính Thánh lễ mà Chúa Giê-su đã cử hành năm xưa trên thập giá.

4) VIỆC BÁC ÁI TỪ THIỆN BẮT NGUỒN TỪ LÒNG MẾN BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Trong một cuộc họp mặt đông đảo các Ki-tô hữu tại một nhà thờ ở Tây Đức để đón chào mẹ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA, người ta đã dâng cho mẹ một bó hoa rất đẹp. Bỡ ngỡ trước lòng quý mến và trọng kính mà người ta đã dành cho mình, mẹ Tê-rê-xa lúc đầu tỏ ra hơi lúng túng, nhưng sau đó vài phút, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa đi thẳng lên cung thánh, mẹ quỳ gối nơi bậc bàn thờ rồi đặt bó hoa trước nhà tạm. Cử chỉ này cho thấy mẹ Tê-rê-xa rất quý trọng phép Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã nhận được tình yêu và nghị lực cho cuộc sống dấn thân và phục vụ vô vị lợi của mẹ.
Qua các hoạt động bác ái, mẹ Tê-rê-xa và các nữ tu dòng của mẹ đã nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi, đã phục vụ hàng ngàn người nghèo đói, đã chăm sóc, chữa trị hàng trăm ngàn bệnh nhân và an ủi hàng chục ngàn người hấp hối. Nhưng vượt trên tất cả những hoạt động nhằm phục vụ sự sống thể xác, mẹ Tê-rê-xa đã đặc biệt chú trọng đến một nhu cầu mà mẹ thường nhấn mạnh và cho là căn bản, nó cần thiết hơn cả cơm ăn áo mặc nữa, nhu cầu đó là muốn được chấp nhận và được yêu thương.

3. THẢO LUẬN:
Mỗi người chúng ta cần làm gì để được biến đổi nên tốt hơn sau mỗi lần rước lễ?

4. SUY NIỆM:
Câu chuyện bà mẹ nuôi con bằng dòng máu của mình, là hình ảnh tuyệt hảo nói lên tình thương của Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể. Người đã tự hiến mình trở thành Bánh thiêng nuôi dưỡng và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Vậy Bánh Thánh Thể là gì?

1) Sứ mệnh của bánh:
Bánh là lương thực có thể ăn được và giúp người ta duy trì sự sống (Ga 6,51). Bánh không sống cho mình, mà luôn sống “vì và cho” con người. Chúa Giê-su tự xưng mình là Bánh, vì Người đã tự hủy bản thân, hy sinh chính mình để cho loài người chúng ta được sống. Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân cho tha nhân được sống, thì bấy giờ ta mới trở thành tấm bánh giống như Bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su.

2) Chúa Giê-su là tấm Bánh Thánh Thể để người ta ăn:
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã chủ trương chiêm ngưỡng và thờ lạy Bánh Thánh Thể hơn là hãy cầm lấy mà ăn như lệnh truyền của Chúa Giê-su. Động từ ăn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng hôm nay, như một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giê-su là: hãy siêng năng tham dự bữa tiệc Thánh Thể do Người khoản đãi, với hai của ăn cao quý trên bàn tiệc là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.

3) Chúa Giê-su cho biết ba hiệu quả của bí tích Thánh Thể như sau:
- Một là họ sẽ được sống lại trong ngày tận thế và được sống muôn đời: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55).
- Hai là sẽ phát sinh mối giây thân tình giữa Chúa và kẻ ăn tiệc Thánh Thể: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
- Ba là sẽ được sống nhờ Người: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

4) Phải ăn Bánh Thánh Thể thế nào để phát sinh công hiệu?:
Ngày nay tuy các tín hữu đã lên rước lễ nhiều hơn, nhưng phần đông lại rước lễ cách hờ hững: Quả thật, ít có vị khách quí nào lại bị chủ nhà tiếp đón lạnh nhạt như Chúa Giê-su Thánh Thể ! Do đó, dù có năng tham dự thánh lễ và lên rước lễ hằng ngày, nhưng nhiều tín hữu vẫn không gặp được Chúa Giê-su, không nhận được biến đổi giống Chúa, nên họ vẫn sống vô cảm, ích kỷ, tự mãn, lười biếng và vô trách nhiệm… như bao năm qua ! Cần đổi mới cách rước lễ để có thể gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp với Người và ngày một được ơn biến đổi nên giống Người hơn.

5) Diễn tiến một buổi cho bệnh nhân rước lễ tại gia:
Một nữ tu được cha sở nhờ mỗi sáng Chúa Nhật mang Mình Thánh Chúa đến thăm viếng và cho bệnh nhân rước lễ. Chị đã kể lại diễn tiến của một buổi cho rước lễ như sau:
- Khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, làm dấu Thánh giá và đọc một đoạn trong bài Tin Mừng Chúa nhật, rồi nói lên bài học Chúa muốn dạy qua bài Tin Mừng.
- Tiếp đến tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha như Chúa dạy.
- Rồi tôi giơ Mình Thánh lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Và cụ đáp lại: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
- Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ và cho cụ uống chút nước suối để rước hết mụn bánh thánh.
- Sau một lát thinh lặng, tôi giúp cụ dâng lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Ước gì Mình Thánh Chúa con vừa lãnh nhận, gia tăng sức khoẻ hồn xác cho con. Xin thương chữa con mau lành bệnh. Xin ban ơn nâng đỡ con và giúp con được sống mãi mãi với Chúa trên thiên đàng. Từ nay con xin hứa sẽ luôn nở nụ cười với người chung quanh, sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ trái ý gặp phải để đền tội con và cầu xin cho một tội nhân được ơn trở về với Chúa, cho một người lương quen biết được sớm nhận biết tin yêu Chúa để cũng được hưởng niềm vui ơn cứu độ với con.- Amen”.
- Cuối cùng là nói chuyện thân tình, hứa luôn cầu nguyện và hẹn gặp lại vào tuần sau.

5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy có sự giống nhau giữa thân phận làm Bánh của Chúa với thân phận làm người của con. Nhờ ăn Bánh Thánh Thể của Chúa, con sẽ được biến hóa nên tấm bánh thơm ngon, được bẻ ra để phục vụ tha nhân. Ước gì con dám đón Chúa vào vùng mờ tối của lòng con, để sự hiện diện của Chúa làm cho con được bừng sáng lửa tin yêu. Ước gì sau khi được đón Chúa vào lòng, con sẽ chia sẻ Tình Yêu ấy cho tha nhân, hầu sau này họ cũng được hưởng hạnh phúc đời đời với con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Em thật có phúc
Lm. Thái Nguyên
16:38 10/08/2021


EM THẬT CÓ PHÚC
Đức Mẹ lên trời : Ngày 15 tháng 8:
Lc 1, 39-56

Suy niệm

Hôm nay lễ Đức Mẹ lên trời, trước hết Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn sách Khải huyền (11,19; 12,1-6. 10). Trong một thị kiến, thánh Gioan đã nhìn thấy “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Người Phụ Nữ này đang mang thai và sắp sinh hạ một con trai. Và rồi có một con Mãng Xà tượng trưng cho sự dữ, đang chờ để nuốt trửng đứa con đó. Nhưng đứa trẻ vừa được sinh ra, thì được đưa lên tận ngai của Thiên Chúa, còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc. Tiếp theo là bài ca xưng tụng vương quyền của Đức Kitô đã chiến thắng thần dữ. Ý nghĩa đầu tiên của Người Phụ Nữ này là Giáo Hội, sẽ trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng vẫn đứng vững cho tới ngày Đức Kitô hoàn toàn chiến thắng. Tuy nhiên, theo các Giáo phụ, thì Người Phụ Nữ này cũng chính là hình ảnh Đức Maria, được Thiên Chúa yêu thương và điểm trang bằng muôn vàn đặc ân cao quý, là Mẹ Đức Kitô, Đấng cứu độ.

Bài đọc thứ hai (Cr 15,20-26), Thánh Phaolô trình bày về Đức Giêsu sống lại là mầm mống sự sống lại của chúng ta. Đức Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta trở thành hão huyền. Sức mạnh thần dữ trong thế giới sẽ bị đánh bại, và địch thù cuối cùng cũng bị hủy diệt là thần chết. Đó là cuộc chiến thắng tuyệt đối của Đức Kitô phục sinh, mà tất cả những ai liên kết với Ngài cũng được hưởng ơn phục sinh ấy. Đức Maria đã liên kết mật thiết nhất với Đức Giêsu Kitô, nên Mẹ là người đầu tiên được thông phần sự sống lại với chính Con Mẹ. Vì tin như thế nên Giáo Hội công bố tín điều Đức Mẹ lên trời.

Qua bài Tin Mừng, thánh Luca kể cho chúng ta nghe câu chuyện Mẹ Maria thăm viếng bà Êlisabét. Vừa nghe Maria cất tiếng chào, “thì đứa con trong bụng Êlisabét liền nhảy mừng, và bà được tràn đầy Thánh Thần”. Bà liền cất lời ca ngợi Đức Maria là người diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã tin rằng, mọi điều Chúa hứa sẽ thành hiện thực. Lời ca ngợi của bà Êlisabét cũng giống như lời ca khen của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ cưu mang Ngài và vú Ngài đã bú” (Lc 11, 27-28), mà Giáo hội trích đọc trong lễ vọng Đức Mẹ lên trời.

Trước lời ngợi khen của bà Êlisabét, Đức Maria cũng đầy Thánh Thần, liền cất lên bài ca tuyệt vời để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương đến mình là nữ tỳ hèn mọn; Đấng không chỉ làm nơi mình những điều cao cả, mà hằng thương xót những ai kính sợ Ngài. Đức Beneđictô XVI đã nói về kinh Magnificat như sau:“Có thể xem đó là tấm ảnh linh hồn của Mẹ - được dệt bằng các sợi chỉ rút từ Thánh Kinh, từ những sợi chỉ của Lời Chúa. Điều này cho thấy rõ, Mẹ luôn ở trong Lời Chúa, ra vào thật tự nhiên. Mẹ nói và suy tư với Lời Chúa; Lời Chúa trở thành lời của Mẹ và lời của Mẹ đến từ Lời Chúa. Điều này cho thấy, tư tưởng của Mẹ là đồng suy nghĩ với tư tưởng của Thiên Chúa; ao ước của Mẹ cùng khao khát với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Mẹ đã thấm nhuần Lời Chúa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập thể. Cuối cùng, Đức Maria là một người đang yêu...”. Thật vậy, người đang yêu là người tràn đầy hạnh phúc, và khao khát trở nên một với người mình yêu. Đức Maria yêu mến Thiên Chúa vô ngần, nên Mẹ đã hoàn toàn hiến thân mình cho công trình cứu độ của Ngài.

Lễ Đức Mẹ lên trời hướng chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, là quê hương vĩnh cửu của con người. Chúng ta dễ bị hút vào trái đất này, dễ rơi vào vòng xoáy của những phân tranh quyền hành lợi lộc. Cần thoát ra khỏi cơn mê để nhìn lại những gì mình đang theo đuổi và nắm giữ, hầu hướng toàn thể cuộc đời mình về cùng đích là chính Thiên Chúa. Lễ này cũng nhắc nhở ta về giá trị cao quý của thân xác, dù phải rã tan nhưng sẽ được sống lại vinh quang trong ngày sau hết. Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác do đã sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, vì “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26). Xin cho chúng ta hết lòng trung thành phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, để một ngày kia được cùng nhau bên Mẹ hưởng quê thiên đàng.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Khi thiên sứ truyền tin Mẹ còn rất trẻ,
nên có chút lý lẽ trong tình thế bất ngờ,
nhưng với quả tim và tâm hồn rộng mở,
Mẹ đã “xin vâng” mà không hề lo sợ.

Mẹ “xin vâng” là cam kết dấn thân,
chấp nhận mọi rủi ro và sẵn sàng đánh đổi.
“xin cứ làm cho tôi” là lời nguyền tuyệt đối,
Mẹ mong thực hiện thánh ý Chúa mà thôi.

Tiếng “xin vâng” của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh những phong ba,
nhưng nhờ lòng tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân phúc chan hòa.

Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.

Rồi cùng Con bước lên đồi thập giá,
Mẹ lặng chìm trong biển cả đau thương,
nhưng tin yêu lòng Mẹ vẫn can trường,
cùng với Chúa trọn con đường dâng hiến,
để giờ đây Mẹ về trời vinh hiển,
mời gọi con theo bước Mẹ trung kiên.

Nay Mẹ vẫn bên cạnh đoàn con cái,
luôn yêu thương và chăm sóc đoái hoài.
Mẹ như ánh sao trời hằng soi sáng,
đưa đoàn con tìm về bến thiên đàng.

Xin cho con mỗi ngày kề bên Mẹ,
để an vui khởi sắc cuộc đời mình,
sống tận tình nguyện hai tiếng “Xin vâng”,
nên giống Mẹ trong tinh thần dâng hiến. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:26 10/08/2021

16. Các con nên làm những gì mà Đức Chúa Giê-su đã làm vì chúng ta, trông cậy vào Đức Chúa Giê-su để đạt đến mức độ mà Ngài muốn chúng ta đạt tới.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 10/08/2021
23. HỌC SINH ĐÁNH LẠI

Ở châu Bộ có một nguời họ Khổng, khi về già mới sinh được một con trai, nên rất là vui sướng.

