Ngày 05-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:55 05/08/2020

49. Muốn được trường sinh không phải là nên chịu các loại đau khổ sao?

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:00 05/08/2020
97. CÁI MÔNG CỦA VƯƠNG NHẤT

Trầm Bác Ngọc đi thăm nhà Vương Nhất, nhìn thấy bức hoành trước cửa phòng thư trai viết ba chữ: “Tỉ Ngọc Cư”, bèn cười nói:

- “Chữ đề trên bức hoành này rất có ý nghĩa, lấy chữ “tỉ” (比) đổi chữ “cổ”(古) trong chữ “cư”(居) rõ ràng thành hai chữ “mông đít”﹝屁股﹞; ngoài ra chữ “ngọc”(玉) có thể phân thành hai chữ “vương nhất”(王一), tổng hợp mấy chữ ấy lại thì có bốn chữ “mông của Vương Nhất”(王一屁古 (股) ) (1) hay sao? ”

Mọi người đều cười ha ha !

(Nhã Ngược)

Suy tư 97:

Người ta cho rằng những người ít học trả thù thì không thâm hiểm sâu độc cho bằng người có học trả thù, càng học cao thì sự trả thù càng ghê gớm.

Có một kinh nghiệm rằng: những ai đã từng làm điều ác, điều thất đức, thì đừng bao giờ làm điều gì phô trương khoe khoang, vì như thế chỉ làm cho người ta thêm oán hờn và có lời châm chọc; cũng vậy, những ai thích chơi nổi mà thấy mình không có tài cán gì cả thì cũng đừng nên phô trương, bởi vì như thế chỉ làm cho người ta thêm ghét mà thôi.

Người Ki-tô hữu chỉ có một việc nên khoe khoang, đó là khoe Đức Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại tội lỗi mà chịu đóng đinh vào thập giá và muốn cùng đóng đinh với Ngài, như thánh Phao-lô tông đồ đã nói là ngài đã vui mừng vì chịu đau khổ với Chúa Giê-su.

Ý nghĩa của “tỷ ngọc cư” thì hay đẹp, nhưng nó sẽ thành xấu khi người có lòng dạ đen tối giải thích.

(1) 古 phát âm là “cù”, nghĩa là “cổ, xưa”; 股 cũng phát âm là “cù” nghĩa là đùi hoặc một bộ phận. 屁股nghĩa là cái mông. Đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Từ sóng gió con thuyền Phê-rô đến sóng gió cuộc đời :Suy niệm Lời Chúa của Chúa nhật 19 TNA - Lời Chúa Mt 14, 22-33
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
20:49 05/08/2020
Từ việc bị lật xe tại Quảng Bình làm chết 15 người; từ việc nổ nhà máy tại Beirut, Lebanon, làm chết hàng trăm người và bị thương hơn 5000 người; lũ lụt, chấu chấu xuất hiện đầy dẫy, động đất và thiên tai đang hoành hành gần 3 tháng nay tại Trung Quốc; nhất là gần 1/2 năm đại dịch Virus Covid 19, đã giết chết gần triệu người, bị nhiễm bệnh với con số khủng lồ không đếm hết được vì đang lây lan từng giây phút trên toàn thế giới, ....

Con thuyền của các môn đệ đã bị gió cản trở làm cho việc chèo chống khó khăn và mệt mỏi! Con thuyền bị ngược gió này đang nhắc nhở các môn đệ, nhất là Phê-rô rằng con thuyền không có Thầy là con thuyền đầy gian nan và thử thách; con thuyền vắng bóng sự hiện diện của Thầy Giê-su là con thuyền đối diện với nhiều sự cản trở của ác thần và sự dữ! Con thuyền ngược gió của các môn đệ cần sự trợ giúp của Chúa hơn là tự sức mình chèo chống; (chuyện cá nhân, gia đình hay tập thể sẽ khó giải quyết nếu thiếu đi đời sống cầu nguyện, sự phó thác và lòng trông cậy vào Chúa; ví dụ: gia đình gặp phải sự suy đồi của một người con, người chồng rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, ...) Đây là sóng gió cuộc đời, đây là sóng gió của gia đình, nếu tự mình chèo chống và giải quyết thì sinh ra phàn nàn, kêu ca, chán chường, thất vọng và đương nhiên sẽ rất khó đạt được kết quả, nhưng ngược lại, như các môn đệ, khi có sự hiện của Đức Giê-su trên thuyền thì gió đã lặng im và thuyền đã cập bến an toàn, cũng vậy, đứng trước sự chông chênh con thuyền gia đình, mỗi chúng ta hãy biết mời Chúa đi vào con thuyền đó để “gió” sẽ yên và “biển” sẽ lặng! Mọi chuyện sẽ qua kèm theo bình an và hạnh phúc nếu trong từng giây phút của cuộc đời, mỗi người trong chúng ta biết dành một vị trí cho Chúa trong “chiếc thuyền cuộc đời”! Vì “không có Thầy anh em chẳng làm được gì” (Ga 15, 5), vì thế, để mọi đường đi nước bước của chúng ta trên “con thuyền cuộc đời” vượt qua được sóng gió là đau khổ, bệnh hoạn tật nguyền, là cô đơn hẻo lánh, là tai ương hoạn nạn, ...chúng ta phải biết cầu nguyện, đọc Lời Chúa, Viếng Thánh Thể, là Lần Chuỗi Mân Côi, nhất là siêng năng tham dự Thánh lễ mỗi ngày để qua đó mỗi người luôn luôn gặp gỡ Chúa và được Ngài ở cùng trong mọi biến cố vui buồn của cá nhân, của gia đình!

Quả thật, con thuyền cuộc đời không thể không có gian nan và thử thách, điều quan trọng là chúng ta phải chấp nhận đối diện và chèo chống! Tuy nhiên, nếu chúng ta tự cậy sức mình, tự cho mình là giỏi, tự hào mình giàu có, khôn ngoan, mà không cần sự trợ giúp của người khác, hay loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi “cuộc chơi”, ra khỏi con thuyền thì không chóng thì chầy, con thuyền cuộc đời đó không những gặp khó khăn và gian nan, nhưng sẽ mau chìm bởi quá kiệt sức và đầy “nước” của những thất vọng và đau thương! Vì thế, sự hiện diện của Chúa nơi con thuyền cuộc đời và cuộc sống hết sức cần thiết cho nhân loại nói chung, cho mỗi chúng ta nói riêng! Vì thế, mỗi người hãy tìm mọi cách làm sao “mời” cho được Chúa ngồi vào một vị trí quan trọng trong con thuyền đời mình để có Chúa sẽ có bình an, có Chúa sẽ có hạnh phúc, có Chúa sẽ dễ dàng chèo chống con thuyền đó dẫu có “ngược gió” bởi những lo toan, nhân tai và thiên tai! Được như thế, mỗi người chúng ta sẽ luôn vui vẻ và dấn thân trên mọi nẻo đường mà không ngại khổ và ngại khó! Được như thế, chúng ta dễ dàng mang niềm vui, bình an và hạnh phúc đến cho anh chị, nhất là cho những người đang phải gồng mình vất vả chèo chống những “ngược gió” trên đường đời bởi họ “chưa biết” hay không chịu đón nhận sự trợ giúp của ai đó, nhất là sự trợ giúp của Thiên Chúa Tình Yêu, là Vị Thiên Chúa luôn sẵn sàng đến - gõ cửa và vào nhà nếu người nhà mở cửa và sẽ ở lại để ban ơn giúp sức cho người ấy và chắc chắn rằng gia đình đó, cá nhân đó sẽ được chữa lành và nhận được ân lộc tràn đầy cho con thuyền cuộc đời! Amen!

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Những ký ức ngọt ngào
Lm. Minh Anh
22:06 05/08/2020

NHỮNG KÝ ỨC NGỌT NGÀO

Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay Hội Thánh kính nhớ cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, Tin Mừng tường thuật việc biến hình của Ngài trên núi khi ba môn đệ thân tín được phúc thoáng thấy vinh quang của Thầy. Đây là một trải nghiệm hết sức cần thiết để Phêrô và các môn đệ có thể vượt qua cuộc thương khó của Chúa cũng như những cam go mà Hội Thánh sơ khai sắp phải đối mặt. Qua thư của mình, chính Phêrô đã tuyên bố, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người”.

Lang thang trên những nẻo đường Palestine mà chặng cuối là hành trình lên Giêrusalem, ở đó, thấp thoáng bóng thánh giá, thần tính của Chúa Giêsu bị che khuất bởi chiếc áo nhân tính xô xảm của ba mươi năm ẩn mình. Vì thế, để chuẩn bị cho các môn đệ đi vào những ngày cuối cùng, thì trên đỉnh Taborê, Chúa Giêsu đã biến hình, tỏ cho họ thấy ánh sáng thần tính của Ngài; áo Ngài trắng như tuyết, dung nhan Ngài chói lọi. Thoáng thấy thần tính rạng ngời mà bấy lâu ẩn tàng trong cái thẳm sâu rất người của Thầy, ba môn đệ choáng ngợp và ngỡ ngàng. Ở đây, họ không chỉ choáng ngợp bởi một cái gì ngoại diện đang ngời sáng, nhưng ở đây, họ còn phải ngỡ ngàng bởi chính vinh quang của một phẩm vị Thiên Chúa đang rạng rỡ nơi Thầy mình. Các môn đệ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi chính Chúa Giêsu.

Anh Chị em,
Chúng ta có nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong cuộc đời mình không? Đây là một câu hỏi, nhưng đúng hơn, là một lời mời gọi xét mình thực sự; vì lẽ, chúng ta quá dễ dàng nhận thức tất cả những vấn đề phải đương đầu trong cuộc sống để rồi luôn đặt lòng đặt trí vào chúng… đang khi bao lần, chúng ta bỏ lỡ việc nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đời mình.

Lễ Hiển Dung tưởng nhớ việc Chúa hé lộ vinh quang của Ngài cho ba môn đệ theo một nghĩa đen hoàn toàn. Đối với các ngài, đây là một hình ảnh quan trọng vốn sẽ trở nên một ký ức đẹp đẽ in vào tâm trí để chuẩn bị cho một hình ảnh khác cũng rất thật và quan trọng hơn, đó là cuộc thương khó và cái chết của Thầy. Với các môn đệ, thập giá cũng là một ký ức dẫu thoạt tiên không mấy đẹp đẽ nhưng sau biến cố phục sinh, đó sẽ là một ký ức tuyệt vời, vô cùng quý báu và cực kỳ cần thiết cho sứ vụ mai ngày.

