Ngày 05-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phải tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa thế nào ?
Lm. Đan Vinh
08:25 05/08/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C

Kn 18,6-9 ; Dt 11,1-2.8-19 ; Lc 12,32-48

PHẢI TỈNH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA THẾ NÀO ?

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,32-48

(32) “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”. (35) Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (38) “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (41) Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?”. (42) Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc. (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. (46) Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. (47) Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

2. Ý CHÍNH: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến, bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:

- Tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ trung tín, thức canh chờ mở cửa đón chủ về vào lúc ban đêm (c 35-38).

- Tỉnh thức sẵn sàng như người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ canh phòng không cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).

- Tỉnh thức sẵn sàng như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn chu toàn bổn phận phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).

3. CHÚ THÍCH:

- C 32-34: + Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ: Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông: đừng vì thế mà tỏ ra khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy bán của cải mình đi mà bố thí: Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà phục vụ tha nhân. + Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách: Cần phải tích trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy mất... Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu xác định kho tàng của mình là các của cải thiêng liêng, thì các môn đệ sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.

- C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây là thái độ Môsê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi Ai cập (x. Xh 12,11). Đây cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giêsu lại đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: Ông chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giêsu sắp lên trời trước khi Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay: Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong ngày tận thế chung của nhân lọai. Mọi người đều phải sẵn sàng mở cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ !: Ở đây Đức Giêsu đã thêm một mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn...: Việc này khó xảy ra trong thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).

- C 38-40: + Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. + Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến...: Đây là dụ ngôn về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. + Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet vách đột nhập vào nhà.

- C 41-44: + Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ? : Câu hỏi của Phêrô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu (các câu 42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở: Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là một con người trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.

- C 45-48: + Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”...: Đức Giêsu nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ, như là một cách thế để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những người lãnh đạo cộng đoàn. + Đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa: Đây là tội thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm vụ quản lý của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra: Đức Giêsu sẽ đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ...: Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều...: Thiên Chúa sẽ đòi mỗi người phải trả lẽ về những ơn đã nhận được và về các trách nhiệm đã được Chúa trao phó.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ của Đức Giêsu không nên sợ hãi giờ chết ? 2) Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người lại đến ? 3) Các người lãnh đạo cộng đòan cần có thái độ nào để đón chờ Chúa ? 4) Tại sao các môn đệ của Chúa lại bị phán xét nặng hơn thường dân ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHIẾC QUAN TÀI NHẮC NHỚ SỰ CHẾT :

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: “Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy ?” Nhà sư trả lời : “Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ : người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.

Thật ít có ai lại thường hay suy nghĩ về cái chết của mình, và cũng ít người nào coi cái chết như một người bạn thường đi bên cạnh để giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư trong câu chuyện trên. Phần nhiều, người ta thường bôn ba khắp nơi để kiếm tiền, và thu tích cho mình có nhiều tiền bạc, rồi khi có nhiều tiền lại tìm cách thụ hưởng các thú vui do tiền bạc mang lại, như thể họ sẽ không bao giờ phải chết. Lời Chúa dạy hôm nay đòi chúng ta có thái độ chờ sự chết đến bất ngờ giống như một người đầy tớ thức canh chờ mở cổng đón chủ đi ăn cưới sẽ về nhà cách bất ngờ vào giữa đêm khuya.

2) DÂNG NGÀY BUỔI SÁNG VÀ NĂNG DÂNG LỜI NGUYỆN TẮT:

Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ !” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời : “Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy”.

3) DÙNG TIỀN BẠC ĐỂ MUA BẠN HỮU NGAY KHI CÒN SỐNG :

Lời Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta : "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12,33).

Một bà lão ăn mày kia tên là Mary. Bất kể mùa đông giá rét, hằng ngày bà lão đều vất vả đi bộ rảo qua các đường phố xóm ngõ để ăn xin, trên người chỉ mặc một manh áo cũ đã bị sờn rách. Bà kể lể hoàn cảnh túng cực của mình, kèm theo vẻ ngoài tiều tụy nghèo khổ, nên đã được nhiều người thương tình bố thí. Tối đến bà lại trở về túp lều gỗ, ăn uống những món ăn thừa thãi do người ta bố thí. Vì sống quá kham khổ nên cuối cùng bà đã bị bệnh và chết đột quị trong túp lều bẩn thỉu của mình mà không ai hay biết. Mấy ngày sau, khi xác chết của bà đã bốc mùi, nhà chức trách thuộc sở vệ sinh Thành Phố nghe được có người gọi điện báo tin đã tìm đến nơi. Họ thấy bà lão đã chết đang nằm trên giường, nhưng ngón tay của bà như vẫn đang chỉ vào một góc nhà. Họ đã cho đào bới góc nhà ấy và cuối cùng đã tìm thấy một hộp sắt trong có chứa tới 127.000 đô la, một món tiền khổng lồ, nhưng lại không giúp ích gì cho chính chủ nhân của nó.

4) THỰC DẠI KHỜ NẾU KHÔNG CHUẨN BỊ CHO GIỜ CHẾT ĐẾN BẤT NGỜ:

Kho truyện cổ Tây Phương có kể tích truyện một anh hề ở cung điện vua, được vua trao cho phủ việt, biểu tượng của vương quyền, để làm cho nhà vua giải phiền.

Một hôm nhà vua truyền gọi một anh hề lại và nói:

- “Ngươi hãy giữ lấy phủ việt nầy cho đến khi ngươi tìm được một người nào ngây ngô và khờ dại hơn ngươi thì ngươi hãy trao lại cây phủ việt này cho nó”.

Từ đó, mỗi khi triều đình có tiệc thết đãi bá quan, anh hề đều được vời đến giúp vui. Với cây phủ việt trên tay và dáng điệu ngông nghênh, anh hề đều thành công trong việc chọc cười mua vui cho nhà vua và quan khách. Rồi đến một ngày, nhà vua đã bị lâm bệnh nặng. Biết mình không thể qua khỏi, nhà vua liền cho gọi anh hề lại gần. Vua buồn bã nói với anh:

- Ta sắp sửa phải đi du lịch đến một nơi rất xa.

- Nhà vua đi tận đâu vậy ? anh hề hỏi.

- Ta cũng chẳng biết nữa.

- Nhà vua đi có lâu không ?

- Ta sẽ đi mãi và không bao giờ trở về đây nữa.

- Thế nhà vua đã chuẩn bị xong hành trang chưa ?

- Chưa hề.

Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu vua như sau :

- “Vậy xin mời Đức Vua hãy cầm lấy cây phủ việt nầy. Thảo dân xin trao lại nó cho Đức Vua. Bởi vì mãi đến hôm nay thảo dân mới tìm được một người khờ dại hơn thảo dân.

3. SUY NIỆM:

1) Phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giêsu thì cần có thái độ “Tỉnh thức và sẵn sàng”:

-Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

-Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thân trach nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “.

-Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta “nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”, thì số phận của anh ta sẽ “phải chung số phận với những tên thất tín”. Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phaolô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống lười biếng ấy như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).

2) Cụ thể phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào ? :

- “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”:

Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ, cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn đức Tin, chứa đầy dầu ân sủng đức Cậy, để luôn cháy sáng đức Mến trong cuộc sống đời thường.

- Hãy sống tốt giây phút hiện tại : Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,32-34).

- Hãy chu toàn công việc bổn phận của mình : Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Ngừơi quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình. Làm tốt việc bổn phận không phải chỉ làm cho xong, mà còn phải làm với tinh thần trách nhiệm và với lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Thi hào Tagore đã nói như sau : "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận chính là niềm vui".

- Hãy sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào : Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh… Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức chuyên cần đọc kinh lần hạt, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức trong việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy “làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường” như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nêu gương. Nhờ đó chúng ta sẽ chiếu ánh sáng tin yêu giúp nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy : “Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5,16).

- Hãy phục vụ trong tin yêu để loan báo Tin Mừng : Những ai không có tiền vẫn có thể chu toàn sứ vụ làm tông đồ bằng việc phục vụ tha nhân. Mẹ Têrêsa Canquýtta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng đã cho sự ân cần phục vụ yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu trong xã hội hôm nay. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất và các đam mê thấp hèn... mà không dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời, bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã khuyên mọi tín hữu như sau: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi !” (Ep 5,14).

- Hãy sống Đức Tin bằng việc phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng : Noi gương đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham. Dù không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng hôm nay chúng ta cứ mạnh dạn tiến bước theo Lời Chúa dạy, vì tin rằng : có Chúa đang đồng hành với chúng ta, và cuối cùng chắc chắn chúng ta sẽ về tới Đất Hứa là Thiên Đàng hạnh phúc và bình an.

TÓM LẠI : Là quản lý trung tín, ta không được phản bội Chúa, khi dùng những ơn Chúa ban để chống lại chính Chúa. Cũng đừng dùng sức mạnh để áp bức người khác. Đừng dùng tài năng để làm lợi riêng cho mình. Đừng biến thân xác tốt đẹp trở thành món hàng để mua bán… Nhưng hãy dùng tất cả những điều tốt Chúa ban để làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Hãy biết cho đi : Càng cho đi, ta lại càng nên giàu có; Càng phân phát, ta lại càng được dư dật; Càng quảng đại chia sẻ, ta lại càng được Chúa ban hạnh phúc đời sau.

4. THẢO LUẬN : 1) Bạn đã thấy một người bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa ? 2) Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không ? 3) Bạn cần làm gì để đón cái chết sẽ đến cách bất ngờ ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Có mấy loại bất ngờ ? Làm sao loại bất ngờ ?
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
22:33 05/08/2016
Có mấy loại bất ngờ ? Làm sao loại bất ngờ ?

Chúa Nhật 19 TN C

Tuần báo Khoa Học Phổ Thông số ngày 3/8/2001 có đăng mẩu tin ngắn này: Cô Army Dolby 26 tuổi, sống ở Yorshire nước Anh, có người yêu là anh Johnstone sống ở Sydney nước Úc. Vì nhớ nhung và vì muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nên nàng đã lằng lặng đáp máy bay vượt 20.000 km để đến thăm chàng. Nhưng khi đến Sydney, thì nàng mới hay, chàng người yêu của nàng cũng muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nàng, nên đã không báo trước gì cả, lấy máy bay bay qua Anh, tới Yorshire để gặp nàng. Hai bất ngờ gặp nhau trong một ngày, cho nên chẳng ai gặp được ai. Còn bài Tin Mừng hôm nay vang lên bên tai ta như thể đang Mùa Vọng: chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến. Bất ngờ là đề tài suy niệm Lời Chúa hôm nay, với 2 điểm: (1) Có những loại bất ngờ nào ? và (2) Làm sao để loại bất ngờ ?

1. Có những loại bất ngờ nào ?

Chắc các vị càng lớn tuổi càng trải qua nhiều bất ngờ không ngờ. Trong bài Tình Nhớ, Trịnh Công Sơn đã viết, “Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây… Tình ngỡ chết trong nhau nhưng tình vẫn rộn ràng. Người ngỡ đã quên lâu nhưng người vẫn bâng khuâng… Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về …” Đó có thể là loại bất ngờ về thời gian và không gian. Tưởng xa (xưa) mà bất ngờ lại thật gần (kề).

Đang đi đường, bất ngờ con chó chạy qua, cán phải, phải vào nhà thương. Không phải chó vào, mà người vào. Tưởng không thể thương nhau được, mà bất ngờ có biến cố nào đó xảy đến, hai người gắn bó với nhau. Ngược lại cũng không thiếu. Tưởng gắn bó được với nhau suốt đời, mà bất ngờ phải xa nhau mãi mãi. Những bất ngờ trong tình yêu này, tiểu thuyết, phim ảnh khai thác hoài mà không phai. Có rất nhiều loại bất ngờ, nhưng dựa vào Lời Chúa hôm nay, xin nói đến 2 loại bất ngờ: bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách.

a) Thời gian

Không ai chối cãi được rằng Lời Chúa trong bài Tin Mừng nhấn mạnh rất nhiều đến sự bất ngờ và là sự bất ngờ về thời gian:

"Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến".

"Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến"

“Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Rõ ràng những chi tiết trong lời Đức Giêsu đều nhấn mạnh đến sự bất ngờ về thời gian. Vào ngày không ngờ, giờ không biết chính là lúc Chúa đến.

Trong cuộc sống thường ngày, ta rất thường gặp những bất ngờ về thời gian. Bất ngờ nhưng lại rất thường gặp. Đúng là mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Giống như thành ngữ Tây: Hãy vội vã một cách thong thả. Hâtez-vous lentement. Bất ngờ về thời gian, nhưng thường xảy ra trong dòng đời. Đang tán gẫu, bất ngờ ông chủ tới. Vài lần bất ngờ như thế, là bất ngờ mình bị thôi việc. (Thực ra thì chẳng bất ngờ gì cả việc mình bị thôi việc này). Trong giờ học, đang đọc tiểu thuyết, bất ngờ giám thị tới. Tiểu thuyết bị thu, hạnh kiểm điểm trừ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, biết bố mẹ đi vắng lâu, ở nhà dẫn lâu la về phá phách, bất ngờ ông bà quay trở lại, bắt gặp. Bất ngờ về thời gian rất thường xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Chúng là những bài học tốt cho ta chuẩn bị cái bất ngờ về ngày giờ Chúa đến. Ngày không ngờ, giờ không biết, Chúa đến… Ngài còn sẵn sàng hạ xuống để ví mình như kẻ trộm rình đến, trong thời gian đêm tối nữa kìa. Và như thế từ bất ngờ về thời gian ta chuyển qua bất ngờ về tính cách. Chúa mà lại có tính cách như kẻ trộm, kẻ trộm đêm hôm.

b) Tính cách.