Ông ta bèn mời thầy đến dạy học cho con trai, nhưng đứa con trai hễ mở miệng là chửi, thầy giáo giận dữ bèn đánh nhẹ nó mấy roi, con trai liền khóc và đi vào phòng của bà mẹ để tố thầy giáo, nói:

- “Thầy giáo đánh con, con nhất định phải đánh trả lại, nếu không thì con sẽ chết`”.

Nhà họ Khổng vội vàng nhờ bạn bè thương lượng với thầy giáo tạm thời nhẫn nại một chút, để cho con trai bớt giận, thầy giáo không chịu, bạn bè cho rằng gia cảnh của thầy giáo có phần khốn khổ, bèn nói với họ Khổng hối lộ thầy giáo mười lượng bạc thì thầy giáo mới miễn cưỡng mà nhận…

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 23:

Con một trong gia đình thì thường là được cha mẹ cưng chiều, vì được cưng chiều nhiều nên có những đứa con hư thân mà cha mẹ không làm gì được.

Học trò đòi đánh thầy giáo là học trò mất dạy, cái mất dạy này trước hết là do cha mẹ quá cưng chiều con cái mà ra; cha mẹ không dám nghiêm khắc dạy dỗ con cái, là cha mẹ trở thành sợi dây thòng lọng từ từ thắt chết linh hồn con mình.

Bạn bè không nhắc nhở nhau làm điều tốt thì cả hai đều đi xuống hố tội lỗi, đó là lời cảnh cáo của Đức Chúa Giêsu, ai có học giáo lý thì đều hiểu.

Thời nay, học trò đánh thầy cô giáo là một dấu hiệu đáng báo động cho những người có trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên, dấu hiệu này càng ngày càng rõ nét là báo trước một nền luân lý sa đọa và sắp sụp đổ, và cảnh báo trước một quốc gia đang đi đến chỗ tự hủy hoại mình, nó cũng là thời điểm báo trước con thịnh nộ của Thiên Chúa…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một ai đó đang ở giữa
Lm. Minh Anh
23:01 10/08/2021
MỘT AI ĐÓ ĐANG Ở GIỮA
“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”.

Mỗi khi Abraham Lincoln phải trả lời cho một người nào đó đã xúc phạm đến mình, ông thường viết một lúc hai lá thư. Trong lá thư thứ nhất, những lời lẽ nặng nề được viết xuống xối xả như trút giận. Sau đó, ông xé nát nó và viết một bức thư thứ hai. Bức thư này thật từ tốn, tế nhị và kín đáo. Người ta hỏi tại sao ông làm thế; vị tổng thống trả lời, có “một Ai đó đang ở giữa” chúng tôi!

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến sự hiện diện của ‘một Ai đó đang ở giữa’ dân Chúa; một Ai đó đang nâng đỡ, bảo toàn họ, để họ có thể ca khen Ngài như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Xin chúc tụng Danh Chúa, Ngài là Đấng bảo toàn mạng sống con!”.

Bài đọc Đệ Nhị Luật hôm nay nói đến việc ra đi, về với tổ tiên của Môisen. Môisen, người bạn của Thiên Chúa, Đấng hằng ở với ông, “Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor; mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông!”. Môisen, một người mà Thánh Kinh gọi là “tôi trung”, một người “được nghĩa” với Chúa, được Chúa ở cùng. Vì thế, sẽ không thành vấn đề Môisen có vào được Đất Hứa hay không; không thành vấn đề ngôi mộ của ông mất hay còn; hoặc người ta đã khóc ông ba mươi ngày, ít hơn hay nhiều hơn… nhưng điều quan trọng đối với Môisen, vẫn là ‘một Ai đó đang ở giữa’ ông và con cái Israel; kể cả khi ông đã qua đời.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến một điều tương tự, “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”. Đây là một lời hứa táo bạo, đầy cảm hứng! Lời hứa này cho thấy, Chúa Giêsu muốn chúng ta cầu nguyện với người khác, hợp nhất lời cầu nguyện của chúng ta thành một để dâng lên Chúa Cha; Ngài cho biết, khi lời cầu nguyện của chúng ta kết hợp với lời cầu nguyện của Ngài, thì chúng sẽ được Thiên Chúa thương nhận.

Điều đầu tiên cần lưu ý là câu nói của Chúa Giêsu có thể dễ dàng bị hiểu nhầm. Ví dụ, có phải Chúa Giêsu nói, nếu hai hoặc nhiều người họp nhau để cầu xin trời mưa, thì điều đó sẽ xảy ra? Chắc chắn là không! Chìa khoá để hiểu vấn đề được tìm thấy ở dòng cuối cùng, đó là, ‘một Ai đó đang ở giữa’; rằng, “Thầy ở giữa họ!”. Mục tiêu của việc tụ họp cầu nguyện với hai hoặc nhiều người là làm cho lời cầu nguyện của chúng ta nên một với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Cha luôn lắng nghe và đáp lời Chúa Con. Bất kể Chúa Con xin Chúa Cha điều gì, điều đó luôn luôn được ban. Vì vậy, mục tiêu của việc tụ họp để cầu nguyện với nhau, tức là với Hội Thánh, là hiệp nhất lời cầu của chúng ta với lời cầu nguyện duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu. Điều này trước hết và trên hết, được hoàn thành trong Phụng vụ Thánh, mà chóp đỉnh là Thánh Lễ.

Khi chúng ta đến với nhau trong Phụng vụ, lời cầu của chúng ta luôn được lắng nghe. Tại sao? Bởi vì Phụng vụ trước hết là một hoạt động của ‘một Ai đó đang ở giữa’, là hoạt động của Chúa Con; trong đó, Ngài mời gọi chúng ta, Giáo Hội, chia sẻ. Và lời cầu được dâng lên là lời cầu nguyện duy nhất và vĩnh cửu; qua đó, Chúa Con cầu xin Chúa Cha mang ơn cứu độ cho tất cả những ai chấp nhận hành động cứu độ hy tế trên thập giá của Ngài. Khi chúng ta tham gia vào lời cầu nguyện này, thì chắc chắn, nó sẽ được nhậm!

Như vậy, bất cứ khi nào chúng ta hiệp nhất với nhau để cầu nguyện, dù không ở ‘bên nhau’, thì Chúa Giêsu vẫn ở giữa chúng ta. Tuyệt vời thay, Ngài không ở đó cách thụ động; sự hiện diện của Ngài luôn là một hiện diện tích cực, mang lại sự sống và biến đổi. Chúng ta không bao giờ được phép đánh giá thấp giá trị của các cuộc tụ họp này, cho dù mỗi người mỗi nơi; cũng không đánh giá thấp sức mạnh biến đổi của ân sủng, bất kể các buổi cầu nguyện này nhỏ đến mức nào.

Anh Chị em,

“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”. Trong những ngày hôm nay, khi không có điều kiện để tụ họp như thường ngày, các giờ kinh nguyện chung sớm tối trong gia đình, trong một nhóm, sẽ quý báu biết bao! Quý hơn nữa, khi chúng ta trực tiếp tham dự Thánh Lễ lúc điều kiện còn cho phép! Những buổi cầu nguyện chung này cần được ý thức một cách cao độ hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, một số chúng ta có thói quen ‘hẹn hò’ để cầu nguyện trực tuyến, lần hạt trực tuyến chung với các anh chị em khác ở khắp nơi trên thế giới, hãy tin chắc, tất cả đều mang một giá trị nhất định như Chúa Giêsu đã hứa. Vì lẽ, ‘một Ai đó đang ở giữa’ chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để con lơi lỏng việc cầu nguyện trong những ngày hôm nay, xin cho con ý thức rằng, ‘một Ai đó đang ở giữa’ chúng con, khắc khoải và lo lắng với chúng con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cảnh sát thẩm vấn người đàn ông giết chết Bề trên tỉnh dòng Thừa sai Montfort
Đặng Tự Do
00:23 10/08/2021


Một người nhập cư Rwandan 40 tuổi bị tình nghi phóng hỏa nhà thờ chính tòa thành phố Nantes đã bị cảnh sát thẩm vấn sau khi anh ta ra trình diện với cảnh sát và khẳng định đã giết hại một linh mục Công Giáo hôm thứ Hai ở miền Tây nước Pháp.

Người đàn ông, được xác định là Emmanuel Abayisenga, đã được Cha Olivier Maire, 61 tuổi, Bề trên tỉnh dòng Thừa sai Montfort chào đón vào Saint-Laurent-sur-Sèvre, một quận của tỉnh Vendée. Trớ trêu thay, Cha Maire đã trở thành nạn nhân của người này.

Trước vụ thảm sát cha bề trên, Abayisenga đã từng bị bắt về tội phóng hỏa nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ của thành phố Nantes vào ngày 18 tháng 7 năm 2020. Anh ta đã tình nguyện làm ông từ coi sóc ngôi thánh đường này. Mặc dù, anh ta đã nhận tội với cảnh sát, Cha Maire đã xin cho anh ta được tại ngoại hầu tra chờ ngày xét xử.

Vụ sát hại Cha Maire, bề trên tỉnh dòng Pháp của Dòng Thừa sai Montfort, hay còn được gọi là Dòng Thừa Sai Những Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Maria, đã được Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin của Pháp công bố vào ngày 9 tháng 8.

Bộ trưởng Darmanin đã cấp tốc đến Saint-Laurent-sur-Sèvre vào tối thứ Hai để thị sát tại chỗ. Ông đã bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Công Giáo Pháp trên phương tiện truyền thông xã hội.

“Tôi bày tỏ sự ủng hộ với những người Công Giáo của đất nước chúng ta sau vụ giết hại thảm khốc một linh mục ở Vendée,” ông viết trên tài khoản Twitter của mình.

Các báo cáo ban đầu cho biết có vẻ như Cha Maire đã bị đấm nhiều cú cho đến khi thiệt mạng. Dự kiến sẽ có kết quả khám nghiệm trong thời gian ngắn sắp tới. Các nhà chức trách chưa cho biết vụ giết người đã xảy ra khi nào và trong hoàn cảnh nào.

Đức Cha François Jacolin của Luçon, một giáo phận bao gồm giáo phận Vendée, đã than thở về “cái chết thê thảm của Cha Maire”.

“Cha Olivier Maire đã chết như một nạn nhân của lòng hào hiệp của ngài, một người tử vì đạo vì lòng bác ái”, Đức Giám Mục nói trong một tuyên bố ngày 9 tháng 8.

Truyền thông Pháp đưa tin, nghi phạm đã bước vào đồn cảnh sát ở Mortagne-sur-Sèvre vào sáng thứ Hai và nói với các nhân viên cảnh sát rằng hắn đã giết một linh mục.

Nghi phạm đã bị bắt giữ và cảnh sát được điều động đến địa chỉ mà nghi phạm đưa ra, nơi họ tìm thấy thi thể của Cha Maire trong một khu vực chung trong tòa nhà của cộng đồng tôn giáo mà ngài sinh sống.

Tờ La Croix của Pháp đưa tin, nghi phạm gần đây đã được thả ra sau khi được đưa vào một bệnh viện tâm thần.

Tờ báo nói rằng phó công tố viên khu vực Yannick Le Goater đã xác nhận rằng nghi phạm đã phải nhập viện trong một tháng.

Công tố viên nói rằng cảnh sát không tin rằng vụ giết người có liên quan đến khủng bố.

Tờ La Croix cũng báo cáo rằng các nhà chức trách Pháp đã từ chối đơn xin tị nạn của nghi phạm và tống đạt tới anh ta ba thông báo phải rời khỏi Pháp, vào năm 2016, 2017 và 2019.

Tờ báo cho biết, nghi phạm đã bị giam giữ sau vụ cháy ở Nantes vào tháng 7 năm 2020 cho đến khi được tại ngoại vào tháng 5 năm nay.

Việc trả tự do cho anh ta, dưới sự kiểm soát của tư pháp, bao gồm các điều kiện như nghĩa vụ trình diện với chính quyền hai lần một tháng và cư trú tại cộng đồng ở Saint-Laurent-sur-Sèvre.

Tờ La Croix nói rằng Maire đã bị cảnh sát triệu tập vào ngày 20/6 sau khi nghi phạm bày tỏ mong muốn được rời khỏi cộng đồng. Nghi phạm sau đó phải nhập viện tâm thần. Anh ta được trả tự do vào ngày 29 tháng 7 và trở lại dòng tu.

Tờ báo nói rằng nhà chức trách chưa trục xuất nghi phạm vì họ muốn bảo đảm rằng anh ta phải bị xét xử liên quan đến vụ cháy nhà thờ.

Vụ giết người ngay lập tức làm dấy lên một cuộc tranh luận chính trị. Marine Le Pen, chủ tịch National Rally, một đảng chống nhập cư, chỉ trích nhà chức trách vì không trục xuất nghi phạm.

