Ngày 08-08-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhân kỷ niệm 70 năm thảm họa nguyên tử Hiroshima
Vũ Van An
17:29 08/08/2015
Tuần này, người dân Nhật tưởng niệm 70 năm thảm họa nguyên tử Hiroshima sát hại cả hàng trăm nghìn người và nhiều di hại về sau.

Clara Moskowitz, trong bài tường thuật các phát biểu gần đây của một số người Nhật sống sót thảm họa, không nói gì tới tâm tư của những người này, mà chỉ đề cập tới các mô tả của họ về hậu quả thể lý của vụ nổ mà thôi.

J. Samuel Walker thì cho rằng quyết định dội bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagazaki của Tổng Thống Harry Truman năm 1945 gây nên nhiều phản ứng khác nhau đi từ xác quyết cho rằng nó hoàn toàn được biện minh về phương diện quân sự và luân lý cho tới chủ trương cho rằng đây là tội ác chiến tranh vô lương tâm.

Câu hỏi chưa có câu trả lời

Cho đến nay, năm 2015, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy 56% người Mỹ được thăm dò, trong đó có 76% những người 65 tuổi trở lên, cho hay việc dội bom trên là chính đáng; 34% cho là không chính đáng.

Chắc những người Mỹ ủng hộ việc dội bom này chưa đọc tác phẩm cổ điển của nhà báo John Hersey xuất bản năm 1946, tựa là Hiroshima. Về cuối tác phẩm này, Hersey trích dẫn câu hỏi của một linh mục Công Giáo mà cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời:

“Một số người trong chúng ta coi quả bom cùng loại như hơi độc và chống việc sử dụng nó trên thường dân. Một số khác nêu ý kiến cho rằng trong chiến tranh toàn diện, như cuộc chiến chống Nhật Bản, không hề có sự khác nhau nào giữa thường dân và binh sĩ, và quả bom tự nó là sức mạnh hữu hiệu nhằm chấm dứt việc đổ máu, cảnh cáo Nhật phải đầu hàng và nhờ thế tránh được việc hoàn toàn bị hủy diệt. Rõ ràng người ủng hộ chiến tranh toàn diện, trên nguyên tắc, không thể than phiền đối với cuộc chiến chống lại thường dân. Đỉnh cao của vấn đề là liệu chiến tranh toàn diện, trong hình thức hiện thời, có thể được biện minh hay không, ngay cả khi nó phục vụ một mục đích chính đáng. Há nó không có các hậu quả xấu xa về vật chất và tinh thần vượt xa bất cứ hậu quả tốt nào đó hay sao? Lúc nào thì các nhà luân lý của ta mới cho ta câu trả lời rõ ràng đối với câu hỏi này?”.

Himmler, Hiroshima và kỹ nghệ phá thai

Năm 2015, năm kỷ niệm lần thứ 70 thảm họa nguyên tử trên, Mark Shea đem so sánh biến cố Hiroshima với tên đồ tể Himmler của Đức Quốc Xã và kỹ nghệ phá thai Hoa Kỳ trong bài “Can đảm giả và can đảm thật” (False Courage and True Courage).

Mark Shea trích bài diễn văn bí mật hồi tháng Mười năm 1943 của Heinrich Himmler với binh đội SS về việc sát hại hàng loạt người Do Thái. Tên đồ tể này nói với họ:

“Tôi cũng muốn nhắc đến một chủ đề rất khó nói trước mặt anh em ở đây, nhắc một cách hoàn toàn công khai.

“Chủ đề này nên được thảo luận giữa chúng ta, tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ nói về nó nơi công cộng.

“Hệt như ngày 30 tháng Sáu, chúng ta đã không do dự thi hành bổn phận, như đã được ban bố, là buộc các đồng chí sai phạm đứng trước tường và bắn bỏ họ.

“Về việc ấy, chúng ta đã không bao giờ đề cập tới, và sẽ không bao giờ đề cập tới.

“Cám ơn Thượng Đế, đó là loại chiến thuật rất tự nhiên đối với chúng ta, một kết luận đã định trước về chiến thuật này, là giữa chúng ta, chúng ta đã không bao giờ đàm đạo về nó, không bao giờ nói về nó, mọi người đều nhún vai, và mọi người đều biết rõ: lần sau, anh ta cũng sẽ làm cùng một điều như thế nữa, nếu được lệnh và cần thiết.

“Tôi đang nói về việc “di tản người Do Thái”: tận diệt dân Do Thái.

“Đó là một trong những điều nói thì dễ. ‘Dân Do Thái đang bị tận diệt’, đảng viên nào cũng nói với anh em như thế, ‘hoàn toàn rõ, đó là một phần trong kế hoạch của chúng ta, chúng ta đang loại bỏ người Do Thái, tận diệt chúng, đúng! chuyện nhỏ’.

“Nhưng rồi ai cũng thế cả, tất cả 80 triệu người Đức chính trực, mỗi người đều có một người Do Thái đứng đắn. Họ bảo: mọi người khác đều là heo, nhưng đây là một người Do Thái hạng nhất.

“Và không ai trong họ thấy điều này, chịu điều này. Phần lớn anh em sẽ biết nó có nghĩa gì khi 100 cái xác nằm cạnh nhau, khi 500 cái xác hay khi 1,000 cái xác (nằm cạnh nhau). Và sau khi nhìn thấu cảnh này, mà vẫn còn tề chỉnh, thì điều này khiến chúng ta ra cứng cỏi và là một trang oai hùng chưa bao giờ được nhắc tới và sẽ không bao giờ được nhắc tới”.

Còn P.Z. Myers thì “can đảm” bênh vực hành vi phá thai như sau:

“Các chiến thuật bắt nạt cổ điển vẫy các bào thai đẫm máu có thể làm những anh chàng mềm yếu nhát sợ, nhưng tôi là một nhà sinh vật học. Tôi từng chặt đầu những con chuột. Tôi đã nắm nhiều nhãn cầu trong tay và lột chúng ra bằng kéo. Tôi đã dùng máy hút để làm sạch những vũng máu đã gần đông của một con chó đã mất máu. Tôi đã mổ nhiều xác chết và ngắm những bộ ruột của họ múa những điệu múa uốn éo chậm chạp, tôi đã từng thọc cánh tay sâu vào máu, tôi đã từng phanh thây mấy con mèo và đâm kim truyền dịch thẳng vào tim chúng. Tôi đã lấy não mấy con chuột bằng chiếc kìm. Tôi đã từng lấy muỗm múc óc ra khỏi chậu, tôi đã đếm các nhánh cắt từ óc các hài nhi đã chết.