Lễ Hiển Dung nhắc cho chúng ta rằng, vinh quang của Chúa Giêsu chẳng hề mai một trên thập giá; cuộc thương khó với những đau khổ cùng tột của Ngài vẫn không làm thay đổi một sự thật là, vinh quang của Chúa Giêsu vẫn rạng ngời cả vào giờ phút Ngài hấp hối.

Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Với những ân huệ vô lường Thiên Chúa ban, Người cũng mong biến đổi linh hồn chúng ta trong vinh quang, ánh sáng và ân sủng. Điều này thật dễ nhìn thấy; thế nhưng, cả những lúc bão tố mưa sa, chúng ta cũng đừng bao giờ rời mắt khỏi những ngọt ngào và ánh vinh quang mà chính Người đã ban. Hãy biết sống lại những ký ức ấy để cảm tạ, tri ân về những gì tốt đẹp ngời sáng vinh quang Thiên Chúa mà trước đó chính Người đã ban cho linh hồn.

Nhà thơ Paul Verlaine đã viết, “Lạy Chúa từ nhân! Khi Chúa đến, mọi sự đều được sắp đặt lại. Ngài an bài mọi chuyện thật hoàn hảo. Ngài đem đến gian lao và cũng chính Ngài cất đi mọi nguy khốn. Ngài trừng phạt con bằng bao cực hình tột đỉnh. Vâng, tội nghiệp, hồn con nghĩ như thế. Nhưng con được bình an, vì Ngài đã kịp thời chìa ngay cho con cây sào thật đúng lúc để cứu con khỏi dòng nước cuốn trôi. Cả những khi chật vật niềm vui; đường con đi, dưới những vòm trời, Ngài vẫn chở che, con được bình an và tràn đầy và hạnh phúc; bình an giúp con chu toàn nhiệm vụ, hạnh phúc giúp con không còn đớn hèn bạc nhược vốn chỉ biết say sưa với khoái lạc, kiêu ngạo và dâm ô. Ôi, ngọt ngào! Đoá hoa cực lạc này giúp con hoàn thành những dự án giá trị và khả thi trong đời”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, hồn con từng được biến đổi đẹp đẽ và rạng ngời vinh quang Chúa; xin cho con biết sống lại những ký ức ngọt ngào đó, nhất là vào những lúc thánh giá đời con trở nên nặng nề nhất”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng tại Lebanon
Thanh Quảng sdb
06:06 05/08/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng tại Lebanon

Trong buổi triều yết hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ nổ lớn kinh hoàng ở Beirut hôm thứ ba vừa qua (4/8/2020), khiến trăm người thiệt mạng, kéo theo một sự thiệt hại trầm trọng.

(Tin Vatican)

Trong buổi triều yết hàng tuần vào thứ Tư, Đức Thánh Cha nói: "Hôm qua tại Beirut, gần hải cảng, một vụ nổ lớn kinh hoàng đã khiến trăm người chết, hàng ngàn người bị thương và gây ra một sự tổn hại nghiêm trọng".

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình của họ; và cho đất nước Lebanon được trợ giúp qua các cơ quan xã hội, chính trị và tôn giáo, để có thể vượt qua những khoảnh khắc bi thương đau đớn này và, với sự nâng đỡ của cộng đồng quốc tế, mà vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà họ đang trải qua.

Vụ nổ long trời làm thủ đô Beirut và các khu vực lân cận rung chuyển vào tối thứ Ba, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, trong đó người ta còn lo còn nhiều người bị mắc kẹt dưới đống gạch đổ nát...

Theo chính quyền địa phương, thì vụ nổ xảy ra do hàng tấn phân bón (ammonium nitrate) được lưu trữ trong một nhà kho ở hải cảng gần thủ đô Lebanon phát nổ.

Lễ biến hình

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở các tín hữu ngày mai, thứ Năm là lễ Biến hình của Chúa.

Trong lời phát biểu vớicác tín hữu nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nói qua biến cố biến hình, Chúa Giêsu đã mặc khải vinh quang vương quyền của Ngài cho các môn đệ, và qua các ngài cho tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta phải tuân hành mệnh lệnh của Thiên Chúa Cha, phán ra từ trời: “đây là Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe lời Ngài” (Mt 17: 5).

Đức Thánh Cha mời chúng ta hãy dõi mắt chiêm ngắm khuôn mặt rực rỡ của Chúa Kitô biến hình trên Núi Tabor, vì chính ngài là ánh sáng, soi sáng mọi sự kiện hàng ngày của chúng ta.

Đức Thánh Cha đã tiếp tục lại các cuộc triều yết hàng tuần từ thư viện Cung điện Tông đồ vào mỗi thứ Tư sau một kỳ nghỉ hè ngắn trong tháng Bảy vừa qua.
 
Beirut đau thương, Đức Hồng Y niên trưởng kêu gọi trợ giúp khẩn cấp cho bổn phận vĩ đại cuả giáo hội
Trần Mạnh Trác
14:21 05/08/2020
(CNA ngày 5 tháng 8 năm 2020 ).- Sau vụ nổ xảy ra tại hải cảng Beirut hôm thứ ba, Đức Hồng Y Công Giáo Maronite tuyên bố rằng Giáo hội địa phương cần rất nhiều hỗ trợ để có thể giúp người dân Lebanon (Libăng) phục hồi.

“Beirut đang là một thành phố bị tàn phá tan hoang. Thảm họa gây ra bởi một vụ nổ chưa rõ tông tích ngay tại hải cảng, ” Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, thượng phụ Antioch thuộc nghi lễ Công Giáo Maronite, cho biết ngày 5 tháng 8.

“Giáo hội đã thiết lập một tổ chức cứu trợ trên toàn lãnh thổ Lebanon, nhưng hôm nay cảm thấy mình phải đối mặt với một nghĩa vụ lớn lao mới mà nó không thể tự mình gánh vác, ” theo lời tuyên bố của vị thượng phụ cao cấp nhất Lebanon.

Ngài nói sau vụ nổ ở Beirut, “Giáo hội đã đoàn kết và trợ giúp những người bị ảnh hưởng, những gia đình nạn nhân, những người bị thương và những người phải di dời, và giào hội đã sẵn sàng chào đón họ qua các tổ chức của mình.”

Vụ nổ xảy ra tại hải cảng Beirut, giết chết ít nhất 100 người và hàng nghìn người khác bị thương. Số nạn nhân tràn ngập các bệnh viện. Số người chết dự kiến sẽ còn tăng thêm, sau khi nhân viên khẩn cấp tìm ra những người còn mất tích trong đống đổ nát.

Vụ nổ đã gây ra nhiều đám cháy và hầu hết thành phố bị mất điện vào thứ ba và thứ tư. Nhiều khu vực, trong đó có khu bờ sông nổi tiếng, đã bị san phẳng. Những khu đông dân cư ở phía đông Beirut, đa số là Kitô hữu, cũng bị thiệt hại nặng nề. Vụ nổ đã làm rung chuyển nhiều vùng ở cách xa hằng 150 dặm, như thành phố Síp.

Đức Hồng Y Rai đã mô tả thành phố này trông giống như một cảnh chiến tranh mà không có chiến tranh.

Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy giúp đỡ Lebanon, vốn đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế.

“Tôi gửi lời kêu gọi tới quí bạn vì tôi biết quí bạn cũng ước muốn Lebanon lấy lại vai trò lịch sử của nó trong việc phục vụ con người, dân chủ và hòa bình ở Trung Đông và trên toàn thế giới, ” Đức Hồng Y Rai nói.

Ngài yêu cầu các quốc gia và Liên Hợp Quốc gửi viện trợ tới Beirut, đồng thời kêu gọi các tổ chức từ thiện trên khắp thế giới giúp đỡ các gia đình Lebanon chữa lành vết thương và xây dựng lại ngôi nhà của họ.

Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố ngày 5 tháng 8 là một ngày quốc tang. Đất nước này gần như chia đều giữa người Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia và Kitô giáo, hầu hết số Kitô hữu là người Công Giáo Maronite. Lebanon cũng có một số nhỏ các dân Do Thái, Druze (một thiểu số theo đạo Độc Thần cuả Abraham nhưng thường được đánh đồng là người hồi giáo) và nhiều cộng đồng tôn giáo khác.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã yêu cầu mọi người cầu nguyện, và nhiều người Công Giáo đã kêu cầu lên Thánh Charbel Makhlouf, là một linh mục ẩn sĩ sống từ năm 1828 đến 1898. Thánh Charbel nổi tiếng ở Lebanon vì những sự chữa lành kỳ diệu cho những ai hành hương đến ngôi mộ của ngài, dù họ là Kitô hữu hay Hồi giáo.

Quỹ tương trợ cuả người Maronite trên thế giới đã đăng một bức ảnh của vị thánh lên trang Facebook của họ vào ngày 5 tháng 8 với lòi kinh cầu như sau”Xin Chuá thương xót dân người. Xin thánh Charbel cầu cho chúng tôi.”

Đài truyền hình tin lành Noursat cuả mạng lưới Middle East Christian Television nằm cách địa điểm nổ khoảng năm phút và đã bị ‘thiệt hại ồ ạt’ (massively damaged) theo một tuyên bố cuả vị chủ tịch sáng lập vào ngày 5 tháng 8.

Họ xin “những lời cầu nguyện sốt sắng cho đất nước Lebanon yêu dấu của chúng tôi và để cho đài Tele Lumiere / Noursat có thể tiếp tục sứ mệnh truyền bá lời Chúa, hy vọng và đức tin.

“Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân, cầu xin Thiên Chúa toàn năng chữa lành những người bị thương và tiếp thêm sức mạnh cho gia đình họ.”
 
Cảnh sát thề sẽ tìm ra thủ phạm vụ phóng hỏa nhà thờ trong khu vực Boston
Đặng Tự Do
16:08 05/08/2020


Cảnh sát đang điều tra hai vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Weymouth, Massachusetts, mà họ cho là cố ý phóng hỏa vì thù hận đức tin. Cả hai vụ cháy đều diễn ra trong đêm Chúa Nhật rạng sáng ngày thứ Hai 3 tháng 8.