Marine Le Pen:

“Ở Pháp, một người có thể là một người nhập cư bất hợp pháp, đốt nhà thờ ở Nantes, không bao giờ bị trục xuất, và sau đó tái phạm bằng cách giết một linh mục,” cô viết trên Twitter.

Darmanin bác bỏ những lời chỉ trích và giải thích.

“Thay vì bày tỏ lòng thương xót đối với những người Công Giáo đã chào đón kẻ sát nhân này, cô Le Pen đã châm biếm mà không biết sự thật: người nước ngoài này không thể bị trục xuất bất chấp lệnh trục xuất, chừng nào những hạn chế tư pháp của anh ta chưa được dỡ bỏ”.

Những hạn chế tư pháp mà ông Darmanin đề cập đến đã được đưa ra nhằm bảo đảm hung thủ phải ra tòa về tội đốt cháy nhà thờ chính tòa Nantes.

Le Pen đang chuẩn bị tranh cử tổng thống Pháp với tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron vào tháng 4 năm 2022.

Tổng thống Emmanuel Macron nói trong một lời tri ân trên mạng xã hội rằng sự quảng đại và tình yêu thương của Cha Maire dành cho người khác được phản ánh qua các đường nét trên khuôn mặt ngài.

“Nhân danh quốc gia, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Cha Olivier Maire. Xin gửi lời chia buồn tới cộng đồng Montfort và tất cả những người Công Giáo Pháp. Bảo vệ các tín hữu là một ưu tiên của chính quyền.”

Olivier Faure, chính trị gia cao cấp nhất trong Đảng Xã hội của Pháp, mô tả Cha Maire là một người “chính trực”.

Anh ta nói rằng vị linh mục “chắc chắn không thích cái chết của ngài lại châm ngòi cho những cuộc luận chiến”.

“Xin gửi lời chia buồn đến tất cả những ai đã yêu mến Cha. Tôi mạnh mẽ lên án tên tội phạm đã ra tay trên người đã tiếp đãi mình”, Faure viết trên Twitter.

Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã bàng hoàng trước tin này. Ngài cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort, đấng sáng lập Dòng Các Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Mẹ. Ngài cũng cầu xin Thánh Gioan Phaolô II, giáo hoàng từ năm 1978 đến năm 2005.

“Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort và Thánh Gioan Phaolô II, xin ở cùng chúng con, chúng con cầu xin các ngài”.
Source:Catholic News Agency
 
Người đàn ông Rwandan giết chết linh mục Pháp đã được dàn xếp cho gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016
Đặng Tự Do
00:23 10/08/2021


Theo truyền thông Công Giáo Pháp, người đàn ông Rwandan đã tự nộp mình cho cảnh sát sau khi sát hại một linh mục ở miền Tây nước Pháp hôm thứ Hai, đã được dàn xếp cho gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016.

Nghi phạm được giới truyền thông xác định là Emmanuel Abayisenga, 40 tuổi, cũng là nghi phạm chính trong vụ tấn công đốt phá nhà thờ ở Nantes, Tây Bắc nước Pháp vào tháng 7/2020.

Một bức ảnh chụp vào ngày 11 tháng 11 năm 2016, được tờ báo Công Giáo Pháp La Croix đăng lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 7, cho thấy một người đàn ông được xác định là Abayisenga đã chào Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi tiếp kiến với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Vatican.

La Croix đã xác nhận trong báo cáo ngày 9 tháng 8 về vụ giết hại cha.

Maire rằng Abayisenga “đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016 tại Rome”.

Đức Giáo Hoàng đã gặp Abayisenga trong một cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ Lễ hội Niềm vui và Lòng thương xót của Âu Châu tại Hội trường Thánh Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Sự kiện dành cho những người bị xã hội loại trừ được Fratello của Pháp tổ chức, như một phần của Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài một năm trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Khoảng 3,600 người đã tham dự, trong đó có nhiều người đến từ Pháp, Ba Lan và Rôma.

Theo La Croix, Abayisenga đã đến Rome cùng một nhóm từ Nantes. Ông đã được cộng đồng Kitô địa phương chào đón sau khi đến thành phố vào năm 2012.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một bài phát biểu của một thành viên khác trong nhóm đã đến từ Nantes.

Đức Giáo Hoàng nói tác giả của bài viết đã “cảm thấy xúc động trước việc lặp đi lặp lại từ ngữ “hòa bình” của các Kitô Hữu. Sau đó, anh ấy nói về sự yên bình và niềm vui mà anh cảm nghiệm khi bắt đầu tham gia dàn hợp xướng Nantes”.


Source:National Catholic Register
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp về vụ thảm sát Bề trên tỉnh dòng Monfort
Đặng Tự Do
00:24 10/08/2021


Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và Hội đồng Tôn giáo Pháp, gọi tắt là CORREF, đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 9 tháng 8 bày tỏ rằng các vị “vô cùng đau buồn và kinh hoàng”.

“Thủ phạm của vụ giết người này đã ở với Cha Olivier Maire, và đã trình diện cảnh sát ngay sáng nay”, tuyên bố cho biết.

“Hiện tại, vẫn chưa rõ hoàn cảnh xảy ra thảm kịch này”.

“CEF và CORREF cam đoan với cha mẹ Cha Olivier Maire, gia đình ngài, các Nhà truyền giáo Monfort, cộng đồng Vương cung thánh đường Thánh Louis-Marie Grignon de Montfort ở Saint-Laurent-sur-Sèvre và toàn thể Gia đình Dòng Montfort những lời cầu nguyện của chúng tôi”.

“Các linh mục và tu sĩ Dòng Thừa Sai Những Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Maria, thường được gọi là Dòng truyền giáo Montfort, hiện diện trên khắp năm châu lục. Các ngài theo đuổi dự án của người sáng lập, để truyền giáo trong sự gần gũi và chú ý đến tất cả mọi người”.

Trong một bài giảng vào tháng 10 năm 2020, Cha Maire đã nói về tầm quan trọng của việc phục vụ những người ở “vùng ngoại vi”, trích dẫn thông điệp Fratelli tutti mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Chúng ta hãy ngồi xuống trong một thời gian để chia sẻ tình huynh đệ, chúng ta hãy ngồi xuống với những người nghèo nhất, bị loại trừ, và những người bị nhân loại từ chối”.
Source:Catholic News Agency
 
Người dân Myanmar sẽ biểu tình ồ ạt đánh dấu cuộc nổi dậy năm xưa 8/8/1988
Thanh Quảng sdb
05:49 10/08/2021
Người dân Myanmar sẽ biểu tình ồ ạt đánh dấu cuộc nổi dậy năm xưa 8/8/1988

Một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ quân đội đang được tổ chức vào ngày kỷ niệm 8 tháng 8 năm 1988, một ngày biểu tình vĩ đại ngày xưa phản đối chế độ quân đội ở Myanmar từ năm 1962.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Những người biểu tình chống chính phủ quân đội ở Myanmar sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật đánh dấu kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy ủng hộ chính quyền dân chủ năm 1988 chống lại một chính quyền đã đẩy quốc gia này vào cảnh nghèo khó túng bẫn gần 6 thập kỷ qua dưới sự cai trị tàn bạo của quân đội. Cuộc nổi dậy, bắt đầu từ phong trào sinh viên, đã bị quân đội công khai vùi dập bắn vào những người biểu tình và bỏ tù hàng ngàn người. Cuộc biểu tình này được gọi là cuộc nổi dậy 8888 kể từ ngày 8 tháng 8 năm 1988. Những người phản đối quân đội cho có khoảng 3.000 người thiệt mạng trong cuộc đàn áp đó.

Cuộc nổi dậy, 33 năm trước, đã làm nổi bật bà Aung San Suu Kyi, người mà quân đội hiện tại đã phế truất cùng với chính quyền do dân bầu nên vào ngày 1 tháng 2. Cuộc đảo chính đã mở ra một chuỗi dài biểu tình trên toàn quốc và phong trào bất tuân dân sự, bằng một cuộc đàn áp tàn bạo của lực lượng an ninh trên những người biểu tình và bất đồng chính kiến.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra những hậu quả tai hại làm 54 triệu dân của đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng, thiếu hàng hóa và các dịch vụ cần thiết và phải di tản!...

Trong khi đó, sự gia tăng của Covid-19 đang tàn phá mà dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quân đội không có làm cho tổng số ca tử vong đã lên như diều… Đã có 12,014 ca tử vong và 333,127 ca nhiễm. Các chuyên gia cho rằng các con số này quá thấp so với thực tế...

1988 cuộc nổi dậy đáng ghi nhớ

Để tránh bị bắt, những người biểu tình sẽ tổ chức các cuộc tuần hành chớp nhoáng vào Chủ nhật 8/8 này ở nhiều nơi khác nhau bao gồm hai thành phố lớn là thủ đô Yangon và Mandalay. Theo lời kêu gọi của một cổ động viên thì những người biểu tình sẽ mặc áo đỏ đã giơ cao 8 ngón tay với biểu ngữ: "Hãy trả món nợ máu năm 1988 trong năm 2021 này". TTX Reuters đã ghi nhận có ít nhất 6 cuộc biểu tình riêng biệt được nêu trên Facebook. "Nợ cũ từ năm 88, phải trả trong năm 2021 này", những người biểu tình hô hào ở thị trấn Wundwin vùng Mandalay, được ghi lại trên video Facebook. Một cuộc biểu tình chống biểu tình khác ở thị trấn Myaing với các biểu ngữ:" Hãy cùng nhau đấu tranh hướng tới con số 8888 chưa hoàn thành của cuộc giải phóng nhân dân. "

50 năm áp bức

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã phải chịu đựng một thời gian dài dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011. Trong gần 5 thập kỷ, hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến đều bị đàn áp, không chút nhân quyền, khiến quốc tế phải lên án và trừng phạt. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dẫn đến cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà vào dẫn đầu...

Nhưng cuộc đảo chính quân sự, cách đây 6 tháng, do tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, đã phát tan những thành quả của một kết quả đã âm ỉ hàng thập kỷ của Myanmar trước một nền dân chủ, nỗi cô đơn và nghèo đói.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một tổ chức phi chính phủ đã thu tập hồ sơ và danh sách những người đã bị chính quyền quân đội giết hại là 960 người chết.

Lời hứa hão huyền

Vào ngày 1 tháng 8 2021, tướng Hlaing đánh dấu 6 tháng cuộc đảo chính tuyên bố mình là thủ tướng của một chính phủ mới được thành lập. Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) do quân đội hậu thuẫn, được thành lập sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, được cải tổ thành một chính phủ biết chăm sóc cho dân. Nhà lãnh đạo quân đội hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vào 2 năm tới. Liên Hợp Quốc tố cáo đây là một động thái phớt lờ lời kêu gọi quốc tế nhằm khôi phục lại nền dân chủ.

ĐTC Phanxicô

Trong những tháng gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình thông qua việc đối thoại và quay trở lại nền dân chủ và chế độ dân sự, tôn trọng ý muốn của người dân. ĐTC cầu nguyện và kêu gọi thế giới cầu nguyện cho đất nước Myanmar đang gặp khó khăn thử thách này…

Khi ĐTC tông du thăm quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 11 năm 2015, ngài đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của đất nước để thúc đẩy đất nước tiến tới một xã hội khoan dung, hòa nhập và hòa bình hơn.

Giáo hội Myanmar

Trong khi đó, Đức Hồng Y Charles Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Myanmar đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình và kêu gọi chấm dứt đổ máu. Đồng thời, Giáo hội đã cung cấp nhiều cơ sở vật chất và nơi thờ tự của mình để làm nơi trú ẩn cho những người phải di tản và giúp điều trị các nạn nhân Covid-19.

Khoảng 88% dân số 53 triệu người Myanmar theo đạo Phật. Người theo đạo Thiên chúa chiếm 6,2% (bao gồm 750.000 người Công Giáo), và người Hồi giáo chiếm 4,3% và phần còn lại theo đạo Hindu và đa thần…
 
Diễn biến phức tạp của đại dịch: giáo dân nổi cơn thịnh nộ với cha xứ
Đặng Tự Do
12:48 10/08/2021


Cha Lino Allegri, người Ý, linh mục truyền giáo tại Brazil đã hết sức ngỡ ngàng khi anh chị em giáo dân tràn vào phòng áo la hét với ngài sau thánh lễ Chúa Nhật chỉ vì trong bài giảng thánh lễ ngài than van về phương cách đối phó với đại dịch coronavirus của tổng thống Bolsonaro, khiến hơn nửa triệu người Brazil phải thiệt mạng.

Khi Cha Allegri đang cởi chiếc áo lễ của mình, tám giáo dân phẫn nộ xông vào phòng áo, đi ngang qua bức chân dung của Mẹ Teresa với dòng chữ: “Kẻ nguy hiểm nhất là kẻ dối trá. Cảm giác tồi tệ nhất là thù ghét”.