“Các anh muốn tôi rút lui bằng cách gợi nỗi sợ trước hình ảnh thai nhi đã chết ư? Tôi nhìn những hình ảnh này không do dự và chỉ thấy thịt. Và thịt đâu có làm tôi sợ”.

Hay câu truyện sau đây của một người Croat tên Vladko Macek, người đã mục kích các kinh hoàng của trại tử thần Jasenovac, trong tư cách một người tù ở đấy. Trong cuốn hồi ký của mình, anh kể lại:

“Trại này trước đây là một xưởng gạch và nằm trên bờ Sông Sava. Giữa trại là căn nhà hai tầng, nguyên thủy được dựng lên làm văn phòng cho cơ xưởng… Những tiếng la thét vì tuyệt vọng và đau đớn cùng cực, những tiếng thét vì bị tra tấn của các nạn nhân, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng súng bắn, cứ song hành với những giờ khắc còn tỉnh của tôi và theo tôi vào giấc ngủ đêm”.

Macek ghi lại câu nói của một trong các vệ binh có nhiệm vụ canh chừng anh suốt ngày:

“…Các hành vi của anh ta nhuốm đầy tính ác thú. Tôi hỏi xem liệu anh ta có sợ bị Chúa trừng phạt hay không. Anh ta bảo: ‘đừng nói với tôi chuyện đó, vì tôi hoàn toàn biết rõ những gì dành cho tôi. Vì các việc làm trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai của mình, chắc chắn tôi sẽ bị thiêu trong hỏa ngục, nhưng ít ra cũng bị thiêu vì Croatia”.

Và đây là các mỹ từ của những người cổ vũ việc thiêu rụi hàng nghìn thường dân vì sự thiện lớn hơn. Nhân bài của Jimmy Akin về ngày thả bom nguyên tử lên Hiroshima, một độc giả viết: “Nếu ném bom nguyên tử lên các thành phố này là một tội ác chiến tranh lớn của Hoa Kỳ, bất hợp pháp theo luật quốc tế và giáo huấn Giáo Hội, thì ta buộc phải đòi hỏi một giá máu cao hơn để làm dịu lương tâm ta. Trong đời thực, có những lúc buộc phải làm điều trái để tránh một điều trái lớn hơn. Những thí dụ này rất hay xuất hiện trong thời chiến. Một thí dụ khác: tên khủng bố phải bị 'tra tấn' mới có thể khám phá ra các trái bom đang nằm ở đâu.

“Thưa ông Akin, ông rất đúng khi ông bảo rằng lúc dội bom, chúng ta đã chính thức tham dự vào sự ác. Điều bất hạnh là ta đã tham dự vào sự ác gần cả bốn năm trước đó khi chúng ta tham dự chiến tranh. Bản chất của chiến tranh là thế. Có nhiều, nhiều sự ác trong đó, và chúng ta chỉ làm hại mình, vì khi dựa vào các cố gắng đầy thiện ý nhưng hoàn toàn vô dụng để giảm thiểu cái ác của nó, ta chỉ tổ kéo dài và làm cái ác ấy tồi tệ thêm”.

Chính vì thế, Michael Graham, nhân ngày Hiroshima, đã cầu chúc các độc giả của anh “Hòa bình hạnh phúc nhờ ngày chiến thắng” như sau:

“Hôm nay đánh dấu kỷ niệm hành động đơn độc vĩ đại hơn cả vì chính nghĩa hòa bình mà Hiệp Chúng Quốc thực hiện xưa nay đó là:

“Thả bom nguyên tử lên Hiroshima năm 1945. Chỉ một quyết định ấy, một khí cụ ấy, cứu được nhiều sinh mạng, làm nhiều để chấm dứt chiến tranh, và tạo ra nhiều công lý trên thế giới ngay tức khắc hơn bất cứ điều gì khác. Nó được Hoa Kỳ thực hiện, cho người Hoa Kỳ. Nó cứu được sinh mạng của hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói của hàng triệu, binh sĩ và thủy thủ Hoa Kỳ”.

Theo Mark Shea, dây nối kết đồ tể Himmler, hội chứng hãnh tiến Hiroshima và bàn tay không ngừng sát hại của kỹ nghệ phá thai là lòng can đảm sa đọa. Hãy nhìn lại luận lý học bệnh hoạn của Himmler: ý muốn sẵn sàng phạm tội sát nhân đã được chuyển hóa thành hành vi gan dạ của hy sinh. Hắn khuyến khích binh đội SS bằng cách tâng bốc chúng là những kẻ cứng cỏi sẵn sàng thực hiện những công việc bẩn thỉu của chiến tranh. Chúng không bác bỏ việc thực thi những hành động chắc chắn sẽ đưa chúng xuống hỏa ngục, nhưng mạnh dạn đảm nhiệm việc phạm tội trọng vì một “chính nghĩa” cao hơn. Chúng có cái gan dạ mà những người dịu dàng hơn không có được để sát hại hàng nghìn người Do Thái vô tội và sẵn sàng chịu đựng cơn chấn thương tâm lý vốn song hành với việc làm điều ác, chỉ vì “lòng yêu” quê hương mà không chịu tìm hiểu bất cứ lỗ hổng có thể có nào khác.

Myers cũng sử dụng cùng một mỹ từ gan dạ để hỗ trợ việc anh ta bênh vực quan điểm về sự sống của Kermit Gosnell (nhà phá thai dã man nổi tiếng của Hoa Kỳ), và đồng thời cũng bênh vực cho cả quan điểm của Bác Sĩ Josef Mengele (y sĩ tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã) về sự sống. Giống Myers, những y sĩ này không hề “sợ sệt” biến hàng triệu những con người khác, có tuổi hơn, thành “những mảnh thịt”. Một lần nữa, những chữ như gan dạ và can đảm đã được sử dụng để mô tả việc sẵn sàng thực hiện các hành vi tàn ác nặng nề.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Tên đồ tể Croat, cũng thế, nói tới các tội ác dã thú của mình đúng theo cung giọng tên Satan của Milton. Như thể cái lò sát sinh bẩn thỉu mà anh ta phục vụ là một hành vi nổi loạn hào hùng chống lại một Thiên Chúa bất công, Đấng mà anh ta không còn chọn lựa nào khác ngoài việc thách thức bằng ý niệm giản dị “chiến tranh chính nghĩa” theo nghĩa làm bất cứ điều gì cần làm để chiến thắng. Anh ta nói tới sự tham gia của mình vào việc sát hại như là một hành vi ái quốc đẹp đẽ mà chỉ có kẻ gan dạ nhất mới làm được. Chắc chắn, anh ta sẽ xuống hỏa ngục, với ý niệm chắc mẩm này: mình đã làm điều đúng!