Thiệt hại trong hai vụ hỏa hoạn này được phát hiện vào sáng thứ Hai, ngày 3 tháng 8 và cả hai đám cháy đều ở gần lối vào nhà thờ. Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại. Các phương tiện truyền thông địa phương mô tả cả hai vụ cháy là những vụ cháy nhỏ.

Sở Cứu Hỏa Massachusetts nói với tờ Boston Herald trong một tuyên bố rằng “Các đơn vị quân đội tăng viện cho chi khu cứu hỏa Marshal đang hỗ trợ cuộc điều tra vụ phóng hỏa tại tại nhà thờ ở Weymouth.” Tuy nhiên, sở cứu hỏa từ chối cung cấp thêm thông tin vì đang trong tiến trình điều tra.

Terrence Donilon, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Boston, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, và tổng giáo phận sẽ không bình luận gì thêm cho đến khi cuộc điều tra đầy đủ được tiến hành.

“Mọi việc sửa chữa cần thiết sẽ diễn ra với sự hỗ trợ từ Tổng Giáo Phận, ” ông Donilon nói và cho biết thêm rằng “Chúng tôi rất tự tin vào các cơ quan thực thi pháp luật. Cuối cùng người chịu trách nhiệm sẽ phải ra trước công lý.”

Tuy nhiên, ông Donilon nói thêm rằng, Tổng Giáo Phận sẽ cầu nguyện cho những người gây ra các đám cháy được ơn hoán cải, và “tạ ơn vì không có ai bị thương”

Nhà thờ Thánh Tâm đã bị phá hủy hoàn toàn bởi một đám cháy vào ngày 9 tháng 6 năm 2005. Ngọn lửa đó được cho là bắt đầu trong một phòng cung cấp hơi nóng. Nhà thờ được xây dựng lại, cập nhật theo các tiêu chuẩn hiện đại và được mở cửa trở lại vào tháng 11 năm 2007.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà thờ Thánh Tâm là thiệt hại thứ hai liên quan đến các vụ phóng hỏa đốt nhà thờ. Tháng trước, một nhà thờ Công Giáo ở Tổng giáo phận Boston đã bị đốt. Vào ngày 12 tháng 7, một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô ở Dorchester đã bị đốt cháy. Vụ việc đang được điều tra như một tội ác xuất phát từ lòng căm thù đức tin.


Source:Catholic News Agency
 
Vatican kêu gọi điều tra vụ hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua
Đặng Tự Do
16:10 05/08/2020


Như chúng tôi đã đưa tin, phát biểu sau bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ một người đàn ông không rõ danh tính đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Managua, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh sùng kính Chúa Kitô đã có từ hơn ba thế kỷ qua.

Vụ tấn công diễn ra vào ngày thứ Sáu 31 tháng 7 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Giáo hội và bọn cầm quyền Nicaragua. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của thủ đô Managua mô tả cuộc tấn công là “một hành động khủng bố có tính toán”.

Phát biểu từ một cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đang nghĩ đến những người dân Nicaragua là những người đang phải đau khổ vì cuộc tấn công vào Nhà thờ Managua, nơi hình ảnh rất được tôn kính của Chúa Kitô, là bức ảnh đã đồng hành và nâng đỡ cuộc sống của các tín hữu trong suốt nhiều thế kỷ qua, đã bị tổn hại rất nghiêm trọng đến mức gần như bị phá hủy”

“Thưa anh chị em Nicaragua, tôi gần gũi với anh chị em và tôi cầu nguyện cho anh chị em”

Hôm thứ Hai 3 tháng 8, Sứ thần Tòa Thánh tại Nicargua nói “Tòa Thánh yêu cầu chính phủ Nicaragua phải bảo đảm một cuộc điều tra nghiêm túc, cẩn thận và minh bạch liên quan đến cuộc tấn công vào nhà thờ chính tòa của thủ đô Managua.”

“Chúng tôi cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm và đầy kinh ngạc trước diễn biến này, ” Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Waldemar Sommertag, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nicaragua nói.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám Mục thủ đô Managua cho biết các nhân chứng đã nhìn thấy người đàn ông đi vòng quanh nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua trong 20 phút để hoạch định kế hoạch tấn công và thoát ra qua một cánh cổng đã bị đánh cắp gần đây.

“Hắn ta đã tính toán tất cả mọi thứ: làm thế nào để đột nhập, vị trí tấn công, và sau đó trốn thoát ra ngã nào. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch, ” Đức Hồng Y nói.

Y hoặc đồng bọn của y đã đánh cắp trước cánh cổng để y không bị kẹt bên trong sau khi gây án.

Người đàn ông đội mũ trùm đầu và cầm thứ gì đó trong tay mà các nhân chứng tại chỗ không thể xác định được đó là vật gì. Hắn ta bước vào nhà nguyện Máu Châu Báu Chúa Kitô và nói “Tao đến lấy máu của Chúa Kitô đây, “ tờ báo La Prensa của Nicaragua tường thuật. Các nhân chứng nhìn thấy hắn ta ném đồ vật đang cầm trên tay vào nhà nguyện.

Nhà nguyện lưu giữ một hình ảnh có niên đại 382 năm là bức tượng Máu Châu Báu Chúa Kitô, mô tả Chúa Giêsu Kitô đổ máu khi bị đóng đinh.

Cuộc tấn công rõ ràng xảy ra sau những căng thẳng giữa người Công Giáo và những người ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega, là tên trùm cộng sản trước đây đã thống trị đất nước trong hơn một thập kỷ sau khi lật đổ chế độ Somoza vào năm 1979. Sau thời kỳ cộng sản, Ortega một lần nữa trở thành tổng thống Nicaragua kể từ năm 2007 và bãi bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2014 để trở thành đại đế suốt đời.

Ngay sau khi vụ tấn công này, vợ của y, bà Rosario Murillo, cũng là phó tổng thống Nicaragua dù chẳng có bằng chứng gì trong tay, bà ta cho rằng không có ai tấn công hết cả, chẳng qua là các tín hữu đốt nến trước bức tượng, làm cháy bức màn, nên gây ra đám cháy.

Đức Hồng Y Brenes đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Murillo. “Nhà nguyện của chúng tôi không có màn cũng chẳng có nến.”


Source:Crux
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ khen chê Tổng thống Trump ngang ngửa như nhau
Vũ Văn An
18:56 05/08/2020

Trên trang mạng của Religion News Service, và được tạp chí The America đăng lại (xem tại https://www.americamagazine.org/politics-society/2020/08/04/catholic-bishops-trump-criticism-praise-usccb), Linh mục Thomas Reese, cựu chủ bút Tạp chí The America, cho rằng nhiều người Mỹ vẫn nghĩ rằng các Giám Mục Mỹ là những người hết mình ủng hộ Tổng thống Donald Trump.



Ủng hộ

Nhưng Cha Reese cho hay: Điều này chỉ đúng khi đụng tới các vấn đề phò sinh và tự do tôn giáo; còn trong một số vấn đề khác, các ngài mạnh mẽ phê phán chính phủ Trump. Lập trường này khiến các ngài khác với các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tin lành da trắng là những vị có khuynh hướng ủng hộ Tổng thống Trump hầu như trong mọi vấn đề.

Nói cho cùng và nói chung, các Giám Mục Hoa Kỳ không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào. Giống như mọi công dân, các Giám Mục, trong tư cách cá nhân, có quyền ủng hộ miễn là không dùng tiền của Giáo Hội để làm thế. Vì các Giám Mục không ủng hộ các ứng cử viên, nên mỗi đảng đều nhấn mạnh những điểm được các ngài nhất trí với họ, nhất là vào dịp bầu cử tổng thống.

Để khảo sát xem các giám mục đã phản ứng với Trump như thế nào, Cha Reese đã xem xét hơn 160 thông cáo báo chí liên quan đến các vấn đề chính sách công từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, được công bố trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tiếng nói có thẩm quyền của các giám mục Hoa Kỳ về chính sách công cộng.

Điều hoàn toàn chắc chắn là các giám mục coi như ưu tiên các vấn đề phá thai và các vấn đề phò sinh khác: Hơn 30 thông cáo báo chí đề cập đến các chủ đề sự sống trong 19 tháng qua. Một thông cáo báo chí viết “Chúng tôi rất biết ơn về sự cam kết ủng hộ sự sống của Tổng thống, và về mọi hành động mà chính phủ này đã thực hiện để bảo vệ trẻ em chưa sinh và mẹ của chúng khỏi bạo lực phá thai”.

Các giám mục đã nói rõ sự phản đối của họ đối với việc nghiên cứu dùng tế bào phôi thai, hỗ trợ tự tử, tài trợ phá thai của chính phủ, cũng như sự ủng hộ của các ngài đối với các hạn chế của tiểu bang và liên bang về phá thai. Các ngài hoan nghênh việc tái lập Chính sách Mexico City, “để bảo đảm rằng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ không được sử dụng để thực hiện hoặc cổ vũ phá thai trên phạm vi quốc tế”.

Các giám mục luôn đứng về phía chính phủ trong các vấn đề tự do tôn giáo trong nước và quốc tế.

Bảy thông cáo bào chí đề cập tới việc bảo vệ tự do lương tâm. Các ngài ca ngợi các biện pháp cho phép nhân viên y tế từ chối thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai hoặc các thủ tục khác mà họ coi là vô luân. Các ngài cũng rất vui mừng đối với phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ các Tiểu Muội Người Nghèo, một dòng nữ từng phản đối mệnh lệnh tránh thai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Affordable Care Act).

Hàng chục thông cáo báo chí khác ủng hộ lập trường của chính phủ về các vấn đề ảnh hưởng đến những người thuộc nhóm L.G.B.T.Q. (đồng tính và chuyển giới). Các giám mục lên tiếng phản đối Đạo luật Bình đẳng (Equality Act), là đạo luật mở rộng các biện pháp bảo vệ chống kỳ thị của Đạo luật Dân quyền năm 1964 đối với người đồng tính và chuyển giới, và đã được Hạ viện thông qua hồi tháng Năm. Các ngài thất vọng khi Tòa án Tối cao, hồi tháng 6 trong vụ Bostock chống Hạt Clay, Georgia, phán quyết rằng các cá nhân L.G.B.T.Q. được đạo luật này bảo vệ.