“Quay lại Ý đi! Chúng tôi không muốn ông ở đây!”, một giáo dân hét lên với vị linh mục người Ý gốc Verona, đã nhập tịch Brazil và đã sống ở quốc gia Nam Mỹ hơn 50 năm.

“Tổng thống của chúng tôi là một Kitô Hữu! Một người tốt! Một người đàn ông trung thực!”, một người khác nổi khùng, chỉ ngón tay vào mặt vị giáo sĩ 82 tuổi.

Cha Allegri cho biết ngài cảm thấy buồn và đau đớn vì chưa bao giờ phải hứng chịu những lời công kích dữ dội như thế, nhất là sau một thời gian phục vụ lâu dài tại giáo xứ này.

“Tôi cảm thấy hoang mang,” ngài nói hôm Chúa Nhật mùng 1 tháng 8 khi ngài ngồi trong cùng một phòng áo nơi ngài đã bị đám đông anh chị em giáo dân ủng hộ tổng thống Bolsonaro tấn công. Ba nhân viên cảnh sát có vũ trang loanh quanh trên đường phố bên ngoài để ngăn chặn một vụ tấn công khác.

Một thành viên khác trong nhà thờ lắc đầu buồn bã khi họ nhớ lại cảnh những người Bolsonarista đi nhà thờ hành hạ vị linh mục lớn tuổi. “Đó là sự cuồng tín, không có từ nào khác cho nó. Một sự cuồng tín không thể hiểu nổi”, nhân chứng, người yêu cầu giấu tên nói vì lo sợ cho sự an toàn của chính họ.

“Cha Lino rất được yêu mến bởi tất cả chúng tôi ở đây. Ngài mang lại hòa bình cho chúng tôi”, họ nói thêm. “Tôi chỉ cảm thấy vô cùng buồn khi đất nước của chúng ta đã ra nông nỗi này”.

Cuộc tấn công đã diễn ra tại một một giáo xứ trớ trêu thay có tên là Giáo xứ Hòa bình ở thành phố Fortaleza phía đông bắc Brazil đã gây ra sự phản đối kịch liệt trên toàn quốc và phơi bày chủ nghĩa cực đoan của các Bolsonarista, tức là những người ủng hộ tổng thống Bolsonaro.
Source:The Guardian
 
Bạo lực sinh ra bạo lực, cộng đồng Công Giáo kêu gọi chấm dứt xung đột giữa cảnh sát và người Gypsy
Đặng Tự Do
12:48 10/08/2021


Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Pastoral dos Nomads hay Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Du mục của Hội đồng Giám mục Brazil, đã xuất bản một tài liệu về tình trạng bạo lực ở vùng Vitória da Conquista, thuộc Bang Bahia, dẫn đến cái chết của hai sĩ quan quân cảnh và bốn người Gypsy.

Trong tài liệu có chữ ký của Đức Cha Eunápolis và Cha José Edson Santana de Oliveira, Chủ tịch Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Du mục của Brazil, hai vị gửi lời chia buồn và tình đoàn kết với các nạn nhân và gia đình của họ. Đồng thời, ngài cũng tố cáo bầu không khí bất an được tạo ra bởi những sự kiện này, mô tả nó là một “môi trường bất an chi phối bởi cảm giác bất công đối với gia đình của những người bị ảnh hưởng”.

Tài liệu khẳng định “hòa bình phải chiếm ưu thế”, “bạo lực sinh ra bạo lực” và thỉnh cầu “Nhà nước phải hành động để bảo đảm rằng cảnh sát phải xác định và giam giữ thủ phạm, và không biến những người vô tội thành nạn nhân”.

Tình hình đang rất căng thẳng và báo chí địa phương đưa tin rằng việc thiếu thông tin chính xác gây khó khăn cho việc làm sáng tỏ vụ việc, vì các phương tiện truyền thông địa phương thường ưu tiên cho phiên bản của cảnh sát, rất khác so với các báo cáo của cộng đồng người Gypsy trong khu vực.

Người dân và các nhóm địa phương lên tiếng phản đối hành động của quân cảnh được báo cáo là đang sợ hãi khi tài khoản mạng xã hội của họ bị theo dõi, với ảnh chụp màn hình hồ sơ và chi tiết cá nhân được chia sẻ trong các nhóm WhatsApp của quân cảnh.


Source:Fides
 
Di sản thế giới cổ đại Lalibela ở Ethiopia bị lực lượng Tigrayan chiếm giữ
Đặng Tự Do
12:49 10/08/2021


Các lực lượng từ vùng Tigray của Ethiopia đã giành quyền kiểm soát thị trấn Lalibela, nơi có các nhà thờ làm từ các phiến đá được đẽo rất công phu, nổi tiếng là Di sản Thế giới của Liên hợp quốc, và các nhân chứng cho biết cư dân đã chạy trốn.

Lalibela, cũng là thánh địa của hàng triệu Kitô Hữu Chính thống Ethiopia, nằm trong Khu Bắc Wollo của vùng Amhara ở phía bắc Ethiopia, nơi ước tính có khoảng 2,500 người thiệt mạng trong vòng một tuần qua.

Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và chính phủ Hoa Kỳ đã đến thăm Ethiopia trong tuần này, và đã đưa ra báo động rằng cuộc chiến ở Tigray đang mở rộng sang các khu vực khác ở miền bắc Ethiopia.

Seyfu, một cư dân của Lalibela, nói chuyện với Reuters qua điện thoại, cho biết anh đã nhìn thấy hàng trăm người đàn ông có vũ trang nói tiếng Tigrinya, đi bộ qua thị trấn hôm thứ Năm. Anh nói rằng họ không nói tiếng Amharic, ngôn ngữ của dân tộc Lalibela, và mặc “đồng phục khác” với quân đội liên bang.

Seyfu cho biết các lực lượng từ vùng Amhara, liên minh với chính phủ trung ương Ethiopia, đã bỏ chạy vào đêm thứ Tư cùng với các quan chức địa phương.

“Chúng tôi yêu cầu họ ở lại, hoặc ít nhất là đưa cho chúng tôi những khẩu Kalashnikovs của họ, nhưng họ từ chối và bỏ trốn bằng cách lấy 5 xe cứu thương, một số xe tải và ô tô. Họ đã bắn chết một người bạn của tôi trong khi họ chạy trốn, anh ấy đã cầu xin họ ở lại để bảo vệ dân thường”.

Người đàn ông thứ hai, Dawit, nói với Reuters qua điện thoại rằng anh ta rời Lalibela vào sáng thứ Năm khi lực lượng Tigrayan đang đến gần.


Source:Brisnbane Times
 
Đức Cha Pabillo rời Manila để nhận chức vụ mới ở Palawan
Đặng Tự Do
12:49 10/08/2021


Đức Cha Broderick Pabillo, nguyên Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Manila, đã được báo chí tiên đoán sẽ giữ các chức vụ quan trọng hơn trong Giáo Hội tại Phi Luật Tân, cụ thể, ngài sẽ trở thành Tổng Giám Mục Manila. Tuy nhiên, xem ra các đồn đoán đang diễn ra theo hướng ngược lại.

Ngài đã rời Palawan vào hôm thứ Năm, 5 tháng 8, để đến Palawan trước khi được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 8 với tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Taytay.

Rất thường khi chức danh Giám Quản Tông Tòa được giao cho một linh mục trong giáo phận. Và đó là trường hợp của giáo phận Taytay. Cha Reynante Aguanta, Giám Quản Tông Tòa hiện nay, và Cha Philip Jerold Tan, Chưởng ấn đã tiếp đón vị giám mục tại Puerto Princesa, thủ phủ của tỉnh Palawan.

Ngay khi đến nơi, Đức Cha Pabillo sẽ phải trải qua thời gian cách ly bảy ngày.

Trước đó, tại Nhà thờ chính tòa Manila, các linh mục trong tổng giáo phận đã tặng cho Đức Cha Pabillo một chiếc áo lễ như một món quà cho lễ nhậm chức của ngài ở Palawan.

“Khi Đức Giám Mục Broderick Pabillo đến Palawan để nhận chức vụ Giám Quản Tông Tòa của Taytay, Cha Regie Malicdem và Cha Kali Llamado đã tặng ngài một món quà từ nhà thờ chính tòa Manila, đó là chiếc áo lễ ngài sẽ mặc trong lễ nhậm chức”, một bài đăng trên trang Facebook của nhà thờ chính tòa Manila cho biết.

Vị giám mục 66 tuổi này đã làm Giám Mục Phụ Tá của Manila từ năm 2006.
Source:Licas News
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Colorado về việc chích vắc xin COVID-19 hay không
J.B. Đặng Minh An dịch
13:43 10/08/2021
Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tiểu bang Colorado vừa đưa ra tuyên bố sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Chúng tôi, các giám mục Công Giáo của Colorado, nhất quán với các bức thư trước đây của chúng tôi về vắc xin COVID-19, khẳng định rằng việc sử dụng một số vắc xin COVID-19 được chấp nhận về mặt đạo đức trong một số trường hợp nhất định. Trong suốt trận đại dịch, chúng tôi đã hợp tác với các nhà chức trách dân sự các cấp và khuyến khích người Công Giáo giúp đỡ lẫn nhau, và rộng hơn là giúp đỡ xã hội, để chúng ta vẫn khỏe mạnh và an toàn trong thời gian đầy thử thách này. Chúng tôi hiểu rằng một số cá nhân với xác tín có cơ sở khiến họ nhận ra rằng họ không nên tiêm chủng. Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng trong các trường hợp yêu cầu chích vắc xin Denver gần đây nhất, vẫn có những miễn trừ cho các niềm tin tôn giáo chân thành. Điều này là phù hợp theo luật bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Chúng tôi luôn cảnh giác khi bất kỳ bộ máy quan liêu nào tìm cách áp đặt các yêu cầu đồng nhất và sâu rộng đối với một nhóm người trong các lĩnh vực liên quan đến lương tâm cá nhân. Trong suốt lịch sử, những vi phạm nhân quyền và mất đi sự tôn trọng đối với phẩm giá do Thiên Chúa ban cho của mỗi người thường bắt đầu từ những yêu sách của chính phủ trong đó không tôn trọng tự do lương tâm. Trong trường hợp vắc-xin COVID-19, chúng tôi xác tín rằng chính phủ không nên áp dụng các biện pháp can thiệp y tế đối với một cá nhân hoặc một nhóm người. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng niềm tin và sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.

Chúng tôi đã được các Tín hữu thắc mắc một số câu hỏi liên quan đến giáo lý Công Giáo áp dụng cho vấn đề này. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng một người có thể từ chối các can thiệp y tế, bao gồm cả việc tiêm chủng, nếu lương tâm của họ dẫn họ đến quyết định đó. Dưới đây là những điểm liên quan đến quyết định cá nhân này:

• Việc chủng ngừa không phải là bắt buộc về mặt đạo đức và do đó phải tự nguyện.

• Người Công Giáo có nghĩa vụ đạo đức là phải từ chối sử dụng các sản phẩm y tế, bao gồm một số loại vắc xin nhất định, được tạo ra bằng cách sử dụng các dòng tế bào của con người có nguồn gốc từ việc phá thai. Tuy vậy, họ được phép sử dụng các loại vắc-xin như vậy trong các điều kiện cụ thể - nếu không có lựa chọn thay thế nào khác và mục đích là để bảo toàn mạng sống.

• Đánh giá của một người về việc liệu những lợi ích của một can thiệp y tế có lớn hơn những tác dụng phụ, ngoài ý muốn hay không, cần được tôn trọng trừ khi chúng trái với những lời dạy đạo đức có thẩm quyền của Công Giáo.

• Người Công Giáo được yêu cầu về mặt đạo đức phải tuân theo tiếng nói lương tâm của mình.

• Để biết thêm thông tin về những vấn đề đạo đức quan trọng này, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra một tuyên bố có thể đọc trên trang Web của USCCB.

Nhìn chung, những điểm này có nghĩa là một người Công Giáo có thể đánh giá đúng hay sai khi nhận một số loại vắc-xin nhất định vì nhiều lý do và không có luật hoặc quy tắc nào của Giáo hội bắt buộc người Công Giáo phải chấp nhận vắc-xin - kể cả vắc-xin COVID-19.

Ba giáo phận Công Giáo Colorado vẫn cam kết hợp tác với các cơ quan y tế cộng đồng và các cơ quan chức năng khác để bảo vệ hạnh phúc của cộng đồng chúng ta, đồng thời thúc giục các quyền tự do lương tâm và biểu đạt cá nhân phải được hỗ trợ đầy đủ, và tính toàn vẹn và tự chủ của các tổ chức tôn giáo phải được tôn trọng. Vấn đề tiêm chủng là một vấn đề cá nhân sâu sắc và chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc miễn trừ tôn giáo đối với bất kỳ và tất cả các nhiệm vụ tiêm chủng.

Nếu bất kỳ người nào đi đến một phán quyết sáng suốt rằng họ nên nhận hay không nhận vắc-xin, người đó nên làm theo lương tâm của họ, và họ sẽ không bị trừng phạt vì làm như vậy. Chúng tôi khuyến khích bất kỳ cá nhân nào muốn được miễn trừ hãy tham khảo ý kiến của chủ lao động hoặc trường học của họ. Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Colorado cũng có một mẫu thư có sẵn được ký bởi các cha sở của các tín hữu nếu một người Công Giáo muốn có một giấy chứng nhận rằng họ đang xin miễn trừ vì lý do tôn giáo.