Bất ngờ này có lẽ ta ít quan tâm hơn nhưng lại rất cần chú ý.

Hãy thử nhìn lại biến cố Lụt Hồng Thủy mà có lần Đức Giêsu đã trưng dẫn làm hình ảnh gợi ý suy tư : "Trong những ngày trước nạn Hồng Thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noê vào tàu. Họ không hay không biết gì". Họ không hay biết gì vì xem ra mọi sự đều thuận buồm xuôi gió: làm ăn phát đạt, kinh tế phát triển, dựng vợ gả chồng, vui chơi thỏa thích. Cứ theo lôgích tự nhiên mà nói, chỉ có dấu hiệu của hạnh phúc chứ không có dấu hiệu gì loan báo tai họa cả. Ai ngờ! Tai họa đã ập đến ngoài cái lôgích bình thường của cuộc sống và của suy nghĩ nhân loại.

Khi Đức Giêsu đến cũng vậy. Chúa đã đến viếng thăm dân của Ngài, nhưng dân Ngài lại không nhận biết. Vì Ngài đã đến trong một tính cách hoàn toàn khác với ước mong và dự định của con người. Người ta đã nuôi sẵn trong đầu óc và tâm tưởng hình ảnh về Đấng Sẽ Đến phải là: giàu sang, quyền qúy, uy nghi, hùng mạnh. Đang khi đó, Ngài lại đến trong cảnh khó nghèo, cơ cực, yếu đuối... từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Làm sao có thể nhận ra Ngài cho dẫu Ngài đang ở giữa họ và chung sống với họ.

Bất ngờ về tính cách ta vẫn thường gặp trong đời thường. Ai cũng tưởng ông ấy nghèo, ăn xin, nhưng khi nằm xuống, mới biết ông ta có bạc triệu cất giấu. Ai cũng nghĩ Trần văn Giao, giám đốc công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương là giám đốc giỏi, trẻ tuổi mà tài cao. Bất ngờ, bị bắt, mới vỡ lẽ mình giao tiền cho Trần văn Giao là tên lừa đảo. Danh sách bị bất ngờ, lên tới cả ngàn, trong đó có cả những công ti lớn, quốc doanh, như nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Mới đây Võ Kim Cự nói rất bất ngờ khi Formasa gây ô nhiễm. Tưởng Formosa (tiếng latinh nghĩa là đẹp) giàu đẹp như thế, ai ngờ gây ô nhơ như vậy. Đọc báo chí mấy ngày vừa qua, chúng ta thấy như thế. Còn nói bằng ngôn ngữ hình ảnh của Tin Mừng hôm nay, có sự bất ngờ của tên kẻ trộm đến giữa đêm khuya, nhưng cũng có cả sự bất ngờ của tên ăn cướp đến giữa ban ngày, đi xe con, mặc áo veste... vì thế ai cũng tin tưởng quý mến, nhưng thực chất của hắn vẫn chỉ là tên ăn cướp! Cướp dêm là trộm, cướp ngày là… vẫn luôn có. Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những thứ bất ngờ như thế

2. Làm sao để loại bất ngờ ?

Bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách là hai loại bất ngờ thường gặp. Làm sao để loại hai loại bất ngờ này. Câu chữ nghiêng đặt đầu bài Tin Mừng hôm nay cho ta lời đáp: Hãy tỉnh thức để được sẵn sàng. Nói cách khác, để không bị bất ngờ thì hãy tỉnh thức.

Người thức thì thường khó mà tỉnh. Người thức đêm, thì phải ngủ ngày bù lại. Còn người đã làm việc ban ngày, cộng thêm thức đêm canh chừng, thì không thể tỉnh được quá ba đêm, cho dù cà-phê Mê Trang đậm đặc được cung cấp. Cho nên tỉnh thức Chúa nói đây, cái chính không phải là thức, mà là tỉnh.

Ta hay nói: Sự việc bất ngờ xảy ra mà ông ta tỉnh bơ như không có gì. Tỉnh bơ có thể là xấu, vì đó là thái độ dửng dưng: tỉnh bơ không ngó tới. Nhưng tỉnh bơ cũng mang nghĩa tốt, lúc đó, tỉnh bơ có nghĩa là quen thuộc lắm rồi, chẳng có gì là bất ngờ cả.

Làm quen với sự bất ngờ về thời giờ Chúa đến bằng cách gặp Chúa hoài, thì có gì là bất ngờ nữa. Gặp Chúa trong giờ kinh, gặp Chúa trong giờ lễ, gặp Chúa trong nhà thờ, gặp Chúa trong giờ thờ phượng, thì ta cứ đi ngủ thẳng chân, mà chẳng lo bất ngờ giờ Chúa đến, vì cả lúc ngủ mà ta vẫn tỉnh, tỉnh nghĩa là quen.

Làm quen với sự bất ngờ về tính cách trong cách Chúa đến, bằng cách gặp Chúa trong hình bánh, gặp Chúa trong công việc, và nhất là gặp Chúa trong người nghèo, thì có gì là bất ngờ nữa khi Chúa đến với bất cứ tư cách nào.

Trong thư Rôma, thánh Phaolô viết giữa ban ngày, mà người nói: Đã đến lúc anh em phải thức dậy. Không thức làm sao đọc được lá thư đó. Thức dậy lâu rồi. Phaolô còn nói thêm: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chắc tín hữu Roma cũng phải buồn cười khi giữa thanh thiên bạch nhật, mà Phaolô lại nói: đêm sắp tàn, ngày gần đến, nếu như không có câu đi theo: anh em hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy khí giới sự sáng.

Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm ? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi trên với các đệ tử của mình: “Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?” Một anh nhanh nhảu: “Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa.” Một anh khác: “Thưa thầy, ấy là lúc ta phân biệt được đâu là cô gà mái đâu là cậu gà trống.” Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: “Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.” Nhiều câu trả lời nữa cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng nào. Cuối cùng cả đám xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: “Khi nào các con nhìn vào người khác và nhận ra đó chính là anh chị em ruột của mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.”

Thế ra không phải việc “phân biệt” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối đưa đường, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ khí giới sự sáng soi tỏ mọi lối đường.

Nhưng vượt cao hơn lời giải thích của sư phụ, ta còn có thể mạnh dạn nói : đêm sẽ tàn, ngày sẽ tới khi ta nhìn người khác, nhất là người khác đây là người cùng khổ, người bị bỏ rơi… như là chính khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Không phải chỉ nhìn họ như anh chị em mình, mà nhìn họ như chính hiện thân của Chúa. Nếu vậy, ta chẳng còn gì là bất ngờ cả, hay nói đổi lời, ta loại được bất ngờ khi Chúa đến với ta dưới bất cứ tư cách nào: bởi vì ta đang tỉnh –tỉnh nghĩa là quen—quen nhận biết khuôn mặt của Ngài.

Bất ngờ về thời giờ Chúa đến và bất ngờ về tư cách Chúa trở lại đã được ta phân tích để loại bỏ bất ngờ bằng cách năng gặp Chúa và biết nhận ra Người nơi người anh em, nhất là anh em cùng khổ. Đó là ta loại bỏ được tính bất ngờ đáng sợ, nhưng đồng thời lại đón nhận được cái bất ngờ đáng yêu—ở đời cũng thường có những bất ngờ thích thú đáng yêu, như nàng Dolby kia từ Anh bay qua Úc để gặp người yêu, tạo ngạc nhiên thích thú cho chàng Johnstone; như em nhắm lại, anh cho em xem cái này… chắc chắn khi mở mắt ra, trước mặt em không phải là ổ bánh mì thịt nguội, hay cái bánh ú nóng, mà là phải ngạc nhiên bất ngờ hơn nhiều—thì thánh Phaolo nói trong 2Cr “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề tưởng nghĩ,” tức là những cái thật bất ngờ ngạc nhiên, Thiên Chúa đã dành sẵn cho kẻ có lòng yêu mến Người. Chớ gì chúng ta cũng được những bất ngờ đáng yêu đó. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:55 05/08/2016
91. KHÔNG LẼ KHÔNG SỐNG ĐƯỢC SAO.
Ngải Tử rất mê uống rượu, không ngày nào mà không say, các môn sinh cùng bàn luận với nhau:
- “Nói thẳng thì không hiệu quả, chỉ có cách là dùng những ví dụ nguy hiểm để dọa thầy, may ra để thầy sợ mà không dám uống rượu nữa.”
Một hôm, Ngải Tử sau khi uống nhiều rượu thì lại say, ói cả ra đất, các môn sinh bèn ngầm lấy ruột heo bỏ vào trong thức ăn mà ông ta vừa ói ra, và để cho ông ta xem thấy và khuyên bảo ông ta:
- “Mỗi một người đều cần phải có lục phủ ngũ tạng mới có thể sống được, bây giờ thầy uống rượu mà ói ra một tạng, bây giờ chỉ còn có tứ tạng thì làm sao mà có thể sống được chứ ?”
Ngải tử nhìn nhìn đống đồ dơ mới ói ra, cười nói:
- “Đường Tam Tạng còn có thể sống, ta còn nhiều hơn ông ta một cái, không lẽ không thể sống được hay sao ?!”
(Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư 91:
Đem chuyện không có ra mà dọa một ông thầy thông minh thì có nước mà độn thổ, bởi vì thầy thì dĩ nhiên phải giỏi hơn trò.
Có nhiều đứa con hù dọa bố mẹ: “Nếu không mua cho con cái di động thông minh thì con sẽ bỏ học mà đi bụi...”
Có nhiều cặp tình nhân đem cái chết ra hù dọa nhau: “Nếu em không yêu anh thì anh sẽ chết trước mặt em bây giờ...”
Có nhiều bổn đạo lợi dụng đục nước thả câu, hù dọa tố cáo cha sở của mình nơi công an phường xóm, vì quyền lợi cá nhân của họ bị cha sở và giáo dân lấy lại cho nhà xứ...
Có nhiều tín hữu hù dọa Thiên Chúa: “Đếch thèm đi lễ, coi có Chúa nào phạt không ?”
Hù dọa là biểu hiện một tâm hồn bất an, nhỏ nhen và không ngay thẳng, chỉ có con cái ma quỷ mới hù dọa nhau, chứ người Ki-tô hữu thì chỉ có cầu nguyện cho nhau, giúp nhau thăng tiến và cùng nhau phục vụ Chúa trong mọi người mà thôi.
Khuyên bảo một người bằng lời nói thành thật và cuộc sống tốt lành thì hiệu quả gấp ngàn lần hù dọa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 19 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:57 05/08/2016
Chúa Nhật 19 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 12, 35-40.
“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng”.


Anh chị em thân mến,
“Hãy sẵn sàng” như là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su truyền cho chúng ta, “sẵn sàng” tức là đã chuẩn bị xong rồi và đang đợi giờ lên đường, giờ hành động… Tôi xin chia sẻ với anh chị em những cái sẵn sàng sau đây trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống đời thường của chúng ta:

“Sẵn sàng” là câu châm ngôn của các hướng đạo sinh. Mệnh lệnh “hãy sẵn sàng” của Đức Chúa Giê-su cũng là một châm ngôn của người Ki-tô hữu, nhưng với ý nghĩa khác hơn, đó là sẵn sàng để chờ đợi Thiên Chúa đến như người đầy tớ đợi chủ đi xa về, bất chợt vào ban đêm hay ban ngày.

Ngày mai đi du lịch thì hôm nay phải chuẩn bị sẵn sàng; ngày mai đón khách phương xa đến nhà thì hôm nay tất cả đã sẵn sàng để khách đến; ngày mai giờ xổ số độc đắc sắp đến thì hôm nay đợi chờ trong hy vọng…

Con người ta ai cũng sống trong đợi chờ, đợi chờ kỳ tích đến để đổi mới cuộc đời, đợi chờ tin vui đến để đời thêm vui…

Mọi người ai cũng chờ đợi, nhưng rất ít người chờ đợi tin vui trọng đại: Thiên Chúa đến kêu gọi chúng ta đi về nhà Ngài.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng Đúc Chúa Giê-su lại nhắc nhở chúng ta hãy sẵn sàng để chờ đợi Ngài đến. Ngài đến bất chợt như kẻ trộm nhưng không tàn khốc cho những người đã chuẩn bị sẵn sàng, bởi vì Ngài đã vì yêu thương mà báo trước cho chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng nó sẽ tàn khốc cho những ai nghe mà không tuân giữ lời Ngài nói, bởi vì “thật vô phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà vẫn còn mê ngủ”, mê ngủ tức là chưa chuẩn bị và không sẵn sàng…

Anh chị em thân mến,
Người biết chờ đợi là người có tâm hồn an vui tự tại bởi vì họ đã sẵn sàng.