Các giám mục cũng khen ngợi một sự thay đổi quy tắc được đề nghị cho phép các cơ quan nhận con nuôi dựa trên đức tin được từ chối các dịch vụ cho các cặp đồng tính mà không vì thế bị loại khỏi tài trợ của liên bang.

Trong một chục thông cáo báo chí khác, các giám mục ủng hộ việc mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho các cơ quan dựa trên đức tin, bao gồm cả giáo dục, một vấn đề khác mà các giám mục và chính quyền đã nhất trí với nhau.

Phê phán

Không điểm nào trong số các điểm nhất trí trên đối với chính sách của chính phủ Trump làm ta ngạc nhiên, nhưng chúng chỉ là một nửa của câu chuyện. Các giám mục và Trump thường xung đột về việc nhập cư, chính sách ngoại giao, án tử hình và môi trường, và một số vấn đề khác.

Trong 22 thông cáo báo chí về người nhập cư và 13 thông cáo khác về người tị nạn, các giám mục đã tấn công các chính sách của chính phủ cho là “bị hướng dẫn sai lầm và không thể chủ trương được”, “không thể chấp nhận được”, “làm kinh hoảng”, “tàn phá”, “rất đáng lo ngại”, “làm đau lòng”, “bất hợp pháp và bất nhân”, “kinh khủng”, “nhẫn tâm”, “gây xáo trộn” và “trái ngược với các giá trị của Mỹ và Kitô giáo”.

Đây không phải là những từ ngữ được sử dụng bởi những người ủng hộ mơ mộng hão huyền.

Các giám mục đã lên tiếng mạnh mẽ và thường xuyên ủng hộ chương trình DACA (=Deferred Action for Childhood Arrivals, Trì hoãn Hành động đối với các vụ Trẻ em Tới đây) nhằm bảo vệ khỏi trục xuất những người được đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ. Các ngài phát biểu “Chúng tôi rất thất vọng vì chính phủ tiếp tục đẩy mạnh để kết thúc DACA".

Các ngài luôn lập luận rằng di dân và người tị nạn nên được chào đón và đối xử một cách cảm thương, cho rằng thay vào đó, hành động của chính phủ đã “tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong các giáo xứ và cộng đồng của chúng ta trên khắp đất nước”.

Tóm lại, các giám mục đã đưa ra hơn 40 tuyên bố bảo vệ người nhập cư và người tị nạn và chống lại lệnh cấm du lịch và chia ly gia đình.

Ví dụ, các giám mục “rất lo ngại” về tác dụng của các thay đổi của chính phủ trong quy định về “gánh vác chi phí công cộng” (public charge), làm cho việc trục xuất những người nhập cư cố gắng lãnh nhận các dịch vụ của chính phủ thành dễ dàng hơn.

Các ngài tường trình rằng “Theo kinh nghiệm phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương của chúng tôi, chúng tôi biết rằng nhiều gia đình nhập cư tiếp cận một cách hợp pháp các dịch vụ y tế và xã hội quan trọng vốn có tính cốt yếu đối với sức khỏe và phúc lợi công cộng”.

Các giám mục cũng bắt lỗi một quy định mới của Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị nhằm tước bỏ quyền lợi nhà ở của bất cứ hộ gia đình nào có thành viên không có giấy tờ.

Các giám mục đã phàn nàn rằng “Quy tắc được đề nghị này sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp đối với hàng ngàn gia đình có tình trạng hỗn hợp. Nó sẽ buộc các gia đình này phải lựa chọn một cách đau lòng - chịu đựng sự chia ly gia đình để các thành viên đủ điều kiện có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan trọng về nhà ở hoặc ở lại với nhau và từ bỏ mọi hỗ trợ như vậy. Sự lựa chọn giữa sự hợp nhất và ổn định này là một lựa chọn không một gia đình nào nên thực hiện”.

Các ngài đã phê phán nặng lời chống lại việc dùng các cơ sở để giam giữ người nhập cư. Các ngài nói rằng “Các báo cáo về tình trạng quá đông đúc và mất vệ sinh đang gây kinh hoàng và không thể chấp nhận được đối với bất cứ người nào đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt đối với trẻ em, những người dễ bị tổn thương cách đặc biệt. Các điều kiện như vậy không thể được sử dụng như công cụ răn đe. Chúng ta có thể và phải mãi là một quốc gia cung cấp nơi ẩn náu cho trẻ em và các gia đình chạy trốn bạo lực, bách hại và nghèo đói nặng nề”.

Các giám mục, cùng với các đối tác Mexico của các ngài, cũng phản đối bức tường của Trump, nói rằng “đầu tiên và trước hết, nó là biểu tượng của sự chia rẽ và thù địch giữa hai quốc gia thân thiện”. Các ngài cũng “rất lo ngại” đới với việc tổng thống dùng mưu kế qua mặt “ý định rõ ràng của Quốc hội muốn hạn chế tài trợ cho bức tường”. Các giám mục nói rằng các ngài “vẫn kiên định và kiên quyết trong viễn kiến mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ: tại thời điểm này chúng ta cần xây dựng các cây cầu chứ không phải các bức tường”.

Việc đối xử với những người xin tầm trú ở biên giới cũng là một mối quan tâm lớn của các giám mục trong việc phản đối các quy tắc và quy định mới nhằm “moi mất những phần tốt nhất của hệ thống tị nạn hiện thời của chúng ta”.

Các ngài cũng nhận định rằng, “Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta xem xét nguyên nhân gốc rễ của di dân, nghèo đói, bạo lực và thối nát”.

Các giám mục thường không đồng ý với chính phủ về chính sách đối ngoại. Các ngài phản đối việc rút khỏi Hiệp ước INF (Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế) và để cho Hiệp ước START (=Strategic Arms Reduction Treaty, Giảm các Vũ Khí Chiến Lược) hết hạn và thúc giục cho có nhiều cố gắng hơn đối với việc giải trừ hạch nhân. Các ngài kêu gọi "các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới của chúng ta phải kiên trì trong nỗ lực xóa bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt này, vì chúng đe dọa sự hiện hữu của loài người và hành tinh của chúng ta".

Các ngài cũng tiếp tục khuyến khích trao đổi thương mại, du lịch và văn hóa với Cuba, gọi lệnh cấm vận là “không hiệu quả”.

Và trong khi tổng thống đang leo thang lời lẽ chống lại Iran, các ngài đã kêu gọi “ngoại giao cần thiết, đối thoại dũng cảm và các nỗ lực không mệt mỏi hướng tới hòa bình để giải quyết các cuộc xung đột hoàn cầu như vậy”. Các ngài cũng tuyên bố rằng việc rút đơn phương khỏi thỏa thuận hạch nhân Iran và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đã “làm gia trọng các căng thẳng với các đồng minh thân cận và các cường quốc thế giới khác”.

Mặc dù không triệt để, nhưng ngôn ngữ của các giám mục về các cuộc biểu tình “Black Lives Matter” (Matng sống Da Đen quan trọng) có nhiều thiện cảm hơn so với ngôn ngữ của tổng thống.

Chủ tịch hội đồng giám mục, José Horacio Gómez, tổng giám mục của Los Angeles, nói rằng “việc giết George Floyd là vô nghĩa và tàn bạo, một tội lỗi kêu thấu tới trời. Tất cả chúng ta nên hiểu rằng các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy trong các thành phố của chúng ta phản ảnh sự thất vọng và tức giận chính đáng của hàng triệu anh chị em của chúng ta, những người ngay hôm nay đây đang trải nghiệm sự hạ nhục, xỉ nhục và cơ hội không bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ".

Trong một thông cáo báo chí khác, bảy vị chủ tọa Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết, “Chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc không phải là việc của quá khứ hay chỉ là một vấn đề chính trị vứt bỏ để bàn bạc khi thuận tiện. Nó là một mối nguy hiểm thực sự và hiện tại phải được đối phó thẳng thừng”.

Cuối cùng, khi nói đến cuộc khủng hoảng COVID-19, các giám mục quan tâm nhất đến việc chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ kinh tế “cho những người dễ bị tổn thương nhất: người nghèo, người già, người vô gia cư, những người trong tù hoặc trại giam, người nhập cư và người tị nạn, và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng”.

Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Con người của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết ngài “đã gửi năm lá thư để phát biểu nguyên tắc căn bản này tới Quốc hội và các ủy ban khác nhau của nó”.

Các giám mục lưu ý việc cần có “thiết bị bảo vệ đầy đủ cho tất cả các công nhân thiết yếu, bảo vệ phúc lợi và sự toàn vẹn của gia đình, nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và hậu quả về sức khỏe của coronavirus, và sự cần thiết phải giải quyết sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và tác động của nó đối với nông dân và công nhân nông trại, vứt bỏ thực phẩm và sức khỏe công cộng”.

Các ngài ủng hộ các khoản gia tăng trong tiền nghỉ bệnh và các chương trình an ninh lương thực, bao gồm Các Chương trình Cần Được Cấp Nhà ở Đặc biệt (SNAP) và Chương trình Nơi trú ẩn và Thực phẩm Khẩn cấp.

Mặc dù các ngài ca ngợi Đạo luật CARES (tức đạo luật kích thích kinh tế $2.2 nghìn tỷ), nhưng các ngài thấy “thất vọng khi một số viện trợ và cứu trợ không được mở rộng cho những người không có giấy tờ, và cực kỳ quan ngại khi việc thử nghiệm và tiếp cận bảo hiểm chăm sóc y tế bị từ khước đối với một số người nhập cư”.

Khi nói đến phá thai và tự do tôn giáo, các giám mục là đồng minh của đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump, nhưng về nhiều vấn đề khác, các giám mục là những đối thủ mạnh mẽ và lớn tiếng của ông. Những người Dân chủ Công Giáo, như Joe Biden, được hoan nghinh bởi các lập trường của các giám mục về công bằng xã hội, nhưng các đảng viên Cộng hòa tốt hơn nhiều trong việc mô tả các giám mục đứng về phía họ.

Cha Reese kết luận rằng “Rõ ràng các giám mục coi vấn đề công bằng xã hội một cách nghiêm túc hơn nhiều so với tổng thống, nhưng điều này có thể bị lu mờ trên các phương tiện truyền thông khi các giám mục tấn công Ông Biden Công Giáo về lập trường phá thai của ông ta. Các phương tiện truyền thông có xu hướng chú ý nhiều đến các bất đồng của các giám mục với Biden hơn là sự khác biệt của các ngài với Trump”.
 