Trân trọng,

+ Đức Cha Samuel J. Aquila
Tổng giám mục Denver

+ Đức Cha Stephen J. Berg
Giám Mục Pueblo

+ Đức Cha James R. Golka
Giám Mục Colorado Springs

+ Đức Cha Jorge Rodriguez
Giám Mục Phụ Tá của Denver

Source:Denver Catholic
 
Tòa Liên bang ngăn cản lệnh chuyển phái tính của Biden
Vũ Văn An
22:39 10/08/2021

Theo becketlaw.org, ngày 9 tháng 8 năm 2021, một toà án liên bang tại Texas đã ngăn cản một chính sách tai hại của chính phủ Biden được biết dưới danh hiệu Lệnh Chuyển Phái tính (Transgender Mandate), vốn buộc các bác sĩ và bệnh viện tôn giáo phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi phái tính cho các bệnh nhân của họ, gồm cả trẻ em, dù các thủ tục này có hại về y khoa. Vụ Franciscan Alliance v. Becerra đã được một bệnh viện tôn giáo đưa ra trước tòa. Bệnh viện này vốn là một hiệp hội gồm 20,000 chuyên gia chăm sóc y tế ở 9 tiểu bang. Và đây là phán quyết thứ hai của tòa ngăn cản chính phủ không được thi hành chính sách.



Luke Goodrich, phó chủ tịch và cố vấn cao cấp của Becket nói rằng “Phán quyết hôm nay là một chiến thắng đối với lòng cảm thương, lương tâm, và lương tri. Không bác sĩ nào nên bị buộc phải thực hiện các thủ tục gây tranh cãi, không được y khoa hỗ trợ, trái với lương tâm họ và có thể gây hại sâu xa cho các bệnh nhân của họ”.

Năm năm, và hai đời tổng thống trước đây, chính phủ liên bang ban hành lệnh áp dụng cho gần như mọi bác sĩ cả nước, dựa vào việc giải thích Đạo luật Chăm sóc Giá phải chăng, đòi họ phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi phái tính cho bất cứ bệnh nhân nào, kể cả trẻ em, cho dù bác sĩ tin rằng thủ tục này có thể gây hại cho bệnh nhân. Bác sĩ nào từ chối thi hành sẽ phải chịu nhiều hậu quả trầm trọng, kể cả hình phạt tài chánh lẫn kiện cáo tư nhân. Ngay sau đó, các tổ chức và tiểu bang đã nạp đơn kiện, thách thức tính hợp pháp của lệnh này tại nhiều tòa án khác nhau. Năm 2016, một tòa liên bang ở North Dakota đã tạm đình chỉ lệnh này, và năm 2019, một tòa liên bang khác tại Texas đã bác bỏ nó. Gần đây, chính phủ Biden tuyên bố họ sẽ phục hồi chính sách này. Phán quyết hôm nay đã kết liễu mưu toan đó.

Goodrich nói rằng “các bác sĩ và bệnh viện tôn giáo này cung cấp việc chăm sóc y tế tốt nhất cho mọi bệnh nhân mắc đủ chứng bệnh từ ung thư cho tới chứng cảm lạnh. Mọi người được hưởng ích lợi khi các bác sĩ có khả năng được theo phán đoán y khoa chuyên nghiệp của họ và lời thề Hippocratic, ‘không gây hại’”.

Chính phủ Biden có 60 ngày để quyết định liệu có kháng cáo hay không.

Ủng hộ đồng tính và chuyển phái tính

Trong khi đó, cũng ngày 9 tháng 8, 2021, nhóm gọi là New Ways Ministry, một nhóm cách nay một thập niên vốn bị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chính thức coi không phải là một tổ chức Công Giáo, đã ra lời kêu gọi tựa là “Lời Kêu Gọi Người Công Giáo Không Kỳ thị LGBTQ”. Họ cho biết 26 vị Giám Mục vốn ủng hộ người LGBTQ được kêu gọi ủng hộ lời kêu gọi này, nhưng chỉ một mình Đức Cha
Thomas J. Gumbleton, một Giám Mục Phụ Tá đã hưu trí của tổng giáo phận Detroit, là chịu ký mà thôi. Ngoài ra có thêm gần 30 dòng nữ, 5 trong 6 chủ tich gần đây nhất của Hội Thần học Công Giáo Hoa Kỳ và thành viên mới nhất của Hội đồng Duyệt xét Toàn quốc (National Review Board) của các Giám Mục Hoa Kỳ, ký thự.

Đại cương nhóm này cho rằng mối liên hệ giữa hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo Rôma và cộng đồng LGBTQ, từ lâu, vốn đầy rẫy căng thẳng, xúc cảm tiêu cực, và hàm hồ. Các tuyên bố gay gắt của các giáo phẩm cao cấp chống lại các sáng kiến nhằm mang lại bình đẳng cho cộng đồng này trong lãnh vực dân sự thường đem lại kết quả là các quyền lợi của LGBTQ bị giới hạn hơn, gây ra nhiều vi phạm và cho phép gây ra nhiều tai hại xã hội và bản thân cho cộng đồng bị đẩy ra ngoài lề này. Và điều làm họ bận tâm nhất là giới lãnh đạo Công Giáo đã làm ngơ các giáo huấn và giá trị nền tảng của Đạo khi đưa ra chủ trương về các sáng kiến xã hội đối với người LGBTQ qua việc ủng hộ các chính sách dân sự nhằm cổ vũ kỳ thị, chống đối các chính sách nhằm tạo bình đẳng, qua mặt truyền thống công bằng xã hội đáng tự hào của Giáo Hội Công Giáo, vốn là sản phẩm của hơn một thế kỷ khai triển học thuyết xã hội nhằm ngày càng hỗ trợ các nhân quyền của mọi người không trừ ai.

Và họ kêu gọi mọi người Công Giáo và những người có thiện chí tham gia với họ để đứng lên và lớn tiếng bênh vực việc bất kỳ thị người LGBTQ trong các cộng đồng của mình, biến “cả Giáo Hội và thế giới chúng ta thành căn nhà cho mọi người”.

Nhà thần học bị tòa phạt vì bài báo chống đồng tính

Cùng nhịp với lời kêu gọi trên là việc tòa án Cologne, Đức, vừa phạt một nhà thần học Ba Lan về tội kích thích hận thù.

Thực vậy, theo Sarah Wheaton của tạp chí Politico (https://www.politico.eu/article/germany-poland-dariusz-oko-lgbtq-influence-vatican/), giáo sư thần học người Ba-lan, Dariusz Oko, bị toà án Cologne phạt €4,800 vì bài báo cha đăng trên tạp chí Đức Theologisches đề cập tới ảnh hưởng đồng tính tại Vatican.

Trong bài báo trên, tựa là “Về Nhu cầu giới hạn Nhóm kín Đồng tính trong Giáo Hội”, cha Oko gọi các giáo sĩ đồng tính là “ung nhọt ung thư” và coi quyền đồng tính là “dị giáo đồng tính”.

Điều đáng chú ý là một linh mục ở Munich, Cha Wolfgang F. Rothe, đã đưa Cha Oko ra toà dẫn tới phán quyết trên. Cha Rothe cho rằng không nên có chỗ cho một hận thù và kích thích như vậy trong Giáo Hội Công Giáo. Cha cho hay từ ngày đó, cha bị nhiều thù nghịch và đe dọa từ giới bảo thủ Ba Lan.

Quả thực, Balan đã lên tiếng tố cáo hệ thống tư pháp của Đức khi đặt các tiêu chuẩn của Âu Châu vào thế lâm nguy vì đã phạt một nhà thần học của họ, chỉ vì đã mô tả các giáo sĩ đồng tính là “ký sinh trùng”.

Trong một nhận định với hãng tin DPA, Thứ trưởng Tư Pháp Balan, Marcin Romanowski, nói rằng ông thấy “nhiều khuynh hướng phản tự do trong hệ thống che chở luật pháp của Đức. Việc áp đặt hình phạt lên các khảo cứu khoa học nói lên mối đe dọa đối với các quyền tự do căn bản và tiêu chuẩn Âu Châu”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sàigòn Trong Cơn Dịch Covid Maria Vũ Loan
Maria Vũ Loan
10:27 10/08/2021
Sàigòn Trong Cơn Dịch Covid

Ai cũng biết Sài Gòn đang bùng dịch bệnh do virus hoành hành. Sau ba lần bùng dịch, người dân cứ vô tư, nhưng lần thứ tư này người ta mới biết sợ. Biết sợ khi các hàng quán phải đóng cửa; các dịch vụ phải ngưng, việc di chuyển phải hạn chế, các chợ phải ngừng bán - điều mà hơn sáu chục năm qua chưa từng có ở Sài Gòn - một đô thị hoa lệ, có lẽ “HOA là hoa thơm cỏ lạ đối với người giàu có và LỆ là nước mắt và mồ hôi đối với người lao động nghèo. Và Sài Gòn hôm nay đang oằn oại đau thương.

Xem Hình

Hiện nay, “ở nhà” là từ ngữ người ta nhắc đến nhiều nhất. Nhiều người dùng thời gian này để làm việc hữu ích hoặc những việc chẳng liên quan đến ai, thậm chí là vô bổ. Ngược lại, nhiều người sống tích cực bằng cách “làm việc ở nhà”. Đáng khâm phục hơn là những người tình nguyện làm việc hữu ích cho cộng đồng. Nhiều giáo dân phụ giúp tại các giáo xứ chuyển tải rau củ quả, chia quà theo ý cha xứ, rong ruỗi các ngả đường để chia nhu yếu phẩm, chia cơm; hoặc các bà các chị vất vả nấu những bữa ăn cho những người bị cách ly.. Quả thật, người ta nói: “Người Sài Gòn dễ thương mùa Covid-19” là rất đúng! Dù bằng cách nào, có “màu mè hoa lá hẹ” hay không thì cốt lõi của việc chia sẻ cũng là yêu thương mà thôi!

Cảm ơn Thiên Chúa đã “ấn vào” trái tim con người một lương tâm sống động, dù họ có tin vào Người hay không!

GẶP GỠ

Sài Gòn thời Covid xem ra việc gặp gỡ là chuyện khó khăn, có khi là vô duyên, thậm chí là thiếu ý thức. Với điện thoại trong tay, tôi hỏi thăm được nhiều người. Có khi là vị Giám mục về hưu, đã hơn chín mươi tuổi đời mà vẫn viết tốt!, cụ thể như:

- “Con kính chào Đức Cha. Sức khỏe của Đức Cha có tốt không ạ? Xin cầu nguyện cho Sài Gòn chúng con.

- À…cảm ơn con, cha vẫn bình thường. Đúng đấy, cha đọc tin tức thấy Sài Gòn có nhiều người lầm than quá! Có người không có tiền mua cơm ăn…Ở tỉnh lẻ chỗ cha ở, mọi việc bắt đầu không sinh hoạt bình thường, người ta không dự lễ ở nhà thờ hay thăm nhau. Covid đang lan dần ra các tỉnh! Cha cũng có chia sẻ cho người này người kia.

- Thưa vâng, Covid đã lan dần khắp đất Việt. Còn con, ban đầu dịch mới bùng lên lần 4, con nhờ người thân tạt ngang vài gia đình khó khăn mà mình biết rõ để giúp gạo và tiền. Rồi thấy mấy người mua ve chai, bán vé số đi ngang nhà thì tặng họ số tiền giá trị khoảng hai đến năm ký gạo. Bây giờ dịch nặng quá, con “nằm im”, gặp ai cũng sợ!

- Cha sẽ cầu nguyện cho con và gia đình.

- Thưa vâng, con cảm ơn và xin kính chào Đức Cha”.

Có khi là một vị ân nhân trẻ. Khi thấy tôi than buồn, có nguy cơ trầm cảm; cậu ấy bèn gọi điện hằng ngày, tán chuyện này chuyện kia. Một câu nói của cậu ấy làm tôi chột dạ: “Buồn ghê…em luôn nghĩ Chúa phạt toàn thế giới!”. Tuy vậy, tâm tư tôi vẫn lạc quan, nếu Chúa phạt toàn thế giới thì làm sao Người còn giúp họ chế được Vác- xin, không phải một loại mà nhiều loại; dân chúng được chích đại trà rồi người ta tụ tập nhau xem đá bóng cuồng nhiệt ở Châu Âu kìa!

Có anh bạn ở Úc, làm việc trong bệnh viện, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, anh bộc lộ suy tư thế này: “Làm nghề này thì phải yêu người. Nhiều nhân viên y tế đã bỏ nghề vì cực một phần, phần khác là đôi khi bệnh nhân và gia đình đòi hỏi thái quá. Có lúc nhân viên y tế bị chửi, bị đánh, có khi bị sát hại. Rồi làm việc không đúng thì bị kỷ luật, thậm chí bị ở tù. Vì vậy, khi đã làm nghề này thì không còn sợ bất cứ bệnh gì, kể cả Covid. Chỉ ngại mình bị lây nhiễm rồi mang về nhà thì khổ cho người thân”.