Chúng ta thường cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin người này mới hôm qua đây cùng uống cà phê với mình, người kia mới hôm nào đây đang bắt tay chào hỏi mình, giờ thì đã chết; và cũng có lúc chúng ta cảm thấy bồn chồn trong lòng khi tiễn đưa người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bồn chồn hụt hẫng là vì tâm hồn chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, và cảm thấy bi ai trước sự ra đi của người anh em chị em.

Đức Chúa Giê-su ra lệnh cho chúng ta “hãy sẵn sàng” như vị tướng quân ra lệnh cho quân đội sẵn sàng lâm trận, trận chiến mà bạn và tôi phải đối đầu là trận địa cám dỗ của ma quỷ và của tội lỗi, trận chiến này tàn khốc hơn bất cứ trận chiến nào ở trần gian, bởi vì chỉ cần mê ngủ không tỉnh thức sẵn sàng thì chúng ta vĩnh viễn chết trầm luân trong hoả ngục, đó là cái giá phải trả nếu chúng ta không nghe lời Đức Chúa Giê-su dạy: hãy sẵn sàng…

Ân sủng và quyền năng của Đức Chúa Giê-su vẫn ở cùng chúng ta luôn mãi, chỉ cần chúng ta “sẵn sàng” trong tư thế của người Ki-tô hữu đó là tỉnh thức và cầu nguyện là nhận ra được Ngài đang đứng đợi chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:02 05/08/2016

12. Nghe mệnh lệnh của Thiên Chúa thì công lao không nhỏ, vì yêu Thiên Chúa mà nghe lệnh của con người thì công lao càng lớn hơn, ban thưởng càng bội hậu.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những lời sau cùng của cha Jacques Hamel: “Satan hãy xéo đi”
Đặng Tự Do
00:07 05/08/2016
Đúng một tuần lễ sau ngày cha Jacques Hamel bị quân khủng bố hồi giáo cắt cổ ngay khi ngài đang dâng thánh lễ tại Saint-Étienne-de-Rouvray, chiều thứ Sáu 02/08, Đức Cha Dominique Lebrun, Tổng Giám Mục Rouen, đã cử hành trọng thể thánh lễ tiễn biệt vị linh mục tử vì đạo. Khoảng 3,500 đến 4,000 tín hữu dầm mưa dự thánh lễ ngoài trời.

Hai tên khủng bố Hồi giáo 19 tuổi đã giết chết vị linh mục 85 tuổi khi ngài cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục Dominque Lebrun đã đề cập đến những lời cuối cùng của vị linh mục được các nhân chứng thuật lại.

Đức Cha cho biết: “Sau khi bị tấn công bằng dao, cha đã cố gắng chống trả những kẻ tấn công mình với đôi chân và nói: ‘Satan, hãy xéo đi’ và không ngừng lặp lại ‘Satan, hãy xéo đi’”
 
Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syriac lên án thái độ thờ ơ của phương Tây trước làn sóng bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông
Đặng Tự Do
00:26 05/08/2016
Kitô hữu là một “loài có nguy cơ tuyệt chủng” ở Trung Đông ngày nay, Đức Thượng Phụ Ignatius III Younan của Công Giáo nghi lễ Syriac cho biết như trên trong một diễn từ hôm 02 tháng Tám trong hội nghị của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố nhóm tại Toronto, Canada.

Đức Thượng Phụ cảnh báo rằng:

“Sự tồn tại của các Giáo Hội Đông Phương, là những Giáo Hội có từ thời các thánh tông đồ, đang bị đe dọa, nguy hiểm”. Ngài nói rằng xâm lược Hồi giáo đe dọa sự tồn tại của đức tin trong khu vực, và lên án sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo phương Tây.

Đức Thượng Phụ chỉ trích các quốc gia đã thành lập liên minh với các quốc gia Hồi giáo bất chấp hiện trạng là các quốc gia này không tôn trọng các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. “Thật là không trung thực hay chân thành khi liên minh với các chế độ như thế, rồi tuyên bố rằng chúng tôi có một báo cáo thường niên về tự do tôn giáo.”

Đây là ám chỉ rõ ràng của ngài đến chính sách ngoại giao hai mặt của Mỹ.
 
Pháp ngưng cuộc điều tra Đức Hồng Y Philippe Barbarin về cáo buộc bao che cho một linh mục trong tổng giáo phận Lyon
Đặng Tự Do
01:19 05/08/2016
Một công tố viên Pháp đã đóng lại hồ sơ một cuộc điều tra nhắm vào Đức Hồng Y Philippe Barbarin của tổng giáo phận Lyon. Đức Hồng Y đã bị cáo buộc không báo cáo các vụ lạm dụng trẻ em do một vài linh mục trong giáo phận của ngài gây ra.

Công tố viên kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Đức Hồng Y đã che giấu những bằng chứng về sự lạm dụng. Đức Hồng Y Barbarin luôn nói rằng ngài đã có hành động ngay lập tức đối với một linh mục lạm dụng ngay khi ngài nhận được khiếu nại.

Từ năm 1986 đến năm 1991, linh mục Bernard Preynat lạm dụng một số trẻ hướng đạo sinh tại một giáo xứ gần Lyon. Năm 1990, khi giáo phận nhận được các tố cáo, linh mục Preynat đã bị trục xuất khỏi giáo xứ nhưng linh mục này không bị huyền chức.

Năm 2014 một cựu hướng đạo sinh, 40 tuổi, nhận thấy Preynat vẫn được phép tiếp xúc với trẻ em, nên đã viết thư cho Đức Hồng Y Barbarin. Ngài đã trở thành tổng giám mục Lyon vào năm 2002 sau khi vụ việc xảy ra hơn 10 năm. Đức Hồng Y Barbarin đã mở một cuộc điều tra, và đình chỉ linh mục Preynat khỏi các thừa tác vụ, và cấm ông không được làm việc mục vụ như một linh mục, vào tháng Tám năm 2015.

Năm 1989, một linh mục khác của giáo phận có một mối quan hệ tình dục với một cậu bé 14 tuổi. Khi câu chuyện bị vỡ lở, vị linh mục này bị huyền chức ngay lập tức và một vụ án dân sự được khởi tố.

Trong cùng một giáo xứ đó, một linh mục thứ ba, Jérôme Billioud, đã bị buộc tội lạm dụng một cậu bé 16 tuổi tên là Pierre, bây giờ là một công chức cao cấp ở Paris.

Hai trường hợp đầu tiên xảy ra 20 năm trước khi Đức Hồng Y trở thành tổng giám mục Lyon. Vụ thứ ba, liên quan đến linh mục Billioud làm cho tất cả mọi người bao gồm các thành viên trong giáo xứ địa phương sững sờ.

Báo chí quyết liệt muốn loại trừ Đức Hồng Y Philippe Barbarin nhưng các cuộc điều tra cho thấy Đức Hồng Y Barbarin luôn có hành động thẳng thắn ngay lập tức ngay khi ngài nhận được các khiếu nại.
 
Pháp đóng cửa 20 đền thờ Hồi giáo trong nỗ lực ngăn ngừa Hồi giáo cực đoan
Đặng Tự Do
01:24 05/08/2016
Các quan chức Pháp đã đóng cửa 20 đền thờ Hồi giáo trong một chiến dịch nhằm loại bỏ sự lây lan của Hồi giáo cực đoan.

“Không có nơi nào ở Pháp cho những kẻ kêu gọi và kích động hận thù trong các nơi cầu nguyện và trong các đền thờ Hồi giáo,” Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve tuyên bố như trên. Ông cũng tiết lộ rằng khoảng 80 người đã bị trục xuất khỏi Pháp, và một con số đông hơn nhiều sẽ bị trục xuất trong nay mai.

Có khoảng 2,500 đền thờ Hồi giáo và hội trường cầu nguyện tại Pháp, trong đó ước lượng có đến 120 cái bị nghi ngờ khuyến khích khủng bố.
 
Bản ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phanxicô và các giám mục Ba Lan, nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Vũ Văn An
17:23 05/08/2016
Trong chuyến thăm Ba Lan dự Ngày Giới trẻ Thế giới tuần qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cuộc họp riêng vào ngày 27 tháng 7 với các giám mục của nước này. Thay cho bài diễn văn chính thức như kế hoạch ban đầu, Đức Giáo Hoàng đã chọn một cuộc đối thoại thân mật hơn.

Hôm thứ ba, Vatican phát hành một bản ghi lại cuộc đối thoại này. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt, căn cứ vào bản tiếng Anh tạm thời của Zenit.

__



Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Trước khi bắt đầu cuộc đối thoại, với những câu hỏi mà các hiền huynh đã chuẩn bị, tôi muốn thực hiện một việc thương người với tất cả các các hiền huynh và đề nghị một việc thương người khác nữa. Tôi biết rằng trong những ngày này, với Ngày Giới Trẻ, nhiều người trong các hiền huynh đã bận rộn nên đã không thể đi dự các nghi thức an táng cho Đức ông Zimowski thân yêu. Chôn xác kẻ chết vốn là một việc thương người, và giờ đây, tôi muốn tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Đức ông Zygmunt Zimowski và đây là một biểu hiện thực sự của bác ái huynh đệ, chôn cất một người anh em đã qua đời. Lạy Cha chúng con. .. Kính Mừng Maria. .. Sáng Danh Đức Chúa Cha. .. Được An Nghỉ Đời Đời...

Và sau đây, là việc thương người khác mà tôi muốn đề nghị. Tôi biết các hiền huynh đang quan tâm về điều này: Đức Hồng Y Macharski thân yêu của chúng ta đang bệnh. .. Ít nhất, các hiền huynh hãy tới gần, vì tôi tin rằng không ai có thể vào nơi ngài đang ở, vì ngài đã mất ý thức, nhưng ít nhất, các hiền huynh hãy tới bệnh xá, bệnh viện, và chạm vào tường như thể nói rằng: "Này hiền huynh, tôi đang ở gần hiền huynh đây". Viếng kẻ liệt lào vốn là một việc thương người. Tôi cũng sẽ đi. Cám ơn các hiền huynh.

Và bây giờ, một trong các các hiền huynh đã chuẩn bị các câu hỏi, hoặc, ít nhất đã cho đem chúng tới. Tôi sẵn sàng để các hiền huynh tùy nghi sử dụng.

Đức Cha Marek Jedraszewski (Tổng Giám Mục Lodz):

Thưa Đức Thánh Cha, có vẻ như các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo và nói chung tất cả các Kitô hữu ở Tây Âu đang càng ngày càng là một thiểu số trong nền văn hóa vô thần tự do hiện đại. Tại Ba Lan, chúng ta đang chứng kiến một sự đối lập sâu sắc, một cuộc đấu tranh rất lớn giữa niềm tin vào Thiên Chúa một bên và, bên kia, là các suy nghĩ và lối sống như thể Thiên Chúa hề không hiện hữu. Thưa Đức Thánh Cha, theo ý kiến của Đức Thánh Cha, Giáo Hội Công Giáo ở xứ sở chúng con, nên đưa ra loại hành động mục vụ nào, để người dân Ba Lan luôn trung thành với truyền thống Kitô giáo đã có cả ngàn năm nay? Xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Các hiền huynh quả được diễm phúc!

Quả thật, việc phi Kitô Giáo, việc tục hoá thế giới hiện đại hiện khá mạnh mẽ; rất mạnh mẽ. Nhưng một số người nói: Vâng, nó mạnh mẽ nhưng người ta vẫn đang được mục kích nhiều hiện tượng của lòng đạo, như thể cảm thức tôn giáo đang bừng dậy, và điều này cũng có thể là một mối nguy hiểm. Tôi tin rằng chúng ta, trong thế giới rất duy tục này, cũng có mối nguy hiểm khác là duy tâm hóa kiểu Ngộ Đạo: thứ duy tục hóa này phần nào đang đem lại cho chúng ta khả thể phát triển một đời sống thiêng liêng kiểu Ngộ Đạo. Chúng ta hãy nhớ rằng đó là lạc giáo đầu tiên của Giáo Hội: Thánh Tông đồ Gioan từng đã chiến đấu chống các người Ngộ Đạo - và chiến đấu mạnh mẽ xiết bao! - Những người có một nền linh đạo chủ quan không có Chúa Kitô. Đối với tôi, vấn đề nghiêm trọng nhất của thứ duy tục hóa này là phi Kitô Giáo: là loại bỏ Chúa Kitô, loại bỏ Chúa Con. Tôi cầu xin, tôi biết,. .. không (làm) gì hơn. Đó là Ngộ Đạo thuyết. Còn một thứ lạc giáo nữa cũng đang hợp thời trang trong lúc này, nhưng tôi để nó sang một bên vì, thưa Đức Cha, câu hỏi của Đức Cha đi theo hướng đó. Còn thuyết của Pêlagiô nữa, nhưng chúng ta để nó qua một bên, sẽ nói tới nó ở một thời điểm khác. Tìm Thiên Chúa mà không cần Chúa Kitô: một Thiên Chúa không có Chúa Kitô, một dân tộc không có Giáo Hội. Tại sao? Vì Giáo Hội là Mẹ, là người mang lại cho các hiền huynh sự sống, và Chúa Kitô là Anh trai cả, là Con của Chúa Cha, Đấng luôn qui chiếu về Chúa Cha, Người là Đấng mạc khải cho các hiền huynh danh thánh của Chúa Cha. Một Giáo Hội mồ côi: Thuyết Ngộ Đạo ngày nay, vì nó, trên thực tế, chính là một cuộc phi Kitô Giáo, không có Chúa Kitô, dẫn chúng ta đến một Giáo Hội, đúng hơn, đến những Kitô hữu, một dân tộc mồ côi. Và chúng ta phải làm cho giáo dân của chúng ta cảm thấy điều này.