Tuyết rơi giữa mùa hè
Thanh Quảng sdb
21:16 05/08/2020
Tuyết rơi giữa mùa hè

Ngày 5 tháng 8 là lễ kỷ niệm ngày thánh hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.

Theo tương truyền thì vào đêm ngày 4-5 tháng 8, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberius và nhà ái quốc tên là John, Mẹ xin xây dựng nơi họ đang chiêm ngắm một đền thờ...

Tháng 8 ở Rome đang là tháng nóng và ẩm ướt. Thế mà sáng ngày 5 tháng 8 năm 358, người dân tại thành phố Rome chứng kiến một cảnh tượng gần như không thể tin được: một lớp tuyết phủ kín đỉnh đồi Esquiline, nơi Đức Mẹ xin xây một ngôi thánh đường…

Trải qua nhiều thế kỷ, Giáo hội Roma đã mừng kính lễ cung hiến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả này hay còn được gọi là Vương cung thánh đường Liberia, với một nghi lễ đặc biệt. Trong khi hát Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ trọng thể này thì một phần trần nhà nhà thờ được mở ra, và những cánh hoa nhài trắng được tung xuống để ghi nhớ nguồn gốc kỳ diệu của Vương cung thánh đường.

Lễ kỷ niệm năm 2020

Năm nay, một lần nữa, giáo dân trong thành phố Rome và du khách mừng sự kiện tuyết rơi kỳ diệu để kỷ niệm cái khởi đầu huyền lạ của Vương cung thánh đường Đức Bà cả này. Việc mừng lễ Cung hiến được bắt đầu bằng lần chuỗi Mân Côi, theo sau là hát Kinh Chiều được cử hành vào ngày trước lễ.

Năm nay, Thánh lễ trọng thể được đại diện Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Stanislaw Ryłko, Tổng Giám mục của Vương cung thánh đường cử hành.

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là một trong bốn “Vương cung thánh đường trực thuộc Giáo hoàng” (công thêm Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô, Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành). Trong số bốn Vương cung thánh đường thì Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là một vương cung thánh đường duy nhất được xây dựng với kiến trúc cổ điển – Kitô giáo. Tháp chuông của vương cung thánh đường cao 75 mét, là cây tháp cao nhất ở Rome. Tháp có năm chiếc chuông, một trong chuông đó - được gọi là “La Sperduta” “chiếc chuông bị mất tích” – Các chuông này vang lên mỗi tối vào lúc 9 giờ để kêu mời các tín hữu cầu nguyện.

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả thật tráng lệ bao gồm một gian giữa và hai gian bên hông, được xây dựng theo kiến trúc của người Vitruvian với nét quí phái sang trọng nhịp nhàng. Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là nơi có những bức bích tranh tuyệt đẹp trình bày cuộc đời Đức Trinh Nữ Maria, và một loạt tranh nói lên lịch sử cứu độ: với cuộc đời của các tổ phụ Abraham, Jacob, Mosê và Joshua, cũng như thời thơ ấu của Chúa Kitô.

Bức tranh Đức Bà bầu chữa dân thành Roma

Người ta cũng có thể chiêm ngưỡng bức tranh Đức Bà bầu chữa dân thành Roma trong Vương cung thánh đường, mà dân thành Roma có một lòng tôn kính đặc biệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu này, và đã đến kính viếng Vương cung thánh đường ngay ngày hôm sau khi được bầu chọn làm giáo hoàng vào năm 2013, cầu nguyện trong nhà nguyện đặt để bức ảnh này. Trong những năm kế tiếp, Đức Thánh Cha luôn đến đây cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến Tông du để cầu nguyện và tạ ơn Đức Mẹ.

Tương truyền cho hay rằng bức ảnh Đức Bà bầu chữa dân thành Roma này đã được vẽ bởi Thánh Luca. Bức ảnh thường được đặt trong Nhà nguyện của Bá tước Borghese trong Vương cung thánh đường; đôi khi bức ảnh được rước đi nơi khác trong những dịp đặc biệt.

Gần đây nhất, bức ảnh này được mang về Vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhân dịp Đức Thánh Cha cầu nguyện đặc biệt cho cơn đại dịch coronavirus và ban phép lành đặc biệt cho dân thành Roma và toàn thế giới.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân Chủ Giả Cầy
Phạm Trần
18:03 05/08/2020
Tiếng Việt của ta rất phong phú và có ý nghĩa thâm sâu. Khi áp dụng vào chính trị thì nghĩa chữ càng tím ruột, lộn gan lên đầu.

Tỷ dụ như khi báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức của Đảng và Nhà nước CSVN nghêu gao rằng “dân chủ là bản chất chế độ xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” (ngày 10/07/2020) thì dân Nam Kỳ Lục Tỉnh biết ngay đó là xạo ke, ba xạo, ba đía, hay là chuyện tào lao thiên địa, bá láp bá xàm.

Dân bợm nhậu có chút chữ nghĩa của Thánh hiền ban cho kêu đó là loại “dân chủ giả cầy”, hay “treo đầu heo, bán thịt chó” để lừa người mua. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều người vì ngây thơ hay thiếu kinh nghiệm sống đời với Cộng sản nên đã bị lừa hay sa vào bẫy “dân chủ hàng giả” của đám dư luận viên Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng.

Nhưng hai chữ “giả cầy” xuất phát từ đâu? Đó là ở một số vùng quê miền Bắc, người dân gọi chó là “con cầy”. Thịt “cầy” là món nhậu khoái khẩu của dân ghiền thịt chó, nhưng khi không thể giết chó lấy thịt hay không mua được thịt chó ngoài chợ, người dân nấu món “giả cầy” bằng thịt heo (lợn). Để làm giống như thịt chó, người nấu phải đốt than, hay rơm hơ cho da vàng giống như da chó thui. Sau đó cắt nhỏ rồi nấu với hai thứ gia vị không thể thiếu đó là riềng và mắm tôm để có hương vị giống thịt chó. Khi ăn, nếu có lá mơ kèm theo thì tuyệt.

Cũng nên biết món thịt chó rất thịnh hành ở miền Bắc trước khi được dân Bắc di cư đem theo vào thực đơn miền Trung rồi xuống miền Nam năm 1954.

Và cũng từ sau 1954 món nhậu khoái khẩu “giả cầy” đã được văn chương hóa trong văn nghệ dân gian để diễu cợt những câu chuyện đầu ngô, mình sở hay tác phẩm không giống ai.

Trong lĩnh vực chính trị, người dân ở Việt Nam bị đảng tự ý tròng vào cổ xiềng xích Mác-Lê ngoài ý muốn là chuyện thật, không phải “giả cầy”. Đảng đã nói văng xích chó rằng :” Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.” ( Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011).

Nhưng cái mảng “khát vọng” này từ đâu bò ra dzậy bà con? Thành phần dân số bị đảng vơ vào là “nhân dân ta” là bao nhiêu, người của phe nhóm, hay chủng tộc nào trong số 54 sắc dân sống trên lãnh thổ Việt Nam?

Nên nhớ đảng CSVN chưa bao giờ dám tổ chức trưng cầu ý dân để biết số người ủng hộ đảng và chủ nghĩa Cộng sản là bao nhiêu nên khi đảng lạm dụng “nhân dân ta” để áp đặt tham vọng của mình và của hơn 4 triệu đảng viên lên trên 90 triệu dân là tiếm quyền. Dân Nam bộ gọi là “cướp cạn”.

Ngoài ra, khi đảng “chọn chủ nghĩa xã hội Cộng sản” để ép dân theo mà cho đó là “phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”,

là đảng đã “mượn đầu heo nấu cháo” để bảo vệ quyền cai trị bất hợp pháp và độc tài cho mình.

Việc này đã viết trong Cương lĩnh:”Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản..”

Chọn chủ nghỉa Cộng sản là chuyện riêng của đảng, không mắc mớ gì đến dân, nhưng khi đảng ép dân phải chấp nhận là phản dân chủ.

KHÔNG CHE ĐƯỢC MẮT THÁNH

Ngoài ra đảng cũng đã biết, người dân Việt Nam của thời đại điện tử Thế kỷ 21 không còn ngây thơ và khờ khạo như đảng nghĩ. Dân biết rõ những chuyện thật, giả và thấy hết những thảm cảnh đảng đã gây ra cho dân như thế nào qua 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975).

Dân còn biết cả chuyện bồ nhí và tài sản ngập đầu của quan chức vẫn bô bô cái miệng hô hào đạo lý, hay lên miệng dậy đời phải sống trong sạch, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Bác Hồ đã dậy. Cũng không lọt khỏi mắt dân những lãnh đạo chỉ biết phô trương gương mẫu bề ngoài lấy điểm nhưng bên trong lại cam tâm sống với “lợi ích nhóm” ruồi bọ để vinh thân phì gia, làm giầu bất chính. Tất nhiên trong thời buổi “có tiền là tiên trên đời” hiện nay, một số không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn tin vào chủ trương tiếp tục đi theo Chủ nghĩa Cộng sản của đảng. Nhiều đảng viên, đa số cán bộ nghỉ hưu, đã tự ý bỏ quan hệ với đảng để đi kiếm ăn.

Đa số nhân dân cũng đã chán đảng đến tận mang tai và rất bất mãn với thái độ nhu nhược của đảng trước hành động lấn chiếm biển đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đến chủ trương đưa đất nước “Đi lên chủ nghĩa xã hội” của đảng cũng mập mờ và phiêu lưu vì đảng không chứng minh được thứ “chủ nghĩa” này tốt đẹp ra sao sau hơn 30 năm đổi mới và “qúa độ” mà vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm thì chắc chắn là lãnh đạo đã hoang tưởng không biết đâu mà mò.

Chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã thú nhận :”Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (Tuyên bố tại Hà Nội 24/03/2013)

Như vậy thì rõ ràng đảng CSVN, đội ngũ cướp quyền làm chủ đất nước của dân để cai trị, đã tự tung tự tác khi viết rằng:”Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy.” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011—Hiến Pháp năm 2013).

Hành động tự phong, tự chiếm và tự cướp như thế rõ ràng chỉ có từ một tổ chức độc tài, toàn trị. Nhân dân, chủ nhân của đất nước đã bị cán bộ đảng, đầy tớ của dân, cướp mất quyền làm chủ.