Đó cũng là nhận định của độc giả người Mỹ được trích dẫn trên đây khi anh ta cho rằng Thiên Chúa đòi hỏi quá đáng khi áp đặt tiêu chuẩn chiến tranh chính nghĩa lên Hoa Kỳ rồi lại nghiêm túc chờ mong Hoa Kỳ đừng có ý định sát hại hàng loạt thường dân vô tội. Độc giả này ngầm cho hiểu biến cố Hiroshima và Nagasaki không hề vi phạm giáo huấn chiến tranh chính đáng. Thay vào đó, anh ngầm cho hiểu Thiên Chúa sai lầm, người Hoa Kỳ đúng và họ cần có “can đảm” cứ thế tiến lên làm điều ác vì đó là điều đúng cần làm và Thiên Chúa sẽ sai lầm nếu nói ngược lại. Bạn phải “làm điều trái để tránh điều trái lớn hơn”.

Theo Mark Shea, can đảm thật có khác. Thiên Chúa đôi khi đòi ta làm những điều khó, khó đến độ ta cảm thấy sai lầm, mà thực ra chẳng sai lầm chút nào. Đó là câu truyện Phêrô bị quở là “Satan”. Nghe chuyện Chúa muốn lên Giêrusalem để chịu đóng đinh, Phêrô liền bảo: trời đất ơi, thầy không bao giờ nên làm thế. Ông nói vậy chắc chắn vì yêu thầy, nhưng Chúa quở ông ngay lập tức: xéo khỏi thầy, đồ qủy! con gây trở ngại cho thầy, vì con không đứng về phía Thiên Chúa mà đứng về phía con người… ai muốn theo thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình và theo thầy. Ai cứu mạng sống mình sẽ mất nó, ai mất mạng sống mình vì thầy sẽ tìm thấy nó (xem Mt 16: 21-25).

Can đảm thật là hy sinh mạng sống mình, không hy sinh mạng sống người vô tội. Himmler can đảm “hy sinh” mạng sống người, nhưng bảo vệ sự sống mình. Myers không dùng thân xác mình để biến nó thành những “miếng thịt” cho khoa học, mà “can đảm” dùng kéo đâm chết một đứa bé không tự bảo vệ được mình. Tên vệ binh Croat “mạnh dạn” giết người vô tội, không đủ “mạnh dạn” giết chết chủ nghĩa duy quốc gia của hắn. Người ủng hộ hai biến cố Horoshima và Nagasaki hy sinh chính khả thể công lý trong chiến tranh trên bàn thờ sự ác bằng cách đơn thuần bỏ rơi bất cứ khả thể Chiến Tranh Chính Đáng nào.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng kính Thánh Mary Mackillop bổn mạng Hiệp Hội Tương Trợ Gia đình Công Gíao Miền Tây Melbourne
Trần Văn Minh
01:36 08/08/2015
Melbourne, vào lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy ngày 8 – 8 – 2015, tại Nhà thờ Holy Eucharist vùng Saint Albans, Văn phòng Ban đại diện Miền Tây của Hiệp Hội Tương trợ Gia Đình Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melboune đã dâng Thánh lễ mừng kính Thánh nữ Mary Mackillop, vị Thánh bổn mạng của các hội viên Hiệp hội trong khu vực Miền Tây.

Mời coi hình

Trước Thánh Lễ, bà Liên On thay mặt ban đại diện lên chào mừng toàn thể các hội viên và quý khách đã về hiệp dâng Thánh lễ và đọc tiểu sử của Thánh nữ, cùng tường trình những công việc của văn phòng đại diện đã làm trong thời gian năm qua.

Thánh lễ do Linh mục Chánh xứ Holy Eucharist Trần Minh cử hành, cùng với Ca đoàn Thánh linh phụng vụ Thánh ca, giúp cho Thánh lễ thêm long trọng và sốt mến. Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục Trần Minh đã nhấn mạnh đến nhân tính đặc biệt trong con người của Thánh nữ, Ngài đã đem hết sức mình phục vụ tha nhân giúp cho nhiều con người trong xã hội.

Sau Thánh lễ, một buổi tiệc nhỏ ngay trong khu vực tiền sảnh nhà thờ trong niềm vui của mọi thành phần hội viên trong hiệp hội và nghe tường trình những công việc của Hiệp Hội trong thời gian qua do ông Nguyễn Hồng Sơn đại diện Ban điều hành Hiệp hội tường trình.

Được biết, Hiệp hội Tương Trợ Gia Đình Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne được thành lập mấy năm gần đây. Với sự phát triển không ngừng và lớn mạnh. Để dễ dàng trong công tác điều hành, Hiệp hội đã chia ra bốn văn phòng đại diện tính theo các khu vực miền Đông, Tây, Nam, Bắc. Văn phòng đại diện Miền Tây chính thức hoạt động từ ngày 29 tháng 9 năm 2013 với số hội viên hiện nay là 369 hội viên và Văn phòng Đại diện Miền Tây nhận Thánh nữ Mary Mackillop làm bổn mạng cho khu vực.
 
GP Lạng Sơn – Cao Bằng mừng kính Thánh Đaminh bổn mạng
Joseph Trần Ngọc Huấn
16:38 08/08/2015
Sáng ngày 08 tháng 8 năm 2015, mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng hướng về Nhà thờ Chính toà của Giáo phận trong ngày mừng kính Thánh Đaminh, bổn mạng của Giáo phận. Đặc biệt, ngày hôm nay, Giáo phận được đón một vị khách quý là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục trưởng Giáo tỉnh Hà Nội, tới thăm viếng và cử hành Thánh lễ.