Tôi phải khuyên những gì đây? À đây rồi - nhưng tôi tin rằng đây là thực hành của Tin Mừng, nơi mà trên thực tế lời giảng dạy của Chúa đang rất gần gũi. Hôm nay, chúng ta, các tôi tớ của Chúa - Giám mục, linh mục, giáo dân thánh hiến có xác tín - phải gần gũi với dân của Thiên Chúa. Không gần gũi, thì chỉ là chữ nghĩa không thịt xương. Chúng ta hãy nghĩ - Tôi thích nghĩ về điều này - về hai trụ cột của Tin Mừng. Hai trụ cột của Tin Mừng này là gì? Tám Mối Phúc Thật và sau đó, là đoạn Tin Mừng Matthew 25, là "nghị định thư" mà căn cứ vào đó, tất cả chúng ta sẽ bị phán xử. Cụ thể. Gần gũi. Đụng chạm – (đều là) các việc thương người, cả về phần xác lẫn phần hồn. "Nhưng Đức Thánh Cha nói những điều này, vì nói về lòng thương xót trong năm nay là điều hợp thời trang. .." Không, đây là Tin Mừng! - Tin Mừng, các việc thương người. Đây là ông lạc giáo hoặc tên vô lại Samaria đang xúc động và đang làm những gì ông ta nên làm, và còn liều mất cả tiền bạc của mình nữa! Đụng chạm. Còn kia là Chúa Giêsu, Đấng luôn ở giữa người ta hoặc ở với Chúa Cha, hoặc trong lời cầu nguyện, một mình với Chúa Cha, hoặc giữa người ta, ở đấy, với các môn đệ. Gần gũi. Đụng chạm. Đó là cuộc sống của Chúa Giêsu. .. Khi xúc động, tại cổng thành Nain (x Lc 7: 11-17), Người đã xúc động; Người đã tới và chạm vào quan tài mà nói, "Đừng khóc. ..". Gần gũi, và gần gũi là chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô.

Và Giáo Hội, vinh quang của Giáo Hội chắc chắn là các vị tử đạo, nhưng cũng có rất nhiều người đàn ông và đàn bà đã bỏ mọi sự và đã hiến cả đời mình trong các bệnh viện, trong các trường học, với trẻ em, với người bệnh. .. Tôi nhớ một nữ tu nhỏ bé ở (Cộng Hòa) Trung Phi; bà đã 83 hoặc 84 tuổi, gầy gò, tốt bụng, với một bé gái nhỏ. Bà đến chào tôi: "Con không xuất phát từ đây; con đến từ phía bên kia sông, từ Congo, nhưng luôn luôn, mỗi tuần một lần, con tới đây để làm việc mua sắm vì thuận tiện hơn". Bà ấy cho tôi biết tuổi của bà: 83, 84. "Con đã ở đây 23 năm; con là một y tá sản khoa, con đã giúp hai tới ba ngàn trẻ sơ sinh sinh ra. .. " "Vậy à, và con tới đây một mình?" “Vâng, vâng, chúng con lấy xuồng. .." Bà ấy đã 83! Bà ngồi xuồng trong khoảng một giờ mới tới đây. Người phụ nữ này - và rất nhiều người như bà - đã rời đất nước mình - Bà là người Ý, từ Brescia – “rất nhiều người” đã rời đất nước họ để chạm vào da thịt của Chúa Kitô. Nếu chúng ta đi tới các nước truyền giáo ở Amazon, ở Châu Mỹ Latinh, chúng ta sẽ thấy tại các nghĩa trang phần mộ của nhiều tu sĩ nam nữ chết rất trẻ, vì họ không có các kháng thể đối với các bệnh của mảnh đất đó, và họ chết trẻ. Các việc thương người: đụng chạm, giảng dạy, an ủi, "dành thì giờ". Dành thì giờ.

Có lần tôi rất hài lòng, khi một người đàn ông tới xưng tội và đang ở trong tình huống theo đó ông không thể nhận được sự giải tội. Ông đến với một nỗi lo sợ nào đó, vì đôi khi ông bị mời rời khỏi (tòa giải tội): "Không, không. .. đi đi". Vị linh mục (lần này) lắng nghe anh, giải thích tình huống cho anh, và nói với anh: "Nhưng này con, con hãy cầu nguyện. Thiên Chúa yêu thương con, cha sẽ ban phép lành cho con, nhưng con phải trở lại đó, có hứa với cha không?" Và vị linh mục này quả đã " dành thì giờ" để lôi kéo người đàn ông này tới các bí tích. Điều này được gọi là sự gần gũi.

Và khi nói chuyện với các Giám Mục về sự gần gũi, tôi nghĩ rằng tôi phải nói tới sự gần gũi quan trọng nhất: đó là sự “gần gũi” với các linh mục. Giám mục phải luôn có đó cho các linh mục của mình. Khi tôi còn ở Á Căn Đình, tôi nghe rất nhiều, rất nhiều lần từ các linh mục, khi tôi đi giảng Linh Thao - Tôi thích đi giảng Linh Thao - tôi nói: "Hãy nói với Đức Giám Mục về điều này. .." "Nhưng không, con gọi thăm ngài và cha thư ký nói với con: ‘Không, ngài rất, rất bận rộn, nhưng ngài sẽ tiếp cha trong ba tháng nữa’". Nhưng linh mục này cảm thấy mình là một đứa trẻ mồ côi, không có cha, không có sự gần gũi, và ngài bắt đầu nản chí. Khi thấy những cuộc gọi trên sổ ghi, vào buổi tối, lúc trở về nhà, “khi thấy” cú điện thoại của một linh mục, vị giám mục phải gọi cho ngài ngay lập tức, ngay cùng buổi tối ấy hoặc ngày hôm sau. "Vâng, tôi bận rộn, nhưng há việc này không khẩn cấp sao?" - "Không. Không, nhưng chúng ta hãy đi đến một thỏa thuận. .. ". Linh mục phải cảm thấy ngài có một người cha. Nếu chúng ta lấy mất tình cha khỏi các linh mục, chúng ta sẽ không thể yêu cầu các ngài làm cha được. Và như vậy, cảm thức tình cha của Thiên Chúa cũng sẽ bị gỡ bỏ. Việc làm của Chúa Con là chạm vào nỗi thống khổ của con người: cả phần hồn lẫn phần xác. Gần gũi. Việc làm của Chúa Cha: làm cha, làm cha-giám mục.

Rồi đến những người trẻ tuổi, bởi vì, trong những ngày này, chúng ta phải nói về những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi "tẻ nhạt" xiết bao! Bởi vì họ luôn luôn nói cùng một điều, hoặc "Tôi nghĩ về điều này như thế này. .." hoặc "Giáo Hội nên. ..", nên đối với người trẻ, người ta cần phải kiên nhẫn. Khi còn bé, tôi biết một số linh mục: hồi đó, người ta năng lui tới tòa giải tội hơn bây giờ; các ngài đã dành hàng giờ nghe “họ xưng tội” hoặc tiếp họ tại văn phòng giáo xứ, để lắng nghe cùng những điều y như nhau. .. nhưng rất kiên nhẫn. Và rồi, đưa các người trẻ tới các vùng quê, lên núi. .. Nhưng, hãy nghĩ tới Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã làm gì với các sinh viên Đại học? Vâng, ngài đã giảng dạy, nhưng rồi ngài đã lên núi với họ! Gần gũi. Ngài lắng nghe họ. Ngài hiện diện với những người trẻ tuổi.

Và tôi muốn nhấn mạnh một điều cuối cùng, vì tôi tin rằng Chúa đang yêu cầu tôi điều này: ông bà. Các hiền huynh, những người đã phải chịu đựng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô thần, hẳn biết điều này: đó là ông bà - đó là bà nội bà ngoại đã cứu vãn và truyền thụ đức tin. Ông bà có bộ nhớ của một dân tộc; các ngài có bộ nhớ của đức tin, bộ nhớ của Giáo Hội. Đừng vứt bỏ ông bà! Trong nền văn hóa vứt bỏ này, một nền văn hóa, trên thực tế, đã bị phi Kitô giáo, những gì không hữu ích, những gì không xuôi chẩy đều bị liệng bỏ. Không! ông bà là những bộ nhớ của một dân tộc; các ngài là bộ nhớ của đức tin. Và các hiền huynh hãy nối kết giới trẻ với ông bà: đây cũng là sự gần gũi – các hiền huynh hãy gần gũi và tạo ra sự gần gũi. Tôi chỉ biết trả lời câu hỏi này như thế thôi. Không hề có công thức sẵn, nhưng chúng ta phải tới tận hiện trường - nếu chúng ta chờ máy điện thoại rung hoặc tiếng gõ cửa. .. Không. Chúng ta phải ra ngoài để tìm, như mục tử, người đi tìm “chiên” lạc. Tôi không biết; ý nghĩ này chợt đến với tôi.

Đức Cha Slawoj Leszek Glodz (Tổng Giám mục Gdansk):

Kính thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con đặc biệt biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy niệm thêm về giáo lý của lòng thương xót, mà thánh Gioan Phaolô II, trên thực tế, đã bắt đầu ở đây tại Krakow này. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị thống trị bởi bất công: người giàu trở nên giàu có hơn, người nghèo trở nên khốn khổ; có khủng bố, có đạo đức học và luân lý tính tự do, mà không có Thiên Chúa. .. Và câu hỏi của con như sau: làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giáo huấn thương xót, và đặc biệt áp dụng vào ai? Đức Thánh Cha vốn cổ vũ loại thuốc được gọi là "lòng thương xót" mà con mang theo mình: con cảm ơn Đức Thánh Cha về sự cổ vũ này. ..

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

... Và bây giờ, đã xuất hiện "lòng thương xót cộng" rồi: nó mạnh hơn!

Đức Cha Slawoj Leszek Glodz:

... Vâng, và xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì cái "cộng" này. Chúng con cũng có chương trình "cộng" này được chính phủ khuyến khích cho nhiều gia đình. Cái "cộng" này hiện rất hợp thời trang. “Nó cần được cổ vũ” một cách đặc biệt với những ai và cách nào? Đầu tiên, những người nào phải là đối tượng cho giáo huấn của chúng ta về lòng thương xót? Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha. “Câu hỏi” về lòng thương xót này không phải là điều xuất hiện trong tâm trí tôi. Nó là một quá trình. Nếu chúng ta nghĩ tới Chân Phúc Phaolô VI, ngài đã nhắc tới lòng thương xót rồi. Rồi, Thánh Gioan Phaolô II là vĩ nhân của lòng thương xót, với thông điệp Dives in Misericordia, việc phong thánh cho Thánh Faustina, và rồi tuần Bát Nhật Phục Sinh: ngài qua đời vào đêm trước ngày này. Nó từng là một quá trình của Giáo Hội, trong nhiều năm qua. Người ta thấy Chúa đòi có sự đánh thức thái độ thương xót này nơi các tín hữu trong Giáo Hội. Người là Đấng thương xót luôn tha thứ mọi sự. Một đầu cột Trung Cổ gây ảnh hưởng với tôi rất nhiều, được tìm thấy trong Nhà thờ Thánh Maria Mađalêna ở Vezelay, Pháp, nơi con đường hành hương gọi là Camino Santiago bắt đầu. Trên đầu cột này, một bên là Giuđa treo cổ, với đôi mắt mở to, lưỡi thè ra, và ở phía bên kia là Đấng Chăn Chiên Lành, đang mang Giuđa theo Người. Và nếu chúng ta nhìn kỹ, lưu ý tới khuôn mặt của Đấng Chăn Chiên Lành: một bên, đôi môi Người đang buồn, nhưng bên kia chúng lại đang mỉm cười. Lòng thương xót là một mầu nhiệm; nó là một mầu nhiệm; đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tôi đã được phỏng vấn và từ đó, một cuốn sách đã được phát hành có tựa đề là “Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”, nhưng đó là cách báo chí ăn nói, tôi nghĩ ta có thể nói rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ - ít nhất trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã được mô tả như thế. Người trừng phạt để người ta trở lại. Và rồi các dụ ngôn về lòng thương xót, và cách Người muốn cứu chúng ta. .. Khi đã đến thời viên mãn, Người đã cho Con của Người sinh ra bởi một người phụ nữ: với xác thịt; Người cứu chúng ta: bằng xác thịt; không bằng sợ hãi mà bằng xác thịt. Trong quá trình này của Giáo Hội, chúng ta nhận được rất nhiều ân sủng.