Khi tôi hỏi thời dịch bệnh, anh có nhìn thấy hình bóng Chúa Giêsu trong người bệnh không; anh có cầu nguyện cho Việt Nam không, thì anh trả lời: “Mình chưa đạt được cảm giác tâm linh ấy, có điều trong tâm tư nhiều khi vẫn cầu nguyện cho họ. Nếu bệnh nhân “không qua khỏi” dù có tin Chúa hay không thì mình thường làm dấu trên trán cho họ lúc thu xếp thi thể. Việc dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam thì cũng như mọi nơi trên thế giới, mình chỉ biết cầu nguyện thôi, mong đại dịch mau qua. Dân Việt Nam thì khổ hơn bên mình nhiều vì không có làm thì chẳng có ăn hoặc bị bệnh thì cực kỳ khổ. Bên Úc, nếu bị bệnh là được lo đầy đủ miễn phí; nếu cách ly thì có nơi ở, cũng như thực phẩm; nhân viên cách ly nghỉ thì vẫn được trả tiền mất việc, được hỗ trợ tiền và thực phẩm…”.

Dẫu thế nào, mình vẫn ngưỡng mộ việc làm của bạn.

- Ôi lạy Chúa, mình chẳng làm gì to tát, đừng khen tặng quá nhé!

Một cha xứ gọi điện cho tôi từ Kontum. Chưa gì cha đã cười híc.. híc:

- Chị sao rồi, khỏe không sao im ắng thế? Hay là đi cách ly rồi?

- Ôi trời, rồng gọi cho tôm! Con vẫn bình thường nhưng nơm nớp lo sợ. Quỹ chỉ còn ít tiền nên con chỉ cho lai rai một vài gia đình có hoàn cảnh khó khăn thôi, chẳng đi đâu được…Hết dịch, con với cha bàn chuyện mở quán cà phê trong xứ đạo, khi đó con lại “bay ra”.

Những thành viên trong Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi có thành tích hoạt động trên dưới hai mươi năm, thường liên hệ với nhau bằng một Group Messenger, nên thỉnh thoảng nhận được rổ chanh, thanh long, củ cải của phường; hay mua được ít cà rốt, miếng thịt… tôi đều đưa hình lên nhóm để các bạn xem và cười híc híc với nhau. Chúng tôi vẫn cười vì còn đang được ở trong vùng …an toàn.

Gặp gỡ mùa Covid qua điện thoại cũng là đáng quí. Cầu nguyện cho nhau thì quí hơn và chú ý đến nhu cầu của người cùng khổ lúc này là quí nhất.

ĐIỂM SÁNG

Và đã có nhiều tấm gương sáng chói mùa dịch, làm mềm lòng những tâm hồn chai đá, làm ấm áp những người cùng khổ: kìa là máng tặng gạo và rau củ quả (Gx Mai Khôi), nọ là ống chuyển bánh mì thịt, khoai tím (Gx Tân Sa Châu); có nơi cha xứ mặc đồ bảo hộ như “nin –ja” vào giáo khu ban phép lành; rồi bánh mì không đồng, đặc biệt là siêu thị 0 đồng của Caritas TGP Sài Gòn. Giáo xứ Phú Hạnh và giáo xứ Chợ Đũi thì chia rất nhiều quà, rau củ quả, có cả cá cho giáo dân, khu cách ly và người cùng khổ. Nhiều giáo xứ khác cũng tích cực hoạt động, mỗi nơi một vẻ…. Đúng rồi, không thể kể hết, nhưng rõ ràng chân dung của Chúa Kitô đã được giới thiệu với nhiều người vào dịp này.

Khi thông tin có 430 nam nữ tu sĩ tình nguyện “chiến đấu” chống Covid, chúng tôi xúc động thực sự. Lúc nhìn thấy trên màn hình ti-vi, quí Sơ đứng xếp hàng chích ngừa trước khi ra “chiến trường Covid”, tôi chép miệng, thốt lên: “Chúa ơi, các chị cũng mỏng manh thế này thì sao chịu nổi!?”. Chúng tôi tưởng tượng: Covid là đạn, súng là sự lây lan, nếu bị loại súng đạn này bắn vào người thì không chết cũng bị thương; và khi các tu sĩ nam nữ này đi vào các bệnh viện dã chiến mà phục vụ bệnh nhân dương tính, giống như là con đường lên núi Sọ vậy!

Và mới đây, khi xem xong một clip ngắn, thông tin có nữ tu là bác sĩ đã bị nhiễm Covid, trở thành F0 mà vẫn hăng hái làm việc trong khu cách ly, nghe những bệnh nhân nữ rên rỉ yếu ớt, đau đớn… nước mắt tôi chảy xuống tong tong. Đã lâu rồi tôi không khóc, thế mà sao hôm nay, tôi không kịp gạt ngang nước mắt. Ở nhà, mỗi tối tôi vẫn chăn ấm nệm êm, trong khi nhiều chị em, nhiều người cực nhọc quá; tôi không thể làm gì để góp phần chống dịch khi đã đi qua tuổi sáu mươi….Tôi quyết định “bẻ” số tiền để dành mừng kỷ niệm 30 năm hoạt động xã hội vào năm tới, nhờ người thân chia thành một số phong bì trao cho những gia đình khó khăn quanh giáo xứ của mình.

TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG

Trước đây, chúng tôi thường đến bệnh viện giúp bệnh nhân, tặng tiền người bán máu, thế nhưng đầu tháng 6/2021, khi phường mời đi kiểm dịch, tôi sợ quá, cầu nguyện đọc kinh rối rít, chắc Chúa cũng bật cười. Thế rồi đầu tháng 8 này, tôi nhận được giấy cho chích ngừa Covid. Tôi tiếp tục căng thẳng, lo sợ. Dù vậy, tôi vẫn không bỏ thói quen, đi đâu và làm gì cũng chụp hình, để thông tin cho người thân và biết đâu “viết được một bài”!

Khi chích xong, cảm tưởng của tôi thật dồi dào khi ngồi trong phòng, chờ phản ứng của cơ thể và đợi kết quả. Tôi tạ ơn Chúa vì thấy bình thường. Tôi thầm biết ơn những nhà khoa học đã chế tạo được vắc-xin chích ngừa; những quốc gia tiên tiến, đã có trách nhiệm cộng đồng khi chia sẻ vắc-xin cho những nước nghèo, cho đất nước chúng tôi. Ai đã cho loài người biết tương thân tương ái như thế? Có phải chính là Đấng đã tạo dựng sự sống, và cũng chính Ngài làm cho con người biết trân quý sự sống.

Lòng tôi còn cảm mến các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc với cái tâm chân thực và những anh chị em làm việc “vòng ngoài” phục vụ cho việc chích ngừa. Tôi bỗng thấy yêu thương đất nước, đồng bào máu đỏ da vàng của mình nhiều hơn.

Khi Lòng Chúa Thương Xót bao phủ địa cầu, đại dịch qua đi, mọi sinh hoạt trở lại bình thường thì chắc chắn ai cũng vui mừng nhưng có lẽ từng người có “bài học nhớ đời” qua biến cố dịch bệnh: đó là bài học về bình tĩnh, cẩn thận, trách nhiệm với cộng đồng, tin tưởng, phó thác, cảm thông, yêu thương, san sẻ…như thế đã đủ để sống cho thật LÀ NGƯỜI; như thế đã đủ để sống là một KITÔ HỮU TỐT LÀNH.
 
VietCatholic TV
Nuôi ong tay áo: Bề trên tỉnh dòng Pháp bị thảm sát. Hung thủ từng được dàn xếp gặp gỡ ĐTC Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:21 10/08/2021


1. Cảnh sát thẩm vấn người đàn ông giết chết Bề trên tỉnh dòng Thừa sai Montfort

Một người nhập cư Rwandan 40 tuổi bị tình nghi phóng hỏa nhà thờ chính tòa thành phố Nantes đã bị cảnh sát thẩm vấn sau khi anh ta ra trình diện với cảnh sát và khẳng định đã giết hại một linh mục Công Giáo hôm thứ Hai ở miền Tây nước Pháp.

Người đàn ông, được xác định là Emmanuel Abayisenga, đã được Cha Olivier Maire, 61 tuổi, Bề trên tỉnh dòng Thừa sai Montfort chào đón vào Saint-Laurent-sur-Sèvre, một quận của tỉnh Vendée. Trớ trêu thay, Cha Maire đã trở thành nạn nhân của người này.

Trước vụ thảm sát cha bề trên, Abayisenga đã từng bị bắt về tội phóng hỏa nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ của thành phố Nantes vào ngày 18 tháng 7 năm 2020. Anh ta đã tình nguyện làm ông từ coi sóc ngôi thánh đường này. Mặc dù, anh ta đã nhận tội với cảnh sát, Cha Maire đã xin cho anh ta được tại ngoại hầu tra chờ ngày xét xử.

Vụ sát hại Cha Maire, bề trên tỉnh dòng Pháp của Dòng Thừa sai Montfort, hay còn được gọi là Dòng Thừa Sai Những Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Maria, đã được Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin của Pháp công bố vào ngày 9 tháng 8.

Bộ trưởng Darmanin đã cấp tốc đến Saint-Laurent-sur-Sèvre vào tối thứ Hai để thị sát tại chỗ. Ông đã bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Công Giáo Pháp trên phương tiện truyền thông xã hội.

“Tôi bày tỏ sự ủng hộ với những người Công Giáo của đất nước chúng ta sau vụ giết hại thảm khốc một linh mục ở Vendée,” ông viết trên tài khoản Twitter của mình.

Các báo cáo ban đầu cho biết có vẻ như Cha Maire đã bị đấm nhiều cú cho đến khi thiệt mạng. Dự kiến sẽ có kết quả khám nghiệm trong thời gian ngắn sắp tới. Các nhà chức trách chưa cho biết vụ giết người đã xảy ra khi nào và trong hoàn cảnh nào.

Đức Cha François Jacolin của Luçon, một giáo phận bao gồm giáo phận Vendée, đã than thở về “cái chết thê thảm của Cha Maire”.

“Cha Olivier Maire đã chết như một nạn nhân của lòng hào hiệp của ngài, một người tử vì đạo vì lòng bác ái”, Đức Giám Mục nói trong một tuyên bố ngày 9 tháng 8.

Truyền thông Pháp đưa tin, nghi phạm đã bước vào đồn cảnh sát ở Mortagne-sur-Sèvre vào sáng thứ Hai và nói với các nhân viên cảnh sát rằng hắn đã giết một linh mục.

Nghi phạm đã bị bắt giữ và cảnh sát được điều động đến địa chỉ mà nghi phạm đưa ra, nơi họ tìm thấy thi thể của Cha Maire trong một khu vực chung trong tòa nhà của cộng đồng tôn giáo mà ngài sinh sống.

Tờ La Croix của Pháp đưa tin, nghi phạm gần đây đã được thả ra sau khi được đưa vào một bệnh viện tâm thần.

Tờ báo nói rằng phó công tố viên khu vực Yannick Le Goater đã xác nhận rằng nghi phạm đã phải nhập viện trong một tháng.

Công tố viên nói rằng cảnh sát không tin rằng vụ giết người có liên quan đến khủng bố.

Tờ La Croix cũng báo cáo rằng các nhà chức trách Pháp đã từ chối đơn xin tị nạn của nghi phạm và tống đạt tới anh ta ba thông báo phải rời khỏi Pháp, vào năm 2016, 2017 và 2019.

Tờ báo cho biết, nghi phạm đã bị giam giữ sau vụ cháy ở Nantes vào tháng 7 năm 2020 cho đến khi được tại ngoại vào tháng 5 năm nay.

Việc trả tự do cho anh ta, dưới sự kiểm soát của tư pháp, bao gồm các điều kiện như nghĩa vụ trình diện với chính quyền hai lần một tháng và cư trú tại cộng đồng ở Saint-Laurent-sur-Sèvre.

Tờ La Croix nói rằng Maire đã bị cảnh sát triệu tập vào ngày 20/6 sau khi nghi phạm bày tỏ mong muốn được rời khỏi cộng đồng. Nghi phạm sau đó phải nhập viện tâm thần. Anh ta được trả tự do vào ngày 29 tháng 7 và trở lại dòng tu.

Tờ báo nói rằng nhà chức trách chưa trục xuất nghi phạm vì họ muốn bảo đảm rằng anh ta phải bị xét xử liên quan đến vụ cháy nhà thờ.

Vụ giết người ngay lập tức làm dấy lên một cuộc tranh luận chính trị. Marine Le Pen, chủ tịch National Rally, một đảng chống nhập cư, chỉ trích nhà chức trách vì không trục xuất nghi phạm.

Marine Le Pen:

“Ở Pháp, một người có thể là một người nhập cư bất hợp pháp, đốt nhà thờ ở Nantes, không bao giờ bị trục xuất, và sau đó tái phạm bằng cách giết một linh mục,” cô viết trên Twitter.