Hình ảnh

Vào năm 1913, khi Toà Thánh thiết lập Phủ doãn Tông Toà Lạng Sơn – Cao Bằng, đã trao cho các cha dòng Đaminh Lyon coi sóc mục vụ. Theo qua Tông thư Venerabilium Nostrorum của Đức Thánh Cha Gioan XXIII khi thiết lập Giáo phận chính toà Lạng Sơn – Cao Bằng vào ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Đaminh hiển tu được chọn làm bổn mạng Giáo phận. Điều này mang nhiều ý nghĩa, trong đó nhấn mạnh tới sự bầu cử của Thánh Đaminh qua các tu sỹ của dòng Anh Em Thuyết Giáo đã dấn thân khai mở những con đường mới cho Tin Mừng đến với miền đất biên giới phía bắc từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngọn đuốc sáng của cha thánh Đaminh đã được các ngài chiếu tỏa khắp vùng đất còn hoang sơ lúc đó. Để rồi đến hôm nay, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi và trổ sinh hoa trái. Một biến cố gắn với Thánh Đaminh nơi Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng: Vào ngày 02 tháng 10 năm 2004, nhà thờ Chính Toà của Giáo phận đã được khánh thành và cung hiến với tước hiệu Thánh Đaminh hiển tu. Thánh Đaminh cũng chính là bổn mạng của Giáo xứ Chính Toà Cửa Nam.

Chính vì những ý nghĩa quan trọng của ngày lễ nên khuôn viên Nhà thờ Chính Toà và Toà Giám mục Lạng Sơn hôm nay trở nên đông vui và nhộn nhịp khác thường. Sau gần hai tuần trời mưa, sáng hôm nay vùng Lạng Sơn thời tiết nắng đẹp càng làm cho lòng người thêm phấn khởi. Từ buổi sáng sớm, bà con giáo dân từ các giáo xứ đã tụ họp để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui và tham dự thánh lễ long trọng này. Có những đoàn giáo dân đã vượt qua hàng trăm cây số đường đồi núi quanh co nguy hiểm để có thể về tham dự ngày lễ hôm nay.

Vào lúc 9g45, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã tới khu cổng chính của Nhà thờ Chính Toà Lạng Sơn trong sự chào đón nồng nhiệt của toàn thể dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Đức Cha Giuse của Giáo phận đã hân hoan chào đón sự hiện diện đầy ý nghĩa của Đức Hồng Y. Thay mặt cho cộng đoàn, Cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh dâng tặng Đức Hồng Y và Đức Cha Giáo phận những bông hoa tươi thắm. Tất cả cộng đoàn cùng bước theo Đức Hồng Y và Đức Cha Giuse vào quảng trường Nhà thờ Chính Toà. Tại tiền đường Nhà thờ, Đức Hồng Y hôn kính Thánh Giá Chúa cùng rẩy Nước thánh trên toàn thể Cộng đoàn hiện diện.

Đức Hồng Y cùng Đức Cha Giuse và toàn thể Cộng đoàn hiệp thông trong lời kinh nguyện cho sứ vụ của ngài theo nghi thức trọng thể bởi đây là chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y trong cương vị là Tổng Giám mục Trưởng Giáo tỉnh Hà Nội. Cũng nên nói thêm, sau khi được vinh thăng Hồng Y, ngày 14 tháng 2 năm 2015, thời gian này, ngài lần lượt tới thăm mục vụ các Giáo phận trong giáo tỉnh đã được trao phó.

Đúng 10g00, cộng đoàn rước đoàn đồng tế từ Toà Giám Mục sang nhà thờ Chính Toà trong tiếng kèn trống tưng bừng để cử hành Thánh lễ trọng mừng kính Thánh Đaminh, bổn mạng của Giáo phận. Ngôi Nhà thờ Chính Toà hôm nay diễn tả một cách sống động hình ảnh hiệp thông nơi Giáo Hội địa phương, khi có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa, từ Cha Tổng đại diện, cha Đại diện, quý Cha, quý tu sỹ nam nữ, chủng sinh và giáo dân xung quanh vị Tổng Giám mục trưởng Giáo tỉnh và vị Giám mục Chính Toà của Giáo phận để cử hành Thánh lễ.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân có lời chào mừng Đức Hồng Y và giới thiệu ngài với cộng đoàn Phụng vụ. Ngài cũng vui mừng chào đón sự hiện diện đông đảo của quý Cha, quý tu sỹ, chủng sinh, quý Hội đồng mục vụ các giáo xứ cùng mọi người trong ngày đại lễ mừng kính Thánh quan thầy của Giáo phận.

Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Phêrô bày tỏ tâm tình hiệp thông sâu xa của ngài với giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. “Lạng Sơn tuy xa về địa lý, nhưng lại rất gần gũi với tôi cũng như tất cả các Đức Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục”, ngài chia sẻ. Ngài bày tỏ sự cảm động và lòng yêu mến với Giáo phận truyền giáo xa xôi này, đồng thời nói lên niềm vui khi đến đây trong ngày lễ bổn mang của Giáo phận. Đức Hồng Y cũng chúc mừng lễ Thánh Đaminh bổn mạng đến Đức Cha Giuse và toàn thể giáo phận Lạng Sơn-Cao Bẳng.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y chia sẻ những tâm tình rất đặc biệt đối với giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng mà ngài đã từng cảm nghiệm, từ những lần đến Lạng Sơn cách đây mấy chục năm cho đến những lần đến Lạng Sơn gần đây. Giáo phận truyền giáo này đã trải qua biết bao thăng trầm, giữa dòng lịch sử đầy biến động của miền biên cương, tất cả để lại trong ngài niềm xúc động và lòng mến yêu sâu lắng.