Và Người thấy thế giới bị đau yếu vì bất công, vì thiếu tình yêu, vì thối nát. Nhưng điều này đúng; điều này đúng. Hôm nay, trên máy bay này, nói về vị linh mục hơn 80 tuổi này, người bị giết ở Pháp: mới đây, tôi nói thế giới đang có chiến tranh, chúng ta đang sống trong cuộc Thế Chiến thứ ba có tính từng phần. Chúng ta nghĩ tới Nigeria. .. Các ý thức hệ, đúng, nhưng đâu là ý thức hệ của ngày hôm nay, một ý thức hệ, trên thực tế, đang nằm ở trung tâm và là mẹ của tham nhũng, của chiến tranh? Nó là ngẫu thần tiền bạc. Đàn ông và đàn bà không còn ở chóp đỉnh của sáng thế nữa, Ngẫu thần tiền bạc được đặt vào đó, và mọi sự đều được mua và bán lấy tiền. Tiền là tâm điểm. Con người bị khai thác. Còn việc buôn ban người ngày nay thì sao? Nó luôn luôn là thế này: độc ác! Tôi đã nói lên tâm tư này với một vị cầm đầu chính phủ và ông ta nói với tôi: "Nó luôn luôn độc ác. Vấn đề là bây giờ chúng ta thấy nó trên truyền hình, nó đã đến gần cuộc sống của chúng ta". Nhưng quả nó luôn luôn độc ác - giết người vì tiền - bóc lột con người, bóc lột sáng thế. Khi một vị vừa được bầu đứng đầu một chính phủ ở châu Phi đến yết kiến, ông nói với tôi: "Hành động cai trị đầu tiên được tôi thực hiện sẽ là tái trồng rừng đất nước, từng bị phá rừng và hủy hoại". Chúng ta không chăm sóc sáng thế! Và điều này có nghĩa sẽ có nhiều người nghèo hơn, nhiều tham nhũng hơn.

Nhưng chúng ta sẽ nghĩ gì khi 80% - ít nhiều như thế, các hiền huynh hãy nhìn các số thống kê và nếu không 80 thì là 82 hoặc 78 - sự giàu có nằm trong tay non 20% số người. "Thưa cha, cha đừng nói như vậy, vì nó sẽ làm cha thành một người cộng sản!" Không, không, đây là các con số thống kê! Và ai phải trả giá cho điều này? Người ta phải trả giá, dân Thiên Chúa phải trả giá: các cô gái bị khai thác, thanh niên không có việc làm. Ở Ý, những người từ 25 tuổi trở xuống, 40% không có việc làm; ở Tây Ban Nha, là 50%; ở Croatia 47%. Tại sao? Bởi vì có thứ kinh tế lỏng (luân chuyển) chuyên nuôi dưỡng tham nhũng. Vì chướng tai gai mắt, một người Công Giáo vĩ đại nói với tôi rằng ông đi thăm một người bạn doanh nhân, ông này nói: "Tôi sẽ cho anh thấy làm thế nào tôi kiếm được 20.000 đôla mà không cần rời khỏi nhà". Và với chiếc máy vi tính, ông này đã thực hiện việc mua từ California, tôi không biết là gì, và bán nó cho Trung Quốc: trong 20 phút, trong vòng chưa đầy 20 phút, ông đã kiếm được 20.000 đôla. Mọi thứ đều lỏng (luân chuyển)! Và những người trẻ không còn nền văn hóa làm việc nữa, bởi vì họ không có việc làm! Trái đất chết, vì nó đã được khai thác một cách không khôn ngoan. Và cứ thế chúng ta tiếp tục đi. Thế giới đang nóng lên, tại sao? Bởi vì chúng ta phải kiếm chác - phải kiếm cho nhiều tiền. "Chúng ta đã rơi vào việc thờ ngẫu tượng tiền bạc": một Đại sứ nói điều này với tôi khi ông đến trình ủy nhiệm thư. Quả là thờ ngẫu tượng.

Lòng Chúa Thương Xót là chứng từ, chứng từ của rất nhiều người, của rất nhiều người đàn ông và đàn bà, giáo dân, những người trẻ dấn thân làm việc: ở Ý, chẳng hạn, có phong trào hợp tác xã. Đúng, có một số quá xảo quyệt, nhưng điều tốt luôn được thực hiện, những điều tốt đẹp đã được thực hiện. Và rồi còn có các định chế chăm sóc các bệnh nhân: họ là các tổ chức mạnh mẽ. Chúng ta nên tiến theo đường này, làm những việc khiến nhân phẩm con người được phát triển. Nhưng điều hiền huynh nói là đúng. Chúng ta đang sống một thứ mù chữ về tôn giáo, đến độ trong một số đền thờ trên thế giới, sự việc đang hết sức hỗn độn: người ta đi cầu nguyện; có những cửa tiệm để người ta mua đồ đạo đức, tràng hạt chẳng hạn... nhưng cũng có một số cửa tiệm bán những thứ mê tín dị đoan, vì ơn cứu độ được người ta tìm kiếm trong mê tín dị đoan, trong mù chữ tôn giáo, một chủ thuyết duy tương đối gây lẫn lộn điều này với điều kia. Nên giáo lý là điều cần thiết ở đó, giáo lý để sống. Giáo lý không chỉ để cung cấp các ý tưởng, nhưng để đồng hành trong một cuộc hành trình. Đồng hành là một trong những thái độ quan trọng nhất!". Đồng hành với sự tăng trưởng về đức tin!; đây là một công việc tuyệt vời và những người trẻ mong đợi điều này! Những người trẻ mong đợi. .. "Nhưng nếu tôi bắt đầu nói chuyện, là người ta buồn chán!" Vậy thì cho họ một việc để họ làm, chẳng hạn như những việc được thực hiện trong kỳ nghỉ 15 ngày của họ để giúp xây dựng nhà ở cho người nghèo, hoặc bảo họ làm một điều gì khác để họ có thể bắt đầu cảm thấy họ hữu ích. Và hãy để cho hạt giống của Thiên Chúa rơi ở đó, từ từ. Sự việc không tiến hành với duy lời nói mà thôi. Chúng ta phải giải quyết nạn mù chữ tôn giáo ngày nay bằng ba thứ ngôn ngữ, bằng ba thứ tiếng: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của bàn tay - cả ba một cách hài hòa.

Tôi không biết. .. Tôi đang nói quá nhiều! Chúng là các ý tưởng tôi cung cấp cho các hiền huynh. Các hiền huynh, với sự thận trọng của các hiền huynh, sẽ biết phải làm gì, nhưng phải luôn là một Giáo Hội tiến bước. Có lần tôi đã dám nói: có một câu ngắn trong Sách Khải Huyền: "Ta đang ở cửa và gõ" (3:20): Người gõ cửa, nhưng tôi tự hỏi Chúa đã gõ cửa biết bao nhiêu lần từ bên trong, để chúng ta mở cho Người và Người có thể đi ra ngoài với chúng ta để mang Tin Mừng ra bên ngoài. Đừng đóng cửa ở bên trong, nhưng đi ra ngoài! Đi ra ngoài, đi ra ngoài! Cám ơn Đức Cha.

Còn 1 kỳ
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olimpic ở Rio
Lm. Trần Đức Anh OP
10:50 05/08/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu chúc cho thế vận Olimpic sẽ khai diễn ngày 5-8-2016 tại Rio, góp phần kiến tạo một nền văn minh trong đó trổi vượt tinh thần liên đới giữa mọi người với nhau.



Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4-8-2016, ĐTC nói:

”Giờ đây tôi muốn gửi lời chào thân ái đến nhân dân Brazil, đặc biệt là dân thành Rio de Janeiro, đang đón tiếp các vận động viên và những người hâm mộ đến từ các nơi trên thế giới, nhân dịp thế vận hội Olimpic. Trong một thế giới khao khát hòa bình, bao dung và hòa giải, tôi cầu mong tinh thần các cuộc tranh tài thế vận Olimpic có thể gợi hứng cho tất cả mọi người, các tham dự viên cũng như các khán giả, chiến đấu ”một cuộc chiến tốt đẹp” và cùng nhau hết thúc cuộc chạy đua (Xc 2 Tm 4,7-8), mong ước đạt được một phần thưởng, không phải là một huy chương, nhưng là một cái gì quí giá hơn nhiều: đó là thực hiện một nền văn minh trong đó có tình liên đới hiển trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, bất luận những khác biệt về văn hóa, màu da hoặc tôn giáo. Và đối với nhân dân Brazil, đang tổ chức lễ hội thể thao này trong tinh thần vui tươi và lòng hiếu khách đặc thù, tôi cầu chúc cho lễ hội này là một cơ hội để vượt tháng những thời điểm khó khăn và dấn thân trong ”hoạt động đồng đội” để xây dựng một đất nước công bằng và an ninh hơn, nhắm đến một tương lai đầy hy vọng và vui tươi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!”.

Thế vận hội Olimpic mùa hè lần thứ 31 sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 21-8 này ở Rio de Janeiro, thành phố 12 triệu dân cư, với sự tham dự của các vận động viên đến từ các nước hoàn cầu và gồm 28 bộ môn thể thao và 48 bộ môn thể dục. (SD 3-8-2016)
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Porziuncola của dòng Phanxicô
Lm. Trần Đức Anh OP
10:26 05/08/2016
ASSISI. Chiều ngày 4-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến hành hương tại Porziuncola, ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các thiên thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.

Cuộc hành hương diễn ra nhân dịp kỷ niệm 800 năm ơn Toàn Xá, Năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá, hay cũng gọi là ơn Tha Thứ ở Assisi, việc ban ơn này được ĐGH Onorio III phê chuẩn.

Sau khi dùng trực thăng để bay từ Roma lúc 3 giờ để đến gần Assisi, ĐTC đã vào cầu nguyện một mình 10 phút trong thinh lặng tại nhà thờ nhỏ Porziuncola. Bên ngoài có hàng chục Giàm Mục thuộc miền Umbria và đông đảo các tín hữu.

Lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã trình bày một bài suy niệm cho các tu sĩ và giáo dân hiện diện trong Vương cung Thánh Đường về việc tha thứ.

Ngài quảng diễn dụ ngôn người chủ nợ tha thứ cho một con nợ mắc nợ số tiền rất lớn, nhưng sau khi được tha, người này lại không muốn tha thứ cho một người chỉ mắc nợ ông một số tiền nhỏ.

ĐTC nói: ”Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, đi tới bất kỳ ai, trong thẳm sâu tâm hồn người nhìn nhận mình sai lỗi và muốn trở về cùng Chúa. Thiên Chúa nhìn con tim của người xin được tha thứ”

”Nhưng rất tiếc là vấn đề nảy sinh khi chúng ta phải đương đầu với một người anh em đã gây thiệt hại nhỏ cho chúng ta. Phản ứng mà chúng ta nghe trong dự ngôn thật là 'hùng hồn': Hắn tóm cổ ngầy ấy và bóp nghẹt mà nói: ”Hãy trả điều mà ngươi mắc nợ!” (Mt 18,28). Trong cảnh tượng này, chúng ta thấy tất cả thảm trạng trong tương quan của chúng ta đối với tha nhân. Khi chúng ta mắc nợ người khác, thì chúng ta đòi lòng thương xót; trái lại khi chúng ta là chủ nợ, thì chúng ta đòi công lý! Đó không phải là phản ứng của môn đệ Chúa Kitô và không thể là lối sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ và thư vô giới hạn, tới bẩy mươi bẩy lần bẩy! (v. 22).

ĐTC nhận xét rằng ”Trong Năm Thánh Lòng thương xót này, con đường tha thứ càng trở nên hiển nhiên như con đường có thể đổi mới Giáo Hội và thế giới. Cống hiến chứng tá về lòng từ bi thương xót trong thế giới ngày nay chính là một nghĩa vụ mà không một ai trong chúng ta có thể tránh né. Thế giới đang cần tha thứ; quá nhiều người sống khép kín trong oán hận và nuôi dưỡng lòng ghen ghét, vì không có khả năng tha thứ, làm hại đời mình và cuộc sốlng của người khác, thay vì tìm được niềm vui và thanh thản”.

Sau bài suy niệm huấn giáo, ĐTC đã chào thăm các GM và các Bề trên Phanxicô hiện diện, rồi đến bệnh xá nơi có 15 tu sĩ Phanxicô và 1 LM giáo phận đang được điều trị săn sóc. Ngài cũng chào thăm các nhân viên phục vụ tại đây.