Darmanin bác bỏ những lời chỉ trích và giải thích.

“Thay vì bày tỏ lòng thương xót đối với những người Công Giáo đã chào đón kẻ sát nhân này, cô Le Pen đã châm biếm mà không biết sự thật: người nước ngoài này không thể bị trục xuất bất chấp lệnh trục xuất, chừng nào những hạn chế tư pháp của anh ta chưa được dỡ bỏ”.

Những hạn chế tư pháp mà ông Darmanin đề cập đến đã được đưa ra nhằm bảo đảm hung thủ phải ra tòa về tội đốt cháy nhà thờ chính tòa Nantes.

Le Pen đang chuẩn bị tranh cử tổng thống Pháp với tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron vào tháng 4 năm 2022.

Tổng thống Emmanuel Macron nói trong một lời tri ân trên mạng xã hội rằng sự quảng đại và tình yêu thương của Cha Maire dành cho người khác được phản ánh qua các đường nét trên khuôn mặt ngài.

“Nhân danh quốc gia, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Cha Olivier Maire. Xin gửi lời chia buồn tới cộng đồng Montfort và tất cả những người Công Giáo Pháp. Bảo vệ các tín hữu là một ưu tiên của chính quyền.”

Olivier Faure, chính trị gia cao cấp nhất trong Đảng Xã hội của Pháp, mô tả Cha Maire là một người “chính trực”.

Anh ta nói rằng vị linh mục “chắc chắn không thích cái chết của ngài lại châm ngòi cho những cuộc luận chiến”.

“Xin gửi lời chia buồn đến tất cả những ai đã yêu mến Cha. Tôi mạnh mẽ lên án tên tội phạm đã ra tay trên người đã tiếp đãi mình”, Faure viết trên Twitter.

Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã bàng hoàng trước tin này. Ngài cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort, đấng sáng lập Dòng Các Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Mẹ. Ngài cũng cầu xin Thánh Gioan Phaolô II, giáo hoàng từ năm 1978 đến năm 2005.

“Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort và Thánh Gioan Phaolô II, xin ở cùng chúng con, chúng con cầu xin các ngài”.
Source:Catholic News Agency

2. Người đàn ông Rwandan giết chết linh mục Pháp đã được dàn xếp cho gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016

Theo truyền thông Công Giáo Pháp, người đàn ông Rwandan đã tự nộp mình cho cảnh sát sau khi sát hại một linh mục ở miền Tây nước Pháp hôm thứ Hai, đã được dàn xếp cho gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016.

Nghi phạm được giới truyền thông xác định là Emmanuel Abayisenga, 40 tuổi, cũng là nghi phạm chính trong vụ tấn công đốt phá nhà thờ ở Nantes, Tây Bắc nước Pháp vào tháng 7/2020.

Một bức ảnh chụp vào ngày 11 tháng 11 năm 2016, được tờ báo Công Giáo Pháp La Croix đăng lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 7, cho thấy một người đàn ông được xác định là Abayisenga đã chào Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi tiếp kiến với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Vatican.

La Croix đã xác nhận trong báo cáo ngày 9 tháng 8 về vụ giết hại cha.

Maire rằng Abayisenga “đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2016 tại Rome”.

Đức Giáo Hoàng đã gặp Abayisenga trong một cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ Lễ hội Niềm vui và Lòng thương xót của Âu Châu tại Hội trường Thánh Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Sự kiện dành cho những người bị xã hội loại trừ được Fratello của Pháp tổ chức, như một phần của Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài một năm trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Khoảng 3,600 người đã tham dự, trong đó có nhiều người đến từ Pháp, Ba Lan và Rôma.

Theo La Croix, Abayisenga đã đến Rome cùng một nhóm từ Nantes. Ông đã được cộng đồng Kitô địa phương chào đón sau khi đến thành phố vào năm 2012.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một bài phát biểu của một thành viên khác trong nhóm đã đến từ Nantes.

Đức Giáo Hoàng nói tác giả của bài viết đã “cảm thấy xúc động trước việc lặp đi lặp lại từ ngữ “hòa bình” của các Kitô Hữu. Sau đó, anh ấy nói về sự yên bình và niềm vui mà anh cảm nghiệm khi bắt đầu tham gia dàn hợp xướng Nantes”.


Source:National Catholic Register

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp

Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và Hội đồng Tôn giáo Pháp, gọi tắt là CORREF, đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 9 tháng 8 bày tỏ rằng các vị “vô cùng đau buồn và kinh hoàng”.

“Thủ phạm của vụ giết người này đã ở với Cha Olivier Maire, và đã trình diện cảnh sát ngay sáng nay”, tuyên bố cho biết.

“Hiện tại, vẫn chưa rõ hoàn cảnh xảy ra thảm kịch này”.

“CEF và CORREF cam đoan với cha mẹ Cha Olivier Maire, gia đình ngài, các Nhà truyền giáo Monfort, cộng đồng Vương cung thánh đường Thánh Louis-Marie Grignon de Montfort ở Saint-Laurent-sur-Sèvre và toàn thể Gia đình Dòng Montfort những lời cầu nguyện của chúng tôi”.

“Các linh mục và tu sĩ Dòng Thừa Sai Những Môn Đệ Đồng Hành Với Đức Maria, thường được gọi là Dòng truyền giáo Montfort, hiện diện trên khắp năm châu lục. Các ngài theo đuổi dự án của người sáng lập, để truyền giáo trong sự gần gũi và chú ý đến tất cả mọi người”.

Trong một bài giảng vào tháng 10 năm 2020, Cha Maire đã nói về tầm quan trọng của việc phục vụ những người ở “vùng ngoại vi”, trích dẫn thông điệp Fratelli tutti mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Chúng ta hãy ngồi xuống trong một thời gian để chia sẻ tình huynh đệ, chúng ta hãy ngồi xuống với những người nghèo nhất, bị loại trừ, và những người bị nhân loại từ chối”.


Source:Catholic News Agency
 
Quân cảnh Italia tìm ra kẻ gởi 3 viên đạn hăm dọa ĐTC Phanxicô. Ký sự của một nữ tu trên tuyến đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:24 10/08/2021


1. Cảnh sát Ý thu giữ lá thư gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô chứa 3 viên đạn

Lực lượng cảnh sát quân sự Carabinieri tại Milan, Ý, đã chặn một lá thư vào ngày 9 tháng 8 gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó có chứa ba viên đạn để dằn mặt ngài.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương của Ý, bức thư chứa ba viên đạn cỡ 9 mili mét kiểu Flobert. Bức thư cũng bao gồm một thông điệp liên quan đến các hoạt động tài chính của Vatican, cụ thể là liên quan đến một vụ kiện đang được xét xử chống lại một số người, bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu.

Người gửi viết trên bao thư bằng một cây bút máy: Gởi đến “Đức Giáo Hoàng - Thành phố Vatican - quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.”

Các phương tiện truyền thông Ý đưa tin rằng bức thư đến từ Pháp.

Nó có một con tem của Pháp và một bản sao của một khoản tiền gửi 10 euro. Tuy nhiên, nội dung chi tiết vẫn chưa được biết.

Chiều thứ Hai 9 tháng Tám, tức là Sáng thứ Ba theo giờ Việt Nam, các nhân viên bưu điện khi kiểm thư đã sinh nghi nên báo cho cảnh sát quận San Donato ở Milan. Lực lượng cảnh sát quân sự Carabinieri đã lập tức đến nơi thu giữ bức thư và đang điều tra vụ việc cùng với đơn vị điều tra Milan. Dẫn đầu cuộc điều tra là phó công tố viên Alessandra Cerreti tại Văn phòng Công tố Milan.


Source:Chuch POP2. Cảnh sát Ý cho biết đã xác định được người gửi thư hăm dọa Đức Thánh Cha Phanxicô

Chiều tối thứ Hai 9 tháng Tám, tức là rạng sáng thứ Ba theo giờ Việt Nam, Cảnh sát Ý đã thông báo rằng người gửi bức thư hăm dọa Đức Thánh Cha Phanxicô có chứa ba viên đạn đã được xác định.

Cảnh sát chưa tiết lộ tên của người này, nhưng hôm 9/8 cho biết đây là một công dân Pháp “đã được an ninh Vatican biết đến, người mà Carabinieri của Milan hiện sẽ phối hợp để đánh giá ý nghĩa của cử chỉ và sự nguy hiểm có thể xảy ra của nó”.

Hiện tại, theo hãng tin ANSA của Ý, “thông tin mà hầu hết các nhà điều tra quan tâm là biết rằng anh ta đang ở đâu, bởi vì nó sẽ nâng cao một mức độ báo động khác để biết anh ta đang ở Pháp hay ở quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma”.

Ban đầu, cảnh sát Ý tiết lộ rằng phong bì chứa ba viên đạn 9 mm, loại được sử dụng trong một khẩu súng Flobert, và một thông điệp đề cập đến hoạt động tài chính ở Vatican. Tuyên bố mới tiết lộ rằng phong bì cũng chứa một bản sao của khoản tiền gửi 10 Euro, nhưng người ta không biết nó sẽ được thực hiện với mục đích gì và trong hoàn cảnh nào.

Bức thư không có địa chỉ gửi lại nhưng mang một con tem của Pháp, được gửi tới “Đức Giáo Hoàng, Thành phố Vatican, Quảng trường Thánh Thánh Phêrô ở Rôma”.

Giám đốc một chi nhánh bưu điện Ý ở thị trấn Peschiera Borromeo, cách Milan khoảng bảy dặm về phía đông nam, đã báo cho nhà chức trách khi tìm thấy bao thư khả nghi trong quá trình phân loại vào đêm 8/8.
Source:Catholic News Agency
 
Phức tạp vì đại dịch: giáo dân nổi cơn thịnh nộ với cha xứ, giao tranh giữa người du mục và cảnh sát
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:43 10/08/2021


1. Diễn biến phức tạp của đại dịch: giáo dân nổi cơn thịnh nộ với cha xứ

Cha Lino Allegri, người Ý, linh mục truyền giáo tại Brazil đã hết sức ngỡ ngàng khi anh chị em giáo dân tràn vào phòng áo la hét với ngài sau thánh lễ Chúa Nhật chỉ vì trong bài giảng thánh lễ ngài than van về phương cách đối phó với đại dịch coronavirus của tổng thống Bolsonaro, khiến hơn nửa triệu người Brazil phải thiệt mạng.

Khi Cha Allegri đang cởi chiếc áo lễ của mình, tám giáo dân phẫn nộ xông vào phòng áo, đi ngang qua bức chân dung của Mẹ Teresa với dòng chữ: “Kẻ nguy hiểm nhất là kẻ dối trá. Cảm giác tồi tệ nhất là thù ghét”.

“Quay lại Ý đi! Chúng tôi không muốn ông ở đây!”, một giáo dân hét lên với vị linh mục người Ý gốc Verona, đã nhập tịch Brazil và đã sống ở quốc gia Nam Mỹ hơn 50 năm.

“Tổng thống của chúng tôi là một Kitô Hữu! Một người tốt! Một người đàn ông trung thực!”, một người khác nổi khùng, chỉ ngón tay vào mặt vị giáo sĩ 82 tuổi.

Cha Allegri cho biết ngài cảm thấy buồn và đau đớn vì chưa bao giờ phải hứng chịu những lời công kích dữ dội như thế, nhất là sau một thời gian phục vụ lâu dài tại giáo xứ này.

“Tôi cảm thấy hoang mang,” ngài nói hôm Chúa Nhật mùng 1 tháng 8 khi ngài ngồi trong cùng một phòng áo nơi ngài đã bị đám đông anh chị em giáo dân ủng hộ tổng thống Bolsonaro tấn công. Ba nhân viên cảnh sát có vũ trang loanh quanh trên đường phố bên ngoài để ngăn chặn một vụ tấn công khác.

Một thành viên khác trong nhà thờ lắc đầu buồn bã khi họ nhớ lại cảnh những người Bolsonarista đi nhà thờ hành hạ vị linh mục lớn tuổi. “Đó là sự cuồng tín, không có từ nào khác cho nó. Một sự cuồng tín không thể hiểu nổi”, nhân chứng, người yêu cầu giấu tên nói vì lo sợ cho sự an toàn của chính họ.

“Cha Lino rất được yêu mến bởi tất cả chúng tôi ở đây. Ngài mang lại hòa bình cho chúng tôi”, họ nói thêm. “Tôi chỉ cảm thấy vô cùng buồn khi đất nước của chúng ta đã ra nông nỗi này”.

Cuộc tấn công đã diễn ra tại một một giáo xứ trớ trêu thay có tên là Giáo xứ Hòa bình ở thành phố Fortaleza phía đông bắc Brazil đã gây ra sự phản đối kịch liệt trên toàn quốc và phơi bày chủ nghĩa cực đoan của các Bolsonarista, tức là những người ủng hộ tổng thống Bolsonaro.
Source:The Guardian

2. “Bạo lực sinh ra bạo lực”, cộng đồng Công Giáo kêu gọi chấm dứt xung đột giữa cảnh sát và người Gypsy

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Pastoral dos Nomads hay Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Du mục của Hội đồng Giám mục Brazil, đã xuất bản một tài liệu về tình trạng bạo lực ở vùng Vitória da Conquista, thuộc Bang Bahia, dẫn đến cái chết của hai sĩ quan quân cảnh và bốn người Gypsy.