Dựa theo bài Tin Mừng của thánh lễ hôm nay, Đức Hồng Y gợi nhớ lại những hy sinh vất vả của các nhà truyền giáo xưa nơi miền đất xa xôi Lạng Sơn – Cao Bằng và những thăng trầm của lịch sử Giáo phận. Có những lúc chỉ có một giám mục và 1 linh mục, nhưng ơn thánh Chúa vẫn không ngừng tuôn đổ. Chúa vẫn hiện diện giữa cộng đoàn dù trong những khó khăn nhất. Các nhà truyền giáo vẫn không ngừng rao giảng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2) để hạt giống Tin Mừng được đơm bông kết trái như hôm nay. Cũng như muôn dân quy tụ về núi nhà Chúa mà sách ngôn sứ Isaia mô tả, mọi người cũng quy tụ nơi miền núi Lạng Sơn-Cao Bằng-Hà Giang này để được hưởng niềm vui và bình an từ Lời Chúa và tình yêu thương của ngài. Lịch sử và hiện tại của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng chính là dấu chứng tình thương nhiệm mầu và sự quan phòng của Thiên Chúa, sự dấn thân không mệt mỏi, với bao hy sinh của các vị mục tử và mọi thành phần Dân Chúa nơi đây.

Lời của Chúa mời gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19) luôn vang vọng và thôi thúc Giáo Hội qua mọi nơi và mọi thời. Lời mời gọi ấy chính thánh Đaminh đã đem cả cuộc đời để phụng sự thì nay cũng thật thích hợp với mỗi người chúng ta, cách riêng nơi miền đất truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng này, mỗi người trong cộng đoàn chúng ta cũng phải quảng đại dấn thân và dùng chính cuộc đời mình để công bố Lời Chúa, đem tình yêu Chúa đến với mọi người.

Thánh lễ tiếp tục với phần cử hành Phụng vụ Thánh Thể cách sốt sắng và trang trọng.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse thay lời cho cộng đồng dân Chúa giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng dâng lên Đức Hồng tâm tình tri ân cảm tạ vì sự ưu ái ngài dành cho giáo phận hôm nay. Ngài cũng chúc mừng Đức Hồng Y và hiệp lời cầu nguyện, sẻ chia những gánh nặng để Đức Hồng Y chu toàn sứ mạng mà Hội Thánh trao phó. Những đoá hoa tươi thắm và món quà nhỏ được dâng lên Đức Hồng Y để bầy tỏ lòng quý mến và tri âncủa cộng đồng dân Chúa giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Cha Tổng Đại diện Giuse thay mặt cho linh mục đoàn và cộng đoàn dâng lên Đức Hồng Y lời cảm tạ và chúc mừng Đức Cha Giuse cũng như toàn thể gia đình Giáo phận nhân ngày lễ bổn mạng.

Trong lời đáp từ, Đức Hồng Y bày tỏ lòng cảm kích trước sự đón tiếp trọng thị mà Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng dành cho ngài hôm nay. Ngài cũng hết lòng cám ơn Đức Cha Giuse đã đồng hành với ngài rất nhiều trong sứ vụ của ngài tại Tổng giáo phận Hà Nội những năm vừa qua và sẽ còn tiếp tục nữa. Ngài cầu chúc cho giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng được tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa và thu hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong công việc loan báo Tin Mừng nơi miền đất địa đầu đất nước này. Đức Hồng Y cũng chia sẻ với cộng đoàn về Năm thánh Lòng Thương Xót mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng; về những khó khăn và thách đố, nhất là trong đời sống đức tin và luân lý, mà các gia đình phải đối diện hôm nay. Ngài mời gọi mỗi người, mỗi gia đình trở nên ánh sáng đức tin, ngọn đèn đức ái và chiếu toả niềm tín thác của lòng thương xót Chúa cho mọi người xung quanh.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g50, cộng đoàn Phụng vụ sốt sắng lãnh nhận Phép lành từ Đức Hồng Y. Đức Hồng Y xông hương tôn kính trước thánh tượng Thánh Đaminh trên cung thánh. Đoàn đồng tế tiến vào phòng thánh trong sự hân hoan và cảm mến của mọi thành phần Dân Chúa hiện diện. Có thể nói, ngày lễ hôm nay, với sự hiện diện của Đức Hồng Y đã đem đến một sự khích lệ lớn lao cho dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Cùng với vị mục tử Giáo phận là Đức Cha Giuse khả kính, mỗi người con cái Lạng Sơn – Cao Bằng được tiếp thêm lửa nhiệt thành và niềm hăng say để loan báo Tin Mừng, làm cho Niềm vui Tin Mừng và sứ điệp của Lòng Thương Xót Chúa toả lan nơi miền đất truyền giáo còn nhiều thách đố hôm nay.
 
Lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam
Nhĩ Thuận
19:23 08/08/2015
WHĐ (07.08.2015) – Vào lúc 16g00 ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam.

Mở đầu buổi lễ, linh mục Vinh sơn Nguyễn Cao Dũng (SCJ), Thư ký Uỷ ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc HĐGMVN, đã giới thiệu thành phần tham dự. Về phía Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN; Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng Thư ký HĐGMVN; Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc HĐGMVN; linh mục Ignatiô Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng Giáo phận TP.HCM, linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng Trụ sở Văn phòng HĐGMVN; linh mục Giuse Nguyễn Văn Sinh, Quản lý Trụ sở Văn phòng HĐGMVN; linh mục Vinh sơn Nguyễn Cao Dũng (SCJ), Thư ký Uỷ ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc HĐGMVN; về phía đại diện Nhà nước có ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN); ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTWMTTQVN; ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Đặng Văn Thanh, Chuyên viên Công Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng các đại diện của Ban công tác phía Nam UBTWMTTQVN và Ban Tôn giáo TP.HCM.

Tiếp đến, ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, đã thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ công bố “Quyết định về việc chấp thuận thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam” và ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, đã trao quyết định này cho ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch HĐGMVN.

Sau đó, ông Lê Bá Trình đã thay mặt UBTWMTTQVN có lời chúc mừng và chia sẻ niềm vui với HĐGMVN. Ông cho biết: “Kể từ khi ý tưởng và nguyện vọng thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam được hình thành, các cơ quan của Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện cùng với các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam xây dựng một đề án nhằm đạt được nguyện vọng của Giáo Hội trong việc đào tạo các chức sắc và tín đồ trong đạo Công Giáo tại Việt Nam có đủ trình độ nâng cao về Giáo lý.”