Sau cùng, ĐTC tiến ra thềm Đền thờ để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, trước khi giã từ vào khoảng 6 giờ chiều để trở về Roma, cách đó khoảng 200 cây số (SD 4-8-2016)
 
Đức Hồng Y Gioan Thang Hán cho biết Vatican và Trung Quốc đã gần đạt được “thỏa thuận chung” về việc bổ nhiệm giám mục
Đặng Tự Do
15:37 05/08/2016
Trong một lá thư mục vụ đưa ra hôm 4 tháng 8, Đức Hồng Y Gioan Thanh Hán đã làm sáng tỏ cuộc tranh cãi kéo dài trong nhiều thập kỷ giữa Vatican và Trung Quốc. Theo nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng, các quan chức Trung Quốc hiện nay sẵn sàng mưu tìm “sự hiểu biết” với Vatican về vấn đề bổ nhiệm các giám mục địa phương.

Trong một lá thư mục vụ, đề ngày 4 tháng 8, được công bố trên trang web của giáo phận Hương Cảng, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói mặc dù vẫn còn những khác biệt và khó khăn như đã từng thấy trong những năm qua, “Giáo Hội Công Giáo đã dần dần giành được sự xem xét lại của các quan chức Trung Quốc, khiến họ sẵn sàng để đạt được một sự hiểu biết với Tòa Thánh về các câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và tìm kiếm một kế hoạch hai bên có thể đồng thuận.”

Những lời bình luận của Đức Hồng Y đến trong bối cảnh có những suy đoán theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm việc đằng sau hậu trường để làm tan băng quan hệ giữa hai quốc gia. Đức Thánh Cha gửi lời chúc tốt đẹp đến chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nhân dịp năm mới vào tháng Hai vừa qua, một động thái, vào thời điểm đó, được nhiều người xem là một nhánh ô liu cố ý tặng cho một chính quyền đang lúng túng về nhiều mặt.

Người Công Giáo ở Trung Quốc – theo một ước tính có thể lên đến 12 triệu - được chia thành Giáo Hội thầm lặng trung thành với Tòa Thánh và Giáo Hội được nhà nước phê chuẩn 'chính thức'. Bắc Kinh luôn khẳng định quyền bổ nhiệm giám mục của mình và thường phủ quyết các quyết định bổ nhiệm Giám Mục Trung quốc của các vị Giáo Hoàng.

Người tiền nhiệm của Đức Hồng Y Thang Hán, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, từ lâu đã là một đối thủ quyết liệt chống lại bất kỳ một thứ thỏa hiệp nào trong cuộc đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề quyền tối thượng của Tòa Thánh trên các vấn đề của Giáo Hội Hoa Lục. Phát biểu nặc danh với hãng tin Reuters, các thành viên của Giáo Hội thầm lặng cũng bày tỏ thái độ hoài nghi sâu sắc về bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc, xét vì những thành tích nhân quyền bất hảo của nhà cầm quyền cộng sản.

China Aid, một nhóm có trụ sở tại Texas, trong báo cáo thường niên năm 2015 dựa trên các theo dõi về cách đối xử của nhà nước Trung quốc với các giáo phái Kitô ở Trung Quốc, cho biết là việc đàn áp của nhà nước Trung Quốc không hề suy giảm nhưng trái lại đã leo thang, với việc đóng cửa các nhà thờ, tạm giữ số lượng lớn các nhà lãnh đạo Giáo Hội và tịch thu tài sản Giáo Hội.”

Ít nhất ba giám mục và một số linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc ở Trung Quốc.

Trong thư Đức Hồng Y Gioan Thang Hán thừa nhận rằng có một mức độ nhất định cảm giác khó chịu và hoài nghi của một số người Công Giáo đối với các “đồng thuận”, nhưng ngài nói ngài tin là Đức Thánh Cha Phanxicô “sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào làm tổn hại đến tính toàn vẹn đức tin của Giáo Hội phổ quát hay sự hiệp thông giữa các Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo Hội phổ quát”. Ngài nói thêm: “Nhiều người nói rằng có vẻ như Tòa Thánh đã từ bỏ một số giá trị mà Tòa Thánh đã hằng ủng hộ. Kiểu chỉ trích này là không công bằng.”

Bàn về vấn đề các giám mục “thầm lặng” không được nhà nước công nhận, Đức Hồng Y nói rằng “Hội Đồng các giám mục trong tương lai ở Trung Quốc sẽ phải bao gồm tất cả các giám mục hợp pháp của Giáo Hội công khai cũng như các giám mục bí mật, là một phần không thể thiếu của Giáo Hội Trung Quốc. .. Tòa Thánh cũng nên tiến hành một cuộc đối thoại để các giám mục này được công nhận bởi chính phủ Trung Quốc”

Đức Hồng Y thừa nhận là “những điều kiện cụ thể” của các thỏa thuận “chưa được công bố” và không đưa ra dấu chỉ nào cho thấy khi nào điều ấy có thể xảy ra.

Tòa Thánh đã không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1951 vì vậy bất kỳ thỏa thuận chính thức nào cũng sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Trung quốc -Vatican.
 
Bản ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phanxicô và các giám mục Ba Lan, nhân Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (tiếp theo)
Vũ Văn An
21:11 05/08/2016
Đức Cha Leszek Leszkiewicz (Giám mục phụ tá của Tarnow):

Thưa Đức Thánh Cha, cam kết mục vụ của chúng con phần lớn dựa vào mô hình truyền thống của cộng đồng giáo xứ, rập khuôn trên đời sống bí tích - một mô hình tiếp tục đơm hoa kết trái ở đây. Tuy nhiên, chúng con nhận ra rằng, cả ở đây, các điều kiện và hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày thay đổi một cách nhanh chóng và thúc giục Giáo Hội đưa ra các phương cách mục vụ mới. Mục tử và tín hữu phần nào giống như các môn đệ biết lắng nghe, tự cho mình rất nhiều việc để làm, nhưng không phải lúc nào cũng có thể mang lại hoa trái cho tính năng động truyền giáo bên trong cũng như bên ngoài nơi các cộng đồng Giáo Hội. Thưa Đức Thánh Cha, trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha nói về các môn đệ truyền giáo nhiệt tình đem Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha có đề nghị gì cho chúng con? Đức Thánh Cha muốn khuyến khích chúng con điều gì, để chúng con có thể xây dựng trong thế giới của chúng con một cộng đồng Giáo Hội đầy hiệu quả, phong phú, hân hoan và năng động truyền giáo?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha! Tôi muốn nhấn mạnh một điều: giáo xứ luôn có giá trị! Giáo xứ phải tồn tại: nó là cơ cấu mà chúng ta không được ném ra ngoài cửa sổ! Thực thế, giáo xứ là nhà của Dân Thiên Chúa, nơi dân Thiên Chúa sinh sống. Vấn đề là làm thế nào để xây dựng giáo xứ! Có những giáo xứ có các thư ký xem ra giống như "các đệ tử của Satan", làm khiếp đảm người dân! Có những giáo xứ cửa đóng then cài. Nhưng cũng có những giáo xứ mở rộng cửa, những giáo xứ nơi, khi có ai đến hỏi điều gì, người (của giáo xứ) nói: "Vâng, vâng ... xin ông (bà) tự nhiên, ông (bà) có vấn đề gì ạ?". Và họ biết kiên nhẫn lắng nghe, vì lưu tâm chăm sóc Dân Thiên Chúa là chuyện làm kiệt sức, nó làm ta kiệt sức!

Một Giáo sư Đại học tốt lành, một linh mục Dòng Tên, mà tôi biết ở Buenos Aires, khi về hưu, đã hỏi cha giám tỉnh, xem ngài, trong tư cách cha xứ, có thể đi tới một khu huyện kia để có thêm kinh nghiệm hay không. Ngài đến Phân Khoa mỗi tuần một lần - ngài rất gắn bó với cộng đồng này - và một ngày kia, ngài nói với tôi: "Xin cha nói với giáo sư của cha về môn Giáo Hội học rằng trong chuyên luận của ông ấy thiếu mất hai chủ đề". "Hai chủ đề nào?". "Thứ nhất: dân Thánh của Thiên Chúa chủ yếu làm người ta mệt xỉu. Và thứ hai: xét về hữu thể học, Dân thánh của Thiên Chúa tự làm những gì họ nghĩ là tốt nhất. Và điều này quả gây mệt xỉu!"

Ngày nay, làm một cha xứ quả là chuyện gây kiệt sức: đem giáo xứ tiến lên gây thật nhiều mệt mỏi, giữa lòng thế giới ngày nay với thật nhiều vấn đề. Và Chúa vốn kêu gọi chúng ta để chúng ta sẽ phần nào phải mệt mỏi, làm việc và không được nghỉ ngơi. Giáo xứ làm người ta mệt mỏi khi nó được xây dựng tốt. Việc canh tân giáo xứ là một trong những điều mà các Giám mục phải luôn luôn để mắt tới: Giáo xứ này đang diễn tiến ra sao? Nó đang làm gì? Việc dạy giáo lý đang tiến hành ra sao? Nó được dạy như thế nào? Nó có cởi mở không? - rất nhiều điều. Tôi đang nghĩ đến một giáo xứ ở Buenos Aires, khi các cặp đính hôn đến: "Chúng tôi muốn kết hôn ở đây ...". Bà thư ký nói "Vâng, đây là mức giá". Điều này không được, một giáo xứ như thế không nên hồn. Người ta phải được tiếp đón ra sao? Họ phải được lắng nghe như thế nào? Có phải lúc nào cũng có một vị nào đó trong tòa giải tội không? Trong các giáo xứ - không phải các giáo xứ ở các khu huyện nhỏ, nhưng các giáo xứ ở ngay trung tâm, trên các đường phố lớn, nếu có một tòa giải tội có đèn sáng, người ta luôn luôn tới để xưng tội - luôn luôn! Đó là một giáo xứ biết chào đón.

Các Giám Mục chúng ta phải hỏi các linh mục câu này: "Giáo xứ của cha đang diễn tiến ra sao? Và cha có đi ra ngoài không? Cha có ghé thăm tù nhân, người bệnh, các phụ nữ lớn tuổi không? Và cha làm gì với trẻ em? Cha giúp các em chơi ra sao và thăng tiến thế nào ngôi nhà nguyện? Nó là một trong những định chế giáo xứ vĩ đại, ít nhất là ở Ý. Nhà nguyện (oratory): các trẻ trai chơi đùa ở đó và chúng được ban huấn từ, một ít giáo lý. Chúng trở về nhà mệt mỏi, hạnh phúc và mang một hạt giống tốt. Giáo xứ rất quan trọng! Có những người nói rằng giáo xứ không còn hữu ích, vì bây giờ là thời điểm của các phong trào. Điều này không đúng! Các phong trào có hữu ích, nhưng chúng không phải là phương thức thay thế cho giáo xứ: chúng phải giúp việc trong giáo xứ, mang giáo xứ tiến lên, như Hiệp Hội Thánh Mẫu vốn làm, như Công Giáo Tiến hành vốn làm và nhiều hội đoàn khác vốn làm.

Có nên tìm kiếm sự mới lạ hoặc thay đổi cơ cấu của giáo xứ không? Những gì tôi nói với các hiền huynh có vẻ, có lẽ, là một lạc giáo, nhưng đó là cách tôi sống nó: Tôi nghĩ nó là một điều tương tự như cơ cấu giám mục: khác nhưng tương tự. Không được đụng đến giáo xứ: nó phải tồn tại như một nơi đầy sáng tạo, để qui chiếu, đầy tình mẫu tử và tất cả những điều như thế. Và hãy rút từ đó ra khả năng sáng chế; và khi một giáo xứ tiến lên như thế, điều thể hiện được là điều tôi quen gọi – liên quan tới các môn đệ truyền giáo - là một "giáo xứ đi ra ngoài". Ví dụ, tôi nghĩ tới một giáo xứ - một điển hình tốt mà sau này được nhiều nơi bắt chước - tại một quốc gia nơi trẻ em thường không được rửa tội, vì không có tiền; tuy nhiên, trong ngày lễ bổn mạng, việc cử hành được chuẩn bị 3-4 tháng trước, với việc đi thăm viếng các gia đình và ở đấy, người ta thấy rất nhiều trẻ em không được rửa tội. Các gia đình bèn chuẩn bị cho mình và một trong các hành vi của việc cử hành lễ bổn mạng là rửa tội cho 30-40 trẻ em, mà nếu không, sẽ vẫn không được rửa tội. Các hiền huynh hãy sáng chế những điều như thế.