Thế mà báo Nhân Dân vẫn có thể loa phường:” Không thể phủ nhận thực tế là ở Việt Nam ngày nay, mọi quyền lực của nhà nước luôn thuộc về nhân dân, nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực đại diện của mình để điều hành đất nước, thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động của hệ thống chính trị.”

(Nhân Dân, ngày 14/07/2020)

Ăn nói như thế mà không sợ bị quả báo hay sao?

Bởi vì chuyện bầu cử ở Việt Nam Cộng sản, dù có bịa đặt, tô son điểm phấn cách mấy đi chăng nữa thì tính bù nhìn và “đảng cử dân bầu” không giấu được ai. Các “cơ quan quyền lực đại diện cho mình” (dân) gồm Hội đồng Nhân dân và Quốc hội cũng hầu hết là đảng viên được đảng đưa ra cho dân bỏ phiếu lấy lệ để làm đẹp cho chế độ thì bầu bán có hay ho gì đâu mà khoe?

Việc chọn ứng cử viên được đảng giao cho Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng đã phản ảnh tính ứng cử và bầu cử dân chủ trá hình. Hãy nghe đảng xác nhận:”Riêng trong công tác bầu cử, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử (theo Ðiều 19, Luật MTTQ Việt Nam).” (báo Nhân Dân, ngày 21/07/2020)

Như vậy là đảng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” rồi còn gì nữa mà còn lý luận ngạo mạn rằng:”Hiệp thương dân chủ luôn giữ vai trò rất quan trọng, vì chỉ dựa trên cơ sở hiệp thương dân chủ mới tập hợp được ý chí, nguyện vọng của mọi thành viên xã hội, giúp các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước thật sự phát huy vai trò trong cuộc sống. Nếu không có hiệp thương dân chủ thì sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên chỉ mang tính hình thức.”

Nhưng “bầu cử “mà không có “vận động tranh cử” giữa các ứng cử viên để dân lựa chọn là thứ bầu cử hình thức phản dân chủ cao độ nhất.

Vậy mà nhóm Dư luận viên của báo Nhân Dân vẫn oang oang quàng xiên rằng:”Không ai có thể phủ nhận ở Việt Nam, việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã giúp tập hợp, phát huy tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kịp thời phát hiện các biểu hiện thiếu lành mạnh trong quá trình vận hành của bộ máy công quyền. Ðây là cơ sở giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt những thành tựu đáng tự hào về mọi mặt. Sự thật hiển nhiên, sinh động ấy là câu trả lời xác đáng đối với các luận điệu, thủ đoạn chống phá của những kẻ lợi dụng dân chủ để xuyên tạc bản chất xã hội.”

(Báo Nhân Dân, ngày 21/07/2020)

TẬP TRUNG DÂN CHỦ

Nhưng không chỉ khoe có bấy nhiêu thôi. Đảng còn bịa chuyện rằng:”Đảng luôn khẳng định việc tăng cường, phát huy dân chủ trong Đảng là cơ sở để tăng cường, phát huy dân chủ trong xã hội. Nói cách khác, dân chủ là một trong các yếu tố quyết định sự thành công trong mọi hoạt động của Đảng, và khi dân chủ được hiện thực hóa trong xã hội, trở thành tài sản chung của toàn dân, đã tạo tiền đề vững chắc để phát huy ý chí, năng lực toàn xã hội, giúp Đảng tổ chức, lãnh đạo dân tộc phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng.” (báo Nhân Dân, ngày 20/07/2020)

Nghe đảng nói “phát huy dân chủ trong Đảng là cơ sở để tăng cường, phát huy dân chủ trong xã hội” ai mà không ham, nhưng cũng muốn ói bởi vì dân chủ trong đảng là thứ “tập trung dân chủ” kiểu Cộng sản.

Vậy “tập trung dân chủ” là trò gì?

Lênin nói:”Tập trung dân chủ" là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động.”

“Ý nghĩa của tập trung là quyết định của tổ chức Đảng cấp trên là bắt buộc với các tổ chức Đảng cấp dưới và cuối cùng là bắt buộc mỗi đảng viên phải chấp hành. Mỗi vấn đề của Đảng sẽ được thảo luận cho đến khi ra nghị quyết. Sau khi có nghị quyết, mỗi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết. Đảng viên dù có ý kiến khác khi phát biểu công khai vẫn phải nói theo nghị quyết chứ không được theo ý mình.” (theo Bách khoa toàn thư mở)

Đó là dân chủ chỉ huy, dân chủ đoàn thể, nhưng nếu bảo “phát huy dân chủ trong Đảng là “hạt nhân để thực hiện dân chủ trong toàn xã hội và xây dựng khối đoàn kết toàn dân” là ngụy biện, áp đặt tính chuyên chế, độc tài của đảng lên nhân dân và cướp đi quyền tự quyết của dân.

Dân chủ mà đảng cần phải có cho dân ở Việt Nam bây giờ là :

-Quyền tự do đi bầu trực tiếp và không đi bầu của dân

-Quyền tự do ứng cử của mọi công dân, không qua bất cứ hình thức gọi là “hiệp thông” nào của Mặt trận Tổ quốc do đảng chỉ huy.

-Quyền tự do ngôn luận và tư tưởng

-Quyền tự do Tín ngưỡng và Tôn giáo thật sự, tuyệt đối không có bất cứ hình thức can thiệp nào của nhà nước.

-Quyền tự do làm báo và ra báo

-Quyền tự do hội họp

-Quyền tự do lập hội

-Quyền tự do biểu tình

Tất cả những quyền nêu trên đều đã được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, nhưng trong thực tế, đảng không làm như Hiến pháp viết mà phần lớn, nếu có thực thi, thì thuộc loại “xin-cho” theo ý muốn của nhà nước.

Riêng trong lĩnh vực báo chí, đảng đã dành độc quyền và cấm tư nhân ra báo. Đảng cũng độc quyền đảng phái khi không chấp nhận có tổ chức chính trị đối lập. Ngoài ra Đảng chỉ cho phép hoạt động những tổ chức xã hội, văn hóa do đảng, hay các tổ chức của đảng thành lập.

Bằng chứng đảng đã thắng tay khủng bố và đàn áp những tổ chức tự ý thành lập như Văn đòan độc lập, Hội Nhà báo độc lập, Nghiệp đoàn độc lập, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Hội anh em Dân chủ v.v…

Đối với các Tôn giáo, đảng đã kỳ thị, khủng bố ra mặt những Tôn giáo không chấp nhận quyền kiểm soát và xen lấn vào nội bộ. Bằng chứng đảng đã phân hóa và làm tan rã Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) khi Giáo hội này không chịu nhập vào Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước bảo hộ.

Tổ chức Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Cao Đài và một số hệ phái Tin lành cũng bị nhà nước khống chế, làm khó đủ điều chỉ vì họ chống lại can thiệp của đảng.

Riêng Giáo Hội Công Giáo, vì có hậu thuẫn quốc tế của Tòa thánh Vatican nên đảng đã chùn tay trong nhiều hành động, nhưng vẫn tìm mọi cơ hội để can thiệp vào sinh hoạt nội bộ. Nhiều Linh mục tranh đấu cho quyền lợi nhân sinh và xã hội, nhất là các Linh mục thuộc dòng Chúa Cứu thế từ Nam ra Bắc đã bị bức bách, khủng bố, cấm xuát cảnh, và bị cưỡng ép phải nhận nhiệm sở nơi vùng cao, miền xa hẻo lánh. Quyết định bổ nhiệm, thăng chức các Linh mục, Giám mục đều phải được nhà nước chấp thuận.

Do đó, những Điều ghi trong Hiến pháp 2013 dưới đây đã bị nhà nước vi phạm nghiệm trọng gồm:

Điều 2

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Điều 25

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 53

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Như vậy, có phải là Hiến pháp nói một đảng, nhưng đảng lại bá quyền để thực hiện một nẻo thì có ”xạo ke, ba xạo, ba đía” và là bản sắc của “dân chủ giả cầy” không? -/-

Phạm Trần

(08/020)
 
VietCatholic TV
Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi cho lễ hội giới trẻ tại Mễ Du
Giáo Hội Năm Châu
04:47 05/08/2020
 
Beirut tan hoang: hàng trăm người chết, 4,000 người bị thương. ĐGH kêu gọi cầu nguyện cho Li Băng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:38 05/08/2020


1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với người dân Li Băng

Sau kỳ nghỉ hè ngắn ngủi trong suốt tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các buổi triều yết chung hàng tuần vào ngày thứ Tư 5 tháng 8. Do tình trạng dịch bệnh, buổi triều yết chung hàng tuần vẫn chưa thể diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô hay đại thính đường Phaolô Đệ Lục như trước hôm mùng 8 tháng Ba.

Sau buổi triều yết chung cuối cùng hôm 7 tháng 3, Vatican đã chuyển các buổi triều yết thứ Tư hàng tuần vào thư viện của Dinh Tông Tòa để tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch coronavirus.

Trong buổi triều yết chung đầu tiên sau kỳ nghỉ hè diễn ra vào lúc 9g30 sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài về các giáo huấn xã hội Công Giáo. Ngài nhấn mạnh rằng các nhân đức Kitô như đức tin, đức cậy và đức mến cho phép chúng ta chữa lành các bệnh tật về thể chất, xã hội và tinh thần trong thời đại chúng ta, như những gì đã được bộc lộ ra trong trận đại dịch kinh hoàng này.

Đức Thánh Cha cũng đã bày tỏ sự gần gũi của ngài đối với người dân Li Băng vừa gánh chịu một tai họa thật kinh hoàng. Đức Thánh Cha phó thác linh hồn các nạn nhân cho lòng thương xót Chúa và bảo đảm với gia đình các nạn nhân và người dân Li Băng lời cầu nguyện của ngài. Đức Thánh Cha cũng lên tiếng kêu gọi các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho người dân Li Băng đang trong một thời điểm thử thách thật cam go.

Ngài nói:

“Hôm qua tại Beirut, tại khu vực cảng, những vụ nổ lớn đã khiến hàng chục người chết và hàng ngàn người bị thương, và gây ra những tàn phá nghiêm trọng. Chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ; và chúng ta hãy cầu nguyện cho Li Băng, để với sự dấn thân của tất cả các thành phần xã hội, chính trị và tôn giáo, quốc gia này có thể đối mặt với thời khắc bi thảm và đau đớn này và, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Li Băng sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra”.