Về phía Giáo Hội, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã thay mặt HĐGMVN chia sẻ với các vị đại diện Ban Tôn Chính phủ và UBTWMTTQVN những tâm tình như sau: “Các vị Giáo hoàng trước và Đức Giáo Hoàng đương kim đều dạy chúng tôi phải đối thoại thẳng thắn và chân thành với chính quyền. Điều đó, chúng tôi đã cố gắng thể hiện từ nhiều năm nay. Chúng tôi cũng thấy chính quyền rất thiện chí và cởi mở đón nhận tinh thần đối thoại của chúng tôi. Kết quả thực tế lớn là việc đẩy mạnh thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam. Tôi thấy kết quả này đạt được rất nhanh, từ lúc Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo làm Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài đã cùng với tôi đẩy nhanh tiến độ này.”

Trước khi kết thúc, ông Đặng Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, đã gửi tặng phần quà của Ban Tôn giáo Chính phủ cho Viện trưởng của Học viện Công Giáo Việt Nam là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo.

Buổi lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công Giáo Việt Nam đã kết thúc vào lúc 16g20 cùng ngày.

Nhân dịp này, xin được khái quát về tình hình đào tạo nhân sự trong Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có 8 Đại Chủng viện: ĐCV Thánh Giuse (Hà Nội), ĐCV Thánh Giuse (Sài Gòn), ĐCV Thánh Giuse (Xuân Lộc), ĐCV Thánh Quý (Cần Thơ), ĐCV Sao Biển (Nha Trang), ĐCV Xuân Bích (Huế), ĐCV Vinh Thanh (Vinh), và ĐCV Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (Bùi Chu, Cơ sở II của ĐCV Thánh Giuse Hà Nội).

Nhìn chung, các Đại Chủng viện cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho các giáo phận trong cả nước. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại các Đại Chủng viện mới chỉ đáp ứng ở trình độ Đại học để làm việc mục vụ. Cho nên, việc đào tạo nâng cao trình độ Thạc sĩ (Cử nhân theo từ ngữ của Giáo Hội) và Tiến sĩ Thần học thì Giáo Hội tại Việt Nam phải cử người ra nước ngoài du học, ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, cũng như tốn kém về kinh phí cho các giáo phận và chính bản thân những người được cử đi học. Trước sự khích lệ của Toà Thánh, Giáo Hội tại Việt Nam đã quyết định thành lập Học viện Công Giáo này.

Được biết ở Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo đã hiện diện từ năm 1533, đến nay trở thành một tôn giáo lớn với trên 6.800.000 giáo dân, gần 5.000 linh mục, 43 giám mục, có 4 giám mục đang phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, 6 linh mục đang phục vụ tại Giáo triều Vatican, gần 60.000 giáo lý viên, trên 3.500 giáo xứ, với 8 Đại Chủng viện và hơn 100 dòng tu.

(Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phúc âm Chúa Giêsu và những biểu tượng
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:17 08/08/2015
Phúc âm Chúa Giêsu và những biểu tượng

Khi vào thăm viếng đền thờ Thánh Phero bên Vatican, người thăm viếng rất thích thú cùng ngạc nhiên về cơ cấu kiến trúc, nhất là vòm hình tròn nơi cung thánh trong đền thờ do Michelangelo vẽ họa đồ theo kiến trúc thời Phục hưng.

Chung quanh phía trên đầu của bốn cột to lớn chống đỡ vòm tròn, có vẽ trình bày bốn vị Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu với bốn biểu tượng: Thánh sử Marco với hình con sư tử, Thánh sử Mattheo với hình một người, Thánh sử Luca với hình con bò, và Thánh sử Gioan với con chim đại bàng.

Không chỉ trong đền thờ Thánh Phero có khắc vẽ hình bốn Thánh sử phúc âm với những biểu tượng như thế. Nhưng còn ở nhiều thánh đường khác trên thế giới cũng vẽ khắc những biểu tượng như thế trong thánh đường.

Biểu tượng bốn hình hài , theo tiếng Hylạp là Tetramorph: tetra là bốn, Morphe là hình hài, được dùng để chỉ gọi cho bốn Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu đã có lịch sử truyền thống lâu đời cùng luôn gây ấn tượng hấp dẫn người ngắm nhìn.

Nhưng đâu là nguồn gốc của lối trình bày này? Ý nghĩa lối kiểu trình bày như thế này có từ bao giờ ? Tại sao bốn hình hài thú vật lại dùng là biểu tượng cho bốn vị Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu?

1. Thần thoại Babylon

Nguồn gốc của Tetramorphe có lẽ bắt nguồn ở thần thoại bên xứ Babylon, nơi có bốn vị Thần hành tinh: Marduk, vị Thần của xứ Babylon dưới hình dạng một con vật như con bò; Nergal, vị Thần chiến tranh dưới hình dạng con sư tử; Ninurta, vị Thần gío dưới hình dạng con chim đại bàng; và Nabu, vị Thần sự khôn ngoan dưới hình dạng một người.

Bốn vị Thần này được trình bày theo bốn phương hướng của vòm trời, nơi mỗi vị như cột trụ chống đỡ cho bầu trời để phân biệt với trái đất địa cầu. Họ là những người chống đỡ cho vòm trời được giương cao đứng vững.

Theo thời cổ xưa số bốn như là con số chỉ về sự tận cùng kết thúc và thế giới được phân định qua những phương hướng của bầu trời. Cấu trúc theo bốn số cũng là vòng tuần hoàn của năm.

Bốn vị Thần Babylon như những biểu tượng của bốn mùa trong năm: Hình con bò sao cho mùa Xuân, hình con sư tử cho mùa Hè, hình con bọ cạp mà thường vẽ dưới dạng hình người biểu tượng cho mùa Thu, và hình con chim đại bàng biểu trưng cho mùa Đông.

Những vị Thần Babylon này đứng là biểu tượng khác thường cho trật tự trong thế giới với những đặc điểm cùng phận vụ khác nhau như những vị đỡ nâng cho bầu trời được đứng vững.

2. Trong Cựu ước: sách ngôn sứ Ezechiel

Những hình ảnh thần thoại Babylon về bốn con vật được tác gỉa ngôn sứ Ezechiel viết lại trong sách Kinh Thánh, để diễn tả về ngai Thiên Chúa trong trí óc mường tượng của mình:

„ Tôi nhìn Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta.6 Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh.7 Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng.8 Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế.9 Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến.10 Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng.11 Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình.12 Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau.“ (Ezechiel 1, 5-12).