Người ta không kết hôn trong nhà thờ. Tôi đang nghĩ đến một cuộc họp của các linh mục. Một vị đứng lên và nói: "Các vị có nghĩ tại sao không?" Và ngài đã đưa ra rất nhiều lý do mà chúng ta đã chia sẻ: nền văn hóa hiện nay, và vân vân. Tuy nhiên, có một nhóm khá nhiều những người không kết hôn vì chi phí kết hôn ngày hôm nay cao quá! Thứ gì cũng tốn kém, việc cử hành... đây là một sự kiện xã hội. Và linh mục chính xứ này, người đã rất có óc sáng chế, cho biết: "Tôi chờ đợi bất cứ ai muốn kết hôn". Bởi vì ở Á Căn Đình, có hai lễ cưới: người ta luôn phải tới nhà cầm quyền dân sự, và cuộc hôn nhân dân sự phải được thực hiện ở đó, và sau đó, người ta tới nhà thờ của tôn giáo mình để kết hôn. Một số - đông lắm! - không kết hôn vì họ không có tiền để có một cử hành tuyệt vời ... Nhưng các linh mục có đôi chút sáng kiến cho hay: "Không, không! Tôi đang đợi các các anh các chị!”. Vào ngày đó, người ta kết hôn dân sự vào lúc 11: 00 giờ-12: 00 giờ-13: 00 giờ-14: 00 giờ: ngày đó tôi sẽ không ngủ trưa! Sau khi kết hôn dân sự, họ đến nhà thờ, kết hôn, và ra đi bình yên.

Các hiền huynh hãy phát minh, tìm kiếm, đi ra ngoài, tìm kiếm người ta, tham dự vào các khó khăn của họ. Tuy nhiên, văn phòng giáo xứ ngày nay không làm việc được vì người ta không có kỷ luật! Các hiền huynh đã ra kỷ luật cho người ta, và điều này là một ân sủng của Thiên Chúa! Nhưng nói chung họ không có kỷ luật. Tôi nghĩ tới đất nước của tôi: nếu các hiền huynh không đi tìm người ta, nếu các hiền huynh không tiếp cận họ, họ sẽ không đến. Và đây là một môn đệ truyền giáo, giáo xứ đi ra ngoài. Đi ra ngoài và tìm kiếm, như Thiên Chúa đã làm khi sai Con của Người xuống thế để tìm kiếm chúng ta.

Tôi không biết liệu đây có phải là một câu trả lời quá đơn giản không, nhưng tôi không có câu trả lời khác. Tôi không phải là một người chăn dắt hiểu biết; tôi nói những gì đến với tôi.

Đức Cha Krzysztof Zadarko (Giám mục phụ tá của Koszalin-Kolobrzeg):

Thưa Đức Thánh Cha, một trong những vấn đề gây lo ngại nhất đang đặt ra cho châu Âu hiện nay là vấn đề người tị nạn. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ họ, vì họ đông quá? Và chúng ta có thể làm gì để vượt qua nỗi sợ bị họ xâm chiếm hoặc gây hấn, một nỗi sợ làm tê liệt toàn bộ xã hội?

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Cám ơn Đức Cha! Vấn đề những người tị nạn ... Trong quá khứ, người tị nạn không như bây giờ. Hãy nói người di cư và người tị nạn - chúng ta sẽ xem xét họ với nhau. Cha tôi là một người di cư. Và tôi đã nói với Tổng thống [Ba Lan] rằng trong nhà máy nơi cha tôi làm việc có rất nhiều người di cư Ba Lan sau chiến tranh. Lúc ấy, tôi là một đứa trẻ, nhưng tôi được biết nhiều người. Đất nước của tôi là một đất nước của những người nhập cư, tất cả đều là người nhập cư ... Và không có vấn đề gì ở đó; quả thực là thời khác. Ngày nay, tại sao có quá nhiều cuộc di cư vậy? Tôi không nói tới việc di cư từ quê hương của một người ra nước ngoài: vì điều này là do thiếu việc làm. Rõ ràng là họ đi tìm việc làm ở nước ngoài. Đây là một vấn đề nội trị, một vấn đề mà các hiền huynh cũng có chút chút... Tôi nói tới những người đến với chúng ta: họ đang chạy trốn chiến tranh, đói kém. Vấn đề là ở đó. Và tại sao lại có vấn đề ở đó? Bởi vì trong cuộc chiến tranh ở đó có sự bóc lột người dân, có sự bóc lột đất đai, có sự bóc lột để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Nói chuyện với các nhà kinh tế toàn cầu, những người nhìn thấy vấn đề này, họ nói: chúng ta phải thực hiện đầu tư ở các nước đó; nhờ thực hiện các cuộc đầu tư, các nước này sẽ có việc làm và sẽ không cần phải di cư. Nhưng còn chiến tranh! Có cuộc chiến của các bộ lạc, một số cuộc chiến tranh ý thức hệ và một số cuộc chiến tranh giả tạo, chuẩn bị bởi những kẻ buôn bán vũ khí sống nhờ việc này: họ cung cấp vũ khí cho các hiền huynh là những người chống lại các người kia, và họ cũng cung cấp vũ khí cho những người kia để chống lại các hiền huynh. Và đó là cách họ sống! Tham nhũng thực sự là nguồn gốc của di dân.

Phải làm gì? Tôi tin rằng mỗi quốc gia phải xem cách nào và khi nào: không phải tất cả các nước đều giống như nhau; không phải tất cả các nước đều có khả năng tương tự như nhau. Đúng, nhưng họ có khả năng đại lượng! - Đại lượng như các Kitô hữu. Chúng ta có thể đầu tư ở đó, nhưng đối với những người đến đây... bao nhiêu và cách nào? Một câu trả lời phổ quát không thể đưa ra được, vì việc tiếp nhận phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia và cũng phụ thuộc vào nền văn hóa nữa. Nhưng chắc chắn là nhiều điều có thể làm được. Cầu nguyện chẳng hạn: mỗi tuần một lần, cầu nguyện trước Bí Tích Cực Thánh, cầu cho những người đến gõ cửa châu Âu mà không được vào. Một số thành công, nhưng nhiều người khác không thành công... Rồi, người được vào, sống một lối sống tạo ra sợ hãi. (Nhưng) chúng ta vẫn có nhiều nước, trong nhiều năm, đã có thể hội nhập các di dân một cách tốt đẹp! Các nước này có khả năng hội nhập họ một cách tốt đẹp. Không may, ở các nước khác, đã hình thành điều giống như các khu ghetto (khép kín). Một cuộc cải tổ toàn bộ phải được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, trong cam kết này, tức sự hiếu khách. Tuy nhiên, dù gì, đây cũng chỉ là khía cạnh tương đối: trái tim rộng mở để tiếp nhận mới là tuyệt đối. Đây là điều tuyệt đối! - Bằng lời cầu nguyện, bằng lời cầu bầu, tôi làm những gì tôi có thể làm. Cách thức tôi có thể làm như thế là tương đối: không phải mọi người đều có thể làm điều đó một cách như nhau. Nhưng vấn đề có tính toàn cầu! – bóc lột sáng thế, bóc lột con người. Chúng ta đang sống trong thời kỳ người ta hủy diệt con người như hình ảnh của Thiên Chúa.

Và tôi muốn kết thúc ở đây với khía cạnh này, bởi vì đằng sau nó là các ý thức hệ. Tại châu Âu, châu Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Phi, ở một số nước châu Á, có các ý thức hệ thực dân hóa. Và một trong các ý thức hệ này - tôi xin nói rõ họ và tên của nó- là phái tính! Ngày nay trẻ em, các trẻ em được dạy trong trường rằng người ta có thể chọn phái tính của mình! Và tại sao họ dạy điều này? Bởi vì các cuốn sách được sử dụng là các cuốn sách của các cá nhân và các định chế cung cấp tiền bạc. Họ là những người thực dân ý thức hệ, được hỗ trợ bởi các nước rất có ảnh hưởng. Và điều này thật khủng khiếp. Nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người khỏe mạnh và suy nghĩ mạch lạc, ngài nói với tôi: "Thưa Đức Thánh Cha, đây là thời người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa!" Ngài là người thông minh! Thiên Chúa đã dựng nên người đàn ông và người đàn bà; Thiên Chúa tạo ra thế giới như vậy, và như vậy, và như vậy..., còn chúng ta thì làm trái ngược lại. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một tình trạng "chưa được cày bừa", để chúng ta cày bừa nó; và rồi, khi cày bừa như thế, chúng ta đã làm những điều khiến chúng ta đang trở lại trạng thái "chưa được cày bừa"! Chúng ta phải suy nghĩ về những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói: Đây là thời người ta phạm tội chống Thiên Chúa Tạo Hóa!" Và điều này sẽ có ích cho chúng ta!.

Nhưng thưa Đức Cha, Đức Cha Christopher, Đức Cha sẽ nói với tôi: "Điều này có liên quan gì với người di cư?" Đức Cha biết đấy, nó phần nào là bối cảnh. Liên quan tới người di cư, tôi xin nói: vấn đề là ở đó, ở đất nước của họ. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận họ như thế nào? Mỗi người phải xem ra sao. Nhưng tất cả chúng ta đều có một trái tim rộng mở và nghĩ đến việc dành một giờ đồng hồ trong các giáo xứ, mỗi tuần một giờ, để Chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho những người di cư. Cầu nguyện sẽ rời được núi non!

Đây là bốn câu hỏi. Tôi không biết ... Xin các hiền huynh tha thứ cho tôi nếu tôi nói quá nhiều, nhưng máu Ý của tôi phản bội tôi ...

Cảm ơn các hiền huynh rất nhiều vì sự hiếu khách của các hiền huynh và chúng ta hãy hy vọng rằng những ngày này sẽ đổ đầy chúng ta bằng niềm vui: bằng niềm vui, niềm vui lớn lao. Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, người là Mẹ của chúng ta và luôn nắm tay chúng ta.

Lạy Nữ Vương…

Và các hiền huynh đừng quên ông bà, những người vốn là bộ nhớ của một dân tộc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video Phóng Sự-Hội Diễn Thánh Ca-Hành Hương Mẹ La-Vang
Vọng Sinh
07:33 05/08/2016
Hoa-Thịnh-Đốn 22-23/7/2016

Nguyện Đường Đức Mẹ La-Vang trong Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn Hoa Kỳ, là một niềm hãnh diện, niềm tự hào cho người Việt-Nam, đặc biệt là người Việt tại Hoa-Kỳ. Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang của người Việt Nam, đã được khánh thành và thánh hiến ngày 21/10/2006 do Đức Tổng Giám Mục Donald William Wuerl, cùng với 3 Đức Cha đến từ Quê Nhà: Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, và Vị Giám Mục người Việt đầu tiên tại Hoa-Kỳ: Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, cùng với 70 linh mục, khoảng 30 phó tế, hàng trăm nam nữ tu sĩ, và 8000 anh chị em giáo dân. Nguyện Đường Mẹ La-Vang là nguyện đường thứ 71 kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria thuộc các địa phương nơi Mẹ đã hiện ra.

Ngày 22 và 23 tháng 7 năm 2016, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ đã long trọng mừng kỷ niệm 10 năm khánh thành Nguyện Đường Đức Mẹ La-Vang với 2 ngày: Đêm Canh Thức Hội Diễn Thánh Ca, Thứ Sáu 22/7/16, tại GX Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA, và Hành Hương Mẹ La-Vang, Thứ Bảy 23/7/16, tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn Hoa-Kỳ.

Khoảng 4:00 chiều Thứ Sáu 22/7/2016, khuôn viên Thánh Đường Giáo Xứ CTTĐVN Arl. Va. đã tưng bừng náo nhiệt hẳn lên. Cái nóng bức đến khó chịu của mùa hè bỗng trở nên nhẹ nhàng, như có phần mát mẻ hơn, biểu lộ trên khuôn mặt hân hoan của mỗi khách Hành Hương tham dự Đêm Canh Thức Hội Diễn Thánh Ca, đặc biệt trên khuôn mặt rạng rỡ của mỗi anh chị em ca viên đến từ Các Ca đoàn Miền Trung đông Hoa-Kỳ gồm 6 tiểu bang: Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, West Virginia, District of Columbia.

Đúng 6:00 chiều, Thánh Lễ Canh Thức Kính Lòng Thương Xót Chúa đã khai mạc Hành Hương Kỷ Niệm 10 Năm Nguyện Đường Mẹ La-Vang, chủ tế là Cha Giuse Đinh Công Huỳnh, Chủ Tịch Miền Trung Đông, cùng đồng tế có Đức Ông Giuse Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ và Các Linh mục của Miền. Ngay sau Thánh Lễ là phần chia sẻ Chứng Nhân Lòng Thương Xót Chúa. Những cảm nhận sống động từ Lòng Thương Xót Chúa, từ Mẹ La-Vang được chia sẻ.