Trong tài liệu có chữ ký của Đức Cha Eunápolis và Cha José Edson Santana de Oliveira, Chủ tịch Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Du mục của Brazil, hai vị gửi lời chia buồn và tình đoàn kết với các nạn nhân và gia đình của họ. Đồng thời, ngài cũng tố cáo bầu không khí bất an được tạo ra bởi những sự kiện này, mô tả nó là một “môi trường bất an chi phối bởi cảm giác bất công đối với gia đình của những người bị ảnh hưởng”.

Tài liệu khẳng định “hòa bình phải chiếm ưu thế”, “bạo lực sinh ra bạo lực” và thỉnh cầu “Nhà nước phải hành động để bảo đảm rằng cảnh sát phải xác định và giam giữ thủ phạm, và không biến những người vô tội thành nạn nhân”.

Tình hình đang rất căng thẳng và báo chí địa phương đưa tin rằng việc thiếu thông tin chính xác gây khó khăn cho việc làm sáng tỏ vụ việc, vì các phương tiện truyền thông địa phương thường ưu tiên cho phiên bản của cảnh sát, rất khác so với các báo cáo của cộng đồng người Gypsy trong khu vực.

Người dân và các nhóm địa phương lên tiếng phản đối hành động của quân cảnh được báo cáo là đang sợ hãi khi tài khoản mạng xã hội của họ bị theo dõi, với ảnh chụp màn hình hồ sơ và chi tiết cá nhân được chia sẻ trong các nhóm WhatsApp của quân cảnh.


Source:Fides

3. Di sản thế giới cổ đại Lalibela ở Ethiopia bị lực lượng Tigrayan chiếm giữ

Các lực lượng từ vùng Tigray của Ethiopia đã giành quyền kiểm soát thị trấn Lalibela, nơi có các nhà thờ làm từ các phiến đá được đẽo rất công phu, nổi tiếng là Di sản Thế giới của Liên hợp quốc, và các nhân chứng cho biết cư dân đã chạy trốn.

Lalibela, cũng là thánh địa của hàng triệu Kitô Hữu Chính thống Ethiopia, nằm trong Khu Bắc Wollo của vùng Amhara ở phía bắc Ethiopia, nơi ước tính có khoảng 2,500 người thiệt mạng trong vòng một tuần qua.

Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và chính phủ Hoa Kỳ đã đến thăm Ethiopia trong tuần này, và đã đưa ra báo động rằng cuộc chiến ở Tigray đang mở rộng sang các khu vực khác ở miền bắc Ethiopia.

Seyfu, một cư dân của Lalibela, nói chuyện với Reuters qua điện thoại, cho biết anh đã nhìn thấy hàng trăm người đàn ông có vũ trang nói tiếng Tigrinya, đi bộ qua thị trấn hôm thứ Năm. Anh nói rằng họ không nói tiếng Amharic, ngôn ngữ của dân tộc Lalibela, và mặc “đồng phục khác” với quân đội liên bang.

Seyfu cho biết các lực lượng từ vùng Amhara, liên minh với chính phủ trung ương Ethiopia, đã bỏ chạy vào đêm thứ Tư cùng với các quan chức địa phương.

“Chúng tôi yêu cầu họ ở lại, hoặc ít nhất là đưa cho chúng tôi những khẩu Kalashnikovs của họ, nhưng họ từ chối và bỏ trốn bằng cách lấy 5 xe cứu thương, một số xe tải và ô tô. Họ đã bắn chết một người bạn của tôi trong khi họ chạy trốn, anh ấy đã cầu xin họ ở lại để bảo vệ dân thường”.

Người đàn ông thứ hai, Dawit, nói với Reuters qua điện thoại rằng anh ta rời Lalibela vào sáng thứ Năm khi lực lượng Tigrayan đang đến gần.


Source:Brisnbane Times

4. Đức Cha Pabillo rời Manila để nhận chức vụ mới ở Palawan

Đức Cha Broderick Pabillo, nguyên Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Manila, đã được báo chí tiên đoán sẽ giữ các chức vụ quan trọng hơn trong Giáo Hội tại Phi Luật Tân, cụ thể, ngài sẽ trở thành Tổng Giám Mục Manila. Tuy nhiên, xem ra các đồn đoán đang diễn ra theo hướng ngược lại.

Ngài đã rời Palawan vào hôm thứ Năm, 5 tháng 8, để đến Palawan trước khi được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 8 với tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Taytay.

Rất thường khi chức danh Giám Quản Tông Tòa được giao cho một linh mục trong giáo phận. Và đó là trường hợp của giáo phận Taytay. Cha Reynante Aguanta, Giám Quản Tông Tòa hiện nay, và Cha Philip Jerold Tan, Chưởng ấn đã tiếp đón vị giám mục tại Puerto Princesa, thủ phủ của tỉnh Palawan.

Ngay khi đến nơi, Đức Cha Pabillo sẽ phải trải qua thời gian cách ly bảy ngày.

Trước đó, tại Nhà thờ chính tòa Manila, các linh mục trong tổng giáo phận đã tặng cho Đức Cha Pabillo một chiếc áo lễ như một món quà cho lễ nhậm chức của ngài ở Palawan.

“Khi Đức Giám Mục Broderick Pabillo đến Palawan để nhận chức vụ Giám Quản Tông Tòa của Taytay, Cha Regie Malicdem và Cha Kali Llamado đã tặng ngài một món quà từ nhà thờ chính tòa Manila, đó là chiếc áo lễ ngài sẽ mặc trong lễ nhậm chức”, một bài đăng trên trang Facebook của nhà thờ chính tòa Manila cho biết.

Vị giám mục 66 tuổi này đã làm Giám Mục Phụ Tá của Manila từ năm 2006.
Source:Licas News
 
Cá không ăn muối cá ươn: Cãi Đức Giáo Hoàng nên thành phố trên núi chìm trong nước chỉ còn ngọn tháp nhà thờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:59 10/08/2021


1. Một ngôi làng trên cao nguyên lại bị chìm sâu trong dòng nước, chỉ còn thấy ngọn tháp nhà thờ

Curon là một thị trấn miền núi trong vùng Trentino Alto Adige của Ý. Không ai đã nhìn thấy Curon kể từ những năm 1950.

Toàn bộ thị trấn đã bị nhấn chìm trong dòng nước từ năm 1950. Đó là kết quả của một dự án xây đập thủy điện gây tranh cãi. Hồi đó, người dân địa phương thậm chí đã nhờ đến sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 13 nhưng các nhà chức trách vẫn tiến hành xây dựng con đập. Rốt cuộc 160 ngôi nhà của thị trấn và ngôi nhà thờ có từ thế kỷ 14 của thị trấn này đã phải chìm sâu trong dòng nước khi đập này bị vỡ.

Điều duy nhất còn lại để nhắc nhở du khách về sự tồn tại của Curon là tháp chuông màu kem nổi lên một cách kỳ lạ giữa làn nước xanh đậm của hồ Resia. Hình ảnh đẹp như mơ, truyền cảm hứng cho các nhà văn trên toàn thế giới và thậm chí là một chương trình Netflix được đặt tên thích hợp là “Curon”. Vào mùa đông, hồ Resia đóng băng, một số du khách đã liều đi bộ trên băng để đến cạnh tháp chuông chụp một bức ảnh mạo hiểm.

Tuần này, các công trình sửa chữa trên con đập đã tiết lộ những gì còn lại của ngôi làng Alpine đã bị mất tích từ lâu. Dấu vết của những ngôi nhà trước đây, với các bậc thang, tường và mái bị hỏng, có thể được phát hiện gần với phần còn lại của nhà thờ thế kỷ 14. Công việc xây dựng trên hồ đã bắt đầu từ nhiều tháng trước và khi mùa xuân đến, lớp băng cuối cùng tan chảy, để lộ thị trấn ma dưới hồ.


Source:Aleteia

2. Công Giáo Ukraine đông phương không cải tổ lịch phụng vụ

Hôm 05/8 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Ukraine, cho biết Giáo hội này chỉ cải tổ lịch phụng vụ nếu có sự đồng thuận với Giáo hội Chính thống, vì không muốn gây thêm chia rẽ và căng thẳng giữa Công Giáo và Chính thống.

Giáo Hội Công Giáo Latinh và đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang theo lịch Gregorio, là lịch do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII ấn định hồi năm 1582. Lý do vì lịch được sử dụng cho đến bấy giờ, do Hoàng đế La Mã Giuliano ấn định vào năm 46 trước công lịch, và sau 1627 năm, lịch bị trễ mất 10 ngày, tức là mỗi năm trễ mất 11 phút 14 giây. Vì thế Đức Giáo Hoàng quyết định rằng sau ngày thứ Năm mùng 04/10 năm 1582, lịch sẽ nhảy lên 10 ngày, tức là trở thành ngày thứ Sáu 15 tháng Mười.

Lịch Gregorio dần dần được chấp nhận trong hầu hết các quốc gia, kể cả các nước theo Tin lành. Nhưng các tín hữu Chính thống, nhất định không chịu chấp nhận sự thay đổi đó và nói rằng thứ tự các ngày trong tuần là do Thiên Chúa tạo nên, do đó con người không được phép thay đổi. Vì thế, họ vẫn giữ nguyên lịch cũ. Do đó, các tín hữu Chính thống và Công Giáo mừng lễ Giáng sinh và Phục sinh vào những ngày khác nhau.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương tách biệt khỏi Chính thống Nga và Ukraine, hồi năm 1595 để trở về hiệp nhất với Tòa Thánh, nhưng vẫn giữ nguyên phụng vụ như Chính thống, kể cả việc cử hành các ngày lễ Giáng sinh và Chính thống theo lịch Giulianô. Từ lâu, vẫn có đề nghị Giáo hội này theo lịch chung như Giáo Hội Công Giáo Latinh. Tuy nhiên, hãng tin Pro Oriente, truyền đi hôm 03/8 vừa qua cho biết, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk khẳng định rằng việc thay đổi lịch chỉ được thực hiện nếu nó góp phần vào sự hiệp nhất Giáo hội, và không tạo nên những căng thẳng. Theo Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, vấn đề lịch không thuộc tín lý, vì thế các cộng đoàn Công Giáo Ukraine ở hải ngoại thường theo lịch chung của đa số dân địa phương. Do đó tại những nước như Ý, Tây Ban Nha, hoặc Bồ Đào Nha, Australia, các tín hữu Công Giáo Ukraine vẫn cử hành phụng vụ theo đa số ở địa phương. Đức Tổng Giám Mục nói: Sự hiệp nhất của Giáo hội và dân chúng chiếm vị thế ưu tiên.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng bày tỏ lập trường trên, đây nhân cuộc gặp gỡ với giới trẻ hành hương tại Đền thánh Saranya, trung tâm hành hương nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở miền Tây Cộng hòa Ukraine, nơi có tôn kính bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

3. Caritas Bồ Đào Nha lo ngại tình hình xấu nhất vẫn chưa xảy ra vì tình trạng đại dịch đang xấu đi

Chủ tịch của Cáritas Portuguesa nói với thông tấn xã ECCLESIA rằng tổ chức bác ái Công Giáo này thấy trước một viễn cảnh “không chắc chắn” trong những tháng tới, trong đó ảnh hưởng của đại dịch có thể còn tồi tệ hơn mức dự đoán.

Rita Valadas nói: “Điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa xảy ra, những ai quan tâm đến tình trạng đại dịch coronavirus có thể thấy rằng tình trạng lây nhiễm vẫn đang gia tăng”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Cáritas Bồ Đào Nha đã đưa ra một chiến lược quốc gia có tên là “Đảo ngược đường cong nghèo đói ở Bồ Đào Nha”.

Cô nói: “Mối quan tâm chính của chúng tôi hiện tại là những điều không thể chắc chắn được, yếu tố này gây khó khăn trong việc bảo vệ khả năng cung cấp các phản ứng tổng hợp và xuyên suốt; và ngăn cản việc tiếp cận số lượng lớn nhất những người yêu cầu chúng tôi giúp đỡ”.

Trong 13 tháng, chương trình đã hỗ trợ tổng cộng 16,674 người, bao gồm trong 6057 gia đình, trong đó có 2862 gia đình lần đầu tiên cần được giúp với tổng số tiề lên đến 405,670.87 euro.

“Với việc huy động 20 Caritas cấp giáo phận, chúng tôi đã thực hiện được một sự can thiệp trong phạm vi cả nước,” Rita Valadas nói.

“Chúng tôi phải kết hợp các nguồn tài nguyên để có thể can thiệp kịp thời. Không ai có thể một mình giải quyết tình hình phức tạp hiện nay.”
Source:Ecclesia