Ngôn sứ Ezechiel trong thị kiến đã nhìn thấy bốn con vật có cánh quay nhìn về bốn hướng khác nhau bên ngai Thiên Chúa trên trời. Theo dự đoán trong thời sống lưu đày ở Babylon vào khoảng thế kỷ 6. trước Chúa Giáng sinh những hình ảnh thần thoại đã du nhập vào bản văn của sách Ngôn sứ Ezechiel.

Qua cung cách dùng hình ảnh thấn thoại này của dân ngoại Babylon , Ngôn sứ Ezechiel muốn trình bày lên vẻ uy nghi hùng tráng cùng sự cao cả của Thiên Chúa, mà Ông đã đọc cùng nhìn thấy hầu như khắp nơi bên Babylon.

Nơi sách ngôn sứ Isaia cũng có thị kiến tương tự .“1 Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ.

2 Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay.3 Các vị ấy đối đáp tung hô:

"Thánh! Thánh! Chí Thánh!

ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh!

Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! „ (Isaia 6, 1-3)

Cả hai vị Ngôn sứ đều trình bày vẻ uy nghi cao cả hùng tráng của Thiên Chúa. Nhưng nơi sách Isaia nói đến hằng hà sa số những Seraphim, còn Ezechiel nói đến bốn con vật. Và Ngôn sứ Ezechiel còn nói đến con số bốn ở những nơi khác: bốn hành vi tội ác ( Ez 8.) , bốn hình phạt kêu than (Ez 14, 12-23), ấn định bốn lần đo đạc và 4 cổng đền thờ (Ez. 47-48). Điều này diễn tả sự toàn vẹn hoàn hảo của Giave Thiên Chúa, cùng sức mạnh của Ngài bao trùm khắp bốn phương hướng trời đất. (Ez. 37,9).

Hình ảnh bốn cánh và bốn đầu của người và những con vật vẽ ra hình ảnh tổng quát trình bày sức mạnh uy quyền của Thiên Chúa linh hoạt sống động. Một số người cũng có suy tư là hình ảnh theo thứ tự : người, sư tử, con bò và chim đại bàng còn có thể nói lên thang cấp của uy quyền nữa „ con người“ là loài Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài có sức uy dũng (St 1,26),

„ Sư tử “ là loài thú vật hoang dã,

„Con Bò“ là loài thú vật thực dụng cho con người,

và „ Đại bàng“ là loài chim trời., được trình bày tất cả có mặt bên ngai Thiên Chúa, Đấng là vị kiến trúc sư uy quyền cao cả tạo dựng nên vũ trụ, nên sự sống cho mọi loài trong trời đất.

3. Trong Tân ước: sách Khải huyền

Trong sách cuối cùng của Tân ước, sách Khải Huyền của Thánh Gioan tông đồ, thị kiến của Ngôn sứ Ezechiel có bốn sinh vật bên ngai Thiên Chúa lại xuất hiện.

„Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt.7 Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay.8 Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng:

Thánh! Thánh! Chí Thánh!

Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng,

Đấng đã có, hiện có và đang đến!“ (Kh 4,6-8.)

Nơi Ezechiel bốn sinh vật được trình bày với bốn khuôn mặt, còn nơi sách Khải huyền là bốn hình dạng, tuy sách Khải Huyền cũng lấy hình ảnh bốn sinh vật từ sách Ezechiel.

Và thứ tự cũng khác nữa. Nơi sách Ezechiel là bốn khuôn mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt con bò và mặt chim đại bàng. Còn nơi sách Khải huyền: hình dạng sư tử, hình dạng con bò, hình dạng người, và hình dạng chim đại bàng. Sở dĩ có sự khác biệt về sắp xếp thứ tự bốn sinh vật như thế, theo giả thuyết có thể tác giả sách Khải Huyền đã theo học một trường phái khác về việc sắp xếp thứ tự những con thú vật.

Nơi sách Khải Huyền ngai Thiên Chúa là hình ảnh ở trung tâm của trời, tất cả đều hướng về Ngài. Đấng ngự trên ngai giữ im lặng, và Ngài nói lời cứu độ, sau khi thời viên mãn sau cùng đến: Nhìn xem, Ta sẽ đổi mới mọi sự (Kh 21,5).

Như thế, bốn sinh vật trong thị kiến bầu trời ở đây không có nhiệm vụ là cây cột chống đỡ ngai Thiên Chúa, nhưng chỉ đứng chung quang ngai của Ngài, cùng tham dự vào lễ nghi phụng vụ trên trời.

Bốn sinh vật như trong sách Ezechiel và sách Khải huyền nơi ngai Thiên Chúa là thành phần trực tiếp tham sự vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này cắt nghĩa tại sao cấu trúc kiến trúc nghệ thuật thánh như ở trong vòm tròn đền thờ thánh Phero bên Roma cùng nhiều nơi khác, hình ảnh biểu tượng bốn Thánh sử Phúc âm Chúa Giêsu được vẽ khắc trình bày như khung bao chung quang bàn thờ, nơi cử hành nghi lễ phụng vụ kính thờ Thiên Chúa.

4. Những hình ảnh con vật và những vị Thánh sử phúc âm

Hình ảnh thị kiến cỗ xe ngai Thiên Chúa có bốn sinh vật chống nâng ở trong sách ngôn sứ Ezechiel và bàn thờ ngai Thiên Chúa ở trung tâm có bốn sinh vật thờ lạy tôn kính trong sách Khải Huyền có ảnh hưởng rất mạnh được dùng làm hình ảnh chỉ về bốn Thánh sử viết Phúc âm Chúa Giêsu.

Bốn phúc âm Chúa Giêsu được công nhận là của những vị thánh sử duy nhất viết phúc âm. Bốn phúc âm tuy khác biệt nhau, nhưng đều bao lượn chung quanh cùng một điểm trung tâm: Ngai Thiên Chúa và Người được xức dầu sai đến là Chúa Giêsu Kitô.

Hình thức bốn góc cạnh của một phúc âm Chúa Giêsu đã được công nhận từ thuở xa sớm trong Canon Muratori ( 150-200 sau Chúa giáng sinh).

Vào khoảng thời gian này Giáo phụ Irenaeus thành Lyon (135- 202 sau Chúa giáng sinh) cũng đã nói đến con số bốn của phúc âm theo như bốn sinh vật từ trong sách Ezechiel và sách Khải Huyền.