Vụ nổ xảy ra lúc 18g 08 phút giờ địa phương hôm thứ ba, mạnh đến mức ở Síp cách đó, 180 km vẫn cảm nhận được. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là khung cảnh tan hoang như thể đất nước này vừa gánh chịu một quả bom nguyên tử.

Các cảnh quay được tại hiện trường và được chiếu trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy toàn bộ nhiều khu phố bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều chiếc xe hơi bị thổi tung lật 4 bánh xe lên trời trong khi các cửa sổ và ban công bị sức công phá vỡ tung sụp đổ trên đường phố.

Trong một tuyên bố gởi đến đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN ngày 4 tháng 8, cha Miled el-Skayyem, phát ngôn viên của Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Beirut đã xin các tín hữu trên khắp thế giới cầu nguyện cho người dân Li Băng, sau vụ nổ kinh hoàng này mà đến nay ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 4, 000 người bị thương. Ít nhất 100 người khác được ghi nhận là mất tích.

“Chúng tôi xin anh chị em mang Li Băng trong trái tim và lời cầu nguyện của mình trong giai đoạn khó khăn này và chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào anh chị em và những lời cầu nguyện của anh chị em, xin Chúa cứu Li Băng khỏi sự dữ kinh hoàng này. Hiện tại, chúng tôi đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, như anh chị em có thể thấy trên TV và trên các phương tiện truyền thông.”

Cha Raymond Nader, phát ngôn viên Công Giáo nghi lễ Maronite cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết tình hình rất là khó khăn.

“Đây là một thảm họa rất lớn và toàn bộ thành phố gần như bị hủy hoại vì vụ nổ này. Thêm vào đó, chúng tôi có nguy cơ chết đói vì kho lương thực gần nơi xảy ra vụ nổ đã tan thành mây khói.”

Bộ trưởng Y tế Hamad Hasan nói với Reuters:

“Có rất nhiều người mất tích. Mọi người đang gọi hỏi thăm các khoa cấp cứu về những người thân yêu của mình và rất khó để tìm kiếm vào ban đêm vì không có điện.”

Tổng thống Michel Aoun tuyên bố thời gian để tang ba ngày và cho biết chính phủ sẽ giải ngân số tiền 100 tỷ lira, tức khoảng 66 triệu đô la để cứu trợ khẩn cấp.


Source:Catholic News Agency

2. Tổng thống Trump họp báo nhận định về nguyên nhân vụ nổ tại Li Băng

Nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng này đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy dường như một vụ hỏa hoạn đã kích nổ một nhà kho tại cảng.

Các nhân chứng báo cáo đã nhìn thấy một đám mây màu cam kỳ lạ giống thường xuất hiện khi khí nitro dioxide độc hại thoát ra sau vụ nổ liên quan đến nitrat.

Do đó, nhiều người tin rằng nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut hôm thứ ba có thể là do phản ứng hóa học từ ammonium nitrate.

Thủ tướng Li Băng, Hassan Diab, cho biết 2, 700 tấn ammonium nitrate đã phát nổ sau khi được tàng trữ không an toàn trong một nhà kho trong sáu năm qua.

Ammonium nitrate là một hóa chất công nghiệp phổ biến được sử dụng chủ yếu làm phân bón vì nó là nguồn giàu nitrogen rất tốt cho cây trồng. Nó cũng là một trong những thành phần chính trong việc chế tạo chất nổ.

Gabriel da Silva, một giảng viên cao cấp về kỹ thuật hóa học tại Đại học Melbourne cho biết, ammonium nitrate không tự phát nổ. Ông cho biết nó chỉ bốc cháy trong những điều kiện hóa học nhất định và những điều kiện như thế rất khó đạt được. “Bạn cần phải có một hoàn cảnh rất cực đoan tạo ra một sự bùng nổ, ” ông nói và nhấn mạnh rằng trong thực tế, ammonium nitrate còn có thể dập tắt lửa.

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Ba 4 tháng 8, tổng thống Donald Trump cho biết một số tướng lĩnh quân đội Mỹ đã nói với ông rằng họ “dường như cảm thấy” vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, làm thiệt mạng hàng trăm người và làm bị thương cả mấy ngàn người như thế, là một “cuộc tấn công khủng khiếp” và có khả năng là được gây ra bởi một quả bom.

Khi được hỏi tại sao ông gọi đó là một cuộc tấn công chứ không phải là một tai nạn, đặc biệt là khi các quan chức Li Băng nói rằng họ chưa xác định được nguyên nhân của vụ nổ, Tổng thống Trump nói:

“Có vẻ như đó là một cuộc tấn công bằng chất nổ, ” tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc.

“Tôi đã gặp một số tướng lĩnh vĩ đại của chúng ta và họ dường như nghĩ rằng đó là một cuộc tấn công.”

“Đó là một loại bom nào đó.”

Thủ tướng Scott Morrison nói ông cảm thấy xót xa trước cảnh tan hoang tại Beirut và gửi lời chia buồn tới gia đình một người Úc thiệt mạng trong vụ nổ tại đây.

Ông Trump gửi lời chia buồn tới các nạn nhân - bao gồm một người Úc - và nói rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng hỗ trợ Li Băng.

Bộ trưởng Ngoại giao Síp Nikos Christodoulides đã đề nghị gửi viện trợ y tế cho nước láng giềng Li Băng. Ông nói rằng đại sứ quán Síp ở Beirut, đã đóng cửa vào thời điểm xảy ra vụ nổ, nên không có thiệt hại về nhân mạng nhưng tòa nhà đã bị hư hại nặng nề.

“Síp đã sẵn sàng để chấp nhận những người bị thương đến điều trị và gửi các đội y tế nếu có yêu cầu, ” ông Christodoulides nói với đài truyền hình nhà nước CyBC.


Source:Sky News
 
Nỗi buồn người Công Giáo Boston: Nhà thờ bị đốt 2 lần trong cùng một đêm. Cử hành Ơn Tha Thứ Assisi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:44 05/08/2020


1. Cảnh sát thề sẽ tìm ra thủ phạm vụ phóng hỏa nhà thờ trong khu vực Boston

Cảnh sát đang điều tra hai vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Weymouth, Massachusetts, mà họ cho là cố ý phóng hỏa vì thù hận đức tin. Cả hai vụ cháy đều diễn ra trong đêm Chúa Nhật rạng sáng ngày thứ Hai 3 tháng 8.

Thiệt hại trong hai vụ hỏa hoạn này được phát hiện vào sáng thứ Hai, ngày 3 tháng 8 và cả hai đám cháy đều ở gần lối vào nhà thờ. Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại. Các phương tiện truyền thông địa phương mô tả cả hai vụ cháy là những vụ cháy nhỏ.

Sở Cứu Hỏa Massachusetts nói với tờ Boston Herald trong một tuyên bố rằng “Các đơn vị quân đội tăng viện cho chi khu cứu hỏa Marshal đang hỗ trợ cuộc điều tra vụ phóng hỏa tại tại nhà thờ ở Weymouth.” Tuy nhiên, sở cứu hỏa từ chối cung cấp thêm thông tin vì đang trong tiến trình điều tra.

Terrence Donilon, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Boston, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, và tổng giáo phận sẽ không bình luận gì thêm cho đến khi cuộc điều tra đầy đủ được tiến hành.

“Mọi việc sửa chữa cần thiết sẽ diễn ra với sự hỗ trợ từ Tổng Giáo Phận, ” ông Donilon nói và cho biết thêm rằng “Chúng tôi rất tự tin vào các cơ quan thực thi pháp luật. Cuối cùng người chịu trách nhiệm sẽ phải ra trước công lý.”

Tuy nhiên, ông Donilon nói thêm rằng, Tổng Giáo Phận sẽ cầu nguyện cho những người gây ra các đám cháy được ơn hoán cải, và “tạ ơn vì không có ai bị thương”

Nhà thờ Thánh Tâm đã bị phá hủy hoàn toàn bởi một đám cháy vào ngày 9 tháng 6 năm 2005. Ngọn lửa đó được cho là bắt đầu trong một phòng cung cấp hơi nóng. Nhà thờ được xây dựng lại, cập nhật theo các tiêu chuẩn hiện đại và được mở cửa trở lại vào tháng 11 năm 2007.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà thờ Thánh Tâm là thiệt hại thứ hai liên quan đến các vụ phóng hỏa đốt nhà thờ. Tháng trước, một nhà thờ Công Giáo ở Tổng giáo phận Boston đã bị đốt. Vào ngày 12 tháng 7, một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô ở Dorchester đã bị đốt cháy. Vụ việc đang được điều tra như một tội ác xuất phát từ lòng căm thù đức tin.


Source:Catholic News Agency

2. Vatican kêu gọi điều tra vụ hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua

Như chúng tôi đã đưa tin, phát biểu sau bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án vụ một người đàn ông không rõ danh tính đã ném một quả bom xăng vào một nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thủ đô Managua, làm hư hại nghiêm trọng nhà nguyện và một hình ảnh sùng kính Chúa Kitô đã có từ hơn ba thế kỷ qua.

Vụ tấn công diễn ra vào ngày thứ Sáu 31 tháng 7 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Giáo hội và bọn cầm quyền Nicaragua. Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của thủ đô Managua mô tả cuộc tấn công là “một hành động khủng bố có tính toán”.

Phát biểu từ một cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đang nghĩ đến những người dân Nicaragua là những người đang phải đau khổ vì cuộc tấn công vào Nhà thờ Managua, nơi hình ảnh rất được tôn kính của Chúa Kitô, là bức ảnh đã đồng hành và nâng đỡ cuộc sống của các tín hữu trong suốt nhiều thế kỷ qua, đã bị tổn hại rất nghiêm trọng đến mức gần như bị phá hủy”

“Thưa anh chị em Nicaragua, tôi gần gũi với anh chị em và tôi cầu nguyện cho anh chị em”

Hôm thứ Hai 3 tháng 8, Sứ thần Tòa Thánh tại Nicargua nói “Tòa Thánh yêu cầu chính phủ Nicaragua phải bảo đảm một cuộc điều tra nghiêm túc, cẩn thận và minh bạch liên quan đến cuộc tấn công vào nhà thờ chính tòa của thủ đô Managua.”