Khoảng 7:30, Chương Trình Hội Diễn Thánh Ca với chủ đề: Lòng Thương Xót Của Chúa Và Mẹ La-Vang bắt đầu. Chính nhờ Bàn Tay Từ Ái của Hiền Mẫu La-Vang dẫn đưa chúng ta đến với Lòng Thương Xót Vô Biên của Chúa. Hai chủ đề: Lòng Thương Xót Chúa và Mẹ La-Vang được lồng quyện vào nhau, tạo thành một Bản Hòa Âm vô cùng hài hòa, trầm lắng. Có lúc thật êm đềm như điệu võng đưa của Tình yêu Cao Vời Khôn Ví, của Sóng Lộc Triều Nguyên Ơn Phước Cả, của Trái Tim rộng mở thứ tha ôm lấy cả tội lỗi chúng con; Có lúc ngọt ngào như Ca dao Tình Chúa, Có lúc như thách thức trách móc: Ai người vô tội? Hãy mạnh tay ném đá, ném chết đi thôi, còn đợi gì? Có lúc thật dồn dập thôi thúc như kêu mời van xin: Hãy đến với Lòng Thương Xót Chúa: bao la biển rộng… Vì Chúa trong lòng con, trong thâm sâu của cõi tâm hồn…Con biết lấy gì, con biết làm gì tạ ơn Chúa đây? … Rồi một thoáng bình tâm lại: Hôm nay trên khắp nẻo đời, Ân Phúc Mẹ vẫn đong đầy, trọn đời con hát ca Mẹ Maria Mẹ Việt Nam. Tình thương Mẹ cho Đoàn Con Dân Việt tại La-Vang lời nào nói hết: Lạy Đức Mẹ La-Vang, Con về đây… Ôi Mẹ La-Vang xin ban muôn ơn, Ôi Mẹ La-Vang Mẹ cứu giúp con. Đoàn con Việt Tha Hương nhờ Mẹ La-Vang dâng lên Thiên Chúa lời Tán Tụng Muôn Hồng Ân.

Video Phóng Sự Đêm Canh Thức:

https://youtu.be/-v8G4s975Jw

Video Thánh Lễ Canh Thức, Chia sẻ Chứng nhân và Hội Diễn Thánh Ca:

http://www.cttdva.org/media-gallery/video/44-dem-canh-th%E1%BB%A9c-di%E1%BB%85n-nguy%E1%BB%87n-thanh-ca/

Hình ảnh Hội Diễn Thánh Ca:

https://1drv.ms/f/s!AiNn8Tt_2Pjkg1_bhov0tAy3Ui5_

Chương trình kết thúc lúc 10:30 tối với bữa ăn nhẹ thân mật, giao lưu trò chuyện kết thân giữa các Ca đoàn. Các Ca trưởng, nhạc sỹ hiện diện: Lê Hào. Trần Thắng, Xuân Thu, Thanh Liêm, Ý-Vũ, Văn Duy Tùng, Bích Hòa, Vĩnh Sinh, Nhạc Sỹ khách mời Thu An, đặc biệt Cha Nguyễn Duy Thường luôn gắn bó với Ca đoàn. Anh Chị Em đã chia sẻ cảm nhận, niềm vui lớn lao được hội ngộ hát ca ngợi khen Thiên Chúa và Mẹ La-Vang.

Tưởng cũng nên nhắc lại nền Thánh Nhạc tại Giáo Xứ CTTĐVN này những năm gần đây rất phát triển, một phần rất lớn nhờ những lớp Đào Tạo Ca Trưởng do Thày Phạm Đức Huyến hướng dẫn, trong đó có rất nhiều Ca Trưởng điều khiển trong Hội Diễn Thánh Ca này, như Ca Trưởng Văn Duy Tùng, Thanh Liêm, Đức Độ, Bích Hoà, Vĩnh Sinh.

Ước mong sẽ có thêm những lớp đào tạo hướng dẫn để Vườn Hoa Thánh Nhạc ngày càng thơm hương đẹp đẽ phong phú hơn.

Sáng Thứ Bảy 23 tháng 7 năm 2016, Khoảng gần 2000 người Việt đã có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn để cử hành Kỷ Niệm Trọng Đại 10 Năm Khánh Thành Nguyện Đường Đức Mẹ La-Vang.

Mở đầu là Cuộc Rước Cung Nghinh Mẹ La-Vang. Cha Giuse Đinh Công Huỳnh, Chủ Tịch Miền Trung Đông đã khai mạc Cuộc Rước. Mặc dù trời thật nóng bức, Đoàn Con Dân Việt vẫn quây quần bên Mẹ La-Vang hát ca tung hô Nữ Vương Hòa Bình. Cả ngàn trái bóng bay rực rỡ được Đoàn TNTT Miền Trung Đông kết thành Chuỗi Mân Côi bay cao vút lên bầu trời, như lòng muôn người Con Dân Việt ngước trông lên Mẹ.

Hơn 218 năm trước, Mẹ đã cảm thương đến nỗi khổ của Đoàn Con Dân Việt nơi Linh địa La-Vang, hôm nay chúng con cùng về đây quây quần bên Mẹ La-Vang nơi Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn này, ngước trông lên Mẹ ! Xin Mẹ hãy đoái thương ban Phúc Bình An, Nước Việt Nam qua phút nguy nan!

Đoàn Rước đã bước qua Cửa Thánh, lãnh nhận Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, tiến vào Vương Cung Thánh Đường. Phần thánh vũ Lòng Thương Xót Chúa và Dâng Hoa Mẹ La-Vang do các em TNTT Cộng Đoàn Đức Mẹ La-Vang Chantilly VA thực hiện rất sốt sắng, sinh động. Thánh Lễ Đại Trào, Chủ Tế là Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ, cùng đồng tế có khoảng 30 Linh mục Miền và Liên Đoàn.

Ca đoàn tổng hợp với trên 200 Ca viên các Ca đoàn Miền Trung Đông cùng với Các em Orchestra đã giúp cho Buổi Lễ được thêm phần trang trọng.

Video Phóng Sự Lễ Kỷ Niệm 10 Năm Nguyện Đường Đức Mẹ La-Vang:

https://youtu.be/iwiL_ICL8ho

Hình ảnh Rước Kiệu, Vũ Phụng Vụ, Thánh Lễ Đại Trào tại VCTĐ:

https://1drv.ms/f/s!AgAUtGNZEtmYgQm7k_6HEOGMrzvt

Ngay sau Thánh Lễ, toàn thể Khách Hành Hương đã tập trung tại Nguyện Đường Mẹ La-Vang dưới tầng hầm Vương Cung Thánh Đường, để kính viếng, dâng lên Mẹ La-Vang những tâm tình con thảo, xin Mẹ nâng đỡ phù trì.

Chương trình Hành Hương Kỷ Niệm 10 Năm Nguyện Đường Mẹ La-Vang kết thúc lúc 3:00 chiều cùng ngày. Mọi người ra về trong niềm vui an bình của Mẹ La-Vang
 
Hiệp Hội Tương Trợ Gia đình Công Gíao Miền Tây Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
22:34 05/08/2016
Melbourne, vào lúc 10 giờ 30 trưa Thứ Bảy ngày 6 – 8 – 2016, tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Văn phòng Ban đại diện Miền Tây của Hiệp Hội Tương trợ Gia Đình Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melboune đã dâng Thánh lễ đồng tế tạ ơn mừng kính Thánh nữ Mary Mackillop, vị Thánh bổn mạng của các hội viên Hiệp hội trong khu vực Miền Tây.

Mời xem hình

Trước Thánh Lễ, bà Liên On thay mặt ban đại diện lên chào mừng toàn thể các hội viên và quý khách đã về hiệp dâng Thánh lễ và chị Đinh Thanh lên đọc tiểu sử của Thánh nữ.

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân chủ tế cùng Linh mục Phê rô Cao SJ đồng tế, Đoàn Thánh Tâm Ca Vinh Sơn Liêm phụng vụ Thánh ca, giúp cho Thánh lễ thêm long trọng và sốt mến. Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục Trần Ngoc Tân đã nhấn mạnh đến nhân tính đặc biệt trong con người của Thánh nữ, Vị Thánh chọn Thánh giá Chúa để phục vụ cho những người nghèo khó, kém may mắn trong xã hội, Ngài đã đem hết sức mình phục vụ tha nhân giúp cho nhiều con người trong xã hội.

Sau Thánh lễ, một buổi tiệc nhỏ ngay tại hội trường trung tâm trong niềm vui của mọi thành phần hội viên trong hiệp hội và thưởng thức phần văn nghệ của các hội viên trình bày qua những bản thánh ca đặc sắc.

Được biết, Hiệp hội Tương Trợ Gia Đình Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne được thành lập mấy năm gần đây. Với sự phát triển không ngừng và lớn mạnh. Để dễ dàng trong công tác điều hành, Hiệp hội đã chia ra bốn văn phòng đại diện tính theo các khu vực miền Đông, Tây, Nam, Bắc. Văn phòng đại diện Miền Tây chính thức hoạt động từ ngày 29 tháng 9 năm 2013 với số hội viên hiện nay là trên dưới 400 hội viên và Văn phòng Đại diện Miền Tây nhận Thánh nữ Mary Mackillop làm bổn mạng cho văn phòng miền Tây TGP Melbourne.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Địa Đức Mẹ Ban Sữa Lành ở Florida: nơi hy vọng cuả những cặp son sẻ
Trần Mạnh Trác
07:46 05/08/2016
Xem hình ảnh

Những ai có dịp đi thăm thành phố lịch sử St Augustine, Florida, chắc hẳn không thể bỏ qua khu phố cổ nhộn nhịp với những căn nhà xưa và một vườn cây râm mát đầy rêu phong, ngôi Nhà Thờ Chánh Toà lộng lẫy với chiếc cửa Năm Thánh Thương Xót, pháo đài bằng đá kiên cố mà mỗi giờ người ta vẫn giữ phong tục là bắn một phát súng thần công.

Cách đó khoảng 1 dậm (1.6km) về hướng Bắc, có thể đi bộ hoặc dùng phương tiện xe điện công cộng, hoặc dùng parking miễn phí, là một khu vực yên tĩnh với nhiều thắng cảnh thiên nhiên cuả sông và biển gọi là Mission Of Nombre De Dios (Thí điểm truyền giáo Tên Thiên Chuá) và cũng là Shrine Of Our Lady Of La Leche (Thánh Địa Đức Mẹ Ban Sữa Lành.)

Người ta gọi nơi đây là 'Sào Đất Cực Thánh cuả Hoa Kỳ' (America's Most Sacred Acre) bởi vì Lễ Misa đầu tiên đã được cử hành (mồng 8 tháng 9 năm 1565), giáo xứ Công Giáo đầu tiên được thiết lập, cha Sở đầu tiên được nhậm chức và Lễ Tạ Ơn giữa người Công Giáo Tây Ban Nha và người Da Đỏ đầu tiên được ăn mừng (Ngày 8-9-1565, tức là 56 năm trước Lễ Tạ Ơn cuả người Pilgrim cuả Anh Quốc vào tháng 11 năm 1621).

Một cây Thánh Giá vĩ đại được dựng lên để đánh dấu cây thánh giá ghi mốc chủ quyền cho Đế Quốc Tây Ban Nha, một bức tượng đồng đen để kỷ niệm cha sở tiên khởi là linh mục Francisco Lopez de Mendoza Grajales và một bàn thờ lộ thiên để ghi dấu chiếc bàn thờ gỗ sơ sài cuả buổi lễ đầu tiên.

Nhưng đối với nhiều cặp vợ chồng son trẻ thì nơi mà họ dẫn nhau đến là một khu Đất Thánh vắng vẻ, với một đường mòn quanh co đi qua nhiều tượng đài, mô tả 7 sự thương khó cuả Đức Mẹ, Ở cuối Đất Thánh có một nguyện đường nhỏ, dây leo xanh rì, đó là đền Đức Mẹ Ban Sữa Lành.

Ngôi đền được dựng lên năm 1615 để tôn vinh một danh hiệu cuả Đức Mẹ là Đức Mẹ Ban Sữa Lành mà giáo dân ở đây đã có lòng sùng kính từ năm 1605. Ngôi đền đã bị tàn phá tới 4 lần, vì chiến tranh, vì cướp biển, và vì lệnh 'tiêu thổ' cuả cấp chỉ huy cuả chiếc pháo đài ở gần đó.

Ngay giữa ngôi đền là bức tượng cổ mà tiếng Tây Ban Nha gọi là 'Nuestra Senora De La Leche Y Buen Parto', tức là Đức Mẹ Có Sữa và Trao Ban Hạnh Phúc. Tục truyền những ai son sẻ mà tới kêu cầu cùng Mẹ thì sẽ không về tay không.

Người ta không ghi chép đã có bao nhiêu người được ơn lạ, mà dù có ghi chép chăng nữa thì những vụ không khai báo cũng làm cho son số sai lạc đi, nhưng theo lời cuả một nữ nhân viên viện bảo tàng cuả Mission thì con số là nhiều lắm, đến nỗi thành ra một chuyện thường tình rồi, bà ấy nói: "Năm nay cặp ấy đến đọc kinh, thì sang năm họ lại đến với một đứa bé bồng trên tay."
 
Thông Báo
Mời tham dự Tĩnh tâm Hội thảo Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại CĐ Thánh Linh
CĐ Thánh Linh
17:05 05/08/2016
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nghệ Sĩ
Tấn Đạt
21:00 05/08/2016
NGHỆ SĨ
Ảnh của Tấn Đạt
Người nghệ sĩ dù sống trong cô lẻ,
Vẫn bình an vì có Chúa ở cùng.
Vẫn tận tình phục vụ, rất bao dung..
(Trích thơ của Mặc Trầm Cung)