Dựa theo bản tường thuật về thị kiến trong kinh thánh, Giáo phụ Irenaeus đã lý luận, Chúa Giêsu Kito đã được bốn khuôn mặt, bốn hình dạng của sinh vật loan báo, như Chúa Giêsu tỏ mình ra trong bốn phúc âm là người dũng lực qua hình ảnh con sư tử, là linh mục lo phần tế tự qua hình ảnh con bò, trở thành con người qua hình ảnh một người, và là thần linh hướng dẫn tâm linh con người qua hình ảnh con chim đại bàng.

Giáo phụ Irenaeus sắp xếp hình ảnh Sư tử cho Thánh sử Gioan, con bò cho Thánh sử Luca, hình người cho Thánh sử Mattheo, và hình con chim đại bàng cho Thánh sử Marcô. Nhưng cách sắp xếp này không được công nhận.

Vào quãng thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh Thánh Hieronimo cũng cùng suy nghĩ như thánh giáo phụ Irenaeus, nhưng theo cách cắt nghĩa khác sắp xếp thứ tự khác như sau: Hình dạng con người là biểu tượng cho Thánh sử phúc âm Mattheo, . Vì phúc âm theo Thánh sử Mattheo bắt đầu với gia phả nguồn gốc tổ tiên của Chúa Giêsu.

Hình dạng con sư tử là biểu tượng cho phúc âm theo Thánh Marco. Vì phúc âm theo Thánh sử Marco ngay khởi đầu có tiếng lời kêu gọi của Thánh Gioan Tiền hô trong sa mạc như tiếng sư tử gầm thét kêu gọi ăn năn thống hối cải thiện đời sống dọn đường cho Chúa đến.

Hình dạng con bò là biểu tượng cho phúc âm Thánh Luca. Vì phúc âm theo Thánh Luca nói đến tiên tri Zacharias vào đền thờ dâng hương tế lễ Thiên Chúa, nơi đây ông mang lễ tế là con bò non vào làm của lễ dâng tiến Giave như của lễ hy sinh đền tội.

Phúc âm theo Thánh Luca thuật lại cảnh Chúa Giêsu giáng sinh trong chuồng thú vật của chiên bò. Và chính Chúa Giêsu trở nên là của lễ, như xưa nay dân Chúa dùng chiên bò làm của lễ, hy sinh đền tội thay cho toàn dân trong giao ước mới lên Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Hình dạng con chim đại bàng là biểu tượng cho phúc âm thánh Gioan. Vì những tư tưởng cao xa về Thiên Chúa vượt qúa tầm khả năng suy nghĩ hiểu biết của con người trần thế chứa đựng trong phúc âm của Thánh Gioan, như chim đại bàng tung cánh bay cao vút tận trời cao vượt qúa tầm nhìn của con mắt con người nhìn theo.

Cách suy tư phân chia như thế này không là sự lý luận mới, nhưng là sự suy tư sâu sắc liên kết từ thời cổ xưa quy hướng nhắm về đích điểm con số bốn đã có từ thời ngôn sứ Ezechiel trong cựu ước.

Người ta cũng có thể kể đến nhiều những thứ tự khác của các thánh Giáo phụ. Vào quãng năm 1000. sau Chúa giáng sinh công thức Tetramorph và văn hóa Kitô giáo luôn luôn được chú trọng trong cắt nghĩa về những biểu tượng:

Phúc âm theo Thánh sử Mattheo với hình dạng con người biểu trưng cho sự nhập thể làm người của Chúa Giêsu.

Hình ảnh con bò biểu trưng cho sự hy sinh đền tội trên thập gía của Chúa Giêsu.

Hình ảnh con sư tử biểu trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu, và hình ảnh con chim đại bàng biểu trưng cho sự trở về trời của Chúa Giêsu.

Ngay từ thời Giáo Hội thuở sơ khai ban đầu, những phúc âm là Lời của Chúa được viết ra bằng chữ viết lời của con người trần thế dưới nhiều hình dạng khác nhau, nhưng giới hạn trong bốn hình dạng thôi. Chúa Giêsu Kitô được trình bày ở trung tâm có bốn hình dạng của bốn phúc âm bao quanh loan báo. Cũng như ngai Thiên Chúa theo như trong sách ngôn sứ Ezechiel và trong sách Khải Huyền là gạch nối liền giữa trời và đất lại với nhau.

Theo thị kiến trong sách ngôn sứ Ezechiel và sách Khải Huyền, bốn sinh vật đứng gần kề ngay bên ngai Thiên Chúa. Các Thánh giáo phụ đã đặt bốn sinh vật này cho bốn phúc âm của Chúa Giêsu. Vì những sứ vụ của bốn vị Thánh sử đã viết trong bốn phúc âm Chúa Giêsu.: làm chứng về Chúa qua sự gần gũi với Chúa.

Bốn phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo, Thánh Marco, Thánh Luca và Thánh Gioan có giá trị gợi cho tâm trí suy nghĩ về tâm linh tinh thần, và dẫn đưa tâm trí con người đến gần mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kito.

Những ý nghĩa đặc điểm này dù là thời Giáo Hội sơ khai ban đầu hay bây giờ vẫn luôn thời sự được qúy chuộng ngay cả trong nghệ thuật kiến trúc thánh.

Theo truyền thống xưa nay, bốn phúc âm Chúa Giêsu theo hình ảnh suy diễn từ Tetramorph là chứng từ đáng tin cậy diễn tả nói về sự hiện diện của Thần Linh: Gần gũi ngai Thiên Chúa và gần sát con người của Chúa Giêsu Kitô.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thăm Bạn Già
Nguyễn Đức Cung
07:08 08/08/2015
THĂM BẠN GIÀ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa….
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
(Trích thơ của Nguyễn Khuyến)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Cuối Ngày
Thérésa Nguyễn
13:25 08/08/2015
PHÚT CUỐI NGÀY
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Cảm tạ Chúa một ngày đã hết
Bao nhọc nhằn cùng nỗi lo toan
Bóng hoàng hôn giờ cũng sắp tàn
Bao lời kinh con dâng Chúa hôm nay
Giúp đời con vững mạnh bước đi
Che chở con khỏi lạc chốn u mê.
(Trích thơ của Sr. Maria Nguyễn Ngọc)