“Chúng tôi cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm và đầy kinh ngạc trước diễn biến này, ” Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Waldemar Sommertag, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nicaragua nói.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám Mục thủ đô Managua cho biết các nhân chứng đã nhìn thấy người đàn ông đi vòng quanh nhà thờ chính tòa của thủ đô Nicaragua trong 20 phút để hoạch định kế hoạch tấn công và thoát ra qua một cánh cổng đã bị đánh cắp gần đây.

“Hắn ta đã tính toán tất cả mọi thứ: làm thế nào để đột nhập, vị trí tấn công, và sau đó trốn thoát ra ngã nào. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch, ” Đức Hồng Y nói.

Y hoặc đồng bọn của y đã đánh cắp trước cánh cổng để y không bị kẹt bên trong sau khi gây án.

Người đàn ông đội mũ trùm đầu và cầm thứ gì đó trong tay mà các nhân chứng tại chỗ không thể xác định được đó là vật gì. Hắn ta bước vào nhà nguyện Máu Châu Báu Chúa Kitô và nói “Tao đến lấy máu của Chúa Kitô đây, “ tờ báo La Prensa của Nicaragua tường thuật. Các nhân chứng nhìn thấy hắn ta ném đồ vật đang cầm trên tay vào nhà nguyện.

Nhà nguyện lưu giữ một hình ảnh có niên đại 382 năm là bức tượng Máu Châu Báu Chúa Kitô, mô tả Chúa Giêsu Kitô đổ máu khi bị đóng đinh.

Cuộc tấn công rõ ràng xảy ra sau những căng thẳng giữa người Công Giáo và những người ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega, là tên trùm cộng sản trước đây đã thống trị đất nước trong hơn một thập kỷ sau khi lật đổ chế độ Somoza vào năm 1979. Sau thời kỳ cộng sản, Ortega một lần nữa trở thành tổng thống Nicaragua kể từ năm 2007 và bãi bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2014 để trở thành đại đế suốt đời.

Ngay sau khi vụ tấn công này, vợ của y, bà Rosario Murillo, cũng là phó tổng thống Nicaragua dù chẳng có bằng chứng gì trong tay, bà ta cho rằng không có ai tấn công hết cả, chẳng qua là các tín hữu đốt nến trước bức tượng, làm cháy bức màn, nên gây ra đám cháy.

Đức Hồng Y Brenes đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Murillo. “Nhà nguyện của chúng tôi không có màn cũng chẳng có nến.”


Source:Crux

3. Cha Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn nhấn mạnh rằng “Hoán cải thực sự cần cả hai chiều kích cá nhân và xã hội”

Hôm 01 Tháng 8, khi khai mạc lễ kỷ niệm hàng năm “Ơn Tha Thứ Assisi”, một ơn toàn xá có từ năm 1216, Cha Michael Anthony Perry, Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn khẳng định hòa giải với Thiên Chúa có nghĩa là hòa giải với anh chị em ta và với tất cả các tạo vật.

Nhà lãnh đạo người Mỹ của dòng Phanxicô trên toàn thế giới đã sử dụng cái chết của anh George Floyd, một người đàn ông da đen đã chết dưới bàn tay của một nhân viên cảnh sát da trắng ở Minnesota, như một ví dụ về “tội lỗi của xã hội và thể chế” mà các tín hữu phải chống lại nếu họ thật sự nghiêm túc trong cố gắng hoán cải và hòa giải.

“Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta qua lễ kỷ niệm Ơn Tha Thứ Assisi trọng đại này là phải từ bỏ tất cả những gì dẫn đến cái chết, tất cả những gì cướp mất khỏi chúng ta lòng thương xót, tha thứ, hòa bình và niềm vui từ Thiên Chúa.” Cha Tổng Phục Vụ nói như trên trong Thánh Lễ tại đền thánh Đức Mẹ Nữ vương các Thánh Thiên Thần ở Assisi. “Chúng ta được mời gọi để sống như con cái yêu dấu của một Thiên Chúa yêu thương, như những người được tiền định cho tự do, cho tình yêu, và cho Thiên Chúa”

Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu lãnh nhận “Ơn tha thứ Assisi”. Đó là một ơn toàn xá có thể lãnh nhận từ chiều ngày 1 tháng 8 đến nửa đêm ngày 2 tháng 8.

Thánh Phanxicô đã nhận được ơn thiêng liêng này từ Thiên Chúa qua sự can thiệp của Ðức Trinh Nữ Maria.

Ðức Thánh Cha giải thích: “Ðó là ơn toàn xá chúng ta có thể nhận được bằng cách lãnh nhận các bí tích giải tội và Thánh Thể và viếng các nhà thờ giáo xứ hay nhà thờ của dòng Phanxicô, đọc kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha và cầu nguyện cho Ðức Giáo hoàng và theo ý của ngài.”

Ngài nhắc rằng “ơn toàn xá có thể được dành cho người đã qua đời” và “điều quan trọng là đặt sự tha thứ của Thiên Chúa, điều “hình thành nên thiên đường” trong chúng ta và xung quanh chúng ta, ở vị trí trung tâm.

Trong bài giảng của ngài ở Assisi, Cha Perry lưu ý rằng lễ kỷ niệm năm 2020 diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với các cử hành trước đây vì những hạn chế liên quan đến COVID-19 trong việc đi lại và trong việc tụ họp công cộng. Đó là chưa kể đến các tác động tinh thần và tâm linh của dịch bệnh này và tình trạng cô lập được đặt ra để kiềm chế nó.

Ngài nói:

“Chúng ta phải che mặt mình với các khẩu trang y tế; chúng ta phải giữ khoảng cách xã hội với nhau; chúng ta phải bước đi trong nỗi sợ hãi một kẻ thù vô hình; ít người hành hương có thể tụ tập trong không gian thánh thiêng này trong lễ kỷ niệm cuộc hành hương của chúng ta trong năm nay.”

Nhưng đồng thời, theo Cha Perry, đại dịch này “cũng đã mở mắt cho nhiều người - và tôi hy vọng nó cũng đã mở mắt cho nhiều người trong chúng ta đang có mặt ở đây trong lời cầu nguyện – cho vết thương sâu xa, lâu dài về xã hội và sinh thái âm ỉ ngay dưới bề mặt trong hầu hết nếu không muốn nói là trong tất cả các xã hội”

Những người mà chúng ta có thể gọi là “tầng lớp đặc quyền”, trước đây, có thể đã không nhận ra những kinh nghiệm phải chịu đựng của “những người được xem là tầng lớp thiểu số” trước sự mong manh xã hội và những thử thách trên cơ sở hàng ngày trong phần lớn cuộc đời của họ.

“Điều này đã được chứng minh rõ ràng nhất trong vụ giết hại dã man anh George Floyd, một người đàn ông vô tội người da đen ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ, là người đã bị cảnh sát ghì chặt xuống đến mức ngộp thở. Cha Perry giải thích cho cộng đoàn chủ yếu là người Ý.

Sự bất công như trong cái chết của anh George Floyd không phải là một tội lỗi giới hạn chỏ ở Hoa Kỳ. Những chuyện tương tự như thế cũng xảy ra ở Anh, Pháp, Ý, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil. Đó chỉ là một vài nơi trong đó nhiều người đã bị loại trừ một cách có hệ thống và bị dìm xuống một cuộc sống nghèo đói kinh niên. Hàng triệu người ‘không thể thở nổi’ vì màu da của họ, tầng lớp xã hội mà họ được chỉ định, hay niềm tin tôn giáo của họ.

Theo Cha Perry, bí tích hòa giải và truyền thống của các ân xá tập trung vào những tội lỗi cá nhân. Dù thế, Thánh Phanxicô Assisi biết một cách rõ ràng rằng đau khổ và các thử thách không chỉ giới hạn trên bình diện cá nhân.

“Nhận thức tinh thần của Thánh Phanxicô, lời kêu gào lòng thương xót, tha thứ và hòa giải của ngài cũng có một chiều kích xã hội, mà nếu được chấp nhận và theo đuổi, sẽ tạo ra trong mỗi người chúng ta một sự hoán cải sâu sắc. Sự hoán cải này sẽ tạo ra những thành quả của một cuộc sống chân thực, chính đáng, đầy lòng thương xót và tràn đầy niềm vui như các môn đệ và những người cùng truyền giáo với Chúa Kitô, cùng với Đức Maria và với Thánh Phanxicô”

Đại dịch cũng đang kêu gọi mọi người chú ý đến những bất công kinh tế và những hủy hoại môi trường, ngài nói.

“Những người kiểm soát các lực lượng sản xuất và phân phối kinh tế - các tập đoàn đa quốc gia - đang ngày càng giàu lên với tốc độ đáng báo động, ngay cả trong những thời điểm bấp bênh của đại dịch, trong khi những người nghèo, những người bị loại trừ, những người da màu đang trở nên nghèo hơn, bị thiệt thòi hơn, và bị đẩy đến bờ vực sinh tồn với một tốc độ đáng báo động”

Tham dự “Ơn Tha Thứ Assisi”, theo Cha Perry, phải là một dấu chỉ của sự tìm kiếm “đường lối hướng về Thiên Chúa, hướng về nhau, hướng về bản thân và hướng về tạo vật. Chúng ta đến như anh chị em với nhau, mang trong trái tim, tâm trí và cơ thể của chúng ta mọi sinh vật sống động, để tất cả có thể tham gia vào sức mạnh giải phóng từ tình yêu hòa giải của Thiên Chúa.”

“Ơn tha thứ Assisi” có từ năm 1216, khi Chúa Giêsu, Ðức Trinh Nữ Maria và các thiên thần hiện ra với thánh Phanxicô tại nhà nguyện Portiuncula nhỏ bé, là nhà nguyện mà thánh Phanxicô đã xây dựng ở thị trấn Assisi của Ý.

Khi Chúa Giêsu hỏi thánh Phanxicô ngài muốn điều gì để cứu rỗi các linh hồn, thánh nhân đã xin Chúa ban một ơn toàn xá cho tất cả những người vào nhà nguyện này.

Sau đó ơn toàn xá đã được mở rộng cho bất cứ ai viếng nhà thờ giáo xứ hoặc nhà thờ dòng Phanxicô vào ngày 1 hoặc 2 tháng 8.


Source:Catholic News Agency